"Tham Vọng Bá Quyền - Noam Chomsky full mobi pdf epub azw3 [Phân Tích] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tham Vọng Bá Quyền - Noam Chomsky full mobi pdf epub azw3 [Phân Tích] Ebooks Nhóm Zalo Tham vọng bá quyền Tác giả: Noam Chomsky Người dịch: Trịnh Lữ Nhà xuất bản Tri thức | 12/2006 Số hóa: tudonald78 Ngày hoàn thành: 27/07/2020 Chúc các bạn đọc sách vui vẻ! LỜI NGƯỜI DỊCH Nếu được phép, tôi sẽ đặt tên cho bản dịch tiếng Việt này là Trí thức phải làm gì? Rồi thêm vào một tiểu đề với cỡ chữ nhỏ hơn: Để xây dựng và bảo vệ dân chủ. Và có lẽ tôi sẽ nài nhà xuất bản thêm một dòng nhỏ hơn tí nữa: Những bài học từ hiểm họa bá quyền hiện nay của Hoa Kỳ. Đây không phải là những bài luận thuyết hàn lâm về chính trị, mà là những câu chuyện sinh động đầy ắp thông tin và phân tích khúc chiết của hai trí thức Mỹ về những vấn đề của chính nước Mỹ; có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề của thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng giúp ta hiểu được chính sự Mỹ sâu sắc hơn rất nhiều những bài giảng thông thường. Có lẽ đây là phần tri thức rất cần cho chúng ta, đặc biệt là hiện nay, khi quan hệ Việt-Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới. Và khi đã hiểu thêm về người, ta cũng sẽ hiểu thêm về mình, những vấn đề của mình, những việc mình cần phải làm. Ấy là cái giá trị rất đặc biệt của cuốn sách này. Noam Chomsky là một nhà khoa học thực chứng nghiêm cẩn, nhưng cũng là một con người nhân văn lí tưởng không bao giờ chịu thỏa hiệp và đầu hàng với cái xấu, và nhiều xác tín của ông về tương lai có vẻ xuất phát từ giả định “nhân chi sơ tính bản thiện” - một giả định có lẽ đang bị tất cả chúng ta nghi vấn. Nhưng ông bắt chúng ta phải nhớ lại lòng trung thực và dũng cảm của mình, và quan trọng hơn, nhớ ra trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đặt câu hỏi. Trách nhiệm thực chứng mọi vấn đề. Trách nhiệm nói lên sự thật. Trách nhiệm phải vượt thoát và biết khinh bỉ căn bệnh vô cảm vốn là mảnh đất màu mỡ nhất của cái xấu và tội ác. Cuốn sách này cũng khiến ta hiểu ra rằng muốn có dân chủ thực sự, nền giáo dục và cơ chế chính trị của một quốc gia phải có ý thức và mục đích đào luyện nên những trí thức và công dân có tư tưởng tự do và độc lập, có trách nhiệm, can đảm, và khả năng cải biên xã hội, chứ không phải chỉ để sản xuất ra một hàng ngũ “tay sai đắc lực” cho thế lực bá quyền thống trị hoặc một lực lượng lao động mù quáng chỉ có kĩ năng tinh xảo và mong muốn đáp ứng có hiệu quả nhu cầu ốc vít tay quay trong bộ máy làm tiền khổng lổ của xã hội toàn cầu hóa hiện đại. Lời giới thiệu của David Barsamian và phần nói về Dự án Bá quyền Mỹ ở cuối sách sẽ giúp bạn hiểu thêm về bối cảnh rất đáng chú ý của cuốn sách này, tôi không cần phải nói gì thêm. Một vài tiêu đề như “Ngôn ngữ song hành” hoặc “Tự vệ tri thức” có thể được dịch khác đi đề phản ánh nôm na hơn chủ đề của những chương này, nhưng tôi đã quyết định đề nguyên như vậy, vì chúng là những khái niệm đáng được có mặt trong từ vựng chính trị đương đại của tiếng Việt. Để bạn đọc tiện tra cứu, tôi vẫn giữ nguyên tên tiếng Anh của các nguồn tài liệu, nhất là trong phần chú thích đánh số theo từng chương xếp ở cuối sách. Còn với những chi tiết là hiển nhiên với người Mỹ mà chưa chắc đã hiển nhiên với người Việt thì tôi có giải thích ngay ở dưới trang. Người dịch xin cảm ơn NXB Tri thức đã cho xuất bản cuốn sách này. Quả thực, hằng số hiển nhiên nhất của tri thức nhân loại có lẽ là tính sống động và cấp thiết của nó. Và NXB Tri thức đã thấy rõ hằng số này trong những tác phẩm viết về chính trị của Noam Chomsky. Hi vọng chúng ta sẽ có thêm những tác phẩm khác nữa của ông được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Hà Nội, 1/8/2006. Trịnh Lữ GIỚI THIỆU Mọi người thường hỏi tôi: Anh cảm thấy thế nào khi phỏng vấn Noam Chomsky? Trong hơn hai chục năm làm việc với ông, tôi đã học được nhiều điều. Một là phải chuẩn bị cẩn thận và đặt câu hỏi theo một thứ tự ưu tiên nào đó. Hai là phải chăm chú lắng nghe, vì không thể biết trước là cuộc hội thoại sẽ tiến triển theo hướng nào. Đằng sau giọng nói nhẹ nhàng của Chomsky là cả một dòng thác thông tin và phân tích. Ông có năng lực phi thường trong việc chưng cất và tổng hợp những khối lượng tài liệu khổng lổ. Và ông không bỏ sót cái gì bao giờ. Trong một lần phỏng vấn, ông nhắc đến sự kiện tàu chiến Vincennes của Mỹ bắn hạ một máy bay dân dụng chở khách của Iran trong năm 1988. Và tôi thực sự kinh ngạc khi biết rằng ông lấy tin đó từ tập kỷ yếu của Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Tôi đã khai trương Đài phát thanh Phá cách với một loạt chương trình phỏng vấn Chomsky vào năm 1986, và từ đó chúng tôi không ngừng chuyện trò với nhau. Những cuộc phỏng vấn trong sách này chủ yếu được tiến hành ở văn phòng của Chomsky tại Đại học MIT. Các câu hỏi đều không có tập dượt trước. Để in thành sách này, chúng tôi có hiệu đính các văn bản giải băng ghi âm, phát triển thêm ý kiến, và thêm phần ghi chú. Tôi cảm thấy thế nào khi phỏng vấn Chomsky ư? Đó là việc được hội diện với một con người luôn tin rằng ở đời này, việc hiểu ra sự thật hoặc biết mình phải làm gì không đến nỗi phức tạp đến thế. Một người biêt định nghĩa những phẩm chất đáng phải có của giới trí thức, và cũng là hiện thân của tất cả những phẩm chất ấy. Một nguời luôn lột mặt nạ bọn khom lưng uốn gối trước cường quyền, bọn chuyên tố cáo người khác trong khi lẩn tránh trách nhiệm của chính mình. Chomsky đặt phương hướng la bàn và mô tả địa hình. Còn vượt qua vùng đất ấy phải là việc của chúng ta. Hy vọng của tôi là những cuộc hội thoại trong sách này sẽ làm mọi người phải suy nghĩ, bàn thảo, và nhất nữa là hành động. Tôi xin đặc biệt cám ơn Anthony Amove, người đồng chí, người bạn, nhà biên tập xuất sắc; Sara Bershtel, người chủ biên và biên tập xuất sắc; Elaine Bernard, vì lòng hào phóng của chị; Greg Gigg, vì những gợi ý của anh; Đài phát thanh cộng đồng KGNU; David Peterson, Chris Peterson và Dale Wertz, vì những hỗ trợ nghiên cứu của họ; Bev Stohl, vì đã thỏa mãn biết bao nhiêu đòi hỏi của tôi; Martin Voelker, vì tình bạn và trợ giúp kĩ thuật cùa anh; và Noam Chomsky, vì tình đoàn kết, lòng kiên nhẫn, và tính hài hước vĩ đại của ông. Nhiều phần của một vài cuộc phỏng vấn này đã xuất hiện dưới những hình thức khác nhau trong các tạp chí International Socialist Review, Monthly Review, The Progressive, The Sun, và tờ Z. David Barsamian Boulder, Colorado, tháng 7 năm 2005 THAM VỌNG BÁ QUYỀN CAMBRIDGE, MASACHUSETTS (22/3/2003) Cuộc xâm lăng và chiếm đóng Iraq của Hoa Kỳ có những hệ lụy gì ở khu vực đó? Tôi nghĩ không phải chỉ khu vực ấy mà là cả thế giới nói chung đều nhận thức đúng đắn rằng cuộc xâm lăng này của Hoa Kỳ là một phép thử, một nỗ lực nhằm thiết lập một thông lệ mới về việc sử dụng sức mạnh quân sự. Thông lệ mới này đã được Nhà Trắng nói ra một cách chung chung hồi tháng 9 năm 2002 khi cho công bố bản tường trình về Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Hoa Kỳ.1 Bản tường trình này đề xuất một học thuyết có phần lạ lẫm và cực đoan bất thường về việc sử dụng vũ lực trên thế giới, và hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi nó được công bố cùng lúc với hồi trống trận đang dọn đường cho cuộc chiến tranh ở Iraq. Học thuyết mới này không phải là về chiến tranh phủ đầu, vốn có thể tìm thấy ở chính ngay Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu biết cách co dãn một vài điểm trong đó, mà là một học thuyết chưa hề có bất kì một cơ sở nào trong luật pháp quốc tế, gọi là học thuyêt về chiến tranh phòng ngừa. Có nghĩa là, Hoa Kỳ sẽ thống trị thế giới bằng vũ lực, và nếu có bất kì một thách thức nào đôi với sự thống trị của mình - cho dù được coi là từ xa, là bịa đặt, là tưởng tượng hoặc gì gì đi nữa - Hoa Kỳ sẽ có quyền tiêu diệt thách thức ấy trước khi nó trở thành một đe dọa thực sự. Thế gọi là chiến tranh phòng ngừa, không phải là chiến tranh phủ đầu. Để thiết lập một thông lệ mới, ta phải làm một cái gì đó. Tất nhiên, không phải nhà nước nào cũng có khả năng tạo nên cái sẽ được gọi là một thông lệ mới. Cho nên nếu Ấn Độ xâm lăng Pakistan để chấm dứt các hành động tàn bạo man rợ thì đó không phải là một thông lệ. Nhưng nếu Hoa Kỳ ném bom Serbia với những lí do mập mờ thì đó lại trở thành một thông lệ. Nghĩa lí của sức mạnh là như vậy. Cách dễ nhất đế thiết lập một thông lệ mới, ví dụ như quyền được tiến hành chiến tranh phòng ngừa, là chọn một mục tiêu hoàn toàn không có sức tự vệ và có thể dễ dàng bị áp đảo bởi sức mạnh quân sự khổng lồ nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, muốn làm việc này một cách có lí lẽ, ít nhất là cũng phải thuyết phục được dân chúng của chính mình, thì phải làm cho dân chúng khiếp sợ cái đã. Cho nên cái mục tiêu bất lực kia phải được mô tả thành một mối đe dọa khủng khiếp đối với sự sống còn của quốc gia, chúng là kẻ phải chịu trách nhiệm về sự kiện 11 tháng 9, nhất định chúng sẽ còn tấn công nữa, vân vân và vân vân. Và rõ ràng người ta đã làm vậy đối với Iraq. Trong một thành tựu tuyên truyền thực sự hoành tráng và nhát định sẽ đi vào lịch sử, Washington đã huy động một nỗ lực khổng lồ để thuyết phục người Mỹ, và chỉ người Mỹ mà thôi, rằng Saddam Hussein không phải chỉ là một con quỷ mà còn là một hiểm họa đối với sự sinh tồn của chúng ta. Và nỗ lực ấy đã thành công rất đáng kể. Một nửa dân chúng Mỹ tin rằng bản thân Saddam Hussein đã “dính líu trực tiếp” vào các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.2 Tất cả những cái đó khớp lại với nhau. Học thuyết được công bố, thông lệ được thiết lập trong một trường hợp rất dễ dàng; dân chúng bị dồn vào tâm trạng hoảng loạn, tin là cuộc sống của mình đang bị đe dọa bởi những hiểm họa rõ rệt kia, bèn sẵn sàng ủng hộ việc sử dụng vũ lực đế tự vệ. Mà cả thế giới này chỉ có người Mỹ tin như vậy. Và khi đã tin thế thì xâm lược Iraq rõ ràng là tự vệ, mặc dù trong thực tế cuộc chiến tranh này là một ví dụ điển hình của một cuộc xâm lăng như trong sách giáo khoa, với mục tiêu nhằm mở rộng hơn nữa để xâm lăng tiếp tục. Khi đã xử lí được trường hợp dễ này, ta có thế tiến đến những trường hợp khó hơn. Đa phần thế giới đều cực lực phản đối cuộc chiến tranh này vì họ thấy rõ rằng đây không phải chỉ là một cuộc tấn công Iraq. Nhiều người nhìn nhận rất đúng bản chất ý đồ của nó chỉ là một lời tuyên bố thẳng thừng rằng hãy coi chừng, các người ai cũng có thế là nạn nhân tiếp theo. Vì vậy mà rất nhiều người, có thể là đại đa số trên thế giới ngày nay đang coi Hoa Kỳ là mối hiếm họa lớn nhất của hòa bình thế giới. Chỉ trong vòng một năm trời, George Bush đã thành công trong việc biến Hoa Kỳ thành một quốc gia đáng sợ nhất, đáng ghét nhất và đáng căm thù nhất.3 Tại Diễn đàn Xã hội Thế giới ở Porto Alegre, Brazil, tháng Hai 2003, ông có mô tả Bush và những người xung quanh ông ta là nhóm người “có đầu óc dân tộc chủ nghĩa cực đoan” đang tiến hành những hành động “bạo lực bá quyền”4. Chế độ hiện nay ở Washington, D.C., có khác các chế độ trước về chất không? Nhìn lại lịch sử một chút bao giờ cũng có ích, vậy ta hãy xem một chế độ ở đầu đối nghịch với chế độ hiện nay trong chính trị xem sao, mà có lẽ đối nghịch nhất là chế độ của những người theo chủ nghĩa tự do dưới quyền Kennedy. Năm 1963, những người ấy cũng công bố một học thuyết không khác lắm với Chiến lược An ninh Quốc gia của Bush. Dean Acheson, một chính khách lão thành đáng kính và là một cố vấn cao cấp của chính quyền Kennedy, có giảng một bài ở Hiệp hội Luật pháp Quốc tế của Hoa Kỳ trong đó ông ta tuyên bố rằng sẽ không phải là một ”vấn đề luật pháp” nếu Hoa Kỳ phản ứng lại bất kì một thách thức nào đối với “quyền lực, vị thế và uy tín” của mình.5 Thời điểm của lời tuyên bố ấy rất có ý nghĩa. Nó được đưa ra ngay sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong năm 1962, sự kiện tưởng chừng đã đẩy thế giới tới bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba phần lớn là hậu quả của một chiến dịch khủng bố quốc tế lớn nhằm lật đổ Castro - cái hành động mà bây giờ được gọi là đổi chế độ, và đã thúc ép Cuba phải đưa tên lửa của Nga vào nước mình như một biện pháp phòng vệ. Acheson lập luận rằng chỉ cần ai đó có thái độ thách thức vị thế và uy tín của Hoa Kỳ chứ chưa cần có những hành động đe dọa sự sinh tồn của chúng ta, là chúng ta đã có quyền tiến hành chiến tranh phòng ngừa để dập tắt thách thức ấy. Câu chữ của ông ta thực ra còn cực đoan hơn cả câu chữ trong học thuyết của Bush. Nhưng mặt khác, xét cho đúng vị trí của nó, thì đó chỉ là một tuyên bố của Dean Acheson với Hiệp hội Luật pháp Quốc tế của Mỹ chứ không phải là một tuyên ngôn chính sách chính thức của chính phủ. Còn tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia thì là một tuyên bố chính sách chính thức, không phải là lời của một quan chức cao cấp nào, và câu chữ trắng trợn của nó quả là bất thường. Một khẩu hiệu mà tất cả chúng ta đêu nghe thấy ở các cuộc biểu tình đòi hòa bình là “Không được đổi máu lấy dầu.” Toàn bộ vấn đề dầu hỏa thường được người ta nhắc đến như động lực của việc Mỹ xâm lăng và chiếm đóng Iraq. Vai trò của dầu hỏa quan trọng thế nào trong chiến lược của Hoa Kỳ? Chắc chắn là rất quan trọng rồi. Tôi nghĩ đã là người tỉnh táo thì không thể nghi hoặc gì về chuyện này. Vùng Vịnh vẫn là khu vục sản xuất năng lượng chính của thế giới kể từ sau Đại chiến II và sẽ còn như vậy trong ít nhất là một thế hệ nữa. Vịnh Ba Tư là một nguồn năng lượng và của cải chiến lược rất dồi dào. Và hiển nhiên là Iraq có vai trò trung tâm trong khu vực ấy. Iraq có những mỏ dầu lớn thứ nhì thế giới, và dầu của Iraq rất dễ khai thác nên lại rẻ. Nếu kiếm soát đuợc Iraq, ta sẽ có một vị thế rất mạnh trong việc quyết định giá cả và mức độ sản xuất dầu (không cao quá, không thấp quá) để phá hoại tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và lấy thịt đè người khắp các nơi khác trên thế giới. Chuyện này không liên quan đặc biệt gì đến vấn đề tiếp cận nguồn dầu nhập cảng vào Hoa Kỳ. Nó là vấn đề kiểm soát nguồn dầu ấy. Nếu Iraq nằm ở đâu đó bên Trung Phi, nó sẽ không bị chọn làm phép thử cho học thuyết vũ lực mới. Nhưng thời điểm cụ thể của chiến dịch Iraq hiện nay chẳng có liên quan gì đến chuyện này, vì vấn đề kiểm soát nguồn dầu hỏa Trung Đông vẫn là một mối quan tâm thường trực. Một tài liệu của Bộ Ngoại giao từ năm 1945 về dầu hỏa của Saudi Arabia đã viết “đó là một nguồn năng lượng chiến lược kì diệu, một trong những phần thưởng vật chất vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. “6 Khoảng 15% lượng dầu tiêu thụ tại Mỹ là nhập khẩu từ Venezuela.7 Cũng là khá nhiều. Mỹ cũng nhập khẩu dầu của Colombia và Nigeria. Cả ba nhà nước này, theo quan điểm của Washington, đều đang có vấn đề, với Hugo Chavez đang cầm quyền ở Venezuela, với nội chiến ở Colombia, và những cuộc nổi dậy và đình công ở Nigeria, ông nghĩ gì về tất cả những yếu tố này? Tất cả những chuyện đó đều rất can hệ, và các khu vực mà anh nhắc đến đều là những nơi Hoa Kỳ có ý định tiếp cận thực sự. Ở Trung Đông, Hoa Kỳ muốn kiểm soát. Nhưng, ít nhất là theo các dự đoán tình báo, Washington có ý định dựa vào các nguồn tài nguyên mà họ cho là ổn định hơn ở lòng chảo Đại Tây Dương, nghĩa là vùng Tây Phi và Tây Bán cầu, những khu vực mà Mỹ kiểm soát được nhiều hơn so với khu vực Trung Đông khó chịu kia. Cho nên bị gián đoạn kiểu gì ở những khu vực này cũng là một mối đe dọa lớn, và vì vậy mà rất có thế sẽ xuất hiện một Iraq nữa, nhất là nếu quá trình chiếm đóng mang lại những gì mà các nhà hoạch định dân sự ở Lầu Năm Góc vẫn hy vọng. Nếu có thể chiến thắng dễ dàng mà không phải tốn công đánh nhau lắm, và Washington có thể thiết lập một chế độ mới sẽ được gọi là “dân chủ”, thì họ sẽ mạnh dạn tiến hành cuộc can thiệp tiếp theo. Ta có thể nghĩ đến nhiều khả năng. Một là khu vực quanh dãy núi Andes. Hiện nay Hoa Kỳ đã có nhiều căn cứ và binh sĩ khắp trong khu vực này. Colombia và Venezuela, nhất là Venezuela, đều là những nước sản xuất dầu hỏa lớn, rồi còn có nhiều dầu hơn nữa ở Ecuador và Brazil. Một khả năng nữa là Iran. Nói đến Iran, không phải ai khác mà chính là Ariel Sharon - người mà Bush vẫn gọi là “sứ giả của hòa bình” - đã khuyên chính quyền Bush nên giải quyết Iran “ngay sau khi” Hoa Kỳ vừa xong việc với Iraq.8 Vậy Iran, một nhà nước bị liệt vào “trục các nhà nước xấu ác” và cũng là một nước có những mỏ dầu quan trọng, sẽ ra sao? Đối với Israel, Iraq chưa bao giờ là một vấn đề đáng ngại. Họ coi Iraq chỉ như một anh chàng rất dễ giải quyết. Nhưng Iran lại là một câu chuyện khác. Iran là một thế lực kinh tế và quân sự nghiêm trọng hơn nhiều. Israel vẫn cố ép Hoa Kỳ đánh chiếm Iran từ nhiều năm nay. Iran quá lớn đối với Israel, nên họ muốn đám to con kia tấn công nó hộ mình. Mà cũng có thể là cuộc chiến ấy đã được tiên hành rồi. Một năm trước đây, đã có báo cáo nói rằng hơn 10% lực lưọng không quân của Israel đã triển khai cố định ở Đông bộ Thổ Nhĩ Kỳ - tại một căn cứ quân sự Mỹ khổng lồ ở đó - và đã đang bay thám thính dọc biên giới với Iran. Ngoài ra, có nhiều tường trình đáng tin cậy nói rằng Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Israel hiện đang xúi giục các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Azeri ở Bắc bộ Iran.9 Có nghĩa là, một trục sức mạnh Hoa Kỳ-Thổ Nhĩ Kỳ-Israel chống phá Iran trong khu vực ấy có thể cuối cùng sẽ khiến cho Iran bị chia cắt và thậm chí dẫn đến tấn công bằng quân sự, mặc dù việc này chỉ xảy ra nếu tất cả đều thấy rằng Iran về cơ bản là không thể tự vệ được nữa. Họ sẽ không xâm lược nước nào mà họ cho rằng vẫn có sức chống trả. Với sự có mặt của lực lượng Mỹ ở Afghanistan và Iraq, cùng nhiều các căn cứ quân sự Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đã bị bao vây. Hoa Kỳ cũng có binh sĩ và căn cứ rải rác khắp Trung Á về phía bắc. Liệu tình hình này có khuyến khích Iran phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ không, ấy là giả dụ họ vẫn chưa có các loại vũ khí này? Rất có thể như vậy. Những bằng chứng ít ỏi nhưng nghiêm trọng mà chúng ta có được đã cho thấy rằng việc Israel ném bom lò phản ứng hạt nhân của Iraq tại Osirak năm 1981 có thể đã khiến cho Iraq có ý định và có thế đã khởi sự chương trình phát triến vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng họ đã thực sự làm việc đó chưa? Lúc ấy họ đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, nhưng không ai biết công suất của nó là bao nhiêu. Nó chỉ được điều tra tại chỗ sau khi đã bị ném bom, và do một nhà vật lí hạt nhân nổi tiếng của Harvard là Richard Wilson tiến hành. Tôi nhớ lúc ấy ông ta đang là Trưởng khoa Vật lí tại Harvard. Wilson cho đăng bài phân tích của ông trên một tạp chí khoa học hàng đầu là tờ Nature.10 Wilson là một chuyên gia về lĩnh vực này và theo ông thì Osirak là một nhà máy điện hạt nhân. Các nguồn tin từ những người Iraq lưu vong cũng chẳng bổ sung được gì đáng kể; trước đó thì Iraq cũng đã có một vài ý tưởng này nọ về vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ sau khi Osirak bị ném bom họ mới có ý định về một chương trình phát triển những vũ khí ấy.11 Mà cũng chẳng có gì chứng minh được ý định này của họ. Những bằng chứng đã có chỉ mới gợi cho người ta nghĩ thế mà thôi. Cuộc chiến tranh và chiếm đóng Iraq có ý nghĩa như thế nào với người Palestine? Chuyện này rất đáng suy nghĩ. Một trong những quy định của báo chí hiện nay là mỗi khi cái tên George Bush được một bài báo nhắc đến thì tiêu đề của bài ấy phải nói đến cái “viễn ảnh” của ông ta và nội dung bài phải bao gồm những “ước mơ” của ông ta luôn. Có thể sẽ phải có một bức ảnh chụp ông ta đang đưa mắt nhìn về phía xa xăm, ngay cạnh bài viết ấy. Hiện tượng này đã thành một thông lệ báo chí rồi. Một bài báo có tính dẫn luận trên tờ Wall Street Journal ngày hôm qua đã dùng các từ “viễn ảnh” và “ước mơ” kia có đến hàng chục lần.12 Một trong những “ước mơ” của George Bush là thiết lập một nhà nước Palestine ở đâu đó, vào một lúc nào đó, tại một nơi cụ thể nào đó ở đâu chưa biết - có thể là trong sa mạc Saudi. Và chúng ta có trách nhiệm phải ca tụng ước mơ ấy như một viễn ảnh hoành tráng. Nhưng tất cả những câu chuyện về viễn ảnh và ước mơ này của Bush đều hoàn toàn không đả động tí gì đến việc Hoa Kỳ sẽ phải chấm dứt việc phá hoại những nỗ lực dài hạn của các nước khác trên thế giới, không được có ngoại lệ nào, nhằm kiến tạo một giải pháp chính trị thỏa đáng cho vấn đề này. Trong suốt 25-30 năm qua, Hoa Kỳ đã liên tục ngăn trở tất cả những giải pháp ấy. Chính quyền Bush còn đi xa hơn các chính quyền Mỹ khác trong việc ngăn trở này, đôi khi ráo riết đến mức những giải pháp ấy còn chưa được nói đến nữa. Ví dụ, tháng 12 năm 2002, chính quyền Bush quay ngược hẳn chính sách của mình đối với Jerusalem. Trước đây, ít nhất thì là trên nguyên tắc, Hoa Kỳ vẫn có chính sách chấp hành nghị quyết ra năm 1968 của Hội đồng Bảo an bắt buộc Israel phải hủy bỏ các chính sách lấn chiếm và định cư dân Do Thái ở các vùng đất phía Đông Jerusalem. Nhưng chính quyền Bush đã lật ngược chính sách ấy.13 Đó chỉ là một trong nhiều biện pháp nhằm phá hoại khả năng của tất cả những giải pháp chính trị có ý nghĩa. Giữa tháng 3 năm 2002, Bush cho ra cái được gọi là lời tuyên bố quan trọng đầu tiên của ông ta về Trung Đông. Các đầu đề trên báo chí đều mô tả đó là tuyên bố có ý nghĩa lớn lao đầu tiên trong nhiều năm, vân vân và vân vân. Nếu đọc bài nói ấy của Bush, ta sẽ thấy nó chỉ là một mớ công thức cũ mèm, trừ một câu duy nhất. Cái câu ây, nếu đọc kĩ, ta sẽ thấy nó nói thế này: “Khi đã có tiến bộ trong nỗ lực hòa bình, hoạt động định cư trong các vùng đất bị chiếm đóng phải chấm dứt.”14 Thế nghĩa là thế nào? Nghĩa là cho đến lúc quá trình hòa bình đạt được một ngưỡng mà Bush chấp nhận, cái ngưỡng ấy có thể là vô tận trong tương lai, thì Israel cứ việc tiếp tục xây dựng các khu định cư của mình. Đó cũng là một thay đổi trong chính sách. Cho tới thời điểm ấy, ít nhất là một cách chính thức, Hoa Kỳ vẫn phản đôi việc mở rộng các chương trình định cư trái phép vốn vẫn khiến cho mọi giải pháp chính trị đều trở thành bất khả dĩ. Nhưng bây giờ thà Bush đang nói ngược hẳn lại rồi: Cứ tiếp tục định cư nữa đi. Còn chúng ta thì sẽ tiếp tục phải trả tiền cho việc ấy, cho đến lúc chúng ta thây rằng quá trình hòa bình đã tiến bộ đến một độ thỏa đáng. Điều này thể hiện một bước chuyển lớn lao theo hướng tăng cường xâm lược, phá hoại luật pháp quốc tế và phá hoại mọi khả năng và cơ hội để có được hòa bình. Ông có nói rằng mức độ của công luận và các hoạt động phản đối cuộc chiến ở Iraq là cao “chưa từng thấy”.15 Trước đây chưa bao giờ có một cuộc chiến chưa bắt đầu mà đã bị phản đối mạnh như vậy. Phong trào phản kháng này đang đi về đâu, ở Hoa Kỳ cũng như trên bình diện quốc tế? Tôi không biết có cách nào tiên đoán được nhân gian thế sự. Phong trào sẽ đi theo hướng do mọi người quyết định. Có nhiều khả năng. Nó có thể và cần phải mạnh lên. Những việc cần làm bây giờ lớn hơn và hệ trọng hơn trước đây nhiều. Và khó khăn hơn nữa. Về tâm lí, tổ chức phản đối một cuộc tấn công quân sự là dễ hơn nhiều so với phản đối một chương trình lâu dài nhằm thực hiện các tham vọng bá quyền mà cuộc tấn công kia chỉ là một giai đoạn mà thôi, vì còn nhiều giai đoạn tiếp theo nữa. Việc đó đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn, tận hiến nhiều hơn, và tham gia hoạt động lâu dài hơn. Quyết định ngày mai sẽ ra đường tham gia biểu tình rồi sau đó lại về nhà khác hẳn quyết định tham gia một cách lâu dài bền bỉ. Đó là những lựa chọn mà mọi người cần quyết định. Những người tham gia phong trào dân quyền và nữ quyển đã trải qua những quyết định ấy, và bất kì phong trào nào khác cũng vậy. Ông nghĩ sao về những lời nói và hành động hăm dọa những người phản kháng tại ngay nước Mỹ này, kể cả những vụ ruồng bỏ tùy tiện người nhập cư và những người đã có thẻ Xanh, thậm chí cả công dân Hoa Kỳ nữa? Chúng ta dứt khoát phải quan tâm đến chuyện này. Chính phủ hiện nay đang tự cho mình những quyền hạn vượt quá tất cả mọi tiền lệ, thậm chí cả quyền bắt giữ công dân, giam cầm họ vô thời hạn mà không cho tiếp xúc với gia đình hoặc luật sư, không cần có cáo trạng gì.16 Những người nhập cư và các nhóm người có nguy cơ khác cần phải thận trọng. Mặt khác, những người như chúng ta, những công dân có chút đặc quyền đặc lợi, thì mặc dù chúng ta cũng có những đe dọa này khác, nhưng so với những gì mà mọi người đang phải đối mặt ở hầu hết các vùng đất khác của thế giới ngày nay, những đe dọa này thật nhỏ bé đến mức khó lòng làm cho chúng ta phải lo lắng. Tôi vừa mới đi một vài chuyến sang Thổ Nhĩ Kỳ và Colombia. So với những đe dọa mà nhân dân các nước ấy đang phải đối mặt, chúng ta như đang sống ở thiên đường vậy. Ông có thấy châu Âu và Đông Á đang trỗi dậy và đến một lúc nào đó sẽ trở thành những phản lực đối chọi với sức mạnh của Hoa Kỳ hay không? Không thể nghi ngờ gì về việc châu Âu và châu Á là những sức mạnh kinh tế tương đối ngang hàng với Bắc Mỹ, và có những quyền lợi riêng của mình, chứ không phải chỉ đơn giản làm theo lệnh của Hoa Kỳ. Tất nhiên, tất cả họ đều liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ như các khu vực công ty ở châu Âu, Hoa Kỳ và hầu hết châu Á đều liên quan đến nhau theo đủ mọi đường và có những quyền lợi chung; nhưng chúng cũng có nhiều quyền lợi riêng rẽ, và đó là nguyên nhân của nhiều vấn đề từ rất lâu rồi, nhất là với châu Âu. Hoa Kỳ vẫn luôn có một thái độ mâu thuẫn đối với châu Âu. Nó muốn châu Âu thống nhất đề có thể trở thành một thị trường có hiệu quả hơn của các công ty Mỹ với những lợi thế về quy mô tiêu thụ; nhưng nó cũng luôn lo lắng vì sợ rằng châu Âu có thể sẽ chọn một hướng phát triển khác. Nhiếu vấn đề về việc kết nạp các nước Đông Âu vào EU là có liên quan đến mối lo lắng này. Hoa Kỳ nhiệt liệt cổ vũ việc kết nạp này, vì nó hy vọng các nước Đông Âu sẽ dễ rơi vào ảnh hưởng của Mỹ hơn và sẽ có khả năng phá hoại cái lõi của châu Âu tức là Pháp và Đức, là những nước công nghiệp lớn có thể sẽ đi theo hướng độc lập hơn. Và bối cảnh của thái độ này còn là mối căm ghét mà Mỹ đã có từ lâu đối với hệ thống xã hội của châu Âu, là hệ thống đảm bảo chu cấp được đồng lương, điều kiện lao động, và phúc lợi cho mọi người. Hoa Kỳ không muốn cái mô hình này tồn tại, vì nó là một mô hình nguy hiểm. Dân chúng có thể sẽ nghĩ ngang nghĩ ngửa. Và ai cũng biết là việc kết nạp các nước Đông Âu có kinh tế dựa trên lương thấp và đàn áp lao động có thể có tác dụng phá hoại những tiêu chuẩn xã hội của Tây Âu. Đó sẽ là cái lợi lớn cho Hoa Kỳ. Với nền kinh tế Mỹ đang suy thoái và với triển vọng của nhiều đợt sa thải nữa trong tương lai, chính quyền Bush sẽ tiếp tục duy trì cái mà nhiều người đang gọi là một nhà nước trại lính này như thế nào khi vẫn liên tục tiến hành chiến tranh và chiếm đóng ở nhiều nước? Họ sẽ rút lui như thế nào? Họ sẽ chỉ chịu rút lui sau khoảng 6 năm nữa. Họ hy vọng là đến lúc ấy, họ đã thể chế hóa được một loạt những chương trình phản động tại quốc nội Hoa Kỳ. Họ sẽ bỏ lại một nền kinh tế trong tình trạng rất nghiêm trọng, với những khoản thâm hụt khổng lồ, rất giống những gì họ đã từng làm trong những năm 1980. Và sau đó sẽ là vấn đề của người khác. Và đến lúc ấy, họ cũng đã thành công trong việc phá hoại các chương trình xã hội và hạn chế dân chủ, vốn là thứ mà tất nhiên là họ rất ghét, bằng cách chuyển hết các quyền quyết định từ tay công chúng sang tay cá nhân. Về mặt quốc nội, di sản họ để lại sẽ rất đau đớn và khó khăn, nhưng là chỉ với đa số dân chúng Mỹ mà thôi. Những người mà họ quan tâm đến sẽ đào thoát như những tên kẻ cướp, rất giống như dưới thời Reagan. Mà nhiều tên trong số đó bây giờ đã lại lên nắm quyền hành. Còn về mặt quốc tế, họ hy vọng đến lúc ấy họ cũng đã thể chể hóa được những học thuyết bá quyền thông qua sức mạnh và những cuộc chiến tranh phòng ngừa tùy ý. Về sức mạnh và chi phí quân sự, Hoa Kỳ có thể đã vượt quá toàn bộ các nước khác trên khắp thế giới gộp lại, và hiện đang đi theo những hưóng cực kì nguy hiểm, trong đó có việc quân sự hóa không gian. Và họ giả định, tôi nghĩ thế, rằng cho dù nền kinh tế có chuyện gì đi nữa thì sức mạnh quân sự Mỹ cũng sẽ áp đảo đến mức mọi người sẽ chỉ còn biết làm theo lời họ mà thôi. Ông nói gì với những người hoạt động vì hòa bình ở Hoa Kỳ, những người đã lao tâm khố tứ để ngăn chặn cuộc xâm lược Iraq và hiện đang giận dữ và thất vọng vì chính phủ của mình vẫn làm những việc như hiện nay? Rằng họ cần phải thực tế. Hãy xem phong trào đòi quyền phá thai. Phong trào ấy đã phải tranh đấu bao nhiêu lâu trước khi đạt được những tiến bộ đầu tiên? Nếu chưa đạt được cái ta muốn có ngay lập tức mà đã bỏ cuộc, thì đó là ta đang tạo ra đảm bảo cho tình trạng tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Đây là những cuộc tranh đấu gian khổ và lâu dài. Mà thực tế là những gì xảy ra trong vài tháng vừa qua nên được nhìn nhận là rất tích cực. Một cơ sở đã được kiến tạo để mở rộng và phát triển phong trào đòi hòa bình và công lí để có thể tiến tới những nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Những việc như thế này là phải như vậy. Ta không thể chờ đợi một thắng lợi dễ dàng chỉ sau một cuộc tuần hành phản kháng. NGÔN NGỮ SONG HÀNH BOULDER, COLORADO (5/4/2003) Trong những năm vừa qua, Lầu Năm Góc, và sau đó là giới báo chí, đã sử dụng và chấp nhận thuật ngữ “hư hại song hành” (collateral damage) để mô tả tử vong của dân thường. Ta hãy nói về vai trò của ngôn ngữ trong việc quy định và tạo thái độ cho sự hiểu biết của dân chúng đối với các sự kiện. Ngôn ngữ không có liên quan gì nhiều trong chuyện này. Ngôn ngữ là con đường để chúng ta giao đãi và truyền đạt và vì thế một cách tự nhiên, người ta sử dụng các phương tiện truyền đạt vào mục đích xây dựng thái độ và ý kiến, cũng như tiêm nhiễm tinh thần phục tùng và quy thuận. Điều này mãi mãi đúng. Nhưng tuyên truyền thì chỉ trong thế kỉ vừa qua mới trở thành một kĩ nghệ có tổ chức và ý thức tự thân rất cao. Một điều đáng lưu ý là kĩ nghệ này đã được kiến tạo trong các xã hội dân chủ hơn. Tổ chức cấp bộ đầu tiên điều phối các công việc tuyên truyền là Bộ Thông tin của Anh, được thành lập trong Đại chiến I. “Nhiệm vụ” của nó, theo lời họ, là “chỉ đạo tư tưởng cho hầu hết thế giới”.17 Vấn đề mà Bộ này đặc biệt quan tâm đến là tư tưởng của người Mỹ, và cụ thể hơn là ý nghĩ của tầng lớp trí thức Mỹ. Nước Anh bấy giờ cần sự hỗ trợ của Mỹ để tiến hành chiến tranh, và các nhà hoạch định của Bộ cho là nếu họ thuyết phục được giới trí thức Mỹ rằng nỗ lực chiến tranh của Anh là cao cả, thi những trí thức ấy sẽ có cách lùa dân chúng Mỹ vốn cơ bản là yêu chuộng hòa bình vào một cơn phấn khích tập thể sẽ khiến họ tham gia vào cuộc chiến. Như vậy là nhiệm vụ tuyên truyền của Bộ chủ yếu là gây ảnh hưởng vào công luận Hoa Kỳ. Chính quyền Wilson18 phản ứng lại bằng cách thành lập một cơ quan tuyên truyền đầu tiên của nhà nước Mỹ, tức là ủy ban Thông tin Công cộng. Tất nhiên, việc làm của ủy ban này là ngược hẳn với cái tên của nó. Kế hoạch của người Anh thành công rực rỡ, đặc biệt là với đối tượng trí thức Mỹ có tư tưởng tự do. Những người trong nhóm của John Dewey chẳng hạn, đã rất tự hào vì họ cho rằng đó là lần đầu tiên trong lịch sử, lòng nhiệt huyết trong thời chiến đã được khơi dậy không phải do đám lãnh tụ quân sự hoặc các chính trị gia mà là do những thành viên nghiêm túc và có trách nhiệm hơn của cộng đồng - tức là những nhà trí thức đầy đắn đo sâu sắc. Thực tế là chỉ trong vòng vài tháng, chiến dịch tuyên truyền ấy đã biến dân chúng của một nuớc vẫn tương đối yêu chuộng hòa bình trở thành một đám người có đầu óc bài Đức điên cuồng. Cả nước bị cuốn vào tâm trạng điên khùng. Đến mức độ mà dàn nhạc giao hưởng Boston không thể chơi nhạc của Bach được nữa. Wilson đã thắng cử năm 1916 với khẩu hiệu “hòa bình không cần chiến thắng”, nhưng chỉ trong vòng vài tháng ông ta đã biến Hoa Kỳ thành một đất nước của những kẻ cuồng chiến muốn tiêu diệt tất cả những gì mang dấu ấn của người Đức. Thành viên trong cơ quan tuyên truyền của Wilson có những người như Edward Bernays, sau này trở thành gần như một thứ giáo chủ của ngành quan hệ công chúng (public relations - PR), và Walter Lippmann, một trí thức công luận hàng đầu của thế kỉ XX. Và họ đã công khai tha hồ tận dụng những kinh nghiệm có được trong thời kì Đại chiến I ấy. Trong những bài viết của họ từ những năm 1920, họ nói họ đã học được rằng ta có thể kiểm soát được “đầu óc của dân chúng”, rằng ta có thể kiểm soát được thái độ và dư luận, và rằng, như lời Lippmann, có thể “chế tạo được tâm trạng đồng tình”. Bernays nói rằng những thành viên thông minh hơn của cộng đồng có thể chỉ đạo dân chúng thông qua việc “chế tạo ra tâm lí đồng tình”, và coi đây “chính là cốt lõi của quá trình dân chủ”.19 Ta cũng nên nhìn lại những năm 1920. Đó là thời kì ra đời thực sự của ngành quan hệ công chúng; và cũng là thời kì của chủ thuyết Taylor trong công nghiệp, khi người ta huấn luyện cho công nhân trở thành người máy để kiểm soát và điều tiết tất cả mọi cử động của họ trong công việc. Chủ thuyết Taylor khiến cho công nghiệp có năng suất rất cao khi con người bị biến thành những cỗ máy tự động. Những người Bolshevik ở Nga rất có ấn tượng với chủ thuyết này và đã cố rập khuôn nó. Các nước khác trên thế giới cũng vậy. Nhưng các chuyên gia kiểm soát tư tưởng chẳng mấy chốc đã vỡ ra rằng không những ta có thể làm cái gọi là “kiểm soát tại nghề”, tức là kiểm soát con người tại nơi làm việc, mà còn có thể làm cái gọi là “kiểm soát ngoại nghề” nữa.20 Đó là một thuật ngữ rất tinh tế. Kiểm soát ngoại nghề có nghĩa là biến người ta thành máy tự động trong mọi lĩnh vực của cuộc sống bằng cách tiêm nhiễm một thứ “triết lí vô dụng”, hướng con người tập trung vào “những thứ giả tạo bề ngoài của cuộc sống, ví dụ như thói tiêu thụ theo thời thượng”.21 Hãy để cho những ai có trách nhiệm được tha hồ điều khiển màn diễn và không phải lo bị quần chúng can thiệp. Quần chúng chẳng có liên quan gì đến đấu trường công cộng này hết. Và từ cái ý tưởng đó đã mọc ra những kĩ nghệ khổng lồ, từ quảng cáo cho đến các trường đại học, tất cả đều rất có ý thức theo đuổi xác tín rằng ta phải kiểm soát thái độ và dư luận, vì nếu không thế thì dân chúng sẽ trở nên rất nguy hiểm. Thực ra, cái quan điểm như vậy về dân chúng đã bắt nguồn tương ối rõ ngay trong các tư tưởng nền tảng của hiến pháp. Công cuộc lập quốc đã được tiến hành dựa trên một nguyên lí trong chủ thuyết của Madison22 rằng dân chúng dứt khoát là quá nguy hiểm và do vậy quyền lực phải nằm trong tay của một nhóm người mà Madison gọi là “tài sản quốc gia”, tức là những người biết tôn trọng tài sản cùng những quyền lợi của nó và sẵn lòng “bảo vệ thiếu số giàu có chống lại đa số” vốn cần phải bị chia để trị bằng bất kì cách nào.23 Việc ngành PR đã phát triển trong các xã hội dân chủ hơn là hoàn toàn dễ hiểu. Nếu có thể kiểm soát được dân chúng bằng sức mạnh thì việc kiểm soát tư tưởng tình cảm của họ sẽ không còn quan trọng nữa. Nhưng nếu đã mất khả năng kiểm soát dân chúng bằng sức mạnh thì nhất định là phải kiểm soát đưọc thái độ và ý kiến của họ. Giờ đây phần lớn việc kiếm soát này không còn do chính phủ làm nữa, mà là các công ty. Chính quyền Reagan có cái gọi là Văn phòng Giao tiếp Công cộng.24 Nhưng đến thời ấy dân chúng đã không sẵn lòng chấp nhận các cơ quan tuyên truyền của nhà nước nữa cho nên Văn phòng Giao tiếp Công cộng bị coi là bất hợp pháp, khiến chính phủ phải dùng đến nhiều biện pháp vòng vo khác để tạo được tâm lí đồng tình trong dân chúng. Bây giờ thì các thế lực tài phiệt tư nhân - tức là các hệ thống công ty - đóng vai trò kiểm soát dư luận và thái độ của quần chúng. Những công ty này không nhận lệnh của chính phủ nhưng liên hệ chặt chẽ với chính phủ, tất nhiên rồi. Và ta không cần phải suy đoán quá nhiều về những gì họ đang làm, vì họ cũng đủ tử tế để trình bày chúng trong những ấn phẩm doanh nghiệp của chính họ hoặc các tạp chí nghiên cứu học thuật. Ví dụ như nếu trò lại năm 1933, ta thấy Harold Lasswell, một học giả tiến bộ có tư tưởng tự do dưới thời chính quyền Wilson, người đóng góp khá nhiều cho việc hình thành môn khoa học chính trị, có viết một bài nhan đề là “Tuyên truyền” in trong tập Bách khoa Toàn thư Xã hội học.25 Thời bấy giờ mọi người vẫn dùng từ “tuyên truyền” một cách bình thường vì ý nghĩa của tù này vẫn chưa bị dính líu gì đến Đức Quốc xã. Bây giờ thì người ta gọi tuyên truyền bằng nhiều danh từ hoa mỹ khác. Thông điệp của Lasswell là chúng ta không nên nhắm mắt tin theo “những xác tín dân chủ vẫn cho rằng con người là kẻ hiểu rõ nhất những quyền lợi của chính mình”. Không phải như vậy đâu. Chỉ có tầng lớp đặc tuyển mới có khả năng ấy. Và vì dân chúng đều quá ngu dốt không thể biết được thế nào là tốt nhất cho mình, cho nên chúng ta - với tư cách là những nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại - cần phải đặt họ ra ngoài và kiểm soát họ vì chính những quyền lợi của họ. Và cách làm tốt nhất là thông qua tuyên truyền. Lasswell nói rằng tuyên truyền chẳng có gì là tiêu cực cả. Nó không xấu không tồi, hệt như tay cầm của một cái bơm mà thôi. Ta có thể dùng nó với mục đích tốt hoặc xấu. Nhưng vì chúng ta đều là những người cao thượng và tuyệt vời cả, nên chúng ta sẽ dùng nó với mục đích tốt và sẽ đảm bảo rằng đám lê dân ngu dốt kia sẽ ở ngoài và không có tí liên hệ gì với khả năng tham gia các quyết định của xã hội. Đây không phải là tôi đang nói đến những kẻ hữu khuynh đâu nhé, mà là những trí thức tiến bộ có tư tường tự do đấy. Quả thực, ta có thế thấy những tư tưởng gần giống như vậy trong các học thuyết Leninist. Đảng Quốc xã Đức cũng học tập những ý tưởng này. Nếu đọc Mein Kampf26, ta sẽ thấy Hitler bị ấn tượng rất mạnh bởi bộ máy tuyên truyền Anh-Mỹ. Ông ta lập luận, mà không phải là không có lí, rằng tuyên truyền đã thắng trong Đại chiến I, và thề rằng người Đức sẽ sẵn sàng cho cuộc chiến tiếp theo với bộ máy tuyên truyền riêng của mình, rập khuôn theo các chế độ dân chủ. Và kể từ đó, nhiều quốc gia khác đã cố đi theo con đường này. Nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn đi hàng đầu vì xã hội Mỹ là xã hội tự do và dân chủ nhất, và do vậy việc kiểm soát thái độ và dư luận có vai trò quan trọng hơn nhiều. Ông có thể chuyển đề tài từ nguồn gốc và giai đoạn ấy của tuyên truyền sang thẳng cái mà hiện nay người ta đang gọi là Chiến dịch Tự do cho Iraq được không? Ta có thể thấy chiến dịch này trên tờ New York Times ngay sáng hôm nay. Có một bài thú vị về Karl Rove, phụ trách tổng thống, là người dạy tổng thống phải nói gì và làm gì - ở Iraq người ta sẽ gọi ông này là trí giả27 của tổng thống.28 Rove không trực tiếp tham gia hoạch định cuộc chiến, và Bush cũng vậy. Đó là việc của người khác. Nhưng ông ta nói mục đích của ông là “làm cho ông Bush đưọc mọi người nhìn nhận như một lãnh tụ thời chiến và chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu ngay sau khi chiến tranh chấm dứt,” đế Đảng Cộng hòa có thể thực hiện xong những chương trình quốc nội của mình. Nghĩa là cắt giảm thuế má - họ nói là vì nền kinh tế nhưng ý định thật của họ là vì người giàu - và các chương trình khác được thiết kế nhằm làm lợi cho bộ phận cực kì thiếu số của những siêu cự phú và tầng lớp đặc quyền đặc lợi và sẽ có tác dụng làm hại đại đa số dân chúng. Nhưng quan trọng hơn cả những mục tiêu ngắn hạn này, mặc dù không được nhắc đến trong bài viết trên tờ New York Times, là cái nỗ lực dài hạn nhằm phá hủy cơ sở thiết chế của các hệ thông hỗ trợ xã hội, nhằm tiêu diệt những chương trình như chương trình An sinh Xã hội, vốn được xây dựng trên cơ sở của quan niệm mọi người đều phải biết quan tâm đến nhau. Cái ý nghĩ rằng chúng ta phải biết thông cảm và đoàn kết, rằng chúng ta phải biết lưu tâm đến việc một quả phụ tàn phế ở đầu kia của thành phố có ăn uống gì được không, cần phải được loại bỏ khỏi đầu óc của chúng ta. Đó là một phần lớn nỗ lực của chương trình quốc nội, hoàn toàn nằm ngoài việc chuyển giao của cải và quyền lực sang tay những bộ phận thiếu số ngày càng nhỏ bé hơn. Và phương pháp để đạt được việc đó - vì nếu không thì nhất định là chẳng ai chấp nhận nó cả - là làm cho mọi người phải sợ hãi. Nếu dân chúng sợ rằng an ninh của mình bị đe dọa, họ sẽ ngả theo những lãnh tụ mạnh mẽ hơn. Họ sẽ tin tưởng rằng những người Cộng hòa sẽ bảo vệ họ chống lại kẻ thù và do đó sẽ dẹp bớt những quyền lợi và quan tâm của chính mình. Lúc ấy những người Cộng hòa sẽ có khả năng tranh thủ thực hiện các chương trình quốc nội của mình, có thể còn thể chế hóa chúng, khiến cho chúng khó lòng có thể bị lật lại được nữa. Cho nên trước hết là họ làm cho dân chúng phải sợ hãi, sau đó họ mới trình làng vị tổng thống như một lãnh tụ thời chiến hùng mạnh đang liên tiếp thành công trong việc áp đảo một kẻ địch khủng khiếp - một kẻ địch đã được lựa chọn chỉ vì nó có thế nhanh chóng bị nghiền nát. Iraq ư? Đúng thế, Iraq. Mọi việc đã được bày đặt khá lộ liễu - và đều nhắm vào cuộc bầu cừ tổng thống tiếp theo. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc chiến này. Rõ ràng là về cuộc chiến ở Iraq, công luận ở Hoa Kỳ và công luận ở hầu hết các khu vực khác trên thế giới có một khác biệt khổng lồ. Ông có cho đây là kết quả của tuyên truyền không? Rõ ràng là vậy rồi. Ta có thể thấy những dấu vết cụ thể của nó. Chiến dịch về Iraq được mở màn từ tháng 9 năm 2002. Điều này rõ đến nỗi ngay cả báo chí chính thống cũng phải thảo luận về nó. Nhà phân tích chính trị của hãng thông tấn UPI là Martin Sieff có một bài dài mô tả việc ấy đã được tiến hành như thế nào.29 Hồi trống mở màn cho tuyên truyền thời chiến đã được gióng lên từ tháng 9, cũng trùng hợp với thời điểm mở màn của chiến dịch tranh cử quốc hội giữa kì. Và nó có một vài chủ đề xuyên suốt. Một là: Iraq là một mối đe dọa lớn trước mắt đối với an ninh của Hoa Kỳ. Nếu không ngăn chặn chúng hôm nay, chúng sẽ tiêu diệt chúng ta ngay ngày mai. Chủ đề thứ hai là: Iraq là kẻ đứng đằng sau sự kiện 11 tháng 9. Không ai nói thẳng ra như vậy, nhưng tất cả đều bóng gió ám chỉ rằng Iraq là kẻ phải chịu trách nhiệm. Sau đó họ nói Iraq đang có kế hoạch cho những hành động tàn bạo mới. Chúng ta thực sự đang lâm nguy, và do vậy chúng ta bắt buộc phải ngăn chặn chúng trước. Hãy xem kết quả các cuộc điều tra dư luận. Chúng phản ánh rất trực tiếp chương trình tuyên truyền. Ngay sau sự kiện 11/9, chỉ có 3% dân chúng Mỹ nghĩ rằng Iraq có dính líu đến vụ này, tôi nhớ là như vậy. Còn bây giờ thì khoảng 50%, có thể còn hơn thế nữa, tin rằng Iraq có trách nhiệm về vụ 11 tháng 9. Kể từ tháng 9 năm 2002 cho đến nay, đã có khoảng 60% dân chúng Mỹ tin rằng Iraq là một đe dọa đối với nền an ninh của chúng ta. Thái độ này có liên hệ chặt chẽ với mức độ ủng hộ chiến tranh.30 Nếu đã tin rằng Iraq là mối đe dọa to lớn trước mắt, là kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ 11/9 và vẫn đang có kế hoạch cho những vụ tiếp theo, thì nhất định là chúng ta phải lâm chiến để ngăn chặn chúng. Không có ai trên thế giới tin những chuyện như vậy. Không có nước nào khác coi Iraq là một mối đe dọa an ninh của họ. Kuwait và Iran, cả hai đã từng bị Iraq xâm lược, cũng không coi Iraq là mối đe đọa an ninh của mình. Thật nực cười. Chịu hậu quả của những cuộc cấm vận đã đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn người, Iraq có một nền kinh tế yếu nhất và một lực lượng quân sự yếu nhất trong khu vực.31 Chi phí quân sự của Iraq chưa bằng một nửa của Kuwait, là nước mà dân số chỉ bằng 10% dân số của Iraq, và còn thấp hơn nhiều so với các nước khác ở Trung Đông.32 Và tất nhiên là tất cả mọi người sống trong khu vực ấy đều biết rằng còn có một siêu cường khác ở đó - có thể coi là một căn cứ quân sự của Mỹ ở hải ngoại - đang sở hữu hàng trăm thứ vũ khí hạt nhân cùng một lực lượng vũ trang khổng lồ là Israel. Quả thực, sau khi đã chiếm được Iraq, rất có thể Hoa Kỳ sẽ tăng cường các lực lượng vũ trang và thậm chí có thể còn cho phát triển các vũ khí giết người hàng loạt ở đó nữa, chỉ cốt để cân bằng lực lượng với các nhà nước láng giềng. Chỉ có ở Hoa Kỳ là người ta sợ Iraq. Đây thực sự là thành công của tuyên truyền. Điều này kể cũng lạ. Nhưng chẳng biết tại sao, Hoa Kỳ lại là nước rất hay sọ hãi so với các nước khác. Mức độ sợ hãi ở đây về bất kì vấn đề gì - từ tội ác, vấn đề nhập cư, bất kì chuyện gì - đều vượt quá ngưỡng bình thường. Và những người ở Washington biết điều này rất rõ. Nhiều người trong số họ đã từng tham chính trong thời Reagan và chính quyền Bush đầu tiên. Và họ đang cho diễn lại kịch bản cũ. Họ đã từng theo đuổi những chương trình quốc nội rất lỗi thời, có hại cho dân chúng và bị phản đối rất mạnh, và họ đã từng thành công trong việc nắm giữ quyền bính bằng cách năm nào cũng nhấn cái nút gây sợ hãi cho dân chúng. Hiện nay họ đang làm lại đúng như thế, ở Hoa Kỳ, việc này không khó. Ông thường định nghĩa được sự việc rất rõ ràng và chính xác, nhưng ông cũng nói một cách giả định rằng có một cái gì đó trong tính cách Mỹ khiến cho nó thành… Ấy là ở văn hóa. Điều gì khiến cho văn hóa Mỹ dễ bị tuyên truyền? Tôi không bảo là nó dễ bị tuyên truyền, mà là dễ bị sợ hãi. Hoa Kỳ là một đất nước sợ hãi. Còn lí do gì thì thực lòng là tôi không hiểu - có thể nó có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử lập quốc. Nhưng nếu dân chúng đã sợ hãi thì rất dễ bị tuyên truyền. Một số loại tuyên truyền trở nên dễ thực hiện hon nhiều. Bốn chục năm trước đây, khi con cái tôi còn đang đi học dưới thời Chiến tranh Lạnh, chúng được người ta dạy là phải chui xuống gầm bàn để tránh bom nguyên tử. Có một câu nói của vị Đại sứ Mexico thời bấy giờ lẽ ra phải rất nổi tiếng mới phải. Tổng thống Kennedy đang cố lôi kéo và tổ chức cả bán cầu bên này vào phe mình để tấn công khủng bố Cuba, và đây là một việc rất hệ trọng. Nói chung thì các nước khác ở Tây Bán cầu chỉ việc hoặc là làm theo lời Hoa Kỳ hoặc là chuốc họa vào thân. Nhưng Mexico không đồng tình với chiến dịch chống phá Cuba ấy. Và vị Đại sứ Mexico đã nói rằng “Nếu chúng tôi tuyên bố công khai rằng Cuba là một đe dọa đối với an ninh của chúng tôi, bốn mươi triệu dân Mexico sẽ chết cười mất”.33 Ở Mỹ thì người ta không chết vì cười. Người ta sợ đủ thứ. Cứ xem vấn đế tội ác thì thấy. Tỷ lệ phạm tội ở Hoa Kỳ là ngang ngửa với các xã hội công nghiệp khác, có cao hơn một chút, nhưng không phải là quá mức bình thường. Nhưng tâm lí sợ hãi tội phạm ở đây là cao hơn nhiều so với các nước khác. Sử dụng ma túy ở đây cũng gần như ở các nước khác mà thôi, nhưng nỗi sợ hãi đối với ma túy thì thật là quá ngưỡng. Nhưng ông có nghĩ rằng văn hóa truyền thông đại chúng có đóng góp vào chuyện này không, với tất cả những màn diễn trên truyền hình và phim ảnh như thế? Cũng có thể, nhưng tâm lí sợ hãi này còn có một xuất xứ của nó mà người ta vẫn khai thác. Có thể nó liên quan đến việc chinh phục lục địa này, khi người ta phải tiêu diệt dân bản xứ, và đến chế độ nô lệ, khi mọi người bắt buộc phải kiểm soát chặt chẽ một đám dân bị coi là nguy hiểm vì không biết lúc nào nô lệ có thể nổi dậy chống lại mình. Và có thể nó còn là một cách suy ngẫm về nền an ninh to lớn mà chúng ta có ở đây. An ninh của Hoa Kỳ là độc nhất vô nhị. Hoa Kỳ kiểm soát toàn bộ bán cầu; nó kiểm soát cả hai đại dương và những bờ đối diện của cả hai đại dương ấy. Lần cuối cùng Hoa Kỳ bị đe dọa là trong cuộc Chiến tranh năm 1812. Kể từ đó, nó chỉ biết chinh phục người khác. Cũng không rõ vì sao, nhưng có thể điều này đã làm nảy sinh một cảm giác là chúng ta sẽ không thể như thế này mãi được đâu, sẽ có ai đó truy nã chúng ta, và nước Mỹ trở thành một xứ sở rất dễ sợ hãi. Hôm thứ Năm mồng 6 tháng 3 năm 2003, Bush có một cuộc họp báo vào giờ cao điểm, cuộc họp báo đầu tiên của ông ta sau một năm rưỡi. Đó thực sự là một cuộc họp báo có kịch bản trước. Ông ta biết trước sẽ phải nói với những ai. Xem kĩ văn bản thu thanh thì thấy có những từ được nhắc đi nhắc lại liên tục; Iraq, Saddam Hussein, đe dọa, đe dọa gia tăng, đe dọa sâu sắc, 11 tháng 9, khủng bố. Hôm thứ Hai tuần tiếp theo, các cuộc điều tra dư luận tại Hoa Kỳ đều cho thấy một đồ thị nhảy vọt thể hiện ý kiến của đa số bấy giờ tin tưởng rằng Iraq có liên hệ với sự kiện 11 tháng 9. Đường đồ thị nhảy vọt ấy là có thật, nhưng cái thay đổi thực sự đã xảy ra từ tháng 9 năm 2002. Đó là lúc mà các kết quả điều tra dư luận đều cho thấy dân chúng đã tin rằng Iraq có tham dự vào sự kiện 11 tháng 9. Nhưng cái ý tưởng đó cần phải được củng cố, nếu không nó sẽ rơi rụng mất. Những lời cáo buộc của chính quyền quá nặng nề và bất ngờ như vậy cho nên không thể chờ đợi dân chúng sẽ tự nhiên tin theo được mà phải liên tục lặp lại chúng. Nó cũng hệt như việc bán xe hơi. Bắt buộc phải làm thế thôi. Nếu muốn biến mọi người thành những kẻ tiêu thụ vô tư không nghĩ ngợi gì nữa và do đó sẽ không can thiệp vào việc sắp xếp lại thế giới của ta thì ta phải tấn công tư tưởng họ liên tục ngay từ khi họ vừa mới chào đời. Ta nhận diện tuyên truyền như thế nào? Có kĩ thuật gì để chống lại nó? Không có kĩ thuật gì cả, chỉ cần suy nghĩ một cách rất bình thường thôi. Nếu ta nghe rằng Iraq là một đe dọa đối với sự sống còn của ta, nhưng Kuwait và tất cả mọi người trên thế giới có vẻ chẳng có ai coi Iraq là mối đe dọa đối với sự sống còn của họ, thì bất kì ai có đầu óc tỉnh táo cũng sẽ phải hỏi thế thì bằng chứng ở đâu? Hễ cứ hỏi đến bằng chứng thì mọi lập luận kiếu ấy đều sụp đổ hết. Nhưng ta phải có ý muốn xây dựng cho mình một thái độ kiểm chứng và phê phán đối với bất kì cái gì mà người khác đưa đến cho mình. Tất nhiên là toàn bộ hệ thống giáo dục và toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng lại có một mục tiêu ngược lại. Ta được dạy để trở thành một kẻ theo đuôi ngoan ngoãn va thụ động. Nếu không vượt thoát được những thói quen ấy, ta rất dễ trở thành nạn nhân của tuyên truyền. Nhưng vượt thoát chúng cũng chẳng khó khăn gì. Ngày 1 tháng Năm, 1985, Reagan tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vì an ninh quốc gia Hoa Kỳ đang bị đe dọa bởi chính phủ Nicaragua, ở cách Harlingen, Texas có hai giờ lái xe, đang có kế hoạch xâm chiếm toàn bộ bán cầu. Nếu đọc bản Mệnh lệnh ấy của Tổng thống, sau đó năm nào cũng được nhắc lại nhằm xây dựng hậu thuẫn cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Nicaragua, ta sẽ thấy câu chữ của nó hầu như giống hệt với bản tuyên bố của quốc hội về Iraq hồi tháng 10 năm 2002.34 Chỉ việc thay chữ Nicaragua bằng chữ Iraq là xong. Khả năng phê phán cần phải lớn đên đâu thì mới có thể nhận định được xem mối đe dọa của Iraq đối với sự tồn vong của Hoa Kỳ là nghiêm trọng đến mức nào? Trong chuyện này, những người ngoài cuộc đều thấy kinh ngạc và chẳng hiểu ra làm sao cả. Trong suốt thập kỷ 80, ngành du lịch châu Âu cứ vài năm lại suy sụp một lần vì dân chúng Mỹ, do tin tức khủng bố rộ lên, lại phát sợ vì cho rằng hễ đến châu Âu chơi là thế nào cũng có mấy tên Ả Rập rình rập để giết mình. Dân châu Âu không tài nào hiểu nổi chuyện này. Làm sao mà một đất nước lại có thể hoảng sợ đến thế vì một chuyện hoàn toàn không có thật, đến nỗi không dám cả du lịch sang châu Âu nữa? Chuyện đó đang diễn ra ngay lúc này đây. Đúng thế, nó lại đang tái diễn. Còn để trả lời câu hỏi “Làm thế nào thoát được tình trạng này?” thì chỉ việc nghĩ một cách rất bình thường thôi. Không có kĩ thuật đặc biệt gì cả. Chỉ cần có ý thức kiểm chứng những gì người ta trình bày với mình với một cách suy luận bình thường, một trí xét đoán bình thường. Hãy cứ đọc những gì người ta đang trình bày với ta với thái độ coi chúng cũng hệt như những tài liệu tuyên truyền của Iraq vậy. Ta có cần kĩ thuật gì đặc biệt để biết rằng không nên tin lời viên Bộ trưởng Thông tin Iraq hay không? Hãy nhìn chính bản thân mình theo lối ấy. Nếu ta có ý thức đánh giá bản thân bằng những tiêu chuẩn ta vẫn dùng để đánh giá người khác thì đã là thắng lợi rồi. Từ đó trở đi mọi việc sẽ dễ dàng hơn hẳn. Một trong những lối dùng từ mới mà tôi muốn ông cho biết ý kiến của mình là từ “nhà báo cài cắm”.35 Không một nhà báo trung thực nào muốn gọi mình là loại “cài cắm” cả. Nói “Tôi là một nhà báo cài cắm” tức là nói “Tôi là một cán bộ tuyên truyền của chính phủ”. Nhưng các nhà báo đã chấp nhận thuật ngữ này. Và bởi vì tất cả những gì chúng ta làm đều là đúng và có công lí cả, nên nếu anh là một nhà báo được cài cắm vào một đơn vị của Mỹ thì chắc hẳn là anh khách quan rồi. Chuyện phóng viên cài cắm đã nổi lên khá ầm ĩ trong vụ Peter Arnett. Peter Arnett là một nhà báo có kinh nghiệm và đáng kính trọng đã có rất nhiều thành tựu trong nghề. Nhưng bây giờ anh ấy bị mọi người căm ghét vì đã trả lời phỏng vấn trên một chương trình truyền hình của Iraq?36 Đã có ai bị lên án vì trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ chưa? Không có ai cả, thật là tuyệt vời. Trên quan điểm của một nhà báo độc lập, trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ thì cũng hệt như trả lời phỏng vấn trên truyền hình Iraq mà thôi. Mà thực ra thì còn tệ hơn, vì hai tình huống là không tương xứng tí nào. Hoa Kỳ thì đang xâm lược Iraq. Đó là một hành động xâm lăng công khai như đã từng có trong lịch sử hiện đại, một tội ác chiến tranh nghiêm trọng. Đây là loại tội trạng đã khiến cho các đảng viên Quốc xã Đức bị treo cổ tại Nuremberg, là hành động xâm lược. Tất cả những chuyện khác chỉ là thứ yếu. Và đây còn là một ví dụ công khai và rõ ràng nữa. Những lí do nhằm biện hộ cho cuộc xâm lăng này còn kém thuyết phục hơn cả những lí do của Hitler trước đây. Cho nên ngay việc so sánh giữa lên truyền hình Mỹ với lên truyền hình Iraq là không tương xứng rồi, nhưng ta hãy cứ xếp chuyện này sang một bên đã. Một nhà báo độc lập trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình của các lực lượng xâm lược hay trả lời phòng vấn trên đài truyền hình của nước bị xâm lược là chẳng có gì khác nhau, nhưng ở đây người ta lại gọi đó là một hành vi phản quốc. Rằng Arnett đã đánh mất hết phẩm chất và tự trọng nghề nghiệp của mình, vân vân và vân vân. Những gì mà người ta thấy được về nghề làm báo ở Mỹ qua vụ này thật là kinh khủng. Một trong những nhà báo Mỹ giỏi nhất và do đó ít được sử dụng nhất, Charles Glass, một phóng viên ở Trung Đông dày dạn kinh nghiệm, có viết một bài trên tờ London Reviezu of Books trong đó ông chỉ ra rằng Hoa Kỳ chắc hẳn là nước duy nhất trên thế giới ở đó người ta có thể gọi những người đang bảo vệ chính đất nước của mình chống lại ngoại xâm là quân khủng bố.37 Ông ta ở Iraq, và đang quan sát hiện tượng này mà không hiểu ra sao cả. Quả thực là bất kì người nào, chỉ cần cách ly khỏi Hoa Kỳ và hệ thống tuyên truyền nhồi sọ của nó một tí thôi, cũng sẽ không thể hiểu nổi chuyện này. Cuộc tấn công ở Afghanistan hồi tháng 10 năm 2001 cũng đã tạo ra một vài từ ngữ khác. Một là chính cái tên của cuộc chiến ấy: “Duy trì Tự do”, và một từ nữa là “chiến binh bất hợp pháp”. Sau cuộc Đại chiến II, người ta thiết lập một hệ khung tương đối mới của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Geneva. Hệ khung này không có bất kì một khái niệm nào về “chiến binh bất hợp pháp” như đang được dùng hiện nay. Trong thực tế thì khái niệm loại này đã có từ trước Đại chiến II, khi người ta hầu như muốn làm gì thì làm trong chiến tranh. Nhưng theo Công ước Geneva, được thiết lập để chính thức buộc tội các hành vi tàn bạo của Quốc xã Đức, thì tình hình không còn như trước được nữa. Tù binh chiến tranh được nhìn nhận là có một vị thế đặc biệt. Thành thử chính quyền Bush, với sự hợp tác của truyền thông đại chúng và các tòa án, đang đi ngược về tận thời kì khi chưa hề có một hệ khung quốc tế nào để đối phó với các tội ác chống lại nhân loại hoặc các tội ác chiến tranh. Washington không những đã tự cho mình cái quyền được tiến hành những hành động xâm lăng cụ thể mà còn cả quyền liệt những người mà họ đang ném bom và bắt bớ thành loại các “chiến binh bất hợp pháp”, tức là không hề được luật pháp bảo vệ. Mà thực tế là họ còn đi xa hơn thế. Chính phủ đã vừa tự cho mình có quyền ruồng bỏ dân chúng ở ngay đây, kể cả các công dân Mỹ, bỏ tù họ vô thời hạn mà không được tiếp xúc với gia đình và luật sư, và giam giữ họ không cần có cáo trạng cho tới khi tổng thống quyết định rằng “cuộc chiến chống khủng bố”, hoặc gì gì đi nữa theo lời ông ta, đã chấm dứt.38 Thật lạ lùng vô cùng. Chính phủ đang tự cho mình có quyền tước bỏ cả quyền công dân cơ bản nhất của dân chúng nếu công tố viên trưởng của nhà nước chỉ cần suy diễn - chứ không cần có bất kì bằng chúng gì – rằng ai đó có dính líu thế nào đó vào những hành động có thể gây tổn hại cho Hoa Kỳ.39 Phải trở lại các nhà nước độc tài thì ta mới có thể tìm thấy những chuyện như thế này. Những gì đang diễn ra ở Guantanamo chẳng hạn, là một trong những vi phạm tệ hại nhất những nguyên lí cơ bản của luật nhân đạo quốc tế kể từ Đại chiến II, nghĩa là những tội ác như thế này trước đây đã từng chính thức bị buộc tội vì chúng là hành vi của Đức Quốc xã. Ngay Winston Churchill, giữa thời Đại chiến II, cũng đã lên án việc chính quyền giam cầm dân chúng mà không có cáo trạng là một tội ác ghê tởm nhất chỉ thấy trong chế độ của Đức Quốc xã. Nước Anh bấy giờ vẫn đang còn cố hết sức để noi theo con đường công chính chứ không như Hoa Kỳ ngày nay. Có một bức tượng bán thân của Churchill nhìn George Bush hàng ngày. Bush nên lưu ý những lời nói của ông ta.40 Chương trình Nightline hôm 31 tháng 3 có dẫn lời của Thủ tướng Anh Tony Blair nói về cuộc tấn công Iraq rằng “Đây không phải là một cuộc xâm lăng”.41 Ông nghĩ sao về chuyện này? Tony Blair là một tuyên truyền viên khá của Hoa Kỳ. Ông ta ăn nói gãy gọn, câu cú lưu loát, và rõ ràng là có ngoại hình được mọi người có cảm tình. Ông ta đang theo đuổi một vị thế mà nước Anh đã có ý thức xây dựng từ sau Đại chiến II. Trong cuộc Đại chiến II, Anh đã nhận ra - chúng ta có rất nhiều tài liệu nội bộ về việc này - điều hiển nhiên này: Anh đã từng là cường quốc thống trị thế giới, nhưng Hoa Kỳ sẽ trở thành cường quốc thống trị sau cuộc chiến ấy. Anh phải lựa chọn. Nó sẽ chỉ trở thành một nước khác, hay nó nên thành cái mà họ gọi là một “đối tác nhỏ” của Hoa Kỳ? Nó đã chấp nhận vai trò “đối tác nhỏ”. Và đã là như vậy cho đến nay. Anh đã bị người ta đá vào mặt một cách nhục nhã nhất không biết bao nhiêu lần, nhưng Blair vẫn ngồi im đó và nói “Chúng ta sẽ là một đối tác nhỏ”. Chúng ta sẽ đem lại cho “liên minh” kinh nghiệm đã có từ nhiều thế kỉ nay của chúng ta trong việc tàn hại và tiêu diệt người ngoại quốc. Chúng ta giỏi việc này. Chúng ta có nhiều thế kỉ kinh nghiêm trong cái mà Lloyd George42 đã gọi là “ném bom bọn mọi đen”.43 Chúng ta sẽ là đối tác nhỏ, và may ra sẽ được một ít đặc quyền đặc lợi nào đó. Vai trò của Anh là như vậy đấy. Thật nhục nhã. Trong những lần nói chuyện với các cử tọa Mỹ, mọi người thường hỏi ông câu này: “Vậy tôi phải làm gì?” Chỉ người Mỹ mới hỏi tôi câu đó. Tôi chưa bao giờ bị hỏi câu đó trong Thế giới thứ ba. Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Colombia hoặc Brazil, người ta không hỏi “Vậy tôi phải làm gì?” Mọi người ở đó bảo cho ta biết họ đang làm gì. Khi đến Porto Alegre ở Brazil để dự Diễn đàn Xã hội Thế giới, tôi có gặp một số nông dân không có ruộng đất, và họ không hỏi họ phải làm gì, mà kể cho tôi nghe họ đang làm gì. Đó là những người dân nghèo khổ và bị áp bức, sống trong những điều kiện rất kinh khủng, và họ sẽ không bao giờ mơ đến việc phải hỏi ai xem họ sẽ phải làm gì. Chỉ trong những nền văn hóa có đặc quyền đặc lợi rất cao như của chúng ta thì mọi người mới có câu hỏi đó. Chúng ta có tất cả mọi lựa chọn cho mình, và không hề có những vấn đề mà những người trí thức ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những bần cố nông ở Brazil đang phải đối mặt. Chúng ta có thể làm bất cứ việc gì. Nhưng ở ta mọi người lại được huấn luyện để tin rằng có những câu trả lời dễ dàng cho mọi chuyện ở đời này, trong khi lại không phải là như vậy. Nếu muốn làm việc gì đó, ta phải toàn tâm toàn ý và làm nó ngày này qua ngày khác. Các chương trình giáo dục, việc tổ chức, việc hoạt động xã hội, cái gì cũng vậy thôi. Chỉ có vậy mới thay đổi được mọi chuyện. Còn nếu muốn có một chiếc chìa khóa thần để ngày mai ta lại có thể về nhà xem ti vi ấy ư? Không có đâu. Ông đã là một người phản kháng tích cực và rất sớm từ những năm I960, chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương. Phong trào phản kháng ở Hoa Kỳ đã tiến triển thế nào từ đó cho đến nay? Kể cũng hay. Có một bài trên tờ New York Times sáng nay nói về chuyện ngày nay những người hoạt động chống chiến tranh không hiểu sao lại là các giáo sư chứ không phải là sinh viên nữa.44 Ngày xưa thì không thế. Sinh viên từng là những người hoạt động phản chiến. Và đúng là đến năm 1970 thì sinh viên là những người phản đối chiến tranh tích cực nhất. Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra sau khi cuộc chiến của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã diễn ra được 8 năm và đến lúc ấy đã lan ra khắp Đông Dương, đã tàn phá hầu hết xứ sở ấy. Năm 1962, đã có tuyên bố nói máy bay Mỹ đang ném bom Nam Việt Nam - không có phản đối gì hết. Hoa Kỳ dùng chiến tranh hóa học tiêu diệt mùa màng và lùa hàng triệu người vào các “ấp chiến lược”, về cơ bản là các trại tập trung. Tất cả những chuyện ấy là công khai ai cũng biết, nhưng không có phản kháng gì hết; thậm chí không thể làm cho mọi người nói đến chúng nữa kia. Ngay ở một thành phố có không khí tự do như Boston cũng không thể có hội họp chống chiến tranh được vì nhất định sẽ bị sinh viên đến giải tán, với sự hỗ trợ của truyền thông đại chúng. Sẽ phải có hàng trăm cảnh sát tiểu bang vây xung quanh thì những người diễn thuyết như tôi mới có thể thoát thân mà không bị thương tật gì. Chiến tranh diễn ra hết năm này sang năm khác, mãi mới bị phản đối. Đến lúc ấy, hàng trăm ngàn người đã bị giết mà đa phần mảnh đất Việt Nam đã bị hủy diệt. Nhưng tất cả những chuyện ấy đã bị xóa sạch khỏi lịch sử, bởi lẽ chúng cho thấy quá nhiều sự thật, rằng đề xây dựng một phong trào phản kháng, ta cần mất nhiều năm khổ công của rất nhiều người, nhất là thanh niên. Nhưng phóng viên của tờ New York Times không thể hiểu được sự thật này. Tôi tin rằng cô ta là con người đang nghĩ và nói đúng những gì mà mình đã học được, rằng đã từng có một phong trào phản chiến lớn và giờ đây nó đã không còn nữa. Lịch sử đích thực không thể được công nhận. Mọi người không được phép biết rằng nỗ lực toàn tâm toàn ý và kiên trì có thể mang lại những thay đổi lớn lao trong lương tri và cách nhìn cuộc đời. Đó là một ý tưởng rất nguy hiểm, và vì vậy nó đã bị xóa sạch khỏi lịch sử. ĐỔI CHẾ ĐỘ CAMBRIDGE, MASACHUSETTS (11/09/2003) Đổi chế độ là một thuật ngữ mới trong từ vựng, nhưng Hoa Kỳ thì đã quen việc này từ lâu. Năm nay sẽ có nhiều kỉ niệm. Hôm nay là kỉ niệm lần thứ 30 vụ đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Chile. Đến 25 tháng 10 thì kỉ niệm 20 năm ngày Hoa Kì xâm lăng Grenada. Nhưng tôi đang đặc biệt nghĩ đến vụ đổi chế độ ở Iran 50 năm trước đây, tháng 8 năm 1953, đã lật đổ nền dân chủ nghị viện bảo thủ dưới quyền Mohammed Mossadegh và khôi phục vương quyền sau đó đã cai trị trong 25 năm. Iran là chuyện một chính phủ nghị viện bảo thủ theo dân tộc chủ nghĩa có ý định lấy lại những tài nguyên dầu hỏa của mình. Những tài nguyên này lúc ấy đang nằm dưới sự kiểm soát của một công ty Anh - nguyên ủy gọi là công ty Anh-Ba Tư, sau đổi thành Anh-Iran - ngày xưa đã có hợp đồng với các quốc vương Iran với những điều kiện bòn rút và ăn cướp trắng trợn. Những hợp đồng ấy chẳng đem lại gì cho người Iran, còn người Anh thì lợi đơn lợi kép không còn sót thứ gì. Mossadegh là người đã chỉ trích tình trạng quy lụy trước chính sách bá quyền như thế từ lâu rồi. Những cuộc nổi dậy của quần chúng đã bắt buộc quôc vương phải cử ông ta làm Thủ tướng, và Mossadegh liền bắt tay vào việc quốc hữu hóa ngành dầu hỏa, một việc làm hoàn toàn có lí. Người Anh phản ứng dữ dội. Họ không chịu bất kì một nhượng bộ nào giống như các công ty dầu của Mỹ vừa mới phải chịu ở Saudi Arabia. Họ muốn tiếp tục cướp trắng của người Iran. Và tình hình đó đã làm dấy lên một phong trào rộng lớn đòi quốc hữu hóa. Iran đã từng có một truyền thông dân chủ lâu đời, kể cả việc có nghị viện, gọi là majlis. Và quốc vương không thể đàn áp phong trào kia được. Cuối cùng, một vụ đảo chính được cả Anh và Mỹ chung tay hậu thuẫn đã lật đổ được Mossadegh và khôi phục vương quyền, sau đó là 25 năm khủng bố, bạo lực và những tội ác man rợ, cuối cùng dẫn đến cuộc cách mạng năm 1979 và việc phế truất quốc vương. Một kết quả không ngờ của cuộc đảo chính 1953 là việc Hoa Kỳ nhận được hơn 40% cổ phần dầu hỏa của Anh ở Iran. Đó không phải là mục tiêu của Hoa Kỳ mà chỉ là kết quả tự nhiên của dòng sự kiện ấy; nhưng đó là một phần của việc cường quốc Anh bị thay thế bởi cường quốc Mỹ trong khu vực ấy, và thực tế là trên khắp thế giới. Tờ New York Times có chạy một bài xã luận ca ngợi cuộc đảo chính trong đó có câu sau đây: “Giờ đây các nước chưa phát triêể có tài nguyên phong phú đã được một bài học khách quan về cái giá nặng nề mà một trong số họ đã phải trả khi đã trót phát cuồng vì chủ nghĩa dân tộc quá khích”.45 Những Mossadegh khác trên thế giới hãy nghĩ cho kĩ trước khi định làm cái gì đại loại như muốn đoạt quyển kiểm soát các tài nguyên của chính mình. Những tài nguyên ấy là của chúng ta, tất nhiên rồi, chứ không phải của họ. Nhưng cái ý của anh ở đây là hoàn toàn đúng. Đổi chế độ là một chính sách bình thường. Nếu trở lại thời các chính quyền Kennedy và Johnson, ta thấy đó là một giai đoạn thực sự điên cuồng về việc đổi chế độ ở Cuba. Trong nội bộ, tình báo Mỹ đưa ra lí do phải đổi chế độ ở Cuba như sau: sự tồn tại của chế độ Castro “đại diện cho một thách thức thành công chống lại Hoa Kỳ, một sự phủ nhận toàn bộ các chính sách của chúng ta đối với bán cầu này trong gần một thế kỉ rưỡi vừa qua,” nghĩa là Học thuyết Monroe.46 Do đó chúng ta phải lật đổ Cuba bằng một chiến dịch khủng bố và chiến tranh kinh tế quy mô lớn. Chiến dịch khủng bố ấy suýt nửa đã đưa thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân tự sát. Chỉ một tí nữa thôi. Ngay sau Đại chiến I, người Anh đã thay thế người Thổ cai trị Iraq. Họ chiếm đóng đất nước ấy, và đã phải đối mặt, như đã viết trong một tài liệu lịch sử, với “tình hình sách động chống đế quốc… ngay từ buổi ban đầu.” Rồi bạo loạn “mỗi ngày một lan rộng”. Người Anh thấy tốt nhất là nên dựng một “mặt tiền Ả Rập”, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao của họ lúc ấy là Huân tước Curzon, “để thống lĩnh và quản trị dưới sự chỉ đạo của Anh và do một người Hồi giáo bản địa cầm đầu, và nếu có thể được thì với cả một đội ngũ quan chức Ả Rập nữa. “47 Còn ở Irac hiện nay thì là với một hội đồng cai trị gồm 25 người do phó sứ Hoa Kỳ L. Paul Bremer đệ tam đích thân chỉ định. Huân tước Curzon đã rất trung thực lúc bấy giờ. Iraq sẽ phải là một mặt tiền Ả Rập. Quyền thống trị của Anh phải được “che đậy” đằng sau “những hư cấu lập hiến, chẳng hạn như một chế độ bảo hộ, một sinh quyền ảnh hưởng, một Nhà nước đệm, vân vân và vân vân.”48 Và đó chính là lối cai trị của người Anh ở toàn bộ khu vực ấy - mà thực ra là trên khắp vương quốc của họ. Ý đồ ở đây là có những nhà nước độc lập, nhưng với những chính phủ non yếu bắt buộc phải dựa vào sức mạnh của bá quyền để sống còn. Những chính phủ ấy có thể bóc lột hết của dân chúng nếu họ thích. Chuyện ấy không sao cả. Nhưng họ phải là một cái mặt tiền nhà để bá quyền núp sau đấy mà thống trị. Đó là chủ nghĩa đế quốc chuẩn mực. Ta có rất nhiều ví dụ. Vụ chiếm đóng Iraq hiện nay là một. Tháng 5 vừa rồi tờ New York Times có in một cái sơ đồ tổ chức tuyệt vời, ngay sau khi Bremer được đề cử.49 Hiềm một nỗi là nó không được đưa lên bản điện tử lưu trữ nên muốn xem ta phải tìm lại số báo in ấy hoặc ở microfilm, nhưng đó là một sơ đồ tổ chức chuẩn mực có khoảng 17 vị trí gì đó. Vị trí trên cùng là của Paul Bremer, báo cáo trực tiếp với Lầu Năm Góc. Bên dưới Bremer là các đường chỉ đạo đến các tướng tá và quan chức ngoại giao, tất cả đều là Mỹ hoặc Anh, và chức năng nhiệm vụ của họ có ghi rõ bằng chữ in đậm. Rồi ở dưới cùng là vị trí thứ 17, vẽ chỉ nhỏ bằng nửa các vị trí kia, không có chữ in đậm chỉ chức năng nhiệm vụ gì, mà chỉ đề là “Các cố vấn Iraq”. Cái đó diễn đạt đúng cách nghĩ của chúng ta, cái vị trí cuối cùng ấy chính là cái mặt tiền nhà. Huân tước Curzon chắc sẽ thấy cái sơ đồ này là hoàn toàn bình thường. Dù sao tôi cũng rất ngỡ ngàng phải nói rằng vụ chiếm đóng này chưa thành công. Phải tài lắm thì mới thất bại trong việc này. Trước hết là chiếm đóng bằng quân sự hầu như bao giờ cũng được việc. Ở cực tận cùng của phổ tàn bạo, Đức Quốc xã đã gặp rất ít khó khăn trong việc cai trị các nước bị chúng chiếm đóng ở châu Âu. Nước nào cũng có một mặt tiền gồm những người hợp tác với Đức để giữ gìn trật tự và đàn áp dân chúng. Nếu Đức Quôc xã không bị lực lượng áp đảo từ bên ngoài nghiền nát, nhất định họ đã tiếp tục cai trị châu Âu chẳng khó khăn gì. Người Nga, cũng cực kì thô bạo, cũng đã gặp rất ít khó khăn trong việc cai quản Đông Âu thông qua những mặt tiền như vậy. Hơn nữa, Iraq là một trường hợp dễ lạ thường. Đây là một xứ sở đã phải chịu cả một thập kỳ cấm vận chết người đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn dân chúng và đưa toàn bộ đất nước vào tình trạng rối bời với những cuộc chiến tranh tàn hại và dưới quyền cai trị của một kẻ độc tài tàn bạo. Trong hoàn cảnh như thế lại không hề có hỗ trợ gì từ bên ngoài cho các lực lượng kháng chiến, mà đến chiếm đóng bằng quân sự cũng không xong thì thật là khó tin. Cuộc chiếm đóng Iraq là một thất bại đáng kinh ngạc. Rất lạ một điều là ngay kế hoạch ban đầu của chính quyền, được minh họa qua cái sơ đổ tổ chức kia, mới trông đã thây có vẻ là không được rồi. Vì vậy mà bây giờ ta mới nghe thấy những trách móc này nọ về chuyện phải bắt Liên Hiệp Quốc vào cuộc và chịu một phần chi phí. Đây là một ngạc nhiên rất lớn đối với tôi. Tôi đã tưởng là chuyện này dễ như trở bàn tay vậy.50 Jawaharlal Nehru, một trong các lãnh tụ chống lại quyền cai trị của Anh tại Ấn Độ, có nhận xét rằng ý thức hệ cai trị của Anh tại Ấn Độ “là ý thức hệ Chủng tộc Thượng đẳng chẳng khác gì của Đức Quốc xã,” một tư tưởng “cố hữu của chủ nghĩa đế quốc. ” Tư tưởng phân biệt chủng tộc này đã được “những người cầm quyền công bố với lời lẽ chẳng cần phải úp mở gì” và “người Ấn Độ đã phải sống trong tình cảnh bị lăng mạ, hạ nhục và khinh miệt.”51 Vậy tư tưởng phân biệt chủng tộc có phải là một bản chất “cố hữu” của chủ nghĩa đế quốc không? Ta nên nhớ rằng Nehru là một người thân Anh. Nhưng ngay cả với ông ta - người có xuất thân từ đẳng cấp rất cao trong xã hội Ấn Độ và có phong cách và nếp sống hoàn toàn Anh - cái nhục nhã ấy cũng khó mà chịu nổi. Nehru nói rất đúng. Phân biệt chủng tộc là thuộc tính cố hữu của đế quốc thống trị - nó hầu như bất biến. Tôi nghĩ cái tâm lí này có thể hiểu được. Khi đè đầu cưỡi cổ ai đó, ta không thế nói “Tôi đang làm chuyện này bởi vì tôi là một thằng tàn ác.” Mà phải nói “Tôi làm chuyện này vì họ xứng đáng như vậy. Làm thế này là tốt cho họ. Vì thế nên tôi mới làm.” Họ là “những đứa trẻ hư” cần phải đưa vào kỉ luật.52 Người Philipine đã được mô tả theo kiểu này. Và đây cũng chính là chuyện đang diễn ra trong các lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine trong bao nhiêu năm nay rồi. Một trong những khía cạnh tệ hại nhất của việc Israel chiếm đóng đất của Palestine là tình trạng người Palestine bị hạ nhục và khinh miệt trong từng giây từng phút. Quan hệ thống trị bị trị nào cũng có thuộc tính cố hữu này. Còn những nguồn tài nguyên béo bở thì sao? Đó là một thừa số rất nhất quán trong bài toán thống trị, nhưng không phải lúc nào cũng là thừa số duy nhất. Ví dụ, người Anh muốn kiếm soát Palestine không phải vì tài nguyên ở đó, mà là vì vị trí chiến lược của nó. Tham vọng thống trị và kiểm soát có nhiều nhân tố và tìm kiêm tài nguyên là một nhân tố rất thông thường. Hãy nhìn lại sự kiện Mỹ xâm chiếm vùng Texas và gần một nửa lãnh thổ Mexico cách đây gần 150 năm. Người ta thường không gọi đó là một cuộc chiến tranh tài nguyên, nhưng thực chất nó là vậy. Cứ xem lại những người của Đảng Dân chủ thời Tổng thống Jackson53 như James K. Polk và những người khác thời bấy giờ, ta sẽ thấy họ đều cố làm cái mà Saddam Hussein đã làm và bị lên án hồi 1990 khi xâm lược Kuwait, tức là giành độc quyền đối với nguồn tài nguyên quan trọng nhất của thế giới lúc bấy giờ là bông, chỉ khác một điều là họ đã không giấu diếm ý định ấy của mình. Bông đã từng là động lực của cuộc cách mạng công nghiệp, cũng hệt như dầu hỏa hiện đang là nhiên liệu của toàn bộ thế giới công nghiệp. Một trong những mục tiêu xâm lược các lãnh thổ ấy, đặc biệt là vùng Texas, là để Hoa Kỳ giành được độc quyền sản xuất buôn bán bông và bắt nước Anh phải quy phục - vì bông chính là nguồn tài nguyên đang nuôi sống Anh lúc bấy giờ. Anh lúc ấy là cường quốc công nghiệp hàng đầu của thế giới còn Hoa Kỳ mới chỉ là một nước công nghiệp nhỏ. Và ta cũng nhớ rằng lúc đó Anh đang là một kẻ thù lớn, một thế lực ngăn chặn Hoa Kỳ bành trướng lên Canada ở phía bắc và xuống Cuba ở phía nam. Cho nên ở một nghĩa sâu xa thì đó là một cuộc chiến tranh giành tài nguyên, mặc dù nó còn có rất nhiều nhân tô khác nữa. Chuyện này cũng chẳng phải đặc biệt gì. Như việc Israel xâm lăng vùng Tây Ngạn sông Jordan chẳng hạn, một phần cũng là để chiếm các nguồn nước rất cần thiết cho Israel, mặc dù còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Tại sao Hoa Kỳ lại tấn công một nước không có gì đáng lo ngại như Iraq chứ không phải là Bắc Triều Tiên - một nước có chương trình hạt nhân và quân sự phát triển hơn nhiều? Iraq hoàn toàn không có sức tự vệ, còn Bắc Triều Tiên thì có cái đáng gờm. Cái đáng gờm ấy không phải là vũ khí hạt nhân. Cái đáng gờm ấy là lực lượng pháo binh khổng lồ ờ Khu Phi Quân sự, nhắm thẳng vào thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, và vào có lẽ là hàng chục ngàn lính Mỹ đóng quân ở biên giới. Trừ phi Lầu Năm Góc tìm được cách triệt tiêu lực lượng pháo binh ấy bằng những loại vũ khí chính xác thế nào đó, còn không thì Bắc Triều Tiên vẫn có cái đáng gờm kia. Iraq thì không có gì cả. Chính quyền Bush biết rất rõ là Iraq vô phương tự vệ. Có lẽ ở thời điểm mở màn cuộc xâm lăng, họ còn biết mỗi tấc đất Iraq có mấy con dao nhíp nữa kia. Dù sao, Triều Tiên vẫn là một mối lo ngại lớn đối với Hoa Kỳ, phần lớn là do vị trí của nó ở Đông Bắc Á. Khu vực Đông Bắc Á là một vùng kinh tế năng động nhất thế giới. Nó có hai xã hội công nghiệp lớn là Nhật Bản và Nam Triều Tiên, và Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một xã hội công nghiệp. Nó có những nguồn tài nguyên khổng lồ. Siberia có đủ mọi thứ tài nguyên, kế cả dầu hỏa. Tính gộp lại thì các nước ở Đông Bắc Á chiếm gần một phần ba tổng sản phẩm của toàn thế giới, hơn Hoa Kỳ rất nhiều, và khoảng một nửa khối lượng giao địch tiền tệ toàn cầu. Khu vực này có những nguồn tài chính khổng lồ. Và nó đang tăng trưởng rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với bất kì một khu vực nào khác, kể cả Hoa Kỳ.54 Thương mại của nó ngày càng có tính nội thương hơn và nó được nối liền với các nước Đông Nam Á, đôi khi còn gọi là ASEAN và Tam Quốc: tức là các nước trong khôi ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) cộng thêm với Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên. Một số những đường ông dẫn đang được xây dựng để nối các trung tâm tài nguyên với các trung tâm công nghiệp sẽ nhất định phải chạy đến Nam Triều Tiên, có nghĩa là phải chạy thẳng qua Bắc Triều Tiên. Nếu tuyến đường xe lửa liên vận xuyên Siberia được mở rộng như đã hoạch định, có thể nó sẽ cũng chạy theo con đường ấy qua Bắc Triều Tiên để xuống Nam Triều Tiên. Cho nên Bắc Triều Tiên là một vị trí khá chiến lược đối với khu vực này. Hoa Kỳ không vui vẻ gì đối với tình hình hợp nhất về kinh tế ở Đông Bắc Á, cũng hệt như tâm trạng nước đôi của nó đối với sự hợp nhất của châu Âu. Rất nhiều hoạch định chính sách của Hoa Kỳ từ Đại chiến II đến nay phản ảnh mối lo ngại rằng châu Âu có thể sẽ đi theo hướng độc lập; và có thể sẽ trở thành cái đã từng được gọi là một “lực lượng thứ ba”. Trong thực tế, khối Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) được lập ra phần lớn là để ngăn chặn khuynh hướng này. Những vấn đề như vậy đang được đặt ra với Đông Bắc Á hiện nay. Thành thử thế giới hiện nay có ba trung tâm kinh tế chính: Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, và châu Âu. Về một phương diện, tức là phương diện quân sự, thì Hoa Kỳ vẫn là mạnh nhất, nhưng ở các phương diện khác thì không. Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Jimmy Carter, đã nhất định lập luận rằng “ba nhiệm vụ lớn bắt buộc phải làm được của chiến lược bá quyền (của Hoa Kỳ) là: ngăn chặn sự cấu kết và duy trì tình trạng phụ thuộc về an ninh của các nước chư hầu, giữ các nước phụ thuộc trong tình trạng ngoan ngoãn và được che chở, và không cho các nước mọi rợ liên kết với nhau.”55 Câu nói ấy khá trung thực, và về cơ bản là đúng. Huân tước Curzon chắc sẽ phải hài lòng. Trong lí thuyết quan hệ quốc tế; quan điểm này được gọi là “thực tế”. Ta phải ngăn không cho các thế lực khác họp nhau chống lại thế lực bành trướng. Một phần lí do của việc những chuyên gia quan hệ quốc tế bảo thủ như Samuel Huntington và Robert Jervis đã lên tiếng chỉ trích gay gắt chính sách của Mỹ là vì các chính sách này đang tạo ra một tình trạng trong đó nhiều nước trên thế giới coi Hoa Kỳ là một “nhà nước bất lương”, một hiếm họa đối với sự tổn vong của họ, và có thê sẽ liên minh với nhau để chống lại sự bành trướng của Hoa Kỳ. Mà chuyện đó đã xảy ra ngay trong thời Clinton, trước khi có cái Chiến lược An ninh Quốc gia hiện nay của chính quyền Bush. Trong một bài viết từ năm 1919 có nhan đề “Xã hội học của các loại Chủ nghĩa Đế quốc”, nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter có viết như sau: Chẳng có xó xỉnh nào trên thế giới lại không có những quyền lợi không bị kêu là đang bị đe dọa hoặc tấn công. Những quyền lợi ấy, nếu không phải là của La Mã thì cũng là của các đồng minh của La Mã; còn nếu La Mã không có đồng minh nào thì sẽ phải tạo ra cho có. Khi không có cách gì để bịa ra được một quyền lợi như vậy thì sẽ thành chuyện quốc thể bị hạ nhục. Lúc nào cũng phải làm cho trận chiến mang hào quang sáng ngời của công lí. La Mã đã luôn luôn bị những nước lân bang xấu bụng tấn công, luôn luôn phải chiến đấu để được yên thân, cả thế giới đang bị xâm lăng bởi một bầy kẻ thù, và rõ ràng là nghĩa vụ của La Mã là phải ngăn chặn những âm mưu mà ai cũng biết ấy của chúng.56 Tờ Monthly Review số ra gần đây đã dùng đoạn trích này trong một bài xã luận nói về Chiến lược An ninh Quốc gia của Bush, chính vì nó nói quá trúng.57 Chỉ cần đổi La Mã thành Washington là xong. Một trong những lí lẽ phổ biến hiện nay để khởi sự chiến tranh là mục tiêu “bảo vệ uy tín”. Trong một số trường hợp, uy tín là cái bị đe dọa chứ không phải tài nguyên. Chẳng hạn như trường hợp ném bom Serbia năm 1999, cũng là dưới thời Clinton. Cái lí của vụ đó là gì? Chính thức mà nói thì Hoa Kỳ can thiệp là để ngăn chặn hành động thanh lọc sắc tộc, nhưng để tin được chuyện ấy thì người ta phải đảo lộn cả lịch trình của các sự kiện. Có một điều không thể tranh cãi được là những hành động thanh lọc sắc tộc kinh khủng nhất chỉ diễn ra sau khi Serbia bị ném bom, và hơn nữa ai cũng biết rằng thế nào cũng sẽ là như vậy. Cho nên đó không thể là lí do. Vậy thì lí do là gì? Nếu theo dõi cẩn thận, ta sẽ thấy Clinton và Blair đã lên tiếng lúc bấy giờ, và hiện đã có đủ bằng chứng về chuyện đó, rằng cái cớ của vụ ném bom chỉ là để bảo vệ uy tín. Chỉ là để cho thiên hạ thấy rõ ai là ông chủ. Serbia đã dám không theo lệnh của ông chủ, và ta không thể để bất kì ai làm như vậy được. Cũng giống như Iraq, Serbia hoàn toàn không có sức tự vệ, cho nên sẽ không có rủi ro gì cả. Trong thực tế cũng chỉ có thể lấy lí do nhân đạo để tiến hành can thiệp mà thôi. Cái logic này chắc là rất quen thuộc với những ai vẫn xem các chương trình về mafia trên vô tuyến truyền hình. “Bố già” mafia lúc nào cũng phải làm sao để mọi người hiểu rằng hắn là ông chủ. Không ai được trái lời. Hắn sai bọn đao búa đi đánh ai đó đến hỏng người không phải vì của nả gì, mà chỉ vì gã kia đã dám đối đầu với mình. Chính sự thách thức thành công của Castro đã khiến Hoa Kỳ thấy cần thiết phải tiến hành những hoạt động khủng bố nhằm lật đổ chế độ của ông ta. Đừng có ai thách thức ông chủ, và tất cả mọi người phải hiểu rõ điều đó. Chi cần ai đó bị đồn đại là có khả năng thách thức ông chủ mà không bị làm sao thôi là người đó sẽ gặp nguy khốn ngay. Nhà sử học William Appleman Williams, trong cuốn Lối sống bá quyền của mình có viết rằng “Một cách rất đơn giản, người Mỹ thế kỉ XX ưa thích bá quyền với những lí do hệt như của cha ông họ đã có từ thế kỉ XVIII và XIX. Bá quyền cho họ những cơ hội có thể quay vòng được sự thịnh vượng cũng những lợi lạc và thỏa mãn khác nữa, kể cả một cảm thức tâm lí về tình trạng sung mãn và quyền lực của chính mình.”58 Ông nghĩ gì về ý kiến phân tích này? Ý kiến của Williams có phần đúng, nhưng phải nhớ rằng Hoa Kỳ không phải là một đế quốc theo phong cách Âu châu. Những người Anh thuộc địa khi sang Mỹ đã không tạo dựng một mặt tiền của dân bản xứ để che đậy quyền thống trị của họ như kiểu người Anh ở Ấn Độ. Họ đã giết phần lớn dân bản xứ - cái chữ mà các vị khai quốc công thần của chúng ta đã dùng là chữ “tiêu diệt”. Và việc đó đã được coi là tuyệt đối bình thường không có gì phải áy náy cả. Hoa Kỳ trước hết là một kiểu nhà nước của những kẻ khai hoang lập ấp chứ không phải là một nhà nước bá quyền. Những vụ mở mang bờ cõi tiếp theo, ít nhất là cho đến Đại chiến II, đã theo rất sát cái mô hình ấy. Hãy nghĩ đến Mexico, chúng ta đã chiếm những lãnh thổ rộng lớn của xứ sở ấy trong những năm 1840; hoặc Hawaii, đã bị chúng ta lấy cắp bằng vũ lực và lừa đảo trong năm 1890. Trong cả hai trường hợp ấy dân bản xứ đều đã bị thay thế hầu hết chứ họ không bị thuộc địa hóa. Cũng phải nói là không phải là thay thế hoàn toàn. Người bản xứ vẫn còn đó, nhưng cơ bản là họ đã bị chiếm dụng hoàn toàn. Còn chuyện này nữa, nếu nhìn lại những đế quốc truyền thống, ví dụ như đế quốc Anh, ta sẽ thấy việc người dân Anh có được lợi gì không từ cái bá quyền của chính họ là một điều rất không rõ ràng. Đây là một chủ đề rất khó nghiên cứu, nhưng cũng đã có một vài người thử làm việc này. Và cái đáng nói là tất cả họ đều có cùng một kết luận rằng cái giá phải trả và cái lợi thu được là gần như ngang nhau. Làm đế quốc tốn kém lắm. Cai trị Iraq không rẻ chút nào. Phải có ai đó trả tiền cho việc ấy. Phải có người trả tiền cho các công ty đã phá hủy Iraq và cho các công ty đang xây dựng lại nó. Trong cả hai trường hợp, họ đều được trà công bằng tiền đóng thuế của dân Mỹ. Đó là những món quà của người dân Mỹ đóng thuế tặng cho các công ty Mỹ. Tôi không hiểu. Các công ty như Halliburton và Bechtel đã đóng góp vào việc phá hủy Iraq như thế nào? Ai trả tiền cho Halliburton và Bechtel? Là người Mỹ đóng thuế. Cũng những người đóng thuế ấy đã tài trợ cho hệ thống doanh nghiệp-quân sự của các nhà sản xuất vũ khí và các công ty kĩ nghệ đã ném bom Iraq. Vậy là đầu tiên ta phá hủy Iraq, rồi sau đó ta xây dựng lại nó. Đó là cách chuyển giao tài sản từ quảng đại quần chúng nhân dân sang những bộ phận dân số hạn hẹp hơn. Thậm chí đến cả Kế hoạch Marshall nổi tiếng cũng chẳng khác gì mấy. Người ta vẫn nói đến kế hoạch này như một hành vi nhân đức không thể tưởng tượng được. Nhưng mà là nhân đức của ai? Nhân đức ấy là của người Mỹ đóng thuế. Trong số 13 tỉ đô la tiền viện trợ của Kế hoạch Marshall, có khoảng 2 tỉ rơi thẳng vào tay các công ty dầu hỏa của Mỹ.59 Đó là một phần của nô lực chuyển châu Âu từ một nền kinh tế dựa vào than đá sang một nền kinh tế dựa vào dầu hỏa, và làm cho các nước châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Hoa Kỳ. Châu Âu có rất nhiều than đá. Nó lại không có dầu. Thế là đã 2 tỉ trong số 13 tỉ rồi. Và nếu xem đến chỗ viện trợ còn lại, ta sẽ thấy chỉ có rất ít tiền rời khỏi Hoa Kỳ. Tiền chỉ được chuyển từ túi này sang túi khác. Viện trợ cho Pháp trong Kế hoạch Marshall chỉ vừa xoắn đế Pháp chinh phục lại Đông Dương. Tức là dân chúng Mỹ đóng thuế đã không giúp gì cho việc tái thiết nước Pháp. Họ chỉ giúp Pháp có tiền mua vũ khí Mỹ để đè bẹp dân Đông Dương. Và họ cũng trả tiền cho Hà Lan để đàn áp phong trào đòi độc lập ở Indonesia. Trở lại với đế quốc Anh, những cái giá mà người dân Anh phải trả đế xây dựng bá quyền có thể là ngang với những cái lợi mà họ đã nhận được từ nó, nhưng với những gã cai quản Công ty Đông Ấn thì bá quyền đã mang lại phú quý tuyệt đỉnh. Với những binh sĩ Anh đang chết ở đâu đó ngoài hoang mạc, cái giá ấy thực là nghiêm trọng. Trong một chừng mực rộng, đó là cách vận hành của các đế quốc. Chiến tranh giai cấp nội bộ là một yếu tố quan trọng của bá quyền. Việc đo lường cái giả phải trả bằng mạng sống, số binh sĩ bị giết, và số tiền phải tiêu, là tương đối dễ. Nhưng làm thế nào để có thể đo lường, hoặc chỉ là nói đến thôi, vấn đề suy đồi về đạo đức? Ta không thể đo lường chuyện này, nhưng nó là một vấn đề rất thực và rất quan trọng. Và đó là một phần lí do tại sao một hệ thống bá quyền, hoặc bất kì một hệ thống thống trị nào, thậm chí chỉ là một phụ hệ gia trưởng thôi, cũng luôn luôn phải có một vỏ bọc nhân đức. Chúng ta lại trở về với vấn đề phân biệt chủng tộc. Tại sao ta phải bằng mọi cách tỏ ra rằng mình làm thế là vì quyền lợi của những người mà ta đang chà đạp? Có gì đâu, vì nếu không thì ta sẽ phải đương đầu với vấn đề đạo đức. Nêu thành thực mà xét thì quan hệ con người đều thường là như vậy. Nhưng trong các hệ thống bá quyền thì hầu như lúc nào cũng là như vậy. Khó có thể tìm được một hệ thống bá quyền trong đó giới trí thức không vỗ tay hoan hô tính nhân đức của chính mình. Khi Hitler đang chặt chém nước Tiệp, nó được đi kèm với những lời hùng biện tuyệt vời rằng đó là để mang hòa bình đến cho những nhóm sắc tộc đang xung đột, để đảm bảo rằng tất cả những nhóm người này sẽ có thể sống hạnh phúc được với nhau dưới sự giám sát nhân từ của người Đức. Chắc phải mất công lắm mới có thể tìm ra được một ngoại lệ cho hiện trạng này. Và tất nhiên, ở Mỹ cũng vậy thôi. Ngày trước, nếu có người sử dụng từ bá quyền rồi lại thêm từ Mỹ vào nữa, người ấy sẽ bị coi là một kẻ tả khuynh khá cực đoan. Nhưng trong vài năm qua chuyện ấy đã có đôi chút chuyển biến. Ví dụ, Michael Ignatieff, Giám đốc Trung tâm Carr tại trường đào tạo các quan chức chính phủ mang tên Kennedy60 của Đại học Harvard, có viết trong một bài chủ đạo trên New York Times Magazine rằng “bá quyền của Mỹ không giống những bá quyền khác trong quá khứ được xây dựng bằng thuộc địa, chinh phục và gánh nặng của người da trắng… Bá quyền trong thế kỉ XXI là một phát minh mới trong biên niên sử ủùa khoa học chính trị, một phiên bản bá quyền nhẹ nhàng, một thế lực bành trướng toàn cầu với những nốt nhạc duyên dáng về thị trường tự do, nhân quyền và dân chủ, được yểm trợ bằng một sức mạnh quân sự ghê gớm nhất mà thế giới đã từng biết.”61 Tất nhiên, những người biện hộ cho bất kì một thế lực bá quyền nào cũng nói hệt như vậy. Ta có thể trở lại với John Stuart Mill, một trong những trí thức nổi bật nhất của phương Tây. Ông đã bênh vực bá quyền của Anh với những lời lẽ tương tự. Mill có viết một bài luận cổ điển về chủ đề can thiệp nhân đạo.62 Sinh viên luật nào cũng phải học bài này. Ông lập luận rằng Anh là độc nhất vô nhị trên thế giới này. Nó không giống bất kì nước nào khác trong lịch sử. Các nước khác đều có những lí do lợi ích vật chất và những tìm kiếm ăn người này nọ, nhưng nước Anh chỉ hành động vì quyền lợi của người khác. Trong thực tế, theo lời ông, những lí do của chúng ta tinh khiết đến mức người châu Âu không thể hiểu được chúng ta. Họ hè nhau nói xấu chúng ta, và săm soi muốn phát hiện những lí do lợi ích vật chất đằng sau những hành động nhân đức của chúng ta. Nhưng tất cả những gì chúng ta làm đều là vì quyền lợi của người bản xứ, những con người còn man di mọi rợ. Chúng ta muốn đem đến cho họ thị trường tự do, chính quyền trung thực, tự do và đủ mọi thứ tuyệt vời khác. Tôi ngạc nhiên vì Ignatieff đã không biết rằng mình chỉ đang nhắc lại một thứ hùng biện đã rất quen thuộc. Thời điểm mà Mill nói ra những ý kiên trên cũng rất đáng lưu ý. Ông ta viết bài luận đó vào khoảng năm 1859, ngay sau khi xảy ra sự kiện mà người Anh vẫn gọi là “cuộc nổi loạn của người Ấn” - có ý nói rằng bọn man di mọi rợ kia đã dám ngóc đầu lên rồi. Người Ấn Độ phát động một cuộc nổi dậy chống lại quyền cai trị của Anh, và người Anh đã dập tắt nó bằng vũ lực cực kì tàn bạo. Nhất định là Mill biết rõ vụ này. Nó được đăng rầm rộ trên tất cả các báo. Những người bảo thủ kiểu cổ, như Richard Cobden, đã lên án nặng nề cuộc đàn áp ấy của Anh, rất giống như Thượng nghị sĩ Robert Byrd đã lên án cuộc xâm lăng Iraq hiện nay. Những người bảo thủ thực chất khác với những người tự gọi mình là bảo thủ. Nhưng Mill, ngay trong lúc đang diễn ra cuộc đàn áp ấy, đã viết về nước Anh như một quyền năng thánh thiện. Và mọi người thì cứ thế tin theo những lập luận như vậy. Nếu đọc kĩ những hồ sơ nội bộ, ta sẽ thấy rằng những nhà lãnh đạo chính trị thường nói với nhau hệt như khi họ nói với công chúng. Ví dụ, nhiều tài liệu trong các kho lưu trữ của Liên Xô hiện đang được tẩu tán ra ngoài, chủ yếu là được bán cho những ai trả giá cao nhất, hệt như mọi thứ khác ở Nga. Nếu đọc các tài liệu ghi lại những cuộc thảo luận từ những năm 1940, sau Đại chiến II, ta sẽ thấy Andrey Gromyko và các lãnh tụ Liên Xô khác bàn luận về việc họ phải can thiệp để bảo vệ nên dân chủ và chống lại các lực lượng phát xít đang có mặt ở khắp mọi nơi. Tôi chắc rằng Gromyko cũng rất tin vào những lời ông ta nói lúc ấy, hệt như Ignatieff đang tin vào những lời mình nói hiện nay vậy. Trong một bài khác cũng trên New York Times Magazine, Ignatieff viết: “‘Những quy định can thiệp mới do Hoa Kỳ đề nghị và tuân thủ sẽ chấm dứt cái tin vịt rằng Hoa Kỳ, chứ không phải những kẻ thù của nó, là một nhà nước bất lương.” Ông có một cuốn sách nhan đề là Nhà nước bất lương.63 Hoa Kỳ có phải là một nhà nước bất lương hay không? Thực ra là tôi đã mượn mấy từ này của Samuel Huntington. Trên tờ Ngoại giao64, một tạp chí chính thống, ông có viết rằng phần lớn thế giới coi Hoa Kỳ là một “siêu cường bất lương”, và là “mối đe dọa duy nhất lớn lao từ bên ngoài đối với những xã hội của họ.”65 Trong bài ấy, Huntington đang chỉ trích các chính sách của chính quyền Clinton vì chúng đưa đến hiện tượng các nước khác đang xây dựng nhiều liên minh chống lại Hoa Kỳ. Nếu chúng ta định nghĩa “nhà nước bất lương” theo một nguyên tắc nào đó ví dụ như vi phạm luật pháp quốc tế, hoặc là xâm lược, hoặc phạm những tội ác man rợ, hoặc vi phạm nhân quyền, thì Hoa Kỳ chắc chắn là đủ tiêu chuẩn, vì nhà nước hùng mạnh nhất nào trên thế giới cũng sẽ như vậy thôi. Hệt như Anh trước đây. Hệt như Pháp trước đây. Và những trí thức ở tất cả những đế quốc ấy cũng đều đã viết cùng một thứ rác rưởi như anh vừa trích dẫn của Ignatieff. Cho nên trước đây khi Bộ trưởng Chiến tranh của Pháp để lộ rằng họ sẽ phải tiêu diệt hết người bản xứ ở Algeria thì nước Pháp trí thức nói đó là họ đang tiến hành một “sứ mạng khai hóa”. Ngay cả Đức Quốc xã cũng sử dụng lối hùng biện này. Có xuống đến những tầng đáy tận cùng của suy đồi đạo lí thì ta cũng vẫn nghe thấy những lời lẽ tình cảm như vậy. Khi phát xít Nhật đang chinh phục Trung Quốc và tiến hành những hành động man rợ khủng khiếp như vụ Thảm sát Nam Kinh, những lời lẽ hùng biện của chúng vẫn khiến ta phải rưng lệ. Người Nhật chỉ đang tạo dựng một “thiên đường trên mặt đất” trong đó các dân tộc châu Á sẽ cùng chung lưng đấu cật với nhau. Nhật Bản sẽ bảo vệ họ chống lại bọn “giặc cướp” cộng sản và sẽ hy sinh thân mình vì quyền lợi của tất cả để mọi người sẽ cùng có được hòa bình và thịnh vượng.66 Một lần nữa, tôi lại thấy hơi ngạc nhiên vì tại sao chẳng có biên tập viên nào của New York Times hoặc một giáo sư đáng kính nào ở Harvard lấy làm lạ khi có người cứ nhắc lại những gì đã từng được nói đi nói lại mãi rồi từ miệng những con quỷ tàn bạo nhất của nhân loại. Chẳng lẽ những câu nói ấy bây giờ có ý nghĩa khác hay sao? Nhân tiện, tôi cũng muốn lưu ý rằng một trong những cái lợi rất lớn của việc làm một trí thức đáng kính là ở chỗ ta sẽ chẳng bao giờ phải cần có bằng chứng cho bất kì phát ngôn nào của ta nữa. Cứ đọc hết những bài viết nọ và thử tìm bằng chứng cho những kết luận của chúng mà xem. Để trở thành một nhân vật được kính trọng nhất, ta phải hiểu rằng việc đòi hỏi bằng chứng để có thể ca tụng những người có quyền thế là một việc có thể coi là vớ vẩn. Không cần phải thế. Họ hoành tráng là tất nhiên rồi. Cũng có thể trong quá khứ họ cũng phạm một vài sai lầm gì đó, nhưng giờ đây thì họ hoành tráng thật rồi. Và cải việc đi tìm bằng chứng cho sự hoành tráng ấy cũng giống như việc đi tìm bằng chứng cho các tiên đề toán học. Nó cũng giống như khi ta vừa viết hai cộng hai bằng bốn thì lại có người hỏi “Thế thì bằng chứng của anh đâu?” Cho nên không bao giờ có bằng chứng. Antonio Gramsci của Đảng Xã hội Ý có viết rằng “Trở ngại chính của thay đổi là việc các lực lượng thống trị tái sản xuất những yếu tố của ý thức hệ bành trướng. Một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách là phải phát triển những cách diễn giải khác về thực tạị.”67 Vậy làm thế nào để có thể phát triển “những cách diễn giải khác về thực tại”? Tôi tôn trọng Gramsci một cách sâu sắc, nhưng tôi nghĩ có thể viết lại lời nhận xét đó của ông được - có nghĩa là cứ việc nói thẳng sự thật ra thì hơn. Thay vì nhắc lại nhũng tư tưởng cuồng tín, ta hãy tháo gỡ chúng, cố tìm ra sự thật, và nói ra cái sự thật ấy. Đó là việc mà chúng ta ai củng có thể làm được. Hãy nhớ rằng giới trí thức tự chuốc lấy cái quan điểm rằng họ phải làm sao để chuyện gì cũng có vẻ phức tạp thì mới được. Nếu không thì họ quanh quẩn ở đây làm gì? Cần phải tự hỏi rằng có cái gì thực sự phức tạp đến thế hay không? Gramsci là một người rất đáng khâm phục, nhưng ta hãy lấy câu nói ấy của ông và thử dịch nó ra một thứ tiếng Anh đơn giản xem sao. Và ta sẽ thấy có phức tạp lắm không khi muốn hiểu ra sự thật và biết cần phải hành động như thế nào. CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CAMBRIDGE, MASACHUSETTS (12/02/2004) Trong bộ phim tài liệu với nhan đề Sương mù chiến tranh68, Robert McNamara có một lời thủ nhận khá thú vị. Ông dẫn lời Tướng Curtis LeMay, là đồng sự của ông thời kỳ Mỹ ném bom các thành phố Nhật trong Đại chiến II, rằng: “Nếu thua trận, tất cả bọn chúng ta nhất định sẽ bị kết án là tội phạm chiến tranh.” Sau đó, McNamara nói: “Tôi nghĩ ông ta nói đúng… Nhưng điều gì khiến cho nó thành vô đạo nếu ta thua và không thành vô đạo nếu ta thắng?”69 Tôi chưa được xem, nhưng có nghe rằng trong phim ấy McNamara đã lần đầu tiên nói đúng về vai trò của mình trong Đại chiến II. Tài liệu tiểu sử chỉ luôn mô tả ông ta là một dạng quan chức thống kê làm việc ở đâu đó trong hậu trường, nhưng hóa ra ông là người thực sự có vai trò hoạch định, có nhiệm vụ tìm cách gây tử vong cao nhất cho thường dân Nhật Bản với chi phí thấp nhất. Rõ ràng là Tokyo đã được chọn làm mục tiêu bởi vì nó có mật độ dân cư rất cao và nhà cửa chủ yếu là bằng gỗ, và chỉ cần gây một cơn bão lửa là đủ sức giết chết vài trăm ngàn người chẳng khó khăn gì. Nên nhớ rằng lúc ấy Nhật Bản chưa có lực lượng phòng không. Tôi biết McNamara có trách nhiệm trong việc lựa chọn mục tiêu này, mặc dù tôi không thể nói đích xác công lao của ông ta đến đâu. Lời nhận xét của ông ta về tội phạm chiến tranh không phải chỉ đúng trong trường hợp ấy, mà là đúng trong mọi trường hợp. Telford Taylor, người từng là Trưởng Công tố tại tòa án xử tội phạm chiến tranh tại Nuremberg, đã nói rõ rằng tòa án ấy cáo buộc những tội trạng gọi là post facto, nghĩa là những tội ác chưa hề được định danh trong thời gian chúng xảy ra.70 Tòa án ấy phải quyết định cái gì sẽ được coi là một tội ác chiến tranh, và họ đã đưa ra một định nghĩa làm cơ sở cho công việc của mình rằng tội ác chiến tranh là bất kì những gì kẻ địch làm mà quân Đồng minh không làm. Vậy là rõ rồi - và chuyện này giải thích tại sao, chỉ lây một ví dụ thôi, những cuộc ném bom của quân Đồng minh xuống Tokyo, Dresden, và những trung tâm đô thị dân sự khác lại không bị coi là tội ác chiến tranh. Không lực Anh và Mỹ ném bom các trung tâm đô thị dân sự nhiều hơn hẳn không lực Đức. Họ nhắm chủ yếu vào những khu vực dân lao động và nghèo khổ. Nhưng vì quân Đồng minh làm chuyện này hơn phe Trục nhiều quá, nên hành động ném bom các trung tâm dân sự đã được loại khỏi danh sách các tội ác chiến tranh. Nguyên tắc này cũng xuất hiện trong cả những đối chất cá nhân. Một Đô đốc hải quân Đức - Karl Doenitz, Tư lệnh lực lượng tàu ngầm - đã đem tới tòa một nhân chứng bào chữa cho mình là Nimitz, tư lệnh tàu ngầm Mỹ, người đã khai trước tòa rằng người Mỹ cũng đã làm những việc như Doenitz đã bị buộc tội. Và ông này được miễn tố những tội ấy. Tòa án Nuremberg chí ít cũng đáng được tôn trọng một nửa. Tòa án Tokyo thì đúng là một màn kịch hề. Và một số vụ xử tội người Nhật khác nữa thì thật không thể tin được, như vụ xử Tướng Tomyouki Yamashita, người đã bị treo cổ vì những tội ác mà binh lính Nhật đã phạm phải ở Philippines. Về mặt tổ chức thì những binh lính này nằm dưới quyền chỉ huy của ông ta, nhưng khi chiến tranh kết thúc họ đã bị cô lập hoàn toàn, và ông ta không có liên lạc gì với họ. Những người lính ấy đã có những hành vi bạo ngược khủng khiếp. Và ông ta bị treo cổ vì những hành vi ấy.71 Thử tưởng tượng xem nếu trường hợp ấy được áp dụng phổ biến cho hàng ngũ chỉ huy có lính tráng phạm tội trong hoàn cảnh cô lập và mất liên lạc trực tiếp thì sẽ ra sao? Toàn bộ tư lệnh của tất cả quân đội đang hoạt động trên thế giới sẽ bị treo cổ hết, và cả bộ sậu lãnh tụ dân sự nữa. Không phải các tướng tá, mà chính là đám dân sự mới là bọn thường xuyên ra lệnh và tổ chức những tội ác chiến tranh tàn hại nhất. Cho nên nhận xét của McNamara là chính xác, quen thuộc, và vẫn nhẹ lời. Tình cờ, câu nói của McNamara vẫn đúng với những vụ xử tội ác chiến tranh đang diễn ra hiện nay. Hãy nhớ lại thời điểm chỉ kéo dài khoảng 30 giây đồng hồ khi người ta đã tưởng rằng tòa án đặc biệt cho Nam Tư có thể sẽ điều tra những tội ác của khối NATO. Các luật sư Canada và Anh đã hối thúc tòa xem xét những tội ác chiến tranh của NATO - tất nhiên là đã xảy ra trong thực tế- và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi dường như tòa đã định nghe theo lời hối thúc ấy Nhưng Hoa Kỳ đã lập tức cảnh cáo tòa chớ nên theo đuổi các tội ác của Mỹ và đồng minh. Tội ác là việc của người khác, không phải là việc của chúng ta. Cái logic này có thể thấy trong học thuyết của Bush. Một phần của học thuyết này nói rằng Hoa Kỳ có quyền tiến hành những hoạt động quân sự phòng vệ chống lại những nước mà chúng ta coi là hiểm họa an ninh bởi họ có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là phần đầu của học thuyết. Nhiều nhân vật trong chính quyền đã chỉ trích phần này chủ yếu không phải vì họ bất đồng với nó mà là vì họ cho rằng giọng điệu và cách làm trắng trợn của nó cuối cùng sẽ gầy nguy hiểm cho Hoa Kỳ Tạp chí Ngoại giao lập tức xuất bản một bài phê phán cái mà nó gọi là “đại chiến lược bá quyền mới”.72 Thậm chí Madeleine Albright, Bộ trưởng Ngoại giao của Clinton, cũng nói rất chính xác rằng tổng thống nào thì cũng có một học thuyết như vậy cả nhưng không ai đi quảng cáo cho nó làm gì. “Tự vệ chủ động trước”, bà ta viết trên tờ Ngoại giao, là “một công cụ mà tổng thống nào cũng lẳng lặng giữ làm trù bị”.73 Ta cất nó trong túi quần sau, và dùng đến nó khi nào ta muốn. Nhưng có lẽ hay nhất là câu nhận xét của Henry Kissinger khi đọc đáp từ sau bài nói của Tổng thống Bush tại Học viện Quân sự West Pomt trong đó ông ta có trình bày tóm lược về Chiến lược An ninh Quốc gia. Kissinger nói học thuyết có tính chất “cách mạng” này về các sự vụ quốc tế sẽ xé nát không những Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, mà cả toàn bộ hệ thống trật tự quốc tế Westphalia đã có từ thế kỉ XVII.74 Kissinger đã ủng hộ học thuyết này, nhưng ông ta thêm vào đó một điều kiện: chúng ta phải hiểu rằng học thuyết này không thể là “một nguyên lí phổ cập cho tất cả các quốc gia.”75 Học thuyết này chỉ là cho chúng ta, không phải cho bất kì một ai khác. Chúng ta sẽ sử dụng vũ lực bất kì khi nào chúng ta muốn và chống lại bất kì một ai mà chúng ta cho là có thể gây nguy hiểm cho chúng ta, và có thể chúng ta sẽ trao cái quyền đó cho các nước chư hầu, nhưng không bao giờ cho ai khác. Ta hãy quay sang phần thứ hai của học thuyết Bush: “Kẻ nào chứa chấp những tên khủng bố cũng có tội như chính bọn khủng bố”.76 Vì chúng ta có quyền tấn công và tiêu diệt bọn khủng bố, chúng ta cũng có quyền tấn công và tiêu diệt các nhà nước chứa chấp bọn khủng bố. Ok, những nhà nước nào chứa chấp bọn khủng bố? Chúng ta hãy bỏ ra một bên những nhà nước đang chứa chấp các nguyên thủ quốc gia; nếu tính cả họ, câu chuyện này sẽ lập tức trở thành vớ vẩn. Hãy cứ chỉ tính đến các nhóm và cá nhân chính thức được gọi là khủng bố hoặc khủng bố nội quốc như Al Qaeda hoặc Hamas cái đã. Những nhà nước nào đang chứa chấp họ? Ngay lúc này có một vụ án cực kì quan trọng đang lên đến tòa phúc thẩm ở Miami và can hệ rất trực tiếp đến câu hỏi này. Đó là vụ Cuban Five.77 Tôi không theo dõi được nhiều lắm về vụ này. Hãy xét một ít bối cảnh của nó đã. Hoa Kỳ đã mở một cuộc chiến khủng bố chống phá Cuba vào năm 1959, nhanh chóng rầm rộ lên dưới thời Kennedy với Chiến dịch Mongoose, và trong thực tế đã suýt nữa làm nổ ra chiến tranh hạt nhân. Đỉnh điểm của những hành vi tàn bạo có lẽ là những năm cuối thập kỉ 70. Nhưng đến lúc đó Hoa Kỳ đã không dính dáng vào cuộc chiến khủng bố ấy nữa, và nhưng gì chúng ta biết cho thấy là Hoa Kỳ cũng không trực tiếp tiến hành các hoạt động khủng bố nữa. Thay vào đó, Hoa Kỳ chứa chấp những tên khủng bố tiến hành các cuộc tấn công Cuba - những cuộc tấn công rất nghiêm trọng - vi phạm cả luật pháp Mỹ và quốc tế. Những hoạt động khủng bố đã tiếp tục cho đến tận cuối những năm 1990. Chúng ta không cần phải tranh cãi xem những người tham gia các hoạt động này có phải là bọn khủng bố hay là không. Cục điều tra liên bang FBI và Bộ Tư pháp đã mô tả chúng là những tên khủng bố nguy hiểm, vậy ta hãy cứ tin lời họ cái đã. Ví dụ như Orlando Bosch, người bị FBI buộc tội đã tiến hành nhiều hoạt động khủng bố nghiêm trọng, kể cả trên đất Mỹ, và bị Bộ Tư pháp mô tả như một hiểm họa an ninh của Hoa Kỳ và cẩn phải bị trục xuất. Những hoạt động của Bosch có cả việc tham gia vào vụ phá hủy một máy bay chở khách của hãng Cubana khiến cho 73 người bị thiệt mạng trong năm 1976. Bush đệ nhất, theo lời đề nghị của con trai là Jeb, Thống đốc Florida, đã dùng quyền tổng thống để tha bổng cho Bosch.78 Vậy là hắn đang ung dung tự tại ở Florida, và chúng ta đang chứa chấp một kẻ mà Bộ Tư pháp coi là một tên khủng bố nguy hiểm, một hiểm họa an ninh của Hoa Kỳ. Khi đã rõ là Hoa Kỳ không làm gì để ngăn chặn những cuộc tấn công của bọn khủng bố được chấp nhận ở đây, Cuba đã quyết định cho điệp viên cua mình thâm nhập các tổ chức khủng bố ở Florida để thu thập thông tin. Sau đó Cuba mời các nhân viên FBI sang Havana, và họ sang thật. Năm 1998, Cuba cung cấp cho các quan chức cao cấp của FBI hang nhìn trang tài liệu và băng video về các kế hoạch khủng bố ở Florida. Và FBI đã đáp ứng việc này bằng cách bắt hết những điệp viên cài cắm của Cuba. Đó là vụ Cuban Five: vụ bắt giam những điệp viên đã cung cấp cho FBI thông tin về bọn khủng bố ở Hoa Kỳ. Họ bị đưa ra tòa ở Miami, và quan tòa không chấp nhận cho đổi địa điểm xét xử, một việc thậm vô lí. Luật dư buộc tội đã công nhận rằng về cơ bản chẳng có gì để buộc tội được mấy người Cuba này cả, nhưng họ vẫn bị kết án. Vụ này đang được kháng án, nhưng ba người trong số họ đã phải lĩnh án chung thân, nhuwxg người khác bị án tù dài hạn, và gia đình họ bị từ chối quyền viếng thăm thân nhân.79 Đây là ví dụ điển hình về một nhà nước chứa chấp bọn khủng bố - và lẽ ra phải là một xì căng đan rất lớn. Mà đó không phải là ví dụ duy nhất. Chính phủ Venezuela hiện đang tìm cách dẫn độ hai sĩ quan quân đội đã bi buộc tội tham gia vào các vụ đánh bom ở Caracas rồi bỏ nước chạy chốn và đang xin tị nạn chính trị ở đây.80 Hai sĩ quan này có tham gia đảo chính quân sự vào năm 2002 đã lật đổ được chính phủ Chavex trong một vài ngày. Chính phủ Mỹ đã công khai ủng hộ cuộc đảo chính này, và theo lời của nhiều nhà báo lành nghề trong báo giới Anh quốc thì họ còn dính vào việc kích hoạt nó nữa.81 Nếu có sĩ quan quân đội nào của Mỹ đã chiếm cứ Nhà Trắng và điều khiển chính phủ, nhất định họ sẽ bị xử tử. Nhưng các tòa án phản động ở Venezuela, vẫn còn có liên hệ chặt chẽ với chế độ cũ, đã không chịu để cho chính phủ xét xử hai viên sĩ quan này. Chế độ “toàn trị” Chavez đã đồng ý với phán quyết của tòa án và không xét xử họ nữa. Và bây giờ thì họ đang xin tị nạn ở Hoa Kỳ, và tôi cho rằng họ sẽ được chấp nhận. Hoặc như Emmanuel Constant. Hắn có trách nhiệm trong việc giết hại có lẽ là bốn hoặc năm ngàn người Haitii. Hắn đang sống hạnh phúc ở quận Queens, thành phố New York, bời vì Hoa Kỳ thậm chí đã không thèm hồi âm những đề nghị dẫn độ nữa kia.82 Vậy thì ai đang chứa chấp bọn khủng bố? Nếu nhà nước chứa chấp bọn khủng bố là nhà nước khủng bố, theo như học thuyết của Bush, thì chúng ta kết luận thế nào đây? Chúng ta kết luận đúng như những gì mà Kissinger đã đủ tử tế để nói ra, rằng những học thuyết như vậy chỉ là đơn phưong mà thôi. Chúng không có ý định trở thành thông lệ của luật pháp quôc tế; chúng là những học thuyết chỉ chấp nhận cho một mình Hoa Kỳ có quyền sử dụng sức mạnh và bạo lực và chứa chấp bọn khủng bố chứ không phải bất kì một nước nào khác. Với kẻ mạnh, chỉ có người khác mới phạm tội mà thôi. Robert Jackson, Trưởng Công tố Mỹ tại Nuremberg, có nói trong diễn từ khai mạc của ông rằng “việc khởi sự hoặc gây ra một cuộc chiến tranh xâm lược có những phẩm chất của một tội danh ác độc nhất về mặt đạo đức.”83 Đồng sự người Anh của ông ta là Hartley Shawcross thì nói rằng người Đức đã phạm một “tội ác chống lại hòa bình… gây ra những cuộc chiến tranh xâm lược và vi phạm các Hiệp ước.”84 Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì việc hoạch định và phát động chiến tranh xâm lược được coi là một trọng tội chiến tranh.85 Vậy thì đối với cuộc tấn công Iraq, một nước không đe dọa gì Hoa Kỳ, tại sao lại không có bất kì một cuộc bàn thảo nào về việc chính phủ Mỹ phát động một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp? Và tại sao không ai nói gì đến việc buộc tội Tổng thống Bush? Có đấy chứ. Nhiều nhóm luật sư ở Hoa Kỳ - nhưng chủ yếu là ở Anh, Canada, và những nước khác - đang tìm cách đưa các quan chức Mỹ ra tòa vì tội xâm lược. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chỉ ra rằng mặc dù cuộc xâm lăng Iraq rõ ràng là một hành động xâm lược, nhưng nó không phải là không có tiền lệ. Chẳng hạn như cuộc xâm lược Nam Việt Nam hồi 1962, khi Kennedy đã cho không quân tấn công Nam Việt Nam và bắt đầu chiến dịch sử dụng vũ khí hóa học, gây nên những hậu quả tàn hại và cưỡng ép dân chúng vào các trại tập trung. Đó cũng là xâm lược. Có thể nói đó là cuộc xâm lược chống lại một nhà nước không phải là thành viên của Liên Hiệp Quôc, nếu lấy đó làm điều, nhưng chắc chắn đó là một cuộc xâm lược. Hoặc như cuộc xâm lược của Indonesia ở Đông Timor thì gọi là gì? Cũng rõ ràng là xâm lược. Hoặc như cuộc xâm lược của Israel ở Lebanon đã làm thiệt mạng hàng hai chục ngàn người?86 Cả hai cuộc xâm lược này đều được tiến hành nhờ có sự hỗ trợ cương quyết của Hoa Kỳ về ngoại giao, quân sự và kinh tế. Trong trường hợp Đông Timor thì cả Anh cũng dính líu vào đó. Chúng ta có thể kể mãi những chuyện này được. Ví dụ như cuộc xâm lược Panama hồi 1989, nó là cái gì vậy? Một cuộc xâm lược nhằm bắt cóc một tên lưu manh, không phải hạng lưu manh cỡ Saddam Hussein mà là một tên nghiêm trọng hẳn hoi: Manuel Noriega. Trong cuộc xâm lăng ấy, theo các nguồn tin Panama, lực lượng quân đội Mỹ đã giết chết ba ngàn dân thường.87 Chúng ta không thể khẳng định con số này bởi lẽ chúng ta không điều tra những tội ác của chính mình. Không ai biết đích xác cả, nhưng cuộc xâm lược của Mỹ vào Panama chắc chắn đã giết hại rất nhiều người - chắc cũng phải vào cỡ như cuộc xâm lược Kuwait của Iraq, với cùng những con số thương vong tương tự nhau. Hoa Kỳ đã phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược này.88 Noriega bị tóm trong tòa đại sứ của Vatican và đem về Florida - tất cả đều phi pháp một cách trắng trợn - và sau đó, trong một phiên tòa nực cười, hắn bị kết án vì những tội mà quả thực là hắn đã phạm, hầu hết là trong thời kì hắn ăn lương của CIA.89 Nếu Sacldam Hussein có bao giờ bị đưa ra tòa thì cũng sẽ hệt như vậy: hắn sẽ bị kết án vì tất cả những tội do Mỹ ủng hộ, nhưng chi tiê‘t cơ bản này sẽ không bao giờ được nhắc đến. Cộng đồng luật pháp quốc tế đối phó với tình hình này như thế nào? Những người làm nghề luật quốc tế có một nhiệm vụ phức tạp. Có một thiểu số rất nhỏ nói ra sự thật và chỉ ra những hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng hầu hết mọi người phải tạo ra những lập luận phức tạp để biện hộ cho các tội ác xâm lược. Nghề nghiệp của họ về cơ bản là làm luật sư bào chữa cho chính quyền. Những biện hộ của họ thật thú vị. Những người trung thực hơn, như Michael Glennon của Trường Luật và Ngoại giao mang tên Fletcher, thì cứ vô tư nói thẳng rằng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc là những luồng “khí nóng” nên được loại bỏ hết đi vì chúng hạn chế khả năng sử dụng sức mạnh của Hoa Kỳ.90 Theo quan điểm của Glennon - cũng như của nhiều người khác bảo vệ Mỹ xâm lược, như giáo sư luật Ruth Wedgwood của Đại học Yale - thì những hành động của Mỹ như cuộc ném bom phi pháp ở Serbia đã làm thay đổi bản chất của luật pháp, bởi lẽ luật pháp là một học thuyết sống động, một hệ thống sinh động của các nguyên tắc liên tục được điều chỉnh bởi những hoạt động thực tế trên trường quốc tế. Nhưng nó có được điều chỉnh bởi cuộc xâm lăng Kuwait của Saddam Hussein không? Không. Một trong số ít những hành động có thế được gọi là can thiệp nhân đạo trong lịch sử hiện đại, hay không? Hoặc là cuộc xâm lăng của Ấn Độ vào Đông Pakistan, đã chấm dứt được những hành vi bạo ngược khủng khiếp? Không. Trong thực tế những cuộc can thiệp này còn bị lên án nặng nề. Chúng không hề tạo ra bất kì một thông lệ mới nào của luật pháp quốc tế. Và đó là vì chúng ta mới là người thay đổi được luật pháp, chứ không phải bất kì ai cũng thể làm việc đó. Số ra gần đây của tờ American Journal of International Law có một bài rất phức tạp và đầy trăn trở của Carsten Stahn gọi là “Thi hành ý chí tập thể Hậu Iraq”. Stahn dẫn lời Jurgen Habermas và đủ các loại tư tưởng gia vĩ đại khác. Lập luận của ông ta tựu chung là thế này: Khi Hoa Kỳ xâm lược Iraq, nó thực sự tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu biết cách diễn giải. Chúng ta phải công nhận có hai cách diễn giải bản hiến chương này. Một là diễn giải nguyên văn, nghĩa là việc sử dụng sức mạnh trong các vấn đề quốc tế là một hành vi tội phạm trừ các trường hợp ngoại lệ, và chẳng có ngoại lệ nào có thể vận dụng được cho trường hợp nhỏ nhặt và chẳng hay ho gì như của Iraq. Và hai là cách diễn giải theo “quan """