Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 6 – Nhiều Tác Giả full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]

Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 6 – Nhiều Tác Giả full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]

Tác giả:
Thể Loại: Review sách
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBMOBIPDFĐỌC ONLINE

TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA

THÁNG 3 và 4-1955

– Tinh thần tranh đấu để bảo vệ độc lập và hòa bình của dân tộc Việt-nam. T.H.L.

– Một vấn đề về văn học sử Việt-nam : Có thể liệt những bài văn yêu nước do người Việt-nam trước kia viết bằng chữ Hán vào văn học dân tộc của ta không ? MINH-TRANH

– Bóc trần quan điểm thực dân và phong kiến trong quyển « Việt-nam sử lược » của Trần Trọng-Kim. TRẦN HUY-LIỆU

– Những tiếng phản kháng của phụ nữ nông thôn trong dân ca Việt-nam. VŨ NGỌC-PHAN

– Đánh đổ thuyết Man-tuýt trong khoa học địa lý. HƯỚNG-TÂN

– Tài liệu tham khảo : Vấn đề qui luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa phong kiến.

– Duy vật lịch sử là cơ sở lý luận của khoa học lịch sử. MINH-CƯƠNG

***

KHÓA họp Quốc hội thứ 4 vừa qua, ý chí sắt đá của nhân dân toàn quốc trong việc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đã được vang lên qua những nghị-quyết-án, những bài tham-luận của các đại biểu Quốc hội. Trong bài này, với những tài liệu lịch sử, chúng tôi muốn nêu lên tinh thần tranh đấu để bảo vệ độc lập và hòa bình đã trở nên một truyền thống lâu đời của dân tộc ta.

Lịch sử dân tộc Việt-nam là một lịch sử trường kỳ chống ngoại xâm. Từ trước, ông cha ta đã bao lần chiến đấu để giữ toàn vẹn đất đai của tổ quốc, để giữ vững chủ quyền của dân tộc. Nhưng sau mỗi lần thắng lợi, ta đều cố tìm một giải pháp hòa bình. Hai yếu tố đã đem lại thắng lợi cho cuộc chiến đấu của chúng ta là chính nghĩa và lực lượng dân tộc. Chính nghĩa phải dựa vào lực lượng của dân tộc thì chính nghĩa mới được tỏ rõ, được bảo vệ. Lực lượng dân tộc phải phục vụ cho chính nghĩa thì lực lượng dân tộc mới được phát huy, được kiện toàn. Quá trình lịch sử của dân tộc ta cũng có thể nói là quá trình đấu tranh cho độc lập và hòa bình. Đây là những chứng cứ lịch sử :

*

Cuối thế kỷ thứ 13, quân đội viễn chinh Mông-cổ, với đà chiến thắng từ đông sang tây của chúng, đã bị đập tan trước sức căm thù mãnh liệt và ý chí bảo vệ đất nước của dân tộc ta toát ra trong bài « hịch tướng sĩ » của Trần-hưng-Đạo, trong sự đoàn kết nhất trí của hội nghị Diên-hồng. Sau khi vạch rõ những thủ đoạn bóc lột tham tàn của bọn xâm lược, Trần-quốc-Tuấn đã hạ quyết tâm « …muốn lột da, xé xác, uống máu quân thù cho hả giận… » và « bêu đầu Hốt-tất-Liệt dưới cửa khuyết ». Tới khi đã đánh thắng quân Nguyên ở bến Chương dương và cửa Hàm tử, tiến lên khôi phục kinh thành Thăng long, phấn khởi trước những chiến công rực rỡ, Trần-quang-Khải vẫn đề cao cảnh giác để củng cố hòa bình, đã thốt ra trong bài thơ tại bữa tiệc khao quân :

« Chương dương cướp giáo giặc ;

Hàm tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức.

Non nước vững muôn thu ».

Từ năm 1418 đến năm 1427 là cuộc tràng kỳ chiến đấu của dân tộc Việt-nam, do Lê Lợi cầm đầu chống với quân Minh xâm lược. Hồi nghĩa quân còn lập căn cứ địa ở miền núi rừng Thanh-hóa, cầm cự với địch, bức thư của Nguyễn-Trãi trả lời cho tướng nhà Minh là Phương Chính đã vạch rõ những hành vi phi chính nghĩa và kết quả tất bại của địch bằng những câu :

« Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm ngọn. Tụi bay chỉ ưa lừa dối, giết hại những người vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không biết xót xa. Trời đất không thể dung tụi bay. Cả người sống lẫn người chết đều căm thù tụi bay. Vậy mà tụi bay không biết sửa lỗi, lại còn quấy hôi bôi nhọ, sau này có hối lại cũng không kịp ! »

Rồi đó, ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng yếu, Lê-Lợi đã nắm chắc phần thắng trong tay, nhưng vẫn muốn tìm một giải pháp hòa-bình, rút bớt ngày thảm khốc của chiến-tranh, nên trong một bức thư gửi cho tổng-binh Vương-Thông, có những câu :

« Theo ý tôi trộm nghĩ thì cái kế của ngài trong lúc này không gì bằng rút quân về để hai nước dứt được cái nạn chém giết nhau, để cho quốc gia khỏi bị hư hại… Nay ngài lại không nghĩ thế, mà chỉ chăm chú đắp thành đào hào, hàng ngày lén mở cửa thành, cho quân ra đánh cắp rơm củi, sao mà khốn đốn đến thế ? Nếu ngài tưởng rằng thành trì hiểm yếu có thể cố giữ để đợi thời, thì tôi e nước xa không cứu được lửa gần. Nếu ngài tưởng rằng quân trong thành còn nhiều, muốn quyết một trận sống mái thì tôi nói để ngài biết rằng : khi tôi còn ở Khả lam, Trà lân, các ngài có mấy vạn quân tinh nhuệ, còn tôi chỉ có mấy trăm quân ruột thịt, vậy mà tôi còn đánh cho tan tác như chẻ nứa. Huống chi hiện nay suốt giải Diễn, Nghệ, Thanh-hóa, Tân-bình, Thuận-hóa và các lộ Đông-đô, quân tinh nhuệ của tôi có hàng mấy chục vạn ; vậy thì cái cơ thắng bại, người ta có thể tính trước mà biết được rồi ».

Có thể bạn thích sách  Phố Chiều Lặng Gió Mênh Mang Anh Đào - Fumiyo Kono full mobi pdf epub azw3 [Truyện Tranh]

Khi quân Minh đã kiệt sức, Vương-Thông phải nhận lời giảng hòa, nhưng bên trong vẫn đắp lũy đào hào, chờ quân cứu viện. Một lần nữa, Lê-Lợi gửi thư cảnh cáo cho Vương-Thông, trong đó có những câu :

« Xưa nay người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì đổi mất làm còn, hóa nhỏ thành lớn. Mất thời mất thế thì mạnh trở nên yếu, yên hóa ra nguy. Sự cơ thay đổi như trở bàn tay. Nay các người không hiểu thời thế, chỉ quen gian dối, theo kiểu hạng người tầm thường, nói sao được việc dùng binh ? Các người bên ngoài thì nói chuyện giảng hòa, nhưng bên trong vẫn âm mưu giả dối. Tông tích mờ ám. Trước sau không nhất trí. Như vậy thì người ta tin sao được mà chẳng ngờ ?… Sự thế ngày nay dù có vị thượng tướng đem quân đến đây cũng quyết chẳng làm nên được trò trống gì ; huống chi Trương-Phụ chẳng qua đến để nộp mạng là hết.

« Nay các ngươi thế cùng sức kiệt, binh lính mỏi mệt, trong thì hết lương, ngoài không cứu viện, bám bíu lấy một khoảnh đất, thoi thóp trong một mảnh thành, chẳng phải là miếng thịt trên thớt, con cá trong chậu rồi sao ? »

Cũng bức thư này, sau khi kể 5 cái cớ bại vong của bên địch, Lê-Lợi đã nhấn mạnh vào cớ thứ sáu :

« Nay ta dấy quân khởi nghĩa, trên dưới một lòng, anh hùng ra sức, binh lính ngày càng luyện, khí giới ngày càng tốt, vừa cày ruộng vừa đánh giặc. Trái lại, quân trong thành ngày càng mỏi mệt, tất nhiên phải tự diệt vong. Ngồi giữ một mảnh thành nhỏ để chờ sáu cớ bại vong ụp đến ; ta thật đáng tiếc cho các ngươi… Nếu các ngươi quyết rút quân về nước, ta sẽ cho sửa sang cầu cống, sắm sửa tầu thuyền, muốn đi đường thủy hay đường bộ đều được tùy ý. Quân ra khỏi cõi đều được đảm bảo chắc chắn, không lo ngại gì… Cuối cùng, nếu các ngươi vẫn không nghe theo lời ta thì hãy chuẩn bị một trận sống mái ở giữa đồng bằng để thử tài cao thấp, chớ không nên ngồi rù một xó làm gì ! »

Đồng thời, trong những bức thư gửi cho bọn tướng nhà Minh đương bị vây hãm ở thành Bắc-giang và thành Tam-giang, Lê Lợi vẫn tỏ lượng khoan hồng, lòng nhân ái bằng những câu :

« Nay các nơi như Thanh-hóa, Diễn-châu, quân giữ thành đều đã mở cửa ra hàng. Vợ con tài sản của họ đều không bị đụng chạm mảy may. Ta nghĩ cái kế hay hơn hết của các ngươi bây giờ là ra khỏi thành, cùng quan đốc quân họ Sái 1 quyết định việc về, để khỏi chết uổng mấy nghìn tính mệnh ở trong thành… Nếu các ngươi chịu ra ngoài thành cùng ta hòa hảo, ta sẽ coi các ngươi như anh em, bảo toàn cho tính mệnh và vợ con. Nếu không chịu như vậy thì tùy lòng các ngươi, chỉ trong sớm tối sẽ biết, không lâu gì. Đến lúc ấy các ngươi có hối lại cũng không kịp nữa ».

Thế rồi, kết thúc cho mười năm chiến đấu anh dũng và gian khổ là bài « Bình Ngô đại cáo » của Nguyễn-Trãi. Nó nói lên sự toàn thắng của chính nghĩa, của dân tộc yêu chuộng độc lập và hòa bình. Chính nghĩa ấy là « làm điều nhân nghĩa, cốt để yên dân ; đánh kẻ bạo tàn, cốt để cứu dân ». Bằng ngọn bút sắc bén của nhà văn cách mạng trào Lê, những tội ác của quân giặc cướp nước đã được nêu ra và cuối cùng chính nghĩa bao giờ cũng thắng :

« Lấy chính nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.

« Trận Bồ-kết như sấm như sét, trận Trà-lân tre chẻ ngói tan.

« Sĩ khí hăng hái, quân danh vang lừng.

« Bọn Trần-Trí, Sơn-Thọ nghe hơi đà mất vía, lũ Lý-An, Phương-Chính thở dốc chạy thoát thân.

« Thừa thắng đuổi dài, Tây kinh đã là của ta ; Thuận đường thẳng tiến, Đông đô cũng thu phục lại.

« Ninh kiều máu giặc thành sông, tanh hôi muôn dặm ; Tất-đồng thây giặc đầy nội, thối để ngàn năm.

« Trần Hiệp là tâm phúc giặc, đã phải bêu đầu ; Lý Lương là tay sai giặc, cũng đà mất mạng.

« Vương Thông dẹp loạn, loạn càng thêm loạn ; Mã-Anh gỡ nguy, nguy lại thêm nguy ».

Cho tới khi đánh tan những đạo viện binh cuối cùng của Liễu Thăng, Mộc Thạnh, thì khí thế nghĩa quân, biểu hiện lực lượng vĩ đại của dân tộc, đã trở nên vô địch :

« Voi ta uống mà nước sông cạn, gươm ta mài mà đá núi mòn.

« Đánh một trận phanh thây kình ngạc ; đánh hai trận tan tác chim muông.

« Như tổ kiến phá toang đê núng, như gió to rung trút lá khô.

Có thể bạn thích sách  Harry Potter và Đứa Trẻ Bị Nguyền Rủa - J. K. Rowling full prc pdf epub azw3 [Huyền Ảo]

« Đô đốc Thôi-Tụ quì gối xin hàng, Thượng thư Hoàng Phúc cúi đầu chịu trói.

« Đường Lạng-sơn, Lạng-giang, xác giặc ngổn ngang ; sông Sương giang, Bình than, máu thù lênh láng…

« Hai đạo binh đến cứu, chưa đứng yên đã tan rã, các thành giặc hết kế, chỉ còn việc cởi giáp xin hàng ».

Cũng lúc ấy, chính sách nhân đạo phát nguyên từ lòng nhân ái của dân tộc Việt nam lại được thể hiện ra :

« Tướng giặc bắt về, thân tàn vẫy đuôi xin tha khỏi chết ; đạo trời không giết, chúng ta theo ý mở rộng lòng nhân.

« Phương Chính Mã Kỳ được cấp năm trăm chiếc thuyền, vượt biển về mà vẫn còn mất vía ; Vương Thông Mã Anh được cấp mấy nghìn xe ngựa, về nước rồi trống ngực còn rung.

« Chúng đã tham sống sợ chết, xin hòa hiếu thực tình ; ta cốt toàn quân là hơn, cùng nhân dân yên nghỉ ».

Rồi, hòa bình lập lại, ngày vinh quang của tổ-quốc hiện ra :

« Xã tắc vững nền, non sông mở mặt.

« Trời đất qua bĩ đến thái ; mặt trăng mặt trời vừa mờ lại trong.

« Xây thái bình để lại muôn đời ; rửa nhục nhã nghìn xưa hết sạch ».

Những lời nói có ân, có uy, có tình, có nghĩa trong bản Bình Ngô đại cáo kể trên chẳng những biểu hiện khí-phách anh hùng, lòng tự tin của dân tộc, mà còn tỏ rõ tinh thần tha thiết với hòa-bình, gắn liền hòa-bình với độc lập.

*

Từ năm 1771 đến năm 1789 là cao trào khởi nghĩa của nông dân Tây-sơn, đánh tan các phe phái phong-kiến ở trong nước và giặc ngoại xâm Mãn-Thanh câu kết với phong-kiến nhà Lê. Bài hịch bằng chữ nôm của Nguyễn Nhạc khi mới lên ngôi vua đã nêu rõ chính-nghĩa trong việc dẹp loạn nuôi dân : « sinh dân phải nuôi dân làm trước ; gặp loạn đành dẹp loạn mới xong » và « sửa chính dẹp tà, lấy nhân đổi bạo ». Vì chính-nghĩa nên được nhân dân ủng hộ. Nghĩa quân Tây-sơn nắm được hai yếu tố quyết thắng là chính nghĩa và lực lượng nông dân, nên vừa vùng dậy đã làm nên những sự nghiệp long trời chuyển đất, thay đổi đại cục. Sau khi đã chôn xác hàng vạn quân xâm lược trên gò Đống-đa, tiến vào đô thành Thăng-long, trong bức thư gửi cho vua Càn-long nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã tỏ bày tinh thần tự cứu của nhân dân và chủ trương hòa bình của mình. Cuối cùng, Nguyễn Huệ không quên cảnh cáo cho bọn xâm lược nếu còn ngoan cố, không chịu chấm dứt chiến tranh thì tiền đồ của chúng rất là phiêu-lưu :

« Nếu cuộc binh đao vẫn cứ tiếp diễn thì tôi đành phải nghe theo lẽ phải, tìm đường giữ lấy vận mệnh nước mình. Lúc ấy tình thế sẽ biến chuyển ra sao, không thể biết trước được ».

Rồi, sau khi đã lập lại hòa bình, trong bài chiếu của vua Quang-Trung đã nói lên ý định củng cố hòa bình, kiến thiết quốc gia :

« Nước ta lâu nay loạn lạc, lại luôn luôn bị đói kém, đinh tán điền hoang… Đến nay là lúc bắt đầu ổn định thì việc khuyến khích nông tang làm cho nước được phồn thịnh cần phải tiến hành… Cảnh giầu thịnh sau này, trẫm sẽ cùng muôn dân cùng hưởng ».

*

Trở lên trên, lịch sử đã chứng nhận sự thiết tha với độc lập và hòa bình của dân tộc ta. Hòa bình và độc lập là hai mặt của một vấn đề. Từ trước, nguyện vọng của dân tộc ta không có gì khác hơn là tự mình làm chủ lấy mình và sống hòa bình để xây dựng đất nước. Độc lập chỉ có nghĩa là giữ vững chủ quyền của dân tộc. Hòa bình không có nghĩa là khuất phục, uốn cong tinh thần bất khuất của dân tộc. Có bảo vệ được độc lập thì mới bảo vệ được hòa bình. Nói một cách khác, hòa bình chỉ có thể lập được một khi độc lập được đảm bảo. Trần-quốc-Tuấn, Lê-Lợi, Nguyễn-Huệ đã lãnh đạo nhân dân dành quyền độc lập và đem lại hòa bình cho tổ quốc. Chính nghĩa phải thuộc về những người tranh đấu cho độc lập, cho hòa bình. Dân tộc Việt-nam yêu chính nghĩa, ham muốn độc lập và hòa bình, hàng nghìn năm luôn luôn kiên quyết tranh đấu cho độc lập và hòa bình. Truyền thống ấy ngày càng được bồi dưỡng, phát triển và biểu hiện rõ rệt nhất dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ-tịch, của Đảng Lao-động Việt-nam trong cuộc kháng chiến vĩ đại và hòa bình thắng lợi hiện nay.

Ai cũng biết, sau cuộc cách mạng tháng Tám, chủ trương của ta là giữ vững chủ quyền đất nước, cố tìm mọi giải pháp hòa bình với thực dân Pháp. Từ hiệp định 6-3 đến tạm ước 14-9, ta đã cố tránh một cuộc chiến tranh đương đe dọa, tỏ rõ ý chí hòa bình. Cho tới khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, dã tâm cướp nước của bọn thực dân đã bộc lộ rõ ràng, nhân dân ta muốn níu lấy hòa bình cũng không được nữa, nên lại phải một phen đứng dậy, quyết chiến quyết thắng quân thù. Trong 9 năm chiến tranh, giặc càng đánh càng yếu, ta càng đánh càng mạnh. Nhưng bên tinh thần hy sinh anh dũng của quân và dân ta, không một lúc nào, không một cơ hội nào, ta không tỏ rõ ý muốn hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Đối với nhân dân nước Pháp, ta luôn luôn kêu gọi đoàn kết, thắt tình hữu nghị giữa hai dân tộc, chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt nam. Mãi tới trận lịch sử Điện-biên-phủ, lực lượng vĩ đại của dân tộc ta đã bảo cho quân địch biết nếu chúng không chịu chọn một giải pháp hòa bình thì sẽ bị hoàn toàn tiêu diệt trên giải đất Việt-nam. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình được lập lại là kết quả của cuộc chiến đấu anh dũng và gian khổ của dân tộc Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hồ Chủ-tịch và chính phủ, cộng với sự giúp đỡ của các nước bạn trong phe mặt trận dân chủ quốc tế do Liên-xô lãnh đạo ; nhưng cũng còn là do ý chí hòa bình của dân tộc Việt-nam. Một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu mất nước, kiên quyết đem xương máu để xây dựng nền độc lập của mình. Nhưng dân tộc ấy cũng rất yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh và một khi đã lập lại được hòa bình thì quyết bảo vệ hòa bình. Đây là một truyền thống, một dân tộc tính của dân tộc Việt nam. Vì vậy, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất là hai nhiệm vụ chính của dân tộc Việt nam trong lúc này. Có củng cố được hòa bình thì mới thực hiện được thống nhất. Cũng như có thực hiện được thống nhất thì mới củng cố được hòa bình. Dân tộc Việt-nam với truyền thống anh dũng và yêu chuộng hòa bình của mình, đã từng chiến đấu cho độc lập và thống nhất tổ quốc, lại đương tranh đấu để củng cố hòa bình. Chúng tôi tin rằng : dân tộc ta, từ chín năm qua, đã thắng lợi trong việc bảo vệ đất nước ; ngày nay sẽ thắng lợi trong việc bảo vệ hòa bình. Chúng ta đã đánh bại những kẻ xâm lăng đất nước. Chúng ta sẽ chặn tay những kẻ vi phạm hiệp định. Dựa vào chính nghĩa, dựa vào lực lượng dân tộc cùng lực lượng hòa bình thế giới, chúng ta cần nói cho đối phương biết rằng : cái hòa bình mà chúng ta quyết tâm bảo vệ đây là hòa bình xây dựng trên công lý, trên chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Việt-nam. Kẻ nào cố ý vi phạm hiệp định, phá hoại hòa bình, sẽ bị chính nghĩa, bị lực lượng vĩ đại của những người yêu chính nghĩa, yêu hòa bình, đè bẹp, nghiến nát.

Có thể bạn thích sách  Phong Trào Đại Đông Du - Phương Hữu full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]

Trước kia, dưới ngọn cờ khởi nghĩa của các vị anh hùng dân tộc như Trần-quốc-Tuấn, Lê-Lợi và Nguyễn-Huệ, dân tộc ta đã bao phen giành được độc lập và hòa bình. Nhưng một điều mà chúng ta phải nhận thấy rằng : dưới chế độ phong kiến, hòa bình chỉ là tạm thời, không phải là hòa bình lâu dài và không thể là hòa bình lâu dài. Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, do giai cấp công nhân lãnh đạo, mới có một nền hòa bình thực sự và lâu dài. Chẳng những thế, lực lượng bảo vệ hòa bình hiện nay chẳng phải chỉ dựa trên khối đoàn kết dân tộc, mà còn có cả một hậu thuẫn vĩ đại là các nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa cùng những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Vì vậy, trong khi điểm lại những quá trình lịch sử, chúng ta tự hào về bản lĩnh anh dũng, tinh thần bất khuất, ham muốn hòa bình của dân tộc, chúng ta càng tin tưởng vào lực lượng hòa bình ngày càng lớn mạnh trên thế giới. Hòa bình nhất định được củng cố. Thống nhất nhất định được thực hiện. Độc lập, dân chủ nhất định được hoàn thành.

Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 6 của tác giả Nhiều Tác Giả.