Tập San Sử Địa Tập 14&15 – Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]

Tập San Sử Địa Tập 14&15 – Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]

Tác giả:
Thể Loại: Review sách
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBMOBIPDFĐỌC ONLINE

LÁ THƯ TÒA SOẠN

Tại các nước tiền tiến, Đại-Học đã đóng giữ vai trò quan-trọng để phát triển Văn-hóa. Đại-học chính là những trung-tâm phát-triển Văn-hóa.

Tại Việt-Nam, người ta đã chỉ-trích rất nhiều về Đại học, thiếu hẳn tinh-thần đại học, không khác gì một trường Trung-học.

Quả thật, Đại-Học Việt-Nam hầu như đã thiếu hẳn tinh-thần khảo-cứu và đã không giữ đúng mức vai-trò lãnh-đạo phát-triển văn-hóa nước nhà của nó.

Sự ra đời của Tập San Sử Địa dưới một mái trường đại-học, không nhằm mục đích gì hơn là nói lên khát vọng mong muốn Đại-Học Việt-Nam sớm trở thành những trung-tâm phát-triển văn-hóa nước nhà.

Ngày nay, Đại-Học Việt-Nam đã có nền tự trị đại-học, liệu Đại-Học Việt-Nam đã có kế-hoạch tự phát-triển nào chưa để cải-tiến đại-học nhất là tạo hoàn-cảnh để Đại-Học sớm giữ vai trò thúc-đẩy phát-triển văn-hóa nước nhà của mình.

Nhóm Chủ-trương TẬP SAN SỬ ĐỊA rất ước-ao các Đại-Học Việt-Nam một ngày gần đây sẽ mạnh-dạn thúc-đẩy các hoạt-động văn-hóa, khuyến-khích các nhóm nghiên-cứu hoạt-động tại các phân khoa của các đại-học.

TẬP SAN SỬ ĐỊA đang chờ đợi các bạn đồng hành tại mọi phân khoa thuộc các Đại Học Việt-Nam. Đó là niềm ước vọng tha thiết nhất của chúng tôi.

Sử Địa hiện đương sửa soạn các số đặc khảo về « Việt kiều tại các Lân bang », « Các Nho sĩ Miền nam », « Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt-Nam ». Sử Địa rất mong được sự hợp tác của quí bạn đọc.

TẬP SAN SỬ ĐỊA

***

CUỘC BẠO HÀNH TẠI HUẾ NGÀY 5-7-1885 : VỤ CƯỚP PHÁ HOÀNG CUNG, CUỘC ĐỀ KHÁNG CỦA VUA HÀM NGHI VÀ TRIỀU ĐỒNG KHÁNH

Nguyên tác : NGUYỄN XUÂN THỌ

Bản dịch : NGUYỄN NGỌC CƯ

L.T.S : Từ Paris, ông Nguyễn xuân Thọ đã gởi về cho Sử Địa bài biên khảo bằng Pháp văn nhan đề : « Le Coup de Force de Hue du 5 Juillet 1885 ; Le Pillage du Palais Impérial ; La Résistance de Hàm-Nghi & Le Règne de Đồng-Khánh ». vì lý do kỹ thuật ấn loát chúng tôi chỉ xin đăng bản dịch của giáo sư Nguyễn Ngọc Cư.

« Hiệp-định Thiên-tân » ký kết ngày 11-5-1884 giữa Hải-quân Thiếu-tá Fournier, đại diện của Pháp quốc và phó-vương Lý Hồng Chương đại diện của Trung-hoa, cùng với-hòa ước Giáp Thân ký tại Huế ngày 6-6-1884 công-nhận Pháp được quyền bảo hộ Việt-Nam không thể đem hòa-bình đến cho Viễn-đông.

Tại Trung-Hoa, đa số quan-lại và nho-sĩ vốn tán-thành chính-sách cứng rắn đối với bọn « Bạch quỷ Tây phương », chống đối Lý Hồng-Chương là lãnh-tụ phe chủ hòa. Tuy nhiên, ngoài sự đối lập theo nguyên tắc, họ thường không đồng ý với nhau về điểm Trung-Quốc nên tiếp tục hay chấm dứt chiến tranh.

Chính Semallé, đại-lý sự-vụ Pháp ở Bắc-Kinh, hằng theo dõi sự tiến-triển của Hiệp-định Thiên-tân, cũng chẳng rõ sự thể ra sao. Ngày 30-5-1884 ông báo cho chính-phủ Pháp hay tin rằng Bắc-kinh không phê-chuẩn bản hiệp-định ; rồi ngày 7 tháng 6, lại trình rằng « chính phủ Trung-Hoa biểu-lộ hảo ý ».

Đầu tháng 4 năm 1884, Cung Thân-vương là người cầm đầu Bộ Ngoại-giao bị thất-sủng vì các cuộc âm-mưu ; Khang thân-vương, một địch-thủ của Lý Hồng-Chương, thay thế. Biến cố ấy không thuận-lợi cho việc thi-hành Hiệp-ước đã bị xếp bỏ trên thực-tế.

Có thể bạn thích sách  Tầng Lớp Kỹ Giả - Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn full prc pdf epub azw3 [Tiểu luận]

Tại Huế, ngày 26-7-1884, có tin vua Kiến-Phúc băng-hà vì bệnh, sau sáu tháng trị-vì. Chắc hẳn bệnh tình nhà vua bắt nguồn từ mối bất-hòa với quốc-trượng Nguyễn Văn-Tường và dư luận đồn rằng nhà vua đã chết vì ngộ thuốc…

Theo nguyên-tắc ngai vàng phải dành cho ông Chánh-Mông là nghĩa-tử thứ hai của vua Tự-Đức. Nhưng hai vị phụ-chính Thuyết và Tường không muốn lập người lớn tuổi vì sợ mất hết quyền của họ, bèn chọn hoàng-đế Ưng-Lịch em út cố-quân, mới 12 tuổi, lập lên làm vua, đặt niên-hiệu là Hàm-Nghi. Ngày 14 tháng 8, Cơ-mật Viện cáo-tri việc suy-tôn cho vị đại diện Pháp quốc ở Huế.

Ngày 16 tháng 8, viên Khâm-sứ Rheinart phúc đáp rằng :

« Nam-triều đã tự-tiện chọn lập một vị tân-quân mà không thỉnh-cầu trước và được sự chấp-thuận của bản-chức… như vậy việc tuyển-lựa ấy coi như vô giá trị. Sau khi được bản chức chấp-thuận, triều đình phải thực-hiện một cuộc tuyển-lựa mới và suy-tôn vị ấu-chúa, em cố-quân… Lễ phong-vương phải cử-hành có sự hiện-diện của vị đại-diện Pháp-quốc ; một toán quân Pháp sẽ cùng với vệ-binh Việt-Nam đứng dàn chào tại nội-cung trong khi hành lễ… Nếu đúng hạn mà Nam-triều không theo đủ những điều-kiện ấy, bản-chức sẽ dùng tới võ-lực ». 1

Để tán-trợ thái-độ của mình, viên Khâm-sứ Rheinart đã cho chuyển từ Hà Nội vào 600 binh-sĩ và súng lớn. Khi lực-lượng lớn lao ấy đã tới Huế, Rheinart đòi, trước khi cử-hành mọi nghi-lễ, hai vị phụ-chính phải trao văn-thư xin phép lập và tôn-phong ông Ưng-Lịch. Tường và Thuyết gửi tờ xin phép sang tòa Khâm nhưng viết bằng chữ Nôn. Rheinart không ưng và đòi phải thảo bằng chữ Hán !

Triều-đình cũng phải chiều ý và, ngày 18-8-1884, viên Khâm-sứ cùng vị chỉ-huy quân-sự Pháp trịnh-trọng vào hoàng-cung bằng cửa giữa, từ xưa vốn dành riêng cho các đế-vương, để chứng-kiến lễ phong-vương cho vua Hàm-Nghi.

Cùng lúc vua Hàm-Nghi cảm thấy nỗi bực-bội đầu tiên báo-hiệu những ngày gian-nan hơn sẽ xảy ra, các hành-vi ngang-trái đối với nghi-lễ cổ-truyền là điều sỉ-nhục não-nùng cho triều-đình Huế.

Những viễn-ảnh đen tối đã hiện ra cho vận-mệnh nước Việt-Nam và vương-quyền họ Nguyễn.

Ngày 12-9-1884, Thủ-tướng Pháp Jules Ferry chỉ-định một viên Khâm-sứ mới tại Huế, đó là Lemaire, được bổ làm Toàn-quyền Công-sứ hạng nhì.

Đầu tháng 12 năm 1884, vị Đại-sứ Tây-ban-nha ở Paris được lệnh thăm dò ý-tứ của chính-phủ Pháp về việc lâm-thời bổ-nhiệm những đại-diện chính-phủ Tây-ban-nha tại Việt-Nam. Thực thế, Hòa-ước Tây-Việt ký ngày 27-1-1880, có dự-trù việc cử tới Thị-nại, Ninh-hải và Hà-nội mấy viên lãnh-sự. Các vị này, sau khi được lệnh chấp-ngoại (lệnh cho phép lãnh-sự hay đại-sứ ở ngoại-quốc được chấp-hành sự-vụ), đều được hưởng những đặc-quyền ngang hàng với đại-diện các nước khác. Họ có quyền tài-phán trong những cuộc tranh-chấp giữa kiều dân Tây-ban-nha hoặc giữa người Tây và ngoại-kiều khác ; nơi nào không có đặt lãnh-sự Tây thì các cuộc tranh-chấp do các lãnh-sự Pháp xét xử, còn về những cuộc tranh-chấp giữa kiều-dân Tây và người Việt-Nam thì, nếu vị lãnh-sự không thể hòa-giải hai bên nguyên bị, quyền tài-phán sẽ giao cho một tòa-án trọng-tài gồm vị lãnh-sự và một viên thẩm-phán Việt-Nam.

Có thể bạn thích sách  Âm Mưu Diệt Chủng Bí Mật Bằng AIDS - Alan Cantwell full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]

Hòa-ước Tây-Việt có hiệu-lực và sẽ xảy ra nhiều điều bất lợi cho Pháp khi mà Tây-ban-nha thực-thi kế-hoạch cử sang những lãnh-sự có những thẩm-quyển tương-khắc với việc sử-dụng quyền bảo-hộ. Vì vậy, chính-phủ Pháp yêu-cầu Tây-ban-nha đừng thay đổi gì hiện-trạng trước khi bình-định xong Trung và Bắc-phần Việt-Nam Pháp vẫn hy-vọng rằng nếu về sau chính-quyền Madrid còn nài nỉ, thì có thể thuyết-phục họ từ-khước quyền tài-phán của đại-diện Tây như ở xứ Tunisie. Hiệp-định Thiên-tân ký vào mùa xuân, rất bấp-bênh ; tân chính-phủ Trung-Hoa coi sự vội-vàng chấp-nhận của Pháp như là một dấu hiệu nhu-nhược và không coi là trọng chữ ký của một viên Hải-quân Thiếu-tá, « nhà ngoại-giao ngẫu-nhiên ». Lại nữa, bản văn hiệp-định, thảo vội và dịch sai, đã gây mập mờ trong bản chữ Hán.

Đại đa-số nho-sĩ Trung-hoa chống lại bản hiệp-ước đã để cho Pháp chễm-chệ hiện-diện ngay giáp biên-thùy phía Nam. Giới nho-sĩ vốn chủ-trương bài-ngoại và chẳng muốn Trung-Quốc « khai-phóng » chút nào. Đứng đầu phe chống-đối là một lão-tướng 79 tuổi. Tả Tôn-Đường, người đã chiến thắng loạn Thái-bình thiên-quốc ; ông đã làm phấn-khởi toàn-thể nho-sĩ khắp trong nước và ai nấy đòi hoãn thi-hành hiệp-ước mà họ muốn tu-chính.

Khi ở Huế, người Pháp tiêu-hủy chiếc ấn-tín phong-vương lớn là biểu-hiệu quyền tối-thượng của Trung-Quốc, chính-quyền Bắc-kinh phản-kháng. Trung-Hoa phủ-nhận rằng Hiệp-ước dự-liệu việc triệt-thoái tức-khắc khỏi địa-phận Bắc-kỳ. Về phía Pháp thì, theo chỉ-thị của Fournier, quân-đội chuẩn-bị gấp để chiếm-giữ các đồn mà quân Tàu phải triệt-thoái.

Vì thế đã xảy ra « vụ Bắc-lệ ». Ngày 23-6-1884, trên đường tiến lên đóng ở Lạng-sơn theo các chỉ-thị kể trên, một đạo quân Pháp đụng độ với nhiều quân Tàu gây chiến, và phải rút lui sau những thiệt-hại nặng nề.

Thực ra thì không có cuộc « mai-phục ở Bắc-lệ » như một số sử-gia Pháp đã nghĩ. Việc xảy ra chỉ tại bên phía quân Tàu, thượng lệnh đã chuyển tới rất chậm. Vì đường xa mà các phương-tiện giao-thông lại thô sơ, các chỉ-thị của Bắc-Kinh đã không tới kịp cho quân Tàu đang trú-đóng tại Bắc-kỳ, nên cuộc đụng-độ đã xảy ra.

Vụ này đã khích-nộ chính-phủ Pháp tới cực độ. Ngày 12-7-1884 Thủ-tướng Jules Ferry đã cho chuyển tới Bắc-Kinh một tối hậu-thư được gia hạn cho tới ngày 19 tháng 8.

Lại nữa, trong trận đánh chiếm thành Sơn-tây, Đô-đốc Courbet đã bắt được những văn-thư của viên Tổng-đốc Lưỡng-Quảng gửi cho Lưu Vĩnh-Phúc, chứng tỏ rằng Trung-Quốc đã chính-thức tham-dự chiến-cuộc Việt-Nam.

Vì vậy, Pháp đòi Trung-Quốc phải triệt-thoái ngay khỏi Bắc-kỳ và bồi-thường chiến-phí 250 triệu quan Pháp. Chính-phủ Pháp giao cho Đô-đốc Courbet, hiện đang phong-tỏa bờ biển Việt-Nam, quyền chỉ-huy tất cả lực-lượng hải-quân Pháp trên mặt bể Trung-Hoa, gồm 40 chiến-thuyền. Để tán-trợ bức tối-hậu-thư, Đô-đốc Courbet đi lùng chiến-thuyền Trung-Hoa ; khi thấy hạm-đội mạnh nhất ở gần cảng Phúc-châu bèn tấn-công và đánh đắm một phần lớn, rồi bắn phá công-binh xưởng và các pháo-đài. Theo chỉ-thị của chính-quyền Paris, Đô-đốc không mạo-hiểm xâm-nhập vùng phụ-cận Bắc-kinh hầu tránh làm mích lòng Lý Hồng-Chương và khỏi gây ra những phản-ứng bất-lợi của các cường-quốc hàng-hải đang lo-ngại cho hoạt-động thương-mại của họ. Cũng do những chỉ-thị của Paris, Đô-đốc Courbet tấn-công đảo Đài-loan để chiếm mỏ than đá lớn ở Cơ-long.

Có thể bạn thích sách  Những Vì Sao Đất Nước Tập 5 - Nguyễn Anh & Văn Lang & Quỳnh Cư full mobi pdf epub azw3 [Danh Nhân]

Tại Việt-Nam, quân Tàu và quân Việt-Nam cố-gắng thêm một phen nữa. Tôn Thất-Thuyết tổ-chức tại miền châu-thổ Hồng-hà một cuộc tổng phản công lớn với quân Cờ-đen, những toán người Mường và những đạo quân chính-quy. Các quan Tàu và Việt-Nam truyền hịch hô hào cuộc kháng-chiến và phá-hoại các cơ-sở của Pháp.

Ngay từ tháng 4 năm 1884, triều-đình Huế cho tổ chức những doanh-trại lớn trong hai tỉnh Thanh-hóa và Nghệ an. Các quan phủ, huyện ra lệnh động-binh toàn-thể ; những công-tác lớn lao được thực-hiện trong việc sửa chữa đường Đồng-Vang để chuyển viện-quân Trung-Hoa vào tới Quảng-bình và Quảng-trị là hai tỉnh đã chuẩn-bị xong việc đồn-trú và tiếp-tế lương-thực. Một pháo-đài đã được xây cất tại huyện Cam-lộ (Quảng-trị) có nhiều núi, rừng, để tiếp đón nhà vua cùng triều-thần và dùng làm đại bản-doanh cho một cuộc tổng khởi-nghĩa. Tôn Thất-Thuyết sẽ hộ-giá vua Hàm-Nghi tới đó ; Hoàng Kế-Viêm đem 5.000 quân từ Quảng-nam và Quảng-ngãi ra Hưng-hóa là miền ông thông-thuộc và đã có dịp chiến-đấu chống quân Pháp ; Đề-đốc Ngô Tất-Ninh dẫn 400 tinh-binh ra Thanh-hóa và chỉ-huy nhiều nghĩa-quân do Cai-Mão đã tập-hợp để tiến ra đánh Ninh-bình. Viên tri-châu Điện-biên phủ cùng con trai là Điêu-văn-Xanh sẽ xuôi dòng Hồng-hà để chiếm Tuyên-quang và Sầm Cung-Bảo nhận lệnh đánh phủ Lâm-thao.

Rủi ro là tất cả các kế-hoạch được chuẩn-bị tỉ mỉ đã bị quân Pháp thông tỏ : trong một bức thư đề ngày 6-11-1884 Giám-mục Puginier đã báo-cáo đầy đủ chi-tiết cho Thiếu-tướng Tư-lệnh đạo quân viễn-chinh. Lập-tức vị tướng này bố-trí đề phòng mọi bất ngờ và xin thêm viện-binh.

Cho nên các cuộc hành-quân tái-diễn quyền chỉ-huy của Thiếu-tướng Brière de l’Isle. Ngày 8-10-1884, tại Kép, tướng Négrier đẩy lui một đạo quân Tàu từ Quảng-tây tiến sang ; một đạo quân Tàu khác đe dọa thành Tuyên-quang do Thiếu-tá Dominé giữ. Cuối tháng 12, Tướng Lewal, tân Bộ-tưởng chiến-tranh gửi thêm viện-binh sang và đảm nhiệm việc lãnh đạo các cuộc hành-quân. Đầu tháng 2 năm 1885, quân-đội Pháp lại mở cuộc tấn-công. Thành Tuyên-quang được giải tỏa ; quân Pháp chiếm Lạng sơn. Theo lệnh của Paris bấy giờ muốn gây áp-lực trong các cuộc thương-nghị đang tiến hành với Trung-Hoa, tướng Négrier xâm-nhập lãnh-thổ Trung quốc nhưng rồi lại phải triệt-thoái vì vấp phải những lực-lượng trội hơn nhiều. Trong cuộc lui quân, tướng Négrier bị thương ; vị tướng-lãnh kế nhiệm đã mất cả bình-tĩnh, ra lệnh cho quân sĩ mạnh ai nấy chạy, và bỏ thành Lạng-sơn ngày 28 tháng 3.

Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 14&15 của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.

Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn