"Trường Đời - Lê Văn Trương full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trường Đời - Lê Văn Trương full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Hai Mẫu Chuyện Để Thay Lời Kết TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 1 Tháng Tám, năm 1935, một chàng tuổi trẻ bước chân vào sòng bạc Pakha. Lúc ấy vào khoảng tám giờ đêm. Những chiếc "tai-cong-tắng" 1 ném cái ánh lửa trắng tinh, chiếu một quang cảnh hỗn độn trong một bầu không khí làm mửa ra... dạ dày. Chàng tuổi trẻ vừa giẫm chân lên cái giường cửa đã in dấu bụi của bao con người máu mê thì liền bị cái mùi hôi hám bắt ngừng ngay lại. Thốt nhiên, chàng đưa tay lên che mũi và miệng, rồi lẩm bẩm: - Chà chà! Thế này thì sống làm sao cho được? Chàng không sống được, nhưng những con người ở trong vẫn sống được, sống say mê, sống sôi nổi, chung đúc tất cả bao nhiêu nguồn sống lên cái diện tích nhỏ xíu của mấy đồng tiền sấp ngửa, dồn dập tất cả cảm giác vào cái khắc - cái khắc ngắn ngủi nhưng dài bằng cả một thời gian vô tận - của chiếc bát đồng lúc bật ra. Hôm ấy là ngày phiên chợ. Tất cả tài nguyên của các thung lũng đã biến thành những tờ giấy bạc mỏng mẻo bay đến các bàn bạc. Nhẹ ở sức mang, nhưng nặng những mồ hôi của sức làm, những tờ giấy bạc ấy càng nhiều bao nhiêu lại càng tăng nhiệt độ của sự sống ở sòng bạc bấy nhiêu. "Canh bạc hôm ấy to quá!" Đó là một miếng ngon mà người máu mê nhớ mãi cũng như "bữa phiện nay ấy khoái quá" là một thứ kỷ niệm mà những con người hút xách không bao giờ quên. Đời người thường phần nhiều bị đánh dấu bằng những cái mốc vui, buồn, những bản sinh, tử, giá thú, nhưng người đánh bạc nhớ lại đời mình toàn bằng những con số, chỉ bằng những con số thôi: "canh ấy cháy năm trăm, canh nọ sát một nghìn". Những vui, buồn, sống, chết, đối với họ chỉ là những mũi kim bằng trước cái đùi được, thua. Sòng bạc ở Thượng du là chỗ hẹn hò những dục vọng của người các giống: Mèo, Mán, Mường, La Chí, Xạ Phang, Nùng, Xá, khách Quảng Đông, người Nam, thích cánh nhau, xô đẩy nhau, chen chúc chung quanh chiếu bạc; và bóc lột nhau bằng những cái nhìn đỏ ngầu như thèm khát. Khi người trẻ tuổi bước vào, những con bạc đang bị thôi miên bởi phép mầu của thần đổ bác, chẳng một ai quay cổ lại. Nhưng, bọn hồ lỳ như những con quạ đánh hơi thấy xác chết, đã đổ dồn vào người trẻ tuổi những cái nhìn nó cân nhắc một cái túi. Rồi hình như sự cân nhắc ấy làm cho họ được vừa ý, họ vội vàng du mấy người chầu rìa ra để lấy chỗ cho người trẻ tuổi ngồi. Bạc lúc ấy đang rền, đã đi một hơi sáu cái lẻ. Mà làng thì chẳng một ai khát nước. Nhà cái nhìn chiếu bạc, lắc đầu: - Về bớt đi. Bố ai dám ăn! Hồ ly vừa toan kẻm thì chàng trẻ tuổi đã giơ tay ngăn: - Thế thì để tôi. Ông thừa bao nhiêu? - Lẻ thừa, lẻ thừa... trăm tám. - Đắt. Chàng trẻ tuổi vừa đưa tay về phía cái bát thì tên hồ lỳ vội ngăn lại: - Ngài hẵng cược ra đã. Chàng trẻ tuổi ngước mắt nhìn tên hồ lỳ bằng một cái nhìn nó đè chết một người dưới sự khinh bỉ, rồi quay sang anh xóc cái: - Ông xướng lên. Một sự lạ xưa nay chưa từng có: tên hồ lỳ không nèo tiền cược nữa, một điều kiện mà dù bố đẻ ra y có thò tay mở bát, y cũng bắt phải tuân theo. Không biết y bị ảnh hưởng bởi sự ăn mặc lành lặn hay khẩu súng lục của chàng trẻ tuổi ở lưng. Hay bởi cái nhìn ngay thẳng ở trên cái khuôn mặt khôi ngô kia nó thầm bảo y: người này không phải là người mở chạc. - Lẻ thừa trăm tám! Hai cô vợ tây ngồi cạnh người xóc cái, áng chừng bị cám dỗ bởi cái mặt giỏi trai và cái thân hình rắn rỏi, bỗng khấn thầm cho chàng trẻ tuổi được, mặc dầu các cô đã đánh mỗi người hai đồng bạc. Các cô lẩm bẩm: - Cái này không khéo ông chủ gỗ được. - Lẻ thừa trăm tám! Người xóc cái xướng dứt, nhấc tay khỏi cái bát; chàng trẻ tuổi quờ tay vào. Những tiếng reo nó chứng tỏ những mảnh lòng bị cháy: - Lại mắt vịt! Lại mắt vịt! Lúc ấy, anh hồ lỳ mới vụt nhận thấy rằng mình đã dại, không bắt được tiền trước khi mở. Anh nhìn chàng trẻ tuổi bằng một cái nhìn băn khoăn. Chàng trẻ tuổi mặt thoáng tái đi, song cử chỉ vẫn ung dung. Chàng khẽ đặt cái bát xuống chiếu, rồi đưa tay ra móc túi quần sau. Anh hồ lỳ thở một cái thở dài của người mới trút được gánh nặng. Hai cô me tây thì xuýt xoa: - Thế mà lại còn lẻ nữa! Anh xóc cái nhìn hai cô một cách bợm bãi: - Lẻ thi hai cô được chơi chứ sao. - Nhưng ông kia thua nhiều quá! - Thì ông ấy gỡ tiếng sau. Trái với lời người xóc cái, chàng trẻ tuổi không có cơ hội để gỡ tiếng sau, vì chàng đã hết tiền rồi. Chàng móc ví ném ra hai tờ giấy một trăm, lấy lại hai chục bạc lẻ, rồi đứng dậy đi ra, cũng chẳng thèm theo cái lối thường của những kẻ thua bạc là lắng nghe một cách an ủi những tiếng xuýt xoa của kẻ đã được, tự coi là một bổn phận phải than thở cho người thua. Ngoài đường tối om, lại lác đác mưa. Người trẻ tuổi, đã ra khỏi cửa sòng, còn đang ngập ngừng chưa biết có nên đi hay không thì bỗng người mặc quần áo vàng, tay cầm một chiếc ô, ở phía chợ chạy lại: - Thưa cậu, áo mưa đây. Con đi tìm mãi cậu về xơi cơm, đâu cũng chẳng thấy. Sau có người bảo cậu vào sòng. Cậu cũng vào sòng à? Cậu có đánh không? Được hay thua? Vừa nói, người lão bộc vừa khoác áo mưa lên lưng cho chủ. Chàng trẻ tuổi lẳng lặng đi. Người lão bộc theo sau che ô và bấm đèn soi đường. Qua cửa chợ, đường chỗ ấy gồ ghề và trơn, người lão bộc trượt chân suýt ngã. - Thôi, không phải che cho tôi nữa. Đi cẩn thận khéo ngã. Ngã bây giờ, có làm sao thì thật là khốn đốn. - Nhưng ướt đầu cậu. - Ướt cũng chẳng sao. - Cậu cứ không gìn giữ, nhỡ cảm một cái thì làm thế nào? - Cảm một tí mà cảm được thì có họa là người giấy. Mặc dù chủ đã bảo, người lão bộc vẫn cứ đi theo che. Chàng trẻ tuổi đứng lại, nắm hai cánh tay người lão bộc du lên trước. - Cái thân ông già, ông không lo, ông lại cứ đi lo cho tôi. Ai đời lại dở hơi như thế, bảo mãi mà không nghe! Người lão bộc buộc lòng phải đi trước một mình, nhưng vẫn còn ngoái cổ lại, nói một cách cầu khẩn: - Thế cậu lôi cái che đầu ở cổ áo mưa lên vậy. Bấy giờ, gió rét căm căm và mưa bay xiên càng nặng hạt, nhưng chàng trẻ tuổi vì trong lòng đang dồn dập những cảm giác, vẫn thấy như phát sốt ở trong chiếc áo mưa. Chàng dằn lòng kéo cái "ca-puít-sông" (capuchon) lên đầu. Tay kéo, miệng nói một cách bực tức và gay gắt: - Đây, kéo rồi, đi trước đi. Người lão bộc như hả lòng, lúc ấy mới lùi lũi đi, không dám nói một câu nào nữa. Qua cửa nhà dây thép, chàng trẻ tuổi chừng như chợt hối về chỗ đã tàn nhẫn với người chỉ vì yêu thương mình mà lo lắng - dù sự lo lắng ấy nhiều khi làm bực dọc - liền đổi giọng: - À thế nào, ông Phó, cơm có gì ăn không? Tôi đói lắm. Người lão bộc hớn hở, quay ngay lại: - Thưa cậu có. Con lùng mãi mới mua được một con vịt. Con đánh tiết canh, tốt lắm. Con đã mua chai vang. Hôm nay, cậu nên uống vài cốc. Đã lâu lắm, cậu chưa uống vang. - Tiền đâu mà mua đủ thứ thế? Câu hỏi rất thường ấy làm cho người lão bộc bối rối. Y ấp úng mãi, mới thốt ra được một câu để không trả lời: - Thì cậu... cứ xơi đi. Cậu cứ hỏi tiền đâu, tiền đâu làm gì! Chàng trẻ tuổi nhìn ông Phó, thở dài, rồi lặng im. Ông Phó thấy chủ không căn vặn nữa thì có vẻ sung sướng, nói tiếp: - Con vịt béo quá, lúc tần, phải bớt ra bao nhiêu là mỡ. Rượu vang ở đây không có hạng tốt, thành ra con không mua được thứ Médoc mà cậu vẫn thích. Ấy gần đến nhà rồi, cậu bước khéo, không lại vấp phải những bực đá như hôm qua. Ông Phó vừa nói, vừa lùi lại, bấm đèn soi đường cho chủ đi. Hai người bước vào đến hiên: hai con ngựa buộc ở đấy, mừng hí lên. Chàng trẻ tuổi ngừng lại, vuốt ve con ngựa đen, cao và mập: - Ông Phó, tôi trông hình như nó gầy đi có phải không? Áng chừng mấy hôm nay không có ngô cho nó ăn. - Thưa cậu, vẫn có đấy chứ. Nhưng ít thôi. Chàng trẻ tuổi lại thở dài, vỗ vỗ vào cổ con ngựa, rồi đẩy cửa vào. Chàng gieo mình xuống chiếc giường vải đi rừng. Ông Phó lại vặn to ngọn đèn búp-măng rồi tiến lại trước mặt chủ: - Cậu để con cởi áo mưa. - Ừ nhỉ, tôi quên. Cất chiếc áo mưa lên mắc, ông Phó ngồi xuống tháo đôi ủng trong khi người thiếu niên cởi bì súng lục ném vào đầu giường. - Cậu thay quần áo, rồi rửa mặt xơi cơm không nguội. Chàng trẻ tuổi lẳng lặng cởi áo blouson và quần ngựa. Khi chàng đã mặc xong bộ quần áo ngủ, thì ông Phó đã từ dưới bếp bưng lên một chậu nước nóng để cạnh bàn. Rửa mặt xong chàng trẻ tuổi nằm kềnh ra giường. Ông Phó mở ngăn kéo lấy một quyển sách đặt ở cạnh giường, rồi quay ra bưng chậu nước xuống bếp. Trên tay chàng thiếu niên, quyển sách đã mở ra rồi lại bị gập lại sau những tiếng thở dài. Rồi sau nó bị để hẳn xuống dưới chân. Chàng ngồi nhỏm dậy, nhìn quanh nhà một lượt, rồi lại nằm xuống. Tâm hồn chàng lúc ấy dường như bị căng xé bởi nhiều ý nghĩ đen tối, cũng đen tối như gian nhà trọ. -------------------------------- 1 Những chiếc đèn manchon lớn thường hay dùng ở các sòng bạc. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 2 Mời cậu xơi cơm. Chàng trẻ tuổi ném chiếc chăn dạ phủ ngang bụng, vùng dậy: - Nào thì ăn. Chàng ngồi xuống ghế, nhìn đĩa tiết canh: - Ở đây cũng có húng đấy à? Ông đánh khéo quá nhỉ. Trên khuôn mặt rám nắng của ông Phó, thoáng một hân hoan: - Con phải vào tận trong nương người Kinh mới mua được đấy. Miệng nói, tay rót rượu: - Thứ rượu này, chắc cũng không được ngon lắm. Ấy thế mà họ cũng bán nhưng tám hào rưỡi. Chàng trẻ tuổi cầm cốc rượu vừa toan uống thì ông Phó đã vội ngăn: - Kìa, cậu không uống viên ký-ninh đi đã. Hôm nay cậu đờ đẫn làm sao ấy. Chàng trẻ tuổi lẳng lặng cầm viên ký-ninh đặt vào lưỡi, chiêu bằng một hớp rượu: - Ông cũng vẫn thường uống đấy chứ? - Con ấy à? Con ở trong này ngoài hai mươi năm đã quen rồi, còn bao giờ ngã nước được nữa. Lâu lâu, cậu tiêm cho con thế là đủ rồi. Trước kia, ẳ ẳ còn mồ ma cụ, con chẳng tiêm cũng chẳng sao. Cậu xem con vịt có béo không? Chàng trẻ tuổi vừa cầm đũa thì có tiếng đấm cửa gấp và mạnh. Ông Phó, bực mình vì có người đến quấy chủ mình trong bữa ăn, nói một cách càu nhàu: - Ai mà đập gớm thế? Phá nhà người ta hay sao đấy? - Thì ra mau xem ai. Cửa mở, một người nhảy xổ vào. - À, anh Khôi, tưởng ai. Cơm chưa? Ngồi ăn một thể. Thật tình là mới ngồi vào, chưa gắp miếng nào. - Tôi lên làm thuế gỗ ở Bao Nhai, nghe người ta nói bao nhiêu bè gỗ của anh về gần đến Việt Trì thì bị trận bão hôm nọ làm vỡ tan cả, tôi vội vàng lên hỏi anh xem có đúng không. - Đúng, vỡ ráo. Lại bão về đêm, thành ra chẳng theo vớt được một cây nào. Khôi lắc đầu: - Thôi, thế là hơn hai vạn đồng bạc trôi ra bể! - Ừ, ra bể. - Thế bây giờ anh định tính làm sao? - Tôi cũng đang băn khoăn tự hỏi tôi như thế đấy. Khôi im lặng, nhìn chằm chằm vào bạn, rồi vùng nắm lấy hai bàn tay: - Anh Trọng Khang, anh đừng quá thất vọng nhé. - Thất vọng? Không. Nhưng buồn thì buồn lắm. - Một lúc mất ngần lấy tiền, ai mà chả phải buồn. - Giá một mình tôi thì thua keo này, ta bày keo khác. Nhưng trong cái số tiền hơn hai vạn ấy, có năm nghìn đồng của thầy mẹ tôi để lại cho em gái tôi. Anh tính thời buổi này, một người con gái nghèo... - Chắc cô ấy cũng hiểu mà không oán trách anh. Dần dà, ta mưu việc khác. - Không, em gái tôi thương tôi lắm, không bao giờ oán trách tôi. Nhưng mưu việc khác...? Chờ đến lúc tôi có tiền thì em gái tôi đã luống tuổi rồi. Thời buổi này là thời buổi muốn lấy được một người chồng khá giả, người con gái cần phải có vốn. - Đó là một tang chứng suy đồi của nhân tâm. - Nhưng cũng là một thực trạng của thời đại. Tính việc, mình không thể không nhìn đến cái thực trạng ấy. Ông Phó đã lấy thêm đũa bát. Trọng Khang rót rượu: - Thôi, những chuyện ấy không nói đến nữa, hãy ăn đã. Thần khẩu anh linh lắm đấy nhé. Giá anh đến sáng hôm nay thì anh bị... ăn chay. - Tính anh thích ăn thịt lắm cơ mà, anh chả thường bảo với tôi không có thịt, anh không ăn được cơm là gì? Trọng Khang cười khanh khách: - Sự ăn chay của tôi là một miễn cưỡng. Anh đã hiểu chưa? Uống đi. Xếp những lo nghĩ lại ngày mai. Cổ nhân dùng chén rượu trong lúc biệt ly, có nghĩa lắm. Hôm nay, anh phải uống thật say để đưa ma cái đời sung túc của tôi. Uống! - Hơi men có sức nhiệm mầu làm át được mùi xác chết. - Nhưng anh phải cho tôi hút một điếu thuốc lào đã. - Kìa, ông Phó ông ấy đã biết tính anh, cái điếu cầy đã dựng đằng sau lưng anh đấy. Khôi lục túi: - Ô hay, mình lại bỏ quên gói thuốc lào đâu mất rồi. Ông Phó cho xin một điếu nào. Ông Phó móc túi đưa ra một cái hộp nhỏ. Khôi mở hộp véo lấy một điếu, rồi đặt cái hộp cạnh cốc rượu. Những ảnh xanh, đỏ vẽ trên nắp hộp bỗng làm cho Trọng Khang để ý. Chàng cầm hộp rồi nhìn ông Phó một cách nghiêm khắc: - Cái hộp bạc của ông đâu mà lại mua cái hộp này đây? Ông Phó luýnh quýnh: - Thưa cậu... không biết con... để quên đâu mất, tìm mãi không thấy. Trọng Khang nhìn con vịt, nhìn chai rượu, rồi gật gù: - Tôi biết chỗ tìm. Và tôi cũng lại biết nó đã biến ra những thứ gì rồi. Ông Phó lại càng bối rối: - Thưa cậu... thưa cậu... có phải hâm lại vịt không à? Hai anh em ngồi tần ngần nhìn những giọt cà phê rỏ đều đều xuống cốc. Ông Phó lại móc túi quần của chủ lấy ra một cái "píp", nhồi thuốc thật chặt, đặt ở cạnh cốc cà phê. Trọng Khang cầm lấy, ông Phó đánh diêm. - Thôi ông xuống nhà ăn cơm đi. Ông Phó đi khỏi, Khôi bảo bạn: - Anh có một người đầy tớ ngoan quá. - Còn là đầy tớ đâu nữa. Ông ta ở với nhà tôi tất cả hơn bốn mươi năm, từ hồi còn để chỏm. Thầy mẹ tôi lúc còn sống tin ông ta lắm. Tôi cũng thế. Tiền trăm, tiền nghìn giao cho không hề suy suyển bao giờ. Ông ta thương tôi lắm. Mấy hôm nay hết tiền, tôi phải ăn muối vừng. Ông ta đem bán cái ống thuốc bạc để mua vịt và rượu cho tôi đấy. - Anh đã đến cái nông nỗi ấ cơ à? - Thì làm gì chả đến. Có bao nhiêu bỏ ra làm gỗ cả. Bây giờ mất hết tiền thì còn gì nữa? Khôi móc ví: - Tôi còn ít tiền đây. Anh hãy lấy mà tiêu tạm. - Bao nhiêu? - Tôi còn sáu chục, anh có thể lấy năm chục. Trọng Khang lắc đầu: - Năm chục thì nhiều quá để sống chờ thời trong dăm ba ngày, mà ít quá để gây dựng lại một cơ nghiệp. Anh cũng nghèo. Lương hơn trăm thì còn hai cụ và sáu bảy đứa em. Chiều hôm nay, tôi cũng vừa lĩnh được cái măng-đa hai trăm của em gái tôi gửi cho tôi. Tôi định vào sòng để phất, chẳng may lại thua. Nhưng tôi cũng còn hai chục. Thôi, cám ơn anh. - Thì anh cứ cầm lấy, nhỡ có tiêu gì chăng? - Chẳng được ích gì đâu mà bắt anh phải chạy tiền từ giờ đến cuối tháng. Tôi biết lòng anh đối với tôi tốt, thế là đủ rồi. Khôi nèo mãi. Trọng Khang cầm lấy năm đồng. - Thôi tôi xin anh năm đồng. Tôi xin, vì vay thì chưa biết bao giờ lại giả được. - Anh cứ cầm cả lấy không giả thì thôi. - Nếu có ích cho tôi, tôi cầm ngay. Hà tất để anh phải ép. Trọng Khang lên tiếng gọi ông Phó: - Đây năm đồng, ngày mai đi chuộc cái ống thuốc về. Ống thuốc ấy là của thầy tôi cho ông. Ông không thể vin vào bất cứ một lẽ gì mà bỏ mất đi được. Ông Phó ấp úng, muốn nói thì Trọng Khang đã gắt: - Cầm lấy tiền. Mai chuộc về. Không nói lôi thôi. Tôi cấm ông từ nay không bao giờ được làm như thế nữa. Ông còn làm như thế tôi đuổi ông về quê ngay lập tức. Ông Phó mặt tiu nghỉu, cầm lấy tờ giấy năm đồng. - Tôi không khiến ông lo cho tôi, sao ông cứ lo? Ông Phó rơm rớm nước mắt, miệng lải nhải: - Thì cậu... cậu gặp... Trọng Khang bực mình đứng phắt dậy, lấy tay đẩy ông Phó xuống bếp: - Lúc này chỉ còn thiếu có cái nước mắt nữa thôi. Tôi không cần ai phải buồn cho tôi cả. Mai cuốn gói về quê đi, tôi không chịu được cái nét mặt sầu thảm của ông đâu. - Ông ta trung thành với anh như thế, sao anh cũng bực? - Chỉ bực về chỗ quá trung thành ấy. Lại càng bực hơn khi biết rằng lòng y tốt như thế mà mình ở vào một cảnh ngộ không có cái gì để đền bù lại. - Ồ, tấm lòng tốt thì còn cái gì đền bù được. Và tôi chắc một người như ông ta thấy anh gặp cảnh này, còn đau đớn hơn anh, bởi vì tôi xem cách thức ông ta đối xử với anh thì thật là khăng khít hơn da với thịt. - Có thế, mà tôi cũng không hiểu tại làm sao. Lắm lúc tôi thấy ông ta già tôi không muốn cho ông ta hầu hạ. Nhưng ông ta hình như lấy sự chăm nom nâng giấc tôi làm lẽ sống của ông ta vậy. Ngừng một lát, đôi con mắt lờ đờ như nhìn về một quá khứ nào, Trọng Khang tiếp: - Thầy mẹ tôi lấy vợ cho ông ta, lại chạy luôn cho chức phó lý. Ở nhà quê, thế là có một địa vị rồi đấy. Cấy dăm sáu mẫu ruộng, con trai hiện nay lại làm chưởng bạ, kể thì đời ông ta cũng sung túc an nhàn. Nhưng ông ta lại không chịu ở nhà quê. Làm phó lý một năm, ông ta thấy buồn nản xin từ dịch để ra hầu hạ thầy mẹ tôi. Thầy tôi thấy thế quát tháo ầm ĩ và đuổi về. Ông ta khóc mà về, nhưng được nửa tháng lại bò ra, nói rằng nhớ thầy mẹ tôi và chúng tôi lắm, không thể ở nhà quê được. Lúc còn mồ ma thầy mẹ tôi, ông ta phải ở gần thầy mẹ tôi thì mới thấy vui. Thầy mẹ tôi mất đi, ông ta phải ở với chúng tôi. Ấy bây giờ, giá tôi đuổi về, nhất định ông ta cũng không về nhà quê đâu. Thế nào ông ta cũng lại lần về Hà Nội ở với em gái tôi. Chép miệng, Trọng Khang đứng dậy, đi đi, lại lại: - Song dù thế nào, tôi cũng buộc lòng phải đuổi ông ta về vì tôi đã sa vào một tình thế không thể chu cấp nổi ông ta nữa rồi. Nay mai thì... chính tôi phải lăn lưng để tự nuôi mình. - Nhưng anh định làm gì mới được chứ? - Làm gì? Chính tôi cũng chưa biết. Nhưng tôi cảm thấy tôi làm gì cũng được, miễn là có thể sống. Đến đây, một mối lo vụt kéo đến xâm chiếm tâm hồn, Trọng Khang kéo một hơi thuốc dài, rồi nhún vai: - Nếu có một mình tôi, thì thật tôi chẳng cần phải nghĩ, nhưng chết cái, tôi còn em gái tôi. Bao nhiêu dấn vốn của nó... Nó không trách oán tôi đâu. Nhưng lòng kẻ làm anh... Trọng Khang ngồi xuống cạnh Khôi: - Anh có biết mấy hôm trước đây tính kế gì không? Tôi định tải thuốc phiện ở Pa-Kha, Xì Mầu sang Tàu bán rồi tôi mua hàng lậu về. - Ấy chết! Bây giờ bên Tàu cấm ngặt thuốc phiện. Anh tải sang họ bắt được, thế nào cũng bị xử bắn. - Người ta sống chết chẳng qua một may một rủi; nhưng sự mưu toan ấy đã không thành rồi. Tôi không có tiền. Chứ nếu có tiền thì thế nào tôi cũng liều. Vì chỉ có cách ấy, tôi mới hy vọng khôi phục lại cơ đồ trong một thời gian rất ngắn. Em tôi năm nay đã hai mươi rồi. Có lẽ trời không cho tôi thành công trong việc này. Tôi viết giấy về bảo nó vay hộ bà cô cho tôi một nghìn, nó chỉ gửi lên cho tôi có hai trăm. Trọng Khang lại đầu giường lục túi quần đưa ra một phong thư. - Đây bức thư nó viết cho tôi. Anh thử xem với một đứa em gái như thế này, người ta có thể đi ăn cướp, giết người để mưu hạnh phúc cho nó. Phương chi cái hạnh phúc của nó lại chính tự tay tôi phá đổ. - Nào phải tự anh, đó là một sự chẳng may. - Tôi không thể vịn vào cái cớ ấy để tha thứ cho mình được. Khôi giở bức thư, lẩm bẩm đọc. Anh cả yêu quý. Em nhận được thư của anh liền đưa cho cô xem. Cô xuýt xoa mãi, vì cô có hơn nghìn bạc vừa mới cho người ta vay mất rồi. giá mà thư anh về trước độ năm ngày... Cô bảo em viết thư lên cho anh nếu có cần gì thì độ một tháng nữa, anh về mà lấy. Nhưng em đã thưa với cô một tháng nữa thì anh lại không cần dùng đến, vì anh chả viết giấy cho em nói bè gỗ của anh đã thả ra sông; chỉ mười lăm ngày nữa thì về đến Hà Nội là gì. Em mở cái két nhỏ thì số tiền anh cho em để tiêu vặt còn vừa vặn hai trăm mười bốn đồng. Em vội vàng ra dây thép mua măng-đa gửi lên cho anh hai trăm. Còn mười bốn đồng em tiêu từ nay đến hôm anh về cũng đủ chán. À, em đã đan xong cho anh cái áo len đẹp quá. Anh chắc phải bằng lòng. Buồng anh bây giờ sáng nào em cũng thay hoa vì em không muốn cho anh bắt chộp được em như lần trước nữa đâu: về đến nhà, trong buồng chẳng có một bông hoa nào. Anh là cứ hay chơi cái vố bất thình lình lắm. Cô thấy thế cứ ngầy ngà em: - Anh mày nó đã về đâu mà cứ mua hoa thế cho nó tốn. Chờ nó về hẵng cắm hoa, có được không. Trên ấy, chắc độ này rét lắm có phải không? Ở đây đã hơi mát, chớ không nực nữa. Thôi thế là rằm tháng tám này, em lại không được đi chơi trăng nữa. Vì không có anh ở nhà, ai đưa em đi. Anh cố thu xếp về trước tháng chín nhé, anh chưởng bạ con ông Phó mấy hôm trước có ra đây, khẩn khoản mời anh em mình đến mùng năm tháng chín về xem hội. Em thích về nhà quê chơi quá, anh ạ. Năm nay ra Sầm Sơn, không có anh buồn quá. À, chị Lan chị ấy hứa với em nếu em về quê chơi thì chị ấy cũng về. Cái tin ấy hẳn làm cho anh bằng lòng, và hẳn có sức mạnh làm cho anh thu xếp công việc về trước tháng chín. Ngày nào chị ấy cũng lại đây thêu với em và... làm gì nào, đố biết. Và nói chuyện về anh. Chị ấy thích cái tủ sách của anh lắm. Chị ấy hỏi em sao anh bận công việc như thế mà còn thì giờ để đọc sách. Em tưởng đã đến lúc anh mưu hạnh phúc rồi đấy. Với một người chị như thế, em sung sướng lắm nhé. Anh nên về trước tháng chín để... nói rõ ý muốn của anh với chị ấy đi vì em nghe như có người rục rịch muốn hỏi chị ấy đấy. Xem ý chị ấy, thì không ao ước gì hơn được làm vợ anh. Thôi viết dài, mỏi tay lắm rồi. Anh cố mà về sớm để đưa em về quê chơi thăm bà Phó nhé. À ông Phó có mạnh khỏe không? Bảo ông ấy thế nào cũng phải mua một ít vải Mèo cho em để em căng cửa sổ đấy. Em bé của anh TUYẾT VI TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 3 Thế em anh chưa biết cái tin bè bị vỡ à? - Tôi chưa dám nói cho nó biết, vì tôi sợ nó buồn. Và khi tôi viết giấy về bảo nó vay tiền, tôi cũng nói một cách hờ hững: có sẵn thì vay, không thôi, tôi cũng không cần lắm. Nếu tôi nói tôi cần thì cô tôi không có, nó đã đem bán hết tư trang để lấy tiền gửi lên cho tôi rồi. - Anh có một người em gái thật là... đáng yêu. À, còn cô Lan nói trong thư là ý trung nhân của anh phải không? - Nói rằng ý trung nhân thì cũng không đúng. Nhưng nếu một ngày kia mà tôi cần phải lấy vợ thì thế nào tôi cũng lấy cô ta. - Tại sao lại thế? Thế hai bên chưa gắn bó gì cả à? - Cô ta là bạn thân của em gái tôi, cô ta đến nhà chúng tôi chơi luôn. Rồi đây có lẽ... tôi sẽ yêu cô ta vì em gái tôi yêu cô ta lắm. Tôi tự nghĩ: nếu tôi lấy một người mà em gái tôi đã yêu quý thì sau này chị dâu em chồng sẽ không có điều gì xích mích. Vì thế có lần em gái tôi yêu cầu tôi lấy cô ấy, tôi ngỏ ý bằng lòng. Tôi bảo chờ một vài năm, khi nào tôi có thật nhiều tiền. Nhưng thế này thì biết đến bao giờ? Thầy mẹ tôi mất đi để cho hai anh em được gần vạn đồng bạc. Tôi làm ăn trong bốn năm được thành hơn hai vạn. Ngờ đâu chỉ trong một buổi tối mất cả. Tôi nghĩ chỉ còn cách đi buôn lậu, nhưng vì số tiền không đủ, tôi lại sòng để đánh, ai ngờ thua mất trăm tám. Người ta cùng sinh nghĩ bậy. Lần này là lần đầu tiên và có lẽ là lần cuối cùng tôi bước chân vào sòng. Cái không khí ở đấy ghê tởm quá. Vận mình lúc bĩ... Khôi nhìn bạn: - Nhưng dù sao anh cũng phải tính thế nào chứ. - Lòng tôi bây giờ còn hoang mang, chưa biết tính cách nào. Mà tính cách nào cũng phải có tiền. Tiền tôi không có. - Tôi rất hận rằng tôi không giàu. Anh giúp đỡ tôi bao nhiêu phen mà đến khi anh gấp khúc, tôi chẳng giúp đỡ gì được anh cả. - Anh chớ nên phàn nàn. Chúng ta biết lòng nhau là đủ rồi. Lán gỗ của tôi bây giờ chưa có tiền làm, vậy lâu lâu anh tạt qua trông coi hộ, để khỏi bị ăn trộm, thế là đủ rồi. Có lẽ tôi bán lán. Có lẽ tôi về Hà Nội xoay kế khác, chứ làm gỗ ít tiền không thể làm được. Có lẽ rồi tôi đi làm công. Đời tôi muốn xoay chuyển ra thế nào, tôi cũng không sợ, tôi sợ nhất là khi phải báo cái tin buồn cho em gái tôi thôi. Nó bây giờ như con chim sơn ca, đang thời xuân trẻ, ca hót vang lừng, chẳng biết gì là buồn, tin tưởng vui sống dưới sự che chở đùm bọc của tôi. Vì tôi làm ăn không lên thân... Tưởng tượng vì túng thiếu mà mất cái tiếng hót vang lừng kia, tôi thấy mạch máu tôi đông lại, anh ạ. - Anh không nên quá lo xa và nghĩ vơ vẩn. Cô ấy là người có lòng, tất đủ nghị lực để vui cái cảnh đời mới. Hai người đang nói chuyện thì có tiếng ngựa hí và tiếng ồn ào ở ngoài cửa. Lại xen lẫn vào những câu tiếng Tây. - Ngựa thồ ở đâu về mà nhiều thế? Khôi chạy ra mở cửa, rồi lại chạy vào: - À, bọn Nam Long, chủ thầu ở Hà Nội, sang thầu đường ở bên Tàu. Úi chà, công việc họ làm to lắm, những gần một trăm vạn. Hôm nay, chỉ còn vài chục ngựa thồ, chứ hôm qua đã đi hơn trăm con rồi. Tôi có gặp họ ở Phố Lu. - Tây à? - Không, ta. - Thế họ nói tiếng Tây với ai? - Với nhau. - Thế họ không biết tiếng ta à? - Sao lại không biết. Nhưng họ thích thế. Nói tiếng Tây bây giờ là dấu hiệu của những con người sang. Trọng Khang chép miệng: - Người mình bây giờ lắm đứa lọ lĩnh quá. Sang gì hở anh?........ ........ - Họ học ở Tây về quen đi rồi. Cô gái ông chủ thầu cũng nói thạo lắm. Tôi chỉ nghe thấy cô ta nói toàn tiếng Tây. - Anh có quen bọn ấy à? - Không quen. nhưng có gặp ở nhà một người quen tại Phố Lu ngày hôm kia. Cô ta đẹp lắm, cử chỉ như đầm. Nghe đâu có đi Tây học, đỗ bằng luật khoa cử nhân. - Đàn bà lên đây làm cái gì? - À, tính cô ta thích mạo hiểm, thích du lịch. Đi ngựa, đánh quần, và ăn mặc quần áo cỡi ngựa trông oách lắm. Lại có một ông kỹ sư đi theo, ăn mặc cũng oách như cô ta. Nghe đâu là chồng chưa cưới thì phải. Hai người thường cưỡi ngựa đi rong chơi ở Phố Lu. Ông bố hình như cũng chiều con lắm, và cách ăn ở có lẽ Tây lắm, nên mới để cho tự do như thế. Lão đội kiểm lâm làm với tôi hôm vừa rồi, cũng kiếm gần được trăm bạc, trong khi đánh mối bán cho họ ba con ngựa. Con nào cũng hơn trăm, nhưng xoàng cả. Giá con ngựa ô của anh thì mấy trăm họ cũng mua. Sáng hôm sau, Trọng Khang ra đứng ở cửa nhìn ông Phó đóng ngựa cho mình để lại thăm. Khôi thì thấy một người con gái ăn mặc quần áo cưỡi ngựa, chân đi giầy ủng, lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ, tay ve vẩy một chiếc roi ngựa bằng sừng hiện từ phía chợ đi lại. Người con gái ấy trạc hai mươi hai, hai mươi ba, cắt tóc ngắn theo lối đầm, trang điểm một cách rất Tây phương. Cách đi đứng tỏ ra một người bạo dạn. Trọng Khang đoán ngay là con gái ông chủ thầu. Trong khi Trọng Khang nhìn nàng, thì nàng nhìn con ngựa. Rồi nàng quay lại nói với tên người nhà đi theo sau: - Con ngựa đẹp quá mà cao quá nhỉ! Nàng rảo cẳng đến trước mặt Trọng Khang hỏi bằng tiếng Pháp: - Con ngựa này của ngài đấy ư? Ngài có thể cho phép tôi được xem một tí không? Vụt Trọng Khang thấy bực tức, bực tức về chỗ một người đồng loại nói với một người đồng loại mà lại không dùng tiếng mẹ đẻ, hơn nữa cái người nói ấy lại là một người đàn bà. Chàng tự nhủ: ngữ này có lấy chồng cũng chẳng qua là để hưởng khoái lạc, chớ không phải là để làm vợ, làm mẹ. Tuy lòng chàng khó chịu như thế, nhưng sức đẹp vốn có cái sức mạnh bắt buộc người ta phải lịch sự. Trọng Khang cũng trả lời một cách rất lễ phép, song bằng tiếng ta. Đó cũng là một cách phản đối, nhưng cái lối phản đối ấy người con gái không để ý đến: - Vâng xin mời cô cứ xem. Người con gái lại gần vỗ vào cổ ngựa, nhìn kỹ từ đầu đến chân rồi hỏi, cũng vẫn bằng tiếng Pháp, với cái giọng của một người xưa nay chưa hề bị trái ý bao giờ: - Ngài bán con ngựa của ngài cho tôi nhé? Bao nhiêu tôi cũng mua. Tôi không kỳ quản về đồng tiền đâu, ngài muốn bao nhiêu ngài cứ nói thật đi. Lúc này Trọng Khang không thể chịu được nữa. Lâm vào cảnh nghèo, chàng mới cảm thấy tất cả sự sỗ sàng của người giàu sang. Vẫn bằng tiếng ta, giọng hơi gay gắt vì khinh mạn, chàng đáp: - Thế thì cô không phải là người biết chơi ngựa rồi. Bởi vì một người biết chơi ngựa bao giờ cũng hiểu rằng một khi người ta có con ngựa hay như thế này, người ta không bán bao giờ. Thứ nhất ở trên chốn rừng núi này, con ngựa này là một người bạn đồng hành trung thành và tận tâm nhất. - Tôi trả ngài năm trăm. Ngài bảo sao? Vẫn bằng tiếng ta, Trọng Khang trả lời: - Tôi đã bảo rằng thì tôi được lãi ba trăm rưỡi, vì tôi mua nó có một trăm rưỡi. Nhưng ba trăm rưỡi cũng không bù được với những công việc nó đã giúp ích cho tôi và tấm lòng tôi mến nó. - Nếu tôi tăng giá nữa thì ngài nghĩ sao? - Tôi nghĩ rằng lòng mến là một thứ không thể đem đánh giá bằng tiền được. Cái nhìn của người con gái lúc bấy giờ mới đặt một cách chăm chú lên khuôn mặt của Trọng Khang: - Tôi xem ra ngài cũng giàu và không cần đến tiền thì phải. Trọng Khang nhếch một nụ cười: - Tôi hiện nghèo lắm, ngày mai chưa biết sống bằng gì? - Thế tại làm sao ngài không bán con ngựa của ngài đi? Trọng Khang cau mặt: - Thì tôi đã bảo lòng mến là một thứ không thể đem ra đầu cơ trong lúc túng thiếu được cơ mà. Người con gái cười, để lộ hàm răng trắng như ngà: - Ngài là một người hơi kỳ quái. Thôi tôi xin lỗi ngài nhé. Nói xong, người con gái tháo chiếc "găng" bằng da, giơ tay bắt Trọng Khang. Cái cử chỉ thành thật và bồng bột ấy làm cho Trọng Khang xuê xoa được sự ghét bỏ gây ra bởi sự ăn nói lố lăng của nàng. Bất giác, chàng trả lời bằng tiếng Pháp: - De rien, mademoiselle. Câu tiếng Pháp của chàng lúc này có một sức phản động đột ngột. Nó làm cho người con gái nghĩ ngay đến cái chỗ lúc nãy mình toàn hỏi bằng tiếng Pháp mà người ta chỉ trả lời bằng tiếng Nam. Nàng tủm tỉm cười rồi, lần này, hỏi Trọng Khang bằng tiếng ta: - Sự tôi nói tiếng Pháp chắc làm ngài khó chịu lắm nhỉ? Trọng Khang phắc một cử chỉ để chối. Người con gái gặng lại: - Không. Chắc là ngài khó chịu lắm, cho nên ngài một niềm trả lời tôi bằng tiếng ta. Một ý nghĩ đến ngay trong óc Trọng Khang: "Người này vì hoàn cảnh mà sinh ra lố lăng, chứ bản tâm vẫn là một con người tốt". - Vâng, tôi không giấu cô. Thoạt tiên tôi thấy một người Nam nói với một người Nam mà không dùng tiếng mẹ đẻ thì tôi hơi khó chịu thật. Người Pháp họ nói với nhau có dùng tiếng "Ăng-lê" bao giờ. Họ quý tiếng họ lắm. Tại sao mình lại không? - Tôi vì du học ở Pháp, nên quen mồm. Trọng Khang tủm tỉm: - Biết đâu sự quen mồm ấy chẳng cũng là để tỏ cho người ngoài biết rằng mình là một người học thức. Người con gái cũng cười: - Non, ce n'est pas de la vanité, mais c'est peutêtre du snobisme. Ấy chết, tôi lại nói tiếng Pháp rồi. Tôi quen nghĩ bằng tiếng Pháp, vả chữ snobisme, tiếng Nam không biết dịch là gì. Thế thì có lẽ tôi là một người Việt Nam không tốt. Trọng Khang xốc khẩu súng lục đeo ở lưng: - Cô đã biết nghĩ thế, thì cô bây giờ là người Việt Nam rất tốt rồi. - Chà, khẩu súng lục ngài đeo sao to thế? Hình như nặng thì phải. Đến vài cân. - Chả mấy. Hơn ba cân. - Thế thì lúc bắn thế nào? - Dùng nó quen đi. Tôi cho là không nặng. Chúng tôi sống cái đời ở rừng núi, phải cần đến thứ súng Mauser này mới bắn được xa. Chứ thứ súng của cô, không bắn xa được mấy. Đi ngựa mà đeo súng trọng trường thì bất tiện lắm. - Súng của ngài bắn xa được bao nhiêu? - Có thể được một hai cây số. - Thế cơ à? Bao nhiêu phát? - Hai mươi bốn phát. Sang đến đất Tàu, những thứ súng này cần lắm. Bên đó giặc cỏ như rươi. - Ba tôi cũng đem đi mười mấy khẩu súng trận. Sang đến địa phận Tàu lại có lính của chính phủ Vân Nam đón chúng tôi. Như thế cũng chả ngại. Ông có thể cho tôi xem khẩu súng của ông được không? - Xin vâng, nhưng xin mời cô vào trong này. ẳ Người con gái mạnh bạo theo Trọng Khang vào trong nhà, chẳng một chút e lệ. Trọng Khang tháo khẩu súng đưa cho người con gái xem. - Súng này có một cái lợi là nếu muốn bắn xa và bắn lâu thì tháo cái bao gỗ này lắp vào như một cái báng. Người con gái cầm khẩu súng giơ lên: - Trời ôi! Sao nặng thế này. Tôi thì tôi chịu đấy. Ba tôi có lẽ cũng chịu. Họa chăng anh François mới dùng đến. Nhưng cũng vị tất, vì anh ấy cũng chẳng khỏe hơn tôi nào. Ông bắn có giỏi không? Ở nhà, tôi với anh François cũng tập bắn bia đến hơn 100 phát, nhưng cũng chưa lấy làm gì tin lắm. Mười phát cũng còn sai đích đến ba bốn. - Bắn bia khác, bắn thật khác. Bắn bia thì người ta không bị xúc động. Tôi đã biết lắm người bắn bia rất giỏi mà lúc bắn thật thì trúng rất ít. Sự bắn giỏi hay không là một vấn đề thần kinh hệ. Người nào trấn tĩnh được lòng mình thì người ấy có thể bắn giỏi. Ở đất Tàu có nhiều giặc cỏ, cô sang mà không sợ à? Người con gái nhún vai, trả lời một cách rất tự nhiên: - Không. Có lẽ vì nghe người ta nói thế, nên tôi nhất định nèo ba tôi phải cho đi kỳ được. Hai người còn đang trò chuyện thì có người nhà đến mời con gái ông chủ thầu về ăn điểm tâm. Trọng Khang đứng dậy, tiễn ra tận cửa. Trước khi quay đi, người con gái còn lại gần ôm cổ con ngựa, hôn một cái rồi nói bằng một giọng tiếc rẻ: - Tôi yêu con ngựa này quá. Tôi tiếc rằng ông cũng yêu nó quá mà không chịu bán cho tôi. - Tôi cũng rất tiếc là không chiều được... - Tôi cũng có mua ở Phố Lu mấy con, nhưng xoàng cả. Biết thế này, tôi buộc ba tôi phải đem con ngựa của tôi lên đây. - Đem lên đây chỉ trong vài tuần lễ nó sẽ ngã nước chết. Mà dù có khỏi thì nó cũng không quen đường núi, như thế rất nguy hiểm cho tính mệnh người cưỡi. - Thôi thế là đành rằng trong thời kỳ tôi ở trên này, tôi không có được một con nào vừa ý như ngựa của ông. Nhìn Trọng Khang bằng cái nhìn rất "đàn bà", nàng tiếp: - Tôi mong ông đổi ý kiến. Trọng Khang cười lặng im. - Nếu ông đổi ý kiến thì... nhà tôi ở trước chợ, ông nhớ lại nhé. Nói xong, giơ tay bắt tay thật chặt, rồi đi thoăn thoắt. Trọng Khang nhìn theo một lát bỗng gọi giật lại: - Này cô! Người con gái tươi cười vội quay lại: - Ông đã đổi ý kiến rồi ư? Sung sướng cho tôi quá! - Không. Nhưng tôi có thể chiều cô một lát được. Tôi cho cô mượn cưỡi về nhà, rồi cô lại cho người đem đến đây trả tôi. - Ồ! Quý hóa quá! Vừa rồi, tôi cũng đã toan hỏi ông như thế. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 4 Trọng Khang ngần ngừ, rồi đĩnh đạc bước vào. Con gái ông chủ thầu lúc ấy đang cho phim vào máy ảnh, vội ngửng đầu lên. Một nét mừng bừng nở như hoa. Nàng chạy vội ra đón Trọng Khang: - Ngài đã đổi ý kiến rồi à? Ngài đem ngựa lại bán cho tôi đấy à? Sực nhớ lại cuộc nói chuyện ngày hôm qua về chỗ người Nam lại đi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, nàng cười giòn tan: - Ấy chết, tôi lại quên! Tôi lại nói tiếng Pháp với ngài rồi. Ngài nên biết cả đêm hôm qua, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về con ngựa của ngài mà không tài nào ngủ được. Nếu ngài đổi ý kiến thì tôi sung sướng biết mấy. - Tôi rất tiếc không thể làm cho cô sung sướng được. Tôi đến đây không phải là để bán ngựa, mà là để xin... việc làm. - Việc làm? Tôi tuyệt nhiên chẳng biết một tí gì, tôi lên đây chỉ là đi chơi xem phong cảnh. Nếu thế xin mời ngài lên gác. Ba tôi với anh François đang ngồi ở trên đó bàn tính công việc. Trọng Khang đi theo đến cầu thang thì người con gái bỗng quay lại: - Tôi không biết có công việc gì có thể để cho ngài làm được không. Nhưng nếu có công việc, ngài cùng đi với chúng tôi thì vui lắm. Trọng Khang khẽ nghiêng đầu để cám ơn. Lên khỏi cầu thang, người con gái vừa chạy, vừa gọi to: - Ba ơi, người có ngựa hôm qua đã đến đây này. Đến cửa, Trọng Khang ngừng lại. Cửa mở, Trọng Khang ngó vào thì thấy ông chủ thầu đang hí húi chỉ trỏ một tấm địa đồ và bàn luận với người mà con gái ông gọi bằng anh François. Con gái ông vào, ông cũng không ngửng đầu lên. - Con thích thì con mua, rồi trả tiền người ta, chứ gọi ba làm gì? Người con gái ấy đặt tay vào vai ông rồi nói một cách nũng nịu: - Nhưng người ta đến không phải là bán ngựa... - Thế thì người ta đến làm gì? - Người ta đến xin việc làm. Ông chủ thầu lúc ấy, mới ngửng đầu lên. Trọng Khang tiến vào. Ông ta nhìn chàng, rồi giơ tay bắt tay. Đây ông François Giáp, kỹ sư giúp việc cho tôi. Trọng Khang lại bắt tay Giáp: - Còn đây là con gái tôi, chắc ông đã biết rồi. Ông chủ thầu vừa nói, vừa quàng tay ra sau lưng con gái. - Chúng tôi được hân hạnh biết cô là con ngài, nhưng chưa được cái vinh dự biết... - Tên tôi chứ gì? Tên tôi là Marie Ngọc. Nhưng ông không thích tên Tây thì ông có thể gọi tôi là Khánh Ngọc. Khánh Ngọc nói xong, chạy lại gần bên Giáp, hỏi bằng tiếng Pháp: - Từ sáng đến giờ anh làm được nhiều việc chưa? - Nhiều rồi. Thế nào, hôm nay đẹp trời, cơm xong, chúng ta đi chụp ảnh chứ? - Còn để xem... - Sao lại còn để xem? Khánh Ngọc trả lời một cách hóm hỉnh: - Ngộ trời mưa thì sao. Rồi nàng chạy lại cạnh cha: - Ba có việc gì cho ông ấy làm để thỉnh thoảng con được cỡi nhờ con ngựa của ông ấy. Ông chủ thầu đặt điếu thuốc lá xuống bàn: - Kể việc thì cũng có nhiều. Nhưng không rõ ông biết làm những gì, thì tôi mới có thể liệu mà mượn ông được chứ? Đương làm chủ, nay phút chốc gặp cảnh ngộ phải tụt xuống người làm công, Trọng Khang thấy khó chịu về những câu hỏi của ông chủ thầu. Nhưng chàng cố nén lòng tự ái: - Những công việc chuyên nghiệp thì tôi không biết. Và tôi chắc ngài đã mượn đủ người làm rồi. Song sang đất Tàu và làm một công việc to lớn như thế này, hẳn ngài phải giao thiệp nhiều, tất ngài cần đến một người thông ngôn tin cẩn. Tôi biết tiếng Vân Nam nhiều, có thể thông ngôn được một cách rõ ràng. Với lại ở cái đất đầy giặc cỏ như thế, một người... can trường và tay súng giỏi cũng có thể giúp ngài được nhiều việc. Khánh Ngọc hấp tấp hỏi ngay: - Ông bắn giỏi lắm à? - Tôi có thể bắn vỡ một quả trứng ngoài ba mươi thước. Ông chủ thầu ngẫm nghĩ một lát: - Phải, ông đoán đúng. Tôi hiện bây giờ cũng đã có nhiều người thông ngôn, nhưng tôi chưa được vừa ý. Trước khi mượn ông, tôi cần biết trước kia ông làm gì, và ông định lấy tôi một số lương độ bao nhiêu? Trọng Khang tần ngần một khắc: - Tôi trước đây mười lăm hôm là một người buôn gỗ. Vì trận bão hôm nọ, bao nhiêu bè gỗ của tôi bị vỡ sạch. Hết vốn, tôi phải buộc lòng đi làm công. Lương hậu thì tôi chưa cần nói vội, để ngài dùng tôi trong ít lâu, xem tôi đáng bao nhiêu thì ngài trả. Bao nhiêu tôi cũng xin vui lòng. Nhưng tôi cũng cần thưa để ngài biết, cái chủ định của tôi đến đây không phải là để làm công mãi. Tôi ở đất này đã lâu, thời thường cũng có sang Tàu chơi, có quen biết ít người ở bên ấy, công việc của ngài thì nhiều, nếu còn đoạn đường nào, ngài cho thầu lại, tôi xin mộ cu-li làm. Chứ ngài tính một khi đã buôn bán bạc vạn thì dẫu bây giờ mỗi tháng có được một trăm bạc lương chăng nữa cũng vẫn là ít. - Sự thầu lại thì tôi chưa dám nói trước. Để sang bên ấy, rồi tôi sẽ liệu. Nhưng có phải ngài giỏi tiếng xạ phang thì ngài hẵng cứ theo chúng tôi, công xá tôi sẽ liệu cho ngài sau. Nếu ngài giúp việc cho tôi đắc lực thì tôi quyết chẳng để cho ngài phải ân hận. Sáng ngày kia tôi đi, ngài về thu xếp rồi ta cùng đi. Ở nhà ông chủ thầu bước ra, Trọng Khang lòng nặng như chì, chàng về nhà nằm lặng ở giường nghĩ ngợi. Ông Phó thấy chủ buồn, cứ xoăn xeo ở chung quanh, nhưng không dám hỏi. Trọng Khang nằm chừng mười phút, rồi lấy giấy viết một bức thư dài cho em gái. Viết xong, chàng gọi ông Phó lại gần. - Tôi không muốn chi cái cảnh thầy trò xa nhau, nhưng cảnh ngộ bắt buộc chúng ta phải thế. Bây giờ, tôi đã nhận lời làm công với ông chủ thầu đằng kia, tôi phải sang Tàu với ông ta. Ông Phó vừa nghe đến đây, đã ứa nước mắt: - Cậu đi làm công, khổ cực cậu chịu làm sao được! Ai hầu hạ trông nom cậu. Ông Phó nói đến đấy ngồi thụp xuống, lấy hai tay bưng mặt khóc hu hu. Trọng Khang cáu tiết quát rầm nhà: - Nếu ông khóc thì tôi tống ông về Hà Nội ngay mà không nói với ông một lời nào nữa. Thấy chủ giận, ông Phó vội vàng lau nước mắt: - Thì con nín rồi, cậu cứ nói đi. - Ông bảo nếu tôi không đi làm như thế lấy gì mà sống sau này? - Thì còn hơn sáu mẫu ruộng ở nhà quê, bán đi cũng được một vài nghìn. Ít tiền thì ta làm ít vậy. Sang năm, gỗ may ra có giá thì cũng được ba bốn nghìn rồi. Ta lại gây dần dần vậy. - Thế ngộ lỗ và bè vỡ như năm nay thì sao? - Thì thôi. Trọng Khang nắm tay ông Phó lôi dậy: - Không tính quẩn như thế được. Ông ở với thầy mẹ tôi ngót bốn mươi năm, mới gây được một cái cơ đồ như thế. Vả lại ông còn vợ, còn con ông... - Vợ con không đứa nào dám nói gì. Nói gì thì con giết. Con về bán chỉ mười ngày là con có thể mang tiền lên cho cậu. Cậu đừng đi làm công, người ta sai, khổ lắm. - Tôi đã bảo ông đừng tính quẩn mà! Ý tôi đã quyết rồi, không được nói gì nữa. Nói nữa thì thầy trò lìa nhau đấy. - Cậu lìa con, nhưng con không bao giờ lìa cậu. - Thế thì ông im đi mà nghe tôi, đừng lôi thôi gì nữa. - Thì con xin nghe. - Ông cầm bức thư này về đưa cho em gái tôi, và ông cố khuyên giải nó đừng có buồn phiền gì cả. Tôi đi với người ta chừng một năm, xong công việc, thì thế nào tôi cũng có một cái vốn to trở về. Tôi chỉ lên làm công ít lâu thôi, rồi tôi sẽ thầu lại công việc của người ta. - Thế thì cậu cho con đi theo với. - Ồ! Theo là theo thế nào? Có đời nhà ai đã đi làm đầy tớ lại còn đem đầy tớ đi theo không? - Nhưng cậu đi một mình như thế, không có người theo hầu hạ thì con chịu làm sao được? - Thế ông già, mai kia ông chết đi thì ai hầu tôi. Ông đội đá ở đời mà hầu tôi mãi được à? - Lúc ấy lại khác, chứ bây giờ... - Thôi đừng có nói cùng. Người ta ở cảnh phú quý thì xử theo phú quý, ở cảnh bần hàn, phải xử theo cảnh bần hàn. Đàn ông như con dao pha, cảnh ngộ nào cũng xử được thì mới sống được chứ. Người ta mướn tôi để làm việc, chứ không phải để làm ông hạng. Xưa nay, tôi nể ông cho nên đem ông theo, chứ tôi có thích để ông hầu hạ tôi đâu. Thôi, thu xếp đồ để về đi. Chỉ để vào cái túi da cho tôi mấy cái sơ mi, hai bộ quần áo ngủ, cái áo len, cái áo da, vài quyển sách tôi chưa xem thôi, còn thì đem gửi ông Khôi. Thồ cả về Phố Lu. Đến Phố Lu ông bán con ngựa đi. Được bao nhiêu cho ông cả, mua quà về cho cháu. Đây còn hai mươi đồng, thầy trò chia nhau, mỗi người một nửa. - Thì cậu cầm lấy cả mà tiêu. Con chuộc cái ống thuốc, mất có bốn đồng, còn một đồng đây, con về Phố Lu đủ rồi. - Tôi đã bảo tôi không muốn ông cãi tôi một điều gì cả. Đây mười đồng, cầm lấy, rồi thu xếp đi, mai về sớm. Ông Phó cầm lấy mười đồng bạc, vừa mếu vừa khóc: - Thế cậu không cho con đi theo thật ư? - Chẳng thật thì dối à? - Nếu cậu thầu được thì con cũng có thể giúp cậu được nhiều việc. - Ai chả biết thế. Nhưng từ nay cho đến ngày ấy thì tôi lấy cơm gạo đâu mà nuôi ông. - Thì còn hai mươi đồng bạc đấy, con ăn dè cũng đủ đến ngày ấy. - Thôi, lý sự thế thì không cùng. Thu xếp đi, rồi mai về sớm, có thế thôi. Ông có nghe tôi hay không thì ông bảo. Ông muốn cho tôi buồn tôi chết thì ông cứ trái lời tôi đi. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 5 Đoàn người ngựa từ Pa Kha đi về ngã Nam Cồ. Trọng Khang tự biết phận mình bây giờ là một kẻ làm công, gò ngựa cho đi chầm chậm, để ông Nam Long, Khánh Ngọc và Giáp đi lên trước. Chàng đi lẫn vào với bọn thư ký và cai, nhưng chàng chẳng nói năng gì. Nếu có ai hỏi chuyện thì chàng trả lời một cách để cho không hỏi nữa. Chàng thấy lòng buồn rười rượi. Nhưng cái buồn ấy đối với con người ấy, không phải là thứ buồn gây ra bởi sự so sánh cái địa vị thấp kém ngày nay. Chàng buồn vì không thể gây cho em gái một ngày mai tốt đẹp theo ý muốn đã định. Xác ngồi trên ngựa, mà hồn thì bay về Hà Nội, về gian nhà mà chàng đã sống với em gái những ngày cực kỳ hạnh phúc. Những kỷ niệm đã chìm trong thời gian đều nhô dần ra để gieo thêm đắng cay vào lòng. Chàng hồi tưởng mấy năm trước đây, lúc cha chàng mất đi, rồi mẹ chàng vì không chịu nổi đau buồn cũng thụ bệnh. Khi hấp hối, mẹ chàng nắm tay Tuyết Vi gửi gắm cho chàng. Chàng đã thề trước cái xác chết yêu quý sẽ hy sinh tất cả để gây hạnh phúc cho em gái. Ai ngờ đâu...! Tuy vậy, chàng cũng không nản lòng về ngày mai. Chàng tin rằng với tài sức mình, nếu gặp cơ hội thì cơ đồ lại nổi như chơi. Nhưng cái cơ hội ấy biết bao giờ mới đến? Năm nay em gái chàng đã hai mươi tuổi rồi. Vài, bốn năm nữa, một người con gái đã kể là già. Ý nghĩ ấy làm cho Trọng Khang nóng sốt cả người. Chàng cắn răng để khỏi thở dài, nắm chặt lấy đầu yên ngựa để trấn áp sự ngứa ngáy nó thúc chàng cho ngựa phi nước đại. Với chàng, thì giàu, nghèo, không cần; miễn sao được sống một cuộc đời khoáng đạt, một cuộc đời tự do và hoạt động là đẹp đẽ rồi. Nhưng đối với em gái chàng thì, một khi nghèo, cái hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ đến cả. Bao nhiêu cảnh đẹp bên đường, chàng chẳng trông thấy gì hết, chỉ toàn thấy những cảnh quẫn bách theo nhau để phá tan cuộc đời tươi vui của em gái chàng. Vụt, bốn năm phát súng nổ liền. Chàng ngửng đầu, ngơ ngác nhìn lên phía trước như người vừa tỉnh một cơn mê ghê gớm. Chàng nghe rõ ràng tiếng Khánh Ngọc gọi chàng. Chàng vội thúc gót vào sườn ngựa cho phi. Chỉ một loáng đã tới nơi. Những tiếng súng mà chàng ngờ rằng báo một tai nạn, chỉ là những tiếng súng của Khánh Ngọc và Giáp bắn bia chơi với nhau. Chàng cau mày, khó chịu. Khánh Ngọc tay còn cầm khẩu súng, cười bảo chàng: - Sao ông cứ đi tụt lại sau thế? Ông không lên mà xem tôi với François ngồi trên ngựa bắn cái thân cây kia, mỗi người mấy phát đều trượt cả. Ông thử bắn đi cho tôi xem nào. Trọng Khang nhìn cái thân cây, cách chỗ mình đứng độ hai mươi thước. - Ở cái đất giặc cỏ này, thiếu gì cơ hội để thử súng, hà tất phải bắn bia cho nó phí đạn. Nay mai qua con Tiểu-bạch-hà, đến rặng núi Mai-lin-phố, sài cứu 1 kéo ra hàng đàn, chỉ sợ không có đủ đạn mà bắn để bảo vệ tính mạng thôi. Khánh Ngọc cho ngựa lại gần Trọng Khang: - Đến lúc ấy sẽ hay, bây giờ ông hẵng bắn thử một phát cho tôi xem, chỉ một phát thôi. Trọng Khang còn ngần ngừ thì Giáp đã bảo chàng: - Thôi thì ông chiều cô ấy, không để nói lôi thôi mãi, điếc tai lắm. Ông Nam Long cũng quay đầu ngựa lại: - Thì ông cứ bắn thử đi, để chúng tôi xem có thể tin ở sự bảo vệ của cây súng ông không nào? - Chỉ sợ cụ không cho chúng tôi được cái vinh hạnh ấy. Chứ nếu cụ đã có lòng tin thì quyết không khi nào tôi để cho nhỡ nhàng. Đây, cô trông... như cái thân cây ấy to và gần quá, tôi bắn vào cái mốc ở trên ngọn kia kìa. - Bé thế sợ không tin. Và xa quá. Trọng Khang giơ súng. Pẹt. Cành cây gẫy rơi ngay xuống. Khánh Ngọc vỗ tay: - Khá quá! Nhưng ông không ngắm tí nào mà sao lại trúng? - Tôi bắn quen, đã có đà tay. Nếu tôi ngắm lâu thì có lẽ không trúng nữa, vì súng nặng, tay run. - Ừ, có lẽ, khẩu súng của ông nặng gấp mấy của tôi. Mai kia, ông nhớ dạy tôi với François bắn nhé. Hình như ở cái đất này, cũng phải cần bắn giỏi thì phải. - Cần lắm lắm. Nhưng dạy thì... cô cứ bắn mãi rồi tự khắc quen tay, chứ chẳng cần phải dạy. Bọn người, ngựa đi sau đã theo kịp. Trọng Khang nhìn ngay thấy ông Phó vai vác súng tay dắt ngựa đi trà trộn ở trong. Chàng thúc ngựa tiến lại gần, cầm khẩu súng gõ lên đầu ông Phó. - Tôi bảo ông không nghe, tôi bắn chết ông bây giờ đây này. Ông trốn ở đâu? Bây giờ ông ở lỗ nào dò ra đấy? Quay về ngay, không một phát súng, ông chết tươi ngay bây giờ. Ông làm khổ tôi vừa vừa chứ! Ông Phó không trả lời, cũng không quay đi, chỉ ứa nước mắt, Khánh Ngọc thấy bọn người xúm xít, cũng cho ngựa tiến lại. - Có việc gì đấy, ông Trọng Khang? Trọng Khang chưa kịp trả lời thì ông Phó đã òa khóc, rồi vái Khánh Ngọc lia lịa: - Lạy cô, cô cho con theo đi với. Con nấu bếp giỏi, con làm giỏi, con biết nói tiếng Xạ phang, con biết nói tiếng Nùng, con biết nói tiếng Mèo, con biết nói đủ các thứ tiếng. Lạy cô, cô cho con đi theo hầu cô vậy. Khánh Ngọc chẳng hiểu đầu đuôi, quay nhìn Trọng Khang. - Đây là người đầy tớ của tôi. Tôi đã đuổi ông ta về Hà Nội nhưng cứ nhất định trốn theo. - Thì cho đi theo đã sao. Ông Phó lại vái: - Vâng, cho con đi theo thì con giúp được nhiều việc lắm. Đấy cậu con đã rõ, con biết cả cái vùng này như bàn tay con. Trọng Khang quắc mắt: - Theo để hầu ai? - Hầu ai cũng được. Miễn là cho con đi theo. Khánh Ngọc nhìn cái nét mặt sầu thảm của ông Phó, lại nhìn đến cái nét mặt băn khoăn của Trọng Khang: - Thôi cứ cho hắn đi, ông ạ. Tôi xem hình như hắn mến ông lắm. - Nhưng cái cảnh tôi bây giờ không phải là cái cảnh tôi ngày trước... - Không sao. Ông cứ cho đi. Ông thôi đừng nghĩ đến việc ấy nữa. Ông già kia cứ đi với chúng tôi. Cậu ông bằng lòng rồi. Trọng Khang lặng lẽ sóng cương đi cạnh Khánh Ngọc. - Thì cho hắn đi theo để hầu hạ, có làm sao, mà ông phải nghĩ ngợi lôi thôi. - Tôi không nói giấu gì cô, trước kia tôi cũng không đến nỗi nghèo, thầy trò vẫn ở với nhau không rời một bước. Nhưng bây giờ, tôi đã là người đi làm công, cô bảo lấy đâu mà bao bọc nổi cho y nữa. Y thì không bao giờ muốn xa tôi cả. Y ở với nhà tôi ngót bốn chục năm nay. Xa tôi thì y thấy khổ sở vô cùng. Còn tôi, cho đi theo, tôi cũng thấy khó chịu lắm. - Việc gì mà ông phải khó chịu. Cho đi để hầu hạ ông có được không? Trọng Khang cười nhạt: - Đến cái địa vị này, tôi còn đâu dám nghĩ đến chỗ để cho ai hầu hạ mình nữa. Chẳng những không dám nghĩ, mà tôi cũng không muốn nữa. Con người ta ở cảnh ngộ nào thì phải xử theo cảnh ngộ ấy. - Tuy thế, nhưng y là một người nghĩa bộc, nên mới không muốn bỏ chủ trong lúc thất thế. Có dăm ba người nữa theo, ba tôi cũng không nói gì đâu. Để rồi tôi sẽ bảo ba tôi. Vả lại y thông thạo vùng này như thế, y cũng giúp được nhiều việc. Tiếng Giáp ở đằng trước gọi. Khánh Ngọc quất ngựa tiến lên. Trọng Khang không theo. Ngựa đi được một quãng ngắn, không thấy Trọng Khang, nàng quay lại: - Ô hay! Sao ông không đi lên cùng với chúng tôi. Đi lên đây nói chuyện cho vui. Lúc ngựa Trọng Khang đến gần, nàng vui vẻ bảo: - Chúng tôi không ai coi ông là người làm công đâu, ông đừng có e ngại. Ta cứ coi nhau như những người bạn cùng đi đường xa, như thế thì nó vui vẻ hơn. Rồi lúc lại gần ông Nam Long, nàng cười khanh khách hỏi cha: - Đố ba biết tại làm sao ông Trọng Khang cứ đi tụt lại đằng sau? Ông ấy giữ lễ đấy. Ông ấy tự cho mình là một người làm công. Ông ấy bảo ông ấy hộ vệ cho ba mà ông ấy không đi liền thì nhỡ có việc gì, làm sao ông ấy hộ vệ cho kịp. Nam Long biết con gái thích nói chuyện với Trọng Khang liền bảo chàng: - Ông không cần phải bày vẽ ra thế. Ông cứ đi chung với chúng tôi cho vui. Ông biết rõ vùng này khi đi đến đâu, có phong cảnh gì đẹp, ông bảo cho cháu nó chụp. - Phải đấy, lúc con ở Hà Nội, con đã hứa với các bạn con sẽ chụp đủ năm trăm phong cảnh thật đẹp. Nếu không đủ thì con có quyền bắt đền ông Trọng Khang. Nhưng nào đã thấy phong cảnh gì đẹp đâu. Người ta bảo đường khó đi, nhưng có khó đi tí nào đâu? - Đường khó đi thì khi sang phà Khấu Chẩn rồi cô sẽ biết. Còn phong cảnh đẹp thì chừng một cây số nữa đến Nàm Cồ, cô sẽ tha hồ mà chụp. - Thì ông hẵng nói qua cho tôi nghe. - Nói thì nó mất cái thi vị đột ngột đi. Chốc nữa đến con đường rẽ sang Khấu Chẩn, tôi sẽ đưa cô đi xem một chỗ gọi là Sủi-ón-lừng 2. Ở đó, đã có hàng nghìn án mạng thê thảm xảy ra. Ai chết đều mất tăm. - Tôi thích những sự ghê gớm như thế. Nhưng thôi, ông đừng nói nữa. Nói hết rồi thì khi đến xem nó mất vị đi. Tối hôm nay, tôi chắc có nhiều chuyện để biên vào nhật ký. Trọng Khang cười tủm: - Nếu tối hôm nay ta sang qua biên giới, nghĩa là qua dốc Khấu Chẩn mới đóng trại để nghỉ, thì tôi đánh cuộc với cô, cô không còn hơi sức đâu để viết nữa. Mà có lẽ bữa cơm tối, cô cũng không muốn ăn nữa, hay chỉ là ăn gượng không thấy ngon. - Ồ, đường gập ghềnh đến thế cơ à? Nếu thế thì tôi thích lắm. Xưa nay, tôi chưa biết sự mệt mỏi là gì. Và cả anh Francois cũng thế. - Thế thì lần này cô với ông François sẽ được vừa ý. - Chúng tôi cũng mong như thế. Nhưng tôi ở Pháp về chỉ mới biết sự mệt mỏi sau khi đánh quần để tranh giải championnat mixte. Kể lần ấy cũng đã mệt đấy chứ, anh François nhỉ? - Cũng khá. Lần ấy có lẽ là lần mà chúng mình mệt nhất. Ông Nam Long đã đi qua con đường này hai lần, lúc sang xem công việc, liền cười: - Tôi chỉ sợ lần này, anh nẩy đom đóm mắt, rồi anh không dùng đến tiếng mệt nữa. Lúc ấy, phải dùng đến tiếng lả. Sáng mai, dậy lên ngựa, anh tưởng người anh nặng đến nghìn cân. Này Marie, ba đã bảo không đi được, con cứ nằng nặc đòi đi, có mệt nhoài, đừng có kêu ca đấy nhé. - Không bao giờ con kêu ca. Con xin đi với ba là chỉ để cho biết cái mệt ghê gớm mà ba đã tả là thế nào thôi. Giá ba không nói đến những nguy hiểm và đường đá cheo leo thì có lẽ con cũng không đòi đi đâu. - Ừ, rồi con sẽ được biết. Sự tập thể thao của con chỉ là những trò trẻ thôi. Mệt con nghỉ được. Chứ đằng này, muốn nghỉ cũng không thể nghỉ. Con sẽ hiểu: tập chơi với làm thực là hai thứ khác nhau. Suốt ngày phải dầm mưa, dãi nắng với nghỉ cả ngày ở nhà, bốn giờ chiều mới ra sân đánh quần, nó xa nhau như cái pháo tép với khẩu súng. Đời ba vất vả đã nhiều, ấy thế mà lần đầu ba lên dốc Khấu Chẩn, ba cũng tưởng chừng như đứt hơi. Ba nằm vật ra gần một tiếng đồng hồ, rồi mới nói được. Hôm ấy không mưa, nếu mưa thì chưa biết còn mệt đến thế nào. Những bạn thể thao của con, ăn dưng ngồi rồi, tập tành được cái ngực to, cái đùi nở, đã tưởng rằng sức lực của mình ghê gớm lắm. Tóm lấy lũ ấy, bắt trèo, hay chỉ bắt xuống dốc Khấu Chấn thôi, họ sẽ thấy cái sức lực mà họ khoe khoang là một thứ đáng xấu hổ. - Con hiểu ba rồi, ba muốn nói là người ta cần phải mó tay vào việc mới rõ ai là thế nào chứ gì. - Chính thế. Cái sức lực và cái tài trí có đem ra ứng dụng vào việc đời mới biết ai hơn, ai kém. Chứ ở nơi đất bằng, ai cũng có thể nói là mình tài giỏi cả. -------------------------------- 1 Một thứ chó sói hay ăn mắt người ở phía Đông tỉnh Vân Nam. 2 Long âm thủy. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 6 Nước và núi bao vi khu Nàm Cồ hiện ra ngoài cái tưởng tượng của con người ta. Ngoắt một rừng cây, con mắt khách bộ hành liền đập ngay vào dãy núi xanh biếc, vây quanh một bể nước mênh mông như những cái thành chậu khổng lồ. Nước trắng xóa một màu; ở giữa cái khu trắng xóa ấy, lại nhô lên một hòn núi nhỏ làm cho bất cứ ai, đã nếm cái thi vị phồn hoa, đến đây cũng phải thốt ra một lời ước: - Giá có một cái nhà ở kia. Rồi thì liền đó tưởng tượng làm việc. người ta hình dung ngay thấy một con thuyền bơi ra, bơi vô; người ta bỗng thấy mình lâng lâng như đã rũ sạch được hết bụi trần. Những thác nước ngoằn ngoèo đổ bất tuyệt ở chung quanh, làm bốc lên những đám mù trắng xóa, lửng lơ bay như một cái gì huyền ảo, và đem lại cho cái rộng vô biên một điệu nhạc thiêng liêng nó gợi lên trong lòng người biết bao âm hưởng. Đám mây, vòm trời mà khi ở rừng cây, người ta nhìn chẳng có một cái gì đẹp thì nay đến đây, chúng phụ họa vào với nước, với núi, bỗng lộng lẫy và hùng vĩ lạ thường. Trong óc khách tha hương, vụt nổi lên một cảm tưởng là nước, núi, trời, mây, không thể bao giờ xa được nhau; xa nhau thì chẳng còn thứ nào có nghĩa. Cái nọ nhận màu của cái kia, cái kia biến tính để trội lên vì cái nọ. Núi hình tượng một cái gì oai hùng, nước một cái gì mềm dẻo, mây một cái gì mơ màng, vòm trời một cái gì phiếu diễu. Tất cả ngần ấy thứ gợi lên ở trong thần trí ta một cái gì cao cả, rồi đổ dồn vào thành một khung cảnh: khung cảnh hữu tình. Khánh Ngọc thoạt trông thấy reo ngay lên: - Thật là một phong cảnh Thụy Sĩ, nhưng chỉ thiếu có tuyết. Trời ơi, đẹp vô ngần là đẹp! Ông Nam Long thấy con vui vẻ, mỉm cười: - Trông thì cũng rất vui, nhưng giá ba có phép gì đem dời cả khu này về cách Hà Nội ba cây số thì mỗi năm ba sẽ có thể thu lợi được chừng mười vạn đồng. Lúc ấy có lẽ ba trông còn đẹp hơn bây giờ. - Ba kỳ quá, cái đẹp đâu có phải là thứ dùng để sinh lợi. Cái óc kinh doanh của ba... -... Chỉ nhìn thấy cái đẹp ở chỗ nào mà có thể biến được ra những thứ đem cất vào tủ sắt. - Nếu ba có cái phép đảo hải di sơn ấy, con cũng không cho ba làm. - Thì thôi. - Ừ, ba phải chiều con thế chứ. À François, anh lấy máy ảnh chụp đi. Tôi đứng ở rìa nước, anh đứng ra tận xa kia thì vừa chụp được cả tôi và cả phong cảnh. Chụp xong, Khánh Ngọc hỏi Trọng Khang: - Đã sắp đến Sủi-ón-lừng chưa hở ông? - Còn độ ba bốn cây nữa. Nhưng không ở gần đường cái. Từ đường cái vào đấy độ hơn một cây. - Thế thì ta đi trước, để lúc xem xong, đoàn người ngựa đến thì vừa. - Không thể được. Từ đây đã bắt đầu vào con đường nguy hiểm. Chúng ta tải bao nhiêu là bạc. Nếu vì ham vui chơi mà nhỡ công việc... - Ồ, có bao nhiêu là lính dõng, bao nhiêu là người mà. Ông cứ đưa tôi đi. Trọng Khang nhìn ông Nam Long. - Tôi tưởng đoạn đường này cũng chưa nguy hiểm lắm, có thì từ Khẩu Chẩn trở đi. Ông có thể đưa cháu đi. Tôi với François ở đây là được rồi. Trọng Khang và Khánh Ngọc thúc ngựa vượt lên. Ông Nam Long nhìn theo con gái với một cảm giác khoan khoái, nhưng Giáp thì thấy có một cái gì nó làm cho se lòng lại; chàng thấy mình không làm vui cho Khánh Ngọc bằng Trọng Khang. Tuy rằng đôi bên đã đính ước, và ông Nam Long đã hứa sau khi làm xong công việc này trở về, sẽ cho làm lễ cưới, nhưng Giáp cũng cảm thấy mơ hồ, thấy như người sắp gặp phải một tai nạn gì. Rồi tự nhiên ở đâu, một cái buồn không căn, không cớ đột nhập lòng chàng. Chàng muốn nói với ông Nam Long để xin phóng ngựa đi theo, lấy cớ là để chụp ảnh cho Khánh Ngọc, nhưng chàng chưa kịp nói, thì ông Nam Long đã rút ở túi ra một quyển sổ, rồi cùng chàng bàn tính về công việc. - Con ngựa của ông chạy nhanh quá. - Thế có cho ngựa cô đi trước, tôi cho ngựa cô theo. Đi gần đến con đường rẽ sang Khấu Chẩn, một dãy núi cao vút đã đột ngột hiện ra ở trước mặt. Trọng Khang đưa Khánh Ngọc xuống một con đường rẽ. Tiếng gầm như thiên binh vạn mã. - Ồ quái! Nước gầm ở đâu mà tôi không nhìn thấy? - Cô xuống quá dưới này, rồi sẽ trông thấy. Hai người đi chừng năm trăm thước đến một ngọn núi, Khánh Ngọc nhìn xuống bỗng rú lên: - Nước chảy mạnh đến thế cơ à? Nước ở đâu đổ về mà nhiều thế? Nếu người mà lăn xuống đây thì chắc bị cuốn phăng rồi va phải đá, chết ngay lập tức. - Cô đã hiểu thế nào là nước chảy như thác chưa? Dãy núi này chạy dài không biết bao nhiêu trăm cây số; cái suối kẹp ở chân hai dãy núi kia cũng dài không biết tới đâu mà kể. Đã có một hôm, tôi lần theo con suối này, đi suốt một ngày, nhưng tới chiều, đến ngọn núi đỏ kia, nhìn về vẫn thấy ngọn núi này, tôi đành chịu không đi nữa. Một ngày đi như thế, ra mới được chừng mười cây số. Cô thử tưởng tượng trong một con đường dài như thế, có bao nhiêu thác nước đổ xuống. Một phút kể có hàng bao nhiêu vạn thước vuông. - Nhưng nước ở đâu ra mà nhiều thế? - Ta ở ngọn núi thấp này không biết, chứ ở những ngọn núi cao mây phủ kia, mưa suốt ngày đêm ấy. - Thế đây gọi là Sủi-ón-lừng à? - Không. Tôi đưa cô đến đây để cô được trông thấy nước nhiều đến thế nào. Rồi chốc nữa, lại đằng kia, cô mới hình tượng được rõ tất cả cái lạ lùng, bí mật của Sủi-ón-lửng. Hai con ngựa sóng cương xuống núi, ngoắt về phía bên trái, dõi theo một dòng suối nhỏ, nước chảy mạnh đến nỗi lúc nào cũng sủi ngầu lên. Đi quanh co một lúc đến một khoảng đất bằng, con suối biến vào trong đất mất. Nước ở đấy lúc nào cũng bắn tóe lên, tiếng reo vang trời. - A, a, bây giờ tôi mới hiểu tại sao mà người ta gọi là Long ẩm thủy. Cái miệng nó chỉ nhỏ bằng cái nong thế kia, mà sao nó uống được hết nhỉ? Trọng Khang buộc ngựa của mình vào một bụi cây gần đấy. Con ngựa trông thấy hồ nước réo, sợ hãi, cứ muốn giật ra để chạy. Trọng Khang quất cho một roi, nó mới chịu đứng im. Chàng buộc ngựa xong, lại đỡ cho Khánh Ngọc xuống. Chung quanh miệng rộng có những phiến đá nhô lên như những cái mặt bàn. Trọng Khang lấy mùi soa phủi một hòn đá mời Khánh Ngọc ngồi. Nàng ngồi trằm ngâm nhìn một lát rồi vụt hỏi: - Tất cả cái nước này nó tiêu đi đâu nhỉ? - Nó tiêu đi đâu thì không ai biết cả, nhưng có một điều là nó không trả lại những thứ người ta đã ném xuống. Kìa, cô trông, nước xoáy mạnh đến hõm xuống như một cái phễu thế kia cơ mà. Có một điều thần tình là nếu ném một hòn đá nhỏ cho chúng trúng vào cái xoáy ốc ở giữa kia, thì thế nào hòn đá cũng nảy lên khỏi mặt nước một lần, rồi mới rơi xuống chìm nghỉm. Và nếu là hòn đá bẹt thì có khi nó bật qua khỏi mặt nước lên đến trên đất. - Sức nước mạnh biết chừng nào, ông nhỉ. - Thì cô tính ngần kia nước xô vào có một chỗ nhỏ như thế, cô xem đá xanh còn mòn đi, nhẫn bóng như thế kia. - Nếu chung quanh không là đá thì chắc sức nước đã làm cho lở xuống ầm ầm. - Hẳn thế. Trọng Khang nhặt mấy viên đá đưa cho Khánh Ngọc. Nàng cầm ném xuống thì y như lời Trọng Khang; hòn đá nào cũng nảy lên một lần, rồi mới lại rơi xuống. Nhiều hòn mỏng nảy lên đến hai ba lượt. Ném hết đá, Khánh Ngọc nhìn khắp chung quanh rồi hỏi: - À lúc nãy, ông nói đến những án mạng khủng khiếp, thế nào? Ông kể cho tôi nghe. - Đi lên trên đường kia rồi tôi sẽ nói. Miệng nói chân quay đi, toan lại dắt ngựa thì Khánh Ngọc đã nắm áo kéo lại: - Không, ông kể ở đây. Mắt nhìn mà tai nghe thì mới thú. Chứ lên trên kia mất cả cái không khí rùng rợn đi rồi, câu chuyện của ông vì thế mà kém ý nhị đi chăng. - Từ khi có cái hầm nước này, tính ra kể đã có bao nhiêu người chết rồi. Có khi bọn giặc cỏ bắt cả một làng ném xuống đây. Bao nhiêu vụ thủ oán đã xảy ra ở chỗ này. Muốn giết ai, chỉ việc ném xuống, ấy thế là mất tích. Biết bao nhiêu gia đinh, có người nhà bỗng dưng biến mất, cứ nhớ ngày đi, đem xôi gà đến đây làm giỗ. Biết bao nhiêu trai gái thất vọng cùng trói tay nhau nhảy xuống đây. Kể ra thì nhiều chuyện thê thảm lắm. Nhưng có độc một chuyện là não nùng ai oán hơn cả, bởi vì nó là một chuyện tình, mà hai người lại là hai người trẻ đẹp. Kìa cô trông, đống lá lù lù ở dưới chân núi kia là một người con gái đấy. - Thế còn mộ người con trai? Trọng Khang trỏ tay xuống mặt nước đang sủi bọt: - Dưới này. - Tại sao họ không cùng chết một chỗ? - Nếu thế thì nó đã không bi đát. Người con gái ấy, tục truyền là con một ông tù trưởng vùng đây, tên gọi nàng Mười. Người ta nói nàng đẹp như chúa Ngàn, và tài thêu thùa của nàng thì nội vùng đây không có ai hơn. Nàng đã đính hôn với con một ông tù trưởng khác ở Xi-ma-kai tên là chàng Tư. Hai bên cùng trẻ đẹp, nên yêu nhau một cách tha thiết. Không một buổi chiều nào, chàng Tư không từ Xi-ma-kai cưỡi ngựa về dạo qanh thung lũng nàng ở, rồi thổi khen inh ỏi... - Khen là cái gì? - Một thứ kèn nghe nó cũng chẳng có gì là du dương. Nhưng một khi con người ta đã yêu nhau... Nàng Mười cứ cơm chiều xong, là ra ngồi dưới gió... để đón lấy những... nỗi lòng của người yêu nhờ ngọn gió đưa lại. Vì mấy năm mất mùa luôn, nên hai bên chưa kịp lấy nhau thì một hôm nàng Mười đi chợ gặp một tên tướng giặc ở miền Pha Long. Sắc đẹp của nàng làm cho tên tướng giặc say mê. Y cho người đến hỏi, cha mẹ nàng không bằng lòng. Biết để dây dưa thì sanh chuyện, hai nhà bàn nhau cho cưới ngay, chẳng lấy một chút sính lễ. Hôm cưới, đùng đùng giặc cỏ kéo về đầy ngàn san dã, vây kín chung quanh. Chàng Tư một ngựa, một dao xông ra đánh, nhưng vì ít không địch được nhiều, nên bị thương, rồi bị bắt. Bọn giặc xông vào trói gô tất cả hai họ lại. Tên tướng giặc hứa với nàng Mười nếu bằng lòng lấy y thì y tha chết cho cả hai họ và cả chàng Tư nữa. Nhưng đã yêu, khi nào nàng bằng lòng. Ấy thế là tên tướng giặc đem buộc chàng Tư vào một cái cần, cho khiêng tới đây. Y đóng cái cần ở bờ này, nhưng đóng một cách để cho chân chàng Tư vừa chấm đến mặt nước. Y bảo nàng Mười: - Nếu em không bằng lòng lấy tôi thì tôi cho chặt cần. Chàng Tư bị thương đã mệt rũ, cũng cố ngóc đầu lên nói với người yêu: - Thà rằng anh chết, chứ em bằng lòng lấy nó thì anh cũng không sống được đâu. Sống thì phải có nhau mới sống được. Em đừng bằng lòng, thà anh chết! Nghe người yêu khẩn khoản thế, nàng Mười đời nào bằng lòng: - Mày giết chồng tao thì tao chết theo. Có thế thôi! Gặng hỏi mấy lần, nàng đều một niềm trả lời như thế, tên tướng giặc hạ lệnh cho chặt gốc cần, nhưng chỉ chặt có một nhát, cái cần ẻo xuống, chàng Tư bị ngập nước nửa mình, rồi bị sức nước xoay tít đi như chong chóng. Nàng Mười thấy thế sợ hãi cuống cuồng, ú ớ nói không thành tiếng... Chàng Tư, lúc ấy, tuy bị vặn đau như dần, nhưng cũng biết nếu mình không chết ngay đi, thì thế nào người yêu cũng vì mình mà ưng thuật, nên tuy bị xoáy như chong chóng, chàng cứ nói nheo nhéo: - Thà rằng anh chết! Thà rằng anh chết! Em đừng bằng lòng! Sống thì phải có nhau! Cô thử tưởng tượng cái thảm kịch lúc ấy: một người thất vọng ở dưới xoáy nước kêu lên, một người khắc khoải ở trên bờ nhìn xuống. Chàng Tư vừa nói, vừa tập trung tất cả sức lực còn lại, dún mình lên cao một cái để cố làm cho gẫy cái cần. Mình chàng vừa qua khỏi mặt nước, lại ngã bõm ngay xuống. Lần này thì vì cái cần đã gẫy một nửa, lại bị sức nặng lôi đi, nên nó ngã ngay xuống. Ấy thế là chàng bị chìm nghỉm. Ấy thế là cả chàng cả cái cần bị nước cuốn bật gốc hút phăng đi. Mấy người đứng cạnh sà ra nắm lại, nhưng không kịp! Khánh Ngọc nghe đến đấy liền òa khóc. Trọng Khang mỉm cười: - Cô không muốn nghe nốt chuyện nữa hay sao mà cô khóc? Cái mỉm cười và câu hỏi ấy làm cho Khánh Ngọc tức giận: - Không! Tôi không muốn nghe nữa! Nàng nói xong, đứng phắt dậy, vùng vằng lại tháo cương ngựa, rồi nhảy tót lên, quất cho chạy bay lên phía đường cái. Trọng Khang lặng lẽ trèo lên ngựa, rồi cho đi thủng thẳng theo nàng. Lên đến đường cái Khánh Ngọc ghìm ngựa lại, đứng đợi Trọng Khang cũng vẫn cứ cho ngựa đi từ từ. Khánh Ngọc hình như còn bực tức cho ngựa quay đi, nhưng được một quãng lại quay lại. Khi hai người đã gần nhau, vẫn bằng cái mỉm cười ấy Trọng Khang bảo: - Tôi không ngờ cô dễ xúc động và dễ giận đến như thế? - Phải, đàn bà chúng tôi thế, chỉ có đàn ông các ông là ghê gớm. - Chính thế. Đàn ông cần phải ghê gớm. Những người đàn ông nào không ghê gớm chỉ mới đàn ông có một nửa. Người đàn ông nào thật đàn ông thì phải biết dành những xúc cảm ẻo lả cho đàn bà. Ngay bây giờ, nếu cô không bằng lòng tôi thì tôi xin quay đầu ngựa về Pa-kha. Khánh Ngọc lặng im. - À, thế nghĩa là cô không bằng lòng tôi? Khánh Ngọc vẫn lặng im. Trọng Khang quay đầu ngựa. Nhưng chàng mới đi được mươi bước thì Khánh Ngọc đã gọi giật lại: - Thế ông bỏ tôi một mình ở đây à? - Đoàn người ngựa cũng sắp đến nơi rồi. - Ông thật là người vô lễ. - Ai là người vô lễ trước? Người ta cần phải biết vô lễ với những người vô lễ với mình? - Thôi... không... mà bây giờ... Ông làm là làm với ba tôi, chứ có phải đâu làm với tôi. - Dù thế, nhưng một khi cô đã không bằng lòng tôi thì sự làm ăn nó cũng chẳng còn gì là thú nữa. Vả tính tôi không chịu được những cái gì... - Ông chẳng phải chịu cái gì cả. Thôi, ông đừng nhắc tới nữa, lúc ấy, bộ thần kinh của tôi có rối loạn thật. Tôi xin lỗi ông. Trọng Khang cúi đầu ngẫm nghĩ một lát: - Thế bây giờ cô muốn xuống ngựa nghỉ ở đây đợi hay ta đi lại? - Thôi ngồi nghỉ ở đây. Trọng Khang buộc ngựa, rồi lại đỡ Khánh Ngọc xuống. Chàng dắt ngựa của nàng lại một bãi cỏ, rồi móc thuốc lá nhồi vào cái "píp". Vừa hút, vừa đứng nhìn ra Sủi-ón-lửng. Bỗng chàng nghe ở sau lưng có tiếng tách. Chàng quay lại thì đã thấy Khánh Ngọc tươi cười chạy đến. - Tôi đã chụp đền ông một bức ảnh rồi. Lỗi tại tôi thật. Chốc nữa, ông đừng nói gì với ba tôi và anh François nhé, người ta cười tôi. Lúc đó, lòng tôi thương cảm quá. Thôi, ông bắt tay tôi đi và đừng nghĩ gì đến nữa. Khánh Ngọc giơ tay. Trọng Khang nắm lấy. - Ông khí khái mà tôi thì trẻ con. Trọng Khang cười: - Một người đã biết mình là trẻ con thì không còn là trẻ con nữa. Thôi, ta lên ngựa. Cụ và ông François đã đến kia rồi. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 7 Trời hôm ấy nắng gắt. Đến bến đò Khấu Chẩn thì mọi người đã mệt nhoài. Ông Nam Long cho dừng lại để ăn cơm. Ông Phó sau khi tháo yên và buộc ngựa cho Trọng Khang và Khánh Ngọc, vội vàng lấy ở túi dết ra một cái khăn mặt, đem xuống sông vò, rồi mang lên cho chủ lau mặt. Khánh Ngọc trông thấy thế, tủm tỉm cười: - Ông có người đầy tớ ngoan quá. - Tôi nhường cho cô đấy. - Dù tôi có trả y một tháng bao nhiêu tiền, y cũng không hầu tôi một cách sung sướng và chăm chú như là hầu ông. Hôm nọ, ông vừa nói với tôi: lòng mến là một thứ không thể đánh giá. Sự tận tâm của y không thể lấy tiền mà mua được. Cơm đã dọn ra, Trọng Khang đứng dậy, toan đi về phía bọn cai và thư ký thì Khánh Ngọc đã vội giữ lại: - Ông ngồi đây ăn cơm với chúng tôi, đi đâu. Anh François và ba tôi chắc rất thích ngồi cùng ăn với ông. Ông Nam Long cũng nói. - Một khi ông đã là thư ký riêng và thông ngôn của tôi thì lúc nào cũng phải gần tôi. Tôi cần bàn với ông nhiều chuyện. Hình như qua mảng rồi, đi khỏi dốc Khấu Chẩn một quãng thì đến biên giới có phải không? - Vâng. - Chắc thế nào tại đấy, cũng có lính đón chúng ta. Chúng ta ngủ đêm ở đấy. - Sang qua Khấu Chẩn thì đường đi nguy hiểm lắm rồi, ta không thể cho đi chụm cả lại như lúc nãy được nữa. Tôi với hai anh lính dõng đi trước để dò địa thế. Bắt hai lính dõng và hai người nhà có súng đi kèm đồ. Còn những hòm bạc thì cho đi sau cùng. Bao nhiêu lính dõng và bao nhiêu người nhà có súng phải đi kèm. Cứ mỗi hòm bạc lại một lính dõng và một người nhà. Con ngựa nào cũng bắt mã phu dắt, chứ không cho thả đi tự do như lúc nãy được nữa. Nhỡ động đụng, phải bắt chúng nó hạ cả thồ xuống để chụm vào một chỗ. Cấm không được đi xa nhau. Dù giặc nhiều hay ít mặc kệ, cấm không được đường đường đối phó, chết uổng mạng và vô ích. Ta chỉ cần bảo vệ đồ đạc và hòm bạc. Phục cả chung quanh, đứa nào thò đầu ra là ta bắn. Lúc ấy, tôi sẽ ở phía đằng đầu đem người quay lại, rồi ta muốn định liệu thế nào sẽ hay. Tôi biết vùng này và đã rõ những hành động của bọn giặc. Cụ có thể tin ở tôi. Chốc nữa, sang mảng thì phải cho buộc hòm bạc vào đây rồi hẵng cho sang. Bây giờ nước lớn, có nhiều khi chân sào không bắt kịp, mảng trôi băng đi. Lúc ấy, ra chỉ việc cầm đầu dây kéo hòm bạc lại. Tuy ướt, nhưng còn hơn mất. - Ông bàn chí lý. Bây giờ, bao nhiêu việc đi ở đường sá và trong đêm tối, tôi giao cả cho ông, ông liệu làm sao cho bình yên vô sự thì làm. Tuy ta có mấy chục tay súng, nhưng giặc cỏ bên này thường đông lắm. Ta cũng cần phải để phòng. Ông cứ chịu khó, nếu an toàn và có lãi, tôi sẽ chia cho ông một phần, chứ không để ông thiệt đâu. Ông có thể tin ở lời nói danh dự của tôi. Trong bọn người đi theo tôi thì thật là thừa người để làm công việc, nhưng thiếu người để đương đầu với bọn cướp, có ông cũng là một cái may cho tôi. Tuy sang đến chỗ làm, chính phủ Tàu cho tôi hai mươi bốn tên lính, nhưng ta cũng không nên tin họ lắm. Tôi định đóng ở Mai-lìn-phố thì xa chỗ làm những mười lăm, mười sáu cây. Công việc diệu vợi. - Nhưng dù sao cũng phải gửi tiền ở đấy, chứ ở giữa rừng thì tài nào cũng không giữ được. Công việc lại là công việc lâu ngày, thế nào cũng đến tai bọn giặc cỏ. Chúng nó có đủ thì giờ tổ chức để đến cướp mình. - Nếu có nhiều cu-li thì cũng không lâu lắm. Tuy hạn một năm, nhưng có nhiều cu-li thì có thể xong trong sáu bảy tháng. Cầu cũng không phải bắc mấy, chỉ phải cái núi nhiều. - Con đường ta làm nối liền con đường Sẩy-thùng-chổi sang đến đường đi Quảng Tây? Trọng Khang quay hỏi François lúc ấy đang thì thầm với Khánh Ngọc. - Ông cũng đã theo cụ lên xem xét kỹ càng rồi? - Không, kỹ sư Tàu đã làm sẵn bản đồ. Tôi chỉ việc xem theo đấy, bảo cho họ làm. - Việc này có cái gì khó đâu. Chỉ có năm sáu cái cầu, nhưng cũng là cầu gỗ. Chỉ vì họ thiếu cốt-mìn phá núi, nên họ phải triệu đến tôi. Gia dĩ ở đây đồ làm ăn đem từ Hà Nội lên thì tiện và gần hơn đem từ Vân Nam xuống. Từ Vân Nam đi mất gần hai mươi ngày mà từ Hà Nội chỉ có năm ngày. Công việc thì ông không lo, tôi đã tính kỹ cả, Chỉ lo có giặc cướp, cậu François vừa đỗ kỹ sư cầu cống ở Tây về, tôi muốn cho cậu ấy đi theo cho biết việc và để đỡ tay phòng khi tôi phải về Hà Nội lấy tiền. - Nước ở vùng này độc lắm, cô Khánh Ngọc sang xem cho biết phong cảnh, rồi cũng nên về chứ không nên ở lâu. Khánh Ngọc chẩu mỏ: - Tôi không cần ông phải lo cho tôi. Xong công việc tôi mới về. Ông Nam Long nghiêm sắc mặt: - Độ hơn tháng nữa tôi về, nó cũng sẽ về với tôi, chứ ở lâu thế nào được. Khánh Ngọc ngả đầu vào vai cha: - Không, con không về đâu, ở Hà Nội buồn lắm. Anh François... Nói đến đây, không hiểu sao nàng líu lưỡi rồi lặng im. Đoàn người ngựa sang mảng gần hết, chỉ còn hai chuyến nữa thì, người chở mảng vì phải đẩy nhiều lần mệt quá, run tay chống sào không vững, chiếc mảng liền bị dòng nước chảy xiết lôi đi. Người chở mảng chống hai lần để ghìm đều không trúng phải đá, sào bị cắm xuống bùn, mảng cứ trôi. Hai người cai ở trên mảng sợ hãi kêu rối rít. Nhanh như chớp Trọng Khang vớt lấy cuộn dây giòng két bạc lúc nãy, chạy xuống mạn hạ lưu đứng đợi. Tiếng chàng hét lấp cả tiếng nước reo: - Cố nắm lấy! Nắm thật chặt! Nhảy xuống sông, rồi tôi sẽ kéo lên. Mảng vừa lướt tới, cuộn dây ném ra, cả ba đều vớ được. Trọng Khang chạy quanh, quấn vội ngay đầu dây vào một cái cây. Mảng cứ trôi, cả ba đều sa xuống nước. Khánh Ngọc lúc ấy cũng chạy đến phụ lực với chàng kéo ba người lên. Mảng trôi chừng năm thước nữa va phải đá, vỡ tan tành. Ba người lên được đến bờ cám ơn Trọng Khang rối rít. - Ơn với huệ gì, mảng vỡ rồi, còn bảy người và bốn con ngựa đây, làm sao mà sang được bây giờ. Chàng nhìn trước nhìn sau không còn cách gì. - Cô Khánh Ngọc, chỉ còn một kế là ta chịu ướt vậy. Cô có biết bơi không? - Biết, nhưng nước chảy xiết thế kia, nó cuốn phăng đi, chứ bơi làm sao được? - Miễn là đừng sợ, tôi đã có cách. Sợi dây này to không thể đứt được. Bây giờ làm thế nào ném được đầu dây này sang bên kia, rồi ta buộc hai đầu vào hai cái cây, ta lần dây mà bơi sang. - Nhưng sông rộng đến bốn năm mươi thước, làm sao mà ném dây sang được? Trọng Khang quay hỏi một người cai: - Trong hành lý có cuộn gai nào không? - Có. - Thế thì được rồi. Cụ bảo ai lấy cuộn dây gai, rồi buộc một hòn đá vào đầu ném sang đây cho tôi. Tôi sẽ buộc vào đầu dây thừng này cho kéo sang. Rồi cụ sai buộc thừng cho chặt vào một gốc cây để chúng tôi lần sang chứ chờ đóng được mảng khác thì biết bao nhiêu ngày. Khi bắt được dây gai rồi, Trọng Khang đem buộc vào đầu dây thừng cho kéo sang. Dây thừng buộc chếch theo dòng nước chảy để cho ngựa sang khỏi bị sức nước đẩy mạnh quá. - Nào ai sang trước thì sang đi, cởi giày và quần áo ra. Mọi người nhìn dòng nước chảy xiết, dùng dằng. Trọng Khang liền cởi ủng, cởi quần áo ngoài, chỉ mặc một cái "quần cộc" rồi dắt một con ngựa xuống. Con ngựa ấy vừa đặt mõm xuống gần nước, liền chồm lên, quay đầu, nhất định không chịu sang. Khánh Ngọc đánh thế nào nó cũng không xuống. - Cô bảo dắt con ngựa của tôi để cho nó sang trước. Bác Cai, dắt tất cả ngựa lại đây cho chúng nhìn. Con ngựa ô chủ dắt thì sang ngay. Trọng Khang khoác cương vào vai, còn hai tay lần dây thừng mà sang. Đến giữa dòng, nước chảy mạnh, con ngựa bị lôi đi kéo Trọng Khang làm cho sợi dây thừng căng ra. Trọng Khang nắm chặt lấy sợi dây, ráng sức dướn mình nắm dây tiến lên. Qua khỏi dòng nước mạnh đến bờ. Chàng giao ngựa cho ông Phó, rồi lại lần sang. Không có ngựa, chỉ thoắt một cái là đến nơi. - Ông Giáp sang chứ, cởi quần áo ngoài và giày ra. - Tôi bơi kém lắm, ông liệu thế nào chứ... - Có việc gì mà phải bơi, ông cứ nắm chặt lấy dây thừng mà lần sang. Nước vừa ngập tới bụng. Giáp thấy mình như sắp bị cuốn băng đi, vội vàng chạy ngay lên bờ: - Trời ơi, nước lạnh quá đi thôi! Anh Mèo chở mảng đứng cạnh đấy, thấy thế cười khì khì. Trọng Khang thuận tay tát cho nó một cái. - Mày chở mảng không nên để cho người ta phải khổ sở và mất thì giờ thế này, còn cười gì. Lát nữa, mày mà không cho được tất cả ngựa sang, tao dìm mày xuống đấy. Chàng lấy một sợi thừng khác buộc dưới nách Giáp: - Thế này thì thật chẳng còn sợ gì nữa. Nói dại, ông có tuột tay đã có tôi kéo ông lên. Từ lúc nãy, Khánh Ngọc chỉ đứng nhìn. Vụt trong óc nàng nẩy ra một sự so sánh. Nàng đem so sánh cái thân thể trắng nhễ trắng nhại của Giáp với cái thân thể ngăm ngăm đen của Trọng Khang. Nàng thấy một bên mềm yếu, còn một bên thì rắn chắc. Cái màu đen thật là hợp với màu đất, màu núi, màu cây, màu nước; sự quả cảm và nhanh nhẹn hợp với sức sống mãnh liệt của vũ trụ đang biểu diễn chung quanh nàng. Trọng Khang cầm dây, đứng nhìn cho Giáp lần sang thì nghe đằng sau có tiếng tách. Chàng quay lại, cau mặt, cái cau mặt trách móc, nó như có ý bảo: "Lúc này là cô còn nghĩ đến sự vui đùa được ư?" Khánh Ngọc vội vàng đeo cái ống ảnh lên vai, xin lỗi: - Tính tôi nó quen như thế rồi. - Thôi bây giờ cô cởi giày và bộ quần áo đi ngựa ra. - Vâng, nhưng em yêu cầu ông một điều... -??? - Máy ảnh đây, ông chụp cho em một tấm trong khi em lần sang để em giữ làm kỷ niệm. Tiếng em nàng nói lần đầu tiên bằng một giọng tùng phục khiến cho Trọng Khang không thể từ chối. - Xin vâng. Cô ngồi xuống đây để tôi rút đôi giày ủng ra cho cô. Khánh Ngọc ngồi lên một nhánh cây. Trọng Khang quỳ xuống, một tay nắm đùi, một tay cầm gót giày lôi mạnh ra. Khánh Ngọc có cái cảm giác như có một cái gì bằng sắt và bằng thép nắm vào mình. Tháo xong đôi giày ủng. Trọng Khang lại cởi giùm nàng cả hai dặng cúc ở hai bên ống quần. Trong lòng Khánh Ngọc, lúc bấy giờ đột hiện lên một cái gì sung sướng, thứ sung sướng mà không lần nào, nàng tìm thấy ở cạnh Giáp, mặc dầu Giáp đã nhiều lần chiều nàng những việc tương tự như thế. Tiếng ông Nam Long nghe lanh lảnh: - Ông cẩn thận cho cháu nghe không? - Cụ cứ yên tâm, không sao đâu - Để tôi buộc dây vào lưng cô đã chứ. - Em không cần... - Không nên có những sự liều vô ích. Người ta chỉ nên liều khi không thể không liều được. - Nhưng... cái dây thừng lòng thòng thì chụp ảnh, nó mất vẻ mỹ quan đi. Trọng Khang bật cười: - Người ta bảo đàn bà làm đỏm ngay cả trong khi hấp hối, đúng thật, tôi xin chiều ý cô. - Ông nhớ chụp nhé. Ra đến giữa dòng sông, thấy Trọng Khang giơ máy ảnh ngắm vào mình, Khánh Ngọc giơ tay lên vẫy vẫy, tiếng ông Nam Long hét: - Ô kìa! không nắm cả hai tay vào dây kia, con tưởng là một trò đùa đấy à! Khánh Ngọc sang rồi Trọng Khang quay bảo anh Mèo chở mảng: - Mày khỏe cười, bây giờ mày phải cho hai con ngựa sang cho tao. Nếu để cho ngựa trôi đi, ông bắn cho chết giữa dòng sông này. - À à, cái ông không phải bắn lớ, tôi cho sang được lớ. Mọi người đã sang tất cả, Trọng Khang lấy dây quấn tất cả quần áo, giày của mình và của Khánh Ngọc làm một gói rồi đeo lên vai lần sang. Sang đến bờ bên kia đã thấy Khánh Ngọc trắng toát trong một bộ "combinaison", tay cầm một chai Rhum và một cái cốc đứng đón. - Đây, em đền công ông một cốc rượu. Trọng Khang nốc cạn một hơi. - Ông xơi cốc nữa. - Thôi cám ơn cô, uống cốc nữa thì bốc nóng, không lên nổi cái dốc này đâu. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 8 Khánh Ngọc toan lên ngựa thì Trọng Khang cản lại: - Cô cưỡi ngựa tôi. Ngựa của cô không lên nổi dốc này đâu. Nội đây, chỉ có con ngựa của tôi là lên được, nhưng cũng phải lên một cách chật vật. Rồi gọi ông Phó: - Ông đi dắt ngựa để cô lên. Nhớ lâu lâu cho nó nghỉ thì nó mới còn sức mà lên. Coi chừng không cô ngã thì khốn đấy. Quay sang Giáp: - Thôi chúng ta chặt lấy mỗi người một cái gậy, để ngựa cho chúng nó dắt, chứ không tài nào cưỡi ngựa được đâu. Giáp ngước đầu nhìn lên đỉnh núi cao vút: - Phải, tôi trông cũng khiếp lắm. - Ông nhớ đi từ từ, đừng có cố. Cố thì đến lưng chừng, đứt hơi đấy. Muốn tưởng tượng được hết sự vất vả khi lên cái dốc Khấu Chẩn này, phải biết rõ khi người ta xuống nó thế nào. Là một con đường ngòng ngoèo dài chừng sáu bảy cây số, nối ngọn núi đến bờ sông, ấy thế mà san bằng, người ta đo từ ngọn núi ra bờ sông chỉ độ ba bốn trăm thước. Một cái dốc vô cùng vĩ đại mà mỗi khi xuống nó, ai cũng đều phải chạy như bị giặc đuổi. Mỏi quá, muốn nghỉ, người ta phải bám lấy thân cây ở bên vệ đường, rồi ngồi sệp xuống, chứ không thì thế nào cũng bị lăn băng đi. Tuy chạy, nhưng mắt lúc nào cũng phải chăm chăm nhìn vào con đường, chờ đến chỗ ngoặt, phải lái ngay mình theo nó, chứ không thì thế nào cũng bị đâm bổ xuống dòng sông. Sáu cây số đường dốc ấy, một người khỏe và đã xuống quen, chỉ đi mất có gần nửa giờ. Nhưng trèo lên, thì một người giỏi đến đâu, cũng mất xấp xỉ hai giờ. Có nhiều người yếu không trèo quen, lên khỏi dốc, nằm bệt, rồi phát sốt, phát rét ầm ầm. Ít người ở trên đỉnh núi xếp đá gỗ lăn xuống thì một vạn quân cũng không thể lên. Đá lăn xuống chạy mạnh đến nỗi nhiều khi có tiếng rú lên như còi báo động. Ông Nam Long đã lên một lần, nên ông đã rõ biết sự khó khăn. Ông mua sẵn một chiếc ba toong đầu bịt sắt nhọn. Lúc bắt đầu lên, ông sai hai người khỏe mạnh đi cùng để đỡ cho ông. Tuy thế, ông cũng phải nghỉ mười chặng mới lên đến trên đỉnh núi, ông phải vào ngay nhà lý trưởng Cờ Cái nằm vật ra đến nửa giờ mới lại hồn. Khánh Ngọc nhờ có con ngựa và nhờ ông Phó là người đã thông thạo, nên trèo lên cũng không mệt nhọc mấy. Nhưng nhiều khi dốc quá, nàng tưởng chừng như tuột khỏi lưng ngựa, nàng rú lên, rồi ôm lấy cổ ngựa. - Cô không sợ, ngựa của cậu con nó lên quen rồi. - Nhỡ đứt thắng đái thì chết. - Không. Yên ngựa của cậu con thửa riêng thắng đái để leo dốc, chỉ bện năm lần, không tài nào đứt được. Giá cứ thả ngựa cho lên, thì Khánh Ngọc thế nào cũng đến đỉnh trước mọi người. Nhưng một vì nàng thương con ngựa, thương ông Phó và muốn chờ Trọng Khang và Giáp nên nàng cứ cho ngựa nghỉ luôn. Trời nắng như đốt, mồ hôi nàng vã ra ướt đẫm cả chiếc áo ngoài, con ngựa thì mình như dội nước. Trọng Khang dìu Giáp lên được chừng một cây số thì Giáp đã thấy run chân và hoa mắt. Ngực đã như bễ thổi. - Tôi khát nước lắm. - Thế ta hẳn ngồi nghỉ ở cái mỏm đá này vậy. Trọng Khang lấy bình nước đeo ở vai rót ra một chút đưa cho Giáp. - Trời ơi! Ít thế này sao đủ khát được? - Ấy, đừng nốc cả một hơi, ông chiêm chiếm tí một. Trời nắng, leo dốc, không nên uống nước nhiều. Càng uống nước mồ hôi càng ra. Dù uống bao nhiêu cũng không hết khát được. Ông phải chịu khó nhịn. Đá núi bốc ra nóng chín người. Gió núi thổi vù vù. Giáp toan cởi áo ngoài thì Trọng Khang đã vội cản: - Ấy cảm chết! Nắng thế này, mệt thế này, cần phải mặc ấm. Lên được bốn cây thì Giáp đã thấy cứng chân, tim trong ngực đập mạnh như muốn đứt ra. - Nghỉ một chút, chứ tôi không thể nào đi được nữa. Trọng Khang lái Giáp vào một gốc cây, rồi gọi một tên mã phu nắn gân chân cho Giáp, Giáp nằm thẳng cẳng gối đầu lên một hòn đá. Tên mã phu bóc một múi chanh đưa cho Giáp. Giáp nhai ngấu nghiến ngay. - Ồ, cái nị ngậm chứ, lại nhai thì khỏi mệt làm sao được? Trọng Khang nhìn bạn đồng hành, ái ngại: - Ông cố đi một chút nữa, chỉ còn hai cây thôi. Giáp mệt quá, lặng im, không trả lời, và có lẽ cũng không nghe tiếng. Nghỉ được mười phút, Trọng Khang lại giục: - Thôi ta dậy chứ. Chiều nay phải đến Động Diêm sinh mới nghỉ cơ mà. Giáp gượng gạo đứng dậy: - Trời ơi! Không bao giờ tôi bị mệt như bây giờ. Dốc gì mà dốc ghê gớm như thế. Ngửng đầu nhìn con đường cháy nắng một cách kinh hãi: - Thế ông không mệt à? - Cũng mệt chứ, nhưng chúng tôi chịu đựng quen, mệt gọi là thôi. Ông chiếp một ngụm nước nữa rồi ta đi. - Gần đến rồi chứ? - Vâng, gần đến rồi. - Xa nữa thì tôi đành chịu. Đầu tôi nhức lắm. Ông có dầu bạc hà đấy không? - Đầy tớ tôi nó cầm cả. Để đến Cờ Cải, rồi xoa một thể. Lần này, Khánh Ngọc nhất định chờ hai người. Đến một gốc cây, nàng xuống ngựa. Gặp ai đi qua, nàng cũng hỏi. Đều một câu trả lời: - Còn nghỉ lại sau. Nhìn đồng hồ tay, thấy chờ gần một giờ mà hai người chưa lên, nàng băn khoăn hỏi ông Phó: - Sao lâu thế, hay ngã nghiếc làm sao? Hay xảy ra việc gì? Ông Phó trả lời bằng một giọng tin tưởng: - Có cậu con thì quyết không xảy ra sự gì được cả. Khánh Ngọc mỉm cười: - Cậu ông "ghê gớm" thế cơ à? Hỏi dứt miệng, nàng vụt có vài cảm giác như thèn thẹn, thẹn vì nàng đã vô tình nhắc lại hai chữ ghê gớm mà Trọng Khang đã nói với mình ở Sủi ón-lừng. Rồi thì tất cả những việc hôm ấy hiện đến trước mặt nàng. Nào lúc Trọng Khang bắn súng, nào lúc kể chuyện thê thảm, nào khi ném dây cho người trên mảng, nào lúc dắt ngựa lần dây bơi qua sông, nào lúc Trọng Khang cởi giày cho mình. Không hiểu sao lòng nàng bỗng thấy rạo rực một khoái cảm. Nàng thấy hai tai bừng nóng. Nàng bâng khuâng nhìn ông Phó, chờ câu trả lời. Ông Phó vẫn thản nhiên, vẫn một giọng tin tưởng mãnh liệt: - Leo cái dốc này, cậu con coi vào cái mùi gì. Có ông Giáp trông bị thịt như thế thì mệt, chứ cậu con ít khi mệt lắm. Nhiều lần, nước lũ lên to, sợ người làm cuốn gỗ không kịp, cậu con cũng xuống suối vần gỗ với chúng con cả ngày. Cậu con tuy trông mảnh khảnh như thế, nhưng khỏe vô chừng. Ông Phó vốn ít nói nhưng lần này, cạnh người đàn bà này, ông Phó thấy cần dùng phải nói nhiều về chủ mình, sự cần dùng ấy sinh ra bởi lòng ông bị ép trong hai ngày hôm nay dưới sự thắc mắc: không biết chủ có cho đi theo không. Người chủ đang giàu, vụt bị nghèo, hiện ra ở trước ông với bao nhiêu tính nết tốt đang ca tụng, và xứng đáng với tấm lòng trung thành, luyến ái của ông. Nếu Khánh Ngọc không ngắt lời thì có lẽ ông còn nói, nói nhiều nữa, nói cho hả cái lòng vui sướng được đi theo chủ. Ông càng muốn nói với Khánh Ngọc vì nhờ Khánh Ngọc mà ông được cái sung sướng ấy. Lúc này, ông thấy yêu Khánh Ngọc một cách lạ thường, ông cảm thấy ông có thể hy sinh cho nàng cũng như hy sinh cho chủ. - Tại sao cậu không cho ông đi theo? - Vì cậu con bảo một khi đã phải đi làm công thì không thể đem đầy tớ theo. Con thì con nghĩ khác. - Ông nghĩ thế nào? - Con nghĩ cậu con càng nghèo, càng khổ bao nhiêu, con càng cần phải theo để hầu hạ bấy nhiêu. Sáng ngày, cô nói cho một câu, con ơn cô quá. Thấy nghèo mà bỏ đi thì lòng con không đang cho được. Ông Phó nói xong, lại ứa nước mắt. - Tại cậu ông không cho ông đi theo, chứ có phải ông bỏ đâu. - Thì cũng gần như là bỏ. Xưa nay, con không dám trái ý cậu con bao giờ, nhưng sáng hôm nay, thì con liều lắm. Nhất là cậu con giết con thì thôi, chứ còn sống thì con thế nào cũng phải theo. Không có cô sáng hôm nay thì không biết cậu con xử trí với con ra sao. Nhưng dù thế nào thì thấy con khóc lóc, cậu con cũng đến phải bằng lòng. Bởi tuy cậu con ngoài miệng rất ác, nhưng lòng thì tốt lắm. - Và cũng thương ông. - Thương thì hẳn là thương rồi vì con bế cậu con từ tấm bé. Mấy hôm trước đây, cậu con còn giàu, tiền trăm, tiền nghìn đều giao phó cho con. Ăn tiêu trong nhà, mọi thứ đều một tay con, không bao giờ cậu con hỏi con đã mua gì, còn bao nhiêu. Mà con thì cẩn thận không suy ly đi đâu của cậu con một xu. - Thế cậu ông trước kia có giàu lắm không? Làm sao mà chóng hết thế? - Giàu lắm thì không giàu, nhưng cũng có vài ba vạn. Vì trận bão hôm nọ, bao nhiêu bè gỗ đắm hết. Con thì khóc lóc lo cuống cuồng, cậu con cứ thản nhiên. Lắm khi thấy con buồn, cậu con còn mắng con nữa: "Tôi có chết đâu mà ông đã khóc. Còn người thì còn của. Gặp cơ hội, chỉ một việc lại có bạc vạn ngay, sao ông đốn mạt và hèn thế?". Rồi cậu con dọa đuổi con về nhà quê, con nẫu cả ruột, mà cứ phải gượng làm vui để khỏi bị đuổi đi. - Cậu ông buôn gỗ từ bao giờ? - Từ năm cậu con hai mươi, nghĩa là bảy năm nay rồi. Hai mươi tuổi cậu con đã lên rừng, lên núi, sang Tàu, đi khắp, chẳng sợ cái gì cả. Khánh Ngọc ngồi tần ngần một lát, rồi lại hỏi: - Thế trước kia cậu ông học ở đâu, đỗ gì không? - Cậu con học đâu hay đỗ gì thì con không biết, bởi ngoài công việc ra, con có dám hỏi gì cậu con đâu. Cậu con cả ngày mặt cứ nghiêm như ông thần, còn ai dám hỏi gì nữa. Nhưng con nghe người ta nói cậu con giỏi lắm, bởi không cái gì là cậu con không biết. Nội vùng đây, ai có điều gì đều cũng phải đến hỏi cậu con cả, từ ông kiểm lâm, ông đồn, ông châu. Ngoài thì giờ làm việc và đi bắn, cậu con xem sách cả ngày. Trước khi cậu con đi nằm, bao giờ con cũng phải đem quyển sách cậu con xem dở ngày hôm ấy để trước vào đầu giường. Mỗi lần, cậu con về Hà Nội đều mua hàng hòm sách lên. Cậu con đọc, đọc cả ngày. Có nhiều lần, cô con ở Hà Nội cũng gửi lên nữa. Khánh Ngọc bỗng hình như thấy trái tim mình mó máy. Nàng cố mãi mới hỏi ông Phó được một câu: - Cô... nào? - Cô, em gái của cậu con. Đương ngồi, nàng vụt đứng dậy, đứng dậy để xua đuổi những tiếng gì nó đang xào xạc ở trong đầu nàng. Tuy thế, nhưng nàng cũng có cái cảm tưởng rằng con mắt của ông Phó đang nhìn chằm chằm vào mình; và hình như đã biết những tư tưởng nó đang xao động ở trong thần trí mà chính nàng, lúc ấy, cũng không biết là tư tưởng gì. Nàng chỉ nhận thấy rằng nó có, nó có hiển nhiên ở trong người nàng mà thôi. Nàng vội vàng đánh lảng sang chuyện khác. - Trời hôm nay nóng quá nhỉ? Quái! Tại làm sao mãi chưa thấy lên? - Chắc vì ông Giáp mệt, cậu con còn phải dắt ông ấy. Ông Phó nói xong trèo lên cành cây nhìn xuống, rồi ông reo lên: - Kia rồi, con biết ngay mà. Ông Giáp mệt quá, không lê chân đi được nữa. Cậu con phải xốc nách cho ông ấy. - Đâu, đâu? Xuống đi, cho tôi trèo lên xem nào. - Cô đi giày "nhọn" gót thế này thì trèo sao được. - Ông tưởng thế. Tôi trèo giỏi lắm cơ. Ông xuống đi để tôi trèo lên ông xem. TRƯỜNG ĐỜI Lê Văn Trương dtv-ebook.com Chương 9 Giáp lúc này chỉ còn là cái xác người. Mặt đỏ gay, mắt đỏ tía, ngực thở không ra hơi, thái dương thì nghe như có một đàn ong vỡ tổ. - Trời ơi, anh mệt đến thế cơ à? Giáp chẳng trả lời, thấy bóng mát thì nằm ngay xuống. Khánh Ngọc cúi xuống lấy mùi xoa lau mặt cho Giáp: - Anh có làm sao không? Giáp lim dim hai mắt không nói. Và cũng không nhận thấy rằng Khánh Ngọc đang lau mặt cho mình. Trọng Khang lấy lọ dầu bạc hà của ông Phó xoa mặt, xoa cổ, xoa thái dương, xoa khắp cả mình mẩy cho Giáp. Một lúc lâu, Giáp mới hơi tỉnh: - Ông cho tôi uống nước, không tôi đứt ruột mất. - Ông uống từ từ nhé. Không sao, ông cứ nằm nghỉ một lát thì khỏi. Mệt và say nắng đấy thôi. Giáp quay nhìn lên đỉnh núi: - Nhưng còn từ đây lên thì làm thế nào? Cố nữa thì sợ ốm, rồi lại phải nằm ở Cờ Cải thì nhỡ hết cả hành trình của bao nhiêu người. Khánh Ngọc nói ngay: - Hay để tôi nhường ngựa cho anh François. Trọng Khang gạt ngay đi: - Không được. Từ đây cho đến nơi cũng còn nhiều đường đất. - Anh François mệt lắm rồi. Ông cũng phải để cho tôi thử qua cái mùi nhọc mệt một tí chứ. Trọng Khang trỏ Giáp đang nằm thiêm thiếp: - Thì cô cứ trông đây cũng đã hình dung được nó là thế nào rồi. - Sao bằng cảm thấy tung hoành ngay ở trong cơ thể mình. Để cho François trèo nữa, nhỡ ốm một cái thì rầy rà. - Thế cô không sợ cô ốm à? - Còn một phần đường nữa. Mà tôi vì được đi ngựa nên chưa mệt tí nào. - Nếu cô có bụng tốt như thế thì càng hay. Cúi xuống lay Giáp: - Thôi ông dậy đi. Cô Khánh Ngọc nhường ngựa cho ông đấy. Lên trên kia nghỉ hẳn một thể. Giáp thở hổn hển ngồi dậy, nhìn xung quanh: - Chết người! Thế Marie lấy gì mà đi? - Tôi chưa mệt. Gần đến nơi rồi. Tôi có thể trèo được. Anh cứ đi đi, không nhỡ ốm nặng. - Cám ơn Marie, tôi thấy cứng cả chân không thể nào trèo được nữa. Đầu như muốn vỡ ra. Giáp lảo đảo trèo lên ngựa. Chàng quên không bám lấy đầu yên, thành ra con ngựa vừa đi được mấy bước thì một suýt nữa, chàng bị ngã ngửa ra đằng sau, nếu Khánh Ngọc không nhanh chân lại đỡ kịp. - Đường dốc, anh phải nắm lấy yên. Giáp đi rồi, Khánh Ngọc quay lại nhìn thấy Trọng Khang đang lúi húi đẽo lại cái gậy: - Cô cũng nhanh ghê nhỉ. Nhưng nếu ở đường bằng mà cô chạy sát ngay chân ngựa như thế, thì có khi giật mình, nó đá phải. Vì nó mệt rồi, hai nữa đương lúc lên dốc, nó không cất nổi chân, mà có lẽ vì nó khôn, nó biết rằng cô. Lần sau, cô nhớ đừng có chạy sát ngay đằng sau nó như thế. Có muốn đỡ thì phải đứng lánh ra một bên. - Nhưng trong lúc vội vàng, ai còn nghĩ được thế? - À, cái khó là phải nghĩ được. - Nhưng tôi có phải là... đàn ông đâu? Khánh Ngọc nói xong nhìn Trọng Khang tủm tỉm cười. Trọng Khang đưa cái gậy cho nàng: - À đã vậy, từ giờ cô đừng có trách đàn ông chúng tôi vô lễ và ghê gớm nữa nhé. Khánh Ngọc đón lấy chiếc gậy: - Không. Bây giờ chẳng những tôi không trách, mà tôi lại còn cho rằng đàn ông cần phải ghê gớm. Và lâu lâu... cũng cần phải biết vô lễ. Và... có lẽ chỉ những người đàn ông ghê gớm mới biết vô lễ một cách... phải lẽ mà thôi. Trọng Khang mỉm cười, móc mùi soa ở túi: - Cô phải để tôi quấn cổ tay cho cô, chứ không chống gậy rã cánh ra rồi không cầm nổi cương ngựa nữa. Khánh Ngọc tháo găng da, cởi khuy "măng-xét", vén áo, để lộ một cổ tay tròn và trắng như ngà. - Ông buộc nhè nhẹ chứ nhé, bàn tay ông thế kia mà ông ghì mạnh, thì có lẽ tôi đến gẫy xương. - Cô là một tay thể thao cừ khôi cơ mà? - Ồ! Cái thứ thể thao tiêu cơm của những con người vô công rồi nghề dùng gì được ở chốn này. Trọng Khang quấn khăn mặt vào cổ tay cho nàng xong thì nàng vùng hỏi: - À, ông, có lẽ... trong đời ông, ông không bị cảm xúc mạnh bao giờ có phải không? -... - Lúc nãy, khi chiếc mảng bị nước cuốn đi, nếu ông cũng bị xúc động như chúng tôi thì có lẽ cái phút quý báu đã trôi mất, mà ngày hôm nay đã có tai nạn. Ông nói phải: nên dành sự xúc cảm cho đàn bà. - Thế cô cho tôi là hòn đá à? - Không phải. Nhưng... - Nhưng làm sao? - Thế ông cũng có khi bị xúc động à? - À, một khi người ta không phải là hòn đá. Nhưng... - Nhưng làm sao? - Tôi chỉ xúc động khi nào có một cái gì đáng để cho tôi xúc động. - Thế cái mảng trôi với ba người kêu cứu ở trên không phải là một cớ chính đáng để cho lòng ta xúc động sao? - Như thế gọi là hoảng hốt. Mà sự hoảng hốt thì không đẹp đẽ, và không bao giờ dùng được việc gì cả. Những thứ lòng như thế gọi là lòng sò, lòng hến. Còn có thứ gì cứng, mạnh và bền chắc mọc được ở trong ấy nữa! - Thế lòng tôi tức là lòng sò, lòng hến có phải không? Trọng Khang cười: - Cô thật là lôi thôi. Tôi nói là... không nên dễ cảm động quá, chứ tôi có chê sự cảm động đâu. Tôi ghét thứ lòng đá gỗ ngang với với thứ lòng sò hến. Cô thử tính coi: một tí, một tí gì cũng có thể làm cho lòng mình rối loạn thì còn đâu là sinh lực để hành động nữa? - Thế nghĩa là ông chê thứ lòng đàn bà chúng tôi chứ gì? - Cô lắm chuyện lắm. Thôi ta đi. Khánh Ngọc dận gót giày xuống đất: - Ông phải trả lời thì tôi mới đi. Trọng Khang cầm tay Khánh Ngọc kéo đi: - Thì vâng, tôi chê. Ta đi đi không tối. Khánh Ngọc bước theo: - Ông chê mặc ông, nhưng lòng tôi thế nào, tôi cứ giữ, tôi không bỏ. - Cái đó là quyền cô. Rồi giơ gậy, chỉ con đường dốc ngược: - Nhưng nếu cô lên hết con đường dốc này mà cô thở thì cái đó lại không là quyền ở cô. - Tôi không muốn thở mà nó cứ thở thì có phải tại tôi đâu? - Ấy, cái đó mà sai khiến được thì mới là khó chứ! Trèo được hai trăm thước, Khánh Ngọc đang đi trước, quay lại: - Thế này, thảo nào François mệt là phải. - Thì người ta đã gọi là cái dốc bạc đầu cơ mà. - À, lần đầu ông trèo cái dốc này, ông có mệt không? - Cũng mệt. Nhưng chưa đến nỗi như ông Giáp. Hôm ấy trời mưa, thành thử tôi cứ phải bò bốn chân luôn. Khánh Ngọc đi giày cao gót, dẫm phải một hòn cuội, té sấp xuống, ném cả gậy. Nhưng may, nàng chống hai tay đỡ kịp. Nàng phá lên cười: - Ông vừa mới nói bò bốn chân, tôi đã thực hành ngay. Trọng Khang nhặt chiếc gậy đem lại: - Cô đã đỏ ửng cả mặt. Cô nắm vào cánh tay tôi mà đi. - Ấy tôi cũng vừa mới định xin với ông như thế. Nhưng ông đã mệt chưa? Thêm một gánh nặng cho ông... - Cô cứ vịn, không sao. Đi được ba trăm thước nữa, Trọng Khang đã thấy hơi thở gấp của Khánh Ngọc tràn vào gáy mình. Chàng dừng lại: - Hay ta nghỉ một chút? - Thôi ta cứ đi, ta nghỉ nhiều lắm rồi. Ba tôi thấy tôi lâu lên, ba tôi lại nóng ruột. Trọng Khang lại đi, nhưng từ đây thì chàng thấy bàn tay bám vào vai mình mỗi lúc một nặng thêm. Chàng đổi tay gậy, luồn tay ra sau lưng Khánh Ngọc: - Cô dựa nhiều vào tôi mà đi. Và nếu có mệt quá thì thôi vất gậy đi, tôi đỡ cô cũng được rồi. ẳ Khánh Ngọc lẳng vất gậy, nắm vào cánh tay Trọng Khang. nàng thở dốc và hai chân thấy nặng như chì. Tuy là mệt, nhưng nàng cũng không còn đủ sáng suốt mà nhận thấy rằng người bên cạnh nàng cứ bước phăng phăng; mà bàn tay nó quàng vào lưng nàng là một thứ gì rắn chắc ghê gớm. Nàng có cái cảm tưởng như mình dựa vào một cái gì bằng sắt, bằng đá. Rồi ở chỗ sâu thẳm của lòng nàng, đột khởi lên một ước nguyện mơ hồ: giá luôn luôn và mãi mãi, nàng được nâng đỡ bởi cái sức mạnh ghê gớm ấy. Trước cái sức mạnh ấy, nàng cảm thấy mình yếu, yếu một cách lạ lùng. Nhưng nàng lại cũng sung sướng cảm thấy rằng mình yếu để được nâng đỡ, được che chở. Từ trước tới nay, bao giờ nàng cũng thờ cái thuyết đàn ông và đàn bà ngang nhau. Và nàng coi như một cái nhục, nếu để cho người đàn ông phải che chở và dìu dắt mình. Trong những cuộc giao thiệp của nàng với Giáp và với tất cả các bạn trai khác, nàng không chịu nhận một sự săn sóc của ai bao giờ. Và không bao giờ nàng chịu được cái ý nghĩ: để cho một người đàn ông coi mình như một kẻ vị thành niên, lúc nào cũng cần phải chăm chút đến. Cạnh Trọng Khang, bao nhiêu ý tưởng ấy đều biến đổi ráo. Nàng thầm cảm thấy rằng mình yếu đuối, yếu đuối trước sự sống dồn dập và tàn nhẫn trong một khung cảnh mà loài người chỉ có thể trông cậy vào sức mình. Nàng thấy mình kém cả về phần sức, phần trí và phần hồn. Cái điều tin chắc rằng văn hóa Tây phương đã đúc cho mình "những bắp thịt, một tinh thần" đủ để đối chọi với sự sống, bây giờ đã lung lay. Nàng cảm thấy rằng thứ bắp thịt ấy chỉ đủ để nhảy nhót trong sân vận động mà cái tinh thần ấy chỉ đủ để lòe nhau trong những phòng khách. Va đầu vào sự sống to, rộng và tàn bạo trong những nơi mà mình không được che chở bởi cái địa vị sẵn có của mình, những thứ ấy ngã ngục ngay xuống như cành khô chạm phải sức nặng. Bao nhiêu năm du học chỉ đem đến cho nàng và cho Giáp những mảnh bằng, đủ để đi làm công, và để hãnh diện với xã hội. Chứ đứng trước sự sống nó chuyển những khối sức mạnh hùng liệt của nó, trước sự sống mà đâu đâu cũng có thể nấp một nguy hiểm, phục một thiên tai, đợi một quyết định, nàng và Giáp chỉ là những cái gì lòe loẹt nhưng cực kỳ vô dụng. Liếc nhìn con người mặt khắc khổ, mắt sáng quắc, cứ thản nhiên bước đi như sức sống mãnh liệt và tàn nhẫn, nàng vụt thấy con người ấy lớn lên như một khổng lồ. Lòng rạo rực, nàng đặt má nàng vào cánh tay của Trọng Khang, sung sướng bởi sự gần gũi, sung sướng được nâng đỡ bởi một bàn tay thép. Trọng Khang thấy thế lại tưởng nàng mệt lả, vội vàng dìu nàng lại dưới một gốc cây: - Chúng ta nghỉ một tí chứ. - Em chưa muốn nghỉ. Chàng cười một cái cười nhân từ: - Nhưng tôi cần phải nghỉ. Và chế giễu: - Tôi thở dốc ra đây này. Khánh Ngọc vội vàng lấy hai bàn tay che ngực: - Ông cứ chế em. Dưới làn lụa đẫm mồ hôi, cái ức đồng trinh đang phập phồng như con chim câu lúc bị bắt. Trọng Khang nhếch mép, rồi tháo bình nước rót một cốc: - Cô uống đi. - Uống từ từ... Trọng Khang phì cười, lật mũ. Những giọt mồ hôi lã chã rỏ xuống. Chàng cho tay vào túi quần. Khánh Ngọc vội vàng rút chiếc khăn mặt vải nhỏ thơm sực mùi nước hoa thượng hảo hạng đưa ra: - Khăn mặt ông đã buộc tay cho em rồi, còn đâu đấy nữa mà móc. Đáng lẽ ra thì hôm nay ông không bị mồ hôi ra nhiều như thế này đâu? - Tại sao? - Tại vì em và François báo hại ông. Và nếu ông không tử tế nhường ngựa cho em và François cưỡi thì bây giờ ông đã ung dung ở trên đỉnh núi kia rồi. Trọng Khang đưa trả chiếc mùi soa đã ướt đẫm: - Nếu thế thì không bao giờ tôi tha thứ cho sự ích kỷ ấy của tôi cả. - Sao lại gọi là ích kỷ. Con ngựa ấy của ông cơ mà. Em với François mới là những người lợi dụng lòng tử tế của ông chứ. Trọng Khang cười chế giễu: - Cô hay dùng những chữ to lớn quá đi thôi. Kìa, ông Phó ông ấy đã mang ngựa xuống kia. Cô có lợi dụng thì cứ lợi dụng nữa đi. - Ông bảo mang xuống đấy à? - Không. - Thế tại làm sao ông Phó lại mang xuống? - Có lẽ ông ta sợ cô mệt. - Tôi làm gì mà được ông ta săn sóc cho như thế? - Y bây giờ cũng như tôi, không phải là một người làm công cho cô sao? Khánh Ngọc nhìn Trọng Khang bằng một con mắt cầu xin: - Từ giờ ông đừng nói thế nữa. Em bằng lòng rằng ông Phó chỉ là đầy tớ, đầy tớ của ông không thôi - Ông Phó, ai bảo ông mang ngựa xuống đấy? Như thế có phải mệt cả nó và mệt cả ông không? Ông Phó không trả lời, móc túi lấy ra hai trái lê xanh rờn, đưa cho mỗi người một quả. Khánh Ngọc mừng quá: - Chà! Em cứ trông thấy trái lê này, mà em thấy hết mệt và mát cả người. Thuận tay rút con dao săn của Trọng Khang đeo ở bên mình: - Ấy, đừng cắn cả vỏ thế, để em gọt cho. Ông Phó buộc ngựa, rồi rút cái quạt ở thắt lưng phẩy cho hai người. - Ồ, "cụ" Phó, sao bây giờ "cụ" bày vẽ thế? Thôi "cụ" có quạt cho cô Khánh Ngọc thì "cụ" quạt, chứ nếu "cụ" quạt cho tôi thì tôi mát, tôi nằm đây ngủ ngay một giấc, không ai khiêng được tôi đi bây giờ đâu. Khánh Ngọc gọt trái lên rồi bổ làm ba. - Ông Phó ăn một miếng đi. - Bẩm con đã ăn mía rồi. Khánh Ngọc bắt chước giọng Trọng Khang: - Ồ, cụ Phó. Từ giờ cụ đừng bẩm báo nữa. Cụ cứ ăn đi cho tôi bằng lòng. Ông Phó bật phì cười: - Con chưa thấy ai tính dễ dãi và vui vẻ như cô. Cô giống như cô Tuyết Vi con ở Hà Nội. - Ồ nếu thì may mắn cho tôi lắm. Tôi lại được là em ông Trọng Khang cơ à. Trọng Khang ngước mắt nhìn ông Phó. Ông Phó sợ tái mặt. - Trên đầu đã hai thứ tóc như thế này mà cứ hay bép xép. Khánh Ngọc bênh ngay: - Ấy, không phải lỗi tại ông ấy đâu. Lỗi tại tôi ngứa mồm hay hỏi. Vả ông ấy là người không có đủ đảm lực để... vô lễ như ông, nên ông ấy phải trả lời tôi. Ông có mắng thì mắng tôi này này. Khánh Ngọc gọt quả lê thứ hai, cắt một miếng đặt vào lòng bàn tay đưa lại tận mõm con ngựa: - Mày ăn lê đi, và bảo chủ mày đừng có mắng tao nhé. """