"
Tập San Sử Địa Tập 12 - Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Sử Địa Tập 12 - Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : TẬP SAN SỬ ĐỊA 12
Tác giả : NHÓM GIÁO SƯ VÀ SINH VIÊN
ĐẠI HỌC SÀI GÒN CHỦ TRƯƠNG
Nhà xuất bản : Nhà sách KHAI TRÍ bảo trợ
Năm xuất bản : 1968
------------------------
Nguồn sách : Đức Châu (TVE-4U)
Đánh máy : mopie, nhungphan1204, minhf, thao nguyen, quanhoangtrung, pham_my, Mia Chan, Vỹ Trạng, thuy3098, Rùa Biển, camchuongtim, pinkie_min, ganbunma
Kiểm tra chính tả : Max Phạm, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Xuân Huy, Ngô Thanh Tùng, Trương Thu Trang
Biên tập chữ Hán – Nôm : Blue
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 30/12/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả NHÓM GIÁO SƯ VÀ SINH VIÊN ĐẠI HỌC SÀI GÒN và nhà sách KHAI TRÍ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
LÁ THƯ TÒA SOẠN
NÉN HƯƠNG HOÀI CỔ NGUYỄN-TRUNG-TRỰC DÕNG TƯỚNG TÂN-AN-PHỦ
I. BỐN MẨU CHUYỆN CÓ DÍNH DÁNG ĐẾN NGUYỄN TRUNG-TRỰC
II. TÀI-LIỆU PHỤ
1) Bổn thứ nhứt : Chiếu chỉ của vua Tự-Đức
2) Bổn dụ thứ nhì
III. NHỮNG SÁCH DÙNG ĐỂ KHẢO CỨU
XIN CUNG-HIỂN MỘT ÍT TÀI-LIỆU VỀ CỤ NGUYỄN TRUNG-TRỰC
I. ĐỂ TỎ LÒNG SÙNG KÍNH CỤ NGUYỄN-TRUNG-TRỰC
II. ĐỀN THỜ CỤ NGUYỄN-TRUNG-TRỰC VỊ ANH HÙNG DÂN-TỘC VIỆT-NAM
III. CHUNG QUANH BÀI THƠ KHÓC CỤ NGUYỄN-TRUNG TRỰC
NGUYỄN-TRUNG-TRỰC MỘT KINH-KHA CỦA MIỀN NAM
CẢI CHÍNH MỘT ĐIỀU LẦM TÀI LIỆU VỀ NGUYỄN TRUNG-TRỰC
ĐẤT KHỞI NGHĨA VÀ VÀI GIAI THOẠI VỀ NGUYỄN TRUNG-TRỰC
I. CHỢ RẠCH-GIÁ HỒI CUỐI THẾ KỶ 19
II. VÙNG PHỤ CẬN LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC KHỞI NGHĨA III. CUỘC TẤN CÔNG ĐỒN RẠCH-GIÁ
IV. PHỤ LỤC
V. CHUYỆN NEAK TRONG
TÌNH-HÌNH CHÍNH-TRỊ VIỆT-NAM THỜI-KỲ NGUYỄN TRUNG-TRỰC KHỞI NGHĨA
CHUNG QUANH VẤN-ĐỀ VIẾT SOẠN TIỂU-SỬ NGUYỄN TRUNG-TRỰC CŨNG NHƯ CÁC NHÂN-VẬT LỊCH-SỬ KHÁC
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
GIỚI THIỆU SÁCH BÁO
HỘP THƠ SỬ ĐỊA
MỤC LỤC TẬP SAN SỬ ĐỊA TỪ 1966 ĐẾN 1968 I. TẬP SAN SỬ ĐỊA NĂM 1966
II. TẬP SAN SỬ ĐỊA NĂM 1967
III. TẬP SAN SỬ ĐỊA năm 1968
PHỤ TRƯƠNG : LE TRAITE DE SAIGON DE 1862 VU DE PARIS, DE MADRID ET DE HUE LES REACTIONS DE LA POPULATION VIETNAMIENNE LES MISSIONNAIRES
SỬ ĐỊA
TẬP-SAN – SƯU-TẦM
KHẢO-CỨU – GIÁO-KHOA
BAN CHỦ-BIÊN : Nguyễn-Thế-Anh – Bửu Cầm – Phan Khoang – Lâm Thanh Liêm – Phạm Văn Sơn – Thái Việt Điểu – Phạm Cao Dương – Phù-Lang – Đặng Phương Nghi – Quách Thanh Tâm – Trần Đăng Đại – Phạm Đình Tiếu – Nguyễn Khắc Ngữ – Nguyễn Huy – Tạ Chí Đại Trường – Phạm Long Điền –Trần Anh Tuấn – Nguyễn Thái An – Trần Quốc Giám – Nguyễn Sao Mai – Mai Chưởng Đức.
VỚI SỰ CỘNG-TÁC THƯỜNG XUYÊN CỦA : Hoàng Xuân Hãn – Chen Ching Ho – Thích Thiện Ân – Lê Văn Hảo – Nguyễn Văn Hầu – Tạ Trọng Hiệp – Nguyễn Trần Huân – Phạm Văn Diêu – Bửu Kế – Nguyễn Khắc Kham – Trương Bửu Lâm – Lê Hữu Mục – Nguyễn Phương – Hồ Hữu Tường – Lê Thọ Xuân – Ưng Trình – Nghiêm Thẩm – Tô Nam – Bùi Quang Tung.
BAN TRỊ-SỰ : Nguyễn Nhã – Nguyễn Nhựt Tấn – Phạm Thị Hồng Liên – Nguyễn Ngọc Trác – Trần Đình Thọ – Nguyễn Hữu Phước – Phạm Thị Kim Cúc – Trần Ngọc Ban – Phạm Văn Quảng – Phạm Đức Liên.
Trình bày : Kha Thùy Châu, N.N. Tấn
THƯ TỪ, BÀI VỞ, NGÂN, CHI-PHIẾU : NGUYỄN NHÃ, 221 Cộng Hòa, Saigon B. P. : 380.
TRƯƠNG MỤC : TẬP SAN SỬ ĐỊA, Sài-Gòn T/M 2763 Chánh Trung Khu Chi Phiếu SAIGON.
LÁ THƯ TÒA SOẠN
Hai mùa thu qua. Sử Địa đã đặc khảo về hai vị danh nhân Việt-Nam : « Trương-Định và Phan-Thanh-Giản ». Mùa thu năm nay, như đã loan báo, Sử Địa được ấn hành số đặc biệt để kỷ niệm 100 năm ngày chết vinh quang của Vị anh
hùng kháng-chiến Nguyễn-Trung-Trực.
Mới 100 năm qua mà tài liệu về Nguyễn-Trung-Trực thật điêu tàn. Hầu như không còn một sử liệu nào về Nguyễn Trung-Trực do người Việt còn để lại. Ngay cả Chính-sử triều Nguyễn như « Đại Nam Liệt Truyện » cũng không hề nói tới Nguyễn-Trung-Trực. Trong khi những người đồng, đồng cảnh với Ông như Trương-Định còn được « Chính Sử » đề cập tới ít nhiều. Thật là một sự thiếu sót đáng tiếc.
Ngày nay, chúng ta biết về Nguyễn-Trung-Trực hầu như chỉ nhờ vào những tài liệu của ngoại quốc. Còn nếu ta có chăng, cũng chỉ là những tài liệu truyền khẩu, thiếu tánh cách khoa-học. Chúng ta có thể tự bào chữa là trong thời kỳ còn người Pháp ngự trị, không ai dám tàng trữ « đồ quốc cấm » là những tài liệu về những người đã chống lại họ. Điều này cũng có một phần nào đúng. Nhưng thật ra phải nói là do sự yếu kém của óc tồn cổ của người mình.
Ngay ở thời đại hiện nay, liệu có nhiều người quan tâm đến việc lưu giữ những tài liệu về thời nay ? Trách nhiệm lưu giữ các tài liệu thì tư nhân chỉ một phần – phần quan trọng phải là Nhà Nước.
Mà hiện nay thì thật là đau lòng ! Khi sửa soạn số Đặc Biệt này, chúng tôi biết chắc có tờ trình (rapport) của chánh quyền xâm lược Pháp hồi đó về Nguyễn-Trung-Trực, tàng trữ tại Văn Khố Quốc Gia. Mặc dù đã cố công, chúng tôi vẫn không thể tìm ra tài liệu quí giá ấy, chỉ vì Văn Khố Quốc Gia hiện đang ở tình trạng thê thảm ! Văn Khố bị bắt buộc di chuyển nhiều lần từ hơn một năm nay, hiện lại không có trụ sở đàng hoàng, tài liệu để vung vãi nhiều nơi. Các phiếu (fiches) bị xáo trộn, mất mát, hiện không thể nào sử dụng. Chính cơ quan này đã kêu cứu. Giới văn hóa đã báo động thảm-thiết – tình trạng đó vẫn còn nguyên !
Tài liệu cũ có sẵn mà còn bị coi thường để cho mất mát, hư hỏng, huống chi tài liệu mới mong gì được thu thập và lưu giữ.
Chúng tôi thảm thiết báo động về « tình trạng phi văn hóa » này.
Với hiện trạng chung ấy, mặc dù đã cố gắng, số Đặc Khảo này cũng không thể nào thoát khỏi sự nghèo nàn tài liệu chính xác. Chúng tôi đành phải « nghi truyền nghi, ngờ truyền ngờ ».
Về Giải Thưởng « 900 năm Nam Tiến của Dân Tộc Việt », hiện chúng tôi vẫn chưa ấn định được thời hạn tổ chức vì thời cuộc chưa cho phép. Nhưng chắc thế nào cũng nội trong năm 1969 tới.
Nếu không có gì trở ngại, chúng tôi sẽ cho ấn hành số đặc biệt Kỷ Niệm CHIẾN THẮNG KỶ DẬU (ĐỐNG ĐA), vào dịp Xuân Kỷ Dậu sắp tới.
TẬP SAN SỬ ĐỊA
NÉN HƯƠNG HOÀI CỔ NGUYỄN-TRUNG TRỰC DÕNG-TƯỚNG TÂN-AN-PHỦ
Phù-Lang TRƯƠNG BÁ PHÁT
Kính tặng những người
có lý-tưởng quốc gia thuần túy.
Hôm nay tôi đốt nén hương hoài cổ để tưởng nhớ đến một vị dõng tướng khác đã chết đúng 100 năm, trong cuộc chống Pháp hồi quốc-gia nầy mới đến đặt ách đô-hộ trên cổ dân-tộc Việt-Nam.
Vị ấy là « Chơn » [có lẽ là tên từ lúc nhỏ], rồi từ Kỷ mùi, 1859 đổi tên là « đội Lịch ». Tên nầy được giữ tới Tân-Dậu 1861, nên người ta nghe gọi là quản Lịch [xem lúc gần hết bổn gạn hỏi ở sau] Quản nầy là chánh quản cơ, chớ không phải là hương-quản. Theo TIÊN-ĐÀM Nguyễn-Tường
PHƯỢNG, tr.49, sđd., thì một chánh quản-cơ điều-khiển 50 người. Vậy quản Lịch coi 50 người. Lúc đốt tàu L’espérance rồi quản Lịch đổi tên là NGUYỄN-TRUNG-TRỰC. Có lẽ tên nầy đặng gọi từ lúc đầu năm 1862 [Tân-Dậu – Nhâm-Tuất] cho đến ngày cuối cùng của Người là 27-10-1868.
Chỗ chôn nhau cắt rún của Trực ở làng nào không rõ, nhưng đặng biết là Trực sanh ra ở Tân-An-Phủ, mà phủ nầy rộng.
Trước, phủ nầy là đất của huyện Cửu-An và Phước-Lộc. Niên-hiệU-Minh-Mạng thứ 13 [Nhâm-Thìn 1832] đặt tên phủ nầy, kiêm-lý huyện Cửu-An, thống hạt huyện Phước-Lộc. Năm Tự-Đức thứ năm [Nhâm-Tí 1852] dẹp phủ Hòa-Thạnh,
lấy huyện Tân-Hòa và Tân-Thạnh. Phủ nầy lãnh bốn huyện, 18 tổng, 217 xã thôn và thuộc tỉnh Gia-Định. Như vậy Trực khai ở Tân-An-phủ là rộng lắm, có lẽ Trực ở huyện Cửu-An mà huyện Cửu-An gồm có 4 tổng, 53 xã thôn.
Người đời nay nghe nói Trực ở Tân-An-phủ cũng phải chịu bít đường. (ĐẠI NAM NHỨT THỐNG CHÍ, Lục-Tỉnh Nam Việt, Tập Thượng, tr. 51 và 52).
Năm Mậu-Thìn 1868, Trực bị hành-hình là năm Trực đặng ba mươi tuổi, một tuổi đầy nhựa sống, thường thường tuổi ấy ngó đời với cặp mắt đeo kiếng hồng. (VIAL, Les premières années… q.II, tr.248, d.2)
Đem số ba mươi ấy làm một bài toán trừ giản dị cho 1868 thì lòi ra Trực sanh năm Mậu-Tuất 1838.
Hẳn là Trực có thân-hình vạm vỡ, lòng trung-thực, đặng nhiều phen thử thách và « có diện-mạo thông-minh và thấy là có cảm tình ». (VIAL, Les premières années… q.II, tr.241, d.8)
Năm Trực đặng hai mươi ba tuổi [Tân-Dậu 1861] Trực cùng Tấn [sau là lãnh-binh làm tôi Pháp] đồng làm chức đội trong đạo binh đồn-điền mà Trương-Định chỉ-huy. (VIAL, q.II, tr.240, d.4)
Khi bại binh những ngày 24 và 25 tháng hai 1861 [chúa-nhựt rằm và thứ hai 16 th. giêng Tân-Dậu] quân Việt rút lui khỏi đồn Kỳ-Hòa. Định điều khiển lính đồn điền lui về Gò-Công vì vị Tổng-thống quân-vụ là Nguyễn-Tri-Phương bị bịnh nơi tay, Tán-lý Nguyễn-Duy, em ruột của Tri-Phương, Tán-tương Tôn-Thất-Trỉ đều tử trận, Tham-tán Phạm-Thế-
Hiển bị thương nặng rút về Biên-Hòa, nhưng đặng ít hôm thì từ lộc. (« Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn-Tri-Phương » chưa đăng tạp-chí nào).
Quốc-gia Việt-Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng sống dư chết thiếu thì bỗng nhiên Pháp-quân tiếp tục xâm chiếm Mỹ-Tho ngày 12-4-1861 [chúa-nhựt mồng 3 th. 3 Tân-Dậu].
Cuộc chiếm cứ Mỹ-Tho đem lại hậu-quả là phải chiếm luôn các xứ ở giữa châu-thành ấy, Tiền-Giang và sông Soi Rạp : người ta thiết lập liền tay những đồn lính Pháp ở Gia Thạnh [phủ Tân-An, vị-trí lối vòng thứ nhì của sông Vàm-Cỏ Tây bắt từ hợp-lưu hai sông Vàm-Cỏ đi lên], ở Chợ-Gạo [đầu quận Chợ-Gạo bây giờ] và ở Gò-Công [đầu tỉnh Gò Công bây giờ]. (VIAL, q.I, tr.114, d. 5 tới 8)
Kịp đến thượng tuần tháng 6 năm 1861 [Tân-Dậu] hai viên dưới tay Định là hai viên chỉ huy phó đã lên Biên-Hòa 1 hồi tháng ba để hai người vợ lại Gò-Công… (Pallu, Histoire de l’expédition… tr. 218-219)
Hai viên chỉ-huy phó ấy, chẳng khác hơn là Lịch hay là Chơn sau gọi là Nguyễn-Trung-Trực và người thứ nhì là Huỳnh-Công [?]-Tấn.
Không biết trong trận chiến tại Gò-Công ngày 22 và 23- 6-1861 [rằm và 16 th. 5 Tân-Dậu] có Trực chỉ-huy nghĩa quân trong đó hay chăng mà không thấy sách Pháp nói đến.
Thế rồi, binh Pháp làm chủ tình thế, đóng đồn nổi ở sông Nhựt-Tảo.
Nguyễn-Trung-Trực xuống lịnh cho hai viên phó quản Huỳnh-Khắc-Nhượng và Nguyễn-Văn-Quang [Hai tên trong B.A.V. Huế, 1932] chuẩn bị tấn công tàu Pháp kéo binh lại gần hai bên bờ, núp sẵn để chờ lịnh. Nguyễn-Trung-Trực cùng 59 người tình-nguyện chết [B.A.V. Huế, 1932], tiến đến gần tàu Pháp, chia ra làm hai toán.
Ấy là ngày 10 tháng 12 năm 1861 [thứ ba mồng 9 th. 11 Tân-Dậu].
Hồi lúc 12 giờ trưa, sĩ quan chỉ-huy chiếc lorcha 2 l’Espérance đi lên bờ theo đuổi một lũ (đầu trộm đuôi cướp) 3cách tàu lối hai dặm. Bốn hay năm chiếc ghe có mui thả theo bìa tàu 4; thủy-thủ đoàn đang nghỉ từng trên của tàu không hề nghi kỵ chi hết ; viên hạ-sĩ-quan đóng vai tuồng trưởng-phó nghiêng mình ra khỏi cửa sổ tàu tưởng là người buôn bán muốn ghé xin nhận giấy phép lưu thông, viên hạ sĩ-quan vô phước kia bị một mũi giáo vô ngực và một đám đông người từ các mui ghe tủa lên công-kích tàu và la thật lớn. Trong vài sao đồng-hồ, hơn một trăm năm mươi người An-nam tay cầm giáo, cầm gươm và cầm đuốc, tràn ngập cả từng trên tàu và một cuộc xáp lá-cà không tương xứng xảy ra. Trong vài phút đồng-hồ sau, lửa táp vào nóc lá của tàu và cháy mau lẹ. Bị nóng quá, đôi bên nhảy đùng xuống sông hay tuột xuống ghe. Năm thủy-thủ trong số đó có hai Pháp và ba Tagals (người bổn xứ ở Ma-Ní) phóng xuống một ghe nhỏ, không súng ống chi cả và ráng sức chèo. Ở xa, năm thủy-thủ nầy thấy chiếc l’Espérance nổ tung, các mảnh tàu văng xa đến hai bên bờ sông, mười bảy người Pháp hay
Ma-Ní đếu chết đắm trong cuộc tai biến nầy. Thuyền-trưởng Parfait, hải quân trung úy, tuổi còn nhỏ, ham hoạt-động và gan dạ, đã đặng nêu công vì có cử chỉ sốt sắng trong nhiều trận chiến-tranh, đặng các thủy-thủ thoát trên tiểu thoàn, cho hay. Parfait [có lẽ là bị nghĩa quân mưu kế dụ đi xa để dễ bề đốt tàu] liền tới tàu Garonne xin vài người tiếp viện. Parfait gặp đặng ba người Ma Ní, ba người nầy đã bị địch quân câu lưu nhưng nhờ lộn-xộn khi tàu nổ mà thoát thân : những tên vô phần nầy trốn núp sau bụi rậm và ngâm dưới nước ló miệng lên để chờ viện-binh.
Hồi bấy giờ, chúng ta có những người bổn-xứ trung thành với chúng ta ; lối hai chục người đóng trên bờ giao mặt với chiếc l’Espérance ; các người ấy đều bị đánh đột ngột và bị giết hết lúc tàu bị công-hãm.
Những thường dân ở làng Nhựt-Tảo hùa theo những kẻ đốt tàu đều bị đốt nhà hết vì tàu đậu ngay làng ấy. (VIAL, Les premières années… q.I, những trang 124, 125, 126)
Trong B.A.V. Huế nói binh của Quân-Toán Nguyễn-Học và Hương-Thân Hồ-Quang nhảy lên tàu và bửa vỏ tàu, nhưng không nổi, họ mới dùng hỏa-công và rút đi trong chiến thắng. (B.A.V, Huế, Avril-Juin, 1932, tr.236)
Muốn làm tiêu tàu phải phóng lửa đốt tàu, một là để làm oai, hai là lửa cháy mau hơn, chớ bửa tàu hóa ra lâu lắc rồi. Tôi ngả theo chuyện đốt tàu là hơn.
Trong vụ đốt tàu nầy, bên Việt mất bốn người. Vua thăng Nguyễn-Văn-Quang lên quản cơ, hai mươi người cai và đội dưới quyền của Quang đều đặng thưởng ngân-tiền.
Một ngàn cột tiền đặng cấp phát cho binh lính có dự chiến, bốn gia quyến của bốn anh chết đều đặng tăng lương gấp đôi, con của bốn gia quyến ấy hưởng chức « Diêu Ấm », [Quyền thế rất nhỏ của ông cha để cho con cháu nhờ].
Ngoài ra còn tiền trợ cấp quan-trọng phân phát cho các làng bị đốt và bị quân Pháp tàn phá.
Tuần-vũ Đỗ-Quang tỉnh Gia-Định, Tuần-vũ Định-Tường Đỗ-Thúc-Tinh [không biết Dinh hay Tinh là trúng, trong B A.V. Huế 1932 ở trang 237 gọi Dinh rồi cũng trong tập san ấy trang 239, kêu là Tinh] đều đặng lên lương vì có góp phần binh bị trong vụ đốt tàu. (B.A.V. HUẾ, Avril-Juin 1932, tr. 236, 237)
Hẳn các bạn tưởng tượng rằng quân và dân Việt lúc bấy giờ vui mừng và có hi-vọng tràn trề sẽ thắng nổi quân Pháp, và Pháp quân bị thất một trận đau đớn và xúc động sâu xa.
Quả thật một phần lớn có đúng cả đôi bên.
Việc ước mong thắng Pháp là sự nhiệt-thành hi-vọng ở về mặt quốc-gia Việt-Nam, còn đối với ngoại-dương, các xứ nầy khăng khăng rằng một khi thất-trận Kỳ-Hòa rồi, chẳng còn gì đáng gọi là chống ngăn nữa.
Thật vậy, « sau khi rút lui khỏi Crimée 5, hai quốc gia Anh, Pháp đều chú-ý đến tình hình thương mãi ở Viễn Đông. Pháp quốc, Anh-quốc và Tây-Ban-Nha đồng lòng quyết định rằng cuộc tiến-chinh quân-sự sẽ đặng chỉ mũi ngay Viễn-Đông, mục-đích phải làm kỳ cho đặng bởi bạo lực của khí giới, những gì mà ngoại-giao làm không xong ». (B.A.V. Huế, Janvier-Mars 1932)
Xem trên đây thấy Pháp quân cố tâm chiếm đoạt ba tỉnh miền Đông đã lâu, và trận Kỳ-Hòa là trận quyết định. Nhưng dân Việt không chịu như thế – có ai khứng làm tôi tớ cho người bao giờ – và ít người hiểu rõ thời-cuộc, biết lực lượng quốc-gia Việt-Nam đối với lực lượng Pháp-quốc hơn là Phan-Thanh-Giản. Thế ông Phan ra sức dàn xếp, nhưng đơn độc có mình ông làm sao cản ngăn đặng sự phá hoại, sự giết chóc lẫn nhau.
Tiến đến 1 tháng ba năm Nhâm Tuất [chúa nhựt 30-3- 1862].
Các đồn binh nho nhỏ đều rút hết như « Gò-Công, Chợ Gạo, Gia-Thạnh và Cái-Bè ». (VIAL, Les premières années. q.1, tr.141)
Những sĩ-quan Pháp cai-trị cũng đi theo.
Nghĩa quân ra mặt trở về làm chủ các vùng Pháp-quân tự ép buộc rút lui, kiểm-soát các cuộc đánh thuế, lựa thêm quân-binh.
Chắc chắn là có Trực điều khiển nghĩa-dõng-quân hoặc ở Gò-Công, hoặc ở vùng Tân-An.
Tuy rút quân đi ở các vị-trí trên, nhưng Pháp-quân cũng còn tuần-tiễu trên sông luôn, lối tháng 8 năm 1862 sấp lên.
Ngoài chiếc L’Alarme mà Guys chỉ-huy coi chừng vùng Gò-Công của Trương-Định, còn Gougeard, đại-úy hạm đội, đậu tàu nơi sông Vàm-Cỏ Tây chỗ ngả ba sông nầy và kinh Bảo-Định, nghĩa là ở gần Tân-An. Luôn luôn Gougeard tuần
du trên các sông ấy, khiến vùng ấy nín thở [?]. (VIAL, tr.186)
Đến 16 tháng 12 năm 1862 [thứ ba 25 th.10 Nhâm Tuất].
« Ba chiếc tiểu-hạm [lorcha] đậu trên sông Vàm-Cỏ Đông để kiểm-soát sự lưu thông trên sông ấy, bị tấn công thật tình dữ dội bởi những lũ người đông đảo vì họ bị nung đốt do kỷ-niệm tàu L’Espérance phát-hỏa. Một trong ba chiếc ấy, chiếc số ba, đậu trên mé nguồn sông, dưới Tây
Ninh một đỗi, bị công-hãm bởi nhiều ghe có trí súng thần công ; viên hậu tuyển sĩ quan chỉ huy chiếc nầy bị thương, nhưng bắt đặng ba ghe địch ». (VIAL, q.1, tr.195)
Trên đây, là ba tiểu hạm bị tấn công dữ dội, nhưng chưa hiểu người chỉ-huy vụ công kích nầy là người nào.
Còn dưới đây là sự điều khiển của Lịch.
« Một chiếc khác ở kinh hẹp Bến-Lức [có sông Bến-Lức chớ không có kinh Bến-Lức] bị Trực công hãm, hắn là tên [dịch tiếng individu] đã chỉ huy cuộc công kích chiếc L’Espérance. Một lũ người đứng trên bờ đến lấy sợi dây đỏi, kéo tàu chạy cho mắc cạn và đồng thanh la lớn. Một súng bắn đá nạp bằng đạn sắt được bắn ra gần trúng vô khối người ấy, khiến như chúng bị nghiền nhỏ và chúng tự tan rã, miệng la to vì uất hận và thất vọng. Những cảnh ghê rợn ấy đều là kết-quả của những âm-mưu của địch quân, rồi có một cuộc hưu-chiến ngắn : núp vững chắc trong chiến lũy mình, đạo quân viễn-chinh không đủ lực-lượng để giữ thế
công, lùi về thế thủ và đang nóng lòng chờ đợi binh tiếp viện ». (VIAL, q.1, tr.195)
Đạo quân tiếp-viện ấy đến Bến-Nghé đầu tháng hai 1863 [lối chúa nhựt 14 th. Chạp Nhâm-Tuất đến 23 tháng ấy].
Hiệp-lực với binh sẵn có ở đây, Pháp-quân xâm chiếm trở lại Gò-Công.
Ngày ấy là 26-2-1863 [thứ năm 9 th. giêng Quí-Hợi].
Không hiểu lúc ấy Trực ở Gò-Công hay ở Tân-An-phủ, một chi tiết mà sử không trả lời.
Vả lại, từ năm 1863 tới ngày nay một số lớn sử là sử Pháp, những điều gì có lợi cho cuộc thúc chặt chánh-quyền Pháp đều đặng nói đến, trái lại, nếu có hại cho sự cai trị của Pháp, Pháp đều gạt bỏ, thế nên có nhiều chuyện đáng ghi để người Việt nhớ thì mất mát hết. Thoảng như người Việt công-khai viết sử Việt, họ cũng chẳng dám nói điều gì có phương hại đến an-ninh của Pháp, còn dã-sử Việt thì truyền-khẩu, không chứng-tích minh bạch.
Ngày 30-4-1863 [thứ năm 13 th.3 Quí Hợi], hải-quân thiếu-tướng Bonard hồi Pháp-quốc, để quyền lại cho hải quân thiếu-tướng De La Grandière.
Lúc nầy không thấy sử nói đến Lịch. Lúc đốt tàu ở sông Nhựt-Tảo và công phá chiếc khác ở rạch Bến-Lức, đội Lịch đã đặng triều-đình Huế cho lên chức quản cơ Lịch.
Đến 29-3-1865 [thứ tư mồng 3 th 3 Ất-Sửu] do tàu Le Donnai, De La Grandière [Gia-Lăng Gi-Y gọi theo trào-đình
Huế] về Pháp nghỉ, giao tay lái chiếc thuyền ba tỉnh miền Đông lại cho quyền toàn quyền hải-quân thiến-tướng Roze [trào-đình Huế gọi là ông Khởi]. (CAO-XUÂN-DỤC, Sử Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, q.II)
Từ ngày chiếm ba tỉnh miền Đông đến 29-3-1865 chỉ có De La Grandière là một tay chánh-trị cao hơn cả.
Như 25-5-1863 [thứ hai mồng 8 th. 4 Quí-Hợi] trả lại thành Vĩnh-Long cho trào-đình Huế hầu ru ngủ Trào-đình, làm an lòng dân-chúng Việt, để đến ngày 20-6-1867 [thứ năm 19 th. 5 Đinh-Mão] lối 7 giờ rưỡi sáng nuốt cho trơn tỉnh Vĩnh-Long, luôn hai tỉnh miền Tây-Nam-Kỳ. [Châu-Đốc mất ngày 21-6-1867 hồi 24 giờ, Hà-Tiên mất ngày 24-6- 1867 hồi 12 giờ]. (PHAN-THANH-GIẢN, tập san SỬ ĐỊA số 7)
Như cho nông-dân mượn tiền không ăn lời, cấm xuất cảng lúa gạo. (VIAL, q.I, tr.232)
Như tặng một triệu-phú thương-gia Hoa-Kiều là Ban Hạp, một đồng-hồ lớn vì Ban-Hạp dám cất nhà với một tầng lầu, khiến Ban-Hạp mặc lễ-phục tiếp khách suốt một ngày và hãnh diện lắm đối với kẻ đồng-hương [VIAL, q.I, tr.351, dòng 14 đến 26], thế De La Grandière có oai quyền đối với Huê-Kiều.
Ngoài ra công-quỹ tăng bên tiền thâu : từ 1862 có 947.000 phật-lăng, năm 1863 lên 2.800.000 phật-lăng, năm 1864 phỏng định lên 3 triệu, bây giờ đây thật tình nó đã lên 4 triệu. Số chi sụt xuống. (BOUDET, Chasseloup Laubat, tr.53)
Bắt buộc tôi nói đến De La Grandière là tôi thấy lịch-sử dạy ta nhiều lắm, nếu ta biết lợi dụng để cho đời sau suy nghĩ, ở đây như việc chính-trị của De La Grandière. Ngoài ra không có ý sau hoặc khen ngợi De La Grandière, hoặc nung nấu thực dân chủ-nghĩa.
Đến 27 tháng mười một 1865 [thứ hai mồng 10 th.10 Ất-Sửu] do tài Tigre, De La Grandière trở qua và nắm quyền điều-khiển trở lại ba tỉnh miền Đông.
Chánh sách bàn tay sắt bọc nhung của De La Grandière đã có kết quả mỹ mãn, nên Pháp-đình thăng chức từ hải quân thiếu-tướng [contre-amiral] lên chức hải-quân trung tướng [vice amiral, hồi bấy giờ chức nầy là lớn nhứt trong thủy-quân] và cho trở qua Nam-Kỳ để thi-hành tiếp tục chính sách ấy.
Từ Ất-Sửu 1865 đến Bính-Dần 1866 cũng không thấy sử nói gì đến Nguyễn-Trung-Trực cả, chỉ có năm Đinh-Mão 1867, Nguyễn-Trung-Trực « lên chức lãnh-binh ở tỉnh Bình Định, rồi Trào-đình Huế hạ lịnh cho về Hà-Tiên mộ binh khởi-nghĩa ». (VIAL, q.II, tr.241, dòng 2 và 5)
Nhưng hình như Quốc-Sử-Quán quên biên Trực đổi ra Bình-Định đã làm gì để chống giặc Pháp. Thế nên không thấy nói chi hết và sách « Sử Quốc-Triều Chánh Biên toát yếu » của Cao-Xuân-Dục cũng không động tới.
Ngày 4-4-1868 [thứ bảy 12 tháng 3 Mậu-Thìn] De La Grandière về Pháp nghỉ luôn vì thấy ba tỉnh Tây đã an ổn rồi.
Hải-quân thiếu tướng Ohier lãnh trách-nhiệm điều khiển trọn vẹn Nam-Kỳ.
Người ta tưởng rằng việc cai-trị Lục-Tỉnh từ đây sẽ ấm êm luôn.
Nào dè, đùng một cái, ngày thứ tư 17-6-1868, xảy ra một cuộc dựng cờ khởi dấy ở Rạch-Giá.
Việc ấy như thế nầy :
*
Ngày 17-6-1868 [thứ tư 27 th. 4 nhuần Mậu-Thìn], hải quân thiếu-tướng Ohier đi tuần miền Tây. Khi đi qua Sóc tran [Sóc-Trăng], tới Sơn-Chim 6. Ohier hay rằng một cuộc tụ-tập dân chúng khởi dấy dưới sự điều-khiển của Quản Chơn và hình như muốn công kích Rạch-Giá. (Hôm ngày 1
tháng 5) Quản-Chơn công-hãm thành Mĩ-Tho [không biết có phải là Chơn làm cố-vấn cho Ban chỉ huy cuộc công-hãm Mĩ-Tho chăng, chớ ngày 1-5-1869 vụ cướp thành Mĩ-Tho do Nguyên-Soái-Than làm đầu]. Người ta có sai người cho đồn Rạch-Giá hay nhưng mà trễ rồi. Một điện-tín 7từ Vĩnh-Long đánh lên Mỹ-Tho ngày 18 và báo rằng Rạch-Giá đã bị công hãm. Một thương-gia Huê-kiều, lãnh thầu cung cấp bò, từ Châu-Đốc đến Rạch-Giá, lật-đật trở về Long-Xuyên, và thuật lại rằng đồn đã thất-thủ, lính ở trong đồn đã bị giết và làng đã bị đốt. Huê-kiều ấy thấy mười ba cái đầu ghim trên mười ba mũi độc dựng đứng theo bờ kinh. [Lúc nầy có kinh từ Rạch-Giá qua Long-Xuyên rồi, Đại-Nam Nhất Thống Chí về Hà-Tiên không thấy nói đến] chỉ-huy-trưởng Ansart, hải-
quân trung tá, vội vàng từ Vĩnh-Long kéo binh-lực đi tiếp cứu.
[Trước ngày 28-11-1868 Ansart ở Mỹ-Tho (xem Taboulet, q.II, tr.509 đề ngày bức thơ Ansart gửi cho Hải quân trung-tướng), khi Pháp chiếm Vĩnh-Long ngày 20-6- 1867 thấy chỉ-huy-trưởng là Reboul, thanh-tra bổn-xứ là Bourchet, ngày 4-8-1867 thấy tên Ansart gởi cho chỉ-huy Tổng-Tham-Mưu Reboul (Taboulet, q.II, tr.518) đề ở tỉnh Vĩnh-Long, Ansart thay thế Reboul vì trong Taboulet, q.II, tr.512 có để Ansart là chỉ-huy-trưởng tột cao ở Vĩnh-Long năm 1867, 1868 ; Annuaire 1867 chỉ để có miền Đông của Pháp, Annuaire 1868 cũng không có để chuyện Ansart thay thế Reboul].
Ngày 23, Ansart bảo đánh điện tín cho hải-quân thiếu tướng Ohier hay rằng : Đồn Rạch-Giá đã về tay Pháp-quân trở lại ngày 21, hồi ba giờ rưỡi chiều do nhiều chiếc ghe và một phân-đội tăng cường đổ bộ dưới lệnh của đại úy Dismurantin. Sáu chục phạm-nhơn, nhiều khí-giới và súng đại-bác, một lính ma-tà bị thương, nhiều tiểu pháo đội để dọc theo sông…
Đại-úy Dismurantin, chỉ-huy phân-đội lính lục-quân thủy chiến, trung úy De Taradel, thanh-tra, chỉ-huy phân-đội lính ma-tà [De Taradel làm thanh-tra ở Cần-Lố, đây chắc là đi cứu nguy (Annuaire 1868)]. Trong số lính đó có phu Loc [Phủ-Lộc] và Đô hưu-phương [Đỗ-Hữu-Phương], trung úy chiến-hạm Richard đi trên một chếc ca-nô chạy máy hơi, đụng-độ liên-tiếp với lũ người nổi loạn [bandes d’insurgés] cản trở đường vô Rạch-Giá, bên ta vô cảng nầy bằng bạo
lực, hỗn độn với bọn phiến-loạn. Kẻ làm đầu của chúng và một nhóm đồng-đảng lanh lẹ xuống ghe bầu, mau mau chèo ra khơi. Ban đầu chúng trốn lánh ở Hòn-chon [Hòn Chong nay là Bình-Trị] ven bờ biển, dưới Hà-Tiên rồi chúng ở Phu-quoc [Phú-Quốc].
Người ta biết rằng hồi bốn giờ ngày 16-6 [thứ ba 26 th. 5 nhuần Mậu-Thìn] trong suốt đêm tối tăm, đồn bị công hãm. Binh số lối ba chục người thôi, ở trong một nhà xịt xạt, giữa một vòng rào rộng bao bọc bằng vách đất và cửa
lớn làm chưa rồi. Một bọn đông đặc người cướp đồn, tên lính gác bị hạ sát và phần nhiều lính Pháp ở riêng rẽ với các sĩ quan, không đủ thời-gian lấy súng gươm đặng chống trả lại. Sauterne, trưởng đồn bị thác lúc kế đó, sau khi chống chỏi kịch-liệt. Bị bao vây bởi đám đông người bổn-xứ, viên thanh-tra 8bị tàn sát. Lối người người lính tự giữ mình vài chặp, rồi mở một đường và thoát ra trong làng, lính bị bắt hết, trừ một mống là Duplessis 9trốn dưới bụi lùm, ngoài bưng hai ngày. Đói quá, y bò ra, đi lại một chòi quanh và xin ăn. Một ông lão và một phụ nữ Việt-Nam để y vô nhà, cho y ăn cơm, trước khi đó ông lão ăn trước vài miếng để y khỏi phải lo ngại bị thuốc độc. 10
Khi viên chỉ-huy Ansart lấy lại Rạch-Giá, những người Cao-Miên ở chung quanh lối đó đem Duplessis về, người sống sót của đồn lính, và những người Cao-Miên ấy mới ruồng đủ hướng để bắt những người An-nam phiến-loạn. (VIAL, q.II, tr. 233 tới 236)
Lúc nầy, Nguyễn-Trung Trực đã ra đảo Phú-Quốc và đang trù tính tổ-chức binh-thuyền của mình. Có lẽ vì ở hòn, phải đi ghe, nên dân-chúng kêu là anh hùng dân chài chăng, chớ tôi ngó thấy rằng danh ấy không đúng vì người làm đội vệ-binh, phó-lãnh-binh, lãnh-binh, thăng thành-thủ úy thì làm sao có sanh-nghiệp đi chài mà gọi là anh-hùng dân chài.
Khi ấy người ta mới biết rằng hồi cuối năm trước, nhà Vua có xuống dụ do Cơ-Mật-Viện viết ra, bảo dân-chúng dự bị một cuộc tổng phản-công để đuổi người Pháp khỏi xứ. Dụ ấy có nói đến những cuộc phản-loạn ở Bắc-Kỳ và cuộc chiếm cứ ba tỉnh miền Tây, có nói mù-mờ về sự trợ giúp của ngoại quốc ; dụ cũng nong nả những thường-dân hãy mưu toan lật đổ quyền cai-trị của Pháp ; trong dụ nhà Vua hứa những phần thưởng bằng tiền bạc và những cấp bực quan cho người Nam khi họ nộp những người Âu…
Người ta [người Pháp] kiếm không đặng tờ giấy có tánh cách công-chứng, nhưng nó tái-đăng gần gần tất cả những lời lẽ của một tờ sắc cũ do Trào-đình Huế tung ra trước khi ký hòa-ước năm 1862, những bực nho-sĩ trong Trào Huế chỉ sửa đổi một vài chữ mà thôi. [Có hai tờ dụ của Tự-Đức, xin
đọc ở sau]
Mà gấp hơn hết là bắt mau lẹ những tác-giả của cuộc giết người ở Rạch-Giá. Người ta hiểu là cuộc hãm đồn ấy đã đặng Trực điều-khiển. Trực lên cấp bực cao của Trào-Đình Huế vì Trực đã nổi lửa đốt chiếc tiểu-hạm L’Esprérance năm
1861. Người ấy đổi danh tánh và sống lẩn khuất trong tỉnh Hà-Tiên, trong khi Pháp-quân thiết-lập cuộc xâm chiếm. 11
Thông-báo-hạm Le Goéland, chỉ huy bởi Bouchet Rivière, tiến ra Phú-Quốc để bao vây bọn phiến-loạn [?] và thăm dò binh lực của chúng. Ngày 19 tháng 9 12 Bouchet Rivière trở về Hà-Tiên rồi chở theo quản Tấn với một trăm hai mươi lăm lính ma-tà ở Gò-Công và cho đổ bộ tại làng Ham ninh [Hàm-Ninh ở bên Đông đảo Phú-Quốc, bên tây là Dương-Đông] trước khi lên bờ, những súng của Tấn ở dưới ghe khạc đạn để che chở cho lính.
Ngươi làm đầu gan dạ của binh ta liều lĩnh tiến trước các quân-lính, bọn phiến-loạn [?] có hơn ba trăm người, ép buộc dân-chúng trên đảo phải theo. Bị Tấn hăm dọa, những hương-chức và nhơn-viên cao cấp trong làng đều đầu hàng trước nhứt và giúp tay vào việc phủ vây loạn quân [?]. Sau hai trận tấn-công đổ máu (không nói rõ hai địa-điểm ấy) Tấn đuổi theo địch-quân trong núi, dồn trong một đường chật hẹp và bắt buộc quản Trực đầu hàng.
Cả hai người đều rõ nhau và tuổi gấp xấp xỉ nhau. Cả hai đều ở dưới quyền sai khiến của Quản-Định với tư-cách đội ; trong lúc Tấn đi về phe ta, Trực đốt chiếc tàu L’Espérance và tấn công vào một tiểu-hạm khác đậu ở Sông-Tra 13. Lịnh trào-đình Huế bổ-nhậm Trực vào chức Thành-Thủ-Úy ở tỉnh Hà-Tiên, năm 1867, Trực trú-ẩn 14 ở Bình-Tuân (Bình-Thuận) và giữ nhiệm-vụ lãnh-binh tỉnh Bình-Định. Rồi Trực trở về mộ binh-sĩ nổi loạn ở tỉnh Hà Tiên, theo lịnh Trào-đình Huế. Do sự yêu-cầu của quản Tấn,
Trực được đối đãi tử-tế dưới tàu Le Goeland. Trực có một diện mạo thông-minh và thấy là có cảm-tình ngay ; Trực nhiệt liệt phản đối sau khi nghe nói Trực để cho kẻ dưới tay hành-hạ và làm xấu hổ người Pháp ở Rạch-Giá, Trực nói quyết rằng những người xấu số kia bị sát-hại trong lúc Trực còn chỉ huy người ta giữ đập ngăn nước Kinh.
Người ta đem Trực về Sài-Gòn để tra hỏi và đối-chứng với vài người bổn-xứ đặng thoát nạn. Cuộc tra hỏi ấy do Piquet, trung-úy hạm-đội, thanh tra bổn-xứ sự vụ, làm điều-tra-viên.
Trực tỏ vẻ rất tự-trọng và có nhiều nghị-lực.
Chúng tôi đăng nguyên văn những câu phúc-đáp của Trực để hiểu biết rất rành rọt về tánh tình của người nầy đã đóng một vai tuồng rất quan-trọng :
*
Ngục-thất trung-ương Sài-Gòn.
Sự gạn hỏi Nguyễn-Trung-Trực, ba mươi tuổi, sanh ở Tân-An-Phủ.
Hỏi : Với những lý-do nào giục « chú » công-kích Rạch Giá ?
Đáp : Tôi cùng gia đình tôi lui về Ong-Chong (Hòn Chong) khi quân Lang-sa xâm-chiếm tỉnh Hà-Tiên nơi tôi đang nhậm-chức thanh-thu-uy (thành-thủ úy). Trước khi cuộc tấn-kích Rạch-Giá, một quan ở Trào-Đình Huế chuyển cho tôi lịnh mộ nghĩa-quân để khuấy rối tỉnh Hà-Tiên. Tôi đã
trả lời với vị quan ấy rằng tôi không đủ sức để công-hãm và tôi đã giữ kín lịnh ấy.
Hỏi : Lịnh ấy do vị quan kia chuyển giao có đóng ấn tín của nhà Vua chăng ?
Đáp : Không, ấy là bổn sao. Tôi đã làm lạc ở Phú-Quốc. Hỏi : Người nào đốc-thúc cướp đồn Rạch-Giá ?
Đáp : Ít ngày sau khi viên quan đến giao lịnh cho tôi, tôi có tiếp ở Ong-Chong (Hòn-Chong) xa Ly (có lẽ là xã Lý) (xã ở Man-luong (?), tên Việt của làng Rạch-Giá, nay thấy là làng Mong-Thọ), quân Câu (?), người cùng làng và người phụ nữ Thi-ba-dô (có lẽ là Thị-bà-dô, chữ in Pháp không dấu nên khó đoán ra). Ba người nói với tôi rằng họ biết lịnh ngoài Huế đã tới tay tôi và họ đang kiếm tôi để giục tôi công hãm Rạch-Giá, họ chắc chắn là nhiều lính ma-tà sẽ theo về phía mình. Tôi từ nan lung lắm, biết rằng tôi không đủ sức làm một chuyện lớn như thế. Ba người ấy vừa bất bình rút lui, hăm dọa sẽ mách với quân Lang-sa bắt tôi, nếu tôi không chịu nghe theo lời của họ. Ở Hôn-Chong (Hòn Chong), ít lâu sau, quan Diêu (?) cho tôi biết là viên thanh
tra ở Rạch-Giá đã giam giữ quân Câu, xa Ly và Thi-ba-dô. Tên Luon (có lẽ là Lươn) nào đó bị xa Ly làm mích lòng về chuyện nợ nần, mới đi báo cho viên thanh-tra rõ. Quan Diêu (Quản-Diêu ?) nói với tôi rằng khi nghe đặng sự có mặt tôi ở Ong-Chong (Hòn-Chong), viên thanh-tra định sẽ cho người bắt tôi và tôi chỉ có một con đường để tấn tới là chỉ
huy tức thời cuộc công-hãm Rạch-Giá. Vậy từ làng Ong Chong, tôi xuống ghe đi và lên bộ lúc tới Rạch-tra niên 15,
tôi không nhọc mệt gì mà nhóm lối một trăm người ; bốn mươi tám giờ sau khi tôi lên chỗ ấy, tôi đi ghe và đổ bộ lên Rạch-Giá giữa nửa đêm.
Hỏi : Khí-giới của chú là loại nào ?
Đáp : Tôi chỉ có giáo.
Hỏi : Chú có biết các quan Lang-sa đã biết trước vụ tấn công chăng ?
Đáp : Có lẽ Luon đã cho biết. Dầu sao, chúng tôi quả quyết rằng tất cả đều ngủ mà không kịp làm một cử động nào để thị-oai. Thời-gian ấy bốn giờ khuya và đêm tối thật đen.
Hỏi : Không có lính Lang-sa nào canh bên cạnh đồn.
Đáp : Có hai người lính gác đang ngủ bên cạnh hai cây súng và hai người nầy bị giết trước hơn ai hết.
Hỏi : Viên thanh-tra và viên chỉ-huy đồn bị hạ sát cách nào ?
Đáp : Tôi không thể cho biết một chi-tiết rõ rệt nào về việc ấy. Lịnh truyền phải giết sạch người Lang-sa và lúc sáng đến, tôi mới biết số người chết. Hai quan Tây đã chết từ lâu, có lẽ đã chết hồi hiệp đầu.
Hỏi : Sau khi hườn hồn, những người lính Lang-sa không làm gì để hiệp lại mà giữ mình ?
Đáp : Có ! Lối mươi người lính Lang-sa tự-vệ lối một giờ, nhưng chúng tôi bao vây sát quá khiến không thể nào chúng nạp bì vô súng lần thứ ba.
Hỏi : Có cho làng hay trước rằng sắp có hãm đồn và thế ấy làng có giúp cho một tay cũng như bọn ma-tà ?
Đáp : Vài người dân trong làng hay mà thôi, còn lính ma-tà theo viên thanh-tra thì không biết, tôi chắc chắn như thế, và nếu chúng nó có bì đạn để bắn, có lẽ tôi sẽ không lấy đặng đồn.
Hỏi : Huyện Hiên có hay trước không ?
Đáp : Tôi không rõ chuyện đó. Chức việc làng cho tôi biết trước rằng rất dễ dàng cho tôi trong việc cướp và chiếm đồn và tôi không có hỏi gì thêm nữa. Sáng lại, khi người ta nghe tôi đã thắng, tất cả dân-sự và huyện Hiên đều kéo đến ra mắt tôi ; huyện Hiên đặng người Miên đem đến. Tôi bắt nhóm hiệp tất cả lính ma tà lại và bắt buộc họ phải chịu sự điều-khiển của tôi.
Hỏi : Có mấy người lính Lang-sa thoát khỏi đồn ?
Đáp : Năm, bị bắt hết nội buổi sáng. Hai tên muốn kháng-cự, tôi bảo bắn cả hai. Còn ba người kia, các thầy nhu, những thông-dịch-viên trong Tòa-Bố và các người công-giáo tôi biểu giam giữ họ trong công-sở làng.
Hỏi : Tại sao « chú » lại cho người giết hết.
Đáp : Không phải là ý muốn của tôi. Khi tôi nghe quân Lang-sa đến tiếp-viện và sắp tái-chiếm Rạch-Giá, tôi đi tới đập để chỉ-huy, có tên Lam-van-Ky (có lẽ Lâm-Văn-Ky) con của cai-tổng thay thế tôi ở Rạch-Giá. Trong lúc vắng mặt tôi và tôi không cho hắn lịnh giết ; hắn lại bảo chém chết những kẻ công-giáo và ba lính Lang-sa. (Lâm-Văn-Ky vừa bị
bắt và bị bắn sau khi Rạch-Giá bị Lang-sa tái chiếm. – VIAL, q.II, tr.246). Khi tôi về Rạch-Giá trở lại, trước sự đuổi theo của binh Lang-sa, cuộc hạ-sát đã gần chấm dứt và tới phiên của thông-dịch-viên Chonh. Tôi biểu phóng thích anh ấy và tôi xuống ghe đi.
Tới đoạn nầy, Trực day qua nói với Chonh đang đứng đó : Anh hãy nói rõ ràng chính tôi đã cứu anh, có lẽ với nhiệm-vụ thông-dịch-viên của anh, anh có ảnh-hưởng với Lang-sa. Tôi chỉ cầu anh dùng ảnh-hưởng ấy để xin cho tôi bị xử tử mau lẹ chừng nào hay chừng ấy. (Câu nói cương quyết hào hùng và biết tự trọng).
Hỏi : Tại sao « chú » biểu giết nhơn-viên của cuộc lấy thuế « nha-phiến ».16
Đáp : Hắn can-thiệp trong khi người ta chưa tấn-công hắn và vì hắn đã giết ba hay bốn người An-nam, tôi không thể chừa hắn ra đặng (Câu nầy tỏ ra yêu tha thiết người đồng hương).
Hỏi : Tại sao « chú » là nhơn-viên cao cấp hơn ba người kia lại nghe lời của chúng, « chú » biết ba người ấy có vết xấu như quân Câu, xa Ly, và Thi-ba-dô. Quan lớn 17 không cần nhắc những chuyện xấu của ba người đó nhứt là của người phụ-nữ ? (Cô gái nầy hiến thân làm kế mỹ-nhơn, dò tin tức đốn lính và tổ-chức người về phe với Trực).
Đáp : Tôi không biết gì về các người ấy, tôi lầm tưởng là họ ở Huế hay ở Quảng-Nam.
Hỏi : « Chú » còn nói gì nữa chăng ?
Đáp : Tôi cho các người rõ rằng chính tôi tự ý thuận theo lãnh-binh Tấn. Khi vừa đến đảo, lãnh-binh bảo người viết thơ cho tôi, cầu tôi thuận về ; vì chúng tôi bị đẩy lui vô núi không có gì để ăn, tôi nói với một người dân trói tôi lại và dắt tôi đến Tấn. Nếu tôi đã muốn tiếp tục giữ mình, chắc chắn rằng Tấn chưa bắt tôi dễ dàng như vậy. Tôi đã nhiệt thành phục vụ xứ sở tôi, tôi lầm tưởng binh-lực của Lang-sa không mạnh mẽ như sự-thật 18. Hồi trước, nếu tôi rõ đặng có lẽ tôi hiến công-việc tôi 19, và tôi dám nói rằng có lẽ tôi đã che lấp lãnh-binh Tấn về chiến công. Số mạng tôi đã đầy đủ, tôi muốn cứu nước tôi mà không thành-công, tôi xin một chuyện là truất sự sống của tôi càng mau càng hay (ngay thẳng và không sợ chết, có mấy ai đặng như vậy) và người ta nên cho những con trai tôi 20 đến Sài-Gòn.
Hỏi : Khi rời Rạch-Giá rồi chú ở chỗ nào ?
Đáp : Ở Phu-quôc (Phú-Quốc) cho tới khi tôi bị câu lưu. Tôi nói rằng, viên tong Diêu (cai tổng Phú-Quốc – VIAL, q.II, tr.248) không tự ý theo tôi. Tôi ép buộc y làm việc dưới tay tôi và đưa cho tôi tiền thâu thuế mà y sửa soạn đem nộp ở Hà-Tiên.
Hỏi : Chú có biết xa Ly và Thi-ba-dô làm gì hiện giờ chăng ?
Đáp : Hai người ấy trở vô trong núi và có lẽ sẽ chết đói. Hỏi : Tên Huê-Kiều nào bị bắt một lượt với chú ?
Đáp : Tôi không hiểu người ấy. Tôi không biết y có chơn trong tụi quan Thu (quản gì không rõ, chữ Pháp không đánh
dấu) và xa Ngai (xã ở Phú-Quốc), bọn nầy đang nổi loạn trước khi tôi tới đó.
Hỏi : Hồi năm 1861 người ta gọi « chú » là gì ?
Đáp : Là quản Lịch. Chính tôi là người đã làm nổ chiếc tiểu-hạm đậu ở Nhựt-Tảo. Tiếp theo, tôi đã đi Huế, nơi đây Trào-đình thăng chức quản-cơ (đại-tá) và vài năm sau, tôi đặng lịnh về Hà-Tiên với nhiệm-vụ thành-thủ-úy (cảnh sát trưởng) (dịch chef de police của VIAL, tưởng không đúng). Khi quân Lang-sa chiếm cứ Hà-Tiên, tôi lui về Ong-Chong (Hòn-Chong) với gia-đình tôi. (Sao lục theo biên-bản dưới ký tên Piquet, thanh-tra bổn-thổ sự vụ)
Lãnh-binh Tấn van cầu nhiệt-liệt sự ân-xá Trực, Tấn tự coi như dưới Trực một bực, về gan dạ cũng như về trí sáng suốt ; Tấn bảo-đảm rằng Trực sẽ trở nên một người phục vụ hữu ích lắm và tận tụy lắm.
Hải-quân trung-tướng Ohier tưởng rằng không thể dung-tha cho người cướp lấy một trong nhiều đồn của ta và cho giết ba mươi người Pháp, không đếm xỉa gì đến dân quyền. (Triết-lý của bài ngụ-ngôn « Chó sói và trừu con » đặng vững chắc một lần nữa).
Với một tình-cảm hối tiếc chân thật (?) Ohier hạ lịnh đem Trực trở về Rạch-Giá và phán quyết theo thủ-tục. Trực bị án xử tử và bị chém công khai ngày 27 tháng 10 (thứ ba 12 tháng 9 Mậu-Thìn) (VIAL, q.II, tr.239 và kế tiếp đến 249)
*
Thế là hết đời Nguyễn-Trung-Trực, một dõng-tướng đã biết tự-trọng, đã biết nóng lòng vì nước, vì kẻ đồng-hương, đã chống Pháp chiếm lấn đất đai, từ Tân-Dậu 1861 đến Mậu-Thìn 1868 vậy.
Tôi đã kiếm mà không có, trong thơ-viện Société de Etudes Indochinoises quyển Monographie de la province de Rạch-Giá, còn Monographie de Hà-Tiên thì chẳng đề-cập đến Nguyễn-Trung-Trực. Duy có quyển Monographie de la province de Long-Xuyên có thuật chuyện Nguyễn-Trung
Trực. Chắc là có Victor Duvernoy, tác-giả quyển nầy, nói rồi, nên không có Monographie de Rach-Giá, duy có cái địa-đồ rất tỉ-mỉ. Dầu sao cũng là một khuyết-điểm vì trong quyển ấy phải trình-bày nào đất đai, sông ngòi, rừng núi, nào là dân-số, nào là kinh-tế, tài-chánh, v.v… Không cứ gì phải đề
cập đến Nguyễn-Trung-Trực. Có thể người sau nầy bổ cứu đặng.
Ở thơ-viện quốc-gia thì cũng một tình trạng như thơ viện S.E.I, nghĩa là cũng không có quyển Monographie de la province de Rạch-Giá.
Bây giờ đây tôi xin dịch trong quyển Monographie de la province de Long-Xuyên.
Lời thuật của Đặng-Văn-Tham, cựu xã-trưởng xã Vĩnh Trạch, nghe thân-phụ của người kể chuyện lại :
Năm 1868, Chánh-phủ Pháp chiếm bốn tỉnh Châu-Đốc, Hà-Tiên, Long-Xuyên, Rạch-Giá. Hòa-Bình trở lại khắp cả dân-gian thì bỗng có một nhóm phiến-loạn (?) dưới sự điều khiển của Nguyễn-Trung-Trực, ý-định của họ là đoạt lại
Rạch-Giá. Khu-vực hoạt-động của bọn phiến-loạn tới Núi Sập (tỉnh Long-Xuyên). Binh-sĩ Pháp bị ám sát. Một người sống sót chạy trốn khỏi Rạch-Giá đến núi Ba Thê (Long Xuyên) 21. Nơi đây gặp đặng thân-phụ của Ly-Tao, ông giấu
người Pháp trong một cái giường hộc (lit commode) và cho ăn uống đến cuộc chiến chấm dứt. Sau nầy những người trong gia-quyến ấy đều đặng miễn thuế đối với Chánh-phủ Pháp.
Trực lôi cuốn bọn phiến loạn đến Phó Quân (Tân-Hội – Rạch-Giá) 22. Núi-Sập (Thoại-Sơn 23– Long-Xuyên), Ba Bân (Vĩnh-Trạch – Long-Xuyên) 24. Quân-sĩ của Trực chặt đầu một người con cháu của đội Nguyên nơi rạch Cái-Găng (Đinh-Mỹ) 25 chỗ ở của Trương-Phước-Mai. 26
Binh-đội Pháp đi trên chiếc tàu để kiếm bọn phiến-loạn. Lúc Pháp-quân còn ở Ba Bân, Trực cho người ngăn nước ở Tà-Kên, Lạc-Duc (làng Đinh-Mỹ) bằng đóng tre và thân cây dưới lòng sông. Pháp-binh phải ngưng tiến ở chỗ ngăn nước, bắn cầm canh vào địch-quân để kéo dài thời-gian, trong khi ấy có một toán quân khác đi vòng theo phía sau lưng bọn phiến-loạn và định bao chúng. Địch-quân bị lọt vào vòng vây và bị giải-tán. Quân của Trực phá tre và cây làm chướng-ngại vật, nhơn đó Trực rút lui về Rạch-Giá, sau lưng có tàu Pháp theo đuổi. Trực lại trốn đi Phú-Quốc (Hà-Tiên). Nhưng sau khi nghe Tổng-đốc Thọ 27 bắt mẹ của Trực, Tổng-đốc Thọ là người dữ tợn đối với phiến-loạn, Trực ra đầu hàng Pháp. Người Pháp hiến cho Trực nhiều chỗ làm, Trực đều từ chối cả và chỉ có chức nầy là vừa với ông : là
cho ông đặng quyền hạ sát tất cả người Pháp. Sau câu nói xấc xược ấy, Trực bị xử chết và hành hình tại Rạch-Giá. Một dụ nhà vua xuống phong cho Trực làm thần ở làng Vĩnh Thanh-Vân, tỉnh-lị Rạch-Giá.
Trực đã chết, Pháp kiếm người Việt từng theo Trực để ám sát những người Việt theo Pháp. Có ông hương-chủ Lược (ở Rạch-Giá) bị tố-giác. Hớn-tự chỉ chữ Lược gần như chữ Trước 28, người ta bắt hương chủ Trước ở xã Bình-Đức (Long-Xuyên) xử tử hình, còn thủ-phạm thật trốn mất hồi nào. Đến chừng người Pháp biết thì hương-chủ Trước đã mất đầu.
*
Đây là sức nhớ của Tham, nhưng ký-ức con người nhiều lúc thật là dở, như Tham nhớ chuyện nầy của người thân truyền lại. Tôi không phê-bình chi hết, chỉ làm thông-ngôn trung thành của Victor Duvernoy mà thôi.
Lại trong tờ nhựt-báo Thần Chung số 243 ra ngày thứ năm 30-3-1967, Hồ-Sanh có nói một chuyện dính dáng đến Nguyễn-Trung-Trực.
Vậy xin đem lên đây cho bạn đọc xem :
« Đêm 15-6-1868 (Vial nói 17 rựng mặt 18-6-1868) Lâm-Quang-Kỳ xuất-phát từ Tà-Niên (xã Vĩnh-Hòa-Hiệp, quận Kiên-Thành) do đường biển sang Rạch-Giá phối-hợp quân xã Tấn, ở Hòn-Chong tiến qua dưới sự chỉ-huy của Trực. Kết-quả trận đánh : giết chết 5 võ-quan Pháp trong số có chỉ-huy Hành-chánh tỉnh tục gọi là « ông Chánh Phèn » vì râu đỏ hoe, 67 lính, đoạt 100 khẩu súng và đạn. Nghĩa-
quân thất 3 người. Sau trận đánh Trực lui về núi Trầu 29 (Hà-Tiên). Lâm-Quang-Kỳ chỉ-huy cánh khác về vùng Kim Qui 30 (Cà-Mau). Cố nhiên là Pháp ruồng xét. Nhơn có Đải Lượm ở nghĩa-quân cánh Kỳ xuất-thú với danh-sách binh-sĩ đồng đội của y. Một số nghĩa-quân bị bắt. Kỳ đau đớn giả xưng Trực để nạp mình cho Pháp trước cứu số người bị Pháp bắt, sau để đánh lạc hướng giặc về hành-động của chủ
tướng Trực. Cơ-mưu bại lộ Kỳ bị Pháp hành-quyết cùng đồng-chí Ngô-Văn-Búp và Trịnh-Văn-Tư tại Rạch-Giá ngày 12 tháng 5 âm lịch 1868. Đời sau truyền tụng gọi Lê-Lai Kiên-Giang. Mộ ông còn ở xã Vĩnh-Hòa-Hiệp ».
Trên đây Hồ-Sanh thuật lại hành động của Lâm-Quang Kỳ khác với hành động Lâm-Văn-Ky của VIAL nơi trang 246, nhưng hai người chỉ là một. Chuyện chết thì sai hết một 11 ngày vì trên đây Lâm-Quang-Kỳ chết ngày dương-lịch là 1- 7-1868 còn Lâm-Văn-Ky bị xử bắn ngày 21-6-1868. Rạch
Giá bị Pháp chiếm lại, tôi chắc là các nghĩa-quân đều theo Trực kiếm nơi an toàn hơn. Không ai mất trí mà ở trong vòng kiểm soát của Pháp, để cho Pháp bắt. Vậy thì chuyện Lâm-Quang-Kỳ và Lê-Lai Kiên-Giang là gượng ép, nếu tôi không phủ-nhận nó. Ví-dụ Đải-Lượm có đầu hàng với danh
sách đồng đội, thì các đồng đội ấy cũng đi mất. Dân gian muốn thấy Lâm-Quang-Kỳ làm người anh hùng để dễ nhớ hơn là người tầm thường ?
Lối tháng 10 năm 1964, tôi có nhận được 4 tấm ảnh và một tờ gọi là « Bức tâm thư » của Uỷ-ban Vận-Động Tân Tạo đình thần Nguyễn-Trung-Trực do cháu tôi là Trương-
Công-Tâm gởi tặng tôi. Bốn bức ảnh đã đăng trong bài khảo-cứu nầy, còn ngoài sau tờ « Bức tâm thư » có hai bài bát cú thất ngôn. Vậy xin trích đăng đây để gọi là kỷ-niệm lúc sửa lại đền thờ Nguyễn-Trung-Trực và theo tôi tưởng cũng là một điều trung-thành với Sử-học.
« Mấy vần tâm huyết »
Chài lưới anh hùng-có mấy ai ? [trong
một trang ở trước tôi đã nói về nghề
nghiệp của Nguyễn-Trung-Trực]
Trong cơn quốc-biến quyết ra tài.
Lửa bừng Nhựt-Tảo kinh tâm địch,
Gươm loáng Kiên-Thành thỏa chí trai !
Yêu nước xem thường mồi phú-quí, [?]
Thương dân coi nhẹ tấm hình hài.
Nghìn thu chiêm ngưỡng gương trung-hiếu,
Tô đậm vàng son nét chẳng phai.
Chẳng phai tên tuổi của người xưa,
Đền cổ bao năm gọi nắng mưa.
Ngói đổ, rêu phong màu ảm-đạm,
Tường long, vách lở cảnh tiêu-sơ !
Ai người nước Việt không tha-thiết,
Ai khách sông Kiên lại hững-hờ ?
Nhiệm-vụ trùng-tu xin góp sức,
Sao cho khỏi thẹn với người xưa.
I. BỐN MẨU CHUYỆN CÓ DÍNH DÁNG ĐẾN NGUYỄN TRUNG-TRỰC
Ngày thứ sáu 22-9-1967 tôi vào thơ-viện S.E.I trong Sở-Thú để kiếm sách của hai tác-giả Le Verdier và MauBryan và quyển của François Tessier có dính dáng đến Nguyễn-Trung-Trực, nhưng trong thơ-viện ấy không có tên của các tác giả kia.
Tôi đang lững chững chưa biết kiếm sách nào nữa, bỗng có ông Sơn-Nam vô tới.
Bắt tay nhau, trao đổi chuyện ấm lạnh, chuyện nghề nghiệp, rồi tôi nói :
- Ông có biết gì về Nguyễn-Trung-Trực không ?
- Ngoài quyển sách con của tôi có những câu chuyện nhỏ nhỏ. Hồi tôi còn ở Rạch-Giá, có một ông họ Nguyễn, nhưng sau vụ Nguyễn-Trung-Trực chiếm Rạch-Giá ông phải đổi lại họ Dương.
Lúc tôi ở đậu nhà ông, ông đã tám mươi tuổi. Ở với ông, tôi không nghe ông thuật lại gì hết. Một bữa ông nói với tôi có một chuyện thôi, là hồi trước ông có theo Nguyễn-Trung Trực, đến chừng cướp đồn các người khác và ông vào đồn lục lạo thấy một cục trắng trắng hơi mềm, mới lấy đem về. Nghe người ta nói thứ nầy ăn đặng vì thấy Tây ăn. Bọn ông nấu cháo và xắt mỏng cục ấy ra lua với cháo. Ăn rồi vài giờ sau các người kia và ông đi sông dữ dội, xui cò.
- Ăn giống gì vậy ?
Sơn-Nam cười và nói :
- Các ông ấy ăn xà-bông mà họ tưởng lầm là « phó mách ».
Tôi hỏi thêm Sơn-Nam :
- Mả Nguyễn-Trung-Trực ở trong Tòa-Bố mà đích xác ở chỗ nào ?
- Ở nơi mấy cây da trong vòng rào Toà Bố.
- Có bia hay là dấu gì khác để cho người ta biết ?
- Không có gì hết, tôi chỉ nghe người ta nói ở trong khoảng trống mấy cây da, vậy thôi. Hồi trước trên một đường lộ nhỏ có một cây trụ nhắc nhở. Lúc ấy tôi còn bé, hỏi họ, họ nói con chó ông Chánh nào đó chết, ông ấy thương mới làm trụ kỷ-niệm. Chừng sau lớn lên trở lại đó, tôi đọc và hiểu thì thấy như vầy mà tôi mang máng nhớ :
« Ici tomba François Denot agent de la ferme d’opium ». (Nơi chỗ nầy nằm vĩnh viễn François Denot nhơn-viên của cuộc thầu thuế nha-phiến).
Bây giờ nếu chúng mình đi xuống Rạch-Giá tự-do nghĩa là ít tiền mà tới chỗ, không chừng chúng mình sẽ nghiên cứu đặng trại lính hồi ngày 17-6-1868 vì chúng ta có một cái mốc rồi do cây trụ ấy.
Tôi lặng im, tưởng trong trí rằng mình không có đủ khả năng làm chuyện ấy.
Sơn-Nam tiếp :
- Ở dưới Rạch-Giá có một xóm gọi là xóm Nhựt-Tảo. Hình như hồi đầu tháng 6 năm 1868, người ở làng Nhựt Tảo, tỉnh Chợ-Lớn xuống. Hồi trước, những người nầy là lính theo Nguyễn-Trung-Trực. Khi đặng lịnh của Trực gọi xuống để phá đồn Rạch-Giá, họ liền đáp lời kêu ngay. Giờ đây họ
còn một nếp sống đặc biệt là con gái của họ không gả cho con trai ở xóm khác mà chỉ gả cho thanh niên ở cùng xóm Nhựt-Tảo với nhau mà thôi.
- Ấy cũng là một cái lạ, nhưng tôi thấy là làm như vậy thì thành ra họ tự cao hơn đồng-bào họ rồi sao ?
- Đành vậy, song nó đã thành ra tập-quán rồi. - Còn chuyện gì nữa chăng, tôi vừa hỏi vừa cười
- Ở Rạch-Giá, họ thờ Nguyễn-Trung-Trực ở ba làng. Ở chỗ làng chánh là đình Vĩnh-Thanh-Vân có thờ thêm Nam Hải tướng-quân là thần cá ông, kế đến là đình làng Tân Điền [tên nầy không thấy trên địa đồ], thứ ba là đình làng Vĩnh-Hòa [nay thấy trên địa đồ làng Vĩnh-Hòa-Hiệp, chắc là làng nầy]. Ghe đi biển lại có cặp mắt khác. Trên Sài-Gòn đây, chúng ta thấy toàn là ghe có cặp mắt tròn dài, tròng trắng ở ngoài, tròng đen ở giữa, còn ghe Rạch-Giá có cặp mắt tròn vo, vành ngoài sơn xanh, màu đen ở trong. Người ta nói hồi 1868, sau khi rút lui khỏi Rạch-Giá, Trực ra đảo Phú-Quốc. Muốn đi biển Trực ngồi trước mũi ghe, gặp sóng lớn Trực trợn cặp mắt là sóng bớt ngay. Dân đi ghe bắt chước theo cặp mắt Trực, sơn hai bên mũi ghe, hai con mắt in như cặp nhãn của Trực vậy.
Tới đây Sơn-Nam lại ngậm tiếng như trí vẩn vơ theo đuổi Trực đang ngồi trên thuyền cỡi sóng ngoài khơi vịnh Thái-Lan.
Tôi hỏi :
- Còn gì nữa không ?
Câu hỏi của tôi giựt Sơn-Nam trở lại giữa sự thật.
- Tôi công-nhận rằng Nguyễn-Trung-Trực là tướng tài, dám đánh chiếm của Pháp tỉnh Rạch-Giá và ở đó làm chủ đặng ngày 18, 19, 20 và 21. Võ-công ấy kể cũng là rạng rỡ lắm, đáng nêu gương trong sáng vậy.
- Tôi cũng có ý nghĩ ấy.
II. TÀI-LIỆU PHỤ
Tôi đã nói có hai tờ dụ trước năm Nhâm-Tuất 1862, chớ còn dụ năm Mậu-Thân 1868 thì không tìm đặng.
Tôi xin dịch hết hai bổn để tăng gia sự hiểu biết của độc-giả, kèm theo lời bình của tôi về sự giả tạo của hai tờ dụ ấy.
1) Bổn thứ nhứt : Chiếu chỉ của vua Tự-Đức Năm thứ 12, tháng chín, ngày mùng mười 31 (4 tháng mười một năm 1860, đem đến Sài-Gòn cho một chiếc ghe Bắc-Kỳ.
Mạng-lịnh tột cao.
Tính ngoan-cố của bọn mọi-rợ ngoài khơi (dịch barbares du large) giống như cử-động của loài trùng dế, có mục đích nhỏ mọn và tà vậy. Sau khi gây rối ở Đà-Nẵng, chúng nó lại phân chia và khuấy phá Gia-Định (Sài-Gòn) 32 đã một năm rồi. Nhiều lần, Trẫm hạ lịnh cho các tướng điều-khiển quân binh để ngăn ngừa loài hung tợn ấy, các tướng đã chận đứng và không cho tràn lan ra lúc gần tới đế-kinh. Tài-tình đánh trận của bọn mọi rợ ấy không thể so sánh đặng. Trước
khi chúng gây rối ren và hỗn loạn, chúng cầu xin hòa-bình. Nếu chúng nó biết cung kính và biết các nghi-thức (lễ), Trẫm và bá quan không dụ dự mà lập liên-lạc với chúng, và sau cùng, Trẫm đã chấp nhận cho chúng vào Đà-Nẵng (hải
cảng Tourane), mà ý muốn của chúng như vậy và để cho binh-lính ta rảnh tay những công-tác và những khổ nhọc đặng vui chơi, nhưng không thể để sự tin cậy vào lòng bọn chó dê ấy, Trẫm đã thấy rõ rồi ; bởi vậy Trẫm hạ lịnh cho dân-chúng ở theo bãi biển hãy đắp lũy, lập đồn, giữ đồn lũy ấy chớ sơ sót, cuối cùng là dùng võ-khí đánh đuổi chúng, để chúng hết cao-vọng vào xứ mình. Hiện thời, chúng thấy mối lợi, chúng xin xỏ càng ngày càng dồn dập, không bao giờ đủ ; nếu Trẫm nghe theo sự ham muốn của chúng, vương quốc nầy sẽ ra sao và đời sau sẽ tưởng Trẫm như thế nào ? Vậy, Trẫm đã nhiều lần yêu-cầu ân-cần tăng gia các phương-pháp đánh đuổi chúng, hầu cắt đứt những sự xảo trá ấy. 33
Nhưng đây nầy chúng thất-vọng, chúng tỏ ra không thành thật. Lần lần, chúng ngoái lại để coi cử-chỉ của viên Tổng-đốc Quảng-Nam, hầu có giết binh của viên ấy bằng một đợt xung phong thình-lình và dữ dội. Cái tính tự-nhiên điên cuồng ấy là một đầu đề cho chúng ta ghét bỏ, sự thật là vậy. Hiện thời, Trẫm xuống lịnh cho những thần-dân dầu ở hóc hẻm nào, ở bờ biển, ở điểm nào đáng bảo-vệ, phải gắng sức chú-ý, để khỏi phải bị trách móc.
Vả lại, bọn mọi-rợ ấy có cách xa với xứ ta nhiều biển minh-mông, theo trong nguồn gốc, chúng ta không có một vấn-đề cỏn con nào để phân-tranh chống chúng ; nhưng do
lòng khao khát, dạ xấu xa, tánh khinh rẻ, nong nả chúng một cách ngông cuồng, chúng khuấy phá bờ biển ta một cách vô lý, cướp bóc ghe thuyền về gieo rắc sự lộn-xộn cho dân-chúng một cách không liêm sỉ. Nhà nhu nào hay thường-dân nào thấy hành động như vậy mà không nghiến răng và không tưởng đến sự ăn thịt lột da chúng ? Ấy vậy không phải là một giờ, một sớm, một chiều mà nên chuyện đặng ! Vậy chớ không thần-dân nào lớn lên bằng hột cơm của quả đất nầy mà không có ý-kiến trung-quân và bổn phận ? Trẫm hạ lịnh cho các tỉnh-thần làm cách thế nào cho các nhà nho-sĩ biết, cho dân chúng trong quận mình biết, để thần dân đồng vùng dậy và nổi loạn 34. Bây giờ đây, dân chúng phải răn cấm mình nghe những lời bình bồng. Lúc không còn e ngại chi nữa, thần dân sẽ vui mừng, sẽ cày, sẽ trồng trọt, thần-dân sẽ giữ gìn sản-nghiệp, sẽ giúp đỡ nhau, nhưng khi có sự nguy hiểm gấp các thần-dân nên cùng nhau lo lắng chung và săn sóc nhau, hầu có tư-tưởng chống đối sự nguy-hiểm ấy và tìm mưu tránh nó.
Vả lại, từ ngày nầy, dân-chúng người nào có ý tinh tấn và khéo khôn phải biết lợi-dụng hai tánh tốt ấy cho có hiệu quả [chống nguy hiểm và tìm mưu tránh nó]. Những làng 35 có mười nhà tất phải có một người đáng tin cậy. Trong những nhà tranh, không có thần-dân nào có tài giỏi đến đỗi người có địa-vị không biết đến, và có biết thì cũng để nói xấu chăng ? Vậy làm sao biết đặng họ ? Ngoài những hương-chức, Trẫm hạ lịnh cho hàng phủ, huyện, hạng nhứt hay hạng nhì, tìm kiếm ra những ai có mưu mẹo khéo léo để giết và đuổi bọn mọi-rợ điên cuồng, mục đích là cho
quan sở tại hay, không ngoại-lệ nào cả, vị quan nầy sẽ tâu lên Trẫm để Trẫm biết mà chọn lựa. Nhưng người nào cho Trẫm tin tức nầy phải cẩn-thận, đừng làm mệt vô ích những phu trạm thơ. Trẫm cũng xuống dụ cho các quan văn, võ trong mỗi huyện không phân biệt quan nào, những ai thật tình thông-minh hơn hết, sáng chói hơn cả, có kinh nghiệm làm việc, có những phương tiện hành-động và có ý-chí diệt bọn cướp ấy, hãy yêu-cầu theo các võ-quan và các quan địa-phương ấy phải nói rõ ràng về phần ai tiến-cử : Một bên xét coi người ấy ở đoàn-thể nào và một bên khác biên tên họ. Người ở Lục-tỉnh Nam-Kỳ với Bin-Thuan [Bình-Thuận] và Khanh-Hoa [Khánh-Hòa] thì theo viên Tổng-Thống quân vụ ở Gia-Định mà về Trào : những tỉnh giữa Bin-dinh [Bình
Định] và kể cả Quảng-Nam thì theo viên quan võ chỉ huy tỉnh Quảng-Nam ; Thua-Thiên [Thừa-Thiên] và tất cả tỉnh ở Bắc-Kỳ tới đế-Kinh phải chiếu theo lịch nầy trừ tuyệt (cuộc xâm chiếm nầy). Sau khi rồi, những người nào sẽ xứng đáng cho xứ sở tôn sùng, Trào-đình sẽ thưởng công và sẽ khen ngợi nhiều những công cáo của những người ấy.
Thần-dân Đại-Nam-quốc hãy vưng theo dụ nầy. (PALLU, Histoire de l’Expédition… tr. 291, 292 và 293) *
Tờ dụ nầy đáng nghi ngờ về ba điểm như chúng tôi đã nói ở trước số 31, 32 và 34, thay vì nói quyết rằng hồi mồng 10 tháng 9 năm Canh-Thân 1860, Trào-đình Huế đã có xuống một tờ dụ như chúng ta đã thấy trên đây.
2) Bổn dụ thứ nhì
Một bổn dụ thứ nhì mà chúng tôi có trong tay là bổn dưới đây : Ngày mồng ba tháng ba âm-lịch (1 tháng ba năm 1861) 36 Trương-Đăng-Quế, Lâm-Duy-Nghĩa và Nguyễn Luân có thượng sớ về tâu với Hoàng-Đế và Đức-Kim-Thượng phê như sau đây :
*
Ba năm đã qua, bọn Lang-sa đến xâm-chiếm trong Gia Định, chúng phá thành Gia-Định, giết chóc và làm ly tán những binh của ta chống giữ thành. Vì thế, tất cả những thần-dân trung-thành với Trẫm đều xúc động đến cao độ nhứt là những thần dân ở Nam-Kỳ. Trẫm chắc những thần dân xứ nầy sẽ hợp với quân binh để trả thù chung. Người Lang-sa thuộc về chủng-tộc khác hơn chúng ta, chúng muốn đè ép chúng ta và hãm hiếp phái yếu của ta. Vậy những thần-dân nào biết ghê tởm những sự ấy hãy theo về với ta.
Có lẽ một vài kẻ muốn làm tôi tớ chúng nên theo cậy nhờ chúng ? Hồi trước Trẫm có gởi một tờ chiếu cho nhà cầm quyền Lục-Tỉnh trong đó Trẫm có phán rằng.
Những thần dân trung-thành với lời khuyến-dụ của Trẫm hãy nong nả dân-chúng nổi dậy và xung vào dân quân như cách nầy :
- Thần-dân nào mộ đặng mười người, Trẫm sẽ phong cho chức bá-hộ, thần dân nào mộ đặng năm mươi người Trẫm sẽ cho chức chánh-lục-phẩm suất-đội (đại-úy). Thần dân ấy sẽ đặng cấp cho một khẩu-phần và những khí-giới để tập luyện.
- Thần-dân nào đặng một trăm người sẽ đặng phong phó vệ.
- Thần-dân nào mộ từ hai trăm đến bốn trăm người sẽ đặng phong-chức tùy theo tỉ-số-người.
- Thần-dân nào mộ năm trăm người sẽ đặng phong chánh-nguyên phẩm-cơ (đại tá).
- Thần-dân nào bắt được một người Lang-sa sẽ đặng thưởng bốn lạng bạc.
- Thần-dân nào giết được một người Lang-sa sẽ được thưởng hai lạng bạc.
- Thần-dân nào giết được một người Việt-Nam làm tôi cho Lang-sa sẽ đặng một lượng bạc.
Trẫm hứa những phần thưởng ấy vì Trẫm muốn cho dân-chúng bắt cho đặng giặc Tây. Trong tỉnh Gia-Định, có ba trăm lẻ tám tráng-đinh đã tùng ngũ để đánh giặc Lang sa ; ở Vĩnh-Long có một trăm bốn mươi người. Không tính năm vệ-binh và cơ-binh tổng gốc ở tỉnh Sài-Gòn 37 mà người ta đã dẫn lên Biên-Hòa, còn có năm cơ-lính dân-quân đặng bí-mật tổ chức.
Hoàng-Thiên đâu nỡ bỏ thần-dân Trẫm và Trẫm hay sao ?
Trẫm biết lúc nầy sự rối rắm rất nhiều trong tỉnh Gia Định và Định-Tường vì hai tỉnh-lị bị thất-thủ 38. Vậy, Trẫm tưởng rằng các thần-dân đã về với gia-đình là đúng lý lắm, nhưng ngay bây giờ toàn thể thần-dân ấy phải đứng dậy và trở lại quân-ngũ. Trẫm sẽ hoan-nghinh tấm lòng tươi vui để
chiến-đấu và đuổi giặc Tây ra khỏi những tỉnh. Rồi các thần dân sẽ trở về quê-hương sau khi thắng trận, hưởng những phần thưởng rất xứng đáng.
(GRAMMONT, Onze-mois de sous-préfecture… tr. 487- 488)
*
Ngày 21-7-1861, đại-úy Grammont có giam giữ ở mé Trảng-Bàng, ba người tên là Mưu, Tri và Thơi [không bỏ dấu, nếu có dấu thì trịch ra khác] ; ba người nầy đem theo mình giấy tờ về cuộc hoạt-động của người Pháp trong đồn và một bổn dụ của Hoàng-Đế Đại-Nam. Bổn dụ có tánh cách công chứng đàng hoàng vì có ấn-tín của nhà Vua. Trên đây là bổn dịch tự-do của tờ dụ trên.
Vial có nói : « Trong dụ nhà vua hứa những phần thưởng bằng tiền bạc và những cấp bực quan cho người Nam khi họ nộp những người Âu ». Ở đây có nói những điều khoản bằng tiền ấy. Vậy phải dụ nầy chăng ?
Dầu phải dầu không, tôi nói quyết rằng bản dụ nầy là giả tạo do ba điểm mà tôi kiếm đặng ở số 36, 37 và 38. Người Pháp phát-minh ra bổn dụ nầy để có cớ hầu cất binh chiếm đất cho dễ dàng. Ôi ! Dối láo thay cho người Pháp, tưởng như thế là qua mắt đặng dư-luận người cùng thời và người sau, nào dè qua không khỏi kẻ mắt thịt nầy. Khốn nạn thay cho chiến-tranh xâm lược ! Mi đi gieo rắc văn
minh bằng chôn lấp dân-chúng dưới bom đạn, bằng những lời lẽ xảo trá, bằng những hành-động ghê tởm nhứt trên đời nầy.
PHÙ LANG TRƯƠNG-BÁ-PHÁT
Khởi viết : 1-6-1964
Viết thành : 19-9-1964
Đọc kỹ và chép sạch : từ 10-9-1961 đến 4-10-1961 Sửa lần chót 27-5-1968 đến 30-5-1968
III. NHỮNG SÁCH DÙNG ĐỂ KHẢO CỨU
- Paulin Vial, Les premières années de la Cochinchine, Tome II, Paris, Challamel Ainé, Libraire-Editeur, 30 rue des Boulangers et 27 rue de la Bellechasse, 1874, pp. 242, 241, 240, 233, 234, 235, 236, 248, 239, 240, 241, 242, 243, 244, 245, 246, 247, 248, 249.
- Paulin Vial, Les premières années de la Cochinchine, Tome I, pp. 124, 125, 126, 141, 186, 195, 232, 351, 133, 243, 246, 82, 324.
- Léopold Pallu de la Barrière, Histoire de l’Expédition de Cochinchine, 1861, Berger-Levrault éditeur, Paris-Nancy, 1888, pp 218, 219, 291, 292, 293.
- Lucien de Grammont, capitaine au 44ème de ligne, Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine, Paris, Challamel Ainé, Libraire-Editeur, 30 rue des Boulangers, 1863, pp. 116, 487, 488.
- Alfred Schreiner, Abrégé de l’Histoire d’Annam, 2ème, édition, Imp Coudurier et Montégout, Saigon, 1906, pp. 297, 298.
- Taboulet, La geste française en Indochine, Tome II, Adrien, Maison neuve, 11 rue Saint-Sulpice Paris 6ème,
1956, p. 518.
- Aubaret, Historie et Description de la Basse Cochinchine, (Gia-Định Thông chí của Trịnh Hoài-Đức), p. 194.
- Annuaire de la Cochinchine 1867, 1868.
- Bulletin des Amis du Vieux-Huế, 1932, pp. 236, 237.
- Paul Boudet, Chasseloup Laubat et la politique coloniale du Second Empire, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 2ème semestre 1947, p. 53.
- Victor Duvernoy, Monographie de la province de Long Xuyên, 2ème édition, édition du Moniteur de l’Indochine, Hanoi, 1930, pp. 63, 64.
- Nguyễn-Như-Lân, 200 năm dương-lịch và âm lịch đối chiếu, 1780-1980, nhà in Man-Sanh, giấy phép ngày 6-2- 1961.
- Dịch-giả Tu-Trai Nguyễn-Tạo, Đại-Nam Nhất Thống Chí, Lục-Tỉnh Nam-Việt, Tập Thượng, Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục xuất-bản 1959, tr. 51, 52, 62, 63.
- Tiên-Đàm Nguyễn-Tường Phượng, Binh-chế Việt-Nam qua các thời-đại, nhà xuất bản Ngày Mai, 1950, tr. 49.
- Thân Thế và sự nghiệp Nguyễn-Tri-Phương, bài khảo chưa đăng báo nào.
- Cao-Xuân-Dục, Sử Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, quyển II.
- Tập-san Sử-Địa số 7, bài : Phan-Thanh-Giản Cuộc chiếm-cứ ba tỉnh miền Tây của Pháp.
- Địa-đồ Sài-Gòn – Gia-Định và kế cận của Nha Tổng Giám-Đốc Địa-Chánh Việt-Nam, số 5541, 29-12-1960.
- Địa-đồ Hành-Chánh Nam-Phần, Nha Tổng Giám-Đốc Địa-Chánh Việt-Nam, 31-5-1966.
- Nhựt-báo Thần Chung, số 243, thứ năm 30-3-1967.
Ảnh Nguyễn-Trung-Trực trong đền thờ ở Rạch-Giá. Nhưng đây là một sự lầm lớn. Hồi bị xử chém, năm 1868, Trực có 30 tuổi đầu, ảnh người trên đây ngoài 45. Chưa biết dư luận phải xử trí cách nào cho ổn thỏa với cảnh « râu ông cắm cằm bà ».
Ảnh bên trong đền thờ người mang danh Nguyễn-Trung Trực.
Bình-diện-thứ nhứt : Ảnh con cháu Nguyễn-Trung-Trực chụp trước đền thờ Nguyễn-Trung-Trực, đếm đặng mười lăm người, bắt từ trái đếm qua người thứ ba và người thứ năm là mặc áo nhà tu. Tất cả đều ở vùng Sài-Gòn về Rạch-Giá.
Bình diện thứ nhì : Cửa đền thờ.
Bình diện thứ ba : Mái ngói đã hư. Nhà chức trách Rạch Giá dự định sửa mới lại. Ảnh này chụp lối tháng 10, năm 1964, trước khi phá vỡ để cất đình mới.
XIN CUNG-HIỂN MỘT ÍT TÀI-LIỆU VỀ CỤ NGUYỄN-TRUNG-TRỰC
LÊ THỌ-XUÂN
…Trời sắp tối. Thuyền cặp bến Chợ-mới, bên bờ Lòng Ông Chưởng. Tôi từ Long-Xuyên đến với chỉ một bộ quần áo ướt mem, sau khi chiếc đò dọc trải cơn mưa dầm gió lớn, lướt trên sóng cả sông to.
Anh chèo mũi đến mấy ghe rồi tìm mua cá sống tôm tươi. Ông lão cầm lái nổi lửa nấu nước uống cho ấm. Ổng bảo tôi mặc đỡ cái áo bành-tô, cởi chiếc sơ-mi cho ông hong giùm. Chừng chiếc sơ-mi đã giôn giốt, tôi mặc vào thả lên bờ… chờ cơm. Bước đến trước nhà-thương. Tôi hỏi qua cho biết « quan thầy » ở đây là ai. Tôi bỗng mừng húm. « Quan thầy » là… người nhà : ông Lê-Trung-Lương (sau nầy là Bác-sĩ Giám-đốc Dưỡng-trí-viện Biên-Hòa). Bèn vào thăm. Ông đương ngồi đọc báo ở mé hiên. Chợt thấy tôi, ông hỏi :
- Ê, đi đâu mà lạc đến đây ? » Không đợi tôi trả lời, nhìn kỹ, ông hỏi tiếp, « Sao mà dơ dáy và in con mèo ướt ?
Tôi cho ông nghe : ghe con, sông cả, sóng bỏ vòi cao, mưa như trút chĩnh. Tôi đến đây để học về Ông Chưởng 39, cho biết Vàm-Nao và chiều mai trở về Long-Xuyên để học về Thoại-Sơn (Núi-Sập) và Thoại-Hà (kinh Long-Xuyên đi Rạch-Giá)… 40
Ông nói một hơi :
- Mấy khi cậu 41 đến đây sao không tiện dịp đi thêm vài chỗ cho biết : nè chợ Thủ 42 có phần-thủ đời xưa, nè Cổ-hủ có đồn-bảo từ thời Minh-Mạng, nè đến Vàm-Nao mà trở về thì rất uổng và cũng dại ; cậu qua Vàm-Nao thì tới làng Hòa-hảo, có một đạo mới của ông Huỳnh rất lạ, lại có xe ngựa và xe lôi chạy dọc theo bờ Tiền-Giang lên đến Tân Châu, đâm ngang tới Hậu-Giang, gặp người Chàm ở Châu
Giang, vượt Sông-SaU-Minh mông qua châu-thành Châu Đốc, thú-vị lắm…
Ông « thuyết phục » khiến tôi như bị « thôi-miên ». Đoạn, ông tiếp :
- Mà có Má tôi ở đây, đâu dễ cho cậu về gấp ! 43
Thế là tôi mau-mắn đổi « chương-trình » học về Thoại Hà, Thoại-Sơn ở Long-Xuyên ra học về Vĩnh-Tế sơn (Núi Sam) và Vĩnh-Tế hà 44 ở Châu-Đốc.
Sóng to bằng cái nhà. Chiếc đò máy Tân-Châu vẫn lướt như bay qua Châu-Đốc. Đã quá năm giờ chiều. Tôi tìm đến nhà người bạn đã giúp tôi nhiều tài-liệu về An-Giang mà tôi chưa từng gặp mặt : anh Võ-Văn-Sung, lúc bấy giờ « đứng bàn Ông Chánh ».
Mỗi sáng sớm tôi vào Núi-Sam, chiều tối mới về. Mỗi trưa, nhơn giờ nghỉ, anh Sung và con trai anh mang bánh mì hay cơm nếp, thịt nguội hoặc cá mòi đến, cùng « dằn bụng » dưới bóng mái cổng trước miếu mộ Thoại-Ngọc-Hầu.
Cả ngày, tôi leo dài theo tường xây cao phía sau đền, thả rều khắp vùng Núi-Sam, linh-đinh con thuyền trên kinh
Vĩnh-Tế, viếng miễu Bà Chúa Xứ, viếng cổ-tự Tây-An…
Mưa mịt trời. Tôi vào sau chùa nói chuyện khào với… khách thập phương. Một ông lão biết tôi từ xa đến, hỏi tôi đã viếng những cảnh nào. Nghe tôi « thuyết-trình » xong, ông bảo là còn thiếu :
- Thầy đến Châu-Đốc, đến tận Núi-Sam đã mấy ngày mà còn sót một nơi không được sót : mộ Ông Nghè Mô.
Tôi vội hỏi :
- Thưa ông, mộ Ông Nghè ở đâu ?
- Tại Núi-Sam nầy, bên kia pháo-đài, thầy hỏi mấy người làm đá, ai cũng biết hết.
Thế là ngay hôm sau, nhằm ngày chúa-nhựt, chúng tôi « tổ-chức » một cuộc « Viếng mộ Ông Nghè ».
Khi viết bài nầy, tôi vào nhà anh Sung – hiện làm việc tại Tổng-Nha Cải-Huấn – để anh nhắc rành sự-việc xảy ra đã trên ba mươi năm qua.
Sở-dĩ tôi thuật vòng do tam-quốc như trên là vì nhờ sự may mắn mà tôi gặp Bác-sĩ Lê-Trung Lương ở Chợ-mới mới có chuyến đi Vàm-Nao – Châu-Đốc bất ngờ và tình-cờ gặp ông lão đụt mưa ở chùa Tây-An mới biết được mộ Ông Nghè Mô 45, một người mà tôi « quen biết » từ lâu lắm.
Ông Nghè Trương Gia-Mô, tức chí sĩ Cúc-Nông, là người sanh tại làng Tân-Hào (chợ Hương-Điểm, tỉnh Bến-Tre), trong lúc thân-sinh ông lãnh chức tri-huyện Bảo-An (về sau là quận Ba-Tri). Thuở ấy, từ tỉnh-lỵ Vĩnh-Long hay từ phủ-lỵ Hoằng-Trị (nay là Trúc-Giang, Kiến-Hòa) mà muốn đến
huyện-lỵ Bảo-An thì phải đi thuyền tới Hương-Điểm mới có đường bộ đi khắp huyện. Có thể nhơn đi ngang Hương Điểm, thân-mẫu Ông Nghè sanh ông tại đây.
Vì vậy, khi có dịp từ Bình-Thuận vào Nam, Ông Nghè « lặn-lội » đến Hương-Điểm viếng chốn « đã nghe của ông oa-oa tiếng khóc »
Ông thuật cho người quen nghe rằng đò lìa bến Bến-Tre từ thả buổi mà đến xế tà vẫn chưa tới Hương-Điểm, ông nôn-nóng quá, hỏi chừng mãi. Khi nghe lái đò cho biết là đã gần tới, ông bò ra khỏi mui, đứng dựa cột buồm ngó mong. Người ta chỉ những cây xa-xa và bảo : « Hương-Điểm ở chỗ đó ! » Lòng ông bỗng cảm-xúc, bồi-hồi, vui sướng vô-hạn : tàu dừa sao mà mướt quá, ngọn cau sao mà tươi quá, dòng nước sao mà trông hiền-hòa quá !… Vật gì đối với ông cũng đẹp-đẽ quá, thân-yêu quá !…
Bước lên bờ, ông không biết đi đâu. Nào ông có quen với một ai. Từ khi mới ra đời đến giờ, ông mới tới đây lần thứ nhứt. Thấy ông dáng người Ngũ-Quảng 46, bộ-hệ như những ông đồ tìm nơi dạy học ở miền Lục-tỉnh 47, người ta chỉ cho ông đến nhà Ba tôi…
Có thể nói là quanh vùng, chỉ có Ba tôi và chú tôi là hai người đã từng « gạo bị, mắm hũ, hột vịt, tiền quan » sống trọ nhiều năm ở tỉnh-trấn Long-Hồ, theo học trường Đốc để chờ thuở thi Hương. Nhưng… Giặc tới… Chạy… Đành xếp bút-nghiên về nhà cày ruộng.
Hồi ấy, thầy Bảy Chiêm (con trai Cụ Nguyễn-Đình-Chiểu ; bà Sương-Nguyệt-Anh thì chúng tôi kêu bằng Cô Năm, còn
ông Chiêm thì chúng tôi kêu bằng Thầy Bảy) đánh xe tờ 48 cho Cai-tổng Bảo-Thuận, lên « đổi ống » Bến-Tre 49, và Thầy Bảy ăn dằm nằm dề ở nhà Ba tôi (hồi tôi chưa « mở mắt chào đời »).
Được đọc cho nghe bài thơ của Cụ Nguyễn-Đình-Chiểu « Khóc Phan-Công-Tòng », Ông Nghè Mô chép cho Ba tôi bài thơ của Tuần-phủ Huỳnh-Mẫn-Đạt « Khóc Nguyễn Trung-Trực », như hai bài sau đây của Bác-sĩ Lê-Văn-Ngôn 50 đăng trong nội-san của Chương-Trình Y-Tế Hương-Thôn Bộ Y-Tế năm 1961 và 1962.
I. ĐỂ TỎ LÒNG SÙNG KÍNH CỤ NGUYỄN-TRUNG-TRỰC Mùa Xuân năm nay (1961), tôi có dịp trở qua Rạch-Giá. Đối với những lần trước thì lần qua Rạch-Giá nầy, tôi có chỗ hài lòng hơn : tôi được « chánh-thức » viếng đến thờ vị anh-hùng dân-tộc Nguyễn-Trung-Trực, đền nằm trên bờ sông vô Rạch-Giá, gần mé biển.
Nói là « chánh thức » vì hồi trước, mỗi lần qua Rạch Giá, tôi đều có đến viếng đền nầy, song lần nào cũng nghe « giới-thiệu » là đền thờ Nam-Hải Tướng-quân, tức là Cá Ông, chớ không thấy dấu vết chi về Cụ Nguyễn, dẫu rằng người Việt nào cũng biết đền nầy lập ra là cốt để thờ Cụ Nguyễn-Trung-Trực. Có thể nói là Cụ Nguyễn phải « núp » sau Nam-Hải Tướng-quân, Cụ Nguyễn chỉ được thờ một cách kín-đáo và khéo-léo.
Vì sao ? Bởi, thuở ấy là trước năm 1945, thuở người Pháp còn « ngự trị » trên đất nước chúng ta, đồng bào ta
đâu được ngang-nhiên thờ cúng một vị mà người Pháp liệt vào hàng « phiến loạn » !
Cho nên đền nầy, bề ngoài thì thờ Nam-Hải Tướng-quân với tấm biển son trước cổng miếu, với tấm bài-vị trên bàn thờ, nhưng bề trong – trong tâm can, trong trí não người Việt mình – thì thờ Cụ Nguyễn, không bài vị, không văn tế, chỉ luôn-luôn mặc-niệm với tấc lòng thành.
Lần nầy có khác. Sóng êm, gió mát. Cũng cổ-thụ ngạo nghễ ấy, cũng mái đền cổ kính ấy. Tuy nhiên, lòng mình bỗng phấn khởi lên khi nhìn thấy trước cổng đền nêu to bằng Việt-văn đại-danh của con người Thiên-Thu Bất-Tử.
II. ĐỀN THỜ CỤ NGUYỄN-TRUNG-TRỰC VỊ ANH HÙNG DÂN-TỘC VIỆT-NAM
Hăng hái vào đền. Trước bàn chánh mà trên có thần chủ của Cụ Nguyễn, tôi thành-tâm đỉnh-lễ.
Tôi cũng thành-tâm chiêm-ngưỡng vị linh-thần được thờ ở bàn bên tả : Cụ Phó cơ Điều, cũng một bực đã chết vì nước như Cụ Nguyễn.
Theo lời ông từ coi việc hương khói tại đây thì trong đền thờ có cái sọ của Cụ Phó cơ. Sau khi Cụ Phó cơ bị giết, đầu bị quân Miên bêu, tối đến người mình lén lấy chôn giấu, rồi đem gởi vào đền. Hằng năm ông từ có làm lễ tắm gội sọ nầy.
Riêng Cụ Nguyễn, thử hỏi Cụ làm việc chi quan-trọng đến đỗi người mình đời đời thờ-cúng, và hồi trước lại phải thờ cúng lén-lút ?
Thì đây hai chiến công oanh liệt của Cụ trong lịch-sử nước-nhà :
- Trưa 10-12-1861, Cụ Nguyễn đốt tiêu chiếc tàu Espérance của Pháp, giết 17 binh-sĩ vừa Pháp vừa Ma-ní và lối 20 thân-binh tại làng Nhựt-Tảo. Làng Nhựt-Tảo ở hữu ngạn Vàm-Cỏ Đông (sông Bến-Lức) và cách tỉnh lỵ Tân-An lối 10 cây-số, bên con đường trải đá đỏ – chỗ gọi là ngã-ba Tổng-Uẩn – ở về phía tả khi ta từ Bến-Lức xuống gần tới cầu Tân-An, xéo-xéo ngã ba đi Thủ-Thừa ở phía hữu.
- Và bốn giờ khuya 16-6-1868 Cụ Nguyễn phá đồn Rạch-Giá (Kiên-Giang), giết ngót 30 tên vừa sĩ quan vừa binh-lính Pháp, không kể bọn bạt-ti dzăn hay bọn hầu-hạ quân-nhân Pháp…
Trả lời câu tôi hỏi, cụ từ thuật rằng nghe ông bà nói lại thì cái đồn Tây bị Cụ Nguyễn và đồng chí phá ở gần tòa Hành-chánh hiện nay, và khi bị Tây bắt, dẫu Tây dụ dỗ cách mấy, Cụ cũng khăng-khăng nguyện lấy cái chết để báo-đền nợ nước, nên Cụ bị hành quyết trước chỗ Công-quán (bungalow) bây giờ…
Ông từ bảo :
- Cho nên trước cửa chánh đền thờ có đôi đối kể công nghiệp đó.
Rồi ông chậm-rãi đọc cho nghe đôi liễn bằng chữ Việt :
- Hỏa PHẦN Nhựt-Tảo KINH thiên-địa ; Kiếm PHẠT Kiên Giang KHỐC quỉ-thần.
Tôi ngạc nhiên, hỏi :
- Sao lại dùng chữ « Phần » và chữ « Phạt » trong hai câu nầy ? Vả lại bà con Rạch-Giá có tội tình chi với Cụ mà Cụ « Phạt » ?
Ông từ đáp :
- Có nhiều ông cho chữ « Phần » (nghĩa là Đốt) và chữ « Phạt » rõ nghĩa hơn.
Quái !… Cụ Nguyễn có đốt thỉ đốt tàu Tây lửa rực tận mây, rồi thuốc đan dưới tàu phát nổ long trời lở đất, chớ đâu có đốt Nhựt-Tảo, vùng chôn nhau cắt rún của cụ. Và Cụ tuốt gươm (bạt kiếm) là mở chiến-công phi-thường và khốc
liệt ở Kiên-Giang chớ nào có « phạt » dân lành Rạch-Giá.
Có « Phần (đốt) Nhựt-Tảo » chăng, là việc làm của quân nghịch để trả thù cho hả giận sau khi tàu Espérance bị cháy. Có « Phạt Kiên-Giang » chăng, cũng lại là việc làm của chúng sau khi đồn Rạch-Giá bị hạ. Chớ đó nào phải việc làm của Cụ Nguyễn của chúng ta.
Dám mong quý ông có phận sự thờ-cúng Cụ Nguyễn sớm sửa lại đôi đối trước đền cho đúng nguyên-văn của tác giả, một danh-nho, một thi-bá của miền Nam nước Việt, Cụ Huỳnh-Mẫn-Đạt, đôi đối mà phần đông người Lục-tỉnh đều thuộc lòng là :
« Hỏa hồng Nhựt-Tảo oanh thiên-địa,
Kiếm bạt Kiên-Giang khấp quỷ-thần ».
Tạm dịch :
« Nhựt-Tảo lửa hừng, trời long đất lở,
Kiên-Giang gươm tuốt, quỷ khóc thần sầu ».
(Trích Nội-san Bộ Y-tế, 1961)
III. CHUNG QUANH BÀI THƠ KHÓC CỤ NGUYỄN TRUNG-TRỰC
…Thật ra đó không phải vỏn-vẹn là một đôi đối, mà phải trọn-vẹn là một bài thơ. Tuy nhiên, tôi không nhớ trọn bài bát-cú đó, tôi chỉ nhớ được bốn câu. Đôi đối trên là cặp trạng, nó dễ nhớ, nó nhắc rõ kỳ công vĩ-tích của Cụ Nguyễn. Tôi cũng còn nhớ hai câu chót, vì hai câu nầy « rất mắc-mỏ » đối với tôi và hồi nhỏ, tôi đã nhiều lần được nghe giải thích từ chữ một rồi nghe giải-thích nguyên câu, rồi nghe giải-thích nghĩa lý…
Bài thơ nầy do Cụ Huỳnh-Mẫn-Đạt, người Kiên-Giang, làm ra liền sau khi Cụ Nguyễn-Trung-Trực thọ-hình, mà người thuật lại là Ông Nghè Mô, người đồng-thời với Cụ Nguyễn và Cụ Huỳnh, người sanh-sống ở cõi An-Hà (An
Giang và Hà-Tiên) và cũng là người chôn nhau cắt rún tại Hương-Điểm, như tiền-nhân chúng tôi và chúng tôi.
Chúng tôi có nghe tiền-nhân chúng tôi kể lại rằng, nhơn về viếng Hương-Điểm, Ông Nghè được người Hương-Điểm thuật cho nghe :
…Đêm 20 tháng 10 năm đinh-mão (15-11-1867) – sau khi Cụ Phan-Thanh-Giản qua đời vừa được ba tháng – nghĩa quân phá đồn Hương-Điểm, một đồn có những 150 thủy quân lục-chiến Pháp với 200 bạt-ti-dzăn đóng giữ. Trận nầy, ông Trương-Tấn-Chí, cháu của Long-vân-hầu Trương-Tấn Bửu, xung phong phất cờ đi trước, bị giặc bắn chết. Sau đó,
ông Tán Kế (Lê-Tấn-Kế) : ông Phan-Công-Tòng 51 cũng vì nước mà bị thiệt mạng. Nên chi, để tỏ lòng mến-tiếc, Cụ Nguyễn-Đình-Chiểu – bấy giờ đương ở ẩn dạy học tại Ba tri (gần Hương-Điểm) – có làm bài thơ điếu Phan-Công-Tòng, mà hai câu chót là :
« Nhớ chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ,
Lòng đây tưởng đó mất như còn ».
Nghe thơ nhắc những bực « mất như còn », những đấng « anh-hùng cứng cổ », Ông Nghè cất bút chép lại cho người Hương-Điểm 52 bài thơ của Cụ Huỳnh-Mẫn-Đạt khóc Cụ Nguyễn-Trung-Trực và còn cho biết thêm rằng :
« …Sau khi Lãnh-binh Tấn dắt quân-đội Pháp đổ bộ lên Phú-Quốc, Cụ Nguyễn cạn lương hết đạt nên ra để cho bắt, với điều kiện là phải mở vòng vây, không được làm hại nghĩa-quân… Viên Đề-đốc Ohier ở Sài-Gòn muốn gặp mặt Cụ, để bổn-thân ông ta hỏi rõ về tình-hình nghĩa-quân và cũng cốt để khuyến-dụ Cụ quy-hàng. Người như Cụ mà hàng thì sẽ gây ảnh-hưởng rất lớn-lao trong hàng ngũ kháng-chiến. Cho nên Cụ và vài đồng-chí của Cụ bị giải lên Sài-Gòn. Cụ luôn-luôn trả lời với Đề-đốc Ohier với phong-độ nhã-nhặn, bình-tĩnh mà đứng-đắn. Mà bao giờ Cụ cũng khẳng-khái đòi sớm chịu tử-hình chớ không khứng quy hàng trước miếng mồi phú-quý.
« …Rồi Cụ và các đồng-chí lại bị giải về Rạch-Giá. Rồi một sáng tinh-sương, Cụ bị đưa ra pháp-trường, trước nhà Công-quán hiện nay, không phải chỉ một mình Cụ mà còn có thêm một người nữa : Cụ Nguyễn-Văn-Điền.
« Cụ Nguyễn-Văn-Điền là người sanh-trưởng tại Tân-An như Cụ Nguyễn-Trung-Trực. Lúc nhỏ, hai Cụ ở cùng xóm, học cùng thầy ; lớn lên, hai Cụ cùng theo nghĩa-quân, cùng chung sức đốt tàu ở Nhựt-Tảo, cùng cộng-tác cướp đồn ở Kiên-Giang, cùng uống rượu khải-hoàn bên chiếc đầu lâu đẫm máu của viên Tham-biện Chỉ-huy-trưởng Rạch-Giá… Rồi nay, hai Cụ cùng bị bắt và cùng bị đưa ra pháp trường một lượt. 53
« …Đã từ quan bỏ chức nhưng cũng còn mang tiếng con nhà nho-phong sĩ khí với đời, cựu Tuần-phủ Huỳnh-Mẫn Đạt, vừa thương-tiếc đấng anh-hùng của Đất-Nước, vừa tủi hổ cho mình là phận sống thừa (vị-tử-nhân : kẻ chưa chết), quá cảm-xúc nên làm ra một bài thơ bất-hủ… mà cặp trạng như ta đã rõ, với hai câu thúc-kết là :
« Anh-hùng cường hạng phong-danh thọ,
Tu sát đê đầu vị-tử-nhân ».
Và, xin tạm dịch :
« Anh-hùng cứng cổ phong-danh rạng,
Thẹn chết bao nhiêu lũ cúi đầu ! »
(Trích Nội-san Bộ Y-tế, 1962)
Đúng ra thì Ông Nghè không phải chỉ chép có một bài thơ của Cụ Tuần-phủ, mà Ông Nghè còn chép cho Ba tôi cả tiểu sử của Cụ Nguyễn-Trung-Trực.
Nhơn được đọc bổn tiểu-sử nầy, tôi không dám « tiểu thuyết-hóa » hay « thần-thánh-hóa » cuộc đời của vị Anh Hùng Nhựt-Tảo.
Tôi xin ghi lại đây – hẳn có sai-sót – những điểm chánh mà ít thấy ai chép giống, nhứt là tránh chép kỹ theo Vial và A.Schreiner vì chắc đó là việc sẽ có trong số đặc-san nầy :
*
…Cụ tên thật là NGUYỄN-VĂN-LỊCH, lại có tên riêng là CHƠN. Vì tánh-tình Cụ ngay-thật thẳng-thắn và vì có cái tên CHƠN (không giả-dối) nên ông thầy học đặt cho cái hiệu là TRUNG-TRỰC.
Cụ khỏe-mạnh, sống về nghề chài-lưới tại quê nhà Tân An. Sau khi Hộ-đốc Nguyễn-Công-Nhàn bỏ thành chạy trốn, Định-Tường thất-thủ (tháng 3 năm tân-dậu, 1861), Cụ cùng các bạn hiệp sức đánh Tây. 54
Ở Tân-An, vùng Nhựt-Tảo là địa-điểm quan-trọng, có nhiều đường giao-thông thuận-tiện trên bộ cũng như dưới sông.
Hôm ấy (10-12-1861), nhiều tàu tuần Pháp đậu ngoài Vàm-Cỏ Đông. Riêng tàu Espérance thì vào án-ngữ tại cửa sông Nhựt-Tảo 55 với một toán lính Pháp và lính Ma-ní 56. Trên bờ, một đại-đội lính mã-tà 57sau khi đi ruồng-bố, đóng tại chợ, làm thế ỷ-giác với đoàn tàu.
Vào lúc đứng bóng, lính trên bộ đương nghỉ mệt, lính dưới tàu đương ngủ trưa.
Mấy chiếc ghe trần rề tới : đờn ông thì áo rộng khăn đen, phụ-nữ thì áo dài nón cụ. Rõ-ràng là một đám cưới khá lớn. Chiếc ghe đi đầu ghé sát tàu. Một ông lão trình việc đi rước dâu. Nhìn thấy mâm trầu bịt to-tướng và hai ché rượu
khổng-lồ, tên bồi làm thông-ngôn « trâm tiếng Tẩy » theo kiểu « ba-rọi ». Quan-lớn Xếp gật đầu hiểu-biết. Ông lão xin phép cho chú rể ra mắt và xin phép hiến vài chục hột gà rất tươi và mấy nải chuối cau rất ngon – hai món mà thường
thường mấy quan-lớn Lang-sa rất thích – để quan-lớn dùng lấy thảo…
Chú rể chánh khúm-núm bưng cái quả đựng hột gà, chàng rể phụ khệ-nệ bưng cái mâm đầy chuối. Lễ-vật được kính-cẩn bày ra trước mặt. Ông Xếp híp mắt cười sung sướng…
Bất-thần, chú rể chánh – Cụ Nguyễn-Trung-Trực – rút ở lưng một cái búa to xán lên đầu viên xếp, chú rể phụ rút đoản-kiếm lụi tên bồi hô to « Xáp chiến ! »
Từ cả đoàn ghe, lột áo rộng ra, mỗi người chỉ còn một chiếc quần tà-lỏn, rút mác thong, mã-tấu dưới chiếu ngồi, nhảy bổ lên tàu, tha-hồ chém giết. Bọn lính Tây và Ma-ní đương cởi trần ngủ trưa, chỉ còn 5, 3 tên may lắm là thảy được đòn dài, xuồng nhỏ xuống sông rồi nhảy theo bơi, lội. Mấy bà phá mâm trầu, trút ché rượu : đèn chai, dầu rái, con cúi, hỏa-mai được ném tua-tủa lên tàu. Lửa phát đỏ trời. Ai nấy thót xuống ghe, túa lên bờ, cùng dân làng giựt lá lên trên mái nhà dọc theo sông mà phóng xuống. Lửa càng cao ngọn. Đạn dược tiếp nổ kinh-hồn. Một cảnh tượng : « hỏa hồng oanh thiên địa » !
Đồng-thời, nghĩa quân đột-ngột từ tứ phía tấn-công bọn lính mã-tà, chẳng để sót một mống…
Triều-đình phong Cụ Nguyễn chức Phó-quản-cơ, nên người Pháp nhiều khi gọi Cụ là « Quản-Chơn » hay « Quản Lịch ». 58
*
Courrier de Saigon thì tôi có trọn bộ (chỉ thiếu số 1), đóng bìa cứng cẩn-thận để giữ được lâu, nhưng đã mất cả trong biến cố 1945. Các Phúc-trình nói trên thì trước 1940, tôi được đọc tại Văn phòng – chỉ được phép đọc tại Văn phòng – viên Quản thủ thơ-viện Quốc-gia. Tôi nhớ trong Phúc-trình của viên tham biện Tân-An, nói về nghĩa-quân, có đoạn viết :
« Tôi biết bọn phiến-loạn (rebelles) thường tới lui vùng ấy, ngày cũng như đêm. Tôi hứa sẽ thưởng nhiều tiền-bạc hay chức tước cho ai mật-báo tin-tức về sự hoạt-động của chúng. Nhưng vô-ích. Tôi hăm-dọa bỏ tù, xử-tử hay đốt nhà kẻ nào yêm-ẩn bọn chúng. Nhưng cũng vô ích. Thật là lạ
lùng khó hiểu !… Viên tham-biện Trà-Vinh thì báo-cáo : « Thật là lạ quá ! Nó (tên phiến-loạn) coi bộ nghèo-nàn ngu-dốt, bị đưa đi hành-quyết, vẫn thản-nhiên, không tỏ chút sợ sệt… »
Nhờ đọc các Phúc-trình đó, tôi « phát-minh » được một chuyện là-lạ ngay trên tỉnh nhà :
« Đêm đã khuya, tôi – lời viên tham-biện Bến-Tre – dắt tên thông-ngôn tuần-kiểm việc canh-phòng. Đi ngang chỗ giam bọn đã bị kết-án tử-hình chờ ngày ra pháp trường, chúng tôi dừng chơn vì nghe có tiếng rên. Tên thông-ngôn nghiêng tai nghe chăm-chúi, chút-chút lại gật đầu. Không
phải tiếng rên mà là tiếng nói nho-nhỏ khi cao khi thấp, khi dứt ngắn khi kéo dài. Tôi hỏi : Nó nói gì đó ? – Bẩm, nó hát (nguyên văn : il chante) – Nó hát làm sao ? – Bẩm, nó hát như vầy : « Quand je suis en ce monde, je suis déjà mandarin, je n’ai pas honte envers les fleuves et les montagnes. Si à l’enfer, on connaîtra mon héroïsme, là-bas, je serai mandarin plus haut encore ».
Tôi nhớ chừng mà ghi lại mấy câu chữ Pháp nầy (theo lối văn dịch mộc-mạc của viên thông-ngôn ấy và theo lối chép trung-thực của viên tham-biện ấy), tưởng không đúng lắm, nhưng cũng không sai mấy, nhứt là về ý nghĩa. Ban đầu tôi cố tìm hiểu xem ông ta hát thế nào, câu hát đó làm sao. Tôi suy nghĩ mãi không ra. Tôi bỗng « phát-minh » là đây không phải HÁT mà là NGÂM THƠ. Chắc là một bài tứ
tuyệt bằng Hán-văn, và phỏng theo bản dịch chữ Pháp, tôi dịch ra quốc âm – mà đã có lần tôi cao hứng đọc rất to tiếng trước một số thính-giả « đông như nêm cối » nhơn buổi LỄ-QUỐC-SĨ 國恥 tổ-chức tại rạp hát lớn ở tỉnh-lỵ Bến
Tre – như sau :
« Sống ở dương-trần TỚ đã quan,
Thì đà không hổ với giang san ;
Diêm-đình ví biết TA trung-liệt,
Dưới ấy, THẰNG NẦY tước lớn hơn ! »59
Chẳng bao lâu Cụ thăng Quản-cơ và lãnh chức Thành thủ-úy tỉnh Hà-Tiên.
Sau ngày 24-6-1867, trọn Lục-tỉnh Nam-kỳ đều thuộc Pháp. Cụ củ-hợp nghĩa-quân, lui vào bưng-biền lo việc đánh
Tây.
Một đêm vào khoảng cuối tháng tư nhuần. Trời tối ngửa bàn tay không thấy. Cụ và các bạn quần đùi, lưng trần khắp mình tô bùn sình, bò đến sát bên đồn Rạch-Giá, nhảy xổ tới đâm chết hai tên lính gác. Tiếng còi lịnh nổi lên : nội-công, ngoại-kích…
Viên sĩ-quan cai-trị vùng nầy là một tên Tham-biện dữ như quỷ, râu tóc hoe-hoe như lông chó Phèn 60 nên dân chúng gọi lão là « Lão Chánh Phèn ». Nghe tiếng còi lịnh, tên bồi thân tín của Chánh Phèn – mà kỳ-thật là một đồng chí trung-kiên của cụ Nguyễn – chạy a vào đấm cửa báo tin : « Ông Chánh ơi ! Quan-lớn Chánh ơi ! Có giặc ! Có cướp !… » Chánh Phèn vừa sớn-sơ sớn-sác, vừa hoảng-kinh hồn-vía hỏi lia lịa : « Giặc đâu ? Cướp đâu ? », thì bị vị nghĩa-quân khôn-khéo nầy thọc cho một dao vào bụng đến lút cán…
Mấy chục cái đầu giặc bêu mỗi cái trên một ngọn mác thong cắm dài theo bờ sông Rạch-Giá đi Long-Xuyên, với sự hoan-hô nồng-nhiệt của đồng-bào sở-tại bằng cách tranh nhau mổ heo vật trâu để làm lễ khao-quân…
Pháp đem hùng binh đến với đủ các « trung-thần kiện tướng » Trần-Bá-Lộc, Đỗ-Hữu-Phương, Huỳnh-Công-Tấn, quyết tận-lực « tảo-thanh » Rạch-Giá. Cụ Nguyễn phải lui về Hòn-Chông, kế ra Phú-Quốc tránh mũi nhọn của giặc…
như quý vị đã đọc hay sẽ đọc về giai đoạn nầy trong những bài khác cũng trong tập-san đặc-khảo nầy…
*
Một điều mà chắc ít ai nhắc đến – nếu những tác-giả đó theo đúng sử-liệu của Pháp – là một đội chiến-thuyền Pháp đậu ngoài khơi, cứ nã trọng-pháo vào vùng cố-thủ của Cụ Nguyễn. Thỉnh-thoảng, đinh-ninh rằng nghĩa-quân đã bị thiệt-hại nặng-nề, ắt đã tê-liệt, bọn lính Pháp, lính Ma-ní, lính mã-tà xuống tàu nhỏ tiến vào đổ bộ. Mà lần nào chúng cũng bị bắn rơi lũm chũm nên phải thối lui. Rốt cuộc, theo kế-hoạch của Lãnh-binh Tấn, Pháp cho tàu dàn ngang ngoài biển và cho cả trăm lính mã-tà lên bộ, đóng một « vòng đai » rộng-lớn – vì không dám xáp lại gần – cốt để tuyệt đường lương-thực của nghĩa-quân.
Cả bọn Việt-gian đến bọn sĩ-quan Pháp đều không rõ nghĩa-quân hiện có bao nhiêu người – chắc là đông lắm – và tại sao trọng-pháo bắn ầm-ầm ào-ào mà nghĩa-quân vẫn tỏ ra không hề-hấn gì.
Đó là diệu-phương thần-kế của ông Cai-tổng Hà-Tiên, người dám bỏ địa-vị, bỏ sản-nghiệp, quyết theo Cụ Nguyễn tới cùng.
…Từ Hòn-Chông, Cụ Nguyễn cho nghĩa-quân phân-tán vào dân chúng để chờ-đợi thời-cơ thuận-lợi. Cụ cùng ông Cai-tổng và lối 3, 4 mươi người nữa lui ra Phú-Quốc. Ông Cai-tổng biết tàu chiến Pháp sâu lườn, không thể nào vào gần bờ được, chúng sẽ từ ngoài xa bắn đại-bác vào để diệt quân ta. Ông cho đi xin của đồng-bào những tấm bồ, những cà-tăng, lại cho đi đốn tre đốn nứa về bện rất nhiều phên liếp vừa rộng vừa dài. Ông cho đóng cọc săng, dùng dây cóc ken phên, liếp, bồ, cà-tăng che khắp phía trên và phía dưới (day ra biển) chỗ nghĩa-quân đóng núp. Tàu Pháp bắn vào ;
phên liếp hứng đạn. Đạn phóng vào mạnh, phên liếp thụng xuống. Nhờ sức mềm-dẻo, phên liếp không bao giờ lủng (thủng). Hết sức thụng xuống, phên liếp bung lên ; đạn rơi qua bên cạnh hoặc tung ra biển… như chẳng có việc gì xảy ra.
Ngặt có điều chúng vây nhặt quá, trên bộ cũng như ngoài khơi. Nghĩa quân cạn lương thực !
Cụ Nguyễn phải giải-quyết vấn-đề, bàn với anh em :
- Giặc chỉ oán một mình tôi, chỉ lo về một mình tôi. Tôi ra cho chúng bắt thì chúng sẽ không để ý làm hại anh em.
Ông Cai-tổng nắm áo Cụ – Ông Nghè Mô viết rõ – và cãi :
- Úy không nên làm như vậy. Chúng tôi thề cùng sống chết với Úy.
Nhưng Cụ Nguyễn ung-dung nói :
- Giặc không giết được ta, song cạn lương thực thì rồi sẽ chết hết. Mà chết hết, chết đói cả lúc nầy thì có ích gì cho mai sau ? Giặc được tôi thì mừng lắm, sẽ không làm hại anh em, anh em hãy cố sống mà tiếp-tục báo-quốc. Anh em nào phải úy tử tham sanh, phải can-đảm liệu cách xuất-xử !
Cụ liền viết mấy hàng, cho người đưa đến sĩ-quan Pháp, đại-để nói :
- Nếu quân đội Pháp hứa không làm hại những người vì thương vì sợ mà theo tôi ở đây thì tôi sẽ ra tay không đến dinh-trại Pháp.
Ông Nghè còn nhắc cho biết hai chuyện hay-hay.
…Cụ Nguyễn bị giải lên Sài-Gòn. Pháp-soái muốn biết mặt mũi Cụ, một người đã giết hại quan quân Pháp nhiều nhứt, và cũng muốn làm sao cho Cụ quy-hàng. Cụ cám ơn nhưng cứ xin MỘT CHẾT !
Thấy dụ-hàng không được, Pháp-soái bực-tức nói :
- Ông Lịch nè, dầu ông hay chết, binh-lực Pháp cũng sẽ tận-diệt quân phiến-loạn ở xứ nầy.
Cụ Nguyễn mỉm cười, đưa tay chỉ ra sân xanh cỏ và ôn tồn đáp :
- Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào Ngài trừ cho hết cỏ trên mặt đất thì chừng đó Ngài mới may ra trừ tiệt được những người ái-quốc của xứ-sở nầy mà Ngài giận-dữ gọi là quân phiến-loạn.
…Trước khi đao-phủ quân hạ-thủ, Cụ Nguyễn-Trung-Trực kêu Cụ Nguyễn-Văn-Điền mà bảo rằng :
- Anh Điền, tôi với anh mới thật là sanh tử chi giao ! Cụ Nguyễn-Văn-Điền tươi-tỉnh đáp :
- Thiệt đúng như vậy ! 61
LÊ-THỌ XUÂN
Quang cảnh đền thờ Nguyễn-Trung-Trực.
Trích trong bản đồ « L’Arrondissement de Tân-An » của Service du Cadastre de la Cochinchine, Paris Impr, Dufrenoy, 1888.
Trích trong bản đồ « La Province de Tân-An » của « Gouvernement de Cochinchine », 1920.
NGUYỄN-TRUNG-TRỰC MỘT KINH-KHA CỦA MIỀN NAM
PHẠM-VĂN-SƠN
Mùa thu năm Định-Vị (1847) Rigault de Genouilly Trung tá hải quân Pháp đã mang 2 chiến-hạm vào Đà-Nẵng gửi lên vua Thiệu-Trị bức thư xin bãi bỏ việc cấm đạo. Thủy quân của ta e Pháp làm dữ nên chuẩn bị đề phòng ở các hải-đồn khiến Rigault de Genouilly và vị chỉ-huy của y là Đại-tá Lapierre nổi sung liền hạ lệnh pháo-kích nặng nề vào các chiến thuyền của ta rồi nhổ neo bỏ đi. Việc này xảy ra vào tháng chín năm ấy.
Kể từ ngày đó cuộc bang giao giữa ta và Pháp coi như không còn gì nữa. Thực ra sự-kiện này đã được biểu lộ rõ rệt từ ngày vua Minh-Mạng cử phái đoàn Tôn-Thất-Thường qua Pháp-đình thất bại và sau khi Chaigneau (cháu) năm 1826 được chính-phủ Pháp gửi sang Việt-Nam làm Lãnh-sự bị ta khước từ, phải bỏ về vào năm Kỷ-Sửu (1829).
Mười năm sau (1858) vẫn Rigault de Genouilly lúc này đã được thăng Trung-tướng lại mang 14 chiến thuyền và 3000 quân vào tấn công Đà-Nẵng phen nữa. Bây giờ ta thấy Pháp đã ra mặt đánh chiếm Việt-Nam nhưng sau mấy tháng chiến sự không thuận lợi cho kế-hoạch đã dự trù, nghĩa là giáo-dân Việt-Nam không hưởng ứng lời kêu gọi của Giám
mục Pellerin và các giáo-sĩ, bọn tướng thực dân liền kéo vào Gia-Định theo một kế hoạch mới là chiếm đất Nam-Kỳ làm cơ-sở bởi Nam-Kỳ là một kho gạo có thể nuôi quân lâu dài
và có thể lấy cả binh sĩ ở luôn đây. Năm Kỷ-mùi (1859) Rigault de Genouilly để Đại tá Toyon ở lại Đà-thành. Quân Pháp đánh mạnh từ cửa Cần-Giờ vào Gia-Định. Kế tiếp việc đánh chiếm Nam-Kỳ, tháng giêng năm Tân-Dậu (1861) là Trung-tướng Charner cầm đầu 70 chiếc tàu và 3500 quân bản bộ.
Tướng của ta là Nguyễn-Tri-Phương thua to vì thế Gia Định mất, Biên-Hòa và Định-Tường cũng lần lần đổi chủ.
Qua tháng 3 năm sau tức năm Nhâm-Tuất (1862) Vĩnh Long là tỉnh thứ tư cũng lọt vào tay giặc. Chiếm được thành Vĩnh-Long bấy giờ là Thiếu-tướng Bonard trong tay có 11 chiếc tàu và hơn 1000 binh sĩ.
Miền-Bắc lúc này cũng rối rắm dữ dội. Nhiều tỉnh bị quân phiến loạn uy hiếp. Thực ra đây là những cuộc vùng dậy của nhiều sĩ dân Bắc hà không có cảm tình với Nguyễn triều ngay từ khi vua Gia-Long đã trắng trợn hạ cái chiêu bài « phù Lê » để bước lên ngôi Hoàng-đế nước Việt-Nam và đã thẳng tay áp-dụng một chế-độ quân phiệt ở hai vùng Nam-Bắc.
Triều đình Tự-Đức lúc này lúng túng, hoảng-hốt vội hòa với Pháp để cứu vãn tình-thế ngoài Bắc do đó mà Hòa-ước Nhâm-tuất (1862) ra đời. Nói cho phải, đây là một hàng ước, một sự nhục nhã không riêng cho vua tôi nhà Nguyễn.
Riêng hai khoản ngoại giao và bồi thường (ngoại giao của ta từ ngày lập xong Hòa-ước sẽ tùy thuộc Pháp, nghĩa là nước Nam không được ló mặt ra ngoài Quốc-tế, không được liên lạc với bất cứ ngoại-bang nào… Tiền bồi thường
chiến phí cho Pháp là 4 000 000 nguyên trả làm 10 năm, mỗi năm 400.000 nguyên thì công-nhu của Nguyễn-triều sành kiệt như ta thấy thanh toán sao được) cũng đủ thành triệu-chứng vong quốc. Khi không bỗng làm con nợ của Pháp giữa tình trạng túng thiếu, lại không được giao thiệp với nước ngoài thì ai cứu mình đây ? Vua Tự-Đức và các bề tôi đã làm một chuyện tự sát để cả nước chết theo, truy nguyên chỉ tại Thế tổ nhà Nguyễn quá ham cái ngai vàng, rước giặc vào nhà mà không để được mưu hay chước lạ cho con cháu. Và… nói cho phải con cháu của Gia-Long cũng bất tài nữa.
Tình trạng nước nhà kể từ Minh-Mạng, Thiệu-Trị đến Tự Đức chỉ mỗi ngày một suy sụp thêm cho nên việc ba tỉnh miền Đông thất thủ, Hòa-ước Nhâm-tuất ra đời là điều dĩ nhiên và Hòa-ước này đã làm cho các người yêu nước từ Nam ra Bắc phải điên đầu, thất vọng.
Các anh hùng, nghĩa-sĩ đều nổi lên. Trong đầu óc của những nhà ái-quốc ai nấy đều có ý kiến vừa chống Pháp, vừa chống triều đình vì Pháp là giặc mà triều-đình bất tài bất lực cúi đầu theo giặc thì cũng thành giặc rồi… Còn gì để theo nữa ?
Bởi vua Tự-Đức không còn là thần-tượng cho nước Việt Nam sau khi đã chấp nhận hòa với Pháp trong những điều kiện thê thảm kể trên nên phong trào nghĩa quân cứu quốc bột phát với các lãnh tụ như Trương-Định, Nguyễn-Trung Trực, Nguyễn-Hữu-Huân, Võ-Duy-Dương, Trần-Văn-Thành, v.v…
Chỗ thì xưng là « Dân chúng tự vệ », chỗ nêu khẩu-hiệu « Bình Tây sát tả », dân chúng góp xương máu, của cải không tiếc gì và chỉ còn nghe hiệu lịnh của các lãnh tụ kể trên mà thôi. Pháp khiển trách triều đình. Triều-đình sai Phan-Thanh-Giản vào Nam yêu cầu nhân dân hạ khí-giới. Nhân dân chống lại qua nơi Trương-Định, Nguyễn-Trung Trực, Nguyễn-Hữu-Huân… một cách quyết liệt.
Trong hàng lãnh-tụ nghĩa quân người ta để ý đến Nguyễn-Trung-Trực ở điểm ông tuy thuộc thành-phần bình dân (ông làm ruộng và đánh cá, sinh quán ở Tân-An) nhưng tấm lòng vị quốc, vị dân không thua một ai trong thời của ông. Số người theo ông chống thực dân Pháp buổi đầu cũng không lấy gì làm nhiều từ Tân-An qua Rạch-Giá và nghĩa quân Nguyễn-Trung-Trực đã hoạt động nhiều vào cuối năm 1882. Có lẽ lúc này không riêng bọn ông Nguyễn-Trung
Trực đã thất vọng về Hòa-ước Nhâm-tuất mà có thể nói là toàn-quốc xét thấy Hòa-ước này có nhiều cơ-nguy cho xứ sở.
Thành tích đầu tiên của họ Nguyễn là đốt phá tàu binh ESPÉRANCE của Pháp hạ neo ở bến Nhựt-Tảo gần Sài-Gòn nhưng thuộc tỉnh Tân-An khi đó. Chỉ-huy tàu là Trung-tướng Parfait. Tàu này đóng tại bên Vàm (sông) do công tác đổ bộ quân lính đi tảo thanh các vùng quê lân cận đang có nghĩa quân trú ẩn và ngày đêm lui tới tập kích vào các đồn bót của giặc.
Ông Nguyễn đã khéo bầy một kế-hoạch đánh phá chiến hạm Espérance rất hay như sau :
Ông tổ chức một đám cưới dùng thuyền đi trên sông trong đó có chú rể cô dâu, họ hàng già trẻ đủ mặt và cả lễ vật. Lúc này thuyền binh của Pháp đóng ở sông Nhựt-Tảo có lệ khám xét các thuyền của ta qua lại và phải trình thẻ bài do chính Pháp cấp.
Khi thuyền cưới tới gần thuyền của Pháp, một người vờ lên trình thẻ bài. Quân Pháp không ngờ, tức thì ông Nguyễn và bọn thủ hạ nhảy lên theo đánh chém lung tung và ngay lúc đó có nhiều thuyền chở rơm và bồi của nghĩa quân cũng ào tới, nổi lửa đốt tàu Pháp. Quân Pháp vì không có đề phòng bị chém chết và bị thương ngã gục hết. Trong chớp nhoáng, tàu Pháp cháy to và người trong các thuyền của nghĩa-quân đều nhảy lên bờ tẩu thoát hết.
Giặc kêu la ầm-ít, lửa bốc ngút trời, máy tàu nổ tan tành. Kết quả 17 tên Pháp thiệt mạng, 20 tên lính tập người Việt cũng chết theo. Tàu chìm còn trơ cái sườn sắt ngập một nửa dưới nước.
Xong chiến công oanh liệt này nghĩa-quân rút gấp về Cà-Mau. Pháp giận lắm cho quân đội đi lùng khắp nơi nhưng Kinh-Kha họ Nguyễn và các đồng chí đã biệt dạng tự bao giờ.
Một chiến công khác cũng được đồng bào miền Nam không quên thời ông Nguyễn phất cờ chống Pháp đã được gây ra tại Rạch-Giá, nơi Pháp đóng đồn và trong đồn có nhiều lính người Việt. Đáng chú ý là khi đánh đồn này Nguyễn đã dùng hai phụ nữ tuy chân yếu tay mềm nhưng thừa đảm lược. Đó là hai chị em bà Điền, bà Đỏ được ông
"""