"Pyotr Đại đế - Người Con Vĩ Đại Của Nước Nga - Robert K. Massie full prc pdf epub azw3 [Danh Nhân] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Pyotr Đại đế - Người Con Vĩ Đại Của Nước Nga - Robert K. Massie full prc pdf epub azw3 [Danh Nhân] Ebooks Nhóm Zalo Pyotr Đại đế - Người con vĩ đại của nước Nga Tác giả: Robert K. Massie | Người dịch: Diệp Minh Tâm Nhà xuất bản Tri thức | 04/2013 Số hóa: tudonald78 Ngày hoàn thành: 09/04/2020 Chúc các bạn đọc sách vui vẻ! MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU TÊN RIÊNG VÀ TỪ ĐẶC BIỆT[3] PHẦN MỘT Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 PHẦN HAI Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 PHẦN BA Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 PHẦN BỐN Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 PHẦN NĂM Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 LỜI KẾT PHỤ LỤC CHÚ THÍCH LỜI GIỚI THIỆU Quyển sách này trình bày cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử ngoại hạng: Pyotr I Đại đế[1] (1672-1725), là Pyotr[2] của nước Nga cũ và sau đấy là Hoàng đế của Đế quốc Nga. Là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và gần đây được nhân dân Nga bình chọn là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại, ông đã đạt thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước ông. Ông đã đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu dường như hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước Châu Âu còn lại phải nể vì. Đây là bản dịch từ quyển sách tựa đề Peter the Great: His life and World của Robert K. Massie, một nhà báo và sử gia danh tiếng nhờ những công trình nghiên cứu sử học cận đại hết sức công phu. Điểm đặc biệt của quyển sách trên thể hiện rõ tính cách chuyên nghiệp của tác giả: kết hợp lối viết phóng sự tường thuật với cách trình bày sử liệu sau khi đã tra cứu nghiêm túc và tổng hợp nguồn thông tin đa dạng. Qua văn phong hấp dẫn như tiểu thuyết cộng thêm sự phân tích tâm lý con người khúc chiết, tác giả nguyên tác trình bày một cách cặn kẽ không chỉ về cuộc đời Pyotr Đại đế mà còn về toàn bộ khung cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, địa dư của nước Nga và Châu Âu vào thế kỷ 17. Việc này giúp cho người đọc có sự hiếu biết sâu rộng về bối cảnh đất nước và con người đã dẫn đến những sự kiện và biến cố dưới triều đại của Pyotr Đại đế. Ví dụ như việc tại sao Pyotr Đại đế có chủ trương trừng trị nghiêm khắc - có người còn cho là tàn bạo - đám Cấm vệ do hành vi phản loạn không phải vì lý do chính trị, mà chỉ vì bị bỏ bê (Nhưng sự bỏ bê này có nguyên ủy của nó). Có nắm được cơ bản những bối cảnh, những mối liên hệ trước đây giữa Pyotr Đại đế và lực lượng Cấm vệ, ta mới có thể hiểu thêm về chủ trương và hành động cứng rắn của vị Sa hoàng này. Muốn hiểu được rõ con người của Pyotr Đại đế không phải là dễ, theo vài khía cạnh nào đấy. Tác giả đã phân tích tố chất đa dạng của Pyotr Đại đế: sục sôi và gan lì, vừa bao dung vừa tàn nhẫn, vừa mềm mỏng vừa cố chấp, tình cảm ở mặt này nhưng cứng rắn ở mặt khác..., nhưng cuối cùng tạo nên khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Nga. Hơn nữa, tác giả cũng vẽ ra con người lạ kỳ của Pyotr Đại đế lạ kỳ theo quan điểm phương Đông: việc tu thân của Pyotr Đại đế khá lôi thôi, việc tề gia cũng lắm vấn đề, nhưng công cuộc trị quốc và bình thiên hạ lại đạt nhiều thành tựu! Lịch sử đã dành cho Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi. Có lẽ lời khen ngợi trước tiên là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy hầu như thiếu vắng trong khắp nước Nga thời bấy giờ. Chỉ một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, nhận thức đúng đắn, rồi có quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Chẳng hạn, trong khi bao triều đại trước đều không nhận ra là nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra bên ngoài thế giới trong sáu tháng mỗi năm, không có hải quân, và cả nước Nga mãn nguyện với đội thuyền đi theo dòng nước trên sông; chỉ riêng Pyotr Đại đế nhận ra đây là những khiếm khuyết vô cùng hệ trọng trong chiến lược xây dựng kinh tế và quân sự cho đất nước ông. Chính Pyotr Đại đế đã nhận thức được công dụng diệu kỳ của một chiếc thuyền buồm không những có thể đi xuôi mà còn có thể đi ngược lại chiều gió - điều mà loại thuyền bè Nga hồi ấy không thực hiện được. Quyết tâm xây dựng cảng biển và tạo dựng nên hải quân Nga khởi phát từ tầm nhìn và nhận thức như thế. Thế là, với bao hoài bão nung nấu nhằm hiện đại hóa nước Nga nằm kề bên Tây Âu lúc ấy đã tiến bộ khá xa, Pyotr Đại đế tự mình đóng một chiếc thuyền và học cách điều khiển nó, tổ chức riêng cho mình một đội quân và tập trận thường xuyên đế cuối cùng chuyển thành đội quân tinh nhuệ hơn hẳn lực lượng nòng cốt của triều đình, tổ chức một phái bộ sứ thần đi Tây Âu đế học hỏi và tuyển chọn nhân tài về giúp cho triều đình của mình; vào vai thợ mộc học nghề ở Hà Lan để tự tay đóng một tàu chiến bắt đầu từ những súc gô thô sơ cho đến khi hạ thủy. Và còn nhiều việc làm quyết đoán nữa, như ra lệnh tịch thu chuông nhà thờ để đúc đại bác phục vụ công cuộc chống ngoại xâm mặc cho giáo hội đầy quyền uy phản đối. Hoặc đòi hỏi các tầng lớp tăng lữ, quý tộc và thương nhân – có thế lực mạnh nhất thời bây giờ - góp chi phí vào việc xây dựng hải quân; ai không làm sẽ bị tịch thu gia sản, ai kêu nài sẽ phải đóng góp thêm! Hoặc ra lệnh đàn ông Nga phải cắt râu cho gọn và tất cả người Nga phải chuyển trang phục truyền thông sang kiểu gọn nhẹ - mục đích sâu xa là để dân Nga tăng năng suất làm việc - mặc cho chống đối của giáo hội uy quyền và thói bảo thủ muốn duy trì cách sống lâu đời. Một công trình vĩ đại khác - khá điên rồ và mạo hiểm - là kiên trì tiến hành xây dựng nên thành phố Sankt-Peterburg bề thế từ bãi đầm lầy ngay cả trong những năm tháng chiến tranh, ngay cả khi vùng đất mới được chiếm từ Thụy Điển, chưa có hòa ước để hợp thức hóa là thuộc Nga vĩnh viễn, có nghĩa là Thụy Điển có quyền chiếm lại bất cứ lúc nào! Quyết tâm ấy thể hiện qua chính sách là có thể nhượng bộ Thụy Điển bất cứ điều gì ngoại trừ trả lại Sankt-Peterburg, nhằm mở một đường giao thông hàng hải và căn cứ hải quân Nga. Quyết tâm này được lưu truyền mãi về sau, với kết quả là Sankt-Peterburg vẫn đứng vững trước các cuộc tấn công của vua Karl XII của Thụy Điển, cũng như của Hoàng đế Napoléon của Pháp và Hitler của Đức Quốc xã sau này. Việc đánh giá Pyotr Đại đế có thể theo hai xu hướng. Một là cho rằng thành quả đều do cá nhân Pyotr: trong khi cả triều đình, cả giáo hội, cả các giới quý tộc và thương nhân - là những thế lực quan trọng thời bấy giờ ở Nga - không ai thiên về cải tổ và hiện đại hóa như ông (nhiều người còn chống đối, ngay cả người vợ đầu và con trai trưởng của ông). Riêng các cận thần và các cấp chỉ huy quân sự của ông chỉ thực thi sách lược và nhận mệnh lệnh của ông mà thừa hành, nên sự đánh giá càng làm nổi bật cá nhân Pyotr Đại đế trong việc biết trọng dụng nhân tài dù cho họ là người Nga hay người nước ngoài. Cũng nên ghi nhận là Pyotr Đại đế đã làm được nhiều việc nhờ ông có uy quyền tuyệt đối, có quyền ban hành luật theo ý muốn, thậm chí có quyền xử tử bất cứ ai đi ngược lại ý ông. Nếu trong một thể chế quân chủ lập hiến hoặc hệ thống dân chủ như thời nay, chỉ một cá nhân như Pyotr Đại đế hẳn sẽ không thể làm được gì nhiều trong bối cảnh xã hội nước Nga trì trệ như thế. Bằng chứng là một số cải tổ hành chính của Pyotr Đại đế, tuy có cơ sở chính đáng nhưng đã không thành công vì thái độ bảo thủ của các cấp địa phương. Xu hướng thứ hai trong việc đánh giá Pyotr Đại đế thì cho rằng, những thành tựu là do sở thích cá nhân từ thời niên thiếu, rồi vì bản thân là sa hoàng, muốn gì cũng được, nên có điều kiện từ đồ chơi đi lên trò chơi, và từ trò chơi biến ra hành động thật sự. Có nghĩa là những hành động không nằm trong chiến lược tổng thể nào để phát triển đất nước. Điều này cũng đúng, nhưng thử hỏi trong bao vua chúa khác, có mấy người từ "chơi chơi" tiến lên "làm thật" tạo thành quả như thế? Ý kiến khác là xem vai trò cá nhân của ông không phải là yếu tố quyết định, trong khi phê phán ông về chế độ độc đoán, hà khắc - đôi lúc tàn bạo - theo kiểu phong kiến. Và trong công cuộc cải tổ, ông đã làm mất đi một vài giá trị truyền thống của xã hội Nga. Rộng ra hơn, những tầng lớp thấp trong xã hội Nga, đặc biệt là nông dân, không được hưởng lợi trực tiếp từ thành quả của ông. Trái lại, họ còn khổ sở hơn vì phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu gánh nặng để xây dựng căn cứ hải quân, xây thành phố Sankt Peterburg, chi phí cho cuộc chiến với Thụy Điển... Chiều hướng đánh giá này cũng có cái lý của nó, tùy quan điểm của từng người. Chẳng hạn, có thể biện luận rằng một khi nước Nga đã trở nên hiện đại hóa thì dần dà đời sống nông dân Nga cũng được nâng cao hơn. Thật ra, chính Pyotr cũng chú trọng đến nông dân, như qua việc mang dây nho từ Pháp về trồng ở Nga, mời chuyên gia nước ngoài đến huấn luyện người Nga cách hớt lông cừu và dệt len lông cừu, nhập ngựa giống nước ngoài về nuôi, chỉ thị nông dân Nga dùng loại lưỡi liềm mới của Tây Âu có cán dài để không phải cúi người xuống khi sử dụng, v.v... Quyển sách của Robert K. Massie có thể giúp người đọc đi đến sự phán xét cho riêng mình mà không né tránh mặt tiêu cực của Pyotr Đại đế — chẳng hạn sau khi đã nhìn thấy trào lưu dân chủ ở Tây Âu vẫn không muốn để dân Nga chia sẻ quyền lực. Cộng thêm bối cảnh phong phú, tác giả còn trình bày những lập luận, ức đoán khác nhau, rồi rút ra kết luận cỏ thể được xem là thuyết phục nhất. Người đọc có quyền tin hoặc không tin tác giả, nhưng ít ra ông đã không "ba phải" mà cũng không áp đặt. Dù sao đi nữa, không ai có thể phủ nhận công lao của Pyotr Đại đế trong công cuộc xây dựng lực lượng quân sự và hiện đại hóa nước Nga, như la việc tạo dựng nên hải quân và đội thương thuyền hàng hải từ con số không: không tàu thuyền, không có công nghệ đóng tàu, không có ai biết lái tàu biển. Và còn nữa: từ "chuyện nhỏ" như thiết lập trường xóa mù chữ và dạy toán cấp cơ sở, trường kỹ thuật đào tạo thợ chuyên môn, xưởng in, cho đến việc cài tổ hành chính, hoàn thiện cơ sở pháp luật, xây dụng hệ thống đường sá, kênh đào vĩ đại, hoàn thiện Thành phố Sankt-Peterburg, nâng cao vai trò người phụ nữ, lập nên Viện Hàn lâm Khoa học, v.v... Đến đây ta mới thấy điều đặc sắc về tố chất của Pyotr Đại đế: trong khi sở thích cá nhân của ông thời thơ ấu tập trung vào vài lĩnh vực như quân sự và hàng hải nhưng khi đã là sa hoàng độc tôn và có cơ hội đi ra nước ngoài thì sự quan tâm học hỏi của ông lại trở nên bao quát. Ông đi viếng thăm đủ mọi nơi: nhà máy chế biến, xưởng cưa, nhà máy in, xưởng xe sợi, nhà máy giấy, xưởng cơ khí, viện bảo tàng, vườn thực vật, phòng thí nghiệm... Ông đến gặp gỡ và hỏi han các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, kỹ sư, nhà thiên nhiên học, người phát minh kính hiển vi, giáo sư giải phẫu học... Ông cũng học hỏi từ người hành nghề tầm thường nhất để biết cách vá quần áo của mình, đóng một đôi dép cho riêng mình, và còn tập tháo ráp đồng hồ. Khi thơ thẩn đi xem phố xá, chợ búa nước người, ông vẫn có thái độ nghiêm túc như khi đi gặp các nhà khoa học: không phải như một du khách nhàn nhã mà như du học sinh là muốn nghe, muốn thấy, muốn phân tích tại sao dân Nga quá nghèo và dân Tây Âu quá giàu. Và từ đó, du học sinh có tên giả là Pyotr Mikhailov đi đến những câu trả lời nằm ở ngoại thương, cảng biển, đội thương thuyền, ngay cả sự phóng khoáng về tôn giáo. Tức là, phân tích và kết luận của ông không phải là manh mún theo sở thích cá nhân, mà trở nên khá đồng bộ, tổng thể trong sách lược phát triển đất nước Nga. Năm 1981, quyển Peter the Great: His life and World được trao hai giải thưởng danh giá thể loại tiểu sử: Pulitzer Prize và American Book Award. Đây là một quyển sách đồ sộ, khúc chiết trong từng chi tiết, tuy cũng có phần dông dài trong việc tường thuật những điều hiển nhiên. Tác giả cũng dày công tổng hợp nhiều sử liệu, tài liệu nghiên cứu, ngay cả thư từ của nhân vật liên quan..., cuối cùng tạo nên một bức tranh hoành tráng về thời gian xuyên suốt trước khi Pyotr Đại đế ra đời và sau khi ông mất, về không gian bao trùm cả Châu Âu và một phần nước Mỹ. Mặt khác, người dịch đã sưu tầm đưa thêm một số thông tin về địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử... nhằm giúp độc giả Việt Nam dễ theo dõi nội dung, cũng để tạo thuận tiện cho độc giả khi cần tra cứu, tên địa danh và nhân vật trong sách này được giữ theo nguyên tác, trừ tên riêng của Nga, Đức, Ba Lan... được phiên âm chuẩn hơn theo ngôn ngữ gốc, và trừ một vài từ đã được Việt hóa thông dụng. DIỆP MINH TÂM TÊN RIÊNG VÀ TỪ ĐẶC BIỆT[3] (Bổ sung của người dịch) Adolphus : Gustavus Adolphus (1594-1632), Vua Thụy Điển (1611- 1632), nhà chỉ huy quân sự đại tài nhờ chiến thuật sử dụng pháo binh cơ động, phương án tấn công linh hoạt nhưng vẫn tổ chức phòng thủ chặt chẽ, và nghệ thuật tâm lý chiến truyền đạt từ người chỉ huy đến người thừa hành thấp nhất. Trong lịch sử Thụy Điển, chỉ có ông được Nghị viện Thụy Điển phong danh hiệu "Đại đế." Afrosina : người tình gốc Phần Lan của Hoàng Thái tử Aleksei. Ahmed III (1637-1736): Hoàng đế của Đế quốc Ottoman (1703-1730). Aleksei[4]: Aleksei Petrovich Romanov (1690-1718), Hoàng Thái tử, con trai trưởng của Pyotr Đại đế (được đặt tên theo ông nội). Aleksei I : Aleksei Mikhailovich Romanov (1629-1676), Sa hoàng (1645- 1676), cha của Pyotr Đại đế. Alexander Đại đế (336-323 tCN): Vua nước Macedonia (miền trung-nam Bán đảo Balkan), một trong những nhà chỉ huy quân sự tài ba nhất cổ đại, đã chinh phục các vùng bây giờ thuộc Syria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Afghanistan, Pakistan... cho đến miền tây Ấn Độ. Điểm đặc biệt của ông là lòng tôn trọng các dân tộc sống trong những vùng ông chiếm được, kể cả hòa hợp các sắc thái của họ vào quân đội của ông. Altranstadt : lâu đài ở Saxony, nơi Karl XII ép Ba Lan ký Hiệp ước Altranstadt để truất phế Vua Augustus. Amur : sông ở miền trung-bắc Châu Á, có chiều dài hơn 4.400 kilômét, chảy ra Biển Nhật Bản. Tên Amur trong tiếng Anh là theo tên gốc tiếng Nga; tài liệu Hoa văn ghi tên sông này là Hắc Long Giang. Hiện nay, gần 1.610 kilômét chiều dài sông này là biên giới giữa Nga và Trung Quốc. Anna[5]: Anna Ivanovna (1693-1740), con gái Sa hoàng Ivan V, cưới Quận công Friedrich Wilhelm xứ Courland, Nữ Hoàng đế Nga (1730-1740). Anna : Anna Petrovna (1708-1728), con gái của Pyotr Đại đế và Ekaterina I, cưới Quận công Karl Friedrich xứ Holstein Gottorp, mẹ của Hoàng đế Pyotr III. Anne (1665-1714): con gái thứ hai của Vua James II, em gái Nữ hoàng Mary II, em vợ của Vua William III, kế vị ông này lên làm Nữ hoàng Anh và Ailen (1702-1714). Antioch : thành phố ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, dưới thời Pyotr Đại đế thuộc Đế quốc Ottoman. Apraksin : Fyodor Matveyevich Apraksin (1661-1728), em trai của Pyotr Matveyevich Apraksin. Dưới triều Pyotr Đại đế là Đại tướng, Đô đốc Hải quân người Nga đầu tiên, Thống đốc Arkhangelsk (1693-1696), Thống đốc Azov (1700), Bộ trưởng Hải quân (1700-1706), Thống đốc Estonia và Karelia (1712- 1723), Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei, Bá tước, ủy viên Hội đồng Cơ mật, Thượng Nghị sĩ, ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1726). Apraksin : Pyotr Matveyevich Apraksin (1659-1728), anh của Fyodor Matveyevich Apraksin, Thống đốc Astrakhan, Thượng Nghị sĩ (1717), bị kết án âm mưu với Hoàng Thái tử Aleksei. Arkhangelsk[6]: cảng biển nằm trên Sông Bắc Dvina Tây, cách Biển Trắng gần 50 kilômét. Xem Chương 10. Astrakhan[7]: thị trấn bên bờ Sông Volga, cách Biển Caspi khoảng 70 kilômét. Augustus : Augustus Friedrich (1670-1733), Tuyển hầu tước của Công quốc Saxony (1694-1733), Vua Augustus II của Ba Lan (1697-1706) rồi được phục hồi (1709-1733). Azov : thị trấn pháo đài của Crimea, bên bờ trái của một nhánh Sông Don, cách Biển Azov khoảng 25 kilômét, từ đây thông ra Biển Đen rồi chảy ra Địa Trung Hải. Aland : Quần đảo có hòn đảo lớn nhất cùng tên, nằm ở đầu bắc của Biển Baltic, ở cửa Vịnh Bothnia, giữa Thụy Điển và Phần Lan, gồm khoảng 6.500 hòn đảo và rạn đá, hiện nay là một tỉnh của Phần Lan. Áo : xem Đế quốc La Mã thần thánh. Ba Lan : vào thời của Pyotr Đại đế thuộc về một quốc gia hợp nhất gọi là Khối thịnh vượng trung Ba Lan-Litva dưới quyền một vua duy nhất, bao gồm chủ yếu Vương quốc Ba Lan và Công quốc của Đại Công tước Litva, cộng một số công quốc nhỏ, có diện tích bao phủ hiện nay là Ba Lan và Litva, toàn bộ Belarus và Latvia, một phần của Ukraina, một phần của Estonia và một phần miền tây của Nga. Ba Tư : đế quốc vào thế kỷ 16, bao gồm toàn bộ lãnh thổ hiện giờ là Azerbaijan, Iran và Iraq, thêm phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Đến thời Pyotr Đại đế, Đế quốc Ba Tư đã suy yếu nhiều. Baku: thành phố cảng nằm bên bờ tây của Biển Caspi thuộc Đế quốc Ba Tư, bị Nga chiếm năm 1723, hiện giờ là thủ đô của nước Azerbaijan, đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Balkan : bán đảo ở đông-nam châu Âu, ba mặt giáp biển: đông giáp Biển Đen (bán đảo Crimea đối diện ở bờ bên kia), nam giáp Địa Trung Hải, tây giáp Biển Adriatic và Biển Ionian. Vào thời của Pyotr Đại đế, Đế quốc Ottoman chiếm hầu hết Bán đảo Balkan. Vì thế, trong sách này Balkan gần như đồng nghĩa với Ottoman. Bashkir: sắc tộc chủ yếu ở vùng thảo nguyên quanh rặng núi Urals, có liên hệ với Thổ về nguồn gốc và với Tatar về ngôn ngữ. Bạch Nga (tiếng Nga: …; phiên âm tiếng Anh: Belaya Rus): những vùng đất lịch sử ở Đông Âu, phía tây nước Nga, chủ yếu nằm trong Ba Lan, hiện giờ tương ứng với nước Belarus, một phần nhỏ ở Ukraina, Slovakia, miền đông Ba Lan và miền tây nước Nga. Bắc Đức : chỉ vùng ở phía bắc Đế quốc La Mã Thần thánh, gồm Pomerania thuộc Thụy Điển (trước khi Đại chiến Bắc Âu xảy ra), cộng thêm một số công quốc như Hanover, Bremen và Verden. Bender : còn được gọi là Tighina, thành phố miền tây-nam của Đế quốc La Mã Thần Thánh, nằm bên bờ tây Sông Dniester, hiện thuộc vùng đông- nam nước Moldova. Berezina: sông chảy qua Thành phố Minsk xuống phía nam hợp lưu với Sông Dniepr. Biển Baltic : biển nằm về phía đông-bắc của Châu Âu, xung quanh là Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Ba Lan, Nga... Biển Caspi : biển trong lục địa, nằm giữa Châu Á và Châu Âu (Nga). Vào thời của Pyotr, Biển Caspi ngăn cách Nga và Đế quốc Ba Tư. Biển Đen : biển trong lục địa, nằm giữa đông-nam Châu Âu và Tiểu Á, phía bắc và đông giáp Nga, Ukraina, Gruzia; phía tây giáp Romimia và Bulgaria; cả bờ nam là Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Bán đảo Crimea nằm ở bờ bắc. Vào thời của Pyotr, Biển Đen ngăn cách Nga và Đế quốc Ottoman. Biển Trắng : bi n nằm dọc bờ tây-bắc của Nga, tiếp giáp phía tây là Karelia. biệt cung: nơi cư ngụ dành riêng cho phụ nữ hoàng gia không có người hôn phối, vào thời Pyotr là tầng trên cùng của Cung điện Terem, vì thế "Terem" thường đồng nghĩa với biệt cung. Phụ nữ trong biệt cung bị hạn chế gắt gao việc tiếp xúc với bên ngoài. Sau này, Pyotr Đại đế bãi bỏ chế độ khắt khe của biệt cung. Boerhaave : Herman Boerhaave (1668-1738), người Hà Lan, Giáo sư thực vật học và y khoa, hiệu trưởng Đại học Leiden (trường đại học lâu đời nhất của Hà Lan), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, thành viên Hội Hoàng gia Anh quốc, được xem là cha đẻ của môn y khoa lâm sàng vì đã chứng minh được mối tương quan giữa triệu chứng và sự thương tổn cơ thể. Bosphorus : eo biển nối Biển Đen phía bắc với Biển Marmara phía nam. Thành phố Constantinople nằm ở đầu phía nam eo biển này. Bothnia : vịnh của Biển Baltic, nằm giữa Phần Lan bên bờ đông và Thụy Điển bên bờ tây. boyar (Nga văn: …): tước hiệu quý tộc cao của Nga, chỉ thấp hơn hoàng thân, thuộc về các dòng họ hoàng tộc cũ làm chủ những vùng đất được cha truyền con nối. Họ thường nắm giữ chức vụ trọng yếu qua hội đồng (Duma) boyar, thường có chức năng hành pháp kết hợp tư pháp. Brandenburg : công quốc nằm quanh Thành phố Berlin hiện nay, từ năm 1618 hợp nhất với Phổ để trở thành Công quốc Brandenburg-Prussia. Đến năm 1701, Đế quốc La Mã Thần thánh chấp nhận Brandenburg- Prussia la vương quốc Prussia (Phổ) dưới sự trị vì của Friedrich III, người trở thành Vua Friedrich I của Phổ. Bremen : công quốc có thành phố cảng nội địa cùng tên nằm bên Sông Weser, ở phía tây Đan Mạch, cách Biển Bắc khoảng 70 kilômét, lãnh thổ mở rộng đến Sông Elbe, vào thời Pyotr Đại đế cùng với công quốc nhỏ Verden nằm kề phía nam thuộc Thụy Điển. Vì thế, Bremen-Verden có vị trí chiến lược quan trọng do chế ngự cả hai cửa sông Weser và Elbe. Hiện nay Bang Bremen của Đức nhỏ hơn công quốc ngày xưa. Buturlin : Ivan Ivanovich Buturlin (1661-1738), Hoàng thân Phó đô đốc, chỉ huy Cảnh vệ ở Trận Narva, dưới triều Ekaterina I là Tư lệnh Cảnh vệ. Caesar: Julius Caesar (100-44 tCN): nhà lãnh đạo quân sự và chính khách La Mã, với những chiên công lan đến Anh và Pháp bây giờ, tạo ảnh hưởng cho đến ngày nay. Caesar cũng là người thắng cuộc nội chiến trong đế chế La Mã, và khởi đầu những cải tổ sâu rộng trong xã hội và cơ cấu chính phủ La Mã đương thời. Calvin : chủ thuyết thần học Cơ Đốc của John Calvin (1509- 1564), nhà thần học người Pháp trong Phong trào Cải cách, tin tưởng tuyệt đối nơi quyền hạn thiêng liêng của Chúa định sẵn số phận sống chết của con người. Tư tưởng của chủ thuyết Calvin ảnh hưởng sâu xa đến xã hội, như cho rằng sự cần kiệm là tính tốt về đạo đức. Thanh giáo bắt nguồn từ chủ thuyết Calvin. Caucasus: hoặc Caucasia, vùng núi đồi vì có dãy núi Caucasus ở cực đông-nam Châu Âu và tây-nam Châu Á, nằm giữa Biển Đen và Biển Caspi, gồm các nước hiện nay là Gruzia, Armenia và Azerbaijan cùng một phần miền nam nước Nga. Cảnh vệ, Cấm vệ và Vệ binh : ba tổ chức quân sự tương tự như Ngự lâm quân của Pháp, được ghi bằng từ ngữ khác nhau trong bản dịch này để dễ phân biệt, tuy có đặc điểm chung là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ bảo vệ triều đình ở mỗi nước. Cấm vệ (Anh văn: Streltsy, Nga văn: …) là lực lượng của Nga cho đến thời Pyotr Đại đế) sau đấy Pyotr Đại đế giải tán lực lượng này để thành lập Cảnh vệ (Anh văn: Guard). Vệ binh (Anh văn: Janissary) là lực lượng của Đế quốc Ottoman. Charlemagne Đại đế (742?-814): Vua trị vì Đế quốc miền Tây (Anh ngữ: Empire of the West) trong giai đoạn 800-814. Không bao lâu sau khi Charlemagne qua đời, đế quốc này tách ra làm hai phần: phía Tây là nước Pháp duy trì cho đến hiện nay, phía Đông là Đế quốc La Mã Thần thánh. Charles I (1600-1649): Vua nước Anh, bị xử tử vì tội phản quốc sau khi bị quân Scotland đánh bại. Charles II (1630-1685): con của Charles I, Vua cả ba nước Anh, Scotland và Alien, anh của Vua James II. Charlotte: Charlotte Christine Xứ Brunswick-Lüneburg (1694-1715), con gái của Công tước Wolfenbüttel, vợ của Hoàng Thái tử Aleksei, mẹ của Hoàng đế Pyotr II. Chiến dịch Azov : bốn chiến dịch quân sự do Nga phát động nhằm tuân thủ hiệp ước với Ba Lan được giữ Thành phố Kyyiv nên phải đánh Thị trấn-pháo đài Azov thuộc Hãn quốc Crimea, là chư hầu của Đế quốc Ottoman. Hai chiến dịch đầu do Sofia chủ trương, diễn ra trong các năm 1687 và 1689 do Golitsyn chỉ huy. Hai chiến dịch sau diễn ra trong các năm 1695 và 1696 do Pyotr đích thân cầm quân. chiến hạm : trong thời kỳ này là loại tàu chiến hạng nặng có nhiều cột buồm nên có khả năng đi biển đường dài, có nhiều đại bác. Nhỏ hơn chiến hạm là tàu khu trục. Xem thêm Chương 44. Chiến tranh Ba mươi năm (Anh ngữ: Thirty Years’ War): một loạt những trận chiến trong giai đoạn 1618-1648, diễn ra trên các lãnh thổ của người Đức. Khởi đầu, cuộc chiến chủ yếu dựa trên xung đột tôn giáo giữa các phe nhóm Thiên Chúa giáo và Tin Lành trong Phong trào Cải cách. Dần dà, cuộc chiến lan rộng giữa một bên là những hoàng thân người Đức và bên kia chủ yếu là Thụy Điển và Pháp muốn hạn chế quyền lực của Đế quốc La Mã Thần thánh. Từ cuộc chiến này, Thụy Điên chiếm được nhiều lãnh thổ của người Đức. Chiến tranh Ba mươi năm là một trong những cuộc chiến gây tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử Châu Âu. Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (Anh ngữ: War of the Spanish Succession): diễn ra trong giai đoạn 1701-1714 giữa liên minh gồm Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Hà Lan, chống lại liên quân Pháp và Tây Ban Nha cùng một số công quốc nhỏ của Ý và Đức. Lý do trực tiếp của cuộc chiến tranh này la tranh chấp về tính pháp lý của Philip V, cháu nội của Hoàng đế Pháp Louis XIV, khi kế vị ngai vàng Tây Ban Nha năm 1700. Lý do sâu xa la việc kế vị này làm thay đổi cán cân quyền lực giữa các nước liên quan. Constantinople : thủ đô của Ottoman, nằm ở đầu phía nam của Eo biển Borphorus, hiện là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Khu lịch sử của Istanbul đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Cossack (một số tài liệu Việt ngữ dùng từ "Cô-dắc"): các bộ tộc sống chủ yếu ở Ba Lan, Litva, Nga và phần Châu Á tiếp giáp. Mỗi bộ tộc Cossack sống ở vùng riêng dưới quyền một thủ lĩnh thường do người Cossack bầu ra nhưng có khi do Nga đưa lên trong số người Cossack thân Nga. Khởi đầu dưới thời của Pyotr, có hai bộ tộc chính là Cossack Ukraina dưới quyền Ivan Mazeppa và Cossack Zaporozhsky dưới quyền Konstantin Gordeenko. Cả hai đều đầu thuận Karl XII khi ông này dẫn quân Thụy Điển xâm lăng Nga. Courland: công quốc nhỏ phía nam Riga, dưới quyền của công tước, lệ thuộc vào Ba Lan, hiện giờ thuộc về nước Latvia. Công đồng : định chế quản lý giáo vụ cao nhất trong một giáo hội Kitô, đứng dưới giáo hoàng hoặc giáo chủ, thường bao gồm những nhà lãnh đạo giáo hội cấp cao (chủ yếu là tổng giám mục và giám mục). Công đồng Chính Thông giáo của Nga do Pyotr Đại đế lập ra thì có phần khác: còn gọi là Công đồng Tối cao (Nga văn:…), được tổ chức giống như một bộ của chính phủ, gồm có 11 thành viên để thay cho chức giáo chủ. Đến năm 1918, Công đồng Chính Thông giáo bị giải tán, nước Nga lại có Giáo chủ như trước. công quốc : lãnh thổ nhỏ thường dưới quyền vua hoặc hoàng đế của một nước lớn và được trị vì bởi người có tước hiệu (như bá tước, công tước, hoàng thân...), thường là cha truyền con nối nhưng có nơi do hoàng đế chỉ định. Các công quốc khác biệt nhiều về mặt tổ chức và phân chia quyền lực, ví dụ công quốc của công tước có vị thế cao hơn của bá tước, công quốc của Tuyển hầu tước có vị thế cao hơn của công tước... Công quốc mạnh có lãnh thổ rộng, quân đội hùng hậu và được nhiều quyền tự chủ nên có vị thế không thua một quốc gia có vua. Crimea: bán đảo phía đông-nam Ukraina, được nối với lục địa qua Eo đất Perekop. Vào thế kỷ 15, Hãn quốc Kim Trướng của Bạt Đô (xem Mông Cổ) tan rã thành bốn hãn quốc đứng đầu là hãn vương; một trong bốn hãn quốc này là Crimea. Vì Crimea do một sắc tộc Thổ cai trị và là chư hầu của Đế quốc Ottoman của người Thổ, nên giữa hãn quốc và đế quốc này có mối liên quan mật thiết. Hiện có bang cộng hòa tự trị Crimea thuộc nước Ukraina. Cruys: Cornelius Cruys (1655-1727), người Hà Lan, được Pyotr tuyển mộ khi viếng thăm Hà Lan trong Đại Phái bộ Sứ thần, Tư lệnh đầu tiên của Hạm đội Baltic của Nga, lên đến quân hàm cao nhất là đô đốc (1721). Danzig : thành phố ở miền bắc Ba Lan, nơi hai nhánh Sông Wistla chảy qua, hiện nay có tên Gdansk, thuộc Ba Lan. Dniepr hoặc Dnepr : sông dài 2.290 kilômét (dài thứ ba Châu Âu), chảy từ bắc xuống tây-nam Moskva, qua đầm lầy Pripet, có một đoạn trung lưu là biên giới giữa Nga và Ba Lan, gần hạ lưu chảy qua thị trấn Smolensk và Thành phố Kyyiv rồi đổ ra Biển Đen. Dolgorukov[8]: Grigory Fyodorovich Dolgorukov (1656- 1723), Hoàng thân, đại sứ Nga tại Ba Lan (1701-1721), giúp ký kết hiệp ước với Ba Lan (1701) và liên minh Narva (1704). Dolgorukov : Vasily Lukich Dolgorukov (1672-1739), Bá tước, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Nga, đại sứ Nga tại Ba Lan (1706- 1707), công sứ Nga tại Đan Mạch (1707-1720), Pháp (1721- 1722), và Thụy Điển (1725-1727), ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1728) dưới triều Pyotr II, ủng hộ Anna lên ngôi nữ hoàng đế với điều kiện quyền lực bị giới hạn, bị tử hình vì tội giả mạo chúc thư của Pyotr II. Dolgorukov : Vasily Vladimirovich Dolgorukov (16677-1746), Hoàng thân, có quan hệ anh em họ xa với Vasily Lukich Dolgorukov ghi trên[9], dẫn quân đánh dẹp nhóm Cossack phản loạn của Bulavin (1707-1708), tham gia Trận Pultowa, Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei. Tháp tùng Pyotr Đại đế trong các chuyến đi ra nước ngoài (1717-1718), nhưng khi về nước bị tước quân hàm và đi đày (1718) vì bị kết án âm mưu với Hoàng Thái tử Aleksei. Sau được Nữ Hoàng đế Ekaterina I ân xá (1724), rồi được phục hồi; được phong Nguyên soái và cử vào Hội đồng Cơ mật Tối cao (1728). Khi Pyotr II qua đời năm 1730, ông thảo những điều kiện cho Anna làm nữ hoàng đế nhưng năm 1739 bị Anna tước hết chức tước và bị đày đi Biển Trắng. Đến năm 1741, ông được Nữ hoàng Elizaveta phục hồi tất cả chức tước và được cử làm Giám đốc Học viện Quân sự. Dolgorukov : Yakov Fyodorovich Dolgorukov (1639-1720), Hoàng thân, anh của Vasily Vladimirovich Dolgorukov, sứ thần Nga đầu tiên đến Pháp (1687), sau Trận Narva bị Thụy Điển cầm tù trong 10 năm, trở về (1711) làm Thượng Nghị sĩ Thứ Nhất (Chủ tịch Thượng viện). Ông phân tích khá trung thực về thành tựu của Pyotr Đại đế. Dolgorukov : Yuri Alekseyevich Dolgorukov (7-1682), Hoàng thân, chỉ huy quân đội lập nhiều chiến công trong cuộc chiến với Ba Lan (1654-1657), khi làm Tư lệnh Cấm vệ đã bị giết trong cuộc nổi loạn của Cấm vệ năm 1682.[10] Don : sông dài gần 2.000 kilomét, bắt nguồn từ vùng đông nam Moskva, chảy về hướng nam qua thị trấn Voronezh đến thị trấn pháo đài Azov trước khi đổ ra Biển Azov. Dorpat : thị trấn ở bắc Estonia, vào thời Pyotr Đại đế nằm dưới sự kiểm soát của Thụy Điển, hiện nay có tên Tartu thuộc nước Estonia. Dresden : thành phố thủ phủ của Công quốc Saxony, có cảng trên Sông Elbe là cửa ngõ thông ra Biển Bắc, hiện giờ là thủ phủ của Bang Saxony thuộc Đức. Đại chiến Bắc Âu : cuộc chiến từ năm 1700 đến năm 1721 giữa một bên là Thụy Điển với bên kia là liên minh gồm Nga, Đan Mạch, Saxony, Ba Lan; từ 1715 có thêm Phổ và Hanover. đại tá : quân hàm này thường nắm chức vụ trung đoàn trưởng bộ binh, lữ đoàn trường Cảnh vệ, hạm trưởng trong hải quân. đặt ki: việc đóng một con tàu bắt đầu từ khâu đặt ki, tức là đặt một khuôn của đáy tàu, từ đó đóng ghép con tàu dần lên phía trên. Lễ đặt ki cho một con tàu tương đương với lễ động thổ cho một công trình xây dựng trên mặt đất. Đế quốc La Mã Thần thánh hoặc Thánh chế La Mã (Anh ngữ: Holy Roman Empire): do Giáo hoàng Leo III thành lập và cử Charlemagne làm hoàng đế. Việc này dựa trên ý tưởng làm sống lại Đế quốc La Mã miền Tây đã suy tàn từ thế kỷ VI, nhằm tạo ra đối trọng với Đế quốc Byzantine lúc bấy giờ đang kiểm soát Đế quốc La Mã miền Đông. Lãnh thổ của Đế quốc La Mã Thần thánh thay đổi theo từng thời kỳ, tùy thuộc vào tiềm lực quân sự và chính sách ngoại giao. Thời cực thịnh vào thế kỷ XI-XIII, đế quốc này trải xuyên suốt từ Biển Bắc xuống đến Địa Trung Hải, bao gồm lãnh thổ rộng lớn của các nước hiện giờ: Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền Đông nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền Tây Ba Lan, Cộng hòa Séc, và nửa phần trên của nước Ý. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVI-XVII, đặc biệt là trong Chiến tranh Ba mươi năm, Đế quốc La Mã Thần thánh đã suy yếu nhiều, do dòng họ Habsburg trị vì, đóng thủ phủ ở Wien. Vì thế trong sách này các từ "Habsburg", "Wien" và "Áo" đều chỉ Đế quốc này. Lúc đó, Hoàng đế chỉ là tước vị tượng trưng vì quyền lực thật sự là do các lãnh thổ và công quốc thành viên nắm giữ. Đế quốc La Mã Thần thánh bị giải tán năm 1806 (ứng với câu châm biếm của Voltaire để mô tả thực trạng: "không phải thần thánh, không phải La Mã, mà cũng không phải là đế quốc"). Tuy thế Đế quốc La Mã Thần thánh vẫn để lại vọng tưởng nối tiếp cho người Đức về sau. Otto von Bismarck thiết lập Đế quốc Đức năm 1871, sau này được gọi là "Đế quốc thứ Hai", và Adolf Hitler, trong khát vọng dựng lên một nước Đức hùng mạnh, tạo viễn tưởng của "Đế quốc thứ Ba." Ekaterina[11] I : Ekaterina Alekseyevna (1683/1684-1727): vợ kế của Pyotr Đại đế, Nữ Hoàng đế Ekaterina I (1725-1727). Ekaterina II : Ekaterina Alekseyevna (1729-1796): vợ của Pyotr III tức cháu dâu ngoại của Pyotr Đại đế, Nữ Đại đế (1762- 1796). Elbe : sông dài 1.170 kilômét ở miền trung Châu Âu, chảy qua các thành phố Dresden và Hamburg của Đức, nối bằng kênh với Sông Odra ở Cộng hòa Séc cùng các sông Rhine và Weser ở Đức hiện nay, rồi chảy ra Biển Bắc phía nam Đan Mạch. Elizaveta[12]: Elizaveta Petrovna (1709-1762): con gái út của Pyotr Đại đế và Ekaterina I, Nữ Hoàng đế Elizaveta của Nga (1741-1762). Estonia: vùng đất phía tây Hồ Peipus, rơi vào tay Thụy Điển năm 1645, đáng lẽ thuộc về Ba Lan theo thỏa thuận trong liên minh chống Thụy Điển, nhưng bị Nga tấn công, được giao cho Nga (1721), hiện là nước cộng hòa độc lập. Eugene (1663-1736): Hoàng thân Xứ Savoy, Đại Nguyên soái và Tổng Tư lệnh quân đội của Đế quốc La Mã Thần thánh, được xem là nhà cầm quân tài ba nhất Châu Âu vào thời này. Ông lập được nhiều chiến công lớn, kể cả trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, khi ông làm tư lệnh mặt trận nước Ý. Sau đó, ông hợp cùng Quận công Marlborough của Anh đánh bại quân Pháp. Evdokia[13]: Feodorovna Lopukhina (1669-1731), Hoàng hậu, vợ đầu của Pyotr Đại đế, mẹ của Hoàng Thái tử Aleksei. Fyodor[14] III: Fyodor Alekseyevich Romanov (1661-1682), Sa hoàng (1676-1682), con của Sa hoàng Aleksei, anh ruột của Sofia, anh cùng cha khác mẹ của Pyotr Đại đế. Frederick IV (1671-1730): Vua của Đan Mạch và Na Uy (1699), liên minh với Nga và Ba Lan để chống Thụy Điển. Friedrich Augustus : xem Augustus. Friedrich I (1657-1713): Vua đầu tiên của nước Phổ (1701- 1713), nguyên là Tuyển hầu tước Friedrich III của Công quốc Brandenburg (1688-1701). Friedrich I (1676-1751): Vua Thụy Điển (1720-1751), nguyên là Quận công Xứ Hesse, em rể của Karl XII. Friedrich II (1712-1786): Vua nước Phổ (1740-1786), được xưng tụng là Friedrich Đại đế của Phổ, con của Friedrich Wilhelm I và cháu nội của Friedrich I. Friedrich III : xem Friedrich I (1657-1713), Vua nước Phổ. Friedrich IV (1671-1702): Quận công Xứ Holstein-Gottorp, anh rể của Karl XII. Friedrich Wilhelm[15] : Quận công của Công quốc Courland, cháu của Vua nước Phổ Friedrich I, chồng của Công chúa Anna, tức con rể của Sa hoàng Ivan V (Đừng nhầm lẫn với hai nhân vật dưới đây). Friedrich Wilhelm (1620-1688): Đại Tuyển hầu tước của Brandenburg (1640-1688), tạo nền móng cho nước Phổ hùng mạnh. Friedrich Wilhelm I (1688-1740): Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm II của Brandenburg và cũng là Vua Friedrich Wilhelm I của nước Phổ (1713- 1740), con của Friedrich I. Gagarin : Matvey[16] Petrovich Gagarin (7-1721): Thống đốc Siberia, bị tử hình vì tham nhũng. George I Louis (1660-1727): Tuyển hầu tước của Hanover (từ 1698), kiêm Vua Anh và Vua Ailen (1714-1727). Xem Chương 56. Gerey : Devlet Gerey: Hãn vương của Hãn quốc Crimea. Giáo hội Chính thống Nga (Nga văn:…): bộ phận Kitô giáo dưới quyền Giáo chủ ở Moskva, được cho là bắt nguồn từ Giáo hội Báp-tít ở Kyyiv năm 988 (vì thế, lễ kỷ niệm 1.000 năm của Giáo hội diễn ra vào năm 1988). Khởi đầu, Giáo hội nằm dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ ở Constantinople, rồi dời đến Moskva năm 1326 sau khi Mông Cổ tàn phá Kyyiv. Đến năm 1448, Giáo hội Chính thống Nga trở thành độc lập khỏi Giáo chủ ở Constantinople. Năm 1700, sau cái chết của Giáo chủ Adrian, Pyotr Đại đế không đề cử giáo chủ mới như truyền thống, mà đợi đến năm 1721 mới thành lập Công đồng Tối cao để cai quản Giáo hội. Cơ cấu này được duy trì cho đến sau Cách mạng Nga năm 1917, khi đó các giám mục bầu lên giáo chủ. Golitsyn : Boris Alekseyevich Golitsyn (1654-1714), Hoàng thân, em họ của Vasily Vasilyevich Golitsyn, ủng hộ Pyotr trong cuộc tranh chấp giữa Sofia và Pyotr. Golitsyn: Dmitry Mikhailovich Golitsyn (1665-1737), Hoàng thân, Thống đốc Kyyiv và Tư lệnh quân Nga ở Saxony, Thống đốc Belgorod (1711-1718), ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1726); dưới thời Pyotr II đứng đầu Hội đồng này. Golitsyn : Mikhail Mikhailovich Golitsyn (1674-1730), Hoàng thân, em trai của Dmitry Mikhailovich Golitsyn, chỉ huy đội quân Nga tấn công quân Thụy Điển gần Molyatychy, Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei, truy kích Karl XII sau Trận Pultowa, Nguyên soái (1725). Golitsyn: Pyotr Golitsyn (1660-1722), Hoàng thân, Thống đốc Arkhangelsk, đại sứ Nga ở Đế quốc La Mã Thần thánh. Golitsyn : Vasily Vasilyevich Golitsyn (1643-1714), Hoàng thân, Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng dưới chế độ phụ chính của Sofia. Golovin : Aleksei Alekseyevich Golovin, em trai của Fyodor Alekseyevich Golovin. Golovin : Fyodor Alekseyevich Golovin (1650-1706), boyar cuối cùng của Nga, ký Hiệp ước Nerchinsk với Trung Hoa (1689), Đô đốc kiêm Nguyên soái, bá tước đầu tiên của Nga, cũng là Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei đầu tiên (1699), đại sứ thứ hai của Đại Phái bộ Sứ thần, Bộ trưởng Ngoại giao[17] không chính thức (1699-1700). Golovkin : Gavrila Ivanovich Golovkin (1660-1734), Ngoại trưởng, Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei và Bộ trưởng Ngoại giao sau Trận Narva (1700), Bá tước, ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1726). Gordon : Patrick Gordon (1635-1699), người Scotland, đại tướng, phục vụ các triều đại Sa hoàng Aleksei, Sa hoàng Fyodor, Phụ chính Sofia và Pyotr Đại đế. Grodno : thành phố cảng bên bờ Sông Neman thuộc Ba Lan, hiện có tên Hrodna thuộc Belarus. Habsburg : một hoàng tộc người Đức, được xem là một trong những hoàng tộc có thế lực nhất trong lịch sử Châu Âu cận đại. Trong giai đoạn 1440- 1806, người lãnh đạo hoàng tộc Habsburg luôn nắm ngai vàng của Đế quốc La Mã Thần thánh, cũng trị vì Bohemia và Hungary. Vì thế, trong sách này hai từ “Habsburg" và "Đế quốc La Mã Thần thánh" được dùng thay thế nhau. Hannibal: Barca Hannibal (247-182 tCN): danh tướng cổ đại, dẫn một đoàn quân vượt qua các dãy núi Pyrenees và Alpes hiểm trở rồi đánh bại quân La Mã. Cuộc hành quân được xem là một trong những chiến tích nổi bật nhất trong lịch sử cổ đại. Hanover : công quốc có thủ phủ cùng tên, nằm trong Đế quốc La Mã Thần thánh. Vào thời của Pyotr, quận công trị vì Hanover có tước hiệu Tuyển hầu tước. Hiệp sĩ Teuton : một phẩm cấp người Đức được thành lập vào cuối thế kỷ 12, đặt căn cứ ở vương quốc Phổ, với quân phục và khiên nền trắng và chữ thập màu đen, xây dựng một loạt thành trì vững chắc. Từ đây, họ tiến hành những cuộc tấn công mở rộng lãnh thổ về miền Đông. Đến thế kỷ 14, Các Hiệp sĩ Teuton trở thành một lực lượng hùng mạnh, thống trị Đông Âu và Trung Âu. Hiệp ước Nerchinsk (1689): hiệp ước đầu tiên mà Trung Hoa ký với nước ngoài, bên Nga do Fyodor Golovin ký, dưới triều Phụ chính Sofia của Nga và Hoàng đế Khang Hi của Trung Hoa, nhằm phân định lãnh thổ giữa Trung Hoa và Nga mà từ trước đến lúc bấy giờ không phân định ranh giới rõ ràng. Nga chấp nhận một vùng đất lớn ở lưu vực sông Amur thuộc chủ quyền Trung Hoa. hoàng thân : tước hiệu cao nhất của triều đình Nga, vào thời Pyotr có thể ban cho dân thường. Hoàng thân Nga thường có đất phong, nhưng ở các nước khác có thể chỉ là tước hiệu tượng trưng. Hoàng thân Công quốc Orange : tước hiệu cha truyền con nối dù không chính xác tương ứng với tên của lãnh thổ trị vì. "Orange" cũng là tên gọi vương triều ở Hà Lan bắt nguổn từ thời Trung cổ. Dù Công quốc Orange bị Hoàng đế Louis XIV sáp nhập vào Pháp năm 1672, Vua William III của Anh vẫn giữ tước hiệu Hoàng thân Công quốc Orange của Hà Lan. Hohenzollern : vương triều trị vì các nước Phổ, Đức và Romania từ thế kỷ 16, người cuối cùng là Hoàng đế Wilhelm II của Đế quốc Đức, bị lật đổ năm 1918 sau khi Đức thua trận trong Chiến tranh Thế giới I. Holstein-Gottorp : công quốc nằm giữa Đan Mạch và Đức ngày nay. Hòa ước Westphalia (Anh ngữ: Peace of Westphalia): một số hòa ước ngày 24/10/1648 nhằm chấm dứt Chiến tranh Ba mươi năm, được ký kết giữa Hoàng đế Ferdinand III của Đế quốc La Mã Thần thánh, một số hoàng thân người Đức, cùng Pháp và Thụy Điển. Hòa ước Westphalia được các sử gia ghi nhận là cột mốc bắt đầu kỷ nguyên lịch sử hiện đại. Hòa ước Nystad (1721): được ký kết giữa Nga và Thụy Điển để chấm dứt Đại chiến Bắc Âu. Thụy Điển nhượng vĩnh viễn cho Nga các miền đất vùng Baltic: Livonia, Estonia, Ingria, một phần của Karelia, và Vyborg. Nga trả lại phần Lan cho Thụy Điển, trả một khoản tiền lớn để đền bù cho Livonia, và cho Thụy Điển mua ngũ cốc miễn thuế ở Riga, Reval, va Arensburg. Hội Hoàng gia (Anh ngữ: The Royal Society): tổ chức độc lập đặt ở Thủ đô London của Vương quốc Anh, có vị thế và uy tín tương đương một viện hàn lâm, hoạt động trong các môn khoa học tự nhiên kể cả toán học và những môn ứng dụng như kỹ thuật và y khoa. Tôn chỉ của Hội Hoàng gia là hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học, củng cố các mối quan hệ khoa học với quốc tế và tạo điều kiện giao lưu giữa các nhà khoa học, tham mưu độc lập cho chính quyền Anh về các đề tài khoa học, thúc đẩy giáo dục khoa học và ý thức khoa học trong quần chúng, xuất bản các tài liệu khoa học để phổ biến trong nước và quốc tế... Ingria (tên Nga: Izhora): tỉnh nằm phía nam Sông Neva, trải dài từ cửa Sông Neva (vị trí của Sankt-Peterburg) đến thị trấn Neva. Cùng với Karelia, Ingria là mục tiêu chính mà Nga muôn chiếm lại từ Thụy Điển. Ivan : Ivan Bạo chúa hay Ivan IV (1530-1584), người đầu tiên chính thức xưng tước hiệu Sa hoàng. Từ "Ivan Bạo chúa" hoặc "Ivan Hung đế" (Anh ngữ: Ivan the Terrible) là do sử sách ghi để phán xét vị vua hung bạo này. Ivan : Ivan Đại đế hay Ivan III Vasilyevich (1440-1505), người trị vì nước Nga từ năm 1462 với tước hiệu Đại Hoàng thân. Ivan V : Ivan Alekseyevich Romanov (1666-1696), đồng-Sa hoàng (1682- 1696), anh cùng cha khác mẹ của Pyotr Đại đế, em của Sa hoàng Fyodor III. James II (1633-1701): con trai thứ ba của Vua Karl I, em của Vua Karl II, cha vợ của Vua William III, làm Vua ba nước Anh, Scotland và Alien (1685-1688), bị Vua William III lật đổ. Joachim : có tên lúc thế tục là Ivan Petrovich Savelov (1620- 1690), Giáo chủ Chính Thống giáo vào thời Pyotr Đại đế. Joseph I (1678-1711): Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh. Kalmuck : bộ tộc gốc Mông Cổ duy nhất ở Châu Âu theo Phật giáo, sông chủ yếu trong vùng Trung Á, dưới triều Pyotr Đại đế được tổ chức như là một hãn quốc. Karelia : tỉnh nằm phía bắc Sông Neva, trải dài từ cửa Sông Neva (vị trí của Sankt-Peterburg) đến thị trấn Vyborg. Cùng với Ingria, Karelia là mục tiêu chính mà Nga muốn chiếm lại từ Thụy Điển. Karelia được Hòa ước Nystad năm 1721 công nhận thuộc Nga, được sáp nhập vào Phần Lan năm 1917, rồi được Phần Lan giao lại một phần cho Nga năm 1940. Karl[18]: Karl Friedrich (1700-1739), Quận công Xứ Holstein-Gottorp, con trai người chị của Karl XII, con rể của Pyotr Đại đế (cưới Công chúa Anna, con gái của ông), cha của Hoàng đế Pyotr III. Vì lẽ Quận công Friedrich IV trị vì Holstein Gottorp là anh rể của Karl XII, còn con trai Karl Friedrich của ông này là rể của Pyotr Đại đế vương triều Nga sau này mang một phần dòng máu của kẻ thù cũ Karl XII. Karl VI (1685-1740): con của Leopold I, Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh (1711-1740) kiêm Vua Karl III của Hungary (1712-1740), anh cọc chèo của Hoàng Thái tử Aleksei. Karl XI (1655-97): Vua của Thụy Điển, cha của Karl XII. Karl XII (1682-1718): kỳ phùng địch thủ của Pyotr Đại đế Vua của Thụy Điển, con của Karl XI. Trong sách này, khi chỉ ghi "Karl" có nghĩa là Karl XII. Karlsbad hoặc Carlsbad (có nghĩa "bồn tắm của Karl"): thị trấn bên Sông Ohre, phía nam Saxony, nổi tiếng nhờ những suối nước nóng, được cho là do Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh Karl IV tìm ra, vì thế thị trấn mang tên ông, hiện nay có tên OKarlovy Vary, thuộc miền tây-nam Cộng hòa Séc. Kerch : eo biển giữa Biển Azov và Biển Đen, nơi quân Ottoman xây pháo đài trấn giữ khiến tàu Nga không thể tiến ra Biển Đen. Khovansky : Ivan Khovansky (7-1682), Hoàng thân, nhận tước hiệu boyar năm 1659, Tư lệnh Cấm vệ dưới chế độ của Phụ chính Sofia, bị Hội đồng boyar kết tội tạo phản và xử tử năm 1682 cùng với con trai. Khu Ngoại ô Đức : khu ngoại kiều có tên Nga phiên âm ra Anh ngữ là Nemetskaya Sloboda, lấy từ chữ Nga nemet có nghĩa là người Đức. Thời bấy giờ, dân Nga không thể phân biệt các dân tộc nước ngoài, nên nghĩ mọi người Tây Âu đều là người Đức. Khu này cách Kremlin 5 kilômét, nằm trên con đường giữa Moskva và Preobrazhenskoe. Xem thêm Chương 9. Kikin : Kikin Aleksandr, Bộ trưởng Hải quân, cố vấn thân cận của Hoàng Thái tử Aleksei. Königsberg: thành phố cảng biển của Công quốc Brandenburg, hiện có tên Kaliningrad, thuộc Nga. Kraków[19]: thành phố ở miền nam Ba Lan, nằm dọc bờ Sông Wistla. Trung tâm lịch sử của Kraków đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Kronstadt : pháo đài trên Đảo Kotlin ngoài khơi Thành phố Sankt-Peterburg, cách cửa sông Neva 25 kilômét, nhằm bảo vệ cửa ngõ của Sankt- Peterburg. Kronstadt đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Kurakin : Boris Ivanovich Kurakin (1676-1727), Hoàng thân, đại sứ thường trực đầu tiên của Nga ở nước ngoài, một trong những cận thần thân tín của Pyotr Đại đế, tham gia chiến dịch Azov, chỉ huy Lữ đoàn Cảnh vệ Semyonovsky ở Trận Pultowa, lần lượt làm đại sứ tại Anh, Hanover và Hà Lan trong thời gian 1708-1712, đại sứ ở Pháp trong các thời gian 1716-1722 và 1724-1727. Kyyiv[20]: thành phố thủ phủ của tỉnh Ukraina dưới thời Pyotr Đại đế; nằm bên bờ Sông Dniepr, hiện giờ là thủ đô nước Ukraina. Ladoga : hồ lớn nhất Châu Âu, nằm giữa hai tỉnh Karelia ở phía bắc và Ingria ở phía nam, xả nước vào Sông Neva chảy qua Thành phố Sankt-Peterburg. Lagercrona: Anders Lagercrona (1654-1739), Trung tướng Thụy Điển (1704). Latvia (tiếng Latvia: Latvija): vùng đất nằm giữa Estonia về hướng bắc, Litva về hướng nam, Nga về hướng đông, hiện giờ là nước độc lập. Leeuwenhoek : Antonie Philips van Leeuwenhoek (1632- 1723), người Hà Lan, được xem là cha đẻ của môn vi sinh vật học và là nhà vi sinh vật học đầu tiên, vì là người đầu tiên quan sát và mô tả các sinh vật đơn tế bào. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng kính hiển vi để mô tả sợi cơ, vi trùng, tinh trùng... Lúc sinh thời, ông tự chế được trên 400 kính hiển vi, nhưng hiện thời chỉ còn giữ lại được 9, có độ phóng đại 275 lần. Lefort hoặc Le Fort : Francis Lefort (1656-1699), người Thụy Sĩ, Đại tướng-Đô đốc, Tổng trấn Novgorod, tham gia cùng Pyotr Đại đế trong hai Chiến dịch Azov, đứng đầu Đại Phái bộ Sứ thần. Leibniz : Gottfied von Leibniz (1646-1716), Tiến sĩ luật người Đức, triết gia, nhà toán học và chính khách, được xem là một trong những nhà trí thức xuất chúng nhất trong thế kỷ 17, làm việc cho Công quốc Hanover, cũng tạo ảnh hưởng đến Pyotr Đại đế. Những công trình nghiên cứu của ông bao quát nhiều lĩnh vực: toán học, triết học, thần học, luật, ngoại giao, chính trị, vật lý... Leopold I (1640-1705): Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh (1658- 1705), kiêm Vua của Bohemia (1656-1705) và Vua của Hungary (1655-1687). Lewenhaupt : Adam Ludwig Lewenhaupt (1659-1719), Bá tước, Đại tướng bộ binh của Thụy Điên, tổng trấn quân sự ở Courland. Litva (tên theo Anh ngữ: Lithuania): phía bắc giáp với Công quốc Courland, phía đông với Nga, phía nam với Ba Lan, phía tây với Phổ; vào thời của Pyotr Đại đế nằm trong một quốc gia hợp nhất gọi là Khối Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva với Ba Lan chiếm địa vị ưu thế. Hiện nay, Litva là một nước độc lập. Livonia: nguyên là công quốc có thủ phủ là Riga, trước Đại chiến Bắc Âu là một tỉnh dưới quyền cai trị trực tiếp của Thụy Điển, hiện nay lãnh thổ tương ứng gần đúng với nước Latvia. Lutheran: chủ thuyết thần học phát sinh từ Martin Luther (1483-1546), nhà thần học người Đức đã khởi xướng Phong trào Cải cách Đức. Chủ thuyết Lutheran, dần dà phát triển thành giáo hội[21], đả kích sự suy đồi của Thiên Chúa giáo thời Trung cổ. Ví dụ, Luther cho rằng Thượng Đế, chứ không phải giáo hội, có thể tha thứ cho tội lỗi của con người. Chủ thuyết Lutheran làm lung lay sự thống trị của Thiên Chúa giáo ở Châu Âu và mở đường cho sự phát triển của giáo hội Tin Lành. lữ đoàn : đơn vị tương đương cấp trung đoàn nhưng không nằm trong sư đoàn. Các Lữ đoàn Cảnh vệ thường nằm dưới sự điều động trực tiếp của triều đình. Maria: Maria Ilyinichna Miloslavskaya (1626-1669), Hoàng hậu, vợ đầu của Sa hoàng Aleksei, sinh ra Sa hoàng Fyodor III, Sa hoàng Ivan V và Phụ chính Sofia. Marlborough: Quận công thứ Nhất John Churchill Marlborough (1650- 1722), đại tướng Anh, được xem là một trong những nhà chỉ huy quân sự tài ba nhất trong lịch sử Châu Âu. Năm 1702, được cử làm Tổng Tư lệnh liên quân Anh-Hà Lan trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Mary : Stuart Mary (1631-1660): con gái lớn của Vua Charles I của Anh, vợ của Hoàng thân William của Công quốc Orange, mẹ của Vua William III của Anh, Scotland và Alien. Mary II (1662-1694): Nữ hoàng (1689-1694) của ba nước Anh, Scotland và Alien, trị vì cùng với chồng là Vua William III. Matveyev[22]: Andrei Artamonovich Matveyev (1666-1728): con trai của Artamon Sergeyevich Matveyev, bá tước, đại sứ Nga tại Hà Lan (1699-1712) và Đế quốc La Mã Thần Thánh (1712- 1715), cũng được cử làm đặc sứ đi Pháp và Anh, thành viên Hội đồng Cơ mật (1716), Thượng Nghị sĩ và Bộ trưởng Tư pháp (1719). Matveyev : boyar Artamon Sergeyevich Matveyev (1625- 1682), cha nuôi của Natalia Naryshkina, Thủ tướng dưới triều Sa hoàng Aleksei, bị giết trong vụ nổi loạn của Cấm vệ năm 1682. Mazeppa: Ivan Stepanovich Mazeppa (1644-1709), Thủ lĩnh bộ tộc Cossack Ukraina (1702), bất mãn với Pyotr vì cho rằng binh sĩ Cossack bị bắt vào quân đội Nga, chịu sự chỉ huy và ngược đãi của tướng lĩnh Nga trong khi Nga không tuân thủ hiệp ước với Cossack là sẽ bảo vệ Cossack, vì thế hợp tác với Karl XII và mất chức Thủ lĩnh (1708). Sau này, Mazeppa được Ukraina xem là nhân vật anh hùng trong lịch sử của nước này. Mecklenburg: công quốc nằm kế Pomerania, phía bắc là Biển Baltic, phía nam là Brandenburg, hiện thuộc tỉnh Mecklenburg-Vorpommern của Đức. Medvedev : Sylvester Medvedev (tên họ thế tục là Simeon Agafonnikovich Medvedev, 1641-1691), giáo sĩ và nhà thần học, cận thần đắc lực của Phụ chính Sofia. Menshikov: Aleksandr Danilovich Menshikov (1673-1729), cận thần thân tín của Pyotr Đại đế, Đại Nguyên soái (1727), Thống đốc các tỉnh Karelia, Ingria và Estonia (1703), Bá tước của Hungary (1703), Thống đốc Sankt-Peterburg (1705), Hoàng thân của Đế quốc La Mã Thần thánh (1705), Hoàng thân Xứ Izhora (1707) của Nga, Quận công của Nga, Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei, Thượng Nghị sĩ Thứ Nhát, ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1726), nhưng cuối cùng mất hết tước vị, tài sản và huân chương. Xem thêm Chương 28. Miloslavsky : Ivan Mikhailovich Miloslavsky (7-1685), cậu của Fyodor va Sofia, thủ tướng khi Fyodor lên ngôi sa hoàng, cố vấn cho Phụ chính Sofia. Moldavia : công quốc chư hầu của Ottoman, ở phía tây Biển Đen. Nước Moldova (gọi theo tiêng Romania) hiện nay chiếm phần lớn công quốc này. Mông Cổ : Vào thế kỷ 12, Hãn vương Bạt Đô (Anh ngữ: Batu Khan), cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, đánh phá nhiều vùng ở Châu Âu từ Nga cho đến Ba Lan, Hungary, Đức, thung lũng Sông Danube..., rồi lập nên một đế quốc rộng lớn mà sử Hoa văn gọi là Hãn quốc Kim Trướng (Anh ngữ: Empire of the Golden Horde). Kim Trướng hoặc Golden Horde có nghĩa là "lều màu vàng", tên bắt nguồn từ việc người Châu Âu có ấn tượng mạnh với lều trại màu vàng của đội quân Mông Cổ dựng lên san sát nhau dọc dài bờ sông mà họ đứng bên này sông nhìn sang. Năm 1241, các đạo quân của Bạt Đô đã tiến đên gần bờ biển Adriatic, chuẩn bị tiến công tiếp Tây Âu. Bị chia rẽ và có tiềm năng quân sự yếu đuối, Tây Âu chấp nhận đợi bị nuốt chửng. Nhưng may mắn cho họ, Bạt Đô bất ngờ nhận tin người chú Đại hãn Oa Khoát Đài (Anh ngữ: Ogodei), con thứ ba của Thành Cát Tư Hãn, vừa từ trần, nên ra lệnh rút quân về miền Nam nước Nga để tham dự đại hội lập Đại hãn mới. Từ lúc ấy, quân Mông Cổ không còn trở lại với lực lượng hùng mạnh nữa, nhưng Hãn quốc Kim Trướng vẫn kiểm soát miền Nam nước Nga trong gần bốn thế kỷ cho đến cuối thế kỷ 15. Đầu thập kỷ 1400, Hãn quốc Kim Trướng được phân ra làm 4 hãn quốc nhỏ: Kazan, Astrakhan, Sibir (Siberia), và Crimea. Trong thập kỷ 1500, Sa hoàng Ivan IV tiêu diệt 3 hãn quốc đầu, riêng Hãn quốc Crimea đến năm 1783 mới bị sáp nhập vào Nga. Munnich : Burkhard Christopher von Munnich (1683-1767), kỹ sư gốc Đức, dưới thời Pyotr Đại đế làm tổng chỉ huy công trình đào Kênh Ladoga và được phong Bá tước, dưới thời Nữ Hoàng đế Anna là Nguyên soái Tổng Tham mưu trưởng quân đội (1732). Mười điều Giáo lệnh : theo Thánh Kinh là do Đức Chúa trời truyền cho Moses trên Núi Sinai, được ghi trên hai tảng đá, khi Moses dẫn dắt người Do Thái rời khỏi Ai Cập đi đến miền Đất Hứa ở Palestine (khoảng thế kỷ 13 tCN). Mười điều Giáo lệnh sau đó trở thành cơ sở cho luật pháp của Do Thái giáo. Mười hai Bàng Luật : bộ luật cổ nhất của La Mã, được chính thức ban hành bởi 10 thẩm phán trong thời gian 451-450 tCN, được ghi trên bảng làm bằng đồng hoặc gỗ, bao gồm tất cả lĩnh vực của luật pháp kèm quy định chế tài. Bộ luật này được tu chính nhiều lần nhưng vẫn giữ hiệu lực trong gần 1.000 năm. Na Uy : dưới thời Pyotr Đại đế là một tỉnh của Đan Mạch. Narva : sông chảy từ Hồ Peipus đến Thị trấn pháo đài Narva rồi chảy ra Vịnh Phần Lan. Narva: thị trấn pháo đài nằm trong Estonia, bên bờ nam của Sông Narva. Hiện giờ, Narva thuộc về nước Estonia. Naryshkin: Ivan Kyrillovich Naryshkin (7-1682), boyar, em trai của Hoàng hậu Natalia Naryshkina, bị giết trong cuộc nổi loạn của Cấm vệ năm 1682. Naryshkin: Kyril Poliyevktovich Naryshkin (1623-1691), cha của Hoàng hậu Natalia Naryshkina, tức ông ngoại của Pyotr Đại đế. Naryshkin: Lev Kyrillovich Naryshkin (1664-1705), anh của Hoàng hậu Natalia Naryshkina, sau khi Sofia bị lật đổ làm Bộ trưởng Ngoại giao nhưng có quyền hành như một thủ tướng, một trong ba Phụ chính khi Pyotr Đại đế đi Tây Âu. Natalia : Natalia Alekseyevna (1673-1716), em gái của Pyotr Đại đế (được đặt tên theo tên mẹ). Natalia: Natalia Kirillovna Naryshkina (1651-1694), Hoàng hậu, vợ Sa hoàng Aleksei, mẹ của Pyotr Đại đế. Neva: sông chảy từ Hồ Ladoga ở Shlisselburg đổ ra Vịnh Phần Lan, là ranh giới của hai tỉnh Karelia phía bắc và Ingria phía nam. Cửa sông Neva là nơi xây thành phố Sankt Peterburg. Newton: Sir Isaac Newton (1642-1727), người Anh, nhà vật lý, thiên văn học, toán học và triết gia tự nhiên, Giám đốc Sở Đúc tiền Anh quốc, Chủ tịch Hội Hoàng gia, được xem là một trong những nhà khoa học quan trọng nhất mọi thời đại. Nöteborg : xem Shlisselburg. Novgorod : tỉnh của Nga, phía nam của Tỉnh Ingria; là một trong những tỉnh biên phòng quan trọng trong giai đoạn đầu của triều đại Pyotr Đại đế và là trung tâm thương mại sầm uất. Vị thế này suy giảm sau khi Pyotr dựng nên Sankt-Peterburg. Thị trấn Novgorod qua tỉnh này nằm gần cực nam của Hồ Ilmen. Những đền đài lịch sử ở Novgorod đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nước Nga cũ (Anh ngữ: Muscovy[23] sử Hoa văn là "Nga La Tư"): tên thông dụng của Công quốc Móskva khởi đầu là vùng đất xung quanh Moskva, dần dần được mở rộng, nhất là trong hai thế kỷ 14-15, nhưng là chư hầu của Hãn quốc Kim Trướng, nên phải nộp triều cống. Trong giai đoạn này, người trị vì nước Nga mang tước hiệu Đại Vương công của Moskva (Anh ngữ: Grand Prince of Moskva). Trong triều đại của Ivan IV, Muscovy thoát khỏi sự kiểm soát của Mông cổ. Bắt đầu từ năm 1480, nước Nga không còn nộp triều cống cho Mông Cổ nữa. Đên năm 1721, Pyotr Đại đế chính thức gọi tên nước là Đế quốc Nga. Odra hoặc Oder : sông dài 912 kilômét ở miền trung-bắc Châu Âu, chảy qua Tiệp Khắc và Ba Lan hiện nay, nối với Sông Elbe qua một con kênh rồi chảy ra Biển Baltic, một đoạn hạ lưu là ranh giới giữa hai nước Đức và Ba Lan hiện nay. Osterman: Andrei Ivanovich Osterman (1686-1747), Nam tước, người gốc Đức, khởi đầu làm thông dịch cho Pyotr Đại đế, rồi tham gia đàm phán Hòa ước Nystad (1721), ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1726); dưới triều Pyotr II là người duy nhất nắm chính sách ngoại giao của Nga. Ottoman : đế quốc tồn tại từ 1299 đến 1923, vào thời Pyotr do người Thổ theo đạo Hồi trị vì, lấy Constantinople làm thủ đô. Vì thế trong sách này các từ "Thổ" và "Constantinople" được dùng để chỉ Ottoman. Xem thêm Chương 40. Patkul: Johann Reinhold von Patkul (1660-1707), nhà quý tộc Livonia, vì Livonia bị Thụy Điển chiếm mà không trao quyền hành cho giới quý tộc Lavonia nên ông luôn nỗ lực để giành lại quyền hành này, từ đó khơi dậy Đại chiến Bắc Âu. Peipus: hồ ở Estonia, xả nước ra Sông Narva, nằm giữa biên giới hai nước Estonia và Nga hiện nay. Penn : William Perm (1644-1718), nhà lãnh đạo giáo phái Quaker ở Anh, người lập nên một quần cư tín đồ Quaker ở Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Vào năm 1681, triều đình cấp cho ông một nhượng địa ở Mỹ để bù cho món nợ họ thiếu cha ông. Ông đi đến Mỹ năm 1682, lập quy hoạch và đặt tên cho Thành phố Philadelphia, rồi cai quản nhượng địa của mình một cách khôn khéo. Peterhof (Nga văn: …, có nghĩa: biệt thự của Pyotr): tên khu cung điện và vườn hoa xây riêng cho Pyotr ở Sankt-Peterburg, nhìn ra Vịnh Phần Lan, cách trung tâm Sankt-Peterburg khoảng 20 kilômét về phía tây và cách Đảo Kotlin khoảng 12 kilômét về phía nam. Có khu nhà thủy tạ tên Mon Plaisir (có nghĩa: niềm vui của tôi), được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Pháo đài Petropavlovsk (Nga văn:…): được đặt tên theo hai vị thánh Pyotr và Pavel (Anh ngữ: Peter và Paul), gồm một số công trình như Thánh đường Pyotr và Pavel (nơi các Sa hoàng Nga an nghỉ), xưởng đúc tiền, lô cốt Trubetskoy, hầm mộ, bảo tàng thành phố nhà giam nơi giam giữ tù nhân quan trọng... Phần Lan: dưới thời Pyotr Đại đế là một công quốc của Thụy Điển. Phép thánh Cuối cùng : nghi lễ dành cho người theo Chính Thống giáo, Dòng Tên... sắp chết, tương tự như Phép Xức dầu Thánh trong Thiên Chúa giáo. Bản thân Pyotr Đại đế nhận Phép thánh Cuối cùng nhiều lần trong đời: lúc đi trên Biển Trắng, vài lần lúc bệnh trở nặng rồi thuyên giảm và trở nặng lại trước khi qua đời. Phong trào cải cách (Anh ngữ: Reformation): cuộc cách mạng tôn giáo trong giáo hội Cơ Đốc ở Tây Âu vào thế kỷ 16, chấm dứt quyền năng tối thượng của giáo hoàng và khởi đầu cho các hội thánh Tin Lành. Phong trào này thay đổi toàn diện lối sống thời trung cổ ở Tây Âu, mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử hiện đại, kết quả là quyền lực và tài sản của giới quý tộc phong kiến và giáo hội Thiên chúa La Mã suy giảm, được chuyên qua các thành phần trung lưu và vương quyền. Nhiều lãnh thổ giành được độc lập về chính trị, tôn giáo và văn hóa. Cùng lúc, việc xóa bỏ hệ thống phong kiến giúp tháo gỡ những trói buộc về thương mại do giáo điều truyền thống đặt ra, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Phổ (Anh ngữ: Prussia): vùng đất từ Litva đến Ba Lan và phần lớn nước Đức hiện nay, thủ phủ là Berlin. Xem thêm Chương 43. Pomerania : vùng đất nằm giữa hai con sông Wistla và Prosnica, phía bắc Berlin, vào thời của Pyotr được chia ra cho Brandenburg và Thụy Điển, hiện nay thuộc nước Đức. Poniatowski : Stanislaus Poniatowski (1676-1762), Bá tước, nhà quý tộc Ba Lan do Vua Stanislaus phái đi theo Karl XII xâm lăng Nga rồi theo Karl đến trú thân ở Ottoman. Praskovaya: Praskovaya Fyodorovna Saltykova (1677-1723), Hoàng hậu, vợ của Sa hoàng Ivan V, tức chị dâu của Pyotr Đại đế. Preobrazhenskoe hoặc Preobrazhensky: ngôi làng cách Moskva khoảng 5 kilomet, với biệt thự nghỉ mát mùa hè cho sa hoàng. Từ một đội quân nhỏ trong trò chơi chiến tranh ở đây, Pyotr lập nên Lữ đoàn Preobrazhenskoe thuộc lực lượng Cảnh vệ. Pripet hoặc Pripyat: vùng đầm lầy pha rừng ngập nước, rộng gần 300 kilomet vuông, thuộc lưu vực Sông Pripet rộng 100.000 kilômét vuông, hiện nay nằm giữa Belarus về phía bắc và Ukraina về phía nam. Prokopovich: Feofan Prokopovich (1681-1736): Giám mục địa phận Pskov (1718), Tổng Giám mục địa phận Novgorod (1724), ủng hộ chương trình cải cách giáo hội Chính thống của Pyotr Đại đế. Pskov : tỉnh của Nga, phía tây giáp với Estonia và Latvia, phía đông giáp với Tỉnh Novgorod; được xem là một trong những tỉnh biên phòng quan trọng trong giai đoạn đầu của triều đại Pyotr Đại đế. Thị trấn Pskov của tỉnh này nằm gần cực nam của Hồ Peipus. Pushkin : Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837), nhà thơ Nga, được xem là người tạo dựng nền văn học tiếng Nga qua thơ văn, kịch nghệ, tiểu thuyết và truyện ngắn đầy anh hùng tính. Các tác phẩm về Pyotr Đại đế là hai trường ca Pultowa (1828) và Kỵ sĩ bằng đồng (1833). Pyotr: Pyotr Mikhailov, tên giả mà Pyotr sử dụng khi giấu tung tích trong chuyến đi Tây Âu và sau đấy khi lái tàu ra Biển Azov. Pyotr II: Alekseyevich (1715-1730), Hoàng đế Nga (1727- 1730), con của Hoàng Thái tử Aleksei và Charlotte, cháu nội của Pyotr Đại đế. Pyotr III : Fyodorovich (1728-1762), Hoàng đế Nga (1762), con của Karl Friedrich và Công chúa Anna (con gái của Pyotr Đại đế). Vì lẽ ông nội Friedrich IV là anh rể của Karl XII, nên từ Pyotr III trở đi vương triều Nga mang một phần dòng máu của kẻ thù cũ Karl XII của Pyotr Đại đế. Pyotr Đại đế: Pyotr Alekseyevich Romanov, tức Pyotr I (1672-1725), con của Sa hoàng Aleksei. Vợ đầu là Evdokia Feodorovna Lopukhina, có con trai là Hoàng Thái tử Aleksei, cháu nội là Hoàng đế Pyotr II. Vợ kế là Ekaterina, có con gái út là Nữ Hoàng đế Elizaveta I. Đăng quang Sa hoàng Pyotr I năm 1682, được Thượng viện trao tước vị Pyotr Đại đế và Hoàng đế năm 1721. Nhận chức vụ hạm trưởng năm 1694, quân hàm đại tá hải quân năm 1696, trung tướng và chuẩn đô đốc năm 1709, phó đô đốc năm 1714, đô đốc năm 1721. quân hàm : quân hàm sĩ quan tựu trung là 3 cấp thiếu, trung và đại cho mỗi cấp úy, tá và tướng, trên cấp tướng bộ binh có nguyên soái và đại nguyên soái; riêng các cấp tướng hải quân được dịch theo thuật ngữ Việt Nam là chuẩn đô đốc, phó đô đốc và đô đốc - nhưng có sự khác biệt: đô đốc tương đương với đại tướng. Rehnskiöld[24]: Carl Gustav Rehnskiöld (1651-1722), Nguyên soái và Bá tước Thụy Điển, Tư lệnh Kỵ binh trong đoàn quân xâm lấn Nga, bị bắt trong Trận Pultowa. Repnin: Nikita Ivanovich Repnin (1668-1726), Hoàng thân, thường giữ chức sư đoàn trưởng trong Đại chiến Bắc Âu, Tổng trấn Riga (1710), Thống đốc Livland (1719-1726), Bộ trưởng Chiến tranh (1724), được Ekaterina I thăng Nguyên soái (1725). Reval: thủ phủ của Tỉnh Estonia, bị Pyotr Đại đế chiếm rồi dùng làm căn cứ Hạm đội Baltic của Nga, hiện nay là thủ đô Tallinn của nước Estonia. Khu vực phố cổ của Tallinn đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Riga: thủ phủ của Tỉnh Livonia, nằm bên cửa Sông Dvina Bắc, hiện nay là thủ đô của nước Latvia. Trung tâm lịch sử của Riga đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Romanov : dòng họ trị vì nước Nga từ năm 1613 cho đến Cách mạng Nga năm 1917, khởi đầu là Mikhail Feodorovich. Cha của Pyotr Đại đế, Aleksei I, là người thứ hai trong dòng họ trị vì, người anh cùng cha khác mẹ Fyodor III của Pyotr Đại đế là người thứ ba, kế đến là Pyotr Đại đế. Romodanovsky : Fyodor Yuriyevich (1640-1717), bạn chơi đùa và ăn nhậu của Pyotr Đại đé; thủ lĩnh "Đám Quậy", Thống đốc Moskva, thay mặt Pyotr đế điều hành việc nước khi Pyotr đi vắng, thường đóng vai trò Sa hoàng giả. Ronne : Carl Evald Ronne, tướng kỵ binh Đức được quân đội Nga thuê. Rostov : thành phố cách Moskva khoảng 200 kilômét về hướng đông bắc. Rumyantsov: Aleksandr Ivanovich Rumyantsov (1680-1749), năm 1716 lúc còn là Đại úy Cảnh vệ và tùy viên của Pyotr, được phái đi bắt Hoàng Thái tử Aleksei đang bỏ trốn. Cưới Nữ Bá tước Maria Matveyeva, con của Bá tước Andrei Matveyev, được phong bá tước dưới triều Nữ Hoàng đế Ekaterina I. Ryswick: tên một làng vùng ngoại ô The Hague, Hà Lan, nơi đàm phán và ký kết Hòa ước Ryswick năm 1697, giữa một bên là Pháp của Louis XIV, bên kia là Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đế quốc La Mã Thần thánh, nhằm chấm dứt chiến tranh, công nhận Vua William III của Anh. Ruysch: Frederik Ruysch (1638-1731), nhà thực vật học và giải phẫu học người Hà Lan, chuyên viên giám định y khoa cho các tòa án ở Amsterdam, được phong hàm giáo sư thực vật học ở Vườn Bách thảo Amsterdam. Ông nổi tiếng toàn Châu Âu lúc sinh thời nhờ việc tạo nên những hình mẫu 3 chiều của cơ thể con người. Khi Pyotr Đại đế viếng thăm ông lần thứ nhất vào năm 1697, ông chỉ cho Pyotr cách bắt bướm và bảo quản mẫu bướm. Khi Pyotr Đại đế viếng thăm ông lần thứ hai vào nam 1717, ông bán cho Pyotr các loại hóa chất bí mật mà ông dùng đế bảo quản xác người và mẫu động vật. Nhiều mẫu vật của ông còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Sa hoàng (Nga văn: …; Anh văn: Czar hoặc Tzar): biến thể từ tước hiệu caesar của đế chế La Mã, thể hiện ý niệm sa hoàng là người trị vì thay mặt cho Thượng Đế. Tước hiệu này đã được dùng cho người đứng đầu Đế quốc Bulgaria từ thế kỷ 10 và ở Serbia giữa thế kỷ 14. Năm 1547, Ivan IV là người đầu tiên chính thức xưng tước hiệu sa hoàng của nước Nga. Sankt-Peterburg : Nga văn:…, nằm trong vùng châu thổ Sông Neva, ở đầu đông của Vịnh Phần Lan bên bờ Biển Baltic, được gọi với tên thân thương là Piter (Nga văn:…). Trung tâm thành phố được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Savoy: một công quốc do công tước trị vì, nằm giữa nước Pháp và Ý hiện nay. Saxony: một công quốc lớn do Tuyển hầu tước cai trị (Electorate) ở tây- bắc Châu Âu, chủ yếu là của người Đức gốc Saxon, có thủ phủ là Dresden. Vùng trung-đông nước Đức thống nhất hiện nay có Bang Saxony, tương ứng gần đúng với Công quốc Saxony ngày trước. Semyonovsky : ngôi làng gần làng Preobrazhenskoe. Từ đội quân thứ hai trong trò chơi chiến tranh, Pyotr Đại đế lập nên Lữ đoàn Semyonovsky thuộc lực lượng Cảnh vệ. Shafirov : Pyotr Pavlovich Shafirov (1670-1739), Thứ trưởng Ngoại giao, Bá tước đầu tiên của Nga, Hiệp sĩ Huân chương Sankt-Andrei, bị kết án tử hình rồi được giảm còn án đi đày (1723), được ân xá khi Pyotr Đại đế qua đời (1725). Shaklovity: Fyodor Leontievich Shaklovity (7-1689), Tư lệnh cấm vệ dưới chế độ Phụ chính của Sofia. Shein: Aleksei Semyonovich Shein (1662-1700), người đầu tiên mang quân hàm cao nhất của Nga là Đại Nguyên soái (sau chiến dịch Azov 1696), cũng có tước hiệu boyar, một thời giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Sheremetyev[25]: Boris Petrovich Sheremetyev (1652- 1719), Tổng Tham mưu trưởng quân đội sau Shein, Nguyên soái (1701), boyar, Bá tước (1706), Hiệp sĩ Huân chương Sankt Andrei. Shlisselburg[26]: pháo đài có tên cũ Nöteborg khi còn thuộc Thụy Điển, nằm nơi Hồ Ladoga chảy vào Sông Neva. Năm 1702, Pyotr Đại đế đánh chiếm pháo đài này rồi đổi tên là Shlisselburg (tên Nga: …, có nghĩa Pháo đài Chìa khóa), trong giai đoạn 1944-1992 mang tên Petrokreport. Silesia: vùng đất nằm dọc trung lưu và thượng lưu Sông Odra và dãy núi Sudetes, kế cận Saxony và Brandenburg, có thành phố lớn nhất là Wroclaw. Vào thời của Pyotr Đại đế, Silesia ở dưới quyền cai trị của Đế quốc La Mã Thần thánh. Hiện nằm ở miền tây-nam Ba Lan. Smolensk: thành phố ở vùng trung-tây nước Nga, nằm bên bờ Sông Dniepr (gần biên giới Nga-Belarus hiện nay), là giao điểm của các tuyến đường quan trọng, và được xem là thành trì che chắn Moskva. Sobieski: Jan III Sobieski (1624-1696), Vua của Ba Lan (1674-1696), được xem là vị vua tài giỏi cuối cùng của Ba Lan, đẩy lui quan Ottoman đang công hãm Thành phố Wien (1683). Sofia: Sofia Alekseyevna Romanova (1657-1704), Công chúa, chị ruột của Sa hoàng Fyodor III và Sa hoàng Ivan V, chị cùng cha khác mẹ của Pyotr, làm Phụ chính (1682-1689) trị vì thay mặt cho hai đồng-Sa hoàng Ivan V và Pyotr. Solon (638?-559? tCN): chính khách và nhà làm luật của thành Athens, Hy Lạp cổ, có công cải tổ xã hội, tài chính, thương mại, nông nghiệp..., được xem là cha đẻ của nền dân chủ Athens vì giảm bớt sự áp chế nô lệ và nông dân không ruộng đất. Stanislaus: Leszczynski Stanislaus (1677-1766), được Karl XII đưa lên làm Vua Ba Lan (1704-1709), năm 1733 được bầu lại làm Vua Ba Lan nhưng lại thoái vị năm 1736. Stettin: thành phố cảng phía bắc Ba Lan, thông ra Biển Baltic, vào thời của Pyotr Đại đế thuộc Thụy Điển, sau Đại chiến Bắc Âu được giao cho Phổ. Stralsund : thành phố cảng ở miền đông-bắc Đức bây giờ, dưới thời Pyotr Đại đế thuộc về Thụy Điển. Streshnev: Tikhon Nikitich Streshnev (1649-1719), người giám hộ cho Pyotr, boyar (1688), Thống đốc Moskva (1690), Thượng nghị sĩ (1711). Taganrog: cảng hải quân đầu tiên của Nga, trên bờ Biển Azov, được xây dựng ngay sau khi Pyotr chiếm được Thị trấn pháo đài Azov. Tatar: tên gọi chung các bộ tộc sống ở các miền trung và nam nước Nga, Ukraina, Đế quốc Bulgaria..., phần lớn theo đạo Hồi. Vào thế kỷ 13, tổ tiên của các bộ tộc này hợp tác với quân Mông Cổ thuộc quyền chỉ huy của Bạt Đô (xem Mông Cổ). Không giống Mông Cổ, ngôn ngữ của Tatar thuộc một nhánh của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Vì người Tatar cai trị Crimea, trong sách này hai từ "Tatar" và "Crimea" là một. tàu chiến: trong sách này, chỉ chung các loại tàu của hải quân được trang bị để chiến đấu trên mặt nước, kể cả tàu khu trục và chiến hạm. tàu khu trục : vào thế kỷ 17 là loại tàu chiến nhẹ, đi nhanh, thường có 3 cột buồm và ít hơn 40 đại bác, có thể xoay trở tốt trong vùng nước chật hẹp. Thường làm nhiệm vụ trinh sát, hộ vệ tàu buôn bạn, tấn công tàu buôn địch, hoặc vận tải hàng hậu cần... Trong hải chiến, tàu khu trục không đủ hỏa lực đế chiến đấu ở tuyến đầu của hạm đội, mà thường làm nhiệm vụ yểm trợ hạm đội. Nếu gọi là tàu khu trục nhẹ thì số đại bác thường ít hơn 20; Pyotr Đại đế khởi đầu với loại tàu này trong việc gây dựng hải quân viễn dương của Nga. Lớn hơn tàu khu trục là chiến hạm. Thanh giáo (Anh ngữ: Puritanism): xuất phát từ giáo hội Anh và chịu ảnh hưởng của chủ thuyết Calvin, vào giữa thế kỷ 16 vì có đầu óc muốn cải tổ mà tín đồ giáo phái này muốn “thanh lọc" (purify) giáo hội Anh, nên bị triều đình Anh đàn áp. Cốt lõi của Thanh giáo là hành xử theo đạo đức trong các mối liên hệ gia đình và xã hội, cùng một hệ thống quyền lực tuân thủ chặt chẽ những giáo lệnh của Thượng Đế. Cuộc đời của tín đổ Thanh giáo gắn với kỷ luật tự giác và việc tự mỗi người phán xét lấy chính mình. Thanh giáo cũng cổ vũ mạnh mẽ cho sự lao động cần cù và theo đuổi giáo dục. Nói chung, Thanh giáo không dung thứ quan niệm và lối sống có tính chống đối những thói lề áp đặt chung cho cả cộng đồng. Thổ: chỉ chung nhiều sắc tộc có ngôn ngữ thuộc hệ thống Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập sau này (xem Ottoman). Một trong những sắc tộc Thổ là Crimean Tatar cai trị Hãn quốc Crimea, và một số sắc tộc Thổ khác trị vì Đế quốc Ottoman. Vì thế trong sách này, khi đề cập đến Ottoman hoặc Crimea, tác giả thường viết gọn là Thổ. thuyền buồm : thật ra, vào thời của Pyotr Đại đế nhiều loại tàu thuyền khác đều có buồm. Từ "thuyền buồm" để chỉ loại thuyền nhẹ, có nhiều tiện nghi ăn ngủ, thường dùng đế chở vua chúa đi giải trí, thị sát, đi đường xa... Khi được trang bị đại bác để tự vệ, thuyền buồm thời này không khác tàu khu trục nhỏ là bao. thuyền galê (Anh ngữ: galley): loại thuyền chủ yếu di chuyển do sức người chèo dọc hai bên lườn, cũng thường có buồm nhưng là chức năng thứ yếu. Thuyền galê có nhiều kiểu và kích thước khác nhau. Loại thuyền galê nhỏ không lớn hơn thuyền đi trên sông rạch của ta; loại lớn có thể vượt đại dương. Xem thêm Chương 44. Thụy Điển: trước Đại chiến Bắc Âu là một đế quốc rộng lớn, ngoài phần chính quốc như hiện nay còn bao gồm Phần Lan và Karelia, Estonia, Ingria, Livonia, Pomerania, các cảng biển Stettin, Stralsund và Wismar dọc bờ biển của Bắc Đức, hai công quốc của giáo khu giám mục Bremen va Verden, cùng phần lớn các hòn đảo trên Biển Baltic. Tín đồ Cựu giáo : Vào thập kỷ 1650, Giáo chủ Nikon khởi xướng cuộc cải tổ trong giới tăng lữ, gây nên tình trạng phân hóa trong Giáo hội Chính thống ở Nga được gọi là sự ly giáo. Một số giáo dân chống đối cải tổ được gọi là "Tín đồ Cựu giáo" thuộc nhánh "Cựu giáo", thành lập nên những thể chế theo đường hướng xưa cũ của họ. Xem thêm Chương 5. Tolstoy: Pyotr Andreyevich Tolstoy (1645-1729), nhà ngoại giao nhiều mưu lược, một thời là Đại sứ Nga tại Đế quốc Ottoman, Thượng nghị sĩ (1714), Bá tước (1724), ủy viên Hội đồng Cơ mật Tối cao (1726), tổ tiên của nhà văn Lev Tolstoy. Tổng đốc Hà Lan (Anh ngữ: stadholder); nhân vật lãnh đạo trong thế kỷ 15-18 ở vùng đất hiện nay thuộc Hà Lan và Đan Mạch. Khởi đầu, họ là nhà quý tộc được cử trị vì mỗi tỉnh, nắm cả quyền hành chính lẫn chỉ huy quân đội, tương đương với tổng đốc của ta thời phong kiến. Tất cả stadholder ở dưới quyền một công tước của công quốc. Vào thế kỷ 16, các tỉnh giành độc lập từ Tây Ban Nha và lập nên nước Cộng hòa Hà Lan, các stadholder tập hợp thành một hội đồng gọi là House of Orange. Người đứng đầu hội đồng này được gọi là Hoàng thân Công quốc Orange, thực tế giống như là vua của Hà Lan. Trận Golovchina : trận đánh ngày 03/7/1708, khi Karl XII dẫn quân Thụy Điển đánh qua một đầm lầy ở khoảng giữa hai đội hình quân Nga, khiến quân Nga phải rút lui nhưng trong trật tự. Đây là cuộc giao tranh thật sự đầu tiên giữa quân Nga và quân Thụy Điển kể từ khi Karl bắt đầu xâm lăng nước Nga. Trận Hangö : trận hải chiến giữa Nga và Thụy Điển ngày 6/8/1714, là chiến thắng đầu tiên của hải quân Nga, có tầm quan trọng ngang với Trận Pultowa. Trận Lesnaya : trận đánh ngày 28/9/1708, khi Pyotr dẫn quân chặn đánh đoàn xe goòng hậu cần và quân tăng viện của Thụy Điển ở làng Lesnaya (hiện nay là Thành phố Lisna của nước Belarus). Pyotr gọi chiến thắng này là "Bà Mẹ của Trận Pultowa". Trận Narva: trận đánh ngày 20/11/1700 khi Vua Thụy Điển Karl XII dẫn 10.000 quân tấn công 40.000 quân Nga đang bao vây thị trấn pháo đài Narva lúc này đang còn trong tay Thụy Điển. Bên Nga bị đại bại. Trận Pultowa[27]: trận đánh ngày 28/6/1709 giữa hai đoàn quân chủ lực của Nga va Thụy Điển. Bên Thụy Điển bị đại bại. Trận Pultowa là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn mình của Nga và khởi đầu cho sự suy yếu của Thụy Điển. Xem Chương 37. Trubetskoy : Ivan Yurievich (1667-1750), Nguyên soái Nga, Tổng trấn Novgorod, được cho là "Boyar cuối cùng". Tu viện New Jerusalem (tên Nga:…): tu viện do Giáo chủ Nikon xây lên năm 1656 tại Thị trấn Istra, Thành phố Moskva. Tu viện Troitsky , cũng có tên là Troitsky-Sergeeva (tên Nga: …): Tu viện Chúa Ba ngôi nằm ở Thị trấn Sergiyev Posad, cách Moskva 90 kilômét về hướng đông-bắc trên đường đi đến Yaroslavl, được xây năm 1345, được xem là một trong những tu viện có ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng nhất của Nga, hiện nay mang tên Zagorsk. Tuyển hầu tước (Anh ngữ: Elector): tước hiệu của 7 hoàng thân gốc Đức (thêm 3 tổng giám mục) có đặc quyền bầu lên Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh. Mỗi Tuyển hầu tước trị vì một vùng đất gọi là Electorate, là công quốc mạnh. Ukraintsev: Emilian Ignatievich Ukraintsev (1641-1708), Bộ trưởng Ngoại giao (1689-1699), đặc sứ của Sa hoàng đến Ottoman để đàm phán và ký hiệp ước đình chiến, đi trên chiến hạm của Nga lần đầu tiên hải hành trên Biển Đen (1699), sau đấy được cử làm Đại sứ Nga tại Ottoman (1700-1706). Ulrika: Ulrika Eleonora (1688-1741), mang tên theo tên mẹ, Nữ hoàng Thụy Điển (1718-1720) kế vị Karl XII, sau đấy nhường ngôi cho chồng là Vua Friedrich I. vật liệu lấp hào : vào thời của Pyotr, thường là những khúc gỗ buộc thành từng bó mà binh sĩ bên tấn công mang theo, đi đầu để ném dưới chiến hào của quân địch, dần dần lấp đầy con hào để quân tấn công theo sau vượt qua. Verden: xem Bremen. Veselovsky : Abraham Pavlovich Veselovsky (1683-1780), đại sứ Nga ở Wien lúc Hoàng Thái tử Aleksei bỏ trốn. Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Nga văn:…): do Pyotr Đại đế thành lập ở Sankt-Peterburg ngày 22/1/1724. Nhờ chính sách trọng dụng nhân tài của Pyotr, trong thời gian đầu Viện quy tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới như hai nhà toán học Leonard Euler (nổi tiếng nhờ tìm ra những công thức và hằng số toán học mang tên ông) và Christian Goldbach (tác giả định đề Goldbach), Nicholas Bernoulli và Daniel Bernoulli (hai người con của Johann Bernoulli), Caspar Friedrich Wolff (một trong những nhà sáng lập môn phôi thai học), Karl Ernst von Baer (cũng là nhà sáng lập môn phôi thai học), nha thiên văn học Joseph-Nicolas Delisle (tác giả thang nhiệt độ và người tìm ra hố trên mặt trăng - cả hai mang tên ông); nhà vật lý Georg Wolfgang Kraft, sử gia Gerhard : Friedrich Muller... Những chuyến đi khám phá do Viện sĩ đứng đầu gồm những chuyến của Vitus Bering (đi Kamchatka, qua đó tìm ra Eo biển Bering, Biển Bering, Đảo Bering, Băng hà Bering...), và của nhà sinh vật học Peter Simon Pallas (đi Siberia, qua đó tìm ra nhiều loài động vật mang tên ông). Năm 1925, Viện được đổi tên thành "Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Xô viết", nhưng đến năm 1991 mang lại tên lúc đầu (Viện Hàn lâm Khoa học Nga). Vilna: thành phố thuộc Khối Thịnh vượng chung Ba Lan Litva, hiện nay là thủ đô của nước Litva. Vinius: Andrei Andreyevich Vinius (1641-1717), nhà hành chính công, cha người Hà Lan, mẹ người Nga, phục vụ Phụ chính Sofia và tiếp tục phục vụ Pyotr trong ngành ngoại giao, có thời gian làm Bộ trưởng Bưu điện, cũng giúp vào việc mua tàu chiến của Hà Lan, đúc đại bác, khai phá quặng mỏ... Vịnh Phần Lan : một nhánh của Biển Baltic, kéo dài từ Phần Lan (phía bắc) và Estonia (phía nam) đến Thành phố Sankt Peterburg, nơi Sông Neva đổ ra vịnh này. Volga: sông dài 3.690 kilômét, khởi nguồn từ vùng tây-bắc Moskva, chảy ngang Tsaritsyn và Astrakhan rồi đổ ra Biển Caspi. Voronezh: thị trấn trên bờ Sông Don, nằm cách gần 400 kilômét phía nam Moskva và 800 kilômét phía bắc Biển Azov, nơi Pyotr mở xưởng đóng tàu để đi đánh Azov, sau đấy được mở rộng để đóng tàu viễn dương ra Biển Azov và Biển Đen. Vozmtsyn: Prokofy Bogdanovich Voznitsyn, nhà ngoại giao Nga cuối thế kỷ 17 — đầu thế kỷ 18, Tổng trấn Bolkhov, một trong ba Đại sứ của Đại Phái bộ Sứ thần, tham dự cuộc đàm phán ở Châu Âu để giải quyết vấn đề với Ottoman. Vyborg: thị trấn ở đầu Eo đất Karelia, cách Sankt-Peterburg 120 kilômét về hướng tây-bắc, thủ phủ của Tỉnh Karelia, được Hòa ước Nystad năm 1721 công nhận thuộc Nga, được sáp nhập vào Phần Lan năm 1917, rồi được Phần Lan giao lại cho Nga năm 1940. Walachia: công quốc chư hầu của Ottoman, nằm về phía tây Biển Đen, hiện thuộc Romania. Weide: Adam Weide, Thiếu tướng, sư đoàn trưởng ở Trận Narva, tư lệnh quân Nga ở Mecklenburg lúc Hoàng Thái tử Aleksei bỏ trốn. Weser: sông dài 439 kilômét ở miền tây-bắc của nước Đức bây giờ, nối với các sông Elbe và Rhine qua hệ thông kênh, chảy ra Biển Bắc. Whitworth (1675-1725): Bá tước Charles Whitworth, đại sứ Anh tại Nga dưới triều Pyotr Đại đế ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trong quyển sách An Account of Russia as it was in the year 1710 (Tường thuật về nước Nga năm 1710), do Strawberry Hill Press xuất bản năm 1758. William (1650-1702): Hoàng thân Công quốc Orange, Tổng đốc Hà Lan, Vua William III của Anh, Scotland và Ailen (1689- 1702); con của William n và Mary Stuart, rể của Vua James II, vợ là Mary II. Wismar: thành phố cảng ở miền trung-bắc Đức bây giờ, dưới thời Pyotr Đại đế thuộc về Thụy Điển. Wistla[28]: sông dài nhất (1.090 kilômét) của Ba Lan và là một trong những sông chính ở Đông Âu, chảy qua các thành phố Krakow, Warszawa, Torun và thành phố cảng Gdansk bên bờ tây ở cửa sông, rồi đổ ra vịnh Gdansk (thuộc Biển Baltic). Wolfenbüttel: thị trấn công quốc của người Đức thuộc vùng Saxony, tồn tại trong các thế kỷ 15-18, do công tước dòng họ Brunswick trị vì. Württemberg : công quốc nhỏ của người Đức, đóng thủ phủ ở Stuttgart, vào thời của Pyotr Đại đế do công tước trị vì. Zotov : Nikita Moiseyevich Zotov (khoảng 1644-1718), thầy dạy học của Pyotr lúc thơ ấu, kế tiếp tham dự vào nhiều việc trong triều đình. PHẦN MỘT NƯỚC NGA THUỞ XƯA Chương 1 NƯỚC NGA Thành phố Moskva vào giữa thế kỷ 17 đã thể hiện nhiều nét tráng lệ. Từ trên những ngọn đồi xung quanh nhìn xuống, người ta có thể thấy hàng trăm mái vòm dát vàng nổi lên trên những ngọn cây xanh, cùng một rừng những cây thập tự giá, cũng dát vàng, vươn cao lên từ đỉnh các mái vòm này. Vào thời điểm trong ngày khi ánh mặt trời soi xuống tất cả các mái vòm, ánh sáng phản chiếu có thể khiến người ta phải nhắm mắt lại. Những bức tường vôi trắng của các ngôi nhà thờ dưới các mái vòm ấy chạy dọc dài khắp Moskva. Ở trung tâm thành phố, trên một vùng đồi không cao lắm, là khu Kremlin, với ba ngôi thánh đường tráng lệ cùng những tháp chuông bề thế những cung điện lộng lẫy, với hàng trăm ngôi biệt thự, nhà nguyện nguy nga không kém. Nằm giữa bức tường thành trắng bao bọc xung quanh, Kremlin tự nó là một thành phố thu gọn và biệt lập. Vào mùa hè, thắm đẫm giữa màu xanh ngút ngàn, thành phố Moskva trông như một công viên bao la. Nhiều ngôi biệt thự chìm lẫn giữa vườn cây và thảm cỏ, trong khi trên những dải đất trống, được tạo ra để ngăn chặn lửa phòng khi có hỏa hoạn, mọc lên những bụi hoa rực rỡ trên thảm cỏ xanh mướt. Thành phố Moskva thời này đã là một trung tâm náo nhiệt. Thương nhân, nghệ nhân và những bộ hành khác nhàn nhã đi chen lân công nhân, nông dân, tu sĩ mặc áo chùng đen và binh lính trong quân phục tươi sáng cùng giày bốt vàng. Xe đẩy, xe goòng chen chúc qua rừng người, nhưng đám đông sẵn sàng tách ra để nhường đường cho những vị quan triều đình hoặc những vị quý tộc to béo, râu ria xồm xoàm, ngồi trên lưng ngựa, đầu đội mũ lông thú dày, vận áo choàng bằng nhung hoặc bằng vải thêu lót lông thú. Ở những góc phố, các nhạc công, nghệ sĩ xiếc làm trò tung hứng hoặc nhào lộn, người điều khiển thú, đang tụ tập trổ tài để thu hút túi tiền của đám đông. Ngoài cổng mọi ngôi giáo đường, từng tốp hành khất chực chờ để mong đón nhận khoản bố thí. Trước các quán rượu, người ta có thể kinh ngạc thấy những người không mặc gì vì đã bán hết quần áo đi để lấy tiền mua rượu; vào ngày lễ hội còn có những người khác, kẻ mất người còn quần áo, nằm say mèm trên vũng bùn. Những đám đông lớn nhất tụ hội ở khu thương mại trên Quảng trường Đỏ. Quảng trường Đỏ của thế kỷ 17 hoàn toàn khác biệt với những gì yên ả, trang trọng mà người ta thấy hiện giờ. Lúc ấy, nơi này là khu thương mại ngoài trời náo nhiệt, với những thanh gỗ lát để phủ bùn, những ngôi nhà ở và nhà nguyện của Thánh đường Sankt-Basil[29] xây bằng gỗ nằm dọc theo bức tường thành Kremlin, nơi hiện nay là khu vực lăng Lenin, với những dãy dài hàng quán xây bằng gỗ hoặc đơn giản chỉ là những căn lều, chen chúc nhau trên những khu đất rộng. Hơn ba trăm năm về trước, Quảng trường Đỏ ồn ào, náo nhiệt với hoạt động đa dạng. Chủ nhân các gian hàng thi nhau cất tiếng rao bán, mời gọi người mua. Hàng hóa thuộc mọi chủng loại: gấm vóc, tơ lụa từ Ba Tư và Armenia, đồ đồng, đồ sứ, hàng sắt, hàng thiếc, đồ da, cùng mọi loại nông sản như dưa hâu, lê táo, đào mận, cà rốt, dưa chuột, hành tỏi, măng tây... xếp đầy trên ngăn kệ, trong rổ rá. Người bán hàng rong đi len lỏi cùng khắp. Nhiều người bán các loại bánh nhân thịt đựng trong cái khay treo trước ngực bằng sợi dây tròng qua cổ. Cũng có thợ may và thợ kim hoàn lặng lẽ làm việc trong gian hàng của họ. Những thợ cắt tóc tỉa râu cứ để râu tóc rơi đầy mà không quét dọn, trải qua bao năm tháng tạo nên một tấm thảm râu tóc dày trên nền nhà. Cũng có chợ trời bán đủ các món đồ cũ: quần áo, đồ nội thất và vô vàn món hàng linh tinh. Dọc theo con sông Moskva, người ta bán thú vật sống, cùng thủy sản sông bơi lội trong các thùng nước. Dọc bờ sông, từng hàng phụ nữ cúi mình giặt quần áo. Vào buổi trưa, tất cả hoạt động ngừng lại. Hàng quán đóng cửa, đường phố vắng lặng vì mọi người đều dùng bữa trưa - bữa ăn thịnh soạn nhất trong ngày. Sau đấy, mọi người chìm vào giấc ngủ trưa. Chủ nhân hàng quán nằm dài trên sạp buôn bán của họ mà ngủ. Khi màn đêm buông xuống, những đàn én bay lượn trên bầu trời Moskva sau một ngày đi kiếm ăn, còn thành phố đóng kín cửa để qua đêm. Hàng quan đóng lại sau tấm cửa dày, nhân viên bảo vệ từ trên nóc nhà đảo mắt nhìn xuống, có người còn dắt chó đi tuần trên đường phố. Vào ban đêm, ít người lương thiện dám đi ra đường phố bởi đó là lãnh địa của quân trộm cướp hoành hành bằng bạo lực sau một ngày van xin không mấy thành công. Án mạng vào ban đêm là chuyện bình thường ở Moskva thời ấy. Tuy động lực của những án mạng này phần lớn là nhằm cướp giật, nhưng do tính chất tàn bạo của kẻ phạm pháp nên ít người dân nào dám tri hô cầu cứu. Nhiều người còn không dám nhìn ra đường để biết chuyện gì đang xảy ra. Vào buổi sáng, cảnh sát thường xuyên thu nhặt xác chết dọc theo đường phố, mang đến một nơi tập trung để thân nhân đến nhận dạng. Cuối cùng, xác chết vô thừa nhận được mai táng trong một nấm mộ tập thể. Moskva vào thập niên 1670 là thành phố xây chủ yếu bằng gỗ. Nhà lớn nhỏ cho đến biệt thự đều được xây từ những súc gỗ, nhưng kiểu dáng kiến trúc, đường nét gọt đẽo và sơn phết của cửa sổ, cổng vòm, cột... tạo nên nét thẩm mỹ mà cách xây dựng bằng gạch ở Tây Âu không có. Ngay cả đường sá đều được lát gỗ thô hoặc gỗ xẻ. Kết quả là đường sá vẫn bụi mù vào mùa hè và vẫn lầy lội vào đầu xuân khi tuyết tan và mùa thu khi có mưa, luôn tạo khó khăn cho xe ngựa kéo. Vì là thành phố được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, hỏa hoạn là vấn nạn triền miên. Khi có gió to, ngọn lửa trong một trận hỏa hoạn lan từ nóc nhà này sang nóc nhà khác, cuối cùng cả khu phố có thể bị biến thành tro bụi. Vào những năm 1571, 1611, 1626 và 1671, Moskva bị thiêu hủy nặng nề do hỏa hoạn, để trơ lại nhiều khoảng rộng giữa trung tâm thành phố. Những thảm họa như thế là hiếm hoi, nhưng dân Moskva xem ngọn lửa liếm từ nhà này qua nhà khác trong khi đội chữa cháy cố giật sập những ngôi nhà kế cận để ngăn đà tiến của lửa là cảnh tượng thông thường trong đời sống của họ. Dân chúng Moskva luôn trữ sẵn gỗ để sửa chữa hoặc xây cất mới nhà cửa. Hàng nghìn súc gỗ được chất đông giữa các ngôi nhà, có lúc trữ phía sau nhà, trong hàng rào để phòng trộm cắp. Một khu chợ gỗ trữ sẵn hàng nghìn khung nhà tiền chế với nhiều kích thước khác nhau; người mua chỉ việc cho biết kích thước ngôi nhà và số phòng họ muốn. Chỉ trong một đêm, thợ xây dựng chuyên chở các súc gỗ - tất cả đều được đánh số và đóng dấu - đến lô đất, lắp ghép lại, lợp mái nhà bằng những ván gỗ, thế là chủ nhân ngôi nhà có thể dọn vào ở ngay. Những súc gô to nhất được để dành cho mục đích khác: người thợ mộc cắt ra thành từng khúc dài khoảng 2 mét, đục các thân gỗ này rồi đóng nắp lên, tạo thành quan tài. Khu Kremlin nằm trên một ngọn đồi vươn cao gần 40 mét so với sông Moskva. Trong tiếng Nga, từ "kreml" có nghĩa là "pháo đài." Kremlin là một thành trì bề thế. Hai dòng sông và một con hào sâu chạy dọc theo các bức tường của thành trì này. Tường dày 4-5 mét, cao gần 20 mét tính từ mặt nước xung quanh, tạo nên hình tam giác bao bọc lấy ngọn đồi, với chu vi khoảng 2,5 kilômét, bảo vệ một khu vực rộng gần 30 hécta. Hai mươi pháo đài vươn cao dọc bức tường, mỗi pháo đài được thiết kế để hoạt động độc lập, với cấu trúc được cho là không thể xuyên thủng. Nhưng Kremlin có thể bị xuyên thủng. Lần cuối cùng Kremlin bị vây hãm là vào đầu thế kỷ 17, kéo dài trong hai năm. Điều mỉa mai là phe vây hãm là người Nga và phe phòng thủ là người Ba Lan, những người ủng hộ Dmitry Giả mạo lúc ấy đang tạm thời ngự trên ngai vàng. Khi Kremlin cuối cùng thất thủ, người Nga xử tử Dmitry, đốt xác ông, đặt một khẩu đại bác lên mặt tường thành Kremlin rồi bắn tro thân xác của ông về hướng Ba Lan. Thông thường, Kremlin có hai chủ nhân: Sa hoàng nước Nga thuộc vương quyền và Giáo chủ Chính Thống giáo thuộc thần quyền. Mỗi vị cư ngụ trong một pháo đài riêng biệt để trị vì lĩnh vực của mình. Xung quanh những quảng trường của Kremlin là những tòa nhà hành chính, tòa án, doanh trại quân đội, nhà giặt quần áo, chuồng nuôi ngựa... Gần đấy là hoàng cung, văn phòng cùng hơn hai mươi giáo đường và nhà nguyện của Giáo hội Chính thống Nga. Ở khu trung tâm của Kremlin, trên đỉnh đồi, là bốn kiến trúc lộng lẫy: ba thánh đường và một tháp chuông. Từ thời ấy, khu trung tâm này đã được xem là trái tim của nước Nga.[30] Kiến trúc lớn nhất và có bề dày lịch sử đáng kể nhất là Thánh đường Thăng thiên (Uspensky Sobor), nơi cử hành lễ đăng quang cho tất cả sa hoàng và nữ hoàng đế nước Nga từ thế kỷ 15 cho đến hoàng đế cuối cùng ở thế kỷ 20. Thánh đường này được xây dựng năm 1479, phản ánh nhiều sắc thái kiến trúc nhà thờ của Nga, nhưng có phần khác là bên trong rộng rãi hơn nhiều so với giáo đường ở Nga thời bấy giờ. Bốn cây cột hình trụ khổng lổ chống đỡ mái vòm trung tâm hình củ hành cùng bốn mái vòm phụ nhỏ hơn mà không cần có tường kè bên trong. Cấu trúc này tạo nên không gian nền và trần thoáng đãng rất đặc trưng của nước Nga, khi mà ảnh hưởng kiến trúc Gothic chưa được biết đến ở đây. Phía bên kia Quảng trường Thánh đường trước Thánh đường Thăng thiên là Thánh đường Arkhangelsk Mikhail[31], nơi an nghỉ của các sa hoàng nước Nga. Do một kiến trúc sư người Ý xây dựng, lẽ tự nhiên là Thánh đường này chịu ảnh hưởng của kiến trúc Ý nhiều nhất. Bên trong Thánh đường là vài nhà nguyện, chen chúc giữa các nhà nguyện này là nơi lưu táng các sa hoàng nước Nga. Ở giữa một gian phòng nhỏ là ba quan tài đẽo từ đá, là nơi Sa hoàng Ivan và hai con trai của ông yên nghỉ. Những sa hoàng khác nằm dọc theo các bức tường, trong các quan tài chạm trổ bằng đồng và phủ vải nhung tím, với hoa văn bằng ngọc trai dọc theo rìa. Sa hoàng Aleksei, cha của Pyotr Đại đế cùng hai con trai, Fyodor và Ivan IV, cả hai đều là sa hoàng, yên nghỉ trong gian phòng này. Ba vị này là những sa hoàng nước Nga cuối cùng an nghỉ ở đây. Con thứ ba của Aleksei, Pyotr Đại đế đã cho xây một thánh đường mới trong một thành phố mới trên bờ biển Baltic. Pyotr và những Hoàng đế kế tiếp được lưu táng ở đây, ngoại trừ Pyotr II được lưu táng ở Kremlin và Nikolai II, Hoàng đế cuối cùng của nước Nga, xác bị tiêu hủy và chôn ở Ekaterinburg, vùng Urals[32]. Thánh đường Truyền tin[33] có kích thước nhỏ nhất trong ba thánh đường, là thánh đường duy nhất do kiến trúc sư Nga thiết kế. Đây là nhà nguyện riêng, nơi hoàng gia Nga đến hành lễ. Ở phía đông của Quảng trường Thánh đường, vươn lên khỏi ba thánh đường là ba tháp chuông xây bằng gạch và quét vôi trắng, có tên Ivan Đại đế Tháp Bono và Tháp Giáo chủ Philaret, giờ được liên kết lại thành một cấu trúc duy nhất. Phía dưới mái vòm cao nhất, cao hơn 80 mét, là từng hàng các quả chuông có kích thước khác nhau (quả lớn nhất nặng 31 tấn), được đúc bằng nhiều vật liệu khác nhau: bạc, đồng, đồng thiếc, sắt. Tiếng chuông gióng lên vào những dịp khác nhau: để triệu tập giáo dân đến hành lễ, báo giờ giấc cử hành nghi thức hoặc khai mạc lễ hội, giờ cưới hỏi hoặc tang chế, cấp báo hỏa hoạn, báo tin chiến thắng ngoài mặt trận. Những tiếng chuông đầu tiên gióng lên từ Moskva, rồi tất cả giáo đường khác tiếp nối, tạo nên âm thanh rền rĩ chấn động cả thành phố. Sau thánh đường, kiến trúc Ý ảnh hưởng đến cung điện. Năm 1487, Ivan Đại đế ra lệnh xây cung điện đầu tiên trong Kremlin, Cung điện "Nhiều mặt"[34], gọi như thế là vì mặt tường ngoài bằng đá được cắt theo nhũng khối tinh thể giống những mặt cắt của đá quý làm hàng trang sức. Đây là nơi Sa hoàng nước Nga chính thức tiếp đại sứ các nước. Khi nghi lễ như thế diễn ra, các hoàng hậu và công chúa có thể lén nhìn qua một khung cửa sổ nhỏ gần tâm trần, được phủ rèm. Năm 1499, Ivan Đại đế cho xây Cung điện Terem bằng gạch và đá gồm 5 tầng để dùng làm nơi cư ngụ của chính ông và nhiều phụ nữ hoàng gia - các bà vợ, quả phụ, chị và em gái, con gái. Tòa nhà bị cháy vài lần trong thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nhưng mỗi lần đều được sửa chữa và cải thiện tận lực. Năm gian phòng chính - tiền sảnh, phòng ngai vàng (được biết đến dưới tên "Sảnh Vàng"), phòng đọc sách, phòng ngủ và nhà nguyện riêng - có tường và sàn bằng gỗ để tránh ẩm ướt do không khí ẩm ngưng đọng thành nước trên gạch và đá. Các bức tường treo những tranh mô tả cảnh tượng trong kinh Cựu Ước và Tân Ước được thể hiện trên lụa thêu, thảm len hoặc da khắc. Có một cửa sổ ở phòng đọc sách của sa hoàng được gọi là Cửa sổ Khiếu nại. Bên ngoài là một chiếc hộp có thể được thả xuống phía dưới, những thư van nài hoặc khiếu nại được cho vào đấy, rồi được kéo lên cho sa hoàng đọc. Khuyết điểm lớn nhất của những gian phòng huy hoàng này là thiếu anh sáng. Chỉ chút ít ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua những khung cửa sổ nhỏ với hai lớp mi-ca được ngăn cách bởi những thanh chì. Ngay cả trong mùa hè, phần lớn ánh sáng trong Cung điện Terem là do những ngọn nến lập lòe đặt trong những hốc tường và dọc bờ tường. Vào giữa thế kỷ 17, ngồi trên ngai vàng là sa hoàng thứ hai của vương triều Romanov, Aleksei Mikhailovich. Xa cách với thần dân, nhân vật uy nghi này được phủ trong lớp hào quang gần như là của một vị thánh. Từ lúc nhỏ, mọi người Nga đều được giáo dục để xem sa hoàng nước Nga gần như là Thượng Đế, với những thành ngữ như "Chỉ có Thượng Đế và Sa hoàng mới biết", hoặc "Một Mặt Trời soi sáng thiên đường, Sa hoàng soi sáng trần gian”. Đất đai đều thuộc về sa hoàng, người có quyền ban phát những dải đất rộng cho nhân vật quý tộc mà ông yêu mến. Tuy thế theo nghĩa khác, đất đai là tài sản của cả gia đình dân tộc. Khi bị khiêu khích hoặc đe dọa, tất cả người Nga đều sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất Nga. Sa hoàng nước Nga được coi là người cha của dân tộc Nga. Ông cất lời phán với thần dân như thể nói chuyện với con cháu của mình và có mọi quyền lực như một người chủ gia đình có quyền đối với con cháu của mình. Dân Nga không thể tưởng tượng có sự giới hạn nào về quyền lực của sa hoàng, bởi vì trong ý nghĩ của họ, "làm thế nào quyền uy của một người cha có thể bị ai giới hạn ngoại trừ Thượng Đế?". Khi sa hoàng ban ra mệnh lệnh, thần dân tuân phục tuyệt đối với cùng lý do như khi một người cha trong gia đình ra lệnh, con cháu phải tuân theo, không thắc mắc. Trong nhiều thời kỳ, dân chúng tuân phục sa hoàng giống như nô lệ tuân phục chủ nhân của mình. Ngay cả người thuộc giới quý tộc, khi được diện kiến hoặc nhận ân sủng từ sa hoàng, phải quỳ mọp trước đấng quân vương, trán chạm xuống đất. Khi tâu lên sa hoàng, mọi thần dân đều phải sử dụng nguyên câu từ dài dòng nêu rõ tước danh chính thức của sa hoàng nước Nga; mỗi người có tước danh riêng. Khi ấy, nếu nói thiếu sót chữ nào có thể bị xem như phạm thượng, gần như là phản phúc. Mặc dù là sa hoàng, nhưng Aleksei - cha của Pyotr Đại đế - có cuộc sống như là của một tu sĩ. Nhà vua thức dậy lúc 4 giờ sáng, thay đổi trang phục rồi đi vào nhà nguyện nhỏ kế bên phòng ngủ để cầu nguyện và xem sách giáo lý trong 20 phút. Sau đấy, ông triệu một viên thị thần đi vấn an Hoàng hậu. Vài phút sau, ông đi đến phòng của Hoàng hậu rồi đưa bà đến một nhà nguyện khác đế nghe giáo sĩ giảng đạo. Trong lúc ấy, các boyar, quan chức triều đình và bộ lại đã tụ tập chờ đợi trong tiền sảnh công cộng. Khi Aleksei bước ra, họ cúi rạp người đế triều kiến, rồi báo cáo công việc của mình. Lúc 9 giờ sáng, tất cả đều tham dự buổi cầu kinh kéo dài hai giờ. Tuy nhiên, trong buổi lễ Sa hoàng thường thầm thì trao đổi với các boyar và quan chức, hành xử công việc và ban mệnh lệnh. Aleksei không bao giờ vắng mặt trong nghi lễ tôn giáo nào. Nếu ông bị bệnh, nghi lễ được cử hành gần giường bệnh cho ông. Sau buổi cầu lành, Aleksei tiếp tục công việc với các boyar và cận thần cho đến bữa ăn trưa. Một mình ông ngồi ở chiếc bàn đặt trên cao, các boyar ngồi ăn ở các bàn đặt thấp hơn dọc chân tường. Những cận thần thuộc giới quý tộc boyar phục vụ ông trong bữa ăn, sau khi đã nếm qua các món ăn và thức uống. Sau bữa ăn, Sa hoàng ngủ trong vòng ba giờ, rồi trở lại nhà nguyện cho một nghi lễ khác. Bữa ăn chiều và buổi tối có sự tham dự của hoàng gia hoặc bạn hữu thân thiết của Sa hoàng. Thú vui đặc biệt của Aleksei là nghe đọc hoặc kể những mẩu chuyện. Vào mùa hè, Aleksei rời Kremlin đến ở tại các biệt thự bên ngoài Moskva. Một trong các biệt thự này nằm ở Preobrazhenskoe, là nơi Aleksei nuôi khoảng 3.000 con chim ưng, là môn chơi thể thao mà ông ưa thích. Tuy nhiên, Aleksei dành phần lớn thời gian để hành xử công quyền và dự nghi lễ tôn giáo. Ông không bao giờ băn khoăn về quyền hạn cai tri của mình vốn được xem là trao vào tay ông một cách thiêng liêng; trong tư tưởng của mình, ông và tất cả các quân vương được Thượng Đế chọn làm vua và chỉ chịu trách nhiệm trước Thượng Đế. Khi Nghị viện Anh chặt đầu Vua Charles I của Anh năm 1649, Sa hoàng Aleksei cảm thấy sốc và cá nhân tỏ ra bất bình, đến nỗi ông trục xuất tất cả doanh nhân người Anh khỏi nước Nga - động thái khiến cho doanh nhân Hà Lan và Nga được hưởng nhiều lợi thế. Dưới quyền sa hoàng nước Nga là giới quý tộc, được chia ra khoảng 12 cấp bậc. Bậc cao nhất là boyar, được cấp đất để tưởng thưởng công trạng đã đóng góp cho triều đình. Dưới quý tộc là giới trung lưu, là nhóm nhỏ gồm thương nhân, nghệ nhân và cư dân thành thị. Dưới cùng là tầng lớp nông dân và nông nô, tạo nên số đông vượt trội của xã hội Nga thời phong kiến. Hoàn cảnh sống và phương pháp canh tác của họ tương tự tầng lớp nông nô của Tây Âu thời trung cổ. Khoảng 30-40 cơ quan khác nhau thực hiện việc công của triều đình. Nói chung, các cơ quan này làm việc kém hiệu năng, gây nhiều thất thoát, chồng chéo lẫn nhau, khó kiểm soát và nhũng lạm. Đây là bộ máy không ai có quyền kiểm soát thật sự. Sa hoàng nước Nga cai trị một đất nước rộng lớn nhất thế giới. Những bình nguyên mênh mông, những dải rừng thẳm nối tiếp nhau không dứt, những vùng hoang mạc và lãnh nguyên[35] ngút ngàn trải dài từ Ba Lan đến Thái Bình Dương. Khắp nơi trên lãnh thổ bao la này, đường chân trời đều thẳng tắp, cùng lắm là bị đứt đoạn bởi vài chỏm núi thấp và đồi thoai thoải. Rào cản thiên nhiên cho việc đi lại trên vùng bình nguyên mênh mông chỉ là những dòng sông, vốn từ lâu đời đã được biến thành một mạng lưới giao thông đường thủy nội địa. Bốn con sông lớn có chi lưu bắt nguồn từ những vùng xung quanh Moskva: ba con sông Dniepr, Don và Volga chảy xuống phía nam đổ ra Biển Đen và Biển Caspi; Sông Dvina Bắc chảy lên phía bắc và đổ ra Bắc Băng Dương vốn thường bị đóng băng. Lãnh thổ mênh mông này chỉ có lác đác cư dân. Vào lúc Pyotr sinh ra, dân số Nga chỉ có khoảng 8 triệu, gần bằng dân số của nước láng giềng Ba Lan ở phía tây, đông hơn Thụy Điển (không đến 2 triệu), vương quốc Anh (trên 5 triệu), nhưng còn kém nước đông dân nhất và hùng mạnh nhất là Pháp dưới triều đại Louis XIV (19 triệu). Một phần nhỏ số dân Nga sống trong các thị trấn cổ xưa và trong các thị trấn được sáp nhập gần đây: Kyyiv, Smolensk, Kazan và Astrakhan; phần lớn sống trong vùng nông thôn và rừng núi, nơi họ cố giật gấu vá vai từ đất, rừng và sông suối. Dù đất nước có diện tích bao la, biên giới nước Nga dưới triều đại Aleksei luôn chịu áp lực của các nước láng giềng. Ở mặt đông, dưới thời Ivan Bạo chúa và những triều đại kế tiếp, Nga đã chinh phục được đoạn trung lưu Sông Volga và Hãn quốc Kazan, mở rộng biên giới đến Astrakhan và Biển Caspi. Người Nga đã vượt qua rặng núi Urals và sáp nhập vùng đất Siberia bao la ít cư dân vào lãnh địa của sa hoàng. Những nhóm người tiền phong của Nga đã đi đến vùng bắc Thái Bình Dương và lập nên một số khu định cư hoang vắng, tuy cuộc chiến với triều đình Mãn Thanh của Trung Quốc đã buộc Nga phải rút quân từ một số tiền đồn dọc Sông Amur về nước. Ở các mặt tây và nam, Nga bị bao bọc bởi những nước thù địch vốn luôn muốn cô lập Nga khỏi bờ biển thông ra thế giới. Thụy Điển, thời đó được gọi là "Bà chủ vùng Baltic", ngăn chặn ngõ ra Tây Âu của Nga qua vùng biển này. Tiếp theo hướng tây là Ba Lan theo Thiên Chúa giáo, luôn tỏ ra thù địch với nước Nga theo Chính Thống giáo. Chỉ đến gần đây, Sa hoàng Aleksei mới chinh phục Smolensk từ Ba Lan, tuy thành trì này chỉ nằm cách Moskva có 240 kilômét. Chỉ đến giai đoạn cuối trong triều đại của mình, Sa hoàng Aleksei mới lấy lại từ Ba Lan Thành phố Kyyiv quý giá, được xem là mẹ của tất cả thành phố Nga và là cái nôi của Chính Thống giáo Nga. Kyyiv và vùng đất màu mỡ nằm dọc hai bờ đông và tây của Sông Dniepr là nơi người Cossack sinh sống, sắc tộc này là những người theo Chính Thống giáo, khởi đầu là người sống lang bạt, lục lâm thảo khấu và người chán ghét cuộc sống phiền hà trong nước Nga xưa cũ nên bỏ ra vùng biên giới. Họ tập hợp nên những đội kỵ binh rồi trở thành người tiền phong đi khai phá đất hoang, lập nên trang trại, làng mạc và thị trấn ở miền bắc Ukraina. Dần dà, họ tiến thêm về hướng nam, nhưng vẫn còn cách Biển Đen khoảng 500-600 kilômét. Vùng đất nằm giữa nơi định cư của dân Cossack và Biển Đen - vùng đồng cỏ đất thịt đen ở miền nam Ukraina - còn hoang vu. Trong vùng này, cỏ mọc cao đến nỗi đôi lúc chỉ thấy đầu và vai của người cưỡi trên lưng ngựa di chuyển trên đồng cỏ. Vào thời của Aleksei, sắc tộc Tatar ở Hãn quốc Crimea - chư hầu của Đế quốc Ottoman - đến đây để săn bắn hoặc lùa gia súc đến cho ăn cỏ. Vũ trang với cung tên và mã tấu, họ cũng thường xâm nhập lên phía bắc đế cướp bóc làng mạc của Nga và Ukraina, đôi lúc tấn công một thị trấn và bắt toàn bộ cư dân đi làm nô lệ. Những cuộc tấn công này mang hàng nghìn nô lệ Nga mỗi năm đến bán cho các chợ nô lệ ở Đế quốc Ottoman, tạo nên nỗi nhục nhã và ưu phiền cho các sa hoàng ớ Kremlin. Nhưng cho đến lúc bấy giờ, không triều đình Nga nào có thể làm gì được. Tệ hơn nữa, vào những năm 1382 và 1571, sắc tộc Tatar còn cướp bóc và đốt phá ngay cả Moskva. Bên ngoài thành phố Moskva chủ yếu là những cánh đồng và rừng cây mênh mông. Trong nhiều thế kỷ, rừng cung cấp cho dân Nga mọi thứ họ cần dùng trong cuộc sống: gỗ để xây dựng, làm củi đốt và sưởi ấm, rêu để đắp tường, vỏ cây để làm giày, lông thú làm trang phục, sáp làm nến, cùng thịt, mật ong, dâu dại và nấm cho bữa ăn... Phần lớn thời gian trong năm luôn có tiếng búa rìu đốn gỗ. Vào mùa hè, từng đoàn người sục sạo đi hái nấm và quả dại như dâu và mâm xôi. Người dân Nga thích đời sống cộng đồng. Họ không thích sống cô lập sâu trong rừng, chống chọi với chó sói và gấu rừng. Thay vào đấy, họ sống thành những ngôi làng nhỏ ở bìa rừng, bờ hồ hoặc dọc bờ sông nước chảy hiền hòa. Nga là một đế quốc bao gồm những làng mạc như thế: chìm khuất ở cuối con đường bụi đất, bao bọc xung quanh là đồng cỏ, một nhà thờ nằm giữa những ngôi nhà gỗ phần lớn chỉ có một gian phòng nhưng không có ống khói. Khói từ bếp củi lan khắp nhà, thoát ra ngoài qua khe hở giữa các súc gỗ làm vách. Vì thế, mọi thứ và mọi người trong nhà đều bị bám bồ hóng đen đúa. Cũng vì thế nước Nga có nhiều nhà tắm công cộng. Ngay cả ngôi làng nhỏ nhất cũng có nhà tắm công cộng với nước nóng để mọi người đến cọ rửa thân thể cho sạch, rồi bước ra ngoài trần trụi - thậm chí trong mùa đông – để gió làm khô người. Dân quê Nga thường mặc áo may bằng vải thô với một sợi dây buộc lại ở thắt lưng. Hai ống quần rộng được bó lại ở cổ chân, hoặc được túm vào đôi giày cao cổ khi họ mang giày. Họ thường cắt tóc cao đến tận vành tai và thường đội mũ lông thú trong mùa đông lẫn mùa hè. Từ lúc được rửa tội, họ đeo một cây thánh giá quanh cổ cùng một chiếc túi nhỏ đựng tiền. Ít có dân tộc nào trên thế giới có cuộc sống hài hòa với thiên nhiên như dân tộc Nga. Mùa đông đến rất sớm: vào tháng 9, Mặt Trời lặn vào lúc 4 giờ chiều và những cơn mưa giá lạnh đổ xuống. Sương giá cũng đến nhanh; tuyết bắt đầu rơi trong tháng 10. Chẳng bao lâu, mọi vật đều chìm ngập dưới bức màn trắng xóa: đất, sông hồ, đường sá, cánh đồng, cây cối, nhà cửa. Thiên nhiên trông hùng vĩ nhưng cũng khắc nghiệt. Vào những ngày trời u ám, người ta không thể phân biệt rõ giữa bầu không gian và mặt đất. Khi Mặt Trời tỏa sáng, bầu trời trong xanh một cách huy hoàng, mắt người nhận ra dường như cả triệu viên kim cương lấp lánh trên nền tuyết. Sau mùa đông kéo dài hơn 5 tháng, mùa xuân chỉ kéo dài trong vài tuần. Trên mặt đất, tuyết tan gây nên bùn lầy, một biển bùn mênh mông mà người và súc vật kéo xe phải khốn khổ để vượt qua. Rồi bùn lầy khô đi, những mầm non đầu tiên của cây cỏ xuất hiện. Rừng cây và đồng cỏ trở lại sinh động với màu xanh ngút ngàn. Thú rừng và chim chóc xuất hiện trở lại. Ở Nga, khi mùa xuân về, người ta chào đón và mừng vui nhảy múa ca hát một cách vô cùng hứng khởi mà các dân tộc ở những vùng ấm hơn không thể hiểu nổi. Ngày 1/5 là ngày lễ hội từ nghìn xưa, có ý nghĩa hồi sinh và trù phú, khi dân chúng khiêu vũ hoặc đi lang thang trong rừng. Trong khi giới trẻ sôi động, người già cảm ơn Thượng Đế đã cho họ nhìn thấy lần nữa vinh quang của cuộc đời. Mùa hè đến nhanh tiếp sau đấy. Không gian trở nên nóng bức, ngột ngạt vì bụi mù, nhưng bầu trời trở nên đáng yêu, đất bình yên trải rộng đến chân trời. Có những buổi bình minh tinh khiết, những bóng râm hoặc bờ sông mát mẻ, những đêm với gió nồng ấm. Vào tháng 9, đêm kéo dài chỉ vài giờ. Nước Nga là mảnh đất khó khăn vì khí hậu khắc nghiệt, nhưng ai đi qua đấy đều cảm thấy sự cuốn hút một cách sâu sắc. Không người Nga nào có thể tìm được sự an bình trong tâm hồn ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chương 2 THỜI THƠ ẤU CỦA PYOTR ĐẠI ĐẾ Vào tháng 3/1669, khi Sa hoàng Aleksei đã 40 tuổi, người vợ đầu tiên của ông - Hoàng hậu Maria Miloslavskaya - qua đời trong khi thực hiện nhiệm vụ thiết yêu cho vương triều: chức năng sinh nở. Nhà vua tiếc thương bà sâu đậm, và những người thân của bà trong dòng họ Miloslavsky cũng đau khổ không kém: cùng với sự ra đi của bà là sự đi xuống của quyền thế vốn gắn liền với cuộc hôn nhân giữa bà và Sa hoàng. Giờ đây, qua dòng lệ khóc thương cho đứa em và đứa cháu, họ ngóng trông, lo lắng. Vị thế chông chênh của họ còn tệ hại hơn ở chỗ, mặc dù với bao nỗ lực, Hoàng hậu Maria không thể để lại một người con nối dõi nào cho dòng họ Miloslavsky. Trong 21 năm chung sống với Aleksei, Maria (lớn hơn Sa hoàng 4 tuổi) đã cố gắng hết mức: sinh ra mười ba người con - năm trai và tám gái - trước khi qua đời cố sinh người con thứ mười bốn. Trong số năm con trai chỉ còn hai: Hoàng Thái tử Fyodor, lên 10, có thể chất yếu ớt, trong khi Hoàng tử Ivan lên 3, gần như bị mù và mang dị tật về phát âm. Nếu cả hai qua đời trước hoặc ngay sau khi Sa hoàng Aleksei mất đi, việc kế vị ngai vàng sẽ bị trống vắng và không ai biết nhân vật nào sẽ kế vị. Tóm lại, cả nước Nga, ngoại trừ dòng họ Miloslavsky, đều mong mỏi Sa hoàng Aleksei phải nhanh chóng tái hôn. """