Câu chuyện về cơ bản được trần thuật từ một nhân vật xưng “tôi” – người kể chuyện. Gọi là kể chuyện, nhưng câu chuyện không dựa trên một cốt truyện rõ ràng. Nếu bảo kể lại rất khó. Chỉ có thể đại loại thế này: Nhân vật ông Ba đứng ra kể về cuộc đời, số kiếp của ông cùng những người trong gia đình – một gánh xiếc rong hành nghề ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ những năm tạm chiếm. Trong chương trình biểu diễn của gánh xiếc này có một tiết mục được coi là hấp dẫn nhất, là linh hồn của các đêm diễn (nên cũng trở thành quan trọng nhất trong việc câu khách, bán vé, mưu sinh) – màn phóng dao của ba vai diễn: Tôi – người đứng sau tấm ván có nhiệm vụ giữ tấm ván cho vững, cô em gái còn nhỏ tuổi đứng áp lưng vào mặt trước của tấm ván, và người anh trai cả trong vai phóng dao cầm 12 lưỡi dao sáng loáng phóng trực diện lần lượt cắm xung quanh khuôn mặt người em gái. Sau nhiều đêm thành công, có một đêm, do người phóng dao bị phân tâm, cô em gái đã bị nạn. Cũng từ đêm kinh hoàng đó cô gái trở thành một phế nhân mang triệu chứng bệnh tâm thần, gánh xiếc cũng tan vỡ, gia đình ly tán, mỗi người một số phận đau buồn theo những cách khác nhau… Nhưng đây không phải là một truyện kể, mà là một tiểu thuyết, được viết bằng kỹ thuật, nghệ thuật của tiểu thuyết. Toàn bộ câu chuyện và các nhân vật tham gia vào câu chuyện được trình bày như một quá trình, sự sống cứ thế mở ra sống động trong từng vi mạch. Hiệu quả là: Tác phẩm vần vụ những suy tư, chiêm nghiệm, day dứt, nghiền ngẫm về số kiếp con người. Tất cả đã hoà kết, cộng hưởng lại, tạo cho tác phẩm một ám ảnh, một ba động lớn.
Viết tiểu thuyết này, tác giả chọn cách thức trần thuật theo kiểu hồi ức. Từ thời gian hiện tại, nhân vật tôi – ông Ba nay đã già cả, độc thân, làm nghề bán dạo các con rối bằng vải tự làm – kể lại câu chuyện của những ngày cả gia đình hành nghề xiếc rong. Thỉnh thoảng ông đến thăm bà em (trước kia là cô đào đứng trước tấm ván) cũng đã già, sống độc thân, sau lần bị nạn có một bộ óc trẻ con và gần như đánh mất ý niệm về thời gian, cả hai cùng ngồi vẩn vơ lúc quên lúc nhớ chắp nối những mẩu quá khứ u buồn. Ông già đã để cho ký ức lúc chập chờn bảng lảng khói sương, lúc chói gắt dữ dội đi về xen ngang thì hiện tại. Chất liệu hồi ức được biểu đạt ở đây không hiện ra theo cách trình tự mà được đảo lộn, xáo trộn; không nặng về kể tả, mà nặng về tâm trạng, suy tư, chiêm nghiệm, cật vấn. Đây là một dạng truyện viết theo cách của một hồi ức tự nghiệm. Tính chất cảm thương và u buồn bao trùm, đè nặng lên từng câu chữ.
Mạc Can đã tiếp nối thật tự nhiên và đầy trách nhiệm chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của nền văn học Việt Nam: Trực tiếp hướng về số kiếp con người theo cách biểu hiện lòng xót thương đau đớn đối với con người và cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện nhân cách con người – những giá trị nhân văn cổ điển vĩnh hằng. Đó là mạch nguồn chảy mạnh mẽ trong lòng văn chương dân tộc đã có từ xa xưa, qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, qua Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao và rất nhiều nhà nghệ sĩ tên tuổi khác. Trong một bối cảnh xã hội có nhiều rạn nứt và đổ vỡ như xã hội hiện đại hôm nay, chỉ có các giá trị nhân văn cổ điển mới có khả năng cứu vãn thế giới. Các giá trị nhân văn cổ điển lành tính sẽ xoa dịu, sẽ hàn rịt lại những tổn thương tinh thần to lớn của con người hiện đại. Tôi tin tưởng điều đó. Thành công của Tấm ván phóng dao chẳng phải là một minh chứng đầy sức thuyết phục đó sao! Tác phẩm làm ấm lòng những người kỳ vọng vào nền tiểu thuyết Việt Nam hôm nay.
Tháng 3/2011, “nhà văn trẻ” Mạc Can trở về Sài Gòn sau gần 2 năm sống ở Mỹ để lấy cảm hứng viết cuốn sách dạng hồi ký mang tên Nhớ (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ ấn hành). Có thông tin cho biết, khoảng đầu năm 1980, có một đoàn làm phim của Nhật đến Sài Gòn ghi hình. Mạc Can được mời vào vai người đi chợ để giới thiệu các sản vật Việt Nam. Khởi đầu sự nghiệp viết văn ở tuổi 60 bằng tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”, cứ ngỡ Mạc Can chỉ ghé qua khu vườn văn chương thoáng chốc rồi đi. Thế nhưng 9 năm qua, ông đã lần lượt cho ra đời nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn được bạn đọc yêu thích. Ông được giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, ông cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM.
Truyện, tập truyện:
Tiểu thuyết:
Tạp bút:
Mưa rơi lộp độp trên mái lá nhà lồng chợ vắng tanh, chợ không người, sân khấu không ánh đèn, không khán giả, buồn ai oán, chung quanh mờ mịt gió nước, tiếng ếch nhái ồm ộp, một lúc vang vang, một lúc lặng thinh. Tiếng mưa rơi hoài, não ruột suốt canh thâu, tôi thao thức mòn mỏi cho tới khi thiếp đi, bàn tay lạnh vô tình đưa lên khuôn mặt không thể nào gột sạch dấu phấn trắng, chì đen, son đỏ. Đôi mắt sâu thăm thẳm lấy đêm làm ngày, trong mưa, từ cõi nào vảng lại tiếng cầu kinh hoang mang, dàn đồng ca của kiếp côn trùng nơi bùn lầy nước đọng không khác gì cuộc đời những người hát rong!
Tôi chợt thúc dậy ngu ngơ, phải một lúc mới nhớ mình đang ở đâu, tôi đang ngồi trên cái giường của tôi, một tấm ván đầy vết dao, những vết thương không bao giờ lành, đau đớn, ẩm ướt. Ngoài kia, một khoảng không gian u ám, bỗng có vài ánh đèn dầu tù mù, tiếng người thì thầm, chợ quê nhóm lúc nào, người ta gọi là chợ ma, trời chưa sáng chợ đã vội tan, còn một mình tôi trơ trọi ngơ ngác, mộng du nửa thức nửa ngủ, tôi đi, mơ hồ giữa trời đêm, đứng nhìn về phía nhà lồng chợ, nơi gánh hát rong của gia đình tôi mới tới chiều nay. Cơn mưa làm cho tấm bảng quảng cáo hình nhân nhạt nhoà, loang lổ, mưa cũng làm cho tấm bảng hiệu Nghệ Tinh, tên gánh hát nghèo của cha tôi hoen úa đi, mà cũng mưa khiến cho cả nhà đói meo như vầy đây, cha mẹ tôi cứ mãi lang bang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà. Cuối trời một màu mây biếc, màu tím pha chút xanh lam lạnh nhạt, lúc sau ủng hồng một ngày mới, trên những chiếc lá non còn long lanh giọt nước mưa khuya, còn ngày hôm qua ư, đã chết đi rồi.
Tôi rất thích những buổi sáng tinh sương, mọi vật như ngưng lại, hay là chưa bắt đầu cho những xôn xao, tâm hồn con người ta cũng chọt bâng khuâng yêu mến cuộc sống hơn, yêu người và mọi vật chung quanh hơn.
…
Mời các bạn đón đọc Tấm Ván Phóng Dao của tác giả Mạc Can.