Tôi tin rằng, Robert Twigger là một người hạnh phúc. Tác giả của cuốn sách Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới được sống ở Ai Cập, nơi ông gắn bó bao năm của cuộc đời, bên dòng sông Nile mà ông yêu quý và gần như là tôn thờ, và đó chính là cảm hứng lớn lao để ông viết cuốn sách đặc biệt này. Sách rất dày, nhưng đọc vô cùng cuốn hút, không phải bởi tác giả đã viết rất duyên, mà còn vì con sông vĩ đại nhất thế giới ấy có biết bao nhiêu câu chuyện để kể, và khi độc giả đã ôm lấy cuốn sách rồi, sẽ không muốn buông xuống nữa, vì dường như họ đang thấy lịch sử các vùng đất, các dân tộc, các sự kiện kéo dài mấy nghìn năm như một thước phim quay chậm trước mặt họ.
Ở Palestrina, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Roma của Italia hơn 30 kilômét, có một bức tranh tường rất lớn mà tôi đã từng ngây người đứng xem trong một lần đến đây, và vì rất tò mò khi biết cái nơi chắc chẳng có mấy khách du lịch đến tham quan, khi bản thân Roma đã là một thế giới quá lớn của các bảo tàng và danh thắng, lại có một bức tranh thế này. Rộng chừng sáu mét và cao tới bốn mét, đó là một bức tranh ghép mảnh (mosaic) đã có hơn hai nghìn năm tuổi và chủ đề chính của nó là sông Nile. Đấy không phải là một tấm bản đồ mà là một bức tranh mô tả cuộc sống của con người ở hai bên bờ của con sông dài nhất thế giới từ gần giữa châu Phi ra đến Địa Trung Hải.
Ai là tác giả của bức tranh rất lớn ấy? Các nhà sử học cho rằng, rất có thể người đã tạo ra chúng là một nghệ sĩ Hy Lạp từng sống ở Ai Cập khoảng năm 165 trước Công nguyên, và nó được coi là một trong những tác phẩm sớm nhất về Ai Cập được sáng tác trên lãnh thổ La Mã. Điều đó chỉ khẳng định một sự thật mà nhiều nhà nghiên cứu về Ai Cập và La Mã cùng thống nhất với nhau từ nhiều thập niên trước: không chỉ người Ai Cập và các dân tộc, các bộ lạc châu Phi khác bị ám ảnh bởi sông Nile và yêu con sông chảy qua vùng đất của mình trong hàng nghìn năm lịch sử, mà chính người La Mã cũng có một nguồn xúc cảm mạnh mẽ đối với dòng Nile và Ai Cập. Đấy là mảnh đất mà sau đó một thế kỷ, lần lượt Julius Caesar và Augustus chinh phục nó, sau khi đã chinh phục nữ hoàng Cleopatra.
Trên thực tế, nỗi đam mê về sông Nile và các nền văn minh châu Âu đã có từ trước đó nhiều thế kỷ, bởi một lý do rất địa lý: sông Nile đổ ra Địa Trung Hải, và vào thời kỳ ấy, Địa Trung Hải là trung tâm của thế giới Hy Lạp cổ đại, với những chủ thuyết, phát kiến, khai phá và tri thức, từ nhân văn cho đến vũ trụ. Tên của con sông được kết nối với châu Âu qua nhà thơ Hy Lạp Hesiod, sống trong khoảng giữa những năm 700 và 600 trước Công nguyên, khi Ai Cập và Hy Lạp cùng chia sẻ không gian sống Địa Trung Hải. Ông gọi con sông là Neilos, trong thần thoại Hy Lạp là một trong số ba nghìn thần sông, là con của thần đại dương Oceanus và Tethys, người vợ nhưng cũng là em gái mình. Neilos chính là vị thần cai quản sông Nile.
Nói dài dòng như thế một chút để thấy con sông dài nhất thế giới ấy đã là một nguồn cảm hứng lớn lao đối với nhiều dân tộc, nhiều kẻ đi xâm lược, nhiều nhà thám hiểm, nhiều nhà văn ở mọi thời đại. Kiến thức đầu tiên của tôi về sông Nile thực ra không phải bắt đầu từ lúc đứng trước bức tranh khảm Palestrina ấy, mà nhiều năm trước đó nữa, khi còn nhỏ, nằm nhà ngốn ngấu cuốn Trên sa mạc và trong rừng thẳm của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Đấy là một cuốn sách cho lứa tuổi thiếu niên, về hành trình lang bạt tìm nhau của hai anh em, trải dài trên hàng nghìn cây số qua sa mạc Sahara. Sách không nhắc đến sông Nile, nhưng đã cho tôi, một đứa trẻ mê đọc, những tri thức và cảm xúc đầu tiên về châu Phi.
Để rồi nhiều năm sau đó, khi đặt chân đến châu Phi, nhớ đến tiểu thuyết ấy, và nhận ra mình đang hạnh phúc thế nào khi có mặt ở một châu lục đầy bí hiểm, hoang dã, nhưng tôi vẫn không may mắn như tác giả, bởi tôi chưa được đến sông Nile, dù đã từng có kế hoạch đi Ai Cập (chuyến đi bị hủy bỏ vì bất ổn chính trị ở đó). Và cuốn sách này chính là sự bù đắp cho chuyến đi bất thành ấy. Nile Đỏ là phần cuối cùng chảy ra biển của dòng Nile, là phần hợp thành của hai con sông Nile Xanh và Nile Trắng bắt nguồn từ hàng nghìn kilômét trước đó, sâu trong lãnh thổ châu Phi, hệt như một động mạch lớn chảy từ trái tim của châu lục.
Cuốn sách là một hành trình tuyệt vời đi từ lịch sử của các dân tộc sống hai bên dòng Nile, và bỗng dưng có cảm giác rằng, con sông lớn ấy là một cội nguồn của văn minh nhân loại, khi những người cổ đại đã từng sống ở đây. Dòng Nile trở thành con sông đầu tiên xuất hiện trong văn học cổ đại, từng được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước, sách Sáng Thế Ký: “Một con sông từ vườn Địa đàng chảy ra tưới khu vườn, và từ đó chia thành bốn nhánh”. Phải chăng đó chính là dòng Nile, động mạch sự sống của những cộng đồng đầu tiên sống quây quần bên nó? Sông Nile phải chăng là lối thoát của vườn Địa Đàng?
Và việc thuần hóa dòng Nile từ hàng nghìn năm trước bằng các phát minh thủy lợi đầu tiên trở thành một ví dụ cho việc con người biến tự nhiên thành đồng minh của mình. Hành trình ấy kéo dài suốt chiều dài lịch sử, khi người Ai Cập cổ đại lợi dụng những cơn lũ để chuyển đá về xây lên các kim tự tháp khổng lồ, khi người ta tạo nên những hồ chứa nước lớn để tưới tiêu nông nghiệp và điều tiết lũ như những đập nước được tạo nên ở thế kỷ XIX và XX. Con sông chứng kiến tất cả những gì đã diễn ra ở đó, không chỉ là một cái nôi của văn minh nhân loại, cái nôi của loài người mà còn là nơi có những tiến bộ khoa học, có thư viện Alexandria mà thủ thư của nó là nhà khoa học Eratosthene, người tìm cách đo chu vi Trái đất.
Đọc Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới, chúng ta không chỉ biết đến những câu chuyện về khỉ đầu chó, hà mã hay cá sấu (vị thần vĩ đại trên sông Nile, mỗi năm cướp đi mạng sống của hơn một nghìn người khu vực này và vì thế mà loài này được thờ cúng ở Ai Cập, dù chúng mang đến “những nụ hôn thần Chết”), mà còn biết bao câu chuyện về những chuyến thám hiểm đi tìm đầu nguồn của dòng Nile, với bao giai thoại về những con người nổi tiếng đã đến đây trong lịch sử, và bị sông Nile quyến rũ. Sau đó, một cách rất khéo léo, Robert Twigger dần đưa chúng ta trở về với thời hiện đại khi khẳng định con sông cũng chứng kiến những cuộc chiến tranh, những xung đột của các cường quốc, những vụ ám sát, những vụ thảm sát biến nước sông Nile thành màu đỏ vì máu người chết bị ném xuống đó, những nhân vật gắn liền với chủ nghĩa khủng bố (như Al Qaeda).
Robert Twigger viết những dòng cuối cùng khi ông và gia đình phải rời Ai Cập vào năm 2011 khi cuộc cách mạng Arab diễn ra ở đây. Không hối tiếc, không kêu ca hay chỉ trích, tác giả tin rằng đó là một định mệnh đã gắn ông với cái nơi đặc biệt này. Hai năm sau, ông trở lại sống ở Ai Cập và cuốn sách này ra đời. Cảm ơn tác giả vì những trải nghiệm thực tế dọc theo dòng sông, vì sự hiểu biết của ông đối với Ai Cập và khu vực Đông Phi nói chung, và vì đã cho độc giả một món quà tuyệt diệu của tri thức.
Hãy cùng thưởng thức cuốn sách ngay bây giờ…
TRƯƠNG ANH NGỌC
Theo học Đại học Oxford và sau đó trải qua một năm huấn luyện võ thuật với Cảnh sát chống bạo động Tokyo. Ông đạt giải Newdigate về thơ, Somerset Maugham cho văn học và giải thưởng William Hill Sports Book of the Year. Bên cạnh viết sách, ông còn viết bài cho các tạp chí Esquire, Maxim, Daily Telegraph, và Financial Times. Ông sống ở cả Cairo và Anh Quốc.
***
“Một tác phẩm đầy hấp dẫn và thú vị.” ― The Guardian (UK)
“Tiểu sử đầy tham vọng về sông Nile là một thành tựu bất ngờ của Robert Twigger… một câu chuyện sắc sảo muôn màu về dòng sông và vùng đất Twigger đã tỏ tường… bi ai lay động… thú vị khôn cùng… có lẽ đã trở thành kiệt tác.” ― The Sunday Times (UK)
“Twigger đã tìm thấy cho riêng mình một hình thức kể chuyện hiếm hoi giữa những phong cách du ký cùng thời: rõ ràng, điềm nhiên, tẩm ngẩm tầm ngầm, dí dỏm tinh quái và sự uyên bác đầy khiêm tốn.” ― Mail on Sunday (UK)
“Một kẻ liều lĩnh đầy thành ý với chất xám từ bộ não và mọi thứ vượt lên quy chuẩn.” ― Andrew Martin, Daily Telegraph (UK)
***
Cuốn sách “Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới” của tác giả Robert Twigger là một tác phẩm đặc biệt, mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc về dòng sông Nile – dòng sông huyền thoại và vĩ đại nhất thế giới. Twigger, với bối cảnh sống và kinh nghiệm thực tế phong phú ở Ai Cập, đã dẫn dắt độc giả qua hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa, và các sự kiện liên quan đến dòng Nile, từ khám phá những bí mật của nó đến những ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn minh và cuộc sống của con người qua các thời kỳ.
Cuốn sách không chỉ giới thiệu về sông Nile qua các góc nhìn lịch sử, địa lý, sinh thái mà còn là một chuyến du hành thú vị vào trái tim của văn hóa và tinh thần nhân loại. Twigger đã thể hiện sự uyên bác, sự hiểu biết sâu sắc về Ai Cập và khu vực Đông Phi, qua đó cho thấy sông Nile không chỉ là một dòng sông mà còn là một nhân vật chính trong biên niên sử của văn minh nhân loại.
Với phong cách viết cuốn hút, dí dỏm nhưng cũng không kém phần sâu sắc và thông thái, Twigger đã khéo léo kết hợp giữa câu chuyện cá nhân và nghiên cứu sâu rộng, từ đó tạo ra một tác phẩm hấp dẫn, giàu thông tin mà cũng không kém phần truyền cảm. Điều này đã được ghi nhận qua các đánh giá tích cực từ nhiều tờ báo và tạp chí uy tín như The Guardian, The Sunday Times, và Daily Telegraph.
Đọc “Red Nile,” chúng ta không chỉ được mở rộng kiến thức về một trong những dòng sông quan trọng nhất trên thế giới mà còn được chứng kiến cách mà con sông này đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành nên lịch sử và văn hóa của nhân loại. Đó không chỉ là một cuốn sách lịch sử hay địa lý thông thường mà còn là một tác phẩm văn học, một bản án tình yêu với dòng Nile và những gì nó đại diện.
Cuốn sách “Red Nile” của Robert Twigger chắc chắn là một tác phẩm đáng đọc cho những ai yêu thích lịch sử, văn hóa, và muốn hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của sông Nile đối với nhân loại qua các thời đại.
***
Thể loại: Lịch sử, Du ký
Nội dung:
Cuốn sách là một hành trình khám phá lịch sử, văn hóa và con người dọc theo dòng sông Nile, con sông dài nhất thế giới. Tác giả Robert Twigger đã dành nhiều năm để nghiên cứu và trải nghiệm thực tế dọc theo dòng sông, mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về con sông vĩ đại này.
Tóm tắt:
Review:
Điểm cộng:
Điểm trừ:
Nhìn chung:
Đánh giá: 4/5 sao
Trích dẫn:
Lời khuyên: