“Bạn không nhất thiết phải là người Pháp mới có thể trở thành một người Paris” – Karl Lagerfeld Tôi có hai người bạn gái, sống ở Paris. Cô thì đã lấy chồng, cô thì bay đi bay về Việt Nam với một tình yêu đẹp, một công việc tốt. Họ đều lựa chọn ở lại Paris, như một lựa chọn của cuộc đời, cho dù có thể sống ở bất kỳ đâu: Milan, Berlin, Hongkong… với tài năng của chính mình. Hay, như Karl Lagerfeld nói, họ đã lựa chọn trở thành người Paris, cho dù không phải là người Pháp. Paris có gì đẹp mà bạn tôi lại yêu đến thế? Trong số các triệu chứng kỳ lạ, có một thứ gọi là “Hội chứng Paris” – là một chứng rối loạn tâm lý thoáng qua mà một số khách du lịch gặp phải khi du lịch tới Kinh đô Ánh sáng. Trái với những gì ta vẫn hình dung qua phim ảnh về một kinh đô lấp lánh ánh đèn, những cặp đôi yêu nhau dắt tay đi trong những con phố nhỏ, những Cosette với Marius ở Ngã tư Latin vọng về từ tiểu thuyết – Paris hiện đại là một thành phố với tràn ngập người nhập cư, những “nghệ sĩ” móc túi và người bán hàng rong. Một thành phố đối lập kỳ lạ, đủ sức đánh gục bất kỳ du khách nào, nhưng lại có ma lực biến người xứ khác thành một “Parisien” đích thực. Có lẽ bởi, người Paris là một giá trị vĩnh cửu hơn những gì thời gian có thể làm với một thành phố. Nếu để định nghĩa chính xác thể loại của Sống Như Người Paris, chắc ta sẽ phải tạo thêm một nhãn dán mới – nhãn “Sách về Paris”. Bởi lẽ chỉ với vài trăm trang giấy, không chỉ con người, mà cả không khí làm nên những con người đó, xã hội họ sống, địa điểm họ tới đều được tái tạo lại một cách rõ nét. Gập cuốn sách lại, bạn muốn hỏi con người Paris thực ra là thế nào? Đó là một bí mật, bởi “Bí mật của cô nàng Paris là thế đó. Bí mật ấy làm má nàng thêm hồng và môi cười thêm tươi. Tình yêu của nàng dành cho tình yêu.[…] Nàng chung tình không thể tưởng tượng nổi, nhưng chẳng phải lúc nào cũng cùng một người đàn ông.” Nàng như thế nào, xin hãy tự khám phá.*** “Bảo bối” là chi tiết căn bản khoác lên người bạn từ đầu đến chân. Không cần phải bỏ cả mười năm tiền lương vào tủ áo của bạn, cũng chẳng cần xin ứng lương trước cả năm. Không. Chỉ cần một món đồ duy nhất: món đồ bạn sẽ lấy ra khi cần cảm thấy mình mạnh mẽ. Không phải cô nàng Paris nào cũng được bà nội hay bà ngoại mở ngăn tủ ra và bảo: “Quà cho cháu yêu của bà, chọn đi cháu!”. Còn lâu mới được như thế. Vậy thì? Cô nàng Paris lùng sục ở chợ trời, trong các cửa hàng đồ ký gửi hay trên ebay. Nàng tìm thấy ở đó món đồ đẹp đẽ này, món đồ nàng sẽ mang suốt đời. Dù là thứ gì chăng nữa, chiếc trech coat thật đẹp, đôi giày cao gót hay chiếc túi xách da, thì món đồ ấy là bảo bối, được giữ gìn, và nhất là thường xuyên mang trên người. Đi kèm với một chiếc quần jean, giày búp bê hay áo vest thắt đai. Phần còn lại của trang phục cần đơn giản để không tạo cảm giác trông bạn như cây thông Noel. Bảo bối là trang phục hợp với bạn một cách kỳ diệu, như đo ni đóng giày cho bạn: nó khiến từng cử chỉ động tác của bạn đều trở nên thoải mái và tự nhiên. Duyên dáng. Chất liệu hoàn hảo, đường kim mũi chỉ không chê vào đâu được – nhưng không hề lộ liễu. Bảo bối thì không “lộ”, đó là một bí mật. Một món đồ không tuổi. Không bao giờ lỗi mốt. Không phô trương, không lộ mác. Bởi tất cả những gì giống với các cái (hai chữ C, một chữ D to đùng hay các chữ YSLđều là thứ ngôn ngữ dành cho bảng đo thị lực. Với các cô nàng Paris, xa xỉ không nhất thiết phải xưng tên. Đó là một món quà phụ nữ tự tặng cho mình, tùy theo độ tuổi, sở thích và hầu bao. Nó là biểu tượng của sự tự chủ và tự do của nàng, dường như nó đang thì thầm: (“đúng, tôi tự tặng nó cho mình vì tôi chăm chỉ làm việc, và vì điều đó khiến tôi hài lòng”. Là một vật thừa thãi cực kỳ cần thiết, bảo bối là tinh thần, là vũ khí trong tay, giúp ta cảm thấy bản thân thật tươm tất, mạnh mẽ tự tin.