" Vào Thiền - Doãn Quốc Sỹ full prc pdf epub azw3 [Tùy Bút] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vào Thiền - Doãn Quốc Sỹ full prc pdf epub azw3 [Tùy Bút] Ebooks Nhóm Zalo DOÃN QUỐC SỸ VÀO THIỀN Giai thoại tùy bút LỜI TỰA Tôi chẳng nhớ rằng mình đã để ý đến Thiền tự bao giờ chỉ biết chắc rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. Xưa có lần nghe chuyện kể ngài Tuê-Trung đời Trần tu mà vào tiệc vẫn ăn thịt cá. Em gái ngài là Khâm-Từ ngạc nhiên hỏi: “Anh đã tu Thiền mà còn ăn mặn làm sao thành Phật được?” Ngài cười đáp “Phật là Phật, anh là anh, anh chẳng cần làm Phật, cũng như Phật chẳng cần làm anh!...” Lời nói thật hồn nhiên phá chấp. Lần khác nghe kể chuyện ngài Đạt-ma Huệ-Năng nói gánh nước bổ củi cũng là Thiền (Vận thủy bon sai, công phu đệ nhất). Gần đây tôi đọc cuốn Nẻo Về Của Ý của Nhất-Hạnh cũng có đoạn tác giả viết quét nhà, lau cầu tiêu mà lòng thơ-thới, mà hồn phơi-phới tức thị cũng là Thiền rồi. Mở đầu đoạn này – tôi còn nhớ - Nhất Hạnh tả một thằng bé con vừa ngồi ăn cơm với quả trứng luộc vừa ngắm trời mưa và đã gợi tả được trạng thái vô tư, thơ thới – trạng thái Thiền – của thằng bé con nhà nghèo đó. Trên các sách báo, gặp bất kỳ đoạn nào, bài nào nói về Thiền tôi cũng đọc, rồi cái gì hợp với mình thì nhớ (nhiều khi chỉ nhớ mang-máng) còn cái gì rơi vào quên lãng ắt là những cái vô bổ với tạng mình. Tôi vẫn nghĩ một cách rất chủ quan rằng thái độ đọc Thiền như vậy mới thật là… Thiền. Mùa hạ 1967 tại Tallahassee, thủ phủ tiểu bang Florida, tôi được một người bạn Mỹ yêu đạo Phật tặng cho cuốn sách Thiền xinh xinh mang nhan đề Zen Buddhism của nhà xuất bản The Peter Pauper Press, Mount Vernon, New York, 1959. Lần đó tôi được đọc những giai thoại nhỏ dí-dỏm về Thiền giữa màu sắc bừng sáng của những loại hoa cúc, hải đường, azalea của miền Nam, phảng phất mùi hương thanh thanh của hoa magnolia, đôi khi dưới bóng rừng ngợp màu rêu, loại rêu ngan ngát tím bao phủ lấy các cành cây và rủ xuống như tơ liễu. Phần lớn những dụ ngôn, giai thoại về Thiền các bạn đọc sau đây đều kể lại theo bản in này. Đó là những truyện có tác dụng “tập thể dục” cho trí thức, giúp ta tự khám phá thấy cái bất lực thê thảm của lý trí đơn thuần. Thực là một thái độ ấu trĩ đến khôi hài khi chúng ta hăm hở muốn định nghĩa Thiền, nhưng với những ai chợt hồn nhiên hỏi tôi “Thiền là gì?” thì tôi cũng hồn nhiên trả lời: “Theo kinh nghiệm bản thân của tôi: Thiền là một trạng thái Niết-bàn tại thế.” Thực ra yếu tính Thiền là một siêu lý, một siêu lộ, một sự phá chấp được đẩy đến tuyệt đối để chân tướng thực tại tự bừng nở trong thực nghiệm tâm linh của ta. Khi đã thấm nhập hương Thiền thái độ dễ hiểu nhất là thái độ thức tỉnh nóng-bỏng tự động phá chấp y như chiếc lò xo có khuynh hướng ruỗi ra khi bị ép. Nhất định không chịu để lý trí nhốt mình chung thân trong nhà tù khái niệm! Dòng đời như dòng sông, không một sích na nào ngừng trôi chảy, nô lệ cho lý trí đơn thuần ham cắt xén, thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết. Những khái niệm con đẻ của lý trí chật hẹp và khô cứng kia làm sao chụp được dòng thực tại không ngừng triền miên trong thế tương sinh tương lập. Con cá thảnh thơi bơi lội giữa lòng trùng dương khác xa với cái nhìn, với kiến thức của con cá trong một giây phút nào đó vùng quẫy được lên cao khỏi mặt nước và tìm hiểu đại dương bằng cái nhìn – dù là cái nhìn bao quát – của nó lúc đó. Chân lý gói ghém trong mỗi truyện Thiền đúng như que diêm chỉ xòe lên soi sáng một lần. Cùng một câu hỏi, đừng hy vọng có hai câu trả lời lần lượt như nhau. Mỗi chúng ta là một que diêm sống, không ai sống hộ ta, ta phải tự sống lấy, tự chiêm nghiệm lấy Thiền. Que diêm khi tắt đi, chút khói xanh để lại. Rồi chính chút khói xanh đó cũng tan loãng nốt và biến hẳn như vết chân gió xóa trên bãi cát. Tuy nhiên cũng nên chụp lấy chút ít khói xanh còn trong giây phút phiêu lãng đó, bởi dù cho khái niệm không chuyên chở được thực tại nhưng người ta vẫn có thể nương vào khái niệm để tìm tới thực tại. (Vì vậy mà tôi viết tập Vào Thiền này.) Nào chúng ta hãy thực tế vào Thiền, làm quen với phá chấp, học hỏi phá chấp. Với những tiêu đề Vào Thiền, Lời Thiền, Đạo Thiền v.v. xin ai chớ ngạc nhiên khi thấy chúng chợt hư ảo đi và lẫn lộn ranh giới. Có ai túm giữ được nước trong vốc tay đâu. ? ! LỜI THIỀN Thiền sư Kyogen nói với các môn đệ của ông: “Thiền như hệt một người ở thế tự treo lơ lửng trên bờ vực thẳm. Răng hắn cắn lấy một cành cây để giữ toàn thân lửng lơ trên vực. Tay hắn không hề nắm giữ một cành cây nào; chân hắn không hề được đặt trên một cành cây nào. Thế rồi ở trên một mỏm đá gần đấy có người cúi xuống, cao giọng hỏi hắn: Này anh, Thiền là gì? Không trả lời, hắn thua cuộc. Mở miệng trả lời ư? Nát thây dưới đáy vực! Vậy hắn phải làm gì? Giải thích Thiền, tìm hiểu Thiền qua lời nói đơn thuần, nguy hiểm biết chừng nào, nguy hiểm như vậy đó! Không thể đựng mây hồng trong hộp sắt, không thể vẽ bướm bằng cành tre! Là tôi nhớ lại đâu đó lời của Pearl Buck. Schuzan tiên sinh giơ chiếc gậy của người lên trước đám môn đệ nói: “Nếu gọi cái này là cái gậy, các ngươi phủ nhận đời sống vĩnh cửu của nó. Không gọi nó là gậy, các người phủ nhận thực tại của nó. Hãy cho ta hay các ngươi định gọi nó là gì nào!” Ôi, khi Lão-Tử nói “Đạo khả đạo phi thường đạo” Lão-Tử chỉ đi có một chiều: Vươn về cái vĩnh cửu. Schuzan tiên sinh đặt các môn đệ ở một vị trí mà tư duy bị tứ mã phanh thi. Áo-nghĩ-thư Upanishad cũng phân biệt hai trình độ hiểu biết: thượng trí và hạ trí. Cái biết thượng trí là cái biết về thực tại tuyệt đối, còn cái biết hạ trí là cái biết về các hiện tượng vô thường, hình danh sắc tướng không có ích lợi. Hiểu cho đúng, nó là một phương tiện đưa ta đến cái biết thượng trí. Điều cần ghi nhớ là khi đã tới bến hành khách phải dời thuyền mới lên bộ được. Ngày xưa đức Phật há chẳng trách A-nan thường hay quá nệ vào kinh kệ, nào có khác gì con lừa chở nặng trên đường xa. Phải vứt bỏ vỏ trấu mới lấy được hạt gạo chứ! Thiền-sư Foso Hoyen nói với các môn-đệ: “Này các con, thày nghe nói sinh thời đức Phật có dạy tới năm ngàn bốn mươi tám chân-lý, kể cả chân-lý về hư vô và thực hữu, kể cả chân-lý về tiệm ngộ và đốn ngộ. Phải chăng hết thảy những lời Phật dạy đó đều là những lời khẳng định? “Nhưng mặt khác Yoka đại-nhân, trong cuốn Giác-ngộ-ca của người, lại nói không có thực hữu, không có Phật; kẻ hiền giả, kẻ thông minh thánh trí chẳng qua như bọt bể, như tia chớp, có đấy không đấy, lóe sáng đấy lại tối mò đấy. Phải chăng tất cả những lời của Yoka đại nhân đều là những lời phủ định? “Này các con, nếu các con nói “có”, các con phủ nhận Yoka đại nhân; nếu các con nói “không” các con phản đối lời Phật dạy. Nếu đức Phật có đây, không hiểu Ngài sẽ giải quyết vấn-đề ra sao. “Giá như các con biết chắc mình đứng hẳn về bên nào chúng ta gặp Phật, chúng ta có thể sáng sáng tới thụ huấn Ngài và chiều chiều tới chào Ngài trước khi đi ngủ. Nhưng vì chúng ta không ai có thể đoán chắc là mình ở hẳn về bên nào, nên ta nhủ các con một bí quyết: khi ta nói cái này như vậy đó, chưa hẳn câu đó đã hoàn toàn là câu khẳng định. Khi ta nói cái này không phải như vậy đó thì chưa chắc câu đó đã hoàn toàn là câu phủ định. Quay về Đông mà thấy được giải đất linh thiêng miền Tây-vực; hướng về Nam mà tìm ra chòm sao Bắc Đẩu.” Trang-Tử viết trong Nam-hoa-kinh, Tạp thiên: Đặt nơm là vì cá, Được cá hãy quên nơm, Theo dò là vì thỏ, Được thỏ hãy quên dò. Nên lời là vì ý, Được ý hãy quên lời. Ta sao tìm được người biết quên lời để cùng nhau trò chuyện. Một thiền viện mới được thành lập, Thiền-sư Hyakujo cần tuyển chọn một người trong đám môn đệ để trong nom Thiền-viện đó. Tiên sinh bèn cho gọi đám môn đệ tới, chỉ một chiếc bình chứa đầy nước và nói: “Trong các con liệu có ai giải thích được cái này là cái gì mà không cần gọi đến đích danh nó?” Thiền sinh trưởng tràng được phát biểu trước: “Nó đứng thẳng, nó rỗng lòng, nhưng chẳng phải chiếc giày bằng gỗ.” Một thiền sinh khác: “Nó chẳng phải là một cái ao, bởi người ta khênh nó được.” Thiền-sinh em út phụ trách việc bếp nước, lẳng lặng đứng lên lấy chân đạp chiếc bình vỡ lăn chiêng, nước tung-tóe ra sàn. Một cách biểu đạt ý vô ngôn hảo diệu! Ý thức dính liền thực tại (cái mà thế nhân gọi là cái bình), ý thức hòa với thực tại, ý thức là thực tại khi bình vỡ lăn chiêng, khi nước chảy lệnh-láng! Thiền sinh được cử trông coi Thiền-viện. Thiền là siêu lý, siêu lộ! Với mọi tiếng nói lý giải Thiền, lập tức Thiền khép lại như lá hổ người. Thiền khép cánh lại như vậy để ôm lấy niềm im lặng vô ngôn. Mà kỳ lạ thay. Vô ngôn nhưng không tách rời thực tại. Chính vì vô ngôn mà cụ thể toàn diện. Chính trong niềm im lặng vô ngôn đó, những vang vọng, ý nghĩa, nhựa sống của ngôn từ của hành động, của ý nghĩa càng tràn bờ để xóa bỏ mọi biên giới mà tắm gội, bao dung lấy hết thảy. Kìa chuyện trên núi Linh Thứu Phật đưa một cánh hoa sen lên cao và im lặng. Tất cả đều ngơ ngác, duy Ca-Diếp mỉm cười thông ý. Phật đẹp lòng gật đầu mà rằng: Đạo ta bất khả thuyết. Lời nói chỉ làm mất đạo mà thôi, điều cần là phải biết quán tâm để trực ngộ. Ngài Ca-Diếp từ đó được coi như Sư-tổ của phái Thiền. Lời với đạo như bóng với hình. Tuy hai mà một! Nhưng ở trên đã chót có Lời Thiền thì ở dưới xin tiếp: Đạo Thiền. ĐẠO THIỀN Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo.” Theo Áo-nghĩa-thư Upanishad: Brahman (Đại ngã) là cái ngã vũ trụ đại đồng; Âtman (Tiểu-ngã) là cái ngã cá nhân phức biệt, nhưng sự phức biệt đó chỉ là giả tưởng vì bản chất cả hai đồng tính với nhau. Câu định nghĩa kỳ diệu về thực tại đồng nhất Brahman – Âtman như sau: “Cái ngã ở trong lòng ta nhỏ hơn hạt gạo, nhỏ hơn hạt mì, nhỏ hơn hạt cải, nhỏ hơn hạt kê. Cũng cái ngã ở trong lòng ta, lớn hơn trái đất, lớn hơn bầu khí quyển, lớn hơn cả bầu trời, lớn hơn tất cả mọi thế gian.” * Vì vậy trong Upanishad Brahman và Âtman thường được dùng lẫn lộn, không phân biệt... * Trong bài “Trả Lời Pháp Dung Hỏi Về Sắc Không Phàm Thánh” của Khánh-Hỷ thiền-sư đời Lý có câu: Kiền không tận thị mao đầu trượng. Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung. Ngô Tất Tố phiên dịch: Kiền khôn rút lại đầu lông síu Nhật nguyệt nằm quanh hạt cải mòng. Tóm lại Brahman là một thực tại vô hạn hằng cửu, vừa ở ngoài, vừa ở trong tất cả những thân xác hữu hạn, là nguồn phát sinh ra vũ trụ, thần thánh và muôn vật trong vũ trụ. Đạo sĩ Varuna đáp lời con là chàng Bhrigu hỏi về Brahman: “Cái do đấy mọi sự vật sinh ra, cái nhờ đó mọi vật sống được, và cái ở đó mọi vật trở về sau khi chết. Con hãy tự tìm hiểu lấy, cái đó là Brahman.” Trong Taittiraya Upanishad, Tuyệt-đối Brahman được quan niệm như một cái tổ chim có ba con chim nhô đầu ra là Virâj, Hiranya-grabha và Ishvara. Khi Tuyệt-đối được quan niệm là độc-lập tự-hữu thì gọi là Virâj; khi được coi là tinh thần vũ trụ thì gọi là Hiranya-garbha; khi được coi là Thượng-đế hữu-ngã thì gọi là Ishvara. Ishvara trở thành Shiva (thần Hủy diệt) là ba chức phận có liên hệ nhân quả với nhau. Thực-tại chẳng phải là tổng số của tất cả những ý niệm trên đây mà là sự đồng nhất không thể diễn tả được bao gồm tất cả những ý niệm dị biệt kia. Tuy nhiên càng cố gắng định nghĩa và định tính Brahman bao nhiêu ta càng cảm thấy bất mãn bấy nhiêu. Càng mô tả càng thấy mọi sự mô tả đều thiếu sót. Rốt cuộc người ta luôn luôn phải tự nhắc nhủ là Brahman không thể mô tả được mà phải thực hiện. Trong Mândukya Upanishad có nói tới bốn trạng thái thực hiện Brahman minh bạch và chân xác là: thức, mộng, ngủ-say-không-mộng và trực giác thuần túy. Trong trạng thái thức, tự ngã thể hiện qua những đối tượng bên ngoài của giác quan; trong trạng thái mộng, từ ngã thể hiện trong một thế giới ảnh tượng và có sự thực nghiệm tế nhị; trong trạng thái ngủ-say-không-mộng, tự ngã trở nên thuần nhất, không phân biệt chủ thể và khách thể, tinh thần vượt ra khỏi các ảnh tượng ý niệm và dục vọng; nhưng lại e rằng có thể bị ngộ nhận là một trạng thái vô thức tuyệt đối, nên mới nói thêm trạng thái thứ tư, trạng thái trực giác thuần túy hoàn toàn vượt ra khỏi thế giới ảnh tượng và ý niệm lưỡng nguyên, thực sự đồng nhất chủ thể với khách thể, tiểu-ngã với đại-ngã. Trong Chândogya Upanishad có thuật lại dụ ngôn đi tìm chân-ngã Âtman giữa hai đại diện của Thần và Quỷ như sau: Một hôm đấng Thượng-đế Prajapati nói: “Chân-ngã Âtman không bị tội lỗi làm nhơ-nhuốc, không bị tổn hại vì tuổi già, đau khổ hay sự chết; không bao giờ đói, không bao giờ khát. Chân-ngã không ham muốn gì vì luôn luôn đầy đủ. Người nào nhận biết được Âtman sẽ là chúa tể của tất cả mọi thế gian, trở nên bất tử và đạt được hạnh phúc viên mãn.” Các thần linh và loài quỷ đều nghe rõ lời nói của đấng Thượng-đế Prajapati, các thần kinh chọn Indra, còn loài quỷ chọn Virocana để gởi đến làm đệ tử Ngài. Sau một thời gian tu tập là ba mươi hai năm, cả hai được Prajapati gọi đến và bảo rằng: “Cái ngã mà các ngươi thấy ở trong tròng con mắt là Âtman. Đó cũng là cái ngã mà các ngươi thấy ở dưới nước hay trong tấm gương soi. Hãy đi xem cái ngã ấy rồi trở lại nói ta nghe.” Mấy hôm sau Indra và Virocana trở lại nói: “Thưa ngài, chúng tôi đã thấy cái ngã của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy ở trong gương đầy đủ hình ảnh của thân xác suốt từ đầu tới dưới chân.” Prajapati dạy tiếp “Nay các ngươi hãy cạo đầu, thay đổi quần áo mới rồi lại đi soi gương nữa xem.” Hôm sau cả hai trở lại mừng rỡ khoe rằng: “Chúng tôi thấy cái ngã ở trong gương rất tươi đẹp và sạch-sẽ.” Nói xong cả hai hoan hỉ ra đi. Quỷ vương Virocana trở về dạy lại cho đồng loại cái nhận thức sai lầm ấy về chân ngã. Về phía Indra, khi đi được một quãng đường, bỗng suy nghĩ lại và nhận thấy mình đã vội lầm. Thật thế, nếu hình hài thay đổi mà cái ngã ở trong cũng thay đổi theo thì khi hình hài chết đi, cái ngã ấy tất cũng không còn. Như vậy, cái ngã phản chiếu ở trong gương hay dưới nước đâu phải là chân ngã bất diệt! Indra bèn trở lại với Prajapati, giãi bày thắc mắc của mình và xin được học thêm. Prajapati bắt Indra tu tập thêm ba mươi hai năm nữa rồi mới dạy tiếp: “Cái ngã hạnh phúc trong giấc mộng, đấy là chân ngã.” Indra sung sướng ra về, nhưng đi được nửa đường lại bỗng thấy ngờ vực ý nghĩa của lời dạy. Thực thế, cái ngã trong giấc mộng không phải bao giờ cũng hạnh phúc, mà có nhiều khi đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Như vậy cái ngã ở trong mộng không thể nào là chân ngã Âtman. Một lần nữa Indra trở lại giãi bày thắc mắc ấy với Prajapati. Cũng như lần trước, Indra phải tu thêm ba mươi hai năm nữa, Prajapati mới dạy tiếp: “Cái ngã bản nhiên thanh tịnh trong giấc ngủ-say-không-mộng, đó là chân ngã.” Indra suy nghĩ và tin chắc lần này đã đạt được chân lý nên vui vẻ ra về. Khi gần tới nơi bỗng lại thấy lóe lên một niềm ngờ vực khác: trong giấc ngủ say-không-mộng cái ngã không tự biết mình. Như vậy cái ngã vô thức ấy không thể nào là Âtman hoàn toàn sáng suốt được. Không nản chí, Indra quay trở lại tìm Prajapati. Lần này đấng Thượng đế chỉ bắt Indra tu thêm năm năm nữa. Sau đó ngài dạy rằng: “Hỡi Indra, người đã hiểu biết được chân ngã nhờ sự thành tâm bền chí và lòng khao khát tìm sự thật. Thân xác này chỉ là vật chất vô thường và là nơi trú ngụ tạm thời của chân ngã vô hình, bất tử. Chừng nào chân ngã còn ở trong thân xác thì cũng có vẻ sinh hoạt theo xấu, tốt, sướng, khổ. Nhưng thật ra nó ở trên hết mọi hoàn cảnh đối nghịch. Cũng như gió mây, sấm chớp vốn vô hình nhưng cũng có khi xuất hiện thành hình tượng trên nền trời rồi lại tan biến đi, chân ngã vô hình cũng trú ngụ trong những thân xác vật chất hữu hạn. Khi thân xác chết, nó lại trở về hợp nhất với đại ngã vô cùng.” Dụ ngôn trên đây trình bày cho ta thấy các giai đoạn thực hiện chân ngã Âtman, tương tự với bốn giai đoạn thực hiện Brahman đã được mô tả trong Mânđâkya Upnishad: thức, mộng, ngủ-say-không-mộng, và trực giác thực hiện chân như đồng nhất hóa Âtman – Brahman. Dụ ngôn trên cũng giúp ra phân biệt thần với quỷ, phân biệt chẳng phải do hình thức bên ngoài mà do giá trị tâm linh nội tại. Quỷ vương Viracana không thực hiện được chân ngã vì không thành tâm và bền chí trong việc học hỏi và thực nghiệm tâm linh. Ôi, con đường đi tìm chân lý quả thật chật hẹp và bén nhọn như lưỡi dao cạo rất khó vượt qua.1 Joshu tới thỉnh giáo sư phụ là Thiền-sư Nansen: “Thưa sư phụ, thế nào là Đạo, thứ đạo chân thực?” “Thứ đạo thường hàng ngày là đạo chân thực.” Thiền-sư đáp. “Vậy con phải học thế nào để đạt đạo?” “Người càng học càng xa đạo!” “Nếu con không học đạo làm sao con đạt đạo cho được?” “Đạo không thuộc cái mình trông thấy hoặc cái mình không trông thấy. Đạo cũng không thuộc cái mình biết hay không biết. Đừng đi kiếm Đạo, đừng tìm hiểu Đạo, đừng khoác lên Đạo những nhãn hiệu ngôn từ. Muốn chính mình thể nhập vào Đạo hãy mở rộng mình như đất, trời.” Một vị ẩn sĩ sống trên núi cao, có lần có một vị tăng tới xin tiên sinh chỉ giáo cho thế nào là Đạo. Ẩn Sĩ đáp: “Núi này mới đẹp làm sao!” Nhà sư: “Thưa tiên sinh, tôi không hỏi người về núi, mà hỏi về Đạo.” Vị ẩn sĩ: “Khi thầy chưa vượt được núi thì làm sao thày đạt được Đạo?” Một lần có đệ tử tới thỉnh giáo Tuệ Trung thượng sĩ2: Đạo là gì? Ngài đáp: “Đạo ở chỗ không hỏi. Hỏi không phải là đạo.” Người đệ tử lại hỏi: “Ngài Cổ-Đức bảo vô tâm làm đạo, thưa như vậy có phải không?” Ngài đáp” “Vô tâm không phải là đạo. Vốn không có đạo, mà cũng chẳng có tâm.” Có người tới hỏi một vị Thiền-sư: “Xin tiên sinh chỉ giáo cho biết Đạo là thế nào?” Vị thiền sư đáp: “Ở ngay trước mắt ngươi.” “Sao đệ tử không nhìn thấy gì cho đệ tử cả?” “Vì ngươi còn mải nghĩ về bản thân ngươi.” “Thưa Thiền-sư về phần người thì sao, người có thấy Đạo không?” “Khi còn giữ cái nhìn đối đãi, phân biệt cái này ta, cái kia không ta, thì cái nhìn còn ngụp lặn trong mê mờ chẳng thể thấy được cái gì.” “Thưa Thiền-sư, khi đã có cái nhìn thuần thành không còn phân biệt ta với không ta nữa thì liệu có thấy Đạo hiển hiện không?” “Khi đã không còn ta với không ta thì còn ai là kẻ muốn nhìn đạo nữa?” Phải đẩy vạn sự vào hư-không. Nhưng hư-không cũng còn là khái niệm. Cho nên cuối cùng chính khái niệm hư-không cũng phải được đập vỡ nốt để giải phóng cho thực tại bừng nở chan hòa. Cũng như khi hỏi: “Nếu có người đã ngồi chót-vót trên một cột cao trăm bộ, làm thế nào để có thể vượt xa hơn nữa bây giờ?” Một Thiền-sư đã đáp: “Người đó phải đạt tới giác ngộ để có thể cùng một lúc đứng ở cả bốn phương trời.” Tới đây chúng ta đã chạm trán với Hư-vô rồi. Vậy xin hãy bước sang Hư-vô! AI HAY KHÔNG CÓ CÓ KHÔNG LÀ GÌ Có phải Thiền hay đề cập đến hư vô, đến trống rỗng, đến cái không? Thiền sư Kokushi gọi môn đệ: “Oshin!” Oshin thưa: “Dạ.” Kokushi gọi: “Oshin!” Oshin thưa: “Dạ.” Kokushi gọi nữa: “Oshin!” Oshin thưa nữa: “Dạ.” Kokushi tiên sinh nói: “Ta xin lỗi đã gọi đi gọi lại tên ngươi như vậy. Nhưng thực ra chính người phải xin lỗi ta mới phải.” Phải chăng Oshin phải xin lỗi thầy vì ngã chấp? DỮ CHƯ KỲ TÚC GIẢNG CỨU THIỀN CHỈ Bát nhã chân vô tông Nhân không ngã diệc không Quá, hiện, vị lại Phật Pháp tính bản tương đồng. Lý Thái Tôn CÙNG CÁC GIÀ LÃO BÀN VỀ Ý NGHĨA ĐẠO THIỀN Đạo Phật vốn không giòng, Người không, mình cũng không, Trước, rầy, sau các Phật Pháp tính vẫn cùng chung. Ngô Tất Tố dịch Đức Bodhidharma lựa chọn trong đám đệ tử kẻ xứng đáng nhất trao y bát cho. Từ đấy các vị trưởng môn đều theo tập tục trao y bát đó. Gunin là vị trưởng môn thứ năm, tuyên bố sẽ trao y bát cho môn đệ nào viết được bài kệ hàm ngụ đầy đủ ý nghĩa của Thiền phái. Thiền-sinh trưởng-tràng bèn ghi lên giấy bài kệ như sau: Thân ta, cây bồ đề, Hồn ta như gương kia. Tu học giữ gương sáng. Kẻo bụi phủ còn chi. Không môn đệ nào dám hạ bút thi đua với Thiền-sinh trưởng-tràng đó. Mãi tới hoàng hôn, Yeno, một Thiền sinh đàn em khác, mới làm hết công việc và tự bếp lên. Qua hành lang, Yeno dừng lại đọc bài kệ treo bên tường, rồi nguệch ngoạc viết một bài khác ngay bên dưới: Bồ Đề vốn chẳng có, Gương sáng cũng hư vô, Vạn pháp đều như rứa, Hỏi bụi phủ nơi mô? Tới khuya sư phụ gọi Yeno tới phòng, nói: “Ta đã đọc bài kệ của ngươi, nay ta chọn ngươi làm kẻ kế vị. Hãy nhận tấm áo và chiếc bát này. Nhưng các sư huynh ngươi tất nổi lòng ghen tị, vậy ngươi hãy dời Thiền viện ngay đêm nay trong khi họ còn ngủ để tránh mọi phiền muộn.” Hôm sau vị sư huynh trưởng-tràng hay tin bèn tức khắc đuổi theo. Tới trưa thì bắt kịp Yeno, vị sư huynh xông vào định giằng lấy y bát. Yeno đặt những thứ đó xuống đường, nói: “Những thứ này chẳng qua chỉ có giá trị tượng trưng; nếu quả sư huynh quá chấp vào những thứ đó xin cứ tự tiện cầm lấy.” Vị sư huynh hăm hở cúi xuống nhấc liền, nhưng cả áo lẫn bát đều nặng tựa núi, không sao nhúc nhích nổi. Sau cùng vị sư huynh đành nói: “Xin đạo hữu thứ lỗi cho, giờ đây tôi chỉ muốn lĩnh lời chỉ giáo vàng ngọc của đạo hữu, chứ không còn chấp vào những vật như thế nữa.” Yeno nói: “Vậy hãy xin ngừng nghĩ vật này của ta, vật kia không phải của ta. Xin cho hay hiện sư huynh ở đâu? Và cho biết thêm khuôn mặt sư huynh ra sao khi chính các vị phụ mẫu của sư huynh cũng chưa cất tiếng chào đời?” ĐỐI THÁI TÔN THÂM VẤN THIỀN CHỈ Tịch tịch Lăng-già nguyệt. Không không độ hải chu Tri không, không giác hữu Tam muội nhiệm thông chu. Huệ-Minh Thiền-Sư ĐÁP LỜI THÁI TÔN HỎI VỀ Ý NGHĨA ĐẠO THIỀN Non Già vừng nguyệt tĩnh Biển thẳm chiếc thuyền không Hiểu thấu không và có, Rừng Thiền mặc ruổi rong. Ngô Tất Tố dịch. Ni co Chiyono tu Thiền đã bao năm rồi mà vẫn chưa đạt được giác ngộ. Vào một đêm trăng kia ni cô xách một thùng nước đầy, lặng nhìn bóng trăng in hình trong đó. Chợt đai tre phựt đứt, thùng bung ra từng mảnh, nước ào thoát hết, bóng trăng phản chiếu cũng mất theo. Ni cô Chiyono chợt giác ngộ lẽ không có có không bèn viết nên bài kệ rằng: Xách nước qua đây, Đai tre ải đứt, Thùng vỡ đáy tung, Nước ào ra hết. Ý thức rằng mình trống rỗng, mình đâu còn trống rỗng nữa! Trống rỗng khi đó đã biến thành một khái niệm ngự trị trong tâm trí mình rồi! Joshu tiên sinh mãi tới năm sáu mươi tuổi mới học Thiền. Người chứng ngộ vào năm tám mươi tuổi. Người ta kể rằng người còn dạy các môn đệ tiếp tục bốn mươi năm sau đó. Một lần có môn đệ tới hỏi: “Sư phụ dạy phải phủi rũ cho tâm trí thật sạch rỗng, giờ đây tâm đệ tử đã trống rỗng rồi, xin sự phụ chỉ giáo đệ tử phải làm gì tiếp?” Tiên sinh đáp: “Hãy quẳng hết ra ngoài!” “Thưa sư phụ trong tâm trí đệ tử có còn gì nữa đâu mà sư phụ truyền phải quẳng hết ra ngoài?” “Nếu ngươi không quẳng được thì khuân nó ra, đẩy nó ra. Chứ đừng đứng trước ta với không có gì trong tâm trí.” Suhhuti, một đệ tử của đức Phật đã đạt được giác ngộ về hư vô, nơi chân như và vô thường hòa hợp thành cái “Một-bất-khả-phân”. Ngồi tham thiền dưới gốc cây trong trạng thái giác ngộ đó Subhuti thấy hoa tự trên cây lả tả rơi xuống quanh mình cùng với tiếng nói vang vọng đâu đây: “Chúng ta ngợi khen thái độ hùng biện của ngươi và hư vô.” Subhuti đáp thầm: “Nhưng nào con có nói gì về hư vô đâu.” Tiếng nói vang vọng: “Ngươi không nói về hư vô, chúng ta cũng không nghe thấy nói về hư vô. Đó mới thật là hư vô.” THỊ TỊCH Diệu tính hư vô bất khả phan Hư vô tâm ngộ đắc hà nan Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận Liên phát lô trung thấp vị can. Ngộ-Ấn Thiền-sư THỊ TỊCH Hư vô tính ấy khó vin noi, Riêng bụng hư vô hiểu được thôi. Trên núi ngọc thiêu, màu vẫn nhuận, Trong lò sen nở, sắc thường tươi. Ngô Tất Tố dịch Toyo mới mười hai tuổi. Nhưng đã là Thiền sinh tại danh tự Kennin, Toyo cũng muốn như các đạo hữu khác được sư phụ ban cho một công án để ngày đêm suy ngẫm. Vào một buổi chiều kia, đợi đúng lúc thuận tiện nhất chú tới phòng sư phụ khẽ gõ tiếng cồng báo sự hiện diện của mình, cúi đầu chào sư phụ, rồi khoanh tay yên lặng kính cẩn đợi. Giây lâu sư phụ từ từ ngẩng đầu, cất giọng: “Toyo, hãy cho ta nghe tiếng vỗ của hai bàn tay.” Toyo vỗ hai tay. Thiền sư gật đầu: “Được lắm, giờ đây ngươi hãy cho ta nghe tiếng vỗ của một bàn tay.” Toyo yên lặng. Sau cùng chú cúi chào thầy, xin lui về phòng suy nghĩ. Tối hôm sau chú tới, dùng lòng một bàn tay khẽ gõ lên tiếng cồng. Vị sư phụ nói: “Không phải vậy.” Tối hôm sau nữa, Toyo tới bắt chước tiếng con dế gãi chân. Vị sư phụ nói: “Vẫn không phải.” Mười đêm liền Toyo tìm ra mười thứ tiếng khác nhau đều bị phủ nhận. Chú thôi không tới trình diện sư phụ nữa. Suốt một năm ròng chú nghĩ về đủ các thứ tiếng và loại tất cả những thứ tiếng đó. Sau cùng chú bừng giác ngộ. Chú kính cẩn tới trình diện thầy. Lần này chú không gõ cồng báo hiệu, chú lẳng lặng tới ngồi và cúi đầu: “Thưa sư phụ, đệ tử đã nghe được ba-động vô-thanh!” Lấy vồ đập chuông. Tiếng kêu tự vồ hay tiếng kêu tự chuông? Tiếng kêu thoát ra ngoài cả vồ lẫn chuông! Thiền-sinh Doko tới gặp một Thiền-sư, nói: Đệ tử đương đi tìm chân lý. Xin sư phụ chỉ cho đệ tử cách rèn luyện tâm trí như thế nào để đạt được chân lý.” Thiền-sư đáp: “Làm gì có tâm trí, vì vậy ngươi không thể tính chuyện rèn luyện nó. Làm gì có chân lý, vì vậy ngươi không thể đạt được nó.” “Nếu không có tâm trí để rèn, không có chân lý để noi, thì làm sao quanh sư phụ hàng ngày vẫn có đám Thiền-sinh quây quần kia để nghe, và học hỏi, rèn luyện về Thiền?” “Nhưng ta làm gì có một tấc đất ở đây mà bảo có chỗ cho các Thiền sinh tu tập? Ta làm gì có lưỡi mà bảo hàng ngày chỉ dạy cho lũ Thiền-sinh?” “Trời ơi, sao sư phụ lại có thể nói sai đến như thế được?” “Ta đã không có lưỡi để nói thì làm sao ta có thể nói sai với ngươi được?” Tới đây Doko xá lạy Thiền sư và nói: “Đệ tử không theo nổi sư phụ. Đệ tử không hiểu nổi sư phụ.” Thiền-sư đáp: “Chính ta cũng còn không hiểu nổi ta cơ mà.” Một nụ cười ghi nhận cho ý thức bất hạnh nào ngưng đọng về hư vô: Yamaoka, thuở còn là một Thiền-sinh trẻ tuổi huênh hoang, lần đầu tới thăm Thiền-sư Dokuon, Yamaoka nói thao thao: “Làm gì có tâm trí, làm gì có thân xác, làm gì có thiện, làm gì có ác. Thầy chẳng có, trò cũng không. Chẳng có cái cho đi, cũng chẳng có cái nhận về. Có cái gì trên đời này mà là thật đâu. Cái chính thật là Hư Vô.” Dokuon miệng ngậm ống điếu, bình thản ngồi nghe, không thốt nửa lời. Chợt tiên sinh vớ lấy chiếc gậy và bất thần giáng một cái thật mạnh lên người Yamaoka. Yamaoka giật nảy mình vùng đứng dậy, giận dữ. Dokuon tiên sinh điềm tĩnh cất lời: “Nếu quả thực chẳng có gì trên đời này là thực và tất cả là hư vô, thì sự giận dữ của người từ đâu đến? Hãy suy nghĩ về điều đó!” Một dụ ngôn xưa kể chuyện một Thiền-sinh khi thấy thầy giơ ngón tay trỏ lên thì cũng bắt chước giơ theo như vậy. Lâu dần thành thói quen. Một hôm thầy nắm lấy ngón tay trỏ đó chặt nghiến, vứt đi. Thiền sinh la hét vang trời. Thầy quát “Im.” Rồi giơ ngón trỏ lên. Thiền sinh bất giác tuân theo thói quen cũng giơ ngón trỏ của mình lên. Nhưng đến khi nhìn xuống thì… Thiền sinh bỗng cúi đầu trước sư phụ, giác ngộ. Đến đây thực chẳng còn gì êm đẹp hơn, trọn vẹn hơn, tròn trịa hơn là nhắc tới bốn câu lục bát (thơ của ngài Từ Đạo Hạnh? Phan Kế Bính Dịch?): Có thì có tự mảy may, Không thì cả thế gian này cũng không Thử xem bóng nguyệt dòng sông Ai hay không có có không là gì. HƯ VÔ VÀ THỰC TẠI Vô vi nhi vô bất vi của đạo Lão chính là thứ hành động vô trụ, vô cầu, hồn nhiên thanh thản của Thiền. Hư vô đâu có xa thực tại! Câu chuyện vui sau đây như một gạch nối giữa hư-vô với thực tại: Sekkyo tiên sinh nói với một tu sĩ môn đệ: “Ngươi có thể hứng giữ hư-vô được chăng?” Tu sĩ đáp: “Dạ để đệ tử xin thử.” Đoạn chụm hai tay tay lại thành hình chiếc ly để giữ hư-vô của khoảng không. Sekkyo tiên-sinh: “Không được tốt lắm, ngươi chẳng hứng giữ được chi trong đó.” Tu sĩ thưa: “Vậy xin Sư-phụ chỉ giáo cho cách nào khá hơn.” Tiên sinh bèn nắm chặt lấy mũi người môn đệ và thẳng cánh giựt mạnh một cái. Tiếng người môn đệ thét lên: “Ối chao, đau quá sư phụ ôi!” “Đó là cách nắm giữ lấy hư-vô đó con ạ!” Thiền Sư Tozan đương cân vải gai thì một môn đệ tới hỏi: “Thưa sư phụ thế nào là Phật?” Tozan tiên sinh liền đáp: “Là một kí rưỡi vải gai đây!” Đúng là “Phật pháp bất ly thế gian pháp” của Thiền! Trong khi Thiền sư Bankei thủ thỉ nói chuyện Thiền với các môn đệ, tiên sinh luôn luôn bị một vị hòa thượng tên là Shinshu ngắt lời; vị này hết lòng tin vào những việc như phù phép niệm chú. Sau cùng Bankei đành ngừng hẳn câu chuyện đương nói với các môn đệ và quay sang với Shinshu. Vị hòa thượng này hỏi: “Vị sư tổ của môn phái tôi trước đây có tài ngồi bên này bờ sông cầm bút lông viết được chữ lên tờ giấy căng ở bên kia bờ sông, tiên sinh có thể làm được việc gì tương tự chăng?” Thiền sư lắc đầu đáp: “Không. Tôi chỉ có thể làm được những việc như đói thì ăn, khát thì uống, ai chửi mình thì tha thứ.” Trong cửa Thiền thường nói: “Đức Phật thuyết pháp ròng rã bốn mươi chín năm mà lưỡi Ngài không hề động đậy.” Thiền sư Gensha nói: “Các thầy khả kính đã dạy đạo Phật có vô vàn pháp môn để giúp đỡ hết thảy chúng sinh, nhưng chắc các thày cũng phải tự hỏi làm cách nào đạo Phật có thể giúp kẻ mù, kẻ điếc hay kẻ câm. Kẻ mù thì không trông thấy chiếc gậy của thày giơ lên, kẻ điếc thì không nghe thấy lời thày giảng, kẻ câm thì không hỏi được thày, không nói được những điều mình hiểu. Như vậy sao có thể nói là đạo Phật giúp được mọi người bằng đủ mọi cách?” Nhiều năm sau một Thiền sinh đem điều nghi vấn trên hỏi lại Thiền-sư Ummon. Hỏi xong Thiền-sinh xá một cái rồi đứng thẳng chờ. Thiền-sư Ummon bất thần dùng đầu gậy chọc thẳng về phía trước khiến Thiền-sinh phải lùi vội lại để tránh. Thiền sư gật gù thốt lên: “Ha ha, hãy biết là ngươi không mù!” Đoạn Thiền-sư bảo Thiền-sinh tiến lên mấy bước. Thiền-sinh vội-vã tuân theo. Thiền sư càng gật gù đắc ý: “Ha ha, vậy là ta biết ngươi không điếc nữa!” Sau đó Thiền-sư hỏi Thiền-sinh có biết ông bảo làm vậy là ngụ ý gì không? Thiền-sinh cung kính đáp: “Thưa sư phụ quả thực đệ tử không hiểu.” Thiền sư càng reo lớn: “Người thấy đấy, ngươi đâu có câm!” Vào thời Tetsugen sống, kinh Phật chỉ có ở Tàu mà chưa hề được ấn hành tại Nhật. Tetsugen quyết định đi hết tỉnh này đến tỉnh khác quyên tiền để chuẩn bị in kinh Phật bằng mộc bản. Sau mười năm lặn lội vất vả đi khắp nước Nhật, Tetsugen thấy rằng số tiền quyên tương đối đã đủ. Nhưng việc cho khắc gỗ vừa sắp bắt đầu thì xảy vụ thiên tai nước lụt lớn, mùa màng hỏng sạch, dân chúng bị đói. Tetsugen dùng số tiền ky cóp quyên trong mười năm qua mua gạo phát trẩn cứu dân đói. Sau đó Tetsugen lại đi quyên lần nữa cho việc dự định ấn hành kinh Phật. Ít lâu sau số tiền quyên cũng tạm đủ như lần trước. Lần này khắp nước Nhật bị dịch thời khí. Hàng ngàn gia đình không thể sống qua ngày được nếu không được cứu trợ. Tetsugen lại đổ số tiền quyên được ra giúp đỡ đồng bào bị dịch thời khí. Khi tai qua nạn khỏi xong xuôi, Tetsugen khởi sự công cuộc lận đận đi quyên lần thứ ba. Lần này ước nguyện của Tetsugen mới được thành tựu, và Tetsugen nhắm mắt lìa đời hài lòng. Những người hiểu biết đều bảo nhau rằng kinh Phật của Tetsugen như vậy là được ấn hành ba lần lận, những bản ấn hành hai lần trước tuy chẳng ai được đọc nhưng giá trị xem ra lại vượt xa lần ấn hành sau cùng. Thiền sinh Doken được cử đi thăm một thiền viện khác ở nơi khá xa. Doken băn khoăn lắm, vì đi như vậy thì tất nhiên việc học sẽ bị ngừng trệ trong nhiều tháng, bèn nói với Sogen, một thiền sinh đàn anh khác: “Rất mong đạo huynh xin phép sư phụ để được cùng đi với đệ tử chuyến này. Có biết bao nhiêu điều mà đệ tử chưa am tường, nếu có hiền huynh bên cạnh để cùng nhau bàn bạc, chắc chắc là đệ sẽ học hỏi được nhiều điều.” Sogen đáp: “Được lắm. nhưng xin hỏi đạo hữu câu này: nếu đạo hữu đói mà ta ăn cơm hộ, liệu đạo hữu có bớt đói chăng? Nếu chân đạo hữu bị què, đạo hữu hưởng được niềm an ủi gì khi nhìn ta tiếp tục thoăn-thoắt trên đường? Nếu bọng đái của đạo hữu đầy ắp, đạo hữu có cảm thấy nhẹ người chăng, khi nhìn ta tiểu tiện?” Ý THIỀN Một Thiền sinh càng suy nghĩ về Thiền càng thấy bối rối, đành phải tới thỉnh giáo sư phụ: “Thưa thầy, người đã dạy chân lý không thể diễn đạt bằng lời, cũng không thể diễn đạt bằng cách ngồi im chẳng nói. Thưa thầy, làm sao mà có thể như thế được?” Vị sư phụ đáp: “Thuở ta còn là một gã trai trẻ sống tại miền Nam Trung Quốc, chao ôi, chim hót sao mà vui trong hoa lá một ngày nắng gió đầu xuân.” Thiền là niềm vui chân thành sảng khoái cực kỳ hồn nhiên, niềm vui thắp sáng trái tim, thổi bừng bình minh trong hồn. Niềm vui cực lạc chính là vậy. Sao mà đơn giản! Như mây trời nở rộng bay trên vòm cao bao la! Như thái độ phóng khoáng của Không Lộ thiền sư lên đỉnh núi chúm môi huýt sáo, núi cao, cảnh vắng, tiếng sáo như làm lạnh cả bầu trời: Trạch đắc long xã địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc Vô dư. Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Ngô-Tất-Tố phiên dịch: Lựa nơi rồng rắn đất ưa người, Cả buổi tình quê những mảng vui Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm, Một hơi sáo miệng lạnh bầu trời. Cònniềmvui nàođơngiảnhơnniềmvui thiênthầnkhôngmàngđắc thất! Thiền sinh Shichiri đang tụng Đại-tạng-kinh thì một tên ăn trộm lẻn vào, chí con dao nhọn sau lưng và hỏi tiền đâu. Shichiri đáp: “Tiền để trong hộp phía trước kia kìa.” Đoạn tiếp tục đọc kinh. Tên trộm sắp sửa ra đi Shichiri nói: “Để lại cho ta ít tiền, ta còn phải trả thuế, sớm mai người ta đã lại thu rồi.” Tên trộm (cũng rất… Thiền) để lại ít tiền rồi sửa soạn bước ra khỏi cửa. Shichiri hỏi: “Ngươi không biết nói cảm ơn khi được ai tặng chút gì ư?” Tên kẻ trộm bèn cảm ơn rồi đi. Mấy ngày sau tên trộm bị bắt. Trong lời thú tội y có thú cả việc đến lấy tiền của Shichiri. Nhưng Shichiri khai với quan trên: “Tôi có tặng hắn ít tiền và hắn cảm ơn lại tôi. Sự thực chỉ có vậy!” Tên trộm vẫn đi tù về những tội ăn trộm khác. Mãn tù hắn tìm đến Shichiri nói: Xin ngài hãy nhận tôi làm môn đệ của ngài!” Vì bình thản với lẽ đắc thất nên lòng thênh thang bao trùm. Vì thênh thang bao trùm nên diễn biến nào cũng khít khao như một vở kịch mà mình vừa là đạo diễn lại vừa là diễn viên. Ấy Thiền đơn giản như vậy. Nếu mình hồn nhiên đơn giản như vậy! Truyện “Hòa thuận với mọi người” trong Cổ Học Tinh Hoa: Lưu-Ngưng-Chi đang đi giày có người đến nhận, ông đưa ngay. Sau người ấy tìm thấy giày đem giày ông lại trả. Ông nhất định không nhận nữa. Thẩm-Lân-Sĩ đang đi giày. Cũng có người đến nhận. Ông cười hỏi: “Giày của bác đấy à?” Rồi ông đưa ngay. Sau người láng giềng tìm thấy giày, đem giày ông lại trả. Ông nói: “Không phải giày của bác hả?” Ông cười rồi nhận. Hòa khí của Thẩm-Lân-Sĩ mới Thiền làm sao. Thiền sư Joshu hỏi một vị sư vừa tới tiền sảnh: “Tôi đã gặp ngài lần nào chưa nhỉ?” Vị sư đáp: “Dạ thưa chưa.” Joshu cười nói: “Vậy xin mời ngài ngồi uống với tôi một chén trà!” Rồi tiên sinh quay sang một vị sư khác hỏi: “Tôi đã gặp ngài lần nào chưa nhỉ?” Vị sư thứ hai này vui vẻ đáp: “Dạ, thưa tiên sinh có chứ ạ.” Joshu cười nói: “Vậy xin mời ngài ngồi uống với tôi một chén trà!” Sau đó vị hòa thượng chủ trì thiền viện lên tiếng hỏi: “Thưa tiên sinh sao câu trả lời của hai người thật khác nhau, mà cả hai lại cùng được tiên sinh mời uống trà như nhau?” Vừa nghe dứt câu hỏi, Joshu la lớn: “Ủa, Hòa-thượng còn đấy sao?” “Thưa ngài dĩ nhiên tôi còn đây.” “Vậy xin mời Hòa-thượng uống với tôi một chén trà!” Ý thiền thênh thang trong suốt như vậy. Vô tư như bóng chim trời lướt in trong dòng sông, chim đâu có ý để lại bóng mình, nước đâu có tâm giữ lại bóng chim: Nhạn quá trường giang, Ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý, Ảnh vô lưu thủy chi tâm. Chúng ta cũng có thể nhìn sang một khía cạnh khác của ý thiền: NHẬP DIỆU. Một tay đô vật cự phách tên O-nami, có nghĩa là Sóng Lớn, phải cái tật chỉ giỏi khi biểu diễn ở trong nhà. Có thể nói, ở trong nhà O-nami vật ngã cả thày dạy là thường, nhưng hễ cứ ra trước công chúng là y như chàng lúng-túng đến nỗi thua cả đứa học trò hạng bét của mình. O-nami nghe có vị Thiền-sư vừa từ xa tới trú tại một ngôi chùa bên bờ biển, bèn đến trình bày sự tình và xin Thiền-sư ban cho lời khuyên phải làm gì bây giờ. Thiền sư đáp: “O-nami, tên ngươi mang có nghĩa là Sóng Lớn. Vậy ngươi hãy ngồi ở chùa này suốt đêm nay lắng nghe tiếng sóng biển. Hãy quên ngươi là một nhà đô vật, và hãy tưởng tượng chính ngươi là những đợt sóng biển hùng vĩ kia quét ngã bất kỳ cái gì cản đường chúng.” Nói đoạn. Thiền-sư ra đi. O-nami ngồi lại, thoạt cố gắng chỉ nghe và nghĩ về sóng, nhưng vẫn còn nghĩ lần sang nhiều thứ khác. Dần dần O-nami tập trung được tư tưởng vào riêng sóng mà thôi. Đêm tàn dần, những đợt sóng cũng lần lần lớn lên. Sóng ào ạt quét những bông hoa trên ban thờ Phật, quét cả lọ hoa, rồi cả tượng Phật bằng đồng cũng như bị những đợt sóng lớn nuốt chửng đi đâu mất. Trời rạng đông, O-nami có cảm tưởng cả ngôi chùa bị tràn ngập bởi sóng biển trắng xóa chập-chùng. Và O-nami còn ngồi đó, nụ cười phảng phất trên khuôn mặt trầm lặng. Ngày hôm đó tại đấu trường O-nami không bị thua một keo nào. Không những thế, kể từ đấy, khắp nước Nhật cũng không còn ai có thể đương đầu nổi với O-nami nữa. Chàng Matajura muốn trở thành một tay kiếm thần xuất quỷ nhập, nhưng cha chàng chê là phản ứng còn chậm lắm, khó có thể học kiếm cho thành tài được. Matajura đành đến nhà võ sư Banzo chuyên dạy về kiếm xin làm đồ đệ. Chàng hỏi: “Thưa võ sư, nếu tôi ở liền bên ngài, hầu hạ ngài từng giờ từng phút, thì trong khoảng bao lâu ngài có thể truyền thụ cho tôi thành tài kiếm pháp.” “Mười năm!” – Banzo đáp. “Thư võ sư, cha tôi già mất rồi, tôi muốn được học thành tài sớm hơn để còn trở về săn sóc người. Vậy nếu tôi hầu hạ võ sư cần mẫn gấp đôi thì trong bao lâu tôi thành tài?” “Ba mươi năm!” – Banzo đáp. “Sao có thể thế được, thưa võ sư?” – Chàng Matajura vô cùng ngạc nhiên hỏi lại – “tôi nguyện làm việc gấp đôi, mà thời gian đạt kết quả lại dài thêm gấp ba? Bây giờ xin võ sư cho tôi được thưa rõ một lần nữa: tôi sẽ làm việc không ngơi, làm bất kỳ việc gì, dù nặng nhọc đến mấy, như vậy xin võ sư cho biết chừng bao lâu tôi học thành tài?” “Bảy mươi năm!” – Banzo đáp – “Những kẻ hối hả như vậy bao giờ học cũng chậm, rất chậm.” Bấy giờ thì Matajura đã hiểu rõ ý võ sư. Không hỏi han gì về thời gian học tập nữa, chàng quyết định xin được ở lại hầu hạ võ sư. Chàng lau chùi, quét dọn nhà cửa, làm bếp, giặt giũ, làm vườn… chàng được lệnh không bao giờ được nói tới kiếm, hỏi về kiếm, mó vào kiếm. Thật buồn, nhưng đành vậy, đã trót hứa với thầy, chàng không muốn lỗi lời hứa. Ba năm trôi qua như thế. Một ngày kia, chàng đang làm vườn thì võ sư nhẹ bước lên tới đằng sau lúc nào không hay và bất thình lình quất trúng chàng một cái bằng thanh kiếm gỗ, mạnh như trời giáng. Hôm sau, chàng lại bị một vố nữa như vậy khi đang làm bếp. Từ đấy, bất kỳ vào giờ nào, bất kỳ ở xó xỉnh nào chàng cũng có thể bị thanh kiếm gỗ của thầy bất thần tấn công. Và cũng kể từ đấy, chàng phải giữ tinh thần thức tỉnh. Cơ hồ chàng không còn ao ước gì, suy nghĩ gì ngoài tư thế thức tỉnh để lẹ làng tránh né thanh kiếm gỗ của thầy. Võ sư Banzo mỉm cười hài lòng, bắt đầu dạy chàng kiếm thuật. Chẳng bao lâu, Matajura lừng danh là một tay kiếm số một của Nhật Bản. Kosen tiên sinh chuẩn bị viết mấy chữ đại tự để sẽ cho khắc trước cổng lớn ngôi đền Oaku tại Kyoto. Tiên sinh phải viết những chữ đó lên giấy rồi từ giấy khắc vào gỗ. Một đệ tử ngồi hầu, hòa mực và theo dõi nghệ thuật bút thiếp của thầy. Lần đầu khi tiên sinh vừa viết dứt, người đệ tử nói: “Thưa thầy, chưa được.” Tiên sinh sử dụng bút đại tự lần nữa, người đệ tử nói: “Thưa thầy, lần này còn tệ hơn lần trước”. Tiên sinh viết lại lần nữa. Cứ như vậy tới lần thứ sáu mươi tư, thì thực là bút cùn mực cạn. Thấy mực gần hết, người đệ tử vào nhà kiếm thêm. Còn lại một mình, không bị bận tâm bởi cái nhìn soi mói của kẻ ngồi bên, tiên sinh chấm bút vào nghiên, dùng chút mực ít ỏi còn lại phóng bút một lần cuối cùng. Vừa lúc người đệ tử trở lại, ngắm hàng chữ còn tươi nét mực và reo lên: “Thưa thầy, thật là tuyệt bút!” Có khác chi truyện con rết đang nhịp nhàng bò lanh lẹ qua đây qua đó, bỗng gặp con cóc tinh nghịch hỏi đùa: “Này chị Rết, chị bò lẹ như vậy thì chân nào trước, chân nào sau nhỉ?”. Thế là nàng rết ta bị phân tâm quẫn trí, trở thành vụng dại, nằm bò kềnh bò càng dưới rãnh, cố nghiên cứu, tìm hiểu xem chân nào chuyển động trước, chân nào chuyển động sau. Tội nghiệp! CỖI NGUỒN CŨNG BỞI LÒNG NGƯỜI MÀ RA Chiều ba mươi Tết, tôi xuống bếp giúp vợ tôi cắt tiết gà. Nàng cắt tiết, tôi chỉ phải giữ chân và cánh cho chắc, nhất là vào lúc gà giãy chết. Ăn thịt gà thì cả nhà ai cũng thích ăn, nhưng cắt tiết thì ai cũng ngại. Cách đây không lâu vào ngày giỗ nhạc mẫu, chúng tôi làm thịt hai con vịt. Đó là hai con vịt bầu nuôi từ lúc chúng còn nhỏ. Một ông bạn già đã cho thằng con trai đầu lòng của tôi. Thằng bé chăm nom hai con vịt suốt mùa mưa. Hễ mưa lớn nước chưa kịp thoát, dềnh lên, là nó mang đôi vịt ra thả cho bơi lội để chúng khỏi nhớ nước, nó bảo vậy. Nó thích mua tôm tép mang về thả vào chậu nước và sung sướng ngắm hai con vịt rúc mỏ tìm ăn. Hai con vịt chóng lớn trông thấy. Hễ mùa mưa, mỗi ngày thằng bé múc một chậu nước đầy tắm cho vịt như tắm cho bạn. Một lần quên cho chúng ăn, hai con vịt không hiểu làm sao xổng được chuồng, xục vào tận trong bếp xin ăn. Ngày giỗ nhạc mẫu, tôi trói chân hai con vịt mang vào bếp. Thằng con trai tôi chợt vào, nó nhìn hai con vịt thốt một tiếng “tội” rồi bỏ đi. Bên ngoài, trời bỗng đổ mưa, một cơn mưa cuối mùa. Mẹ nó không đang tâm cắt tiết vịt, đành khoác áo mưa đem ra chợ gần đấy nhờ một bà chuyên làm thịt gà vịt cắt tiết làm lông hộ. Nhưng chiều nay, ba mươi Tết, không thể nhờ ai được. Hai vợ chồng tôi đành phải làm lấy công việc “nặng nhọc” này vậy. Sau khi vặt một khoảng lông cổ lấy chỗ cắt tiết, vợ tôi như thường lệ suýt xoa nói như khấn: “Thôi thì sống cắt tai, mái cắt cổ, tao hóa kiếp cho mày.” Rồi cắt tiết. Tiết ra ít tuy vẫn chảy đều. Nàng cắt không đúng tia. Khi tiết ngừng chảy, tôi không thấy gà rẫy chết như mọi khi, vợ tôi nói như để dối lòng: “con gà lần này cứ vậy xỉn đi, không phải giãy chết nữa.” Thật ra nó đâu đã chết. Mắt nó mở trừng trừng. Tim nhói buốt, tôi khóa chéo hai cánh gà lại để che đôi mắt đó. Tôi như Cain chạy trốn đôi mắt của Abel. Nhưng khóa cánh gà như kia vô tình tôi càng bước sâu thêm vào tội ác. Mà cũng như con người khi thấy mình đã trót trôi theo triền dốc tàn ác thì càng muốn lao lẹ cho nhanh chóng tới đáy vực, vì nghĩ xuống đáy vực tàn ác thì khỏi phải tàn ác thêm nữa. Tôi bèn ra bếp lấy ấm nước sôi. Tôi muốn sớm giải thoát cho gà và cho chính mình. Nó giãy lên mấy cái. Tội nghiệp nó nhận đủ các cực hình: cắt tiết, khóa cánh và nước sôi bỏng. Tâm trí tôi lúc đó là cả một địa ngục thực sự, cụ thể tôi nhớ đến câu Kiều: Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra! Và nhớ luôn đến cả câu truyện Thiền sau đây: Một chàng Ngự Lâm Quân kiêu dũng nọ tới gặp một Thiền sư, hỏi: “Thưa thiền sư, xin người cho hay có thực là có thiên đường và địa ngục hay không?” Vị thiền sư hỏi lại: “Ngươi là ai vậy?” “Thưa tôi là Ngự Lâm Quân của đấng vua chí tôn.” “Vô lý! Nhà vua nào mà nhận ngươi làm ngự lâm quân. Ta trông ngươi thực chẳng khác một tên ăn mày!” Nghe tới đó chàng ngự lâm quân vỗ vỗ lên thanh gươm lớn đeo bên mình, đôi mắt long sòng sọc. Vị Thiền sư cười ngất: “Ha ha, ngươi lại đeo gươm đeo ghiếc nữa cơ à? Thanh gươm cùn nhụt đó cắt đứt nổi cổ ai?” Tới đây chàng ngự lâm quân không dằn lòng được nữa, chàng rút phắt thanh gươm ra, vung lên. Vị Thiền sư gật gù tiếp: “Giờ thì ngươi đã hiểu được phân nửa câu giải đáp: Ngươi đang mở cửa địa ngục!” Người ngự lâm quân rút vội tay về, tra gươm vào vỏ và kính cẩn cúi đầu. Thiền sư tiếp: “Giờ thì ngươi hiểu nốt phân nửa kia của câu giải đáp: Ngươi đã mở cửa thiên đàng!” Hai nhà sư Tanza và Ekido hôm đó đi xuống phố, đường mưa trơn lầy lội. Cả hai gặp một thiếu nữ xinh đẹp ăn mặc lụa là đang ngại ngùng không biết làm sao qua đường. “Lại đây cô, tôi sẽ giúp cô qua đường”. Tanza nói vậy rồi bế cô trên hai tay và mang sang đặt bên kia đường. Rồi cả hai tiếp tục đi, không nói năng gì với nhau nửa lời, suốt ngày. Chiều tối, khi cả hai đã cùng trở lại thiền viện, tới lúc đó Ekido không thể nhịn được nữa, mới thốt lên: “Đã xuất gia tu hành, sao lại gần đàn bà, nhất là lại bế cô gái đẹp như thế. Tại sao đạo hữu có thể làm như vậy cơ chứ?” “Quý đạo hữu ơi” – Tanza ôn tồn đáp – “tôi đã đặt cô gái đó xuống, ngay khi giúp cô ta qua con đường lầy lội, có ai ngờ đạo hữu vẫn còn cõng cô ta theo về tận thiền viện này.” Bồ-Đề Đạt-Ma ngồi tham thiền quay mặt vào tường ròng-rã chín năm liền. Một lần một nho sĩ Khổng giáo tới xin lời chỉ giáo. Nhưng đức Bồ-Đề Đạt-Ma vẫn ngồi nguyên không nhúc nhích trong bảy ngày bảy đêm liền mặc cho nho sĩ hết lời cầu khẩn van nài. Sau cùng nho sĩ dùng một thanh gươm lớn tự chặt đứt một cánh tay, cầm cánh tay đó đặt trước mặt đức Bồ-Đề Đạt-Ma mà rằng: “Xin sư phụ chứng kiến lòng thành thực của đệ tử. Đã từ bao nhiêu năm nay đệ tử đi tìm sự bình an của linh hồn mà không thấy, đệ tử biết chỉ có sư phụ là có thể chỉ giáo cho đệ tử hay điều đó, xin sự phụ đừng tiếc lời.” Tới đó đức Bồ-Đề Đạt-Ma mới nói: “Đừng mang cánh tay ngươi đến, hãy mang linh hồn ngươi đến trước ta, ngõ hầu ta mới chỉ được cho ngươi hay cách đem lại bình an như ngươi yêu cầu.” “Thưa sư phụ điều đó thực nan giải. Đệ tử làm sao nắm được linh hồn mà bảo mang đặt nó trước sư phụ cho được?” “Ấy vậy là ta đã đem lại bình an linh hồn cho ngươi rồi đó!” Một Thiền sinh tới xin Thiền sư Bankei giúp anh ta trừ căn bệnh nóng nảy bạo ngược của anh ta. “Ngươi hãy mang chứng nóng nảy bạo ngược của ngươi tới đây ta xem nó ra sao nào.” “Thưa thày con không có nó ngay lúc này, nên không thể trình thày xem được.” “Vậy khi nào ngươi có nó thì lôi cổ nó lại cho ta xem.” “Thưa thày việc đó thực khó. Khi con có nó mà định mang lại để thày xem, thì e rằng nửa đường nó đã biến mất.” “Như vậy thì theo thiển ý của ta, căn bệnh nóng nảy bạo ngược đó đâu phải là một thành phần cố hữu trong bản tính ngươi. Đã không phải là thành phần cố hữu trong bản tính thì tất nó tự ngoài vào. Đã tự ngoài vào thì ta đề nghị lúc đó ngươi chỉ việc tự đánh mình cho đến khi căn bệnh nóng nảy bạo ngược không chịu nổi phải co giò chạy trốn đi nơi khác, thế là khỏi bệnh!” Người Riko một lần tìm đến Thiền-sư Nansen xin tiên sinh giải thích dùm cho vấn đền con ngỗng nuôi trong chai. Nếu đem nhốt con ngỗng nhỏ vào chai rồi ngày ngày thả thức ăn qua cổ chai nuôi ngỗng. Chẳng bao lâu ngỗng nhỏ thành ngỗng lớn. Bấy giờ phải làm sao để lấy được ngỗng ra mà không phải đập vỡ chai, cũng không phải giết chết ngỗng? Nansen tiên sinh vỗ mạnh hai bàn tay hào hứng: “Riko!” Đôi mắt Riko sáng lên. “Dạ thưa tiên sinh dạy?” “Ngươi thấy không kìa, con ngỗng đã ra rồi!” Con ngỗng đã ra rồi! Tự do, giải thoát thể hiện ngay trong tâm trí mình đó! Dù nói hay nghĩ loanh quanh thế nào vẫn là: Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra. THIỀN ĐI LÃNG ĐÃNG Hồi Thiền sư Ikkyu còn là một Thiền sinh nhỏ tuổi, một hôm đánh vỡ chiếc chén cổ là đồ gia bảo của thày, trong lòng lo sợ lắm. Vừa lúc đó nghe có tiếng bước chân thày đi tới, Ikkyu vội dấu những mảnh vỡ sau vạt áo. “Thưa thày – Ikkyu cung kính hỏi – tại sao vạn vật lại có lúc phải hủy diệt?” “Hữu hình tất hữu hoại – Thày đáp – đó là lẽ đương nhiên trong tạo vật. Người nào, vật nào bất luận cái gì có tụ tất có ngày tán, có sinh tất có ngày diệt!” Lúc đó Ikkyu mới chìa mấy mảnh chén vỡ ra mà rằng: “Thưa thày hôm nay chiếc chén của thày cũng vừa tới số bị hủy diệt mất rồi!” Một người mù tới thăm bạn nói chuyện mãi đến khuya mới về. Trước khi về người mù bảo bạn: “Anh làm ơn cho tôi mượn cây đèn lồng.” “Anh mang đèn lồng làm gì! Đâu có vì vậy mà anh thấy rõ hơn?” “Đành vậy nhưng để cho người khác thấy mà tránh.” “Nếu vậy thì đây anh cầm lấy đèn lồng!” Người mù ra về tay cầm đèn lồng có gắn nến cẩn thận, lòng thơ thới hân-hoan. Nhưng mới được vài bước đã “Pầm!” Có người đâm xầm phải anh ta. “Đồ khỉ, không trông thấy đèn lồng của người ta sao?” “Con tiều, sao không thắp nến lên?” Thiền-sinh Tokusan chiều chiều thường vẫn đến nhà thày, Thiền-sư Ryutan, để vừa đàm đạo vừa nghe thày giảng dạy. Đêm đó đã khuya lắm rồi mà Tokusan vẫn còn nhiều điều muốn hỏi thày, Ryutan tiên-sinh mới bảo: “Sao ngươi không về ngủ đi?” Tokusan cúi chào thày, vén màn cửa đi ra nhưng rồi quay lại: “Thưa thày bên ngoài tối đen như mực.” “Thì ngươi cầm cây nến này!” Nói đoạn Ryutan tiên-sinh châm ngọn nến trao cho; nhưng Tokusan vừa giơ tay đỡ lấy thì tiên sinh cũng hơi cúi đầu về phía trước và thổi phụt tắt ngọn nến. Một người lái buôn giàu có đến xin vị Thiền-sư nọ cho một vế câu đối hay một bài văn miêu tả cảnh hạnh phúc ước mong của cả gia đình mình. Vị thiền sư hạ bút viết ngay: Tổ phụ chết. Cha chết. Con chết. Người lái buôn giật nẩy mình hỏi lại: “Thưa Thiền-sư, chẳng hay con có làm điều gì phật ý người không, mà sao người lại nguyền rủa gia đình con đau-đớn như vậy?” “Ta đâu có nguyền rủa! Những lời ta viết đích thị là lời cầu chúc mà nhất-sinh ai cũng ước mong như vậy. Này nhé, ta cầu chúc người nào trong gia đình ngươi cũng sống đến thành tổ phụ. Ta lại cầu chúc không có người con nào chết trước cha. Hỏi còn chân hạnh phúc nào hơn cảnh thọ như vậy mà lại chết có trật tự như vậy?” Mamyia một con người tầm thường trần tục nhưng vẫn tự cho mình có thể theo học Thiền được. Y tới yết kiến một vị Thiền-sư. Thiền sư bảo y hãy tập trung tư tưởng mà tìm lời giải đáp cho câu hỏi này: “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” Mamyia ra về, rồi một tuần sau trở lại lắc đầu thưa là không sao tìm được câu trả lời. Thiền sư nói lớn: “Hãy bước ra khỏi đây. Ngươi đâu có chịu tốn công suy tư. Ngươi còn mải nghĩ về tiền bạc, về những lạc thú trần tục. Có thể may ra ngươi chết, lúc đó ngươi mới thấy được lời giải đáp.” Tuần sau Mamyia lại tới. Khi vị Thiền-sư hỏi: “Thế nào, đã tìm thấy câu giải đáp chưa?” thì y bặm môi nắm chặt lấy ngực, rên lên rồi ngã xuống, chết. “Được lắm, ngươi đã theo lời ta khuyên mà chết, nhưng còn tiếng vỗ một bàn tay thì sao?” Mamyia hé mở một mắt và đáp: “Thưa vẫn chưa tìm được lời giải đáp.” Vị Thiền-sư quát lớn: “Kẻ chết không nói! Hãy đứng dậy cuốn xéo khỏi nơi đây!” Thiền sư Nan-in hôm đó có một ông khách tới hỏi về Thiền. Nhưng đáng nhẽ đến để nghe, thì vị khách cứ nói hoài những ý kiến riêng của mình. Lát sau Nan-in mời trà. Thiền-sư rót trà vào chén của ông khách đầy rồi mà vẫn tiếp tục rót hoài. Sau cùng ông khách không giữ kiên nhẫn được nữa, nói lớn: “Kìa đạo huynh không thấy chén đã đầy tràn rồi sao? Còn có thể chứa đựng thêm được gì nữa đâu!” Thiền-sư ngừng rót trà “Đúng vậy thưa hiền hữu, và hiền hữu cũng giống như chiếc chén đó, đầy ắp tư kiến. Tôi còn biết hiến dâng gì về Thiền, nếu hiền hữu không cho tôi một chiếc chén rỗng.” Tại Kyoto có hai Thiền-tự một ở bên Nam, một ở bên Bắc. Mỗi bên đều có một Thiền-sinh trẻ tuổi ngày ngày phụ trách các việc vặt như đi chợ, thổi cơm, nấu nước. Thiền sinh bên Bắc Thiền-tự hàng ngày cứ vào giờ đó thì đi chợ mua rau, một lần chợt gặp Thiền-sinh bên Nam Thiền-tự ngang đường. Thiền sinh bên Nam lẹ miệng hỏi trước: “Đạo hữu đi đâu vậy?” Thiền-sinh Bắc đáp: “Đôi chân này đưa đến đâu tôi đi đến đấy.” Thiền-sinh Nam không biết nói sao, về thuật lại chuyện với thầy. Thầy không muốn trò mình phải lép vế đành mách nước: “Nếu mai gặp, hỏi lại câu cũ, chắc con cũng được nghe đáp lại như vậy, lúc đó con hỏi thêm: Giả sử đạo hữu không có chân, đạo hữu sẽ đi tới đâu?” Quả nhiên hôm sau hai Thiền-sinh lại gặp nhau. “Đạo hữu đi đâu vậy?” “Gió cuốn tới đâu tôi đi tới đấy.” Thiền-sinh Nam thêm một lần châng hẫng, trở về vấn kế thầy. Thầy trách: “Sao con không hỏi lại là: hãy giả sử như không có gió?” Tới hôm sau nữa hai Thiền-sinh gặp nhau. Thiền-sinh Nam hỏi: “Đạo hữu đi đâu vậy?” Lần này Thiền-sinh Bắc trả lời đơn giản: “Thưa đạo hữu, tôi đi mua rau!” Thì vẫn vậy, đã nói mỗi ý Thiền như một que diêm, chỉ bật lên chiếu sáng một lần. Phải thức tỉnh, phá chấp, tránh lối mòn. Đó, Thiền! (Còn nữa) TẠM THAY LỜI BẠT Trời lành lạnh suốt ba ngày liền dưới 25 độ. Ở Sài-gòn như vậy thật là hiếm có, nhất là đây chỉ mới cuối tháng mười một. Bạn tôi bảo là có bão ngoài Nha-trang. Chắc vậy. Tôi không đọc báo, rất ít khi có nắng, dù có cũng là những tia nắng đục. Gió hiu hắt, y như gió heo may vào những ngày đầu thu miền Bắc. Gió thu như thổi về tấm màn liệm để phủ lên vạn vật đương tiêu trầm. Là tôi nhớ lại mùa thu miền Bắc. Hình như cũng có cái gì đương tiêu trầm hấp hối trong tôi khi tôi về tới trước cửa nhà khoảng cuối hẻm, và nhìn thấy thằng bé đó. Thằng bé nào vậy? Thưa đó là một thằng nhỏ lai Mỹ. Thằng bé xinh lắm. Lần đầu gặp nó, tôi có chú ý đến nước da trắng trẻo và mớ tóc tơ hơi vàng vàng của nó. Ý nghĩ thoáng qua, tôi đoán nó là một em bé lai, nhưng tôi chẳng hay dừng lâu ở những suy nghĩ tương tự, nên rồi lần sau khi gặp nó lũn cũn chơi với lũ trẻ cùng xóm, tôi cũng chỉ coi nó như trăm ngàn đứa trẻ Việt khác suốt ngày lố nhố ở những xóm cần lao tương tự. Cho đến một ngày, cách đây một tháng, tôi hay tin thằng bé bị bỏng. Nó ngã sấp vào chảo dầu đang chiên bánh. Và cũng tới ngày đó tôi mới biết đích nó là một em bé lai Mỹ. Người mẹ ngày ngày đi làm, nhờ bà chủ trông con, chiều về thì con đã bị nạn như vậy. Nghe nói người mẹ khóc nhiều lắm. Sau mấy ngày nằm liệt giường, khi nhóc nhách được thằng bé bèn ra đứng trước cửa, một nửa mặt bông, băng trắng xóa. Tôi có ý định mách người mẹ nên tìm thứ pommade có sinh tố nuôi da cho nó để tránh da mặt thành sẹo sần sùi sau này, nhưng nghe nói người mẹ đã và vẫn đưa con đi bác sĩ đều nên thôi và yên tâm. Tội nghiệp thằng bé thật xinh. Tôi ôn lại khuôn mặt thằng bé mấy hôm trước đây lúc nó chưa bị nạn, khuôn mặt nhìn đâu cũng thấy ngây thơ, từ vẻ bầu bĩnh, đến đôi mắt luôn luôn mở lớn, thẳng thắn và ngỡ ngàng nhìn hết người này sang người nọ, cùng cái miệng hơn hớn khi chú ý nghe người khác nói. Chắc chắn nó phải giống bố nó lắm, vì khuôn mặt phảng phất một nếp sống ổn định trong một xã hội ổn định, xa lạ với mọi nghịch lý phũ phàng hiện đầy rẫy trong xã hội nhà. (Tôi bây giờ quen sống ôn những hình ảnh đã qua như vậy, mặc cho hiện tại hờ hững trôi qua chỉ khi cần thiết mới thu thập ký ức). Nhìn nửa mặt thằng bé bông băng trắng xóa, tôi cầu mong thương tích của nó mau lành, và tội cho nó không được sống bên quê cha nó, nơi mà vấn đề an toàn cho mạng sống được ý thức đến mức chu đáo tối đa. Nơi này, quê hương mẹ nó, mọi sinh vật, thực vật đương bị chiến tranh dày xéo, nên nếp sống hậu phương, dù là hậu phương Sài-gòn, cũng là nếp sống hối hả, cẩu thả, còn làm gì có thì giờ để nghĩ đến an toàn. Sáng sớm, trời lạnh dưới 25 độ, đứa con trai đầu lòng của tôi đi học. Nó dắt xe đạp ra cửa, chân bước hơi ngượng ngập tập tễnh: đôi giày Bata chật vẫn làm tức bàn chân nó như vậy. Nó nghếch đít lên yên xe; thoạt chiếc xe hơi lảo đảo, tới khi có đà mới tạm vững, nhưng dáng nó ngồi đạp vẫn xiêu vẹo; đây là chiếc xe đạp của chị nó thải, nên hơi lớn với nó. Mày đi học như vậy rồi đây sẽ thu thập được gì, con? Tôi hỏi thầm như vậy. Cái học sẽ giúp con có liêm sỉ? Đâu có! Quanh ta thiếu gì kẻ có bằng cấp vào hàng tột đỉnh của nhân loại, hoặc gần tột đỉnh mà vẫn cực kỳ vô liêm sỉ. Sự học ở hoàn cảnh nước nhà giờ đây không hề bảo đảm là tấm khăn lau sáng lương tâm. Buổi chiều, trời trở lại lạnh như sáng sớm, dưới hai mươi lăm độ. Gió chiều âm u hơn nhiều. Tôi gặp thằng bé lai Mỹ. Nó đã gỡ bỏ bông băng ở mặt, sau nửa tháng chạy chữa. Lòng tôi thắt lại khi nhìn thấy những chấm đỏ sẽ vĩnh viễn còn lại trên khoảng mặt bị bỏng của nó. Nó nghiêng mắt nhìn tôi, và tôi nhận ra thêm một điều; nó không còn đủ đôi mắt mở lớn như xưa nữa, con mắt bị bỏng nay bé hẳn lại, vành mắt đỏ hỏn, bệnh hoạn, và cứ trông cách nó nhìn thì nó bị hiếng mất rồi. Nó vẫn lũn cũn chơi với những đứa trẻ thuần Việt khác, nhưng lần này vẻ nó khác xưa nhiều, nhiều lắm. Vì trời lạnh nên mẹ mắc cho nó thêm chiếc áo len ngắn bên ngoài. Cả áo lẫn quần cùng xộc xệch. Kìa, nó vừa ngập ngừng chạy sang lề đường vừa hiếng mắt nhìn chiếc xe Honda tiến tới. Nó dừng lại bên lề đường kia, mà như dừng lại trong một thời gian vĩnh cửu không một tiếng vang vọng. Bây giờ thì tôi thấy hình ảnh tang thương của nó có đượm thêm cả phần nhẫn nhục, hoàn toàn hòa hợp với bối cảnh, với người và vật của đất nước khốn khổ này, quê hương khốn khổ của mẹ nó. Bên quê cha nó, người ta đã thêm một lần nữa thành công rực rỡ trong cuộc đổ bộ nguyệt-cầu. Vinh quang đó ăn nhằm gì đến nó? Giờ đây nó hoàn toàn là quê mẹ, là một thành phần đương nhiên ghé vai vào gánh chịu định mệnh phũ phàng của đám con dân đương thụ quốc nạn. Cuộc đời dày đặc những phi lý như thế đó. Thế nhân mang nặng hệ lụy như thế đó. Nhưng đâu có phải vì thế con người chỉ còn một cách nhìn và một lối đi: Chấp nhận địa ngục! Không, đức Phật có dụ ngôn sau này về thân phận con người: Kẻ bộ hành kia bị hổ đuổi. Y chạy đến bờ vực thì ngã xuống, một tay vớ được dây nho và cứ vậy lủng-lẳng lưng chừng miệng vực. Trên đầu y, con hổ đói đuổi hụt mồi đương gầm thét; dưới chân y một con hổ đói khác cũng đương gầm thét, dán mắt ngước nhìn như muốn thôi miên cho y buông tay mà rơi xuống. Dây nho giữ hắn lửng lơ giữa hai con hổ đói. Hai chú chuột, một trắng một đen (ngày đêm) bắt đầu gậm nhấm dây nho. Y biết dây nho sớm muộn rồi cũng bị gậm nhấm cho đứt. Nhưng ngay trước mặt y, sát bên thành vực, là một chùm nho mọng ngọt. Một tay nắm giữ dây nho cho khỏi bị rơi, còn tay kia y cố với hái lấy chùm nho mọng. Nói làm sao hết được hương vị thơm đậm, hương vị ngọt ngào quý giá của trái nho mọng thưởng thức vào lúc đó! Chẳng thể tìm đâu được một minh chứng nào sáng láng hơn về bề mặt tích cực của Thiền như dụ ngôn trên của đức Phật. Tản-Đà thực cũng đã rất Thiền với thái độ cao quý chấp nhận cuộc sống như vầy: Giang sơn còn nặng gánh tình, Giời chưa cho nghỉ, thì mình cứ đi. Bao giờ trời bảo thôi đi, Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi. Đời phù du, nhưng còn sống thì còn thờ cha sinh mẹ, còn vun giồng tình bằng hữu nhân loại, còn tưới bón nghệ thuật để tô điểm cho đời. Nào có khác chi hành giả kia ở thế treo lơ lửng giữa hai chiều vực sâu, dây nho còn chưa đứt thì còn không quên thưởng thức chùm nho mọng ngọt. Chùm nho càng mọng ngọt khi được thưởng thức ở một hoàn cảnh như vậy. Bên vai tôi mọc một sợi lông dài như tóc, thường thì tôi vẫn nhổ đi như nhổ một sợi tóc sâu. Rõ ràng nhổ tận rễ, mà rồi một tuần sau nó đã nhô lên, và một tháng sau, nó đã có lại chiều dài bề thế như cũ. Thế thì thiên căn cũng như ác căn tự đâu nhô ra? Thích hợp với môi trường nào? Tới đây dòng tư tưởng của tôi chợt xoay chiều về một ý nghĩ: buông xả. Tôi tạm dùng nó làm lời kết thúc cho tập… (gọi là tập gì đây) cho tập giai thoại tùy bút này. Buông xả chính là hương Thiền tỏa ra. Không ôm giữ mà buông xả! Buông xả để thể nhập chân như. Vạn sự nhẹ thênh, vắng lặng, nhất thể. Đọc Sử nước nhà: Trần Thái-Tông (1198-1258) ở ngôi vua 33 năm, nhường ngôi cho con, 19 năm lánh ra ở cung Bắc, thọ 60 tuổi; Trần-Thánh-Tông (1240-1291) ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 13 năm, thọ 51 tuổi; Trần-Hưng-Đạo cả phá giặc Nguyên, cứu nước xong rồi thì về lê trượng trúc ở miền núi, rừng, sông, biển Kiếp-Bạc… Đó là những gương buông xả. Thiền! Phạm-Lãi giúp Việt Vương Câu-Tiễn xong thì đi một chiếc thuyền nhỏ, ra Tề-nữ-môn, qua Tam-giang vào Ngũ-hồ… Trương-Lương diệt bạo Tần xong lên núi khuất dạng… Nguyễn-Trãi sau khi Thái-Tổ băng thấy còn lại triều đình cũng không lợi gì cho nước, lại còn có thể gây sự hiềm khích, bèn trở về vui với: Côn-Sơn có suối nước trong, Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm. Đó là những gương của buông xả. Thiền Sách Cổ-Học Tinh Hoa kể truyện Khổng-tử vào miếu Hoàn-công nước Lỗ nhìn chiếc lọ đổ nước quá đầy thì đổ bèn than rằng: “Hỡi ôi, ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ!” Và khi Tăng tử hỏi cách giữ sao cho đầy mà không đổ, ngài trả lời: “Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn, công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung, sức khỏe hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát… Đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi đầy mà không đổ. Âu đó cũng cùng tinh thần với lời nói của Lão-Tử “Để thân mình lại sau, thế mà thân mình đứng trước; gác thân mình ra ngoài thế mà thân mình vẫn còn; bởi mình không có lòng riêng, nên được thỏa lòng riêng.” Đó nếp sống chân thật quân bình của Thiền! MỤC LỤC LỜI TỰA LỜI THIỀN ĐẠO THIỀN AI HAY KHÔNG CÓ CÓ KHÔNG LÀ GÌ HƯ VÔ VÀ THỰC TẠI Ý THIỀN CỖI NGUỒN CŨNG BỞI LÒNG NGƯỜI MÀ RA THIỀN ĐI LÃNG ĐÃNG TẠM THAY LỜI BẠT Notes [←1] Xin đọc: Lê-Xuân-Khoa, Nhập Môn Triết Học Ấn-Độ, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1965. (Chương thứ tư và thứ năm: Upanishad) [←2] Ngài tên thực là Trần-Quốc-Tăng, con đức Hưng-Đạo-Vương, anh ruột Khâm-Từ hoàng hậu đã từng có công đánh giặc Nguyên và được phong tước Hưng-Nhượng-Vương. """