VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC LIÊN-XÔ VÀ NHỮNG NGƯỜI CÔNG TÁC KHOA HỌC VIỆT-NAM
CÁCH mạng tháng Mười đã gắn liền khoa học với nhân sinh và mở ra một phương trời mới.
Vì tôn chỉ của khoa học là phục vụ nhân sinh nên nguồn sức chính của khoa học Liên-xô hiện nay là sự ràng buộc nó với đời sống con người, với trách nhiệm của kinh tế dân tộc. Đồng thời, sự tiến bộ không ngừng và mau chóng của khoa học là một điều kiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Từ 38 năm nay, Việt Hàn-lâm khoa học Liên-xô, đã từ một viện khoa học bưng bít với một vài sở thí nghiệm nhỏ do chế độ Nga hoàng để lại, đã trở nên một học hội lớn nhất thế giới với những viện nghiên cứu, thí nghiệm gồm có 14 chi nhánh tại các nơi trong xứ. Số người cộng tác khoa học của viện gấp 60 lần so với trước và về ngân sách, gấp 700 lần so với trước, và số viện nghiên cứu và các sở thí nghiệm trực thuộc Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô lên tới 2.500.
Ngoài Viện Hàn-lâm khoa học trung ương Liên-xô, còn có 13 viện hàn-lâm khoa học trong các liên bang cộng hòa và nhiều viện hàn-lâm chuyên môn khác.
Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô phân ra hai ngành : ngành khoa học nhân văn (sciences humanistes) và ngành khoa học tự nhiên. Mỗi ngành lại có từng viện chuyên nghiên cứu riêng từng bộ phận. Trong ngành khoa học nhân văn tức khoa học xã hội, môn sử học được đặc biệt chú trọng. Viện sử học nghiên cứu lịch sử Liên-xô, lịch sử các dân tộc trong liên bang và lịch sử các nước trên thế giới. Viện Đông phương do giáo sư Gu-be làm tổng giám đốc, là một bộ phận trong viện sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử các nước phương đông.
Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô ngày càng mở rộng việc giao lưu khoa học với các nước trên thế giới. Riêng một năm 1954, những nhà khoa học trong viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô đã tham gia 65 đại hội quốc tế và dân tộc, đã trao đổi ra ngoài 350.000 thứ sách vở và tài liệu. Trong đại hội các nhà khoa học lịch sử thế giới ở La-mã năm 1955 vừa qua, đại biểu các nhà khoa học Liên-xô do đồng chí Xi-đô-rốp, viện trưởng viện sử học làm trưởng đoàn, đã đọc hơn 10 bản báo cáo về các vấn đề khoa học lịch sử. Nhiều nhà khoa học các nước đã đến thăm Liên-xô để nghiên cứu về phương hướng tìm tòi của khoa học và kinh nghiệm của các nhà khoa học Liên-xô trong mỗi ngành khác nhau. Cũng riêng một năm 1954, những đoàn khoa học của hơn 30 nước cả châu Âu lẫn châu Á đã là khách của xứ xã hội chủ nghĩa.
Các nhà khoa học Liên-xô đương đem hết những công sức, kiến thức và kinh nghiệm của mình để làm tròn nhiệm vụ của chính phủ và nhân dân trao cho là phấn đấu cho sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Các nhà khoa học Liên-xô cũng đương đem hết những công sức, kiến thức và kinh nghiệm của mình để cống hiến cho nhân dân toàn thế giới và sự nghiệp hòa bình.
Sau Cách mạng tháng Mười, Liên-xô là thành trì của cách mạng và trụ cột của hòa bình thế giới. Nhân dân Việt-nam nói chung, các nhà công tác khoa học Việt-nam nói riêng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, luôn luôn hướng về Liên-xô, học tập những vị đạo sư vĩ đại của cách mạng, của khoa học Liên-xô để phục vụ cách mạng, phục vụ khoa học, đấu tranh cho tổ-quốc được thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần vào việc xây dựng hòa bình thế giới.
Riêng đối với các bạn chuyên môn nghiên cứu về khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học lịch sử theo quan điểm chủ nghĩa Mác, chúng ta được học tập rất nhiều ở các bậc đàn anh Liên-xô về phương pháp nghiên cứu. Bức thư của đồng chí Tốp-si-ép, hội viên viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô và là tổng thư ký chủ tịch đoàn viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô, gửi cho chúng tôi vừa rồi là một khuyến khích rất lớn cho những người đương học tập nghiên cứu khoa học lịch sử ở Việt-nam. Gần đây, trong việc trao đổi tài liệu học tập về lịch sử, về văn học, chúng tôi cũng luôn luôn nhận được những thư tín của các học giả Liên-xô chỉ bảo và đề ra thảo luận những vấn đề có liên quan đến lịch sử, văn học Việt-nam. Theo chỗ chúng tôi biết, thì hiện nay tại thành phố Mạc-tư-khoa, thành phố Lê-nin và trong khắp liên bang xô-viết, số người nghiên cứu về lịch sử Việt-nam càng ngày càng nhiều. Tại viện Đông-phương, cùng với đồng chí Mô-ki-ta-ri-ăng, một số bạn đang chuyên nghiên cứu về lịch sử, kinh tế và ngôn ngữ Việt-nam. Nhiều sinh viên Liên-xô đã làm những luận án về lịch sử cận đại và hiện đại Việt-nam. Đối với nước « Việt-nam anh dũng », các bạn chẳng phải chỉ cần biết từ khi thành lập nước Việt-nam dân chủ cộng hòa qua chín năm kháng chiến và hơn một năm đấu tranh hòa bình, mà còn muốn biết cả những cuộc đấu tranh chống đế quốc từ non một trăm năm Pháp thuộc và chống phong kiến từ hàng nghìn năm trước. Nhiều ý kiến của các bạn đã giúp cho chúng tôi nhận thức thêm về quan điểm mới và kiểm soát lại những nhận định cũ, đẩy mạnh thêm việc học tập nghiên cứu lịch sử Việt-nam. Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô cũng như các nhà khoa học Liên-xô đã quan tâm rất nhiều đến khoa học Việt-nam, đặc biệt là khoa học lịch sử, cũng như lời đồng chí Tốp-si-ép, chúng tôi mong sự cộng tác huynh đệ giữa các nhà công tác khoa học ở Liên-xô và các nhà công tác khoa học ở Việt-nam đã bắt đầu và sẽ càng ngày càng mật thiết hơn.
Được soi sáng bằng chủ nghĩa Mác và được sự giúp đỡ dìu dắt của các bậc đàn anh Liên-xô, chúng tôi tin tưởng các bạn công tác khoa học Việt-Nam ta sẽ ngày càng thu được những tiến bộ mới bằng sự cố gắng học hỏi, đẩy mạnh công tác để gánh vác trách nhiệm của Đảng đã giao cho và góp phần vào việc xây dựng khoa học ở Việt-nam.
Trưởng Ban nghiên cứu
Văn Sử Địa Việt-nam
Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 13: Số Đặc Biệt Về Hội Nghị Cách Mạng Nga 1905-1907 ở Mạc Tư Khoa.