Trong một căn hộ tại tòa chung cư cao tầng “Skyrose Garden”, người ta đã phát hiện ra thi thể của Noguchi Takahiro và vợ bị chết trong hoàn cảnh kỳ lạ. Cùng ở trong căn hộ với họ lúc đó là bốn người trẻ hơn hai mươi tuổi, có nam có nữ. Qua những lời làm chứng của họ, một sự thật đáng kinh ngạc dần dần được hé lộ… N, nhân vật được mỗi người trong số họ dành tất cả tình thương mến, rốt cuộc là ai? Đây là tác phẩm trinh thám đầu tiên của Minato Kanae nói về tình yêu thuần khiết, mang đầy nỗi u buồn.
Một vụ án với những lời khai chặt chẽ với nhau đến hoàn hảo, hung thủ cũng đã tìm ra, chân tướng đã lộ diện. Kết thúc? Không! Với cuốn sách này, yếu tố trinh thám chỉ là đòn bẩy để đẩy “tình yêu thuần khiết” lên đỉnh điểm. Thế nhưng, vì yêu mà hận, mà tội lỗi thì cũng không còn quá xa lạ với dòng sách văn học hiện nay. Vậy điều gì khiến Tất cả vì N trở nên khác biệt? Nơi giao thoa của những “vết sẹo” quá khứ
Mở ra bằng hình ảnh một cuộc thẩm tra, nhịp văn và cái bầu không khí lúc này khiến người ta ngột ngạt như thể đang ngồi trong chính căn phòng kín bị tra hỏi. Xoáy sâu vào đau thương, tác giả gắn kết 6 con người lại, mỗi người là một mảnh ghép của bức tranh đượm buồn mà điểm giao thoa giữa họ chính là những “vết sẹo” từ cả quá khứ lẫn hiện tại.
Một vụ án mạng, không quá bí ẩn, cũng không hẳn còn điều gì đó khúc mắc với những gì chúng ta có ban đầu, Minato Kanae đã dẫn dắt độc giả từ vạch đích, khi mà hung thủ đã lộ diện, bằng chứng gây án cùng những lời khai của những người liên quan đều trùng khớp một cách tuyệt đối.
Nhưng, quả thực không có gì là tuyệt đối, những thứ ta nhìn thấy ban đầu không phải hoàn toàn lúc nào cũng là sự thật, hoặc có thể đó chỉ là một nửa sự thật. Nửa còn lại được che dấu vì mỗi người đều hướng tới một điểm khác nhau, vì “người đó” mà hi sinh bản thân, nói dối, thậm chí trở thành kẻ sát nhân. Và cho đến cuối chuyện, sự thật ấy, mới thực sự lộ diện.
Thay vì sẽ có một “thám tử” lần theo dấu vết để chỉ ra hung thủ cùng cách thức gây án thì trong cuốn sách này, độc giả chính là người đóng vai trò ấy.
Và sự thật cũng không hiện hữu một cách rành mạch, như để khiến người đọc thêm lạc lối trong mê cung của sự tò mò mà cũng không kém phần rối trí, lời kể của các nhân vật không chỉ xuôi theo một trình tự nhất định mà luôn đan xen giữa thực tại và quá khứ. Có lẽ đây chính là thách thức dành cho độc giả tự mình sắp xếp, xâu chuỗi và tự mò mẫm lối thoát.
Đây có thể được coi là một cuốn tiểu thuyết khá “lạ”, không chỉ so với những cuốn sách cùng thể loại mà còn so với giới tiểu thuyết nói chung. Cuốn sách dẫn dắt người đọc bằng ngôi kể thứ nhất, nhưng không phải chỉ có một người kể chuyện, mà ở đây là góc nhìn từ tất cả các nhân vật tham gia vào diễn biến câu chuyện chung, những người vẫn còn có thể lên tiếng.
Qua lời kể của mỗi cái tên N, câu chuyện dường như đi theo một hướng khác nhau, nhưng cũng nhờ đó mà diễn biến câu chuyện được nhìn một cách đa chiều, khiến con người ta có thể thấu hiểu tính cách và con người của nhân vật, cả cái cách nỗi đau quá khứ ảnh hưởng tới sự trưởng thành của một con người.
Hơn cả một cuốn tiểu thuyết trinh thám, ở Tất cả vì N hội tụ những góc khuất trong bức tranh xã hội phức tạp. Đó là nạn bạo lực gia đình, là những hành động kì quái và điên rồ- thứ mà mình phân vân đó có được gọi là trầm cảm hay không- đến từ đổ vỡ trong hôn nhân, từ khái niệm “yêu” và “được yêu” cho tới những thứ ẩn sâu trong bản chất con người, bên ngoài ánh hào quang hay ấn tượng ban đầu.
Có lẽ đây chính là câu hỏi lớn nhất được đặt ra xuyên suốt tác phẩm. Từ một phụ nữ đem tình yêu để bao biện cho hành vi bạo lực, cho tới đứa trẻ tự phủ nhận việc mình là một “đứa trẻ đáng thương” chỉ để giữ hình tượng đẹp về tình yêu. Tình yêu ở đây, nó là thứ mà con người ta luôn chấp mê bất ngộ mà chìm đắm để rồi khi quay về với thực tại thì không thể nào chấp nhận nổi, nhưng nó cũng là sự hi sinh thầm lặng, mỗi người chỉ nghĩ cho người quan trọng nhất với mình, đều tìm cách để người ấy không bị tổn thương.
Trong cuốn sách này cũng chứa đựng hai tác phẩm văn học nhỏ mà tác giả của chúng, Nishizaki, sau tất cả, có lẽ là người đáng thương nhất. Từ một đứa trẻ chạy trốn quá khứ, tìm đến văn học để cố chứng tỏ thứ “tình yêu” mà mình được nhận, vậy mà cho tới khi chấp nhận quá khứ và tưởng chừng tìm được chân ái, phút cuối cùng anh ta lại như bị phản bội, và rồi cũng chính vì tình yêu mà anh chấp nhận trở thành kẻ sát nhân. Hình ảnh Nishizaki hiện lên chẳng khác nào con chim thiêu thân trong tác phẩm của mình, cũng chính là hình ảnh xuất hiện ở bìa cuốn sách.
Tất cả vì N mang tới cho độc giả một cái nhìn hoàn toàn mới về tình yêu, đây có thể là cuốn sách đáng lưu tâm, nhất là đối với những ai vừa hứng thú với thể loại tình cảm, vừa yêu thích thể loại trinh thám, nhưng cũng không hẳn là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc ngay từ cảm nhận ban đầu. Cuốn sách này sẽ dành để tư duy, nhìn nhận và suy luận nhiều hơn là chỉ những gì hiện hữu trên từng trang giấy!
Tôi tên là Sugishita Nozomi, hai mươi hai tuổi. Là sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Văn học Anh khoa Văn Đại học K.
Địa chỉ các anh muốn hỏi là địa chỉ thường trú hay tạm trú? Hay cả hai?
Địa chỉ thường trú của tôi là ở nhà số 5-37 thôn Aokage huyện XX, tỉnh Aichi. Vâng, nó là một ngôi làng, không phải trên đất liền đâu mà là làng trên đảo. Còn địa chỉ hiện tại của tôi là ở phòng số 102 nhà trọ Nobara-so, số 2-4, quận XX, Tokyo. Nó chỉ là một căn hộ cho thuê hai tầng tồi tàn bằng gỗ, không thể so sánh với khu chung cư cao cấp của anh Noguchi được.
Tôi gặp vợ chồng anh Noguchi mùa hè hai năm về trước.
Lúc đó tôi đang cùng với Ando – anh bạn thân hơn tôi một tuổi sống cùng nhà trọ – đi du lịch tới đảo Ishigaki ở Okinawa. Mục đích chuyến đi là để chúc mừng Ando vừa tìm được việc. Chúng tôi có duyên gặp vợ chồng anh Noguchi do cùng đi lặn biển với họ.
Chúng tôi thuê một nhà nghỉ rẻ tiền do người dân mở, còn hai vợ chồng nhà họ ở tại một khách sạn nghỉ dưỡng nổi tiếng. Chúng tôi cùng thuê một tour dịch vụ lặn biển, cả bốn người đều lặn theo lộ trình cho người mới bắt đầu.
Đây mới là lần lặn biển thứ năm của tôi và Ando, nhưng cũng chẳng sao vì tôi và cậu ấy dù không cùng quê quán nhưng từ khi còn nhỏ đều đã quen với biển, nên khi lặn xuống không có cảm giác “sợ sệt” gì cả.
Thuyền chúng tôi cập bến ở một hòn đảo nhỏ không người. Chặng đầu tiên chạy từ bờ cát xuống nước, cái bình nặng trịch đeo sau lưng khiến chúng tôi muốn phàn nàn, nhưng rồi chúng tôi đã hoàn toàn mê mẩn ngắm nhìn những đàn cá nhiệt đới nhỏ nhiều màu hiện ra trước mắt mình.
Ở chặng thứ hai, chúng tôi ra ngoài khơi bằng thuyền. Vùng biển này rất nổi tiếng vì có thể nhìn thấy cá nạng hải, chúng tôi quyết tâm đăng ký lộ trình đắt đỏ này cũng với hy vọng được ngắm chúng. Vậy mà chị Naoko – vợ anh Noguchi lại bị hoảng loạn khi đang lặn dưới tầm sâu mười mét. Chị ấy dù đã trèo lên thuyền nhưng vẫn không hết run, thế là chúng tôi đành quay về mà chưa kịp nhìn thấy gì.
Thực sự chúng tôi đã thất vọng và định đòi họ trả lại nửa số tiền của chuyến đi, cũng may là tôi chưa kịp nói ra. Tối hôm ấy vợ chồng anh Noguchi mời chúng tôi đến khách sạn dùng bữa tối. Họ nói lý do là muốn xin lỗi, nhưng có vẻ anh Noguchi đã có ý mời chúng tôi từ trước đó rồi.
Hồi ấy tôi và Ando mê chơi cờ shogi… sở thích chẳng hợp với một nữ sinh đại học như tôi nhỉ? Tôi được giáo viên dạy chơi cờ thời còn học cấp ba. Ở giờ nghỉ giải lao giữa chặng một và chặng hai, chúng tôi trải bàn cờ shogi di động dưới bóng cây dừa trên bãi biển, một tay cầm cơm nắm ăn trưa, tay còn lại di chuyển quân cờ.
Anh Noguchi có vẻ cũng thích cờ shogi. Mặc dù chỉ nhìn từ xa nhưng anh cũng đã nhận ra trình độ của chúng tôi, bản thân anh hình như cũng muốn đọ với chúng tôi một ván. Nói “trình độ” vậy thôi chứ cả hai chúng tôi đều chỉ là dân nghiệp dư. Tôi chỉ đơn giản là bắt chước những gì đã học lỏm được từ các cao thủ cờ mình từng xem trên truyền hình mà thôi.
Bữa tối hôm ấy rất tuyệt. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn con tôm hùm to như vậy đấy.
Sau bữa tối chúng tôi lên quán bar sáng rực đèn ở tít trên tầng thượng. Chúng tôi cùng uống rượu và Ando đã nói chuyện suốt với anh Noguchi. Thật trùng hợp là công ty nhận Ando vào làm cũng chính là công ty anh Noguchi đang làm việc. Hai người họ đã đấu với nhau một ván cờ thay cho việc chào hỏi xã giao thường lệ.
Tôi và chị Naoko vừa xem hai người họ đánh cờ, vừa nói chuyện. Phần lớn chủ đề câu chuyện xoay quanh lớp dạy nấu ăn mà chị Naoko đang theo học.
Tôi có nhớ chị ấy từng nói, nếu sau này có dịp theo chồng đi công tác nước ngoài, việc tiếp khách bản địa ở nơi đó sẽ là bổn phận của người vợ. Chị tuy nấu ăn không ngon nhưng vì không muốn cản trở con đường thăng tiến của chồng, nên chừng nào còn ở Nhật Bản chị vẫn sẽ cố gắng học nấu ăn.
Họ quả là một đôi vợ chồng lý tưởng. Anh Noguchi làm ở công ty thương mại M thuộc một công ty thương mại tổng hợp lớn, có vẻ ngoài ưa nhìn, cả cử chỉ và cách nói chuyện đều toát lên phong thái đĩnh đạc. Còn chị Naoko thì là con gái của vị quan chức, dáng cao da trắng đẹp như người mẫu, không chỉ thế tính cách cũng hiền dịu. Tôi và Ando đã luôn ngưỡng mộ họ kể từ lần đầu gặp mặt. Chúng tôi giống như thể đã được khai sáng – thì ra có những con người như thế này tồn tại thật.
Sau đó chúng tôi được hai người họ mời đến thăm nhà sau khi về Tokyo, làm sao mà từ chối được chứ. Nhà của hai người họ ở tầng bốn mươi tám khu chung cư cao cấp “Skyrose Garden” năm mươi hai tầng nổi tiếng. Nhưng nghe nói đó cũng chỉ là nhà ở tạm thời khi hai vợ chồng còn ở Nhật Bản thôi, không biết sau này sẽ ra sao… Nghe nói anh Noguchi xuất thân từ một gia đình bề thế, nhưng chúng tôi chưa bao giờ được nghe anh kể chi tiết chuyện gia đình.
Họ cũng từng vài lần mời chúng tôi đi ăn ở những nhà hàng cao cấp, loại được đánh dấu sao trên sách hướng dẫn du lịch ấy. Nhưng nếu chơi cờ tướng thì thường là họ mời chúng tôi đến nhà riêng. Mỗi tháng chúng tôi được mời qua chơi khoảng một, hai lần. Hầu như lần nào tôi cũng đi cùng Ando, nhưng tháng Tư năm ngoái Ando bắt đầu đi làm nên từ đó tôi hầu như ghé qua một mình.
Xin đừng hiểu lầm, khi chúng tôi chơi cờ luôn có chị Naoko ở đó.
Gần như toàn là Ando chơi cờ cùng anh Noguchi. Ando từng kể do làm cùng phòng với anh Noguchi nên giờ giải lao hay được anh rủ cùng chơi cờ.
Tôi cũng nhiều lần cùng chị Naoko ra ngoài chơi. Khi thì đi xem phim, khi đi nghe nhạc, khi đi mua sắm, khi cùng đi ăn… Tôi được chị chiều chuộng như cô em gái nhỏ vậy.
Em gái cơ đấy, tôi đúng là trơ trẽn thật nhỉ. Xét cả về ngoại hình lẫn học thức, chúng tôi đều một trời một vực mà.
Chị Naoko có nói chưa từng sống một mình bao giờ nên muốn xem phòng của tôi ra sao, vì vậy chị đã ghé thăm căn hộ tồi tàn của tôi đúng một lần. Sau khi nhìn qua một lượt căn phòng rộng sáu chiếu và hầu như không có đồ đạc ấy, chị lặng thinh một lúc rồi như thể nhớ ra điều gì đó, thốt lên: “Căn phòng đẹp quá. Như thể ‘Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên’ vậy!” Tôi đâu có sở thích sưu tầm mấy món đồ vật nhỏ xinh, nội thất cũng chẳng gợi nhớ gì về cảnh đồng quê cả. Không lẽ chị thấy trong phòng tôi một chút không khí gì của những người đi khai phá, giống như bộ phim truyền hình đó sao?
Vài ngày sau, chị gửi cho tôi một cái bàn trang điểm rất đẹp, giống kiểu nội thất người ta sắm sửa khi mới về làm dâu, bảo là để cảm ơn vì đã đi chơi cùng với chị.
Nhưng đến khoảng tháng Mười một không thấy chị rủ tôi cùng đi đâu nữa. Tôi nhớ là mình chưa từng nói gì sai làm mất lòng chị. Lần cuối cùng gặp nhau chị còn nói về những dự định như là “Chị muốn đi ăn một bữa tối có nhạc sống” hay “Thấy bảo tháng sau có quán cà phê này sắp mở cửa, đẹp lắm đấy”. Tôi thấy hơi lo nên đã gửi tin nhắn đến di động của chị: “Đã lâu không gặp. Chị có khỏe không?” Nhưng tin nhắn không gửi đi được. Điện thoại cũng không gọi được nên ngày nghỉ tôi đành gọi điện vào số di động của anh Noguchi. Mặc dù vợ chồng anh Noguchi sống ở nơi đắt đỏ như vậy nhưng nhà lại không có điện thoại bàn, tôi cũng không có địa chỉ mail của anh.
Sau khi nghe tôi nói không gọi được vào di động của chị Naoko, anh Noguchi lập tức chuyển máy cho chúng tôi nói chuyện.
Chị nói “Chị xin lỗi, gần đây chị không được khỏe”, đúng như tôi đã đoán. Tôi ngạc nhiên khi nghe chị giải thích “Chị không đi ra ngoài, dùng điện thoại cũng chẳng để làm gì nên chị cắt luôn hợp đồng điện thoại”. Chị thì nói là không có chuyện gì, nhưng tôi chỉ lo chị có bệnh nặng gì đấy nhưng giấu tôi.
Vì vậy, tôi rủ Ando – gần đây do bận bịu công việc nên ít qua lại với họ – cùng đến chung cư thăm chị. Chúng tôi đến vào trưa thứ Bảy của tuần thứ hai tháng Mười hai.
Giọng nói của chị trên điện thoại nghe không được khỏe và khi gặp trực tiếp, tôi thấy da mặt vốn trắng trẻo của chị Naoko đã tái xanh, như thể khuôn mặt chị sắp trở nên trong suốt và biến mất vậy. Chỉ nhìn thôi tôi cũng thấy xót. Nhưng hai vợ chồng anh chị ấy vẫn ân cần tiếp đón chúng tôi.
Nhà anh Noguchi có một phòng nhỏ dành cho sở thích cá nhân, kiểu giống như phòng đọc sách, hình như anh cũng thích nghe nhạc jazz nên phòng có cách âm. Chúng tôi thường chơi cờ trong phòng đó nhưng hôm ấy anh mang bàn cờ ra phòng khách và chơi cờ cùng Ando ở ngoài ấy, để lại tôi trong phòng pha trà và nói chuyện cùng chị Naoko.
Lúc đầu tôi đã yên tâm vì có vẻ chị Naoko khỏe mạnh hơn ấn tượng khi thoạt nhìn, nhưng càng lúc tinh thần chị càng trở nên bất an, thỉnh thoảng chị lại im bặt không nói gì, nước mắt rơi lã chã, tay run rẩy. Anh Noguchi bình thường lúc chơi cờ tập trung đến mức điện thoại rung cũng không thèm nghe, nhưng có vẻ hôm ấy anh vừa chơi vừa để mắt đến chị Naoko.
Đến khi chị Naoko đột ngột bật khóc to thành tiếng, anh lập tức đứng dậy vừa ôm chị vừa nói “Không sao, không sao mà” rồi dẫn chị vào phòng phía trong.
Mang tiếng là đến thăm nhưng cảm giác như chúng tôi đang làm phiền vợ chồng họ vậy. Tôi và Ando xin lỗi anh Noguchi rồi xin phép ra về. Anh Noguchi tiễn chúng tôi ra cửa. Khi đến cửa cả hai cùng lúc nhận ra “Ơ, sao lại có cái này ở đây?” Không biết phải diễn đạt cảm giác khó hiểu lúc đó thế nào, chúng tôi chỉ nhìn chằm chằm vào vật ấy.
Là cái khóa xích. Ngoài nó ra trên cánh cửa còn có hai chỗ bắt khóa nữa, dùng loại khóa tối tân mà tôi cũng không hiểu phần nào là khóa, có vẻ rất phù hợp với một chung cư an ninh cẩn mật, nhưng phía dưới chúng lại thêm một cái khóa xích – loại khóa rẻ tiền hay bán ở các siêu thị mà căn hộ nhà tôi cũng dùng. Thế nên chúng tôi mới thấy khó hiểu, nhưng không chỉ có thế.
Mời các bạn đón đọc Tất Cả Vì N của tác giả Minato Kanae & Nga Pháp (dịch).