"
Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng Quyển 1: Ca Dao Nhi Đồng full prc pdf epub azw3 [Thơ Ca]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng Quyển 1: Ca Dao Nhi Đồng full prc pdf epub azw3 [Thơ Ca]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : CA DAO NHI ĐỒNG Q.1 Tác giả : DOÃN QUỐC SỸ sưu tập
Nhà xuất bản : SÁNG TẠO
Năm xuất bản : 1969
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : Nguyễn Thị Kiều Tiên
Kiểm tra chính tả : Trần Thị Kim Duyên, Lê Thị Phương Hiền, Nguyễn Văn Ninh, anfat3
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 11/11/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả DOÃN QUỐC SỸ và nhà xuất bản SÁNG TẠO đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
I. TÁC DỤNG CỦA CA DAO NHI ĐỒNG
II. PHÂN LOẠI CA DAO NHI ĐỒNG
A) Những bài hát luân lý
B) Những bài hát vui
C) Con cò trong ca dao Việt-Nam
D) Những bài nói về nếp sống nông nghiệp và những tập tục xưa
E) Linh tinh
F) Những trò chơi nhi đồng
G) Những câu đố
II. BÀI HÁT TRẺ EM NAM HƯƠNG
III. TÀI LIỆU THAM KHẢO
IV. NHAN ĐỀ VÀ CHÚ THÍCH
V. CÁCH SỬ DỤNG CA DAO NHI ĐỒNG TRONG LỚP HỌC
VI. GHI CHÚ VỀ TOÀN BỘ TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG
PHẦN MỘT : CA DAO NHI ĐỒNG VIỆT NAM I. LUÂN LÝ
II. NHỮNG BÀI HÁT VUI
III. CON CÒ TRONG CA DAO
IV. ĐỜI SỐNG NÔNG NGHIỆP – CÁC TẬP TỤC CŨ V. LINH TINH
VI. TRÒ CHƠI NHI ĐỒNG
A) Ý NGHĨA CÁC TRÒ CHƠI
B) VÀI CÁCH BẮT THĂM
C) TRÒ CHƠI PHỔ THÔNG CỦA CÁC TRẺ EM VIỆT VII. CÂU ĐỐ
VIII. NHỮNG BÀI HÁT TRẺ EM CỦA NAM-HƯƠNG PHẦN HAI : CA DAO NHI ĐỒNG QUỐC TẾ 1. MÈO PUS-SY (Anh, Mỹ)
2. ANH TƯ (Anh, Mỹ)
3. MỘT, HAI… (Anh, Mỹ)
4. ÔNG MẬP HÂM-TY ĐÂM-TY (Anh, Mỹ) 5. BÉ MAI VỚI CON CỪU CON (Anh, Mỹ) 6. HỠI NÀNG KIỀU NỮ (Anh, Mỹ)
7. ĐI CHƠI PHỐ (Tây-Ban-Nha)
8. CHÚ GIÔN (Hoà Lan)
9. ĐI CÂU (Đan Mạch)
10. EM BÉ (Ả Rập)
11. MỘT VỊ THIÊN THẦN (Do-Thái)
12. ĐÊM THỨ MƯỜI HAI (Ý-đại-lợi)
13. MẶT TRĂNG (Mễ-Tây-Cơ)
14. CON MA (Pháp)
15. NGỰA CÂU (Welsh)
16. CÁI NẤM (Nga)
17. CON HÃY NHẢY TỚI (Tô-Cách-Lan)
18. HAILY PAILY (Tô-Cách-Lan)
19. VÀ TÔI SẼ… (Tô-Cách-Lan)
20. JOHN SMITH (Tô-Cách-Lan)
21. CÔ BÉ TRADJA (Na-Uy)
22. HUSKY HI (Na-Uy)
23. NGÀY TẾT (Nhật-Bản)
24. HẠT THẢO NHI (Trung-Hoa) 25. NĂM NGÓN CHÂN (Trung-Hoa) 26. NÀNG BỌ (Trung-Hoa)
TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG CA DAO NHI ĐỒNG
QUYỂN MỘT
DOÃN QUỐC SỸ sưu tập
SÁNG TẠO
Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng quyển một ca dao Doãn Quốc Sỹ sưu tập Ngọc Dũng trình bày bìa và nội dung các minh hoạ khác là của Priscilla-Meredith Phạm-Thị-Loan, Tăng-Kim-Trâm ngoài những bản thường còn in thêm 50 bản trên giấy quý.
Tặng cô DOÃN-THỊ-QUÝ đã giúp anh nhiều trong việc san nhuận phần văn chương nhi đồng quốc tế.
Cái cò trắng bạch như vôi…
(Nét vẽ của Priscilla Meredith)
LỜI MỞ ĐẦU
Quyển một này sẽ gồm hai phần. Phần đầu giới thiệu ca dao nhi đồng Việt-Nam, và phần hai giới thiệu ca dao nhi đồng quốc tế.
Trẻ nhỏ Việt nào mà chẳng thuộc, không ít thì nhiều, vài bài ca dao mà các em cảm thấy thích thú. Ca dao đã đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống tươi vui hồn nhiên của các em. Hầu hết trò chơi của các em đều là ca dao.
Trường Sư-Phạm Saigon niên khoá 1968-69 thày trò chúng tôi đã có dịp bàn nhiều về môn này mà chúng tôi gọi chung là Văn-Chương Nhi-Đồng gồm ca dao, ngụ ngôn, truyện thần thoại, truyện cổ tích, v.v… Quyển một dành riêng cho ca-dao.
I. TÁC DỤNG CỦA CA DAO NHI ĐỒNG
Bàn về tác dụng của ca dao nhi đồng, nữ giáo sinh Lý Đức-Mỹ lớp Đệ Nhất-5 niên khoá 1968-69 trường Sư Phạm Saigon có ghi :
« Khi đọc những ca dao nhi đồng, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy mình như trẻ lại, và những ảnh tượng xa xưa của thời thơ ấu tự nhiên xuất hiện, nó dàn cảnh trước mắt ta, gây cho ta một cảm giác lâng lâng yêu đời, và để lại trong lòng ta một nuối tiếc về thời vàng son của tuổi trẻ mà chẳng bao giờ ta còn trở lại được nữa.
Tuy thời gian mang đi mất tuổi thơ ngây hồn nhiên, nhưng cũng chính thời gian làm cho sự hiểu biết trưởng
thành và nhờ đó ta hiểu được và tìm về tuổi thơ với tất cả chân tình trìu mến. Và nhất là vào những lúc nhàn hạ, bỗng dưng tự đáy lòng ta dường như thoát ra tiếng hát trong trẻo ngây-thơ đáng yêu vô cùng. Tiếng hát ấy mang hồn ta ra khỏi cái thực tại đầy ưu-tư mệt-nhọc đang bám sát người ta. Thế là ta hoà mình với trẻ và cùng nô đùa với chúng. Trong giây phút tươi trẻ lại này, ta không còn là chính ta nữa, mà là một đứa bé như muôn ngàn đứa bé đang cười rỡn trên khắp vùng quê hương ; ta cũng bầy trò, cũng hành động như chúng thôi ; và chính ta cũng không hiểu tại sao ta lại có thể làm được như thế khi mà thực tế dằng-dặc ưu-tư luôn-luôn níu kéo ta lại với nó.
Xét cho kỹ, ta được tận hưởng những giây phút có thể nói là thần tiên ấy là do trí khôn ngoan của ta đã biết tích trữ những tinh hoa : tinh hoa đó chính là những bài hát thơ ngây sống mãi muôn đời, vì chỉ những gì người ta thích, cái đó mới gây được hạnh phúc mà thôi ».
Nữ giáo sinh Nguyễn-thị-Vãng lớp Đệ Nhị x cũng ghi như sau :
« Tự ngàn xưa trên mảnh đất hiền hoà này, những bà mẹ, những người chị thường vẫn cất cao giọng ngọt-ngào ru ngủ con thơ, em thơ bằng những câu hát êm đềm có ngụ ý về luân lý, phong tục trẻ trung, hồn nhiên, đôi khi có tính cách trữ tình lãng mạn. Những bài hát câu hò đó thấm vào giấc ngủ của trẻ Việt như mưa xuân tưới thấm đất mầu và kho tàng thi ca của ta như hoa lá mùa xuân kia phồn thịnh biết chừng nào. Há chẳng đã có người cho rằng mỗi người Việt là một thi nhân, và tình yêu gia đình, tổ quốc, dân tộc và
nhất là tình mẫu tử thiêng-liêng thể hiện trong văn chương Việt Nam thật đã dạt-dào và sâu đậm hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới.
Khi lớn lên ai mà chẳng thấy lòng xúc động khi nghe những câu đồng dao ngộ-nghĩnh, những bài hát trò chơi của trẻ em ! Trong dịp đó tâm hồn ta tìm về thời thơ ấu trọn vẹn, đó là thuở vàng son đầy nắng ấm và hoa hồng, nụ cười điểm trên môi ta lúc bấy giờ nhuộm trọn màu thánh thiện vô tư.
Ôi ! tuổi ngọc thực đã xa vời, nhưng tiếng hát mẹ hiền ngày nào vẫn còn vang mãi. Những kỷ niệm thời thơ dại đã sống lại bởi dư âm của bài đồng dao êm-đềm trong ký ức. Âm thanh sâu thẳm đó đã tháp cho ta đôi cánh thiên thần bay ra khỏi vùng ưu tư thực tại để đến một cõi nào có toàn trăng sao, hoa bướm, với một lũ trẻ áo màu rực-rỡ, ngày tháng tung-tăng ».
Chính vì trẻ Việt đã sớm được hưởng trọn vẹn tác dụng nhiệm-mầu của ca dao ngay từ thuở trứng nước, giữa bầu không khí đùm bọc của gia đình như vậy, nên vấn đề chỉ còn đặt lên là chúng ta sẽ sử dụng những bài đồng-dao ra sao đây ở nhà trường. Vấn đề sẽ được đề cập tới kỹ càng hơn ở cuối bài này.
II. PHÂN LOẠI CA DAO NHI ĐỒNG
Ca dao nhi đồng Việt-Nam có thể chia làm mấy loại chính sau đây :
A) Những bài hát luân lý
Đây thường là những bài hát ru mộc-mạc mà xâu-sắc.
Vào những trưa hè oi nồng, hay trong đêm thanh tịch-mịch có tiếng các bà mẹ, các người chị vừa đưa võng kẽo-kẹt vừa cất tiếng hát ru êm-ái ngọt-ngào. Những lời nhắn nhủ hiền hoà đó vang lên êm đềm, nỉ-non, theo nhịp điệu, thật là cả một phương pháp giáo dục tuyệt hảo. Em bé thoạt tuy không hiểu, nhưng nghe mãi dần-dà thấm thía, nhất là khi em đã lớn, tới tuổi cắp sách đến trường, em vẫn có thể nghe lại những bài đó hát ru em bé của mình, do đấy em đã được thấm nhuần tới tiềm thức những lời mẹ hay chị khuyên-răn nhắc-nhở.
B) Những bài hát vui
Tối đại đa số những bài ca dao nhi đồng đều có tính cách vui tươi ngộ-nghĩnh để trẻ em đọc lên thấy thích thú ngay. Thuộc vào loại này có thể là những bài :
1. Kể một câu chuyện vui như bài « Thằng Bờm có cái quạt mo », hoặc những bài nhân cách hoá các loài vật, đồ vật. Ở tuổi này trí tưởng tượng của các em đương đà phồn thịnh nên chúng ta thực không ai ngạc nhiên khi thấy các em ưa thích loại này vô cùng.
2. Kể một câu chuyện ngược đời để chọc cười như bài :
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn mang ra ngoài đồng.
Loại này tương ứng với loại mà Anh Mỹ mệnh danh là Contradiction.
3. Có thể bài hát không thành câu chuyện gì hết mà chỉ cốt có vần có điệu một cách ngộ-nghĩnh, làm nở trên môi các
em những nụ cười, gieo vào lòng các em cái vui tươi. Loại này tương ứng với loại mà Anh Mỹ mệnh danh là Nonsense. Suy cho kỹ những bài hát này còn tác dụng làm giàu ngữ vựng cho các em nữa ; thật cũng đúng với câu trong sách Luận Ngữ : « Bất học thi vô dĩ ngôn ! »
C) Con cò trong ca dao Việt-Nam
Nước Việt-Nam nhà là một nước nông nghiệp, trên 90% dân chúng sống và làm lụng giữa thiên nhiên đồng nội, thì việc những luỹ tre xanh, những đàn cò trắng xuất hiện trong ca dao chẳng có chi là lạ. Thật ra trên thế giới thiếu gì những nước căn bản nông nghiệp ; đặc biệt những nước thuộc Á châu với những nét văn hoá tương đồng với nước ta, vậy mà trong suốt khoảng thời gian hai năm – từ 1966 đến 1968 – trong công việc nghiên cứu về văn chương nhi đồng quốc tế, phải tìm đọc tài liệu ca dao, truyện cổ tích quốc tế tại nhiều thư viện lớn Hoa Kỳ, kể cả Library of Congress tại Hoa-Thịnh Đốn, soạn giả nhận thấy rằng hình ảnh con cò được nhân cách hoá một cách gần gũi, thân-mật nhường kia quả là một sự kiện độc đáo của riêng ca dao Việt-Nam, khi thì tượng trưng người mẹ quê, khi là cô gái quê, khi là em bé quê, khi thì chỉ dùng làm một hình ảnh khởi hứng…
Chính vì tính cách vừa trong sáng vừa ngộ-nghĩnh của hình ảnh đó mà tất cả những bài ca dao nói tới con cò, hoặc một vài loài điểu tương tự đều được soạn giả xếp thành một đề mục riêng của ca dao nhi đồng Việt-Nam.
Sau con cò, trong những bài ca dao nhi đồng Việt-Nam, nhiều lần ta còn bắt gặp hình ảnh một loài cá nhỏ cũng được
nhân cách hoá, đó là cá bống. Tục ngữ có câu : « Bống có gan bống ». Truyện cổ tích Tấm Cám của ta cũng có bóng dáng cá bống xuất hiện : « Tấm nghe lời bụt mang con cá bống còn sót ở giỏ về thả xuống giếng nhà, ngày ngày hai bữa bớt phần cơm của mình mang ra giếng gọi bống lên ăn. Gọi rằng :
« Bống ơi bống !
Bống lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người… »
Và ca dao nhi đồng có những bài : « Cái bống là cái bống bang », « Cái bống là cái bống binh », v.v…
Soạn giả có ý nghĩ cho rằng « cái bống » sở dĩ được nhân cách hoá trong một số bài không phải vì hình ảnh « cái bống » cũng gần-gũi quen thuộc với người dân quê như hình ảnh « cái cò bay bổng bay la », mà vì âm thanh của « cái bống » gần-gũi âm thanh tiếng ru hời… Các bà mẹ Việt khi ôm con vỗ-về tìm câu hát ru thường vẫn khởi sự bằng tiếng ru hời : « ạ ơi à ời » hay « bồng bống bông bang… ».
Có thể thoạt chỉ là :
Ạ ơi à ời…
Bồng bồng mà nấu canh khoai,
Ăn cho mát ruột đến mai lại bồng.
hay : Ạ ơi à ơi…
Bồng bồng mà nấu canh tôm,
Ăn cho mát ruột đến hôm lại bồng.
Rồi do sức hút của vần điệu « cái bống » đi vào ca dao
lúc nào không biết :
Cái bống là cái bống bàng,
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ.
Trong ca dao của trẻ Việt có lần ta còn thấy con (chuột) cống và con ong được nhân cách hoá, rồi một bài khác là con cáo. Thật ngộ-nghĩnh !
Nu-na nu-nống.
Cái cống nằm trong.
Cái ong nằm ngoài.
Củ khoai chấm mật.
Cái cáo, mặc áo em tao,
Làm tổ cây cà,
Làm nhà cây chanh,
Đọc canh bờ giếng,
Mỏi miệng thổi kèn.
D) Những bài nói về nếp sống nông nghiệp và những tập tục xưa
Những bài này được giới thiệu để các em cảm thấy hết cái đẹp của nếp sống gần thiên nhiên của nhà nông xưa cùng một số tập tục ngộ-nghĩnh có thể là xa lạ với các em ngày nay. Riêng ở điểm này, ca dao đã là một viện bảo tàng văn hoá giúp các em không bị cắt lìa khỏi dĩ vãng.
E) Linh tinh
Phần này gồm những bài ca dao không thuộc bốn loại trên, nhưng lời và ý ngộ-nghĩnh đẹp vẫn thích hợp với các em.
F) Những trò chơi nhi đồng
Đây là những bài hát áp dụng trong trò chơi của các em.
G) Những câu đố
Tuổi này vốn là tuổi hiếu thắng, tuổi ganh đua. Những câu đố sẽ vừa khích động trí thông minh, vừa tôi luyện trí suy đoán của các em.
II. BÀI HÁT TRẺ EM NAM HƯƠNG
Sau cùng trước khi sang phần giới thiệu Ca-dao Nhi-đồng Quốc-tế, soạn giả còn sưu tầm được một số ca-dao của Nam Hương viết vào khoảng năm 1936.
III. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Về những bài ca dao nhi đồng Việt-Nam, ngoài những bài ghi lại do trí nhớ, hoặc ghi theo lời các bậc lão thành trong gia đình, còn lại soạn giả căn cứ theo cuốn Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn-Văn-Ngọc, Saigon : Nhà xuất bản Bốn Phương, 1952.
Những bài hát trẻ em của Nam Hương được trích dẫn trong Nguyệt San Tứ Dân Văn Uyển, số 25 (tháng 7, 1936).
Phần viết về những trò chơi nhi đồng, soạn giả có tham khảo những bài của các ông Ngô-Quý-Sơn, Nguyễn-Văn-Tố và Nguyễn-Văn-Huyên đăng trong tập IIEH 1943. Tome VI (Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme. Bulletins et Travaux pour 1944) Hanoi : 1944.
Sang phần giới thiệu một số ca dao các nước Âu Á khác
soạn giả sẽ tuỳ nghi khi thì dịch thoát thành các thể thơ Việt Nam, khi thì chỉ cốt dịch sát nghĩa. Đây cũng là một cách giúp các em làm quen dần với một khía cạnh văn hoá quốc tế, và cũng để các em khi trở lại so-sánh càng cảm thấy ca dao nhi đồng của nước Việt nhà ý vị biết chừng nào.
Tất cả những bài ca-dao nhi-đồng quốc tế này đều được trích dịch tự pho Anthology of Children’s Literature của Edna Johnson, Evelyn R Sickels và Frances Clarke Sayers, Boston : Houghton Mifflin Company, 1959.
IV. NHAN ĐỀ VÀ CHÚ THÍCH
Trừ một vài trường hợp đặc biệt, các nhan đề đều được đặt bằng cách lấy ngay câu đầu của bài ca dao.
Trường hợp có những từ ngữ cổ, hoặc muốn nhấn mạnh ý nghĩa toàn bài, soạn giả có ít dòng ghi chú ngay dưới bài ca dao.
V. CÁCH SỬ DỤNG CA DAO NHI ĐỒNG TRONG LỚP HỌC Soạn giả chỉ xin ghi nơi đây một vài đề nghị.
Quý vị giáo sư có thể khởi đầu lớp học bằng cách đọc một bài ca dao ngộ-nghĩnh nào đó để tập trung sự chú ý của các em và gây niềm hứng khởi trước khi vào bài chính. Gần tới giờ tan, nếu còn thừa thì giờ quý vị cũng có thể làm như vậy giúp các em cảm thấy thoải-mái trước khi ra về. Cách sử dụng ca dao nên luôn luôn giữ tính cách hồn nhiên như vậy.
Cũng có thể trong giờ tập đọc quốc văn tại các lớp lớn, nhân đọc một bài ca dao, quý vị khuyến khích các em cùng
nhau bàn-bạc trong hàng đội tự trị về ý nghĩa bài đó. Chẳng hạn bài ca dao :
Ông trăng mà bảo ông trời,
Những người hạ giới là người như tiên.
Ông trời mà bảo ông trăng,
Những người hạ giới mặt nhăn như tiều.
Bài trên có thể khiến các em khám phá ra ý nghĩa luân lý là ở gần người nóng-nảy, gay-gắt, tính tình mình dễ bị bực bội lây, trái lại ở gần người hiền từ, mình cũng dễ cảm thấy tâm hồn thảnh-thơi thoải-mái.
Bài « Thằng Bờm có cái quạt mo » có thể được dựng thành vở kịch ngắn thật ngộ-nghĩnh. Đây cũng là cách hướng dẫn dần các em trên con đường thưởng ngoạn và trình diễn văn nghệ.
Chúng ta hãy thực hiện những cuộc thảo luận theo từng hàng đội tự trị như đã nói trên. Hoặc chúng ta theo phương pháp tập họp các em thành hai hình vòng tròn trong và ngoài. Trong khi vòng trong thảo luận, vòng ngoài nghe và quan sát để phát biểu phê bình sau. Cứ thế luân phiên, vòng trong hết phận sự thảo luận thì chuyển ra vòng ngoài, đến lượt vòng ngoài vào trong tiếp tục thảo luận cùng đề tài. Phương pháp này có những lợi điểm sau :
1. Cũng là một biến cách của hàng đội tự trị để các em tiến dần trên con đường kỷ luật tự giác.
2. Giúp trẻ có óc quan sát, tăng trưởng sáng kiến phê bình, và chí ganh đua, bởi các em đều tuần tự khi ở địa vị chủ, khi ở địa vị khách để dễ thấy cái hay, cái dở ở người và
ở mình mà giữ cái hay, sửa cái dở (đặc biệt cái dở rụt-rè của những em nhút-nhát hay ngập-ngừng trong việc phát biểu ý kiến).
3. Trong khi điều khiển, chúng ta luôn luôn giữ cho bầu không khí thảo luận được cởi mở, điều này dạy cho các em biết chấp nhận ý kiến của kẻ khác, tức nếp sống hoà đồng, nếp sống truyền thống của dân tộc nhà.
Khi đem một bài ca dao ra diễn thành vở kịch nhỏ như bài « Thằng Bờm có cái quạt mo » chẳng hạn, chúng ta có thể tổ chức các em thành nhiều toán : một toán làm diễn viên thì những toán còn lại làm khán giả ngồi theo hình bán nguyệt.
Với hình thức tổ chức tương tự chúng ta cũng có thể áp dụng vào việc học các môn khác ngoài môn văn chương nhi đồng.
Và riêng về ca dao nhi đồng, nếu được sử dụng như chúng ta đã sơ lược trình bày trên, sẽ giúp ích các em không nhỏ về cách ăn-nói trôi-chảy, viết luận trôi-chảy.
VI. GHI CHÚ VỀ TOÀN BỘ TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG
Các em nhi đồng đây là bao gồm từ cỡ tuổi mẫu giáo (năm, sáu tuổi) tới đệ thất, đệ lục (mười hai, mười ba tuổi). Vậy nội dung của từng bài ca dao, ngụ ngôn hay truyện cổ tích, v.v… trong toàn bộ tuyển tập này, chúng ta sẽ tuỳ nghi đem ra sử dụng sao cho thích hợp với từng lứa tuổi.
Các em đương ở tuổi khao-khát tìm hiểu những cái mới
lạ, không riêng gì các trẻ em Việt-Nam, mà là toàn thể các trẻ em trên thế giới ! Hãy nhìn các em nằm thu mình trong một góc giường, hay ngồi thu mình trong một góc khuất, đôi tay khư-khư giữ lấy quyển sách, đôi mắt chăm-chú dõi theo những dòng chữ, bàn tay hối-hả lúc sang trang…
Những trang sách tốt đã mở cho các em thấy biết bao chân trời mới lạ ! Nhiều khi các em vẫn ham-hố đọc mà vẫn chưa hiểu rõ nhu cầu nào của mình sẽ được thoả mãn ; các em chỉ cảm thấy mình đương được phiêu lưu một cách thích thú trên những trang sách ; sự thích thú đó liên tiếp gia tăng cường độ, tới một lúc nào các em chợt phát hiện ra một ý niệm mới, chẳng khác một mầm non được liên-tiếp nuôi dưỡng tràn căng nhựa sống vừa phá vỡ vỏ cây để nhú ra chào đón ánh sáng mặt trời.
Lòng khát-khao cái hay, cái đẹp, cái lạ vẫn ngầm có nơi các em, các em ham đọc vì các em thấy rằng sách đọc mở rộng chân trời hiểu biết cho các em. Thoạt các em muốn hiểu chính mình, mà muốn hiểu mình thì phải lần mò tìm hiểu kinh nghiệm ở nơi người : tha nhân khi đó chính là tấm gương để các em tự soi thấy mình.
Sau đó sách vở giúp các em hiểu bao nhiêu điều thường thức khác, trong đó có những điều hay lẽ phải nơi xã hội các em đương sống, điều này chuẩn bị cho các em sau này có căn bản mà tiến tới tìm hiểu điều hay lẽ phải đại đồng của cả thế giới nhân loại.
Sách viết mà không gây được niềm thích thú cho các em khi đọc thì làm sao chu toàn được nhiệm vụ thoạt tưởng như
đơn giản mà kỳ thực thật là lớn lao đó !
Khi soạn thảo « Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng » này, soạn giả chỉ có tham vọng nhỏ-nhoi là giúp tài liệu giảng dạy cho gia đình giáo giới của soạn giả.
Tuy nhiên « Tuyển-Tập Văn-Chương Nhi Đồng » được in thành nhiều tập nhỏ theo từng đề mục (ca dao, ngụ ngôn, thần thoại, cổ tích…) cũng là để tiện thể trực tiếp cung cấp tài liệu đọc cho các em, trong khi chờ đợi có những tập sách in riêng trên giấy tốt, có hình vẽ đẹp, với nội dung tuyển lựa thích ứng cho từng lứa tuổi.
Đây là lần ấn hành đầu tiên. Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng (Việt-Nam và quốc-tế), chắc chắn chẳng sao tránh khỏi những điều thiếu sót, dám mong quí vị độc giả lượng thứ và chỉ giáo cho để kịp thời sửa chữa vào kỳ ấn hành sau.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1969)
D. Q. S.
PHẦN MỘT : CA DAO NHI ĐỒNG VIỆT NAM
I. LUÂN LÝ
1. DẠY CON TỪ THUỞ TIỂU SINH
Dạy con từ thuở tiểu sinh,
Gần thầy gần bạn tập-tành lễ nghi.
Học hành cách vật chí tri,
Văn chương chữ nghĩa nghĩ gì cũng thông.
2. CÔNG ĐỨC SINH THÀNH
Mẹ cha công đức sinh thành,
Ra trường thầy dạy, học-hành cho hay.
Muốn khôn thì phải có thầy,
Không thầy dạy dỗ đố mày làm nên.
Mười năm luyện tập sách đèn,
Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy.
Yêu kính thầy mới làm thầy,
Những phường bội-bạc sau này ra chi.
3. CÂY XANH THÌ LÁ CŨNG XANH
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu.
4. CÂY KHÔ CHƯA DỄ MỌC CHỒI
Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta.
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.
5. CÔNG CHA NGHĨA MẸ
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
6. NGÀY NÀO EM BÉ CỎN CON
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha áo mẹ công thầy,
Lo sao cho đáng những ngày ước mong.
7. THỜ CHA MẸ Ở HẾT LÒNG
Thờ cha mẹ ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu ở trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên. Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.
8. EM THỜI ĐI CẤY RUỘNG BÔNG
Em thời đi cấy ruộng bông,
Anh đi cắt lúa để chung một nhà. Đem về phụng dưỡng mẹ cha,
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.
9. CÔNG CHA NHƯ NÚI NGẤT TRỜI
Ru ơi ru hỡi ru hời,
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông. Núi cao, biển rộng mênh-mông, Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
10. ANH EM NÀO PHẢI NGƯỜI XA
Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân. Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hoà thuận hai thân vui-vầy.
11. CON ƠI MUỐN NÊN THÂN NGƯỜI
Con ơi muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha. Gái thời chăm-chỉ trong nhà,
Khi vào canh củi, khi ra thêu-thùa. Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa. Nữa mai nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt sau là hiển thân.
12. LÀM TRAI QUYẾT CHÍ TU THÂN
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo. Khi nên trời giúp công cho,
Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào. Trời sinh, trời chẳng phụ nào,
Công danh gặp hội, anh hào ra tay. Trí khôn sắp để dạ này,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
13. LÀM TRAI NẾT ĐỦ TRĂM ĐƯỜNG
Làm trai nết đủ trăm đường,
Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay. Công cha, đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân. Thức khuya, dậy sớm cho cần,
Quạt nồng, ấp lạnh giữ phần đạo con.
14. CON ƠI MẸ BẢO ĐÂY NÀY
Con ơi mẹ bảo đây này,
Học buôn học bán cho tày người ta. Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười. Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan. Phòng khi đóng góp việc làng,
Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng. Trước là đắc nghĩa cùng chồng, Sau là họ mạc cũng không chê cười. Con ơi, nhớ bấy nhiêu lời !
15. LÀM NGƯỜI CHO BIẾT TIỆN TẦN
Làm người cho biết tiện tần,
Đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi. Những người đói rách rạc rời,
Bởi phụ của trời làm chẳng nên ăn.
16. TRỨNG RỒNG LẠI NỞ RA RỒNG
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm-rà. Có cha sinh mới ra ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng. Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ. Đạo làm con, chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
17. TRẮNG NHƯ THỦY TINH
Trắng như thủy tinh
Trắng như giá lọc,
Nhún mình như đồng đen.
Ai ơi chớ nghĩ rằng hèn,
Kìa như nước đục đánh phèn lại trong.
18. TRỜI SINH RA ĐÃ LÀM NGƯỜI
Trời sinh ra đã làm người
Hay ăn, hay nói, hay cười hay chơi. Khi ăn thời phải lựa mùi,
Khi nói, thì phải lựa lời chớ sai.
Cả vui chớ có vội cười,
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì.
19. BỒNG BỐNG BỒNG BÔNG
Bồng bống bồng bông.
Giai ơn vua chầu chực sân rồng,
Gái ơn chồng ngồi võng ru con.
Ơn vua xem nặng bằng non,
Ơn chồng đội đức tổ tôn giỏi truyền. Làm trai lấy được vợ hiền,
Như cầm đồng tiền lấy được của ngon. Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt Vũ-môn hoá rồng, Bồng bống bồng bông.
20. BỒNG BỒNG MẸ BẾ CON SANG
Bồng bồng mẹ bế con sang,
Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo. Muốn sang thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. II. NHỮNG BÀI HÁT VUI
21. CHÈ LA, CHÈ LÍT
Chè la, chè lít,
Bà cho ăn quýt.
Bà đánh đau tay,
Chắp tay lạy bà.
22. KÉO CƯA LỪA XẺ
Kéo cưa lừa xẻ,
Thợ khoẻ cơm vua,
Thợ thua cơm làng.
Thợ nào dẻo-dang
Về nhà bú tí.
23. KÉO CƯA KÉO KÍT
Kéo cưa kéo kít,
Làm ít ăn nhiều,
Nằm đâu ngủ đấy,
Nó lấy mât cưa,
Lấy gì mà kéo ? !
24. XU XOA XU XUÝT
Xu-xoa xu-xuýt
Bán quýt chợ đông,
Bán hồng chợ tây,
Ba đồng một quả,
Mua vậy thì mua.
25. VUÔN VẢI VUÔN VAI
Vuôn vải vuôn vai,
Chóng lớn chóng dài.
Đi chơi với trẻ,
Sức khoẻ sống lâu,
Bạc đầu cồi cội.
26. NAM MÔ BỒ TÁT
Nam mô bồ tát,
Chẻ lạt đứt tay,
Đi cày trâu húc,
Đi xúc phải cọc,
Đi học thày đánh,
Đi gánh đau vai,
Nằm dài nhịn đói.
27. CHIỀU CHIỀU CON QUẠ LỢP NHÀ
Chiều chiều con quạ lợp nhà,
Con cu chẻ lạt con gà đưa tranh.1 Chèo-bẻo nấu cơm nấu canh,
Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm.
28. CÁI BỐNG LÀ CÁI BỐNG BANG (I)
Cái bống là cái bống bang.
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ. Ngày sau bống đỗ ông đồ,
Đi võng lá sắn, đi dù lá khoai.
29. CÁI BỐNG LÀ CÁI BỐNG BANG (II)
Cái bống là cái bống bang,
Cơm ăn bằng sàng, bốc muôi bằng vung. Mẹ giận mẹ giẩy xuống sông,
Con ra đường biển lấy chồng lái buôn. Khát nước thì uống nước nguồn, Lạc đường thì bảo lái buôn đưa về.
30. CÁI BỐNG LÀ CÁI BỐNG BÌNH
Cái bống là cái bống bình,
Thổi cơm nấu, nướng một mình mồ hôi. Sáng ngày có khách đến chơi,
Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chồng. Rạng ngày ăn uống vừa xong,
Tay nhắc mâm đồng, tay giải chiếu hoa. Nhịn miệng đãi khách đàng xa, Ấy là của gửi chồng ta ăn đàng.2
31. CÁI BỐNG ĐI CHỢ CẦU CANH
Cái Bống đi chợ Cầu Canh,
Con tôm đi trước củ hành theo sau. Con cua lạch đạch theo hầu,
Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua.
32. CÁI BỐNG CÒN Ở TRONG HANG
Cái bống còn ở trong hang
Cái rau tập tàng3còn ở ruộng dâu. Ta về ta sắm cần câu
Câu lấy cá bống nấu rau tập-tàng.
33. BỒ CU BỒ CÁC
Bồ-cu, bồ các,
Tha rác lên cây.
Gió đánh lung lay,
Là vua Cao-tổ.
Những người mặt rỗ,
Là ông Tiêu-Hà.
Nước chảy qua đường
Là giượng Tào Tháo.
Đánh bạc cố áo,
Là anh Trần Bình.
34. CÓC CHẾT BỎ NHÁI BỒ CÔI
Cóc chết bỏ nhái bồ côi,
Chẫu ngồi, chẫu khóc : « Chàng ôi là chàng ! » Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi !
35. CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI
Con cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho.
Con cóc là cậu thầy nho,
Hễ ai đánh chết trời cho quan tiền.
36. TÌNH TÍNH TANG TANG TÌNH TANG
Tình tính tang, tang tình tang,
Súng vác vai, hoả mai tọng nạp,
Gươm tuốt trần, giáo cắp, mộc mang.
Tang tình tang.
Giương cung mà bắn con cò,
Con cốc nó lội con cò nó bay.
Tính tình tang, tang tình tang.
37. CON GÀ CỤC TÁC LÁ CHANH
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi, Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
38. CON KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI
Con kiến mày kiện củ khoai,
Mày chê tao khó lấy ai cho giầu. Nhà tao chín đụn mười trâu,
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân.
39. SAO HÔM LÓNG LÁNH
Sao hôm lóng lánh,
Sao mai lóng lánh,
Cuốc đã sang canh,
Gà kia gáy rúc.
Chích choè lìa tổ,
Trời đã rạng đông.
40. HỒ KHOAN, HỒ UẨY !
Hồ khoan, hồ uẩy !
Hồ khoan, hồ uẩy !
Ăn đã vậy,
Múa gậy làm sao ?
Chân thấp chân cao,
Cho mau cho chóng.
Năng khiếp năng dũng,
Hữu khuất hữu thân4
Cao-tổ thời nhận,
Hạng-vương thời bạo,
Nhân hiền tại mạo,
Trắng gạo ngon cơm.
Hồ khoan, hồ uẩy !
Hồ khoan, hồ uẩy !
41. CON CHÓ CHÊ KHỈ LẮM LÔNG
Con chó chê khỉ lắm lông,
Khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài.
Lươn ngắn lại chê trạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm.
42. RÉT NÀNG BÂN5
Tháng giêng rét đài,
Tháng hai rét lộc.
Tháng ba rét nàng Bân.
Nàng Bân may áo cho chồng,
May ba tháng ròng, mới được cửa tay.
43. THẰNG CUỘI NGỒI GỐC CÂY ĐA Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa gọi cha lời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng.
44. THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu. Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu ! Phú ông xin đổi ao sâu cá mè. Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè ! Phú ông xin đổi một bè gỗ lim. Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim ! Phú ông xin đổi con chim đồi mồi. Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi ! Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
45. TAY CẦM CON DAO
Tay cầm con dao.
Làm sao cho sắc.
Để mà dễ cắt,
Để mà dễ chặt.
Chặt lấy củi cành,
Trèo lên rừng xanh,
Chạy quanh sườn núi.
Một mình thui-thủi,
Chặt cây chặt củi.
Tìm chốn mà ngồi,
Ngồi mát thảnh-thơi.
Kìa một đàn chim,
Ở đâu bay đến,
Ở đâu bay lại.
Con đang cắn trái,
Con đang tha mồi,
Qua lối nọ nó ăn.
Cái con hươu kia,
Mày đang ăn lộc,
Lộc vả lộc sung.
Mày trông thấy tớ,
Tớ không đuổi mày,
Mày qua lối nọ làm chi ?
46. ÔNG TRĂNG MÀ LẤY BÀ TRỜI6
Ông Trăng mà lấy bà Trời,
Tháng năm đi cưới, tháng mười nộp cheo. Sỏ lợn lớn hơn sỏ mèo,
Làng ăn chẳng hết đem treo cột đình. Ông Xã đánh trống thình-thình, Quan viên mũ áo ra đình xem cheo.
47. ÔNG GIĂNG MÀ LẤY BÀ SAO
Ông Giăng mà lấy bà Sao,
Đến mai có cưới cho tao miếng giầu. Có cưới thì cưới con trâu,
Chớ cưới con nghé nàng dâu không về. 48. CON NHỆN Ở TRÊN MÁI NHÀ
Con nhện ở trên mái nhà, Nó đương làm cỗ cúng bà nó mai. Nó rằng nó chẳng mời ai,
Mời một ông chú với hai bà dì.
49. THÌA LA THÌA LẢY
Thìa-la thìa lảy !
Con gái bảy nghề :7
Ngồi lê là một,
Dựa cột là hai,
Theo trai là ba,
Ăn quà là bốn,
Chốn việc là năm,
Hay nằm là sáu,
Láu táu là bảy.
50. XẤU HỔ8
Xấu hổ,
Lấy rổ mà che
Lấy nong mà đè,
Lấy đấu mà đậy,
Lấy chầy đâm bong.
51. GIÓ ĐẬP CÀNH ĐA9
Gió đập cành đa,
Gió đánh cành đa,
Thầy nghĩ là ma,
Thầy ù thầy chạy.
Ba thằng ba gậy,
Đi đón thầy về.
52. SỐ CÔ CHẲNG GIÀU THÌ NGHÈO
Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ba mươi tết có thịt treo trong nhà. Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, bố cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.
53. NHẤT HÀO NHỊ HÀO TAM HÀO
Nhất hào, nhị hào, tam hào…
Chó chạy bờ ao.
Chuột chạy bờ rào.
Quẻ này có động.
Nhà này có quái trong nhà,
Có con chó đực cắn ra đằng mồm
54. CON CHIM SÁO SẬU
Con chim sáo-sậu
Ăn cơm nhà cậu
Uống nước nhà cô
Đánh vỡ bát ngô
Bà cô phải đền.
55. LÚA NGÔ LÀ CÔ ĐẬU NÀNH10 Lúa ngô là cô đậu nành.
Đậu nành là anh dưa chuột. Dưa chuột là ruột dưa gang. Dưa gang là nàng dưa hấu. Dưa hấu là cậu lúa ngô. Lúa ngô là cô đậu nành…
56. CON CHIM CHÍCH CHOÈ
Con chim chích-choè
Nó đậu cành chanh.
Tôi ném hòn sành,
Nó quay lông-lốc.
Tôi làm một chốc,
Được ba mâm đầy
Ông thầy ăn một,
Bà cốt ăn hai.
Còn cái thủ, cái tai,
Tôi đem biếu chúa.
Chúa hỏi chim gì ?
Con chim chích-choè.
57. CON CÔNG HAY MÚA
Con công hay múa,
Nó múa làm sao ?
Nó rụt cổ vào,
Nó xoè cánh ra.
Nó đậu cành đa,
Nó kêu ríu-rít.
Nó đậu cành mít,
Nó kêu vịt chè.
Nó đậu cành tre,
Nó kêu bè muông,
Nó đáp xuống ruộng
Nó kêu tầm vông.
Con công hay múa…
58. CÁI KIẾN MÀY ĐẬU CÀNH ĐÀO
Cái kiến mày đậu cành đào
Leo phải cành cộc leo vào leo ra. Con kiến mày đậu cành đa
Leo phải cành cộc, leo ra leo vào…
59. BA BÀ ĐI BÁN LỢN CON
Ba bà đi bán lợn con,
Bán đi chẳng được lon-xon chạy về. Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon-xon.
60. MẸ EM ĐI CHỢ ĐƯỜNG NGOÀI
Mẹ em đi chợ đường ngoài,
Mua em cây mía vừa dài vừa cong. Mẹ em đi chợ đường trong,
Mua em cây mía vừa cong vừa dài…
61. GIÃ ƠN CÁI CỐI CÁI CHÀY
Giã ơn cái cối cái chày,
Nửa đêm gà gáy có mày có tao.
Giã ơn cái cọc cầu ao.
Nửa đêm gà gáy có tao có mày…
62. CON VỎI CON VOI
Con vỏi con voi !
Cái vòi đi trước,
Hai chân trước đi trước,
Hai chân sau đi sau,
Cái đuôi đi sau rốt.
Tôi xin kể nốt
Cái chuyện con voi…
63. ÔNG NỈNH ÔNG NINH
Ông Nỉnh ông Ninh,
Ông ra đầu đình ông gặp ông Nảng ông Nang. Ông Nảng ông Nang,
Ông ra đầu làng ông gặp ông Nỉnh ông Ninh.
64. CÁI NGỦ MÀY NGỦ CHO LÂU11
Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được mười tám mười chín con trê, Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn.
Cái ngủ ăn chẳng hết
Để dành đến tết mùng ba.
Mèo già ăn trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Củ ấu có sừng
Bánh chưng có lá
Con cá có vây
Ông thầy có sách
Thợ nghạch có dao
Thợ rào có búa
Sảy lúa có sàng
Việc làng có mõ
Cắt cỏ có liềm
Câu liêm có lưỡi
Cây bưởi có hoa
Cây cà có trái
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Kẻ chợ có vua
Trên chùa có bụt
Cái bút có ngòi
Con voi có quản.
64bis. CÁI CÁO MẶC ÁO EM TAO
Cái cáo mặc áo em tao,
Làm tổ cây cà
Làm nhà cây chanh,
Đọc canh bờ giếng,
Mỏi miệng tiếng kèn.
Hỡi cô trồng sen ! Cho anh hái lá.
Hỡi cô trồng bưởi ! Cho anh hái hoa Cứ một cụm cà
Là ba cụm lý.
Con nhà ông lý,
Mặc áo tía-tô.
Con nhà thằng Ngô, Mặc áo lang khách. Hai con chim khách, Đánh nhau trên cây. Hai cái bánh giày, Đánh nhau mâm cỗ. Có hai hạt đỗ,
Đánh nổ nồi rang. Hai con kiến càng, Đánh nhau lọ mật. Có hai hòn đất,
Đánh vật bờ ao. Mày tát chuôm tao, Tao tát ao mày.
Mày đầy rổ cá,
Tao đầy rổ tôm.
Mày đi chợ Cầu-nôm, Tao đi chợ Cầu-rền. Mày bán cửa đền. Tao bán cửa vua.
Mày làm mắm chua,
Tao làm mắm thính.
Mày con ông Chính,
Tao con ông Xã.
Mày là cái cả.
Tao là thằng hai.
Mày đội bồ đài.12
Tao đội nón méo.
Mày cầm cái kéo,
Tao cầm con dao.
Mày làm sao,
Tao làm vậy.
Mày đi buôn cậy,13
Tao đi buôn hồng.
Mày đi lấy chồng,
Tao đi lấy vợ.
Mày lên kẻ chợ,14
Tao về nhà quê.
65. ÔNG TIỂN ÔNG TIÊN
Ông tiển ông tiên,
Ông có đồng tiền
Ông gài mái tai.
Ông cài lưng khố
Ông ra hàng phố
Ông mua miếng trầu Ông nhai tóp tép.
Ông mua con tép
Về nhà ăn cơm.
Ông mua mớ rơm.
Về nhà ông thổi.
Ông mua cái chổi,
Về ông quét nhà.
Ông mua con gà
Về cho ăn thóc.
Ông mua con cóc,
Về thả gậm giường
Ông mua nén hương,
Về nhà cúng cụ.
66. ÔNG GIẲNG ÔNG GIĂNG (I)
Ông giẳng ông giăng,
Xuống chơi với tôi.
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám đu
Thằng cu xí-xoá
Bắt trai bỏ giỏ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu
Có trâu cày ruộng.
Có muống thả ao
Ông sao trên trời.
67. ÔNG GIẲNG ÔNG GIĂNG (II)
Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu
Đi cầu hàng huyện
Đi kiện hàng phủ
Một lũ ông già
Mười ba ông điếc.
68. ÔNG GIẲNG ÔNG GIĂNG (III)15
Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi ông Chính,
Ông Chính cho mõ.
Xuống chơi nồi trõ,
Nồi trõ cho vung.
Đến chơi cây sung,
Cây sung cho nhựa.
Đến chơi con ngựa,
Con ngựa cho gan.
Đến chơi bà quan
Bà quan cho bạc.
Đến chơi thợ giác,
Thợ giác cho bầu. Đến chơi cần câu, Cần câu cho lưỡi.
Đến chơi cây bưởi, Cây bưởi cho hoa. Đến chơi cây cà, Cây cà cho trái. Đến chơi con gái, Con gái cho chồng. Đến chơi đàn ông, Đàn ông cho vợ. Đến chơi kẻ chợ, Kẻ chợ cho voi. Đến chơi cây sòi, Cây sòi cho lá.
Đến chơi con cá, Con cá cho vây. Đến chơi ông thầy, Ông thầy cho sách. Đến chơi thợ ngạch, Thợ ngạch cho dao. Đến chơi thợ rào, Thợ rào cho búa. Trả búa thợ rào, Trả dao thợ ngạch. Trả sách ông thầy. Trả vây con cá. Trả lá cây sòi.
Trả voi kẻ chợ.
Trả vợ đàn ông.
Trả chồng con gái.
Trả trái cây cà.
Trả hoa cây bưởi.
Trả lưỡi cành câu.
Trả bầu thợ giác.
Trả bạc bà quan.
Trả gan con ngựa.
Trả nhựa cây sung.
Trả vung nồi trõ.
Trả mõ ông Chính.
69. BẮT ĐƯỢC CON CÔNG
Chú bé bắt được con công, Đem về biếu ông.
Ông cho con gà.
Đem về biếu bà,
Bà cho quả thị.
Đem về biếu chị,
Chị cho quả chanh.
Đem về biếu anh,
Anh cho tu-hú.
Đem về biếu chú,
Chú cho buồng cau
Chú thím đánh nhau,
Buồng cau trả chú.
Tu-hú trả anh,
Quả chanh trả chị.
Quả thị trả bà,
Con gà trả ông.
Con công phần tôi.
70. BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG BA16
Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng. Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục qua hồng nuốt lão tám mươi. Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, be rượu nuốt người lao-đao, Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đoàn cào-cào đuổi bắt cá rô. Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn cỏ lác rình-mò bắt trâu.
Gà con đuổi bắt diều-hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ-nông…
71. BƯỚC SANG THÁNG SÁU GIÁ CHÂN
Bước sang tháng sáu giá chân,
Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi. Con chuột kéo cầy lồi lồi,
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong. Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu giữa đồng, vãi cải làm dưa, Đàn bò đi tắm đến trưa,
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương.
Voi kia nằm ở gặm giường,
Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc-nhằn. Chuồn kia thấy cám liền ăn,
Lợn kia thấy cám nhọc-nhằn bay qua. Trời mưa cho mối bắt gà,
Thòng-đong cân-cấn đuổi cò lao-xao. Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào-cào đuổi bắt cá rô Thóc giống cắn chuột trong bồ, Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu. Chim chích cắn cổ diều-hâu,
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm. Bong-bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi, Đào ao bằng chổi, quét nhà bằng mai. Hòn đá giẻo dai, hòn xôi rắn chắc. Gan lợn thì đắng, bồ-hòn thì bùi. Hương hoa thì hôi, nhất thơm thì cú. Đàn ông to vú, đàn bà rậm râu. Hay cắn thì trâu, hay cày thì chó.
72. VÈ NÓI NGƯỢC
Nghe vẻ vè ve,
Nghe vè nói ngược.
Ngựa đua dưới nước,
Tàu chạy trên bờ,
Trên núi đặt lờ,
Dưới sông bửa củi,
Gà cồ hay ủi,
Heo nái hay bươi,
Nước kém mùng mười,
Ba mươi nước lớn.
73. Ù Ỳ CÚT KÍT
Ù ỳ cút kít,
Xay lúa lấy gạo ăn mai,
Có một thợ cấy với hai thợ cày. Thợ cấy mà lấy thợ cày.
Để cho thợ mạ khóc ngày khóc đêm.
74. VÀO VƯỜN XEM VƯỢN HÁI HOA
Vào vườn xem vượn hái hoa,
Xem voi đi guốc, xem gà nhuộm răng. Xuống sông xem cá đấu roi,
Xem tôm quần thảo, xem trai giỏ mình.
75. CHIM XUẤT QUÂN
Tùng tùng, đánh ba hồi trống ! Sắp quân cho chỉnh
Phượng hoàng thống lĩnh
Bạch hạc hiệp đồng
Tả chi thì công
Hữu chi thì sếu
Giang cao ngất-nghểu
Đi trước tiên phong.
Cả mỏ bồ nông
Đi sau tiếp hậu.
Sáo đen, sáo sậu,
Rán giục đôi bên.
Chú quạ thông tin
Dón-dả ba quân
Đội lương đi trước.
Một đàn vịt nước,
Chú két, chú le,
Sắm sửa thuyền bè
Cho bọn trảy thuỷ,
Chim chích, chim ri
Bé mọn biết gì,
Ở nhà coi sóc.
Chú cò chú cốc,
Coi sóc các làng.
Chèo bẻo nỏ nang
Bầu cho làm huyện.
Đêm hôm đi tuần,
Phó cho chú vạc,
Chú ngỗng nghếch ngác
Như thể đàn bà.
Chú vịt, chú gà,
Nhắc võng ông già.
Trèo lên núi chiều,
Giặc thấy đã nhiều,
Chạy như con cút.
76. TÒ VÒ MÀ NUÔI CON NHỆN Tò vò mà nuôi con nhện,
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi. Tò vò ngồi khóc tỉ ti,
Nhện ơi nhện hỡi, mày đi đằng nào.
77. LẠY TRỜI CHO CHÚA TÔI GIÀU17
Lạy trời cho chúa tôi giàu,
Cho tôi hút mỡ, ăn dầu quanh năm. Lạy trời cho chúa tôi hoang,
Cho tôi mắc võng nghênh-ngang cửa nhà.
78. LẠY TRỜI MƯA XUỐNG
Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.
79. CON KIẾN MÀY Ở TRONG NHÀ18
Con kiến mày ở trong nhà,
Tao đóng cửa lại mày ra đường nào ? Con cá mày ở dưới ao,
Tao tát nước vào mày chạy đường mô ?
80. CON MÈO MÀY TRÈO CÂY CAU
Con mèo mày trèo cây cao,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
81. ÔNG TRĂNG MÀ BẢO ÔNG TRỜI
Ông trăng mà bảo ông trời,
Những người hạ giới là người như tiên. Ông trời mới bảo ông trăng,
Những người hạ giới mặt nhăn như tiều.
82. TRÊN TRỜI CÓ VẨY TÊ TÊ
Trên trời có vẩy tê tê,
Một ông bảy vợ không chê vợ nào. Một vợ tát nước bờ ao,
Phải trận mưa rào đứng nép bụi tre. Một vợ thì đi buôn bè,
Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông. Một vợ thì đi buôn bông,
Chẳng may cơn táp nó giông lên trời. Một vợ thì đi buôn vôi,
Khi vôi phải nước nó sôi ầm ầm.
Một vợ thì đi buôn mâm,
Không may mâm thủng lại nằm ăn xôi. Một vợ thì đi buôn nồi,
Không may nồi méo, một nồi hai vung. Một vợ thì đi buôn hồng,
Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi. Than rằng đất hỡi trời ôi !
Trời cho bảy vợ như tôi làm gì.
III. CON CÒ TRONG CA DAO
83. CÁI CÒ ĐI ĐÓN CƠN MƯA.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mờ-mịt ai đưa cò về. Cò về đến gốc cây đề,
Giương cung anh bắn, cò về làm chi. Cò về thăm bá, thăm dì,
Thăm cô xứ Bắc thăm dì xứ Đông.
84. CÁI CÒ CHẾT TỐI HÔM QUA
Cái cò chết tối hôm qua,
Có hai hạt gạo với ba đồng tiền. Một đồng mua trống, mua kèn, Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong Một đồng mua mớ rau rong, Đem về thái nhỏ thờ vong con cò.
85. CÁI CÒ LÀ CÁI CÒ VÀNG
Cái cò là cái cò vàng,
Mẹ đi đắp đàng, con ở với ai ? Con ở với bà, bà không có vú, Con ở với chú, chú là đàn ông.
86. CÁI CÒ LÀ CÁI CÒ CON
Cái cò là cái cò con,
Mẹ nó yêu nó, nó còn làm thơ.19 Cái cò bay lửng bay lơ,
Lại đây anh gửi xôi khô cho nàng. Đem về nàng nấu, nàng rang,
Nàng ăn có giẻo thời nàng lấy anh.
87. CÁI CÒ TRẮNG BẠCH NHƯ VÔI
Cái cò trắng bạch như vôi,
Cô kia lấy lẽ chú tôi thì về.
Chú tôi chẳng mắng, chẳng chê, Thím tôi móc mắt, mổ mề xem gan.
88. CÁI CỐC MÀY LẶN AO CHÀ Cái cốc mày lặn ao chà,20
Bay lên rủ cánh làm nhà chị nương, Yếm thắm mà nhuộm hoa nương, Cái răng hạt đỗ làm tương anh đồ. Yếm thắm mà vã nước hồ,
Vã đi, vã lại anh đồ yêu đương.
89. NƯỚC NON LẬN ĐẬN MỘT MÌNH
Nước non lận-đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn cho gầy cò con.
90. CÁI CÒ LẶN LỘI BỜ SÔNG
Cái cò lặn-lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non. Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy21nước non Cao-Bằng. Chân đi đá lại dùng-dằng,
Nửa nhớ Cao-Bằng, nửa nhớ vợ con.
91. CÁI CÒ LÀ CÁI CÒ KỲ
Cái cò là cái cò kỳ,
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô. Đêm nằm thì ngáy o o,
Chửa đi đến chợ đã lo ăn quà.
Hàng bánh, hàng bún bày ra,
Củ từ, khoai nước cùng là cháo kê. Ăn rồi cắp đít ra về.
Thấy hàng chả chó, lại lê trôn vào. Chả này bà bán làm sao ?
Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng mua. Nói dối là mua cho chồng,
Tới đến quãng đồng, ngả nón ra ăn. Thoạt là đau bụng lăm-răm
Về nhà đau quẳn đau quăn dạ dày. Đem tiền đi bói ông thầy,
Bói ra quả này những chả cùng nem Cô nàng nói dối đã quen,
Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ.
92. CON CÒ CON VẠC CON NÔNG (I)
Con cò con vạc con nông,
Ba con cũng béo vặt lông con nào ? Vặt lông con vạc cho tao,
Hành răm nước mắm bỏ vào mà thuôn.
93. CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng. Có sáo thì sáo nước trong,
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con.
94. CON CÒ LÀ CON CÒ QUĂM
Con cò là con cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai ? Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm.
95. CÁI CÒ CÁI VẠC CÁI NÔNG (II)
Cái cò, cái vạc, cái nông,
Sao mày đẵm lúa nhà ông hỡi cò. Không, không, tôi đứng trên bờ, Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi. Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia
96. CÁI CÒ LẶN LỘI BỜ AO
Cái cò lặn lội bờ ao,
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng ? Chú tôi hay tửu, hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa. Ngày thì những muốn trời mưa,
Đêm thì những muốn đêm thừa trống canh.
97. CÁI CÒ LÀ CÁI CÒ CON
Cái cò là cái cò con,
Mẹ đi xúc tép để con ở nhà.
Mẹ đi một quãng đường xa,
Mẹ sà chân xuống phải mà con lươn.
Ông kia có cái thuyền nan,
Chở vào ao rậm xem lươn bắt cò.
Ông kia chống gậy lò-dò,
Con lươn thụt xuống, con cò bay lên.
98. CÁI CÒ CHẾT RŨ TRÊN CÂY
Cái cò chết rũ trên cây,
Cò con mở sách xem ngày làm ma.
Cà-cuống uống rượu la-đà
Chim ri ríu-rít bò ra chia phần.
IV. ĐỜI SỐNG NÔNG NGHIỆP – CÁC TẬP TỤC CŨ
99. VĂN CHƯƠNG PHÚ LỤC CHẲNG HAY
Văn chương phú lục chẳng hay,
Trở về làng cũ, học cày cho xong.
Sớm ngày vác cuốc thăm đồng,
Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên.
Hết mạ ta lại quảy thêm,
Hết lúa ta lại mang tiền đi đong.
Nữa mai lúa chín đầy đồng,
Gặt về đập sảy bõ công cấy cày.
100. LÀNG TA PHONG CẢNH HỮU TÌNH
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kẽ sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.
Trời ra : gắng, trời lặn : về,
Ngày ngày, tháng tháng nghiệp nghề truân chiên.22 Dưới dân họ, trên quan viên.
Công bình giữ mực cầm quyền cho thay. Bây giờ gặp phải hội này,
Khi thời hạn hán, khi hay mưa dầm.
Khi thời gió bão ầm ầm.
Đồng điền lúa thóc mười phần được ba. Lấy gì đăng nạp nữa mà.
Lấy gì công việc nước nhà cho đang.
Lấy gì sưu thuế phép thường,
Lấy gì bổ trợ đong lường làm ăn.
Trời làm khổ cực hại dân,
Trời làm mất mát có phần nào chăng.
101. KHÓ THAY CÔNG VIỆC NHÀ QUÊ
Khó thay công việc nhà quê,
Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai. Tháng chạp thời mắc trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư bắc mạ thuận hoà mọi nơi.
Tháng năm gặt hái vừa rồi,
Bước sang tháng sáu nước trôi đầy đồng. Nhà nhà vợ vợ, chồng chồng,
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa.
Tháng sáu, tháng bảy khi vừa,
Vun trồng giống lúa, bỏ chừa cỏ tranh. Tháng tám lúa rỗ đã đành,
Tháng mười gặt hái cho nhanh kịp người. Khó-khăn làm mấy tháng trời,
Lại còn mưa nắng bất thời khổ trông.
Cắt rồi nộp thuế nhà công,
Từ rày mới được yên lòng ấm no.
102. THÁNG CHẠP LÀ THÁNG TRỒNG KHOAI23
Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay.
Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong đầy em xay em giã,
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt tiền nhiều,
Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng Đói no có thiếp có chàng,
Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.
103. THÁNG GIÊNG LÀ THÁNG ĂN CHƠI24
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm. Sớm sớm ngày đem lúa ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta,
Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ-ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai. Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng. Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bây giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
104. MỘT NĂM CHIA MƯỜI HAI KỲ25
Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi, thiếp tính khó gì chẳng ra. Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai rỗi-rãi quay ra nuôi tằm. Tháng ba đi bán vải thâm,
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về. Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô. Chín, mười cắt rạ đồng mùa,
Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng. Anh ăn rồi anh lại nằm,
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền. Chẳng thà lấy chú lực điền,
Gạo bồ, thóc giống còn phiền nỗi chi.
105. THÁNG GIÊNG CHÂN BƯỚC ĐI CÀY,
Tháng giêng chân bước đi cày,
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng. Thuận mưa lúa tốt đằng-đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.
106. THÁNG GIÊNG ĂN TẾT Ở NHÀ26
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội-hè. Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết đoan-ngọ trở về tháng năm. Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy hôm rằm, xá tội vong nhân. Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng. Tháng mười buôn thóc, bán bông,
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.
107. TRỜI CHO CÀY CẤY ĐẦY ĐỒNG
Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê. Một mai gặt lúa đem về,
Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung.
108. ƠN TRỜI MƯA NẮNG PHẢI THÌ
Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản lâu lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng. Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
110. TRÂU ƠI TA BẢO TRÂU NÀY
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cày cấy vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
111. RỦ NHAU ĐI CẤY ĐI CÀY
Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu. Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
112. MỘT QUAN TIỀN TỐT MANG ĐI
Một quan tiền tốt mang đi,
Nàng mua những gì hãy tính cho ra. Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu. Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng. Có gì mà tính chẳng thông,
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi. Ba mươi đồng rượu chàng ôi,
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
113. AO TO TA THẢ CÁ CHƠI
Ao to ta thả cá chơi,
Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà. Quanh năm khách-khứa trong nhà, Ao vườn sẵn đó lọ là tìm đâu.
114. LÍNH THÚ THỜI XƯA
Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài. Một tay thì cắp hoả mai,
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền. Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
115. BA NĂM TRẤN THỦ LƯU ĐỒN
Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan. Chém tre đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ phàn-nàn cùng ai. Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng ? Nước giếng trong con cá nó vẫy-vùng.
116. SÚC SẮC SÚC SẺ27
Súc sắc súc sẻ
Nhà nào, nhà này,
Còn đèn, còn lửa,
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào. Bước lên giường cao,
Thấy đôi rồng ấp.
Bước xuống giường thấp,
Thấy đôi rồng chầu.
Bước ra đàng sau,
Thấy nhà ngói lợp,
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn cầm.
Ông sống một trăm
Thêm năm tuổi lẻ.
Vợ ông sinh đẻ,
Những con tốt lành.
Những con như tranh,
Những con như vẽ.28
V. LINH TINH
117. LÁC ĐÁC MƯA NGÂU
Lác-đác mưa ngâu,
Sình-sịch mưa ngâu,
Lá ngâu rụng xuống, bông lau phất cờ. Nước trong xanh, lặng-ngắt như tờ,
Một đàn cá lớn nhấp-nhô đầu ghềnh.
118. TRĂNG BAO NHIÊU TUỔI TRĂNG GIÀ
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ-trơ.
119. TRONG ĐẦM GÌ ĐẸP BẰNG SEN29
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
120. CÔ KIA GÁNH NƯỚC QUANG MÂY
Cô kia gánh nước quang mây !
Cho xin một gáo tưới cây ngô đồng
Ngô đồng thêm tốt, thêm xanh,
Để cho chim phượng đậu cành so-le.
121. ĐỐ AI
Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng.
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
122. ĐÈN KHOE ĐÈN TỎ HƠN TRĂNG
Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng,
Đèn ra ngoài gió, còn chăng hỡi đèn ?
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn,
Cớ sao trăng phải chui luồn đám mây ?
VI. TRÒ CHƠI NHI ĐỒNG
A) Ý NGHĨA CÁC TRÒ CHƠI
Trò chơi nhi đồng Việt-Nam cũng như trò chơi nhi đồng của bất cứ nước nào đều không ít thì nhiều vụ vào những mục đích giáo dục. Tỉ như :
Trò « Rung-răng rung-rẻ » giúp các em nhỏ có những cử động nhịp-nhàng.
Những trò chơi chạy, nhảy, rượt, đuổi đều có tác dụng làm cho bắp thịt các em nẩy-nở. Trong trò chơi « Thả đỉa ba ba » em bị rượt đuổi phải luôn luôn làm chủ được những cử động của mình chợt chạy tả, chợt chạy hữu… để khỏi bị bắt.
Trò chơi « Rồng rắn » chẳng hạn, dạy các em tinh thần liên đới, bởi các em ở bên « rắn » phải luôn luôn liên kết
thành một khối, đầu chặn thầy thuốc để đuôi chạy.
Trò chơi « Ú tìm » giáo dục thính quan, thị quan ; các em vừa lắng nghe vừa chú mục nhìn để khám phá ra nơi có kẻ trốn nấp.
Trò chơi « Câu đố » huấn luyện trí thông-minh suy đoán.
Trò chơi thả diều (nhiều thứ diều) vừa giúp tâm trí thảnh thơi vừa huấn luyện óc thẩm mỹ.
Vào dịp trung thu các em kết đoàn lại để rước đèn, vừa đi vừa hát « hồ khoan » thực vừa có tính cách thẩm mỹ vừa có tính cách luân lý.
B) VÀI CÁCH BẮT THĂM
Nếu cần chỉ định một trong nhiều em giữ một vai trò gì, có cách rút thăm bằng que. Em nào rút phải chiếc que cụt, hoặc chiếc que gẫy, em đó phải lãnh vai trò.
Nếu trò chơi chia làm hai phe, có thể bắt thăm nhiệm vụ chỉ định cho một trong hai phe bằng cách « Oẳn, tù, tì » hay « Sì gà ».
« Oẳn, tù tì » là phiên âm ba tiếng Anh One, Two, Three (một, hai, ba). Hai em đứng đối diện nhau vừa đu-đưa nắm tay vừa đọc : « Oẳn, tù, tì, Cái gì ? Cái này ! »
Dứt lời mỗi em phải quyết định « xuất trình » hình thù tay của mình theo một trong ba kiểu sau đây :
1. Cả bàn tay xoè rộng tượng trưng tờ giấy.
2. Chỉ có ngón tay trỏ và ngón tay giữa ruỗi ra tức là cái kéo.
3. Cả bàn tay nắm lại hình quả đấm là cái búa (với các em nhi đồng Nhật-Bản thì là hòn đá).
Tờ giấy thắng búa vì bọc được búa, nhưng lại thua kéo vì kéo cắt được giấy. Búa tuy thua giấy nhưng lại thắng kéo, vì chính với búa thợ rèn đã rèn đập ra kéo.
« Sì Gà » : Hai em cũng đứng đối diện và sau khi đã cùng phát âm tiếng « sì » giữa hai hàm răng thì cùng giơ một trong bốn ngón tay sau đây lên ngang mắt :
Ngón cái : vua bắt kẻ trộm.
Ngón trỏ : kẻ trộm bắt gà.
Ngón giữa : gà mổ mối.
Ngón đeo nhẫn : mối đục chân vua.
Sau đây là một số trò chơi phổ thông của các trẻ em Việt, đặc biệt là ở vùng quê :
C) TRÒ CHƠI PHỔ THÔNG CỦA CÁC TRẺ EM VIỆT
1. CHƠI DIỀU
Trò chơi này không riêng cho trẻ em mà cho cả người lớn nữa. Có điều người lớn thì chơi những diều cỡ bự mang sáo chiêng, sáo đẩu. Có diều lớn tới ba thước chiều ngang, một thước chiều rộng mang một bộ ba cái sáo, sáo lớn kêu âm u gọi là sáo chiêng (phải chăng vì kêu âm-u như tiếng chiêng), sáo cỡ trung gọi là sáo đẩu. Ngày hội có những cuộc thi diều cho người lớn, giải thưởng thật hậu, chẳng thế mà ca dao ta đã có câu :
Cầm dây cho chắc,
Lúc-lắc cho đều
Để bố đâm diều
Kiếm gạo con ăn.
Các em nhỏ thì chơi loại diều nhẹ. Người khéo tay có thể làm được nhiều thứ diều : diều con cốc, diều con quạ, diều con cá, diều con bướm, diều con rết, diều chữ thập, diều cánh phản, diều mặt giăng…
Các em có thể chơi diều sáo loại nhỏ, hoặc loại diều vằng. Đồng bào miền Hưng-Yên (Bắc-Việt) gọi vằng là cái mạng vì vằng làm bằng màng giang chuốt thật mỏng ; lúc diều lên gặp gió, màng giang của vằng rung lên kêu « vè vè » rất vui tai.
2. THẢ MỒI ĐỚP BÓNG
Sau khi đã rút thăm để xem ai phải làm trò « thả mồi đớp bóng », các em khác thả lên mặt ao chiếc bong bóng lợn đầu có buộc một sợi dây dài chừng năm mươi phân. Trong khi em nọ vừa bơi vừa hụp cố há miệng đớp lấy sợi dây thì các em xung quanh đua nhau khuấy vỗ cho mặt nước nổi sóng chao
chát.
Nếu em kia đớp được sợi dây thì em ở gần nhất lúc đó phải thay thế ; nếu qua một thời gian ước định mà không được thì phải phạt « giồng cây chuối », nghĩa là em phải hụp đầu xuống nước, hai chân ruỗi thẳng chổng ngược lên mặt nước. Suốt thời gian đó các em khác hát lớn bài sau đây :
Thả mồi đớp bóng,
Cho chóng mà lên.
Nếu không thì giồng cây chuối,
Cho chúng ta xem.
3. CHỒNG ĐỐNG CHỒNG ĐE
Các em ngồi hay đứng thành vòng tròn xếp nắm tay lần lượt theo chiều cao một em đứng riêng ra vừa lần lượt chỉ từng nắm tay vừa hát :
Chồng đống chồng đe.
Con chim le lưỡi.
Nó chỉ thằng nào ?
Nó chỉ thằng này !
Chữ « này » sau cùng rơi vào nắm tay em nào em đó lập tức vùng đuổi, các em khác cũng lập tức vùng chạy toả ra bốn phía. Em nào chạy không kịp bị bắt thì phải vào thay thế.
4. HỒ KHOAN
Vào dịp Tết trung-thu các em trong làng, xóm tụ-tập nhau để rước đèn. Em trưởng đoàn vừa điều khiển cuộc rước đèn theo các đường trong làng trong xóm, vừa điều khiển nhịp hát hồ khoan, nội dung câu hát thường có tánh-cách luân-lý, đại để như sau :
Bắt cái, bắt cái này, hồ khoan !
Ai ơi chớ vội cười nhau,
Cây nào mà chẳng có sâu chạm cành.
Hồ khoan !
Bắt cái, bắt cái này, hồ khoan !
Làm người mà chẳng biết suy, Đến khi nghĩ lại còn gì là thân Hồ khoan !
5. RUNG-RĂNG RUNG-RẺ30
Rung-răng rung-rẻ,
Dắt trẻ đi chơi.
Đến cửa nhà chòi,
Lạy cậu lạy mợ,
Cho cháu về quê,
Cho dê đi học,
Cho cóc ở nhà,
Cho gà bới bếp !
Xì-xà xì-xụp,
Ngồi thụp xuống đây.
6. NU-NA NU-NỐNG (I)31
Nu-na nu-nống,
Cái Cống nằm trong.
Cái Ong nằm ngoài,
Củ khoai chấm mật.
Phật ngồi phật khóc,
Con cóc nhảy ra,
Con gà ú ụ,
Nhà mụ thổi xôi,
Nhà tôi nấu chè.
Tè he chân rụt.
7. NU-NA NU-NỐNG (II)32
Nu-na nu-nống,
Thằng cộng, cái cạc.
Chân vàng, chân bạc.
Đá xỉa, đá xoi.
Đá đầu con voi.
Đá lên, đá xuống.
Đá ruộng bồ câu.
Đá râu ông già.
Đá ra đường cái.
Gặp gái đi đường.
Có phường trống quân. Có chân thì rụt.
8. XỈA CÁ MÈ33
Xỉa cá mè.
Đè cá chép.
Chân nào đẹp,
Đi rào men.
Chân nào đen,
Ở nhà làm gà làm chó.
9. THẢ ĐỈA BA BA34
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt đàn bà.
Phải tội đàn ông,
Cơm trắng như bông.
Gạo tiền như nước,
Đổ mắm đổ muối.
Đổ chốt hạt tiêu,
Đổ niêu cứt gà.
Đổ phải nhà nào,
Nhà ấy phải chịu.
10. CHI-CHI CHÀNH-CHÀNH
Chi-chi chành chành !
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa chết trương,
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm.
Hú tiu, bắt… ập !
CHÚ THÍCH : Một em xoè bàn tay trái rồi cùng ba bốn em khác cùng đặt ngón tay trỏ vào giữa lòng bàn tay. Em hát bài trên, đến câu cuối cùng cố ý kéo dài giọng ở chữ « bắt » để rồi bất thình lình nắm tay lại cùng với chữ « ập ». Em nào rút chậm bị giữ ngón tay trỏ, em đó phải ở lại, tự bịt mắt để các em khác đi trốn. Em nào bị tìm thấy đầu tiên sẽ phải thay thế.
Cũng trong tập IIEH 1943 (Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme. Tome VI, p.170), nhà học giả Nguyễn Văn-Tố có sưu tầm được một bản văn khác về bài « Chi-chi chành-chành » với lời giải thích là ý nghĩa toàn bài đó ám chỉ chuyện vua Hàm-Nghi đi trốn và bị bắt như sau :
CHI-CHI CHÀNH-CHÀNH
Chu chi rành rành !
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa đứt cương,
Ba vương lập đế.
Chấp chế thượng hạ,
Ba chạ đi tìm,
Ú tim, ập !
Chu : vòng, tròn ; chi : đạt tới. Cả câu có ý nói chúng ta đứng thành vòng tròn đầy, chúng ta hiểu điều đó lắm.
Câu thứ hai ý muốn báo trước những biến cố đau thương sắp tới.
Ba vương nói ở câu bốn là ba vua kế tiếp nhau lên ngôi : Dục-Đức, Hiệp-Hoà và Kiến-Phúc.
Chạ chính nghĩa là xóm, một phần của làng (ca dao VN « làng trên chạ dưới thiếu gì giai to »). Nhưng ba chạ ở đây ám chỉ ba làng Thanh-Lạng, Thanh Cốc và Tha Mặc đi tìm vua. Ba làng này đã được kể tới trong bài « Poursuites dirigées contre le roi Ham-Nghi » của R.P.A. Delvaux đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1941, tr. 303.
Câu cuối : Vua Hàm Nghi bị bắt, ngày 2-11-1888.
Ông Nguyễn-Văn-Tố giải thích thêm là vua Hàm Nghi khởi sự đi trốn vào tháng bảy năm 1884, bị bắt vào ngày 2-11- 1888 và bài đồng dao được ghi lại theo lời một người dân vùng Sơn-Tây, đã được đăng tải lần đầu tiên trên tờ « La Patrie Annamite » ngày 15-6-1935.
Cũng trong tập IIEH 1943, bài « Note à propos d’une chanson enfantine Annamite » trang 207-212 một học giả khác, ông Nguyễn-Văn-Huyên, thuật lại một cách giải thích
khác mà ông được nghe từ thuở thiếu thời. Theo ông thì đây là một bài sấm tiên tri về tương lai nước Nam nhà sau khi nhà Lê đổ :
Chi-chi chành-chành : Từng cành lớn sinh ra những ngành nhỏ (gợi ý niệm những biến động theo luật nhân quả)
Cái đanh thổi lửa : Ám chỉ que diêm quẹt lửa hay đúng hơn cái kim hoả của súng tượng trưng cho sức mạnh Tây phương mà tới hồi cuối thế kỷ XVIII đó người Nam ta mới được biết.
Con ngựa chết trương : Ám chỉ vua Lê Hiển-Tông chết vào ngày Mậu Ngọ (ngày 17), tháng 7, năm Bính Ngọ (1786), sau 47 năm cực nhọc với ngôi trời. Nhà vua chết vào đúng lúc kinh đô Thăng-Long bị quân Tây-Sơn chiếm giữ.
Ba phương ngụ đế : Ba miền đã có người xưng vương, Nguyễn Huệ (Quang-Trung) miền Bắc, Nguyễn Nhạc (Thái Đức) miền Trung, Nguyễn Ánh (tương lai sẽ là vua Gia Long) miền Nam.
Cấp kế thượng-hải : Viện binh từ biển tới. Ám chỉ việc Hoàng-tử Cảnh theo ông Bá-Đa-Lộc sang Pháp cầu viện năm 1789.
Ú-Tim Ù-ập : Mọi người đều như chơi « ú-tìm » từ đấy. Nào là việc cấm giảng đạo, giết giáo sĩ của những triều đại kế vị Gia Long đã vô tình làm cho người Pháp phản ứng lại. Sự phản ứng đó không ngờ đã khiến người Pháp chiếm được nước Nam rồi cả bán đảo Đông-Dương. Rõ thật chẳng khác gì hai bên chơi trò ú tìm, mọi kết quả đều đến bất ngờ ngoài mọi mưu toan của đôi bên.
11. VẤN ĐÁP35
- Chú gì ?
- Chú chuột.
- Chốt gì ?
- Chốt tre.
- Bè gì ?
- Bè muống.
- Ruộng gì ?
- Ruộng nương.
- Đường gì ?
- Đường cống36
- Cống gì ?
- Cống sáp.
- Sáp gì ?
- Sáp ong.
- Lòng gì ?
- Lòng giời ?
- Chơi gì ?
- Chơi tán37
- Tháng gì ?
- Tháng chầu,
- Chầu gì ?
- Chầu… bụt !
12. TẬP TẦM VÔNG38
Tập tầm vông,
Tay nào không ?
Tay nào có ?
Tập tầm vó,
Tay nào có ?
Tay nào không ?
13. CHỒNG LỘNG CHỒNG CÀ (I)39
Chồng lộng, chồng cà.
Bí đao bí đỏ,
Mày ngồi đầu ngõ,
Mày nhặt lông mày.
Mày cày ruộng ấu,
Mày giấu tay nào ?
Mày giấu tay này !
14. CHỒNG LỘNG, CHỒNG CÀ (II)40
Chồng lộng, chồng cà.
Mày xoà hoa khế,
Khế ngâm, khế chua,
Cột đình, cột chùa,
Nhà vua mới làm.
Cây cam, cây quýt,
Cây mít, cây hồng.
Cành thông, lá nhãn,
Ai có chân, có tay thì rụt.
15. MÍT MẬT MÍT GAI41
Mít mật mít gai,
Mười hai thứ mít.
Vào ăn thịt
Ra ăn xôi
Chú chẳng nghe tôi
Tôi bịt mắt chú
Ẩn đâu cho kín
Bao giờ lúa chín thì về.
16. MÙI XOẢ MÙI XOA
Mùi-xoả mùi-xoa,
Tao cho xuống đất.
Đứa nào sợ quất,
Sờ lại phía sau.
Đứa nào sợ đau,
Mau mau chạy trốn.
17. ĐÁNH CHUYỀN42
Từ hai đến năm em tụ tập lại. Đồ chơi là một viên cuội nặng (bây giờ là một trái banh) và mười chiếc que gọi là mười con chắt.
Lần thứ nhất : Các em tung hòn cuội hay trái banh lên cao rồi dùng cả hai tay xoay tròn nắm que một vòng, và khi hòn cuội rơi xuống cũng vừa kịp bắt. Vừa làm vậy các em vừa hát bài sau đây :
Giồng luống cải,
Giải con chắt.
Một giẻo-giang.
Hai sang đò.
Ba cò kếu.
Bốn nghêu-ngao.
"""