Nhằm giúp cho các giáo viên tiểu học hiểu rõ những nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức hoạt động dạy học theo sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 3 hiệu quả, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức biên soạn Tài liệu bồi dưỡng giáo viên môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 – Bộ sách Chân trời sáng tạo.
Cuốn tài liệu được cấu trúc gồm hai phần: Phần thứ nhất. Những vấn đề chung: Hướng dẫn chung về sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3. Nội dung phần này tập trung giới thiệu về sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 3; về cấu trúc sách và cấu trúc chủ đề trong sách giáo khoa; về phương pháp tổ chức hoạt động; về phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; về cách sử dụng hiệu quả sách giáo viên Tự nhiên và Xã hội 3 cũng như giới thiệu về sách bổ trợ cho môn học; về khai thác thiết bị và học liệu trong tổ chức hoạt động cũng như cách khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên sách và các học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Phần thứ hai. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch bài dạy môn tự nhiên và xã hội 3: Hướng dẫn tổ chức dạy học các dạng bài trong môn Tự nhiên và Xã hội 3. Nội dung phần này chủ yếu gợi ý, hướng dẫn cho giáo viên cách tổ chức dạy học các dạng bài trong sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 3, bao gồm: dạy học bài hình thành kiến thức mới, dạy học bài thực hành, trải nghiệm thực tiễn và dạy học bài ôn tập.
Tài liệu bồi dưỡng giáo viên môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 – Bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và trên cơ sở kế thừa, phát triển những thành tựu đổi mới về phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động theo định hướng phát triển năng lực. Do đó, tác giả hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích, thiết thực cho các giáo viên khi triển khai đồng bộ, đại trà chương trình và sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 3. Đồng thời, tài liệu cũng được biên soạn theo hướng mở nhằm giúp giáo viên có thể chủ động, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện của các địa phương và năng lực thực tế của học sinh trên mọi vùng miền đất nước.
Tác giả rất mong nhận được ý kiến góp ý của quý thầy cô giáo và độc giả đề tài liệu được hoàn thiện hơn.
Trân trọng cảm ơn!