" Tuyển Tập Văn Xuôi - Mạnh Phú Tư full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuyển Tập Văn Xuôi - Mạnh Phú Tư full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo MẠNH PHÚ TƯ NHẠT TÌNH Tiểu thuyết NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP. Hồ CHÍ MINH Năm xuất bản: 2002 Nguồn pdf scan: yen0985 Chuyển text: CaruriTlkd LỜI NÓI ĐẦU Trước nay, qua Làm lẽ, Nhạt tình, Gây dựng, Sống nhờ... xuất bản trước 1945 và Cách Mạng nhà quê, Rãnh cày nổi dậy viết trong thời kỳ Cách mạng tháng tám, ai nấy đều công nhận Mạnh Phú Tư là một cây bút hiện thực đặc sắc. So với các cây bút hiện thực nổi tiếng khác, Mạnh Phú Tư có địa hạt riêng và nhất là một phương pháp riêng. Nguyễn Công Hoan sở trường về những mảnh sống trào lộng. Vũ Trọng Phụng thiên về những ung nhọt xã hội. Ngô Tất Tố tìm những bóng tối của cuộc đời. Nguyên Hồng quen với thế giới của bọn tội lỗi. Chỗ đứng để nhìn của Mạnh Phú Tư gần với Nam Cao hơn - không phải Nam Cao của Chí Phèo vì Chí Phèo dù sao cũng là một hiện tượng đặc biệt, Nam Cao của Sống mòn, của những cuộc đời bình thường hàng ngày. Mạnh Phú Tư không tìm những đề tài, những cốt truyện kỳ dị, ghê gớm, khốc liệt gay cấn. Nhà văn dường như chẳng cần thám hiểm, săn tìm gì cả. Ông lấy ngay những sự việc mà ai cũng biết; cũng có thể đã chứng kiến. Ông không dắt độc giả đi du lịch đâu xa, đến những nơi bí mật kỳ lạ nào hết, mà ông đưa họ đi chơi trong cuộc sống chung quanh họ, ngay ở đường phố của họ, ngay trong nhà của họ không chừng. Và cuộc đi chơi ấy không buồn tẻ, chán phèo mà đầy hứng thú. Là vì người ta thường ít chịu quan sát kỹ cuộc sống, cũng biết nó có chuyện này chuyện nọ, nhưng vì chỉ nhìn qua loa, không xem xét kỹ, không mổ xẻ để tìm hiểu chiều sâu thẳm của nó, cho nên chỉ hiểu biết chung chung, không thấy gì đáng chú ý cả. Kịp đến khi Mạnh Phú Tư nhặt một mảnh đời rất bình thường ấy đặt dưới “Kính lúp nghệ thuật” cho xem, ta mới giật mình thấy cả một thế giới phức tạp không đơn giản như ta tưởng. Trong tiểu thuyết, cốt truyện giữ vai trò quan trọng. Tác giả thường gia công xây dựng cốt truyện để tạo một sức cuốn hút mạnh. Tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư thì lại dường như ít cần xây dựng cốt truyện. Dường như tác giả khoanh nguyên một quãng đời và cứ thế đưa vào tiểu thuyết, không sắp xếp, đạo diễn gì hết. Các sự việc cứ tự nhiên diễn ra như nó phải diễn ra. Tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư không có những ngoắt ngoéo, những bất ngờ, những thủ thuật tâm lý đối với độc giả..., lối văn cũng đều đều bình dị không có những từ ngữ, những cách đặt câu gây ấn tượng. Vậy mà, đã mở một cuốn tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư, độc giả khó lòng mà gấp nó lại nếu chưa đọc hết. Ấy là vì sự quan sát rất kỹ, sự phân tích rất sâu, sự trình bày rất cặn kẽ của tác giả. Câu chuyện của Nhạt tình là một truyện rất thông thường trong xã hội thời Pháp thuộc, thông thường đến mức chẳng ai cần chú ý. Một ông phán mê người vợ lẽ cô đầu hắt hủi ruồng bỏ vợ cả. Vợ cả phải đưa con về ở với mẹ, mẹ con làm ăn khổ sở nuôi nhau. Cô gái đầu vất vả quá lăn ra chết. Người con trai thứ hai vừa đi làm kiếm ăn vừa cố gắng học và thi đỗ thông phán. Cốt truyện có thể gọi là “nhạt phèo” như thế thôi. Nhưng Mạnh Phú Tư đã miêu tả thật trúng tủ một anh công chức hiền lành vì mê gái trở nên vũ phu như thế nào, sự điêu toa, gian manh của bọn cô đầu tranh chồng cướp của và về phía bên kia, người vợ hiền thục nhẫn nhục, người con gái hiếu hạnh nết na, người con trai ngoan ngoãn đức độ, người vú già thật thà trung hậu, người bạn gái tốt bụng, những tính cách đậm đà bản sắc dân tộc mà độc giả vừa thương vừa phục. Mạnh Phú Tư cho ta chứng kiến một cảnh đời công chức “thường thường bậc trung” thời Pháp thuộc, nó lặng lẽ, cạn hẹp như vũng ao tù, nhưng lội xuống ta sẽ thấy bao nhiêu chuyện: trong vũng nước đục bùn ấy có bao nhiêu sinh vật đang nỗ lực sống, bao nhiêu số phận đáng thương. Qua một gia đình, người ta nghĩ đến hàng vạn gia đình tương tự... Thời kỳ trước 1945, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây người ta đã công kích kịch liệt chế độ gia đình Việt Nam. Sau 1945, gia đình lại bị lên án vì đồng bọn với chế độ phong kiến. Đối với những người bênh vực những cái hay của gia đình Việt Nam, người ta đánh giá là bảo thủ. Những ai là nạn nhân mà không vùng lên đập phá, chối bỏ gia đình, người ta coi là khiếp nhược, nô lệ. Những sự quá khích ấy đang được xem lại. Gia đình Việt Nam có những cái không hợp thời, nhưng cũng có nhiều truyền thống tốt đẹp phải duy trì. Những người đã thành nạn nhân của chế độ gia đình như bà Sinh, cô Huệ, anh Tài - không có những hành động như cô Loan (Đoạn Tuyệt) cô Tuyết (Đời mưa gió). Nhưng cô Loan, cô Tuyết gặt hái được những kết quả gì cho xã hội, cho bản thân? Bà Sinh, Huệ, Tài cũng có cách tự giải phóng cho cái gia đình trở thành cái hầm tối đối với họ. Bằng lao động, bằng sự giữ gìn nhân phẩm, họ đã tự cứu, đã tìm được con đường sống mà sự đổ vỡ vô ích không xảy ra, như thế chẳng hay hơn sao? Nhạt tình là cuốn sách đáng đọc. Giáo sư HOÀNG NHƯ MAI Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang. NGUYỄN DU PHẦN THỨ NHẤT Tài ngáp hai ba cái liền rồi hỏi mẹ: - Sao mãi không thấy cậu về mợ nhỉ...? Bà Sinh vẻ mặt buồn buồn bảo con: - Nào tao biết đâu với cậu mày! Câu nói vừa dứt, bà thở dài rồi tự bảo: “Nghĩ mà thêm chán. Nhà với cửa, chẳng còn ra sao cả!” Tài thoảng nghe thấy câu nói của mẹ. Tuy cậu còn nhỏ - cậu mới lên bảy - nhưng cậu đã mang máng hiểu rằng câu hỏi của mình đã làm mẹ phải suy nghĩ, buồn nản. Cậu hơi hối hận. Như muốn cho mẹ khỏi phải nghĩ ngợi lan man, cậu đã thông minh tìm cách lảng sang chuyện khác. Cậu âu yếm bá vai mẹ rồi khoe lấy khoe để: Mợ ạ, hôm nay con làm tính đúng cả, thầy giáo cho “dix”. Bà Sinh không hiểu “dix” là thế nào, nhưng thấy con có vẻ ngộ nghĩnh cũng khen con: - Gớm nhỉ! Con tôi giỏi quá! Tài thấy mẹ như đã bớt vẻ buồn, mừng rỡ nhảy nhót trên sập liến thoắng đọc một bài thơ mới học ở nhà trường: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Bà Sinh nhìn con, nhưng không nói gì, cứ để mặc con đọc tiếp: Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Đến đó, thấy con ngừng, bà chắc con đã quên những câu sau bèn hỏi: - Rồi làm sao nữa? - Thưa mợ hết ạ. - Người ta dạy rằng “một lòng thờ mẹ kính cha” thế Tài có kính cậu và mợ không? Tài lại ôm chặt lấy cổ mẹ - Có, con yêu cậu mợ lắm... Nhưng con yêu mợ hơn. - Tại sao thế? - Vì cậu cứ hay đi chơi cả đêm để mợ phải chờ. Câu nói chất phác của Tài lại làm bà nghĩ lan man. Cái ngộ nghĩnh đượm vẻ vô tư lự ở cái tuổi thơ ấu của con giai như phản tượng với tâm hồn buồn rầu của bà lúc đó. Tài lại ngáp. Bà giục con đi ngủ vì đã hơn mười giờ đêm. Tài lại nhảy nhót trên giường: - Con chưa buồn ngủ. Con hãy còn tỉnh táo thế này cơ mà! Nói xong, Tài nhảy mạnh hơn như để tỏ cho mẹ biết rõ rằng mình chưa buồn ngủ. Giữa lúc đó, Huệ, chị Tài ở trong buồng đi ra, giục em: “Chị buông màn cho Tài rồi đấy. Vào mà ngủ. Mười giờ hơn rồi còn gì! Học vệ sinh thì bảo không nên thức khuya mà bây giờ hãy còn nô nghịch mãi!” Nghe lời chị, Tài rón rén từ trên giường bước xuống, rồi vào buồng trong đi ngủ. Huệ xếp mấy chiếc chén và khay trầu để trên giường, ngay chỗ mẹ ngồi, vào góc một chiếc bàn kê gần đó rồi bảo mẹ: - Mợ hãy đứng xuống đất một tý, để con buông màn cho mợ ngủ. Bà Sinh vẫn cứ ngồi yên chỗ cũ, thở dài: - Thôi được, mày cứ đi ngủ trước đi. Bao giờ tao ngủ tao buông màn lấy cũng được. Huệ biết ngay rằng mẹ lại cố thức để chờ cha mình. Nhìn thấy cái vẻ mặt gầy còm, buồn nản của mẹ, nàng bỗng đem lòng thương mẹ và có chút ác cảm với cha. Nàng hơi xẵng tiếng nói với mẹ: - Mợ lẩn thẩn quá! Biết bao giờ cậu về mà chờ mới được chứ! Chẳng làm gì mà tối nào mợ cũng thức đến một hai giờ đêm cho gầy cả người đi! Trong lời trách móc đó, bà Sinh cảm thấy rõ tình thương của con đối với mình hơn là sự vô lễ, nên bà không những chẳng hề mắng con mà lại còn ra ý nể nang. Bà khẽ bảo con: “Mày cứ nói thế chứ! Hôm nào thì tao cũng thức đến chừng hơn mười một giờ là cùng!” - Thì mới đêm hôm qua chứ lâu la gì! Con nghe thấy rõ ràng đồng hồ đánh một giờ mà mợ vẫn còn ngồi ở góc giường này - Nàng đưa tay trỏ một góc giường rồi lại nói tiếp: - Con thấy mợ mệt quá, hết tựa lưng vào tường lại nắm tay đấm lưng bình bịch. Thấy con nói đúng sự thực quá, bà Sinh lẳng lặng, Huệ lại giục mẹ đứng dậy để nàng buông màn. Bà đành chiều ý con. Bà vừa đặt chân xuống đất vừa nói: - Lúc mà đã không ngủ được thì mày nhốt tao vào trong lồng tao cũng không ngủ được nữa là trong màn. - Mợ cứ nghe con, tắt đèn rồi đi vào giường nằm là dần dần sẽ ngủ đi được. Nàng nhanh nhẹn dắt diềm màn xuống dưới chiếu, rồi lấy gối bỏ trong giường. Nàng sai vú già thắp ngọn đèn dầu con để vào một góc bàn rồi nàng tắt đèn điện vào buồng trong đi ngủ. Sắp bước chân lên giường nàng còn giục mẹ: - Mợ đi ngủ đi. Thấy con cứ giục giã mãi, bà phát gắt nói to: - Thì mày cứ mặc tao, việc gì mà phải rối lên thế! Ai khiến mày. Có dễ ai cũng dễ ăn dễ ngủ như mày được hay sao? Câu nói cuối cùng như để thổ lộ cái buồn chán, nỗi lo nghĩ trong lòng bà hơn là để mắng lại con. Đã mấy tháng nay, rất ít khi chồng bà ở lại nhà. Ngày nào cũng vậy, bữa cơm chiều xong, ông lại quần áo ra đi. Thường thường vào quãng một hai giờ đêm mới về. Có khi đi suốt đêm, rồi sáng sau đi thẳng ngay tới sở cho tới trưa mới lại trở về ăn cơm. Bà có hỏi han vì lẽ gì, ông chỉ nói là đi xem chiếu bóng hoặc đánh tổ tôm tại nhà một người bạn. Cái lối vắng nhà đó từ trước tới nay chưa hề có. Bà đem lòng suy nghĩ. Mới đầu bà cũng tin lời chồng. Nhưng dần dần bà nghiệm thấy rằng không phải là đi xem chiếu bóng hoặc đánh tổ tôm. Bà nghĩ: - Có thực như thế, thì mỗi tháng chỉ độ một hai lần thôi chứ! Sao lại tuần lễ bảy ngày thì tới bốn, năm ngày vắng nhà. Từ đó bà đem lòng ngờ vực là chồng đã dan díu với một người nào. Bà ra công dò xét. Đã mấy lần, chờ cho chồng ra đi được một lúc bà lẽo đẽo theo sau ngay, cố trốn lẩn để chồng không nhìn thấy rồi dò la cho dễ. Lần thứ nhất, bà thấy chồng vào nhà một người bạn. Bà ngồi ở một hàng xén gần ngay đó. Bà chờ mãi không thấy chồng ra, bà tin ngay là đã thành bàn tổ tôm. Bà yên lòng ra về. Lần thứ hai bà đi theo cũng lại thấy chồng vào nhà quen. Sau hai lần đó, bà tin rằng chồng bà chỉ mê man bài bạc thôi. Cái mê hám đó tuy không làm hài lòng bà nhưng đã khiến bà bớt được sự lo lắng rằng chồng bà đã đa mang thêm vợ con riêng. Một hai lần bà gặp chồng đi chơi quanh ngoài phố với ông Tùng. Bà bớt hẳn lo nghĩ, vì bà biết ông Tùng là người cùng làm một sở với chồng mà lại đứng đắn không chơi bời. Bà đã quen thân với ông vì cái nhà bà đang ở là thuê của ông và tháng tháng ông vẫn tới thu tiền. Song bà Sinh cũng chỉ bớt lo được một dạo bởi lẽ ông Sinh cứ đi chơi tối luôn luôn... Sự ngờ vực lại trở lại trí óc bà; nhất là bà mới được một người quen kể chuyện rằng ông chỉ tới đó chơi cho đến chừng mười giờ thôi, rồi lại đi chơi chỗ khác và không khi nào ngủ lại nhà người đó. Bà lại bắt đầu dò xét, nhưng cũng chẳng có hiệu quả gì. Chẳng lẽ bà lại đi hỏi dò từng nhà quen xem chồng bà có lại đó chơi không và tới vào giờ nào rồi ra về vào lúc nào. Tuy có giận chồng thực nhưng lòng tự trọng đã can ngăn bà hạ mình làm việc đó. Đêm nay chẳng biết là đêm thứ mấy mươi bà thui thủi ngồi một mình bên ngọn đèn hoa kỳ để chờ chồng. Bà muốn rằng chồng sẽ biết đến lòng tận tâm của bà và nhất là sự ngóng trông của bà trong đêm khuya rồi đem lòng thương đến bà mà tự sửa, sống lại cuộc đời cũ. Bà cũng muốn chờ đợi như thế để hòng có dịp rồi khuyên ngăn chồng. Nhưng đã bao lâu, bà uổng công chờ đợi các dịp đó. Bà ngồi chờ chán buồn ngủ rồi đi ngủ. Chẳng hề thấy bóng chồng về. Hoặc chồng có về thì vừa mới đặt chân vào tới nhà đã mắng át ngay bà: - Sao không đi ngủ, lại cứ chờ đợi người ta làm gì! Không để bà nói xen một câu, ông nói dồn ngay: - Vui chúng vui bạn thì đánh dăm ba hội tổ tôm chứ ai đi ăn trộm ăn cướp gì mà phải đợi với chờ rồi lại than thân là khổ với sở. Bà nhớ rõ rằng lần nào chồng bà cũng có những câu nói như vậy, hay gần giống như vậy và lần nào chồng bà cũng có cái bộ dạng cau có, làm bà rất khó chịu. Cứ nghĩ rằng cố chịu thức suốt đêm để mở cửa cho chồng mà lại bị chồng gắt gỏng ra vẻ hắt hủi như vậy, bà đã thấy trong lòng uất ức đến cực điểm. Rồi lại những tiếng nói lãnh đạm mà bà thấy chồng thường dùng ít lâu nay như tiếng “ai” hay “người ta”, lại càng khiến bà bực tức, luôn luôn phải suy nghĩ. Trước sự thay đổi về cách cư xử của chồng đối với mình, bà chỉ biết thở dài, giữ kín nỗi buồn riêng trong lòng. Thỉnh thoảng Huệ có dò la hỏi bà xem có chuyện gì, bà chỉ buồn buồn bảo con: - Chuyện gì! Hình như cậu mày có vợ lẽ giấu giếm ở đâu chứ còn chuyện gì? Đồng hồ thong thả đánh mười hai tiếng. Các đồng hồ của những nhà gần đấy cũng liên tiếp nhau đánh chuông. Mỗi cái có một thứ tiếng riêng. Có khi len lẫn nhau có khi tách hẳn. Trong đêm khuya yên lặng bà nghe rõ thấy tiếng đó vang ra mồn một. Tất cả nhà đã ngủ. Tiếng ngáy đều đều của Tài từ trong buồng đưa ra yếu ớt như một thứ tiếng từ xa lại, bị luồng gió đánh bạt. Chỉ có những tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ treo trong góc tường là rõ rệt, bật hẳn lên. Bà Sinh đã thấy người mỏi mệt, xương sống nhức và hai vai nặng trĩu. Bà ngáp mấy cái liền, dựa lưng vào thành ghế, nhưng vẫn còn thấy mỏi. Bà chắc rằng hôm nay cũng như đêm qua chồng bà chẳng về, có cố thức ngồi chờ cũng vô ích, bà mở màn vào giường. Nằm thẳng người, gối đầu trên chiếc gối bông bà thấy gân cốt như nở giãn. Một cảm giác rất dễ chịu khiến bà không còn thấy mệt nhọc nữa. Bà tưởng rằng đặt mình xuống giường, tất sẽ ngủ ngay được. Nhưng bà vẫn còn trằn trọc mãi. Và bà lại liên miên nghĩ ngợi. Bà nghĩ đến những điều bà đã thường nghĩ tới trong ban ngày. Và ít lâu nay, bà chỉ quanh quẩn ra vào thơ thẩn như người không hồn. Mọi công việc bà bỏ mặc người vú già và Huệ; bà chẳng hề muốn trông nom tới. Cái buồn nản luôn luôn gặm nhấm trí óc, cõi lòng bà, khiến bà không còn thiết tha đến một điều gì. Cả đến Tài mà bà vẫn thường nâng niu âu yếm nay bà cũng như quên hẳn đi, coi như không có đứa con giai đó. Bà chỉ quan tâm đến một người: chồng bà. Vì bà đã hiểu rằng nếu người làm trụ cột đó trong gia đình mà thành ra chơi bời, rồi vợ nọ con kia thì cả nhà sẽ sa vào cái cảnh khổ sở thương tâm. Đã bao nhiêu gia đình, vì người cha ham mê ngườỉ vợ lẽ rồi ruồng bỏ vợ cả, ruồng bỏ cả đàn con phải lâm vào những cảnh đau thương. Bà đã được biết những người đó, bà thương họ và bà lại ghê sợ cho chính bà. Bà nơm nớp sợ rằng sau này bà sẽ không tránh được cái khổ đó. Bà lo cho chính bà thì ít, bà lo cho hai đứa con bà thì nhiều. Bà thường tự bảo: “Con gái thì phải tìm cách gả chồng, mà con giai thì phải lo liệu cho nó ăn học, còn thi cử rồi cũng phải kiếm vợ cho nó. Bỗng dưng mà tay không ra đứng đường thì rồi lấy gì mà lo liệu cho chúng nó!” Cái ý nghĩ ấy đã làm bà buồn phiền mất ăn mất ngủ. Và bao giờ nó tới óc bà, bà lại thì thầm cầu nguyện: “Lạy trời, lạy phật, đừng có để mẹ con tôi phải đến cái đận ấy”. Cứ mỗi lần bà thốt ra lời cầu nguyện đó, bà lại tin rằng không lẽ nào bà lại sẽ phải sống khổ sở, và không có lý nào chồng bà lại ruồng bỏ bà được. Từ trước đến nay, trong gia đình, bà vẫn giữ địa vị một người vợ hiền, và một người mẹ tận tâm. Càng đi ngược lại những ngày đã qua bà lại tự hiểu rằng mình không hề có điều gì đáng tự trách. Bà chẳng dám khoe là giỏi giang hơn mọi người đàn bà, nhưng cứ so sánh kỹ càng, bà còn hơn nhiều người đàn bà khác, việc nhà bỏ bừa bỏ bãi, không hề chăm nom gì tới. Bà đi lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Và bắt đầu từ cái tuổi đó cho tới năm hai mươi bốn, ròng rã sáu năm trời bà đã phải chịu không biết bao nỗi khó nhọc; bởi lẽ gia đình chồng bà không được dồi dào đồng tiền cho lắm. Ở vào cái thời còn là con gái, bà cũng có nhan sắc. Mấy ông phán, ông tham và nhiều gia đình giàu có trong tỉnh muốn hỏi. Nhưng người mẹ sợ rằng gả vào những chỗ chức tước, nhiều tiền của rồi người ta sẽ khinh nghèo mà hành hạ con gái chăng. Vì vậy mẹ bà đã gả bà cho một nơi quen, cùng tỉnh cùng nghèo như gia đình bà. Sự không chênh lệch ấy, mẹ bà tin rằng sẽ có lợi cho cặp vợ chồng. Khi bà bước chân về nhà chồng thì chồng mới thi đỗ sơ học Pháp Việt và vào trường Bưởi theo học. Chồng bà mồ côi cha ngay từ thuở nhỏ nên cả nhà chỉ quanh quẩn có một đứa ở, người mẹ chồng với bà. Khi mới lấy nhau thì còn ở Kiến An, mọi món tiền chi tiêu trong nhà và tiền học của chồng đều trông mong vào cái cửa hàng xén khá to dọn ngay ở một phố lớn nhất trong tỉnh. Được gần một năm sau công việc buôn bán ở Kiến An không được phát đạt, người mẹ chồng bèn thu xếp về quê ở để trông nom gần chục mẫu ruộng đã tậu được trong thời kỳ buôn bán có lãi nhiều. Hoa lợi của mấy mẫu ruộng không đủ chi tiêu trong nhà và không đủ cho chồng bà ăn học, bà lại phải xoay cách cân gạo bán cho khách buôn. Vì quê bà về ở là một huyện lỵ nhỏ, huyện Kim Thành cách ga xe lửa có hơn hai cây số nên công việc cân gạo cũng dễ dàng. Thường thường một tháng ba hay bốn kỳ bà tải gạo đi Hải Dương hoặc Hải Phòng bán tại bến chợ Sắt. Nhờ sự siêng năng, tháo vát và nhất là cái đức tính tằn tiện của bà, trong nhà cũng bớt túng bấn. Năm chồng bà lên học năm thứ hai thì người mẹ chồng mất. Một mình bà phải cáng đáng lo liệu mọi việc ma chay cho được yên ổn. Cách đó mấy tháng thì bà đẻ Huệ. Thế là trơ trọi chỉ có một mình bà phải vật lộn lo liệu đủ mọi cái để nuôi con trong nhà và nuôi chồng ăn học cho tới lúc thi ra. Chồng bà cũng có mấy người anh họ giàu và đã đi làm có lương cao, có thể giúp được bà trong lúc thiếu quẫn đó; nhưng bà không muốn phiền lụy đến một người nào. Và những người ấy đối với chồng bà cũng ra vẻ lãnh đạm, gần như muốn xa lánh nên bà đã không muốn nối tình thân thiện. Thực là những năm khó nhọc mà có lẽ không bao giờ bà quên được. Bà bắt đầu được an nhàn đôi chút từ năm chồng thi đỗ Thành Chung rồi vào làm Tòa Sứ. Mới đầu bổ về Phúc Yên. Bà thu xếp công việc nhà rồi cùng con gái đi theo chồng, ở Phúc Yên mấy năm thì phải đi Sơn Tây chừng ba bốn năm cho đến bây giờ đổi về Nam Định đã được hơn hai năm. Từ ngày chồng đi làm là bắt đầu những ngày êm ấm của bà. Cái cảnh chồng một vợ một không có chú, bác, cô, dì nào dính dáng tới để xảy ra chuyện này, chuyện khác không hay cho gia đình đã nhiều lần khiến bà sung sướng, thầm ơn mẹ đã không tham lam những nơi giàu sang để gán gả mình, mà chỉ cầu lấy sự thân yêu lẫn nhau. Đôi vợ chồng đã cùng qua những ngày túng thiếu nên khi nhàn hạ càng thương yêu nhau hơn. Thực không còn cảnh gia đình nào đầm ấm hơn nữa. Ngày ngày người chồng đi làm, bà ở nhà trông nom, thu vén việc nhà và săn sóc đến con cái. Ngày hai buổi đi làm về, chồng bà chỉ quanh quẩn trong nhà, xem báo, hoặc bàn bạc về các việc chi tiêu trong nhà để cố tằn tiện số tiền lương hàng tháng. Cái cảnh sống êm đềm, đầy thân yêu đó đã có ngay từ khi chồng bà mới được bổ đi làm. Cảnh gia đình lại vui sướng thêm khi bà đẻ Tài. Cả ngày bà thấy chồng nô giỡn với đứa con giai, không còn muốn rời nó ra. Trước sự vui vẻ đó mà nghĩ đến những ngày vất vả đã qua, bà cũng thấy ấm áp cõi lòng, bà thấy cả thân thể như rung động bởi một nguồn vui sống, hăng hái. Thực không khác một kẻ đang ở một nơi ẩm thấp, giá rét được vùng vẫy ở một nơi khoáng đạt đầy ánh nắng dịu. Nhớ lại cái thời qua đó và so sánh với cái cảnh chơi bời đi suốt đêm của chồng trong mấy tháng nay, bà Sinh lại càng lo sợ, buồn rầu. Bà cố suy nghĩ để tìm được mưu kế mà khuyên răn chồng trở lại con đường cũ. Và suy nghĩ mãi bà vẫn chỉ thấy có hai cách: Một là ngọt, hai là xẵng, rồi “làm cho ra chuyện, muốn sao thì sao”. Chỉ có thế. Không cách nọ tất phải dùng cách kia. Càng suy nghĩ bà càng thấy rõ rằng bất cứ bằng cách nào, rồi câu chuyện cũng cần phải “cho vỡ lẽ”, chứ bà không muốn sống trong sự mập mờ mãi như thế này được. Đồng hồ đánh một giờ. Bà cố lắng tai nghe. Ngoài cửa vẫn không có một tiếng động. Chắc hẳn rằng chồng bà đêm nay lại không về. Bà thở dài: - Hai đêm liền! Bà lại suy nghĩ lan man, dần dần người mệt lả rồi bà ngủ thiếp lúc nào không rõ. Ông Sinh đã thoát. Ông vẫn không quên rằng vợ mình vẫn tìm cách dò la, nên bao giờ cũng vậy, trước khi tới nhà người vợ lẽ, ông hay dùng cái lối rẽ qua vào nhà một người bạn hay một người nào quen uống nước, nói chuyện có khi mất tới hai, ba giờ ông mới ra đi. Nếu chẳng dùng cái mưu kế đó thì ông lại lang thang qua hết phố này sang phố khác rồi mới đến chỗ nhà riêng. Ông đã biết được rằng vợ ông vẫn dò la, vì một buổi tối bất ngờ ông đã nhìn thấy người vợ theo sau: Ông vừa qua một cửa hàng xén, bày bừa bộn những hàng mới sang: nào giây lưng da, nào mùi-xoa và cà-vạt mới, đủ các màu. Ông dừng lại nhìn và trong khi quay trước, quay sau, ông nhác thấy bà Sinh vừa dừng chân ở đầu phố, có lẽ vì đã nhìn thấy ông đứng lại. Từ ngày đó, ông bắt đầu giữ gìn để vợ không biết được đường lối và cũng để nói dối vợ cho dễ, mỗi khi bà hỏi han câu nọ câu kia. Ông đã đi thoát. Vừa tới nơi, mở cửa bước vào, ông đã thấy Nga ăn mặc chỉnh tề, kem phấn hẳn hoi ngồi chờ ở phòng khách. Nàng đon đả chạy ra, cười cười nói nói, bá vai ông Sinh rồi cố lấy giọng giọt ngào: - Em chờ anh mãi. Trả lời câu nói đó, ông Sinh chỉ mỉm cười rồi ôm chặt đầu Nga trên ngực, hôn liền hai cái. Mùi thơm của nước hoa và phấn làm ông thấy rộn rực trong người bởi những cảm xúc mới lạ. Cửa ngoài đã đóng chặt. Nga rót một chén nước to đặt trên bàn và cất tiếng mời: - Anh uống nước. Nàng lại vừa cười vừa nhìn chồng nói thêm: - Nước chè mạn ướp sen, em gửi mua tận Phú Thọ về cơ đấy. Ông Sinh vui mừng, nâng chén nước uống một hớp to và tấm tắc khen: - Ngon thật! Kể ra mình cũng sành ăn, sành uống đấy! Nga lộ ra vẻ sung sướng trên nét mặt. Hai người cùng đắc chí, lẳng lơ nhìn nhau. Nga vào nhà trong mang bộ pỵjama cho chồng thay rồi cả đôi đưa nhau vào trong buồng nằm trên một chiếc giường tây kiểu mới; người nọ gối lên cánh tay người kia thì thầm nói chuyện. Tiếng cười len tiếng nói. Sự vui vẻ, đầm ấm như bao phủ cả người và vật trong gian phòng. Có hôm ông Sinh ở lại đấy cho tới một hai giờ đêm rồi ra về, cũng có hôm ông ở hẳn lại cho hết đêm. Đó là khi mới bắt đầu gian díu với Nga. Ít lâu nay, thường thường ông ngủ hẳn lại đấy rồi sáng sau đi làm ngay. Cái bầu không khí trong gian nhà của Nga đối với ông có vẻ thân mật, đáng yêu hơn là nhà chính của ông. Mọi cái đều như lưu luyến một cách thầm kín. Không những thế, gần Nga ông thấy cái xuân tươi quyến rũ, trái hẳn người vợ cũ của ông. Hình như Nga cũng hiểu như vậy nên nàng lại càng cố tìm đủ hết cách trang hoàng gian nhà cho ra vẻ sang trọng; và không bao giờ nàng quên rằng khéo trang điểm, phấn sáp thì vẫn dễ lấy được lòng chồng. Bởi thế mà cứ bữa cơm chiều xong là nàng chải đầu, tỉ mỉ lật từng sợi tóc, rẽ cái đường ngôi cho thực thẳng rồi xoa một lớp phấn thực mịn. Nàng chăm chú nhất tới đôi má hồng. Chả thế mà đã mấy lần chồng phải khen nàng là hai má tươi như đôi bông hoa. Các quần áo thì cứ mỗi ngày nàng thay một bộ khác. Tuy nàng đã sống với ông Sinh như đôi vợ chồng và ông cũng đã coi nàng như một người vợ, nhưng nàng vẫn cố tìm cách đóng vai một cô nhân tình. Nàng tin rằng đã chiếm đoạt được lòng chồng bằng cái vẻ đẹp bề ngoài thì nàng chỉ có thể quyến rũ được chồng bằng cách giữ gìn cái vẻ đẹp đó. Nàng đã khôn khéo chiều đãi chồng, không khác gì ngày mới gặp nhau. Nàng cần phải lựa cách khôn ngoan với chồng như thế vì nàng đã biết rằng chồng đã có vợ từ lâu. Nàng vẫn nơm nớp sợ rằng có ngày kia chồng sẽ ruồng bỏ mình để trở lại sống yên tĩnh với người vợ cũ. Vì thế nàng cần phải giữ lấy tình yêu của chồng và hơn nữa nàng lại còn muốn chiếm đoạt hẳn lấy cái tình yêu đó, để rồi chồng mình phải bỏ hẳn người vợ xưa và chỉ biết đến một mình nàng. Nàng đã dự định như thế ngay từ khi nàng mới về ở với chồng và biết chồng đã có vợ cả. Nàng tin chắc chắn với cái xảo quyệt của nàng thì thế nào nàng cũng giữ được phần thắng. Ông Sinh đã quen biết nàng trong một buổi đi hát với mấy người bạn ở Thái Bình. Cái ngày ấy, một người bạn của ông làm ở sở máy sợi trúng số một trăm đồng, ngỏ ý muốn “khao anh em một chầu” như lời ông nói. Những người bạn đều ưng thuận là ăn xong rồi đi hát. Nhưng trong số bạn mới, có một người bảo cô đầu ở thành Nam thì đã chán lắm rồi, không còn có gì là mới lạ nữa. Người đó bèn bàn định sang hát bên Thái Bình. Người nào cũng muốn đi xa và cũng để so sánh cái lối chơi của “chị em” bên ấy với bên này. Thế là họ đưa nhau sang Thái. Nga là một đào hát nổi tiếng nhất ở bên đó. Và có lẽ cũng là một ả đào có sắc đẹp hơn cả. Ngay từ tối hát đầu tiên ông Sinh đã để ý tới nàng. Rồi sau cái tối đó, ông không thể rời nàng ra được nữa. Chẳng thứ bảy nào người ta không thấy ông ở nhà Nga. Rồi về sau mê nàng quá, có ngày ông đi làm ở sở ra đi luôn ngay chuyến xe cuối cùng sang Thái, ở lại đó với Nga một đêm rồi sáng sau về chuyến xe thứ nhất để vào sở làm. Ông không hay chơi bời gì. Nhưng ông cũng như nhiều người khác đang sống hiền lành mà bất ưng bước ra ngoài khuôn khổ thì không còn thể tự chủ được nữa. Vì thế mà ông không hề nghĩ đến cách giữ mình, khi đã mê Nga. Trừ ông, còn nhiều người khác cũng mê man Nga, nên ông lại càng cần phải luôn luôn gần nàng để giữ làm của riêng mình. Ông chiều đãi Nga, và muốn cho Nga không còn mơ tưởng đến một người nào khác, ông đã ăn tiêu một cách rất hào phóng, ông bỏ tiền sắm sửa cho Nga đủ mọi thứ cần dùng, và thỉnh thoảng lại đãi riêng Nga chừng ba, bốn chục đồng để nàng tiêu pha. Cứ như thế trong gần một tháng, Nga đã đem lòng yêu ông, và lúc đó ông mới ngỏ lời muốn lấy Nga làm lẽ. Nàng nhận lời ngay. Để nàng bên Thái Bình thì không còn e sợ vợ cả nhưng lại không tiện cho sự đi lại. Mà lại còn tốn phí nhiều nữa! Ông bèn thu xếp thuê một gian nhà riêng ở con đường Vụ Bản rồi đưa Nga về đó. Các đồ đạc trong nhà, ông bỏ tiền ra rồi chính tay Nga đi sắm sửa lấy. Nàng đã thừa hiểu rằng một gian nhà bày biện sang trọng với những đồ đạc quý giá thì bao giờ cũng lưu luyến người ta hơn. Vì nàng đã nghiệm thấy rằng khi nàng còn là một ả đào, thì khách chơi nào cũng chỉ tìm tới những nhà hát sang, có vẻ giàu, ít khi đặt chân tới một nhà hát nghèo nàn. Bởi thế nàng đã sắm sửa toàn những đồ vật đắt tiền. Giường, bàn, tủ cùng các đồ vật khác đều đóng bằng gỗ lát đánh véc-ni bóng loáng. Bộ sa-lông thì chính là của ông Sinh mang ở nhà tới. Bao nhiêu người đòi mua lại ông đều từ chối, vì mặt bàn và mặt ghế lại ghép bằng sẹo gỗ lúp có vân trông tựa đá hoa mà lại rất nhẹ. Khi ông đưa Nga ở Thái Bình về Nam Định, thấy nàng đòi sắm cả sa-lông, ông thấy tốn phí nhiều quá, ông bèn xoay cách mang bộ sa-lông ấy tới. Ông nói dối Nga là mua lại của một người bạn thân. Còn đối với vợ cả ở nhà thì ông dối rằng ông cho một người bạn mượn để đặt tiệc. Bà Sinh ưng thuận để cho ông mang đi. Lâu lâu không thấy mang về, bà cứ hỏi gặng mãi. Trước ông còn bảo là người bạn muốn mượn trong ít lâu nữa. Sau hết, biết rằng cái cách nói dối đó không được ổn, ông điềm tĩnh bảo vợ: - Cái bộ sa lông ấy thì mất đứt rồi còn gì. Mình nghĩ cũng dại quá. Mang ngay lại nhà cái người bạn ấy rồi... ông ta bảo rồi sẽ trả tiền mình mà chẳng hề thấy gì. Còn ai dám cất tiếng hỏi tiền ông ta nữa mới được chứ! Bà Sinh nghe những câu đó của chồng, thực thà tin ngay và bà chỉ biết bảo chồng: - Thôi thì của thiên lại giả địa. Từ đó bà không còn nhắc nhỏm đến bộ sa-lông đó nữa. Thế là ông Sinh được yên lòng sang tay Nga. Nàng lại còn đòi sắm chiếc đồng hồ nữa. Ông mua một chiếc đồng hồ con báo thức. Nàng nhất định bảo chỉ dùng tạm chiếc đồng hồ đó, rồi phải mua cho nàng chiếc đồng hồ treo. Nàng đã khôn khéo lợi dụng lúc ông còn mê hám nàng để bắt ông sắm sửa cho đủ mọi vật. Về phần ông Sinh thì không bao giờ ông muốn trái ý người yêu, sợ đeo tiếng là con người keo bẩn. Mỗi khi Nga đòi thức nọ, thức kia mà ông sắm được cho nàng thì ông lấy làm mãn nguyện, sung sướng lắm. Nhưng sắm sửa nhiều quá thành ra ông phải tiêu quá số lương. Vì ông còn muốn giấu người vợ cả nên lương tháng ông vẫn đưa về đủ và tiền sắm sửa cho Nga ông đã phải đi vay lãi. Chiếc đồng hồ treo hạng tốt cũng mất tới hai chục đồng. Ông tính toán, ông thấy món tiền cũng không phải là ít, ông bèn xoay cách. Rồi ông sẽ bảo với vợ cả là đồng hồ nhà chạy không được đúng giờ cho lắm phải mang đi chữa. Ông sẽ mang thẳng lại nhà Nga treo. Sở dĩ nay chiếc đồng hồ hãy còn ở nhà chưa sang tay Nga vì dần dần nàng đã quên hẳn cái ý muốn có chiếc đồng hồ treo trên tường, và nàng không còn nhắc nhỏm đến nữa. Từ khi đèo thêm cái gia đình thứ hai này, ông Sinh đã bòn mót ở nhà mang đi không biết bao nhiêu đồ dùng, cả đến những vật nho nhỏ như chiếc lọ cắm hoa, cái chao đèn hay chiếc khăn phủ bàn. Khi thì ông lấm lét lấy giấu vợ cả, khi thì ông đường hoàng mang đi, bảo là để chữa lại hay cho một người nào mượn. Ông cứ bồi đắp thu vén cho một gia đình, thì một gia đình cứ kém kém dần. Chẳng khác một con sâu sống trong một thân cây. Thân cây cứ mòn, mòn dần rồi mục nát, và con sâu thì ngày một to lớn mãi lên. Và trong một gia đình thành chểnh mảng, mất hết tình thân mật thì trong một gia đình lại đầy sự yêu thương, đầy sự chiều chuộng lẫn nhau. Khi đã thu xếp nhà cửa được gọn gàng cho Nga ở rồi, ông Sinh có cảm tưởng như gia đình của mình chính là nhà Nga. Còn người vợ cả và hai đứa con đối với ông đã gần như những người xa lạ. Và những lúc ông trở về nhà với vợ con, ông tưởng như mình đã đặt chân đến một gia đình ở đó ông chỉ có thể tạm trú chân trong ít lâu. Không lẽ bỗng tự nhiên ông bỏ hẳn nhà để ở với Nga rồi không nhìn nhận gì đến vợ và con nữa thì đeo tiếng là ác nghiệt quá rồi những người quen biết người ta chê cười. Bởi vậy nên tuy không muốn, ông vẫn phải gượng sống bên vợ con. Buổi trưa ăn cơm xong, ông kéo một giấc ngủ. Buổi chiều xong bữa, ông khoác áo ra đi. Những ngày thứ nhất bà Sinh không hề giữ ông. Nhưng khi bà đã bắt đầu ngờ vực, bà cố không cho ông đi. Đã một hai lần hai người lôi kéo nhau, ông dằng đi, bà lôi lại đến rách cả quần áo. Rồi không biết làm thế nào, sau hết ông đành chịu ở nhà. Có khi muốn tránh cái cảnh giằng co khó chịu ấy, buổi chiều ở sở ra ông về ngay với Nga rồi ăn cơm ở nhà Nga. Bà Sinh thấy vậy đành phải nhượng bộ. Hễ thấy ông ra đi thì chỉ dùng lời ngọt ngào căn ngăn, ông không nghe bà đành chịu vậy rồi chỉ biết thức suốt đêm để chờ cửa chồng về. Nhiều khi nghĩ lại cái cảnh bỏ vợ một mình để ra đi với Nga, ông cũng thấy hơi tự thẹn. Nhưng dần dần thành một thói quen, ông chẳng hề thấy khó chịu nữa. Mỗi lần vợ có ngỏ lời trách móc, ông lại mắng át ngay: “Rõ khéo lắm, chỉ lo bò trắng răng. Ai người ta chơi bời gì mà phải dò với la, săn với đón!” Trước vẻ cau có và sự hắt hủi của chồng, bà đành nén lòng chịu vậy; không to tiếng kiếm chuyện sợ hàng xóm chê cười. Tất cả những lời kêu than vì nỗi buồn nản của bà thường thường chỉ gồm trong những tiếng: “Nghĩ mà thêm chán! Nhà với cửa, chẳng còn ra sao cả!” Đã năm giờ rưỡi chiều, Những người làm trong Tòa Sứ người một đi ra. Gần chục chiếc xe nhà đi đón đã kề cả vào bờ hè. Mấy người thư ký trẻ lững thững dắt xe đạp ra. Họ dừng lại và trâng tráo nhìn Huệ đứng ở ngay ngoài cổng. Một người nói thầm: “Chừng lại một cô ả đào non chờ kép nào trong này chứ gì!” Một người khác bảo bạn đi bên mình: “Hay là của mày đấy! Thú thực đi. Chúng tao không canh ty mất đâu!”. Trong số đó, một thiếu niên ăn mặc đứng đắn, Huyên, ngắm nghía Huệ mãi rồi khẽ nói với các bạn: “Các anh khỉ lắm. Con ông phán Sinh đấy chứ ai!” Mọi người đều không tin. Người thiếu niên muốn chứng thực những lời mình nói và cũng muốn để khoe ta là chỗ quen biết bèn lại gần Huệ. Nàng nhận ra Huyên, người ở cùng một phố với nàng và đã lại chơi với cha mình mấy lần, Huyên lễ phép hỏi: - Thưa cô, xin lỗi cô, cô muốn chờ ông phán Sinh? Huệ rụt rè đáp: - Vâng, thưa ông, cậu cháu đã sắp về chưa? - Cũng sắp ra. Độ chừng năm phút nữa thôi. Hôm nay ông hơi bận nên phải làm thêm. Người thiếu niên từ giã Huệ. Các bạn chàng đều giữ vẻ yên lặng đi theo chàng, không dám cợt nhả nữa. Họ thấy Huệ có nhan sắc nhưng cậy phải cố lấy vẻ đứng đắn. Họ e Huệ về mách cha thì rồi ông Sinh lại kiếm chuyện lôi thôi với họ vì họ toàn là những người mới vào làm tập sự, công nhật; còn dưới quyền ông cả. Huệ chờ đã khá lâu. Nàng thấy nóng ruột, định ra về. Nhưng nghe lời Huyên nàng lại cố kiên tâm đứng chờ thêm. Mẹ nàng giục mãi nàng mới chịu tới đón cha nàng ở đó. Nàng tính vốn cả thẹn. Vả lại đứng chờ ở cổng một công sở rất dễ làm cho nhiều người nghi ngờ. Nàng thấy rõ điều ấy từ khi mới bắt đầu đứng đợi. Mọi người qua đường đều nhìn nàng bằng con mắt khác thường hình như đầy vẻ khỉnh bỉ. Nàng muốn ra về ngay nhưng sợ trở về lại bị mẹ mắng. Vả nàng cũng thương mẹ. Không làm vừa ý mẹ, nàng cũng băn khoăn khó chịu. Cứ nghĩ đến mẹ mấy ngày này không thấy chồng về qua tới nhà, nàng lại buồn bực như muốn khóc. Vừa đúng sáu ngày, cha nàng không hề lai vãng về tới nhà. Hết ngày thứ ba, thấy chồng không về, bà Sinh đã ra Tòa Sứ đón ở cổng. Nhưng ông đã nhìn thấy bà, e rồi lại có chuyện không hay, ông đành phải bảo người gác mở cổng để ra lối sau. Ba bốn ngày sau cũng vậy, cứ bước chân ra khỏi bàn giấy là ông đã dòm ngó. Và mấy ngày liền ông đều thấy vợ đứng đợi ở cổng, ông lại đành phải lánh mặt. Về phần bà Sinh, bà rất lấy làm khó chịu vì nỗi ra tận sở đón mà ba bốn ngày liền đều không được gặp chồng. Bà uất ức trong lòng không còn thế nào tự chủ được nữa. Bà tưởng như gặp chồng lúc đó thì có lẽ bà sẽ làm xấu xa đến thể diện của chồng. Nghĩ lại những ngày chồng vắng nhà không thể nào bà lại không giận dữ chồng được. Luôn luôn mấy ngày liền sáng cũng như chiều, cứ cơm làm xong bưng lên để trên bàn rồi cả nhà ngồi chờ. Có khi đói quặn cả ruột cũng chẳng dám ăn trước. Cứ bữa sáng không thấy chồng về bà lại hy vọng bữa chiều, rồi qua những ngày sau cũng vậy. Bữa nào bà cũng ra công nấu nướng thật ngon lành. Bà muốn lưu luyến chồng với gia đình bằng cái tài bếp nước của bà. Bà không biết đến sự điếm đót lòe loẹt, hoặc những cử chỉ nũng nịu. Đó không còn là cái tuổi của bà, và ngay từ khi còn là con gái đối với chồng cũng chẳng bao giờ bà có vẻ cợt nhả như Nga thường dùng. Vì vậy bà chỉ biết xoay xở các món ăn, và luôn luôn nấu những món ăn đắt tiền. Bà vẫn nuôi cái hy vọng là trong bữa cơm ngon, chồng bà sẽ được vừa ý, vui lòng, rồi nhân dịp bà sẽ tìm lời êm dịu để khuyên ngăn chồng. Nhưng chẳng bao giờ bà được toại ý, vì các món ăn để cho tới kỳ nguội ngắt mất hết mùi vị chồng bà vẫn không về. Bà lại thấy khó chịu về nỗi có giở cái tài nấu nướng ra chăng nữa, thì cũng chỉ làm mình ăn, chứ người chồng cũng chẳng thưởng thức gì đến. Rồi sau cùng bà chẳng hề dòm ngó tới nữa. Món ăn mặn hay nhạt bà cũng chẳng biết đến. Cái chán nản trong lòng bà như đã khiến bà mất hết cả các xúc quan. Trong những bữa cơm chờ đợi bà chỉ thương hại Tài. Đói quá không chịu được, cậu nhăn mặt trông rất đáng thương. Con có đòi ăn bà Sinh lại bảo: “Cố chờ một tý nữa thôi. Ngộ cậu mày có về thì cùng ăn cho nó vui nhà”. Tài ngúng nguẩy, ra vẻ không bằng lòng, bà lại ôn tồn bảo: - Không chờ cậu thì cậu về cậu đánh tuốt xác ra chứ đừng có tưởng. Đến tao đây cũng còn không dám ăn trước nữa là. Cậu không đi làm thì ai nuôi mày mà mày lại không chờ cậu? Bà đã cố đe dọa Tài như vậy là bà muốn rằng nếu chồng có về ăn cơm thì sẽ có đông đủ cả nhà. Và như thế thì câu chuyện phân giải của bà sẽ dễ nói, bớt ngượng lời. Thấy mẹ dọa, Tài cũng đành cố chờ, có khi đói quá, cậu nằm lả trên một góc giường rồi ngủ thiếp đi, đến lúc gọi dậy cho ăn cũng uể oải không buồn ăn, rồi sau một hai bát cơm, mồ hôi chảy ra như tắm cả người khiến cậu mệt quá ngồi không vững. Bị hai bữa như thế, bà Sinh sợ quá, bữa nào cũng cho Tài ăn cơm trước, chỉ có bà và Huệ chờ. Thường thường bữa sáng hai mẹ con chờ cho tới gần một giờ chiều, và bữa tối chờ mãi tới bảy giờ, bảy rưỡi mới ăn. Những món ăn tự tay bà nấu ra và quả thực là những món ăn ngon mà khi nhai trong miệng, bà chẳng hề thấy có mùi vị gì. Huệ thì đói quá cũng chỉ ăn cho no, chẳng để ý đến món nào ngon, món nào nấu khéo. Trong bữa cơm đã thiếu hẳn một thứ gia vị rất tốt là sự vui vẻ đoàn tụ của gia đình. Cứ chờ đợi như thế tới ba bốn ngày liền. Rồi sau hết, ngày hai buổi bà thân chinh đi đón chồng tựa một người mẹ hay người vú già đi đón một đứa trẻ ở trường học ra để tránh xe pháo ngoài phố. Nhưng lần nào bà cũng bị chồng lánh mặt. Cứ bà chờ ở cổng này thì chồng lại trốn bằng cổng kia. Có khi ông lại liều lĩnh về trước giờ. Lần này bà sai Huệ ra đón. Bà vẫn mong mỏi chồng về tới nhà được gặp mặt rồi bà sẽ “làm cho ra chuyện”, bà không muốn sống trong cái cảnh chập chừng này nữa. Bà thúc giục mãi, Huệ mới chịu đi. Khi nàng đã ra tới cửa, bà còn kỹ càng dặn thêm: - Con phải khéo nói mới được. Cứ bảo thằng Tài nó bị sốt nặng đã hai hôm nay thì cậu về xem nó ra sao để còn thuốc thang cho nó. Huệ thấy mẹ là người kỹ càng vẫn hay kiêng nói gở miệng như vậy mà lần này lại phải dùng đến cái mưu kế đó. Nàng định cãi lại mẹ và bảo mẹ tìm một cách gì khác thì mẹ lại tiếp lời: - Thôi thì cứ nói trí trá như thế vậy con ạ. Mẹ đã nghĩ chán rồi, chả còn kế gì để gọi cậu mày về nữa... Bà đã gióng một dặn con, nghẹn ngào nói chẳng ra lời và chẳng được rõ câu. Huệ nghe mẹ. Trong cái giọng nói đầy nước mắt của mẹ, nàng đã thấy rõ cái khổ tâm của mẹ trong ít lâu nay. Nàng lẳng lặng ra đi, thất thểu bước một, mẹ nàng còn đứng trên bục cửa. Nàng không dám quay lại nhìn mẹ. Nàng biết rằng nhìn lại nét mặt buồn buồn và cái hình vóc gầy còm của mẹ trong lúc đó hẳn nàng sẽ không cầm được nước mắt. Khi Huệ tới sở thì mới gần năm giờ. Nàng đã đứng mất tới hơn nửa giờ. Nàng nóng ruột quá, chẳng hiểu rồi có được gặp cha không. Khi thấy các người làm cùng sở đã tản mát ra về gần hết, mà chưa thấy cha nàng ra, nàng nhấp nhô nhìn quanh, trong lòng hơi thất vọng tưởng rằng cha mình đã trốn mình để về từ lâu. Thấy thầy Huyên nói cha nàng còn ở lại và chừng năm phút nữa sẽ ra, Huệ lại cố công đứng chờ, hai mắt luôn luôn nhìn vào cái cửa chính của các buồng giấy. Nàng tin rằng cẩn thận như thế thì cha mình không còn cách nào trốn lẩn được nữa. Mà thật, một lúc sau nàng thấy cha từ buồng giấy bên trong cầm mũ đi ra. Nàng vội vàng chạy xổ vào và gọi to: - Cậu! Cậu! Ông Sinh biết rằng không còn có thể trốn tránh được đành phải mau bước lại gần chỗ con đứng. Ông đưa mắt nhìn con, trong đôi mắt như chứa chấp không biết bao sự hối hận. Đối với đứa con đứng trước mặt, ông có ý nghĩ như đã phạm một tội nặng. Trong cái vẻ nhìn ngây thơ của Huệ, ông tưởng như có ngụ những lời trách móc sâu xa. Cái cảm giác ấy đã khiến ông thành ra nể nang Huệ lúc đó, nể nang gần như sợ sệt. Ông cố trấn tĩnh, giữ vẻ mặt bình tĩnh hỏi con: - Mày đi đâu? Đặt xong câu hỏi đó, ông đưa mắt ra xa, không dám nhìn Huệ, vì ông biết ngay rằng đó là một câu hỏi thừa vì Huệ đã biết chắc rằng vì sao phải tới đó, hẳn cha mình đã rõ. Huệ chưa kịp đáp lại câu hỏi của ông, ông đã nói tiếp ngay: - Mợ mày cho mày đi tìm cậu phải không? Huệ vẫn còn rụt rè: nàng chỉ e sợ cha sẽ mắng mỏ mình về nỗi đã sỗ sàng vào tới tận trong sở mà gọi lên và nàng lại còn sợ cha sẽ tức giận về nỗi đi săn đón như đi tìm một khách nợ. Bỏi vậy nàng chưa dám cả quyết nghe lời mẹ nói ra nhưng câu mẹ dặn dò. Vả lại đó là những câu dối trá nên cứ mỗi khi gần nói ra, nàng lại thấy ngượng ngùng quá. Ông Sinh thấy con ra vẻ sợ sệt, không nói gì, ông lại hỏi: - Mợ mày cho tìm tao có việc gì? Lúc đó Huệ mới dám trả lời: - Thưa cậu, mợ bảo cậu về ngay vì ở nhà em Tài bị sốt. Rồi nàng chỉ còn như cái máy nói nhắc lại những lởi mẹ dặn như một người học trò đọc bài: - Em Tài sốt đã hai ngày hôm nay. Cậu về xem có thế nào còn liệu thuốc thang cho em... Nghe con nói, và nghĩ lại những ngày bà Sinh đã tới cổng đón mình, ông bỗng như có linh khiếu làm ông ngờ ngợ ngay rằng đó là một điều bịa đặt, một mưu kế lừa lọc để ông phải về nhà. Song ông vẫn không dám tin hẳn ở cái linh khiếu đó, và cũng hơi lo lắng, e rằng đó là sự thực. Ít lâu nay đối với con cái trong nhà, ông tỏ vẻ rất lãnh đạm. Cả đến Tài, đứa con giai mà ông vẫn nâng niu, yêu quý, nay ông cũng chẳng hề lưu luyến. Ông đã gần như quên rằng mình có đứa con giai đó. Cái tin Tài bị sốt nặng bỗng làm ông xúc động. Và trong giây lát, tình thương yêu con lại trở lại lòng ông. Ông thấy trong người xao xuyến, lo lắng. Huệ đã nhận rõ thấy vẻ mặt buồn rầu của cha sau mấy câu hỏi của mình. Nàng thương hại cha và như hơi hối hận đã nghe lời mẹ dối trá để cha mình phải buồn bực. Ông Sinh không được vững dạ hỏi thêm: - Em nó sốt làm sao? Đã trót nói dối, Huệ đành phải cứ theo đà nói dối mãi. Và bây giờ thì nàng không còn nhắc lại lời mẹ nữa. Nàng đã dùng cái trí thông minh của nàng để bịa đặt cho thêm phần quan trọng: - Thưa cậu, em nó sốt to lắm, rên suốt ngày suốt đêm. Mồ hôi chảy ra như tắm. Nó chẳng chịu ăn uống gì cả. Người gầy còm xanh xao lắm. - Thế mợ mày đã cho uống thuốc gì chưa? - Chưa, mợ con lo lắng quá, cả ngày chỉ ngồi bên em Tài khóc lóc. Mợ còn chờ cậu về để xem sao. Cả ngày mợ con chỉ thở dài kêu than là khổ với sở. Nói đến đây, Huệ nhớ rõ lại nỗi băn khoăn uất ức của mẹ trong những ngày mong đợi cha mình, bỗng nhiên lòng thương mẹ khiến nàng vừa nói với cha vừa nghẹn ngào như muốn khóc. Ông Sinh thấy vậy lại càng tin là có thực. Ông ôn tồn bảo Huệ: - Được, con cứ về trước. Rồi cậu sẽ về sau. Huệ sợ rằng cha sẽ lại trốn tránh, lại bảo cha bằng một giọng rất tha thiết: “Cậu về ngay bây giờ mới được. Mợ con ở nhà đang mê mẩn cả người”. - Thế nào cậu cũng về mà. Cậu ra đằng này có chút việc cần chỉ độ mươi phút thôi. Nói xong, sợ rằng Huệ lại kiếm lời lôi thôi nữa, ông vội vàng đi ra cổng sở rồi gọi xe đi về phía ga, Huệ tưng hửng nhìn cha, rồi tự bảo thầm: - Chẳng biết rồi có về hay đi mất tăm mãi! Ông Sinh ngồi trên xe lại bắt đầu nghi ngờ rằng đó chỉ là một mưu kế của vợ cả bày đặt ra. Khi còn đứng trước Huệ, thấy cái vẻ mặt buồn buồn và cái giọng nói cảm động của con, ông đã sẵn lòng tin, nhưng bây giờ xa con, chẳng hiểu tại sao, sự nghi ngờ bỗng nhiên lại nẩy nở trong trí óc ông. Ông bảo xe kéo về phố Nga ở. Khi tới nhà, cũng như mọi ngày khác, ông thấy Nga đã chờ ở cửa. Nàng tươi cười nhìn ông, ra chiều âu yếm. Và trong giây phút đó, ông đã gần quên hẳn cái chứng sốt của Tài mà Huệ đã kể cho ông nghe; ông lại không muốn trở về nhà nữa. Sự thực thì trong tuần lễ vừa qua, ông cũng chỉ muốn ở sở ra thì qua lại với Nga một chút rồi về nhà. Nhưng cứ đặt chân tới chỗ Nga ở ông lại thấy ngay sự lưu luyến của gian nhà. Sống bên Nga mà nghĩ lại cái gia đình của mình - người vợ suốt ngày bận bịu, hai đứa con quanh quẩn - ông Sinh bỗng thành chán cảnh nhà. Đã bốn mươi tuổi mà được sống bên một cô gái hai mươi, luôn luôn ngọt ngào bằng những tiếng “anh, em” hay “mình”, ông thấy như trẻ hẳn lại và vui thích hơn là sống bên một người vợ ngoài ba mươi, chỉ kém mình chừng hai ba tuổi, đã trở về già, con cái đìu iu. Không phải là bà Sinh đã hết xuân, đã có trai, có gái nên ra vẻ thờ ơ cùng chồng; chính bà cũng cố tìm cách chiều đãi để lấy lòng ông. Nhưng cái chiều đãi của bà ở chỗ khác: Bà năng nổ việc nhà, trông nom con cái, rồi cơm nước được ngon lành. Bà không có cái lối cợt nhả, lẳng lơ của Nga thường dùng. Còn về trang sức thì bà chỉ biết ăn mặc cho đứng đắn sạch sẽ dễ coi. Chẳng bao giờ bà nghĩ đến sự “tô son điểm phấn” để làm tăng vẻ người. Đến ngày từ khi còn là con gái bà cũng không hề nghĩ đến sự trang điểm lòe loẹt nữa là ngày nay đã gần trở về già! Lúc nào bà cũng tự bảo thầm: “Đẹp người không bằng đẹp nết”. Chính cũng vì thế mà ông Sinh đã như chán bà. Ông chỉ còn coi bà gần như một người vú già cần mẫn ngoan ngoãn trong gia đình. Và ông tìm cách xa lánh bà để luôn luôn được quanh quẩn bên Nga. Cũng như mọi buổi khác, khi chồng đi làm về, Nga vội vàng đi lấy nước rửa mặt và bưng ra một tách nước chè mạn ướp sen. Trước kia ông Sinh không hề biết uống nước chè. Từ ngày ở với Nga ông thành ra nghiện thứ chè đó. Khi mới được Nga đãi chén nước chè đó, ông ngượng ngùng không muốn dùng, nhưng thấy Nga ân cần, ông cố tự ép uống để chiều lòng nàng. Rồi sau một hai lần thành nghiện. Đến nỗi khi về nhà với vợ cả, ông uống nước nụ thấy khó chịu không được vừa lòng. Ông Sinh súc miệng uống hết hai tách nước chè nóng liền rồi bảo Nga: “Hôm nay mình ăn cơm một mình nhé. Tôi phải về qua đằng nhà, hình như thằng bé ốm”. Nga vội níu áo chồng lại: “Ai ốm! Thôi mình đừng dối tôi”. - Thực đấy mà! Hôm nay con bé nhớn ra sở tìm. Thằng bé con bị sốt đã hai ngày rồi... - Thôi, tôi còn lạ gì! “Bà ấy” lại đặt chuyện ra để dối anh chứ gì! Cứ kệ, ở đây ăn cơm rồi nghỉ cho nó khỏe người. Chẳng tội gì anh ạ. Ông Sinh thấy Nga ra vẻ săn sóc cũng muốn ở lại nhưng e ở nhà Tài ốm thực mà cứ bỏ vạ cho một mình vợ thì không đành lòng, ông bèn bảo Nga: “Tôi chỉ đi một lúc sẽ về ngay. Cứ chờ tôi về tôi ăn cơm với”. Nga vui vẻ nhìn chồng nũng nịu: - Thực đấy nhé! Mình đừng để tôi phải chờ lâu quá! Tôi giận đấy nhé! Ông Sinh mở cửa đi ra. Khi đã sai Huệ ra sở đón chồng, bà Sinh ở nhà lại ra công làm một bữa cơm ngon. Trừ món gà tần, món dấm ghém, bà còn làm thêm hơn hai chục chiếc chả rán. Bà vừa nấu nướng vừa cố suy nghĩ để xếp đặt câu chuyện, lựa cách phân trần với chồng về việc trong gia đình sao cho êm thấm. Bà tin rằng thế nào chiều nay chồng cũng về. Một lẽ vì bỏ nhà đã từ lâu, và một lẽ nữa chắc chắn hơn là bà đã dặn Huệ nói dối Tài ốm. Bà vẫn tin rằng điều đó sẽ làm chồng phải nóng ruột lo sợ, dù có ghét bỏ bà chăng nữa. Gần sáu giờ, Huệ trở về nhà. Thấy con nói “Thế nào cậu con cũng về nhưng về sau” bà càng nóng ruột trông ngóng. Bà mong đợi chồng với sự sung sướng pha lẫn chút lo ngại. Sung sướng vì hy vọng sẽ có thể lại được hòa hợp cùng chồng trong gia đình, và lo ngại rằng cái cảnh sống hiện tại cứ giằng dai mãi như vậy. Bữa cơm nóng sốt vừa bày trên bàn, thì ông Sinh ở trên xe bước xuống. Trả tiền xong, ông vội vã bước vào nhà trong, vứt chiếc mũ trên chiếc ghế ngựa kê gần ngay đó. Bà Sinh nhìn thấy chồng bẽn lẽn lo sợ vì nỗi đã phải tìm cách dối trá. Chồng bà như hơi tự hổ đã bỏ nhà đi mấy ngày liền. Ông cố đánh bạo hỏi vợ, nhưng hỏi tựa như người còn trống không: - Thằng Tài sốt siếc làm sao? Để nó nằm đâu? Bà chưa biết trả lời sao, thì Tài, vú già vừa tắm cho xong, ở ngoài sân đi vào. Tài nhảy nhót lại gần cha, reo to lên: - Cậu! A, a! Cậu đã về! Tài ôm chặt lấy cha hỏi luôn. - Sao hôm nay cậu mới về nhà? Ông Sinh ngượng ngùng trước câu hỏi của con, tìm cách lảng chuyện: - Sao bảo con sốt? Tài ngây ngô chẳng hiểu gì, cứ thực thà bảo cha: “Con chả sốt bao giờ cả. Con vẫn đi học đấy chứ!” Rồi Tài mang chuyện chờ cơm, bị đói lả nằm ở góc giường liến thoắng kể lại cho cha nghe. Tài vỗ bụng “bốp, bốp” rồi trợn hai mắt tròn xoe nói: “Gớm, con đói, đói lả! Con bảo ăn cơm, mợ cứ bắt chờ cậu mãi”. Bà Sinh đang soạn bát đĩa trên bàn để sắp sửa ăn cơm, nghe giọng nói ngộ nghĩnh của con phải bật cười. Bà sung sướng rằng bất ngờ con bà đã làm được một việc bà thường mong ước: Tỏ cho chồng hay rằng ngay những lúc vắng chồng bà cũng vẫn là người vợ hiền, chỉ nghĩ đến sự chiều chuộng chồng. Tài không thấy cha ngắt lời mình lại nói luôn: “Hôm nào mợ cũng làm cỗ to to là, để chờ cậu về ăn, chờ mãi cậu không về, cả nhà lại ăn hết!” Tài nuốt nước dãi đánh “ực” một cái rồi lại nói to: “Gớm, ngon ngon là!” Bà Sinh thích chí lại thẳng thắn cười to. Ông Sinh nghe con nói cũng không sao nín được cười. Khi đặt chân về tới nhà và biết rằng mình đã bị vợ đánh lừa, ông tức tối trong lòng và ông tưởng như ông sẽ có thể thành độc ác, hành hạ vợ một cách tàn nhẫn được. Nhưng cái ngộ nghĩnh của đứa con kháu khỉnh đã bất ngờ làm tan được cái tức tối đó và đã gây trong lòng ông những tính tình vui vui, rộng lượng. Nghe lời con nói lại những bữa cơm vừa qua, ông khẽ đưa mắt nhìn trộm vợ và ông hơi thấy lòng rung động về sự tận tâm của vợ. Những kỷ niệm quá khứ trong cảnh đời vất vả khi ông còn là người học trò dồn dập trở lại trong trí nhớ. Và lòng hối hận đã ruồng bỏ người vợ cũ khiến ông thành buồn buồn nét mặt. Trong giây phút đó, ông bỗng thấy mình ở vào một tình thế rất khó xử. Bỏ vợ cả và hai con đẻ để ở với Nga thì không đành lòng mà bỏ hẳn Nga để trở lại sống cuộc đời cũ, thì lại cang không được nữa. Vì ông đã tự hiểu rằng không thể nào xa hẳn được Nga. Ông đã quá say mê nàng rồi. Bà Sinh đưa mắt nhìn chồng. Thấy chồng có vẻ suy nghĩ, bà biết rằng cái cảnh gia đình dưới mắt ông đã làm ông phải băn khoăn. Bà biết ngay đó là lòng hối hận. Bà tuy có giận chồng nhưng trong lúc đó thấy cái vẻ buồn phiền của chồng bà cũng đem lòng thương hại. Hình như đó là một lòng thương đối với một kẻ đã trót lầm lỡ hơn là của vợ đối với chồng. Bà rụt rè khẽ cất tiếng mời chồng: - Ông đi ăn cơm cho các con chúng nó ăn với... Nghĩ đến câu chuyện Tài vừa kể cho cha nghe, bà lại nói thêm: - Kẻo rồi thằng Tài nó lại đói lả như mấy hôm nọ., Bà thấy chồng vẫn ngồi im chỗ cũ và không nói gì, bà nhìn Tài rồi ngọt ngào nói: - Con giai của mợ mời cậu sang ăn cơm hộ mợ chứ. Mẹ vừa nói dứt lời, Tài nhanh nhẩu cầm cánh tay cha lôi sang bàn ăn. Ông Sinh ngớ ngẩn như cái máy, ngoan ngoãn theo con ngồi trước. Tài kéo chiếc ghế ngồi ngay bên cha. Tiếp đến bà Sinh và Huệ. Đã hơn tuần lễ nay mới lại thấy cảnh cả nhà sum họp quanh bàn ăn. Song bữa cơm không hề có vẻ được tự nhiên, vui vui như hồi ông Sinh chưa hề bỏ nhà đi. Hai vợ chồng ngượng ngùng trong khi ăn. Chẳng khác gì hai người khách lạ bị ghép ngồi ăn cùng một mâm với nhau. Hai vợ chồng như cố tránh nhìn lẫn nhau. Bà Sinh tưởng như đó là bữa cơm đầu tiên bà cùng ngồi ăn với chồng khi mới về làm dâu. Nhưng cái rụt rè, e lệ hồi đó có một cái thú vị rạo rực; còn bây giờ sự giữ ý tứ trước mặt nhau chỉ như để giấu giếm những tính tình riêng. Đôi con mắt thỉnh thoảng trộm nhìn nhau không phải là để tỏ chút tình tứ như trong thời kỳ mới bắt đầu chung sống, mà chỉ để dò la lẫn nhau rồi liệu cách xoay chiến lược với nhau. Trước cái cảnh bất hợp của cha mẹ. Huệ cũng thành sợ sệt, rụt rè trong khi gắp, khi nhai. Chỉ có Tài là vẫn giữ cái vẻ ngộ nghĩnh. Đòi ăn hết món này sang món khác rồi cười nói luôn luôn. Cái ngây thơ của đứa trẻ thực là một phản tượng đau đớn cho tâm hồn của hai vợ chồng trong lúc đó. Bà Sinh chỉ muốn dậm dựa vào con để tìm cách gây thiện cảm cùng chồng. Bà khẽ cất tiếng, như muốn nói một mình: - Cái thằng ấy nó quý cậu nó lắm đấy! Mấy hôm không có nhà mà nó cứ nhắc đến luôn. Sau câu nói khơi mào đó, bà định lựa nhời để quay sang câu chuyện phân trần, nhưng cứ sắp bắt đầu thì bà lại thấy ngượng ngùng. Thấy nét mặt có vẻ quá ư nghiêm trọng của chồng, bà lại càng thành e dè hơn. Bà cố ý nghĩ rằng nếu chẳng nói ra trong bữa cơm này thì hẳn chẳng còn dịp nào nữa. Nhưng bà vẫn không có can đảm lên tiếng. Sau hết bà nghĩ thầm: Xong bữa rồi sẽ hay, đang ăn, chuyện nọ chuyện kia rồi lại mất ngon. Có lẽ đó là một câu mà vì sự nhút nhát trước mặt chồng bà đã viện ra với chính mình để có cớ hoãn binh hơn là bà sợ chồng ăn sẽ không thấy ngon miệng. Với cái ý nghĩ trên đây bà lại yên lặng ngồi ăn. Ông Sinh cũng không ăn gì nhiều. Có lẽ muốn lấy lòng vợ để vợ khỏi tủi về sự tận tâm của mình, ông đã ăn chừng vực bát cơm, ăn nửa cái chả rán rồi uể oải đứng dậy. Bà Sinh cố lấy vẻ tự nhiên mời: - Ông ăn thêm mấy miếng chả nữa. Ông khẽ đáp như nói trống không: - Thôi, no rồi. Bà Sinh rất khó chịu về câu trả lời ngắn ngủi đó. Không còn lấy một chút của cái giọng thân mật, âu yếm khi xưa; chỉ chứa đầy sự thờ ơ ghẻ lạnh. Tài láu lỉnh bảo cha: - Cậu ăn ít để còn dành cho mợ và con đấy mà! Đáp lại câu nói của con, ông chỉ biết mỉm cười. Thực là cái mỉm cười chua chát cho cõi lòng ông. Câu nói của đứa con không ngờ đã là một lời trách móc sâu xa. Vì sự thực có phải đâu như đứa con nhỏ đã tưởng. Đã từ lâu, nào ông còn nghĩ gì đến vợ và con! Trước kia thì thường thường lòng thương vợ và hai đứa con đã nhiều lần làm ông tằn tiện nhiều cái để nhường nhịn cho những người đó. Trong bữa cơm, có món gì ngon, bao giờ đến miếng cuối cùng mà vợ giục ông ăn nốt, ông cũng có nói một câu dưới đây. - Thôi để dành lại cho mợ và em Tài. Tài vẫn còn nhớ những bữa cơm sung sướng đó và nay thấy cha ăn ít cậu lại tưởng nhớ đến sự nhường nhịn khi xưa. Nào ngờ đâu câu nói chỉ nhắc lại một kỷ niệm đau đón cho người cha, vì ông đã ăn ít là chỉ bởi ông ăn không thấy ngon miệng lắm. Một phần tại ông đang lo nghĩ trong lòng. Nhưng một phần lớn cũng tại thiếu nhiều món gia vị. Từ ngày thấy ông Sinh nói là uống chè mạn đã thấy quen giọng, và về nhà uống chè hạt thấy nhạt nhẽo khó chịu, Nga đã ranh mãnh tìm các cách thức khác để khiến ông Sinh phải thành như nghiện ngập. Ăn cơm ở nhà với vợ cả ít khi ông dùng các món gia giảm. Nhưng ăn cơm với Nga, nàng đã cho ông ăn các món phụ tùng như cà rốt, củ cải, dưa chuột và ớt dầm mắm với dấm. Thêm vào đó cái thứ nước maggi chế với các món ăn nước hoặc xào. Rồi bữa nào nàng cũng rót cho ông một ít rượu ngâm thuốc. Tất cả những cái ấy, bây giờ ông đã thành nghiện. Và Nga rất sung sướng một lần thấy ông Sinh kêu rằng đi ăn ở đâu cũng vậy, ở nhà với vợ cả hay ở các hiệu hoặc cơm khách ở các nhà bạn bè thiếu các thứ gia vị trên đây ông đều thấy không ngon miệng, và chỉ muốn trở về ăn cơm với nàng. Nàng nghĩ thầm: - Con chim đã quen ăn mặn rồi, có sổ lồng bay đi cũng phải đến lộn về! Khi ông Sinh đã đứng dậy thì cả nhà còn đang ăn dở bữa. Vú già lấy tăm nước. Ông xỉa qua răng rồi súc miệng và chỉ uống một ngụm nước con vì cái nước đó không quen giọng ông. Ông định lại ra đi ngay để Nga khỏi phải chờ cơm lâu quá! Bà Sinh đang và miếng cơm vội vàng vứt chiếc bát và phóng đôi đũa xuống bàn rồi cầm vạt áo chồng lôi lại. Ông cau có gắt to: - Làm cái gì thế! Buông ra! - Không! Ông không thể đi với tôi được! Ông định bỏ mẹ con tôi hay sao! Bà khóc rưng rức và thét lên: - Tôi biết cả rồi. Ông đã có vợ hai từ sáu, bảy tháng nay. Ông Sinh không thể giữ được vì tức bực, và tin rằng câu chuyện đã vỡ lở bèn mắng vợ: - Ừ thì tao có vợ hai. Rồi tao còn lấy đến vợ ba, vợ tư nữa! Việc gì mà tao phải giấu giếm mày? Hỏi xong, ông cựa mạnh tay hất vợ ra. Bà Sinh bị ngã trên nền nhà. Tài thấy mẹ ngã, Tài đang nhai miếng cơm cũng òa lên khóc. Những hạt cơm vón hòn trong mồm cứ từ từ rơi trên chiếc áo cộc. Tài ra vẻ thương mẹ, khóc thét lên từng cơn to. Nước mắt làm ướt đẫm cả hai cánh tay áo, cậu đưa lên lau mắt. Còn Huệ thì vội vàng chạy lại nâng mẹ dậy và cố đánh bạo khẽ nói với cha: - Thì cậu hãy ở nhà một hôm... Bao nhiêu những nỗi tức bực mà ông đã cảm thấy khi mới bước chân về nhà hình như bây giờ mới có dịp để ông thả lỏng ra. Đáp lại câu nói nhẹ nhàng của người con gái, ông quát to: - Cái con ranh con, câm ngay miệng lại. Ông trợn to hai mắt: - Bằng ngần nấy mà đã dối trá. Em Tài sốt, em Tài mệt! Rõ khéo! Cái con mẹ mày cứ dạy mày điêu ngoa dần đi là vừa! Nhìn thấy mẹ bị ngã rồi lại thấy chị bị mắng chửi nặng nhời, Tài chỉ biết khóc nức khóc nở! Miếng cơm đang nhai trong miệng đã rơi ra ngoài hết. Ồng Sinh quay lại mắng Tài: - Còn cái thằng ranh con kia, nín ngay đi. Lần này chứ lần sau thì mày có chết ngay cũng kệ xác mày. Dứt lời, ông lại vội vàng ra đi. Nhưng vợ đã nắm được áo lôi lại. Lần này bà nắm được hẳn cả vạt áo. Hai người giằng co nhau mãi. Huệ chỉ biết đứng yên một chỗ. Tài sợ quá càng khóc to hơn. Ông Sinh nạy mãi không được tay vợ bèn lật chiếc áo về đằng sau rồi trút hẳn ra: - Đây thì giữ chiếc áo! Rồi ông hấp tấp chạy ra cửa. Bà Sinh lại nắm với lấy ông nhưng bị hụt. Tới cửa, ông nhảy lên một chiếc xe hàng đỗ ngay đó bắt nó kéo đi liền. Bà Sinh định chạy theo nhưng e lại thành sự không hay ngoài phố. Bà bước vào trong nhà vứt chiếc áo cộc tay của chồng trên chiếc ghế rồi nằm vật xuống giường nức nở khóc. PHẦN THỨ HAI Nga ngồi trước một chiếc bàn có gương. Bên nàng ngổn ngang nào phấn sáp, nào thuốc nhuộm móng tay và nước hoa. Nàng vừa gỡ tóc vừa lớn tiếng nói một mình. - Ngủ đến chín mười giờ đấy! Làm gì nhau thì làm! Nàng xoa một chút dầu “Forvil” vào tóc rồi lại tiếp lời: - Cái hạng này thì chỉ có ăn với ngủ thôi. Muốn yên thì đây để cho yên, chứ đã muốn bới thối ra thì lại phải hít, phải ngửi chán, chứ có làm cái thá gì. Khi thì nàng nói khẽ như lẩm bẩm một mình. Khi thì nói thật to để mọi người đều nghe tiếng. Rồi thỉnh thoảng nàng lại đập hộp phấn hoặc đá chiếc ghế kê gần đó và pha vào những câu chửi rủa, cạnh khóe như: “Tiên nhân nhà mày, bà nhìn thấy bà chướng mắt. Cái hạng mày thì cũng nay mai bà tống ra đường". Hoặc những câu sau đây: - Rõ trơ trơ ra như thế này! Bà cứ mần ngơ đi cho mà còn không biết? Bà Sinh ngồi nhà ngoài cố giữ vẻ thản nhiên, nhưng thấy Nga cứ như khiêu khích mãi, bà bèn ngoái đầu vào, cố lấy giọng nhẹ nhàng bảo nàng: - Này chị hai, chị vừa vừa chứ! Đừng có lên nước như thế. Chị ngủ đến mấy giờ thì mặc chị... Nga vội ngắt lời ngay: - Mặc chị! (Nàng bĩu môi) ối chao ôi! Tử tế chửa! Tôi đang ngủ mà bà hét mãi lên rằng chín với mười giờ! (Nàng lấy giọng chế giễu nhắc lại câu nói của người vợ cả) Này, chín giờ rồi đấy. Sắp trưa rồi đấy! Nàng hét thực to. Bà Sinh phát uất lên mắng Nga: - Rõ khéo! Sao mà điêu ngoa đến vậy. Ai mà lại rống to đến như thế! - Tôi mà lại còn đổ điêu cho bà! Đó là tôi mới tàm tạm thế thôi chứ bà thì bà còn rống to gấp vạn nữa, có dễ thường cả cái tỉnh Nam này đã nghe thấy tiếng bà hét “chín giờ” với lại “gần trưa” rồi đấy. Nga đã nói quá lời, sự thực thì bà Sinh nói cũng khá to: nhưng chủ ý của bà không phải là để giục Nga dậy, chỉ cốt để cho người vú già ở dưới bếp nghe tiếng. Mà bà đã phải nói đến giờ giấc như vậy là bởi lẽ bà chưa thấy vú già quét nhà và pha nước vào ấm như mọi ngày. Nghe câu nói của Nga, bà vừa định cãi lại, thì Nga lại tuôn ra một tràng dài: “Chỉ đây với đấy mà bà đã cãi băng ngay đi được. Sao mà cái hạng người tầm thường đến thế!” Bà Sinh không còn thể nén được cái uất ức nữa. Bà lên tiếng mắng át ngay Nga: - Mày đừng có hỗn! Mày bảo ai là cái hạng người tầm thường? Tao có tầm thường chăng nữa thì mày cũng là lẽ cái nhà này. Nga cũng không chịu nhịn. Trái lại nàng còn lớn tiếng hơn: - Thôi đừng có nói nữa mà xấu mặt! Làm lẽ cũng ba bảy đường làm lẽ! Có hạng người làm lẽ thì ăn cơm nguội nằm nhà ngoài, chứ đây thì không có bao giờ thèm như thế. Phải cơm trắng nước trong, phải có người hầu hạ, không có thì vạn đứa khổ! Thế rồi cuộc cãi vã nhau cứ giằng dai mãi. Thấy bà Sinh xưng là “tao” và gọi mình bằng tiếng “mày”, thì đối lại, Nga tự xưng là “bà” và bảo bà Sinh là “đĩ già”. Hai tiếng “đĩ già” này, nàng đã thường dùng để ám chỉ bà Sinh từ khi mới về ở với bà. Nên trong lúc xảy ra sự xô xát, nàng coi như là những tiếng còn nhẹ nhõm lắm, chưa lấy gì làm thậm tệ. Nếu trong khi nàng ỏn ẻn với chồng mà nàng có cái giọng ngọt ngào và những tiếng êm dịu, bùi tai thì trong khi cãi lại bà Sinh nàng lại có những dáng điệu, những giọng nói, những câu thô tục, ghê tởm và lỗ mãng ít ai bì kịp. Hai cái thái cực đó ở trong người nàng và thay chỗ cho nhau một cách rất dễ dàng. Từ ngày về ở chung với người vợ cả, nàng chỉ gọi bằng tiếng “bà”. Rất ít khi nàng chịu tới tiếng “chị”. Tựa như giữa nàng và bà Sinh không hề có chút liên lạc gì, và đối với nàng đó là một người đàn bà không đáng kể. Nga hung hăng quấn tóc lại rồi vỗ mạnh hai tay vào mặt bà Sinh: - Bà đây bà chẳng sợ đứa nào! Đừng có trêu chọc bà! Bà Sinh trỏ tay vào mặt Nga: - Phải, cái hạng đã tới một trăm thằng thì còn sợ ai! Nga ức về nỗi bà Sinh đã nói đến cái đời “cô đầu” của mình khi trước, càng phát khùng hơn. - Phải, bà đây đã đến hạng trăm nghìn thằng rồi đấy! Đã ăn cơm góp thiên hạ chán vạn rồi đấy! Cái thứ đĩ già ấy đừng có đụng chạm đến bà. - Mày bảo ai là đĩ già, cái con kia? - Bà bảo mày là đĩ già đấy! Làm gì được bà thì làm! Tức tối về nỗi vợ lẽ, dưới quyền mình mà đã gọi mình là đĩ già rồi lại thách thức mình, bà Sinh không còn thể chịu được nữa. Bà vừa định nhảy xô lại tát Nga, thì nàng đã mau tay vớ ngay được chiếc phất trần ở góc bàn và lại thách thức thêm: - Có giỏi cứ chơi nhau với bà. Rồi xem đứa nào được đứa nào thua! Bà Sinh đã quá hăng hái, không hề ngừng bước và cứ xấn vào người Nga. Nàng xoay ngược cán chiếc phất trần lại rồi không hề rụt rè quất luôn trên hai vai bà Sinh mấy cái liền. Cuộc ẩu đả bắt đầu gay go, Nga vứt chiếc phất trần ra, rồi hai tay nắm được tóc bà Sinh. Bà quờ được túi áo cộc nàng rồi giằng co chiếc áo bị rách. Nga thì cứ cầm mớ tóc giựt mạnh mấy cái liền, Bà Sinh bị đau quá đến phát khóc rồi kêu không ra tiếng. Huệ ở ngoài sân vội chạy vào. Nàng chỉ biết can ngăn ra, không dám tỏ vẻ binh mẹ. Nàng gạt cả hai người ra. Nga vẫn giữ vững được mớ tóc trong tay. Huệ thấy mẹ có vẻ đau đớn quá, sụt sịt khóc và van lơn thảm thiết: - Con lạy dì, dì buông mợ con ra. Con lạy dì! Nga vẫn không chuyển lòng. Nhưng vừa lúc đó thì mớ tóc Nga cũng bị tuột xõa xuống. Nàng e bà Sinh nắm được tóc mình vội buông tay ra để vấn lại. Nhằm vào lúc đó, Huệ len hẳn người vào giữa rồi ôm lấy mẹ, lôi hẳn ra ngoài để mặc một mình Nga đứng lại trong gian buồng. Bà Sinh tuy bị đau nhưng cứ gạt con gái ra để trở vào tìm cách đánh lại Nga. Huệ càng ôm chặt lấy mẹ. Bà Sinh phát gắt: - Mày cứ bỏ tao ra. Nhất sống nhị chết, tao cho nó một trận để nó bỏ cái thói lăng loàn đi. Huệ ghé tận tai mẹ và khẽ nói với mẹ để Nga không nghe được: - Mợ nghe con. Mợ yếu lắm mà “người ta” khỏe thì đánh lại sao được. Chỉ thiệt đến thân mợ. Nàng nói những câu đó bằng một giọng cảm động, đầy nước mắt, khiến mẹ cũng thành nể nang rồi nghe theo nàng. Nga đứng trong nhà bô bô nói ra như còn muốn khiêu khích: - Úi chà! Chín giờ với lại gần trưa rồi! Rõ thối! Đã bảo châu chấu đừng có đá voi cơ mà! Bà Sinh cũng nói lại ngay: - Thì tao có hèn gì đâu! Rồi bà sồng sộc định chạy lại gần Nga thì Huệ đã vội giữ bà lại vừa khóc mếu vừa bảo mẹ: - Con lạy mợ. Mợ thôi đi. Kẻo khổ thân mợ. Thấy Huệ ra chiều nhún nhường và khuyên mẹ chịu phần kém, Nga lấy làm bằng lòng lắm. Nàng yên lặng vào ngồi trước gương gỡ tóc, và lại bắt đầu trang điểm. Huệ lấy cho mẹ chiếc khăn lau mặt rồi cũng đưa cho mẹ chiếc lược thưa để bà chải đầu. Nàng đã tinh ý mang chiếc ghế mây ra sân cho mẹ ngồi, e rằng hai người gần nhau thì cuộc cãi lộn tái phát. Nàng đặt chiếc ghế xa hẳn gian nhà trong, dẫn mẹ ra đấy ngồi rồi khẽ bảo mẹ, giọng thương hại: - Mợ cứ chịu nhịn một tý là hơn. Mợ đã già yếu lắm rồi! Từ ngày Nga về ở chung với bà Sinh những cuộc cãi nhau và đánh nhau như trên đây thường xảy ra luôn luôn. Cứ vài ngày lại một lần. Chỉ vì nỗi bà Sinh thì uất ức là người trên mà bị đè nén và Nga thì cậy được chồng yêu tìm cách lấn át, lộng quyền. Trong những cuộc xô xát như thế, bao giờ Huệ cũng cố giữ lễ độ để can ngăn. Nàng không dám về hùa với mẹ để đánh đập Nga, tuy có thương mẹ và ghét bỏ Nga, nhưng nàng cũng không làm như vậy. Trong cuộc xô xát xảy ra lần đầu tiên, Huệ có tìm cách bênh vực mẹ và đánh lại Nga. Rồi khi Nga đã nói lại với ông Sinh, Huệ bị một trận đòn. Nếu chỉ riêng một mình nàng bị đánh đập có lẽ nàng cứ liều bênh mẹ, đánh lại Nga rồi chịu đòn. Nhưng khốn nỗi, chẳng riêng gì một mình nàng. Vì cái tội mà cha nàng gọi “hỗn xược đánh lại dì” của nàng, cả mẹ nàng cũng chịu mắng và đánh lây nên từ đó nàng đành chỉ can ngăn vậy. Chính bà Sinh cũng hiểu như vậy nên những lúc bị Nga đánh đau mà không thấy con đánh giùm bà cũng không hề ngỏ lời trách mắng Huệ. Bà Sinh khẽ đưa chiếc lược qua những khe tóc, vì bà thấy chói ở những chân tóc nên không dám chải mạnh. Bà buồn rầu và luôn luôn thở dài. Bà đã không ngờ rằng ngày nay bà lại lâm vào cái cảnh khổ như thế. Mà chính bà đã tự gây cho mình! Bà thấy chồng suốt ngày ấy sang ngày khác chỉ bỏ nhà ra đi, bà bèn tìm cách ngọt ngào dỗ chồng rằng “nếu quả thực đã có vợ hai thì mang vợ về nhà”. Bà thành thực nói: - Chẳng qua cũng là số kiếp. Thì ông cứ đưa nó về nhà này. Tôi sẽ đối với nó như chị em, rồi nó chung cửa chung nhà chung chồng chung con. Cái đó cũng không hề gì. Làm tài giai thì lấy năm lấy bảy, nào tôi có dám can ngăn đâu. Ông Sinh thuận ngay... Bà tưởng rằng chồng đã trở lại hòa hợp với mình và bắt đầu nghe lời mình. Nhưng sự thực đã không như thế. Chính ông Sinh cũng đã muốn đưa Nga về ở chung từ lâu, song ông vẫn còn ngần ngại, e vợ cả không bằng lòng. Ông có cái ý định cho ở chung đó vì trong ít lâu nay ông đã mắc nợ tới mấy trăm đồng. Tiền lương ông vẫn đưa đủ cho vợ hay chỉ bớt lại một hai chục là nhiều. Cái số tiền đó không đủ cho Nga chi dùng, nhất là nàng lại xa xỉ, ăn tiêu nhiều. Muốn chiều ý nàng, ông đành phải vay giật trong sở. Ông đã phải hạ mình vay cả người tùy phái tới gần tám chục đồng. Cứ mỗi tháng mắc vài chục, cho đến nay đã thành một món tiền khá lớn. Ông cần phải tính nước tằn tiện để trả nợ. Đó là một lý khiến ông đã nhận lời ngay, khi thấy vợ cả bàn về việc để cho vợ bé về ở chung. Song lý lẽ nữa mà ông không dám tự thú với cả chính ông là sợ rằng Nga vẫn giữ cái lối phóng đãng như xưa, chê ông già rồi lại lừa dối ông mà đeo đẳng với một người nào khác. Mang về nhà thì đã có vợ cả trông nom cho. Về phần bà Sinh, bà cũng hơi được yên lòng ở chỗ chồng sẽ không còn bỏ cửa bỏ nhà nữa. Tuy rằng bà không muốn có cái cảnh chung chồng ấy. Nhưng sự đã trót, bà đành chịu vậy. Vả lại còn nuôi cái hy vọng rằng người vợ lẽ đó sẽ không thể ở lâu với chồng mình được nữa. Ông Sinh đã thú thực với bà rằng Nga là một cô đầu bên tỉnh Thái. Bà cho rằng những người như thế hẳn sẽ không sinh đẻ gì nữa, và ắt sẽ không bao lâu rồi hai người phải chán nhau. Cái ý nghĩ ấy khiến bà không lưỡng lự nói với chồng để Nga về ở chung. Từ ngày Nga về nhà, bà đã cố nén mọi nỗi khó chịu trong lòng và lấy hết lòng đại lượng đối đãi với nàng. Nhiều lần bà đã nhường nhịn nàng để mong cho trong nhà được êm thắm, để chồng bà được yên tâm đi làm. Đó cũng là một lối tỏ tình yêu thương kín đáo đối với chồng. Nhưng Nga đã không hiểu như vậy. Nàng đã cho rằng bà Sinh sợ nàng và tìm cách lạm dụng sự nhường nhịn của bà và được chồng yêu hơn, nàng lại càng nịnh hót chồng để giữ quyền thế trong nhà. Người chồng vì đã quá mê hám nàng nên đã mất hẳn phần suy xét và chỉ biết nghe lời nàng, nhất là từ ngày đã có thai. Vả lại ngay từ khi thấy chồng ngỏ lời muốn thu xếp để nàng về ở chung với vợ cả, Nga đã bắt ông phải hứa sẽ để cho nàng được “tay hòm chìa khóa”, bằng không nàng sẽ nhất định chỉ ở riêng. Bởi lẽ đó mà cứ dần dần ông xa hẳn người vợ cả và tước hết quyền thế của bà trong gia đình. Bà biết rằng khi mà chồng đã không còn muốn che đỡ mình thì có cố ghì giữ lấy những quyền hành đó về phần mình cũng là vô ích. Bà đành tòng phục. Từ cái ngày đó, bà luôn luôn có cảm tưởng rằng mẹ con bà chỉ còn như những kẻ đi ở nhờ. Lương tháng được bao nhiêu ông Sinh giao cả cho Nga. Từ sự ăn, sự mặc cùng các việc trong nhà đều do tay nàng quán xuyến cả. Nàng cho ăn, cho mặc ra sao, bà đành chịu vậy. Bà và hai đứa con đã chịu không biết bao nhiêu cái kham khổ. Sáng ra, Tài đi học không có gì ăn lót dạ. Nga bảo là nên tằn tiện một tí. Sự thực, đó chỉ là một cớ mà nàng vin vào để thằng bé phải chịu đói hơn là vì muốn tiết kiệm cho gia đình. Bà mang cái chuyện cỏn con ấy nói lại với chồng. Ông Sinh không dám ngỏ lời trách móc Nga, e nàng phật ý, ông chỉ dấm dúi mỗi sáng cho ngầm Tài hai, ba xu và ông còn dặn dò: - Đến trường hãy ăn quà, đừng ăn ở nhà dì mày biết rồi lại thành lôi thôi, thì cậu sẽ không cho nữa. Tài không hiểu vì lẽ gì lại phải giấu giếm như vậy, nhưng sợ cậu sẽ không cho tiền rồi bị đói nên cũng nghe lời vậy. Sáng sáng cậu cắp sách ra trường, lấm lét giấu mấy xu trong túi áo. Bà Sinh biết vậy chỉ nhìn con thương hại, lòng đến thắt lại mà chẳng biết làm thế nào. Còn về quần áo, bà phải giữ gìn cho hai con từng tí. Cái nào còn hơi mới bà cũng gấp nếp cẩn thận để dành dụm cho con. Những cái đã rách vá như trước kia khi công việc chi tiêu còn ở trong tay bà thì bà đã bỏ đi rồi, nay bà cũng cố ngồi vá chằng vá đụp bắt con mặc. Tài hãy còn nhỏ thì không sao, và không áy náy cho lắm. Nhưng bà chỉ thương hại Huệ. Khốn nạn! Một cô gái đã mười sáu, mười bảy đến tuổi dậy thì, thích điếm đót, thích trang điểm mà chỉ có một chiếc áo dài và một chiếc quần sa tanh là tạm có thể phô trương được. Còn thì chỉ quần áo vải vá mặc suốt ngày, đến nỗi khi có khách vào nhà, gọi nàng bưng khay nước, có khi tự thấy quần áo rách rưới nàng cũng thành ngượng ngùng không dám ra chào khách. Bà không muốn nuông con để con tập nhiễm những sự điếm đót xa hoa; nhưng đã là con gái thì bà cũng muốn cho con bà ăn mặc cho nó sạch mắt đôi chút. Bà tự bảo thầm: “Đến con giai còn muốn làm đỏm nữa là con gái đương thì! Mình khi còn trẻ cũng vậy nữa là nó! Cứ suy bụng ta ra bụng người chứ!” Rồi bà tưởng lại cái hồi bà mối mười bảy, mười tám. Cha bà chết sớm, bà sống trong cảnh nghèo với người mẹ góa. Nhiều khi trong nhà thiếu thốn từ dăm bảy hào, vậy mà bà cũng còn cố tằn tiện mọi cái khác để sắm cho bằng được chiếc gương, cái lược sừng và một hộp sáp “cô ba” để thỉnh thoảng vuốt trên mái tóc cho thơm tho đôi chút. Bà đã nuôi một đàn gà và giồng hơn chục cây dâu sau nhà để bán đi, kiếm một cái vốn con may chiếc áo sa tanh xúp và sắm đôi dép nhung để mỗi lần có dịp đi đâu xa hoặc ra thành phố thì mặc cho “ra vẻ con người”. Bà đã nghiệm thấy rằng con gái trẻ mà ăn mặc xấu xí thì dễ tủi thân rồi thành luôn buồn bực trong người. Bởi thế mà cứ mỗi lần nghĩ tới sự ăn mặc của Huệ, bà lại không thể không đem lòng ái ngại thương người con gái. Những sự thiếu thốn đó, chính ông Sinh cũng đã biết rõ cả nhưng ông chẳng có cách gì bù đậy, vì tiền nong có đồng nào ông giao cả cho Nga. Một đôi khi, nhớ lại cái hồi ông chưa lấy Nga và các con được ăn đủ, mặc đủ, gọn gàng sạch sẽ dễ coi ông cũng thấy bối rối khó chịu và đem lòng thương hại hai đứa con, nhưng sự say mê Nga đã ngăn ngừa ông cương quyết trông nom đến hai con cho được chu đáo. Nga tuy có ghét bỏ Huệ và Tài thật, nhưng nàng chỉ hành hạ ngấm ngầm, để cho thiếu ăn thiếu mặc có khi ốm đau cũng chẳng có thuốc men gì. Tuy nhiều khi rất muốn, nhưng nàng cũng không dám đánh đập, đau đớn hai đứa con chồng. Chỉ phát trên lưng hoặc tát dăm ba cái là cùng. Vì nàng còn muốn lấy lòng chồng để sai khiến được chồng nên nàng không muốn để cho chồng có ý nghĩ rằng mình là một kẻ tai ác. Nàng thường bảo chồng: - Đấy, mình xem tôi cũng yêu thương con Huệ, thằng Tài chứ nào tôi có ghét bỏ đánh đập gì chúng nó đâu. Ông Sinh thì ra vẻ tin lời nàng, mỗi lần thấy nàng nhắc đến những câu đó, ông lại ngọt ngào đáp lại: - Thì nào tôi có trách móc gì mình tai ác đâu! Khi thấy chồng nói đến sự thiếu thốn của hai đứa con riêng thì Nga lại khôn khéo giấu giếm cái ác tâm của nàng và phân trần: - Nào tôi có muốn để cho chúng nó thế. Nhưng mình cũng phải suy nghĩ một tý chứ. Bà ta chưa già lắm, tôi tính hãy còn đẻ được, rồi tôi cũng lại sắp sinh nở. Nếu không tằn tiện như thế thì rồi khi hai người cứ thi nhau mà đẻ thì lấy gì mà nuôi đàn con. Con là con của mình cả chứ của ai. Chứ tôi có phải là con người bủn xỉn gì đâu. Nàng âu yếm nhìn chồng rồi nói thêm: - Mình thì không hay nghĩ xa xôi. Tôi thì phải cái tính lại cứ hay lo xa thế. Mà lo là lo cho cả cái gia đình này chứ có phải là chỉ lo cho độc một mình tôi. Đấy, mình thử nghĩ xem! Nghe lời giảng giải của Nga, ông Sinh tin ngay là nàng chu đáo, biết lo liệu và lại càng ủy thác đủ mọi quyền cho nàng và không còn băn khoăn về nỗi thiếu thốn của hai đứa con. Về phần bà Sinh thì bà đã thừa biết rằng Nga đã khôn khéo nịnh hót xúi bẩy chồng mình nhiều và nàng chỉ vẽ chuyện là tiết kiệm để làm khổ con mình, nhưng bà cũng đành phải ngậm miệng. Bà thấy rõ cái giả dối của Nga, khi bà chú ý tới cái cách sống của nàng. Sáng nào cũng gương với lược, rồi phấn sáp đánh như trát vào. Mà kem phấn cùng nước hoa thì dùng toàn hạng tốt, mỗi lần sắm sửa phải mất tới hàng chục đồng. Còn quần áo thì lúc nào bà cũng thấy nàng may những hàng tơ lụa thực đắt tiền. Rồi ngày ngày chỉ có ăn với điểm trang đi chơi, hết nhà nọ sang nhà kia, mà bước chân ra khỏi nhà là đã gọi xe ầm phố rồi bệ vệ bước lên không thèm mặc cả. Cái trái ngược giữa sự xa hoa, lòe loẹt của Nga và cái thiếu thốn của bà và hai người con làm bà luôn luôn lo nghĩ, uất ức. Nhưng không còn một chút quyền thế gì và tý tý chồng bà lại chỉ nghĩ đến bênh vực Nga, bà đành chôn sâu nỗi khổ của bà trong tận đáy lòng. Tất cả những cái đau đớn bà đã cam chịu, tất cả những ngày buồn nản bà và hai con đã sống qua từ khi Nga về ở chung dồn dập trở lại trong trí nhớ bà, rõ rệt tỉ mỉ như còn gần lắm, chưa lâu la gì, gần như cái cuộc cãi nhau, đánh nhau vừa mới xảy ra xong. Bà thở dài than thầm: - Rõ khổ! Phấn sáp xong, Nga đưa cho vú già mười lăm xu đi chợ. Nàng xẵng tiếng nói: - Vú muốn gì thì mua, tùy ý. Cứ nấu nướng bừa ra đấy. Ai ăn được thì ăn, không ăn được thì thôi. Tôi cũng chẳng cần gì! Rồi nàng thuê xe ra đi. Nhưng lần này không phải là để đi chơi. Nàng tới sở để đón chồng. Nàng đã quả quyết sẽ xui giục chồng hành hạ bà Sinh một trận thật kịch liệt. Nàng tới sở hãy còn sớm quá. Nhưng sợ lang thang đi chơi đâu rồi tới lúc trở lại sẽ nhỡ giờ không gặp chồng. Nàng cứ kiên tâm đứng đợi, loay hoay nghĩ kế để xui đẩy chồng. Nàng luôn luôn tự bảo thầm: - Chuyến này thì phải có đứa tan tành với bà mới xong. Mười một giờ rưỡi. Ông Sinh ở trong sở ra. Nàng vội chạy lại đón đường. Ông Sinh hấp tấp hỏi: - Mình đi đâu mà đứng đây? Nga cố làm ra vẻ buồn rầu và than thở với chồng: - Thực là cùng lắm tôi mới phải đến đây tìm mình... Nàng chỉ nói thế thôi. Sau câu khơi mào đó nàng bỏ lửng, không nói thêm gì, và như vậy để chồng tưởng rằng nàng đã uất ức đến nghẹn ngào không thể nói ra lời. Và cũng để chồng nóng ruột muốn biết rõ đầu đuôi câu chuyện phải đem tâm suy nghĩ nhiều. Cái mưu kế đó nàng thấy hiệu nghiệm ngay, chồng nàng lo sợ, hốt hoảng hỏi: - Chuyện gì đấy? Nàng vẫn giữ vẻ yên lặng và vờ vịt đau khổ trong thâm tâm, thở dài một cái thật mạnh. Ông Sinh lại hỏi gặng: - Chuyện gì thì nói tôi rõ, chứ mình cứ giấu giếm, buồn phiền như vậy thì tôi còn biết làm thế nào. Thấy chồng nói vậy, nàng lại thở dài thêm một cái nữa. Cái thở dài có vẻ chứa đủ mọi đau khổ, nhưng sự thực trong lòng, nàng thấy sung sướng vô chừng, vì biết rằng chồng đã mắc mưu. Muốn cho câu chuyện nàng sẽ nói ra có vẻ bí hiểm và bi đát, Nga vẫn giữ vẻ yên lặng. Hai người đã đi đến một phố vắng. Ông Sinh ra chiều âu yếm ôm lấy vai Nga tựa như cặp tình nhân tới chỗ hẹn hò rồi ngọt ngào nói: - Can gì mà mình phải giấu tôi, hay là ở nhà “mẹ thằng Tài” đã có chuyện gì? - Chẳng chuyện bà cả thì còn chuyện gì nữa? Nàng nói mấy tiếng đó bằng một giọng hằn học, đầy tức tối, khiến chồng tưởng như nàng đã bị hành hạ một cách tàn bạo lắm. Nàng rào đón những điều nàng sắp bịa đặt bằng những câu: - Không nói ra thì mình lại bảo tôi rằng vợ chồng với nhau mà cứ giấu giếm nhau, không thành thực với nhau. Mà nói ra thì khốn lắm! Mình không biết cho, mình lại tưởng là tôi ghét bỏ bà cả mà đặt điều oan ức cho bà ta. Nàng yên lặng, khẽ liếc mắt nhìn chồng để dò la ý tứ rồi lại tiếp: - Chẳng biết rồi mình có tin tôi không? - Chẳng tin mình thì tôi còn tin ai. Từ trước đến giờ mình đã thấy tôi không nghe mình điều gì chưa? Lúc đó, Nga hiểu rằng đã lấy được lòng tin của chồng và hẳn nói gì chồng cũng nghe, nàng mới sung sướng đặt điều kể cùng chồng: - Chuyện trò có gì đâu. Đêm qua tôi thấy mệt trong người, cả đêm không sao ngủ được, mình cũng biết đấy chứ gì; thành ra sáng nay cố nằm để ngủ thêm một tý. Nhưng cũng chẳng ngủ được nào! Thế mà bà cả bà ấy nói này nói nọ. Nào ngủ chướng cho đến tận chín mười giờ trưa. Nào cái hạng đã quen cái nghề ăn bơ làm biếng, không chịu làm gì! Rồi thì rêu rao ngoài phố rằng cái phường cô đầu cô đít chỉ có quen ăn bám vào hết thằng này rồi đến thằng kia, chỉ biết nằm ăn sẵn! Nàng không hề ngượng nghịu trong lời nói. Cái vẻ rất tự nhiên của nàng đã đánh mạnh vào mắt chồng và chồng nàng không hề có chút nghi ngờ. Nàng hiểu rằng mình đã lợi địa thế, lại còn vu khống thêm. Bà ấy cứ đứng dựa cửa phao rầm lên thế. Tôi cũng cố nén lời, chẳng hề cãi lại làm gì. Tôi vẫn nghĩ rằng giữ sao cho trong nhà êm thấm là hơn. (Ông Sinh ra vẻ cảm động về câu nói đó, nhìn nàng). Nhưng đến khi mấy người hàng xóm người ta xúm lại hỏi chuyện thì bà ta cứ sang sảng thế này chứ: “Cái con đĩ non ở nhà tôi chứ còn ai. Chẳng biết là cái quân đầu đường xó chợ ở đâu mà ông ấy nhặt về không biết”. Nói đến đây, nàng sụt sịt nức nở khóc và xoay sang cái giọng nũng nịu: - Thực em không ngờ cái thân em lại có kẻ bêu rếu đến thế! Nếu biết nông nỗi này thì em cũng cứ liều đem thân cho thiên hạ vui vầy còn hơn là dấn mình vào cái cảnh chồng con! Ông Sinh chẳng biết trả lời sao, rút chiếc mùi soa ra lau mặt cho Nga và chỉ dỗ dành: - Nín đi mình! Rồi tôi đã có cách trừng trị. Mình cứ khóc lóc buồn phiền như thế thì tôi còn vui sao được. Lúc đó đã tới quá mười hai giờ trưa, nên không có mấy người qua lại. Và những người đi đường vào cái giờ đó ai ai cũng vội vàng hấp tấp không để ý gì đến hai người. Bời vậy Nga cứ tự do nức nở khóc. Khóc hết cơn này sang cơn khác. Cái tài mau nước mắt giúp nàng muốn khóc lúc nào là được ngay lúc ấy, dù trong lòng buồn hay vui cũng vậy. Cứ cơn khóc ngắt đoạn nàng lại nói len. Sau mấy câu nói nàng lại khóc. Nàng vẫn không quên tự than thân để gây lòng thương của chồng: - Em cứ nghĩ đến những tiếng bà ta nói mà em đứt từng khúc ruột. Mình thử nghĩ xem. (Nàng lại nhắc nhỏm tới cái quãng đời qua của nàng mà nàng đã nói với ông Sinh tới mấy lần từ khi được gặp ông, cốt để gợi thêm tình thương của ông). Chẳng qua vì em nghèo, gặp cái bước không may, mồ côi ngay từ thuở nhỏ, rồi lại phải ở với bà dì tàn ác, nên em phải sống tạm bằng cái nghề cô đầu chứ. Mà các khách đến hát thì em cũng chiều đãi người ta. Chứ có phải là người nào em cũng hiến thân đâu! Muốn tỏ cho chồng hay rằng trước khi về làm lẽ, nàng vẫn là người còn trinh tiết, nàng nhìn chồng vẻ âu yếm: - Nếu người nào em cũng lăn vào thì bây giờ nếu chẳng con lớn con bé thì cũng chẳng sao mà thai nghén với mình được! - Thì nào tôi có dám trách mình là kẻ giăng hoa đâu! Nga lại òa lên khóc: - Thế mà có người bảo tôi là “đĩ non” là hạng đầu đường xó chợ. Mình phải xét cho tôi mới được chứ! Thật là đau đớn đến đứt từng khúc ruột! Ông Sinh lại lau nước mắt cho nàng. Nhưng lần này nàng gạt hẳn tay ông ra, như tỏ vẻ giận rằng chồng đã không biết bảo ban người vợ cả để đến nỗi nàng phải khổ sở như vậy. Nàng kéo vạt áo tự lau mặt lấy. Nàng cất cao tiếng và bỏ cái giọng nũng nịu: - Tôi đã nghe rõ ràng cả. Lúc bấy giờ tôi còn nằm ở giường nhưng có ngủ được đâu, tôi chẳng bỏ sót một lời nào. Giá chỉ nói khẽ đủ nghe thì tôi cũng chẳng cãi lại làm gì cho nó rầm nhà, nhưng tôi xem chừng bà ta lại cứ cố nói to để ra điều muốn khiêu khích, thách thức chơi. Im đi thì nó khổ tâm quá thành ra tôi cũng nói lại vài câu. Mà tôi tưởng cũng chả có gì là hệ trọng, đau đớn. Tôi cũng chỉ bảo rằng là bà chả nên bới xấu tôi như thế. Nàng pha mấy câu để nịnh chồng: - Vì có nhiều người ngồi đó nên tôi cũng giữ thể diện cho bà ta và tôi cũng ngọt ngào, một điều chị, hai điều chị, một điều em, hai điều em. Tôi cũng bảo bà ta dù em có dở chăng nữa thì cũng là vợ của cậu nhà (nàng dằn hai tiếng “cậu nhà” để chồng chú ý) thì chị cũng nên che đỡ cho em mới phải chứ sao chị lại vạch áo cho người xem lưng như vậy. Chồng là chồng chung mà em có xấu thì chị và cậu nhà cũng xấu lây chứ đẹp mặt được với ai. Nàng nhìn chồng, xoay giọng nói rồi bàn thêm mấy câu: - Mình nghĩ xem, em nói thế có phải không? Ông Sinh chưa kịp nói câu gì thì nàng đã tiếp ngay: - Ấy thế mà bà ta bảo là tôi hỗn xược, là cái quân mất dạy, rồi đông đủ trước mặt bao nhiêu người mà bà ta chẳng nể nang gì hết, bà ta túm lấy tóc em vấn vào trong hai tay mà quay vòng tròn em thế này (Vừa nói nàng vừa làm điệu bộ). Bà ta hất em ngã xuống rìa hè rồi buông tóc ra, hai tay hai chiếc guốc cứ nhằm lưng em mà đánh.' Ông Sinh yên lặng nghe, và lòng tức giận vợ cả đã lên tới cực điểm. Nhưng Nga vẫn chưa cho vu khống đến thế là đủ. Nàng còn nói thêm: - Đánh bằng guốc chán rồi sẵn mấy viên gạch ở bờ hè bà ta cứ trên lưng mà ghè đến nỗi mấy viên gạch tan nát ra như cám. Hàng phố đã nhiều người đổ tới xem. Em sợ rồi người ta lại phao đồn khắp tỉnh thì gia đình chẳng còn ra sao, nên em cứ liều chịu đánh chạy vào nhà trong. Em bảo có đánh thì vào trong nhà trong cửa hẳn hoi, em dại thì chị phải bảo ban, nhưng đừng chiềng bầy ngoài phố. Thế mà hình như bà ta cố ý bêu rếu nên cứ lôi em ra đường. Cựa cậy mãi em mới vào được nhà trong rồi đóng cửa lại. Nói đến đó nàng quài một tay ra vuốt lưng: - Bây giờ cả xương sống còn đau ê đau chề! Có lẽ bây giờ đã tím bầm lên rồi. Chả nhẽ ở ngoài đường này mà lại cởi áo trong áo ngoài ra cho mình xem chứ thực đau hơn bị chém! Tất cả những lời của Nga đã gây trong lòng ông Sinh một cơn thịnh nộ. Ông hầm hầm nét mặt, nắm tay: - Thế này thì ra cái con ấy nó không còn coi ai ra gì! Rồi ông bảo Nga: - Thôi đi về. Để tôi phải trị cho nó một chuyến mới được. Ông gọi hai chiếc xe, thuê về nhà. Nhưng Nga từ chối nói còn lên phố Khách vào hiệu cao lâu mua thêm thức gì ăn, vì sáng nay đưa tiền chợ ít quá. Trước khi lên xe để ra hiệu, nàng còn khôn khéo dặn chồng để sự vu khống của mình không vỡ lở: - Mình đừng có nói gì rằng tôi đã mách mình kẻo rồi bà ta lại chờ dịp báo thù thì chả bõ. Cứ coi như là sáng nay không có chuyện gì xảy ra thì hơn. - Nàng nhìn chồng cố lấy vẻ ngây thơ nói thêm: “Khi có mình ở nhà thì bà ta vẫn làm ra bộ hiền lành lù đù, thế mà vắng mình thì tai ác nhất trên trần đời đấy... Mình đừng có tưởng!” Thế rồi nàng lên xe bảo kéo về phố Khách. Chiếc xe của chồng rẽ phố tay phải, nàng còn nói to dặn với chồng: - Mình nhớ thế đấy nhé. Trong lòng nàng lúc đó vui sướng như một người đã đánh bại được kẻ thù: - Cho thế rồi nó mới biết tay mình! Xe kéo qua bến ô tô. Nàng định ra phố Khách. Vừa tới đầu phố hàng Rượu thì nàng gặp Hương, Vân, Nhiên và Thuyết, mấy người bạn cũ của nàng bên Thái Bình. Nàng vội vàng xuống xe trả tiền rồi nàng cùng mấy người bạn đủng đỉnh đi sang phố. Thuyết vẻ chế giễu: - Chúng mình trông con Nga dạo này có vẻ gầy đi nhiều phải không? Vân lườm Thuyết: - Rõ khéo! Mày thực là quáng gà! Nó béo ra thì có. Nhìn cái bụng nó kia thì biết! Nga thẹn thùng đỏ mặt, chẳng biết trả lời ra sao. Từ ngày lấy ông Sinh, dần dần nàng đã bỏ được cái tính sỗ sàng, quá ư tự do trong lời nói và trong mọi dáng điệu. Gặp bạn cũ nàng thấy như đó là những người đã hơi xa lạ với mình, và vì thế nàng trở nên bẽn lẽn mất hết vẻ tự nhiên. Các bạn nàng thì vẫn không dè dặt lời nói. Hương vỗ vai Nga một cái thật mạnh: - Gớm thôi! Bỏ cái vẻ đạo đức đứng đắn đi! Chúng tao không nhịn được! Nhiên vờ mắng Hương nhưng muốn ngụ ý mỉa mai Nga: - Mày thì rõ chả biết gì cả. Người ta đã sắp có con, rồi sắp có cháu đến nơi, người ta cần phải đứng đắn chứ. Có dễ cứ như cái bọn mong tối để đón khách như chúng mình ư? Thấy các bạn cứ như chế giễu mình mãi, Nga cũng đánh bạo cợt nhả để chiều lòng bạn: - Khổ quá! Chúng mày cứ tưởng tao sướng lắm đấy hẳn. Cứ như chúng mày là hơn cả. Đi lấy chồng rồi lại đẻ con, bận rộn đến một trăm thứ, chỉ đeo khổ vào thân chứ quý báu gì! Những câu đó nàng nói ra chỉ cốt để bỡn cợt cùng các bạn cũ, không ngờ đã làm nàng suy nghĩ trong chốc lát, và bỗng nhiên nàng trở nên buồn bực. Nhớ lại cái thời kỳ phóng đãng, không có một điều gì gò bó ở Thái Bình với Thuyết, Nhiên... nàng có cảm tưởng như đã tự bắt mình sống vào một cảnh có bao nhiêu cái phiền phức, bao nhiêu ngày nay, tâm can nàng không còn được yên tĩnh như xưa. Chẳng phải suy tính lập mưu này thì phải ra công nghĩ ngợi đến một điều gì khác. Nào lòng ghen tị, nào cái ác tâm nàng đã phải dùng đến để giữ lấy lòng chồng, nào sự thù hằn kẻ nọ người kia, cáu kỉnh với cả một đứa trẻ trong nhà, rồi sự nhỏ nhen của nàng đối với người quanh mình. Tất cả những tính tình đó làm nàng thấy rằng sự sống rối ren và uẩn khúc quá. Cuộc đời nàng không còn thấy giản dị như trước. Hình như nàng hơi ước mơ sống lại cái cảnh cũ. Nàng thở dài nghĩ: “Cứ ở với chúng nó bên Thái lại xong, chẳng còn phải bận lòng! Mỗi tối một vài người khách là đủ nhàn thân rồi. Chẳng còn cái gì quấy rối đến phải nghĩ ngợi!” Nga không muốn các bạn nói đến chuyện chồng con của mình nữa, nàng lảng sang chuyện khác: - Dạo này bên ấy có đông khách không? - Cũng khá, đủ chi dùng với nhau... Thằng thầu khoán Trương và cái thằng lái bò Đắc, chúng nó vẫn mê mày lắm. Lần nào tới hát chúng nó cũng vẫn hỏi thăm mày đấy. Sao mày không thỉnh thoảng sang chơi. - Gớm chúng mày tưởng dễ dàng lắm đấy! Cái thằng chồng tao nó giữ như giữ tù! - Thật mày rõ khổ quá! Đang ở bể thì vào ngòi. Đang tự do chẳng ai cai quản lại đâm đầu đi lấy chồng để đeo một cái nợ vào thân... Mà định đi lấy chồng thì sao không lấy quách cái thằng Đắc có được không. Nó xấu người một tý nhưng giàu ghê... - Ừ, nó dại dột, mà lại được chồng một vợ một! Đằng này hình như lại phải làm lẽ... Phải không mày? - Chẳng làm lẽ thì có dễ làm cả chăng! Cái thằng già khọm ấy mà lại còn chưa vợ thì còn giời đất nào nữa! Nga nghe câu nói đó, thấy hơi sỗ sàng nhưng nàng không hề dám ngỏ lời trách bạn. Nàng buồn rầu yên lặng không nói gì. Thuyết ra chiều thương hại, giọng thân mật: - Tao như mày thì tao xoay xở tống cái con vợ cả ấy đi, rồi đường hoàng sống một mình một chồng cho nó sướng! Chứ mà sống cái cảnh làm lẽ để cho con vợ cả nó áp chế, nó hành hạ thì thà đi làm con sen rửa bát, quét nhà còn hơn... Nga giọng thực thà: - Ấy tao cũng định thế đấy. Phải “lải” hẳn cái con vợ cũ của nó đi mới được. Cứ sống cái cảnh chồng chung thì khổ lắm! Thuyết khoác tay Nga: - Tao bảo thực, Nga ạ, nếu cái con vợ cả mà nó áp bức quá hay là cái thằng chồng mà nó lại hất hủi mày, bênh vực vợ cả thì cứ chờ đẻ xong, giả con nó rồi về với chúng tao. Lúc đó có muốn đi lấy chồng thì tao làm mối thằng Đắc hay thằng Trương cho, dễ dàng lắm. Chúng nó vẫn còn mê tít! Những cái thằng giàu ngốc mà lại mê gái ấy thì lúc nào nó chả xoăn xoe như mèo thấy mỡ! Sau những câu nói của Thuyết, tất cả mấy người đều cười vang cả phố. Và Nga có cảm tưởng như đang sống lại cái thời phóng đãng của mình bên mấy người bạn. Thực ra thì từ ngày Nga đi lấy chồng Hương, Nhiên, Vân và Thuyết đều nhớ nàng, một đôi khi hơi đem lòng ghét nàng vì đã bỏ bạn để đi lấy chồng. Nhưng lòng ghét chỉ thoáng qua trong chốc lát, vì họ vẫn tin rằng sẽ có ngày kia Nga không chịu được cái cảnh chồng con rồi trở lại với họ. Bây giờ thì cả bốn người đều mong cho Nga trở về, vì thấy Nga còn duyên và nhất là từ ngày Nga đi, số khách cũng kém đi một ít. Cái nhà hát trước kia Nga ở là của nàng và Hương, Vân, Nhiên, Thuyết, cùng chung nhau mở. Trừ tiền nhà, tiền ăn, còn lại bao nhiêu sẽ chia đều. Trước kia họ vẫn đi hát cho chủ, nhưng vì thấy các người chủ đều tàn ác, keo kiệt, họ bèn bàn nhau lập riêng hẳn một nhà. Cái vốn là của người tình nhân Thuyết cấp cho. Các bạn Thuyết cứ tháng tháng phải góp tiền trả nàng. Sau bốn năm tháng thì nhà hát là của chung. Món tiền vốn Thuyết cũng chả phải trả lại, vì người tình nhân của nàng đã chết. Cái tin này chẳng hề làm Thuyết buồn rầu. Vì đó không phải là người nàng yêu. Nàng đều phải ra chiều âu yếm khi người đó còn sống chỉ vì cách sinh sống hàng ngày. Khi Nga đi lấy ông Sinh nàng cũng không hề bắt các bạn trả lại tiền góp của nàng. Vì nàng cũng còn phòng xa rằng nếu không sống yên được với chồng thì nàng sẽ lại trở về với các bạn theo nghề cũ. Lúc còn ở với các bạn, vẫn được các bạn yêu mến, và nàng cũng có tình quyến luyến đối với mọi người. Cái cảnh đời họ cùng chung sống, cái nghề họ cùng phải làm như đã khiến họ thương lẫn nhau, rồi lưu luyến nhau có lẽ hơn cả chị em ruột thịt trong nhà. Nhưng Nga thấy cái cảnh đời nó bấp bênh và hỗn độn quá nên nàng đã nghĩ đến sự lấy chồng từ lâu. Sở dĩ nàng đã lấy ông Sinh mà từ chối Trương hoặc Đắc là vì nàng thấy hai người này còn trẻ quá, e rồi sẽ chóng chán nàng, còn ông Sinh thì đã khá già, xuân thì cũng chẳng còn được mấy nỗi, chắc sẽ không chơi bời đến nỗi ruồng bỏ nàng. Nàng đã cầu lấy sự sống yên thân hơn là muốn có chồng. Đã lăn lộn trong đời giang hồ thì nàng còn mường tưởng gì đến điều đó. Mấy người đã đi hết phố hàng Rượu và câu chuyện như đã không còn gì đáng nói, họ từ giã Nga. Thuyết dặn dò nàng mãi: “Mày về cứ nghe tao nhé... Mấy lại bao giờ rỗi thì phải sang Thái chơi cho vui”. Nga cũng chiều lòng bạn: “Được rồi, hễ có thì giờ thì thế nào cũng sang”. Từ giã mấy người bạn cũ, Nga thấy bao nhiêu ý nghĩ dồn dập trong trí nàng. Những lời của Thuyết khuyên nàng nên cướp lấy chồng riêng về phần mình vẫn còn ăn sâu trong óc nàng. Với sự quả quyết trong lòng, nàng tự bảo: “Hễ còn phải chung chạ mãi như thế này thì rồi lại sang bên Thái cho rảnh xác!” Và nàng tự hứa nhất định sẽ làm như điều ước mong đó. Sự thực thì cái ý định này nàng có đã từ lâu. Song một đôi khi nàng mang máng thấy nó tàn ác nên nàng chưa quyết liệt hẳn. Bây giờ nghe lời Thuyết, nàng không còn lưỡng lự nữa và nàng cũng không thấy cái ý định đó tàn ác. Nàng lại cho rằng những cái tàn ác của nàng từ trước tới nay đối với bà Sinh vẫn còn là ít ỏi nhẹ nhàng quá. Ông Sinh ở trên xe bước xuống với không biết bao cái tức tối thù ghét trong lòng đối với vợ cả. Nhưng ông không dám hành hạ vợ ngay vì ông còn nghe lời Nga, giấu giếm không muốn để bà Sinh biết rằng nàng đã ngầm mách. Ông vờ hỏi vợ: - Nhà Hai nó đi đâu? - Tôi cũng không biết. Ông chẳng thèm để ý đến tới câu trả lời của vợ. Ông đưa tay nâng chiếc lồng bàn đậy mâm cơm. Trơ trọi mấy miếng đậu rán, hai bát rau xào và một miếng cá kho. Ồng làm ra vẻ không bằng lòng rồi lại hỏi: - Sao cơm nước gì mà lại chỉ có thế này? Bà Sinh như thuận mồm lại nhắc lại câu trả lời trước: - Tôi cũng không biết. Thế là đã có dịp để ông phát khùng, ông quát to: - Không biết! Cái gì mày cũng không biết thì mày còn làm cái gì ở cái nhà này? Vú già từ dưới bếp nghe thấy tiếng ông bèn vội vàng chạy lên để lựa lời tìm cách bênh vực cho bà Sinh: - Thưa ông, bà Hai con đưa tiền chợ có mười lăm xu nên con mua chỉ được thế. Dạo này thức ăn đắt lắm, chứ có tại gì ở bà con... Ông Sinh mần ngơ như không nghe thấy câu nói đó của vú già và cứ to tiếng mắng vợ: - Người trong nhà đi không biết, rồi cơm nước ra sao cũng không biết. Người hay là cái cục thịt mà lại như thế! Đàn bà thì phải thu vén phải tề gia nội trợ, trông nom người ăn người làm trong nhà mới được chứ! Bà Sinh đang buồn nản sẵn lại bị chồng mắng mỏ nặng lời nên bà cũng chẳng chịu. Bà cãi lại: “Tề gia nội trợ bây giờ không còn về phần tôi, ông đã có người quán xuyến rồi. Hay dở thế nào ông cứ nói với người ấy. Đừng có điều này điều khác với tôi”. Ông Sinh cho rằng câu chuyện khiêu khích để gây sự như thế cũng là đủ rồi và ông bắt đầu hành hung. Bà Sinh ngồi ở một góc giường, ông nắm cổ vợ đè khòm lưng xuống rồi nắm tay vừa hục hặc thụi trên lưng, trên cạnh sườn vừa mắng: - Mày cấm tao nói với mày à? Mày là mẹ đẻ ra tao đấy phải không? Đấm chán rồi ông ôm đầu vợ, lật ngửa mặt tát hết bên trái sang bên phải. Bà Sinh bị đánh bất ngờ không còn phương kế để tự giữ mình, đành cứ để cho chồng đánh đập. Bà Sinh tìm đường lối chạy thì phía trong giường là bức tường, phía ngoài giường bị chồng chắn lối. Bà đành chỉ còn biết ôm đầu chịu tát. Sau mấy cái tát đau quá, máu me ở mồm bà và ở mũi chảy ra đỏ loét cả chiếc áo dài trắng của bà. Huệ thấy thế khóc thét lên liều xổ mình vào giữ lấy hai tay cha và kêu van: - Con lạy cậu. Cậu tha cho mợ con. Mợ con đau lắm rồi! Tài mê mẩn cũng mếu máo khóc, rồi không biết làm thế nào trèo lên giường ôm chặt lấy mẹ và gọi to tiếng tưởng như mẹ đã gần chết: - Mợ! mợ ơi mợ... Ông Sinh lại càng cáu kỉnh thêm, gạt hẳn tay con gái ra: - Buông ra không thì chết với tao bây giờ, cái con ranh con này! Huệ vẫn giữ chắc, ông hất mạnh một cái khiến Huệ ngã xuống, ông còn tát theo Huệ một cái. Ông hất Tài ra góc giường, đầu chạm mạnh vào tường. Tài khóc thét lên. Ông không để ý gì đến, lại giơ tay đấm luôn vợ mấy cái nữa. Vú già đứng ngoài chỉ biết kêu van: “Con lạy ông, ông tha cho bà con... Con lạy ông!”. Vú không dám vào hùa với bà Sinh như khi bà đánh nhau với Nga. Mà vú cũng chẳng dám can ngăn, vú đã biết rằng sự can ngăn của vú thêm vào sự can ngăn của Tài và Huệ chỉ làm cho ông Sinh tưởng như mọi người đều tìm cách chống lại ông, và như thế không có lợi gì cho kẻ bị đánh mà lại làm cho ông Sinh thêm phẫn, tức tối, hung ác. Hình như ông đã hơi hả giận, ông chạy ra sau kéo chiếc khăn mặt lau những vết máu giây trên tay. Bà bị đau quá, mệt lả, chỉ biết lấy vạt áo lau những giọt máu còn vướng trong mũi. Hai con thấy mẹ như vậy chỉ biết chia cái đau thương, cái khổ của mẹ bằng những cơn khóc nức nở như không bao giờ ngớt. Giữa lúc đó thì Nga về. Tay nàng mang theo một gói thức ăn. Trông thấy cái cảnh khóc của Tài và Huệ và người vợ cả đầy những máu trên chiếc áo, nàng bỗng nhiên thành ghê sợ và chẳng hiểu tại sao, trước cái cảnh đó nàng cũng hơi hối hận đã trót buộc tội bà Sinh một cách quá chặt chẽ. Vì nàng có cảm tưởng như chồng đã hành hạ bà ta quá hẳn ý muốn của nàng. Ồng Sinh lau tay xong, còn giặt khăn và rửa mặt ở ngoài sân. Nga ra chiều hối hận hỏi bà Sinh: - Chị làm sao vậy? Bà không nói gì. Nga sai Huệ lấy khăn mặt để bà lau mặt và lấy áo để bà thay. Cái cử chỉ đó là một cử chỉ thành thực của nàng. Trong lúc đó cái tình ghen tức, ghét bỏ người vợ cả như đã mất hết trong nàng. Đó là cảm tình của một người đối với một người. Nàng thấy lòng rung động trước cái cảnh một người cũng là đàn bà như mình mà bị đau khổ đến bực ấy. Nàng thấy mình nhỏ nhen, đáng khinh và điêu ác quá. Nàng cũng thấy áy náy, buồn buồn. Trong khi bà Sinh lau mặt và thay áo, Nga đi ra ngoài sân lại gần chồng và vẻ sợ sệt khẽ hỏi chồng: - Mình làm thế nào mà đến nỗi máu me đầy người chị ta như thế? - Tôi cũng chỉ tát khẽ mấy cái, không may trúng phải cái tia máu nó chảy ra... Ông nói thêm như để Nga đỡ lo lắng: “Nó cũng như người chảy máu cam. Có hề gì cái đó!”. Nghe chồng, Nga yên lòng và thở dài một cái. Bao nhiêu cái sợ sệt của nàng như đã trút sạch. Vì nàng vẫn nghĩ rằng nếu chẳng may mà xảy ra án mạng hoặc những điều nguy hiểm thì ắt nàng cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm vào đó? Khi đã được biết rõ rằng không có gì là nguy nan, bỗng nhiên những tính tình ác nghiệt lại trở lại lòng nàng. - Tưởng ghê gớm thế nào chứ như vậy thì có tát cho dăm bảy cái nữa và đổ vài bát máu nữa cũng chẳng ai thương? Ở trong nhà, bà Sinh đã thay xong áo và đã lau chùi sạch sẽ. Bà như đã có đôi chút sức lực. Lúc đó bà mới lên tiếng: - Tao mà chết lăn ra đây thì vạn thằng, vạn con khổ với tao. Nỗi uất ức trong lòng bà đã làm bà mất hẳn lễ độ. Bà chẳng còn dè dặt với lời nói và đối với chồng một đôi khi bà đã dùng đến những tiếng hơi sỗ sàng. Bà đập tay xuống giường: - Tao chỉ có một thân một mình. Hai con tao thì còn bé. Tao chẳng có bè có đảng với thằng nào, con nào cả. Nga nghe tiếng rõ ràng, bèn kháy chồng một câu: - Bây giờ đã lại bô bô được rồi đấy! Sao mà giống cái buổi sáng thế. Thằng nào, con nào!... Mình đã nghe thấy chưa? Thực là người ta chẳng còn coi ai ra cái gì! Hơn một bà chúa! Câu nói như giục giã đó của Nga đã có hiệu lực ngay. Ồng Sinh đang rửa mặt giở, vội vứt chiếc khăn mặt vào trong chậu rồi hung hăng rút một thanh củi xếp gần đó xồng xộc chạy vào trong nhà. Huệ và Tài vừa trông thấy cha cầm thanh củi tạ trong tay đều cùng một lúc kêu thét lên, và biết rằng mẹ mình sẽ lại bị đánh nhưng chỉ biết khóc và khóc. Ông Sinh đánh một cái thực mạnh trên lưng bà. Bà đau quá, mồm há to, kêu không ra tiếng. Nhưng biết rằng nếu cứ ngồi đó thì chỉ bị đau, bà vội vàng đứng dậy chạy vào buồng trong và đóng cửa lại. Ông Sinh cũng chạy theo, đẩy được cửa vào đánh bà liền mấy cái nữa. Nga đứng ngoài sân nghe rõ tiếng thanh củi chan chát, nàng vẫn điềm tĩnh: “Cho thế mới đáng kiếp”. Nhưng về sau thấy chồng cứ đánh mãi, nàng lại sợ có tai vạ trong nhà nàng bèn chạy vào. Thấy chồng chỉ toàn đánh hụt vào cái thành giường, mà hình như bà Sinh không có vẻ gì đau đớn, nàng chỉ vờ vịt can chồng. Nàng khẽ lôi chồng ra còn chiếc gậy nàng vẫn đề nguyên trong tay chồng. Ông Sinh gắt lên mắng nàng: - Mặc kệ tôi! - Thì đấy! Đánh chết chị ấy đi! Nàng nói câu đó bằng một giọng vờ giận dỗi với chồng ra chuyện mình can ngăn mà không nghe. Nhưng sự thực, nàng đã dùng câu nói đó để xúi thúc chồng thêm. Rồi nàng dựa vào cái câu nói “mặc kệ tôi”, nàng bỏ mặc người vợ cả đi ra ngoài. Bà Sinh bị mấy cái liền, đau quá kêu to lên. Ông Sinh e hàng xóm nghe tiếng, biết hết chuyện thì người ta sẽ chê cười. Lúc đó ông mới rời thanh củi đi ra. Nga sai vú già lấy mấy chiếc đĩa để đựng những món ăn nàng đã mua về: Một đĩa thịt quay, một đĩa xá xíu và một đĩa tôm bể tẩm bột rán. Ông Sinh và Nga đã ngồi vào bàn. Huệ và Tài còn rụt rè, mà thực ra cả hai đều không nghĩ đến ăn nữa. Ông Sinh gắt: - Thế những của kia không ăn hay sao? Huệ dắt em ra ăn cơm. Tài ngúng nguẩy rồi nhất định không ra ăn. Huệ đành ngồi vào bàn một mình. Ông Sinh đứng dậy dỗ Tài. Thấy trên đầu con một cái bướu sưng to vì đập phải tường, ông bỗng đem lòng hối hận, thương đứa con vô tội mà cũng phải đau đớn lây. Ông thành thực ngọt ngào bảo con: “Ra ăn cơm, chóng rồi cậu yêu”. Nghe câu nói đó của cha, Tài thấy cha không còn độc ác như trước nữa: Tài sờ lên cái bướu khẽ bảo cha: - Con đau quá... - Từ rày hễ cậu có đánh mợ thì con chạy ra chỗ khác đừng có xán lại gần làm gì. Tài cảm thấy rõ ràng không thể nào nghe theo được lời dặn dò, và nghĩ tới mẹ bỗng nhiên cậu lại thổn thức khóc. Nước mắt ròng ròng chảy làm mờ cả hai mắt, rồi Tài thốt lên kêu: “Mợ ơi...”. Hai tiếng đó như một mũi kim đi sâu vào tận đáy lòng ông Sinh. Tình thương mến vợ con rào rạt trong lòng ông. Những giọt nước mắt của đứa con như rưới buồn vào tâm can ông. Ông ôm Tài vào hai cánh tay và khẽ nói: “Nín đi con...”. Trông thấy vết thương của con, ông lại nghĩ đến sự đánh đập vợ vừa qua. Ông tưởng như cái vết thương trên đầu đứa con chỉ là một vết thương rất nhỏ so với sự đau khổ về xác thịt mà vợ ông vừa phải chịu. Ông thành thật hối hận đã quá nóng nảy mà đánh đập vợ và hai con. Ông đặt Tài ngồi trên chiếc ghế, ngay bên ông. Ông gắp thịt, gắp tôm, gắp xá xíu đầy bát cơm của Tài. Tuy có nhiều món ăn lạ miệng nhưng cậu bé cũng không thấy thèm ăn cho lắm. Cậu ngồi thừ người, rồi nhìn hết bát cơm lại đưa mắt nhìn Nga ngồi ngay trước mặt. Đã từ lâu, tuy còn bé cậu cũng đem lòng suy nghĩ và cậu mang máng thấy rằng tất cả những cái khổ mẹ cậu đã phải chịu đựng chỉ bởi người đàn bà đó gây nên. Cậu căm giận Nga như cậu giận một đứa trẻ đã cướp mất đồ chơi của mình. Cái thù hằn, tức tối như thu gọn cả trong hai con mắt còn ngây thơ của cậu, khiến Nga không dám thẳng thắn nhìn cậu. Nàng thấy trong cái vẻ nhìn của cậu tất cả những lời oán trách khó chịu cho tâm trí nàng. Ông Sinh thấy Tài cứ ngồi im mãi, giục cậu: “Ăn đi con!” Rồi ông bảo Huệ vào mời mẹ ra ăn cơm. Huệ chưa kịp đứng dậy thì Nga đã đon đả chạy vào. Nàng làm ra vẻ thương yêu bảo bà Sinh: - Chị ra xơi cơm. Bà Sinh từ chối. Nga lại lấy giọng thân yêu: - Em cũng cố can cậu đấy chứ. Nhưng nào có được. Tính cậu nóng nảy lắm cơ. Đầu đuôi làm sao mà lại ra chuyện đến thế, em cũng chẳng rõ nữa. Chị cứ chịu nhịn cậu đi một tý là hơn. Bà Sinh không hề mảy may cảm động trước cái giọng thân mật và cảm động vờ đó. Bà đã thừa biết rằng đó chỉ là những câu sáo bề ngoài; tựa như một tầng son bóng che đậy một thứ gỗ mục nát. Bà không trả lời Nga. Nàng đứng dậy bước ra. Tới gần cửa nàng còn lấy lòng bà Sinh bằng câu nói dưới đây: - Thôi chị cứ nằm nghỉ. Để chiều em bảo vú già nấu cho chị bát cháo sườn mà ăn cho nó chóng tỉnh táo con người. Quang cảnh nhà ga đã bắt đầu tấp nập. Trước buồng phát vé hành khách chen nhau. Tiếng bấm vé lách cách luôn luôn liên tiếp. Tuy còn lâu tàu mới chạy, nhưng ai cũng muốn lấy được vé trước để lên tàu chiếm chỗ. Vú già, Huệ và Tài đứng bên mấy gói hành lý để chờ bà Sinh đang len vào lấy vé. Hai chị em Tài đều uể oải, vẻ mệt nhọc như đã buồn ngủ, nhất là Tài. Vì đã gần mười giờ đêm. Huệ sợ em đứng mãi mỏi chân, giải một mảnh nhật trình trên nền gạch rồi bảo em ngồi xuống đó. Tài nghe lời chị ngồi xuống ôm trong lòng chiếc mũ trắng đã gẫy cả vành và mất chóp. Thỉnh thoảng một cơn gió bấc lạnh từ ngoài thổi vào trong ga. Hai chị em lại thấy rét buốt. Tất cả quần áo của Tài chỉ có chiếc quần, chiếc áo cộc và cái áo dài bằng vải thâm tây. Thêm vào đó là chiếc áo gilet bằng vải ma-ga cũ lót bông. Huệ ăn mặc cũng chẳng ấm áp gì hơn em. Nàng cũng chỉ hơn được chiếc khăn vuông gấp chéo đội chịt qua đầu xuống hai mang tai như lối phụ nữ trong miền Trung. Gió cứ lùa mãi vào trong ga. Huệ cũng ngồi xuống bên em. Và mỗi khi thấy rét quá hai chị em lại ôm chặt lấy nhau. Vú già thì luôn luôn mắt trước mắt sau trông nom mấy bọc đồ và dòm ngó xem bà Sinh đã lấy được vé chưa. Vú rét run lẩy bẩy, nhưng mỗi lần Huệ bảo vú ngồi xuống, vú lại từ chối bằng câu: “Cô mặc tôi. Để tôi đứng trông đồ đạc kẻo mất. Tôi không rét mà”. Tài đưa mắt nhìn vú, đầy vẻ thương hại. Cậu cũng theo vú nói để chị yên lòng: “Em cũng không thấy rét!... Giời này thì rét gì vú nhỉ!” Cậu cố lấy sức bình tĩnh để giấu giếm như vậy, vì Huệ sợ em rét vẫn luôn luôn kéo vạt áo để ấp ủ cho em. Bây giờ Tài đã biết suy nghĩ nhiều. Mới thêm hai tuổi mà cậu đã mất hẳn vẻ ngộ nghĩnh. Tuy còn trong thời kỳ non trẻ nhưng cậu bé này đã có vẻ lo âu, buồn nản của một người lớn tuổi sống trong sự khổ sở, vì cậu đã sớm bị những cảnh đau thương kích thích. Những nỗi thống khổ mà cậu đã mục kích đã thay đổi tâm tính cậu một cách rất mau chóng. Từ một cậu bé vô tư lự với đủ mọi cái dí dỏm của thời thơ ấu, cậu đã vụt thành gần như một người lớn. Trên nét mặt cậu người ta thấy rõ cái vẻ lo nghĩ, trầm mặc tựa như cậu đã đứng tuổi nhưng thu hình lại. Bà Sinh đã lấy được vé mang ra. Thấy vú già ra vẻ chăm chú đến những bọc đồ, bà thở dài bảo vú: - Có gì mà vú phải xoăn xoe như vậy! Bà tin rằng chẳng kẻ gian nào thèm lấy đến mấy gói hành lý của bà. Nào có gì là quý, gọi là đáng giá đồng tiền. Một ít quần áo cũ đã vá đến hàng trăm mụn, vài thứ lặt vặt như vỏ chăn, gối, màn, mấy đôi giày cũ của các con. Bốn người ra sân ga để lên tàu. Quang cảnh trước sân, dưới ánh đèn điện tấp nập người qua lại. Và người nào cũng ấp ủ rất ấm áp, nào áo bông, nào khăn tua, áo khoác ngoài bằng dạ. Cái nghèo nàn của ba mẹ con bà và người vú già bật lên giữa những phú quý đó. Bốn người đã vào trong toa tàu. Bà chọn một góc toa kín đáo nhất để hai con và người vú già ngồi cho đỡ lạnh. Bà xếp hành lý dưới gầm ghế và thu hình ngồi bên Huệ. Bà Sinh thu xếp để trở về Kiến An ở với mẹ. Chồng bà không hề lên tiếng đuổi bà và hai đứa con, nhưng bà cũng đã thấy chán cái cảnh sống bên chồng. Người vợ lẽ ngày một thêm lấn át và ngược đãi bà. Thấm thoát bà đã chung sống với con người độc địa đó được gần hai năm. Thực là một quãng thời gian đầy những sự đau đớn khổ sở cho bà và cả hai đứa con. Chồng bà cứ ngày một thêm khắt khe với bà. Nhất là từ ngày Nga đã sinh đứa con trai thì bà lại càng bị bạc đãi. Cái hy vọng rằng Nga không thể sinh đẻ được và sẽ có ngày bà lấy lại được lòng chồng nay đã tiêu tán hết. Đẻ đứa con trai được tám chín tháng thì Nga lại có thai ngay. Cái tin mừng thứ hai này lại càng làm Nga kiêu hãnh khinh thường ba mẹ con bà. Bà nghĩ đến những cảnh chồng chung trong nhiều gia đình khác, người vợ cả giữ được đủ quyền thế và người vợ lẽ chỉ như một đứa ở, bà càng thấy tức tối, và tưởng như mình là kẻ đem thân đi làm lẽ. Cái trái ngược đó làm bà rất đau khổ; nhưng nay thì Nga đã chiếm đoạt hẳn được quyền thế rồi, bà không còn mưu kế gì để giựt lại. Bà có cái tức của một kẻ bị mất cắp, biết người lấy mà không đòi lại được của. Bà thì không thể như Nga tỏ vẻ âu yếm chồng bằng cách nịnh hót nũng nịu như đứa trẻ được. Cái tình yêu của bà rất chân thực, không thớ lợ, nhưng rất kín đáo. Bà tự hiểu rằng mình đã là kẻ thất bại và đành chịu an phận. Nhưng khốn nỗi bà càng nhũn nhặn, càng nhường nhịn, Nga lại càng ra vẻ thị oai với bà. Đứa con trai của Nga thì nàng chăm chỉ từng tý. Mới đẻ ra đã sắm sửa nào khánh vàng, nào quả bầu. Trời chưa rét đã đan tất len, áo len. Hơi sốt đã hết ông lang này ông lang khác hay đốc tờ tây, rộn rịp ra vào suốt ngày. Còn hai đứa con của bà thì chịu đủ mọi cái thiếu thốn, Tài đi học có khi không có cả cuốn sách tập đọc mà dùng. Trời rét cũng chỉ kéo lê đôi guốc con, không giày, không tất. Tiền nong chi tiêu các thứ vặt thì một hai hào cho tới một hai đồng, bà vẫn phải hỏi xin chồng như một kẻ ăn nhờ trong nhà. Mà có nạy được năm bảy đồng cũng phải hỏi đi hỏi lại, chờ đợi cho tới hàng tháng mới được. Bà cảm rõ thấy rằng gia đình bà tuy bề ngoài thì như cùng chung sống, nhưng bề trong thì phân chia hẳn làm đôi. Một bên là cái cảnh no ấm, đầy yêu thương, có chồng bà, Nga và đứa con của nàng; một bên là cái cảnh nghèo nàn, đau khổ ngấm ngầm gồm có ba mẹ con bà. Cái cảnh phân chia đó rất rõ rệt. Vì từ ngày có Nga cho tới bây giờ nàng có con, chồng bà và Nga đã chiếm đoạt hẳn cái buồng trong, dành riêng cho ba mẹ con bà cái buồng ngoài nhỏ hẹp chỉ kê vừa được hai chiếc giường, lại còn ghép thêm bộ bàn ăn, đến nỗi không còn lối qua lại. Những đồ đạc của Nga mang về đều kê trong gian buồng trong. Mãi tới cái ngày Nga dọn về ở chung bà mới được biết rằng bộ sa lông và nhiều đồ dùng khác chồng bà đã khôn khéo mang đi cho Nga. Nhưng bà cũng làm như đã quên hẳn cả, không hề nhắc lại những chuyện đã qua đó để trong nhà có thể tránh được những sự bất bình. Trong nhà có cái gì đẹp đẽ dễ coi thì Nga thu dọn vào cả gian buồng riêng của nàng, chỉ còn để lại những chiếc giường cũ kỹ, những cái ghế xiêu vẹo trong gian buồng của bà. Có lẽ là một gian nhà chứa đồ cũ nát hơn là một nhà để ở. Cái gian buồng trong ấy là một thế giới riêng. Trừ chồng và đứa con của nàng, Nga không muốn cho ai đặt chân vào trong đó. Chỉ có vú già quét dọn thì được ra vào. Đã mấy lần Tài tò mò muốn xem xét những đồ lạ trong buồng, Nga bắt được đã tát Tài mấy cái liền. Rồi từ đó, Tài chỉ dám thập thò ở cửa buồng. Nhìn thấy cậu đứng ở gian buồng nghèo nàn bên ngoài nhìn vào gian buồng trong sang trọng lộng lẫy, ta thấy cậu như có cái vẻ thèm thuồng của một đứa trẻ đói khát đứng trước mâm cơm hay một cửa hàng bánh nức mùi thơm tho. Cái phản tượng đó mỗi lần bà càng đem tâm suy nghĩ, càng đi sâu vào sự suy nghĩ bà càng thấy nó chứa chấp không biết bao nhiêu cái đắng cay. Thực là hai mảnh gia đình, một mảnh đường hoàng sống, một mảnh sống trong sự sợ sệt lấm lét luôn luôn lo lắng, tựa như một nước yếu hèn bên một nước cường thịnh. Về phần tình ái, bà cũng chịu cái thiệt thòi như về thực tế. Chồng bà đã như quên từ ngày lấy Nga. Nhiều lắm thì cũng hai ba tháng mới có độ một hai lần chồng bà đoái tưởng đến sự chung chăn gối với bà. Khi đã nghiệm thấy rằng cả đến tình ái, bà cũng không còn mơ ước gì hơn nữa, bà có ý nghĩ rằng còn ở lại với chồng chẳng qua cũng chỉ ngày hai bữa cơm chứ cũng chẳng còn hy vọng gì hơn mà lại còn phải chịu bao nhiêu cái đau khổ nên bà đã ngỏ lời với chồng xin ra ở riêng, tháng tháng xin một món tiền trợ cấp cho con. Bà tin rằng chồng bà sẽ nhận lời ngay vì như thế thì ông sẽ được tự do với Nga hơn. Không ngờ chồng bà đã từ chối thẳng ngay điều đó. Ông nói: - Tôi không có tiền cho ở riêng. Chỉ có gian buồng ấy với ngày hai bữa, ở được thì ở, mà không thì ba mẹ con muốn dắt nhau đi đâu thì đi. Tôi không thèm giữ. Những lời nói đó của chồng đã khiến bà hiểu rõ thêm rằng bà và hai đứa con là những người thừa trong cái gia đình nhà chồng. Chẳng còn biết đưa con đi đâu. Bà đành thu xếp đưa Huệ và Tài về Kiến An ở với mẹ. Bà mang cái ý định này nói với chồng. Chồng bà đã ưng thuận ngay. Ông chẳng hề khuyên ngăn bà nửa lời. Ông thản nhiên nói: - Muốn về thì cứ việc mà về! Mang cả con về mà nuôi. Ông đã đang tâm thốt ra câu: - Không có vợ ấy thì có vợ khác, không có những đứa con ấy thì có những con khác! Khi bà ngỏ lời xin tiền lộ phí, ông vứt cho một tờ giấy năm đồng. - Thế này cũng còn thừa nhiều lắm. Bà nén lòng hổ thẹn cầm tờ giấy bạc rồi thu xếp để về với mẹ. Bà định đi chuyến ô tô sáng để tiện công việc; nhưng ông Sinh bắt nhất định phải dọn đi vào lúc tối. Vì như thế câu chuyện bà phải bỏ chồng để về ở với mẹ sẽ không rõ ràng, sống sượng quá. Chứ ra đi vào giữa lúc ban ngày, cả hàng phố trông thấy thì thực là một cái nhục cho ông. Chuyến ô tô cuối cùng đi Kiến An là năm giờ rưỡi chiều. Ba mẹ con đành phải đi tàu về Hà Nội để qua Hải Phòng về Kiến An. Theo ba mẹ con bà, có người vú già. Vú này bà đã mượn từ khi bà còn ở huyện Kim Thành cân gạo. Vú đã nuôi Huệ và cả Tài nữa. Vú là một người nhà quê rất thật thà. Hai lần bị góa chồng, được ba đứa con đều chết cả. Chỉ còn có một mình, vú bèn xin ở với bà Sinh, và chỉ cầu kiếm cơm ăn, quần áo mặc, rồi tới khi chết thì “cho kho ván đượng vải”, theo như lời vú nói. Bà Sinh cũng yêu vú vì vú thực thà và chịu khó, chỉ phải cái hơi chậm chạp. Khi từ giã đất Kim Thành, bà cũng mang vú đi theo. Tuy vú không xin tiền công nhưng mỗi tháng bà cũng trả vú hai đồng. Vú không tiêu pha gì nên cũng đã dành dụm được cái vốn chừng sáu bảy chục đồng. Khi thấy bà Sinh bị chồng ruồng bỏ và thiếu thốn, vú đã bỏ cái vốn đó ra để bà tiêu dùng. Bà nhất định từ chối. Vú cứ một mực: - Của này tuy là của con, nhưng con không tiêu dùng gì đến thì bà lấy mà tiêu. Con chỉ có một thân một mình thì giữ tiền làm gì! Trước lòng tốt của người vú già, bà Sinh rất cảm động và vì túng thiếu quá bà đã đành phải dùng tới cái số tiền đó. Hôm bà trở về Kiến An, bà khuyên vú nên “ở lại với ông phán mà làm ăn”. Vú đã nhất định không chịu ở và đòi cùng theo đi. Vú chân thực bảo bà: ‘Về ở với bà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, con không quản ngại gì. Ở đây với bà hai thì mỗi tháng đến mười đồng tiền công con cũng chẳng thiết!” - Về với tôi không khéo thì chết đói vú ạ. Chạy gạo cho con còn chửa xong nữa là... Vú “xà” một cái thực dài rồi đáp: - Bà cứ nghĩ thế chứ, trời sinh voi thì trời lại sinh cỏ. Bà chả lo. Bà cứ để con theo về, rồi bà có buôn bán vặn vũn hay xoay xở làm gì kiếm ăn con sẽ giúp đỡ bà. Con còn khỏe mạnh chán... Bà Sinh đành để vú già theo về. Ông Sinh và Nga chẳng hề ngỏ ý muốn giữ vú vì cả hai đều thấy vú một đôi khi ra vẻ hỗn xược để che chở người chủ cũ. Sự thực cũng có như thế. Lòng thương bà Sinh đã nhiều lần khiến vú bất công với hai người kia và với cả đứa con của Nga. Rất ít khi vú chịu tắm giặt cho con nàng; nhưng vú luôn luôn tắm rửa cho Tài. Vú thường bảo Tài: - Không có quần áo đẹp như “người”, thì phải cho sạch sẽ, thế nào là đói cho sạch rách cho thơm! Khi ba mẹ con và bà vú sắp lên xe để ra ga, Nga cũng chào được một câu: - Nhà cửa đang ăn ở vui vẻ thì chị lại đi. Bà Sinh đã thừa hiểu những cử chỉ giả dối, ngọt ngào bề ngoài đó. Bà không thèm nói lại nửa lời, bước chân ra đi. Bà tức tối nhất là chồng bà đã không hề ra vẻ nhớ tiếc hai đứa con, chúng đã cùng chung sống với ông bao nhiêu ngày vui sướng... Tàu đã kéo còi và từ từ lăn bánh. Khi tàu từ giã ga Nam Định, bà Sinh bỗng thấy trong lòng như nôn nao nhớ tiếc. Tuy bà đã chịu những cái đau khổ, nhưng bà vẫn chưa quên những ngày vui sướng bà đã được sống ở cái tỉnh đó khi chồng bà chưa lấy Nga. Nhìn hai đứa con bị rét thu hình trong góc tàu và nghĩ đến ngày sinh nở đứa con bà đang mang trong bụng được mấy tháng nay, bà thấy mình có một cái gánh nặng nề quá. Mẹ bà thì nghèo, không có hy vọng gì sẽ cấp đỡ được bà. Bà thở dài: “Rồi biết làm gì để có đủ mà nuôi lấy đàn con một ngày hai bữa!” PHẦN THỨ BA Trên con đường từ nhà ra chợ, vú già và Huệ nhanh nhẹn đặt bước. Vú gánh hai bồ hàng. Tiếng đòn gánh dưới sức nặng, theo nhịp của bước đi kêu kẽo kẹt, hai bồ hàng đều đều lên xuống. Vú già có vẻ đon đả, lanh lẹn, một tay ruỗi theo chiều chiếc đòn gánh một tay vung ve theo với bước đi. Huệ theo sau, mau chân mới theo kịp vú. Nàng đi guốc, mặc chiếc áo trắng dài đã vá nhiều nơi. Một tay cầm chiếc nón chóp và một tay xách chiếc hòm gỗ con để đựng tiền. Được một đoạn đường, vú già ngừng bước rồi vừa đặt gánh hàng vừa quay lại bảo Huệ: “Hãy nghỉ một tý đã, cô ạ”. Vú để chiếc đòn gánh lên trên hai chiếc bồ rồi ngồi bên vệ đường đưa cánh tay áo lau mồ hôi, Huệ cũng ngồi ngay bên cạnh vú, cầm chiếc nón quạt cho vú đỡ nóng. Vú vội cản tay nàng: “Thôi, cô mặc tôi, quạt thế thì còn gì là nón”. Huệ vội đứng dậy lấy ở trong bồ ra một chiếc quạt nan rồi quạt cho vú. Vú muốn tự quạt lấy, nhưng Huệ nhất định không nghe: “Để tôi quạt cho, vú nghỉ một lúc cho nó đỡ mệt rồi còn gánh hàng đi chứ!” - Có lẽ bây giờ chợ cũng đã gần đông rồi đấy cô nhỉ, hôm nay đi hàng muộn quá. Giá tôi nghe bà, để bà quét nhà thì bây giờ đã tới chợ rồi. - Cũng chẳng muộn lắm đâu. Với lại mới sáng sớm, có tới nơi thì cũng còn ngồi đó chứ đã bán được cho ai! Lúc đó mặt trời đã hé. Trên con đường nhựa từ cổng tòa sứ lên phố chợ đã thấy có nhiều người. Phần đông là những cô gái quê bán rau bán củi đóm hoặc tôm cá, lác đác pha vài cô hàng xén ăn mặc gọn gàng dễ coi. Mấy người đàn ông quần ống cao ống thấp khom lưng dưới những chiếc bồ to đầy gà vịt, chim và trứng. Bốn năm bà lão, ăn mặc rách rưới đủng đỉnh bước một, mang bán hai ba thùng trấu và một ít lá thơm để tắm hoặc gội đầu. Có cả những đứa trẻ xách đi bán những giỏ ổi, chanh hoặc xoài non. Họ tíu tít chuyện trò với nhau vì phần đông họ quen biết nhau cả, họ cười đùa chào hỏi nhau rất thân mật vì thường thường họ đã gặp nhau trên con đường đó nhiều lần. Có khi họ không biết tên nhau, không biết chỗ ở quê quán của nhau, nhưng họ cũng vẫn quyến luyến nhau như những người ruột thịt. Cái tính dễ dãi của họ khiến họ rất chóng thành quen thân với nhau. Họ toàn là những người quê mùa, mộc mạc, tính tình rất giản dị. Chẳng bao giờ họ tìm cách dò xét tâm tính nhau. Ta có cảm tưởng như người nào cũng thực thà ngay thẳng và đều giống nhau. Câu pha trò chẳng có ý vị cho lắm cũng đủ làm cho họ cười vang cả con đường. Họ nói chuyện của chính họ rồi họ mang chuyện người khác ra nói: họ cũng chê bai, chỉ trích hoặc khen ngợi. Khen ai thì họ bảo là cần cù, đảm đang, căn cơ, mực thước, tằn tiện, chí thú, mà chê ai thì họ thủ thỉ là ngoa ngoắt, gian trá, mỏng môi hay hớt, có một nói mười... Mặt trời lên cao, cao mãi. Hai hàng cây bên rìa đường phố những tấm lá đầy sương, óng ánh dưới những tia nắng. Con đường nằm dài giữa một cánh đồng mênh mang những ruộng lúa đã giáp hạt. Thỉnh thoảng một luồng gió nhẹ lướt qua. Những bông lúa cọ vào nhau thành một thứ tiếng rì rào tựa như một trận mưa, hạt nặng và thưa. Vì là một tỉnh nhỏ nên chỗ nào cũng còn đượm cảnh quê của chốn đồng bằng. Khi trời còn giữ cái mát mẻ ban đêm và còn đượm hơi sương đọng trên cây cỏ, khiến kẻ đi trên đường thấy da thịt mát dịu như vừa mới tắm ở suối lên. Vú già đã thấy đỡ mệt. Vú lại đứng dậy quẩy gánh hàng đi thẳng về lối chợ. - Gánh quàng lên rồi còn phải về xem cơm nước thế nào, cho bà trông hàng ở nhà chứ! Vú vừa đặt gánh trên vai vừa nói với Huệ. Nàng mỉm cười đáp: - Lúc nào tôi cũng thấy vú lo lắng hết việc nọ sang việc kia! - Chuyện! Bà thì bụng mang dạ chửa rồi lại yếu người, cô thì còn ít tuổi. Cụ thì đã bảy tám mươi rồi! Tôi chẳng lo liệu giúp bà thì có bỏ vương bỏ vãi ra đấy hay sao! Nghe câu nói thực thà của vú già, Huệ cảm động trong lòng, nàng đã không ngờ rằng vú lại có thể tận tâm với người chủ được đến như vậy. Cả quãng đời của vú như phô rõ trong trí óc nàng: Huệ tưởng tượng ra vú là một đứa trẻ, lớn dần lên, rồi cũng qua cái tuổi nàng, rồi đi lấy chồng, có con, phải làm lụng vất vả như những người nhà quê đang cùng nàng theo con đường ra chợ, rồi chồng chết, con chết, trơ trọi một mình phải đem thân đi ở ngày hai bữa cơm, bao nhiêu công việc nặng nhọc, cho tới bây giờ ngày ngày gánh hai bồ hàng ra chợ cho nàng. Và nàng phải lấy làm lạ rằng sống cả một cuộc đời vất vả như vậy mà rất ít khi nàng thấy vú than phiền, vẫn bình tĩnh lo liệu công việc của chủ như công việc của chính mình mà chẳng hề muốn cầu lợi, chỉ ao ước khi nhắm mắt có người mua cho cỗ ván, rồi chôn cất cho được chu đáo. Nàng ngắm nghía vú già thoăn thoắt với gánh hàng, và những ý nghĩ trên đây khiến nàng hết sức thương mến vú. Nàng không còn thấy sự phải làm lụng vất vả và cái nghèo nàn trong đó nàng đang sống là một điều buồn bực. Cái gương nhẫn nại mà nàng luôn có bên mình đó đã gây trong lòng nàng sự mê mải và sự vui vẻ trong lúc làm việc. Từ ngày bà Sinh bỏ nhà chồng để về ở với mẹ, chưa bao giờ trong nhà được dồi dào, tạm gọi là đủ ăn, đủ tiêu cũng đã là quá đáng. Bà cố công vật lộn mà vẫn cứ phải túng thiếu mãi. Tất cả của cải bà mang theo được về nhà mẹ là một đôi hoa tai và đôi xuyến vàng, những đồ nữ trang bà sắm khi chồng đã bổ đi làm được mấy năm. Bà bán lại được chừng hơn hai trăm đồng. Món tiền đó đã giúp bà có cái vốn để mở một cửa hàng buôn bán. Nhà không phải thuê vì bà ở chung với mẹ. Hai gian nhà gạch cũ kỹ ở một phố vắng vẻ của đời ông để lại và nay còn giữ để làm từ đường. Bà chắn hẳn thành hai gian. Gian trong kê bàn thờ còn gian ngoài vừa là chỗ ở vừa là cửa hàng. Bà đã định lại cân gạo như hồi còn ở Kim Thành với mẹ chồng. Nhưng bà đã thấy người yếu sức nhiều, không thể đang nổi việc buôn bán nhọc nhằn đó nữa. Bà bèn chuyên nghề bánh khảo. Bà không thạo nghề này cho lắm, nhưng thấy nhiều người bảo mất ít vốn mà có lãi nhiều, có thể kiếm ăn được, bà cũng nghe lời, mượn người làm rồi học nghề đó. Ngoài bánh khảo, bà còn buôn thêm các thức lặt vặt khác như đường, dầu hỏa, diêm, thuốc lào, thuốc lá... Cửa hàng lúc mới mở cũng không được đông khách cho lắm vì phố vắng. Dần dần được nhiều người biết tiếng rồi bán cũng khá chạy. Có nhiều người ở tận phố Chợ cũng xuống cất bánh của bà. Bà Sinh sợ rằng lãi trong cửa hàng không đủ chi dùng, bà lại đóng một ít ngăn kính cho Huệ mang hàng ở nhà ra chợ bán thêm. Mọi việc lặt vặt, bà đã có vú già giúp. Mới đầu Huệ đã từ chối không muốn ra chợ bán hàng, e người ta chê cười là con một ông phán mà đi bán hàng xén. Thực ra thì đã có rất nhiều dị nghị về chỗ đó, nhưng mẹ nàng vẫn cố kiếm lời khuyên nhủ nàng: - Mẹ cũng chẳng muốn con phải vất vả thế. Nhưng bây giờ cậu con ruồng bỏ, lâm vào cảnh nghèo thì phải làm mà ăn chứ. Có đi ăn cắp ăn trộm của ai mà sợ. Con ông nào bà nào thì lúc thiếu cũng phải đành chịu vất vả. Con nên chịu khó một tý. Mẹ con mình ở chung với nhau rồi lại có cả bà nữa. Gặp rau ăn rau, gặp cháo ăn cháo, dù sao cũng còn sướng hơn là ở với cậu. Một ngày bất quá cũng chỉ hai bữa cơm chín rồi thì cái con Nga nó lại hành hạ đủ vẻ. Muốn cho con dễ nghe lời mình, bà kể lại tất cả những cái khó nhọc của bà hồi còn nhỏ: Sống với một người mẹ nghèo, lấy chồng nghèo rồi lại phải buôn bán nuôi mẹ chồng, nuôi chồng ăn học, nuôi con. Tất cả những kỷ niệm thời xưa đó, bà muốn quên hẳn đi, nhưng bà đã phải tỉ mỉ nói lại cho con nghe để làm một bài học. Bà nhắc đi nhắc lại cái hồi bà còn cân gạo ở Kim Thành: - Có khi mợ đã phải một mình đi từ làng nọ sang làng kia đong từng thúng gạo rồi thuê thuyền chở về nhà rồi lại chở ra ga để mang lên tỉnh. Những lúc nắng ráo thì còn khá, chứ phải những ngày mưa phùn gió bấc như tháng chạp hay giêng hai thì gạo ướt người ướt, rét cóng cả chân tay. Cứ như những lúc ấy thì mợ tưởng được lãi tới hàng vạn cũng chẳng thiết, nhịn đói còn hơn. Nhưng còn phải nuôi mẹ, nuôi chồng nuôi con bỏ đấy cho ai! Nếu sợ hãi sự vất vả hay cho làm ăn như thế là xấu mặt thì có lẽ mợ đã tìm cái chết để thoát thân tự bao giờ, chứ còn sống đâu đến ngày nay! Nghe lời mẹ khuyên như vậy, nàng cũng vui vẻ theo vú già gánh hàng ra chợ. Lúc mới đầu nàng cũng thấy thẹn thùng khó chịu. Nhưng rồi nàng quen dần. Sáng sáng, nàng trở dậy rất sớm, xem lại hai bồ hàng, thiếu thức gì nàng lấy thêm ở cửa hàng nhà rồi lồng quang gánh cho vú già gánh đi. Muốn cho đỡ tốn, buổi trưa vú mang cơm ra chợ cho Huệ hoặc ngay từ buổi sáng, nàng mang theo một gói cơm nắm với mấy con tôm kho hay tí muối vừng. Ở nhà bà Sinh trông nom vào cửa hàng. Những lúc bận bịu quá thì người mẹ già giúp đỡ bà chút ít. Chiều tới, khi chợ đã tan, vú già lại ra đón Huệ. Mỗi ngày hai buổi gánh đi gánh về nhiều khi vú cũng thấy mệt nhọc, yếu sức. Đã một lần bà Sinh ngỏ lời muốn mượn thêm một đứa ở gái gánh hàng để vú già đỡ vất vả, nhưng vú tỏ ý không bằng lòng: - Bà cứ vẽ vời cho thêm tốn. Trong nhà đã túng thì cũng phải tằn tiện. Con còn khỏe mạnh chán. Gánh hai bồ chứ bốn bồ con cũng gánh nổi. Mệt thì lại nghỉ, chứ lo gì... Nghe lời vú, bà Sinh phải buồn cười rồi đành thôi không mượn thêm người. Huệ thì yếu sức quá không thể gánh nổi hai bồ hàng, nên bà cứ để vú già đi chợ với con gái. Chiều nào đi đón Huệ, vú cũng không quên mang theo chiếc bị cói để đựng thức ăn của Huệ mua về. Thường thường cứ khi chợ gần vãn, Huệ xếp dọn hàng lại rồi xem trong chợ có gì thì mua. Mua về chiều bao giờ cũng được giá rẻ, tuy không được tươi ngon nhưng mang về khéo nấu, khéo gia giảm cũng tạm ăn được. Có hôm nàng mua thịt, có hôm mua cá. Trở về nhà, sợ để sang ngày hôm sau sẽ thành thiu, cả nhà xúm lại mỗi người một việc để nêm nướng ngay. Vú già dóm bếp, bà Sinh rửa nồi, sắp các đồ gia vị, còn Huệ thì dao thớt thái hay chặt. Người này khen rẻ, người kia khen rẻ. - Cái mớ cá này cô con mua rẻ hơn mớ cá hôm nọ. - Vú thì bao giờ cũng khen cô vú mua rẻ. - Bà có ra chợ bà mới biết cô con mua bán thế nào! Gớm, mặc cả từng đồng trinh! Đừng có hòng ăn lãi của cô con! - Không ăn lãi thì có dễ nó cho không! - Thưa bà, không cho không nhưng cũng lỗ tới quá nửa!... Ngày sau ai mà lấy được cô con thì thực tốt số! Huệ thẹn thùng, mắng yêu vú già: - Thôi đi vú! Vú chỉ được cái thế! Rồi cả nhà cất tiếng cười vang. Trong lúc đó thì Tài cúi khom lưng bên người bà già nghêu ngao nhai đi nhai lại hai câu cách ngôn dưới một bài luân lý: Cá không ăn muối cá ươn Con cãi cha mẹ trăm đường con hư! Cá không ăn muối cá ươn Con cãi cha mẹ trăm đường con hư! Cá không... Huệ ngắt lời em: “Thôi đi! cá này chỉ có cá ươn!” Cả nhà lại được một dịp cười to. Cái cảnh vui vẻ trong gia đình như trên đây, chiều nào cũng có dưới một ngọn đèn hoa kỳ ở ngoài sân hoặc trong mờ mờ tối của lúc ngày gần tàn hẳn. Cái vui đó đã khiến mọi người quên hẳn được những khó nhọc suốt từ sáng sớm. Bà Sinh ở nhà mỗi lúc thấy trong lòng buồn bực, chỉ mong mỏi tới lúc con về để lại được thấy diễn lại dưới mắt cái cảnh trên đây; nó mang lại cho cõi lòng bà chút hương vị của một cảnh đời nghèo nàn, vật lộn, tựa như một bóng mát ở gữa một quãng đường nắng chói. Công việc trong nhà bây giờ thành bận rộn hơn, vì bà Sinh đã đẻ. Huệ cả ngày ở ngoài chợ, một mình vú già nào thổi cơm nào thu vén các việc vặt trong nhà. Mỗi ngày vú lại thêm chậm chạp, nên công việc không được trôi chảy cho lắm. Bà Sinh phải trông nom cửa hàng. Bà định mướn vú nuôi con, nhưng thấy không được dồi dào đồng tiền, bà đành phải tự nuôi lấy. Nói là nuôi lấy, nhưng sự thực thì chỉ khi nào đứa trẻ đói, bà mới ôm trong lòng cho bú, khi nó đã no nê bà lại giao cho người mẹ già trông nom. Bà không hề muốn vậy, nhưng vì nhà ít người bà cũng đành lòng. Người mẹ già suốt ngày ngồi bế cháu và ru cháu. Khi nó đã ngủ bà đặt xuống một góc giường rồi sờ mó đi giặt những tã và quần áo bẩn. Có khi chính bà phải tắm hay rửa chân tay cho cháu. Chân dận đôi dép da trâu có quai, bà lẹp kẹp, rón rén đi tìm chậu nước, miếng xà bông... Bà thong thả, khoan thai trong mỗi việc cũng như trong lúc bà đi đứng hay ăn nói. Sức bà đã yếu nhiều nên chỉ phải bận rộn về một đứa cháu mà hôm nào nó không chịu chơi, hay quấy khóc bà cũng thấy nhọc mệt trong người. Một đôi khi thấy mẹ phải vất vả vì đứa cháu tựa như một kẻ đi ở vú, bà Sinh cũng bực tức, nao nao trong lòng. Bà như tự hổ rằng mình đã xấu số để đến nỗi lúc trẻ phải nhờ vả vào mẹ rồi tới khi đã đi lấy chồng và đã gần trở về già rồi phải nương náu vào người mẹ già mà đáng lý chính bà phải đỡ đần. Bà liên tưởng đến nhiều bà mẹ khi đã gây dựng được cho con cái có vợ có chồng thì an nhàn trong lúc đã yếu sức, rồi nay đi chơi chỗ này, mai đi thăm nơi khác với chúng bạn để gọi là “khuây khỏa cái tuổi già”. Mang so sánh những bà lão già đó với người mẹ của bà, bà Sinh thấy một sự trái ngược khiến bà đem lòng thương mẹ, nhiều khi đến như muốn khóc. Về phần người mẹ già, thì tất cả cái vui sướng của bà hiện nay là có Tài, đứa cháu giai bao giờ cũng sống bên bà. Với cái vui sướng đó trong lòng bà quên hết mọi cái vất vả hàng ngày. Bà đã quen với sự khó nhọc từ lâu. Khi còn nhỏ bà cũng đã sống trong một gia đình nghèo làm ruộng ở hạt An Lão. Bà lấy một người chồng cũng nghèo. Sau hai năm, chồng bà xin được việc ở sở Thiên Văn Kiến An. Hai vợ chồng đưa nhau đến ở tỉnh đó. Bà góa chồng ngay từ khi ngoài ba mươi, nhưng bà không nghĩ đến sự tái giá. Trong thời kỳ chung sống với chồng bà chỉ phải buồn vì một nỗi là không được mụn con giai. Đẻ bốn lần, vớt vát còn lại một người con gái là bà Sinh bây giờ. Từ ngày chồng chết và con gái đi lấy chồng, bà sống bằng món tiền trợ cấp con con của nhà nước. Cái ngày con gái về ở với bà, bà chỉ có phiền lòng vì nỗi con mình không góa mà cũng như góa. Còn sự vất vả và cái nghèo của bà Sinh và mấy đứa cháu không làm bà suy nghĩ cho lắm. Lòng nhẫn nại của bà khiến bà giữ được cái bình tĩnh trong cảnh sống đó, không thù hằn, ghen tị với những kẻ giàu sang sung sướng hơn bà. Cái đức tính nhẫn nại đó như đã là một cái của hồi môn bà tặng lại cho bà Sinh. Cũng bởi thế mà bà rất sung sướng thấy con gái mình không hề nản lòng trước những nỗi đau khổ và dù sao vẫn cần cù gắng sức làm lụng nuôi con. Mỗi lần nghĩ đến người chàng rể ở xa, bà chỉ tự bảo: “ Chẳng qua là số kiếp”. Bà không thấy thù ghét chàng rể đó và chẳng bao giờ bà mong mỏi cho cặp vợ chồng mới đó phải chia lìa nhau để cho bà Sinh lại được trở về ở với chồng. Cái ý nghĩ đó bà thấy tàn ác quá. “Khổ kiếp này, thì mát mặt kiếp sau”. Đó vẫn là những lời bà mang ra để an ủi cái cảnh gia đình của con gái bà. Tưởng nhớ lại hồi mới gả chồng cho con, bà chỉ còn buồn tiếc mẹ ông Sinh, một người bạn cũ bà đã làm quen vì cùng ở một phố cũng góa chồng và nghèo nàn như nhau nên đã luôn luôn cấp đỡ lẫn nhau. Có lẽ cái cảm tình của bà đối với người dâu gia đó đã làm bà sẵn lòng tha thứ cho người chàng rể độc ác của bà. Nghĩ đến tấm lòng thật thà, ngay thẳng của người bạn cũ và nghĩ đến ông Sinh đã quá nhẫn tâm với con gái mình bà chỉ biết nói thầm: “Sinh con ai sinh tính!” Từ ngày bà Sinh thêm đứa con gái trong nhà tuy bận rộn hơn, nhưng cũng được vui vẻ thêm. Có đứa bé trong nhà, mọi người đều có cảm tưởng như bớt hiu quạnh. Sự đông đúc vì có thêm một nhân mạng bà Sinh tưởng như đã bù đậy được sự trống trải của lòng bà vì thiếu chút tình yêu của chồng. Khi đứa con vừa lọt lòng, cô đỡ hỏi bà đặt tên là gì. Bà nghĩ mãi để tìm một cái tên. Tính giản dị của bà không muốn con có một cái tên đỏm dáng. Giữa lúc còn phân vân, cô đỡ cất tiếng: - Cô em có cái bớt trên vai, bà ạ. Bà Sinh mỉm cười đáp liền: - Thôi thì đặt tên cháu là Bớt... Bà sung sướng nhìn đứa con út của bà và bà phải lấy làm lạ rằng bà đã không hề liên tưởng gì tới chồng, người mà nhờ đó bà mới có đứa con cuối cùng này. Tuy mọi hy vọng của tuổi già bà đặt cả vào Tài và sự rung động của tình mẫu tử, bà đã biết khi đẻ Huệ, tuy đối với đứa con út này bà cũng có một cảm giác vui sướng của một người mẹ hiếm con. Mỗi lần thấy những gia đình đông đúc, bảy, tám người ríu rít bà lại buồn vì nỗi đã đẻ tới sáu lần mà nay cả đứa gái út này nữa mới là ba. Bà cũng thừa hiểu rằng có thêm một đứa con mà lại nghèo, ắt rồi nó cũng sẽ không được sung sướng trong sự đầy đủ, nhưng lòng ao ước có nhiều con đã khiến bà quên ngay những ý nghĩ đó và sung sướng ôm ấp đứa con mới đẻ trong hai cánh tay. Khi còn ở với chồng luôn luôn thấy Huệ và Tài bị hắt hủi, bị cha ruồng bỏ và người dì ghẻ thù ghét, bà chẳng hề ao ước có con: bà vẫn tự nghĩ: “Đẻ ra rồi bố nó không thèm nhìn nhận đến, để cho “kẻ khác” nó ghét ngấm, ghét ngầm như thằng Tài ấy thì chẳng bõ!” Nhưng ngày nay bà đã như được tự do, và bà chẳng còn sợ rằng các con sẽ bị kẻ khác hành hạ, nên tuy túng thiếu bà cũng thấy sự có thêm con là vui... Bà buồn cười nhất là Tài. Từ ngày có đứa em gái bé, những lúc đã học và làm bài xong, mà được bế em thì vui thích lắm. Những ngày nghỉ thì Tài không còn đi đâu khỏi nhà. Chỉ ra vào quanh quẩn bên em, bế em rồi ru em ngủ. Ngồi ngất nghểu trên chiếc võng cói treo ngoài mái hiên, Tài ôm chặt em trên ngực rồi nghêu ngao hát. Cậu không hề học những bài hát ru em bao giờ nên những bài như: “Ru em, em ngủ đi rồi...” cùng những bài thông thường khác, cậu đều không biết. Cậu chỉ hát ru bằng những bài học thuộc lòng đã học ở nhà trường: “Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi...” hay là: Xuân đi học coi người hớn hở, Gặp cậu Thu đi ở giữa đường... Những bài hát đó bà Sinh nghe thấy lạ tai, nên mỗi lần Tài cất tiếng hát bà Sinh lại bảo con: - Mày hát những bài quái quỷ gì ấy! Vì vậy bao giờ rỗi rãi bà lại dạy truyền khẩu để Tài học những bài hát ru em. Những lúc rỗi rãi như thế rất hiếm, nên đã bao lâu mà bà chỉ dạy Tài được có một bài: “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân...” Tài ít bài hát quá, và toàn là những bài ngắn ngủi cả, mà khi hát cậu lại không biết ngân nga kéo dài giọng, cậu hấp tấp đọc như đọc ở nhà trường, nên chỉ sau muời lăm hay hai mươi phút cậu đã hết cả câu hát. Cậu mệt nhọc nằm mơ màng moi óc tìm câu hát rồi dần dần cậu ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong lúc đó thì cô em bé trố hai mắt nhìn trần nhà, chân tay co ra co vào, đập lên đập xuống o oe “nói chuyện” một mình. Bà Sinh thấy vậy buồn cười nói: - Thế là ông Tài ông ấy ngủ rồi! Ông ấy bỏ mặc kệ em. Ra ông ấy ru ông ấy ngủ chứ không phải là ru em. Có khi bà gọi cả nhà ra xem. Tài nằm ngủ bên đứa em còn thức. Rồi mọi người nhìn nhau mà cười. Bà ngắm nghía Tài ngủ, nghĩ tới những lo lắng hằng ngày của mình, bà không khỏi tự bảo: - Trẻ con vô tư lự có khác. Thật là dễ ăn dễ ngủ! Thuyết, người bạn của Nga, đã bỏ nghề cô đầu. Cái nhà hát của nàng, sau khi Nga đi lấy chồng, được hơn một năm thì bị đổ. Hường bị bịnh sốt rét thương hàn chết. Mấy người bạn đã phải bỏ tiền chôn cất cho nàng. Món tiền kiếm ra ngày một kém đi, vì ngay gần đó một nhà cô đầu có nhiều đào hát ở Hà Nội về mở, sang trọng hơn nhà hát của Thuyết nên đã cướp được khách của nàng. Những khách quen biết của Thuyết cũng bỏ nhà hát của bốn người bạn đó để tới nhà mới mở. Vì thế thành có cuộc chia rẽ. Họ buồn rầu trước cái cảnh tàn lụn ấy. Nhưng sự sống bắt buộc họ không thể sum họp được nữa. Trong cái thời kỳ cùng chung sống với nhau, họ đã thân mật với nhau và thương yêu lẫn nhau, một phần vì họ tự thấy mình là những người đáng cả, nhưng một phần cũng bởi họ nhận thấy rằng có dựa lẫn vào nhau thì sự sinh sống mới dễ dàng. Khi phải chia rẽ nhau, Vân đi hát cho một người chủ ở ngay tỉnh. Còn Nhiên về hát ở Phủ Lý, Thuyết thì về Hải Phòng, hát cho một nhà ở con đường Huyện Rào. Về đó được ít lâu, nàng làm quen với Thiều, chủ một hiệu ảnh nhỏ ở đầu cầu đất. Chẳng bao lâu hai người yêu nhau rồi lấy nhau. Hiệu ảnh ở Hải Phòng không được đắt hàng cho lắm. Thiều bèn dọn sang Kiến An ở ngay giữa phố chợ. Muốn kiếm thêm lãi và khỏi rỗi rãi cho đỡ buồn, gian nhà thuê, Thuyết đã chia ra làm đôi, một bên là cửa hàng ảnh, một bên nàng mở một hiệu bán vải, vải chúc bâu, thâm tây, vải ta và các thứ khăn mặt bông. Huệ và Tuất - một người bạn của Huệ - thường tới đó cất thêm vải đi bán. Dần dần quen thân, Thuyết đã cho hai người cất chịu và hơn thế, lại bán lại bằng một giá rẻ hơn với các người khác. Một lần Huệ bị sốt xoàng phải nghỉ chợ mất hai ba ngày, Thuyết chỉ thấy có một mình Tuất bèn hỏi thăm: - Cô Huệ đâu mà tôi thấy vắng mấy ngày liền? - Chị ấy mệt. - Mấy ngày không được gặp cô ta tôi cũng nhớ đáo để. Cô ta vui tính mà hiền lành có vẻ ngoan ngoãn quá! - Ấy, con ông phán đấy chị ạ, nhưng bây giờ mẹ chị ta bị chồng bỏ thành ra phải buôn bán kiếm thêm tiền cho nhà. Đáng lẽ thì cũng được chân giày, chân dép rồi đi học trường này trường khác cơ đấy! Những câu nói đó đã làm Thuyết chú ý. Nàng vẻ suy nghĩ hỏi: - Thế bố cô ta bây giờ lấy ai? Tuất không hề biết gì về cái đời qua của Thuyết nên cứ điềm tĩnh trả lời: - Khốn nạn! Lấy ai! Lấy ngay một con cô đầu. Nó khôn khéo lắm cơ. Nó đã mưu mô quyến rũ được người chồng đến nỗi phải bỏ hẳn vợ cả! Những câu nói này lại càng gợi ý tò mò của Thuyết và càng khiến nàng suy nghĩ. Tuất cũng bán hàng xén như Huệ, nhưng nàng còn bán đèo thêm hàng đăng ten nữa. Hai người ngồi ngay bên nhau. Thường thường cứ người nọ ra chợ trước thì lại ngóng đợi người kia, rồi mới cùng dở bồ hàng. Tuất thì nhà nghèo, mẹ già, bố làm tùy phái ở tòa sứ, mỗi tháng hơn chục bạc lương nên nàng cho sự phải đi buôn ngoài chợ là một điều rất thường. Nhưng nàng rất thương hại Huệ. Cứ mỗi lần nghĩ tới bạn, nàng lại không khỏi than phiền hộ bạn bằng câu: - Khốn nạn! Chẳng ra gì cũng là con một ông phán! Lòng thương đó đã khiến nàng luôn tìm cách an ủi và giúp sức Huệ trong sự buôn bán. Vì thế mà hai người đã thành lưu luyến với nhau như hai chị em ruột. Huệ luôn rủ Tuất về nhà chơi, bà Sinh thấy Tuất nhu mì chịu khó mà lại thân với Huệ cũng đem lòng yêu nàng. Đã nhiều lần Tuất ở đây dọn dẹp hộ các việc vặt rồi cùng ăn cơm cả nhà Huệ. Tuất nhiều tuổi và lại có vẻ từng trải hơn Huệ nên mỗi lần được gần nàng bà Sinh vẫn bảo nàng: - Cô cứ coi nó như em ấy, rồi bảo ban em nó buôn bán hộ tôi. Khốn nạn! Cũng mới tập tành thôi đấy, chứ từ trước đến giờ đã biết gì là buôn với bán đâu! Sự thân mật của bà Sinh lại càng làm cho sự thân mật giữa đôi bạn gái đó thêm chặt chẽ. Bởi thế mà Huệ đã mang mọi chuyện nhà ra nói với Tuất. Nàng lại còn được nghe cả bà Sinh nói thêm nữa. Vì vậy mà Tuất đã biết được đủ mọi điều, biết được cả tên Nga, nàng hành hạ bà Sinh ra sao, nàng khôn ngoan độc ác đến bậc nào. Người ta tưởng như nàng đã sống trong cảnh đó. Tuất đã thực thà kể lại cho Thuyết nghe. Khi Thuyết đã được biết rõ ràng câu chuyện, bỗng nhiên nàng có ý nghĩ rằng chính nàng đã gây nên cái tan nát của gia đình bà Sinh. Nàng nhớ lại rõ ràng khi gặp Nga ở Nam Định, nàng đã xui đẩy Nga cướp lấy chồng riêng về phần mình. Nàng hối hận. Rồi nghĩ đến cái cảnh không con của nàng từ khi lấy chồng, nàng tưởng như đó là một trừng phạt của trời bởi lẽ nàng đã gây cái khổ cho bà Sinh. Nàng bèn lân la tìm cách làm quen với bà. Trong câu chuyện, nàng giấu giếm cái quá khứ mà nàng sợ nhiều người sẽ chê bai. Nàng cũng không nói cho bà Sinh biết là nàng có quen Nga. Nàng chỉ như lấy địa vị một người thấy kẻ khác khổ thì tỏ tình thương yêu, lưu luyến. Bà Sinh cũng thực thà nói lại hết mọi cái khổ bà và các con đã phải chịu đựng từ ngày có Nga về ở. Từ đó Thuyết lại càng tìm cách gần gũi bà Sinh rồi đã nhiều lần khi bà túng bấn, nàng đã cho vay tới năm, bảy chục. Sự tốt bụng của nàng đối với bà Sinh một phần gây nên bởi lòng trắc ẩn của nàng trước cái đau khổ của một kẻ bị ruồng bỏ, nhưng một phần cũng bởi nàng muốn chuộc lại cái lỗi xưa, họa may Trời có “thí cho mụn con”. Những món tiền nàng bỏ ra cho bà Sinh vay, không bao giờ nàng tính lãi và nàng cũng không hề đòi hỏi. Bao giờ bà trả cũng được. Nàng không giàu hơn bà, nhưng chồng làm cũng kiếm ra tiền và nàng buôn bán cũng có lãi khá. Mà trong nhà lại tiêu dùng rất ít. Từ ngày được quen biết Thuyết, bà Sinh cũng bớt lo lắng, vì mỗi lần túng thiếu đã có nàng tạm cho vay mượn. Bà Sinh vẫn thường tự bảo: “ở hiền thì phải có phen gặp lành chứ!” Giữa lúc có tình thân mật đó trong hai người thì xảy ra một chuyện không hay cho bà Sinh. Nga được Nhiên cho biết tin : Thuyết đã đi lấy chồng và ở Kiến An. Một lần nàng ở Nam Định về Kiến An thăm Thuyết. Thuyết mang chuyện bà Sinh ra nói và nàng thấy Thuyết có vẻ thân mật với bà Sinh nhiều, nàng bèn tìm cách phá sự lưu luyến đó, mục đích là để Thuyết không nghĩ đến cách giúp đỡ bà Sinh nữa. Nàng đã bịa hẳn chuyện bảo Thuyết: - Chị cứ gần gũi những người ấy thì chỉ có hại cho chị. Người ngoài mà người ta biết đến thì không còn ai muốn đi lại với chị nữa đâu. Ấy là bà ta chưa biết chị là cô đầu đấy. Nếu đã biết rõ rồi thì phải biết! Ngồi đâu bà ta cũng chỉ có nói xấu. Bà ta là ghét cay ghét đắng những người cô đầu đấy! Thuyết hơi có ác cảm với Nga từ ngày biết rõ chuyện nhà bà Sinh nên nàng cũng thực thà đáp: - Ghét là ghét những người làm khổ bà ta thôi chứ, sao lại ghét được tôi. - Gớm ra bây giờ chị bênh vực bà ta... Thì chính chị trước kia đã bảo tôi cướp lấy chồng bà ta... Thuyết hơi có vẻ sượng ý ở chỗ đó nên nói một câu như để lảng sang chuyện khác: - Cái đó là việc riêng nhà chị tôi không biết đến! Nhưng Nga vẫn không quên cái ý định độc ác của mình nên nàng không thể rời được. Nàng thì thầm ra chiều thực thà và bằng một giọng rất ngọt. - Đừng có cho bà ta vay vỏ gì rồi mà chị mất hết vốn đấy, em nói thực. - Ấy tôi cũng đã cho giật tới sáu bảy chục đồng. - Thôi thế chị liệu mà đòi ngay đi kẻo rồi không vớt được đồng xu nhỏ! Nàng ghé tận tai Thuyết: - Em nói thực, chị đừng có ngờ vực nhé. Chẳng phải là em độc ác gì đâu! Cái dạo ấy em cũng đã nghe lời chị về gây chuyện nọ chuyện kia với bà ta. Thế mà bà ta đanh đá quá, không có cách gì cả. Em đã toan bỏ chồng để về Thái Bình với chị cơ đấy. Nhưng may sao đánh đùng một cái bà ta lại bỏ nhà rồi về Kiến An ở với mẹ. Mà cũng chẳng tại chồng đánh đuổi gì đâu! Nàng ra vẻ bí hiểm nhìn Thuyết: - Chị có hiểu tại sao không? Chẳng còn để cho Thuyết kịp suy nghĩ, nàng lại tự trả lời ngay: - Vỡ nợ chứ còn làm sao nữa! Tháng nào chồng lĩnh lương cũng đưa cho đủ cả thế mà cờ bạc rồi lại cứ đi vay vỏ những chỗ quen biết mỗi người một hai trăm, lãi mười phân thì lại mang đi chỗ khác cho vay mười lăm, hai mươi phân. Cứ giấu giếm chồng, kiếm lãi để đập vào những cái lúc thua, nhưng cái lãi chẳng đủ kịp cái thua. Thế là bỏ ngay tỉnh Nam Định tếch về cái đất Kiến An này đấy... Nga nghỉ một lát rồi kết luận: - Chứ nào có phải em tàn ác gì đâu... khốn nạn! Chị lại không hiểu hay sao! Cái đời đi làm lẽ được sống yên thân ngày hai bữa với manh quần tấm áo là tử tế lắm rồi, còn hòng gì mà chị bảo tàn ác với người ta. Thấy Thuyết ra vẻ suy nghĩ, như đã tin lời mình, Nga lại tiếp ngay: - Chị liệu mà đòi cái món nợ ấy mau mau lên, cứ được tròn vốn là đã tốt lắm rồi, đừng có hòng ăn lãi... Cái tay chuyên môn đi vay quỵt đấy... Sau câu chuyện trên đây với Nga, Thuyết thành ra nghi ngờ bà Sinh. Nàng thấy Nga, người bạn cũ, gần gũi nàng hơn bà Sinh nên nàng tin lời Nga hơn, cái thiện cảm của nàng đối với bà Sinh đã bị tiêu tán, và nàng đem lòng ghét bỏ bà. Nàng luôn luôn thúc giục để đòi bà món nợ bảy chục đồng. Thực là một điều bất ngờ đau đớn cho bà Sinh. Vì ngày đó trong nhà bà đang phải tiêu pha nhiều. Đứa con gái út bị sài, phải tốn về tiền thuốc mất tới ngoài hai chục: rồi lại gian nhà trong bị cũ nát, bà phải sửa chữa lại cũng mất tới ngoài ba chục nữa. Bà đã cố nói với Thuyết xin tạm khất; nhưng nàng đã thành nghi ngờ nên cứ nhất định đòi cho bằng được. Cái món nợ ấy lại thành một mối lo ngại cho bà. Bao giờ cũng vậy, khi ta đã yêu chuộng ai mà bỗng nhiên có người nói những điều không hay về kẻ đó khiến ta phải tin thì không những ta mất hẳn thiện cảm mà ta lại còn ghét bội phần. Vì vậy mà Thuyết không những không còn chút lòng thương đối với bà Sinh, nàng lại còn cố làm những điều không hay cho bà. Nàng vừa ra công đòi nợ, vừa đi kể những chuyện xấu về bà Sinh với hết tất cả mọi người quen biết nàng. Bà Sinh phải lấy làm lạ về sự thay đổi tính tình đó. Và bà rất ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu người thì thầm với nhau về việc bà bị vỡ nợ, rồi trốn nợ mà về Kiến An. Hầu hết mọi người quen biết bà trước kia thương bà về nỗi bị chồng ruồng bỏ, nay được cái tin đó đều cho là người gian dối rồi tìm cách xa lánh bà và nhìn bà bằng con mắt khinh bỉ. Huệ bực tức nhất về cái tin không hay đó. Nàng nghiệm thấy rằng từ khi có cái tiếng đồn đó mẹ nàng bỗng mất hết sự vui vẻ trong mọi công việc hằng ngày. Hơn nữa, nhiều khi mẹ nàng lại còn thành ngơ ngẩn như người không hồn. Thuyết có kể lại chuyện này cho Tuất nghe. Nàng cũng nói thực rằng chính Nga đã kể câu chuyện vỡ nợ của bà Sinh cho nàng nghe. Nhưng nàng chỉ nhận Nga là người bạn quen trong việc buôn bán, mới được biết nhau trong ít lâu nay. Tuất lại thầm kín kể lại cho Huệ. Huệ thấy Thuyết trước kia đã là người tốt với nàng và cả với mẹ nàng mà nay bỗng có ác tâm về câu chuyện bịa đặt của người dì ghẻ, bèn tìm lời phân trần, nhưng Thuyết vẫn không thể nào quên được lời bạn. Huệ không hề đem lòng thù Thuyết. Nàng đã hiểu rằng đó là một mánh khóe Nga mang ra để làm cho gia đình nàng ở cái tỉnh nhỏ này thêm phần đau khổ. Đã có lần nàng thổn thức khóc nói với Tuất. - Thực là khổ quá chị ạ. Không ngờ mợ em phải về đây sống với bà em, mà cũng chẳng được yên thân. Không hiểu người ta còn làm khổ mẹ em cho đến bao giờ. Đáp lại những nhời than thở đó, Tuất chỉ biết thở dài bảo bạn: - Chị cũng chẳng nên buồn bực, cứ vui vẻ mà làm ăn. Thế rồi lại một lần nữa, Nga đã tốn công từ Nam Định về Kiến An để dò xét xem những lời nàng nói với Thuyết đã có kết quả gì chưa. Nàng nghe Thuyết kể lại chưa đủ; nàng còn đi hết chỗ nọ, chỗ kia, dò la không khác một kẻ giết người tới thăm nơi xảy ra án mạng để xem xét những điều mà tội ác của mình đã gây nên. Sở dĩ nàng đã cố theo đuổi làm khổ bà Sinh ngay khi bà đã xa chồng, vì nàng vẫn sợ sự tái hợp giữa chồng và người vợ cả. Cái khổ nàng gây làm cho bà Sinh phải cam chịu sẽ làm tăng sự uất ức và nhất là sự thù ghét của bà đối với chồng. Và như thế thì không khi nào hai người còn nghĩ tới sự chung sống nữa. Đó là điều mà Nga vẫn để ý tới. Nàng đã thừa hiểu rằng khi đã có sự tái hợp thì nếu nàng không bị khổ như bà Sinh hiện thời ít ra nàng cũng chịu thiệt thòi đôi chút về mọi phương diện. Lần này Huệ được gặp Nga ngay ở chợ. Nàng tức tối trỏ cho Tuất biết... biết mặt Nga. Vốn đã ghét Nga sẵn từ trước nên vừa thấy Nga, Tuất bĩu môi: - Rõ cái quân gian ác ra mặt! Nga đi lang thang ra mấy dãy hàng rồi quay ra trước mặt Huệ. Huệ uất ức nhưng cố nén vẻ tức bực, nàng không hiểu lúc đó nên hành động ra sao. Nàng muốn nhảy lên hành hạ Nga một trận cho bõ ghét, nhưng nàng vẫn rụt rè. Cả Tuất cũng thấy tức tối thay cho Huệ. Giữa lúc Nga qua đó, Tuất hầm hầm nét mặt nói to: - Cái quân cướp chồng người ta mà không biết nhục. Như đã có kẻ bắt đầu cho sự khiêu khích, Huệ cũng tiếp lời Tuất: - Cái hạng cô đầu giang há, giang hồ, mà cũng đòi lên mặt bà! Những người ngồi gần Huệ và Tuất vừa thấy Nga qua đó mà lại nghe thấy hai câu nói trên đây trừng trừng nhìn Nga, Nàng thẹn thùng quá, không thể nào giấu nổi sự giận dữ bèn quát to với Huệ: - À, cái con này mày bảo ai giang há, giang hồ? Sự khai chiến đã bắt đầu. Và Huệ tin sẽ có Tuất giúp sức nên không hề nể lại: - Mày định sừng sộ với ai! Mày đừng có tưởng tao sợ cái mặt mày! Huệ còn nhớ cái cảnh đánh nhau giữa mẹ và Nga ngày nào, nàng bèn đứng dậy túm ngay lấy tóc Nga giựt mấy cái liền. Nhưng Nga nậy được tay Huệ ra rồi hất nàng ngã gục xuống, nằm ngất trên nền gạch. Mọi người hoảng hốt, nhìn Huệ vẻ thương hại. Đối với Nga, ai ai cũng như thấy cái cáu kỉnh sôi nổi trong người. Tuất thấy bạn bị đau quá, không còn thể tự chủ được, cầm đòn gánh đánh luôn Nga trên lưng hai cái. Huệ đã tỉnh hẳn, chạy vội lại túm ngang người Nga xé chiếc áo dài. Một người ở xa kêu lên: - Cứ xé tan tành nó ra, chỉ cậy nhớn bắt nạt! Huệ vừa giằng co với Nga vừa kêu lên: - Nó cướp chồng của mẹ tôi. Nó làm mẹ con tôi khổ sở. Rồi bây giờ nó còn theo dõi về tới đây để hành hạ ngấm ngầm mẹ con tôi. Nhiều người trong chợ đã xúm đông lại. Huệ thừa lúc đông người đó cố tìm cách làm Nga xấu hổ để từ nay nàng không dám trở về Kiến An nữa. Và Huệ cũng muốn trả thù về những cái đau khổ nàng đã phải chịu trong ít lâu nay và cả khi nàng còn ở chung với cha ở Nam Định. Nàng nhìn mọi người quanh mình: - Các ông các bà ạ, nó làm cô đầu chán rồi nó quyến rũ cha tôi để đến nỗi gia đình nhà tôi bây giờ tan nát. Nó cướp của cướp người, rồi nó lại còn về đây phao đồn là mẹ con tôi trốn nợ... Mọi người chòng chọc nhìn Nga như để nhớ kỹ mặt mũi người đàn bà độc ác ấy. Nga biết rằng còn ở lại đó chỉ xấu mặt với nhiều người khác, bèn vấn tóc rồi vội vàng che chỗ áo dài rách đi ra ngoài chợ. Một bọn người xúm nhau vào bàn tán: - Ấy, cô ả cứ xoăn xoe hỏi tôi là cô Huệ dọn hàng từ bao giờ... - Chị ta lại còn vờ hỏi mẹ cô ta bây giờ kiếm có đủ ăn không, ra chiều thương mến người ta lắm! Một bà hoa tay lên trời: - Tôi nhìn mặt cũng đủ ghét. Cứ loanh quanh bên tôi hỏi nọ hỏi kia, tôi chả thèm nói lại nửa lời. Một bà còn ít tuổi ra chiều ta xét đoán giỏi: - Tôi mới trông cái vẻ mặt tôi cũng biết ngay là con người điêu ác thành tinh. Một bà khác nghiêng người ghé sang bà láng giềng: - Cái kiếp chồng chung tranh giành nhau, bao giờ cũng khổ. Một trăm đám là y như một trăm. Chẳng cả khổ thì lẽ khổ. Không có đám nào là thuận hòa với nhau được từ trẻ tới già! Rồi bà cất tiếng ví: Đói lòng ăn nắm lá sung Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng, Một bà nữa như hưởng ứng cái ý nghĩ của bà trên: - Tôi nhờ giời có hai cháu gái. Tôi cũng vẫn bụng bảo dạ gả cho thằng cu ly cu leo nào mà chồng một vợ một còn hơn gả cho cái hạng ông nọ bà kia mà phải chung chồng... Thế rồi từ đấy các bà như quên hẳn cả bán hàng, xúm nhau lại kể cho nhau nghe những câu chuyện về chồng chung. Bà nào cũng có một chuyện để nói cả. Bà này kể chuyện ông láng giềng, bà kia kể chuyện người cùng thuê nhà chung có hai vợ chín con. Rồi lại một bà mang hẳn ngay chuyện nhà, nhà mình ra nói: “Ấy, tôi cũng đã phải cái kiếp chồng chung mất mấy năm đấy! Bây giờ cái con kia nó chết rồi! Nghĩ mà khổ?”. Bà nào không biết chuyện có thực thì cố nặn nọt bịa ra để gom góp vài lời với các bạn cho vui câu chuyện. Dần dần các bà cũng thành uể oải, nhạt tiếng, xì xào với nhau được một lúc nữa thì lại quay về giá hàng đắt với rẻ. Tuất và Huệ đã vuốt lại mái tóc, đã rũ bụi trên áo cho nhau và lại ngồi sau cửa hàng... Bà Sinh bỏ Nam Định về Kiến An được ít lâu thì cái tin đó vỡ lở ra. Chính ông Sinh đã cố tìm cách giữ kín, nhưng không ngờ Huyên đã mang ra nói hết với mọi người trong sở. Từ hôm được Huệ trả lời lại mấy câu ở cổng sở, Huyên đã tưởng là Huệ có cảm tình riêng với chàng. Rồi từ ngày đó chẳng hôm nào chàng không đi qua nhà ông Sinh để có dịp được trông thấy Huệ. Chàng rất vui sướng bao giờ cúi đầu chào Huệ mà được nàng chào trả lại. Chàng đã xây đắp một giấc mộng trong óc: Cần cù đi làm để dành tiền rồi một hai năm nữa xin thêm nhà một món tiền để lấy Huệ. Thuê một gian nhà chừng bảy tám đồng, sắm một ít đồ dùng cần thiết. Ngày ngày hai buổi chàng đi làm, Huệ ở nhà săn sóc cơm nước cùng thu dọn mọi việc. Chàng đã ngắm nghía Huệ kỹ càng đến nỗi chàng đã hiểu cả rằng Huệ không được khỏe cho lắm, nên chàng đã tính trước khi Huệ đẻ sẽ mượn vú sữa để nàng được có sức mà đẻ những đứa sau. Với cái ý định lập gia đình đó, Huyên đã cố sức tỏ ra là một người chăm chỉ và hết sức lễ phép với ông Sinh ở sở. Những lúc các bạn tụ họp nhau bàn tán về “ăn chơi” mà có ông Sinh thì bao giờ chàng cũng lên mặt đứng đắn chê trách các bạn và có khi lại khuyên can để tỏ cho ông Sinh biết chàng là một người đứng đắn, chỉ có nghĩ đến công việc làm ăn tu chí. Ở trong sở, mỗi lúc rỗi rãi mà nghĩ đến Huệ chàng lại viết chữ HUYÊN bên cạnh chữ HUỆ. Chàng sung sướng thấy cả hai tên đều có chữ H đứng đầu. Chàng cho đó là một sự do số mệnh xui nên và chàng tin chắc là chàng sẽ lấy được Huệ. Càng nắn nót viết hai chữ H hơi chếch nhau một tý. Chàng đắc chí nghiêng đầu ngắm nghía rồi tủm tỉm cười với tờ giấy. Song bẵng hẳn đi một dạo, Huyên không thấy bóng Huệ. Một hôm chàng đánh bạo tới chơi nhà ông Sinh. Chàng không thấy Huệ, không thấy Tài và cả bà Sinh mà lại có một người đàn bà lạ. Chàng đánh bạo hỏi dò. Ông Sinh trước còn luống cuống tìm cách giấu giếm. Nhưng sau hết thấy ở sở Huyên vẫn là người kín đáo, đứng đắn ông bèn nói thực cho chàng rõ. Huyên thành tức tối về nỗi Huệ đã xa hẳn mình. Chẳng hiểu tại sao chàng lại tin chắc Huệ đã yêu mình và hẳn hôm ra đi đã buồn phiền lắm. Chàng đem lòng ghét ông Sinh và cái thất vọng của chàng đã xui chàng nói hết với mọi người trong sở câu chuyện riêng của gia đình ông Sinh. Ở tỉnh nhỏ như Nam Định cộng lại mọi công sở chỉ độ bốn hay năm sở và những người làm cũng không lấy gì làm đông lắm. Cứ người nọ kể cho người kia, rồi chẳng bao lâu trong gia đình mọi công chức, ai cũng biết cái việc đó. Họ bàn tán, phê bình. Phần đông họ đều chỉ trích ông Sinh là người bạc bội. Người này bảo “già còn chơi trống bỏi”, người kia mỉa mai nói: - Nhân lão tâm bất lão! Từ ngày đem lòng ghét ông Sinh, mỗi lần nói tới ông, Huyên chỉ dùng mấy tiếng: “Con dê già thành Nam”. Chàng đã cố công gom sức với mấy người bạn nữa đặt một bài vè tám câu như dưới đây: Thành Nam có chú phán Sinh Tuổi thời bốn mốt, si tình gớm ghê Nào trai nào gái đề huề, Thế mà chú vẫn muốn kề đùi non Chú chê bà cả hết son, Chú ôm một ả tý hon trong lòng Muốn cho già trẻ... ung dung, Chú tống bà cả khỏi vùng thành Nam! Chàng đem đánh máy thành tới chục bản rồi phát cho bọn trẻ con bán báo và bán hàng rong ngoài phố. Chàng lại ra công dạy cho những đứa không biết đọc thuộc lòng nữa. Chàng dặn chúng hễ ế hàng thì cứ bảo khách qua đường nếu mua hàng sẽ hát vè cho mà nghe. Vì thế mà chẳng bao lâu bài vè ấy đứa trẻ nào cũng thuộc. Lúc nào người ta cũng thấy chúng bô bô hát. Ông Sinh bị chúng bạn ra chiều ghét bỏ, khinh thường. Vì nhiều người đã công nhận rằng bà Sinh là người đảm đang, yêu chồng thương con. Bài vè của Huyên đặt ra thì dần dần những trẻ cũng chán tai, rồi cũng không còn ai nhớ tới nữa. Nhưng còn dư luận, còn lời chê trách của bạn đồng nghiệp, ông thấy khó xóa bỏ được. Ông bèn lập mưu: Ông mượn ông Tùng về Kiến An tìm người vợ cả về. Đó là ông làm cho lấy lệ. Ông đã tin rằng không khi nào vợ cả ông còn chịu trở về sống bên Nga nữa. Ông hành động như vậy chỉ cốt để có thể tỏ cho các bạn biết rằng ông tuy có lấy vợ lẽ nhưng ông không hề ruồng bỏ vợ cả. Nếu có người nào không tin lời, ông sẽ lấy ông Tùng ra làm chứng. Bởi có ý định ấy nên ông đã cố nói khó với ông Tùng giúp hộ. Ông này nhận lời ngay. Không phải ông là người ưa thích giúp đỡ các bạn. Ông Tùng rất ghét dính dáng đến việc người khác. Ông làm cùng sở với ông Sinh. Ông quả thực là một người làm khuôn mẫu cho hết thảy mọi người nào muốn sống một đời ngăn nắp. Một ngày hai buổi ông đi làm. Cuối tháng bao nhiêu lương ông đưa cả cho người vợ. Từ tiêu vặt cho đến sự may mặc, ông đều phải hỏi ý vợ trước đã, hai vợ chồng bàn định cân nhắc mãi rồi mới tiêu pha mua bán. Bà vợ rất tằn tiện, lại có thêm hai đức tính là chịu khó và biết tháo vát. Bà không muốn ăn dưng ngồi rồi như nhiều bà vợ công chức khác. Bà đã mở một cửa hiệu bán thuốc lào ngay gần chợ Rồng. Thêm vào cái nghề đó bà còn buôn cất lông vịt. Chồng đi làm, vợ xoay xở buôn bán. Cả hai đều cần mẫn như nhau. Nên sau bảy tám năm đã tậu được chiếc nhà cho ông Sinh thuê hiện giờ. Người vợ chỉ loanh quanh với việc nhà, còn việc người ngoài bà không muốn dính líu tới. “Can gì mà mang khó vào thân!” Đó là lời bà thường tự bảo mỗi khi có ai nhờ bà giúp hộ việc gì. Ông Tùng cũng như đã lây cái tính đó của bà, nên ông rất ít giao thiệp với người ngoài và lại rất ít khi muốn để ai nhờ đến mình, bất cứ bằng cách gì! Nhưng lần này ông đã nhận lời giúp ông Sinh đi nói với bà cả về Nam Định. Bởi lẽ ông muốn cầu một chút lời. Đã từ lâu, từ ngày ông Sinh mới thuê nhà của ông và ông đã biết mặt Huệ, ông có ngay ý định muốn hỏi Huệ cho người con giai thứ hai của ông. Ông thấy Huệ có vẻ nhu mì, chín chắn. Cái tin bà Sinh bỏ chồng đi với các con đã làm ông áy náy tiếc rẻ. Ông phàn nàn với vợ: “Thực là không may cho mình! Cái con bé kháu khỉnh quá! Bà mà được dâu ấy thì thực không còn gì quý bằng!” Bây giờ thấy ông Sinh nhờ ông đi tìm bà Sinh và các con về, ông hy vọng bà Sinh sẽ không từ chối và rồi ông lại có dịp được gần gũi cả hai ông bà và Huệ. Chắc hẳn rồi ông sẽ lấy được Huệ cho con giai ông. Tới Kiến An, lúc mới đầu, ông chỉ bảo là tới thăm “bà và các cháu”, và ông tỏ ý “rất tiếc đã có chuyện không hay đó”. Sau mấy tách nước trà và tàn mấy điếu thuốc lá ông mới bắt đầu vào câu chuyện thực. Ông cứ nhắc đi nhắc lại: - Bà nên nghĩ cho chín thì hơn. Chả nên giận ông ấy mãi. Bây giờ ông ấy hối hận lắm rồi. Bà nên nể tôi là chỗ quen biết từ lâu. Bà Sinh không muốn nói lại những chuyện không hay đã qua, nên bà cũng chẳng hề muốn kể lại nhưng cái tàn ác của chồng. Bà vẫn nghĩ rằng dù sao thì cũng là chồng mình mà kể lại những điều đó chỉ là nói xấu chồng, người ta sẽ đem lòng khinh bỉ. Vì vậy, trái hẳn với ý ta tưởng, bà không nói lại với ông Tùng rằng chồng bà đã hắt hủi bà. Bà cố che đậy câu chuyện không hay giữa bà và người chồng. Bà chỉ ngỏ lời chê trách Nga là không được tốt bụng đối với bà. Bà nói với ông Tùng: - Giữa ông ấy với tôi thì chả có điều tiếng gì cả. Vợ chồng vẫn tử tế với nhau, nhưng phải cô hai, cô ta lắm điều khó chịu thì tôi đi. Chứ lỗi không phải ở ông ấy. Bà đã cố nén lòng nói ra những câu đó để khỏi mang tiếng là người vợ bạc bội bêu rếu chồng với người khác. Bà tự nghĩ: “Thôi thì để cho ông ấy đẹp mắt với chúng với bạn một tý mà mình cũng chẳng mất vàng mất bạc gì!” Nhiều khi bà tưởng như nếu có dịp bà sẽ trả thù chồng một cách đau đớn, nhưng cứ mỗi khi cái dịp đó tới bà lại rụt rè rồi không dám làm như ý muốn. Ông Tùng cố ý năn nỉ, khuyên dỗ, bà chỉ biết trả lời: - Tôi bây giờ già rồi. Chẳng còn nghĩ tới sự sinh đẻ nữa. Ở đâu thì cũng chỉ ngày hai bữa cơm. Nhờ giời về đây cũng tạm đủ ăn rồi, lại còn mẹ già. Ông cứ về nói với ông ấy hộ tôi như vậy. Tôi chẳng dám thù hằn gì ông ấy cả. Ông Tùng hơi thất vọng về nỗi bà Sinh đã từ chối. Vì đã có câu chuyện bất hòa, chồng một nơi, vợ một nơi như vậy thì công việc hỏi Huệ cho con trai cũng khó khăn. Đối với ông Sinh thì ông như hơi thẹn thùng về nỗi giúp mà không thành công. Ông cứ thực thà kể lại lời bà Sinh với ông Sinh. Và mỗi lần có dịp ông kể cả với hết mọi người khác. Thế là công việc “cải chính” để khỏi mang một tiếng xấu của ông Sinh đã có đôi chút hiệu nghiệm. Ông ra vẻ bằng lòng lắm. Ông luôn luôn bảo bạn: - Đấy, ông xem có phải là tôi độc ác gì đâu. Thế mà họ cố đặt điều, rồi lại vè để nhạo báng tôi, để làm tôi mất hết thể diện với bà con. Trăm sự nhờ ông, có ai dị nghị điều gì không hay xin nhờ ông nói đỡ hộ tôi. Lần này là thứ nhất ông Tùng giúp kẻ khác; ông cho là một dịp rất quan trọng và ông tưởng như mình là một đại ân nhân, không có mình thì ông Sinh “đến chết đi được”. Ông sung sướng thấy những lời cải chính của ông có kết quả tốt cho ông Sinh ngay. Ông thành hăng hái theo đuổi công việc ấy. Và từ ngày đó, trái hẳn với thói quen, ông không săn sóc tới việc nhà nữa, chỉ lo việc người. Trong vòng hơn một tháng trời ông chỉ ăn xong rồi tới nhà mọi người loanh quanh trong vài chuyện vặt rồi sau hết ông mang câu chuyện giữa ông và bà Sinh ra kể. Ông vẫn nói hay cho bà Sinh và ông bênh vực cho ông Sinh là người vẫn tử tế. Ông chỉ quy tội cho một mình người vợ hai. Kết cục câu chuyện bao giờ ông cũng gật gù trịnh trọng thêm câu: - Thế mà thiên hạ cứ đan kép mãi ra... Với kẻ nào nghi ngờ, ông không rụt rè nói ngay: - Khốn nạn, thì chính tai tôi nghe tiếng, chính mắt tôi trông thấy! Chẳng bao lâu cái dư luận không hay về ông Sinh đã gần mất hẳn. Và mọi người như lại có chút cảm tình với ông. Người còn tìm cách nói ông vẫn là Huyên, ông dò xét mãi và biết rằng bài vè là chính của chàng. Ông bèn tìm cách hoạnh họe chàng trong mọi công việc. Huyên như đã thất vọng nhiều và không còn thiết gì tới sự làm ăn nữa. Chàng ra vẻ không cần, bảo với các bạn: - Trù tớ thì tớ sợ quái gì! Làm thì làm không làm thì thôi! Thế rồi chàng vẫn cứ bảo với mọi người rằng sự thực thì là bởi “muốn cho già trẻ ung dung, chú tống bà cả khỏi vùng thành Nam”. Vừa nói chàng vừa hát lên hai câu đó trong bài vè của chàng. Ông Sinh tức tối quá. Thế rồi Huyên đi Hòa Bình. Huyên làm ra vẻ coi thường... Ngày ra đi chàng còn tới Sở để chào các bạn. Chàng bô bô nói to để ông Sinh nghe tiếng: - Tớ đã đổi hai câu vè cuối cùng của tớ rồi! Rồi chàng cất tiếng ngâm cho các bạn nghe: Muốn cho tránh được tiếng tăm. Chú bèn mời tớ đi thăm... xứ Mường. Họ cười lên với nhau, cũng có người muốn giữ kẽ, sợ ông Sinh để ý ghét bỏ, thì khó làm ăn, không dám cất tiếng cười to chỉ khẽ khúc khích ngầm trên đống sổ. Bắt đầu từ ngày Huyên phải đi Hòa Bình là ông Sinh được yên lòng sống bên Nga. Ngày hai buổi đi làm, tối ngoan ngoãn ngủ nhà. Có ai còn nhớ dai mà nhắc nhỏm đến chuyện ông ruồng bỏ vợ cả thì ông thản nhiên nói: - Tôi chẳng ruồng bỏ bà ta bao giờ, tôi vẫn quý bà ta như vàng. Nhưng bà ta cứ nhất định đi thì tôi biết làm thế nào! Không tin thì cứ hỏi ông Tùng, ông ấy đã biết rõ hết cả mọi điều rồi đấy. Việc gì tôi phải giấu giếm! Thế rồi ông cứ yên trí sống trong cái gia đình mới của ông, không hề bận lòng về vợ cả và mấy đứa con đã theo mẹ ra đi. Ông cũng chẳng hề thấy áy náy hối hận. Chẳng bao giờ ông để ý dò xét xem những người xa ông sống ra sao và bằng cách gì. Trong gia đình ông đã có Nga và đối với những người quen biết thì ông đã có Tùng. PHẦN THỨ TƯ “... Thưa mợ, con vẫn cố tằn tiện, chẳng dám tiêu phí một xu nào, nhưng cũng đã hết tiền. Tháng trước, mợ gửi cho con mười một đồng. Con trả tiền cơm sáu đồng, bốn đồng tiền xà phòng và mua giày. Con vẫn nhịn, không ăn quà sáng. Tháng này mợ gửi cho con mười đồng thôi cũng có thể được. Vì con mới tìm được một chỗ trọ chỉ mất có năm đồng. Nhưng mợ liệu gửi ngay lên cho con. Tiền học người ta đã đòi tới hai ỉần rồi, nếu để chậm quá người ta sẽ tạm đuổi...” Bà Sinh đọc đi đọc lại tới hai lần cái đoạn cuối cùng đó trong lá thư của Tài gửi về. Ở đoạn trên chàng chỉ chúc mẹ và em gái khỏe mạnh rồi chàng nói đến việc học của chàng có tấn tới nhiều. Cái đoạn ấy làm cho bà vui thích bao nhiêu thì tới đoạn cuối này bà lại thấy buồn nản bấy nhiêu. Nghĩ đến cái cảnh nghèo nàn trong gia đình bà chán nản đến nhỏ nước mắt. Khi trước, tất cả tiền lãi của Huệ và của bà dồn lại cũng được kha khá. Lúc đó Tài lại vẫn còn theo học ở tỉnh nhà, nên không tốn phí là bao. Vì vậy trong gia đình không đến nỗi túng thiếu. Nhưng từ hai năm nay thì có lẽ chưa tháng nào bà kiếm được đủ chi tiêu. Cái không may đã gây cho bà phải chịu nhiều nỗi đau khổ về đủ mọi phương diện là Huệ, người con gái lớn có thể giúp đỡ bà ít nhiều đồng lãi thì nay đã không còn nữa. Sau hai tháng giời ốm kịch liệt, nàng chết và để lại cho bà một món nợ lớn về tiền thuốc. Nghĩ đến cái chết của Huệ, bà không còn muốn tưởng sự làm ăn nữa. Suốt trong vòng hai tháng bà đã bỏ hết công việc để ra công săn sóc con mà cũng không có hiệu quả gì. Không một thứ thuốc nào có người mách mà bà không mua cho Huệ dùng. Và có ai giới thiệu một ông lang nổi tiếng thì dù xa xôi, tốn kém đên đâu bà cũng không hề quản ngại. “Người là vàng của là ngãi”, bà thường nghĩ vậy, và trong nhà không sẵn tiền thì bà lại cố đi vay ở những nơi quen biết. Có lẽ chưa bao giờ bà thấy băn khoăn lo lắng như hai tháng trời đó. Chia sẻ sự vất vả của bà trong khi phải chăm nom đến Huệ chỉ có một mình vú già. Vú đã không hề sợ bẩn thỉu hoặc chứng bệnh lây truyền. Vú lăn lóc bên Huệ, nào thay quần áo, nào lau mình cho Huệ. Rồi chiếu giường cùng chăn màn, vú luôn luôn thay giặt. Mỗi lần bưng vực cơm vào cho Huệ mà nàng lắc đầu từ chối không ăn, thì vú lại đứng khóc nức nở không khác gì một người mẹ khóc con. Lòng tận tâm của vú khiến bà Sinh không sao cầm được nước mắt. Cứ mỗi ngày tới lại làm vú thêm yếu sức và thêm chậm chạp, nhưng chẳng bao giờ bà Sinh nặng lời với vú. Có khi vú lẩn thẩn chẳng chịu làm gì, cứ loanh quanh bên giường Huệ, nhìn nàng rồi thút thít khóc. Bà Sinh có trách mắng thì vú lại cãi lại: - Khốn nạn, con không có công đẻ nhưng con cũng đã có công săn sóc cô con ngay khi còn tấm bé... - Nhưng nào nó đã chết đâu!... Vú thì thầm bên tai bà Sinh: - Bà đừng giận con, chứ con xem ra thì khó lòng mà sống được bà ạ. Người vú già đó đã dò xét bệnh trạng và cách ăn uống của Huệ từng tí và vú đã đoán không sai. Huệ xanh xao rồi gầy, gầy dần, không còn một chút sinh khí nào và chết. Khi gần nhắm mắt hẳn, Huệ đã thừa hiểu rằng mình không còn thể nào sống được nữa nàng cố kiếm vài lời nói lại với mẹ. Nhưng yếu sức quá nàng chỉ còn thốt được ra câu: - Con thương mợ quá! Bây giờ thành ra mợ chỉ có... một mình... Rồi nàng khóc, khóc không ra hơi, không ra tiếng. Bà Sinh biết rằng con mình muốn nói đến sự vất vả của mình và muốn bảo cho mẹ biết rằng từ nay nàng chết đi thì chỉ còn một mình bà phải lo liệu đủ mọi cái. Bà không cầm được nước mắt, cũng òa lên khóc. Huệ đưa hai con mắt lờ đờ nhìn hai em đứng ngay bên đầu giường. Bớt, đứa em gái út đã gần bốn tuổi và Tài đã ngoài mười ba tuổi; cả hai đều buồn rầu, yên lặng nhìn lại chị. Tài cố lấy vẻ bình tĩnh khẽ bảo chị: “Chị Huệ, em... em yêu chị... em... thương chị lắm...” Rồi Tài cũng theo mẹ khóc. Bớt vẻ mê sợ, chỉ biết ôm chặt lấy anh. Huệ còn hơi tỉnh, cũng hiểu cả nhưng không sao nói được ra lời. Nàng rất thương hai đứa em mà chính tay nàng đã trông nom săn sóc thực không khác một người mẹ. Đối với Bớt cũng như trước kia đối với Tài, nàng không hề tiếc sự khó nhọc trong công việc nuôi nấng dỗ dành. Chiều tới, cứ khi ở chợ về là nàng đã vồ vập ngay lấy em, hôn em rồi hỏi em hết chuyện này sang chuyện khác. Chẳng bao giờ nàng quên mua cho Bớt mấy xu bánh phồng - một thứ bánh bột có đường ngọt hơ than phồng to - mà Bớt rất thích. Trước khi tắt thở hẳn nàng tưởng như nàng đã để lại hai con mồ côi, từ nay không nơi nương tựa. Và tất cả người nàng lại nẩy lên vì một cơn khóc ngầm tận đáy lòng. Đau đớn nhất cho bà Sinh là khi Huệ đã chết, bà không còn đồng tiền nào trong nhà. Bà đã định về Nam Định nhờ chồng cấp đỡ, nhưng suy nghĩ mãi bà lại thôi và đi vay giật mấy người bạn để làm ma cho con. Bà cũng cho ông Sinh biết tin, nhưng ông cũng chẳng hề trở về đưa đám và cũng chẳng có một lá thư gửi về chia buồn, cái đám ma của Huệ thực là vắng ngắt. Trừ một vài người trong nhà chỉ có thêm mấy người quen và Tuất. Bà Sinh đã thấy rõ ràng Tuất khóc sướt mướt khi người ta khênh chiếc áo quan từ nhà ra ngoài. Bà không ngờ rằng Tuất đã thương yêu con mình đến thế. Trong khi Huệ ốm nàng luôn luôn tới thăm và mỗi khi bà cần tiền nàng sẵn lòng cho vay giật ngay. Tới nay mỗi khi nhớ đến Huệ, thì không còn gì làm bà sung sướng rằng, được gần Tuất và chuyện trò với nàng. Bà tưởng như Huệ còn để lại một chút gì trong người Tuất. Bà thành thân mật với Tuất đến nỗi bà đã làm quen với cả mẹ Tuất. Những lúc buồn bực bà lại tới nhà mẹ Tuất để than vãn cùng người bạn mới ấy. Có lẽ đó là nỗi đau khổ nhất bà Sinh phải chịu từ trước tới nay. Bà không thể nào nhớ tới Huệ mà lại không nhớ tới sự chăm chỉ, sự tận tâm và thứ nhất là lòng thương mẹ của nàng. Khốn nạn! Một đứa con lúc nào cũng chỉ muốn cho mẹ thoát khỏi cái vất vả và lúc nào cũng chỉ muốn quanh quẩn bên mẹ để an ủi mẹ lúc buồn bực. Đến nỗi về Kiến An được hơn hai năm, đã có mấy người muốn hỏi, chỗ giàu sang cũng có, chỗ trung bình cũng có mà Huệ cứ nhất định từ chối, để ở lại nhà với mẹ. Nàng nói là khi nào trong nhà đã đủ ăn tiêu hoặc Tài đã đi làm, kiếm được tiền để mẹ khỏi vất vả nàng mới chịu đi lấy chồng. Bà ngỏ lời khuyên can: - Thì con cứ lấy chồng đi, nếu chọn được rể hiền thì mẹ nhờ rể cũng được chứ sao! Có trai có gái, có thêm rể càng vui nhà con ạ. Nàng ra vẻ đã hiểu biết nhiều từ tốn đáp lời mẹ: - Thưa mợ, thế nào gọi là dâu con rể khách. Dù người ta có thật tốt bụng ra chăng nữa cũng không nên nhờ vả người ta, khi con có điều gì sơ ý người ta lại nhắc nhỏm tới sự nhờ vả đó thì mợ lại càng thêm phiền lòng. Như thế thì con không muốn. Mợ đừng lo lắng điều gì, cứ để con ở nhà giúp đỡ mợ là hơn. Ai thì cũng chẳng bằng được mẹ với con. Thế rồi đáng lẽ đi lấy chồng để được nhàn thân, nàng cứ nấn ná bên mẹ để sống một cuộc đời vất vả đầy lo lắng, đầy phiền muộn. Nàng đã như quên hẳn mình chỉ còn nghĩ đến mẹ và hai em. Đang lúc bà Sinh còn cần nàng hết sức giúp đỡ, thì nàng qua đời. Một cái chết như thế, tránh sao bà không khỏi nhớ tiếc. Nhiều khi bà suy nghĩ quá độ đến thành nóng nảy gần như có chứng điên trong người. Chôn cất cho Huệ xong bà Sinh lại càng thấy rõ rằng bà đã mất hẳn một kẻ nương tựa tốt. Từ nay trơ trọi còn lại một mình bà phải gánh vác cả. Người mẹ thì đã yếu sức quá, bà không còn thể hy vọng ở sự giúp đỡ của mẹ được nữa. Tiền chi tiêu trong nhà đã thiếu thốn lại việc học của Tài phải tốn thiếu nhiều. Vì nay Tài đã theo học ở trường Bưởi. Tất cả hy vọng của tuổi già bà Sinh đặt cả vào người con trai này. Chính Tài cũng biết vậy nên ngay từ khi còn học ở ban Sơ học trường tỉnh chàng cũng đã ra công chăm chỉ. Chàng đã hiểu rằng cần phải học để sau này kiếm được tiền giúp mẹ nên không khi nào chàng xao nhãng việc học. Thi đỗ Sơ Học Pháp Việt xong, chàng định sang theo học ở Hải Phòng. Nhưng bà Sinh thấy nhiều người bảo được vào trường Bưởi mà học thì sau này thi ra có phần chắc chắn hơn. Ngày đó Huệ còn sống mà lại buôn bán có lãi nhiều và học ở Hải Phòng hay ở Hà Nội thì mỗi tháng chỉ tốn hơn chừng hai ba đồng, nên bà đã khuyên Tài đi Hà Nội học. Nhưng không may cho bà, Tài chưa học hết một năm ở ban Thành Chung thì Huệ bị chết. Không lẽ bắt con thôi học, bà đành cứ cố gắng vay giật để con yên tâm mà học hành. Cứ như thế đã từ hai năm nay rồi. Bây giờ thì có lẽ bà không còn thể xoay xở vào đâu được nữa. Một mình Tài mỗi tháng ăn học ít nhất cũng mười hay mười một đồng. Mà từ ngày không còn Huệ, một mình bà hàng tháng chỉ kiếm được chừng gần hai chục bạc lãi là nhiều. Gửi đi cho con trai rồi còn lại ở nhà chỉ độ tám hay chín đồng. Rồi lại không may nữa cho bà là Bớt cứ luôn luôn ốm đau. Lên ba bốn tuổi rồi mà yếu ớt đến nỗi có khi đi không vững. Bà đã phải tốn không biết bao tiền thuốc cho cô gái bé. Bà đành cứ phải vay hết món nợ này đến món nợ kia. Món nợ của Thuyết bà chỉ còn chịu lại có hai chục đồng. Và bây giờ đối với bà, Thuyết đã gây lại cái cảm tình cũ vì nàng đã hiểu cái xảo quyệt của Nga, nhưng bà cũng không muốn vay mượn của nàng nữa. Không trả được hết món nợ cũ bà đã lấy làm khó chịu lắm rồi. Tất cả những người quen biết, cũng như Thuyết, không còn ghét bỏ khinh bỉ bà như hồi nào có cái tin đồn bà trốn nợ nữa, ai ai cũng đã thân mật với bà như ngày bà mới về Kiến An. Công việc tạm vay giật kể cũng dễ dàng cho bà, nhưng chết nỗi nơi nào bà cũng đã mắc nợ. Cả đến Tuất, người bạn cũ của Huệ, không lấy gì làm thừa ăn tiêu mà bà cũng đã hỏi vay tới gần ba chục đồng. Trong những lúc đi lại thăm mẹ Tuất, bà đã thấy rõ sự thiếu thốn trong gia đình Tuất nên bà cũng thành ngượng nhời không dám hỏi vay thêm. Tính gồm tất cả, hiện nay có lẽ bà đã nợ tới ngót hai trăm đồng. Tháng trước, tiền gửi đi cho Tài, bà đã phải đi vay từng đồng rồi cóp lại. Tháng này bà còn đang lo liệu thì đã liền hai lá thư của Tài gửi về. Bà không thể nào nghĩ đến con mà lại không đem lòng thương. Trong khi xa nhà, vì sự nghèo khổ đã chịu không biết bao nỗi cùng cực. Nghĩ tới cái nghèo khổ của mình và của con, đã nhiều lần bà muốn nghe lời mấy người quen mang việc ra tòa để xin chia lương, nhưng suy nghĩ mãi, bà lại thôi, vì bà sợ làm như thế thì câu chuyện riêng trong gia đình sẽ thành vỡ lở nhiều người biết đến rồi người ta lại chê trách bà là người tai ngược đã hám tiền của mà đi kiện chồng bêu xấu chồng. Cái nghèo có lẽ bà còn dễ mang hơn là cái tiếng xấu đó. Bà vẫn lấy chút tình riêng để cư xử hơn là muốn dùng tới pháp luật. Vì thế bà lại đành cam chịu với cái nghèo nàn thiếu thốn. Lá thư thứ nhất của Tài đã khiến bà lo nghĩ; lá thư thứ hai làm bà xôn xao quá, không còn thể tự chủ được, nhất là thấy Tài nói nếu chậm tiền học mấy ngày nữa sẽ bị tạm đuổi. Bà chỉ e rồi như thế con mình sẽ thành kém cỏi trong việc học. Chẳng còn biết nhờ ai trợ cấp. Bà đành chịu nghĩ đến sự giúp đỡ của chồng. Đã từ lâu một đôi khi bà cũng mường tưởng đến điều đó, nhưng lòng tự ái lại can ngăn bà ngay. Chỉ mới tưởng tượng trong óc là mình gọi cửa nhà chồng, lấm lét bước vào rồi nằn nì nói khó, chìa tay cầm lấy một món tiền của chồng đưa cho, bà đã thấy trong lòng bực tức khó chịu lắm rồi. Bà cho cái việc làm đó nhỏ nhen quá và tự hạ mình quá. Sự vay giật lại là một chuyện khác. Bà tự bảo: - Có hơn gì một kẻ ăn mày. Có hơn họa chăng chỉ là ở chỗ người này thì kêu van ngoài cửa, mà người kia thì vào hẳn trong nhà! Cái ý nghĩ đó đã khiến bà không còn mơ tưởng đến sự giúp đỡ của chồng. Nhưng lần này lá thư của Tài đã làm bà lại nghĩ tới cái dự định trên. Bà chẳng muốn vì lòng tự ái, tự kiêu của bà mà để cho con phải khổ, phải bị đuổi học. Có lẽ cái khổ của Tài bị đuổi, dù là tạm đuổi, còn to gấp ba bốn lần cái khổ bà chìa tay xin tiền chồng. - Ừ thì mang tiếng là đi ăn xin, bà nghĩ thầm, nhưng ăn xin để nuôi con ăn học thì cũng chẳng xấu mặt nào. Thôi thì cứ cố chịu nhục một tý cho nó đỡ khổ! Nghĩ vậy, rồi bà thu xếp đi Nam Định. Từ ngày đã làm cho bà Sinh phải xa cách hẳn chồng rồi, Nga cũng nghĩ đến việc làm ăn trong nhà. Dần dần nàng đã bỏ cái lối chơi bời, điếm đót và hoang tàng lúc trước. Đó là do tuổi nàng mỗi ngày một hơn, nên nàng nghĩ đến gia đình. Những sự từng trải đã khiến nàng hiểu rằng nếu chỉ nghĩ tới sự điểm trang chơi bời tất sẽ có ngày mang công mắc nợ, trong nhà sẽ thành túng bấn. Mà hẳn lúc đó thì người chồng sẽ đem lòng ghét bỏ mình. Vả lúc trước còn có người vợ cả thì nàng cần phải điếm đót, khoe sắc để cướp lấy lòng yêu của chồng chứ nay thì còn ganh sắc với ai. Bởi thế mà nàng đã trở nên một người nội trợ khá trong gia đình. Nghĩ đến mấy đứa con, nàng tằn tiện mọi khoản chi tiêu. Nàng đã thành một người vợ tận tâm, một người mẹ cần mẫn. Nàng không còn là một cô gái lẳng lơ, luôn luôn nũng nịu như trước nữa. Và cứ dựa vào công việc cùng cách thu xếp của nàng trong gia đình thì ai cũng phải tin rằng nàng đã là một cồ gái nền nếp, không ai dám bảo nàng đã là một ả giang hồ. Ông Sinh thấy nàng có vẻ tu tỉnh nhiều và về nội trợ cũng là kẻ đảm đang không kém gì nhiều người vợ hiền khác, ông càng đem lòng yêu thương hơn. Cái thời kỳ chơi bời, thích những cái lẳng lơ, nũng nịu bề ngoài của ông đã hết; nay ông “tu chí làm ăn” theo như lời ông thường tự bảo. Trong gia đình vì thế ông cần phải có người giỏi giang quán xuyến. Thì người đó ông rất sung sướng thấy rằng có thể là chính Nga. Bởi thế mà mối tình gặp gỡ giữa ông và Nga ông tưởng rồi sẽ có ngày phải tan sẻ, vì tuy có yêu Nga thực, nhưng ông vẫn nơm nớp sợ rằng những gái ả đào thường hay thay đổi tính nết, họ quen với cái cảnh họ đã sống rồi dễ thành chán người. Không ngờ ngày nay cái lo sợ đó đã mất hẳn trong lòng ông. Lại thêm bốn đứa con kháu khỉnh, xấp xỉnh gần bằng nhau, tựa như một sợi dây buộc chặt ông với Nga. Cái gia đình êm ấm trong đó có Nga mà ông đã yêu mến và bốn đứa con, ông thấy được đầy đủ, sung sướng. Cái cảm tưởng ấy đã khiến ông có thể quên được người vợ cả và hai đứa con trước. Một đôi khi nghĩ lại cái lúc còn sống riêng với người vợ cả, ông cũng hơi thấy thương thương, nhất là đối với Tài, đứa con trai đầu lòng đã mang lại cho ông những cái vui trong cuộc tình duyên thứ nhất. Nhưng ông hiểu rằng sự chung đụng không thể nào có được, và nếu còn có liên can với gia đình cũ của ông tất nhiên cái gia đình êm ấm trong đó ông đang sống sẽ có nhiều cái không hay. Vì thế mà ít khi ông nghĩ tới người vợ cả và hai đứa con đã bỏ ông để theo mẹ. Ông chẳng hề dò la xem đứa con bà Sinh đã có thai khi bỏ ông ra đi thì nay sinh đẻ ra sao. Và ngày được tin Huệ chết, ông cũng chỉ thấy buồn buồn trong chốc lát, rồi lòng ông lại bình tĩnh như cũ. Sự thực thì ông cũng định gửi thư về để chia buồn cùng vợ cả nhưng Nga vội gạt đi: - Thôi cậu đừng vẽ vời chia với nhân! Chết là chết, chia buồn cũng chẳng sống lại được! Ông Sinh đành chịu vậy, vì ông không muốn làm một điều mà Nga không bằng lòng. Cũng vì sự chiều ý người vợ lẽ như vậy mà dần dần ông đã thành quên hẳn các việc đã qua và chỉ còn biết đến hiện tại, biết đến Nga và bốn đứa con ông đã có với nàng, tưởng như ông cũng chỉ có một người vợ như nhiều người khác. Về phần bà Sinh thì từ ngày trở về Kiến An ở với mẹ, tính ra đã hơn sáu năm. Trong khoảng đó, bà chẳng có dịp nào đi Nam Định và cũng chẳng bao giờ bà được gặp mặt chồng ở một chỗ nào. Bà chỉ được nghe tin mấy người quen nói lại rằng ông Sinh vẫn ở chỗ cũ, được tất cả bốn con, hai trai, hai gái, và cũng đủ ăn tiêu, không túng thiếu. Hôm đi Nam Định, thấy nói chồng vẫn còn ở chỗ cũ, lúc ở ô-tô xuống bà lại đó ngay. Bà có quen biết nhiều người ở Nam Định, nhưng bà không hề tới nhà ai để thăm nom. Bà chỉ mong chóng gặp chồng để xem công việc xin tiền cho con ra sao rồi lại về ngay Kiến An. Bà còn phải trông nom vào cửa hàng. Bà tới nhà chồng vào lúc chồng đã ăn cơm xong và gần đi ngủ trưa. Ông Sinh và Nga rất lấy làm ngạc nhiên khi trông thấy bà. Bà cũng giữ lễ độ chào chồng và chào cả Nga. Nàng ra dáng kiêu hãnh chỉ khẽ gật đầu. Cái cử chỉ ấy đã khiến bà Sinh tức tối, như hơi hối hận rằng mình đã tới đó và bà chỉ muốn ra thẳng ngay. Nhưng đã tới nơi thì cũng nói ra câu chuyện. Ông Sinh khẽ nói, chỉ chỗ cho bà ngồi. Hai người tiếp nhau như hai khách lạ, chưa hề quen biết một lần nào. Bà Sinh đưa mắt ngắm lại gian nhà ở đó bà đã sống những ngày vui, buồn. Gian nhà trang hoàng sạch sẽ, trông có vẻ một gia đình giàu có. Nào tranh ảnh, treo ngổn ngang. Đồ đạc đánh bóng sạch sẽ và có vẻ đắt tiền cả. Nhớ lại gian nhà gạch thấp tè, gần đổ nát bà ở với mẹ, bà thấy như đó là một thế giới xa lạ quá. Sự ghen tỵ nảy nở trong trí bà, khi bà nghĩ rằng đáng lẽ chính bà được sống trong cảnh đó mà không ngờ đã có kẻ cướp giựt của bà khiến bà phải khổ sở. Mấy đứa con của Nga thấy người lạ cứ trố mắt nhìn. Đứa con trai lớn nhất lên tám tuổi, Nga đẻ khi bà còn cùng ở chung, đang sửa soạn để sắp đi học chiều. Mấy đứa trẻ đều ăn mặc chỉnh tề cả, con gái thì quần sa tanh trắng áo màu, đi sandales, con trai thì quần áo tây, giày jaunes đánh bóng loáng. Trông thấy đứa con trai nhớn của Nga đầu đội mũ, mặc chemise lụa, quần tây trắng, tay cắp chiếc cặp da xinh xắn còn mới, bà lại nhớ tới hồi Tài còn nhỏ học ở Nam Định, quần áo rách rướỉ, thiếu cả cuốn sách tập đọc phải đi mượn và cho đến bây giờ không có tiền để trả tiền học, bà uất trong lòng, thấy rõ những cái bất công gây nên bởi chồng bà đã nhạt tình với bà và bởi người vợ lẽ đã khôn khéo, xảo quyệt chia rẽ bà ta. Trước cái đầy đủ, no ấm của gia đình chồng bà, bà chỉ nghĩ đến sự so sánh. Và cái chênh lệch giữa bà và Nga lại khiến bà thèm hộ các con mình cái cảnh sống an nhàn đó. Sự hối hận lúc đó lại càng lên tới bội phần. Bà nghĩ thầm: “Thà chẳng đặt chân tới đây cho xong. Trông thấy người ta sướng lại chỉ thêm thương mình và thương con”. Và trong lúc đó, bỗng nhiên bà có cái mong ước cho chồng và Nga cũng nghèo khổ như mình để bớt cái kiêu hãnh. Bà cũng nhận thấy rằng cái ý muốn ấy nhỏ nhen quá vì “người ta” có nghèo nàn như mình bây giờ chăng nữa thì phỏng mình có được cái gì là sung sướng. Nhưng nó cũng hả cái uất ức, cái giận ngấm ngầm trong lòng bà tự nghĩ thầm. Chồng bà đã kéo chiếc ghế ngồi bên bà. Ông cũng vẫn còn yên lặng. Vì lâu ngày hai vợ chồng không gặp nhau nên cả hai đều ngượng ngùng. Bà Sinh không muốn ngồi lâu trong nhà chồng nên đánh bạo nói trước để xem ra sao rồi còn về Kiến An: - Tôi muốn đến phiền ông một tý. Tôi cũng chẳng muốn quấy rối ông làm gì, nhưng vì mấy năm nay mẹ con tôi nghèo nàn quá... Bà bỗng nghẹn ngào, như muốn khóc. Bà vẫn cho rằng nghèo không phải là một cái xấu, nhưng chẳng hiểu sao nói lại cái nghèo của mình cho kẻ khác thì bà vẫn giữ được vẻ thản nhiên mà nói lại với chồng thì bà lại thấy như tự hổ, nghẹn lời. Bà ngừng nói một lúc như để giấu những hạt nước mắt ngấm ngầm trong lòng rồi lại nói tiếp: - Chẳng còn biết trông cậy vào ai nên tôi mới phải thân chinh về đây để nhờ ông giúp hộ. Bà nghĩ rằng nếu đã không nói ra thì giấu hẳn, mà đã nói thì cứ thực thà nói đủ mọi lời là hơn. Bà kể lể thêm: - Giá tôi còn có thể vay giật được thì tôi cũng đi vay, nhưng chỗ nào cũng trót nợ nần mất rồi mà không trả được nên không dám hỏi vay nữa. Nếu ông có giúp hộ là cho thằng Tài nó ăn học chứ không phải tôi mang về mà tiêu pha việc riêng. Muốn chứng tỏ sự thiếu thốn của con giai, bà lấy ở túi ra lá thư của Tài đã gửi về xin tiền. Bà vừa đặt lá thư trên bàn vừa nói: - Đây, ông xem rồi ông sẽ biết, chứ không phải là tôi tìm cách nói dối ông. Trong khi bà Sinh nói lại cảnh sống của mình cho chồng nghe, thì Nga đứng rình ở trong một xó nhà. Nàng cũng định ra ngồi bên chồng, nhưng e có nàng bà Sinh sẽ không nói hết sự thực. Nàng như thấy lòng tháo cởi, khi thấy người vợ cả kêu than về nỗi túng thiếu. Và nàng hơi tự kiêu khi thấy bà Sinh phải hạ mình nhờ chồng mình giúp đỡ. Nàng nói thầm một mình: - Thế mới sướng một đời! Ông Sinh đọc xong lá thư, ông đã thấy cái khổ của Tài trong sự ăn học. Ông cũng đem lòng thương con, nhưng công việc giúp con cũng còn phải quyền ở Nga đôi chút. Ông gấp lá thư lại, vẻ suy nghĩ. Dù sao đứa con đầu lòng đó đối với ông cũng là kẻ vô tội, và đáng lẽ nó cũng được sống đầy đủ như nhiều đứa con đang sống với ông thì tình cờ nó đã sa vào cảnh cùng quẫn. Ông thấy mình có trách nhiệm nhiều trong cái khổ của đứa con này. Nhưng ông cũng chưa dám tự quyết định ra sao. Bà Sinh đưa mắt nhìn ông: - Ông cũng nên thương đến nó một tý. Dù sao nó cũng là con ông, thuở nhỏ ông cũng đã ôm ấp bồng bế nó mãi. Mà nó cũng chẳng có lỗi gì. Nếu có tội, họa chăng chỉ có tội... Bà còn muốn nói nhiều, kể lể nhiều nữa, nhưng đến đó bà lại phải ngừng nói, e rồi đến phát khóc trước mặt chồng rồi Nga lại ngờ vực là đã khéo vờ vịt giở “cái lối phường tuồng” để kiếm chút tình thương của chồng mà cầu cái lợi về tiền tài. Ông Sinh vẻ thản nhiên bảo vợ cả: - Nào tôi có muốn con tôi bây giờ phải khổ như vậy. Tôi đã nhờ người đi tìm bà về kia mà... Nghĩ đến cái khổ của Tài và sự giả dối của ông trong khi ông nhờ ông Tùng đi tìm vợ về ông bỗng thành áy náy, băn khoăn khó chịu. Lúc đó sự hối hận đã tràn ngập tới lòng ông. Nếu quả thực ông đã thực thà ước mong vợ và mấy đứa con trở về với mình thì nay ông cũng không đáng tự trách cho lắm. Dù sao, ông cũng đã không phải là kẻ vô tình. Nhưng việc ông làm chỉ là một sự cầu rửa tiếng xấu nên cái giả dối đó lại càng làm ông thêm bực tức với chính ông. Ồng không còn biết nói thêm gì nữa, đành ngồi yên, không dám đưa mắt nhìn vợ. Thấy chồng nhắc nhỏm lại chuyện cũ, Nga ở trong nhà cũng thừa dịp ngó ra rồi nối lời: - Sao cô Huệ cô ấy không sống cố lấy vài năm nữa để mà xui bạn bè chửi bới, nói xấu tôi! Bà Sinh nghe lời Nga nhớ ngay là nàng muốn nhắc lại cái chuyện nàng bị Huệ và Tuất đánh mắng mấy năm trước. Câu chuyện đó, Huệ có kể lại cho bà biết. Và bà rất tiếc rằng con mình đã gây cái điều không hay đó. Bà ngỏ lời mắng con. Huệ thì cứ bảo mẹ: - Thế đã thấm vào đâu! Nó còn làm mợ khổ nhiều chứ! Sự thực thì có vậy. Nhưng bà vẫn muốn tỏ ra là người đứng đắn, không muốn gây sự lôi thôi như vậy. Bà cho câu chuyện đó có tính cách trẻ con và bà đã quên ngay được. Không ngờ nay Nga lại nhắc lại. Chính câu chuyện chẳng có gì khiến bà suy nghĩ nhưng bà khó chịu nhất là cái câu nói và giọng nói của Nga có vẻ châm biếm nhạo báng bà và cả đến đứa con đã qua đời của bà. Đáp lại câu nói của Nga bà Sinh lấy vẻ bình tĩnh như tỏ ý không thèm chấp những cái nhỏ nhặt. Nhưng sự thực trong lòng bà lúc đó xôn xao không biết bao tính tình thù ghét Nga và nhớ tiếc đứa con yêu quý của mình. Nga e sợ rằng chồng sẽ giúp đỡ dăm bảy chục cho bà Sinh bèn vội vàng cao tiếng với chồng: - Mình xem có thể vay tạm đâu được không... Rồi nàng ngọt ngào đổi giọng như muốn tỏ ý thân thiện với bà Sinh: - Nếu có thể vay mượn ở đâu được thì cũng cố mà giúp chị ấy ít nhiều. Chồng chưa kịp nói gì, nàng lại vội thêm ngay: - Đi làm thì cứ hết tháng lĩnh lương là hết tiền, còn đâu mà dành dụm. Bà Sinh biết ngay là Nga đã khôn khéo dùng câu đó ra vẻ như khuyên chồng nên giúp đỡ, nhưng sự thực chỉ ngụ ý muốn bảo thầm là không có tiền đâu mà giúp đỡ. Bà thất vọng thở dài. Ông Sinh cũng đã hiểu cái ý riêng trong câu nói của Nga, nên cũng trả lời vợ cả để lấy lòng vợ hai: - Đi vay rồi cũng còn phải nghĩ đến giả chứ! Bà Sinh thấy ngay rằng chồng mình và Nga như đã ăn điệu với nhau để từ chối. Bà cố lấy giọng từ tốn: - Có sẵn thì giúp tôi chứ đã phải đi vay thì thôi. Nga ra vẻ thương bà: - Chị đừng ngại. Vay rồi để cậu trả góp dần... Bà Sinh biết rằng đó chỉ là câu nói chước bài, và còn ngồi lại đó chỉ thêm khó chịu, bà cầm lá thư của con rồi xin về. Ra ngoài phố, bà thấy chán nản vô cùng. Bà không ngờ rằng sau sáu năm xa cách chồng, sống trong cảnh nghèo bây giờ là lần thứ nhất bà đặt chân tới nhờ chồng giúp đỡ mà đã bị từ chối như vậy. Nhớ lại cái ngày Huệ chết, bà định về Nam Định xin tiền chồng để làm ma cho con, bà không khỏi tự bảo: - Giá cái hồi đó mà chờ bố để kiếm tiền mua ván vải thì có dễ đến phải bỏ thối trong nhà! Cái ý nghĩ đó lại khiến bà nhớ lại ngày còn Huệ trong gia đình. Và cái cảnh nàng đi chợ về rồi xúm nhau lại làm thức ăn, nghe Tài nghêu ngao học bài hoặc hát ru em, cùng nhau khúc khích vui cười vang nhà lại hiện rõ trong trí nhớ bà. Đó là những ngày vàng trong quãng đời xa chồng của bà. Nhớ tới đứa con đã chết đi và đứa con đang bị thiếu thốn trong khi chồng và Nga cùng lũ con của nàng được sung sướng trong sự đầy đủ, bà uất ức tưởng như có vật gì nặng đè trên ngực bà. Lòng chán nản, vẻ người đờ đẫn như không hồn, bà đủng đỉnh bước một ra bến ô- tô để trở về Kiến An. Như lời trong thư viết về Kiến An cho mẹ, Tài đã dọn tới một chỗ trọ khác, vì ở đó rẻ hơn được một đồng. Cái lợi đó đối với người khác không là bao nhưng đối với chàng cũng là đáng kể. Không những chỉ một đồng, chàng đã phải tằn tiện tính toán hơn thiệt từng xu. Giấy chàng dùng ở nhà trường thường thường chàng mua hạng xấu nhất. Chỉ rẻ hơn được ba bốn xu là cùng nhưng chàng vẫn nghĩ rằng hà tiện được xu nào càng hay. Còn phải phòng xa những lúc ngòi bút hỏng, hoặc cây chì đã cùn hết. Trước kia chàng trọ ở phố Quan Thánh, trên một chiếc gác nhỏ. Bà chủ là người bán than. Tất cả gian nhà là cửa hàng. Còn khu gác hẹp bà ngăn ra làm đôi, phần trong là chỗ hai vợ chồng bà và một đứa con, phần ngoài bà dành cho Tài và một người nữa cũng trọ học như chàng. Tất cả cái phần đó chỉ kê vừa một chiếc bàn con và một cái giường tre. Hai vợ chồng người chủ trọ thì rất khắc nghiệt. Tiền cơm bao giờ cũng bắt đưa trước. Hôm Tài mới dọn tới người vợ ngọt ngào bảo Tài: - Vì nhà còn rộng, tôi muốn thổi cho vui nhà. Mỗi tháng có sáu đồng bạc, chẳng lãi lời gì. Vậy tiền cơm xin cậu trả đầu tháng. Hai tháng đầu, chàng đã đưa tiền cơm ngay từ ngày mồng một. Cả hai vợ chồng ra chiều âu yếm săn sóc chàng lắm. Nhưng sang tháng thứ ba, chàng mới chậm trả chừng hơn một tuần lễ mà người vợ đã nói bóng nói gió. Bà bảo thằng ở: - Liệu mà thổi bớt gạo đi! Hết tiền đong gạo rồi đấy! Có khi bà ta còn sỗ sàng hơn: “Thổi cơm trọ mà chẳng khác gì người đi nuôi báo cô! Mình cũng là cái thân tội”. Người cùng ở với chàng thì vẫn thản nhiên, vì người đó vẫn trả đủ tiền vào đầu tháng. Chỉ có Tài là thấy bực tức, nhưng cũng chẳng còn biết nói lại ra sao. Hôm nào phải thức khuya một chút là bà ta kêu tốn dầu và lại nói to tiếng một mình: “Tháng sau thì đến xin hàng! Lãi lời gì mà đeo đẳng mãi!” Người cùng ở với chàng nghe câu ấy cũng như thấy khó chịu, rồi thành hậm hực, ghét chàng và giục chàng trả tiền cơm. Chàng tức tối lắm, nhưng chỉ biết trả lời: “Tôi chưa có thì anh bảo làm thế nào!” Chàng rất lấy làm khó chịu rằng người bạn đó đã không hề có một chút cảm tình với chàng. Người ấy học ở một trường tư và như ghen tỵ với chàng là một học sinh trường Bưởi tuy chàng không bao giờ kiêu hãnh về cái trường chàng học bao giờ. Một cái khó chịu nữa cho chàng là hai vợ chồng người chủ trọ cứ luôn luôn đánh nhau cãi nhau. Mỗi ngày ít nhất là một lần. Thực là một nơi bất tiện cho sự học nhưng Tài cũng đành phải ở vậy. Cái chỗ chàng mới dọn đến thì ở trong ngõ Yên Thành. Chỗ trọ này cũng chẳng hơn gì chỗ cũ và chàng tới chỉ vì rẻ hơn. Hai gian nhà gạch thấp lè tè, nền đất ẩm, không có qua một chiếc cửa sổ. Chiều tối, chưa tối hẳn trong nhà cũng đã phải thắp đèn, vì nhà làm theo lối cổ, hai mái úp hẳn xuống, ánh sáng mặt trời rất khó len vào được. Dọn tới đó, Tài gửi luôn ngay thư về cho mẹ biết. Thư được gửi đi mấy ngày chàng ngóng đợi thư của mẹ và ngân phiếu. Chàng đã thất vọng và hoàn toàn chán nản khi nhận được tin mẹ bảo rằng đã hết cả tiền và không còn biết vay giật vào đâu được nữa. Chàng tức tối, khó chịu nhất là mẹ kể lại câu chuyện nhờ cha mình giúp đỡ mà đã bị từ chối không được lấy một đồng nào. Chàng cáu kỉnh, không bằng lòng mẹ vì đã hạ mình nhờ cha giúp đỡ. Chàng biết rằng hiện nay cái món lương của cha đã khá to và tuy không còn chung sống nhưng cha mình vẫn lĩnh lương vợ và lương con tức là cái gia đình riêng của mẹ chàng hiện thời, nhưng chàng không hề nghĩ đến nhờ vả cha. Chàng đã cố quên hẳn người cha đó và không hề có thư từ đi lại từ ngày chị chàng chết, mẹ chàng có báo tin mà không thấy cha về thăm hỏi. Lòng thương chị, chết trong sự ghẻ lạnh của người cha đã khiến chàng có một ác cảm thấm thía mà từ trước chàng chưa hề có đối với cha chàng. Chính cái việc đó đã nhiều lần làm chàng nghĩ rằng: “Đối với chị mình mà cũng không có chút tình nghĩa cha con, thì ắt đối với mình hẳn cũng đến thế!” Ngay trong lúc túng thiếu, chẳng bao giờ chàng nghĩ đến sự gửi thư cho cha để xin tiền. Lần này thấy mẹ nói trong thư là chính mẹ mình đã thân chinh đi Nam Định để nhờ cha cứu giúp mà lại bị từ chối chàng thấy uất ức chẳng khác gì chính chàng đã làm cái việc đó. Chàng lấy làm lạ rằng mẹ chàng lại có thể hạ mình đến như thế được vì chàng cũng đã hiểu rằng mẹ chàng là người rất giàu lòng tự ái. Chàng không hề nghĩ rằng chỉ vì lòng thương con mà mẹ mình, đã phải đành liều vậy. Mấy ngày liền chàng thành lo nghĩ. Học hành cũng thành trễ nải. Chàng không còn hy vọng gì có thể học được nốt hai năm nữa để thi ra. Buồn nhất cho chàng là dọn tới nhà trọ được mấy ngày thì bà chủ hỏi tiền cơm. Trước chàng còn nói dối khất lần. Sau chàng đành thú thực với bà ta là nhà nghèo và còn phải chờ mẹ đi vay mới có tiền trả. Chàng đã thành thực kể cả câu chuyện riêng trong gia đình mình cho bà chủ nghe. Chàng không hề giấu giếm một điều gì. Bà chủ trọ mới này tuy nghèo nhưng rất sẵn lòng thương người. Chỉ mới nghe Tài kể chuyện mà bà đã cảm động đến nỗi khóc lóc như một đứa trẻ con. Và từ đó bà không hề thúc giục đòi hỏi tiền cơm của chàng nữa. Muốn cho chàng được yên lòng, bà dịu dàng bảo chàng: - Cậu đừng lo nghĩ gì, cứ vui lòng mà học hành. Tiền cơm bao giờ cậu đưa cũng được. Chẳng có đáng là bao, mỗi tháng năm đồng bạc chứ mấy. Tôi không giàu nhưng cũng có thể tạm cấp đỡ trước cho cậu vài ba tháng. Bà lại còn luôn luôn săn sóc đến chàng tựa như một người mẹ săn sóc con. Bà vá quần áo cho Tài, có khi lại còn giặt giũ hộ chàng nữa để chàng có thêm thì giờ mà học. Tài rất cảm động về lòng tốt của bà chủ mới này. Những lúc rỗi rãi chàng chỉ quanh quẩn bên bà để chuyện trò, để có cảm tưởng như luôn luôn được gần gụi chính mẹ đẻ của chàng. Bà cũng thực thà nói chuyện riêng của bà cho Tài nghe. Chàng được biết chồng bà và đứa con trai lớn làm ở mỏ than Hòn Gay, đứa con trai thứ hai làm bồi cho một người đội tây ở Cẩm Phả, tháng tháng bà vẫn nhận được tiền của hai con gửi về. Tiền ấy bà muốn dành dụm để lấy vợ cho hai con; nên bà mới nhận thổi cơm trọ cho mấy người học trò để kiếm thêm đồng lãi cho sự chi tiêu của một mình bà ở nhà. Hai gian nhà là của đời ông để lại, không phải mất tiền thuê. Bà rủ rỉ nói với Tài: - Vừa để kiếm đồng lãi hộ thân vừa để cho nó vui nhà cậu ạ. Một mình tôi lủi thủi suốt ngày cũng buồn. Tuy tôi đã ngoài bốn mươi nhưng nhờ giời vẫn còn được mạnh chân khỏe tay, ngày hai bữa thổi nấu cho các cậu cũng chẳng có gì là khó nhọc. Thấy Tài nói là còn thiếu tiền học và sợ nhà trường tạm đuổi, bà không hề ngần ngừ cho chàng vay ngay bốn đồng. Tài sung sướng đến chảy nước mắt. Chàng được yên tâm để học hành. Nhưng chàng lại nghĩ rằng chịu tiền cơm và giật được tiền học của bà chủ là một điều dễ nhưng còn phải làm thế nào để có mà trả lại. Mẹ chàng thì đã nghèo lắm rồi. Chàng bèn nhờ mấy người bạn và mấy người quen tìm hộ chỗ dạy học ở tư gia. Không được một chỗ nào. Chàng lại gửi tới một tuần báo nhờ đăng trong mục “Cầu ô” để xin chỗ dạy học. Cái nghèo nàn thiếu thốn trong đó chàng đang sống không hề làm chàng thất vọng về tương lai. Chàng thấy mình rất có thể gắng công để ra thoát được cái nghèo đó và rồi chàng sẽ được biết những ngày sung sướng, nghĩa là có thể đủ để mà theo học cho đến khi thi ra được. Chàng vẫn hy vọng mong đợi. May mắn cho chàng, một tuần lễ sau thì có mấy người viết thư hỏi mượn. Phần nhiều là người có con đã đi học, chỉ cần chàng để giảng giải thêm bài ở nhà trường. Chỗ nào cũng chỉ trả được sáu, bảy đồng là cùng. Mà nhà nào cũng muốn chàng dạy vào buổi tối. Sau hết chàng nhận hai chỗ và thu xếp một chỗ dạy buổi tối một chỗ dạy buổi trưa. Nghĩa là không trùng vào giờ học của nhà trường. Tất cả mỗi tháng chàng kiếm được mười ba đồng. Đối với chàng cũng là thừa thãi để trả tiền ăn, tiền học và sách vở cùng tiêu vặt. Chàng báo cái tin mừng đó cho bà chủ trọ. Bà cũng sung sướng như chàng. Chẳng phải bà sẽ được Tài trả nợ, nhưng bà thấy chàng đã kiếm được tiền để mẹ chàng khỏi phải lo lắng vì chàng. Lần đầu tiên chàng thấy kiêu hãnh rằng mình đã kiếm ra được tiền không còn phải quỵ lụy đến ai và khiến mẹ đỡ vất vả. Chàng có cái sung sướng, cái kiêu hãnh của một kẻ sống tự lập và một đôi khi chàng lại quá khích, đem lòng khinh những bạn bè nhờ vả vào cha mẹ mà đài điếm. Có một điều làm chàng khó chịu là chàng rất ít thì giờ để học. Hôm nào chàng cũng phải thức khuya đến tận quá nửa đêm mới làm và học xong các bài. Có khi chàng phải thức tới mãi một giờ sáng. Chàng sung sướng không thấy bà chủ kêu ca về nỗi tốn dầu như bà chủ trọ trước. Khi đã tìm được chỗ dạy học, chàng viết thư về báo tin cho mẹ biết ngay. Chàng đã không quên kể cả chuyện bà chủ trọ cho vay tiền học và rất săn sóc tới mình. Bà Sinh thấy vậy cũng vui lòng. Nhưng bà vẫn thương con về nỗi như thế thì sẽ bị vất vả quá rồi thành ốm đau. Thỉnh thoảng bà lại viết thư khuyên con không nên tham lam mà thức khuya nhiều để hại tới sức khỏe. Bà cũng ngỏ lời hỏi thăm bà chủ trọ. Và bà còn ước mong bao giờ rỗi rãi sẽ lên thăm bà chủ trọ có lòng tốt đó. Về phần Tài chàng rất muốn nghe lời mẹ, e rồi bị ốm lại khổ mẹ phải chạy tiền thuốc thang. Nhưng chàng vẫn phải thức khuya và dậy sớm mới có thể làm được đủ bài. Nhiều khi thấy sự cần cù học tập của mình chỉ có một cốt đích là để sau này có thể kiếm được tiền, chàng thấy cái mục đích về sự học của chàng có vẻ thấp kém quá. Chàng lại mơ ước và thấy cái sung sướng vô cùng về sự học chỉ để lấy biết, để vun trồng cho tinh thần, cho tình cảm mình. Mỗi khi nghĩ đến cái sung sướng và cái học không cầu lợi đó, chàng chỉ biết tự an ủi bằng câu: - Hoàn cảnh bắt vậy thì biết làm thế nào! Từ khi không còn phải lo lắng đến tiền ăn học của Tài, bà Sinh cũng đỡ buồn. Tuy bà đã thấy mình yếu sức nhiều vì đã trở về già, nhưng bà cũng vẫn cố chịu khó gắng sức làm lụng, dành dụm. Bớt, cô con gái út của bà đã gần lên bảy. Bà cũng cho theo học ở trường tỉnh nhà. Mục đích của bà chẳng phải mong cho con làm cô giáo như nhiều người tưởng; bà chỉ muốn con sẽ có thể đọc được, viết được để thỉnh thoảng có tính toán tiền nong hộ bà. Và cũng để sau này nếu có lấy chồng nghèo thì còn “biết đôi ba chữ mà buôn bán nuôi nhau”. Bà định chờ cho Bớt lớn thêm vài ba tuổi nữa, bà sẽ chăm nom dạy thêm công việc bếp nước và các cách buôn bán. Bà vẫn nghĩ rằng dạy sớm được ngày nào hay ngày ấy; bà chỉ lo khi bà đã nhắm mắt qua đời, con bà hãy còn kém dại, chưa biết qua một chút gì về công việc trong gia đình. Đối với bà thì cái cách dạy dỗ đó là một cách phòng thân cho con gái, một lá bùa hộ mệnh về tương lai. Bà vẫn sợ sau này Bớt đi lấy chồng mà lại bị sa vào cái cảnh chồng ruồng bỏ như chính bà thì lúc đó đã có một nghề trong tay mà nuôi con, khỏi phải khổ sở như bà hiện thời. Hơn nữa bà còn muốn gây cho con một cái vốn riêng để giữ lấy phòng lúc có chuyện không hay với chồng. Đối với Tài thì cái điều đó không làm bà quan tâm cho lắm, bà tin rồi chàng sẽ thi đỗ và sẽ có việc làm. Xong bà cũng muốn dành dụm để sao cho Tài có đủ mà theo học, không phải đi dạy học nữa để có thêm thì giờ mà học cho dễ đỗ. Với cái dự định trên đây, bà luôn luôn chăm chỉ suy nghĩ tới việc buôn bán. Cửa hàng thì vẫn như cũ, nhưng bà lại buôn thêm cau tươi và cau khô. Cứ nửa tháng hay hơn nửa tháng bà lại giao cửa hàng cho mẹ ở nhà rồi về hạt Thanh Hà cất cau. Ở vùng đó lại nhiều gà vịt, nên mỗi lần đi cất cau bà lại còn buôn thêm mấy chục gà hay vịt và chừng vài trăm trứng. Mỗi chuyến như thế cũng lãi được chừng một hai chục đồng. Nhờ đó mà bà đã trả được các món nợ và có một cái vốn. Bà mở thêm xưởng bán củi. Nhiều khi bà thấy như không đủ sức để cáng đáng đủ mọi việc nhưng nghĩ đến hai đứa con bà lại kiên tâm làm lụng. Mẹ bà thì đã già, Bớt còn nhỏ. Các việc đều do bà thu xếp. Trước kia thì còn trông mong vào Huệ. Ngày nay Huệ đã không còn nữa, rồi vú già cứ mỗi ngày càng thêm chậm chạp. Nhất là từ ngày Huệ chết, vú cũng thành buồn bực quá, và nhiều khi thành lười lĩnh chẳng còn thiết gì tới công việc trong nhà. Bà cũng không dám trách mắng gì vú, bà đã biết đó là chỉ bởi sự thương Huệ mà ra. Nhưng thỉnh thoảng bà cũng nhẹ lời bảo vú: - Vú phải vui vẻ mà giúp đỡ tôi mới được chứ. Bây giờ con Huệ đã chết rồi vú cũng thành chểnh mảng thì mọi cái dồn cả cho tôi ư? Vú thương nó thì cũng phải thương đến tôi, đến thằng Tài, con Bớt nữa chứ. Phải nghĩ đến sự làm ăn để nuôi nhau chứ, sao vú lại cứ buồn phiền mãi thế! Nghe câu nói, vú cũng lại chăm chỉ làm được chừng vài hôm, rồi lại trở lại như cũ, chậm chạp, uể oải và một đôi khi ngớ ngẩn. Không còn cách gì để sửa chữa cho người vú già, sau hết, bà cũng đành mặc vú làm ăn ra sao tùy ý. Mỗi lần cần đến một người có đôi chút sức khỏe hơn bà trong việc buôn thì bà lại nhờ tới Tuất. Vì từ ngày Huệ chết đi, bà vẫn đi lại chơi bời với mẹ Tuất và vẫn thường dặn Tuất lại chơi với bà. Đối với Tuất bà coi như người con gái lớn của bà; bà cũng khuyên răn, dạy dỗ và nhiều khi bà cũng chiều chuộng như đứa con một trong nhà. Bà thấy Tuất đã tới hai mươi ba, hai mươi bốn mà chưa có đám nào dạm hỏi, một đôi khi bà cũng đem lòng thương nàng, e sợ cho nàng sẽ sa vào cảnh ế chồng. Đã có khi bà nghĩ đến cách mối manh hộ Tuất nhưng cũng không có kết quả gì. Bà vẫn áy náy, không biết rồi sẽ trả ơn lòng tốt của Tuất bằng cách gì. Mỗi lần gần nàng bà chỉ nghĩ đến sự tỏ tình thương mến nàng và săn sóc đến nàng. Nhờ có sự giúp đỡ của Tuất mà trong việc buôn bán của bà nhiều khi cũng được dễ dãi hơn lên đôi chút. Và cũng vì thế mà không bao giờ bà nản lòng. Ngày nào cũng vậy, bà dậy ngay từ bốn năm giờ sáng gọi vú già mở cửa hàng, quét nhà. Còn bà thì xếp các thứ hàng ra bày trước cửa nhà rồi thăm lại xưởng củi, giục người xay bột, rán mỡ để làm nhân bánh. Hết việc này sang việc khác, chẳng bao giờ bà chịu ngồi yên một chỗ. Bà vui vẻ với những công việc vụn vặt trong nhà. Chẳng bao giờ bà thở than vì đã phải bận rộn suốt ngày. Bà chỉ lo lắng không có việc để được bận bịu, ngồi rỗi lại chỉ nghĩ đến những cái khổ sở trong cái kiếp chồng chung của bà. Một buổi sáng hè, mặt trời vừa mới mọc nên không nóng quá. Thỉnh thoảng một luồng gió đông mát thổi động trong khu vườn. Bà Sinh và Tài ngồi trên chiếc chõng tre kê trong khoảng bóng rợp của gian nhà bếp in dài trên khu sân con. Cái mát của ban đêm còn đượm không khí trời buổi sáng khiến Tài thấy người khoan khoái, nhẹ nhàng. Chàng đưa mắt ngắm mảnh vườn ở phía trái. Muốn tằn tiện kiếm thêm chút lời cho nhà, mẹ chàng đã trồng hai luống rau cải và rau đay, chỉ còn dành một khoảng đất rộng chừng bằng nửa chiếc chiếu giồng hoa hồng để lấy hoa cúng những ngày mồng một và ngày rằm. Giữa khu vườn là cây hoàng lan cao vót rủ cành. Phía bên phải là chiếc bể đựng nước mưa. Tài ngắm nghía cái cảnh sơ sài đó và thấy vui trong lòng. Cái cảnh ấy chàng đã thân thuộc lắm, nhắm mắt lại chàng cũng có thể biết rõ được từng luống rau, từng gốc hồng, nhưng mỗi lần trở về nhà thăm mẹ chàng lại thấy có cái cảm giác khác, vì theo thời gian tính tình chàng đã thay đổi chút ít. Khi còn nhỏ, chàng coi khu vườn như một nơi nô nghịch tốt, vì có lối chạy, lại có bướm trắng, bướm vàng để nô bắt, hoặc tìm tòi những tổ sâu dính trên lá hồng để làm kèn. Chàng buồn cười nhất khi nhìn tới cái bể nước mưa. Chàng vẫn chưa quên hồi còn nhỏ, một lần ăn cơm đánh vãi ra giường nhiều quá bị mẹ mắng, chàng giận mẹ rồi bữa ấy bỏ cơm không ăn. Tới chiều đói quá mà cả nhà không ai lấy cơm cho mình ăn, chàng bèn đe với mẹ rằng sẽ đi tự tử. - Thì mày đi tự tử! Tao càng khỏi phải nuôi, tao đang nghèo sẵn. Mẹ vừa dứt lời, chàng bèn vùng vằng chạy ngay ra sân rồi một mình ì ạch lôi chiếc thang con bắc lên trên thành bể, trèo lên đó. Chàng băn khoăn nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, chàng hơi tức mình rồi kêu to một mình: - Ông cứ nhảy xuống cái bể này ông tự tử cho mà xem! Mẹ chàng ngó ra thấy con bắc thang lên thành bể, bèn vội vàng chạy ra, sợ con ngã, bà vội bế ngay con xuống. Bà rất giận Tài nhưng bà không thể nín được cười. Mỗi lần có ai đến nhà, bà lại mang câu chuyện tự tử của chàng ra kể. Mọi người lại cười vang. Chàng thẹn thùng chỉ biết đi trốn, chàng hãy còn nhớ rằng lúc được mẹ bế xuống chàng thấy sung sướng lắm. Nhớ lại cái chuyện cũ đó, bỗng nhiên chàng lại càng thấy cái cảnh trước mặt là thân mật. Bây giờ thì chàng thấy cái cảnh của khu vườn giản dị, mộc mạc ăn điệu với cái cảnh nghèo nàn của gia đình chàng. Và chàng coi khu vườn như một người bạn thân yêu, hiền từ của tất cả mọi người trong nhà chàng. Chàng thấy cái nghèo của gia đình mình cũng có một cái vui, một cái thi vị riêng. Nhớ lại những buổi đi chơi về vùng quê với mấy người bạn vào những ngày nghỉ chàng lại cười chính mình đã lấy làm lạ rằng sao những người nhà quê làm lụng vất vả đến thế mà họ cũng có thể vẫn vui vẻ bông đùa ca hát với nhau được. Bây giờ chàng mới được hiểu rõ rằng trong mọi cảnh sống đều có vui buồn pha lẫn. Và trong giờ khắc đó, chàng mang máng thấy rằng sống không cần phải giàu có, xa hoa, như trước kia chàng đã tưởng. Cái bóng bẩy bề ngoài chàng thấy rõ rằng không phải là những cái cần thiết để ta thấy vui trong sự sống hằng ngày. Trái hẳn với những lúc chàng xa mẹ, thiếu tiền ăn, tiền học, tự nhiên trong lúc đó chàng không hề mơ ước tiền của, chàng lại còn như mong được suốt đời sống trong cảnh giản dị mộc mạc đó. Bà Sinh ngồi bên con, đang chẻ tăm, ngẩng đầu nhìn con, thấy con đang ra vẻ suy nghĩ cất tiếng nói: - Mợ trông con có vẻ buồn bực lắm. Hay là thôi đừng đi nữa con ạ. Tài đã cố giữ sự trầm mặc là để toàn hưởng cái vui chàng đang cảm thấy trong lòng, cái vui mà chàng tưởng như chỉ một tiếng động hoặc một cái cựa mình cũng có thể làm tiêu tán mất. Thấy mẹ tưởng mình đang buồn bực, chàng cãi ngay: - Không, con không buồn bực gì cả. Chính con đang vui mà mợ không biết... Bà Sinh không hiểu con định nói gì, nhưng thấy con tươi tỉnh nét mặt nhìn con vẻ âu yếm, trong lòng chan chứa không biết bao sự sung sướng. Tài như cảm thấy rõ lúc đó mẹ mình cũng đang vui sướng một cách yên tĩnh. Rồi hai mẹ con đăm đăm nhìn nhau như để trao lẫn cho nhau cái vui sướng của riêng lòng mình. Tài nói tiếp lời: """