Alexandre Dumas – một tên tuổi rất thân thuộc với bạn đọc Việt Nam qua các tiểu thuyết : Bá tước Môngto Crixto , Hai mươi nǎm sau, Ba người lính ngự lâm
Robin Hood – Chúa trộm oai hùng, diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nước Pháp vào những nǎm 1160.
Với ngòi bút linh hoạt và sức tưởng tượng hết sức phong phú, Alexandre Dumas đã hấp dẫn người đọc qua những tình tiết hết sức bất ngờ, hồi hộp, hấp dẫn, lý thú, pha chút châm biếm khi miêu tả nhân vật chính – người anh hùng Robin Hood.
Dưới triều đại vua Henry đệ nhị, vào năm Gia-tô kỷ nguyên 1162: một buổi chiều, hai khách du hành, quần áo vấy bẩn vì đường trường, vẻ mặt tiều tuỵ vì mệt mỏi, đi qua những lối nhỏ của khu rừng Sherwood, trong lãnh địa bá tước Nottingham.
Không khí giá lạnh; cây cối mới bắt đầu trổ lá xanh phớt tháng Ba, rung nhẹ trong làn gió bấc cuối cùng của mùa đông, một lớp sương mù ảm đạm tràn lan khắp vùng trong lúc những tia nắng tà tắt lịm trong những đám mây đỏ tím ở chân trời. Chẳng bao lâu bầu trời mù mịt tối tăm, những cơn gió lạnh lướt qua khu rừng, báo trước một đêm dông tố.
Người tuổi tác hơn trong hai khách du hành trùm kín mình trong chiếc áo choàng, nói:
— Này Ritson, gió thổi dữ lắm, mi có sợ rằng ta sẽ gặp bão trước khi tới nơi không? Chúng ta có thực đi đúng đường không?
Ritson đáp:
— Thưa các hạ, chúng ta đang tiến thẳng tới đích: nếu tôi không nhớ sai, thì một tiếng nữa chúng ta sẽ gõ cổng nhà người gác rừng.
Hai người khách lạ im lặng bước đi trong ba khắc đồng hồ. Người mà bạn đồng hành xưng là các hạ bồn chồn lớn tiếng hỏi:
— Chúng ta sắp tới nơi chứ?
— Thưa các hạ, mười phút nữa thôi.
— Được, nhưng cái người gác rừng mà mi gọi là Head đó có đáng để ta tin cậy không?
— Hoàn toàn đáng tin, thưa các hạ, Head, anh rể tôi, là người thô lỗ, thực thà, ngay thẳng; anh ta sẽ kính cẩn lắng nghe cái câu chuyện kỳ lạ do Đức Ông bày đặt ra, anh ta sẽ tin ngay; anh ta chẳng biết thế nào là nói dối, cũng chẳng biết ngay cả ngờ vực là gì nữa. Kìa, thưa các hạ, – Ritson ngừng khen ngợi người gác rừng vui vẻ kêu lên, – xin hãy trông phía dưới kia làn ánh sáng phản chiếu nhuộm màu cây cối, nó tỏa ra từ căn nhà của Gilbert Head đấy! Hồi còn trẻ, mỗi buổi chiều khi chúng tôi đi săn mệt mỏi trở về, biết bao lần tôi đã sung sướng vui chào vì tinh tú này của gia đình!
Ritson đứng im lặng mơ màng, mắt đăm đăm cảm động nhìn làn ánh sáng chập chờn, nhắc nhở y những kỷ niệm dĩ vãng.
Nhà quí tộc chẳng để ý gì đến nỗi xúc động của tên đầy tớ, cất tiếng hỏi:
— Thằng bé ngủ à?
Ritson, vẻ mặt tức thời trở lại hoàn toàn hờ hững, trả lời:
— Dạ, thưa các hạ, nó ngủ say lắm. Tôi thực không hiểu sao Đức Ông lại phải nhọc lòng giữ gìn mạng sống của một đứa bé có hại cho quyền lợi của ngài đến thế. Nếu ngài muốn dứt bỏ hẳn thằng bé đó đi, thì tại sao ngài lại không đâm cho nó một nhát dao vào tim? Tôi xin tuân lệnh ngài, xin ngài cứ nói đi. Để thưởng tôi, xin ngài hãy hứa viết tên tôi vào tờ di chúc của ngài, và thế là thằng bé ngủ khì kia sẽ chẳng bao giờ thức dậy nữa.
— Mi im đi, – nhà quí tộc bỗng nhiên nói tiếp, – ta không thích cái chết của thằng bé vô tội này. Ta có thể sợ sau này sẽ có ngày bị tiết lộ ra, nhưng ta thà phải lo âu về nỗi sợ hãi đó còn hơn là phải ăn năn cắn rứt vì tội ác. Vả chăng, ta có lý do để hy vọng và ngay cả tin tưởng rằng tấm màn bí mật bao trùm lên sự ra đời của đứa bé này sẽ chẳng bao giờ bị vén lên cả. Nếu như có sự xảy ra khác thế, thì đó chỉ có thể là công trình của mi thôi, Ritson ạ; ta đoán chắc với mi rằng suốt đời ta lúc nào cũng nghiêm ngặt canh chừng các hành vi, cử động của mi. Dù được nuôi nấng như một gã quê mùa, thằng bé này sẽ không phải chịu cảnh tầm thường của thân phận mình, trong thân phận này nó sẽ tự tạo cho mình một hạnh phúc hợp với các sở thích và thói quen của nó, và nó sẽ chẳng bao giờ phải tiếc cái tên họ và tài sản mà nay nó bị mất đi mà không hề biết.
— Mong sao các hạ được toại nguyện! – Ritson lạnh lùng đáp; – nhưng thực ra thì mạng sống của một đứa bé oắt như thế này chẳng đáng để ta phải nhọc nhằn đi từ Huntingdonshire đến Nottinghamshire.
Cuối cùng hai khách du hành đặt chân xuống đất trước một ngôi nhà xinh đẹp giống như một cái tổ chim ẩn náu trong đám rừng rậm.
— Anh ơi! Anh Head ơi! – Ritson kêu to bằng một giọng vui vẻ, sang sảng, – anh ơi! Mở cửa mau lên; mưa dữ quá, đứng đây tôi trông thấy ánh lửa cháy hồng trong lò sưởi của anh. Mở cửa ra, có người bà con xin được tiếp đãi đây.
Bầy chó sủa vang ở phía trong nhà, người gác rừng thận trọng thoạt tiên đáp:
— Ai gõ đó?
— Một người bạn.
— Bạn nào?
— Roland Ritson, em anh đây. Mở cửa ra, anh Gilbert.
— Cậu đấy à, có phải Roland Ritson, ở Mansfeld không?
— Phải, phải, chính em đây, em của chị Marguerite. Nào, anh mở ra chứ? – Ritson bồn chồn nói thêm; – anh em mình sẽ trò chuyện ở bàn ăn.
Sau cùng cửa mở ra, hai người khách bước vào.
Gilbert Head thân mật bắt tay em rể, rồi lễ phép chào nhà quí tộc:
— Thưa ngài kỵ sĩ, tôi rất hân hạnh được tiếp đón ngài. Xin ngài thứ lỗi cho: vừa đây tôi đã thất lễ, để cho cửa đóng giữa ngài và gia đình tôi. Chỗ này hẻo lánh, lại thêm bọn đạo tặc lảng vảng trong rừng, bắt buộc tôi phải thận trọng, bởi vì muốn thoát khỏi hiểm nghèo mà chỉ có dũng cảm và sức mạnh thôi thì không đủ. Thưa quí khách, ngài hãy nhận cho lời tạ lỗi của tôi, và hãy xem nhà tôi đây như nhà của ngài vậy. Mời ngài đến ngồi bên lò sưởi cho khô quần áo, tôi bảo người đi chăm lo cho ngựa của ngài. Lincoln ơi! – Gilbert mở hé cửa phòng bên nói to, – hãy dắt ngựa của quí ngài đây đến nhà kho, vì chuồng nhỏ quá không đủ chỗ tiếp nhận, đừng để chúng thiếu gì cả nhé: bỏ cỏ khô cho đầy máng, chất rơm cho thật nhiều vào.
Một gã quê bận y phục kiểm lâm tức thì xuất hiện, bước qua phòng, rồi đi ra ngoài chẳng hề tò mò đưa mắt nhìn các người mới tới; sau đó một phụ nữ xinh đẹp, trạc ba mươi tuổi, đến đưa tay và trán cho Ritson hôn.
— Chi Marguerite! Chị thân yêu! – Ritson kêu to, vừa vuốt ve vừa trông ngắm người chị với một niềm thán phục hồn nhiên pha lẫn kinh ngạc; – chị chẳng có chi thay đổi cả, vẫn vầng trán thanh khiết, vẫn cặp mắt sáng chói, môi và má vẫn tươi hồng như độ nào anh Gilbert theo tán tỉnh vậy.
— Đó là vì chị sung sướng đấy, – Marguerite đưa mắt dịu dàng nhìn chồng đáp lời.
— Em có thể nói: chúng tôi sung sướng, em Maggie ạ, – người gác rừng trung thực nói thêm. – Nhờ em vui tính, nên nhà ta chưa hề có dỗi hờn, cãi lộn. Nhưng về chuyện đó nói thế là đủ rồi, ta phải nghĩ đến khách chứ… Nào! Cậu em, hãy cởi áo choàng ra, còn ngài kỵ sĩ, xin hãy giữ hết nước mưa đầm đìa trên y phục giống như giũ hạt sương mai đọng trên lá cây. Rồi chúng ta dùng bữa tối. Lẹ lên, em Maggie, bỏ vào lò một hai bó củi, bày lên bàn những món ăn ngon, trải lên giường những tấm khăn trắng nhất; lẹ lên, em.
Trong khi người thiếu phụ mau mắn làm theo lời chồng, Ritson hất áo choàng xuống phía sau, để lộ ra một đứa bé xinh đẹp bọc trong một chiếc áo lông xanh. Đứa bé mới mười lăm tháng, khuôn mặt tròn trăn, đỏ tươi, báo trước một sức khỏe hoàn toàn và một thể chất tráng kiện.
Khi Ritson đã cẩn thận vuốt thẳng những nếp nhàu trên mũ của đứa bé, y đặt cái đầu nhỏ xinh của nó xuống dưới một tia ánh sáng, làm nổi bật lên tất cả vẻ đẹp, rồi nhẹ nhàng gọi chị.
Marguerite chạy mau đến.
— Chị Maggie, – Ritson nói, – em có một món quà tặng chị, để chị khỏi trách em là trở về với hai bàn tay trống không sau tám năm trời vắng mặt… Nào, chị hãy nhìn xem cái em đem tới cho chị đây.
— Lạy thánh bà Marie! – Người thiếu phụ chắp tay lại kêu lên, – lạy thánh bà Marie, một thằng bé! Nhưng mà, cậu Roland, có phải chú thiên thần xinh đẹp này là của cậu không? Anh Gilbert, anh Gilbert, hãy lại đây mà xem một thằng bé đáng yêu quá..
— Một thằng bé! Một thằng bé trong tay Ritson à! – Không phấn khởi như vợ, Gilbert đưa mắt nghiêm khắc nhìn về phía em vợ, trầm giọng nói. – Này cậu, từ khi hết làm lính cậu đã thành người nuôi con nít ư? Sao mà kỳ cục vậy, chạy rông khắp đồng quê với đứa bé bọc trong tấm áo choàng! Thế là nghĩa lý gì kia chứ? Tại sao cậu lại đến đây? Thằng bé này là thế nào? Cậu hãy nói đi, hãy nói thực, tôi muốn biết tất cả mọi chuyện.
— Thằng bé này không thuộc về tôi, anh Gilbert ạ; nó mồ côi, vị quí tộc đây mới là người bảo hộ nó. Đức Ông quen biết gia đình chú thiên thần này, ngài sẽ nói anh biết vì sao, chúng tôi tới đây. Này chị Maggie, trong lúc chờ đợi, xin chị hãy nhận cho cái của báu này, nó trĩu nặng trên cánh tay em từ hai ngày… tức là hai giờ. Em chán cái vai trò vú em này lắm rồi.
Marguerite hăm hở giật lấy thằng bé đang ngủ, đem vào phòng mình, đặt lên giường, hôn tới tấp lên tay và cổ, bọc ấm trong tấm áo choàng đẹp mặc trong dịp lễ, rồi trở lại chỗ khách ngồi.
Bữa ăn tối trôi qua vui vẻ; lúc cuối bữa, nhà quí tộc nói với người gác rừng:
— Bà nhà rất khả ái, tỏ ra quan tâm tới thằng bé này, vì vậy tôi quyết định đưa ra với ông một đề nghị dính dáng với hạnh phúc tương lai của ông. Nhưng trước hết, xin cho phép tôi được trình bày ông rõ một số chi tiết đặc biệt về gia đình, sự sinh ra và thân phận hiện nay của đứa trẻ mồ côi khốn khổ mà tôi là người bảo hộ độc nhất. Cha nó là bạn đồng ngũ cũ của tôi trong thời niên thiếu, giữa nơi doanh trại; ông là bạn tốt và thân nhất của tôi. Khoảng đầu triều đại đức vua Henry đệ nhị, chúng tôi cùng đóng với nhau tại Pháp, khi thì ở Normandie, khi thì ở Aquitaine, khi thì ở Poiton; sau mấy năm cách biệt, chúng tôi gặp lại nhau trong xứ Galles. Anh bạn tôi, trước khi rời Pháp, có yêu say đắm một thiếu nữ, đã cưới rồi đem cô ta về Anh ở với gia đình mình. Chẳng may gia đình này lại thuộc một chi phái của một nhà vương giả, vốn tự hào, kiêu hãnh, đây óc thành kiến, không chịu thâu nhận người thiếu phụ đó, cô ta thì nghèo, chỉ có sự cao quí về tình cảm mà thôi. Sự sỉ nhục đó đập mạnh vào tim cô ta, cô ta chết tám ngày sau khi cho ra đời đứa bé mà tôi muốn cậy ông coi sóc; nó không còn cha nữa, vì anh bạn khốn khổ của tôi đã bị thương vong trong một trận chiến ở Normandie, nay đã mười tháng. Những ý nghĩ của bạn tôi lúc sắp chết là hướng về đứa con trai, anh ta kêu tôi đến, vội vàng cho tôi biết tên và địa chỉ của bà vú nuôi đứa bé, rồi yêu cầu tôi nhân danh tình thâm giao của chúng tôi mà nhận làm chỗ nương tựa, người bảo hộ cho đứa con côi. Tôi thề và tôi giữ lời thề, nhưng sứ mạng của tôi thực khó nhà làm trọn vẹn, thưa ông Gilbert, tôi còn là quân nhân, sống trong doanh trại hoặc ngoài chiến trường, không thể tự mình trông nom đứa bé yếu ớt này được. Về mặt khác, tôi không có bà con, bè bạn nào để có thể gửi gắm báu vật này mà không sợ cả. Tôi không còn biết khấn vái thần thánh nào nữa, thì một ý nghĩ chợt đến với tôi là nên hỏi Roland Ritson, là em vợ ông: anh ta tức thì nghĩ ngay đến ông, anh ta nói với tôi rằng, đã tám năm rồi xe duyên với một người vợ đức hạnh, đáng kính, ông vẫn chưa có được hạnh phúc làm cha, chắc chắn ông sẽ vui lòng đón nhận vào dưới mái nhà một trẻ mồ côi khốn khổ, con trai của một quân nhân dũng cảm. Nếu như Chúa ban cho đứa bé này mạng sống và sức khỏe, nó sẽ là người sống kề cận tôi trong lúc tuổi già; tôi sẽ kể lại cho nó nghe câu chuyện đau buồn và vẻ vang của đấng sinh thành ra nó; tôi sẽ dạy nó bước đi vững chắc trong cùng những nẻo đường mà chúng tôi, người cha oai dũng của nó và tôi, đã bước đi. Trong khi chờ đợi, xin ông nuôi nấng thằng bé giống như nó là con ông, mà ông sẽ chẳng phải nuôi nấng không công đâu, tôi xin đoan quyết với ông như vậy. Thưa ông Gilbert, xin ông hãy trả lời: ông có chấp nhận đề nghị của tôi không?
Nhà quí tộc lo âu chờ đợi lời đáp của người gác rừng. Người gác, trước khi giao ước, đưa mắt nhìn vợ dò hỏi; nhưng bà Marguerite xinh đẹp ngoảnh đầu đi rồi, nghiêng cổ hướng về phía phòng bên, bà tươi cười lắng nghe tiếng đứa bé thở thì thào nhỏ nhẹ.
Ritson, lén liếc mắt nhận xét về mặt của đôi vợ chồng, biết rằng chị mình đã sẵn lòng giữ đứa bé, mặc dầu Gilbert còn do dự, liền nói bằng giọng thuyết phục: