Tập sách này tập hợp những ghi chép tản mạn đó của tác giả Nguyễn Hữu Thái. Nội dung sách không thuần là các sự kiện chính trị mà còn đề cập đến các sinh hoạt văn hóa, kinh tế và xã hội liên quan.
Sách gồm 3 phần tập hợp trên dưới 50 câu chuyện trong hơn 300 trang viết và hình ảnh:
– Phần đầu mang tên “Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm” (1954-1963) ghi lại giai đoạn người Pháp chuyển quyền sang Ngô Đình Diệm, với việc xuất hiện một chế độ độc đoán và gia đình trị, để chấm dứt với cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật giáo dẫn đến sự sụp đổ nền “Đệ nhất Cộng hòa”.
– Phần hai ghi lại “Sài Gòn những năm xáo trộn” (1964-1972) với trên 10 năm náo loạn của các tướng lãnh quân phiệt kình chống nhau và cuộc chiến tranh ác liệt do người Mỹ đích thân tiến hành. Sài Gòn trở thành vũ đài đọ sức một mất một còn giữa cách mạng Việt Nam và đế quốc hùng mạnh Hoa Kỳ, cụ thể qua sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và phong trào sinh viên học sinh cùng quần chúng nhân dân Sài Gòn và cả phong trào phản chiến Mỹ xuống đường chống Mỹ – Thiệu.
– Phần cuối “Sài Gòn hồi kết cục” (1973-1975) ghi lại tình hình Thành phố sau hiệp định hòa bình Paris với việc rút quân Mỹ, sự ngoan cố và tháo chạy của Nguyễn Văn Thiệu, cùng sự xuất hiện của Tướng Dương Văn Minh chấm dứt nền “Đệ nhị Cộng hòa” và thắng lợi của cách mạng miền Nam, mở ra kỷ nguyên một Việt Nam độc lập và thống nhất. Sài Gòn từ đó mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhân vật, sự kiện, địa điểm tác giả nêu lên và nhận xét đều là người thật, việc thật, nơi chốn thật. Nguyễn Hữu Thái không nghĩ mình sẽ thật khách quan, vì bản thân anh cũng có các nguyên tắc, thành kiến, sở thích và cảm nhận riêng. Tuy vậy anh tự hứa rằng mình sẽ nói thẳng và nói thật trong những trang viết này.