NGÀY 19-6 vừa qua, Ban chấp hành quốc tế khoa học lịch sử đã họp ở Lô-dan (Lausanne) thuộc Thụy-sĩ để chuẩn bị cho cuộc đại hội thứ 11 các tổ chức các nhà khoa học lịch sử.
Như chúng ta đã biết, đại hội thứ 10 của tổ chức này đã họp ở La-mã (Ý) vào cuối năm 1955. Trong số đại biểu sử học của 35 nước tham gia, còn vắng mặt nhiều đại biểu các nước phương đông cũng như trong đại hội, ít bàn đến những vấn đề lịch sử phương đông. Đó là những điều thiếu sót quan trọng cần phải bổ cứu.
Tháng 7-1956, Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử và Địa lý (Văn, Sử, Địa) ở Việt-nam đã gửi đơn cho Ban chấp hành quốc tế khoa học lịch sử xin gia nhập tổ chức, kèm theo những tài liệu cần thiết của một đơn vị hội viên xin tham gia. Theo bức thư đề ngày 28-12-1956, ông Michel François, tổng thư ký Ban chấp hành, đã báo cho Ban nghiên cứu Văn Sử Địa ở Việt-nam biết là đơn xin gia nhập của Ban sẽ được ghi vào chương trình nghị sự trong phiên họp của Ban chấp hành sắp tới. Tiếp theo bức thư này, ngày 15-4-1957, ông Tổng thư ký Ban chấp hành quốc tế khoa học lịch sử đã báo tin cho ông Trần Huy Liệu, Trưởng ban nghiên cứu Văn Sử Địa ở Việt-nam, về địa điểm và thời gian họp Ban chấp hành. Theo lời ông, đơn xin gia nhập của Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa Việt-nam sẽ xét vào ngày 18-6, trước ngày họp Ban chấp hành một ngày.
Vấn đề đề ra là một tổ chức quốc tế khoa học lịch sử có thể thiếu mặt đại biểu của giới sử học Việt-nam, hay nói một cách khác, các nhà sử học Việt-nam có cần phải có đại biểu trong một tổ chức quốc tế khoa học lịch sử không ?
Nước Việt-nam có một nền văn hóa lâu đời ; nền sử học Việt-nam cũng có từ lâu đời, đó là một sự thật lịch sử. Không kể những thần thoại, truyền thuyết từ trước, lịch sử do người Việt-nam biên soạn thành văn đã bắt đầu có từ thế kỷ thứ XIII. Ngoài thông sử, những loại khác như chuyên sử, dật sử, tạp ký lịch sử v.v… cũng khá phong phú. Chúng ta có thể tự hào là nền sử học Việt-nam đã được xây dựng từ lâu đời, đã có những cống hiến quí giá trong kho tàng văn hóa dân tộc và góp vào kho tàng văn hóa thế giới.
Sau cách mạng tháng Tám, nước Việt-nam dân chủ cộng hòa thành lập, giới sử học Việt-nam, với những vốn cũ của dân tộc, lại được trang bị bằng một quan điểm mới, quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Qua những năm kháng chiến, từ khi hòa bình lập lại, các nhà sử học Việt-nam đương bước vào một giai đoạn mới về tổ chức cũng như về công tác. Ban nghiên cứu Văn Sử Địa thuộc Bộ Giáo dục nước Việt-nam dân chủ cộng hòa tập hợp một số lớn các nhà sử học, văn học và địa lý hiện nay là một cơ quan nghiên cứu của nhà nước, được nhân dân Việt-nam tín nhiệm và đã đặt quan hệ với nhiều tổ chức khoa học ở quốc tế. Rồi đây, những tập đoàn khoa học, khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên ở Việt-nam sẽ ngày càng được kết hợp trong một tổ chức rộng rãi. Với những cơ sở đã sẵn có, thành tích sơ bộ đã đạt được, các nhà sử học Việt-nam rất xứng đáng được có mặt ở hội nghị quốc tế khoa học lịch sử.
Chúng tôi tin rằng : sau phiên họp Ban chấp hành của hội đồng quốc tế khoa học lịch sử ở Lô-dan (Lausanne), cuộc đại hội thứ 11 sắp tới sẽ không thiếu mặt các đại biểu sử học ở phương đông, trong đó có Trung-quốc, Triều-tiên và Việt-nam để góp phần vào việc xây dựng nền sử học quốc tế.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA
Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 29.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn