"
Về Nhà
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Về Nhà
Ebooks
Nhóm Zalo
Về nhà
Tác giả: Phan Việt
Phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản Hội nhà văn
Số trang: 388
Năm xuất bản: 2017
E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy.
E-book này thiếu toàn bộ ảnh trong sách giấy.
Bạn nên mua sách giấy để ủng hộ đơn vị xuất bản và thưởng thức trọn vẹn tác phẩm.
“Tìm ý trong lời cũng như khều trăng đáy nước, có liên quan gì đến sự thật đâu.”
Phần 1
California - Mùa đông 2010
Chương 1
Ngày quan trọng nhất
Bắt đầu lại từ đâu? Đây là câu hỏi thường trực của mùa hè 2010 sau khi tôi từ Chicago chuyển tới California. Ly hôn là một cánh cửa mà ngay sau ly hôn, như người loanh quanh trên ngưỡng cửa, bạn không chắc bạn vừa bước ra hay vừa bước vào. Bạn thậm chí không chắc bạn bước ra khỏi cái gì và bước vào cái gì.
Nhưng ngã ở đâu, bạn phải đứng lên ở đó. Một tuần sau khi tới San Jose, trong tình trạng tỉnh táo mà mê muội đặc thù của thời hậu ly hôn, tôi thuê nhà, nhận phòng làm việc, gặp đồng nghiệp mới, đăng ký ô tô, đổi bằng lái, mở tài khoản ngân hàng, làm tất cả giấy tờ để ổn định cuộc sống, rồi tất bật về Hà Nội giảng một khóa học ngắn về công tác xã hội với trẻ em và gia đình. Lớp học có gần trăm học viên, phần lớn là giảng viên các trường đại học hoặc cán bộ các bộ, sở, tổ chức phi chính phủ - đa phần hiểu biết hơn tôi về chính sách đối với trẻ em tại Việt Nam. Buổi đầu tiên lên lớp, tôi nhận thấy trong 98 học viên của lớp có một thành viên đặc biệt: một nhà sư mà các học viên gọi là “thầy Đạo.”
Học viên trong lớp nói rằng thầy trụ trì một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội.
“Chùa ở trong làng cổ, đẹp lắm cô ạ. Hôm nào cô vào chơi.” Một buổi chiều, sau khi tan lớp, học viên rủ tôi đến thăm chùa. Từ trường, chúng tôi đi xe máy ra ngoại thành rồi men theo bờ sông qua một cây cầu xuống con đường đất nhỏ. Xe chạy trên đường đất hẹp dọc sông rất lâu, băng qua các làng cổ để tới một cổng sắt nhỏ dẫn vào ngôi chùa sát bờ sông. Bước qua cổng là khoảng sân rộng lát gạch đỏ có rất nhiều cây nhãn rợp
bóng. Đập vào mắt tôi là hàng chục bức tượng Phật lớn bằng xi măng, mỗi tượng cao hơn hai mét, sắp hai hàng song song, chạy từ cổng về phía sau chùa. Khuôn mặt, trang phục, cách ngồi, và dáng tay của các tượng Phật này không hề giống các tượng tôi từng nhìn thấy. Phật ngồi trên tòa sen, đội mũ năm cánh, tóc dài dưới vành mũ, mắt dài nhìn hướng xuống dưới, bàn tay phải thì nắm lấy ngón trỏ của bàn tay trái ở phía trước ngực. Hàng tượng chạy ra sau chùa, ở đó là cánh đồng lớn xanh mướt và những bụi tre. Mặt trời lúc này bắt đầu xuống, hắt ánh nắng rạng rỡ lên hàng tượng Phật.
Từ bé, tôi đã luôn cảm mến cảnh chùa nhưng gia đình tôi không theo tôn giáo nào nên một năm tôi chủ yếu đi chùa vào dịp Tết chứ chưa từng tham gia lễ bái, không biết các phong tục, nghi lễ, cũng chưa từng đọc kinh. Với tôi, đạo Phật chỉ lờ mờ trong các khái niệm phổ thông như Phật Bà Quán Âm, A Di Đà Phật, Tây phương cực lạc, Phật tổ Như Lai, nhân quả, hòa thượng, Niết Bàn mà tôi chủ yếu học từ... Tây du ký. Tôi đinh ninh rằng Phật (mà ở Việt Nam còn gọi là Bụt) cũng giống Chúa hay Allah - tức một đấng quyền năng mà người ta kêu cứu khi cùng đường. Tôi thậm chí đinh ninh “A Di Đà Phật” không phải tên một vị Phật mà là câu chào thông thường của người tu hành vì trong phim Tây du ký, rõ ràng Đường Tăng gặp ai cũng chắp tay cúi đầu “A mi thò phò!.”
Lần đến chùa này là lần đầu tôi đến một ngôi chùa làng và cũng là lần đầu tôi nói chuyện trực tiếp với một nhà sư. Học viên lớp tôi đều gọi thầy Đạo là “thầy”,“sư phụ”,“cụ” hoặc “cụ chùa”, xưng con; thầy Đạo thì gọi mọi người là cô, chú, và xưng “thầy” hoặc “tôi”. Tôi không biết phải xưng thế nào nên cứ theo phép lịch sự và... dân chủ.
“Thầy Đạo cho tôi hỏi, các tượng Phật kia là thế nào ạ?”
“À, là Phật Tỳ Lô Giá Na(1) cô giáo ạ.”
Lần đầu tiên tôi nghe thấy tên Phật này. Tôi thấy nó vừa thú vị vừa quê quê với lối phiên âm tiếng Việt.
“Thế sao tay của Phật lại thế kia ạ?”
“À, đó là ấn trí quyền.” - thầy cười.
Lại một từ nữa tôi không hiểu.
Học viên trong lớp đã lấy ghế tập trung quanh tầng trệt của một nhà sàn gỗ hai tầng nằm giữa sân chùa. Nhiều học viên từng làm cán bộ đoàn lâu năm, thường xuyên phải hoạt động phong trào nên truyện cười, thơ văn, hát hò rất giỏi. Họ kể truyện cười, đọc thơ, vè, ứng khẩu tiếu lâm khiến tôi cười nghiêng ngả. Rồi chúng tôi nói chuyện gia đình, cuộc sống. Từ đầu khóa học đến giờ, tôi chỉ nói chuyện công việc với các học viên nhưng hôm nay, tôi cảm thấy có thể nói chuyện cuộc sống riêng của tôi với họ theo kiểu “người lớn với nhau.”
“Chắc các bạn ở đây không biết chứ tôi...” - tôi mở đầu, định nói với họ rằng tôi đã từng kết hôn và bây giờ đã ly hôn. “Ôi cô ơi, mọi người biết hết rồi” - các học viên cười, cắt lời tôi - “Lý lịch của cô thế nào, chúng nó lên mạng điều tra hết rồi cô ạ.”
“Thật à? Thế mà tôi cứ tưởng...” - tôi cố vớt vát chữa ngượng. “Cô cứ thoải mái đi, chúng em biết hết rồi.”
Chúng tôi bắt đầu nói về tình yêu và hôn nhân. Các học viên hỏi tôi cảm thấy thế nào sau ly hôn. Tôi nói cũng tùy hôm; có hôm thì tôi thấy mình tự do, cuộc đời rộng mở trước mặt; có hôm thì tôi thấy cuộc đời tôi chỉ còn là một chuỗi ngày cầm cự với sự tuyệt vọng không đáy để chờ chết trong cô đơn.
“Nhưng mà thực sự tôi không hề trách móc hay oán hận chồng cũ” - tôi nói.
“Nếu thế thì có thể là cô chưa bao giờ yêu chồng cô” - một học viên nói - “Yêu thì nhất định phải đi kèm một ít ghen tuông, oán hận chứ ạ.”
Tôi nói tôi không thấy thế. Thực sự không cảm thấy thế. Ly hôn chẳng liên quan gì đến tình yêu hay hận thù cả. Câu nói này của tôi lập tức làm nổ ra một cuộc tranh luận giữa các học viên về yêu - ghen - và hận. Nếu yêu mà không ghen thì có phải là yêu không? Yêu mà khi chia tay không hận đối phương một tí nào thì có phải là yêu không? Vô lý. Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng. Thế rồi, được, cứ cho là yêu có thể không ghen, thế chồng hay vợ nó đi ngoại tình thì sao? Có ghen không? Nếu nó say nắng, có tình cảm thật với đứa nào thì sao? Rồi nó ngu, nó không biết giữ gìn, nó có con với đứa khác, thì lúc đấy chia tay có hận không? Không bên nào chịu bên nào. Bên nào cũng có lý và có bằng chứng từ bản thân, từ “con bạn em”, từ “chị cùng cơ quan em”, từ “dì tớ”... Một học viên quay sang thầy Đạo:
“Nhức đầu cụ nhỉ, như cụ sướng nhất, khỏi lắm chuyện phức tạp.”
Thầy Đạo cười.
“Có gì phức tạp đâu. Ở đời, người ta gặp nhau không ngoài chuyện ân oán; có ân thì báo ân, có oán thì báo oán. Vợ chồng cha mẹ anh em là duyên nợ, có duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Cô giáo đã trả hết nợ hết duyên thì chia tay không thấy vướng mắc là bình thường mà.”
Ha! Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi với Sơn lấy nhau vì duyên số. Ừ thì người ta vẫn nói “Vợ chồng là duyên số” nhưng tôi luôn nghĩ đó là một câu dĩ hòa vi quý khi người ta không dùng điều gì khoa học hơn để giải thích được. Và thường chỉ áp dụng cho
những người lười nghĩ, mê tín dị đoan, chứ không phải cho người như tôi. Duyên số thì, xin lỗi chứ, bố ai mà chứng minh được. Tôi như thế, Sơn như thế, gặp nhau như thế, tính cách như thế, vậy là chúng tôi lấy nhau. Đơn giản vậy thôi.
Vậy mà sống với nhau thì không đơn giản chút nào. À nhưng không đơn giản cũng là vì tôi như thế... Sơn như thế... và chúng tôi là như thế, như thế... về mặt tính cách, xuất thân, hoàn cảnh, hành vi. Nghĩa là dĩ nhiên có thể giải thích được bằng các mô hình tâm-sinh-lý xã hội chứ không phải một thứ duyên số định sẵn nào tồn tại trước cả khi chúng tôi biết nhau.
Nhưng mà biết đâu có duyên số thật nhỉ? Lẽ nào những đau khổ tôi phải trải qua là do tôi đã nợ gì Sơn và bây giờ phải trả? Tôi đã làm gì sai? Trong đời này, tôi có thể không hổ thẹn mà nói rằng tuy tôi không hoàn hảo gì nhưng quả thực là tôi ít làm điều ác, cũng ít nghĩ điều ác hay nói điều ác - điều ấy thì tôi tự biết. Với Sơn cũng như với những người quanh mình, tôi có thể đếm chưa hết một bàn tay những lần mà tôi nổi giận.
Thế thì có kiếp trước chăng? Tôi đã nợ gì Sơn từ kiếp trước chăng? Từ bé đến giờ, không ít lần những người gặp tôi lần đầu (như ở sân bay) cứ tự động “phán” rằng tôi có “quý nhân phù trợ”, có “năng lực tâm linh đặc biệt”, có “nhiều phước báu”, có “tiên cốt” với “đạo cốt”, còn tôi thì luôn nghĩ các “thánh phán” này muốn phỉnh tôi lấy tiền hoặc bị tẩu hỏa nhập ma do đọc quá nhiều sách huyền thuật.
Nếu quả có kiếp trước tức là sống và chết và tất cả những gì chúng ta làm giữa hai mốc đó đều phải được xem xét lại. Cũng tức là có cái lớn hơn thế giới vật chất mà ta thấy bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, này chăng? Cũng tức là chùa chiền, Phật, Chúa thánh thần không phải chuyện mê tín dị đoan, thậm chí không
phải một liệu pháp an tâm, một thứ tín ngưỡng hay tập tục văn hóa mà ẩn chứa một sự thật tôi chưa từng biết đến? Có thể nào những hủ tục, tín điều, lễ nhạc ma mị mà người ta phủ lên đạo Phật đã làm người ta hiểu nhầm một hệ thống giải thích thế giới rốt ráo và triệt để? Ít nhất thì, ngay cả khi không hiểu gì về đạo Phật, tôi vẫn thấy khái niệm nhân quả có lý hơn việc cho rằng có một đấng Chúa Trời nặn ta ra từ đất sét và định đoạt cuộc đời ta. Rút cục là thế nào đây?
“Trông cô giáo cứ ngơ ngơ ngác ngác buồn cười quá” - thầy Đạo cười - “Thôi ăn cơm đi các cô các chú.”
Chúng tôi ăn cơm chay. Đây cũng là lần đầu tiên tôi ăn cơm chay chùa. Tôi không ăn hết được cả đĩa lớn mà học viên lấy nên bỏ lại gần nửa.
“Cô chưa ăn cơm chay bao giờ phải không cô?” - một học viên thì thầm với tôi sau khi bữa cơm được dọn đi.
“Chưa.”
“Ăn cơm chay ở chùa không được bỏ thừa đâu cô ạ” - học viên cười - “một hạt cơm chùa là 72 công đức đấy.”
“Thế à? Chết, tôi không biết.”
Quá nhiều thứ ở Việt Nam, thuộc về văn hóa bình dân của người Việt Nam mà tôi không hề biết. Lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ mình là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam mà chẳng hiểu gì về lịch sử, văn hóa, tâm lý đích thực của dân tộc mình, về hành vi của những người gọi là “đồng bào mình”. Tức là hiểu họ như họ đang-là chứ không phải như tôi nghĩ hoặc muốn họ là. Tôi thực sự đã lớn lên, đã tuần tự đi học đến hết đại học, rồi ở Mỹ suốt mười năm qua; chủ yếu chỉ có hiểu biết giáo khoa, bó hẹp trong thế giới gồm toàn trí thức đô thị, trong khi đến hơn bảy mươi phần trăm người Việt Nam vẫn ở nông thôn và vận
hành một cách có ý thức hoặc vô thức trên các nền tảng văn hóa nông thôn này.
Sau bữa ăn, chúng tôi uống trà rồi đi dạo tản mát quanh chùa. Mặt trời đã xuống, gió thổi nhẹ, không gian vẳng tiếng chim và tiếng gà lên chuồng. Rồi trời bắt đầu tối. Thầy Đạo bảo một chú tiểu mở cửa “Tổ Đường” cho chúng tôi vào ngắm “xá lợi”. Lại một từ nữa lần đầu tiên tôi được nghe.
“Xá lợi là gì ạ?”
“À, khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn thì kim thân của Ngài được các đệ tử hỏa thiêu; sau khi thiêu thì còn lại các hạt xá lợi này. Mỗi bộ phận trên nhục thân của Phật sẽ để lại các loại xá lợi khác nhau; có xá lợi răng, xá lợi tóc, xá lợi xương... mỗi thứ một màu. Rồi còn có xá lợi của các Bồ Tát, thánh tăng, các tổ. Nếu mình tu tập tinh tiến, giữ gìn giới luật nghiêm cẩn, thì xá lợi sẽ tự sinh sôi...”
“Cái gì ạ?”
“Cô giáo không tin phải không?” - thầy Đạo cười - “người nào thờ xá lợi, kể cả tu sĩ hay cư sĩ tại gia, mà nghiêm trì giới luật, tinh tiến tu hành thì xá lợi từ một viên sẽ nhân hai, nhân bốn, nở đầy ra. Còn nếu không tu hành thì xá lợi sẽ tiêu dần, tiêu dần, rồi biến mất... vi diệu không?”
Vâng, “vi diệu” ạ - tôi nghĩ. Nhưng nhất định phải có một cách giải thích khoa học nào đó. Có thể các nhà sư quen ăn một số thực phẩm nhiều canxi hay chất gì đó nên hóa chất đọng lại trong cơ thể thành “xá lợi” giống như sỏi thận. Hoặc Đức Phật là người ở Ấn Độ, xứ đó nóng, thực phẩm dễ hỏng, mà ngày xưa không có tủ lạnh nên người ta quen bảo quản thực phẩm bằng cách tẩm ướp trong các loại gia vị nóng, cay thì có thể lâu dần các vi chất đọng lại và nóng chảy trong quá trình hỏa thiêu. Khi các viên “xá lợi” này gặp xúc tác trong môi trường bình thường
thì giãn nở hoặc co lại. Chứ một thứ vô tri vô giác làm sao có thể tự sinh sôi nảy nở?
“Chà, không có khoa học thì người ta dễ mê tín thật” - tôi thầm nghĩ - “Thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn tin rằng sấm chớp mây mưa là do thần sấm thần sét tạo ra; giàu nghèo, sướng khổ do ai đó ban ơn cho mình. Vậy nên Việt Nam cứ nghèo mãi.”
Chúng tôi ở lại uống trà, nói chuyện với thầy Đạo đến khuya mới về. Buổi tối, chùa lộng gió, ếch nhái, côn trùng râm ran. Khung cảnh làng quê thanh bình này đã hàng chục năm rồi tôi không thấy.
Từ chùa về, tôi ghi trong nhật ký của mình: “Đây có thể là một trong những ngày quan trọng nhất của đời tôi”. Một cách lờ mờ, tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn mất gốc, tôi không hiểu gì về văn hóa Việt Nam, nhất là cái gốc văn hóa nông thôn, văn hóa tâm linh ăn sâu vào người Việt. Tôi lại cũng nghĩ giờ tôi đã hoàn thành việc học hành của đời mình, nếu tôi muốn trở lại Việt Nam làm công tác xã hội, thì không có cách nào khác là tôi phải hiểu rõ cái làm nên tâm lý, hành vi các cá thể cũng như tâm lý tập thể của người Việt Nam.
Nhưng hóa ra tâm thức của chúng ta thường biết những điều mà lý trí có thể phải mất một thời gian dài mới theo kịp. Không lâu sau buổi đến chùa này, tôi trở lại San Jose và mọi việc trôi dần trong những lo toan hằng ngày, cho đến khi một việc xảy ra với tôi: tôi gặp ma.
Chương 2
Một thử nghiệm mới
Trở lại San Jose, lần đầu tiên tôi thấm thía tình cảnh một mình sau ly hôn. Sang tháng Mười, San Jose vào thu, ngày nào cũng bảng lảng mây xám và lây rây mưa chuyển mùa. Những cơn mưa nhỏ và không đều. Đôi khi bên này thung lũng có mưa mà bên kia thung lũng sáng nắng; đôi khi tất cả các quả đồi quanh thung lũng ầm ào sấm chớp nhưng lòng chảo lại chói chang. Sau vài trận mưa, các quả đồi phủ cỏ vàng suốt mùa hè bắt đầu lún phún xanh dưới chân, rồi màu xanh lan dần lên đỉnh trong khi lá cây dưới thung lũng lại chuyển ngược từ xanh sang vàng. Vào sáng sớm, mặt trời lên dìu dịu một bên sườn đồi trong khi sườn bên kia mờ ảo trong sương. Rồi cả ngày, mặt trời băng ngang từ Đông sang Tây, liên tục phủ những mảng bóng râm khác nhau lên thung lũng. Đến cuối ngày, mặt trời xuống dần, những bóng đèn điện lác đác xuất hiện rồi dày dần lên cho đến lúc cả Silicon Valley biến thành một biển ánh sáng. Ngày và đêm, thung lũng luôn rầm rì một dòng năng lượng của cả triệu người, xe, nhà máy, công ty đang vận hành.
Cái tiếng rầm rì ấy, những cơn mưa chuyển mùa, và những nhóm công chức trẻ đẹp đẽ là lượt túm tụm đi ăn trưa trên phố King nhắc tôi nhớ rằng cuộc sống vẫn tiếp tục trôi, chỉ có mình tôi hình như đang bị bỏ lại. Chúng cũng nhắc tôi nhớ rằng ở thành phố này, tôi không người thân, không bạn bè, không có gì ngoài một công việc. Mình đang làm gì ở đây? Sáng đi làm, tối về nhà, thui thủi một mình. Cuộc sống thế này có nghĩa gì? Những câu hỏi ngày càng dai dẳng, cho đến lúc chúng trở thành một cáo trạng. “Này Việt! Nghiêm túc đây! Đã ngoài 30 rồi đấy, mặt
thì xấu, ăn mặc trang điểm thì chẳng biết, tiền không, quảng giao không, đã thế lại còn học cao và bỏ chồng...” Thì sao?
“Ừ cũng chẳng sao, nhưng mà nhìn mọi người xem. Từng này tuổi, người ta chồng con vui vẻ. Còn mình thì...”
Thì sao? Mỗi người một cuộc sống, một lựa chọn. “Ừ thì mỗi người một lựa chọn. Nhưng nếu không cố gắng tìm đi, thì rồi sẽ hết cơ hội mà lựa chọn đấy. Tháng sẽ qua, năm sẽ qua, chẳng mấy sẽ 40 mà vẫn một mình, lúc đấy có muốn cũng chẳng thể chọn lựa gì ngoài chờ già rồi chết. Anh chị em có phận của họ; các cháu trai cháu gái cũng có đời chúng nó. Rồi thì sẽ 60. Sẽ nằm trong bệnh viện hoặc trại dưỡng lão một mình, sống không được mà chết cũng chả xong. Lúc đó, thì những thứ học hành, tiến sĩ giáo sư có ích gì? Có viết cả trăm cuốn sách, có cả triệu độc giả, phát minh ra một nghìn thứ, thì cũng đã sao? Không có gia đình riêng, cuộc đời thế là vứt. Vô nghĩa!” Hic, thì tôi sẽ lấy chồng và có con mà. Tôi cũng muốn có một ai đó để yêu chứ.
“Thế thì phải cố lên. Cứ ru rú trong nhà rồi đi làm thế này thì bao giờ mới có chồng được? Phải hoạt bát lên, chủ động lên. Đần quá!”
Alas, cô đơn và áp lực kiếm chồng không phải là những bạn đồng hành dễ chịu. Một thời gian sau khi trở lại San Jose, nghe lời một người bạn Mỹ ở trường, tôi thử dịch vụ online dating (tìm bạn trên mạng). Người bạn của tôi, Kristy, đã gặp chồng chưa cưới qua một website nên cô ấy tin chắc tôi cũng sẽ gặp chồng chưa cưới của tôi ở đó. Nghe lời Kristy, tôi lập tài khoản, tải một vài bức ảnh và tỉ mẩn trả lời tất cả những câu hỏi của website về bản thân - tên, tuổi, chủng tộc, giới tính, tôn giáo,
trình độ học vấn, công việc, thu nhập, thành phố đang sống, sở thích, tính cách, tìm kiếm người trong độ tuổi bao nhiêu, ở vùng nào, thuộc tôn giáo gì... Bỗng nhiên những điều tôi đã lâu không nghĩ đến trở lại quan trọng và phơi ra những vết sẹo của ly hôn mà tôi tưởng đã liền da. Ví dụ, thực sự thì liệu tôi có còn muốn hẹn hò với một người đàn ông Việt Nam hay tôi muốn lấy “Tây”? Nếu là người Việt thì Việt kiều hay Việt... cộng?
Liệu tôi có thể thực sự hẹn hò một người theo đạo Thiên Chúa ở đất nước đa phần theo Thiên Chúa này? Một người theo đạo Do Thái hay đạo Hồi thì sao?
Liệu tôi có thể hẹn hò với một người dưới 20 tuổi? Một người ngoài 50? Hoặc 60?
Một người da đen? Một người gốc Âu? Một người Nam Phi? Trung Quốc thì sao?
Một người béo? Hoặc rất béo (200 cân)?
Một người có thu nhập dưới 35 ngàn đô mỗi năm? Hoặc thất nghiệp?
Một người có thu nhập tính bằng triệu đô? (Khi nào thì giàu cũng trở thành một hiểm họa đe dọa hạnh phúc?) Một người từng ly dị vợ? Ly dị hai lần thì sao? Còn ba lần? Một người muốn lấy vợ nhưng không muốn có con? Một tuần sau khi mở tài khoản, tôi có cuộc hẹn đầu tiên. Georges là kỹ sư phần mềm gốc Ý, đang làm việc cho Google. Chúng tôi gặp nhau ở một nhà hàng Nhật sang và ấm cúng, nói chuyện vui vẻ. Ăn xong Georges trả tiền cho cả hai rồi lái xe đưa tôi lên đỉnh một ngọn đồi, từ đó, chúng tôi đứng nhìn xuống thung lũng lấp lánh ánh đèn, nói chuyện tiếp về cuộc sống và du lịch. Georges đã từng đến Việt Nam còn tôi đã từng đi Ý nên chúng tôi nói chuyện không khó khăn, thậm chí có cảm giác nói
mãi chẳng hết chuyện. Buổi tối lãng mạn như sách nhưng tôi đã biết từ lúc chúng tôi ăn cơm với nhau rằng mối quan hệ này sẽ chỉ có thể là một tình bạn tốt. Tôi hoàn toàn không có cảm giác gì với Georges - cái cảm giác mà một phụ nữ luôn biết với một người đàn ông mình mới gặp. Cảm giác “thích.”
Người thứ hai tôi gặp là Adam. Adam đã 45 tuổi, đang sở hữu một chuỗi cửa hàng sửa xe phát đạt. Adam hỏi tôi muốn ăn ở đâu, để khỏi nghĩ, tôi nói đồ Nhật và Adam đưa tôi tới một nhà hàng Nhật nhỏ, bình dân, kiểu tự phục vụ, mỗi chúng tôi tự trả tiền. Vào bữa tối được 15 phút, Adam nói ngay với tôi rằng anh là triệu phú, đã lớn tuổi rồi và đang tìm kiếm một người mà anh có thể cưới chứ anh không còn muốn tìm bạn để hẹn hò vui vẻ nữa. Adam cũng nói anh theo đạo Thiên Chúa và muốn một người cùng tôn giáo với anh. Adam hỏi tôi theo đạo gì, tôi nói tôi không theo đạo gì cả. Adam nói cũng không sao, miễn là tôi không phản đối việc nuôi dạy con theo đạo Thiên Chúa. Anh nói anh rất ấn tượng với cách ăn mặc kín đáo và cách nói chuyện thẳng thắn của tôi; anh nghĩ rằng hai chúng tôi sẽ rất hợp nhau. Sau đó, Adam đưa tôi đi thăm khu biệt thự của các tỷ phú Silicon Valley và hỏi tôi có muốn đến thăm một xưởng sửa chữa của anh không. Trên đường về, tôi đã biết là sẽ không gặp lại Adam nhưng vẫn đưa số điện thoại cho anh. Sau này, Adam còn gọi cho tôi nhiều lần và email hỏi tôi tại sao không trả lời điện thoại hay email của anh. Đó là lần đầu tiên tôi im lặng trước một người thích mình vì tôi biết chúng tôi không có bất cứ cơ hội nào và tôi chỉ muốn tiết kiệm thời gian cho anh.
Vì sao tôi không nhìn thấy tương lai nào với Adam? Không phải sự thẳng tưng về tiền bạc của anh. Thậm chí cũng không phải chuyện đạo Thiên Chúa. Vấn đề là Adam đang tìm một người vợ khác tôi. Adam đang tin rằng chỉ cần một người
phụ nữ có những phẩm chất nhất định thì anh có thể lấy làm vợ. Anh tưởng tượng anh vẫn sẽ giữ nguyên cuộc sống hiện tại, đi làm cả ngày, chỉ khác là có thêm một người vợ để lo chuyện con cái. Tôi đủ biết rằng mình không có các phẩm chất mà Adam tìm.
Người thứ ba mà tôi gặp mà Isaac, người gốc Israel. Chúng tôi vừa vào đến cửa, nhìn thấy nhau là biết sẽ không có cơ hội. Isaac đang làm nghiên cứu triết học ở Berkeley. Isaac có lẽ là một trong số ít người mà tôi thực sự tin không nên lập gia đình vì sẽ rất khó có thể hạnh phúc - và Isaac có lẽ đã biết điều đó nhưng còn chưa muốn thật sự chấp nhận nó hoặc anh đang bị gia đình ép buộc. Isaac thực sự khổ sở khi phải tiếp xúc với người khác. Anh là dạng người không thể thuộc về đời sống gia đình, không thể thuộc về một ai cả. Anh sống bằng phần tinh thần nhiều hơn phần thể xác rất nhiều và bất cứ cái gì phải có sự đối đãi giữa người với người, bao gồm cả tình dục, sẽ là tra tấn với anh. Mà chúng ta thì đa phần đối đãi. Đối đãi cả với chính mình.
Người tiếp theo mà tôi gặp là Jack. Jack là người Mỹ trắng, tóc nâu, mắt xanh, cao to, cơ bắp vừa đủ, đẹp trai, quần áo bảnh bao, lịch sự, nhiều tiền, rất ga-lăng, vui tính - đây là kiểu người mà khi bạn đi bên cạnh ngoài đường thì các cô gái khác đều muốn được là bạn. Anh làm việc cho ngân hàng đầu tư. Khi ngồi xuống, Jack nói chuyện thị trường lên xuống, đầu tư, tiền, tiền, và tiền. Jack hóa ra đã đăng ký online dating từ lâu nhưng vì quá bận nên cứ off and on một thời gian dài mà vẫn chưa tìm được ai. Tôi có cảm giác Jack gặp tôi chỉ để tự trấn an bản thân rằng anh cũng có đầu tư thời gian vào lĩnh vực gia đình, chứ thực sự hiện tại, đầu óc của Jack chỉ tràn ngập chuyện đầu tư. Tôi nói với Jack rằng tôi vừa ly hôn nên lâu lắm rồi, tôi không biết chuyện hẹn hò với đàn ông thì thế nào. Jack bảo phải đề phòng những
loại thế này..., thế này... và đàn ông sẽ thích phụ nữ thế này... thế này... Chúng tôi cười, chúc nhau may mắn, rồi chia tay. Người thứ năm mà tôi gặp là Chris. Chris là giáo sư đại học. Chris là người đầu tiên tôi thấy “thích” và chúng tôi thậm chí đã hẹn hò được đến gần hai tháng với rất nhiều triển vọng. Nhưng rồi tôi chủ động dừng lại vì Chris đã có con với một người vợ cũ và mối quan hệ của họ vô cùng phức tạp. Rất nhanh chóng, sự phức tạp trong quan hệ của họ lan sang tôi. Tôi tự biết mình không đủ sức đương đầu với những đám rối đó khi mà tôi chỉ vừa mới ra khỏi đống bùng nhùng của mình.
Có ra ngoài hẹn hò, tôi mới thấy mình đã sống quá lâu và quá nghiễm nhiên trong tư cách một người có gia đình nên không còn biết các ám hiệu và quy tắc của người độc thân đang tìm bạn. Thế nên có lúc tôi tự đẩy mình vào tình trạng hết sức nực cười. Ví dụ như chuyện với Ben.
Ben là một giáo sư đại học mà tôi đã quen từ lâu nhưng chỉ luôn coi là một đồng nghiệp vì Ben làm việc ở Utah. Chúng tôi đã gặp nhau vài lần ở các hội thảo nhưng chưa bao giờ nói bất cứ chuyện gì ngoài công việc. Sau khi tôi chuyển tới California, chúng tôi viết thư trao đổi công việc nhiều hơn. Khi Ben viết thư cho tôi rằng anh đang định đi California chơi và hỏi liệu anh có thể ghé thăm tôi hay không thì tôi nói dĩ nhiên là được. Tôi nghĩ đơn giản anh chỉ đến thăm như một người bạn chứ không hề biết, trong văn hóa Mỹ, với những dấu hiệu như thế... như thế... thì Ben đến thăm tôi với ý định hẹn hò.
Chúng tôi đã hẹn đi ăn tối với nhau vào buổi tối Ben đến California. Bữa ăn diễn ra vui vẻ; sau bữa ăn, chúng tôi đi uống cà phê và tôi để ý thấy Ben hầu như không nói gì. Khi tôi hỏi Ben có chuyện gì thì anh thú nhận:
“Nói thật nhé, hôm nay tôi cứ chờ cô sẽ từ chối gặp tôi. Tôi cứ nghĩ là thể nào cũng nhận được một email của cô trước khi tôi rời Utah, hoặc khi tôi xuống tới San Jose rằng cô rất bận và không thể gặp tôi được. Thậm chí cả tối nay, tôi cũng chờ cô sẽ bỏ đi.”
“Tại sao?” - tôi hết sức bất ngờ - “Chúng ta là bạn mà.” “Có lẽ là vì tôi đã quá quen với việc phụ nữ từ chối tôi và bỏ chạy khỏi tôi.”
“Anh đã từng kết hôn hay có bạn gái chưa?”
“Tôi chưa kết hôn nhưng đã từng có quan hệ lâu dài với một vài phụ nữ. Tôi đã định cầu hôn một người nhưng cô ấy bỏ đi ngay trước khi tôi cầu hôn.”
“Ồ, tôi xin lỗi.”
“Không, có phải lỗi của cô đâu. Hoàn toàn là tôi thôi. Tôi quen bị phụ nữ đối xử như thế nên tôi nghĩ là cô cũng sẽ như thế.” “Vì thế mà anh im lặng suốt buổi tối?”
“À không, im lặng là chuyện khác. Bố mẹ tôi ly hôn lúc tôi còn nhỏ; hồi bé, tôi cứ phải chạy qua chạy lại, làm cầu nối và thùng rác cho họ xả các loại rác cảm xúc. Cho nên tôi mặc định chẳng ai muốn nghe tôi nói, tôi chỉ nên nghe thôi, vậy là tôi thành thói quen nếu người ta không hỏi thì tôi chẳng nói gì. Tôi cũng cố gắng vượt qua điều này nhưng mà khó.”
“Thế tôi hỏi thật nhé, Ben. Hôm nay anh xuống thăm tôi là thế nào? Xin lỗi tôi phải hỏi bởi vì tôi không biết.” “Thật sự là tôi xuống để xem chúng ta có khả năng hò hẹn hay không. Thực ra, với đàn ông khác, họ mà đi xa thế này thì họ đều có mong muốn cụ thể; tôi thì muốn tìm hiểu cô xem chúng ta có thể hẹn hò hay không.”
“Ý anh là anh quan tâm đến tôi theo chiều hướng yêu đương hả?” - tôi phải hỏi lại cho chắc chắn.
“Đúng thế.”
Tôi không biết phải nói gì vì quá bất ngờ. Cuối cùng, tôi nói với Ben rằng tôi không có cảm giác giống như anh và rất xin lỗi đã để anh phải đi xa như thế đến thăm tôi.
Trở về nhà sau khi gặp Ben, tôi cảm thấy kiệt sức. Những chuyện hẹn hò tìm hiểu, các trò chơi tâm lý yêu đương trai gái này dường như quá sức của tôi. Tuy thế, đâm lao phải theo lao. Tôi tiếp tục ép mình vào trò chơi quá sức này và làm những việc ngu ngốc mà tôi cũng không muốn kể lại. Vừa mệt mỏi, có lúc cảm thấy tuyệt vọng và chán ngán chuyện hẹn hò, tôi đồng thời ngấm ngầm hy vọng rằng trò chơi “cầm tay trong hầm tối” này rồi sẽ có lúc kết thúc và ở cuối đường hầm, tôi sẽ nắm tay ai đó bước ra trong ánh sáng chói lòa của hạnh phúc lần hai.
Chương 3
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí
Nhưng ánh sáng không thấy mà bóng tối thì ngày càng dày đặc. Giữa những chuyện hẹn hò miễn cưỡng trên, một việc khác đã ám ảnh tâm trí tôi từ tháng Bảy.
Sau khoảng nửa năm không nghe tin tức của Sơn, một buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của Thu, một người em họ Sơn. Thu kể, một sáng sớm, Sơn đang ngủ thì nghe tiếng loạch xoạch vặn tay nắm cửa như có ai đó đang cố gắng đột nhập vào nhà. Khi anh mắt nhắm mắt mở ra mở cửa thì thấy một bóng người chạy vụt đi. Hồi mới chuyển vào đây, Sơn từng bị trộm vào nhà lấy gần hết đồ đạc nên Sơn nghĩ kẻ chạy đi đó là trộm (chuyện này tôi biết). Sơn đuổi theo, túm lấy người này. Người này ngã xuống đất, kêu cứu. Khi Sơn nhận ra đó là một cô gái, anh thả cô ta ra nhưng các bạn của cô này nghe tiếng kêu cứu đã chạy ra từ căn hộ gần đó, mang theo súng, gí vào đầu Sơn rồi gọi cảnh sát. Cảnh sát tới, còng tay Sơn và nhốt anh vào trại với tội danh “đánh người với mục đích cưỡng hiếp”. Họ cũng lục soát nhà, thu máy tính, điện thoại, ví tiền của Sơn. Sơn không liên lạc được với ai trong suốt hai tuần ở trại tạm giam vì không hề có tiền trong người để có thể gọi điện thoại mà cũng không nhớ số của ai.
Sau cùng, một bạn tù của Sơn nhờ người nhà tìm số điện thoại cơ quan Sơn để gọi tới. Đồng nghiệp của Sơn sau đó đến nhà Thu báo tin. Vụ việc của Sơn có thể nghiêm trọng vì cô bé kia hóa ra mới 17 tuổi; nghĩa là còn đang ở tuổi “vị thành niên”. Cô này đến nhà bạn chơi trong khu Sơn ở; cả đám thanh niên trẻ ra bể bơi và uống rượu suốt đêm; sau đó cô này từ bể đi về căn hộ của bạn
lúc sáng sớm và có lẽ đã nhầm căn hộ của Sơn với căn hộ của bạn, vậy là cô ta loạch xoạch mở cửa và xảy ra chuyện, sắp tới, Sơn sẽ phải ra hầu phiên tòa bảo lãnh để xem Sơn có thể được bảo lãnh tại ngoại không hay phải ngồi tù trong thời gian chờ phiên xử chính thức, tức là có thể vài tháng hoặc cả năm.
“Nếu chị xuống làm chứng bảo lãnh được cho anh Sơn thì rất tốt” - Thu nói.
“Chị sẽ xuống” - tôi nói.
Chừng một tuần sau đó, một buổi chiều, tôi đang ở nhà thì chuông điện thoại đổ. Linh tính báo cho tôi: Sơn gọi. Tôi cầm máy lên thì một giọng nói điện tử nghèn nghẹt bảo tôi rằng tôi đang nhận một cuộc gọi từ trại giam hạt C; nếu tôi đồng ý trả tiền cuộc gọi thì ấn vào số “3.”
“Alo, anh đây” - Sơn cười - “Anh đang ở trong tù.” Tiếng cười của Sơn vẫn thế. Tôi hỏi Sơn cuộc sống của anh thế nào. Sơn nói anh sống trong một căn phòng lớn với khoảng 50 bạn tù; hằng ngày phải dậy lúc 5 giờ sáng để điểm danh, rồi ăn sáng, xong thì chơi cả ngày, tối thì đi ngủ.
“Thế anh làm gì cả ngày?”
“Anh đánh cờ vua với đọc sách thôi, ở đây toàn đầu trâu mặt ngựa nhưng chúng nó cũng tốt; chúng nó thấy mình là trí thức thì chúng nó cũng tôn trọng; mà đến một nửa ở đây là bị bắt oan.”
“Thế có gì nguy hiểm cho anh không?”
“Chả có gì nguy hiểm cả. Anh đánh cờ vua suốt ngày.” “Anh ăn uống thế nào?”
“Dĩ nhiên không bằng ở ngoài nhưng cũng ngày ba bữa tử tế.” “Còn quần áo, tắm giặt vệ sinh thì sao?”
“Một tuần nó phát cho hai bộ quần áo; hằng ngày anh chỉ giặt cái quần đùi thôi; tắm giặt vệ sinh bình thường; nói chung sống cũng bình thường.”
Một ngày trước khi Sơn ra tòa, tôi bay từ San Jose xuống. Thu đón tôi ở sân bay rồi đưa tôi về nhà. Trong nhà, tôi gặp Trường, chồng của Thu, và một cặp vợ chồng nữa - Nam và Quyên. Cả bốn đều người miền Nam, rất tốt bụng, khảng khái, lớn tuổi hơn tôi nhưng cứ khăng khăng gọi tôi bằng “chị” vì họ gọi Sơn bằng anh. Trừ Thu, ba người kia đều sang Mỹ bằng đường biển trong những đợt di tản đầu thập kỷ 90 và từng sống trong các trại tị nạn ở Philippines trước khi tới Mỹ.
“Mình ở trong tù rồi nên mình biết” - Trường nói - “ở tù khổ lắm, cả ngày ngồi nhìn ra ngoài trời qua cái cửa sổ nhỏ xíu thế này này...”
Trường lấy ngón trỏ vẽ một ô vuông nhỏ trong không khí. Chúng tôi đang nói chuyện thì chuông điện thoại nhà đổ. Trường cầm máy.
“Chị Việt đang ở đây nè, nói chuyện với chỉ đi.”
Trường đưa máy cho tôi và cả bốn người lập tức đi sang phòng khác.
“Em vừa về đến đây” - tôi nói.
“Có mệt không?” - Sơn hỏi.
“Cũng bình thường. Anh thế nào?”
“Cũng bình thường, chỉ chờ mai ra tòa.”
“Anh cứ yên tâm, thế nào cũng được bảo lãnh ra thôi; bọn em có kế hoạch 1, 2, 3 cho các tình huống khác nhau rồi.” “Ừ.”
Tôi không biết nói gì thêm nữa nên gọi bốn người trở lại phòng rồi đưa máy cho Nam. Nam cầm máy, cười lớn:
“Hello sư phụ. Sao rồi, sư phụ sống trong tù vui không? Vui thì hay ở luôn trong đó thêm thời gian nữa đi.”
“Sư phụ yên tâm đi, bọn này chuẩn bị ba cái nhà để đặt cọc bảo lãnh nếu cần đó. Kiểu gì mai cũng sẽ bail ra thôi.” Sáng hôm sau, 7 giờ sáng chúng tôi ra khỏi nhà. Có thêm Quảng, một người bạn nữa của Sơn tới để làm chứng. Khoảng 8 giờ chúng tôi tới tòa án ở phía Bắc thành phố. Ở đây, chúng tôi gặp Bernie, luật sư của Sơn - một người đàn ông da trắng ngoài 50, cao, dáng đi dứt khoát. Phụ tá cho Bernie là Ron, một luật sư da trắng đã ngoài 40. Ron bắt tay chúng tôi.
Tôi sẽ ghi tên tất cả các bạn, đề phòng họ gọi tới. Hôm nay chắc không có gì nhiều, họ sẽ không bắt Sơn lên bục nhưng họ có thể sẽ gọi các bạn lên làm chứng.
Ron ghi tên của mấy người đàn ông trước, rồi tiến đến tôi: “Tên chị là gì?”
Tôi đánh vần tên tôi.
“Chị là gì với Sơn?”
“Vợ cũ.”
“Ồ...” - Ron dừng lại, ngẩn người.
“Chị sống ở đâu?”
“San Jose, California.”
“Ồ” - Ron ngừng lại lần nữa - “Vậy là chị bay xuống đây à?” “Vâng, tôi xuống chiều hôm qua.”
“Ồ” - Ron dừng lại lần thứ ba - “Thật là tốt khi chị xuống ủng hộ cho anh ấy.”
Tôi không ngạc nhiên trước phản ứng này của Ron. Brian, anh trai Kat, cũng phản ứng như vậy khi tôi gọi điện hỏi anh về vụ việc của Sơn hồi tháng Bảy. Brian là luật sư lâu năm. Anh kiên
nhẫn nghe tôi kể chuyện và câu đầu tiên mà anh hỏi tôi sau khi nghe chuyện là:
“Em dính vào việc này làm gì? Sao em lại muốn tự gây khó khăn cho cuộc đời em vậy?”
Tôi nói rằng vì Sơn là chồng cũ của tôi.
“Chồng cũ!” - Brian nói - “Em hãy nhớ đến chữ “cũ”. Anh ta không còn là trung tâm trong cuộc đời em nữa, tại sao em lại muốn mất thời gian và tiền bạc cho anh ta?”
“Anh ấy vẫn là bạn em. Em biết anh ấy không bao giờ làm chuyện đó.”
“Tùy em thôi, nhưng hãy cân nhắc cho kỹ.”
Sau 9 giờ, tòa bắt đầu. Người đàn ông mặc đồng phục ở góc phòng hô to:
“Tất cả đứng lên. Thẩm phán đã tới.”
Thẩm phán là một ông già da trắng, đầu trọc. Tôi đứng lên cùng cả phòng rồi ngồi xuống. Khi tôi ngẩng lên, Sơn đang được hai cảnh sát dẫn ra từ một cửa ngách nhỏ nằm khuất kín. Đây là lần đầu tôi nhìn thấy Sơn kể từ lúc anh rời Chicago cuối mùa xuân trước.
Sơn mặc bộ đồ tù màu da cam, hai tay bị còng, mỗi bên có một cảnh sát Mỹ cao lớn nắm vào khuỷu tay để áp giải. Trông anh gầy hơn so với lần cuối tôi gặp, da tái, tóc dài ra, râu lởm chởm. Tôi không nghĩ là tôi sẽ khóc khi nhìn thấy Sơn, nhưng tôi quả thật đã không chuẩn bị tinh thần để gặp lại Sơn như thế này sau ngày chia tay ở Chicago hơn một năm trước. Nước mắt tôi dâng lên không ngăn được.
Họ để Sơn ngồi cạnh Bernie và Ron. Tòa chính thức bắt đầu. Thẩm phán gọi luật sư đại diện cho cô gái lên trước. Luật sư gọi viên cảnh sát đã tới hiện trường để còng tay Sơn vào sáng
xảy ra sự việc. Đó là một người đàn ông da đen cao to, còn trẻ. Sau khi đặt tay lên quyển Kinh Thánh để thề sẽ chỉ nói sự thật, anh cảnh sát bắt đầu đọc lời khai mà anh ta đã chuẩn bị sẵn. Theo lời khai, cô gái 17 tuổi này đã đến chơi nhà bạn trong khu của Sơn. Họ đã bơi ngoài bể từ tối đến sáng; sau đó cô này đi về nhà bạn ngang qua cửa nhà Sơn thì Sơn từ trong nhà nhảy bổ ra, đè cô ta xuống, đấm cô ta bất tỉnh rồi cố gắng cởi áo cô ta. Cô gái kêu cứu, nên bạn cô ta từ trong nhà chạy ra, gí súng vào đầu Sơn bắt đứng yên và gọi cảnh sát đến bắt Sơn đi. Khi anh cảnh sát tới hiện trường, Sơn trong tình trạng cởi trần, chỉ mặc một cái quần cộc, loại mặc một lần rồi vứt đi. Anh ta nhấn mạnh điều này và đưa cho thẩm phán những bức ảnh mà cảnh sát chụp lúc đến bắt Sơn.
Cả phòng xử án rất ngạc nhiên về chi tiết Sơn cởi trần, mặc loại quần dùng một lần này. Tôi thì biết rõ, Sơn có thói quen dùng loại quần du lịch này vì có gần một năm ở Chicago, tuần nào Sơn cũng bay đi New Jersey làm việc vào sáng thứ Hai rồi bay về vào tối thứ Năm. Ở New Jersey, anh sống trong khách sạn do công ty đặt phòng. Sơn không muốn giặt đồ nên anh chuyển sang mặc loại quần này để bỏ đi hằng ngày. Lâu dần, nếu không muốn giặt đồ, Sơn thường mặc loại quần này cho sạch.
Viên cảnh sát nói xong, Ron và Bernie hỏi vài câu ngắn. Cô gái này có mùi rượu vào lúc cảnh sát đến bắt Sơn hay không?
Cô ấy có “bất tỉnh” vào lúc cảnh sát đến hay không (vì cảnh sát nói Sơn đấm cô ta bất tỉnh để giở trò)?
Nếu cô ta “bất tỉnh” thì làm sao cô ta biết Sơn “cởi áo” cô ta? Nếu bất tỉnh thì làm sao cô ta lại có thể đứng lên đi về nhà bạn?
Sau khi về nhà bạn thì cô gái làm gì? Có vẻ cô ấy tiếp tục vui vẻ đến sáng với bạn như không hề có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, có đúng không?
Những gì viên cảnh sát viết trong tờ khai (như cô gái đến nhà bạn uống rượu, đi về qua nhà Sơn, Sơn lao ra đấm cô ta, vân vân) là nghe lại từ người khác (cô gái, các bạn cô ta, hàng xóm) chứ bản thân anh ta không nhìn thấy, có đúng không?
Viên cảnh sát xác nhận đúng là các thông tin là do anh ta nghe lại từ người khác.
Sau khi viên cảnh sát xuống khỏi bục nhân chứng, Ron nói: “Tôi muốn mời cô Việt lên bục nhân chứng.”
Tôi đi lên. Thư ký tòa yêu cầu tôi đặt tay lên Kinh Thánh để thề rằng tôi sẽ chỉ nói sự thật.
“Tên cô là gì?”
Tôi nói tên tôi.
“Quan hệ của cô với anh Sơn Nguyễn là gì?”
“Vợ cũ của Sơn Nguyễn.”
“Hai người kết hôn bao lâu?”
“Bảy năm.”
“Cô đang sống ở đâu?”
“San Jose, California.”
“Vì sao hôm nay cô tới đây?”
“Vì tôi muốn ủng hộ cho anh Sơn.”
“Vậy là cô bay từ tận California xuống đây để bày tỏ sự ủng hộ với Sơn Nguyễn?”
“Vâng.”
“Cô làm nghề gì?”
(2) ở trường đại học.”
“Tôi là research assistant professor
“Cô làm việc ở đâu?”
“Đại học San Jose.”
“Cô có bằng tiến sĩ?”
“Vâng.”
“Trong lúc cô và Sơn chung sống, cô có được biết về bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào của Sơn không?”
“Không.”
“Anh ta có bao giờ đánh đập hay có hành vi bạo lực làm tổn hại đến cô?”
“Không.”
“Cô có biết về việc anh Sơn có dùng bất kỳ loại thuốc nào không?”
“Không.”
“Nếu như anh Sơn được tại ngoại hôm nay, cô có nghĩ anh ta là một mối nguy hiểm cho xã hội không?”
“Không.”
“Anh Sơn làm nghề gì?”
“Kỹ sư tin học.”
“Cô có biết anh ta có bằng gì không?”
“Anh ấy có bằng cử nhân.”
“Hai người kết hôn ở đâu?”
“Chicago.”
“Hai người sống ở đâu?”
“Nhiều nơi, Chicago, Oregon, New Jersey, New Hampshire.” “Vì sao Sơn chuyển tới thành phố này?”
“Vì công việc.”
“Sơn có người thân, gia đình ở đây không?”
“Anh ấy có em họ ở đây.”
“Cảm ơn cô, tôi không có câu hỏi nào khác nữa.”
Luật sư đại diện cho cô gái tiến tới tôi. Ông ta chắc nghe nhầm rằng chúng tôi ly hôn đã bảy năm rồi nên hỏi:
“Trong bảy năm qua kể từ lúc hai người ly hôn, Sơn có liên hệ với cô không?”
“Chúng tôi kết hôn bảy năm và chỉ ly thân từ năm ngoái, chính thức ly hôn vào năm nay.”
“À, ra thế. Như vậy là cô và Sơn vẫn còn kết hôn khi Sơn chuyển đến thành phố này?”
“Vâng.”
“Anh ta ở Mỹ theo diện visa nào?”
“Visa làm việc.”
“Gia đình anh ấy ở Việt Nam? Bố mẹ ở Việt Nam?” “Vâng.”
“Anh ta có hộ chiếu không?”
“Có hộ chiếu Việt Nam.”
“Tôi không có câu hỏi nào nữa.”
Họ mời tôi về chỗ ngồi rồi gọi Trường lên. Ron lại hỏi một loạt các câu hỏi tương tự.
“Tên anh là gì?”
“Quan hệ của anh với Sơn Nguyễn là gì?”
“Anh làm nghề gì?”
“Nếu thẩm phán cho phép bảo lãnh Sơn Nguyễn ngày hôm nay, anh có sẵn sàng bỏ tiền hoặc thế chấp tài sản để bảo lãnh cho Sơn Nguyễn hay không?”
“Có, tôi sẽ thế chấp nhà tôi.”
“Anh có gia đình không?”
“Tôi có vợ và con gái 3 tuổi.”
“Anh và gia đình sống trong ngôi nhà này à?”
“Không, chúng tôi sống ở nhà khác. Tôi sở hữu ngôi nhà này cùng một người bạn.”
“Người bạn nào?”
“Anh ta ngồi kia.” - Trường chỉ Quảng.
Ron tiếp tục gọi Quảng lên và lại hỏi tên, công việc của Quảng. “Anh làm nghề gì?”
“Tôi làm việc cho chính quyền liên bang.”
“Anh có đồng ý thế chấp căn nhà này để bảo lãnh cho Sơn Nguyễn nếu như thẩm phán đồng ý cho Sơn tại ngoại?” “Tôi đồng ý.”
“Tôi không có câu hỏi nào khác, thưa thẩm phán. Tôi đề nghị khoản bảo lãnh đối với Sơn Nguyễn là 20 ngàn đô la.” “Hai mươi ngàn thấp quá” - thẩm phán nói.
Ông ta nghĩ mấy giây rồi nói:
“Ba mươi lăm ngàn và anh ta phải để lại hộ chiếu.” “Anh ta cũng không được phép đi đâu ra khỏi tiểu bang mà không đến xin phép cảnh sát.”
Thẩm phán đập búa xuống, kết thúc phiên xử. Chúng tôi lập tức đứng dậy ra ngoài vì họ đã gọi tên của vụ tiếp theo và cảnh sát cũng giải Sơn qua cửa ngách trở lại nhà tù. Bên ngoài, Bernie đi lấy giấy tờ còn Ron tiến về phía chúng tôi.
“Cảm ơn cô đã xuống làm chứng” - Ron bắt tay tôi - “Sự có mặt của cô giúp rất nhiều.”
Rồi anh ta nói với cả nhóm:
“Tôi còn một vụ nữa nên tôi không ở lâu được. Bernie sẽ giải thích cho các bạn về công việc tiếp theo. Chúng ta sẽ xuống dưới
nhà nộp giấy tờ, đóng tiền bảo lãnh rồi đến nhà tù đón Sơn về. Giờ anh ấy ra rồi thì mọi việc sẽ dễ hơn nhiều.”
Bernie tiến tới chỗ chúng tôi với một xấp giấy tờ. Ông giải thích rằng mặc dù khoản bảo lãnh là 35 ngàn đô nhưng chúng tôi sẽ cần giấy xác nhận rằng ngôi nhà có giá trị gấp đôi. Vì ngôi nhà lại nằm ở hạt D chứ không phải ở hạt C này nên chúng tôi phải sang tòa án của hạt D để lấy giấy định giá căn nhà; họ sẽ để giấy định giá này trong một phong bì niêm kín, chúng tôi nhất định không được mở niêm phong mà phải mang phong bì đó đến nhà tù hạt C để bảo lãnh Sơn ra.
“Nếu các bạn nhanh chân thì các bạn vẫn có thể bảo lãnh anh ấy ra hôm nay.”
Bernie nói rồi quay sang cầm cả hai tay tôi.
“Cảm ơn cô đã xuống. Sự có mặt của cô giúp rất nhiều. Cô thật tốt bụng quá.”
“Phải cảm ơn ông mới đúng” - tôi nói - “Nếu tôi có thể giúp gì trong thời gian sau này thì cho tôi biết.”
Bernie đi khỏi, chúng tôi lập tức chia ra hai nhóm - hai người về nhà lấy hộ chiếu của Sơn; số còn lại thì đi đến tòa án hạt D để lấy giấy định giá nhà; và hẹn sẽ gặp lại ở nhà tù hạt C.
Phải đến 3 giờ chiều, mọi giấy tờ mới xong xuôi. Tất cả đều đói, mệt. Chưa ai ăn trưa. Nam và Trường chạy ra ngoài mua một ít đồ ăn nhanh và quần áo cho Sơn vì nghe nói họ sẽ lấy lại hết quần áo tù và cho Sơn mặc một bộ quần áo ni lông. Chúng tôi chờ từ 3 giờ, đến 4 giờ, 5 giờ, rồi 6 giờ mà vẫn không thấy Sơn. Khoảng 7 giờ tối, chúng tôi đang kẻ đứng người ngồi trong phòng chờ, cố gắng giục cô nhân viên ở đó gọi điện trở lại trại giam xem mọi việc đến đâu thì ai đó kêu lên:
“Ơ, anh Sơn kìa.”
Tất cả nhào ra cửa kính. Sơn đang đi lững thững ở con đường dốc bên ngoài tòa nhà, mặc một bộ quần áo ni lông màu xanh da trời. Trường, Nam, và Quảng nhào ra cửa, ôm chầm lấy Sơn. Tôi đứng ở xa, chỉ mỉm cười chào Sơn. Anh cũng mỉm cười, gật đầu chào tôi. Rồi mọi người đưa quần áo cho Sơn vào nhà vệ sinh thay. Khi anh mặc quần áo mới đi ra, chúng tôi quyết định đi ăn tối để chào mừng Sơn về nhà và bởi vì tất cả đều đói.
Trên xe và trong quán, Trường, Nam, Quảng, và Thu thi nhau hỏi chuyện Sơn và đùa. Tôi không nói gì, chỉ nghe mọi người nói chuyện.
“Anh Sơn à, bọn em bảo là từ giờ anh nói gì bọn em cũng phải nghe hết, hổng dám cãi lại đâu, nhỡ anh mà bỏ đi là cái nhà em nó xiết luôn đó.”
“Từ giờ sư phụ đi đóng sàn, rửa bát thêm để trả nợ đi nha.” “Trời ơi, cái hôm thứ Bảy rồi Chủ nhật không thấy ảnh tới chơi tennis, bọn này nghĩ chắc ảnh chán bọn này rồi nên không tới nữa, hoặc không chừng ông này có bồ rồi... cái, tuần sau cũng không thấy, gọi điện thì không thấy thưa máy, nghĩ lạ ghê, cái, tối hôm đó một ông Ấn Độ ở cùng công ty đến bấm chuông cửa báo tin, cả hội rụng rời chân tay luôn... Giờ cứ nghe ai bấm chuông cửa là sợ.”
Sơn nói:
“Đúng là có vào tù rồi mới thấy sống tự do bên ngoài là sướng. Hôm nay lúc chúng nó vào gọi mình sắp xếp quần áo để ra, cả phòng giam chúng nó vỗ tay ầm ầm, lại còn dặn là ra bên ngoài thì sống đàng hoàng tử tế để khỏi quay lại.”
“Công nhận bọn tù ở ngoài không biết thế nào chứ vào trong đấy đứa nào cũng rất tử tế, răm rắp tuân thủ kỷ luật, quét dọn
sạch sẽ, giúp nhau đâu ra đấy... Mình suốt ngày chỉ có đánh cờ với tập thể dục với chúng nó.”
“Thế có người châu Á nào khác trong đấy ngoài anh không?” “Có mỗi một thằng người Lào, vài đứa Mỹ trắng, còn toàn da đen. Có thằng trẻ ơi là trẻ mà đã năm con rồi, mình hỏi nó, mày năm con thì nuôi thế nào, nó bảo tao bán ma túy. Mà bọn nó rất là đàng hoàng... ví dụ ăn ngày ba bữa, thường bữa nào cũng có sữa, bánh, thức ăn, bọn trong phòng chúng nó cứ đổi nhau, có thằng muốn ăn bánh mà không thích uống sữa thì chúng nó hô: “Đổi sữa lấy bánh đây”; nhiều thằng nó vay mình cái này cái khác mình cũng chẳng nhớ nó là thằng nào, tự nhiên mấy hôm sau thấy nó mang đến trả, bảo là nó nợ mình hôm trước. Rất đàng hoàng.”
“Thế ngoài đánh cờ thì anh làm gì nữa?”
“Tập chống đẩy. Bọn đấy chúng nó khỏe lắm... vừa bò lên cầu thang vừa chống đẩy mà có thằng nó làm được hai ngàn cái.” Sau bữa ăn, chúng tôi về nhà. Thu đã mua một ít vàng mã ở siêu thị. Trước khi Sơn vào nhà, Thu và Trường đốt chỗ vàng mã thành một đống lửa nhỏ trên lối đi, rồi lấy một đụn lửa hơ quanh người Sơn và bắt Sơn nhảy qua đống lửa ba lần mới được vào nhà.
“Phải đốt phong long xả xui cho ổng” - Thu nói.
Trong nhà, chúng tôi luộc trứng vịt lộn ăn rồi tán gẫu. Sơn cảm ơn mọi người đã giúp bảo lãnh anh ra. Trong lúc đùa, ai đó nói với Sơn và tôi:
“Trời ơi, sau vụ này về thì làm đám cưới lại đi nha.” Tôi chỉ cười, không nói gì. Sơn cũng cười. Từ lúc gặp lại, chúng tôi chưa nói với nhau câu nào.
Cả ngày dài quá mệt nên tôi xin phép đi ngủ sớm. Tôi chỉ đặt mình xuống giường là thiếp đi. Nhưng trước khi thiếp đi, tôi vẫn kịp nghe tiếng Sơn cười lớn dưới nhà. Tiếng cười rất quen. Quá quen. Tôi nghĩ đến những năm tháng chúng tôi đã sống với nhau, những lúc chúng tôi đã cười như thế và đã hạnh phúc rất nhiều, hạnh phúc vô cùng - như thể trên thế giới không ai có thể chia sẻ cái bí mật về một thứ hạnh phúc không thuộc về thế gian này của chúng tôi.
Thật sự, sẽ dễ dàng biết bao nếu chúng tôi quay lại.
Chương 4
Tan nát
Nhưng rút cục chỉ có mình tôi quay lại San Jose ngày hôm sau.
Chuyến bay của tôi vào buổi chiều nên buổi sáng Sơn và Thu đưa tôi vào downtown chơi rồi đi ăn phở ở một quán Việt Nam. Tôi và Sơn hầu như không nói chuyện trực tiếp với nhau. Trong lúc ăn trưa, Sơn nói:
“Ở trong tù, nhiều thằng thèm thức ăn, có thằng bảo lúc nào ra tù tao sẽ ăn liền một lúc hai mươi cái cánh gà nướng, có thằng bảo tao sẽ đi ăn thịt bò bít tết. Có thằng đêm nào cũng mơ đi ăn món gì, món gì, sáng dậy ngồi kể cho thằng khác thèm.”
“Thế anh có muốn ăn gì không?” - tôi hỏi.
“Không, người như anh thì cần gì” - Sơn cười - “có thì ăn, không có không ăn.”
“Hay là lại mơ thấy thịt bò với tôm hùm bơi qua, rồi tưởng nó là kẻ trộm nên đuổi theo vật xuống đất?” - tôi nói. Sơn phá lên cười. Anh luôn hiểu sự hài hước của tôi, cũng như tôi luôn hiểu sự hài hước báng bổ của anh.
Buổi chiều, Thu thả Sơn và tôi ở sân bay, nói rằng sẽ quay lại đón Sơn sau. Khi lái xe đi, Thu nói với tôi: “Thôi, giờ gửi anh Sơn lại cho chị nha”. Tôi biết các bạn của Sơn đều hy vọng chúng tôi sẽ quay lại.
Sơn và tôi đi bộ vào trong sân bay và ngồi xuống ở khu chờ. Câu chuyện bắt đầu chậm rãi. Sơn hỏi công việc của tôi thế nào, cuộc sống ở San Jose có tốt không, các đồng nghiệp có tốt với tôi không. Tôi nói mọi việc bình thường, San Jose cũng vui, đồng
nghiệp đều tốt với tôi cả. Tôi lại hỏi Sơn công việc của anh thế nào, đồng nghiệp ra sao, anh có thường xuyên đến chơi nhà Thu không. Sơn nói mọi việc cũng tốt cả.
Thế rồi, chẳng có gì để nói nữa, hai chúng tôi im lặng. Sự thật là có quá nhiều thứ để nói nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu và có nên nói hay không, có cần phải nói nữa không. Tôi không biết Sơn cảm thấy thế nào; tôi thì chưa bao giờ ý thức rõ ràng đến thế về từng khoảnh khắc trôi qua. Trôi qua một cách phí phạm chỉ vì chúng tôi không ai có thể mở lời nói điều gì.
Sơn đi vào nhà vệ sinh. Rồi đến lượt tôi đi vào nhà vệ sinh. Tôi ngồi trên bồn vệ sinh, đầu cúi xuống. Thế giới đè nặng trên vai. Khi đi ra, tôi không muốn để phí thời gian nữa.
“Anh có thắc mắc gì về chuyện ly dị không?” - tôi nói. Sơn cười khẽ.
“Thực ra thì cũng chẳng có thắc mắc gì cả” - Sơn nói - “Sống với nhau mà không thấy thoải mái nữa thì ly dị thôi chứ làm thế nào.”
Sơn chỉ nói thế và cũng không giải thích gì thêm; nhưng sau đó, anh bỏ kính ra và bắt đầu dụi mắt rất lâu. Tôi không biết Sơn khóc hay anh chỉ dụi mắt. Mắt tôi lúc đó ngân ngấn nước nhưng tôi không để nước mắt chảy ra mà cũng không để Sơn nhìn thấy.
Chúng tôi lại im lặng. Sơn lại hỏi tôi các đồng nghiệp của tôi ở San Jose thế nào, có tốt với tôi không. Tôi nói họ cũng thân thiện, vui vẻ, nói chung là tốt.
“Cố gắng ổn định rồi xem có ai phù hợp thì lấy đi” - Sơn nói. Tôi không nói gì.
“Thế anh đã có ai chưa?”
“Làm gì có ai.” - Sơn cười - “Ngày thì đi làm suốt, chỉ có chơi với mấy đứa này thì chúng nó cũng toàn vợ con hết rồi.”
Chúng tôi lại im lặng. Một lúc sau, Sơn lại hỏi tôi: “Thế em thế nào?”
“Cũng chưa có ai cả.”
“Ổn định một thời gian rồi xem có ai phù hợp thì lấy đi” - Sơn nói.
Lần thứ hai Sơn nói câu đó. Anh nói với tất cả sự tử tế và thân thiện. Tôi không nói gì. Thực sự không thể mở miệng nói gì. Than ôi, trời đất vô tình, coi vạn vật như chó rơm. Tôi chỉ có thể ngồi đó nghe với tất cả sự tử tế và thân thiện.
Sau đó, không ai nói gì.
Cũng đã đến giờ. Tôi nói tôi nên vào trong. Sơn đưa tôi tới cửa kiểm tra an ninh. Tôi không thể nhìn vào mặt Sơn; anh cũng không nhìn vào mặt tôi. Tôi phải cố gắng lắm mới không khóc. Sơn nói:
“Em giữ gìn sức khỏe nhé, có gì thì liên lạc.”
“OK, có gì em sẽ email. Bye anh.”
Mắt của chúng tôi chỉ gặp nhau trong giây lát khi tôi quay người đi. Tôi chỉ vừa quay lưng lại là nước mắt ào ạt tuôn ra. Tôi đã khóc khi đi qua cửa kiểm tra an ninh, nước mắt ròng ròng trên má khiến anh nhân viên an ninh hết sức bối rối. Tôi khóc trong lúc chờ máy bay. Khóc suốt chuyến bay. Tôi kéo mũ len xuống kín mặt giả vờ ngủ, để cô tiếp viên không quấy rầy. Khi tôi xuống đến San Jose, cái mũ len ướt sũng nước mắt.
Sự thật là Sơn vẫn rất quen thuộc với tôi, vẫn là một cái gì đó tôi hiểu rất rõ. Một phần trong tôi nghĩ, sẽ dễ dàng biết bao nếu chúng tôi quay lại với nhau. Và tôi biết cánh cửa đó hoàn toàn để ngỏ - chỉ cần tôi đưa tay ra. Nhưng còn một phần khác trong tôi thì như một đứa trẻ từng bị bỏng nặng nên không còn có thể nghĩ đến chuyện lại gần đống lửa.
Máy bay xuống San Jose lúc nửa đêm. Tôi kéo mũ sụp xuống mắt rồi lên taxi về nhà. Thành phố về khuya im ắng, nhòe nhoẹt vài đốm đèn đường. Cả trời đất là một khối tan nát, không thể an ủi. Tất cả những gì tôi muốn bây giờ là đi tới một bãi biển thật xa, thật xanh, mênh mông cát trắng, và sẽ có một ai đó mà tôi có thể hoàn toàn tin cậy cho tôi tựa đầu vào ngực mà nghỉ ngơi một chút khỏi cuộc đời đã muốn thử thách tôi quá nhiều này.
Chương 5
Gặp ma
Nhưng không có bờ biển xanh mênh mông cát trắng nào, cũng không có người đàn ông đáng tin nào. Trái lại, một buổi tối, một vị khách bất ngờ ghé thăm tôi.
Khoảng sau nửa đêm, đang ngủ, tôi đột nhiên tỉnh lại. Không mở mắt, tôi chỉ dần dần định thần xem tại sao mình tỉnh lại thì một âm thanh lọt vào tai tôi. Đó là tiếng hít vào thở ra đều đều như tiếng thở của một người bị hen suyễn ở bên trái tôi, cách chừng ba mét. Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra...
“Chắc tiếng máy điều hòa hoặc tủ lạnh” - tôi nghĩ. Nhưng không phải. Đây là tiếng thở. “Hay là tiếng thở của chính mình mà mình không biết?” - tôi nghĩ. Nhưng rõ ràng không phải. Hay là tôi mơ? Không, tôi không mơ. Tiếng thở vẫn đều đều và rõ ràng. Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra. “Ma à?” - tôi nghĩ.
Alas, không thể hình dung được nỗi sợ hãi của tôi khi chữ ”ma” trồi lên trong đầu.
Tôi tiếp tục nằm im bất động, mắt không mở, vờ như vẫn ngủ. Tiếng thở vẫn tiếp tục đều đều, lớn, hơi khò khè.
Không phải tiếng thở của một người. Nhưng cũng không hẳn là một con thú - hoặc nếu là một con thú thì phải là một con thú rất lớn. Linh tính hay cái gì đó ngầm mách tôi rằng thứ đang thở đó là một sinh vật lớn, lông lá hoặc có bờm, nửa người nửa thú, màu đen.
Mặc dù hết sức kinh sợ nhưng lý trí và sự tôi luyện trong khoa học lập tức ra sức trấn an tôi: “Không thể nào có chuyện ma quỷ được. Nhất định phải có lời giải thích cho việc này”. Tôi bắt đầu
điểm trong đầu tất cả các cách giải thích có thể có: một là tôi mơ; hai là tôi bị ảo thanh; ba là chính tôi thở nhưng do cách cấu tạo của căn phòng này mà tiếng thở của tôi lại dội ra chỗ đó; bốn là có con mèo hay... chuột khổng lồ nào đi lạc vào; năm là... Từng giải thích nổi lên và lần lượt, lý trí của tôi bác bỏ từng giải thích.
Trong lúc đó, tiếng thở vẫn tiếp tục, hướng về phía tôi. Không có cách nào khác là phải mở mắt ra nhìn xem cái đang thở đó là gì. Vậy là tôi he hé mắt nhìn ra trong lúc vẫn nằm im. Tuyệt nhiên không có gì ngoài một khoảng trống đen kịt ở phía đó, nơi tiếng thở tiếp tục vọng ra. Trong đầu tôi lúc này không hiểu sao có một hình dung rõ ràng rằng thứ đang thở ở đó - cái sinh vật nửa người nửa thú lông lá màu đen và to lớn đó - đang nhìn tôi nhưng nó không muốn hại tôi và cũng sẽ không thể hại được tôi chừng nào tôi còn giữ được đầu mình tỉnh táo. Nhưng nó đang nhìn tôi, trông chừng. Vậy là tôi nhắm mắt lại, càng thêm tê cứng vì sợ.
Mình đang gặp ma. Hoặc là gặp quỷ Satan.
Nếu cứ tiếp tục thế này, tôi sẽ đứt dây thần kinh hoặc vỡ tim mà chết. Mặt khác, cùng với sợ hãi, sự bướng bỉnh cố hữu và bản năng sống của tôi bắt đầu nổi lên. Khi tôi còn nhỏ và sống ở thị xã Bắc Giang với bố mẹ và chị gái, nhà tôi ở trong khu tập thể của thư viện tỉnh. Những ngày đó, mỗi tuần chỉ ba buổi tối có điện và cũng chỉ được mấy tiếng. Từ nhà tôi ra nhà vệ sinh chung của khu tập thể phải đi qua một dãy chuồng lợn ngập phân và một con đường nhỏ ven một cái ao um tùm cúc tần cùng với rất nhiều tre. Mùa nào, trời cũng tối đen như mực; riêng vào mùa hè thì đom đóm lập lòe, cành tre kẽo kẹt, cú mèo, chão chuộc rền rĩ; mỗi lần đi ra nhà vệ sinh vào buổi tối trước khi đi ngủ là một cuộc tra tấn thần kinh. Chị gái tôi không bao giờ dám đi một mình. Tôi thì hay tự bảo mình theo kiểu sĩ diện
trẻ con,“chả nhẽ mình lại nhát thế?” nên tôi thường cầm đèn mà tự đi một mình. Mỗi lúc như thế, mặc dù bên ngoài tôi có vẻ can đảm đường hoàng lắm, nhưng bên trong, cả người tôi đã đông cứng lại thành một khối cảnh giác cao độ, chỉ chực co chân bỏ chạy nếu có gì xảy ra. Về sau này, cái sĩ diện trẻ con đó luôn là động lực khiến tôi làm những việc mà người khác không làm hoặc những việc mà tôi tự nghi ngờ không biết mình có làm được không. Càng nghĩ mình không thể làm được, tôi lại càng làm cho bằng được.
Buổi tối đó, cũng lại chính cái sĩ diện và/hoặc dũng cảm này đã cứu tôi. Vừa cùng cực sợ hãi, vừa cương quyết không để mình chết vì sợ, tôi quyết định phải hành động và phải thử xem có thật là có cái gì ở đó không. Vậy là tôi trở mình, mở mắt he hé và cầm một cái gối ném về phía có tiếng thở.
Tiếng thở dừng lại.
Tôi nhắm mắt lại, vờ ngủ tiếp trong khi thực tế là toàn thân đã co cả vào tai để lắng nghe.
Xung quanh chỉ có im lặng.
Khi tôi bắt đầu yên trí rằng có lẽ tôi chỉ vừa có một giấc mơ hay hoang tưởng nào đó thì tiếng thở lại nổi lên... lần này ở phía bên kia. Tiếng thở lần này ở xa hơn một chút. Như thể cái vật ở đó muốn đứng xa tôi hơn để đề phòng tôi sẽ ném gối hoặc cái gì đó mạnh hơn.
Thế này thì không phải mơ rồi.
Ma.
Sự sợ hãi của tôi đã lên đến đỉnh điểm. Cả thế giới chỉ còn là một khoảng không đen đặc mà trong đó tôi một mình đối đầu với một con quái thú gớm ghiếc mà tôi không biết mặt và không biết nó sẽ tấn công tôi từ phía nào. Tôi không theo đạo Phật,
không theo đạo Thiên Chúa, không theo bất cứ đạo nào, nên không có thánh thần nào mà tôi có thể cầu cứu vào lúc này, thậm chí không thể gọi ông bà tổ tiên phù hộ. Làm thế nào đây khi mà lần đầu tiên tôi ý thức rằng mình quá nhỏ bé trước đối thủ?
Vào giờ phút đó, khi tất cả kiến thức khoa học đều đã ra ngoài cửa sổ, đột nhiên trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ: tôi sẽ phải cầu đến Quán Âm Bồ Tát bởi vì khi tôi còn bé, mẹ tôi có lần lấy tử vi cho tôi và tử vi nói rằng người độ mạng cho tôi là Quán Âm Bồ Tát. Tôi lại nhớ ra từ phim Tây du ký rằng thần chú của Bồ Tát Quán Âm là “Ôm ma ni bát mê hồng” và nó có khả năng hàng phục tất cả yêu quái đã cản trở Đường Tăng trên đường đi.
Vậy là tôi bắt đầu niệm trong đầu “Ôm ma ni bát mê hồng”; vừa niệm vừa băn khoăn không biết mình niệm có đúng không; phải niệm tiếng Việt hay tiếng Tây thì mới hiệu nghiệm. Nhưng tôi rất thành tâm niệm, với ý nghĩ sắt đá rằng bất kể cái thứ đang thở kia là gì thì nhất định tôi không thể chết về tay nó. Tôi tưởng tượng những câu thần chú dựng thành một bức tường bảo vệ tôi, không cho con quái thú đến gần. Tôi còn niệm thì nó sẽ không thể đến gần.
Một lúc nào đó, tôi thiếp đi vì sợ hãi và căng thẳng.
Chương 6
Một thế giới khác
Khi tôi mở mắt vào sáng hôm sau, thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Tất cả chỉ vì hai từ mà tôi không sao gạt được khỏi đầu: có ma.
Qua một đêm, căn phòng tôi ở và mọi căn phòng trên đời không còn như cũ. “Mình không một mình” - cảm giác rờn rợn khiến sống lưng tôi lạnh toát. Các góc phòng đã biến thành những miệng vực vô đáy, mọi khoảng tối đều trở thành những hang ổ, những bóng mờ của đèn tường biến thành những hình thù quái dị. Tôi bật hết điện, mở tất cả rèm cửa mà căn phòng vẫn không đủ sáng. Đầu tôi căng ra trong lúc đi mấy bước chân về phía nhà tắm lúc này còn tối. Có thể có ai đó đang nấp bên trong. Tôi đẩy cửa, thò tay gạt tất cả công tắc điện trên tường rồi mới dám bước vào. Bên trong, tôi ngồi xuống bồn cầu nhưng không thể đóng cửa lại. Tôi chờ một cái gì đó nhảy xổ ra, hiện nguyên hình cho tôi nhìn thấy, và tôi sẽ vỡ tim mà chết ngay tại chỗ.
Vội vội vàng vàng đi tiểu, tôi đứng dậy rửa tay trong bồn. Người nhìn tôi trong gương là một người khác. Đôi mắt hoang mang, vô hồn này? Hai điểm sáng trong trong đang nhìn thẳng vào tôi này... Ai đấy? Ai đang nhìn đây? Và còn những ai đang nhìn nữa? Những đôi mắt nào nữa? Ai cũng đang soi gương? Nếu tôi tiếp tục nhìn vào gương như bây giờ, rất có thể một khuôn mặt sẽ hiện ra sau lưng tôi, và tôi cũng sẽ vỡ tim chết ngay tại chỗ. Alas!
Tôi với tay ra sau bật quạt thông gió để tiếng quạt có thể che lấp bất cứ tiếng động khả nghi nào. Tôi cúi đầu vốc nước trong
bồn lên rửa mặt. Sống lưng tôi lạnh toát. Từ gáy đến xương cụt là một cột khí lạnh mà tôi có mặc thêm tất cả áo khoác trên đời cũng không thể ấm lên. Vẫn cúi xuống rửa mặt, khóe mắt tôi bắt gặp rèm che bồn tắm. Hình như có ai nấp sau rèm... Có thể có ai đó đang nín thở đứng sau rèm... Nếu tôi kéo rèm ra tắm...
“Thôi không tắm nữa” - tôi nghĩ. “Mình vừa tắm tối hôm qua”. Tôi vừa biện minh che lấp nỗi sợ vừa lập tức biết rằng nếu tôi không tắm sáng nay thì tối nay tôi càng không thể tắm; sáng ngày mai tôi cũng sẽ không tắm; và chiều mai tôi cũng sẽ không tắm. Nếu tôi thua lúc này, tôi sẽ không còn cơ hội nào.
Phải tắm - tôi quyết định - Phải làm tất cả mọi việc vẫn làm hằng ngày như bình thường.
Tôi kéo tung rèm ra, bỏ quần áo, bước vào bồn tắm và vặn mạnh vòi hoa sen. Tôi dứt khoát đưa đầu xuống dưới vòi hoa sen, hai tay bận rộn xoa dầu gội. Nước tuôn xuống đỉnh đầu, hòa lẫn với xà phòng, vòng ra hai bên mặt, tràn vào khóe mắt. Tôi nhắm mắt lại. Alas, bây giờ, cuộc chiến mới bắt đầu.
Than ôi, bạn phải từng ngồi trong nhà xác bệnh viện suốt đêm, hoặc từng một mình trong phòng quản quan tài, hoặc ở ngoài bãi tha ma, hoặc từng có ác mộng đi lạc trong hang tối, hoặc từng bị bóng đè, hoặc từng lạc trong núi ban đêm, hoặc đang bơi mà bị chuột rút, hoặc bị ai đó trùm chăn đè xuống, hoặc đang bơi ngoài biển mà cảm giác một cái vòi dài vừa vờn qua chân... thì bạn mới hình dung được sự sợ hãi của tôi.
Nước vẫn xối xuống, tay vẫn đang xoa xà phòng, tôi đang đứng trong nhà tắm mà tôi thấy tất cả thế giới đã biến mất. Tôi đang một mình giữa một nghĩa địa trải tới vô tận, xung quanh không bóng người, không một tia sáng. Cả vũ trụ là một nghĩa địa khổng lồ chỉ có bóng tối dày đặc và ẩn trong bóng tối đó là hàng ngàn hàng vạn những quái vật nửa người nửa thú, những
con quỷ lông lá, những con ma chuẩn bị bất thần hiện ra cho tôi thấy rõ những răng nanh trắng, mắt thao láo, miệng đỏ máu, móng chân móng tay gớm ghiếc. Chúng đã sẵn sàng giết chết tôi và có thể nhào vào tôi bất cứ lúc nào. Chúng chỉ đang quan sát tôi như mèo vờn chuột... Từ bên trái... Từ bên phải... Từ phía trước... Từ phía sau... Từ phía trên... Từ phía dưới... Tôi có thể nghe thấy tiếng cười ghê rợn của tất cả chúng... Tiếng cười rền trong không trung vô tận như tiếng sấm rền, đầy khí lạnh chết chóc...
Ha ha ha ha... Há há há há...
“Chỉ là tưởng tượng, chỉ là tưởng tượng” - tôi cổ nói với mình, tay vẫn xoa xà phòng. Vô ích. Bóng tối tiếp tục dày thêm, lan rộng ra, đồng thời khép chặt lại quanh tôi... Đầu óc tôi lại tự động nhớ lại tiếng thở đêm qua. Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra... Những bàn tay và con mắt thao láo đang vươn về tôi... Gần thêm, gần thêm, gần thêm...
“Chỉ là tưởng tượng. Chỉ có trong đầu...” - tôi lại tự trấn an - “Hãy nghĩ đến cái gì khác. Hãy nghĩ đến cái gì vui. Đến một cảnh vui, một chuyện vui...”. Tôi bắt đầu nghĩ đến các dự án đang làm, nghĩ đến sách đang viết, sách đang đọc, nghĩ đến bố mẹ, rồi bạn bè, rồi nghĩ đến những người mạnh mẽ nhất hay người tốt nhất mà tôi biết.
Vô ích. Không ai có thể cứu tôi lúc này. Tôi chỉ một mình. Bóng tối vẫn dày đặc. Những con mắt tiếp tục nhìn. Tiếng thở vẫn lẩn quất. Vòng vây đang siết dần, gần hơn, gần hơn, sắp chạm tới tôi...
Hai tay vuốt vội xà phòng và nước khỏi mặt, tôi mở bừng mắt, thở dốc. Oh my God, oh my God! Tim tôi đập thình thịch trong ngực. Tay tôi túm vào rèm, kéo ra một nửa. Một tay tiếp tục vuốt nước khỏi mắt, một tay kia tôi quờ quạng với cái khăn tắm lớn
lau mặt. Mặc kệ đầu chưa gội xong. Mặc kệ còn xà phòng. Tôi đã sẵn sàng nhảy ra khỏi nhà tắm, mở tung cửa, chạy ra phòng ngoài...
Nhưng tôi không nhảy ra.
Nếu tôi ra khỏi nhà tắm vào lúc này,“nó” sẽ thấy. “Nó” sẽ biết tôi sợ hãi thế nào và tôi sẽ không bao giờ quay lại được đây cũng như không thể đi bất cứ đâu khác. Nghĩa là cuộc đời tôi chấm dứt. Vĩnh viễn để “nó” khống chế. Phải tiếp tục gội đầu và tắm. Phải tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra.
Lấy hết can đảm trong lúc tim vẫn đập như nổ tung trong lồng ngực và sống lưng lạnh toát, tôi lấy khăn lau sạch nước khỏi mặt rồi lại tiến tới vòi hoa sen. Có điều, tôi không thể tiếp tục cúi đầu nhắm mắt nữa. Lòng dũng cảm chỉ đủ để giữ được hai chân tôi trong bồn tắm chứ không thể giúp tôi nhắm mắt lại. Vậy là tôi xoay người, ngửa đầu ra sau để cho nước xối xuôi. Những tia nước li ti từ vòi hoa sen bắn vào mắt cay rát nhưng tôi tiếp tục chịu đựng để không phải nhắm mắt. Tôi gãi thật mạnh và nhanh cho hết xà phòng, xả nước sạch đầu rồi chỉ tắm qua loa là ra khỏi bồn tắm. Lại vội vàng sấy khô tóc, mặc quần áo, tôi lấy ba lô ra khỏi nhà với hy vọng rằng ánh sáng và đường phố bên ngoài sẽ kéo tôi tỉnh khỏi cơn ác mộng hãi hùng này.
Bên ngoài hóa ra cũng chẳng khá hơn. Còn sớm nên đường phố vắng. Ngoài mấy quán cà phê mở sớm, các hàng ăn vẫn còn tối đèn, bàn ghế úp ngược; các tòa nhà chưa sáng đèn; garage ô tô trống trải, toang hoác. Góc nào tôi nhìn cũng đầy những bóng dáng lẩn quất. Ở góc đường số 4, tôi đứng lại chờ đèn đỏ mà có cảm giác lũ lượt sinh linh vô hình cũng đang đứng chờ và họ cũng băng qua đường khi tôi băng qua.
Mở cửa tòa nhà đi vào, tôi gặp ngay hành lang dài và tối lúc này không có ai. Tôi vội vã lên cầu thang, mở cửa đi vào văn
phòng khoa.
“Chào buổi sáng, Việt” - bà thư ký khoa chào tôi - “Cô khỏe không?”
“Tôi khỏe. Bà khỏe không?”
“Ồ, tôi cảm thấy tuyệt vời, tuyệt vời” - bà thư ký cười toe toét. “Mình sẵn sàng đánh đổi bất cứ cái gì để có được cảm giác vô tư của bà ấy”. Tôi đứng lại tán gẫu với bà ấy một lúc, cố gắng vớt lấy sự vui vẻ từ bà. Nhưng rồi cũng đến lúc phải về phòng làm việc ở cuối hành lang. Vào đến phòng, ngồi xuống, tất cả những gì xảy ra hôm qua lập tức ập trở lại mồn một. Thế giới lại biến mất. Tôi lại một mình trong bóng tối cùng với tiếng thở... Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra...
Mình không hề mơ. Chắc chắn mình không mơ. Đầu óc mình lúc đó hoàn toàn tỉnh táo, sáng suốt.
Tức là mình đã gặp ma.
Ma.
Ma.
Vì sao?
Sao đi theo tôi? Đi theo bao lâu rồi? Có bao nhiêu “con”? Chúng định làm gì tôi?
Định “bắt” tôi và cũng sẽ làm cho tôi điên loạn như trong những câu chuyện mà tôi được nghe về những người bị ma bắt, vong ám, vong hành, vân vân? Định hại tôi chết?
Hay đấy là vong linh ông bà tổ tiên nào đó “hợp” với tôi nên đi theo che chở hoặc nhắn nhủ tôi điều gì? Mẹ tôi nhiều lần kể với chị em tôi rằng khi mẹ tôi còn bé, mẹ mấy lần nhìn thấy ông nội quá cố đứng đầu giường bảo mẹ rằng có một hũ tiền ở dưới chân giường; đến khi bà tôi đào lên thì quả nhiên có một lọ tiền cổ. Mẹ lại còn kể rằng, mẹ chửa tôi lúc đang sống ở khu tập thể thư
viện Bắc Giang và, rất nhiều lần, trong lúc ngủ, mẹ đột nhiên mở mắt thì thấy một nhà sư mặc áo nâu rất hiền đứng ở đầu giường. Nhiều lần như vậy, mẹ hỏi thì những bà cụ xung quanh nói rằng thư viện vốn xây trên nền một ngôi chùa cổ đã bị phá hồi chống Pháp.
Hay là “tiền duyên” của tôi hoặc của những người tôi từng quen biết, do ghen tuông mà đi theo tôi, như thỉnh thoảng tôi vẫn nghe câu chuyện người này người kia không lấy được chồng được vợ phải đi “cắt tiền duyên”? Hay có ai đó là tiền duyên của tôi hoặc Sơn đi theo tôi nhỉ? Hay chính “nó” phá tôi và Sơn khiến chúng tôi phải ly hôn và gặp đủ thứ rắc rối?
Hay đây là linh hồn của một ai đó vốn sống ở căn nhà hoặc tòa nhà tôi ở rồi bị chết trẻ hoặc chết oan nên giờ ám những người sống ở đây, giống câu chuyện những ngôi nhà ma? Hay là...?
Hay là...?
Alas, từ bé đến giờ, tôi chưa từng rơi vào tình trạng sợ hãi kinh khủng như vậy. Những đau khổ lúc ly hôn bỗng trở thành trò trẻ con. Than ôi, giá mà thế giới có thể trở lại như cũ, khi chỉ bao gồm những thứ tôi có thể nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nghe thấy bằng xương bằng thịt chứ không mở ra mênh mông, vô tận, vô đáy, tối đen ma mị hắc ám thế này...
Cái duy nhất giúp tôi lúc này cũng lại là sự kiên định/ bướng bỉnh cố hữu.
“Nhất định phải có cách giải thích logic cho việc này, phải có câu trả lời” - tôi nghĩ.
“Nhất định là dù thế nào thì mình cũng sẽ không để ‘nó’ thắng và hại mình được” - tôi nghĩ.
Nhất định phải có cách ra khỏi cái này.
Nhất định không thể chết về tay “nó.”
Chương 7
Có bệnh thì vái tứ phương
Mùa đông đó là mùa đông kinh khủng nhất từ khi tôi bắt đầu có trí nhớ. Thời gian như một bánh xe hoen gỉ nặng nề lún sâu trên đường đất lầy lội. Chầm chậm, tôi đếm từng ngày giá lạnh. Tháng Mười một. Lễ Tạ ơn. Tháng Mười hai. Rồi năm mới. Tuy thế, lần này, thời gian không hề có cái diệu dụng mọi khi là xóa mờ ký ức về những việc không vui. Tôi vẫn đi làm bình thường, vẫn cười nói và làm mọi việc nhưng lòng tôi là một địa ngục toang hoác. Không gì có thể khiến tôi quên được tiếng thở của đêm đó. Bóng tối xuống lúc chiều là một bản án. Việc tắm rửa hằng ngày chính thức trở thành cực hình. Tôi chuyển hẳn sang tắm buổi sáng và lúc nào cũng phải mở mắt khi tắm.
Khi mùa đông vào sâu dần, ngày càng ngắn lại và đêm dài ra, cảm giác bị bủa vây càng trở nên nặng nề. Lúc nào tôi cũng trong tình trạng chờ đợi tiếng thở quay lại trong bóng tối; hoặc “nó” sẽ từ đâu đó xồ ra, hiện nguyên hình, túm lấy tôi. Suốt mùa đông, đêm nào tôi cũng phải để đèn sáng trong nhà tắm khi ngủ; có đêm tôi còn để nguyên đèn đọc sách ở đầu giường và có đêm thì phải mở nhạc nho nhỏ, chờ cho mình thiếp đi. Nhưng ngay cả như thế, cứ nhắm mắt lại là tôi rơi vào bóng tối vô tận, nơi bất cứ lúc nào cũng có thể có một con quỷ gớm ghiếc chực túm lấy tôi. Đôi khi, vừa nhắm mắt lại, tôi đã phải choàng mở mắt, đầu căng như sắp đứt. Không biết bao nhiêu lần tôi giật mình vì cái lưng ghế, bóng cây ngoài cửa sổ, cái đèn cây và vô số vật trong nhà; mỗi lần giật mình là một nhát dao đâm vào tim tôi, khiến nó vỡ tung. Mỗi tiếng động trong đêm - tiếng kẹt cửa, tiếng tủ lạnh, tiếng trần nhà, tiếng động trong nhà tắm - là một
tiếng búa đóng quan tài, làm toàn thân tôi lạnh. Đã bao lần, khi nằm xuống, nhắm mắt lại, đầu óc tôi ngấp nghé điên loạn. Lần nào, cũng lại chỉ có quyết tâm không thể chết, không thể phát điên cứu sống tôi. Mỗi chiều xuống, tôi lại chuẩn bị tinh thần như một chiến binh sắp vào trận tử chiến và mỗi đêm, tôi một mình xông pha tìm lối ra khỏi bãi chiến trường trùng trùng thây người chết. Khi mặt trời lên, tôi kiệt sức lết ra khỏi chiến trường, chỉ để lại tiếp tục bước vào những trận chiến không có điểm dừng mới...
Than ôi, đêm nào cũng quá dài. Từng đêm là từng lần vào địa ngục. Bóng tối xuống là cửa địa ngục mở ra và tôi được áp tải đi từ địa ngục này tới địa ngục khác - có giá lạnh dọc sống lưng, có nóng rực trong tim, có sợ hãi co rút, có bùng nổ vỡ vụn, có sự bất lực choáng váng thân tâm. Tôi cũng thử niệm lại thần chú “Om Ma Ni Pad Me Hum” nhưng cứ một lúc là tôi lại bị cuốn đi trong sợ hãi và phải cố gắng dùng mọi phương pháp, mọi lý giải để tự trấn an mình. Vật vã như thế cho đến lúc thiếp đi vì căng thẳng. Tôi chưa từng bao giờ biết mặt trời lên có thể mang lại hạnh phúc đến thế.
Giờ thì tôi hiểu tường tận nỗi khổ của những người từng bị một sang chấn tâm lý nặng nề như chết hụt, bị hiếp dâm, bị bắt cóc, giết người, bị vùi trong động đất hay chứng kiến người chết trong chiến tranh; thậm chí kể cả những sang chấn nhỏ hơn như phẫu thuật, tai nạn giao thông, ăn cắp, nói dối, bị bạn bắt nạt, bị cha mẹ thầy cô mắng chửi, chứng kiến người yêu ngoại tình, hoặc có khi chỉ đơn giản là bị người yêu chia tay. Họ thường bị ám ảnh với sự kiện đó (gọi là hội chứng stress hậu sang chấn, hay PTSD). Đầu óc họ tự động nhớ lại sang chấn đó, khiến họ liên tục sống lại cảm giác khủng khiếp lúc xảy ra sang chấn thêm nhiều lần. Mà trớ trêu là, dù cố gắng hết sức, họ
không sao có thể tự bảo mình đừng nhớ lại, quên nó đi. Khi sang chấn quá nặng, bất cứ một kích thích nhỏ nào (ví dụ tiếng động, ánh sáng, mùi quen thuộc, khung cảnh quen thuộc) cũng lập tức đẩy đầu óc họ trở lại cảnh cũ, việc cũ. Chính vì bất lực trong việc kiểm soát mình mà nhiều người đã chọn con đường tự tử để thoát khỏi địa ngục tâm tưởng. Bản thân những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu (anxiety disorder), tâm thần phân liệt, hoang tưởng cũng vậy: họ liên tục sống trong cái ngục tối tạo nên bởi những ý nghĩ sầu thảm mà họ không sao tự thoát ra được.
Đây là một sai lầm của tôi và cũng là của hầu hết những người sống trong sợ hãi, sầu thảm - dù là sợ hãi bất cứ điều gì: chúng ta thường âm thầm chịu đựng mà không nói với ai. Một lý do là chúng ta quá sợ (hoặc quá xấu hổ) nên không dám nói với ai cả. Những người vợ bị chồng bạo hành, những nhân viên bị chủ lạm dụng, trẻ em bị bạn bắt nạt, những người bị người yêu ghen tuông, kiểm soát gắt gao - họ thường quá sợ đối thủ của mình mà không dám báo cảnh sát; cũng không dám kiện hay kể với người thân. Họ cứ một mình chịu đựng và càng thấy mình bị cô lập, như một con thú nhỏ bị dồn vào góc hẹp, chỉ còn trông vào lòng tốt của kẻ săn mồi - mà thường không bao giờ có. Nhưng còn một lý do nữa. Chúng ta thường tin rằng mình có lỗi và đáng phải bị như vậy.
Trong trường hợp của tôi, tôi không biết phải nói với ai và nói thế nào. Lẽ nào lại nói rằng tôi gặp ma?. Khi tôi bóng gió ướm thử với một vài người bạn thân về chuyện ma quỷ, các bạn tôi đều cười, thấy chuyện ma quỷ hoặc hoang đường vớ vẩn không cần quan tâm, hoặc là một chuyện đầy phấn khích. Tôi nhớ lờ mờ đạo diễn George Lucas của bộ phim Chiến tranh các vì sao nói rằng có một lần ông đã nhìn thấy một người phụ nữ tóc
trắng ngồi ở đầu giường ông rồi người đó đứng lên và từ từ tan biến vào khoảng không. Cũng có nhiều người nổi tiếng khác đã gặp “ma” hoặc một hiện tượng gì đó kỳ lạ tương tự nhưng thay vì sợ hãi, họ lại thích thú và đi kể khắp nơi với niềm tự hào rằng họ hẳn phải là người đặc biệt thì mới gặp những chuyện kỳ lạ như vậy. Còn tôi, sau này tôi mới hiểu rằng, tôi không kể tường tận việc này với bạn bè và cũng không thể coi nhẹ nó bởi vì tôi vô thức tin rằng tôi đáng bị ma quỷ hãm hại. Tôi tin tôi là người xấu bởi vì tôi đã ích kỷ và cả gan làm tổn thương một người khác. Lòng tôi lúc đó quá nhiều bóng tối và tôi lại mặc định rằng ma quỷ chính là hiện thân của bóng tối, là xấu xa. Đây chính là một tàn dư ngủ ngầm ở tầng sâu của thời kỳ ngay sau ly hôn và của những thói quen đầu óc khác nữa mà tôi đã tự tạo ra trong những năm trước; nhưng chúng chỉ trỗi dậy khi đủ điều kiện.
Vào mùa đông đó, trong tình trạng thường trực bị vây bủa bởi bóng tối và sợ hãi cùng cực, tôi cố gắng bấu víu vào các giải thích một cách khoa học về sự việc của buổi tối kỳ lạ đó. Nhưng dù tôi có giải thích cách nào thì trong tôi, một tiếng nói nhỏ vẫn cứ lặng lẽ thì thầm:
Không phải, đừng ngụy biện, hãy thừa nhận đi, mình tỉnh táo vào lúc đó, và mình đã gặp một sinh vật của thế giới vô hình. Nhưng mà là ai? Cái gì? Và vì sao lại đi theo tôi? Muốn gì ở tôi? Cần gì ở tôi? Còn nếu không có sinh vật nào và thế giới vô hình nào mà đó chỉ là một sản phẩm tưởng tượng thì tôi sắp bị thần kinh chăng? Bị hoang tưởng chăng? Ảo thanh chăng? Tôi đã bắt đầu óc làm việc quá sức trong những năm qua và vừa trải qua ly hôn nên sắp điên chăng?
Nhưng từ giờ cho đến lúc có câu trả lời rõ ràng, tôi cần phải tìm cách giữ cho mình không phát điên thật sự vì sợ hãi. Vậy là tôi đến một ngôi chùa Việt Nam ở San Jose, thực sự cũng không
biết để làm gì. Khi vào chùa, nhìn thấy một bức tượng Quán Âm nhỏ màu xanh ngọc đã sứt sẹo đứng chơ vơ trong một tủ kính, lẫn giữa đống kinh sách, tôi nảy ý định mang bức tượng về. Trong nhà không có bàn thờ, tôi để bức tượng lên nóc máy điều hòa gắn trong tường. Bây giờ, tôi có ba bức tượng nhỏ nằm dàn hàng ngang trên nóc máy điều hòa: tượng Quán Âm, một bức tượng Phật đen nhỏ một đồng nghiệp tặng (đến tận lúc tới Kamakura ở Nhật sau này, tôi mới biết đó là tượng Phật A Di Đà và hiểu mình đã được dẫn đi đúng một vòng), và bức tượng Phật Di Lặc nhỏ màu đỏ mà Kat tặng tôi vào Giáng sinh năm trước. Tôi chỉ để ba bức tượng ở đó thôi chứ không cúng, thắp hương, lễ lạy. Tôi thậm chí cũng không cầu khẩn điều gì.
Một việc khác mà tôi làm - như bất cứ khi nào tôi gặp bế tắc - là đọc sách để tìm hiểu. Hồi mùa hè, khi tôi rời Việt Nam, thầy Đạo có tặng cho tôi bộ Phật học phổ thông gồm ba cuốn, tác giả là hòa thượng Thích Thiện Hoa. Ba cuốn sách dày, bìa cứng, mỗi cuốn gần 800 trang, in từ năm 1993, giấy đã vàng, hồ đã bong nên các trang sách đều đã rời ra lả tả. Trong mục lục của cuốn đầu, tôi thấy có lược sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, rồi chuyện quy y tam bảo, ngũ giới, thờ Phật, tụng kinh, ăn chay, vân vân - đều là những việc tôi không quan tâm. Tôi giở sang cuốn thứ hai. Có một thứ đập vào mắt tôi và lập tức cuốn hút tôi:
Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Tôi chưa nghe tên kinh này bao giờ - thực tế là chưa từng nghe hay đọc bất cứ kinh Phật nào - nhưng thấy tên kinh nghe hay hay. “Thủ Lăng Nghiêm! Thủ Lăng Nghiêm!” - tôi thầm nghĩ - “nghe có cảm giác rất vững vàng”. Phần giới thiệu về kinh nói rằng Phật thuyết kinh này vào dịp ngài A Nan bị trúng bùa của ma nữ nên hỏi Phật về cách có thể hàng phục các loại ma.
“Phật đưa bàn tay, co lại năm ngón và hỏi A Nan: Ông có thấy không?
A Nan đáp: Bạch Thế Tôn, thấy.
Phật hỏi: Ông thấy cái gì?
A Nan đáp: Con thấy Phật đưa bàn tay co năm ngón lại. Phật hỏi: Ông lấy cái gì để thấy và lấy cái gì làm tâm? A Nan thưa: Con lấy ‘mắt’ để thấy và cái ‘biết suy nghĩ phân biệt’ làm tâm.
Phật quở: Không phải, A Nan! Cái đó không phải là tâm của ông.
A Nan hoảng hốt, đứng dậy thưa Phật: Bạch Thế Tôn, cái ‘suy nghĩ, phân biệt’ này, nếu không phải là tâm của con thì gọi nó là cái gì?
Phật dạy rằng: Này A Nan, nếu ông chấp cái ‘suy nghĩ, phân biệt’ là tâm của ông, thì khi rời cảnh vật hiện tiền, cái tâm ‘hiểu biết, phân biệt’ ấy, cũng vẫn còn, thế mới phải là tâm của ông. Nếu rời cảnh vật hiện tiền (tức không nhìn thấy cảnh vật trước mặt), mà tâm hiểu biết phân biệt ấy mất đi, thì không phải là chân tâm của ông rồi. Dầu cho ông diệt hết năm tri giác bên ngoài là thấy, nghe, hay, biết (năm giác quan), chỉ còn lưu lại cái ‘ngấm ngầm phân biệt’ bên trong (thức thứ sáu) thì đó cũng là cái vọng tưởng phân biệt bóng dáng pháp trần, không phải là chân tâm của ông. Ông phải biết rằng: trong thế gian tất cả người tu hành, không được thành đạo, đều do chấp lầm cái ‘vọng tưởng sanh diệt’ (vọng tâm) này làm chân thật (chân tâm). Chính ông ngày nay cũng thế, nên tuy học nhiều mà không được quả thánh.”
Alas, tôi đọc mà không hiểu gì cả, cứ như đọc một ngoại ngữ lạ. Kể cả có theo được về mặt logic, thì tôi không làm sao mà
“thấy” được. Giống như có một người tả cho tôi rằng ở một hành tinh cách đây một triệu năm ánh sáng, có một con vật gọi là con Chân-tâm, nó không giống con mèo, cũng không giống con chó, nó không biết bay, mà cũng không biết bơi, nó không cao mà cũng không thấp, không đen mà cũng không trắng, không to không bé, không ở ngoài không ở trong... thì tôi chịu chết, không làm sao mà hình dung được, dù tôi biết có con Chân-tâm.
Lần đầu tiên, tôi thấy mình bước vào một thế giới mà tôi không hiểu nhưng linh cảm nó có thể mang lại câu trả lời cho tôi - không chỉ về chuyện của đêm đó mà có lẽ là nhiều vấn đề khác nữa. Tất cả những gì có liên quan đến “tâm” và “loạn tâm”, đến “giả” và “thật”, đến rốt ráo những việc xảy ra trong cuộc đời tôi, đến sự thật tối hậu về thế giới này, về con người. Nhiều ngày liền, tôi chỉ đọc đi đọc lại mấy trang sách này với hy vọng sẽ hiểu ra điều Phật cố gắng chỉ cho A Nan. Nhưng lần nào cũng tắc. Cứ được một đoạn là tôi cảm thấy quá tải như đứa bé đang tập đếm phải cố gắng giải bài toán đạo hàm.
Một buổi tối, chật vật đọc lại đoạn đối thoại giữa Phật và A Nan về tâm mà vẫn không thể hiểu, tôi thở dài, bỏ sách xuống, rồi nói thầm trong đầu thế này:
Dear Phật, con chẳng hiểu gì cả. Phật có thể làm ơn chỉ cho con trong giấc mơ thế nào là chân tâm được không? Sau đó, tôi ngủ. Trong mơ, một người hay cái gì đó vô hình mà tôi không nhìn thấy nhưng cảm nhận rõ sự hiện hữu đưa tôi đi qua các không gian và cho tôi thấy chân tâm là như thế nào. Tôi không thể diễn tả lại vì tất cả những điều đó chỉ lưu lại vài khắc ngắn ngủi rồi hoàn toàn biến mất sau khi tôi tỉnh dậy và chỉ để lại một ghi nhớ rằng trong giấc mơ, tôi đã có một kinh nghiệm mà tôi chưa từng có về bản chất sự hiện hữu của mình cũng như về cái có thể là “chân tâm” hoặc một cái gì đó hoàn toàn khác với
sự hiểu biết bằng “tư duy lý tính”. Nhưng tôi vừa mở mắt, thì nó biến mất và tất cả đống bòng bong suy nghĩ cùng với sợ hãi lại ập trở lại một cách không cưỡng nổi - làm thành “tôi”. Cứ như thể cả một chai mực đen đã được đổ vào bình nước trong và không có cách gì phân tách nước với mực ra nữa.
Tuy thế, trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi nó biến mất, tôi đã kịp biết về một sự chia cắt giữa những gì tôi trải nghiệm và xử lý hằng ngày với một trạng thái khác nữa - rất khác - của tâm thức. Một trạng thái mạnh hơn nhiều, rộng lớn hơn nhiều, chính xác hơn nhiều - nếu không muốn nói là vô hạn. Một trạng thái có câu trả lời cho nhiều thứ - nếu không phải mọi thứ. Một chỗ mà dường như không thể đến đó được bằng tư duy logic hay tư biện. Không thể đến bằng suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ... như bây giờ.
Tâm thần hay không tâm thần, cái thứ tri giác đầu óc mà tôi đã dùng cho tới nay để học hành và hành xử dường như chỉ là một phần rất nhỏ và có lẽ không đáng tin trong việc giúp ta tiếp xúc thực sự với thế giới. Tức là tiếp xúc trực tiếp, trọn vẹn, chân xác. Trái lại, hình như nó chỉ khiến ta sống trong thế giới ý niệm và hành xử với nhau cũng bằng chính những mặc định và quy tắc của thế giới ý niệm. Như khi hai người ngồi đối diện nhau cùng nói về lọ “hoa hồng” ở giữa bàn thì kinh nghiệm về màu “hồng” trong đầu người A có thể hoàn toàn khác với màu “hồng” trong đầu người B; ý niệm về hoa hồng của người A hoàn toàn khác ý niệm về hoa hồng của người B. Chỉ có điều, họ đã tuân theo một thỏa thuận ngầm của xã hội rằng một phổ màu như thế sẽ được gọi là “hồng” và cái vật tròn tròn nhiều cánh úp vào nhau như thế... như thế... là “hoa hồng” trong khi người A không bao giờ thực sự biết người B kinh nghiệm “màu hồng” như thế nào. Chính vì thế mà mọi tranh luận, khi bắt đầu đào
bới sâu hơn thì thường đi đến bế tắc và bất đồng vì kinh nghiệm riêng của chúng ta về thế giới quá khác nhau.
Cũng phải đến ba năm sau, tôi mới bắt đầu có những kinh nghiệm đầu tiên về đoạn kinh Lăng Nghiêm trên thay vì suy đoán hay diễn giải về nó. Lần đầu tiên điều đó xảy ra là một buổi tối ở Hà Nội. Tôi đã rất mệt mỏi sau cả tuần nghĩ nát óc về việc nên tiếp tục theo đuổi hay từ bỏ một dự án trị giá vài triệu đô la. Tối hôm đó, tôi đã có một cuộc điện thoại với ba đồng nghiệp ở Columbia và một đồng nghiệp ở Đại học Harvard để quyết định. Sau gần một tiếng bàn luận, tôi xin lỗi mọi người, nói rằng tôi sẽ buông tay khỏi dự án này.
Gác điện thoại xong, tôi trở lại bàn viết trong cảm giác kiệt sức và thõng tay. Được một lúc, tôi bất giác ngẩng đầu lên lơ đãng nhìn cái tủ ở gần đó, rồi lại quay đầu nhìn sang cửa sổ. Trong khoảnh khắc quay đầu lơ đãng đó, tôi nhận biết rõ ràng nhưng không phải bằng ý nghĩ rằng đầu tôi quay và mắt tôi chuyển từ hình ảnh cái tủ sang hình ảnh cửa sổ như thể mắt tôi chỉ là ống kính máy ảnh chuyển dịch từ chỗ hướng vào cái tủ sang cửa sổ, nhưng cái nhận biết tủ hay cửa sổ thì là một thứ hoàn toàn bất động và trong suốt. Tủ hay cửa sổ chỉ là các hình ảnh phản chiếu lên cái thể bất động và trong suốt đó. Toàn thể thế giới đều chỉ là các bóng phản chiếu vào nó. Thậm chí cũng không phải là phản chiếu mà hoàn toàn không liên quan, dính líu gì tới nhau. Khi tôi tắt điện đi, phòng tối om, nhưng cái nhận biết bất động trong suốt đó vẫn có; tôi lại bật điện lên, nó vẫn ở đó; tôi tắt điện đi, nó vẫn đó, sáng tỏ, trong suốt, bất động. Sáng hay tối không tác động gì đến nó và sáng với tối hoàn toàn giống nhau. Sự an lạc đến từ cái bất động trong suốt đó thật lớn lao không tả xiết. Nó cũng lập tức chiếu soi cho tôi những điều khác nữa - như sự giả của cái gọi là “ngã”, cái gọi là “Phan Việt” và những
tình cảm, tính cách, suy nghĩ của cô ta. “Không có Phan Việt và cũng không có ai trên đời.”
Buổi tối đó, tôi sống cùng cái “trong suốt” này rất ngắn. Khi tâm bắt đầu nổi lên ý nghĩ: “Ôi, cái gì thế nhỉ? Cái gì mà hay thế nhỉ?” thì sự nhận biết trong suốt này lặn đi, dù nó để lại một dư vị hỉ lạc kéo dài nhiều ngày. Phải một thời gian sau, nó mới lại trở lại - luôn luôn vào những lúc tôi không ngờ nhất.
Nhưng đó là chuyện về sau. Còn mùa đông đó, khi húc đầu một cách bất lực vào kinh Lăng Nghiêm, tôi đã quyết định sẽ trở lại Hà Nội vào mùa hè và sẽ vào chùa để học về đạo Phật, về đời sống làng xã ở Việt Nam, về tâm, về giải thoát, về con ma của tôi.
Phần 2
Hà Nội - Mùa hè 2011
Chương 8
Thật sự, dựa vào đâu để biết đúng sai?
Năm nay, đoàn sinh viên Mỹ theo tôi sang Hà Nội học về công tác xã hội Việt Nam có chín em, đa phần chưa từng ra khỏi Mỹ. Chúng tôi ở một khách sạn trên phố Hàng Điếu. Mỗi ngày, tất cả đều dậy lúc 6 giờ 30 phút, ăn sáng vào 7 giờ 30 phút, đến 8 giờ 30 phút ra khỏi khách sạn và tối mới trở về. Mỗi ngày đều có chương trình riêng; hôm thì đến trường đại học, hôm tới trung tâm trẻ tự kỷ, hôm tới nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành gia đình, hôm tới làng trẻ mồ côi. Chúng tôi cũng đi Văn Miếu, lăng Bác, Bát Tràng, một số bảo tàng ở Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, và Hạ Long.
“Việt Nam đẹp quá” - các sinh viên của tôi kêu lên. “Việt Nam khác quá.”
“Thật không thể tin...”
Được thấy Hà Nội qua mắt sinh viên Mỹ là một kinh nghiệm thú vị. Trong mùa hè này và những mùa hè sau, tôi thường xuyên thấy mình rơi vào thế kẹt: tôi đang làm công ăn lương ở Mỹ nên tôi có trách nhiệm cho các sinh viên của tôi biết một bức tranh thật ở Việt Nam, nhưng đồng thời tôi cũng thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ hình ảnh Việt Nam như đất nước “của mình”. Nên nói cho sinh viên bao nhiêu sự thật? Phiên bản nào của sự thật? Phiên bản nào thì đủ để họ tư duy về những khác biệt hệ thống giữa hai đất nước? Phiên bản nào và bao nhiêu thì đủ để họ hiểu về cái khổ của sự đói nghèo trên bề mặt, kết nối được nó với cái khổ do ý thức hệ, nhận dạng được những mặc định do sống quá lâu ở một đất nước giàu có và tự do, nhận ra những xiềng xích tư tưởng ngay cả trong xã hội mà họ cho là tự
do đó? Bao nhiêu thì không dập tắt những hào hứng của họ với Việt Nam, để khơi gợi được tình yêu với con người và cuộc sống vượt trên những phân biệt “Việt Nam” và “Mỹ”? Bao nhiêu thì giúp họ vượt được lên khỏi những nắng nóng của Việt Nam và tâm lý “cả thèm chóng chán” của một khách du lịch Mỹ để khêu một ngọn lửa bền bỉ hơn về vai trò của họ trong thế giới rộng lớn này?
Khi sinh viên của tôi thích thú ghé vai gánh thử gánh dứa rong để chụp ảnh cho nhau, tôi không biết nên để các em được vui trọn vẹn với điều đó hay nên nói thêm cho các em biết rằng chị bán dứa rong này sống bên kia cầu Long Biên, trong một căn phòng thuê cùng với mười người phụ nữ khác với giá 15 ngàn đồng mỗi đêm, mua 5000 đồng tiền nước để tắm rửa mỗi ngày, dùng chung phòng vệ sinh và nhà tắm bẩn thỉu, ăn những bữa ăn tạm bợ, chỉ để tích cóp tiền gửi về quê nuôi con.
Khi chúng tôi đến thăm một trại điều dưỡng thương binh ở Bắc Ninh, sinh viên của tôi bất lực đứng nhìn một cựu chiến binh cụt cả hai chân hai tay nằm trên giường, phải có ống đại tiểu tiện thông từ trong người ra ngoài, đứng cạnh giường là người vợ đã phải từ quê chuyển tới đây sống luôn trong trại để chăm anh. Lúc ấy, tôi không biết có nên nói với các em về số tiền mà mỗi thương binh của Việt Nam được trợ cấp hằng tháng, và việc người phụ nữ kia phải làm thêm cả trong trại lẫn ngoài trại để có tiền nuôi chồng, cộng với con cái và bố mẹ ở quê. Nếu các em biết và so sánh với chính sách cho cựu chiến binh ở Mỹ, và chỉ nhìn thấy đời sống người Hà Nội nội đô, tôi sẽ không có cách gì khiến các em tin rằng Việt Nam quá nghèo nên không có đủ tiền để đãi ngộ những người đã từng chiến đấu bảo vệ đất nước.
Khi chúng tôi đi thăm bảo tàng chiến tranh hay được một bệnh viện dẫn đi thăm phòng trưng bày các bình ngâm thai nhi
dị tật vì chất độc da cam, tôi không biết phải nói gì với sinh viên của tôi khi các em ấy hoàn toàn hoang mang trước ranh giới của đúng/sai.
“Cô ơi, em cảm thấy rất khó xử. Một mặt, em thấy mình có lỗi vì là người Mỹ. Em không hiểu làm sao mà người Việt Nam có thể thân thiện đến thế với chúng em sau những gì nước Mỹ đã làm. Nhưng mặt khác, em cảm thấy chúng em là một thế hệ khác, chúng em không có lỗi. Nhưng em nghe thấy sự lên án trong giọng nói của người giới thiệu bảo tàng hôm nay. Lúc đó, em nghĩ: ‘Nhưng tôi có làm gì sai đâu’?”
“Tiến sĩ Phan, nếu em thực sự trung thực thì em phải nói là em không hiểu tại sao họ có thể để những thai nhi đó trong bình cho người khác tới xem. Đành rằng chúng ta cần bằng chứng về hậu quả của chiến tranh. Nhưng việc biến nó thành bảo tàng cho người khác xem, em cảm thấy có điều gì đó không phải.”
Thế nào là “phải”? Thế nào là “đúng”? Thế nào là đạo đức? Là nhân đạo? Nhân văn? “Phải” theo kiểu Mỹ hay kiểu Việt Nam? Hay không phải kiểu Mỹ cũng không phải kiểu Việt Nam? “Phải” một cách phi quốc gia, phi sắc tộc, phi tôn giáo, phi đạo đức, phi tiền bạc, phi chính trị, phi khế ước xã hội? Càng đi, càng làm một người phiên dịch giữa hai thế giới Việt - Mỹ, tôi càng thấy phải dừng đưa câu trả lời chắc chắn cho sinh viên. Tôi chỉ có thể gợi ý cho họ nghĩ và chính tôi cũng nghĩ.
Có buổi chiều, chúng tôi đến làm việc ở một cơ sở công tác xã hội. Tiếp chúng tôi là giám đốc, phó giám đốc, bí thư Đảng ủy và các cán bộ của cơ sở. Sau khi nghe giới thiệu về mô hình công tác xã hội ở Việt Nam, sinh viên của tôi hỏi liệu nhân viên công tác xã hội ở một đất nước như Việt Nam có được phép làm các việc như vận động chính sách, phản đối chế độ, vận động quyền
cho các đối tượng yếu thế hay không. Khi họ đặt câu hỏi này, giám đốc cơ sở quay sang hỏi bí thư Đảng ủy:
“Phần này chắc mình phải nói nhẹ đi anh nhỉ?”
Sau khi bí thư gật đầu, giám đốc trả lời đoàn chúng tôi bằng tiếng Anh; và trả lời xong thì lại quay sang bí thư: “Anh thấy em nói thế có được không?”
Chẳng cần phải tinh ý lắm sinh viên của tôi cũng nhận thấy những đoạn ghé tai trao đổi giữa ban lãnh đạo cơ sở. Họ cũng lịch sự không hỏi thêm nhưng vừa vào lại ô tô, đóng cửa lại là sinh viên của tôi nhổm hết lên khỏi ghế:
“Tiến sĩ Phan, chúng ta cần phải nói chuyện.”
“Tiến sĩ Phan, chuyện gì vừa xảy ra trong căn phòng đó?” “Cô phải nói sự thật cho chúng em biết. Chúng em muốn biết chính xác chuyện gì xảy ra.”
“Cô không được bao che cho họ đâu.”
Họ muốn biết ban lãnh đạo đã nói gì với nhau bằng tiếng Việt; cái người ngồi im lặng, hầu như không nói gì, chỉ gật gật, nhưng ai cũng phải hỏi ý kiến là ai; quan hệ giữa bí thư Đảng ủy với những người còn lại là thế nào. Sinh viên của tôi mặc định rằng dân chủ là mô hình tất yếu để phát triển nên họ không thể hiểu nổi những hoạt động mà họ cho là xâm phạm dân chủ trong phát ngôn và hành động. Họ cũng không hiểu tại sao khi đến làm việc ở các cơ quan, luôn có một số phụ nữ đon đả chạy trước mở cửa, rót nước cho các lãnh đạo là nam giới. Hay khi ăn buffet thì cấp dưới phải đi lấy thức ăn vào đĩa cho lãnh đạo.
“Khác quá”; “không thể tin được”; “ở Mỹ thì...”. là những câu cửa miệng của sinh viên, dù chúng giảm dần từng ngày. Đôi khi chính tôi cũng không cưỡng lại được sự so sánh “Ở Mỹ thì...”. Gần như một trăm phần trăm những người Việt tôi gặp đều mặc
định tôi là hướng dẫn du lịch, phiên dịch, hoặc trợ lý của đoàn. Những người bán hàng trên phố cổ và các khu du lịch thường xuyên nhờ tôi lừa sinh viên của tôi để bán đắt hơn và sẽ cho tôi tiền hoa hồng. Có lần ở một bảo tàng, chị bán hàng đã gọi tôi đi theo vào toilet rồi dúi vào tay tôi ba triệu:
“Đây là 10% tiền hoa hồng cho em, chị không muốn đưa bên ngoài sợ bọn Tây nó thấy. Lần sau lại dẫn khách vào đây cho chị nhé.”
Tôi định từ chối và giải thích với chị rằng tôi là giáo viên chứ không phải hướng dẫn viên du lịch. Nhưng tôi vừa mở miệng định nói thì thấy điều đó rất không cần thiết; vậy là tôi cầm tiền, cảm ơn chị, rồi đưa lại cả chỗ tiền cho người hướng dẫn du lịch và lái xe đi cùng đoàn.
Khi tôi đi bộ trên phố với một sinh viên nam trong đoàn thì hầu hết người bán hàng mặc định tôi là “bồ nhí” hoặc “gái bao” của cậu sinh viên, cùng lắm thì là vợ.
“Chồng em à? Người nước nào đấy?”
“Bạn trai à? Nó có biết tiếng Việt không?”
“Khiếp, sao thằng này cao thế? Mày đứng đến nách nó nhỉ.” Tôi không phiền lòng, nhưng tôi cũng không cưỡng lại được sự so sánh bất giác. “Ở Mỹ thì...”
Mỗi ngày, từ ngoài đường trở về, đoàn chúng tôi đều có 15 phút họp ngắn để tổng kết những gì đã học trong ngày. Hầu như ngày nào, tôi cũng phải nhấn mạnh lại:
“Một trong những điều mà tôi hy vọng các em học được khi sang Việt Nam là bỏ được các định kiến thế nào mới là văn minh, thế nào là tốt, xấu, cái này chấp nhận được, cái này không thể chấp nhận được theo kiểu Mỹ. Các em học cách phá vỡ khái
niệm để nhìn sâu vào bản chất của mọi việc thì các em mới có thể tạo ra các thay đổi thực sự.”
À nhưng đấy là nói lý thuyết. Là người Việt Nam, tôi biết cái mà các sinh viên của tôi nhìn thấy trong ba tuần dĩ nhiên không hẳn chính xác, nhưng tôi cũng phải tự nhắc nhở mình rằng cái mà tôi nhìn thấy trong ba lăm năm làm người Việt Nam chưa chắc đã chính xác hoặc chính xác hơn.
Từ Hà Nội, chúng tôi đi Huế, rồi vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, chúng tôi thuê khách sạn trên phố Phạm Ngũ Lão. Đây là phố Tây ba lô. Hầu như tối nào sinh viên của tôi cũng đi đến khuya mới về. Có hôm tôi theo sinh viên đi từ quán này sang quán khác, bắt đầu từ phố Phạm Ngũ Lão sang đến Đề Thám. Lúc nửa đêm, cả đoạn phố Đề Thám ngắn ầm ĩ tiếng nhạc và đông nghẹt Tây ba lô. Chúng tôi uống bia trên vỉa hè cùng với những nhóm Tây ba lô khác, vừa uống vừa phải gào lên mới nói chuyện được với nhau qua tiếng nhạc. Liên tục có những đứa bé ghé vào bàn để bán hoa, xổ số, đồ lưu niệm; và cả những đứa bé 8 tuổi kiếm tiền bằng cách nhảy mua vui cho khách trong lúc người mẹ ngồi canh gần đó. Sinh viên của tôi uống, nhảy. Đến nửa đêm, chúng tôi ra về trên phố, lẫn trong những nhóm khách Tây khác - đều trẻ, hơi say say, vừa đi giữa lòng đường vắng vừa nhún nhảy theo tiếng nhạc. Ở góc đường, những người xe ôm và taxi vẫn nhẫn nại chờ khách. Mấy người quét đường mặc áo màu da cam ngồi bệt trên vỉa hè cạnh một miệng cống và chiếc xe rác, nhìn chúng tôi đi qua như nhìn những người thuộc về một thế giới khác đáng thèm muốn, đáng ngưỡng mộ. Một thế giới bí ẩn và triền miên sung sướng.
Giữa lòng đường vắng sau nửa đêm, tôi đi với những sinh viên Mỹ của tôi mà lòng cứ muốn sà xuống với những người quét rác bên đường. Tôi muốn nói với họ rằng không phải thế đâu.
Không có sự bí ẩn và triền miên sung sướng nào ở Tây, ở người Tây cả. Họ cũng hoang mang, sợ hãi, và rạn vỡ như ta. Bên trong vẻ tự do, ăn mặc phá cách, nhảy múa thoải mái, tiêu tiền không cần nghĩ, da trắng, mũi cao, tóc vàng, các sinh viên của tôi đầy những sợ hãi và hoang mang. Nắng nóng làm họ sợ. Mưa làm họ sợ. Vòi nước chưa khử trùng làm họ sợ. Đói làm họ sợ. Những người ăn xin quanh Bờ Hồ làm họ sợ. Giao thông Việt Nam làm họ sợ. Khuỷu tay chạm vào họ trong đám đông trên phố cổ làm họ sợ. Nhà vệ sinh bẩn làm họ sợ. Đường xóc làm họ sợ. Chó thả rông làm họ sợ. Cứt trâu trên đường làng làm họ sợ. Muỗi, gián, kiến, ruồi, ve, nhện, chuồn chuồn, rệp làm họ sợ. Tiếng ồn làm họ sợ. Mồ hôi làm họ sợ. Ánh nhìn chòng chọc của những người đàn ông Việt Nam làm họ sợ. Tăm xỉa răng làm họ sợ. Bất cứ cái gì không quy chiếu được về “tính Mỹ”,“người Mỹ”,“trật tự sống Mỹ”,“kiểu Mỹ” trên một Việt Nam xa lạ đều làm họ sợ.
Nhưng còn những người Việt Nam đang sống trên chính Việt Nam thì sao?
Quan chức, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên, đạo diễn nổi tiếng mà tôi gặp cũng đầy hoang mang, mệt mỏi.
Giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học tôi gặp cũng vậy. Những sinh viên Việt Nam mà chúng tôi gặp thì ngơ ngác, không biết mình muốn gì, đang học gì, học xong sẽ làm gì. Những cơ sở mà chúng tôi đến thì chỉ thoáng nhìn cũng biết những đứa trẻ, người già, thương binh, và cá nhân viên ở đây rất nhiều tâm sự.
Ở những nhà hàng chúng tôi vào ăn, chủ nhà hàng và nhân viên lúc nào cũng tất bật, nhớn nhác.
Trên những con đường chúng tôi đi, người ngồi trên xe, người dưới lòng đường, người lái xe, người chờ xe đều đầy lo lắng.
Ba tuần cọ xát liên tục với hai thế giới Việt Nam - Mỹ, tuy bên ngoài liên tục cười nói, tiếng Việt tiếng Anh, trong lòng tôi có một người ngồi bất động nhìn tất cả những gì đang diễn ra bên ngoài mà không phản ứng. Không phản ứng, dù bên ngoài vẫn ra quyết định và hành động, bởi vì không thể dựa vào bất cứ điều gì mà phản ứng với bất cứ điều gì. Dựa vào đâu cũng không đúng. Phản ứng với bất kỳ điều gì - dù bên ngoài dường như có sự phản ứng - đều sai. Chín sinh viên đi cùng tôi là chín thế giới nội tâm, liên tục biến đổi và sẵn sàng bùng nổ khi phải va chạm với Việt Nam. Cười đấy mà lập tức khóc đấy. Những người Việt Nam tôi gặp là những thế giới nội tâm khác nhau - cũng liên tục dịch chuyển và sẵn sàng bật khi bị nén quá đà. Bên dưới tất cả những vui vẻ, chảy trôi dường như bất tận và bất chấp tất cả của cả người Việt và người Mỹ là sự mong manh khổng lồ. Dường như mỗi chúng ta đều đang cố dùng son phấn, quần áo, xe cộ, nhà cửa, địa vị, danh thiếp, vợ chồng, con cái, bạn bè, cơ quan và các vật tùy thân khác để dệt một tấm vải che những miệng vực toang hoác. Chỉ cần một mũi kim, tấm vải sẽ thủng và cả suối nước mắt, giận dữ, cô đơn, si mê, sợ hãi sẽ tuôn trào. Khi khóc, thì Mỹ hay Việt đều giống nhau.
Đêm nào cũng thế, sinh viên đã về phòng an toàn, tôi một mình ra phố, đi bộ quanh một Hà Nội đang vào khuya, vừa thân thuộc vừa xa lạ. Nhà tôi thực ra chỉ cách đó mười phút, nhưng những ngày này, tôi vẫn là khách của Hà Nội. Tôi ngồi trên vỉa hè, ăn một bát phở gà 35 ngàn đồng. Trên đường về, nghe tiếng rao bánh bao nóng đây; không hề đói nhưng nhìn anh bán bánh bao gò lưng đạp xe, tôi gọi “bánh bao!” Anh phanh kít lại, nhảy xuống khỏi xe và dắt xe chạy tới chỗ tôi với một sự mừng vui làm tan nát lòng người.
Chương 9
Trở lại chùa lần đầu
Khi tôi tiễn sinh viên về Mỹ rồi trở lại Hà Nội đã là cuối tháng Bảy. Hà Nội vào mùa mưa ngâu. Mưa triền miên cả tuần từ lúc tôi về nên hôm nay tôi mới có thể vào chùa. Nhìn công-tơ-mét, từ nhà đến chùa hơn 16 cây. Tôi đi gần một tiếng rưỡi mới tới.
Sân chùa ngập nước. Thầy Đạo đang ăn sáng ở bàn nước dưới chân nhà sàn gỗ. Thầy mời tôi vào ăn sáng nhưng tôi nói ăn rồi nên chỉ ngồi ở bàn nước. Trong lúc tôi ngồi đó, một bà già đi lại dọn dẹp. Thầy nói bà già là người làng, sống một mình nên ngày nào cũng vào chùa “chấp tác”.
“Tức là dọn dẹp, công quả cho nhà chùa” - thầy cười, thấy tôi không hiểu chữ “chấp tác” - “Nhưng hồi xưa bà ấy khỏe thì còn làm nhiều chứ giờ bà ấy sang chơi là chính.”
Ngày mưa nên chùa vắng. Gió thổi rất mát; mỗi lần có cơn gió lớn, cả loạt lá và nước mưa trên những cây nhãn lại trút ào ào. Chỉ có thầy Đạo, tôi, bà cụ chấp tác ngồi ở bàn nước nói chuyện. Thầy bảo đang mùa hè nên hai đệ tử lớn của thầy là sư ông Đạo (3) hết rồi; chỉ còn chú tiểu Đạo
Nhất và sư chú Đạo Nhị đều đi hạ
Ngũ ở chùa và ba đứa trẻ cứng đầu được gia đình gửi vào chùa nhờ thầy rèn một thời gian.
Chúng tôi đang nói chuyện thì một người đàn ông gần 40 dắt xe máy vào chùa. Anh này chắp tay chào thầy xong thì đi thay quần áo nâu rồi ngồi “hầu chuyện” thầy. Anh Sang là nhà báo, theo đạo Phật đã nhiều năm. Hôm nay anh vào “cúng chùa” đôi thanh xà bạch xà - một con rắn xanh, một con rắn trắng bằng vải - mỗi con dài gần mười mét, để treo lên xà nhà trong điện Mẫu.
“Thanh xà bạch xà là thế nào hả thầy?” - tôi hỏi vì lần đầu nghe chuyện này.
“Là hai ông chúa rắn, Thanh Xà đại tướng và Bạch Xà phó tướng, được các bà chúa quy phục nên làm người hộ pháp cho đạo Mẫu.”
Thú thực là tôi không biết gì về đạo Mẫu; chỉ lờ mờ rằng đó là đạo lâu đời ở Việt Nam, có rất nhiều người thờ và liên quan đến chuyện hầu đồng. Nhưng hầu đồng là thế nào, tôi cũng chưa bao giờ biết.
“Ở Việt Nam giờ hầu đồng nhiều lắm” - anh Sang nói - “Dân văn nghệ sĩ hầu nhiều. Thằng M là trùm sò, nó căn cô Chín.” “Cô Chín là ai ạ? Căn là cái gì ạ?”
“À, là cô Chín. Căn cô Chín tức là mình hợp với cô Chín, gọi là sát căn đấy.”
“Như thế nào thì là có căn ạ? Làm thế nào biết mình có căn?” “Thì cũng như có duyên nợ với cô Chín đấy em. Cũng có thể là kiếp trước mình hay xin lộc của cô, được cô ban lộc, thì kiếp này phải ra trình đồng mở phủ trả nợ. Em không trả thì em làm ăn không được; em thấy bứt rứt cũng như người thiếu nợ thì ăn không ngon ngủ không yên. Khi nào em ra trình đồng mở phủ rồi thì em thấy nó yên.”
“Thế Mẫu là ai ạ? Đạo Mẫu thờ ai ạ?”
“Thờ nhiều người, em cứ vào điện Mẫu nhìn tứ phủ công đồng ấy, có ban bệ từ trên xuống. Trên thì có vua cha Ngọc Hoàng; rồi xuống Mẫu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, rồi có các chầu bà, các quan, các ông hoàng, rồi còn có các cậu nữa(4).”
Anh Sang nói nhiều tên và nhiều chuyện khác nữa nhưng tôi chịu không nhớ được. Thầy Đạo nói:
“Đã theo Phật thì thực ra cấm tiệt chuyện đồng bóng. Nhưng đạo Mẫu ở mình từ hàng ngàn năm rồi; khi đạo Phật vào nước mình thì cũng phải bản địa hóa để sống được cho nên chùa nông thôn thì chùa nào cũng có điện Mẫu.”
“Thế Phật với các vị thánh thần thì có quan hệ với nhau thế nào ạ?” ( Tôi nhớ khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng không đối phó được phải mời Phật tổ Như Lai đến giải quyết).
“Là các cõi khác nhau cô ạ, quả vị khác nhau, cảnh giới khác nhau. Thánh thần vẫn trong Tam giới, chưa giải thoát; Phật thì xuất Tam giới.”
“Tam giới là gì ạ?”
“Là Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Cô đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ có giải thích rất rõ Tam giới.”
“Lấy gì để phân chia các cõi ạ?”
“Lấy tâm. Tùy tâm tịnh đến đâu mà tương ứng với cõi giới đó.” Chúng tôi đang nói chuyện thì một phụ nữ đi xe đạp tới, mang theo rất nhiều nhãn. Chị ấy bày nhãn lên đĩa rồi chắp tay nói với thầy Đạo:
“Bạch thầy, sư cụ trên chùa con mang lễ để cúng Phật ạ.” “Cô mang lên cúng Phật, cúng tổ đi.”
“Vâng, bạch thầy. Con lên lễ rồi con xin về luôn ạ.” “Lại về ngay à?”
“Vâng.”
“Vu Lan có sang không?”
“Có chứ ạ.”
Tôi hỏi thầy Vu Lan là gì, tôi đã nghe nhiều lần nhưng không hiểu. Thầy nói Vu Lan là dịp báo hiếu cho mẹ. Việc này xuất
phát từ ông Mục Kiền Liên, một trong các đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Sau khi chứng quả, ông Mục Kiền Liên dùng thần thông nhìn khắp các cõi xem mẹ mình đã chuyển sinh vào cõi nào thì thấy mẹ đang ở dưới địa ngục, phải chịu tra tấn, đói khát. Ông Mục Kiền Liên đau lòng trở về bạch Phật tại sao mẹ ông lại bị như vậy và làm cách nào để cứu. Phật nói rằng mẹ ông chịu quả báo của việc phá chùa hủy báng tăng trong quá khứ. Để cứu mẹ thì vào ngày mãn hạn an cư, gọi là ngày tự tứ, chư tăng tập trung đầy đủ, ông Mục Kiền Liên có thể sắm lễ, thỉnh chư tăng thụ trai rồi xin chư tăng chú nguyện cho bà; nhờ lực chú nguyện của tăng chúng mà bà có thể được cứu. Do đó mới có ngày Vu Lan - là ngày mà những người muốn tưởng nhớ cha mẹ tổ tiên, muốn cho họ thoát khỏi các cảnh giới thấp hoặc tăng trưởng phước đức thì sẽ thỉnh chư tăng thụ trai và tụng kinh chú nguyện.
Chuyện cũng kể rằng, ngài Mục Kiền Liên về cuối đời bị người ta dùng gậy đánh chết. Các đệ tử hỏi Phật tại sao ngài Mục Kiền Liên hiếu hạnh và thần thông đệ nhất như vậy mà vẫn bị đánh chết. Đức Phật nói rằng ông Mục Kiền Liên phải trả nghiệp đánh mẹ trong một kiếp quá khứ. Nguyên có một kiếp, ông Mục Kiền Liên là một thanh niên có người mẹ bị mù. Khi đến tuổi trưởng thành, ông lấy một người vợ xinh đẹp nhưng độc ác. Người vợ này xui ông đem mẹ già mù bỏ vào rừng để khỏi phải nuôi nấng chăm sóc. Ông nghe vợ đưa mẹ vào rừng, bảo mẹ ngồi xuống chờ mình, rồi lấy gậy đánh mẹ. Người mẹ vừa bị đánh một gậy thì tưởng có cướp đến đánh mình bèn kêu lên:
Con ơi, có cướp, con hãy chạy đi, đừng lo cho mẹ.
Ông Mục Kiền Liên nghe mẹ nói thế thì choàng tỉnh, vứt gậy đi, sụp xuống xin lỗi rồi đưa mẹ về. Ông nguyện đời đời sinh ra đều làm người con hiếu thảo. Nhưng vì đã đánh mẹ một gậy nên
sau vẫn phải chịu quả báo bị lấy gậy đánh chết vì bất hiếu là một trọng tội.
Thầy Đạo nằm trên võng mắc giữa hai chân cột nhà sàn, vừa đong đưa vừa kể chuyện ngài Mục Kiền Liên. Tôi ngồi nghe, rồi nghĩ trời ơi, nếu quả có kiếp trước thì trong vô lượng kiếp tính tới nay, vì ngu si, mù quáng, không biết tôi đã làm những việc tày trời gì đây. Giết người, đánh người, hại người, trộm cắp, dâm loạn, bất hiếu, dối trá - trong triệu kiếp, ngàn kiếp, tôi chắc chắn đều đã làm cả. Nghĩ mà xem, từ lúc nhỏ tới giờ, chỉ 30 năm thôi, nếu thật trung thực, tôi cũng đã làm đủ thứ không ra gì. Dù tôi không cướp của giết người đánh cha chửi mẹ, nhưng mỗi ngày, từ lúc mở mắt thức dậy đến lúc nhắm mắt đi ngủ, tôi nghĩ đủ thứ điên rồ về người này người kia, việc này việc kia, điên điên đảo đảo lảm nhảm trong đầu đủ thứ chuyện, việc này đúng, việc kia sai, mình thế này, họ thế khác...
Thế thì từ bao nhiêu đời - nếu quả có kiếp trước - tôi đã làm khổ bao nhiêu người? Và nếu quả có đời trước thì vào những đời mà tôi tăm tối, nghèo khổ, hoặc gặp bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, thì tôi đã làm những việc tày trời gì?
Đang nói chuyện thì chú tiểu Đạo Ngũ bê rổ rau đi ngang qua. Tôi theo chú vào bếp nấu cơm trưa. Bếp chùa chỉ là một căn phòng nhỏ và tối ở đầu hồi. Bếp chủ yếu nấu củi; có thêm một bếp ga nhỏ để thỉnh thoảng nấu đồ cúng Phật, cúng tổ, hoặc nấu cho thầy. Chú Đạo Ngũ vừa nấu cơm vừa hát mà hai tay vẫn thoăn thoắt. Tôi thấy chú Ngũ thật là hay.
“Chú Ngũ cứ tu rồi lên sư bác, sư ông à?”
“Không ạ, phải thọ giới chứ, thọ giới sa di thì thành sư bác này, thọ giới tỷ khiêu thành sư ông này. Cháu vẫn là tịnh nhân.” “Anh là tiểu nhân thì có” - thằng bé Hùng đứng đó cười khanh khách - “anh là chú tiểu thì phải gọi là tiểu nhân chứ.”
“Vô duyên!” - chú Đạo Ngũ lườm.
Tôi bật cười. Cái gì ở chùa cũng là lạ, cũng quê quê mà lại vui vui.
“Cô giáo xào rau hộ nhà chùa để nhà chùa đi cúng Phật, cúng tổ nhé” - chú Đạo Ngũ nói rồi đưa tôi đôi đũa cả lớn bằng tre vừa sứt sẹo vừa đen đúa.
Chà! Phải cúng Phật, cúng tổ xong mới được ăn cơm - sự hiếu thuận rất cổ điển và trong sáng này, lâu lắm rồi tôi không còn thấy ở bất kỳ đâu nữa. Ở Việt Nam không có mà ở Mỹ cũng không có.
Tôi xào rau rồi bê lên bày ra bàn ăn dưới chân nhà sàn. Thầy, chú Đạo Ngũ, lũ trẻ, anh Sang, và tôi ngồi quanh bàn ăn cơm. Cơm chỉ có rau xào với đậu mà rất ngon. Ăn xong, thầy bảo tôi lên tầng hai nhà sàn ngủ trưa, ở đây là chùa quê, giờ trưa mọi người đều đi ngủ cả. Khi tôi ngủ dậy, thầy đang ngồi ở bàn nước giảng cho hai người khách về lịch sử chùa. Thầy bảo theo Đại Việt sử ký toàn thư thì chùa được vua Lý Công Uẩn xuống chiếu dựng lên cùng với bảy ngôi chùa khác thành bát thánh tự trấn thành Thăng Long ngay sau khi dời đô từ Hoa Lư. Nhưng theo huyền sử thì chùa được xây từ đầu thế kỷ 1, khi các nhà truyền giáo từ Ấn Độ theo đường biển sang Việt Nam truyền bá đạo Phật. Vào thời đó, đô thị Luy Lâu, tức khu vực châu thổ đồng bằng Bắc Bộ bây giờ, là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất châu Á, cùng với Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc. Vua Lý Công Uẩn chỉ dựng lại chùa trên nền đất cũ mà thôi.
Đến ba rưỡi, anh Sang rủ tôi lên chùa học chuông mõ với chú Đạo Ngũ. Đánh chuông nhìn tưởng chỉ boong boong mà thực ra rất khó; có đủ phép tắc vào chuông, ra chuông, rải chuông; tiếng chuông khi thì cần đều đặn, thanh trong; khi cần dứt khoát,
nhiếp phục người nghe. Anh Sang thử rất lâu không được vì anh chăm chú quá. Chú Đạo Ngũ tiếp tục dạy anh Sang chuông mõ. Tôi đi ra ngoài, thấy thằng bé Thắng đang vơ vẩn trong vườn, mặt mũi lơ ngơ. Ở nhà, chắc nó là một đứa bé được nuông chiều và bướng lắm. Ở chùa thì không có ai chiều.
“Cháu sống ở đây thấy thế nào?”
“Bình thường ạ.”
“Năm nay cháu lớp 7 à?”
“Năm nay cháu mới lên lớp 7...” - nó tần ngần - “Cô ơi, cô có nhớ ăn thịt không?”
“Cô vẫn ở nhà mà, cô vẫn ăn thịt. Cháu có nhớ ăn thịt không?” “Không ạ” - nó nói thế nhưng mặt rầu rầu.
Loanh quanh đã lại hết buổi chiều. Ở chùa làng, thời gian trôi đi thật thong thả, tưởng như không có việc gì quan trọng cả. Năm giờ chiều, bọn trẻ đã lại bê bát ra bàn ở nhà sàn để chuẩn bị cơm chiều. Bữa tối ở chùa luôn luôn vào 6 giờ, không đổi. Tôi đang ngồi với thầy thì chú Đạo Ngũ hớt hải chạy xuống: Thầy ơi, tổ về, vào chú Sang, nói là phải chỉnh lại cái khăn quàng của tổ nhưng nói là không cần thỉnh thầy nên con không thỉnh.
“Chắc cái khăn bị lệch, chỉnh lại đi, tổ nói không cần thỉnh thầy hả?”
“Vâng ạ.”
“Thế thì thôi.”
Chú Đạo Ngũ thoăn thoắt bước đi. Tôi hỏi thầy:
“Tổ về là thế nào ạ?”
“Là một cụ tổ của chùa này về, gá vào thân chú Sang, có chuyện gì cần nói thì tổ nói. Bao nhiêu năm chùa bỏ không, giờ
sửa lại khang trang các ngài phấn khởi nên hay về.” “Gá là thế nào ạ?”
“Là mượn thân người của Sang còn thần thức là của các tổ. Như mình cho mượn áo hay mượn xe đấy cô. Khi các tổ mất thì họ chỉ còn là thần thức thôi. Họ muốn hiện tướng thì phải mượn thân xác phàm.”
“Tức là nhập vào anh Sang ạ?” ( Tôi nghĩ đến phim Hồn ma). “Ừ.”
“Thế lúc gá như thế anh Sang có biết gì không ạ?” “Cũng tùy các tổ vào sâu hay không. Đạo lực của các tổ càng lớn thì Sang càng không có khả năng điều khiển; còn nếu không thì Sang vẫn có thể tác ý.”
“Tác ý là thế nào ạ?”
“Tức là Sang vẫn có thể khởi lên ý của Sang và nói ra như ý của các tổ.”
“Thế làm sao để biết là tổ ạ?”
“Phải biết chứ. Có nhiều cách để đối chiếu mà cô.” “Thế nếu chỉ là thần thức, mình không thấy được thì có bao giờ có chuyện giả vờ không ạ?” ( Tôi nghĩ đến chuyện Bạch Cốt Tinh trong Tây du ký).
“Có chứ. Nhưng giả vờ thì cũng biết mà. Mình phải có chính kiến, có kiểm chứng chứ cô.”
“Thế ai cũng cho gá được hay chỉ có anh Sang thôi ạ?” “Cái này do nhân duyên, không phải ai cũng cho gá được. Vong thì nhiều người có thể cho gá. Còn các tổ, các bậc thánh, thì phải là người có tu hành ít nhiều mới đủ phước cho các tổ gá vào cô ạ.”
Một lúc sau chú Đạo Ngũ lại chạy xuống:
“Bạch thầy, tổ nói thỉnh thầy lên có việc.”
Thầy Đạo đứng lên đi về nhà tổ. Mấy đứa nhỏ cũng rồng rắn chạy theo thầy. Tôi nửa muốn lên quan sát, nửa lại cảm thấy như thế là quá tọc mạch. Có thể các tổ có chuyện riêng tư của chùa muốn nói với thầy; tôi thì chỉ là khách. Vậy là tôi một mình ngồi lại.
Nhiều điều lạ quá. Sao có những điều hình như người Việt Nam nào cũng biết và thấy bình thường - như chuyện hầu đồng, chuyện Mẫu, các ông hoàng, Vu Lan, chuyện thờ cúng mồ mả tổ tiên, chuyện kiếp trước kiếp sau, chuyện gọi hồn gọi vong, mượn xác, nhập xác, ma quỷ, cảnh giới - mà tôi hoàn toàn không biết?
Kinh Lăng Nghiêm thì nói Tam giới có Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới; mỗi cõi giới chia nhiều tầng khác nhau, tùy vào mức độ nặng nhẹ của tình và tưởng. Tình càng nhiều thì càng chìm ở cõi thấp vì tình có tính nặng và u ám, tối tăm; tưởng nhiều thì lên các cõi trên vì tưởng nhẹ và sáng hơn. Cũng giống như cùng bản chất là H₂O nhưng có thể đóng thành băng hay đá rắn hoặc thành thể lỏng, thành tuyết, thành mây, mù, hơi nước, không khí, v.v... Cái nặng chìm xuống, cái nhẹ bay lên. Trong lục đạo luân hồi, chỉ có loài người và súc sinh là có hiện tướng xác thịt; giữa hai loài, động vật tình nhiều, tưởng ít nên chúng chủ yếu vận động bằng các cảm xúc bản năng như đói thì cắn giết nhau để ăn, khi dục tâm nổi thì giao cấu. Còn trong loài người, có người tình nhiều tưởng ít thì sẽ hành xử chủ yếu theo sân hận, si mê, hay tham lam; người nào tưởng nhiều hơn thì sẽ thông minh, lý trí hơn.
Chuyện tình và tưởng này, tôi thấy có lý nhưng còn các chuyện khác, tôi vẫn chưa thể nhập được vào đầu. Ngày mai tôi sẽ tiếp tục vào chùa để tìm hiểu.
Chương 10
Lục đạo luân hồi
Dạo này, trời thường mưa suốt đêm nhưng sáng thì hửng nắng. Tôi ăn sáng rồi ra khỏi nhà lúc 7 giờ 15 phút. Con đường đất chạy vào chùa rất dài, ngang qua đến bốn làng. Đi hết ba làng, tôi đếm được hơn 10 chùa, đình, đền trong khoảng bốn cây số; có làng lại phân thành các xóm nhỏ (thượng, cầu, mỹ, hạ). Tôi đi gần đến chùa thì một thanh niên chừng 20 đứng giữa đường vẫy tôi:
“Cô ơi cho cháu đi nhờ về cuối làng.”
Tôi đứng lại cho cậu ta đi nhờ. Tôi bịt mặt kín mít nên cậu ấy tưởng tôi là bà già; lại thấy tôi đi xe không được thuần nên cứ ngoái cổ lên nhắc:
“Cô vào số 3 chỗ này đi.”
“Cô vào số 4 đi cho nó đều máy.”
“Cô người làng này à?”
“Không, tôi ở Hà Nội, vào chùa có tí việc thôi.”
“Cháu ở cách đấy hai cây.”
Buồn cười, những cái giao tiếp đơn giản của người Việt đôi khi cũng làm tôi lạ lẫm.
Hôm nay chùa vắng, bàn nước và sân không bóng người. Tôi đi lên chính điện thì thấy một đống phân chó ở trước bàn thờ. Gặp chú Đạo Ngũ ngoài vườn rau, tôi nói chú Ngũ ơi, có con chó nào ị ngay trong chính điện. Chú Đạo Ngũ bỏ rơi rổ rau chạy vội vào, lại thấy chó ăn cả mấy trang Chư kinh nhật tụng tơi tả trên nền gạch. Chú Đạo Ngũ giậm chân:
“Giời ơi, con nghiệt súc này, không biết kiếp trước nó làm gì mà kiếp này phá kinh sách của Phật thế này hả giời? Thế này thì kiếp sau nó sinh làm con gì đây?”
“Giời ơi, con nghiệt súc, nó phá hoại kinh sách của tôi thế này này...”
“Sao nhà nào có chó không xích lại, lại thả rông chó vào chùa cắn kinh sách thế này, bất lịch sự quá đi mất.”
Hai chúng tôi cầm gậy lùa con khó ra khỏi chùa nhưng nó không chịu đi, cứ chạy vòng quanh rất lâu mới ra khỏi chùa. Rồi chú Đạo Ngũ nhờ tôi mang cuốn kinh bị chó cắn rách đi “hóa”.
“Là đi đốt” - chú Đạo Ngũ nói khi thấy tôi ngần ngừ không chắc mình phải làm gì - “Cô mang ra chỗ kia hóa cho nhà chùa với. Từ hôm qua đến giờ hóa hai cuốn rồi đấy cô ạ.”
Hóa xong cuốn kinh, tôi theo một bà già đi quét chùa. Một lúc sau, chú Đạo Ngũ đã mang ra một cái khay có năm loại đậu - xanh, đỏ, đen, trắng, vàng - cùng với một chậu cát và một bó hương. Chú Đạo Ngũ lấy hai nén hương chập thành một nhánh, xếp năm nhánh ngang, đan với năm nhánh dọc, gọi là tứ tung ngũ hoành. Chú giải thích tứ tung ngũ hoành tượng trưng cho không gian thời gian vô tận, vô biên, còn năm loại đậu là “ngũ chủng tính.”
“Đây là phép tán sa cho người chết trùng tang cô giáo ạ. Người chết trùng thì sau khi chôn, đến 12 giờ đêm, có thần trùng biến thành con chim từ trên lao xuống mộ mổ xác người mới chết. Thần thức người mới chết vẫn còn quyến luyến cái thân xác mình nên cảm thọ sự đau đớn, do đó họ về bắt người nhà chết thế. Cho nên phải làm phép tán xa. Thầy cháu nói phải có một người ngoài họ đi ngược chiều gió rắc cát quanh mộ, giống như là quây hàng rào để bảo vệ ấy. Rồi rắc đậu lên để đậu mọc thành cây thì con thần trùng nó nghĩ đây không phải mộ mới nên nó
không tới. Nhưng đầu tiên phải để đậu, cát, và hương lên bàn thờ luyện trong 21 ngày rồi mới mang đi làm được, trường hợp nào gấp thì bảy ngày.”
“Hay nhỉ” - tôi nghĩ - “Người dân mình công nhận trí tưởng tượng phong phú. Không biết bao nhiêu phần trăm trong những niềm tin này thuộc về đạo Phật, và bao nhiêu phần trăm là do thêm thắt từ sự mê tín, lại còn các loại giáo điều của các triều đại cầm quyền nữa. Đa phần người Việt Nam không hiểu rằng ngay cả tôn giáo cũng có lịch sử và một quy trình xã hội hóa, bản địa hóa, nên nó biến đổi theo địa phương và theo chế độ chính trị; cho nên cái mà họ thấy là hiển nhiên ở thời này chưa chắc đã là sự thật mà chỉ là sản phẩm nhất thời hoặc sản phẩm của một quá trình lịch sử.”
Chú Đạo Ngũ vừa cẩn thận đan hương vừa hỏi tôi: “Cô giáo có biết vì sao mọi người khi khấn lại nói ‘con lạy chín phương trời, con lạy mười phương Phật’ không?” “Không ạ.”
“Ôi, dễ thế mà không biết à?” - chú Đạo Ngũ cười - “Vì Phật thì có ở Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Nam, thượng và hạ, thế là mười phương; còn trời thì không có hạ nên chỉ có chín phương thôi, trời phải ở trên chứ.”
“Sao Phật lại cũng có ở phương dưới ạ?”
“Vì chư Phật có lòng từ bi nên cũng hóa thân vào các cõi dưới để cứu độ chúng sinh ở các cõi đấy cô ạ. Như là Bồ Tát Địa Tạng ở trong địa ngục để hóa độ những người bị đọa vào địa ngục đấy, cô hiểu chưa?”
Tôi cười:
“Vâng, hiểu rồi ạ.”
“Thế cô có biết lục đạo luân hồi là gì không?”
"""