Cuốn sách “Tài liệu hướng dẫn dạy học các Hoạt động Giáo dục lớp 9” thay cho sách giáo khoa hiện hành, học sinh học theo mô hình Trường học mới Việt Nam sử dụng sách Hướng dẫn học, được thiết kế dựa trên chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ sách gồm 8 môn học : Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử và Địa lí), Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Hoạt động giáo dục (Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật).
Mỗi bài học trong sách Hướng dẫn học được biên soạn trên cơ sở sắp xếp lại nội dung sách giáo khoa hiện hành, giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề để có thể tổ chức dạy học theo tiến trình sư phạm của các phương pháp dạy học tích cực. Từ vấn đề cần giải quyết đặt ra ở hoạt động “Khởi động”, học sinh có nhu cầu “Hình thành kiến thức” để giải quyết vấn đề ; “Luyện tập” để thông hiểu và phát triển các kĩ năng ; “Vận dụng” vào thực tiễn và “Tìm tòi mở rộng”.
Mỗi hoạt động học của học sinh được thiết kế theo một kĩ thuật dạy học tích cực.Khi tổ chức dạy học trên thực tế, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, giáo viên cần vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo : Cần linh hoạt, chủ động thay đổi tình huống/câu hỏi/lệnh/nhiệm vụ học tập trong hoạt động “Khởi động” phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của nhà trường, đảm bảo gần gũi với kinh nghiệm sống của học sinh (kết thúc hoạt động này, giáo viên không chốt về nội dung kiến thức mà chỉ giúp học sinh phát biểu được vấn đề để học sinh chuyển sang các hoạt động tiếp theo) ;
Giúp học sinh chiếm lĩnh được kiến thức, kĩ năng mới theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành trong hoạt động “Hình thành kiến thức” (kết thúchoạt động này, trên cơ sở kết quả hoạt động học của học sinh thể hiện ở các sản phẩm học tập mà học sinh hoàn thành, giáo viên cần chốt kiến thức mới để học sinh chính thức ghi nhận và vận dụng) ;
Giúp học sinh củng cố, hoàn thiện kiến thức, kĩ năng vừa lĩnh hội được trong hoạt động “Luyện tập” (kết thúc hoạt động này, nếu cần, giáo viên có thể lựa chọn những vấn đề cơ bản về phương pháp, cách thức giải quyết các câu hỏi/bài tập/tình huống/vấn đề để học sinh ghi nhận và vận dụng) ;
Đối với hoạt động “Vận dụng” và “Tìm tòi mở rộng”, cần tập trung giúp học sinh vận dụng được các kiến thức, kĩ năng đã học để phát hiện và giải quyết các tình huống/vấn đề trong cuộc sống ở gia đình, địa phương… ;khuyến khích học sinh tiếp tục tìm tòi và mở rộng kiến thức ngoài lớp học (các hoạt động này không cần tổ chức ở trên lớp và không đòi hỏi tất cả học sinh phải tham gia.
Tuy nhiên, giáo viên cần quan tâm, động viên để có thể thu hút nhiều học sinh tham gia một cách tự nguyện ; khuyến khích những học sinh có sản phẩm chia sẻ với các bạn trong lớp).
Khi tổ chức dạy học, cần lưu ý rằng việc chia nhóm phải linh hoạt, tuỳ theo nội dung bài học, điều kiện lớp học và cơ sở vật chất, đảm bảo tất cả học sinh được hoạt động học tích cực, tự lực, hiệu quả ; không nhất thiết phải chia nhóm ở tất cả các bài học. Trong trường hợp phòng học không đủ diện tích để bố trí cho học sinh ngồi học theo nhóm, có thể bố trí học sinh ngồi như lớp học truyền thống để thực hiện các bài học với các hình thức hoạt động học cá nhân, cặp đôi, toàn lớp.