🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mùa Tôm
Ebooks
Nhóm Zalo
Công ty TNHH Sách Hương Giang rất mong nhận được góp ý của bạn đọc
Mọi ý kiến xin gửi về Email: [email protected] Facebook: www.facebook.com/Huonggiangbooks
Hương Giang Books
www.huonggiangbooks.com.vn
Tác phẩm:
MÙA TÔM - CHEMMEEN
Tác giả:
THAKAZHI SIVASANKARA PILLAI
Bản quyền bản dịch tiếng Việt
Mùa tom - Chemmeen và bố cục trình bày tủ sách © Công ty TNHH Sách Hương Giang 2016.
Trong nền văn học Ấn Độ thế kỷ XX, các tác giả càng ngày
càng muốn nắm bắt và thể hiện được cuộc sống trong dạng chân chất, nguyên khai của nó, không thỏa mãn với các miêu tả đầy lãng mạn và huyền bí, cũng như không chỉ thu hẹp vào thế giới tinh thần mang đậm màu sắc tôn giáo của con người, như trong những tác phẩm viết về Ấn Độ thế kỷ 19. Trong số các tác giả có nhiều cách tân, Thakagi Sivasankara Pillai là một ngòi bút có nhiều đóng góp xuất sắc. Ông sinh ngày 17/4/1912 tại làng Thakagi, bang Kerala, một trong những bang nghèo bậc nhất ở Ấn Độ nhưng lại có truyền thống lâu đời về văn hóa -- nền văn hóa Malayalam. Thiên nhiên ở miền nam Ấn Độ này hết sức khắc nghiệt, cộng với một bối cảnh xã hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đời sống đẳng cấp đã khiến đời sống người dân nghèo luôn luôn đứng trước những xung đột, tai họa, bất công. Thakagi Pillai có ý thức rõ rệt muốn góp một tiếng nói, một cách nhìn xây dựng vào thực tế xã hội của quê hương mình. Từ bút pháp lãng mạn thời kỳ đầu, ông chuyển sang bút pháp hiện thực. Năm 1942, ông sáng lập Liên đoàn các nhà văn tiến bộ bang Kerala. Ngay những tác phẩm thời trẻ như Hoa mới nở (1934), Những câu chuyện Thakagi (1938), Pillai đã dũng cảm đứng về phía người nghèo, phê phán những bất công xã hội. Trong nhiều truyện dài của ông, nhân vật chính thường là những con người lao động, xuất thân từ những đẳng cấp thấp, luôn phải hứng chịu những thử thách khốc liệt của cuộc sống như trong Cái đầu lâu (1947), Con trai người quét rác (1948), Hai vốc cơm (1949). Nhưng với tiểu thuyết Mùa Tôm (1956), Pillai đã trở lại với bút pháp lãng mạn ban đầu của mình khi viết về tình yêu khác đẳng cấp và tín ngưỡng ở một vùng dân chài. Cuốn tiểu thuyết đã đem lại vinh quang cho Pillai, được giải thưởng của Viện hàn lâm văn học Ấn Độ do Tổng thống Ấn Độ trao tặng (năm 1957), Giải thưởng văn học cao nhất ở Ấn Độ. Trong Mùa tôm, cuộc sốngvới những vật lộn khắc nghiệt hàng ngày của người lao động tại một làng chài Ấn Độ hiện lên rất sáng rõ trong
bối cảnh thiên nhiên nghiệt ngã, giữa những hàng rào vô hình mà tai ác, ngăn cách những con người ở những đẳng cấp xã hội và tín ngưỡng khác nhau và dẫn đến kết cục thật bi thảm. Cuốn sách từ khi ra đời đã được bàn cãi sôi nổi, tính đến năm 1965 đã được in đi in lại mười bốn lần và trở thành một sự kiện trong đời sống văn học Ấn Độ những năm 50-60. Đưa tác phẩm này của Pillai đến với bạn đọc Việt Nam, chúng tôi muốn giới thiệu một ngòi bút giàu lương tri, nhân ái. Suốt đời chiến đấu cho sự đổi mới và tiến bộ xã hội, dũng cảm bênh vực những khát vọng của con người ở dưới đáy xã hội, và luôn kêu gọi họ hợp lực lại đấu tranh cho một cuộc sống thật xứng đáng với con người.
Hoàng Cường
10-1980
-A
PHẦN TIẾNG VIỆT
PHẦN MỘT
Một
nh này, cha em sắp tậu một chiếc thuyền đánh cá và một bộ lưới, thế là nhà em sẽ có thuyền và lưới riêng.
- Vận may đến với gia đình em đấy, Karuthamma ạ! Karuthamma không biết trả lời ra sao. Một lúc sau, cô nói: - Nhưng nhà em không đủ tiền. Anh cho vay một ít nhé! - Anh đào đâu ra tiền? - Pareekutti nhún vai.
Karuthamma cười.
- Vậy sao anh được gọi là cậu Kochumuthali1?
1 Nguyên văn là Kochumuthalali hay cậu chủ. Muthalali nghĩa là “ông chủ”, chủ đất, chủ hiệu… Kochu có nghĩa là nhỏ, trẻ tuổi. Muthalali là cách gọi thân mật những người Hồi giáo, nhất là những nhà buôn Hồi giáo.
- Sao em lại gọi anh là Kochumuthali, Karuthamma! - Thế gọi anh là gì?
- Gọi anh là Pareekutti.
Karuthamma bắt đầu nói: “Paree…” rồi dừng lại cười khanh khách. Pareekutti muốn cô đọc hết tên mình. Nhưng Karuthamma nén cười, lấy vẻ nghiêm trang: “Không đâu”, cô lắc đầu.
- Em không thể gọi anh như vậy.
- Thế anh cũng sẽ không gọi em là Karuthamma nữa. - Thì anh gọi em bằng gì nào?
- À, anh sẽ gọi em là chị hai Valia Marakkathi1.
1 Marakkathi là đẳng cấp thấp nhất trong bốn đẳng cấp dân chài. Valia có nghĩa là người già.
Karuthamma lại cười. Chàng trai cũng cười theo. Hai người cứ thế cười, cười mãi, tưởng như họ không kìm nổi mình nữa.
- Thôi được. Khi nào gia đình chị hai có thuyền và lưới rồi, liệu chị hai có nói với cha bán cá cho anh không?
- Có chứ, anh cứ trả giá cao vào thì nhà em sẽ bán cho anh. - Karuthamma nói.
Họ lại cười như nắc nẻ.
Có gì trong câu chuyện khiến đôi trai gái cười nhiều đến thế? Những lời đối đáp của họ ý nhị chăng? Hay cả những điều thường tình nhất cũng có vẻ ngộ nghĩnh đối với họ?
Karuthamma cười đến giàn giụa nước mắt. Hổn hển, cô nói: - Thôi, cậu Kochumuthali, đừng chọc em cười nữa. - Thì em cũng đừng chọc anh nữa.
- Ôi, cậu...
Hai người lại cười. Họ cười tưởng như đang cù nghịch nhau. Kiểu cười ấy có khi kết thúc trong nước mắt.
Bỗng Karuthamma nghiêm sắc mặt. Mặt cô sầm lại. Cô có vẻ bực mình giận dỗi.
- Đừng nhìn em như thế!
Cô vùng ra xa Pareekutti, khoanh tay trước bộ ngực để trần và quay đi. Cô nhận ra người cô chỉ che mỗi một mảnh vải.
- Sao cậu lại thế, cậu Kochumuthali?
Bỗng có tiếng ai trong nhà gọi Karuthamma. Hóa ra Chakki, mẹ cô đã đi chợ về rồi, Karuthamma chạy ào về nhà. Pareekutti nhận ra cô đã bỏ về giữa lúc bực tức. Anh ân hận lắm. Karuthamma cũng cảm thấy cô đã nói một câu gì hơi quá đáng. Có thể Prikutti đã bị xúc phạm.
Chưa bao giờ cô cười như hôm nay trước mặt Pareekutti hay bất kì ai khác. Cô có một cảm giác thật lạ thường, tưởng như không thở được, như thể lồng ngực cô muốn vỡ ra. Lúc bấy giờ, cô cảm thấy mình như đứng trần trụi trước mặt anh. Cô những mong
có thể tan biến đi trước con mắt anh. Chưa bao giờ cô có cảm giác như thế.
Bộ ngực Karuthamma là biểu tượng của tuổi thanh xuân đầy nhựa sống. Nhìn cô, dừng ánh mắt trên ngực cô, Pareekutti cảm thấy mình bùn rủn cả chân tay. Có phải vì thế mà tiếng cười đã tắt đi chăng?
Karuthamma chỉ có mỗi một mảnh vải quấn quanh thân. Bên trong, cô không mặc gì. Mà mảnh vải ấy lại mỏng tang.
Pareekutti đau khổ thấy Karuthamma đã giận dỗi bỏ đi. Thái độ anh có gì đáng trách không? Liệu cô còn đến với anh nữa không?
Anh phải cầu xin cô tha thứ. Anh sẽ không lặp lại cử chỉ không đúng đắn ấy nữa.
Hai người phải xin lỗi nhau.
Hồi còn là một cô bé lên bốn, Karuthamma thường ra bãi biển nhặt vỏ trai và cá nhép mà những người đánh cá giũ bỏ khỏi lưới. Một hôm, cô bé Karuthamma có một người bạn nhỏ đến cùng chơi. Karuthamma còn nhớ rất rõ hôm cậu bé Pareekutti đến làng Nirkunnam lần đầu tiên. Pareekutti mặc quần dài, áo sơ mi vàng, cổ quàng khăn lụa và đầu đội mũ có núm bông, tay cứ níu chặt lấy cha. Hai cha con Pareekutti dựng một nhà sấy cá chếch về mé phía nam nhà cô. Nhà sấy cá ấy nay vẫn còn, và cậu thanh niên Pareekutti bây giờ đã trở thành cậu chủ cơ sở ấy.
Hai đứa trẻ cạnh nhà nhau đã lớn lên bên nhau tại làng chài ven biển.
Nhóm xong lửa trong bếp, Karuthamma ngồi nghĩ mơ màng về những ngày vui sướng ấy. Vừa lúc lửa sắp lụi thì mẹ cô bước vào
nhà, bà lấy chân thúc nhẹ Karuthamma. Cô giật mình bừng tỉnh.
- Ngồi đấy mà nghĩ gì thế hả? - Chakki gắt.
Em gái Karuthamma là Panchami liền mách:
- Mẹ ơi, chị Karuthamma đứng đằng sau thuyền ở ngoài bãi cười thi với cậu Kochumuthali đấy, mẹ ạ.
Karuthamma đỏ mặt. Đó là chuyện thầm kín tội lỗi của cô. Bây giờ nó đã bị lộ.
Panchami chưa thôi:
- Mẹ ơi, giá mẹ được nghe hai người cười với nhau!
Rồi Panchami giơ ngón tay dứ dứ về phía Karuthamma như muốn bảo: “Chị mà tìm cách đánh lừa em thì sẽ bị như thế”, rồi cô bé bỏ chạy.
Chả là Karuthamma đã bỏ đi chơi để Panchami phải ở nhà trông nhà. Cha của hai cô là Chemban Kunju cất giấu trong nhà một ít tiền để dành để mua thuyền và lưới, nên ông dứt khoát bắt lúc nào cũng phải có người ở nhà, giờ cô bé trả thù chị.
Người mẹ không thể bỏ qua những lời Panchami vừa mách.
- Tao vừa mới nghe chuyện gì thế hả?- Bà Chakki hỏi Karuthamma.
Karuthamma không biết nói sao.
- Mày có hiểu việc mày làm không?
Buộc phải trả lời mẹ, Karuthamma lắp bắp:
- Con chỉ đi chơi ngoài bãi biển.
- Ừ, thế đã xảy ra chuyện gì khi mày đi chơi ngoài bãi biển? - Lúc đó, cậu Kochumuthali đang ngồi ở trong thuyền. - Có thế mà mày phải cười à?
Karuthamma tìm cách thanh minh:
- Con hỏi vay số tiền mà nhà ta còn thiếu để mua thuyền và lưới. - Việc của mày đấy à?
- Hôm nọ cha mẹ chả bảo nhà ta phải hỏi vay cậu Kochumuthali là gì ?
Nhưng những lời biện bạch của Karuthamma không đánh lừa được mẹ. Hồi bằng tuổi Karuthamma, trên bãi biển này, Chakki cũng đã từng thấy những người chủ Hồi giáo trong các nhà sấy cá. Và đằng sau những chiếc thuyền phơi mình trên bãi cát, những Kochumuthali trẻ tuổi thời bấy giờ hẳn cũng đã chọc ghẹo khiến Chakki phải cười. Nhưng Chakki là một cô gái lớn lên trong tập tục của cá làng chài này, kế thừa một số chân lí lâu đời và nếp sống chặt chẽ của cộng đồng dân chài. Khi người đánh cá đầu tiên chống chọi với gió to sóng cả ngoài biển khơi, một mình một chèo trên mảnh ván lênh đênh tận phía bên kia đường chân trời thì ở nhà người vợ dõi mắt nhìn ra biển, dốc lòng cầu nguyện cho tính mạng chồng được an toàn. Biển nổi sóng dữ dội. Hàng đàn cá voi ngoác miệng lừ đừ tiến lại. Hàng đàn cá mập lao đến quật đuôi vào mạn thuyền. Một luồng nước hung dữ cuốn phăng con thuyền vào một xoáy nước ghê rợn. Nhưng kì diệu thay, người trai đánh cá lại thoát mọi nguy hiểm. Không những thế, anh còn kéo về bờ một con cá rất lớn. Làm sao anh thoát được cơn bão? Vì sao con cá voi lại không nuốt chửng
anh? Vì sao con cá mập không quật chìm thuyền anh? Chiếc thuyền ấy vì sao lại có thể vượt qua xoáy nước? Vì đâu mà tất cả cơn hiểm nghèo ấy lại qua đi? Ấy là vì trên bờ có một người phụ nữ trinh tiết và trong trắng đang hết lòng cầu nguyện cho tính mạng chồng mình ngoài biển cả.
Những người con gái ở biển hiểu sức mạnh của lời cầu nguyện và ý nghĩa của nếp sống ấy. Chakki cũng sống theo triết lí đó. Hồi Chakki bước vào tuổi thành niên có lẽ cũng đã có một Kochumuthali trẻ tuổi nào đó nhìn vào bộ ngực trần của bà. Nhưng chắc hẳn mẹ bà cũng đã dạy cho bà hiểu rõ sức mạnh của những lời cầu nguyện và nếp sống của những người con gái biển cả.
Không biết Chakki có thấu hiểu nỗi lòng của con gái hay không, song bà nói:
- Con không còn nhỏ nữa. Bây giờ con đã là một phụ nữ dân chài rồi.
Những lời “chị hai Marakkathi” của Pareekutti lại văng vẳng bên tai Karuthamma.
- Ngoài biển rộng mênh mông kia, gì cũng có, con ạ - Chakki lại nói - cái gì ngoài biển cũng có hết. Con nghĩ xem, làm sao người đàn ông ra biển đánh cá lại trở về yên lành? Đó là vì người đàn bà ở nhà sống trong sạch. Nếu không thì các luồng nước hung dữ ngoài biển cả sẽ dìm họ. Tính mạng người đàn ông đi biển nằm trong tay người đàn bà trên bờ.
Đây không phải là lần đầu Karuthamma được nghe những lời nhắc nhở ấy. Ở làng chài này, hễ ba bốn người phụ nữ gặp nhau thì y như rằng người ta lại được nghe những lời răn như thế.
Nhưng cười với Pareekutti thì có gì sai đâu? Cô chưa phải giữ gìn tính mạng của một ai đi đánh cá ngoài khơi. Khi nào cô có một cuộc đời cần phải gìn giữ thì cô sẽ hết lòng trông nom bảo vệ nó. Cô biết cần phải làm những gì. Không cần ai phải dạy phụ nữ dân chài những điều đó.
- Con có biết tại sao có lúc biển đen sẫm lại không? - Chakki nói tiếp - đó là lúc Nữ Thần Biển nổi giận. Những lúc ấy Người sẽ hủy diệt tất cả. Còn những lúc khác, Người lại ban cho những đứa con của Người mọi thứ. Có vàng ngoài biển đấy, con ạ, có vàng đấy.
Đức hạnh rất quan trọng con ạ. Trong sạch, đức hạnh. Sức mạnh và của cải của người đánh cá trên biển quê ta phụ thuộc vào đức hạnh của người vợ.
Có một số Kochumuthali không đứng đắn đã làm ô uế cả bãi biển. Những người đàn bà thuộc các đẳng cấp thấp kém từ trong đất liền đến chọn cá, ướp cá tại các nhà sấy, họ cũng làm nhơ bãi biển. Họ không phải là con gái Nữ Thần Biển, con ạ. Dân chài ta lại phải trả nợ cho những việc làm của họ.
Bụi cây trong làng và mui thuyền gác ngoài bãi, đó là những chỗ con phải coi chừng!
Hết sức nghiêm trang, Chakki nhắc con gái:
- Con không còn nhỏ nữa mà đang độ thanh xuân tươi tắn nhất. Các Kochumuthali trẻ tuổi và bọn con trai táo tợn trong làng, lấc xấc, vô đạo đức sẽ nhìn hau háu vào bộ ngực trần của con. Và nhìn con với đôi mắt dâm đãng.
Karuthamma rùng mình. Đó đúng là điều đã diễn ra dưới bóng thuyền. Sự bực bội của cô đối với Pareekutti ban nãy có lẽ là một
nhân tố di truyền từ đời này sang đời khác chăng? Để cho kẻ khác nhìn chằm chằm vào bộ ngực trần của mình là trái với đạo đức những người con gái của Nữ Thần Biển.
- Con ơi, con chớ để mình thành nguyên nhân gieo rắc tai họa cho cả làng chài ta đấy.
Karuthamma kinh hoàng.
- Nó không phải là con trai dân chài. Nó sẽ không coi trọng những gì ta tin đâu - Chakki nói.
Đêm ấy, Karuthamma không sao chợp mắt được. Cô không giận Panchami đã tiết lộ chuyện thầm kín của cô. Em cô không có gì ác ý. Nhưng Karuthamma thuộc về một cộng đồng có một luân lí riêng. Luân lí ấy đã được duy trì hàng trăm hàng nghìn năm nay.
Có lẽ bây giờ cô bắt đầu nhận thức được điều đó. Cô chỉ lo nhỡ ra cô sa chân vào con đường lầm lỗi.
Bỗng nhiên, từ ngoài biển có tiếng hát vọng đến. Tiếng hát chơi vơi ấy xóa nhòa ý thức về cái phải cái trái ở cô. Karuthamma lắng nghe. Pareekutti đang hát. Anh không phải là người hát hay. Nhưng anh còn có cách nào khác nhắn với cô là anh đang ở đây.
Karuthamma xốn xang, thấy có cái gì đó thôi thúc trong lòng. Nếu cô ra với anh, anh sẽ lại nhìn vào bộ ngực trần của cô. Rồi anh sẽ ngồi xuống dưới bóng thuyền. Mà đấy là nơi cô phải coi chừng. Pareekutti không phải dân chài. Karuthamma nhớ đến lời mẹ dặn.
Nhưng anh lại đang hát một bài hát của dân chài. Cứ nghe mãi tiếng hát ấy, Karuthamma sợ cô sẽ chạy ra đấy mất. Con mắt
đăm đắm của Pareekutti, tưởng như nhìn xuyên suốt người cô, đã làm cô rùng mình xao xuyến. Dẫu sao, cô chỉ là một con người bằng xương bằng thịt. Karuthamma nằm úp sấp mặt, áp ngực xuống nền nhà. Cô lấy tay bịt tai. Nhưng vẫn không bịt nổi tiếng hát kia.
Karuthamma giàn giụa nước mắt.
Cửa buồng có thể mở ra dễ dàng, hoặc có thể tự nó bật mở. Nhưng cô đang sống trong bốn bức tường của một pháo đài không gì phá nổi. Đó là những bức tường cao dầy của nề nếp và những điều cấm đoán đối với những đứa con của biển đã tồn tại hàng bao thế kỷ nay. Nó là một pháo đài không cửa.
Nhưng da thịt con người lại không phá nổi pháo đài đó sao? Những bức tường ngăn cấm kia chẳng đã bị phá sập rồi sao?
Tiếng hát của Pareekutti vẫn chơi vơi ngoài bãi biển. Bài hát được đặt ra không phải để quyến rũ con gái dân chài lén ra khỏi nhà ban đêm. Bài hát tuy có nhịp điệu song giai điệu không phải đã hay. Giọng người hát cũng không thật đặc sắc, lôi cuốn. Nhưng nó có cái gì làm người ta náo nức. Pareekutti buộc lòng phải nhắn cho cô hay là anh đang ngồi đây. Anh muốn cầu xin cô tha lỗi.
Giọng Pareekutti lạc hẳn đi vì cố hát mãi.
Karuthamma bỏ những ngón tay bịt tai ra. Ở buồng bên, cha cô đang nói chuyện với mẹ cô. Hai người đang bàn tính chuyện gì gay gắt lắm. Karuthamma lắng tai nghe. Cha mẹ cô đang nói chuyện với nhau về cô.
- Tôi biết rồi, bà không phải kể nữa. Tôi cũng là một thằng đàn ông - Chemban Kunju nói.
- Đàn ông mà thế à? Ông tưởng là ông biết rồi hay sao? Kẻ sẽ lầm đường lạc lối chính là con gái ôngđấy, - Karuthamma nghe tiếng mẹ nói.
- Bậy nào. Tôi sẽ kiếm chồng cho nó trước khi xảy ra chuyện gì.
- Ông kiếm chồng cho nó bằng cách nào? Không có của hồi môn, ai thèm hỏi lấy nó?
- Bà nghe đây - Chemban nói, rồi ông bắt đầu vẽ ra kế hoạch của ông cho tương lai. Karuthamma đã được nghe kế hoạch này dễ đến hàng trăm lần.
- Được rồi. Ông cứ việc tậu thuyền và lưới của ông đi, - Chakki nói, giọng vừa buồn vừa giận.
- Tôi sẽ không cho ai đụng đến một đồng anna nào trong số tiền ấy đâu. Đừng nghĩ sẽ rút ở đấy ra được tí gì để làm của hồi môn. - Chemban nói, giọng kiên quyết.
Chakki nổi giận:
- Rồi một thằng con trai Hồi giáo sẽ gây chuyện chẳng lành cho con gái ông, rồi ông xem.
Chemban lặng thinh. Ông có hiểu ý nghĩa câu đó không? Một lúc sau ông bảo:
- Tôi sẽ tìm cho nó một thằng trai trẻ làm chồng.
- Không cần của hồi môn à?
Chemban gật đầu.
- Chắc là một đứa ngu ngốc đần độn nào đấy thôi - Chakki nói.
- Rồi bà sẽ thấy, bà sẽ thấy!
Không mảy may tin lời chồng, Chakki nói:
- Thà ông dìm chết con gái ông ngoài biển còn hơn. Chemban rủa vợ.
- Thuyền lưới ấy ông sắm về cho ai? - Chakki hỏi.
Chemban không trả lời. Thuyền và lưới đánh cá là ước vọng cả đời của ông. Ông không bao giờ đặt câu hỏi ông tậu thuyền và lưới cho ai hết.
Chakki gợi ý:
- Ông thấy thằng Velayiudan, con nhà Vellamanalil thế nào? - Không, nó không được.
- Sao không được? Nó có gì đáng chê trách?
- Nó chỉ là một tên Marakkan. Một tên Marakkanthi không hơn không kém.
- Ông định tìm ai khác làm chồng con gái ông, nếu không gả nó cho một người thuộc đẳng cấp Marakkhan?
Chemban không biết cách nào trả lời.
Bên tai Karuthamma còn văng vẳng: “Một thằng con trai Hồi giáo sẽ gây chuyện chẳng lành cho con gái ông”. Cha cô không thấy hết sức mạnh của câu nói đó. Cô tưởng như tim mình vỡ ra. Một thanh niên Hồi giáo chẳng làm cô xốn xang rồi đấy sao?
Ở ngoài kia Pareekutti vẫn chưa thôi hát.
H
Hai
ôm sau, Karuthamma không ra khỏi nhà. Bên nhà sấy cá của Pareekutti hôm đó công việc rất nhộn nhịp. Có nhiều phụ nữ từ miền Đông đến làm việc. Họ đang đóng bao cá khô.
Lúc ngồi không ở nhà, Karuthamma bỗng có một ý nghĩ day dứt. Không biết Pareekutti có nhìn những người đàn bà kia cũng với con mắt như xoáy vào da thịt không?
Buổi chiều, các thuyền đánh cá về đến bờ. Chakki đem thúng ra bãi. Khi đi, bà còn dặn lại Karuthamma:
- Con ơi, hãy nhớ lời mẹ nhé!
Karuthamma hiểu rõ cô phải nhớ những gì.
Khi Chemban về đến nhà, Karuthamma dọn cơm cho ông ăn. Cô để ý thấy bố nhìn mình chăm chú. Một điều rất ít thấy ở ông. Ngày nào mà ông chả gặp cô. Thế tại sao ông lại nhìn cô như vậy. Karuthamma sợ bố đã biết chuyện bí mật của mình. Nhưng nếu ông biết thì con mắt của ông phải nghiêm khắc chứ.
Chemban cùng với một số dân chài khác làm việc cho một chủ thuyền trên cơ sở cùng làm cùng hưởng. Ban đầu, ông chỉ là một người cầm chèo. Bây giờ, ông đã là người cầm lái, người điều khiển con thuyền. Với tham vọng cả đời luôn ở trước mắt, Chemban không tiêu phí một đồng anna nào mà ông kiếm được.
Con gái ông đã lớn. Một đứa con gái như vậy dễ mắc chuyện rắc rối lắm. Chakki nói đúng, tất cả những điều bà ấy nói đều đúng. Có thể thông cảm nỗi lo của bà. Ông phải sắm bằng được thuyền và lưới cho mình, hay ông phải lo liệu việc gả chồng cho con? Vấn đề làm ông khó nghĩ. Chemban cũng có điều cần dặn bảo con gái.
- Này con, hãy cẩn thận đấy.
Karuthamma không trả lời bố. Chemban cũng không đợi trả lời.
Trả công cho những người làm xong. Pareekutti ngồi xuống bậu thuyền trong bóng chiều êm ả. Chemban bước đến gặp anh. Karuthamma thấy hai người nhỏ to một lúc lâu. Cô phân vân không biết họ nói chuyện gì. Có lẽ cha cô hỏi vay tiền Pareekutti.
Sau đó, Chemban và Chakki lại thì thầm với nhau một lúc. Karuthamma rất muốn biết bố mẹ cô bàn bạc điều gì.
Tối hôm ấy, Pareekutti lại cất tiếng hát bài hát quen thuộc của anh. Nằm một mình trong nhà, Karuthamma lắng nghe. Cô phải bảo với anh điều này, chỉ một điều thôi: Anh không được nhìn vào ngực cô như thế nữa. Và anh cũng không được hát cạnh nhà cô như thế nữa.
Tối hôm sau, không nghe thấy tiếng hát của Pareekutti. Trăng sáng vằng vặc và mặt biển đẫm ánh trăng. Tiếng nhạc của sóng biển dịu dàng lan về phương Đông hòa với tiếng lá dừa xào xạc. Karuthamma thấy nhớ tiếng hát của Pareekutti. Cô ước mong lại được nghe tiếng hát ấy. Sao anh không hát nữa?
Sau bữa tối, Chemban ra khỏi nhà. Chakki trông có vẻ bồn chồn không yên. Sao mẹ cô không đi ngủ nhỉ? - Karuthamma nghĩ.
Cuối cùng, Chakki lại giục Karuthamma đi ngủ. Cô nghe lời khép mắt lại.
Bỗng cô giật mình tỉnh giấc. Có tiếng ai hỏi: “Karuthamma ngủ rồi ạ?”
Karuthamma nhận ra giọng nói ấy. Trong giọng nói có một âm thanh run rẩy mà chỉ mình cô hiểu. Đó là Pareekutti.
- Ừ, nó ngủ rồi. - Chakki trả lời.
Karuthamma cảm thấy có một chút gì ngượng nghịu trong giọng mẹ. Người cô lấm tấm mồ hôi. Cô ngồi dậy nhìn qua một lỗ nhỏ ở tấm vách ngăn buồng cô với buồng cha mẹ. Không phải là một bức tường đất hoặc đá, mà chỉ là một tấm vách làm bằng lá dừa. Chemban đang khiêng vào nhà một bao gì nặng lắm. Không phải một hoặc hai bao, mà đến sáu bảy bao. Những bao cá khô.
Ngực Karuthamma đập thình thịch như muốn vỡ. Ngoài sân, Pareekutti, Chakki và Chemban đang đứng nói chuyện nho nhỏ với nhau.
Hôm sau, Karuthamma hỏi mẹ về những bao cá đó. - Cậu Kochumuthali mang đến gửi nhờ - Chakki nói lảng.
- Tại sao cậu ấy không để ở nhà sấy cá của cậu ấy? - Karuthamma hỏi.
Sau một lát, Chakki dùng giọng gay gắt mắng:
- Mày hỏi những chuyện ấy để làm gì? Nó là gì đối với mày? Coi chừng mà ăn ở cho phải phép.
Karuthamma những muốn hỏi mẹ rất nhiều. Pareekutti không phải là gì đối với cô, nhưng làm như vậy chẳng phải là lừa dối hay sao? Chẳng phải nhà mình mắc nợ Pareekutti hay sao? “Mày phải giữ lấy thân”, cha cô đã bảo. Nhưng nếu mình lại để thân mình đi mắc nợ như vậy thì còn ra làm sao nữa? Nghĩ vậy song Karuthamma vẫn nín lặng.
Hôm sau, những bao cá ấy được đem bán. Hôm sau nữa, họ đánh được rất nhiều cá. Đánh được một mẻ, Chemban lại chèo thuyền ra biển đánh tiếp mẻ khác. Chakki đi chợ miền Đông, Panchami không có nhà. Còn lại một mình Karuthamma.
Pareekutti sang gặp cô.
Karuthamma chạy vào trong nhà. Pareekutti lặng lẽ đứng đợi ngoài sân. Anh bồn chồn, miệng và cổ anh khô khốc, anh nói:
- Chỗ cá anh đem đến cho hai ông bà là để bán lấy tiền mua thuyền và lưới đấy.
Không có tiếng đáp lại. Pareekutti nói tiếp:
- Gia đình em sẽ vẫn bán cá cho anh chứ? Anh có tiền trả mà.
Câu trả lời lẽ ra phải là “Anh cứ trả giá cao vào thì nhà em sẽ bán cá cho anh”. Nhưng hôm đó, Pareekutti không được trả lời. Lần đứng dưới bóng thuyền cũng nói với nhau chuyện ấy, hai người đã cười với nhau giòn giã, cười mãi, ghìm không nổi. Pareekutti hi vọng cảnh đó sẽ lặp lại, nhưng chỉ có im lặng.
- Tại sao Karuthamma không nói gì? Em giận à? - Pareekutti hỏi. Pareekutti tưởng như nghe thấy có tiếng thổn thức.
- Em khóc ư, Karuthamma? Nếu em không thích anh đến thì anh đi vậy.
Cũng vẫn không có tiếng trả lời. Giọng Pareekutti lạc đi: - Anh đi vậy nhé, Karuthamma.
Lời từ biệt buồn tủi ấy khuấy động lòng Karuthamma, cô hỏi:
- Cậu Kochumuthali ơi, cậu có phải là người Hồi giáo không? Pareekutti không hiểu được ý Karuthamma. Anh nói:
- Sao em lại hỏi thế?
Khỏi phải trả lời. Làm người Hồi giáo thì có gì sai trái? - Cô tự nhủ.
- Sao cậu không đi nhìn những người đàn bà làm việc ở nhà sấy cá của cậu? - Cô buột miệng hỏi.
Nỗi băn khoăn của Karuthamma làm Pareekutti giật mình. Hẳn cô cho rằng anh cũng để mắt đến những người đàn bà làm việc cho anh ở nhà sấy cá. Làm sao nói cho Karuthamma hiểu là cô nhầm?
- Lạy thánh Ala, anh không nhìn ai như vậy đâu, - anh đáp lại thành thật.
Karuthamma sung sướng thấy Pareekutti là một người đứng đắn. Nhưng cô muốn anh nói nhiều hơn chứ không chỉ bày tỏ rằng anh không để ý đến những người đàn bà khác. Cô không biết làm cách nào để anh hiểu. Cô muốn kể hết với anh về đạo lí bắt buộc một người phụ nữ dân chài đoan chính phải sống như thế nào. Nhưng cô không nói ra được. Cô không đủ can đảm.
Hai người im lặng một lúc lâu. Thấy ngài ngại, Karuthamma bảo:
- Mẹ em sắp về đấy.
- Thì sao?
- Trời ơi, không được đâu, thế là sai, - cô lo lắng nói.
- Karuthamma, em ở bên trong, anh ở bên ngoài. Thế thì có gì sai?
Ngay cả điều này nữa, cô cũng phải nói để anh hiểu. Nhưng bằng cách nào? Có rất nhiều điều phải nói mà cô không biết bắt đầu từ đâu.
- Karuthamma, em có nghĩ đến anh không?
- Có.
Pareekutti đột nhiên thấy sung sướng:
- Thế sao em không ra đây với anh, Karuthamma? - Không, em không ra.
- Anh sẽ không trêu em cười đâu. Anh chỉ muốn nhìn thấy em trước khi anh về thôi.
Không biết nói sao, Karuthamma chỉ trả lời :
- Không, em không ra được.
Một lát sau, Pareekutti lại nói :
- Thế thì anh phải về vậy.
- Em sẽ nghĩ đến anh … mãi mãi. - cô dịu dàng nói với Pareekutti.
Anh không ao ước gì hơn.
Pareekutti đi rồi, Karuthamma nhận ra cô đã không nói được một điều nào định nói với anh, nhưng lại nói nhiều điều không nên nói ra.
Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu, Chemban và Chakki đếm số tiền gom góp được. Tuy chưa đủ, nhưng ông cũng khá phấn chấn. Ông nói:
- Ta đã xoay sở được khá nhiều mà chưa phải dính vào Ouseph. Hay bất kì một dứa cho vay nặng lãi nào khác.
Bà vợ thở phào :
- Có những đứa nhét đầy tiền vào túi rồi lân la ra ngoài bãi biển xem có người dân chài nào bị sạt nghiệp hay không. Nếu ta dính vào bọn ấy thì không bao giờ hết nợ. Rồi chẳng còn thuyền mà cũng chẳng còn lưới. Dành dụm được đồng nào rồi cũng hết sạch.
Ouseph và Govindan, những kẻ làm nghề cho vay lấy lãi, đã nhiều lần hỏi Chemban có muốn vay tiền không. Bao giờ ông cũng trả lời “Không!” Nhưng tiền thì chưa đủ. Phải làm gì bây giờ?
- Ta đi vay cậu Kochumuthali số tiền còn thiếu vậy. Sao không được? - Chemban nói.
Lần đầu trong đời Karuthamma thấy ghét cha, và ghét cả mẹ nữa vì mẹ không chống lại ý cha.
Suốt mấy ngày sau, những người làm công bên nhà Pareekutti hối hả sấy cá và đóng bao. Karuthamma hiểu rõ vì đâu có sự vội vã ấy. Thời gian gần đây cô đã lớn lên nên đã hiểu được nhiều chuyện.
Chakki sung sướng trước viễn cảnh phát đạt mới trong cuộc sống của gia đình bà. Bà nói:
- Karuthamma, con ơi. Sắp đến lúc nhà ta có thuyền lưới riêng rồi.
Karuthamma nín lặng. Cô không thể chia vui với mẹ. Đó là điều đã thay đổi ở cô.
- Nữ Thần Biển đã ban phúc cho nhà ta, - Chakki lẩm bẩm một mình.
Cơn giận của Karuthamma mỗi lúc một lên cao, bỗng bùng ra:
- Ta đi lừa dối người khác, liệu Nữ Thần Biển không nổi giận sao?
Chakki nhìn vào mặt Karuthamma. Cô không nhìn tránh đi chỗ khác. Cô nói:
- Mẹ, sao bố mẹ lại đi lợi dụng người con trai tội nghiệp kia để sắm thuyền và lưới? Làm thế là không tốt.
- Con nói gì? Lừa dối thằng con trai ấy ư?
- Vâng, - Karuthamma từ tốn nói.
- Nếu nhà ta đi vay của Ouseph thì chẳng mấy chốc cả thuyền lẫn lưới đều rơi vào tay hắn, - Chakki bảo.
- Không phải thế, mẹ ạ. Nếu nhà ta vay tiền của Ouseph thì sẽ phải trả đủ cả gốc lẫn lãi.
- Thế ở trường hợp này, nhà ta không phải trả hay sao?
- Ở trường hợp này… ở trường hợp này… có thực bố mẹ có ý định trả nợ hay không - Karuthamma giận dữ hỏi lại mẹ.
Vay cá khô của Pareekutti hoàn toàn không có gì sai, - Chakki biện bạch. - Chemban chỉ ngỏ lời có một lần. Ông không hề nài ép. Ông cũng không lừa lọc, dối trá và họ sẽ trả nợ - hầu như chắc chắn.
- Bố mẹ đem các bao cá về vào lúc nửa đêm. Tại sao không đem về ban ngày? Những việc làm như vậy sẽ làm cho biển cả trở nên cằn cỗi, - Karuthamma nói.
Karuthamma đã quá lời. Cha cô và mẹ cô đã đồng mưu với nhau làm một việc xấu xa khiến cho biển trở nên cằn cỗi - đó là điều cô đã nói. Chakki nổi giận.
- Mày nói gì? Mày bảo cha mày ăn cắp à?
Karuthamma lặng thinh.
Lấy quyền người mẹ, Chakki hỏi:
- Thằng con trai người Hồi giáo ấy là gì đối với mày? Tại sao những chuyện này lại làm mày đau khổ đến thế?
Karuthamma định nói rằng anh không phải là gì đối với cô. Nhưng những lời ấy nghẹn lại trong cổ. Có thực Pareekutti không là gì đối với cô không? Đến lúc này cô bỗng nhận ra: Anh là tất cả đối với mình.
Chakki nhắc lại câu hỏi rồi bảo con:
- Xem chừng mày sắp gieo tai họa cho xóm làng đấy. Karuthamma một mực bác bỏ lời buộc tội:
- Không, con sẽ không làm bất cứ điều gì sai trái hoặc xấu xa.
- Thế thì tại sao mày lại lo đến số phận của thằng Pareekutti đến thế?
- Cứ cái đà này thì cậu ấy sẽ phải đóng cửa nhà sấy cá rồi bỏ đi mất thôi.
Chakki rủa con gái, rồi mắng mỏ cô. Karuthamma chỉ lặng yên nghe.
Đến khi cảm thấy mình sắp không ghìm nổi cơn giận nữa, Karuthamma nhìn thẳng vào mặt mẹ hỏi:
- Có phải vì cha hỏi mà cậu ấy đem cá khô cho nhà ta không? - Chứ mày tưởng thế nào?
Chakki bỗng nhớ lại lần Karuthamma hỏi vay tiền Pareekutti. Karuthamma cũng nghĩ đến việc ấy khi cô vặn hỏi mẹ.
- Chứ mày tưởng do mày hỏi mà người ta đem cá cho nhà ta đấy hả?
Karuthamma không thể nói với mẹ là hoàn toàn đúng như thế, Pareekutti yêu cô. Cô chỉ nói:
- Thôi, mẹ đừng nói với con gì nữa, mẹ ạ.
- Chứ không à? - Chakki dừng lời - muốn được tiền của nó, tao đã phải nhảy nhót quanh nó và chạy theo nó đấy. Thế mà mày còn muốn buộc tội tao!
Karuthamma òa khóc.
- Mẹ, tại sao mẹ lại đi mượn tiền của cậu ấy, sau tất cả những gì mẹ đã căn dặn con? Và để rồi mắc nợ cậu ấy?
Karuthamma không nói tiếp nổi. Lời nói mắc nghẹn lại trong cổ. Bỗng nhiên sự thật sáng ra đối với Chakki. Điều con gái bà vừa mới thốt ra chứa đựng một ý nghĩa. Có một cái gì rất sai trái ở đây. Bà cảm thấy con bà đã mấp mé bờ vực của một tai họa.
- Đã xảy ra chuyện gì rồi, con? - Chakki hỏi.
Karuthamma nức nở.
- Nó có đến đây không, con? Karuthamma nói dối: - Không ạ.
- Thế thì có chuyện gì, con?
- Ngay dù cậu ấy có đến thì con đã làm gì sai trái đâu hả mẹ?
Chakki muốn chứng tỏ với con là bà không có ý làm hại ai. Tự bà, bà không mưu tính gì cả. Cố nhiên, bà đã không nghĩ đến những hậu quả mà Karuthamma lo sợ. Bà chỉ nhờ Pareekutti giúp đỡ gia đình bà và Pareekutti đã sẵn sàng ưng thuận. Bà vay tiền và hoàn toàn có ý định sẽ trả. Bà nhận ra rằng Karuthamma có quyền hỏi bà như cô vừa mới hỏi. Bà tin chắc Pareekutti là một người đứng đắn, nhưng anh còn trẻ người non dạ.
Tâm trí Chakki không còn thảnh thơi nữa. Có lẽ không cần phải vay số tiền đó cũng nên - bà bắt đầu nghĩ. Nhưng liệu Chemban có hiểu tất cả những điều đó không? Đêm hôm đó, Chakki lại rầy la Chemban về chuyện gả chồng cho con gái. Thuyền và lưới có thể gác lại sau. Nhưng Chemban không nghe. Ông bám riết lấy thuyền và lưới của ông.
Làm sao bà có thể nói thẳng thắn mọi chuyện với ông? Bế tắc, thấy mình lâm vào một cảnh ngộ không lối thoát, Chakki bèn bảo chồng:
- Suốt thời gian vừa qua, vì thuyền và lưới của ông, tôi đã đi về miền Đông bán cá. Từ nay trở đi, ông đừng trông mong ở khoản thu nhập ấy nữa.
- Đừng à? - Chemban nhìn vợ - Bà bảo sao? Bà lại có chuyện gì nữa?
- Đúng , tôi nói là làm đấy - Chakki nhấn mạnh.
- Sao cơ?
- Tôi phải để mắt đến con tôi
- Thì sao?
- Nó lớn rồi. Tôi không để nó ở nhà một mình được.
Chemban không nói gì, dường như ông đã hiểu ra lẽ. Nếu Chakki không chịu đi miền Đông bán cá thì phải là một điều gì hệ trọng lắm,
- Đã xảy ra chuyện gì không hay rồi? - Chemban Kunju hỏi - Không, cho đến nay thì chưa. Nhưng nhỡ ra thì sao?
Người ta cần thận trọng. Nhưng Chemban Kunju tin Karuthamma là một đứa con ngoan. Nó không phải là loại người nhẹ dạ. Dù để mặc nó một mình, nó cũng không sa ngã.
- Ai biết đâu. Khôn ba năm chỉ dại một giờ. - Chakki nói. Chemban làm thinh.
Hôm sau, Chakki không đi miền Đông bán cá nữa. Và chồng bà cũng không ép.
Đêm ấy lại có thêm những bao cá khô khác được đem về nhà. Chakki bất bình.
- Nhà ta không cần những thứ ấy.
- Ô kìa, bà nói gì lạ thê? - Chemban hỏi
- Sao ông cứ muốn lừa dối thằng con trai ấy?
- Ai lừa dối?
- Còn ai nữa? Ông có định trả nó tất cả số tiền vay mượn của nó không?
Chemban nói chắc chắn ông sẽ hoàn lại.
Karuthamma thấy cô cần phải báo cho Pareekutti biết anh có thể sẽ không đòi được nợ, nhưng cô không tìm ra dịp nào gặp anh.
Rồi đến đêm, Pareekutti lại mang tiếp một đống cá khô nữa đến nhà họ. Chemban nhận không một chút đắn đo. Ông cũng chẳng nói bao giờ ông trả tiền.
Karuthamma vừa giận lại vừa buồn vì cô không nói thẳng được với bố. Cô đổ lỗi cho mẹ. Tội lỗi mà cô phải cam chịu cho cả gia đình như một gánh nặng đè lên vai cô.
C
Ba
ả làng chài xôn xao khi thấy Chemban Kunju thu vén tiền, bắt đầu tìm mua thuyền và lưới.
Người thì nói Chemban đã vớt được từ lòng biển những thỏi vàng, họ nói là một hôm, ông nhặt được một thỏi đá đen bị sóng đánh lên bờ đem về nhà hóa ra là thỏi vàng. Người thì nói ông gặp may là nhờ ông có con mắt nhìn xa trông rộng. Nhưng điều đó khó ai tin được. Mọi người đều làm ăn cần cù chịu khó như Chemban mà vẫn không đủ ăn. Làm sao mà ông ta lại dành dụm được nhiều tiền đến thế.
Cạnh nhà Chemban là nhà Achakunju, một dân chài khác. Hai người bằng tuổi nhau và là hai bạn nối khố với nhau từ nhỏ. Mọi người đều hỏi Achakunju: Chemban Kunju mang đi bao nhiêu tiền? Sắm xong thuyền ông sẽ nhận ai vào làm công cho ông ta? Ông ta lấy tiền ở đâu ra?
Achakunju không biết tí gì. Nhưng ông làm ra vẻ hiểu biết. Chemban đã thành một nhân vật quan trọng nên người bạn gần gũi nhất của ông ta cũng phải mang một vẻ mặt quan trọng.
- Chúng tôi nghe ông cũng có phần trong chiếc thuyền này. Có đúng không? - Người đánh cá Kochuvelu hỏi Achakunju.
Đó là một câu hỏi khó trả lời đối với Achakunju nhưng ông ta cũng không chịu thua:
- Khó mà nói tôi có hay không có.
Kochuvelu cốt hỏi trêu Achakunju thôi. Nghe thấy thế Kochuvelu phì cười khiến Achakunju đâm ngượng.
- Sao các ông lại cười? - Một người dân chài khác hỏi tinh quái. - Các ông cho rằng Achakunju không mua nổi thuyền và lưới riêng à? Việc gì mà phải chung?
Vẫn chưa hiểu ra, Achakunju đáp:
- Nếu ai cũng có thuyền và lưới thì còn ai để đi làm cho người khác nữa?
Kochuvelu nhịn cười:
- Đúng. Chính vì lẽ đó mà Achaknju không mua thuyền riếng đấy.
Đến lúc ấy, Achakunju mới hiểu họ giễu mình. Sau đó, hễ có ai hỏi ông về thuyền của Chemban Kunju là Achakunju rủa lại ngay.
Thấy ông ta rủa, người ta lại càng hay hỏi.
Thế rồi, một hôm, không biết vì sao, cá đánh về ít. Achakunju chỉ kiếm được khoảng ba rupi. Ông còn chịu người chủ quán trà Ahmad Kutty một món nợ cũ. Hôm ấy, Amat tóm được Achakunju và đòi tiền. Ở nhà, vợ Achakunju là Nallapennu không có gì nấu bữa tối, đang chờ chồng về. Achakunju về nhà túi rỗng không, thế là hai vợ chồng cãi nhau. Vợ bảo chồng vung hết tiền vào quán rượu. Achakunju chối đây đẩy. Nallapennu không tin. Để cho vợ thấy mình không uống rượu, ông phà hơi vào mặt vợ nhưng Nallapennu vẫn không tin.
- Kiếm được đồng nào là nốc hết sạch. Những hôm không kiếm được thì xoay xở ra làm sao? - Nallapennu nói.
- Hôm nay tôi có uống không nào? Cái gì cũng không tin, không thể chịu được!
- Hôm nay có thể là không. Nhưng cứ hôm nào kiếm được tiền thì ông lại chả thế là gì? - Nallapennu nói trong cơn tuyệt vọng.
Ở nhà không có gì ăn, nhưng Achakunju vẫn cao giọng hách dịch:
- Đừng hỗn xược.
- Hỗn xược à? Bạn để chỏm của ông thì sắm thuyền sắm lưới, còn nhà ông thì không có đến một cái bát ăn cơm, giỏi gì mà vênh vang cơ chứ?
Nghe thấy thế, Achakunju đánh vợ một cái thật mạnh vào vai. Hãy nhìn vào nỗi bất hạnh của ông ta đây này! Chemban thì tậu được thuyền và lưới. Rồi vì chuyện ấy mà mọi người lại mang ông ta ra giễu cợt. Ngay về nhà ông cũng không được yên thân.
- Người ta sắm được thuyền và lưới thì việc gì đến tôi mà tôi phải lo buồn? Tôi phải tự làm khổ mình chắc?
Chemban đã thực sự nhịn đói để dành tiền. Không chỉ riêng Achakunju, mà cả làng này, không ai bì được với ông ta, - vợ Achakunju dè bỉu Chemban .
Chakki và Karuthamma lắng tai nghe tất cả những lời cãi cọ nhau bên nhà người láng giềng.
- Achakunju này, dù chúng tôi có nhịn đói đi nữa, chúng tôi có bao giờ sang xin ông một bữa cơm nào không? - Chakki nói vọng sang.
- Đừng lắm lời. Tôi biết Chemban mà. Tôi biết ông ta từ hồi bé cơ mà, - Achakunju đáp lại.
Chakki không chịu nhịn:
- Ông biết cái gì nào? Hôm nay bếp nhà ông không nhóm lửa. Đó là vì ông và vợ ông có những ý nghĩ xấu xa, đen tối trong đầu.
Nghe Chakki nói đến mình, Nallapennu đỏ bừng mặt, vặn lại:
- Này, đừng có động đến tôi. Tôi làm gì mà bà lại gây chuyện với tôi.
- Những ý nghĩ xấu xa mà bà vừa mới nói là những ý nghĩ gì? - Achakunju cũng hỏi
- Ghen tị .
- Ghen tị ai? Chồng bà à? - Achakunju nhổ nước bọt đánh toẹt một cái. Ai thèm ghen tị với kẻ bần tiện đó cơ chứ?
Chakki càng nổi nóng:
- Nếu ông bắt đầu giở giọng ấy thì…
- Thì bà làm gì? - Achakunju hỏi chặn.
- Thì tôi làm gì à?
- Hãy nhìn vào cái mặt vênh váo của nhà bà khi có được tí tiền!
Sợ cuộc cãi nhau bung ra quá to, Karuthamma lấy tay bịt mồm mẹ. Achakunju không chịu thôi. Chakki nghẹt thở. Karuthamma lôi tuột bà vào trong nhà.
Khi đã nguôi giận, Achakunju bắt đầu nhận ra hôm nay ở nhà ông không nấu nướng gì cả. Nhưng cuộc cãi vã vừa rồi còn làm ông day dứt nhiều hơn. Từ trước đến nay, chưa bao giờ ông to tiếng với Chemban hoặc vợ Chemban. Đêm ấy, Achakunju không sao chợp mắt.
Sáng hôm sau, Achakunju đến gặp người chủ thuyền của mình vay hai rupi đem về nhà cho vợ. Đến trưa ông đưa cho Nallapennu tất cả chỗ tiền kiếm được trong ngày. Ông bảo từ nay ông quyết tâm làm như thế.
- Nallapennu này, từ nay trở đi, tôi kiếm được đồng nào, sẽ đem về hết cho bà. Hãy giữ gìn cẩn thận. Và xem nhà ta liệu có thể để dành được tí chút không.
Nallapennu thích cách sắp đặt ăn tiêu ấy. Bà nói:
- Dù cho nhà ta không sắm được thuyền và lưới thì ít ra cũng không phải nhịn ăn bữa tối.
- Ai bảo là ta không có khả năng sắm thuyền và lưới? Đừng có tin. Biết đâu đấy. - Achakunju nói với một quyết tâm mới.
Tối đến, Achakunju phải ra bãi xem lại lưới và vá lưới. Những người đánh cá khác hầu hết đã có mặt ngoài bãi và đã bắt tay vào việc khi ông đến. Cả ở đây nữa, câu chuyện vẫn lại xoay quanh Chemban Kunju.
- Các ông không có chuyện gì khác để nói à? Sao lúc nào cũng cứ nói đến việc riêng của người ta? Chemban Kunju sẽ được xóa hết tội nhờ chính những lời bàn tán của các ông đấy. – Achakunju nói.
- Việc gì mà ông phải bực mình? - Ayyankunju hỏi.
- Tôi nào có nói xấu gì ai?- Achakunju bình tĩnh vặn lại. Lão Ramanmuppan nêu lên một điều có lí:
- Chúng ta không có quyền nói về công việccủa Chemban Kunju sao?
- Quyền gì mới được cơ chứ?
- Này, Achakunju. Bọn trẻ nó hỏi câu ấy thì tôi còn hiểu được. Đằng này ông lại là một dân chài già đời rồi.
Achakunju không hiểu. Ông chỉ bảo nói xấu người khác là không tốt. Người già đời không được nói như thế ư? Nói như ông không phải là tốt ư?
- Ông nói vậy nghĩa là làm sao. Ramanmuppan? - Achakunju hỏi.
Ramammuppan dừng tay, nhìn thẳng vào mặt Achakunju nói:
- Achakunju này, dân chài có những phong tục và nề nếp riêng, có đúng không?
Achakunj nhận là đúng.
Ramanmuppan nói tiếp:
- Ta xem nào. Chemban Kunju có tôn trọng những phong tục và nề nếp ấy không?
Achakunju không hiểu nổi câu hỏi này, Ramanmuppan lại phải nói rõ thêm:
- Ở làng chài ta, không chỉ thời trước mà cả thời nay nữa, có khi nào một đứa con gái lớn nghều nghễu trong làng mà không lấy chồng không?
- Thời trước, chúng ta có một Trưởng làng ra Trưởng làng, - Ayyankunju nói chen vào.
Ramanmuppan hỏi tiếp:
- Có ai có con gái lớn đến tuổi gả chồng mà lại tiêu hết tiền vào việc sắm thuyền và lưới không?
Ngày xưa, Trưởng làng không để xảy ra những việc như thế. Truyền thống của làng chài là có duyên cớ và không bao giờ được phá vỡ. Truyền thống ấy góp phần tạo nên sự phồn vinh cho dân chài.
- Lệ làng có nói người con gái phải lấy chồng ở tuổi bao nhiêu không? - Ayyankunju hỏi.
Vốn là người nệ cổ, Ramanmuppan đáp ngay:
- Ở tuổi lên mười.
Anh thanh niên Velayudhan xen ngang :
- Giả sử người con gái quá mười tuổi vẫn cứ ở vậy không chồng thì sao?
Anh ta hỏi không chỉ để biết. Giọng anh ta rõ ràng là phản ứng trước cái tục lệ ấy. Nhưng Ramanmuppan điềm nhiên trả lời:
- Không lấy chồng à? Con gái không thể nào ở vậy như thế được! Velayudhan nói thẳng ra ý nghĩ thực của mình:
- Cứ ở vậy thì Trưởng làng sẽ làm gì nào?
- Tống cả nhà ra khỏi làng chứ còn gì nữa. Họ sẽ không được ở lại làng chài nữa!
Một chàng trai đánh cá khác tên là Punian nói:
- Đó là chuyện xa xưa kia.
Ayyankunju giận dữ bác lại:
- Không, ngay bây giờ vẫn thế. Chú mày muốn xem không? Tao sẽ cho chú mày thấy lão Chemban Kunju to xác bò lết trong bùn cho mà coi.
Ramanmuppan lại nói đến một điểm khác.
- Ayyankunju này, xưa nay có ai nói mọi người đều phải có thuyền và lưới không?
Ayyankunju trả lời hùng hồn: “Không”. Ramanmuppan giải thích thêm: Con cái Nữ thần Biển là người chủ của những của cải vô tận. Đôi khi một người giàu lên và có khả năng mua sắm thuyền và lưới riêng. Nhưng nếu trong làng ai cũng giàu cả thì còn ai đi biển đánh cá nữa?
- Nếu thực sự cố công thì thử hỏi có ai ở làng này mà lại không có thuyền và lưới riêng? - Ông vặn hỏi tiếp.
Sự thật đúng như thế.
- Vậy tại sao không phải ai cũng có thuyền riêng? – Ayyankunju hỏi.
Điều ấy có lí do. Dân chài chia ra làm bốn đẳng cấp: Arayan, Valakkaran, Mukkuvan và Marakkan, và một đẳng cấp thứ năm thấp kém hơn. Lại còn những người đánh cá trong nội địa nữa. Thời xưa, Trưởng làng chỉ cho phép người Valakkaran tậu thuyền và lưới. Ngay hồi đó, người Valakkaran cũng phải đến lễ lạt Trưởng làng rồi mới được phép.
- Chú Chemban Kunju thì thuộc đẳng cấp nào? - Velayudhan hỏi.
Punian cười.
- Đẳng cấp Mukkuvan, - Ramanmuppan trả lời.
- Velayudhan bây giờ lại đang tìm hiểu xem Chemban và con gái ông ta thuộc đẳng cấp nào - Punian vừa nói vừa cười.
- Ý chú mày định nói gì, Punian? - Achakunju hỏi.
- Anh ta đang tính chuyện cưới Karuthamma, con gái Chemban Kunju để làm vợ mà.
- Tốt đấy. Nó là một đứa con gái ngoan - Achakunju nói. Ayyankunju không bằng lòng, ông bảo:
- Đối với Achakunju thì cái gì của Chemban mà chả tốt. Rồi Ayyankunju khuyên Velayudhan một câu:
- Cậu sẽ không được một đồng anna nào của lão keo kiệt ấy đâu. Nhớ lấy. Và con bé ấy thì có ra gì.
Achakunju khó chịu:
- Sao ông lại nói thế? Khi có người đến xin cưới một đứa con gái mà lại đi ngăn cản người ta thì ra làm sao? Cùng dân chài mà làm như thế thì có phải là hay không?
- Tôi chỉ nói ra sự thật - Ayyankunju trả lời.
Andi suốt từ nãy giờ chỉ lặng thinh, chuyển câu chuyện sang hướng khác:
- Đã có trường hợp nào người dân chài không đúng đẳng cấp mà lại đi tậu thuyền và lưới không?
- Có. Nhưng thuyền và lưới ấy không bền lâu - Ramanmuppan đáp.
Ayyankunju đề nghị ông này thử kể tên những người dân chài và gia đình họ tại các làng chài đã gặp trường hợp đó.
- Gia đình Pallikunnath ở Chertalai này, gia đình Paruthikkal ở Alleppey này, và ở Kunnel đây thì có Ramankunju.
Punian hỏi xem phải lễ lạt Trưởng làng những gì mới được phép sắm thuyền và lưới.
- Bảy tẩu thuốc lá và mười lăm đồng rupi. Người đẳng cấp Valakkaran phải lễ chừng ấy.
Thế là câu chuyện chuyển sang chức Trưởng làng, các đặc quyền của Trưởng làng. Cơ hồ chất vấn những quyền ấy, Velayudhan hỏi:
- Người ta sắm thuyền và lưới bằng đồng tiền khó nhọc kiếm ra. Việc gì mà phải lễ Trưởng làng?
- Thấy không, anh ta nói giọng con rể Chemban Kunju rồi đấy, Punian bảo.
- Được, khi nào bố vợ và con rể đem thuyền và lưới về, cứ để họ thử chọi lại với Trưởng làng xem sao. Rồi các ông sẽ thấy - Ayyankunju nói.
Đó là một lời thách thức. Họ muốn xem Chemban Kunju sắm thuyền và lưới xong, liệu có ra khơi đánh cá mà không cần đến Trưởng làng cho phép hay không. Ayyankunju nói chắc như
đinh đóng cột là không đời nào có chuyện đó được. Velayudhan toan chấp nhận lời thách thức ấy. Nhưng anh làm thế với tư cách gì? Dẫu vậy, anh vẫn nghi ngờ ý kiến của Ayyankunju.
- Ông ghen tị đó thôi - Velayudhan nói.
- Một người đánh cá mà ghen tị à?
- Chứ sao?
Achakunju sợ cuộc cãi vã có thể chuyển thành xô xát.
- Thôi đi, anh bạn trẻ - Ông khuyên Velayudhan. Mọi người không nói gì nữa.
Tối hôm ấy, Achakunju sang chơi nhà Chemban. Ông thuật lại cho Chakki nghe tất cả những gì đã diễn ra ngoài bãi. Một số người đã rắp tâm gây rắc rối, cầm đầu là Ayyankunju và Ramanmuppan.
- Khi Chemban Kunju về, việc đầu tiên là phải để ý đến những chuyện rắc rối đó - Achakunju bảo - Chemban Kunju và tôi cùng lớn lên bên nhau. Tôi không thể đứng yên nghe người ta dèm pha, càng không thể đồng lòng với những kẻ gây sự.
Chakki biết rõ để cho cả làng chống lại mình thì sẽ như thế nào. Nhưng nhà bà nào đã làm việc gì sai trái? Có phải chỉ vì chưa gả chồng cho con gái hay không?
H
Bốn
ai lão ngư nhiều tuổi nhất làng là Ramanmuppan và Ayyankunju cùng với hai người nữa đại diện cho bà con ngư dân đến gặp Trưởng làng. Họ đem theo những lễ vật
thông thường. Họ muốn thưa với Trưởng làng một câu chuyện có can hệ chung đến cả cộng đồng dân chài. Chemban Kunju có con gái đã lớn vậy mà ông ta vẫn chưa chịu gả chồng, cứ để nó chạy rông trong làng. Đó là điều khiếu nại chính. Trưởng làng nghiêm nghị lắng nghe. Ông hứa sẽ hành động thẳng tay đối với tất cả những ai làm trái lệ làng.
Nhưng Ayyankunju cảm thấy Trưởng làng chưa hiểu đúng những lời họ tố cáo. Ông chưa tỏ ra đủ nghiêm khắc. Vì vậy Trưởng làng nói xong, họ vẫn đứng yên không nhúc nhích.
- Các ông còn đứng cả đấy đợi gì nữa? - Trưởng làng hỏi. Ayyankunju khiếu nại thêm:
- Trong khi để con gái chạy lang thang trong làng thì Chemban Kunju đi tậu thuyền và lưới.
Trưởng làng kinh ngạc:
- Chemban Kunju lấy tiền đâu mà sắm thuyền và lưới?
Những người nghèo túng kia không biết. Nhưng Ayyankunju đánh bạo hỏi một cách hết sức khúm núm:
- Hắn thuộc đẳng cấp Mukkuvan. Không biết ngài có cho phép hắn sắm thuyền không?
- Không. Tất nhiên là không. Nó đã xin phép ta đâu. - Vậy dân làng chúng tôi phải làm gì?
Trưởng làng suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Nó tưởng thời thế đã thay đổi rồi đấy chắc?
Ayyankunju cúi đầu biểu đồng tình. Trưởng làng ra lệnh:
- Cứ để cho nó đem thuyền về. Sẽ không một ai được làm với nó khi ta chưa cho phép.
Ayyankunju mừng thầm trong lòng:
- Nhưng còn bọn thanh niên. Không biết chúng sẽ cư xử ra sao.
Ayyankunju nghĩ đến Velayudhan. Trưởng làng không tỏ ra quan tâm đến chuyện ấy. Ông biết rằng chưa đến thời uy quyền của ông bị công khai thách thức. Ông bảo:
- Ta sẽ để mắt đến mọi việc. Bảo với dân làng là ta chưa cho phép Chemban Kunju tậu thuyền.
Ramanmuppan và Ayyankunju đắc chí ra về. Hai người đi hết nhà này sang nhà khác báo cho mọi người biết lệnh của Trưởng làng. Ayyankunju cảm thấy chỉ có mỗi Velayudhan là không thèm đếm xỉa gì cả. Tuổi trẻ không biết đến nguy hiểm. Nhưng rồi nó sẽ phải hối hận. Thấy tình hình trong làng như vậy, Chakki lo lắng. Bà đã từng được nghe nói có những nhà bị khuynh gia bại sản chỉ vì làm phật ý Trưởng làng. Những nhà đó phải khăn gói bỏ làng mà đi. Và đừng hòng đến ở một làng
chài nào khác. Bàn tay của Trưởng làng vươn dài tới khắp nơi. Những người ấy bị loại trừ hẳn khỏi cộng đồng dân chài.
Ngày nay, uy quyền của Trưởng làng không còn oai nghiêm như trước. Thời thế đã đổi thay rồi. Song dẫu vậy nếu Trưởng làng đã không bằng lòng thì ngay cả thời nay cũng khó kiếm được một người đi làm với mình tại các làng chài. Rất có thể mọi người sẽ không dám dính dáng gì đến mình. Chemban lẽ ra phải mang lễ vật đến nhà Trưởng làng xin phép trước rồi hãy đi tậu thuyền và lưới. Mà thực ra, vợ chồng ông có làm hại gì ai cho cam? Vậy mà khắp làng này, ở đâu Chemban và gia đình ông cũng trở thành đầu đề bàn tán. Đám phụ nữ thì vẫn cứ bảo tội lỗi chính của họ là có con gái lớn mà không chịu gả chồng.
Karuthamma thầm nghĩ giá cô không ra đời thì hơn. Cô đã gây cho cha mẹ cô biết bao điều rắc rối buồn phiền! Cô ghét thân mình sao lại lớn lên như vậy. Cô tự xét mình chưa mảy may làm điều gì để nhơ bẩn cho làng xóm. Với lại, giả sử cô có phải sống cuộc đời người con gái không chồng đi nữa, thì chuyện đó có động chạm đến ai đâu. Nhưng những lí lẽ ấy vẫn không làm cô nhẹ lòng chút nào.
Người mẹ và cô con gái nóng ruột đợi Chemban về.
Bên nhà Kalikunju tụ tập bốn năm người đàn bà. Họ đang kháo nhau về Karuthamma và gia đình cô. Chakki đứng nấp nghe trộm. Một người nói Karuthamma dan díu với Pareekutti, người ấy đã thấy đôi trai gái cười cợt và đùa giỡn với nhau dưới bóng thuyền. Và đấy là nguyên do vì sao Karuthamma chưa lấy chồng.
Chakki không chịu nổi thứ chuyện ngồi lê đôi mách ấy. Từ chỗ nấp, bà nhảy bổ ra như một con hổ. Và thế là xảy ra lời qua tiếng lại giữa mấy người đàn bà.
Một người bảo chính Chakki hồi trẻ cũng đã là câu chuyện đầu lưỡi của cả làng. Chakki trả miếng, hỏi ai là bố của một trong mấy đứa con nhà Kalikunju. Bố nó là cái tay lái cá Hồi giáo đi mua cá khô từ nhà này sang nhà khác trong làng chứ còn ai vào đấy! Tất cả những người đàn bà tụ tập tại đấy, và trước họ là mẹ họ, bà họ cũng thế, người nào cũng có chuyện để nói. Nhưng hôm nay, có mỗi mình Chakki một phe, còn những người khác về hùa với nhau chống lại bà. Chakki cố đối đáp chống trả.
Đứng ngoài hàng rào, Karuthamma nghe được hết. Cô bàng hoàng. Phải chăng mẹ cô cũng đã từng yêu ai hồi trẻ? Và tất cả những người phụ nữ ấy có làm nhơ bẩn làng biển này không? Có lẽ nào những truyền thống làng biển lại không có ý nghĩa? Hay tất cả chỉ là chuyện vu vơ. Và ngay dù có những chuyện xấu xa kia, biển bây giờ vẫn như biển tự ngày xưa. Ngay hôm nay, thuyền vẫn ra khơi. Cá đánh về vẫn đầy khoang. Và người dân chài vẫn làm ăn khấm khá lên. Vậy thì tất cả những câu chuyện này có ý nghĩa gì.
Cãi nhau hăng lên, đám phụ nữ quay sang chuyện Karuthamma. Cô bịt tai lại. Bịa đặt gớm ghê chưa! Họ bảo cô là người tình của Pareekutti.
Họ nói phải là người như Pareekutti mới nuôi nổi cô, bao nổi cô. Cha mẹ cô làm ăn phát đạt là nhờ ở anh. Và vì không muốn để mất chỗ nhờ vả đó nên cha mẹ mới không gả cô cho ai.
Karuthamma nghĩ: Cứ cái kiểu ấy thì những chuyện mẹ cô kể về người khác, và những chuyện người khác kể về mẹ cô, chắc đều bịa đặt hết.
- Đợi đấy rồi bà sẽ biết. Trưởng làng đã định đoạt rồi, - Kalikunju dọa Chakki.
Chakki không chịu thua. Bà đáp lại:
- Trưởng làng định đoạt cái gì nào? Trưởng làng thì làm gì vào đấy?
- Trưởng làng biết cần xử trí đối với những kẻ không tuân theo luân thường đạo lí - Karuthapennu nói.
- Ông ấy sẽ xử trí gì với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cải đạo trở thành người Hồi giáo hay người Thiên chúa giáo đấy. Đến nước ấy thì Trưởng làng làm gì? - Chakki hỏi.
- Đã thế sao không nói thẳng ra? Bà đã nghĩ như vậy trước khi đem con gái gả cho một đứa con trai Hồi giáo chứ gì? - Một người phụ nữ khác nói.
- Ấy thế lại tốt đấy, tốt cho cả mẹ lẫn con, - một người khác chêm vào.
- Thì có gì sai trái? - Chakki hỏi.
Trong đời, chưa bao giờ Karuthamma có tâm trạng rối bời như bây giờ. Đó có phải là nỗi đau đớn không? Khó mà nói được. Hay là một trạng thái nhẹ nhõm đột nhiên mà có? Cô cũng không biết nữa. Trong phút cùng quẫn, cô lớn tiếng gọi mẹ. Nghe tiếng con. Chakki bỏ về. Bà cãi vã thế là đủ rồi.
Về nhà, Chakki vẫn còn lẩm bẩm mãi những gì nghe không rõ. Karuthamma muốn hỏi mẹ nhiều nhưng không dám. Ý nghĩ nhà cô có thể trở thành người Hồi giáo cứ lẩn quẩn trong đầu. Cô cảm thấy đầu óc mệt mỏi rã rời.
Đây có phải là chuyện thường tình không? Cô đã rơi vào vòng yêu đương, nhưng cô lại thuộc về một cộng đồng được rào chắn bằng những điều nghiêm cấm và những nề nếp nghiêm khắc.
Nếp sống của họ là như thế. Nó là kết quả của cuộc sống cơ cực nhiều gian nguy của họ, lúc nào cũng phải chiến đấu với thiên nhiên. Trở thành người Hồi giáo đối với Karuthamma xem ra là lối thoát tốt nhất khỏi cái thành trì này. Chỉ cần quyết định một cái là mọi việc sẽ tốt đẹp. Trở thành người Hồi giáo! Rồi sau sẽ ra sao? Ăn vận như một người con gái đạo Hồi, mặc áo choàng, đeo hoa tai vàng, cô sẽ đến với Pareekutti. Anh sẽ mừng rỡ biết bao. Rồi anh sẽ có quyền say đắm nhìn cô. Cô không hiểu được hết ý nghĩa việc này. Nhưng đó là cách duy nhất để cô có thể gỡ mình ra khỏi tình cảnh hiện nay. Và để cô khỏi phải sống một quãng đời còn lại làm vợ một người đánh cá ngày nào cũng ở trên mặt biển.
Nhưng mẹ cô có nói thực bụng không? Có thể là bà chỉ nhỡ mồm nói trong cơn tức giận mà thôi. Cô sợ không dám hỏi. Cô có thể bị hiểu nhầm là cô muốn thế.
Mấy hôm sau, chiếc thuyền Chemban tậu được về đến làng. Đó là thuyền của Pallikunnath Kandandoran, một ngư dân có tiếng thuộc đẳng cấp Valakkaran, một chiếc thuyền đã lừng lẫy một thời. Bây giờ nó đã hơi cũ, nhưng ở làng Chectala không có thuyền nào địch nổi nó. Người dân làng biển này biết thế. Cớ sao Kandankoran lại đem bán chiếc thuyền này đi, dù cho nó có hơi cũ? Ấy là vì ông ta đang sa sút. Ông ta sống quá xa hoa và huyênh hoang, nên cuối cùng ông ta phải bán thuyền.
Mọi người đổ xô ra xem. Trong thâm tâm, họ có phần ghen tị thấy Chemban tậu được chiếc thuyền đẹp.
- Niềm tự hào của dòng họ Pallikunnath đã về tay Chemban Kunju với chiếc thuyền này đây - Achakunju nói với bạn bè.
Ayyankunju rủa một câu và nhổ nước bọt đánh toẹt một cái.
- Một người như Chemban làm sao thừa hưởng được danh tiếng của một người quý tộc trong tầng lớp ngư dân. Kandankoran có màu da nâu sáng, gương mặt ông nói lên sự thịnh vượng của ông. Giá mà các ông được nhìn thấy ông ta đứng chờ thuyền của mình đi biển về, ăn vận sang trọng, đường hoàng và tự tin. Sao các ông lại có thể so sánh gã này với ông ta được?
Ramanmuppan cũng nhận xét:
- Nếu Chemban cư xử được như Kandankoran thì mụ Chakki gầy còm, hốc hác, đen đủi cũng phải ăn ở như Pappikunju, người vợ kiều diễm của Kandankoran chứ. Các bạn đã trông thấy bà ta chưa?
Ayyankunju nói:
- Thấy rồi chứ. Sắc đẹp của bà ta làm cho mọi người lóa mắt.
Về đến nhà, Chemban sững sờ trước những chuyện nghe được và những việc mà ông phải đương đầu. Lúc trên đường về, lòng ông tràn ngập vui sướng. Tậu được chiếc thuyền này là một dịp may bất ngờ. Ông muốn về kể tỉ mỉ cho vợ nghe ông đã đến gặp Pallikunnath Kandankoran tại nhà như thế nào, đã ăn bữa tối ở đấy ra sao và tất cả những gì đã diễn ra. Ông còn muốn kể cho Chakki nghe về Pappikunju, người vợ của Kandankoran, và sắc đẹp của bà ta. Thế mà về đến làng, ông đã gặp phải ngay những tin chẳng lành.
Người ta lên án ông chỉ vì ông không xin phép Trưởng làng trước khi đi sắm thuyền. Sự thật đúng là như thế. Ông đã phá vỡ một nề nếp lâu đời, rất lâu đời. Ông đã phải vất vả khó nhọc biết bao mới dành dụm được đủ số tiền mua thuyền và lưới. Ông không thể trích ở đó ra hai mươi nhăm rupi lễ lạt Trưởng làng
được. Dù sao, ông đã không tưởng tượng nổi chuyện ấy lại trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến thế.
Tuyệt vọng, không biết xoay sở ra sao, ông quay sang hỏi vợ: - Chúng mình đã làm gì họ?
- Không phải là chuyện chúng mình đã làm gì họ. Đây chỉ là thói ghen ghét thôi.
Đúng vậy. Mọi việc lẽ ra sẽ ổn thỏa nếu như vợ chồng ông có khoảng hai mươi nhăm rupi. Nhưng ông lấy tiền ở đâu ra bây giờ? Dù thế nào, ông cũng phải giữ lại ít tiền để mua sắm những thứ cần dùng trên thuyền chứ? Hiện nay, ông chỉ còn vỏn vẹn có mỗi một cái lưới.
Chemban Kunju lần lượt kể hết với vợ những nỗi phiền muộn của mình. Ông còn biết kể với ai nữa? Và có ai khác chịu nghe tất cả những chuyện đó? Nhưng Chakki không tìm cách khuyên giải ông. Bà hỏi:
- Vậy vì cớ gì ông lại đi buộc vào mình gánh nặng khốn khổ ấy?
Chemban lặng im. Có lẽ ông cảm thấy quả thực ông đã ôm lấy một gánh nặng quá sức mình. Nhưng bây giờ mọi việc đã xong xuôi. Chính những người dân làng ông lại chống lại ông.
- Ví thử ta đem gả con gái với số tiền ít ỏi mà ta có thì tai họa này chắc đâu đã xảy ra với ta? - Chakki hỏi.
Chemban không trả lời. Đã nuôi tham vọng lớn thì sẽ không thể sống bình yên. Nhưng có lẽ nên xoay xở, lo toan với những gì mình có thì hơn.
Tối đến, Chemban bảo vợ:
- Giá tôi có khoảng ba mươi lăm rupi thì mọi chuyện sẽ ổn hết.
Chakki lấy ra tất cả món tiền mà bà đã bí mật cất riêng. Thế là những đồng tiền dành dụm cuối cùng của bà đã phải bỏ ra hết rồi.
- Ông đã thấy vất vả chưa. Ví thử trước đây ông mua cho tôi một thứ gì đó, dù chỉ là một thứ trang sức nhỏ mọn nhất…nhưng lúc bấy giờ, ông đâu có nghe tôi.
Chemban chịu là phải.
- Có một cách, bà nó ạ.
- Cách gì?
- Đó là…- Chemban ngập ngừng - tôi mà tóm được thằng nhóc phổi bò ấy là xong.
Chakki lấy tay bịt miệng chồng. Bà không biết Karuthamma đã ngủ hay chưa.
Chemban gỡ tay vợ ra và hỏi:
- Bà làm cái gì thế?
- Nói khe khẽ chứ.
- Được. Nhưng mà có chuyện gì nào?
Đây là chuyện không ai đem kể với người bố, song vẫn cần phải nói. Khi Chemban hỏi lại lần nữa, Chakki nói nhỏ vào tai chồng:
- Con Karuthamma nó bảo làm thế là chuốc nhục vào người. Sẽ lôi thôi nếu nó biết…
- Thế thì còn cách nào khác đâu?
- Chính tôi cũng đang nghĩ xem có cách nào khác không. Sau một lát, Chemban hỏi:
- Hiện giờ thằng ấy có ở nhà không?
- Có lẽ có.
- Để tôi gặp nó xem.
Chakki lặng thinh. Chemban mở cửa bước ra ngoài.
Karuthamma đang ngủ. Cô không hay biết gì về những sự việc đang xảy ra. Khi Chemban về, vẻ mặt ông tươi tỉnh, hớn hở. Rõ ràng ông đã đạt được nhiều điều mong muốn.
- Thằng nhỏ tội nghiệp. Nó tốt lắm. Đang giắt trong người ba mươi rupi, nó đưa hết cho tôi.
Sáng hôm sau, Chemban đến gặp Trưởng làng. Thoạt tiên Trưởng làng rất tức giận, song chẳng mấy chốc ông đã nguôi. Ông bắt Chemban phải thỏa thuận sẽ gả chồng cho con gái càng sớm càng tốt. Ngoài ra, hàng ngày đánh được bao nhiêu cá, Chemban còn phải đem một phần đến biếu Trưởng làng. Chemban phàn nàn về thói đố kị của dân làng. Trưởng làng bảo Chemban cứ yên tâm, ông sẽ để ý giải quyết.
Như vậy là đến lúc ấy, Chemban đã vượt qua được những khó khăn. Nhưng muốn cho chiếc thuyền xuống nước có đủ các thứ cần dùng thì phải có thêm năm trăm rupi nữa. Món tiền ấy phải tìm ra bằng được.
- Bằng cách nào? Chakki hỏi.
- Lại thằng Pareekutti sẽ đem đến cho ta. - Chemban trả lời Chakki nghe chồng nói mà choáng váng cả người. Hai vợ chồng thực sự to tiếng với nhau về việc này, nhưng Karuthamma vẫn không hay biết gì hết. Lấy quyền của người chồng, Chemban bắt vợ phải đi vay.
- Không. Tôi không đi.
- Vậy cứ để mặc thuyền nằm yên trên bờ.
- Cứ mà để.
Nhưng Chakki không đành lòng để thuyền nằm yên mãi trên cạn. Bà sợ nếu bà không chịu làm theo lời chồng thì ông sẽ nhất quyết không hành động gì hết.
- Được. Nhưng ông phải trả nó đủ nợ nhé.
Chemban hứa sẽ trả hết đủ cả gốc lẫn lãi.
Thế là Chakki đến gặp Pareekutti hỏi vay tiền. Đêm đó, bên nhà sấy cá của Pareekutti bán đi nhiều cá khô. Và thuyền của Chemban chuẩn bị xuống nước với đầy đủ vàng lưới và mọi thứ cần thiết.
Bây giờ mới đến chuyện những ai sẽ đi làm cho Chemban. Trưởng làng cho gọi những người đánh cá già giặn và nhiều kinh nghiệm đến để thu xếp. Thực ra không có gì khó khăn. Ai cũng muốn làm cho Chemban một khi đã nhìn thấy thuyền.
Achakunju nghĩ bụng Chemban sẽ hỏi ý kiến mình về mọi chuyện và tin chắc mình sẽ được mời đi làm cho Chemban. Ông đã để xảy ra mối bất hòa trong gia đình ông cũng chính vì chuyện của Chemban mà thôi. Vì bạn, ông đã sẵn sàng đương đầu ngay cả với Trưởng làng. Thế nhưng, hai người gặp nhau
mấy lần mà Chemban vẫn không ngỏ ý gì. Cheman chọn lấy mười hai ngư dân trong làng làm việc trên thuyền của mình. Achakunju không nằm trong số đó.
Làng chài nào cũng có tục lệ lâu đời là trước hôm hạ thủy thì phải có một bữa cỗ nho nhỏ. Chemban mua chịu mọi thứ cho bữa cỗ ấy ở hiệu Hassan Kuti. Ông phải mời một số họ hàng và bạn bè ở các làng bên, Kakkazaham và Kunnappara. Ông sai Karuthamma đi mời.
Bước men theo bờ nước, chìm đắm trong suy nghĩ, Karuthamma bỗng nghe thấy câu hỏi thân quen:
- Nhà em sẽ bán cá cho anh chứ?
Karuthamma sững sờ đứng lại. Pareekutti đang đứng trước mặt cô. Anh ở đâu ra và làm sao bỗng dưng hiện ra ở đây? Karuthamma lặng im. Thậm chí cô cũng không nói là cô sẽ bán cá cho anh nếu được giá cao nữa. Cô không còn là cô gái Karuthamma trước kia. Cô cứ cúi gằm mặt.
- Karuthamma giận anh à? - Pareekutti hỏi.
Cô vẫn không nói. Tim cô đập mạnh, khéo vỡ mất. - Nếu em không thích anh, sẽ không nói với em nữa vậy.
Nhưng thực ra, cô muốn nói với anh rất nhiều, muốn hỏi anh rất nhiều. Cô còn muốn hỏi anh là liệu cô có thể cải giáo theo đạo anh được không?
Karuthamma đang đứng dưới bóng một con thuyền trên bờ cát. Pareekutti không dứt mắt nổi khỏi bộ ngực nhấp nhô theo hơi thở của cô. Và cô cũng không bảo anh đừng nhìn cô như thế.
Karuthamma ngẩng đầu lên:
- Để em đi, cậu Kochumuthali ạ.
Nhưng nào có phải Pareekutti giữ cô lại đâu. Sao cô không tự nhiên bỏ đi thẳng được?
- Nhỡ ra có ai thấy chúng mình, - cô bồn chồn nói tiếp. Đi được vài bước, cô nghe thấy tiếng gọi:
- Karuthamma!
Có cái gì khác thường trong giọng nói, trong tiếng gọi. Tai cô, lòng cô trào dâng một cảm giác lạ kì. Karuthamma đứng sững lại như thể bị ai đó đột ngột níu lấy chân. Pareekutti không bước lại chỗ cô tuy cô thầm chờ đợi.
Cả hai đều không biết họ đứng như vậy bao lâu.
Biển không nổi sóng cồn. Trời không lay gió mạnh. Biển mỉm cười, những làn sóng nhỏ chạy lô xô rồi tan ra thành những bọt trắng xóa. Những chuyện tình như thế đã từng diễn ra tại làng biển này từ bao đời nay rồi.
Mọi niềm hi vọng của Pareekutti sau cùng kết thành câu hỏi: - Karuthamma, em có yêu thương anh không?
- Có, - cô trả lời mà không biết mình đã nói.
- Yêu thương riêng mình anh chứ?
- Vâng, riêng anh.
Giọng nói của cô làm cô lảo đảo như sấm nổ bên tai khi cô sực tỉnh và hiểu ra tất cả sức mạnh của những lời mình nói. Cô nhìn thẳng vào gương mặt anh. Mắt họ gặp nhau. Họ đã nói với nhau tất cả. Họ đã ngỏ lòng với nhau rồi.
Và Karuthamma bước tiếp đi.
H
Năm
ôm sau, từ tờ mờ sáng, hầu hết dân làng đã tụ tập ngoài bãi để dự buổi hạ thủy chiếc thuyền của Chemban. Như thường lệ, khi có một chiếc thuyền mới xuống nước thì
tất cả các thuyền khác trên bãi đều phải ra biển cùng một lúc. Chakki, Karuthamma và Panchami cũng có mặt ngoài bãi biển. Panchami kín đáo chỉ cho Karuthamma thấy Pareekutti đứng không xa. Karuthamma bấm Panchami ra hiệu bảo em yên.
Ramanmuppan gọi to những người ra muộn, còn Ayyankunju thì rủa ầm lên.
- Đã biết hôm nay có thuyền mới hạ thủy mà còn ra muộn thế?
Những tay chài làm cho thuyền Chemban đã đến đúng giờ và đứng túm tụm một chỗ. Một người trong bọn họ cất tiếng hát bài ca Pareekutti thường vẫn hát. Đó là một bài ca lâm li thống thiết.
Bên trên những tàu lá dừa cao ngất ở phía Đông, mặt trăng còn nán lại xem thuyền của Chemban xuống nước. Nữ Thần Biển xem chừng cũng vui vẻ. Tất cả các tay lưới đều đã đứng sẵn sàng quanh thuyền của mình. Thuyền Chemban xuống nước đầu tiên. Ayyankunju cất cao tiếng hoan hô. Mọi người hoan hô theo. Bãi biển vang động tiếng reo hò của những người đánh cá.
Ramanmuppan bảo:
- Này, Chemban Kunju, ông cầm chèo cái đi.
Chemban cầm lấy mái chèo đặt lên đầu. Ông lâm râm cầu khấn các vị thần. Mọi người cùng hợp lực đẩy thuyền. Chiếc thuyền miết trên cát kêu kin kít rồi trượt xuống biển, cưỡi lên các ngọn sóng vừa xô tới. Karuthamma và Chakki đứng chắp tay trước ngực, mắt nhắm nghiền. Khi hai mẹ con mở mắt ra thì thấy chiếc thuyền đang nhảy nhót trên sóng, tiến xa ra ngoài khơi về phía Tây như một con chiến mã chạy nước kiệu nhẹ nhàng, duyên dáng.
Theo truyền thuyết, chuyến đi biển đầu tiên của con thuyền chứa đựng những dấu hiệu báo trước số phận của nó sau này. Ramanmuppan và Ayyankunju đứng trên bờ theo dõi xem cung cách đi biển của nó để đoán định tương lai của nó.
- Ông thấy triển vọng nó ra sao, Ayyankunju? - Ramanmuppan hỏi.
- Nó chẳng đang tiến thẳng theo hướng Tây đấy ư? - Ayyankunju đáp.
- Đúng, nhưng nó lại có phần dạt về hướng Nam.
Chakki tò mò sán lại gần. Bà nóng lòng muốn biết ý kiến đánh giá của các bô lão. Bà hỏi:
- Ông Ayyankunju ơi, điềm có lành không ông?
Ra vẻ cái gì cũng tinh tường, Ayyankunju bảo:
- Tốt đấy, bà Chakki ạ. Bà sẽ không bao giờ phải túng thiếu đâu.
Nghe thấy vậy, Chakki lại chắp hai tay cầu nguyện. Bà tạ ơn Nữ Thần Biển phép lực vô song. Con thuyền đang lao vùn vụt ra biển khơi. Nó lao đi rất nhanh như vững lòng tin ở thắng lợi.
- Thuyền nhà ta được thần linh phù hộ, phải không mẹ? – Karuthamma hỏi.
- Thuyền nhà ta có một dáng đi không giống thuyền nào khác. - Chakki dõi mắt nhìn ra biển, đáp lại.
- Có gì mà ngạc nhiên, hả bà Chakki? - Ayyankunju bảo - bà vừa mới nhận thuyền, nhưng bà đã biết rõ gốc gác của nó rồi. Không đâu có được một con thuyền nhiều may mắn, nhiều điềm lành như nó.
Cái gì thuộc về Pallikunnath Kandankoran mà chẳng thế. Bà vợ ông ta thật là người quý giá. Mà lại kiều diễm làm sao! Và ngôi nhà của ông ta mới tuyệt vời nữa chứ! Cái số ông ta nó thế! Bây giờ, nhà bà được chiếc thuyền của ông ta, tức là vận may đã đến với bà, bà Chakki ạ, vận may của bà đấy.
Sau khi các thuyền khác lần lượt ra khơi, trên bờ chỉ còn lại Chakki, hai cô con gái bà và Pareekutti. Pareekutti hơi rùng mình trong làn gió lạnh. Anh chầm chậm bước lại chỗ Chakki. Karuthamma tránh đi, bước ra đằng sau mẹ, nhưng Panchami thì cứ đứng trân trân nhìn thẳng vào mặt Pareekutti.
Pareekutti hỏi câu thường lệ, nhưng lần này anh hỏi người mẹ. Không hiểu là đùa, hay vì không biết hỏi câu gì khác mà từ trước đến nay anh chỉ có mỗi một câu hỏi ấy:
- Bà sẽ bán cá cho nhà cháu chứ?
- Có chứ, cháu ạ. Không bán cho cháu thì bác bán cho ai?
Chakki không hiểu ý nghĩa của câu hỏi ấy, có lẽ bà sẽ không bao giờ nhận ra được ý nghĩa của nó. Đây không phải là câu hỏi tình cờ. Nó chứa đựng cả một nỗi lòng.
Đứng sau mẹ, Karuthamma nói:
- Mẹ ơi, con thấy lành lạnh.
Đúng vào ngày thuyền đi biển chuyến đầu tiên, Chakki không thể chia tay với Pareekutti mà lại không nói với anh một đôi điều.
- Nhờ có anh mà hôm nay thuyền được xuống nước đấy. Không có anh thì không thể có ngày hôm nay.
Pareekutti lặng yên không đáp. Karuthamma sung sướng thấy mẹ đã tìm cách để bày tỏ lòng biết ơn.
- Hết mùa tôm vào tháng bảy, nhà bác sẽ trả lại tiền anh. - Chakki nói tiếp.
- Đừng bác ạ, bác coi như cháu không muốn lấy lại tiền - Không muốn lấy lại tiền à? Thế nghĩa là thế nào?
- Cháu không bao giờ nghĩ món tiền ấy phải được hoàn lại, - Pareekutti nói.
Chakki không hiểu. Karuthamma thì hiểu, và gò má cô ửng đỏ. Một thoáng nghi ngờ lướt qua óc Chakki lúc đó.
- Thế là thế nào, hả cháu?
- Không, bác ạ. Cháu không muốn lấy lại tiền, - Pareekutti rắn rỏi nói, - Karuthamma hỏi tiền cháu để mua thuyền và lưới. Và cháu đưa. Cháu không muốn lấy lại tiền.
Trong khoảng khắc, Karuthamma cảm thấy trời đất tối lại, đầu óc quay như chong chóng.
Chakki hỏi, giọng hơi xẵng:
- Tại sao anh phải đưa tiền cho Karuthamma? Nó là gì đối với anh? - Ngừng một lát, bà nói tiếp, cao giọng hơn - không, không được đâu. Chúng tôi không muốn có chuyện như vậy. Anh phải lấy lại tiền của anh.
Pareekutti hiểu rằng Chakki nói nghiêm trang. Anh lặng im. Như một người mẹ bày cho điều hay lẽ phải, Chakki dịu giọng:
- Cháu ơi, gia đình bác thuộc đẳng cấp dân chài. Cháu không nằm trong cộng đồng bà con ngư dân như nhà bác. Cháu và Karuthamma thuở nhỏ chơi đùa với nhau ngoài bãi biển. Chuyện ấy lâu rồi. Nhà bác sẽ gả nó cho một người con trai dân chài tử tế. Và cháu sẽ phải lấy một cô gái tử tế thuộc cộng đồng nhà cháu.
- Hai đứa còn trẻ người non dạ, chưa hiểu việc đời đâu – bà nói tiếp - hai đứa không được chuốc lấy tiếng xấu. Dù chỉ gặp nhau thế này, nhưng nhỡ có ai thấy thì người ta sẽ kháo chuyện. Xem này, quanh đây có người đấy.
Chakki gọi con gái và toan đi. Nhưng bà đứng lại, quay sang trìu mến nói với Pareekutti:
- Cháu ơi, cháu hãy nghe lời bác. Cháu phải lấy lại món tiền ấy. Chakki bước đi trước. Karuthamma và Panchami theo sau. Pareekutti thẫn thờ nhìn ba mẹ con đi xa.
Khi mặt trời mọc, Chakki và hai con lại ra bãi. Tất cả các thuyền đều đã ra xa tít ngoài biển. Xem chừng hôm nay đánh được nhiều cá.
- Hôm nay đánh được loại cá gì hở mẹ? - Karuthamma hỏi. - Chắc là cá mòi.
- Thế nghĩa là ngay từ đầu, nhà ta đã làm ăn tốt đẹp, - Karuthamma phấn khởi reo.
- Đều là nhờ ơn Nữ Thần Biển con ạ.
Rồi, như một đứa trẻ vòi mẹ, Karuthamma nói:
- Mẹ ơi, nhà ta phải giao mẻ cá đầu tiên cho cậu Kochumuthali chứ mẹ?
Chakki không nổi nóng với con. Bà không hỏi xem cậu Kochumuthali là gì đối với Karuthamma. Bà cũng nghĩ như cô, nhưng trong óc, bà còn nghi hoặc.
- Tao không biết bố mày liệu có chịu nghe không. Karuthamma nghĩ ra một cách để thực hiện ý định của mình:
- Khi thuyền về gần tới bờ, con và mẹ ra đứng chờ sẵn. Và mẹ phải bảo với cha giao mẻ cá đầu tiên cho cậu Kochumuthali nhé.
Chakki nhận lời với con. Đây là một việc hệ trọng, một việc cần làm.
Nhưng lại nảy ra một vấn đề khác. Mấy bà hàng xóm, Nallapennu, Kalikunju, Kunjipennu và Laksmi đến gặp bà, đưa ra một yêu cầu đặc biệt. Kunjipennu hỏi nhà bà có ý định bán gộp cả mẻ cá đánh được trong ngày cho bọn lái buôn hay không, hay sẽ chia nhỏ ra làm nhiều mớ bán cho họ. Ở cái làng này có cái lệ thường là bán cả mẻ cho các tay buôn cá, khiến cho phụ nữ trong làng muốn đem cá về miền Đông bán lẻ bị bọn lái buôn hớt tay trên cả.
- Chúng mình khỏi phải nói, Chakki ắt hiểu, - Kunjipennu bảo.
Chakki quả đã hiểu vấn đề của chị em phụ nữ làng chài. Nếu họ phải mua lại của lái buôn rồi đem đi bán thì còn lời lãi gì. Chúng đòi giá bao nhiêu, họ cũng phải chịu, ngoài ra lại còn phải nghe chúng chửi rủa nữa.
- Các chị bảo tôi làm gì? - Chakki hỏi
- Chị cứ để lại mẻ cá nhà chị cho chị em chúng tôi đi bán, - Nallapennu nói giọng kiên quyết.
Chakki không biết nên trả lời như thế nào. Họ đều là hàng xóm láng giềng với bà, và điều họ nói với bà là phải. Nhưng bà không thể nhận lời trước. Chắc đâu Chemban đã ưng thuận. Với lại, Pareekutti đã hỏi mua cá rồi. Bà cũng không thể kể với họ chuyện đó được.
- Sao chị không nói gì, Chakki? - Kalikunju hỏi - có phải vì Chemban có thể sẽ không ưng thuận chăng? Chị phải nói mạnh vào. Chính chị đã góp phần sắm thuyền sắm lưới bằng cách đem cá vào mạn trong bán đó thôi.
Chakki nhận đúng là như vậy.
- Chị còn định đi với chúng tôi vào miền trong bán cá nữa không? - Laksmi hỏi.
- Sao các chị lại hỏi thế? Dù nhà tôi có đến chục chiếc thuyền thì Chakki vẫn mãi mãi là Chakki.
- Đó không phải là ý tôi muốn nói, - Laksmi chữa. - Tôi không có ý nói chị đã thay đổi. Tôi chỉ muốn biết chị có bớt lại một ít trong mẻ cá để chia cho chúng tôi không.
- Không biết ông nhà tôi có bằng lòng hay không cơ chứ.- Chakki lộ ý cho thấy bà đành chịu bó tay trong việc này.
- Chị phải bảo với ông ấy, - Nallapennu nói. - Chị mà bảo chắc phải được.
Kalikunju cũng bảo Karuthamma:
- Cháu phải nói với cha cháu.
Karuthamma trả lời rành rọt, dứt khoát:
- Cháu không nói.
Nhưng Panchami hứa sẽ nói với cha, vì nó cũng muốn có phần. Mỗi lần thuyền về, nó muốn nhặt lấy một thúng cá đem phơi cất riêng. Nó muốn hôm nào cũng sẽ làm như vậy. Nếu dân lái mua gộp cả mẻ thì sẽ chẳng còn phần cho nó.
Chakki không biết làm thế nào, đành nói: “Để tôi thử xem”. Bà biết trước là không xong. Thế nào mọi người cũng sẽ phàn nàn kêu ca.
Đến trưa, trẻ con và phụ nữ đem sọt đứng thành dãy ngoài bãi. Dân buôn cũng có mặt. Xa tít ngoài biển, hải âu sà cánh xuống các thuyền đánh cá. Rõ ràng là lưới đang được kéo lên và cá được đổ vào khoang. Mọi người bắt đầu đoán xem hôm nay đánh được loại cá gì. Lão lái buôn Khadar cho rằng có thể là một mẻ lẫn lộn nhiều loại cá con. Dù là cá gì đi nữa thì đây cũng là một mẻ cá tốt, đó là điều chắc chắn. Bỗng có hai con hải âu từ ngoài biển bay vào. Một con ngậm một con cá ở mỏ. Mọi người ngẩng đầu lên nhìn.
- Cá trích - mọi người reo lên.
Chakki lại lầm rầm cầu xin Nữ Thần Biển phù hộ.
Bây giờ đoàn thuyền đang lên đường trở về, lướt trên ngọn sóng. Đã biết là cá gì rồi nên trên bờ ồn ào nhốn nháo, ồn ào. Kunjipennu, Nallapennu, Kalikunju và Laksmi đứng sát cạnh Chakki. Panchami cũng đứng trong đám ấy, Karuthamma đánh đố với mẹ xem thuyền nhà ở đâu, nhưng chẳng mấy chốc họ nhận ra ngay chiếc đi cuối cùng đang lao vùn vụt như chim bay, lướt nhẹ từ ngọn sóng này sang ngọn sóng khác. Khoang thuyền xem ra có vẻ đầy ắp cá.
- Thuyền nhà ta chỉ có một cặp chèo thôi à? - Panchami nói, khó tin. Chả là các tay chèo chèo quá đều và nhịp nhàng.
Đoàn thuyền tiến vào bờ như một đám rước lớn. Bên trên bay lượn những con hải âu. Tiếng reo hò phấn khởi vang xa tít ngoài khơi.
Đứng ở mũi lái chiếc thuyền đi đầu là Chemban. Không phải là đứng, ông khác nào đang nhảy múa, mái chèo cái của ông đang vẽ thành những vòng tròn, một nửa vòng trong nước, một nửa vòng trong không khí. Tưởng như ông đứng trong không trung, bên trên mặt thuyền. Và chiếc thuyền tưởng như lướt cao bên trên đỉnh sóng, chỉ thỉnh thoảng mới chạm nhẹ vào ngọn sóng.
Thật là một cảnh tượng huy hoàng. Ai nấy đều cảm thấy chiếc thuyền ấy có một cái gì hùng vĩ.
- Các bà ơi, đừng ai nói gì nhé. Đừng làm gì xúi nhé. - Chakki van vỉ.
Thuyền cập bờ. Những người trên thuyền đặt mái chèo xuống, nhảy lên bờ rồi kéo thuyền lên bãi cát. Panchami đứng trong đám trẻ con xúm xít quanh thuyền.
Chemban nhảy vọt lên bờ, hét to một tiếng. Đám trẻ con kêu ré, chạy toán loạn. Nhưng Panchami vẫn đứng yên. Việc gì nó phải sợ?
- Không đứa nào được mót cá con dưới thuyền tao, - Chemban hét.
Ông tóm được Panchami và đẩy nó một cái. Panchami ngã giúi giụi, kêu lên một tiếng “mẹ ơi”. Chakki và Karuthamma bật khóc. Có ai đó thốt lên:
- Lạy trời, hạng người nào thế này? Quỷ sứ ư?
Panchami nghĩ mình là con nên có quyền đến gần thuyền của cha nhặt cá. Chemban không nhận ra con ư? Người ta không được mờ mắt như thế.
Mẻ cá ông đánh được đã tự nó sinh sôi nảy nở trên biển. Không có ai phải gieo trồng hoặc chăn nuôi gì nó. Vậy thì một phần trong mẻ cá ấy phải thuộc về những người nghèo khó đến nhặt cá loại. Đó là luật của biển.
- Đồ nhẫn tâm ác nghiệt, - Chakki kêu lên và kéo Panchami lại mình. Bà và Karuthamma xoa người cho nó. Con bé bị ngã rất đau.
Các tay lái buôn xúm xít quanh thuyền. Pareekutti đứng hẳn lên trước, Chemban đưa mắt nhìn như không quen biết ai.
- Chemban Kunju, ông định lấy mẻ cá của ông hôm nay bao nhiêu? - Tay lái Khadar hỏi.
Kunjipennu, Laksmi và những người đàn bà khác loay hoay chạy đi chạy lại xung quanh. Panchami lúc nãy hứa hỏi cá cho
họ, bây giờ đang nằm sóng sượt, hơi thở khó nhọc, bên cạnh có Chakki. Đám lái buôn thì đang mặc cả.
- Hay ta cứ hỏi xem - Kunjipennu bảo với các bà bạn. Nallapennu không nghe. Bà bảo:
- Hỏi đứa độc ác ấy làm gì?
Những thuyền khác sắp lần lượt vào bờ. Chemban muốn bán xong mẻ cá của mình trước khi các thuyền khác về tới nơi.
- Ông bán cá cho cháu chứ? - Pareekutti hỏi.
Chemban làm như không quen biết gì anh. Ông bảo: - Có tiền không? Ta bán lấy tiền ngay.
Tay lái Khadar lập tức dúi vài ba tờ một trăm rupi vào tay ông. Việc mua bán thế là xong.
Pareekutti chạy sang các thuyền khác. Thuyền nào cũng đã bán xong cá. Lúc Panchami đã phần nào bớt đau, Karuthamma nhác thấy anh thất vọng đang đi về nhà. Cô nói với mẹ:
- Hôm nay cậu Kochumuthali không mua được tí cá nào, mẹ ạ. Chakki bước lại gặp Pareekutti. Bà nói:
- Cậu Kochumuthali, hôm nay cậu không mua được tí cá nào ư? - Không ạ.
- Sao thế?
Pareekutti lặng thinh nhưng Chakki đã hiểu. Bà đã nhìn thấy sự thay đổi diễn ra ở Chemban. Bà bảo:
- Lão ấy thấy cá là y như bị ma ám.
- Cháu có đem theo một ít tiền. Cháu định sau sẽ trả cho ông ấy nốt, - Pareekutti nói rồi bỏ đi.
Chemban chia phần cho những người làm trên thuyền của mình. Ông giũ lưới đem phơi rồi về nhà. Ông nắm trong tay rất nhiều tiền. Ông đã bước vào một cuộc sống mới. Ông đã làm cực lực từ mờ sáng đến bây giờ mà không thấy mệt.
Ngôi nhà không vui. Chemban giơ cho Chakki xem tập giấy bạc ông đem về nhà. Chakki có vẻ thờ ơ. Bà hỏi:
- Tiền ấy để cho ai?
- Ờ hay nhỉ, lại có gì thế hả?
- Đi mà nhìn vào ngực con Panchami ấy.
Panchami đang khóc nấc từng tiếng. Chemban đỡ con dậy. Ngực cô bé thâm tím, sưng vù.
- Tại sao mày lại đứng đấy, con? - Chemban hỏi.
Chakki giải thích ý định của con. Nghe thấy thế Chemban thương con vô cùng. Con ông cũng đang cố kiếm tiền. Chemban hứa với con từ nay trở đi mỗi hôm sẽ cho con một sọt cá đầy.
Chakki hỏi chồng về Pareekutti. Bà bảo:
- Thế chẳng phải là tồi à? Ai giúp ta sắm thuyền và lưới? Chemban không hiểu nổi là ông sai trái.
- Tại sao ông không bán cá cho cậu ta?
- Để rồi tôi phải xoay sở ra làm sao? Tôi phải chia phần cho các tay chèo của tôi. Nếu tôi bán cho nó, nó sẽ trừ vào món tiền nhà ta nợ nó.
- Thế có nghĩa là cậu ta đã mất không số tiền và mất luôn cả quan hệ buôn bán với ông chứ gì?
Karuthamma cũng không giữ nổi bình tĩnh, cô nói: - Dù sao đi nữa, bên nhà sấy cá hôm nay chẳng có gì để sấy…
C
Sáu
hemban là người may mắn. Ở làng biển này, không ai đánh được mẻ nào bằng mẻ cá của ông. Cá ông đánh được thường nhiều gấp đôi người khác. Ông đã thả lưới là không bao giờ thả sai. Đó là một chuyện kì lạ.
Đến tối, lúc Chemban đếm tiền, Chakki thường bảo: - Bây giờ, ta phải cho con gái đi ở riêng thôi.
Chemban không bao giờ trả lời thẳng vào câu chuyện. Chakki hỏi tiếp:
- Ông nghĩ thế nào? Không thể để nó cứ lẵng nhẵng mãi thế này.
Chemban vẫn lặng thinh. Chừng nào ông còn kiếm được nhiều tiền thì chuyện đó đối với ông không phải là vấn đề gì lớn. Khi ông muốn khắc ông giải quyết xong.
Chemban đã mua được mọi thứ cần thiết cho một chiếc thuyền. Bây giờ ông có thể đi biển bất kì mùa nào.
Nhà sấy cá của Pareekutti hầu như đóng cửa. Anh chẳng có việc gì đáng gọi là việc. Anh không còn đồng nào. Abdullah cha anh đến rầy la anh về công việc làm ăn. Ông mắng Pareekutti là đã đem hết tiền cho một người con gái dân chài ngoài bãi biển. Karuthamma nghe lỏm được những lời buộc tội ấy.
Cô giục mẹ trả nợ Pareekutti. Cô kể cho mẹ nghe những gì Abdullah đã nói với con trai. Còn gì nhục nhã hơn? Sự thực, chẳng phải Pareekutti đã đem hết vốn liếng cho một người con gái dân chài đấy ư?
- Ta sẽ trả hết, hẵng đợi đấy. - Đó là câu trả lời của Chemban khi Chakki đả động đến việc này.
Sau đó, Chemban bắt tay vào những kế hoạch còn đồ sộ hơn. Ông phải có hai bộ thuyền lưới. Ông phải có đất có nhà. Ông phải có tiền trong tay.
- Với lại, chả lẽ người ta cứ phải quần quật suốt đời à? Rồi có lúc phải nghỉ ngơi và hưởng lạc như Pallikunnath ấy chứ? – Chemban nói.
Ông quyết làm cho vợ mình béo ra một chút.
- Ừ, phải đấy. Ông cho rằng bây giờ tôi sẽ béo ra à? - Chakki nói mỉa.
- Kệ thây mọi chuyện. Bà nó sẽ béo ra cho mà xem!
Trước kia, chưa bao giờ Chakki nghe thấy Chemban nói đến điều hưởng lạc. Nay ông đã nhiễm một quan niệm sống khác mất rồi. Bà hỏi:
- Ờ, ông sẽ hưởng lạc như thế nào khi ông về già? Ông học được ở đâu thế? Hẳn đã học lỏm ở một nơi nào đó thôi.
- Tất nhiên, người ta có thể chơi bời ngay cả lúc về già. Bà đi mà xem Pallikunnath. Giá mà bà được thấy ông ta hưởng thụ cuộc sống như thế nào. Tôi xin nói để bà biết bà vợ ông ta là Pappikunju cũng trạc tuổi bà. Nhưng bà ta còn đẹp người lắm. Giá mà bà nhìn thấy bà ta với mái tóc chải ngược gọn gàng, đôi
môi đỏ chon chót và dấu đẳng cấp trên trán. Nhìn bà ta thật sướng mắt như ngắm vàng mười ấy chứ! Người dân chài ấy với bà vợ thật cứ như một cặp vợ chồng son.
- Vậy tôi phải ăn mặc như một đứa con gái hay sao? - Chakki hỏi - Sao không?
- Ông không thấy hổ thẹn à?
- Có gì mà phải hổ thẹn?
- Không, tôi không thể làm như thế được. - Chakki ngượng nghịu nói.
Chemban tả lại cảnh sinh hoạt của gia đình Kandankoran:
- Để tôi kể cho bà nghe chuyện này nhé. Một hôm, sang bên ấy, tôi thấy họ trong vòng tay nhau âu yếm nhau hệt một cặp vợ chồng trẻ. Tôi đâm ra lúng túng.
- Thật là dơ!- Chakki nói.
- Có gì mà dơ? Hai vợ chồng họ sống như bọn trai trẻ, cười đùa suốt ngày.
- Vợ chồng họ không có con hay sao?
- Có mỗi thằng con trai.
Chemban nhìn vợ , nói:
- Tôi muốn làm bà béo lên một chút như bà vợ Kandankoran ấy, và chúng mình phải đùa giỡn như bọn trẻ ấy chứ.
Thực ra, Chakki cũng mong muốn như thế. Muốn được ôm ghì trong cánh tay của chồng và được âu yếm. Nhưng lẽ nào bà lại nói ra.
- Chính ông cũng cần phải béo ra đôi chút- bà nói
- Tôi cũng sẽ chăm lo đến sức khỏe. Chemban Kunju nói và chỉ khi đó chúng ta sẽ nghỉ ngơi.
Nhờ ơn Nữ Thần Biển, mọi việc đều sẽ tốt đẹp. Khi ta có đất có nhà rồi, khi ta có thể sống mà không cần làm việc, đúng thế, lúc bấy giờ ta có thể vui chơi như bọn trẻ. Đến lúc ấy, ta sẽ gả chồng cho hai đứa con gái. Nhưng cô ấy không xinh đẹp như Pappikunju, Chemban Kunju thấy rõ điều đó.
- Nhưng nhỡ đến lúc ấy tôi chết rồi thì sao?
- Thôi đi, ngốc ạ. Đừng có mà nói gở.
Rồi một hôm biển thay đổi màu sắc. Nước biển đỏ sẫm. Người dân chài bảo rằng đó là lúc Nữ Thần Biển đến kỳ kinh nguyệt. Trong mấy ngày sau thời kỳ này, ngoài biển không có lấy một con cá nào. Sau hai ba ngày nhàn rỗi, Chemban không ngồi yên được nữa. Ông tự hỏi cớ sao không đi ra xa hơn nữa ngoài biển, đi quá chân trời như dân chài thường nói, để tìm cá.
Ông đi gọi người của ông đến thuyền và đem việc này ra bàn. Không một ai muốn trả lời ông. Dân chài ở bờ biển này rất ít khi đi biển vào những ngày như thế. Khi Nữ Thần Biển có kinh thì họ không dám ra khơi.
- Nếu các anh không đi, tôi sẽ để mặc các anh chết đói. Tôi không thể cưu mang các anh mãi được nữa. - Chemban nói với giọng gay gắt.
Thời kì trống rỗng ấy kéo dài ít lâu. Trong làng ai nấy đều dần dần tiêu hết những thứ gì đã dành dụm. Một vài người đi thử một chuyến nhưng không đánh được con cá nhỏ nào. Những người làm thuê đến quấy quả các chủ thuyền, đòi được giúp đỡ và ứng trước tiền công. Nhưng ngay các chủ thuyền cũng chẳng còn gì.
Achakunju đã quyết chí tậu riêng thuyền và lưới, thế mà lại nằm trong số những người quẫn bách nhất, vì ông phải nuôi mấy đứa con.
Rồi một hôm trong nhà ông chẳng còn tí gì nữa. Hôm trước, có con cá nhép hoặc mẩu cá khô nào, ông đã vét sạch cả rồi. Hai vợ chồng đâm ra cãi nhau. Achakunju nổi sung lên với người vợ khó bảo, đánh vợ hai cái tát rồi bỏ đi. Bà vợ phải ở lại gánh lấy bọn trẻ. Bà đâu có thể bỏ nhà đi được?
Nallapennu rủa chồng:
- Ông bỏ nhà đi chỉ cốt đến quán trà nốc đầy bụng chứ gì?
Bà đợi chồng đến tận tối mịt mà không thấy về. Sau cùng bà phải vớ lấy mấy cái cốc đồng đem sang nhà Chakki. Bà bảo bà muốn đem cầm mấy cái cốc đó cho Chakki hoặc bán lấy một rupi. Chakki lấy mấy cái cốc và đưa cho Nallapennu một rupi.
Laksmi nghe thấy thế bèn đem đôi hoa tai của con chạy sang. Những người đàn bà khác cũng mang của cải nhà mình đến. Chakki bắt đầu thấy ngại. Bà làm gì có tiền mà phân phát như vậy kia chứ. Nhưng sẽ chẳng có ai tin nếu bà nói bà không có tiền. Kalikunju làm lụng vất vả và dành dụm suốt một năm trời mới mua nổi cái bát đồng, bây giờ cũng cầm sang nhà Chakki.
- Nếu các bà kéo cả đến như thế này thì tôi biết tính làm sao? Tôi không còn đồng tiền nào chôn giấu đâu, - Chakki nói với bà này.
Kalikunju phải sang vì con cái đang đói lả. Bà không ngờ tới lời lẽ và cách đối xử ấy của Chakki.
- Ai cũng muốn Chemban có tiền. Nhưng khi ông ấy gặp chuyện lôi thôi thì mọi người đều bỏ mặc ông ấy. - Chakki bảo.
- Chúng tôi nào đã làm điều gì không phải?- Kalikunju hỏi.
- Ừ, thì không làm gì! Nhưng nhà tôi cũng chẳng còn đồng nào nữa.
- Ai lại chị nói như thể không quen biết gì tôi thế? - Còn chị thì làm gì lấc xấc thế?
Và thế là bắt đầu cuộc cãi lộn. Karuthamma xen vào giảng hòa. Cô sợ rằng nếu xảy ra cãi nhau thực sự thì chuyện cô có thể bị khơi lên. Karuthamma sờ tay vào chân Kalikunju xin bà ta đừng nói nữa. Thất vọng, Kalikunju cầm cái bát đồng ra về.
- Cớ sao mẹ lại cư xử như vậy? Mẹ quẩn trí rồi ư? - Karuthamma hỏi.
- Chứ không à?
- Từ ngày nhà ta tậu được thuyền và lưới, cả bố lẫn mẹ như thành người khác ấy.
Tối hôm ấy, trong lúc Chemban ăn tối, Chakki kể cho chồng nghe những chuyện trong làng và cảnh ngộ đói khó của dân làng. Ở các nhà, không có một bếp nào nhóm lửa.
- Mặc cho chúng nó chết đói! Mặc cho tất cả bọn chúng nó chết đói! - Chemban nói.
Karuthamma bàng hoàng.
- Cứ để chúng nó khổ. Có thế chúng nó mới hiểu. – Chemban nói tiếp.
Karuthamma không hiểu nổi ý bố định nói gì. Lúc ấy cô thấy căm ghét bố.
- Hiểu cái gì? - Chakki hỏi.
- Mặc cho chúng nó khổ! Hễ kiếm được đồng tiền là chúng lại nhảy nhót đùa giỡn. Rồi lại đi Alleppey ăn tiêu bừa phứa. Vợ ở nhà thường thì không có cái che thân, nhưng hễ có tiền trong tay là y như rằng chúng lại vác về những thứ quần áo mỏng manh sang trọng. Những lúc ấy, chân chúng không giẫm trên đất đâu. Thế thì bây giờ cứ để mặc chúng ngồi đếm sao trên trời.
- Người dân chài không cần dành dụm, - Chakki nói lên một chân lý lâu đời.
- Đã thế, cứ mặc chúng nó không dành dụm gì rồi cho biết thân. Đi dạy cả đứa con gái bé những điều đó nữa, để rồi nó cũng chết đói luôn thể.
- Ông là người khôn, đã hẳn rồi - Chakki mỉm cười nói. - Đúng, tôi khôn chứ. Tôi có tiền cơ mà.
- Đừng có mà khoe với tôi như vậy - Chakki lại bảo – thằng bé Pareekutti kia đã phải đóng cửa nhà sấy cá của nó rồi. Còn con gái mình đang tuổi xuân thì không chồng.
Karuthamma muốn nói thêm:
- Cả Pareekutti nữa, cũng đáng để cho chết đói, có phải không bố?
Đận khó khăn trong làng kéo dài, Chemban và Chakki vơ vét được nhiều thứ lặt vặt với giá hời: Nồi đồng, chảo gang, cả một ít vàng nữa. Thật là tiện cho Karuthamma khi lấy chồng. Một hôm Chakki mua được một chiếc giường rất đẹp. Chồng về, bà kể với chồng, mỉm cười thèn thẹn.
- Tôi mua được cái giường.
- Thế à, mua làm gì? - Chemban ỡm ờ hỏi, cũng cười mỉm như vợ.
- Để ngủ chứ làm gì?
- Thế ai ngủ giường ấy?
- Khi nào nhà ta có rể thì cho chúng nó.
- Thế ư?
- Chứ còn ai vào đấy. Đâu phải để cho ông già bà cả nằm.
- Hay lắm, thế thì tôi phải kiếm một cái đệm thật đẹp cho tôi, đúng như cái đệm tôi thấy ở nhà Kandankoran, - Chemban nói như thật.
- Vậy ông phải có một bà vợ như hệt vợ ông ta để ngủ chung. Chakki bảo.
- Tôi sẽ làm cho bà giống như bà ta.
Một hôm, Chemban ngủ dậy đã thấy Ramankunju chờ ông. Chemban mời khách vào nhà ngồi.Ramankunju cũng là một chủ thuyền trong làng. Ông có hai chiếc thuyền. Nhưng tài sản của ông đã bị cầm cố hết cả. Chính Chemban cũng đã từng có thời gian làm cho thuyền của Ramankunju.
Bây giờ, ông ta cần một ít tiền để trợ giúp những người làm của mình hiện không còn gì nuôi miệng. Ông đã nợ Ouseph. Nên không muốn hỏi vay hắn thêm.
- Những người làm cho chúng tôi và trông cậy ở chúng tôi hiện không còn gì ăn. Mà thời gian này không kiếm được gì ở biển. Tôi làm sao có thể ngồi yên nhìn cảnh đó. - Ramankunju nói.
Chemban nhận là phải.
- Đúng rồi, cảnh ấy không vừa mắt một chủ thuyền cỡ như ông.
Và không mảy may do dự, Chemban bằng lòng cho Ramankunju vay .
- Ông cần bao nhiêu?
- Một trăm năm mươi rupi là đủ.
Chemban đếm tiền đưa cho Ramankunju.
- Ông không trợ giúp cho người làm của ông đồng nào à? - Ramankunju hỏi.
Chemban gãi đầu nói:
- Tôi trợ giúp thế nào được? Tôi cũng là một người chân lấm tay bùn. Con sóc làm sao há miệng rộng bằng con voi được?
Ramankunju về rồi, Chemban vào gặp vợ, cười ha hả như người mất trí. Bà vợ chưa bao giờ thấy chồng hớn hở mừng rỡ như vậy.
- Chuyện gì thế? Ông điên à? - Chakki hỏi.
- Này, bà nó biết không, bà nó ơi, chiếc thuyền khốn khổ của lão ta nội trong sáu tháng nữa sẽ thuộc về ta. Có tiền trong tay lợi như thế đó.
Khi những người làm của Chemban đến nài ông trợ giúp cho họ một ít tiền thì ông hỏi lại:
- Các anh có sẵn sàng bắt tay vào việc không?
Họ trả lời sẵn sàng.
- Vậy chúng ta sẽ đi một chuyến thật xa ra ngoài khơi tìm cá.
- Đi thế nào được? Đi thật xa ra ngoài khơi vào lúc thời tiết như thế này ấy à? - Họ hỏi.
Chemban giở ra một mưu khác đã tính sẵn: Ông sẽ nhận người khác vào làm. Rồi sau ông sẽ giữ lại chính những người này làm việc cho ông. Ông bảo:
- Tôi có thuyền và ngư cụ. Tôi không thể để thuyền nằm rỗi được. Để không như thế là mất khối tiền.
Hai ba hôm sau, lúc tờ mờ sáng, Chakki và Karutahmma thấy chiếc thuyền chạy băng băng ra tít ngoài khơi về phía Tây. Đến lúc ấy hai mẹ con mới biết chuyện. Hôm đó đàn bà và trẻ con khoảng mười ba gia đình kéo nhau ra tận mé nước ngóng chờ. Họ đứng ngồi lo lắng và cầu nguyện. Mấy người già nhìn ra biển bảo rằng con nước hôm nay trông có vẻ hung dữ lắm. Họ cho rằng ngoài khơi chắc phải có những xoáy nước ác hiểm.
Chiều đến, thuyền vẫn chưa về. Ngoài bãi có tiếng khóc thút thít, nức nở. Đến tối thì cả làng đổ hết ra bãi. Ai cũng ngóng mắt về phía Tây, phía biển cả.
Trời lặng gió và không gợn một vệt mây. Sao đêm lấp lánh. Biển êm ả. Có người bảo có một cái chấm đen xa tít trên mặt biển. Chấm đen ấy rất có thể là thuyền. Nhưng không phải. Không có dấu hiệu gì về con thuyền.
Bà mẹ già anh đánh cá Kochaan lấy tay đấm ngực, đòi Chakki trả lại bà đứa con trai bà. Người vợ trẻ anh đánh cá Vava tay ẵm đứa con nhỏ, không trách móc ai cả. Chị chỉ sụt sùi khóc. Ngoài bãi biển là một thảm cảnh.
Gần nửa đêm bỗng có tiếng reo.
- Thuyền về! - Tiếng ai đó hét lên.
Chiếc thuyền phóng mình lao vào bờ như một con chim. Trong khoang thuyền có một con cá mập. Họ đánh được hai con nhưng chỉ đem về được một.
Chemban chặt cá thành từng khoanh chia cho đám phụ nữ đem vào nội địa bán. Ông bảo họ bán xong rồi trả tiền ông sau cũng được. Kalikunju và Laksmi và mấy người phụ nữ khác cũng có phần. Thế là đêm đó, nhiều nhà đã có ngọn lửa trong bếp.
Hai hôm sau, họ lại giong thuyền ra thẳng ngoài khơi. Hôm ấy, Chemban cũng lại đắc thắng trở về. Ngay cả những lúc biển tưởng như cằn cỗi, Chemban vẫn kiếm được tiền. Các bô lão trong làng thua cuộc, phải im miệng. Đàn bà các nhà thì nói là nhờ có Chemban họ mới có cái ăn.
Một vài chủ thuyền khác cũng đánh thuyền ra ngoài đường chân trời.