Tiền Bạc Và Lý Trí PDF EPUB

Tiền Bạc Và Lý Trí PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Kinh Tế - Quản Lý
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBMOBIPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Cuốn sách “Tiền bạc và Lý trí” do nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely và diễn viên hài Jeff Kreisler hợp tác viết, đã phá vỡ những giả định cơ bản nhất về mối quan hệ giữa tâm trí và tiền bạc. Qua cuốn sách này, chúng ta được thách thức để hiểu rõ hơn về tâm lý của mình khi đối mặt với tiền bạc và hành vi tiêu dùng không kiểm soát.

Cuốn sách thuộc bộ Tâm lý học của Dan Ariely, tập trung vào việc nêu bật những vấn đề liên quan đến tiền bạc và lý trí của người tiêu dùng. Tác giả giải đáp các thắc mắc xoay quanh việc làm thế nào con người tương tác với tiền bạc và tại sao họ thường xuyên rơi vào các mẫu hành vi không hợp lý liên quan đến tiền bạc.

Nội dung chính của cuốn sách tập trung vào mối quan hệ giữa hành vi con người và tiền bạc. Tác giả giải thích cách chúng ta thường dựa vào thói quen không hợp lý khi sử dụng tiền bạc và cách nhìn nhận của chúng ta về tiền. Chúng ta thường xuyên mất kiểm soát trước dòng tiền vì không nhận ra được những quyết định tiêu tiền của mình có thể ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân và cuộc sống.

Nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần lớn với các nội dung chính sau:

Phần 1 – Tác giả chỉ ra cho chúng ta thấy bản chất và giá trị của tiền. Nó gắn liền với mọi nhu cầu của chúng ta, và còn là cách mọi người xung quanh đối với chúng ta. Từ xa xưa, tiền bạc chính là thước đo, phân chia xã hội thành các tầng lớp giàu – nghèo. Trong thời đại ngày nay, nó lại càng quan trọng hơn, không chỉ là phương tiện trao đổi qua lại, mà còn là công cụ để định giá của món hàng hóa, dịch vụ. Tiền giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, dễ dàng hơn, nhưng cũng chính là con dao hai lưỡi nếu không biết chi tiêu hợp lý.

Phần 2 –  Đề cập đến những cái bẫy mà chúng ta gặp phải khi sử dụng tiền bạc.
Tình huống thường gặp nhất chính là mua hàng sale, hàng giá rẻ. Hàng hóa vừa đắt tiền vừa tốt, lại đi cùng với nhiều ưu đãi trong dịp sale khiến bạn tin rằng mình đang lãi. Các doanh nghiệp đánh vào điểm yếu này của khách hàng để tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, dù mua dịp sale hay dịp thường thì giá bán cũng như nhau, chỉ khác cái cách mà doanh nghiệp định giá. Hay nói cách khác, giá trị của món hàng tùy thuộc vào cách mà chúng ta định giá món đồ đó. Cũng chính tâm lý mua hàng giá rẻ, dẫn đến việc tiêu tiền theo cảm xúc, không nhìn nhận được lợi ích và giá trị thực sự của nó.

Một giả thiết khác được đề cập trong sách, tại sao chúng ta lại thích mua hàng qua credit card (thẻ tín dụng) thay vì tiền mặt. Tác giả Dan Ariely nói rằng, khi giữ tiền trong tay, khi mua món hàng dù đắt hay rẻ chúng ta đều cảm nhận được sự hao hụt, tiếc nuối. Trong khi đó, mua hàng qua thẻ tín dụng không mang lại cảm giác tương tự. Tuy nhiên, thanh toán qua thẻ tín dụng cũng là con dao hai lưỡi, nếu vượt quá khoản chi trả, tài sản của bạn sẽ sinh ra khoản nợ. Bên cạnh đó, trong sách còn đưa ra nhiều giả thuyết khác như hiệu ứng chim mồi, mỏ neo…

Phần 3 – Học cách kiểm soát dòng tiền: Tiền có thể mang lại giá trị cho bạn nhưng chính bạn mới là người có thể định hướng mục tiêu mà tiền hướng đến. Học cách kiểm soát dòng tiền, bạn sẽ trở thành người giàu có. Trong sách Tiền bạc và lý trí khuyên rằng, không biết thu nhập của bạn bao nhiêu, nhưng hãy học cách tiết kiệm mỗi tháng, đừng vung tay quá trán bởi càng tiết kiệm, bạn sẽ giúp tương lai cũng mình được an nhàn hơn. Bất kể là khi nào, trước khi mua một món hàng hóa, hãy dùng lý trí để quyết định xem nó thật sự có đáng hay không. Đừng chi tiêu vô tội vạ, để ảnh hưởng đến tương lai của bản thân.

Có thể bạn thích sách  Để Trở Nên Hiệu Quả Hơn - Đánh Thức Tiềm Năng Trong Bạn

Cuốn sách không chỉ nhấn mạnh vào việc hiểu rõ cảm xúc khi sử dụng tiền bạc mà còn tập trung vào việc nhận biết và kiểm soát hành vi tiêu dùng của mình. Bằng cách này, chúng ta có thể phát triển sự ý thức và trách nhiệm hơn đối với cách sử dụng tiền bạc của mình, giúp chúng ta có thể đạt được tài chính ổn định và hạnh phúc hơn.

Mời các bạn đón đọc cuốn sách Tiền Bạc Và Lý Trí của tác giả Dan Ariely

LỜI GIỚI THIỆU

Vào năm 1975, Bob Eubanks dẫn một chương trình truyền hình thực tế có tuổi thọ ngắn ngủi mang tên The Diamond Head Game (tạm dịch: Trò chơi Đỉnh Kim cương). Chương trình được ghi hình tại Hawaii và có một vòng chơi đặc biệt, được gọi là “The Money Volcano” (tạm dịch: “Núi lửa Tiền”). Người chơi bị nhốt vào một lồng kính mà sau đó sẽ biến thành chiếc ống gió chứa đầy tiền bay. Những tờ tiền cuốn vèo vèo, lượn vòng vòng, bay phần phật tứ phía trong khi người chơi quay cuồng nhảy nhót, cốt sao vơ được càng nhiều tiền càng tốt trước khi thời gian chơi kết thúc. Khi ở trong “Núi lửa Tiền”, họ biến thành những kẻ loạn trí hoàn toàn, hết với đến chộp, rồi vồ, rồi nắm, xoay xỏa giữa cơn lốc tiền mặt. Quả là một trò giải trí tuyệt vời. Trong suốt 15 giây, ta cảm nhận được một điều thật rõ ràng, rằng trên đời chẳng còn gì quan trọng hơn tiền.

Xét trong chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều đang ở bên trong “Núi lửa Tiền”. Chúng ta đang chơi trò đó theo một cách ít căng thẳng và lộ liễu hơn, nhưng ta đã chơi, và bị chơi, suốt nhiều năm trời, theo vô vàn cách thức khác nhau. Hầu như tất cả chúng ta thường xuyên nghĩ đến tiền: ta có bao nhiêu, ta cần bao nhiêu, làm sao để kiếm thêm, làm sao để giữ những gì ta đang có, và hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của ta đang kiếm, tiêu, tiết kiệm được bao nhiêu. Những món hàng xa xỉ, các hóa đơn, những cơ hội, tự do, áp lực: Tiền chạm đến mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đại, từ ngân sách gia đình đến chính trị quốc gia, từ danh sách mua sắm đến tài khoản tiết kiệm.

Và mỗi ngày trôi qua lại mang tới thêm nhiều thứ khiến ta đau đầu nhức óc, bởi thế giới tài chính phát triển hơn; bởi những khoản vay, vay thế chấp, và bảo hiểm xuất hiện với nhiều hình thức phức tạp hơn; và bởi chúng ta sống lâu hơn, có kỳ hưu trí dài hơn, do đó phải đối mặt với những công nghệ tài chính mới, những lựa chọn tài chính tinh vi hơn, cùng những thách thức tài chính lớn hơn.

Nghĩ nhiều về tiền chẳng có gì sai quấy nếu bằng việc trăn trở về nó, ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Song đời chẳng phải là mơ. Sự thật là, đưa ra những quyết định sai lầm về tiền bạc chính là một thứ dấu hiệu nhận diện nhân tính. Chúng ta cực kỳ xuất sắc ở khoản phá hoại đời sống tài chính của mình. Xin chúc mừng, con người. Chúng ta đúng là số một.

Thử nghiền ngẫm những câu hỏi sau:

• Chuyện ta dùng thẻ tín dụng hay tiền mặt thì có quan trọng gì? Dùng hình thức nào ta cũng chỉ trả một khoản tiền như nhau thôi, đúng không? Thực ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng ta sẽ sẵn sàng tiêu nhiều tiền hơn khi dùng thẻ tín dụng. Với thẻ tín dụng, ta mua sắm những khoản lớn hơn, típ hào phóng hơn. Ta cũng thường đánh giá thấp hoặc quên mất số tiền mình đã tiêu khi – đoán xem – sử dụng phương thức thanh toán phổ biến nhất: thẻ tín dụng.

Có thể bạn thích sách  Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh - Becky Sheetz-Runkle

• Ai là người “đáng đồng tiền bát gạo” hơn, một thợ sửa khóa mở được cửa sau hai phút và đòi 100 đô-la tiền công hay người làm mất một tiếng và cũng lấy 100 đô-la? Hầu hết mọi người đều cho rằng anh thợ sửa lâu hơn đáng thuê hơn, vì anh ta đổ vào đó nhiều công sức hơn, chi phí tính trên giờ cũng rẻ hơn. Nhưng nếu anh thợ sửa khóa lâu phải thử tới vài lần và làm hỏng cả đống dụng cụ rồi mới thành công thì sao? Và đòi tới 120 đô-la? Đáng ngạc nhiên là đa phần mọi người vẫn nghĩ anh thợ này mang lại giá trị cao hơn anh chàng nhanh nhẹn, dù tất cả những gì anh ta làm chỉ là phí hoài một giờ đồng hồ của bạn bằng sự kém cỏi của mình.

• Ta có đang tiết kiệm đủ cho hưu trí không? Liệu tất cả chúng ta có biết, thậm chí chỉ là lờ mờ, khi nào mình sẽ ngừng làm việc, số tiền mình đã kiếm và tiết kiệm được tính đến thời điểm đó, rồi những khoản đầu tư của mình sẽ sinh sôi nảy nở thế nào, và tổng chi phí cho số năm đích xác mình sẽ sống sau đó là bao nhiêu không? Không ư? Chúng ta quá khiếp hãi trước kế hoạch hưu trí đến nỗi, ở phạm vi xã hội, ta đang tiết kiệm được chưa tới 10% khoản tiền mình cần, không tự tin rằng mình đang tiết kiệm đủ, và tin rằng ta sẽ phải cày cuốc đến năm 80 tuổi dẫu cho tuổi thọ của ta chỉ có 78. Chậc, ít ra đó cũng là một cách để cắt giảm chi phí hưu trí: Không bao giờ về hưu.

• Ta có sử dụng thời gian một cách thông minh không? Hay ta dành nhiều thời gian để lái xe lòng vòng và tìm một trạm xăng giúp ta tiết kiệm vài xu hơn là tìm một khoản vay thế chấp rẻ hơn?

Nghĩ về tiền bạc chẳng những không cải thiện khả năng ra quyết định tài chính, mà đôi khi chỉ riêng hành động giản đơn là nghĩ về tiền thực ra đã thay đổi chúng ta theo cách vô cùng thâm sâu và phiền toái.1 Tiền là nguyên nhân số một của các vụ ly hôn2 và là thủ phạm hàng đầu gây căng thẳng đối với người Mỹ.3 Năng lực xử lý vấn đề thuộc mọi lĩnh vực của con người giảm sút rõ rệt khi đầu óc họ còn lấn cấn những vấn đề tiền bạc.4 Một loạt nghiên cứu cho thấy những người giàu, nhất là khi được nhắc nhở là mình giàu, thường hành xử vô đạo đức hơn người bình thường,5 trong khi một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng chỉ nhìn thấy hình ảnh tiền cũng khiến con người dễ có xu hướng trộm cắp nơi công sở, thuê một đồng nghiệp ám muội, hoặc dối trá để kiếm thêm lời.6 Quả thực, nghĩ về tiền làm ta rối trí theo đúng nghĩa đen.

Xét tầm quan trọng của tiền – với cuộc sống của chính ta, với nền kinh tế, với xã hội – và xét trên những thách thức mà ta gặp phải khi nghĩ về tiền một cách lý trí, ta có thể làm gì để làm sắc bén tư duy của mình? Câu trả lời chuẩn mực cho câu hỏi này thường là “giáo dục tài chính”, hay một thuật ngữ phức tạp hơn là “trang bị kiến thức tài chính”. Thật không may, những bài học trang bị kiến thức tài chính, ví như làm sao để mua một chiếc xe và tìm một khoản vay thế chấp, thường nhanh chóng bị lãng quên, và hầu như chẳng mang lại tác động dài hạn nào đối với cách hành xử của chúng ta.

Có thể bạn thích sách  Sách đen về tinh thần doanh nhân

Vì vậy, cuốn sách này sẽ không “trang bị kiến thức tài chính” cho chúng ta hoặc bảo ta phải làm gì với tiền của mình mỗi lần ta mở ví. Thay vào đó, chúng tôi sẽ mổ xẻ một số sai lầm phổ biến nhất ta mắc phải liên quan đến tiền bạc, và quan trọng hơn, lý do tại sao ta mắc những sai lầm đó. Nhờ đó, khi phải đối mặt với quyết định tài chính tiếp theo, chúng ta có thể hiểu hơn những nguồn lực tác động và hy vọng sẽ đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Hoặc chí ít là những lựa chọn dựa trên thông tin đầy đủ hơn.

Chúng tôi sẽ giới thiệu một loạt nhân vật và chia sẻ câu chuyện tiền bạc của họ. Chúng tôi sẽ tiết lộ cho bạn biết họ đã làm gì trong những tình huống tài chính cụ thể. Sau đó chúng tôi sẽ giải thích các trải nghiệm của họ dựa trên cơ sở khoa học. Một số câu chuyện có thật, còn một số chuyện khác, như phim ảnh thường nói là “dựa trên chuyện có thật”. Có những người suy nghĩ thấu đáo. Số khác lại khờ khạo. Họ có vẻ trùng khớp với một số khuôn mẫu nhất định vì chúng tôi sẽ nhấn mạnh, thậm chí phóng đại vài đặc điểm của họ nhằm tô đậm những hành vi phổ biến nhất định. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra tính nhân bản, những sai lầm, lời hứa hẹn trong mỗi câu chuyện, và âm hưởng của nó trong chính cuộc đời mình.

Cuốn sách này hé lộ cách ta suy nghĩ về tiền và những sai lầm ta mắc phải khi tư duy theo lối đó. Nó bàn về khoảng cách giữa hiểu biết có ý thức của ta về sự vận hành của đồng tiền, cách chúng ta sử dụng tiền trên thực tế, với việc chúng ta nên suy nghĩ như thế nào về tiền và cách sử dụng tiền thật lý trí.

Đọc xong cuốn sách này, liệu ta có khả năng sử dụng tiền khôn ngoan hơn không? Chắc chắn. Có lẽ. Một chút. Biết đâu đấy.

Trong chừng mực tối thiểu, chúng tôi tin rằng việc khai mở những nhân tố phức tạp đằng sau những lựa chọn tiền bạc vẫn tiêu tốn biết bao nhiêu thời giờ và chi phối đời sống của chúng ta có thể giúp cải thiện các sự vụ tài chính mà ta đang gặp phải. Chúng tôi cũng tin rằng nhờ thấu triệt tác động của tiền bạc đối với lối tư duy của mình, chúng ta sẽ đưa ra được những quyết định phi tài chính sáng suốt hơn. Tại sao vậy? Vì các quyết định về tiền bạc của chúng ta đâu chỉ liên quan đến tiền bạc. Chính những nhân tố định hình nên hiện thực đời sống của ta trong lĩnh vực tiền bạc cũng tác động đến cách ta đánh giá những điều quan trọng trong phần còn lại của cuộc đời mình: cách ta sử dụng thời gian, quản lý sự nghiệp, giao tiếp với những người khác, xây dựng các mối quan hệ, tự thỏa mãn bản thân, và trên hết là cách ta hiểu thế giới quanh mình.

Nói theo cách đơn giản, cuốn sách này sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Chừng đó đã xứng với giá bìa của nó chưa?