Tám Triều Vua Lý Tập 1: Thiền Sư Dựng Nước – Hoàng Quốc Hải full prc pdf epub azw3 [Tiểu thuyết Lịch sử]

Tám Triều Vua Lý Tập 1: Thiền Sư Dựng Nước – Hoàng Quốc Hải full prc pdf epub azw3 [Tiểu thuyết Lịch sử]

Tác giả:
Thể Loại: Review sách
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBPDFĐỌC ONLINE

Bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã cho người đọc thấy được bức tranh của thời đại nhà Lý từ khi nó ra đời tới khi kết thúc kéo dài 216 năm (1010-1225).

Triều đại nhà Lý là triều đại đầu tiên đưa Đại Việt trở thành một quốc gia văn hiến. Bởi nó có tôn giáo, triết học, luật pháp, văn chương và lịch sử.

Việc tổ chức chính quyền đã hoàn chỉnh từ hương ấp, trấn, lộ đến triều đình, đặc biệt việc tổ chức quân đội với chính sách “Ngụ binh ư nông” là một sáng tạo vô cùng to lớn của Thái tổ Lý Công Uẩn. Hình thức này duy trì suốt cả thời đại nhà Lý và nhà Trần vẫn tiếp nối.

Một vấn đề khác có giá trị tư tưởng và sáng tạo của nhà Lý là ở chỗ dung hợp được cả ba tôn giáo: Phật – Nho – Đạo và khai thác ở mỗi tôn giáo một tính chất ưu việt nhất để làm định hướng cho sự xây dựng và phát triển xã hội. Đó là:

Xã hội Nho.

Tâm linh Phật.

Thiên nhiên Đạo.

Nhà Lý đã đưa đạo Phật vào đời sống một cách ngọt ngào, đưa văn hóa Phật giáo hòa vào văn hóa dân tộc. Vì vậy đã giải thích vì sao hàng ngàn năm qua trong mọi bước thăng trầm của lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc.

Ngay việc dời đô, chọn Đại La là nơi trung tâm cho sự phát triển dài lâu của đất nước, vua mở nghiệp của nhà Lý đã có một nhãn quan thấu thị, do đó Thăng Long xưa và Hà Nội nay vẫn là một trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế không nơi nào trong nước có thể thay thế được.

Tác giả đã công phu nghiên cứu lịch sử và văn hóa thời Lý khá kỹ lưỡng, nên đã tái hiện được lịch sử một cách trung thực. Trong đó từ sinh hoạt đời thường đến lễ hội và phong tục từ gia đình đến cung đình đều được khắc họa một cách sinh động và hợp lý.

Toàn bộ tác phẩm xuyên suốt các triều vua kéo dài 216 năm đều bám sát lịch sử nhưng không phụ thuộc vào lịch sử. Tác giả đã sử dụng các hoàn cảnh lịch sử, nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử một cách đúng mức chứ không lạm dụng. Ví dụ thời Lý vào các giai đoạn suy thoái nảy sinh nhiều hiện tượng dị đoan kỳ quái, nhưng tác giả chỉ điểm xuyết chứ không sa đà.

Phần hư cấu từ nhân vật đến tính cách và hoàn cảnh khiến tác phẩm mang tính chân thực hơn. Về điểm này, tác giả đã khai thác thế mạnh của bút pháp tiểu thuyết lịch sử khi viết bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần.

Với kiến thức sâu rộng, tác giả đã cung cấp cho người đọc mang tính liên thông của cả một thời đại mà từ xưa tới nay dường như chưa có một tác giả nào làm được.

Cái khó của tác giả là tài liệu tham khảo về thời đại nhà Lý vô cùng ít ỏi. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn nhất của nước ta, ghi chép suốt 216 năm của thời đại này cũng chỉ vẻn vẹn gần 200 trang sách. Tác giả đã phải tìm kiếm nhiều trong các truyện dân gian, các truyền thuyết, các gia phả, thần phả, hoành phi, câu đối và bi ký tại các nơi thờ tự. Hơn hết, tác giả có so sánh đối chiếu với lịch sử của nhà Tống là thời đại song song với nhà Lý, nên cung cấp được nhiều thông tin hai chiều, khách quan; tránh được những kết luận võ đoán do thiếu tư liệu, điều rất dễ xảy ra khi viết tiểu thuyết lịch sử.

Có thể nói, Tám triều vua Lý là một bộ tiểu thuyết đồ sộ xứng đáng với việc tri ân các bậc tiên liệt đã làm rạng rỡ non sông Đại Việt cách đây đúng một ngàn năm. Và nó ra đời đúng dịp cả nước làm lễ đại kỷ niệm Một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Phải nói đây là tấm lòng thành kính và sự nỗ lực phi thường của tác giả, đáng được trân trọng.

***

Bộ “TÁM TRIỀU VUA LÝ” gồm 4 tập:

***

Có thể nói, giới đại trí thức Phật giáo có ý thức xây dựng một nước Đại Việt độc lập tự chủ với một nền Việt Phật đã manh nha từ thời Đinh, Lê.

Vai trò tham dự triều chính trong cương vị quốc sư hoặc cố vấn cho nhà vua như Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Định Hương, Vạn Hạnh v.v… đã hướng cho các vị hoàng đế đi vào con đường tâm linh Phật.

Khi nhà Lê tụt dốc suy thoái tới cùng cực, với Ngọa triều Lê Long Đĩnh là hiện thân cho cái ác ra đi, triều thần tôn phò Lý Công Uẩn là bề tôi của Long Đĩnh lên ngôi nước.

Vậy là nhà Lý lấy ngôi nước bằng con đường nhân ái chứ không phải bằng bạo lực.

Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng nơi cửa Phật từ ba tuổi. Khi sáu tuổi về ở với thiền sư Vạn Hạnh.

Ai cũng biết Vạn Hạnh là bậc thiền sư lỗi lạc, ngoài hiểu thông tam giáo, sư còn quán thông các khoa lý số, ngài là bậc tiên tri đại giác, không việc gì ở đời sư không biết trước.

Lý Công Uẩn được một bậc thầy siêu việt dạy dỗ và dẫn dắt vào đời. Thông thường các bậc đại sư nuôi đệ tử là để kế tổ truyền đăng. Nhưng Vạn Hạnh sau khi truyền dạy cho Lý Công Uẩn đủ sức giúp đời, thì ông tiến cử người học trò của mình vào giữ một chức quan võ trong triều đình nhà Lê.

Vì sao Vạn Hạnh lại đào tạo Lý Công Uẩn trở thành một chính khách, chứ không khiến ông trở thành một thiền giả. Ấy là bởi lần đầu tiên nhác thấy Lý Công Uẩn ở chùa Kiến Sơ với sư Khánh Văn, thiền sư Vạn Hạnh đã thốt lên: “Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”. (Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ, quyển II).

Vậy là từ lâu, các bậc đại trí thức trong giới Phật giáo đã có hoài bão phù giúp một bậc vua anh minh, đủ tài đức xây dựng nước Nam trở thành một nước cường thịnh cùng với một nền Phật giáo đậm sắc thái văn hóa Việt.

Vạn Hạnh đã chẳng mách cho hoàng đế Lê Hoàn xuất quân phá Tống, bình Chiêm vào thời điểm nào thì toàn thắng đó ư.

Khuông Việt đã chẳng lên núi Vệ Linh lập đàn cầu thần trợ lực cho quân dân Đại Việt phá Tống đấy ư. Khuông Việt cũng từng giúp Đinh Tiên Hoàng việc nội trị và ngoại giao được nhà vua phong giữ chức tăng thống, tựa như một bậc quốc sư.

Lê Hoàn khi được ngôi nước thường băn khoăn không biết vận số vắn dài ra sao, liền đem ý đó hỏi thiền sư Đỗ Pháp Thuận.

Đỗ Pháp Thuận khuyến cáo nhà vua bằng bài kệ:

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh.

Nghĩa là ngôi nước phải chắc vững như một bụi mây với những sợi mây quấn quýt vào với nhau, ý nói phải đoàn kết muôn dân mới trở thành sức mạnh của cả dân tộc. Và nơi điện các, tức bộ máy triều đình phải vô vi thanh tịnh, đây ám chỉ sự trong sạch, tận tâm vì dân vì nước. Và như vậy thì ngàn dặm trời Nam đã yên hưởng thái bình, nhà vua còn phải lo gì đến việc binh đao nữa.

Có thể bạn thích sách  Cấp Trên, Xin Bao Nuôi! - Bát Trà Hương full mobi pdf epub azw3 [Hiện Đại]

Thiền sư Pháp Thuận giúp Lê Hoàn hoạch định chính sách buổi sơ triều rất đắc dụng. Khi đất nước đã yên trị, Lê Hoàn phong chức tước gì sư cũng từ khước cả.

Rõ ràng là các bậc thiền sư đã tận tâm phù giúp các bậc quốc vương, nhưng chưa vị nào đáp ứng được sự đòi hỏi của lịch sử.

Nay ngôi nước đã vào tay Lý Công Uẩn, một người xuất thân từ cửa Phật, được đào tạo hết sức bài bản và xuất hiện đúng lúc mà lịch sử cần.

Vậy là vương triều Lý nảy sinh từ khát vọng lâu đời của giới trí thức Phật giáo, và người đạo diễn thiên tài lại chính là thiền sư Vạn Hạnh.

Trong hoàn cảnh lịch sử nước nhà vào giai đoạn ấy, ngoài giới trí thức Phật giáo ra, chưa xuất lộ một tầng lớp nào đủ tư cách và trí tuệ dẫn dắt dân tộc ta đi vào con đường tự cường.

Chính thể Thuận Thiên của Lý Công Uẩn tuyên cáo một đường lối chính trị hết sức công khai và minh bạch. Đó là: Tam giáo đồng nguyên.

Bởi trong xã hội đương thời đang tồn tại ba tôn giáo. Ấy là Nho – Phật – Đạo.

Thực ra mỗi tôn giáo này đều có một vị giáo chủ:

– Phật do đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập.

– Nho, do đức Khổng Tử hoàn thiện học thuyết.

– Đạo, do Lão Tử chủ trương.

Sở dĩ nói “đồng nguyên” là bởi mục tiêu tối thượng của cả ba tôn giáo này đều hướng tới tính thiện, tính nhân văn. Và nhà Lý chiết xuất ra ở mỗi dòng đạo những điều ưu việt nhất làm định hướng căn bản cho việc xây dựng xã hội. Đó là: Xã hội Nho – Tâm linh Phật – Thiên nhiên Đạo.

Vì rằng muốn tổ chức một xã hội có kỷ cương trật tự, có lễ luật chặt chẽ thì không thể không dựa vào sự ràng buộc của tam cương[i], ngũ thường[ii] của Nho giáo.

Nhưng điểm yếu nhất của Nho giáo là vị kỷ, là phân chia đẳng cấp, là trọng giàu khinh nghèo, trọng nam khinh nữ sẽ tạo ra nhiều nhân tố bất ổn cho xã hội.

Vậy muốn điều chỉnh nó thì con người phải biết tôn trọng lẫn nhau, sống trong hiếu hòa, hiếu thiện và từ bỏ lòng tham lam ích kỷ, sân hận cố chấp, để tiến tới giác ngộ mà giải thoát ra khỏi cám dỗ vật chất của đời thường, và để đạt tới sự tiến hóa ấy thời phải lấy tâm linh Phật làm cứu cánh.

Lại nữa con người cùng với muôn loài được sinh ra dưới ánh mặt trời kể cả các loài thấp sinh, noãn sinh và thảo mộc đều bình đẳng. Vì vậy Lão Tử chủ trương muôn loài phải nương tựa vào nhau, cùng tồn tại chứ không loài nào được chèn ép loài nào. Con người cũng như các loài khác phải tôn trọng thiên nhiên, như Thượng đế đã an bài. Do đó, cái thiên nhiên sinh tồn phải là thiên nhiên Đạo.

Tam giáo đồng nguyên là như vậy, và nó chính là triết lý nhân sinh cũng đồng thời là định hướng chính trị cho xã hội thời đại nhà Lý.

Nhân sinh quan đó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Việt tộc, và nó được thăng hoa khi gặp tính minh triết nguyên thủy của giáo lý Phật, tự khắc có một sự dung hợp kỳ lạ, như là một sự trợ duyên để dân tộc ta đến với Phật giáo. Cũng từ đó Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Nhà Lý tôn đạo Phật làm quốc đạo. Song không vì thế mà ức chế các dòng đạo khác. Ví dụ việc tổ chức bộ máy cai trị, vị trí của Nho giáo đã biến thành các định chế pháp luật. Còn để quản trị các tôn giáo khác, nhà nước bổ nhiệm một vị Tăng quan gọi là Hữu nhai tăng thống, một vị Đạo quan gọi là Tả nhai đạo lục.

Khi xây dựng kinh thành, ngoài các cung điện là nơi coi chầu và nơi làm việc thì biểu tượng cho tôn giáo cũng được xây cất một cách tương ứng. Ví như bên hữu là chùa Vạn Tuế, bên tả là quán Thái Thanh, ở giữa là lầu Ngũ Phượng Tinh. Sự cất nhắc quan lại là ở nơi tài đức, chứ không có sự phân biệt nguồn gốc tôn giáo. Tuy nhiên đã là quan lại của triều đình thì phải hiểu thông tam giáo (Phật – Nho – Lão). Việc đó về sau trở thành định chế quốc gia. Nghĩa là khi các thí sinh đã đỗ Minh kinh bác sĩ (Tiến sĩ), còn phải thi qua tam giáo. Nếu trúng tuyển mới được bổ nhiệm.

 

Nên nhớ cùng đồng đại với ta thời đó thì Châu Âu sa đà vào chiến tranh tôn giáo triền miên, kéo cả Châu Âu ngập chìm trong đêm trường trung cổ…

Việc tổ chức bộ máy nhà nước thời Lý thể hiện tính dân chủ, bình đẳng và chân thực của giáo lý Phật. Còn như tính bác ái, nhân văn lại được thể hiện trong chính sách cai trị của nhà Lý.

Vừa giữ ngôi nước, việc đầu tiên Lý Công Uẩn làm là bãi bỏ tất cả các hình thức xử tội man rợ của các triều đại trước như ném người vào vạc dầu, nhốt tội nhân vào các chuồng hổ, báo cho thú dữ ăn thịt, đẩy tội nhân xuống hầm rắn độc, tuốt xác người bằng các thân cây nứa già đập dập, trói người có tội vào cọc đóng bên mép sông khi nước cạn, chờ khi nước lên ngập, dìm người đó chết dưới nước sâu, hoặc các tội như voi giày, ngựa xé v.v

Việc thứ hai là cấp tiền gạo cho dân lưu tán, vì không chịu nổi ách áp bức của cường hào, phải bỏ quê hương đi tha phương cầu thực, nay được trở về quê cũ làm ăn.

Việc thứ ba đại xá tô thuế cho cả nước trong ba năm liền.

Việc thứ tư là định ra sáu sắc thuế đánh vào các sản vật quý khai thác từ nguồn lợi của rừng và biển như: sừng tê, ngà voi, trầm hương, ngọc trai, đồi mồi, muối.

Việc thứ năm là thiên đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên đô thành mới là Thăng Long.

Thăng Long là thế rồng bay lên. Quả nhiên suốt bốn trăm năm trải hai thời đại Lý – Trần, kinh đô đóng tại Thăng Long thì Đại Việt đều ở thế phát triển về mọi mặt, thế nước trở nên giàu thịnh và cả cường thịnh. Cho tới nay, khắp Đại Việt không nơi nào có thế đất đẹp nằm trong sự phát triển hài hòa và trường cửu như Thăng Long. Và đó chính là tầm nhìn xuyên thiên niên kỷ của vị vua khởi nghiệp nhà Lý.

Lý Thái tổ là bậc minh quân, đồng thời là người ái dân, được thể hiện ra bằng các hành vi cụ thể, chứ không ở lời nói suông.

Thương dân nghèo không có ruộng cày cấy, nhà nước khuyến khích nông dân khai hoang vỡ hóa các đất bãi bồi, đất bìa rừng, đất hoang hóa tùy theo công sức bỏ ra mà tha tô thuế cho từ ba, năm hoặc bảy năm, và cho làm chủ luôn đất ấy.

Hàng năm vào mùa giáp hạt, dân nghèo thường phải bán lúa non cho bọn người cho vay nặng lãi, thành thử hai sương một nắng mà người nông phu vẫn không dứt được đói nghèo.

Nhà nước đã có lệnh cấm, nhưng xem ra không có hiệu lực, bởi dân đói vẫn cứ phải bán và bọn nhà giàu đe dọa nếu kẻ nào tố cáo sẽ bị chúng cho tay chân trừng trị. Thành thử lúa đã vào mẩy, chắc ăn rồi thì nhà giàu mới mua, với giá chưa đầy một phần mười giá trị thực.

Nhà vua vi hành biết được tình trạng đó, liền cho lập các kho lúa của nhà nước trong các vùng nhân dân thường thiếu lương thực vào kỳ giáp hạt. Đúng dịp đó kho lúa nhà nước sẽ cho dân vay, tới khi mùa vụ gặt hái phơi phóng xong, dân lại đem tới kho nộp trả.

Có thể bạn thích sách  Tam Quốc Hài Hước: Giá Của Bít Tất Thối - Chu Nhuệ full prc pdf epub azw3 [Hài Hước]

Làm như vậy có hai điều lợi: một là dân không còn bị người giàu bóc lột nữa. Hai là việc đổi hạt, lúa trong kho không còn bị mối mọt vì để lâu.

Có một việc các sử gia đời Lê, Nguyễn là các thời đại thượng tôn Nho học, bài xích Phật giáo đã có những phê phán bất công với Lý Thái tổ. Rằng nhà vua đã cấp độ điệp cùng lúc tới cả ngàn người vào học trong các đạo tràng để đào tạo sư tăng, lại cho xây cất cả ngàn ngôi chùa gây tốn của nhà nước và hại sức dân.

 

Các sử gia đâu có biết việc dựng các ngôi chùa làng vào thời đó, ở các vùng nông thôn thì chùa tranh vách đất, chứ lấy đâu ra gạch ngói. Vào thời ấy, nước ta rừng chiếm tới chín phần mười đất đai cả nước thì việc khai thác tre gỗ chẳng có gì gây tốn kém. Chắc chắn chỉ các ngôi chùa lớn trong kinh thành được xây dựng bằng gạch gỗ theo một quy mô phù hợp với kinh thành mới tạo lập.

Vả chăng các sư tăng trụ trong các chùa làng, ngoài nhiệm vụ tu trì và hướng dẫn tâm linh cho dân chúng, nhà sư còn kiêm vai trò của một thầy giáo để dạy chữ cho trẻ, lại nữa thầy chùa còn kiêm cả thầy thuốc vừa trị bệnh cho dân, vừa hướng dẫn cho dân biết sử dụng các loại cây, lá để tự chữa trị các bệnh thông thường.

Việc nhà chùa khai trí cho dân lúc này là cần thiết, bởi phần lớn các chức dịch nơi hương thôn và một phần các châu, quận đều không biết chữ. Họ phải nộp sổ bộ thuế má và các việc chi thu bằng các cuộn dây thừng, với các nút thắt buộc thay cho các chữ số.

Vì vậy nếu nhà nước có mở trường học sẽ gặp khó khăn, vừa không có thầy dạy vừa không có người học. Do đó buổi sơ triều nhà Lý cho lập nhiều chùa làng, và thầy chùa kiêm nhiệm cả ba chức năng là phù hợp với hoàn cảnh xã hội vào thời điểm lịch sử đó.

Nhà Lý chủ về Phật, nên mọi việc làm đều xuất phát từ lợi ích của muôn dân, tức là vị tha chứ không vị ngã. Vì vậy mọi việc chi tiêu đều sẻn kiệm, kể cả việc quân.

 

Việc tổ chức quân đội chủ yếu là quân hộ giá, quân bảo vệ kinh thành và quân trấn biên thùy, vì vậy số thường binh (quân thường trực) không nhiều. Song lại dùng chính sách “Ngụ binh ư nông”. Tức là không bứt người nông phu ra khỏi ruộng đồng, mà hàng năm huy động tất cả các tiểu hoàng nam (18 tuổi) đến đại hoàng nam (20 tuổi) đều phải đi học từ một đến hai tháng vào lúc nông nhàn, để biết sử dụng các loại binh khí và kỹ xảo chiến đấu, do các đô tướng của triều đình cử về huấn luyện. Vì vậy khi nước có giặc ngoại xâm hoặc có biến động gì, huy động vài ba chục vạn quân là điều không khó. Việc tổ chức binh bị theo cách này, nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp, ông Pierre Pasquier trong L’Annam d’autrefois (Nước An Nam xưa) đã từng nhận xét: “L’Annam a connu le soldat laboureur avant la Rome antique”[iii]. Và về sau nhà Tống còn phải học.

Trong Vân đài loại ngữ Lê Quý Đôn viết: “Thái Diên Khánh làm quan ở đất Hoạt, thường theo phép hành binh của An Nam. Bộ đội chia làm các hạng chính binh và phiên binh từ cách tổ chức, huấn luyện đến tác chiến chia thành từng môn loại, biên chép tỉ mỉ thành sách, dâng lên vua Thần tông (nhà Tống) được vua khen”. (Tống Thần tông 1068-1091).

Trong mười tám năm trị vì, Lý Thái tổ đã ba lần tha tô thuế cho dân, trong đó có hai lần, mỗi lần tha ba năm, lần thứ ba cũng tha ba năm nhưng chỉ tha cho nửa số tô thuế, gộp lại là bảy năm rưỡi dân không phải nộp tô, không phải đóng thuế. Xét ra trong lịch sử cổ kim từ khi có tổ chức nhà nước, thì chưa có một nhà nước nào đã làm được một việc phi thường như triều Thuận Thiên của Lý Công Uẩn.

Lý Công Uẩn không chỉ gần dân, lo nỗi lo của dân mà ông còn dạy các hoàng tử cũng phải tự cày ruộng, trồng lúa thơm để lấy gạo đồ xôi dâng cúng tổ tiên trong các ngày giỗ, tết.

Triều Thuận Thiên đã có định hướng chính trị để xây dựng xã hội rất minh bạch, và đã xây được nền móng vững chắc cho các triều đại sau kế tiếp.

Nhìn nhận về vị vua khởi nghiệp của nhà Lý, cụ Phan Bội Châu vinh danh: “Lý Công Uẩn là vị Tổ Trung hưng thứ nhất của nước ta”.

Tiếp sang triều Lý Thái tông, nhà vua phát triển lên một bước nữa, tức là cai trị đất nước phải tuân theo luật pháp. Vì vậy vua sai triều quan san định bộ Hình luật được hoàn thành vào năm Nhâm ngọ (1042). Đây là bộ Hình luật sớm nhất của nước ta. Nhưng cơ sở cho sự ra đời của bộ Hình thư năm Nhâm Ngọ, là do nhà vua thấy việc xử kiện ở các cấp không theo một chuẩn mực thống nhất, đôi khi tùy thuộc vào tình cảm của người xử, nên có sự thiên vị. Trong dân chúng, nhất là những người nghèo thường kêu bị quan xử oan ức. Vì vậy nhà vua sai san định luật văn dựa trên sự công bằng và trên quyền lợi của số đông dân chúng, chứ không phải luật san định ra chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cho người cầm quyền và người giàu, mà gây thiệt hại cho dân chúng thì đó chính là đầu mối của sự loạn.

 

Vì vậy khi luật ban ra, triều đình cử các xuất nạp quan[iv] về tận nơi thôn cùng xóm vắng nghe ngóng, thu thập qua các vụ xét xử. Nếu điều nào dân cho là tiện (tức phù hợp với lợi ích của người dân) thì giữ nguyên, điều nào dân cho là bất tiện (không công bằng) thì nhà vua sai tu chính lại.

Trong hai mươi sáu năm cầm quyền, Lý Thái tông đã thúc đẩy đất nước phát triển về mọi mặt. Sự đạo cũng như sự đời đều phát triển lành mạnh. Ấy là đối nội còn đối ngoại phía bắc khiến nhà Tống phải nể trọng, phía nam khiến Champa phải kính phục. Các chính sách đối với các đầu mục là dân tộc thiểu số miền biên địa ở phía bắc, nơi thường xảy ra tranh chấp đất đai với người Tống, nhà vua cư xử rất độ lượng, và cố kết họ thành phên giậu để bảo vệ từng tấc đất chốn biên thùy. Thậm chí, nhà vua đem cả con gái mình gả cho đầu mục. Ví như việc gả công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái, hoặc công chúa Kim Thành gả cho châu mục châu Phong là Lê Thuận Tông, cũng như việc tha cho Nùng Trí Cao khi y làm phản. Các việc trên sử gia đời sau không hiểu nổi ý đồ của tiền nhân, nên đã hạ bút phê phán mang tính áp đặt theo quan điểm nho học thiển cận, bất chấp hoàn cảnh lịch sử làm nảy sinh các sự kiện từ mấy trăm năm trước đó.

Lý Thái tông là một vị vua rất trọng thị việc nông tang. Nhà vua tự mình tìm ra phương pháp dệt gấm. Ngài bắt các cung nữ cũng phải trồng dâu, chăn tằm và dệt lụa. Chính ngài dạy cho cung nữ biết dệt gấm, và tự mình mặc loại gấm nội ấy để thiết triều. Tiếp đó, ngài mở kho lưu trữ các loại gấm mua của nhà Tống thường để may triều phục cho các quan, nay phát hết cho mọi người đem về cho gia đình vợ con. Và từ đây tất cả các quan đều phải mặc triều phục may bằng gấm nội.

Có thể bạn thích sách  Chào Anh, Bác Sĩ Tần - Dạ Mạn full prc pdf epub azw3 [Hiện Đại]

Chính nghề dệt lụa và dệt gấm lại từ trong cung cấm phổ cập cho dân chúng. Nay tại chùa Kim Liên phường Nghi Tàm còn thờ công chúa Thiều Hoa, là con gái vua Lý Thần tông đã đem nghề trồng dâu, chăn tằm và dệt lụa về dạy cho dân làng. Để nhớ ơn, khi bà viên tịch, dân lập tự thờ bà.

Gần dân và yêu dân là đường lối bất biến của các vua nhà Lý, đó chẳng phải là Phật tính trong các vị vua thiền sư nhà Lý sao?

Tuy nhiên, xây dựng cho bằng được một quốc gia văn hiến, một quốc gia giàu thịnh, một quốc gia độc lập, tự chủ sánh ngang với quốc gia hùng mạnh phương bắc cũng là mục tiêu của các vị vua thiền sư nhà Lý mà sức mạnh trí tuệ đã được các bậc thiền sư lỗi lạc khai minh từ thuở Lý Công Uẩn còn là một chú tiểu tăng núp bóng thầy Vạn Hạnh nơi chùa Lục Tổ, chùa Tiêu Sơn.

Tiếp sang thế hệ thứ ba, tức triều đại Lý Thánh tông. Vị vua này không chỉ chăm lo đến việc phát triển kinh tế (trong đó có khai mỏ: đồng, bạc, vàng) mà còn chăm lo đến việc học. Tới Lý Thánh tông các điều kiện cần và đủ cho một nền giáo dục bậc cao mới tròn đầy. Vì vậy ông sai lập Miếu văn thờ Khổng Tử và mở Quốc học viện cho các quốc tử sinh và nho sinh vào học, để chuẩn bị cho các kỳ thi đại khoa (tiến sĩ).

Hơn hết, nhà vua lo việc binh bị để chuẩn bị đối phó với âm mưu xâm lược của Tống Thần tông và Vương An Thạch đang ngày một hiển lộ.

Lý Thánh tông có hai người bề tôi kiệt xuất. Việc nội trị có Thái sư Lý Đạo Thành, việc binh bị có Thái úy Lý Thường Kiệt. Ngoài ra các nhân tài văn võ nhiều không kể xiết.

Còn như bên giáo hội thì các cao tăng giúp vua, giúp nước cũng khá nhiều như Huệ Sinh, Bản Tịch, Viên Chiếu v.v…

Lý Thánh tông là người cầm cương chính hết sức quyết đoán, nhưng biết lắng nghe và thấu hiểu lòng dân. Ông là người có trí tuệ siêu việt, và cũng là một vị vua có lòng nhân ái và tôn trọng nhân phẩm con người một cách kỳ lạ.

 

Sử cũ chép, có lần nhà vua xử kiện ở điện Thiên Khánh. Khi ấy công chúa Động Thiên ngồi hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Nhân dân nhiều người vô tình mà phạm tội, không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương xót. Từ nay về sau không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất loạt khoan giảm”.

Lại một lần khác trời rét, vua nói với tả hữu: “Ta ở trong cung mặc áo cừu, lò sưởi ngự mà còn thấy rét. Vậy những người tù quần một manh, áo một mảnh lại phải ăn đói nữa. Vả chăng việc quan lại xét xử liệu có được công minh”. Rồi vua sai phát chăn áo ấm và cho tù ăn no, và cấm ngục lại không được bắt tù làm việc riêng cho nhà mình.

Thông thường việc xử kiện do Thẩm hình viện phụ trách. Nhưng vua vẫn băn khoăn việc xét xử đôi khi oan ức gây tan nhà nát cửa cho những người dân thấp cổ bé họng, nên Lý Thánh tông sai lập Đô hộ phủ sĩ sư để xử lại (nay gọi là xử Giám đốc thẩm) các vụ án còn gây ngờ vực.

Song để những người làm việc trong Đô hộ phủ sĩ sư giữ được sự liêm chính, vua cho bổng mỗi người một năm là 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá khô và muối; ngục lại mỗi người một năm 20 quan tiền và 100 bó lúa để giữ thanh liêm.

Đến đây ta có thể nói pháp luật nhà Lý có yếu tố tôn trọng nhân quyền rất cao.

Tương tự như vậy mãi đến ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, nhân loại mới ra được bản Tuyên ngôn nhân quyền, trong đó điều 11 khoản 1 có nội dung gần giống với luật hình nhà Lý năm Nhâm ngọ (1042) và được thể hiện trong cách ứng xử của Lý Thánh tông.

Nội dung điều 11 khoản 1 như sau: “Phàm ai bị cáo dưới tội danh gì đều được coi là vô tội cho đến khi tội danh ấy được chứng minh rõ rệt trong một vụ xét xử công khai có đủ bảo đảm cho bị cáo về quyền bào chữa”.

 

(Nguyên văn bản tiếng Pháp: Toute personne accusée d’un acte délictueux est présumée innocente jusqu’à ce que sa culpabilité ait été l’également établie au cours d’un procès public où toutes garanties nécessaires à sa défense lui auront été assurées).

Một điều nữa có thể làm sửng sốt hậu thế, ấy là khi Lý Thánh tông băng hà vào năm 1072, bà nguyên phỉ Ỷ Lan tức Linh nhân hoàng thái hậu nhiếp chính, đã lãnh đạo quốc gia này trong đó có hai cuộc chiến tranh. Một cuộc sai Lý Thường Kiệt đem mười vạn quân sang phá tan các sào huyệt, mà tại đó nhà Tống chuẩn bị các phương tiện hậu cần và một số quân lực mưu toan xâm lược nước ta. Tiêu diệt hoàn toàn các căn cứ hậu cần của nhà Tống rồi rút quân về mà quân Tống không dám truy đuổi. Đó là vào năm 1075. Biết nhà Tống thế nào cũng trả thù, bà Ỷ Lan lại sai Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến ngăn giặc tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) và hiệu triệu toàn dân tham gia kháng chiến.

Quân Tống kéo sang bị cầm chân tại bờ bắc sông Như Nguyệt, và bị tiêu diệt tới sáu bảy phần. Chúng không chịu nổi phải chấp nhận giảng hòa rồi lui quân về Bắc vào tháng 3 năm 1077.

Tới đây có thể nói Đại Việt đã trở thành một quốc gia văn hiến, một quốc gia cường thịnh, một quốc độ Phật. Và như vậy là tâm nguyện và hoài bão của các bậc tiền bối như Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Định Hương, Đa Bảo và xa hơn nữa là thiền sư Định Không đã viên thành, cũng tức như các vị đã tròn đầy đạo quả.

 

Nhân kỷ niệm Một ngàn năm về thời đại huy hoàng vào bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tôi chỉ xin khái lược đôi nét rút ra từ tinh thần tự cường dân tộc được thể hiện trong nội dung bộ tiểu thuyết lịch sử TÁM TRIỀU VUA LÝ mà tôi dốc cả tâm lực và trí tuệ ra viết gần hai chục năm trời; trước hết là để tri ân các bậc tiền nhân và sau đó là cống hiến cho hết thẩy quý vị độc giả mang dòng máu Việt tộc.

Hà Nội, tháng 5 năm 2010

HOÀNG QUỐC HẢI

Mời các bạn đón đọc Tám Triều Vua Lý Tập 1: Thiền Sư Dựng Nước của tác giả Hoàng Quốc Hải.