Hai mùa thu qua. Sử Địa đã đặc khảo về hai vị danh nhân Việt-Nam : « Trương-Định và Phan-Thanh-Giản ». Mùa thu năm nay, như đã loan báo, Sử Địa được ấn hành số đặc biệt để kỷ niệm 100 năm ngày chết vinh quang của Vị anh-hùng kháng-chiến Nguyễn-Trung-Trực.
Mới 100 năm qua mà tài liệu về Nguyễn-Trung-Trực thật điêu tàn. Hầu như không còn một sử liệu nào về Nguyễn-Trung-Trực do người Việt còn để lại. Ngay cả Chính-sử triều Nguyễn như « Đại Nam Liệt Truyện » cũng không hề nói tới Nguyễn-Trung-Trực. Trong khi những người đồng, đồng cảnh với Ông như Trương-Định còn được « Chính Sử » đề cập tới ít nhiều. Thật là một sự thiếu sót đáng tiếc.
Ngày nay, chúng ta biết về Nguyễn-Trung-Trực hầu như chỉ nhờ vào những tài liệu của ngoại quốc. Còn nếu ta có chăng, cũng chỉ là những tài liệu truyền khẩu, thiếu tánh cách khoa-học. Chúng ta có thể tự bào chữa là trong thời kỳ còn người Pháp ngự trị, không ai dám tàng trữ « đồ quốc cấm » là những tài liệu về những người đã chống lại họ. Điều này cũng có một phần nào đúng. Nhưng thật ra phải nói là do sự yếu kém của óc tồn cổ của người mình.
Ngay ở thời đại hiện nay, liệu có nhiều người quan tâm đến việc lưu giữ những tài liệu về thời nay ? Trách nhiệm lưu giữ các tài liệu thì tư nhân chỉ một phần – phần quan trọng phải là Nhà Nước.
Mà hiện nay thì thật là đau lòng ! Khi sửa soạn số Đặc Biệt này, chúng tôi biết chắc có tờ trình (rapport) của chánh quyền xâm lược Pháp hồi đó về Nguyễn-Trung-Trực, tàng trữ tại Văn Khố Quốc Gia. Mặc dù đã cố công, chúng tôi vẫn không thể tìm ra tài liệu quí giá ấy, chỉ vì Văn Khố Quốc Gia hiện đang ở tình trạng thê thảm ! Văn Khố bị bắt buộc di chuyển nhiều lần từ hơn một năm nay, hiện lại không có trụ sở đàng hoàng, tài liệu để vung vãi nhiều nơi. Các phiếu (fiches) bị xáo trộn, mất mát, hiện không thể nào sử dụng. Chính cơ quan này đã kêu cứu. Giới văn hóa đã báo động thảm-thiết – tình trạng đó vẫn còn nguyên !
Tài liệu cũ có sẵn mà còn bị coi thường để cho mất mát, hư hỏng, huống chi tài liệu mới mong gì được thu thập và lưu giữ.
Chúng tôi thảm thiết báo động về « tình trạng phi văn hóa » này.
Với hiện trạng chung ấy, mặc dù đã cố gắng, số Đặc Khảo này cũng không thể nào thoát khỏi sự nghèo nàn tài liệu chính xác. Chúng tôi đành phải « nghi truyền nghi, ngờ truyền ngờ ».
Về Giải Thưởng « 900 năm Nam Tiến của Dân Tộc Việt », hiện chúng tôi vẫn chưa ấn định được thời hạn tổ chức vì thời cuộc chưa cho phép. Nhưng chắc thế nào cũng nội trong năm 1969 tới.
Nếu không có gì trở ngại, chúng tôi sẽ cho ấn hành số đặc biệt Kỷ Niệm CHIẾN THẮNG KỶ DẬU (ĐỐNG ĐA), vào dịp Xuân Kỷ Dậu sắp tới.
TẬP SAN SỬ ĐỊA
***
Phù-Lang TRƯƠNG BÁ PHÁT
Kính tặng những người
có lý-tưởng quốc gia thuần túy.
Hôm nay tôi đốt nén hương hoài cổ để tưởng nhớ đến một vị dõng tướng khác đã chết đúng 100 năm, trong cuộc chống Pháp hồi quốc-gia nầy mới đến đặt ách đô-hộ trên cổ dân-tộc Việt-Nam.
Vị ấy là « Chơn » [có lẽ là tên từ lúc nhỏ], rồi từ Kỷ mùi, 1859 đổi tên là « đội Lịch ». Tên nầy được giữ tới Tân-Dậu 1861, nên người ta nghe gọi là quản Lịch [xem lúc gần hết bổn gạn hỏi ở sau] Quản nầy là chánh quản cơ, chớ không phải là hương-quản. Theo TIÊN-ĐÀM Nguyễn-Tường-PHƯỢNG, tr.49, sđd., thì một chánh quản-cơ điều-khiển 50 người. Vậy quản Lịch coi 50 người. Lúc đốt tàu L’espérance rồi quản Lịch đổi tên là NGUYỄN-TRUNG-TRỰC. Có lẽ tên nầy đặng gọi từ lúc đầu năm 1862 [Tân-Dậu – Nhâm-Tuất] cho đến ngày cuối cùng của Người là 27-10-1868.
Chỗ chôn nhau cắt rún của Trực ở làng nào không rõ, nhưng đặng biết là Trực sanh ra ở Tân-An-Phủ, mà phủ nầy rộng.
Trước, phủ nầy là đất của huyện Cửu-An và Phước-Lộc. Niên-hiệU-Minh-Mạng thứ 13 [Nhâm-Thìn 1832] đặt tên phủ nầy, kiêm-lý huyện Cửu-An, thống hạt huyện Phước-Lộc. Năm Tự-Đức thứ năm [Nhâm-Tí 1852] dẹp phủ Hòa-Thạnh, lấy huyện Tân-Hòa và Tân-Thạnh. Phủ nầy lãnh bốn huyện, 18 tổng, 217 xã thôn và thuộc tỉnh Gia-Định. Như vậy Trực khai ở Tân-An-phủ là rộng lắm, có lẽ Trực ở huyện Cửu-An mà huyện Cửu-An gồm có 4 tổng, 53 xã thôn.
Người đời nay nghe nói Trực ở Tân-An-phủ cũng phải chịu bít đường. (ĐẠI NAM NHỨT THỐNG CHÍ, Lục-Tỉnh Nam-Việt, Tập Thượng, tr. 51 và 52).
Năm Mậu-Thìn 1868, Trực bị hành-hình là năm Trựcđặng ba mươi tuổi, một tuổi đầy nhựa sống, thường thường tuổi ấy ngó đời với cặp mắt đeo kiếng hồng. (VIAL, Les premières années… q.II, tr.248, d.2)
Đem số ba mươi ấy làm một bài toán trừ giản dị cho 1868 thì lòi ra Trực sanh năm Mậu-Tuất 1838.
Hẳn là Trực có thân-hình vạm vỡ, lòng trung-thực, đặng nhiều phen thử thách và « có diện-mạo thông-minh và thấy là có cảm tình ». (VIAL, Les premières années… q.II, tr.241, d.8)
Năm Trực đặng hai mươi ba tuổi [Tân-Dậu 1861] Trực cùng Tấn [sau là lãnh-binh làm tôi Pháp] đồng làm chức đội trong đạo binh đồn-điền mà Trương-Định chỉ-huy. (VIAL, q.II, tr.240, d.4)
Khi bại binh những ngày 24 và 25 tháng hai 1861 [chúa-nhựt rằm và thứ hai 16 th. giêng Tân-Dậu] quân Việt rút lui khỏi đồn Kỳ-Hòa. Định điều khiển lính đồn điền lui về Gò-Công vì vị Tổng-thống quân-vụ là Nguyễn-Tri-Phương bị bịnh nơi tay, Tán-lý Nguyễn-Duy, em ruột của Tri-Phương, Tán-tương Tôn-Thất-Trỉ đều tử trận, Tham-tán Phạm-Thế-Hiển bị thương nặng rút về Biên-Hòa, nhưng đặng ít hôm thì từ lộc. (« Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn-Tri-Phương » chưa đăng tạp-chí nào).
Quốc-gia Việt-Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng sống dư chết thiếu thì bỗng nhiên Pháp-quân tiếp tục xâm chiếm Mỹ-Tho ngày 12-4-1861 [chúa-nhựt mồng 3 th. 3 Tân-Dậu].
Cuộc chiếm cứ Mỹ-Tho đem lại hậu-quả là phải chiếm luôn các xứ ở giữa châu-thành ấy, Tiền-Giang và sông Soi-Rạp : người ta thiết lập liền tay những đồn lính Pháp ở Gia-Thạnh [phủ Tân-An, vị-trí lối vòng thứ nhì của sông Vàm-Cỏ Tây bắt từ hợp-lưu hai sông Vàm-Cỏ đi lên], ở Chợ-Gạo [đầu quận Chợ-Gạo bây giờ] và ở Gò-Công[đầu tỉnh Gò-Công bây giờ]. (VIAL, q.I, tr.114, d. 5 tới 8)
Kịp đến thượng tuần tháng 6 năm 1861 [Tân-Dậu] hai viên dưới tay Định là hai viên chỉ huy phó đã lên Biên-Hòa 1 hồi tháng ba để hai người vợ lại Gò-Công… (Pallu, Histoire de l’expédition… tr. 218-219)
Hai viên chỉ-huy phó ấy, chẳng khác hơn là Lịch hay là Chơn sau gọi là Nguyễn-Trung-Trực và người thứ nhì là Huỳnh-Công [?]-Tấn.
Không biết trong trận chiến tại Gò-Công ngày 22 và 23-6-1861 [rằm và 16 th. 5 Tân-Dậu] có Trực chỉ-huy nghĩa quân trong đó hay chăng mà không thấy sách Pháp nói đến.
Thế rồi, binh Pháp làm chủ tình thế, đóng đồn nổi ở sông Nhựt-Tảo.
Nguyễn-Trung-Trực xuống lịnh cho hai viên phó quản Huỳnh-Khắc-Nhượng và Nguyễn-Văn-Quang [Hai tên trong B.A.V. Huế, 1932] chuẩn bị tấn công tàu Pháp kéo binh lại gần hai bên bờ, núp sẵn để chờ lịnh. Nguyễn-Trung-Trực cùng 59 người tình-nguyện chết [B.A.V. Huế, 1932], tiến đến gần tàu Pháp, chia ra làm hai toán.
Ấy là ngày 10 tháng 12 năm 1861 [thứ ba mồng 9 th. 11 Tân-Dậu].
Hồi lúc 12 giờ trưa, sĩ quan chỉ-huy chiếc lorcha 2l’Espérance đi lên bờ theo đuổi một lũ (đầu trộm đuôi cướp) 3 cách tàu lối hai dặm. Bốn hay năm chiếc ghe có mui thả theo bìa tàu 4 ; thủy-thủ đoàn đang nghỉ từng trên của tàu không hề nghi kỵ chi hết ; viên hạ-sĩ-quan đóng vai tuồng trưởng-phó nghiêng mình ra khỏi cửa sổ tàu tưởng là người buôn bán muốn ghé xin nhận giấy phép lưu thông, viên hạ-sĩ-quan vô phước kia bị một mũi giáo vô ngực và một đám đông người từ các mui ghe tủa lên công-kích tàu và la thật lớn. Trong vài sao đồng-hồ, hơn một trăm năm mươi người An-nam tay cầm giáo, cầm gươm và cầm đuốc, tràn ngập cả từng trên tàu và một cuộc xáp lá-cà không tương xứng xảy ra. Trong vài phút đồng-hồ sau, lửa táp vào nóc lá của tàu và cháy mau lẹ. Bị nóng quá, đôi bên nhảy đùng xuống sông hay tuột xuống ghe. Năm thủy-thủ trong số đó có hai Pháp và ba Tagals (người bổn xứ ở Ma-Ní) phóng xuống một ghe nhỏ, không súng ống chi cả và ráng sức chèo. Ở xa, năm thủy-thủ nầy thấy chiếc l’Espérance nổ tung, các mảnh tàu văng xa đến hai bên bờ sông, mười bảy người Pháp hay Ma-Ní đếu chết đắm trong cuộc tai biến nầy. Thuyền-trưởng Parfait, hải quân trung úy, tuổi còn nhỏ, ham hoạt-động và gan dạ, đã đặng nêu công vì có cử chỉ sốt sắng trong nhiều trận chiến-tranh, đặng các thủy-thủ thoát trên tiểu thoàn, cho hay. Parfait [có lẽ là bị nghĩa quân mưu kế dụ đi xa để dễ bề đốt tàu] liền tới tàu Garonne xin vài người tiếp viện. Parfait gặp đặng ba người Ma Ní, ba người nầy đã bị địch quân câu lưu nhưng nhờ lộn-xộn khi tàu nổ mà thoát thân : những tên vô phần nầy trốn núp sau bụi rậm và ngâm dưới nước ló miệng lên để chờ viện-binh.
Hồi bấy giờ, chúng ta có những người bổn-xứ trung-thành với chúng ta ; lối hai chục người đóng trên bờ giao mặt với chiếc l’Espérance ; các người ấy đều bị đánh đột ngột và bị giết hết lúc tàu bị công-hãm.
Những thường dân ở làng Nhựt-Tảo hùa theo những kẻ đốt tàu đều bị đốt nhà hết vì tàu đậu ngay làng ấy. (VIAL, Les premières années… q.I, những trang 124, 125, 126)
Trong B.A.V. Huế nói binh của Quân-Toán Nguyễn-Học và Hương-Thân Hồ-Quang nhảy lên tàu và bửa vỏ tàu, nhưng không nổi, họ mới dùng hỏa-công và rút đi trong chiến thắng. (B.A.V, Huế, Avril-Juin, 1932, tr.236)
Muốn làm tiêu tàu phải phóng lửa đốt tàu, một là để làm oai, hai là lửa cháy mau hơn, chớ bửa tàu hóa ra lâu lắc rồi. Tôi ngả theo chuyện đốt tàu là hơn.
Trong vụ đốt tàu nầy, bên Việt mất bốn người. Vua thăng Nguyễn-Văn-Quang lên quản cơ, hai mươi người cai và đội dưới quyền của Quang đều đặng thưởng ngân-tiền. Một ngàn cột tiền đặng cấp phát cho binh lính có dự chiến, bốn gia quyến của bốn anh chết đều đặng tăng lương gấp đôi, con của bốn gia quyến ấy hưởng chức « Diêu Ấm », [Quyền thế rất nhỏ của ông cha để cho con cháu nhờ].
Ngoài ra còn tiền trợ cấp quan-trọng phân phát cho các làng bị đốt và bị quân Pháp tàn phá.
Tuần-vũ Đỗ-Quang tỉnh Gia-Định, Tuần-vũ Định-Tường Đỗ-Thúc-Tinh [không biết Dinh hay Tinh là trúng, trong B A.V. Huế 1932 ở trang 237 gọi Dinh rồi cũng trong tập san ấy trang 239, kêu là Tinh] đều đặng lên lương vì có góp phần binh bị trong vụ đốt tàu. (B.A.V. HUẾ, Avril-Juin 1932, tr. 236, 237)
Hẳn các bạn tưởng tượng rằng quân và dân Việt lúc bấy giờ vui mừng và có hi-vọng tràn trề sẽ thắng nổi quân Pháp, và Pháp quân bị thất một trận đau đớn và xúc động sâu xa.
Quả thật một phần lớn có đúng cả đôi bên.
Việc ước mong thắng Pháp là sự nhiệt-thành hi-vọng ở về mặt quốc-gia Việt-Nam, còn đối với ngoại-dương, các xứ nầy khăng khăng rằng một khi thất-trận Kỳ-Hòa rồi, chẳng còn gì đáng gọi là chống ngăn nữa.
Thật vậy, « sau khi rút lui khỏi Crimée 5, hai quốc gia Anh, Pháp đều chú-ý đến tình hình thương mãi ở Viễn-Đông. Pháp quốc, Anh-quốc và Tây-Ban-Nha đồng lòng quyết định rằng cuộc tiến-chinh quân-sự sẽ đặng chỉ mũi ngay Viễn-Đông, mục-đích phải làm kỳ cho đặng bởi bạo lực của khí giới, những gì mà ngoại-giao làm không xong ». (B.A.V. Huế, Janvier-Mars 1932)
Xem trên đây thấy Pháp quân cố tâm chiếm đoạt ba tỉnh miền Đông đã lâu, và trận Kỳ-Hòa là trận quyết định. Nhưng dân Việt không chịu như thế – có ai khứng làm tôi tớ cho người bao giờ – và ít người hiểu rõ thời-cuộc, biết lực lượng quốc-gia Việt-Nam đối với lực lượng Pháp-quốc hơn là Phan-Thanh-Giản. Thế ông Phan ra sức dàn xếp, nhưng đơn độc có mình ông làm sao cản ngăn đặng sự phá hoại, sự giết chóc lẫn nhau.
Tiến đến 1 tháng ba năm Nhâm Tuất [chúa nhựt 30-3-1862].
Các đồn binh nho nhỏ đều rút hết như « Gò-Công, Chợ-Gạo, Gia-Thạnh và Cái-Bè ». (VIAL, Les premières années. q.1, tr.141)
Những sĩ-quan Pháp cai-trị cũng đi theo.
Nghĩa quân ra mặt trở về làm chủ các vùng Pháp-quân tự ép buộc rút lui, kiểm-soát các cuộc đánh thuế, lựa thêm quân-binh.
Chắc chắn là có Trực điều khiển nghĩa-dõng-quân hoặc ở Gò-Công, hoặc ở vùng Tân-An.
Tuy rút quân đi ở các vị-trí trên, nhưng Pháp-quân cũng còn tuần-tiễu trên sông luôn, lối tháng 8 năm 1862 sấp lên.
Ngoài chiếc L’Alarme mà Guys chỉ-huy coi chừng vùng Gò-Công của Trương-Định, còn Gougeard, đại-úy hạm đội, đậu tàu nơi sông Vàm-Cỏ Tây chỗ ngả ba sông nầy và kinh Bảo-Định, nghĩa là ở gần Tân-An. Luôn luôn Gougeard tuần du trên các sông ấy, khiến vùng ấy nín thở [?]. (VIAL, tr.186)
Đến 16 tháng 12 năm 1862 [thứ ba 25 th.10 Nhâm Tuất].
« Ba chiếc tiểu-hạm [lorcha] đậu trên sông Vàm-Cỏ Đông để kiểm-soát sự lưu thông trên sông ấy, bị tấn công thật tình dữ dội bởi những lũ người đông đảo vì họ bị nung đốt do kỷ-niệm tàu L’Espérance phát-hỏa. Một trong ba chiếc ấy, chiếc số ba, đậu trên mé nguồn sông, dưới Tây-Ninh một đỗi, bị công-hãm bởi nhiều ghe có trí súng thần công ; viên hậu tuyển sĩ quan chỉ huy chiếc nầy bị thương, nhưng bắt đặng ba ghe địch ». (VIAL, q.1, tr.195)
Trên đây, là ba tiểu hạm bị tấn công dữ dội, nhưng chưa hiểu người chỉ-huy vụ công kích nầy là người nào.
Còn dưới đây là sự điều khiển của Lịch.
Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 12 của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.