" Số Đen - Camilo José Cela & Trương Võ Anh Giang (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Số Đen - Camilo José Cela & Trương Võ Anh Giang (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển] Ebooks Nhóm Zalo SỐ ĐEN Camilo José Cela Making Ebook Project BOOKAHOLIC CLUB Tên sách: SỐ ĐEN Tác giả: Camilo José Cela Nguyên tác: La familia de Pascual Duarte Dịch giả: Trương Võ Anh Giang Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Năm xuất bản: 1991 Số trang: 250 Khổ sách: 13 x 19 cm Ảnh bìa: Hồng Đức Đánh máy: Phương Nhi, Thu Hoài, Duyên, Bảo Trân, Hải Anh Soát lỗi: Vân Thu Chế bản ebook: Hồng Sơn Ngày thực hiện: 21/10/2012 Making Ebook Project #282 - www.BookaholicClub.com MỤC LỤC GIỚI THIỆU TÁC GIẢ GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TRÍCH LỜI BẠT TRÍCH “LỜI TỰA” CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI GHI LẠI BỨC THƯ CỦA DUARTE GỞI NGƯỜI ĐẦU TIÊN NHẬN BẢN THẢO CỦA HẮN TRÍCH DI CHÚC DO DON JOAQUIN ĐỂ LẠI SỐ ĐEN I II III IV V VI VII VIII IX X XI XII XIII XIV XV XVI XVII XVIII XIX CHÚ THÍCH KHÁC CỦA NGƯỜI GHI LẠI BỨC THƯ THỨ NHẤT BỨC THƯ THỨ HAI GIỚI THIỆU TÁC GIẢ Nhà văn Tây Ban Nha Camilo José Cela sinh trong một gia đình thượng lưu bản sứ, học nghành y nhưng thường xuyên nghe các bài giảng văn tại khoa Triết Đại học Madrid. Những năm 30, Camilo José Cela tham gia nội chiến Tây Ban Nha nhưng bị lao phổi nặng. Khỏi bệnh ông chuyển sang học Luật ở Madrid, và bắt đầu viết văn. Năm 1934, ông viết bài thơ đầu tiên Đám tang tôi và từ đó cái chết là đề tài ám ảnh trong các tác phẩm của ông; Năm 1942, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết Gia đình Pascual Duarte và nhanh chóng trở lên nổi tiếng; đuợc đánh giá là cuốn tiểu thuyết hay nhất Tây Ban Nha kể từ thời Don Kihote. Camilo José Cela sáng tác rất nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, kí, kịch, thơ, truyện dịch, Ông còn soạn Từ điển bí mật, 11 tập, gồm những từ vựng kiêng húy, bị cấm đoán, tiếng lóng đường phố…, và Bách khoa tình dục, song tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Tổ ong kể về cuộc sống của dân chúng ở thủ đô Madrid sau khi kết thúc nội chiến. Năm 1983 ông cho ra đời tiểu thuyết được coi là “Trào phúng đen” – Bản Mazurca cho hai người chết. Năm 1989, Camilo José Cela là nhà văn đầu tiên của Tây Ban Nha được tặng giải Nobel văn học cho những tác phẩm được viết theo lối văn súc tích, cô đọng thể hiện lòng trắc ẩn vô hạn đối với những phận người cay đắng và hoang mang trong cuộc chiến phi lí. Ông được coi là nhà văn nổi bật nhất của Tây Ban Nha sau chiến tranh. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM Số đen là câu chuyện về cuộc đời của anh nông dân người Tây Ban Nha là Pascual Duarte sinh ra trong một thế giới khắc nghiệt đầy trụy lạc, thù hận và đói nghèo. Câu chuyện được Pascual kể lại từ trong nhà tù nơi anh bị giam giữ chờ ngày hành quyết vì những tội giết người mà anh đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình. Mặc dù đã có những động lực độc ác và dã man, Pascual vẫn giữ lại được cái nhìn đầy thơ trẻ về thế giới và niềm khao khát cháy bỏng để hiểu được số phận nào đã đưa anh vào con đường đầy máu. TRÍCH LỜI BẠT Bản dịch tiếng Anh cuốn “Số Đen” Một trong những nhà văn tài ba nhất của thế giới đứng về phía những người bị đày xuống địa ngục trong những năm đảo lộn dưới chế độ bọn Trục là Camilo José Cela ở Tây Ban Nha… Cela là một gương mặt nổi bật, ghi chép về cuộc đời của những người dân quê ngu dốt của Castille và những kẻ giết người của Extremadura. Cuốn Số đen, lấy chủ đề quanh việc giết người một cách không có ý nghĩa. Như một tiếng chuông gọi hồn thật to, cuốn sách vang lên với âm thanh của một khoảng không về tinh thần. Hồi chuông báo tử xuyên qua một thảo nguyên trống rỗng của tâm hồn… Phía sau và phía dưới tác phẩm là vực thẳm của một cuộc chiến tranh vừa bước vào cao điểm, sự tiêu điều lan rộng của một hậu quả đã thấy trước, sự thiếu đức tin vào bất cứ những gì không có trước mắt, cái huyền thoại được làm sang tỏ, cái phi lý của vận may… … Một nhà thơ nổi tiếng trong nước đã đặt Cela vào hàng ngũ những nhà văn lớn ở Tây Ban Nha có nhiều tài năng trong “nghệ thuật gây dựng cái đẹp từ “con số không” và từ những cái khiếm khuyết”. Đó là một truyền thống của bốn trăm năm văn học sử mà bắt đầu là tiểu-thuyết-lấy-kẻ-bất lương-làm-nhân-vật-chính… … Camilo José Cela đã tạo ra một thế giới mà nghị lực con người không còn nữa, những nghị lực phải cúi đầu trước sự hư không hầu như huyền bí của con tim chính mình. Những nhân vật của ông không bao giờ đi ngang qua mặc cảm xã hội để đến số phận, xuyên qua những con đường mòn của xã hội, nói gì đến Hình hài của Chúa Ki-tô hay Nhà chung. Họ có thể vật vã đấu tranh, nhưng luôn luôn họ đầu hàng chính họ vào lúc cuối cùng. Pascual Duarte đã hành động như thế bên ngoài pháp luật. Hắn hài lòng chấp nhận tầm cỡ đầy đủ của chính hắn… Ở Cela, khuynh hướng đó là một niềm tin hầu như huyền bí vào sự đúng đắn của điều không lường trước được. Trong khai từ một quyển sách nghiên cứu về “hệ thống thẩm mỹ” trong tác phẩm ông của một nhà khảo cứu, ông viết: “Nhà văn chúng ta sống một ít như con ốc, thỉnh thoảng vươn cổ ra để chỉ rụt vào hầu như liền lúc ấy… Nhà văn chúng ta chỉ cần năm sáu ý tưởng rõ rệt… để giữ chúng ta bên lề của các thể chế, tất cả các thể chế đó đều không tốt, không có ngoại lệ, tất cả các thể chế đó đều thối rữa và cũ rích”. Số đen là một tác phẩm nghiên cứu về tâm lý của cái sợ, về sự hung hăng của cái sợ. Một cách đầy đủ hơn: sự hung hăng của sự sợ hãi lẫn rụt rè, và cái tội ác về cả hai điều này. Tất cả điều này là trần trụi, vì không có tính người, như hòn đá, khi nó không trình diễn cái nghèo. Sức mạnh của tác phẩm là hành động của một ý chí bị tiêu diệt, hay một ý-muốn-dẫn-đến-sự-tiêu-diệt. Thật hết sự kinh tởm chuyện người mẹ cắn sứt đầu vú đàn ông không còn tác dụng nữa của con trai, người con trai cứ tin rằng người mẹ là để cho sự giết chóc. Thật quái dị khi ta thấy một con chó săn bị giết vì theo chủ trong lúc hắn nổi cơn bốc đồng; thật hung bạo khi hắn giết một người đàn ông để trả thù vì tình yêu của hắn đối với vợ hắn. Tóm lại, có đủ để biến Số đen thành một tiểu thuyết cao cấp của truyền thống “biểu hiện” (nói theo hội họa). Để riêng mọi sự phân biệt về cái thế giới hiện hữu và nơi cứ trú, Cela chắc chắn là nhà văn kỳ cựu nhất của Tây Ban Nha hôm nay: kỳ cựu về âm thanh, về ngôn từ Tây Ban Nha. Ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ của Đôn Kihôtê lẫn Sancho Pancha… Thế giới của ông mong manh như không khí ở Avila. Nó cũng đầy đất như ở Andalusia… Trung tâm của ông là Madrid. Ông bị đẩy tới đó bởi một lực hướng tâm đặc biệt của Tây Ban Nha. Và ông đã đứng ngay trung tâm của truyền thống văn chương đó. Anthony KERRIGAN TRÍCH “LỜI TỰA” (Bản dịch tiếng Pháp) Thỉnh thoảng, không đều đặn và như thể bất ngờ, đã xuất hiện những cuốn tiểu thuyết mà tầm quan trọng không chỉ ở phẩm chất văn chương của tác phẩm, nhưng còn do tính độc đáo của đề tài và tính mới mẻ trong hình thức những tác phẩm đó. Như vậy, những tác phẩm này đã tạo một ảnh hưởng đáng kể đến một số đông các nhà văn, sau đó ảnh hưởng đến thị hiếu của quần chúng, và về lâu về dài cuối cùng tác phẩm đã có tác động làm thay đổi đường hướng của những trào lưu văn chương của cả một thời kỳ. Sẽ có những độc giả sành sỏi cho rằng nói như vậy, tôi muốn ám chỉ tới những tác phẩm rất khác biệt nhau về kỹ thuật cấu thành tác phẩm, về quan niệm cũng như về số độc giả đặc trưng của những tác phẩm đó vào thời điểm chúng xuất hiện… Tuy nhiên, đôi khi vì những tình huống lịch sử, chính trị hoặc kinh tế, một số xứ sở tạm thời buộc phải đứng bên lề dòng tiến hóa không thể cưỡng lại được của toàn nhân loại. Bấy giờ, đời sống văn hóa của những xứ sở ấy phải cam chịu một thứ thoái hóa làm tê liệt trong một mức độ nào đó những biểu hiện tinh thần của đời sống văn hóa của nhân loại. Nhưng dẫu vậy, cuộc sống vẫn tiếp diễn, và một người quan sát chuyên chú và kiên trì sẽ chẳng hề chậm trễ để nhận ra những trăn trở dù yếu ớt, những vận động đầu tiên nhằm báo hiệu sự phục hưng của một nền văn hóa, một nền nghệ thuật và một nền văn học mà tiến trình đã bị ngăn chặn trong một thời gian bởi những tình huống bên ngoài… Trong lĩnh vực tinh thần, những chấn động của cuộc nội chiến đã để lại những hậu quả bị đát, không thể cứu vãn được. Khi cuộc nội chiến kết thúc, một số khuôn mặt đáng kể nhất của nền văn hóa Tây Ban Nha biến mất…, hầu như trong toàn đất nước Tây Ban Nha không còn lấy một nhà trí thức có tầm cỡ. Đa số những nhà trí thức đã chọn lựa cuộc sống lưu vong, và thế hệ những nhà văn mới ở Tây Ban Nha - những người lẽ ra là bậc thầy của họ hoặc đã chết hoặc vắng mặt - bị bỏ mặc cho số phận… - Cela là một khuôn mặt lớn đầu tiên nổi lên sau cuộc nội chiến, và trong không khí nghèo nàn của văn học Tây Ban Nha, những tác phẩm của ông đã gây được tiếng vang lớn, không chỉ vì ông làm chủ được ngôn ngữ - điều này được chứng tỏ qua các tác phẩm đó - mà còn vì những tác phẩm của Cela đã thể hiện qua nội dung cũng như hình thức một nét độc đáo tương đối, nét độc đáo làm kinh ngạc đa số độc giả của ông, bởi họ tuyệt đối không biết những đổi mới trong nền tiểu thuyết thế giới, điều này tự nhiên thôi, vì sự cô lập của Tây Ban Nha đối với cộng đồng quốc tế trong hơn mười năm sau cuộc nội chiến, và còn vì những khó khăn mà thể chế chính trị ở Tây Ban Nha đã gây ra cho sự phát triển tinh thần ở đất nước này - một cơ chế chính trị mang màu sắc văn hóa khá đặc biệt và thù địch với sự tiến bộ, đã hoành hành bên trong xứ sở Tây Ban Nha. - Thực vậy, với Số đen, công lao của Cela là gấp đôi: trước hết vì ý muốn lồng những tác phẩm của ông vào bối cảnh của tinh thần Âu châu mà không khước từ bất kỳ một nét đặc trưng nào của Tây Ban Nha… Qua nhân vật Pascual Duarte, Cela trình bày một quan điểm duy sinh hầu như thuần túy sinh học, nối kết hơn nữa với cái “hành xử” Tây Ban Nha nguyên sơ nhất. Trong mọi trường hợp, trong toàn cảnh văn hóa - và cả chính trị - của Tây Ban nha, tác phẩm Số đen đã giữ vai trò của sự truyền máu, đã vạch một con đường cho những kinh nghiệm của tương lai… J.M. CASTELLET Đối với tội lỗi của hắn, người ta nguyền rủa. Người ta cho hắn là ghê tởm, là mất tính người. Có ai tìm hiểu được nguyên ủy? Án tử hình là phát xét của “Công lý” đối với hắn. Nhưng đối với linh mục khám tử hình, hắn chỉ là một con cừu ngoan. Cái trớ trêu của cuộc đời của hắn phải chăng cũng là của những kẻ bất hạnh khác? Và phải chăng đó cũng là điều cho người đọc suy gẫm trong cuộc sống quay cuồng phức tạp của thế giới, cuộc sống xu bồ xu bộn đầy tội ác ngày nay? T.V.A.G. CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI GHI LẠI Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải cho in hồi ký của Pascual Duarte. Nếu làm sớm hơn, thì việc chuẩn bị của tôi sẽ cẩu thả. Gấp gáp để làm gì? Cần phải có thời gian cho mọi việc, thậm chí để chữa chính tả của một bản thảo, và như người ta nói hễ giục tốc thì bất đạt. Và giờ đây cũng không có lý lẽ để bào chữa nếu chờ đợi thêm: một khi đã bắt đầu thì công việc phải kết thúc và kết quả phải được công bố. Tôi đã tìm thấy những trang mà tôi chép lại ở sau, vào khoảng giữa năm 1939, trong một hiệu thuốc ở Almendralejo (chỉ có Chúa mới biết những bàn tay xa lạ nào lúc đầu đã đặt chúng tại đó) và từ thời gian ấy, tôi đã sắp xếp cho có thứ tự, ghi lại cho có ý nghĩa, vì những trang đó viết rất tháu, không đánh số và lộn xộn, không thể đọc được. Trước tiên, muốn nói rõ ràng công lao của tôi chỉ là chép lại câu chuyện mà hôm nay tôi trình cho độc giả tò mò; tôi không thêm không bớt một dấu phẩy, vì muốn tôn trọng cách kể chuyện của Duarte trong từng chi tiết, cả ở văn phong của hắn. Đối với một số đoạn quá sống sượng của tác phẩm, tôi đã chọn cách cắt hẳn không thương tiếc chứ không viết lại; do đó, tất nhiên, độc giả sẽ bị mất một số chi tiết nhỏ - mà có mất cũng không hại gì - bù lại độc giả sẽ tránh được những tâm tình đôi khi ghê tởm mà, tôi xin nhắc lại, xóa bỏ thì tốt hơn là thay đổi. Tác giả những trang này theo ý nghĩ của tôi và có lẽ đó là lý do duy nhất tôi trình diện hắn, là một người mẫu, không phải người mẫu để bắt chước mà để lánh xa; một người mẫu ta không có gì nghi ngại, một người ta buộc phải nói: - Bạn thấy những gì hắn làm chứ? Ấy chính hắn nên làm trái lại. Nhưng chúng ta hãy nhường lời cho Pascual Duarte, vì chỉ hắn mới có những điều thú vị kể cho ta. BỨC THƯ CỦA DUARTE GỞI NGƯỜI ĐẦU TIÊN NHẬN BẢN THẢO CỦA HẮN Don Joaquin Barrera Lopez, Mérida, tỉnh Badajoz, Extremadura. Thưa ngài, Xin được phép gửi đến ngài một câu chuyện rất dài tôi kèm theo thư này, bức thư cũng dài. Trong số những người bạn của Don Jésus Gonzalez de la Riva (hẳn Chúa đã tha thứ cho ngài ta cũng như ngài ta đã tha thứ tôi), ngài là người mà tôi còn nhớ địa chỉ, và vì ý do đó nên tôi gửi cho ngài bản thảo của tôi. Xin ngài hãy nhận bản thảo này để tôi khỏi phải giữ, vì lúc nào cũng cảm thấy ngột ngạt khi tôi nghĩ rằng tôi có thể viết được nó. Và việc tôi gửi nó đi cũng tránh cho tôi khỏi hủy hoại nó trong một cơn buồn chán (những thời gian này, Chúa lại thường khiến tôi hay buồn chán), điều tránh cho một số người biết những gì mà tôi biết rất muộn. Tôi xin giải thích một chút. Tôi biết khá rõ rằng hồi ký của tôi, than ôi! không có gì xây dựng, và vì tôi muốn trút bỏ gánh nặng đè trĩu lương tâm mình bởi sự thú tội công cộng này, nếu có thể, vì đây không phải là một sự sám hối nhỏ nhoi, tôi quyết định kể lại phần nào những gì tôi nhớ được về đời tôi. Hồi ức không bao giờ là ưu điểm của tôi và có lẽ tôi đã quên cả một số chuyện rất thú vị; dù sao, tôi muốn nói những gì đã khắc ghi trong tâm trí tôi và những gì bàn tay tôi có thể ghi dễ dàng trên giấy, vì, đối với những thứ còn lại tôi cảm thấy tởm lợm nên tôi chọn cách im lặng và cố quên đi. Ngay khi bắt đầu ghi lại những hồi ức này, tôi biết rằng có một chuyện tôi không đề cập: cái chết của tôi…, mà tôi cầu xin Chúa hãy rút ngắn! Chi tiết này khiến tôi suy gẫm rất nhiều và, với cuộc sống ít ỏi còn lại, của mình hiện nay, tôi đã có thể thề với ngài rằng hơn một lần tôi suýt bỏ ngang không ghi nữa, vì không thấy rõ mình sẽ kết thúc ở đâu. Sau cùng tôi nghĩ rằng tốt nhất là cứ bắt đầu, còn kết thúc thì tùy ở lúc Chúa không cho bàn tay tôi viết nữa, và đó là điều tôi đã làm. Hôm nay, chán ngấy vì đã viết lung tung đầy bao nhiêu tờ giấy, tôi xin kết thúc hẳn câu chuyện của tôi, để ngài tự do tưởng tượng đoạn đời còn lại của tôi; chuyện này dễ thôi vì giữa bốn bức tường này chắc chắn sẽ không có gì to lớn có thể xảy ra thêm với tôi. Lúc bắt đầu viết chuyện này, tôi rất bối rối nghĩ rằng có ai đó biết trước là tôi sẽ kết thúc được câu chuyện và biết trước chỗ tôi phải cắt câu chuyện, nếu tôi thiếu thời gian; tin chắc rằng tất cả những hành động của tôi cần phải theo những con đường đã chọn sẵn cho mình, tôi đâm ra nổi khùng. Hôm nay, tôi gần với cuộc sống bên kia thế giới, tôi cam chịu hơn. Tôi tin rằng Chúa đã đoái hoài mà tha thứ cho tôi. Tôi cảm thấy được khuây khỏa phần nào sau khi đã kể lại tất cả những gì tôi đã sống, và có những lúc mà chính lương tâm tôi ít ray rứt tôi. Tôi tin rằng ngài sẽ hiểu những gì tôi không thể diễn đạt hay hơn, bởi tôi không biết cách. Giờ đây tôi rất ân hận vì đã lầm đường lạc lối, nhưng không xin được tha thứ nữa trong cõi đời này. Có ích lợi gì chứ? Có lẽ sẽ tốt hơn nếu người ta đối xử với tôi đúng theo yêu cầu của luật pháp, vì nếu họ không làm thế thì rất có thể tôi sẽ trở lại những lầm lỗi trước kia. Tôi không muốn xin được ân xá, vì cuộc đời đã dạy cho tôi quá nhiều điều xấu xa và tôi quá đuối không chống lại được bản năng mình. Cứ để sự phán xét đã được ghi trong Sổ Thiên đình được thực hiện. Thưa Don Joaquin, xin ngài nhận cùng với những trang bản thảo này những lời xin lỗi của tôi vì tôi đã viết cho ngài, và xin ngài hãy ban cho tôi sự tha thứ như tôi đã cầu xin, cũng như tôi đã cầu xin với Don Jésus, cho người đầy tớ hèn mọn của ngài. Pascual Duarte Nhà lao Badajoz, TRÍCH DI CHÚC DO DON JOAQUIN ĐỂ LẠI DI CHÚC NÀY DO NGÀI TỰ TAY VIẾT; LÚC QUA ĐỜI KHÔNG NGƯỜI NỐI DÕI, NGÀI ĐÃ ĐỂ LẠI CHO CÁC BÀ XƠ. Điều bốn: Tôi ra lệnh rằng cái gói giấy tìm thấy trong ngăn kéo bàn viết của tôi, có cột chỉ và ghi bằng bút chì đỏ “Pascual Duarte”, phải bị ném ngay vào lửa, không được đọc, vì không lành mạnh và trái với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, nếu do ý định của Thượng đế, không người nào cố tình lờ đi mà trong mười tám tháng cái gói nói trên thoát khỏi hình phạt tôi dành cho nó, thì tôi ra lệnh cho kẻ nào vớ được nó phải cứu nó thoát khỏi sự hủy hoại, nhận nó làm tài sản riêng của mình và tùy nghi sử dụng nó theo ý mình, miễn là ý này không mâu thuẫn với ý của tôi. Làm tại Mérida, tỉnh Badajoz, trong đêm trước cái chết SỐ ĐEN ĐểtưởngnhớDonJésusGonzalez delaRiva,bátướcTorremajia;lúc bịtácgiảcâuchuyệnnàygiếtchết, ngàivẫngọihắnlàPascualillovàmỉm cườivớihắn. P.D. I Thưa ngài, tôi không phải là người xấu, dù thực ra tôi có những lý do để trở thành người xấu. Chúng ta, con người, lúc sinh ra tất cả chúng ta đều trần truồng như nhau, nhưng khi chúng ta trưởng thành thì số phận lại thích làm cho chúng ta khác nhau, như thể chúng ta làm bằng sáp, và lôi chúng ta qua nhiều ngõ ngách tới điểm tận cùng duy nhất: cái chết. Một số người đi trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ trong khi những người khác buộc phải theo con đường đầy chông gai. Người thì có cái nhìn thanh thản và, trong hương vị của hạnh phúc, họ mỉm cười hết sức ngây thơ; người khác thì đau đớn trong cánh đồng chói chan ánh nắng, giương lông tua tủa, như những con sâu để tự vệ. Để trang điểm thân thể mình, người thì dùng phấn son và nước hoa còn người khác thì dùng những dấu chàm mà sau đó không bao giờ xóa nhòa được… Tôi sinh ra cách nay rất nhiều năm, ít ra là năm mươi lăm năm, trong một xã hẻo lánh của tỉnh Badajoz. Xã này cách Almendralejo độ hai dặm, nằm trên một con đường đơn điệu và dài như một ngày thiếu ăn, đơn điệu và dài như những ngày - mà, may mắn thay, ngài không thể tưởng tượng được chiều dài và sự đơn điệu - của một tên tội tử hình… Xã đó là một xã nóng và có ánh sáng, khá giàu cây ô-liu và lợn (xin lỗi), với những ngôi nhà quét nước vôi rất trắng mà khi nhớ đến tôi thấy đôi mắt mình như lòa đi, với một quảng trường toàn trải đá cuội và một vòi nước xinh xắn có ba tia ở giữa. Nước không còn phun nữa mấy năm trước khi tôi lìa khỏi xã, tuy nhiên đối với tất cả chúng tôi cái vòi nước ấy duyên dáng và thanh lịch, tận cùng vòi nước là tượng một đứa bé trần truồng, quanh thành bồn nước trang trí những hình gờn gợn như những vỏ sò của những người hành hương. Tại quảng trường là trụ sở hành chính của xã, to và vuông vức, như một gói thuốc lá, có một cái tháp ở giữa, trong tháp là một cái đồng hồ, mặt đồng hồ trắng như bánh thánh, mấy cây kim thì lúc nào cũng dừng vào lúc chín giờ; hẳn tòa nhà này không cần nó phục vụ mình, mà chỉ cần nó để trang trí thôi. Trong xã đương nhiên có nhà đẹp nhà xấu; nhà xấu nhiều hơn nhà đẹp - chuyện rất bình thường; có một ngôi nhà hai tầng, ngôi nhà của Don Jésus, trông khá ngoạn mục, đường vào nhà trang trí gạch vuông bằng sành và bình hoa. Don Jésus vốn rất thích cây cỏ và tôi có thể đánh cuộc rằng ông ta đã ra lệnh cho bà quản gia chăm sóc đám phong lữ, vòi voi, cọ và bạc hà một cách thương mến như đối với trẻ con, vì lúc nào bà ta cũng cầm xoong chạy lăng xăng tưới những chậu cây đó, với một sự chăm sóc mà những cây ấy phải đánh giá cao, vì chúng mọc lên xanh mướt, sởn sơ. Ngôi nhà của Don Jésus cũng nằm trên quảng trường đó, nổi bật so với những ngôi nhà khác bởi ưu điểm mà tôi đã nói, nhưng cũng bởi một khuyết điểm chỉ nó bị mà thôi: dù chủ nhà giàu có và không chú ý đến việc chi tiêu, mặt tiền của ngôi nhà rất tầm thường, màu sắc là màu sắc tự nhiên của lá, không quét vôi trắng, trong khi chính ngôi nhà nghèo nàn nhất cũng quét vôi trắng; hẳn Don Jésus có lý do riêng của mình khi để như thế. Phía trên cửa cái người ta thấy những cái khiên bằng đá, người ta bảo rằng khối đá này có giá trị rất lớn, phần chỏm tượng trung cho hai cái đầu của các chiến binh thời cổ, đội mũ sắt có gắn lông; một chiến binh nhìn về phía đông, chiến binh kia nhìn về phía tây, tựa hồ như họ đang canh gác hai phía. Phía sau quảng trường, về phía ngôi nhà của Don Jésus là nhà thờ xứ, với gác chuông bằng đá, chuông ngân nga một cách kỳ lạ không biết nói là cách gì, nhưng ngay lúc này tôi nghe như cách đây nửa thước… Tháp chuông cùng chiều cao với cái đồng hồ và, vào mùa hè, khi về tổ, một số con cò đến tháp chuông này, một số con đến tháp chuông khác, mỗi con vẫn nhớ đến một trong hai tháp chuông nó đã đậu năm trước; một chú cò què vẫn ở đó trong hai mùa đông, thuộc về cái tổ chim của nhà thờ, chú đã rời khỏi tổ khi còn bé tí tẹo, lúc bị diều hâu săn đuổi. Nhà tôi nằm riêng một nơi, cách những ngôi nhà cuối cùng trong xã hai trăm bước đúng. Ngôi nhà chật hẹp và chỉ có một tầng: các phòng thì tù túng như tương ứng với địa vị của tôi; tuy nhiên tôi thích nó và thậm chí đôi khi tôi tự hào vì nó. Thật ra, chỉ có nhà bếp là căn phòng duy nhất thật sự tươm tất, bước vào nhà thì đụng ngay, nhà bếp lúc nào cũng sạch sẽ và quét vôi trắng tinh; sàn nhà bằng đất, nhưng nện rất kỹ, với những hòn đá cuội nhỏ lát nền trông như những bức họa, không kém gì nhiều nền nhà khác mà chủ nhà cho trát xi-măng để có vẻ hiện đại hơn. Lò sưởi rộng và sáng; xung quanh mặt lò sưởi là một cái tủ chén đựng đồ trang trí bằng sành, những bình nhỏ với những đề từ lưu niệm sơn xanh, những cái dĩa nhỏ với những bức họa màu xanh hoặc màu cam; một số dĩa trang trí hình mặt người, một số khác hình bông hoa, một số khác một cái tên, một số khác hình cá. Trên tường treo nhiều món đồ: trên một tấm lịch rất xinh là hình ảnh một thiếu phụ ngồi trên một chiếc xuồng, tay phe phẩy quạt, phía dưới có ghi dòng chữ như được viết bằng nhũ bạc: “Modesto Rodriguez. Cửa hang gia vị ngon. Mérida, tỉnh Badajoz”; một chân dung màu của Espartero[1]trong bộ y phục đấu bò: ba bốn bức ảnh chụp - cái nhỏ cái trung bình - của những người tôi không quen biết, vì lúc nào tôi cũng thấy ngay chỗ đó và tôi không bao giờ có ý hỏi để biết. Chúng tôi cũng thấy treo trên tường cái đồng hồ báo thức, vì chỉ có Chúa mới biết tại sao, nó vẫn chạy tốt; và một cái gối nhỏ để găm kim bằng vải lông màu, găm vào đó là những cây kim ghim xinh xắn, đầu kim nhỏ bằng thủy tinh màu. Bàn ghế trong nhà bếp về ít oi vừa đơn giản, gồm ba chiếc ghế tựa - một chiếc rất thanh lịch, lưng ghế và chân ghế bằng gỗ uốn cong, mặt ghế bằng mây - và một cái bàn bằng gỗ thông, có ngăn kéo, hơi thấp so với những chiếc ghế nhưng còn dùng được. Bên trong nhà bếp thì ngon lành lắm; nó có chỗ thoải mái và, vào mùa hè, trước khi chúng tôi phải đốt lửa ở lò sưởi như lúc vào thu, vào cuối ngày, mở to cửa rồi ngồi trên thành đá của lò sưởi thì thật mát; vào mùa đông, lò sưởi làm chúng tôi ấm áp và lắm khi, nếu cố giữ một chút than hồng, tro vẫn toát hơi nóng suốt cả đêm. Thật thú vị khi ngắm bóng mình trên tường trong lúc những ngọn lửa nhảy múa trong vỉ lò! Những cái bóng ấy đi đi lại lại, lúc chậm chạp, lúc nhảy chồm chồm như vui đùa. Tôi nhớ rằng lúc bé tôi sợ những cái bóng ấy lắm và, giờ đây khi đã lớn, tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ đến những cơn sợ kia. Những cái khác trong nhà không cần phải bỏ công miêu tả, vì quá thông thường. Chúng tôi có hai phòng nữa, gọi là phòng cho có gọi vì có dáng của căn phòng, và có một chuồng ngựa, mà tôi thường tự hỏi rằng tại sao chúng tôi lại gọi như vậy, vì không có con ngựa nào và để cho mục nát. Chúng tôi, tôi và vợ tôi, ngủ trong một phòng, cha mẹ tôi ngủ trong một phòng khác cho tới khi Chúa, có thể là Diêm vương, quyết định mang ông bà đi; sau đó căn phòng ấy hầu như luôn luôn trống vắng: đầu tiên vì không có ai ở và sau đó vì người có thể ở đó đều thích ở nhà bếp hơn bởi lẽ nhà bếp sáng sủa và không bị gió mạnh lùa vào. Chẳng hạn em gái tôi luôn luôn ngủ ở đó khi nó đến thăm chúng tôi, và khi tôi có con thì nó theo con đường đó mỗi khi nó rời váy mẹ. Sự thật thì những căn phòng này không sạch lắm, xây cất cũng không tốt lắm, nhưng cũng không có gì để phàn nàn; điều chủ yếu là có thể sống ở đó, đó là nơi che chở ta tránh khỏi cơn mưa lúc Giáng sinh và có thể nói là nơi ta trú ẩn khỏi những cái nóng ngột ngạt vào dịp lễ Thăng thiên. Chỗ tệ nhất là chuồng ngựa; nó tăm tối, nhớp nháp, vách xông mùi thối hoắc của thú chết từ khe núi bốc lên vào tháng năm, khi những xác chết dưới đó bắt đầu thối rữa còn lũ quạ lại sà xuống ăn… Có chuyện lạ là, lúc còn trẻ, lúc khỏi hít phải mùi thối đó tôi lại cảm thấy đau khổ muốn chết; tôi nhớ lại chuyến tôi lên tỉnh đăng ký nghĩa vụ quân sự; suốt cả ngày khỉ gió đó tôi lơ lơ lửng lửng, hít hít không khí như một con chó săn. Trở về quán trọ, lên giường ngủ, hít cái quần nhung của mình, tôi mới tỉnh ra. Máu lại sưởi ấm toàn thân tôi… Tôi đẩy chiếc gối ra xa và tôi gối đầu lên chiếc quần đã xếp và đêm đó tôi ngủ say như chết. Chúng tôi giữ một con lừa nhỏ gầy nhom, hom hem trong chuồng ngựa để giúp chúng tôi làm việc, và khi gặp vận đỏ (nói thật, không phải lúc nào cũng như vậy), chúng tôi cũng có hai ba con lợn (xin lỗi). Phía sau nhà có một cái sân; sân này nhỏ nhưng dùng được; tại đây có một cái giếng mà tôi đã lấp đi vì nước giếng không lành. Phía sau cái sân là một dòng suối chảy qua, thường cạn nước và không bao giờ nước quá đầy, bẩn thỉu và hôi hám như một lũ di-gan; tại đây người ta có thể câu được những con lươn nung núc, đôi khi tôi cũng làm vậy vào buổi xế để giết thì giờ. Tính vốn khôi hài, vợ tôi bảo rằng mấy con lươn đó thật béo bởi vì chúng ăn cùng thứ với Don Jésus, nhưng chỉ muộn hơn một ngày thôi. Tôi mải câu không chú ý giờ giấc trôi qua nhanh nên khi tôi thu xếp dụng cụ thì trời gần tối; đằng kia, ở xa xa, như một con rùa béo lùn, như rắn nước cuộn tròn bám sát mặt đất sợ phải di chuyển, Almendralejo thắp sáng những ngọn đèn điện… Chắc chắn là ở Almendralejo, không ai biết rằng tôi đi câu, rằng chính lúc ấy tôi ngắm những ngọn đèn cháy lên trong nhà họ, rằng tôi đang đoán những gì họ nói và tưởng tượng trong trí những đề tài họ nói. Người dân thành thị sống quay lưng lại sự thật, và thường thường họ không cần chú ý rằng chỉ cách đây hai dặm, giữa cánh đồng, một người dân nông thôn đang vẩn vơ nghĩ tới họ, trong khi anh ta thu xếp dụng cụ câu cá và cầm lên chiếc giỏ nhỏ bằng liễu gai bên trong có sáu bảy con lươn! Tuy nhiên, không bao giờ tôi nghĩ rằng câu cá là công việc đáng mặt đàn ông, và tôi thường thích giải trí bằng cách đi săn; trong xã tôi nổi tiếng là bắn không tệ và, không cần khiêm tốn, tôi phải thành thực nói rằng tiếng tăm đó là xứng đáng. Tôi có một con chó cái xù nhỏ tên Tia lửa, nửa nòi nửa lai, rất hợp ý tôi; buổi sáng tôi và nó thường đi chung với nhau ra cái đầm cách xã tôi một dặm rưỡi, phía biên giới Poóc-tu-gan, và không bao giờ chúng tôi về không. Chuyến về, con chó chạy phía trước và luôn luôn chờ tôi ở ngã tư; tại đó có một hòn đá tròn và phẵng, giống như một chiếc ghế thấp, mà tôi nhớ đến cũng vui sướng như nhớ bất cứ người nào, thực ra còn vui sướng hơn nhớ nhiều người… Hòn đá ấy rộng, hơi sâu, và khi tôi ngồi lên đó, đít tôi (xin lỗi) vừa vặn chỗ lõm nên tôi thấy rất thoải mái và không muốn bỏ về; tôi thường ngồi trên đó có một lúc, miệng huýt sáo, hai chân kẹp cây súng, mắt nhìn những gì có thể nhìn, miệng phì phèo thuốc lá. Phía trước, con chó nhỏ ngồi xổm, cái đầu ngoẹo sang bên, đôi mắt bé màu hạt dẽ rất linh lợi; tôi nói với nó và nó hơi vễnh đôi tai như để nghe tôi rõ hơn; nếu tôi im lặng, nó lợi dụng ngay cơ hội đó để chạy theo mấy con châu chấu hoặc giản dị hơn để đổi thế ngồi. Lúc nào cũng vậy, khi bước đi, không hiểu tại sao tôi quay lại nhìn hòn đá, tựa hồ như để chào tạm biệt và, một hôm, lúc tôi cất bước thì dường như hòn đá buồn lắm nên tôi phải quay lại ngồi xuống lần nữa… Con chó trở lại ngồi trước mặt tôi và nhìn tôi; giờ đây tôi hiểu rằng nó nhìn với ánh mắt của kẻ nghe xưng tội, dò xét và lạnh lùng, dường như là ánh mắt của lũ mèo linh. Bỗng nhiên tôi cảm thấy rờn rợn khắp toàn thân; dường như một dòng điện muốn thoát khỏi những cánh tay tôi. Điếu thuốc của tôi đã tắt; cây súng một nòng ở giữa hai chân tôi, tôi chậm rãi vuốt vuốt cây súng. Con chó vẫn nhìn tôi đăm đăm, tựa hồ như trước đây nó chưa bao giờ thấy tôi, tựa hồ như nó sắp tố cáo tôi chuyện gì khủng khiếp lắm; cái nhìn của nó làm máu trong huyến quản tôi sôi sục và tôi thấy sắp trở lại lúc tôi phải chịu thua; trời nóng, một cái nóng kinh hồn, mắt tôi nhắm lại, vì không chịu nổi cái nhìn của con vật, cái nhìn sắc lẹm… Tôi chộp khẩu súng và bấm cò; tôi lên đạn và bấm cò lần nữa. Máu của con chó, đen ngòm, sền sệt, từ từ chảy dài trên mặt đất. II Về thời niên thiếu của tôi, tôi không có những kỷ niệm đẹp. Cha tôi tên Esteban Duarte Diniz. Ông là người Poóc-tu-gan; lúc tôi còn bé, ông đã trên bốn mươi, đối với tôi ông cao lớn, phục phịch. Da ông ngăm đen, ông có một bộ ria mép lớn, đen ngòm, chỉa xuống đất. Dường như lúc còn trẻ ông để ria vểnh, nhưng sau một lần tù, ông mất vẻ oai vệ, bộ ria cứng rắn yếu đi và ông để nó buông xuống cho đến ngày từ trần. Tôi rất tôn kính ông và cũng rất sợ ông, nên hễ có dịp là lảng đi và cố tránh mặt ông; ông nói năng cụt ngũn, tính tình hung bạo, không bao giờ chịu để ai trái ý mình dù nhỏ nhoi, một cái thói mà tôi cũng tôn trọng bởi vì như thế có lợi cho tôi. Khi nổi giận, mà tính ông lại rất hay giận, chuyện không có gì ông cũng nện mẹ tôi và tôi những trận đòn thật đau; mẹ tôi cố đánh trả để xem có thể sửa đổi tính tình ông không, còn tôi, vì còn con nít nên tôi đành chịu bị đòn. Mà vào tuổi đó thì da thịt mềm mại biết bao! Tôi không bao giờ có gan hỏi cha tôi hoặc mẹ tôi về thời gian ông bị tù, nghĩ rằng chuyện cũ đã êm, tốt hơn không nên bới ra làm gì cho lôi thôi, bởi vì không bới ra cũng đã lôi thôi nhiều, thật ra, tôi không cần gì tìm hiểu, bởi vì lúc nào cũng có những người từ thiện, nhất là trong những xã nhỏ, và có những người hết sức vội vã kể ta nghe tất cả mọi chuyện. Người ta đã bắt ông vì tội buôn lậu; vả lại ông làm nghề buôn lậu đã nhiều năm, nhưng đi đêm ắt có ngày gặp ma, một hôm, hẳn là ngày ông ít ngờ nhất - vì sự tự tin thường tố cáo những người can đảm - nhân viên quan thuế theo ông, phát hiện hàng hóa của ông và dẫn ông vào nhà lao. Chuyện đó xảy ra lâu lắm rồi, vì tôi không nhớ gì cả; có lẽ lúc ấy tôi chưa sinh ra. Mẹ tôi hoàn toàn khác với cha tôi; bà không phục phịch, dù khá cao lớn; thật vậy, bà cao nghệu, gầy nhom, người trông không khỏe; thậm chí, khi nhìn thấy nước da màu tro và đôi má hóp của bà, ắt người ta sẽ ngỡ bà đang bị hoặc sắp bị bệnh lao phổi. Bà cũng nóng tính và hay nổi cáu, mở mồm thì toàn những lời lẽ mà chỉ Chúa mới tha thứ được, vì bà dùng những lời báng bổ thần thánh tệ hại nhất vào bất cứ lúc nào và vì những lý do nhỏ nhoi nhất. Bà luôn luôn mặc đồ đen tang tóc và bà không ưa nước, tất cả những năm sống gần bà, tôi chỉ thấy bà tắm rửa một lần mà thôi, ngày mà cha tôi trách bà say sưa, bả đã cố chứng tỏ cho ông thấy rằng bà không sợ nước. Trái lại, bà không chán rượu, mỗi lần vớ được mấy đồng xu hay tìm thấy ít đồng tiền trong túi áo của ông chồng, bà sai tôi đến quán mua về một chai rượu, rồi đem giấu dưới giường để cha tôi không mò ra được. Bà có ria mép trắng, nhỏ ở mép môi; mớ tóc bờm xờm của bà được búi thành lọn, không lớn lắm, trên đỉnh đầu. Xung quanh miệng bà, người ta thấy những cái sẹo, nhỏ và hồng như lỗ đạn, mà tôi tin rằng đó là dấu vết của bệnh sưng bạch hạch bà mắc phải lúc còn trẻ; thỉnh thoảng, vào mùa hè, cuộc sống trở lại những cái sẹo này, màu chúng sậm hơn, chúng biến thành những vết mưng mủ như chàm bằng đinh ghim, sang thu mới vỡ và đến mùa đông mới xóa hẳn. Cha mẹ tôi không hòa thuận nhau; ông bà không được giáo dục, thiếu đạo đức và không tuân theo những giới luật của Chúa - tất cả những khuyết điểm đó, tôi đều thừa kế (thật bất hạnh cho tôi) - do đó ông bà rất ít bận tâm đến việc làm theo những nguyên tắc hay kềm chế những bản năng của mình, cho nên bất cứ lúc nào, bất cứ chuyện gì dù nhỏ nhoi đến đâu cũng mang đến bão tố, cơn bão này kéo dài trongg nhiều ngày và không có triển vọng chấm dứt. Thông thường, tôi không theo phe nào cả, vì thật ra đối với tôi người này hoặc người kia bị đập thì cũng như nhau; khi thì tôi vui vì mẹ tôi bị nện, khi thì vì cha tôi bị nện, nhưng không bao giờ tôi bầu phiếu cho phe nào cả. Mẹ tôi không biết đọc cũng không biết viết; cha tôi thì biết, cha tôi rất tự hào về điều đó nên ông không bỏ lỡ cơ hội để nhắc đi nhắc lại với bà và thường gọi bà, dù đúng lúc hay không đúng lúc, là con mụ ngu dốt, lời chửi rất nặng nề đối với mẹ tôi, khiến bà nổi tam bành. Thỉnh thoảng, lúc chiều tối, cha tôi về nhà, tay cầm một tờ báo, và dù chúng tôi muốn hay không, ông cũng bắt mẹ con chúng tôi ngồi ở nhà bếp và đọc cho chúng tôi nghe tin tức; kế đó ông lên tiếng phê bình và tôi bắt đầu run rẩy, vì lúc ấy bắt đầu những cuộc cãi vã. Để trêu tức ông, mẹ tôi cho rằng báo không có đăng tin đó, cha tội bịa ra tất cả những gì ông đọc; nghe vậy, cha tôi nổi khùng, ông rống như người điên, gọi bà ta là con mụ phù thủy, con mụ ngu dốt và cuối cùng thét rằng nếu ông biết bịa ra nội dung các bài báo đó, thì không bao giờ ông có ý nghĩ cưới hạng người như bà. Thế là xảy ra trận chiến. Đến lượt bà, bà bảo ông là khỉ đột, gọi ông là quân ăn xin, quân Poóc-tu-gan; dường như ông chỉ chờ nghe tiếng đó để đánh bà, ông liền rút thắt lưng ra rượt bà quanh nhà bếp cho tới khi mệt nhoài. Lúc đầu, tôi thường bị quất trúng, nhưng với thời gian tôi hiểu rằng cách duy nhất để khỏi bị ướt là đừng đứng ngoài mưa và, lúc nào thấy sự việc không hay, tôi lỉnh đi nơi khác, để ông bà ở lại với nhau. Mặc xác hai người. Thật ra, cuộc sống trong gia đình tôi không có gì kỳ quặc, nhưng vì chúng ta không được chọn lựa và con đường định mệnh đã được vạch sẵn trước khi chúng ta sinh ra, nên tôi cố chấp nhận số phận của tôi, đó là cách duy nhất để khỏi thất vọng. Lúc bé con, vào cái tuổi dễ uốn nắn nhất của con người, tôi được gởi đến trường trong một thời gian ngắn; cha tôi bảo rằng đấu tranh để sống là rất khắc nghiệt và phải chuẩn bị đối phó với cuộc đấu tranh này bằng những vũ khí duy nhất khả dĩ đem lại chiến thắng, vũ khí của trí tuệ. Ông nói với tôi tất cả điều đó một mạch, như đã thuộc lòng, và lúc bấy giờ đối với tôi dường như giọng nói của ông bớt cộc cằn, hầu như khàn khàn, với những ngữ điệu dường như không phải của ông… Liền đó, ông lại bình tĩnh và cất tiếng cười hà hà và lúc nào ông cũng chấm dứt một cách âu yếm: - Con à, con đừng chú ý đến cha… Cha lớn tuổi rồi!... Và ông có vẻ trầm ngâm, thầm thì nhắc đi nhắc lại: “Cha lớn tuổi rồi!... Cha lớn tuổi rồi!...” Việc học hành của tôi không được lâu. Cha tôi vốn hung bạo và độc đoán đối với một số việc, tôi đã nói điều đó, nhưng ông yếu đuối, nhút nhát đối với những việc khác; tôi đã thấy rằng nói chung thì ông áp đặt ý muốn của mình vào những việc không ý nghĩa, tầm thường, còn đối với những vấn đề quan trọng thì hiếm khi ông vững vàng, không rõ vì sợ hay vì lý do gì khác. Mẹ tôi không muốn cho tôi đi học và mỗi lần có dịp, cả khi không có dịp, bà nói với tôi rằng thân đói rách áo ôm có cần gì học hành hiểu biết. Bà nói rất đúng ý tôi, bởi vì việc tham dự các lớp học không hấp dẫn tôi mấy; cuối cùng, với thời gian, mẹ tôi và tôi thuyết phục được cha tôi, và ông quyết định là tôi phải bỏ học. Tôi đã biết đọc, biết viết, biết cộng, biết trừ; thật ra, như vậy là khá đủ để tôi xoay sở ngoài đời. Tôi được mười hai tuổi khi tôi rời nhà trường; nhưng thôi tôi không nên đi quá nhanh trong câu chuyện của tôi, vì mọi việc sẽ tuần tự nhi tiến, dù ta có thức sớm trời cũng không sáng nhanh. Tôi còn rất bé khi em gái tôi là Rosario sinh ra. Hồi ức của tôi vào thời kỳ đó lờ mờ lắm, và như vậy chuyện tôi kể ra có thể không trung thực. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng vì nếu chuyện kể của tôi thiếu chính xác nó cũng luôn luôn gần thực tế hơn những gì ngài tưởng tượng hay phỏng đoán. Tôi nhớ rõ, chiều hôm ấy, khi Rosario sinh ra, trời nóng bức - tháng bảy tháng tám gì đó. Cánh đồng lẵng lặng, khô nẻ; những chú ve dường như muốn dùng những tiếng kêu kèn kẹt như tiếng cưa của chúng để cưa xương của quả đất; người và vật tìm nơi trú nắng, và trên cao, mặt trời với tư cách là chúa tể của tất cả, chiếu sáng tất cả, thiêu đốt tất cả… Việc sinh đẻ của mẹ tôi lúc nào cũng rất khó khăn, rất đau đớn; bà hơi héo tàn, hơi khô khan, và cơn đau vượt quá sức mạnh của bà. Vì người phụ nữ khốn khổ này không bao giờ là mẫu mực của đạo đức, của phẩm giá, và vì bà không biết chịu đau khổ, chịu im lặng như tôi, nên kêu thét là phương cách duy nhất của bà. Bà gào rú suốt mấy giờ cho đến khi sinh ra Rosario, vì khổ hơn nữa, bà vốn sinh chậm. Một bài ca có câu: Người đàn bà có ria mép và sinh chậm thì… (Tôi không viết tiếp phần sau, vì tôn trọng vị quý phái tôi gởi những trang này)… Mẹ tôi được một bà mụ trong xã đỡ đẻ, bà Engracia; nhà ở trên đồi, vừa làm nghề thuốc, vừa làm bà mụ vườn, vừa làm bà cốt, hơi huyền bí, bà đem những thứ thuốc do bà chế đặt lên bụng mẹ tôi để làm dịu cơn đau. Nhưng có thuốc hay không có thuốc, mẹ tôi vẫn gào thét thật to, và bà Engracia không thể nghĩ gì khác hơn việc gọi mẹ tôi là quân vô thần, quân tín đồ Ki-tô giáo không ngoan đạo; lúc ấy tiếng gào thét của mẹ tôi giống như tiếng gào thét của bão tố, lại tăng thêm, và tôi tự hỏi không rõ có phải thật sự bà đã bị quỷ ám không. Sự băn khoăn của tôi không kéo dài bao lâu, vì liền đó được chứng minh rằng nguyên nhân của những tiếng thét kỳ lạ ấy là em gái mới sinh của tôi. Nãy giờ, cha tôi bước những bước dài, đi đi lại lại trong nhà bếp. Rosario vừa sinh ra, ông liền đến gần giường của mẹ tôi, và không chút quan tâm gì đến tình trạng sức khỏe của bà, gọi bà là đồ rác rưởi, đồ gái điếm, quất trúng khóa thắt lưng vào bà thật mạnh, đến nỗi ngày nay tôi vẫn băn khoăn không biết tại sao bà không chết ngay lúc đó. Rồi ông bỏ đi và vắng nhà hai ngày liền; lúc trở về, ông say bí tỉ; ông đến giường mẹ tôi đang nằm và hôn bà; mẹ tôi để ông hôn… Rồi ông ra chuồng ngựa mà ngủ. III Cha mẹ tôi lấy một cái thùng gỗ khá sâu, trải dưới đáy thùng một cái gối bằng xơ sợi, làm thành một cái nôi để cạnh giường của mẹ tôi và bỏ con bé vào cho nó ngủ; nó được phủ những tấm tã lót bằng vải cô-tông thật kín, nên có nhiều lúc tôi nghĩ rằng cuối cùng ắt nó sẽ ngạt thở. Tôi không biết tại sao, nhưng mãi tới lúc đó tôi đã tưởng rằng trẻ mới sinh phải trắng như sữa; tôi luôn luôn nhớ đến ấn tượng xấu xa mà em gái tôi gây cho tôi khi tôi thấy nó lầy nhầy và đỏ như tôm luộc; trên đầu nó lưa thưa mấy sợi tóc như lông chim sáo đá hay lông bồ câu con, mấy tháng sau mới rụng, những ngón tay nhỏ xíu của nó dính sát nhau, xanh mét, trông dễ sợ. Ba bốn ngày sau, khi người ta tháo tã để rửa ráy cho nó, tôi có thể mặc tình quan sát nó và tôi có thể nói rằng trông nó ít gớm hơn lần đầu; da nó sáng hơn, đôi mắt bé tí của nó, vẫn chưa mở, dường như muốn cử động; đôi bàn tay của nó có vẻ mềm mại hơn. Bà Engracia rửa ráy cho nó, rửa ráy thật kỹ, bằng nước hương thảo, dù là hạng người gì chăng nữa, bà vẫn là kẻ hỗ trợ những người khốn khổ; bà lại quấn con bé trong những tấm tã ít bẩn hơn do bà tìm được, bà để những tấm tã bẩn riêng ra để giặt; con bé rất hài lòng và ngủ vùi suốt mấy giờ liền, đến nỗi không ai có thể đoán rằng có một đứa bé mới sinh trong ngôi nhà rất yên tĩnh như thế này. Cha tôi ngồi dưới đất, kế bên cái thùng, và để mấy tiếng đồng hồ ngắm con gái, với khuôn mặt giống như mặt kẻ thất tình, theo lời bà Engracia, khiến tôi hầu như quên bản chất của ông. Rồi ông đứng lên, đánh một vòng trong xã và, vào lúc chúng tôi không nghĩ đến ông nhất, vào giờ chúng tôi thường ít khi thấy ông về, chúng tôi lại thấy ông ngồi đó, bên cái thùng, gương mặt của ông hiền hậu dịu dàng, cái nhìn của ông khiêm tốn đến nỗi người nào chưa biết ông trước mà thấy ông như thế sẽ cho rằng chính Thánh Roch hiện về[2]. Rosaio lớn dần, yếu ớt và gầy gò - đôi vú trống rỗng của mẹ tôi đâu có cho nó nhiều sinh lực - những năm đầu của nó thật khó khăn đến nỗi có lần nó suýt chết. Cha tôi điên đầu khi thấy con bé không lớn nổi và, để an ủi, ông lại nốc rượu nhiều hơn, và thế là mẹ tôi cùng tôi lại trải qua những lúc hết sức khó khăn, khiến chúng tôi ước mơ được như thời gian trước, vì chúng tôi xem những lúc sau này quá cam go, trước kia chưa bao giờ tệ như vậy. Thái độ của con người bí ẩn biết bao, vì họ ghét điều mà họ hiện có, điều mà sau đó họ phải hối tiếc! Mẹ tôi vẫn còn yếu hơn lúc trước khi sinh em tôi, lại bị thêm mấy trận đòn khủng khiếp; về phần tôi, cha tôi không dễ tóm được, nhưng khi bắt gặp tôi trên đường, ông đá cho tôi mấy cái đôi khi chảy cả máu đít (xin lỗi), hoặc làm xương sườn tôi đỏ bầm như bị móng ngựa nung đổ in vào. Dần dần, con bé có da có thịt hơn và phục hồi sức lực, nhờ được nuôi bằng xúp rượu vang đỏ mà người ta chỉ cho mẹ tôi, và, vì bản chất nó vốn sống động và thời gian trôi qua đã giúp ích cho nó, tuy chậm biết đi hơn thông thường nhưng nó biết nói rất sớm, rất dễ dàng, rất nhiều, khiến tất cả chúng tôi đều vô cùng thích thú. Thời gian mà trẻ con ngày nào cũng như ngày ấy qua nhanh. Rosario lớn lên, thành một cô gái, và khi chúng tôi chú ý đến nó chúng tôi thấy nó rất láu lỉnh. Than ôi! trong chúng tôi không ai nghĩ đến việc sử dụng trí óc của nó cho đúng chỗ: chẳng bao lâu con bé trở thành bà hoàng trong nhà, đã điều khiển chúng tôi theo ý nó. Nếu cái thiện là bản năng tự nhiên của nó, nó có thể làm những điều vĩ đại, nhưng Chúa không muốn thấy trong gia đình chúng tôi nó là người duy nhất nổi bật về đạo đức; do đó em gái tôi vận dụng sự thông minh của nó vào những mục tiêu khác và không bao lâu chúng tôi thấy rõ rằng thà nó ngu còn hơn không ngu. Điều gì nó cũng làm - nhưng không điều gì tốt cả: nó trộm cắp với sự khéo léo và trâng tráo của một mụ già di-gan, nó ghiền rượu rất sớm, nó làm môi giới cho những chè chén của mụ và, vì không ai lo cải tạo nó hay sử dụng trí thông minh sáng suốt của nó vào việc thiện, nó đi từ xấu đến tệ; rồi một hôm - năm mười bốn tuổi - nó “chôm” một mớ tài sản có giá trị trong nhà bỏ đi Trujillo, đến ở nhà mụ Elvira. Kết quả của sự ra đi của nó gây ra trong chúng tôi, ngài có thể tưởng tượng được: cha tôi buộc tội mẹ tôi, mẹ tôi buộc cha tôi… Nhưng người ta cảm thấy được sự vắng mặt của Rosario ở những cơn thịnh nộ của cha tôi: trước kia, khi nó còn ở nhà với chúng tôi, ông tự kiềm chế trước sự hiện diện của nó; giờ đây khi nó đi rồi và ông không trông thấy nó nữa, bất cứ giờ giấc nào và bất cứ chỗ nào ông cũng làm rùm beng. Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng cha tôi, vốn hung bạo và bướng bỉnh không ai bằng, lại chỉ quý mến nó: chỉ cần một ánh mắt của Rosario là cơn thịnh nộ của ông dịu xuống và nhiều lần chỉ cần sự hiện diện của nó là ông không đánh đập mẹ tôi và tôi. Ai có thể cho rằng một người khổng lồ như ông lại bị một con nhóc bé xíu thuần hóa! Nó ở Trujillo sáu tháng, rồi bị sốt, nó trở về nhà, dở sống dở chết; nó nằm liệt giường một năm, bị bệnh sốt rét ác tính suýt chết. Dù hay rượu và hay thịnh nộ, cha tôi là một tín đồ Ki-tô giáo rất mực ngoan đạo, ông đã cho làm lễ xức dầu thánh cho nó, chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của nó. Bệnh của nó hết tăng rồi lại giảm như tất cả các bệnh khác; tiếp theo những ngày dường như con bé hồi sinh là những đêm mà tất cả chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ ra đi. Cha mẹ tôi rất âu sầu trong thời kỳ đen tối này, chỉ có những tháng đó mới bình yên thôi vì không có những tiếng đánh đá vang dội giữa những bức vách, bởi vì dường như cha mẹ tôi đang hết sức rối rắm vào chuyện đó… Tất các bà lối xóm ai cũng xen vào, chỉ thuốc này thuốc nọ, nhưng chúng tôi tin ở bà Engracia và chúng tôi theo lời mách bảo của bà để săn sóc em gái tôi. Cách chữa trị của bà cực kỳ phức tạp, điều đó có Chúa biết, nhưng vì tất cả chúng tôi đem hết tâm lực vào việc chữa trị nó, cho nên dường như việc chữa trị cũng có tác dụng, vì con bé bình phục dần dù từ từ. Tục ngữ có câu “Cỏ dại sống dai”, tôi nói thế không nghĩa rằng Rosario là xấu (và cũng không khẳng định rằng nó là tốt), thật vậy sau khi nó uống những món thuốc pha chế theo toa của bà Engracia, chúng tôi chỉ kiên nhẫn chờ nó tìm lại sức khỏe, và với sức khỏe là sức lực và sắc đẹp. Vì thế, không bao lâu nó khá lại. Cha mẹ tôi cảm thấy rất vui mừng - vì ông bà chỉ thuận thảo nhau khi cùng lo lắng cho con bé giữa lúc đó, con bé quỷ quyệt lại tái diễn trò chôm chỉa; nó vét sạch những số tiền dành dụm hiếm hoi của chúng tôi rồi chuồn đi, lần này nó đi Almendralejo, đến ở trọ nhà của Nieves la Madrilena. Có điều chắc chắn, ít ra tôi cũng tin như thế, là kẻ đê tiện nhất cũng giữ được một điểm tốt đẹp nào đó: Rosario không quên hẳn chúng tôi; thỉnh thoảng - vào dịp lễ của chúng tôi hoặc vào dịp lễ Giáng sinh - nó cũng gửi cho chúng tôi một món vặt vãnh gì đó dù không đáng; tuy nhiên chúng tôi đánh giá cao cử chỉ của nó, vì dù nó có tỏ vẻ bảnh bao đến đâu, thực ra nó cũng không mấy sung túc. Ở Almendralejo nó quen một người đàn ông, tay này sẽ hại nó; không phải hại tiếng tăm của nó, vì nó đã quá tồi tệ, mà hại túi tiền của nó, thứ độc nhất nó cần trông chừng, vì thứ kia đã mất. Tay này, tên Paco Lopez, biệt danh là Cao Kều; tôi không chối cãi rằng hắn đẹp trai dù cái nhìn của hắn không ngay lắm; đúng vậy, hắn chột một mắt, có Chúa mới biết do những cuộc phiêu lưu nào, và thay cho con mắt thật là con mắt bằng thủy tinh, do đó nên cái nhìn của hắn không được ngay. Hắn to con, tóc hoe vàng, ăn mặc bảnh bao, dáng đi cao lêu nghêu nên người đầu tiên nào gọi hắn Cao Kều[3]là rất đúng; phương tiện kiếm ăn tốt nhất của hắn là gương mặt của hắn, vì lý do là phụ nữ vốn ngu ngốc nên nuôi hắn, hắn không chịu làm việc; tôi cho như vậy là không hay, có lẽ vì tôi không bao giờ có dịp làm như hắn. Người ta bảo rằng có lúc hắn làm novillero[4]trong những đấu trường ở Andalusia; tôi không biết tôi có nên tin chuyện này không, vì dường như hắn chỉ tỏ ra dũng cảm với phụ nữ, nhưng vì phụ nữ trong đó có em gái tôi rất tin tưởng điều đó, nên hắn sống phây phây, vì chính ngài cũng biết rằng phụ nữ rất khâm phục những người đấu bò. Một hôm trong khi săn gà gô dọc theo Los Jarales - điền trang của Don Jésus - tôi gặp hắn; từ Almendralejo hắn đi vào rừng cách đó khoảng một cây số rưỡi để hóng mát; hắn ăn mặc rất bảnh bao, với bộ com lê màu cà phê, chiếc mũ lưỡi trai trên đầu, cây gậy bằng liễu giỏ trên tay. Hắn và tôi chào nhau, và thấy tôi không hỏi han gì về tin tức của em gái tôi, hắn muốn tôi mở mồm để hắn có dịp huênh hoang; tôi không thèm trả lời hắn và hắn phải biết rằng tôi lảng tránh hắn, vì khi đã bắt tay từ giã nhau, hắn hỏi tôi một cách dửng dưng: - Rosario có khỏe không anh? - Anh phải biết chứ… - Tôi à? - Chứ gì, nếu anh không biết thì ai biết? - Và tại sao tôi lại phải biết? Hắn nói bằng một giọng rất nghiêm trang, dường như trong đời hắn chưa bao giờ nói dối; điều đó khiến tôi chán không muốn với hắn về Rosario; chuyện tiếp theo như sau: Hắn vung gậy, quất quất những khóm húng tây… - Thôi được. Có thể anh cần biết, cô ấy khỏe… Anh không muốn biết tin của cô ấy sao? - Coi chừng đấy, Cao Kều!.... Coi chừng đấy, Cao Kều!... Tôi không biết sợ đâu, tôi cũng chẳng muốn đôi co với anh! Anh đừng trêu tôi!... Anh đừng trêu tôi!... - Trêu tức anh à? Tôi biết trêu tức anh bằng cách nào được nhỉ, khi anh không có gì để trêu cả? Này, anh có muốn biết về Rosario không? Cô Rosario ấy có dây mơ rễ má gì với anh không? Cô ấy là em gái anh!... Tốt, rồi sau đó? Và cô ấy cũng là bồ của tôi nữa, nếu anh muốn nói chuyện dây mơ rễ má. Hắn đã làm tôi mở mồm. Hắn đã thắng tôi trong trận đấu mồm, nhưng nếu hắn với tôi choảng nhau, tôi xin đem linh hồn của tổ tiên tôi mà thề rằng tôi sẽ giết hắn trước khi hắn đụng tới lông chân tôi. Tôi muốn dịu bớt, vì tôi biết tính mình, đàn ông với nhau, tôi cầm súng trong tay còn hắn không có, mà mình ra tay trước là không ngon. - Này, Cao Kều, tốt hơn cả hai chúng ta nên im đi! Nó là bồ của anh à? Được, mặc xác nó. Chuyện đó dính dáng gì tới tôi chứ? Cao Kều cười hô hố, dường như hắn muốn gây sự. - Anh nghe này… - Gì?... - Nếu anh lấy em gái tôi, tôi sẽ giết anh. Chúa ơi, tới nước đó mà nín thinh thì tức chết được; nhưng tôi không muốn đập lộn, tôi không hiểu tại sao. Tôi rất ngạc nhiên nghe hắn nói với tôi cách đó; trong xã không ai dám nói với tôi chỉ phân nửa kiểu đó. - Và nếu tôi gặp anh lởn vởn quanh tôi lần nữa, tôi sẽ giết anh tại chỗ, giữa bàn dân thiên hạ. - Anh lớn lối quá! - Bằng dao găm đấy! - Coi chừng đấy, Cao Kều!... Coi chừng đấy, Cao Kều!... ... Ngày hôm ấy tôi lâm vào cảnh nằm gai nếm mật và giờ đây vết gai vẫn còn đau, vị mất vẫn còn đắng. Tại sao lúc đó tôi lại chịu nhục không nhổ phắt gai đi là điều mà đến nay tôi vẫn không hiểu… Thời gian trôi qua. Em gái tôi lại bị sốt, nó trở về nhà cha mẹ tôi để trị bệnh, và nó kể tôi nghe đoạn cuối của câu chuyện: đêm đó Cao Kều đến nhà của Nieves la Madrilena gặp Rosario và gọi nó ra ngoài. - Cô có biết thằng anh của cô là thằng sọc dưa không? - … - Hắn đứng im re như thỏ khi nghe thấy có tiếng động. Em gái tôi muốn bênh tôi, nhưng vô ích; hắn đã thắng. Hắn đã thắng tôi trong một trận đánh duy nhất mà tôi đã thua vì tôi không chịu đập lộn. - Thôi, cưng của anh, ta nói chuyện khác. Em kiếm cho anh bao nhiêu? - Tám pơ-dô. - Chỉ bấy nhiêu thôi à? - Chỉ bấy nhiêu. Anh mong muốn gì chứ? Lúc này khó khăn lắm!... Cao Kều lấy gậy quất thật mạnh vào mặt em gái tôi. Kế đó… - Mày có biết thằng anh của mày là thằng sọc dưa không? ... Em tôi khẩn cầu tôi hãy ở lại xã vì sức khỏe của nó. Cái gai dường như nhúc nhích trong hông tôi. Tại sao lúc đó tôi không nhổ phắt gai đi là điều đến nay tôi vẫn không hiểu… IV Xin ngài thứ lỗi cho tôi vì tôi kể không thứ tự. Tôi muốn câu chuyện của mình được trung thành với những người có liên quan hơn với diễn tiến của sự việc, và tôi phải nhảy từ đầu tới cuối và từ cuối lên đầu như một con châu chấu bị săn đuổi. Làm sao tôi có thể làm khác được? Tôi viết cho ý nghĩ của tôi, nghĩ sao viết vậy chứ không định viết tiểu thuyết; vả lại, tôi không có khả năng viết tiểu thuyết và tôi có tật nói đi nói lại mãi, rồi dừng đột ngột, mệt muốn đứt hơi, không biết chấm dứt thế nào. Năm tháng trôi qua với chúng tôi như với tất cả mọi người, cuộc sống trong gia đình chúng tôi trôi xuôi như trước nay và, nếu không bịa chuyện, tôi không thấy trong giai đoạn đó những sự việc nổi bật để kể cho ngài nghe. Rồi đến năm Rosario mười lăm tuổi. Sự gầy gò của mẹ tôi và thời gian trôi qua khiến chúng tôi đoán đủ thứ, trừ việc chúng tôi sắp có một đứa em trai, bụng bà to tổ bố. Hãy xem ai là tác giả của sản phẩm đó! Tôi nghĩ rằng bà quan hệ với lão Rafael; dù gì chăng nữa, chúng tôi chỉ cần chờ đến kỳ hạn thông thường để thêm một thành viên nữa trong gia đình chúng tôi. Việc sinh ra Mario tội nghiệp - Mario là tên của đứa em trai mới của chúng tôi - không khác nào một thảm họa; thực vậy, chuyện nhục nhã là mẹ tôi đẻ con hoang chưa đủ, nó lại trùng với cái chết của cha tôi. Lạnh lùng xem xét toàn bộ sự việc thì cũng đáng cười chê thật - trừ khía cạnh khủng khiếp! Hai ngày trước khi Mario chào đời, cha tôi bị nhốt trong một cái tủ chén. Ông bị chó dại cắn, và lúc đầu chúng tôi tưởng rằng ông không mắc bệnh chó dại, nhưng sau đó ông run lên, chúng tôi biết ông đã mắc bệnh. Theo lời bà Engracia, mẹ tôi sẽ bị trụy thai nếu bị ông nhìn, và kể như không còn cách gì chữa chạy cho ông nữa, chúng tôi đã nhốt ông với sự giúp đỡ của bà con lối xóm và rất thận trọng, vì ông cố cắn tất cả chúng tôi, và nếu ông ngoạm trúng kẻ nào, kẻ ấy ít ra sẽ đứt tiện cả cánh tay. Giờ đây, nhớ lại những giờ phút đó, tôi vẫn cảm thấy khủng khiếp và buồn bã!... Chúa ôi! chúng tôi dùng đến sức mạnh để khuất phục ông! Ông chống trả như sư tử, thề giết tất cả chúng tôi, đôi mắt ông rực lửa tực hồ chắc chắn ông sẽ làm điều đó nếu Chúa cho phép. Như tôi đã nói, ông bị nhốt từ hai ngày trước, miệng tru thật to, chân đá thật mạnh vào cửa tủ, khiến chúng tôi phải lấy ván đóng thêm cho chắc. Tôi không ngạc nhiên khi một mặt bị những chuyện ầm ĩ đó, mặc khác bị những tiếng thét của mẹ tôi kích thích, thằng Mario tội nghiệp chào đời trong hãi hùng và gần như u mê. Đêm sau, cha tôi nín bặt - đó là đêm Ba Vua - và, khi chúng tôi đến mang ông ta, nghĩ rằng ông đã chết, chúng tôi thấy ông nằm sõng sượt trên mặt đất với khuôn mặt hãi hùng của người bị đày xuống địa ngục. Tôi ngạc nhiên thấy mẹ tôi không khóc như tôi tưởng, mà lại cất tiếng cười, hành động của bà khiến tôi không thể làm gì khác hơn là phải nén lại hai giọt nước mắt chực trào ra của tôi khi tôi trông thấy cái thây với đôi mắt mở to đầy máu, cái miệng hé mở, cái lưỡi tím ngắt thè ra nửa chừng. Đến lúc chôn ông, cha xứ Don Manuel giảng cho tôi một bài thuyết giáo. Giờ đây tôi không còn nhớ gì về lời lẽ của cha. Cha nói với tôi về cuộc sống ở thế giới bên kia, về thiên đàng và địa ngục, về Đức Mẹ Đồng Trinh, về kỷ niệm của cha tôi; tôi nói với cha xứ rằng tốt hơn nên lãng quên tất cả những kỷ niệm về cha tôi, cha Don Manuel lấy tay vuốt ve đầu tôi, bảo rằng Tử thần mang con người từ vương quốc này sang vương quốc khác, rằng Tử thần sẽ tức giận nếu chúng tôi ghét những gì Thần mang đến Chúa để được phán xét… Này, tất nhiên không phải cha nói với tôi đúng như vậy; cha nói bằng những lời lẽ cân nhắc và thận trọng, nhưng nội dung tựu trung như tôi vừa viết. Từ ngày hôm ấy, mỗi lần gặp Don Manuel, tôi chào cha và cúi xuống hôn bàn tay cha, nhưng sau khi tôi lập gia đình, vợ tôi bảo tôi rằng hành động kiểu đó xem không ra vẻ đàn ông, và tất nhiên tôi không thể tiếp tục nữa. Sau đó, tôi biết rằng Don Manuel đã bảo tôi như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu, và Chúa ơi tôi muốn siết họng cha ngay lúc ấy, thế rồi chuyện đó qua đi; thông thường tôi không có tính giận lâu và cuối cùng tôi quên bẵng; vả lại, khi nghĩ kỹ, không bao giờ tôi chắc chắn rằng tôi đã hiểu đúng; có thể cha Don Manuel không nói gì hết - những gì người ta thuật lại không phải bao giờ cũng đúng - và nếu cha đã nói như vậy… Ai biết ý cha muốn nói gì? Ai biết ý cha không muốn nói những gì tôi đã hiểu? Nếu Mario biết những gì nó đã làm khi rời thung lũng đầy nước mắt này, chắc chắn nó sẽ bỏ đi không hối tiếc. Nó sống với chúng tôi không lâu; dường như nó đánh hơi được loại gia đình đang chờ đợi nó và nó sẵn sàng hy sinh họ để theo những đứa bé vô tội trong cõi u minh. Lạy Chúa, nó đã hành động khôn ngoan và tránh được biết bao khổ đau khi phải sống thêm những năm tháng trên thế gian này!... Khi bỏ chúng tôi ra đi, nó chưa đầy mười tuổi, nếu với tất cả những nỗi khổ đau nó phải chịu đựng mà như vậy là ít thời gian, thì lại là quá nhiều đối với nó để nó có thể học đi, học nói, hai việc mà nó không bao giờ biết được; tội nghiệp thằng bé phải lê người như một con rắn, phát ra những tiếng nhỏ từ họng và mũi như chuột: đó là tất cả những gì nó học được. Khi nó chỉ mới vài tuổi đầu, tất cả chúng tôi đều biết rằng thằng bé khốn khổ sẽ lâm vào tình trạng đần độn và sẽ chết như thế; khi nó được một tuổi rưỡi, chiếc răng đầu tiên mọc lên nhưng không mọc đúng chỗ mà mọc chệch rất xa, bà Engracia phải lấy chỉ nhổ để răng khỏi đâm vào lưỡi nó. Thời kỳ bấy giờ, và có lẽ vì tất cả máu nó đã nuốt do cái chuyện răng cỏ nói trên, nó lại bị nhọt ở đít (xin lỗi), nước tiểu hòa lẫn với mủ nhọt nhớp nháp suốt, da ở hai mông đít bé nhỏ của nó lở loét, lòi cả thịt; khi chúng tôi lấy giấm và muối chữa trị, thằng bé thét thật to, tiếng thét làm người cứng rắn cũng phải xúc động. Sau đó là một thời gian yên tĩnh tương đối. Nó chơi với một cái chai, vật duy nhất đáng cho nó quan tâm, và nằm phơi nắng ngoài sân hay trên ngưỡng cửa. Thằng bé sống như thế, lúc khá lúc tệ, nhưng càng ngày càng bình yên hơn, cho đến bốn tuổi; rồi một hôm, nó gặp phải một số phận bi thảm dù không tìm không muốn số phận đó, cũng không hại ai, cũng không thách thức Trời cao Đất dày gì cả: một con lợn (xin lỗi) ăn hai tai của nó. Dược sĩ Don Raimundo xức cho nó một thứ bột vàng, xêrôfoọcmalin, trông thấy nó vàng khè, không có tai, thật tội, nên mấy bà lối xóm mang đồ lại an ủi nó, một hai cái bánh rán vào ngày chủ nhật, với những hạt hạnh nhân, quả ô-liu chiên dầu và một ít giồi… Tội nghiệp Mario, đôi mắt bé mở to, nó cảm ơn những món quà bé nhỏ đó! Nếu trước kia nó không bao giờ gan dạ thì sau chuyện đó nó lại tệ hơn; suốt ngày suốt đêm nó khóc nhề nhệ, tru tréo như bị bỏ rơi; vì mẹ tôi không mấy kiên nhẫn vào những lúc cần kiên nhẫn, nó nằm dài xuống đất trong nhiều tháng, ăn những gì người ta ném cho nó, bẩn thỉu đến nỗi chính tôi vốn không bao giờ tắm rửa nhiều - cần gì phải nói dối chứ? - cuối cùng tôi thấy chán nó. Khi có một con lợn (xin lỗi) xuất hiện, chuyện thường ngày ở quê, em tôi đâm ra giận dữ và như điêu cuồng, nó thét to hơn thường lệ, tìm một chỗ trú ẩn, gương mặt nó và đôi mắt nó trông thật khủng khiếp khiến tôi nghĩ rằng nếu đích thân Diêm vương lên thế gian này cũng sẽ dừng chân. Tôi nhớ một hôm - vào ngày chủ nhật - một cảnh tương tự đã khiến nó hết sức kinh hoàng và giận dữ, nó đâm đầu chạy trốn; nó bỗng gặp lão Rafael, lão thường đến nhà tôi như ngẫu nhiên (từ khi cha tôi qua đời, lão đi lại nhà chúng tôi như một vùng đất xâm chiếm). Thằng em khốn khổ của tôi không thể tưởng tượng điều gì khác hơn là cắn chân lão; lão tung chân kia đá thật mạnh vào chỗ sẹo của nó; nó dở sống dở chết, bất tỉnh và mất rất nhiều máu đến nỗi tôi nghĩ rằng nó sẽ không còn máu nữa. Cái lão nhỏ thó cười ha hả như vừa có hành động rất dũng cảm và, từ ngày đó, tôi rất căm hận lão, tôi lấy danh dự thề rằng sẽ trừng trị lão vào cơ hội đầu tiên, nếu Chúa không đưa lão thoát khỏi tay tôi. Thằng bé nằm dài và mẹ tôi - tôi bảo đảm với ngài rằng lúc bấy giờ tôi run sợ khi thấy bà hành động xấu xa như thế - thay vì cứu nó, lại bắt chước lão Rafael và cười to; về phần tôi, có Chúa chứng tri, tôi muốn đến đỡ nó lên nhưng tôi lại không làm gì cả… Nếu lúc đó lão chế nhạo tấm lòng hiền hậu của tôi, thì Chúa ơi, tôi sẽ nghiền nát lão trước mặt mẹ tôi! Tôi đi bên cạnh các ngôi nhà để cố quên sự việc đó; dọc đường, tôi gặp em gái tôi; lúc bấy giờ nó đã về xã. Tôi thuật cho nó nghe sự việc đó và tôi thấy rõ sự thù hận trong đôi mắt của nó vì, trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng nó không phải là một kẻ thù rất hiền hậu. Tôi bỗng nhớ lại Cao Kều, và tôi tự mỉm cười khi nghĩ rằng em gái tôi hẳn đã nhìn hắn bằng đôi mắt đó vài lần… Hai giờ sau, khi chúng tôi trở về nhà, lão Rafael đã bỏ đi; Mario vẫn nằm dài chỗ cũ, nó rên thật khẽ, miệng áp xuống đất, cái sẹo tím hơn và hết sức khốn khổ; tôi ngỡ rằng em gái tôi sẽ la lối om sòm, nhưng nó chỉ ẵm Mario lên đặt trong cái máng đựng bánh mì cho thằng bé ngủ lại… Đối với tôi, ngày hôm ấy nó đẹp hơn bao giờ hết, với chiếc rốp màu xanh da trời và với vẻ của một bà mẹ man dại, dù nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm mẹ… Khi lão Rafael đi rồi, mẹ tôi ẵm Mario vào lòng và ru thằng bé; suốt đêm, bà liếm vết thương của nó như chó cái liếm chó con sau khi sinh; thằng bé để bà làm như vậy và mỉm cười… Nó ngủ say, giữ trên đôi môi dấu vết của nụ cười. Chắc chắn rằng chính đêm đó là lần duy nhất trong đời nó đã mỉm cười… V Kế đó, trong một thời gian, Mario không gặp thêm điều bất hạnh nào, nhưng kẻ bị định mệnh truy đuổi làm sao thoát được, dù trốn chui trốn nhủi trong những hốc đá: một hôm, không thấy nó ở đâu, cả nhà tìm nó tở mở và cuối cùn thấy nó bị chết đuối trong một cái chum dầu. Chính em gái tôi, Rosario, tìm thấy Mario… Thằng bé ở trong tư thế của một con chim cú đang uống trộm dầu bị mắc bẫy; nó ngã trên miệng chum, mũi chúi vào mớ cặn ở đáy chum… Khi người ta đỡ nó lên, dầu chảy thành dây từ miệng nó, tựa hồ như một sợi chỉ vàng bị rối được tháo ra từ bụng nó; tóc của nó, lúc nó còn sống luôn luôn có màu xám tro nhờ nhờ, rực lên thật sáng khiến người ta tưởng như nó có vẻ hồi sinh từ cái chết. Đó là tất cả những gì lạ lùng khi tôi nhớ lại cái chết của Mario… Mẹ tôi cũng không nhỏ giọt nước mắt nào trước cái chết của đứa con trai; đáng lẽ bà không con cái gì cả thì tốt hơn, vì tim bà cứng rắn quá nên bà không có giọt nước mắt nào để đánh dấu điều bất hạnh của đứa con trai… Về phần tôi, tôi không chút xấu hổ khi thú nhận rằng tôi đã khóc, cũng như em gái Rosario của tôi, và tôi cảm thấy rất căm hận mẹ tôi, một sự căm hận ngày càng tăng rất nhanh đến nỗi liền đó tôi lại sợ chính tôi. Đàn bà không khóc giống như vòi nước không chảy, không có giá trị gì, hoặc như chim trên trời không biết hót mà, nếu muốn, Chúa sẽ lấy cánh lại vì con vật nhơ nhớp ấy không cần cánh nữa. Tôi thường tự hỏi và nói thật, đến ngày nay tôi vẫn tự hỏi lý do khiến tôi không còn tôn trọng mẹ tôi, lý do sau đó khiến tôi không còn thương bà, và cuối cùng không còn cả những nghi lễ thông thường đối với bà. Tôi đã nghĩ rất nhiều về điều đó, để ghi rõ những hồi ức của mình và để biết lúc nào bà không còn là người mẹ trong lòng tôi, và lúc nào bà trở thành kẻ thù của tôi. Kẻ tử thù, vì không có sự thù hận nào lớn lao bằng sự thù hận của những người cùng chung dòng máu; một kẻ thù đã khiến tôi hết sức căm hận, vì rất dễ thù kẻ mà ta giống, cho tới cuối cùng ta ghê tởm sự giống đó. Tôi đã nghĩ nhiều về điều đó, nhưng không sáng tỏ được gì cả. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi không còn tôn trọng bà từ lâu, vì không tìm thấy nơi bà một phẩm chất nào đáng bắt chước, một quà tặng nào của Chúa để noi theo; nhưng bà phải rời khỏi tim tôi, khi tôi trông thấy nơi bà quá nhiều điều xấu xa và tôi không thể yêu bà nữa. Để thù hằn bà, thù hằn thật sự, tôi phải mất một thời gian nữa - vì tình yêu lẫn sự thù hận không phải là chuyện ngày một ngày hai - nhưng tôi không nghĩ rằng tôi nhầm lẫn nhiều khi nói rõ rằng lúc tôi bắt đầu thù hận bà là lúc Mario chết. Chúng tôi phải lau khô thằng bé với vải lanh, để nó khỏi bị dính dầu nhiều quá lúc chịu Phán quyết cuối cùng của Chúa, và chúng tôi trang phục đẹp nhất cho nó: quần áo bằng vải pẹc-can mà chúng tôi tìm thấy trong nhà, giày vải đế cói đan mà tôi chạy tìm trong xã, chiếc cà-vạt nhỏ màu hoa cà có nơ ở cổ như một con bướm vô tư lự đậu lên mình người chết. Lão Rafael làm ra vẻ nhân từ đối với người mà lão đã đối xử thô bạo lúc còn sống và giúp chúng tôi chuẩn bị cái hòm. Lão đi đi lại lại khắp nơi, tất bật và tự hào như cô dâu mới; mang lại chỗ này mấy cái đinh, chỗ kia một miếng ván, một hộp sơn trắng chì. Tôi phải tập trung tất cả sự chú ý của mình vào sự tất bật và tự hào của lão, vì tôi rất bực - lúc bấy giờ và cả hiện nay cũng không rõ tại sao - khi thấy lão vui như chim sáo. Lão ung dung lặp đi lặp lại: - Thể theo ý Chúa! Những tiểu thiên sứ về trời!... Nghe lão nói thế, tôi suy nghĩ rất nhiều và cả đến bây giờ tôi cũng không thể nhớ lại điều gì đã xảy ra trong tôi. Lão cứ lặp đi lặp lại điều đó như một điệp khúc trong khi đóng đinh vào ván và khi bắt tay sơn: - Những tiểu thiên sứ về trời! Những tiểu thiên sứ về trời! Lời lẽ của lão vang dội trong tim tôi như một cái đồng hồ. Một cái đồng hồ cuối cùng sẽ làm vỡ ngực tôi… Một cái đồng hồ điên cuồng do những lời lẽ trịnh trọng của lão già, do những con mắt ướt rượt và xanh như mắt rắn nhìn tôi ăn mày một chút thiện cảm trong khi trong huyết quản của tôi chỉ là sự hận thù sâu đậm nhất. Tôi nhớ lại những giờ đó một cách tởm lợm. - Những tiểu thiên sứ về trời! Những tiểu thiên sứ về trời!... Tên chó đẻ, lão giả vờ khá đấy! Nhưng ta để lão ở đó và nói sang chuyện khác. Không bao giờ tôi biết tiểu thiên sứ là gì vì tôi không nghĩ đến; đôi khi tôi tưởng tượng ra họ, tóc hoe vàng, mặc áo dài xanh lơ hoặc hồng; những lúc khác tôi ngỡ họ màu mây, thân hình dài hơn thân lúa. Nhưng lúc nào tôi cũng chắc chắn rằng họ không có gì giống với thằng em Mario của tôi, cho nên khi lão Rafael nói thế, tôi nghĩ lão muốn giấu giếm điều gì, và tôi tự hỏi không biết lão có ý nghĩ tinh quái gì và có ẩn ý gì - lão vốn hung bạo. Đám tang của thằng bé, như đám tang của cha tôi những năm trước, là một đám tang khốn khổ, buồn thảm: không phải nói dối không hơn năm sáu người đi sau chiếc hòm: Don Manuel, thằng bé Santiago hét lễ trong nhà thờ, Lola, ba bốn bà cụ và tôi. Thằng Santiago cầm thánh giá đi trước, vừa đi vừa khẽ huýt sáo và nện chân trên những hòn đá cuội; kế đó là chiếc hòm và Don Manuel, trông như thợ cắt tóc khoác bộ y phục trắng trên chiếc áo dòng; các bà cụ theo sau, khóc lóc và rên rỉ đến nỗi người ta tưởng các bà là mẹ của kẻ trong chiếc hòm đang đi về lòng đất… Lúc bấy giờ, Lola gần như là vợ chưa cưới của tôi, tôi bảo gần như vì thực ra dù tôi có thiện cảm với nàng, không bao giờ tôi dám nói với nàng một lời yêu đương, tôi sợ bị nàng khinh miệt; nàng cũng luôn luôn làm đủ cách để tôi đi tới quyết định đó, nhưng đều vô ích, lúc nào tôi cũng thẹn thùng không dám và chuyện đó kéo dài rất lâu. Tôi đã gần ba mươi tuổi, còn nàng trẻ hơn em gái tôi một chút, độ hăm mốt hăm hai. Nàng to lớn, nước da nâu, tóc sậm màu, đôi mắt thật sâu, đen láy, nhìn vào là cảm thấy xốn xang; thịt nàng săn chắc và như căng phồng vì sức khỏe sung mãn; nàng rất nẩy nở đến nỗi người ta ngỡ rằng nàng đã có chồng. Dù sao đi nữa, trước khi tôi đi xa hơn và để khỏi quên tôi muốn nói với ngài, nói đúng sự thật, rằng lúc bấy giờ nàng vẫn còn trinh nguyên như lúc mới sinh ra và chưa biết gì về đàn ông như một cô gái tân mới vào nương nhờ cửa Chúa. Tôi nói dứt khoát như vậy để không ai hiểu lầm về điểm đó. Còn những gì sau đó nàng làm - chỉ có Chúa mới biết chính xác mà thôi - là những điều thuộc về lương tâm của nàng; nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả những gì nàng làm lúc đó không có gì là đồi bại cả, và tôi sẵn sàng để quỷ sứ bắt hồn mình nếu có ai chứng minh ngược lại. Nàng tỏ ra chắc chắn, đầy sức lực, dáng đi của nàng rất tự hào, tự do, và nàng giống như mọi thứ, trừ việc giống cô bé quê nghèo nàn; mớ tóc được nàng bởi thành búi to tướng dưới gáy, cho thấy một sức mạnh; khi thành chồng nàng những tháng sau, tôi thích lấy búi tóc ấy quất vào hai má tôi để thưởng thức sự êm ả và có cảm giác về hương thơm của nó: hương vị của ánh nắng và của rau húng tây, hương vị của những giọt mồ hôi lạnh long lanh ở những sợi tóc mai của nàng khi nàng hứng tình… Hãy trở lại chuyện tôi vừa nói: đám tang của em tôi trôi qua không trở ngại gì; huyệt đã đào sẵn, chỉ cần đặt em tôi xuống đó và phủ đất lên. Cha Don Manuel đọc kinh bằng tiếng la-tinh, mấy bà cụ quỳ xuống. Trong khi Lola quỳ xuống, tôi thấy đôi chân của nàng trắng muốt, săn chắc sau đôi tất đen. Tôi xấu hổ trước những gì tôi sắp nói, lạy Chúa, xin cứu rỗi linh hồn con bằng tất cả sự khổ nhọc mà con nói ra: lúc bấy giờ, tôi vui vì cái chết của em trai tôi… Đôi chân của Lola óng ánh như bạc, thái dương tôi giần giật và tim tôi như muốn thoát khỏi lồng ngực tôi ….. Tôi không trông thấy Don Manuel lẫn mấy bà cụ đi ra. Tôi như ngơ ngáo trở lại với cuộc sống, tôi ngồi trên mặt đất mới phủ trên tử thi của Mario; lý do khiến tôi ở đó và quãng thời gian tôi ở đó lúc bấy giờ là hai điều không bao giờ tôi biết rõ. Tôi chỉ nhớ rằng máu ở thái dương tôi cứ giần giật, rằng tim tôi lúc nào cũng muốn vỡ… Mặt trời xuống dần; những tia nắng cuối cùng như soi qua cành lá của một cây bách buồn bã, vật duy nhất bên cạnh tôi… Trời nóng; tôi cảm thấy run rẩy toàn thân; tôi không thể cử động; người tôi đờ ra tựa hồ như tôi bị một con chó sói nhìn vào mắt mình… Lola đang đứng đấy, kế bên tôi; ngực nàng lên lên xuống xuống theo hơi thở… - Em đấy à? - Vâng, em đây! - Em làm gì ở đây? - Em à? Em không làm gì cả… Em chỉ đến đây… Tôi đứng lên chụp một cánh tay nàng. - Em làm gì ở đây? - Em không làm gì cả! Anh thấy rõ mà. Không làm gì cả… Lola nhìn tôi với đôi mắt kinh hãi. Tiếng của nàng dường như từ cõi xa xăm, trầm trầm, ồ ồ như hồn ma bóng quế… - Anh giống như em trai anh! - Anh à? - Phải, anh đấy! ….. Cuộc đấu tranh thật dữ dội. Tôi vật nàng xuống đất, nàng gượng dậy, đẹp hơn bao giờ hết. Ngực của nàng lên lên xuống xuống theo hơi thở của nàng, càng lúc càng nhanh hơn… Tôi nắm tóc nàng và ấn nàng xuống đất. Nàng vùng vẫy, vuột khỏi tay tôi. Tôi cắn nàng cho đến chảy máu và đối với tôi nàng dịu dàng và ngoan ngoãn như một con lừa cái con… ….. - Em muốn như vậy chứ? - Vâng! Lola mỉm cười với tôi, đôi hàm răng đều đặn… Rồi nàng vuốt tóc tôi. - Anh không giống em trai anh!... Anh là đàn ông!... Những tiếng này vang vang trên môi nàng… - Anh là đàn ông!... Anh là đàn ông!... Đất mềm nhũn, tôi nhớ rất rõ… Và trên mặt đất, sáu đóa hoa mỹ nhân dành cho em trai đã chết của tôi: sáu giọt máu. - Anh không giống em trai anh! Anh là đàn ông!... - Em yêu anh chứ? - Vâng!... VI Đã mười lăm ngày trôi qua mà Ơn Trên không cho phép tôi viết gì thêm; thời gian này, bận bịu với những cuộc thẩm vấn, với những lần viếng thăm của luật sư biện hộ cho tôi và với việc chuyển đến trại giam mới này, tôi không lúc nào rảnh rỗi để cầm bút. Giờ đây, tôi vừa đọc lại mớ giấy má này - mớ giấy không quan trọng lắm; những ý nghĩ lộn xộn nhất trong đầu tôi với một sự dồn dập lớn lao đến nỗi dù cố gắng đến đâu tôi cũng không biết phải bắt đầu lại như thế nào. Cho tới nay, chuyện của tôi, như ngài thấy, rất buồn bã, nhưng tôi nghĩ rằng tôi không có đủ sức viết tiếp phần sau còn khốn khổ hơn nhiều. Tôi sợ phải thấy ký ức mình, chính xác đến đâu vào giờ phút này tất cả hành vi của đời tôi - những điều mà than ôi tôi không thể trở lại được! - sắp được ghi trên những tờ giấy kia rõ ràng như ghi trên bảng đen; thật vui - mà cũng thật buồn, Chúa biết rõ! - khi nghĩ rằng nếu một cố gắng tương tự của hồi ức được xúc tiến mấy năm trước, thì bây giờ tôi khỏi phải viết lại trong xà lim; vào giờ này ắt tôi đang ngồi sưởi nắng ngoài sân nhà, xuống suối câu lươn, hoặc vào núi săn thỏ… Ắt tôi sẽ làm một trong những việc đó mà phần lớn người ta vẫn làm nhưng không nghĩ đến; ắt tôi tự do như phần lớn người ta được tự do nhưng cũng không biết; ắt tôi có bao nhiêu năm của đời mình để sống (Chúa biết rõ) như phần lớn người ta có nhưng không biết rằng họ có thể tiêu phí một cách chậm rãi… Chỗ mới này nơi họ đưa tôi đến khá hơn chỗ cũ; qua cửa sổ, tôi có thể trông thấy một khu vườn nhỏ được chăm sóc kỹ và trau chuốt như một phòng khác; xa hơn nữa, về phía ngọn núi, tôi có thể trông thấy cánh đồng, màu nâu như da người; thỉnh thoàng qua đấy là những đoàn la trên đường sang Poóc-tu-gan, là những con lừa nhỏ trên đường về chuồng, là đàn bà con trẻ chỉ đi tới giếng… Tôi hít thở không khí của tôi, không khí vào xà lim của tôi và không khí từ xà lim thoát ra, vì nó không quan trọng, không khí mà có thể ngày mai hay ngày nào khác một người dắt la đi ngang sẽ hít thở… Tôi trông thấy con bướm nhiều màu sắc bay phấp phới một cách vụng về trên những đóa hướng dương, nó vào xà lim của tôi, bay hai vòng rồi bay ra, vì nó không có gì quan trọng; có thể cuối cùng con bướm ấy lại đáp xuống chiếc gối của ông quản đốc… Tôi lấy chiếc mũ bo-nê chộp con chuột nhắt đến gặm thức ăn thừa của tôi, tôi ngắm nó, tôi thả nó, vì nó không có gì quan trọng, rồi tôi xem nó chạy thoát nhẹ nhàng như thế nào để chui vào chỗ ẩn trú trong hang, cái hang nơi nó ra để ăn bữa ăn của người lạ vào trong xà lim một thời gian rồi ra đi, thường là xuống địa ngục… Có lẽ ngài không tin tôi, nhưng những lúc ấy tôi cảm thấy rất buồn bã và lo sợ, khiến cho sự hối hận của tôi cũng gần như sợ hối hận của bậc thánh (tôi dám nói vậy); có lẽ ngài không tin tôi, bởi ngài biết được ở tôi quá nhiều điều xấu và theo đó mà phán xét tôi, tuy nhiên… Tôi vừa nói với ngài như thế, có lẽ chỉ nói để có nói thôi, có lẽ chỉ để hy vọng rằng ngài sẽ thông cảm và tin những gì tôi không dám lấy danh dự ra mà thề vì danh dự tôi không còn nữa… Tôi thấy đắng trong cổ họng khi nghĩ rằng hẳn tim tôi làm ra nhựa lô hội thay vì làm ra máu; tôi cảm thấy vị đắng ấy lên lên xuống xuống trong ngực tôi; nó để lại một vị chua ở vòm miệng tôi, vị đó thấm vào lưỡi tôi và làm khô nội tạng tôi tựa hồ như nó là hơi thở tang tóc và mốc meo của một hầm mộ… Tôi đã ngưng viết một thời gian, có thể là hai mươi phút, có thể là một giờ, có thể là hai giờ… Mấy người qua lại trên đường - từ cửa sổ tôi thấy rõ họ lắm! Hẳn họ không biết rằng tôi đang nhìn họ vì họ bước đi tự nhiên làm sao. Có hai người đàn ông một người đàn bà, một đứa bé; dường như họ sung sướng vì được đi trên đường… Hai người đàn ông trạc ba mươi, người đàn bà trẻ hơn một chút, đứa bé không quá sáu tuổi. Nó đi chân đất, chơi đùa vui vẻ như những con dê chạy quanh đàn, mặc chiếc áo cộc ngắn phơi bụng ra ngoài… Nó chạy lon ton mấy bước lên trước, dừng lại, ném đá vào một con chim đang bay ngang… Nó không giống thằng em trai của tôi chút nào, tuy nhiên nó gợi tôi nhớ đến Mario. Người đàn bà hẳn là mẹ nó; da chị nâu như tất cả những người khác, và toàn thân chị toát ra một vẻ hân hoan khiến ta khoan khoái khi nhìn chị… Chị khác xa mẹ tôi, tuy nhiên tại sao chị khiến tôi nghĩ đến mẹ tôi!... Xin ngài thứ lỗi cho tôi, tôi chịu không thể tiếp tục được… Những giọt lệ trào ra mắt tôi. Ngài cũng hiểu như tôi thôi, để nước mắt trào ra như đàn bà thì không đáng mặt đàn ông. Tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của tôi; chuyện buồn thôi, tôi biết, nhưng dù sao vẫn không buồn bằng tư duy triết lý mà trái tim tôi không chịu đựng nổi; trái tim của tôi, cái máy sản xuất ra máu phọt chảy dưới một con dao… VII Quan hệ giữa tôi và Lola sang một bước ngoặt đúng như ngài tưởng tượng; thời gian trôi qua và chưa đầy năm tháng sau đám tang của em trai tôi, tôi lại ngạc nhiên - chuyện đời lại cứ như thế, ngài thấy đấy - bởi cái tin đáng lẽ không làm tôi ngạc nhiên. Hôm ấy là ngày Thánh Charles, vào ngày mười một. Tôi đến nhà Lola, mấy tháng nay ngày nào tôi cũng đến nhà nàng; như thường lệ, mẹ nàng đã thức dậy đi công chuyện. Tôi thấy cô bạn gái của tôi rất xanh xao, kỳ kỳ mà lát sau tôi mới tự giải thích được; dường như nàng đã khóc lóc, hết sức lo âu vì một nỗi phiền muộn lớn lao… Trước nay, chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau không mấy nồng nàn lắm, nhưng ngày hôm ấy chúng tôi cứ ngấp nga ngấp ngứ như để ngưng tiếng gáy khi nghe tiếng bước chân người hay gà gô cất cánh bay khi nghe kẻ lang thang nào đó cất tiếng hát; mỗi lần thử bắt chuyện đều tắt nghẹn trong cổ họng khô khốc của tôi. Tôi nói: - Tùy em… Nếu em không muốn nói thì đừng nói. - Muốn chứ, em muốn nói chứ! - Vậy thì nói đi… Anh có cản em đâu? - Anh Pascual!... - Gì? - Anh không biết à? - Không. - Anh cũng không đoán được gì à? - Không. Giờ đây tôi bật cười khi nhớ lại tôi để cả một lúc lâu để đoán ra đó là chuyện gì. - Anh Pascual!... - Gì? - Em có thai! Trước hết, tôi không hiểu nàng nói gì. Tôi im bặt vì hết sức ngạc nhiên; không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện nàng vừa báo tôi biết, chuyện hết sức tự nhiên và có thể xảy đến cho tôi; giờ đây, tôi không biết lúc ấy tôi nghĩ gì. Hai tai tôi nóng bừng, đỏ như than hồng; mắt tôi cay xé như bị xát xà phòng… Tất cả đều hết sức im lặng, có lẽ trong mười phút. Thái dương tôi giần giật, mạch đập nhanh và ngắn; một lúc sau tôi mới nhận ra… Hơi thở của Lola nghe như tiếng sáo. - Em có thai à? - Vâng! Nàng òa lên nức nở. Tôi không thể nghĩ ra điều gì để an ủi nàng. - Em đừng ngốc như vậy. Có người chết thì có người sinh ra chứ… Có lẽ ở thế giới dưới kia Chúa sẽ giảm bớt hình phạt cho tôi vì tất cả lòng thương mến của tôi đối với nàng chiều hôm ấy. - Chuyện đó có gì kỳ lạ đâu? Mẹ em cũng mang thai trước khi sinh ra em…, mẹ anh cũng thế… Tôi cố hết sức để nói lên đôi điều có ý nghĩa. Dường như Lola biến đổi, đảo lộn. - Thai nghén là chuyện muôn thuở! Có gì đâu mà em lo buồn? Tôi nhìn cái bụng của Lola; người ta chưa thấy gì. Nàng đẹp hơn bao giờ hết, mặt nàng mét xanh, mái tóc rối bời. Tôi đến bên hôn lên má nàng; nàng lạnh ngắt như người chết… Lola để tôi hôn, đôi môi thoáng một nụ cười như nụ cười của kẻ tuẫn đạo thời xưa… - Em sung sướng chứ? - Vâng!... Em rất sung sướng! ..... - Anh yêu em… khi em trong tình trạng này chứ? - Ừ, anh yêu em, Lola… khi em trong tình trạng này. Đúng vậy. Lúc bấy giờ, đó là cách tôi yêu nàng… trẻ trung, với một đứa con trong bụng; một đứa con của tôi mà - trong khoảnh khắc ấy - tôi nghĩ rằng tôi có thể nuôi dưỡng, rằng tôi muốn nó được nên người. - Mình sẽ cưới nhau, em Lola; chỉ cần chuẩn bị giấy tờ… Mình không thể để cứ tiếp tục như vầy… - Vâng… Giọng của Lola nghe như gió thoảng. - Và anh muốn chứng minh với mẹ em rằng anh biết xử sự đáng mặt đàn ông. - Mẹ biết chuyện này rồi… - Không, mẹ không biết đâu! Đến lúc tôi nghĩ đến chuyện ra về, màn đêm đã buông xuống. - Em gọi mẹ em đi. - Gọi mẹ em à? - Ừ. - Chi vậy? - Để anh nói. - Mẹ biết rồi. - Có thể… Nhưng anh muốn tự mình nói! Lola đứng lên - dường như nàng to lớn quá! - và ra khỏi phòng. Lúc nàng bước qua cửa bếp, tôi thấy mình thèm muốn nàng hơn bao giờ hết… Không bao lâu sau, mẹ nàng bước vào. - Cậu muốn gặp tôi có chuyện gì? - Thưa chắc bác đã hiểu. - Cậu có thấy tình cánh cậu gây ra cho con bé không? - Thưa tình cảnh này đâu đến nỗi nào. - Ồ! Cậu nghĩ như vậy à? - Thưa phải! Em Lola đã đến tuổi thành niên. Người mẹ nín lặng; tôi không bao giờ tưởng rằng bà khoan dung đến thế. - Cháu xin được thưa chuyện với bác. - Về vấn đề gì? - Về con gái của bác. Cháu sẽ cưới Lola… - Ít ra cũng phải vậy. Cậu quyết định thực sự như vậy chứ? - Thưa, quyết định thực sự. - Và cậu đã cân nhắc kỹ rồi chứ? - Thưa, kỹ. - Trong một thời gian ngắn ngủi như vậy à? - Thưa, còn nhiều thời gian. - Được, cậu chờ một chút; bác sẽ gọi nó. Bà bước ra ngoài đi một lúc lâu, ắt hai mẹ con bàn tán với nhau. Lúc trở lại, bà nắm tay dẫn Lola. - Đấy: cậu ta muốn cưới con. Còn con, con có ưng cậu ta không? - Con ưng. - Pascual là một cậu trai tử tế; mẹ đã biết cậu ta xử sự đứng đắn… Nào, cả hai hôn nhau đi. - Thưa, chúng con đã hôn nhau. - Ơ này, hôn lại. Nào, để mẹ nhìn thấy. Tôi lại gần Lola và ôm hôn nàng; tôi hôn nàng thật mạnh, với tất cả sức lực của mình, siết nàng sát vào vai tôi, không để ý sự hiện diện của người mẹ. Tuy nhiên… nụ hôn được cho phép không có mùi vị gì đối với tôi, kém xa những nụ hôn đầu tiên trong nghĩa trang, rất lâu trước kia. - Con xin phép được nghỉ lại tại đây đêm nay. - Ừ, cậu cứ ở lại. - Đừng, anh Pascual, đừng nghỉ lại đêm nay, chưa đâu mà. - Được mà con, được mà, để nó ở lại. Nó chẳng sắp sửa thành chồng con ư? Tôi ở lại và qua đêm với nàng… Sáng tinh mơ hôm sau, tôi đến nhà thờ của xứ đạo; tôi bước vào phòng để đồ thánh. Cha Don Manuel sắp sửa làm lễ mi-sa cho Don Jésus, bà quản gia của ông ta và hai ba bà cụ khác. Cha ngạc nhiên khi thấy tôi đến. - Con đến đấy à, có chuyện gì thế? - Vâng, thưa cha, con đến thưa chuyện cùng cha. - Câu chuyện có lâu không? - Thưa cha, lâu. - Con có thể đợi cha làm xong lễ chứ? - Thưa cha, được. Chuyện con không gấp. - Vậy thì con chờ cha. Don Manuel mở cánh cửa phòng để đồ thánh, chỉ cho tôi một chiếc ghế dài, một chiếc ghế như bất cứ chiếc ghế nào ta vẫn gặp trong bất cứ nhà thờ nào, bằng gỗ, không sơn, cứng và lạnh như đá, nhưng lại là nơi đôi khi ta trải qua những khoảnh khắc hết sức tốt đẹp… - Con ngồi đấy. Khi con thấy Don Jésus quỳ thì con quỳ; và khi thấy ông ta ngồi thì con cũng ngồi… - Vâng, thưa cha. Lễ mi-sa này, như lễ mi-sa khác, kéo dài nửa giờ, nhưng đối với tôi nửa giờ này chỉ trôi qua thật nhanh. Kế đó tôi quay lại phòng để đồ thánh. Cha Don Manuel cởi trang phục. - Chuyện gì con cứ nói. - Con… Con muốn kết hôn. - Ý nghĩ này hay đấy con ạ, ý nghĩ rất hay; vì lẽ đó mà Chúa Trời đã tạo nên người đàn ông và người đàn bà, để cho loài người được trường tồn. - Vâng, thưa cha. - Được, được… Con muốn kết hôn với ai vậy? Phải với Lola không? - Vâng, thưa cha! - Con nghĩ tới việc này lâu rồi chứ? - Không, thưa cha, mới hôm qua thôi… - Chỉ mới hôm qua à? - Vâng, chỉ hôm qua ạ. Hôm qua cô ấy nói cho con biết chuyện đã xảy đến cho cô ấy. - Có chuyện gì xảy đến cho cô ấy à? - Vâng… - Có thai? - Vâng, thưa cha. Có thai. - Như vậy thì, con à, tốt nhất là hai người làm lễ thành hôn với nhau. Chúa sẽ tha thứ hết cho các con, và đối với người đời các con sẽ được quý mến. Đứa con sinh ngoại hôn là tội lỗi, là điều tủi nhục. Đứa con sinh ra mà cha mẹ làm lễ thành hôn theo Ki-tô giáo là phúc lành của Chúa ban cho. Ta sẽ lo giấy tờ cho con. Hai người có phải là anh em họ không? - Thưa cha, không. - Được vậy càng hay. Trong vòng mười lăm ngày, con hãy đến gặp cha; cha sẽ chuẩn bị tất cả cho con. - Thưa cha, vâng. - Bây giờ, con đi đâu? - Cha cũng hiểu đấy… Con đi làm việc! - Nhưng trước khi đi làm việc, con hãy xưng tội chứ. - Vâng… Tôi xưng tội và sau đó tôi cảm thấy nhẹ nhàng thư thái như được tắm bằng nước nóng. VIII Hơn một tháng sau, ngày 12 tháng chạp năm ấy, thứ tư, ngày lễ Đức Mẹ Đồng Trinh xứ Guadalupe, Lola và tôi làm lễ thành hôn, sau khi làm đúng mọi yêu cầu về lễ đạo của nhà thờ. Tôi lo lắng và trang nghiêm như tôi sợ cái bước mà tôi sắp đi tới - làm lễ thành hôn là một chuyện rất nghiêm trọng! - có những lúc tôi cảm thấy minh suy nhược đến nỗi tôi muốn thối lui để mặc chuyện ra sao thì ra; tuy nhiên tôi không dám vì tôi ngại như thế sẽ gây ra tai tiếng, và tôi hiểu rằng tốt hơn là cứ im lặng mặc cho sự việc xảy ra; có thể đàn cừu bị dẫn tới lò mổ cũng nghĩ như vậy… Phần tôi, có những lúc tôi muốn phát điên khi tôi nghĩ đến ngày thành hôn gần kề. Có lẽ tôi đánh hơi biết trước điều bất hạnh đang chờ tôi… Ác mỗi tài đánh hơi này không bảo đảm cho tôi rằng liệu tôi có hạnh phúc hơn chăng nếu tôi vẫn sống độc thân… Tôi chi tiêu số tiền tiết kiệm tôi đã dành dụm để dùng cho ngày cưới - bởi vì miễn cưỡng lấy vợ là một chuyện còn lấy vợ theo ý mình muốn là chuyện khác - và như thế, dù lễ cưới của tôi không rực rỡ lắm, ít ra nó cũng ồn ào như bất cứ của ai khác. Tôi cho bày trong nhà thờ những đóa hoa mỹ nhân và những bó hương thảo vừa nở; nên trông nhà thờ vui tươi, niềm nở, có thể vì những chiếc ghế dài bằng gỗ lĩnh sam và những phiến đá lát nền không còn lạnh lẽo như trước. Lola mặc chiếc rốp đen vải lanh thượng hạng bó sát thân, mang một tấm mạng đăng ten của bà mẹ đỡ đầu tặng và cầm trên tay những đóa hoa cam; nàng thật duyên dáng và đóng vai trò của mình rất đạt đến nỗi trông nàng như một nữ hoàng, tôi mặc một bộ com-lê xinh xắn màu xanh có sọc đỏ mà tôi mua tận Badajoz, đội một chiếc mũ xa-lanh đen mới diện lần đầu, mang một chiếc khăn quàng lụa quanh cổ và một sợi dây đồng hồ. Trẻ trung và oai vệ, trông chúng tôi rất đẹp đôi, tôi đảm bảo với ngài như vậy!... Hạnh phúc thay thời gian dường như ta còn tin vào hạnh phúc, còn giờ đây tất cả điều đó sao quá xa xôi!... Người cha đỡ đầu trong lễ cưới của chúng tôi là ông Sebastian, con trai của dược sĩ Don Raimundo, và bà Aurora, em gái của cha xứ Don Manuel[5]. Cha Don Manuel ban phúc lành cho chúng tôi, và để chấm dứt giảng cho chúng tôi nghe một bài thuyết giáo, lâu gấp ba cuộc lễ chính thức và chán phèo - có Chúa biết rõ - mà tôi ngỡ rằng bắt buộc phải thế và cố chịu đựng. Cha lại nói với chúng tôi về sự trường tồn của nòi giống, về Giáo hoàng Leon XIII, cha cũng nói về cái gì đó mà tôi không rõ về Thánh Phao-lô với các nô lệ… Chắc chắn rằng cha đã chuẩn bị kỹ lưỡng bài thuyết giảng của mình. Lễ đạo chấm dứt, tất cả chúng tôi đi thành đoàn trên con đường đến nhà tôi; chúng tôi không có nhiều phương tiện lắm, nhưng với thiện chí bậc nhất trên đời, chúng tôi đã chuẩn bị thức ăn thức uống khá đầy đủ để làm vui lòng tất cả khách mời thậm chí dọn gấp đôi nếu cần. Phụ nữ thì có sô-cô-la với bánh phồng tôm, bánh kẹp với hạnh nhân, bánh quy với mứt vả; đàn ông thì có manzanilla[6]và những đĩa xúc-xích, dồi, ô-liu, cá trích hộp… Giờ đây tôi biết rằng lúc ấy trong xã vẫn có những người phiền trách chúng tôi không dọn cho họ một bữa ăn ra trò với tất cả các món ăn! Để làm vừa lòng họ, chắc chắn tôi cũng không phải chi tiêu thêm, nhưng tôi không chịu vì tôi muốn cho chóng xong để lỉnh đi với vợ tôi. Giờ đây tôi chắc chắn rằng mình đã làm - làm tốt nữa kia - tất cả những gì cần làm, như thế đủ cho tôi rồi; về những lời chỉ trích, tốt hơn đừng để ý. Sau khi tiếp đãi đàng hoàng khách mời, và khi có thời cơ, tôi liền dắt vợ, đặt nàng lên mông con ngựa cái mà ông Vicente đã cho tôi mượn dùng trong dịp này, rồi tôi cho nó đi từng bước nhỏ như sợ làm nàng ngã; tôi đến Mérida; lưu lại đấy ba ngày, có lẽ là ba ngày hạnh phúc nhất đời tôi… Dọc đường, chúng tôi dừng lại dăm sáu lần, để tay chân đỡ tê, và giờ đây khi nhớ lại, tôi kinh ngạc trước chuyện khùng khịu là đã hái những đóa hoa cúc bỏ lên đầu nhau. Dường như cặp vợ chồng mới cưới bỗng nhiên tìm lại được sự trong trắng ngây thơ thời thơ ấu… Cho ngựa chạy nước kiệu nhỏ, đều đều, chúng tôi qua cây cầu xây kiểu rô-manh để vào thánh phố thì gặp rủi ro; con vật nhảy tạt ngang - có lẽ trông thấy dòng sông - đụng thật mạnh vào một bà cụ vừa đi qua, bà cụ suýt bể đầu và ngã chúi xuống dòng Guadiana. Tôi nhanh chóng nhảy xuống ngựa đến đỡ bà cụ, vì người tử tế ai lại đành bàng quan trước những chuyện như vậy; nhưng khi nhận thấy bà cụ chỉ còn phải một phen sợ hãi thôi, tôi cho bà cụ một rêan - để bà cụ im cho - và vỗ vỗ mấy cái trên vai bà cụ rồi trờ lại với cô vợ mới cưới của mình. Lola hãy còn cười khanh khách, và nụ cười ấy, ngài hãy tin tôi, làm tôi hết sức khó chịu; hẳn đấy là một linh cảm, một kiểu báo trước điều sẽ xảy đến cho nàng. Cười khi kẻ khác gặp điều bất hạnh là không tốt, ngài hãy tin như thế, đó là ý nghĩ của một người hết sức bất hạnh suốt cả đời mình; Chúa không cần gậy gộc, không cần gạch đá để trừng phạt kẻ ác vì, như ta biết, kẻ nào dùng gươm thì…; vả lại, nếu không có chuyện đó, sống đẹp không bao giờ là thừa cả. Chúng tôi đến lữ quán Chim Hét thuê một phòng rộng bên phải lối vào, hai ngày đầu chúng tôi mãi yêu nhau không buồn ló mặt ra ngoài. Phòng trọ tốt, rộng rãi, trần nhà thật cao, xà nhà bằng gỗ dẽ kiên cố, sàn gạch sạch bóng, có nhiều bàn ghế thật tiện nghi, xài rất khoái. Kỷ niệm về căn phòng ấy theo tôi suốt đời như một người bạn trung thành. Chiếc giường thật sang trọng, suốt đời tôi chưa hề trông thấy, đầu giường bằng gỗ hồ đào chạm trổ, với bốn tấm trải giường bằng len chải! Nằm nghỉ trên đó thật khoái! Còn có một cái tủ com-mốt, cao, bụng phình ra như bậc mệnh phụ phu nhân, bốn ngăn kéo thật sâu, tay nắm vàng chóe, và một tủ áo đụng tới trần nhà, với một tấm gương to tưởng kèm hai cái chúc đài xinh xắn - cùng một loại gỗ với tủ áo - đặt hai bên để làm hình ảnh thêm nổi bật… Cả cái la-va-bô nơi đây - thông thường là món ít được chú ý nhất - cũng rất xinh xắn; những chân tre uốn cong và nhẹ nhàng, chậu rửa bằng sứ trắng, thành chậu vẽ mấy con chim nhỏ khiến nó thêm phần duyên dáng, thiện cảm. Phía trên chiếc giường là một bộ tranh to in thạch bản, bốn màu, diễn tích Chúa Ki-tô đang bị khổ hình, trên tường là một cái trống con có tranh màu của Tháp Giralda ở Sevilla với những núm tua cái vàng cái đỏ; hai cặp catanhét đóng khung một bức vẽ xiếc La Mã, theo tôi thì rất tài tình vì trông hết sức chính xác. Trên chiếc tủ com-mốt còn một cái đồng hồ quả lắc, gồm một hình cầu nhỏ tượng trưng quả đất đặt trên đôi vai của một người đàn ông trần truồng, và hai cái chum xứ Talavera có hoa văn xanh lơ, hơi cũ, song vẫn bóng ngời khiến chúng khá hấp dẫn. Về ghế dựa, có sáu chiếc; hai có tay; tất cả đều có lưng cao, chân còn vững, mặt ghế bọc nệm nhung màu, ngồi rất thoải mái, tôi rất tiếc khi lên đường, và càng tiếc hơn từ khi tôi đến đây. Tôi vẫn nhớ đến chúng, dù bao năm đã trôi qua! Vợ tôi và tôi để nhiều thì giờ riêng để hưởng thụ tất cả những thứ thoải mái trên và, như tôi đã nói, ngay từ lúc đầu con đường đó không có nét gì lôi cuốn chúng tôi. Chúng tôi chẳng đang trụ bên trong những tiện nghi mà tất cả những nơi khác của thành phố không thể cung cấp cho chúng tôi ư? Bất hạnh là điều tệ hại, xin ngài hãy tin tôi. Hạnh phúc của hai ngày ấy kết thúc hết sức hoàn hảo khiến tôi ngạc nhiên… Ngày thứ ba, một bữa thứ bảy, hẳn do thân nhân của bà cụ bảo rằng khi đến đây chúng tôi đã tông trúng bà cụ, chúng tôi phải đối diện với cảnh sát. Hay tin có lính tới, bọn nhóc tụ thành đám trước cửa, hò reo ầm ĩ, đến nỗi suốt cả tháng vẫn vang vang bên tai chúng tôi. Hay là mùi nhà lao có thể dậy lên ở bọn trẻ con một sự hung tàn không lành mạnh đó? Chúng ngắm nghía chúng tôi như những con thú lạ, mắt chúng sáng rực, miệng nhếch cười độc ác, tựa hồ như chúng đang nhìn người ta cắt họng cừu tại lò mổ (chúng nhúng giày vải để cói đan của chúng tôi vào máu của con cừu này), hay những con chó vừa bị xe cán (chúng lấy gậy khều ba con chó xem còn sống không) hay năm con mèo con mới sinh bị dìm trong chậu nước (năm con mèo con mà chúng ném đá, năm con mèo con mà chúng lại lôi lên khỏi nước để xem, để kéo dài cuộc sống một chút - chúng muốn bao điều tệ hại với mấy con vật - để mấy con vật không thoát khỏi cảnh khổ đau quá nhanh…). Lúc đầu, thấy mấy người cảnh sát đến, tôi bối rối đôi chút và dù cố gắng tôi e rằng mình không giữ được bình tĩnh. Một chàng trai khoảng hai mươi lăm tuổi đi theo hai người cảnh sát hẳn là đứa cháu của bà cụ, mặt thộn, câng câng - tính chất của thanh niên trong độ tuổi đó; hắn là cứu tinh của tôi. Ngài cũng biết rằng, đối với con người không gì bằng lời nịnh hót và mấy đồng tiền rủng rỉnh; tôi vừa bảo là hắn dễ thương đồng thời dúi vào tay hắn sáu pơ - dô là hắn lỉnh mất, nhanh hơn chớp và vui hơn nhịp cáttanhét, và tôi chắc chắn rằng cùng lúc, hắn cầu Chúa được thấy bà của hắn bị ngựa dẫm nhiều lần nữa. Hẳn là tẽn tò vì lương tri đột ngột của bên nguyên cáo, toàn cảnh sát vuốt ria mét, gãi gãi vào họng, nói về sự nguy hiểm của việc thúc đinh ngựa mà không thông báo, rồi bỏ đi ngay không quấy rầy tôi nữa, thật vui. Vụ thăm hỏi này khiến Lola chết lặng vì sợ hãi, nhưng nàng vốn không nhút nhát dù nhạy cảm, nên cơn lo ngại của nàng qua nhanh, đôi má của nàng lại hồng, tia nhìn của nàng lại sáng, đôi môi của nàng lại nở nụ cười, liền đó nàng trở nên xinh đẹp và dưng dưng hơn bao giờ hết. Lúc bấy giờ, tôi còn nhớ rõ, lần đầu tiên tôi mới chú ý đến cái gì đó là lạ trong bụng nàng; và tôi cũng hết sức xúc động và yên tâm tâm lại, dù e sợ, vì tôi bắt đầu lo ngại rằng mình đã không xúc động trước ý nghĩ về đứa con đầu lòng. Bụng nàng đâu thấy gì nhiều, và ắt tôi đã không chú ý nếu không biết nàng có thai… Chúng tôi mua ở Mérida mấy thứ đặc biệt để dùng trong nhà, nhưng tiền bạc chẳng có nhiều mà trước đó tôi đã hao hụt mất sáu pơ - dô cho thằng cháu của bà cụ, nên tôi quyết định về xã để không phải vét tới những đồng xu cuối cùng. Thắng yên con ngựa cái lần nữa, quàng cho nó đai yên và bộ dây cương chỉ dùng trong những ngày lễ của ông Vicente, tôi cuộn chăn sau cốt yên rồi đỡ vợ tôi ngồi trên mông ngựa như lượt đi, và chúng tôi về lại Toremejia. Vì nhà tôi nằm trên con đường Almendralejo, như ngài đã biết, và vì đi từ Mérida nên chúng tôi phải đi qua hết xã, và buổi chiều hôm ấy, bà con lại thấy chúng tôi về với dáng điệu kiêu hãnh - và nồng nhiệt chào mừng chúng tôi, vì lúc bấy giờ họ rất quý trọng chúng tôi. Tôi dừng lại, nhảy qua đầu ngựa xuống đất để khỏi đá trúng Lola; bè bạn lúc tôi chưa lập gia đình và bạn cùng làm chung vây quanh tôi reo hò; họ công kênh tôi đến tận quán rượu Con Gà Trống của Martinete, và chúng tôi vừa hét vừa đổ xô vào quán; ông chủ quán siết tôi vào bụng, tôi suýt ngất xỉu, phần vì ông ta siết tôi mạnh đến ngạt thở, phần vì hơi rượu ông ta phả ra. Tôi hôn má Lola bảo nàng về trước gặp bạn bè của nàng và chờ tôi; Lola lên đường, ngồi dạng chân trên con ngựa cái xinh xắn, thẳng người và kiêu hãnh như một công nương, hoàn toàn không nghi ngờ rằng con vật sắp gây ra điều bất hạnh đầu tiên của chúng tôi. Trong quán có một cây ghi ta, nhiều rượu, bầu không khí vui vẻ, tất cả chúng tôi lao vào trận, hết sức phấn khởi, không biết gì đến thế giới bên ngoài. Con của Don Julian là Zacarias bước ra hát điệu xêghiđi. Nghe hắn ca thật thích thú, vì giọng hắn ngọt ngào như giọng chim oanh, và khi hắn hát, tất cả chúng tôi đều im bặt - ít ra à như thế, trước khi say mèm - và chúng tôi không lắng nghe mà há hốc mồm; nhưng không bao lâu, rượu vào lời ra, chúng tôi hứng chí, tất cả chúng tôi hát theo; chúng tôi mặc tình rống lên và chúng tôi cũng nói những điều kỳ cục mà chẳng ai phiền trách ai. Điều quá tệ là chúng tôi không bao giờ biết những trò vui đó sẽ đưa chúng tôi đến đâu, vì nếu biết thì chúng tôi chắc chắn sẽ tránh cho mình những điều phiền lụy; thực vậy, buổi tối ở quán Con Gà Trống đã kết thúc tồi, chẳng tay nào trong bọn chúng tôi biết ngưng đúng lúc, do đó kết quả hết sức lộn xộn. Chuyện xảy ra hết sức đơn giản, đơn giản như bất cứ chuyện gì khác làm phức tạp thêm cuộc sống chúng ta. Người ta nói rằng cá mắc câu đằng miệng và kẻ nào nói nhiều thì sai nhiều còn ngậm mồm thì ruồi chẳng lọt vào trong, và tôi chắc chắn rằng nói như vậy là đúng, vì nếu Zacarias im miệng như kẻ biết điều và đừng xen vào chuyện người khác thì có lẽ hắn sẽ tránh được một số điều phiền phức và giờ đây hắn sẽ không tiên đoán với mấy người lối xóm lúc nào trời sẽ mưa do ba cái sẹo trên đầu hắn báo cho hắn biết. Rượu không phải là cố vấn tốt… Giữa lúc chơi đùa ồn ào, Zacaras lại bày ra chuyện khôi hài, cố thuật cho cả bọn chúng tôi nghe một việc đã xảy ra, hoặc cho rằng đã xảy ra - tôi không rõ lắm - về một tay dụ dỗ gái tơ, mà lúc ấy - và cả bây giờ nữa - tôi thề rằng hắn muốn ám chỉ tôi; tôi không hề dễ bị chạm nọc, nhưng những cú công kích quá thẳng - hay dường như quá thẳng - những cú ta không thể nào chịu đựng được khiến tôi nổi khùng và nhảy dựng lên. Tôi hỏi hắn: - Tao có thấy cái gì khôi hài đâu? - Ý, Pascual? Mọi người khác đều thấy khôi hài mà. - Cũng có thể. Nhưng chọc cười bằng cách làm hại người khác thì không phải tay ngon. - Đừng nổi giận chứ, Pascual; mày biết mà, tao mất ngon giận… - Và bị nhục mạ mà đùa lại cũng không phải tay ngon. - Mày muốn nói tao à? - Không, tao muốn nói mấy tay tổ. - Lại khéo dọa theo thói anh hùng rơm! - Dọa à, thật đấy chứ. - Thật? - Ừ! Tôi đứng lên. - Mày có giỏi bước ra. - Không cần! - Mày đùa hả? Lũ bạn giạt ra, vì có bao giờ đàn ông con trai lại ngăn một cuộc chọi dao… Tôi mở con dao của mình hết sức cẩn thận; những lúc như vậy mà quá vội vàng, mà sơ suất thì tai hại lắm. Bầu không khí hết sức im ắng, ngươi ta nghe tiếng muỗi đang bay… Tôi lại thẳng người, tấn lên và không để hắn có thì giờ đứng vào thế, tôi tặng ngay cho hắn ba nhát dao, hắn lảo đảo. Lúc người ta đưa hắn đến hiệu thuốc của Don Raimundo, máu hắn vẫn phun như nước suối… IX Tôi băng đường về nhà, theo sau là ba bốn thằng bạn thân, khá phiền hà về chuyện vừa xảy ra. - Thật không may… Đám cưới mới ba ngày. Chúng tôi bước đi, im lặng, cúi đầu ủ rủ. - Chính nó muốn gây chuyện; lương tâm tao vẫn trong sáng. Nếu nó im cái mồm có phải hay hơn không? - Đừng nghĩ tới chuyện đó nữa, Pascual. - Ồ! Tiếc là tao lại nghĩ đến chuyện đó! Giờ thì hết rồi! Trời rạng sáng, tiếng gà gáy lảnh lót. Đồng nội thoáng hương thạch thảo và húng tây. - Tao bập nó chỗ nào nhỉ? - Ở vai. - Mấy nhát? - Ba. - Nó có qua khỏi không? - Có! Tao tin rằng nó sẽ qua khỏi. - Càng hay. Ngôi nhà của tôi chưa bao giờ có vẻ xa xôi như đêm ấy… - Lạnh nhỉ… - Thế à? Tao không thấy lạnh. - Người tao đang cóng hết đây. - Có thể… Bọn tôi đi ngang nghĩa trang. - Nằm trong nghĩa trang chắc kinh tởm lắm! - Kỳa! Sao mày lại nói thế? Nghĩ gì mà bậy bạ. - Vậy mà bậy! Cây trắc bá như một bóng ma, cao lớn và khô khốc, như đứng gác người chết… - Thứ đồ ôn dịch, cây trắc bá đó… - Ừ. Một con cú mèo, chim báo điềm gỡ, kêu hú hú một cách bí hiểm trong cây trắc bá. - Thứ đồ ôn dịch, con chim đó… - Ừ. - Đêm nào nó cũng ở đấy… - Ừ, đêm nào nó cũng ở đấy. - Người ta bảo rằng nó ưa đánh bạn với người chết… - Người ta bảo như vậy. - Mày sao vậy? - Không, có sao đâu! Mày biết mà, thần kinh hơi căng một chút thôi. Tôi nhìn Domingo! Nó tái mét như người sắp chết. - Mày ốm đấy à? - Không. - Mày sợ à? - Sợ, tao ư? Tao sợ ai mới được chứ? - Mày không sợ ai cả, ừ, mày không sợ ai cả; mày lại nói như thế à? Sebastian nhỏ xen vào: - Này, im đi, cả hai thằng; chúng mày lại định giở ngón kia ra hở? - Không… - Còn xa lắm không, Pascual? - Không xa lắm, sao đấy? - Không có gì cả… Dường như có bàn tay bí mật nào đó rinh ngôi nhà mang đi càng lúc càng xa. - Hay mình đi xa quá rồi? - Không đâu! Nếu đi qua thì phải thấy ánh đèn! Chúng tôi lại im lặng. Không thể còn xa được… - Phải ở đấy không? - Phải. - Mà mày không chịu nói? - Ừ, nói để làm gì? Mày không biết nhà tao sao? Tôi ngạc nhiên trước sự im lặng bao trùm ngôi nhà. Theo lệ thường, thế nào mấy bà cô cũng có người ở lại và ngài cũng hiểu như tôi rằng đàn bà con gái mà nói chuyện thì ai cũng nghe tiếng. - Chắc mọi người ngủ cả rồi. - Không đâu? Có đèn kỳa! Quả thật, lúc đến gần, chúng tôi trông thấy một ánh đèn. Bà Engaracia đứng nơi ngưỡng cửa; tôi còn nhớ tiếng nào của bà cũng có hơi gió, nghe như tiếng con cú mèo hú trong cây trắc bá; có lẽ bà ta và con vật cũng giống hệt nhau. - Bà Engracia đấy à? - Đúng vậy, cháu à, bà đang đợi cháu đây. - Bà đợi tôi? - Ừ. Tôi không thích kiểu nói chuyện bí hiểm đó chút nào. - Bà để tôi vào! - Cháu đừng vào! - Sao vậy? - Không vào thì tốt hơn! - Nhưng đây là nhà tôi! - Bà biết rõ là nhà cháu từ nhiều năm rồi… Nhưng cháu đừng vào. - Nhưng tại sao tôi lại không vào nhà tôi? - Không thể vào đâu, cháu à. Vợ cháu đang ốm. - Ốm à? - Phải. - Nhà tôi bệnh gì thế? - Bệnh gì đâu; con bé bị sẩy. - Nhà tôi sẩy thai? - Phải; con ngựa ném nó xuống đất… Tôi hoa cả mắt, giận dữ; tôi nổi khùng, tôi không hiểu mô tê gì cả. - Bây giờ con ngựa đâu rồi? - Trong chuồng. Cửa chuồng trông ra sân rất thấp… Tôi phải cúi người chui vào; bên trong, tối đen như mực… Tôi gọi khẽ: - Họ nà, họ! Từ máng cỏ, con ngựa tiến đến; tôi thận trọng rút rao; lúc như vậy mà chệch một bước thì tai hại lắm… - Họ nà, họ! Con gà trống lại cất tiếng gáy, chào một ngày mới… - Họ nà, họ! Con ngựa tiến đến cuối chuồng. Tôi đến gần; tôi có thể cho nó một phát ngay mông… Con vật đứng yên, cảnh giác và có vẻ bồn chồn… - Họ nà, họ! Rồi chuyện nhanh thôi. Tôi lao đến nó và đâm nó; tôi đâm nó ít nhất hai mươi lần. Da nó cứng lắm; cứng hơn da thằng Zacarios nhiều… Khi tôi ra khỏi chuồng ngựa, cánh tay tôi đau nhức, máu vấy tận khuỷu… Con vật không giãy giụa; nó chỉ thở sâu hơn, nhanh hơn, như lúc ta cho nó chịu đực. X Tôi xin thú nhận với ngài một chuyện mà về sau khi bình tĩnh lại tôi nghĩ khác - đó là ý nghĩ rằng Lola đã bị trụy thú trước khi làm lễ thành hôn. Ý nghĩ đã giúp tôi khỏi buồn khổ, lo âu và cay đắng! Tiếp theo tai nạn không may ấy, tôi nhận thấy mình đầy những ý nghĩ đen tối, và suốt mười hai tháng trời tôi không thể làm gì cả; tôi lang thang trong xã hội như người điên. Rồi Lola lại mang thai, và tôi vui vẻ tìm thấy lại những e sợ, lo lắng của lần đầu; thời gian trôi qua chậm hơn ý tôi muốn nhiều, còn tôi thì để cho nỗi âu sầu của tôi theo mình khắp nơi như chiếc bóng. Tôi trở nên dễ giận và man dại, sợ sệt và buồn bã; thế mà mẹ tôi và vợ tôi đều không thông cảm nên lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng nổ ra tranh cãi. Sự căng thẳng ấy gặm nhấm chúng tôi, nhưng dường như chúng tôi vui vẻ nuôi dưỡng nó; bất cứ chuyện gì chúng tôi cũng cho là ám chỉ nhau, bất cứ làm gì cũng là có ác ý, và nói gì cũng có ngụ ý hiểu ngầm… Ngài không thể tưởng tượng được rằng những ngày tháng ấy khủng khiếp với chúng tôi đến thế nào đâu! Tôi quẫn trí với ý nghĩ rằng vợ tôi có thể sẩy thai lần thứ nhì; bè bạn cho tôi là kỳ cục, còn con Tia Chớp, lúc ấy con chó cái này còn sống, cũng không có vẻ quyến luyến tôi như trước kia. Tôi nói với nó như thường lệ: - Mày có sao không? Nó nhìn tôi như van nài, ngoắc đuôi thật nhanh, hầu như rên rỉ, đôi mắt nó xé nát lòng tôi. Nó cũng mất đám con, đám con này chết trong bụng nó… Có lẽ nó đã hiểu trong sự ngây thơ của mình rằng nỗi bất hạnh của nó đã khiến tôi hết sức đau xót! Ba con chó con chết lúc mới sinh ra; cả ba giống hệt nhau, lầy nhầy, màu xám, ghẻ lở như chuột. Nó bới trong bụi cúc bất tử một lỗ để vùi con. Khi vào núi săn thỏ, tôi và nó dừng lại một lúc để thở; nó chạy đến hang thỏ đánh hơi, với vẻ khốn khổ của những con thú cái không con. Lola có thai được tám tháng, mọi điều đều trôi chảy; nhờ ở lời bảo ban của bà Engracia, mọi việc đều ổn thỏa; bao nhiêu thời gian đã trôi qua, từ đây thời gian chờ đợi ắt sẽ ngắn ngủi và tất cả những sự việc nói với tôi rằng bây giờ không cần phải lo âu; tuy nhiên, tôi rất lo âu, rất bồn chồn… Vào thời gian mà bà Engracia đã chỉ định và tựa hồ như Lola là một cái đồng hồ rất chính xác, đứa con sau của tôi - đúng ra là đứa con đầu tiên của tôi - chào đời dễ dàng và với một niềm hạnh phúc mà tôi rất ngạc nhiên, và trên chậu nước rửa tội, thằng bé được đặt tên Pascual như cha nó. Tôi muốn đặt tên nó là Eduardo vì nó sinh nhằm ngày vị thánh này và đó là tập quán miền quê; nhưng vợ tôi, lúc bấy giờ đáng yêu hơn bao giờ hết, cứ nài nỉ đặt tên con theo tên tôi, mà tôi thì lúc đó vui vẻ hết sức nên thuận theo dễ dàng. Giờ đây, điều đó dường như dối láo, nhưng tôi chắc chắn rằng bấy giờ tình yêu của vợ tôi đem đến cho tôi cảm giác hệt như đôi giày ống mới đem đến cho đứa trẻ; tôi hết sức sung sướng, xin thề với ngài như thế. Về phần nàng, vốn bản chất mạnh mẽ, cứng cáp, hai ngày sau khi sinh, nàng tươi trẻ trở lại như không việc gì xảy ra. Cảnh nàng sổ tóc quanh đôi vai trần cho đứa bé bú tạo nên một trong những cảnh đẹp nhất mà tôi trông thấy; chỉ cảnh ấy thôi cũng đủ đền bù cho tôi tất cả những lúc tồi tệ đã qua… Tôi ngồi nhiều giờ liền ở chân giường nàng - Lola nói khẽ với tôi, như xấu hổ: - Em đã tặng anh một đứa con… - Ừ. - Và bụ chứ… - Tạ ơn Chúa. - Bây giờ mình phải trông nom nó. - Ừ, bây giờ mình phải trông nom nó. - Coi chừng lợn… Ký ức về thằng em tội nghiệp của tôi vẫn đeo đẳng tôi; nhỡ con gặp phải điều chẳng lành như Mario, ắt tôi phải bóp mũi nó để nó khỏi phải đau khổ… - Ừ, coi chừng lợn… - Và coi chừng bệnh sốt… - Ừ… - Coi chừng nó bị say nắng… - Ừ, coi chừng nó bị say nắng nữa. Nghĩ đến mớ xương thịt mềm mại kia là thằng bé nhà tôi lại có thể chuốc lấy bao hiểm họa như thế khiến tôi sởn da gà. - Mình sẽ tiêm chủng cho nó. - Để nó lớn một chút nữa… - Mình phải mua giày cho nó, để nó khỏi đứt chân. - Khi nó lên bảy, mình sẽ gửi nó vào trường… - Và anh sẽ dạy nó đi săn… Lola mỉm cười, nàng hạnh phúc biết mấy? Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc - việc gì phải giấu giếm? - khi trông thấy nàng quá đẹp như thế, bế con trong tay hệt Đức Mẹ Maria. - Mình sẽ nuôi dạy con nên người! Cả hai chúng tôi quả chẳng ngờ rằng Chúa - đấng định đoạt tất cả mọi điều trên vũ trụ - đã giật nó khỏi chúng tôi! Đứa bé đã là niềm vui, là tất cả tài sản, là toàn bộ cơ đồ của chúng tôi, chúng tôi sắp mất nó ngay trước khi chúng tôi kịp dẫn dắt nó vào đời. Huyền bí làm sao, những người chúng ta yêu thương lại xa chúng ta khi chúng ta cần họ nhất! Không biết tại sao tất cả niềm vui của tôi khi ngắm nhìn đứa bé đều bị xói mòn bởi một sự lo âu. Tôi luôn luôn chú ý từng li từng tí đến điều bất hạnh - tôi không rõ đó là tốt hay xấu cho tôi -; và như tất cả những linh cảm khác, linh cảm này được xác định với thời gian như để tăng thêm sự bất hạnh của tôi, sự bất hạnh không bao giờ ngừng tăng thêm. Vợ tôi tiếp tục trò chuyện với tôi về đứa con. - Nó mạnh lắm… Trông như búp bê ấy. Và cái việc nói đi nói lại mãi về thằng bé dần dần khiến tôi thấy nó đáng ghét; nó sắp xa lìa chúng tôi, làm chúng tôi chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng kinh hoàng nhất, bỏ chúng tôi ra đi như những ngôi nhà hoang phế mặc cho bụi rậm, tầm ma, ếch nhái và thằn lằn xâm chiếm; và tôi biết chuyện đó, tôi chắc chắn như thế, tôi bị ám ảnh bởi điều không thể tránh né được, không chóng thì chầy, bởi vì điều ấy sẽ phải xảy ra; điều khẳng định là không thể xóa bỏ điều bất hạnh đè nặng tôi. Đôi lúc, tôi ngắm nhìn Pascualillo như kẻ mất hồn và liền đó tôi nói với nó: - Pascual con ơi… Nó nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe, và nó nở nụ cười. Vợ tôi lại nói với tôi: - Thằng bé chòi khá đấy anh nhỉ! - Ừ, em nhỉ… Miễn là nó cứ tiếp tục như vậy! - Sao anh lại nói thế? - Chẳng sao cả. Trẻ con vốn hết sức mong manh!... - Ồ! Anh đừng có ý nghĩ đen tối như thế. - Không, không phải ý nghĩ đen tối… Phải đề phòng! - Vâng. - Tránh đừng để con bị cảm lạnh. - Vâng!... Nó cảm lạnh thì chết được đấy! - Trẻ con cảm lạnh thì có thể chết đấy. - Khi gặp luồng gió độc… Cuộc đối thoại tàn dần, như chim chóc, như bông hoa, với sự dịu dàng và chậm chạp mà trẻ con bắt đầu chết, những đứa trẻ gặp phải một cơn gió độc, ác hiểm. - Em sợ, anh Pascual. - Sợ gì? - Nhỡ mất nó! - Em sao nghĩ bậy bạ quá! - Ở tuổi chúng, trẻ con yếu ớt lắm!... """