" Ông Ibrahim Và Những Đóa Hoa Coran - Éric - Emmanuel Schmitt full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ông Ibrahim Và Những Đóa Hoa Coran - Éric - Emmanuel Schmitt full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] Ebooks Nhóm Zalo ÔNG IBRAHIM VÀ NHỮNG ĐÓA HOA CORAN —★— Tác giả: Éric-Emmanuel Schmitt Người dịch: Nguyễn Đình Thành Nhã Nam phát hành NXB Văn Học annie_tuongminh 16-12-2018 ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ ÉRIC-EMMANUEL SCHMITT sinh năm 1960 tại Lyon (Pháp). Ông viết cuốn sách đầu tiên vào năm 11 tuổi, và vở kịch đầu tiên vào năm 16 tuổi. Ông đã học Đại học Sư phạm phố Ulm, bảo vệ luận án tiến sĩ triết học năm 1986, sau đó làm giảng viên triết học. Éric-Emmanuel Schmitt đã xuất bản hàng chục tác phẩm được đánh giá cao. Các tác phẩm khác của Éric-Emmanuel Schmitt do Nhã Nam xuất bản: Nửa kia của Hitler Chàng sumo không thể béo Một ngày mưa đẹp trời Oscar và bà áo hồng Một mối tình ở điện Élysée Con của Noé Một con phố nhỏ có tên là Màu Xanh nhưng lại không xanh, giữa Paris vào những năm 1960. Bị mẹ bỏ rơi từ khi mới ra đời, Moïse, một thiếu niên Do Thái mười một tuổi chật vật xoay sở với cuộc sống thiếu thốn tình yêu bên ông bố khắc nghiệt. Những vật lộn trong đời đã đưa cậu đến với ông Ibrahim, chủ của hàng tạp hoá, một tín đồ Hồi giáo mật tông. Để rồi những bông hoa trong cuốn kinh Coran của ông Ibrahim nở rộ trong tâm hồn cậu và lan toả đến mọi người. Không chỉ thể hiện một góc nhìn giản dị và hồn hậu về ý nghĩa của tôn giáo, cuốn sách còn chứa đựng nhiều suy ngẫm về tình bạn, về lòng bao dung, về nghị lực sống của con người trước những thử thách của cuộc đời. “Một câu chuyện đẹp và hồn hậu, đầy ánh sáng và sự khoan dung […] Giống như một câu chuyện cổ tích Ả Rập trong Ngàn lẻ một đêm đang thì thầm bên gối bạn.” • TÉLÉRAMA “Một câu chuyện đầy xúc động: một già một trẻ, một tín đồ Hồi giáo mật tông và một thiếu niên Do Thái, hai con người quấn quýt với nhau để cùng chia sẻ những ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.” • LE FIGARO “Một câu chuyện giản dị nhưng đầy tính nhân văn […] Ta cười, ta khóc, thật diệu kỳ!” • PARIS-MATCH Mười một tuổi, tôi đập lợn để đi chơi gái. Con lợn của tôi là một con lợn tiết kiệm bằng sứ tráng men bóng loáng, màu bãi nôn, với một cái khe cho phép nhét tiền vào nhưng không lấy ra được. Bố tôi đã chọn nó, cái ống tiết kiệm một chiều này, bởi nó trùng với quan niệm của ông về cuộc sống: tiền sinh ra là để tiết kiệm, không phải để tiêu. Có hai trăm franc trong bụng con lợn ấy. Bốn tháng làm việc. Một sáng, trước khi tôi đi học, bố bảo tôi: Moïse này, bố không hiểu... Tiền bị thiếu... từ nay, con viết vào sổ đi chợ tất cả các khoản con đã tiêu nhé. Vậy là, bị mắng cả ở trường lẫn ở nhà, phải rửa bát, học hành, nấu nướng, xách đồ về nhà, như thế chưa đủ, phải sống một mình trong căn hộ lớn tối tăm, trống trải và không tình yêu, phải làm nô lệ thay vì làm con trai của một luật sư không việc làm và không vợ, chừng ấy vẫn chưa đủ, tôi còn phải trở thành một thằng ăn trộm! Đằng nào chả bị nghi là lấy cắp tiền, đã thế tôi thó luôn. Vậy là có hai trăm franc trong bụng con lợn đất. Hai trăm franc là giá một lần đi với một cô nàng trên phố Paradis*. Là cái giá để trở thành đàn ông. Những cô nàng đầu tiên đều hỏi xem thẻ căn cước của tôi. Bất chấp giọng nói và cân nặng của tôi - tôi to như một bao tải đường -, họ đều nghi ngờ cái tuổi mười sáu mà tôi tuyên bố, có lẽ họ đã nhìn thấy tôi qua lại và lớn lên, suốt những năm qua, người dính vào cái túi lưới đựng rau quả. Đầu phố, đứng dưới vòm cửa, có một cô gái mới. Cô nàng tròn trĩnh, đẹp như tranh vẽ. Tôi chìa tiền ra. Cô nàng mỉm cười. “Thế đã mười sáu tuổi chưa?” “Ờ rồi, từ sáng nay.” Thế là chúng tôi lên phòng. Tôi thật không tin nổi, cô ấy hai mươi hai tuổi, đó là một cô gái già mà lại toàn tâm toàn ý với tôi. Cô giải thích cho tôi phải rửa ráy như thế nào, rồi phải làm tình ra sao... Tất nhiên là tôi đã biết hết nhưng tôi để mặc cô nói, để cô cảm thấy thoải mái hơn, với lại tôi thích giọng nói của cô, phảng phất chút dỗi hờn, buồn gờn gợn. Suốt thời gian ấy, tôi suýt ngất. Cuối cùng, cô vuốt tóc tôi dịu dàng và nói: “Phải quay lại nhé, và tặng em một món quà nhỏ.” Điều này gần như phá hỏng niềm vui của tôi: tôi quả đã quên món quà nhỏ. Thế là xong, tôi đã trở thành đàn ông, tôi đã được rửa tội giữa háng của một người đàn bà, tôi còn chưa đứng vững vì hai chân vẫn đang run rẩy, ấy thế mà những phiền toái đã bắt đầu: tôi quên món quà nhỏ đương nhiên phải có ấy. Tôi chạy về nhà, lao vào phòng mình, nhìn quanh tìm thứ quý nhất có thể mang tặng, rồi lại hộc tốc chạy ngược trở lại phố Paradis. Cô gái vẫn đứng đó, dưới vòm cửa. Tôi tặng cô con gấu bông của mình. * * * Tôi cũng quen biết ông Ibrahim gần như cùng thời gian ấy. Ông Ibrahim lúc nào trông cũng già. Khi nghĩ đến phố Bleue và phố Faubourg- Poissonnière, ai cũng đều nhớ ra hình ảnh ông Ibrahim trong cửa hàng tạp hóa của ông, từ tám giờ sáng đến nửa đêm, ngồi lì giữa cái quầy thu tiền và những sản phẩm tẩy rửa, một chân ngáng lối đi, một chân đút dưới mấy thùng đựng diêm, mặc một cái áo cánh màu ghi bên ngoài áo sơ mi trắng, hàm ràng trắng ngà lộ ra dưới hàng ria gọn gàng, mắt ông màu hạt dẻ, xanh lá pha nâu, sáng hơn làn da nâu có điểm những vết đồi mồi của trí tuệ thông thái. Bởi ai cũng thấy ông Ibrahim là một nhà thông thái. Chắc hẳn là vì từ ít nhất bốn mươi năm nay, ông là người Ả Rập trên một con phố Do Thái. Chắc hẳn là vì ông cười nhiều và nói ít. Chắc hẳn là vì dường như ông đã thoát khỏi sự bận rộn hằng ngày của người trần mắt thịt, nhất là người trần mắt thịt ở Paris, ông không bao giờ di chuyển, như thể một cành cây được ghép vào chiếc ghế đẩu, không bao giờ dọn hàng trước mặt bất kỳ khách hàng nào và biến mất ở đâu không ai biết trong thời gian từ nửa đêm tới tám giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, tôi đi chợ và nấu ăn. Tôi chỉ mua đồ hộp. Sở dĩ ngày nào tôi cũng đi chợ, không phải là để mua đồ tươi, chẳng phải vậy, mà bởi vì bố tôi chỉ đưa tôi khoản tiền đủ cho mỗi ngày, vả lại, như thế thì dễ nấu ăn hơn! Khi bắt đầu ăn bớt tiền của bố để trừng phạt ông vì đã nghi ngờ tôi, tôi cũng bắt đầu ăn trộm của ông Ibrahim. Tôi có hơi xấu hổ, nhưng để chống lại nỗi hổ thẹn ấy, tôi đinh ninh trong đầu, vào lúc trả tiền: Nói cho cùng, ông ấy cũng chỉ là một người Ả Rập! Ngày nào cũng vậy, tôi nhìn thẳng vào mắt ông Ibrahim và điều đó làm tôi trở nên bạo dạn. Nói cho cùng, ông ấy cũng chỉ là một người Ả Rập! “Ông không phải là người Ả Rập, Momo ạ, ông đến từ vùng Lưỡi Liềm Vàng.” Tôi quơ mớ hàng vừa mua rồi đi ra phố, choáng váng. Ông Ibrahim nghe được ý nghĩ của tôi! Như vậy, nếu nghe được điều tôi đang nghĩ, có lẽ ông ấy cũng biết là tôi ăn trộm đồ chăng? Ngày hôm sau, tôi không lấy trộm hộp thức ăn nào mà hỏi ông: “Lưỡi Liềm Vàng là gì ạ?” Thú thật là cả đêm, tôi đã tưởng tượng ông Ibrahim ngồi trên đầu nhọn của một cái lưỡi liềm vàng và bay trên bầu trời đầy sao. “Đó là một vùng trải dài từ Tiểu Á đến tận Ba Tư, Momo ạ.” Hôm sau, tôi vừa lấy ví tiền ra vừa nói thêm: “Tên cháu không phải là Momo, mà là Moïse.” Hôm sau nữa, ông là người bổ sung: “Ta biết cháu tên là Moïse, chính vì thế ta mới gọi cháu là Momo cho đỡ gây chú ý.” Hôm sau nữa nữa, lúc đang đếm tiền lẻ, tôi hỏi: “Chuyện đó thì có ảnh hưởng gì tới ông không? Moïse là một cái tên Do Thái, đâu phải tên Ả Rập.” “Ta không phải người Ả Rập, Momo ạ, ta là người Hồi giáo.” “Vậy sao người ta lại bảo ông là người Ả Rập của phố này, nếu ông không phải là người Ả Rập?” “Momo à, là người Ả Rập có nghĩa là ‘mở cửa từ tám giờ sáng đến tận nửa đêm và cả ngày Chủ nhật’ trong giới bán tạp hóa.” Đối thoại đã diễn ra như vậy đó. Mỗi ngày một câu. Chúng tôi có thời gian mà. Ông ấy có thời gian vì ông ấy già rồi, tôi có thời gian vì tôi còn trẻ. Và cứ hai ngày một lần, tôi lấy trộm một hộp đồ ăn. Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ phải mất một hay hai năm để có câu chuyện kéo dài một tiếng đồng hồ nếu chúng tôi không gặp Brigitte Bardot. Cả phố Bleue náo động. Giao thông bị ngưng trệ. Đường bị chặn. Người ta đang quay phim. Tất cả những ai có bộ phận sinh dục ở phố Bleue, phố Papillon và Faubourg-Poissonnière đều nhốn nháo cả lên. Đám phụ nữ muốn xem xem cô có đẹp như người ta đồn không; cánh đàn ông thì chả nghĩ gì trong đầu nữa, ngôn từ của họ kẹt cứng sau khóa quần cả rồi. Brigitte Bardot đang ở đây! Mà này, Brigitte Bardot thật đấy! Còn tôi, tôi ngồi bên cửa sổ. Tôi nhìn cô và cô làm tôi nghĩ đến con mèo cái nhà hàng xóm tầng năm, một con mèo nhỏ xinh thích nằm dài sưởi nắng trên ban công, trông nó như chẳng còn sống, chẳng còn thở, chỉ nháy mắt để làm người ta ngưỡng mộ. Nhìn kỹ hơn, tôi phát hiện ra rằng cô thật sự giống với đám gái bán hoa trên phố Paradis, mà không nhận ra rằng, trên thực tế, chính đám gái bán hoa trên phố Paradis đã cải trang thành Brigitte Bardot để lôi kéo khách. Cuối cùng, trong tột cùng ngạc nhiên, tôi nhận thấy ông Ibrahim bước ra đứng trên ngưỡng cửa. Lần đầu tiên - ít ra là từ khi tôi tồn tại - ông rời cái ghế đẩu của mình. Sau khi quan sát con thú nhỏ Bardot uốn éo trước ống kính, tôi nghĩ đến người đẹp tóc vàng đang giữ con gấu của mình và tôi quyết định xuống nhà ông Ibrahim, lợi dụng lúc ông không chú ý để thó vài hộp đồ ăn. Thật là một tai họa! Ông đã quay lại ngồi sau quầy thu tiền. Mắt ông tính nghịch ngắm nhìn Bardot, qua kệ bày xà phòng và kẹp quần áo. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông như thế. “Ông có vợ không, ông Ibrahim?” “Có chứ, đương nhiên là ta có vợ.” Ông không quen với việc người khác đặt câu hỏi cho mình. Vào đúng lúc ấy, tôi có thể thề là ông Ibrahim không già như mọi người vẫn nghĩ. “Ông Ibrahim! Hãy tưởng tượng ông đang ở trên một con tàu, cùng với vợ ông và Brigitte Bardot. Con tàu bị chìm. Ông sẽ làm gì?” “Ta cá là vợ ta, bà ấy biết bơi.” Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đôi mắt nào vui như thế, đôi mắt ông Ibrahim như đang cười ha hả, như đang vui hát. Đột nhiên, như chuẩn bị chiến đấu, ông Ibrahim đứng nghiêm: Brigitte Bardot bước vào của hàng. “Chào ông, ông có bán nước uống không?” “Tất nhiên rồi, thưa cô.” Và lúc đó, điều không thể tưởng tượng đã xảy ra: ông Ibrahim đích thân đi lấy một chai nước trên kệ hàng và mang đưa cho Bardot. “Cảm ơn ông. Của tôi hết bao nhiêu tiền?” “Bốn mươi franc thưa cô.” Thoáng giật mình, cái cô Brigitte ấy. Tôi cũng thế. Hồi đó, một chai nước chỉ có giá hai franc, không phải là bốn mươi. “Tôi không biết là ở đây, nước lại hiếm đến thế.” “Không phải là nước hiếm, thưa cô, nhưng những ngôi sao thực sự thì ở đây rất hiếm.” Ông nói điều ấy với nét quyến rũ và một nụ cười khó cưỡng đến mức Brigitte Bardot thoáng đỏ mặt, rút ra bốn mươi franc và bước ra khỏi cửa hàng. Tôi choáng váng. “Dù gì, ông đúng là cả gan thật đấy, ông Ibrahim ạ.” “Này nhóc Momo, ta cũng phải bù lại tất cả số đồ hộp mà cháu đã thó của ta chứ.” Chính từ ngày hôm đó, chúng tôi trở thành bạn. Đúng là, bắt đầu từ ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã đi ăn trộm đồ hộp ở nơi khác, nhưng ông Ibrahim lại bắt tôi thề: “Momo, nếu cháu phải tiếp tục ăn trộm, thì hãy đến trộm ở chỗ ta.” Thế rồi, những ngày sau đó, ông Ibrahim dạy cho tôi vô khối mánh lới để lấy tiền của bố mà không để bố nhận ra: cho bánh mì từ hôm qua hay hôm kia vào lò quay lại rồi cho ông ăn; thêm dần bột rễ diếp xoăn vào cà phê của ông; dùng lại các túi trà nhúng; trộn rượu Beaujolais quen thuộc của ông với rượu rẻ tiền loại ba franc, và ý tưởng chói sáng nhất, ý tưởng thực sự cho thấy ông Ibrahim là bậc thầy trong việc quấy rối người khác, đó là thay pa tê đồng quê bằng pa tê dành cho chó. Nhờ vào sáng kiến của ông Ibrahim, thế giới của người lớn đã rạn nứt, nó không còn là bức tường liền khối nơi tôi thường đập đầu vào, mà đã có một bàn tay thò ra qua một khe hở. Tôi lại tiết kiệm được hai trăm franc, tôi lại có thể chứng minh rằng mình là đàn ông. Phố Paradis, tôi đi thẳng về phía ô cửa vòm nơi chủ nhân mới của con gấu của tôi đang đứng. Tôi mang cho cô một cái vỏ sò mà người ta đã tặng tôi, vỏ sò thật, lấy từ biển, biển thật ấy. Cô nàng mỉm cười với tôi. Đúng lúc ấy, từ một con hẻm, một người lao ra nhanh như chuột, rồi một cô gái bán hoa chạy theo và hét lớn: “Ăn cắp! Túi của tôi! Ăn cắp!” Không chút chần chừ, tôi đưa chân ra ngáng. Tên trộm ngã nhào, lăn ra cách đó mấy mét. Tôi nhảy đè lên hắn. Tên kẻ cắp nhìn tôi, hắn đã nhận ra tôi chỉ là một đứa trẻ, hắn cười và sẵn sàng đập tôi một trận, nhưng vì cô gái đã lao hẳn ra phố và kêu càng lúc càng to, hắn liền bật dậy bỏ chạy. May mắn thay, tiếng kêu của cô gái điếm đã cho tôi sức mạnh. Cô lại gần tôi, lảo đảo ừên đôi giày cao gót. Tôi đưa cho cô chiếc túi, cô sung sướng ôm chặt lấy nó, sát vào bộ ngực đồ sộ rất biết rên rỉ của mình. “Cảm ơn, cậu bé. Tôi có thể làm gì cho cậu nhỉ? Hay cậu chơi một phát nhé?” Đó là một cô gái già. Phải đến ba mươi rồi. Nhưng ông Ibrahim vẫn thường bảo tôi, không nên làm phật lòng phụ nữ. “OK.” Và thế là chúng tôi lên phòng. Chủ nhân con gấu của tôi tỏ vẻ bực bội vì bị đồng nghiệp cướp khách. Khi chúng tôi đi ngang qua, cô thì thầm vào tai tôi: “Mai lại đến nhé. Tôi cũng thế, tôi cho cậu miễn phí.” Tôi đã không đợi đến tận hôm sau... Ông Ibrahim và đám gái điếm đã khiến việc tôi sống cùng bố trở nên khó khăn hơn. Tôi bắt đầu làm một việc khủng khiếp và quá đáng: so sánh. Khi ở cùng bố, lúc nào tôi cũng lạnh lẽo. Với ông Ibrahim và đám gái điếm, mọi thứ đều ấm áp hơn, sáng sủa hơn. Tôi nhìn cái giá sách gia truyền vừa cao vừa sâu, với tất cả những cuốn sách được cho là chứa đựng tinh hoa trí tuệ của nhân loại, ghi chép lại các quy luật, tinh túy của triết học, tôi nhìn chúng trong bóng tối - Moïse, đóng cửa chớp lại kẻo ánh sáng mặt trời làm hỏng gáy sách mạ vàng - rồi nhìn bố ngồi đọc sách trong chiếc ghế bành, cô độc giữa quầng sáng tròn do bóng đèn tỏa ra, như một quầng sáng kiến thức tỏa trên những trang giấy. Ông bị nhốt trong những bức tường kiến thức của riêng ông, chú ý tới tôi không hơn gì một con chó - vả lại, ông ghét lũ chó - thậm chí ông còn không có ý định quẳng cho tôi một khúc xương từ mớ kiến thức của ông. Tôi mà gây một tiếng động nhỏ thì... “Ôi, con xin lỗi.” “Moïse, im đi. Bố đang đọc. Bố đang làm việc đấy...” Làm việc, đó là một từ to tát, một lời biện minh triệt để... “Con xin lỗi bố.” “Ái chà, may mà anh Popol của con không như thế.” Popol là một từ khác để chỉ sự vô dụng của tôi. Bố tôi lúc nào cũng ném vào mặt tôi những kỷ niệm về anh cả tôi, Popol, khi tôi gây ra chuyện gì đó tồi tệ. “Popol ấy à, nó rất chăm chỉ ở trường. Popol ấy à, nó thích học toán, nó không bao giờ làm bẩn bồn tắm. Popol ấy à, nó không bao giờ đái chệch ra ngoài bồn cầu. Popol ấy à, nó cũng rất thích đọc sách như bố.” Nói cho cùng, việc mẹ bỏ đi với anh Popol, ít lâu sau khi sinh tôi, cũng chẳng tệ cho lắm, bởi chiến đấu với một kỷ niệm đã khó rồi, huống hồ lại phải sống cạnh một hình mẫu hoàn hảo như Popol thì quả là vượt quá khả năng của tôi. “Bố ơi, bố nghĩ liệu anh Popol có yêu con không?” Bố nhìn trân trân vào mặt tôi, hay đúng hơn là hoảng hốt tìm cách hiểu tôi. “Hỏi gì lạ vậy!” Câu trả lời tôi nhận được là thế này đây: Hỏi gì lạ vậy! Tôi đã học cách nhìn mọi người với đôi mắt của bố tôi. Nghi ngờ, khinh khỉnh... Nói chuyện với ông chủ cửa hàng tạp hóa người Ả Rập, ngay cả khi ông ấy không phải là người Ả Rập - bởi vì "Ả Rập có nghĩa là mở cửa cả ban đêm và Chủ nhật, trong giới bán tạp hóa" -, giúp đỡ các cô gái bán hoa, đó là những điều tôi cất vào một ngăn kéo bí mật trong tâm trí mình, chúng không chính thức là một phần cuộc sống của tôi. “Tại sao cháu không bao giờ cười, hả Momo?” ông Ibrahim hỏi tôi. Câu hỏi này, thực sự là một cú đấm, cú đấm trời giáng, mà tôi chưa hề chuẩn bị tinh thần để đón nhận. “Cười ấy à, đó là thứ của người giàu, ông Ibrahim ạ. Cháu không có điều kiện để làm việc ấy.” Đúng lúc đó, như để làm tôi bực mình thêm, ông nở nụ cười. “Thế cháu tưởng ta là người giàu à?” “Lúc nào ông cũng có tiền trong ngăn kéo. Cháu chưa từng biết ai có từng ấy tiền trước mặt cả ngày.” “Nhưng tiền của ta là để trả tiền hàng, rồi tiền thuê nhà. Và đến cuối tháng, ta chỉ còn rất ít, cháu biết không?” Và ông lại mỉm cười, như để chế giễu tôi. “Ông Ibrahim, khi cháu nói đó là thứ của người giàu, nụ cười ấy, ý cháu muốn nói rằng đó là thứ của những người hạnh phúc.” “Thế thì cháu đã sai lầm ở chỗ đó đấy. Chính nụ cười làm cho ta hạnh phúc.” “Cháu cóc tin.” “Thử xem.” “Cháu chả tin, cháu nói rồi mà.” “Thế nhưng cháu là người lịch sự, phải không Momo?” “Bắt buộc thôi, nếu không cháu sẽ ăn tát.” “Lịch sự là tốt. Dễ thương còn tốt hơn. Thử cười xem, cháu sẽ thấy.” Được rồi, dù gì thì được ông Ibrahim yêu cầu một cách lịch sự như thế, trong lúc khẽ khàng tuồn cho tôi một hộp bắp cải muối xúc xích loại hảo hạng, tôi sẽ thử xem sao... Ngày hôm sau, tôi hành xử đúng là chẳng khác gì một thằng dở do bị con gì đó đốt trong đêm: tôi cười với tất cả mọi người. “Không thưa cô, em xin lỗi, em không hiểu bài toán này.” Bùm: mỉm cười! “Em không làm được ạ!” “Vậy thì, Moïse ạ, cô sẽ giải thích lại cho em.” Chuyện chưa từng xảy ra. Không trách mắng, không đe nẹt. Không gì cả. Ở căng tin... “Cháu có thể xin thêm chút kem hạt dẻ không ạ?” Bùm: mỉm cười! “Vâng ạ, với pho mát trắng...” Và tôi được cho thêm. Trong phòng thể thao, tôi thừa nhận đã quên giày tennis ở nhà. Bùm: mỉm cười! “Nhưng giày sắp khô rồi, thưa thầy...” Ông thầy mỉm cười và vỗ vai tôi. Tuyệt thật. Không còn gì chống lại tôi được nữa. Ông Ibrahim đã cho tôi vũ khí tối thượng. Tôi oanh tạc cả thế giới này bằng nụ cười của mình. Người ta không còn coi tôi như một con gián nữa. Từ trường về, tôi chạy thẳng đến phố Paradis. Tôi hỏi cô nàng bán hoa xinh nhất, một cô nàng da đen cao lớn, luôn từ chối tôi: “Này!” Bùm: mỉm cười! “Lên chứ hả?” “Mười sáu tuổi chưa?” “Đương nhiên là mười sáu tuổi, từ đời nảo đời nào rồi!” Bùm: mỉm cười! Thế là chúng tôi lên phòng. Và sau đó, tôi kể lại cho cô nghe lúc đang mặc lại quần áo rằng tôi là nhà báo, rằng tôi đang viết một cuốn sách lớn về các cô gái bán hoa... Bùm: mỉm cười! ... và tôi cần cô kể chút ít về cuộc đời cô, nếu cô muốn. “Có đúng cậu là nhà báo không?” Bùm: mỉm cười! “Ừ, thực ra là sinh viên báo chí...” Cô nói chuyện với tôi. Tôi nhìn bộ ngực của cô phập phồng nhè nhẹ khi cô minh họa câu chuyện của mình. Tôi không dám tin vào điều đó. Một người đàn bà nói chuyện với tôi, với tôi đấy nhé. Một người đàn bà. Mỉm cười. Cô ấy nói. Mỉm cười. Cô ấy nói. Buổi tối, khi bố tôi về nhà, tôi giúp ông cởi áo măng tô như thường lệ rồi len ra trước mắt bố, chỗ có ánh đèn chiếu vào, để chắc chắn là ông nhìn thấy mặt tôi. “Bữa tối đã sẵn sàng rồi ạ.” Bùm: mỉm cười! Ông ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi tiếp tục mỉm cười. Mệt thật, cuối ngày rồi, nhung tôi vẫn cố. “Này, chắc con lại mắc lỗi gì rồi.” Nụ cười liền tắt ngấm. Nhưng tôi không tuyệt vọng. Vào lúc ăn tráng miệng, tôi thử lại. Bùm: mỉm cười! Ông chằm chằm nhìn tôi, nghi hoặc. “Lại đây, ông bảo tôi.” Tôi cảm thấy là nụ cười của mình đang chiến thắng. Đây rồi, một nạn nhân mới. Tôi tiến lại gần. Có thể ông muốn ôm hôn tôi? Ông đã từng nói rằng Popol, anh ấy rất thích ôm hôn ông, rằng anh ấy là một cậu bé rất dịu dàng. Có thể ngay từ khi ra đời, anh Popol đã hiểu sức mạnh của nụ cười? Hoặc là mẹ tôi đã kịp dạy cho anh ấy. Tôi đứng sát gần bố, kề vào vai ông. Ông chớp chớp mắt. Còn tôi thì cười đến rách mép. “Phải niềng răng cho con thôi. Trước giờ, bố chưa từng để ý thấy răng con bị hô.” Chính từ tối hôm đó, tôi bắt đầu có thói quen đến thăm ông Ibrahim vào ban đêm, khi bố tôi đã ngủ. “Đó là lỗi của cháu, nếu cháu giống anh Popol, bố cháu đã yêu cháu dễ dàng hơn.” “Làm sao cháu biết được? Popol đi rồi mà.” “Thế thì sao?” “Có thể là vì anh ấy không thể chịu nổi bố cháu.” “Ông nghĩ thế à?” “Popol đã bỏ đi. Đó chính là một bằng chứng còn gì.” Ông Ibrahim đưa cho tôi những tờ tiền màu vàng để tôi cuộn lại giúp ông. Việc này giúp tôi trấn tĩnh lại đôi chút. “Còn ông, ông đã gặp anh Popol bao giờ chưa? Ông Ibrahim, ông có biết anh ấy không? Ông thấy anh ấy thế nào?” Ông Ibrahim đóng sập ngăn kéo tiền lại, như để nó khỏi lên tiếng. “Momo à, ta sẽ nói với cháu một điều: ta thích cháu hơn Popol cả trăm lần, cả nghìn lần.” “Thế ạ?” Tôi khá hài lòng, nhưng không muốn để lộ ra. Tôi nắm tay lại và tỏ ra nguy hiểm đôi chút. Phải bảo vệ gia đình mình chứ. “Ông cẩn thận nhé, cháu không cho phép ông nói xấu anh cháu. Anh Popol làm sao mà ông không thích chứ?” “Popol rất ngoan, rất ngoan. Nhưng, thứ lỗi cho ta, ta thích Momo hơn.” Tôi diễn vai hoàng tử rộng lượng: tôi đã tha lỗi cho ông ấy. Một tuần sau, ông Ibrahim bảo tôi đến gặp một người bạn của ông là nha sĩ trên phố Papillon. Rõ ràng là cái ông Ibrahim này rất có tầm ảnh hưởng. Và hôm sau ông bảo tôi: “Momo này, cười ít đi một chút, thế cũng là đủ rồi. Không, ta chỉ đùa thôi... Bạn ta nói rằng răng cháu khồng cần niềng.” Ông nghiêng về phía tôi, ánh mắt tinh nghịch. “Tưởng tượng xem, mang đống sắt ấy trong mồm mà đến phố Paradis: cháu có thể làm ai tin là cháu mười sáu tuổi được nữa?” Ở điểm này, ông Ibrahim đã ghi một bàn thắng ngoạn mục. Thành ra chính tôi là người xin được cuộn tiền để tĩnh tâm lại. “Sao cái gì ông cũng biết hết vậy, ông Ibrahim?” “Ta ấy à, ta có biết gì đâu. Ta chỉ biết những gì có trong kinh Coran của ta thôi.” Tôi cuộn thêm vài cuộn. “Momo à, dùng đội chuyên nghiệp là rất tốt. Những lần đầu tiên, bao giờ ta cũng phải đến gặp đội chuyên nghiệp, những người đàn bà thạo nghề. Sau đó, khi cháu làm phức tạp mọi việc, cho thêm tình cảm vào, cháu có thể bằng lòng với những người không chuyên.” Tôi cảm thấy thoải mái hơn. “Ông Ibrahim, thỉnh thoảng ông có đi chơi phố Paradis không ạ?” “Phố Paradis mở cửa với mọi người mà.” “Ồ ông đùa đấy ạ, ông Ibrahim, ông đừng nói với cháu là ở tuổi này mà ông còn đến phố ấy đấy nhé!” “Tại sao không? Chỗ đó chỉ dành cho trẻ con hay sao?” Nghe thế, tôi cảm thấy mình đã lỡ lời. “Momo, cháu có muốn đi dạo một chuyến với ta không?” “Hóa ra, thỉnh thoảng ông cũng đi lại ạ, ông Ibrahim?” Và thế là tôi lại lỡ lời thêm lần nữa. Thành ra, tôi thêm vào một nụ cười thật tươi. “Không, ý cháu là lúc nào cháu cũng nhìn thấy ông ngồi trên cái ghế đẩu này.” Nhưng dù sao, tôi cũng cực kỳ hài lòng. Ngày hôm sau, ông Ibrahim đưa tôi đêh Paris, Paris xinh đẹp, Paris của những bức ảnh, của những du khách. Chúng tôi đi dọc sông Seine, con sông với dòng chảy không thẳng lắm. “Nhìn xem Momo, sông Seine rất yêu những cây cầu, như một người phụ nữ mê thích vòng đeo tay.” Sau đó, chúng tôi đi dạo trong những khu vườn trên đại lộ Champs-Élysées, giữa những nhà hát và rạp múa rối tay. Rồi đi trên phố Faubourg-Saint-Honoré, nơi toàn là những cửa hàng mang thương hiệu lớn như Lanvin, Hermès, Saint Laurent, Cardin... thật buồn cười khi nhìn thấy những cửa hàng mênh mông và trống rỗng, so với hiệu tạp hóa của ông Ibrahim, không lớn hơn một cái phòng tắm nhưng không còn một chỗ trống nào, nơi bày la liệt từ sàn lên trần, hết giá này kệ nọ, trên ba hàng bốn lớp, tất cả các mặt hàng thiết yếu, thứ yếu... thậm chí là chả mấy cần thiết. “Dở hơi thật ông Ibrahim, các cửa hàng của người giàu mới nghèo nàn làm sao. Chẳng có gì ở trong.” “Xa xỉ là như vậy đó Momo, chẳng có gì trong tủ kính, chẳng có gì trong cửa hàng, tất cả nằm ở giá tiền.” Chúng tôi kết thúc chuyến đi dạo trong những khu vườn bí mật tại Cung điện Hoàng gia, nơi ông Ibrahim mua cho tôi một ly nước chanh ép và lấy lại dáng vẻ bất động huyền thoại của mình trên một chiếc ghế quầy bar, chậm rãi nhấm nháp ly rượu Suze vị hoa hồi. “Sống ở Paris hẳn là phải tuyệt lắm.” “Nhưng cháu đang ở Paris mà, Momo.” “Không, cháu sống ở phố Bleue.” Tôi nhìn ông thưởng thức ly rượu Suze vị hoa hồi. “Cháu tưởng người Hồi giáo thì không uống rượu.” “Đúng, nhưng ta là sufi.” Đến đây, tôi cảm giác mình đang trở nên tọc mạch, rằng ông Ibrahim không muốn nói với tôi về bệnh của ông ấy - nói cho cùng, đó là quyền của ông ấy; tôi im miệng đến khi chúng tôi về tới phố Bleue. Tối hôm ấy, tôi mở từ điển Larousse của bố. Phải thực sự lo lắng cho ông Ibrahim thì tôi mới làm thế, bởi thông thường, tôi luôn thất vọng với các cuốn từ điển. “Sufi giáo: nhánh Hồi giáo mật tông. Ra đời vào thế kỷ VIII. Chống lại với việc tuân thủ luật lệ, nhánh này nhấn mạnh vào tôn giáo nội tâm.” Đó, lần này cũng thế! Từ điển bao giờ cũng chỉ giải thích rõ những từ mà ta đã biết. Cuối cùng thì sufi không phải là một căn bệnh, điều này làm tôi an tâm hơn một chút, đó là một cách nghĩ - mặc dù bản thân một số cách nghĩ cũng là những căn bệnh, ông Ibrahim thường nói vậy. Sau đó, tôi lao vào một trò truy tìm kho báu, để cố hiểu tất cả các từ trong định nghĩa. Qua các từ này, tôi rút ra rằng ông Ibrahim với ly rượu Suze vị hoa hồi tin vào Thượng đế theo cách của người Hồi giáo, nhưng cách đó lại gần giống với buôn lậu, bởi nó “chống lại việc tuân thủ luật lệ”, và điều đó khiến tôi bối rối... bởi nếu tuân thủ luật lệ chính là “chăm lo tuân thủ luật pháp một cách nghiêm ngặt” như người ta nói trong từ điển... thì sufi xem ra là những điều khó chấp nhận, có nghĩa ông Ibrahim là người không trung thực, vậy thì việc tôi hay qua lại với ông là không tốt. Nhưng mặt khác, nếu tuân thủ luật pháp, tức là làm luật sư, như bố tôi, mà có cái sắc mặt xám xịt và mang về gia đình chừng ấy nỗi u ám, thì tôi thà chống lại việc tuân thủ luật lệ cùng với ông Ibrahim còn hơn. Sau đó, những người soạn từ điển thêm vào rằng, Sufi giáo được sáng lập bởi hai gã đàn ông từ xa xưa, al-Halladj và al Ghazali, giống như tên của những người sống trong những căn phòng áp mái ở cuối sân - ít nhất là ở phố Bleue -, và họ cũng nói rõ rằng đó là một tôn giáo nội tâm, và như thế thì chắc chắn ông Ibrahim là người kín đáo, mà so với tất cả người Do Thái trong khu phố, thì ông đúng là một người kín đáo. Trong bữa ăn, tôi không thể ngăn mình hỏi chuyện bố, ông đang ngốn ngấu món ragu cừu, nấu theo phong cách Royal Canin*. “Bố ơi, bố có tin vào Thượng đế không?” Bố nhìn tôi. Rồi ông chậm rãi nói: “Bố thấy là con đã trưởng thành rồi đấy.” Tôi chẳng thấy sự liên quan nào. Thậm chí, trong một thoáng, tôi tự hỏi liệu có phải ai đó đã mách ông việc tôi ngủ với gái bán hoa phố Paradis. Nhưng ông đã nói tiếp: “Không, bố chưa bao giờ tin vào Thượng đế được.” “Chưa bao giờ tin được ư? Tại sao ạ? Phải cố gắng mới tin được ư?” Ông nhìn vào ánh tranh tối tranh sáng trong căn phòng, xung quanh ông. “Để t”n rằng tất cả những điều đó đều có một ý nghĩa nhất định ư? Đúng vậy. Cần phải nỗ lực rất nhiều. “Nhưng bố ơi, chúng ta là người Do Thái cơ mà, con và bố ấy ạ.” “Đúng.” “Thế là người Do Thái mà lại không có bất cứ liên hệ nào với Thượng đế ư?” “Với bố thì chẳng còn mối liên hệ nào. Là người Do Thái đơn giản chỉ có nghĩa là có một ký ức. Ký ức tồi tệ.” Nói tới đó, ông thực sự có vẻ mặt của một gã đang cần uống nhiều aspirin. Có thể bởi ông đã nói chuyện, một ngoại lệ chẳng thể khiến ông thay đổi thói quen. Ông đứng dậy và đi ngủ ngay tắp lự. Vài ngày sau, ông về nhà, mặt còn nhợt nhạt hơn thường lệ. Tôi bắt đầu thấy mình có lỗi. Tôi tự nhủ rằng, vì cho bố ăn mấy thứ dở tệ ấy nhiều quá, có lẽ tôi đã phá hỏng sức khỏe của ông. Ông ngồi xuống và ra hiệu cho tôi rằng ông muốn nói điều gì đó. Nhưng phải đến mười phút sau, ông mới cất lời được. “Bố bị sa thải rồi, Moïse ạ. Văn phòng luật nơi bố làm không cần bố nữa.” Thực lòng, tôi cũng không ngạc nhiên lắm khi người ta không muốn làm việc với bố tôi - hẳn là ông khiến bọn tội phạm phát chán - nhưng đồng thời, tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng một luật sư lại có thể thôi làm luật sư. “Bố phải đi tìm việc. Ở nơi khác. Nhà mình cần thắt lưng buộc bụng, con trai ạ.” Ông đi ngủ. Rõ ràng là ông không quan tâm tới việc tôi nghĩ gì. Tôi đi xuống nhà ông Ibrahim, ông đang vừa mỉm cười vừa nhấm nháp mấy hạt lạc. “Ông làm thế nào để trở thành người hạnh phúc, hả ông Ibrahim?” “Ta biết những điều có trong kinh Coran của ta.” “Có lẽ một ngày nào đó cháu sẽ phải thó của ông quyển kinh Coran thôi. Mặc dù người ta không làm thế khi là người Do Thái.” “Ái chà, thế theo cháu, một người Do Thái nghĩa là thế nào, hả Momo?” “À thì, cháu cũng chả biết. Với bố cháu thì là ủ rũ cả ngày. Với cháu thì... đó chỉ là một thứ ngăn cháu trở thành một thứ khác.” Ông Ibrahim đưa cho tôi một hạt lạc. “Giày của cháu không được tốt Momo ạ. Ngày mai chúng ta sẽ đi mua giày.” “Vâng, nhưng...” “Con người ta trải qua cuộc đời mình ở hai nơi cháu ạ: trên giường hoặc trên đường.” “Cháu không có tiền, ông Ibrahim ạ.” “Ta sẽ tặng cháu. Đó là quà của ta. Momo, cháu chỉ có một đôi chân, cần phải chăm sóc chúng. Nếu giày làm chân cháu đau, cháu phải thay giày. Chân ấy à, cháu không bao giờ có thể thay chân!” Ngày hôm sau, lúc ở trường về, tôi thấy một mẩu giấy nhắn trên sàn, trong cái sảnh không đèn ở cửa ra vào. Tôi không biết tại sao, nhưng khi nhìn thấy nét chữ của bố, tim tôi lập tức đập loạn xạ: Moïse, Xin lỗi con, bố đi đây. Bố chẳng có gì xứng để làm cha. Popo... Đến đó thì bị gạch. Hẳn là ông vẫn muốn ném cho tôi một câu về Popol. Kiểu như “với Popol, bố sẽ làm được, nhưng với con thì không” hoặc “Popol ấy à, thằng bé cho bố sức mạnh và nghị lực để làm cha, nhưng con thì không”, tóm lại, một câu tởm lợm nào đó mà ông xấu hổ không dám viết ra. Cuối cùng tôi cũng hiểu được ý ông, cảm ơn. Có thể chúng ta sẽ gặp nhau, một ngày nào đó, sau này, khi con đã trưởng thành. Khi bố bớt xấu hổ, và con đã tha thứ cho bố. Vĩnh biệt. Thế đấy, vĩnh biệt! TB: Bố để lại trên bàn tất cả số tiền còn của bố. Đây là danh sách những người con cần thông báo về việc bố ra đi. Họ sẽ chăm sóc cho con. Sau đó là danh sách bốn cái tên mà tôi không hề biết. Tôi đã quyết định. Tôi phải giả vờ. Không đời nào tôi thừa nhận là mình đã bị bỏ rơi. Bỏ rơi hai lần, một lần là mẹ bỏ rơi khi ra đời; lần khác là bố bỏ rơi, vào tuổi thiếu niên. Nếu người ta biết chuyện, sẽ chẳng còn ai cho tôi cơ hội nào nữa. Tôi có cái gì kinh khủng đến vậy? Tôi có cái gì mà không ai có thể yêu tôi? Quyết định của tôi là không thể thay đổi: tôi sẽ giả vờ như bố tôi vẫn ở đây. Tôi sẽ khiến mọi người tin rằng ông vẫn sống ở đây, ăn ở đây, vẫn chia sẻ với tôi những buổi tối dài chán chường. Nói là làm, tôi không đợi một giây nào nữa: tôi xuống cửa hàng tạp hóa. “Ông Ibrahim à, bố cháu bị khó tiêu. Cháu cho bố uống cái gì đây?” “Uống Fernet Branca, Momo ạ. Này, ta còn một liều nhỏ.” “Cảm ơn ông, cháu về cho bố uống luôn đây.” Với số tiền ông để lại, tôi có thể trụ được một tháng. Tôi tập bắt chước chữ ký của ông để ký các thư từ cần thiết, để trả lời thư của nhà trường. Tôi tiếp tục nấu ăn cho hai người, tối nào tôi cũng bày đồ ăn của ông trước mặt tôi; đơn giản, đến cuối bữa, tôi đổ phần của ông vào bồn rửa bát. Vài đêm mỗi tuần, để che mắt những nhà hàng xóm đối diện, tôi ngồi vào ghế bành của ông, mặc áo chui đầu của ông, đi giày của ông, rắc bột lên tóc và cố đọc một cuốn kinh Coran đẹp đẽ mới tinh mà ông Ibrahim tặng tôi, bởi tôi đã năn nỉ xin ông. Ở trường, tôi tự nhủ là không được mất thời gian: tôi cần phải yêu. Không có nhiều lựa chọn vì trường học không dạy lẫn con trai con gái, nên tất cả chúng tôi đều yêu cô con gái của ông gác cổng, tên là Myriam, dù mới mười ba tuổi nhưng con bé đã nhanh chóng hiểu ra rằng mình là bà hoàng của ba trăm thằng trai mới lớn đang thèm khát. Tôi bắt đầu tán tỉnh nó với sự cuống cuồng của kẻ chết đuối. Bùm: mỉm cười! Tôi phải chứng minh rằng người ta có thể yêu tôi, tôi phải cho cả thế giới biết điều đó trước khi người ta phát hiện ra rằng ngay cả bố mẹ tôi, những người duy nhất buộc phải chịu đựng tôi, cũng thà chọn cách chạy trốn. Tôi kể với ông Ibrahim về công cuộc chinh phục Myriam. Ông nghe tôi nói và khẽ mỉm cười, dáng vẻ của người biết trước câu chuyện sẽ kết thúc ra sao, nhưng tôi giả tảng không nhận ra điều đó. “Thế bố cháu ra sao rồi? Ta không nhìn thấy ông ấy nữa, vào buổi sáng,...” “Bố cháu nhiều việc lắm. Ông ấy phải đi rất sớm, với công việc mới...” “Thế à? Mà ông ấy không nổi giận vì cháu đọc kinh Coran sao?” “Cháu phải giấu, dù gì đi nữa... với lại cháu cũng không hiểu gì mấy.” “Khi muốn học cái gì đó, người ta không cầm sách. Người ta nói chuyện với ai đó. Ta không tin vào sách vở.” “Thế nhưng, ông Ibrahim, chính ông lúc nào cũng nói rằng ông biết...” “Đúng, ta biết những gì có trong kinh Coran... Momo à, ta muốn đi ra biển. Hay là chúng ta đi Normandie nhỉ. Ta đưa cháu đi nhé?” “Ồ, thật ạ?” “Đương nhiên, nếu bố cháu đồng ý.” “Ông ấy sẽ đồng ý.” “Cháu chắc chứ?” “Cháu đã nói là ông ấy sẽ đồng ý rồi mà!” Khi chúng tôi đến sảnh của khách sạn Grand Hotel de Cabourg, tôi không kiềm chế được nữa: tôi bắt đầu khóc. Tôi khóc suốt hai giờ, ba giờ, đến mức không thể thở bình thường được nữa. Ông Ibrahim nhìn tôi khóc. Ông kiên nhẫn đợi đến khi tôi mở miệng. Cuối cùng, tôi cũng nói được thành lời: “Chỗ này đẹp quá ông Ibrahim, quá đẹp. Nơi này không dành cho cháu. Cháu không xứng đáng.” Ông Ibrahim cười. “Cái đẹp ở mọi nơi, Momo ạ. Ở nơi cháu để mắt đến. Điều đó được nói trong kinh Coran của ta.” Sau đó, chúng tôi đi dạo dọc bờ biển. “Cháu biết đấy Momo, nếu Thượng đế không trực tiếp tiết lộ về cuộc sống với người nào thì một cuốn sách cũng không thể cho anh ta biết điều đó.” Tôi kể với ông về Myriam, tôi càng có lý do nói chuyện ấy vì không muốn nhắc đến bố tôi. Sau khi xếp tôi trong số những kẻ cầu hôn, Myriam bắt đầu ruồng bỏ tôi như một ứng cử viên không đủ điều kiện. “Chả sao cả, ông Ibrahim nói. Tình yêu cháu dành cho cô ấy thuộc về cháu. Cho dù có từ chối thì cô ấy cũng chẳng thay đổi được gì. Cô ấy không tận hưởng nó, thế thôi. Momo ạ, cái mà cháu cho đi sẽ thuộc về cháu mãi mãi; cái mà cháu giữ lại, sẽ mất đi mãi mãi!” “Nhưng ông có vợ cơ mà.” “Đúng.” “Thế tại sao ông không ở với bà ấy, ở đây?” Ông chỉ tay ra biển. “Đây đúng là biển nước Anh*, xanh lá cây và xám, không phải những sắc màu bình thường của nước, cứ như thể nước cũng bị nhiễm giọng vậy. “Ông còn chưa trả lời cháu, ông Ibrahim, về vợ của ông? Về vợ của ông ấy?” “Momo à, không trả lời, đó chính là một câu trả lời.” Mỗi sáng, ông Ibrahim đều là người thức dậy đầu tiên. Ông lại gần cửa sổ, hít lấy ánh sáng và tập thể dục, thật chậm rãi - sáng nào cũng vậy, cả đời, ông đều tập thể dục. Ông dẻo dai đến mức kinh ngạc, và vẫn nằm trên gối, mắt nhắm mắt mở, tôi như nhìn thấy bóng dáng trẻ trung, cao lớn và uể oải ông hẳn có thời trẻ, cách đây rất lâu rồi. Một hôm, trong phòng tắm, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra ông Ibrahim có cắt bao quy đầu. “Ông cũng thế ư, ông Ibrahim?” “Người Hồi giáo cũng như người Do Thái, Momo ạ. Đó là sự hy sinh của Abraham: ông đưa con của mình cho Thiên Chúa và nói rằng Người có thể lấy đứa trẻ. Mẩu da cắt ra từ chúng ta chính là dấu ấn của Abraham. Để cắt bao quy đầu, người cha phải giữ con trai, người cha ông tặng nỗi đau của chính con trai mình để tưởng nhớ đến sự hy sinh của Abraham.” Đi với ông Ibrahim, tôi mới nhận ra rằng người Do Thái, người Hồi giáo và thậm chí cả người Công giáo đều có những vĩ nhân chung trước khi nện nhau vỡ mặt. Điều này chả liên quan gì tới tôi, nhưng khiến tôi cảm thấy thoải mái. Từ Normandie về, lúc bước vào căn phòng tối và trống rỗng, tôi không cảm thấy mình khác biệt, không, tôi thấy rằng thế giới có thể khác đi. Tôi tự nhủ rằng tôi có thể mở cửa sổ, rằng những bức tường có thể sáng màu hơn, tôi tự nhủ rằng có lẽ tôi không buộc phải giữ những đồ đạc đượm mùi quá khứ này, không phải quá khứ đẹp đẽ, không, mà là cái quá khứ già cỗi, hôi hám, một quá khứ bốc mùi như một miếng vải lau nhà cũ kỹ. Tôi chẳng còn đồng nào. Tôi bắt đầu bán sách, từng lô một, cho những người mua sách cũ ở kè sông Seine mà ông Ibrahim đã giúp tôi phát hiện ra lúc chúng tôi đi dạo. Mỗi lần bán một cuốn sách, tôi lại thấy tự do hơn một chút. Đến bây giờ, đã là ba tháng kể từ khi bố tôi biến mất. Tôi vẫn chơi trò đánh lừa, nấu ăn cho hai người và kỳ lạ thay, ông Ibrahim càng ngày càng ít hỏi về bố tôi. Quan hệ của tôi với Myriam càng lúc càng thất bại, nhưng lại biến thành một chủ đề nói chuyện rất thú vị, vào ban đêm, giữa tôi với ông Ibrahim. Một vài tối, tôi thấy nhoi nhói trong tim. Đó là bởi vì tôi nghĩ đến Popol. Bây giờ khi bố tôi không còn ở nhà, tôi lại rất muốn biết mặt anh Popol. Chắc chắn là tôi sẽ có thể chịu đựng được anh tốt hơn, bởi không còn ai ném anh vào mặt tôi như một thứ đối nghịch với sự vô dụng của tôi. Tôi thường đi ngủ với suy nghĩ rằng ở nơi nào đó trên thế giới, có một người anh đẹp trai và hoàn hảo, người không biết đến tôi và rằng một ngày nào đó, tôi sẽ gặp anh. Một buổi sáng, có cảnh sát tới gõ cửa. Họ gọi ầm lên như trong phim: “Mở cửa ra! Cảnh sát đây!” Tôi tự nhủ: Thôi rồi, tiêu đời rồi, tôi nói dối nhiều quá, họ tới để bắt tôi. Tôi mặc áo choàng ngủ vào rồi mở cửa. Họ không đến nỗi ghê gớm như tôi tưởng tượng, họ thậm chí còn tử tế hỏi tôi xem họ có thể vào nhà không. Đúng là tôi cũng muốn ăn mặc tử tế trước khi đi tù. Trong phòng khách, viên thanh tra nắm tay tôi và ân cần bảo: “Này cậu bé, chúng tôi có một tin buồn cho cậu. Bố cậu đã chết.” Tôi không biết vào lúc đó, điều gì làm tôi ngạc nhiên hơn, cái chết của bố tôi hay việc viên cảnh sát xưng hô trịnh trọng với tôi. Dù sao, tôi cũng ngồi phịch xuống ghế. “Ông ấy đã lao mình vào một đoàn tàu, đoạn gần Marseille.” Cả điều ấy cũng kỳ lạ: ai lại đi làm chuyện đó ở tận Marseille! Tàu thì ở đâu chả có. Ở Paris cũng có từng ấy tàu, thậm chí còn nhiều hơn. Rõ ràng là tôi không bao giờ hiểu nổi bố tôi. “Mọi chuyện đều cho thấy rằng bố cậu đã tuyệt vọng và ông ấy đã chủ động kết liễu đời mình.” Một ông bố tự tử, điều này sẽ không giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cuối cùng, tôi tự hỏi không biết mình có thích một ông bố bỏ rơi mình hơn không; ít ra tôi còn có thể cho rằng ông ấy đang bị nỗi ăn năn giày vò. Mấy viên cảnh sát có vẻ thấu hiểu sự im lặng của tôi. Họ nhìn vào giá sách trống trơn, căn hộ tồi tàn và tự nhủ rằng ôi chà, chỉ vài phút nữa thôi, họ sẽ rời khỏi đây. “Cần phải báo tin cho ai, hả cậu bé?” Đến đây, cuối cùng tôi cũng có một phản xạ phù hợp. Tôi đứng lên tìm danh sách bốn cái tên mà ông đã để lại cho tôi trước lúc bỏ đi. Viên thanh tra bỏ tờ giấy vào túi. “Chúng tôi sẽ giao phó việc tiến hành các thủ tục cho bên Bảo trợ xã hội.” Rồi ông ta lại gần tôi, ánh mắt đầy thương cảm, và lúc đó, tôi cảm thấy rằng ông ta sẽ làm một điều kỳ quái với tôi. “Bây giờ, tôi phải yêu cầu cậu làm một việc tế nhị: cậu phải đến nhận dạng cái xác.” Câu nói đó có tác dụng như một tín hiệu báo động. Tôi bắt đầu la hét, như thể người ta vừa bấm vào cái nút nào đó. Mấy viên cảnh sát cuống quýt quanh tôi, họ tìm nút tắt. Chỉ có điều, thật không may, nút tắt chính là tôi và tôi không thể dừng lại được nữa. Ông Ibrahim thật tuyệt vời. Ông lên nhà khi nghe tiếng kêu của tôi và ngay lập tức hiểu ra tình thế, ông nói rằng ông, chính ông, sẽ đi Marseille để nhận dạng cái xác. Mấy viên cảnh sát ban đầu còn nghi ngờ vì ông có bộ dạng thực sự của một người Ả Rập, nhưng tôi tiếp tục la hét và họ đã chấp nhận lời đề nghị của ông Ibrahim. Sau lễ tang, tôi hỏi ông Ibrahim: “Ông hiểu ra chuyện của bố cháu từ bao giờ, ông Ibrahim?” “Từ khi ở khách sạn Cabourg. Nhưng cháu biết đấy Momo, cháu không nên giận bố.” “Thế à? Tại sao chứ? Một ông bố làm cuộc đời cháu nát bét, bỏ rơi cháu và tự tử, thật là một khoản vốn liếng lòng tin chết tiệt cho cuộc đời. Ấy thế mà, cháu lại còn không nên giận ông ấy?” “Bố cháu không có ai làm gương trong cuộc đời cả. Bố cháu đã mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ, bởi vì ông bà cháu bị bọn Quốc xã bắt giam rồi chết trong trại tập trung. Bố cháu không thể nào bình thường trở lại sau khi thoát khỏi tất cả những chuyện đó. Có thể ông ấy cảm thấy có tội vì vẫn còn sống. Không phải tự nhiên mà ông ấy lại kết thúc đời mình dưới một đoàn tàu.” “Thế ạ, tại sao?” “Ông bà cháu đã bị đưa lên tàu để đi đến chỗ chết. Còn bố cháu, có thể ông ấy vẫn luôn tìm kiếm đoàn tàu của mình... Nếu ông ấy không đủ dũng khí để sống, thì không phải tại cháu Momo ạ, mà bởi tất cả những điều đã hoặc không xảy ra, trước khi có cháu.” Sau đó, ông Ibrahim nhét mấy tờ tiền vào túi tôi. “Này, lên phố Paradis đi. Các cô gái đang băn khoăn không biết cuốn sách cháu viết về họ đến đâu rồi...” Tôi bắt đầu thay đổi mọi thứ trong căn hộ trên phố Bleue. Ông Ibrahim cho tôi những thùng sơn, những cái chổi sơn. Ông cũng cho tôi những lời khuyên để cô nhân viên bảo trợ xã hội phát điên và có thêm thời gian. Một buổi chiều, khi tôi đang mở tung tất cả các cửa sổ để bay bớt mùi acrylic thì một người đàn bà bước vào căn hộ. Tôi không biết tại sao, nhưng trông vẻ ngại ngần, ngập ngừng của bà, cái cách bà không dám bước qua những chiếc ghế nhỏ và tránh những vết sơn trên sàn, tôi lập tức hiểu ra bà là ai. Tôi giả bộ đang toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc. Cuối cùng, bà phải khẽ đằng hắng. Tôi giả bộ ngạc nhiên: “Bà tìm ai?” “Cô tìm Moïse,” mẹ tôi nói. Thật kỳ lạ khi bà khó khăn lắm mới phát âm được cái tên đó, như thể nó không tài nào thoát ra khỏi cổ họng bà. Tôi tự tặng cho mình sự xa xỉ khi được chế giễu bà. “Bà là ai?” “Cô là mẹ nó.” Người đàn bà tội nghiệp, tôi thấy thương bà. Bà đang trong một trạng thái khác thường. Có lẽ bà đã phải đấu tranh rất nhiều để đi đến tận đây. Bà nhìn tôi thật kỹ, cố gắng giải mã các đường nét trên mặt tôi. Bà sợ, rất sợ. “Thế cháu là ai?” “Cháu ấy à?” Tôi muốn cười bò ra. Ai mà nghĩ một ngày mình sẽ rơi vào cảnh này, nhất là sau mười ba năm. “Người ta gọi cháu là Momo.” Vẻ mặt bà như vỡ ra. Tôi vừa cười vừa bồi thêm: “Đó là cách gọi ngắn gọn của Mohammed.” Mặt bà trở nên nhợt nhạt hơn cả màu sơn ở chân tường nhà tôi: “Vậy à? Cháu không phải là Moïse?” “Không ạ, không nên nhầm như thế thưa bà. Cháu là Mohammed.” Bà nuốt nước bọt. Dù sao, bà cũng không phật ý. “Nhưng không phải ở đây có một cậu bé, tên là Moïse sao?” Tôi muốn trả lời: Cháu không biết, bà là mẹ nó thì bà phải biết chứ. Nhưng vào phút cuối, tôi kìm lại, bởi người phụ nữ tội nghiệp có vẻ không còn đứng vững được nữa. Thay vào đó, tôi cho bà một lời nói dối nho nhỏ hay ho, dễ chịu hơn. “Moïse đi khỏi đây rồi thưa bà. Cậu ấy chán ở đây rồi. Cậu ấy không có kỷ niệm vui vẻ nào ở đây.” “Thế à?” Xem nào, tôi tự hỏi không biết bà có tin tôi không. Bà có vẻ không tin. Có lẽ rốt cuộc bà không ngốc đến thế. “Vậy bao giờ cậu ấy về?” “Cháu chịu. Khi đi, cậu ấy bảo muốn đi tìm anh trai.” “Anh trai ư?” “Vâng, Moïse có một người anh.” “Thế à?” Bà có vẻ vô cùng choáng váng. “Vâng, anh Popol của cậu ấy.” “Popol á?” “Vâng thưa bà, Popol, anh trai của cậu ấy!” Tôi không hiểu bà có đang cho tôi là một thằng điên không. Hay bà thực sự tin rằng tôi là Mohammed? “Nhưng cô thì chưa bao giờ có đứa con nào khác ngoài Moïse. Cô chưa từng có đứa con nào tên là Popol cả.” Đến lúc này, chính tôi bắt đầu cảm thấy choáng váng. Bà nhận ra điều ấy, bà lảo đảo đến mức phải nương mình trên chiếc ghế bành, còn tôi cũng ngồi phịch xuống cái ghế bên cạnh. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau, ngạt thở vì mùi acrylic chua lòm. Bà ngắm nghía tôi, không bỏ qua cái chớp mắt nào của tôi. “Nói xem nào, Momo...” “Mohammed chứ.” “Nói xem, Mohammed, cháu sẽ gặp lại Moïse chứ?” “Có thể.” Tôi nói câu ấy bằng giọng dửng dưng, chính tôi cũng ngạc nhiên vì mình lại có cái giọng dửng dưng đến thế. Bà nhìn sâu vào đáy mắt tôi. Bà muốn xét nét tôi bao lâu mặc kệ, bà sẽ chẳng moi được gì ở tôi, tôi tin vào chính mình. “Nếu một ngày nào đó cháu gặp lại Moïse, hãy nói với cậu ấy là cô cưới bố cậu ấy khi cô còn rất trẻ, rằng cô lấy ông ấy chỉ để được ra khỏi nhà. Cô chưa bao giờ yêu bố của Moïse. Nhưng cô sẵn sàng yêu Moïse. Chỉ có điều cô đã quen một người đàn ông khác. Bố của con...” “Gì cơ?” “À cô muốn nói là bố của cậu ấy, bố Moïse ấy, đã nói với cô: Đi đi và để lại Moïse cho tôi, nếu không... Cô đã ra đi. Lúc ấy, cô muốn làm lại cuộc đời mình, một cuộc đời hạnh phúc.” “Rõ là thế thì tốt hơn rồi.” Bà cụp mắt xuống. Bà xích lại gần tôi. Tôi cảm thấy bà muốn ôm hôn tôi. Tôi giả đò không nhận ra điều ấy. Bà hỏi tôi, giọng van lơn: “Cháu sẽ nói với Moïse chứ?” “Có thể.” Tối hôm ấy, tôi đi gặp lại ông Ibrahim và vừa cười vừa bảo ông: “Thế nào, khi nào thì ông nhận cháu làm con nuôi đây, ông Ibrahim?” Ông cũng cười cười đáp lại ngay: “Ngay ngày mai nếu con muốn, Momo bé nhỏ ạ!” * * * Thế là phải chiến đấu. Thế giới hành chính, thế giới của những con dấu, những giấy phép, những công chức cáu kỉnh khi bị đánh thức, chẳng ai chào đón chúng tôi. Nhưng không gì khiến ông Ibrahim nản lòng. “Momo ạ, chữ không đồng ý thì chúng ta có sẵn rồi. Giờ chỉ cần đạt được chữ đồng ý nữa là xong.” Mẹ tôi, với sự giúp đỡ của nhân viên bảo trợ xã hội, cuối cùng cũng chấp nhận việc ông Ibrahim nhận nuôi tôi. “Thế vợ của ông, ông Ibrahim, bà ấy có đồng ý không?” “Vợ ta, bà ấy đã quay về nước từ lâu rồi. Ta làm những gì ta muốn. Nhưng nếu cháu muốn, chúng ta sẽ đi thăm bà ấy, hè này.” Ngày chúng tôi có được tờ giấy, tờ giấy bá cháy tuyên bố rằng từ nay tôi là con của người mà tôi chọn, ông Ibrahim quyết định chúng tôi phải mua một cái ô tô để ăn mừng. “Chúng ta sẽ đi du lịch, Momo ạ. Và hè này, chúng ta sẽ cùng đi đến vùng Lưỡi Liềm Vàng, ta sẽ cho con thấy biển, vùng biển duy nhất, vùng biển quê hương ta.” “Thay vì thế, chúng ta không thể đến đó bằng thảm bay sao?” “Cầm catalog và chọn một cái xe đi.” “Vâng, thưa cha.” Thật điên rồ, cùng là một từ nhưng người ta lại có thể có những cảm xúc khác nhau. Khi gọi ông Ibrahim là "cha", trái tim tôi hoan ca, tôi căng tràn hạnh phúc, tương lai sáng chói. Chúng tôi đi đến cửa hàng ô tô. “Tôi muốn mua mẫu này. Chính con trai tôi đã chọn.” Về phần ông Ibrahim, chuyện ngôn từ của ông còn tệ hơn cả tôi. Ông chêm từ "con trai" vào tất cả các câu nói, như thể ông vừa sáng tạo ra quan hệ cha con. Người bán hàng bắt đầu ca ngợi những đặc tính của chiếc xe. “Khỏi phải giới thiệu nhiều, tôi đã nói là tôi muốn mua cái xe này.” “Ông có bằng lái không, thưa ông?” “Tất nhiên.” Và thế là ông Ibrahim rút ra từ chiếc ví bằng da dê một tờ giấy hẳn phải có từ thời Ai Cập cổ đại là ít. Người bán hàng hoảng hốt xem xét tờ giấy cũ kỹ nhăn nhúm, trước hết vì phần lớn chữ đã mờ hết, lại nữa là vì nó được viết bằng thứ tiếng mà ông ta không biết. “Cái này là giấy phép lái xe sao?” “Rõ ràng là thế, không phải sao?” “Được rồi. Vậy chúng tôi xin đề xuất với ông hình thức thanh toán trả góp. Ví dụ như trong vòng ba năm, ông sẽ phải...” “Khi tôi nói với anh rằng tôi muốn mua một chiếc xe, tức là tôi có thể mua. Tôi trả tiền ngay.” Ông Ibrahim rất khó chịu. Rõ ràng là người bán hàng này nói hớ hết lần này đến lần khác. “Vậy ông hãy viết một tấm séc...” “Thôi đủ rồi đấy! Tôi đã nói với anh là tôi trả tiền ngay. Bằng tiền. Tiền thật.” Rồi ông đặt những xấp tiền lên mặt bàn, những xấp tiền cũ đẹp đẽ, xếp trong những chiếc túi ni lông. Người bán hàng ngộp thở. “Nhưng... nhưng... không ai trả bằng tiền mặt... điều này... không thể như thế được...” “Vậy là sao, đây không phải là tiền à? Tôi nhận tiền này ở cửa hàng của tôi, thế sao anh lại không nhận? Momo, chúng ta có vào một cửa hàng nghiêm túc không vậy?” “Thôi được. Vậy chúng ta làm thế này. Chúng tôi sẽ giao xe cho ông trong vòng mười lăm ngày nữa!” “Mười lăm ngày? Không thể như thế được: mười lăm ngày nữa thì tôi chết rồi!” Hai ngày sau, xe được giao đến cho chúng tôi, trước cửa hàng tạp hóa... ông Ibrahim giỏi thật. Khi lên xe, ông Ibrahim bắt đầu tỉ mẩn sờ tất cả các nút điều khiển trên xe bằng những ngón tay dài và thon của mình; rồi ông lau trán, mặt ông tái xanh. “Ta không biết nữa, Momo ạ.” “Nhưng cha học lái rồi mà?” “Ừ, lâu lắm rồi, cùng với anh bạn Abdullah của ta. Nhưng...” “Nhưng sao ạ?” “Nhưng xe hồi ấy không như thế này.” Ông Ibrahim thực sự bối rối. “Cha Ibrahim này, xe mà cha học lái không phải xe ngựa kéo đấy chứ?” “Không, Momo bé nhỏ của ta, lừa kéo con ạ. Xe lừa.” “Thế còn cái bằng lái xe hôm trước cha chìa ra, nó là cái gì?” “Ừm... đó là một bức thư cũ của anh bạn Abdullah của ta, kể chuyện mùa vụ như thế nào.” “Chà, chúng ta cũng chưa đến nỗi rắc rối lắm đâu!” “Đấy là con nói đấy, Momo nhé.” “Không có gì trong kinh Coran của cha cho chúng ta một giải pháp, như thường lệ, hay sao?” “Con nghĩ xem Momo, kinh Coran đâu phải là sổ tay cơ khí! Nó hữu ích cho những thứ về tinh thần chứ không phải mấy thứ sắt vụn. Với lại, trong kinh Coran, họ đi lại bằng lạc đà cơ!” “Đừng căng thẳng thế, cha Ibrahim.” Cuối cùng, ông Ibrahim quyết định chúng tôi sẽ cùng nhau học lái xe. Vì tôi chưa đến tuổi, ông là người học chính thức, trong khi tôi ngồi ở hàng ghế sau, nghe như nuốt từng lời hướng dẫn của thầy dạy. Khi lớp học kết thúc, chúng tôi mang xe ra đường rồi tôi ngồi vào sau tay lái. Chúng tôi lái xe trong Paris vào ban đêm để tránh lúc đường đông. Tôi xoay xở ngày càng tốt. Cuối cùng, mùa hè cũng đến và chúng tôi lên đường. Hàng nghìn ki lô mét. Chúng tôi đi xuyên châu Âu từ phía Nam. Cửa kính xe để mở. Chúng tôi đi Trung Đông. Càng đi với ông Ibrahim càng thấy thế giới thay đổi thú vị theo cách đáng kinh ngạc. Bởi vì tôi phải dính chặt vào vô lăng và tập trung nhìn đường, ông miêu tả cho tôi phong cảnh, bầu trời, những đám mây, những ngôi làng, những người dân. Giọng nói líu lo của ông Ibrahim, chất giọng mỏng như giấy cuốn thuốc lá, chút kích thích trong âm sắc, những hình ảnh, những cảm xúc, những nỗi ngạc nhiên xen lẫn những câu bông đùa tinh quái, đối với tôi, đó chính là con đường dẫn từ Paris đến Istanbul. Tôi khám phá châu Âu không phải bằng mắt mà bằng tai. “Ôi này Momo, chúng ta đang ở chỗ của người giàu: con nhìn xem, có thùng rác kìa.” “Có thùng rác thì sao ạ?” “Nếu con muốn biết mình đang ở nơi giàu hay nghèo, thì hãy nhìn những thùng rác. Nếu con không nhìn thấy cả rác lẫn thùng rác, tức là nơi đó rất giàu. Nếu con nhìn thấy thùng rác mà không nhìn thấy rác, đó là nơi giàu. Nếu con nhìn thấy rác bên cạnh thùng rác, đó là nơi không giàu không nghèo: đó là điểm du lịch. Nếu con nhìn, thấy rác mà không thấy có thùng rác, đó là một nơi nghèo. Còn nếu mọi người sống chung với rác, đó là nơi rất rất nghèo. Ở đây thì giàu.” “Tất nhiên rồi, Thụy Sĩ mà!” “Ồ không, đừng đi đường cao tốc Momo nhé, không đi đường cao tốc. Đường cao tốc có nghĩa là: đi thôi, chả có gì xem cả. Đường đó dành cho bọn ngốc nghếch muốn đi càng nhanh càng tốt từ điểm này sang điểm khác. Còn chúng ta, không phải chúng ta đang học hình học, chúng ta đi du ngoạn. Con hãy tìm cho ta những con đường nhỏ mà đẹp, thể hiện hết những gì chúng ta cần thấy.” “Rõ ràng là cha không phải lái xe, cha Ibrahim ạ.” “Nghe này Momo, nếu con không muốn xem gì cả thì hãy đi máy bay, như mọi người.” “Ở đây nghèo cha nhỉ?” “Ừ, đây là Albania.” “Thế còn kia?” “Dừng lại Momo. Con có ngửi thấy không?” Mùi của hạnh phúc, đây là Hy Lạp. Mọi người ngồi bất động, họ đủng đỉnh nhìn chúng ta lái xe qua, họ hít thở. Con thấy không Momo, cả đời ta, ta đã làm việc rất nhiều, nhưng lẽ ra ta nên làm việc chậm rãi thôi, từ từ, ta đâu có muốn cắm đầu vào số má, hay nhìn ngắm khách hàng diễu qua, không đâu. Sự ung dung, chính nó, là bí quyết của hạnh phúc. Sau này con muốn làm nghề gì? “Con không biết, cha Ibrahim ạ. À có, con sẽ làm xuất nhập khẩu.” “Xuất nhập khẩu?” Tôi đã ghi điểm, tôi đã tìm ra từ mầu nhiệm. “Xuất nhập khẩu”, ông Ibrahim há hốc miệng, đó là một từ nghiêm túc, đồng thời cũng mang nghĩa phiêu lưu, một từ gọi nên những chuyến đi, những con tàu, những kiện hàng, những doanh thu khổng lồ, một từ cũng nặng nề như những âm tiết tạo nên nó “xuất-nhập-khẩu”! “Tôi xin giới thiệu với quý vị, con trai của tôi, Momo, người sẽ làm nghề xuất nhập khẩu trong tương lai.” Chúng tôi có đầy các trò chơi. Ông đưa tôi vào các công trình tôn giáo với một dải băng bịt mắt, rồi bảo tôi đoán tôn giáo theo mùi. “Ở đây có mùi nến, là Công giáo.” “Đúng rồi, đây là nhà thờ Saint-Antoine.” “Ở đây có mùi hương, là Chính thống giáo.” “Đúng rồi, đây là nhà thờ Sainte-Sophie.” “Ở đây có mùi chân, là Hồi giáo. Ôi không, mùi quá, hôi quá...” “Gì cơ! Chúng ta đang ở nhà nguyện Bleue! Một nơi có mùi người thì không đủ tốt với con sao? Bởi vì chân con thì không bao giờ bốc mùi chăng? Một nơi cầu nguyện bốc mùi người, được tạo ra dành cho con người, với những con người ở trong, điều này làm con ghê tởm à? Đầu con đúng là đầy những suy nghĩ kiểu Paris! Ta ấy à, mùi của những chiếc tất khiên ta thấy yên tâm. Ta tự nhủ rằng ta không cao quý hơn người bên cạnh ta. Khi ta ngửi thấy mình, ngửi thấy những người xung quanh, chỉ thế là ta đã cảm thấy khỏe hơn rồi!” Từ Istanbul trở đi, ông Ibrahim ngày càng ít nói. Ông xúc động. “Chẳng mấy nữa, chúng ta sẽ đến vùng biển quê hương ta.” Mỗi ngày, ông lại muốn chúng tôi đi chậm hơn. Ông muốn tận hưởng. Và cũng thấy sợ nữa. “Biển quê hương cha đâu, cha Ibrahim? Hãy chỉ trên bản đồ cho con xem.” “Ôi, đừng làm phiền ta với mớ bản đồ của con, Momo, có phải chúng ta đang đi học đâu!” Chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng trên núi. “Ta hạnh phúc, Momo ạ. Con đang ở đây và ta biết có gì trong kinh Coran của ta. Giờ đây, ta muốn đưa con đi nhảy múa.” “Nhảy múa ư, cha Ibrahim?” “Cần phải làm thế. Chắc chắn phải làm thế. ‘Trái tim con người giống như một con chim bị giam trong cái lồng cơ thể.’ Khi con nhảy múa, trái tim sẽ hát như một con chim khao khát được tan chảy trong Thượng đế. Đi nào, chúng ta đi tekké.” “Đi đâu cơ ạ?” * * * “Sàn nhảy này buồn cười thế!” tôi nói khi bước qua ngưỡng cửa. “Tekké không phải là một sàn nhảy, đây là một tu viện. Này Momo, bỏ giày ra.” Và chính ở đó, lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy đàn ông xoay tròn. Các thầy tu Hồi giáo mật tông mặc những chiếc áo dài màu nhạt, rộng, dày và mềm. Một tiếng trống vang lên. Và các thầy tu biến thành những con quay. “Con thấy đấy Momo! Họ xoay quanh chính mình, họ quay xung quanh trái tim họ nơi Thượng đế ngự trị. Như một lời cầu nguyện.” “Cha ơi, cha gọi đây là một lời cầu nguyện ư?” “Đúng vậy, Momo. Họ mất tất cả dấu mốc trên mặt đất, mất đi trọng lực vẫn được gọi là sự thăng bằng, họ trở thành những cây đuốc cháy bùng lên trong một ngọn lửa lớn. Thử xem Momo, thử xem. Theo ta nào.” Và ông Ibrahim cùng tôi, chúng tôi bắt đầu xoay. Những vòng đầu tiên tôi tự nhủ: Tôi hạnh phúc bên ông Ibrahim. Sau đó tôi tự nhủ: Tôi không còn giận bố tôi vì đã bỏ đi. Cuối cùng, tôi thậm chí còn nghĩ: Nói cho cùng, mẹ tôi cũng không thực sự có lựa chọn nào khác khi bà... “Thế nào Momo, con có cảm thấy những điều tốt đẹp không?” “Có, thật không thể tin nổi. Những nỗi uất hận trong lòng được trút bỏ dần. Nếu tiếng trống không dừng lại, có lẽ con đã xử lý xong vụ của mẹ con. Cầu nguyện thật thoải mái cha Ibrahim ạ, ngay cả khi con muốn cầu nguyện mà được đi giày thì vẫn hơn. Thân thể càng nặng thì tâm trí lại càng nhẹ.” Từ hôm đó, chúng tôi thường xuyên dừng xe để nhảy múa trong các tekké mà ông Ibrahim biết. Đôi khi ông không xoay tròn nữa, chỉ ngồi đó nhắm mắt lại mà uống trà, nhưng tôi thì quay như phát cuồng. Không, thực ra, tôi xoay để bớt cuồng. Tối đến, trên quảng hường của các ngôi làng, tôi cố gắng nói chuyện một chút với các cô gái. Tôi cố gắng hết sức nhưng chẳng mấy kết quả, trong khi ông Ibrahim chả làm gì khác ngoài uống rượu Suze vị hoa hồi và mỉm cười, hiền lành và ung dung, thế mà, chưa đến một giờ sau, đầy người ngồi vây quanh ông. “Con cử động nhiều quá, Momo. Nếu con muốn có bạn thì không nên cử động.” “Cha Ibrahim, cha có thấy con đẹp không?” “Con rất đẹp Momo ạ.” “Không, ý con không phải thế. Cha có thấy con đủ đẹp trai để làm đám con gái thích... mà không phải trả tiền hay không?” “Vài năm nữa, chính bọn con gái sẽ phải trả tiền cho con!” “Thế nhưng... hiện tại... chả thấy gì cả.” “Đương nhiên rồi Momo, con đã thấy cách con tiếp cận bọn họ chưa? Con nhìn họ chằm chằm với vẻ mặt như đang nói: ‘Các cô có thấy tôi rất đẹp trai không.’ Thế nên, đương nhiên họ sẽ cười nhạo. Con phải nhìn họ với vẻ mặt như đang nói: ‘Anh chưa bao giờ nhìn thấy ai xinh hơn em.’ Với một người đàn ông bình thường, ta muốn nói một người như ta và con - không phải Alain Delon hay Marlon Brando, không -, vẻ đẹp của con là vẻ đẹp mà con tìm thấy ở người phụ nữ.” Chúng tôi nhìn mặt trời lách qua những ngọn núi và bầu trời chuyển sang màu tím. Bố nuôi ngắm nhìn ngôi sao Hôm. “Một cái thang được đặt trước mặt chúng ta, để chúng ta trốn thoát, Momo ạ. Con người lúc đầu là khoáng chất, rồi thực vật, rồi động vật - điều này, cái nguồn gốc động vật ấy, con người không thể quên được, anh ta thường có xu hướng trở lại làm động vật -, sau đó anh ta trở thành con người có kiến thức, có lý trí, có đức tin. Con có tưởng tượng ra con đường con đã trải qua từ hạt bụi để đến ngày hôm nay không? Và sau đó, khi đã vượt qua thân phận con người của mình, con sẽ trở thành một thiên thần. Con sẽ kết thúc mối quan hệ với trái đất. Khi nhảy múa, con có thể linh cảm về điều đó.” “Vầng. Dù sao thì con cũng chả nhớ được gì cả. Cha có nhớ không, cha Ibrahim, rằng cha từng là một cái cây ấy?” “Xem nào, con nghĩ ta làm gì khi ngồi hàng giờ bất động trên chiếc ghế đẩu trong cửa hàng?” Rồi cũng đến cái ngày tuyệt vời mà ông Ibrahim thông báo rằng chúng tôi sắp đến vùng biển nơi ông sinh ra và gặp ông bạn Abdullah của ông. Ông xúc động, lấn bấn chẳng khác nào một chàng trai trẻ, ông muốn đến đó một mình trước đã, để xác định vị trí, ông bảo tôi đợi dưới gốc một cây ô liu. Lúc đó đang là giờ ngủ trưa. Tôi ngồi tựa vào thân cây, ngủ thiếp đi. Khi tôi tỉnh giấc, ngày đã tàn. Tôi đợi ông Ibrahim đến tận nửa đêm. Tôi đi bộ đến tận ngôi làng gần đó. Khi tôi đến nơi, mọi người đổ xô lại. Tôi không hiểu ngôn ngữ của họ, nhưng họ vừa nói vừa phác những cử chỉ sinh động, và dường như họ biết tôi rất rõ. Họ đưa tôi đến một ngôi nhà lớn. Đầu tiên tôi đi qua một căn phòng lớn nơi nhiều người đàn bà đang ngồi xổm và rên rỉ. Rồi họ đưa tôi đến hước mặt ông Ibrahim. Ông đang nằm, người đầy những vết thương, vết bầm tím và vết máu. Chiếc xe đã đâm vào một bức tường. Ông có vẻ rất yếu. Tôi vội lao đến bên ông. Ông mở mắt và mỉm cười. “Momo, chuyến đi dừng lại ở đây.” “Không, cha ơi, chúng ta còn chưa đến nơi, chưa đến biển quê hương cha.” “Có chứ, ta đã đến rồi. Tất cả các nhánh của dòng sông rồi đều chảy ra cùng một biển. Biển độc nhất.” Lúc đó, không thể kiềm chế được, tôi bắt đầu khóc. “Momo, ta không hài lòng đâu.” “Con lo sợ cho cha, cha Ibrahim ơi.” “Ta thì không sợ Momo ạ. Ta biết có gì trong kinh Coran của ta.” Đó là một câu mà lẽ ra ông không nên nói, nó gợi lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm đẹp và tôi lại càng nức nở hơn nữa. “Momo, con hãy khóc cho con, đừng khóc cho ta. Ta đã sống đủ rồi. Ta đã sống đến già. Ta đã có vợ, vợ ta chết lâu rồi nhưng ta vẫn yêu bà ấy như thế. Ta có ông bạn Abdullah, và con sẽ chào ông ấy thay ta. Cửa hàng nhỏ của ta đắt hàng. Phố Bleue, một con phố đẹp, ngay cả khi nó không mang màu xanh lơ*. Và sau đó, ta đã có con.” Để làm vui lòng ông, tôi nuốt nước mắt vào trong, tôi cố gắng và bùm: mỉm cười! Ông rất vui. Như thể ông đỡ đau hơn. Bùm: mỉm cười! Ông nhẹ nhàng nhắm mắt. “Cha Ibrahim!” “Suỵt... đừng lo. Ta không chết đâu Momo, ta sẽ đi gặp cõi vô cùng.” Vậy đó. Tôi ở lại một thời gian ngắn. Tôi đã nói nhiều chuyện về cha với ông bạn Abdullah của cha. Chúng tôi cũng xoay tròn rất nhiều. Ông Abdullah cũng giống ông Ibrahim, nhưng là một ông Ibrahim nhăn nheo, dùng nhiều từ hiếm gặp, thuộc lòng nhiều bài thơ, một ông Ibrahim có lẽ đã dành thời gian để đọc nhiều hơn là để làm ngăn kéo cửa hàng kêu rủng rẻng. Những giờ chúng tôi xoay tròn ở tekké, ông gọi đó là điệu nhảy giả kim, điệu nhảy làm đồng biến thành vàng. Ông thường trích dẫn Rumi*. Ông nói: Vàng không cần tới viên đá giả kim, nhưng đồng thì có. Hãy tự hoàn thiện mình. Cái gì đang sống, hãy làm nó chết: đó là cơ thể bạn. Cái gì đã chết, hãy làm nó hồi sinh: đó là trái tim bạn. Cái gì đang hiện hữu, hãy che giấu nó: đó là thế gian hiện tại. Cái gì đang vắng mặt, hãy đưa nó đến đây: đó là thế giới của cuộc sống tương lai. Cái gì tồn tại, hãy tiêu diệt nó: đó là đam mê. Cái gì không tồn tại, hãy sản sinh ra nó: đó là ý định. * * * Đến tận ngày hôm nay, khi có điều gì không ổn: tôi lại xoay tròn. Tôi chỉ một tay lên trời và xoay tròn. Tôi chỉ một tay xuống đất và xoay tròn. Bầu trời xoay trên đầu tôi. Trái đất xoay dưới chân tôi. Tôi không còn là tôi mà là một trong những phân tử xoay xung quanh khoảng trống hư vô tạo nên từ tất cả. Như ông Ibrahim từng nói: “Trí thông minh của con nằm ở mắt cá chân, và mắt cá chân của con có một cách suy nghĩ rất sâu.” Tôi quay trở lại bằng cách bắt xe đi nhờ. Tôi đã "trao mình cho Thượng đế", như ông Ibrahim thường nói khi nhắc đến những người vô gia cư: tôi đã đi khất thực và ngủ ngoài đường, và đó cũng là một món quà quý giá. Tôi không muốn tiêu số tiền ông Abdullah đã nhét vào túi tôi trong lúc ôm hôn tôi, trước khi tôi tạm biệt ông. Trở về Paris, tôi phát hiện ra rằng ông Ibrahim đã tính trước mọi chuyện. Ông đã giải phóng cho tôi: vậy là tôi tự do. Và tôi được thừa kế tiền, cửa hàng cùng cuốn kinh Coran của ông. Công chứng viên đưa cho tôi một phong bì màu ghi, và tôi nâng niu rút cuốn sách cũ ra. Cuối cùng tôi cũng biết trong cuốn kinh Coran của ông có gì. Trong cuốn kinh Coran của ông, có hai bông hoa khô và một bức thư của ông Abdullah bạn ông. Bây giờ, tôi là Momo, mọi người trong phố đều biết tôi. Cuối cùng, tôi không làm xuất nhập khẩu, tôi chỉ nói thế với ông Ibrahim để lấy le đôi chút thôi. Mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng tới thăm tôi. Bà gọi tôi là Mohammed, để tôi khỏi giận, và bà hỏi thăm tin về Moïse. Tôi cho bà biết tin về cậu ấy. Cuối cùng, tôi nói với bà rằng Moïse đã tìm thấy anh trai Popol, và họ đã cùng nhau đi du ngoạn và rằng theo tôi thì họ sẽ không sớm quay lại. Thậm chí có lẽ không nên nói đến chuyện này nữa. Bà đã suy nghĩ kỹ - lúc nào bà cũng thận trọng khi tiếp xúc với tôi - rồi thầm thì đầy trìu mến: “Nói cho cùng, có lẽ như thế cũng không tệ. Có những tuổi thơ cần phải từ bỏ, những tuổi thơ cần được chữa lành.” Tôi nói với bà rằng tâm lý học không phải sở thích của tôi, mà là cửa hàng tạp hóa. “Cô rất muốn mời con đến ăn tối một hôm, Mohammed ạ. Chồng cô cũng muốn gặp con.” “Chú ấy làm nghề gì?” “Giáo viên tiếng Anh.” “Thế còn cô?” “Giáo viên tiếng Tây Ban Nha.” “Vậy chúng ta sẽ nói tiếng gì trong bữa ăn đây? Không, cháu đùa thôi, cháu đồng ý.” Mặt bà ửng hồng vì hài lòng khi tôi nhận lời, không, thật đó, thật vui khi nhận thấy điều đó: cứ như thể tôi vừa gỡ bỏ những khúc mắc trong lòng bà. “Vậy là con sẽ đến phải không?” “Vâng. Vâng.” Chắc chắn là cũng hơi kỳ lạ khi hai giáo viên làm việc trong Bộ Giáo dục Quốc gia tiếp đón anh chủ cửa hàng tạp hóa Mohammed, nhưng nói cho cùng, tại sao lại không nhỉ? Tôi không phải là kẻ phân biệt chủng tộc. * * * Vậy là bây giờ... mọi thứ đã thành nếp. Thứ Hai hằng tuần, tôi đến nhà ông bà, cùng với vợ và các con tôi. Bọn trẻ rất quyến luyến họ, mấy đứa nhỏ con tôi, chúng gọi bà là bà nội, và bà giáo viên tiếng Tây Ban Nha ấy vô cùng sung sướng, phải chứng kiến thì mới thấy! Đôi khi, bà vui đến mức kín đáo hỏi tôi xem tôi có phiền khi chúng gọi như vậy không? Tôi bảo là không và rằng tôi cũng là người biết đùa. Vậy đó, giờ tôi là Momo, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Bleue, phố Bleue nhưng lại không xanh lơ. Với tất cả mọi người, tôi là người Ả Rập trong khu phố. Ả Rập, có nghĩa là mở cửa cả ban đêm và ngày Chủ nhật, trong giới bán tạp hóa HẾT * Tên phố nghĩa là Thiên đường. (Mọi chú thích trong sách, nếu không có lưu ý gì thêm, đều là của người dịch.) * Một nhãn thức ăn cho chó mèo. * Normandie nằm ở Tây Bắc nước Pháp, bên bờ eo biển Manche – là eo biển giữa Anh và Pháp. * Bleu trong tiếng Pháp có nghĩa là màu xanh lơ. * Jalāl ad-Dīn Muhammad Rūmī(1207 – 1273): nhà thần học, nhà thơ viết bằng tiếng Ba Tư của Hồi giáo mật tông, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại. """