Tập san Sử Địa là một tập san học thuật sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, phát hành mỗi 3 tháng, với Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm và Phạm Thị Hồng Liên quản lý, và với sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm có 29 số (22 tập), được phát hành từ năm 1966 cho tới sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 thì ngừng lại.
Ban chủ biên tập san có sự tham gia của các chuyên gia như giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Phạm Cao Dương, Quách Thanh Tâm, Trần Anh Tuấn, Tạ Chí Đại Trường, Chen Chin Hô tức Trần Kình Hòa, Đặng Phương Nghi… Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu tham gia viết bài như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Hảo, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Đăng Thục…
Năm 2007, toàn bộ 29 số tập san Sử địa đã được tái bản dưới dạng số hóa trong một CD-ROM (ảnh) do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp thực hiện dưới sự đồng ý của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – nguyên chủ bút tập san. Nhân dịp tái bản lần này, giáo sư Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN – nhận định: “Tập san Sử Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc…”
TẤT cả sinh-hoạt về tinh-thần cũng như vật-chất, về trí-thức cũng như nghệ-thuật, về chính-trị kinh-tế cũng như tôn-giáo tín-ngưỡng ở xã-hội nông-nghiệp Á-Đông xưa nay vẫn khuôn trong vòng vũ-trụ quan Âm-Dương. Âm-Dương, khác với Vật Tâm ở điểm chính-yếu này, một đàng là hai trạng-thái kinh-nghiệm của sự sống, hay thái-độ xử-thế tiếp-vật, một khuynh-hướng vận-động, của một bản-thể đồng nhất miên-tục, còn một đàng là hai hình-ảnh tĩnh của tinh-thần, hai khái-niệm trừu-tượng hợp-lý biệt-lập và đối-lập, cái nọ phủ-nhận cái kia, không có thể tịnh-hành như hai khuynh-hướng Âm-Dương. Một nhà bác-học về Trung-Hoa Văn-hóa, có tiếng ở thế-giới, hiện nay là J. NEEDHAM trong bài diễn-thuyết cho UNESCO ở Paris năm I947 có so-sánh hai vũ-trụ quan ở Đông-phương và Tây-phương như sau :
« Chắc-chắn quan-niệm nguyên-tử đầu-tiên là do người Hy-lạp có trước, nhưng tôi có thể chứng thực rằng ý-niệm về ba-động thực là nguyên-lai ở Trung-Hoa, bởi vì mỗi khi người ta thấy mô-tả tác-dụng của Âm-Dương thì luôn luôn là một quá-trình cực-cao và cực-thấp, khi cái nọ lên thì cái kia xuống, đấy là quan-niệm về ba-động. Quan-niệm bản-lai về nguyên-tử như là cái gì không thể phân-chia được thì thực là ý-niệm của Hy-lạp hay Ấn-Độ, còn ý-niệm ba-động có tăng có giảm, có lên có xuống có thể gọi được là ý niệm Trung-Hoa. »
(…)
Cái « đàn cò trắng bay chung » ấy chính là đoàn-thể cộng-đồng của xã-hội nông-dân nguyên-thủy. Bên Nam bên Nữ, đàn ông đàn bà, chính là cách-thức phân-công đầu tiên, tuy phân-chia Nam, Nữ như hai giai-cấp khác nhau mà cùng nhau xướng-họa ; để « loan sánh phụng » để « mình sánh ta » đúng theo mô-thức Âm Dương, khuynh-hướng khác mà chí hướng chung, chung một nguồn sống.
Vậy ngày hội-hè mùa xuân của nông-dân thường có một tinh-thần thân-ái, yêu sống lạc-quan và đoàn-kết tập-thể. Chúng ta ai cũng nhớ rằng ngày Tết ở dân Việt sẵn có cái mỹ-tục thuần-phong kiêng tất cả điều xấu, như cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nói xấu gièm-pha lẫn nhau, kiêng gắt-gỏng, kiêng đòi nợ hay vay mượn. Những kẻ ngày thường rất thù-oán đố-kỵ nhau mà đến ngày Tết gặp nhau đều phải hỷ-hả tha-thứ cho nhau, giữ hòa-khí vui-vẻ với nhau để khỏi « xúi ». « Giận đến chết, ngày Tết vẫn vui ». Tục kiêng kị này có lẽ là dấu vết cộng-đồng thân-ái còn lại trong phong-tục ngày xuân. Thủa xưa, thời cộng-đồng nguyên-thủy không phải chỉ có ngày Tết, đầu Xuân người ta mới thân-ái cộng đồng, mà suốt năm hàng ngày các phần-tử trong một đoàn-thể đều phải có tinh-thần đoàn-kết cộng-đồng vậy :
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 5: Đặc Khảo Về Phong Tục Tết Việt Nam và Các Lân Bang của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.