"
Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 13: Số Đặc Biệt Về Hội Nghị Cách Mạng Nga 1905-1907 ở Mạc Tư Khoa full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 13: Số Đặc Biệt Về Hội Nghị Cách Mạng Nga 1905-1907 ở Mạc Tư Khoa full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA 13 Tác giả : NHIỀU TÁC GIẢ
Nhà xuất bản : BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA Năm xuất bản : 1956
------------------------
Nguồn sách : Từ Đức Châu
Đánh máy : mopie, thao nguyen,
minhf@yahoo, Patimiha, ganbunma, chip_mars
Kiểm tra chính tả : Nguyễn Kim Thanh,
Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Tuấn Anh
Biên tập Chữ Hán-Nôm : Liêu Vĩnh Hảo, Nguyễn Long Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 22/02/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn CÁC TÁC GIẢ và BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC LIÊN-XÔ VÀ NHỮNG NGƯỜI CÔNG TÁC KHOA HỌC VIỆT-NAM
NHỮNG NGÀY HỘI NGHỊ
Ý NGHĨA LỊCH SỬ THẾ GIỚI CỦA CÁCH MẠNG 1905-1907 NHỮNG BÀI HỌC CỦA CÁCH MẠNG NGA 1905 VÀ VIỆT NAM CÁCH MẠNG NGA LẦN THỨ NHẤT VỚI TRUNG-QUỐC
CỤ PHAN BỘI-CHÂU TRONG LỊCH SỬ GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA
CUỘC THẢO LUẬN CỦA CÁC NHÀ SỬ HỌC LIÊN-XÔ VỀ CÔNG TÁC BIÊN TẬP CỦA TẠP CHÍ «VẤN ĐỀ LỊCH SỬ»
VIỆC ĐÀO TẠO CÁN BỘ SỬ HỌC Ở LIÊN-XÔ
TÀI LIỆU THAM KHẢO VỀ CẬN ĐẠI SỬ : HOẠT ĐỘNG CỦA TƯ BẢN PHÁP Ở VIỆT-NAM TỪ 1918 ĐẾN 1930
I. MỘT VÀI THUẬN LỢI MỚI CỦA CUỘC KHAI THÁC II. TÌNH HÌNH TƯ BẢN PHÁP ĐẦU TƯ VÀO VIỆT-NAM III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NGÀNH TƯ BẢN
Ngành khai mỏ
Ngành nông nghiệp
Công thương nghiệp
ĐỂ TIẾN TỚI XÂY DỰNG VĂN HỌC SỬ VIỆT-NAM : MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ VĂN HỌC SỬ
VĂN HỌC BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU ?
VĂN HỌC ĐỐI VỚI HẠ TẦNG CƠ SỞ VÀ THƯỢNG TẦNG KIẾN TRÚC
VĂN HỌC PHÁT TRIỂN TRÊN CƠ SỞ NÀO ?
Ý KIẾN BẠN ĐỌC : GÓP ÍT Ý KIẾN VÀO VẤN ĐỀ CHỮ NÔM Cải chính
TẬP SAN NGHIÊN CỨU
VĂN SỬ ĐỊA
Bài lai cảo, xin gửi cho : ông Trần Huy-Liệu
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC LIÊN-XÔ VÀ NHỮNG NGƯỜI CÔNG TÁC KHOA HỌC VIỆT-NAM
của TRẦN HUY-LIỆU
CÁCH mạng tháng Mười đã gắn liền khoa học với nhân sinh và mở ra một phương trời mới.
Vì tôn chỉ của khoa học là phục vụ nhân sinh nên nguồn sức chính của khoa học Liên-xô hiện nay là sự ràng buộc nó với đời sống con người, với trách nhiệm của kinh tế dân tộc. Đồng thời, sự tiến bộ không ngừng và mau chóng của khoa học là một điều kiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Từ 38 năm nay, Việt Hàn-lâm khoa học Liên-xô, đã từ một viện khoa học bưng bít với một vài sở thí nghiệm nhỏ do chế độ Nga hoàng để lại, đã trở nên một học hội lớn nhất thế giới với những viện nghiên cứu, thí nghiệm gồm có 14 chi nhánh tại các nơi trong xứ. Số người cộng tác khoa học của viện gấp 60 lần so với trước và về ngân sách, gấp 700 lần so với trước, và số viện nghiên cứu và các sở thí nghiệm trực thuộc Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô lên tới 2.500.
Ngoài Viện Hàn-lâm khoa học trung ương Liên-xô, còn có 13 viện hàn-lâm khoa học trong các liên bang cộng hòa và nhiều viện hàn-lâm chuyên môn khác.
Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô phân ra hai ngành : ngành khoa học nhân văn (sciences humanistes) và ngành
khoa học tự nhiên. Mỗi ngành lại có từng viện chuyên nghiên cứu riêng từng bộ phận. Trong ngành khoa học nhân văn tức khoa học xã hội, môn sử học được đặc biệt chú trọng. Viện sử học nghiên cứu lịch sử Liên-xô, lịch sử các dân tộc trong liên bang và lịch sử các nước trên thế giới. Viện Đông phương do giáo sư Gu-be làm tổng giám đốc, là một bộ phận trong viện sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử các nước phương đông.
Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô ngày càng mở rộng việc giao lưu khoa học với các nước trên thế giới. Riêng một năm 1954, những nhà khoa học trong viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô đã tham gia 65 đại hội quốc tế và dân tộc, đã trao đổi ra ngoài 350.000 thứ sách vở và tài liệu. Trong đại hội các nhà khoa học lịch sử thế giới ở La-mã năm 1955 vừa qua, đại biểu các nhà khoa học Liên-xô do đồng chí Xi-đô-rốp, viện trưởng viện sử học làm trưởng đoàn, đã đọc hơn 10 bản báo cáo về các vấn đề khoa học lịch sử. Nhiều nhà khoa học các nước đã đến thăm Liên-xô để nghiên cứu về phương hướng tìm tòi của khoa học và kinh nghiệm của các nhà khoa học Liên-xô trong mỗi ngành khác nhau. Cũng riêng một năm 1954, những đoàn khoa học của hơn 30 nước cả châu Âu lẫn châu Á đã là khách của xứ xã hội chủ nghĩa.
Các nhà khoa học Liên-xô đương đem hết những công sức, kiến thức và kinh nghiệm của mình để làm tròn nhiệm vụ của chính phủ và nhân dân trao cho là phấn đấu cho sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Các nhà khoa học Liên-xô cũng đương đem hết những công sức, kiến thức và kinh nghiệm của mình để cống hiến
cho nhân dân toàn thế giới và sự nghiệp hòa bình. *
Sau Cách mạng tháng Mười, Liên-xô là thành trì của cách mạng và trụ cột của hòa bình thế giới. Nhân dân Việt-nam nói chung, các nhà công tác khoa học Việt-nam nói riêng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, luôn luôn hướng về Liên-xô, học tập những vị đạo sư vĩ đại của cách mạng, của khoa học Liên-xô để phục vụ cách mạng, phục vụ khoa học, đấu tranh cho tổ-quốc được thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần vào việc xây dựng hòa bình thế giới.
Riêng đối với các bạn chuyên môn nghiên cứu về khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học lịch sử theo quan điểm chủ nghĩa Mác, chúng ta được học tập rất nhiều ở các bậc đàn anh Liên-xô về phương pháp nghiên cứu. Bức thư của đồng chí Tốp-si-ép, hội viên viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô và là tổng thư ký chủ tịch đoàn viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô, gửi cho chúng tôi vừa rồi là một khuyến khích rất lớn cho những người đương học tập nghiên cứu khoa học lịch sử ở Việt-nam. Gần đây, trong việc trao đổi tài liệu học tập về lịch sử, về văn học, chúng tôi cũng luôn luôn nhận được những thư tín của các học giả Liên-xô chỉ bảo và đề ra thảo luận những vấn đề có liên quan đến lịch sử, văn học Việt-nam. Theo chỗ chúng tôi biết, thì hiện nay tại thành phố Mạc-tư khoa, thành phố Lê-nin và trong khắp liên bang xô-viết, số người nghiên cứu về lịch sử Việt-nam càng ngày càng nhiều. Tại viện Đông-phương, cùng với đồng chí Mô-ki-ta-ri-ăng, một số bạn đang chuyên nghiên cứu về lịch sử, kinh tế và ngôn ngữ Việt-nam. Nhiều sinh viên Liên-xô đã làm những
luận án về lịch sử cận đại và hiện đại Việt-nam. Đối với nước « Việt-nam anh dũng », các bạn chẳng phải chỉ cần biết từ khi thành lập nước Việt-nam dân chủ cộng hòa qua chín năm kháng chiến và hơn một năm đấu tranh hòa bình, mà còn muốn biết cả những cuộc đấu tranh chống đế quốc từ non một trăm năm Pháp thuộc và chống phong kiến từ hàng nghìn năm trước. Nhiều ý kiến của các bạn đã giúp cho chúng tôi nhận thức thêm về quan điểm mới và kiểm soát lại những nhận định cũ, đẩy mạnh thêm việc học tập nghiên cứu lịch sử Việt-nam. Viện Hàn-lâm khoa học Liên-xô cũng như các nhà khoa học Liên-xô đã quan tâm rất nhiều đến khoa học Việt nam, đặc biệt là khoa học lịch sử, cũng như lời đồng chí Tốp
si-ép, chúng tôi mong sự cộng tác huynh đệ giữa các nhà công tác khoa học ở Liên-xô và các nhà công tác khoa học ở Việt-nam đã bắt đầu và sẽ càng ngày càng mật thiết hơn.
Được soi sáng bằng chủ nghĩa Mác và được sự giúp đỡ dìu dắt của các bậc đàn anh Liên-xô, chúng tôi tin tưởng các bạn công tác khoa học Việt-Nam ta sẽ ngày càng thu được những tiến bộ mới bằng sự cố gắng học hỏi, đẩy mạnh công tác để gánh vác trách nhiệm của Đảng đã giao cho và góp phần vào việc xây dựng khoa học ở Việt-nam.
TRẦN HUY-LIỆU
Trưởng Ban nghiên cứu
Văn Sử Địa Việt-nam
NHỮNG NGÀY HỘI NGHỊ
Kỷ niệm Cách mạng 1905-1907 lần thứ 50 ở Mạc tư-khoa do Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô triệu tập.
CÁCH mạng Nga 1905-1907, còn gọi là Cách mạng Nga lần thứ nhất đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt-nam chúng ta. Năm 1955, ở khắp các Cộng hòa liên hiệp Liên-xô cũng như ở Mạc-tư-khoa và ở nhiều nước dân chủ nhân dân đều có tổ chức kỷ niệm 50 năm Cách mạng Nga lần thứ nhất một cách rất trọng thể.
Nhân dịp này, Viện Han lâm khoa học Liên-xô có mời đại biểu giới khoa học lịch sử các nước dân chủ nhân dân tới tham gia.
Thời gian hội nghị là 5 ngày, từ 25-10-1955 đến hết ngày 29-10-1955. Sau đó, đại biểu các nước được hướng dẫn đi tham quan các di tích lịch sử, đặc biệt là những di tích lịch sử liên quan đến Cách mạng Nga 1905-1907. Đồng thời củng cố những cuộc gặp gỡ thân mật trao đổi ý kiến về công tác khoa học lịch sử trong viện sử học, viện Đông phương và tạp chí « Vấn đề lịch sử ».
Nhiều nhà sử học Liên-xô và các nước dân chủ nhân dân đã trình bày báo cáo ở Viện sử học, viện S-la-vơ và viện Đông phương. Điều khiển cuộc họp là các vị bác học trong Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô cụ Ti-khô-mia-rô, các nhà bác học Păng-kơ-ra-tô-va, Xi-đo-rốp, Gu-be v.v...
Báo cáo của đồng chí nữ bác học Păng-kơ-ra-tô-va đã so sánh, phân tích một cách khoa học các cuộc cách mạng dân
chủ tư sản trên thế giới như Anh, Pháp, Đức v.v... với cuộc Cách mạng Nga 1905-1907 và sau đó đã nêu rõ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Nga lần thứ nhất đối với các nước trên thế giới. Nghe xong báo cáo, ai nấy càng nhận thức vững vàng hơn : chỉ có dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó, thì Cách mạng dân chủ mới lôi cuốn được đông đảo nhân dân để tiến hành đến triệt để và có cơ sở chuyển sang chủ nghĩa xã hội1. Kế đó là báo cáo của đồng chí A-bit-sin, viện trưởng viện Mác – Ăng-ghen – Lê-nin – Stalin nói về vai trò của đảng Bôn-sê-vích trong Cách mạng Nga lần thứ nhất : « Đảng Bôn-sê-vích bước vào cách mạng với sự hiểu biết sâu sắc các qui luật khách quan của sự phát triển xã hội và các qui luật đấu tranh chính trị. Đảng chuẩn bị về mọi mặt đề đạt ra cho quần chúng những khẩu hiệu cách mạng, cổ vũ sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của quần chúng và vạch cho họ con đường đấu tranh cách mạng. Ngay từ đầu cuộc Cách mạng mọi hoạt động của đảng Bôn sê-vích đều nhằm phát động cuộc cách mạng nhân dân vĩ đại, đưa cách mạng đi đến cùng, đến chiến thắng hoàn toàn chế độ Nga hoàng và biến cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tất cả các công tác chính trị tư tưởng và tổ chức đều phải phục tùng nhiệm vụ đó ».
Ngoài hai báo cáo chính nói trên, tiếp đến là các báo cáo bổ sung, đề cập đến những vấn đề riêng biệt hoặc những địa phương riêng biệt, chẳng hạn như báo cáo về phong trào công nhân Nga của đồng chí I-va-nốp, về phong trào công nhân và nông dân ở Cô-ca-dơ của đồng chí Kơ-la-da-pơ-rin
ki, về cuộc vũ trang khởi nghĩa ở Ba-lan của đồng chí Lốt
(Loss) và nhiều báo cáo khác. Nhà bác học Man-phơ-rết chuyên nghiên cứu về lịch sử nước Pháp đã nói rõ ảnh hưởng của Cách mạng Nga lần thứ nhất đối với phong trào đấu tranh ở Pháp. Kế tiếp các nhà bác học Liên-xô, đại biểu các nước dân chủ nhân dân Đông và Trung-Âu báo cáo về ảnh hưởng trực tiếp và tức thời của Cách mạng Nga 1905-1907 đối với nước mình : Các đồng chí Mi-kha-in Rô-le (Ru-ma-ni) Lê-ô-Steng (Đông Đức), Kô-chep (Bun-ga-ri), Kha-nak (Hung-ga-ri) v.v...
Giữa lúc hoặc sau khi Cách mạng Nga 1905-1907 nổ ra thì ở các nước Đông phương, phong trào cách mạng cũng nổi dậy chống lại sự thống trị của đế quốc và phong kiến. Sự đồng tình của nhân dân nhiều nước Đông-phương đã thể hiện ra trên báo chí. Nhưng lúc bấy giờ, giai cấp công nhân các nước Đông-phương chưa trưởng thành, chưa có chính đảng của mình cho nên những bài học của Cách mạng Nga lần thứ nhất chỉ tới với các nước Đông-phương sau khi Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã thắng lợi và sau khi giai cấp công nhân ở các nước Đông phương đã có một chính đảng mạnh mẽ. Đồng chí Gu-be, viện trưởng Viện Đông phương báo cáo về « Đông-phương nổi dậy », đã dùng ánh sáng của khoa học Mác – Lê-nin phân tích ảnh hưởng của Cách mạng Nga lần thứ nhất đối với các nước Đông-phương. Kế đó đồng chí Phạm Nhược-Ngu, đại biểu Trung-quốc, nói rõ về ảnh hưởng của Cách mạng 1905-1907 đối với Trung-quốc ; đồng chí Phác Thời-Hanh, viện trưởng Viện sử học Triều-tiên trình bày về những bài học của cách mạng Nga lần thứ nhất đối với Triều tiên. Tiếp đó là báo cáo của đại biểu Ban nghiên cứu Văn-Sử-
Địa Việt-nam.
Trong những ngày hội nghị, đại biểu các nước không những đã góp phần xây dựng hội nghị có kết quả mà còn được học tập rất nhiều ở các nhà bác học Liên-xô, học tập về tinh thần khoa học và về phương pháp khoa học của các nhà bác học Liên-xô, tiêu biểu cho nền khoa học tiền tiến nhất trên thế giới. Những cuộc đi tham quan di tích lịch sử ở Mạc
tư-khoa, Lê-nin-gờ-rát hoặc Ki-ép có tác dụng củng cố thêm những thu hoạch đã đạt được trong Hội nghị. Những cuộc gặp gỡ thân mật trong viện Sử học, trong viện Đông phương trong tòa soạn tạp chí « Vấn đề lịch sử » là những dịp rất tốt để thắt chặt mối quan hệ giữa các nhà công tác khoa học trong phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân đứng đầu là Liên-xô vĩ đại.
Riêng đối với đại biểu Ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa ở Việt nam, các nhà bác học Liên-xô trong viện Hàn lâm khoa học Liên-xô luôn luôn khuyến khích, giúp đỡ với tấm tình thân ái của một người anh cả đối với người em. Tấm thịnh tình ấy là
bằng chứng rất cụ thể của sự chăm sóc của viện Hàn lâm khoa học Liên-xô đối với khoa học Việt-nam và đó là một khuyến khích lớn cho ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa và cho tất cả những anh chị em làm công tác khoa học ở Việt-nam.
Ý NGHĨA LỊCH SỬ THẾ GIỚI CỦA CÁCH MẠNG 1905-1907
Báo cáo của nữ đồng chí Pan-kơ-ra-tô-va trong Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Nga lần thứ nhất.
HIỆN nay nhân dân Liên-xô và toàn thể nhân loại tiến bộ đang tưng bừng kỷ niệm 50 năm Cách mạng Nga, coi đó là một sự kiện rất to lớn, là kết quả vĩ đại và quang vinh của cuộc đấu tranh và chiến thắng của giai cấp công nhân Nga và công nhân quốc-tế.
Cách mạng Nga lần thứ nhất nêu cho toàn thế giới một điển hình của cuộc cách mạng thực sự có tính chất nhân dân. Nội dung, khuôn khổ, tốc độ, các hình thức tổ chức và những triển vọng của cuộc cách mạng ấy trước hết là do sự tham gia rộng rãi vào cách mạng của quần chúng nhân dân quyết định. Do kinh nghiệm của cách mạng 1905, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng và cụ thể vai trò sáng tạo của quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của lịch sử. Do kinh nghiệm của Cách mạng Nga, công nhân và các đảng cách mạng toàn thế giới đã học tập lòng tin tưởng sâu sắc vào quần chúng nhân dân mà năng lực sáng tạo và chiến đấu của họ là một yếu tố quyết định trong mọi thời đại lịch sử khi sự tất yếu khách quan đã chín mùi đến mức độ những quan hệ sản xuất mới có thể hợp với tính chất của sức sản xuất.
Ở nước Nga lúc bấy giờ, sự tồn tại những tàn tích của chế độ nông nô về phương diện kinh tế, trong những mối quan hệ
xã hội và trong chế độ chính trị, đã kìm hãm rất nhiều sự phát triển sức sản xuất của nước Nga theo con đường của chủ nghĩa tư bản tương đối tiến bộ so với chế độ phong kiến mục nát hồi thế kỷ 19. Suốt trong nửa sau của thế kỷ 19 việc tiêu diệt những tàn tích ấy là một vấn đề căn bản của sự phát triển xã hội nước Nga và nó đã tiến đến những hình thức của một cuộc khủng hoảng cách mạng, của một cuộc cách mạng toàn quốc.
Cách mạng 1905-1907 ở Nga là một cuộc cách mạng nhân dân đầu tiên trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Đặc điểm của giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa tư bản – giai đoạn đế quốc chủ nghĩa là sự tồn tại những mâu thuẫn chưa từng có trong những cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu nổ ra hồi thế kỷ 17-18 trong thời kỳ công trường thủ công tư bản chủ nghĩa.
Các nước tư sản châu Âu lúc bấy giờ được lập nên do kết quả của sự phá vỡ chế độ phong kiến và toàn bộ hệ thống tiền tư bản chủ nghĩa, khi trong lòng của chế độ phong kiến, những quan hệ sản xuất tư sản vừa mới chín mùi, khi những giai cấp xã hội mới – tư sản và vô sản – vừa mới hình thành.
Trong các cuộc cách mạng tư sản Âu-châu dọn đường cho sự phát triển tự do của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản lúc bấy giờ còn là một giai cấp đang lên vì nó còn quan tâm đến việc thanh trừ triệt để những quan hệ phong kiến ra ngoài xã hội. Những cuộc cách mạng ở châu Âu trong thế kỷ 17-18 về căn bản đã thủ tiêu chế độ chiếm hữu ruộng đất của phong kiến, xóa bỏ tàn dư của tình trạng phân tán của xã hội phong kiến và thành lập những dân tộc tư sản với một nền văn hóa
dân tộc của nó đồng thời. Việc thành lập những dân tộc tư sản, những nhà nước dân tộc cũng được thành lập, tinh thần giác ngộ dân tộc, lòng ái quốc cũng tăng lên, khoa học và kỹ thuật càng phát triển, giáo dục càng phổ biến rộng rãi.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ phát triển tiến bộ ấy của giai cấp tư sản và của nhà nước tư sản, tất cả những thành tích to lớn của các cuộc cách mạng ấy đều do sự tham gia tích cực của quần chúng quyết định, đều là kết quả của sức chiến đấu của nhân dân cách mạng.
Những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các cuộc cách mạng Anh và Pháp thắng lợi, chủ yếu là do nông dân là đội quân chiến đấu của cách mạng.
Trong cách mạng Anh, những yếu tố nhân dân, những yếu tố dân chủ tương đối yếu hơn trong cách mạng Pháp. Đảng cấp tiến của Leveller là một nhóm dân chủ có tổ chức và tích cực nhất cũng đã chứng tỏ tình trạng phức tạp và non yếu của những từng lớp dân chủ nước Anh thời bấy giờ. Bọn Leveller vẫn bám chặt nguyên tắc tư hữu tài sản, tách xa những từng lớp nghèo khổ nhất ở thành thị và nông thôn. Tình trạng yếu hèn của những phần tử dân chủ trong cách mạng Anh còn do ở chỗ, quần chúng lao động ở thành thị chưa hình thành về mặt giai cấp, trong thành phần của nó còn lẫn lộn những phần tử sản sinh trong quá trình tan rã của chế độ xưởng thủ công thời trung cổ và bắt đầu phát triển hệ thống công trường thủ công tư bản chủ nghĩa. Giai cấp vô sản, một giai cấp xã hội mới chưa có ; mầm mống của nó mà Ăng-Ghen gọi là tiền vô sản mới chỉ là « những bố đẻ của giai
cấp vô sản tương lai ».
Cách mạng Pháp phát triển trong khi sức sản xuất ở Pháp và toàn châu Âu đã đạt tới một trình độ phát triển cao hơn, khi cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những cải cách tiến bộ ở nhiều nước và đồng thời gây ra và khoét sâu những mâu thuẫn giữa các giai cấp của xã hội tư sản đang hình thành. Nền chuyên chính của nhóm chính trị cấp tiến Gia-cô
banh là sự phát triển cao nhất của cách mạng Pháp. Nó chứng tỏ vai trò của những phần tử nhân dân, những phần tử dân chủ trong cách mạng Pháp quan trọng hơn cách mạng Anh. Cách mạng Pháp được mệnh danh là cách mạng tư sản vĩ đại : nó vĩ đại đứng về những khả năng của giai cấp tư sản muốn thủ tiêu quyền sở hữu phong kiến. Tuy nhiên như các lãnh tụ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã nhận định, ngay lúc bấy giờ kinh nghiệm của các cuộc cách mạng đã chỉ rõ rằng « cần phải đưa cách mạng tiến xa hơn rất nhiều so với những mục đích trực tiếp trước mắt đã chín mùi và hoàn toàn có tính chất tư sản. Cần phải làm như thế để thực hiện thực sự những mục đích ấy để củng cố một cách thật chắc chắn những mục đích ấy, để củng cố một cách thật chắc chắn những thành quả tối thiểu của cách mạng tư sản » (Lê-nin toàn tập, tập 15).
Nhưng trong những năm cách mạng 1830-1831 và nhất là trong thời kỳ xẩy ra các cuộc cách mạng 1848-1849, những tầng lớp tư sản nối đuôi nhau tách rời cách mạng và thỏa hiệp với những lực lượng của xã hội cũ. Tính chất cách mạng của giai cấp tư sản càng giảm sút song song với sự trưởng thành tinh thần cách mạng của quần chúng công
nông đang đòi hỏi phải thỏa mãn những yêu sách về xã hội và dân tộc của họ.
Ngay trong thời kỳ khởi nghĩa tháng 6-1848, ở Pa-ri đã bộc lộ những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp vô sản và tư sản. Rõ ràng là nếu không lật đổ giai cấp tư sản thì vô sản không những không đạt được mục đích cuối cùng mà cả tự do và sự cải thiện thực tế đời sống kinh tế của họ trong điều kiện thống trị của giai cấp tư sản cũng không đạt được. Vì thế trong quá trình cách mạng 1848 đã nêu lên khẩu hiệu đánh đổ giai cấp tư sản. Trong bức thư của Mác gửi Vây-đơ may-gie năm 1852, khẩu hiệu này đã được coi là khẩu hiệu chuyên chính của vô sản.
Do kinh nghiệm của các cuộc cách mạng 1848-1849 giai cấp vô sản cách mạng Tây-Âu đã đi tới kết luận rằng cần thiết phải làm cho cách mạng liên tục chừng nào vô sản chưa giành được chính quyền nhà nước và chưa phát động đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm 1840-1850 trung tâm của phong trào cách mạng thế giới chuyển sang Đức. Ở đây cuộc cách mạng tư sản đã xẩy ra trong điều kiện sức sản xuất phát triển hơn, giai cấp vô sản lớn mạnh hơn so với các cuộc cách mạng tư sản trước kia như ở Anh thế kỷ 17 và ở Pháp thế kỷ 18.
Do đó trong thời kỳ này đã có thể thành lập một tổ chức cách mạng đầu tiên của vô sản tức là « Liên đoàn những người Cộng sản » và xây dựng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, vạch cho giai cấp công nhân những triển vọng của cuộc đấu tranh và thắng lợi của họ. Tư tưởng về nền chuyên
chính của vô sản, về vai trò lãnh đạo của vô sản trong cách mạng dân chủ, về sự liên minh giữa vô sản và quần chúng nông dân lao động, về vai trò lãnh đạo của đảng vô sản cách mạng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ và xã hội chủ nghĩa tất cả những tư tưởng ấy, về căn bản đã được các nhà lãnh tụ vĩ đại và tư tưởng gia của giai cấp vô sản cách mạng Mác và Ăng-ghen phân tích và chứng minh một cách khoa học trong các tác phẩm vĩ đại, nhất là trong « Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản » và trong tác phẩm thiên tài « Tư bản luận » của Mác.
Tuy nhiên giai cấp vô sản cách mạng lúc bấy giờ chưa thật mạnh và có tổ chức để có thể đứng đầu cuộc cách mạng dân chủ và thực hiện nó một cách triệt để. Vì thế giai cấp tư sản Đức đứng trước những đấu tranh giai cấp của vô sản đã liên minh với bọn quân phiệt Phổ và tiêu diệt cách mạng Đức. Phong trào cách mạng lớn cuối cùng ở Tây-Âu là cuộc khởinghĩa của vô sản Pháp tức là công xã Pa-ri. Nhưng giai cấp vô sản ở Pa-ri đấu tranh quá đơn độc và cô lập, chưa có lực lượng hậu bị để phát triển cuộc cách mạng vô sản ở Pháp và toàn Âu-châu. Sau khi công xã Pa-ri bị tiêu diệt, một giai đoạn gọi là « hòa bình » (1872-1904) bắt đầu. Khi nói về đặc điểm của giai đoạn này Lê-nin viết rằng : « Tây phương đã chấm dứt những cuộc cách mạng tư sản. Đông-phương thì chưa đạt tới các cuộc cách mạng đó » (Lê-nin toàn tập, tập 18).
Lúc bấy giờ ở châu Âu, những nhiệm vụ của cách mạng tư sản nói chung đã được giải quyết, nhưng giai cấp vô sản chưa có đủ điều kiện cần thiết để làm cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Sau năm 1871 giai cấp vô sản chỉ chuẩn bị thêm những lực lượng mới, tạo ra những điều kiện để phát triển phong trào công khai của công nhân, đấu tranh để thành lập những nghiệp đoàn, thành lập đảng Xã hội dân chủ độc lập, tham gia vào các nghị viện.
Chính trong thời kỳ này chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn phát triển cuối cùng của nó tức là chủ nghĩa đế quốc và giai cấp tư sản các nước tư bản đã mất những tính chất tiến bộ trong thời kỳ phát triển tiến bộ của chủ nghĩa tư bản…
Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa những mâu thuẫn giữa lao động và tư bản cũng như giữa các nước đế quốc chủ nghĩa và các nước thuộc địa và bán thuộc địa phụ thuộc vào chúng, càng sâu sắc. Trong những điều kiện lịch sử ấy, hoàn cảnh nước Nga lúc bấy giờ thật là đặc biệt. Nhìn về sự phát triển kinh tế mà nói, nước Nga thời Nga-hoàng rất lạc hậu so với các nước tư bản tiền tiến, mặc dầu sự phát triển công nghiệp đến cuối thế kỷ 19 đã đạt tới một mực khá cao. Sự tập trung công nghiệp đến một trình độ cao, sự kết hợp tư bản tài chính và ngân hàng, thành lập các độc quyền, chính sách đế quốc xâm lược của chế độ Nga-hoàng và giai cấp tư sản : đó là những đặc tính căn bản quyết định nước Nga là một nước đế quốc chủ nghĩa bên cạnh các nước Âu-Mỹ đã phát triển đến một trình độ cao...
Chủ nghĩa đế quốc ở nước Nga dưới chế độ Nga-hoàng phát triển trong điều kiện những tàn tích của chế độ nông nô còn tồn tại trong nền kinh tế và trong chế độ xã hội và chính trị của nước Nga. Chính quyền nhà nước nằm trong tay giai cấp địa chủ quý tộc. Giai cấp này dựa vào những phương
pháp quân phiệt phong kiến để duy trì quyền độc chiếm ruộng đất và thống trị nhân dân Nga ; đồng thời những món nợ hàng nghìn triệu, những món đặt hàng lớn của nhà vua với các hãng buôn ngoại quốc, sự hợp tác kinh doanh của tư bản Nga và ngoại quốc trong các công ty cổ phần, ngân hàng và các tổ chức tư bản khác đã gắn liền quyền lợi của giai cấp tư sản Nga với tư sản ngoại quốc.
Nhờ sự giúp đỡ của Nga-hoàng và giai cấp tư sản Nga, tư bản ngoại quốc đầu tư vào các ngành luyện kim, dầu hoả, mỏ, hoá học v.v... Chế độ Nga-hoàng ngày càng biến thành tay sai của chủ nghĩa đế quốc Tây-phương, biến thành lực lượng quân sự dự trữ để giúp bọn đế quốc châu Âu bành trướng thế lực ở Đông-phương. Đối với một số vùng châu Á, chế độ Nga-hoàng đã biến thành một trong những thành trì của toàn bộ hệ thống thực dân áp bức.
Để xây dựng một thành trì kiên cố hòng ngăn cản làn sóng cách mạng của đông đảo quần chúng công nhân và ngăn cản phong trào cách mạng phát triển, bọn tư sản đế quốc và bộ máy nhà nước mạnh mẽ của chúng đã dùng nhiều biện pháp nhằm chia rẽ công nhân và hòng làm cho nó phải khuất phục trước ảnh hưởng tư tưởng và chính trị của giai cấp tư sản.
Một trong những biện pháp ấy là dùng số tiền bóc lột ngày càng nhiều của quảng đại quần chúng nhân dân để mua chuộc lớp công nhân thượng lưu.
Như thế song song với việc mở rộng phạm vi thuộc địa và thu được những món lãi thặng dư ở các nước thuộc địa và có
nhiều khả năng bóc lột đến cùng cực các dân tộc bị áp bức và một bộ phận giai cấp công nhân, các nước tư bản có điều kiện để tạo ra một lớp công nhân quý tộc và gây tình trạng phân hoá sâu sắc trong giai cấp vô sản. Đó là cơ sở kinh tế và xã hội cho sự phát triển của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào xã hội dân chủ quốc tế, nhất là sau khi Mác và Ăng-ghen tạ thế.
Cố nhiên chủ nghĩa cơ hội trong mỗi nước có đặc điểm của nó, những hình thức của nó, nhưng trong mỗi nước bọn cơ hội đều hết sức trốn tránh đấu tranh giai cấp, thi hành chính sách thoả hiệp giữa vô sản và tư bản. Những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong hàng ngũ các lãnh tụ xã hội dân chủ và nghiệp đoàn ngày càng phát triển đảng Xã hội dân chủ từ một đảng cách mạng dần dần biến thành một đảng cải lương xã hội.
Tình cảnh đáng buồn ấy của phong trào xã hội dân chủ quốc tế đã được đội tiền phong cách mạng của giai cấp vô sản Nga lưu ý. Dưới sự lãnh đạo của Lê-nin, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới một chính đảng cách mạng đã được thành lập, có đủ năng lực cầm đầu cuộc đấu tranh của toàn thể các lực lượng dân chủ của các dân tộc Nga chống ách chuyên chế và đưa giai cấp vô sản Nga lên vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ và vạch rõ triển vọng chuyển biến từ cách mạng dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng tư sản dân chủ là một thành tích lịch sử quan trọng của cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất. Thành tích ấy cho đến bây giờ vẫn còn có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.
Tư tưởng ấy là một sự tổng hợp lịch sử những quá trình khách quan sâu xa và những đặc điểm của sự phát triển kinh tế và xã hội của nước Nga do Lê-nin đã nghiên cứu.
Ở nước Nga sự đối lập giữa giai cấp vô sản và tư sản sâu sắc hơn nhiều so với các nước Tây-Âu trong thời kỳ các cuộc cách mạng tư sản xẩy ra ở các nước ấy. Cách mạng tư sản dân chủ ở Nga nổ ra trong thời đại đế quốc chủ nghĩa đã phát triển trong những điều kiện các giai cấp đã phân hoá rõ rệt và cuộc đấu tranh giai cấp đã trở nên quyết liệt hơn so với các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây.
Sau khi nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các cuộc cách mạng ở châu Âu so sánh nó với kinh nghiệm cách mạng Nga, Lê-nin đã đi đến kết luận rằng giai cấp vô sản là giai cấp kiên quyết chiến đấu nhất, là giai cấp rất quan tâm đến việc tiến hành triệt để cuộc cách mạng tư sản dân chủ.
Nhưng Lê-nin là một nhà mác-xít biện chứng, Lê-nin không thể chỉ phân tích một mặt của vấn đề. Trước hết Lê nin vạch rõ ràng sự đối lập giữa vô sản và tư sản Nga sâu sắc hơn thời kỳ 1789 và 1848. Do đó giai cấp tư sản sợ cách mạng vô sản và dễ dàng đứng về phe phản động. Tuy nhiên trong khi xây dựng một đường lối chiến lược cho chính đảng của vô sản trong cách mạng tư sản dân chủ, Lê-nin đã xuất phát từ quan điểm rằng trong thời đại lịch sử mới, giai cấp công nhân Nga có thể và phải đứng ra giữ vai trò lãnh tụ, vai trò lãnh đạo cách mạng dân chủ.
Quá trình cách mạng đã nêu lên vấn đề chính quyền là vấn đề căn bản của cách mạng. Vai trò lãnh đạo của vô sản
đối với nông dân và tất cả mọi lực lượng dân chủ trong nhân dân tất nhiên nêu lên vấn đề những giai cấp căn bản của cách mạng vô sản và dân cày cần phải giành lấy chính quyền. Tổng hợp kinh nghiệm ấy Lê-nin đã nêu lên khẩu hiệu « chuyên chính cách mạng dân chủ của giai cấp vô sản và nông dân ».
Quy mô to lớn của cuộc đấu tranh cách mạng ở Nha cũng như tiếng vang rộng rãi của nó ở các nước khác đề ra cho chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản nước Nga nhiệm vụ xây dựng sách lược của đảng để lãnh đạo một cách có tổ chức cuộc cách mạng đang phát triển.
Đại hội lần thứ 3 của đảng do những người Bôn-sê-vích đứng ra triệu tập đã thông qua cương lĩnh chính trị của Lê nin và hoàn toàn tán thành lập trường của Lê-nin trong vấn đề tính chất, động lực và triển vọng của cách mạng Nga.
Đại hội nhận định rằng cách mạng 1905 nói về nội dung khách quan là một cuộc cách mạng tư sản dân chủ. Nhưng đứng đầu cách mạng phải là vô sản và đồng minh của nó phải là nông dân cách mạng. Những cải cách dân chủ trong nước sau khi cách mạng thắng lợi sẽ dọn đường cho cuộc đấu tranh giai cấp của vô sản tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Kinh nghiệm cách mạng 1905 chứng minh một cách hết sức rõ rệt rằng sự lãnh đạo của giai cấp vô sản là điều kiện chủ yếu của cuộc cách mạng nhân dân trong thời đại đế quốc chủ nghĩa ; trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản mục nát và đấu tranh giai cấp quyết liệt giai cấp tư sản sợ vô sản hơn là chế độ Nga-hoàng.
Kinh nghiệm đấu tranh của đảng để xây dựng và củng cố khối công nông liên minh có một ý nghĩa quốc tế to lớn. Học thuyết của Lê-nin về khối liên minh công nông, cơ sở của nền chuyên chính vô sản không những đã được chứng minh bằng những thắng lợi lịch sử của nhân dân Liên-xô mà còn bằng những thắng lợi của nhân dân Trung-quốc vĩ đại, của nhân dân lao động Triều-tiên và Việt-nam của công nhân và nông dân các nước dân chủ nhân dân Âu-châu.
Khối liên minh công nông do giai cáp công nhân lãnh đạo ngày nay đã trở thành một sức mạnh vĩ đại và là một cơ sở vững chắc của chế độ dân chủ nhân dân làm cho việc thực hiện những cải cách xã hội chủ nghĩa đã thu được thắng lợi căn bản.
Kinh nghiệm của Cách mạng Nga lần thứ nhất cũng xác nhận khả năng và sự tất yếu của khối liên minh chiến đấu của các dân tộc bị áp bức dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chung của họ để giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc. Đồng thời kinh nghiệm của những cuộc đấu tranh chung của các dân tộc bị chế độ Nga-hoàng áp bức trong thời kỳ cách mạng 1905-1907 đã chứng tỏ sự cần thiết phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa những lực lượng của công nhân của tất cả mọi dân tộc.
Đối với giai cấp vô sản, sự xây dựng đảng của vô sản thành một đội ngũ chiến đấu thống nhất, được giáo dục về tinh thần đoàn kết và tinh thần quốc tế vô sản, đã có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cách mạng Nga lần thứ nhất do giai cấp vô sản lãnh đạo
đã nêu lên những phương sách và hình thức đấu tranh mới mà trong các cuộc cách mạng trước đây chưa từng biết đến. Trong cách mạng 1905, bãi công là phương sách chủ yếu tập hợp và giáo dục chính trị cho quần chúng, đã đóng một vài trò đặc biệt quan trọng.
Chỉ trong tháng giêng 1905 số người tham gia bãi công đã gấp 10 lần số người tham gia bãi công hàng năm ở Nga trong vòng mười năm trước. Như Lê-nin đã nói, số người tối đa tham gia bãi công trong những năm 1905-1907 đã vượt quá mức tối đa trước đây ở bất cứ một nước tư bản tiền tiến nào. Lê-nin cũng nhận định rằng mỗi khi làn sóng bãi công nổi lên, nó lôi cuốn được cả các tầng lớp dân chủ khác. Đặc biệt điều này được chứng minh rõ trong phong trào tổng bãi công chính trị toàn nước Nga tháng 10-1905.
Trong cuộc bãi công này không những chỉ có công nhân mà viên chức, quan lại, binh sỹ, trạng sư, giáo viên, học sinh v.v… cũng tham gia.
Cuộc bãi công chính trị toàn nước Nga trong thực tế đã xác nhận rằng giai cấp vô sản có thể và cần phải đóng vai trò lãnh tụ của cách mạng dân chủ. Nó chứng minh sức sáng tạo cách mạng của quần chúng đã xây dựng nên những cơ quan cách mạng mới của vô sản tức là những xô-viết đại biểu công nhân và nông dân. Những xô-viết ấy không những chỉ là cơ quan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân mà còn là hình thức đầu tiên của nền chuyên chính vô sản và nông dân. Năm 1917 giai cấp vô sản nước Nga đã dùng hình thức tổ chức chính quyền ấy để thiết lập nền chuyên chính vô sản và xây dựng chính thể mới, chính thể xô-viết.
Cách mạng 1905, đã đập tan giáo điều của bọn cơ hội đệ nhị quốc tế và bọn Men-sê-vích ở nga cho rằng phương pháp tiến hành bãi công chính trị của đông đảo quần chúng không thích hợp với giai cấp vô sản, hình thức đấu tranh ở nghị trường là hình thức căn bản, thậm chí là hình thức duy nhất của cuộc đấu tranh giai cấp của vô sản. Cách mạng đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của hình thức tổng bãi công chính trị là phương pháp mạnh mẽ nhất để đấu tranh và chuẩn bị tiến tới võ trang khởi nghĩa.
Cách mạng 1905-1907 còn thực tế xác nhận lý thuyết Mác – Lê-nin cho rằng trong những điều kiện nhất định, cuộc đấu tranh giai cấp sẽ chuyển sang đấu tranh võ trang và mỗi vấn đề lịch sử to lớn cuối cùng cũng chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực. Tự do không thể tranh thủ được nếu không có hy sinh.
Kinh nghiệm Cách mạng Nga đã vạch rõ cho vô sản quốc tế ý nghĩa to lớn của những hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng mới của vô sản trong cách mạng dân chủ. Mặc dầu bọn lãnh tụ cơ hội chủ nghĩa của các công đoàn và các đảng Xã hội dân chủ Tây-phương dùng mọi biện pháp để phá hoại sự phát triển của phong trào công nhân ở các nước tư bản, công nhân các nước ấy quyết dùng « vũ khí Nga » trong cuộc đấu tranh giành những quyền kinh tế và chính trị của họ.
Sau các cuộc cách mạng ở châu Âu năm 1848 và công xã Pa-ri năm 1871, lần đầu tiên phong trào công nhân Tây-Âu và trên toàn thế giới lại tiến lên một mức cao hơn.
Cách mạng 1905-1907 ở Nga là một trường học đấu tranh giai cấp vĩ đại của vô sản quốc tế.
Do ảnh hưởng trực tiếp của « kinh nghiệm Nga » công nhân Tây-Âu đã tăng cường cuộc đấu tranh kinh tế và chính trị của họ. Bằng phương pháp bãi công ngày càng có một quy lớn và có tính chất cách mạng, công nhân yêu cầu cải thiện đời sống kinh tế của họ và đòi ban bố những quyền chính trị của họ. Sau giai cấp vô sản Nga, công nhân Áo, Hung đã đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh này của giai cấp vô sản. Cách mạng 1905 cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình cách mạng hóa vô sản Đức. Trong năm 1905 số công nhân Đức tham gia bãi công tăng lên so với thời kỳ cuối thể kỷ 19 gấp 3 lần và đạt tới con số 507.964 người. Kinh nghiệm tổng bãi công và khởi nghĩa của vô sản trong thời kỳ cách mạng Nga đã có một ảnh hưởng lớn trong giai cấp vô sản Pháp. Nếu trong năm 1901 chỉ có gần 10 vạn công nhân Pháp bãi công thì năm 1906 có tới 50 vạn 7 nghìn công nhân Pháp tham gia bãi công. Ảnh hưởng của cách mạng 1905 còn làm cho mâu thuẫn giai cấp ở Anh càng thêm sâu sắc và phong trào công nhân Anh càng phát triển. Ở các nước Tây Âu khác nhiều cuộc bãi công, biểu tình lớn, nhiều cuộc xung đột ở đường phố cũng nổ ra trong thời kỳ 1905-1907, chứng tỏ năng lực cách mạng của vô sản quốc tế không thể nào diệt nổi.
Đồng thời Cách mạng Nga lần thứ nhất đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ cách mạng dân chủ ở Á-châu. Do ảnh hưởng của cách mạng Nga 1905, nhân dân châu Á đã vùng dậy « đấu tranh giành những quyền sơ bộ nhất của con người,
giành dân chủ » (Lê-nin tập 19). Những cuộc cách mạng xẩy ra ở Thổ (1908-1911), Ba-tư (1906-1911), Trung-quốc (1911-1912), chứng tỏ rằng cuộc khởi nghĩa to lớn năm 1905 đã có ảnh hưởng sâu sắc, biểu hiện trong phong trào ngày càng lớn mạnh của hàng trăm triệu nhân dân châu Á.
Như thế cách mạng 1905-1907 đã có một ảnh hưởng tiến bộ đối với toàn bộ phát triển lịch sử của thế giới. Nó là một đòn mạnh đầu tiên đánh vào chế độ Nga-hoàng, một cái khâu nằm trong toàn bộ hệ thống đế quốc chủ nghĩa. Do đó, có thể nói cách mạng 1905-1907 đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống đế quốc chủ nghĩa.
Hoảng sợ trước phong trào cách mạng, bọn đế quốc quốc tế đã ra mặt ủng hộ Nga-hoàng, lực lượng phản cách mạng lớn nhất ở Nga. Các chính phủ tư sản Tây-phương đã quyết định hoãn nợ cho Nga-hoàng, cho Nga-hoàng vay thêm những món tiền mới hòng cứu chế độ Nga-hoàng thoát khỏi nạn khủng hoảng tài chính đương đe dọa. Đồng thời chúng đòi chính phủ Nga-hoàng phải ký kết hòa ước với Nhật để tập trung quân đàn áp cách mạng và cứu chế độ Nga-hoàng khỏi sự khủng hoảng vì chiến tranh. Để làm giảm bớt sức tấn công của cách mạng, bọn đế quốc Tây-phương đòi Nga-hoàng thực hiện một vài cải cách hoặc hứa hẹn cải cách để do đó làm cho phong trào cách mạng không phát triển hơn nữa.
Như thế trong thời đại đế quốc chủ nghĩa khối « liên minh » giữa chế độ Nga-hoàng với chủ nghĩa đế quốc châu Âu đã được thành lập để chống lại giai cấp vô sản cách mạng và hòng cắt đứt kiên lạc giữa phong trào cách mạng ở Nga với phong trào cách mạng quốc tế.
Kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất có một ý nghĩa quốc tế lớn lao, lý luận và sách lược cách mạng đã làm mẫu mực cho tất cả những công nhân và những người Bôn-sê-vích Nga và cho đến ngày nay tất cả các đảng cách mạng trên thế giới đều học tập và áp dụng kinh nghiệm ấy.
Ngày nay kỷ niệm năm mươi năm Cách mạng Nga lần thứ nhất nhân dân Liên-xô dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, được võ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và kinh nghiệm cách mạng vô cùng phong phú, đang dũng cảm và kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho dân chủ và chủ nghĩa xã hội thắng lợi, đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên-xô.
PĂNG-KƠ-RA-TÔ-VA
MINH-THẮNG lược dịch
NHỮNG BÀI HỌC CỦA CÁCH MẠNG NGA 1905 VÀ VIỆT NAM
Báo cáo của đồng chí Minh-Tranh, đại biểu Ban nghiên cứu Văn Sử Địa đọc ở Viện Đông-phương (Mạc tư-khoa) ngày 28-10-1955.
CUỘC kỷ niệm 50 năm cách mạng Nga 1905 là một dịp tốt để những người làm công tác nghiên cứu lịch sử ở Việt nam học tập nhận thức rõ thêm tác dụng của Cách mạng Nga lần thứ nhất đối với cách mạng Việt-nam. Quả như vậy, cách mạng Việt-nam đã học được nhiều bài học của Cách mạng Nga lần thứ nhất. Và chúng tôi tin rằng những bài học ấy càng rất quí cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh sắp tới và nhất định sẽ đem lại thắng lợi mới cho nước Việt-nam dân chủ cộng hòa còn tươi trẻ để tiến lên theo còn đường của các nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên-xô vĩ đại.
Chủ yếu nhất và trước hết phải nói đến bài học về vai trò lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó.
« Chủ nghĩa Mác dạy người vô sản không được tách mình ra khỏi cách mạng tư sản, dửng dưng với nó, phó mặc sự lãnh đạo của nó cho giai cấp tư sản, mà trái lại dạy người vô sản phải kiên quyết tham gia, chiến đấu hết sức quyết liệt cho chủ nghĩa dân chủ triệt để, cho sự hoàn thành cách mạng ». (Hai sách lược Lê-nin)
Chính nhờ sự lãnh đạo ấy, nhân dân Việt-nam đã nhận thức rõ tính chất cách mạng của Việt-nam, đã biết xiết chặt nhau lại trong Mặt trận dân tộc thống nhất dựa trên cơ sở liên minh công nông ngày càng vững chắc để tiến hành cuộc cách mạng dân chủ triệt để ở Việt-nam đặng mở đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ sự lãnh đạo ấy, nhân dân Việt-nam đã vũ trang khởi nghĩa thành công hồi tháng Tám năm 1945 và lập ra nước Viêtn-nam dân chủ cộng hòa. Cũng chính nhờ sự lãnh đạo ấy, nhân dân Việt-nam giữ vững được chuyên chính dân chủ và đã tiến hành kháng chiến tự vệ thắng lợi.
Nhắc đến những thắng lợi căn bản đã qua, chúng tôi thấy cần phải nhớ lại những bài học vô cùng quí giá của Cách mạng 1905, những bài học đã được Lê-nin tổng kết và Sta-lin phát triển thêm và sau đó được Đảng Cộng sản Trung-quốc đứng đầu là Mao Chủ tịch áp dụng thắng lợi vào Trung-quốc. Đồng thời, chúng tôi thấy cần phải nhắc đến sự thực hiện một cách sáng tạo những bài học ấy vào hoàn cảnh cụ thể của Việt-nam do Đảng cộng sản Đông-dương trước kia và Đảng Lao-động Việt-nam ngày nay đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí-Minh kính mến của chúng tôi, đã tiến hành.
I. Để có thể nhận rõ tác dụng của Cách mạng 1905 đối với Cách mạng Việt-nam, chúng tôi xin phác qua một vài nét về tình hình xã hội Việt-nam và những hoạt động chính trị ở nước chúng tôi từ năm 1905 đến 1930, tức là trước khi Đảng cộng sản Đông-dương thành lập.
Vào đầu thế kỷ thứ 20, thực dân Pháp, về căn bản, đã đặt được ách thống trị của chúng trên đất Đông-dương. Rồi
hàng hóa của tư bản Pháp tràn vào, và vốn của chúng cũng đưa tới nhiều hơn ném vào việc kinh doanh nhà máy, hầm mỏ và đồn điền. Việc đầu tư lại càng được tiến hành tích cực hơn nữa từ sau đại chiến 1914-1918. Kinh tế thực dân xây dựng và phát triển nền móng của nó chính là trong thời gian từ 1905 đến 1930.
Chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đang lên là tử thù của chế độ phong kiến nhưng trái lại, đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, chúng lại câu kết với chế độ phong kiến, mới thống trị tạm thời được ở các nước thuộc địa. Ở Việt-nam cũng vậy. Chế độ phong kiến một mặt bị lấn át nhưng một mặt lại được thực dân Pháp duy trì. Xã hội Viêt-nam rõ rệt có tính chất thực dân và nửa phong kiến kể từ đầu thế kỷ thứ 20. Những yếu tố tư bản chủ nghĩa từ ngoài vào, xâm nhập mạnh vào xã hội nước chúng tôi và từ lúc ấy, các giai cấp trong nước có nhiều chuyển biến mới.
Giai cấp công nhân xuất hiện, được bổ xung thêm đông hơn và từ sau đại chiến 1914-1918, mỗi năm càng lớn lên.2
Nông dân phần thì vì sưu cao thuế nặng, nạn địa tô, nạn tạp dịch ; phần thì bị thực dân và tay sai cướp mất ruộng đất, mỗi năm càng bị phá sản và trở thành nguồn bổ sung hầu như vô tận cho giai cấp vô sản ở thành thị và thôn quê.
Giai cấp tiểu tư sản đặc biệt là tiểu trí thức trong thời gian từ sau 1918 đến 1930, do chính sách đào tạo công chức phục vụ cho bộ máy thống trị thuộc địa ngày càng phình ra, mỗi năm càng đông hơn những chỗ ngồi trong các bàn giấy của công sở có hạn, nên phần lớn trong bọn họ bị hất ra vỉa
hè.
Giai cấp tư sản Việt-nam bị bóp nghẹt, và phát triển rất khó khăn. Cho nên thân phận họ vẫn là thân phận những kẻ sống lay lắt héo mòn không sao lớn lên được.3
Trong điều kiện như vậy, bọn thực dân dù có gian ngoan giảo quyệt như thế nào, cũng không ngăn cản nổi những cuộc phản kháng của nhân dân một dân tộc đã từng có truyền thống kiên quyết chống xâm lược, bảo vệ độc lập của tổ quốc.
Trước thời kỳ đại chiến 1914-1918 chín mười năm, phong trào phản kháng dấy lên từ trong tầng lớp phong kiến có xu hướng tư sản. Địa vị kinh tế cũng như chính trị của họ bị xâm phạm, thêm nữa ảnh hưởng của những phong trào bên ngoài mà họ gọi là « mưa Âu gió Á », làm cho cuộc phản kháng của họ đã diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. Có những người mở trường học truyền bá tư tưởng tư sản hồi thế kỷ 18 ở Pháp ; có những nhà buôn rủ nhau lập hội buôn mưu toan cạnh tranh với hàng của thực dân Pháp ; có những người nuôi ảo tưởng về Nhật-bản sau khi Nhật-bản thắng Nga hoàng, và muốn nhờ vả Nhật-bản vũ trang cho để chống thực dân Pháp do đó đã đề xướng ra phong trào « Đông du ».
Tầng lớp này bắt đầu thấy rằng chế độ quân chủ hoặc chế độ phong kiến toàn vẹn như xưa không thể đứng vững được và phải có cải cách hoặc cách mạng theo lối tư sản. Nhưng địa vị giai cấp và tầm mắt giai cấp của họ không để cho họ thấy được phương hướng đúng cho hành động, cho nên sau khi Nhật trở mặt và sau khi những hoạt động bất
hợp pháp và công khai lẻ tẻ của họ bị khủng bố, thì vai trò của họ cũng chấm dứt.
Từ sau đại chiến 1914-1918, phong trào phản kháng thực dân Pháp tiến lên theo một đà mới.
Giai cấp tư sản dân tộc, cũng có đấu tranh nhưng đấu tranh của họ chỉ rất yếu ớt lẻ tẻ và trong một thời kỳ nào đó hoặc bằng cách cạnh tranh với thực dân hoặc bằng cách phản đối một vài chính sách của bọn thống trị ở các hội đồng tư vấn do thực dân Pháp lập ra hay trên những báo chí viết bằng tiếng Pháp. Nhưng cuối cùng, một số bị phá sản và một số nữa thì quay ra đầu hàng.
Giai cấp tiểu tư sản lúc bấy giờ phát triển khá đông ở nước chúng tôi, đã có những hoạt động đáng kể trong thời kỳ từ năm 1918 đến 1930. Trong các trường Pháp-Việt từ Bắc vào Nam ở các thành thị lớn, học sinh thường vẫn làm reo phản đối sự đối đãi của bọn giáo sư thực dân. Trong báo chí, sách xuất bản thỉnh thoảng xuất hiện những bài báo công kích bọn thống trị đương thời. Cuộc truy điệu nhà ái quốc Phan Chu-Trinh và cuộc đấu tranh đòi ân xá nhà cách mạng Phan Bội-Châu đã tập hợp được đông đảo tiểu tư sản ở Hà nội, Huế, Sài-gòn và nhiều thị trấn khác. Rồi sau những ngày biểu dương lực lượng công khai ấy (1925-1926), trước sự đàn áp của thực dân, phong trào lắng xuống và đi vào những tổ chức bí mật. Lúc bấy giờ có hai xu hướng, tư sản và vô sản. Đại biểu cho xu hướng tư sản là Việt-nam quốc dân đảng, một đảng có tính chất tư sản rõ rệt. Chủ nghĩa của họ là chủ nghĩa tam dân của nhà cách mạng tư sản Trung-quốc Tôn Trung-Sơn, những điều rõ rệt nhất trong chủ nghĩa của họ là
chủ nghĩa dân tộc, và một phần nào đó là chủ nghĩa dân quyền, còn chủ nghĩa dân sinh thì họ không quan tâm đến. Tổ chức của họ lỏng lẻo, hành động của họ phiêu lưu mạo hiểm. Cũng vì vậy mà sau cuộc vũ trang bạo động ở Yên-bái năm 1930, Viêtn-nam quốc dân đảng về căn bản bị tan rã.
II. Song song với những hoạt động chính trị của các tổ chức có xu hướng tư sản, thì từ năm 1924 đến 1930 những hoạt động của giai cấp công nhân hoặc các tổ chức có xu hướng vô sản ngày càng rõ rệt. Cuộc đấu tranh để giành quyền lãnh đạo cách mạng dân chủ ở Việt-nam diễn ra trong những năm ấy.
Từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp thực hiện chính sách tích cực khai thác Đông-dương. Hầm mỏ, nhà máy phát triển. Giai cấp công nhân Việt-nam từ đấy tăng lên nhiều về số lượng. Những nông dân bị phá sản chạy tới các vùng mỏ, đồn điền, xin làm công nhân các xí nghiệp hoặc làm phu cao su. Đội quân thất nghiệp ngày càng to lớn. Tiền công của công nhân đã rẻ mạt lại càng bị đánh sụt xuống. Những cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương và cải thiện sinh hoạt nổ ra lẻ tẻ. Khẩu hiệu đấu tranh lúc đầu mới chỉ là những khẩu hiệu đấu tranh về kinh tế.
Rồi tiếng vang của Cách mạng tháng 10 Nga dội tới. Công nhân, nông dân và tiểu tư sản làm quen với hai tiếng « cộng sản ». Cộng sản đối với họ lúc bấy giờ là đánh đuổi đế quốc xâm lược, xây dựng một nước Việt-nam độc lập, sung sướng không có thất nghiệp, không có người bóc lột người. Ảnh hưởng của phong trào Ngũ-tứ ở Trung-quốc lan vào Việt
nam. Tất cả những tiếng vang từ bên ngoài ấy dội vào lòng
họ, kích thích họ hành động. Một bộ phận khá đông những thanh niên học sinh đã từng tham gia phong trào đòi ân xá Phan Bội-Châu và truy điệu Phan Chu-Trinh hướng về cộng sản. Phong trào Quảng-châu công xã có một ảnh hưởng quan trọng đối với nhân dân Việt-nam, đối với những tổ chức chính trị không hợp pháp có ít nhiều xu hướng cộng sản.
Cũng trong thời gian ấy, nhân dân Việt-nam thường nhắc đến những sách báo của đồng chí Nguyễn Ái-Quốc như sách « Bản án chế độ thực dân Pháp » và báo « Người cùng khổ » xuất bản ở nước Pháp. Ba tiếng Nguyễn Ai-Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí-Minh) đối với giai cấp công nhân, nông dân và đại bộ phận tầng lớp tiểu tư sản, càng hướng họ mạnh vào lý tưởng cộng sản. Những tổ chức có ít nhiều xu hướng cộng sản ấy bắt đầu nảy nở từ năm 1924 : Tâm tâm xã, Việt-nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Tân Việt đảng v.v… rồi tiến lên Đông-dương cộng sản Đảng ở Bắc-bộ, An-nam cộng sản Đảng ở Nam-bộ và Đông-dương cộng sản liên đoàn ở Trung-bộ. Theo chỗ chúng tôi hiểu, thì những tổ chức chính trị trên đây lúc bấy giờ còn nặng tính chất tiểu tư sản : tuy mang tên « cộng sản », nhưng các đảng viên nói chung còn nhiều nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa cộng sản. Dầu sao, những tổ chức chính trị ấy cũng báo hiệu giai cấp công nhân Việt-nam đã bước hẳn lên vũ đài chính trị Việt-nam và kiên quyết đấu tranh để giành quyền lãnh đạo cách mạng với giai cấp tư sản dân tộc.
Cho tới ngày 6-1-1930. Đồng chí Nguyễn Ái-Quốc triệu tập đại biểu ba tổ chức cộng sản trong nước tới Hương-cảng và đề ra việc thống nhất Đảng cộng sản Đông-dương thành
lập. Như vậy là mãi sau khi Cách mạng tháng Mười Nga (1917) thắng lợi, những bài học của cách mạng 1905 mới được đem áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt-nam. Một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt-nam bắt đầu.
Đồng chí Trần-Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng thảo ra luận cương chính trị, nêu rõ : « Cách mạng ở Đông-dương trong giai đoạn trước mắt là cách mạng dân chủ tư sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bước đầu của chủ nghĩa cộng sản ». Nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản là đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc và thế lực phong kiến ở Đông-dương, làm cho Đông dương hoàn toàn độc lập.
Ở một nước thuộc địa như Việt-nam, giai cấp công nhân tuy có phát triển nhưng số lượng vẫn rất ít ỏi. Song nhờ những bài học của Cách mạng Nga 1905, nhờ những bài học thành lập một đảng tiền phong kiểu mới và trong điều kiện Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga đã thắng lợi trên 1/6 quả địa cầu, thêm nữa lại được sự giúp đỡ của các Đảng cộng sản Pháp và Trung-quốc, vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt-nam ngày càng được củng cố trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt nam.
Từ năm 1930, giai cấp công nhân, thông qua Đảng Cộng sản Đông-dương, độc chiếm vai trò lãnh đạo cách mạng Việt nam. Lúc bấy giờ khủng khoảng kinh tế của chủ nghĩa đế quốc đang diễn ra trên thế giới. Đông-dương, dưới sự thống trị của đế quốc Pháp cũng lâm vào nạn khủng hoảng kinh tế
trầm trọng. Đời sống của nhân dân Việt-nam, nhất là công nhân và nông dân, vô cùng điêu đứng. Một phong trào đấu tranh cuồn cuộn nổi lên ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam trong những năm 1930 và 1931 : bãi công trong các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền cao xu ; biểu tình chống sưu cao thuế nặng, chống bóc lột và áp bức ở nông thôn, v.v…4.
Đáng chú ý nhất là sự thành lập xô viết Nghệ-an và Hà tĩnh. Ở đây, trong nhiều huyện, nhân dân đã lật đổ chế độ thống trị của để quốc Pháp và phong kiến, lập ra xô viết, tuyên bố độc lập và dân chủ. Những ủy ban xã, ủy ban huyện do phổ thông đầu phiếu cử ra. Thuế chợ và thuế thân bị bãi bỏ ; rượu và thuốc phiện bị cấm, sự cưỡng bách giáo dục được thực hiện. Phong trào xô viết Nghệ-Tĩnh duy trì được ba tháng. Về phong trào xô viết Nghệ-an, trong Báo cáo chính trị ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt-nam tháng 2-1951, Hồ Chủ-tịch đã nói :
« Đó là lần đầu tiên nhân dân ta nắm chính quyền ở địa phương và bắt đầu thi hành những chính sách dân chủ, tuy mới làm được một phạm vi nhỏ hẹp.
Xô viết Nghê-an bị thất bại, nhưng đã có ảnh hưởng lớn. Tinh thần anh dũng của nó luôn luôn nồng nàn trong tâm hồn quần chúng, và nó đã mở đường cho thắng lợi về sau. »
Thực dân Pháp ra sức khủng bố. Phần lớn tổ chức của Đảng và nhiều tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo bị phá hoại nặng nề hoặc bị tan rã. Phong trào cách mạng tạm lùi xuống. Nhưng các đồng chí cộng sản còn lại, đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, để gây dựng lại phong trào, và từ 1933,
phong trào cách mạng lại hồi phục5. Đảng của giai cấp công nhân, một mặt lo củng cố những tổ chức không hợp pháp, một mặt phối hợp hoạt động không hợp pháp với hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp (báo chí, hội đồng thành phố và hội đồng quản hạt), dần dần mở rộng và củng cố phong trào. Năm 1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Mã-cao.
Đến năm 1936, sau khi Mặt trận nhân dân ở Pháp lên cầm quyền, thì Đảng đề ra lập Mặt trận dân chủ Đông-dương. Từ năm 1936 đến 1939, nhờ phối hợp chặt chẽ công tác không hợp pháp với công tác hợp pháp và nửa hợp pháp, Đảng đã gây được nhiều cơ sở vững chắc6cho phong trào phát triển hơn về sau.
Năm 1939, cuộc đại chiến thế giời lần thứ hai nổ ra. Thực dân Pháp khủng bố rất gắt. Nhưng cơ sở của phong trào cách mạng vẫn giữ được. Khi đế quốc Pháp đầu hàng phát xít Đức ở châu Âu, thì ở Đông-dương, chúng đầu hàng và câu kết với phát xít Nhật, mở rộng cửa cho Nhật xâm lược Đông-dương. Các cuộc khởi nghĩa Bắc-sơn (Bắc-bộ), Nam-kỳ, nổ ra cuối năm 1940 nhưng thất bại. Tháng 5-1941, sau khi Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 8, Mặt trận Việt-minh được thành lập. Khẩu hiệu chính lúc bấy giờ là : đoàn kết toàn dân, chống phát xít Nhật, chống thực dân Pháp, giành lại độc lập. Việt-minh phát triển rất mau và rất mạnh, vai trò lãnh đạo của đảng của giai cấp công nhân càng được đề cao và củng cố.
Tháng 3-1945, phát xít Nhật gây đảo chính, đánh đổ quyền thống trị của Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng họp
hội nghị mở rộng, quyết định đẩy mạnh phong trào chống Nhật và tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Phong trào đấu tranh sôi nổi khắp nông thôn và thành thị. Khu giải phóng được thành lập ở 6 tỉnh Việt-bắc. Thắng lợi của Hồng quân Liên-xô ở châu Âu và ở châu Á, và lực lượng của Đảng Cộng sản Trung-hoa càng giúp đẩy mạnh phong trào đấu tranh hơn nữa.
Đến tháng 8-1945, tổng khởi nghĩa nổ ra. Nhân dân Việt nam dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng cộng sản, đã giành được thắng lợi to lớn : thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
*
Những bài học của Cách mạng 1905 truyền vào Việt-nam đã có tác dụng rõ rệt. Và tác dụng ấy đã thể hiện ra trong mỗi bước đi của Cách mạng Việt-nam từ năm 1930 đến nay.
Nói đến lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ, tức là nói đến huy động và tổ chức lực lượng của toàn dân, chủ yếu là đông đảo nông dân tham gia đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Trong điều kiện một nước thuộc địa như Việt
nam, ngoài những động lực của cách mạng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và giai cấp tiểu tư sản, còn phải chú ý tới giai cấp tư sản dân tộc và cả một số nhân sĩ dân chủ, một lực lượng có khả năng phản đế và phản phong kiến trong một chừng mực nhất định nào đó. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông-dương đề ra thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, năm 1936-1939 Mặt trận dân chủ ; năm 1939- 1940, Mặt trận dân tộc giải phóng và năm 1941, Mặt trận
Việt-minh ; rồi tới năm 1946 Mặt trận Liên-Việt và hiện nay Đảng Lao-động Việt-nam có sáng kiến lập Mặt trận tổ quốc Việt-nam. Sự đoàn kết rộng rãi ấy là một nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt-nam.
Nhưng đoàn kết trên cơ sở nào ?
« Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân ». Chỉ thị ấy của Sta-lin là điểm xuất phát để Trung ương Đảng của chúng tôi kết luận : « Cách mạng ruộng đất là cơ sở và nội dung của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nước ta ». (« Thực hiện cải cách ruộng đất » của Trường Chinh). Cho nên đoàn kết dân tộc càng rộng rãi thì cơ sở của đoàn kết lại càng phải vững mạnh. Cách mạng Nga lần thứ nhất đã để lại cho Cách mạng Việt-nam bài học rất qúi : luôn luôn và không ngừng củng cố khối liên minh công nông.
« Giai cấp công nhân Nga trong những cuộc giao tranh cách mạng 1905-1907, đã đặt nền móng cho khối liên minh công nông và tạo ra một lực lượng xã hội năm 1917 lật đổ chính quyền của bọn địa chủ và tư bản và mở cho nhân dân Liên-xô con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội »7. Bài học ấy được vận dụng vào cách mạng Việt-nam trong chính sách Mặt trận của Đảng của chúng tôi từ năm 1930. Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng đã nêu rõ ràng vai trò của nông dân : « Trong cuộc cách mạng tư sản dân chủ, giai cấp vô sản và nông dân là hai động lực chính, nhưng giai cấp vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thành công ». Và sau đó, bản luận cương còn nhấn mạnh : « Phải thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để ». Trong mỗi điều kiện cụ thể
của cách mạng Việt-nam, khẩu hiệu công nông liên minh đã được thể hiện ra một cách thích hợp. Sau khi phong trào xô viết Nghệ-tĩnh thất bại, tổ chức nông hội vẫn được duy trì dưới các hình thức khác nhau. Những khẩu hiệu đấu tranh chống thuế, giảm tô, chống đi phu, hoãn nợ. Rồi Mặt trận Việt-minh thành lập. Tổ chức nông dân cứu quốc hoạt động khắp các nơi. Chương trình của mặt trận đã ghi rõ :
- Tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và việt gian giao cho nông dân.
- Chia lại công điền.
- Mở mang công trình lấy nước vào ruộng, bồi đắp đê điều.
- Tự do khai khẩn đất hoang, có chính phủ giúp đỡ.
Những Mặt trận dân tộc thống nhất thành lập từ năm 1930 tới nay, mặc dầu có thay đổi hình thức tùy theo những điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ đấu tranh, nhưng tất cả đều đã làm được nhiệm vụ vẻ vang của nó, như thế vì đã dựa trên cơ sở liên minh công nông. Cho nên, có thể kết luận rằng : nếu giai cấp công nhân Nga đã đặt nền móng cho khối công nông liên minh trong những năm 1905-1907 và tạo ra lực lượng xã hội lật đổ địa chủ và tư bản năm 1917 do đó mở đường cho bước tiến lên chủ nghĩa xã hội thì giai cấp công nhân Việt-nam sau khi Cách mạng tháng Mười đã thắng lợi, học được những bài học của Cách mạng 1905 ở Nga, cũng đã gây dựng khối công nông liên minh ở Việt-nam và tạo ra một lực lượng xã hội căn bản lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến ngày Cách mạng tháng Tám mở đường cho sự
phát triển cách mạng dân chủ để sẽ tiến lên theo Liên-xô vĩ đại.
*
Có giai cấp công nhân và đảng tiền phong của nó lãnh đạo, có sự đoàn kết của các lực lượng cách mạng dựa trên cơ sở công nông liên minh, cách mạng Việt-nam muốn thắng lợi cần biết tiến hành vũ trang khởi nghĩa kịp thời và đúng lúc.
Nguyên tắc sách lược chủ yếu thứ hai mà Lê-nin nhấn mạnh trong tác phẩm « Hai sách lược » đã chỉ phương hướng hành động cho giai cấp công nhân Việt-nam. Cuộc đấu tranh vũ trang đã được tiến hành năm 1930 trong phong trào Xô viết Nghệ-an. Cho đến năm 1939, đại chiến thế giới thứ hai nổ ra. Tình hình Đông-dương cũng như tình hình nhiều nước ở châu Á có những thay đổi quan trọng. Phát xít Nhật uy hiếp Đông-dương. Thực dân Pháp đầu hàng Nhật và mở cửa biến giới rước quân Nhật tới. Nhân dân Việt-nam từ đấy phải chịu cả ách phát xít Nhật lẫn ách của thực dân Pháp. Năm 1940, những cuộc khởi nghĩa Bắc-sơn, Nam-kỳ nổ ra. Tuy thất bại nhưng những cuộc đấu tranh vũ trang ấy đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Bắc-sơn đã chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Những kinh nghiệm lập khu giải phóng của Đảng Cộng sản Trung-quốc đem lại thêm ánh sáng cho giai cấp công nhân Việt-nam lãnh đạo vũ trang khởi nghĩa. Sau khi Việt-minh ra đời (1941) việc chuẩn bị lập ra những khu giải phóng được tiến hành. Ngày 22-12-1944, đội Việt-nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập. Ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp. Đây là việc mà bộ tham mưu cách mạng lúc bấy giờ đã đoán trước thế nào cũng xẩy ra. Lập tức với cơ sở võ
trang đã chuẩn bị từ trước, Đảng thay đổi chiến thuật, xông thẳng tới tổng khởi nghĩa.
Nhưng tiến hành tổng khởi nghĩa như thế nào ? Tác phẩm « Hai sách lược » và nhiều tác phẩm khác của Lê-nin đã soi sáng cho chủ trương của Đảng chúng tôi trong những giờ quyết định của cách mạng. Dưới ánh sáng của những tác phẩm ấy, đặc biệt là của « Hai sách lược », Trung-ương Đảng chúng tôi dồn lực lượng vào động viên và tổ chức nhân dân chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tác phẩm « Cách mạng tháng Tám » của đồng chí Trường-Chinh đã ghi lại sáng rõ việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa năm 1945 :
« Cho nên, sau cuộc chính biến ngày 9-3-1945, Đảng phát động chiến tranh du kích rộng rãi, giành chính quyền địa phương, tổ chức vùng thượng du và trung du Bắc-bộ thành căn cứ chống Nhật gương mẫu. Đồng thời, Đảng thay đổi các khẩu hiệu, các hình thức tuyên truyền tổ chức và đấu tranh để dễ động viên quần chúng, đẩy quần chúng tiến tới khởi nghĩa một cách mau lẹ.
« Lúc đó, về tuyên truyền, chuyển trọng tâm của công tác tuyên truyền vào một vấn đề cốt yếu ; vạch mặt nạ giả nhân giả nghĩa của phát xít, quân phiệt Nhật ; đánh đổ tất cả những ảo tưởng lợi dụng Nhật, hợp tác với Nhật hòng dùng những « khả năng hợp pháp » đòi « cải cách » v.v… làm cho nhân dân mơ hồ đối với phát xít Nhật và bọn tù nhìn thân Nhật.
« Hình thức tuyên truyền phổ thông lúc đó là diễn thuyết xung phong ở các xí nghiệp, trường học, chợ, các ngã đường
; là dùng những đội tán phát xung phong để công khai trưng cờ ; băng, áp phích và phát tài liệu cách mạng.
« Hình thức tuyên truyền đặc biệt lúc đó là võ trang tuyên truyền bằng mọi cách, kể cả cách võ trang tuần hành và du kích.
« Về đấu tranh, nắm lấy vấn đề thiết thân của quần chúng – vấn đề giải quyết nạn đói – mà lãnh đạo quần chúng phá những kho thóc của Nhật : tuỳ tình thế biến các cuộc biểu tình đi xúc thóc ấy thành những cuộc biểu tình thị uy võ trang.
« Hình thức đấu tranh phổ thông lúc đó là biểu tình võ trang. Hình thức đấu tranh đặc biệt lúc đó là đánh du kích ở các vùng có địa thế ; dùng Đội danh dự trừ gian ở thành thị cũng như ở thôn quê.
« Về tổ chức, khôn khéo vận dụng những « tổ chức quá độ » (tạm thời) để thực hiện chính quyền địa phương, đặc biệt phát triển những đội tự vệ cứu quốc và tự vệ chiến đấu (hay tổ du kích) ; tổ chức các đội dân quân.
« Hình thức tổ chức phổ thông lúc bấy giờ là các hội cứu quốc, nhất là tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu. Hình thức tổ chức đặc biệt lúc bấy giờ là Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt nam, tức Chính phủ lâm thời, là các Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban giải phóng – một hình thức có tính chất vừa hành chính, chính trị và quân sự (tính chất chính phủ) cũng tồn tại trong một thời gian nhất định và sau ngày tổng khởi nghĩa, đã biến thành những cơ quan hành chính, chính thức ở các địa phương – sau nữa là Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, Uỷ ban
hành động của một xứ hay một địa phương trong giờ quyết liệt v.v… »
Thành lập những Uỷ ban nói trên, chính là áp dụng bài học của Cách mạng 1905 vào hoàn cảnh cụ thể của Việt nam, thực hiện « những hình thức đấu tranh không đếm xỉa gì đến nhà đương cục, không đếm xỉa gì đến pháp luật, không cần đến các quyền lực đã có và cả đến sự hợp pháp nữa và tự mình phá bỏ mọi luật lệ hiện hành. » (Lịch sử đảng cộng sản Liên-xô).
Những đội tự vệ cứu quốc và tự vệ chiến đấu, những tổ chức dân quân lúc bấy giờ chính là những lực lượng rồi rào bổ xung cho Quân đội giải phóng Việt-nam, tức là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt-nam ngày nay.
Rồi đến ngày 9-8, Hồng quân tiến đánh phát xít Nhật ở Mãn-châu. Đạo quân Quan-Đông của Nhật bị tan rã nhanh chóng. Đại bại ấy làm rung chuyển tất cả hệ thống quân đội Nhật đang đóng ở nhiều nước châu Á. Ở Đông-dương, Đảng của giai cấp công nhân họp hội nghị toàn quốc, quyết định tổng khởi nghĩa. Không khí vũ trang khởi nghĩa cho kịp thời sôi nổi khắp các nơi. Bộ máy thống trị của phát xít Nhật và phong kiến bị hạ.
Ngày 19-8-1945, ngọn cờ đỏ sao vàng ngang nhiên phất cao ở Hà-nội, thủ đô nước Việt-nam dân chủ cộng hoà. Cách mạng Việt-nam thắng lợi.
Bài học vũ trang khởi nghĩa của Cách mạng 1905 sau khi Nga-hoàng thất bại, áp dụng vào Việt-nam năm 1945 trong khi phát xít Nhật hoang mang đến cực điểm, là vô cùng quí
báu cho nhân dân Việt-nam. Cách mạng tháng Tám ở Việt nam thắng lợi, đó là thắng lợi của sự áp dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin đặc biệt là áp dụng bài học cách mạng dân chủ vào hoàn cảnh của một nước thuộc địa trong thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ chủ nghĩa đế quốc đang tan rã và chủ nghĩa xã hội được hoàn thành ở Liên-xô. Hồ Chủ tịch của chúng tôi, nói về Cách mạng tháng Tám, đã chỉ cho nhân dân Việt-nam thấy rằng :
« Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt-nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng : lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc » (Báo cáo chính trị tháng 2-1951).
Năm nay, kỷ niệm Cách mạng 1905 lần thứ năm mươi cũng là năm nhân dân Việt-nam kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập nước Việt-nam dân chủ cộng hoà. Tổng kết Cách mạng Nga lần thứ nhất, Lê-nin viết : « Cách mạng Nga đã làm chuyển động toàn châu Á. Những cuộc cách mạng Thổ nhĩ-kỳ, Ba-tư, Trung-quốc chỉ rằng cuộc bạo động to lớn 1905 đã để lại dấu vết sâu sắc và ảnh hưởng của nó đối với phong trào tiến bộ của hàng trăm và hàng trăm triệu người, không sức gì có thể lay chuyển được ».
Chúng tôi xin phép thêm rằng : Trong số hàng trăm triệu người ấy, có 23 triệu người Việt-nam.
III. Nhân dân Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của giai cấp
công nhân và Đảng Cộng sản Đông-dương, đã học tập được bài học của Cách mạng 1905, đã học tập được sự áp dụng những bài học ấy của Đảng Cộng sản Trung-quốc, và đã thu được những thắng lợi căn bản.
Nhân dân Việt-nam kỷ niệm 10 năm nước Việt-nam dân chủ cộng hoà xin chân thành cảm tạ nhân dân Liên-xô, Đảng Cộng sản Liên-xô và các lãnh tụ của Đảng đứng đầu là Lê-nin và Sta-lin vĩ đại.
Nhân dân Việt-nam nhớ lại những bài học của 1905 sẽ luôn luôn ghi ơn của nhân dân Trung-quốc, của Đảng cộng sản Trung-quốc và Mao Chủ tịch đã truyền cho kinh nghiệm áp dụng những bài học 1905 vào hoàn cảnh cụ thể của những thuộc địa và nửa thuộc địa.
Và nhân dân Việt-nam càng tăng thêm tin tưởng vào giai cấp công nhân, vào Đảng Lao-động Việt-nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí-Minh, đã chỉ đạo cách mạng, biến những bài học của Liên-xô. Trung-quốc và những kinh nghiệm của cách mạng Việt-nam từ trước tới bây giờ thành những lực lượng vật chất quật ngã chế độ thực dân và phong kiến ngày Cách mạng tháng Tám và lập ra nước Việt-nam dân chủ cộng hoà.
*
Nhân dân Việt-nam giành được chính quyền, nước Việt nam dân chủ cộng hoà thành lập. Việc bảo vệ lấy chính quyền mới giành được càng khó hơn gấp bội cuộc đấu tranh trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng nhân dân Việt-nam đã có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, đã học được những bài học của Cách mạng Nga cho nên đã nhận rõ mình cần
phải làm gì và làm như thế nào sau Cách mạng tháng Tám. Lê-nin trong « Hai sách lược » đã ghi lại :
« Sự toàn thắng của cách mạng đối với chế độ Nga-hoàng là sự chuyên chính dân chủ cách mạng của vô sản và nông dân. Và thắng lợi ấy chính là một sự chuyên chính, nghĩa là nhất thiết phải dựa vào lực lượng vũ trang, vào vũ khí của quần chúng, vào bạo động, chứ không phải dựa vào tổ chức này hay tổ chức khác lập nên một cách « hợp pháp » bằng con đường « hoà bình ». Nó chỉ có thể là một nền chuyên chính, vì những cái cách tuyệt đối cần thiết và cấp thiết cho vô sản và nông dân sẽ gây ra một sự phản kháng thất vọng của bọn địa chủ, đại tư bản và của chế độ Nga-hoàng. Không có chuyên chính, không thể bẻ gẫy được sự phản kháng ấy, không thể đánh lui được sự tấn công của phản cách mạng. Nhưng tất nhiên không phải là một nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa, mà là một nền chuyên chính dân chủ. Nó không thể đụng đến cơ sở của chủ nghĩa tư bản (nếu cách mạng chưa vượt qua những giai đoạn quá độ). Trong trường hợp thuận lợi nhất, nó có thể thi hành sự chia lại ruộng đất của địa chủ cho nông dân một cách triệt để : thi hành một chế độ dân chủ triệt để… »
Cách mạng Nga lần thứ nhất không những đã đem lại cho nhân dân Việt-nam những vũ khí tốt để giành chính quyền mà còn đem lại những vũ khí quí báu để nhân dân Việt-nam bảo vệ lấy chính quyền mới giành được. Những vũ khí ấy không phải là súng đại bác, xe tăng mà đó là những kinh nghiệm về chuyên chính dân chủ mà Lê-nin và Sta-lin đã tổng kết lại.
Nhưng sử dụng được vũ khí ấy trên miếng đất của Cách mạng Việt-nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 là một việc rất phức tạp.
Trong báo cáo chính trị trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao-động Việt-nam, Hồ Chủ tịch của chúng tôi đã nhắc lại những khó khăn đầu tiên khi chính quyền nhân dân mới ra đời.
« Chính sách của Nhật và Pháp vơ vét nhân dân ta đến tận xương tuỷ, chỉ trong vòng hơn nửa năm (cuối năm 1944 đầu năm 1945) hơn hai triệu đồng bào miền Bắc đã chết đói.
« Nước ta độc lập chưa đầy một tháng, thì phía Nam quân đội đế quốc Anh kéo đến. Chúng mượn tiếng là lột vũ trang của quân Nhật, nhưng sự thật chung là đội viễn chinh giúp thực dân Pháp mưu cướp lại nước ta.
« Phía Bắc thì quân đội Quốc dân đảng Trung-hoa kéo sang. Chúng cũng mượn tiếng là lột vũ trang quân Nhật, nhưng kỳ thật chúng có ba mục đích hung ác : - Tiêu diệt Đảng ta.
- Phá tan Việt-minh.
- Giúp bọn phản động Việt-nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng ».
Cuộc kháng chiến tự vệ của nhân dân Việt-nam bắt đầu ở Nam-bộ tháng 9-1945 và đến tháng 12-1946 thì lan ra toàn quốc. Sự chênh lệch giữa lực lượng quân sự của thực dân Pháp xâm lược có bọn đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ giúp sức và Quân đội nhân dân Việt-nam như thế nào, điều đó ai
cũng có thể biết. Trước năm 1950, quân Tưởng Giới-Thạch, tay sai của Mỹ vẫn chưa bị tiêu diệt và vẫn câu kết với đế quốc Pháp Mỹ mưu tiêu diệt chế độ dân chủ cộng hoà Việt nam.
Nhưng, chuyên chính dân chủ của nhân dân Việt-nam không lùi bước, lực lượng vũ trang của nhân dân Việt-nam lớn lên trong đấu tranh, kháng chiến vẫn giữ vững và phát triển. Rồi sau nhiều thắng lợi trên các chiến trường Bắc, Trung, Nam, đến năm 1954, nhân dân Việt-nam đã đại thắng ở Điện Biên-Phủ, và tạo thêm điều kiện quyết định buộc bọn đế quốc xâm lược phải đình chỉ chiến tranh ăn cướp và thừa nhận độc lập, thống nhất và chủ quyền toàn vẹn của nhân dân Việt-nam trên lãnh thổ Việt-nam.
Tất cả những thắng lợi ấy sở dĩ đoạt được, căn bản là do Đảng của giai cấp công nhân Việt-nam đã sử dụng được một cách đúng đắn những kinh nghiệm quí báu của các cuộc Cách mạng Nga, Trung-quốc, cũng như kinh nghiệm đấu tranh hàng chục năm chống bọn đế quốc và tay sai. Đã giành được chính quyền trong tay, nhân dân Việt-nam quyết thực hiện chuyên chính dân chủ. Vấn đề là phải nhận định cho rõ thực hiện như thế nào ? Đồng chí Trường-Chinh trong cuộc « Bàn về cách mạng Việt-nam » đã chỉ rõ cho nhân dân Việt-nam thấy như sau :
« Nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến khăng khít với nhau. Lúc này phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đó là trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại. Nhiệm vụ phản phong kiến nhất định phải làm đồng thời với nhiệm vụ
phản đế, nhưng làm có kế hoạch, từng bước một để vừa bồi dưỡng lực lượng cách mạng đặng mau tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, vừa đoàn kết kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc. »
Đó là đường lối thực hiện chuyên chính cách mạng dân chủ ở Việt-nam trong thời gian từ 1945 đến nay. Trong điều kiện một nước thuộc địa như Việt-nam bị đế quốc bao vây và tấn công, việc thực hiện chuyên chính dân chủ phải tiến hành rất thận trọng, đúng như Lê-nin đã căn dặn : « Trong trường hợp thuận lợi nhất, có thể thi hành một chế độ dân chủ triệt để… » Trường hợp thuận lợi nhất ấy chưa phải là đã có sẵn trong thời gian mấy năm đầu của cuộc kháng chiến, vì trong thời gian ấy, « kẻ thù cụ thể trước mắt của cách mạng Việt nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược (thực dân Pháp, can thiệp Mỹ) và bè lũ bù nhìn việt-gian phản nước, đại biểu quyền lợi cho địa chủ phong kiến và tư sản mại bản » (« Bàn về Cách mạng Việt-nam » – Trường-Chinh). Mũi nhọn của chuyên chính dân chủ cách mạng trước hết phải chĩa vào đầu những kẻ thù cụ thể ấy.
Bài học chuyên chính cách mạng dân chủ rút ra trong Cách mạng 1905, áp dụng vào Việt-nam đã có kết quả cụ thể của nó. Từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nền chuyên chính dân chủ nhân dân ở Việt-nam là của bốn giai cấp : công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, nhưng thực chất, đó là chuyên chính công nông. Những nguyên tắc của Cách mạng tư sản dân chủ vẫn được tôn trọng, song cách thức và mức độ áp dụng những nguyên tắc ấy cần phải thích hợp với hoàn cảnh cụ thể ở Việt-nam tuỳ
từng lúc và từng nơi cụ thể.
Theo đường lối ấy, từ sau Cách mạng tháng Tám, một phần tài sản và xí nghiệp của thực dân Pháp và bọn phản quốc bị tịch thu giao cho chính quyền nhân dân quản lý ; những xí nghiệp quốc doanh được thành lập ; dân chủ hoá thuế khoá, phát hành giấy bạc v.v…
Bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến bị thủ tiêu ; chính phủ lâm thời thành lập. Rồi tổng tuyển cử được tiến hành, nhân dân bầu ra Quốc hội và Quốc hội thảo ra Hiến pháp ; đồng thời các địa phương cũng bầu ra các hội đồng nhân dân, sau đó hệ thống uỷ ban nhân dân thay mặt nhân dân thực hiện chuyên chính dân chủ theo những mức độ đã quy định trong mỗi lúc.
Sau cách mạng tháng Tám, chương trình Việt-minh về vấn đề ruộng đất được đem ra thực hiện. Đồn điền của thực dân và ruộng đất của địa chủ việt gian bị tịch thu tạm giao cho nông dân ; các công điền công thổ được chia lại. Thông tư giảm tô của Bộ nội vụ được ban hành.
Đến năm 1949, sắc lệnh giảm tô lại được công bố. Những chính sách nói trên đã góp phần đẩy mạnh kháng chiến càng tiến lên. Cho đến đầu năm 1953, việc chia ruộng đất cho nông dân một cách triệt để ở các vùng tự do miền Bắc được đề ra. Kinh nghiệm phát động nông dân Trung-quốc càng giúp thêm cho phong trào đấu tranh của nông dân Việt-nam tiến hành thuận lợi.
Trong Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt-nam (từ 14 đến 23-11-1953), Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cho
cán bộ :
« Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt. Chỉ có phát động quần chúng cải cách ruộng đất, ta mới tiến hành những công việc đó được thuận lợi ».
Rồi kế tiếp, báo cáo của đồng chí Trường-Chinh, Tổng bí thư Đảng, lại một lần nữa phân tích cụ thể tình hình của xã hội Việt-nam, nhiệm vụ và tính chất cách mạng Việt-nam, kiểm thảo chính sách ruộng đất của Đảng và việc thi hành chính sách ruộng đất của Đảng rồi chỉ cho cán bộ phải tiến hành cải cách ruộng đất ở Việt-nam như thế nào.
Những chỉ thị của Hồ Chủ tịch và báo cáo của đồng chí Trường-Chinh là những ánh sáng rọi cho cán bộ của Đảng thấy rõ cơ sở và nội dung của Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt-nam là cách mạng ruộng đất, và do đó thấy rõ sự tác hại nghiêm trọng của việc không nghiêm chỉnh chấp hành chính sách ruộng đất của Đảng, khiến cho từ sau 1945, giai cấp địa chủ phong kiến đã trà trộn được vào chính quyền dân chủ ở cơ sở. Từ đấy, các đội cán bộ được phái xuống nông thôn vùng tự do, phát động nông dân đấu tranh thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất, đánh đổ uy thế của giai cấp địa chủ phong kiến và giành uy thế chính trị cho nông dân lao động.
Ở các vùng du kích và căn cứ du kích miền Bắc, trong thời gian kháng chiến, nông dân vẫn không ngừng đấu tranh
đòi giảm tô 25% như sắc lệnh của chính phủ đã quy định.
Ở miền Nam, ngoài việc tạm cấp ruộng đất của thực dân và địa chủ việt gian cho nông dân, chính quyền kháng chiến cũng tạm cấp cả những ruộng đất vắng chủ cho họ.
Sự thực hiện chuyên chính dân chủ theo từng bước và có kế hoạch ấy đẩy mạnh kháng chiến tiến lên và năm 1954 đã thu được thắng lợi to lớn.
Đã hơn một năm nay, bọn đế quốc xâm lược phải ngừng tiếng súng ăn cướp của chúng ở Đông-dương. Hoà bình được lập lại. Chủ quyền dân tộc và lãnh thổ toàn vẹn của ba nước Việt-nam, Khơ-me và Lào được thế giới thừa nhận.
Sta-lin bàn về Cách mạng Nga 1905 đã viết : « …Phong trào xô viết đại biểu công nhân, do công nhân Lê-nin-gờ-rát và Mạc-tư-khoa bắt đầu năm 1905, cuối cùng đã đi tới đập tan chủ nghĩa tư bản và xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội trên 1/6 quả địa cầu ».
Dựa vào bài học của phong trào xô viết của giai cấp công nhân Nga năm 1905, nhân dân Việt-nam dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt-nam đã lập ra những Uỷ ban dân tộc giải phóng. Uỷ ban nhân dân cách mạng ở nước Việt-nam trước Cách mạng tháng Tám, cơ sở đầu tiên của nền chuyên chính dân chủ ở Việt-nam tiến hành thắng lợi từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
Nhờ những bài học của phong trào xô viết năm 1905 ở Nga, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, khối công nông liên minh ở Việt-nam càng được củng cố, quân đội nhân dân Việt nam có thêm sức mạnh, Đảng của giai cấp công nhân càng
thêm có uy tín, chính quyền nhân dân Việt-nam càng thêm vững và và sau 8, 9 năm kháng chiến, nhân dân Việt-nam đã giành được một thắng lợi to lớn : miền Bắc Việt-nam đã được hoàn toàn giải phóng và đang khôi phục kinh tế trong hoà bình, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, chuẩn bị điều kiện tiến dần lên từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên một nửa đất nước và tạo điều kiện quyết định cho thắng lợi của công cuộc đấu tranh, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
*
IV. Năm nay, thế giới kỷ niệm Cách mạng Nga 1905 lần thứ 50. Cách mạng Việt-nam từ 1930 tới nay đã học được những kinh nghiệm quí báu của Cách mạng 1905, những kinh nghiệm đã được áp dụng thắng lợi vào Trung-quốc và được Đảng cộng sản Trung-quốc tổng kết, và những tổng kết ấy đã trở thành lý luận soi sáng cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Thắng lợi của Cách mạng Việt-nam, chính là thắng lợi của việc áp dụng thành công chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt nam và đặc biệt là những kinh nghiệm căn bản của Cách mạng Nga lần thứ nhất.
Nhân dân Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của giai cấp nhân dân Việt-nam và Đảng Lao động Việt-nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch, đã hoàn toàn giải phóng được miền Bắc. Nhưng miền Nam của Tổ quốc chúng tôi còn đang bị đè nặng dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Chúng đang trắng trợn phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu phá hoại hòa bình ở Đông-dương, trường kỳ chia cắt Việt-nam. Nhiệm
vụ Cách mạng của nhân dân Việt-nam còn nặng nề, cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước còn trường kỳ gian khổ. Nhưng từ chỗ không có gì hết, nhờ kinh nghiệm cách mạng của Liên-xô và Trung-quốc, nhờ sự lãnh đạo của Trung-ương Đảng Lao động Việt-nam, nhân dân chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn một nửa đất nước. Chúng tôi quyết giữ vững và phát triển những thắng lợi đã giành được, để tạo lấy những điều kiện quyết định cho cuộc đấu tranh giành thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ của Đảng Lao động Việt-nam, và Hồ Chủ tịch kính mến của chúng tôi đã đề ra.
Trong cuộc đấu tranh gian khổ, phức tạp và gay go, nhân dân Việt-nam luôn luôn nhớ rằng :
« Kinh nghiệm tổng kết của Cách mạng Việt-nam cũng như Cách mạng Trung-quốc là : một dân tộc thuộc địa hay nửa thuộc địa, muốn tự giải phóng phải có ba nhân tố thắng lợi chủ yếu dưới đây :
1. Đảng tiên phong trong sạch và vững mạnh.
2. Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi và củng cố, lấy công nông liên minh làm cơ sở.
3. Quân đội giải phóng của nhân dân anh dũng, vì nhân dân mà chiến đấu và được nhân dân ủng hộ »8
Đó là những kinh nghiệm bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất và đã được Đảng của giai cấp công nhân Việt-nam phát triển và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt-nam.
Với kinh nghiệm của Cách mạng Liên-xô, của Cách mạng Trung-quốc, với sự đồng tình và ủng hộ của phe hòa bình dân chủ thế giới đứng đầu là Liên-xô vĩ đại, Cách mạng Việt-nam dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng Lao động Việt-nam nhất định thắng lợi, nhất định củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc để tiến lên theo bước đường đã đi của Liên-xô, Trung-quốc và các nước dân chủ nhân dân.
MINH-TRANH
CÁCH MẠNG NGA LẦN THỨ NHẤT VỚI TRUNG-QUỐC
của PHẠM NHƯỢC-NGU
NĂM nay kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Nga lần thứ nhất (1905-1907). Ngày 9 tháng 12 năm 1905 là ngày cách mạng khởi nghĩa võ trang của Nga. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11, Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô và Học viện Mác – Ăng-ghen – Lê-nin – Sta-lin đã lần lượt cử hành hội nghị báo cáo về công trình nghiên cứu về kỷ niệm Cách mạng Nga lần thứ nhất Trung-quốc có cử một đoàn đại biểu gồm có các đồng chí Phan Tử-Niên, Tiễn Xuân-Phương, Phạm Nhược-Ngu sang Liên-xô tham gia hội nghị.
Sau đây là những đoạn chính trong bản báo cáo của đồng chí Phạm Nhược-Ngu đọc ở hội nghị :
I. Năm 1905, lúc Cách mạng Nga lần thứ nhất bùng nổ vào thời đại đế quốc chủ nghĩa, thì Trung-quốc cũng vừa qua cuộc biến động của Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900 chưa được bao lâu. Lúc ấy, các đế quốc càng công khai tiến hành xâm lược Trung-quốc và Chính phủ Mãn-thanh lại càng biến thành bọn tôi đòi nhơ nhuốc, nhất thiết tuân theo ý muốn các đế quốc. Lúc ấy cũng là lúc nhân dân Trung-quốc đang dần dần tiến vào con đường cách mạng phản đế, phản phong. Trong tình hình ấy, tiếng súng vĩ đại của Cách mạng Nga lần thứ nhất đã vang dội tới Trung-quốc.
Sau khi biết Cách mạng Nga lần thứ nhất bùng nổ, nhân
dân Trung-quốc hết sức thiết tha theo dõi sự tiến triển của Cách mạng Nga. Hồi ấy nhiều báo chí luôn luôn đăng tin Cách mạng Nga, bình luận về Cách mạng Nga, đưa ra cảm tưởng về vấn đề Trung-quốc do Cách mạng Nga gây ra. Ngày 2-6- 1905, Trung ngoại Nhật báo đã viết : « Xem các báo phương Tây nói về cuộc biến loạn ở kinh đô Nga gần đây, thì thấy nhân dân Nga oan khổ, chính phủ Nga dã man, bọn lính Cô
dắc hung ngược. Những việc này là những việc không nên có, vậy mà chính phủ Nga vẫn cứ làm !... Xét tình cảnh của người Nga ngày nay đem đối chiếu với sự việc của nước ta ngày nay, thì tình hình thật là rất giống nhau. » Thế là nhân dân Trung-quốc đã tỏ ra đồng tình với nhân dân Nga đang đấu tranh trong gian khổ. Và đó cũng là nhân dân Trung quốc đã tỏ ra cảm khái vì cảnh ngộ của mình cũng giống như cảnh ngộ của nhân dân Nga. Lê-nin đã nói : « Nhân dân Trung-quốc chịu hết những đau khổ mà nhân dân Nga phải chịu : chịu những bóp nặn về thuế má đối với nông dân đói rét, chịu những thống khổ do chính phủ kiểu Á-châu áp bức các yêu sách tự do gây ra ; chịu những áp bức của tư bản đã xâm nhập Trung-quốc gây ra. » (Lê-nin và Sta-lin, bàn về Trung-quốc, trang 21) Vì lẽ đó nhân dân Trung-quốc tất nhiên phải đem Cách mạng Nga liên hệ với vấn đề Trung quốc, và đã quan sát cách mạng Nga. Hồi ấy dư luận Trung
quốc đã dự đoán chế độ Nga hoàng sẽ đổ, và lại dự đoán rằng dưới ảnh hưởng của Cách mạng Nga, chẳng bao lâu nữa Cách mạng Trung-quốc cũng bùng nổ. Ngày 14-7-1905, Thân báo viết : « Sự giao thông trên thế giới ngày một gần gụi, sự việc thế giới kích thích vào tai mắt ngày một nhiều. Đầu thế
kỷ 20, chính thể chuyên chế Nga-la-tư đã ở vào cái thế không thể duy trì nổi. Phong trào cách mạng đã lan tràn đến Á-đông, cái ngày thành công cũng không còn xa nữa. » Sau đó khi Cách mạng 1905 bị đánh quỵ, và tạm thời thất bại, dư luận Trung-quốc vẫn nhận rằng Cách mạng Nga sẽ còn bùng nổ. Tờ Dân Báo số 22 năm 1906 có viết : « Chính sách khắc nghiệt của chinh thể Nga thật là cùng cực. Bảo rằng nếu Đảng cách mạng Nga bị đàn áp rồi không tiếp tục hoạt động được nữa, thì chúng tôi không thể đồng ý được. Theo sự nhận xét của tôi, ngày nào mà chướng ngại vật chưa bị lật đổ đi, thì ngày đó phong trào cách mạng chưa thể tắt được. Xét ra thì chưa đạt được mục đích cách mạng, thì thời kỳ cách mạng vẫn hãy còn. Cách mạng Nga 1905 tuy đã thất bại, nhưng ảnh hưởng của nó đối với Trung-quốc rất là sâu sắc ».
Lê-nin nói : « Chủ nghĩa tư bản thế giới và phong trào Nga 1905 cuối cùng sẽ thức tỉnh châu Á, hàng mấy trăm triệu nhân dân bị áp bức, mơ màng trong trạng thái đình trệ của thời đại trung cổ sẽ tỉnh dậy yêu cầu một đời sống mới, đấu tranh cho quyền lợi sơ bộ của con người, và cho dân chủ » (Lê-nin và Sta-lin, bàn về Trung-quốc, trang 40), rõ ràng là dưới ảnh hưởng của Cách mạng Nga 1905, nhân dân Trung
quốc đã « yêu cầu một đời sống mới, đấu tranh cho quyền lợi sơ bộ của con người và cho dân chủ » một ngày một kịch liệt. Khoảng tháng 8-1905, các đoàn thể cách mạng nhỏ do Tôn Trung-Sơn đứng đầu đã họp nhau lại thành « Trung-quốc đồng minh hội ». Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch ra rằng : « Bắt đầu từ Tôn Trung-Sơn, mới có cách mạng tư sản dân chủ tương đối rõ ràng » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II).
Tư tưởng cách mạng tư sản dân chủ của Tôn Trung-Sơn đến năm 1905 mới xác định. Chính Tôn Trung-Sơn cũng đã kể rằng : « Mãi đến năm Ất-tý (1905) tập hợp các bậc anh tuấn để lập Đồng minh hội ở Đông-kinh, tôi mới tin rằng sự nghiệp cách mạng có thể thành công trong đời tôi được » (Tôn Văn học thuyết, chương 8).
Cách mạng Nga 1905 làm cho giới tư tưởng Trung-quốc nhìn thấy rằng : « đầu thế kỷ 20, chính thể chuyên chế Nga la-tư đã ở vào cái thế không thể duy trì nổi » (Thân, báo, này 14-7-1905).
Thế kỷ 20 nhiều kẻ nhận rằng muốn xây dựng chính thể mới, thì phải tẩy trừ nền chuyên chế (Dân báo, số 3-4-1906). Do đó đã đưa giới tư tưởng Trung-quốc nhận thấy rằng : « Cách mạng Trung-quốc đối với chính phủ dị tộc cố nhiên là phải lật đổ nhưng đối với chính phủ quân chủ chuyên chế của mấy ngàn năm đồng thời cũng phải cải tạo ». (Dân báo, số 3-4-1906).
Thế nghĩa là không phải kết thúc ách thống trị hơn hai trăm năm của Mãn Thanh, mà căn bản phải kết thúc nền thống trị của Trung-quốc từ hơn 2000 năm nữa. Đồng thời Cách mạng Nga 1905 cũng làm vỡ mộng những người vẫn ảo tưởng rằng dưới nền thống trị của Mãn Thanh có thể thực hiện chủ nghĩa cải lương lập hiến được. Giữa lúc nhân dân Nga trong Cách mạng 1905 đã nhìn thấy việc chính phủ Nga hoàng lập ra quốc hội là lừa bịp, thì báo cơ quan của Đồng minh hội đã từng viết như sau : « Phong trào vĩ đại của nước Nga làm chấn động hoàn cầu, Nga hoàng đã ban bố điều lệ thành lập quốc hội, cho nhân dân hưởng tự do, thế mà nhân
dân Nga vẫn chưa thỏa mãn. Nhà tù ở kinh đô Nga cũng như nhà tù Bát-ti của nước Pháp hồi trước cách mạng đã bị san phẳng. Ai cũng biết rằng đó là nhờ lực lượng của đảng Xã-hội Nga... Việc đó cũng giúp đỡ ít nhiều cho phương châm cách mạng của nước ta. » (Dân báo, số 4-5-1906).
Sắc chỉ ngày 30 tháng Mười của Nga-la-tư, xét bề ngoài, là một hành động chưa từng có của chính phủ, quốc dân từ đây có thể được hưởng tự do do hiến pháp bảo đảm. Nhưng có biết đâu rằng thực ra cái đó không đủ tin được, vì vậy cách mạng vẫn không thể ngừng được. Sự sửa đổi về hình thức chỉ là trống rỗng. Nhìn lại Trung-quốc, thì chính phủ biết xét thời thế để thi hành cải cách không được như chính phủ Nga, mà lại còn ngoan cố gấp mười chính phủ Nga ; lực lượng quốc dân đòi chính phủ thi hành cải cách so với lực lượng quốc dân Nga, không cần phải nói ai cũng biết là không kịp, thế mà loanh quanh lại có thể tưởng rằng có thể hi vọng ở lập hiến được, và cho rằng bạo động là vô ích (Dân báo, số 4 như trên). Như thế là Cách mạng Nga 1905 đã đưa đường cho giới tư tưởng Trung-quốc nhận ra cách giải quyết vấn đề Trung-quốc : không thể giải quyết bằng phương pháp thay thế đế quốc Mãn Thanh bằng một đế quốc Hán tộc, cũng không thể giải quyết bằng phương pháp cải lương lập hiến, mà phải giải quyết bằng phương pháp cách mạng lập ra một nước cộng hòa dân chủ. Tuy rằng nước cộng hòa dân chủ mà Tôn Trung-Sơn muốn lập ra lúc bấy giờ là nước cộng hòa dân chủ tư sản (trong thời đại cách mạng vô sản của thế kỷ 20, chủ trương lập một nước cộng hòa tư sản là không thể thực hiện được), nhưng chủ trương ấy đã có ý nghĩa tiến bộ đối
với việc thúc đẩy giới tư tưởng Trung-quốc nhận thức về Cách mạng Trung-quốc. Theo lời kêu gọi của Tôn Trung-Sơn, sau năm 1905, phong trào dân chủ ở Trung-quốc ngày càng phát triển : năm 1906 đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa đại quy mô ở Bình-lương, Lưu-dương, Lễ-lăng (Hồ Nam) ; năm 1907 nổ ra các cuộc khởi nghĩa ở Hoàng-cương, Huệ-châu, An-khánh, Khâm-châu, Trấn-nam-quan (nay là Mục nam quan) ; năm 1908, nổ ra các cuộc khởi nghĩa ở Hà-khẩu (thuộc miền Nam Vân-nam), ở An-khánh ; năm 1910, nổ ra cuộc khởi nghĩa ở Quảng-châu ; năm 1911, nổ ra Cách mạng Tân-hợi. Cách mạng Tân-hợi không những đã chấm dứt nền thống trị Mãn Thanh, mà còn làm đổ vỡ nền đế chế đã kéo dài ở Trung
quốc hơn 2000 năm. Vì vậy trong « Báo cáo về Cách mạng 1905 » ngày 4-1-1917, Lê-nin có vạch ra rằng : « Cách mạng Thổ-nhĩ-kỳ, Ba-tư, Trung-quốc đã chứng minh rằng cuộc khởi nghĩa lớn mạnh năm 1905 đã để lại những dấu vết sâu sắc, ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa không thể mai một được, vì nó đang biểu hiện ở phong trào của hàng ức vạn quần chúng đang tiến lên ».
Giai cấp tư sản lúc bấy giờ (các phần tử trí thức của họ) tuy chịu ảnh hưởng của cách mạng Nga 1905, nhưng họ lại quan sát các sự kiện Cách mạng 1905 theo quan điểm của họ. Vì vậy đặc điểm của Cách mạng Nga 1905 khác hẳn các cách mạng tư sản khác, họ ít nhìn thấy, thậm chí lại không nhìn thấy gì hết. Các báo chí Trung-quốc lúc bấy giờ đối với nhiều vấn đề không thể phản ảnh đúng đắn bộ mặt thực của Cách mạng Nga 1905. Cái đó không những vì những tin tức về Cách mạng Nga lúc bấy giờ mà nhân dân Trung-quốc được
biết đều do các cơ quan thông tin của các đế quốc đã bóp méo đi, bịa đặt ra, mà còn vì quan điểm của giai cấp lãnh đạo Cách mạng Trung-quốc lúc bấy giờ không cho phép hiểu được bộ mặt thực của cách mạng Nga. Muốn vận dụng được kinh nghiệm Cách mạng Nga 1905 để chỉ đạo cách mạng tư sản Trung-quốc, không thể không chờ sự xuất hiện một điều kiện lịch sử tất yếu, nghĩa là phải chờ đến khi giai cấp vô sản Trung-quốc thành một lực lượng chính trị độc lập để lập ra chính đảng của mình (Đảng cộng sản Trung-quốc).
Thời kỳ cách mạng 1905, giai cấp vô sản Trung-quốc vẫn chưa nhảy lên vũ đài chính trị như là một lực lượng giai cấp độc lập và giác ngộ. Giai cấp này còn theo giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản mà tham gia cách mạng. Vì giai cấp vô sản Trung-quốc lúc bấy giờ chưa thành một lực lượng chính trị độc lập, nên sau Cách mạng Tân-hợi, Lê-nin đã vạch ra rằng : « Bốn trăm triệu người châu Á đã giành được tự do đã tỉnh dậy để tham gia sinh hoạt chính trị ». Nhưng một mặt khác Lê-nin lại vạch ra rằng : « ...Nông dân chưa được chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo không biết có đủ sức giữ được lập trường dân chủ của mình để chống lại các đảng phái tự do là những đảng phái hễ có cơ hội tốt là chạy ngay về phía hữu không ?... Một tương lai không xa sẽ chứng rõ điều này ». (Lê-nin và Sta-lin bàn về Trung-quốc, trang 32-34). Quả nhiên Cách mạng Tân-hợi chưa được giai cấp vô sản lãnh đạo đã đưa đến kết quả chứng minh lời đoán của Lê-nin là đúng. Đồng chí Mao Trạch-Đông cũng từng nói : « Cách mạng Tân-hợi chỉ đuổi được một ông vua, nhưng Trung-quốc vẫn còn ở dưới chế độ áp bức của đế quốc và phong kiến ;
nhiệm vụ cách mạng phản đế, phản phong vẫn chưa làm trọn » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II, trang 552). Cách mạng 1905 của Trung-quốc muốn được thắng lợi triệt để phải chờ đến khi chính đảng của giai cấp vô sản Trung-quốc ra đời mới thực hiện được. Lê-nin đã từng đoán trước rằng một chính đảng như thế nhất định phải ra đời. Quả nhiên, 10 năm sau Cách mạng Tân-hợi, chính đảng của giai cấp vô sản Trung-quốc – Đảng cộng sản Trung-quốc – đã ra đời đúng như quy luật.
II. Cách mạng Nga 1905 là cuộc cách mạng thế giới dân chủ lần thứ nhất phát sinh ra trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Đó không phải là sự tái diễn của cuộc cách mạng tư sản trước thời kỳ tư bản độc quyền, mà là cuộc cách mạng có những đặc điểm khác hẳn các cuộc cách mạng tư sản trước. Năm 1905, trong cuốn « Hai sách lược của đảng Xã hội dân chủ trong cách mạng dân chủ », Lê-nin đã từng bàn về nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, bàn về động lực cách mạng, quyền lãnh đạo cách mạng, đồng minh quân của giai cấp lãnh đạo cách mạng, và kẻ thù của giai cấp ấy, bàn về thủ đoạn trọng yếu để giành lấy thắng lợi cho cách mạng, bàn về tính chất chính quyền lập ra sau khi cách mạng dân chủ tư sản đã thắng lợi, và bàn về các vấn đề trọng yếu từ cách mạng dân chủ tư sản chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa v.v... Quyển sách ấy có một nội dung lý luận cách mạng mới về chủ nghĩa Mác, trước Cách mạng tháng Mười, trước ngày Đảng cộng sản Trung quốc ra đời, thì người Trung-quốc chưa thể hiểu được. Chỉ sau Cách mạng tháng Mười, sau khi Đảng cộng sản Trung-
quốc đã ra đời, người cộng sản Trung-quốc thông qua quyển sách ấy của Lê-nin, mới chân chính học tập được kinh nghiệm của Cách mạng Nga 1905, và mới cụ thể vận dụng được cơ sở sách lược do đảng Bôn-sê-vích đã vạch ra trong Cách mạng 1905 để chỉ đạo cách mạng Trung-quốc.
Trong quyển « Hai sách lược » Lê-nin đã bàn về sách lược của đảng Bôn-sê-vích trong cách mạng dân chủ. Trước hết phải thực hiện quyền lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản của giai cấp vô sản, phải thực hiện công nông liên minh dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, phải cô lập giai cấp tư sản tự do. Những sách lược ấy của đảng Bôn-sê-vích trong cách mạng dân chủ đối với cách mạng dân chủ mới ở Trung-quốc tức đối với cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, đã có tác dụng chỉ đạo hết sức trọng yếu. Tháng 3-1926 giữa lúc phong trào cách mạng vĩ đại của Trung-quốc đang bồng bột, để chống lại hai khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa tồn tại trong Đảng, đồng chí Mao Trạch-Đông đã từng viết ra tài liệu « phân tích các giai cấp trong xã hội Trung-quốc ». Trong tài liệu ấy đồng chí Mao Trạch-Đông, sau khi đã dùng phương pháp phân tích giai cấp của chủ nghĩa Mác mà phân tích địa vị kinh tế của các giai cấp trong xã hội Trung-quốc và thái độ của họ đối với cách mạng, liền định ra từ căn bản đường lối chung của Đảng Cộng sản Trung-quốc trong giai đoạn cách mạng dân chủ mới. Sau đó đồng chí Mao Trạch Đông, trong các trước tác khác, lại tiếp tục bàn rõ ràng về đường lối chung và chính sách chung của Đảng Cộng sản Trung-quốc trong giai đoạn cách mạng dân chủ mới. Đồng chí Mao Trạch-Đông đem đường lối chung, chính sách chung
của cách mạng dân chủ mới tại Trung-quốc quy định thành những công thức sau đây : « Đó là cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, đó là cuộc cách mạng nhân dân đại chúng, phản đế, phản phong, phản quan liêu tư bản ». Đường lối chung, chính sách chung mà đồng chí Mao Trạch Đông đã định ra cho cách mạng dân chủ mới ở Trung-quốc chính là sự vận dụng cụ thể nguyên lý sách lược của Đảng Bôn-sê-vích trong cách mạng dân chủ dưới điều kiện của Trung-quốc.
Trong quyển « Hai sách lược », Lê-nin đã vạch rằng : chủ nghĩa Mác dạy người vô sản không nên lẩn tránh cách mạng tư sản, không phải bảo người vô sản không quan tâm đến cách mạng tư sản, không phải bảo người vô sản đem quyền lãnh đạo cách mạng nhường cho giai cấp tư sản, mà dậy người vô sản phải hết sức hăng hái tham gia cách mạng ấy, phải vì chế độ dân chủ vô sản triệt để, vì sự nghiệp hoàn thành cách mạng triệt để kiên quyết phấn đấu. Khi cách mạng dân chủ mới ở Trung-quốc đã bắt đầu, giai cấp vô sản đã thành một lực lượng chính trị độc lập và đã lập ra chính đảng của mình, thì cách mạng Trung-quốc dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản có thể chuyển từ cách mạng dân chủ cũ sang cách mạng dân chủ mới. Giai cấp vô sản phải đóng vai trò lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản. Đó là đặc điểm làm cho Cách mạng 1905 khác với các cuộc cách mạng tư sản trước kia. Đó cũng là đặc điểm của cách mạng dân chủ mới ở Trung-quốc căn bản khác với cách mạng dân chủ cũ. Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch ra rằng : « Tất cả lịch sử cách mạng đã chứng minh : không có giai cấp vô sản lãnh đạo, thì
cách mạng sẽ thất bại ; có giai cấp vô sản lãnh đạo, cách mạng sẽ thắng lợi ». Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, bất cứ giai cấp nào khác trong bất cứ nước nào đều không thể lãnh đạo cách mạng chân chính đến thắng lợi được. Giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản Trung-quốc đã từng nhiều lần lãnh đạo cách mạng, mà đều thất bại cả. Điều này đã chứng thực ý kiến nói trên (Bàn về nền chuyên chính dân chủ nhân dân, trang 14). Nguyên nhân khiến cho cách mạng dân chủ mới ở Trung-quốc được thắng lợi triệt để là Đảng Cộng sản Trung quốc đã biết chấp hành nguyên lý sách lược cơ bản của cách mạng dân chủ tư sản, làm cho giai cấp vô sản thành ra kẻ lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản.
Trong quyển « Hai sách lược », Lê-nin vạch rằng : Điều kiện thứ nhất làm cho giai cấp vô sản thực sự thành ra kẻ lãnh đạo cách mạng tư sản là phải có kẻ đồng minh tự nguyện chịu ở dưới quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản ; vì rằng không có kẻ bị lãnh đạo thì kẻ lãnh đạo sẽ không phải là lãnh đạo nữa. Nông dân chính là một bạn đồng minh như thế. Đồng chí Mao Trạch-Đông theo đúng tư tưởng sách lược của Lê-nin đối với nông dân, đã nhận rằng vấn đề nông dân là vấn đề trung tâm trong cách giải quyết quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản. Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch rằng : « Chỉ ở dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, bần nông và trung nông mới được giải phóng ; giai cấp vô sản cũng phải kết bạn đồng minh chặt chẽ với bần nông và trung nông, thì mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi được. Không thế thì cách mạng không thể thắng lợi » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II, trang 638). Chính nhờ có giai cấp vô sản lãnh đạo, và nhờ có
công nông liên minh ở dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, mà cách mạng dân chủ mới ở Trung-quốc đã giành được thắng lợi triệt để, và làm cho cách mạng dân chủ mới có khả năng chuyển biến thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trong quyển « Hai sách lược », Lê-nin đã chỉ rằng điều kiện thứ hai để giai cấp vô sản thực sự thành ra kẻ lãnh đạo cách mạng tư sản là phải trục xuất ra khỏi sân khấu lãnh đạo những kẻ chực tranh quyền lãnh đạo với giai cấp vô sản để đóng vai trò lãnh đạo duy nhất, và làm cho chúng trở thành cô lập. Vì tư tưởng về quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản không thể cho phép có hai kẻ lãnh đạo cách mạng cùng tồn tại. Giai cấp tư sản tự do chính là giai cấp như thế. Vì giai cấp tư sản Nga là giai cấp tư sản của một nước đế quốc, và giai cấp tư sản tự do của nước đế quốc lại không thể không phản cách mạng được (Stalin toàn tập, quyển 10, trang 12). Vì thế, nếu không cô lập giai cấp tư sản phản động ấy, thì quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản không thể thực hiện được. Giai cấp tư sản Trung-quốc là giai cấp tư sản của một nước thuộc địa, nửa thuộc địa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Một bộ phận của giai cấp này là giai cấp tư sản mại bản, họ là đối tượng của cách mạng ; còn một bộ phận là giai cấp tư sản dân tộc. Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch ra rằng : « Một mặt giai cấp tư sản dân tộc bị đế quốc áp bức, và bị phong kiến trói buộc, vì vậy họ mâu thuẫn với đế quốc và phong kiến, theo mặt này mà xét, thì họ là một lực lượng cách mạng. Nhưng một mặt khác vì tính chất yếu ớt của họ về nền kinh tế và chính trị, vì họ chưa hoàn toàn đoạn tuyệt liên hệ kinh tế với đế quốc và phong kiến, cho nên họ không
có dũng khí phản đế, phản phong triệt để » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II, trang 634). Vì thế quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản Trung-quốc, vấn đề chính sách của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản trong cách mạng dân chủ có liên hệ với hai tính chất nói trên của giai cấp tư sản Trung
quốc. Về vấn đề quyền lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản, vì tính chất yếu ớt của giai cấp tư sản dân tộc Trung-quốc, nên giai cấp tư sản dân tộc không thể trở thành kẻ lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản Trung-quốc được. Nhưng vì giai cấp tư sản dân tộc trong một thời kỳ nhất định và trên một trình độ nhất định vẫn còn có thể tham gia cuộc cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc và chống chính phủ quan liêu quân phiệt. Đồng chí Mao Trạch-Đông đã nói : « Đối với giai cấp tư sản dân tộc phải có chính sách thận trọng. Đó là điều cần thiết » (Mao Trạch-Đông tuyển tập quyển II, trang 635). Như thế là chính sách của Đảng Cộng sản Trung-quốc đối với giai cấp tư sản trong cách mạng dân chủ có khác chính sách của Đảng Bôn-sê-vích Nga đối với giai cấp tư sản tự do trong cách mạng dân chủ. Quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản Nga thực hiện dưới điều kiện liên minh với nông dân, và cô lập giai cấp tư sản tự do. Quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản Trung-quốc lại thực hiện dưới điều kiện liên minh với nông dân, và cùng với giai cấp tư sản dân tộc lập thành mặt trận thống nhất dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Đông chí Mao Trạch-Đông đã định ra chính sách mặt trận thống nhất của giai cấp vô sản Trung-quốc đối với giai cấp tư sản dân tộc. Đó là chính sách vừa liên hiệp vừa đấu tranh. Đó là chính sách thực hiện quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản Trung-
quốc đối với giai cấp tư sản dân tộc. Đồng chí Sta-lin đã từng vạch ra rằng : một nguyên tắc sách lược của chủ nghĩa Lê nin là nhất định phải đánh giá những đặc biệt của dân tộc, và những cái độc hữu của dân tộc trong từng quốc gia một (Sta lin toàn tập, quyển 4, trang 298). Chính sách của Đảng Cộng sản Trung-quốc đối với giai cấp tư sản dân tộc trong cách mạng dân chủ đã căn cứ vào tình hình đặc biệt của Trung quốc mà định ra. Sách lược của Đảng Cộng sản Trung-quốc trong giai đoạn cách mạng dân chủ mới cũng như sách lược của Đảng Bôn-sê-vích Nga, nghĩa là đều trải qua cuộc đấu tranh chống chính sách của bọn cơ hội chủ nghĩa các loại. Đảng Cộng sản Trung-quốc đã chiến thắng sách lược cơ hội chủ nghĩa tả khuynh và hữu khuynh rồi dựa vào nguyên lý sách lược của chủ nghĩa Lê-nin mà định ra chính sách chỉ đạo cách mạng Trung-quốc, cho nên cách mạng dân chủ mới của Trung-quốc mới giành được thắng lợi triệt để.
Trong quyển « Hai sách lược », Lê-nin còn vạch ra rằng : cần tổ chức khởi nghĩa võ trang để lật đổ chế độ Nga-hoàng, cần lập chính phủ cách mạng lâm thời, thực hành công nông dân chủ chuyên chính, và sau khi cách mạng dân chủ đã giành được thắng lợi triệt để thì tức khắc phải biến cách mạng dân chủ tư sản ra cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Tung-quốc đã đem nguyên lý sách lược của đảng Bôn-sê-vích Nga trong cách mạng dân chủ kết hợp với thực tiễn cụ thể của cách mạng Trung-quốc. Đồng chí Mao Trạch Đông vạch ra rằng : Cách mạng Trung-quốc phải dùng đấu tranh võ trang làm thủ đoạn chủ yếu để lật đổ nền thống trị phản động, là vì ở một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa
như Trung-quốc, nhân dân không có quyền lợi tự do chính trị, kẻ thù lớn mạnh của cách mạng không cho nhân dân Trung quốc có khả năng hoạt động hòa bình. Vì thế phương pháp chủ yếu của cách mạng Trung-quốc không phải là hòa bình mà nhất định phải là võ trang. Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch ra rằng : « Ở Trung-quốc ly khai đấu tranh võ trang, thì sẽ không làm gì có địa vị của giai cấp vô sản và đảng Cộng sản, và sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II, trang 532). Đồng thời lại vì kẻ thù của cách mạng lớn mạnh khác thường nên phải một thời kỳ lâu dài mới có thể tích tụ và rèn luyện được một lực lượng cách mạng để cuối cùng có thể chiến thắng được quân thù. Vì vậy từ sau năm 1927, Đảng Cộng sản Trung-quốc chuyển trọng làm công tác về nông thôn, dùng lực lượng võ trang nhân dân cách mạng lập căn cứ địa cách mạng ở nông thôn, tích tụ lực lượng ở nông thôn, dùng nông thôn bao vây thành thị để rồi chiếm lấy thành thị. Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch ra rằng : « Trên căn cứ địa cách mạng như thế, tiến hành đấu tranh cách mạng trường kỳ, chủ yếu là tiến hành chiến tranh du kích của nông dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung-quốc » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II, trang 630). Đấu tranh võ trang trường kỳ từ căn cứ địa cách mạng ở nông thôn cho đến thắng lợi cách mạng toàn quốc, đó là một đặc điểm của cách mạng Trung quốc, đó là sự vận dụng cụ thể, xuất sắc học thuyết đấu tranh võ trang của chủ nghĩa Mác – Lê-nin tại Trung-quốc. Chính quyền mà cách mạng dân chủ mới phải lập ra, là nền chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh
đạo, thành lập trên cơ sở công nông liên minh, đoàn kết với các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước. Tiền đồ của cách mạng dân chủ mới ở trung-quốc là chuyển thẳng sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Mao Trạch-Đông vạch ta rằng : « Cách mạng dân chủ là sự sửa soạn cần thiết cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa là xu thế tất nhiên của cách mạng dân chủ. Mục đích cuối cùng của hết thảy mọi người cộng sản là cố sức đấu tranh cho sự hoàn thành xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa » (Mao Trạch-Đông tuyển tập, quyển II, trang 646). Việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa tỏ ra rằng nhân dân Trung-quốc đã hoàn thành thắng lợi cách mạng dân chủ mới và bước vào thời kỳ lịch sử mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trước mắt nhân dân Trung-quốc đang đấu tranh thực hiện kế hoạch năm năm, đang kiến thiết chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin tại Trung-quốc. Đó là thắng lợi của nguyên lý sách lược Bôn-sê-vích tại Trung quốc. Tác dụng chỉ đạo cách mạng Trung-quốc của quyển « Hai sách lược » do Lê-nin viết ra để chỉ đạo cách mạng Nga trong thời kỳ cách mạng 1905, thật không thể mai một được.
PHẠM NHƯỢC-NGU
(D.M. dịch)
CỤ PHAN BỘI-CHÂU TRONG LỊCH SỬ GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA
của TÔN QUANG PHIỆT
SỐ tập san này chủ yếu nhằm giới thiệu với các bạn ảnh hưởng của cách mạng Nga lần thứ nhất đối với thế giới và đặc biệt là đối với Việt-nam. Cụ Phan Bội-Châu là nhà ái quốc tiêu biểu nhất trong 20 năm đầu thế kỷ chúng ta, đặc biệt trong thời kỳ từ sau khi cách mạng 1905-1907 đã nổ ra ở Nga và tác động đến nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi trân trọng giới thiệu với các bạn bài của đồng chí Tôn Quan-Phiệt nói về địa vị cụ Phan Bội-Châu trong lịch sử giải phóng dân tộc của chúng ta. Bài này đồng chí Tôn Quang-Phiệt đã có đọc ở viện Đông-phương trong dịp phái đoàn hội Việt-Xô hữu nghị đi tham quan Liên-xô vừa rồi và sau đó được phát triển thêm. Qua bài này, các bạn sẽ có một ý niệm đại quan về tình hình xã hội Việt-nam từ sau 1905, do đó sẽ thấy rõ hơn vì sao trong khi cách mạng Nga lần thứ nhất trực tiếp và tức thời tác động đến phong trào nhân dân nhiều nước trên thế giới, thì ở Việt-nam, những điều kiện xã hội lúc bấy giờ chưa có đầy đủ để nhận sự tác động trực tiếp và tức thời ấy.
LỜI TÒA SOẠN
*
TRƯỚC hết ta hãy phác qua vài nét về tiểu sử cụ Phan Bội-Châu. Cụ Phan Bội-Châu hiệu là Sào-Nam sinh vào năm 1867 ở huyện Nam-đàn, tỉnh Nghệ-an trong một gia đình nhà
nho nghèo, phải « lấy nghiên làm ruộng, lấy bút làm cày, mới có thể tự túc được ». Lúc cụ sinh thì toàn bộ Nam-bộ đã bị Pháp chiếm đóng. Lớn lên, cụ đã chứng kiến từng bước cái chính sách « tằm ăn lá » của bọn cướp nước : thực dân Pháp đã chiếm dần tỉnh này đến tỉnh khác, xứ này đến xứ khác hoặc bằng quân sự, hoặc bằng chính trị, cho đến khi nuốt cả bán đảo Đông-dương.
Cụ Phan Bội-Châu lúc trẻ tuổi học rất thông minh, hiểu biết rất sớm, nhất là cụ rất giầu lòng yêu nước chí diệt thù theo lý tưởng của nhà nho chân chính ngày xưa.
Năm cụ 17 tuổi, nghĩa là lúc mà Pháp đánh lấy Bắc bộ lần thứ hai, cụ viết một bài hịch « Bình Tây thu Bắc »9để cổ động nhân dân nổi dậy chống Pháp ; nhưng vì cụ tuổi còn nhỏ, chưa ai biết đến, nên bài văn không có tiếng vang gì. Nhưng, đó là một biểu hiện của tinh thần diệt giặc cứu nước, tuy trẻ trung nhưng đầy triển vọng.
Năm 19 tuổi, là năm kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn và kế đó Pháp kéo quân vào tỉnh Nghệ-an, cụ Phan bước một bước mạnh hơn : cụ đã cổ động các bạn học, tụ tập một đội quân thí sinh hơn 60 người hưởng ứng chiếu cần vương. Nhưng đội quân vừa tổ chức được 10 ngày chưa hành động gì, thì Pháp kéo đại quân đến làng đốt phá.
Năm 20 tuổi, cụ Phan viết quyển « Song tuất lục » ca ngợi những người cầm đầu phong trào Văn than năm Giáp Tuất (1874) và những người cầm đầu phong trào Cần vương năm Bính Tuất (1886) ở hai tỉnh Nghệ-an và Hà-tỉnh.
Từ năm 21 tuổi đến năm 31 tuổi cụ Phan, vì cảnh nhà
nghèo đói, phải lo dạy học nuôi gia đình ; vả lại cụ là người con hiếu không muốn làm gì liên lụy đến cha, nên sống một cách ẩn nấp, chăm chỉ học tập để đi thi hương cho đỗ, cho có danh vọng, vì cụ đã nhận thấy là đời còn ham chuộng danh tước nọ danh tước kia, mà mình không có danh tiếng gì thì khó bề hoạt động được. Tuy thế, trong thời gian này cụ vẫn bí mật liên kết với các dư đảng Cần vương và các khách lục lâm và đã gặp nhiều người tâm phúc sau này cùng hoạt động cách mạng với cụ.
Từ ngoài 30 tuổi, nhất là từ năm 34 tuổi là năm cụ thi đỗ Giải nguyên trường Nghệ-an, danh tiếng lừng lẫy, và cũng là năm ông thân sinh ra cụ từ trần, cụ không vướng gánh nặng gia đình nữa, cụ mới tích cực hoạt động cho cách mạng.
Từ năm 1900 cho đến năm 1905 cụ Phan ráo riết vận động trong nước, như lập mưu cướp tỉnh Nghệ-an mà không thực hiện được vào ngày lễ chính-chung 14-07-1901 ; như phái người đi liên lạc với ông Đề Thám ở Phổn-xương để tính việc về sau phối hợp tác chiến (1902) ; như đi cổ động các miền Bình, Trị, Nam, Ngãi và Nam-bộ để gây một phong trào rộng lớn trong nhân dân (1903). Đi đến đâu, cụ Phan cũng hết sức tìm kiếm những người có lòng yêu nước, tán thành những hành động vũ trang bạo động của cụ. Sau này các cuộc bạo động lẻ tẻ nẩy ra đều có quan hệ với cuộc vận động của cụ Phan.
Từ năm 1905 trở đi, cụ Phan Bộ-Châu hoạt động ở nước ngoài : Nhật-bản, Trung-quốc, Xiêm-la. Nghe theo lời bọn Khuyển Dương-Nghị và Dại-Ôi, cụ Phan đưa Cường-Đế sang Nhật để cầu viện. Đồng thời theo ý kiến của Lương Khải-Siêu
là phái chủ trương quân chủ lập hiến của Trung-hoa, cụ Phan lại cổ động học sinh trong nước xuất dương du học. Việc làm đang tiến triển thì Pháp giao thiệp với Nhật hạ lệnh trục xuất các người cách mạng Việt-nam ra khỏi đất Nhật-bản. Cụ Phan cũng có mua được ở Nhật một số súng đạn, nhưng vì chở về Hương-cảng thì bị cảnh sát Anh bao vây, muốn chở qua Xiêm thì bộ ngoại giao Xiêm phản đối thành ra số võ khí không sao đem về nước được. Thế là cái mộng cầu viện Nhật-bản tan vỡ.
Cụ Phan hoạt động trên đất Trung-hoa và có về lập đồn điền tại Xiêm-la một thời gian.
Sau cuộc Cách mạng Tân-Hợi trung-hoa (1911) cụ Phan cùng các đồng chí trở về Trung-hoa thủ tiêu hội Duy-Tân xưa mà thành lập hội Việt-nam Quang-phục, bỏ con đường quân chủ mà theo xu hướng dân chủ. Hoạt động mấy năm chưa thu được kết quả gì đáng kể thì đại chiến thứ nhất bùng nổ ; thực dân Pháp ở Đông-dương muốn trừ cái đinh trong mắt mới giao thiệp với bọn quân phiệt Quảng-đông bắt giam cụ trong 3 năm. Vì mặc cả không xong, và có những chuyển biến quân sự xảy ra ở Quảng-đông nên cụ Phan lại được sống sót và ra khỏi nhà ngục. Lòng vẫn còn hăng hái quyết chí phục thù, cụ muốn trở về nước hoạt động. Cuối năm 1918 trên đường về nước, cụ Phan lại được tin Pháp và đồng minh đã thắng và Đức đã bại. Thấy vận động võ trang mấy lần không có kết quả và thế giặc càng mạnh lên, cụ Phan mới chuyên viết báo tạm thời nghỉ việc thiết chiến mà quay lại thiệt chiến và bút chiến. Từ xưa đến nay cụ Phan đã viết nhiều văn kiện rất kịch liệt vạch ra tội ác của Pháp và khuyến
khích nhân dân nổi dậy chống Pháp. Vì thế chúng chú ý dẹp tắt phong trào Phan Bội-Châu và bắt cho được cụ. Bắt không được, chúng dụ dỗ cụ Phan với quyền chức cao, lương bổng hậu trong triều đình, nhưng không có hiệu quả.
Đến năm 1925, mật thám Pháp dùng cách đê hèn bắt cóc được cụ Phan ở gần tô giới Pháp tại Thượng-hải trên đất Trung-hoa.
Cụ Phan bị tòa án để hình Hà-nội làm án khổ sai chung thân. Vụ án này làm cho nhân dân Việt-nam phẫn uất. Trước phong trào trong nước đòi thả cụ Phan bằng truyền đơn, bằng biểu tình, tên toàn quyền Đông-dương Va-ren đã phải « ân xá » cho cụ. Muốn đặt cụ vào một chỗ bế tắc, thực dân Pháp đã đưa cụ về Huế giam lỏng cụ. Nhiều cuộc biểu tình, bãi khóa nổ ra ở nhiều nơi, nên thực dân lại càng bao vây cụ ráo riết. Sống một đời bị giam lỏng như thế hơn 15 năm, « ông già Bến-Ngự » đã tạ thế vào ngày 20-10-1941.
Sau quãng đời 74 tuổi với ngót 30 năm hoạt động cách mạng, cụ Phan đã để lại trong trí nhớ chúng ta một ấn tượng sâu sắc ; tinh thần diệt thù, cứu nước của cụ làm cho mọi người khâm phục. Tuy nhiên, nhiều chủ trương của cụ cũng trở thành những vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu để rút những bài học bổ ích cho những hoạt động của chúng ta ngày nay.
*
Chủ trương chính trị của cụ Phan đã biểu hiện như thế nào qua các thời kỳ ?
Theo kế hoạch đầu tiên của cụ Phan thì đảng cụ cốt « liên
"""