" Ruột Ơi Là Ruột PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ruột Ơi Là Ruột PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Ruột Ơi Là Ruột | Gut: The Inside Story of Our Body’s Most Underrated Organ Giulia Enders Nguyễn Ngọc Tú dịch NXB Thế Giới - Nhã Nam Cappuccino Team ✪ Lib#1 Ebook At tinyurl.com/downloadebookyeukindle ✪ Lib#2 Magazine and eBook tinyurl.com/magncappuccino ▶ Đăng ký kho sách tự động ◀ m.me/shibaloveskindle Cuốn sách này đặc biệt dành tặng cho tất cả những ông bố bà mẹ đơn thân đã dồn tất cả tình yêu và công sức để nuôi nấng con cái họ, như cách mà mẹ chúng tôi đã dành cho tôi và chị gái. Và dành tặng cho Hedi. LỜI NÓI ĐẦU Tôi được sinh ra bằng phương pháp mổ đẻ và không được bú sữa mẹ. Điều đó khiến tôi trở thành một điển hình cho những đứa trẻ mắc các bệnh về đường ruột ở thế kỷ 21. Nếu lúc ấy tôi hiểu biết nhiều hơn về đường ruột, hẳn tôi đã có thể đặt cược vào những chứng bệnh mà mình có thể mắc phải sau này. Đầu tiên tôi bị chứng không dung nạp lactose. Tôi chưa từng nghĩ về chuyện tại sao khi lên năm mình lại bỗng dưng có thể uống được sữa trở lại. Có giai đoạn tôi béo lên, rồi có lúc lại gầy đi. Sức khỏe của tôi ổn định trong một thời gian dài, cho tới khi tôi có một “vết loét”. Khi mười bảy tuổi, không rõ vì sao cẳng chân phải của tôi xuất hiện một vết loét nhỏ gây đau. Vết loét cứng đầu này mãi không chịu lành, thế là sau một tháng tôi phải đi gặp bác sĩ. Cô bác sĩ cũng thực sự không biết nguyên nhân là gì và kê cho tôi một loại kem bôi. Ba tuần sau, các vết loét xuất hiện trên khắp cả chân phải. Chẳng bao lâu sau chúng lan sang chân trái, rồi hai tay và cả lưng. Đôi khi chúng xuất hiện cả trên mặt. Thật may là lúc ấy đang mùa đông, nên mọi người đều nghĩ rằng tôi bị giộp và một vết trầy trên trán. Không một bác sĩ nào có thể chữa khỏi cho tôi - họ đưa ra vài chẩn đoán mơ hồ về một loại chàm thể tạng nào đó do nguyên nhân thần kinh. Họ hỏi tôi có bị căng thẳng hay gặp các vấn đề về tâm lý hay không. Cortisone1 giúp bệnh của tôi đỡ được một chút, nhưng bệnh sẽ lập tức quay trở lại nếu như tôi ngưng sử dụng loại thuốc này. Suốt cả một năm trời, dù vào mùa đông hay mùa hè, tôi đều phải mang thêm quần tất để ngăn không cho các vết loét rỉ nước dính ra quần. Rồi tôi cũng lấy lại sự tự chủ và bắt đầu tự mình tìm hiểu chứng bệnh này. Tình cờ tôi đọc được một báo cáo về một người có tình trạng da tương tự. Một người đàn ông đã mắc phải nó sau khi dùng thuốc kháng sinh, và tôi cũng đã dùng một đợt thuốc kháng sinh ngay trước khi vết loét đầu tiên xuất hiện. Tôi nhận thấy rằng tuy các vết loét này nằm trên da nhưng sự xuất hiện của chúng có thể do một nguyên nhân nào đó bên trong cơ thể. Có lẽ đợt điều trị kháng sinh ấy là nguyên nhân chính? Phải chăng chúng đã ảnh hưởng đến đường ruột của tôi theo một cách nào đó? Kể từ đó trở đi, tôi thôi không điều trị da liễu nữa mà bắt đầu nhìn nhận làn da của mình như là da của một người có vấn đề về đường ruột, mặc dù tôi không hiểu rõ đó là vấn đề gì. Tôi quyết định làm mọi thứ có thể để tốt cho đường ruột. Tôi ngưng dùng các sản phẩm từ sữa, loại bỏ hầu hết các thức ăn có chứa gluten, uống các loại men vi sinh và cải thiện chế độ ăn tổng thể. Tôi còn tự tiến hành một số thử nghiệm khá điên rồ trên chính cơ thể mình. Nếu lúc đó tôi có kiến thức về y khoa, chắc là tôi chả dám làm một nửa trong số đó. Có lần tôi dùng quá liều hàm lượng kẽm trong vài tuần, hậu quả là tôi mắc phải chứng nhạy cảm quá mức với mùi trong suốt vài tháng sau đó. Với một vài bí quyết, cuối cùng tôi đã kiểm soát được tình trạng bệnh của mình. Thành công này giúp tôi cảm thấy khá hơn và cũng nhờ trải nghiệm với chính cơ thể mình tôi nhận ra rằng kiến thức là sức mạnh. Đó là lúc tôi bắt đầu theo học y khoa. Trong học kỳ thứ nhất ở trường y, tôi tham dự một bữa tiệc và ngồi gần một người đàn ông có hơi thở nặng mùi nhất mà tôi từng ngửi thấy. Đó không phải là một dạng hôi miệng điển hình - không phải là kiểu mùi hôi chứa hydrogen của một người đàn ông trung niên đang rất căng thẳng, cũng không phải là cái mùi hôi hám từ một bà cô lớn tuổi ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt. Một lúc sau tôi phải tránh ra ngồi chỗ khác. Ngày hôm sau anh ta chết. Anh ta tự tử. Tôi không thể nào quên đi anh ta được. Có lẽ nào đường ruột của anh ta cũng góp phần vào chuyện này? Cũng giống như tình trạng da của tôi vậy, thoạt đầu có vẻ như là không liên quan gì? Giờ khi tôi đã có một số kinh nghiệm trong trường y, tôi tự hỏi liệu có phải chính một đường ruột nhẫn bệnh đã tạo ra thứ mùi đó, và nếu đúng như vậy, liệu có phải nó ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của người đàn ông ấy? Một tuần sau, tôi quyết định chia sẻ mối nghi ngờ này với một người bạn thân. Và một vài tháng sau đó, chính người này trở chứng vật vã vì khá nặng. Lần tiếp theo chúng tôi gặp nhau, cô ấy nói rằng có thể giả định của tôi có lý, vì từ lúc bị bệnh này cô ấy cảm thấy tồi tệ chưa từng thấy, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Những lời tâm sự ấy đã giúp tôi có thêm động lực để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Chẳng bao lâu sau, tôi phát hiện ra có cả một chuyên ngành y khoa tìm hiểu về mối liên quan giữa não bộ và đường ruột. Chuyên ngành này phát triển rất nhanh. Khoảng mười năm trước, hầu như không có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này được công bố; hiện nay đã có khoảng vài trăm bài báo khoa học về chủ đề này. Sự ảnh hưởng của đường ruột lên sức khỏe và cảm giác hạnh phúc của chúng ta là một trong những hướng nghiên cứu mới của y học hiện đại. Rob Knight, nhà hóa sinh học nổi tiếng người Mỹ, phát biểu trên tạp chí Nature rằng lĩnh vực nghiên cứu này có nhiều hứa hẹn không kém gì ngành nghiên cứu tế bào gốc. Tôi đã tình cờ bước chân vào một chuyên ngành mà càng ngày tôi càng cảm thấy bị lôi cuốn. Trong quá trình theo học ở trường y, tôi hiểu hơn về lý do tại sao việc được sinh ra bằng phương pháp mổ đẻ và không được bú sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi khi lớn lên. Tôi cũng nhận ra rằng lĩnh vực này hiện vẫn đang bị lãng quên và thậm chí bị xem thường trong y khoa. Điều này càng đáng ngạc nhiên hơn khi bạn nhận ra rằng ruột của chúng ta là một cơ quan tuyệt vời như thế nào. Nó đóng góp tới hai phần ba hệ miễn dịch trong cơ thể, nó có thể chiết xuất năng lượng từ bánh kẹp và xúc xích chay, và tạo ra hơn hai mươi loại hoóc-môn độc nhất vô nhị. Hầu hết các bác sĩ được học rất ít về điều này trong quá trình đào tạo của họ. Khi tôi tham dự một hội thảo chuyên đề về Hệ Vi Sinh Vật Trong Cơ Thể Người Và Sức Khỏe Ký Chủ ở Lisbon vào tháng 5 năm 2013, số lượng người tham dự rất khiêm tốn. Khoảng một nửa đến từ các viện nghiên cứu có nguồn lực tài chính mạnh giúp cho họ trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực này, như là Harvard, Yale, Oxford, và Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử châu Âu ở Đại học Heidelberg. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy sốc về việc các nhà khoa học bàn thảo với nhau về các kết quả nghiên cứu quan trọng của họ một cách bí mật mà không hề thông báo gì cho công chúng. Giới hàn lâm thường cẩn trọng và ít khi công bố kết quả nghiên cứu sớm, thế nhưng nỗi lo sợ cũng có thể làm vụt mất những cơ hội. Trong giới khoa học hiện nay, có một quan điểm được chấp nhận rộng rãi là những người gặp vấn đề về đường tiêu hóa thường bị những chứng rối loạn về thần kinh của đường ruột. Đường ruột của họ gửi tín hiệu tới vùng não bộ chuyên xử lý các cảm xúc tiêu cực, mặc dù họ không làm điều gì tồi tệ. Những bệnh nhân như vậy thường thấy khó ở nhưng không biết nguyên nhân tại sao. Nếu các bác sĩ chỉ đơn thuần điều trị cho họ giống như những bệnh nhân có vấn đề về tâm thần thì có thể hoàn toàn phản tác dụng! Và đây chỉ là một ví dụ cho thấy vì sao một số kết quả nghiên cứu cần phải được công bố nhanh chóng hơn. Mục tiêu của tôi khi viết cuốn sách này chính là như thế. Tôi muốn phổ biến rộng rãi kiến thức mới này tới độc giả và truyền đạt các thông tin mà các nhà khoa học chôn giấu trong các công trình khoa học được xuất bản của họ và chỉ thảo luận với nhau trong phòng kín tại các hội thảo khoa học, trong khi ngoài kia những người bình thường đang cố tìm câu trả lời. Tôi hiểu rằng có nhiều bệnh nhân đang chịu đựng những chứng bệnh khó chịu và cảm thấy thất vọng với giới y khoa. Tôi không thể cung cấp những loại thuốc chữa bách bệnh, và việc giữ cho đường ruột khỏe mạnh không phải là phương thuốc kỳ diệu cho mọi thứ bệnh, nhưng điều mà tôi có thể làm được là trình bày theo một cách thú vị nguyên nhân vì sao đường ruột lại có sức quyến rũ đến như vậy, các nghiên cứu mới đáng mong đợi hiện nay là gì, và chúng ta sử dụng kiến thức mới này như thế nào để cải thiện cuộc sống hằng ngày. Chương trình học y khoa của tôi và chương trình nghiên cứu sinh của tôi tại Viện Vi sinh học ở Frankfurt2, Đức, đã cho tôi các kỹ năng sàng lọc và sắp xếp dữ liệu khoa học. Những trải nghiệm của chính bản thân tôi đã giúp tôi phát triển được khả năng truyền tải kiến thức này đến với mọi người. Chị gái của tôi là người đã ủng hộ tôi, giúp tôi luôn đi đúng hướng - lắng nghe tôi đọc to bản thảo cuốn sách này và nói với tôi, với một nụ cười quyến rũ hết cỡ. “Chị nghĩ tốt hơn là em nên viết lại đoạn đó”. PHẦN MỘT CẢM NHẬN VỀ RUỘT Thế giới này sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu chúng ta nhìn xa hơn những thứ mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Có rất nhiều thứ khác cho chúng ta tìm hiểu! Nếu chúng ta bắt đầu nhìn kỹ hơn, chúng ta có thể thấy một cái cây không đơn thuần chỉ là một vật có hình dạng như cái muỗng. Nói một cách rất đơn giản, “cái muỗng” là hình dạng chung mà chúng ta thấy khi nhìn vào một cái cây: một cái thân thắng và một phần ngọn có hình dạng tròn. Nhìn hình ảnh ấy, mắt của chúng ta cho chúng ta biết đó là “một thứ giống như cái muỗng”. Nhưng bên dưới mặt đất có rất nhiều rễ, ít ra cũng bằng với số nhánh cây bên trên. Não bộ của chúng ta lẽ ra phải cho chúng ta biết đó là một vật gì đó giống như “quả tạ”, nhưng nó không làm như vậy. Não bộ nhận hầu hết thông tin từ đôi mắt của chúng ta, và những thông tin đó rất ít khi giống hệt như hình ảnh của cái cây được mô tả một cách đầy đủ trong sách. Vì vậy, nó phân tích một cách trung thực khung cảnh khu rừng chạy ngang qua mắt là tập hợp của những cái muỗng. Trong cuộc sống, nếu chúng ta cũng nhìn các sự vật theo cách như vậy, chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều điều tuyệt vời. Bên dưới lớp da của chúng ta luôn có nhiều hoạt động. Cơ thể chúng ta không ngừng chảy, bơm, hút, vắt, đốt cháy, sửa chữa và tái tạo. Trong cơ thể người trưởng thành, cả một đội ngũ các cơ quan tài tình đã phối hợp hiệu quả và hoàn hảo đến nỗi năng lượng chúng cần cho các hoạt động đó chỉ bằng hoặc thấp hơn năng lượng dành để thắp sáng một bóng đèn 100 W. Cứ mỗi giây, thận của chúng ta lọc máu một cách kỹ lưỡng còn hơn rất nhiều so với bộ lọc cà phê - và trong hầu hết các trường hợp, thận cứ tiếp tục làm việc như vậy trong suốt cuộc đời của chúng ta. Phổi được thiết kế một cách thông minh để chúng ta chỉ phải tiêu thụ năng lượng khi hít vào. Thở ra là một quá trình thụ động không gây tiêu hao năng lượng, vận hành giống như hoạt động của chiếc ô tô đô chơi lên dây cót. Trong khi ai đó cứ ngồi mà suy nghĩ rằng “Không có ai quan tâm đến mình cả!” thì trái tim đang hoạt động liên tục suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày, ở ngày thứ mười bảy ngàn - và nó hoàn toàn có quyền cảm thấy tủi thân khi biết chủ nhân của mình có suy nghĩ như vậy. Nếu chúng ta có thể nhìn xa hơn những gì mắt chúng ta thấy, chúng ta có thể thấy một cụm tế bào phát triển thành cơ thể người như thế nào trong bụng một người phụ nữ. Chúng ta bỗng nhận ra rằng thực ra chúng ta được phát triển từ ba cái ống. Ống thứ nhất chạy xuyên suốt cơ thể của chúng ta, với một cái gút thắt ở chính giữa. Đây chính là hệ tim mạch, và cái gút thắt ở trung tâm đó sau này phát triển thành tim. Ống thứ hai chạy ít nhiều song song với ống thứ nhất dọc theo sống lưng của chúng ta. Sau đó, nó tạo thành một quả bong bóng đi chuyển đến phần trên của cơ thể và nằm cố định ở đó. Cái ống này chính là hệ thần kinh tỏa của chúng ta, với tủy sống, bao gồm não bộ ở trên cùng và vô số các nhánh thần kinh đến khắp các nơi trong cơ thể. Ống thứ ba chạy đọc cơ thể chúng ta từ đầu này đến đầu kia. Đây chính là ống ruột. Ống ruột tạo ra nhiều cơ quan nội tạng của chúng ta. Nó tạo nên các chổi nhô ra và phát triển dần dần về bên phải và bên trái. Các chồi về sau này sẽ phát triển thành phổi. Ở vị trí thấp hơn một chút, ống ruột lại nhô ra và gan hình thành từ đó. Túi mật và tụy cũng được tạo ra bởi phần này. Nhưng điều quan trọng nhất là, chính bản thân ống ruột cũng bắt đầu phát triển mỗi lúc một tài tình. Nó góp phần tạo nên một cấu trúc miệng phức tạp, tạo ra thực quản với khả năng di chuyển như một vũ công và túi dạ dày nhỏ có khả năng dự trữ thức ăn trong vài giờ. Điều quan trọng cuối cùng là ống ruột hoàn thành kiệt tác của mình bằng việc tạo ra đường ruột. Tim và não - hai kiệt tác của hai loại ống kia thường được đánh giá cao. Chúng ta thường xem quả tim có vai trò trung tâm trong cuộc sống vì nó bơm máu đi khắp cơ thể. Bộ não cũng được ngưỡng mộ bởi khả năng tạo ra số lượng hình ảnh và suy nghĩ mới nhiều đến choáng váng trong mỗi giây. Nhưng trong mắt của hầu hết mọi người thì ruột chỉ được xem như bộ phận phục vụ cho việc đi vệ sinh. Ngoài ra, người ta còn nghĩ rằng nó chỉ nằm trong bụng và thỉnh thoảng gây “xì hơi”. Người ta thường cho rằng nó không có chức năng gì đặc biệt. Công bằng mà nói chúng ta đã đánh giá thấp ruột của mình. Nói thẳng ra, chúng ta không chỉ đánh giá thấp nó mà còn có cảm giác xấu hổ về nó! Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ làm thay đổi quan điểm đó, nhờ vào khả năng vốn có là giúp cho chúng ta hiểu được nhiều thứ hơn so với những gì chúng ta nhìn thấy xung quanh. Cây không phải là cái muỗng, và ruột không phải là cơ quan ít quan trọng nhất trong cơ thể của chúng ta. Đây là câu chuyện bí mật về ruột. VIỆC ĐI NGOÀI ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO? VÀ VÌ SAO CÂU HỎI NÀY QUAN TRỌNG M ột ngày nọ, người bạn ở cùng nhà với tôi đi tha thẩn trong nhà bếp và nói, “Giulia, cậu đang học y - thế cậu có biết việc đi ngoài được thực hiện như thế nào không?” Bắt đầu cuốn tự truyện của tôi bằng câu hỏi này thật không hay chút nào, nhưng chính câu hỏi nhỏ đó đã thực sự làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đi vào phòng, ngồi trên nền nhà, lôi các quyển sách y khoa ra đọc. Cuối cùng, câu trả lời mà tôi tìm ra đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Cái nhu cầu thiết yếu hằng ngày không mấy đẹp đẽ này hóa ra lại ấn tượng và phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều. Mỗi lần chúng ta đi ngoài, đó là một hoạt động tài tình - cả hai hệ thần kinh cùng phối hợp với nhau không ngừng nghỉ để giúp tống chất thải ra ngoài một cách kín đáo và vệ sinh nhất có thể. Trong khi đó, có rất ít loài động vật khác có thể thực hiện được công việc này một cách có trật tự và đáng ngưỡng mộ như vậy. Để giúp chúng ta có thể đi ngoài một cách hiệu quả, cơ thể chúng ta đã huy động rất nhiều cơ chế và kỹ thuật. Điều ngạc nhiên đầu tiên chính là sự tinh xảo của các cơ thắt. Phần lớn mọi người chỉ biết đến cơ thắt ngoài: loại cơ mà chúng ta có thể kiểm soát được một cách có ý thức, có thể đóng và mở theo ý muốn của chúng ta. Gần đó, có một loại cơ khác cũng rất giống như vậy - nhưng đối với cơ này, chúng ta không kiểm soát một cách có ý thức được. Mỗi loại cơ thắt chịu sự chi phối của một hệ thần kinh khác nhau. Cơ thắt ngoài tuân thủ hoàn toàn theo sự điều khiển của chúng ta. Khi bộ não của chúng ta cho nó biết rằng đây là thời điểm không thích hợp để đi vệ sinh thì cơ thắt ngoài sẽ tuân theo và luôn đóng kín lại. Cơ thắt trong đại điện cho thế giới tiềm thức của chúng ta. Cơ thắt trong không quan tâm tới việc bà dì Bertha có đồng tình với việc đánh rắm hay không. Nó chỉ quan tâm tới việc đảm bảo cho mọi thứ bên trong bụng của chúng ta được vận hành tốt. Có phải áp lực hơi trong bụng đang tăng? Cơ thắt trong sẽ giúp điều chỉnh hiện tượng đó. Nếu nó vận hành tốt thì bà dì Bertha sẽ đánh rắm thường xuyên hơn. Nhiệm vụ chính của cơ thắt trong là giúp cho mọi thứ hoạt động một cách trơn tru và ở đúng chỗ của nó. Cả hai cơ thắt phải hoạt động phối hợp với nhau. Khi những chất thải của quá trình tiêu hóa thức ăn tiến tới gần cơ thắt trong, theo phản xạ nó sẽ mở ra. Nhưng nó không mở ra để cho tất cả các chất thải đi qua cùng một lúc và giao hết trách nhiệm còn lại cho cơ thắt ngoài. Trước tiên, nó chỉ cho một lượng nhỏ chất thải đi qua. Cơ thắt ngoài và cơ thắt trong cách nhau một khoảng và trên khoảng này có rất nhiều tế bào thụ cảm. Các tế bào này phân tích những sản phẩm chúng nhận được, kiểm tra xem chúng ở thể đặc hay thể khí và truyền thông tin nhận được lên não. Đây chính là lúc não bộ nhận ra rằng: “Đến lúc cần đi ngoài rồi!” hoặc: “Đến lúc cần đánh rắm rồi!” Sau đó thì não bộ sẽ làm một việc mà nó vốn rất giỏi với sự thận trọng hết sức: điều chỉnh để đưa ra hành động phù hợp với môi trường chúng ta đang ở. Nó so sánh thông tin nhận được từ tai và mắt của chúng ta với những dữ liệu về những trải nghiệm trước đây mà nó lưu trong bộ nhớ. Bằng cách này, bộ não chỉ tốn vài giây để đánh giá sơ bộ tình hình và truyền tín hiệu lại cho cơ thắt: “Tớ đã xem xét, và chúng ta đang ở trong phòng khách của bà dì Bertha. Nếu nhu cầu lúc này chỉ là xì một chút hơi thật nhẹ nhàng thì không sao, nhưng nếu là buồn đi ngoài thực sự thì không phải ý hay đâu”. Cơ thắt ngoài nhận được thông tin bèn tích cực co thắt để đóng lại thậm chí còn chặt hơn lúc trước. Cơ thắt trong nhận được tín hiệu từ cơ thắt ngoài và tôn trọng quyết định ấy - lúc này thôi. Cả hai cơ thắt phối hợp với nhau để kìm hãm quá trình này lại. Tất nhiên, sớm hay muộn thì ta cũng cần phải đi vệ sinh nhưng không phải lúc này. Sau một lúc, cơ thắt trong lại thử lần nữa. Nếu lúc đó chúng ta đã trở về giữa bốn bức tường quen thuộc, khi đó mọi thứ sẽ được giải quyết! Cơ thắt trong của chúng ta là một anh chàng bé nhỏ nghiêm túc và dứt khoát. Khẩu hiệu của hắn là: “Nếu cần phải tống ra, thì phải tống ra!” Không có nhiều cơ hội để tranh luận với hắn. Trái lại, cơ thắt ngoài phải đối phó với những thay đổi thất thường và việc đặt ra nhiều lựa chọn của môi trường bên ngoài. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể đi nhờ nhà vệ sinh của người lạ, nhưng liệu đó có phải là một ý kiến hay? Liệu tôi và bạn trai/ bạn gái của mình đã quen thân đến mức có thể thoải mái đánh rắm trước mặt nhau - và nếu đã đủ quen thân thì liệu có xấu mặt không nếu tôi là người làm chuyện đó trước? Nếu không đi vệ sinh ngay bây giờ, liệu tôi có nhịn được tới tối không? Việc nghiên cứu cơ thắt có thể không có giá trị đến mức đạt được giải Nobel, nhưng trên thực tế các cơ thắt liên quan đến một số vấn đề cơ bản nhất đối với sự tồn tại của con người: nội tạng của chúng ta có tầm quan trọng như thế nào đối với chúng ta, và chúng ta cần có những thỏa hiệp gì với thế giới bên ngoài? Có những người nhất định mím môi mím lợi để nhịn đi ngoài, dù cho sau đó về nhà họ sẽ bị chứng đau bụng hành hạ. Một số khác quyết định không “nhịn” và có thể sau đó sẽ bị bà dì trêu đùa trong các dịp họp mặt gia đình về việc đã từng đánh rắm ở nhà bà. Có lẽ giải pháp tốt nhất là tùy cơ ứng biến. Nếu chúng ta cứ nhịn đi vệ sinh quá nhiều lần hoặc trong thời gian quá lâu, cơ thắt trong của chúng ta bắt đầu cảm thấy bị bắt nạt. Trên thực tế, chúng ta có thể huấn luyện lại nó hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là cơ thắt trong và các cơ xung quanh đã thường xuyên chịu sự điều khiển của cơ thắt ngoài đến mức bị lệ thuộc. Nếu sự giao tiếp giữa hai cơ thắt bị gián đoạn hoàn toàn thì hiện tượng táo bón có thể xảy ra. Thậm chí dù không nhịn đi ngoài như vậy, điều tương tự cũng có thể xảy ra với phụ nữ trong quá trình sinh con. Việc sinh nở có thể làm rách các sợi dây thần kinh mong manh giúp liên kết hai cơ thắt với nhau. Tin tốt là các dây thần kinh này có thể hồi phục và liên kết lại. Dù bị tổn thương do sinh nở hay do các nguyên nhân khác, có một phương pháp điều trị rất tốt là liệu pháp phản hồi sinh học (Biofeedback Therapy). Liệu pháp phản hồi sinh học sẽ được tiến hành bởi các chuyên gia về tiêu hóa hoặc ở các khoa tiêu hóa. Liệu pháp này nhằm mục đích huấn luyện hai cơ thắt kết nối lại với nhau. Trong liệu pháp này, người ta sử dụng máy đo cơ thắt trong và cơ thắt ngoài xem chúng phối hợp với nhau hiệu quả đến mức nào. Nếu như tín hiệu giữa hai cơ thắt được thông suốt, máy sẽ báo hiệu bằng âm thanh hoặc bằng ánh sáng. Việc này giống như một trò chơi trên truyền hình, khi người thi có câu trả lời đúng thì đèn được sáng lên và có tiếng “ting ting” - có điều đây là phòng khám chuyên khoa chứ không phải ở trên tỷ vi, và “người dự thi” được gắn các điện cực cảm ứng vào bên trong hậu môn. Điều này nghe có vẻ hơi thái quá nhưng rất đáng làm. Khi hai cơ thắt có thể kết nối lại nhuần nhuyễn với nhau, việc đi vệ sinh lại trở nên thoải mái dễ chịu. Các cơ thắt, các tế bào thụ cảm, nhận thức và các thử nghiệm với điện cực. Có lẽ cậu bạn cùng nhà của tôi và các cô bạn gái đoan chính học chuyên khoa kinh tế đang vui vẻ tụ tập trong bếp chuẩn bị bữa tiệc sinh nhật của cậu ấy đều không mong chờ tôi giải thích tất cả các điều trên để trả lời cho câu hỏi vu vơ về cơ chế đi ngoài. Vậy nhưng, bữa tiệc vẫn diễn ra vui vẻ và tôi nhận ra có rất nhiều người thực sự quan tâm tới ruột. Trong bữa tiệc hôm đó, nhiều câu hỏi mới thú vị đã được đưa ra. Có đúng là chúng ta chưa ngồi đúng tư thế khi đi vệ sinh không? Làm thế nào để ợ hơi một cách dễ dàng? Vì sao chúng ta lấy được năng lượng từ nhiều loại thức ăn như thịt bò bít tết, táo và khoai tây rán trong khi ô tô chỉ sử dụng được một số nguồn nhiên liệu nhất định? Vì sao chúng ta có ruột thừa? Vì sao shịt luôn có màu sắc giống nhau? Những người bạn cùng nhà đã biết cách nhận ra vẻ mặt quen thuộc của tôi mỗi lần tôi vội vã chạy vào bếp rồi hồ hởi kể cho họ nghe những câu chuyện về ruột mà tôi vừa tìm hiểu được - chẳng hạn như các loại bồn cầu ngồi xổm nhỏ xíu và loại phân phát sáng. BẠN CÓ NGỒI ĐÚNG TƯ THẾ KHÔNG? Thỉnh thoảng việc chúng ta đặt câu hỏi về các thói quen của mình cũng là một điều hay. Con đường mà bạn đến bến xe buýt hằng ngày có thực sự là con đường ngắn nhất và thú vị nhất hay không? Liệu kiểu chải tóc vắt qua một bên để che mái đầu hói trông có thanh lịch và bảnh bao hay không? Hoặc bạn có thực sự ngồi đúng tư thế khi đi vệ sinh không? Không phải mỗi câu hỏi đều có được một câu trả lời rõ ràng và chính xác, nhưng đôi khi một thử nghiệm nhỏ có thể mở ra những triển vọng hoàn toàn mới. Đây có lẽ là điều mà Dov Sikirov, một bác sĩ người Israel, đã nghĩ đến khi ông đề nghị 28 người tham gia vào nghiên cứu thực hiện việc đi vệ sinh hằng ngày luân phiên theo ba tư thế: ngồi bệt lên một cái bệ xí bệt thông thường; ngồi nửa bệt - nửa xổm trên một bệ xí bệt thấp hơn bình thường; ngồi xổm hoàn toàn trên bệ xí xổm. Ông ghi lại thời gian cần thiết cho việc đi vệ sinh ở mỗi tư thế và đề nghị những người tình nguyện tham gia nghiên cứu đánh giá mức độ rặn của họ. Kết quả thật rõ ràng. Ở tư thế ngồi xổm, thời gian trung bình để đi ngoài là 50 giây kèm cảm giác thực sự nhẹ nhõm và thỏa mãn. Ở tư thế ngồi bệt, thời gian trung bình là 130 giây kèm cảm giác thỏa mãn không hoàn toàn. Vì sao lại có sự khác biệt? Ruột của chúng ta được thiết kế với một cơ chế đóng mà ở tư thế ngồi bệt nó không thể mở ra hoàn toàn. Nó được bao quanh bởi một loại cơ giống như một sợi dây thòng lọng mà khi chúng ta ở tư thế ngồi thẳng, hoặc đúng ra là tư thế đứng, nó sẽ kéo ruột lên, tạo nên một chỗ gập ở trực tràng. Đây là cơ chế bảo vệ thêm, ngoài hai người bạn cũ của chúng ta - hai cơ thắt. Nếu nhà bạn có ống nước tưới vườn, bạn sẽ dễ hình dung ra cơ chế này. Bạn nhờ chị gái xem giúp tại sao không có nước chảy ra từ ống nước tưới vườn. Khi chị bạn kiểm tra đến gần miệng ống, bạn nhanh tay mở ngay đoạn ống đang gập lại, và vài phút sau cha mẹ bạn biết thế là bạn bị phạt cả tuần liên. Giờ lại quay trở lại với cơ chế đóng gập của trực tràng: nó có nghĩa là shịt của chúng ta đi vào một góc cua. Giống như một chiếc ô tô đang đi trên đường cao tốc, rẽ vào một góc cua có nghĩa là shịt của chúng ta phải hãm vận tốc lại. Vì vậy, khi chúng ta ở tư thế ngồi hoặc đứng, shịt sẽ được giữ lại mà không tốn nhiều sức lực của các cơ thắt. Nếu như các cơ thòng lọng này thả lỏng, giống như chỗ gập duỗi thẳng ra, con đường phía trước trở nên thẳng và shịt được tự do lưu thông. Từ thời xa xưa, tư thế ngồi xổm đã là tư thế đi ngoài tự nhiên nhất của loài người. Loại xí bệt hiện đại chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 khi mà người ta bắt đầu xây nhà vệ sinh bên trong nhà. Nhiều người cho rằng chỉ có người tiền sử mới ngồi xổm khi đi ngoài, nhưng lập luận này thường bị các chuyên gia về y khoa phản đối. Ai đã kết luận rằng ngồi xổm sẽ giúp cơ thư giãn hơn và kéo thẳng đường tống phân? Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã cho những người tình nguyện tham gia nghiên cứu ăn một loại chất có khả năng phát sáng rồi cho chụp X-quang trong lúc họ đang đi ngoài ở các tư thế khác nhau. Họ phát hiện ra hai điều thú vị. Điều thứ nhất là ngồi xổm thực sự giúp cho đường ruột thẳng hơn, đẹp hơn và dẫn đến việc đi ngoài dễ và trơn tru hơn. Điều thứ hai là có một số người tử tế đến mức tình nguyện để cho các nhà nghiên cứu cho họ ăn những chất phát sáng rồi chụp phim X-quang cả lúc họ đi ngoài, vì mục tiêu khoa học. Tôi nghĩ cả hai điều này đều rất ấn tượng. Bệnh trĩ, các bệnh về tiêu hóa như viêm túi thừa, thậm chí là táo bón chỉ phổ biến ở những quốc gia mà người ta thường ngồi lên một loại bệ đỡ khi đi ngoài. Nguyên nhân không phải do mô bị yếu, nhất là ở người trẻ, mà là do sự gia tăng áp lực ở hậu môn trực tràng. Ở một số người, khi bị căng thẳng, tất cả các cơ bụng của họ có xu hướng bị căng. Thường thì họ không nhận ra điều đó. Các búi trĩ thích tránh áp lực từ bên trong như vậy bằng cách thòng ra bên ngoài hậu môn. Túi thừa là những cái túi nhỏ phình ra có hình dạng như bóng đèn ở trên thành ruột, được hình thành do các mô của ruột bị phồng ra khi chịu áp lực lâu dài. Tất nhiên, ngoài tư thế đi vệ sinh không đúng cách ra còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra bệnh trĩ và viêm túi thừa; tuy nhiên, có một sự thật là 1,2 tỷ người trên trái đất đang áp dụng tư thế ngồi xổm khi đi ngoài hầu như không mắc chứng viêm túi thừa và lại càng ít khi bị trĩ. Ngược lại, ở phương Tây, chúng ta cứ rặn các mô ruột của mình cho tới khi chúng sa ra ngoài và ta phải nhờ bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ đi. Liệu có phải chúng ta chịu đựng tất cả những việc này chỉ vì chúng ta cho rằng ngồi lên một cái bệ xí bệt khi đi vệ sinh là “văn minh” hơn so với ngồi xổm? Các bác sĩ tin rằng rặn quá nhiều hay rặn quá thường xuyên khi đi ngoài có thể thực sự làm tăng nguy cơ bị dãn tĩnh mạch, đột quỵ hoặc bất tỉnh khi đi ngoài - xỉu trong nhà vệ sinh. Có lần tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn đang đi du lịch ở Pháp với nội dung rằng “Người Pháp thật điên rồ! Ai đó đã trộm mất các bệ xí trong ba nhà vệ sinh ở ba điểm dừng chân cuối cùng của mình!” Tôi bật cười, trước tiên vì tôi không tin bạn mình đang nghiêm túc, sau đó là vì nó làm tôi nhớ về trải nghiệm đầu tiên của tôi về bệ xí xổm ở Pháp. Sau cơn thất vọng khi nhìn thấy cái nhà vệ sinh trống rỗng, tôi đã tự càm ràm với chính mình: “Vì sao mình lại bị buộc phải ngồi xổm ở đây trong khi việc lắp đặt một bệ xí bệt đâu có khó?” Hầu hết ở khắp châu Á, châu Phi và miền Nam châu Âu, người ta đi vệ sinh một cách nhanh chóng ở những bệ xí xổm như thế. Trong khi chúng ta lại mất rất nhiều thời gian đọc báo trong lúc chờ đi ngoài xong, thận trọng gấp giấy vệ sinh lại để chuẩn bị chùi, ngó nghiêng các góc nhà vệ sinh xem chúng có bẩn đến mức cần được lau dọn chưa, hoặc nhìn chằm chằm vào bức tường đối diện. Khi tôi đọc chương này cho gia đình mình nghe lúc ở trong phòng khách, tôi nhìn thấy vẻ mặt lúng túng của họ. Liệu chúng ta có nhất thiết phải rời bỏ cái bệ xí bệt bằng sứ sang trọng để ngồi xổm chênh vênh trên một cái xí xổm khi đi ngoài? Tất nhiên là không rồi, dù có bị trĩ hay không! Phải nói rằng leo lên ngồi xổm trên chỗ bệ xí bệt để đi ngoài là một việc làm khá thú vị. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải làm như vậy. Chúng ta có thể nhổm lên. À thì, khi việc đi ngoài không được dễ dàng lắm thì đây là một ý tưởng không tôi chút nào. Để làm như vậy, bạn chỉ cần hơi cúi người về phía trước và đặt hai chân lên trên chỗ để chân đặt ở phía trước bệ xí, và thế là ổn! - tất cả các góc đều chuẩn, và bạn có thể đọc báo, xếp giấy vệ sinh, và nhìn chằm chằm vào tường mà không phải bận tâm gì. CỔNG VÀO RUỘT C ó thể bạn sẽ nghĩ rằng phần tận cùng của ruột sẽ cho chúng ta nhiều sự ngạc nhiên vì đó là thứ mà chúng ta thường ít khi nghĩ tới. Nhưng tôi không cho rằng đó là lý do thực sự. Ở nơi bắt đầu của ruột, hay cổng vào, cũng có rất nhiều điều đáng ngạc nhiên - dù cho đó là vùng chúng ta tiếp xúc trực tiếp khi đánh răng mỗi buổi sáng. Bạn có thể tìm ra những bí mật này bằng chiếc lưỡi của mình. Trong miệng của bạn có bốn điểm nhỏ. Hai trong số đó nằm bên trong má, ở gần khoảng giữa má và đối điện với răng hàm trên. Nếu bạn dùng chiếc lưỡi của mình để khám phá khu vực này, bạn sẽ cảm nhận được hai chỗ gồ lên nho nhỏ. Nếu để ý đến chúng, hầu hết mọi người nghĩ rằng chỗ này gỗ lên là do họ đã cắn phải má, nhưng thực tế không phải như vậy. Những núm nhỏ này được bác sĩ gọi là lỗ tuyến mang tai, đều nằm ở cùng một vị trí bên trong má của mỗi người. Hai điểm khác nằm ẩn dưới lưỡi, ở ngay hai bên dây hãm lưỡi - nếp gấp dưới lưỡi nối lưỡi với sàn miệng. Bốn lỗ nhỏ này cung cấp nước bọt cho miệng. Các lỗ bên trong gò má tiết nước bọt ngay lập tức khi cần - ví dụ như khi chúng ta ăn. Hai lỗ nhỏ bên dưới lưỡi thì lại tiết nước bọt liên tục. Nếu như bạn có thể chui vào những lỗ này và bơi ngược dòng nước bọt, bạn sẽ đến được các tuyến nước bọt chính. Chúng tạo ra hầu hết lượng nước bọt - khoảng 0,7 tới 1 lít mỗi ngày. Nếu bạn đưa tay miết dọc từ cổ lên đến má, bạn sẽ cảm nhận được hai vùng nhô lên hơi tròn và mềm. Để tôi giới thiệu với bạn nhé? Đó chính là các tuyến nước bọt chính. Hai lỗ dưới lưỡi, là hai nơi tiết nước bọt liên tục, nằm ngay phía sau các răng cửa hàm dưới, vốn là những răng hay bị đóng cao răng. Nguyên nhân là vì trong nước bọt của chúng ta có chứa chất có thành phần là canxi nhằm giúp cho răng của chúng ta chắc hơn. Nhưng nếu răng cứ liên tục bị bám canxi thì đó cũng không phải là điều tốt. Các cặn thức ăn có trong miệng sẽ bị giữ lại và “bị vôi hóa”. Vấn đề không nằm ở chính bản thân cao răng mà bởi bề mặt gồ ghề của nó là nơi trú ngụ tốt cho các loại vi khuẩn gây sâu răng và các bệnh về lợi hơn là một hàm răng sạch sẽ và không mảng bám. Những chất có chứa canxi có khả năng gây vôi hóa đóng vai trò gì trong nước bọt của chúng ta? Nước bọt về cơ bản chính là máu đã được lọc. Các tuyến nước bọt lọc máu, chặn lại các tế bào hồng cầu vốn cần thiết cho các động mạch chứ không phải cho miệng. Nhưng canxi, hoóc-môn và một số sản phẩm khác của hệ miễn dịch cũng đi vào nước bọt từ máu. Điều này giải thích vì sao nước bọt hơi khác nhau ở mỗi người. Thực tế, việc phân tích nước bọt có thể giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh ở hệ miễn dịch hoặc một số loại hoóc môn nào đó. Các tuyến nước bọt cũng có thể thêm vào những chất khác, bao gồm những hợp chất có chứa canxi, và cả những chất giảm đau tự nhiên. Nước bọt chứa một loại thuốc giảm đau còn mạnh hơn cả morphine. Nó được gọi là opiorphin và chỉ mới được phát hiện vào năm 2006. Tất nhiên, cơ thể chúng ta chỉ có thể sản xuất được một lượng nhỏ chất này, nếu không thì lúc nào chúng ta cũng bị phê thuốc! Nhưng ngay cả với một lượng nhỏ như vậy cũng tạo ra một hiệu quả đáng kể vì miệng của chúng ta rất nhạy cảm. Nó chứa nhiều đầu dây thần kinh hơn bất cứ phần nào trên cơ thể. Ngay cả một hạt dâu tây bé xíu cũng có thể khiến chúng ta phát rồ nếu nó bám ở đâu đó trong miệng. Chúng ta có thể cảm nhận được những hạt cát nhỏ khi ăn phải rau xà lách chưa rửa kỹ. Một vết loét cực kỳ nhỏ trong miệng cũng có thể gây đau khủng khiếp và khiến chúng ta có cảm giác như là nó to lắm, trong khi đó nếu như có một vết loét với kích thước tương tự nằm trên khuỷu tay có khi chúng ta lại không hề hay biết - nếu như trong nước bọt không có chất giảm đau, thì cảm giác ấy còn tệ hơn rất nhiều! Khi nhai, chúng ta tạo ra nhiều nước bọt hơn và kèm theo đó là nhiều chất giảm đau, điều này giải thích tại sao họng viêm đau đỡ hơn sau khi ăn và thậm chí những vết loét nhỏ trong khoang miệng cũng đỡ đau hơn. Không nhất thiết là một bữa ăn - ngay cả việc nhai kẹo cao su cũng cho chúng ta một liều thuốc giảm đau. Có rất nhiều nghiên cứu mới cho thấy rằng opiorphin có tác dụng chống trầm cảm. Có phải chính nước bọt góp phần tạo nên cảm giác yên lòng của người mắc chứng thèm ăn do bất ổn cảm xúc ăn? Trong những năm tới, các nghiên cứu y khoa về sự đau đớn và trầm cảm có thể cho chúng ta biết câu trả lời. Nước bọt không chỉ giúp khoang miệng đỡ đau mà còn giúp chống lại các vi khuẩn xấu. Ví dụ như vai trò của các chất nhảy (mucin). Các chất nhầy là các protein tạo nên thành phần chính của niêm dịch. Chính chất này có thể giúp cho trẻ con chơi đùa và vui vẻ hàng tiếng đồng hồ khi chúng phát hiện ra mình có thể phì bong bóng với nước bọt của mình. Một chức năng hữu ích hơn của chất nhầy là chúng có thể tạo nên một lưới nhầy bảo vệ bên ngoài răng và lợi. Các lưới nhầy này được tiết ra từ các lỗ tuyến nước bọt, giống như việc người nhện phun tơ nhện từ cổ tay. Các lưới siêu nhỏ này có khả năng bắt giữ vi khuẩn trước khi chúng có thể gây hại cho chúng ta. Trong lúc vi khuẩn bị bắt giữ ở lưới, các chất kháng khuẩn có trong nước bọt sẽ tiêu diệt chúng. Cũng giống như chất giảm đau tự nhiên, trong nước bọt cũng có một lượng nhỏ các chất kháng sinh tự nhiên. Các chất kháng sinh trong nước bọt không nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các vi khuẩn trong khoang miệng. Thực tế thì, chúng ta cần một đội ngũ nòng cốt những vi sinh vật có lợi trong khoang miệng. Các chất kháng sinh trong nước bọt không loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn lành tính này vì chúng đóng vai trò cạnh tranh không gian sống với các vi khuẩn có hại. Khi chúng ta ngủ, có rất ít nước bọt được tạo ra. Đây là tin tốt lành cho những người hay bị chảy nước dãi lên gối trong khi ngủ. Nếu lượng nước bọt tạo ra ban đêm cũng bằng với ban ngày (khoảng 1 đến 1,5 lít) thì kết quả sẽ không dễ chịu chút nào. Việc chúng ta tạo ra ít nước bọt vào ban đêm giải thích tại sao nhiều người bị hôi miệng và đau họng vào buổi sáng khi thức dậy. Trong tám tiếng đồng hồ lượng nước bọt được tiết ra ít ỏi tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong miệng hoành hành - chúng tiệc tùng thâu đêm! Các vi khuẩn xấu không còn bị kiểm soát nữa và niêm mạc trong khoang miệng sẽ không được bôi trơn bởi hệ thống tiết nước bọt. Đó là lý do tại sao đánh răng trước khi đi ngủ vào buổi tối và đánh răng vào buổi sáng khi thức dậy là một ý tưởng khôn ngoan. Đánh răng trước khi đi ngủ giúp giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng, hạn chế bớt những kẻ hoành hành trong bữa tiệc thâu đêm. Đánh răng vào buổi sáng giống như việc lau chùi dọn dẹp sau bữa tiệc đêm. Thật may mắn là các tuyến nước bọt của chúng ta cũng thức dậy ngay khi chúng ta thức và bắt đầu tiết nước bọt ngay lập tức. Việc nhai miếng bánh mì đầu tiên hoặc làm nhiệm vụ vệ sinh răng miệng vào buổi sáng giúp kích thích tiết nước bọt nhiều thêm và giúp tống khứ các vi khuẩn có hại trong đêm ra ngoài hoặc xuống dạ dày nơi dịch vị sẽ tiêu diệt chúng. Những người bị chứng hôi miệng suốt cả ngày có thể do họ đã không tống khứ hết các vi khuẩn gây mùi. Những con vi khuẩn ranh ma này thích trốn bên dưới lớp lưới nhầy mới được thành lập nơi mà các chất kháng khuẩn của nước bọt chưa vào tới được. Trong trường hợp này, các biện pháp hữu ích là dùng nạo lưỡi hoặc nhai kẹo cao su để giúp kích thích nước bọt tiết ra nhiều hơn. Nếu như hai biện pháp này không hiệu quả thì có thể các vi khuẩn gây hôi miệng đang ẩn náu ở một nơi khác - chúng ta sẽ biết ngay sau khi tìm hiểu được địa điểm bí mật thứ hai trong miệng của mình. Đây là một nơi bất ngờ điển hình - giống như việc bạn nghĩ bạn biết một ai đó nhưng họ lại có một khía cạnh điên rồ không ngờ nào đó. Một nữ thư ký nghiêm túc đạo mạo đến từ Chicago lại có thể là một thành viên cuồng tín trên diễn đàn mạng của những người nuôi chồn làm thú cưng. Bạn có thể bắt gặp một tay chơi ghi ta theo dòng nhạc heavy-metal đang mua len vì đan áo là hoạt động thư giãn của anh ấy và để luyện các ngón tay. Những điều bất ngờ nhất thường đến sau những ấn tượng ban đầu và điều đó cũng đúng đối với lưỡi của chúng ta. Khi bạn nhìn vào gương và lè lưỡi ra, bạn chưa thể nhìn thấy hết cấu trúc của lưỡi. Có thể bạn sẽ tự hỏi ở sâu phía trong lưỡi trông như thế nào bởi vì rõ ràng là nó không chỉ dừng lại ở vòm họng. Trên thực tế, cuống lưỡi là nơi mọi thứ bắt đầu thực sự thú vị. Cuống lưỡi là vùng có các vòm họng màu hồng lạ lùng. Những người không quá nhạy cảm với phản xạ nôn có thể thận trọng dùng ngón tay để cảm nhận cuống lưỡi. Khi ngón tay tiến đến được cuống lưỡi, bạn sẽ thấy nó hơi nhấp nhô ở đó, vai trò của các nốt này - bác sĩ gọi là hạnh nhân lưỡi - là để kiểm tra mọi thứ mà chúng ta nuốt. Để làm được điều đó, chúng bắt lấy những phân tử nhỏ của bất kỳ thứ gì mà chúng ta ăn, uống hoặc hít để đưa vào bên trong. Bên trong hạnh nhân lưỡi, cả một đội quân các tế bào miễn dịch chờ đợi để được huấn luyện cách đối phó với các chất lạ từ bên ngoài xâm nhập vào. Chúng cần phải học cách không làm gì với những thứ vô hại như các mẫu phân tử táo nhưng lại tấn công bất kỳ thứ gì có thể làm cho chúng ta đau họng. Vì vậy, nếu bạn dùng ngón tay khám phá cuống lưỡi của mình thì không rõ ai mới là người khám phá và ai là kẻ được khám phá. Sau cùng, khu vực này có chứa một số các mô tế bào tò mò nhất của cơ thể chúng ta - mô miễn dịch. Mô miễn dịch có một số điểm đặc biệt như vậy. Cụ thể hơn, có một vòng mô miễn dịch bao quanh toàn bộ họng của chúng ta. Được các nhà khoa học đặt tên là vòng bạch huyết Waldeyer, tổ chức này bao gồm các hạnh nhân lưỡi nằm ở phần thấp nhất của vòng; các hạnh nhân khẩu cái nằm ở hai bên - chính là loại amidan mà chúng ta thường biết tới; ở phần trên của vòng, nơi hội tụ của tai, mũi và họng, có nhiều mô miễn dịch hơn nữa. (Nhất là ở trẻ em, khi các mô này bị nhiễm trùng và sưng lên, chúng ta gọi là viêm VA). Những ai (sau khi cắt amidan) cho rằng mình không còn amidan nữa chưa hẳn đã đúng. Amidan của chúng ta thực sự được tạo nên bởi toàn bộ các mô của vòng Waldeyer. Dù cho chúng nằm ở cuống lưỡi, ở vòm họng hay ở hai bên họng, tất cả các mô amidan này đều có cùng một chức năng: chúng tỷ mỉ phân tích các chất lạ mà chúng tiếp xúc và sử dụng các thông tin này để huấn luyện hệ miễn dịch bảo vệ chúng ta. Các amidan - phần mô mà chúng ta hay cắt bỏ - không chỉ tài giỏi trong cách thức chúng làm việc này. Thay vì tạo nên các chỗ nhô ra, chúng lại tạo nên các rãnh sâu (để tăng diện tích tiếp xúc) được biết đến như là các “hầm mộ” đầy ma quái. Đôi khi có quá nhiều vật ngoại lai bị giữ lại trong các hầm này dẫn đến việc nhiễm trùng tái đi tái lại. Đây có thể được xem là mặt trái của một hệ thống amidan quá nhạy. Vì vậy, trong trường hợp hơi thở có mùi hôi, nếu sau khi đã loại trừ được nguyên nhân từ lưỡi và răng, vị trí cần kiểm tra tiếp theo là amidan, nếu chúng vẫn chưa bị cắt. Đôi khi, người ta có thể tìm thấy các viên sỏi nhỏ sáng màu náu bên trong các hốc amidan, và chúng bốc mùi kinh khủng! Thường thì người ta không biết chúng có mặt ở đó, và họ đã tốn hàng tuần cố gắng làm sao cho miệng mình hết hôi hoặc hết có vị lạ nhưng không thành công. Dù cho có đánh răng, cạo lưỡi hay súc miệng nhiều cỡ nào cũng không trị được. Các viên sỏi nhỏ này một lúc nào đó cũng sẽ tìm được đường chui ra khỏi hốc amidan mà không gây ra hậu quả lâu dài nào. Nhưng bạn có thể tự mình xử lý được và chỉ với một chút khéo léo bạn cũng có thể tự dùng tay ép chúng ra được. Một khi bạn làm được điều đó thì mùi hôi miệng sẽ biến mất ngay lập tức. Cách tốt nhất để kiểm tra xem liệu mùi hôi miệng có phải do các chất cặn bã tích tụ trong amidan hay không là bạn chỉ việc đơn giản phết một ngón tay hoặc một cái tăm bông lên amidan rồi ngửi. Nếu nó có mùi khó chịu, đã đến lúc bạn cần săn lùng sỏi amidan. Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể giúp bạn lấy chúng ra, và đây là cách an toàn và tiện lợi hơn. Những người can đảm và thích xem những loại video ít người xem có thể lên Youtube để nghiên cứu các kỹ thuật lấy sỏi amidan qua những ví dụ kinh khủng. Nhưng hãy lưu ý! Các video này không dành cho những người yếu tim. https://www.youtube.com/watch?v=QFHbc2QPMAw Có một số phương pháp dân gian để trị sỏi amidan. Một số người súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày; một số khác tín nhiệm dưa cải Đức (sauerkraut) sống mua ở các hiệu bán thực phẩm có lợi cho sức khỏe; một số khác quả quyết ngưng dùng các sản phẩm từ sữa sẽ ngăn sự hình thành của sỏi amidan. Các biện pháp này chưa được khoa học chứng minh. Một câu hỏi nghiên cứu cần đặt ra là khi nào phẫu thuật cắt amidan nên hoặc có thể được tiến hành. Câu trả lời hóa ra là - không nên cắt trước bảy tuổi. Bảy tuổi là độ tuổi mà có lẽ chúng ta đã trải nghiệm được hết mọi thứ, hoặc ít ra là tất cả những thứ quan trọng cho các tế bào miễn dịch của chúng ta: được sinh ra trong một thế giới hoàn toàn xa lạ; được mẹ ôm hôn và cưng nựng âu yếm; chơi với cây cối trong vườn; sờ các con thú; thường xuyên bị cảm lạnh; gặp gỡ rất nhiều bạn bè mới ở trường học. Và thế là đủ. Đến tuổi này, hệ miễn dịch của chúng ta đã hoàn thành khóa huấn luyện và có thể bắt đầu làm việc để phục vụ cho chúng ta suốt đời. Trước bảy tuổi, amidan của chúng ta vẫn là trại huấn luyện quan trọng cho các tế bào miễn dịch. Xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh không chỉ quan trọng cho việc phòng chống cảm cúm mà còn quan trọng cho một quả tim khỏe mạnh và giúp ta kiểm soát cân nặng. Ví dụ, việc cắt bỏ amidan của một đứa trẻ nhỏ hơn bảy tuổi có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa hệ miễn dịch và cân nặng cơ thể. Mối liên hệ giữa việc cắt amidan và tăng cân có thể có lợi cho các em nhỏ nhẹ cân, nhưng đối với những em nhỏ khác, tốt hơn hết phụ huynh nên được tư vấn về chế độ ăn lành mạnh và cân bằng cho các em để tránh hiện tượng béo phì sau khi phẫu thuật cắt amidan. Như vậy chúng ta không nên cắt amidan ở trẻ nhỏ hơn bảy tuổi trừ phi có nguyên nhân thật sự cần thiết. Ví dụ như trường hợp amidan quá to làm ảnh hưởng đến quá trình thở bình thường hoặc giấc ngủ thì hệ quả béo phì sau khi cắt amidan chỉ xếp hàng thứ yếu. Dù cho amidan đã làm việc tận tụy để bảo vệ cơ thể, trong trường hợp này việc giữ lại amidan có nhiều hơn là lợi. Các bác sĩ thường dùng phẫu thuật laser để chỉ cắt bỏ phần amidan gây nên vấn đề. Họ không còn cắt toàn bộ amidan như trước đây nữa. Ví dụ thứ hai là trường hợp amidan bị nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm trùng tái đi tái lại. Trong những trường hợp này, các tế bào miễn dịch của chúng ta phải hoạt động liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi hồi phục, và nếu tình trạng này kéo đài quá lâu sẽ không có lợi. Việc cắt bỏ các amidan này sẽ có lợi cho một hệ miễn dịch quá nhạy cảm, dù cho chủ nhân của nó ở độ tuổi bốn, bảy hay năm mươi tuổi. Một trong những trường hợp mà việc cắt bỏ amidan có lợi là người mắc bệnh vảy nến. Trong bệnh vảy nến, hệ miễn dịch phản ứng một cách quá mức gây nên các sang thương trên da rất ngứa - các sang thương này thường bắt đầu ở đầu - kèm sưng đau các khớp. Bệnh nhân bị vẩy nến cũng dễ bị chứng đau họng ở mức độ khá nặng. Vi khuẩn có thể là một trong những nguyên nhân gây đau họng, chúng trốn trong amidan từ rất lâu và kích thích hệ miễn dịch. Trong hơn ba mươi năm qua, các bác sĩ đã mô tả những trường hợp có tình trạng da được cải thiện hoặc khỏi hẳn sau khi cắt amidan ở những bệnh nhân vảy nến. Điều này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu ở Iceland và Mỹ tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng này vào năm 2012. Họ chia 29 bệnh nhân vảy nến thường xuyên bị đau họng thành hai nhóm. Một nhóm được cắt bỏ amidan, nhóm còn lại không được cắt amidan. Trong 13 trường hợp được cắt bỏ amidan, cả 13 người đều thông báo da của họ được cải thiện một cách rõ rệt và lâu dài. Ở những người vẫn còn amidan, tình trạng da hầu như không có gì thay đổi. Hiện nay một số người mắc bệnh thấp khớp cũng được khuyên nên cắt bỏ amidan nếu amidan bị nghi ngờ là một trong những nguyên nhân gây bệnh thấp khớp. Giữ hay cắt amidan? Cả hai quan điểm đều có nhiều ý kiến tranh luận thuyết phục. Những người buộc phải cắt bỏ amidan ở độ tuổi còn trẻ không cần phải lo lắng rằng hệ miễn dịch của họ không được học những bài học quan trọng từ khoang miệng vì may mắn là vẫn có những mô miễn dịch nằm ở cuống lưỡi và thành sau họng. Những ai vẫn còn amidan cũng không cần phải lo lắng rằng đó là ổ chứa vi khuẩn. Ở nhiều người, các hốc amidan rất nông và vì thế chúng ít gây ra vấn đề cho khổ chủ. Ở những vùng khác trên vòng bạch huyết Waldeyer, vi khuẩn không dễ nương thân được vì các vùng này có cấu tạo khác biệt và có các tuyến giúp chúng luôn được làm sạch thường xuyên. Cứ mỗi giây thì trong khoang miệng của chúng ta có những điều sau đây xảy ra: các lỗ tiết nước bọt phóng ra những lưới nhầy, bảo vệ răng của chúng ta và bảo vệ chúng ta khỏi những ảnh hưởng của sự nhạy cảm quá mức. Vòng bạch huyết Waldeyer luôn canh chừng những vật thể lạ và sử dụng chúng để huấn luyện đội quân miễn dịch. Nhưng nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở miệng thì có lẽ chúng ta đã không cần đến những thứ này. Miệng chỉ đơn thuần là cổng dẫn vào một thế giới nơi mà những vật từ bên ngoài đưa vào sẽ được hấp thu. CẤU TRÚC CỦA RUỘT C ó một số thứ mà khi bạn biết rõ hơn về chúng, bạn sẽ thất vọng. Những chiếc bánh kem quế sô cô la mà bạn thấy trong các chương trình quảng cáo trên tivi không được làm bằng tay một cách nâng niu bởi những bà nội trợ trong trang phục truyền thống - chúng được sản xuất từ những nhà máy với các dãy đèn neon và các công nhân làm việc trên dây chuyên sản xuất. Trường học hóa ra ít thú vị hơn hẳn so với những gì bạn nghĩ về ngày đầu tiên đi học. Đó là những mặt trái trong góc khuất của cuộc sống, nơi có rất nhiều thứ mà nhìn từ xa chúng sẽ đẹp hơn rất nhiều so với lúc lại gần. Tuy nhiên ruột của chúng ta không như vậy. Nhìn từ xa, đường ruột trông có vẻ khá kỳ lạ. Phía dưới khoang miệng có một thực quản rộng khoảng 2 cm, hay còn gọi là cổ họng, chạy từ họng xuống nối vào thành dạ dày ở mặt bên chứ không phải ở phần chóp đỉnh của dạ dày. Thành bên phải của dạ dày ngắn hơn nhiều so với thành bên trái, đó là lý do tại sao nó cong lại trông giống như một cái túi hình lưỡi liềm không cân xứng. Ruột non uốn khúc ngoằn ngoèo không theo một hướng rõ ràng nào cả, lúc qua phải, lúc lại qua trái suốt chiều dài của nó (khoảng 6 mét) cho tới khi nó nối vào ruột già. Đó chính là nơi chúng ta tìm thấy ruột thừa3, một cơ quan dường như là không có chức năng gì ngoại trừ bị viêm nhiễm. Ruột già có rất nhiều chỗ phồng ra. Thực tế trông nó hơi giống với một chuỗi hạt được xâu lại một cách vụng về. Nhìn từ xa, ruột là một cái ống không cân xứng, xấu xí và không có gì hấp dẫn. Vậy nên chúng ta đừng nhìn từ xa nữa mà hãy đến gần hơn. Ngoài ruột ra hầu như không có cơ quan nào khác trong cơ thể chúng ta trở nên hấp dẫn hơn khi nhìn gần. Khi bạn tìm hiểu càng rõ về ruột, nó sẽ càng trở nên đẹp hơn trong mắt bạn. Vì vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn một chút về một số cấu trúc kỳ lạ này. THỰC QUẢN LÊU ĐÊU Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy về cơ quan dài và mảnh mai này là nó không có khả năng nhắm đúng mục tiêu. Thay vì đi theo đường ngắn nhất và nhắm thẳng đến vị trí chính giữa dạ dày, nó lại nối vào dạ dày ở thành bên phải. Đây là một nước đi khôn ngoan. Các phẫu thuật gia gọi đây là kiểu nối tận-bên. Trông có vẻ như thực quản đi đường vòng một chút, nhưng đây là điều đáng để làm. Dù chỉ đơn giản là đi bộ bình thường, chúng ta cũng làm các cơ bụng căng hơn, mỗi bước ta đi làm gia tăng gấp đôi áp lực trong khoang bụng. Còn khi chúng ta cười hoặc ho, áp lực đó tăng thêm nhiều lần. Bởi vì áp lực của bụng tác động lên dạ dày theo hướng từ bên dưới lên, nên sẽ không hay chút nào nếu thực quản nối trực tiếp vào phần trên cùng của dạ dày. Khi nối vào dạ dày ở thành bên, thực quản chỉ phải chịu một phần áp lực. Nhờ vậy mà chúng ta có thể đi bộ sau khi ăn một bữa thật no mà không bị ợ hơi liên tục. Chúng ta nên biết ơn góc kết nối thông minh này của thực quản và cơ chế đóng của nó vì nhờ đó mà dù cho khi cười nhiều chúng ta có thể sẽ bị mất kiểm soát cơ thắt ngoài hậu môn một chút và sơ suất xả ra một chút “khí cười”, nhưng hầu như hiếm khi nào chúng ta bị nôn ói. Việc thực quản nối vào dạ dày ở mặt bên gây ra một tác dụng phụ là bóng hơi dạ dày. Bóng hơi nhỏ này nằm ở phần trên cùng của dạ dày và có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng trên phim X quang. Khí thoát lên trên theo chiều dọc chứ không theo mặt bên mà thoát ra. Bóng hơi này lý giải vì sao nhiều người nhận thấy họ phải nuốt một ít hơi vào thì mới có thể ợ hơi ra được. Cử động nuốt hơi làm cho chỗ nối thực quản vào dạ dày dịch chuyển gần hơn một chút tới bóng hơi và chúng ta có thể ợ hơi ra dễ hơn. Những ai cần ợ hơi ở tư thế nằm có thể làm quá trình trở nên dễ dàng hơn bằng cách nằm nghiêng sang trái. Vì thế, nếu bạn thao thức cả đêm vì bị đầy bụng và lại đang nằm nghiêng bên phải, điều tốt nhất bạn nên làm đơn giản là nghiêng qua bên kia. Nhằm mục đích minh họa bóng hơi dạ dày tốt hơn, hình này không trình bày đúng theo sự phân bố hình ảnh đen và trắng nhưn trên một ảnh phim Xquang bình thường. Thông thường những vật chất có đậm độ cao hơn, nhưn răng hoặc xương, sẽ có màu trắng trên phim Xquang, trong khi những vật có đậm độ thấp hơn như bóng hơi dạ dày hoặc khí trong phổi sẽ có màu đen trên phim Thoạt nhìn thì thực quản trông có vẻ lêu đêu, nhưng khi nhìn kỹ nó đẹp hơn nhiều. Khi quan sát kỹ, ta có thể thấy những sợi cơ chạy vòng quanh thực quản theo dạng xoắn ốc. Chính điều này tạo nên tính đàn hồi của thực quản. Nếu bạn kéo dãn các sợi này ra, chúng sẽ co lại theo kiểu xoắn ốc, giống như sợi dây cáp điện thoại. Thực quản được nối vào cột sống bởi các bó sợi. Tư thế ngồi thẳng lưng và ngước nhìn lên làm thực quản bị kéo căng ra theo chiều dài của nó. Điều này làm cho thực quản bị hẹp lại, từ đó giúp nó đóng chặt hơn ở hai đầu. Đó là lý do vì sao tư thế ngồi hoặc đứng thẳng giúp ngăn ngừa chứng ợ chua sau khi ăn quá no. TÚI DẠ DÀY KHÔNG CÂN XỨNG Dạ dày nằm ở trong ổ bụng tại một vị trí cao hơn chúng ta nghĩ. Nó nằm từ khoảng dưới núm vú trái tới dưới bờ sườn bên phải. Nếu bạn cảm thấy đau ở những vị trí thấp hơn thì đó không phải đau do dạ dày. Trong nhiều trường hợp người ta nói họ có vấn đề về dạ dày, thực ra vấn đề lại nằm ở ruột. Tim và phổi nằm phía bên trên dạ dày. Điều này giải thích vì sao chúng ta thường cảm thấy khó hít thở sâu được sau khi ăn quá no. Một tình trạng thường bị bỏ qua bởi các bác sĩ gia đình và bác sĩ đa khoa là hội chứng Roemheld, xảy ra khi có nhiều hơi trong dạ dày đến nỗi nó gây áp lực lên tim và các dây thần kinh của ruột. Người bị hội chứng này có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm chóng mặt và cảm giác khó ở. Những trường hợp nặng hơn có thể có triệu chứng lo âu hoặc khó thở, và có thể dẫn đến đau ngực nặng giống như bị nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ thường xem những bệnh nhân bị hội chứng Roemheld là những người giả vờ bị bệnh, quá lo lắng và các triệu chứng này đều do họ tự tưởng tượng ra. Một cách tiếp cận hữu ích hơn là hỏi bệnh nhân xem họ đã thử ợ hơi hoặc đánh rắm chưa. Về lâu dài, các bệnh nhân này nên tránh ăn các loại thức ăn có thể gây đầy hơi và nặng bụng, áp dụng các biện pháp duy trì sự cân bằng vi khuẩn đường ruột và dạ dày, tránh uống quá nhiều đồ uống có cồn. Rượu có thể làm các vi khuẩn sinh hơi sinh sôi nhiều lên cả ngàn lần. Trên thực tế, một số vi khuẩn sống nhờ chất cồn (đó là lý do tại sao trái cây chín nẫu lại có vị cồn). Với một đường ruột có quá nhiều kẻ sinh hơi, một đêm vui vẻ dưới phố có thể dẫn đến một buổi sáng đầy bụng khó chịu. Quên cái quan điểm “rượu là một chất khử khuẩn” đi nhé!!! Bây giờ chúng ta hãy quay lại với hình dạng kỳ lạ của dạ dày. Một bên của dạ dày dài hơn rất nhiều hơn so với bên kia và vì vậy toàn bộ dạ dày phải cong gập lại. Điều đó tạo ra rất nhiều nếp gấp lớn bên trong dạ dày. Dạ dày có thể được gọi là Quasimodo - thằng gù của hệ tiêu hóa. Nhưng hình dạng méo mó này có một ý nghĩa sâu xa hơn. Khi chúng ta uống nước, nước có thể đi theo đường ngắn hơn để chạy thắng xuống dọc theo bờ cong nhỏ bên phải của dạ dày và xuống luôn ruột non. Trong khi đó, thức ăn phải rơi xuống phía bên bờ cong lớn của dạ dày. Dạ dày của chúng ta rất khôn ngoan khi phân biệt đâu là những chất đặc cần được giữ lại trong dạ dày để tiếp tục được nghiền nhỏ hơn và đâu là các chất lỏng mà nó có thể cho qua để xuống ruột non. Vì thế, dạ dày không đơn thuần chỉ là một cơ quan không cân xứng; thực tế nó có hai mặt được chuyên môn hóa khác nhau. Một mặt đối phó tốt hơn với chất lỏng, còn một mặt với chất đặc. Có thể nói là chúng ta mua một chiếc dạ dày và được tặng thêm một. RUỘT NON NGOẰN NGOÈO Ruột non nằm ngoằn ngoèo trong khoang bụng của chúng ta và uốn lượn suốt chiều dài của nó (khoảng 3 đến 6 mét). Khi chúng ta nhảy trên một tấm bạt lò xo, ruột cũng nẩy lên theo chúng ta. Khi máy bay cất cánh, nó cũng bị ép về phía sau ghế ngồi giống như cả cơ thể của chúng ta. Khi ta khiêu vũ, nó cũng lắc lư một cách vui vẻ theo điệu nhạc, và khi cơn đau bụng làm cho ta nhăn mặt, các cơ của ruột non cũng co rúm lại. Trên thế giới có rất ít người có thể nhìn thấy được ruột non của chính mình. Ngay cả các bác sĩ khi làm nội soi đại tràng cũng thường chỉ thăm khám ruột già. Nhưng những người có được cơ hội hiếm hoi nhìn thấy ruột non của mình bằng cách nuốt một chiếc camera có kích cỡ nhỏ bằng một viên thuốc sẽ rất đỗi ngạc nhiên. Hầu hết họ tưởng rằng sẽ được nhìn thấy một đường hầm tăm tối, nhưng điều họ thấy lại là một sinh vật rất khác: có màu hồng, ẩm ướt, có lớp nhung mao rực rỡ và có thể nói là rất mịn màng. Đa số mọi người không nhận ra rằng chỉ có khoảng một mét cuối của ruột già mới có shịt - phần trước đó của đường ruột lại sạch một cách đáng ngạc nhiên (và phần lớn là không có mùi, ôi thật bất ngờ!). Ruột của chúng ta giải quyết tất cả những thứ mà chúng ta nuốt vào một cách tận tụy và có thẩm mỹ. Thoạt nhìn thì ruột non có vẻ như được thiết kế chẳng theo quy cách nào cả so với các cơ quan khác. Tim có bốn ngăn, gan có các thùy, tĩnh mạch có các van, và não có những vùng được chuyên biệt hóa - nhưng ruột non lại chạy ngoằn ngoèo vô mục đích trong ổ bụng. Dưới ống kính hiển vi kết cấu thực sự của ruột hiện lên rõ ràng. Thứ chúng ta có dưới ống kính là một sinh vật điển hình minh họa cho cụm từ “hoàn hảo đến từng chi tiết”. Ruột muốn cho chúng ta một diện tích bề mặt càng lớn càng tốt. Đó là lý do tại sao nó yêu các nếp gấp - bao gồm những nếp gấp mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu không có các nếp gấp, ruột non cần dài đến 18 mét mới cung cấp đủ diện tích bề mặt hấp thu cho chúng ta. Vì vậy, nó cần các nếp gấp! Nhưng với một kẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo như ruột non thì như vậy vẫn chưa đủ! Cứ mỗi 1 milimet vuông diện tích bề mặt của ruột non có chứa khoảng 30 cấu trúc nhỏ giống như hình ngón tay nhô ra. Những cấu trúc này được các nhà khoa học gọi là nhung mao, chúng nhô ra và cắm vào hỗn hợp đặc sệt của thức ăn đã được tiêu hóa một phần mà thuật ngữ y khoa gọi là “dưỡng trấp”. Kích thước nhỏ bé của nhung mao làm cho chúng trông giống như các sợi vải nhung dưới mắt thường. Dưới kính hiển vi, các nhung mao nhỏ bé trông giống như những làn sóng lớn tạo ra từ các tế bào. (Chất liệu nhung thực sự trông cũng giống như vậy dưới kính hiển vi). Ngay cả khi phóng đại, chính bản thân mỗi tế bào này cũng được phủ bởi các chổi nhỏ - gọi là vi nhung mao: nếu thích bạn có thể gọi chúng là “nhung mao nằm trên nhung mao“”. Các vi nhung mao lại được phủ bởi các lưới nhung được tạo thành bởi vô số cấu trúc tạo từ các phân tử đường, trông giống như cái gạc của con nai. Chúng được gọi là các glycocalyx. Nếu như các nếp gấp, nhung mao, vi nhung mao được ủi thẳng ra thành một mặt phẳng mịn mượt, ruột non của chúng ta lẽ ra phải dài tới khoảng 27 ki lô mét. Tại sao ruột non cần phải lớn như thế? Tổng diện tích bề mặt của ống tiêu hóa lớn gấp khoảng 100 lần so với diện tích da của chúng ta. Diện tích này nghe có vẻ hơi thái quá khi chỉ để tiêu hóa một phần khoai tây rán hoặc một quả táo. Nhưng đây chính là điều bí mật trong bụng của chúng ta: ruột của chúng ta tự mở rộng hết mức để tiêu hóa thức ăn bên ngoài đưa vào triệt để nhất có thể, nhỏ đến mức cơ thể hấp thu được và cuối cùng trở thành một phần của chúng ta. Quá trình này bắt đầu từ miệng. Khi chúng ta cắn quả táo, răng của chúng ta làm nổ tung hàng triệu tế bào của quả táo như là làm vỡ những quả bóng bé nhỏ, ép ra nước táo tươi mát. Táo càng tươi thì càng có nhiều tế bào còn nguyên vẹn - đó là lý do tại sao chúng ta có thể biết quả táo mà ta ăn vào có tươi hay không thông qua độ giòn của nó khi cắn vào. Ngoài trái cây giòn tươi, chúng ta cũng yêu thích các thức ăn nóng và giàu chất đạm. Chúng ta nhận thấy món thịt bò bít tết, món trứng bác (scrambled eggs) hoặc đậu phụ chiên ngon hơn so với thịt sống, trứng sống hoặc món đậu phụ đông. Đó là nhờ vào trực giác của chúng ta về hoạt động của hệ tiêu hóa. Nếu chúng ta nuốt một quả trứng sống thì khi vào trong dạ dày nó sẽ phải trải qua một quá trình như khi được rán trên chảo. Lòng trắng của trứng trở nên đục, lòng đỏ nhạt màu ổi và cả hai sẽ trở nên đặc lại. Nếu sau một thời gian vừa đủ ta nôn ói thì bãi nôn lúc đó sẽ trông như món trứng bác hoàn hảo - mà chẳng cần phải nấu nướng gì cả! Các phân tử protein phản ứng với độ nóng trên chiếc chảo cũng giống như với axit trong dạ dày của chúng ta vậy - chúng vỡ ra. Các protein này không còn giữ được đặc tính cấu trúc thông minh vốn giúp chúng hòa tan trong dung môi của lòng trắng trứng và trở thành những mảng trắng đặc. Ở trạng thái này, chúng được dạ dày và ruột non tiêu hóa dễ dàng hơn nhiều. Việc nấu chín thức ăn giúp dạ dày của chúng ta tiết kiệm được năng lượng dùng để phá vỡ các protein này. Bằng cách ưa thích thức ăn đã được nấu chín, cơ thể chúng ta đỡ tốn công sức cho quá trình tiêu hóa ban đầu. Các thức ăn mà chúng ta ăn vào được tiêu hóa hoàn toàn ở ruột non. Phần đâu tiên của ruột non là tá tràng. Trên thành của tá tràng cũng có lỗ - gọi là nhú tá tràng - chúng giống như các lỗ tiết nước bọt trong miệng nhưng to hơn. Dịch tiêu hóa sẽ được tiết qua nhú này để hòa vào dưỡng trấp4. Ngay khi chúng ta vừa ăn một cái gì đó, gan và tụy bắt đầu tiết ra các dịch tiêu hóa và đổ vào nhú này. Các loại dịch tiêu hóa này chứa những chất giống như chất có trong bột giặt và nước rửa bát mà bạn có thể mua ở bất kỳ siêu thị nào: các men tiêu hóa và các chất hòa tan chất béo. Bột giặt có thể loại bỏ vết bẩn hiệu quả là vì nó có thể “tiêu hóa” những chất có chứa mỡ, đạm và đường, và với sự giúp sức đôi chút bởi chuyển động của lồng máy giặt thì những chất này sẽ được rửa trôi ra ngoài ống xả cùng với nước bẩn. Những gì xảy ra trong ruột non của chúng ta cũng gần tương tự như vậy. Sự khác biệt lớn chính là lượng chất đạm, chất béo hoặc tinh bột khổng lồ được phân hủy ở ruột non để sẵn sàng đi qua thành ruột vào mạch máu. Miếng táo bây giờ không còn là miếng táo nữa, mà là một hỗn hợp sền sệt nhiều chất dinh dưỡng được cấu thành bởi hàng tỉ, hàng tỷ các phân tử giàu năng lượng. Để hấp thu hết lượng chất dinh dưỡng này đòi hỏi một diện tích bề mặt lớn, và 7 kilomet ruột là vừa đủ. Diện tích đó cũng giúp tạo ra một khoảng đệm an toàn đề phòng trường hợp có những đoạn ruột tạm thời bị rối loạn hoạt động do nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi. Mỗi nhung mao chứa một mạch máu nhỏ - gọi là mao mạch - nó sẽ hấp thu các phân tử từ thức ăn. Tất cả các mao mạch của ruột non cuối cùng sẽ hội tụ lại với nhau và đưa máu về gan, nơi các chất dinh dưỡng được sàng lọc để phát hiện ra những chất có hại và độc tố. Các chất nguy hiểm có thể được tiêu hủy tại đây trước khi máu đổ vào hệ tuần hoàn chính. Nếu chúng ta ăn quá nhiều, năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ ở gan trước tiên. Sau đó dòng máu với nhiều chất dinh dưỡng sẽ từ gan đi thẳng tới tim. Ở tim, máu nhận được lực đẩy mạnh mẽ để đi tới vô số các tế bào trong cơ thể. Bằng cách này, một phân tử đường cuối cùng có thể nằm trong tế bào nào đó, như trong một tế bào da ở núm vú bên phải của bạn chẳng hạn, ở đó nó sẽ được hấp thu và “đốt cháy” bằng oxy. Quá trình này tạo ra năng lượng giúp tế bào tồn tại và tạo ra các sản phẩm phụ gồm nhiệt lượng và một chút nước. Quá trình này xảy ra đồng thời bên trong vô số tế bào nên nhiệt lượng tạo ra đủ giúp giữ cho nhiệt độ của cơ thể ở mức ổn định khoảng 36-37 độ C (tức 97-99 độ F). Nguyên lý cơ bản đằng sau quá trình chuyển hóa năng lượng của chúng ta rất đơn giản. Một quả táo trên cây cần lấy năng lượng từ thiên nhiên để chín. Loài người chúng ta đến hái ăn và tiêu hóa quả táo thành các phân tử cấu thành nên nó rồi chuyển hóa chúng thành năng lượng. Sau đó chúng ta sử dụng năng lượng này để tồn tại. Tất cả các cơ quan phát triển từ ống ruột trong thời kỳ phôi thai đều có khả năng cung cấp năng lượng cho các tế bào của chúng ta. Ví dụ như phổi, nhiệm vụ duy nhất của chúng là hấp thu các phân tử theo mỗi nhịp chúng ta thở. Vì thế, “hít vào” thực ra có nghĩa là “lấy vào chất dinh dưỡng ở dạng khí”. Một phần lớn trọng lượng cơ thể chúng ta được tạo nên từ những nguyên tử được hít vào như thế chứ không phải từ bánh burger phô mai. Thực vậy, phần lớn trọng lượng của cây cỏ được lấy từ không khí chứ không phải từ đất... Tôi hy vọng rằng tôi đã không vô tình cung cấp một ý tưởng ăn kiêng đáng ngờ mới cho các tạp chí dành cho phụ nữ! Tất cả các cơ quan trong cơ thể chúng ta đều tiêu thụ năng lượng và chúng ta lấy lại năng lượng từ chính ruột non. Điều đó giải thích vì sao việc ăn uống có thể được xem như một thú tiêu khiển dễ chịu. Tuy nhiên, chúng ta không thể mong đợi có được cảm giác tràn đầy năng lượng tức thì ngay sau khi chúng ta vừa ăn xong. Trên thực tế, nhiều người cảm thấy mệt mỏi và uể oải sau bữa ăn. Thức ăn vẫn chưa đến được ruột non - nó vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị của quá trình tiêu hóa. Chúng ta không cảm thấy đói nữa bởi vì dạ dày đã được lấp đầy thức ăn. Nhưng chúng ta vẫn cảm thấy uể oải y như trước bữa ăn, và giờ là lúc chúng ta phải tiêu thụ thêm năng lượng cho quá trình nhào trộn và tiêu hóa thức ăn. Quá trình tiêu hóa cần một lượng lớn máu cung cấp cho các cơ quan tiêu hóa, và nhiều nhà nghiên cứu tin rằng hiện tượng mệt mỏi sau khi ăn là do lượng máu đến não giảm. Một trong những giáo sư của tôi luôn bác bỏ ý kiến đó và cho rằng nếu tất cả máu ở não bị điều đến dạ dày hết thì chúng ta sẽ chết, hoặc ít ra cũng bị ngất xỉu. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khác gây nên hiện tượng mệt mỏi sau khi ăn. Một số chất truyền tin được phóng thích bởi cơ thể khi ăn no cũng có thể kích thích những vùng não bộ gây ra hiện tượng mệt mỏi. Sự mệt mỏi này có lẽ là điều bất lợi cho não bộ của chúng ta nếu như ta đang làm việc, nhưng lại tốt cho ruột non. Khi chúng ta ở trạng thái thư giãn thoải mái thì ruột non hoạt động hiệu quả nhất. Ở trạng thái đó phần lớn năng lượng được dành cho hoạt động tiêu hóa và trong máu không có nhiều hoóc-môn căng thẳng. Một người đọc sách thư thả sau khi ăn sẽ tiêu hóa thức ăn tốt hơn so với một giám đốc điều hành đang làm việc căng thẳng. ĐOẠN RUỘT THỪA KHÔNG CẦN THIẾT VÀ RUỘT GIÀ Trong cuộc đời có nhiều điều tốt đẹp hơn là nằm dài trên một cái bàn khám của bác sĩ với một chiếc nhiệt kế đặt trong miệng và một chiếc khác ở hậu môn. Nhưng đó từng là cách thăm khám chuẩn mực cho những trường hợp bị nghi ngờ viêm ruột thừa. Nếu nhiệt độ bên dưới hậu môn cao hơn hẳn nhiệt độ trên miệng thì đó là một dấu hiệu chính của viêm ruột thừa. Thời nay các bác sĩ không dựa vào sự chênh lệch nhiệt độ để chẩn đoán viêm ruột thừa nữa. Các triệu chứng quan trọng bao gồm sốt kèm với đau vùng bụng dưới bên phải (ruột thừa nằm ở vị trí này ở hầu hết mọi người). Thông thường nếu bị viêm ruột thừa, khi ấn vào bụng dưới bên phải sẽ gây đau, trong khi đó nếu ấn vào phía bên kia lại giúp giảm đau. Ngay khi bác sĩ thôi ấn vào phần bụng dưới phía bên trái, cơn đau quay trở lại! Đó là do các cơ quan trong ổ bụng được bao quanh bởi dịch. Khi ấn vào phía bên trái, dịch sẽ được đẩy về bên phải tạo ra hiệu ứng đệm mút đỡ vùng ruột bị viêm, giúp giảm đau. Các dấu hiệu khác của viêm ruột thừa bao gồm đau khi nhấc chân phải lên dưới một lực đối kháng (tức là nhấc chân phải lên trong lúc có người khác dùng tay ấn chân phải của bạn xuống), ăn không ngon và buồn nôn Ruột thừa của chúng ta, thường được mô tả có hình dạng như con giun, bị cho là vô dụng. Trông giống như một quả bóng bị xì hơi được quấn thành các hình dạng con thú làm đồ chơi cho trẻ con, ruột thừa không chỉ quá nhỏ, không thể đảm đương nhiệm vụ xử lý dưỡng trấp mà nó còn nằm ở một vị trí mà thức ăn đã được tiêu hóa một phần khó có thể đến được. Nó nằm ngay dưới chỗ nối giữa ruột non và ruột già, và hoàn toàn bị bỏ qua. Đây là một sinh vật chỉ có thể đứng từ dưới mà nhìn lên thế giới đang vận hành bên trên nó. Nếu bạn còn nhớ đến vùng mô nhô lên ở trong khoang miệng, bạn có thể nghĩ ra được vai trò thực sự của ruột thừa là gì. Mặc dù ở cách xa phần kia, ruột thừa thực ra là một phần của mô miễn dịch amidan. Ruột già xử lý những chất mà ruột non không thể hấp thu được. Vì lý do đó, nó không có kết cấu nhung mao giống như ruột non. Sẽ là một sự lãng phí về năng lượng và tài nguyên nếu như ruột già cũng có đầy các nhung mao hấp thu như ở ruột non. Thay vào đó, ruột già là nơi cư ngụ của các vi khuẩn đường ruột vốn có thể giúp tiêu hóa các chất dinh dưỡng còn lại trong thức ăn cho chúng ta. Hệ miễn dịch của chúng ta rất quan tâm tới những con vi khuẩn này. Vì thế, ruột thừa được đặt ở một vị trí không chỉ hoàn hảo hơn. Nó nằm đủ xa để không bị ảnh hưởng bởi hoạt động tiêu hóa diễn ra bên trên nó, nhưng cũng đủ gần để theo dõi các vi sinh vật lạ. Mặc dù thành của ruột già cũng có nhiều tế bào miễn dịch, ruột thừa lại được cấu tạo hầu như chủ yếu bởi các mô miễn dịch. Vì vậy, nếu có một vi khuẩn xấu đi ngang, nó sẽ bị bao vây. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là mọi thứ xung quanh nó có thể bị nhiễm khuẩn - có thể nói là tứ phía nhiễm khuẩn. Nếu tình trạng nhiễm khuẩn này làm cho ruột thừa sưng lên, tự thân ống ruột nhỏ bé này không thể tiêu diệt hết các vi khuẩn xấu gây viêm nhiễm - điều này giải thích cho lý do ở Mỹ mỗi năm có tới hơn 270.000 ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Tuy nhiên, đó không phải là chức năng duy nhất của ruột thừa. Nó chỉ tấn công những thứ mà nó nhận thấy là nguy hiểm và không làm gì hại đến các vi khuẩn tốt, điều đó có nghĩa là một đoạn ruột thừa khỏe mạnh giống như một nhà kho dự trữ toàn những vi khuẩn tốt và có ích nhất. Vào năm 2007, hai nhà khoa học người Mỹ là William Parker và Randat Bollinger đã phát hiện ra điều này. Chức năng này của ruột thừa được phát huy sau một đợt tiêu chảy nặng. Một đợt tiêu chảy nặng sẽ làm cuốn trôi đi nhiều vi khuẩn thường trú của đường ruột, tạo điều kiện cho các vi khuẩn khác sinh sôi nảy nở. Điều này không hay chút nào. Theo Bollinger và Parker thì đây là lúc mà các vi khuẩn tốt trong ruột thừa sẽ được phóng thích vào đường ruột và tỏa đi khắp ruột già. Ở hầu hết các vùng thuộc Bắc Mỹ và Bắc Âu, không có nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy. Thỉnh thoảng chúng ta có thể bị các đợt viêm dạ dày ruột do vi rút, nhưng môi trường ở đây ít có các loại vi khuẩn nguy hiểm như ở một số nước chẳng hạn như India hoặc Spain. Vì thế bạn có thể nói rằng chúng ta không cần đến ruột thừa như những người ở các vùng ấy. Điều đó có nghĩa là bạn không cần phải lo lắng quá mức nếu như bị cắt bỏ ruột thừa khi sống ở một vùng có ít vi khuẩn gây tiêu chảy. Mật độ không quá dày các tế bào miễn dịch ở phần còn lại của ruột già, nhưng nếu tính tổng lại, số lượng của chúng gấp nhiều lần số tế bào miễn dịch nằm ở ruột thừa và chúng cũng có đủ khả năng để đảm nhận vai trò của ruột thừa. Nếu bạn không muốn bị rủi ro sau một đợt tiêu chảy nặng, bạn có thể mua các loại thuốc bổ sung lợi khuẩn ở nhà thuốc để cung cấp vi khuẩn cho đường ruột. Bây giờ tôi hy vọng rằng bạn đã hiểu rõ vì sao chúng ta có ruột thừa. Thế nhưng còn vai trò của ruột già thì sao? Các chất đinh dưỡng đã được hấp thu ở ruột non rồi, ở ruột già lại không có các nhung mao, vậy các vi khuẩn thường trú ở đường ruột muốn làm gì với phần bã thức ăn còn lại? Ruột già của chúng ta không có cấu trúc quanh co như ruột non. Nó quấn quanh ruột non như một cái khung ảnh tròn trĩnh. Hình dạng tròn trĩnh của ruột già là để giúp cho nó có được nhiều diện tích hoạt động hơn. “Không phung phí thì không túng thiếu” là một thành ngữ mà hiện nay chúng ta nghe có vẻ nhàm tai, nhưng với nhiều thế hệ trước thì nó là phương châm giúp con người tồn tại trong những giai đoạn khó khăn. Và đây cũng chính là phương châm của ruột già. Nó dành thời gian để làm việc với phần bã thức ăn và tiêu hóa hết chúng. Trong lúc đó, ruột non có thể bắt đầu công việc xử lý thức ăn của bữa ăn kế tiếp, hoặc thậm chí của hai bữa ăn tiếp theo mà không ảnh hưởng gì đến công việc của ruột già. Ruột già kiên trì xử lý phần bã thức ăn trong khoảng 16 giờ. Bằng cách đó, nó giữ lại được những chất lẽ ra sẽ bị đánh mất nếu ruột non hoạt động quá vội vã. Những chất này bao gồm các khoáng chất quan trọng như canxi, vốn chỉ có thể được hấp thu tốt nhất ở đây. Sự phối hợp ăn ý và tỷ mỉ giữa ruột già và hệ vi khuẩn thường trú của nó cũng giúp cung cấp cho chúng ta nhiều axit béo giàu năng lượng, vitamin K, vitamin B12, thiamine (vitamin B1) và riboflavin (vitamin B2). Những chất này có ích cho nhiều thứ - chẳng hạn như giúp cho quá trình đông máu, bồi bổ thần kinh, hoặc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Ở khoảng một mét cuối của ruột già, muối và nước của chúng ta được hấp thu hết. Tôi không khuyên bạn nếm thử, nhưng shịt luôn luôn không có muối. Cơ chế cân bằng hoàn hảo này giúp giữ lại khoảng một lít dịch cho cơ thể, nếu không thì chúng ta đã phải uống thêm chừng đó nước mỗi ngày. Cũng như ở ruột non, các chất quý giá được hấp thu bởi ruột già sẽ được vận chuyển tới gan để được kiểm tra trước khi chúng đi vào hệ tuần hoàn chính của cơ thể. Tuy nhiên, ở đoạn cuối của ruột già (khoảng vài centimet), máu lại không được đưa tới gan để khử độc; máu từ đây sẽ đi thẳng vào hệ tuần hoàn chính. Thông thường thì nguyên nhân là do ở đây không có cái gì được hấp thu nữa, đơn giản vì mọi thứ có ích đã được tách ra. Nhưng có một ngoại lệ quan trọng: đó là những chất có chứa trong các thuốc tọa dược5. Các loại thuốc tọa dược có thể chứa hàm lượng thuốc thấp hơn thuốc viên uống mà vẫn phát huy tác dụng rất nhanh chóng. Các loại thuốc ở dạng viên và dạng lỏng thường cần chứa lượng hoạt chất có nồng độ lớn bởi vì phần lớn chúng bị loại bỏ ở gan trước khi đến được các vùng trên cơ thể mà thuốc cần phát huy tác dụng. Tất nhiên điều này không được lý tưởng lắm, vì những thứ thuốc mà chúng ta cần uống lại được gan nhận diện như là những độc tố. Vậy nên nếu bạn muốn đỡ hại gan mà vẫn cần dùng đến thuốc hạ sốt hay các loại thuốc khác, hãy sử dụng đường tắt thông qua việc dùng tọa dược ở trực tràng. Cách này đặc biệt tốt cho các bệnh nhân quá nhỏ tuổi hoặc quá cao tuổi. NHỮNG GÌ CHÚNG TA THỰC SỰ ĂN G iai đoạn quan trọng nhất của quá trình tiêu hóa diễn ra ở ruột non, nơi có diện tích bề mặt tối đa có thể đáp ứng được việc phân hủy thật nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ nhất. Đây là nơi cơ thể chúng ta ra quyết định. Chúng ta có thể dung nạp được lactose không? Thức ăn này có tốt cho sức khỏe của chúng ta không? Thức ăn nào gây ra các phản ứng dị ứng? Ở đây, trong giai đoạn cuối của quá trình phân hủy thức ăn, các men tiêu hóa hoạt động như những chiếc kéo nhỏ xíu. Nó cắt thật vụn thức ăn cho tới khi chúng có cùng mẫu số chung nhỏ nhất với các tế bào của chúng ta. Ở đây Mẹ Thiên Nhiên, vốn khôn ngoan như mọi khi, đã tận dụng một thực tế là tất cả các sinh vật sống đều được cấu thành từ những nguyên liệu cơ bản như nhau: các phân tử đường, amino axit và chất béo. Mọi thứ chúng ta ăn đều lấy từ các vật sống - ở cấp độ sinh học này, không có sự khác biệt giữa một quả táo, một cái cây và một con bò. Các phân tử đường có thể liên kết với nhau để tạo thành các chuỗi phức tạp. Khi điều đó xảy ra, nó không còn có vị ngọt nữa và chúng ta biết đến nó như là chất Carbohydrate mà ta có thế tìm thấy trong bánh mì, mì sợi và cơm. Sau khi miếng bánh mì mà bạn ăn vào buổi sáng đã được cắt nhỏ bởi các men tiêu hóa, sản phẩm cuối cùng của nó là lượng phân tử đường tương đương với đôi ba muỗng đường cát tinh luyện. Sự khác biệt duy nhất chính là khi ăn đường, các men tiêu hóa không phải làm việc nhiều bởi vì đường đã được phân hủy thành các phân tử nhỏ khi nó xuống tới ruột non và có thể được hấp thu ngay vào máu. Ăn quá nhiều đường nguyên chất cùng một lúc đúng là sẽ làm cho máu của chúng ta trở nên ngọt hơn trong một khoảng thời gian ngắn. Lượng đường chứa trong bánh mì trắng được tiêu hóa khá nhanh bởi các men tiêu hóa. Trong khi đó bánh mì ngũ cốc nguyên cám được tiêu hóa chậm hơn nhiều. Loại bánh mì này chứa những chuỗi phân tử đường có cấu tạo rất phức tạp, cần phải được phân hủy từng chút một. Vì vậy, bánh mì ngũ cốc nguyên cân không gây tăng đường huyết tức thì mà lại là một kho dự trữ đường có ích. Cơ thể của chúng ta phải làm việc cật lực hơn để phục hồi trạng thái cân bằng có lợi nếu như có một sự gia tăng đường đột ngột. Cơ thể sẽ bơm ra một lượng lớn các loại hoóc-môn khác nhau, quan trọng nhất là insulin6. Kết quả là chúng ta sẽ lại nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi một khi quá trình này hoàn tất. Đường là một nguyên liệu thô quan trọng của cơ thể, nếu nó không đi vào hệ tuần hoàn một cách quá nhanh chóng. Nó được sử dụng như là nhiên liệu cho tế bào - như những thanh củi cho sức nóng - hoặc để tạo ra những cấu trúc đường phục vụ cho cơ thể, ví dụ như tạo ra các glycocalyx dạng nhung nai gắn vào các tế bào ở ruột. Bất chấp những vấn đề này, cơ thể chúng ta vẫn yêu thích những món ngọt bởi vì nó giúp tiết kiệm công tiêu hóa do đường có thể được tiêu hóa nhanh hơn. Tương tự với chất đạm đã được làm ấm. Ngoài ra, đường có thể được chuyển thành năng lượng một cách cực kỳ nhanh chóng, và não bộ tưởng thưởng cho chúng ta vì sự gia tăng về năng lượng này bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, có một vấn đề: trong lịch sử của nhân loại chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với các chủng loại đường phong phú và có thể dùng ngay như hiện nay. Khoảng 80% các loại thức ăn chế biến sẵn được bày bán trên các kệ hàng siêu thị hiện đại ở Mỹ có chứa đường. Theo nấc thang tiến hóa, ta có thể nói rằng giống nòi của chúng ta vừa phát hiện ra những mớ kẹo ngọt được giấu sau tủ đựng chén, và họ cứ tiếp tục chè chén say sưa trên chiến lợi phẩm ấy để rồi ngã quỵ trên chiếc ghế dài vì đau dạ dày và sốc do đường. Mặc dù về lý trí chúng ta biết rằng ăn vặt quá nhiều là không tốt cho sức khỏe, nhưng chúng ta thực sự không thể trách móc bản năng đã xúi giục chúng ta ăn bất cứ cái gì mình thích. Khi chúng ta ăn quá nhiều đường, cơ thể chỉ đơn giản dự trữ nó để dành cho những lúc đói. Điều này thực sự có giá trị thực tiễn. Cơ thể làm việc này bằng cách tái liên kết các phân tử để tạo thành những chuỗi phân tử dài phức tạp của một chất có tên gọi là glycogen, sau đó chất này được dự trữ ở gan. Một chiến thuật khác là biến đổi lượng đường dư thừa thành mỡ và dự trữ ở các mô mỡ. Đường là loại chất duy nhất mà cơ thể chúng ta có thể biến đổi thành mỡ mà không phải tốn nhiều công sức. Lượng glycogen dự trữ sẽ được dùng hết sau đó – đó là lúc mà khi đang chạy bộ bạn chợt cảm thấy việc tập thể dục bỗng trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao các chuyên gia về sinh lý đinh dưỡng nói rằng chúng ta cần tập thể dục ít nhất một tiếng đồng hồ nếu chúng ta muốn tiêu bớt mỡ. Chỉ sau khi chúng ta sử dụng hết năng lượng hiện có thì lượng năng lượng dự trữ mới được huy động. Chúng ta có thể thấy phiền là tại sao mỡ bụng lại không được tiêu trước, nhưng cơ thể chúng ta không thèm quan tâm đến điều này. Lý do đơn giản là vì các tế bào của cơ thể con người yêu thích chất béo. Chất béo là thức ăn có giá trị nhất và hiệu quả nhất. Các nguyên tử được kết nối với nhau một cách tài tình đến nỗi với cùng một trọng lượng như nhau thì chất béo cung cấp năng lượng nhiều gấp đôi so với chất đường và đạm. Chúng ta sử dụng chất béo để bao bọc các sợi dây thần kinh - giống như lớp nhựa bao bọc bên ngoài sợi dây điện. Chính nhờ lớp bọc này mà chúng ta có thể suy nghĩ nhanh như vậy. Một số loại hoóc-môn quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta được cấu tạo từ chất béo, và từng tế bào trong cơ thể chúng ta được bao bọc trong một lớp màng tạo thành chủ yếu từ chất béo. Một loại chất đặc biệt như chất béo cần được bảo vệ và không được sử dụng phung phí ngay từ lúc mới bắt đầu vận động thể lực. Khi nạn đói kế tiếp xảy ra - và trong lịch sử đã có nhiều nạn đói - từng gam mỡ ở bụng sẽ bảo hiểm cho tính mạng của bạn. Ruột non của chúng ta cũng hiểu giá trị đặc biệt của chất béo. Không giống như những chất dinh dưỡng khác, mỡ không được hấp thu trực tiếp từ ruột vào máu. Mỡ không hòa tan trong nước - nó sẽ lập tức gây tắc các mạch máu nhỏ ở nhung mao ruột và nổi lên trên bề mặt máu của các mạch máu to hơn, giống như dầu nổi trên mặt nước xốt mì Ý vậy. Vì thế mỡ cần được hấp thu qua một đường khác: hệ bạch huyết. Các mạch bạch huyết đối với mạch máu giống như Robin đối với Batman. Mỗi một mạch máu trong cơ thể có một mạch bạch huyết đi kèm theo, kể cả mỗi mao mạch nhỏ bé ở ruột non. Trong khi các mạch máu của chúng ta dày, đỏ và bơm chất dinh dưỡng đến các mô một cách hùng dũng thì các mạch bạch huyết lại mỏng và có màu trắng. Chúng dẫn lưu dịch được thải ra từ mô và vận chuyển các tế bào miễn dịch có nhiệm vụ đảm bảo mọi thứ trong cơ thể luôn vận hành tốt. Các mạch bạch huyết rất nhẹ bởi vì chúng không có các lớp cơ như mạch máu. Thông thường chúng hoạt động nhờ vào trọng lực. Điều đó giải thích tại sao đôi khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng với đôi mắt sưng húp. Trọng lực không có tác dụng nhiều khi bạn ở tư thế nằm. Các mạch bạch huyết nhỏ bé trên mặt của chúng ta luôn mở, nhưng chỉ đến khi chúng ta ra khỏi giường thì trọng lực mới tác động lên lượng dịch được vận chuyển đến các mạch bạch huyết này trong đêm và giúp chúng đi xuống. (Lý do hai chân của chúng ta không bị đầy ứ dịch sau khi đứng một ngày dài là nhờ các cơ ở chân ép vào các mạch bạch huyết mỗi khi chúng ta bước đi và dịch bên trong mạch sẽ được ép chảy lên trên, gọi là tuần hoàn bạch huyết). Hệ mạch bạch huyết hay bị đánh giá là yếu ớt ở khắp nơi trong cơ thể, ngoại trừ ở ruột non. Đây là lúc nó tỏa sáng! Tất cả các mạch bạch huyết trong cơ thể đổ về một ống rất dày, nơi mà tất cả chất béo đã được tiêu hóa có thể đổ về đây mà không gây ra nguy cơ thuyên tắc nào. Có một điều phổ biến là các bác sĩ thường thích khoe khả năng tiếng Latin của họ, và họ đặt cho cái ống này một cái tên có vẻ kiêu kỳ là ductus thoracicus (ống ngực). Nghe có vẻ như là “Lạy Ống! Xin hãy dạy cho chúng con biết vì sao chất béo quý lại quan trọng đến như vậy và chất béo xấu lại tôi tệ đến nhường này!” Chẳng bao lâu sau khi chúng ta ăn một bữa ăn nhiều mỡ, có nhiều giọt mỡ li ti trong ống (hay còn gọi là ống ngực) đến nỗi dịch bạch huyết không còn trong suốt nữa mà có màu trắng đục như sữa. Khi chất béo đã hội tụ về đây, ống ngực đi dọc theo bụng, xuyên qua cơ hoành và hướng thẳng đến tim. (Tất cả dịch được dẫn lưu từ chân, mi mắt và ruột đều chảy về đây). Vì vậy dù cho là dâu ô liu tinh khiết hay loại mỡ rẻ tiền từ khoai tây rán cũng đều đi thẳng về tim - không có con đường vòng nào đi qua gan để được khử độc như đối với những chất khác mà chúng ta nuốt vào. Quá trình khử các loại chất béo xấu và nguy hiểm chỉ xảy ra sau khi lượng máu có chứa nhiều mỡ được tim bơm và đẩy đi vào hệ tuần hoàn, từ đó các giọt mỡ này cuối cùng sẽ đi vào một mạch máu của gan. Gan chứa rất nhiều máu, sớm muộn gì thì các loại mỡ xấu sẽ được gan khử nhưng trước khi điều này xảy ra thì tìm và mạch máu đã bị ảnh hưởng bởi các loại mỡ xấu từ các loại thức ăn nhanh và rẻ như của Mcdonald hoặc các thương hiệu tương tự. Nếu như mỡ xấu có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực, mỡ tốt có thể làm nên điều kỳ diệu. Những người chịu bỏ ra nhiều tiền hơn để mua loại dầu ô liu được ép lạnh (siêu nguyên chất) sẽ thưởng thức món bánh mì nhúng dầu ô liu, một thức ăn có lợi cho tim và mạch máu. Nhiều nghiên cứu đã kiểm tra hiệu quả của dầu ô liu, và kết quả cho thấy nó có thể bảo vệ chúng ta khỏi bệnh xơ vữa động mạch, stress của tế bào, bệnh Alzheimer7 và các bệnh của mắt như thoái hóa võng mạc. Dường như nó cũng có tác dụng chống lại các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp dạng thấp và giúp chống lại một số loại ung thư. Tin đặc biệt cho những người đang muốn giảm béo là đầu ô liu cũng có khả năng giúp loại bỏ mỡ thừa. Nó ngăn chặn một loại enzyme trong mô mỡ - được gọi là men tổng hợp axit béo - men này yêu thích việc chuyển hóa Carbohydrate dư thừa thành mỡ. Và chúng ta không phải là đối tượng duy nhất hưởng lợi từ dầu ô liu - các lợi khuẩn trong ruột chúng ta cũng được hưởng lợi. Loại dầu ô liu chất lượng tốt sẽ đắt tiền hơn một chút. Tuy nhiên, nó sẽ không có vị béo ngậy hoặc có mùi khó chịu mà sẽ có vị tươi và mùi trái cây, đôi khi bạn sẽ có cảm giác cay cay trong cổ họng sau khi nuốt nó. Đó là do chất tannin chứa trong dầu ô liu. Nếu phần mô tả này chưa đủ để bạn cảm nhận, bạn có thể sử dụng các dấu kiểm định chất lượng khác nhau làm hướng dẫn để mua và thử các loại dầu khác nhau nhằm tìm ra loại tốt nhất. Thế nhưng việc cho dầu ô liu vào chảo để rán không phải là một ý kiến hay vì nhiệt độ cao sẽ gây ra nhiều phản ứng có hại. Chảo nóng là biện pháp tốt để rán thịt bò bít tết hay trứng, nhưng không tốt cho các axit béo trong dầu vì chúng có thể bị biến đổi cấu trúc hóa học do nhiệt độ cao. Khi rán chúng ta nên dùng loại dầu chuyên dành để nấu ăn hoặc các loại chất béo ở dạng đặc như bơ hay dầu dừa đã được hydro hóa. Chúng có thể chứa nhiều loại chất béo bão hòa (vốn không được ưa thích), nhưng chúng ổn định hơn ở nhiệt độ cao. Các loại dầu nguyên chất không chỉ nhạy cảm với nhiệt độ, chúng còn có khả năng bắt giữ các gốc tự do trong không khí. Các gốc tự do gây hại rất nhiều cho cơ thể bởi vì chúng thực ra không thích tự do, chúng thích bám vào các chất khác hơn rất nhiều. Chúng có thể bám vào bất cứ đâu - mạch máu, da mặt hoặc các tế bào thần kinh - gây ra tình trạng viêm nhiễm của các mạch máu (chứng viêm mạch), lão hóa da hoặc bệnh về thần kinh. Đó là lý do tại sao bạn luôn luôn nên đóng nắp chai hoặc thùng đựng dầu ô liu một cách cẩn thận sau khi dùng và cất vào tủ lạnh. Mỡ động vật được tìm thấy trong thịt, sữa và trứng có chứa nhiều axit arachidonic hơn so với mỡ thực vật. Trong cơ thể chúng ta, axit arachidonic được chuyển hóa thành các chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến sự cảm nhận cảm giác đau. Trong khi đó, các loại dầu như dầu hạt cải, dầu hạt lanh, hay dầu hạt gai có chứa nhiều chất kháng viêm axit alpha-linolenic, dầu ô liu cũng có chứa một loại chất có tính kháng viêm tương tự khác là oleocanthat. Các loại chất béo này hoạt động tương tự như thuốc ibuprofen hoặc aspirin nhưng ở liều thấp hơn nhiều. Vì vậy, mặc dù chúng không thể chữa khỏi cơn đau đầu cho bạn, nhưng việc sử dụng các loại dầu này thường xuyên có thể giúp ích cho những người bị các bệnh viêm nhiễm, đau đầu mãn tính hoặc đau bụng kinh. Đôi khi, mức độ đau có thể được giảm đi phần nào chỉ nhờ vào việc ăn nhiều chất béo thực vật hơn là chất béo động vật. Tuy nhiên, không nên xem dầu ô liu như một loại thuốc chữa bách bệnh cho các rối loạn về da và tóc. Các nghiên cứu về da liễu đã cho thấy rằng dầu ô liu nguyên chất có thể gây kích ứng da đầu ở mức độ nhẹ và việc sử dụng dầu ô liu để ủ tóc sẽ làm cho da đầu nhờn đến nỗi sau đó bạn phải tốn nhiều công sức gội sạch đầu, và điều này có thể làm mất đi hết các tác dụng tốt (nếu có) trước đó của dầu. Việc lạm dụng đưa chất béo vào bên trong cơ thể cũng rất dễ xảy ra. Quá nhiều chất béo - kể cả loại tốt hay xấu - đều làm cơ thể bị quá tải. Điều đó giống như việc bôi quá nhiều kem dưỡng ẩm lên mặt. Các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo chất béo chỉ nên chiếm từ 25% đến tối đa 30% tổng số năng lượng tiêu thụ mỗi ngày của chúng ta. Con số đó tương đương với khoảng 55 đến 66 gam chất béo mỗi ngày. Người vận động nhiều, cao lớn có thể tiêu thụ nhiều hơn một chút, trong khi những người nhỏ bé và ít vận động hơn nên ăn ít hơn một chút. Điều này có nghĩa là nếu như bạn chỉ ăn một chiếc bánh Big Mac, cơ thể bạn đã được cung cấp một nửa nhu cầu chất béo trong ngày - nhưng câu hỏi duy nhất là, loại chất béo nào? Một phần bánh sandwich gà kèm hành tây kiểu Teriyaki mua từ một cửa hàng thức ăn nhanh của chuỗi Subway chứa chỉ khoảng 4,5 gam chất béo. Việc nạp nốt shịt chất béo còn lại trong ngày (khoảng 53 gam) như thế nào là tùy bạn. Chúng ta đã tìm hiểu về Carbohydrate và chất béo, chỉ còn một loại chất dinh dưỡng nữa chúng ta cần xem xét. Đó có lẽ là loại chất mà chúng ta ít để ý nhất: amino axit. Có vẻ hơi khó hình dung, nhưng cả đậu phụ (với vị nhạt nhẽo hoặc có vị hạt đỗ sống) và thịt (với vị mặn, thơm ngon) đều có cấu tạo từ rất nhiều các axit nhỏ bé. Cũng như Carbohydrate, các amino axit này được liên kết với nhau thành từng chuỗi. Điều này giúp cho chúng có vị khác nhau và có một cái tên khác - protein (đạm). Các men tiêu hóa phân hủy các chuỗi này ở ruột non và sau đó các thành shịt có giá trị của nó sẽ được hấp thu qua thành ruột. Có hai mươi loại amino axit cơ bản nhưng có đến vô vàn cách để chúng liên kết với nhau tạo thành các protein. Loài người chúng ta sử dụng chúng để tạo nên nhiều chất, nhất là tạo nên ADN, chất liệu di truyền chứa trong mỗi tế bào mới được sản sinh hằng ngày. Các loài sinh vật khác cũng vậy, kể cả động vật và thực vật. Điều này giải thích vì sao mọi thứ do thiên nhiên tạo ra mà chúng ta ăn vào đều chứa protein. Tuy nhiên, việc duy trì một chế độ ăn kiêng không có thịt một cách lành mạnh cho sức khỏe mà không dẫn đến suy dinh dưỡng thực sự khó hơn chúng ta tưởng. Thực vật tạo ra nhiều loại protein hơn động vật, và chúng thường sử dụng ít nguyên liệu amino axit nên các protein do chúng tạo ra không hoàn chỉnh. Khi cơ thể chúng ta cố gắng sử dụng đạm thực vật để tổng hợp các amino axit mà chúng ta cần, quá trình xây dựng các chuỗi protein đó sẽ chỉ có thể tiếp tục khi một trong các loại amino axit nguyên liệu bị cạn kiệt. Những protein chưa hoàn thiện sau đó sẽ lại bị phân tách, và chúng ta bài tiết các axit bé nhỏ ra nước tiểu hoặc tái chế chúng trong cơ thể. Đậu thiếu một loại amino axit là methionine; gạo và lúa mì (và seitan, một loại thịt chay làm từ lúa mì) thiếu lysine; bắp ngô thực tế thiếu đến hai amino axit: lysine và tryptophan. Nhưng dữ kiện này vẫn chưa thuyết phục được những người kiêng ăn thịt. Những người ăn chay hoàn toàn và những người ăn chay có kèm cả một số sản phẩm từ trứng và sữa phải biết cách phối hợp thức ăn khôn ngoan hơn. Đậu có thể thiếu methionine, nhưng chúng chứa nhiều lysine. Loại bánh tortilla từ lúa mì với nhân đậu kèm các thứ ngon miệng khác bên trong sẽ cung cấp tất cả các loại amino axit mà cơ thể cần để tạo ra protein hoàn thiện. Những người ăn chay có kèm phô mai và trứng có thể bù trừ cho lượng protein không hoàn chỉnh bằng cách ấy. Trong nhiều thế kỷ, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bằng trực giác người ta đã biết cách ăn những bữa ăn gồm những thành phần có thể bổ sung cho nhau: gạo với đậu, mì ống với phô mai, bánh mì ổ dẹp và xốt hummus8, hoặc bơ đậu phộng với bánh mì lát nướng. Về mặt giả thuyết, sự kết hợp không nhất thiết phải diễn ra trong cùng một bữa ăn. Chỉ cần phối hợp đúng trong ngày là đủ. (Việc suy nghĩ về các cách phối hợp thức ăn thường có thể tạo cảm hứng cho cả những đầu bếp ít có óc sáng tạo nhất khi họ cố gắng quyết định xem nên nấu gì cho bữa tối). Có những loại thực vật chỉ chứa đủ các amino axit cần thiết khi có đủ một lượng nhất định. Hai ví dụ điển hình là đậu nành và hạt diêm mạch, ngoài ra còn có rau dền, tảo, tam giác mạch và hạt chi-a. Đậu phụ thật không hổ danh là một sản phẩm thay thế cho thịt - nhưng khuyết điểm của nó là ngày càng có nhiều người bị các chứng dị ứng do đậu nành. CHỨNG DỊ ỨNG VÀ KHÔNG DUNG NẠP M ột giả thuyết về nguồn gốc của chứng dị ứng cho rằng nó bắt đầu từ quá trình tiêu hóa ở ruột non. Nếu chúng ta không thể phân hủy một loại protein nào đó thành các amino axit thành tố của nó, những phần nhỏ của protein ấy vẫn còn sót lại. Trong điều kiện bình thường, những phân tử này không đi vào dòng máu và sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, quyền lực ngầm lại thường nằm ở những nơi kín đáo nhất - trong trường hợp này là hệ bạch huyết. Những mẩu protein tí hon này có thể đi vào hệ bạch huyết, gắn vào các giọt mỡ, và một khi ở đó chúng sẽ thu hút sự chú ý của các tế bào miễn dịch vốn rất cảnh giác. Ví dụ, khi các tế bào miễn dịch phát hiện ra một phần tử đậu phộng trong dịch bạch huyết, theo phản xạ tự nhiên chúng sẽ tấn công nó như là một vật thể lạ. Lần tiếp theo khi các tế bào miễn dịch chạm trán với một phần tử đậu phộng khác, chúng đã được chuẩn bị tốt để đối phó với nó và có khả năng tấn công nó mạnh hơn. Và cứ thế quá trình được tiếp tục, cho tới một giai đoạn mà chỉ cần chúng ta vừa đặt một miếng đậu phộng vào miệng là các tế bào miễn dịch bắt đầu tấn công dồn dập. Hậu quả là các phản ứng dị ứng ngày càng nặng, chẳng hạn như sưng phù mặt và lưỡi. Lời giải thích này cũng được áp dụng cho các chứng dị ứng gây ra bởi những loại thức ăn vừa giàu chất béo vừa giàu chất đạm như sữa, trứng và phổ biến nhất là đậu phộng. Có một lý do đơn giản nhất cho việc hầu như không ai bị dị ứng với món thịt nguội béo ngậy. Đó là do cơ thể của chúng ta cũng được tạo thành từ thịt, cho nên chúng ta thường gặp ít vấn đề trong việc tiêu hóa chúng. BỆNH CELIAC VÀ SỰ NHẠY CẢM VỚI GLUTEN Các chứng dị ứng có nguồn gốc từ ruột non không chỉ bị gây ra bởi chất béo. Những chất gây dị ứng ví dụ như tôm, phấn hoa hoặc gluten không chứa nhiều chất béo, và những người ăn nhiều dầu mỡ không nhất thiết dễ bị dị ứng hơn so với người khác. Có một cơ chế khác giải thích sự phát triển của chứng dị ứng: thành ruột của chúng ta có thể trở nên xốp tạm thời, cho phép các phần tử thức ăn còn thừa đi vào mô của ruột và từ đó vào máu. Đây là giả thuyết đang được các nhà khoa học quan tâm tới gluten nghiên cứu rất kỹ lưỡng (gluten là một loại protein có trong lúa mì và một số ngũ cốc). Ngũ cốc không thích bị chúng ta ăn. Những gì thực vật mong muốn là sinh sôi nảy nở - và rồi chúng ta đến và ăn con cái của chúng. Thay vì than khóc, thực vật đáp trả bằng cách làm cho hạt của chúng trở nên hơi có độc tính. Điều đó nghe có vẻ thái quá hơn trên thực tế - vì thực tế cả hai bên đều không phải quá lo lắng vì mấy hạt ngũ cốc bị ăn. Sự sắp xếp này nhằm giúp cho cả loài người và thực vật đều sống sót tốt như nhau. Nhưng khi một loài thực vật càng cảm thấy nguy hiểm thì nó sẽ càng khiến cho hạt của mình độc hơn. Lúa mì cụ thể là một kẻ lo lắng như thế bởi vì cơ hội nảy mầm và phát triển để duy trì nòi giống của nó chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Với một lịch trình căng thẳng như vậy, không một cái gì được phép sai. Ở côn trùng, gluten có tác dụng ức chế một loại men tiêu hóa quan trọng. Những con châu chấu háu ăn có thể sẽ cảm thấy hơi đau bụng và phải ngừng ăn sau khi ăn quá nhiều lúa mì, và điều đó có lợi cho cả thực vật và động vật. Ở người, gluten có thể đi vào trong tế bào của ruột ở trạng thái đã được tiêu hóa một phần. Ở đó nó có thể nới lỏng sự liên kết giữa các tế bào đơn lẻ. Điều này cho phép các protein của lúa mì đi vào những vùng mà lẽ ra nó không nên có mặt ở đó. Do đó hệ miễn dịch sẽ được báo động. Cứ một trăm người thì có một người bị chứng không dung nạp gluten do di truyền (bệnh celiac), nhưng tỷ lệ người bị chứng nhạy cảm với gluten còn cao hơn. Ở bệnh nhân bị bệnh celiac, ăn lúa mì có thể gây nên tình trạng viêm nặng hoặc tổn thương các nhung mao trên thành ruột; nó cũng có thể làm tổn thương hệ thần kinh. Bệnh celiac có thể gây tiêu chảy và suy đinh dưỡng ở trẻ em, biểu hiện bằng tình trạng chậm tăng trưởng hoặc da tái mét vào mùa đông. Cái khó của bệnh celiac là nó có nhiều mức độ biểu hiện từ nhẹ tới nặng. Ở thể nhẹ, người ta có thể chung sống với các triệu chứng nhiều năm mà không hay biết. Thỉnh thoảng họ có thể bị đau bụng, hoặc phát hiện thiếu máu khi đi xét nghiệm máu định kỳ. Hiện nay, biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho chứng bệnh này là áp dụng chế độ ăn không có gluten cả đời. Ngược lại, người bị chứng nhạy cảm với gluten không nhất thiết phải kiêng gluten suốt đời. Họ có thể ăn lúa mì mà không sợ có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng ruột non, với điều kiện chỉ nên ăn một lượng vừa phải - có thể nói là giống như lũ châu chấu háu ăn. Khi những người bị nhạy cảm gluten ngưng hấp thu gluten một vài tuần, họ nhận thấy có sự cải thiện về sức khỏe tổng quát. Bỗng dưng các vấn đề về tiêu hóa và tình trạng đầy bụng của họ biến mất, họ ít bị đau đầu hoặc ít đau khớp hơn. Một số người thấy khả năng tập trung của họ tốt hơn, hoặc là ít cảm thấy mệt mỏi uể oải. Chỉ gần đây thôi các nhà nghiên cứu mới bắt đầu tìm hiểu chi tiết về chứng nhạy cảm với gluten. Hiện nay, quy trình chẩn đoán có thể được tóm tắt như sau. Triệu chứng cải thiện sau khi bắt đầu chế độ ăn không có gluten mặc dù các xét nghiệm chẩn đoán bệnh celiac cho kết quả âm tính. Các nhung mao chưa bị viêm hoặc tổn thương, nhưng dường như việc ăn quá nhiều bánh mì vẫn có thể gây tác dụng không tốt lên hệ miễn dịch. Ruột cũng có thể trở nên xốp trong một thời gian ngắn sau một đợt điều trị kháng sinh, sau khi uống quá nhiều rượu hoặc bị áp lực căng thẳng. Sự nhạy cảm với gluten do các nguyên nhân tạm thời này đôi khi có thể gây ra triệu chứng giống như chứng không dung nạp gluten thực sự. Trong những trường hợp này, kiêng ăn gluten một thời gian có thể hữu ích. Việc chẩn đoán xác định đúng bệnh đòi hỏi phải thăm khám toàn điện và làm xét nghiệm để tìm một số phân tử trên bề mặt của các tế bào huyết cầu trong máu. Ngoài các nhóm máu quen thuộc như A, B, AB và O, có nhiều chất chỉ dấu khác giúp cho việc phân loại máu người, bao gồm các chất đánh dấu DQ. Những người không thuộc nhóm DQ2 hoặc DQ8 sẽ rất ít khi bị bệnh celiac. SỰ KHÔNG DUNG NẠP LACTOSE VÀ FRUCTOSE Sự không dung nạp lactose thực ra không phải một bệnh dị ứng hay không dung nạp hoàn toàn, mà là do thiếu chất. Thế nhưng nó cũng là hậu quả của việc không thể phân hủy hoàn toàn một số chất dinh dưỡng nào đó thành các thành tố cấu tạo nên chúng. Lactose được tìm thấy trong sữa. Nó được tạo thành từ hai phân tử đường nối với nhau bởi các liên kết hóa học. Cơ thể cần một loại men tiêu hóa để phá vỡ liên kết này, thế nhưng không như những loại men khác, men này không được tiết ra từ các nhú ở ruột. Men này được tiết ra bởi các tế bào ruột non ở trên chóp của các nhung mao bé nhỏ. Lactose bị phân hủy khi nó tiếp xúc với men này trên thành ruột, tạo thành các phân tử đường đơn độc, sau đó các phân tử đường này có thể được hấp thu. Nếu men phân hủy lactose bị thiếu, chúng ta có thể bị các triệu chứng giống như chứng không dung nạp gluten hoặc nhạy cảm với gluten, bao gồm đau bụng, tiêu chảy và đầy hơi. """