"
Từ Trái Đất Đến Mặt Trăng - Jules Verne & Thanh Yên (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Từ Trái Đất Đến Mặt Trăng - Jules Verne & Thanh Yên (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
Ebooks
Nhóm Zalo
TỪ TRÁI ĐẤT ĐẾN MẶT TRĂNG Nguyên tác: De la Terre à la Lune (1865) —★—
Tác giả: Jules Verne
Dịch giả: Thanh Yên
NXB Văn học - 2017
Nguồn: TVE-4U.ORG
Scan & OCR: y42b5yis.vzn
Chuyển text: Caruri
Chương 1
Câu lạc bộ Súng
T
rong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, hay còn gọi là cuộc chiến tranh giữa các tiểu bang (1861-1865), tại thành phố Baltimore, bang Maryland đã xuất hiện một câu lạc bộ mới và có sức ảnh hưởng ngoài mong đợi của những người sáng lập. Nó nổi lên cùng với nguồn năng lượng đến từ những tham vọng quân sự đang lớn dần giữa các nhóm chủ tàu, chủ hiệu và thợ cơ khí. Các nhà buôn thuần túy bỏ bàn tính để trở thành đại úy, đại tá và tướng lĩnh mà chưa hề có mặt dù chỉ một ngày ở Trường đào tạo West Point; thế mà, họ vẫn mau chóng sánh ngang với những kẻ đồng cấp nơi lục địa già và cũng như những kẻ kia, giành được thắng lợi nhờ các khoản chi vô tội vạ vào đạn dược, tiền bạc và con người.
Nhưng lĩnh vực trong đó người Mỹ đặc biệt bỏ xa người châu Âu là khoa học chế tạo đại bác. Không phải vũ khí của họ có độ hoàn hảo cao hơn mà đơn giản chỉ là họ tạo ra các kích thước lớn hơn; lớn chưa từng thấy, thậm chí lớn tới mức xưa nay chưa từng thấy. Có người còn bạo mồm nói rằng kể cả mãi mãi về sau… Ở các khoản bắn quét, phóng, xiên, hay lia, hoặc bắn thẳng, người Anh, Pháp và Phổ chẳng có gì cần học hỏi; nhưng súng đại bác, bích kích pháo và súng cối của đám người này chỉ là thứ súng lục bỏ túi nếu so với những cỗ máy ghê gớm của pháo binh Mỹ.
Sự thật này chẳng làm bất ngờ ai. Người Yankee, dù đây là theo cách
gọi coi thường của người miền Nam trong thời kỳ nội chiến dành cho dân Bắc Mỹ, thì chính họ, những thợ cơ khí đầu tiên trên thế giới, là các kỹ sư – cũng như người Ý là nhạc công còn người Đức là các nhà siêu hình học bẩm sinh. Chẳng gì nghiễm nhiên hơn, thế đấy, việc nhìn họ ứng dụng tài hoa ấn tượng của mình vào khoa học chế tạo đại bác. Chứng kiến sự kỳ diệu của các loại súng Parrott, Dahlgren và Rodman, thì lục địa già với những súng Armstrong, Palliser và Beaulieu vang lừng tên tuổi một thời đã buộc phải cúi đầu trước những kình địch ở bên kia Đại Tây Dương.
Giờ đây khi một người Mỹ có kế hoạch hành động, anh ta sẽ trực tiếp tìm một anh Mỹ thứ hai để bàn bạc và mời hợp tác. Nếu có ba, họ sẽ chọn ra một thủ lĩnh. Khi có bốn, họ sẽ chỉ định người quản lý hồ sơ và văn phòng sẵn sàng hoạt động. Nếu có năm, họ sẽ tiến hành mọi nghi lễ cần thiết để cho ra đời một câu lạc bộ. Chính là cái câu lạc bộ nói trên. Mọi thứ diễn ra tại Baltimore. Nhà sáng chế ra loại đại bác mới ủng hộ các thợ đúc và thợ khoan. Từ đó hình thành nên cốt lõi, nền tảng cho sự ra đời Câu lạc bộ Súng. Rồi, chỉ vẻn vẹn một tháng sau ngày thành lập, câu lạc bộ đã có tới 1.833 hội viên hợp thức và 30.565 hội viên thông tấn.
Một điều kiện được coi như yếu tố tiên quyết đối với mỗi ứng viên khi gia nhập câu lạc bộ này, là phải đã hoặc đang thiết kế, hoặc (ít hay nhiều) từng hoàn thiện một khẩu đại bác; hoặc, nếu không đại bác, chí ít cũng là loại súng ngắn nào đó. Ấy thế mà, nghe nói, chỉ các tay sáng chế ra súng lục ổ quay, súng cạc bin khạc lửa và các vũ khí tương tự cỡ nhỏ, mới gặp ít soi xét nhất. Riêng lính pháo binh luôn được xếp hạng ưu trong điều khoản chiếu cố.
Quy ước để tổ chức các quý ông này, theo một trong những diễn giải khoa học nhất và cũng mơ hồ nhất, của Câu lạc bộ Súng, là “tương ứng
với số lượng súng của họ và tỷ lệ thuận với bình phương khoảng cách đạt được khi đạn bắn ra”.
Khi Câu lạc bộ Súng được thành lập, tương lai về các thiên tài phát minh của người Mỹ thật quá dễ mường tượng. Vũ khí quân sự của họ đạt tới tầm vóc khổng lồ, còn đạn của họ, vượt mọi giới hạn quy chuẩn, thỉnh thoảng chẳng may cắt đôi vài khách bộ hành vô tội. Những sáng chế này, trên thực tế, bỏ xa các thiết bị nhút nhát của pháo binh châu Âu lại phía sau.
Cũng là lẽ công bằng khi nói thêm rằng những người Yankee này, dũng cảm như họ từng thể hiện, đã không hạn chế chính mình trong các học thuyết và công thức, nhưng đã phải trả giá đắt, bằng chính bản thân, cho các sáng chế của họ. Trong số họ có đủ các cấp sĩ quan, từ trung úy tới cấp tướng; quân nhân thuộc mọi lứa tuổi, trong đó có người vừa mới gia nhập ngành vũ khí cho tới những người đã già đi cùng xe chở pháo. Phần còn lại của nhiều người được tìm thấy trên chiến trường và dòng tên viết in hoa trong Cuốn sách Danh vọng của Câu lạc bộ Súng, nhiều người khác tỏa ánh vinh quang mang theo những dấu tích của lòng dũng cảm không thể bàn cãi. Nạng đỡ, chân gỗ, tay giả, móc thép, hàm cao su, sọ bạc, mũi bạch kim, đều được tổng kết lại; và nhà thống kê xuất sắc Pitcairn tính toán rằng, suốt thời gian hoạt động của Câu lạc bộ Súng, cứ bốn người thì một thiếu đôi tay toàn vẹn và sáu người thì một không có đôi chân đủ đầy.
Tuy nhiên, những pháo thủ can đảm này chẳng dành chút chú ý đặc biệt nào tới những thừa thiếu nhỏ nhoi này, mà chỉ cảm thấy niềm tự hào dâng tràn khi thông báo kết quả gửi về từ trận chiến: Con số tử vong gấp mười lần lượng đạn tiêu hao.
Một ngày nọ, ấy vậy mà lại là ngày u buồn! Hòa bình được ký kết giữa
những kẻ sống sót sau cuộc chiến; tiếng gầm rú của đạn pháo dần vơi, súng cối trở nên câm lặng, bích kích pháo bị bịt kín miệng trong thời gian không hạn định, đại bác, với những họng súng rầu rĩ, bị kéo vào kho… những hồi ức đẫm máu cũng lu mờ; cây bông mọc sum suê trên những cánh đồng được bón phân cẩn thận, tất cả đồ tang lễ được xếp sang một bên, cùng với nỗi đau thương; còn Câu lạc bộ Súng bị đẩy xuống trạng thái trì trệ vô thời hạn.
Dăm ba nhà lý luận cấp cao thâm căn cố đế quay lại với việc sửa đổi các trù tính về luật súng đạn. Họ khăng khăng lật lại vấn đề về đạn pháo khổng lồ và bích kích pháo ngoại cỡ. Nhưng thiếu thực tiễn, mớ lý thuyết này có giá trị gì? Và như vậy, các phòng trong câu lạc bộ trở nên vắng ngắt, những người phục vụ ngủ gà gật nơi tiền sảnh, báo chí mốc meo trên bàn, tiếng ngáy vọng ra từ góc tối, còn hội viên của Câu lạc bộ Súng, khi xưa ầm ĩ trong cả phiên họp lẫn giờ giải lao, nay tụt xuống im ắng vì thứ hòa bình tai họa này và buông bỏ toàn bộ bản thân vào những giấc mơ về một nền pháo binh thuần khiết.
“Thật là tệ hại!” Tom Hunter nói khi chiều tối, trong lúc đang mau chóng tôi cacbon cặp chân giả trong lò sưởi phòng hút thuốc. “Chẳng có gì để làm!” anh nói, giọng hằn học. “Chẳng có gì để trông mong! Cái loại tồn tại ghê tởm này! Đến khi nào súng ống lại đánh thức chúng ta dậy buổi sáng bằng tiếng nổ dễ chịu của nó đây?” “Những ngày đó qua rồi,” Bilsby dễ mến nói, cố duỗi đôi tay đã mất. “Đã là ngày xưa vui vẻ rồi! Một người phát minh ra súng và khó khăn lắm mới đúc ra nó, một người vội vã thử dùng để đối đầu với kẻ thù! Sau đó một người quay về doanh trại cùng lời cổ vũ của Sherman hoặc cái bắt tay thân thiện với McClellan. Nhưng giờ các tướng đều quay lại với bàn tính;
và thay vì súng đạn, họ gửi đi các kiện bông. Trời ơi, tương lai ngành chế tạo đại bác của nước Mỹ tiêu rồi!”
“Ây! Còn chẳng có viễn cảnh chiến tranh nào!” James T. Maston nổi tiếng tiếp lời, cào cào cái sọ nhựa kết của mình bằng bàn tay móc thép. “Chẳng có nguy cơ nào trong tương lai! Mà lại còn ở cái giai đoạn then chốt trong sự phát triển của khoa học pháo binh! Đúng thế đấy, các quý ông! Tôi, người đang nói với các bạn đây, sáng nay đã hoàn thiện một mẫu, đủ cả, gồm bố trí, mặt cắt, góc nâng, vân vân và vân vân của loại súng cối sẽ thay đổi mọi tình thế chiến trận!”
“Không… không! Có thể như vậy ư?” Tom Hunter kêu lên, vô tình nhớ lại sáng chế trước kia của ngài J. T. Maston, bằng cách nào đó, trong lần thử nghiệm đầu tiên, đã tiêu diệt ba trăm ba mươi bảy tên địch. Một thành công hơn cả mơ ước.
“Nhưng mà,” anh nói tiếp, “tiến hành nhiều nghiên cứu, đánh bại nhiều khó khăn thì cũng có ích lợi gì đâu? Chỉ lãng phí thời giờ! Tân Thế Giới có vẻ đã quyết tâm sống trong hòa bình; còn vị lãnh đạo hiếu chiến của chúng ta dự đoán rằng một số thảm họa sắp phát sinh từ sự gia tăng dân số tồi tệ này.”
“Tuy nhiên,” đại tá Blomsberry đáp lời, “ở châu Âu họ luôn phải vật lộn để duy trì nguyên tắc của các dân tộc.”
“Thì sao?”
“Thôi nào, có thể là vẫn có chỗ cho lòng can đảm ở bên đó và nếu họ chấp nhận sự phục vụ của chúng ta…”
“Cậu mơ mộng cái gì đấy?” Bilsby hét lên, “chế tạo đại bác vì lợi ích của lũ ngoại quốc ư?”
“Thế chả hơn là vô công rỗi nghề ở đây sao?” đại tá đáp trả.
“Chính xác,” J. T. Matson nói, “nhưng chúng ta không cần tính đến cái kế đó.”
“Tại sao không?” đại tá gặng hỏi.
“Vì quan điểm về sự tiến bộ ở Cựu Thế Giới của họ trái ngược với thói quen tư duy của người Mỹ chúng ta. Những kẻ đó tin rằng không ai có thể trở thành tướng mà ban đầu không phục vụ với vai trò người cầm cờ; thế thì chẳng khác gì nói một người không thể chĩa súng nếu không tự làm ra một khẩu súng trước đó!”
“Lố lăng!” Tom Hunter vừa nói vừa gọt đẽo tay ghế bành bằng một lưỡi mác, “nhưng nếu như vậy, tất cả những gì còn lại cho chúng ta chỉ là trồng thuốc lá và chưng dầu cá voi.”
“Gì đây!” J. T. Maston gầm lên, “Sao chúng ta không tận dụng những năm còn lại của đời mình để hoàn thiện loại súng cầm tay? Chẳng lẽ không bao giờ có cơ hội tử tế để thử tầm đạn à? Chẳng lẽ ánh chói ngời từ súng của chúng ta sẽ không bao giờ làm bừng sáng không gian nữa à? Không có mâu thuẫn quốc tế nào nảy sinh để chúng ta tuyên bố chiến tranh chống lại các thế lực bên kia Đại Tây Dương hay sao? Chẳng lẽ không người Pháp nào đánh chìm tàu hơi nước của chúng ta, hay người Anh, bất chấp quyền lợi giữa hai dân tộc, treo cổ vài đồng hương của chúng ta hay sao?”
“Không may mắn thế đâu,” đại tá Blomsberry đáp, “chẳng cái gì tương tự có khả năng xảy ra đâu, mà dù có, chúng ta cũng chả lợi dụng được gì từ nó. Tính nhạy cảm của người Mỹ đang sụt giảm mau chóng, rồi tất cả chúng ta đều sẽ lụn bại.”
“Quá đúng,” J. T. Maston trả lời với giọng giận dữ chưa tan, “Có hàng ngàn chiến trường để chiến đấu, nhưng chúng ta không chiến đấu. Chúng ta hy sinh tay chân cho lợi ích của các dân tộc – những kẻ không biết phải
làm gì với chúng! Nhưng khoan – khỏi tốn công tìm động cơ chiến tranh – chẳng phải Bắc Mỹ một lần nữa lại thuộc về người Anh?” “Chắc chắn thế rồi,” Tom Hunter đáp, giậm giậm nạng của mình trong cơn giận dữ.
“Chà, nếu vậy,” J. T. Maston nói, “tại sao không đổi lại nước Anh thuộc về người Mỹ?”
“Thế mới thích đáng và công bằng,” đại tá Blomsberry đáp lại. “Hãy kiến nghị với tổng thống Mỹ đi,” J. T. Maston ré lên, “và xem xem ông ta sẽ tiếp đón anh thế nào.”
“Hừ!” Bilsby gầm gừ giữa bốn chiếc răng chiến tranh đã để lại cho mình, “Điều đó không bao xảy ra!”
“Trời ơi!” J. T. Maston la lớn, “Thế thì ông ta hẳn không cần phiếu của tôi cho lần bầu cử tiếp rồi!”
“Cũng không cần của chúng tôi luôn,” tất cả các thương binh hiếu chiến nhất trí đáp lời.
“Trong lúc ấy,” J. T. Maston tiếp tục, “cho phép tôi nói điều này, nếu tôi không thể tóm được một cơ hội để thử nghiệm súng cối mới của mình trên chiến trường chân chính, tôi sẽ nói lời tạm biệt với tất cả thành viên của Câu lạc bộ Súng và đi chôn vùi bản thân trong các thảo nguyên ở Alaska!”
“Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ đi theo anh,” những người khác kêu lên.
Chuyện là trong tình cảnh đáng tiếc ấy, câu lạc bộ bị đe dọa trước nguy cơ giải tán, thì một tình huống bất ngờ đã xảy ra và ngăn chặn một kết thúc bi đát.
Vào ngày tiếp theo sau cuộc trò chuyện này, mỗi thành viên của hội đều nhận được một giấy báo có niêm phong thuật lại nội dung sau: BALTIMORE,
Ngày mùng ba tháng Mười,
Chủ tịch Câu lạc bộ Súng trân trọng thông báo tới các đồng sự rằng, tại buổi họp khẩn cấp lần thứ năm, ngài sẽ mang đến cho họ một tin tức vô cùng thú vị. Ngài yêu cầu, do đó, họ sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để tham gia theo đúng lời mời này.
Rất thân ái.
IMPEY BARBICANE,
Chủ tịch Câu lạc bộ Súng.
Chương 2
Tin tức của chủ tịch Barbicane
V
ào tám giờ tối ngày mồng 5 tháng Mười, một đám đông chen vai thích cánh nhúc nhích di chuyển nhằm tới hội trường Câu lạc bộ Súng ngụ tại số 21 quảng trường Thống Nhất. Toàn bộ hội viên, dù chính thức hay thông tấn, sống ở Baltimore đều đến dự theo lời mời của ngài chủ tịch. Song, nhờ tin tức được hàng ngàn người lan truyền khắp đường to ngõ nhỏ trong thành phố mà dường như “toàn thể dân chúng” Baltimore đã tụ tập về đây. Cũng không thiếu tầng tầng lớp lớp học giả cao thấp của đủ ngành nghề cũng nô nức đến dự, khiến toàn bộ hội trường dù mênh mông đến vậy vẫn không thừa một chỗ đứng chứ đừng nói đến ngồi. Họ tràn vào cả các phòng bên, chen chúc ở mọi hành lang, ùa ra các sân ngoài trời. Tại đó, họ ganh đua với đám đông nhốn nháo đang chèn ép lên các khung cửa, một mực vật lộn để nhao lên được hàng đầu hòng nghe lọt cái thông tin mà ngài chủ tịch Barbicane sắp sửa ném ra; họ xô đẩy, chèn ép, chen lấn bằng những hành vi của thứ tự do tột bậc đặc trưng cho đám đông khi được dạy dỗ theo tư tưởng của “chế độ tự trị”.
Bởi vậy, dường như không ai để ý đến một người lạ, cũng có thể gọi là vị khách lạ, đâu như tình cờ ghé qua Baltimore, dù năn nỉ hoặc dọa dẫm cách nào cũng không được đám an ninh cho vào đại sảnh. Bởi đó là đặc quyền của hội viên hợp thức và hội viên thông tấn; không chấp nhận một
ngoại lệ nào khác. Vì vậy, dù là nhà tài phiệt, hội viên hội đồng hay quan chức thành phố cũng buộc phải đứng lẫn với đám thị dân chỉ để chộp được chút ít thông tin may mắn lọt ra từ bên trong.
Trái với sự lộn xộn và huyên náo kia, sảnh đường rộng lớn bày ra một quang cảnh kỳ lạ có phần khuếch trương và đe dọa. Đó cũng là ý đồ của sự bài trí nơi đây. Những cột trụ sừng sững tạo hình đại bác mà chân đế là những khẩu súng cối khổng lồ, đỡ lấy khung sắt đường bệ của mái vòm, một nòng pháo bằng gang đúc hoàn mỹ. Các kỷ vật chiến tranh gồm súng ngắn loe nòng, súng hỏa mai, súng câu thương, súng cạc bin, đủ loại súng cầm tay, từ cổ xưa tới hiện đại, được xếp xen kẽ trên tường trông cực kỳ ấn tượng. Khí đốt chiếu sáng rực rỡ của dãy đèn trần nhiều ngọn được tạo thành từ vô số súng lục ổ quay chói lọi và nhiều loại súng ngắn khác kết hợp với những giá đèn làm từ súng trường tạo nên một màn ánh sáng huy hoàng. Các mẫu đại bác, các khuôn đúc đồng, những máy ngắm bắn đầy vết lõm, những tấm bảng lỗ chỗ vết đạn của Câu lạc bộ Súng, một loạt đồ thông nòng và bọt biển, những dây đạn trái phá, vòng đạn, chuỗi bích kích pháo – nói chung, tất cả trang thiết bị của bộ đội pháo binh, nhờ phong cách bài trí tuyệt vời, hấp dẫn mắt nhìn và gợi lên niềm tin rằng mục đích chân chính của chúng là để trang trí hơn là để bắn giết.
Trên bục lớn ở cuối sảnh đường là ngài chủ tịch cùng bốn thư ký phụ tá. Giá súng chạm trổ được dùng làm bệ đỡ cho chiếc ghế của ngài, còn chiếc ghế thì được thiết kế theo mẫu súng cối loại 32 inch với kích thước đáng kể, kê trên đám gậy chỉ huy hơi chếch về phía sau, vì thế nom ngài như ngự trên ghế bập bênh, cũng được coi là một sự thụ hưởng dễ chịu vào mùa nóng nực. Trên bàn (một tấm sắt khổng lồ được kê trên sáu súng cối bắn ngang) đặt một giá bút trang nhã tinh tế, làm từ súng lục Tây Ban Nha
được chạm khắc đẹp mắt và một chuông báo, loại mà khi cần thiết, có thể tạo ra âm thanh tương đương với tiếng nổ của súng lục ổ quay. Nhưng trong những cuộc tranh luận dữ dội, loại chuông mới mẻ này cũng chả đủ sức át đi tiếng la hét của các pháo thủ đang trong cơn kích động.
Phía trước bàn, những ghế dài được xếp thành hình chữ chi, tựa như xây thành đắp lũy, tạo nên một dãy những pháo đài liên tiếp nhau, còn bức tường nối giữa hai pháo đài thì dành riêng cho thành viên câu lạc bộ sử dụng; và trong buổi tối đặc biệt này ai đó có thể thốt lên rằng, “Toàn bộ thế giới đều được dựng trên thành lũy.” Ngài chủ tịch đã rất nổi tiếng, vậy đấy, đủ để tất cả mọi người tin tưởng rằng, ngài sẽ không khiến đồng sự của mình bực bội mà không có lý do chính đáng.
Impey Barbicane bốn mươi tuổi, là một người đàn ông điềm tĩnh, lạnh lùng, đơn độc và khắc khổ; cử chỉ cực kỳ nghiêm nghị và chuẩn xác như đồng hồ bấm giờ. Tâm tính bình thản và cốt cách kiên định; ngài chủ tịch không ưa thích sự hào nhoáng, cũng không phải kẻ say mê mạo hiểm, mà luôn đề cao các tính toán thực tế để ngăn chặn những cái đầu táo bạo đến liều lĩnh đầy rẫy trong Câu lạc bộ Súng. Có thể nói ngài chủ tịch là một thổ dân New England chân chính, một người khai hoang phương Bắc, hậu duệ của tầng lớp từng ủng hộ nghị viện và chống lại hoàng quyền của nhà Stuart trong cuộc nội chiến Anh, kẻ thù không đội trời chung với những gã thượng lưu phương Nam, những kẻ khi xưa phò tá vua Charles Stuart trong nội chiến nơi mẫu quốc. Nói ngắn gọn, ngài là một người Yankee từ trong xương tủy.
Barbicane kiếm được rất nhiều tiền nhờ là thương nhân buôn gỗ. Được bổ nhiệm làm chỉ huy pháo binh suốt cuộc chiến, ngài đã chứng tỏ được tài ba của mình trong lĩnh vực sáng chế. Với quan điểm vững vàng,
ngài đã đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển vũ khí và tạo động lực mạnh mẽ cho nghiên cứu thực nghiệm.
Dáng người tầm thước và như một ngoại lệ, ngài là một thành viên hiếm hoi trong Câu lạc bộ Súng khi tứ chi còn nguyên vẹn. Những đường nét sắc sảo trên khuôn mặt ngài dường như được vẽ nên bằng góc vuông và vạch thẳng; mà nếu thế thật, khi muốn bình phẩm nhân cách của ai thì phải quan sát vẻ mặt trông nghiêng của người đó. Vậy Barbicane, là minh chứng thể hiện rất rõ những dấu ấn của sức mạnh, sự can đảm và cả sự điềm tĩnh nữa.
Vào lúc này, ngài đang ngồi trên ghế bành, lặng yên, chuyên chú, trầm ngâm suy nghĩ, náu mình dưới chiếc mũ chóp cao – một loại mũ chóp hình trụ cao màu đen lúc nào cũng toát ra vẻ từng trải khi ngự trên đầu một người Mỹ.
Ngay khi chiếc đồng hồ trong đại sảnh điểm tám giờ bằng những tiếng chuông đĩnh đạc và trầm đục, Barbicane, như thể được kích hoạt bằng một cái lò xo, đứng bật dậy. Sự tĩnh lặng tuyệt đối bao trùm và vị diễn giả, bằng giọng có phần nặng nề, mở lời như sau:
“Các chiến sĩ, các đồng sự của tôi, nền hòa bình tê liệt đã đẩy hội viên Câu lạc bộ Súng vào tình trạng trì trệ quá lâu rồi. Sau nhiều năm đầy biến động, chúng ta đã buộc phải sa thải nhân công và dừng lại đột ngột trên tiến trình phát triển. Tôi không ngần ngại mà tuyên bố, hết sức thẳng thắn và trịnh trọng, rằng bất cứ cuộc chiến nào kêu gọi chúng ta trở về với vũ khí đều đáng hoan nghênh!” (Tiếng hoan hô vang dội) “Nhưng chiến tranh, thưa các quý ông, là bất khả thi trong tình hình hiện tại; và, dù chúng ta có thèm muốn, nhiều năm nữa có lẽ vẫn sẽ yên bình trôi qua trước khi đại bác của chúng ta lại có dịp nổi sấm trên chiến trường. Chúng ta sẽ phải tự
quyết định, tức khắc, bằng cách tìm trong đầu óc mình một ý tưởng nào đó nhằm thỏa mãn cái điều mà tất thảy chúng ta đều mong mỏi.” Toàn thể những người có mặt đều nhận ra rằng ngài chủ tịch sắp nhắc tới vấn đề trọng yếu, vì thế tăng gấp đôi sự yên lặng cùng sự chú ý. “Suốt mấy tháng qua, thưa các đồng sự quả cảm của tôi,” Barbicane tiếp tục, “tôi đã tự hỏi, khi đặt chúng ta vào những mục tiêu cụ thể, rằng chúng ta có thể triển khai một cuộc thử nghiệm vĩ đại xứng tầm thế kỷ XIX hay không; và sự tiến bộ của khoa học pháo binh có cho phép chúng ta làm nên thành quả hay không. Tôi đã suy nghĩ, cân nhắc, tính toán; và kết quả nghiên cứu của tôi dám đảm bảo rằng chúng ta chắc chắn thành công trong một lĩnh vực mà đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều sẽ là không thể. Dự án này, thành quả của một quá trình công phu và lâu dài, chính là mục đích để tôi và các bạn gặp nhau ở đây, lúc này. Nó xứng đáng với chính bản thân các bạn, xứng đáng với các tiền bối của Câu lạc bộ Súng; và sẽ gây tiếng vang trên toàn thế giới như tiếng nổ của một trái đại bác lớn chưa từng có.”
Một cơn rùng mình vì kích thích lan rộng trong đại sảnh.
Barbicane, chỉnh lại mũ trên đầu bằng một động tác mau lẹ, bình tĩnh tiếp tục:
“Không một ai trong số các bạn, các đồng sự quả cảm của tôi, chưa từng thấy Mặt trăng, hoặc chí ít chưa từng được nghe về nó. Đừng ngạc nhiên bởi tôi sắp nói với các bạn về nữ hoàng bóng đêm. Miền bí ẩn này có lẽ được dành riêng cho chúng ta làm Columbus khám phá. Một khi chính thức tham gia vào kế hoạch của tôi và chính thức hỗ trợ tôi bằng toàn bộ khả năng của các bạn, tôi sẽ dẫn dắt các bạn trong cuộc chinh phục này và tên của nó sẽ được gắn liền với bất cứ ai thuộc ba mươi sáu bang đã hợp
thành liên minh vĩ đại này.”
“Ba tràng pháo tay cho Mặt trăng!” cả Câu lạc bộ Súng cùng rống lên. “Mặt trăng, thưa các quý ông, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng,” Barbicane nói tiếp, “từ kích thước, tỷ trọng, trọng lượng đến thành phần cấu tạo, quỹ đạo, khoảng cách, cũng như vị trí trong hệ Mặt trời… tất cả đều đã được tính toán chính xác. Biểu đồ nghiên cứu Mặt trăng đã được vẽ hoàn hảo tương đương với, có khi còn vượt trội hơn, bản đồ mặt đất của chúng ta. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã cung cấp cho chúng ta bằng chứng về vẻ đẹp độc nhất vô nhị của vệ tinh của chúng ta; toàn bộ những gì được biết về Mặt trăng đều là những điều mà khoa học toán học, thiên văn học, địa chất học và quang học có thể nghiên cứu được. Nhưng đến tận thời điểm này, vẫn chưa có ai xây dựng được mối liên hệ trực tiếp nào với nó.” Cơn kích động dữ dội của niềm hứng thú cộng với nỗi kinh ngạc và ngưỡng mộ ào ạt trào lên hưởng ứng lời bình luận của diễn giả. “Cho phép tôi,” ngài chủ tịch tiếp tục, “được thuật lại vắn tắt với các bạn, những cá nhân hăng hái mãnh liệt, bằng những chuyến phiêu lưu giả tưởng, đã thâm nhập vào tận cùng bí mật nơi vệ tinh của chúng ta như thế nào. Ở thế kỷ XVII, một David Fabricius nào đó khoe rằng từng nhìn thấy tận mắt những cư dân sinh sống trên Mặt trăng. Năm 1649, một người Pháp, một Jean Baudoin nào đó, xuất bản cuốn Chuyến hành trình từ Trái đất đến Mặt trăng của Domingo Gonzalez, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha. Cùng thời điểm đó, Cyrano de Bergerac ra mắt cuốn sách nổi tiếng Những chuyến phiêu lưu trên Mặt trăng và thành công vang dội trên đất Pháp. Sau đó một thời gian ngắn, một người Pháp khác, tên là Fontenelle, viết cuốn Đa Thế Giới, kiệt tác lúc bấy giờ. Vào khoảng năm 1835, một chuyên đề nhỏ, kể lại theo một người Mỹ ở New York, về việc
ngài John Herschel, được phái tới Mũi Hảo Vọng với mục đích thực hiện một số tính toán thiên văn, bằng việc sử dụng kính thiên văn cung cấp hệ chiếu sáng hoàn hảo bên trong, đã giảm bớt khoảng cách biểu kiến của Mặt trăng lên tới tám mươi thước! Tiếp sau, ông rõ ràng quan sát được những lỗ hang hà mã thường lui tới, những ngọn núi xanh lục viền ren vàng, lũ cừu có cặp sừng màu ngà, loài nai bạc và những sinh vật với đôi cánh có màng, như loài dơi. Cuốn sách giới thiệu này, tác phẩm của một người Mỹ tên Locke, đã đạt doanh thu lớn. Nhưng, để kết thúc bài tường thuật vắn tắt này, tôi sẽ chỉ nói thêm rằng một Hans Pfaal nào đó, đến từ Rotterdam, đã nhảy lên khí cầu rót đây một loại khí đốt chiết từ nitơ, nhẹ gấp ba mươi bảy lần hyđrô, tới được Mặt trăng sau chuyến đi kéo dài mười chín tiếng đồng hồ. Hành trình này, cũng như tất cả những hành trình trước, đều hoàn toàn là tưởng tượng; nhưng, là tác phẩm của một tác gia trứ danh người Mỹ – Edgar Poe!”
“Một tràng pháo tay cho Edgar Poe!” toàn thể hội trường lại rống lên, bị kích động bởi từng dấu phẩy của ngài chủ tịch.
“Giờ thì tôi đã liệt kê,” Barbicane nói, “những cuộc thử nghiệm mà ta gọi là lý thuyết thuần túy và hoàn toàn không đủ khả năng thiết lập nên những mối liên hệ thực sự với nữ hoàng bóng đêm. Tuy nhiên, tôi sẽ bổ sung rằng một số thiên tài về mặt thực tiễn đã cố gắng xây dựng được mối liên lạc thực sự với nàng. Bởi vậy, ít ngày trước, một nhà trắc địa đã đề xuất thực hiện một chuyến thám hiểm khoa học tới các thảo nguyên Siberia. Tại đó, trên những đồng bằng rộng lớn, họ sẽ diễn tả những ký tự hình học khổng lồ, vẽ theo đặc điểm của độ sáng phản xạ, trong đó có định đề về góc vuông của cạnh huyền, thường được người Pháp gọi là Cầu con lừa. “Mọi sinh vật thông minh,” nhà trắc địa nói, “phải hiểu được ý nghĩa
khoa học của ký tự đó. Những người Selenite trên Mặt trăng, nếu họ tồn tại, sẽ trả lời bằng loại ký tự tương đồng; và một mối liên hệ giống loài nhờ thế được hình thành sẽ rất dễ dàng để tạo nên một bảng mẫu tự cho phép chúng ta trò chuyện với các cư dân của Mặt trăng.” Nhà địa trắc học người Đức đã nói như thế; nhưng dự án của ông không bao giờ được hiện thực hóa và cho đến tận bây giờ vẫn không có giao thiệp nào thực sự giữa Trái đất và vệ tinh của nó. Cơ hội xây dựng mối liên hệ với vũ trụ giờ dành riêng cho các thiên tài thực tiễn của người Mỹ. Phương pháp tiếp cận rất đơn giản, dễ dàng, chắc chắn, không thể sai sót – và đó là mục đích trước mắt của tôi.”
Một cơn bão reo hò hưởng ứng những lời này. Không một cá nhân nào trong toàn bộ sảnh đường không bị chinh phục bởi bài nói của vị diễn giả! Tiếng vỗ tay tán thưởng kéo dài vọng lại từ nhiều phía.
Ngay khi sự náo động đang dần lắng xuống, Barbicane lại tiếp tục bài diễn văn của mình với giọng có phần trang nghiêm hơn.
“Các bạn biết,” ngài nói, “khoa học pháo binh đã đạt được sự tiến bộ đến mức nào trong suốt vài năm vừa qua và các loại súng cầm tay đã đạt đến độ hoàn hảo nào. Hơn thế nữa, các bạn hiểu rất rõ, về tổng thể, sức nén của đại bác và sức giãn nở của thuốc súng gần như là vô tận. Từ đặc điểm này, tôi tự hỏi, giả sử rằng có thể tạo được những công cụ thích hợp với phản lực đặc biệt, liệu chúng có thể bắn tới Mặt trăng hay không?”
Nghe thấy những câu này, tiếng rì rầm sửng sốt bật ra khỏi hàng trăm lồng ngực hổn hển; kế tiếp, một khoảng im lặng tuyệt đối, tựa như sự tĩnh mịch thẳm sâu báo trước sự bùng nổ dữ dội của cơn bão. Trên thực tế, một cơn bão đã tràn tới, nhưng là kèm theo trận sấm của tràng pháo tay, tiếng la hét, tiếng náo loạn làm rung động cả hội trường. Ngài chủ tịch cố gắng lên
tiếng, nhưng không thể. Tròn mười phút ngài chỉ có thể nói được cho chính mình nghe.
“Cho phép tôi kết thúc,” ngài nhẹ nhàng nói. “Tôi đã xem xét vấn đề trên mọi phương diện, tôi đã kiên trì tiến hành và bằng những tính toán rành mạch, tôi phát hiện ra rằng một viên đạn đạt vận tốc ban đầu là 12.000 thước một giây và cái đích Mặt trăng, chắc chắn sẽ đạt được. Tôi xin trân trọng, thưa các đồng sự quả cảm của tôi, đề xuất một phép thử cho thí nghiệm nho nhỏ này.”
Chương 3
Ảnh hưởng từ thông tin của ngài chủ tịch T
hật không cách gì diễn tả hết được sự bùng nổ khởi sinh ra từ những lời sau chót của ngài chủ tịch đáng kính – tiếng reo hò, tiếng la hét, tiếng gào rống nối tiếp nhau không dứt và chen vào đó là đủ loại từ ngữ mà tiếng Mỹ có khả năng thể hiện. Đó là một cảnh tượng náo động đến hỗn loạn. Họ hò hét, họ vỗ tay, họ giậm chân xuống sàn đại sảnh. Tất cả vũ khí trưng bày dù có khai hỏa cùng một lúc cũng không thể tạo nên những trận sóng âm thanh dữ dội hơn. Người ta chẳng bất ngờ gì về điều này. Vài gã pháo thủ còn ầm ĩ gần bằng súng đạn của chính họ.
Barbicane im lặng giữa những tán thưởng quá mức mong đợi, vì còn muốn nói tiếp. Ngài nỗ lực đòi vãn hồi trật tự qua các cử chỉ của đôi tay và cả cái đầu. Còn chiếc chuông đầy uy lực của ngài dường như đã kiệt sức bởi những tiếng rung dữ dội kéo dài từ chính nó. Song, chả có mảy may chú ý nào nghiêng về yêu cầu của ngài. Thậm chí, thoáng sau đó, ngài đã bị kéo khỏi ghế ngồi và được chuyền trên hầu hết các cánh tay giả từ hết đồng chí đến đồng sự của ngài…
Không gì có thể làm một người Mỹ kinh ngạc. Điều này thường được dân Pháp gọi là “bất khả thi”. Mọi người rõ ràng đã bị mấy cuốn từ điển lừa gạt. Ở Mỹ, ai cũng dễ tính, ai cũng đơn giản; và đối với những khó khăn về cơ khí, họ còn khắc phục được trước cả khi vấn đề phát sinh.
Giữa đề xuất của Barbicane và việc thực hiện nó, không một người Yankee chân chính nào sẽ cho phép, dù chỉ là một thứ na ná trở ngại xảy ra. Vấn đề của họ là họ làm còn nhanh hơn nói.
Quá trình ngợi ca ngài chủ tịch kéo dài suốt buổi tối. Đó là một lễ rước đuốc thực sự. Người Ireland, người Đức, người Pháp, người Scotland, tất cả những tộc người khác nhau hợp thành những cư dân của Maryland hò reo bằng thứ ngôn ngữ bản xứ riêng biệt của mình; và những “muôn năm”, “hoan hô”, cùng “tuyệt vời” hòa lẫn với nhau trong niềm vui sướng không diễn tả nổi thành lời.
Ngay giữa lúc náo loạn này, như thể thấu hiểu rằng toàn bộ sự kích động này là vì mình, Mặt trăng, bằng ánh sáng rạng ngời, chiếu xuống những tia sáng trong trẻo huy hoàng, làm lu mờ mọi ánh đèn rực rỡ. Những người Yankee tất thảy phóng mắt nhìn chằm chằm về phía thiên thể lộng lẫy kia, hôn tay nhau, gọi Mặt trăng bằng đủ loại tên thân mến nhất. Từ lúc tám giờ tối cho đến nửa đêm, một tay buôn đồ quang học trên phố Jones Fall kiếm được bộn tiền nhờ bán ống nhòm.
Đã quá nửa đêm, bầu nhiệt huyết vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. Hơn thế, nó lại đang lan rộng ra khắp các tầng lớp thị dân tới khoa học gia, chủ cửa hàng, thương gia, phu khuân vác, các vị quan chức, cũng như những người mới nhập cư… tất cả thảy đều được kích thích từ tận đáy lòng. Tinh thần dân tộc lên đến đỉnh điểm. Cả thành phố, khắp mọi nơi, trên những bến cảng bên sông Patapsco, từ tàu thuyền nằm yên nơi vịnh, tràn ra những đám đông say sưa trong vui sướng, trong rượu gin và whisky. Ai cũng nói ríu rít, tranh cãi, thảo luận, đấu khẩu, ngợi ca, từ các quý ông uể oải trên ghế dài trong quán rượu với ly Sherry Cobbler trước mặt cho tới những người lái tàu say khướt vì tách Knock Me Down trên tay, trong
những quầy rượu cáu bẩn ở Fell Point.
Khoảng hai giờ sáng, dẫu sao, sự kích động cũng dần dà lắng xuống. Ngài chủ tịch Barbicane về tới nhà, nhăn nheo, kiệt sức và khô héo tựa xác ướp. Đến Hercules cũng không thể chống đỡ nổi một cơn bùng nổ kích động tương tự. Đám đông lục tục tản ra khỏi quảng trường. Bốn tuyến đường sắt nối Philadelphia với Washington, Harrisburg với Wheeling, giao nhau tại Baltimore, cuốn những cư dân đông đúc hỗn tạp về bốn phương nước Mỹ, để cuối cùng thành phố chìm vào sự tĩnh lặng êm ả.
Ngày hôm sau, nhờ đường dây điện tín, 500 tờ báo và tạp chí, nhật báo, tuần báo, báo hàng tháng, báo hai tháng một kỳ… đồng loạt đưa tin. Họ phân tích dưới mọi góc độ, từ vật lý học, khí tượng học, kinh tế học, kể cả như đạo đức học đến những ảnh hưởng tới đời sống chính trị hoặc đời sống xã hội. Họ tranh cãi liệu Mặt trăng có phải một thế giới thực thụ hay không, hoặc liệu nó có phải trải qua quá trình biến đổi sâu xa hơn nữa hay không. Liệu nó có giống Trái đất ở giai đoạn hậu kỳ vẫn còn thiếu bầu khí quyển hay không? Bán cầu ẩn khuất của nó sẽ hiển lộ quang cảnh nào tới địa cầu của chúng ta? Đồng tình rằng giải đáp khúc mắc hiện nay chỉ đơn giản bằng cách phóng một viên đạn lên Mặt trăng, ai cũng hiểu rằng việc đó có liên quan đến khởi động một loạt các thí nghiệm. Tất cả đều hy vọng rằng một ngày nào đó nước Mỹ sẽ nhìn thấu những bí mật sâu kín nhất của tinh cầu bí ẩn kia; và thậm chí một số người còn lo cuộc chinh phục Mặt trăng sẽ không gây xáo trộn mạnh mẽ trạng thái cân bằng vốn có của châu Âu.
Dự án một khi được đưa ra thảo luận, không chỉ có một mẩu tin riêng lẻ bày tỏ những hồ nghi về khả năng hiện thực hóa mà tất cả báo chí, sách giới thiệu, báo cáo – mọi loại tạp chí do các hội khoa học, văn học và tôn
giáo xuất bản đều đưa thêm thông tin về triển vọng của nó; còn Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Boston, hội Khoa học Nghệ thuật Albany, Hội Địa lý và Thống kê New York, Hội Triết học Philadelphia và Viện Smithsonian của Washington gửi vô số thư chúc mừng tới Câu lạc bộ Súng, cùng với những lời đề nghị được tài trợ tiền bạc tức thì.
Cũng kể từ hôm đó, Impey Barbicane trở thành một trong những công dân vĩ đại nhất của nước Mỹ, một Washington trong lĩnh vực khoa học. Một cảm xúc đồng nhất, từ rất nhiều cá nhân, minh chứng lòng tôn kính của cả một cộng đồng người dành cho một cá nhân đơn lẻ.
Ít ngày sau cuộc họp không thể nào quên của Câu lạc bộ Súng, quản lý của một công ty Anh quốc thông báo, tại nhà hát Baltimore, cho ra mắt vở Chẳng có chuyện gì cũng rối lên. Nhưng quần chúng nhân dân, cảm thấy tựa đề bóng gió gây hại cho dự án của Barbicane, đã xông vào thính phòng đập phá ghế ngồi và ép tay đạo diễn bất hạnh phải thay áp phích quảng cáo. Là một người có đầu óc, anh chàng này đành cúi mình trước ý muốn của công chúng và đổi vở hài kịch chướng mắt thành Như bạn mong muốn; thế là anh ta thu được lợi nhuận khổng lồ trong suốt nhiều tuần.
Chương 4
Hồi âm của Đài Thiên văn Cambridge B
arbicane, dù vậy, không một giây phút nào lạc đi trong toàn bộ nỗi kích động nhiệt tình mà ngài đang là đối tượng chính. Mối quan tâm trước nhất của ngài là tập hợp các đồng sự trong phòng họp hội đồng của Câu lạc bộ Súng. Tại đó, sau vài cuộc thảo luận, tất cả thống nhất tham khảo ý kiến các nhà thiên văn học về mảng liên quan đến thiên văn của dự án. Ngay khi họ có đáp án chính xác, họ sẽ thảo luận tiếp tới các vấn đề cơ khí và sẽ chẳng còn cần thêm gì nữa để đảm bảo thành công của thử nghiệm vĩ đại này.
Một lá thư ngắn với lời lẽ chuẩn xác, bao hàm những câu hỏi đặc biệt, được soạn thảo và gửi tới Đài Thiên văn Cambridge tại Massachusetts. Thành phố này, nơi trường đại học đầu tiên của nước Mỹ được thành lập, vô cùng nổi tiếng với đội ngũ nhân viên thuộc lĩnh vực thiên văn học. Nơi đây tập trung tất cả những nhà khoa học ưu tú nhất và cũng là nơi đã đưa vào sử dụng loại kính thiên văn hiệu suất cao cho phép Bond phân tích thiên hà Tiên Nữ và để Clarke khám phá vệ tinh của chòm sao Thiên Lang. Về mọi mặt, viện nghiên cứu trứ danh này hoàn toàn xứng đáng với sự tin tưởng của Câu lạc bộ Súng. Khoảng hai ngày sau đó, thư hồi âm mà tất cả đang sốt ruột đợi chờ đã được gửi tới tay của ngài chủ tịch Barbicane.
Lá thư trình bày nội dung sau:
Giám đốc Đài Thiên văn Cambridge kính gửi chủ tịch Câu lạc bộ Súng tại Baltimore.
CAMBRIDGE,
Ngày mùng 7 tháng Mười,
Khi nhận được thư từ cuộc họp khẩn lần thứ sáu đại diện cho toàn bộ hội viên của Câu lạc bộ Súng Baltimore cử tới Đài Thiên văn Cambridge, đội ngũ nhân viên của chúng tôi đã ngay lập tức được triệu tập và thảo luận phương án trả lời như sau:
Những vấn đề được đưa ra là:
1. Phóng đạn lên Mặt trăng có khả thi không?
2. Khoảng cách thực tế giữa Trái đất và vệ tinh này là bao nhiêu? 3. Thời gian viên đạn di chuyển khi được cấp vận tốc ban đầu thích hợp là bao nhiêu? Và, vì vậy vào thời điểm nào viên đạn nên được phóng ra để có thể thực chạm tới Mặt trăng?
4. Vào chính xác thời điểm nào Mặt trăng sẽ đạt vị trí thuận lợi nhất để viên đạn tiếp xúc thành công?
5. Nên ngắm bắn đại bác vào điểm nào trên bầu trời để định hướng phóng đạn?
6. Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí nào trên bầu trời vào thời điểm viên đạn khai hỏa?
Về vấn đề thứ nhất, “Phóng đạn lên Mặt trăng có khả thi không?” Trả lời: Có; với điều kiện viên đạn đạt tốc độ ban đầu là 12.000 thước mỗi giây; các tính toán đã chứng minh rằng điều này hoàn toàn có khả năng. Song song với việc chúng ta rời xa khỏi mặt đất, tác động của trọng lực sẽ giảm tỷ lệ nghịch tới bình phương khoảng cách; tức là, tại vị trí gấp
ba lần khoảng cách cho trước, lực tác động bớt đi chín lần. Do đó, trọng lượng viên đạn sẽ giảm và sẽ dần hạ xuống mức số không ngay tại thời điểm lực hấp dẫn của Mặt trăng hoàn toàn cân bằng với lực hấp dẫn của Trái đất; tức là ở mức 47/52 hành trình. Tại thời điểm viên đạn không còn trọng lượng nữa; thì, khi vượt qua mốc này, nó sẽ rơi xuống Mặt trăng do tác động duy nhất đến từ lực hút của Mặt trăng. Do vậy, tính khả thi về mặt lý thuyết của thí nghiệm này đã được chứng minh rất rõ ràng; khả năng thành công chỉ phụ thuộc vào lực của động cơ sử dụng.
Về vấn đề thứ hai, “Khoảng cách thực tế giữa Trái đất và vệ tinh này là bao nhiêu?”
Trả lời: Mặt trăng không vạch ra một đường tròn bao quanh Trái đất, mà đúng hơn là đường hình bầu dục, trong đó Trái đất của chúng ta chiếm vai trò một trong các tiêu điểm; bởi vậy, trong khoảng thời gian nào đó Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất hơn là khoảng thời gian khác sẽ ở xa hơn; theo thuật ngữ thiên văn, lúc xa là viễn điểm, lúc gần là cận điểm. Trong trường hợp này, sự chênh lệch giữa khoảng cách tối đa và khoảng cách tối thiểu của nó quá lớn đến nỗi không thể bỏ qua việc cân nhắc kỹ lưỡng. Trên thực tế, viễn điểm của Mặt trăng cách 247.552 dặm, còn cận điểm của nó chỉ cách 218.657 dặm; thực tế này tạo nên sự chênh lệch 28.895 dặm, tương ứng với hơn một phần chín tổng khoảng cách. Khoảng cách cận điểm, do đó, nên được sử dụng làm căn cứ trong tất cả các tính toán.
Vấn đề thứ ba.
Trả lời: Nếu viên đạn luôn bảo toàn được vận tốc ban đầu 12.000 thước mỗi giây, nó sẽ cần chưa đến chín giờ đồng hồ để tiếp cận được mục tiêu; nhưng, vì vận tốc ban đầu sẽ giảm dần, nên sẽ mất 300.000 giây, tức là 83 giờ 20 phút mới đạt tới vị trí mà lực hấp dẫn của Trái đất và Mặt
trăng cân bằng. Từ lúc này, nó sẽ rơi xuống Mặt trăng trong 50.000 giây, tương ứng với 13 giờ 53 phút 20 giây. Bởi vậy, sẽ rất thích hợp để khai hỏa viên đạn trước 97 giờ 13 phút 20 giây trước khi Mặt trăng tiến tới vị trí ngắm bắn.
Về vấn đề thứ tư, “Vào chính xác thời điểm nào Mặt trăng sẽ đạt vị trí thuận lợi nhất, vân vân?”
Trả lời: Như đã trình bày ở trên, sẽ rất cần thiết, trước tiên, lựa chọn thời điểm khi Mặt trăng đạt cận điểm và đồng thời cũng là lúc Mặt trăng đi qua thiên đỉnh, sự kiện tiếp sau này sẽ giảm thêm một đoạn có độ dài tương đương với bán kính của Trái đất, tức là 3.919 dặm, trong tổng khoảng cách; kết quả, quãng đường còn lại cần hoàn thành sẽ là 214.976 dặm. Nhưng mặc dù Mặt trăng di chuyển qua cận điểm mỗi tháng, không phải lúc nào nó cũng tới thiên đỉnh vào đúng chính xác thời điểm đó. Mặt trăng sẽ không đồng thời đạt được cả hai điều kiện này, nếu không phải sau các chu kỳ thời gian dài. Cần phải, bởi vậy, chờ đến thời điểm khi hành trình qua cận điểm của nó trùng với hành trình qua thiên đỉnh. Trong tình hình hiện nay, thật may mắn vào ngày mùng bốn tháng Mười hai năm tới, Mặt trăng sẽ thỏa mãn cả hai điều kiện này. Vào lúc nửa đêm, Mặt trăng sẽ ở cận điểm, tức là, ở khoảng cách gần với Trái đất nhất và đồng thời sẽ đi qua thiên đỉnh.
Vấn đề thứ năm, “Nên ngắm bắn đại bác vào điểm nào trên bầu trời?” Trả lời: Theo những chú giải đã được thừa nhận trên đây, đại bác nên nhắm tới điểm cao nhất tại vị trí. Đường bắn, do đó, sẽ vuông góc với mặt phẳng đường chân trời, nên viên đạn sẽ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của trọng lực một cách nhanh nhất. Nhưng, để Mặt trăng tới điểm cao nhất tại vị trí đã định, vị trí ngắm không được nằm ngoài bề rộng độ nghiêng của
thể sáng; nói cách khác, nó phải nằm trong khoảng 0° và 28° vĩ Bắc hoặc vĩ Nam. Tại mọi vị trí khác, đường bắn chắc chắn bị xiên chéo, điều này sẽ cản trở lớn đến thành công của thí nghiệm.
Về phần vấn đề thứ sáu, “Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí nào trên bầu trời vào thời điểm viên đạn khai hỏa?”
Trả lời: Tại thời điểm khi viên đạn được phóng vào không gian, Mặt trăng, do mỗi ngày di chuyển về trước 13° 10’ 35”, sẽ cách vị trí thiên đỉnh một khoảng cách bằng bốn lần giá trị này, tức là 52° 41’ 20”, một khoảng cách tương ứng với quãng đường mà Mặt trăng sẽ di chuyển trong suốt toàn bộ hành trình của viên đạn. Nhưng, vì việc xem xét đến độ lệch mà chuyển động quay của Trái đất sẽ tác động đến đường bắn cũng quan trọng tương đương và vì viên đạn sẽ không thể tới được Mặt trăng cho đến sau khi độ lệch bằng 16 lần bán kính Trái đất, độ này, tính theo quỹ đạo của Mặt trăng vào khoảng 11 độ, thì càng cần phải cộng thêm 11 độ này vào giá trị cho biết độ trễ của Mặt trăng vừa nêu trên: tức là, khi làm tròn số vào khoảng 64 độ. Vì vậy, tại thời điểm khai hỏa, bán kính nhìn bằng mắt thường ứng với Mặt trăng và đường thẳng đứng từ vị trí bắn, sẽ tạo nên một góc 64 độ.
Đây là lý giải của chúng tôi cho những vấn đề mà hội viên Câu lạc bộ Súng đặt ra với Đài Thiên văn Cambridge.
Tóm lại:
Thứ nhất: Đại bác có thể đặt tại quốc gia nằm trong khoảng 0° và 28° vĩ Bắc hoặc vĩ Nam.
Thứ hai: Cần nhắm thẳng tới điểm cao nhất tại vị trí.
Thứ ba: Viên đạn cần được phóng đi với vận tốc ban đầu là 12.000 thước mỗi giây.
Thứ tư: Cần khai hỏa vào lúc 10 giờ 46 phút 40 giây ngày mùng 1 tháng Mười hai năm tới.
Thứ năm: Viên đạn sẽ tới Mặt trăng bốn ngày sau khi khai hỏa vào đúng nửa đêm ngày mùng 4 tháng Mười hai vào lúc Mặt trăng đi qua thiên đỉnh.
Hội viên Câu lạc bộ Súng nên, do vậy, không được trì hoãn, tiến hành ngay những công việc cần thiết cho thử nghiệm này và sẵn sàng khai hỏa vào thời điểm đã định trên đây; vì, nếu họ để lỡ ngày mùng bốn tháng Mười hai này, họ sẽ không có cơ hội thấy Mặt trăng thỏa mãn đồng thời hai điều kiện cận điểm và thiên đỉnh cho đến mười tám năm mười một ngày sau.
Cán bộ nhân viên Đài Thiên văn Cambridge tận tâm cống hiến với sự tôn trọng mọi khúc mắc về thiên văn học lý thuyết; gửi kèm theo đây lời chúc mừng tới tất cả mọi người trên khắp nước Mỹ.
Đại diện đội ngũ nhân viên Đài Thiên văn,
J. M. BELFAST
Giám đốc Đài Thiên văn Cambridge.
Chương 5
Câu chuyện của Mặt trăng
M
ột quan sát viên, nếu được trang bị tầm nhìn vô hạn, lại đứng ở một tâm điểm vô danh mà vạn vật đều xoay quanh nó, thì có thể thấy vô số nguyên tử đổ đầy cả không gian trong suốt thời hồng hoang của vũ trụ. Dần dần, trải qua nhiều niên kỷ, biến đổi đã diễn ra; luật hấp dẫn xuất hiện, mà nhờ nó những nguyên tử vốn tự do trở nên tuân phục bằng cách ghép lại với nhau theo mối tương quan về mặt hóa học, nhóm họp thành các phân tử và tập hợp nên những khối mây bụi mà từ đó chia ra nhiều vùng trời. Các khối mây bụi này, ngay lập tức, tự chuyển động quay quanh tâm điểm của chính nó. Tâm điểm này, hình thành từ những phân tử bất định, bắt đầu quay xung quanh trục của mình trong suốt giai đoạn bồi tụ dần dần; sau đó, theo luật cơ học bất biến, song song với sự suy giảm kích thước do bồi tụ, chuyển động quay của nó trở nên nhanh hơn và sự tiếp diễn của cả hai hiệu ứng này tạo nên kết quả là sự hình thành ngôi sao chính, trung tâm của khối mây bụi.
Nhờ theo dõi tỉ mỉ, quan sát viên khi đó sẽ thấy những phân tử khác của khối, trong ví dụ về ngôi sao trung tâm trên, cũng tích tụ lại nhờ chuyển động quay nhanh dần và bị hút vòng quanh thành hình dạng vô số ngôi sao. Từ đó tạo nên những tinh vân mà các nhà thiên văn học ước đoán số lượng của nó là khoảng 5.000.
Trong số 5.000 tinh vân này, có một mang tên dải Ngân hà, chứa tới mười tám triệu ngôi sao mà mỗi ngôi là trung tâm của một cõi ánh sáng và nhiệt độ.
Nếu quan sát viên đặc biệt chú ý tới một ngôi sao dường như ẩn mình, bởi độ tỏa sáng yếu hơn cả, là ngôi sao ở nhánh thứ tư, song lại được gọi đầy kiêu ngạo là Mặt trời, mọi hiện tượng từng được gán cho sự hình thành Vũ trụ sẽ trải dài trước mắt anh ta. Trên thực tế, anh ta sẽ thấy Mặt trời, lúc này vẫn ở dạng khí, tập hợp những phân tử di động, tự quay quanh trục của nó để hoàn thiện quá trình tích tụ. Chuyển động này, tuân theo luật cơ học, sẽ được gia tốc do sự suy giảm kích thước; và đến thời điểm lực ly tâm áp đảo lực hướng tâm, tất cả các phân tử sẽ có xu hướng tiến vào trung tâm.
Vào lúc này, một hiện tượng khác sẽ diễn ra trước mắt quan sát viên. Đó là những phân tử nằm trên mặt phẳng xích đạo, thoát ra như viên đá đột nhiên bật tung khỏi dây ná, tạo nên những vòng tròn hỗn tạp đồng tâm quanh Mặt trời tương tự như ở Thổ tinh. Về phía mình, những vòng đai thuộc vật chất vũ trụ này, bị kích thích bởi chuyển động quay quanh khối trung tâm, sẽ bị tan vỡ và chia tách thành những đám mây bụi thứ cấp, nói cách khác, thành các hành tinh. Tương tự như thế, người quan sát lại thấy mỗi hành tinh này sẽ mất đi một hoặc nhiều vòng đai, đây là nguồn gốc của các thể thứ cấp mà chúng ta gọi là vệ tinh.
Như vậy, qua phát triển từ nguyên tử tới phân tử, từ phân tử tới khối mây bụi, từ đó tạo thành ngôi sao chính, từ sao tới Mặt trời, từ Mặt trời tới hành tinh và rồi vệ tinh, chúng ta biết được toàn bộ chuỗi biến đổi mà các thiên thể đã trải qua từ những ngày đầu tiên của vạn vật.
Giờ thì, những vật thể bị giữ lại do Mặt trời duy trì quỹ đạo hình bầu dục của chúng bằng luật hấp dẫn vĩ đại, một số ít về phần mình sở hữu
những vệ tinh riêng. Thiên Vương tinh có tám, Thổ tinh có tám, Mộc tinh có bốn, Hải Vương tinh chấp nhận được ba, còn Trái đất có một. Cái cuối cùng này, một trong những vệ tinh kém quan trọng nhất trong toàn bộ hệ Mặt trời, chúng ta gọi là Mặt trăng; và chính nó là đối tượng mà các thiên tài táo bạo của người Mỹ tuyên bố chinh phục.
Mặt trăng, nhờ sự gần gũi đáng kể và diện mạo liên tục biến đổi sinh ra bởi nhiều pha khác nhau, luôn chiếm một phần to lớn trong mối quan tâm của cư dân địa cầu.
Từ thời triết gia Thales thành Miletus, thế kỷ V trước Công nguyên, tới thời thiên văn gia Copernicus thế kỷ XV và Tycho Brahe thế kỷ XVI sau Công nguyên, các quan sát theo thời gian đã ít nhiều đúng đắn hơn và cho đến ngày nay, độ cao của những ngọn núi trên Mặt trăng đã được tính toán chính xác. Nhà thiên văn học Galileo đã lý giải hiện tượng các kiểu độ sáng của Mặt trăng trong các pha nhất định xuất hiện do sự tồn tại của những ngọn núi, mà ông đoán định có độ cao trung bình là 27.000 foot. Sau ông, Hevelius, một nhà thiên văn học ở Dantzig, Ba Lan, đã rút ngắn độ cao lớn nhất xuống còn 15.000 foot; nhưng các tính toán của nhà thiên văn Riccioli lại nâng lên 21.000 foot.
Cuối thế kỷ XVII, nhà thiên văn học Herschel được trang bị kính thiên văn hiệu suất cao, đã thu lại đáng kể kích thước trước đó. Ông ấn định độ cao lớn nhất là 11.400 foot và giảm độ cao trung bình xuống ít hơn 2.400 foot. Song các tính toán của Herschel không được Halley, Nasmyth, Bianchini, Gruithuysen và nhiều nhà thiên văn học khác tán thành để rồi cuối cùng sự chính xác thuộc về Beer và Mädler. Họ đã thành công trong việc đo đạc 1.905 độ cao khác nhau, trong đó có sáu vượt quá 15.000 foot và có hai mươi hai vượt quá 14.400 foot. Ngọn cao nhất trong tất cả vươn
tới chiều cao 22.606 foot so với bề mặt của đĩa Mặt trăng. Cùng thời gian này, hoạt động nghiên cứu cũng hoàn thiện. Mặt trăng xuất hiện với bề mặt lỗ chỗ những miệng hố, dấu vết núi lửa của nó hiện ra rõ ràng trong từng quan sát. Do tình trạng thiếu vắng khúc xạ khi tia hành tinh tiếp xúc với nó, chúng ta kết luận rằng Mặt trăng hoàn toàn không có bầu khí quyển. Thiếu bầu khí quyển dẫn đến thiếu nước. Điều này, do đó, cho thấy rằng những người Selenite trên Mặt trăng, để sinh sống dưới những điều kiện như vậy, phải có một cơ quan cấu tạo đặc biệt của riêng họ và phải khác hẳn với những cư dân của Trái đất.
Sau thời kỳ này, nhờ kỹ thuật hiện đại, những phương pháp với độ hoàn thiện cao hơn tiếp tục nghiên cứu về Mặt trăng, không để bất cứ một điểm nào trên bề mặt của nó không được khám phá; đường kính Mặt trăng đo được là 2.150 dặm, diện tích bề mặt bằng một phần mười lăm và khối lượng bằng một phần bốn mươi chín khối lượng Trái đất của chúng ta. Tóm lại là không một bí mật nào của nó thoát khỏi con mắt các nhà thiên văn học; hơn nữa những con người tài ba này còn nâng khả năng quan sát ấn tượng của họ ngày một cao hơn.
Bởi vậy, họ nhận ra rằng, khi trăng tròn, đĩa Mặt trăng hiện ra với những vùng rõ rệt tạo nên từ các vạch trắng; và trong các pha, là các vạch đen. Khi tiếp tục nghiên cứu vấn đề này với độ chuẩn xác cao hơn, họ đã thành công trong việc tìm ra nguyên nhân tự nhiên của những vạch này. Chúng là những đường hẹp dài nằm giữa các dãy núi song song, thường giáp các đỉnh núi lửa. Độ dài của chúng dao động từ mười tới một trăm dặm và bề rộng khoảng 1.600 thước. Các nhà thiên văn học gọi chúng là các khe nứt, nhưng kích thước của chúng không tăng thêm và liệu chúng có phải những lòng sông cổ xưa đã khô cạn hay không thì họ chưa xác định
được.
Trong số họ, người Mỹ kỳ vọng rằng một ngày nào đó sẽ làm sáng tỏ bí ẩn địa chất này và còn hứa hẹn sẽ nghiên cứu bản chất tự nhiên của hệ thống thành lũy song song mà Gruithuysen đã phát hiện thấy trên bề mặt Mặt trăng đó. Gruithuysen là một giáo sư uyên bác đến từ Munich, người đã gọi các khe nứt là “hệ thống công sự do các kỹ sư người Selenite xây dựng nên”. Vấn đề này, hiện vẫn mơ hồ, cũng như nhiều vấn đề khác, không nghi ngờ gì, sẽ không thể được giải thích rạch ròi trừ phi tạo được mối liên hệ trực tiếp với Mặt trăng.
Về cường độ ánh sáng của Mặt trăng thì không có gì để nghiên cứu thêm. Người ta đã xác định được rằng ánh sáng của nó yếu hơn của Mặt trời 300.000 lần và nhiệt lượng không gây ảnh hưởng đáng kể nào lên nhiệt kế. Còn hiện tượng có tên “ánh sáng xám tro” thì được lý giải là do ảnh hưởng tự nhiên của quá trình tia sáng Mặt trời truyền từ Trái đất tới Mặt trăng, quá trình này tạo nên hình ảnh đĩa Mặt trăng trọn vẹn, hoặc hình lưỡi liềm từ pha đầu tiên tới pha cuối cùng.
Đây là mảng kiến thức đã thu được về vệ tinh của Trái đất, thiên thể mà Câu lạc bộ Súng hứa hẹn sẽ khám phá trọn vẹn về mọi phương diện: vũ trụ, địa chất, chính trị và đạo đức.
Chương 6
Giới hạn của vô minh và niềm tin được chấp nhận ở nước Mỹ
K
ết quả bất ngờ về đề xuất của Barbicane đã trở thành tiêu điểm của mọi sự kiện thiên văn có liên quan đến nữ hoàng bóng đêm. Ai nấy đều bắt tay vào nghiên cứu một cách kỹ càng và thận trọng, làm như Mặt trăng mới lần đầu tiên xuất hiện và chưa từng có ai một lần thoáng thấy nó trên bầu trời. Báo chí tái hiện toàn bộ những giai thoại xưa cũ trong đó “Mặt trời của sói” chiếm một phần; họ nhắc lại những tác hại từ sự thiếu hiểu biết mà thời xưa quy chụp cho nó; nói tóm lại, toàn bộ nước Mỹ chìm
trong nỗi ám ảnh về Mặt trăng, hoặc trở nên cuồng Mặt trăng. Các tạp chí khoa học, về phần mình, giải quyết những khúc mắc về dự án của Câu lạc bộ Súng một cách chuyên nghiệp hơn. Lá thư của Đài Thiên văn Cambridge được xuất bản và nhận được sự tán thành tuyệt đối. Cho đến khi đó, hầu hết mọi người đều không biết gì về phương pháp đo khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Các tạp chí bèn tranh thủ thực tế này để diễn giải rằng khoảng cách đó được tính toán bằng cách đo thị sai của Mặt trăng. Thuật ngữ thị sai nói không cũng không hiểu, nên họ giải thích thêm rằng nó có nghĩa là góc hợp bởi hai đường thẳng kẻ từ một đầu mút bất kỳ của bán kính Trái đất tới Mặt trăng. Đối với những phát biểu hoài nghi về độ chính xác của phương pháp này, họ ngay lập tức tuyên bố
rằng không chỉ khoảng cách trung bình là 234.347 dặm, mà dù thế nào đi nữa các nhà thiên văn cũng không có khả năng sai số vượt quá bảy mươi dặm trong ước tính.
Với những người chưa biết rõ về chuyển động của Mặt trăng, báo chí giải thích rằng Mặt trăng có hai chuyển động riêng biệt, thứ nhất là quay quanh trục của nó, thứ hai là quay quanh Trái đất, hoàn thiện cả hai chuyển động trong một chu kỳ thời gian, tức là, trong hai mươi bảy và một phần ba ngày.
Chuyển động quay sinh ra ngày và đêm trên bề mặt Mặt trăng; giữ cho ở đó có đúng một ngày và một đêm mỗi tháng, mỗi ngày mỗi đêm kéo dài ba trăm năm mươi tư và một phần ba giờ. Dù vậy, may mắn cho nó, phần hướng về địa cầu được chiếu sáng với cường độ ánh sáng tương đương với mười bốn Mặt trăng. Còn phần bên kia, luôn khuất khỏi tầm nhìn của chúng ta, tất nhiên có ba trăm năm mươi tư giờ chìm trong bóng tối mịt mù, chỉ vơi bớt nhờ “ánh sáng le lói rơi rớt xuống từ các vì sao”.
Một số người thiện chí nhưng quá ngoan cố, thoạt đầu không thể lĩnh hội được, nếu Mặt trăng lúc nào cũng lộ ra đúng một phần về Trái đất trong suốt quá trình quay, nó tự quay quanh trục như thế nào. Đối với những người này, báo chí đáp rằng “Hãy vào phòng ăn nhà bạn, đi vòng quanh bàn sao cho mặt luôn hướng về vị trí trung tâm; vào lúc mà bạn đi được một vòng trọn vẹn, bạn cũng sẽ hoàn thiện được một lượt quay quanh chính mình, vì mắt bạn sẽ lần lượt nhìn qua mọi điểm trong căn phòng. Thế đấy, giờ thì, căn phòng là vũ trụ, cái bàn là Trái đất, còn Mặt trăng là bạn.” Những người ngoan cố kia vui vẻ rời đi.
Như vậy, Mặt trăng luôn hướng đúng một phần về phía Trái đất; tuy nhiên, chính xác hơn, cần phải bổ sung rằng, do những dao động nhất định
đến từ Bắc và Nam và từ Đông và Tây, gọi là bình động, Mặt trăng lộ ra nhiều hơn một nửa, tức là, năm phần bảy, có thể trông thấy. Ngay khi những người ngu dốt trở nên hiểu biết nhiều như giám đốc đài thiên văn, họ bắt đầu băn khoăn về chuyển động quay của Mặt trăng quanh Trái đất và thế là hai mươi tạp chí khoa học lập tức nhảy vào giải cứu. Các tạp chí này chỉ ra cho họ rằng bầu trời, với vô số các ngôi sao, có thể được xem như một mặt đĩa khổng lồ, trên đó Mặt trăng di chuyển, chỉ dẫn thời gian thực tế cho mọi cư dân trên Trái đất; tức là trong suốt chuyển động quay này, nữ hoàng bóng đêm trình diễn các pha khác nhau; Mặt trăng tròn khi nó ở vị trí xung đối với Mặt trời, là khi ba thiên thể nằm trên một đường thẳng, trong đó Trái đất chiếm vị trí trung tâm; trăng mới khi nó ở vị trí giao hội với Mặt trời, là lúc nó nằm giữa Mặt trời và Trái đất; và, cuối cùng, trăng ở vị trí thượng huyền hay hạ huyền khi nó hợp với Mặt trời và Trái đất một góc mà nó nằm tại đỉnh.
Về độ cao của Mặt trăng so với đường chân trời, lá thư của Đài Thiên văn Cambridge đã nói tất cả những gì có thể nói về vấn đề này. Ai cũng hiểu độ cao này thay đổi theo vĩ độ của người quan sát. Nhưng nơi duy nhất trên địa cầu mà Mặt trăng đi qua thiên đỉnh, nơi điểm cao nhất đó ở ngay trên đầu khán giả, nhất định phải nằm trong khoảng vĩ tuyến thứ hai mươi tám và đường xích đạo. Chính vì vậy, giá trị của lời khuyên là thực hiện thử nghiệm tại một điểm nào đó trong vùng nêu trên, để viên đạn có thể được phóng đi theo phương thẳng đứng và nhờ vậy thoát khỏi ảnh hưởng của trọng lực một cách nhanh nhất. Đây là điều kiện cần cho thành công của dự án và tiếp tục thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công chúng.
Về quãng đường Mặt trăng vẽ ra khi quay quanh Trái đất, Đài Thiên văn Cambridge đã giải thích rằng quãng đường này là một đường cong tái
lập, không phải một đường tròn hoàn hảo, mà là đường elip, trong đó Trái đất đóng vai trò như một trong các tiêu điểm. Người ta cũng hiểu rõ rằng Mặt trăng ở xa Trái đất nhất trong suốt thời kỳ viễn điểm và đến gần nhất trong thời kỳ cận điểm.
Đó là lượng kiến thức lớn về chủ đề này mà mọi người Mỹ đều thu hoạch được và không ai có thể điềm nhiên nói mình không biết. Tuy nhiên, trong khi các nguyên lý cơ bản được lan truyền nhanh chóng, nhiều sai sót và những lo ngại viển vông tỏ ra không dễ gì tiêu diệt.
Chẳng hạn như, nhiều vị tiêu biểu cứ khăng khăng rằng Mặt trăng là một sao chổi cổ xưa, trong khi di chuyển theo quỹ đạo kéo dài quanh Mặt trời, tình cờ đi gần tới Trái đất và bị giữ lại trong phạm vi lực hấp dẫn của Trái đất. Các nhà thiên văn “chỉ toàn ngồi lê đôi mách trong phòng khách” này tuyên bố có thể giải thích được phần cháy đen của Mặt trăng – một thảm họa họ quy chụp do nhiệt lượng dữ dội của Mặt trời; chỉ khi được nhắc nhở rằng sao chổi có bầu khí quyển, còn Mặt trăng có rất ít hoặc không, họ mới thực sự bối rối vì không có câu trả lời.
Lại có một số khác, thuộc nhóm đa nghi, tỏ ý lo ngại rõ ràng về vị trí của Mặt trăng. Họ nghe được rằng, theo các quan sát thực hiện từ thời Khalifah, chuyển động quay của Mặt trăng tăng tốc ở một mức độ nhất định. Vì thế họ kết luận, cũng khá hợp lý, rằng sự gia tốc của chuyển động này hẳn sẽ đi kèm với sự suy giảm tương ứng trong khoảng cách giữa hai thiên thể; và thế là, nếu tác động kép này kéo dài vĩnh cửu, đến một ngày Mặt trăng sẽ kết thúc bằng việc đâm sầm vào Trái đất. Tuy nhiên, họ đã được trấn an về định mệnh của các thế hệ tương lai khi được thông báo, căn cứ vào tính toán của nhà thiên văn học Laplace, rằng gia tốc của chuyển động này bị giới hạn trong phạm vi rất hẹp và rằng sự sụt giảm tốc
độ tương ứng sẽ đảm bảo cho điều này. Vì thế, sự ổn định của hệ Mặt trời sẽ không bị đe dọa trong hàng thế kỷ tới.
Vẫn còn nhóm thứ ba, nhóm mê tín. Những nhân vật này không bằng lòng với sự an ổn trong vô minh; họ muốn biết mọi thứ bất kể nó tồn tại hay không, còn Mặt trăng, họ đã hiểu về nó từ lâu rồi. Một đám cho rằng đĩa Mặt trăng là một tấm gương nhẵn bóng, nhờ nó mà người ta có thể trông thấy nhau từ các vị trí khác biệt trên Trái đất và trao đổi tâm tình. Đám khác bịa ra rằng ngoài một ngàn Mặt trăng mới mà người ta quan sát được, còn chín trăm năm mươi Mặt trăng đang phải chịu những biến động lớn, như đại hồng thủy, xoay vòng, động đất, lũ lụt, vân vân. Rồi họ tin rằng Mặt trăng áp lên số phận con người một ảnh hưởng huyền bí nào đó – rằng mỗi người Selenite được gắn kết với mỗi cư dân Trái đất bằng một sợi dây của niềm cảm thông; họ một mực cho rằng toàn bộ hệ sinh vật đều nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trăng, vân vân. Nhưng cuối cùng, phần lớn đều chối bỏ những sai lầm ngớ ngẩn này và tán thành khía cạnh chân chính của vấn đề. Với tư cách một người Yankee, họ không có tham vọng nào hơn là chiếm được lục địa mới này trên bầu trời và cắm trên đỉnh cao nhất của nó lá cờ sao của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Chương 7
Bản hùng ca về đạn đại bác
Đ
ài Thiên văn Cambridge trong lá thư đáng nhớ của mình đã lý giải vấn đề thuần túy từ góc nhìn thiên văn học. Phần cơ học vẫn còn để ngỏ.
Ngài chủ tịch Barbicane đã không để uổng phí một giây đồng hồ, tức khắc giới thiệu một ban chấp hành cho Câu lạc bộ Súng. Trách nhiệm của ủy ban này là giải quyết ba vấn đề lớn – đại bác, đạn và thuốc súng. Ủy ban bao gồm bốn thành viên vốn nổi tiếng về chuyên môn súng đạn. Đứng đầu tất nhiên là ngài Barbicane (với lá phiếu quyết định khi các bên có số phiếu bằng nhau), tướng Morgan, thiếu tá Elphinstone và cuối cùng là J. T. Maston, lãnh trách nhiệm thư ký. Vào ngày mùng 8 tháng Mười, ủy ban họp mặt tại nhà chủ tịch Barbicane, số 3 đường Cộng hòa. Cuộc họp do chính ngài chủ tịch tổ chức.
“Thưa các quý ông,” ngài nói, “chúng ta cần xử lý một trong những vấn đề quan trọng nhất trong toàn bộ ngành khoa học chế tạo đại bác vĩ đại. Có vẻ như, đã đến lúc thích hợp nhất để chúng ta dành trọn buổi họp đầu tiên cho việc thảo luận về loại phương tiện chúng ta sẽ sử dụng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ càng, tôi cho là vấn đề đạn dược cần được ưu tiên hơn so với đại bác, vì rằng kích thước của cái sau dứt khoát phải phụ thuộc vào cái trước.”
“Cho phép tôi chen vào,” J. T. Maston ngắt lời. Yêu cầu nhanh chóng được chấp thuận. “Thưa các quý ông,” anh nói bằng giọng truyền cảm, “ngài chủ tịch của chúng ta rất đúng khi đưa vấn đề đạn dược lên trước nhất. Viên đạn chúng ta sẽ phóng vào Mặt trăng chính là sứ giả mà chúng ta gửi tới đó, nên tôi muốn xem xét nó dưới góc độ đạo đức. Đạn đại bác, thưa các quý ngài, với tôi, là biểu tượng quyền uy vĩ đại nhất của nhân loại. Nếu thượng đế sáng tạo ra các vì sao và hành tinh, loài người đã thổi sự sống cho đạn đại bác. Cứ cho thượng đế nhận rằng tốc độ là của điện, của ánh sáng, của tinh tú, sao chổi, các hành tinh, của gió và âm thanh – chúng ta tuyên bố đã phát minh ra tốc độ của đạn đại bác, nhanh hơn một trăm lần tốc độ của ngựa hoặc xe lửa nhanh nhất. Thời khắc ấy sẽ huy hoàng thế nào khi, bứt phá mọi loại vận tốc có được từ trước đến nay, chúng ta sẽ phóng viên đạn mới với tốc độ bảy dặm một giây! Chẳng lẽ, thưa các quý ông, chẳng lẽ nó sẽ không được trên đó đón nhận bằng nghi thức trang trọng dành cho đại sứ địa cầu hay sao?”
Khắc chế cảm xúc của mình, nhà hùng biện ngồi xuống và dồn hết tâm sức vào đĩa bánh mì kẹp khổng lồ trước mặt.
“Và giờ thì,” Barbicane nói, “rời khỏi lãnh địa thơ ca và đi thẳng vào vấn đề đi.”
“Đương nhiên rồi,” các thành viên đáp, mỗi người đều đầy miệng bánh mì.
“Vấn đề trước mắt chúng ta,” ngài chủ tịch tiếp tục, “là làm sao truyền được vận tốc 12.000 thước mỗi giây cho viên đạn. Bây giờ hãy xem xét các mức vận tốc đã đạt được từ trước tới nay. Tướng Morgan có thể làm sáng tỏ điểm này.”
“May mắn thay,” vị tướng đáp, “tôi là thành viên ban thí nghiệm trong
suốt cuộc chiến nên tôi có thể khẳng định rằng đại bác Dahlgren loại 100 pound, tầm xa 5.000 thước, bắn đạn với vận tốc ban đầu 500 thước mỗi giây. Đại bác Rodman Columbiad khai hỏa viên đạn nửa tấn xa tới sáu dặm, tốc độ 800 thước mỗi giây – thành quả này đại bác Armstrong và Palisser ở Anh quốc không bao giờ đạt được.”
“Đây,” Barbicane nói, “có phải vận tốc tối đa ta từng có?” “Đúng thế,” vị tướng trả lời.
“Ôi chao!” J. T. Maston rên rỉ, “phải chi súng cối của tôi không bị nổ…”
“Phải,” Barbicane nhẹ nhàng đáp, “nhưng nó đã nổ rồi. Chúng ta phải, thế đấy, chấp nhận điểm khởi đầu, vận tốc 800 thước này. Chúng ta phải nâng nó lên gấp hai mươi lần. Ta hãy để nó cho buổi thảo luận khác, giờ tôi kêu gọi các anh chú ý vào kích thước viên đạn thích hợp cho đường bắn. Các anh nên hiểu rằng ở đây chúng ta không liên quan gì đến loại đạn có trọng lượng không quá nửa tấn.”
“Sao không?” thiếu tá thắc mắc.
“Bởi vì viên đạn,” J. T. Maston mau chóng trả lời, “phải đủ lớn để thu hút sự chú ý của các cư dân trên Mặt trăng, nếu có?”
“Đúng vậy,” Barbicane đáp, “và còn vì lý do khác quan trọng hơn.” “Ý anh là gì?” thiếu tá hỏi.
“Tôi muốn nói không phải ta cứ bắn viên đạn, rồi bỏ mặc nó; chúng ta sẽ phải dõi theo nó trong suốt hành trình, đến tận thời điểm nó cán đích.” “Cái gì?” cả vị tướng và viên thiếu tá sửng sốt.
“Chắc chắn là vậy,” Barbicane bình tĩnh nói, “hoặc thử nghiệm của chúng ta sẽ không mang lại kết quả gì.”
“Nhưng… vậy thì anh sẽ phải cho viên đạn này một kích cỡ khổng lồ,” thiếu tá do dự nói.
“Không! Làm ơn hãy lắng nghe. Các anh biết rằng quang cụ hiện nay đạt độ chuẩn xác tuyệt vời và nhờ đó chúng ta đã thành công trong việc thu được ảnh phóng đại 6.000 lần và kéo gần Mặt trăng xuống dưới bốn mươi dặm. Giờ đây, ở khoảng cách này, bất kỳ đối tượng nào bề ngang 60 foot đều có thể thấy rõ ràng.
“Như vậy, nếu hiệu suất quan sát của kính thiên văn không tăng thêm nữa, đó là vì hiệu suất này làm giảm ánh sáng của kính; mà Mặt trăng, lại là một mặt gương phản chiếu, sẽ không có khả năng truyền lại ánh sáng thích hợp để chúng ta quan sát các đối tượng có kích thước nhỏ hơn.”
“Chà, thế thì… anh định làm gì?” vị tướng hỏi. “Sẽ làm viên đạn đường kính 60 foot ư?”
“Không.”
“Thế thì… anh định tăng khả năng phát quang của Mặt trăng?” “Chính xác. Nếu tôi có thể thành công trong việc giảm bớt mật độ không khí mà ánh trăng phải đi xuyên qua thì tôi sẽ khiến ánh sáng của nó mạnh hơn. Để thực hiện mục tiêu đó, sẽ phải dựng một kính thiên văn trên núi cao. Đó là điều chúng ta sẽ làm.”
“Tôi phản đối,” thiếu tá nói. “Anh đang đơn giản hóa mọi thứ. Thế anh kỳ vọng thu được độ phóng đại bao nhiêu theo cách này?” “Gấp 48.000 lần, độ phóng đại này sẽ đưa Mặt trăng vào khoảng cách biểu kiến trong vòng năm dặm; và để quan sát được, vật thể không cần phải có đường kính lớn hơn chín foot.”
“Vậy, thế là,” J. T. Maston ré lên, “đường kính viên đạn của chúng ta
không cần quá chín foot.”
“Để tôi nói, dù sao thì,” thiếu tá Elphinstone ngắt lời, “điều này chắc sẽ liên quan đến trọng lượng…”
“Thiếu tá thân mến của tôi ơi,” Barbicane ngắt lời, “trước khi thảo luận đến trọng lượng, cho phép tôi liệt kê một vài kỳ tích của tổ tiên chúng ta trong lĩnh vực này. Tôi không có ý ngụy tạo rằng khoa học chế tạo đại bác không có tiến bộ, nhưng cũng chẳng hại gì khi nhớ rằng vào thời trung cổ họ đã đạt được những thành quả đáng kinh ngạc, mà tôi dám nói là hơn chúng ta. Ví dụ như, trong cuộc vậy hãm Constantinopolis của Mahomet II vào năm 1453, đạn đá nặng 1.900 pound đã được sử dụng. Ở Malta vào thời của các hiệp sĩ, pháo đài St. Elmo đã có súng khạc ra viên đạn nặng 2.500 pound. Còn thời nay, chúng ta hãy xem mình đang ở mức độ nào? Súng Armstrong bắn đạn 500 pound, còn đạn súng Rodman nặng có nửa tấn! Thế đấy! Có vẻ như nếu tầm đạn tăng lên viên đạn sẽ mất rất nhiều trọng lượng. Bây giờ, nếu đặt mọi nỗ lực theo hướng đó, chúng ta sẽ đạt được, cùng với tiến bộ về khoa học, gấp mười lần trọng lượng đạn của Mahomet II và dòng Hiệp sĩ Malta.”
“Rõ ràng,” thiếu tá đáp trả, “vậy anh định dùng kim loại nào?” “Gang thôi,” tướng Morgan nói.
“Nhưng,” thiếu tá ngắt lời, “vì trọng lượng viên đạn tương ứng với kích thước của nó, một viên đạn sắt đường kính chín foot sẽ nặng khủng khiếp.”
“Phải, nếu đặc, còn nếu rỗng thì không.”
“Rỗng? Thế thì là đạn pháo à?”
“Đúng, đạn pháo,” Barbicane đáp, “dứt khoát phải là thế. Một viên đạn đặc cỡ 108 inch sẽ nặng hơn 200.000 pound, một trọng lượng quá kinh
khủng. Tuy nhiên, vì chúng ta phải duy trì độ ổn định chắc chắn cho viên đạn, tôi đề nghị cho nó trọng lượng 20.000 pound.”
“Vậy thì… độ dày vỏ đạn là bao nhiêu?” thiếu tá hỏi.
“Nếu chúng ta áp dụng tỷ lệ thông thường,” Morgan trả lời, “đường kính 108 inch sẽ cần bề dày hai foot, hoặc ít hơn.”
“Thế là quá nhiều,” Barbicane nói, “vì các anh sẽ thấy vấn đề không phải là viên đạn nhắm bắn vào một tấm sắt; nó sẽ phải có các cạnh đủ vững chắc để chống lại áp suất khí. Do đó, vấn đề là thế này – độ dày một viên đạn pháo bằng gang nên là bao nhiêu để không nặng hơn 20.000 pound? Và thư ký tài năng của chúng ta sẽ mau chóng làm sáng tỏ vấn đề này.”
“Không còn gì đơn giản hơn,” vị thư ký đáng kính của ủy ban đáp rồi lập tức vạch ra vài công thức đại số trên mặt giấy, trong đó n2 và x2thường xuyên xuất hiện, sau đó anh nói, “Các cạnh sẽ cần độ dày chưa tới 12 inch.”
“Thế là xong ư?” thiếu tá ngờ vực hỏi.
“Dĩ nhiên là không!” ngài chủ tịch đáp.
“Vậy thì…” Elphinstone nói với vẻ bối rối.
“Dùng kim loại khác thay cho sắt.”
“Đồng?” Morgan nói.
“Không! Quá nặng. Tôi đề nghị thứ tốt hơn.”
“Là cái gì?” thiếu tá hỏi.
“Nhôm!” Barbicane đáp.
“Nhôm?” ba đồng sự cùng la lên.
“Không nghi ngờ gì, các bạn của tôi. Kim loại quý giá này có màu trắng của bạc, độ bền của vàng, độ dai của sắt, tính nóng chảy của đồng, độ sáng
của thủy tinh, lại còn dễ gia công, được phân bố rộng rãi, có trong hầu hết mọi loại đá, nhẹ gấp ba lần sắt và có lẽ được tạo ra nhằm mục đích đặc biệt là trang bị nguyên liệu làm đạn cho chúng ta.”
“Nhưng, chủ tịch thân mến của tôi,” thiếu tá nói, “chẳng phải giá thành của nhôm cực kỳ cao hay sao?”
“Hồi mới được biết tới thì là thế, nhưng giờ đã hạ xuống chín đô la một pound.”
“Nhưng chín đô la một pound!” thiếu tá, người không dễ nhượng bộ, đáp, “vẫn là cái giá rất cao.”
“Đúng vậy, thiếu tá thân mến, nhưng không ngoài tầm tay của chúng ta.”
“Với nhôm, viên đạn sẽ nặng bao nhiêu?” Morgan hỏi.
“Đây là kết quả tính toán của tôi,” Barbicane nói. “Một viên đạn có đường kính 108 inch và bề dày 12 inch, sẽ nặng, nếu bằng sắt, là 67.440 pound, bằng nhôm, trọng lượng giảm xuống còn 19.250 pound.”
“Tuyệt vời!” thiếu tá kêu lên, “nhưng anh có biết là, với chín đô la một pound, viên đạn này sẽ có giá là…”
“Một trăm bảy mươi ba ngàn không trăm năm mươi đô la. Tôi biết rất rõ. Nhưng các bạn đừng lo, tiền bạc không thiếu cho dự án của chúng ta. Tôi sẽ giải quyết vấn đề này. Giờ thì thấy thế nào về nhôm, các quý ông?”
“Chấp nhận!” cả ba thành viên của ủy ban đồng thanh đáp. Và cuộc họp ủy ban lần thứ nhất kết thúc. Vấn đề đạn đã được giải quyết.
Chương 8
Lịch sử của đại bác
C
ác giải pháp được thông qua trong cuộc họp đã tạo nên ảnh hưởng dữ dội bên ngoài. Những người nhát gan hoảng sợ trước ý tưởng một viên đạn nặng cỡ 20.000 pound sẽ được phóng vào không gian: họ thắc mắc loại đại bác nào có thể truyền vận tốc đủ lớn cho một khối đồ sộ như vậy. Biên bản cuộc họp thứ hai vào ngay tối hôm sau, được trù tính sẽ giải đáp rõ ràng khúc mắc này.
“Các đồng sự thân mến,” Barbicane vào thẳng vấn đề luôn, “trước mắt chúng ta phải thiết kế phương tiện, độ dài, kết cấu và trọng lượng. Có thể chúng ta sẽ hoàn thành bằng việc tạo nên một kích thước khổng lồ; nhưng dù sự đồ sộ có thể gây khó khăn trở ngại ra sao, các thiên tài cơ khí của chúng ta luôn sẵn sàng khắc phục. Vì vậy, hãy dành trọn cho tôi sự tập trung của các bạn và đừng ngại nêu lên phản bác vào phút cuối. Tôi sẵn sàng nghe những điều khó nghe nhất. Vấn đề trước tiên của chúng ta là làm cách nào truyền được lực ban đầu 12.000 thước mỗi giây cho một viên đạn pháo đường kính 108 inch, nặng 20.000 pound. Và sau đó, khi viên đạn được phóng vào không gian, chuyện gì sẽ xảy ra với nó? Nó sẽ chịu tác động của ba loại lực riêng biệt: lực cản của không khí, lực hấp dẫn của Trái đất và lực đẩy mà nó được cấp. Hãy phân tích ba loại lực này. Lực cản của không khí ít ảnh hưởng nhất. Bầu khí quyển của Trái đất không vượt quá
40 dặm. Lúc này, với tốc độ được cấp, viên đạn sẽ phóng qua bầu khí quyển trong năm giây, nhanh đến mức ta có thể coi lực cản của môi trường là không đáng kể. Tiếp tục, sau đó, tới lực hấp dẫn của Trái đất, tức là, trọng lượng của đạn pháo. Chúng ta biết rằng trọng lượng này sẽ giảm tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Khi một vật thể rơi tự do xuống mặt đất, nó sẽ rơi năm foot trong giây đầu tiên; và nếu cùng vật thể đó rơi từ khoảng cách xa tới 257.542 dặm, nói cách khác, khoảng cách của Mặt trăng, quá trình rơi của nó sẽ giảm xuống còn khoảng một nửa line trong giây đầu tiên. Đó gần như tương đương với trạng thái nghỉ ngơi lý tưởng. Thế đấy, nhiệm vụ của chúng ta là thoát khỏi ảnh hưởng của trọng lực. Cách giải quyết duy nhất là lực đẩy.”
“Đúng là gay go,” thiếu tá lẩm bẩm.
“Phải,” ngài chủ tịch đáp, “nhưng chúng ta sẽ khắc phục được, vì lực đẩy sẽ phụ thuộc vào độ dài của phương tiện và thuốc súng sử dụng, cái sau chỉ bị hạn chế bởi sức nén của cái trước. Như vậy, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là làm việc với kích thước của khẩu đại bác. Hiện nay, đến thời điểm này, khẩu đại bác có độ dài nhất của chúng ta không vượt quá 25 foot. Nên chúng ta sẽ khiến cả thế giới phải kinh hoàng bởi kích cỡ mà chúng ta sắp phê duyệt đây. Với tầm bắn xa như vậy, nòng súng sẽ phải dài khủng khiếp để tăng khả năng tích trữ khí phía sau viên đạn.”
“Để được như thế,” thiếu tá nói, “anh đã tính toán ra sao?” “Thông thường, độ dài của súng gấp 20 tới 25 lần đường kính viên đạn và nặng gấp 235 tới 240 lần trọng lượng của đạn.”
“Thế không đủ,” J. T. Maston kêu lên.
“Tôi đồng ý với anh, bạn thân mến; và trên thực tế, chiểu theo tỷ lệ này, một viên đạn đường kính chín foot, nặng 30.000 pound, thì khẩu súng
nhất định phải có độ dài 225 foot và trọng lượng 7.200.000 pound.” “Nhỏ quá!” Maston phản bác, kèm sự giễu cợt. “Khác gì khẩu súng lục.”
“Tôi cũng nghĩ thế,” Barbicane đáp, “đó là lý do vì sao tôi đề nghị tăng độ dài đó lên bốn lần, tức là ta sẽ làm khẩu súng dài 900 foot.” Cả vị tướng và thiếu tá đều đưa ra vài phản biện; tuy nhiên, đề xuất này, với sự ủng hộ nhiệt tình của viên thư ký, đã được chấp nhận hoàn toàn.
“Nhưng,” Elphinstone nói, “Chúng ta phải làm độ dày bao nhiêu?” “Dày sáu foot,” Barbicane đáp.
“Anh hẳn chưa nghĩ về việc lắp một khối đồ sộ như thế lên giá đỡ phải không?” thiếu tá hỏi.
“Dù gì đó cũng là ý tưởng tuyệt vời,” Maston nói.
“Giá đỡ là bất khả thi,” Barbicane đáp. “Tôi định sẽ hạ cỗ máy này đơn độc trong lòng đất, cố định lại bằng các vòng sắt rèn và cuối cùng bọc trong một đống dày khối xây gồm đá và xi măng. Ngay khi nòng được đúc, nó sẽ được khoan với độ chuẩn xác tuyệt đối, vì thế sẽ tránh được mọi nguy cơ hở nòng có thể xảy ra. Bởi vậy sẽ không có có bất cứ sự hao hụt khí nào và toàn bộ sức giãn nở của thuốc súng sẽ được dùng vào lực đẩy.”
“Một câu hỏi nhỏ,” Elphinstone nói, “súng của chúng ta có xẻ rãnh xoắn không?”
“Không, chắc chắn không,” Barbicane trả lời, “chúng ta cần tốc độ ban đầu cực lớn; mà anh hiểu rất rõ rằng viên đạn bắn ra từ súng nòng xẻ rãnh xoắn không nhanh bằng từ súng nòng trơn.”
“Đúng thế,” thiếu tá đáp.
Ủy ban đến đây nghỉ ngơi ít phút cho trà và bánh.
Cuộc họp tiếp tục. “Thưa các quý ông,” Barbicane nói, “bây giờ chúng ta cần lưu ý đến kim loại sẽ sử dụng. Đại bác của chúng ta phải có độ bền xuất sắc, độ cứng xuất sắc, chịu nhiệt, không hòa tan được và không bị gỉ do ảnh hưởng ăn mòn của axit.”
“Không nghi ngờ gì về điều đó,” thiếu tá đáp lời, “và vì sẽ phải dùng một lượng kim loại rất lớn, chúng ta sẽ phải thận trọng khi lựa chọn.” “Chà, thế thì…” Morgan nói, “tôi đề xuất hợp kim tốt nhất được biết đến từ trước đến nay, gồm một trăm phần đồng đỏ, mười hai phần thiếc và sáu phần đồng thau.”
“Tôi thừa nhận,” ngài chủ tịch trả lời, “rằng hỗn hợp này đã mang lại những thành quả tuyệt vời, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, nó quá đắt đỏ và khó khăn đến nỗi không thực hiện được. Tôi nghĩ, vì thế, rằng chúng ta nên dùng một vật liệu hiệu quả với giá thành thấp, chẳng hạn như gang. Thiếu tá có ý kiến gì?”
“Tôi tương đối đồng tình với anh,” Elphinstone đáp.
“Trên thực tế,” Barbicane tiếp tục, “gang có giá rẻ gấp mười lần đồng đỏ, dễ đúc, dễ thoát khỏi khuôn cát, dễ thao tác, đồng thời tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Thêm nữa, nó là nguyên liệu tuyệt vời, tôi nhớ rõ trong cuộc chiến, đợt vây hãm thành phố Atlanta, nhiều khẩu súng bằng bắn một ngàn viên đạn trong khoảng hai mươi phút mà không sứt mẻ gì.”
“Nhưng gang lại rất giòn…” Morgan nói.
“Đúng, nhưng nó có sức bền tuyệt vời. Giờ tôi sẽ nhờ vị thư ký đáng kính của chúng ta tính toán trọng lượng của một khẩu súng bằng gang có nòng dài 900 foot và dày sáu foot bằng kim loại.”
“Có ngay đây,” Maston đáp. Sau đó, mau chóng viết vài công thức đại số với vẻ thuần thục ấn tượng, sau một hoặc hai phút anh công bố kết quả như sau:
“Khẩu đại bác sẽ nặng 68.040 tấn. Và, với hai xu một pound, nó sẽ có giá…”
“Hai triệu năm trăm mười ngàn bảy trăm linh một đô la.” Matson, thiếu tá và vị tướng trao cho Barbicane ánh mắt lo lắng. “Chà, các quý ông,” ngài chủ tịch đáp, “tôi nhắc lại lời tôi nói hôm qua. Cứ ung dung đi, tiền triệu ta không thiếu.”
Với cam đoan này của ngài chủ tịch, ủy ban chia tay nhau, sau khi sắp xếp buổi họp thứ ba vào tối hôm sau.
Chương 9
Vấn đề về thuốc súng
G
iờ đây chỉ còn phải cân nhắc vấn đề thuốc súng. Đám đông hồi hộp chờ đợi quyết định cuối cùng. Kích thước của viên đạn, độ dài của đại bác đã được ấn định, vậy cần bao nhiêu thuốc súng để tạo lực đẩy đây? Người ta thường đồ rằng thuốc súng là do thầy tu Schwartz phát minh hồi thế kỷ XIV và ông đã phải trả giá bằng mạng sống cho sáng chế vĩ đại này. Kết cục ấy, dù sao chăng nữa, cũng chứng tỏ rằng câu chuyện đáng được xếp vào hạng huyền thoại thời Trung cổ. Song, thực tình, chẳng ai phát minh ra thuốc súng cả; nó là sự thừa kế trực hệ của thứ vũ khí bí mật mang tên “Ngọn lửa Hy Lạp”, thứ mà, cũng như nó, được tạo nên từ lưu huỳnh và diêm tiêu. Rất ít người biết về cơ năng của thuốc súng. Hiện giờ, đây chính xác là điều cần phải hiểu ngọn ngành để nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề đang được ủy ban xem xét.
Một lít thuốc súng nặng khoảng hai pound; khi cháy sẽ sản sinh ra 400 lít khí. Lượng khí này, được giải phóng và chịu tác động của nhiệt độ lên tới 2.400 độ, chiếm 4.000 lít không gian: bởi vậy tỷ lệ lượng thuốc súng so với lượng khí sinh ra từ hiện tượng đốt cháy là 1 trên 4.000. Do đó, người ta có thể nói rằng áp suất khí khi bị nén trong một không gian gấp 4.000 lần là quá hạn chế. Tất cả những điều này, dĩ nhiên, các thành viên ủy ban đã hiểu rất rõ trong buổi họp tối hôm sau.
Người đầu tiên lên tiếng lần này là thiếu tá Elphinstone, người từng là giám đốc hãng thuốc súng trong thời chiến.
“Thưa các quý ông,” nhà hóa học tài năng nói, “tôi sẽ bắt đầu bằng vài con số phù hợp với cơ sở tính toán của chúng ta. Một viên đạn nặng 24 pound trước đây cần 16 pound thuốc súng.”
“Anh chắc chắn số lượng này?” Barbicane ngắt lời.
“Chắc chắn,” thiếu tá đáp, “đại bác Armstrong dùng có 75 pound thuốc súng cho một viên đạn nặng 800 pound, còn khẩu Rodman Columbiad chỉ dùng 160 pound để bắn viên đạn nửa tấn ra xa sáu dặm. Những sự thực này không cần phải bàn cãi thêm, vì chính tôi đã nêu lên vấn đề này trong các phiên họp công khai trước ủy ban pháo binh.”
“Đúng vậy,” vị tướng nói.
“Thế đấy,” thiếu tá đáp lời, “những con số này chứng minh rằng lượng thuốc súng không tăng theo trọng lượng viên đạn; tức là, nếu một viên đạn 24 pound cần 16 pound thuốc súng, nói cách khác, nếu chúng ta dùng lượng thuốc súng tương đương với hai phần ba trọng lượng viên đạn trong một khẩu súng thông thường, tỷ lệ này không phải một hằng số. Cứ tính toán đi, rồi anh sẽ thấy rằng thay vì 333 pound thuốc súng, số lượng này sẽ giảm xuống không quá 160 pound.”
“Ý anh là gì?” Ngài chủ tịch hỏi.
“Nếu anh xét giả thuyết đó đến tận cùng, thiếu tá thân mến của tôi,” J. T. Maston nói, “anh sẽ thu được kết quả là khi viên đạn của anh đủ nặng, anh sẽ không cần đến chút thuốc súng nào nữa.”
“Anh bạn Maston của chúng ta lúc nào cũng thích đùa, ngay cả trong vấn đề nghiêm túc,” thiếu tá kêu lên, “nhưng cứ để anh ấy thư giãn đi, ngay bây giờ tôi sẽ đề xuất lượng thuốc súng thích hợp để thỏa mãn thiên
hướng của chàng pháo thủ trong anh ấy. Tôi chỉ dùng số liệu thống kê khi tôi tuyên bố rằng, trong thời chiến, với loại súng cỡ lớn nhất, khối lượng thuốc súng giảm xuống, theo kinh nghiệm, tới một phần mười trọng lượng viên đạn.”
“Hoàn toàn chính xác,” Morgan nói, “nhưng trước khi quyết định lượng thuốc súng cần thiết để tạo lực đẩy, tôi nghĩ cũng nên…” “Chúng ta sẽ phải dùng thuốc súng hạt lớn,” thiếu tá tiếp tục, “vì tốc độ cháy của hạt to nhanh hơn nhiều so với hạt nhỏ.”
“Không nghi ngờ gì về điều đó,” Morgan đáp, “nhưng hạt to rất nguy hiểm, kết cục sẽ nổ tung nòng súng thành mảnh vụn.”
“Cứ cho là vậy đi, nhưng thứ đó gây hại cho một khẩu súng được dùng với mục đích lâu dài chứ không phải khẩu Rodman Columbiad này. Chúng ta sẽ không liều mạng với một vụ nổ và quan trọng là thuốc súng của chúng ta phải bốc cháy ngay lập tức thì cơ năng của nó mới có thể trọn vẹn.”
“Chúng ta phải có,” Maston nói, “nhiều lỗ mồi, để đốt cháy tại nhiều điểm khác nhau cùng một lúc.”
“Chắc chắn phải vậy,” Elphinstone tiếp lời, “nhưng điều này sẽ gây thêm khó khăn cho việc vận hành khẩu pháo. Thế nên tôi quay lại với thuốc súng hạt lớn của tôi, thứ này sẽ loại bỏ những khó khăn kia. Trong số thuốc nạp vào Columbiad, Rodman đã dùng loại thuốc súng hạt to ngang hạt dẻ, được làm từ than liễu, sấy khô đơn giản trong nồi gang. Loại thuốc súng này rất dữ dội và rực rỡ, không để lại dấu vết trên tay, chứa tỷ lệ hyđrô và ôxy cao, cháy ngay tức thì và, mặc dù sức công phá rất lớn nhưng sẽ không gây hư hại cho miệng nòng.”
Đến tận lúc này Barbicane vẫn giữ im lặng suốt cuộc tranh luận; ngài để những người khác nói trong khi chính mình lắng nghe, ngài rõ ràng đã
có ý tưởng. Lúc này ngài mới nhẹ nhàng hỏi.
“Thế thì, các bạn của tôi, các bạn đề xuất bao nhiêu thuốc súng?” Cả ba người cùng nhìn nhau.
“Hai trăm ngàn pound.” Cuối cùng Morgan đáp.
“Năm trăm ngàn,” thiếu tá nói thêm.
“Tám trăm ngàn,” Maston kêu lên.
Một quãng im lặng sau ba đề xuất, rốt cuộc ngài chủ tịch lên tiếng. “Các quý ông,” ngài chậm rãi nói, “tôi khởi đầu bằng nguyên lý này, rằng sức nén của một khẩu súng, được lắp đặt dưới những điều kiện nhất định, là vô tận. Tôi sẽ khiến anh bạn Maston của chúng ta bất ngờ, thế đấy, vì bêu xấu tính toán của anh ấy là nhút nhát; và tôi đề nghị gấp đôi 800.000 pound thuốc súng của anh ấy lên.”
“Một triệu sáu trăm ngàn pound?” Maston kêu lớn, nhảy dựng lên. “Chính thế.”
“Sau đó chúng ta sẽ phải dùng khẩu pháo lý tưởng dài nửa dặm của tôi; vì các anh biết rằng 1.600.000 pound sẽ chiếm khoảng không gian cỡ 20.000 foot khối; và vì dung tích khẩu pháo của anh không vượt quá 54.000 foot khối, nó sẽ chỉ đầy một nửa; cho nên nòng sẽ không đủ dài để khí có thể truyền lực đẩy thích hợp cho viên đạn.”
“Nhưng,” ngài chủ tịch nói tiếp, “tôi giữ số lượng thuốc súng đó. Vì 1.600.000 pound thuốc súng sẽ tạo ra 6.000.000.000 lít khí. Sáu ngàn triệu! Các anh hiểu không?”
“Sau đó thì sao?” vị tướng nói.
“Rất đơn giản; chúng ta phải giảm lượng thuốc súng khổng lồ này xuống, nhưng vẫn giữ nguyên được công năng của nó.”
“Tốt! Nhưng bằng cách nào?”
“Tôi sẽ nói cho các anh ngay đây,” Barbicane bình tĩnh trả lời. “Không gì dễ dàng hơn việc giảm bớt một phần tư khối lượng khổng lồ này. Các anh biết các vật chất tế bào nhỏ cấu thành mô cơ bản của thực vật chứ? Vật chất này được tìm thấy trong hầu hết các thể, đặc biệt ở bông, nó chỉ là lông tơ trên hạt bông. Thời bấy giờ, bông, kết hợp với axit nitric lạnh, chuyển hóa thành một chất hoàn toàn không tan, dễ cháy và dễ phát nổ. Chất này được Braconnot, nhà hóa học người Pháp, phát hiện lần đầu tiên vào năm 1832, ông gọi nó là xyloidine. Năm 1838, một người Pháp khác, Pelouze, đã nghiên cứu các đặc tính khác của nó và cuối cùng vào năm 1846, Schonbein, giáo sư hóa học tại Bale, đề xuất ứng dụng vào mục đích quân sự. Chất nổ này, giờ có tên pyroxyle, hay bông nổ, được điều chế cực kỳ dễ dàng chỉ bằng cách ngâm bông vào axit nitric lạnh trong 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước, làm khô, thế là sẵn sàng sử dụng.” “Không gì dễ dàng hơn,” Morgan nói.
“Hơn nữa, pyroxyle không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm – một đặc tính vô giá đối với chúng ta, vì sẽ tốn nhiều ngày để nạp thuốc vào đại bác. Chất này bốc cháy ở 170 độ thay vì 240 độ và tốc độ cháy nhanh đến mức người ta có thể đốt ngay tại phần đầu khối thuốc nổ mà phần phía sau sẽ bốc cháy tức thì.”
“Tuyệt hảo!” thiếu tá kêu lên.
“Duy có điều là đắt đỏ hơn.”
“Thì sao nào?” J. T. Maston ré lên.
“Tổng kết lại, nó sẽ truyền cho viên đạn vận tốc nhanh gấp bốn lần thuốc súng. Tôi bổ sung rằng, nếu chúng ta trộn thêm một lượng kali nitrat bằng một phần tám khối lượng của nó, lực giãn nở sẽ tăng lên đáng kể.”
“Có cần phải làm vậy không?” thiếu tá hỏi.
“Tôi nghĩ là không,” Barbicane trả lời. “Vậy là thay vì 1.600.000 pound thuốc súng, chúng ta sẽ chỉ cần 400.000 pound bông nổ; nhờ thế chúng ta có thể, không gặp rủi ro, nén 500 pound bông trong 27 foot khối, toàn bộ khối lượng này sẽ chiếm chiều cao không quá 180 foot trong nòng khẩu Columbiad. Bằng cách này, viên đạn sẽ có hơn 700 foot trong nòng súng để vượt qua dưới lực đẩy của 6.000.000.000 lít khí trước khi bay thẳng tới Mặt trăng.”
Đến lúc này, J. T. Maston đã không thể kiềm chế nổi cảm xúc của mình; anh nhào vào vòng tay của đồng đội bằng tốc độ hung hãn của một viên đạn, mà Barbicane có lẽ đã bị trọng thương nếu ngài không có khả năng kháng bom.
Sự kiện này đã kết thúc kỳ họp thứ ba của ủy ban.
Barbicane và đồng sự cốt cán, những người mà đối với họ không gì là không thể, đã giải quyết thành công các vấn đề phức tạp về đạn, đại bác và thuốc súng. Kế hoạch của họ đã soạn thảo xong và giờ chỉ còn việc đưa vào thực hiện.
“Chẳng qua chỉ là tiểu tiết, chuyện vặt thôi,” J. T. Maston tuyên bố.
Chương 10
Một kẻ địch và hai mươi lăm triệu bạn bè K
ể cả mỗi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong dự án của Câu lạc bộ Súng cũng được dân chúng Mỹ quan tâm tới. Họ bám chặt chẽ mỗi cuộc họp của ủy ban, dù là toàn thể hay từng bộ phận; từ sự chuẩn bị nhỏ nhất cho cuộc thử nghiệm vĩ đại đến những khúc mắc lớn về các số liệu liên quan cùng muôn vàn khó khăn về cơ khí cần xử lý… nói tóm lại, toàn bộ kế hoạch thực hiện, từ to tới nhỏ, đều khơi dậy niềm phấn khích cho toàn bộ nước Mỹ ở mức độ cao nhất.
Rồi sự lôi cuốn thuần túy khoa học này lại càng trở nên mãnh liệt hơn nhờ sự kiện sau:
Chúng ta đã chứng kiến hàng quân đoàn những người hâm mộ cùng mọi tầng lớp bạn bè mà dự án đã quy tụ xung quanh người đề xuất nó, ngài Barbicane. Song vẫn lọt từ đâu đó một cá nhân riêng lẻ, hoàn toàn đơn độc trong cả Hợp chúng quốc, phản đối thử nghiệm vĩ đại này của Câu lạc bộ Súng. Anh ta tấn công dữ dội khi có bất kỳ cơ hội nào, khiến Barbicane cảm nhận sâu sắc về bản chất nhân loại trước sự đối lập của con người này rõ hơn nhiều khi ông nhận được sự tán thành từ tất cả những đồng bào khác. Ngài hiểu rõ động cơ của mối ác cảm này, căn nguyên của nỗi thù hằn đơn độc này, lý do của sự chỉ trích cá nhân và sự dai dẳng của nó và sự ganh ghét từ lòng tự ái mà nó sinh ra.
Có điều, ngài chủ tịch Câu lạc bộ Súng chưa từng gặp mặt kẻ chống trả bền bỉ này. May là vậy, bởi cuộc gặp gỡ giữa họ, nếu có, chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bởi người này cũng như chính ngài Barbicane, là một nhà khoa học và khác ngài ở chỗ nóng nảy, táo tợn, dữ dội. Có thể nói là một người Yankee chân chính – đại úy Nicholl, sống tại Philadelphia.
Hầu hết dân Mỹ đều biết về cuộc chiến tranh khốc liệt bùng phát trong chiến tranh liên bang giữa súng ống và thiết giáp của những con tàu vỏ sắt. Kết quả sau đó là hoạt động tái thiết triệt để của hải quân trên cả hai miền; khi một bên to lớn hơn thì một bên cũng hùng mạnh hơn. Tàu hơi nước Merrimac, Monitor, Tennessee, Weehawken bắn ra những viên đạn khổng lồ sau khi đã được bọc sắt kháng đạn của đối thủ. Trên thực tế, chúng sẽ làm cho quân địch những điều mà chúng sẽ không để quân địch làm với chúng – nguyên tắc cơ bản vĩnh cửu đó chi phối toàn bộ nghệ thuật chiến tranh.
Lúc này đây, Barbicane là nhà sáng chế đạn vĩ đại, còn Nicholl là thợ rèn vỏ sắt tài ba; một người ngày đêm đúc đạn tại Baltimore, kẻ kia ngày đêm rèn sắt ở Philadelphia. Có thể ví như ngọn giáo và cái khiên vậy. Ngay khi Barbicane chế ra một viên đạn mới, thì Nicholl tạo ra vỏ sắt mới; mỗi người theo đuổi một chuỗi ý tưởng đối lập nhau về bản chất. Thật hạnh phúc cho hai công dân này, thật may mắn cho quốc gia của họ, khoảng cách từ năm mươi tới sáu mươi dặm chia cách họ với nhau, nên họ chưa từng gặp mặt. Hai nhà sáng chế này ai có ưu điểm nào vượt trội hơn kẻ kia, thật khó mà quyết định nếu căn cứ vào kết quả thu được. Dù vậy, theo báo cáo sau chót, có vẻ rằng giáp sắt rốt cuộc đã phải nhường đường cho đạn dược; hoặc là cái khiên đã bị ngọn giáo đâm thủng. Tuy nhiên, cũng không ít nhà nghiên cứu sành sỏi còn hồ nghi về điều này.
Trong đợt thử nghiệm cuối cùng, viên đạn trụ chóp của Barbicane cắm vào vỏ sắt của Nicholl tựa như nắm đinh ghim va vào mặt thớt gỗ khiến gã thợ rèn Philadelphia tin rằng mình đã thắng và không giấu nổi vẻ khinh bỉ với đối thủ; nhưng liền sau đó khi một đợt đạn pháo 600 pound đơn giản thay cho đạn hình nón và chỉ ở tốc độ vừa phải đã khiến nụ cười ngạo tắt ngấm trên gương mặt đại úy. Thực sự, những viên đạn này đã đập vỡ vụn tấm kim loại vào loại tốt nhất của anh ta.
Song, khi chiến thắng dường như đã ngả về phía viên đạn, khi cuộc đấu đã đến hồi kết, thì ngay hôm sau Nicholl đã hoàn thiện tấm giáp mới được làm từ thép và tuyên bố đây là một kiệt tác của áo giáp, rồi táo tợn thách thức mọi loại đạn trên thế giới. Sau đó, viên đại úy cho chuyển tấm giáp tới Polygon thuộc Washington và thách ngài chủ tịch Câu lạc bộ Súng xuyên thủng được nó. Barbicane, vì hòa bình đã được thiết lập, từ chối thách đố này.
Nicholl giận dữ đòi đem tấm giáp của mình ra đối đầu với mọi loại đạn tấn công; từ đạn đặc, rỗng, tròn tới đạn hình nón. Song ngài chủ tịch vẫn nhất định không chịu công nhận thành tựu mới nhất của anh ta, bằng cách lắc đầu.
Phẫn nộ trước sự ngoan cố ấy, Nicholl khích bác Barbicane bằng mọi lời lẽ và thái độ, từ lịch sự tới chê bai, hòng thực hiện được cuộc thách đấu. Anh ta hứa sẽ đặt tấm giáp trong tầm đạn dưới hai trăm thước. Barbicane vẫn một mực khước từ. Một trăm thước thì sao? Dù bảy mươi lăm cũng không! Ngài chủ tịch đáp gọn lỏn.
“Thế thì năm mươi!” viên đại úy gào lên trên mặt báo.
Im lặng!
“Hai mươi lăm thước! Và tôi sẽ đứng ngay đằng sau!”
Barbicane đáp lại với nụ cười mỉm rằng, dù đại úy Nicholl có vui lòng đứng ngay phía trước, ngài cũng không nổ súng thêm lần nào nữa. Nicholl không thể khống chế nổi cảm xúc trước đáp án này; quăng ra những lời bóng gió về sự hèn nhát; rằng một gã đây đẩy từ chối bắn một viên đạn đại bác thì chả khác gì sợ hãi nó cả; rằng bộ đội pháo binh chiến đấu sáu dặm ngoài xa đâu có cần đến mấy công thức toán học thay cho dũng khí cá nhân kìa. Vân vân và vân vân…
Barbicane vẫn làm ngơ trước mọi lời lẽ đó. Cũng có thể do ngài không nghe thấy, không hay biết gì bởi đang bận đắm mình vào những tính toán cho dự án vĩ đại của ngài.
Khi bản thông báo nổi tiếng của ngài được công bố trước Câu lạc bộ Súng, sự căm phẫn của viên đại úy đã vượt mọi giới hạn; song sự đố kỵ gớm ghiếc của anh ta đã hòa vào với cảm giác bất lực tuyệt đối. Làm thế nào có thể chế ra thứ khiên chống lại được khẩu Columbiad dài tới 900 foot? Loại giáp nào có thể nguyên vẹn trước viên đạn nặng 20.000 pound? Ban đầu là choáng ngợp trước cú sốc kinh hồn này, dần dần anh ta lấy lại tinh thần và chuyển sang quyết tâm nghiền nát đề xuất đó chỉ bằng lý thuyết.
Thế rồi anh ta bắt đầu bằng việc tấn công vào nhân công của Câu lạc bộ Súng, mà anh ta cho rằng tay nghề yếu kém, sau đó công bố hàng đống thư từ trên báo, cố chứng minh Barbicane chả hiểu gì về những nguyên tắc căn bản trong chế tạo đại bác. Anh ta khăng khăng rằng nén bất cứ vật chất nào để đạt được vận tốc 12.000 thước mỗi giây là hoàn toàn bất khả thi; rằng ngay cả ở vận tốc đó, viên đạn với trọng lượng như thế cũng không thể vượt qua được bầu khí quyển Trái đất. Hơn nữa, coi như đạt được vận tốc kia và chấp nhận rằng vận tốc đó là thích hợp, thì viên đạn pháo cũng
không thể chịu được áp suất khí giãn nở khi 1.600.000 pound thuốc súng bốc cháy; mà cứ giả định rằng nó chịu được áp suất này thì cũng ít có khả năng chống đỡ nổi nhiệt độ đó; nghĩa là nó sẽ nóng chảy ngay khi rời khỏi khẩu Columbiad, rồi trút thành trận mưa nóng đỏ xuống đầu những khán giả khinh suất.
Barbicane vẫn chẳng nghe thấy gì cả, tiếp tục với công việc của mình. Nicholl sau đó lại quay sang tấn công ở những khía cạnh khác, tuyên bố cuộc thử nghiệm này là cực kỳ nguy hiểm, lên án các cư dân đã nông nổi ủng hộ màn trình diễn kia. Anh ta đồng thời cáo buộc rằng nếu viên đạn không cán đích thành công (một kết quả hoàn toàn bất khả thi), nó chắc chắn sẽ rơi trở lại Trái đất và với sức công phá dữ dội từ khối lượng đó, nhân lên với bình phương vận tốc của nó, sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng tới mọi nơi trên địa cầu. Trong trường hợp này, do đó, không cần đến sự can dự bằng quyền công dân tự do, mà cần đến sự can thiệp của chính phủ, không nên vì thỏa mãn sở thích của một cá nhân mà gây nguy hại đến an toàn của cả cộng đồng.
Mặc dù công kích mãnh liệt và không mệt mỏi như vậy nhưng rốt cuộc đại úy Nicholl vẫn một mình một chợ. Không một ai nghe theo chứ đừng nói đến bênh anh ta. Không một ai hùa theo chứ đừng nói rời bỏ ngài chủ tịch Câu lạc bộ Súng, con người mà chẳng mảy may thèm phản bác lại những ý kiến dù đúng dù sai của anh ta.
Tình hình đó buộc Nicholl phải sử dụng miếng đòn cuối cùng của mình. Nhận ra rằng không thể đơn thương độc mã chiến đấu, anh ta quyết định vời đến tiền, bằng cách công bố trên tờ Richmond Inquirer một loạt cá cược theo mức độ tăng dần:
Thứ nhất (Cược 1.000$) – Rằng kinh phí cần thiết cho thử nghiệm của
Câu lạc bộ Súng sẽ không có đủ.
Thứ hai (Cược 2.000$) – Quá trình đúc khẩu pháo 900 foot không thực hiện được, nên không có khả năng thành công.
Thứ ba (Cược 3.000$) – Không thể nạp đạn vào khẩu Columbiad kia và pyroxyle sẽ tự bốc cháy dưới sức ép của viên đạn.
Thứ tư (Cược 4.000$) – Khẩu Columbiad sẽ nổ tung từ lần khai hỏa đầu tiên.
Thứ năm (Cược 5.000$) – Viên đạn sẽ không bay xa quá sáu dặm và vài giây sau cú bắn sẽ bị rơi ngược trở lại.
Đây là một số tiền lớn mà viên đại úy đánh liều vì sự cố chấp vô biên của mình. Anh ta đặt không dưới 15.000 đô la vào nguy cơ mất trắng. Tuy nhiên, nhờ giá trị của vụ cược, anh ta đã nhận được một phong thư có niêm phong với hồi âm súc tích tuyệt vời:
“BALTIMORE,
Ngày 19 tháng Mười,
Nhận cược.
BARBICANE.”
Chương 11
Florida và Texas
M
ột vấn đề không nhỏ vẫn còn để ngỏ, đó là địa điểm tiến hành cuộc thử nghiệm. Theo tư vấn của Đài Thiên văn Cambridge, khẩu súng phải được khai hỏa vuông góc với mặt phẳng đường chân trời, tức là hướng thẳng lên trời. Mặt trăng sẽ không di chuyển qua thiên đỉnh, ngoại trừ những địa điểm nằm trong khoảng vĩ độ 0° và 28°. Thế nên, việc xác định chính xác vị trí đó, nơi sẽ đúc khẩu Columbiad vĩ đại, là vô cùng cần thiết.
Vào ngày 20 tháng Mười, trong cuộc họp toàn thể Câu lạc bộ Súng, Barbicane trải rộng ra tấm bản đồ nước Mỹ đồ sộ. “Thưa các quý ông,” ngài mở đầu, “tôi tin là tất cả chúng ta đều thống nhất cuộc thử nghiệm này không thể và không nên được triển khai tại bất cứ đâu ngoài lãnh thổ liên bang. Thì lúc này đây, thật may mắn, đường biên giới chính thức của Hợp chúng quốc đã trải dài tới tận vĩ tuyến 28 về phía Bắc. Nếu các bạn chịu khó ngó qua tấm bản đồ này, hẳn sẽ thấy chúng ta được phép tùy ý chọn vị trí trong toàn bộ khu vực phía Nam của Texas và Florida.”
Tiếng hò reo lại ồn ào nổi lên. Cuối cùng, không trừ một ai đều quả quyết rằng khẩu Columbiad phải được đúc trong địa phận của một trong hai bang đó. Tuy nhiên, kết quả của quyết định này đã tạo ra một sự cạnh tranh chưa từng có tiền lệ giữa hai thành phố khác biệt của hai bang này.
Vĩ tuyến thứ 28, tiếp giáp với đường bờ biển nước Mỹ, băng qua bán đảo Florida, chia nơi này thành hai phần gần bằng nhau. Sau đó, xuyên qua vịnh Mexico, nó đối diện với đường cung được tạo nên bởi bờ biển Alabama, Mississippi và Louisiana; rồi men theo Texas, cắt một góc qua đó, rồi tiếp tục hành trình qua Mexico, xuyên Sonora, Old California và biến mất trong Thái Bình Dương. Bởi vậy, chỉ có những khu vực đó của Texas và Florida nằm dưới vĩ tuyến này, đảm bảo yêu cầu về vĩ độ.
Florida, ở mạn phía Nam, tính ra không có thành phố lớn nào nổi bật, chỉ đầy các công sự được dựng lên để ngăn cản những người da đỏ lang thang. Riêng có thành phố nhỏ, thành phố Tampa, có thể xác lập lợi thế cho Florida.
Ở Texas, ngược lại, các thành phố đông đảo và to lớn hơn nhiều. Corpus Christi, thành phố thuộc quận Nueces và vô số các thành phố khác như Rio Bravo, Laredo, Comalites, San Ignacio ở quận Web; Rio Grande quận Starr, Edinburgh quận Hidalgo, Santa Rita, Elpanda, Brownsville quận Cameron… hợp thành một liên minh hoành tráng để chống lại niềm hy vọng của Florida. Vì thế, quyết định chỉ vừa mới được công bố, thì người đại diện cho Texas và Florida đã xuất hiện tại Baltimore sau một khoảng thời gian ngắn đến mức không tưởng. Từ giây phút ấy, ngài chủ tịch Barbicane và những hội viên có tầm ảnh hưởng trong Câu lạc bộ Súng bị vây hãm liên miên trong những thỉnh cầu dai dẳng. Nếu xưa có chuyện bảy thành phố của Hy Lạp tranh giành vinh dự được là nơi sinh ra Homer, thì nay có hai bang của Mỹ đe dọa gây chiến với nhau vì một khẩu đại bác.
Các bên đối đầu diễu phố với vũ khí trong tay; khi có bất cứ cơ hội chạm mặt nào, một vụ xung đột có thể dẫn tới hậu quả tệ hại đều có nguy cơ phát sinh. Thật may mắn, sự thận trọng và khôn ngoan của ngài chủ tịch
Barbicane đã đẩy lùi được nguy hiểm. Những cuộc biểu dương lực lượng này chiếm được chỗ đứng riêng trên báo của các bang khác nhau. Tờ New York Herald và Tribune ủng hộ Texas còn tờ Times và American Review tán thành mục đích của đại diện Florida trong khi các hội viên của Câu lạc bộ Súng thì không thể tự quyết định nổi bên nào hơn bên nào kém.
Texas công bố danh sách hai mươi sáu quận; Florida đáp trả rằng chỉ cần mười hai quận của mình cũng tốt hơn hẳn hai mươi sáu quận trong một vùng chỉ bằng một phần sáu tổng diện tích.
Texas tự hào có 330.000 người bản xứ; Florida, với địa phận nhỏ hơn hẳn, kiêu ngạo có mật độ cư trú dày đặc hơn nhiều với 56.000. Dân Texas, qua mục báo trên tờ Herald tuyên bố rằng sự chú ý nên dành cho bang trồng được loại bông tốt nhất trên toàn nước Mỹ, sản xuất ra loại gỗ sồi xanh chất lượng nhất để phục vụ hải quân, có loại dầu tốt nhất, bèn cạnh đó còn các mỏ sắt, với sản lượng năm mươi phần trăm kim loại tinh.
Trước nội dung này, tờ American Review đáp trả rằng đất đai ở Florida, dù không giàu có bằng, nhưng cung cấp những điều kiện tốt nhất để đổ khuôn và đúc khẩu Columbiad và còn có cát và đất sét.
“Cũng có vẻ tốt đấy,” dân Texas ném trả, “nhưng các anh trước tiên phải đến cái vùng ấy đã. Thời buổi này thông tin liên lạc với Florida rất khó khăn, trong khi đó bờ biển Texas có vịnh Galveston chu vi tới mười bốn dặm, có thể tiếp đón hạm đội hải quân cả thế giới!”
“Thật đúng là ý kiến ra trò,” các tờ báo phục vụ lợi ích cho Florida đáp lại, “về cái vịnh Galveston nằm dưới vĩ tuyến thứ 29 ấy! Chẳng lẽ chúng tôi không có vịnh Espiritu Santo, mở chuẩn xác ngay vĩ tuyến thứ 28, để tàu thuyền có thể trực tiếp cập bến thành phố Tampa hay sao?”
“À vịnh tốt đấy, một nửa ngạt trong cát!”
“Mấy người ngạt thì có!” đối phương ném trả.
Thế là trận chiến tiếp diễn suốt nhiều ngày, khi Florida cố gắng đẩy lùi đối thủ bằng những lý lẽ mới; thì một sáng, tờ Times bóng gió rằng, dự án thực chất là của quốc gia, không nên bị mưu chiếm ra khỏi lãnh thổ chân chính của nước Mỹ.
Trước lời lẽ này, Texas vặn lại, “Nước Mỹ! Chẳng lẽ chúng tôi không giống như các anh sao? Chẳng phải Texas và Florida đều được kết nạp vào liên bang năm 1845 hay sao?”
“Chắc chắn rồi,” tờ Times trả lời, “nhưng chúng tôi thuộc về nước Mỹ từ tận năm 1820.”
“Phải rồi!” tờ Tribune đáp trả, “sau khi thuộc về người Tâu Ban Nha hay người Anh hai trăm năm, các anh được bán lại cho Hợp chúng quốc với giá năm triệu đô!”
“Ối chà! Sao chúng tôi phải xấu hổ vì chuyện đó? Không phải Louisiana cũng mua từ Napoleon với giá mười sáu triệu đô hồi năm 1803 à?”
“Thật kinh khủng!” các đại biểu bang Texas gầm lên. “Một dải đất bé tí thảm hại như Florida mà cũng dám tự so bì với Texas, nơi mà, thay vì phải buôn bán chính mình, đã tự khẳng định chủ quyền, ly khai khỏi Mexico vào ngày mùng 2 tháng Ba năm 1846 và tuyên bố trở thành một nước Cộng hòa liên bang sau chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Samuel Houston, trên những con đường của San Jacinto, trước các quân đoàn của Santa Anna! – một vùng đất, nói cho cùng, đã tự nguyện sáp nhập vào Hợp chúng quốc Hoa Kỳ!”
“Đúng rồi, vì nó sợ Mexico!” Florida trả miếng.
“Sợ!” Từ lúc này tình hình sự vụ đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Một cuộc chạm trán đẫm máu dường như ngày nào cũng có nguy cơ sắp xảy ra giữa hai phe trên đường phố Baltimore. Việc để mắt đến các vị đại biểu đã trở nên cấp thiết.
Ngài chủ tịch Barbicane không biết phải trông về bên nào. Giấy nhắn, tài liệu, thư từ đầy uy hiếp trút xuống nhà ngài như mưa. Ngài nên chọn phe nào? Về việc điều dụng đất đai, điều kiện thông tin liên lạc, tốc độ vận chuyển, các tuyên ngôn của cả hai bang đều cân xứng với nhau. Về mặt thiên kiến chính trị, chẳng liên quan gì đến vấn đề này.
Bế tắc này tồn tại được ít lâu, thì Barbicane bất ngờ quyết định loại trừ nó. Ngài triệu tập một cuộc họp với các đồng sự và đưa ra trước mặt họ một tuyên bố, cho thấy là, cực kỳ khôn ngoan.
“Khi suy xét kỹ lưỡng,” ngài nói, “về những gì đang diễn ra hiện nay giữa Florida và Texas, thật rõ ràng những rắc rối tương tự sẽ tái diễn với tất cả các thành phố trong bang được chọn. Cuộc tranh giành sẽ bắt nguồn từ cấp bang tới cấp thành phố và cứ thế xuống dưới nữa. Hiện giờ Texas có mười một thành phố thỏa mãn điều kiện quy định, những thành phố này sẽ lại tiếp tục tranh cãi vì danh dự và tạo nên những kẻ thù mới cho chúng ta, trong khi đó Florida chỉ có một. Bởi vậy, tôi chọn Florida và thành phố Tampa.”
Quyết định này, khi được công bố, khiến các đại biểu bang Texas hoàn toàn choáng váng. Chìm trong cơn thịnh nộ không sao kể xiết, họ gửi thư đe dọa tới các hội viên Câu lạc bộ Súng theo tên. Các quan tòa sơ thẩm chỉ có đúng một việc để làm, nên họ làm. Họ thuê một chuyến tàu đặc biệt, yêu cầu người bang Texas vào trong dù có muốn hay không; và rồi các vị này phải rời khỏi thành phố với tốc độ ba mươi dặm một giờ.
Rất nhanh chóng, ấy thế mà, như khi họ bị chuyển đi, họ tranh thủ được thời gian để ném một lời chế nhạo ác liệt sau cùng vào kẻ thù. Ám chỉ rõ ràng tới Florida, một bán đảo không đáng nói lọt thỏm giữa hai biển, họ bịa đặt rằng nơi này sẽ không thể chịu nổi cơn chấn động khi nổ súng và sẽ “nổ tung” ngay từ phát đạn đầu tiên.
“Tốt thôi, cứ nổ tung đi!” dân Florida đáp trả, ngắn ngủi như thời đại của thành Sparta cổ xưa.
Chương 12
Cho thành phố và cho thế giới
N
hững khó khăn về thiên văn, cơ khí và địa hình đã được giải quyết, cuối cùng là đến vấn đề tài chính. Số tiền hàng triệu đô, nghĩa là trên cả khổng lồ, đến nỗi không một cá nhân đơn lẻ nào, thậm chí riêng một bang nào, có thể chu cấp nổi.
Ngài chủ tịch Barbicane cam kết, bất chấp sự việc là vấn đề riêng của người Mỹ, biến nó thành một lợi ích quốc tế và thỉnh cầu tất cả các dân tộc chung sức về tài chính. Đó là, ngài duy trì quan điểm, quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể Trái đất trong việc tham gia vào những sự kiện liên quan đến vệ tinh của nó. Hoạt động quyên góp mở tại Baltimore và thực sự lan rộng ra khắp toàn cầu – Cho thành phố và cho thế giới.
Đợt quyên góp này thành công vượt mọi mong đợi; dù tiền bạc không phải cho vay mà là ủng hộ. Đó là một hành động hoàn toàn vô tư theo nghĩa đen của từ này và không mang lại chút xíu cơ may lợi nhuận nào.
Thế mà, sức ảnh hưởng từ thông báo của Barbicane không bị hạn chế trong lãnh thổ Hợp chúng quốc; nó vượt qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đồng thời lan tỏa khắp châu Á và châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương. Các đài thiên văn của liên bang đặt mình vào trạng thái cầu nối tin tức với các đài nước ngoài. Một số, như những đài ở Paris, Petersburg, Berlin, Stockholm, Hamburg, Malta, Lisbon, Benares, Madras và nhiều nơi
khác, chuyển lời chúc tốt đẹp; số còn lại duy trì sự im lặng thận trọng, lẳng lặng chờ kết quả. Còn đài thiên văn ở Greenwich, được trợ giúp bởi hai mươi hai trạm thiên văn trên Vương quốc Anh, phát biểu rất thẳng thắn. Đài này mạnh mẽ phủ nhận triển vọng thành công và tỏ ý thiên về những lập luận của đại úy Nicholl. Nhưng đây chẳng qua chỉ là sự đố kỵ của người Anh.
Vào ngày mùng 8 tháng Mười, ngài chủ tịch Barbicane cho ra mắt một bản tuyên ngôn đầy nhiệt huyết, trong đó ngài gửi lời kêu gọi tới “tất cả những người thiện chí trên mặt đất”. Văn kiện này, được dịch ra mọi thứ tiếng, đạt được thành công vang dội.
Danh sách quyên góp được mở tại mọi thành phố chính của liên bang, với một văn phòng trung tâm đặt tại Ngân hàng Baltimore, số chín phố Baltimore.
Ngoài ra, tiền quyên góp cũng được nhận tại các ngân hàng sau đây thuộc nhiều quốc gia trên cả hai lục địa:
Tại Vienna, ngân hàng S. M. de Rothschild.
Tại Petersburg, ngân hàng Stieglitz & Co.
Tại Paris, ngân hàng Credit Mobilier.
Tại Stockholm, ngân hàng Tottie & Arfuredson.
Tại London, ngân hàng N.M. Rothschild & Son.
Tại Turin, ngân hàng Ardouin & Co.
Tại Berlin, ngân hàng Mendelssohn.
Tại Geneva, Lombard, ngân hàng Odier & Co.
Tại Constantinople, ngân hàng Ottoman.
Tại Brussels, ngân hàng J. Lambert.
Tại Madrid, ngân hàng Daniel Weisweller.
Tại Amsterdam, ngân hàng Netherlands Credit Co.
Tại Rome, ngân hàng Torlonia & Co.
Tại Lisbon, ngân hàng Lecesne.
Tại Copenhagen, ngân hàng tư nhân.
Tại Buenos Aires, ngân hàng Maua.
Tại Rio de Janeiro, cùng ngân hàng trên.
Tại Montevideo, cùng ngân hàng trên.
Tại Valparaiso và Lima, ngân hàng Thomas la Chambre & Co. Tại Mexico, ngân hàng Martin Daran & Co.
Ba ngày sau khi công bố bản tuyên ngôn của ngài chủ tịch Barbicane, 4.000.000 đô la đã đổ về từ những thành phố khác nhau của liên bang. Với số lượng này, Câu lạc bộ Súng đã lập tức có thể bắt tay vào hành động. Nhưng vài ngày sau, tin tức nhận được cho thấy hoạt động quyên góp ở nước ngoài đang mau chóng tăng lên. Một vài quốc gia nổi bật hơn hẳn nhờ sự hào phóng của họ, một số khác mở hầu bao kém thoải mái hơn – một đặc điểm về tính cách. Những con số, dù vậy, có sức thuyết phục hơn lời nói và đây là bản kê chính thức số tiền được gửi vào tài khoản ngân hàng của Câu lạc bộ Súng khi kết thúc đợt quyên góp.
Nước Nga chuyển tới số tiền khổng lồ như số dân của mình là 368.733 rúp. Chẳng ai ngạc nhiên về điều này, bởi đều hiểu rõ hứng thú với khoa học của người Nga và sự thôi thúc mà họ dành cho nghiên cứu thiên văn học – cảm ơn các đài thiên văn nơi đây.
Nước Pháp ban đầu chế giễu ước vọng của người Mỹ. Mặt trăng đóng vai trò như một duyên cớ cho cả ngàn trò chơi đố chữ cũ rích và cảm hứng
của các bản ballad, nơi mà khẩu vị nhạt nhẽo tranh đua với bàn tay vô minh. Nhưng như thuở xưa người Pháp trả tiền trước giọng ca, giờ đây họ trả tiền sau khi có được trò cười, nên họ quyên góp tổng số 1.253.930 frăng. Với cái giá đó, họ có quyền vui vẻ một chút.
Nước Áo tỏ ra hào phóng dù đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính. Khoản đóng góp chung lên tới con số 216.000 florin – một may mắn tuyệt vời.
Năm mươi hai ngàn lẻ sáu đô la chuyển khoản của Thụy Điển và Na Uy; đây là số tiền lớn đối với một quốc gia, nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm đáng kể nếu hoạt động quyên góp được triển khai tại Christiania đồng thời với Stockholm. Vì lý do này hay lý do khác, người Na Uy không thích gửi tiền tới Thụy Điển.
Nước Phổ, với số tiền chuyển khoản 250.000 thaler, biểu thị sự tán thành lớn dành cho dự án.
Thổ Nhĩ Kỳ xử sự rất rộng lượng, nhưng vì lợi ích quốc gia. Trên thực tế, Mặt trăng điều tiết chu kỳ các năm và thời gian của tháng Ramadan, tháng Âm lịch của người Ả Rập. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ không thể quyên ít hơn 1.372.640 piastre, mà còn quyên với sự nhiệt tình rõ ràng do chính phủ gây sức ép.
Nước Bỉ tỏa sáng giữa các quốc gia hạng hai nhờ khoản đóng góp 513.000 frăng – khoảng hai centime một người tính theo số dân. Hà Lan và các thuộc địa của mình hứng thú đến mức ủng hộ 110.000 florin, chỉ yêu cầu một khoản chiết khấu khi gửi tiền mặt là năm phần trăm.
Đan Mạch, dù lãnh thổ nhỏ hẹp, nhưng ủng hộ 9.000 ducat, chứng minh tình yêu to lớn đối với các thử nghiệm khoa học.
Liên bang Đức quyên góp 34.285 florin. Không thể mong chờ hơn nữa, vì dù sao, họ cũng sẽ không đưa thêm.
Mặc dù đang rất khó khăn, nước Ý vẫn kiếm được 200.000 lira từ túi nhân dân. Nếu còn Venetia thì Ý sẽ thu được nhiều hơn, nhưng rất tiếc là không.
Lãnh địa của các Giáo hoàng cho rằng họ không thể quyên ít hơn 7.040 curon La Mã; còn Bồ Đào Nha thể hiện sự tận tâm với khoa học bằng 30.000 cruzado. Đây là khoản ủng hộ nhỏ bé của những người bần hàn – 86 piastre, dù sao các đế quốc tự trị này cũng luôn trong tình trạng túng thiếu.
Hai trăm năm mươi bảy frăng, khoản đóng góp ít ỏi nhất cho dự án này đến từ Thụy Sĩ. Người ta phải thẳng thắn công nhận rằng quốc gia này không nhìn ra giá trị thiết thực của vấn đề. Có vẻ với đất nước này, không phải cứ bắn một viên đạn lên Mặt trăng là có khả năng thiết lập bất cứ một mối liên hệ nào với nó và đổ vốn liếng vào dự án may rủi kia thì quá là thiếu thận trọng. Xét cho cùng thì, biết đâu quốc gia này lại đúng.
Tây Ban Nha thì chẳng thu vén được gì hơn 110 đồng real. Quốc gia này viện cớ rằng họ còn phải làm đường ray xe lửa. Sự thực là, loại kiến thức khoa học kia không được ưa chuộng ở xứ này, do vẫn còn trong tình trạng lạc hậu; và hơn nữa, người Tây Ban Nha, không được nhận nền giáo dục tối thiểu, chẳng thể hình dung ra chính xác tầm vóc của viên đạn thông thường so với viên đạn phóng lên Mặt trăng. Họ sợ rằng nó sẽ làm nhiễu loạn trật tự sống vốn có. Trong trường hợp này, tốt nhất nên tránh xa và thế là họ quyên đúng có vậy.
Còn nước Anh, mà chúng ta đều biết mối ác cảm xen lẫn khinh thường khi đất nước này nhận được tin tức về đề xuất của Barbicane. Người Anh có đúng một tinh thần chi phối toàn bộ hai mươi sáu triệu cư dân sinh sống
tại Vương quốc, họ ngụ ý rằng dự án của Câu lạc bộ Súng đang đi ngược lại “nguyên tắc không can thiệp”. Cho nên họ không ủng hộ một xu lẻ nào. Đối với thông báo này, Câu lạc bộ Súng chỉ nhún vai rồi quay lại với sự nghiệp vĩ đại của họ. Sau khi Nam Mỹ, tức Peru, Chile, Brazil, các tỉnh của La Plata và Colombia, giao phần quyên góp của họ, tổng số 300.000 đô, Câu lạc bộ Súng đã có trong tay số vốn lớn, thống kê được như sau: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ủng hộ: 4.000.000 đô la
Quốc tế ủng hộ: 1.446.675 đô la
Tổng: 5.446.675 đô la
là toàn bộ số tiền mà công chúng đổ vào ngân khố của Câu lạc bộ Súng. Chẳng ai kinh ngạc trước con số khổng lồ này cả. Việc đúc, khoan, xây dựng, vận chuyển, nhân công, thiết lập hệ thống ở nơi gần như không có người sinh sống, xây lò luyện và nhà xưởng, thiết bị kỹ thuật, thuốc súng, đạn dược và chi phí phát sinh, theo tính toán, sẽ ngốn gần hết ngân quỹ. Một số đạn đại bác trong cuộc chiến liên bang tốn đến một ngàn đô một viên. Đạn đại bác của Barbicane, loại đặc biệt trong lịch sử chế tạo đại bác, thậm chí còn có giá gấp năm ngàn lần.
Vào ngày 20 tháng Mười, một bản hợp đồng được ký kết với một xưởng chế tạo ở Goldspring, gần New York, nơi chuyên cung cấp súng gang và loại súng Parrott lớn nhất trong thời chiến. Bản hợp đồng ước định giữa các bên liên quan trong đó xưởng máy ở Goldspring sẽ phụ trách vận chuyển tới thành phố Tampa, miền Nam Florida, các vật liệu cần thiết để đúc khẩu Columbiad. Việc này được thỏa thuận phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 15 tháng Mười năm sau, nếu không, khẩu đại bác thành phẩm dù hoàn hảo cũng phải chịu hình phạt 100 đô la một ngày cho tới thời điểm Mặt trăng lại thỏa mãn hai điều kiện thiên văn thuận lợi – tức là, cho
tới mười tám năm mười một ngày sau.
Việc thuê mướn nhân công, tiền lương và mọi vấn đề cần thiết cho công việc, ủy thác hoàn toàn cho công ty Goldspring.
Hợp đồng này, in làm hai bản, được Barbicane, chủ tịch Câu lạc bộ Súng và T. Murchison, giám đốc xưởng chế tạo Goldspring, người sau này sẽ đại diện cho đối tác đáng kính của mình thực thi công việc, ký nhận.
Chương 13
Đồi Đá
K
hi Câu lạc bộ Súng đưa ra quyết định, như thể chế giễu bang Texas, mỗi cá nhân ở Mỹ, nơi mà có hiểu biết là phải có kiến thức về vạn vật, bắt đầu nghiên cứu địa lý Florida. Chưa bao giờ các tác phẩm như Những chuyến du ngoạn Florida của Bertram, Lịch sử tự nhiên miền Đông và Tây Florida của Roman, Đất đai Florida của William và Cleland bàn về canh tác cây mía ở Florida bán được nhiều đến vậy. Việc phát hành những
phiên bản mới của các tác phẩm này trở nên vô cùng cấp thiết. Barbicane có nhiều thứ quan trọng hơn cần làm thay vì đọc. Ngài muốn tận mắt trông thấy mọi thứ và đánh dấu vị trí chính xác sẽ đặt khẩu súng. Vì thế, không chậm trễ phút giây nào, ngài trao kinh phí cần thiết để lắp đặt kính thiên văn cho Đài Thiên văn Cambridge toàn quyền xử lý, rồi tham gia đàm phán với hãng Breadwill & Co., ở Albany về việc chế tạo viên đạn nhôm theo kích thước cần có. Sau đó ngài rời Baltimore cùng với J. T. Maston, thiếu tá Elphinstone và giám đốc nhà máy Goldspring. Ngày hôm sau, bốn khách đồng hành đặt chân đến New Orleans. Tại đây, họ lập tức lên tàu Tampico, một tàu chở hàng của hải quân liên bang, được chính phủ giao toàn quyền sử dụng; con tàu bắt đầu nổ máy, phố xá bang Louisiana mau chóng khuất khỏi tầm nhìn.
Chuyến đi không kéo dài. Hai ngày sau khi khởi hành, tàu Tampico đã
di chuyển được 480 dặm để tiến vào bờ biển Florida. Đến gần hơn một chút, Barbicane trông thấy một vùng đất thấp, bằng phẳng và có phần cằn cỗi. Sau khi chạy men theo một chuỗi sông nhỏ chứa đầy tôm hùm và hàu, tàu Tampico vào vịnh Espiritu Santo, rồi cuối cùng thả neo vào lúc bảy giờ tối ngày 22 tháng Mười trong một cảng tự nhiên nhỏ do cửa sông Hillsborough bồi đắp nên.
Bốn hành khách xuống tàu cùng lúc. “Các quý ông,” Barbicane nói, “chúng ta không có thì giờ để lãng phí, ngày mai chúng ta phải kiếm ngựa để tiến hành thăm dò vùng này.”
Barbicane vừa mới đặt chân lên bờ thì ba ngàn cư dân của thành phố Tampa đã tiến đến chào đón, một vinh dự dành cho ngài chủ tịch vì đã tôn vinh quê hương họ nhờ quyết định của ngài.
Khước từ mọi tung hô, Barbicane náu mình trong căn phòng khách sạn Franklin.
Ngày hôm sau, một vài con ngựa giống Tây Ban Nha tràn đầy sức sống đứng thở phì phò dưới cửa sổ phòng ngài, nhưng thay vì bốn chiến mã, có tới năm mươi con, đến cùng kỵ binh của chúng. Barbicane đi xuống cùng ba người đồng hành và họ cực kỳ kinh ngạc khi thấy mình đứng giữa một đoàn người ngựa như vậy. Ngài thấy mỗi kỵ sĩ đều có dây đeo súng quàng qua vai và súng lục đặt trong bao đeo ở thắt lưng.
Trước biểu hiện ngạc nhiên vì sự chuẩn bị này, một người Florida trẻ nghiêm trang nói, mau chóng làm sáng tỏ mọi chuyện:
“Thưa ngài, đây là những người Seminole.”
“Anh nói người Seminole là sao?”
“Những người hoang dã thông thạo từng ngóc ngách trên thảo nguyên. Chúng tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để bảo vệ ngài trên đường.”
“Ái chà!” J. T. Maston leo lên lưng ngựa, reo hò.
“Thôi nào,” người Florida nói, “dù sao thì thế này mới đủ.” “Các quý ông,” Barbicane đáp lời, “tôi cảm ơn sự quan tâm chân thành của các bạn, giờ đến lúc khởi hành rồi.”
Barbicane và nhóm của ngài rời thành phố Tampa lên đường đi dọc theo bờ biển về hướng về nhánh sông Alifia vào lúc năm giờ sáng. Dòng sông nhỏ này chảy vào vịnh Hillsborough mười hai dặm phía trên thành phố Tampa. Barbicane cùng đội hộ tống men theo nhánh sông bên phải về hướng Đông. Chẳng mấy chốc vùng biển nơi vịnh khuất hẳn sau lối rẽ lên dốc, chỉ còn sắc sâm panh của Florida hiện ra trước mắt đoàn người.
Florida, được Juan Ponce de Leon phát hiện vào ngày Chủ nhật Lễ Lá năm 1512, vốn có tên Pascua Florida, nghĩa là lễ hội hoa. Ban đầu, vùng đất này có vẻ chẳng xứng chút nào với danh xưng này bởi những đường bờ biển khô cằn nứt nẻ. Nhưng sau vài dặm đường, đất đai thiên nhiên dần thay đổi và vùng đất trở mình chứng tỏ giá trị của cái tên. Những đồng bằng trồng trọt mau chóng hiện ra, hội tụ đủ loại thực vật phương Bắc và vùng nhiệt đới, tới tận thảo nguyên là vô vàn cây dứa và khoai lang, cây thuốc lá, lúa, bông, mía, trải dài ngút tầm mắt, thoải mái vô tư phô bày hình ảnh giàu có sung túc.
Barbicane có vẻ hài lòng khi quan sát độ cao mặt đất tăng dần và để trả lời một câu hỏi của J. T. Maston, ngài đáp:
“Người bạn đáng mến của tôi, chúng ta không thể làm gì tốt hơn là hạ khẩu Columbiad trên những vùng cao nguyên này.”
“Để gần Mặt trăng hơn, có lẽ nào?” vị thư ký của Câu lạc bộ Súng nói. “Không hẳn,” Barbicane cười đáp, “anh có thấy rằng chúng ta làm việc sẽ dễ dàng hơn nhiều trên những cao nguyên dốc này không? Không phải
vật lộn với nước suối, điều này sẽ cứu chúng ta khỏi phải lắp đặt các ống dẫn nước dài đắt đỏ, chúng ta sẽ được làm việc trong ánh sáng Mặt trời thay vì hầm lò hẹp và sâu dưới đất. Dự án của chúng ta, thế đấy, sẽ mở ra các chiến hào trên nền đất cao đến vài trăm thước so với mặt nước biển.”
“Ngài nói đúng, thưa ngài,” vị kỹ sư Murchison lên tiếng, “mà, nếu tôi không nhầm, chúng ta sẽ mau chóng tìm ra vị trí thích hợp với mục đích của mình.”
“Tôi hy vọng chúng ta đã bắt đầu đến chỗ có thể hạ cuốc,” ngài chủ tịch nói.
“Còn tôi thì ước gì chúng ta cuối cùng cũng đến,” J. T. Maston rên lên. Vào khoảng mười giờ sáng, nhóm nhỏ đã di chuyển được mười hai dặm đường. Các đồng bằng phì nhiêu rồi đến vùng rừng rậm. Vô vàn mùi hương hòa trộn vào với nhau trong rừng nhiệt đới dồi dào phong phú. Những khu rừng gần như không thể băng qua này được tạo thành từ rất nhiều cây lựu, cây cam, chanh yên, sung, ô liu, mơ, chuối, nho khổng lồ, thứ cây mà hoa và quả sánh ngang nhau cả về hương và sắc. Dưới bóng râm mát và ngát hương của những thân cây vĩ đại, một vương quốc nhỏ các loài chim với bộ lông rực rỡ đua nhau vỗ cánh ríu rít.
J. T. Maston và thiếu tá không thể kìm nén niềm sung sướng và ngưỡng mộ khi đắm chìm trong vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên giàu có nơi đây. Song ngài chủ tịch Barbicane lại chẳng mấy xúc động trước quang cảnh huy hoàng này, cứ hối hả tiến về phía trước; sự phồn thịnh tột bậc của vùng đất này không làm ngài thỏa mãn. Họ gấp gáp tiến tới và vì thế, buộc phải lội qua nhiều sông suối, không phải không có nguy hiểm, vì họ bị lũ cá sấu to lớn với chiều dài từ 15 tới 18 foot quấy phá đe dọa. Maston dũng cảm uy hiếp chúng bằng cái tay móc thép của anh, nhưng anh chỉ dọa được
"""