"
Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 29 - Nhiều Tác Giả full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 29 - Nhiều Tác Giả full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA 29 Tác giả : NHIỀU TÁC GIẢ
Nhà xuất bản : BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA Năm xuất bản : 1957
------------------------
Nguồn sách : Thích Đức Châu
Đánh máy : kimduyen, Linh_tt,
thienlinh252, ngoctinhpham
Kiểm tra chính tả : Trương Thu Trang, Hoàng Thị Xoan
Biên tập chữ Hán – Nôm : Blue
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 27/06/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn CÁC TÁC GIẢ và BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
GIỚI SỬ HỌC VIỆT NAM PHẢI CÓ ĐẠI BIỂU TRONG ĐẠI HỘI QUỐC TẾ CÁC NHÀ SỬ HỌC
BÀ VIỆN SĨ A.M. PANKRATOVA TỪ TRẦN
VŨ TRỌNG PHỤNG QUA « GIÔNG TỐ », « VỠ ĐÊ » VÀ « SỐ ĐỎ »
TÌM HIỂU « GIA HUẤN CA »
NGƯỜI PHỤ NỮ CỔ HỦ TRONG GIA ĐÌNH PHONG KIẾN QUÝ TỘC
MỘT QUAN NIỆM VỀ ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ : HÌNH THỨC PHONG KIẾN TÍNH, NỘI DUNG CÓ NHIỀU YẾU TỐ NHÂN DÂN TÍNH
MỘT QUAN NIỆM VỀ NHÂN SINH HAY LÀ TƯ TƯỞNG NHÂN ĐẠO, BÁC ÁI CỦA NHÂN DÂN TRONG THỜI LOẠN LẠC
KẾT LUẬN
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VIỆT NAM QUA THƠ VĂN
II. XUNG QUANH CÁI CHẾT CỦA HOÀNG DIỆU VÀ THÀNH HÀ NỘI THẤT THỦ
HOẠT ĐỘNG VĂN SỬ ĐỊA QUỐC TẾ
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC LIÊN XÔ CHUẨN BỊ KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI
VIỆN NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ ĐẢNG BA LAN CHUẨN BỊ KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI
BÁO CHÍ NƯỚC BẠN LIÊN TIẾP GIỚI THIỆU CÔNG TÁC SỬ HỌC VIỆT NAM
KẾT THÚC MỘT BƯỚC THẢO LUẬN VẤN ĐỀ PHÂN CHIA GIAI ĐOẠN TRONG CẬN ĐẠI SỬ TRUNG QUỐC
TRONG LỊCH SỬ TRIỀU-TIÊN CÓ XÃ HỘI NÔ LỆ KHÔNG ? LIÊN XÔ THÀNH LẬP VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN HỌC BA TẠP CHÍ LỊCH SỬ MỚI XUẤT BẢN Ở LIÊN-XÔ
Ý KIẾN TRAO ĐỔI
MỘT Ý KIẾN VỀ PHAN BỘI CHÂU
VẤN ĐỀ ĐẶT CHỮ CHO CÁC DÂN TỘC CHƯA CÓ VĂN TỰ
TẬP SAN NGHIÊN CỨU
VĂN SỬ ĐỊA
Bài lai cảo, xin gửi cho : ông Trần Huy Liệu
GIỚI SỬ HỌC VIỆT NAM PHẢI CÓ ĐẠI BIỂU TRONG ĐẠI HỘI QUỐC TẾ CÁC NHÀ SỬ HỌC
NGÀY 19-6 vừa qua, Ban chấp hành quốc tế khoa học lịch sử đã họp ở Lô-dan (Lausanne) thuộc Thụy-sĩ để chuẩn bị cho cuộc đại hội thứ 11 các tổ chức các nhà khoa học lịch sử.
Như chúng ta đã biết, đại hội thứ 10 của tổ chức này đã họp ở La-mã (Ý) vào cuối năm 1955. Trong số đại biểu sử học của 35 nước tham gia, còn vắng mặt nhiều đại biểu các nước phương đông cũng như trong đại hội, ít bàn đến những vấn đề lịch sử phương đông. Đó là những điều thiếu sót quan trọng cần phải bổ cứu.
Tháng 7-1956, Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử và Địa lý (Văn, Sử, Địa) ở Việt-nam đã gửi đơn cho Ban chấp hành quốc tế khoa học lịch sử xin gia nhập tổ chức, kèm theo những tài liệu cần thiết của một đơn vị hội viên xin tham gia. Theo bức thư đề ngày 28-12-1956, ông Michel François, tổng thư ký Ban chấp hành, đã báo cho Ban nghiên cứu Văn Sử Địa ở Việt-nam biết là đơn xin gia nhập của Ban sẽ được ghi vào chương trình nghị sự trong phiên họp của Ban chấp hành sắp tới. Tiếp theo bức thư này, ngày 15-4-1957, ông Tổng thư ký Ban chấp hành quốc tế khoa học lịch sử đã báo tin cho ông Trần Huy Liệu, Trưởng ban nghiên cứu Văn Sử Địa ở Việt-nam, về địa điểm và thời gian họp Ban chấp hành. Theo lời ông, đơn xin gia nhập của Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa Việt-nam sẽ xét vào ngày 18- 6, trước ngày họp Ban chấp hành một ngày.
Vấn đề đề ra là một tổ chức quốc tế khoa học lịch sử có thể thiếu mặt đại biểu của giới sử học Việt-nam, hay nói một cách khác, các nhà sử học Việt-nam có cần phải có đại biểu trong một tổ chức quốc tế khoa học lịch sử không ?
Nước Việt-nam có một nền văn hóa lâu đời ; nền sử học Việt-nam cũng có từ lâu đời, đó là một sự thật lịch sử. Không kể những thần thoại, truyền thuyết từ trước, lịch sử do người Việt nam biên soạn thành văn đã bắt đầu có từ thế kỷ thứ XIII. Ngoài thông sử, những loại khác như chuyên sử, dật sử, tạp ký lịch sử v.v… cũng khá phong phú. Chúng ta có thể tự hào là nền sử học Việt-nam đã được xây dựng từ lâu đời, đã có những cống hiến quí giá trong kho tàng văn hóa dân tộc và góp vào kho tàng văn hóa thế giới.
Sau cách mạng tháng Tám, nước Việt-nam dân chủ cộng hòa thành lập, giới sử học Việt-nam, với những vốn cũ của dân tộc, lại được trang bị bằng một quan điểm mới, quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Qua những năm kháng chiến, từ khi hòa bình lập lại, các nhà sử học Việt-nam đương bước vào một giai đoạn mới về tổ chức cũng như về công tác. Ban nghiên cứu Văn Sử Địa thuộc Bộ Giáo dục nước Việt-nam dân chủ cộng hòa tập hợp một số lớn các nhà sử học, văn học và địa lý hiện nay là một cơ quan nghiên cứu của nhà nước, được nhân dân Việt-nam tín nhiệm và đã đặt quan hệ với nhiều tổ chức khoa học ở quốc tế. Rồi đây, những tập đoàn khoa học, khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên ở Việt-nam sẽ ngày càng được kết hợp trong một tổ chức rộng rãi. Với những cơ sở đã sẵn có, thành tích sơ bộ đã đạt được, các nhà sử học Việt-nam rất xứng đáng được có mặt ở hội nghị quốc tế khoa học lịch sử.
Chúng tôi tin rằng : sau phiên họp Ban chấp hành của hội
đồng quốc tế khoa học lịch sử ở Lô-dan (Lausanne), cuộc đại hội thứ 11 sắp tới sẽ không thiếu mặt các đại biểu sử học ở phương đông, trong đó có Trung-quốc, Triều-tiên và Việt-nam để góp phần vào việc xây dựng nền sử học quốc tế.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA
BÀ VIỆN SĨ A.M. PANKRATOVA TỪ TRẦN
CHÚNG tôi đau đớn được tin bà Viện sĩ Anna Mikhailovna Pankratova đã từ trần ngày 25-5-1957, sau một thời gian bị bệnh nặng. Bà Pankratova là một nhà hoạt động chính trị có uy tín ở Liên-xô : Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên-xô và Ủy viên chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô. Đồng thời, bà là một nhà khoa học nổi tiếng ở Liên-xô và trên thế giới. Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô, Viện trưởng Viện sử học Liên
xô, Chủ tịch hội đồng quốc gia sử học Liên-xô, Ủy viên chấp hành hội đồng sử học quốc tế, chủ bút tạp chí « Những vấn đề lịch sử », bà Pankratova đã có nhiều cống hiến cho nền sử học Liên-xô và thế giới. Bà Pankratova luôn luôn quan tâm đến nền sử học Việt-nam, có một mối cảm tình thắm thiết đối với những nhà công tác khoa học Việt-nam và rất tích cực giới thiệu nền sử học Việt-nam với giới sử học quốc tế. Bà Pankratova đã thường xuyên trực tiếp trao đổi ý kiến, thư từ, tài liệu với Ban nghiên cứu Văn Sử Địa Việt-nam và đã giúp đỡ Ban nghiên cứu Văn Sử Địa rất nhiều trong việc liên hệ với các nhà khoa học Liên-xô và trên toàn thế giới.
Bà Viện sĩ Pankratova mất đi, là một tổn thất lớn cho Đảng Cộng sản Liên-xô, cho Hội đồng Xô-viết tối cao Liên-xô, cho nhân dân Liên-xô, cho giới khoa học Liên-xô và toàn thế giới. Những nhà khoa học Việt-nam vô cùng thương tiếc bà Viện sĩ Pankratova, một đồng nghiệp lão thành xuất sắc, một người bạn quốc tế chân thành đã cống hiến rất nhiều cho việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị anh em giữa những nhà khoa học hai nước : Việt-nam và Liên-xô. Toàn thể cán bộ và công nhân viên Ban nghiên cứu Văn Sử Địa Việt-nam xin trân trọng tỏ lời
nhớ tiếc bà Pankratova và chia buồn cùng Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô, Viện nghiên cứu sử học Liên-xô và gia đình bà Pankratova.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA VIỆT NAM
VŨ TRỌNG PHỤNG QUA « GIÔNG TỐ », « VỠ ĐÊ » VÀ « SỐ ĐỎ »
của VĂN TÂN
MẤY tháng gần đây, Vũ Trọng Phụng đã được nói đến nhiều. Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng theo nhau được tái bản với một nhịp điệu khá nhanh : Hội Văn nghệ Việt-nam tái bản Giông tố1, nhà xuất bản Minh Đức in Vỡ đê, Số đỏ…
Văn phẩm của Vũ Trọng Phụng là vốn văn hóa của dân tộc chúng ta, đương nhiên là chúng ta phải đề cao và nghiên cứu. Nhưng trong khi đề cao Vũ Trọng Phụng, tôi tưởng chúng ta cũng không được phép quên những nhà văn cùng thời với Vũ Trọng Phụng như Ngô Tất Tố chẳng hạn. Trong khi làm văn, làm báo, Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn công khai dưới thời Pháp thuộc đã quan tâm đến nhân dân. Riêng ở Tắt đèn, Ngô Tất tố đã tỏ ra rất chú ý đến nông dân, rất hiểu nông dân, và đã chia xẻ đau khổ và nguyện vọng của nông dân.
Đối với một nhà văn như Ngô Tất Tố, chúng ta cũng cần nhắc nhở đến như chúng ta đã nhắc nhở Vũ Trọng Phụng vậy.
Tôi lại trở lại Vũ Trọng Phụng.
Chúng ta đã nói nhiều đến Vũ Trọng Phụng, nhưng tôi thấy chúng ta chưa thực sự đi sâu vào các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng để tìm hiểu giá trị tư tưởng của Vũ Trọng Phụng xem Vũ Trọng Phụng có địa vị gì trong lịch sử văn học Việt-nam, xem sự nghiệp văn học của Vũ Trọng Phụng có gì đáng cho chúng ta học tập và phát triển, có gì đáng chê trách mà chúng ta cần biết để đề phòng.
Đó là những vấn đề mà chúng ta cần thảo luận. Vì chỉ sau khi đã thảo luận những vấn đề ấy, chúng ta mới thực sự biết rõ Vũ Trọng Phụng và mới đánh giá đúng mức Vũ Trọng Phụng.
Muốn định giá trị các tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng phải có một thời gian tương đương đầy đủ. Bài này vì vậy không có tham vọng đi sâu vào nền tảng tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng, mà chỉ muốn thông qua mấy tác phẩm như Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ để tìm cho ra ưu điểm chính về tư tưởng cũng như khuyết điểm chính về tư tưởng của Vũ Trọng Phụng mà thôi.
Đọc Giông tố, cũng như đọc Vỡ đê và Số đỏ, ta thấy Vũ Trọng Phụng căm thù cái chế độ đen tối thời Pháp thuộc.
Đó là cái chế độ đã đẻ ra những nghị Hách, Vạn tóc mai, những tên tổng đốc, những viên tri huyện già huyện Cúc-lâm ở Giông tố ; những tên công sứ hay tổng đốc cáo già, những tên tri huyện thấy sắp vỡ đê thì nghĩ ngay cách xoay tiền, những tên tư sản mại bản Khoát thấy sắp vỡ đê thì sung sướng vì có dịp đầu cơ, những tên mật thám Cạp tra tấn người vô tội bằng cách lấy đèn dầu hỏa đốt vào lỗ đít người ta ở Vỡ đê ; những bà Phó Đoan, những Văn Minh vợ Văn Minh chồng, những Typ-phờ
nờ2, những Xuân tóc đỏ một cái quái thai chỉ có thể có trong cái chế độ thực dân thối nát.
Vũ Trọng Phụng đã lôi tất cả những bọn con đẻ của chế độ thực dân ấy ra trước nhân dân để châm biếm chúng, nguyền rủa chúng, đả kích chúng. Dưới ngòi bút của ông, những tên đầu trâu mặt ngựa ấy, những bọn cặn bã của xã hội ấy đã hiện ra với cái bộ mặt hoặc bỉ ổi, hoặc độc ác, hoặc bẩn thỉu, hoặc quái gở của chúng.
Ta hãy nghe một tên tri huyện già dậm dọa và vu khống dân lành : « Con Mich kia ! Trước pháp luật, việc mày như thế là một việc làm đĩ không môn bài, vậy mày có muốn làm nhà thổ suốt đời không ? Bọn lý dịch ! Chúng mày đi kiện láo như thế tức là phạm tội vu cáo, vậy chúng mày có muốn ngồi tù không ? Chúng mày để cho trong làng có truyền đơn cờ đỏ, tao chưa cách cổ chúng mày đó mà ! A ra cái dân này bướng bỉnh nhỉ ? Chúng mày muốn rút đơn ra hay chúng mày muốn ngồi tù nào ? Ông đã thương hại, ông bảo thật cho lại còn cứng cổ… » (Giông tố trang 125).
Đây là một tên địa chủ kiêm tư sản mại bản nói về cái giá của bầy vợ của y : « Chết ! Vài trăm bạc ! Mày điên ! Mày có biết những nàng hầu của tao đây đáng giá bao nhiêu mỗi thị không ? Cái đứa đẹp nhất tao cũng chỉ mua của bố mẹ nó có bảy chục. Còn phần nhiều không mất xu nào. Có bảy chục bạc còn phải hầu hạ người ta suốt đời, huống chi… chỉ có một lần mà những vài trăm bạc ! » (Giông tố trang 131).
Và đây là cái lối ăn chơi dâm ô, xa hoa, đài các của cái tên địa chủ kiêm tư sản mại bản ấy :
- Dạ yến nhé ! Hai người thôi. Đừng có bày nhiều đến nỗi những trông mà không muốn ăn nữa.
- Bẩm để trình quan thế này xem có được không… - Cứ nói.
- Yến… Tái dê và tiết dê… Cháo hươu bao tử và một đĩa tam xà đại hội để nhắm rượu.
- Được đấy. Rượu mai quế lộ có còn không ?
- Bẩm còn nhiều. Còn những hai vò đầy.
- Rắn cũng còn ?
- Còn những tám con.
- Được. Sau cùng thì phải có hoa quả cho đủ. Hai chai sâm banh nữa. Lấy sẵn cả hộp xì-gà.
- Vâng.
- Trong khi phải đợi, thì hãy cho vài hộp bénarès lên đây, nhanh.
- Vâng.
- À này ! Nghị Hách quay lại ông bạn :
- Quan anh có tắm không ? Tắm nước suối mát lắm, khỏe lắm. – Dọn buồng tắm đi nhé ! Để ở buồng một cái ky-mô-nô để cụ thay… Mở bốn chục chai nước suối vi-ten đổ vào thùng rồi pha nửa chai cô-lôn để cụ giội lại… Thôi cho các chị lui ra cả.
- Dạ.
Ba người đàn bà cúi đầu cáo lui… Cô Kiểm lại bị gọi giật lại. - Này chị Kiểm… Lại gần đây.
- Dạ.
- Đêm nay thì phải thức với tôi đấy. Dọn cái buồng Thổ-nhĩ kỳ ở gác thượng để chớp bóng đấy nhé. Liệu mà dọn tĩnh lên. Rượu sâm banh cũng đem lên. Đánh ngay tê-lê-phôn về Hà-nội cho thằng Lộc đen chủ cái tiệm khiêu vũ gì ở đường bờ sông đó, bảo nó thuê ngay ô-tô cho hai đứa trẻ nhất, đẹp nhất lên trên
này ! Nếu nó không sẵn thì bắt nó đi tìm cho được ! Nếu khách nhà nó đông quá, thì bảo nó đóng cửa hiệu lại một tối ! Nó lên đây thì giả cho nó bốn chục, nó kỳ kèo thì thêm cho nó mười đồng ! Xong ! (Giông tố trang 320).
« Sau khi xem tên chúa đất ăn chơi, bây giờ ta xem y đánh đập hành hạ người làm. Tức thì nghị Hách đứng lên cầm lấy cái roi… : Thằng Tài ! Mày đã trót nhỡ nói chuyện tao cho thằng Vạn ở Hà-nội hôm xưa, thì hôm nay mày chịu cái vạ miệng ấy. Muốn khỏi chết thì tức khắc ra đứng quay mặt vào tường !
« Tài Nhì vâng lời ra đứng quay mặt vào tường rồi thì nghị Hách giơ cao roi vụt thằng Xuân một cái vào ngang lưng. Tiếng roi đập xuống đánh đét một cái nghe đến rùng mình. Thằng Xuân co quắp cả người, nhăn mặt chịu đau. Nghị Hách từ tốn đưa cho nó cái roi cá đuối rồi ngồi lên sập.
« Lúc ấy thằng Xuân cầm roi rồi. Nó mím môi lại, giơ cao tay… Từ đấy trở đi người ta chỉ thấy tiếng đen đét luôn hồi của cái roi. Người ta tưởng đương xem một cuộc đua ngựa.
« Tài Nhì đương cái cơn mưa roi ấy oằn mình như một sợi tóc bị hơ trên ngọn lửa. Long không dám nhìn, phải nhắm mắt lại. Vậy mà những tiếng đen đét vẫn không thôi giáng xuống lưng Tài Nhì như mưa…
« Oai nghiêm trên sập nghị Hách vẫn chưa có lệnh cho ngừng » (Giông tố trang 136)
Đọc mấy câu trên, ta tưởng tượng như đang đứng trước một tên lãnh chúa thời trung cổ đang đánh đập những nông nô hay nô lệ của y để tiêu sầu giải trí.
Đọc những câu trên không ai là không căm giận cái chế độ thực dân. Người ta cũng căm giận, căm giận đến cực độ khi thấy tên thầu khoán Khoát sung sướng vì đê sắp vỡ : « Ông… ông chỉ muốn xoay một vố ! Nhân vụ đê điều này, có cái số tre đấy ắt ăn được. Mày để tao thầu cho nhé. Nhất là lụt thì ông hả quá ! Mày ạ, tao có hai nghìn tấn gạo sắp mốc, thế có chết
không ? Với lại bốn nghìn bao gai mà phòng Thương mại nó không lấy nữa, chó thế. Mày thử nghĩ hộ tao xem có cách gì làm tiền… » (Lời tên thầu khoán Khoát nói với một tên tri huyện trong Vỡ đê trang 45).
Cái chế độ xã hội đẻ ra một hạng người – hạng Nghị Hách, thầu khoán Khoát sống trên xương máu của nhân dân lao động đã được Vũ Trọng Phụng vẽ ra rõ ràng và thống thiết. Trước Vũ Trọng Phụng, có những nhà văn cách mạng đã vạch cho mọi người trông thấy những tội ác do chế độ ấy gây ra, và hô hào mọi người đứng lên đánh đổ chế độ ấy đi. Nhưng Vũ Trọng Phụng là nhà văn không cách mạng đầu tiên có can đảm lên án chế độ áp bức thực dân ngay khi chế độ này đang ở thời thịnh vượng.
Giá trị tư tưởng lớn lao của một số tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng là ở đây.
Vũ Trọng Phụng không chỉ đả kích chế độ áp bức thực dân, ông còn rỏ ra có cảm tình thắm thiết với những người quên mình lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đổ chế độ ấy.
Trong Giông tố ông đã đề cao ông già Hải Vân, một nhà cách mạng của nhân dân lao động như một nhân vật phi thường đã « nửa đời người tù tội. Một năm tù ở nước nhà vì Nghị Hách, ba năm tù ở Phúc-kiến, năm năm tù ở Mãn-châu, chín năm trời trốn tránh gối đất nằm sương… »
Trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng đã cực lực ca tụng những người cộng sản là « những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột để chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác. Đó là những người quên cả
mọi cách hưởng thụ cuộc đời thức suốt đêm để làm những việc sẽ dắt tới tù hay đến bệnh lao… » (Vỡ đê trang 253)
Đáng chú ý hơn nữa là Vũ Trọng Phụng thỉnh thoảng lại thoáng nhìn thấy cả lực lượng của nhân dân, điều mà các nhà văn công khai cùng thời với ông chưa ai nhìn thấy. Trong Vỡ đê ông đã miêu tả một cuộc biểu tình chống thuế của nông dân với một cảm tình nồng nhiệt : « Sáu trăm người như một con rết không bò trong một phút, lúc ấy lại động đậy cái đầu. Viên đại úy hô : « Phơ ! » Tức thì mấy chục tiếng súng nổ. Ai cũng giật mình, nhưng không ai ngã. Thì ra đó là súng bắn chỉ thiên mà thôi. Đám dân biểu tình một phen hiểu ra, lại càng phấn khởi. Người ta trông thẳng tòa sứ mà tiến để lại bên đường ông quan binh mặt đỏ gay gắt đương quát tháo bọn lính ngẩn ngơ… Cổng tỉnh vượt qua, lính tráng cũng vượt được qua, cuộc thắng thứ nhất này như là một cuộc toàn thắng chung kết. Lần đầu tiên những cái tay không khoanh trước ngực mà lại chẳng chịu thua cái sung trường.
« Khi dân quê tụ họp đen nghịt cả cái sân tòa sứ, thì lính tráng, và những ông phán hấp ta hấp tấp chạy ngược chạy xuôi… Hồi lâu mới thấy ông Tổng đốc bước ra thềm đá, mặt tái lại như chàm đổ… » (Vỡ đê trang 239-240).
Ở mấy dòng trên, Vũ Trọng Phụng đã có một thái độ rất rõ ràng : Ông đã ca tụng lực lượng của nông dân, và đã đứng về phía nông dân chống đối lại bọn quan lại và bọn thực dân là bọn chuyên sống bằng sự áp bức bóc lột nông dân.
Thái độ cao quý trên Vũ Trọng Phụng đã biểu thị ngay ở dưới chế độ áp bức thực dân tàn ác. Ngay ở dưới chế độ áp bức ấy, Vũ Trọng Phụng đã dũng cảm tố cáo tội ác của bọn địa chủ
kiêm tư sản mại bản, bọn quan lại là bọn ngày tháng chỉ phởn phơ phè phỡn trên xương máu của nhân dân. Vũ Trọng Phụng không chỉ phơi ra những sự thật tồi tàn và đau xót dưới chế độ thực dân, ông còn đưa ra nguyện vọng của ông : Ông mong muốn một chế độ xã hội công bằng, dù mong muốn này còn mơ hồ yếu ớt.
*
Trở lên trên là những ưu điểm chủ yếu về tư tưởng của Vũ Trọng Phụng mà chúng ta thấy biểu hiện ở các tác phẩm Giông tố, Vỡ đê và Số đỏ. Bên cạnh những ưu điểm lớn ấy, mấy tác phẩm nói trên của Vũ Trọng Phụng cũng để lộ ra một số khuyết điểm và nhược điểm cần phải vạch ra.
Như đã nói ở bên trên, Vũ Trọng Phụng có lúc như đã nhìn thấy kẻ thù của nhân dân. Nhưng đọc kỹ các tác phẩm của ông, ta thấy kẻ thù ấy chưa phải là kẻ thù chính của nhân dân.
Trong Giông tố trang 53 và 54, Vũ Trọng Phụng đã viết thế này về một tên công sứ :
« Quan là một người đã cao tuổi ở thuộc địa đã trên ba mươi năm, đã được lòng dân không phải vì một chính sách giả dối, không phải vì những bài diễn văn kêu vang và rỗng tuếch, không phải vì đã đem những giọt nước mắt cá sấu ra huyền hoặc lừa dối dân ngu, nhưng chính bởi quan là một bậc hiền nhân quân tử rất ít có ở đời. Ngoài những giờ bận việc cai trị, quan thường đọc sách viết văn. Vì rất giỏi chữ Hán quan đã xuất bản được một quyển sách khảo cứu về cách dùng binh của Trần Hưng Đạo. Do lẽ đó, quan công sứ nói tiếng An-nam cũng thạo và cũng dễ nghe.
« Cái lòng nhân từ của quan thì hầu như thành một câu
cách ngôn đã truyền tụng. Những người trí thức, cả những người viết báo rất hoài nghi cũng phải nhận ngài là một người hiếm có, sống ở thuộc địa đã nửa đời người, mà vẫn giữ được những quan niệm về sự tự do cá nhân rất rộng rãi, vẫn biểu lộ được cái tinh thần đáng trọng của hạng trí thức nước Pháp, chứ không nhiễm phải tính nết của phái thực dân bằng dùi khui ».
Đây là lời lẽ của Vũ Trọng Phụng – những lời lẽ đầy vẻ tôn kính – nói về viên công sứ già. Sau đây là những cử chỉ của viên công sứ do Vũ Trọng Phụng tả ra cốt để chứng thực rằng « Quan công sứ » quả là « một bậc hiền nhân quân tử » : « Một buổi kia, có việc ra nhà dây thép, quan sứ cuốc bộ mà lử khử đi như những người Tây thường. Qua một phố nọ, có một trường tư thục, một lũ trò em đùa nghịch đá bóng làm cho quả bóng trúng đánh bộp vào ngực quan. Một vệt bùn to tướng in ngay vào ve áo, chỗ có cái cuống mề đay Bắc đẩu. Quan vào trường. Viên đốc học trường tư sợ tái mặt như mọi người phải lo sợ vào một trường hợp như thế. Nhưng mà quan công sứ cứ khoan thai cầm khăn mặt bông phủi áo, rửa tay vào chậu nước rồi ôn tồn bảo viên đốc : « Ông phải bảo học trò của ông ra cái bãi cỏ cạnh chợ mà đá bóng, chứ thể thao ở giữa phố như thế thì rồi có tai nạn xe cộ xảy ra ». Thế rồi quan lại ra đi nét mặt vẫn hiền hậu như không có việc gì xảy ra ».
Một lần khác xe hơi của quan vừa ở thủ đô về, người tài xế đương lái vòng để vào sân tòa sứ, thì có một mụ nhà quê tay cầm một lá đơn đến quỳ ngay trước xe. Mấy anh lính khố xanh toan giơ cao cái roi mây, thì quan công sứ ra hiệu ngăn lại, hỏi : « Đơn kêu của bà có rõ ràng không ? » Người đàn bà kêu lải nhải một hồi thì quan truyền : « Thôi cứ về rồi quan sẽ xét xử ». Nguyên do đó là một mụ đi mò cua bắt ốc bị làng bắt vạ vì
chưa hết tang chồng mà đã có mang. Theo như trong đơn thì mụ đã bị một bọn bô lão trong làng lôi những hủ tục ra để hành hạ mụ, chứ thật ra mụ đã hết tang từ vài tháng trước khi có mang. Ấy thế là quan viết thư trả lời cái mụ mò cua ấy rằng : « Thưa bà, bản chức đã xét đơn của bà rồi. Nếu bà còn có tang ông ấy thì theo luật Gia-long có chửa như vậy là có lỗi. Còn nếu bà đã đoạn tang rồi thì không ai được phép bắt vạ bà, nếu bà viện được đủ chứng cớ là đã hết tang, thì cứ lên tòa mà trình bày, bản chức sẽ trị tội những kẻ nhũng lạm ». Một bức thư của một vị quan đầu tỉnh mà lại có cái luận điệu lễ phép với một mụ mò cua đến bậc ấy, đã làm cho các quan tổng đốc, bố chánh, tri phủ phải nhăn mặt lại. Rồi bọn bô lão trong làng sợ hãi đến hết vía mà đền cái vạ.
Vũ Trọng Phụng còn đưa ra một vài trường hợp « Quan đầu tỉnh » « lễ phép » như thế nữa, cốt để cho mọi người, cả những người hoài nghi nhất phải nhận rằng « quan công sứ » quả là người rất tốt hiếm có ở đời, nhất là hiếm có ở thuộc địa.
Những cử chỉ của « quan công sứ » mà Vũ Trọng Phụng đưa ra quả có thấy ở một số rất ít quan lại thực dân thời Pháp thuộc. Nhưng những cử chỉ ấy không nhất định là những cử chỉ của những bậc hiền nhân quân tử ; mà có khi là những cử chỉ của bọn cáo già thực dân ở thuộc địa lâu năm. Tên công sứ Xanh Pu-lôp và tên công sứ Cút-xô đã từng có những cử chỉ y như cử chỉ của « quan công sứ » trong Giông tố, nhưng những ai đã ở Sơn-la những năm 1931-1933 hay những năm 1941-1942 đều phải nhận Xanh Pu-lôp và Cút-xô là những tay cai trị gian hùng. Nói như thế không có nghĩa là cho rằng hễ quan lại thực dân thì không có cử chỉ nào tốt. Ở một số quan lại thực dân nào đó có thể có một vài cử chỉ thực sự tốt, nhưng những cử chỉ ấy không
phổ biến và không nói lên được tính chất chung của quan lại thực dân thời Pháp thuộc.
Những cử chỉ của viên công sứ mà Vũ Trọng Phụng đề cao lại không điển hình nữa.
Thật thế, nếu chúng ta nhận rằng vấn đề điển hình bao giờ cũng là một vấn đề chính trị hay nói rõ hơn, là một vấn đề thái độ chính trị, thì ta phải nhận rằng thái độ của Vũ Trọng Phụng trong việc miêu tả viên công sứ thực dân là một thái độ mơ hồ về chính trị, lầm lẫn giữa bạn và thù.
Vũ Trọng Phụng ca tụng viên công sứ kia để làm gì ?
Đó thật là một câu hỏi mà những người có cảm tình với Vũ Trọng Phụng đến đâu cũng không thể trả lời cho thỏa đáng được. Câu hỏi đó buộc chúng ta phải nghĩ rằng : Vũ Trọng Phụng chỉ mới có đủ can đảm vạch tội ác của bọn nghị Hách, bọn tổng đốc, bọn tri huyện, bọn thầu khoán Khoát là bọn tay sai của bọn đế quốc thực dân. Còn chính bản thân bọn đế quốc thực dân, đầu mối của vạn ác đã diễn ra ở Việt-nam suốt tám mươi năm Pháp thuộc, thì Vũ Trọng Phụng không những vẫn không đưa chúng ra trước tòa án lịch sử, mà có khi còn đề cao chúng nữa.
Có người nói : Vũ Trọng Phụng chưa lên án kẻ thù chính của dân tộc là vì bị điều kiện lịch sử hạn chế, ông chưa nhìn thấy kẻ thù của dân tộc đấy thôi.
Tôi thì tôi không nghĩ thế. Đế quốc thực dân, kẻ thù số một của dân tộc chúng ta lù lù ở trước mặt mọi người, chúng cưỡi cổ đè đầu lên mỗi người chúng ta ai mà không nhìn thấy. Cái sự thực to lớn và phũ phàng ấy nhất định Vũ Trọng Phụng phải nhìn thấy, Vũ Trọng Phụng nhìn thấy sự thực ấy mà không dám
tố cáo sự thật ấy ra là vì Vũ Trọng Phụng biết rằng nếu ông đánh thẳng vào đế quốc thực dân thì đế quốc thực dân quyết không để cho ông được ở yên. Nhưng chế độ thực dân lại thối nát bẩn thỉu, tàn ác đến mức Vũ Trọng Phụng không thể ngồi im
được. Không thể đánh bọn đế quốc thực dân, thì ông đánh bọn tay sai của chúng. Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, sở dĩ bọn tay sai của đế quốc thực dân bị đả kích dữ dội là vì vậy.
Trong khi Vũ Trọng Phụng không chĩa mũi nhọn vào kẻ thù số một của dân tộc, thì ngay từ năm 1930 các chiến sĩ cộng sản xuất thân từ công nhân hay nông dân đã biết kẻ thù chính của họ là ai. Những câu ca hát mộc mạc về nghệ thuật của họ như :
Loài đế quốc vua quan diệt hết,
Công nông ta kịch liệt đấu tranh.
đã biểu thị thái độ chính trị dứt khoát của họ.
Cũng cần phải nói thêm rằng khi bọn đế quốc thực dân để cho Vũ Trọng Phụng chửi vào mặt bọn chân tay của chúng không phải là chúng tôn trọng tự do ngôn luận, cũng không phải là chúng hoảng sợ trước thái độ can đảm của Vũ Trọng Phụng đâu. Bọn đế quốc thực dân chỉ để cho Vũ Trọng Phụng can đảm trong cái chừng mực có thể dùng cái can đảm ấy để kiềm chế, đe nẹt bọn tay sai của chúng, khiến cho bọn này càng phải trung thành với chúng hơn, phải dễ bảo hơn.
Vũ Trọng Phụng còn sai, khi ông miêu tả viên tri huyện huyện Cúc-lâm đỗ tiến sĩ luật khoa hồi ở Pa-ri « đã diễn thuyết và biểu tình với văn sĩ Romain Rolland về việc chính trị phạm Đông-dương » kiên quyết bênh vực dân lành chống lại quan trên, rồi bỏ quan để phản kháng viên tổng đốc.
Những viên quan lại kiểu viên tri huyện huyện Cúc-lâm
không phải là tuyệt đối không thể có trong thời Pháp thuộc, nhưng việc Vũ Trọng Phụng miêu tả viên tri huyện đặc biệt ấy chỉ làm cho người ta hiểu lầm bản chất của quan lại là cái thói luồn lọt nịnh hót quan trên, nịnh hót thực dân để được tự do bóc lột đục khoét nông dân.
Có người nói Vũ Trọng Phụng có « lòng thương xót chân thực » « đối với những người bị một chế độ vô nhân đạo chà đạp, đầy đọa, dồn vào cảnh đói rét ngu dốt chết dần chết mòn » « không một tiếng vang ».
Đúng ! Vũ Trọng Phụng có thương xót những người nghèo khổ, nhưng phải nói thêm thế này mới đủ : Vũ Trọng Phụng đã đứng trên những người nghèo khổ để thương xót người nghèo khổ. Bởi vậy lòng thương của ông nhiều khi lại điểm một tính chất khinh khi rõ rệt.
Ta hãy xem ông tả tình hình nông thôn trong một vụ kiện : « Người ta đã nhãng bỏ những việc tơ tầm, đồng áng để mà kháo chuyện nhau, chèn chế nhau, khích bác nhau, chửi bới nhau. Nửa tháng sau khi có cái tấn kịch cưỡng dâm kia, người ta đã đếm được trong làng có ba mươi nhăm vụ xung đột nhau, trong số đó có một đám ăn vạ, hai đám có kẻ bươu trán, vỡ đầu. Sự im lặng, sự hòa bình, sự trật tự trong làng bị phá hoại, bị đảo lộn ngược cả. Bọn giai làng thì ùa uà nhau, cũng học ăn học nói, cũng bắt chước cái giọng phệnh phạo của bọn đàn anh ; bọn đàn anh thì lý sự cùn giở ra chọi nhau, bắt chước các cụ già bét nhè và lẩm cẩm ; và các cụ già thì đâm ra vô nghĩa lý y như bọn trẻ con. Trẻ đổi làm già, già hóa ra trẻ. Ngần ấy khối óc ngu dại, ngần ấy cái miệng hương ẩm đều chỉ cùng một ý nghĩ, cùng một câu nói : Vô phúc thì đáo tụng đình… »
« Đến hôm quan huyện và quan đồn về khám xét cả làng, thì sự khủng bố lại càng hoàn toàn, lại càng đầy đủ. Bầu không khí hầu như không thở được nữa. Trẻ già lớn bé đều đã tái xanh mặt mũi khi thấy ông chánh hội, ông phó hội, ông lý trưởng, ông phó lý người nào cũng run như cầy sấy… » (Giông tố trang 104).
Bây giờ đến tình hình nông dân trong một đám cưới : « Những người đã chửi xỏ bà đồ Uẩn một cách hèn mạt nhất, thì lại là những người làm giúp một cách hăng hái nhất. Tuy nhiên cũng có vài gia đình mà sự căm hờn đã ngăn không cho đến để nốc rượu và thi hơi… Khốn thay, tuy không đến lấy lệ vậy thôi, chứ thực ra họ đứng bên ngoài hàng rào găng mà chuyển tay nhau phỗng hàng rá thịt một » (Giông tố trang 224).
Trong cái đám nông dân chỉ biết cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, tranh ăn, tranh uống, nói trên thật không thể thấy một tia hy vọng giải phóng nào. Cái đám nông dân ấy đáng phàn nàn thật, đáng thương xót thật, nhưng họ hèn hạ như vậy, nhỏ nhen như vậy, chia rẽ như vậy, thì họ còn làm gì được nữa, vì vậy rút cục lại họ chỉ là cái mồi ngon cho những nghị Hách, những tên tri huyện già, những tên tổng đốc mà thôi.
Ở Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng đã tỏ ra tiến bộ hơn. Phong trào đấu tranh của nhân dân do Đảng Cộng sản Đông-dương lãnh đạo sôi nổi trong những năm 1936, 1937, 1938 đã làm cho ông thoáng nhìn thấy lực lượng của nhân dân, do đó, ông đã đi tới chỗ miêu tả cuộc biểu tình chống thuế của nông dân. Nhưng cuộc biểu tình của nông dân mà ông nói đến chỉ đưa lại một kết quả rất phất phơ : Tên công sứ chỉ cho nông dân hoãn thuế nửa tháng. Sau đó nhà lãnh đạo cuộc biểu tình – Giáo Minh – bị bắt rồi nông dân lại đi vào một đời sống tối tăm hơn : « Dân vẫn cứ
đói. Họ vẫn phải bỏ làng, bỏ những túp lều gianh mà nước lụt đã đánh dấu ở lưng chừng các vách hay là đã đánh lở vách xuống cho hở xương tre ra. Không đào đâu được thứ gì bỏ vào mồm, họ dỡ nhà xuống chặt thành củi đem bán rong hoặc đem đến chợ. Nhưng mà chỗ nào thì cũng có nhiều người bán hơn là người mua. Cho nên ngày ngày có từng tốp hàng ba chục, năm chục, hàng trăm dân quê lại vẫn cứ kéo nhau lũ lượt đi lang thang trên con đường thiên lý với những cái chiếu rách ôm cạnh nách, với những cái khăn tay nải ở sau lưng. Nhiều người gánh cả hai cái thúng, trong mỗi thúng có một vài đứa bé, trong mỗi đứa bé có vài ba ngày đói khát » (Vỡ đê trang 236).
Vì đấu tranh của nông dân chỉ đi đến tình trạng tuyệt vọng như thế, cho nên Phú – nhân vật chính trong Vỡ đê đã giác ngộ cách mạng ít nhiều – mới đi đến chỗ « cảm thấy một cách sâu cay cái đểu giả của loài người, sự chó má của xã hội ».
Loài người mà đã đểu giả thì cái loài người ấy bị đau khổ cũng là lẽ tất nhiên ; xã hội đã chó má, thì cái xã hội ấy bị chia xẻ, bẩn thỉu, thối nát cũng là điều không tránh khỏi.
Thái độ của Vũ Trọng Phụng tất nhiên đưa người ta đến những ý nghĩ bi quan như vậy đấy.
Vũ Trọng Phụng có cảm tình với các nhà cách mạng. Điều đó đã rõ ràng. Nhưng những nhà cách mạng mà Vũ Trọng Phụng miêu tả lại có những hành động chẳng cách mạng chút nào. Trong Giông tố, ông già Hải Vân nhà cách mạng lão thành sắp đi dự « Hội nghị đỏ Viễn Đông có đủ đại biểu của Phi-luật-tân, Úc-châu, Chà-và, Đài-loan » lại là một tay tướng số đã làm những việc tống tiền. Chính nhà cách mạng ấy đã nói với con là Tú Anh như thế này : « Xong ! Việc quyên tiền cho quỹ đảng
cũng xong. Anh có biết bao nhiêu không ? Một vạn đồng ! Tống tiền như thế mới bõ ».
Nhà cách mạng Hải Vân của Vũ Trọng Phụng có những cử chỉ kỳ khôi y như những cử chỉ của bọn phiêu lưu trong tiểu thuyết trinh thám của giai cấp tư sản Âu Mỹ. Qua ngôn ngữ và hành động của Hải Vân, ta thấy cái ông già bí mật ấy là một tên trùm lưu manh chuyên làm những việc tống tiền bắt cóc hơn là một nhà lãnh đạo cách mạng của quần chúng nhân dân.
Nếu ở Lôi Vũ, Tào Ngu đã thất bại trong việc xây dựng vai chiến sĩ cách mạng Lỗ Đại Hải một phần, thì ở Giông tố, Vũ Trọng Phụng đã thất bại thảm hại đến mười phần trong việc xây dựng nhà cách mạng Hải Vân. Hải Vân của Vũ Trọng Phụng chỉ là một nhân vật kỳ dị sống bằng bói toán, chuyên tổ chức các vụ bắt cóc tống tiền. Đó là một nhân vật cách mạng không có ở trường cách mạng, hay nói đúng hơn đó là một tên lưu manh có thủ đoạn khác đời.
Ở Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng tỏ ra có cảm tình với những nhà cách mạng, cụ thể là có cảm tình với những nhà viết báo Lao động. Nhưng Vũ Trọng Phụng có cảm tình với những người ấy không phải vì ông thấy nội dung lý tưởng mà họ theo đuổi là chân chính, mà chính vì ông thấy họ « quên cả mọi cách hưởng thụ cuộc đời thức suốt đêm để làm những việc sẽ dắt tới nhà tù hay đến bệnh lao ». Nghĩa là Vũ Trọng Phụng mới có cảm tình với những người cộng sản viết báo Lao động ở cái hình thức bên ngoài. Do đó ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Vũ Trọng Phụng diễn tả một cách quá ngây thơ chủ trương của người cộng sản viết báo Lao động :
« Thế còn chủ nghĩa quốc gia ? Cũng đáng kính trọng lắm,
nhưng phiền một nỗi là hiện giờ thì chỉ có hại. Bạo động thì sức phản động ở đây sẽ ghê gớm vô cùng, mà xã hội này sẽ bị lôi lùi lại như hai mươi năm về trước. Chúng tôi đã thấy rõ những người hiểu rõ chủ nghĩa xã hội lắm, nhưng mà chỉ vì thất bại trong một cuộc chiến đấu mà quay ngay về cái phạm vi hẹp hòi của tư tưởng quốc gia ! Như vậy là hỏng ! Chúng tôi thấy rằng dưới lá cờ của Mặt trận Bình dân mà anh em đồng chí cứ bị bắt hoài, thì đó cũng chỉ là sự thất bại của cá nhân thôi, chứ đại thể vẫn là có thắng. Nếu cứ thế mãi thì từ bên Chính quốc rồi cũng phải có một sức phản ứng lại cái sức phản động phát-xit ở đây. Mà lòng người càng nhốn nháo thì cách mạng càng có lợi. Vả lại, đã tin thì cứ làm chứ kể thắng hay bại mà làm gì ».
Những ý nghĩ trên quả là những ý nghĩ mà Vũ Trọng Phụng đã gán cho người cộng sản. Người cộng sản một nước thuộc địa không bao giờ lên án hàm hồ chủ nghĩa quốc gia một cách dễ dàng đơn giản như thế. Người cộng sản cũng không bao giờ ngóng ngóng ngồi chờ « sức phản ứng » ở « bên Chính quốc » để chống lại cái « sức phản động phát-xít » ở Việt-nam. Người cộng sản cũng không ngu ngốc đến nỗi nói cái câu dại dột « chứ kể thắng hay bại mà làm gì ». Người cộng sản đấu tranh không phải để tỏ ra mình có can đảm, anh hùng. Người cộng sản đấu tranh là vị lợi ích của nhân dân, cho nên rất quan tâm đến thắng hay bại, vì thắng hay bại liên quan chặt chẽ với lợi ích của nhân dân. Trong khi miêu tả người cộng sản, Vũ Trọng Phụng còn tỏ ra xa lạ nhiều với người cộng sản. Vì vậy nhiều khi tuy Vũ Trọng Phụng có ý định tốt tô vẽ cho người cộng sản, nhưng ông chỉ đi đến những kết quả trái ngược là làm cho người ta hiểu lầm người cộng sản mà thôi.
Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ta thấy ông hay tả
và tả rất tỉ mỉ những cảnh dâm ô. Số đỏ là một tiểu thuyết đầy những chuyện dâm ô. Giông tố cũng có nhiều đoạn dâm ô. Vỡ đê là một tác phẩm có tư tưởng tính cao nhất của Vũ Trọng Phụng cũng không tránh được những cảnh dâm ô.
Vũ Trọng Phụng tả những cảnh dâm ô để làm gì ? Để phản ánh trung thành hiện thực xã hội thời Pháp thuộc chăng ? Để chiều thị hiếu của độc giả, đặc biệt là độc giả thanh niên thời Pháp thuộc chăng ?
Dù vì một lẽ gì đi nữa, những cảnh dâm ô mà Vũ Trọng Phụng miêu tả chỉ gây ra trong đầu óc người đọc những ý nghĩ không hay. Những cảnh dâm ô trong các tác phẩm của ông có tác dụng tai hại y như những tiểu thuyết khiêu dâm của tư sản Pháp hay tư sản Mỹ.
Viết đến đây, tôi sực nhớ đến câu nói của một ông bạn nói với tôi trong tháng vừa qua : « Nhà Minh-đức cho tôi một quyển Số đỏ, tôi xem xong rồi phải cho ngay vào ngăn kéo cơ quan khóa lại không dám đem về nhà vì sợ trẻ xem thì có hại ».
Một ông bạn khác cho tôi biết con ông đã lấy tiền của ông mua Số đỏ để xem trộm ở nhà trường.
Những chuyện dâm ô mà Vũ Trọng Phụng miêu tả làm cho nhiều người nghi ngờ ý định của ông và do đó đã hạn chế tác dụng của tác phẩm của ông.
Về tư tưởng, Vũ Trọng Phụng còn mắc một khuyết điểm nữa rải rác thấy biểu hiện ở hầu khắp các tác phẩm của ông : Bệnh bi quan.
Sống giữa một xã hội đầy những thối tha, bẩn thỉu, bị nghẹt thở vì những thối tha, bẩn thỉu ấy, không thể tìm ra nguyên nhân đã đẻ ra những thối tha, bẩn thỉu ấy, Vũ Trọng Phụng sinh
ra bi quan, bực bội. Ông đã mượn Tú Anh để nói lên cái chủ nghĩa bi quan rất chua chát của ông : « Tôi xin nói thẳng ngay rằng những cái dây liên lạc thiêng liêng nhất đời, đại khái như tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ chẳng hạn cũng lắm khi chỉ đáng để xuống đất mà di gót chân !… Tôi xin nói thẳng cho ông biết rằng đến những điều thiêng liêng như vậy, mà rồi cũng có khi chỉ là những chuyện khôi hài thì ở đời này không còn có cái cóc gì là đáng quý nữa, mà sự đời thật là không có nghĩa gì cả » (Giông tố trang 204).
Từ bi quan, nghi ngờ hết thảy, Vũ Trọng Phụng đi đến chỗ khinh hết thảy, ghét hết thảy, chửi hết thảy, muốn phá hết thảy. Trong Số đỏ, ông đã châm biếm, mỉa mai hết thảy. Cái xã hội trong Số đỏ chỉ là cái xã hội đáng khinh, đáng ghét, đáng cười. Đó là một xã hội không có lấy một người nào ra hồn người cả.
Dưới một chế độ áp bức, bóc trần những cái thối tha do nó đẻ ra, trong một chừng mực nhất định là giúp cho người ta hiểu nó, chán ghét nó rồi đánh đổ nó đi. Nhưng nếu mọi người trong xã hội đều xấu cả, kẻ đi áp bức cũng xấu, người bị áp bức cũng xấu, thì lấy ai đánh đổ chế độ xấu ấy đi ? Nếu « ở đời này không có cóc gì đáng quý nữa », nếu « sự đời thật là không có nghĩa gì cả » thì đấu tranh mà làm gì, làm cách mạng mà làm gì ?
Thái độ bi quan và hoài nghi của Vũ Trọng Phụng chỉ có thể làm nhụt chí phấn đấu của người ta, gieo chán nản vào đầu óc người ta rồi làm cho người ta sinh ra tiêu cực không thiết tha với sự nghiệp đấu tranh cách mạng để cải tạo xã hội làm cho xã hội từ xấu trở thành tốt, từ dở hóa ra hay. Muốn cải tạo xã hội mà không có lòng tin, tin ở mình, tin ở người, thì không thể làm gì được.
*
Vũ Trọng Phụng đã phản ánh ở một vài phương diện cái xã hội Việt-nam thời Pháp thuộc, cụ thể là cái xã hội Việt-nam thối nát hồi kinh tế tổng khủng hoảng. Ông đã vạch ra được những bộ mặt tham ác, đểu cáng, xỏ lá, hèn hạ, bẩn thỉu của bọn người do xã hội ấy đẻ ra. Ngòi bút của ông ở những điểm này là ngòi bút phê bình hiện thực sắc bén, chua cay, lôi cuốn nó làm cho người ta chán ghét cái chế độ thực dân thối nát và bọn con đẻ của chế độ ấy là bọn nghị Hách, thầu khoán Khoát, mật thám Cạp v.v…
Vũ Trọng Phụng lại có can đảm ca tụng người cách mạng, miêu tả người cộng sản như những người chân chính đấu tranh vì lợi ích của nhân dân. Ngoài ra ông còn thoáng nhìn thấy lực lượng của nhân dân.
Với những ưu điểm trên, Vũ Trọng Phụng đã giành được một địa vị đáng kể trong nền văn học phê bình hiện thực của Việt nam. Tác phẩm của ông là những cái mốc đã đánh dấu được phần nào những đặc điểm của một thời đại áp bức tối tăm, dâm ô, trụy lạc, bẩn thỉu là cái thời đại Pháp thuộc từ năm 1932 đến năm 1938.
Đó là phần cống hiến tích cực của Vũ Trọng Phụng vào kho tàng văn học Việt-nam.
Bên cạnh những ưu điểm lớn ấy, Vũ Trọng Phụng có những khuyết điểm và nhược điểm không nhỏ.
Vũ Trọng Phụng đã ca tụng những kẻ thù của nhân dân như đã ca tụng viên công sứ già được Bắc đẩu bội tinh đã từng được đào luyện ở trường thuộc địa Pa-ri.
Trong khi miêu tả viên tri huyện trẻ tuổi ở huyện Cúc-lâm,
ông đã lầm trường hợp cá biệt ra cái phổ biến, đã cho cái đặc biệt là cái điển hình. Ông đã làm cho người ta có thể hiểu lầm rằng : Giới quan trường cũng có người tốt kẻ xấu như bất cứ giới nào khác của xã hội Việt-nam.
Đối với nhân dân lao động, lực lượng sáng tạo và giải phóng của bất cứ xã hội nào, Vũ Trọng Phụng giữ một thái độ hoài nghi và khinh thị. Ngay cả khi ca tụng nông dân, Vũ Trọng Phụng cũng không tin ở nông dân.
Vũ Trọng Phụng có cảm tình với người cộng sản. Ở Vỡ đê ông đã cố gắng từ bỏ cái thái độ hoài nghi cố hữu của ông để miêu tả những người cộng sản. Nhưng càng miêu tả những người cộng sản, Vũ Trọng Phụng càng thất bại. Những nhân vật cộng sản mà ông xây dựng là những nhân vật có những hành động kỳ khôi không có trong thực tế.
Vũ Trọng Phụng hay tả những việc dâm ô. Ở chỗ này, ông có thể làm sa ngã thanh niên.
Nguy hiểm hơn hết là cái thái độ hoài nghi chán nản của Vũ Trọng Phụng biểu hiện ở toàn bộ các tác phẩm của ông. Thái độ hoài nghi chán nản này rút lại chỉ lợi cho bọn thực dân, bọn phong kiến mà thôi.
Tóm lại, ở các tác phẩm ông, Vũ Trọng có nhiều chỗ đáng khen, đáng học tập, nhưng cũng có nhiều bệnh tật nguy hại mà chúng ta phải đề phòng.
Nguyên nhân gì khiến cho Vũ Trọng Phụng vừa có ưu điểm và vừa có khuyết điểm như đã nói ở trên ?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi thấy trước hết chúng ta phải hiểu sơ qua cái xã hội Việt-nam trong sinh thời Vũ Trọng Phụng.
Thời Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là thời chủ nghĩa tư sản Pháp đã đi sâu vào con đường phản động. Để tiêu diệt tinh thần đấu tranh của nhân dân, giai cấp tư sản Pháp cầu cứu đến những phim ảnh khiêu dâm, sách báo khiêu dâm, đến những tiệm nhảy, những hộp đêm. Sau Đại chiến 1914-1918 sách báo khiêu dâm, phim ảnh khiêu dâm của Pháp được tung ra mỗi ngày một nhiều và mỗi ngày một trắng trợn chính là vì vậy. Và cũng chính vì vậy, những tiệm nhảy, hộp đêm ở Pháp càng ngày càng nhiều và càng quái gở.
Vũ Trọng Phụng cũng như nhiều nhà văn công khai cùng thế hệ với ông, tất nhiên không thể không chịu ảnh hưởng của cái văn hóa đồi trụy ấy.
Năm 1930-1931, như mọi người đều biết, cách mạng Việt nam bị thực dân Pháp dìm vào trong bể máu. Sau đó, tinh thần bi quan chán nản lan tràn vào đầu óc nhiều người. Văn hóa tư sản đồi trụy của Pháp do đó tìm được một chỗ đất mầu mỡ để bén chân và phát triển để rồi đẻ ra những sách báo khiêu dâm, những tiệm hút, tiệm nhảy, những hộp đêm mỗi ngày một nhiều ở khắp Bắc, Trung, Nam trong khoảng những năm 1932- 1939.
Thời kỳ 1932-1939 chính là thời kỳ Vũ Trọng Phụng nhập tịch làng báo, làng văn, rồi đạt được nhiều thành tích.
Vũ Trọng Phụng vốn sinh trưởng trong một gia đình nghèo. Ông sống giữa sự khinh khi đểu cáng của bọn trưởng giả khéo luồn lọt thực dân, nhưng lại vô cùng hống hách và tàn nhẫn với dân nghèo. Những kẻ như nghị Hách, tên tri huyện già huyện Cúc-lâm, tên thầu khoán Khoát, trong thực tế Vũ Trọng Phụng đã gặp khá nhiều. Lòng căm thù bọn trưởng giả của ông bắt
nguồn từ đó.
Trong thiếu thời và nhất là từ khi làm báo, Vũ Trọng Phụng có dịp qua lại nhiều lần những tiệm hút, tiệm nhảy, những nhà cô đầu, những hộp đêm. Ở những nơi này đã tập trung « cả một cái xã hội thất vọng trụy lạc oán đời, giận đời và chán đời ». Vũ Trọng Phụng đã gặp những người cũng uất hận như ông, cũng căm ghét xã hội như ông. Vũ Trọng Phụng càng ngày càng đi sâu vào cái xã hội trụy lạc ấy, do đó, ông càng có dịp hiểu thêm, ghét thêm những hạng người như nghị Hách, bà Phó Đoan, Văn Minh vợ Văn Minh chồng v.v… Nhưng Vũ Trọng Phung thấy chính những thành viên của « cái xã hội thất vọng và trụy lạc » kia cũng đáng ghét như ai. Vì chính họ cũng bẩn thỉu, cũng hèn nhát ; họ khinh đời, ghét đời là vì đời đã khinh họ ghét họ trước.
Vũ Trọng Phụng sinh ra bi quan, khinh hết thảy, ghét hết thảy, chửi hết thảy, muốn đập phá hết thảy, chính là vì thế.
Ở các tác phẩm của ông, Vũ Trọng Phụng đã phản ánh được tới một chừng mực nhất định cái xã hội thối nát, dâm ô, bẩn thỉu đương thời. Những đống phân trong cái chuồng ngựa là cái chế độ thực dân nửa phong kiến đã được Vũ Trọng Phụng bới tung lên để cho ai cũng thấy rằng chế độ ấy là thối tha phải đánh đổ nó đi. Nhưng bị điều kiện lịch sử hạn chế, Vũ Trọng Phụng không sao tìm được lực lượng xã hội nào có khả năng đánh đổ cái chế độ thối nát ấy đi.
Về cuối đời ông, chính mắt Vũ Trọng Phụng đã từng thấy những người cộng sản hy sinh thân thế, từ bỏ hạnh phúc cá nhân lao mình vào sự nghiệp vận động cách mạng, tuyên truyền tổ chức nhân dân đứng dậy đánh đổ cái chế độ xã hội đã
đẻ ra những nghị Hách, những tổng đốc, những tri huyện, những thầu khoán Khoát… là những sâu mọt của xã hội mà ông thù ghét đến cực điểm. Vũ Trọng Phụng đã tìm thấy ở người cộng sản, những người chân chính có quyết tâm đấu tranh để giải phóng loài người3. Do đó ở Vỡ đê, ta thấy Vũ Trọng Phụng đã yêu đời hơn, tin ở người nhiều hơn…
Tuy vậy trước sâu Vũ Trọng Phụng chỉ mới có cảm tình với người cộng sản, ông chỉ đứng ở xa mà miêu tả người cộng sản, cho nên ở tác phẩm của ông, người cộng sản có những hành động và ngữ ngôn không cộng sản một tý nào.
Rút lại, Vũ Trọng Phụng chỉ thành công ở chỗ phản ánh cái xã hội trụy lạc dâm ô là cái xã hội mà ông đã sống nhiều, lăn lội nhiều. Đi ra ngoài cái xã hội ấy, ta thấy Vũ Trọng Phụng bỡ ngỡ ngây thơ, nhất là ông lại càng bỡ ngỡ, ngây thơ khi ông muốn tả cái xã hội cách mạng mà ông yêu mến và tin tưởng.
Tháng Tư 1957
VĂN TÂN
TÌM HIỂU « GIA HUẤN CA »
(tiếp theo và hết)
của NGUYỄN HỒNG PHONG
NGƯỜI PHỤ NỮ CỔ HỦ TRONG GIA ĐÌNH PHONG KIẾN QUÝ TỘC
Phù hợp với quan niệm về kẻ sĩ trên đây, là quan niệm bảo thủ về người phụ nữ thể hiện ở bài Dạy con gái phải có đức hạnh trong Gia huấn ca. Nếu kẻ sĩ trong Gia huấn ca có những tư tưởng con buôn về thi cử, làm quan, thì người phụ nữ lạc hậu trong Gia huấn ca cũng hiểu hiện những đặc tính cổ hủ, ích kỷ trong sinh hoạt gia đình của lớp phong kiến địa chủ quan liêu. Nếu kẻ sĩ trong khi ôm mộng thi đỗ làm quan để có một đời sống xa hoa phù phiếm thì nó cũng yêu cầu ở người phụ nữ trong gia đình những đức hạnh cần thiết để củng cố nếp cũ của gia đình Nho giáo đang bị sinh hoạt của thị dân làm cho rạn vỡ, để tiếp tục tiến hành bóc lột tô, củng cố nền kinh tế tự nhiên đang bị lay chuyển. Cũng như kẻ sĩ trong Gia huấn ca là thể hiện sự bảo thủ và trụy lạc của giai cấp phong kiến quí tộc về phương diện chính trị, quan niệm lạc hậu về người phụ nữ trong Gia huấn ca là biểu hiện tư tưởng bảo thủ và ích kỷ của giai cấp phong kiến quí tộc về phương diện sinh hoạt gia đình, về phương diện kinh tế.
Trước hết, người phụ nữ trong bài Dạy con gái phải có đức hạnh là người phụ nữ làm chủ một gia đình đại địa chủ quí tộc. Về nữ công thì phải biết làm « bánh trong, bánh lọc », phải « ngoan nghề dệt vóc, may mền ». Khi cha mẹ ước « chim, gà, cá, thịt » thì « của nên ăn dù đắt cũng mua ». Phải biết quản lý « lũ nô tỳ trai gái dăm ba ». Đó là người phụ nữ vợ các quan to. « Quyền mệnh phụ (người đàn bà có chức tước) là mình làm chủ ». Do đó những lời khuyên về đức hạnh của người phụ nữ cũng là những giáo điều luân lý cổ hủ, hình thức, thuần túy Nho
giáo : nào là công, dung, ngôn, hạnh ; nào là :
Phận con gái ở nhà thi lễ,
Lắng mà nghe chuyện kể tam cương.
Dầu ái ân cùng chiếu cùng giường,
Đạo chồng sánh quân thần chi đạo.
Làm tôi con chỉ trung chỉ hiếu,
Làm dâu thì chỉ kính mới nên.
Tuy nhiên điều mới ở đây là những giáo điều Khổng Mạnh cứng nhắc, khô khan chỉ được nhắc qua một cách tóm tắt ở phần đầu, còn sau đó là những lời khuyên tỉ mỉ đi sát vào những vấn đề do thực tiễn sinh hoạt gia đình nẩy ra, do thực tiễn của đời sống kinh tế nẩy ra : từ việc coi sóc kẻ ăn người ở trong nhà « Trống canh một chớ đà vội ngủ », coi sóc hạt gạo đồng tiền « chắt chiu mà dè dặt mới nên » đến các việc tiếp đãi lân bang : « Đừng chửi mèo, mắng chó mà chi », ngày kỵ thì phải trông coi cỗ bàn cho chu tất « Nước đã đoạn rượu liền nhân thể » v.v… Từ việc cư xử với người chồng « cờ bạc rượu chè » đến việc chỉ trích « những kẻ đàn bà mất dạy », đến việc đe nẹt những người phụ nữ « không ăn lời dạy, việc giáo hình ắt phải ra tay », v.v… Tất cả những điều tỉ mỉ ấy là sự « áp dụng » luân lý, lễ giáo phong kiến vào những trường hợp cụ thể của sinh hoạt phức tạp trong gia đình phong kiến quí tộc.
Ta biết rằng bước sang thế kỷ thứ XIX, chế độ phong kiến quan liêu đã được khôi phục lại, Nho giáo cổ hủ lại được đề cao, mặc dầu chế độ phong kiến quan liêu và Nho giáo đã hết thời rồi. Kẻ sĩ thời này cũng giống như giai cấp phong kiến trở thành một lớp người ăn bám, vô ích cho xã hội. Nhân dân cũng nhìn thấy rõ như vậy, cho nên dù bọn thống trị muốn đặt ra bao nhiêu lễ nghi đế vương để thiêng liêng hóa triều đình phong
kiến lúc ấy thì nhân dân cũng không còn tin tưởng như dưới thời nhà Lê xưa nữa. Bọn phong kiến ra sức tuyên truyền Nho giáo, khôi phục lại trật tự Nho giáo thì cuối cùng chúng cũng chỉ có thể « huấn dụ » được trong-hàng ngũ của chúng mà thôi. Thậm
chí chính ngay trong hàng ngũ giai cấp phong kiến, cũng có trường hợp phản ứng lại Nho giáo. Nếu quân quyền không còn là cái gì thiêng liêng bất khả xâm phạm thì phu quyền và phụ quyền cũng vậy. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là Nho giáo chịu lùi bước đâu. Nếu ở thế kỷ thứ XIX, về phương diện xã hội có nhiều điểm tiến bộ bao nhiêu thì về phương diện chính trị nó lại càng bảo thủ, phản động bấy nhiêu, do đó yếu tố tiến bộ bị kìm hãm ; thì ở thế kỷ thứ XIX trong phạm vi gia đình, phụ quyền được ra sức đề cao để chống lại phản ứng của tư tưởng tự do cá nhân của những người tiểu sản xuất, của lớp thị dân.
Tác giả trong bài này, muốn khôi phục lại đức tính nghìn xưa của người phụ nữ phong kiến : công, dung, ngôn, hạnh, hiếu với cha mẹ, tôn kính và phục tòng chồng. Để tạo nên cái bề thế hào nhoáng bên ngoài của gia đình phong kiến, tác giả đã nói nhiều về chữ Lễ :
Quyền mệnh phụ là mình làm chủ
Trong đại hôn áo mũ thân nghinh
Kính người vợ phép Lễ kinh…
Trong khuê khổn giữ gìn khăn áo
… … …
Này con gái thuộc về khôn đạo
Khôn đức Nhu nết gái dịu dàng
Một đôi khi chân bước ra đường
Bề tôn trưởng thì lòng kính nhượng
Dù chẳng phải là ta hơi hướng
Nghĩa hương lân phải cất tiếng chào.
Thậm chí, tác giả lại áp dụng chữ Lễ vào những việc rất vụn vặt, tẹp nhẹp : đó là cách tiếp đãi khách trong ngày giỗ chạp sao cho ra vẻ sang trọng, bề thế :
Lúc lễ tất lẻn vào dọn cỗ,
Hãy pha trà tiếp đãi cho xong.
… … …
Nước đã đoạn rượu liền nhân thể,
Giục tiểu hầu bưng cỗ tiếp ra.
Nhà dưới ta mời họ đàn bà,
Coi sóc hỏi họ hàng con cháu.
Đến đây ta lại nghĩ đến vua Minh-mệnh. Để củng cố cái ngai vàng đã mọt rỗng bên trong, nhà vua ra sức chăm lo sơn cho nó một nước sơn rất hào nhoáng. Hắn đặt ra bao nhiêu nghi lễ đế vương : như thái thượng từ để coi về nghi tiết các lễ lớn, quang tộc tự để coi sóc lễ phẩm, định rõ phẩm cấp quan chế cho rõ rệt và thêm tôn ti trật tự. Qui mô việc làm thì có khác nhau, nhưng tính chất công việc thì chỉ là một. Cái lễ của triều đình Minh-mệnh cũng cùng một loại với cái lễ vụn vặt, tẹp nhẹp của bà « mệnh phụ » nọ mà thôi.
Trong khi chú ý đến lễ giáo hình thức, tác giả không quên chú ý đến những điều thiết thực, đặc biệt là những điều cần thiết mà người chủ một gia đình địa chủ quí tộc cần có. Chẳng hạn cách bóc lột người làm trong nhà :
Việc nhà có kẻ ăn người ở,
Từ trong ngoài như bảo trước sau.
Đồ ăn làm, ngày để đâu đâu,
Ban tối phải thu về cho đủ.
Trống canh một chớ đà vội ngủ,
Siêng năng thì chăm chú việc ta.
Lũ nô tỳ trai gái dăm ba,
Cơm chưa chín không cho khua xáo.
Đứa xay thóc, đứa thì giã gạo,
Đứa bếp thì chủ việc dọn cơm…
Cầm then khóa giữ bề thu phát,
Chắt chiu mà dè dặt mới nên.
Coi sóc từ hạt gạo đồng tiền…
Tư tưởng củng cố cơ sở của nền kinh tế tự nhiên thể hiện ở đây thật rõ rệt.
Trong khi khuyên răn người phụ nữ những điều lễ nghĩa, những điều thiết thực trong việc quản lý công việc làm ăn, tác giả cũng đồng thời yêu cầu ở người phụ nữ phải hiếu kính cha mẹ chồng và chồng. Nhưng người phụ nữ ở đây đã có một vai trò về kinh tế khá trong gia đình, trong lúc kẻ sĩ chỉ « dài lưng tốn vải » nên mỗi khi nói đến thái độ của người phụ nữ đối với cha mẹ, với chồng thì tác giả luôn luôn ngừa trước những lệch lạc sẵn có do địa vị trên của người phụ nữ gây ra, mà đả mạnh vào thái độ tự kiêu của người phụ nữ !
Chớ khoe mình bạc, mình tiền,
Đừng đỏng đảnh cậy khôn cậy khéo…
Muôn nghìn đừng thói kiêu ngoa…
Chớ khoe mình lắm thóc nhiều tiền…
Trong lúc mà gia đình Nho giáo còn thịnh, người phụ nữ còn bị coi hoàn toàn là kẻ nô lệ trong gia đình có thể dùng roi vọt để dạy dỗ, thì tất nhiên những hiện tượng trên đây không còn là phổ biến, tất nhiên không cần phải dùng « văn chương » mà
khuyên nhủ người phụ nữ như vậy. Sự khủng hoảng của gia đình Nho giáo ở đây xét tới cùng là do nền kinh tế hàng hóa đã có ảnh hưởng trong xã hội, và từ xã hội thâm nhập vào gia đình. Do quan hệ buôn bán người phụ nữ họ được tự do hơn, lại kiếm được tiền nên tư tưởng tác phong họ cũng có chỗ thay đổi, những thay đổi ấy đều làm lay chuyển gia đình Nho giáo :
Nhưng những kẻ đàn bà mất dạy
Lại gặp chồng sợ vợ như ma
Trách chi mà chẳng thói kiêu ngoa…
Bề họ mạc không hay kính nể
Nghĩ bon chen tiền bạc là khôn
Đường gia tài không biết vén vun
Nghĩ tha thướt áo quần là khéo
Gà eo óc, phòng loan uốn éo
Bầng mắt ra đã tỏ vầng ô…
Chồng mà sợ vợ như ma thì nhất định không còn gì là Nho giáo nữa rồi, mà anh chồng sợ vợ có lẽ vì vợ « bon chen » được nhiều tiền bạc do đó vợ mới « kiêu ngoa », không kính nể họ hàng, vợ mới có thể quần là áo lượt, và « bầng mắt ra đã tỏ vầng ô », được.
Tuy nhiên cũng như ở ngoài xã hội, thế lực của giai cấp phong kiến quý tộc vẫn mạnh hơn và lấn át lớp thị dân đương ngoi ngóp, yếu tố kinh tế tự nhiên đương lấn át yếu tố kinh tế hàng hóa, trong gia đình phu quyền và phụ quyền vẫn còn đủ sức củng cố địa vị của mình. Nên trong bài Dạy con gái phải có đức hạnh, tác giả đầy giọng khinh miệt, trịch thượng và hách dịch đối với người phụ nữ : nào là « Phận là gái ít đường giáo hối », nào là « Đường gia pháp không ăn lời dạy », thì « Việc giáo hình ắt phải ra tay ». Vậy nên khuyên người phụ nữ : «
Mộtniềmkínhthuậnvôvi,Trước làkhỏi nhục,sauthìnêndanh ».
MỘT QUAN NIỆM VỀ ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ : HÌNH THỨC PHONG KIẾN TÍNH, NỘI DUNG CÓ NHIỀU YẾU TỐ NHÂN DÂN TÍNH
Khác với tư tưởng bảo thủ và ích kỷ về đức hạnh của người phụ nữ trên kia, là tư tưởng tương đối tiến bộ, vị tha về đức hạnh của người phụ nữ thể hiện ở bài đầu tiên trong tập Gia huấn ca : Dạy vợ con. Mới đọc qua bài này người ta có thể cho là nó cũng không khác gì bài trên về căn bản, vì lẽ nó cũng có nói đến công, dung, ngôn, hạnh, nó cũng đề cao phu quyền : « Cứ lời chồng dạy mới yên cửa nhà » ; đề cao phụ quyền « Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng ». Nhưng thực ra nó khác bài trên rất nhiều. Cái khác là ở chỗ dưới cái hình thức phong kiến, nội dung chứa đựng rất nhiều yếu tố tiến bộ thể hiện tính trung thực, lòng vị tha, bác ái của nhân dân.
Trong xã hội phong kiến vì giới hạn của hoàn cảnh mỗi giai cấp, giới hạn của hoàn cảnh xã hội, chịu ảnh hưởng của ý thức hệ thống trị, mà những tác gia dưới thời phong kiến nói về bất cứ một vấn đề gì cũng đều dùng hình thức phong kiến để diễn đạt. Song không phải có hình thức phong kiến ắt là có nội dung 4phong kiến. Hình thức bao giờ cũng lạc hậu so với nội dung, nên thường khi nội dung đã tiến bộ rồi mà hình thức cũng không kịp biến đổi theo. Trong hầu hết các truyện nôm hình thức rõ ràng là hình thức phong kiến với các chủ đề : trung, hiếu, tiết, nghĩa. Nhưng nội dung của phần lớn các truyện nôm là nội dung nhân dân. Nói cách khác, khái niệm trung, hiếu, tiết, nghĩa không phải có một nội dung duy nhất và bất biến, có lúc nó biểu lộ tư tưởng của giai cấp phong kiến, có lúc nó lại biểu lộ tư tưởng của nhân dân. Hãy lấy khái niệm « trung » làm
thí dụ. Ở xã hội phong kiến với cơ sở kinh tế tự nhiên, với hệ thống bóc lột tô, thì không thể có một hình thức chính quyền nào khác ngoài hình thức nhà nước phong kiến do vua chúa cầm đầu. Cho nên trong hoàn cảnh xã hội ấy thái độ xấu tốt đối với nước không chỉ căn cứ ở chỗ trung với vua hay không trung với vua. Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi không phải vì lý tưởng trung với cá nhân ông vua, mà vì lúc ấy Lê Lợi là đầu não, là tượng trưng cho ý chí chiến đấu của nghĩa quân. Đến lúc ông vua nào đó đã trở thành phản động, hủ hóa mà còn có kẻ trung với vua, thì lòng trung ấy không phải là lòng yêu nước. Đấy chính là cái trung của Phạm Thái và một số các sĩ phu khác đối với nhà Lê, một giòng họ đã hết vai trò lịch sử và trở thành phản động, thoái hóa từ lâu. Đó là cái « trung » của bọn cố thần nhà Lê vận động cần vương, chống phong trào nông dân khởi nghĩa. Ở thế kỉ thứ XVIII từ quan lại to nhỏ đến các nho sĩ các cỡ đều phản kháng Tây-sơn quyết liệt, chính là thể hiện cái « trung » đó. Đạo hiếu cũng vậy, nếu hiếu chỉ là yêu kính cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu, thì chỉ là tình cảm nhân loại rất tự nhiên của nhân dân xưa nay đều có. Song nếu hiếu có nghĩa là tuyệt đối phục tùng cha mẹ, dù cha mẹ có sai, không đổi đạo cha trong ba năm v.v… thì đó là tình cảm phong kiến, xuất phát từ yêu cầu duy trì nền kinh tế tự nhiên cố định của giai cấp phong kiến bảo thủ. Tiết và nghĩa cũng phải phân biệt như vậy. Cho nên không phải cứ tác phẩm nào nói đến trung, hiếu, tiết, nghĩa, tức là tác phẩm ấy đứng trên quan điểm của giai cấp phong kiến. Chẳng hạn như truyện Trinh thử, từ tên truyện cho đến lời mở đầu và lời kết thúc đều nói về chữ Trinh của Nho giáo, nhưng nội dung truyện lại chỉ là đề cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ lao động mà thôi. Một người đàn bà có năm con, chồng mới chết, trong khi kiếm ăn, vì tai nạn phải trú chân
vào nhà một anh chàng nọ. Anh này có thói trăng hoa, vợ vừa vắng nhà, thấy chị này liền gạ gẫm đòi lấy. Ở trường hợp ấy tất cả mọi người phụ nữ đứng đắn đều phải từ chối. Đó hoàn toàn không phải vì trinh tiết theo kiểu phong kiến mà xử sự như thế.
Trở lại với bài Dạy vợ con trong Gia huấn ca, khi tìm hiểu nội dung những khái niệm hiếu, tiết, nghĩa trong bài này ta cũng cần phân biệt rõ tư tưởng nhân dân và tư tưởng giai cấp phong kiến nằm trong đó.
Người phụ nữ ở đây không phải là một « mệnh phụ », cũng không phải là một địa chủ. Họ chỉ có thể hoặc là thuộc thành phần tiểu nông có nghề phụ, hoặc là người buôn bán nhỏ vì thế tác giả mới có những lời khuyên.
Mua bán đừng điêu chác đong đưa
Mua đừng rảo riết quá lừa
Bán đừng bo xiết, ích ta hại người…
Đừng học cách tham lời đặt lãi
Lợi kẻ cho thì hại kẻ vay…
Hoặc lỡ thiếu phải điều lĩnh tạm
Dù ít nhiều liệu sớm tính xong
Việc chợ búa chăm chăm, chúi chúi
Buổi bán xong liệu vội ra về…
Có thể cho thấy sinh hoạt trên đây là của phú thương được không ? Chắc chắn không được vì, một là đối với phú thương lời khuyên ấy không có ý nghĩa, không có tác dụng, hai là sinh hoạt ấy không phải là sinh hoạt của phú thương.
Người phụ nữ trong bài này là thuộc thành phần tiến bộ trong xã hội đương thời (kinh doanh trong nền kinh tế tiểu nông), tác giả của bài này có tư tưởng của kẻ sĩ lớp dưới, vì thế
trong bài này yếu tố tiến bộ nhiều hơn và lấn át yếu tố bảo thủ, tư tưởng nhân đạo của nhân dân nổi bật lên bên cạnh tư tưởng ích kỷ của giai cấp phong kiến.
Về tư cách, tác giả yêu cầu người phụ nữ phải thuỳ mị, giản dị, đứng đắn : Nói thì không « đa quá, đa ngôn », ăn mặc không « mỹ miều chải chuốt » chỉ « Một vừa hai phải thì xong », « Khi đứng ngồi chớ hề lơ lẳng » khi hội hát linh đình thì được phép hãy đi, đi phải có mẹ già em nhỏ đừng đánh đàn đánh lũ, đừng nên chơi bời cờ bạc : bài phu, tam cúc, đố mười v.v… Qua những lời khuyên này, bên cạnh những tư tưởng cổ hủ giới hạn tự do của người phụ nữ, đã có nhiều tư tưởng tiến bộ : đề cao phẩm giá tốt đẹp của người phụ nữ lao động.
Trong công việc, tác giả yêu cầu ở người phụ nữ phải thật thà, vị tha và chăm chỉ. Đây là điểm đặc biệt, cũng là điểm tiến bộ của tác giả. Tác giả khuyên người phụ nữ mua bán phải thật thà : « Đừng bo xiết, ích ta hại người », không nên tham lời đặt lãi hại cho kẻ phải vay, việc chợ búa phải chăm chỉ, việc nhà phải thu vén, cũng không nên quên nữ công « Vá may giữ nếp đàn bà »… Khuyên buôn bán phải thật thà, phản đối cho vay lãi, rõ ràng đó là phản đối lại những thói xấu của bọn lái buôn chuyên nghiệp, và bọn địa chủ giàu có. Trước ảnh hưởng của đồng tiền đối với xã hội, đối với lương tâm của con người, tác giả đã đem triết lý số mệnh ra để chống lại :
Khó khăn chớ vật nài oán hối,
Hết bĩ rồi tới buổi thái lai.
Cầm cân, tạo hoá đổi dời,
Giàu ba họ, khó ba đời mấy ai ?
Đây có thể là mộng ước của tiểu tư sản, của người tiểu sản
xuất ở đầu thế kỷ thứ XIX, muốn leo lên cao hơn mà không có triển vọng, nên vẫn phải bám vào nếp cũ, chịu sự ràng buộc của nền kinh tế tự nhiên. Vì thế người phụ nữ vẫn còn bị nhiều giây rợ của gia đình Nho giáo làm vướng chân.
Tuy nhiên, vì thuộc thành phần giai cấp tiến bộ lúc ấy, nên tư tưởng tiến bộ vẫn chiếm địa vị chủ yếu trong bài Dạy vợ con. Thể hiện rõ nhất ở lòng nhân đạo, tình thương yêu đối với người nghèo khổ, sự tôn trọng phẩm giá con người. Những lời khuyên của tác giả về thái độ của người phụ nữ đối với những người trong gia đình, họ hàng, làng mạc chứng tỏ điều ấy. Xuyên qua cái hình thức phong kiến, gạt đi vài yếu tố phong kiến vương vãi trong bài, chúng ta sẽ thu được, những yếu tố của tư tưởng nhân văn.
Đối với cha mẹ thì không được phân biệt nội ngoại, cùng đội đức cù lao nên đều phải hiếu kính :
Ân cần, kẽ tóc, chân tơ…
Đừng nặng nhẹ tiếng chì tiếng bấc,
Đừng vùng vằng mặt vực, mặt lưng.
Có thì sớm tiến, trưa dâng,
Cơm ngon, canh ngọt cho bằng chị em.
Dù chẳng có thì yên một phận,
Người trên ta há giận ta sao…
Người đà vô sự ta thì an tâm.
Đối với chồng thì vì « tình sâu, nghĩa ái », không nên « mặt tái, mày tăm ». Phải nhớ : « Chữ « tuỳ » là phận đàn bà, « nhu mì để bụng chua ngoa gác ngoài ». Nên gặp chồng tửu sắc, cờ bạc thì kiên nhẫn uốn mãi may có thể mềm. Gặp chồng tàn ngược thì cắn răng chịu khổ đừng « nghiêng đầu, ngảnh cổ thiệt
thân » v.v… Những lời khuyên này, tuy không ra ngoài chữ « tuỳ », nhưng cũng đã nhìn thấu đau khổ, bất công mà người phụ nữ phải chịu dưới « phụ quyền », muốn làm giảm đau khổ của họ.
Nếu như quan hệ đối với phu quyền và phụ quyền yếu tố phong kiến còn đè nặng lên người phụ nữ, thì với những quan hệ khác yếu tố phong kiến ít đi, yếu tố nhân văn tăng lên.
Đối với những người lẽ mọn, với dâu rể, với tôi tớ tác giả có những lời thắm thiết, có phần nào thông cảm với người trong cảnh ngộ.
Đối với vợ lẽ :
Cũng da thịt cũng tai mắt thế,
Kém ta nên, phận ế hoa ôi,
Nghĩ tình ăn cạnh nằm ngoài,
Ấm no nên xót lấy người bơ vơ…
Đối với dâu rể :
Xử với rể một niềm kính trọng,
Dù dở hay đừng dọng mỉa mai.
Với dâu, dạy bảo phải lời,
Bắt khoan bắt nhặt, biết ai cho vừa !
Đối với tôi tớ, với người nghèo :
Bọt bèo là phận nô tỳ
Dạy nghiêm, ở thảo hai bề vẹn hai
Có câu ví « chiều người lấy việc »
Chẳng há nên ráo riết người ta
Hay thì nó ở lâu ra
Dở thì nó bước nào ta bận gì
Một đôi kẻ phải khi lỡ độ
Có thì cho chẳng có thì thôi
Chẳng nên nhiếc mắng nhiều lời
Cơ hàn hầu dễ có ai muốn gì.
Gia đình Nho giáo chưa bị đả kích trực tiếp, nhưng nó gián tiếp bị giảm uy tín, khi mà nỗi khổ của con người bị nó chà đạp, đã được ít nhiều nói tới. Chỉ cần xem thái độ đối với tôi tớ của người phụ nữ ở bài trước so với bài này đủ thấy rõ điều ấy.
Với bạn hữu chồng, với chị em, với trong họ ngoài làng tác giả cũng có những lời khuyên tương tự như vậy.
Tất cả những điều đó đã nói lên cái yêu cầu chủ quan của tác giả, mà đây chính là yêu cầu chủ yếu khi sáng tác : giảm nhẹ sự đau khổ của những người bị áp bức trong gia đình phong kiến. Từ yêu cầu đó nó đã tạo ra những điều kiện cho yếu tố nhân văn xuất hiện và chiếm ưu thế ở nhiều chỗ trong bài. Do yêu cầu đó mà trong bài tác giả đã vì hạnh phúc của những người bị đau khổ, chịu áp bức mà khuyên răn hơn là vì quyền lợi ích kỷ của giai cấp phong kiến địa chủ như bài trên. Đấy là chỗ khác nhau giữa thái độ khinh miệt đe nẹt người phụ nữ ở bài trên với thái độ phần nào thương yêu, thông cảm và coi trọng phẩm giá của người phụ nữ, của những người lao khổ ở bài này. Người phụ nữ ở trên mà không ăn lời dạy thì « việc giáo hình ắt phải ra tay », người phụ nữ ở đây nếu không cứ lời chồng dạy, không cắn răng chịu khổ thì chỉ thiệt mình, thì chỉ đáng thương thôi.
Tóm lại, ý thức hệ của tác giả bài này vẫn là ý thức hệ phong kiến, nhưng tác giả muốn một chế độ phong kiến mà trong đó hạnh phúc cá nhân được chú ý, phẩm giá con người được tôn trọng hơn chút ít. Cho nên bài này những lời khuyên
về đức hạnh của người phụ nữ nó mang hình thức Nho giáo, mà nội dung chứa đựng yếu tố của tư tưởng nhân đạo. Đó chính là tư tưởng tương đối tiến bộ của kẻ sĩ lớp dưới, đại biểu phần nào cho tư tưởng của tầng lớp tiểu sản xuất lúc ấy.
MỘT QUAN NIỆM VỀ NHÂN SINH HAY LÀ TƯ TƯỞNG NHÂN ĐẠO, BÁC ÁI CỦA NHÂN DÂN TRONG THỜI LOẠN LẠC
Ở bài trên tư tưởng nhân đạo, bác ái chỉ mới chớm nở và còn nằm trong khuôn khổ của quyền lợi ích kỷ của giai cấp phong kiến, chưa thoát ra được. Ở bài Dạy con ở cho có đức, tư tưởng này mới thực sự phát triển, nó thoát khỏi ra ngoài quyền lợi ích kỷ của giai cấp phong kiến, nó có tính chất nhân dân rất rõ rệt, nó là tư tưởng của nhân dân.
Bước vào thế kỷ thứ XIX, dưới triều Nguyễn phản động, nông dân phần nhiều lại lâm vào tình trạng phá sản vì mất đất, và bị bóc lột nặng nề. Thêm với nạn thiên tai, ôn dịch làm cho nông dân càng khổ sở hơn. Bọn quan lại thì tàn ác, tham ô, nhất là dưới thời Hồng Nhậm. Phong trào nông dân khởi nghĩa lại nhóm lên và ngày càng kịch liệt. Đấy là bấy nhiêu yếu tố tạo nên nguồn gốc của xu hướng tư tưởng từ bi, bác ái nhuốm mầu đạo Phật của nhân dân đầu thế kỷ XIX, mà bài này là một thí dụ điển hình. Lòng ham phú quí, danh vọng, lòng ham hạnh phúc vật chất ở đây đều biến đi, chỉ còn lại sự đau xót trước khổ sở của nhân dân, sự căm ghét và khinh bỉ những kẻ gian tham, ích kỷ, tàn ác, lòng nhân đạo, bác ái tha thiết và trung hậu.
Những người đáng thương là những người nghèo khổ thực sự, dù có khi lời thơ không nói trực tiếp đến cái nghèo khổ ấy :
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm giắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người quan, quả, cô, đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.
Ở đầu thế kỷ XIX, cái cảnh tượng : hàng nghìn người kéo nhau bỏ quê hương sang các miền khác tương đối khá hơn để xin ăn hay tìm việc làm, là cảnh thường thấy. Đoạn thơ trên đây, cũng gợi cho ta nghĩ lại đến những thảm cảnh của nhân dân thời đó.
Đây là lòng thương của người lao động, nó chân thực xuất phát từ đáy lòng, chứ không phải chỉ là lời nói ngoài môi : « tưởng như xẻ cửa xẻ nhà », mà « mười voi không được lưng bát xáo », cho nên nó có nội dung thiết thực, nó biểu hiện ở thái độ và hành vi chân thành cảm động :
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta đã bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây « cần, kiệm » gọi là làm duyên.
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghĩa trùng.
Chính tình thương tha thiết và chân thực trên đây đã đưa tác giả căm ghét khinh bỉ những kẻ ích kỷ, giả dối, vô lương tâm thời đó. Đó chính là bọn lái buôn, bọn địa chủ mà bằng những lời mỉa mai sâu cay, những nhận xét sắc sảo, tác giả đã
đem chúng ra lột mặt nạ. Tác giả đã nhìn thấu vào tâm địa của chúng như nhìn trên trang giấy :
Kìa người ăn ở, cơ cầu,
Ở thời chẳng biết về sau phòng mình.
Thấy ai đói rách thời khinh,
Cách nào là cách ích mình thì khen.
Hứng tay dưới, vớt tay trên,
Lọc lừa từng tí, bon chen từng đồng !
Ở thì phất giấy đan lồng,
Nói thì mở miệng như rồng như tiên.
Gan thì quá ngỡ sắt rèn,
Miệng thơn thớt nghĩ rơi tiền bạc ra.
Mặt lành khéo nói thực thà,
Tưởng như xẻ cửa, xẻ nhà cho nhau.
Ở nào mùi mẽ chi đâu,
Như tuồng cuội đất giấu đầu hở đuôi.
Nói lời lại nuốt lấy lời,
Một lưng bát xáo mười voi chưa đầy.
Thật là hiện thực. Thật là lột tả được tính tham lam, gian trá, lừa đảo, ích kỷ dưới bộ mặt nhân nghĩa giả tạo của địa chủ, con buôn. Đành rằng tác giả chưa thấy rõ được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi bọn địa chủ, con buôn với sự nghèo khổ của nhân dân, nên ở đây tác giả chỉ nặng về chỉ trích thái độ tương trợ của chúng mà thôi, nhưng ngòi bút hiện thực của tác giả đã vạch được một phần bản chất của giai cấp bóc lột. Vì thế mà cho đến ngày nay, qua gần thế kỷ, bài thơ vẫn còn rung động tâm hồn ta.
Bài thơ không chỉ nói lên lòng thương người, tinh thần bác ái, mà còn nói lên một quan niệm về cuộc sống, về hạnh phúc
của con người. Quan niệm này có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh xã hội thời Lê mạt Nguyễn sơ (xã hội nước ta nửa đầu thế kỷ thứ XIX nhất là dưới thời Hồng Nhậm : nhân dân đói khổ lưu vong, xã hội loạn lạc, thiên tai hoành hành, khởi nghĩa nông dân) :
Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần
Ở cho có đức có nhân
Mới mong đời trị được ăn lộc trời…
Của là muôn sự của chung
Sống không thác lại tay không có gì…
Ở cho phải có nhân nghì
Thơm danh vả lại làm bia miệng người
Hiền lành lấy tiếng với đời
Lòng người yêu dấu là trời độ ta
Tai ương hoạn nạn đều qua
Bụi trần rũ sạch thực là từ đây
Vàng tuy trời chẳng trao tay
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Ở xã hội Việt-nam, nửa đầu thế kỷ XIX, nông dân bị bọn quan lại địa chủ áp bức, bóc lột tàn nhẫn nên bị phá sản, nghèo đói, và nổi dậy khắp nơi. Những hành vi cướp phá các nhà giàu có quyền quí mà sử sách còn ghi lại không phải chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế, mà nó còn biểu lộ lòng căm thù của nhân dân đối với bọn ấy nữa, bọn đã làm bao nhiêu tội ác, làm cho nhân dân khổ sở. Thực trạng đó làm cho người ta liên hệ tới cái chân lý của đạo Phật : ác giả ác báo. Sự thực thì xưa kia cái gọi là ác giả ác báo không phải chỉ do lòng mong mỏi tha thiết ở một công lý tự nhiên, mà chính nó cũng bắt nguồn từ thực tế, nó vốn lưu hành trong nhân dân, mà Phật chỉ tổng kết và hệ thống
hoá nó lại mà thôi. Trong những thời kỳ mà trật tự xã hội bị lung lay, nhân dân nổi dậy khởi nghĩa thì những kẻ giàu có tàn ác rất lo sợ, như bọn quan tham ô sợ anh hùng Lương sơn bạc, Tú bà, Mã giám sinh, Hoạn thư v.v… sợ Từ Hải. Chính trong bài Dạy vợ con cũng có đoạn phản ánh tình trạng trên ; tuy tác giả khi nói ra vẫn chưa hiểu rõ. Tất cả những kẻ vì ăn ở cơ cầu (như đã kể ra ở trên) :
Cho nên mới phải lúc này
Cửa nhà tàn phá phút rày sạch trơn
Kẻ thì mắc phải vận nàn
Cửa nhà một khắc lại tàn như tro…
Rõ ràng là tác giả đã thấy mối liên hệ giữa « kẻ cơ cầu » và những tai nạn mà chúng phải chịu, song tác giả vẫn chưa thấy hoàn toàn đó là do lòng người chứ không phải là do Trời Phật gây ra, chính vì thế mà tác giả gán cho cả những kẻ phải lính, phải phu, phải bệnh dịch ôn v.v… cũng vào loại những kẻ xưa kia « ăn ở cơ cầu cả ». Tuy nhiên do thực tế của xã hội, do kinh nghiệm đau xót : « Sờ sờ trước mặt thực là thương thay » nên tác giả đã rút ra được một nhận xét, một chân lý rất đúng, rất thực tế : « Lòng người yêu dấu thì trời độ ta ». Trong thời bình, khi giai cấp phong kiến còn ngồi vững, khi chúng còn tác oai tác phúc được, người ta cho chúng có sức mạnh có thể quyết định hết thảy. Nhưng khi mà nhân dân đã nổi dậy chống lại chúng, khi mà chính quyền của chúng đã lung lay, thì hơn lúc nào hết người ta thấy vai trò quyết định của lực lượng nhân dân. Lúc ấy quả thực nhân dân yêu mến tức là « trời độ », nhân dân căm ghét tức là « trời phạt », dân tức là trời vậy. Tác giả đã thấy được một phần sự thực, đó là mối liên hệ giữa « kẻ cơ cầu » và sự đói khổ của nhân dân, sự loạn lạc của xã hội. Cho nên tác
giả đã thấy được, rút ra được một điều quan trọng :
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thế là đời loạn vì người ăn ở thất đức, bất nhân ; muốn cho đời được thái bình thịnh trị thì phải ở với nhau cho có nhân, có đức.
Thế là qua thực tiễn của chế độ phong kiến thối nát, của cuộc đấu tranh của nông dân, tác giả đã thấy được tuy chưa thật rõ và còn đượm mầu huyền bí, cái chân lý : lòng dân là lòng trời.
Hạnh phúc đáng quí nhất, theo tác giả là « bình an hai chữ », tiền tài, danh vọng không phải là cái quí, cái sẽ còn lại mãi :
Của đời muôn sự của chung,
Sống không thác lại tay không có gì.
Đành rằng đây là tư tưởng bi quan, nhuốm mầu tiêu cực : không thiết xây dựng cuộc sống, song nó cũng nói lên sự đau khổ, lòng bác ái đã thắng được những quyền lợi ích kỷ về vật chất, đấy là yếu tố tiến bộ của tư tưởng này. Sự tiến bộ này chỉ tương đối với tư tưởng bóc lột tham lam, truỵ lạc của phong kiến, địa chủ, lái buôn mà thôi.
Điều nổi bật nhất, cũng là giá trị chủ yếu về tư tưởng trong bài này là lòng bác ái. Lòng bác ái ở đây nẩy nở trên thực tiễn của xã hội ta thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX : đau khổ của nhân dân, sự tham lam tàn ác của bọn giàu có quyền quí. Từ lòng bác ái, với kinh nghiệm sống, đã nảy lên một quan niệm về hạnh phúc : hạnh phúc tạo nên bằng lòng bác ái. Kẻ bác ái sẽ được người yêu mến, mọi người đều bác ái thì đời sẽ trị, cuộc sống sẽ yên vui. Nhận thức được như vậy vì tác giả đã thấy
được một mặt nào đó của vai trò nhân dân trong xã hội. Đây là ý nghĩa nhân văn của bài thơ. Đây không phải chỉ là tư tưởng bi quan của đạo Phật, như ta thường gặp ở một số tác phẩm khác. Đem so sánh bài trên với đoạn nói về cuộc đời của Cung oán ngâm khúc thì ta thấy rõ ngay. Ở Cung oán đời là bể khổ của tất cả mọi người ; ở đây đời chỉ khổ nhất đối với người nghèo khổ mà thôi ; ở Cung oán « quyền hoạ phúc trời tranh mất cả » thì ở đây người ta có thể làm cho « đời trị » bằng « đức » bằng « nhân » được ; nên ở Cung oán tác giả chán nản muốn đi tu, ở đây thì tác giả muốn khuyên mọi người nghe lời nhân đức để làm cho đời tốt đẹp hơn. Những câu « Bụi trần rũ sạch thực là từ đây ». Của là của chung, « Sống không thác lại tay không có gì » ở đây không phải có ý nghĩa như một cứu cánh của cuộc sống, mà đấy chỉ là một phương tiện để đánh vào tính tham lam, ích kỷ của con người mà thôi, nên tư tưởng chủ yếu của bài thơ không phải tư tưởng bi quan, thoát ly của đạo Phật.
Bài thơ không dài, nhưng lời thơ thật thắm thiết, ý thật súc tích. Nhịp điệu rất êm đềm đôi chỗ réo rắt đi theo lời nói nỉ non, tha thiết có lúc cay đắng mỉa mai. Lời tự nhiên, ít sáo, không điển cố. Nội dung thiết thực. Hình ảnh rất sống. Về văn vần thời ấy, bài thơ này có thể liệt cùng loại với các tác phẩm hay nhất. Đọc nó, ta có thể liên tưởng tới bài thơ chiêu hồn của Nguyễn Du, tuy về tính chất và cường độ cảm xúc ở hai bài có chỗ khác nhau : một đằng thì bi thảm nghẹn ngào, nặng nề khúc mắc trong những đau buồn u uất, một đằng thì đau thương nhè nhẹ, yêu mến thiết tha với tình bác ái đượm mầu tôn giáo.
Cái khác nhau giữa bài Dạy con ở cho có đức với Cung oán với Văn tế thập loại chúng sinh có chỗ do thời đại khác nhau, cũng có chỗ do quan điểm xã hội của tác giả khác nhau.
Cả tập Gia huấn ca, sẽ chỉ còn lại bài này. Giá trị hiện thực và giá trị nhân văn ở bài này có thể đem so sánh với nhiều tác phẩm ưu tú đương thời.
KẾT LUẬN
Gia huấn ca đã phản ánh được về một mặt nhất định hai xu hướng tư tưởng trái ngược nhau của nửa đầu thế kỷ XIX : một là bảo thủ, phản động, một là tiến bộ. Gia huấn ca cũng phản ánh được nhiều mặt của tình trạng xã hội đương thời : chính trị thối nát, phong kiến địa chủ bóc lột nhân dân, kinh tế hàng hoá bị kìm hãm, tình cảnh đói khổ lưu vong của nông dân, những cuộc nông dân khởi nghĩa đương thời v.v…
Giá trị tư tưởng của Gia huấn ca nằm trong giá trị nhân văn của nó, giá trị ấy chỉ có ở hai bài, và sáng tỏ trong bài Dạy con ở cho có đức.
Lấy tình thương người nghèo khổ, làm giảm nhẹ những đau khổ của con người bị áp bức, để đối lại với sự chà đạp con người của giai cấp phong kiến trong phạm vi sinh hoạt gia đình. Lấy lòng từ bi, bác ái lấy tình nhân đạo để chống lại tính tham lam, tàn ác, ích kỷ của giai cấp phong kiến cùng bọn lái buôn giàu có trong phạm vi sinh hoạt xã hội. Đấy là ý nghĩa tiến bộ của một số bài trong Gia huấn ca.
Nếu Hồ Xuân Hương than thở cho thân phận lẽ mọn và chỉ trích nặng lời đối với chế độ đa thê thì tác giả bài Dạy vợ con khuyên người ta nên thương đến những người « phận ế hoa ôi » « bơ vơ » khổ sở. Nếu như trong truyện nôm vai trò phụ nữ nhiều chỗ được đề cao về mặt này mặt khác trong phạm vi xã hội, thì ở bài Dạy vợ con vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng được nâng cao hơn trước. Về triết lý xã hội, nếu như trong Cung oán cuộc đời chỉ là bể khổ và mộng ảo, nên lối thoát của cuộc đời là thoát ly xuất thế một cách tiêu cực ; thì trong bài
Dạy con ở cho có đức cuộc đời tuy có nhiều đau khổ, nhưng nguyên nhân bởi tại lòng người, nên phải tích cực dùng lòng nhân, đức để đổi lại cuộc đời cho tốt đẹp hơn.
Đấy là điểm hơn và điểm kém của phần tiến bộ trong Gia huấn ca đối với các tác phẩm văn nôm đương thời ; đấy là sự đồng nhất về tính chất giữa phần tiến bộ đó với các tác phẩm văn nôm đương thời, với ca dao : đồng nhất ở chủ nghĩa nhân văn.
Phần tiến bộ trong Gia huấn ca sẽ góp một phần nhỏ vào truyền thống nhân văn cổ điển của văn học nước ta thế kỷ thứ XVIII và đầu thế kỷ XIX : đề cao hạnh phúc cá nhân, yêu cầu tự do, yêu cầu tôn trọng phẩm giá con người, kêu gọi lòng nhân đạo, tình bác ái. Do chỗ ấy mà ngày nay chúng ta đã giới thiệu tác phẩm này.
Tháng 2-1957
NGUYỀN HỒNG PHONG
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VIỆT NAM QUA THƠ VĂN
của TRẦN HUY LIỆU
II. XUNG QUANH CÁI CHẾT CỦA HOÀNG DIỆU VÀ THÀNH HÀ-NỘI THẤT THỦ
TỪ căn cứ địa lục tỉnh Nam-kỳ, thực dân Pháp đánh tràn ra Bắc và Trung-kỳ mà đầu tiên là thành Hà-nội. Nguyễn Tri Phương, một lãnh tụ phái chủ chiến, với chiến lược thủ thế, đã đắp lũy Hải-châu Phúc-ninh chống với quân Pháp ở Đà-nẵng, đắp đồn Kỳ-hòa cản đường quân Pháp ở Gia-định, lại một lần nữa, chạm trán với tên tướng giặc Françis Garnier tại Hà-nội. Ngày 19-11-1873, thành Hà-nội bị hạ, Nguyễn Tri Phương bị thương rồi bị bắt, rồi tuyệt thực đến chết :
Tháng mười, mồng một, giờ dần5
Ầm ầm hạ tỉnh, là lần ngày xưa
Khi ấy có khâm thừa quan Nguyễn6
Cha con đều ngộ biến thất cơ7
Phò Lâm mắc nạn bây giờ
Cha già tuyệt thực còn chờ quyên sinh
Thành Hà-nội mất, cha con Nguyễn Tri Phương tử tiết đã được trả thù ngay bằng cuộc phản công của quân đội Lưu Vĩnh Phúc giết tướng giặc Françis Garnier tại ô Cầu Giấy. Người ta đương đợi một cuộc tổng phản công đuổi hết quân xâm lược ra khỏi miền Bắc thì chủ trương nghị hòa của Tự-đức lại đề ra :
… … …
Quan thừa thắng, diện bàn tướng sĩ,
Bất thình lình có chỉ vua ra.
Chuộc thành mà lại giảng hòa,
Định, An, Ninh, Hải8tới Hà-nội đây.
Quan Hoàng thống9nghe rày bứt rứt,
Lưu Hắc kỳ10kéo phứt lên Ngâu.11
Phá ngang việc ấy vì đâu ?
Nhà công xế bóng, cửa chầu long then.12
… … …
Điều niêm yết mới hòa ước đó,
Ngẫm kỹ xem thật khó nghe thay.
Non sông cao rộng thế này,
Nào người trí dũng, nào tay anh hùng ?
Thế rồi, sau khi hòa ước giáp tuất (1874) đã ký, thực dân Pháp dồn dân, chiếm đất lập đồn suốt một khu dọc bờ sông Nhị-hà, từ khoảng nhà Bảo tàng của viện Đông-phương Bác-cổ đến nhà thương Đồn Thủy (tức là nhà Hồng thập tự Liên-xô bây giờ). Cũng theo hòa ước, thực dân Pháp có quyền thu thuế thương chính và quyền tự do đi lại buôn bán ở khắp nơi. Nơi nghìn năm văn vật của đất nước từ đây đã hiện lên bóng dáng lũ thực dân :
Quan tư với lại quan ba,
Tìm nơi Hà-nội, lập tòa Tràng Tây.
Thấy phố xá, người đầy đất hẹp,
Nhà thứ dân rộn rịp chỉn khôn.
Thênh thang sẵn chốn Thủy Đồn,
Làm nhà ở cạnh ô môn Trường-tiền.
Khai thương chánh, thu biên thuế thủy,
Cùng quan ta quản lý thâu chung.
Rồi sau lại lập ngoài sông,
Nhà cao ngất ngưởng bên sông Nhị-hà.
Hòa ước 1874 đã đẩy triều đình Huế lùi thêm một bước, trái lại, làm đà đẩy thực dân Pháp tiến thêm một bước trong kế hoạch đánh chiếm toàn bộ nước ta. Thành phố Hà-nội là nơi
xung yếu dễ bùng nổ một cuộc chiến tranh bấy giờ. Năm 1880, vua Tự-đức phái Hoàng Diệu ra thay Trần Đình Túc làm tổng đốc Hà-nội.
Trần thì :
Quan thượng tỉnh tên là Đình Túc,
Nghĩ tuổi già, nhẫn nhục là xong.
Oán kia xếp để bên lòng,
Nói cười leo lẻo như dòng nước xuôi.
Hoàng thì :
Vốn người tính nóng, lòng ngay,
Dũng cương, chẳng biết đãi Tây như Trần.
Thực ra, âm mưu gây chiến ở Hà-nội đã nằm trong kế hoạch tiến hành của bọn xâm lược Pháp, thái độ vô sỉ của Trần Đình Túc hay thái độ cứng đờ của Hoàng Diệu không phải là một cớ làm thay đổi thời cục. Để xúc tiến việc đánh thành Hà-nội một lần nữa, bọn Pháp một mặt điều quân đến mỗi ngày mỗi nhiều, ra vào trong thành tự do ; một mặt cho lũ tay sai dở mọi trò khiêu khích. Thấy thế, Hoàng Diệu sai canh phòng cẩn mật, buộc những người ngoại quốc vào trong thành phải xin phép trước và xây dựng công sự phòng thủ trong thành luyện tập quân lính. Đối với bọn vong bản dựa vào thế lực của giặc, ông rất ghét. Đã có lần, ông đánh một tên thông ngôn của Pháp vì đã hỗn xược mặc dầu lệnh của Tự-đức truyền ra là không được đụng chạm gì đến Pháp :
Việc tỉnh vụ đương phần gióng giả,
Đánh thông ngôn làm hả nộ uy :
- Mi là người ở nước ni,
Mần răng không giữ lễ nghi ngôn từ ?
Nỗi nước nhà rối như mắc cửi,
Chừng gió tây, tầm gửi lấn ngành.
Lẽ đâu biết cũng làm thinh,
Dốc lòng ái quốc, nặng tình sự quân.
Từ canh thìn bước lần năm ngoái,
Sớ xây thành bên trại võ sinh.
Tập rèn lính tráng cho tinh,
Phòng khi sự bất thình lình làm sao.
Các cửa thành truyền giao canh cấm,
Giữ người Tây với khách vào ra :
Khi nào có việc nước nhà,
Có đơn xin trước mới hòa cho vô.
Tình thế mỗi lúc mỗi găng. Rồi, việc phải đến đã đến là : sáng ngày 25-4-1882, tướng Pháp là Henri Rivière hạ tối hậu thư cho Hoàng Diệu đòi phải triệt bỏ các công sự phòng ngự, giải giáp binh lính và đúng 8 giờ, thân hành đến dinh Pháp ở Trường Tây để quân Pháp chuẩn bị vào thành. Cố nhiên là Hoàng Diệu cũng như bao nhiêu người trong tập đoàn thống trị bấy giờ nếu còn chút lòng yêu nước, không cam tâm đầu hàng giặc thì nhất định không thể nhận được những điều kiện nhục nhã ấy. Thế là chiến sự bùng nổ. Tám giờ 15 phút, quân Pháp đánh thành, có 4 tầu chiến yểm hộ. Lúc đầu, chúng vấp phải sức kháng cự dũng mãnh của quân ta dưới sự đốc suất của Hoàng Diệu. Nhưng, cùng với chiến sự tiếp diễn, bọn quan Nam triều có trách nhiệm giữ thành đã ra mặt phản bội, hèn nhát tìm lối thoát thân. Án sát Tôn-thất Bá trước giờ nổ súng mượn cớ ra ngoài điều đình rồi trốn về làng Mọc (Nhân-mục), tư thông với địch. Bố chính Phan Văn Tuyển và đề đốc Lê Văn Trinh cùng các lãnh binh đều bỏ thành chạy trốn. Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng
trốn vào hành cung, bị giặc bắt, nhịn ăn rồi lại ăn để bám lấy sống thừa. Duy có Hoàng Diệu quyết chết theo thành, lấy khăn thắt cổ chết tại cây ổi lớn bên cạnh Võ-miếu13:
Giờ thìn mồng tám tháng ba,
Hạ thành này nữa ấy là thứ hai.
Quan Hoàng Diệu quyết tài nhất chiến,
Lãnh binh Đường xử biến hỏa công.
Đương cơn súng bắn đùng đùng,
Lãnh binh, bố chánh đều cùng trút ra.
Quan đốc bộ14đứng xa ngó thấy,
Nghĩ tức mình vào lạy hoàng cung.
Sau ra đến miếu Võ-công,
Buộc khăn tự tử, quyết lòng quyên sinh.
Quan tuần phủ thất tình khi nớ,
Đau lăng nhăng ba bữa lại lành.
Võ văn đều tếch ra thành,
Lên Đoài, sang Bắc15tan tành chạy tan.
Kể ngoài thành những quan nho nhỏ,
Tri phủ Hoài, huyện Thọ16là ai ?
Thọ-xương tếch những khi mai,
Trưa hôm ấy, chú phủ Hoài cũng bon.
Quan đi cả mà còn thành lũy,
Chạnh lòng người ngẫm nghĩ mà thương !
Quan chạy trốn, Tây vào. Gót giầy đinh giẵm lên những cái gì tôn quí nhất của phong kiến. Và chúng phá hết những công sự phòng ngự để đề phòng chiến sự tái diễn :
Kính thiên17ngai ngự thếp vàng,
Tây ngồi đánh chén với đoàn thanh lâu.18
Các chùa miếu đâu đâu đấy tá,
Can chi Tây cũng phá tan thành ?
Chủ kho Tượng cũng chẳng linh,
Để Tây đem đốt, ra tình trêu ngươi.
Kể chi hắn hại người đến thế,
Hạ thành rồi chẳng để cho xây.
Hà-nội thất thủ, nhân dân thành phố Hà-nội tản cư nheo nhóc. Nhưng ai nấy vẫn mong đợi cho ngày phản công trở về chiếm lại quê hương…
Tỉnh Hà-nội, những người phố xá,
Chạy loạn Tây vất vả cũng thương.
Xách già ôm trẻ vội vàng,
Về quê ăn tuyệt tư lương sạch rồi.
Ở cũng cực, ra thời cũng cực,
Tưởng bán buôn mà bực mọi bề.
Bằng ai có chợ có quê,
Tiện phương thương mại, tiện nghề điền viên.
Cũng có kẻ quen miền phố xá,
Thói quê mùa, bỡ ngỡ xưa nay.
Ra hài, vào hán thế này,
Bây giờ lại phải giãi dầy tuyết sương.
… … …
Dân xiêu lạc hỏi săn hỏi đón,
Về đánh Tây có bọn nào không ?
Đồn : quan tiết chế Hoàng công,19
Hắc-kỳ20 hợp với Sơn Hùng21cũng đông.
Đang sắm sửa hỏa công, khí giới,
Tế cờ rồi ngài mới cất quân.
Người ta tấp tểnh nghe dần,
Bữa mai bữa mốt đại thần về đây.
Đỏ như mắt cá chày mong mỏi,
Tính ngón tay đã ngoại tháng ba.
và
Rạng nghe đóng trên miền Dày, Kẻ,22
Mai lại nghe ở Vẽ ở Vòng.23
Lại nghe mới tiến đến Phùng,24
Lại nghe ngài đóng ở vùng Thanh-oai.25
Nghe đồn tiếng rằng ngài Phủ-lý,
Huyện Nam-sang26quân thủy đóng thuyền.
Đồn rằng ngài ở Tam Tuyên,27
Hắc-kỳ vừa tới, Thanh-biền28vừa qua.
Trong lúc ấy, dưới quyền thống trị của thực dân Pháp, trong thành Hà-nội đã hiện ra những cảnh khuất phục lố lăng :
Đàn bà phải lấy Tây cũng bực,
Dẫu rậm râu, mạnh sức cũng liều.
Người Nam lớn bé bao nhiêu,
Ở hầu, nấu bếp cũng đều làm ăn.
Cô thông sát, thông năm vô số,
Vợ quan Tây, bà cố chan chan.29
Võng đào, giầy thắm nghênh ngang,
Mới hôm nọ, đã bà quan tềnh táng…
Cũng trong lúc ấy, nhân dân ở các địa phương bị khốn khổ điêu đứng vì phải phục dịch cho quân đội Mãn Thanh và quân đội Nam triều : đánh giặc thì ít, sách nhiễu dân thì nhiều :
Bắc-ninh với lại Tuyên-quang,
Quảng-yên, Thái Lạng vô vàn Thanh quân.
… … …
Sơn, Hưng phải làm kho chứa sẵn, Lưỡng biên giang cứ thẳng kéo về. Tỉnh thành cho chí thôn quê,
Chỉ lo chết đói mà mê mẩn người. Còn dũng, tráng trêu ngươi bặng nhặng, Người làm công thẳng thẳng lưng xơi (?) Nghĩ buồn Nam Việt sự đời,
Những ăn hà tiện, của thời cho ai. Nay Tây cậy có tài thiện thủy,30
Đường sơn lâm hẳn bí kế thôi.
Tầu bè ngược ngược xuôi xuôi,
Lên Sơn, Hưng đoạn, lại hồi Trường Tây. Chú khách cậy quân này thiện bộ,31 Dòng Nhị-hà hắn đố dám qua.
Đi đâu quanh quẩn thế mà,
Hết Lâm32, Đoan33lại Bảo-hà34, sông Ngâu. Hai bên cứ giữ nhau thế mãi,
Hay sợ hơi, có phải hay không ?
Bên e trái phá, thần công,
Bên e cờ úp,35thung36trồng đâm ngay. Sao mà giữ mãi thế này,
Tây thì Hà-nội, Ngô37rầy Sơn, Hưng.38 Tính thấm thoắt qua chừng tháng chín, Quýt đỏ trôn39còn nhẫn40bao lâu ? Lại một hẹn rằng sau tháng chín,
Quan Tàu về, chẳng nhịn nữa đâu. Chuyện như khất nợ với nhau,
Mấy mươi tháng nữa mới hầu được yên ?
Những vần trên đây, chúng tôi trích ở bài Hà thành thất thủ ca. Theo sự nghiên cứu của ông Hoàng Xuân Hãn, thì, bài này làm từ tháng tư năm nhâm ngọ (1882) và sau thêm dần, cho đến tháng chín. Còn tác giả là ai thì đến nay cũng chưa tìm ra. Chỉ thấy rằng người làm bài này, bằng lối văn tự sự giản dị và chất phác, nhiều chỗ như bàng quan, không giống với lời lẽ trong Chính khí ca ; nhưng cũng đã tả được phần nào tình trạng hồi bấy giờ.
*
Khác với bài Hà-thành thất thủ kể trên, bài Hà-thành thất thủ chí công quá ca41, tục gọi là Chính khí ca mà chúng tôi trích dưới đây là một bản án ghi công luận tội rõ ràng. Tác giả bài này, nhiều người nói là Ba Giai, một nhà văn trào phúng nổi tiếng đương thời ; nhưng vẫn chưa lấy gì làm chắc. Trong khi ghi công luận tội, tác giả cố nhiên đứng trên lập trường phong kiến ; nhưng đã rọi được ra ánh sáng của chính nghĩa : căm thù giặc nước, tôn kính những người hy sinh vì nước và khinh ghét những kẻ hèn nhát, cầu an.
Tả cảnh chiến đấu khi quân Pháp tấn công thành Hà-nội, tác giả không phải chỉ thuật những diễn biến xảy ra, mà còn hòa một nhịp mừng, giận, vui, buồn của một tấm lòng yêu nước, thù giặc, yêu trung, ghét gian :
Vừa năm nhâm ngọ, tháng ba,42
Sáng mai mồng tám bước qua giờ thìn.43
Biết cơ trước đã giữ gìn,
Hơn trăm vũ sĩ, vài nghìn tinh binh.
Tiên nghiêm44lên đóng trên thành,
Thệ sư45rót chén rượu quỳnh đầy vơi.
Văn quan vũ tướng nghe lời,
Hầm hầm xin quyết một bài tận trung.
Ra oai xuống lệnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã ầm ầm pháo ran.
Tiêm cừu46nổi giận xung quan,47
Quyết rằng chẳng để chi đoàn chó dê.
Lửa phun, súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỉ48 hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra, nghe chết cũng nhiều,
Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm.
Quan quân đắc chí, bình tâm,
Cửa Đông, cửa Bắc vẫn cầm cự binh.
Chém cha cái lũ hôi tanh !
Phen này quét sạch sành sanh mới là !
Nào ngờ thất ý tại ta,
Tưởng rằng thắng trạng49, hóa mà thua cơ.
Nội công50có sẵn bao giờ,
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngả theo.
Quan quân sợ chết, thảy đều…
Thành Tây, bạch quỉ đánh liều trèo lên :
Nào ai cơm nắm dốc đền51?
Nào ai nắm vững cho bền ba quân ?
Nào ai còn chí kinh luân ?
Nào ai nghĩ đến thánh quân trên đầu ?
Trước tình cảnh ấy Hoàng Diệu, người có trách nhiệm giữ thành không còn giải pháp nào khác hơn là chết theo thành :
Một cơn gió thảm mưa sầu,
Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son.
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao, biển rộng, đất dầy,
Núi Nùng, sông Nhị, chốn này làm ghi.
Bây giờ đến lượt dư luận kiểm điểm trong đám mũ cao áo dài, ai công ai tội ?
Long thành52thất thủ hai phen,
Kho tàng hết sạch binh quyền rời tan.
Đổi thay trải mấy vì quan,
Quyên sinh, tựu nghĩa53có gan mấy người ?
Trước quan võ hiển khâm sai,54
Sau quan tổng đốc55một vài mà thôi.
Ngoài ra võ giáp, văn khôi,56
Quan, bào, trâm, hốt nhác coi ngỡ là…57
Khi binh nhiễu hại dân ta,
Túi tham vơ vét chẳng tha miếng gì.
Đến khi hoạn nạn, gian nguy,
Mắt trông ngơ ngáo, chân đi gập ghềnh.
Võ như đề đốc Lê Trinh,
Cùng là chánh, phó lãnh binh một đoàn.
Đương khi giao chiến ngang tàng,
Thấy quân hầu đổ vội vàng chạy ngay.
Nghĩ coi thật đã ghê thay,
Bảo thân58chước ấy, ai bày sẵn cho.
Thế mà nghe nói mơ hồ…
Rằng quan Đề-đốc xuống hồ cửa Tây.
Kẻ rằng treo ở cành cây,
Kẻ rằng hẳn dưới giếng này chẳng sai.
Thăm tìm tối lại hoà mai,59
Những toan hợp táng ở nơi học đường.60 Hỏi ra sau mới tỏ tường :
Cũng loài uý tử61, cùng phường tham sinh.62 … … …
Văn như tuần phủ, nực cười,63
Bình Chi là hiệu, năm mươi tuổi già. Biết bao cơm áo nước nhà,
Kể trong sĩ tịch64cũng là đại viên.65 Chén non chưa cạn lời nguyền,
Nỡ nào bỗng chốc quên liền ngay đi. Lại còn quanh quẩn làm chi ?
Hay là thương tiếc vật gì ở đây ?
Hay là có chước bình Tây ?66
Trước kia hoảng hốt, sau này nghiên tinh.67 Hay còn tiếc cái xuân xanh,
Tìm nơi, kiếm chốn gieo mình trú chân ? Hay là còn chút từ thân,68
Đã toan tịch cốc69mấy lần lại thôi ? Sao không biết xấu với đời ?
Sao không biết thẹn với người tử trung ?70 Kìa Tôn-thất Bá, niết công,71
Kim chi, ngọc diệp72, vốn dòng tôn nhân.73 Đã quốc tộc, lại vương thần,
Tưởng nên hết sức kinh luân74mới là. Nước non vẫn nước non nhà,
Nỡ nào bán rẻ một toà Thăng-long ! Thế mà liệu đã chẳng xong,
Mặt nào còn đứng trong vòng lưỡng gian.75 Tư giao76rắp những mưu gian,
Thừa cơ, mượn tiếng hội thương77ra ngoài.
Ấy mới ngoan, ấy mới tài,
Lẩn đi tránh tiếng, dục người nói quanh.
Dâng công, quyền nhận tỉnh thành,
Lại toan đổ tội một mình quan trên.78
Tội danh thật đã quả nhiên,
Xin đem giao xuống cửu nguyên chế đài.79
Lân la kể đến phiên đài,80
Xỉ ban81cũng đã tuổi ngoài sáu mươi.
Thác trong thôi cũng nên đời,
Sống thừa chi để kẻ cười, người chê.
Nhị-hà, Tản-lĩnh82đi về,
Giang sơn tuyết chở, sương che cũng liều.
Còn như ti thuộc hạ liêu,
Kẻ công người tội còn nhiều chan chan.
Biết đâu cho khắp mà bàn,
Sau này đã có sử quan phẩm bình…
Bài Chính khí ca mà chúng tôi trích dẫn từng đoạn ở trên, đã kết thúc bằng 4 câu sau đây :
Hà thành văn vũ công hầu,
Càng nghe thấy chuyện, càng rầu bên tai.
Diễn ca Chính khí một bài,
Để cho thiên hạ đời đời khuyên răn.
Mặc dầu chưa biết đích xác ai là tác giả, bài này có thể đại biểu cho dư luận sĩ phu bấy giờ, mà trong thời phong kiến, đại biểu dư luận sĩ phu cũng có thể là đại biểu dư luận dân chúng.
Cũng một dọng như bài Hà thành thất thủ chí công quá ca ở trên, tập Hà thành thất thủ án, với những lời lẽ đanh thép và
mỉa mai, cũng không rõ tác giả là ai, gồm có 9 bài thơ tám câu, mở đầu là bài Tổng vịnh đã tả bật lên cái tình cảnh bấy giờ :
Trái phá Tây chăm chực bắn vào,
Chỉ83không cho đánh biết làm sao !
Ngọn cờ tướng lệnh oai linh gượng,
Chén rượu Đông-môn khảng khái phào.
Uất khí Nùng-sơn cây muốn cựa,
Thương tâm Nhị-thuỷ sóng tranh xao.
Rặng hoa Võ miếu rơi thơm mãi,84
Sống trộm ghê trông thẹn biết bao !
và ca tụng người đã chết theo thành : Hoàng Diệu :
Khảng khái ai hơn đốc bộ Hoàng,
Khăng khăng dạ sắt với gan vàng.
Bóng chiều khôn lẽ đem về ngọ,85
Nợ nước xin đền một nắm xương.
Võ-miếu cây treo dày tiết nghĩa,
Nùng-sơn đá tạc chữ cương thường.
Thành năm quí dậu86nào ai trách,
Chính khí không hề87thẹn tuyết sương.
Ngoài ra, bọn tuần phủ, bố chánh, án sát, đề đốc bấy giờ mỗi tên đều được lĩnh một bản án của dư luận :
Này đây là tuần phủ Hoàng Hữu Xứng :
Thành hạ88quan tuần phải buổi se,89
Sân rồng phục vị chỉ ngồi nghe.
Quyên sinh lại nghĩ thân còn vướng,
Nhất quyết nhiều khi mắt đỏ hoe.
Ba bữa không cơm đánh uống giận,
Mấy phen áp chảo cũng ăn dè.
Giảng hòa nghe tiếng mừng mê mẩn, Một đỉnh đình đinh chuyện bé mè !
Này đây là bố chánh Phan Văn Tuyển :
Cửa Đông tiếng súng nổ đùng đoành, Quan bố mau chân đã trụt thành. Chỉ cái non gan mà bất học,
Chăm câu già chạy để thâu sinh.90 Xui lòng Hoài-đức91lây thêm ghét, Gớm mặt Sơn-tây92muốn dứt tình. Quan lại có đâu mà tệ thế !
Ngàn thu một tiếng để lưu danh.
và :
Đường đường đại tỉnh mặt phiên đài,93 Nhĩ mục94trông vào há phải chơi. Đứng chốn can thành95nghe cũng cực, Tới trong đại tiết nỡ nào rơi.
Làm trai sinh tử coi như bỡn,
Đến cuộc phong ba phải khác người. Gặp lúc chết thơm mà sợ chết,
Trụt thành sống để dựng bia cười. Này đây là án sát Tôn-thất Bá :
Tỉnh ta quan án được Tây thương, Bảo trước đi ra đủ mọi đường.
… … …96
Thẳng về Nhân-mục97thuê làm sớ, Hẹn với Thông Phong98lúc xuống Trường.99 Kể nỗi mưu thâm đà thật khéo,
Phải liều khi trả với quân vương.
và :
Biết trước tin nên khéo lảng ngoài,
Hạ thành ba bữa võng tìm ngài.
… … …100
Càng hay Tôn-thất, Tây càng dụng,
Tổng đốc phen này hẳn chẳng sai.
Này đây là đề đốc Lê Văn Trinh :
Nhắc câu Thái-lĩnh101với hồng mao,102
Hứa quốc103quan Đề khảng khái sao !
Thắt cổ tay còn bưng lấy chạc,
Trẫm mình đầu lại ngỏng lên cao.
Rờ lưng tìm thuốc rơi đâu quách,
Lấy hốt làm gươm thích chẳng vào.
Tứ bất tử104rồi ngơ ngẩn mãi,
Hỏi thăm quan Bố chạy nơi nao.
Qua mấy bài kể trên, những cái chết vinh và sống nhục xung quanh vụ Hà-thành thất thủ đã được phơi ra ánh sáng của dư luận. Người ta càng ca tụng cái chết của Hoàng Diệu bao nhiêu thì càng mỉa mai cái sống thừa của một số triều thần hèn nhát bấy nhiêu. Cố nhiên là, trên quan niệm nho giáo, búa rìu của dư luận bấy giờ nhằm vào là những kẻ « đội ơn vua, ăn lộc nước » từ đời này đến đời khác rồi đến khi gặp việc thì phản vua, hại nước, bỏ thành, thoát thân, thậm chí đến hàng giặc để mưu đồ một thứ phú quí bẩn thỉu khác. Giữa những cái sống bỉ ổi, nhục nhã ấy, cái chết của Hoàng Diệu được nổi bật lên mà người ta cho là vì cương thường, vì chính nghĩa, không còn giải pháp nào khác. Tuy vậy, trong lúc non sông đương bị chìm đắm,
giai cấp phong kiến đương phân hoá, chúng ta sẽ còn thấy nó biểu hiện ra trong những cuộc chiến đấu bằng chính trị, bằng quân sự, cho đến cuối thế kỷ XIX, mà hình thái đấu tranh bắt đầu biểu hiện ra trong dư luận. Xung quanh cái chết của Hoàng Diệu còn nhiều bài thơ, câu đối, văn tế, v.v… Hồi ấy, nước ta chưa có báo chí nên dư luận chưa có phương tiện phổ biến. Nhưng một số câu thơ ca truyền khẩu bắt nguồn từ trong đám sĩ phu rồi lan dần dần vào trong quần chúng. Trong đó có bài đã được in ra, có bài còn nằm trong trí nhớ của những cố lão còn sót lại mà chúng ta phải vội ghi lấy để tìm hiểu một làn dư luận đã qua.
Ba bài điếu Hoàng Diệu, không biết do ai làm mà hồi ấy đã nêu liệt sĩ họ Hoàng lên tới cao độ của tiết tháo nhà nho và cũng không quên mắng nhiếc bọn tham sống sợ chết đương thời :
Liệt nhật nghiêm sương chiêu khí tiết,
烈日嚴霜昭氣節
Nùng sơn Nhị thuỷ thụ cương thường.105
濃山珥水樹綱常
Niệm trí thân đà phải nghĩa với quân vương,
Chữ trung liệt lại làm gương thiên cổ.
Nào những kẻ thâu sinh106ngắm đó,
Mặt trân trân có hổ với đời không ?
và :
Lâm đại tiết bất khả đoạt dã,107
臨大節不可奪也
Hoàng chê đài108thật dạ kiên trinh.
và :
Cơn tựu nghĩa gan vàng dạ đá,
Lòng trung trinh soi khắp cả nghìn phương. Ấy cũng là một mối cương thường, Cho những kẻ văn chương theo cốt cách. Mãn triều đô thị thanh hồng khách,109 滿朝都是青紅客
Báo quốc vong thân độc nhất quân,110 報國亡身獨一君
Gẫm xưa nay chưa dễ mấy lần,
Đã được mấy trung thần như thế ấy ! Ngô nhân khoa hoạn phùng thời dị, 吾人科宦逢時易
Và :
Thần tử thung dung tựu nghĩa nan.111 臣子從容就義難
Quan Hà Ninh tổng đốc họ Hoàng, Cơn thảng thốt112vững vàng gan sắt đá. Giận bạch quỉ113bất tuân vương hoá,114 Mang chiến thư ra dạ bội hoà.
Giữ cô thành115một trận xông pha, Có Nùng-lĩnh116, Nhị-hà soi chính khí.
và :
Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,117
Tử ư quốc sự, tử cương thường.118 人生自古誰無死
死於國事死綱常
Lòng xem khinh tên đạn một trường, Lấy danh tiết lưu phương119làm trọng.
"""