Dương Vân Nga là cháu, gọi Dương Như Ngọc – vợ Ngô Quyền bằng cô ruột, được Ngô Quyền nuôi ở trong cung. Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu là Xương Ngập. Ngô Xương Văn trừ được Dương Tam Kha, lên ngôi vua là Nam Tấn Vương. Nam Tấn Vương đem quân đi đánh Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Bộ Lĩnh là người có chính nghĩa, vì dân vì nước, DươngVân Nga ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh nên bị Nam Tấn Vương giam vào lãnh cung. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên làm vua, lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Nhà Tống chỉ phong Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận vương. Dương Vân Nga đã vận động dân chúng may tấm long bào cho Đinh Bộ Lĩnh bằng tơ lụa dệt trong nước. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, con nhỏ là Đinh Tuệ lên nối ngôi. Quân Tống sang xâm lược nước ta. Biết Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có đủ tài lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược, Dương Vân Nga đã khoác tấm long bào lên mình Lê Hoàn để ông ra chiến trướng đánh giặc cứu nước.
Tác giả khéo tay khi viết về Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, đã thông qua nhân vật xuyên suốt lịch sử thời đại này là Thái hậu Dương Vân Nga. Bà Thái hậu hiểu được tình thế mất còn của dân tộc, nguyện vọng dân chúng cần một người tài năng, trí tuệ hơn người để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vì thế bà đã chủ động khoác áo long bào (áo rồng), biểu tượng của nhà vua, lên mình Lê Hoàn. Bào rồng cũng là áo trận. Dương Vân Nga đã thay mặt toàn dân trao sứ mệnh chống giặc cứu nước cho người hiền tài.
Tác phẩm minh định nhân vật Nguyễn Bặc: không hề dính líu gì đến quân xâm lược Tống. Nguyễn Bặc chỉ vì trung nghĩa với triều Đinh nên chống lại Lê Hoàn. Đây chỉ là mâu thuẫn nội bộ, không phải là mâu thuẫn ta – địch. Lê Hoàn đánh dẹp Nguyễn Bặc nhưng vẫn dùng con trai Bặc là Nguyễn Đê làm tướng. Sau, Nguyễn Đê trở thành một vị tướng quan trọng ngang với Lý Công Uẩn.