Bằng giọng văn chân thật, bà đã vẽ ra cả một xã hội vẫn còn những ngổn ngang lo âu, toan tính, đặc biệt là những con người nhỏ bé, vô danh, lao xao như đàn khỉ ở Phi châu.
Phi châu là bối cảnh quen thuộc được Paule Constant lựa chọn để mô tả những con người lam lũ, cơ cực. Cuộc sống của họ thường hiện lên như những kẻ man rợ, điên rồ và mù quáng, nhiều khi ranh giới giữa người và vật dường như không còn. Thực chất, đó chỉ là nét vẽ biếm họa của bà để những con người phương Tây hiện đại thấy rõ rằng: bên cạnh cuộc sống sung túc của họ thì còn cả những dân tộc, những đất nước, những con người đói khổ, khao khát cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Tâm Hồn Trong Trắng (White Spirit) như là một tác phẩm mô tả hành trình kiếm tìm hạnh phúc của một con người nhỏ bé – chàng trai Victor. Victor rời nhà tới châu Phi, nơi anh hy vọng đó sẽ là miền đất hứa. Trên con tàu La Volonté de Dieu, anh đã tình cờ gặp một cô gái. Đó là Lola. Để rồi hành trình ra đi thoát khỏi quá khứ, vươn tới tương lai của anh trở thành một cuộc săn đuổi hạnh phúc. Victor đã vượt qua bao gian khó, bao tráo trở, bao lừa lọc, và vượt lên chính cả sự tha hóa của con người mình để đến với cuộc sống do chính anh tạo dựng.
Đọc Tâm Hồn Trong Trắng (White Spirit) dễ khiến độc giả liên tưởng tới phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, với một bên là những kẻ bóc lột (César và Ysée) và một bên là 800 công nhân trong nông trường chuối – những kẻ như Victor, như Lola, và những con người bản xứ. Nhưng thực chất, đây chỉ là một cách mô tả cuộc sống đến tận cùng một cách trần trụi của Constant mà thôi. Để bạn đọc sẽ nhận thấy từ đó những bất công, những đau khổ mà nhiều nhân vật phải gánh chịu, cũng như tự lý giải nguyên nhân gây nên những bất công, đau khổ đó.
Nét độc đáo là ở chỗ, Tâm Hồn Trong Trắng (White Spirit) ẩn chứa những mối tình hư hư thực thực. Nhìn thấy đấy mà lại như không thấy. Một đốc công độc ác với nhân công như Ysée, lại vô cùng đáng thương trong bóng tối, khi một mình đối diện với chính cái bóng lẻ loi của mình, khi trong căn phòng biệt lập với mọi người, lại hiện diện tình cảm đau đớn giữa ông ta với một con khỉ cái. Mối tình giữa César và Lola là mối tình chủ tớ, đầy mùi tiền và mùi chuối thối. Mối tình thánh thiện của Victor với Lola, lại thấp thoáng sự tự do đến đau lòng của con khỉ con, ngơ ngác trước thế giới đầy cạm bẫy…
Sau hàng loạt tác phẩm dịch thành công như: Rừng thẳm của Julien Gracq, Bạn tôi tình tôi của Marc Levy, Người đàn bà thứ bảy của Frédérique Molay… Tâm hồn trong trắng là sản phẩm mới nhất của dịch giả Hiệu Constant.
***
Paule Constant hiện tại sống tại Aix-en-Provence, một thành phố miền Nam nước Pháp. Bà là giáo sư giảng dạy văn học Pháp tại trường đại học Paul Cézanne (Aix-Marrseille III). Là một nữ tiểu thuyết gia, nhưng đồng thời bà cũng viết rất nhiều tiểu luận và cũng là một nhà phê bình văn học độc đáo. Bà đã thành lập và là Chủ tịch Trung tâm đào tạo nhà văn trẻ Miền Nam (Pháp) – Jean Giono tại thành phố Aix-en-Provence.
Là một người bắt đầu sự nghiệp văn chương hơi muộn, cuốn tiểu thuyết đầu tay ra đời khi bà đã gần tuổi 40. Tác phẩm Ouregano (1980) đã ngay lập tức được bạn đọc đón tiếp nồng nhiệt và đã nhận được giải thưởng Valery Larbaud. Kể từ đó, nữ nhà văn làm việc không mệt mỏi và cho ra đời những tác phẩm có giá trị văn chương cao.
Trong hầu hết các tác phẩm của mình, Paule Constant thường đi ngược dòng chảy với xã hội hiện tại. Bà đi sâu tìm hiểu cuộc sống đến tận chân tơ kẽ tóc, qua đó mà thực chất được phơi bày lộ liễu. Văn của Paule Constant là giọng văn trần thuật, hiện thực. Một nhà văn giàu kinh nghiệm sống và cặp mắt quan sát sâu rộng. Sáng tác của bà gần gũi với các tầng lớp người trong xã hội. Từ giàu sang đến nghèo hèn, ai cũng có thể tìm được bóng dáng mình trong đó. Chủ đề các tác phẩm của bà thường đề cập đến các nước thuộc địa. Bà lách sâu xuống đến tận cùng của đáy cuộc sống để moi bói từ đó lên chút tinh hoa tình người còn xót lại trong xã hội vật chất hoá này. Trong các tác phẩm của bà, cái ranh giới giữa người và vật đôi khi hay bị xô đẩy và nó hết sức mong manh. Những tác phẩm của Paule Constant đã được chọn để giảng dạy trong các trường học, được các công trình nghiên cứu văn chương chọn làm chủ đề nghiên cứu ở Pháp cũng như nhiều nước trên thế giới