" Tiền Bạc Và Lý Trí PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tiền Bạc Và Lý Trí PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo HỘI MÊ SÁCH Tải eBooks miễn phí tại https://hoimesach.com Nhận eBooks miễn phí qua Zalo: https://zalo.hoimesach.com Group: https://facebook.com/groups/mesachhoi TIỀN BẠC VÀ LÝ TRÍ Tái bản ----------------*---------------- NHÀ XUẤT BẢN CÔNG THƯƠNG Trụ sở: Số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội Điện thoại: 024-3 934 1562 Fax: 024-3 938 7164 Website: http://nhaxuatbancongthuong.com E-mail: nxbct@moit.gov.vn Chịu trách nhiệm xuất bản Giám đốc - Tổng Biên tập Nguyễn Minh Huệ Biên tập: Trương Hữu Thắng Sửa bản in: Huyền My Thiết kế bìa: Nguyễn Mạnh Cường Trình bày: Vũ Lê Thư CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA VP HN: Tầng 3, Dream Center Home, số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội Tel: (84-24) 3 722 62 34 | Fax: (84-24) 3 722 62 37 Chi nhánh TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh Tel: (84-28) 38220 334 | 35 In 3.000 cuốn, khổ 16 x 24 cm tại Công ty TNHH In - Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Lâm Địa chỉ: 352 giải phóng, Quận Thanh Xuân, Hà Nội Số xác nhận đăng ký xuất bản: 1419-2022/CXBIPH/01-62/CT Số Quyết định xuất bản: 112/QĐ - NXBCT ngày 11 tháng 05 năm 2022 In xong và nộp lưu chiểu năm 2022. Mã số ISBN: 978-604-362-211- 9 LỜI GIỚI THIỆU Vào năm 1975, Bob Eubanks dẫn một chương trình truyền hình thực tế có tuổi thọ ngắn ngủi mang tên The Diamond Head Game (tạm dịch: Trò chơi Đỉnh Kim cương). Chương trình được ghi hình tại Hawaii và có một vòng chơi đặc biệt, được gọi là “The Money Volcano” (tạm dịch: “Núi lửa Tiền”). Người chơi bị nhốt vào một lồng kính mà sau đó sẽ biến thành chiếc ống gió chứa đầy tiền bay. Những tờ tiền cuốn vèo vèo, lượn vòng vòng, bay phần phật tứ phía trong khi người chơi quay cuồng nhảy nhót, cốt sao vơ được càng nhiều tiền càng tốt trước khi thời gian chơi kết thúc. Khi ở trong “Núi lửa Tiền”, họ biến thành những kẻ loạn trí hoàn toàn, hết với đến chộp, rồi vồ, rồi nắm, xoay xỏa giữa cơn lốc tiền mặt. Quả là một trò giải trí tuyệt vời. Trong suốt 15 giây, ta cảm nhận được một điều thật rõ ràng, rằng trên đời chẳng còn gì quan trọng hơn tiền. Xét trong chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều đang ở bên trong “Núi lửa Tiền”. Chúng ta đang chơi trò đó theo một cách ít căng thẳng và lộ liễu hơn, nhưng ta đã chơi, và bị chơi, suốt nhiều năm trời, theo vô vàn cách thức khác nhau. Hầu như tất cả chúng ta thường xuyên nghĩ đến tiền: ta có bao nhiêu, ta cần bao nhiêu, làm sao để kiếm thêm, làm sao để giữ những gì ta đang có, và hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của ta đang kiếm, tiêu, tiết kiệm được bao nhiêu. Những món hàng xa xỉ, các hóa đơn, những cơ hội, tự do, áp lực: Tiền chạm đến mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đại, từ ngân sách gia đình đến chính trị quốc gia, từ danh sách mua sắm đến tài khoản tiết kiệm. Và mỗi ngày trôi qua lại mang tới thêm nhiều thứ khiến ta đau đầu nhức óc, bởi thế giới tài chính phát triển hơn; bởi những khoản vay, vay thế chấp, và bảo hiểm xuất hiện với nhiều hình thức phức tạp hơn; và bởi chúng ta sống lâu hơn, có kỳ hưu trí dài hơn, do đó phải đối mặt với những công nghệ tài chính mới, những lựa chọn tài chính tinh vi hơn, cùng những thách thức tài chính lớn hơn. Nghĩ nhiều về tiền chẳng có gì sai quấy nếu bằng việc trăn trở về nó, ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Song đời chẳng phải là mơ. Sự thật là, đưa ra những quyết định sai lầm về tiền bạc chính là một thứ dấu hiệu nhận diện nhân tính. Chúng ta cực kỳ xuất sắc ở khoản phá hoại đời sống tài chính của mình. Xin chúc mừng, con người. Chúng ta đúng là số một. Thử nghiền ngẫm những câu hỏi sau: • Chuyện ta dùng thẻ tín dụng hay tiền mặt thì có quan trọng gì? Dùng hình thức nào ta cũng chỉ trả một khoản tiền như nhau thôi, đúng không? Thực ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng ta sẽ sẵn sàng tiêu nhiều tiền hơn khi dùng thẻ tín dụng. Với thẻ tín dụng, ta mua sắm những khoản lớn hơn, típ hào phóng hơn. Ta cũng thường đánh giá thấp hoặc quên mất số tiền mình đã tiêu khi – đoán xem – sử dụng phương thức thanh toán phổ biến nhất: thẻ tín dụng. • Ai là người “đáng đồng tiền bát gạo” hơn, một thợ sửa khóa mở được cửa sau hai phút và đòi 100 đô-la tiền công hay người làm mất một tiếng và cũng lấy 100 đô-la? Hầu hết mọi người đều cho rằng anh thợ sửa lâu hơn đáng thuê hơn, vì anh ta đổ vào đó nhiều công sức hơn, chi phí tính trên giờ cũng rẻ hơn. Nhưng nếu anh thợ sửa khóa lâu phải thử tới vài lần và làm hỏng cả đống dụng cụ rồi mới thành công thì sao? Và đòi tới 120 đô-la? Đáng ngạc nhiên là đa phần mọi người vẫn nghĩ anh thợ này mang lại giá trị cao hơn anh chàng nhanh nhẹn, dù tất cả những gì anh ta làm chỉ là phí hoài một giờ đồng hồ của bạn bằng sự kém cỏi của mình. • Ta có đang tiết kiệm đủ cho hưu trí không? Liệu tất cả chúng ta có biết, thậm chí chỉ là lờ mờ, khi nào mình sẽ ngừng làm việc, số tiền mình đã kiếm và tiết kiệm được tính đến thời điểm đó, rồi những khoản đầu tư của mình sẽ sinh sôi nảy nở thế nào, và tổng chi phí cho số năm đích xác mình sẽ sống sau đó là bao nhiêu không? Không ư? Chúng ta quá khiếp hãi trước kế hoạch hưu trí đến nỗi, ở phạm vi xã hội, ta đang tiết kiệm được chưa tới 10% khoản tiền mình cần, không tự tin rằng mình đang tiết kiệm đủ, và tin rằng ta sẽ phải cày cuốc đến năm 80 tuổi dẫu cho tuổi thọ của ta chỉ có 78. Chậc, ít ra đó cũng là một cách để cắt giảm chi phí hưu trí: Không bao giờ về hưu. • Ta có sử dụng thời gian một cách thông minh không? Hay ta dành nhiều thời gian để lái xe lòng vòng và tìm một trạm xăng giúp ta tiết kiệm vài xu hơn là tìm một khoản vay thế chấp rẻ hơn? Nghĩ về tiền bạc chẳng những không cải thiện khả năng ra quyết định tài chính, mà đôi khi chỉ riêng hành động giản đơn là nghĩ về tiền thực ra đã thay đổi chúng ta theo cách vô cùng thâm sâu và phiền toái.1 Tiền là nguyên nhân số một của các vụ ly hôn2 và là thủ phạm hàng đầu gây căng thẳng đối với người Mỹ.3 Năng lực xử lý vấn đề thuộc mọi lĩnh vực của con người giảm sút rõ rệt khi đầu óc họ còn lấn cấn những vấn đề tiền bạc.4 Một loạt nghiên cứu cho thấy những người giàu, nhất là khi được nhắc nhở là mình giàu, thường hành xử vô đạo đức hơn người bình thường,5trong khi một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng chỉ nhìn thấy hình ảnh tiền cũng khiến con người dễ có xu hướng trộm cắp nơi công sở, thuê một đồng nghiệp ám muội, hoặc dối trá để kiếm thêm lời.6 Quả thực, nghĩ về tiền làm ta rối trí theo đúng nghĩa đen. Xét tầm quan trọng của tiền – với cuộc sống của chính ta, với nền kinh tế, với xã hội – và xét trên những thách thức mà ta gặp phải khi nghĩ về tiền một cách lý trí, ta có thể làm gì để làm sắc bén tư duy của mình? Câu trả lời chuẩn mực cho câu hỏi này thường là “giáo dục tài chính”, hay một thuật ngữ phức tạp hơn là “trang bị kiến thức tài chính”. Thật không may, những bài học trang bị kiến thức tài chính, ví như làm sao để mua một chiếc xe và tìm một khoản vay thế chấp, thường nhanh chóng bị lãng quên, và hầu như chẳng mang lại tác động dài hạn nào đối với cách hành xử của chúng ta. Vì vậy, cuốn sách này sẽ không “trang bị kiến thức tài chính” cho chúng ta hoặc bảo ta phải làm gì với tiền của mình mỗi lần ta mở ví. Thay vào đó, chúng tôi sẽ mổ xẻ một số sai lầm phổ biến nhất ta mắc phải liên quan đến tiền bạc, và quan trọng hơn, lý do tại sao ta mắc những sai lầm đó. Nhờ đó, khi phải đối mặt với quyết định tài chính tiếp theo, chúng ta có thể hiểu hơn những nguồn lực tác động và hy vọng sẽ đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Hoặc chí ít là những lựa chọn dựa trên thông tin đầy đủ hơn. Chúng tôi sẽ giới thiệu một loạt nhân vật và chia sẻ câu chuyện tiền bạc của họ. Chúng tôi sẽ tiết lộ cho bạn biết họ đã làm gì trong những tình huống tài chính cụ thể. Sau đó chúng tôi sẽ giải thích các trải nghiệm của họ dựa trên cơ sở khoa học. Một số câu chuyện có thật, còn một số chuyện khác, như phim ảnh thường nói là “dựa trên chuyện có thật”. Có những người suy nghĩ thấu đáo. Số khác lại khờ khạo. Họ có vẻ trùng khớp với một số khuôn mẫu nhất định vì chúng tôi sẽ nhấn mạnh, thậm chí phóng đại vài đặc điểm của họ nhằm tô đậm những hành vi phổ biến nhất định. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra tính nhân bản, những sai lầm, lời hứa hẹn trong mỗi câu chuyện, và âm hưởng của nó trong chính cuộc đời mình. Cuốn sách này hé lộ cách ta suy nghĩ về tiền và những sai lầm ta mắc phải khi tư duy theo lối đó. Nó bàn về khoảng cách giữa hiểu biết có ý thức của ta về sự vận hành của đồng tiền, cách chúng ta sử dụng tiền trên thực tế, với việc chúng ta nên suy nghĩ như thế nào về tiền và cách sử dụng tiền thật lý trí. Đọc xong cuốn sách này, liệu ta có khả năng sử dụng tiền khôn ngoan hơn không? Chắc chắn. Có lẽ. Một chút. Biết đâu đấy. Trong chừng mực tối thiểu, chúng tôi tin rằng việc khai mở những nhân tố phức tạp đằng sau những lựa chọn tiền bạc vẫn tiêu tốn biết bao nhiêu thời giờ và chi phối đời sống của chúng ta có thể giúp cải thiện các sự vụ tài chính mà ta đang gặp phải. Chúng tôi cũng tin rằng nhờ thấu triệt tác động của tiền bạc đối với lối tư duy của mình, chúng ta sẽ đưa ra được những quyết định phi tài chính sáng suốt hơn. Tại sao vậy? Vì các quyết định về tiền bạc của chúng ta đâu chỉ liên quan đến tiền bạc. Chính những nhân tố định hình nên hiện thực đời sống của ta trong lĩnh vực tiền bạc cũng tác động đến cách ta đánh giá những điều quan trọng trong phần còn lại của cuộc đời mình: cách ta sử dụng thời gian, quản lý sự nghiệp, giao tiếp với những người khác, xây dựng các mối quan hệ, tự thỏa mãn bản thân, và trên hết là cách ta hiểu thế giới quanh mình. Nói theo cách đơn giản, cuốn sách này sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Chừng đó đã xứng với giá bìa của nó chưa? PHẦN I TIỀN LÀ GÌ? 01 Đừng đánh cược vào nó George Jones* đang cần “xả van” chút đỉnh. Công việc thì căng thẳng, bọn trẻ không ngừng chành chọe nhau, tiền của lại eo hẹp. Vì vậy nhân chuyến du lịch cùng công ty tới Las Vegas, anh tìm đến một sòng bạc. Anh đỗ xe, miễn phí, ngoài bãi đậu nằm phía cuối một con đường xây bằng kinh phí công được giữ gìn tốt đáng ngạc nhiên và bước đi vô định, đầu cúi gằm, dấn thân vào thế giới hoàn toàn khác lạ của sòng bài. Những thanh âm đánh thức anh khỏi cơn mơ màng: ca nhạc của thập kỷ 80 cùng tiếng máy tính tiền trộn lẫn tiếng xèng xủng xoẻng và những tràng đinh đinh của hàng nghìn máy đánh bạc. Anh tự hỏi mình đã ở trong sòng bài này bao lâu. Xung quanh chẳng có chiếc đồng hồ nào, nhưng cứ nhìn những ông già bà cả đang còng lưng trước các máy đánh bạc, dễ thường một đời người đã trôi qua. Có lẽ mới năm phút. Anh mới bước qua cửa chứ đâu. Song, ngẫm lại thì, anh chẳng thể thấy lối vào hay lối ra… hay bất cứ cửa lớn hoặc cửa sổ hoặc hành lang hoặc lối thoát nào cả. Chỉ có ánh đèn chói mắt, những cô nàng phục vụ cốc-tai ăn mặc thiếu vải, biểu tượng đồng đô-la, và những con người hoặc đang ngất ngây hoặc đang đau khổ… nhưng không bao giờ ở trạng thái nào giữa hai thái cực đó cả. Chú thích: * Không phải là chàng ca sĩ, mà chỉ là một nhân vật chúng tôi bịa ra. Vì mục đích của chúng tôi, ta hãy giả định là anh ta không thể hát hò gì cả. Thậm chí karaoke cũng không. (TG) Máy đánh bạc ư? Sao lại không nhỉ? Cú quay đầu tiên của anh suýt trúng một số điểm lớn. Thế là anh dành 15 phút tiếp theo dốc tiền cho chiếc máy. Anh chẳng thắng đồng nào, nhưng cũng suýt trúng vài lần nữa. Khi ví đã cạn sạch mấy đồng mệnh giá nhỏ vớ vẩn, George rút 200 đô la ở máy ATM – không mảy may lấn cấn về 3,5 đô-la tiền phí bởi anh sẽ bù đắp nó bằng chiến thắng đầu tiên của mình – và ngồi xuống một bàn xì dách. Để đổi lấy 10 tờ 20 đô-la mới cứng, hồ lỳ đưa cho anh một chồng phỉnh nhựa màu đỏ. Trên mặt phỉnh có hình sòng bài, điểm thêm ít hình lông chim, một mũi tên và một túp lều. Mỗi phỉnh có mệnh giá 5 đô-la, nhưng cảm giác không giống tiền tí nào. Giống đồ chơi hơn. George mân mê chúng trên tay, chọi chúng xuống mặt bàn, rồi ngắm chồng phỉnh của những người chơi khác lắc lư, và giương đôi mắt thèm khát nhìn kho phỉnh đủ màu sắc của hồ lỳ. George xin cô nàng hồ lỳ “nhẹ tay” với mình. “Cưng à, theo như em được biết, anh có thể giành lấy toàn bộ chỗ này – nó có phải của em đâu.” Một nàng phục vụ xinh xắn, thân thiện mang tới cho George một ly đồ uống miễn phí. Miễn phí! Quả là một món hời! Chưa gì anh đã thắng rồi. Anh bo cho cô gái một phỉnh nhựa nhỏ. Georgechơi.Georgecónhữngphútvuivẻ.Georgecũngcónhữngphút chán nản. Anh thắng được chút ít, thua nhiều hơn. Có lúc, khi vận may có vẻ như đang đứng về phía mình, George đặt cượcgấp đôi hoặctách bài, đánh liều mất bốn phỉnh thay vì hai, sáu phỉnh thay vì ba. Rốt cuộc anh thua trắng 200 đô-la. Không hiểu bằng cách nào, mới phút này anh còn tránh không bắt chước những người chơi cùng bàn chất hàng chồng phỉnh khổng lồ trước mặt mình, đến phút sau anh đã xòe cả tập tiền để mua thêm. Một vài người trong số họ rất hiền lành, một số lại nổi đóa khi những người khác “hớt mất lá bài của mình,” nhưng không ai có vẻ là kiểu người có đủ vốn để thua liền 500 đô-la hay 1.000 đô-la trong một tiếng. Ấy thế mà chuyện này vẫn xảy ra như cơm bữa. Mới sáng sớm hôm đó, George đã quay lưng lại với quán cà phê cách nơi mình ở 10 bước chân vì anh có thể tiết kiệm 4 đô-la bằng việc pha cà phê tại phòng khách sạn. Đến tối, anh đã ném đi 40 phỉnh 5 đô-la mà không chớp mắt. Ấy, anh thậm chí còn tặng hồ lỳ một phỉnh vì đã rất lịch sự với mình. CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA? Các sòng bài đã đạt đến trình độ thượng thừa trong nghệ thuật chia rẽ ta khỏi tiền của mình, vì vậy khởi đầu ở đây có hơi bất công với chúng ta. Dẫu vậy, trải nghiệm của George đã cho ta một cái nhìn thoáng qua về một số sai lầm tâm lý mà ta thường mắc phải, thậm chí trong những bối cảnh kém hiểm độc hơn. Dưới đây là một số nhân tố đã phát huy tác dụng dưới ánh đèn rực rỡ của sòng bạc. Chúng ta sẽ mổ xẻ kỹ hơn từng điểm trong những chương sau: Tính toán cảm tính. George lo lắng về tình hình tài chính của mình – bằng chứng là quyết định tiết kiệm tiền cà phê sáng – nhưng lại vô tư nướng 200 đô-la ở sòng bài. Sự tróe ngoe này xảy ra phần vì anh ta đưa khoản tiền tiêu ở sòng bài vào một “tài khoản nhẩm tính” khác so với cà phê. Bằng việc rút tiền của mình và chuyển nó thành những miếng nhựa, anh đã mở ra một quỹ “giải trí”, trong khi các khoản tiêu dùng khác vẫn bị gắn mác “chi phí thường nhật.” Mẹo lừa này giúp anh ta có cảm giác khác biệt đối với hai loại chi tiêu, nhưng thực chất chúng đều là cấu phần của cùng một tài khoản: “tiền của George.” Cái giá của miễn phí. George vô cùng phấn khích khi được đỗ xe miễn phí và nhận đồ uống miễn phí. Tất nhiên anh không phải trực tiếp trả tiền cho chúng, nhưng những món “miễn phí” đó đã đưa George vào sòng bài trong một tâm trạng phấn chấn và làm sa sút năng lực phán đoán của anh ta. Trên thực tế, những món “miễn phí” đi kèm cái giá khá cao. Vẫn có câu rằng “những điều tuyệt vời nhất trong đời đều miễn phí.” Có lẽ. Nhưng miễn phí rốt cuộc thường khiến ta phải tốn kém theo những cách không ngờ. Nỗi đau trả tiền. George không cảm thấy mình đang tiêu tiền khi anh dùng những miếng phỉnh sặc sỡ để đánh bạc hoặc típ. Anh cảm thấy như mình đang chơi một trò chơi. Không còn cảm giác mất tiền với mỗi miếng phỉnh, không còn ý thức rõ ràng là mình đang tiêu nó, anh ta trở nên kém sáng suốt hơn trong lựa chọn và bớt cẩn trọng hơn khi cân nhắc những hệ quả nảy sinh từ quyết định của mình. Trả bằng những miếng nhựa không đem lại cảm giác thật như khi xòe tiền giấy, thế nên anh vung chúng đi không tiếc tay. Tính tương đối. 5 đô-la tiền tip mà George đưa cô nàng phục vụ – khi nhận được món đồ uống miễn phí – và khoản phí rút tiền ATM 3,5 đô-la có vẻ chẳng thấm tháp gì so với những chồng phỉnh bao quanh anh tại bàn xì dách hay 200 đô-la anh vừa rút ra khỏi máy ATM. Đó là những khoản tiền tương đối nhỏ, và vì anh chàng đang nghĩ về chúng trong tương quan tương đối, nên anh dễ dàng tiêu đi. Trái lại, vào buổi sáng hôm đó, tách cà phê giá 4 đô-la, so với cà phê 0 đô-la ở phòng khách sạn, xem chừng là một khoản tương đối đắt đỏ. Kỳ vọng. Bị vây bọc bởi hình ảnh và âm thanh của tiền – máy tính tiền, ánh đèn rực rỡ, biểu tượng đồng đô-la – George tự mường tượng bản thân mình là James Bond, điệp viên 007, người đàn ông lịch lãm luôn giành chiến thắng trên chiếu bạc hiểm độc và trước những ác nhân khét tiếng. Năng lực tự chủ. Đối với nhiều người, cờ bạc đương nhiên là một vấn đề nghiêm trọng – thậm chí còn là một chứng nghiện ngập. Tuy nhiên, vì mục đích của mình, chúng ta chỉ đơn giản kết luận rằng George, do bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng cá nhân và môi trường xung quanh, các nhân viên phục vụ ân cần, và những cơ hội “ngon ăn”, đã khó lòng cưỡng lại cám dỗ tức thời của việc đánh bạc thay vì lợi ích xa xôi từ viễn cảnh có thêm 200 đô-la khi về hưu. Tất cả những sai lầm nói trên có vẻ như chỉ là “đặc sản” nơi sòng bài, nhưng trên thực tế, toàn bộ thế giới này giống một sòng bài hơn nhiều so với mức ta chịu thừa nhận: Thậm chí năm 2016, nước Mỹ còn bầu một chủ sòng bài làm tổng thống kia mà. Mặc dù không phải tất cả chúng ta đều xả van bằng cách đánh bạc, nhưng ai cũng phải đối diện với những thách thức về việc ra những quyết định liên quan tới tính toán cảm tính, đồ miễn phí, nỗi đau trả tiền, tính tương đối, năng lực tự chủ, và nhiều thứ khác nữa. Những sai lầm George mắc phải tại sòng bạc xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống thường nhật. Những sai lầm này, về cốt lõi, bắt nguồn từ hiểu lầm căn bản của chính chúng ta về bản chất của tiền. Mặc dù đa phần chúng ta có lẽ đều tin rằng mình có một vốn kiến thức kha khá về chủ đề tiền bạc, song sự thật đáng ngạc nhiên lại là, ta không thực hiểu nó là cái gì và nó làm gì cho chúng ta, và ngạc nhiên hơn nữa, là nó tác động đến ta như thế nào. 02 Cơ hội gõ cửa Vậy, tiền đích xác là gì? Nó làm gì cho chúng ta và tác động đến ta như thế nào? Những suy nghĩ đó chắc chắn chẳng bao giờ lướt qua trí óc George khi ở sòng bạc, và nếu có, thì cũng hiếm khi lướt qua trí óc chúng ta. Nhưng chúng là những câu hỏi rất thích đáng và là một điểm xuất phát tuyệt vời. Tiền đại diện cho GIÁ TRỊ. Bản thân tiền chẳng có chút giá trị nào cả. Nó chỉ thể hiện giá trị của những thứ khác mà ta có thể mua được bằng nó. Đó là một sứ giả của giá trị. Như vậy quá tuyệt! Tiền giúp việc định giá hàng hóa và dịch vụ trở nên dễ dàng, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi. Khác với tổ tiên của mình, chúng ta không phải tốn nhiều thời gian để đổi hàng lấy hàng, cướp bóc hoặc cưỡng đoạt để có được những sản phẩm thiết yếu. Thật may mắn, vì chẳng mấy người trong số chúng ta ngày nay sử dụng thành thạo cung nỏ hoặc máy bắn đá. Tiền có một số đặc điểm đặc biệt khiến chúng trở nên cực kỳ đắc dụng: • Tiền có tính phổ biến: Ta có thể đổi nó lấy hầu như mọi thứ. • Tiền có thể được chia nhỏ: Nó có thể được dùng để mua hầu như mọi loại hàng hóa thuộc đủ kích cỡ, dù lớn hay nhỏ. • Tiền có thể được hoán đổi ngang giá trị: Chúng ta không cần một đồng tiền cụ thể nào đó, vì nó có thể được thay bằng đồng tiền khác đại diện cho cùng một giá trị. Bất cứ đồng 10 đô-la nào cũng tốt chẳng kém gì những đồng 10 đô-la khác, dù ta kiếm được nó từ đâu hoặc bằng cách nào. • Tiền có thể được lưu trữ: Nó có thể được sử dụng vào bất cứ thời điểm nào, ngay bây giờ hay trong tương lai. Tiền không cũ đi hay hư hại như xe hơi, bàn ghế giường tủ, nông sản hữu cơ, hay áo thun. Nói cách khác, bất cứ khoản lớn nhỏ của bất cứ đồng tiền nào có thể được sử dụng vào bất cứ thời điểm nào để mua (hầu như) bất cứ thứ gì. Thực tế căn cốt này giúp loài người chúng ta – các homo irrationalis, con người phi lý trí – ngừng trao đổi trực tiếp hàng-hàng với nhau và thay vào đó, sử dụng một vật tượng trưng – chính là tiền – để trao đổi hàng hóa và dịch vụ hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Điều này, đến lượt nó, lại trao cho tiền đặc điểm cuối cùng và cũng là quan trọng nhất: Nó là một HÀNG HÓA PHỔ THÔNG, nghĩa là nó có thể được sử dụng bởi bất cứ ai và cho (hầu như) bất cứ thứ gì. Khi nhìn vào tất cả những đặc tính nói trên, ta có thể dễ dàng thấy rằng không có tiền, sẽ không thể có cuộc sống hiện đại như ta biết ngày nay. Tiền cho phép chúng ta tiết kiệm, thử nghiệm những điều mới mẻ, chia sẻ, và chuyên môn hóa – trở thành giáo viên và nghệ sĩ, luật sư và nông dân. Tiền giải phóng chúng ta, nhờ đó ta có thể sử dụng thời gian và nỗ lực của mình để theo đuổi đủ loại hoạt động, khám phá tài năng và đam mê của mình, học hỏi những điều mới, và thưởng thức nghệ thuật, rượu, cũng như âm nhạc, những thứ sẽ không thể phát triển một cách huy hoàng đến thế nếu thiếu tiền. Tiền đã thay đổi cuộc sống mạnh mẽ chẳng kém gì bất cứ thành tựu của tiến bộ nào – chẳng kém gì báo in, bánh xe, điện, hay thậm chí truyền hình thực tế. Nhận thức được tiền quan trọng và đắc dụng như thế nào là rất quan trọng; tuy nhiên, thật không may là một số lợi ích của tiền đồng thời cũng là nguồn cơn gây ra những tai họa của nó. Chúng tạo ra rất nhiều khó khăn đi liền với đồng tiền. Như “triết gia vĩ đại” Notorious B.I.G đã tuyên bố, “Tiền của tôi, rắc rối của tôi.”* Chú thích: * Nguyên gốc “Mo’ Money, Mo’ Problems,”tên bài hát của rapper vắn số người Mỹ Notorious B.I.G., tên thật là Christopher George Latore Wallace và dĩ nhiên không phải triết gia nào cả! (DG) Để cân đo những phúc lành và tai họa của tiền – để thấy rằng đồng xu nào quả cũng có hai mặt (chơi chữ có chủ ý) – ta hãy nghĩ tới bản chất phổ quát của tiền. Không còn nghi ngờ gì nữa, khả năng trao đổi tiền với hầu như mọi loại vật phẩm trên đời là một điều quan trọng và tuyệt vời, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc quyết định liên quan đến tiền là một hành động có mức độ phức tạp cực kỳ cao. Dù người đời vẫn quen miệng cảm thán, song so táo với cam thực chất khá dễ dàng. Nếu ta đang đứng trước một cái đĩa có một quả cam và một quả táo, ta ắt biết đích xác mình muốn ăn quả nào trong bất cứ thời điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, khi tiền góp mặt vào, và ta phải quyết định xem liệu mình sẵn lòng trả 1 đô-la hay 50 xu cho trái táo đó, thì còn là một quyết định khó khăn hơn. Nếu giá của trái táo là 1 đô-la còn trái cam chỉ có 75 xu, quyết định lại càng phức tạp hơn. Mỗi khi tiền được thêm vào bất cứ quyết định nào, quyết định đó lại trở nên phức tạp hơn! CƠ HỘI BỊ ĐÁNH MẤT Tại sao các quyết định tiền bạc nói trên lại trở nên phức tạp hơn? Đó là do CHI PHÍ CƠ HỘI. Khi chúng ta tính đến những đặc điểm đặc biệt của tiền – rằng tiền có tính phổ biến, có thể được chia nhỏ, được lưu trữ, được hoán đổi ngang giá trị, và nhất là nó là một hàng hóa phổ thông – thì có một điều trở nên rõ ràng, đó là ta có thể làm hầu như bất cứ việc gì với tiền. Nhưng chỉ vì ta có thể làm hầu như bất cứ việc gì với nó, thế không có nghĩa là ta có thể làm mọi việc. Ta phải lựa chọn. Ta phải hy sinh; ta phải chọn sẽ không làm những gì. Như thế có nghĩa là dù có ý thức được hay không, chúng ta nhất thiết phải cân nhắc các chi phí cơ hội mỗi lần ta sử dụng tiền. Chi phí cơ hội là những lựa chọn có tính loại trừ lẫn nhau. Chúng là những thứ ta phải từ bỏ, ngay bây giờ hoặc về sau, để có thể làm việc gì đó. Đó là những cơ hội mà ta hy sinh khi ta đưa ra một lựa chọn. Ta nên nghĩ về chi phí cơ hội của tiền theo cách này: khi ta tiêu tiền vào một thứ, ta không thể tiêu món tiền đó cho một thứ khác nữa, dù là ngay bây giờ hay bất cứ thời điểm nào khác sau này. Một lần nữa, hãy thử tưởng tượng ta đang đứng trước đĩa hoa quả vừa nói ở trên, nhưng giờ ta sống trong một thế giới chỉ có hai sản phẩm – một quả táo và một quả cam. Chi phí cơ hội của việc mua một quả táo là một quả cam bị từ bỏ, còn chi phí cơ hội của việc mua một quả cam là quả táo bị từ bỏ. Tương tự, 4 đô-la mà anh bạn George của chúng ta lẽ ra định tiêu ở quán cà phê có thể đem đi mua vé xe buýt, hoặc một phần bữa trưa, hoặc đồ ăn vặt cho buổi họp hội cai nghiện cờ bạc mà anh sẽ tham gia trong vài năm tới. Cái anh ta từ bỏ không phải là 4 đô-la; mà là những cơ hội mà những đồng đô-la đó sẽ mang tới hoặc bây giờ, hoặc trong tương lai. Để hiểu rõ hơn về cả tầm quan trọng của chi phí cơ hội lẫn lý do tại sao chúng ta thất bại trong việc tính toán nó một cách đầy đủ, hãy tưởng tượng bạn được phát 500 đô-la vào mỗi thứ Hai và đây là toàn bộ số tiền bạn có thể tiêu trong một tuần đó. Vào đầu tuần, có lẽ bạn sẽ không tính đến hệ quả nảy sinh từ các quyết định của mình. Bạn không nhận ra mình đang từ bỏ khi bạn mua bữa tối hoặc gọi một món đồ uống hay rinh về chiếc áo thun đẹp đẽ mà bạn thấy ưng mắt. Nhưng món tiền 500 đô-la teo tóp dần, và khi thứ Sáu trờ đến, bạn nhận ra mình chỉ còn vỏn vẹn 43 đô-la. Bạn bỗng nhận ra rằng chi phí cơ hội quả có tồn tại và rằng những món bạn tiêu hồi đầu tuần nay đang ảnh hưởng tới khoản tiền còn lại của bạn. Quyết định mua bữa tối, đồ uống, và chiếc áo thun sang trọng hôm thứ Hai đã đẩy bạn vào một lựa chọn khó khăn vào Chủ nhật – bạn chỉ đủ tiền để mua báo hoặc ăn một chiếc bánh mì kẹp kem phô-mai, chứ không thể có cả hai. Hôm thứ Hai, bạn cũng có một chi phí cơ hội cần cân nhắc, nhưng nó không rõ ràng lắm. Giờ đây, vào Chủ nhật, khi chi phí cơ hội rốt cuộc cũng đã xuất đầu lộ diện, thì đã quá muộn (tuy nhiên, xét về mặt tích cực, chí ít trông bạn cũng khá “ra dáng” khi đọc mục thể thao với một cái bụng rỗng). Vậy, chi phí cơ hội là thứ ta nên nghĩ tới khi đưa ra các quyết định tài chính. Ta nên cân nhắc những phương án thay thế mà ta đã từ bỏ bằng việc chọn tiêu tiền ngay thời điểm này. Nhưng ta lại chưa nghĩ đủ kỹ về các chi phí cơ hội, thậm chí còn chẳng hề nghĩ đến nó. Đó là sai lầm tiền bạc lớn nhất của chúng ta và là lý do chúng ta mắc những sai lầm khác. Đó là cái nền móng xộc xệch nơi ngôi nhà tài chính của chúng ta được xây lên. BỨC TRANH RỘNG LỚN HƠN Chi phí cơ hội không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Chúng có vô vàn những nhánh rẽ khác trên quy mô toàn cầu, đúng như Tổng thống Dwight Eisenhower đã chỉ ra trong bài diễn văn năm 1953 về cuộc chạy đua vũ trang: Mỗi khẩu súng được làm ra, mỗi tàu chiến được hạ thủy, mỗi tên lửa được phóng, xét cho cùng, biểu thị một cuộc cướp bóc từ những kẻ đói khát mà không được cho cơm ăn, những người rét buốt mà không được cấp áo mặc. Thế giới vũ trang đầy mình này không chỉ đang tiêu tiền thôi đâu. Nó đang tiêu cả mồ hôi của người lao động, trí óc của các nhà khoa học, hy vọng của trẻ em. Cái giá của một máy bay ném bom hạng nặng hiện đại là những thứ này: một ngôi trường gạch khang trang cho hơn 30 thành phố. Là hai nhà máy điện, mỗi nhà máy có thể phục vụ một thị trấn với 60.000 dân. Là hai bệnh viện tốt được trang bị đầy đủ. Là chừng 50 dặm (hơn 80km) vỉa hè bê tông. Ta đánh đổi lấy duy nhất một chiếc máy bay chiến đấu bằng hơn nửa triệu dạ lúa mì. Ta đánh đổi lấy một cỗ máy hủy diệt duy nhất bằng những ngôi nhà lẽ ra có thể che mưa chắn gió cho hơn 80.000 con người. May sao, phần lớn chi phí cơ hội cá nhân mà ta đang phải đối mặt thường có giá gần tương đương với một quả táo hơn một cuộc chiến tranh. Vài năm trước, Dan và một trợ lý nghiên cứu tìm đến một đại lý Toyota và hỏi những người ở đó xem họ sẽ phải từ bỏ những gì nếu mua một chiếc xe mới. Hầu như không một ai có câu trả lời. Không một người mua nào từng dành ra dù chỉ khoảng thời gian đáng kể để ngẫm nghĩ rằng hàng chục nghìn đô-la họ sắp sửa bỏ ra cho một chiếc xe có thể được tiêu cho những thứ khác. Vì vậy, Dan cố đẩy vấn đề đi xa hơn với câu hỏi tiếp theo, và hỏi rằng có những sản phẩm và dịch vụ cụ thể nào mà họ sẽ không thể chi trả được nếu họ quyết mua chiếc xe Toyota. Hầu hết mọi người trả lời rằng nếu họ mua chiếc Toyota, họ sẽ không thể mua một chiếc Honda nữa, hoặc một vài sản phẩm thay thế đơn giản nào đó. Rất ít người trả lời rằng họ sẽ không thể đi Tây Ban Nha trong mùa hè này và Hawaii vào năm sau, hoặc họ sẽ không thể đi ăn ở mấy tiệm sang trọng hai lần một tháng trong vài năm tới đây, hoặc họ sẽ phải trả nợ khoản vay đại học thêm 5 năm nữa. Dường như họ không thể hoặc không sẵn lòng nghĩ đến khoản tiền mình sắp tiêu như một thứ năng lực mua tiềm tàng có thể mang lại cho ta một loạt trải nghiệm và hàng hóa trong tương lai. Sở dĩ có hiện tượng này là vì tiền quá trừu tượng và phổ thông đến nỗi chúng ta khó lòng tưởng tượng ra các chi phí cơ hội hoặc tính đến chúng. Về cơ bản, chẳng có suy nghĩ gì cụ thể nảy sinh trong tâm trí ta khi ta tiêu tiền, ngoại trừ món đồ mà ta chủ tâm mua về. Sự bất lực của chúng ta khi cân nhắc các chi phí cơ hội, cũng như thái độ chống đối phổ biến đối với hành động này, không chỉ giới hạn ở mua xe. Chúng ta hầu như luôn thất bại trong việc đánh giá đầy đủ các phương án thay thế. Và, thật không may, khi không cân nhắc hoặc cân nhắc thiếu kỹ lưỡng các chi phí cơ hội nói trên, khả năng cao là các quyết định được đưa ra sẽ không phục vụ lợi ích cao nhất của ta. Thử xét kinh nghiệm mua dàn âm thanh, được tổng kết bởi Shane Frederick, Nathan Novemsky, Jing Wang, Ravi Dhar, và Stephen Nowlis qua một bài luận được đặt tên hết sức đúng đắn: Opportunity Cost Neglect (tạm dịch: Chi phí cơ hội bị phớt lờ.) Trong thí nghiệm của họ, một nhóm người tham gia được cho chọn giữa một bộ dàn Pioneer 1.000 đô-la và một dàn Sony 700 đô-la. Nhóm thứ hai lại phải chọn giữa một bộ dàn Pioneer 1.000 đô-la và một gói sản phẩm, trong đó với 1.000 đô-la, họ sẽ nhận được một bộ dàn Sony cộng với 300 đô-la tiền chỉ có thể dùng để mua CD. Trên thực tế, cả hai nhóm đang phải lựa chọn tiêu 1.000 đô-la theo những cách khác nhau. Nhóm đầu tiên chọn giữa tiêu toàn bộ số tiền đó cho một bộ dàn Pioneer hoặc tiêu 700 đô-la cho bộ dàn Sony và 300 đô- la cho những thứ khác. Nhóm thứ hai chọn giữa tiêu toàn bộ số tiền cho một bộ dàn Pioneer hay tiêu 700 đô-la cho một bộ dàn Sony và 300 đô-la cho CD. Kết quả cho thấy bộ dàn Sony là lựa chọn được ưa chuộng hơn nhiều khi nó đi kèm với số CD trị giá 300 đô-la thay vì được bán riêng rẽ. Tại sao lại có kết quả này? Nói đúng ra, khoản 300 đô-la không bị ràng buộc giá trị hơn 300 đô-la chỉ được dùng để mua CD vì chúng ta có thể mua bất cứ thứ gì với số tiền không bị ràng buộc – bao gồm cả CD. Nhưng khi 300 đô-la được ấn định là chỉ có thể dành để mua CD, người tham gia lại thấy nó hấp dẫn hơn. Đó là vì 300 đô-la tiền CD cụ thể và trực quan hơn rất nhiều so với 300 đô-la của “bất cứ thứ gì.” Trong trường hợp 300 đô-la tiền CD, chúng ta biết mình sẽ nhận được gì. Nó hữu hình và dễ định giá. Khi 300 đô-la chỉ trừu tượng và chung chung, trong đầu ta không hình dung cụ thể được rằng mình sẽ tiêu dùng nó như thế nào, và những xung lực mang tính cảm xúc, động cơ tác động lên ta cũng kém mạnh mẽ hơn. Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy khi nghĩ đến tiền một cách chung chung, ta định giá nó thấp hơn là khi tiền được biểu đạt bằng một đại lượng xác định nào đó.1 Vâng, ví dụ ở đây là CD, khi đặt trong bối cảnh ngày nay cũng ngang với việc nghĩ về mức độ phát thải khí của một con khủng long lưng phiến sừng, nhưng vấn đề cốt lõi thì vẫn không thay đổi: Mọi người có vẻ ngạc nhiên khi chúng ta chỉ đơn giản nhắc nhở họ rằng có những phương án khác nhau để tiêu tiền, có thể là cho một kỳ nghỉ hoặc vào một chồng CD. Sự ngạc nhiên đó cho thấy mọi người không hề có phản xạ cân nhắc các phương án thay thế một cách tự nhiên, và một khi đã không cân nhắc các phương án thay thế, làm sao ta có thể tính đến chi phí cơ hội? Xu hướng phớt lờ chi phí cơ hội cho ta thấy khiếm khuyết cơ bản trong lối tư duy của mình. Hóa ra điểm tuyệt vời của tiền – rằng ta có thể đổi nó lấy rất nhiều thứ khác nhau ngay bây giờ và trong tương lai – đồng thời lại là lý do lớn nhất khiến các hành vi liên quan đến tiền bạc của chúng ta thành ra rắc rối như thế. Mặc dù ta nên nghĩ về tiêu pha trên phương diện chi phí cơ hội – rằng tiêu tiền ngay bây giờ vào một thứ là một sự đánh đổi với việc tiêu nó vào thứ gì đó khác – tư duy theo cách đó quá trừu tượng và khó khăn. Vì vậy, ta không làm như thế. Để làm tình hình thêm trầm trọng, cuộc sống hiện đại đã cho ta vô vàn công cụ tài chính, ví như thẻ tín dụng, các khoản vay thế chấp, các phương thức trả tiền mua xe ô tô, và các khoản vay sinh viên, càng làm mờ mịt thêm – thường là một cách có chủ đích – năng lực của ta hòng thấu hiểu những hiệu ứng tương lai của việc tiêu tiền. Khi chúng ta không thể, hoặc sẽ không nghĩ về các quyết định tiền bạc theo cách mình nên làm, ta rơi vào đủ loại đường tắt tư duy. Rất nhiều chiến lược trong số nói trên giúp ta đối mặt với tính phức tạp của tiền bạc, dù rằng chúng chưa chắc đã giúp ta làm điều đó theo những cách logic và đang mong ước nhất. Và nó thường khiến ta đánh giá không chính xác giá trị của sự vật. 03 Một đề xuất về giá trị Khi đang ở trên máy bay, con trai nhỏ của Jeff đòi anh đọc cho một câu chuyện. Mấy cuốn sách của bọn trẻ lại cất cùng hành lý ký gửi – mặc dù vợ anh đã đặc biệt nhắc nhở là phải để trong hành lý xách tay! Vậy là Jeff đành bịa ra một phiên bản khác của truyện There’s a Wocket in My Pocket! (Trong túi bạn có tóc búi!) của Dr. Seuss. Nó như thế này: Bạn sẽ trả bao nhiêu cho một giọt nước? Một tích tước? Một phẩy phước? Một lước tước? Thế còn một cái nĩa? Một cây chĩa? Một con đỉa ba đuôi nhập từ Campuchia? Dù rằng thoạt nhìn thì có vẻ Jeff đang tra tấn các hành khách xung quanh (chưa kể chính con anh ta), song những câu hỏi đó đâu có khác gì các vấn đề ta vẫn gặp phải trong đời thực? Làm sao chúng ta biết mình sẽ trả gì để đổi lấy một lon “Coca-Cola,” hay một tháng sử dụng “Netflix,” hay một chiếc “iPhone”? Mấy từ đó có nghĩa gì? Những thứ đó là cái gì? Làm thế nào chúng ta định giá được những vật phẩm mà, đối với một vị khách đến từ hành tinh khác, cũng vô nghĩa chẳng kém gì một cái Lèn đằng sau cây Đèn hay một cái Phai bên trong một cái Chai? Nếu ta chẳng hề hay biết thứ gì đó là cái gì, giá bao nhiêu, hay những người khác đã thực sự trả bao nhiêu cho nó, làm sao ta biết được phải trả giá cho chúng thế nào? Thế còn nghệ thuật? Một bức họa của Jackson Pollock thì khác gì một con đỉa ba đuôi nhập từ Campuchia? Nó cũng độc đáo và kỳ quặc hệt như nhau… và xét về tính thực tiễn thì cũng chẳng kém cạnh gì nhau. Vậy mà không hiểu sao nghệ thuật lại có một cái giá. Năm 2015, một người mua bỏ ra 179 triệu đô-la để mua cái mà tờ New Yorker gọi là một “tác phẩm tầm tầm của Picasso, sáng tác ở giai đoạn tạm-được về sau.”1 Một người khác lấy ảnh trên Instagram của mọi người – được đăng trên mạng và có thể xem miễn phí – thổi giá lên và bán được 90.000 đô-la.2 Thậm chí còn có bức ảnh chụp một củ khoai tây được bán với giá 1 triệu euro. Ai đặt ra những mức giá này? Những giá trị đó được cân đong như thế nào? Liệu có ai muốn mua tấm hình chụp mấy củ khoai tây mà ta vừa chụp bằng chính chiếc điện thoại của mình không? Ắt hẳn tất cả chúng ta đều từng nghe rất nhiều về “giá trị.” Giá trị phản ánh ý nghĩa của một vật, là cái giá ta sẵn lòng trả cho một sản phẩm hoặc dịch vụ. Về bản chất, giá trị nên biểu thị chi phí cơ hội. Nó nên phản ánh chính xác những gì ta sẵn lòng từ bỏ để đổi lấy một vật phẩm hoặc trải nghiệm. Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ đánh giá chính xác giá trị của mọi món hàng mình mua. “Cái này có ý nghĩa gì với tôi? Tôi sẵn lòng từ bỏ những gì để đổi lấy nó? Chi phí cơ hội ở đây là gì? Đó là cái giá tôi sẵn lòng trả cho nó.” Nhưng, như các tạp chí thể hình đã nhắc nhở, chúng ta không sống trong một thế giới lý tưởng: Ta không có cơ bụng sáu múi và không đánh giá chính xác giá trị. Dưới đây chỉ là một vài trường hợp đã được lịch sử ghi chép lại, trong đó con người ước định không đúng giá trị của sự vật: • Người châu Mỹ bản địa đã bán Manhattan lấy vài viên ngọc trai và đồng florin. Làm sao họ biết cách định giá một thứ – ở đây là bất động sản – mà họ chưa từng nghe nói đến bao giờ, và chẳng có cơ sở nào để tính toán? • Chi phí thuê một căn hộ ở một số thành phố lớn có thể leo lên mức 4.000 đô-la/tháng, mà xem ra chẳng mấy ai chớp mắt. Vậy mà giá xăng chỉ cần tăng thêm 15 xu cũng đủ làm chao đảo cả một cuộc bầu cử quốc gia. • Chúng ta trả 4 đô-la cho một ly cà phê ở một “quán cà phê” trong khi cũng chính món đồ uống phổ thông này vẫn được bán với giá có 1 đô-la ở cửa hàng tiện ích ngay gần nhà. • Các công ty công nghệ khởi nghiệp chẳng có xu doanh thu nào thường được định giá tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô- la, và chúng ta lại tỏ ra ngỡ ngàng khi họ không đạt được kết quả như kỳ vọng. • Có những người bỏ ra tới 10.000 đô-la cho một kỳ nghỉ dưỡng, nhưng lại lái xe lòng vòng 20 phút mỗi ngày để tìm chỗ đậu miễn phí. • Chúng ta so sánh các cửa hàng khác nhau để chọn mua điện thoại thông minh. Ta nghĩ mình hiểu mình đang làm gì, và khi mọi sự xong xuôi, ta cảm thấy mình đã đưa ra lựa chọn đúng đắn. • Vua Richard III sẵn lòng bán vương quốc của mình, toàn bộ vương quốc, để đổi lấy một con ngựa. Một vương quốc đổi một con ngựa! Ta vẫn luôn đánh giá các giá trị theo những cách có khi chẳng dính dáng gì tới giá trị cả. Nếu chúng ta là những sinh vật hoàn toàn lý trí, thì một cuốn sách về tiền sẽ viết về giá trị mà ta ấn định lên các sản phẩm và dịch vụ, vì xét một cách lý trí, tiền bằng chi phí cơ hội bằng giá trị. Nhưng chúng ta đâu có tư duy lý trí, như các cuốn sách của Dan đã chỉ ra Predictably Irrational (Phi lý trí), The Upside of Irrationality (Lẽ phải của phi lý trí), Hey Guys! We Are Sooooo Not Rational! (tạm dịch: Này, các bạn! Chúng ta đều rấấấấất thiếu lý trí!*)). Thay vào đó, chúng ta vận dụng đủ loại mẹo tư duy lắt léo để tính xem mình định giá bao nhiêu cho sự vật – chính là mức giá ta sẵn lòng trả vậy. Do đó, cuốn sách này viết về những cách thức kỳ quặc, điên rồ, và, vâng, hoàn toàn phi lý trí mà ta dùng để tiếp cận các quyết định chi tiêu và về những nguồn lực khiến ta định giá một số thứ quá cao và những thứ khác quá thấp. Chú thích: * Thực ra không (chưa) phải một tựa sách thực sự. (TG) Chúng ta coi những nguồn lực, những mẹo vặt và đường tắt này như những “chỉ dẫn giá trị.” Chúng là những chỉ dẫn mà ta tin rằng có liên hệ với giá trị thực của một sản phẩm hoặc dịch vụ, nhưng sự thật lại thường ngược lại. Tất nhiên, một số chỉ dẫn giá trị khá chính xác. Nhưng rất nhiều chỉ dẫn lại không liên quan và làm mất phương hướng, đấy là chưa kể có những chỉ dẫn còn sặc mùi thao túng có chủ đích. Ấy vậy mà ta vẫn cho phép chúng thay đổi nhận thức về giá trị của mình. Tại sao vậy? Không phải vì chúng ta thích mắc sai lầm hay thích tự gây ra những nỗi đau cho bản thân (mặc dù cũng có những nơi cho phép ta trả tiền để làm việc đó đấy). Chúng ta làm theo những chỉ dẫn đó bởi vì cân nhắc chi phí cơ hội và đánh giá giá trị là chuyện quá gian nan. Hơn nữa, ta ngày càng khó lòng tính toán được mình sẵn lòng trả giá bao nhiêu cho thứ gì đó khi thế giới tài chính cứ nghĩ ra đủ trò để khiến ta rối trí và phân tâm như thế. Động lực này chính là điểm then chốt: Chúng ta, đương nhiên, liên tục đấu tranh với bản chất phức tạp của tiền và thất bại của chính mình khi cân nhắc chi phí cơ hội. Tệ hơn, chúng ta cũng liên tục đấu tranh với những ngoại lực cố ép ta tiêu tiền nhiều hơn, thường xuyên hơn, và thoải mái hơn. Có vô số thế lực muốn ta đánh giá sai giá trị đích thực, vì sự tiêu dùng phi lý trí của chúng ta đem lại lợi nhuận cho chúng. Với ngần ấy thách thức mà ta phải đối mặt, quả là một điều kỳ diệu khi tất cả chúng ta lúc này không nằm phè giữa một căn hộ studio tỷ đô-la, uống Phai trong một cái Chai lấy từ một con Đỉa trị giá cả nghìn đô-la. PHẦN II CHÚNG TA ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ THEO NHỮNG CÁCH CHẲNG MẤY LIÊN QUAN ĐẾN GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO? 04 Ta quên mất rằng mọi thứ đều chỉ là tương đối Susan Thompkins là dì Susan của một ai đó, và ai cũng có một dì Susan của riêng mình. Dì Susan là một người phụ nữ vui tươi và đầy tình yêu thương. Dì luôn nhớ mua quà cho các cháu trai cháu gái mỗi lần đi mua đồ cho mình và các con. Dì Susan rất mê mua đồ ở JCPenney. Dì đã theo bố mẹ và ông bà đi mua sắm ở đó từ hồi còn bé tí, giúp họ nhắm những món giá hời. Lúc nào cũng có thể tìm thấy vô vàn món hàng giá tốt. Đó là một trò chơi hay ho: dì chạy loanh quanh, tìm con số lớn nhất kế bên ký hiệu phần trăm, tự hào vì đã khai quật được một kho tàng ẩn giấu. Vài năm trở lại đây, dì Susan hay kéo mấy đứa con của ông anh đi theo, chỉ cho chúng những chiếc áo len xấu điên cùng mấy bộ đồ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mà chúng “không thể bỏ qua vì đó toàn là những món hời hết sức!” Lũ trẻ chẳng mặn mà gì, nhưng dì Susan thì khác. Tìm kiếm những món hàng giá tốt vẫn là một trải nghiệm đầy phấn khích đối với dì Susan. Bỗng một ngày nọ, Ron Johnson, CEO mới của JCPenney, xóa bỏ toàn bộ ưu đãi. Ông ta thiết lập cái mà ông gọi là chính sách giá cả “hợp lý và trung thực” trong toàn ban quản trị. Không còn giảm giá, xả hàng, phiếu giảm giá, hay chiết khấu nữa. Dì Susan buồn lắm. Rồi dì nổi giận. Rồi dì cạch luôn, không thèm đến JCPenney nữa. Thậm chí dì còn cùng các bạn lập một hội trên mạng lấy tên là “Tôi ghét Ron Johnson.” Dì không đơn độc. Rất nhiều khách hàng đã rời bỏ JCPenney. Đó là một khoảng thời gian u ám cho công ty. Đó là khoảng thời gian u ám cho dì Susan. Đó là khoảng thời gian u ám cho Ron Johnson. Đó là khoảng thời gian u ám cho cả mấy chiếc áo len xấu xí nữa: Chúng đâu có tự mua được mình. Những người duy nhất vui sướng? Đám cháu của dì Susan. Một năm sau, dì Susan nghe nói chiết khấu đã quay về với JCPenney. Thận trọng, dì trở lại cửa hàng, lòng đầy cảnh giác. Dì lùng sục một giá âu phục, săm soi mấy chiếc khăn, và ngắm nghía một cục chặn giấy. Rồi dì nhìn bảng giá. Nào là “Giảm 20%”, rồi thì “Giá đã điều chỉnh giảm,” “Giá xả kho.” Ngày đầu tiên ấy, dì chỉ mua vài thứ, nhưng kể từ đó, dì trở về với tâm hồn đam mê JCPenney ngày nào. Dì lại vui vẻ như xưa. Và điều đó đồng nghĩa với thêm nhiều chuyến mua sắm, thêm nhiều chiếc áo len xấu điên, và nhiều lời cảm ơn miễn cưỡng từ miệng những người dì yêu thương. Hu-ra! JCPENNEY CHO TƯ DUY Năm 2012, Ron Johnson, CEO mới của JCPenney, quả thực đã phá nát truyền thống của Penney và cả chính sách có chút đánh lừa người tiêu dùng là điều chỉnh giá của sản phẩm tăng lên rồi lại điều chỉnh giảm. Trong nhiều thập kỷ trước khi Johnson xuất hiện, JCPenney luôn mang tới cho các khách hàng như dì Susan các phiếu thưởng, gói giảm giá, và nhiều chiết khấu của riêng chuỗi cửa hàng. Những chính sách nói trên kéo thấp “giá thông thường” của Penney, vốn bị giảm phát giả tạo để đem lại cảm giác về “những món hời,” nhưng trên thực tế, sau khi chiết khấu, giá của chúng cũng chỉ tương đương với giá ở các nơi khác. Để đi đến giá bán lẻ cuối cùng của một món đồ, khách mua và cửa hàng sẽ phải diễn một vở kịch Kabuki, trong đó họ nâng giá rồi hạ giá theo đủ mọi phương cách đầy sáng tạo, với vô vàn những ký hiệu và số phần trăm và mức cắt giảm và chiết khấu. Và họ cứ chơi trò này mãi, hết lần này tới lần khác. Thế rồi Ron Johnson biến giá cả của chuỗi cửa hàng thành “hợp lý và trung thực.” Không còn những ngày cắt phiếu thưởng, săn hàng giá tốt, không còn những mánh lới bán hàng nữa. Chỉ có giá cả thật, tương đương với giá của các đối thủ và tương đương với giá “cuối cùng” trước đây – kết quả sau khi nâng và chiết khấu giá. Johnson tin rằng chính sách mới của mình rõ ràng hơn, tôn trọng khách hàng và bớt lừa dối họ hơn (và đương nhiên, ông nghĩ đúng). Chỉ trừ việc những khách hàng trung thành như dì Susan lại ghét nó. Họ ghê tởm cái gọi là “hợp lý và trung thực.” Họ rời bỏ chuỗi cửa hàng, cau có gầm gừ vì cảm thấy mình bị lừa, bị dắt mũi và bị bội phản bởi chính thứ chi phí đúng đắn và thực tế, và chẳng ưa gì chính sách giá hợp lý, cũng như trung thực kia. Chỉ trong vòng một năm, JCPenney đánh mất số tiền khủng khiếp: 985 triệu đô-la! Và Johnson bị sa thải. Gần như ngay lập tức sau khi ông thôi việc, giá niêm yết của hầu hết các mặt hàng ở JCPenney tăng 60% hoặc hơn. Một chiếc bàn góc có giá 150 đô-la tăng lên “giá thường ngày” 245 đô-la.1 Không chỉ giá thông thường cao hơn, mà còn có nhiều lựa chọn chiết khấu hơn: Thay vì chỉ trưng mỗi giá niêm yết bằng đô-la, cửa hàng còn có cả giá “xả,” giá “gốc,” giá “khuyến nghị.” Dĩ nhiên, khi chúng ta tính toán tất cả những loại chiết khấu có sẵn – thông qua xả hàng, hoặc phiếu thưởng, hoặc những giao dịch ưu đãi đặc biệt – giá cả về cơ bản vẫn chẳng đổi khác gì. Chỉ có điều, chúng không có vẻ như thế. Giờ đây, người ta cảm thấy như JCPenney lại một lần nữa mang tới những món hàng cực hời. JCPenney của Ron Johnson mang đến những sản phẩm với mức giá trung thực hơn và đã bị hắt hủi để đổi lấy những mánh lới bán hàng. Đến giờ dì Susan vẫn còn ghét ông. Nghĩ mà xem: khách hàng của JCPenney bỏ phiếu bằng ví tiền của mình và họ đã chọn cách bị dắt mũi. Họ muốn hàng giảm giá, ưu đãi, giá sốc, kể cả nếu nó đồng nghĩa với đưa mức giá thông thường về trạng thái lạm phát như xưa – chính là điều JCPenney rốt cuộc đã làm. JCPenney – và Ron Johnson – phải trả một cái giá đắt vì đã không hiểu được tâm lý học giá cả*. Song công ty cuối cùng cũng học được rằng họ có thể làm ăn dựa trên sự bất lực của chúng ta trong việc đánh giá giá trị một cách lý trí. Hoặc, như H. L. Mencken từng nói: “Chưa một ai từng phá sản vì đánh giá thấp trí tuệ của công chúng Mỹ cả.” Chú thích: * Nếu quý độc giả có tình cờ điều hành một chuỗi cửa hàng bán lẻ và đang tính chuyện áp dụng những thay đổi căn bản trên diện rộng đối với chính sách giá cả, chúng tôi xin mạn phép khuyên bạn thử nghiệm nó ở một, hai cửa hàng trước khi nhân rộng trên toàn hệ thống. Còn nếu bạn đang tìm mọi cách để được/bị đuổi việc, nhờ thế kiếm một khoản bồi thường kha khá, thì chúng tôi xin rút lại lời khuyên nói trên. (TG) CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA? Câu chuyện về dì Susan và JCPenney cho thấy một vài trong vô vàn hiệu ứng của TÍNH TƯƠNG ĐỐI, một trong những nhân tố mạnh mẽ nhất khiến chúng ta đánh giá giá trị theo những cách chẳng liên quan mấy đến giá trị thực. Ở JCPenney, dì Susan đánh giá giá trị dựa trên giá trị tương đối, nhưng tương đối so với cái gì? Tương đối so với giá niêm yết ban đầu. JCPenney giúp dì so sánh bằng cách đăng mức chiết khấu được tính bằng phần trăm và thêm những cụm từ như “giảm giá” hoặc “đặc biệt” để giúp dì tập trung sự chú ý vào mức giá tương đối tuyệt vời mà họ đem lại. Bạn nên mua cái nào? Một chiếc áo sơ-mi được đề giá 60 đô-la hay chiếc áo sơ-mi giống hệt như thế, được đề giá 100 đô-la nhưng “Đang giảm giá 40%! Chỉ còn 60 đô-la!” Chẳng khác gì nhau, đúng không? Một chiếc áo giá 60 đô-la là một chiếc áo giá 60 đô-la, dù loại ngôn ngữ hay hình họa nào được dùng trên nhãn giá. Đúng, nhưng vì tính tương đối tác động tới chúng ta ở một mức độ rất sâu sắc, nên chúng ta không nhìn nhận hai chiếc áo nói trên như nhau, và nếu ta là một người bình thường như dì Susan, thì trăm lần như một, ta sẽ mua chiếc áo đang giảm giá – và nổi giận chỉ vì sự tồn tại của chiếc áo được đề giá chính xác 60 đô-la. Hành vi này có logic không? Không. Nó có hợp lý không khi ta đã hiểu được tính tương đối? Có. Nó có diễn ra thường xuyên không? Có. Nó có khiến một vị giám đốc mất việc không? Chắc chắn rồi. Chúng ta thường không thể đo lường giá trị của hàng hóa và dịch vụ dựa trên bản thân chúng. Xa rời thực tế, làm sao ta tính toán được trị giá của một ngôi nhà hay một chiếc bánh kẹp, dịch vụ chăm sóc y tế hay một con đỉa ba đuôi Campuchia? Khó khăn trong việc tính toán đúng giá trị của sự vật buộc ta phải tìm đến những cách thức thay thế nhằm đo lường giá trị. Đó là lúc tính tương đối xuất hiện. Khi khó có thể đo lường trực tiếp giá trị của thứ gì đó, ta so sánh nó với những thứ khác, ví như một sản phẩm cạnh tranh hay các chủng loại khác của cùng một sản phẩm. Khi so sánh các vật phẩm, chúng ta tạo ra những giá trị tương đối. Xem ra không có gì rắc rối lắm, phải không? Vấn đề không nằm ở bản thân khái niệm tính tương đối, mà ở cách ta áp dụng nó. Nếu ta so sánh mọi thứ với tất cả những thứ còn lại, ta sẽ thấy được hết các chi phí cơ hội và mọi chuyện đều ổn thỏa. Nhưng đâu có vậy. Ta so sánh vật phẩm với chỉ một thứ khác (đôi khi là hai). Đó là lúc tính tương đối có thể đánh lừa ta. 60 đô-la là tương đối rẻ so với 100 đô-la, nhưng bạn có nhớ chi phí cơ hội không? Ta nên so sánh 60 đô-la với 0 đô-la, hoặc với tất cả những thứ khác mà ta có thể mua với 60 đô-la. Nhưng ta không làm thế. Không, khi mà cũng như dì Susan, chúng ta dùng giá trị tương đối để so sánh giá hiện tại của một vật với số tiền mà nó từng trị giá (hoặc người ta bảo nó trị giá) trước khi giảm như một cách để xác định giá trị của nó. Đây là lúc tính tương đối làm ta rối trí. Giá đã giảm của JCPenney đem tới một chỉ dẫn giá trị quan trọng cho khách hàng. Không chỉ là một chỉ dẫn quan trọng, nó thường là chỉ dẫn duy nhất. Giá đã giảm – và khoản tiền tiết kiệm được mà JCPenney rêu rao – cung cấp cho khách hàng bối cảnh để thấy mỗi giao dịch mua là một món hời đến thế nào. Bảng báo giảm giá của JCPenney cung cấp cho khách hàng bối cảnh, nhưng nếu thiếu bối cảnh, làm sao ta xác định được giá trị của một chiếc áo sơ-mi? Làm sao ta biết được nó có đáng giá 60 đô-la hay không? Ta không thể. Nhưng khi đem so với cái áo giá 100 đô-la, chắc chắn chiếc áo 60 đô-la có vẻ như là một món hàng rất giá trị, đúng không? Cảm giác cứ như khi không được bỏ túi tận 40 đô-la vậy! Mau mua lấy một chiếc cho mấy thằng cháu để chúng bị bạn bè ở trường chọc quê chơi! Bằng việc loại bỏ phần giảm giá và “khoản tiết kiệm,” JCPenney đã loại bỏ một yếu tố giúp các khách hàng của họ cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn. Chỉ nhìn vào giá đã giảm đặt cạnh giá “thông thường” cho họ một thứ chỉ báo rằng mình đang đưa ra một quyết định thông minh. Nhưng đâu phải thế. NÓI MỘT CÁCH TƯƠNG ĐỐI Hãy tạm xa rời ví tiền của mình trong giây lát và cùng tìm hiểu nguyên lý của tính tương đối trên một bình diện rộng hơn. Một trong những ảo ảnh thị giác yêu thích của chúng tôi là hình vẽ các vòng tròn màu đen và ghi dưới đây: Rõ ràng vòng tròn đen bên tay phải nhỏ hơn vòng tròn đen bên tay trái, đúng không? Vấn đề là, sự thật không phải vậy. Cả hai vòng tròn đen, thật khó tin, đều bằng nhau chằn chặn. Ai không tin có thể che những vòng tròn màu ghi lại và so sánh. Chúng tôi sẽ chờ. Lý do ảo ảnh này đánh lừa được chúng ta là vì ta không trực tiếp so sánh hai vòng tròn đen với nhau, mà so sánh với các vòng tròn ở xung quanh chúng. Trong trường hợp này, đó là các vòng tròn màu ghi. Vòng tròn đen bên trái to hơn so với các vòng tròn màu ghi bao quanh nó, còn vòng tròn đen bên phải nhỏ hơn so với các vòng tròn màu ghi gần nó. Khi ta đã ấn định kích cỡ của chúng theo hướng này, thì phép so sánh giữa hai vòng tròn màu đen được dựa trên kích cỡ tương đối, chứ không phải kích cỡ tuyệt đối của chúng. Đó chính là tính tương đối về thị giác. Do yêu thích ảo ảnh thị giác, nên dưới đây là một ví dụ ưa thích khác của chúng tôi, ảo ảnh bàn cờ Adelson. Nó bao gồm một bàn cờ vua bình thường, ở một góc là một hình trụ đổ bóng xuống các ô cờ. (Để cho hợp với chủ đề của chương này, chúng tôi dùng một chiếc áo len quê mùa thay cho hình trụ.) Hai ô vuông được đánh dấu. Ô A nằm bên ngoài bóng râm, còn ô B nằm bên trong. Khi so sánh hai ô, dễ thấy ô A tối hơn nhiều, phải không? Nhưng thực ra không phải. A và B chính xác, và hầu như không thể ngờ nổi, có cùng tông màu. Ai không tin có thể lấy vật gì đó che hết những ô vuông còn lại thì khắc biết. Chúng tôi sẽ chờ. Tính tương đối đóng vai trò như một cơ chế chung cho trí não, theo nhiều cách thức và trên nhiều phương diện khác nhau của cuộc sống. Chẳng hạn, Brian Wansink, tác giả cuốn sách Mindless Eating (tạm dịch: Ăn trong vô thức,)2 đã cho thấy tính tương đối có thể ảnh hưởng đến vòng eo của ta ra sao. Việc chúng ta quyết định ăn bao nhiêu không đơn thuần dựa vào một hàm số của số lượng thức ăn ta tiêu thụ thực tế, mà bằng việc so sánh với các phương án thay thế. Chẳng hạn, nếu ta phải chọn giữa ba loại bánh hamburger trong một thực đơn, loại 227g, 284g, và 341g, khả năng cao là ta sẽ chọn loại hamburger 284g và hoàn toàn thỏa mãn khi bữa ăn kết thúc. Nhưng nếu các lựa chọn ta có là 284g, 341g, và 398g, ta sẽ dễ có xu hướng chọn loại ở giữa, và lại cảm thấy vui vẻ và hài lòng chẳng kém gì khi xơi xong chiếc bánh hamburger 341g, dù rằng ta đã ăn nhiều hơn, vốn là điều chúng ta không cần để cung cấp đủ dinh dưỡng hằng ngày hay để no bụng. Con người còn so sánh thực phẩm với những đồ vật khác có trong môi trường của mình. Ví dụ, người ta so sánh lượng thức ăn với kích cỡ đĩa đựng. Trong một thí nghiệm của Brian, anh gắn bát súp xuống bàn, rồi bảo người tham gia ăn súp đến khi nào thấy đủ thì dừng. Một số người ăn đến khi họ không muốn ăn nữa. Một nhóm người khác được ăn từ những bát súp có những ống nhỏ xíu gắn dưới đáy. Trong khi họ ăn, Brian từ từ bơm thêm một lượng súp mới không thể nhận biết bằng mắt thường vào bát. Cứ mỗi thìa súp được múc ra, một chút súp mới lại được thêm vào. Cuối cùng, những người có bát súp vô tận ăn nhiều hơn hẳn so với những người có bát súp bình thường, không được bơm thêm. Và khi anh bắt họ dừng lại sau khi họ đã ăn rất nhiều súp (và anh phải bắt họ dừng), họ nói mình vẫn còn đói. Những người ăn bát-súp-vô-tận không nhận được chỉ dẫn về sự thỏa mãn từ lượng súp họ tiêu thụ hoặc cảm giác đói hay no của chính họ. Thay vào đó, họ đánh giá sự thỏa mãn của mình bằng lượng súp vơi đi tương đối so với cái bát. (Nếu ta tiến hành thí nghiệm tương tự trong một dịp họp mặt gia đình, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sẽ cắm đầu ăn liên tục để khỏi phải nói chuyện với anh chị em, cô dì chú bác, bố mẹ ông bà.) Kiểu so sánh này không chỉ bó hẹp trong các vật thể thuộc cùng một chủng loại cơ bản, như súp hoặc hamburger. Khi nhà buôn kim cương người Ý, Salvador Assael, lần đầu tìm cách bán những viên ngọc trai đen Tahiti mà nay đã được ưa chuộng khắp nơi, chẳng ai thèm mua. Assael không nản chí, ông cũng không trộn vài viên ngọc trai đen chung với các lô hàng ngọc trắng, hy vọng nó sẽ lọt mắt xanh của ai đấy. Thay vào đó, ông thuyết phục bạn mình là nhà kim hoàn Harry Winston cho trưng bày những viên ngọc trai đen ở cửa sổ tiệm trang sức tọa lạc trên Đại lộ số 5, bao quanh chúng là kim cương cùng nhiều loại đá quý khác. Chẳng mấy chốc, những viên ngọc đen đã tạo nên một cơn sốt. Giá của chúng tăng vùn vụt. Một năm trước đây, chúng chẳng đáng một xu – có lẽ còn ít giá trị hơn con trai đã làm ra chúng. Tuy nhiên, cả thế giới đột nhiên tin rằng nếu một viên ngọc đen được coi là đủ sang trọng để có thể sánh vai với một mặt đá saphia kiều diễm, thì nó hẳn phải giá trị ghê lắm. Những ví dụ nói trên cho thấy tính tương đối là một kiểu tính toán cơ bản của trí óc con người. Nếu nó tác động đến quan niệm của ta về giá trị của những vật hữu hình như thức ăn và trang sức xa xỉ, có thể nó cũng chi phối cách ta sử dụng đồng tiền của mình theo những chiều kích vô cùng mạnh mẽ. NHỮNG VÍ DỤ TƯƠNG ĐỐI PHỔ BIẾN VỀ TÍNH TƯƠNG ĐỐI TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH Bên cạnh nỗi ám ảnh của dì Susan đối với hàng giảm giá, cùng xem xét một vài trường hợp khác, khi chúng ta để giá trị tương đối che mờ giá trị thực tế. • Khi đến đại lý ô tô, ta được mời mọc những tùy chọn gia tăng như ghế bọc da và cửa sổ trời, bảo hiểm lốp xe, gạt tàn viền bạc, và một món vô dụng mà bất cứ nhân viên bán xe điển hình nào cũng rao: sơn lót. Dân bán xe – có lẽ là nhóm chuyên gia tâm lý học nghiệp dư xảo quyệt nhất trong hàng ngũ nhân viên bán đệm và đồng bọn – biết rằng khi chúng ta đang bỏ ra 25.000 đô-la, thì những món mua thêm, ví như một đầu đọc CD nhiều đĩa giá 200 đô-la, có vẻ rẻ mạt, thậm chí là chả bõ bèn gì. Liệu chúng ta có bao giờ tự vác xác đi mua một cái đầu CD giá 200 đô-la không? Với lại, thời nay liệu còn ai nghe đĩa CD nữa? Câu trả lời là không và không. Nhưng khi nó chỉ tương đương với 0,8% tổng hóa đơn, ta rất dễ tặc lưỡi. Những cái tặc lưỡi đấy có thể bị nhân lên nhanh chóng. • Khi nghỉ dưỡng ở một khu nghỉ dưỡng sang trọng, ta thường không lấn cấn gì khi bị tính 4 đô-la cho một lon soda, dù rằng ở những nơi khác giá của nó chỉ là 1 đô-la. Một phần lý do là vì ta đang lười biếng và chỉ muốn nằm phè một chỗ như những ông hoàng bà chúa chốn bãi biển. Nhưng phần khác là vì so với hàng nghìn đô-la ta đang tiêu vào cuộc du ngoạn ở xứ sở nhiệt đới này, 4 đô-la có vẻ như chỉ là mấy xu lẻ tương đối nhỏ nhặt. • Giá bày hàng dọc lối đi dẫn ra quầy tính tiền ở siêu thị cũng áp dụng mánh khóe tương tự khi thách thức ta từ chối hàng loạt tạp chí lá cải cùng vô vàn thứ kẹo ngọt đầy đường. So với 200 đô-la thực phẩm cho cả một tuần, 2 đô-la cho một hộp Tic Tacs hoặc 6 đô-la cho một tờ tạp chí của gia đình Kardashian xem ra chẳng có gì to tát. • Chớ quên rượu! Rượu vang ngon trong các nhà hàng có giá cao hơn nhiều so với ở các cửa hàng bán rượu. Trả thêm tiền cho một ly rượu tiện lợi để uống kèm bữa tối cũng là việc hợp lý – chẳng ai muốn ăn một miếng, rồi lại chạy ra xe tợp vội một ngụm Beaujolais mua từ một tiệm ba xu – nhưng đó cũng là ví dụ khác về giá trị tương đối so với giá trị tuyệt đối. Ta sẽ không trả 80 đô-la cho một chai rượu tầm trung khi đang mua bánh khoai tây rán và một lon phô-mai chế biến dạng xịt. Nhưng nếu ta đang dùng bữa tại một trong những nhà hàng của chuỗi French Laundry sang trọng, trả tới vài trăm đô-la cho thức ăn, thì 80 đô-la cho đồ uống xem ra không đến nỗi quá đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu bạn may mắn đặt được chỗ ở chi nhánh California của nhà hàng này, tốt hơn hết nên mời nhóm tác giả của cuốn sách này tới cùng dùng bữa để kiểm chứng giả thiết nói trên. Nói đến siêu thị, Jeff vừa có một trải nghiệm thú vị khi mua hàng. Suốt bao năm trời, loại ngũ cốc yêu thích của anh luôn là Optimum Slim (tạm dịch: Thon gọn tối ưu). Với một người đàn ông có vòng hai tròn trịa, mềm mại, cùng số tuổi kha khá, và tham vọng thể dục thể thao có hạn, sản phẩm này hứa hẹn lượng thon gọn vừa vặn. Lượng tối ưu. Giá của nó tại siêu thị khu anh sống trước nay vẫn luôn là 3,99 đô- la. Thế rồi, một ngày nọ, anh nhìn lên giá hàng quen thuộc nhưng chẳng thấy nó đâu. Anh nhìn dọc rồi lại nhìn ngang. Vẫn biệt tăm biệt tích. Một cơn hoảng loạn nho nhỏ cuộn lên – thứ cảm giác vẫn xuất hiện thường xuyên do đủ loại nguyên nhân, từ thiếu đồ ăn sáng đến mất điều khiển tivi – cho tới khi một nhân viên chỉ vào chiếc hộp mới tinh đặt ở vị trí cũ. Đó là một loại ngũ cốc mang tên Nature’s Path Organic – Low Fat Vanilla (tạm dịch: Thực phẩm hữu cơ Con đường thiên nhiên – Vị vani ít béo) và ở góc trên bên trái là một khoảng nhỏ xíu với hình hộp ngũ cốc Optimum Slim cùng dòng chữ: “Bao bì mới, vẫn hương vị tuyệt vời như xưa.” Phù. Anh bỏ lọ thuốc an thần xuống và nhặt một hộp lên. Bỗng một tấm bảng hiệu trên giá đồ đập vào mắt anh. “Ngũ cốc thon gọn tối ưu, Thực phẩm hữu cơ Con đường thiên nhiên – Giá thường 6,69 đô-la. GIẢM CÒN 3,99 đô-la.” Đúng, loại ngũ cốc ưa thích của anh, trước nay vẫn có giá 3,99 đô- la, giờ đã có bao bì mới và giá mới là… 3,99 đô-la. Đã giảm từ giá “thông thường”… 6,69 đô-la. Nếu công ty tung ra loại bao gói mới để lấy đó làm lý do tăng giá thì đã đành một nhẽ. Còn nếu như siêu thị vờ như giá thông thường là giá đã giảm nhằm kích cầu lại là chuyện khác. Nhưng cùng một lúc họ lại áp dụng cả hai “võ” – làm vậy tức là đang vận dụng tính tương đối ở một mức độ nhất định. Mức độ tối ưu. Không phải siêu thị và công ty ngũ cốc đang cố lôi kéo Jeff bằng tấm biển hiệu nọ. Anh đã thích món ngũ cốc này từ lâu rồi. Họ đang chèo kèo những khách hàng mới, những người không cách nào đánh giá được giá trị của loại ngũ cốc “mới” này. Khi không có bất cứ bối cảnh nào – không có một phương cách nào để biết liệu nó có thơm ngon hay bổ dưỡng hay có bất cứ giá trị nào không – họ hy vọng khách hàng sẽ bị ấn tượng bởi cái tên mới và thực hiện phép so sánh đơn giản giữa 6,69 đô-la và 3,99 đô-la rồi đi đến kết luận: “Oa, loại ngũ cốc này, ngay bây giờ, có giá trị rất lớn!” Giả dụ thế này, ta tình cờ gặp thứ gì đó mình vẫn luôn muốn có. Hãy gọi nó là một sản phẩm tiện ích – widget (một thuật ngữ được dùng phổ biến trong sách giáo khoa kinh tế học truyền thống để chỉ chung một sản phẩm được thiết kế sao cho vừa xóa nhòa thực tế rằng giá trị của nó rất đáng ngờ, vừa nhằm làm tình làm tội những người đọc sách giáo khoa kinh tế học truyền thống). Sản phẩm tiện ích của chúng ta đang được giảm giá! Tới 50%! Thật phấn khích, phải không? Nhưng hãy khoan. Tại sao ta lại quan tâm đến vụ giảm giá? Tại sao ta lại quan tâm nó từng có giá bao nhiêu? Giá của nó trong quá khứ là bao nhiêu đúng ra chẳng có gì quan trọng, vì đấy không phải là giá hiện tại. Nhưng vì ta không có cách nào thực sự biết được sản phẩm tiện ích quý báu này đáng giá bao nhiêu, ta đành phải so sánh giá hiện tại với giá trước khi giảm (gọi là giá thông thường), và lấy đó làm chỉ báo về giá trị hiện thời cao ngất ngưởng của sản phẩm. Các món hàng giá hời cũng khiến ta cảm thấy mình đặc biệt và khôn ngoan. Chúng khiến ta tin rằng mình đã tìm thấy giá trị ở nơi những người khác không thấy. Đối với dì Susan, tiết kiệm được 40 đô-la khi mua một chiếc sơ-mi 100 đô-la cũng hệt như có thêm 40 đô-la để tiêu vào việc khác. Ở một cấp độ lý trí hơn, ta không nên đo lường giá trị của món tiền ta không tiêu – khoản 40 đô-la – mà phải đo khoản 60 đô-la mà ta đang tiêu. Nhưng đó không phải là cách ta tư duy và cũng không phải điều ta làm. Ta còn chứng kiến kiểu so sánh này ở một trường hợp khác, đó là chiết khấu số lượng (hay còn gọi là giá mua cả lố). Nếu một chai dầu gội đầu đắt tiền có giá 16 đô-la và chai có dung tích gấp đôi giá là 25 đô-la, đột nhiên chai dầu gội đắt hơn, lớn hơn bỗng trông như một món bở, khiến ta dễ dàng quên mất câu hỏi liệu mình có cần nhiều dầu gội đến thế, hay mình thậm chí có cần đến nhãn hiệu dầu gội này không. Hơn nữa, chính sách chiết khấu số lượng còn giúp che giấu thực tế rằng chúng ta chẳng có căn cứ gì để định giá thứ hỗn hợp hóa học hổ lốn đã làm nên loại dầu gội đầu này. Giá Albert Einstein là một nhà kinh tế học thay vì vật lý học, ông đã thay đổi học thuyết tương đối nổi tiếng của mình từ E = MC2thành 100 đô-la > 200 đô-la giảm một nửa. ĐÔ-LA VÀ TỶ LỆ PHẦN TRĂM Có thể chúng ta sẽ nhìn vào những ví dụ nói trên và nghĩ thầm: “Rồi, tôi đã hiểu vận dụng tính tương đối là một sai lầm.” Rất tốt! “Nhưưưưng…” có thể bạn lại nói, “những lựa chọn đó hợp lý bởi vì, tính theo tỷ lệ phần trăm số tiền mà tôi đang tiêu, các chi phí phụ trội chỉ rất nhỏ bé.” À, phải, nhưng một đồng đô-la là một đồng đô la, dù ta tiêu thêm vào việc gì hay dùng để làm gì. Tiêu 200 đô-la cho một cái đầu đọc CD nhiều đĩa chỉ vì bạn tình cờ đang mua một chiếc ô tô 25.000 đô-la là một kiểu lý luận bất hợp lý, chẳng khác gì tiêu 200 đô-la cho một cái đầu đọc CD chỉ vì ta đang tình cờ mặc một chiếc áo sơ-mi kẻ ca-rô. Chỉ có điều, ta không cảm thấy nó bất hợp lý mà thôi. Thử tưởng tượng một sáng thứ Bảy nọ, ta ra khỏi nhà với hai nhiệm vụ. Thứ nhất, ta sẽ mua một đôi giày chạy mà mình đã ngắm nghía một thời gian. Ta vào cửa hàng và chọn đôi giày thể thao giá 60 đô-la. Người bán hàng cho ta bật mí rằng ở một cửa hàng khác phía cuối phố, đôi giày giống hệt thế này đang được giảm giá còn 40 đô-la. Lái xe năm phút để tiết kiệm 20 đô-la có đáng không? Nếu chúng ta giống như đa phần mọi người, câu trả lời là có. Mua được giày rồi, ta chuyển sang nhiệm vụ thứ hai. Ta sẽ đi mua bàn ghế kê ngoài hiên vì mùa xuân cuối cùng cũng đã tới! Ta tìm thấy một bộ bàn ghế đi kèm ô che hoàn hảo ở cửa hàng bán đồ vườn tược với giá 1.060 đô-la. Một lần nữa, một nhân viên mách ta về chương trình giảm giá ở một địa điểm khác cách đó năm phút đi xe. Ở đó, ta có thể kiếm được bộ bàn ghế giống hệt chỉ với 1.040 đô-la. Lần này ta có bỏ ra năm phút để tiết kiệm 20 đô-la không? Nếu ta giống như hầu hết mọi người, thì câu trả lời lần này là không. Trong cả hai trường hợp, ta không nhìn vào giá trị tuyệt đối, đích thực được bày ra trước mắt mình: đó là 20 đô-la cho năm phút lái xe. Thay vào đó, ta cân đo 20 đô-la so với 60 đô-la và sau đó là với 1.060 đô-la. Ta so sánh lợi thế tương đối của đôi giày 40 đô-la và đôi giày 60 đô-la, và quyết định là khoản tiền đó xứng đáng với thời gian ta bỏ ra. Sau đó ta so sánh lợi thế tương đối của bộ bàn ghế 1.040 đô-la với bộ 1.060 đô-la và thấy không đáng. Trường hợp thứ nhất là khoản tiết kiệm 33%, trường hợp thứ hai là 1,9% – thế nhưng trong mỗi lần, 20 đô-la tiền tiết kiệm được là như nhau. Đây cũng là lý do tại sao chính người đã tặc lưỡi trước cái đầu đọc CD cho chiếc xe 25.000 đô-la có thể cố gắng cắt phiếu giảm giá để tiết kiệm 25 xu trên mỗi túi bim bim hoặc tranh cãi về chuyện nên típ một hay hai đô-la lúc đang ở nhà hàng. Khi tính tương đối vào cuộc, ta bỗng thấy mình đưa ra những quyết định nhanh chóng về những món mua lớn và quyết định chậm chạp về những món vặt vãnh, chung quy cũng chỉ vì chúng ta nghĩ tới tỷ lệ phần trăm của tổng chi tiêu, chứ không phải số tiền thực tế. Những lựa chọn này có logic không? Không. Đó có phải là lựa chọn đúng đắn không? Thường là không. Đó có phải là lựa chọn dễ dàng không? Chắc chắn. Đa phần chúng ta ngả theo những lựa chọn dễ dàng, trong đa số trường hợp. Đây là một trong những vấn đề lớn của chúng ta. NGHĨ RỒI HẴNG QUYẾT Ta sẽ trả lời câu hỏi nào nhanh chóng và quyết đoán hơn: “Bạn muốn ăn gì trong bữa tối?” hay “Bạn muốn ăn thịt gà hay pizza trong bữa tối?” Ở câu thứ nhất, ta được cho vô vàn phương án. Ở câu thứ hai, ta chỉ cần so sánh giữa hai lựa chọn và quyết định cái nào tương đối hấp dẫn với ta hơn trong thời điểm này. Câu hỏi thứ hai sẽ được hồi đáp nhanh chóng. Nó là phép so sánh dễ dàng hơn. Xét cho cùng, nó là một câu hỏi rất tầm thường: Trừ khi bị mắc chứng không dung nạp lactose, làm gì có ai lại bỏ pizza để chọn gà? Có điên mới chọn thế. Tính tương đối được xây dựng trên nền tảng hai nhóm đường tắt quyết định. Thứ nhất, khi không thể đánh giá giá trị tuyệt đối, ta sử dụng các phép so sánh. Thứ hai, ta có xu hướng chọn những phép so sánh dễ dàng. Aylin Aydinli, Marco Bertini, và Anja Lambrecht nghiên cứu tính tương đối bằng cách mổ xẻ các ưu đãi giảm giá qua e mail ví như chào hàng giảm giá mua theo nhóm (Groupon) – cái mà họ gọi là “khuyến mãi giá” – và thấy rằng chúng tạo ra một hiệu ứng cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ. Cụ thể là, khi gặp các khuyến mãi giá, chúng ta dành ít thời gian hơn để xem xét những phương án khác nhau. Thêm nữa, về sau, khi bị bắt phải nhắc lại chi tiết của đơn chào hàng, ta nhắc lại ít thông tin sản phẩm hơn.3 Có vẻ như chiết khấu là một thứ thuốc gây mụ óc. Chúng làm tê liệt quá trình ra quyết định của ta. Khi một sản phẩm đang được “giảm giá,” chúng ta hành động nhanh chóng hơn và suy nghĩ thậm chí còn ít hơn so với trường hợp sản phẩm có giá y hệt nhưng được đề là giá thông thường. Về cơ bản, do ta khó lòng đánh giá được giá trị thực của hầu như tất cả mọi thứ, nên khi một món đồ đang được giảm giá – khi một sự định giá tương đối được bày ra trước mắt ta – thì ta chọn ngay con đường dễ dàng và đưa ra quyết định dựa trên mức giá đã giảm đó. Khi phải lựa chọn, thay vì vất vả cân nhắc để tính ra giá trị tuyệt đối của một món đồ, thì ta lại hành động hệt như các khách hàng của JCPenney, đó là chọn con đường tương đối đỡ gập ghềnh nhất. ĐÁNH LẠC HƯỚNG VÀ CHIM MỒI Tính tương đối và khuynh hướng thích lựa chọn những phương án dễ dàng khiến ta dễ bị phơi nhiễm trước vô số tác nhân can thiệp và thao túng bên ngoài do chính những kẻ đặt ra giá cả giăng lên. Một trong những thứ như thế là các “chim mồi.” Trong cuốn Predictably Irrational (Phi lý trí), Dan sử dụng các lựa chọn đặt báo cho tờ The Economist để minh họa vấn đề tính tương đối. Trong ví dụ đó, người đọc có thể nhận được ấn phẩm báo mạng với mức phí 59 đô-la, ấn phẩm báo in với mức phí 125 đô-la, hoặc ấn phẩm báo in và báo mạng với mức phí 125 đô la. Nếu chúng ta là những kẻ thích tỏ ra ta đây già đời, như những sinh viên cao học của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mà Dan đã thử nghiệm, 84% chúng ta sẽ chọn phiên bản báo mạng và báo in với mức phí 125 đô-la. Không ai chọn riêng báo in và chỉ 16% chọn riêng báo mạng. Chúng ta quả là những người tiêu dùng sáng suốt, phải không? Nhưng nếu ta chỉ phải lựa chọn giữa hai phương án: 59 đô-la cho báo in và 125 đô-la cho gói báo in và báo mạng? Nếu chúng ta cũng giống những con người đã trả hàng nghìn đô-la học phí cho vài năm dùi mài kinh sử nữa ở MIT, ta sẽ cư xử hoàn toàn khác: 68% sẽ chỉ chọn báo mạng, trong khi 32% chọn cách trả 125 đô-la cho gói báo in và báo mạng, giảm hẳn từ mức 84% trong kịch bản đầu tiên. Chỉ bằng việc thêm vào phương án báo in kém hấp dẫn hơn hẳn – thứ mà không một ai chọn – tờ Economist đã nhân doanh số của gói báo mạng và báo in giá 125 đô-la lên gần gấp ba. Tại sao vậy? Vì phương án báo in là một thứ chim mồi, vận dụng tính tương đối để đẩy ta về phương án mua ấn phẩm trọn gói. 125 đô-la cho cả ấn phẩm báo in và báo mạng rõ ràng là lựa chọn tốt hơn 125 đô-la chỉ cho báo in. Ta thấy rằng hai phương án này gần giống nhau và dễ so sánh. Chúng tạo ra giá trị tương đối. Ta đưa ra quyết định dựa trên phép so sánh đó và cảm thấy mình khôn ngoan khi lựa chọn như vậy. Thậm chí ta còn cảm thấy mình khôn ngoan hơn nữa sau khi đã đọc vài số báo (và tất nhiên, trông ta cũng khôn ngoan hơn trong mắt các bạn bè nếu ta có một tờ The Economist quẳng bừa đâu đó trong nhà). Nhưng làm sao ta biết được mình không phải là những người đang vô thức tham gia vào một nghiên cứu để chứng minh ta thực ra chẳng khôn ngoan gì? Thí nghiệm của Dan cho thấy tính tương đối có thể (và thường xuyên) bị lợi dụng để chống lại chúng ta như thế nào. Ta so sánh phương án chỉ riêng báo in với gói báo in và báo mạng vì đó là phép so sánh đơn giản nhất, hiển nhiên nhất, và dễ dàng nhất có thể thực hiện. Vì những phương án đó gần gũi nhất với nhau xét về chất và giá, nên so sánh chúng rất đơn giản. Điều đó làm ta dễ quên đi, phớt lờ, hoặc lảng tránh những phương án khác, thứ đòi hỏi phải có một phép so sánh phức tạp hơn. Khi gặp những phép so sánh dễ dàng, chúng ta quên đi bối cảnh rộng lớn hơn, tức là những phương án thay thế – trong thí nghiệm này, đó là cả phương án 59 đô-la và phương án không tiêu đồng nào cho tờ The Economist. Chúng ta đi theo con đường của tính tương đối. Chúng ta thích tự kể cho mình nghe câu chuyện vì sao ta làm những việc ta làm, và khi ta bắt gặp tính tương đối, câu chuyện thật dễ kể. Chúng ta bị cuốn vào việc biện hộ cho hành động của mình theo cách đó, ngay cả khi lời biện hộ chẳng hợp lý mấy. ĐẶT BÁO DÀI HẠN Chào mừng bạn đến với Trung tâm đặt báo The Economist Chọn loại ấn phẩm bạn muốn mua hoặc tái tục. • Gói Economic.com – 59,00 đô-la Một năm ấn phẩm Economist.com. Bao gồm quyền truy cập trực tuyến tất cả các bài viết trên The Economist từ năm 1997. • Gói báo in – 125,00 đô-la Một năm ấn phẩm báo in The Economist. • Gói kết hợp báo in và báo mạng – 125,00 đô-la Một năm ấn phẩm báo in The Economist và quyền truy cập trực tuyến tất cả các bài viết trên The Economist từ năm 1997. Một trường hợp khác mà ta bị mắc bẫy so sánh dễ dàng – tức là sử dụng tính tương đối để đánh giá giá trị khi không có cách thức đơn giản nào khác để làm việc này – là khi ta có rất nhiều lựa chọn và không dễ gì định giá bất cứ lựa chọn nào trong số đó. Dan sử dụng ví dụ về tivi: một chiếc tivi Panasonic 36 inch giá 690 đô-la, một chiếc Toshiba 42 inch giá 850 đô-la, và một chiếc Philips 50 inch giá 1.480 đô-la. Khi phải đối mặt với những lựa chọn nói trên, đa phần mọi người chọn phương án ở giữa, chiếc Toshiba 850 đô-la. Hai món hàng rẻ nhất và đắt nhất là những biển báo giao thông dồn ta vào phương án ở giữa. Trong trường hợp này, tính tương đối không buộc ta phải so sánh một sản phẩm cụ thể với một sản phẩm khác; thay vào đó, nó hướng ta chú ý đến những thuộc tính sản phẩm cụ thể, ví như giá cả và kích cỡ, và khiến ta nhìn vào phổ của những thuộc tính đó bằng con mắt tương đối. Ta tự nhủ với mình: “Phổ giá là từ 690 tới 1.480 đô-la” hoặc “Kích cỡ nằm giữa khoảng 36 và 50 inch.” Sau đó chúng ta lựa chọn tương đối trong phổ vừa định ra – thường là thứ gì đó ở giữa. Khi chúng ta không biết thứ gì đó nên đáng giá bao nhiêu, ta tin rằng mình đang đưa ra quyết định sáng suốt nhất khi không tiêu quá nhiều tiền vào những mẫu mã sang trọng cao cấp, cũng không chọn món cơ bản rẻ tiền quá. Vì vậy ta nhắm vào món ở chính giữa, thường là thứ mà chính các nhà tiếp thị đã ra tay sắp đặt các phương án bán hàng muốn bán cho chúng ta ngay từ đầu. Mặc dù chúng ta không biết liệu đó có phải thứ mình muốn hay liệu nó có đáng đồng tiền bát gạo hay không, đi theo lựa chọn ở giữa có vẻ như là điều hợp lý. Nó chưa hẳn là lựa chọn sai, nhưng đó là một lựa chọn được đưa ra vì những lý do chẳng liên quan gì đến giá trị đích thực. Cũng giống như mua một cái áo sơ-mi 60 đô-la vì nó từng có giá 1.000 đô-la, chọn chiếc bánh hamburger cỡ trung dù các tùy chọn là 227g, 284g, và 341g hay 284g, 341g, và 398g, hoặc mua một thố bỏng ngô với giá 8 đô-la ở rạp chiếu phim chỉ vì loại thố siêu lớn giá 9 đô-la trông có vẻ to quá thể. Các chuyên gia tiếp thị, nhà thiết kế thực đơn, và các chính trị gia biết thừa, và thường dùng mánh này khi xây dựng chiến lược của mình. Giờ thì ta cũng đã biết mánh này, và với kiến thức nói trên, ta có thể nhìn thế giới một cách khách quan hơn chút đỉnh. Và biết đâu cũng vì thế mà sân chơi thương mại đã trở nên cân bằng hơn thì sao? CẢ BÓ “ỐI GIỜI” Tính tương đối cũng tác động đến khả năng đánh giá giá trị của ta khi sản phẩm được gộp thành bó, tức là khi sản phẩm cung cấp nhiều tính năng và lựa chọn. Trong những trường hợp này, tính tương đối dường như mang đến một lối thoát khỏi sự rối rắm phức tạp. Tuy nhiên, nó thực ra lại tạo cơ hội cho một loạt vấn đề khác cùng thêm nhiều hoang mang nữa. Thử xét “bữa ăn giá trị” trong ngành đồ ăn nhanh chẳng hạn. Ta có thể đặt hai món riêng rẽ, nhưng tại sao không gộp chúng lại và gọi thêm một món thứ ba chỉ với vài xu phụ trội? Muốn một chiếc hamburger và nước soda ư? Sao không thêm khoai tây chiên? Bạn có muốn nâng lên cỡ siêu lớn không? Kiểu bó lô sản phẩm này là một cái bẫy vì ta không biết đích xác phải đặt giá trị vào đâu. Khi chúng ta gặp một bó sản phẩm như thế, ta không thể dễ dàng định giá từng cấu phần riêng biệt của nó, vì nếu ta bỏ một món đồ ra, cả cơ cấu giá sẽ thay đổi. Nếu ba món có giá riêng biệt là 5 đô-la mỗi món, nhưng khi gộp lại, tổng giá chỉ là 12 đô-la, vậy thì đâu là món bị định giá quá cao ở mức 5 đô-la? Đâu là món ta nhận được chiết khấu? Hay ta đang được giảm giá cho cả ba sản phẩm? Một cốc soda đáng giá bao nhiêu ở kích cỡ nào? Thế còn giá trị của cốc lưu niệm là bao nhiêu?! Ôi thôi, tôi chọn loại thứ nhất! Làm ơn gọi cho tôi một bác sĩ chuyên khoa tim! Nếu ta nhận dạng bó sản phẩm theo cách này, ta sẽ nhanh chóng ngộ ra rằng, cuộc đời có đầy rẫy những bó sản phẩm như thế, rất nhiều bó trong số đó dường như được thiết kế cốt để làm ta rối trí. Khi chúng ta mua một ngôi nhà với giá 250.000 đô-la, đó không phải là số tiền tổng cộng thực tế mà ta sẽ chi, mà là con số ta dựa vào. Trên thực tế, chúng ta phải trả tiền đặt cọc, cộng với một món tiền hàng tháng, trong vòng 15 hoặc 30 năm, trong đó bao gồm một tỷ lệ phần trăm nhất định của số tiền cơ bản cộng với lãi ở một mức có thể hoặc không thể thay đổi. Rồi lại còn cả bảo hiểm và thuế, những thứ cũng thay đổi qua thời gian. Và các chi phí chốt hạ như phí thẩm định, phí thanh tra, phí rà soát quyền sở hữu, phí bảo hiểm, phí đại lý, phí luật sư, phí đo đạc địa hình, phí khế ước, và các loại phí sắp-sửa-được-ban-hành-thêm. Thật khó mà phân tách từng thành phần nói trên ra để tìm giao dịch hời nhất, vì thế ta gộp chúng lại và tuyên bố mình đang mua một ngôi nhà 250.000 đô-la. Dĩ nhiên, mọi nhà cung cấp dịch vụ đều muốn giấu các loại phí của mình bên trong một khoản tiền lớn, để ngụy trang cho các chi phí đó hoặc để lợi dụng khuynh hướng thích sử dụng tính tương đối của chúng ta trong trường hợp ta có nhận thấy chúng. Hoặc thử nghĩ đến việc mua một chiếc điện thoại di động mà xem. So sánh một chiếc điện thoại và gói dịch vụ đi kèm của một hãng này với điện thoại cùng các gói dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh là điều gần như bất khả thi. Xét về thiết kế, mỗi chiếc điện thoại riêng biệt đã rất khó có thể được định giá dựa trên chính bản thân nó. Tin nhắn văn bản đáng giá chừng nào nếu so với hàng gigabyte dữ liệu? Mạng 4G, phí vượt định mức, số phút, dịch vụ chuyển vùng, độ phủ sóng, trò chơi, kho lưu trữ, khả năng truy cập toàn cầu… Chúng đáng giá bao nhiêu? Thế còn dịch vụ, các loại phí và danh tiếng của nhà cung cấp thì sao? Làm sao chúng ta so sánh được một chiếc iPhone dùng mạng Verizon với một chiếc Android hoà mạng T-Mobile? Có quá nhiều nhân tố tích hợp nhỏ bé, khó có thể đánh giá giá trị tương đối của mỗi thứ được, vì vậy rốt cuộc chúng ta chỉ so sánh tổng chi phí của chiếc điện thoại và dịch vụ hàng tháng. Mà chắc gì ta đã tính được. THÀNH CÔNG TƯƠNG ĐỐI Danh sách những thứ bị ảnh hưởng bởi tính tương đối còn vượt ra ngoài những sản phẩm như điện thoại di động và áo len xấu xí. Tính tương đối tác động đến cả ý thức về giá trị bản thân của chúng ta nữa. Chúng tôi có nhiều người bạn theo học những trường danh giá nhất nước Mỹ. Xét theo mọi thước đo hợp lý, một số người đang rất công thành danh toại. Số khác, tuy nhiên, lại chỉ nghĩ về bản thân mình trong tương quan so sánh với những đồng nghiệp thuộc nhóm lãnh đạo cấp cao, các bạn hội viên cùng sinh hoạt tại các câu lạc bộ thượng lưu, và các bạn chơi golf “thành công” hơn – và do đó thường xuyên có cảm giác mình không được thành đạt lắm. Jeff vẫn còn nhớ một kỷ niệm sâu sắc, và khá đáng buồn, về cái ngày anh tham dự bữa tiệc sinh nhật được sắp đặt hết sức tinh tế của một người bạn. Khi đang đứng giữa phòng làm việc của căn hộ năm phòng ngủ, thuộc một tòa nhà có người gác cổng tọa lạc trên Đại lộ Park, được vây quanh bởi các bạn bè thân thiết cùng một gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh, đẹp đẽ, nhân vật chính thở dài và thú thực: “Tôi đã nghĩ khi đến tuổi này, mình phải sống trong một căn hộ lớn hơn cơ đấy.” Khách quan mà nói, anh ta rất nên ăn mừng thành công của mình. Nhưng, khi so sánh tương đối với một vài đồng nghiệp kiệt xuất ít ỏi khác, anh tự coi mình là một nỗi thất vọng. Thật may là với tư cách là một diễn viên hài và cây viết, Jeff không thể so sánh bản thân mình với các bạn bè làm trong ngành tài chính. Điều này giúp anh nhìn xa hơn và cho phép anh cảm thấy tương đối hạnh phúc với cuộc đời mình. May mắn hơn nữa, vợ Jeff không thể so sánh anh với một chuyên viên tài chính, mặc dù cô khẳng định mình có biết một số diễn viên hài có khiếu hài hước hơn anh. Vấn đề ở đây là, tính tương đối len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta, và có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Vung quá nhiều tiền cho một dàn âm thanh là một chuyện; còn than thở về lựa chọn cuộc đời lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Quá thường xuyên, hạnh phúc dường như không còn là tấm gương phản ánh hạnh phúc thực sự của bản thân ta, mà lại là sự phản chiếu những cách thức mà ta so sánh bản thân với những người khác. Trong đa số các trường hợp, phép so sánh đó không hề lành mạnh, cũng chẳng hay ho gì. Trên thực tế, xu hướng so sánh bản thân mình với người khác quá rõ rệt tới mức trong Kinh Thánh có hẳn một điều răn rằng chớ tham đồ của kẻ khác. Xét ở một số khía cạnh, bản thân khái niệm nuối tiếc chỉ là một phiên bản khác của so sánh. Trong tâm thế nuối tiếc, ta so sánh bản thân mình – cuộc sống của mình, sự nghiệp của mình, tài sản của mình, địa vị của mình – không phải với những người khác, mà với những phiên bản thay thế của chính mình. Chúng ta so sánh bản thân với những bản thể mà ta có thể trở thành, nếu như ta đưa ra những lựa chọn khác. Việc làm này cũng thường không lành mạnh, và chẳng hay ho gì. Nhưng thôi, đừng đi sâu quá, đừng triết lý quá mà làm gì. Đừng lo lắng về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống. Chí ít là chưa phải bây giờ. Hãy gói những cảm xúc ấy lại và cất chúng vào một cái hộp nhỏ. Hãy chia chúng ra thành từng ô. Như ta vẫn làm. 05 Chúng ta chia ô Jane Martin không ghét công việc của mình. Cô chỉ ghét những thứ đôi khi cô phải làm trong công việc đó. Cô là điều phối viên tổ chức sự kiện cho một trường cao đẳng công lập nhỏ, nhưng thỉnh thoảng cô có cảm giác như tất cả những gì mình phải điều phối là các luật lệ, quy định, và tần suất cô và các đồng nghiệp phải nói “không” với nhau. Cô cần cấp trên phê duyệt thì mới rút được tiền từ quỹ hoạt động hoặc quỹ chung hoặc quỹ cựu sinh viên. Mọi hạng mục nhỏ, từ giải trí đến khăn trải bàn đến vận chuyển, đều phải chạy qua một hệ thống tầng bậc giấy tờ ngân sách. Không chỉ các phòng ban của trường, các hội cựu sinh viên, và các sinh viên đều soi chằm chặp nhất cử nhất động của cô, sẵn sàng ném đá mọi sai sót, dù nhỏ nhất. Bên trên còn có các luật định của bang, của quốc gia. Những cuộc cãi vã giằng co về tài chính và thủ tục chẳng bao giờ ngơi ngớt, vì ai cũng muốn có một ô phê chuẩn bên cạnh tên mình. Cô yêu tổ chức sự kiện. Cô ghét phải lo lắng về giấy tờ. Tuy nhiên, khi về đến nhà, tình hình lại xoay chuyển 180 độ. Jane là một bậc thầy về chi tiết. Cô điều hành cả gia đình một cách hết sức tỉ mỉ quy củ, với một ngân sách khắc khổ, và rất khoái việc đó! Cô biết rằng mỗi tháng gia đình mình có thể tiêu một khoản tiền nhất định vào những món nhất định. 200 đô-la cho giải trí. 600 đô-la cho thực phẩm. Hàng tháng, cô cắt riêng một khoản tiền cho bảo trì nhà cửa, thuế má và chăm sóc sức khỏe, ngay cả khi cô không phải tiêu đến những món đó. Thực tế, cô còn bỏ tiền mặt cho mỗi hạng mục vào từng phong bì có dán nhãn, để nếu hai vợ chồng có muốn ra ngoài ăn tối, họ sẽ phải mở phong bì “ăn tối ngoài hàng” ra xem mình có đủ tiền cho việc này không. Cô không lên kế hoạch các kỳ nghỉ của gia đình trước quá xa. Vào cuối mỗi năm dương lịch, nếu còn tiền thừa trong phong bì bảo trì nhà cửa, thuế má, hoặc chăm sóc sức khỏe, cô sẽ gộp hết lại cho một chuyến đi vào mùa hè năm sau. Bằng phương pháp này, cô đã tiết kiệm đủ tiền cho vài chuyến nghỉ mát tuyệt vời hàng năm, chỉ trừ một năm trong 10 năm trở lại đây – con gái cô phải làm phẫu thuật đầu gối sau một chấn thương khi chơi đá bóng, do đó rút cạn quỹ nghỉ dưỡng. Jane ghét tháng Mười, vì tháng đó có tới bảy cái sinh nhật của bạn bè và người thân, nên Jane thường xuyên nướng trụi phong bì quà tặng trong chớp mắt. Năm nay, thay vì không tặng em họ Lou cái gì, hoặc vay tạm ít tiền từ phong bì giải trí rồi mua tặng cậu ta một món quà, cô dành tới bốn tiếng đồng hồ để nướng cho cậu một cái bánh từ những nguyên liệu đầu thừa đuôi thẹo. Cậu em rất sung sướng khi nhận được chiếc bánh. Còn Jane thì mệt rã rời. CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA? Jane cho ta thấy một ví dụ cực đoan về TÍNH TOÁN CẢM TÍNH, một cách thức khác mà chúng ta vận dụng để nghĩ về tiền mà không có liên quan mấy đến giá trị thực tế. Tính toán cảm tính có thể là một công cụ đắc dụng, nhưng nó thường dẫn đến ra quyết định sai lầm, nhất là khi ta không nhận thức được là mình đang sử dụng nó. Bạn còn nhớ khả năng hoán đổi ngang giá trị không? Chính là khái niệm các đồng tiền có thể được đổi ngang với nhau? Một tờ đô-la hiển nhiên có giá trị y hệt bất cứ tờ đô-la nào khác. Trên lý thuyết, điều này đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, ta thường không quy định giá trị như nhau cho mỗi đồng đô-la của mình. Các ta nhìn nhận từng đô-la tùy thuộc vào hạng mục mà ta đặt đồng đô-la này vào từ ban đầu – hay nói cách khác, tùy thuộc vào cách ta kế toán hóa nó. Khuynh hướng đặt những đồng đô-la khác nhau vào những hạng mục khác nhau – hay trong trường hợp của Jane là phong bì – chắc chắn không phải là một phương pháp lý trí để ứng xử với tiền bạc. Nhưng, xét những nỗi gian truân khi tính toán chi phí cơ hội và giá trị thực, chiến lược này giúp ta liệu cơm gắp mắm. Nó giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh hơn về cách thức chi tiêu tiền bạc. Điều đó có thể tốt, nhưng bằng việc chơi trò tính toán cảm tính, ta cũng vi phạm nguyên lý về khả năng hoán đổi ngang giá trị. Ta tước bỏ những lợi ích của nó khỏi chính tay mình – ta đơn giản hóa mọi thứ, và trong quá trình đó, ta mắc thêm vô số sai lầm tiền bạc mới. Khái niệm tính toán cảm tính được giới thiệu lần đầu tiên bởi Dick Thaler. Nguyên lý cơ bản là ta điều khiển các hành vi tài chính của mình khá giống cách các tổ chức và công ty đang làm. Nếu bạn làm việc cho một tổ chức lớn, như trường cao đẳng công lập của Jane chẳng hạn, bạn sẽ biết rằng hàng năm, mỗi phòng ban nhận được ngân sách của mình và sử dụng tùy theo nhu cầu. Nếu một ban tiêu hết khoản tiền được cấp quá sớm thì rất nguy hiểm. Các lãnh đạo ban sẽ không nhận được trợ cấp mới cho đến tận đầu năm sau. Và nếu họ còn dư tiền vào cuối năm, mọi người sẽ được sắm máy tính xách tay mới hoặc bữa tiệc tất niên sẽ có món sushi xa xỉ thay vì bánh mì và bánh rán còn thừa từ mấy hôm trước. Phương pháp phân bổ ngân sách này được áp dụng vào đời sống tài chính cá nhân của chúng ta như thế nào? Trong đời sống cá nhân, chúng ta cũng phân chia tiền của mình thành các hạng mục, hoặc các tài khoản. Nhìn chung, ta đặt ra ngân sách cho quần áo và giải trí, thuê nhà và các loại hóa đơn, đầu tư và các thú vui. Ta không nhất thiết sẽ tuân theo ngân sách này, nhưng ta có đặt ra. Và khá giống các công ty, nếu ta sử dụng hết tiền trong một hạng mục thì rất nguy hiểm; ta không thể bổ sung thêm cho nó (và nếu có, ta sẽ có cảm giác tội lỗi). Mặt khác, nếu có tiền thừa ra ở một hạng mục nào đó, ta có thể thoải mái tiêu pha. Có lẽ ta không đạt đến mức cực đoan kiểu cho tiền vào những phong bì có dán nhãn như Jane, nhưng tất cả chúng ta đều sử dụng tính toán cảm tính, ngay cả khi ta không ý thức được điều đó. Đây là một ví dụ: Tưởng tượng ta vừa tiêu 100 đô-la cho một vé tới buổi biểu diễn Broadway mới nhất. Đó là một vở nhạc kịch có sự góp mặt của những con rối Muppet mồm loa mép dải, những siêu anh hùng đáo để, các vị Tổ phụ Lập quốc, và cả những trò nhí nhố náo nhiệt ở trường trung học. Khi chúng ta tới rạp hát vào ngày khai màn, ta mở ví và kinh hoàng phát hiện ra tấm vé đã không cánh mà bay. May sao, trong ví vẫn còn một tờ 100 đô-la. Liệu ta có mua tấm vé khác không? Khi được hỏi câu trên, số đông trả lời là không. Xét cho cùng, họ đã chi tiền cho tấm vé rồi, nay tấm vé đã mất, thật quá đen. Thế rồi chúng tôi bảo họ hãy tưởng tượng là mình lại rút ví mua một tấm vé thay thế, và hỏi họ nghĩ đêm nhạc kịch đó tiêu tốn của họ bao nhiêu? Đa số mọi người nói trải nghiệm đó tiêu tốn của họ 200 đô-la – chính là chi phí tổng cộng của tấm vé thứ nhất và thứ hai. Giờ hãy tưởng tượng sự việc đã diễn tiến khác đi vào ngày có buổi biểu diễn. Ta không mua vé trước, nhưng vẫn rất háo hức về vở nhạc kịch. Khi đến rạp hát, ta mở ví và nhận ra mình đã đánh mất một trong hai tờ 100 đô-la mới cứng cựa ta có. Ôi, không! Giờ ta đã nghèo đi 100 đô- la. May sao, ta vẫn còn một tờ 100 đô-la nữa. Tuyệt! Vậy, ta sẽ mua vé hay bỏ về nhà? Trong trường hợp này, phần đông mọi người nói họ sẽ mua vé. Nói cho cùng, mất một tờ 100 đô-la có liên quan gì đến chuyện không xem nhạc kịch chứ? Và, nếu giống như đa số mọi người, ta rút tiền ra mua vé, ta cảm thấy mình đã trả bao nhiêu cho nó? Trong trường hợp này, câu trả lời phổ biến nhất chúng tôi nhận được là 100 đô-la. Mặc dù mọi người phản ứng khác nhau trước hai tình huống, song xét từ phương diện kinh tế thuần túy, về cơ bản, chúng giống hệt nhau. Ở cả hai, ta đều có một kế hoạch đi xem buổi biểu diễn và một mảnh giấy bị mất trị giá 100 đô-la (dù nó là một tấm vé hay một tờ tiền). Nhưng xét từ góc nhìn của con người, có một sự khác biệt rõ rệt. Trong một trường hợp, mảnh giấy bị mất được gọi là vé rạp hát; ở trường hợp kia, nó là tiền tệ – đồng 100 đô-la. Tại sao một mảnh giấy lại tạo ra khác biệt lớn như vậy? Tại sao hiện tượng này lại khiến ta vào xem buổi biểu diễn trong một trường hợp nhưng lại bỏ về nhà ở trường hợp khác? Và làm thế nào ta có thể tìm được vé Broadway rẻ đến thế? (100 đô-la ư? Thế giới giả định này quả là nhân ái với ví tiền quá.) Cùng quay trở lại với các công ty và ngân sách của họ trong vài giây nhé. Nếu ta đã đặt ra một ngân sách cho vé rạp hát và đã dùng cạn ngân sách ấy (ta dùng nó để mua tấm vé), ta không bơm thêm cho nó. Do đó, ta không mua tấm vé mới. Nhưng nếu một tờ tiền bị mất khỏi ví chung – thay vì được tiêu vào một món đồ nhất định – ta không có cảm giác nó bị lấy khỏi bất cứ hạng mục ngân sách nào. Vì thế, ta không thấy cần phải trừng phạt một sự thất thoát ngân sách cụ thể nào. Điều đó đồng nghĩa là vẫn còn tiền trong tài khoản vé rạp hát, vì số tiền bị mất đến từ tài khoản chi tiêu chung. Thế nên sự mất mát không ngăn ta hưởng thụ những bài ca tràn ngập tiếng chửi thề nhưng vẫn nồng nàn lòng yêu nước của bọn rối Muppet. Logic của tính toán cảm tính xem ra khá… logic. Vậy, nó có gì sai quấy đây? TÀI KHOẢN ĐÁNH LỪA Xét từ góc nhìn hoàn toàn lý trí, các quyết định chi tiêu của chúng ta không nên bị ảnh hưởng bởi những tài khoản ngân sách tưởng tượng, bất kể các tài khoản đó thuộc dạng thức, địa điểm, hoặc thời gian nào. Nhưng thực tế lại khác. Chúng ta sử dụng kiểu tính toán cảm tính này mọi lúc mọi nơi. Thử xét một số trường hợp mà ta chia tiền vào các tài khoản khác nhau nhé: 1. Chúng ta chia một số tiền vào tài khoản có lãi suất thấp, trong khi vẫn duy trì số dư trong thẻ tín dụng có lãi suất cao. 2. Jeff thường đưa gia đình đi cùng khi diễn thuyết tại những thành phố thú vị, như chuyến đi gần đây tới Barcelona. Khi điều này xảy ra, bất kể anh ấy kiếm được bao nhiêu tiền, hay chi phí đi lại là bao nhiêu, anh ấy luôn luôn bội chi. Anh ấy dễ bị chi tiêu nhiều hơn số tiền anh ấy được trả cho buổi diễn thuyết, bởi vì anh ấy đang kiếm và tiêu tiền cùng lúc. Tài khoản thu đang lớn dần che khuất tài khoản chi phí cho kỳ nghỉ đang teo tóp, do vậy, việc chi tiêu đều không được tính toán kỹ càng. Trong suy nghĩ của anh, tiền chi trả cho mỗi bữa ăn hoặc mỗi điểm giải trí không đến từ ngân sách du lịch, giáo dục hay nhà ở của gia đình anh. Nó đến từ thu nhập sau mỗi buổi diễn thuyết. Nếu chỉ đơn thuần là một chuyến du lịch cùng gia đình, anh ấy sẽ ý thức hơn về việc chi tiêu hoặc sẽ có những cân nhắc tích cực, kiểu như: “Chúng ta có thực sự cần một ly Cava nữa không?” (Xin mách nhỏ bạn: Câu trả lời cho câu hỏi này luôn là: “Có chứ. Làm ơn cho một ly nữa.”) 3. Thành phố Las Vegas là một ví dụ tuyệt vời cho việc vung tay quá trán. Tính toán cảm tính xảy ra ở mọi lúc mọi nơi. Họ thậm chí còn có một khẩu hiệu nhằm cảnh tỉnh chúng ta: “Những gì diễn ra ở Vegas vẫn sẽ ở lại Vegas.” Họ đồng thời khuyến khích những động cơ sơ khai nhất của chúng ta, và chúng ta còn cảm thấy như bắt được vàng khi tuân theo. Ta tới Vegas và bỏ hết tiền của mình vào một tài khoản Vegas trong trí óc. Nếu chúng ta thắng bạc, tuyệt, đúng là của trời cho. Nếu thua, có gì to tát đâu, ta đã tính nó là khoảng đã tiêu bằng việc đưa nó vào tài khoản Vegas. Sự thật là, ta có thể đặt nó vào bất cứ tài khoản trí óc nào ta muốn, và đó vẫn là tiền của ta; chỉ là nó không mang lại cảm giác đó mà thôi. Gary Belsky và Thomas Gilovich từng kể lại câu chuyện ngụ ngôn về người đàn ông tới sòng bạc chơi rulet với 5 đô-la trong túi. Ông ta trải qua một chuỗi vận đỏ không thể tin được, và có thời điểm thắng tới gần 300 triệu đô-la.1 Sau đó, ông đặt nhầm cửa và mất hết số tiền mình đã thắng. Khi ông quay về khách sạn, bà vợ hỏi ông thắng hay thua, ông đáp: “Anh thua 5 đô-la.” Nếu chuyện này xảy ra với ta, chắc chắn ta sẽ cảm thấy mình đã đánh mất nhiều hơn 5 đô-la, nhưng có thể ta sẽ không bị cảm giác như mình vừa để mất 300 triệu đô-la. Khoản 5 đô-la là tất cả những gì đem lại cảm giác “tiền của ta” – chính là khoản tiền ta mang đi lúc ban đầu. Ta có thể xếp từng đồng đô-la mình thu được vào đêm hôm đó, từ đồng đầu tiên cho tới đồng thứ 300 triệu vào hạng mục “tiền thắng bạc”. Vì vậy, trong trường hợp này, có thể ta đã mất 300 triệu đô-la tiền thắng bạc, nhưng ta sẽ chỉ cảm thấy mình vừa mất 5 đô-la tiền riêng. Dĩ nhiên, ta cũng đánh mất cả năng lực giao tiếp trung thực với bạn đời của mình, nhưng chuyện đó hãy để dành cho một cuốn sách khác. Không một kịch bản nào trong số nói trên còn hợp lý nữa khi ta nhận ra rằng tất cả những đồng tiền đã được tiêu, tiết kiệm, đem đánh bạc, hay mua đồ uống thực ra tới từ cùng một cái kho tiền lớn “của ta”. Việc ta dán nhãn gì cho từng món tiền không quan trọng, vì trên thực tế tất cả đều là tiền của ta. Nhưng – như chúng tôi đã giải thích trước đó – chúng ta chia tiền vào những hạng mục khác nhau trong tâm trí, và sự phân chia này chi phối cách ta nghĩ về nó kể từ thời điểm đó trở đi, chi phối cảm giác dễ chịu hay khó chịu ta cảm thấy khi tiêu nó, chi phối việc ta sẽ tiêu nó vào cái gì, và số tiền ta còn lại vào cuối tháng. TÍNH TOÁN CẢM TÍNH: MỘT VẤN ĐỀ CỰC KỲ ĐẶC BIỆT Không như đa phần các vấn đề chúng ta bàn luận trong cuốn sách này, tính toán cảm tính phức tạp hơn là chỉ một câu phán: “Vận dụng tính toán cảm tính là sai lầm.” Tính toán cảm tính – như những phương pháp khác – không phải là một cách tiếp cận tiền bạc lý trí, nhưng khi xét đến thực tế cuộc sống và những hạn chế về nhận thức của mình, nó có thể là một chiến lược hữu ích. Điều này đặc biệt đúng nếu tính toán cảm tính được sử dụng khôn ngoan. Dĩ nhiên, chúng ta không thường xuyên vận dụng nó một cách khôn ngoan, đó cũng là lý do tại sao phần còn lại của chương này tồn tại. Tạm thời hãy bàn về lý do tại sao tính toán cảm tính lại độc đáo khác biệt đã nhé. Thử tưởng tượng có ba kiểu người: 1) người tuyệt đối lý trí – con người kinh tế, homo economicus; 2) người có phần lý trí với những hạn chế về nhận thức – anh ta hoặc cô ta có thể đưa ra được quyết định tốt nhất nếu họ có thời gian và năng lực trí tuệ để tính toán cho thông suốt; và 3) người có phần lý trí với những hạn chế về nhận thức, đồng thời lại có cả cảm xúc – tức là, một con người. Đối với con người tuyệt đối lý trí – các bạn, mau dập đầu trước các chủ nhân rô-bốt của chúng ta – tính toán cảm tính rành rành là một sai lầm. Trong một thế giới tuyệt đối lý trí, ta nên đối xử với tiền trong một tài khoản hệt như cách ta đối xử với tiền ở bất cứ tài khoản nào khác. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là tiền thôi mà. Tiền là tiền là tiền. Chúng hoàn toàn có khả năng chuyển đổi lẫn nhau. Trong một thế giới tuyệt đối lý trí, chúng ta có năng lực tính toán tài chính vô tận, vì vậy chia ô là một sai lầm bởi nó xâm phạm nguyên tắc về khả năng hoán đổi ngang giá trị và ngăn ta thụ hưởng lợi ích to lớn đó của tiền. Tuy nhiên, với người có những hạn chế về nhận thức, với những giới hạn thực tế của bộ não người trong năng lực lưu giữ và xử lý thông tin, tính toán cảm tính có thể giúp ích. Trong thế giới thực, tính toán các chi phí cơ hội và những sự đánh đổi đa diện đi liền với mỗi giao dịch tài chính là chuyện thiên nan vạn nan. Tính toán cảm tính cung cấp cho chúng ta một phương pháp tự nghiệm hữu ích – hoặc một con đường tắt – để biết cần quyết định thế nào. Mỗi lần mua thứ gì đó như một cốc cà phê chẳng hạn, ta không thể nào nghĩ một cách lý trí rằng: “Ồ, với món tiền này, mình có thể mua được một chiếc quần lót, hoặc tải một bộ phim trên iTunes, hoặc mua mấy lít xăng, hoặc mua vô số thứ khác ngay bây giờ hoặc trong tương lai.” Thay vào đó, ta có thể vận dụng tính toán cảm tính để nghĩ về cốc cà phê đó như một phần của tài khoản “thực phẩm.” Bằng cách này, ta chỉ phải cân nhắc những chi phí cơ hội trong phạm vi tài khoản đó mà thôi. Nhờ thế, suy nghĩ của chúng ta hạn hẹp hơn về phạm vi, nhưng cũng dễ xử lý hơn. “Ồ, đây có thể là một nửa bữa trưa hôm nay của mình, hoặc một chầu cà phê nữa vào chiều thứ Sáu.” Nó đơn giản hóa các phép tính. Xét từ góc độ này, tính toán cảm tính vẫn không lý trí, nhưng nó hợp lý, nhất là đặt trong bối cảnh những hạn chế trong khả năng tính toán của chúng ta. Khi chúng ta đơn giản hóa bằng cách chia ô, ta không phải đắn đo về cả một thế giới chi phí cơ hội mỗi lần rút ví. Làm như thế thật quá mệt mỏi. Ta chỉ cần nghĩ tới một ngân sách nhỏ hơn – cho cà phê hoặc bữa tối hoặc giải trí – và những chi phí cơ hội trong khuôn khổ đó. Nó không hoàn hảo, nhưng nó giúp ích được cho ta. Trên thực tế, một khi ta đã nhận ra tính toán cảm tính là không lý trí nhưng có thể trở nên hữu dụng, ta có thể nghĩ cách vận dụng nó theo hướng tích cực. Điều đó đưa ta đến với kiểu người thứ ba, những người có cảm xúc, có căng thẳng, có cáu bẳn, có áp lực tiến độ và ti tỉ những việc khác cần làm! Nói cách khác: chính là Chúng ta, những Con người Đời thực. Mặc dù không đến nỗi hầu như bất khả thi như việc tính toán toàn diện những chi phí cơ hội của từng giao dịch, song làm việc này, ngay cả trong khuôn khổ những hạng mục nhỏ hơn, vẫn rất phiền toái, mà ấy là còn nói nhẹ. Nếu ta phải nghĩ đến những ưu nhược điểm của quyết định của mình mỗi lần ta mua một món đồ nào đó – cà phê, xăng, một ứng dụng, cuốn sách này – thật chẳng khác nào trên mông có một cái nhọt to tướng (xin thứ lỗi cho cách ăn nói của chúng tôi). Cũng giống như việc bắt những người ăn kiêng phải tính toán từng calo thường dẫn đến chán chường, ăn uống vô tội vạ, và bất chấp luôn mọi phép tính calo, thiết lập những hạng mục ngân sách quá phức tạp thường khiến mọi người từ bỏ luôn ý định lập ngân sách. Đó không phải là thứ giải pháp ta mong muốn. Trên thực tế, khi mọi người nói với chúng tôi rằng họ gặp khó khăn trong kiểm soát chi tiêu, chúng tôi thừa nhận rằng họ có thể lên ngân sách cho mọi khoản, nhưng chúng tôi cũng nói với họ là việc đó có thể gây nhiều phiền toái đến mức khiến họ bỏ cuộc. Thay vào đó, chúng tôi khuyên họ nên quyết định mình muốn tiêu bao nhiêu tiền cho hạng mục lớn bao gồm “vật phẩm tùy ý”: tức là những thứ họ có thể sống mà không cần tới chúng, như cà phê được ủ đặc biệt, giày dép sang trọng, hoặc một đêm chè chén. Lấy số tiền đó, tính theo tuần, và chuyển nó vào một thẻ ghi nợ trả trước. Giờ họ đã có mục chi tiêu tùy ý với một ngân sách mới toanh vào mỗi thứ Hai. Bảng cân đối trên thẻ sẽ cho thấy nó được sử dụng như thế nào và các chi phí cơ hội trong khuôn khổ hạng mục chung này, và chi phí cơ hội của các quyết định sẽ trở nên rõ ràng và tức thời hơn. Họ chỉ cần nhìn vào bảng cân đối chi tiêu tùy ý. Nó vẫn đòi hỏi ta phải bỏ chút công sức, nhưng không phiền phức như lập từng tài khoản riêng rẽ cho cà phê, bia, Uber, và phiên bản điện tử của cuốn sách này. Đây là một cách mà ta có thể vận dụng tính toán cảm tính theo hướng có lợi cho ta trong khi vừa nhận thức được tính phức tạp và những áp lực của cuộc sống thực. VẪN CÒN NHIỀU GIẢI PHÁP KHÁC Như bạn có thể thấy, tính toán cảm tính là một khiếm khuyết độc nhất vô nhị trong cách ta suy nghĩ về tiền bạc: Nhìn chung, ta không nên dính dáng tới tính toán cảm tính, nhưng vì nó đơn giản hóa cuộc sống, nên ta vẫn dùng. Do vậy, ta nên ý thức được những sai lầm mình sẽ mắc phải khi làm thế. Thừa nhận điều này cho ta thấy mình có thể tái thiết kế lại cách ta sử dụng tiền thế nào khi ta để ý tới khuynh hướng chi tiêu tự nhiên của mình và xuôi theo nó. Chúng tôi sẽ mang đến thêm nhiều bí quyết như trên – những cách giúp ta ý thức được tư duy tài chính còn khiếm khuyết của mình và sử dụng nó theo hướng có lợi cho ta – trong phần cuối của cuốn sách này. Nhưng trước hết, hãy tiếp tục khám phá những hành vi phi lý trí khác của chúng ta liên quan đến tiền bạc. Chúng tôi sẽ đưa những giải pháp còn lại vào một chương mục khác, hoặc nếu muốn, bạn có thể gọi là một tài khoản trí óc khác. HƠI HƠI KHÓ CHỊU Việc phân chia tiền thành các hạng mục ảnh hưởng tới cách ta đối xử với nó và cách ta tiêu dùng nó. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng có những cách thức rõ ràng nhằm phân chia tiền của mình. Không như một công ty, cuộc sống của ta không bị choán lấp bởi vật tư văn phòng và bảng lương. Chúng ta chia tiền của mình thành những loại tài khoản trí óc khác nhau, với những quy tắc khác nhau, tùy thuộc vào việc ta kiếm được nó bằng cách gì, ta tiêu nó ra sao, và nó khiến ta cảm thấy thế nào. Ta kiếm được món tiền này nhờ lao động hay từ một tấm vé trúng số nhặt được trên vỉa hè? Hay nó là tiền thừa kế, tiền tham ô, hay tiền có được từ nghề chơi game trực tuyến? Ví dụ, nếu ta nhận được một thẻ quà tặng của Amazon hoặc iTunes, có thể ta sẽ mua những thứ mà bình thường mình không mua nếu cùng một khoản tiền như thế tới từ suất lương của ta. Tại sao? Bởi vì một thẻ quà tặng sẽ được đưa vào tài khoản quà tặng, còn những đồng lương đổ mồ hôi, sôi nước mắt sẽ được đưa vào một tài khoản ít dễ dãi hơn, được bảo vệ cẩn mật hơn. Những tài khoản đó có quy tắc tiêu dùng khác nhau (mặc dù, xin nhắc lại, tất cả đều là tiền của chúng ta, đều có khả năng hoán đổi ngang giá trị). Người ta đã phát hiện ra một hiện tượng khá kỳ dị trong cách ta phân loại tiền, đó là những người cảm thấy tội lỗi về cách họ kiếm được tiền thường hiến một phần cho công tác từ thiện.2 Thử ngẫm mà xem: Cách ta tiêu tiền phụ thuộc vào việc ta cảm thấy thế nào về món tiền đó. Đúng – một nhân tố ẩn giấu khác có tác động đến cách ta chia ô tiền của mình chính là cảm giác nó đem lại cho ta. Ta có cảm thấy khó chịu khi nhận nó vì nó đến từ những hoàn cảnh tiêu cực không? Ta có cảm thấy nó là tiền từ trên trời rơi xuống vì đó là quà ta được tặng không? Hay ta có cảm giác dễ chịu, như thể ta đã lao tâm khổ tứ vì những đồng tiền này – đến trầy vi tróc vẩy cơ, bạn yêu ơi – nên ta xứng đáng sở hữu nó?* Chú thích: * Nhân nhắc đến câu này, cuốn sách tiếp theo của chúng tôi sẽ viết về lý do tại sao bạn không thể xóa bỏ những câu hát của bàiShe Works Hard for The Money (tạm dịch: Nàng lao động cật lực để kiếm tiền) của Donna Summer khỏi tâm trí mình. (TG) Mọi người thường có xu hướng chi lương của mình vào những thứ “đầy trách nhiệm” như trả các loại hóa đơn, vì nó đem lại cảm giác “tiền nghiêm túc.” Mặt khác, tiền mang lại cảm giác chơi chơi – ví như 300 triệu đô-la thắng bạc – khả năng cao sẽ được tiêu vào những thứ vui vẻ, như đánh bạc thêm chẳng hạn. Jonathan Levav và Pete McGraw khám phá ra rằng, khi nhận được tiền gây cảm giác tiêu cực, ta lại cố “rửa” nó. Chẳng hạn, nếu ta thừa kế tiền từ một người thân mà ta yêu quý, số tiền mang lại cảm giác dễ chịu và ta sẵn sàng tiêu nó. Nhưng nếu ta nhận được nó từ một nguồn mình không thích – trong thí nghiệm này là công ty thuốc lá Phillip Morris – món tiền mang lại cảm giác khó chịu. Vì vậy, để xóa bỏ cảm giác tiêu cực, trước tiên ta sẽ tiêu một phần vào những mục đích tích cực, như mua sách giáo trình hoặc từ thiện, thay vì những mục đích ích kỷ, như kem chẳng hạn. Sau khi một phần món tiền được dùng cho việc tốt, món tiền đã mang lại cảm giác sạch sẽ, và ta cảm thấy hoàn toàn thảnh thơi tiêu chỗ tiền còn lại cho những thứ nuông chiều bản thân hơn ví như nghỉ mát, trang sức – và cả kem nữa. Jonathan và Pete gọi đây là TÍNH TOÁN CẢM TÍNH. Rửa tiền cảm xúc có muôn hình vạn trạng. Ta có thể giặt sạch những đồng tiền cực kỳ nhơ bẩn bằng cách trước hết tiêu nó cho những việc nghiêm túc như trả sạch nợ nần, hay nhân đức như mua kem… cho một trẻ mồ côi. Khi chúng ta làm việc gì đó mà mình cho là tốt, nó triệt tiêu những cảm giác khó chịu liên quan đến món tiền, khiến chúng ta tự do tiêu pha. Kiểu rửa tiền cảm xúc này chắc chắn không lý trí, nhưng nó giúp ta cảm thấy dễ chịu.3 Có một phát biểu khá chính xác về cách ta ứng xử với tiền trong nhiều tình huống thế này: Ta không ứng xử với nó theo cách hợp lý, ta ứng xử với nó theo cách mang lại cảm giác dễ chịu. (Điều này có lẽ cũng áp dụng với cách ta ứng xử với hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, nhưng đây không phải lúc cho triết học hay chỗ cho trị liệu.) BÔNG HỒNG DÙ ĐƯỢC GỌI BẰNG CÁI TÊN NÀO KHÁC VẪN SẼ KHIẾN TA TỐN KÉM NHIỀU HƠN Theo nhiều cách đáng tiếc, chúng ta hành động y hệt các phòng kế toán tập đoàn – như khi ta sử dụng các mẹo mực kế toán để lỡm cả hệ thống hòng thu lợi cá nhân. Nếu thế, ta cũng giống một số công ty cụ thể, như Enron. Bạn nhớ Enron chứ? Công ty năng lượng tai tiếng – biểu tượng của lừa đảo cấp tập đoàn vào những năm 2000 – đã biến các nhân vật tay trong thành những kẻ giàu có không thể tưởng nổi nhờ sử dụng các thủ đoạn kế toán gian lận. Các quan chức Enron tạo ra những tài khoản ở nước ngoài để che giấu chi phí và tạo ra thu nhập ảo. Họ mua gian bán dối những sản phẩm phái sinh từ những sản phẩm về cơ bản chỉ là hư cấu. Toàn bộ hoạt động kế toán của họ được “giám sát” bởi một công ty kiểm toán do chính họ cấp vốn. Họ là những kẻ lừa đảo. Họ làm việc đó giỏi đến mức thậm chí chính họ cũng bắt đầu tin vào logic của phương pháp kế toán gian lận mà mình nghĩ ra. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chủ yếu là sản phẩm tích tụ của các loại thủ đoạn kế toán – một số nhân vật trong ngành tài chính tạo ra tiền từ chính bản thân tiền, chỉ nhờ việc luân chuyển nó, chia nhỏ nó ra, rồi lại bán đi. Đứng từ trên đỉnh, họ rà soát và tráo đổi các dòng vốn giữa các tài khoản khi có cơ hội, khi có lời, và khi nó đem lại lợi ích cho họ. Chúng ta cũng thực hiện những mẹo mực kế toán tương tự với chính mình. Ta quẹt thẻ tín dụng để mua nhiều thứ khác nhau rồi nhanh chóng lãng quên chúng. Ta vay từ khoản tiền mình dự định tiết kiệm. Ta không nghĩ tới những hóa đơn lớn khi chúng không thuộc về ngân sách hàng tháng. Ta luân chuyển tiền giữa quỹ tiết kiệm và quỹ séc và quỹ dự phòng đột xuất để có thể làm việc gì đó “đặc biệt” với chúng. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian, các mẹo mực kế toán của chúng ta không gây ra khủng hoảng kinh tế trên quy mô thế giới. Trong phần lớn thời gian, chúng chỉ gây khủng hoảng tương lai tài chính cá nhân của chính ta mà thôi. Phần lớn thời gian là vậy. Ừ thì, có lẽ chúng ta không xấu xa như Enron và các một số tập đoàn khác trong những năm chuyển giao của thế kỷ mới, nhưng ta cũng làm không ít trò ám muội với tính toán cảm tính. Ta dễ dàng bị lầm đường lạc lối bởi cảm xúc, tính ích kỷ, thói bốc đồng, tình trạng thiếu kế hoạch hóa, tư duy ngắn hạn, thói quen tự lừa dối mình, áp lực bên ngoài, sự tự biện hộ, cảm giác hoang mang, và lòng tham. Ta có thể coi đây là 10 Tội lỗi Tài chính. Không phải là những Tội lỗi Chết người, nhưng chắc chắn không tốt lành gì. Và cũng giống như các Enron của thế giới, phòng tính toán cảm tính của chúng ta được giám sát bởi một nhóm kiểm toán viên lười biếng, những kẻ không muốn phải nghĩ ngợi quá nhiều, yêu thích khoái cảm tiêu pha, và bị đè nặng bởi tình trạng xung đột lợi ích cố hữu. Chúng talà những kiểm toán viên của chính mình. Chúng ta là con cáo canh chuồng gà tài chính của bản thân. Hãy tưởng tượng đã đến bữa tối và ta đang đói ngấu. Ta đã đặt đồ ăn giao tận nhà hôm qua và lên kế hoạch tự nấu cho tối nay, nhưng lại chưa đi chợ. Ngân sách của ta nói ta không nên ăn ngoài hàng, nhất là không phải ở nhà hàng mới mở sành điệu ở cuối phố. Hôm nay các bạn ta dĩ nhiên đều ra ngoài ăn tối cả, nhưng ta sẽ nấu nướng món gì đó ở nhà và bỏ khoản tiền mình không tiêu đến vào một tài khoản hưu trí sẽ sinh lãi đơn lãi kép cho đến ngày ta bước sang tuổi 80. Đến lúc đó, ta sẽ có đủ tiền để đi ăn hàng quanh năm suốt tháng. Nhưng ta quên không tự hỏi mình: “Jane Martin hoặc Moses sẽ làm thế nào nhỉ?” Thế là ta gọi cho cô bảo mẫu và một tiếng sau, ta đã yên vị tại bàn, một ly cốc-tai đắt tiền trên tay. Ta đã hứa với bản thân là mình sẽ ăn những món rẻ tiền và lành mạnh. Nhưng nhìn thực đơn tuyển chọn này mà xem! Ta nghĩ mình sẽ ăn thịt gà, nhưng con tôm hùm rưới sốt rượu bơ kia đã giơ chiếc càng căng bóng ra và kẹp vào cái cổ họng đầy háo hức của ta. “Giá thị trường.” Không tệ; nghe nói năm nay dân vùng Maine thu hoạch khá lắm. Thế là ta gọi tôm hùm và chùi nhẵn nhùi nhụi từng giọt nước sốt béo ngậy bằng những lát bánh mì nướng dày cui. Ta cũng nghĩ mình sẽ sống nhờ nước vòi, nhưng ta lại nói “Vâng, được!” trước chai Pinot sang trọng. Ta thực sự nên bỏ qua món tráng miệng, nhưng... ối trời ơi, bánh phồng ba lớp phủ kìa! Đến khi hóa đơn được bưng ra, ta đã đi quá xa, vượt quá cao khỏi mức 6 đô-la hoặc tầm đó, tương đương với giá một bát mì và một quả cam ở nhà. Ta đã vi phạm những quy tắc ăn uống và kế toán tài chính của chính mình, nhưng chả có một ai ở đó để tuýt còi ta cả. Ta không cảm thấy tội lỗi gì về chuyện ăn uống và tiêu pha. Nói cho cùng, ta phải ăn thứ gì đó và ta xứng đáng được hưởng một chầu thỏa thuê sau một tuần dài đằng đẵng, đúng không? Vả lại, sau khi hơi quá chén, ta mất luôn năng lực nhận thức để có thể nghĩ đến những thứ nhàm chán như tiết kiệm hay trang trải các hóa đơn. Dù phi lý trí, song tính toán cảm tính, cũng như kế toán doanh nghiệp, có thể trở nên hữu ích nếu được sử dụng thận trọng. Các hạng mục ngân sách có thể giúp chúng ta lên kế hoạch tài chính cho mình và kiểm soát chi tiêu. Song, cũng như kế toán doanh nghiệp, tính toán cảm tính không phải là phương thuốc trị bách bệnh, vì nó vẫn hàm chứa rất nhiều khoảng xám. Cũng như một số công ty lợi dụng nhiều thủ thuật né thuế bằng “kế toán sáng tạo,” chúng ta cũng làm điều tương tự với logic chi tiêu linh hoạt của mình. Ta không quản lý nổi tiền bạc của mình khi không dùng hạng mục nào, nhưng khi đã sử dụng rồi, ta lại xào xáo cách phân loại các khoản chi tiêu. Ta thay đổi quy tắc và bịa ra những câu chuyện cho phù hợp với ý thích nhất thời của mình. Mark Twain từng mô tả một trường hợp thao túng luật lệ một cách sáng tạo như thế. Sau khi tự hạn chế bản thân mỗi ngày chỉ được hút một điếu xì gà, ông bắt đầu mua những điếu xì gà ngày càng lớn hơn, cho đến khi ông có hẳn xì gà được đặt làm riêng với kích thước mà ông “có thể dùng làm gậy chống cũng được.”4 Các nhà khoa học xã hội gọi kiểu ghi sổ sáng tạo này là TÍNH TOÁN CẢM TÍNH DỄ UỐN. Chúng ta chơi trò tính toán cảm tính dễ uốn khi ta cho phép mình phân loại các chi phí một cách mơ hồ, và khi ta “phát huy óc sáng tạo” bằng việc đưa chi phí vào các tài khoản trí óc khác nhau. Xét theo một phương diện, nó giúp ta đánh lừa người sở hữu tài khoản (là chính chúng ta). Nếu hoạt động tính toán cảm tính của ta không dễ uốn, ta sẽ bị bó cứng bởi các quy tắc về thu nhập và chi tiêu. Nhưng vì nó dễ uốn, nên ta thao túng các tài khoản trí óc để biện hộ cho việc tiêu pha của mình, cho phép ta có được cái thú xa xỉ là tiêu xài quá trớn mà vẫn cảm thấy thoải mái thảnh thơi. Nói một cách khác, dù biết ngân sách của mình không cho phép, song ta vẫn tìm cách để biến bữa tối ngoài hàng thành sự thực. Có thể ta đã chuyển bữa ăn từ tài khoản “thực phẩm” sang tài khoản “giải trí.” Có thể ta đột nhiên quyết định là đưa con cái vào đại học không phải là trách nhiệm của mình. Về cơ bản, ta hành xử như một Enron “tự đá bóng, tự thổi còi”, chơi trò lập lờ đánh lận con đen với các kế hoạch tài chính để thỏa mãn những ham muốn tức thời. Ta sẽ không phải vào tù vì nó, nhưng ta đã vi phạm những quy tắc của chính mình. Ta phá bỏ bức tường ngăn cách giữa thực phẩm và giải trí, để rồi cả một núi tội lỗi – một núi tội lỗi phủ dưới ba lớp sốt ngon lành – được tháo cũi sổ lồng. Không chỉ thay đổi cách mình sử dụng những hạng mục khác nhau, ta còn thay đổi những quy tắc định nghĩa chính những hạng mục đó. Khi ta có một thói quen chả-hay-ho-gì như chơi xổ số hay hút thuốc, ta thường đặt ra những quy tắc tùy tiện cho những lúc ta tự cho phép mình mua chúng. “Mình sẽ chỉ mua vé Powerball nếu giải độc đắc lớn hơn 100 triệu đô-la.” Dĩ nhiên, quy tắc này quá ngớ ngẩn vì chơi xổ số là một quyết định tồi dù giải độc đắc có trị giá bao nhiêu. Làm thế chẳng khác nào nói rằng: “Mình sẽ chỉ hút thuốc lá vào những ngày có mây mù nhẹ.” Song quy tắc khiến ta có cảm giác thoải mái hơn trước một lựa chọn mà ta đã biết tỏng là tồi tệ. Đương nhiên, ta dễ dàng chắp vá nên những thứ quy tắc tự định này bất cứ khi nào thuận tiện – khi cả văn phòng cùng góp tiền mua vé số, hay khi ta đang đứng chờ trong một hàng người dài dằng dặc ở quầy thanh toán, hay khi tâm hồn ta đang treo ngược cành cây, hay khi ta vừa trải qua một ngày nhọc nhằn và ta cảm thấy mình xứng đáng được xả hơi. Bởi ta là những người đề ra quy tắc, và thường là những người duy nhất biết chúng tồn tại, nên thật dễ thay đổi, chỉnh sửa, hay vượt quyền chúng với những luật lệ mới mà không lo bị phản ứng. (“Luật giải độc đắc tối thiểu 100 triệu đô-la có thể bị miễn trừ đối với tất cả các vé số mua khi mặc quần màu nâu.”) Cơ quan lập pháp nội tâm của ta chắc chắn sẽ phê chuẩn, dù các phe phái có giằng co đến đâu, dù quá trình cân nhắc có ít ỏi thế nào. TIỀN XẤU ĐUỔI TIỀN TỐT Hãy tưởng tượng là ta quả thực nhận được một món tiền từ trên trời rơi xuống, ví như một khoản trúng số khiêm tốn hay thù lao diễn thuyết tại Barcelona chẳng hạn. Chẳng cần nghĩ ngợi quá nhiều, ta có thể dễ dàng tiêu nó hết lần này tới lần khác, cho phép cảm giác phấn chấn đến từ tài khoản phụ trội dễ kiếm, không vương chút tội lỗi này thấm cả vào những tài khoản khác đang teo tóp dần của ta. Ta vung vinh xả láng, tự nhủ với mình rằng những món chi này đã được trang trải bằng khoản tiền trời cho, ngay cả khi ta đã nướng sạch tài khoản đó từ đời nào. Chẳng hạn, khi ở Barcelona, Jeff đã biện minh cho vài món mua thêm (thường là rượu tăm, nhưng không phải lúc nào cũng vậy!) bằng suy nghĩ rằng mỗi món nói trên chỉ là một khoản rút từ thù lao diễn thuyết mà thôi. Ở thời điểm đó, thật dễ coi mỗi món mua là một khoản chi đặc biệt để ăn mừng màn diễn thuyết của anh. Trên thực tế, tất cả những cuộc chiêu đãi nho nhỏ đó cộng vào thành một món khá lớn, nhưng anh không bao giờ nghĩ về nó theo cách đó. Chí ít là cho tới khi anh trả hóa đơn thẻ tín dụng vào một tháng sau. (Phần sau sẽ bàn thêm về thẻ tín dụng) Tính toán cảm tính dễ uốn còn cho phép ta ăn dần ăn mòn các khoản tiết kiệm dài hạn để phục vụ bất cứ nhu cầu hoặc ham muốn hiện tại nào mới nảy sinh. Nó cho phép chúng ta tiêu lạm vào tiền chăm sóc sức khỏe khi một tình huống khẩn cấp xuất hiện. Nó cho phép ta tạo ra những hạng mục ngân sách hoàn toàn mới chỉ với một ý nghĩ bất chợt; tệ hơn nữa, một khi ta đã có mục dòng mới này, thì chi tiêu cho nó sẽ trở nên dễ dàng hơn trong tương lai. Ai mà biết được trên đời lại có một mục riêng cho “Ăn mừng đã sống sót qua ngày thứ Tư với ưu đãi Giờ Vui vẻ” và rằng nó lặp lại mỗi tuần? Có những lúc ta đã thành công trong việc tiết kiệm tiền trong một mảng nào đó, ta lại tưởng thưởng cho bản thân bằng cách tiêu tiền vào những món xa xỉ chẳng liên quan mà thông thường ta không mua bao giờ, mặc dù mục đích của việc tiết kiệm ở một tài khoản trí óc không phải là để tiêu pha ở một tài khoản khác. Khi điều này xảy ra – tuy không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng khá thường xuyên – ta đang tưởng thưởng cho hành vi tốt bằng hành vi xấu, do đó trực tiếp làm xói mòn hành vi tốt. Tiết kiệm thêm 100 đô-la mỗi tuần là một khởi đầu tốt, nhưng ăn mừng việc tiết kiệm bằng cách tiêu 50 đô-la cho một thứ mà trong những trường hợp khác ta sẽ không mua – như một bữa tối hay một món quà chẳng hạn – không giúp ích cho tình hình tài chính nói chung của ta. Ta còn một cách vận dụng kế toán sáng tạo khác, được biết đến với cái tên HỢP NHẤT. Đó là khi ta bao biện rằng hai khoản chi khác nhau thực ra chỉ đơn giản bằng cách chuyển khoản chi nhỏ hơn vào cùng một hạng mục với khoản chi lớn hơn. Bằng cách này, ta có thể lừa bản thân tin rằng mình chỉ đang thực hiện một giao dịch mua lớn. Nó khiến ta đỡ tổn thương tâm lý hơn so với một món mua lớn và một món mua nhỏ. Ví dụ, ta gộp chiếc đầu CD nhiều đĩa giá 300 đô-la vào khoản mua xe 25.000 đô-la và coi nó đơn giản là một phần của chiếc xe. Hoặc ta mua một ngôi nhà 500.000 đô-la và bộ bàn ghế trị giá 600 đô-la để ta có thể ngồi thư giãn trên hàng hiên sau đẹp đẽ. Ta quy tất cả là khoản mua nhà, không phải là hai khoản riêng rẽ: mua nhà và mua bàn ghế. Bằng việc gom các khoản mua với nhau kiểu này, ta có cảm giác mình không phải gánh chịu hai tổn thất – ngôi nhà và bộ bàn ghế – từ hai tài khoản – nhà ở và trang trí nhà. Nó chỉ là một. Hoặc, sau một ngày mua sắm mệt lử, ta đi ăn một bữa tối đắt tiền… rồi xơi món tráng miệng… rồi nhấp một ly ở quán bar gần đó. Và ta đánh đồng hết những món tự chiêu đãi này vào một tài khoản trí óc được mô tả một cách mơ hồ là “Lại bị cuốn vào tinh thần hội hè.” Ta cũng đang chơi trò gian lận trong công tác kế toán của chính mình khi phân loại sai lầm. Ví dụ, Jane không muốn chi tiền để mua một món quà cho cậu em họ Lou, vì vậy cô dành nhiều giờ liền nướng bánh tặng cậu. Khoảng thời gian và công sức đó cũng có giá trị của nó: Đấy là bốn tiếng mà cô có thể dành để làm việc khác, từ nghỉ ngơi tới thăm viếng họ hàng thân thích, thậm chí là kiếm tiền. Nói theo kiểu tài chính, thì thời gian của cô có giá trị hơn 15 đô-la mà cô đã có thể bỏ ra để mua một chiếc khung ảnh cho Lou không? Có thể (mặc dù việc tự tay làm một món quà cho người thân dĩ nhiên hàm chứa cả giá trị cảm xúc nữa). Nhưng khi chỉ xét về phương diện tiền bạc – vốn là mối quan tâm số một của Jane – thì đổi 15 đô-la lấy bốn tiếng lao động cật lực là một quyết định tồi, nhưng lại là thứ cô đã chọn chỉ vì sự kém cỏi trong hoạt động phân loại. Các quy tắc tính toán cảm tính cá nhân của chúng ta không những không cụ thể, mà còn chẳng được thực thi nghiêm ngặt nữa. Chúng thường tồn tại dưới dạng những suy nghĩ thô sơ mông lung trong đầu chúng ta, vì vậy rất dễ tìm ra các lỗ hổng khi ta cần hoặc muốn tìm. Như ta đã bắt, khi được lựa chọn, hầu hết mọi người trong chúng ta sẽ chọn con đường dễ dàng: Ta sẽ chọn phương án tức thời hấp dẫn nhất, rồi vận dụng các thủ thuật phân loại để biện hộ cho nó mà chẳng cần bận tâm quá nhiều, ngay cả khi những quyết định đó đồng nghĩa với việc ta đang lừa bịp chính bản thân mình. Không có một giới hạn nào cho những nỗ lực con người sẵn sàng bỏ ra chỉ để khỏi phải suy nghĩ. Chúng ta không phải là những người xấu. Về bản chất, đa phần chúng ta không ta không cố ý tham lam, ngu ngốc, hoặc xấu xa. Ta không vi phạm những quy tắc tính toán cảm tính của mình một cách ngang nhiên hoặc bất cần, nhưng ta vận dụng tính linh hoạt của những quy tắc để biện hộ cho các quyết định tiền bạc nằm ngoài các quy tắc đó.5 Cũng như ăn gian khẩu phần ăn kiêng, ta lợi dụng óc sáng tạo của mình và sử dụng nó để bào chữa cho hầu hết mọi việc khá dễ dàng. Nói cho cùng, ta xứng đáng được thưởng cây kem ốc quế này vì ta đã ăn trưa bằng món xa lát hồi đầu tuần, phải không? Vả lại, ủng hộ xe kem cũng chính là ủng hộ doanh nghiệp bản địa, chả thế à? Đã thế, mỗi năm lại chỉ có một mùa hè nữa chứ? Thế nên tội gì mà không xả láng một trận! Tới luôn đi! THỜI ĐIỂM LÀ TẤT CẢ Bạn đâu thể làm thời gian dài ra, đúng không? Nhưng chúng ta vẫn cố gắng không ngừng nghỉ đấy thôi. Trên thực tế, kiểu lừa dối phổ biến nhất trong tính toán cảm tính xuất phát từ cách ta suy nghĩ và suy nghĩ sai về thời gian. Cụ thể hơn là khoảng cách thời gian giữa hoạt động thanh toán cho một món hàng và hoạt động tiêu dùng nó. Một trong những đặc tính thú vị nhất trong cách ta phân loại các quyết định tài chính của mình liên quan đến tài khoản trí óc nơi ta đặt món hàng của mình vào, và những cảm giác của ta đối với nó, vốn thường bị chi phối bởi khoảng thời gian giữa thời điểm mua và thời điểm tiêu dùng, hơn là bởi giá trị thực tế của món đồ. Ví dụ, Eldar Shafir và Dick Thaler đã nghiên cứu rượu – một lựa chọn thông thái và ngon lành – và phát hiện ra rằng rượu mua trước thường được coi là “khoản đầu tư.”6 Nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó, khi một chai rượu trong số nói trên được mở, rót, nhấm nháp, uống trọn, và khoe khoang, hành động tiêu thụ đó mang lại cảm giác miễn phí. Chủ nhân chẳng phải bỏ ra đồng nào cho chai rượu ngon dùng buổi tối hôm ấy. Thay vào đó, chai rượu là thành quả của một khoản đầu tư khôn ngoan đã được thực hiện cách đó rất lâu. Tuy nhiên, nếu ta phải mua chai rượu vào đúng ngày hôm đó – hay, xin Chúa tha tội, ta lỡ tay đánh rơi, khiến chai rượu vỡ tan tành – thì khoản mua đó sẽ mang lại cảm giác như nó đến từ ngân sách của ngày hôm ấy. Trong trường hợp này, ta sẽ không thể tự ngợi khen bản thân vì đã đầu tư khôn ngoan – vì không có khoảng cách thời gian nào tồn tại giữa hành động mua và tiêu dùng để có thể đưa nó vào một hạng mục khác. Trong mọi tình huống uống rượu – mua trước đấy, uống hôm nay; mua hôm nay, uống hôm nay; mua trước đấy, đánh vỡ hôm nay – ta đều tiêu tiền cho một chai rượu, nhưng tùy vào thời điểm mua và khoảng thời gian giữa hành động mua và tiêu dùng, ta lại đánh giá chi phí rất khác nhau. Lũ chúng ta quả là một phường giỏi gây rối, thích tự lừa mị bản thân. Nhưng chí ít ta cũng gây rối khi đang uống rượu. Thời điểm không chỉ quan trọng trong vấn đề tiêu tiền – nó còn có vai trò không nhỏ đối với việc kiếm tiền. Các công nhân viên chức ăn lương tháng thích phương án nào hơn: được thêm đều đặn 1.000 đô-la mỗi tháng hay được nhận một khoản thưởng 12.000 đô-la vào cuối năm? Lý trí ra, ta nên thích phương án 1.000 đô-la mỗi tháng vì nếu nhận được tiền trước cuối năm, ta có thể tiết kiệm nó, đầu tư nó, trả nợ, hay dùng nó để trang trải các nhu cầu hằng tháng. Tuy nhiên, nếu chúng tôi hỏi mọi người cách họ sẽ dùng cả cục tiền 12.000 đô-la so với mỗi 1.000 đô-la được trả thêm mỗi tháng, đa số đều nói họ sẽ tiêu cục tiền lớn vào thứ gì đó đặc biệt để làm bản thân hạnh phúc hơn. Đó là vì một khoản thanh toán cả cục không tới cùng những dòng thu nhập và chi phí lên xuống thường nhật của mỗi tháng – nên nó vượt ra ngoài hệ thống tài khoản thông thường của chúng ta. Mặt khác, nếu món tiền được trả hàng tháng, nó sẽ được đưa vào hạng mục lương – và hầu hết mọi người sẽ dùng nó để trả những chi phí thông thường. Các khoản thưởng không bị ốp khung thời gian theo tháng kiểu này, nên chúng có thể được dùng để mua những của ngon vật lạ mà ta thèm muốn nhưng mà lại cảm thấy tội lỗi khi mua (theo gợi ý của chương này, đó có thể là rượu hoặc kem, nhưng ta đừng để tâm tiểu tiết quá). Một bằng chứng khác cho thấy lòng yêu chuộng chúng ta dành cho niềm vui nhận tiền thưởng đến từ IRS* – vốn không phải là một cơ quan thường được gắn với những từ như “đặc biệt” hay “thú vị.” Người Mỹ thích được hoàn thuế vì việc được nhận tiền vào ngày 15 tháng Tư mang lại cảm giác như được thưởng. Chúng ta có thể điều chỉnh khoản khấu lưu của mình sao cho tính đến cuối năm, ta không trả vượt hay trả thiếu tiền thuế, như vậy sang tháng Tư, ta không nợ, cũng không bị nợ đồng nào. Thay vào đó, rất nhiều người trong chúng ta chọn cách trả quá nhiều tiền thuế trên mỗi hóa đơn – cố ý giữ lại cho mình ít tiền hơn trong suốt cả năm – để ta có thể được nhận một khoản thưởng tháng Tư, chính là tiền hoàn thuế. Có thể gọi đây là một khoản thưởng hàng năm từ chính phủ vậy. Khá đặc biệt. Thật buồn là ta lại không dễ dãi như thế khi chi tiền của mình nhằm phục vụ những mục đích khác hữu ích hơn. Chú thích: * Viết tắt của Internal Revenue Service, Sở Thuế vụ Mỹ. (BTV) TRẢ TIỀN CHO SỰ MIỄN PHÍ Ai sống ở thành phố và sở hữu một chiếc ô tô đều biết một phương tiện giao thông chốn thành thị đắt đỏ đến mức nào. Ở thành phố, chúng ta phải trả phí bảo hiểm cao hơn. Lưu thông trong thành phố rất hại xe, do đó chi phí bảo trì bảo dưỡng cũng cao hơn. Chúng ta phải trả tiền cho đồng hồ đỗ xe, chỗ đỗ xe, và những tấm vé phạt đỗ bất công thấy rõ. Trên hết, dân thành phố không dùng xe nhiều bằng những người sống ở ngoại ô. Lý trí ra, nhiều người dân thành phố nên đi taxi và lâu lâu lại thuê xe hơi để phục vụ những buổi dã ngoại cuối tuần và các chuyến mua sắm ở những siêu thị cực lớn ở ngoại thành. Các khoản đó cộng lại cũng còn lâu mới bằng chi phí sở hữu một chiếc xe. Tuy nhiên, cứ khi nào dân thành phố dùng xe của mình – để đi mua sắm, đi chơi cuối tuần, hay thăm viếng các bạn bè “sống ở vùng ven” – họ lại cảm thấy cuốc xe chẳng tốn đồng nào. Họ cảm thấy như thể mình đã tiết kiệm được khoản tiền taxi và thuê xe hơi mà những người khác phải chịu, và đổi lại, họ được nhận thứ mà về cơ bản chính là một cuốc xe miễn phí. Sở dĩ có chuyện này là vì họ trả cho cuốc xe bằng các khoản thanh toán thường xuyên, liên tục, chứ không trả trực tiếp vào thời điểm cuốc xe diễn ra. Với hình thức sở hữu kỳ nghỉ cũng vậy, ta thanh toán một khoản tiền trả trước rất lớn để đổi lấy quyền sử dụng một bất động sản vào bất cứ thời điểm nào ta muốn. Miễn phí! À, vâng, ta không phải trả đồng nào trong những tuần ta sử dụng cơ ngơi đó, nhưng ta có trả tiền – nhiều nữa là đằng khác – thường là mỗi năm một lần. Nhưng nó mang lại cảm giác miễn phí vì thời điểm mua và thời điểm sử dụng khác nhau. TÀI KHOẢN PHẢI TRẢ Tính toán cảm tính có tác động to lớn đến các quyết định tiền bạc của chúng ta. Nó dẫn hướng và cả dẫn hướng sai cho sự chú ý và suy nghĩ của ta về việc tiêu và không tiêu tiền vào đâu. Nhưng hãy nhớ: Không phải lúc nào nó cũng xấu. Với những hạn chế nhận thức của chúng ta, đôi khi tính toán cảm tính cho phép ta tạo ra những con đường tắt hữu ích và duy trì ít nhiều ý thức về tính quy củ tài chính. Nhưng khi làm như vậy, ta thường tạo ra những quy tắc kế toán lỏng lẻo có thể tác động tiêu cực đến năng lực đánh giá giá trị của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta tách bạch niềm vui tiêu dùng thứ gì đó khỏi nỗi đau trả tiền cho nó, dù là bằng thời gian, phương tiện thanh toán, hay sự chú ý. Ô, các bạn không nhận ra rằng trả tiền để mua thứ gì đó khiến bạn đau lòng ư? Vậy thì hãy giữ chặt ví và giở sang trang tiếp đi nào… 06 Ta né tránh nỗi đau Jeff đã kết hôn – xin lỗi các bạn nhé – và tình cờ làm sao, trải nghiệm trăng mật của anh lại gợi mở rất nhiều điều về cách ta suy nghĩ về các vấn đề tài chính của mình. Dưới đây là thiên tiểu thuyết lãng mạn của anh về tiền và tình: A nne và tôi tìm được một nơi mà cả hai đứa đã muốn đến từ lâu – một khu nghỉ dưỡng xinh đẹp tọa lạc trên đảo Antigua thuộc biển Caribe. Chúng tôi nghe các bạn bè nói về chốn thần tiên này và xem ra đó là một cách tuyệt vời để ăn mừng (và hoàn hồn trở lại sau) đám cưới. Hình chụp trông rất đẹp, và, giữa lúc đang bị đè bẹp bởi công cuộc lên kế hoạch chi tiết cho một sự kiện có hàng đống người mà chúng tôi hình như, có vẻ có quen biết, ý nghĩ được nằm dài trên một bãi biển yên bình và chè chén say sưa thật khó mà cưỡng lại. Chúng tôi quyết định đặt một chuyến trọn gói, trả trước. Chúng tôi lập luận thế này: Phương án trọn gói sẽ đắt hơn là phương án tự lựa chọn dịch vụ, kiểu dùng-tới-đâu-trả-tới-đó, và có thể chúng tôi sẽ ăn và uống quá nhiều. Nhưng, sau nhiều tháng ăn kiêng khốc liệt để có thể trông thật bảnh bao nuột nà trong bộ lễ phục đám cưới, chúng tôi quyết định chơi xả giàn luôn. Gói dịch vụ này hấp dẫn phần vì nó có vẻ đơn giản. Một khi đã đặt và trả tiền cho nó, chúng tôi có thể gạch bớt một đầu mục trong danh sách việc-cần-làm dường như dài bất tận của mình. Ai mà ngờ nổi lên kế hoạch cho một đám cưới lại vất vả đến thế chứ? Tôi cứ nghĩ vấn đề chỉ gói gọn ở việc thuê một bộ com lê và mở quà. Không hề. Bạn phải làm những thứ như là chọn hoa, bố trí ghế ngồi, và, dĩ nhiên, viết lời thề nguyền đám cưới. Mệt lắm đấy. Chúng tôi nghĩ lên kế hoạch đám cưới nên là hoạt động bắt buộc trong các buổi hẹn đầu tiên: Nếu một cặp đôi có thể sống sót qua chặng này, sau đó họ có thể cùng nhau đi xem phim. Bằng không, chuyện sẽ chẳng đi tới đâu đâu. Chúng tôi sẵn sàng cá rằng nếu việc mở màn bằng kế hoạch đám cưới trở thành thủ tục hẹn hò tiêu chuẩn, số cặp đôi kém tương hợp sẽ giảm xuống. Hôn nhân khó lắm, phải đâu chuyện đùa! Xin lưu ý: Không phải ý tưởng nào của chúng tôi cũng hay. Dù gì thì đám cưới của chúng tôi cũng rất tuyệt. Ngập tràn tình yêu, tiếng cười, và một chiếc bánh cưới kem Ben & Jerry – cực kỳ khuyên dùng đấy nhé! Vài ngày sau, chúng tôi bắt máy bay tới Antigua và, sau một triệu giờ ngủ, chúng tôi đã thực sự sẵn sàng cho kỳ nghỉ. Phải, chúng tôi đã ăn quá nhiều, uống quá nhiều, làm mọi thứ quá nhiều. Một bữa sáng hoành tráng, vài ly Bloody Mary, một bữa trưa ê hề hải sản, mấy lượt cốc-tai nước dừa, vài giấc ngủ trưa, rồi thức uống có rượu rum, bữa tối, rượu ngon. Cả món tráng miệng nữa chứ. Chúng tôi ăn tráng miệng cực nhiều. Tối nào người ta cũng đẩy xe đồ tráng miệng ra. Chúng tôi còn biết làm thế nào nữa? Phải lúc ở nhà, chúng tôi sẽ không sa đà thế đâu, nhưng các bạn biết không, tôi dám chắc ngần ấy calo thừa chắc sẽ không được phép thông quan vào ngày hai đứa bay về. Chúng tôi cũng cố xoay xở chút thời gian để tham gia một số hoạt động khác – bơi, đánh tennis, đi thuyền buồm, và lặn. Chúng tôi thậm chí còn góp mặt trong một vài chuyến tham quan mà về sau chúng tôi đã rút ngắn lại (nguyên nhân có thể bởi chúng tôi có nguyện vọng tìm đến sách vở để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của Antigua hoặc do không có đủ rượu rum, cái đó xin nhường cho các bạn tự phỏng đoán). Dù rằng cảm thấy mình có hơi sa ngã, song chúng tôi cũng cảm thấy mình xứng đáng được hưởng thụ. Lần duy nhất chúng tôi cảm thấy có lỗi khi nuông chiều bản thân là khi chúng tôi đều đặn bỏ dở khoảng nửa chai rượu ngon. Không phải là chúng tôi chỉ uống hết có nửa chai rượu; mà một nửa bị bỏ lại thường thuộc về chai thứ hai hoặc thứ ba trong buổi tối hôm đó. Hóa ra một trong những niềm vui không ngờ đến từ kỳ nghỉ trọn gói trả trước là ở chỗ nghỉ dưỡng đăng giá cho mọi thứ ở mọi nơi. Những nhãn giá chình ình trên thức ăn, đồ uống, và khăn bông bãi biển. Giá dán trên ghế xếp. Chúng mặt đối mặt với chúng tôi trên những chuyến đi thuyền và thăm đảo. Ban đầu chúng tôi thấy chúng thật phiền toái, nhưng rồi chúng tôi bắt đầu thấy vui thích vì được nhắc nhở về tất cả những thứ đồ ăn thức uống cùng trò vui miễn phí mà mình được hưởng và chúng tôi tiết kiệm được bao nhiêu tiền của. Đó là một cuộc trốn chạy khỏi hiện thực. Khỏi việc lên kế hoạch cho đám cưới, khỏi việc làm đám cưới, khỏi gia đình hai bên. Hai chúng tôi béo quay, say mèm, và rám nắng. Rồi, đúng giữa kỳ nghỉ, trời bắt đầu đổ mưa. Mưa dầm dề, tầm tã. Suốt ba ngày liên tiếp. Bình thường, đây sẽ là một nỗi buồn lớn. Ai chẳng muốn nằm dài trên bãi biển trong kỳ trăng mật, đúng không? Nhưng cũng có lúc, khi đời cho ta một trái chanh, ta có thể pha một cốc rượu rum chanh. Chúng tôi chuyển địa điểm tập kết sang quán bar của khu nghỉ dưỡng. Chúng tôi thử mọi loại đồ uống họ có. Có loại chúng tôi thích; có loại bị bỏ dở. Trò vui này giúp chúng tôi kết thân với những cặp đi nghỉ trăng mật khác cũng đang trú tạm ở bar. Họ là những người tốt, trong đó có một số người mà chúng tôi vẫn thường xuyên nói chuyện cùng và còn thỉnh thoảng đến chơi nhà nhau, mặc dù thời gian và rượu rum đã xóa nhòa ký ức của chúng tôi về những ngày mưa ấy. Một cặp vợ chồng từ London – hãy gọi họ là nhà Smith nhé – đến đúng lúc đợt mưa bắt đầu. Họ từ chối tham gia thử thách “nếm mọi loại đồ uống” của chúng tôi. Thay vào đó, họ nhấp cạn từng giọt của mọi loại dung dịch họ gọi, ngay cả khi khuôn mặt họ không bộc lộ khoái cảm đặc biệt nào đối với thức uống đó. (Chẩn đoán: không đủ độ cồn.) Sau khi đợt mưa chấm dứt, chúng tôi gặp lại nhà Smith trên bãi biển hoặc ở một nhà hàng – nhưng chỉ vào bữa tối. Họ thường bỏ bữa sáng và chỉ ăn một bữa tối thật hoành tráng. Họ hiếm khi uống đồ có cồn, mặc dù họ pha trò rất nhiều về những đêm chè chén say sưa ngoài quán ở xứ Anh quốc già cỗi vui nhộn. Bữa tối vài ly rượu, ra bãi biển thì tịnh không một giọt. Và hình như họ tranh cãi rất nhiều. Đúng ra thì chúng tôi chả có tư cách gì mà xét nét – nhưng chúng tôi vẫn xét nét. Hóa ra họ đã chọn phương án tự lựa chọn dịch vụ và đang vấp phải ít nhiều khác biệt trong quan điểm về vấn đề nên tiêu tiền vào cái gì. Chuyện đó cũng dễ hiểu thôi: Giá đồ uống và phí tham gia các hoạt động chẳng rẻ rúng gì, và chỉ nội bàn về chuyện nên làm gì và nên tiêu gì cũng dồn thêm áp lực vào hạnh phúc hôn nhân non trẻ của họ. Chúng tôi rời khỏi khu nghỉ dưỡng cùng ngày với nhà Smith. Khi nhảy lên chiếc xe buýt đi sân bay, chúng tôi thấy hai vợ chồng nọ đang soát lại tập hóa đơn dài 19 trang với nhân viên khu nghỉ dưỡng. Đúng là một cái kết buồn cho khoảng thời gian chúng tôi bên nhau, nhất là khi họ bị lỡ xe và suýt nữa thì lỡ luôn chuyến bay. Tuy vậy, bị lỡ một chuyến bay có khi lại là điều may. Bị kẹt lại ở Antigua ư? Số chúng tôi đây chỉ được kẹt ở Miami thôi. Đó là một thành phố dễ thương, nhưng có quá ít địa điểm phù hợp cho một chuyến thăm viếng đột xuất ngắn ngủi. Chúng tôi đang chờ chuyển chuyến bay, thì vấn đề là thiết bị, sau là một cơn bão nhiệt đới đang kéo đến khiến chúng tôi đành thúc thủ tại chỗ trong vài đêm. Hãng hàng không đề nghị đặt khách sạn miễn phí cho chúng tôi, hai vợ chồng bèn đồng ý. Lẽ ra chúng tôi đã có thể nâng cấp lên một địa điểm đẹp hơn, nhưng lại quyết định nó không đáng để bỏ ra thêm 200 đô-la. Nơi chúng tôi ở vừa tồi tàn, vừa bẩn thỉu, lại nằm trong một khu dân cư không được lịch sự cho lắm, nhưng chúng tôi cho rằng mình có thể cố gắng tận hưởng bất ngờ nho nhỏ này. Cả hai chúng tôi đều chưa từng đến chơi Miami, thế nên tại sao không thử một chuyến trải nghiệm trong 36 tiếng? Chúng tôi đi ngủ luôn, không tiệc tùng gì sất, và đến sáng hôm sau lao vào một quán có tiếng trong vùng để ăn sáng và chia nhau một đĩa trứng tráng lớn. Tôi không đói đến mức có thể ăn hết một phần riêng; với lại, tiêu 15 đô-la cho hẳn một đĩa trứng khác mà chỉ ăn vài miếng có vẻ hơi phóng tay. Món trứng khá ngon. Chúng tôi ra bãi biển nhưng không thuê thuyền hay ván trượt nước hay ô. Hai vợ chồng chỉ ngồi thư giãn, cảm giác khá dễ chịu. Chúng tôi có thể thấy cơn bão lớn phía cuối chân trời. Bữa trưa lại được chia đôi, sau đó hai đứa lên kế hoạch cho bữa tối và một buổi biểu diễn. Chúng tôi tới một nhà hàng tốt, nơi này có tầm nhìn tuyệt vời hướng thẳng ra đại dương chưa-hề-bão-dông. Chúng tôi nhồi no bụng bánh mì, bỏ món khai vị và sa-lát, và gọi mỗi người một món chính. Không rượu. Chúng tôi cũng gọi vài ly cốc-tai, nhưng không ăn món tráng miệng. Hai đứa đã xơi đủ đường cho cả một đời người rồi. (Đáng buồn là lời tiên đoán rằng hải quan sẽ từ chối đám calo thừa của hai vợ chồng đã sai lè.) Sau đấy tôi vẫn hơi đói, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ ăn món gì đó nhè nhẹ khi xem buổi biểu diễn. Chỉ có điều, chúng tôi không đi xem buổi biểu diễn. Có một ban nhạc calypso địa phương chơi ở một câu lạc bộ mới mở khá thời thượng, nhưng khi chúng tôi đến nơi, chỉ còn lại vé hạng 35 đô-la. Mức đó khá chát cho một ban nhạc mà chúng tôi chưa từng nghe đến, vì thế hai vợ chồng bèn tản bộ trở về khách sạn. Thế rồi mưa xuống. Như trút. Một cơn bão nhiệt đới. Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy về phòng, đóng chặt cửa, và nhảy lên giường. Chúng tôi lấy ra mấy cuốn sách và đọc đến khi ngủ thiếp đi. Một ngày đơn giản, dễ chịu. Mãi rồi chúng tôi mới về đến nhà, bãi đỗ xe dài hạn xấu xa tính lố phí đỗ của chúng tôi tận một ngày, thành ra tôi phải cãi nhau với họ một trận. Chúng tôi về nhà muộn và phải đi ngủ luôn để sáng hôm sau kịp dậy đi làm. Một cái kết tồi cho một chuyến đi vui vẻ. Nhưng cuộc đời vốn là thế, chẳng phải vậy sao? Cuối tuần đó, các bạn bè muốn nghe về chuyến đi của chúng tôi, và chúng tôi cũng háo hức muốn kể cho họ. Thế là cả bọn tụ tập ăn tối ở một nhà hàng rất đẹp. Buổi họp mặt rất vui – thật tuyệt khi được gặp lại mọi người và càng vui hơn nữa khi được nghe họ khen rằng da bạn rám nắng quá (toàn những điều giản dị trong đời). Khi hóa đơn được đưa lên, dù cố nhịn hết sức, nhưng tôi không thể không chỉ ra rằng hai vợ chồng tôi – trong một nỗ lực thải độc, có lẽ – đã không nhấp một ngụm sâmpanh hay rượu ngon nào mà các bạn bè của chúng tôi đã gọi. Mất một lúc bàn luận xem ai nên trả cái gì, rốt cuộc mọi người đều phải xem hóa đơn và trả cho món của riêng mình. Tôi hỏi nhân viên phục vụ là cô có chấp nhận thanh toán bằng vỏ sò và da rám nắng không. Cô ấy không cười. Tôi bèn đưa cô thẻ tín dụng của mình. Đó là một cái kết chẳng dễ chịu gì cho một buổi tối vui vẻ ngoài hàng. Nhưng cuộc đời vốn là thế, chẳng phải vậy sao? KẾT THÚC VUI VẺ Kết thúc của một trải nghiệm cực kỳ quan trọng. Hãy nghĩ tới khóa tụng kinh hạ màn trong các buổi lễ tôn giáo, món tráng miệng cuối một bữa ăn, hay bài hát tạm biệt khi trại hè bế mạc. Kết thúc bằng một nốt thăng vô cùng quan trọng vì điểm kết của một trải nghiệm giúp thông tin và định hình cách chúng ta hồi tưởng, ghi nhớ, và đánh giá giá trị của toàn bộ trải nghiệm. Donald Redelmeier, Joel Katz, và Daniel Kahneman đã nghiên cứu phần kết thúc của một thủ thuật nội soi ruột kết (đoạn ruột “cuối cùng của cuối cùng” của chúng ta) tác động đến ký ức của bệnh nhân về toàn bộ quy trình ra sao.1 Một số bệnh nhân sử dụng cách thông thường để kết thúc quy trình, trong khi số khác lại bổ sung một khoảng dài năm phút vào lúc cuối. Phần bổ sung khiến họ tốn nhiều thời gian hơn nhưng lại đỡ đau đớn hơn. Khi bác sĩ áp dụng quy trình dài hơn với phần kết đỡ đau đớn hơn, các bệnh nhân nhìn nhận toàn bộ trải nghiệm soi ruột kết đỡ kinh khủng hơn, mặc dù xét tổng thể, toàn bộ khổ hình này bao gồm quy trình tiêu chuẩn kèm thêm một phần bổ sung nữa. Dĩ nhiên, nghỉ dưỡng chắc chắn không hề giống thủ thuật nội soi ruột kết – nhưng ý tưởng rằng cái kết vô cùng quan trọng cũng đúng trong trường hợp này. Chúng ta thường kết thúc các kỳ nghỉ bằng một nốt trầm, với những thứ ta ghét nhất: trả hóa đơn khách sạn, xe buýt, sân bay, taxi, hành lý, giặt ủi, đồng hồ báo thức, và quay về với công việc. Những hoạt động kết thúc này có thể “nhuộm màu” cách ta nhìn nhận toàn bộ kỳ nghỉ và tô vẽ nó theo chiều hướng kém tích cực đi. Ký ức của chúng ta về một kỳ nghỉ – dù là một kỳ nghỉ có tới ba ngày mưa tầm tã – sẽ đẹp hơn nếu ta có một cái kết hạnh phúc hơn. Ta phải làm sao để đạt được điều này? Ta có thể “chính thức” chấm dứt kỳ nghỉ trước khi chuyển sang những phần khó ưa, chẳng hạn như ăn mừng kết thúc kỳ nghỉ vào buổi tối ngay trước hôm ta rời chỗ nghỉ chẳng hạn. Khi làm như vậy, về mặt tâm lý, ta đã đưa các trải nghiệm dọn dẹp hành lý, ra sân bay, và di chuyển vào mục “cuộc sống thường nhật” thay vì hạng mục “cuối kỳ nghỉ”. Ta niêm kín cả chuyến đi trong một chiếc hộp và bỏ những phiền muộn vất vả ở bên ngoài. Một giải pháp khác là kéo dài chuyến đi. Sau khi chúng ta về nhà và đã vượt qua giai đoạn tái hòa nhập nếp sống hằng ngày, ta có thể dành thời gian nói về những kỷ niệm và trải nghiệm, ngắm lại các tấm ảnh, và viết vài dòng lưu bút khi hành trình vừa qua vẫn còn tươi mới trong óc ta. Bỏ thời gian nhấm nháp những dư âm của kỳ nghỉ sẽ đưa trải nghiệm đó vào cuộc sống thường nhật của ta và cho ta một cái kết êm ái hơn. Cuối cùng, ta có thể cải thiện kỳ nghỉ của mình nếu, đến cuối kỳ, ta nhớ rằng nó dễ chịu hơn một quy trình soi ruột kết. CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA? Trải nghiệm trăng mật của Jeff cho ta thấy rất nhiều cung bậc của NỖI ĐAU TRẢ TIỀN. Nỗi đau trả tiền, đúng như tên gọi, là ý tưởng cho rằng chúng ta phải trải qua một loại nỗi đau tinh thần khi móc tiền trả cho các thứ. Hiện tượng này được Drazen Prelec và George Loewenstein đề ra lần đầu tiên trong luận văn The Red and the Black: Mental Accounting of Savings and Debt (tạm dịch: Đỏ và đen: Tính toán cảm tính của tiết kiệm và nợ nần.)2 Chúng ta đều đã quá quen với nỗi đau thể xác và cảm xúc: một vết ong chích, một phát kim châm, những cơn đau mạn tính, và một trái tim tan vỡ. Nỗi đau trả tiền là điều ta cảm thấy khi ta nghĩ đến việc phải rời bỏ tiền của mình. Nỗi đau không đến từ bản thân hoạt động tiêu dùng, mà từ suy nghĩ của chúng ta về tiêu dùng. Ta càng nghĩ nhiều về nó, nó càng trở nên đau đớn hơn. Và nếu ta tình cờ đang tiêu dùng thứ gì đó khi nghĩ về chuyện trả tiền cho nó, nỗi đau trả tiền sẽ nhuộm đẫm toàn bộ trải nghiệm, khiến nó trở nên kém vui thích hơn hẳn. Thuật ngữ “nỗi đau trả tiền” dựa trên cảm giác khó chịu và lo buồn phát sinh từ việc chi tiêu, nhưng gần đây, các nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp ảnh thần kinh và chụp cộng hưởng từ đã cho thấy việc trả tiền thực sự kích hoạt những vùng não có liên quan đến quá trình xử lý nỗi đau thể xác. Các mức giá cao kích hoạt những cơ chế não bộ này ở cường độ cao hơn, nhưng không chỉ giá cao mới gây ra nỗi đau. Mọi mức giá đều thế. Có một nỗi đau mà tất cả chúng ta đều cảm nhận được khi ta từ bỏ thứ gì đó.3 KHÔNG ĐAU, KHÔNG ĐAU Khi trải qua bất cứ nỗi đau nào, bản năng đầu tiên của ta là sẽ cố loại bỏ nó. Ta muốn xoa dịu nỗi đau, muốn kiềm chế nó. Khi thấy nỗi đau đang tới, ta rúm người lại, ta núp, ta né tránh nó. Ta cũng phản ứng y hệt trước nỗi đau trả tiền. Phiền một nỗi, cách chúng ta thường vận dụng để cố thoát khỏi nỗi đau trả tiền còn gây ra nhiều rắc rối hơn trong dài hạn. Tại sao vậy? Vì chúng ta chạy từ tiêu dùng đau đớn sang tiêu dùng không đau đớn, mà không hề cân nhắc những nhân tố khác, quan trọng hơn. Hành động né tránh nỗi đau này không giúp ích gì cho những rắc rối tiền bạc của chúng ta. Nó giúp ta tránh được nỗi đau ngay lúc này, nhưng thường là với một cái giá còn đắt hơn trong tương lai. Né tránh nỗi đau là một động lực mạnh mẽ và cũng là một kẻ thù xảo quyệt: Nó khiến ta rời mắt khỏi giá trị. Chúng ta đưa ra những quyết định đầy thiếu sót vì chúng ta mải tập trung vào nỗi đau mà mình trải qua trong quá trình mua, thay vì giá trị của chính món hàng ta đang mua. Nỗi đau làm ta khổ sở, nhưng nó cũng rất quan trọng. Nỗi đau nói cho ta biết có điều gì đó không ổn. Một cái chân gãy đau đớn bảo ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Vết bỏng rát bảo ta đừng dại gì chạm vào lửa. Lời từ chối của Megan F. hồi lớp bảy dạy ta hãy cẩn thận với những đứa con gái tên là Megan. Xin lỗi nhé, Megan H. Này nhé, một đứa trẻ chạm vào lò nóng cảm thấy đau. Dần dà, qua thời gian, nó hiểu được cái gì làm nó đau, và cuối cùng nó học được cách ngừng chạm vào bếp lò. Như vậy, chúng ta cũng nên học được rằng cái gì gây ra nỗi đau cho mình và tránh xa. Ta có làm như vậy không? Ta có ngừng làm những việc gây đau đớn hay chỉ làm tê liệt nỗi đau để có thể tiếp tục làm những việc đau đớn một cách không đau đớn? Ông nghĩ sao, Seinfeld? Có nhiều bằng chứng chứng minh loài người chẳng thông minh tẹo nào. Mũ bảo hiểm là ví dụ ưa thích của cá nhân tôi. Thực tế rằng chúng ta phải phát minh ra mũ bảo hiểm. Tại sao ta lại phát minh ra mũ bảo hiểm? À, vì chúng ta tham gia rất nhiều hoạt động gây vỡ đầu. Ta cân nhắc tình hình. Ta chọn cách không né tránh những hoạt động nói trên, mà làm ra những chiếc mũ nhựa nhỏ xinh để có thể tiếp tục lối sống vỡ đầu. Thứ duy nhất đần độn hơn mũ bảo hiểm là luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, mục đích của nó là nhằm bảo vệ một bộ não đang hoạt động rất kém cỏi, nó thậm chí còn không cố chấm dứt những trò gây vỡ cái đầu bao ngoài bộ não đó nữa kìa. Jerry Seinfeld, I’m Telling You for The Last Time (tạm dịch: Tôi nói lần này là lần cuối) Nỗi đau trả tiền lẽ ra phải khiến chúng ta ngưng đưa ra những quyết định chi tiêu đau đớn. Nhưng thay vì chấm dứt nỗi đau, chúng ta – với sự “giúp đỡ” của các “dịch vụ” tài chính như thẻ tín dụng – phát minh ra đủ cách để giảm bớt nỗi đau. Sử dụng thẻ tín dụng, ví điện tử, và thanh toán hóa đơn tự động cũng tương đương với việc đội những chiếc “mũ bảo hiểm tài chính” nhỏ xinh. Giống như những tay lang băm, chúng ta chỉ chữa được """