Săn Sóc Sự Học Cho Con Em

Săn Sóc Sự Học Cho Con Em

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Khả năng của dân tộc Việt Nam thật là đáng kính! Từ đầu thế kỉ đến nay, khắp thế giới, chưa nước nào chịu nạn chiến tranh lâu như nước ta, non chín năm trời rồi, nếu kể cả từ hồi quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Hải Phòng thì là trên mười hai năm.

Điều làm cho ta tự hào nhất là trong những hoàn cảnh như vậy mà sự học vẫn phát triển, đều đều và mạnh mẽ. Trường học dựng lên nhiều. Khắp nước tiếng học vang lên. Hồi tiền chiến, cả nước may lắm được độ mười lăm trường Trung học, bây giờ có tới trên trăm rưỡi. Riêng tỉnh Long Xuyên, một miền hẻo lánh ở Hậu Giang có bốn trường Trung học, một công và ba tư. Còn trường Tiểu học thì vô số; nội một con đường nhỏ ở Tân Định (Sài Gòn) là đường Monceaux dài khoảng trăm thước, ta đã đếm được bốn trường. Dân số trong miền chiếm đóng chỉ bằng nửa dân so toàn quốc mà số học sinh ban Tiểu học tăng lên gấp năm, ban Trung học tăng lên gấp mười. Chúng ta quả là một dân tộc hiếu học và tiền đồ của quốc gia phải chói lọi ở phương Đông này.

Sự học mạnh tiến như vậy là do nhiều nguyên nhân. Hồi trước người ta hạn chế sự giáo dục, không mở thêm trường, đặt ra những kỳ thi gắt gao để lựa học sinh, không khuyến khích sự mở trường tư; bây giờ thì ngược lại, nên số học sinh tăng lên rất mau.

Có thể bạn thích sách  Một Cách Để Của Cho Con

Hồi trước, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ ngay từ ban Tiểu học nên chỉ có một số học sinh thông minh đôi chút mới theo nổi; bây giờ Việt ngữ thay thế Pháp ngữ thì trẻ nào, miễn là không có bệnh tật và được học đều đều, cũng có thể theo hết ban Trung học đệ nhất cấp.

Sau cùng, chính các bực phụ huynh học sinh cũng trọng sự học của con em hơn trước. Trong mấy năm nay, chúng ta thấy biết bao gia tài tưởng ngồi ăn suốt đời cha và đời con cũng không hết, mà ngờ đâu, khói lửa chiến tranh chỉ mới tạt qua một lần, đã tan ra tro bụi! Như vậy thì để của cho con mà làm gì? Có dư bao nhiêu, dùng hết vào sự học của trẻ bấy nhiêu là yêu chúng đấy.

Vậy săn sóc sự học của trẻ là một bổn phận của phụ huynh và là một nghệ thuật cần biết một chút ít về tâm lý và môn sư phạm.

Vì thấy từ trước tới nay chưa có ai giúp độc giả hiểu nghệ thuật đó và làm trọn nhiệm vụ đó, nên chúng tôi soạn cuốn này, đem kinh nghiệm của một người cha và một nhà giáo ra góp ý kiến với chư vị.

Chúng tôi ráng viết cho thật giản dị để những bực phụ huynh ít học cũng có thể hiểu và áp dụng ngay được. Những đoạn nào hơi có tính cách chuyên môn, khó hiểu thì chúng tôi cho in chữ nghiêng để độc giả dễ nhận. Những đoạn ấy, hiểu được thì càng hay, không cũng không hại.