Tào Tháo tự Mạnh Đức là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Hoa, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Là người có công lớn trong việc dẹp loạn khăn vàng và Đổng Trác. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà Nho ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Tào Tháo còn là một nhà thơ xuất sắc. Ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào, cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.
Bộ tiểu thuyết Tào Tháo – Thánh Nhân Đê Tiện gồm 10 tập này là một bức tranh đầy đủ và toàn diện nhất về cuộc đời và con người của Tào Tháo. Ngay khi được xuất bản ở Trung Quốc bộ sách đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt.
Tào Tháo là nhân vật có tính cách phức tạp và nhiều hình tượng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vừa giảo hoạt gian trá, lại thẳng thắn chân thành; vừa khoan dung độ lượng, lại đa nghi khôn cùng; vừa hảo sáng, lại hẹp hòi; khí phách anh hùng, tình cảm dạt dào; hành động tàn nhẫn, tâm địa Bồ Tát. Tào Tháo là một nghệ nhân Biến Diện tài tình, lúc thì mang gương mặt này, thoắt cái lật sang gương mặt khác. Có thể hợp nhất những tính cách phức tạp như vậy trong một con người, là điều vô cùng khó, vậy mà tất cả những thứ ấy đều hội tụ nơi ông. Dường như con người Tào Tháo là tổng hòa của mọi mâu thuẫn trên thế gian.
– Bóc đi từng lớp vỏ hình mẫu của kẻ phản diện mà lịch sử đã khoác lên cho Tào Tháo trong suốt hơn một ngàn năm qua, đẩy lại phía sau sân khấu hình tượng kiêu hùng với tính cách phức tạp, sai khác sự thật lịch sử để phục dựng một nhân vật vĩ đại của lịch sử Trung Hoa.
– Lột tả chân thực thế giới nội tâm phong phú của nhiều nhân vật lịch sử đương thời.
– Dẫn dắt độc giả ngược dòng thời gian diện kiến những anh tài kiệt xuất trên con đường đi tìm nghệ thuật làm quan, đạo nghĩa làm người.
Về tác giả
Vương Hiểu Lỗi – Một “Thiên tài sử học” bí ẩn – đã dành hơn 10 năm nghiên cứu về Tào Tháo để viết nên bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử đồ sộ này.
Vương Hiểu Lỗi – Người chưa từng công khai lộ diện trước giới truyền thông Trung Quốc.
Vương Hiểu Lỗi – Được mệnh danh là “Phát ngôn viên cho Tào Tháo ở thế kỷ XXI”.
Tháng Tư năm Kiến An thứ sáu (năm 201 sau Công nguyên), bầu không khí khốc liệt bao trùm khắp một vùng bên bờ Hoàng Hà. Trời càng ngày càng nóng hơn, mặt trời giữa trưa tựa như một quả cầu lửa thiêu đốt mặt đất mênh mông, khiến mặt sông đang ào ào chảy về đông hắt lên những ánh vàng chói chang, lấp lánh.
Tại Thương Đình trên bờ bắc Hoàng Hà, hơn bảy vạn tướng sĩ đang nghiêm trận chờ đợi, lập thành ba lớp phòng tuyến trước sau, chuẩn bị chặn đánh quân Tào sắp vượt sông. Đại tướng quân Viên Thiệu dựng soái kỳ trên một gò đất cách bãi sông không xa, ông ta đã gầy đi nhiều, sắc diện cũng tái xanh hơn, nhưng trước sau vẫn chăm chú nhìn sang bờ đối diện, không nói một câu.
Chỉ có quân sư Thẩm Phối, tham quân Bàng Kỷ và Viên Đàm nhận ra, hôm nay Viên Thiệu không giống như trước nữa, mà đã giảm đi mấy phần uy phong của một hậu duệ danh môn bốn đời tam công. Tuy không nói, nhưng ông ta ngồi trên ghế lắc lư thở dốc, những thớ thịt trên mặt thi thoảng lại giật giật, tay nắm chặt chuôi gươm cũng run rẩy mãi – đó không phải vì căng thẳng mà là vì bị sỉ nhục!
Viên Thiệu dẫn mười vạn đại quân vượt sông xuống phía nam, hô to khẩu hiệu “Phụng Hán uy linh, chiết xung vũ trụ”,[239] kết quả lại thua trước Tào Tháo với binh lực chưa bằng một nửa mình, lương thảo khí giới tổn thất quá một vạn xe. Vì không có cách nào vượt sông rút lui nên hơn bảy vạn quân Hà Bắc đã phải chết thảm dưới lưỡi đao của quân Tào. Với một tướng quân kiêm danh sĩ cao quý, ngạo mạn như Viên Thiệu, thì đó là một sự sỉ nhục không sao nói hết được. Một trận thất bại mà thay đổi quá nhiều, quân sĩ chiêu mộ suốt mấy năm phải bỏ mạng, lương thảo vất vả tích lũy bị mất sạch, ái tướng từng là cánh tay phải đắc lực chạy theo giặc. Trong khi đó, nửa năm trước Tào Tháo vẫn còn suốt ngày lo sợ, bây giờ lại xuân phong đắc ý, diễu võ dương oai, sắp đánh tới tận Hà Bắc này rồi. Tình thế đã hoàn toàn đảo ngược.
Viên Đàm khoanh tay đứng bên cạnh Viên Thiệu, nhìn mồ hôi đang túa đầm đìa trên trán phụ thân, trong lòng y xuất hiện một linh cảm chẳng lành, bèn cúi mình nói nhỏ:
— Phụ thân, mấy ngày nay ngủ không yên giấc, hôm nay lại không ăn sáng, có lẽ phụ thân nên về trướng nghỉ ngơi chăng? Hơn nữa, Quách Đồ đã bố trí đâu vào đấy, việc theo dõi quân địch, chỉ huy trận địa hãy để con tạm thay cho….
Mời các bạn đón đọc Tào Tháo – Thánh Nhân Đê Tiện (Tập 6) của tác giả Vương Hiểu Lỗi.