"
Tiền 2: Tiền! Tiền Mặt Trả Ngay - Paul Loup Sulitzer full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tiền 2: Tiền! Tiền Mặt Trả Ngay - Paul Loup Sulitzer full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
GIỚI THIỆU
«Cậu chàng Frank Cimballi, 19 tuổi, con nhà tỉ phú chỉ biết ăn chơi, bỗng rơi tõm vào một cảnh ngộ bi đát: Bố, mẹ chết, người yêu tự sát, gia tài khổng lồ được thừa kế bị cưỡng đoạt sạch sành sanh. Bị đẩy đến xứ Kenya Châu Phi xa lạ với hai bàn tay trắng - theo đúng nghĩa đen, cậu chàng bắt buộc phải sống, phải làm lại cuộc đời mình. Thế mà chỉ năm năm sau, Cimballi đã trở thành triệu phú, lần luợt đánh bại tất cả những kẻ độc ác đã “gây nên cuộc lừa đảo có tầm cỡ thế kỷ”, kể cả tên trùm tư bản tài chính Martin Yahl. Đánh bại, không phải bằng vũ lực mà bằng chính sức mạnh của đồng tiền, bằng các mánh lới, các thủ đoạn kinh doanh. Và rồi chính Cimballi, đang ngất ngưởng trên đỉnh cao chót vót thắng lợi huy hoàng, lại một lần nữa bị lôi tuột xuống vực cũng bằng những cái “bẫy” nghề nghiệp...
Tác giả Paul L. Sulitzer trước khi trở thành nhà văn đã là một chuyên gia kinh tế, tham vấn cho nhiều công ty lớn. Nhờ thế ông đã có thể đi sâu vào gan ruột “giới làm ăn”, nắm được tối đa những lắt léo, những bí mật mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Có lẽ đó là lý do chủ yếu khiến “Tiền!...” có sức hấp dẫn lạ lùng của một cuốn truyện trinh thám. Nhưng khác với loại truyện ấy, vẫn là một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, một bức tranh thu nhỏ của thời hiện đại, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, của tốc độ chuyển dịch, sức mạnh ma quái của đồng tiền, với lý tưởng, tình yêu, hạnh phúc, và khổ đau của con người...
Dịch và giới thiệu “Tiền!...” vào lúc này, chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn đọc tiếp cận với “thế giới kinh doanh”, với “nghệ thuật làm giàu”, và còn hơn thế nữa, có một cái nhìn đầy đủ, xác thực về thời đại mình đang sống.»
PHẦN I SỨ GIẢ
1
Ngày 7 tháng năm.
Ngày hôm ấy, sáng hôm ấy tôi ở Amsterdam. Từ London tới, sau đó phải đi ngay Frankfurt, Cộng Hòa Liên Bang Đức. Có hẹn trong buổi chiều và ngay tối hôm đó đi Paris ở độ ba bốn ngày, rồi từ Paris bay đi California, qua New York để gặp Catherine. Đây không phải chuyến đi đặc biệt. Trong mấy tháng gần đây tôi đã đi mười lăm hai mươi chuyến như thế này rồi. Ngày 7 tháng năm này cũng không phải là một ngày khác thường.
Tôi không hề mường tượng đến điều đang đợi mình. Không một chút linh cảm nào. Cuộc gặp gỡ bên Hà Lan chán phè. Một người không nhìn được đã nhận xét: “Anh còn rất trẻ!” Còn tôi vẫn đưa ra câu trả lời quen thuộc: “Xin yên tâm, điều đó không lây sang ông đâu mà lo”. Sau các thủ tục xã giao đó, chúng tôi vào việc. Họ cho biết có chuyện làm ăn muốn bàn với tôi. Nói với tôi
chuyện đó, họ đề phòng cẩn thận như những tên trộm cắp. Tuy chuyện của họ thật đơn giản: Họ có tiền (không ít) và muốn có nhiều hơn (tất nhiên), họ muốn bỏ vốn vào một công ty đầu tư tư nhân thật hoàn toàn ẩn danh đặt trụ sở ở Curacao trong quần đảo Antilles thuộc Hà Lan cũ, hoặc ở Panama, hoặc Caiman, hoặc Bahamas, hoặc Liechtenstein, hoặc bất cứ đâu cũng được miễn là giữ được bí mật triệt để. Họ mong đợi công ty sẽ thu được lợi nhuận cao nhờ tài quản lí tinh ranh của Franz Cimballi.
Franz Cimballi chính là tôi.
Tóm lại, một chuyện làm ăn kinh điển. Tiếp theo là bài vè cổ truyền về thuế má. Tôi ngồi nghe nhưng đầu nghĩ đến việc khác, cuối cùng tôi bảo: “Tôi hiểu ý mấy ông, xong rồi, mọi việc sẽ tốt đẹp”. Tôi chia tay với họ sau độ một tiếng bàn bạc. Lúc ấy vào khoảng mười một giờ mười lăm.
Tôi đi dọc bến Singel, những chiếc xuồng kết hoa đầy ắp hàng chở đi chợ, nhẹ nhàng lướt trên sông. Đến tận hôm nay trong mũi tôi vẫn còn phảng phất hương thơm những bó hoa ấy, trước mặt vẫn còn hiển hiện sắc mầu của chúng. Đi qua quảng trường Rembrandt[1], có lẽ
thời tiết tốt nên xung quanh tượng đài nhà danh họa mới đông người thế kia. Việc tôi đi bộ ngày hôm ấy chắc hẳn là một điều gì đó. Tôi vẫn thường đi bộ khi bàn luận, khi muốn thuyết phục người đối thoại, tôi ít khi ở yên một chỗ, nhưng đi như thế này ngoài đường giữa một thành phố, chứng tỏ tôi đang băn khoăn về một điều gì đó tôi không nhớ lại được.
Đến trưa tôi về khách sạn Amstel. Tay phóng viên Mỹ đã đợi tôi trong đại sảnh. Tôi không nhớ ra anh ta. Anh ta nói:
— Anh quên tôi rồi hả?
— Đừng nghĩ bậy! Tôi đã nhớ tới anh ngay. Tên anh là gì tôi cũng quên mất rồi: Mac Quelque gì đó. Anh ta cất công từ New York tới chỉ để gặp tôi, rất sung sướng, và phỏng vấn để viết bài cho tạp chí của anh ta đang có ý định dành hẳn một hoặc hai trang nói về tôi.
— Tại sao lại nói về tôi?
— Vì không có mấy người làm nổi một trăm triệu đôla ở tuổi hai lăm.
— Tôi đâu có làm ra một trăm triệu đôla! Một nửa? — Một nửa cũng được. Một nửa chừng đó cũng giật
gân lắm rồi, anh Cimballi. Gọi anh là Franz dược chứ? Vả lại anh còn chưa đến hai lăm nữa kia. Trông mới độ mười tám đôi mươi.
Bất thình lình tôi nhớ ra tên anh ta: MacQueen. Michael MacQueen.
— Nào ta đi, Mike.
— Anh không bằng lòng khi nghe nói mới độ mười tám?
— Còn đỡ hơn nếu anh bảo tôi trông như ông cụ năm mươi.
Adriano Letta từ thang máy bước ra, theo sau là một nhân viên mang hành lí, của anh ta và của tôi. Adriano hất hàm bảo tôi với giọng vui vẻ sôi nổi thường ngày “Máy bay đã sẵn sàng”. Đó là anh chàng nửa Pháp, nửa Lebanon, nửa Hy Lạp nửa Sicilien. Với một tí bã Tunisien, gốc Do Thái và vài giọt máu Tây Ban Nha. Nói được bảy tám thứ tiếng, người gầy gò đen đủi, mỗi năm chỉ cười một lần vào dịp Noel, ngồi gặm con nhím biển mất đúng hai lăm phút để khỏi bỏ sót tí gì, chỉ đoán mưa nắng thôi cũng đòi tiền công. Anh ta làm cho tôi từ bốn năm nay.
Tôi lôi MacQueen đi.
Anh ta hỏi.
— Đi đâu?
— Frankfurt.
— Trên sông Oder hay sông Main?
— Chỗ nào tốt.
Vốn thuộc loại phớt tỉnh hết thảy, anh ta không tỏ ra hoảng hốt. Phớt tỉnh chạy đi kiếm vali của mình rồi đuổi theo chúng tôi. Đúng lúc luồng mắt tôi vừa dừng lại trên khuôn mặt một thiếu phụ trẻ đứng trên hè ngay trước khách sạn, khuôn mặt từa tựa Sarah Kyle gặp ở Kenya rồi ở Hong Kong. Thiếu phụ không chỉ đứng nhìn mà còn chụp ảnh tôi, một mình tôi. Tôi hỏi MacQueen:
— Cô kia đi với anh?
— Chưa gặp bao giờ. Đẹp gái nhỉ!
Cô vẫn chụp tôi, không vội vàng, rất cẩn thận. Tôi tiến lại, mãi đến lúc chỉ còn cách một mét cô ta mới hạ máy xuống. Nhìn tôi chầm chậm, rất thản nhiên, tôi mỉm cười:
— Tình yêu sét đánh?
Khác với Sarah mắt xanh, mắt cô đen láy. Rất điệu, cô từ từ quay người biến vào đám đông. Chỉ có thế. Chúng tôi lên xe đi sân bay Amsterdam. Lúc 12 giờ 15
ngày 7 tháng năm. MacQueen nói:
— Tôi thử điểm lại từ đầu xem có đúng không. Anh tên là Franz Cimballi. Bốn năm trước đây, lúc hai mươi mốt tuổi anh còn nghèo kiết xác, không một xu dính túi. Bị nhét lên máy bay tống đi, đi bất cứ đâu, càng xa càng tốt, sang Kenya. Một điều mà chính anh cũng cho là kì diệu đã xảy ra. Sau vài tuần anh đã trở nên giầu sụ.
— Chưa giầu.
Đến sân bay. Cái đầu tóc đỏ của Flint thò ra, điếu xì gà muôn thuở bẩn thỉu hôi xì cắm ở mép như khẩu pháo cắm trên tháp xe tăng. Flint chĩa điếu xì gà vào tôi: — Đi Frankfurt?
— Frankfurt.
— Cổ họng tôi đã được khởi động rồi. Sau ba bốn bảy giây là cất cánh được.
— Chưa giầu, đồng ý, - MacQueen nói tiếp. - Dù sao anh đã kiếm ra khối tiền bên Kenya. Bằng việc đổi tiền, mark Đức đổi shilling Kenya, chuyển thành đôla. Sau đó anh sang Hong Kong.
— Gã điên nào thế? - Flin chỉ vào MacQueen. Tất cả lên máy bay. Tôi giới thiệu.
— Sau đó sang Hong Kong. Dựng một vụ dùng lặt vặt
thật tức cười. Từ ngân hàng Fantomas đến túi đựng cười, máy gãi lưng chạy điện và mở nút đạp chân... Như mọi bận, Flint cãi nhau với đài chỉ huy. Anh ta thắng nên cuối cùng cũng bay lên được lúc mười ba giờ kém vài giây.
— Bảo là tức cười cũng được, nhưng chính những thứ lặt vặt điên rồ ấy đã mang lại cho anh triệu đôla đầu tiên. Máy bay này của anh?
—Không, cũng như phi công.
Adriano Letta đưa trình nhiều giấy tờ, những dự thảo hợp đồng. Qua cửa máy bay Amsterdam và Zuiderzee đi lùi xa. Tôi giải thích cho MacQueen biết Flint là ai. Không phải là phi công bình thường. Tôi quen anh ta ở khách sạn Breaker bang Florida. Thú thật, khi mới gặp tôi ngỡ đó là một gã ăn xin: Cao lêu nghêu, tóc vàng hoe, cử chỉ lóng ngóng tựa hồ người anh ta được lắp ráp bằng nhiều bộ phận linh tinh, yết hầu lồi ra ngang đầu xì gà như mở đường cho anh đi tới. Nhưng về sau tôi thấy nhân viên khách sạn tỏ vẻ kính nể anh khác thường. Điều tra mới biết anh chàng lố lăng này không phải ai khác, chính là người thừa kế một vương quốc kỹ nghệ hóa chất Hoa Kỳ cỡ bự. Với một điều khoản trữ ngoại
trong khế ước ủy thác: Flint không được toàn quyền sử dụng số gia sản khổng lồ được thừa kế, mà chỉ được hưởng một phần, một khoản lợi tức dễ chịu, thế thôi, vì năng lực quản lí tài chính của anh không được tin cậy mấy. Lí do: Lần duy nhất có cơ hội rút được ít tiền anh ta tậu luôn chiếc máy bay, không phải loại máy bay ấm ớ mà một chiếc Gulfstream 2 Grumman dài hai lăm mét, tốc độ bay suýt soát một ngàn kilomètres giờ liền trên sáu ngàn kilomètres. Một lỗ thủng lớn trong ngân sách anh ta không trả xong ngay được, phải trả góp trong ba năm bằng tiền lợi tức được hưởng. Thế là hết nhẵn tiền, mua bánh mỳ kẹp, bít tết mà ăn cũng không nổi. Bữa ngồi trên bờ hồ bơi trong khách sạn nghe anh ta kể chuyện, tôi đã cười ầm lên. Thấy thế anh ta lại phấn khởi, xin đưa cả người lẫn máy bay cho tôi sử dụng. Với điều kiện tôi cáng đáng một nửa số nợ của anh ta: “Franz, anh đi lại luôn, còn tôi thì thích bay...”.
Lúc gần một giờ rưỡi, chúng tôi bay trên vùng Ruhr. Trời quang mây. MacQueen tiếp:
— Dù thế nào đi nữa, triệu đôla đầu tiên này đã kéo theo nhiều triệu khác...
Tôi mỉm cười với tay phóng viên.
— Chẳng có gì là khó hiểu.
—... nhiều triệu khác. Tôi vừa thử phác lại chặng đường mấy năm gần đây của anh. Không dễ dàng. Anh đã chạy từ đầu đến cuối quả đất...
Tiếp viên hàng không dọn ăn cho chúng tôi. — Không phải là chạy. Tôi nhảy múa thì đúng hơn. MacQueen tủm tỉm cười gật đầu.
— Phải, vũ khúc Cimballi. Người ta đặt cho anh biệt hiệu: Franz nhảy múa.
Đúng lúc ấy xảy ra sự kiện đầu tiên, của hai sự kiện đánh dấu ngày 7 tháng năm này. Nghe Flint gọi, Adriano Letta vào buồng lái. Và quay ra lúc MacQueen hỏi tôi:
— Điệu múa nào đã giúp anh kiếm được bốn năm chục triệu đôla trong có bốn năm.
Adriano đưa tôi mảnh giấy. Tôi đọc và nổ bùng. Tôi đứng dậy đi lại giữa các dãy ghế. Xuýt nữa thì gào lên. Tính tôi xưa nay vốn bồng bột. Adriano thản nhiên nhìn tôi. MacQueen sửng sốt hỏi:
— Tin dữ à?
Tôi những muốn ôm chầm lấy anh ta. Tin dữ? Một tin dữ? Bức Telex này là bức hay nhất có lẽ không bao giờ tôi nhận được một lần thứ hai! Tôi đã có một thằng con
trai. Catherine vừa sinh nó ở Los Angeles, sớm hơn dự tính độ mười hai, mười lăm ngày.
Ba phút sau Flint, “bát hết” theo cách nói của anh ta. Chúng tôi bay theo hướng Tây. Giá có bảo Flint bay sang Trung Quốc anh ta cũng không hề do dự. Vậy bay sang California thì...
— Xuống Los Angeles hả Franz
— Los Angeles.
— Nhưng không hạ được xuống mái bệnh viện đâu đấy, xin nói trước.
— Cứ thử xem.
Tôi hoãn chưa tới Frankfurt, họ cứ việc chờ. Tôi điện báo cho Catherine biết tôi sắp về, báo cho mọi nơi. Tiếp tục gọi thêm nữa, báo tin, mời mọc, hết lòng mong muốn được mọi người chia sẻ niềm vui. Dừng cánh ở London, New York. Và tất nhiên ở Paris nữa.
Gặp Marc Lavater tại Paris.
Quen nhau từ bốn năm trước, sau một đêm cách đây bốn năm. Tôi đã nhờ cậy anh ta, nhờ đến kiến thức về luật của anh. Marc Lavater đáng tuổi làm bố tôi: Hơn tôi hai mươi lăm tuổi. Có người nào đó đã từng nói: “Không thể có bạn, chỉ có những khoảnh khắc tình bạn thôi.
Nhưng với Lavater, có thể nói khoảnh khắc ấy đã kéo dài từ bốn năm nay. Như thường lệ anh bình thản bảo tôi: — Mình đang chén, phải bỏ dở món hors oeuvre để ra đón cậu. Mới nghĩ ra trò gì vậy? Bụng vẫn đói nguyên. — Champagne, trứng cá muối, tất cả đã sẵn sàng. Đón tiếp nồng hậu trên máy bay. Chị Françoise đâu? Françoise Lavater, vợ anh ta.
— Ở Chagny. Mình đã gọi điện, sẽ bay chuyến đầu tiên đi Los Angeles và đón chúng ta ở đó.
Marc nhướng cao lông mày.
— Thế ta sẽ làm gì ở Los Angeles.
— Làm lễ. Anh phải gọi tôi bằng chức bố.
***
Tại London, gặp gã Thổ. Hắn và cô Ute Jenssen. Không thể không nhận ra Ute: Cao một mét tám sáu, tám bảy. Không đi tất, nhưng giầy gót cao mười hai phân. Cô hôn lên môi tôi, ôm hôn cả Flint và MacQueen, trừ Adriano đã trốn vào toilet. Gã Thổ giương to đôi mắt đàn bà nhìn tôi:
— Lễ gì, Franzy?
— Lễ. Mà xin dừng gọi tôi là Franzy.
Nụ cười rất rộng: “Vui lòng, anh chi tiền mà lị”. Quen thói xưa nay, gã Thổ không đi một mình mà dắt theo ba bốn ả đẹp mê hồn, thiếu khoản đó gã không bao giờ chịu đi đâu. Các ả vừa làm đầy tớ vừa kiêm tì thiếp cho gã. Vừa đặt chân lên máy bay là các ả thoải mái liền, có nghĩa là tụt hết váy áo. MacQueen trố mắt, rõ ràng anh ta ngạc nhiêm hết sức. Thì thầm vào tai tôi: “Đấy có phải tay vẫn gọi là gã Thổ không? Gã chủ nợ quốc tế nổi tiếng là không bao giờ chấp nhận bất cứ một sự thiếu nợ nào” -“Chính hắn” - “Hình như hơi trác táng thì phải”. Tôi cười phá lên.
— Này chàng Thổ, MacQueen cho là cậu hơi trác táng đấy.
Gã Thổ mơn man tay phóng viên bằng cái nhìn một mí. Ở địa vị MacQueen tôi sẽ cảnh giác ngay: Gã Thổ có thói hôn lên môi đàn ông. Nên tôi lúc nào cùng sẵn sàng nhảy lui một bước.
— Hơi à? - Gã Thổ reo lên. - Hơi là thế nào? Sao lại nửa vời thế nhỉ?
***
Chúng tôi vượt Đại Tây Dương trong cơn vui thực sự,
đến New York có Li và Liu ra đón.
Họ là người Trung Quốc, nghe tên đủ biết. Tôi không có cách phân biệt nổi Li với Liu và ngược lại. Mối tình bè bạn với nhau từ Hong Kong, càng thân thiết hơn khi họ sang lập nghiệp ở San Francisco, mang theo khoảng sáu chục triệu đôla. Khiếu hài hước của họ đạt đến mức rồ dại, xung quanh có thể coi họ là những thằng điên. Nghĩ như vậy là sai, sai to. Cứ làm ăn với họ là tỉnh ngộ liền. Hai cậu hề chai lì này có tài đánh hơi rất giỏi những chỗ đầu tư có lợi nhất. Bằng chứng: Họ đã đầu tư sản xuất một bộ “siêu phim” về đề tài “siêu khoa học viễn tưởng” miêu tả cuộc chiến trên các vì sao. Bộ phim đang nghiền nát một kỉ lục về doanh thu trên toàn thế giới.
Họ đón tôi ở sân bay La Guardia, cải trang thành hai tên cướp biển Viking thời xưa. Tỉnh khô dưới những đuôi sam vàng óng, mũ hình sừng bò tót. Trông rất ngoạn mục. Lại còn bỏ thì giờ đi mua sắm quà cáp cho cậu quí tử mới lọt lòng của tôi; tạm kể: Một con gấu bông cao hai mét, bảy đoàn tàu chạy điện và một con ngựa lùn bằng thật. “Chúng tôi đã cho mang ngựa đến thẳng bệnh viện”. Những của quái này đủ sức làm điều đó. Không
phải chỉ có họ lên máy bay đi với chúng tôi từ New York, còn có hai trong số luật sư của tôi nữa, Rosen và Lupino. Tôi không rủ người thứ ba, Philip Vandenberg. Tuy nể trọng trình độ nắm luật của anh ta nhưng tôi ghét con người, vả lại nếu mời chắc chắn hắn anh ta cũng từ chối, tôi biết rõ như vậy.
Flint xin tạm dừng độ một tiếng rưỡi để kiểm tra kĩ thuật lấy xăng. Lúc ấy theo giờ Paris thì gần nửa đêm, ở New York này là năm giờ chiều và Los Angeles là mười bốn giờ. Tôi bỏ mặc cả băng ngồi trong phòng khách sân bay để đi gọi diện cho Catherine.
— Em mệt không?
— Hơi hơi,
— Con thế nào?
Tôi hỏi “Con” vì thằng đó chưa có tên, tôi phá lên cười một mình trong cabin. Niềm vui không tưởng tượng nổi, trong lòng sung sướng dạt dào. Tôi có thể múa lên được. Tuy trong trong tiếng nói xa vời của Catherine trong ống nghe có một cái gì đó làm tôi băn khoăn và cuối cùng lo lắng.
— Catherine, có chuyện gì đấy? Ổn cả chứ? “Ổn”, cô chỉ nói thế, có lẽ vì còn đang mệt. Tôi
không ở nhà. Mẹ cô cũng không. Cô đã muốn về Pháp đẻ.
— Anh rất khẩn trương, đến mức tối đa. Sau nửa giờ bốn lăm phút nữa anh sẽ lên đường tiếp. Đâu có ngờ em nhanh nhẹn thế.
Im lặng.
Catherine?
— Dạ.
— Anh mừng quá, muốn hét lên thật to. Cảm ơn em. Anh yêu em.
Cô gác máy trước. Tôi ra khỏi cabin, và mọi chuyện bắt đầu từ đây.
2
Tuy tôi không mời nhưng Philip Vandenberg đã có mặt, cao hơn hẳn tôi một đầu, vô cùng tự tin, mảnh dẻ, chỉnh tề. Ra vẻ thông minh đến nỗi ta không dám tỏ ra mình cũng là người như vậy. Anh ta nói: “Lúc anh diện cho Rosen tôi cũng ở đấy. Cảm ơn anh đã không vời đến tôi”. Anh ta thật đáng cho tôi quí mến! Lại nói tiếp: “Anh đến New York đây thật đúng lúc, vụ nhà cửa ở đạị lộ 7 đã hoàn tất sớm hơn dự tính. Tôi đã thực hiện đầy đủ mọi điều anh căn dặn, chữ ký nữa là xong”.
Tôi đang rất vui nên không thể nổi giận và tống khứ anh ta. Chỉ lắc đầu:
— Để sau hãy hay.
Anh ta không nhúc nhích, giữ nguyên vẻ tự tin đáng nguyền rủa.
— Tôi đã bàn với phi công. Sau một tiếng nữa anh ta mới cất cánh. Anh có đủ thời gian đi trực thăng đến Manhattan. Ký kết chỉ mất vài phút.
Marc Lavater với đôi má người xứ Bourguignon hồng hào vì champagne vừa tới. Anh mỉm cười: “Sao lại không có thì giờ”. Tôi nhún vai rồi bảo Vandenberg: “Đồng ý”.
***
Đây là một ngôi nhà dùng làm văn phòng trông ra đại lộ 7 ở khu Manhattan, hơi chếch với Carnegie Hall. Tôi nhận mua từ nhiều tháng nay. Nhóm đối phương do dự không muốn bán, cuối cùng mới chịu chấp thuận các điều kiện của tôi. Tôi không ưa Vandenberg, có thể năm mươi năm không gặp mặt cũng chẳng sao, nhưng vẫn phải thừa nhận anh ta làm ăn có hiệu quả.
Máy bay lên thẳng đưa luật sư người New York, Lavater và tôi bay đi. Theo giờ địa phương lúc này là sáu giờ chiều. Tôi thấy khó tập trung suy nghĩ về cuộc họp sắp tới mà tôi tin là sẽ chóng vánh. Nghĩ đến Catherine, đến thằng bé con. Tôi mỉm cười bảo Marc đang lẩm nhẩm hát:
— Anh có thấy là chúng tôi còn chưa đặt tên cho cháu không?
— Gọi nó là thằng Marc Aurèle. Hoặc Marc Antoine.
— Hoặc con vịt Marc Donald.
Một mình Philip Vandenberg không cười. Những câu pha trò hạ cấp của chúng tôi không làm anh ta thích thú. Đôi bàn tay sạch bong xòe rộng trên chiếc xắc đeo, anh lạnh lùng nhìn đám rừng nhà cửa đồ sộ dưới đất. Một chàng trai trung hậu thật!
Sân bay trực thăng của công ty Pan Am, thang máy, băng qua đại lộ là vào luôn khách sạn Biltmore. Trong căn phòng trên lầu năm nhìn ra nhà ga trung tâm, chúng tôi gặp ba người đã đón đợi. Hai người tôi đã gặp trong những cuộc thương lượng sơ bộ Hanley và Ericsson. Chưa hề trông thấy người thứ ba bao giờ, nhưng ngay khi mắt tôi vừa chạm mắt anh ta, một luồng trực giác lập tức truyền qua người tôi: “Phải coi chừng!” Khoảng bốn mươi, tóc vàng, mắt rất nhạt, môi anh ta đỏ trông như bôi son, hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn, trông như dây máu.
— Tôi tên Horst. Đã được nghe nói nhiều về anh, anh Cimballi.
Hơi lơ lớ giọng Đức, từa tựa kiểu Henry Kissinger. Mắt anh la không rời tôi. Bất giác tôi đưa mắt nhìn Marc Lavater và bắt gặp anh nhíu nhẹ lông mày. Như một tín hiệu báo động.
Philip Vandenberg lên tiếng. Bằng giọng bình thản khúc chiết rèn luyện ở Harvard, anh tóm tắt quá trình thương lượng rồi đọc bản hợp đồng, thỉnh thoảng dừng lại để thu nhận sự đồng tình của các người đối thoại, thể hiện bằng những cái gật đầu.
— Trả đợt đầu bằng tấm séc một triệu đôla ngay khi kí kết văn bản này - Vandenberg kết luận.
Im lặng. Marc đưa tôi tập séc của ngân hàng Hoa Kỳ. Tôi viết séc trong bầu không khí im ắng căng thẳng đến lỳ lạ. Tôi ký tên và không thấy ai đưa tay ra nhận, tôi bèn đặt lên bàn.
— Đủ thủ tục chưa?
Lúc này xảy ra một điều hết sức bất ngờ. Nói thế vẫn còn nhẹ. Cho đến giây phút này người tự giới thiệu là Horst vẫn đứng hơi lùi ra sau như một quan sát viên bình thường. Bây giờ anh ta ngả người về phía trước. Đưa tay trái cầm tờ séc. Tay phải rút trong túi chiếc bật lửa lạ mắt bằng thép xanh cẩn hình phượng hoàng đen.
Anh ta bật lửa... đốt tấm séc.
Cầm trên tay cho cháy đến cùng, đến lúc thả xuống gạt tàn thủy tinh. Trong sáu người hiện diện chỉ có hai người không nhìn xuống mẩu giấy đang cháy đến hết:
Anh ta, và tôi. Hai người nhìn thẳng vào mắt nhau. Anh ta thản nhiên:
— Tôi muốn nói chuyện riêng với anh, Cimballi. Rõ ràng cả Hanley và Ericsson đều không ngạc nhiên trước điều xảy ra. Họ còn chờ đợi nó là khác. Họ đứng dậy bỏ ra ngoài, không nói không rằng. Tôi cảm thấy Philip Vandenberg và Marc đang lưỡng lự. Tôi không quay đầu lại: “Không sao, cứ để tôi lại một mình với người này”.
Vandenberg ra, Marc vẫn không.
— Cả anh nữa. Marc. Xin mời anh.
Cửa đóng lại.
— Anh hút thuốc? - Horst hỏi tôi.
— Không.
— Tôi hút được chứ?
— Xin tự nhiên.
Anh ta chậm rãi châm xì gà. Đứng dậy, làm ra vẻ để ngắm nhà ga trung tâm ngoài cửa sổ.
— Anh tên là Franz Cimballi. Hai lăm tuổi, thiếu vài tháng. Đến ngày 1 tháng năm vừa rồi, tài sản của anh suýt xoát bốn mươi hai triệu đôla. Không đi vào chi tiết thật chính xác, chỉ kể nhiều ngôi nhà bên Pháp, ở Paris,
ở Cannes và cả ở bên Hoa Kỳ này, tại Palm Beach, và tại Jupiter bang Florida và bang California nữa. Thêm vào đó là ngôi nhà làm văn phòng ở đại lộ 7 New York, trang trại rộng hai mươi bốn ngàn hécta ở Arizona, một biệt thự ở Beverly Hills, một dinh cư ở Saint Tropez, Pháp. Nhiều đất đai bên Florida, Nevada, Texas, Nouveau Mexico và California…
Anh ta vẫn đứng ngắm nhà ga trung tâm.
— Ngoài ra anh còn có một bọc chứng khoán đặc biệt bảo đảm tiền mặt bằng đôla, mark Đức và florins dùng cho vay có kỳ hạn, một ít vàng và đống kha khá trái phiếu bằng franc Thụy Sĩ. Tôi còn quên gì không nhỉ? À, còn hai chục ngàn đôla mỗi tháng Unichem trả tiền công tham vấn.
Một lúc. Tôi nhìn chiếc bật lửa vẫn nằm trên bàn. Và sung sướng vô cùng khi thấy tay không run. — Anh Cimballi, cách đây ít lâu khoảng dăm chục tít báo gần khắp thế giới đăng bức ảnh chụp vợ chồng anh, trong cùng một ngày. Qua tay một người tên Alfred Morf, anh hoặc ai đó đã gửi các số báo ấy, mở sẵn ở trang nhất, đến tận nhà vị chủ ngân hàng Thụy Sĩ, Martin Yahl ở Geneva.
Im lặng. Horst quay lại, đến ngồi trước mặt tôi. — Tấm ảnh chụp anh và vợ anh tung ra khắp thế giới cho ít nhất hàng chục triệu người ngắm: Có kèm theo câu thuyết minh: I AM HAPPY- Tôi sướng Lại im lặng.
— Lúc ấy anh sướng thật. Bây giờ vẫn còn sướng. Tôi biết anh vừa có con trai. Chúc mừng anh.
Anh ta mỉm cười:
— Anh hiểu tôi sắp nói đến cái gì chứ?
— Đang hình dung ra.
— Ngạc nhiên không?
— Không hẳn.
Gần đúng như vậy.
Anh ta gật đầu:
— Ban nãy tôi đốt tờ séc chỉ cốt làm anh hiểu: Một triệu đôla chỉ là cái rơm cái rác trong cuộc chơi giữa chúng tôi và anh kể từ hôm nay.
Anh ta nhìn điếu xì gà cháy đỏ rồi từ tốn, khéo léo dụi tắt nó rất thành thạo, không phải trong gạt tàn mà ngay trên bàn gỗ sồi.
— Hôm nay là 7 tháng năm, anh Cimballi. Nói để anh rõ: Chừng nào anh còn chưa khuynh gia bại sản thì
chúng tôi chưa nghỉ ngơi. Anh sẽ khánh kiệt hoàn toàn. Không những thế sẽ còn bị gãy gục, bị đè bẹp, bị sỉ nhục nữa kia...
Tôi lấy lại can đảm nhân lúc anh ta vừa ngắt lời, tôi thêm luôn: “Bị cảm nữa?”
Anh ta mỉm cười, thoáng qua, nụ cười lạnh băng: — Chúng tôi đã có đủ thì giờ chuẩn bị kỹ càng, chuẩn bị từ mấy tháng nay. Và đã sẵn sàng. Anh sẽ đau khổ hai lần: Thứ nhất, vì lo sợ ăn đòn, sau đó là ăn đòn thực sự. Từ ngày hôm nay, từ phút này, dù anh đi đâu chúng tôi cũng có mặt ở đấy. Bất cứ chuyện làm ăn nào của anh cũng sẽ thành cạm bẫy. Có thể, chúng tôi sẽ hiện diện vào bất cứ lúc nào trong cuộc đời anh, nhất định sẽ có lúc ấy, không thể nào khác được. Lúc anh phải trả giá điều anh đã gây ra cho Martin Yahl. Trả bằng tiền mặt trao tay.
Anh ta đứng lên, cầm bật lửa.
— Tiền mặt trao tay, Cimballi!
Horst đi khỏi, Marc Lavater bước vào. tôi kể lại chuyện vừa rồi. Anh ta gật gù: “Một sự điên rồ ghê gớm!”
Anh nhìn dúm tro tờ séc, mẩu xì gà bẹp dí giữa bàn.
— Chắc anh đã nghĩ những cái đó chỉ là một trò bịp? — Anh cho là thế à?
— Không. Có nghĩa là...
Trong thâm tâm anh nghĩ gì? Một sự thật hiển nhiên đã dập mạnh vào ý nghĩ của anh. Tính chất lầm lì của sự thách đố, khía cạnh cực đoan, gần như kịch của nó.
— Họ cố tình đây, Franz. Tôi chưa rõ tại sao, nhưng rõ ràng họ cố tình. Không thể đốt tờ séc một triệu đôla chỉ để thách thức?
Từ lúc Horst đi khỏi, tôi không cựa quậy, vẫn ngồi im trên ghế. Lúc nãy Horst vừa hỏi tôi có ngạc nhiên không khi nghe anh ta nhắc đến tên Martin Yahl, nói khác đi, tôi có ngạc nhiên không khi biết Martin đang có âm mưu phản kích tôi. Tôi đã nói không. Cách đây hai năm, sau một vũ khúc cuồng loạn kéo dài bốn năm, tôi đã làm hết sức mình để buộc tên chủ ngân hàng Thụy Sĩ Martin Yahl chịu sạt nghiệp. Vì lão đã phản bội bố tôi. Vì đã gián tiếp gây nên cái chết của bố tôi. Lão đã chiếm đoạt tài sản của ông cũng tức là của tôi. Tôi đã thành công, hoặc gần như thành công. Yahl vẫn còn vài triệu đôla, tôi không chặt hết dược các mối liên hệ lão đã chắp nối qua bốn mươi năm kinh doanh ngân hàng, mà lại là ngân
hàng Thụy Sĩ nữa. Tuy nhiên lão đã mất đứt phần lớn nguồn thu nhập rất dồi dào, nhất là đã mất nhà ngân hàng, tức là cuộc đời của lão. Hơn thế, tôi đã làm cho lão bị nhục nhã. Và trong niềm vui điên dại khi thắng lớn, tôi đã không kiềm chế nổi mình, đã làm cái trò trẻ con: Thông báo thắng lợi trên mặt báo toàn thế giới. Có gì đáng ngạc nhiên khi Yahl, kẻ ghét tôi cũng bằng tôi ghét lão, có khi còn hơn, nếu có thể được - có gì đáng ngạc nhiên khi lão tìm cách trả thù lại sự trả thù của tôi?
Khi Horst ra khỏi đây, tôi định tìm một câu đối đáp nẩy lửa, thậi hài hước làm quỉ khóc thần sầu. Nhưng không nghĩ ra.
— Tôi không tin hắn ta chỉ bịp không. Cũng như anh chắc không tin nổi.
Tưởng đâu tôi đã được thỏa mãn, nào ngờ nó lại trỗi dậy cháy bỏng hơn bao giờ hết: Nỗi thù hận của tôi ấy mà. Tôi bảo Marc:
— Con tôi. Anh có cách để nó được canh giữ chắc chắn suốt ngày đêm chứ? Anh quen các thám tử tư ở California mà!
Anh ta nhận lời, bảo: Chỉ một cú điện thoại là xong ngay. Và lập tức gọi một người tên Callaway ở Los
Angeles. người anh đã nhờ giúp đỡ hồi tôi còn ở San Francisco (hồi ấy Callaway rất được việc cho tôi). Trong lúc anh gọi điện hai chúng tôi nhìn nhau, có lẽ với vẻ mặt của những người được tin chiến tranh vừa bùng nổ. Mọi dấu hiệu đều chứng tỏ đây là một cuộc chiến hẳn hoi. Nếu chỉ có một mình, chắc tôi sẽ tự hỏi phải chăng tôi đang nằm mơ tất cả chuyện này, nhưng có Marc bên cạnh, bình tĩnh, mực thước, chính anh cùng chung ý nghĩ như tôi, cũng thừa nhận có khả năng tính mạng thằng nhóc của tôi bị đe dọa. Marc gác máy, sau một lát mới nói: “Thật điên rồ!”
Philip Vandenberg quay vào phòng, thanh minh với chúng tôi rằng anh ta không hề hay biết gì, không hiểu nổi điều gì vừa xảy ra, trước đây chưa lần nào gặp tay Horst, thậm chí không biết có hắn tồn tại.
Từ khi biết anh ta, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh tỏ ra khó chịu, chắc hẳn thói kiêu ngạo tự đánh giá cao đã bị tổn thương. Anh ta nói: “Tôi rất lấy làm tiếc”.
Cơn choáng khi đối diện Horst tan đi. Nỗi tức giận cuồn cuộn dâng lên. Không chĩa vào Horst mà vào Martin Yahl, vào một mình lão giã đang ẩn trong dinh cơ nguy nga bên hồ Geneva. Lão già đang thách thức tôi!
Sự thật...
— Philip, trước mắt hãy tìm hiểu xem người này là ai, tại sao bỗng dưng hắn hiện ra trước chúng ta, - Marc nói rồi quay sang tôi? - Ta đi chứ? Trực thăng và máy bay đang đợi.
... Sự thật là trong lòng tôi lúc này đang lẫn lộn cả tức giận, căm ghét và khiếp sợ giống như khi đập một con rắn, một con bò cạp khổng lồ, đập đến khi tưởng nó đã chết thì lại thấy nó cựa quậy, thấy nó ngóc đầu lên, hồi lại, xông vào cắn tiếp. Chính vì thế nên vừa rồi khả năng châm biếm của tôi hoàn toàn tê liệt trước lời thách đố lâm li của Horst.
***
Manhattan dưới máy bay. Bên trái, nhà ga trung tâm lùi xa, chúng tôi bay qua East River. Marc bàn: — Tôi thành thực tin rằng Vandenberg không dính vào chuyện này. Tôi biết anh không ưa hắn, nhưng làm gì đến nỗi. Dù sao ta cũng phải kiểm tra xem.
Tôi gật đầu tán thành lia lịa như máy, trong lòng lại sôi sục ý định sẽ hành động, sẽ ra tay. Vẫn Marc: “Tôi cho rằng họ chủ tâm chọn thời cơ này để tung ra lời thách
thức. Ngày thằng bé của anh chào đời. Chẳng lẽ có sự trùng hợp kỳ lạ đến thế. Điều đó chứng tỏ họ đã theo dõi anh, theo dõi chúng ta từ lâu. Tôi nghĩ có thể từ nhiều tháng qua...”.
Bỗng nhiên tôi nhận thấy: Bên cạnh nỗi tức giận, phẫn nộ, căm thù còn có một cảm giác khác chen vào. Không chỉ chen vào mà lấn át tất cả, như làn thủy triều trùm lên tất cả, một cảm giác vui sướng man rợ, hung dữ. Và tôi không ngạc nhiên.
Tôi nắm trong tay hơn bốn chục triệu đôla, tức một trăm sáu tám triệu franc Pháp, tức hơn mười bảy tỉ xu. Tôi mới hai lăm tuổi và có cả tuổi xuân nhân loại. Một thằng con trai. Thế mà lại không chiến đấu sao? Không dám chấp nhận lời thách đố sao? Tôi chợt ý thức được: Gần hai năm vừa qua, sau khi thanh toán xong Martin Yahl là khoảng thời gian chết, một sự ngưng nghỉ làm tôi tê bại.
Cimballi. Tôi đã khẳng định: Tên tôi bao giờ cũng kéo theo điệu nhạc vang lừng gần như man dại nhưng vui. Điệu nhạc ấy đã tắt, hoặc chỉ âm thầm thủ thỉ. Vừa đây nó lại bừng lên và cùng với nó, vũ khúc cũng tung bay.
Vũ khúc Cimballi.
3
Ngày 7 tháng năm là ngày khởi đầu cuộc xung đột, cuộc chiến tranh quyết liệt lạ thường, một mất một còn. Kéo dài hai năm, chính xác là hai mươi tám tháng. Nó cuốn tôi vào cuộc chạy vòng vèo, cóc nhẩy, cuồng nhiệt trên khắp hành tinh.
Lúc phỏng vấn tôi, phóng viên MacQueen đã hỏi: “Tại sao anh chuyển dịch nhiều và nhanh như điện thế?” Câu hỏi ngớ ngẩn! Làm ăn như tôi, đi thật nhiều thật nhanh là rất cần. Tuy sử dụng điện thoại và telex nhiều nhưng thế nào cũng có lúc, như người ta thường nói “phải đến hiện trường”, không có cách nào khác.
Chính vì lẽ đó nên trong hai mươi tám tháng này, tôi sẽ chạy - hoặc nhảy là hình ảnh tôi thích hơn - gần khắp Châu Âu và khắp Hoa Kỳ. Cả Canada, Mexico, Columbia, bên Bờ Biển Ngà, biển Antilles, sang Hong Kong, Uganda, Brazil và Nhật Bản... Do điệu vũ đưa bước chân đi, và do bản tính tôi vốn yêu thích các bước
nhảy cuồng nhiệt đó.
Ngay những giờ phút đầu tiên mọi dấu hiệu đều báo trước: Đây là một cuộc chiến trên mặt trận tài chính, duy nhất trên mặt trận tài chính thôi. Gã lên Horst đã cảnh cáo: Tôi sẽ rơi vào cạm bẫy. Làm như thế, không phải vì gã muốn giúp tôi được lợi thế. Vì trong thời gian dài, rất dài tôi vẫn không phát hiện ra cạm bẫy ở chỗ nào. Không biết cách phát hiện. Liệu có người nào ở địa vị tôi phát hiện được không?
Không thể tưởng tượng nổi! Có điều chắc chắn qua ngày 7 tháng năm này là: Cạm bẫy nằm ngay trong công việc kinh doanh của tôi. Trong những cái tôi đã thực hiện; những việc đang tiến hành những việc mới dự định với lòng ham hố lao mạnh lên phía trước. Do đó nhất thiết phải gấp rút kể ra tất cả và làm bản tổng kết. Ngay trên đường bay từ New York đi Los Angeles và California, tôi đã cùng Marc Lavater làm việc này. Sau đó tôi còn bỏ ra nhiều ngày nhiều tuần tiếp theo. Nhân thể tôi xét duyệt những vụ đang kinh doanh hoặc có khả năng sẽ kinh doanh.
Tất cả những vụ tôi sắp miêu tả sau đây đều minh họa những kỹ thuật hoàn toàn hợp pháp để ai cùng có thể, từ
một ý kiến riêng hoặc từ những cơ chế đã có sẵn mà kiếm được một, mười hoặc một trăm triệu đôla. Hoặc không kiếm được đồng nào. Hoặc bị lỗ chừng ấy. Tùy theo mình nhận định đúng hay sai, gặp may hay rủi.
Theo thứ tự vần chữ cái (không phải theo thứ tự tôi kinh doanh trước hay sau).
— Cà phê.
— Dầu mỏ.
—Thực phẩm, cacao, đồng, nước hoa Pháp, bạch kim, đậu nành...
— Còn cả món bạc, tức là kim loại.
Mỗi vụ đều dùng đến số vốn nói chung khá lớn. Có thể lên đến một tỉ rưỡi đôla - sáu tỉ bảy trăm năm chục triệu franc Pháp, sáu trăm bảy lăm tỉ xu.
Cả những vụ chỉ khởi đầu từ một ý nghĩa đơn giản - tôi rất mê loại này! Nhưng cũng phải có vốn lớn. Và trong mỗi vụ đều có thể ẩn giấu cạm bẫy chết người mà Horst đã báo trước.
4
Vẫn ngày 7 tháng năm, Flint hạ cánh xuống Los Angeles.
Do chênh lệch múi giờ nên lúc này bên Châu Âu đã là bình minh ngày mùng 8 còn ở California bóng đêm ngày 7 mới bắt đầu tràn xuống. Chúng tôi đến vừa đúng lúc. Tôi đã báo cho bạn bè đến chia vui, cùng tôi chúc mừng sự ra đời của chú nhóc. Kết quả vượt xa lòng mong muốn của tôi.
Trên suốt chặng bay, gã Thổ nốc cạn lượng champagne đủ làm nổi bồng một chiếc tàu sân bay của Hạm Đội VI, rồi bốc lên biểu diễn những điệu nhảy cosaques trứ danh mà gã nhận là món sở trường. Ute Jenssen và bốn ả cùng đi hứng lên như những con rận cái, thấy ai đến gần là xấu hổ mơn trớn, phô hết thịt da hồng tươi thơm phức, nhà báo MacQueen hát những bài anh ta cho là của Ireland nếu có thể gọi thế là hát; ngay cả Lupino và Rosen, hai luật sư mọi khi rất điềm đạm
hôm nay cũng tỏ ra khác thường, nhất là Rosen: Anh ta đã tìm cách rạch bộ lông giả của con gấu cao hai mét và chui vào trong; hai nhân viên phi hành đoàn của Flint thì dường như còn khó khăn phân biệt nổi máy bay với tàu ngầm; cặp Li và Liu tỏ rõ khả năng làm trưởng trò trong cuộc hội tưng bừng này tuy họ không nhấp rượu tí nào, xưa nay không bao giờ họ phải nhờ đến ma men giúp sức mới bộc lộ hết thói ngông lạ kiểu của họ, vì vốn dĩ họ đã điên sẵn; họ vẫn cái trang làm cướp biển, mắt xoay tròn, liếm mép thèm thuồng trước cảnh ngổn ngang hỗn độn này và đề xướng việc tất cả sẽ đội lốt những vị quan Tàu bằng dụng cụ họ đã chuẩn bị sẩn. Máy bay hạ cánh, cuộc đổ bộ của các viên quan vừa hoàn tất, Li và Liu châm ngòi cuộc đốt pháo hoa không thể thiếu nếu muốn có hội ra hội, theo lời họ khẳng định.
Trong một tình thế khác chắc chắn tôi sẽ buông thả mình theo những trò điên rồ này. Bây giờ thì không. Sau sự việc ở khách sạn Biltmore tại New York. Rất đông bạn bè California, số đông là diễn viên và tác giả kịch bản điện ảnh đến chào đón chúng tôi về biệt thự ở Beverly Hills dự vũ hội. Nhưng tôi mượn xe một người bạn và lỉnh đi. Tôi muốn trước tiên hãy gặp Catherine và
thằng bé.
Bỗng nhiên chúng xuất hiện đúng vào lúc tôi sắp lên ngồi sau lay lái chiếc Porsche. Ba tên, thoạt đầu tôi tưởng chúng định cướp. Nhưng không, chỉ giơ máy ảnh lên. Chớp đèn làm tôi không nhìn được nữa. Không một lời nào.
— Các anh là ai? Của báo nào thế?
Không ai trả lời. Chúng tiếp tục bấm máy, gần như không suy nghĩ, mặt lạnh như tiền, phớt hết mọi sự, đúng cung cách bọn nhà nghề, bấm một lúc hai, ba, có khi mười pô chỉ để yên chí thể nào cũng được ít nhất một tấm ưng ý.
Tôi ngồi vào xe, nổ máy. Chúng đứng im không nhúc nhích, cũng chẳng buồn nhìn tôi lao đi, dường như tôi chẳng còn là cái thá gì sau khi chúng đã làm xong việc của chúng. Chỉ sau khi chạy được vài trăm mét, mới gặp lại cảm giác đã có khi nhìn vào mắt gã Horst, cảm giác: Có cái gì đó không ổn.
Chẳng mấy lúc sau tôi đã có dịp thấy rõ: Cảm giác đó có cơ sở. Xe tôi chạy suốt dọc đại lộ St. Monica, vào đậu trong bãi của bệnh viện Boulevard lúc hơn mười giờ đêm, giờ bên bờ phía Tây. Mới đi được năm sáu bước đã
bị chúng đến ám. Lần này chỉ có hai tên thôi. Không phải mấy tên ngoài sân bay nhưng vẫn cùng một kiểu hành động. Chúng sán đến gần chạm người tôi và lia tới tấp hàng tràng dài chớp đèn sáng trắng, trùm kín người tôi. Như những gã đấu bò lì lợm, chúng chỉ tránh đường vào giây cuối cùng, cho đến lúc tôi bước qua cửa, thoát nạn. Vào tới đại sảnh tôi nhìn lại, thấy chúng sau khi làm xong công việc đã quay đi, máy ảnh tòng teng nơi tay.
Chụp ảnh tôi không phải chuyện mới mẻ gì, tôi có nhiều bạn bè là nhà báo ở rất nhiều nước. Bao giờ họ cũng bấm máy kèm theo một câu nói, một nụ cười. Vả lại tôi không thuộc loại người nổi tiếng. Nhiều lắm cũng chỉ là một người được biết đến vì báo chí có lần đã nói về tôi, nhất là sau vụ “Rao Mua Toàn Bộ”, qua đó tôi đã làm đổ sụp cơ nghiệp Martin Yahl Ở tuổi tôi mà kiếm nổi vài chục triệu đôla dĩ nhiên làm mọi người chú ý không nhiều thì ít. Lại còn tấm ảnh “Tôi sướng” đăng trên năm mươi sáu tờ báo chắc cũng làm tôi khó giấu được tung tích.
Nhưng từ đó mà đi đến chỗ bị săn đuổi. “Săn đuổi”. Một tia chớp trực giác chói lòa làm bật ra từ này, ngoài ý thức của tôi.
— Anh ba chân bốn cẳng chạy về thật nhanh. — Chả dừng lại New York là gì?
***
— Máy bay của Flint không phải loại 747, không cất cánh ngay được. Anh khởi hành từ Amsterdam đấy, em đừng quên. Catherine, anh mừng đến phát điên.
Tôi say mê đứng ngắm, gần như dính chặt vào làn kính ngăn cách tôi với thằng con đỏ hồng đang ngủ say như chết. “Sớm mất hai tuần... trường hợp này không biết có phải nuôi trong lồng ấp không?”
Tưởng chỉ tự hỏi mình thôi, không ngờ lại nói ra lời nên Catherine bực dọc đáp lại:
— Và gì nữa? Con rất bình thường, khỏe mạnh. — Đặt tên gì đây? Ta phải quyết định thôi. Marc Lavater định là Marc, gã thổ và Ute đòi đặt là Mustapha Napoléon, còn Li và Liu thì khuyên là Khổng Tử. Hay là gộp tất cả lại?
Tôi chịu cực như chó, cố làm ra vẻ ngộ nghĩnh, xởi lởi và tất cả, tất cả. Với cảm giác khó chịu là sẽ không thành công.
— Anh dừng lại New York làm trò gì?
— Thì đã nói với em rồi, do Flint cần đỗ lại. — Còn có cái khác nữa.
Tôi chưa bao giờ nói dối Catherine:
— Đúng thế, nhân thể anh giải quyết một việc. — Quan trọng đến thế cơ đấy!
Tuy tiếc rẻ, tôi vẫn phải bỏ dở việc ngắm nghía thằng bé đến ngồi xuống giường, khi cúi xuống định hôn thì Catherine quay mặt đi thành ra chỉ hôn được vào má.
— Có cô y tá cho biết ngoài cửa buồng em có thám tử canh gác.
— Không sao. Đề phòng xa thôi.
Im lặng.
— Catherine...
Bây giờ cô mới chịu nhìn vào mắt tôi. Trong chớp mắt tôi gặp lại đôi mắt vàng óng đã trông thấy lần đầu trên bể bơi một khách sạn ở Naussau, quần đảo Bahamas. Gặp lại Catherine của tôi, nàng Catherine của vùng Thượng Loire, của những cuộc dạo chơi Paris, của Marrakech, của bữa sóng đôi cùng trở lại ngôi nhà thời thơ ấu ở Saint Tropez.
— Ổn chưa?
— Ổn.
Nói thế nhưng cô nhắm tịt mắt lại như muốn ngủ. Giả vờ thế, tôi dám thề như vậy.
— Anh có lỗi gì Catherine? Có chuyện gì vậy? — Chẳng có gì sất, - mãi cô mới nói.
Nụ cười của cô rõ ràng là cười gượng. Tôi bèn kể về lũ điên vừa tới đây cùng với tôi, về bọn sắp kéo đến thêm.
— Sau đó chúng ta sẽ đi du lịch, cả ba: Nhóc, em và anh. Ba đứa thôi.
Cô vẫn lãnh đạm chẳng buồn gật đầu. Chỉ nói buồn ngủ rồi. Tôi lại ra đứng chôn chân ngắm thằng con. Cho đến lúc y tá tống ra khỏi cửa.
***
Ngày 8 tháng năm bố mẹ vợ tôi đến Los Angeles lúc độ một giờ rưỡi sáng. Ra đón ở sân bay tôi mới biết có cả Françoise Lavater cùng đi trên máy bay. Chị đã tranh thủ vù khỏi Chagny.
Trước đó tôi có tạt qua nhà. Khách khứa chẳng cần đến tôi, đêm hội tuyệt vời đến nỗi chẳng có ai thèm để ý đến chủ nhà. Chỉ một mình Marc Lavater chịu đoái hoài đến, đòi cùng đi với tôi ra sân bay. Tôi từ chối, nhưng lại
nói với anh ta về bọn phó nhòm. Đêm ấy tuy có nhậu, ít hơn so với trên một trăm thằng điên kéo vào nhà tôi, nhưng anh cũng còn đủ tỉnh táo để hiểu được những điều tôi thuật lại.
— Thế bọn chúng vẫn đợi đến lúc anh rời bệnh viện? — Vẫn mấy thằng tôi gặp khi mới đến. Và tin chắc toán thứ nhất hiện đang rình tôi ngoài sân bay. Anh gật đầu:
— Trò chơi lớn đã khai mạc rồi đấy, Franz. Chúng định làm cho anh bị căng thẳng, anh hiểu chứ? — Tự tôi chắc không nghĩ ra, cảm ơn
— Từ mai tôi sẽ lo chuyện này. Nếu chúng là những tên phó nhòm giả danh, có thể ta sẽ trị được. Tất nhiên, theo đúng luật.
— Nếu không phải thì sao?
Anh nhún vai:
— Tôi không rành luật pháp Hoa Kỳ về quyền báo chí và về bảo vệ đời sống riêng của công dân, chỉ biết là nó khá rộng rãi. Vả lại, ai là người muốn thấy ảnh mình được trương lên báo toàn thế giới? Thích vinh quang thì phải trả giá.
***
Đôi mắt bà mẹ Catherine cũng vàng mượt như mắt cô con gái, tuy không mơ màng bằng. Tôi rất mến bà. Điều đáng ngạc nhiên là bà cũng tỏ ra mến tôi thực tình, tuy tôi không quen được chiều chuộng. Chưa nghe tôi kể về thái độ lạ lùng của Calherine bà đã hiểu ngay. Tôi nói: “Chắc là tại vì khi sinh cháu, cô ấy chỉ có một mình ở California, xa gia đình. Đáng lẽ con phải ở đây”. Bà đập nhẹ vào vai tôi: “Đáng lẽ tôi phải có mặt ở đây. Thôi anh đi ngủ đi, trông anh mệt mỏi lắm rồi”.
Được gặp bà, có bà ở bên Catherine lúc này làm tôi sung sướng đến mức có thể vui lòng chấp nhận hậu quả của nó là sự hiện diện của bố vợ, không phải là bố đẻ Catherine nhưng là chồng thứ hai của mẹ cô. Bố vợ là người Anh tên Jeffries, Alec Jeffries. Một bợm nhậu, rất lịch sự, càng ngấm rượu càng lịch sự tợn. Có nhiều tiền, rất nhiều; một lúc nào đó đã định làm việc - đã từng nhận giữ một ghế ở Bộ Ngoại Giao vì có biệt tài đánh bài bridgeur và chơi golf. Phúc tổ cho Hoàng Gia, ông không hoạt động gì ở cương vị mình. Ngoài việc sang Ireland săn gà gô trên dinh cơ của ông bên đó, ông hoàn toàn chẳng làm một việc gì. Tôi ăn ý với ông chẳng hơn
gì với bức tường. Ông bảo tôi:
— Đã có hai ông bà già này đến, mọi việc sẽ ổn hết con ạ. Từ nay bố mẹ sẽ trông nom cô con gái. Tôi nghiến răng kèn kẹt. Nghe ông ta gọi bằng “con” sao mà sướng bụng! Lại còn “cô con gái” nữa, cũng khó nuốt trôi quá. May sao có Françoise Lavater ở đấy. Mắt chị long lanh niềm vui, nắm tay lôi tôi đi thì thầm: — Đừng nói gì làm tổn thương tình cảm đẹp đẽ giữa hai người! Anh làm gì ông xã nhà tôi rồi?
Tôi để mẹ Catherine và đức lang quân yêu quý ở lại bệnh viện, dẫn Françoise về nhà. Cả bọn đã hoàn toàn hóa điên. Li và Liu đem chỗ pháo hoa không được phép bắn ở sân bay về đây đốt, làm cảnh sát bị bất ngờ. Họ kéo đến và lập tức dịu giọng, cũng tham gia bông phèng cả đám. Tôi chỉ biết mặt độ một phần ba các vị khách đêm nay. Mò mẫm mãi cuối cùng mới tìm ra Marc Lavater, mặt mày hớn hở, ướt lướt thướt: Anh vừa rơi xuống bể bơi.
— Chuồn khỏi đây thôi.
Tôi chấp nhận, tự mình thấy cũng nên về Hilton ngủ qua đêm.
— Tại sao có những người chụp anh lia lịa, như thể
anh là ngôi sao điện ảnh thế? - Françoise hỏi. - Lại còn các thám tử đeo súng ở cửa buồng Catherine nữa chứ? Thấy chúng tôi không ai trả lời, chị bồi thêm: — Tôi không điên đâu, Franz. Ba tên thợ ảnh ở sân bay, hai ở bệnh viện, và toán thứ ba ở cổng nhà. Chị nhìn chúng tôi:
— Có chuyện gì không ổn chắc?
— Gần như thế, - Marc đáp. Anh ta tụt quần vắt cho khô.
***
Đêm ấy tôi trằn trọc, ngủ có vài tiếng, đã thế còn cả Marc Lavater cũng không ngủ được hơn, lại còn dậy trước tôi và gọi điện đi nhiều nơi.
— Callaway. Người tôi đã gọi lúc ở New York, và bữa ở San Francisco đã...
— Biết rồi.
— Anh ta đã chất vấn bọn phó nhòm. Chúng chẳng gây khó dễ, xuất trình luôn thẻ nhà báo. Hợp lệ. — Báo nào?
— Bình tĩnh đã. Chẳng phải báo nào hết. Một hãng thông tấn mới thành lập. Chủ tên là Yates.
— Nghe lạ hoắc.
Callaway cũng chưa nghe nói đến bao giờ. Anh ta lo chuyện này. Ăn một chút gì đi, chắc chắn tối qua anh nhịn đói.
Ngủ dậy, tất nhiên việc đầu tiên là gọi tới bệnh viện: Catherine vẫn ngủ, nhưng bà mẹ đã có mặt: “Đừng đâm bổ tới đây vô ích, - mẹ vợ bảo tôi, - cả hai mẹ con đang ngủ, đều khỏe mạnh cả. Lạy chúa tại sao lúc nào anh cũng sôi sục lên như núi lửa thế hả Franz. Anh không bao giờ bình tĩnh, thanh thản được à?”
— Franz!
Marc tìm cách làm tôi chú ý.
— Gì vậy?
— Theo anh, là có nên bỏ rơi vụ này không? Đó là một cách giải quyết.
Tôi không hiểu ý anh. Anh giải thích:
— Tay Horst - nhân tiện nói luôn: Ta sắp biết rõ thêm về hắn - Tay Horst đã đến tuyên chiến với anh. Rất có thể theo lệnh của Yahl.
— Còn ai khác nữa, chả lẽ của Mông Cổ?
— Biết đâu. Nhưng điều chủ yếu là thế này: Chúng muốn làm anh khánh kiệt. Chúng bảo: Sẽ lừa anh vào
bẫy. Bẫy quái quỉ nào, chúng ta chưa rõ. Được. Tôi đã nghiền ngẫm. Anh đã có món tài sản kha khá, quá khá là khác, được bảo vệ chắc chắn không ai làm gì nổi. Tài giỏi lắm cũng phải bỏ ra ba chục năm mới làm anh sạt nghiệp được. Trừ phi trong quá khứ anh đã có sai phạm gì để người ta có thể lợi dụng làm hại anh mà tôi không biết, đại loại tội cưỡng hiếp cả loạt nữ sinh một trường trung học nào đó, hoặc băng qua đường ngoài hàng dinh, hoặc ám sát Tổng Thống đương nhiệm của một nước cộng hòa...
— Sáng nay anh có vẻ sung sức ra trò. Trông anh thật thích mắt.
Nói thế nhưng tôi đã hiểu ý anh ta. Hơi chậm, nhưng cũng đã hiểu.
— Nói cách khác, anh khuyên tôi rút lui.
— Cũng có thể coi là như thế.
Anh ta còn cố giải thích thêm: Cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của địch thủ cài trên đường ta đi, là đừng đi tiếp nữa. Là dừng lại, là chờ đợi mãi mãi. Một câu tục ngữ Ả Rập nói đại ý: “Hãy ngồi xuống bờ sông mà đợi, sẽ thấy xác kẻ thù trôi qua”. Marc khuyên tôi gần như thế: Đừng hành động, đừng thử sức, không để bị rơi vào
bẫy. Tôi đã tìm ra từ chính xác: Rút lui. Lúc chưa đầy hăm lăm tuổi đời.
Nhưng bản tính tôi không thích ngồi nhìn nước chảy dưới sông. Mà thích xuống để đãi vàng. Và cho rằng, có khi cạm bẫy lão dành cho tôi lại chính là điều đó: Dọa dẫm khiến tôi khiếp sợ và tự mình làm mình tê liệt.
Chưa hết.
— Hãy nghĩ cho kỹ. Đó là một giải pháp. Không đòi hỏi anh quyết định ngay bây giờ. Anh đang dự dịnh đi nghỉ cùng Catherine và thằng nhóc, riêng ba người với nhau. Vậy hãy đi nghỉ, và cân nhắc thêm rồi quyết định.
***
Chúng tôi đi nghỉ ở Arizona.
Trang trại cách Phoenix độ một giờ rưỡi chạy xe. Rất dễ tìm đến chân dãy Rocheuses, rẽ tay phải. Vùng có tên là Mesa Verde. Trại kiểu Tây Ban Nha - Mexico khép kín có sân trong trồng cây tuyệt đẹp.
Catherine đã thỏa thuận với tôi tậu dinh cơ này cách đây tám tháng. Cho đến lúc này, chúng tôi mới đến đây ở đúng một tuần. Sắm vai những người chăn bò. Chúng tôi cũng thỏa thuận khi có dịp sẽ trở lại. Đây chính là dịp
tốt hiếm có. Tám ngày sau khi Marc Andrea Cimballi con trai chúng tôi chào đời. Cha đỡ đầu nó là Marc Lavater.
Li và Liu đã trở về San Francisco từ lâu, Rosen và Lupino về New York, Ute và gã Thổ về London. Françoise và Marc đi với chúng tôi. Họ ở Arizona khoảng mười ngày nhân thể đi tham quan bằng xe hơi và máy bay du lịch nhiều thắng cảnh trong vùng. Ngày 25 tháng năm họ trở về Pháp, để sang đầu tháng sáu Marc sẽ quay lại New York. Trong những ngày nghỉ hai chúng tôi không hề đả động đến công việc, đến Horst, do đó cũng không động đến Yahl.
Họ đi rồi, trong trang trại vợ chồng tôi và chú bé người ở, chỉ còn bà mẹ Catherine và chồng bà ta. Chú Marc Andrea Cimballi vẫn hấp dẫn và làm tôi kinh ngạc hết sức. Tôi chưa bao giờ có một gia đình, theo đúng ý nghĩa của từ này. Bố tôi mất lúc tôi mới lên tám, mẹ tôi không sống thêm được bao lâu sau đó. Không có anh chị em ruột, anh chị em họ, thân thích chẳng có ai. Chưa bao giờ biết như thế nào là trẻ con. Tuổi thiếu niên lê từ trường trung học Paris sang trường Thụy Sĩ qua ngôi trường Anh Public School[2](tên như thế nhưng lại
là trường tư), dưới sự bảo trợ khắc nghiệt của Martin Yahl và của ông bác còn đạo đức giả nặng hơn vì mắc bệnh đần. Và cuối cùng khám phá được rằng cả hai tên đã chiếm đoạt gia tài bố tôi để lại. Tuổi trưởng thành mở đầu bằng việc bị tống sang Kenya khuất mắt họ, rồi được nuôi dưỡng bằng mối thù tôi đã trả xong và món tài sản tôi đã tạo dựng. Vậy mà hôm nay tôi đang run rẩy trước cục thịt đỏ hỏn khóc oe oe này...
Chính trong tâm trạng này mà tôi bàn và thỏa thuận với Catherine kéo dài cuộc nghỉ chơi thêm hai tuần, kết thúc vào cuối tháng năm này. Tôi thuê chiếc du thuyền đi tham quan vịnh California, đáng lẽ nên gọi bằng cái tên hình như của Steinbeck[3] đặt hay hơn gấp trăm lần: Biển Cortès. Nó là một luồng biển dài mười hai ngàn kilomètres, rộng ít ra cũng đến một trăm kilomètres, có chỗ sâu những hai ngàn năm trăm mét nước, một bể cá khổng lồ phủ kín những đàn chim biển, chim mòng, chim nhạn, những đàn cá đuối nhảy múa rất ngoạn mục trên mặt trước, cùng vô số sư tử biển, cá voi xanh bơi với tốc độ năm mươi kilomètres giờ, tất cả đều ẩn náu trong ngôi đền bất khả xâm phạm này. Không có cảnh lớn, không một thành phố nào đáng gọi là thành phố suốt
dọc hai bên bờ của Mexico: Nơi tận cùng của thế giới, chốn thiên đường.
Dù sao, cái gì cũng đến lúc phải kết thúc.
***
Tôi bàn với Catherine đến ở New York với tôi. Cô dứt khoát từ chối. Thế là cãi nhau kịch liệt, cô trách tôi ích kỉ, lôi hai mẹ con đến một trang trại tận xó xỉnh Arizona rồi lôi tiếp lên con tàu này. Và nhất là cô đã thấy ớn, ớn chuyển dịch, thay đổi không dừng, ớn vì tôi lang bạt khắp trái đất đuổi theo một thành đạt vô nghĩa theo quan niệm của cô. Cô thèm có một mái nhà của mình, yên tĩnh, ổn định, bình dị, ở bên Pháp, gần bố mẹ. Nơi mỗi buổi chiều, lúc bảy giờ ba mươi phút tôi trở về ăn tối, chứ gì? Thì đã sao?
Không phải lần đầu tiên cãi lộn như thế, nhưng chưa lần nào nặng lời như vậy, vả lại những lần trước tôi không quan tâm lắm. Bây giờ tôi đang giậm chân sốt ruột. Ngày 7 tháng năm đã xảy ra quá nhiều sự kiện dồn dập. Sau đó có được mấy ngày yên tĩnh tôi dành hết cho con. Bây giờ tôi sôi sục ý muốn hành động. “Đã thế, em về Pháp” về Paris và suốt mùa hè về ở Fournac vùng
Thượng Loire. “Thế còn anh, anh sẽ ra sao? Đừng quên anh là chồng em”. Cô không quên. “Lúc nào có thì giờ rảnh rỗi công việc anh về mà thăm vợ thăm con!“ “Thế thì suốt đời đi trên đường không lúc nào dừng chân?” Catherine: “Tại anh thích đi, ai bắt!”
Tôi vừa nói vừa giậm chân sốt ruột như con tuấn mã gõ móng đòi phi. Marc Lavater khuyên tôi nghỉ ngơi, suy nghĩ nên làm gì đáp lại thách thức của Horst. Nhưng chẳng cần suy nghĩ gì hết. Ngay từ câu đầu từ mồm sứ giả của Martin Yahl buông ra, tôi đã quyết định rồi.
Đã đến lúc ra tay. Ngày 11 tháng sau, cùng lúc Catherine bế con theo bố mẹ bay đi Châu Âu, tôi cũng rời Arizona để về New York.
PHẦN II CẠM BẪY
1
New York. Chúng tôi đi vòng quanh hàng hiên đầy hoa tươi của trung tâm Rockefeller rồi vào mảnh vườn bé tẹo “Biển Manche”. Marc Lavater hỏi:
— Bọn phó nhòm thế nào?
— Lúc tôi lên máy bay ở Phoenix đã thấy chúng đợi sẵn, lúc đến đây lại thấy một tốp khác đang chờ. Chúng săn đuổi tôi thật rồi. Kể cũng lạ, sao lúc này không thấy chúng quanh đây?
Mấy bụi cây lèo tèo này được đặt tên vườn “Biển Manche” và nằm giữa ngôi nhà Pháp Quốc và cao ốc Vương Quốc Anh.
Marc nói:
— Tôi đã kiểm tra kĩ, chúng hành động đúng luật. Không thể cấm chúng chụp ảnh ở những nơi công cộng. Tuy vẫn có thể thử kiện và yêu cầu truy tố, nhưng khả năng được kiện rất mỏng manh. Mất hàng tháng trời là ít, theo lời các chuyên viên cho tôi biết. Hơn nữa chính
anh đã cho tung ra hàng đống ảnh của mình. Thành ra rất khó làm tòa tin rằng quả thật anh ghê tởm việc quảng cáo cho mình.
Liều thuốc thật là đắng!
— Nghĩa là tôi bị trừng phạt vì tội lỗi của mình chứ gì?
— Thế đấy.
— Ai thuê chúng nó?
— Bữa trước tôi đã nói: Một gã tên Yates. Đã nắm được thêm về hắn. Mới thành lập hãng cách đây năm tháng. Franz Herbert Yates. Trước làm phóng viên báo chí ở Nam Mỹ, Brazil là chính. Đã từng bị rắc rối về chuyện buôn bán ngoại tệ nhưng không có chứng cứ đích xác.
— Hắn lấy đâu ra tiền?
— Tôi sắp nói đến. Cách đây sáu tháng Yates còn làm phóng viên cho một hãng thông tin. Đang làm thì gặp may: Một kĩ nghệ gia Argentina chết hồi mùa thu năm ngoái để lại cho hắn gần ba trăm ngàn đôla, đã trừ một khoản lệ phí. Chúng tôi lần theo manh mối thì thấy hợp lệ. Tay kĩ nghệ gia ấy là bạn thân của Yates, trong di chúc nói rõ khoản tiền ấy để trả ơn sự giúp đỡ của bạn.
Chẳng rõ ràng gì hết, nhưng không vi phạm pháp luật. Tiền do các ngân hàng chuyển giao, thuế nộp đủ, hãng của Yates thành lập hợp lệ về mọi mặt. Không đánh họ được. Một luật sư của tôi đành đến gặp Yates hỏi thẳng thừng tại sao hắn quan tâm tới anh đến mức ấy. Trả lời: Yates cho rằng anh là một Howard Hughes[4] mới nổi lên, nếu một ngày kia anh cũng bắt chước Hughes thứ thiệt, tự giam mình trong buồng kín không xuất hiện trước công chúng nữa thì bộ ảnh chụp anh mà hắn đang sưu tầm sẽ thành một đống của. Hắn bảo đấy cũng là một cách đầu tư. Hắn còn láu lỉnh bảo luật sư của tôi rằng chẳng có điều luật nào bắt tội hãng thông tấn của hắn kiếm lời.
Là một “Howard Hughes mới”! Chà, mũi tôi phồng lên. Tôi bảo:
— Anh biết không, tôi bắt đầu thấy khoái vụ này đấy. Cũng là một cách xem xét sự việc. Dù thế nào đi nữa, có đến mười hai tên phó nhòm dưới trướng Yates. Không chỉ chụp có một mình Franz Cinballi, nhưng chúng, dành cho nhân vật thú vị này chín chục phần trăm thời gian. Quả thật có triển vọng phải chịu đựng bọn phó nhòm này nhiều tuần, nhiều tháng và có khi còn lâu hơn,
triển vọng này khiến tôi bực bội. Tôi đã thấy trước những cơn thịnh nộ của mình. Nhưng triển vọng này cũng có khía cạnh khiến tôi vui vui. Nó là một thách đố. Marc tiếp:
— Tất nhiên có hay không có bọn phó nhòm thì anh cũng vẫn bị Martin Yahl giám sát chặt. Từ nhiều tháng nay. Ngay lúc tôi đang nói đây chắc chắn cũng có những đứa đang rình.
Đi hết vườn “Biển Manche” chúng tôi đặt chân vào đại lộ số năm. Dừng lại trước tủ kính hiệu sách Pháp. Tôi quyết định:
— Đúng như anh nói. Vậy thì ta cùng làm nhân chứng.
— Giám sát Yahl suốt ngày đêm?
— Tao giám sát mày, mày giám sát tao?
— Trò ngu xuẩn!
— Tôi muốn có trong tay équipe tốt nhất. Trừ phi nó đã làm tay sai cho Yahl.
Marc ngẫm nghĩ. Rồi bảo:
— Callaway rất cừ. Nhưng chỉ cừ ở Hoa Kỳ, không phải thứ đồ xuất khẩu. Anh còn nhớ vụ Paul Getty[5] không? Cháu nội ông ta bị bắt cóc bên Ý, bị chúng xẻo
tai gửi qua bưu điện cho ông ta để đòi tiền chuộc. Tôi sẽ thuê cho anh toán điều tra viên đã giải quyết vụ đó. Không có loại tốt hơn được.
— Đồng ý.
— Sẽ tốn ghê gớm đấy. Nhưng bọn này rất giỏi. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh: Martin Yahl ẩn mình trong dinh cư đồ sộ bên hồ Geneva, trong ngôi nhà lẻ loi nằm giữa khoảnh vườn tuyệt đẹp có tường cao vây quanh. Ngôi nhà tối tăm, hiu quanh. Hình tượng sáo mòn: Con nhện ẩn giữa mạng lưới của nó. Và tôi Cimballi là chú ruồi mắc lưới.
— Marc, tôi muốn biết mỗi ngày, từng giờ của mỗi ngày, lão làm những gì, đi đâu, điện cho ai, viết cho ai, gặp ai, tiếp ai, để làm gì.
Và không kìm giữ được mình khỏi hàm hồ: — Tôi phải biết cả kết quả xét nghiệm nước đái của lão.
Marc không cười. Anh nhìn thẳng mắt tôi:
— Nghĩa là chiến tranh?
— Đúng thế.
Marc tiếp: “Có điều chắc anh chưa nghĩ tới. Yahl có thể đã hoặc đến lúc nào đó sẽ nghĩ đến chuyện hạ đối
thủ. Bọn giết mướn vẫn tồn tại”.
Không. Tôi không hề nghĩ đến khả năng đổ máu, thậm chí còn rút hết những người canh gác cho Catherine và Marc Andrea. Tôi tin chắc Martin Yahl không tự tay mà cũng không thuê kẻ khác giết người. Tôi biết rõ lão ta. Quá lắm, lão chỉ khôn khéo đẩy tôi đi đến chỗ tự sát là cùng. Không làm quá mức đó. Vì tính thận trọng của kẻ kinh doanh ngân hàng, vì thói kiêu ngạo khiến lão không muốn triệt hạ tôi bằng thủ đoạn nào khác hơn là dùng những luật chơi của giới tài chính cỡ bự, và nhất là vì một lí do có thể làm mọi người sửng sốt: Đức tin của lão. Đúng thế đấy! Đấng Tối Cao ngân hàng, tuy đã từng đứng ra làm ăn với bọn Quốc Xã trong thế chiến vừa qua, tuy đã từng lạnh lùng chiếm đoạt của bố con tôi không dưới một trăm triệu đôla, nhưng ngài vẫn là một tín đồ Thanh Giáo ngoan đạo, rất nghiêm chỉnh, ngài tin có Chúa, tin có sự trừng phạt vĩnh viễn.
Tôi bảo Marc: “Anh cười thì cứ cười, nhưng sự thực là thế”.
Không thể có mối đe dọa ấy. Cạm bẫy nếu có thật, sẽ nằm trong chuyện làm ăn kinh doanh mà thôi, trong mỗi vụ tôi đang thực hiện hoặc sắp thực hiện.
Diễn biến về sau chứng tỏ, ít ra tôi cũng đã đúng trong phỏng đoán này.
***
Trên đường bay từ Amsterdam đi Los Angeles qua Paris, London và New York. MacQueen vẫn thực hiện cuộc phỏng vấn nhát gừng. Trước khi thả mình vào cơn say sưa tuyển tập bài hát dân tộc Gaen vùng Tây Bắc Anh. MacQueen hỏi tôi: “Anh là nhà tài chính loại nào? Kiếm tiền bằng cách nào? Làm gì để ra tiền?“ Tôi trả lời: “Đánh quả”.
Chắc anh ta không hiểu (cứ sau sáu chai Dom Pérignon thì ngay điều đơn giản nhất cũng làm anh ta ngớ ra). Khốn nỗi vừa buông mồm anh ta đã gào những bài ca Ireland quái quỉ bằng thổ âm, thành ra tôi không giải thích được cho anh ta hiểu.
“Đánh quả”, tức là nắm bắt - hoặc thử nắm bắt - điều đang xảy ra ở một vùng nào đó trên thế giới, tức là nắm bắt một thị hiếu, tiên cảm một điều sẽ tới, tìm được một ý mới. Sau đó triển khai ngay lập tức, thật nhanh, đi đến tận nơi, hỏi han, nếu cần thì tuyển chuyên viên giúp việc, thực hiện kế hoạch đến nơi đến chốn. Sau nữa, nếu
cần, phải đoán trước lúc nào nên rút lui và ý của ta không còn mới nữa, đã có người bắt chước ta, hoặc vì hoàn cảnh thay đổi, thị hiếu đã khác đi.
Đó chính là những điều tôi đã làm được trong bốn năm qua (điều khiến tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên). Tôi không phải là, và sẽ không bao giờ trở thành nhà kinh doanh thông thường theo như thiên hạ vẫn quan niệm. Có nhà mặt tiền. Nữ thư kí riêng có bằng cấp, văn phòng cố định... đều không có.
Trong tháng sáu năm đó, chừng bốn mươi ngày sau khi Horst ra mặt, tôi đã làm đi làm lại đến năm chục lần bản tổng kết các vụ kinh doanh trong quá khứ, đang tiến hành và đang dự định. Bây giờ tôi vẫn nhớ vào thời gian ấy tôi đã bỏ vốn vào nhiều nơi nhất là trong lĩnh vực nhà đất, ngoài ra còn tham dự một vụ tích trữ số lớn bạc kim loại; bên cạnh đó còn sắp bỏ vốn lớn vào việc tích trữ cà phê; cuối cùng còn một dự định khác rất thú vị chưa tiết lộ với ai. Kể cả Marc Lavater. Chừng đó cũng đủ biện minh việc tôi phải trở lại với kinh doanh, sau đợt nghỉ vừa rồi. Nhưng số phận đã quyết định tôi phải lao vào một vụ làm ăn hoàn toàn mới, vô cùng lớn.
Đây là một vụ đánh quả như tôi đã nói với MacQueen.
Tên là Vườn Săn.
Bắt đầu từ anh chàng Flint.
2
Flint hỏi tôi: ''Liệu tôi có được tăng tiền công không?" Tôi kiên quyết lắc đầu, mắt vẫn dán vào tập hồ sơ do Rosen và Lupino chuẩn bị, mang theo trong chuyến đi này.
— Không!
— Tôi cần tiền quá mà. Franz!
— Thì bán máy bay đi.
Đáng lẽ không nên nói thế làm anh khó chịu ra mặt: Anh bắt đầu cho máy bay nhào lộn, không rõ theo những động tác gì. Bữa ấy anh lái cho tôi đi Montréal dự hai cuộc gặp, tôi đang có tham vọng thò mũi vào công việc kiến thiết vịnh James đang được dân Québécois[6] đầu tư ồ ạt.
Nếu không thắt chặt đai an toàn vào ghế chắc chắn tôi đã bị hất tung ra bầu trời Canada trong bộ đồ Complet trên độ cao bốn, năm ngàn mét. Mãi Flint mới trấn tĩnh lại và trình bày tình trạng tài chính của anh ta một lần
nữa, một tình trạng không đến nỗi tầm thường như đoạn trên tôi đã nói. Anh thừa kế hợp pháp ít ra cũng một tỉ đôla, nhưng không thanh toán nổi tiền điện. Lợi tức không đủ tiêu. Bất cứ người nào khác đều sống dư dật với số lợi tức ấy với điều kiện: Dừng sắm máy bay, nhất là máy bay phản lực. “Franz, tôi bí quá. Có một vợ với sáu đứa con”. Rồi thao thao bất tuyệt. Kể lể về những người làm ăn với bà mẹ, về cô vợ khốn khổ, về sáu đứa con khốn khổ đang đói ăn, về ngôi nhà Atlanta bên Georgie có sân chơi golf và máy xén cỏ khổng lồ chở được hai người, lắp tivi màu. Kể lể về chiếc máy bay, một thứ tuyệt hảo nhưng cần thay dăm ba bộ phận... Và dĩ nhiên, kể về mảnh đất của anh ta. Không phải là lần đầu tiên nói đến nó với tôi.
Đấy là mảnh đất hương hỏa của ông nội anh ta, nên không bị trói buộc bởi những qui định khắt khe trong khế ước ủy thác tài sản của bà mẹ. Theo tôi hiểu, nó nằm ở bang Florida nhưng ở vùng không ai đặt chân đến vì toàn ao hồ đầy cá sấu mắt lửa. Hoàn toàn vô giá trị, chẳng đem lại lợi lộc gì trừ bọn muỗi. Tôi đã nhắc đi nhắc lại với Flin như thế.
— Ít ra anh cũng đến xem qua một lần. Vì tôi.
Anh ta nài mãi làm tôi phải nhận. Tên súc sinh này nắm vững chương trình của tôi vì nó lái máy bay cho tôi, nó biết sau các cuộc hẹn ở Montréal tôi có đủ thì giờ đảo xuống Florida khi quay về New York.
Tôi chi tiền xăng cho chuyến đi.
— Ta sẽ đổ bộ xuống Gifford quãng giữa đường từ mũi Kennedy, trước đây gọi là mũi Canaveral, đi Palm Beach Tây. Từ Gifford đi ôtô đến Ocoee.
— Ocoee là cái gì?
— Một gã Séminole.
Khổ chưa, chỉ còn thiếu người da đỏ nữa thôi! Bang Florida như ngón tay chỉ phương Nam. Từ Bắc đi xuống, bên trái đầu ngón tay: Một loạt bãi tắm của Miami. Giữa đốt thứ nhất là các thành phố Orlando, Lakeland, với Daytona và mũi Kennedy ở bên trái, phía Đại Tây Dương, Tampa và Saint Petersburg ở bên phải. Từ quãng móng tay đến đốt thứ nhất chẳng có dân cư. Vùng Everglades. Bằng phẳng, sình lầy, toàn đước và cá sấu. Tẻ ngắt.
Mảnh đất của Flint ở cách mũi Kennedy tám mươi kilomètres về phía Tây Nam, trên vùng đất không người kẹt giữa xa lộ nối Orlando với Miami và bờ biển Đại Tây
Dương. Dọc bờ biển có con kênh dài vô tận - hơn một ngàn kilomètres - một thủy bộ mà du khách từ phương Bắc xuống Miami thường sử dụng để khỏi mạo hiểm ra biển. Diện tích khoảng hai mươi hai kilomètres vuông.
Chúng tôi bay trên đó độ bốn lăm phút, tôi phát buồn nôn lên, đã thế Flint lại bay thấp đến nỗi tôi bất giác co vội hai chân lên sợ đụng phải ngọn các cây bách. Tuy nền trời đỏ hoàng hôn rực rỡ, vẫn là quang cảnh đầm lầy ướt át, thù địch với con người, tôi hình dung dưới ấy nhung nhúc thú dữ.
Hạ cánh ở Gifford. Lên ôtô đi một đoạn đường tương đương loại tỉnh lộ bên Hoa Kỳ, Flint rẽ vào con đường đất nham nhở. Ao bên trái, đầm bên phải, đầm trước mặt. Cuối cùng tới một nơi có lẽ đây là hồ, giờ chỉ thấy bọn bồ nông và mấy con thuyền mục. Dấu hiệu duy nhất chứng tỏ đã từng có người đặt chân tới nơi khỉ ho cò gáy này là tấm bảng: “Coi chừng cá sấu, người sống sót vẫn bị rượt theo”.
— Đẹp đấy chứ! - Flint reo lên với vẻ thành thật đáng thất vọng.
Màn đêm vội vàng ập xuống, việc duy nhất nên có vào lúc này.
Ocoee, gã Séminole, thấp bé đi lọt dưới gầm bàn được và gầy nhẳng như nốt nhạc. Hỏi tôi: “Anh có biết cách bắt cá sấu không?” Tôi đáp: “Có chứ, tất nhiên là biết, lại còn phải hỏi, vả chăng đó là thú tiêu khiển ưa thích của tôi, anh có biết không“. Trong lúc vẫn đang tự hỏi không biết sẽ làm gì trong chốn rừng rậm hôi thối sình lầy bên cạnh một gã phi công điên rồ và anh da đỏ bốn ba ký thịt. Anh này nắm tay tôi lôi tuột ra khỏi lúp lều gỗ dựng ngay giữa đầm. Trong lúc gã ngốc Flint ôm bụng cười ngặt nghẽo. ”Rồi ông sẽ được xem ông Cimballi“. Ocoee đeo chiếc đèn điện trên trán, lia luồng sáng thủng màn đêm chập chờn trên các vũng nước tù và thân cây đổ. Tôi nhớ lại cảnh trong phim Cuộc Phiêu Lưu Của Thuyền Trưởng Wyatt, bảo Ocoee: “Gọi tôi là Gary Cooper”. Anh ta đáp: “Ông nên cầm chiếc đèn này thì hơn, nếu không sẽ phải đeo giầy lên đầu gối vì bị nó xơi mất bàn chân đấy”. Vừa dúi chiếc đèn vào tay tôi anh ta đã nhào xuống vồ cái gì đó ngay giữa hai bàn chân tôi, rồi đứng lên ôm con cá sấu to dài hơn anh ta, hai tay nắm chặt chân trước con vật, ghì chặt lưng nó vào ngực, kẹp đuôi nó giữa hai đùi. “Ông thấy chưa? Ông thấy chưa?” Con cá sấu vặn mình giẫy mạnh, cả hai ngã
lăn xuống đất, lúc biến mất trong bóng tối lúc hiện ra dưới luồng sáng đèn của tôi. Cuối cùng Ocoee vùng dậy được, buông tay nhảy sang bên. Tôi cũng nhảy vội một bước, và rơi xuống cách chỗ vừa đứng mười lăm mét là ít.
***
Có hai cách để tìm ra một ý hay. Cách thứ nhất là không làm điều gì khác thường và chờ nó tự xảy ra; cách thứ hai là làm việc cật lực, thu thập mọi thông tin cần thiết, xông xáo khắp nơi.
Tôi áp dụng cả hai phương pháp đó và chẳng nghĩ ra cái gì. Flint đưa tôi quay về New York. “Franz, anh nghĩ ra ý gì chưa? - Quỉ tha ma bắt cả cậu và mảnh đất chó ỉa của cậu đi”. Trong lần dạo chơi Florida này chỉ có cuộc đi đêm kỳ lạ với Ocoee là ngoạn mục tuy không thích thú lắm. Anh ta lắp trước mũi thuyền chiếc đèn pha ôtô có thể chuyển hướng được, nhưng không bật thường xuyên. Thuyền lướt nhẹ trong đầm lặng hoàn toàn, len lách giữa đám cành lá, rễ cây được, cây bách, theo những con suối hẹp hình như đều đổ vào những đầm nước nối tiếp nhau thành chuỗi. Bất thình lình, Ocoee
bật đèn. Ánh sáng chói lọi như mặt trời giữa đêm đen, chiếu thẳng vào một chú cá sấu ngay trong tầm tay, hoặc một chú hổ mang thật bự vừa tỉnh giấc ngọ nguậy bộ nhạc ở đuôi, hoặc con trăn hoa dài hai mét nổi giận vì cuộc săn mồi bị phá rối, há hết cỡ cái mồm sọc trắng, trườn là là dòng nước.
Về New York tôi không còn lúc nào để nghĩ đến Florida nữa, ít lâu nay tôi nhảy vào cuộc đầu cơ rất lớn món bạc kim loại. Trên thị trường Chicago và New York có nhiều chuyện lạ, rất lạ xung quanh việc mua bán bạc; lại thêm lời thách thức của MartinYahl vẫn rin rít bên tai nên trong từng chuyến làm ăn tôi đều tập trung cao độ với tinh thần thận trọng gấp mười trước kia. Tuy nhiên, chính vì phải làm việc cật lực như thế nên tôi lại nhớ đến những hình ảnh, mùi vị và những cảm giác của đêm hôm đó. Cầu may tôi bảo Lupino chuẩn bị một dự án đầu tư vào Florida. “Anh đã có ý gì chưa, Franz?” - Hoàn toàn chưa”.
Cuối tháng sáu tôi sang Pháp nghỉ vài ngày ở Fournac vùng Thượng Loire cùng với Catherine và thằng nhóc. Hai mẹ con vừa về đây ở qua dịp nghỉ hè. Nếu có lúc nào đó tôi tưởng tượng sẽ gặp lại một Catherine đã nguôi
giận thì hẳn là tôi đã lầm lo. Cô vẫn lảng tránh mọi câu hỏi của tôi, tỏ vẻ lạnh nhạt, nói thế còn là nhẹ. Chưa lần nào tôi nói với cô thật cặn kẽ về công việc của mình, thoạt đầu mới gặp nhau tôi định nói nhưng thấy cô không mặn mà nghe nên không ép. Nhưng rồi... “Catherine này, ở Fournac anh không làm việc được đâu. Công việc anh đang tiến hành và dự định tiến hành buộc anh phải đi lại nhiều, nên chỉ New York mới là chỗ dừng chân lý tưởng”. Cô trả lời: Biết thế, nhưng cô không thích ở New York, dù ở ngay đại lộ công viên. Cũng không thích có ngôi nhà ở Connecticut, hoặc bất cứ nơi nào trên đất Hoa Kỳ. Ở quần đảo Bahamas cũng không.
— Thế em muốn anh quẳng hết đi, về nghỉ hưu bên Pháp, hết đi xem Opéra lại về nằm nghỉ ở nhà chăng? — Em có nói thế đâu.
Cô không nói thế thật, trước kia không, và bây giờ cũng không. Nhưng không nói cũng chẳng khác gì mấy. Mẹ cô bảo tôi:
— Hãy kiên trì. Anh còn trẻ, và nó lại còn ít tuổi hơn anh. Hãy nhớ: Nó chưa tròn hai mươi.
Nhưng chúng tôi đã thành vợ chồng, tôi gắn bó với cô ấy. Phải sống như thế này, càng ngày càng cách biệt
nhau hơn. Không ai có thể viện cớ tôi đã thành đạt lớn về tài chính để đòi tôi ngừng hoạt động.
Bà mẹ Catherine ôm hôn tôi như thể tôi là con đẻ làm tôi xúc động và không quen.
— Không ai đòi hỏi thế, sẽ không một người nào đòi hỏi thế. Anh như thế nào thì vẫn cứ như thế. Lúc đầu tôi tưởng cái mà anh gọi một cách ngộ nghĩnh là vũ khúc của anh, một vũ khúc khá cuồng dại, chỉ là cơn bốc đồng của anh chàng đang ham rửa hận và muốn tự khẳng định. Tưởng rằng sau khi thử sức anh sẽ nguôi đi. Nhưng tôi đã lầm. Thực tình, tôi cũng không tin chắc lắm đâu, anh cũng biết là tôi thân với bố anh và thấy tính anh rất giống bố. Tôi thấy anh lại còn hung đồ hơn ông nhà nữa cơ, nên đành phải nín chịu chứ biết làm sao bây giờ? Tôi đã khuyên Catherine thế, trước sau nó sẽ nghe ra. Ngay sau lần cô cậu gặp nhau đầu tiên tôi đã báo động. Nhưng nó bỏ ngoài tai.
Bà tủm tỉm cười:
— Ở địa vị nó, tôi cũng thế thôi.
Cuộc sống quả là kì lạ. Trong số các vị khách mùa hè năm ấy lui tới ngôi nhà cổ rộng rãi ở Fournac, khi tôi đang dừng chân tại đó, có ông bạn của bố vợ tôi - vẫn
dễ thương tuy tiền đầu bất lợi. Ông bạn của bố vợ đã từng qua Kenya săn thú bên đó, tất nhiên thông thạo Mombasa và Nairobi, thậm chí còn chạm trán cả với tên cựu lính đánh thuê Joachim đã cải tạo trong cuộc săn thú “may mắn”. Tôi chuyện vãn với ông ta về săn bắn, rừng rú. Rôm rả đến nỗi xảy ra điều kì lạ: Ngay tại Fournac này, trong khung cảnh êm dịu của cuộc nghỉ chơi vùng tỉnh nhỏ đậm đà tính chất Pháp, chợt nảy ra sáng kiến.
Có phải gã súc sinh Flint đã hối thúc tôi nghĩ cách khiến mảnh đất dơ bẩn của gã phải đẻ ra tiền? Tôi nghĩ ra rồi!
***
Trong khách sạn Fairmont ở San Francisco, tôi giảng giải cho Li và Liu hiểu ý định của mình. Họ pha trò, cười phá lên, tỏ vẻ khoái. Cúi rạp sát đất thật khúm núm:
— Hai con giời khốn khổ Li và Liu rất vinh dự được Cimballi bố, Cimballi con khôn ngoan vời đến. — Hai ông con trời có ưng không?
— Ưng nắm mà! - Li hoặc Liu gật đầu.
Vẫn không phân biệt nổi hai tên này. Chúng lại còn
mặc bộ đồ giống nhau, đeo đôi kính y hệt. Cứ tưởng nhìn một hóa hai.
— Ưng nhiều nhiều ấy chứ, - Liu hoặc Li xác nhận. - Nhưng anh có biết phải bỏ vốn cũng nhiều nhiều không. Tôi biết. Đã tính sơ sơ, theo thói quen xưa nay. Vài trăm triệu đôla. Tính phác. Tính đúng cũng vậy. Mà tính đủ cũng thế.
Tôi xuất phát từ một ý dễ như bỡn: Việc săn thú Iớn ngày nay hầu như bị đình chỉ vì các nước Châu Phi giành được độc lập đều đề ra những đạo luật cấm trên lãnh thổ họ. Nhưng những người ham món này thì không thiếu, nhất là ở Hoa Kỳ. Họ sẵn sàng chi tiền, những món tiền lớn để hưởng niềm vui bắn hạ một con voi, sư tử, hổ, hoặc con trâu rừng hay bất cứ con mãnh thú nào có thể trưng lên thành chiến quả. Từ ý đó dần đến ý: Biến hai mươi hai kilômét vuông đất hoang của Flint thành khu săn bắn, bằng cách thả vào đấy những con trâu rừng. Từ ý trước đến ý sau chỉ có một bước chân, tôi đã bước qua. Tất nhiên không để trâu bị bắn chết. Các tay thợ săn chỉ được dùng những khẩu súng “bơm tiêm dưới da” làm thú rừng lăn quay ra ngủ, còn các nhà thiện xạ vẫn có cảm giác y như thật. Tôi đã tìm
hiểu kĩ: Nhập khẩu trâu, cho chúng thích nghi với rừng Florida không phải là việc không làm được, tuy không dễ. Tôi còn đi xa hơn, thấy có thể làm mạnh tay hơn. Tức là phát triển hơn nữa ý định ban đầu, đưa hẳn Châu Phi, đất săn bắn, vào tầm nghỉ cuối tuần của các tay thích săn. Tội gì dừng lại ở việc nhập các con thú? Tại sao không nhập cả Châu Phi sang đây? Không phải Châu Phi hiện lại mà Châu Phi thời Stanly và Livingstone[7]. Hơn thế nữa Châu Phi huyền thoại, thứ Châu Phi của Tarzan của Edgar Rice Burroughs, của Clark Gable trong phim Mogambo, của Steward Granger trong phim Vợ Của Vua Salomon. Một Châu Phi tưởng tượng, Châu Phi của trẻ con lớn và trẻ con bé, có mộ của vua Salomon, có bọn đàn bà - Báo gấm, có nghĩa địa bí mật của voi, các nhà thám hiểm đội mũ thực dân và nhà nữ thám hiểm tóc vàng bị con tinh tinh kiểu King Kong tăng cường bắt cóc, nếu không thì cũng khó thoát khỏi bị sa lưới của bọn người tí hon Pygmées xảo quyệt chăng ra với nụ cười nhạo báng đầy xảo trá...
Li và Liu tán thêm:
— Mỗi tối, khi màn đêm phủ kín cái thế giới rừng rú này, phủ kín tiệm ăn, khách sạn, hang động, bãi tắm, bể
bơi, hàng quán, ngân hàng, rạp chiếu bóng, hộp đêm, phủ kín các đoàn lữ hành, các bầy tinh tinh, các bungalow kiểu thuộc địa và sự rung chuyển của nó, khi màn đêm dịu dàng thơm ngọt phủ lên tất cả mọi thứ đó thì bạn thân mến ơi, mọi người sẽ thấy từ đỉnh núi lửa kinh hoàng, gã Tarzan bận quần xà lỏn da cọp dạ quang lao xuống. Nắm chặt vào một sợi dây, Tarzan lướt qua công viên mồm há to “Aiaiai uuu Aaa Hu Tagada”, tiếng hú thường lệ mà! Franz này, đã có ai hú kiểu Tarzan cho anh nghe chưa?
— Chưa. Mà mình không muốn nghe.
Chúng cứ hú, làm ban tiếp đón của khách sạn vội vã gọi điện thoại hỏi tôi có đau ốm gì không.
— Màn Tarzan dạ quang lướt qua bầu trời đêm là tín hiệu báo cho các bậc làm cha mẹ biết đã đến lúc dụ bọn nhóc đi ngủ để bố mẹ nhập cuộc truy hoan, anh hiểu chưa?
— Hiểu rồi. Bây giờ mời các cậu nhảy xuống khỏi bàn ngay!
Tôi có mang theo hồ sơ các khoản đầu tư vào Florida, do Lupino thu thập được. Các con số khô khan chứng tỏ Florida đang trở thành đất lành để xây dựng các khu giải
trí. Hiện tượng này về sau càng rõ hơn. Các khoản đầu tư thật đồ sộ: Một trăm triệu đôla cho Thế Giới Biển Sâu, sáu trăm triệu cho Williamsburg, ba trăm cho Tiểu Anh Quốc, ba trăm cho trường quay Universal, sáu trăm triệu cho Đại Công Viên Orlando, là thành phố ở trung tâm tất cả những thứ đang xây dựng và sẽ xây dựng. Chưa kể thế giới kì ảo của Walt Disney[8] mới mở cửa tháng mười năm 71, đã tiếp đón sáu mươi triệu du khách và dự tính trong những năm tới sẽ đón từ mười bốn đến mười lăm triệu khách mỗi năm.
Li và Liu cũng có khả năng đọc nổi những con số này như tôi và rút ra kết luận. Ai cũng biết: Tài sắm vai hề có một không hai của họ che giấu những bộ óc quỉ quyệt nhất, tính toán chi li nhất của người Trung Quốc vốn là những người giỏi kinh doanh. Việc họ thừa nhận ý định của tôi và hứa tài trợ mạnh mẽ cho dự án đã là bằng chứng đầu tiên nói lên tôi không tính nhầm. Tôi mến họ và hi vọng rằng chắc họ cũng mến tôi. Tuy vậy, nếu không tin tưởng vào công việc, đừng hòng họ bỏ ra một xu nhỏ cho dù tôi có bò mọp dưới đất mà van xin.
Lúc này họ bàn với nhau bằng tiếng Tàu. Nghe như tiếng rúc rích của hai chú chuột nhắt bị kẹp dưới cánh
cửa.
— Dù sao, vẫn cảm ơn hai bạn.
— Xin lỗi, Franz.
Họ phiên dịch các suy tính. Tính rằng có thể tài trợ cho dự án độ hai lăm phần trăm, bằng vốn của chính họ cộng với sự yểm trợ của vài ba ngân hàng đồng minh. Nhờ có số lợi nhuận khá lớn thu được qua những vụ kinh doanh gần đây, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh.
Tôi cũng đã cộng vài con tính nhỏ, tính riêng, trong một góc riêng. Tôi hỏi:
— Đồng ý hai lăm phần trăm. Thế mấy cậu dự tính tổng vốn đầu tư độ bao nhiêu?
Hai gã nấp sau bàn ghế giường tủ đóng vai hai anh lùn Pygmées rình nữ thám hiểm tóc vàng để quây cô nàng vào lưới và nhất là để “véo mông cô nàng”. Họ nhăn nhở bảo tôi thế rồi toét mồm cười: “Một tỉ đôla”.
***
Tôi phải đến San Francisco gặp Li và Liu. Họ vẫn ở trong căn nhà gỗ xoàng xĩnh trên sườn đồi Telegraph Hill, mặc dầu khả năng lớn hơn tôi gấp bội.
Lúc này là tháng bảy. Như mọi năm sương mù bao
phủ Golden Gate, lấp kín Alcatraz và phần lớn bán đảo Marin. Sau cuộc thương lượng tại khách sạn Fairmont, hai anh Tàu đưa tôi về nhà khoản đãi. Chia tay họ, tôi đi ra chiếc xe thuê.
Bỗng có cảm giác mình bị theo dõi. Tôi quay phắt lại, nhận ngay ra cô ta: Vẫn cô gái có mái tóc dài đen nháy, vừa giống Sarah Kyle vừa giống Ali MacGraw tôi đã thấy ở đâu đó. Cô ta đứng cách xa chừng hai lăm mét, ngay giữa lòng đường dốc thoải, chẳng cần giữ ý tứ gì, bấm máy chụp tôi lia lịa.
— Cô kia!
Bữa ở Amsterdam, lúc tôi cùng Letta và phóng viên MacQueen ra khỏi khách sạn Amstel, chính cô ta đã chụp tôi y như thế này.
— Cô kia!
Tôi tiến về phía cô. Cô ta vẫn điềm nhiên bấm máy, cho đến lúc tôi đến ngay bên.
— Tôi chưa quên cô đâu nhé. Cô đã ở Amsterdam. Cô khéo léo tháo cuộn phim vừa chụp, lắp luôn một cuộn khác, động tác rất thành thạo. Đôi mắt thật là đẹp, khuôn mặt hơi gẫy góc nhưng vẫn xinh, môi đỏ, tóc đen như cánh quạ.
"""