Nước ta có điều kiện thích hợp và nguồn thực vật phong phủ cho phép phát triển mạnh nghề nuôi ong. Sản phẩm của con ong có giá trị kinh tế cao, không những cho nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Nuôi ong còn góp phần nâng cao năng suất cây trồng, hạt giống. Nghề nuôi ong, mức đầu tư không cao, ít rủi ro, chi phí thấp hơn các ngành nghề nông nghiệp khác song lại thu được lợi nhuận (một đồng vốn bỏ ra người nuôi ong có thể đạt được 4,06 đồng giá trị hay là 3.10 đồng lợi nhuận, trong khi đó người nông dân cũng bỏ ra một đồng vốn cho các ngành sản xuất nông nghiệp khác chỉ thu được 1,89 đồng giá trị hay là 0,9 đồng lợi nhuận).
Lao động trong nghề nuôi ong lại nhẹ nhàng, thích hợp với mọi giới, mọi lứa tuổi. Nghề nuôi ong đã tạo ra công ăn việc làm và góp phần tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.
Những lợi ích kinh tế kể trên đã kích thích nghề nuôi ong phát triển, đặc biệt là ở các vùng cây nông nghiệp, cây ăn quả, vùng nông lâm nghiệp và vùng rừng núi.
Tuy nuôi ong có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng không ít hộ gia đình nuôi ong còn bị thua lỗ, bị bốc bay cả đàn … thường là do chưa nắm được kiến thức và kỹ thuật nuôi ong tiên tiến của chương trình đào tạo kỹ thuật nuôi ong do Trung tâm nghiên cứu ong Trung ương tổ chức. Từ thực tế đó, chúng tôi biên soạn cuốn: “Kinh tế – kỹ thuật nuôi ong” có nội dung sát với thực tiễn nghề nuôi ong nước ta, kết hợp tri thức khoa học tiên tiến với kinh nghiệm nuôi ong từ bao đời nay của con người Việt Nam.
Cuốn sách đã được bạn đọc gần xa đón nhận và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích. Chúng tôi xin trân trọng cám ơn và lần xuất bản này đã sửa chữa bổ sung để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn và đổi tên thành “Sổ tay kinh tế – kỹ thuật nuôi ong”. Một lần nữa mong rằng cuốn sách góp phần nâng cao hiểu biết về nghề nuôi ong nước ta, đưa nghề nuôi ong ngày càng phát triển mạnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho vùng nông thôn, vùng rừng núi, tăng thu nhập cho mọi nhà nông, góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh.
NHÀ XUẤT BẢN THANH HÓA