"Vụ Án Erwin - Friedrich Glauser & Phan Ba (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vụ Án Erwin - Friedrich Glauser & Phan Ba (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo MỘT NGƯỜI KHÔNG CÒN MUỐN SỐNG NỮA N gười cai tù có cái cằm ba ngấn và cái mũi đỏ lầu bầu điều gì đó nghe giống như “lúc nào cũng gấp rút”, – vì Studer lôi ông ta ra khỏi bữa ăn trưa. Nhưng ít ra thì Studer cũng là một hạ sĩ điều tra của Cảnh sát Tiểu bang Bern, vì vậy không thể cứ xua đuổi ông ấy đi như xua tà đuổi ma được. Thế là cai tù Liechti đứng dậy, đổ đầy rượu vang đỏ vào ly uống nước, uống một hơi cạn cả ly, cầm lấy xâu chìa khóa và cùng đi đến chỗ tù nhân Schlumpf, người mà ông hạ sĩ vừa mới bàn giao cách đây chưa tới một giờ đồng hồ. Lối đi… Những lối đi dài tối tăm… Những bức tường thật dày. Lâu đài Thun dường như đã được xây cho sự vĩnh cửu. Cái giá lạnh của mùa đông ở khắp nơi. Thật khó tưởng tượng được, rằng ở ngoài kia đang có một ngày tháng Năm ấm áp ở trên hồ nước, rằng người ta đang đi dạo, thanh thản, rằng có những người khác đang nằm đong đưa trong những chiếc thuyền trên mặt nước, và phơi nắng để có được một làn da nâu. Cửa phòng giam mở ra. Studer dừng lại ở ngưỡng cửa một khoảnh khắc. Hai thanh sắt ngang, hai thanh sắt dọc băng ngang qua cái cửa sổ nằm ở trên cao. Có thể nhìn thấy mái của một ngôi nhà – với những viên gạch ngói đen, cũ kỹ – và bầu trời bay phấp phới ở trên như một mảnh vải xanh sáng chói mắt. Có một người bị treo lủng lẳng ở trên thanh sắt phía dưới! Chiếc thắt lưng da được cột chặt và tạo thành một nút thắt. Một thân thể tối tăm nổi bật trên bức tường được quét vôi trắng. Đôi chân nằm yên trên giường, vặn vẹo một cách khác thường. Và cái khóa thắt lưng sáng óng ánh ở sau gáy người bị treo cổ, vì có một tia nắng mặt trời chiếu vào nó từ ở trên cao. “Trời ơi!”, Studer kêu lên, lao tới trước, nhảy lên giường – người cai tù kinh ngạc trước sự nhanh nhẹn của người đàn ông đã lớn tuổi – ôm chặt lấy thân hình đó bằng cánh tay phải, trong khi bàn tay trái tháo cái nút thắt ra. Studer văng tục, vì bị gãy mất một cái móng tay. Rồi ông bước xuống giường và nhẹ nhàng đặt cái thân thể bất động đó xuống. “Nếu như các anh không quá lạc hậu đến như thế này”, Studer nói, “và ít nhất là gắn lưới trước cửa sổ, thì những việc như thế này đã không xảy ra. – Này! Bây giờ thì hãy chạy đi, Liechti, và gọi bác sĩ lại đây!” “Vâng, vâng”, người cai tù sợ sệt nói và khập khiễng đi ra. Đầu tiên, ông hạ sĩ điều tra tiến hành hô hấp nhân tạo. Việc đó giống như một phản xạ. Một cái gì đó xuất phát từ thời mà ông còn học khóa cấp cứu. Và mãi năm phút sau Studer mới sực nhớ ra, đặt tai lên ngực của con người đang nằm đó và lắng nghe xem tim có còn đập không. Có, nó còn đập. Chậm. Nghe giống như tiếng tích tắc của một cái đồng hồ mà người ta đã quên lên dây cót; Studer tiếp tục bơm với hai cánh tay của người đang nằm. Chạy ngang qua ở dưới cổ, từ tai này qua đến tai kia, là một cái vạch đỏ. “Schlumpf à!”, Studer nói nhỏ. Ông lấy cái khăn tay ra khỏi túi, lau trán mình trước, rồi lau qua gương mặt của anh chàng đó. Một gương mặt còn non nớt, trẻ, có hai nếp nhăn to trên sống mũi. Bướng bỉnh. Và trắng nhợt. Đó chính là Schlumpf Erwin, người mà hôm nay người ta đã bắt giữ trong một cái làng ở vùng Oberaargau. Schlumpf Erwin, bị cáo buộc giết chết Witschi Wendelin, một thương gia và người đi bán dạo ở Gerzenstein. Ngẫu nhiên mà người ta đã đến đúng lúc! Trước đây một giờ đồng hồ, người ta đã giao tên Schlumpf đúng theo quy định cho nhà giam, người cai tù với cái cằm ba ngấn đã ký tên – người ta có thể thong dong lên tàu hỏa trở về Bern và quên đi toàn bộ sự việc. Đó không phải là lần đầu tiên người ta bắt người, cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Tại sao người ta lại linh cảm là phải tới thăm Schlumpf Erwin thêm một lần nữa? Ngẫu nhiên? Có thể… Ngẫu nhiên là gì?… Không thể chối cãi được là người ta đứng đối diện đầy cảm thông với số phận của Schlumpf Erwin. Nói cho đúng hơn, người ta đã yêu mến Schlumpf Erwin… Tại sao?… Trong phòng giam, Studer dùng tay vuốt gáy vài lần. Tại sao? Vì người ta không có con trai? Vì người bị bắt cứ quả quyết là mình vô tội trên suốt cả chuyến đi? Không. Tất cả họ đều vô tội. Nhưng những lời quả quyết của Schlumpf Erwin nghe có vẻ thành thật. Mặc dù… Mặc dù trường hợp này thật ra thì đã rõ hoàn toàn. Người ta tìm thấy thương gia kiêm người bán dạo Wendelin Witschi vào sáng ngày thứ Tư với vết đạn bắn ở phía sau tai phải, nằm sấp, trong một khu rừng ở gần Gerzenstein. Túi của nạn nhân trống rỗng… Vợ của người bị giết quả quyết rằng chồng bà có mang theo trên người ba trăm franc Thụy Sĩ. Thế rồi vào tối thứ Tư, Schlumpf đổi một tờ một trăm franc trong quán trọ “Bären”… Vào sáng ngày thứ Năm, cảnh sát muốn bắt anh ta, nhưng Schlumpf đã chạy trốn. Vì vậy mà ông đại úy cảnh sát đã tới gặp hạ sĩ Studer trong phòng làm việc của ông này vào chiều tối ngày thứ Năm: “Studer này, anh phải đi ra ngoài hít thở không khí trong lành. Sáng sớm ngày mai, anh đi bắt tên Schlumpf Erwin nhé. Sẽ tốt cho sức khỏe của anh thôi. Anh béo lên đấy…” Đúng là như vậy, rất đáng tiếc… Tất nhiên, ở những vụ bắt giữ như thế này thì thường người ta gửi binh nhì đi. Nhưng lần này thì ông hạ sĩ điều tra phải đi… Cũng là ngẫu nhiên?… Số mệnh?… Đủ rồi, người ta vướng vào anh chàng Schlumpf, và người ta đã yêu mến anh chàng này. Một sự thật! Người ta phải chấp nhận sự thật, ngay cả khi chúng chỉ liên quan đến cảm xúc. Tên Schlump! Chắc chắn không phải là một người có giá trị cao! Ở Sở Cảnh sát Tiểu bang, người ta quá quen thuộc với hắn. Một đứa con ngoài giá thú. Chính quyền hầu như phải liên tục làm việc với hắn. Hồ sơ trong Sở An sinh Xã hội chắc chắn phải nặng ít nhất là một ký rưỡi. Lý lịch? Đầy tớ cho một nông dân. Trộm cắp. – Có thể là hắn đói ăn chăng? Ai còn có thể xác định được điều đó về sau này? – Rồi sự việc cứ diễn tiến giống như đã luôn diễn ra trong những trường hợp khác. Trại giáo dục Tessenberg. Bỏ trốn. Trộm cắp. Lại bị bắt. Đánh nhau. Cuối cùng được thả ra. Lẻn vào nhà ăn trộm. Trại tù Witzwil. Trả tự do. Lẻn vào nhà ăn trộm. Ba năm Thorberg được trả tự do. Rồi không có động tĩnh gì – hai năm trời. Tên Schlumpf làm việc trong vườn ươm Ellenberger tại Gerzenstein. Sáu mươi xu tiền công một giờ. Yêu một cô gái. Hai người muốn kết hôn. Kết hôn! Studer khịt mũi. Một tên như thế muốn kết hôn! Thế rồi xảy ra vụ giết Wendelin Witschi. Ai cũng biết ông già Ellenberger thường hay thích nhận những người mãn hạn tù vào làm việc trong vườn ươm của ông. Không chỉ vì họ là nhân công rẻ tiền, không phải, ông Ellenberger dường như cảm thấy dễ chịu khi ở gần họ. Vâng, ai cũng có một tính nết gàn dở, và không thể phủ nhận được là những tên tái phạm đều ăn ở khá tốt ở chỗ ông già Ellenberger… Và chỉ vì tên Schlumpf đổi một tờ tiền một trăm franc trong “Bären” vào tối thứ Tư thì hắn chắc chắn đã phải giết người cướp của hay sao?… Anh chàng đã giải thích như thế này: đó là số tiền dành dụm được, anh ta mang theo người… Vô lý!… Dành dụm!… Với sáu mươi xu tiền công một giờ? Tức là tròn một trăm năm mươi franc trong một tháng… Tiền thuê phòng ba mươi… Ăn uống? – Hai franc rưỡi một ngày cho một người lao động nặng là ít. Bảy mươi lăm với ba mươi là một trăm linh năm, giặt giũ quần áo năm franc – thuốc lá, hàng quán, khiêu vũ, cắt tóc, tắm rửa – mỗi tháng còn lại nhiều nhất là năm franc. Rồi hắn dành dụm được ba trăm franc tiền trong vòng hai năm? Không thể được! Mang số tiền đó theo người? Về mặt tâm lý là không thể có việc đó được. Những người như vậy không thể mang tiền trong túi mà không tiêu xài hết sạch… Ngân hàng? Có thể. Nhưng chỉ để trong ví tiền?… Và đúng là như vậy, tên Schlumpf mang theo trong người gần ba trăm franc. Không đúng ba trăm. Hai tờ một trăm và khoảng tám mươi franc. Studer nhìn vào biên bản giao người mà ông đã ký tên: “Ví tiền có: 282 franc 25”. Tức là… Mọi việc đều hợp lý. Thậm chí, cả lần cố bỏ trốn ở nhà ga Bern. Một lần cố bỏ trốn ngu xuẩn! Trẻ con! Nhưng hết sức dễ hiểu! Lần này thì đủ để tù chung thân… Studer lắc đầu. Và tuy vậy! Và tuy vậy! Có cái gì đó không đúng trong toàn bộ sự việc này. Lúc đầu thì chỉ là một ấn tượng, một cảm giác khó chịu nhất định. Rồi viên hạ sĩ điều tra rùng mình. Phòng giam này lạnh quá. Ông bác sĩ không tới ngay ư? Tên Schlumpf không muốn tỉnh dậy nữa sao?… Một hơi thở sâu nâng lồng ngực của người đang nằm lên, đôi mắt trợn tròn trở về lại vị trí bình thường và Schlumpf nhìn viên hạ sĩ. Studer bật lùi ra sau. Một cái nhìn không dễ chịu. Và bây giờ thì Schlumpf há miệng ra và hét lên. Một tiếng hét khàn khàn – hoảng sự, kinh hoàng… Có nhiều thứ ẩn chứa trong tiếng hét. Nó không muốn dừng lại. “Yên nào! Mày hãy yên đi!” Studer thì thầm. Tim ông bắt đầu đập nhanh. Cuối cùng thì ông làm điều duy nhất có thể được: ông đặt tay mình lên cái miệng đang to tiếng đó… “Nếu như mày yên”, viên hạ sĩ nói, “thì tao sẽ ở lại với mày một lúc, và mày có thể hút một điếu thuốc sau khi ông bác sĩ đi khỏi. Hử? Tao đến còn đúng lúc đó…” và cố mỉm cười. Nhưng nụ cười đó không có tác động lan truyền sang Schlumpf. Tuy ánh mắt của anh chàng dịu xuống, nhưng khi Studer lấy bàn tay của ông ra khỏi miệng, Schlumpf hỏi nhỏ: “Tại sao ông không để cho tôi treo cổ chết cho xong hả ông hạ sĩ?” Khó mà tìm được một câu trả lời đúng đắn cho câu hỏi này! Người ta có phải là mục sư đâu… Im lặng trong phòng giam. Chim sẻ ríu rít ở ngoài kia. Ở dưới sân, một bé gái hát với giọng nhỏ nhẹ: “Ôi, thiên thần yêu dấu ơi Nhành hương thảo yêu dấu ơi Anh vẫn trung thành với em…” Rồi Studer nói và giọng của ông khàn khàn: “Này, mày đã nói với tao là mày muốn kết hôn? Cô gái đó… vẫn chung thủy với mày chứ? Và nếu như mày nói mày vô tội, thì còn hoàn toàn chưa chắc chắn là mày sẽ bị kết án. Và mày cũng có thể nghĩ rằng cố tự tử là điều ngu xuẩn nhất mà mày có thể làm. Điều này sẽ được diễn giải như là lời nhận tội…” “Đó không phải là cố thử. Tôi thật sự đã…” Nhưng Studer không cần trả lời. Có tiếng chân bước đi dọc theo hành lang, viên cai tù Liechti nói: “Hắn ta ở trong đó, thưa ông bác sĩ”. “Đã khỏe lại rồi à?” ông bác sĩ nói và cầm lấy cổ tay của Schlumpf. “Hô hấp nhân tạo? Tốt!” Studer từ giường đứng dậy và dựa vào tường. “Thế đấy”, ông bác sĩ nói. “Chúng ta làm gì với hắn bây giờ? Tự mình làm hại bản thân! Tự tử! Ừ, việc này thì không phải là mới. Chúng ta sẽ yêu cầu chuyên gia thẩm định về tâm thần… Có đúng không?” “Ông bác sĩ, tôi không muốn vào nhà thương điên”, Schlumpf nói to và rõ ràng, rồi hắn ho. “Thế à? Thế tại sao không? Ừ rồi người ta có thể… Các anh chắc chắn là có phòng giam hai người chứ, Liechti, chuyển người đàn ông này vào trong đó để anh ta đừng ở một mình… Có được không? Tốt…” Rồi, nhỏ giọng, giống như người ta thì thào trong nhà hát, rõ ràng từng từ một: “Hắn ta đã phạm tội gì vậy?” “Án mạng Gerzensteiner!”, người cai tù cũng thì thào trả lời một cách rõ ràng như vậy. “À, à”, ông bác sĩ lo lắng gật đầu – ít nhất thì trông có vẻ như vậy. Schlumpf quay đầu nhìn sang người hạ sĩ. Studer mỉm cười, Schlumpf mỉm cười đáp lại. Họ hiểu nhau. “Thế vị này đây là ai?”, ông bác sĩ hỏi. Nụ cười của hai người khiến ông cảm thấy ngượng. Studer bước ra mạnh bạo tới mức ông bác sĩ lùi lại một bước. Viên hạ sĩ đứng nghiêm. Gương mặt trắng nhợt với cái mũi hẹp kỳ lạ không hợp cho lắm với thân thể hơi béo mập. “Hạ sĩ Studer thuộc Cảnh sát Tiểu bang!” Nghe thật chống đối và bướng bỉnh. “Vâng, vâng! Rất vui, rất vui! Và anh được giao nhiệm vụ điều tra vụ án này?” người bác sĩ tóc vàng cố gắng lấy lại sự tự tin của mình. “Tôi đã bắt anh ta”, Studer nói ngắn gọn. “Ngoài ra thì tôi muốn ở lại với anh ta thêm một lúc nữa, cho tới khi anh ta bình tĩnh trở lại. Tôi có thời gian. Mãi bốn giờ rưỡi mới có chuyến tàu kế tiếp về Bern…” “Tốt!”, ông bác sĩ nói. “Tuyệt! Cứ làm thế, hạ sĩ. Và tối nay thì các anh chuyển anh ta vào phòng giam hai người. Hiểu chưa, Liechti?” “Hiểu rồi, thưa bác sĩ”. “Chào mọi người”, ông bác sĩ nói và đội mũ lên. Liechti hỏi có cần đóng cửa không. Studer phẩy tay. Cửa mở hẳn là phương thức trị liệu hữu hiệu nhất đối với tù nhân bị bệnh tâm thần. Và tiếng bước chân nhỏ dần trên hành lang. Studer loay hoay đốt cọng rơm kéo ra từ điếu xì gà Brissago, đặt ngọn lửa vào đầu điếu xì gà đó, chờ cho tới khi khói tỏa ra ở phía trên và nhét nó vào miệng. Rồi ông lôi một gói nhỏ màu vàng ra khỏi túi, nói: “Đây, lấy một điếu đi!” Schlumpf rít hơi đầu tiên của điếu thuốc lá thật sâu vào phổi. Mắt của anh ta sáng lên. Studer ngồi xuống giường. “Ông hạ sĩ là một người tốt”, Schlumpf nói. Và Studer phải cố hết sức để nén xuống một cảm giác kỳ lạ ở cổ. Để xua đuổi nó đi, ông ngáp thật dài. “Thế đấy, Schlumpf”, rồi ông nói. “Bây giờ nghe đây này. Tại sao mày lại muốn tự tử?” “Thật khó diễn tả”, Schlumpf nói. Hắn không còn hứng thú với điều gì nữa. Và hắn quen cách làm việc của nhà nước rồi. Nếu bị bắt một lần rồi thì người ta không còn có thể thoát được nữa. Có tiền án! Và bây giờ thì đủ để ngồi tù chung thân… Và cô gái đó, cô gái mà ông hạ sĩ mới nhắc tới, chắc hẳn cũng không muốn chờ đợi. Cô ấy mà làm thế thì cô ấy thật là ngu ngốc đấy. “Ai là cô gái đó?” “Cô ấy tên là Sonja và là con gái của ông Witschi đã bị giết chết”. “Liệu Sonja có tin rằng mày đã giết chết người đó không?” Hắn không biết. Hắn đơn giản là bỏ đi, lúc đó, khi nghe được người ta đổ tội cho hắn. Làm thế nào mà người ta lại nghĩ là hắn ư? Ừ thì vì tờ một trăm franc mà hắn đã đổi trong quán “Leuen”. “Trong “Leuen”? Không phải trong “Bären”?” “Cũng có thể trong “Bären”. Tất nhiên là trong “Bären”! “Leuen” là một quán sang, chúng tôi đã biểu diễn nhân một dịp ở đó…” “Nhân dịp gì? Và ai đã biểu diễn?” “Nhân lễ thành hôn. Tên Buchegger chơi kèn clarinet, tên Schreier chơi dương cầm và tên Berttel chơi contrabass. Còn tôi thì chơi đàn hạc cầm tay…” “Schreier? – Buchegger? – Tao biết chúng nó đấy!” Studer cau mày. “Rất có thể!” Schlumpf nói, và một nụ cười mỉm xuất hiện trên khóe miệng anh chàng. “Tên Buchegger thường hay nói về ông và tên Schreier cũng vậy. Ông đã bắt hắn ba năm trước đây…” Studer cười to. Thế đấy! Người quen cũ! – Và bọn mày đã họp lại với nhau thành một ban nhạc đồng quê à? “Ban nhạc đồng quê?” Schlumpf ra vẻ phật lòng. “Không phải! Một ban nhạc jazz thật sự. Ông Ellenberger, ông thầy của chúng tôi, đã còn cho chúng tôi một cái tên tiếng Anh nữa đấy: “The Convict Band”! Có nghĩa là ban nhạc tù nhân…” Schlumpf trông có vẻ rất hài lòng khi nói về những chuyện không quan trọng. Nhưng khi người ta bắt đầu nói về án mạng thì hắn ta cố lái đi hướng khác. Studer đồng ý. Tên Schlumpf cứ nói sang chuyện khác nếu như hắn ta thích. Không thúc giục! Nó sẽ tự đến khi người ta có đủ kiên nhẫn… “Rồi bọn mày cũng chơi trong các làng chung quanh chứ?” “Tất nhiên rồi!” “Và kiếm được bội tiền?” “Nhiều…” Ngàn ngừ. Im lặng. “Thế này, Schlumpf, tao muốn tin là mày không giết ông Witschi – để cướp ví tiền của ông ấy. Mày đã dành dụm được ba trăm quan?” “Vâng, ba trăm franc tiền dành dụm…” Schlumpf ngước lên nhìn ra cửa sổ, thở dài, có lẽ vì bầu trời xanh biếc đến như thế. “Tức là mày muốn kết hôn với con gái của người đã bị giết chết? Cô ta tên là Sonja? Rồi cha cô ấy, họ có đồng ý không?” “Người cha thì đồng ý; ông Witschi nói: “Đối với tôi không có vấn đề gì”. Ông ấy thường tới thăm Ellenberger và ông ấy đã nói chuyện với tôi ở đó, người đã bị giết chết ấy, như ông nói… Ông ấy nói rằng tôi là một chàng trai tốt, và ngay cả khi tôi có tiền án, thì người ta cũng không nên phán xét tôi, và nếu tôi kết hôn với Sonja thì tôi sẽ không làm những việc ngu xuẩn nữa. Sonja là một cô gái tốt… Rồi ông thợ cả còn hứa giao cho tôi chức thợ trưởng làm vườn nữa, vì ông Cottereau đã già rồi và tôi thì làm việc giỏi…” “Cottereau? Có phải người này đã tìm thấy xác chết không?” “Vâng. Sáng nào ông ấy cũng đi dạo. Ông thợ cả để cho ông ấy muốn làm gì thì làm. Ông Cottereau quê ở vùng Jura, nhưng người ta không còn nhận ra ông là người lạ đến đây nữa. Hồi sáng thứ Tư, ông chạy vào vườn ươm và thuật lại rằng ông Witschi nằm trong rừng, bị bắn chết… Rồi ông thợ cả đã bảo ông ấy đến ngay trạm cảnh sát để báo tin”. “Mày làm gì sau khi nghe tin đó từ Cottereau?” “À”, tên Schlumpf nói, “thì tất cả họ đều sợ, vì người ta chắc hẳn là sẽ nghi ngờ họ, là những người có tiền án. Nhưng rồi, cả ngày hôm đó không có ai vào vườn ươm. Chỉ có ông Cottereau là không thể bình tĩnh trở lại được, cho tới khi ông thợ cả quát ông ấy, bảo là phải thôi không được ồn ào như thế nữa…” “Và mày đổi tờ một trăm franc vào tối thứ Tư trong quán “Bären”?” “Vào tối thứ Tư, vâng…” Im lặng. Studer đã để gói thuốc lá Parisienne nằm cạnh ông. Schlumpf lấy một điếu thuốc lá mà không hỏi trước, viên hạ sĩ đưa cho anh ta hộp diêm và nói: “Giấu cả hai thứ đi. Đừng để cho người ta bắt gặp!” Schlumpf mỉm cười biết ơn. “Khi nào thì bọn mày nghỉ làm trong vườn ươm?” “Sáu giờ. Chúng tôi làm một ngày mười tiếng”. Rồi Schlumpf sốt sắng thêm vào. “Nói chung là tôi rất thạo việc trong vườn ươm. Ông đốc công Tessenberg lúc nào cũng nói tôi thạo việc. Và tôi thích làm…” “Tao không quan tâm tới việc đó!” Studer cố tình nói một cách nghiêm khắc. “Sau khi hết giờ làm việc thì mày về làng, vào phòng của mày? Mày sống ở đâu?” “Ở chỗ gia đình Hofmann, trên đường Nhà Ga. Ông dễ dàng tìm thấy ngôi nhà này. Bà Hofmann là một người tốt… Bà có một tiệm đan giỏ”. “Tao không quan tâm tới việc đó! Mày ở trong phòng của mày, tắm rửa. Rồi mày đi ăn tối? Đúng không?” “Đúng thế”. “Thế này: nghỉ làm lúc sáu giờ”. Studer lôi một sổ ghi chép ra khỏi túi và bắt đầu viết lại. “Sáu giờ nghỉ làm, sáu rưỡi – bảy giờ kém mười lăm ăn tối…” Nhìn lên: “Mày ăn nhanh? Hay chậm? Lúc đó mày có đói không?” “Không đói lắm…” “Thế thì mày ăn nhanh và xong lúc bảy giờ…” Studer dường như nhìn trừng trừng vào quyển số ghi chú, nhưng mắt ông vẫn cử động, ông nhìn thấy những thay đổi trên gương mặt của Schlumpf và cắt ngang sự căng thẳng, bằng câu hỏi vô hại: “Mày đã trả bao nhiêu tiền cho bữa ăn tối?” “Một franc năm mươi. Trưa nào tôi cũng ăn xúp ở chỗ ông Ellenberger và mang theo bánh mì với pho mát. Ông Ellenberger chỉ lấy năm mươi xu cho đĩa xúp thôi, và vào bữa trưa thì ông ấy còn không lấy tiền nữa, vì ông Ellenberger lúc nào cũng tốt với chúng tôi, chúng tôi rất quý ông ấy, ông ấy nói năng lung tung, trông giống như một ông lão, không còn răng nữa, nhưng mà…” Schlumpf nói liền một hơi, như sợ bị ngắt lời. Thế nhưng lần này thì Studer không muốn sa vào chuyện tầm phào. “Mày làm gì vào tối thứ Tư từ bảy giờ đến tám giờ?” ông nghiêm khắc hỏi. Ông cầm cây bút chì giữa những ngón tay gầy và không ngẩng đầu lên. “Từ sáu tới bảy giờ ư?” Schlumpf thở nặng nhọc. “Không, từ bảy giờ đến tám giờ. Mày ăn tối xong vào lúc bảy giờ, mày đổi một tờ một trăm franc trong quán “Bären” vào lúc tám giờ. Ai đã đưa cho mày ba tờ một trăm franc?” Và Studer nhìn chằm chằm vào chàng trai. Schlumpf quay đầu sang một bên, bất thình lình, anh xoay người đi, giấu mắt vào trong khuỷu tay. Thân hình anh run rẩy. Studer chờ. Ông không phải là không hài lòng. Với những chữ cái nho nhỏ, ông viết vào trong quyển sổ: “Sonja Witschi” và đánh một dấu hỏi thật lớn ở phía sau hàng chữ đó. Rồi giọng của ông trở nên mềm mỏng hơn, khi ông nói: “Schlumpf, chúng ta sẽ giải quyết được vụ việc này. Tao đã cố tình không hỏi mày đã làm gì vào tối thứ Ba, tức là vào đêm trước vụ giết người. Nếu thế thì mày sẽ nói dối tao thôi. Và rồi chắc chắn là người ta sẽ ghi điều này vào hồ sơ, và tao cũng có thể hỏi bà chủ quán trọ của mày… Nhưng hãy nói cho tao biết: Sonja là một cô gái như thế nào? Cô ta là con một à?” Schlumpf ngẩng đầu lên thật nhanh. “Còn một người anh nữa. Armin!”. “Và mày không thích tên Armin này hả?”. Hắn đã có lần đập cho tên ấy một trận, Schlumpf nói và nhe răng ra như một con chó đang gầm gừ. “Tên Armin không muốn giao cô em gái cho mày phải không?” “Đúng vậy, và hắn thường xuyên cãi nhau với cha hắn. Ông Witschi rất hay phàn nàn về hắn…” “Thế đấy… Còn người mẹ?”. “Bà già đó lúc nào cũng đọc tiểu thuyết…” (“Bà già”, anh chàng này nói thiếu tôn trọng). “Bà ấy có họ hàng với ông trưởng làng Aeschbacher và ông ấy đã giao cho bà cái ki-ốt ở nhà ga. Bà ấy luôn ngồi ở đó và đọc truyện, trong khi ông bố thì đi bán dạo… Vâng, cũng không đúng là bán dạo. Ông ấy lái một chiếc mô tô đi bán sáp đánh bóng sàn nhà, cà phê… Và người ta cũng đã tìm thấy chiếc mô tô, ở gần đó, ở ngay cạnh đường…” “Thế đã thấy ông già Witschi nằm ở đâu?” “Cách đó một trăm mét, trong rừng, ông Cottereau thuật lại như vậy…” Studer vẽ linh tinh vào trong quyển sổ ghi chú của ông. Bỗng nhiên, ông nghĩ đến mình đang ở một nơi rất xa. Ông đang nghỉ ở trong ngôi làng ở vùng Oberaargau, nơi ông đã bắt giữ anh chàng này. Người mẹ ra mở cửa. Một người đàn bà kỳ lạ, người mẹ này của Schlumpf! Bà ấy không hề ngạc nhiên. Bà chỉ hỏi: “Nhưng hắn có còn được phép ăn sáng không?”… Một cô gái trẻ ở Gerzenstein, một người mẹ già ở Oberaargau… và giữa hai người này là anh chàng Schlumpf, – bị cáo buộc đã giết người… Điều quan trọng là quan tòa nào sẽ nhận lãnh vụ án này… Người ta phải nói chuyện với ông ấy. Có thể… Tiếng chân bước đến gần. Viên cai tù Liechti xuất hiện ở cửa và gương mặt đỏ hồng của hắn sáng óng ánh một cách hiểm ác. “Ồng hạ sĩ, quan tòa muốn nói chuyện với ông”. Nói xong, Liechti nhe răng cười trơ tráo. Dễ dàng đoán được nụ cười này có ý nghĩa gì. Một nhân viên điều tra đã vượt quá thẩm quyền của mình và bị mời lên đế nhận khiển trách đúng lúc. “Tạm biệt, Schlumpf!” Studer nói. “Đừng làm gì ngu xuẩn nữa nhé. Có cần tao gửi lời hỏi thăm đến Sonja không, khi tao gặp cô ấy? Có? Thế nhé, có thể tao sẽ đến thăm mày thêm một lần nữa đấy. Tạm biệt!” Và trong lúc Studer bước dọc theo những lối đi dài của lâu đài, ông không thể dứt ra khỏi ánh mắt và cũng không thể đoán được ánh mắt đó muốn nói gì, ánh mắt mà Schlumpf đã nhìn theo ông. Sự ngạc nhiên nằm trong đó, đúng thế, nhưng liệu có cả sự tuyệt vọng ảm đạm nằm trong đó hay không? VỤ ÁN WENDELIN LẦN THỨ NHẤT “Ô ng là…” (Hắng giọng.) “Ông là hạ sĩ Studer?” “Vâng”. “Hãy ngồi xuống!” Vị quan tòa nhỏ người, gầy, da vàng khè. Chiếc áo choàng của ông có độn trên vai và màu tím nâu. Ông thắt một chiếc cà vạt màu xanh dương của hoa cúc trên chiếc áo trắng bằng lụa. Có một huy hiệu được khắc vào trong chiếc nhẫn ấn tín thật to – ngoài ra thì chiếc nhẫn trông cũng đã cũ. “Hạ sĩ Studer, tôi muốn hỏi ông, một cách hết sức lịch sự, là ông thật ra đã có ý định gì? Làm sao ông có thể tự ý – tôi nhắc lại: Tự ý! Can thiệp vào trong một vụ án mà…” Vị quan tòa khựng lại và chính ông cũng không biết tại sao. Ngồi trước ông là một nhân viên điều tra bình thường, một người đàn ông đã nhiều tuổi, không có gì nổi bật: áo sơ mi cổ mềm, bộ vest tông xám đã mất form dáng vì cái thân thể bên trong nó quá béo mập. Người đàn ông có một gương mặt gầy, trắng nhợt, bộ ria mép che mất miệng nên người ta không biết chắc là người đàn ông này cười mỉm hay đang nghiêm nghị. Nhân viên điều tra này ngồi trên chiếc ghế, dạng hai đùi ra, đặt cẳng tay trên đùi và chắp hai tay lại… Chính ông quan tòa cũng không biết tại sao ông đột nhiên đổi giọng nói nhẹ nhàng hơn. “Hạ sĩ, ông phải hiểu là đối với tôi thì ông đã vượt quá thẩm quyền của mình…” Studer gật đầu và gật đầu: tất nhiên rồi, thẩm quyền!… “Vì lý do gì mà ông lại đến thăm Schlumpf Erwin thêm một lần nữa sau khi đã bàn giao theo đúng quy định? Tôi thừa nhận chuyến đến thăm của ông rất đúng lúc – nhưng điều này không nói lên rằng nó nằm trong phạm vi thẩm quyền của cảnh sát điều tra. Vì, ông hạ sĩ, ông làm việc đã đủ lâu để biết rằng việc cộng tác của nhiều cơ quan khác nhau chỉ mang lại thành quả khi bất cứ ai cũng giữ đúng ranh giới phạm vi thẩm quyền của người đó…” Không phải một lần, không đâu, ba lần từ thẩm quyền… Studer hiểu sự việc. Có thuận lợi rồi đây, ông nghĩ thầm, những người lúc nào cũng bước ra với thẩm quyền không phải là những người độc ác nhất. Người ta chỉ cần thân thiện với họ, đối xử nghiêm túc với họ, thì họ sẽ chiều theo ý của mình… “Tất nhiên rồi, thưa quan tòa”, Studer nói và giọng nói của ông thể hiện sự dịu dàng và tôn trọng, “tôi biết là tôi thật sự, thật sự đã vượt quá thẩm quyền của tôi. Quan tòa khẳng định hết sức đúng đắn, lẽ ra tôi đã phải dừng lại sau khi bàn giao tù nhân Schlumpf Erwin. Nhưng rồi – vâng, thưa quan tòa, con người mềm yếu – rồi tôi nghĩ rằng vụ án này không rõ ràng như tôi nhận định lúc ban đầu. Có thể, tôi nghĩ vậy, cần phải điều tra thêm về vụ án này và có thể là tôi sẽ được nhận trách nhiệm tiến hành việc đó, vì thế nên tôi muốn hiểu thấu đáo…” Ông quan tòa dịu xuống thấy rõ. “Nhưng mà này, hạ sĩ”, ông nói, “vụ đấy đã rõ hoàn toàn rồi. Và cuối cùng, nếu như tên Schlumpf ấy đã chết vì treo cổ tự tử thì tai nạn đó cũng không lớn lắm – tôi thì thoát được một vụ việc không dễ chịu và nhà nước không cần phải gánh chịu phí tổn tòa án…” “Tất nhiên rồi, thưa quan tòa. Nhưng với cái chết của Schlumpf thì toàn bộ vụ án này có thật sự được giải quyết hay không? Vì chẳng bao lâu nữa thì chính quan tòa cũng sẽ phát hiện ra rằng tên Schlumpf này là vô tội”. Thật ra, lời khẳng định như vậy là một sự táo tợn. Nhưng giọng nói của Studer kính cẩn, cầu khẩn sự tán thành mức người đàn ông với chiếc nhẫn ấn tín có trang trí bằng huy hiệu không có thể làm gì khác được ngoài gật đầu đồng ý. Tường của căn phòng được ốp gỗ nâu, và vì các cửa chớp trước các cửa sổ đều được đóng kín nên không khí óng ánh giống như vàng sẫm màu. “Hồ sơ của vụ án”, vị quan tòa nói, với vẻ không quả quyết. “Hồ sơ của vụ án… Tôi còn chưa có nhiều thời gian để xem xét… Ông chờ chút…” Bên phải ông ấy có năm tập hồ sơ được chất chồng lên nhau. Tập hồ sơ ở dưới cùng, mỏng nhất, là hồ sơ của vụ án. Trên tờ bìa các tông màu xanh dương có hàng chữ: SCHLUMPF ERWIN GIẾT NGƯỜI “Rất đáng tiếc”, Studer nói và ra vẻ vô tội. “Rất đáng tiếc là trong thời gian vừa qua người ta đã nghe được nhiều điều về những vụ điều tra thiếu sót. Và vì vậy mà có lẽ tốt hơn là nên đưa ra những biện pháp cần thiết để phòng ngừa các vấn đề về pháp lý, ngay cả với một vụ đã rõ ràng như thế này rồi…” Trong thâm tâm, ông đang cười: anh mang thẩm quyền ra nói chuyện với tôi thì tôi mang vấn đề pháp lý ra nói chuyện với anh. Ông quan tòa gật đầu. Ông đã lôi một cái kính mắt gọng sừng ra khỏi bao, đặt nó lên mũi. Bây giờ ông trông giống như một diễn viên phim hài buồn rầu. “Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, hạ sĩ. Nhưng ông phải nghĩ rằng đây là lần điều tra trọng án đầu tiên của tôi, vì vậy nên năng lực của ông trong vụ việc này tất nhiên là…” Ông không nói tiếp được nữa. Studer giơ tay cản lại. Nhưng ông quan tòa không quan tâm tới cử động đó. Ông có hai bức ảnh trên tay và đưa chúng ngang qua bàn: “Ảnh chụp hiện trường…”, ông nói. Studer xem xét các bức ảnh. Chúng không tệ, mặc dù không được chụp bởi một người có chuyên môn, được đào tạo về hình sự học. Trên cả hai tấm hình, người ta nhìn thấy tầng cây thấp của một khu rừng thông và trên mặt đất – các tấm ảnh rất sắc nét, có một thân hình tối đen nằm sấp. Phía bên phải ở sau cái đầu hói, cách vành tai độ chừng ba ngón tay, nằm ngay trên một vòng tóc thưa thớt che mất một phần cổ áo của chiếc áo choàng, có thể nhìn thấy một cái lỗ tối đen. Trông khá ghê sợ. Nhưng Studer đã quen với những bức ảnh như vậy rồi. Ông chỉ hỏi: “Túi trống rỗng à?” “Ông chờ chút, tôi có báo cáo của hạ sĩ cảnh sát Murmann…” “À”, Studer ngắt ngang, “Murmann có mặt ở Gerzenstein. Thế đấy, thế đấy!” “Ông biết ông ấy à?” “Biết chứ, biết chứ. Một đồng nghiệp cũ của tôi. Tôi đã không gặp ông ấy nhiều năm rồi. Murmann viết những gì?” Quan tòa lật tờ giấy lại, rồi ông lầm bầm nói ngắt quãng. Studer nghe được: “… xác chết đàn ông nằm sấp… lỗ đạn ở phía sau tai phải… đầu đạn nằm lại trong đầu… có lẽ từ một khẩu Browning 6,5…” “Ông ấy rất am tường về vũ khí, ông Murmann!” Studer nhận xét. “… túi rỗng…”, ông quan tòa nói. “Cái gì?” câu hỏi hết sức gay gắt. “Ông có một cái kính lúp ở đây không?” Phép lịch sự đã biến mất khỏi giọng nói của Studer. “Một cái kính lúp? Có. Ông chờ chút. Đây…” Im lặng trong vài khoảnh khắc. Qua một khe cửa chớp, một tia nắng chiếu vào đúng mái tóc của Studer. Vị quan tòa lặng lẽ quan sát người đàn ông đang ngồi trước mặt, tấm lưng rộng, tròn, và mái tóc đã bạc, sáng óng ánh như làn da của con ngựa bạch có đốm đen. “Thật là buồn cười”, hạ sĩ Studer nói nhỏ. (Trên tấm hình của một người bị giết chết thì có gì mà buồn cười kia chứ! Ông quan tòa nghĩ thầm). “Cái áo choàng hoàn toàn sạch sẽ ở trên lưng…” “Sạch ở trên lưng? Thế thì sao?” “Và túi thì rỗng”, Studer nói ngắn gọn, giống như mọi việc đã được giải thích qua đó. “Tôi không hiểu…” ông quan tòa tháo chiếc kính xuống và dùng chiếc khăn tay của ông để chùi các tròng kính. “Nếu…”, Studer nói và dùng cái kính lúp gõ nhẹ xuống bức ảnh. “Nếu ông tưởng tượng là người đàn ông này bị tấn công một cách xảo quyệt ở trong rừng, rằng có người đã bắn gục ông ấy ở phía sau, tư thế của xác chết cho thấy điều đó, rằng người đàn ông này đã ngã sấp mặt về phía trước. Có đúng không? Tức là ông ta nằm sấp, không cử động nữa. Nhưng mà túi của ông ấy thì rỗng. Người ta trút rỗng túi vào lúc nào?” “Kẻ tấn công có thể ép buộc ông Witschi phải giao ví tiền…” “Ít có khả năng… Biên bản khám nghiệm tử thi nói gì, thời điểm chết được phỏng đoán là vào lúc nào?” Ông quan tòa sốt sắng lật tập hồ sơ, giống như một cậu học trò rất muốn nhận được điểm tốt từ người thầy. Thật kỳ lạ, các vai trò đã thay đổi nhanh chóng. Studer vẫn ngồi trên chiếc ghế không mấy dễ chịu, cái ghế mà chắc chắn dành cho tù nhân được dẫn ra đây, và tuy vậy, nhìn vẫn giống như ông đã nắm trọn vụ này trong tay… “Biên bản khám nghiệm tử thi”, bây giờ ông quan tòa nói, hắng giọng, chỉnh lại kính mắt và đọc: “xương chẩm bị đập vỡ… não giữa… kẹt lại trong vùng bên trái… Nhưng ông đâu muốn biết hết tất cả những điều đó… Đây… chết độ chừng mười tiếng đồng hồ trước khi xác chết được tìm thấy… Đó là điều ông muốn biết, có đúng không hạ sĩ? Xác chết được Jean Cottereau, thợ trưởng trong vườn ươm Ellenberger, tìm thấy trong khoảng thời gian từ bảy giờ rưỡi cho tới tám giờ kém mười lăm… Tức là án mạng xảy ra vào lúc khoảng mười giờ tối”. “Mười giờ? Tốt. Ông tưởng tượng ra cảnh đó như thế nào? Ông già Witschi trở về từ một chuyến đi, ông ta bình thản chạy trên chiếc Zehnder của mình về nhà. Bỗng nhiên ông bị chặn lại… Ngay từ lúc này đã có nhiều điều không rõ ràng. Tại sao ông ta lại xuống xe? Ông ta có sợ điều gì không?… Chúng ta cứ cho rằng ông ấy bị ai đó chặn lại. Tốt, ông ấy bị ép buộc phải dựa chiếc xe vào một thân cây, người ta đẩy ông vào rừng… Tại sao kẻ tấn công không lấy ví tiền ở ngay trên đường rồi biến đi?… Không! Hắn ép ông Witschi đi một trăm mét – đó là một trăm mét có phải không? – vào trong rừng với hắn. Bắn hạ ông ấy từ ở phía sau. Người đàn ông ngã sấp xuống… Ông có muốn nói cho tôi biết, thưa ông quan tòa, khi nào thì người ta lấy chiếc ví với ba trăm franc đã biến mất ra khỏi túi của ông ấy không?” “Ví tiền? Ba trăm franc? Ông chờ chút, hạ sĩ. Tôi phải xem đã…” Yên lặng. Một con ruồi bay vù vù. Studer gần như không cử động, đầu của ông vẫn cúi xuống. “Ông nói đúng… Bà Witschi nói rằng vào buổi sáng chồng bà đã nói với bà, có lẽ tối hôm đó ông sẽ mang về một trăm năm mươi franc. Có nhiều hóa đơn đã tới hạn trả. Ông ta còn có một trăm năm mươi franc… Điều tra qua điện thoại cho thấy có hai khách hàng của Witschi thật sự đã thanh toán hóa đơn của họ. Một hóa đơn một trăm franc, hóa đơn kia năm mươi…” “Một hóa đơn một trăm và hóa đơn kia năm mươi? Kỳ lạ…” “Tại sao kỳ lạ?” “Vì tên Schlumpf có ba tờ một trăm franc. Một tờ hắn đã đổi ở trong quán “Bären” và hai tờ tôi đã tịch thu từ hắn. Chiếc ví đang ở đâu rồi?” “Ông nói đúng đó, hạ sĩ. Vụ này có vài điểm đen tối…” “Điểm đen tối!” Studer nhún vai. Một người đàn ông không dễ chịu, ông quan tòa nghĩ thầm, ông bối rối giống như thời ông còn đi thi cử. Có lẽ người hạ sĩ này thích được tâng bốc… Vì vậy mà ông nói: “Hạ sĩ, tôi nhận thấy ông được đào tạo về hình sự học thực hành còn hơn cả tôi nữa…” Studer lầm bầm điều gì đó. “Ông muốn nói gì?” ông quan tòa đặt bàn tay lên vành tai, giống như ông không muốn mất một từ nào của người đang ngồi đối diện. Bất chợt, Studer dường như đã quên mất mình đang ở đâu. Vì ông ấy đang loay hoay châm một điếu Brissago. “Ông không thích hút thuốc lá hơn sao?” Ông quan tòa rụt rè đánh bạo hỏi, vì ông ấy căm ghét mùi của Brissago. Ông đưa cho viên hạ sĩ một cái hộp qua bàn. Studer lắc đầu từ chối, “Ông, hạ sĩ Studer, mà ngậm thuốc điếu với đầu ngậm ư!”… Ông quan tòa hỏi trong sự lặng thinh: “Ông đã thu nhận được những kiến thức thực tế ở đâu vậy, ông Studer?” Nhưng đến cả lần thay đổi cách xưng hô này – ông Studer thay vì hạ sĩ cũng không thể lôi người đàn ông đang im lặng đó ra khỏi dòng suy nghĩ trầm tư. “Với kiến thức của ông, tại sao ông lại không thăng tiến được lên tới ít nhất là thiếu úy cảnh sát?” Studer giật bắn người: “Cái gì?… Ông nói gì?… Ông có một cái gạt tàn không?” Ông quan tòa mỉm cười và đẩy một cái bát bằng đồng thau qua bàn. “Thời trước, tôi đã làm việc cho Giáo sư Groß ở Graz. Tại sao tôi lại không thăng chức ư? Ông có biết không, tôi đã trắng tay tại một vụ ngân hàng. Lúc đó, tôi là ủy viên thanh tra của Cảnh sát thành phố… Vâng, và trong thời chiến… Sau vụ ngân hàng đó tôi bị thất sủng và lại phải bắt đầu lại từ đầu… Có những việc như vậy đấy… Nhưng điều mà tôi muốn nói là: Ông định xử lý vụ việc này như thế nào? Ông sẽ tiến hành những bước nào?” Ban đầu, ông quan tòa muốn chỉ rõ vị thế của người đàn ông này cho ông ấy biết, nói rõ cho ông ấy, ở đây chính ông mới là người ra lệnh, ông mới là người chịu trách nhiệm cho công cuộc điều tra… Nhưng, ông đã vứt bỏ cơn giận. Ánh mắt của Studer ẩn chứa một cái gì đó đầy sự chờ đợi sợ sệt… Vì vậy mà ông nói tương đối hòa hoãn: “Ừ thì như lệ thường, tôi nghĩ thế. Mời gia đình Witschi đến đây hầu tòa, thợ cả của… của… bị cáo…” “Schlumpf Erwin”, Studer ngắt lời, “có tiền án vì lẻn vào nhà ăn trộm, trộm cắp và các vi phạm nhỏ khác…” “Hoàn toàn đúng. Thật ra thì là một cá nhân mà người ta có thể nghĩ rằng hắn có nhiều khả năng đã phạm tội, có đúng không?” “Cũng… có thể…” Ngưng. “Nhưng cả một người có tiền án cũng không có phép ảo thuật… Và tên Schlumpf sẽ không mở miệng đâu… Ông có hỏi bao lâu cũng vậy. Hắn sẽ để cho người ta gửi hắn chung thân đến Thorberg – và một khi hắn ở đó thì hắn sẽ lại treo cổ tự tử. Thật ra thì rất tiếc cho anh ta… Vâng, tiếc cho hắn…” “Tính nhân đạo của ông thật đáng khen ngợi, ông Studer, nhưng mà… Chúng ta phải tiến hành một cuộc điều tra, có phải không?” “Vâng, vâng… À này, xác chết có còn ở Gerzenstein không?” Ông quan tòa lại lật trong tập hồ sơ. “Xác chết đã được giao cho Viện Pháp y vào tối thứ Tư rồi. Ông thị trưởng của Roggwil đã chỉ thị như vậy…” Studer đếm ngón tay: “Xác chết được phát hiện vào thứ Tư, ngày ba, tháng Năm, vào lúc bảy giờ rưỡi. Khám nghiệm tử thi lần đầu tiên vào buổi trưa bởi bác sĩ… bác sĩ… Ông ấy tên là gì nhỉ?” “Bác sĩ Neuenschwander”. “Neuenschwander. Tốt. Tối thứ Tư, Schlumpf đổi tờ một trăm trong quán “Bären”. Thứ Năm chạy trốn. Hôm nay, thứ Sáu, tôi bắt hắn ở chỗ mẹ hắn. Xác chết được mang vào Viện Pháp y lúc nào?” “Tối thứ Tư…” “Ông nghĩ khi nào chúng ta có thể sẽ nhận được báo cáo từ viện?” “Tôi nghĩ chúng ta có thể đưa xác chết ra để hỏi bị cáo. Ông nghĩ như thế nào?” Câu hỏi lịch sự, nhưng trong lúc đó, ông quan tòa nghĩ thầm: Giá như tên này nhanh nhanh đi khỏi đây, điếu Brissago hôi hám quá, hắn lại thúc bách, mình sẽ khiếu nại ở cơ quan, nhưng mà giúp ích được gì kia chứ? Nếu thế thì mình cũng không thoát khỏi hắn ta nhanh hơn được. Tức là chúng ta cứ phải thân thiện… “Hỏi hắn?” Studer nhắc lại. “Để hắn lại cố trốn đi thêm lần nữa?” “Cái gì? Hắn đã muốn bỏ trốn? Còn ông thì không nói gì về việc này với tôi?” Studer nhìn quan tòa với đôi mắt bình thản, ông nhún vai. Người ta phải trả lời như thế nào cho những câu hỏi như vậy chứ? “Tôi muốn nói thẳng với ông, thưa quan tòa”, Studer bất ngờ nói, và giọng nói của ông hồi hộp, trầm, giống như bị nghẽn lại một cách kỳ lạ. “Chúng ta nói loanh quanh đã đủ rồi. Ông nghĩ là tên điều tra viên già nua, bị thất sủng này muốn làm ra vẻ quan trọng. Hắn ta thúc bách. Nhưng mà tôi sẽ cho hắn biết tay. Chiều tối ngày hôm nay, ngay sau khi hắn đi khỏi, tôi sẽ gọi cho giám đốc sở cảnh sát và than phiền…” Im lặng. Ông quan tòa có một cây bút chì trong tay và vẽ chậm vòng tròn trên tờ giấy. Studer đứng dậy, nắm lấy lưng ghế, quay nó ra phía trước ông, chống tay lên lưng ghế – điếu Brissago tỏa khói giữa hai ngón tay – và rồi ông nói: “Tôi muốn nói với ông điều này, thưa quan tòa. Tôi sẽ đưa đơn xin từ chức, nếu như vụ này không được điều tra theo như tôi mong muốn. Nhưng rồi khi mà tôi đã từ chức, thì tôi có thể làm những gì tôi thích. Sẽ thú vị đấy. Tôi đã hứa với tên Schlumpf là tôi sẽ nhận vụ việc của hắn…” “Ông đã trở thành người biện hộ rồi à, hạ sĩ?” Ông quan tòa xen vào một cách chế nhạo. “Không. Nhưng tôi có thể thuê một người. Một người sẽ vứt bỏ toàn bộ cáo trạng – trong phiên xử tại tòa. Nếu ông thích như thế hơn? Nhưng ông phải tưởng tượng cho thật sống động đấy nhé! Ông sẽ được bên biện hộ gọi ra như là nhân chứng, và rồi người ta sẽ liệt kê cho ông nghe tất cả các sai phạm trong cuộc điều tra… Ông có thích điều đó không?” Gã này hoàn toàn điên rồi! Ông quan tòa nghĩ thầm. Thật là một tên bẩn tính! Tại sao người ta lại cử đúng tên Studer này đi bắt người kia chứ! Một gã tôn thờ sự công bằng cho tới cuồng tín! Còn có những người như vậy! Mình đã nhân nhượng cả thời gian vừa rồi… Người đàn ông này có thể đọc được ý nghĩ của người khác à? Câu chuyện ngu xuẩn! Và nếu như tên Schlumpf này vô tội thì rồi có thể có một xì căng đan, nhiều người bị nghi ngờ. Tốt hơn là mình nên làm việc với gã này… Ông lớn tiếng nói: “Vô lý quá, hạ sĩ. Tôi chỉ biết chút về vụ việc này thôi. Đe dọa hả? Tại sao ông lại phải dùng đến biện pháp mạnh ngay lập tức như thế chứ? Tôi có từ chối không nghe ông trình bày hay không? Ông nóng nảy quá, ông Studer. Chúng ta có thể bình tĩnh bàn thảo về vụ việc này kia mà. Ông nhạy cảm quá đấy, hạ sĩ, tôi thấy như vậy, nhưng ông phải nghĩ rằng cả những người khác thỉnh thoảng cũng có thần kinh của họ…” Ông quan tòa chờ đợi, và trong lúc chờ, ông nhìn chằm chằm vào điếu Brissago đang bốc khói trong tay của Studer. “Thế à!” Studer bất thình lình nói. “Tức là…” ông đi tới cửa sổ, đẩy cửa chớp ra và quẳng điếu Brissago ra ngoài. “Đúng ra là tôi đã phải nghĩ đến điều đó. Những người như ông… Lý do nào? Tôi đã cảm thấy là ông không thích tôi điều gì đó, và đã nghĩ rằng đó là vì tên Schlumpf… Và rồi thì chỉ là điếu Brissago?” Studer cười to. Con người kỳ lạ! ông quan tòa nghĩ thầm. Hiểu rất nhiều điều! Mùi khói thuốc Brissago! Một thứ như vậy có thể tạo ra bầu không khí thù địch ư?… Studer nói giống như nhập vào dòng suy nghĩ này: “Kỳ lạ. Thỉnh thoảng, chỉ vì một thói quen nhỏ mà người ta gây khó chịu cho người khác: ví dụ như hút một điếu xì gà rẻ tiền. Ở tôi thì lại là những điếu thuốc lá đắt tiền có đầu ngậm vàng…” Và lại ngồi xuống: “Thế đấy, thế đấy”, ông quan tòa chỉ nói vậy. Nhưng trong thâm tâm thì ông cảm thấy kính phục Studer, người đọc được ý nghĩ của người khác. Và rồi ông nói: “Bây giờ tôi muốn cho gọi tên Schlumpf ra đây, người được ông bảo trợ. Ông muốn có mặt trong lúc đó không?” “Có chứ. Rất thích. Nhưng xin ông làm ơn…” “Vâng, vâng”, ông quan tòa mỉm cười, “tôi sẽ đối xử với hắn để hắn không lại tự treo cố mình lên, ít nhất là trong thời gian này… Tôi cũng có thể đối xử khác đi… Và tôi muốn nói chuyện với bên công tố. Nếu như cần có thêm một cuộc điều tra nữa thì chúng tôi sẽ yêu cầu ông…” BI DA VÀ NGHIỆN RƯỢU S tuder thúc thật mạnh. Viên bi màu trắng lăn trên tấm vải màu xanh, chạm viên bi đỏ, đập vào băng và lao trượt qua viên bi trắng thứ hai chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Studer dựng cây cơ xuống mặt đất, chớp mắt và bực mình nói: “Hơi ít ép phê”. Và ngay trong khoảnh khắc này, ông nghe được giọng nói trầm và to đó lần đầu tiên, cái giọng rồi ông sẽ còn thường xuyên nghe được. Giọng đó nói: “Cứ tin tôi đi, trong vụ Witschi thì không phải tất cả đều đã rạch ròi đâu; cứ tin tôi đi, vụ này có điều gì đó không đúng… anh cũng biết thế. Việc mà họ đã bắt tên Schlumpf…” Studer không thể hiểu nhiều hơn. Sự im lặng đang lờ lững trên gian phòng chợt vỡ tan ra trong khoảnh khắc này, tiếng ồn của các câu chuyện lại tiếp tục. Studer quay người lại và nhìn chằm chằm vào người đàn ông với giọng nói trầm và to kỳ lạ đó. Người này cao, với một gương mặt gầy đầy nếp nhăn, ông ta ngồi trong một góc của quán cà phê, cạnh cái bàn nhỏ với một người đàn ông thấp và mập mạp. Ông mập gật đầu, gật đầu liên tục, trong khi người đàn ông già gầy ốm chống khuỷu tay và vừa giơ ngón tay trỏ ra vừa tiếp tục nói. Đôi môi hầu như không thể nhìn thấy được – người đàn ông này chắc phải mất hết răng rồi. Bây giờ, ông già hạ tay xuống, lơ đãng nâng ly lên miệng, bất ngờ thấy nó đã cạn: thế là một nụ cười hết sức mềm mại đã làm vỡ tan cái miệng cứng rắn, giống như một người mỉm cười tự trào bản thân mình. “Rösi”, ông nói với cô hầu bàn đang đi ngang qua, “Rösi, thêm hai ly nữa”. “Vâng, thưa ông Ellenberger”. Cô hầu bàn tóc đỏ để cho ông vuốt ve bàn tay. Cô trông giống như một con mèo rất thích kêu gừ gừ, nhưng lại đang trên đường đi tìm một chốn yên tĩnh để có thể làm việc đó mà không bị quấy rầy. “Đến phiên anh…”, người chơi cùng với Studer, công chứng viên Münch, mặc một cái áo cổ cao và cứng quanh cái cổ mập của ông ấy. Và trong khi Studer nheo mắt xem xét vị trí của các viên bi thì ông luôn suy nghĩ. Ellenberger? Ellenberger? Và nói về vụ Witschi? Và trong khi tiếp tục suy nghĩ, liệu đây có chắc là ông Ellenberger đó, chủ vườn ươm ở Gerzenstein hay không, ông chủ của Schlumpf, thì tất nhiên là ông đánh trật, ông đã không thoa đủ phấn, đầu cây cơ nhảy bật tung thật cao khỏi viên bi. Tấm nỉ bọc bàn bi da, với cây đèn rất sáng, được che lại chỉ để cho chiếu xuống dưới, phát ra một thứ ánh sáng xanh vào trong không khí và mang lại cho làn khói đang nhẹ nhàng lờ lững trong phòng một màu sắc kỳ lạ. Một tiếng cười, nghe giống như tiếng quạ kêu, đến từ bàn của ông già Ellenberger, nhưng không phải ông già cười mà là người đi cùng ông, ông mập, lùn. Và trong sự im lặng đến theo sau tiếng cười, Studer nghe ông già Ellenberger nói: “Ừ, tên Witschi, hắn không ngu đâu. Nhưng mà tên Aeschbacher chỉ là một con bê hai ngày tuổi…” “Chuyện gì thế, Studer?” công chứng viên Münch hỏi. Không có câu trả lời. Vụ Witschi dường như bị nguyền rủa thật rồi. Lúc này đây, Studer muốn quên nó ít nhất là trong buổi tối nay. Nhưng mà tất nhiên rồi: người ta vào quán cà phê chơi bi da, và tên Ellenberger này cũng phải ngồi đúng ở đây và nói thật to về vụ Witschi. Nơi này không còn yên tĩnh nữa… Cái lưng của người bị giết chết trên bức ảnh… Cái lưng không có một cái lá kim cây thông nào bám lại ở trên đó… vết thương ở sau đầu… Những cái tên hài hước của các thành viên trong gia đình… Người cha tên là Wendelin, người con gái Sonja, đứa con trai Armin. Người mẹ có lẽ tên là Anastasia?… Tại sao không? Witschi… Họ này nghe giống như tiếng chim sẻ hót. Wendelin Witschi, bán dạo trên chiếc xe Zehnder và bị bắn chết trong một khu rừng… Người vợ Witschi, ngồi trong một ki-ốt ở nhà ga và đọc tiểu thuyết… Và trong khi Studer chống cây cơ đứng nhìn lượt chơi của công chứng viên, người mà hôm nay dường như đang có hứng thú cao độ, thì ông lại nghe được giọng trầm dễ chịu đó nói: “Schlumpf của chúng ta làm gì chứ? Cậu nghĩ thế nào, Cottereau? Họ hẳn là đã tóm được hắn rồi, mấy tên cớm đấy?” Từ “cớm” khiến cho Studer phải giật mình, ông đã chai lì với sự chế nhạo mà ông phải hứng chịu khi là một nhân viên điều tra. Duy nhất cái từ khốn kiếp này với chữ “ớ” khó chịu là làm cho ông nổi điên lên. Nghe giống như bị nhồi nhét đầy bụng, ông đã có lần nói với vợ ông như thế. Và bây giờ, khi ông nghe từ này phát ra từ miệng của ông già Ellenberger, người ông xoay giật lại, và ông nhìn trừng trừng vào người đàn ông đó. Ông nhìn vào một đôi mắt, và ánh mắt này không mấy dễ chịu. Studer không chịu được ánh mắt đó lâu. Ellenberger có đôi mắt kỳ lạ: chúng trông rất lạnh lùng, đồng tử có dạng một cái khe giống như ờ loài mèo. Tròng mắt màu xanh dương lẫn màu xanh lá cây, rất sáng. “Có muốn chơi tiếp để gỡ lại không?” công chứng viên Münch hỏi. Ông đã lặng lẽ đi một loạt cơ tới bây giờ mới xong. Studer lắc đầu. “Anh có biết người đó không?” ông hỏi và dùng ngón cái chỉ qua vai. Ông công chứng Münch nhô đầu ra khỏi cái cổ áo cao. “Ông già đó hả? Người đang ngồi chung với ông mập ấy? Hẳn rồi!… Đó là Ellenberger. Hôm nay ông ta đã đến gặp tôi. Vì một người tên là Witschi… À, anh đã nghe về những người này rồi kia mà. Ông Witschi đã bị giết trước đây vài ngày, ông ta còn thiếu tiền Ellenberger… Tôi cũng đã có lần nhìn thấy Witschi…” Công chứng viên Münch im lặng và dùng bàn tay phải, trông giống như một cái vây cá, để làm những cử chỉ xoa dịu. Và khi Studer quay lại thì ông nhìn thấy ông già Ellenberger đang vẫy tay chào ông công chứng và bước lại gần. Münch đi ngang qua căn phòng. Ở bên kia, cạnh cái bàn tròn, ông bắt tay ông Ellenberger già và vẫy tay gọi Studer đến. Ông hạ sĩ được giới thiệu, rồi mới biết rằng cả hai người, Ellenberger và Studer, đã nghe nói về người kia. Tay của Ellenberger đầy những vết chấm có màu khiến cho người ta nhớ tới màu của tàn lá một cây sồi khô cằn. “Ông đã cảm thấy bị xúc phạm phải không, hạ sĩ Studer, khi tôi nói từ “cớm” mới đây? Tôi đã nhìn thấy ông giật người như một con ngựa non nghe tiếng roi quất”. “Cũng giống như những người làm vườn”, Studer nói, “không thích nghe người ta gọi mình là “dân trồng cỏ dại”. Có đúng không?” Ông Ellenberger cười, một tiếng cười trầm giọng bass, nheo mắt đầy nếp nhăn, ngậm môi vào giữa những cái nướu răng và im lặng. Gương mặt của ông bất động một lúc lâu; nó trông hết sức già nua và lố bịch. Họ ngồi quanh cái bàn nhỏ chật chội. Bên cạnh họ là cái cửa sổ được mở tung ra, trời oi bức, một ngọn gió nóng lướt qua, bên ngoài bầu trời được trét một lớp thuốc mỡ màu xám độc hại. Cô hầu bàn không gọi mà đặt bốn ly bia cao lên bàn. “Chúc sức khỏe”, Studer nói, nâng ly lên, uống cạn rồi đặt xuống. Bọt trắng bám vào bộ râu mép của ông. “Àaaa…” Dùng ngón cái và ngón trỏ, ông Ellenberger để cho cái ly của mình chậm chạp nhảy múa trên miếng lót bằng các tông. Rồi đột nhiên ông hỏi: “Ông có biết gì về tên Schlumpf không?” “Đã bắt giữ hắn sáng nay…”, Studer nói nhỏ. “Ở đâu?” “Ở nhà mẹ hắn”. Im lặng. Ông già Ellenberger lắc đầu, giống như có điều gì đó còn chưa rõ. “Bọn cớm… Những người điều tra không phải lúc nào cũng làm việc cho tốt đẹp đâu. Bắt con trai ở chỗ người mẹ… Tên đấy, bản thân hắn thì chỉ thích ghép mắt hoa hồng, hay nhiều lắm là cày đất trong mùa đông thôi”. Công chứng viên Münch ngượng ngùng gõ mấy ngón tay lên mặt bàn bằng đá hoa cương và loay hoay xoay chiếc vòng ở cổ ông. Người đàn ông thấp, mập mạp, tên là Cottereau và là người thợ trưởng vườn ươm đó, người đã phát hiện ra xác chết, ông xì mũi vào một cái khăn tay to màu đỏ. Studer để cho sự yên lặng nằm trên bàn và nhìn ngang qua ông già Ellenberger ra cửa sổ. “Thế nào rồi? Tên Schlumpf thế nào rồi?” ông già hỏi đầy oán giận. “Ô”, Studer bình thản nói, “hắn đã treo cổ tự tử rồi”. Viên công chứng chắt lưỡi thật to, ông sững sờ nhìn người bạn Studer, nhưng Ellenberger thì đứng phắt dậy, chống hai nắm đấm lên bàn và hỏi thật to: “Ông nói gì? Ông nói gì?” “Vâng”, Studer hòa hoãn nhắc lại, “hắn đã treo cổ tự tử rồi. Dường như ông như rất quan tâm đến hắn?” “Không phải thế!” Ellenberger tránh né. “Tôi không phải là không thích hắn. Hắn đã cư xử tốt ở chỗ tôi… Và bây giờ thì hắn đã chết rồi… Thế đấy… Người thứ nhì mà mụ phù thủy già đó làm hại, mụ ta và các anh… và các anh…” ông Ellenberger ngưng lại. “Tức là hắn ta đã chết rồi ư?” ông hỏi thêm một lần nữa. “Điều đó thì tôi không có nói”, Studer vừa nói vừa chăm chú nhìn điếu Brissago của ông. “Tôi đến đúng lúc để có thể nói rằng đã cứu mạng tên Schlumpf, mặc dù…” “Tức là hắn ta không chết? Bây giờ hắn ở đâu, tên Schlumpf?” “Ở Thun”, Studer thong thả nói và giấu đôi mắt của ông dưới mi mắt. “Ở Thun, ở trong nhà giam”, ông, Studer, đã nói chuyện với quan tòa, một con người dễ gần, vụ này không phải là hoàn toàn tuyệt vọng đâu, nhưng tối tăm, tối tăm… Đó mới là cái đáng thương. “Tòa án muốn có những vụ án rõ ràng, điều đó cho phép có những phiên tòa tốt đẹp… Nhưng tên Schlumpf lại phủ nhận hết thảy mọi điều, vụ này sẽ ra trước ban hội thẩm, tất nhiên rồi… Và người ta cũng biết rằng các hội thẩm là những người như thế nào…”. Tất cả những câu nói đó bị ngắt quãng bởi những lần uống bia hay những hơi thuốc rít thật dài, cứ luân phiên thay đổi nhau. “Nhưng”, Studer tiếp tục, “ông còn chưa nói hết câu của ông. Ông muốn ám chỉ ai là mụ phù thủy vậy? Bà Witschi ư?” Ellenberger lẩn tránh câu hỏi. “Nếu ông muốn biết, hạ sĩ, thì ông phải về Gerzenstein và thăm cái làng đó. Không phí công đâu…”. Rồi thở dài: “Vâng, tên Witschi sống cũng không được vui. Thường hay phàn nàn với tôi, cái tên nghiện bài bạc đó… Nhưng nhiều người khác thì lại hay nhậu nhẹt say sưa… Đừng bao giờ lấy vợ cả, hạ sĩ”. “Tôi đã có vợ”, Studer nói, “và không có gì để phàn nàn cả. Thế đấy, tay Witschi hay chơi bài à?” “Vâng”, Ellenberger nói, “tới mức mà ông Aeschbacher, trưởng làng – người này trông giống như một con lợn cái bị viêm quầng – đã muốn đưa tay Witschi vào Hansen…” (Ở tiểu bang Bern, người ta gọi trại cai nghiện St. Johannsen là Hansen). Sau một lúc, Ellenberger hỏi: “Hắn có nói đến tôi không, tên Erwin ấy?” Studer nói: “Có. Tay Schlumpf đã khen ngợi ông chủ của hắn. Ellenberger đã gia nhập hội từ thiện chăm sóc cựu tù nhân từ lúc nào vậy?” “Hội từ thiện?” Ông không quan tâm tới hội từ thiện, ông cần lao động rẻ tiền, chỉ thế thôi. Và việc ông đối xử tử tế với những tên đó thì chỉ là để kinh doanh, nếu không thì họ sẽ bỏ ông mà đi nơi khác. Ông, Ellenberger, đã đi lại trên thế giới này quá nhiều rồi, những người tốt khiến cho ông buồn nôn, nhưng những con cừu đen, như người ta thường hay nói, thì tạo ra sự thay đổi. Chỉ qua một đêm thôi là người ta có thể bị vướng vào câu chuyện hình sự hay ho nhất, tham dự một vụ giết người, ví dụ vậy, và rồi thì thú vị lắm. Ông già Ellenberger đứng dậy: “Tôi phải về nhà đây, đi thôi, Cottereau… Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn gặp lại nhau thêm lần nữa… Nếu ông có đến Gerzenstein thì hãy ghé thăm tôi… Tạm biệt…” Ông già Ellenberger vẫy tay gọi cô hầu bàn, nói: “Trả tiền cho cả bàn”, cho thêm khá nhiều tiền. Rồi ông bước ra cửa. Điều cuối cùng mà hạ sĩ Studer nhận thấy ở ông già ấy thật kỳ lạ: ông Ellenberger đi một đôi giày màu nâu kiểu hiện đại kết hợp với một bộ com lê bằng vải lanh pha, không vừa với người ông. Đôi tất đen, lộ ra khỏi ống quần quá ngắn được may bằng lụa đen… Sáng ngày hôm sau, hạ sĩ Studer viết báo cáo. Căn phòng làm việc có mùi bụi, mùi dầu đánh bóng sàn gỗ và mùi hôi của thuốc lá. Các cửa sổ được đóng kín. Trời đang mưa ngoài kia, vài ba ngày ấm áp vừa qua chỉ là một cú lừa dối, một làn gió lạnh thổi đi trên đường phố, và Studer đang bực mình. Phải viết bản báo cáo này như thế nào đây? Hay nói cách khác, sẽ viết điều gì, không viết điều gì? Ngay lúc đó có người gọi tên ông ở cửa ra vào. “Có việc gì thế?” “Quan tòa ở Thun gọi điện thoại. Anh cần phải về Gerzenstein… Anh đã bắt giữ tên Schlumpf hôm qua kia mà! Chuyện như thế nào vậy?” “Tên Schlumpf muốn bỏ trốn ở nhà ga”, Studer muốn nói, nhưng không được. Trong lúc đó, ông vẫn ngồi yên và ngước lên nhìn viên đại úy cảnh sát. “Thôi”, viên đại úy nói, “khoan viết báo cáo đã. Sau này viết cũng được. Bây giờ thì hãy đi đi. Tốt nhất là anh cũng nên đi qua bên pháp y. Có thể biết thêm được điều gì đó đấy”. Trước sau gì thì ông cũng có ý định này, Studer làu bàu nói, đứng dậy, cầm lấy cái áo đi mưa, bước ra đứng trước một cái gương nhỏ và chải bộ ria mép của ông. Rồi ông đi đến bệnh viện trường đại học. Người trợ tá đón tiếp ông đeo một cái cà vạt ca rô đỏ và đen thật đẹp, được thắt thành một cái nút thắt bé tí ở dưới cái cổ áo cứng. Khi nói chuyện, ông đặt những ngón tay của bàn tay này lên lòng bàn tay kia và chăm chú xem xét các móng tay của mình với một vẻ mặt nghiêm trọng, hơi kinh tởm một chút. “Witschi?” người trợ tá hỏi. “Ông ta đến vào lúc nào vậy?” “Thứ Tư, tối thứ Tư, ông bác sĩ”, Studer trả lời và sử dụng thứ tiếng Đức tốt nhất của ông. “Thứ Tư? Ông chờ chút, ông nói là thứ Tư? À, tôi biết rồi, người chết vì rượu…” “Người chết vì rượu?” Studer hỏi. “Vâng, ông nghĩ như thế nào chứ, hai phẩy một phần nghìn nồng độ rượu trong máu. Người này hẳn đã nốc thật nhiều rượu trước khi bị bắn chết… Đúng thế đấy, ông thanh tra”. “Hạ sĩ”, Studer khô khan lưu ý. “Chúng tôi hay gọi là thanh tra, nghe hay hơn. Ông phải hiểu là không chỉ nồng độ rượu, mà cả tình trạng của các cơ quan nữa. Ông thanh tra này, tôi chưa bao giờ nhìn thấy tình trạng xơ gan đẹp như vậy đâu. Thật là tuyệt vời, tôi nói thật với ông đấy. Người đàn ông này chưa bao giờ ở trong nhà thương điên à? Không à? Chưa từng bao giờ nhìn thấy chuột bạch hay máy chiếu phim lên tường? Những người đàn ông nhỏ biết nhảy múa, ông có biết không? Chứng mê sảng của người nghiện rượu nặng? Chưa từng bao giờ có? À, ông không biết. Tiếc thật. Và rồi bị bắn chết! Ở khoảng cách độ một mét, không có dấu vết thuốc súng trên da, vì vậy mà tôi nói là một mét. Ông có hiểu không?” Trong lúc lời nói cứ tuôn ra hàng tràng như vậy, Studer đăm chiêu suy nghĩ về một câu hỏi vụn vặt: Người đàn ông trẻ tuổi với cái nút thắt cà vạt nhỏ bé này có thể là người nước nào… Rốt cuộc, với câu “ông có hiểu không?” cuối cùng, ông đã biết. “Parla italiano?” ông hỏi thân thiện. “Ma sicuro!” Sự vui mừng của người này bùng phát không còn gì có thể kiềm chế lại được nữa và Studer mỉm cười để cho nó đi qua thật nhanh. Người trợ tá hân hoan tới mức anh ấy nhẹ nhàng nắm lấy cánh tay của Studer và dẫn ông vào bên trong, ông giáo sư vẫn còn chưa đến, nhưng mà anh, người trợ tá, cũng biết đủ thông tin như ông giáo sư. Chính anh đã tiến hành khám nghiệm tử thi. Studer hỏi liệu ông còn có thể nhìn Witschi được không. Còn có thể. Witschi đã được bảo quản. Và chẳng bao lâu sau đó, Studer đứng trước cái xác chết. Thế đó, đây là Witschi Wendelin, sinh năm 1882, tính ra là năm mươi tuổi: một cái đầu hói khổng lồ, vàng như ngà voi cũ; một bộ râu mép đáng thương, xệ xuống, lưa thưa; một cái cằm đôi mềm, béo phị… Nhưng kỳ lạ nhất là nét bình thản của gương mặt. Bình thản, vâng. Bây giờ, trong cái chết. Nhưng vẫn còn nhiều nếp nhăn trên gương mặt… Ừ, người đàn ông tên Witschi này không còn phải lo lắng nữa… Trong bất cứ trường hợp nào thì đây không phải là gương mặt của một tên bợm nhậu và vì vậy mà Studer cũng nói: “Ông ta trông không giống như một tên nghiện rượu lê la…” “Nghiện rượu lê la! Diễn đạt thật tuyệt!” Cả hai người bắt đầu nói chuyện về chuyên môn. Thân thể của ông Witschi đã chết vẫn còn nằm ở giữa họ. Tư thế ông nằm không thể nhìn thấy được vết thương sau tai. Và trong khi Studer thảo luận với anh chàng người Ý về một vụ lừa đảo bảo hiểm đã gây sự chú ý trong sách báo chuyên môn (một người đàn ông dùng súng tự tử và đã ngụy trang vụ tự tử này thành một án mạng), Studer bất ngờ hỏi: “Việc đó không thể xảy ra ở đây, có phải không”, và chỉ tay vào xác chết. “Hoàn toàn không thể”, anh người Ý nói, lúc này đã tự giới thiệu mình là bác sĩ Malapelle từ Milano. “Hoàn toàn tuyệt đối không thể. Để gây ra vết thương đó, ông ta phải giữ cánh tay của mình như thế này:…” và anh ta diễn tả lại cử động đó với khuỷu tay quay về phía xương bả vai. Anh cầm cây bút của mình thay cho khẩu súng lục. Đầu của cây bút chỉ còn cách nơi đó ở phía sau tai phải khoảng mười xăng-ti-mét, nơi người ta có thể nhìn thấy lỗ đạn bắn trên xác chết. “Không thể được”, anh nhắc lại. “Nếu thế thì đã có dấu vết của thuốc súng. Chính vì không có những dấu vết như vậy nên chúng tôi mới kết luận rằng khoảng cách phải xa hơn một mét”. “Hừm”, Studer nói. Ông chưa tin hoàn toàn, ông vén tấm vải che người chết lên. Tay Witschi này có tay dài kỳ lạ… “Cam chịu!” Studer nói lớn, như thể cuối cùng ông đã nhớ ra một từ đã được tìm kiếm lâu rồi. “Fatalismo! Rất đúng! ông ấy biết rằng mọi việc đã kết thúc. Nhưng tôi không biết liệu ông ấy có biết rằng ông ấy phải chết…” “Vâng”, Studer thừa nhận, “có thể ông ta đã chờ đợi một điều gì đó khác. Nhưng là một cái gì đó mà người ta không thể chống lại được…” FELICITAS ROSE VÀ PARKER DUOFOLD C ô gái đọc một quyển tiểu thuyết của Felicitas Rose. Có lần cô giơ quyển sách lên cao tới mức Studer có thể nhìn được tờ bìa: một người đàn ông mặc quần cưỡi ngựa và mang ủng sạch bóng đứng dựa vào hàng lan can, ở phía sau có thiên nga bơi trên một cái hồ nước trong lâu đài và một cô gái ngượng ngùng chơi đùa với chiếc dù che nắng. “Tại sao cô lại đọc những thứ rác rưởi như thế chứ?” Studer hỏi. Có người phản ứng hết sức nhạy với iốt và brôm, người ta gọi đó là dị ứng… Dị ứng của Studer là Felicitas Rose và Courths-Mahler. Có lẽ vì vợ ông ngày trước đã rất thích đọc những truyện như vậy – thâu đêm – rồi thì cà phê loãng và chỉ âm ấm vào sáng sớm, và người vợ thì tiều tụy. Mà những người đàn bà tiều tụy vào buổi sáng thì… Cô gái ngước lên nhìn khi được hỏi, đỏ mặt và giận dữ nói: “Không có liên quan gì đến ông!”, cố đọc tiếp, nhưng dường như không còn hứng thú nữa, cô gấp quyển sách lại và nhét nó vào trong một cái cặp đựng hồ sơ mà trong đó, như Studer thấy, còn có hai cái khăn tay bẩn, một cây bút mực thật to và một cái ví đầm. Rồi cô gái nhìn ra cửa sổ. Studer mỉm cười thân thiện và chăm chú quan sát cô ta. Ông có thời gian… Đoàn tàu chạy chậm chạp qua một phong cảnh xám xịt. Những hạt nước mưa kéo thành một dòng chấm chấm trên kính, rồi chúng nhập vào với nhau, ở dưới cửa sổ, thành một cái hồ đục nhỏ tí. Và những giọt nước mưa khác lại kẻ dòng chấm lên trên tấm kính… Đồi núi xuất hiện, một khu rừng ẩn nấp trong làn sương mù… Cằm của cô gái nhọn. Tàn nhang ở phần trên của sống mũi và ở hai bên thái dương thật trắng… Đế cao của đôi giày đã bị đi mòn nghiêng vào phía trong. Ngay khi chiếc giày cử động, người ta có thể nhìn thấy chiếc tất sẫm màu thủng một lỗ ở gót chân. Cô gái đã đưa trình một tấm vé dài hạn. Cô chắc hẳn đi tuyến đường này thường xuyên. Cô đi đâu? Cũng đến Gerzenstein ư? Cô có một cục u nhỏ ở sau gáy, một chiếc mũ bê rê kéo qua tai phải. Chiếc mũ bê rê màu xanh đầy bụi. Studer mỉm cười hiền hòa như một người cha khi ánh mắt của cô gái lướt qua ông. Nhưng sự hiền hòa như người cha đó không có tác động. Cô gái nhìn chằm chằm ra cửa sổ. Đôi tay bồn chồn co giật. Những cái móng tay được cắt ngắn có một đường viền đen ở dưới móng. Mặt trong của ngón trỏ có một vết mực. Cô gái mở chiếc cặp đựng hồ sơ thêm một lần nữa, lục lọi trong đó, cuối cùng tìm thấy cái cần tìm. Đó là một cây bút mực to, chính hiệu Parker Duofold, cây bút mực màu nâu hết sức nam tính. Cô gái xoay nắp ra, viết thử lên trên móng tay cái, lại lôi Felicitas Rose ra khỏi cặp, nhưng không phải để đọc: trang cuối cùng được sử dụng như là nơi tập dượt. Cô viết nguệch ngoạc. Studer nhìn trừng trừng vào những chữ cái xuất hiện: “Sonja…” được viết ra ở trên đó. Rồi cây bút mực tạo nên những chữ khác: “Sonja, người yêu anh mãi mãi…” Studer quay mặt đi nơi khác. Nếu bây giờ cô gái ngước lên nhìn, thì chắc chắn cô ấy sẽ ngượng ngùng và nổi giận. Đừng nên làm cho người khác nổi giận hay ngượng ngùng một cách vô ích. Dù sao thì người ta cũng đã thường làm như thế, khi có nghề nghiệp là một nhân viên điều tra… Người bán vé đi qua toa tàu. Ở cạnh cửa dẫn sang khoang kế tiếp, người đàn ông quay lại: “Gerzenstein”, ông nói lớn. Cô gái vẫn cầm cây bút trong tay, để cho Felicitas Rose với ông bá tước hào hoa trong đôi ủng cưỡi ngựa bóng loáng biến mất vào trong cặp và đứng dậy. Một trạm biến thế nhỏ. Nhiều nhà riêng. Rồi một ngôi nhà tương đối lớn. Một tấm bảng ở trên đó: “Báo Gerzenstein. Nhà in Emil Aeschbacher”. Ở bên cạnh, trong vườn, là một cái lồng chim bằng dây lưới. Chim két nhiều màu nhỏ nhắn đứng lạnh run trên những thanh ngang. Bộ phanh thét lớn. Studer đứng dậy, nắm lấy tay cầm va li của ông và bước ra cửa. Bóng của ông trong chiếc áo mưa màu xanh dương chiếm trọn lối đi. Trời vẫn mưa nhỏ giọt. Người trưởng ga mặc một cái áo bành tô dày, chiếc mũ đỏ của ông là cái có màu sắc duy nhất trong tất cả những thứ xám xịt này. Studer bước tới chỗ ông và hỏi nhà trọ “Bären” ở đâu. “Đi đường Nhà Ga, rồi rẽ trái, ngôi nhà lớn đầu tiên với một cái vườn bia ở bên cạnh…” Viên trưởng ga đế cho Studer đứng lại ở đó. Cô gái đó ở đâu rồi? Cô gái đã viết vào trang cuối cùng của quyển tiểu thuyết bìa mềm với nét chữ nhỏ nhắn hơi run run: “Sonja, người yêu anh mãi mãi…” Sonja? Không có nhiều cô gái tên là Sonja… Cô gái đứng ở đó, trước cái ki-ốt mà cửa sổ của nó đầy những quyển sách nhiều màu. Cô cúi người xuống cái cửa sổ trượt nhỏ và Studer nghe cô ấy nói: “Bây giờ con về nhà đây, mẹ à. Khi nào thì mẹ về?” Một tiếng nói lầm bầm trả lời. Đúng là Sonja Witschi… Và người ta cũng cần phải quan sát người mẹ ngay bây giờ. Người mẹ đã nhận được cái ki-ốt nhà ga qua môi giới của ông Aeschbacher trưởng làng. Bà Witschi cũng có cùng cái mũi nhọn, cùng cái cằm nhọn như con gái bà. Studer mua hai điếu Brissago, rồi ông thong thả bước qua quảng trường trước nhà ga. Một cây đèn vòm. Ở quanh đế của nó là một luống hoa tulip đỏ, cứng ngắc. Từ cửa sổ phía trên nhà ga, bài nhạc hành quân Deutschmeistermarsch vang ra rè rè từ một cái loa. Cô Sonja đi trước người hạ sĩ chừng năm mươi bước chân. Trước một tiệm hớt tóc có một chàng trai trẻ đứng, mặc một cái áo khoác màu trắng có phần lật ra ngoài màu xanh dương. Sonja bước về phía trước chàng trai trẻ đó, Studer dừng lại trước một cửa hàng. Ông liếc nhìn sang cặp đôi đang thì thầm nói chuyện với nhau, rồi cô gái đưa cho chàng trai trẻ đó một vật và bước đi. Từ cửa vào tiệm hớt tóc, một giọng nói khàn khàn vang ra: “Bây giờ là tín hiệu đầu giờ của đài quan trắc ở Neuchâtel…”. Và vẳng qua cánh cửa đóng kín của cửa hàng mà Studer đang đứng ở trước nó là bản nhạc hành quân “Sambre et Meuse”… “Làng Gerzenstein yêu âm nhạc thật…”, người hạ sĩ khẳng định và bước vào tiệm hớt tóc. Ông đặt cái va ly xuống, treo chiếc áo mưa màu xanh dương lên giá rồi thở dài ngồi xuống ghế hớt tóc. “Cạo râu”, ông nói. Khi chàng trai trẻ tuổi đó cúi người xuống Studer, người hạ sĩ nhìn thấy giữa những phần lật ra ngoài của chiếc áo khoác hớt tóc, trong túi trên của cái áo gi-lê, cây bút to mà cô Sonja đã lôi ra từ chiếc cặp đựng hồ sơ lúc còn ở trên tàu. Studer hỏi một cách vô tình: “Hào phóng nhỉ? Khi người ta có cô bạn gái tặng cho mình một cây bút máy đắt tiền như vậy?” Cây chổi cạo râu đầy bọt dừng lại một khoảnh khắc trên má của ông. Studer quan sát bàn tay đang cầm cây chổi. Nó run run. Tức là có điều gì đó không ổn. Nhưng mà là điều gì? Studer nhìn gương mặt của chàng trai trẻ trong gương. Nó có màu vàng của pho mát. Đôi môi quá đỏ chu ra trước, để lộ những cái răng trên màu nâu và đã hư. Sonja yêu cái anh chàng hớt tóc này ư? Tên Schlumpf là một thanh niên hoàn toàn khác, mặc cho quá khứ của hắn, mặc cho sự tuyệt vọng của hắn vào ngày hôm qua… Hôm qua? Mới là hôm qua thôi ư? Hôm qua có một người treo trên chấn song cửa sổ, có một người hét vang trong phòng giam, nơi mà sự lạnh giá của mùa đông vẫn còn trong đó – và ngoài cửa sổ, có tiếng hát của một bé gái: “Anh vẫn trung thành với em…” Cái chổi nhẹ nhàng quét qua má Studer. Ông có làm cho anh ta giật mình hay không, Studer hỏi anh chàng vàng như pho mát. Người này lắc đầu. Studer tiếp tục trấn an anh chàng. Chỉ là chuyện nhỏ thôi mà, khi nhận được một món quà từ người yêu. Mặc dù ông vẫn cảm thấy kỳ lạ, khi một cô gái mang tất thủng lỗ lại có thể tặng một cây bút đắt tiền đến như thế… Cây bút đó là di vật của bố… Vâng, một di vật. Giọng nói của chàng trai khàn khàn, giống như miệng, lưỡi và họng đều khô ran. Cái loa kêu rè rè từ trong góc nhà – và bất chợt Studer giật mình. Những gì mà người đàn ông đó, ở rất xa, thuật lại qua micrô, cũng có liên quan tới ông. Chàng trai trẻ, người thẫn thờ khuấy cây chổi cạo râu trong cái bồn rửa mặt, ngưng làm công việc của anh ta và đứng yên bất động. Giọng ở xa nói hết sức mạnh mẽ: “Trước khi tiếp tục với bản nhạc giao hưởng cho buổi trưa, tôi thông báo đến quý khán giả một tin ngắn từ Sở Cảnh sát Tiểu bang Bern: Từ tối hôm qua, ông Jean Cottereau, thợ trưởng vườn ươm Ellenberger, Gerzenstein, đã mất tích. Dường như đây là một vụ bắt cóc hết sức dã man mà nguyên do vẫn còn chưa được rõ. Người mất tích trở về tối hôm qua cùng với người thợ cả của mình, ông Ellenberger, trong chuyến tàu mười giờ từ Bern. Vừa khi hai người muốn rẽ vào con đường đất nằm ở rìa làng Gerzenstein thì họ bị một chiếc ô tô tắt đèn đâm vào từ phía sau. Ông Gottlieb Ellenberger ngã đập đầu vào một tảng đá ở vệ đường và bị chấn thương sọ não nhẹ. Khi tỉnh dậy sau một thời gian ngắn bị ngất xỉu, ông thấy người đi cùng với mình, ông Jean Cottereau đã mất tích. Không có dấu vết nào của chiếc ô tô. Mặc dù bị đau đầu nặng, ông Ellenberger đã đến Sở Cảnh sát Tiểu bang. Một cuộc tìm kiếm với sự giúp đỡ của hạ sĩ Murmann và một vài người dân trong vùng lân cận đã không mang lại kết quả. Cho tới hôm nay, không phát hiện ra được dấu tích nào của người mất tích. Cảnh sát Tiểu bang đã thông báo các đặc điểm nhận dạng người mất tích như sau: Cao một mét sáu mươi, to béo, mặt hồng hào, ít tóc, mặc bộ com lê đen… Thông tin có liên quan xin gửi về…” Chàng trai trẻ lê chân bước đi vài bước. Một tiếng cắc. Giọng nói câm lặng. Rồi chàng trai trẻ trở về. Có thể nghe rõ tiếng lắc cắc của con dao trên tấm gỗ mài. “Dao tốt chứ?”, anh ta hỏi sau khi cạo xong một bên má. Studer ậm ừ. Rồi im lặng. Chàng trai trẻ xong việc, Studer rửa mặt trên bồn rửa mặt. “Đá?” chàng trai trẻ hỏi và bóp nhịp nhàng quả bóng cao su của bình phun. “Không”, Studer nói. “Phấn”. Ngoài ra thì người ta không nói gì cả. Lúc đi ra, Studer nhìn thấy một chồng sách mỏng có bìa mềm trên cái bàn nhỏ phía sau. Dòng chữ “Hồi ức của John Kling” nằm ở trên đó. Phía dưới: “Bí mật của con dơi đỏ”. Studer cười phô bộ ria mép của ông khi rời khỏi tiệm. CỬA HÀNG, LOA, CẢNH SÁT “C ái làng Gerzenstein này!”, Studer lầm bầm nói. Nhà nào cũng có một tấm bảng hiệu: hàng thịt, hàng bánh mì, cửa hàng thực phẩm, kho của hợp tác xã tiêu thụ; cửa hàng bán lẻ Migros; ở giữa đó là một cái quán, rồi thêm một cái nữa: Zum Klösterli, Zur Traube. Rồi tiếp tục: cửa hàng thịt, cửa hàng hóa phẩm, thuốc lá sợi và thuốc điếu; một tấm bảng lớn: nhà nguyện của Tu đoàn Tông đồ. Ở sau đó, trong một khu vườn: Cứu Thế Quân. Một bãi cỏ nhỏ làm gián đoạn dãy cửa hàng. Nhưng nó lại bắt đầu ngay sau đó: tiệm thuốc, cửa hàng hóa phẩm, tiệm bánh mì. Một tấm bảng của bác sĩ: Tiến sĩ Y khoa Eduard Neuenschwander. Thế đấy, người tiến hành các khám nghiệm sơ bộ đầu tiên trên xác chết… Rồi cuối cùng, Studer đã nghĩ mình đi lạc đường, ông nhìn thấy một ngôi nhà to và đẹp, được xây bằng đá màu xám, với một cái mái nhà nhô ra: quán trọ “Bären”. Người hạ sĩ thuê một phòng và nhận được gian phòng áp mái. Nó sạch sẽ, thơm mùi gỗ, cửa sổ mở phía sau nhìn ra một bãi cỏ đầy thứ hoa giống như bọt trắng đang nở. Sau bãi cỏ là một cánh đồng trồng lúa mạch đen màu tím nhạt. Và ở cuối là một khu rừng, để lộ những vệt xanh nhạt của cây lá rộng trên nền thông đen. Studer rất thích những màu sắc này. Ông đứng cạnh cửa sổ vài phút, lấy đồ đạc trong va li ra, rửa tay và lại bước xuống cầu thang, ông nói với cô hầu bàn, độ khoảng nửa giờ nữa ông sẽ dùng bữa. Rồi ông lên đường đi tìm trạm cảnh sát. Và khi ông đi dọc theo con đường làng, ngang qua những tấm bảng hiệu tiếp theo đó, ông nhận ra một đặc điểm thứ nhì của làng Gerzenstein này. Nhà nào cũng có tiếng nhạc vẳng ra ngoài: thỉnh thoảng to đến mức khó chịu từ một cái cửa sổ mở, thỉnh thoảng không rõ lắm, khi những cái cửa sổ được đóng lại. “Gerzenstein, ngôi làng của những cửa hiệu và loa”, Studer nói lẩm bẩm, và ông có cảm giác như một phần của bầu không khí ngôi làng đã được đặc tả qua những từ ngữ đó… Hạ sĩ cảnh sát Murmann trông giống như một ông vua đấu vật đã giải nghệ. Chiếc áo ngoài của bộ quân phục được mở tung, áo sơ mi cũng được cởi tung nút và để lộ rõ lồng ngực có nhiều lông hơn là tóc ở trên đầu. “Xin chào”, Studer nói. “Ơ kìa, Studer! ông có còn chơi bi da không? Ông phải ngồi xuống đây”. Rồi Murmann cất giọng thành một tiếng kêu ầm ĩ, với âm “i” được kéo dài, và tiếng gọi này hướng tới bà Murmann – nhưng không rõ liệu người phụ nữ đó tên là Emmy hay Anny. Nhưng thật ra thì tên nào cũng vậy thôi. “Trắng hay đỏ?” Murmann hỏi. “Bia”, Studer nói ngắn gọn. Tiếng gọi ầm ĩ cất lên lần thứ hai, và hai âm “i” vang dội khắp ngôi nhà. Cũng có một câu trả lời, và âm thanh của câu trả lời cũng ầm ĩ không kém. Chỉ là cao hơn một bậc. Rồi bà Murmann xuất hiện ở cửa, bà trông giống như một bức tượng của người phụ nữ hiện thân nước Thụy Sĩ Helvetia từ những năm tám mươi. Chỉ có điều là gương mặt trông thông minh hơn nhiều, rất nhiều, khi so với gương mặt của bức tượng đó. Người ta cũng không đòi hỏi những tượng hình yêu nước có trí thông minh. Để mà làm gì? Bà ấy có còn nhớ Studer không, ông vua đấu vật muốn biết, và Helvetia thông minh gật đầu. Rồi bà hỏi Studer đã dùng bữa chưa, ông đã đặt trước bữa trưa trong “Bären” rồi, người hạ sĩ trả lời, điều khiến cho hai con người to lớn đó cùng tức giận. Như thế là không được, điều tất nhiên là Studer phải ăn ở đây – không thể nào nói át được đôi song ca vang dội đó. May mắn thay, một tiếng nói thứ ba bắt đầu hét lên ở tầng trên, thế là bà Murmann – bà ấy tên là Emmy hay Anny? – xin lỗi rồi bước ra. Studer phải hứa chắc chắn sẽ đến đây dùng bữa tối. “Vâng, hừm”, Studer nói, uống cạn ly của ông, thở dài: ‘Àaa” và im lặng. “Vâng”, Murmann nói, uống cạn ly của ông, cười ục ục, chảy nước mắt vì hơi, và rồi cũng im lặng… Văn phòng nhỏ này thật yên bình. Trong góc nhà có một cái máy đánh chữ cũ mà phím của nó óng ánh màu vàng: nó lớn và chắc chắn, hợp với hạ sĩ Murmann. Qua cửa sổ mở, Studer nhìn ra một mảnh vườn: nhiều bờ giậu bằng cây hoàng dương viền quanh những luống đất trồng cải bó xôi. Nhưng ở giữa vườn, ở đó, nơi các hàng giậu tạo thành những đường lượn trang trí, có những đóa hoa tulip màu đỏ trong suốt. Những đóa hoa păng xê màu vàng khiêm nhường bao quanh chúng đã bắt đầu héo úa. Chúng khiến cho người ta nhớ đến những người không thuộc đảng phái nào hết, và vì vậy mà cũng không làm nên được trò trống gì… “Cậu đến đây vì ông Witschi…”, Murmann nói, và giảm giọng nói ầm ĩ của ông xuống. Tiếng la hét ở tầng trên đã im bặt, và Murmann không muốn lại khiến cho nó cất lên. “Ừ”, Studer nói và duỗi chân ra. Ghế ngồi dễ chịu, nó có tay dựa. Studer thư giãn và nheo mắt nhìn ra mảnh vườn mà bây giờ có ánh nắng mặt trời đang chiếu sáng. Nhưng ánh nắng không ở lâu, màu xám lại đến – chỉ các đóa hoa tulip là sáng rực không ngưng… Studer nghĩ về cuộc trao đổi của ông với quan tòa. Ông đã phải phung phí biết bao nhiêu nước bọt! Dứt khoát phải ưu tiên cho Murmann, mặc dù anh ta không mặc một chiếc áo bằng lụa thô… “Ở đây thật yên tĩnh”, Studer nói sau một lúc, làm cho Murmann bật cười. Ông không có cái loa nào như những người dân Gerzenstein khác, ông nói. Thế là cả Studer cũng bật cười. Và rồi hai người lại im lặng. Cho tới khi Studer hỏi, Murmann có nghĩ là tên Schlumpf đã phạm tội không. “Tầm bậy!”, Murmann chỉ nói vậy. Và cái từ duy nhất đó mang lại cho người hạ sĩ điều tra Studer cảm giác chắc chắn nhiều hơn tất cả những điều vụn vặt về hình sự và tâm lý mà ông đã sưu tập lại cho tới nay, để củng cố cho lòng tin vào sự vô tội của anh chàng Schlumpf, rốt cuộc thì ông đã dựa vào cảm tính nhiều hơn. Studer biết Murmann là người ít nói. Làm thế nào để ông ta nói chuyện, đó là một việc không dễ dàng. Vâng, những lời nói mà người ta trao đổi với nhau trong các câu chuyện không quan trọng thường ngày, những lời đó thì ông thường nói. Nhưng khi bàn về những việc quan trọng hơn thì hai từ như “tầm bậy!” cũng có giá trị gần ngang với những lời trình bày mạnh mẽ của một chuyên gia. “Studer còn chưa quen biết làng Gerzenstein”, Murmann nói sau một lúc. Ông đã nhồi một cái ống điếu và hút chầm chậm. “Không bao lâu nữa thì tôi ở đây tròn sáu năm”, Murmann nói. “Tôi quen với lối sống ở đây. Tôi không thể làm gì hết. Tôi phải cẩn thận. Ôi chao, ngoại giao!” (ông nói “ngoại giaoooo” và nhắm một mắt lại.) “Cậu đến đây thật là tốt. Tôi là như thế này…” ông giơ thẳng hai tay ra, ép hai cổ tay to lớn sát lại với nhau, để diễn tả cho rõ ông bất lực ra sao… Rồi ông lại im lặng. “Ôi chao”, ông nói sau một lúc, “tên Aeschbacher, trưởng làng…” rồi im lặng một lúc lâu. “Nhưng mà ông già Ellenberger!…” Và nheo mắt phải. “Nhưng Cottereau đã biến mất…” Studer nói xen vào và uống một ngụm từ ly của ông. “Đừng lo”, Murmann thong thả nói. “Hắn sẽ tái xuất hiện cho mà xem…” “Ừ… nhưng mà không phải là cậu đã báo động cho Sở Cảnh sát biết, để rồi người ta loan báo trong radio hay sao?” “Tôi ư?” Murmann hỏi và dùng ngón trỏ to lớn, lông lá chỉ vào bộ ngực trần của ông. “Tôi ư? Studer có bệnh hay không, sao lại đưa ra những câu hỏi ngu ngốc như thế?” Ông Ellenberger đã làm việc đó, để đùa thôi! Đài phát thanh Beromünster, Ellenberger có lần đã nói, có phải được xây cho chó đâu, phải tìm cách sao cho con người ở đó có việc làm. Và có bao nhiêu là máy nhận sóng như vậy… Studer cảm thấy làng Gerzenstein này là một ngôi làng kỳ lạ, và người dân ở đó càng kỳ lạ hơn nữa. Nhưng ông quyết định không quấy rầy hạ sĩ Murmann nữa, hơn nữa bữa ăn chắc chắn đang chờ ông ở “Bären”. Vì vậy ông từ giã và hứa chiều tối sẽ lại đến đây. Murmann dường như đánh giá cao sự kín đáo này; vì ông nói lúc từ giã: Nói chuyện thì lúc nào cũng có thể nói được, và vào lúc giữa trưa thì ông thường hay đi ngủ. Vì tối nào cũng phải đi kiểm tra tất cả các quán xem họ có tuân thủ đúng giờ đóng cửa hay không nên người ta nặng đầu vào ban ngày lắm. Ông ngáp thật dài thêm vào đó. Rồi Studer lại đứng trên con đường trải nhựa. Bên trái và bên phải, xa hết tầm mắt: cửa hàng, cửa hàng, cửa hàng. Và không ngôi nhà nào im lặng… Đó là buổi trưa ngày thứ Bảy. Vang vọng qua tường, qua cửa sổ đóng kín và qua những cửa sổ mở là bài hát của Gritli Wenger - Hát cho một ngày Chủ nhật… THÊM MỘT NGƯỜI KHÔNG MUỐN SỐNG NỮA M iếng thịt mỡ thì dai, còn món cải muối lại bơi trong quá nhiều nước. Quán không người. Cô hầu bàn đánh bóng ly uống rượu vang ở quầy. Trời cuối cùng cũng hết mưa, nhưng bầu trời phủ một lớp màu trắng làm lóa mắt. Studer cảm nhận một sự kích thích nhẹ trong mũi: chắc hẳn là cơn sổ mũi đang báo trước. Cũng không có gì để ngạc nhiên, tháng Năm năm nay lạnh đến như thế. Ông nhấp thử cà phê. Nó cũng loãng và nguội giống như của vợ ông, người thường đọc sách suốt đêm. Studer đổ rượu mạnh vào trong ly cà phê, gọi thêm một ly nữa và rồi bắt đầu đọc tin tức Gerzenstein. Tâm trạng của ông bắt đầu vui lên, ông ngả người dựa vào trong góc và xoay hai vai cho tới khi chúng nằm dễ chịu cạnh tường. Lúc đó có một người đàn ông trẻ bước vào quán. Đầu tiên, cô hầu bàn cộc cằn phất tay để ngắt lời một giọng nói đàn ông đang nhẹ nhàng nói lảm nhảm về những nghị quyết mà Thượng viện đã ốm đau vì chúng trong tuần vừa rồi, rồi cô nói: “Chào anh!” Nghe giống như một tiếng reo mừng rỡ được kìm lại, và Studer chợt chú ý đến, cũng như bất cứ một người nào, kể cả người đàn ông trung thành nhất, cũng sẽ chú ý đến, khi nhận ra được một mối quan hệ tình cảm tế nhị đang xuất hiện ở gần mình. “Một ly bia!”, người đàn ông trẻ nói ngắn gọn. Đó rõ ràng là một lời từ chối. “Vâng ạ, anh Armin”, cô hầu bàn kiên nhẫn nói, có hơi trách móc một chút. Armin? Studer quan sát chàng trai này kỹ lưỡng hơn nữa. Người này thuộc vào loại đàn ông có rất nhiều tóc và chồng chất nó lên trán bằng cách uốn tóc. Chiếc áo choàng màu xanh dương được cắt sát ở eo đến mức hằn rõ những nếp nhăn nằm ngang, quần rộng sáng màu che mất gót giày và thiếu chút nữa thì quét lên sàn nhà. Gương mặt? Vâng, nó có nét giống nhất định với một gương mặt khác, cái mà Studer đã nhìn thấy sáng nay trong một gian phòng sáng sủa, tàn nhẫn. Gương mặt của chàng trai này gầy hơn, nhẵn nhụi, thiếu bộ râu mép, nhưng cũng là cái cằm đó: mềm, có hơi béo… May mắn thật là nhiều. Đó chắc chắn là Armin Witschi. Có thể là người ta sẽ nhận được một lời xác nhận. Cô hầu bàn đã chen lấn để đến với chàng trai. Còn Armin thì không hài lòng với việc này. “Anh không phải trông cửa hàng à?” Cô hỏi. Cô em gái đã về nhà, cô ấy rảnh chiều nay, không phải đi Bern. Ngoài ra, anh chàng nói tiếp, thì anh đã chán ngán lắm rồi. Thế nào đi chăng nữa thì cũng không còn ai bước vào cửa hàng, chẳng bao lâu nữa chắc là anh phải đi buôn dạo như người cha, và có thể là… Lần ngưng nói tiếp theo sau đó được cho là có tính gợi ý rất nhiều. “Không đâu, anh Armin!” cô bồi bàn nói. Cô chắc khoảng ba mươi tuổi, có những nét mệt mỏi trên gương mặt không phải là không đẹp. “Anh không được đi trong bất cứ trường hợp nào, cô nói; tên Schlumpf đó không phải là tên duy nhất; còn có nhiều tên như thế ở chỗ ông già Ellenberger, những kẻ có khả năng làm bất cứ điều gì…” Cô đột nhiên nhận ra Studer đang lắng nghe, và hạ giọng nói xuống thành một tiếng thì thào. Anh chàng vừa uống một ngụm bia vừa duỗi ngón tay út ra. Tiếng thì thào của cô hầu bàn trở nên sốt sắng hơn; Armin tham gia vào câu chuyện chỉ với vài từ rời rạc. Nhưng những từ ít ỏi mà anh ta ném vào câu chuyện đó rất có trọng lượng – trọng lượng sai chỗ, Studer rất muốn nói như vậy. Ông lôi đồng hồ ra xem. Hai giờ rưỡi, ông mệt, tay chân đau nhức, tiếng thì thào làm cho ông bực mình. Có lẽ ông nên đi dạo một chút? Đi đến nhà Ellenberger? Tìm gặp những người quen cũ, tên Schreier, người bây giờ chơi dương cầm và tên Buchegger với cây contrabass? Được gọi là ban nhạc Jazz: “The Convict Band”!… Một người hài hước, ông già Ellenberger này. Người ta không thấu hiểu ông ấy. Dường như ông ta lo lắng rất nhiều cho người của ông ấy… Hay tốt hơn là nên đến gặp người phụ nữ mà tên Schlumpf ở trọ tại đó? Tờ Gerzensteiner Anzeiger này là một tờ báo thật nhàm chán. “Xuất bản một tuần hai lần với phụ bản: cho phụ nữ, số tử vi, nông nghiệp”. “Nông nghiệp” có nghĩa gì kia chứ! Từ một nguyên nhân không hiểu rõ, từ đó làm người hạ sĩ Studer bực mình. Nhưng vì sao? “Vào giờ cuối, chúng tôi nhận được tin buồn là người công dân tốt của chúng ta, W. Witschi, đã trở thành nạn nhân của một bàn tay bất chính trong năm thứ 50 của cuộc đời. Ông W. Witschi được nhiều người biết đến như một tấm gương của lòng trung thành và tinh thần trách nhiệm, ông sẽ mãi mãi ở trong ký ức của chúng ta, vì ông là một trong những nhân cách ngày càng hiếm” – Studer vuốt râu, ông thích thú với những từ ngữ “nhân cách ngày càng hiếm” – “theo đúng phong cách của cha ông…”, vâng, vâng, người ta biết rồi. Studer bỏ qua vài dòng. Nhưng ông bất chợt ngưng lại và không đọc tiếp nữa. Có điều gì đó làm cho ông phải bận tâm: hẳn là sự im lặng bất ngờ – tiếng thì thào đã chấm dứt. Studer thận trọng nhìn qua mép tờ báo. Có thể nghe thấy tiếng kêu leng keng của những đồng tiền. Cô hầu bàn lục lọi trong cái túi da đeo ở dưới cái tạp dề. Armin làm ra vẻ không có liên quan đến, thỉnh thoảng lại thong thả vuốt qua mái tóc gợn sóng của anh. Bàn tay trái gõ nhịp trên mặt bàn. Bây giờ nó biến mất dưới mặt bàn. Cô đưa cho anh ấy bao nhiêu tiền? Studer tự hỏi. Có tiếng sột soạt của một tờ tiền giấy. “Tôi muốn trả tiền…” Studer nói lớn. Cô bồi bàn giật phắt người lên với cái đầu đỏ ửng, Armin bực tức nhìn sang người khách cô đơn, Studer đáp trả ánh mắt đó, Studer gật đầu nhẹ. Ông diễn đạt quan sát của mình trong đầu: “Không hoàn toàn trong sạch”. “Ăn trưa hết…”, cô bồi bàn bắt đầu nói như đã học thuộc lòng để tính tiền, Studer đẩy ra một đồng năm franc, nhét số tiền thối lại vào túi quần mà không buồn nhìn đến. “Trả tiền, Berta!” một người đàn ông trẻ gọi to ở phía bên kia. Anh ta vẫy một tờ hai mươi franc… Ở Pháp, người ta gọi một anh chàng để người tình nuôi mình là như thế nào nhỉ? Đó là tên của một loài cá. Studer không nhớ ra ngay được… Đúng rồi! Maquereau!… Ông nghĩ vẩn vơ… Ở đó, nơi con đường đất rẽ đi từ phía bên phải của đường ô tô, có một tấm bảng thật to: Vườn ươm và vườn hồng Gottlieb Ellenberger Một mũi tên chỉ hướng đi. Studer hoãn chuyến đi thăm, ông thích rẽ sang trái hơn, con đường hơi dốc, nhưng người ta đi vào rừng ngay – cây lá kim và rất ít cây lá rộng… Mùi hương của thông tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi bị sổ mũi, cha ông đã quả quyết như vậy. Lúc đi ngang qua, ông nhìn vào viên đá phiến lót lề đường, cái viên đá mà rõ ràng là ông già Ellenberger đã đập đầu vào đó tối hôm qua. Đó là một viên đá bình thường, không có máu ở trên đó, tốt nhất là người ta cứ để mặc nó và leo dốc trên con đường rừng nhỏ bé… Lao vào một vụ việc giống như một con lợn đói lao đến thức ăn thì không bao giờ là việc tốt cả. Và người ta có thể hài lòng với ngày hôm nay. Đã quen biết đủ, đã sưu tập được nhiều hình ảnh. Nhưng những tấm hình này rất đẹp: Đầu tiên là ông Wendelin Witschi với nồng độ rượu hai phẩy một phần ngàn, cái mà theo ý của ông trợ tá người Ý với nhiều kiến thức hình sự học thì đã thuộc vào đặc điểm của một người chết vì rượu. Rồi thì cô Felicitas với lỗ thủng ở tất và thái độ đối xử kỳ lạ của cô với người thợ cắt tóc. Sau đó là Maquereau với cô bạn gái, cô hầu bàn… Trời ạ, con người ở đâu cũng giống nhau cả. Ở Thụy Sĩ, họ ẩn núp khi muốn làm gì đó quá lố, và cho tới chừng nào không có ai nhận ra và những người thân cận im lặng. Và ông Wendelin Witschi, được bảo quản trong Viện Pháp y là một hạng người đã trở nên hiếm có. Tốt và đúng đắn. Tại sao không? Những điều tương tự như vậy vẫn thường xảy ra trong cuộc sống; những người được gọi là như vậy cứ chậm rãi bước đi tiếp, không ai bực mình vì những tội lỗi dù to hay nhỏ của họ, nếu như không có… Đúng như thế, nếu như không có điều gì bất ngờ xảy ra. Ví dụ như vụ giết người. Thuộc về một vụ án mạng là một kẻ phạm tội, cũng giống như bơ trên bánh mì. Nếu không thì người ta sẽ khiếu nại. Và rồi nếu như tên có tội cố treo cổ tự tử, và có một hạ sĩ điều tra đến đó, một con người cứng đầu, thì điều có thể xảy ra là tất cả những gì bất thường nhỏ nhặt trong cuộc đời của một con người đều bất ngờ có thể trở nên quan trọng; rồi người ta làm việc với chúng, như một anh thợ nề với những viên gạch nung – để xây một ngôi nhà… Một ngôi nhà? Cứ tạm thời nói là một bức tường đi… Studer đứng lại ở bìa rừng, lau trán và quan sát xung quanh. Có một con chim ó đang đậu và nghỉ ngơi trên cây cột điện tín. Nhưng rồi có một con quạ bay đến và bắt đầu quấy quả con chim im lặng kia. Con chim ó bay một vòng tròn hoàn hảo và Studer ganh tỵ với nó. Ở dưới này đây thì người ta không thể nhẹ nhàng thoát khỏi những con quạ bằng một cách giống như vậy được. Ông đi sâu hơn vào rừng. Và cánh rừng rất im ắng… Người hạ sĩ đã đi bao xa? Trên đầu ông, một làn gió nhẹ chơi đùa với những ngọn cây. Có tiếng xào xạc nhẹ nhàng. Và rồi tiếng xào xạc lạnh lùng đó bất chợt bị cắt ngang bởi một tiếng động khác. Tiếng cành cây gãy, có thể nghe được một tiếng rên – giống như một con thú bị thương đang cực nhọc lê đi tiếp… Sau một bụi rậm, Studer tìm thấy một người đàn ông đang nằm sấp và rên rỉ. Đường may ở lưng của chiếc áo khoác đã rách tung, tóc rối bời, giày dơ bẩn. Người đàn ông gác mặt xuống cẳng tay và khóc thầm úp xuống mặt đất. Trong khoảnh khắc, Studer nhớ đến một hình ảnh khác: chàng trai Schlumpf, giấu mặt vào trong khuỷu tay… Rồi Studer đập vào vai của người đang nằm và hỏi: “Có chuyện gì thế?” Người đàn ông chậm chạp quay lại, chớp mắt và im lặng. Studer nhận ra ông già Cottereau, thợ trưởng làm vườn ở Ellenberger… Nhưng khi Studer hỏi thêm một lần nữa, rằng có chuyện gì xảy ra, thì tiếng rên rỉ lại bắt đầu. Bây giờ có thể hiểu rõ được lời nói: “Chúa ơi! Chúa ơi! Thật là tốt khi cuối cùng cũng có một người đến. Người ta có thể chết trong rừng đấy. Ôi chao, ôi chao, tôi chóng mặt lắm, và người ta đã đánh tôi đến thế này đây!…” Ai đã đánh ông, Studer muốn biết. Lúc đó, tiếng rên rỉ ngưng lại, con mắt trái chớp chớp tinh nghịch – mắt kia bầm tím và che gần như kín bởi làn da sưng tấy – và với một giọng nói hết sức bình tĩnh, người trợ trưởng làm vườn Cottereau nói: “Anh muốn biết điều này lắm phải không? Nhưng tôi không nói cho anh biết đâu. Đó là, có thể đó là… Hoàn toàn không có chuyện gì cả! Thật ra thì anh có thể giúp tôi đứng lên và dẫn tôi về nhà, dẫu sao đi nữa thì tôi cũng đã ướt hết rồi, cả đêm trong rừng… Tuy anh đã… Vâng, chủ tôi đang trông ngóng tôi đó, ông ấy có lo lắng nhiều lắm không?” “Ông ấy đã cho loan báo tìm ông qua radio…”, Studer nói – thế là người đàn ông ngồi dậy nhanh như chớp, nhưng mặt ông ta nhăn nhó. Rồi một cảm xúc hãnh diện lan ra trên gương mặt ông. “Qua radio à?”, ông hỏi. Rồi thán phục sau đó: “Ừ, ông Ellenberger là thế đó!… Ông ấy có khỏe không, ông chủ tôi? Ông có bị thương nặng không?” Studer lắc đầu và nghiêm khắc nói rằng sẽ để cho ông ta, Cottereau, nằm lại ở đây, nếu như ông không muốn nói ai đã đánh ông. “Anh muốn làm thế nào thì cứ làm đi, anh điều tra viên”, người đàn ông nhỏ bé mập mạp nói, lôi một cái gương soi ở túi ra, một cây lược và bắt đầu chải tóc. “Xong rồi đấy, và bây giờ thì anh có thể dẫn tôi về nhà… Dẫu sao thì cũng tại anh mà người ta mới đánh tôi như thế này. Nhưng Cottereau kiên quyết lắm, hắn ta sẽ không nói gì đâu, hắn biết là hắn chịu ơn chủ hắn đến mức nào…” Và sau khi im lặng một lúc: “Đã già rồi”, người đàn ông nhỏ bé nói. “Người ta không còn cường tráng như xưa nữa. Thật đáng tiếc khi ông chủ không đi cùng, ông ấy sẽ đập cho bọn đấy một trận!” “Bọn đấy?” Studer hỏi. “Bọn nào?” “Hê hê”, Cottereau cười. “Anh muốn biết lắm có phải không, anh hạ sĩ. Nhưng tôi sẽ không nói gì hết. Tôi không cộng tác nữa… chấm… hết… Tôi không cộng tác nữa!” Và mặc cho sự đau đớn mà rõ ràng ông ta cảm nhận được, ông vẫn cương quyết lắc đầu. Studer cúi người xuống. Cottereau đặt tay lên vai người hạ sĩ, đứng dậy, rên lên, và rồi bắt đầu bước đi thật chậm. Studer đỡ ông ấy. “Ôi cái lưng!”, người đàn ông mập mạp than thở. “Chúng nó đánh đau đến thế chứ! Rồi còn nói thêm: “Thế này này!… một tên điều tra từ thành phố muốn xen vào việc của chúng tao ư! Đây chỉ là màn dạo đầu thôi Cottereau”, chúng nói thế đấy. “Để mày câm miệng. Có hiểu không? Chúng tao có lính của chúng tao. Chúng tao không cần cớm từ thành phố!” Và tôi sẽ không nói bất cứ điều gì cho ai biết cả. Hiểu không, ông điều tra viên? Tôi im lặng. Tôi không nói, tôi không nói, như một nấm mồ…” Rồi ông già Cottereau còn lầm bầm vài điều nữa nhưng không thể hiểu được… Nếu như Studer nghĩ rằng Ellenberger có thể giải thích toàn bộ vụ việc thì ông đã thất vọng. Ellenberger ngồi trên một băng ghế nhỏ trước nhà. Ngôi nhà đó giống như một ngôi biệt thự còn tương đối mới, có một cái nhà kho ở phía sau, cửa sổ ngôi nhà có ánh nắng chiếu vào kính lấp lánh. Một lớp băng dày màu trắng quấn quanh đầu Ellenberger. “Thế đấy”, ông nói khô khan, “anh đã tìm thấy Cottereau rồi đấy à? Cảm ơn nhé, ông hạ sĩ. Ông thật đúng là một “thiên ngoại cứu tinh””. Và rồi ông ta cười nặng nề khi nhìn thấy gương mặt ngạc nhiên của Studer. “Tại sao anh lại báo động qua radio?” cuối cùng, Studer cũng tò mò hỏi. “Sau này anh sẽ hiểu”, ông già Ellenberger nói và vuốt qua chiếc khăn xếp màu trắng ở trên đầu. “Có thể qua đó tôi đã giúp cho anh…” “Giúp đỡ?” Studer bực mình nói. “Cottereau im lặng. Còn anh thì cũng không nói gì. Ai đã tấn công anh, ai đã lôi người thợ trưởng làm vườn của anh đi?” “Ông hạ sĩ”, Ellenberger nói, và gương mặt ông có vẻ hết sức nghiêm trọng. “Có trái táo thế này và có trái táo thế kia. Có những trái táo anh có thể hái trên cây xuống để ăn ngay, chúng đã chín, và có những trái táo khác thì anh phải để trong hầm, mãi đến tháng Hai chúng mới chín, hay tháng Ba… Cứ hãy chờ, hạ sĩ, cho tới khi táo chín. Kiên nhẫn. Có hiểu không?” Và Studer buộc phải hài lòng với thông tin này. Ông còn không thể thăm hỏi tên Schreier và tên Buchegger được. Người ta nói rằng họ vẫn còn làm việc. Vườn ươm không phải là nhà máy của nhà nước, ông Ellenberger nói chua cay. Ở đây vẫn làm việc vào chiều thứ Bảy… PHÒNG CHO THUÊ S chlumpf đã thuật lại cho người hạ sĩ, anh ta sống tại nhà của một cặp vợ chồng có một cửa hàng bán giỏ ở trên đường Nhà Ga. Gia đình đó mang họ Hofmann. Không khó để tìm thấy ngôi nhà đó. Ở trên vỉa hè trước cửa hàng có những giỏ hoa đan, dường như đang mong nhớ đến một gian sảnh to lớn với những cây cọ không thể nào thiếu chúng được. Studer bước vào, chuông vang lên the thé vẳng ra từ gian phòng ở phía sau và rồi một người phụ nữ bước vào gian bán hàng. Bà mặc một cái tạp dề có tay áo và có những sọc ngang màu xanh dương, tóc bà đã bạc và được chải gọn gàng. Bà hỏi ông muốn gì, và tính lịch sự của bà có vẻ như đã được luyện. Studer giải thích, ông đến đây là để thu thập thông tin về tên Schlumpf Erwin đã từng cư ngụ ở đây. Hạ sĩ Studer từ Sở Cảnh sát Tiểu bang. Người ta đã giao cho ông điều tra vụ này, và ông rất muốn biết thêm thông tin về anh chàng này. Người đàn bà gật đầu, gương mặt bà trở nên buồn rầu. Đó là một câu chuyện tệ hại, bà nói. Xin mời ông hạ sĩ vào đây, bà đang một mình, chồng bà đang đi bán dạo, ông hạ sĩ có muốn vào gian bếp không, bà vừa mới pha cà phê, ông cũng có thể uống một tách, nếu như ông muốn… Cứ tự nhiên. Studer cũng đang muốn uống cà phê… Và ông cũng không hối hận khi đã uống, vì cà phê rất ngon, không phải thứ cà phê loãng âm ấm như trong quán “Bären”. Gian bếp nhỏ, trắng, rất sạch sẽ. Chỉ chiếc ghế mà Studer ngồi trên đó là hơi một chút… Studer bắt đầu thận trọng hỏi. “Tên Schlumpf có trả tiền đúng hạn không?” “Ồ, có chứ, mỗi tháng, vào ngày cuối cùng, khi anh ta lĩnh lương, anh ta đến đây và đặt 25 quan lên bàn”. “Và vào buổi tối thì lúc nào cũng ở nhà?” “Năm đầu thì thế, nhưng từ năm ngoái anh ta hay trở về muộn vào buổi tối”. “A”, Studer nói, “có người yêu?” Bà Hofmann mỉm cười. Đó là một nụ cười thân thiện của một người mẹ. Studer mừng thầm vì đã gặp được người phụ nữ này. Bà gật đầu. “Nhưng cô gái đó chưa bao giờ thăm phòng Schlumpf chứ?” “Không, chưa bao giờ. Cô ấy không muốn có chuyện đó. Không phải là cô ấy thấy có gì ghê gớm lắm đâu, nhưng mà trong một ngôi làng!… Ông hạ sĩ hiểu chứ…” Studer hiểu. Bây giờ đến lúc ông phải gật đầu, và ông đã gật đầu đầy sức thuyết phục, ông ngồi ở đó trong tư thế ông thích nhất, đùi dạng ra, cẳng tay nằm trên đùi, hai tay chắp lại. Cái đầu gầy của ông cúi xuống. “Cô gái cũng chưa từng bao giờ tới đây để đón Schlumpf đi?” “Không… À có một lần… vào tối thứ Tư”. “Vào lúc mấy giờ?” “Vào lúc sáu giờ rưỡi. Anh chàng Schlumpf vừa đi làm về, rửa ráy trong phòng… Anh ta đang tắm thì cô gái bước vào cửa hàng, trắng nhợt, nhưng điều đó thì không làm tôi ngạc nhiên lắm, vì người ta phát hiện cha cô bị giết… Cô ấy nói, cô phải nói chuyện với Schlumpf và tôi có thể gọi anh ta ra được không. Rồi anh ta bước ra, tôi đã để hai người ở lại trong gian bếp, nhưng họ nói với nhau chưa đầy một phút. Rồi cô gái lại bỏ đi. Và Schlumpf mãi tới sau nửa đêm mới trở về nhà…” “Đó là ngày thứ Tư, tức là vào buổi tối sau khi phát hiện ra vụ giết người, có phải không?” “Vâng, thưa ông hạ sĩ. Đêm đó tôi khó ngủ, vào lúc bốn giờ tôi nghe tên Schlumpf đi rón rén xuống cầu thang. Rồi thì lúc bảy giờ là ông Murmann đến và muốn bắt Schlumpf. Nhưng mà chàng Erwin đã đi mất rồi…” Chàng Erwin… Cái tên này nghe có vẻ hết sức dịu dàng từ miệng của người đàn bà tóc bạc. Tức là chàng Erwin này đã sống hai năm ở tại một gia đình, anh ta hẳn phải cư xử tốt lắm, chứ nếu không thì họ đã không giữ anh ta lại lâu đến như thế… “Ông bà có biết tiền sử của hắn không?” “Ôi chao, ông hạ sĩ”, bà Hofmann nói. “Tên Erwin này là một anh chàng không may mắn. Cha tôi đã luôn nói: “Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” Không, không, tôi không phải là người sùng đạo, nhưng mà ông biết đó, hạ sĩ, đôi khi có những việc nào đó đã xảy ra. Trong tuần thứ hai, tên Erwin đã kể cho chúng tôi nghe hết thảy mọi việc, về những vụ trộm của hắn và về Thorberg và về trại giáo dưỡng… Mẹ hắn đã có lần tới thăm hắn… Một người đàn bà tốt… Tên Erwin rất quý mẹ của hắn… Ông đã gặp mẹ Erwin chưa?” Studer gật đầu. Ông nghe giọng nói già nua, trầm tĩnh hỏi: “Nhưng hắn còn được phép ăn sáng chứ?” Cái chuông kêu ré lên trên cánh cửa bếp. Hẳn là có ai đó trong cửa hàng, người phụ nữ đứng dậy, đổ đầy tách của Studer – ông cứ tự nhiên lấy đường và sữa và rồi đi ra phục vụ khách hàng, bà nói. Studer uống cạn tách với những ngụm nhỏ, lôi đồng hồ ra: gần sáu giờ. Ông vẫn còn thời gian. Ông đi lại trong gian bếp, chắp tay sau lưng, không nghĩ gì và thỉnh thoảng lắc đầu khi có một ý nghĩ nào đó muốn quấy rối ông. Hai lần, ba lần, ông đi ngang qua cái tủ mà không để ý đến nó, cho tới khi ông va thật đau vào một góc trong lúc quay lại thật nhanh. Bây giờ thì ông mới quan sát nó thật kỹ, chú tâm và không hài lòng. Đó là một cái tủ thấp màu trắng, phần dưới rộng, có cửa bằng gỗ; nằm trên phần dưới rộng này là một cái khung hẹp hơn có cửa bằng kính. Một chồng đĩa, bên cạnh đó là tách và ly, một vài cái đĩa. Nằm ở trên tấm ván trên cùng là một vài tờ báo cũ, được xếp chồng lên nhau rất trật tự và bên cạnh chúng là giấy gói hàng cũ, lộn xộn. Các cánh cửa chỉ khép hờ. Studer nhìn trừng trừng vào chồng giấy gói hàng lộn xộn. Vì đang không biết làm gì nên ông lấy chồng giấy gói ra – ông nắm chặt chúng bằng cả hai tay, để không tờ giấy nào rơi xuống đất, đặt chồng giấy ấy lên bàn và bắt đầu xếp chúng lại một cách cẩn thận. Khi ông giở tờ giấy thứ năm lên (sau này ông vẫn còn nhớ lại được màu của tờ giấy đó, đó là một tờ giấy màu xanh dương, giống như loại mà người ta dùng để gói những cái bánh đường), ông nhìn thấy có một vật màu đen nằm ở dưới đó. Studer chống nắm đấm lên bàn và nghiêng đầu nhìn vật màu đen đó. Không còn nghi ngờ gì nữa: một khẩu súng lục Browning, cỡ 6,5, một vũ khí nhỏ nhắn. Nhưng tại sao khẩu Browning này lại có ở đây trong gian bếp của bà Hofmann? Làm sao mà nó rơi vào trong đống giấy này? Tên Schlumpf đã…? Một câu chuyện không tốt. Nếu như ông quan tòa ở Thun biết được phát hiện này… Studer lưỡng lự. Có thể tìm thấy dấu tay ở trên báng súng, mặc dù báng có rãnh và các dấu tay chắc chắn sẽ không rõ cho tới mức người ta có thể chứng minh được gì với chúng… Cái chuông ở trên cửa bếp lại reo vang. Khách hẳn là đã rời cửa hàng. Bà Hofmann sẽ trở lại ngay thôi. “À, mặc kệ”, Studer nói to, cầm lấy cái vật màu đen nhỏ nhắn đó – và trong một khoảnh khắc ngắn, ông nhớ lại cái lỗ mà vật này đã tạo ra, vết bắn cách tai phải ba ngón tay ở sau đầu của Wendelin Witschi – rồi Studer nhét khẩu súng ngắn vào túi quần sau của ông… Cửa bếp mở ra. Bà Hofmann không trở lại một mình. Sonja Witschi đi cùng với bà. Ông chỉ muốn dọn dẹp một chút để cảm ơn vì đã được uống cà phê, Studer nói, nhưng bây giờ thì không còn cần thiết nữa. Ông cầm lấy chồng giấy gói, ném lên tấm ván trên mặt tủ và lại ngồi xuống, ông dường như hoàn toàn không chú ý đến cô gái. “Ở trong làng họ đã biết ông đang chỉ đạo cuộc điều tra, ông hạ sĩ à, bởi vậy nên cô Sonja muốn nói chuyện với ông”, bà Hofmann nói. Và quay lại với cô gái: “Ngồi xuống đi, vẫn còn cà phê đấy…” Studer nhìn cô gái. Gương mặt nhỏ với cái mũi nhọn và tàn nhang trên thái dương trông trắng nhợt và rất bối rối. Và đôi mắt luôn tránh né ánh mắt của Studer. Đôi mắt đó lo sợ nhìn quanh bếp, từ bàn mà đống giấy gói đã nằm ở trên đó, sang cái tủ mà bây giờ chồng giấy đang nằm đó. Đôi môi mím lại. Studer rất muốn đứng dậy, vuốt tóc và trấn an cô gái, giống như người ta trấn an một đứa bé đang run rẩy. Nhưng không được. Có thể là cô ấy biết điều gì đó về khẩu súng ngắn được giấu ở đây? Tên Schlumpf có giấu khẩu súng và vào buổi tối trước khi bỏ trốn đã nói cho cô gái biết nó nằm ở đâu không? Nhưng nếu thế thì tại sao Sonja lại không đến đây sớm hơn để lấy nó đi? Câu hỏi, nhiều câu hỏi!… Studer thở dài. Bây giờ Sonja bước tới chỗ ông, cô dường như nhận ra ông chính là người đã nhận xét về Felicitas Rose trên tàu hỏa, vì cô đỏ mặt khi chìa tay ra cho Studer. Nhưng lần đỏ mặt này có thể cũng có một nguyên nhân khác. Bầu không khí thân thiện trong gian bếp trước đó đã bị phá vỡ. Bây giờ thì đang có một sự căng thẳng ở đây, cái không chỉ được tạo ra bởi sự ngượng ngùng (hay đó là sự sợ hãi?) của cô gái Sonja Witschi bé nhỏ – không, Studer cảm thấy thái độ của bà Hofmann cũng đã thay đổi. Sự im lặng, phủ lên gian bếp nhỏ, chỉ bị làm gián đoạn bởi tiếng tích tắc của cái đồng hồ, một cái đồng hồ bằng sứ màu trắng có con số màu xanh dương. Và trong khoảng thời gian im lặng này, tinh lạc quan của Studer bị gặm nhấm rã rời và sự chán nản đang lớn dần trong ông làm tê liệt tất cả các giác quan. Có lẽ cái trọng lượng khác thường đang đè nặng trong túi quần sau của ông cũng góp phần làm tăng sự chán nản này. “Chắc là đã có khách hàng khác”, Studer bất ngờ nói. “Không, không phải khách hàng”… bà Hofmann lắc đầu. “Có hai người đàn ông đã đến đây…” “Hai người đàn ông?” “Ông trưởng làng và thầy giáo Schwomm”. “Các ông ấy muốn gì?” Bà Hofmann im lặng. Studer nhìn sang Sonja Witschi, người ông thầm gọi là Felicitas. Nhưng cô gái chỉ nhún vai. “Cô đến đây cùng với hai người đó à?” Studer hỏi cô gái. Cô ấy đã gọi hai người đó khi nhìn thấy ông hạ sĩ bước vào cửa hàng. Studer đứng dậy, gãi trán – càng lúc lại càng phức tạp hơn thế này… Không thể khai thác được gì từ bà Hofmann nữa… Nhưng có lẽ từ cô gái? “Xin chào, bà Hofmann”, Studer nói thân thiện. “Còn cô thì đi với tôi. Chúng ta nói chuyện với nhau một chút…” Xem xét phòng của Schlumpf là vô nghĩa. Chắc chắn nó đã được lau chùi và quét dọn, và đồ đạc của Schlumpf đã được gói ghém lại và nằm ở đâu đó… Khi Studer bước ra khỏi nhà, ông biết rằng mình đã đoán đúng. Trên cửa sổ ở tầng trên có treo lủng lẳng một tấm các tông trắng. Trên đó là những nét chữ vụng về: “Phòng cho thuê”. Người hạ sĩ quay lại nhìn bà Hofmann thêm một lần nữa, chỉ tay vào bảng thông báo và hỏi, đã có người nào tìm hỏi thuê phòng chưa. “Ai thế?” Bà Hofmann ngần ngừ không muốn trả lời, nhưng rồi dường như thấy câu hỏi này không nguy hiểm. Và bà nói: “Thầy Schwomm định thuê phòng này cho một người bà con muốn về đây với thầy ấy vào tháng tới. Rồi thì tên Gerber phụ việc cho ông thợ cắt tóc cũng đã đến hỏi… Vâng, từng ấy người thôi”. “Thế bà cũng đã dẫn hai người này vào nhà bếp và mời cà phê?” Bà Hofmann đỏ mặt, bà ngượng ngùng xoay tay: “Khi người ta chỉ có một mình cả ngày, ông biết đấy…” Studer gật đầu, nhấc mũ chào rồi sải bước đi. Sonja Witschi bước những bước chân ngắn và nhanh bên cạnh ông. Gót giày của cô kêu lắc cắc trên mặt đường. Nhưng cô đã thay tất. Ít ra thì không còn nhìn thấy lỗ thủng nào ở gót chân bên giày phải nữa… BÊN TRONG GIA ĐÌNH WITSCHI N gôi nhà nằm cách biệt trên một ngọn đồi, giữa một khu phố nhỏ, nhưng nó lâu đời hơn các ngôi nhà bao quanh nó. Lối vào cửa hàng nằm bên trái cửa ra vào; cạnh đó là một kiểu hàng hiên không có mái mà trên bức tường phía sau có vẽ một cái hồ nước đang trải rộng ra trước những ngọn núi phủ tuyết, và những ngọn núi tuyết thì màu hồng, giống như kem mâm xôi đang tan chảy thành nước. Nổi bật ở trên cửa, bằng nét chữ hoa mỹ là câu nói: Chúa chào bạn, hãy bước vào và mang hạnh phúc đến! Dưới các cửa sổ của tầng một, trong màu xanh dương là tên của ngôi nhà: Alpenruh Trên cửa sổ bày hàng của cửa hàng, với nhiều tấm áp phích sặc sỡ của Maggi đã phai màu, là một tấm bảng hiệu cũng đã hư hỏng vì mưa gió: W. Witschi-Mischler, cửa hàng thực phẩm Khu vườn hoang tàn, cỏ dại cao mọc giữa những cây đậu Hà Lan không được cột lên. Cái cào rỉ sét dựa vào góc nhà. Suốt đoạn đường, Studer đã im lặng và chờ xem cô gái có bắt chuyện gì không. Nhưng Sonja cũng im lặng. Chỉ một lần, cô rụt rè nói: “Sáng nay trên tàu cháu đã nghĩ bác từ Bern đến đây vì anh Schlumpf, rằng bác là cảnh sát…” Studer gật đầu, chờ xem còn gì nữa. “Và khi cháu thấy bác đi gặp bà Hofmann trong cửa hàng thì cháu đã gọi cậu Aeschbacher. Bà Hofmann là một người hay nhiều chuyện…” Studer im lặng nhún vai. Toàn bộ câu chuyện đột nhiên trở nên xấu đi. Ông ước gì đã nói chuyện cặn kẽ hơn với cảnh sát Murmann vào sáng nay. Người thầy giáo Schwomm và anh giúp việc cắt tóc Gerber, ông nghĩ thầm – tức Gerber chính là anh chàng trẻ tuổi đọc tiểu thuyết John Kling và để cho người ta tặng mình một cây bút máy, cả hai người này đã ở trong gian bếp của bà Hofmann. Và Sonja… Và tên Schlumpf, tất nhiên. Ai đã giấu khẩu súng lục ở đó? Tại sao nó lại được giấu ở chính chỗ đó? Người ta có hy vọng bà Hofmann sẽ phát hiện ra nó và báo cảnh sát không? Cứ cho rằng bà Hofmann phát hiện ra nó, thì tất nhiên là bà sẽ cầm nó trên tay và tò mò, phụ nữ là như thế, khám xét nó. Nếu thế thì tất nhiên sẽ không còn nhận ra được dấu tay nào nữa. Tức là không đến nỗi quá dở, Studer tự an ủi, khi ông cứ nhét khẩu Browning vào mà không có biện pháp phòng ngừa nào… Thật đáng tiếc, ông đã không hỏi bà Hofmann, lúc nào thì tên Schlumpf trở về nhà vào tối thứ Ba, hay chính xác hơn là đêm khuya ngày thứ Ba… Nhưng thật ra thì câu hỏi này không cần thiết, câu trả lời chắc chắn có trong hồ sơ, đúng rồi, Studer nhớ lại một trang mà trong đó có viết: “Được hỏi, bà Hofmann trả lời rằng, trong đêm xảy ra án mạng, bị cáo khoảng một giờ khuya mới trở về nhà…” Studer lắc đầu. Thật kỳ lạ, Ông hoàn toàn không quan tâm đến việc buộc tội này. Nó được dựng lên một cách quá đơn giản: một người có tiền án đi giết người, người mà tất nhiên là không có chứng cớ ngoại phạm và người ta tìm thấy tiền của người bị giết ở chỗ hắn ta, người không muốn khai báo, nhưng quả quyết mình vô tội, người đã tự tử… Nó giống – vâng, toàn bộ sự việc giống như một quyển tiểu thuyết tồi… Nhưng tất nhiên rồi, tên phạm nhân vô tội, trong trường hợp này là một nhân vật có thật, một con người sống một cuộc đời không được tốt đẹp, có một thời gian lại trở về với con đường chính trực, và bây giờ thì… Tên Schlumpf đọc gì trong thời gian rảnh rỗi? Cũng đọc Felecitas Rose? Hay John Kling? Thật ra sẽ hết sức thú vị nếu như xác định được điều này. Cô gái bé nhỏ chắc chắn là biết điều này, cô gái đã tặng Gerber một cây bút máy đắt tiền… Cô ấy có yêu Gerber, người thợ giúp việc trong tiệm cắt tóc hay không? Thật ra thì trông không phải như thế… Nhưng thế thì tại sao lại có món quà đắt tiền đó? Cây bút máy… Vâng… Thường thì người ta mang cây bút máy ở trong túi ngực bên trái của chiếc áo khoác hay trong túi trên của áo vest. Người ta mang nó theo, đặc biệt là khi người ta đi thu thập đơn đặt hàng, ông Wendelin Witschi có mang nó theo vào ngày thứ Ba hay không? Nhưng khi nào thì ông đưa nó cho cô con gái của ông? Các túi của Wendelin Witschi đều trống rỗng và trên lưng áo khoác của ông ấy thì không có chiếc lá kim của cây thông nào bám lại… Hai người bước vào gian bếp… Chén bát chưa rửa trong bồn rửa chén… Trên bàn có một cái đĩa, bơ ở trên đó, một cái lược nằm bên cạnh. Studer chỉ có một mình, Sonja đã biến mất… Người hạ sĩ bước vào gian phòng bên cạnh qua một cánh cửa mở. Các tấm rèm ở trước cửa sổ đã xám xịt, cây dương cầm phủ một lớp bụi. Cánh cửa đóng lại. Có gió luồn trong nhà này. Qua chấn động khi cánh cửa đóng sầm lại, một đám mây màu xám tỏa ra từ tấm ảnh được treo ở phía trên cây dương cầm. Tấm ảnh chụp ông Wendelin Witschi hạnh phúc, trong những năm còn trẻ, và chắc hẳn đã chụp vào dịp lễ cưới. Giữa hai cái mũi nhọn của cổ áo cứng có một cái đầu đen và nhỏ nhô lên. Bộ râu mép thời đó cũng đã buồn bã rồi. Và đôi mắt… Nhiều tập sách mỏng màu đỏ, vàng xanh dương nằm trên cái bàn có một tấm trải bàn nhiều tua phủ lên. Cả cái tủ đựng chén bát nặng nề cũng đầy những tập sách mỏng. Tất cả chúng đều cùng một loại: ảnh chó hay trẻ con, một ngôi nhà nguyện trên núi, một cuốn tiểu thuyết, mẹo cho người phụ nữ nội trợ, góc xem tướng. Và, đập vào mắt, trên tất cả các trang bìa: “Chúng tôi bảo đảm cho những người đặt mua… Trong trường hợp thương tật toàn bộ vĩnh viễn hay tử vong chúng tôi sẽ hoàn trả tiền…” Năm loại tập sách mỏng khác nhau. Nếu như tất cả đều trả tiền bảo hiểm, thì sẽ có… thì sẽ có một số tiền lớn… Rồi ông công chứng Münch đã nói gì? Ông già Ellenberger đang cầm giấy nợ và muốn đòi nợ. Có tiếng chân đi lại ở tầng trên. Sonja làm gì ở trên đó, tại sao cô ấy lại để ông một mình ở trong nhà? Có một vật nặng được dịch chuyển đi. Studer mỉm cười. Cô gái hẳn là đang dọn giường, bây giờ vào buổi chiều tối. Gia đình Witschi có một thói quen thật kỳ lạ… Studer tiếp tục lật xem trong những tập sách mỏng, ông bắt gặp một vài nơi được gạch dưới và đọc: “Rồi nó dâng trào lên trong người cô, nóng bỏng. Cô lao vào vòng tay của anh ấy, cô ôm chặt cổ anh, tựa như cô sẽ không bao giờ, không bao giờ buông anh ra nữa…” Rồi tiếp tục: “Và chúng ta, Sonja, tình yêu ngọt ngào của anh, người vợ tận tụy của anh – chúng ta sẽ hạnh phúc…” “Trắng nhợt cho tới tận đôi môi, tay chân run run, Sonja đứng trước anh ấy…” Studer thở dài. Ông nghĩ đến thứ cà phê âm ấm và một người phụ nữ uể oải vào sáng sớm vì đã đọc quá nhiều tiểu thuyết trong đêm khuya… Rồi người hạ sĩ bước đến cạnh cái tủ đựng chén bát nặng nề. Ngay dưới bức ảnh của Wendelin Witschi, ở trên cái kệ, có một lọ hoa với những đóa hoa hồng bằng sáp và một vài nhánh cây nhiều màu của mùa thu. Và Witschi dường như đang liếc mắt xuống lọ hoa. Không suy nghĩ, Studer nhấc nó xuống, nó nặng kỳ lạ – và những cành cây mùa thu cũng là hàng giả. Studer lắc lọ hoa. Nó kêu leng keng. Ông lật úp lọ hoa lại… Hai, bốn, sáu, mười – mười lăm cái vỏ đạn rơi ra, cỡ 6,5… Tầng trên đã yên lặng. Studer nhét một cái vỏ vào túi áo khoác của ông, ông thả những cái còn lại cho chúng trượt vào lọ hoa, sắp xếp lại bó hoa và đặt nó vào vị trí cũ. Có tiếng chân bước xuống cầu thang. Studer mở cửa bếp và đứng lại ở ngưỡng cửa. Xin ông hạ sĩ hãy thứ lỗi, Sonja nói, cô còn muốn dọn dẹp ở bên trên, nếu như ông muốn đi xem nhà. Mãi đến chuyến tàu chín giờ mẹ mới về nhà, bà ấy còn phải ở nhà ga đến lúc đó… Nhưng Armin thì sắp về rồi. Sonja cứ nói luyên thuyên và tránh ánh mắt của Studer; nhưng ngay khi Studer nhìn đi nơi khác thì ông cảm nhận được đôi mắt của cô gái hướng đến gương mặt ông, khi ông quay lại nhìn thì mi mắt lại khép lại. Cô gái có hàng mi dài. Trán tròn và hơi nhô. Tóc được chải cẩn thận. Sonja trông gọn gàng hơn sáng nay – khi ở trên tàu rất nhiều. “À, Schlumpf gửi lời hỏi thăm cháu đấy”, Studer nhân tiện nói. Ông nhìn ra cửa sổ. Ở cuối mảnh vườn trồng rau có một cái nhà kho cũ kỹ đổ nát. Những cây cột làm khung cho mái nhà đã cong xuống, vài viên ngói đã mất. Cửa nhà kho cũng không còn. Sonja im lặng. Và khi Studer quay lại thì ông nhìn thấy cô gái đang khóc. Cô khóc không kìm chế, gương mặt nhỏ nhắn nhăn nhó, nhiều nếp nhăn sâu chạy chung quanh cái mũi nhọn, đôi môi méo mó, và nước mắt lăn xuống má, đọng lại ở cằm rồi nhỏ giọt xuống áo. Đôi tay nắm chặt lại thành nắm đấm. “Con gái à”, Studer nói, “con gái à!…” ông cảm thấy lúng túng. Cuối cùng, ông không biết làm gì hơn là lôi chiếc khăn tay của ông từ trong túi ra, bước đến bên cạnh Sonja và vụng về chấm lấy những giọt nước mắt đang chảy xuống. “Thôi đi nào, con gái, nín đi, đừng khóc nữa…” Sonja dựa vào người ông hạ sĩ, thân hình cô run run, đôi vai mềm xuống. Studer thở dài không có lý do. “Thôi đi nào, con gái, nín đi…” Sonja ngồi xuống một cái ghế. Cánh tay cô duỗi dài trên bàn, cạnh cái đĩa bơ, cạnh cây lược… Trời bắt đầu tối ở ngoài kia. Studer không còn nhiều thời gian nữa. Vào bảy giờ rưỡi, ông cần phải có mặt ở gia đình Murmann để ăn tối… Sonja khiến ông mất thời gian, ông không muốn tra hỏi cô… Cha cô chết, người cô thương yêu nhất thì ngồi tù, ban ngày cô đi làm ở Bern, anh cô nhận tiền của một cô hầu bàn, và mẹ cô đọc tiểu thuyết trong ki-ốt ở nhà ga… “Erwin”, Studer nhẹ nhàng nói, “Erwin đã nói với bác, anh ta gửi lời hỏi thăm cháu…” “Thế bác có tin là anh ấy có tội không?” Studer lặng lẽ lắc đầu. Sonja mỉm cười trong khoảnh khắc, rồi những giọt nước mắt lại trào ra. “Anh ấy sẽ không thể chứng minh được là anh ấy vô tội…”, cô thổn thức nói. “Cháu đã đưa tiền cho hắn à?” Thật kỳ lạ, một gương mặt lại có thể thay đổi nhanh đến thế!… Sonja nhìn trừng trừng về phía trước, ra cửa sổ, về hướng cái nhà kho cũ kỹ đổ nát mà lối vào của nó là một hình chữ nhật tối đen… Và im lặng. “Tại sao cháu lại tặng cây bút máy cho tên thợ cắt tóc Gerber?” “Vì… vì… hắn biết điều gì đó…” “Thế đấy, thế đấy”, Studer nói. Ông ngồi xuống bàn, chiếc ghế đẩu quá nhỏ bé cho thân hình nặng nề của ông, ông cảm thấy khó chịu. Họ sống trong ngôi nhà này đã lâu chưa? Ông hỏi. Bố đã cho xây bằng tiền của mẹ, Sonja kể, và dường như cô vui mừng khi có thể nói chuyện. Bố đã làm việc trong ngành đường sắt, là người bán vé, rồi mẹ thừa hưởng một tài sản. Quê mẹ ở đây, Gerzenstein, quê bố ở vùng Seeland. Mẹ đã mở cửa hàng và bố tiếp tục làm việc trên tàu. Khi có chiến tranh thì buôn bán tốt, thời đó còn có ít cửa hàng ở Gerzenstein. Rồi bố xin về hưu. Chính xác hơn thì ông đã xin thôi và từ bỏ tiền hưu, vì ông bị bệnh tim và ngành đường sắt đã gây khó khăn cho ông. Vâng, trong lúc có chiến tranh thì cuộc sống khá hơn. Anh Armin lẽ ra đã có thể đi học trung học ở Bern, sau đó anh ấy dự định đi học đại học. Nhưng rồi ngân hàng có cuộc khủng hoảng lớn, và bố mẹ đã mất hết tất cả. Sau đó thì chấm dứt mọi việc. Mẹ trở nên gắt gỏng và bố thì đi buôn xa. Nhưng ông kiếm không được nhiều tiền. Và tất cả đều đắt đỏ như thế!… Mẹ không biết cách tiêu tiền, bà luôn chi hết tiền cho thuốc uống và những thứ đại loại như thế. Cậu Aeschbacher đã giúp đỡ một hay hai lần… Những lời cuối cùng đã được nói ra một cách hết sức ngập ngừng. “Cậu Aeschbacher thì thế nào?” Studer hỏi. Im lặng… “Nhưng cháu đã đi gọi cậu ấy đến khi thấy bác đi vào nhà bà Hofmann?” Gương mặt thể hiện nhiều sự đau khổ. Studer thương cảm. Ông không muốn hỏi tiếp. Chỉ một câu nữa thôi: “Ai là thầy Schwomm?” Sonja đỏ mặt, hít sâu vào, muốn nói nhưng không nói được, cô ho, tìm một chiếc khăn tay, dùng mu bàn tay lau mắt, rồi lắp bắp nói: “Ông ấy dạy ở trường trung học, là thư ký làng, trưởng ban quân sự, và ông ấy cũng chỉ huy dàn đồng ca hỗn hợp…” “Thế thì ông ấy phải làm việc nhiều với trường làng phải không? Với “cậu” Aeschbacher?” Sonja gật đầu. “Chào cháu”. Studer chìa tay ra cho cô ấy. “Và đừng khóc nữa. Mọi việc sẽ tốt thôi”. “Chào ông hạ sĩ”, Sonja nói và chìa bàn tay nhỏ bé của cô ra. Móng tay rất sạch sẽ. Cô không đứng dậy và để Studer đi ra ngoài một mình. Studer đứng lại ở hành lang và tìm chiếc khăn tay của ông, không tìm thấy, ông nhớ lại đã dùng nó trong bếp, quay trở lại ngay trước cửa ra vào và bước vào bếp mà không gõ cửa. Không có ai ở đó. Cánh cửa vào gian phòng kia đang mở ra… Sonja """