"Nuôi Dạy Một Đứa Trẻ Hạnh Phúc - Jessica Joelle Alexander & Iben Dissing Sandahl full mobi pdf epub azw3 [Làm Cha Mẹ] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nuôi Dạy Một Đứa Trẻ Hạnh Phúc - Jessica Joelle Alexander & Iben Dissing Sandahl full mobi pdf epub azw3 [Làm Cha Mẹ] Ebooks Nhóm Zalo “NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC” THE DANISH WAY OF PARENTING by Jessica Joelle Alexander and Iben Dissing Sandahl Copyright © 2014, 2016 by Jessica Joelle Alexander and Iben Dissing Sandahl All rights reserved including the right of reproduction in whole or in part in any form This edition published by arrangement with TarcherPerigee, an imprint of Penguin Publishing Group, a division of Penguin Random House LLC Bản tiếng Việt © 2018, nhóm dịch Audax CÁC NHÀ PHÊ BÌNH NÓI GÌ VỀ QUYỂN SÁCH NÀY? “Quyển sách như một viên ngọc chứa đựng trí thông minh và cảm xúc quý báu. Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc trao tặng độc giả một phương pháp giáo dục thay thế cho cách dạy con đầy căng thẳng thời nay, và điều này sẽ khiến các gia đình từ New Dehli đến New York hò reo sung sướng. Tạm quên chuyện truy cầu hạnh phúc, quyển sách này chạm đến cội rễ đích thực của hạnh phúc gia đình. Tôi đoán mình là người Ðan Mạch mất rồi.” — Heather Shumaker , tác giả của It’s OK Not to Share and It’s OK to Go Up the Slide “Bất kỳ ai trên địa cầu đều có thể nhận được chút gì đó từ sự thông tuệ quý giá ẩn chứa trong quyển sách này. Các khái niệm như tái-định-khung và hygge được chứng minh là hữu dụng cho các gia đình đến từ mọi nền văn hóa. Thật huyền diệu khi thấy Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc có rất nhiều điểm chung với quyển Positive Parenting ! Tôi nhiệt liệt tiến cử quyển sách này!” — Rebecca Eanes , tác giả của Positive Parenting: An Essential Guide “Với hiểu biết sâu rộng về tác động tích cực của sự thấu-cảm và sự gắn kết trong việc dạy trẻ, Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc góp phần giúp cha mẹ toàn cầu tự kiểm tra các thiết lập mặc định của mình và xem xét con cái mình một cách toàn diện. Ðóng góp của họ về tầm quan trọng của tự do vui-chơi là một làn gió mới trong thời đại mà trẻ con phải chịu nhiều áp lực từ các thời khóa biểu kín mít. Vô cùng khuyến khích các bậc cha mẹ, ở bất kỳ nơi nào, đọc quyển sách này.” — Katie Hurley , LCSW, tác giả của The Happy Kid Handbook “Một phương pháp mới và mạnh, giúp nuôi dạy nên những đứa trẻ “có khả năng đàn hồi cũng như cảm thấy an tâm về mặt cảm xúc” - hay nói cách khác, chính là những gì mà chúng ta hướng đến.” — Tạp chí Mother “Là người đã nhiều năm nghiên cứu các lý luận về mô hình hạnh phúc kiểu Ðan Mạch, tôi nhận thấy quyển sách này rất mạch lạc, vô cùng hữu ích và là một chỉ dẫn thông minh giúp bạn cải thiện mức độ hạnh phúc của mình ở vai trò một phụ huynh, cũng như nuôi nấng những đứa trẻ hạnh phúc hơn theo kiểu Ðan Mạch. Với bất kỳ ai muốn trao cho mình và con cái cơ hội đến một cuộc đời viên mãn, tôi giới thiệu bạn đọc quyển sách này.” — Malene Rydahl , diễn giả và Ðại sứ Thiện chí Copenhagen “Nếu “người lớn” của mọi quốc gia thực hành dù chỉ 50% những nguyên tắc được phác thảo trong quyển Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc vào cuộc sống của mình, ôi cái tiềm năng rằng nhân loại sẽ thay đổi... Ðôi khi một quyển sách có sức mạnh tái định hình thế giới mà chúng ta đã quen thuộc, kéo theo các thay đổi đến thế hệ sau – thế hệ thậm chí có khả năng biến chiến tranh thành một khái niệm của một thời dĩ vãng. Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc thực sự là Thánh Kinh của mọi người trưởng thành.” — The Class House Girls “Ẩm thực Bắc Âu, Thiết kế Bắc Âu, Tiểu thuyết Trinh thám Bắc Âu – danh sách sản phẩm văn hóa xuất khẩu thành công, không có dấu hiệu chấm dứt từ thập kỉ trước, và giờ đây bạn có thể thêm vào đó: Giáo dưỡng kiểu Bắc Âu… Có vẻ như rằng các bà mẹ Ðan Mạch thực sự biết những điều tuyệt nhất.” — The Post (Copenhagen) “Công trình nghiên cứu và sự phản tư chân thật của Alexander về cái cách mà nền văn hóa Ðan Mạch của chồng cô đã ảnh hưởng và giúp cách nuôi dạy con cái của chính cô tiến bộ, là nguồn tư liệu quý giá cho bất kỳ bậc làm cha mẹ nào đang nỗ lực tầm soát các điểm yếu trong cung cách nuôi dạy trẻ của mình. Nghiên cứu của Sandahl và các trải nghiệm cá nhân lẫn trong công việc, với tư cách là một phụ huynh Ðan Mạch và nhà tâm lý trị liệu, củng cố ý tưởng rằng người Ðan Mạch thực sự xuất sắc trong việc quan sát và đưa ra các hiểu biết tuyệt vời ở lĩnh vực nuôi dạy nên những đứa trẻ cân bằng và có khả năng đàn hồi [để đứng dậy sau thất bại]. Cùng với nhau, hai tác giả đã chu đáo viết nên một quyển sách hướng dẫn làm cha mẹ khuyến khích phản tư và cung cấp lời khuyên hữu ích về cách tiếp cận các thử thách khó nhằn trong nuôi dạy con cái. Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc là một trong những quyển sách phải-đọc cho bất kỳ người làm cha mẹ nào, bất kể mọi nền văn hóa.” — Carolyn Rathjen , MSW, LICSW CÒN CÁC BẬC PHỤ HUYNH? “Một quyển sách khiến người đọc phải tự soi chiếu bản thân. Không chỉ nói về chuyện làm sao để trở thành những người làm cha mẹ tốt hơn, quyển sách còn viết về vị trí của bạn trong thế giới, liên hệ giữa bạn và những người xung quanh ra sao, cũng như con người mà bạn muốn trở thành. Tôi thích tâm thế này của quyển sách vô cùng!” — Karin W. “Quyển sách đồng hành cùng bạn, khuyến khích bạn tìm kiếm niềm vui qua cái cách bạn tự nhìn nhận chính mình và con cái mình, với hy vọng rằng mai đây con cái bạn cũng sẽ truyền lại bài học này khi trở thành người làm cha làm mẹ. Sau cùng, đây là một quan điểm vô cùng lạc quan mà vẫn hết sức thực tế.” — Jason G. “Cái ý rằng hygge không tự dưng xuất hiện mà bạn phải thật lòng mong muốn có nó thật sự ấn tượng với tôi. Tôi rất thích quan điểm này!” — Kate H. “Các mẹo trong sách thật tuyệt! Tôi thích đọc những bài viết về những cuốn sách dành cho trẻ ở Ðan Mạch. Trẻ cần được nghe nhiều hơn về các chủ đề không-dễ-tí-nào này qua sách, bởi nó cho các bậc cha mẹ nhiều không gian thoải mái hơn để dạy các bài học quan trọng về cuộc sống. Chúng ta thường né tránh thảo luận các chủ đề khó, hay kém-dễ-chịu với con cái mình (hay với bạn đời) đơn giản vì chúng ta chẳng biết phải nói gì cả. Sẽ dễ dàng hơn biết bao nếu sách đã nói gần hết mọi chuyện!” — Jessica S. PARENT - LÀM CHA MẸ Play — Vui-chơi Vì sao tự do vui-chơi tạo nên nhiều người lớn hạnh phúc, dễ thích nghi, và có khả năng đàn hồi tốt hơn. Authencity — Sự chân-thật Vì sao sự trung-thực kiến tạo nên cảm thức về cái tôi vững chắc hơn. Lời khen nên được dùng ra sao để giúp hình thành tư duy kiểu phát triển thay vì tư duy kiểu cố định, khiến trẻ có khả năng đàn hồi tốt hơn? Reframing — Tái-định-khung Vì sao tái-định-khung có thể thay đổi cuộc sống của bạn và trẻ theo hướng tốt hơn. Empathy — Sự thấu-cảm Vì sao hiểu, kết hợp chặt chẽ và dạy thấu-cảm là cơ sở để tạo nên những em nhỏ và người lớn hạnh phúc hơn. No Ultimatums — Không đưa tối-hậu-thư Vì sao nên tránh tranh giành quyền lực và thay vào đó, sử dụng một cách tiếp cận dân chủ hơn trong việc làm cha mẹ, nuôi dưỡng lòng tin-tưởng, sức bật cũng như những đứa trẻ hạnh phúc hơn. Togetherness và Hygge — Sự quây-quần và Hygge (sự ấm-cúng) Vì sao mạng lưới xã hội bền chặt là một trong các yếu tố then chốt đối với niềm hạnh phúc nói chung của chúng ta. Làm cách nào mà tạo ra Hygge – Sự ấm-cúng có thể giúp chúng ta trao gửi món quà đầy quyền năng này đến con cái. LỜI NÓI ÐẦU DÀNH CHO LẦN TÁI BẢN Quá trình nghiên cứu và viết nên quyển sách này quả thật là quá trình lao động của yêu thương. Tất cả đều bắt đầu từ câu hỏi: Ðiều gì khiến trẻ con Ðan Mạch – và cha mẹ Ðan Mạch – trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới? Ðối với một người mẹ Mỹ – kết hôn với một người Ðan Mạch, và một nhà tâm lý trị liệu người Ðan Mạch, cả hai đều đang tự dựng xây tổ ấm, câu hỏi này vừa riêng tư một cách sâu sắc, vừa lý thú tuyệt vời về mặt học thuật. Quá trình tìm kiếm các câu trả lời dẫn chúng tôi đến một cuộc hành trình dấn thân vào các kết quả nghiên cứu, các thông tin về đất nước Ðan Mạch cũng như các cuộc phỏng vấn với nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi vừa hoàn thành bản thảo đầu tiên, chúng tôi đã làm khảo sát nhóm không chính thức với các bà mẹ, ông bố cũng như các chuyên gia khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Nhóm bao gồm những người theo Ðảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, các bà mẹ đeo đuổi lối sống tự nhiên [1] lẫn các ông bố nhà binh, các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ lẫn những người chủ trương nuôi dạy bằng đòn roi, những phụ huynh theo trường phái gắn kết [2] lẫn những bà mẹ Hổ [3] từ California đến Washington D.C và những nơi khác nữa, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận mọi dạng phụ huynh từ mọi ngóc ngách khả dĩ của cuộc sống. Nhờ vào các phản hồi đầy quý báu của họ, chúng tôi tự xuất bản phiên bản đầu tiên của quyển sách, với niềm tin rằng mình đã tạo nên một điều gì đó thật đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị cho hành trình tuyệt diệu mà quyển sách mang mình theo. Từ một phong trào đời thường đến một động thái toàn cầu, quyển sách mang chúng tôi đến gần hơn với các độc giả mới hơn từng ngày từng ngày. Khi sách vừa mới lên kệ, và các đơn đặt hàng dần dần tìm đến, địa điểm của chúng đã khiến chúng tôi hết sức bối rối: New Zealand, Nam Phi và nhiều quốc gia Châu Âu, ngoài ra còn có Việt Nam, Indonesia, Úc và Mỹ v.v... Trong số những người đặt mua sách, có các đạo diễn Hollywood, các ngài đại sứ Ðan Mạch, và các giáo sư đại học. Chúng tôi biết rõ điều này vì đã tự tay đóng gói, viết địa chỉ và gửi các quyển sách! Mọi chuyện có vẻ thật là triển vọng, nhưng đồng thời cũng chậm chạp và chán chường, còn có khả năng thất bại của dự án đè nặng lên đôi vai chúng tôi. Tuy vậy, dần dà chúng tôi bắt đầu nghe thấy tin tức từ các độc giả – những bậc làm cha mẹ, đã dành thời gian nghiền ngẫm, tiêu hóa các ý tưởng của chúng tôi và thử nghiệm chúng trong chính gia đình mình. Các phản hồi đến từ các phụ huynh này, còn hơn cả tích cực: Các phản hồi tràn đầy lòng biết ơn, thậm chí là sự nhẹ nhõm vì trên đời này có tồn tại một cách thực hành làm cha mẹ, và hơn thế nữa thực hành này còn ủng hộ các hồ nghi mà họ đã mang trong mình từ lâu. Cái cảm giác rằng hẳn phải có một phương thức dạy trẻ khác, ngoài cái đã bị đập cho dúm dó bởi các kỳ vọng và áp lực xã hội phải “làm đúng.” Các ông bố bà mẹ đã viết thư cho chúng tôi, bày tỏ rằng họ yêu thích cái ý tưởng giáo dục trẻ em tập trung vào việc vui-chơi, vào khả năng thấu-cảm và các kỹ năng xã hội chứ không chỉ quan trọng việc học hành. Và sự thật rằng các thực hành này từ lâu đã là một phần của một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng, mang đến cái nhìn cực kỳ mới mẻ cho những độc giả chưa từng biết nhiều về Ðan Mạch. Chúng tôi cũng phát hiện ra quyển sách đã được mang vào giảng đường đại học. Một giáo sư đã liên lạc để cho chúng tôi biết về một khóa học mà cô xây dựng dựa trên quyển sách Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc nhằm thu hút ý kiến từ các sinh viên của cô – những người được khai mở đầu óc nuôi dạy trẻ theo một hướng rất khác. Chúng tôi đã liên tục lan tỏa các giá trị Kiểu Ðan Mạch đến khắp nơi, viết nhiều bài báo, thực hiện các cuộc phỏng vấn và rồi hiệu ứng domino bắt đầu xảy đến. Một thương gia người Ấn đã mua quyển sách trên đường từ Ðan Mạch về nhà. Ông viết cho chúng tôi rằng ông muốn giới thiệu Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc đến khắp Ấn Ðộ: đến các lớp học, đến các văn phòng bác sĩ Nhi khoa và đến các chương trình đào tạo giáo viên cũng như đến công chúng nói chung. “Ðây không chỉ là một cuốn sách,” ông ấy viết cho chúng tôi, “ ... đây là một phong trào. Và tôi xem nó như phong trào thay đổi một quốc gia.” Chúng tôi đã hết sức mãn nguyện! Giờ đây quyển sách đã đến tay nhiều nhà xuất bản lớn, với phiên bản đã cập nhật này. Phần còn lại của câu chuyện là lịch sử đang hình thành. Cũng như dạy dỗ con cái, quyển sách này là một trải nghiệm khó khăn, gian truân, nhưng cũng vui sướng và đầy viên mãn. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất, thỏa mãn nhất trên tất cả chính là lời hồi đáp tuyệt vời từ độc giả: các phụ huynh, ông bà, giáo viên, những nhà giáo dục, những người chưa là phụ huynh, các nhà tâm lý, các câu lạc bộ sách và những lời truyền miệng nói chung. Dù cho mọi người có đồng ý với mọi khía cạnh của Kiểu Ðan Mạch hay không, đây chắc chắn là một miếng trầu để mào đầu nhiều câu chuyện. Những ý tưởng này chính là hạt giống cho một phong trào đời thường và giúp nó phát triển thành những gì nó là ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng những ý tưởng như những hạt mầm sẽ tiếp tục lan tỏa theo gió để rồi lòng tử tế, sự thấu-cảm và nhiều niềm vui hơn sẽ bừng nở trên khắp mọi nẻo đường thế giới. Và chúng tôi hy vọng chúng sẽ mang niềm hạnh phúc lớn lao đến cho bạn cùng gia đình. Jessica Joelle Alexander Iben Dissing Sandahl Copenhagen Tháng Hai, 2016 [1] Granola moms: những người mẹ thực hành lối sống tự nhiên, sử dụng thực phẩm hữu cơ, nuôi con bằng sữa mẹ, quan tâm các vấn đề xã hội và môi trường, v.v… (Tất cả các chú giải trong sách đều là từ người dịch). [2] Attachment parents: những phụ huynh theo trường phái tối đa hóa sự gắn bó với con trong giai đoạn sơ sinh, cả về tinh thần lẫn gần gũi thể chất. [3] Tiger moms: thuật ngữ chỉ những người mẹ khắt khe và đòi hỏi, hay thúc ép con mình phải đạt được và duy trì thành tích học tập cao nhất cũng như kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt của con. LỜI NGƯỜI DỊCH Chào bạn, Chọn mở quyển sách này ra, hẳn bạn là một người vô cùng quan tâm đến giáo dục và trẻ nhỏ. Cũng có thể đây là một sự vô tình dễ thương; nhưng dù có vì lý do gì đi chăng nữa, chúng tôi muốn gửi đến bạn lời chào và đôi dòng đề bạt quyển sách này. Chuyện nuôi dạy con như thế nào là một đề tài được tranh luận vô cùng sôi nổi đã nhiều năm nay. Thật là một chuyện đáng mừng khi các bậc cha mẹ, các nhà giáo, và những người yêu thương trẻ nhỏ tại Việt Nam đã bắt đầu một trào lưu tìm hiểu và học hỏi về chuyện nuôi dạy trẻ từ khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Ðiều này là minh chứng cho việc chúng ta đã dần ý thức rằng những gì mình biết là chưa đủ, và đã sẵn sàng học hỏi. Không chỉ xuất bản, một trào lưu quan tâm đến việc chăm sóc trẻ từ những năm đầu đời đang ngày một lớn mạnh. Nhiều cuộc tranh luận bổ ích đã nổ ra về việc dạy con, chăm con như thế nào là hợp tình hợp lý; hay hợp thời hợp thế. Với Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc chúng tôi mong được góp một góc nhìn mới (mới ngay cả với các nước phương Tây!), từ một đất nước nhỏ bé tại vùng cực lạnh giá vào cuộc tranh luận đang vô cùng hào hứng này. Quyển sách là hành trình của những trải nghiệm xuyên văn hóa của một người mẹ Mỹ có chồng Ðan Mạch, đồng hành cùng một nhà tâm lý Ðan Mạch, để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào mà dân Ðan Mạch hạnh phúc để trụ vững suốt bốn mươi năm liền trên Bảng Xếp hạng Hạnh phúc thế giới?” Cùng với những chiêm nghiệm sâu sắc về những trải nghiệm xuyên văn hóa của Jessica; kết hợp với bề dày kinh nghiệm và những kiến thức chuyên ngành tâm lý của Iben; quyển sách hứa hẹn mang đến những góc nhìn tươi mới, hài hước nhưng cũng vô cùng thực tế và khoa học. Chuyển ngữ quyển sách này là một công việc tuy khó khăn nhưng cũng đầy tận hưởng; chúng tôi mong quý độc giả cũng trải nghiệm những cung bậc thăng trầm, những giây phút căng thẳng với nhiều kiến thức mới mẻ, cũng như đôi khi phì cười vì những tình tiết thực tiễn nhưng vô cùng hóm hỉnh. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sự đồng hành của ông Huỳnh Phan Anh − phong thủy gia cho sự ra đời của quyển sách này. Cảm ơn các tác giả, đã tin tưởng phó thác cho chúng tôi nhiệm vụ chuyển ngữ và chăm sóc quyển sách tại Việt Nam. Cảm ơn các tác giả, dịch giả đã cho phép chúng tôi sử dụng cách dịch nhiều thuật ngữ trong sách. Cuối cùng, chúng tôi cũng muốn cảm ơn Phương Nam Book đã đồng hành cùng chúng tôi để quyển sách này được tinh tươm, sẵn sàng đến tay các bạn. Do năng lực hữu hạn, sai sót trong dịch thuật là khó tránh khỏi. Nếu bạn đọc có phát hiện và góp ý những điểm nên cải thiện, chúng tôi rất hân hoan được đón nhận. Mọi góp ý thảo luận về bản dịch vui lòng gửi đến chúng tôi qua hòm thư: audax.team@outlook.com Chúc bạn một trải nghiệm đọc thật vui! Tái bút: Do quyển sách có đề cập nhiều thuật ngữ chưa được dịch/ chưa được thống nhất cách dùng trong tiếng Việt, chúng tôi mạn phép được lạm quyền đôi trang để cùng bạn đọc xem qua trước các thuật ngữ. Mời bạn tham khảo ở ngay trang sau, một thư mục ngắn về các thuật ngữ dùng trong quyển sách này. Ðội AudaX cùng các Ðồng sự CHÚ GIẢI THUẬT NGỮ 1. Default setting – Thiết lập mặc định Chúng tôi dịch từ default setting là thiết lập mặc định với ý dùng ẩn dụ so sánh với những thiết lập được nhà sản xuất cài sẵn trong các thiết bị thông minh khi xuất xưởng. “Hầu hết những thiết lập mặc định của mỗi người là được thừa kế từ chính cha mẹ. Chúng được lập trình và ăn sâu vào trong chúng ta như bo mạch chủ của máy tính. Chúng chính là các cài đặt mặc định của nhà máy mà chúng ta quay về khi trí khôn cụt đường và tư duy cũng đình công; chúng đã được cài vào trong ta bởi quá trình được nuôi dạy. Ðó là khi ta nghe mình thốt lên những lời bản thân không hề muốn nói chút nào. Ðó là khi ta cư xử và phản ứng theo những lối mà ta không chắc mình muốn cư xử và phản ứng như vậy. Ðó là khi ta thấy thật tệ vì sâu thẳm trong lòng ta biết rõ rằng có cách cư xử tốt hơn với con cái mình, nhưng ta lại không chắc nó là gì. Ai đã có con hẳn rất thân quen với cảm giác này. ” — Trích Chương 1, trang 37 2. Self-esteem – Lòng tự-trân-trọng Self-esteem được định nghĩa là cảm nhận chủ quan về giá trị và năng lực bản thân của một người. http://en.wikipedia.org/wiki/Self-esteem http://www.britannica.com/topic/self-esteem 3. Internal/External Locus of control – Tâm điểm kiểm soát nội tại và tâm điểm kiểm soát ngoại giới Ở đây, chúng tôi đã xin phép sử dụng cách dịch cụm từ Internal/ External Locus of control của ông Ngô Toàn trên trang blog Tâm Ngã. Blog Tâm Ngã – http://blog.ngotoan.com/ “Trong tâm lý học, người hoạt náo viên trong tâm trí bạn – hay là các thôi thúc nội tâm được gọi là tâm điểm kiểm soát (the locus of control). Tâm điểm – chữ locus trong tiếng Latinh có nghĩa là “nơi chốn” hay “vị trí”; vì vậy tâm điểm kiểm soát đơn giản là nói về mức độ kiểm soát cuộc đời cũng như kiểm soát các sự kiện gây ảnh hưởng đến bản thân của mỗi người. Thế nên những người có tâm điểm kiểm soát nội tại có niềm tin rằng mình đủ khả năng kiểm soát cuộc đời mình và những chuyện xảy đến với mình. Các thôi thúc của họ xuất phát từ bên trong, và mang tính cá nhân; nơi họ đặt quyền kiểm soát là ở nội tại. Trái lại, những người có tâm điểm kiểm soát ngoại giới thì lại tin rằng cuộc đời mình được kiểm soát bởi các thành tố ngoại vi như môi trường hay số phận, những thứ mà họ hầu như khó lòng tác động đến. Những điều thôi thúc họ đến từ bên ngoài, và họ có làm gì thì cũng không thể thay đổi được chúng. Mỗi người chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi bối cảnh, văn hóa và địa vị xã hội, nhưng việc chúng ta cảm thấy mình có thể kiểm soát đời mình đến mức nào mặc cho những thành tố kể trên chính là sự khác biệt giữa tâm điểm kiểm soát nội tại và tâm điểm kiểm soát ngoại giới. ” — Trích Chương 2, trang 47 4. Reframing – Tái-định-khung Reframing được định nghĩa là quan sát hoặc trình bày một ý tưởng, một quan điểm, v.v… theo một cách nhìn mới. “Cách một người nhìn nhận về sự việc tác động trực tiếp đến cảm xúc của họ. Người lạc quan thực tế không bỏ lơ những tin xấu, đơn giản là họ tập trung nhiều hơn vào các thông tin khác có sẵn trong tay, để viết nên một câu chuyện đáng yêu và phong phú hơn về chính mình, về con cái, và về cuộc đời nói chung. Nhờ đó, tái-định-khung có thể mở rộng trải nghiệm, xoay chuyển tình thế, mang lại hạnh phúc và bình an cho chính cha mẹ lẫn con cái. ” — Trích trang 180 5. Vulnerability – Tính dễ-bị-tổn-thương Vulnerability chỉ khả năng gặp tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất. Vulnerability còn có thể chỉ tính cởi mở và sẵn sàng đón nhận nguy cơ bị tổn thương về cảm xúc, như việc sẵn sàng yêu thương, đón nhận yêu thương và chấp nhận các rủi ro về cảm xúc đi kèm. http://www.alleydog.com/glossary/definition.php?term=Vulnerability “Brené Brown, một nhà nghiên cứu đầu ngành về đặc tính dễ-bị-tổn thương, cho rằng căn nguyên thật sự khiến người ta sợ hãi tính dễ-tổn thương đến từ nỗi sợ bị ngắt kết nối với người khác. Chúng ta khao khát mối quan hệ xã hội nhiều đến độ sợ thốt lên những lời có nguy cơ khiến người khác từ chối mình. Trong khi đó, bày tỏ tính dễ bị tổn thương và thể hiện lòng thấu-cảm với người khác tạo nên sự gắn kết chặt chẽ. ” — Trích Chương 5, trang 113 6. Resillience – Khả năng đàn hồi Trong Tâm lý học, resilience là quá trình một người có thể thành công thích nghi được các khó khăn, chấn thương, nguy cơ, nghịch cảnh hoặc các nguồn gây căng thẳng. Resilience là khả năng “bật ngược trở lại” từ trải nghiệm tiêu cực mà vẫn giữ được năng lực hoạt động tốt. Khả năng đàn hồi không phải là một nét tính cách; mà người ta có thể có hay không có. Trái lại, khả năng đàn hồi có thể được học hỏi và phát triển ở tất cả mọi người. http://www.apa.org/helpcenter/road-resilience.aspx 7. Togetherness – Sự quây quần, gắn bó Togetherness ý chỉ trạng thái quây quần bên cạnh nhau. Với người Ðan Mạch, họ chú trọng sự bên nhau không chỉ là hiện diện vật lý mà còn là dành tâm trí cho nhau thật sự. “Ðây là nếp sống chú trọng nuôi dưỡng các mối quan hệ gần gũi, là một trong những dấu chỉ tiên đoán trước đời sống hạnh phúc của một người. Thông qua thực hành hygge, tạo dựng không gian sống thoải mái, ấm cúng, chúng ta có thể cải thiện chất lượng của những lần họp mặt gia đình, để mỗi dịp tề tựu đều là một trải nghiệm dễ chịu và đáng nhớ cho bọn trẻ. Việc gác lại cái “Tôi” và tập trung vào cái “chúng ta” giúp khoảnh khắc sum vầy luôn ngập tràn thoải mái, yêu thương và tránh được những bực dọc phiền muộn riêng tư. Con trẻ sẽ được hạnh phúc hơn trong một gia đình vui vẻ, duy trì tương tác xã hội lành mạnh. ” — Trích trang 182 8. Well-being – Vui-sống Well-being là thuật ngữ chung chỉ chất lượng đời sống của một cá thể hoặc nhóm cá thể, về các mặt sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và khía cạnh quan hệ xã hội. http://en.wikipedia.org/wiki/Well-being GIỚI THIỆU Bí mật của niềm hạnh phúc kiểu Ðan Mạch Ðan Mạch, một đất nước nhỏ bé nằm ở phía Bắc của Châu Âu, nổi tiếng với câu chuyện cổ tích “ Nàng Tiên Cá” của Hans Christian Andersen, được bầu chọn là đất nước với người dân hạnh phúc nhất thế giới bởi OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) gần như hàng năm tính từ 1973. Từ 1973! Tính ra là gần hơn 40 năm, liên tục được bầu chọn là những người hạnh phúc nhất thế giới! Nghĩ về điều này trong chỉ một giây thôi, đây gần như là một thành tựu gây sững sờ! Ngay cả Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) mới nhất vừa được xuất bản bởi Liên Hiệp Quốc, cũng cho thấy Ðan Mạch đứng đầu danh sách mỗi năm kể từ lúc bắt đầu. Ðâu là bí mật của sự thành công bền vững này? Vô số bài viết và nghiên cứu đã được tiến hành nhằm giải mã bí ẩn này. Ðan Mạch ư? Vì sao lại là Ðan Mạch? Chương trình 60 phút (60 Minutes) đã thực hiện một phóng sự về điều này, tên là “ Mưu cầu hạnh phúc” (The Pursuit of Happiness) ; Oprah cũng thực hiện một chương trình về bí ẩn này, “ Vì sao người Ðan Mạch hạnh phúc thế?” (Why are Danes So Happy?) , và các kết luận từ các cuộc kiếm tìm này thường không đến nơi đến chốn. Là do quy mô của hệ thống xã hội, kích thước của các ngôi nhà hay ở chính phủ của họ? Chắc hẳn không thể là nhờ mức thuế cao hay những mùa đông tối thui, lạnh lẽo được. Vậy thì bí mật này là gì? Hoa Kỳ, ngược lại, chính là quốc gia với tinh thần “ Mưu cầu hạnh phúc” được thiết lập ngay trong Tuyên ngôn Ðộc lập nhưng thậm chí còn không vào được tốp 10. Ðất nước này suýt chút nữa không nằm trong tốp 20, với vị trí số 17 ngay sau Mexico. Mặc cho sở hữu cả một nhánh Tâm lý học chuyên nghiên cứu về niềm hạnh-phúc và một biển mênh mông những sách tu thân [self-help] – dạy chúng ta làm sao đạt đến trạng thái khó nắm bắt này, chúng ta lại không thật sự hạnh phúc đến vậy. Vì sao thế? Và hơn nữa, vì sao người Ðan Mạch hài lòng đến thế? Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng mình cuối cùng cũng khám phá ra được bí mật vì sao mà dân Ðan Mạch hạnh phúc đến vậy. Và câu trả lời khá đơn giản, chính là vì cái cách mà họ được dạy dỗ và nuôi nấng. Triết lý làm cha mẹ và nuôi nấng trẻ con kiểu Ðan Mạch mang đến các kết quả quá tuyệt vời: những em nhỏ có khả năng đàn hồi, an tâm về mặt cảm xúc, hạnh phúc, những con người sau đó lớn khôn thành những người lớn có khả năng đàn hồi, an tâm về mặt cảm xúc và hạnh phúc – rồi trở thành những người làm cha làm mẹ lặp lại cung cách này với con cái mình. Tự thân cái di sản này lặp đi lặp lại và chúng ta có một xã hội luôn xếp đầu các bảng xếp hạng hạnh phúc suốt 40 năm liền. Xuyên suốt hành trình khám phá diệu kì này, chúng tôi đã quyết định phải chia sẻ kho kiến thức về dạy con “ kiểu Ðan Mạch” với các bạn. Trong quyển hướng dẫn từng bước này, mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ các ông bố, bà mẹ – những người vừa chớm bắt đầu hoặc đã dấn thân từ lâu vào một trong những công việc thử thách và phi thường nhất quả đất. Ðể kết hợp được phương thức này [vào cuộc sống] đòi hỏi sự thực hành, tính kiên trì, lòng quyết tâm cũng như sự tỉnh thức, nhưng kết quả mang tới thật sự rất đáng công sức bỏ ra. Hãy nhớ rằng đây là di sản của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là nuôi dạy nên những con người hạnh phúc nhất thế giới, mời hãy đọc tiếp. Bí mật thực thụ về sự thành công của người Ðan Mạch đang nằm trọn bên trong quyển sách này. Câu chuyện của Jessica Khi bạn bè hay tin tôi đang đồng tác giả một quyển sách dạy làm cha mẹ, cả lũ đều lăn ra cười: “ Cậu, người phụ nữ chả-có-gì-là-giống-một-người mẹ nhất mà chúng tớ từng biết, đồng tác giả một quyển sách dạy làm cha mẹ?” Ðiều tréo ngoe rằng, chính việc bẩm sinh đã thiếu hụt các kỹ năng làm mẹ khiến tôi ngay từ đầu rất hứng thú với kiểu Ðan Mạch. Nó đã đổi thay đời tôi sâu sắc đến mức tôi biết rằng, nếu nó có thể giúp ích cho tôi, nó hoàn toàn có thể giúp ích nhiều người khác nữa. Bạn thấy đấy, dường như tôi bẩm sinh đã không đảm việc chăm sóc con cái như phần đông nhiều phụ nữ khác. Tôi không có vấn đề gì khi thừa nhận chuyện này. Tôi không phải người yêu trẻ con. Nếu phải nói thực lòng mình, thú thật là thậm chí tôi hoàn toàn không thích trẻ con. Tôi trở thành một người mẹ, vì đó là chuyện mà phụ nữ ai cũng làm. Nên bạn có thể tưởng tượng nỗi sợ sâu thẳm trong tôi khi mang thai mà nghĩ rằng: “ Mình sẽ làm chuyện này thế quái nào đây? Kiểu gì mình cũng sẽ là một bà mẹ kinh khủng!” Và rồi tôi cặm cụi đọc gần như mọi quyển sách dạy làm cha mẹ trong tầm tay. Tôi đã đọc nhiều lắm. Tôi cũng đã học được nhiều điều. Nhưng sợ thì vẫn sợ. May mắn thay, tôi đã cưới một người Ðan Mạch. Hơn tám năm ròng, tôi được tiếp xúc với nền văn hóa Ðan Mạch, và một điều tôi để ý thấy, rằng họ thực sự đã làm nhiều điều đúng đắn với bọn trẻ. Nhìn chung, tôi đã quan sát những đứa trẻ hạnh phúc, bình tâm và biết cách ứng xử trong một thời gian dài, rồi tự hỏi bí mật của họ là gì. Nhưng tôi không thấy có quyển sách nào nói về chủ đề này. Ðến khi chính thức làm mẹ, tôi thấy bản thân mình tự động làm mọi chuyện theo bản năng, đó là mang mọi thắc mắc về dạy con đến hỏi han bạn bè người Ðan Mạch cũng như gia đình bên chồng. Từ cho con bú đến kỷ luật, cho đến giáo dục, tôi thường thích các câu trả lời ứng khẩu ngay tại chỗ từ họ hơn mọi quyển sách mình có trên kệ. Qua hành trình này, tôi khám phá ra một triết lý nuôi dạy trẻ – triết lý này khiến tôi mở mang tầm mắt cũng như hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình. Tôi và người bạn tốt của mình – Iben, đã thảo luận ý tưởng này. Iben là một nhà tâm lý trị liệu người Ðan Mạch, giàu kinh nghiệm làm việc với các gia đình và trẻ con; cùng nhau chúng tôi đặt ra câu hỏi, “ Phương thức dạy con kiểu Ðan Mạch liệu có tồn tại?” Theo những gì Iben biết thì là không. Chúng tôi đã tìm kiếm tài liệu thư tịch về đề tài này khắp mọi ngóc ngách, nhưng chẳng tìm được gì cả. Trong suốt những năm làm việc trong hệ thống trường học Ðan Mạch cũng như ở cương vị một nhà tâm lý trị liệu gia đình, cô chưa bao giờ nghe đến một “ kiểu Ðan Mạch.” Cô biết mọi lý thuyết học thuật và các nghiên cứu về những kiểu thực hành làm cha mẹ, và đã vận dụng phần lớn vào trong cuộc sống gia đình thường ngày của chính mình, nhưng liệu có khi nào tồn tại một phong cách làm cha mẹ khác biệt nằm len lỏi sâu trong chính nền văn hóa của cô, mà cô đã không nhìn thấy hay không?” Sự khởi đầu của một mô thức nuôi dạy Trẻ Chúng ta càng bàn sâu vào trong chuyện này, thì càng thấy rõ rằng thực ra có tồn tại một triết lý dạy con kiểu Ðan Mạch, nhưng triết lý này đã quyện chặt vào trong đời sống hàng ngày và nền văn hóa Ðan Mạch, đến mức khó lòng được nhìn thấy bằng mắt bởi những người đang sống trong chính nó. Càng tập trung hướng mắt đến, mô thức càng trở nên rõ nét từ trong thớ vải văn hóa. Và rồi nó hiện ra, bày trước mắt ta: Dạy con kiểu Ðan Mạch. Kiểu Ðan Mạch chính là lý thuyết của chúng tôi, dựa vào hơn mười ba năm kinh nghiệm, nghiên cứu, các nghiên cứu có kết quả tương hỗ và các sự thật về nền văn hóa cũng như đời sống hàng ngày của Ðan Mạch. Iben là chuyên gia trong lĩnh vực của cô ấy, mang đến các góc nhìn nội quan chuyên nghiệp cùng với nhiều kết quả nghiên cứu tương hỗ, các ví dụ về mặt văn hóa cũng như trải nghiệm cá nhân của chính cô. Cả hai chúng tôi đã học hỏi rất nhiều xuyên suốt hành trình này, nghiên cứu và tiến hành nhiều phỏng vấn phổ rộng với các phụ huynh, nhà tâm lý và giáo viên thuộc hệ thống trường học Ðan Mạch. Sự hợp tác hoàn toàn là bình đẳng và tất cả mọi nghiên cứu tương hỗ có thể được tìm thấy ở cuối quyển sách. Những đứa trẻ hạnh phúc lớn lên thành những người lớn hạnh phúc, nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và cứ thế, cứ thế. Chúng tôi muốn làm rõ rằng, đây không phải một tuyên ngôn mang tính chính trị, cũng chẳng phải một quyển sách viết về đời sống tại Ðan Mạch. Ðây là một lý thuyết về nuôi dạy trẻ, mà chúng tôi tin rằng, là một trong các thành tố chính yếu dẫn đến việc vì sao dân Ðan Mạch được kiên định bầu chọn là những người hạnh phúc. Những đứa trẻ hạnh phúc lớn lên thành những người lớn hạnh phúc, nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và cứ thế, cứ thế. Iben và tôi cũng biết rằng phong cách làm cha mẹ không phải là nguyên do duy nhất khiến dân Ðan Mạch hạnh phúc. Chúng tôi biết rằng còn nhiều các thành tố khác góp phần vào niềm vui của họ, và chắc chắn có nhiều người sống tại Ðan Mạch vẫn chưa hạnh phúc. Ðan Mạch không phải Utopia, và đương nhiên nó cũng có những vấn đề nội bộ phải đối mặt, như mọi quốc gia khác. Quyển sách này cũng không được viết nên để chê bai nước Mỹ. Hoa Kỳ là một đất nước rộng lớn, và các thông tin cũng như những quan sát mà chúng tôi đưa ra trong quyển sách này tất cả đều mang tính khái quát. Cá nhân Jessica, rất hãnh diện được là người Mỹ, và cũng yêu đất nước mình tha thiết. Cô chỉ đơn giản là có cơ hội để nhìn thế giới với một lăng kính rất khác – “ lăng kính Ðan Mạch,” nếu bạn thích gọi thế – và nó đã hoàn toàn thay đổi nhân sinh quan của cô. Chúng tôi mời bạn hãy thử dùng lăng kính Ðan Mạch để chiêm nghiệm lối dạy con hiện tại, và xem mình nghĩ gì với quan điểm mới này. Nếu quyển sách này giúp bạn thấy mọi thứ khác đi, thì với chúng tôi đó là một thành công. Có thể bạn sẽ không từ “ phụ huynh ít-phụ-huynh nhất” biến thành một người làm cha mẹ hạnh phúc hơn và một con người tuyệt vời hơn như trải nghiệm của Jessica, nhưng chúng tôi hi vọng mọi thay đổi từ đây sẽ đều mang tính tích cực. Và chúng tôi hi vọng bạn sẽ tận hưởng hành trình này. CHƯƠNG 1 Nhận ra thiết lập mặc định của chính mình Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có lúc phải nghĩ ngợi: thế nào là làm cha mẹ? Bất kể là ngay trước lúc mang thai đứa con đầu lòng, hay trong giai đoạn vật lộn với đứa con mới sinh, hay thậm chí ngay trên bàn ăn tối khi bạn và con đang giằng co chuyện bé không chịu ăn đậu; ai cũng ít nhất một lần tự hỏi: “ Mình làm vậy có đúng không?”. Nhiều người nhờ cậy sách vở và mạng internet, trò chuyện với gia đình và bè bạn hòng tìm lời khuyên cũng như sự giúp sức. Hầu hết ai cũng muốn được trấn an rằng mình đang làm mọi chuyện thật đúng mà thôi. Tuy vậy, đã bao giờ bạn cân nhắc xem như thế nào là làm cha mẹ một cách đúng đắn? Từ đâu mà ta có được ý niệm về cách nuôi dạy trẻ đúng đắn? Nếu đến thăm nước Ý, bạn sẽ thấy bọn trẻ con ăn tối lúc chín giờ và chạy rong khắp các nhà hàng cho đến gần nửa đêm; ở Na Uy các em bé thường được để nằm ngủ ngoài trời trong nhiệt độ âm hai mươi độ C; và tại Bỉ các em nhỏ được phép uống bia. Với chúng ta, một vài hành vi kể trên nghe chừng thật kỳ quặc nhưng với cha mẹ các em, đó chính là cách nuôi dạy “ đúng đắn”. Những ý tưởng ngầm hiểu, luôn được coi như lẽ thường mà ta biết về cách nuôi dạy trẻ là những gì Sara Harkness – Giáo sư về Phát triển con người tại trường Ðại học Connecticut – gọi là “ lý thuyết dân tộc học về làm cha mẹ” [4] . Dành hàng thập kỷ nghiên cứu hiện tượng này xuyên suốt nhiều nền văn hóa, cô thấy rằng những niềm tin cốt lõi về cách làm cha mẹ đúng đắn đã ăn sâu vào xã hội của chúng ta đến mức xem xét chúng một cách khách quan gần như là bất khả thi. Với chúng ta, dường như đó đơn thuần là cái cách mà mọi việc diễn ra. Và thế là hầu hết chúng ta đều nghĩ về chuyện như thế nào thì là một bậc phụ huynh mẫu mực, nhưng đã bao giờ chúng ta nghĩ như thế nào thì là một phụ huynh Mỹ? Chúng ta đã bao giờ nghĩ về chuyện các giá trị Mỹ trong nhân sinh quan của ta – cái lăng kính ta mang để nhìn mọi vật, đã ảnh hưởng đến khả năng nhìn ra “ con đường đúng đắn” ra sao chưa? Chuyện gì xảy ra nếu ta cởi bỏ lăng kính này trong một chốc – ta sẽ thấy gì? Nếu ta lùi lại và nhìn nước Mỹ từ một khoảng cách, ấn tượng ta có lúc này là gì? Ðại dịch Stress Suốt nhiều năm nay, chúng ta đã chứng kiến vấn nạn ngày càng lớn về mức độ hạnh phúc chung trên toàn nước Mỹ. Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng đến 400 phần trăm từ năm 2005 đến 2008, số liệu dựa trên Trung tâm Số liệu Sức khỏe Quốc gia [5] . Nhiều trẻ được chẩn đoán và kê toa các loại thuốc dành cho nhiều loại rối loạn tâm lý ngày càng tăng, một vài trong số này vẫn chưa có phương pháp chẩn đoán rõ ràng. Chỉ riêng năm 2010, có ít nhất 5.2 triệu trẻ từ ba đến bảy tuổi sử dụng Ritalin để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Chúng ta đang chiến đấu chống lại bệnh béo phì, và dậy thì sớm hay “ trổ mã sớm”. Các bé gái và bé trai mới bảy, tám tuổi đã phải tiêm hóc-môn để ngăn chặn quá trình dậy thì. Hầu hết chúng ta lại không hề nghi vấn về sự lạ này; thay vào đó ta mặc định rằng chuyện hiển nhiên phải thế. “ Con gái tôi đang được tiêm,” một bà mẹ kể chuyện một cách thờ ơ về cô con gái tám tuổi mà cô nghĩ đang tới tuổi dậy thì quá sớm. Nhiều bậc cha mẹ đang cạnh tranh khốc liệt với chính mình, với con cái và với các bậc phụ huynh khác mà thậm chí không hề nhận biết chuyện này. Tất nhiên, không phải ai cũng thế, cũng chẳng phải do họ muốn vậy nhưng các bậc cha mẹ có thể cảm thấy áp lực đè nặng khi sống trong nền văn hóa đầy tính cạnh tranh này. Thứ ngôn ngữ mà người xung quanh đang sử dụng có thể mang tính thách thức rất lớn và rất cực đoan, đặt tất cả mọi người vào thế phòng thủ: “ Con bé Kim đúng là đá bóng rất cừ. Huấn luyện viên nói, con bé là một trong những người chơi giỏi nhất đội. Nhưng nó vẫn duy trì kết quả học tập toàn điểm A, dù cùng lúc chơi đá banh, karate và bơi lội. Tớ không hiểu sao con bé làm được hết! Còn Olivia thì sao? Nhóc thế nào rồi?” Chúng ta bị áp lực phải thể hiện – thúc ép con cái chúng ta phải thể hiện, phải học giỏi và thực hiện bằng được ý tưởng mà ta có về một đứa nhỏ thành công và một người làm cha mẹ thành công. Kết quả là chúng ta thường bị căng thẳng cao độ, luôn cảm thấy bị đánh giá bởi người khác và cả bởi chính mình. Một phần bởi bản chất loài người là vậy, và một phần là bản chất của việc là người Mỹ. Những thứ thúc ép chúng ta dưới danh nghĩa xã hội, bắt ta phải thể hiện và tranh đua để thành công theo một tiêu chuẩn nhất định, suy cho cùng chẳng có vẻ gì là khiến ta trở thành những người lớn hạnh phúc? Sẽ ra sao nếu như những “ câu trả lời” mà ta có về nuôi dạy con cái – những tiêu chuẩn thông thường về việc làm cha mẹ – đều bị lỗi? Ðiều gì xảy ra nếu chúng ta phát hiện cặp kính mình đang đeo bị cắt sai đơn và ta có nhìn thấy rõ như ta tưởng đâu? Chúng ta sẽ đổi cặp tròng khác, điều chỉnh tầm nhìn cho rõ và lại nhìn vào thế giới của mình. Nào hãy cùng chứng kiến, chúng ta sẽ thấy rằng mọi thứ trông thật khác biệt! Bằng cách cố gắng nhìn mọi thứ từ một góc nhìn mới, với lăng kính mới, tự nhiên câu hỏi sẽ nảy sinh: Có cách nào tốt hơn không? Xem xét các “ thiết lập mặc định ” của chúng ta Chuyện xảy đến vào một ngày nọ, khi Jessica đang ở trong thành phố với cậu con trai gần ba tuổi. Cậu chàng đang ngồi trên chiếc xe tập đi không có bàn đạp, và rồi cậu lao mình về phía mặt đường mặc Jessica đã vài lần lớn tiếng ngăn cản. Cô điên cuồng chạy theo con, nắm chặt cánh tay và lắc lư cậu. Cô đã nổi cơn tam bành, sợ hãi tột cùng và suýt hét lên: “ Khi mẹ bảo dừng thì con phải dừng!”. Lúc Jessica thấy con sắp òa khóc đến nơi vì sợ hãi, trong khoảnh khắc đó, cô lấy hết sức bình sinh để thoát khỏi bản thân, rồi quan sát điều mình đang làm. Jessica lướt qua tâm trí để tìm một hướng giải quyết khác, và kỳ diệu thay; câu trả lời ở ngay trước mắt. Jessica dừng lại, hít thở sâu và hạ người xuống ngang bằng con. Cô nắm lấy cánh tay con rồi nhìn vào đôi mắt cậu nhỏ thật thành khẩn. Bằng giọng bình tĩnh xen lẫn lo lắng, Jessica nói: “ Con muốn đi [6] hả? Mẹ không muốn con đi tới đó! Con có thấy mấy cái xe hơi kia không?” Cô chỉ vào mấy chiếc xe và cậu bé gật đầu. “ Xe hơi sẽ đi vào người Sebastian đó!” Cậu bé gật gù, lắng nghe Jessica nói. “ Xe hơi. Ði - đi ,” “ Cho nên khi mẹ kêu đứng lại, con đứng lại, biết không? Ðể con không đi đến chỗ mấy chiếc xe hơi.” Cậu bé gật đầu. Kết cuộc thì Sebastian đã không khóc. Hai mẹ con ôm nhau và Jessica có thể cảm thấy con mình vẫn đang gật gù trên vai. “ Xe hơi. Ði - đi .” Năm phút sau, họ lại đến một vạch đi đường khác. Jessica bảo con dừng lại, và Sebastian đã y theo ý mẹ. Cậu chỉ tay ra đường và lắc đầu. “ Xe hơi đi - đi .” Cô cho cậu thấy mình vui như thế nào bằng cách nhảy nhót và vỗ tay. Bạn thấy đấy, cô đâu chỉ vui vì con mình đã biết dừng. Cô còn vui vì chính mình đã biết dừng – dừng chính bản thân mình lại và thay đổi các hành vi tự động, các thiết lập mặc định của chính cô, trong thời điểm cực kỳ khó khăn. Ðiều này không dễ, nhưng làm vậy giúp biến một tình huống căng thẳng, có nguy cơ bùng nổ trở nên vui tươi và an toàn, có kết quả mĩ mãn hơn với cả đôi bên. Ðôi khi chúng ta quên mất rằng làm cha mẹ, cũng như yêu thương, là một động từ Ðôi khi chúng ta quên mất rằng làm cha mẹ, cũng như yêu thương, là một động từ vốn cần nhiều nỗ lực và sự thực thi để mang đến kết quả tích cực. Ðể làm phụ huynh tốt đòi hỏi chúng ta cần phải có mức độ tự nhận thức cực kỳ cao. Nó khiến chúng ta phải nhìn lại hành vi của chính mình lúc mỏi mệt, căng thẳng và khi bị bức tới giới hạn. Những hành động đó được gọi là các “ thiết lập mặc định” của mỗi người. Các thiết lập này là các hành động và phản ứng ta có khi đã quá kiệt sức đến mức không thể đưa ra lựa chọn tốt hơn. Hầu hết những thiết lập mặc định của mỗi người là được thừa kế từ chính cha mẹ. Chúng được lập trình và ăn sâu vào trong chúng ta như bo mạch chủ của máy tính. Chúng chính là các cài đặt mặc định của nhà máy mà chúng ta quay về khi trí khôn cụt đường và tư duy cũng đình công; chúng đã được cài vào trong ta bởi quá trình được nuôi dạy. Ðó là khi ta nghe mình thốt lên những lời bản thân không hề muốn nói chút nào. Ðó là khi ta cư xử và phản ứng theo những lối mà ta không chắc mình muốn cư xử và phản ứng như vậy. Ðó là khi ta thấy thật tệ vì sâu thẳm trong lòng ta biết rõ rằng có cách cư xử tốt hơn với con cái mình, nhưng ta lại không chắc nó là gì. Ai đã có con hẳn rất thân quen với cảm giác này. Ðó là lý do vì sao nhìn thấy các thiết lập mặc định, nghiên cứu chúng và hiểu chúng là vô cùng quan trọng. Bạn thích gì trong cách mình ứng xử và phản ứng với con cái? Bạn không thích gì? Những gì bạn đang làm phải chăng chỉ là sự lặp lại của cái cách bạn được nuôi dạy? Bạn muốn điều chỉnh gì? Chỉ khi bạn nhìn thấy những xu hướng tự động của mình khi làm cha mẹ – thiết lập mặc định của bạn – lúc đó bạn mới có thể quyết định xem mình muốn làm gì để thay đổi chúng theo hướng tốt đẹp hơn. Trong các chương tiếp sau, chúng tôi sẽ giúp bạn nhìn ra các thay đổi tích cực có thể xảy đến. Sử dụng phương pháp dễ-ghi-nhớ, tách kí tự của chữ PARENT và gán nghĩa – Play (vui-chơi), Authenticity (sự chân-thật), Reframing (tái-định-khung), Empathy (thấu-cảm), No Ultimatums (không đưa tối-hậu-thư) và Togetherness (sự quây-quần) – chúng tôi sẽ xem xét vài phương pháp thử-sai mà chúng tôi đã thực hiện cùng với nhiều phụ huynh Ðan Mạch suốt hơn bốn mươi năm. Tăng cường nhận thức về chính mình cũng như luôn đưa ra các quyết định có ý thức rằng mình nên cư xử hay phản ứng ra sao, là những bước đi đầu tiên đến một cú đổi đời đầy ngoạn mục. Ðây là cách để chúng ta trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn – và những con người tuyệt vời hơn. Ðây cũng là cách chúng ta tạo dựng di sản của niềm vui-sống để truyền lại cho thế hệ sau. Liệu rằng có món quà nào dành tặng con cháu chúng ta vĩ đại hơn việc giúp chúng khôn lớn thành những người lớn hạnh phúc, cảm thấy an toàn và có năng lực đàn hồi tốt? Chúng tôi nghĩ chẳng có món quà nào hơn được thế đâu. Và mong bạn cũng sẽ đồng ý. [4] Parental ethnotheories [5] National Center for Health Statistics [6] Bản gốc tiếng Anh là go ow-ow , mô phỏng âm thanh bập bẹ của cậu bé Sebastian ba tuổi. CHƯƠNG 2 P là về Play — Vui-chơi “ Vui-chơi thường được đề cập đến như một sự giải tỏa khỏi quá trình học hành nghiêm cẩn, nhưng với trẻ con vui-chơi cũng là học hỏi một cách nghiêm cẩn. ” — MR. ROGERS Bạn đã bao giờ để ý thấy cái áp lực vô hình hoặc thậm chí căng thẳng rành rành của chuyện phải sắp đặt thời gian biểu hoạt động cho lũ trẻ ở nhà bạn? Mặc kệ là đi bơi, múa ba-lê, chơi đá banh hay T-ball [7] , đôi khi bạn cứ cảm thấy mình chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nếu chưa đăng ký cho con tham gia ít nhất ba hay bốn hoạt động mỗi tuần. Ðã bao lần bạn nghe thấy các bậc phụ huynh than rằng ngày thứ Bảy của họ bị choán hết vì phải đưa đón con đến tham gia các hoạt động, đi chơi thể thao hay thậm chí là đi học thêm? Ngược lại, lần gần nhất bạn nghe một người nói, “ Thứ Bảy này con gái tôi sẽ đi chơi.” là khi nào? Và khi nói đến “ vui-chơi”, ý chúng tôi không phải là chơi vi-ô-lông hay chơi thể thao hay thậm chí cũng không phải một buổi ngày hội vui chơi với các hoạt động được sắp đặt sẵn bởi người lớn. Ý chúng tôi muốn nói là “ vui-chơi” theo nghĩa bọn trẻ được để yên, với một người bạn hay chỉ một mình, để chơi chính xác những gì chúng thấy phù hợp và chơi trong bao lâu tùy thích. Và thậm chí ngay cả khi cha mẹ đã đồng ý cho phép cuộc vui-chơi tự do này được diễn ra, họ vẫn cảm thấy tội lỗi dai dẳng khi phải thừa nhận chuyện này. Vì trên hết, ta thường cảm thấy làm cha mẹ tốt là phải dạy trẻ điều gì đó, cho chúng tham gia một môn thể thao hay phải nạp vào bộ não tí hon của bọn trẻ cái nọ cái kia. Vui-chơi trông có vẻ như đang lãng phí thời gian học tập quý báu. Nhưng có phải thế chăng? Tại Mỹ, số giờ bọn trẻ được cho phép để vui-chơi đã giảm đi đáng kể suốt năm mươi năm qua. Ngoài việc e ngại trẻ xem quá nhiều truyền hình hay lạm dụng đồ công nghệ, còn có nỗi sợ con mình bị tổn thương đi đôi với mong muốn “ phát triển” đứa trẻ cũng là nỗi ám ảnh khác của phụ huynh. Các yếu tố này hợp lại đã tước đi gần hết thời giờ để trẻ em được vui chơi. Là cha mẹ, chúng ta cảm thấy được an ủi khi con cái thể hiện tiến bộ rõ rệt. Chúng ta thích nhìn bọn nhỏ chơi đá banh trong tiếng reo hò cổ vũ hào hứng của mọi người, thích xem chúng trình diễn ba-lê hoặc độc tấu dương cầm. Chúng ta thấy tự hào khi kể về chuyện Billy vừa giành được huy chương hay một chiếc cúp, vừa học được một bài hát mới hay đọc thuộc làu được nguyên bảng chữ cái tiếng Tây Ban Nha. Ðiều đó khiến ta thấy mình là phụ huynh tốt. Chúng ta làm với ý định cực kỳ tốt đẹp, bởi vì khi đưa cho con cái càng nhiều chỉ dẫn cũng như các hoạt động được cấu trúc chặt chẽ, chúng ta đang đào luyện con mình trở thành những người lớn xuất sắc và thành đạt hơn. Mà có thật thế không? Giờ thì chẳng còn lạ lùng chi nữa khi các chẩn đoán về các rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn chú ý đã và đang tăng vọt như tên lửa tại Mỹ. Liệu rằng có phải chúng ta đang khiến con cái mình lo âu mà không hề nhận ra nguyên do xuất phát từ việc không cho phép chúng vui-chơi nhiều hơn? Chúng ta có đang lập trình cuộc đời con cái mình một cách thái quá? Nhiều cha mẹ phấn đấu cho con đi học sớm, hay thậm chí là học vượt. Trẻ con học đọc và làm toán ngày càng sớm hơn còn chúng ta thì tự hào rằng chúng “ thông minh”, và việc trở nên thông minh hay giỏi thể dục thể thao được tôn lên như các phẩm chất quý báu trong nền văn hóa Mỹ. Chúng ta ra sức mời về các vị gia sư, mua sắm hàng loạt đồ chơi và chương trình giáo dục để đảm bảo con cái thành đạt. Thành công là thành công và phải hữu hình, đo lường được. Còn tự do vui-chơi, bất kể mọi ý định và mục đích, nghe có vẻ vui – nhưng vui-chơi thì mang lại cho bọn trẻ điều gì? Bạn nghĩ sao nếu chúng tôi nói rằng tự do vui-chơi dạy trẻ bớt lo âu? Nó cho bọn trẻ năng lực đàn hồi. Và năng lực đàn hồi đã được chứng minh là một trong những yếu tố tiên đoán được sự thành công của một người trưởng thành. Khả năng “ bật lên trở lại”, ổn định cảm xúc và đối phó với căng thẳng là đặc điểm then chốt ở một người trưởng thành khỏe mạnh, có năng lực. Giờ đây, chúng ta đã biết khả năng đàn hồi có tác dụng lớn lao trong phòng ngừa lo âu và trầm cảm, và đó là thứ mà người Ðan Mạch đã và đang vun đắp từng chút một cho trẻ con nước họ trong nhiều năm qua. Và một trong những cách họ đã thực hiện là nhấn mạnh tầm quan trọng của vui-chơi. Tự do vui-chơi dạy trẻ bớt lo âu. Ở Ðan Mạch, từ năm 1871, hai vợ chồng Niels và Erna Juel-Hansen đã nảy ra ý tưởng đầu tiên về ngành sư phạm, dựa trên lý thuyết giáo dục kết hợp với vui-chơi. Họ khám phá ra rằng, tự do vui-chơi là vô cùng trọng yếu đối với sự phát triển của trẻ. Trên thực tế suốt nhiều năm trời, trẻ con Ðan Mạch thậm chí còn không được nhận vào học cho đến khi chúng tròn bảy tuổi. Những nhà giáo dục và những người hoạch định chương trình trường lớp cho trẻ không muốn trẻ con tham gia vào các hoạt động giáo dục sớm vì họ cảm thấy rằng trẻ con nên và trước hết phải được làm trẻ con và được vui-chơi. Ngay cả hiện nay, trẻ con cho đến 10 tuổi thường tan trường lúc hai giờ chiều và được tùy chọn tham gia cái gọi là “ trường học rỗi-rảnh” (skolefritidsordning) cho phần còn lại của ngày, nơi mà bọn nhóc chủ yếu được khuyến khích vui-chơi. Thật tuyệt diệu và điều này là hoàn toàn có thực! Tại Ðan Mạch, người ta không đặt trọng tâm phát triển đơn lẻ vào giáo dục hay thể thao mà thay vào đó họ tập trung vào đứa trẻ như một chỉnh thể. Cha mẹ và giáo viên tập trung vào những thứ như hoạt động xã hội hóa, tính tự chủ, tình đoàn kết, tính dân chủ và lòng tự-trân-trọng. Họ muốn lũ trẻ của mình học được khả năng đàn hồi, phát triển được một chiếc la bàn nội tâm thật mạnh mẽ để giúp chúng soi rọi đường đời. Họ biết con cái mình sẽ được giáo dục tốt và học được nhiều kỹ năng. Nhưng hạnh phúc thực thụ không chỉ đến từ nền giáo dục tốt. Một đứa trẻ học được cách đối phó với căng thẳng, biết cách kết bạn và vẫn thực tế về thế giới sở hữu một bộ kỹ năng sống rất khác khi đem so với một thần đồng Toán học, ví dụ vậy. Và khi nói đến các kỹ năng sống, người Ðan Mạch nói về tất cả mọi phương diện của cuộc đời, không chỉ cuộc sống nghề nghiệp. Vì thiên tài Toán học thì là gì nếu thiếu đi năng lực chống chọi với những thăng trầm trong đời? Tất cả cha mẹ Ðan Mạch mà chúng tôi đã trò chuyện, đều nói rằng quá tập trung vào việc gây áp lực lên bọn nhỏ đối với họ trông thật kỳ lạ làm sao. Theo cách nhìn nhận của cha mẹ Ðan Mạch, nếu trẻ con luôn hành động với mục tiêu đạt được một thứ gì đó – điểm tốt, giải thưởng hay lời ngợi khen từ thầy cô hay cha mẹ – thì chúng không thể phát triển nghị lực nội tâm được. Họ tin rằng trẻ con cơ bản cần có không gian và sự tin tưởng, những thứ này cho phép chúng rèn luyện mọi thứ bằng chính sức của mình, để các em tự tạo ra rồi giải quyết các vấn đề của chính mình. Ðiều này tạo nên lòng tự-trân-trọng chân thật và tính tự lực tự cường, bởi nó đến từ sự thôi thúc từ người hoạt náo viên bên trong đứa trẻ, chứ không từ ai khác cả. Tâm điểm kiểm soát nội tại và tâm điểm kiểm soát ngoại giới Trong tâm lý học, người hoạt náo viên trong tâm trí bạn – hay là các thôi thúc nội tâm được gọi là tâm điểm kiểm soát (the locus of control) [8] . Tâm điểm – chữ locus trong tiếng Latinh có nghĩa là “ nơi chốn” hay “ vị trí”; vì vậy tâm điểm kiểm soát đơn giản là chỉ mức độ mà một người cảm nhận bản thân có khả năng kiểm soát cuộc đời và các sự kiện có tác động lên mình. Thế nên những người có tâm điểm kiểm soát nội tại có niềm tin rằng mình đủ khả năng kiểm soát cuộc đời mình và những chuyện xảy đến với mình. Các thôi thúc của họ xuất phát từ bên trong, và mang tính cá nhân; nơi họ đặt quyền kiểm soát là ở nội tại. Trái lại, những người có tâm điểm kiểm soát ngoại giới thì lại tin rằng cuộc đời mình được kiểm soát bởi các thành tố ngoại vi như môi trường hay số phận, những thứ mà họ hầu như khó lòng tác động đến. Những điều thôi thúc họ đến từ bên ngoài, và họ có làm gì thì cũng không thể thay đổi được chúng. Mỗi người chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi bối cảnh, văn hóa và địa vị xã hội, nhưng việc chúng ta cảm thấy mình có thể kiểm soát đời mình đến mức nào mặc cho những thành tố kể trên chính là sự khác biệt giữa tâm điểm kiểm soát nội tại và tâm điểm kiểm soát ngoại giới. Các nghiên cứu đã lặp đi lặp lại rằng trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành có tâm điểm kiểm soát ngoại giới mạnh thường dễ mắc lo âu và trầm cảm – họ trở nên lo lắng vì tin rằng mình chỉ có rất ít hoặc thậm chí không có chút kiểm soát nào đối với số mệnh của bản thân, và trầm cảm khi cảm giác bất lực này trở nên quá lớn lao. Nghiên cứu cũng cho thấy đã có sự chuyển dịch đầy kịch tính về phía tâm điểm kiểm soát ngoại giới ở thanh thiếu niên, trong vòng năm mươi năm trở lại đây. Nhà tâm lý Jean M. Twenge và đồng sự đã xem xét các kết quả từ một bài kiểm tra mang tên Thang đo Nowicki-Strickland về Tâm điểm kiểm soát nội tại-ngoại giới cho trẻ em [9] , trong quãng thời gian năm mươi năm. Phép đo này đo xem một người đặt tâm điểm kiểm soát ở bên trong hay ở bên ngoài. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng có một sự chuyển dịch kịch tính từ tâm điểm kiểm soát nội tại sang ngoại giới ở trẻ em mọi lứa tuổi, từ tiểu học đến đại học. Ðể giúp bạn hình dung được sự chuyển dời này to tát đến dường nào, người trẻ ở năm 1960 cho rằng mình có thể kiểm soát cuộc đời mình nhiều hơn 80% trẻ con ở 2002 – những người có xu hướng nói rằng mình thiếu khả năng kiểm soát cá nhân này. Và điều thậm chí đáng kinh ngạc hơn là xu hướng này trở nên rõ nét ở trẻ tiểu học hơn là bọn trẻ ở trung học và đại học. Vậy là ngày càng có nhiều trẻ em đang cảm thấy thiếu hụt khả năng kiểm soát cuộc đời mình. Chúng đang cảm được cái cảm giác bất lực này ngày càng sớm hơn. Sự tăng trưởng của tâm điểm kiểm soát ngoại giới qua năm tháng này có tương quan tuyến tính với sự tăng mạnh trầm cảm và lo âu trong xã hội chúng ta. Cái gì có thể đang gây nên sự chuyển dịch này? Cho bọn trẻ không gian để học hỏi và lớn khôn Khái niệm mang tên “ phát triển lân cận” ( proximal development ) được giới thiệu lần đầu bởi Lev Vygotsky – một nhà tâm lý học phát triển người Nga, là trung tâm của triết lý làm cha mẹ kiểu Ðan Mạch. Khái niệm này cho rằng một đứa nhỏ căn bản cần một khoảng không gian phù hợp để học hỏi và lớn khôn trong các “ vùng trời” phù hợp với em, với sự hỗ trợ vừa phải. Cùng hình dung bạn đang cố giúp một đứa trẻ leo qua một thân cây đổ chắn ngang trong rừng. Nếu ban đầu em cần một bàn tay giúp sức, hãy đưa tay ra. Nhưng sau đó có lẽ bạn chỉ nên chìa một ngón tay để giúp em và khi thấy đã đến lúc, bạn buông tay và để em tự do. Không cần bế ẵm hay đẩy em qua. Ở Ðan Mạch, cha mẹ cố gắng không can dự trừ khi siêu cấp cần thiết. Họ tin con cái mình có khả năng thực hiện cũng như thử sức với những điều mới và cho chúng không gian để xây dựng lòng tin vào chính mình. Họ bắc giàn cho bọn trẻ, giúp chúng xây dựng lòng tự-trân-trọng; yếu tố vô cùng quan trọng cho một “ đứa trẻ toàn diện.” Nếu trẻ cảm thấy mình đang phải chịu quá nhiều áp lực, các em có thể đánh mất niềm vui trong những việc mình làm; điều này có thể dẫn đến sợ hãi và lo âu. Thay vì thế, cha mẹ Ðan Mạch cố gắng tìm những điểm mà tại đó con cái mình cảm thấy an toàn để thử một kỹ năng mới, và tại đó họ thử thách và mời gọi trẻ đi xa hơn hay thử một thứ gì đó mới mẻ khi nó còn gây hào hứng và khác lạ. Ở Đan Mạch, cha mẹ cố gắng không can dự trừ khi siêu cấp cần thiết. Trao cho con bạn một khoảng không để phát triển cũng như tôn trọng vùng phát triển lân cận, giúp trẻ phát huy bản lĩnh và sự tự tin trong tâm điểm kiểm soát nội tại, vì chỉ bằng cách này các em mới cảm thấy mình chủ động nắm quyền kiểm soát trong các thử thách cũng như trong tiến trình phát triển bản thân. Những đứa trẻ bị thúc ép quá độ thường có nhiều nguy cơ hình thành tâm điểm kiểm soát ngoại giới, bởi quá trình phát triển bản thân không nằm trong tầm kiểm soát của chính các em, mà ở các yếu tố bên ngoài; và điều này là tiền đề cho một lòng tự-trân-trọng yếu ớt, kém vững bền. Lắm lúc ta tưởng thúc ép bọn trẻ thể hiện bản thân và học hỏi nhanh hơn là ta đang giúp chúng; tuy nhiên, hướng dẫn các em đến khoảnh khắc chín muồi của tiến trình phát triển bản thân lại mang đến kết quả tốt đẹp hơn – không chỉ vì lúc đó bọn trẻ sẽ được tìm tòi học hỏi (điều đương nhiên là rất tuyệt diệu!), mà còn vì điều này sẽ đảm bảo cho các em được rèn luyện thành thục các kỹ năng vì cảm thấy mình có quyền chủ động học hỏi và thực hành. David Elkind, một nhà tâm lý người Mỹ cũng đồng tình. Ví dụ, những trẻ bị thúc ép phải biết đọc sớm ban đầu có thể đọc giỏi hơn bạn đồng trang lứa, nhưng rồi trình độ này sẽ ngang bằng giữa mọi trẻ trong khoảng vài năm – và cái giá phải trả là gì? Những trẻ bị thúc ép cho thấy mức độ lo âu cao hơn và lòng tự-trân-trọng thì thấp hơn về lâu dài. Ở Mỹ, chúng tôi tìm ra vô số sách viết về những cách giúp giảm bớt hay loại trừ căng thẳng và lo âu. Chúng ta muốn loại bỏ căng thẳng bằng bất cứ giá nào, đặc biệt là cho con cái mình. Nhiều cha mẹ “ lái trực thăng lòng vòng trên đầu con cái” mình suốt ngày suốt đêm, dõi theo và can thiệp để bảo vệ chúng ngay khi có biến cố. Hầu hết chúng ta chốt chặn cầu thang, bảo vệ và khóa chặt mọi thứ mà ta thấy có thể gây hiểm nguy từ xa. Nếu không làm thế, ta thấy mình là phụ huynh tồi và thật ra, chúng ta đánh giá và bị đánh giá bởi những người khác vì đã chưa bảo vệ con cái mình đúng mức. Cuộc sống hiện đại thời nay đòi hỏi phải có quá nhiều đồ dùng và thiết bị bảo hộ đến mức đôi khi ta thắc mắc không hiểu rằng trẻ con cách đây hai mươi năm thì sinh tồn kiểu gì. Không chỉ muốn bảo vệ con mình khỏi căng thẳng, mà chúng ta còn muốn xây dựng lòng tự tin và khiến chúng cảm thấy mình thật đặc biệt. Phương pháp tiêu chuẩn cho chuyện này thường là ngợi khen chúng, đôi khi trở nên quá lố khi tâng bốc ngay cả những thành tựu không đặc sắc mấy. Nhưng trong hành trình gia tăng lòng tự tin cùng với giảm căng thẳng, có thể thực chất chúng ta lại đang thiết lập cho con cái mình thêm căng thẳng về lâu về dài. Xây dựng lòng tự tin mà bỏ quên lòng tự-trân-trọng cũng giống như xây một căn nhà tuyệt đẹp trên nền móng thiếu vững chãi. Và cũng như trong câu chuyện Ba chú heo con , chúng ta đều biết chuyện gì xảy ra một khi lũ sói xấu xa đến rồi đấy. Nhưng mà vui-chơi thì có ích kiểu gì? Các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu về vui-chơi ở các loài vật suốt nhiều năm nay, cố tìm hiểu xem mục đích tiến hóa của vui-chơi là gì. Và họ tìm ra một điều; rằng vui-chơi đóng vai trò thiết yếu trong việc học cách đối phó với căng thẳng. Trong các nghiên cứu thực hiện trên chuột nhà và khỉ rhesus, các nhà khoa học tìm thấy rằng khi các con vật này bị các bạn từ chối chơi chung trong giai đoạn phát triển quan trọng, chúng lớn lên và trở thành những con thú trưởng thành đầy căng thẳng. Chúng phản ứng thái quá với các tình huống mang tính thử thách và không có khả năng chống chọi tốt trong các bối cảnh xã hội. Chúng sẽ phản ứng với sự sợ hãi tột độ, đôi khi run rẩy chạy trốn vào một góc, hoặc bằng sự hung hăng khủng khiếp phát ra như một cơn cuồng nộ. Thiếu vui-chơi chắc chắn là nguyên nhân, bởi vì khi các con vật được cho phép chơi cùng bạn bè, thậm chí chỉ trong một giờ mỗi ngày, chúng phát triển bình thường hơn và chống chọi tốt hơn khi trưởng thành. Phản ứng “ đánh-hay-chạy”, thường được trải nghiệm qua việc vui-chơi, kích hoạt các dẫn truyền thần-kinh-hóa-học trong não giống hệt căng thẳng. Hãy nghĩ về những lúc bạn nhìn thấy mấy con chó chạy quanh rượt đuổi nô đùa. Nhiều loài động vật tham gia vào các trò vui chơi kiểu này, đóng vai người yếu thế hay kẻ tấn công trong một trò chơi chiến đấu, tạo nên một dạng căng thẳng. Chúng ta biết rằng, cho não của các động vật sơ sinh ẳ tiếp xúc với căng thẳng khiến chúng ngày càng ít mẫn cảm hơn với căng thẳng, đồng nghĩa với việc các con thú sơ sinh càng vui-chơi nhiều bao nhiêu, não chúng càng quen dần với căng thẳng nhiều bấy nhiêu khi chúng lớn lên. Khả năng đương đầu được cải thiện liên tục qua vui-chơi và rồi các con thú sơ sinh phát triển khả năng giải quyết các tình huống với độ khó tăng dần. Bạn thấy đấy, khả năng đàn hồi không thể được nuôi dưỡng bằng cách né tránh căng thẳng, mà khả năng này được bồi đắp qua việc học cách thuần phục và làm chủ căng thẳng. Liệu chúng ta có đang tước mất khả năng điều hòa căng thẳng của con cái mình khi không cho chúng vui-chơi đủ? Nhìn vào số liệu về các chẩn đoán rối loạn lo âu và trầm cảm trong xã hội ta đang sống, sẽ có người tự hỏi thật ra điều gì đang bị thiếu hụt. Vì rằng một trong các nỗi sợ lớn nhất của một người mắc rối loạn lo âu là mất đi khả năng kiểm soát cảm xúc của chính mình, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Nếu ta lùi lại, và cho con cái mình vui-chơi nhiều hơn, chúng có trở thành những người lớn với khả năng đàn hồi tốt hơn và hạnh phúc hơn? Chúng tôi nghĩ câu trả lời là có. Vui-chơi và các kỹ năng ứng phó Trong một nghiên cứu thí điểm được thực hiện trên các trẻ mẫu giáo tại một trung tâm phát triển ở Massachusetts, các nhà nghiên cứu muốn đo lường xem liệu có tương quan thuận chiều nào giữa mức độ vui-chơi của trẻ mẫu giáo và các khả năng ứng phó của chúng không. Sử dụng bài kiểm tra về mức độ vui-chơi và trắc nghiệm khả năng ứng phó với căng thẳng, các nhà nghiên cứu kiểm tra chéo mức độ vui chơi và chất lượng của các kỹ năng ứng phó căng thẳng của trẻ. Họ nhận thấy có một tương quan trực tiếp thuận chiều giữa mức độ vui-chơi và khả năng đương đầu của trẻ. Tức là chúng càng vui-chơi nhiều thì chúng càng giỏi tích lũy các kỹ năng xã hội cũng như tham dự nhiều hơn vào các môi trường xã hội/ vui chơi – và chúng càng giỏi ứng phó. Ðiều này dẫn đến việc các nhà nghiên cứu tin rằng vui-chơi có ảnh hưởng trực tiếp đến các khả năng giúp trẻ thích nghi với cuộc sống. Một nghiên cứu khác, thực hiện bởi Giáo sư Trị liệu chức năng Louise Hess và các đồng sự tại một viện chăm sóc y tế ở Palo Alto, California, kiểm chứng mối quan hệ giữa mức độ vui-chơi và các kĩ năng ứng phó với ẳ căng thẳng ở nam thiếu niên. Họ nghiên cứu trên các bé trai phát triển bình thường lẫn các em có vấn đề về cảm xúc. Như nghiên cứu ở trẻ mẫu giáo, ở cả hai nhóm nam thiếu niên đều có một tương quan trực tiếp và có ý nghĩa thống kê giữa mức độ vui-chơi và khả năng ứng phó. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, vui-chơi có thể được sử dụng để cải thiện kỹ năng đương đầu, đặc biệt là khả năng thích nghi và tiếp cận vấn đề cũng như mục tiêu một cách linh hoạt hơn. Ðiều này có lý. Hãy nhìn ra ngoài cửa sổ để thấy trẻ con đánh đu trên các thanh xà, leo trèo trên cây hay nhảy từ trên cao xuống. Chúng đang thử nghiệm các tình huống nguy hiểm và không ai ngoại trừ chính đứa trẻ biết được bao nhiêu là đủ hay làm sao để kiểm soát tình hình. Nhưng việc các em thấy mình có quyền kiểm soát mức độ căng thẳng mà mình có thể chịu đựng là rất quan trọng. Các con vật cũng như linh trưởng trong thời gian dậy thì cũng làm y như vậy. Chúng cố ý đặt mình vào những tình huống nguy hiểm, nhảy và chuyền từ cái cây này sang cái cây khác trong khi vặn vẹo uốn éo và biến việc tiếp đất thành một nhiệm vụ khó khăn. Chúng đang học về nỗi sợ và cách để đương đầu với nó. Tương tự như trò đánh nhau mà chúng ta đã đề cập ở trên. Các loài động vật đặt mình vào cả vai yếu thế lẫn người tấn công để hiểu các thách thức về mặt cảm xúc của cả hai vị trí. Ðối với trẻ con, các tình huống xã hội cũng đầy căng thẳng. Trò chơi xã hội có thể chứa đựng mâu thuẫn lẫn hợp tác. Nỗi sợ và cơn giận chỉ là một vài cảm xúc mà trẻ cần phải học để đương đầu, nhằm tiếp tục được chơi. Trong trò chơi, không tồn tại chuyện ngợi khen quá lố. Luật lệ cần phải được dàn xếp và dàn xếp lại nếu cần, và người chơi phải nhận thức được trạng thái cảm xúc của những người chơi khác để tránh khiến họ phật ý và rời bỏ cuộc chơi; bởi vì nếu quá nhiều người bỏ cuộc, trò chơi sẽ phải kết thúc. Bởi căn bản là trẻ con muốn được chơi với nhau, các tình huống này đòi hỏi chúng phải học cách ở cạnh người khác một cách ngang bằng – một kỹ năng sống còn để được hạnh phúc trong quãng đời sau này. Trong cách nhìn của người Ðan Mạch về thời thơ ấu, vui-chơi là tâm điểm quan trọng đến mức nhiều trường học Ðan Mạch xây dựng chương trình đào tạo lồng ghép việc học qua hoạt động thể thao, diễn kịch và vận động cho mọi học sinh. Ví dụ trò “ Play Patrol” (tạm dịch Ai làm chủ ), tập trung vào nhóm học sinh tiểu học nhỏ tuổi nhất và được tổ chức bởi những em học sinh lớn hơn. Những chương trình tự tổ chức dạng này của học sinh khuyến khích các em ở nhiều độ tuổi cùng đến và tham gia vào các hoạt động như chơi trốn tìm, trò lính cứu hỏa và trò thú cưng gia đình – cũng như khuyến khích những em nhút nhát, cô độc cùng tham gia vui chơi với bạn bè. Kiểu trò chơi vui tươi và giàu tính tưởng tượng này, cùng với việc được tiếp xúc với các trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau khuyến khích trẻ con được thử thách chính mình theo một cách khác không như khi các em ở cạnh cha mẹ hay thầy cô. Nó giảm thiểu đáng kể việc bắt nạt, và hơn nữa nuôi dưỡng các kỹ năng xã hội cũng như khả năng kiểm soát bản thân. Sự thật đằng sau trò chơi Lego và các sân chơi Hầu hết mọi người đều đã nghe đến Lego và chơi với những khối gạch màu nổi tiếng này ít nhất một lần trong đời. Có lẽ là một trong những món đồ chơi nổi tiếng nhất trong lịch sử, Lego được mệnh danh là “ đồ chơi của thế kỷ” bởi tạp chí Fortune ngay đầu thiên niên kỷ. Ban đầu được làm từ gỗ, Lego chưa bao giờ đánh mất ý tưởng chủ đạo nền tảng của mình: các hình khối lắp ghép. Tương tự vùng phát triển lân cận, Lego phù hợp với mọi lứa tuổi. Khi một đứa trẻ đủ sẵn sàng tiếp nhận một thử thách khó hơn, luôn có những bộ Lego phức tạp hơn chờ đợi em khám phá. Thật là một cách cùng chơi với con tuyệt vời, giúp trẻ thành thạo một độ khó mới một cách thật nhẹ nhàng. Trẻ có thể tự chơi một mình hay với bè bạn; số giờ cùng chơi với Lego trên toàn thế giới cho đến hiện nay là không thể đếm xuể. Ðiều đặc biệt mà hầu hết mọi người không biết về Lego là nó đến từ Ðan Mạch. Ðược tạo ra bởi một người thợ mộc Ðan Mạch tại xưởng gỗ của ông vào năm 1932, cái tên Lego được ghép từ từ leg godt với nghĩa là “ chơi thật hăng”. Ngay từ khi đó, cái ý tưởng sử dụng chính sức sáng tạo của bản thân để tự do vui-chơi đã đạt đến độ chín muồi. Một trong số những nhà cung cấp trò chơi lớn nhất thế giới hiện nay là một công ty Ðan Mạch tên Kompan. Công ty này tạo ra các sân chơi ngoài trời, thắng hàng đống giải thưởng bởi sự tinh giản, chất lượng và các chức năng hỗ trợ trẻ con vui-chơi. Sứ mệnh của công ty chính là quảng bá tầm quan trọng của vui-chơi lành mạnh cho sự học hỏi của trẻ con. Sân chơi đầu tiên mà họ làm, được phát triển một cách tình cờ vào hơn bốn mươi năm trước, khi một nghệ sĩ Ðan Mạch trẻ tuổi nhận thấy rằng tác phẩm sắp đặt nghệ thuật đầy màu sắc của anh, được tạo ra để trang hoàng cho một ngôi nhà buồn tẻ, đã được lũ trẻ dùng để vui-chơi hơn là được thưởng lãm bởi người lớn. Kompan hiện tại là nhà cung cấp thiết bị sân chơi trong nhà lẫn ngoài trời số một thế giới. Ðây là điều vinh dự của Ðan Mạch, một đất nước chỉ có vỏn vẹn năm triệu dân. Càng vui-chơi bao nhiêu, đứa trẻ càng có năng lực đàn hồi và tinh thông giao tiếp xã hội bấy nhiêu. Vì thế lần sau khi thấy trẻ chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, nhảy lên nhảy xuống mấy mỏm đá hay chơi đánh nhau với bạn bè, mà bạn muốn chen vào để cứu chúng, hãy nhớ rằng đây là cách bọn trẻ học đo lường mức độ căng thẳng mà chúng có thể chịu. Khi con bạn đang chơi trong nhóm với một vài đứa trẻ khó chịu và bạn muốn bảo vệ các em, hãy nhớ rằng chúng đang học cách kiểm-soát-bản-thân và các kỹ năng thương thảo với nhiều loại tính cách khác nhau, để giữ cuộc chơi được tiếp tục. Ðó là cách của bọn nhỏ thử nghiệm các khả năng của bản thân cũng như phát triển kỹ năng thích nghi trong quá trình này. Càng vui-chơi nhiều bao nhiêu, đứa trẻ càng có năng lực đàn hồi và tinh thông giao tiếp xã hội tốt bấy nhiêu. Ðây là tiến trình vô cùng tự nhiên. Chính khả năng leg godt hay “ chơi thật hăng” là khối lắp ghép nền tảng để xây nên đế chế hạnh phúc ở tương lai. CÁC MẸO DÀNH CHO VUI-CHƠI 1. Tắt điện đi nào! Tắt TV và các thiết bị điện tử đi nào! Óc tưởng tượng là thành phần chính yếu trong vui-chơi để mang đến các hiệu ứng tích cực. 2. Tạo không gian mở và đa dạng Nghiên cứu cho thấy môi trường màu mỡ cho các giác quan cùng với vui chơi là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vỏ não. Tạo lập một môi trường với nhiều chất liệu kích thích tất cả các giác quan – thị giác, thính giác, xúc giác và hơn thế nữa – nâng cao sự phát triển não bộ trong lúc vui chơi. 3. Sử dụng nghệ thuật Não bộ của trẻ em phát triển khi chúng sáng tạo ra nghệ thuật. Vì thế đừng dạy bọn trẻ phải làm thế nào – cứ bày biện giấy bút và để chúng tự ngẫu hứng sáng tạo. 4. Ðể trẻ khám phá thế giới bên ngoài Cho trẻ ra ngoài càng nhiều càng tốt để vui-chơi trong thiên nhiên – vào rừng, công viên, bãi biển, bất cứ mọi nơi. Cố gắng tìm những khu vực an toàn, nơi mà bạn không thấy sợ khi cho trẻ khám phá môi trường xung quanh. Ðó là những nơi đòi hỏi trẻ dùng đến óc tưởng tượng để tạo ra niềm vui. 5. Ðể các t rẻ ở các độ tuổi khác nhau cùng chơi Hãy thử cho con mình cùng chơi với các trẻ thuộc các độ tuổi khác. Ðiều này giúp nâng cao vùng phát triển lân cận, cho phép đứa này giúp đứa kia học hỏi, cùng giúp nhau đạt đến trình độ mới một cách tự nhiên. Theo phương thức này, trẻ học được cách vừa tỏa sáng trong cuộc chơi vừa hợp tác được với các trẻ lớn hơn. Ðây là bài học về kiểm-soát-bản-thân và các kỹ năng thương thảo rất cần thiết trong cuộc sống. 6. Ðể trẻ tự do và quên cái mặc cảm tội lỗi đi! Bọn trẻ không cần các hoạt động được hướng dẫn bởi người lớn hay các loại đồ chơi nhất định. Bạn càng để trẻ nắm quyền kiểm soát thường xuyên trong cuộc chơi của mình, sử dụng trí tưởng tượng và tự mình làm lấy mọi chuyện, thì trẻ càng giỏi hơn trong các việc này. Các kỹ năng trẻ học được là vô giá. Chúng ta cứ mãi bận tâm xem con mình đã tham gia được bao nhiêu hoạt động có cấu trúc rồi mà quên mất tầm quan trọng của việc để cho trẻ tự do vui-chơi. Hãy thôi nghĩ rằng cho trẻ tự chơi tức là bạn đang không làm cha mẹ. Tự do vui-chơi là điều mà lũ trẻ đang thiếu! 7. Hãy chân thật! Nếu đã muốn chơi cùng con, hãy chơi hết mình! Ðừng sợ mình trông thật ngu ngốc. Hãy để bọn trẻ đưa lối dẫn đường. Dừng lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn hay những gì bạn nghĩ về chính mình. Hạ xuống ngang tầm với bọn nhỏ và cố thả lỏng thậm chí chỉ 20 phút một ngày nếu điều này là quá khó với bạn. Ngay cả chỉ một ít thì giờ vui-chơi ngang bằng với bọn nhóc cũng đáng giá hơn mọi thứ đồ chơi bạn có thể mua cho con. 8. Và cũng để chúng tự chơi Tự chơi một mình vô cùng quan trọng đối với trẻ em. Chơi với đồ chơi thường là cách mà trẻ con chuyển hóa các trải nghiệm mới, các mâu thuẫn đã gặp và các sự kiện thường nhật vào trong cuộc sống của mình. Khi tham gia vào các trò chơi tưởng tượng và sử dụng nhiều giọng nói khác nhau, các em có thể đang tái hiện những điều đang xảy ra trong thế giới của mình: trò chơi này mang đậm tính trị liệu. Ðây cũng là một cách rất tuyệt để phát triển trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng. 9. Tạo ra đường đua vượt chướng ngại vật Hãy dựng lên một đường đua vượt chướng ngại vật với ghế đẩu, nệm hay vật dụng khác, tạo ra một không gian trong nhà để trẻ có thể di chuyển và sử dụng trí tưởng tượng của mình. Ðể trẻ được tự do vui-chơi, leo trèo, khám phá, sáng tạo – và đừng lo lắng gì cả, nhé. 10. Rủ rê các phụ huynh khác cùng tham gia Mời gọi các bậc cha mẹ khác cùng tham gia phong trào vui-chơi lành mạnh. Càng nhiều bậc phụ huynh thực hành điều này, càng nhiều trẻ con được tự do vui-chơi cùng nhau trong các hoạt động không bị người lớn dẫn dắt. Các bác sĩ nhi khoa tại Mỹ đã phát triển các hướng dẫn để thuyết phục các bậc phụ huynh rằng vui-chơi là rất lành mạnh. Việc này có giá trị to lớn với trẻ, rất nên được khuyến khích cũng như bàn luận với nhiều người khác nữa. 11. Tránh việc can dự quá sớm Cố gắng đừng vì muốn bảo vệ con mình mà đánh giá các trẻ khác quá khắt khe và can dự quá sớm. Ðôi khi học được cách đối phó với các trẻ khó chịu mang đến cho con bạn những bài học đắt giá nhất về kiểm-soát-bản thân và khả năng đàn hồi. 12. Buông tay Ðể con bạn làm mọi thứ bằng chính sức mình. Mỗi khi bạn thấy cần phải “ cứu” con, hãy lùi lại và hít một hơi thở sâu. Hãy nhớ rằng chúng đang học hỏi các kỹ năng quan trọng nhất, những kỹ năng sẽ song hành cùng chúng suốt đời. [7] T-ball: một môn thể thao lai giữa bóng chày và bóng mềm, được giới thiệu cho trẻ từ 4-8 tuổi tập làm quen và phát triển các kỹ năng chơi với bóng. Nguồn: Wikipedia. [8] Dùng từ được dịch bởi Ngô Toàn trên trang blog Tâm Ngã, http://blog.ngotoan.com/ [9] Children’s Nowicki-Strickland Internal-External Control Scale CHƯƠNG 3 A là về Authenticity — Sự chân-thật “Không di sản nào giàu có như lòng chân-thật. ” — WILLIAM SHAKESPEARE Đã bao giờ bạn xem hết một bộ phim ấm áp với kết thúc cực kỳ có hậu nhưng trong lòng lại chẳng đọng lại cảm xúc tốt đẹp nào? Có một lý giải rằng, mặc cho cái kết tuyệt đẹp, sâu thẳm trong lòng bạn đâu đó có một ý niệm mơ hồ nói lên rằng đời mình làm gì mà được tuyệt vời đến vậy? Mối quan hệ của bạn, căn nhà bạn ở, chiếc xe bạn chạy hay thậm chí cả quần áo bạn mặc cũng đâu có đẹp đẽ như trong phim? Mọi thứ thật ra không hề tạo cảm giác thực tế chút nào? Nhưng bạn để nó qua một bên, vì suy cho cùng thì nó là một bộ phim hay, nên cần nghĩ ngợi chi cho nhiều. Hầu hết các phim Hollywood đều được làm với dự tính mang lại cho bạn cảm giác tốt đẹp. Nhưng nếu nghệ thuật vốn mô phỏng cuộc sống, sẽ có người tự hỏi những cái kết ngọt như mía đường kia thực được đến mức nào. Mặt khác, phim Ðan Mạch thường rất ảm đạm, buồn hoặc có kết thúc bi kịch. Thường, người xem ít khi được chứng kiến kết cuộc vui vẻ quen thuộc. Nhiều lần Jessica xem phim Ðan Mạch và chờ đợi để nghe bản nhạc nền dịu êm – dấu hiệu cho thấy sự chịu đựng của cô sắp kết thúc và mọi thứ sẽ đâu lại vào đó. Chàng trai có được cô gái, anh hùng cứu thế giới và mọi thứ trên đời sẽ lại êm thấm. Là một người Mỹ, cô gần như thấy việc có được một cái kết viên mãn là quyền lợi của chính mình. Nhưng rồi theo thời gian, những bộ phim Ðan Mạch chạm được vào các vấn đề nhạy cảm, trần trụi và đầy đau đớn mà không bao gói nó bằng một cái nơ đẹp đẽ. Ngược lại, phim Ðan Mạch để cho Jessica và các khác giả cùng xem lắng đọng lại với những cảm xúc thô mộc được kích hoạt và day dứt mãi khôn nguôi. Làm sao mà dân Ðan Mạch hạnh phúc được khi lúc nào cũng phải xem những thước phim kiểu này? Giáo sư về Khoa học giao tiếp Silvia Knobloch-Westerwick và các đồng sự tại Ðại học Bang Ohio đã tiến hành nghiên cứu, cho thấy rằng trái với các niềm tin phổ biến, việc xem các bộ phim buồn hay bi kịch thực ra lại khiến người ta vui hơn bằng cách khiến họ chú ý đến một vài khía cạnh tích cực trong chính cuộc đời mình. Nó có xu hướng khiến ta phản tư về các mối quan hệ của mình với lòng biết ơn và tầm nhìn rộng, cho ta cảm thấy mình được bồi đắp và kết nối hơn với tính nhân bản của chính mình. Các kết cục như-là-Cổ-tích Hans Christian Andersen hẳn là một trong những nhà văn Ðan Mạch nổi tiếng nhất trong lịch sử. Ông là tác giả và cha đẻ của hàng loạt các truyện cổ tích như Nàng Tiên Cá , Vịt con xấu xí và Bộ quần áo mới của Hoàng đế , xin chỉ kể vài cái tên tại đây thôi. Những câu chuyện như trên đã được kể khắp nơi trên thế giới. Nhưng điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là rất nhiều các câu chuyện gốc của Andersen không hề mang tư tưởng về một cái kết như-là-Cổ-tích mà chúng ta thường có. Chúng là các bi kịch. Nàng Tiên Cá , ví dụ, không hề có được chàng hoàng tử, mà thay vào đó nàng biến thành bọt biển bởi nỗi buồn sâu thẳm. Nhiều truyện cổ tích Andersen chỉ đơn thuần là được đo ni đóng giày cho khớp với các chuẩn mực trong văn hóa của chúng ta về cách thức mọi thứ vận hành. Trong các bản dịch tiếng Anh của nhiều truyện cổ Andersen, người lớn đã chú ý kỹ càng đến những gì mà họ nghĩ trẻ em không nên nghe thấy. Ở Ðan Mạch cũng như trong các phiên bản cũ hơn, thường là độc giả sẽ tự đưa ra cho chính mình các kết cục và đánh giá. Dân Ðan Mạch tin rằng bi kịch và các sự kiện khổ đau là những thứ nên mang ra bàn luận. Chúng ta hiểu về bản chất sự việc từ những khổ đau của mình nhiều hơn là từ các thắng lợi, vì thế xem xét mọi sắc thái của cuộc đời là vô cùng cần thiết. Nó chân-thật hơn và tạo nên sự thấu-cảm cũng như sự tôn trọng sâu sắc đối với tính nhân văn của loài người. Nó cũng giúp chúng ta thấy biết ơn những điều đơn sơ trong đời mà đôi lúc ta đã xem nhẹ vì bận tập trung quá nhiều vào cuộc sống thần tiên như cổ tích. Với người Ðan Mạch, sự chân-thật bắt đầu từ việc thấu hiểu cảm xúc của bản thân. Nếu chúng ta dạy trẻ biết nhìn nhận và chấp thuận các cảm xúc chân-thật dù tốt hay xấu và cư xử theo cung cách nhất quán với những giá trị của mình, các thử thách và khó khăn trong đời sẽ không thể xô ngã được các em. Bọn trẻ sẽ biết rằng mình đã cư xử theo những gì mình thấy là đúng. Chúng sẽ biết làm sao để nhận ra các giới hạn của bản thân và tôn trọng các giới hạn đó. La bàn nội tâm này – lòng tự-trân-trọng chân-thật dựa trên các giá trị, trở thành nguồn lực dẫn lối quyền năng nhất trong cuộc đời mỗi người, giúp ta đương đầu với áp lực bên ngoài. Làm cha mẹ với sự chân-thật Làm cha mẹ với sự chân-thật là bước đầu đến với việc hướng dẫn trẻ dũng cảm sống thực với chính mình và với mọi người. Làm một hình mẫu thực hành kiểm soát sức khỏe cảm xúc là một cách làm cha mẹ đầy quyền năng. Thành thực về mặt cảm xúc, chứ không phải trở nên hoàn hảo, là những gì mà trẻ cần từ cha mẹ mình. Trẻ con luôn quan sát thấy người lớn giận dữ, hạnh phúc, bối rối, vui vẻ và thành công ra sao, cũng như biểu đạt những cảm xúc ra thế giới bên ngoài như thế nào. Chúng ta phải làm gương về tính thành thực cho con cái mình và cho các em biết rằng, cảm nhận được hết mọi cảm xúc của mình là chuyện hoàn toàn rất ổn. Nhiều cha mẹ thấy dễ dàng hơn khi quản lý các cảm xúc vui tươi ở trẻ, nhưng khi đối mặt với các cảm xúc mang tính thách thức hơn như giận dữ, hung hăng và lo âu thì sự thể trở nên khó nhằn. Vì thế trẻ học được ít hơn về các cảm xúc này, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hòa cảm xúc về sau. Nhận diện và chấp nhận mọi cảm xúc, ngay cả những cảm xúc không dễ chịu từ sớm khiến việc lèo lái mọi chuyện trong đời dễ dàng hơn. Khi trải qua một thời điểm khó khăn, mỉm cười và nói rằng mọi thứ đều ổn không phải lúc nào cũng là kế sách tốt nhất. Tự-lừa-mình là kiểu dối gạt tệ hại nhất, và là thông điệp nguy hiểm khi nhắn gửi đến trẻ. Chúng sẽ học lại y chang. Tự-lừa-mình luôn khiến bạn bối rối, vì chúng làm ta phớt lờ cảm giác thật của mình và khiến ta đưa ra các lựa chọn dựa vào ảnh hưởng bên ngoài hơn là dựa vào mong muốn chân-thật của bản thân. Ðiều này dẫn ta sa vào những nơi mình không hề muốn đến trong đời. Và đó là cách khiến ta sau tất cả, trở nên không hạnh phúc. Ðó là khoảnh khắc mà nhiều người nhìn vào cuộc đời mình, và nói, “ Khoan đã, đây có phải điều tôi thực sự muốn? Hay đây là cái tôi nghĩ mà lẽ ra mình phải muốn?” Ngược lại, sự chân-thật là tìm kiếm trong lòng bạn, trong sâu thẳm tâm can xem điều gì là đúng đắn cho bản thân và gia đình mình, rồi không hãi sợ đeo đuổi điều này đến cùng. Ðấy là cho phép bản thân được kết nối với cảm xúc của chính mình và hành động theo cảm xúc thay vì chôn vùi hay làm tê liệt nó. Ðiều này đòi hỏi bạn phải có lòng can đảm và sức mạnh, nhưng kết quả mang lại thì vô cùng lớn lao. Học cách hành động dựa trên các mục tiêu nội tại, ví dụ cải thiện mối quan hệ hay tham gia hoạt động ưa thích thay vì hành động theo các mục tiêu bên ngoài như mua xe mới, được chứng minh là cách để tạo nên niềm vui-sống đích thực. Vì thế, sở hữu căn nhà to hơn, tích lũy nhiều của cải hơn, hay là cho con tham gia tất cả hoạt động “ đúng đắn” có thể là cái bẫy của việc tự-lừa mình. Áp đặt ước mơ của chính bạn hay của người khác lên bọn trẻ thay vì lắng nghe kỹ càng những ước vọng, tôn trọng tốc độ lớn khôn và phát triển độc đáo của con cái, là một cái bẫy khác. Bị thúc ép hay được ngợi khen quá mức, có thể sẽ khiến trẻ học cách làm mọi thứ chỉ để có được sự công nhận bên ngoài thay vì đạt được sự thỏa mãn từ nội tâm – mà điều này có thể trở thành thiết lập mặc định suốt đời. Nó khuyến khích các mục tiêu bên ngoài: nhu cầu cần phải có những điều kiện ngoại thân mới có thể cảm thấy hạnh phúc. Ðiều này có thể là tiêu chuẩn thành công với một số người, nhưng nó chưa chắc mang đến cảm giác hạnh phúc sâu sắc từ nội tâm, cũng như sự vui-sống mà chúng ta ai cũng khao khát. Như chúng ta đã thảo luận, nó còn có thể thực sự gây lo âu và trầm cảm. Chân-thật ngợi khen kiểu Ðan Mạch Khiêm cung là một phẩm chất vô cùng quan trọng ở Ðan Mạch. Ðức tính này có cội rễ sâu xa trong lịch sử và là một phần của di sản văn hóa Ðan Mạch. Khiêm cung chính là hiểu chính mình sâu sắc đến nỗi chẳng cần ai khác khiến mình cảm thấy quan trọng. Vì thế, người Ðan Mạch thường cố gắng không đổ đống lời khen ngợi lên con cái. Iben hay nói với các con gái rằng các em có thể làm được bất cứ chuyện gì, miễn là cần mẫn. Vì thế con gái của cô biết rằng các em cần phải phát triển bản thân và trưởng thành, Iben luôn khuyến khích điều này. Tuy nhiên cô tránh không khen con quá mức, vì cô tin rằng trẻ con nhận quá nhiều lời khen sẽ khó lòng mà thấy điều này có ý nghĩa, bởi khen quá nhiều đôi khi nghe thật nhàm chán và sáo rỗng. Ví dụ, nếu một đứa bé Ðan Mạch vẽ nguệch ngoạc một bức tranh thật nhanh và đưa nó cho cha hoặc mẹ xem, vị phụ huynh này có thể sẽ không nói: “ Ô! Giỏi quá! Con đúng là họa sĩ!” Họ thường có xu hướng hỏi về bức tranh. “ Ðây là gì?” “ Lúc con vẽ con nghĩ gì?” “ Vì sao con dùng những màu này?” Hay có thể họ chỉ nói cảm ơn nếu đó là món quà đứa trẻ tặng mình. Chú ý vào điều con trẻ làm được hơn là ngợi khen quá mức chính là cách tiếp cận của người Ðan Mạch. Ngoài việc giúp tập trung vào công việc, điều này còn dạy về sự khiêm tốn. Cách này giúp trẻ bồi dưỡng cảm giác mình có thể tự luyện thành thạo một kỹ năng, thay vì cảm giác mình đã là chuyên gia. Như vậy, đứa trẻ sẽ có một nền tảng vững chắc hơn để tự lập và trưởng thành, cũng như khuyến khích phát triển sức mạnh nội tâm và khả năng đàn hồi. Thực tế là đã có một nghiên cứu mới rất thú vị củng cố ý tưởng này. Cái cách ta khen ngợi con cái thật sự có ảnh hưởng to lớn đến khả năng đàn hồi của bọn trẻ! Tư duy cố định và tư duy phát triển Tại Mỹ, nhiều bậc phụ huynh tin rằng khen trẻ thông minh giúp trẻ xây dựng lòng tự tin và động lực học hành. Cha mẹ Mỹ có xu hướng hào phóng ban phát lời khen cho con cái và người xung quanh, vì họ tin rằng điều này có lợi cho lòng tự tin và sự phát triển. Thế nhưng một nghiên cứu kéo dài ba thập kỷ bởi nhà tâm lý Carol S. Dweck của Ðại học Stanford đã chứng minh điều ngược lại. Ngợi khen có liên quan chặt chẽ đến cái cách trẻ nhìn nhận trí thông minh của mình. Nếu trẻ liên tục được khen là thông minh thiên bẩm, có tài, hay có năng khiếu (nghe quen chứ?), các em sẽ phát triển lối tư duy “ cố định” (trí thông minh của tôi là cố định, và tôi đã sở hữu nó rồi). Trái lại, những trẻ được bảo rằng trí thông minh có thể được mở mang qua tập luyện và giáo dục dần dà bộc lộ kiểu tư duy phát triển (tôi có thể phát triển kỹ năng của mình bởi vì tôi đang cố gắng cật lực.) Các kết quả nghiên cứu của cô Dweck cho thấy các em có tư duy kiểu cố định − những em luôn được khen là thông minh, có xu hướng quan tâm trước tiên và nhiều nhất đến việc mình sẽ bị đánh giá ra sao: thông minh hay không thông minh. Các em dần dà sợ phải cố gắng quá nhiều, bởi các em cho rằng người ngu ngốc mới phải nỗ lực. Các em tin rằng nếu có khả năng thì chẳng việc gì phải gắng sức. Và vì cứ được khen là có khả năng, các em bắt đầu e ngại rằng nếu phải thật sự nỗ lực làm một việc gì đó đồng nghĩa mình không còn được xem là “ thông minh” nữa. Các em có tư duy phát triển thì ngược lại; chúng thường quan tâm đến chuyện học hỏi. Những trẻ được khuyến khích chú tâm vào nỗ lực của mình hơn là trí thông minh sẽ có cách nhìn tích cực về sự chuyên tâm gắng sức. Chính điều này kích hoạt và mở mang trí thông minh. Các em học sinh này bền chí nỗ lực khi phải đối mặt với thất bại và tìm kiếm các chiến lược học tập mới thay vì buông xuôi bỏ cuộc. Ðây là ví dụ điển hình của năng lực đàn hồi. Chìa khoá đến với thành công và học hỏi suốt đời Ngày càng có nhiều nghiên cứu trong Tâm lý học và Khoa học Thần kinh củng cố ý tưởng rằng tư duy phát triển là chất xúc tác thực thụ cho các thành tựu vượt bậc. Nhiều nghiên cứu về não bộ cho thấy tâm trí con người càng ngày càng dẻo dai theo thời gian hơn là ta tưởng. Các chiều kích căn bản của trí thông minh con người có thể được cải thiện thông qua học hỏi ngay cả khi đã bước vào tuổi xế chiều. Sự kiên định và chuyên tâm khi đối mặt với các rào cản mới chính là thành tố chủ chốt để thành công toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Ðiều này thực sự gây kinh ngạc. Có bao nhiêu người thông minh và tài năng bạn biết, những người chưa bao giờ sống trọn tiềm năng của mình chỉ vì họ có một cách nghĩ cố định về việc trời sinh đã thông minh – và vì vậy họ ngừng cố gắng khi thành công không đến một cách dễ dàng? Một vài nghiên cứu khá lý thú, được tiến hành với khách thể nghiên cứu là học sinh lớp năm bởi Dweck và đồng sự với mục tiêu cho thấy các ảnh hưởng của ngợi khen lên thành tích của học sinh. Các nhóm học sinh được giao cho một số nhiệm vụ và rồi nhận lại nhiều kiểu khen ngợi khác nhau cho thành quả của mình. Một số em được khen kiểu: “ Em chắc phải thông minh lắm trong việc giải quyết các vấn đề kiểu như này” (khuyến khích tư duy theo kiểu cố định), và số khác nhận được lời khen “ Em hẳn là đã nỗ lực nhiều lắm để giải quyết các vấn đề này” (khuyến khích tư duy theo kiểu phát triển). Sau đó các học sinh được hỏi xem mình đồng ý hay không đồng ý với một vài nhận định, như “ Trí thông minh là thứ mà về căn bản bạn không thực sự có thể thay đổi.” Những học sinh được khen rằng thông minh đồng ý với những nhận định kiểu này nhiều hơn những học sinh được khen vì sự nỗ lực. Trong nghiên cứu tiếp theo, các học sinh lại được hỏi về định nghĩa của các em về trí thông minh. Những em được khen là thông minh nghĩ đó là một phẩm chất bẩm sinh bất biến, trong khi những em được khen vì sự nỗ lực cho đó là thứ có thể được phát triển bằng cách cố gắng làm việc. Sau đó các em học sinh được cho chọn giải quyết một vấn đề khó hay dễ. Những học sinh được khen thông minh đã chọn thực hiện vấn đề dễ hơn là vấn đề khó, có khả năng là để đảm bảo cho thành tích hoàn hảo. Những em được khen vì nỗ lực chọn vấn đề thử thách hơn, với cơ hội được học hỏi thêm. Sau đó, mỗi em học sinh đều được giao thực hiện một công việc phức tạp. Những trẻ có tư duy cố định mất hết sự tự tin và niềm vui thú ngay lúc các khó khăn xuất hiện trong quá trình giải quyết vấn đề. Với chúng, thành công có nghĩa là bẩm sinh đã thông minh, vì thế sự chật vật của chúng đồng nghĩa với không thông minh. Trong khi các học sinh có tư duy kiểu phát triển thì không mất đi sự tự tin và tỏ ra háo hức trong quá trình mày mò giải quyết vấn đề. Khi nhiệm vụ được giao dễ dàng hơn, những học sinh được khen thông minh vốn đã mất đi sự tự tin và động lực từ vấn đề khó nhằn trước đó, đã thể hiện không tốt về tổng thể. Khi làm việc nhóm, các em có biểu hiện kém hơn trong những loại nhiệm vụ tương tự như công việc đầu tiên, trong khi nhóm được khen vì nỗ lực thì tiếp tục có tiến bộ và nhìn chung là hoàn thành xuất sắc. Có lẽ điều lý thú nhất là khi được yêu cầu báo cáo ẩn danh, nhóm có tư duy cố định báo cáo thành tích của mình cao hơn kết quả thật, hơn 40% số lượt trả lời. Hình ảnh bản thân của bọn nhỏ bị cột chặt với điểm số đến mức chúng không sẵn lòng thừa nhận thất bại, trong khi những trẻ có tư duy phát triển điều chỉnh điểm của chúng cao lên, với tỷ lệ 10 phần trăm trong tổng lượt trả lời. Các nghiên cứu về gian lận trong thi cử xác nhận rằng học sinh ngày nay có xu hướng gian lận để được điểm cao nhiều hơn ở các thế hệ trước, một sự phản ánh của áp lực thành tựu và, trong nhiều trường hợp, đi kèm với kiểu tư duy cố định. Chúng ta cứ nghĩ rằng khen trẻ thông minh sẽ giúp các em tự tin hơn, nhưng khi đối mặt với khó khăn, điều này lại thực sự khiến trẻ mất đi sự tự tin! Khen ngợi học sinh vì chúng thông minh không mang lại cho chúng động lực hay khả năng đàn hồi – đặc điểm quan trọng quyết định thành công, thay vào đó lại là kiểu tư duy cố định khiến các em vô cùng dễ bị tổn thương. Tương phản với lời khen kiểu này, những lời khen dành cho nỗ lực hay “ quá trình” – khen ngợi vì sự dấn thân, tính kiên định, tính chiến lược, sự tiến bộ theo quá trình và nhiều hơn thế nữa – nuôi dưỡng động lực và khả năng đàn hồi. Nó nhấn mạnh cho trẻ thấy những gì các em đã làm để thành công và những gì các em cần làm để thành công trong tương lai. Thật thú vị, một bài viết gần đây trên tờ New York Times báo cáo rằng ngay cả các doanh nghiệp ngày nay cũng đang tìm kiếm những người có tư duy phát triển thay vì tư duy cố định. Vì những người có tư duy phát triển thường giỏi hơn trong việc khuyến khích tinh thần làm việc nhóm và giải quyết các thách thức mà không gặp phải căng thẳng, họ trở nên hấp dẫn hơn với mọi tổ chức. Những người có tài năng thiên bẩm hay những người với tư duy cố định thường có tính duy kỷ (egocentric), và luôn bận tâm đến việc phải là ngôi sao sáng nhất tổ chức. Trong khi chính những người có khả năng xử trí công việc với sự kiên định và sức đàn hồi, biết cách gắn kết đồng nghiệp với lòng biết ơn, mới là người sẽ thăng tiến được đến những vị trí đáng thèm muốn – kể cả vị trí CEO. Một vài ví dụ về lời khen quá trình “ Mẹ/ cha thích cái cách mà con đã cố gắng xếp những miếng hình này lại với nhau, hết lần này đến lần khác. Con đã không bỏ cuộc và con đã tìm ra cách để ráp mọi thứ lại với nhau.” “ Mẹ/ cha thấy con đã rất chăm chỉ luyện tập điệu nhảy này, và hôm nay nỗ lực của con đã được đền đáp! Con nhảy đẹp lắm!” “ Cha/ mẹ rất tự hào khi con chia đồ ăn vặt với em. Thấy con biết sẻ chia, cha/ mẹ rất vui.” “ Bài tập đó rất dài và khó, nhưng con đã kiên trì và hoàn thành. Mẹ/ cha rất tự hào vì con đã cố gắng tập trung và làm đến nơi đến chốn. Con đã làm tốt lắm!” CÁC MẸO CHO SỰ CHÂN-THẬT 1. Bứt khỏi sự tự-lừa-mình Ðầu tiên, trước hết hãy thành thực với chính mình. Học cách để nhìn nhận cuộc sống của mình một cách chân thật. Có thể lần ra và nhận diện cảm xúc, cũng như biết được mình thật sự đang cảm thấy như thế nào là một cột mốc lớn. Dạy trẻ thành thực về cảm xúc và ngăn trẻ khỏi tự-lừa-mình là một món quà tuyệt vời. Lắng nghe, bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc thật của bản thân là hành trang cần thiết giúp ta không lạc lối trên con đường hướng tới hạnh phúc trong đời. Thành thực với chính mình là cách mà chúng ta hiệu chỉnh la bàn nội tâm để đi đúng hướng. 2. Hồi đáp với sự thành thực Nếu con bạn đặt ra một câu hỏi, hãy cho các em câu trả lời thành thực. Tất nhiên câu trả lời của bạn phải phù hợp với độ tuổi và tương xứng với trình độ tri nhận của trẻ. Chân thành trong các câu trả lời của mình là rất quan trọng trong mọi khía cạnh cuộc sống, ngay cả trong những mặt rất khó khăn. Bằng việc không chân-thật, bạn đánh giá thấp khả năng phân định phải trái đúng sai của con mình. Trẻ con là những cỗ máy nhận biết dối trá siêu đẳng, và chúng có thể nhận thấy bất ổn nếu bạn đang giả tạo. 3. Dùng các ví dụ từ tuổi thơ của chính bạn Dù là đang ngồi chờ khám bệnh, đang trong một tình huống khó chịu nào đấy hay có khi chỉ đang trong giờ chơi đùa, thì trẻ vẫn luôn thích nghe kể về những trải nghiệm của bạn và cảm giác của bạn khi còn bé, đặc biệt khi đó là chuyện có thật và cảm động. Những chuyện này giúp trẻ hiểu hơn về con người bạn, và cho chúng thấy rằng cảm giác sợ hãi, hạnh phúc hay buồn đau của chúng là những điều bình thường của cuộc sống. 4. Dạy về lòng thành-thực Hãy trò chuyện với con cái về tầm quan trọng của sự thành thực trong gia đình bạn. Hãy biến nó thành một phẩm chất. Cho trẻ biết bạn đặt trọng tâm vào sự trung thực chứ không phải ở việc trừng phạt các hành vi chưa đúng mực của các em. Nếu bạn chất vấn trẻ, buộc tội các em trong giận dữ hay dọa nạt khi các em cư xử không đúng, trẻ có thể trở nên sợ hãi và không còn dám nói thật. Nếu bạn có thể làm cho con cảm thấy an toàn khi thành thực, thì các em sẽ thành thực. Hãy nhớ rằng ở tuổi nào, với ai thì thú nhận hay nói thật cũng đều đòi hỏi can đảm. Chuyện này không tự nhiên mà đến đâu. Nó còn tùy xem chúng ta đã dạy cho trẻ đủ dũng cảm để thành thực, và đủ can đảm phơi mình trước tổn thương để thú thật khi cần thiết hay chưa. Ðừng phê phán. Mối quan hệ thành thực kiểu này, nếu được nuôi dưỡng tốt, sẽ trở nên trọng yếu hơn hết thảy trong những năm tháng thiếu niên của trẻ. 5. Ðọc cho trẻ nghe những câu chuyện chứa đựng đa dạng cảm xúc Hãy đọc tất cả thể loại truyện kể cho con bạn nghe. Ðừng lo sợ nếu không phải câu chuyện nào cũng đều có cái kết đẹp. Bạn cũng nên chủ động lựa chọn những truyện kể thuộc các chủ đề khó, và các câu chuyện không có kết thúc kiểu “ cổ tích”. Trẻ học rất nhiều từ nỗi buồn và bi kịch (tất nhiên là phải phù hợp độ tuổi), những câu chuyện dạng này sẽ giúp mở ra cho bạn và con những cuộc đối thoại về các khía cạnh khác nhau của cuộc đời, vốn cũng quan trọng không kém chuyện chàng hoàng tử có được nàng công chúa. Ðược tiếp xúc với nhiều thăng trầm cuộc đời sẽ khuyến khích sự thấu-cảm, khả năng đàn-hồi, cũng như cảm giác có ý nghĩa và lòng biết ơn về cuộc sống của chính mình. 6. Sử dụng lời khen quá trình Hãy nhớ rằng lời khen có ích và có ý nghĩa nhất thường dựa trên chất lượng chứ không phải số lượng. Giữ cho lời khen tập trung vào quá trình hay nỗ lực mà trẻ bỏ ra hơn là vào các năng lực thiên bẩm: “ Con đã học rất siêng năng để chuẩn bị cho bài kiểm tra và sự tiến bộ của con đã cho thấy điều đó. Con xem đi xem lại bài học nhiều lần, làm các thẻ học bài và tự trắc nghiệm mình. Nó thật sự đã có tác dụng!” Hãy tìm một vài ví dụ về lời khuyên quá trình. Luyện tập sẽ giúp nó hoàn hảo – bạn càng cố gắng sử dụng lời khuyên quá trình bao nhiêu thì bạn càng thành thục bấy nhiêu. Hãy xem xem liệu mình có thể bỏ đi lời khen “ Con thật thông minh” được không. Bằng cách dời lực chú ý vào các nỗ lực bỏ ra, bạn sẽ giúp con hiểu được rằng chính sự kiên định, chứ không phải khả năng thiên bẩm, mới là điều quan trọng nhất. Về lâu về dài, nhờ vào nó mà các em sẽ có lòng tự-trân-trọng mạnh mẽ hơn. 7. Ðừng dùng lời khen như một hồi đáp mặc định Ðừng lạm dụng lời khen cho những thứ quá dễ. Làm như vậy có thể khiến trẻ nghĩ rằng các em chỉ đáng được khen khi hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, dễ dàng và hoàn hảo, mà không hề giúp trẻ quý trọng các thử thách. Ví dụ như, nếu một đứa trẻ dễ dàng có được điểm A mà không cần nỗ lực, hãy thử nói rằng, “ Ừ, nó dễ quá phải không con? Hay mình thử cái gì đó thách thức hơn nhé, để con có thể học hỏi thêm?” Mục tiêu của ta là không biến các công việc dễ thực hiện trở thành nền tảng của sự khen ngợi. 8. Tập trung vào nỗ lực – và hãy luôn chân thành Hãy cẩn trọng khi khen ngợi các thất bại hay sai sót. Nói mấy câu như “Làm tốt lắm!” “Con đã làm tốt nhất có thể rồi!” “Chúc may mắn lần sau!” có thể khiến người nghe tiếp nhận như sự thương hại. Hãy tập trung vào những gì trẻ đã đạt được và làm sao để phát triển từ đó – “Mẹ/ cha biết con đã không hoàn thành mục tiêu, nhưng con đã đến được rất gần! Tuần sau hãy ra ngoài và luyện tập thêm để lần tới con có thể làm được, nhé! Hãy nhớ, luyện tập chính là chìa khoá!” Bằng cách tập trung vào nỗ lực bỏ ra trong quá trình học hỏi, chúng ta tạo nên tư duy kiểu phát triển. Lối tư duy này rất có ích trong mọi khía cạnh cuộc sống, từ công việc đến các mối quan hệ. 9. Dạy trẻ không tự so sánh mình với người khác Trẻ cần phải tự nhận ra liệu mình đã cố hết sức trong một dự án hay chưa, hay trong lòng cảm thấy rằng bản thân còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Không phải ai cũng có thể là người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực, nhưng chúng ta có thể là phiên bản tốt nhất của chính mình. Cách suy nghĩ này, trái ngược với cạnh tranh, sẽ nuôi dưỡng niềm vui-sống. 10. Làm nổi bật cách nhìn độc đáo và chân-thật của chính mình và của trẻ, bằng cách nói “với cha/ mẹ” Cố gắng thêm vào cụm “với cha/ mẹ” sau mỗi câu nói để nhấn mạnh việc bạn hiểu rằng trải nghiệm của mình trong một tình huống nhất định không nhất thiết đồng nhất với trải nghiệm của trẻ. Ví dụ, nếu bạn có cự cãi với con về chuyện thức ăn quá nóng, hãy nhớ rằng dù nó không quá nóng với bạn, nó vẫn có thể quá nóng với trẻ. Nói rằng, “Thức ăn không quá nóng với cha/ mẹ,” khiến trẻ biết rằng bạn hiểu điều này. Hay thay vì nói, “Thời tiết không lạnh,” bạn có thể nói “Thời tiết không lạnh với cha/ mẹ.” Sự tôn trọng trải nghiệm cá nhân này xây dựng niềm tin và sự trân trọng – giúp trẻ nhận ra và coi trọng các trải nghiệm của riêng mình. CHƯƠNG 4 R là về Reframing — Tái-định-khung “ Tuyết vẫn đang rơi, ” Eeyore ủ dột nói. “ Ừ thì nó là vậy mà. ” “ Và lạnh cóng. ” “ Thế á? ” “ Ừ, ” Eeyore nói. “ Tuy nhiên, ” cậu tiếp tục, trông có vẻ tươi tỉnh hơn một chút, “ gần đây chúng ta vẫn chưa phải trải qua một trận động đất nào. ” — A.A. MILNE, WINNIE THE POOH Là một người Mỹ, có chồng là người Ðan Mạch, Jessica vẫn còn nhớ lần đầu khi nhận ra anh cư xử với con cái theo cung cách rất khác với mình. Cứ mỗi khi có một tình huống tiêu cực phát sinh, dường như cô có xu hướng phản ứng hơi nhanh một chút. Cô sẽ khoa trương vung vẩy tay chân: “ Con bé sẽ không làm đâu! Con bé chả bao giờ nghe lời cả!”. Trong những lúc như vậy, chồng cô luôn bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn và luôn thủ sẵn một câu thần chú trong tay cho mỗi tình huống một, khiến ngay cả Jessica cũng phải ngạc nhiên thán phục. Ðiều này tựa hồ một ô cửa mở toang căn phòng tối, dẫn ánh sáng soi rọi vào cái vấn đề gần như nan giải trước đó. Chồng Jessica có khả năng hướng những tia sáng tích cực đến những điều khó chịu. Anh có thể khiến một tình huống rạch ròi trắng – đen trở nên dung hòa hơn. Ðau đớn dịu đi, và cơn giận thì được điều hòa. Jessica nhận ra gia đình chồng và bạn bè anh cũng làm điều tương tự với con cái. Vậy quyển sách chứa các câu thần chú mà người Ðan Mạch sử dụng này đang ở đâu? Một buổi sáng nọ, trong lúc lắng nghe chồng mình tế nhị điều chỉnh lời ăn tiếng nói của con gái chung quanh nỗi sợ nhện của cô nhóc; Jessica ngây ngẩn cả người khi nhận ra điều này có thể tác động đến tương lai con gái mình lớn đến mức nào. Trong lúc quan sát con gái mình cẩn thận cùng cha nghiên cứu con nhện và phát hiện ra nhiều điều lý thú, thay vì sợ hãi la thét kiểu “ Eo ơi ghê quá!”, cô chợt nhận ra tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ “ kiểu Ðan Mạch” là vô cùng to lớn. Vì đây không còn là chuyện của riêng ngôn ngữ, mà đó là việc vận dụng ngôn ngữ để tạo ra sự dịch chuyển trong cách chúng ta cảm thụ vấn đề. (Lại) Cởi bỏ cặp kính cũ của bạn Bạn thấy đấy, cách ta nhìn đời và gạn lọc các trải nghiệm hàng ngày ảnh hưởng đến việc ta cảm thụ mọi thứ. Nhiều người trong số chúng ta không biết rằng lựa chọn nhìn đời ra sao, là lựa chọn vô thức. Chúng ta cảm thấy tri giác của ta về cuộc sống chính là sự thật. Ðó là sự thật của riêng ta. Chúng ta không nghĩ về tri giác của mình như một cách nhìn nhận sự vật được học hỏi qua thời gian (thường là được góp nhặt từ cha mẹ và nền văn hóa của ta), mà nhìn nó như kiểu hiển nhiên “ chuyện nó phải thế”. Cách nhìn cố định “ chuyện nó phải thế” này được gọi là “ khung”, và qua cái khung này ta nhìn thế giới, đó chính là tri giác của ta. Và cái gì ta tri nhận là thật, cũng đều cho cảm giác như thật. Nhưng sẽ ra sao nếu ta có thể nhìn thấy sự thật theo một cách mới mẻ hơn? Sẽ ra sao nếu chúng ta có thể đem cái sự thật như ta đã luôn thấy đặt nó vào một cái khuôn mới của tâm trí – một cái khung rộng rãi hơn, phóng khoáng hơn – và treo lại nó lên bức tường? Và khi nhìn lại bức tranh mà mình gọi là “ sự thật”, ta sẽ thấy nó như thế nào? Nếu chúng ta có thể nhìn sự thật theo một cách mới hơn, thì sao? Tưởng tượng bạn đang đứng trong một phòng triển lãm nghệ thuật. Bức tranh đang được treo trên tường và tại đó, một hướng dẫn viên đang chỉ ra cho bạn thấy những chi tiết ẩn mình tinh tế. Bạn bắt đầu nhìn thấy những thứ mình chưa thấy bao giờ. Những chi tiết mà bạn mới thấy, rõ là vẫn nằm đó trước giờ, nhưng bạn đã bỏ sót bởi vì bạn quá chú tâm vào những gì mình cho là chủ đề hiển nhiên nhất. Ðó là một bức tranh tiêu cực, bạn đã có kết luận như vậy. Người đàn ông thì xấu tính, người phụ nữ thì bất lực và bức tranh thì mang màu sắc quá sức u ám. Bạn đã định đi tiếp rồi, nhưng giờ đây bạn nhận ra, với sự trợ giúp từ hướng dẫn viên, có một cốt truyện hoàn toàn khác trong bức tranh đó. Bạn để ý thấy có vài người cầm rất nhiều quà đang hân hoan đi tới bên cửa sổ phía sau hai người đó. Người đàn ông đang bị một con chó cắn, đó là lý do vì sao trông ông ấy rất khó chịu, và người phụ nữ đang giúp đỡ ông, chứ không phải bất lực. Có một đứa nhỏ đang đứng cười trong khung cảnh đằng sau mà bạn đã không để ý thấy, và ánh sáng chảy qua khung cửa sổ là phi thường tuyệt mĩ. Trong cùng một bức tranh, có nhiều thứ khác để tập trung vào mà trước giờ bạn chưa hề nhìn thấy. Thật phấn khích khi được trải nghiệm sự khám phá và biến chuyển tâm lý như thế này. Ký ức của bạn về bức tranh từ đây về sau sẽ hoàn toàn khác, đồng thời cách bạn chia sẻ về điều quan sát thấy ở bức tranh với người xung quanh cũng sẽ thay đổi. Càng thực hành nhiều thì việc tìm kiếm các cốt truyện thay thế sẽ càng bớt vất vả, và dần dần nó sẽ trở thành kỹ năng của bạn. Trong tương lai, người hướng dẫn giúp chỉ ra các cốt truyện thay thế kiểu này sẽ chính là bạn. Lạc quan thực tế Ðã bao giờ bạn nghĩ rằng khả năng tái-định-khung một tình huống căng thẳng – chẳng hạn một vấn đề trong gia đình, một rắc rối với đồng sự, hay một đứa con không vâng lời – như chính cái cách bạn đã làm với bức tranh, thực sự có thể cải biến niềm-vui-sống của bạn? Ðáp án là một chữ “ có” vang dội! Và đó là điều người Ðan Mạch đã làm hàng thế kỷ nay. Họ dạy bọn trẻ kỹ năng vô giá này, và việc học cách tái-định-khung từ sớm giúp chúng lớn lên có thể sử dụng thành thạo kỹ năng này một cách tự nhiên. Trở thành bậc thầy về tái-định-khung cũng là viên gạch đầu tiên xây nên khả năng đàn hồi. Hỏi một người Ðan Mạch rằng họ nghĩ sao khi thời tiết thì lạnh giá, trời xám xịt mà mưa lại còn tầm tã bên ngoài, thì họ sẽ trả lời một cách vô tư rằng: “ Ừ tốt quá, tôi đang ở chỗ làm!” “ Thật vui vì tôi đang không đi nghỉ mát!” “ Tôi đang mong tối về được rúc vào tổ ấm thân yêu với nhà mình đây.” “ Chẳng có thời tiết xấu, chỉ có mặc đồ không hợp thôi!” Hãy thử kéo một người Ðan Mạch tập trung vào điều gì đó thật tiêu cực thuộc bất cứ chủ đề nào xem, bạn sẽ bối rối ngay trước khả năng tìm ra một cái nhìn tích cực về đề tài đó của họ. Bạn có thể nói, “ Chán thật, cuối tuần cuối cùng của kỳ nghỉ rồi”. “ Ừa, nhưng đây là cuối tuần đầu tiên trong cả phần đời còn lại của chúng ta!” Và ý chúng tôi không phải là dân Ðan Mạch có cách nhìn đời tích cực thái quá khi sử dụng tái-định-khung để bọc đường cuộc sống đâu nhé. Họ không lạc quan theo kiểu bồng bềnh trên mây như những người siêu cấp vui vẻ, kiểu “ Mọi thứ thật là tuyệt vời và kỳ diệu!” ấy, những người với nụ cười trông như được dán cứng lên mặt và lúc nào trông họ cũng như đang phê thuốc. Không, dân Ðan Mạch không làm bộ rằng mặt trái cuộc đời không tồn tại. Họ chỉ, một cách rất thực tế, vạch ra sự thật là còn có những khía cạnh khác của vấn đề cũng tồn tại mà bạn thậm chí có thể chưa từng cân nhắc nghĩ đến. Họ chọn tập trung vào cái tốt ở con người hơn là vào cái xấu. Họ thay đổi các kỳ vọng để tập trung vào bức tranh lớn, hơn là mắc kẹt trong ngách hẹp của một luận điểm, và họ nhìn chung có xu hướng ôn hòa hơn trong các nhận định của mình. Người Ðan Mạch là kiểu người mà các nhà tâm lý gọi là “ Những người lạc quan thực tế”. Người lạc quan thực tế khác với người lạc quan thái quá với nụ cười dán cứng lên mặt – những người thường trông thật giả tạo vì đời nghe chừng quá hoàn hảo. Vấn đề của chuyện quá sức tích cực và lạc quan cũng y như vấn đề ở cực ngược lại bên kia cán cân − quá sức tiêu cực và bi quan. Những người quá tiêu cực thường phớt lờ những thông tin tích cực, khiến họ thất vọng và ngăn trở họ nhìn ra một hiện thực tích cực. Những người quá sức tích cực, mặt khác, có xu hướng phớt lờ mọi thông tin tiêu cực, họ trở nên thờ ơ với những hiện thực tiêu cực quan trọng. Ép bản thân mình tin rằng mọi sự đều tuyệt vời là rất mạo hiểm, nói rằng “ Không, chẳng có vấn đề gì cả,” khi vấn đề nằm rành rành tại đó. Ðánh giá thấp các tình huống tiêu cực tiềm ẩn nguy cơ khiến bạn bị văng đi xa hơn khi chúng bùng nổ. Ðiều này liên quan đến việc tự-lừa-mình mà chúng ta đã nói trong chương 3. Kết nối với thực tại đồng thời tập trung vào các góc cạnh tích cực hơn là điều mà những người lạc quan thực tế chú trọng. Những người lạc quan thực tế chỉ đơn giản là gạt bỏ các thông tin tiêu cực không cần thiết. Họ học được cách làm mờ các sự cố và từ ngữ mang tính tiêu cực, cũng như phát triển được thói quen diễn giải các tình huống nhập nhằng theo một cách tích cực hơn. Họ không nhìn mọi thứ như thể chỉ tốt hoặc xấu, trắng hay đen, mà thay vào đó họ nhận thấy rằng giữa hai thái cực còn có nhiều sắc độ khác. Tập trung vào những khía cạnh ít tiêu cực hơn và tìm kiếm đường lối trung dung giúp giảm bớt sự lo âu và tăng thêm sự-vui-sống. Kỹ năng tái-định-khung Vô số các cơ quan tại Mỹ đang huấn luyện nhân viên về kỹ năng tái-diễn giải thông tin hay còn gọi là tái-định-khung, vì đây được xem như một đặc điểm chủ chốt của năng lực đàn hồi. Trong một bài viết đăng trên Harvard Business Review, Dean M. Becker – nhà sáng lập Adaptiv Learning Systems quan sát rằng, “ Hơn cả giáo dục, hơn cả trải nghiệm, hơn cả sự đào luyện, mức độ đàn hồi của một người sẽ quyết định xem ai thành ai bại. Ðiều này đúng cho các khoa bệnh ung thư, đúng trong Thế vận hội, và đúng trong phòng họp Ban Giám đốc”. Khả năng tái-định-khung các tình huống tiêu cực chính là thành tố mấu chốt giúp tạo nên sức đàn hồi. Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy khi ta tái-diễn-giải một sự kiện một cách có chủ đích, nhằm khiến bản thân thấy nó tốt hơn, hành động tái-diễn-giải này giảm hoạt động tại các vùng não có liên đới tới quá trình xử lý các cảm xúc tiêu cực, và làm tăng hoạt động tại các vùng não tham gia vào kiểm soát nhận thức và hội nhập thích nghi. Trong một nghiên cứu về tái-định khung, hai nhóm người tham gia nghiên cứu được cho xem những bức hình về các khuôn mặt giận dữ. Nhóm đầu tiên được bảo hãy nghĩ rằng những người trong hình chỉ là vừa trải qua một ngày tồi tệ và khuôn mặt của họ chẳng nói lên gì về chính con người họ. Nhóm còn lại được yêu cầu hãy cảm nhận bất kỳ cảm xúc gì mà các khuôn mặt gợi ra. Nhóm nghiên cứu tìm ra rằng, nhóm được dạy cho cách điều chỉnh thái độ tiếp nhận các khuôn mặt giận dữ không hề bị quấy nhiễu chút nào – thực tế là, sóng điện não cho thấy tái-định-khung đã phủi bay các tín hiệu tiêu cực trong não họ – trong khi nhóm được bảo hãy cảm nhận bất cứ điều gì lướt qua tâm trí lại bị nhiễu loạn bởi các khuôn mặt. Chúng ta nghĩ thế nào thì sẽ cảm thấy thế ấy. Chúng ta nghĩ thế nào thì sẽ cảm thấy thế ấy. Trong một nghiên cứu được tiến hành tại Ðại học Stanford, những người mắc chứng ám sợ (phobias) tham gia nghiên cứu được cho tiếp xúc với nhện và rắn. Một nhóm được luyện tái-định-khung các trải nghiệm của mình và nhóm kia thì không. Nhóm đã được huấn luyện cho thấy mức độ sợ hãi và hoảng loạn ít hơn đáng kể so với nhóm kiểm soát, và các thay đổi trong phản hồi cảm xúc này vẫn kéo dài cho đến về sau khi họ lại được cho tiếp xúc với nhện và rắn. Ðiều này cho thấy các tác dụng bền vững của tái định-khung nhận thức. Như vậy, tái-định-khung không chỉ thay đổi các phản ứng hóa học trong não mà còn hỗ trợ cách chúng ta diễn giải về nỗi đau, sự sợ hãi, lo âu và những thứ tương tự. Và kỹ năng tái-định-khung này liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng – cả ngôn ngữ hữu thanh bày tỏ ra bên ngoài lẫn vô thanh lẩn quẩn trong tâm trí ta. Các giới hạn của ngôn ngữ mang tính giới hạn Ngôn ngữ mang tính giới hạn, mặt khác, mang đến các hiệu ứng trái ngược. Nói những điều như: “ Mình ghét phải đi máy bay”, “ Mình nấu nướng dở tệ”, hay “ Mình chả có chút ý chí nào cả; vì thế mà mình mập như vầy” chính là ngôn ngữ mang tính giới hạn. Trong khi những cách nói “ Mình thật ra rất tận hưởng việc du ngoạn một khi rời khỏi máy bay”, “ Mình ưa dùng các công thức hơn việc nấu ăn”, và “ Mình đang cố gắng ăn uống lành mạnh và đi bộ nhiều hơn” lại đưa ra cách nhìn hoàn toàn khác biệt cũng trên những điều ấy. Nó ít phân cực trắng – đen hơn, và ít mang tính giới hạn hơn, và nó mang đến cảm giác hoàn toàn khác. Ngôn ngữ ta dùng là một chọn lựa, bạn thấy đấy, và nó rất quan trọng vì nó tạo ra cái khung mà qua đó ta nhìn ngắm thế giới. Bằng cách tái-định-khung những gì ta nói theo hướng mang tính hỗ trợ hơn và ít khuôn sáo hơn, ta thực sự thay đổi cách mình cảm nhận mọi thứ. Xu hướng tái-định-khung của dân Ðan Mạch đến từ đâu, điều này còn chưa tỏ tường. Chủ nghĩa lạc quan thực tế dường như là một thiết lập mặc định tại Ðan Mạch; những lựa chọn ngôn từ liên kết với tái-định-khung được truyền qua các thế hệ. Hầu hết người Ðan Mạch đều không nhận thức được rằng mình có món quà này – nó là một phần của chính bản thân họ. Và chúng ta được thuyết phục rằng đây là một trong những lý do khiến dân Ðan Mạch liên tục được bình bầu là quá sức hạnh phúc. Tái-định-khung hoạt động như thế nào ở trẻ em? Việc người lớn giúp trẻ em tập trung vào những gì mình làm được thay vì chỉ chăm chăm vào những gì mình nghĩ là không làm được, chính là tái định-khung ở trẻ. Người lớn giúp trẻ nhìn các tình huống từ nhiều góc độ và khiến trẻ tập trung vào các kết cục hay các kết luận ít tiêu cực hơn. Càng thực hành, điều này càng trở thành một thiết lập mặc định – cho cả cha mẹ và trẻ. Khi bạn hay con cái bạn nói: “ Mình ghét chuyện này quá”, “ Chắc tôi không làm được đâu”, “ Mình không giỏi việc này tí tẹo nào”, hay những câu nói khác kiểu vậy; bạn và con cái bạn đang sử dụng ngôn ngữ theo kiểu giới hạn, và kết quả là một “ cốt truyện” tiêu cực được tạo thành. Cốt truyện hay kịch bản này có thể thuyết phục chúng ta rằng mình chẳng giỏi việc gì cả hay mọi chuyện ta làm đều là sai quấy. Một đứa bé được kể cho nghe các câu chuyện mang tính hạn định về chuyện “ em là người thế nào” hay “ em nên làm gì, cảm thấy ra sao trong nhiều tình huống”, sẽ bắt đầu xây dựng các chiến lược đương đầu dựa trên sự mất lòng tin vào chính khả năng của mình khi phải đối mặt với các thử thách mới. “ Con bé không giỏi thể thao”; “ Thằng nhỏ bầy hầy hết sức”; “ Em nó quá là nhạy cảm”. Ðây đều là những điều hết sức hạn định. Càng phải nghe các nhận định kiểu này nhiều bao nhiêu, các em càng đưa ra các kết luận về chính mình tiêu cực bấy nhiêu. Tìm tòi và trần thuật về trẻ một cách khác đi, sẽ giúp giảm bớt tính trầm kha của vấn đề. Hướng các em đến một khung cảnh rộng hơn, trừu tượng hơn về bản thân và thế giới xung quanh sẽ giúp các em tái-định-khung. Và kỹ thuật này sẽ chuyển biến cách các em nhìn cũng như diễn giải về cuộc sống và những người xung quanh. Iben với kinh nghiệm trong nghề trị liệu tâm lý trần thuật, tập trung rất nhiều vào tái-định-khung và thậm chí hơn cả thế, tập trung vào việc “ viết lại” câu chuyện cuộc đời. Cô giúp mọi người nhìn vào các niềm tin về bản thân, cũng như các niềm tin họ đặt lên con cái mình mà không hề nhận ra. Các nhận định kiểu như “ Thằng bé chống đối mọi quan hệ xã hội”, “ Con bé không được trí thức cho lắm”, “ Em nó học toán dở tệ”, và “ Con bé thật quá ích kỷ”, đều trở thành các hành vi mà con bạn cố tìm hiểu và rồi đồng nhất với chính mình. Trẻ có thể nghe thấy cha mẹ nói những điều này thường xuyên hơn bạn nghĩ. Sớm muộn gì các em cũng tin rằng đó chắc hẳn là con người mình. Khi hành vi mới không phù hợp với các nhãn dán, các em thậm chí không buồn cố gắng tìm hiểu nữa, vì các em từ lâu đã đồng nhất bản thân mình như những người thiếu tinh thần hợp tác, nhút nhát hay dở toán. Ngôn ngữ mà ta sử dụng mỗi ngày là vô cùng quyền năng. Nó là cái khung mà qua đó ta nhìn nhận và mô tả chính mình cũng như bức tranh về thế giới trong tâm trí ta. Allan Holmgren, một nhà tâm lý nổi tiếng người Ðan Mạch, tin rằng thực tại của ta được tạo nên bởi ngôn ngữ ta sử dụng. Mọi sự thay đổi đều bao hàm trong nó sự thay đổi của ngôn ngữ. Một vấn đề chỉ là một vấn đề nếu nó được ta gọi tên là một vấn đề. Sức mạnh của nhãn dán Bạn cũng thấy đấy, có biết bao nhãn dán và cốt truyện đuổi đeo ta đến tận khi trưởng thành. Nhiều điều mà ta nghĩ về bản thân khi đã trưởng thành đến từ những nhãn dán ta được phát cho khi còn là trẻ em – lười biếng, nhạy cảm, ích kỷ, ngu xuẩn, thông minh. Nghĩ về nó nào: Bạn có những niềm tin nào về bản thân và bao nhiêu trong số chúng đến từ những gì bạn được bảo cho thuở thiếu thời? Bao nhiêu người trong chúng ta tiếp tục so sánh bản thân mình và sống đúng theo các nhãn dán này một cách vô thức trong suốt quãng đời còn lại? Bằng cách tách mình khỏi các nhãn dán này, chúng ta mở ra những con đường mới, để thay đổi chính mình và con cái mình. Thử nghĩ về độ phổ biến của việc nghe thấy người ta nói rằng con cái mình mắc phải các rối loạn hiện nay, thậm chí khi họ chưa đến gặp các nhà tâm lý bao giờ. Có vẻ như việc mô tả con cái, của mình và của cả những người khác, như những người mắc phải các vấn đề tâm lý đang ngày càng trở nên bình thường. Nhút nhát nay được gọi là Hội chứng Asperger, những trẻ có nhiều năng lượng nay được dán cho cái nhãn ADHD – Tăng động, những trẻ không phải lúc nào cũng toe toét cười nay được xem như đang có các triệu chứng của Trầm cảm và điều gần đây nhất chúng ta được nghe là một đứa nhỏ trầm lặng được mô tả như mắc chứng rối loạn xử lý cảm giác. Phụ huynh của các em sống trong âu lo, các em cũng sống trong âu lo, và lẽ nào không ai âu lo khi nghĩ đến việc dán nhãn các em như thế, không cần đến một chẩn đoán hay thậm chí chỉ một cuộc hẹn với bác sĩ, sẽ ảnh hưởng ra sao đến cả quãng đời sau này của trẻ? Không ngại ngần phát biểu rằng trẻ mắc phải một rối loạn tâm lý hay thần kinh như thể trẻ đang đói hay lạnh là một việc cực kỳ nghiêm trọng. Ðiều này không chỉ hạ thấp mức độ trầm trọng và nỗ lực nghiêm túc của những người đang thực sự chống chọi với các chứng bệnh này, mà còn dán nhãn trẻ một cách kém công bình. Khi chúng được nghe về một kịch bản lặp đi lặp lại về cuộc đời mình, chúng bắt đầu liên kết bản thân với các nhãn dán đó và đưa ra các kết luận về căn tính của mình từ các kịch bản ấy. Những lời trần thuật từ đó trở thành câu chuyện đời tụi nhóc và việc bứt khỏi các kịch bản này thật sự khó khăn. Vì thế, chúng ta đang khuyến khích chính những gì mình không ưa ở mình hay ở con cái mình bằng cách nói ra miệng và lặp lại liên tục. Bằng tái-định-khung, hay viết-lại, chúng ta có thể viết lại tương lai của chính mình và của con cái. Viết-lại câu chuyện đời mình Iben chia sẻ một ví dụ trong quá trình cô giúp người lớn và trẻ em sáng tác lại câu chuyện về mình. Khi một người đang bất hạnh với đời họ tìm đến cô, cô cố gắng trò chuyện về những thứ mà họ nói về bản thân. Cùng nhau, họ sẽ phân tích về các kết luận tiêu cực mà thân chủ có về căn tính của mình, và cố gắng tách họ khỏi các nhãn dán này. Ví dụ, một trong các bệnh nhân của cô bảo rằng mình lười biếng và đểnh đoảng, làm cho đời cô thất bại. Iben bảo cô làm rõ xem cảm giác gì sẽ bị lớp nhãn này kích lên. Người phụ nữ kể rằng nó làm cô cảm thấy rất tệ, đặc biệt khi cô quên điều gì đó, đi lạc, hoặc ngủ muộn. Những hành vi này làm gia tăng cảm giác tệ hại. Lười biếng làm cô cảm thấy mình thất bại, rằng cô chẳng có chút ý chí nào. Mỗi một lần cô nói, “ Mình thật lười và đoảng”, thì cô đã một cách vô thức lặp lại dòng thoại trong đầu mình, truyền nó vào đầu người khác, và điều đó ngày càng vây lấy đời cô nhiều hơn. Sau đó Iben sử dụng cách mô tả “ ngoại hóa”, tức là cách diễn đạt giúp tách biệt đương sự khỏi vấn đề đang gặp. Lười nhác không phải là thứ được mã hóa trong gien sinh học, thật ra nó chỉ là thứ ảnh hưởng lên con người vào những lúc khác nhau. Tách biệt chúng ta khỏi vấn đề có thể giúp chúng ta cảm thấy bản thân chủ động hơn, từ đó có thể chiến đấu với vấn đề đó. Iben cố gắng giúp bệnh nhân này hình dung sự lười biếng và mô tả nó cụ thể. Nó trông giống đám mây đen không? Nó có làm bạn ngạt thở không? Bạn cảm thấy như thế nào khi nó trồi lên? Người phụ nữ nói nó giống như ai đó đang níu lấy cô ấy. Nó giống như một khối không khí nặng nề ụp trên người cô, khiến cô tê liệt, và cô không thể tắt đi cái báo động này. Khi cố đọc bản đồ, cô thấy đầu mình mờ mịt. Cái khối đó cứ níu cô lại khi cô muốn tập thể dục. Nó làm cô cảm thấy mình vô tích sự, không tin cậy được vào mình, và thật đáng thương. Rồi họ chuyển qua nói về các cảm giác khác trong đời cô, trái ngược với sự lười nhác. Họ trò chuyện về những thứ thân chủ coi trọng trong đời mình. Họ nói về cuộc sống mà cô ấy muốn nếu cô có thể rũ bỏ được đám khí nặng nề đó trên người cô. Tiếp đến, họ chọn ra một số trải nghiệm quá khứ để viết lại một câu chuyện khác về cuộc đời thân chủ. Hóa ra thân chủ này có khả năng giao tiếp và sáng tạo phi thường. Cô ấy nấu ăn và chơi nhạc rất giỏi, và có rất nhiều tình huống cô đã trải qua cho thấy cô không hề lười biếng tí nào. Cô và Iben trao đổi rất nhiều về các trải nghiệm này. Cứ thế, thay vì chăm chăm vào các kết luận tiêu cực về tính lười và đoảng của thân chủ, họ tập trung vào các giá trị và kỹ năng mà họ muốn “ làm dày lên” trong câu chuyện của cô ấy. Càng nói về các giá trị và kỹ năng mà thân chủ thích bao nhiêu thì câu chuyện về bản thân thân chủ càng tích cực và đáng yêu bấy nhiêu. Dần dần, thân chủ đã có thể định nghĩa bản thân theo một cách mới. Giờ đây cô trở nên sáng tạo, mạnh mẽ và đáng tin cậy, cô thậm chí còn cảm thấy cô đã có công cụ tái định khung quan niệm của mình về cuộc đời và về căn tính của mình. Luyện tập thường xuyên, tiếng nói bên ngoài đã trở thành tiếng nói nội tâm của cô. Vấn đề giờ đây chỉ đơn thuần là vấn đề; nó không còn là chính bản thân thân chủ nữa. Giờ đây cô khó có thể tự định nghĩa bản thân như một người lười và đoảng được nữa. Ngôn ngữ có sức mạnh định nghĩa con người một cách kinh khủng mà xưa kia cô không hề tưởng tượng được. Vì lẽ này, tái-định-khung hay viết lại câu chuyện đời mình không phải là loại bỏ hết mọi sự kiện tiêu cực trong đời; mà là ít đặt tầm quan trọng lên những điều tiêu cực và tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh mà chúng ta ưa thích. Mở rộng cõi lòng để biến đổi cái khung, và rồi ta sẽ thấy bức tranh lớn hơn, từ đó có thể thực hành tập trung vào các chi tiết khác – các chi tiết kể về một câu chuyện rất khác. Chúng ta có thể thay đổi toàn bộ trải nghiệm đời mình, trở nên tốt đẹp hơn. Ðiều này cũng tương tự ở trẻ con. Chúng ta – những người lớn, là các cẩm nang chỉ đường giúp các em đến với những câu chuyện cuộc đời tích cực hơn, tràn ngập yêu thương hơn. Làm thế nào để giới hạn ngôn ngữ mang tính giới hạn Nói những điều như “ Con bé ăn uống khó khăn lắm”, “ Thằng bé ghét đọc sách” hay “ Nó có bao giờ nghe lời đâu”, sẽ khiến các hành vi này định nghĩa nên trẻ. Thật ra mỗi một hành vi của con người đều ẩn chứa cảm xúc hay tâm trạng; cảm xúc và tâm trạng này đều không cố định. Có thể trẻ đang mệt mỏi, đang đói, hay đang buồn bực về chuyện gì đó. Càng tách bạch được hành vi khỏi con người trẻ, chúng ta càng có khả năng thay đổi cách mình nhìn nhận trẻ và vì thế, thay đổi cả cách mà trẻ tự nhìn nhận bản thân mình. Ðiều này khiến em biết rằng, em vốn rất ổn và rằng hành vi của em không phải là số phận của em. Các nhãn dán như ta đã thấy, có thể biến thành những lời tiên-tri-tự-ứng-nghiệm. Chăm sóc một đứa trẻ bướng bỉnh lắm lúc thật khó nhọc, nhưng hãy thử phóng tầm mắt để nhìn thấy bức tranh lớn hơn, cũng như thấy được cái gì dẫn đến các hành vi cứng đầu ở trẻ. Thay vì nói với đứa bé là chăm sóc em thật khó khăn biết bao, và biến em thành một vấn đề, hãy thử nhìn những mặt còn lại của câu chuyện. Có lẽ, đứa trẻ từ chối ăn cơm ấy đã ăn vặt trước giờ cơm tối và vì vậy em không đói lắm. Có lẽ, cái đứa bé không chịu mặc đồ ấm vào thật ra đang ở độ tuổi tìm hiểu và thử tự mình vượt qua các giới hạn được mặc định sẵn, và vì thế không tài nào hiểu nổi vì sao mang vớ lại quan trọng đến thế. Hơn nữa, những khía cạnh khác của các hành vi cứng đầu ở trẻ là gì? Có thể đứa bé đó là người rất kiên định, quyết đoán và đây là những phẩm chất cực kỳ quý giá của một nhà lãnh đạo. Sự kiên định là một phẩm chất đầy quyền năng, giúp chúng ta thành công trong đời. Có lẽ đứa bé hay xao lãng, thật ra rất có óc sáng tạo và yêu nghệ thuật tha thiết. Ðối thoại và nuôi dưỡng các khía cạnh tích cực của một hành vi khó nhằn, là cách chúng ta giúp đỡ và hỗ trợ con cái mình tập trung vào câu chuyện tốt đẹp hơn về cuộc đời các em. Ðiều này cũng giúp tránh khỏi giằng xé quyền lực và giúp chúng ta trở thành những người làm cha mẹ hạnh phúc hơn, cùng với những đứa trẻ hạnh phúc hơn. Tái-định-khung kiểu Ðan Mạch Dân Ðan Mạch nhìn chung ít khi sử dụng ngôn ngữ mang tính giới hạn; họ thường không nói với bọn trẻ rằng chúng là người như thế nào, và cũng không bảo bọn trẻ phải nghĩ như thế nào, nên cảm thấy ra sao trong các tình huống khác nhau. Bạn cũng sẽ không nghe thấy nhiều ý kiến của người lớn được áp đặt lên bọn trẻ. “ Con không nên như thế”, “ Nín khóc đi”, “ Con phải vui lên đi chứ!”, “ Thằng nhỏ thật quá xấu tính!”, “ Thằng bé đáng ra không nên như thế”, “ Anh chị lần sau phải dạy dỗ cháu đi nhé!”. Họ thường tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ hỗ trợ, giúp soi rọi cho trẻ thấu hiểu các nguyên do dẫn đến cảm xúc và hành động của các em. Ví dụ như, nếu bọn trẻ đang buồn bã hay tức giận, họ sẽ giúp các em tỉnh táo trở lại để hiểu vì sao chúng cảm thấy như vậy, thay vì bảo luôn cho trẻ biết rằng các em nên phải thấy như thế nào. “ Có chuyện gì vậy con?” “ Không có gì đâu.” “ Trông con như có chuyện gì đó đã xảy ra, phải không con?” “ Dạ.” “ Chuyện gì thế con?” “ Con không biết nữa.” “ Con đang buồn? Tức giận? Hay đang vui nè?” “ Con đang buồn.” “ Vì sao con buồn?” “ Con buồn vì Gary lấy mất búp bê của con vào giờ chơi.” “ Bạn lấy búp bê của con. Con nghĩ vì sao bạn lấy búp bê của con?” “ Vì bạn ấy xấu tính lắm.” “ Con nghĩ rằng bạn ấy xấu tính? Có phải lúc nào Gary cũng xấu tính không con?” “ Dạ đúng vậy.” “ Nhưng tuần rồi con nói là con hay chơi với Gary mà, đúng không nè?” “ Dạ đúng.” “ Lúc ấy bạn có xấu tính không con?” “ Dạ, không.” “ OK, vậy thì đôi khi Gary cũng tốt nhỉ?” “ Dạ, nhiều khi bạn cũng tốt bụng.” Cha mẹ Ðan Mạch thường rất giỏi giúp con nhận diện cảm xúc và sau đó hướng dẫn bọn trẻ tìm kiếm một điều gì đó mang tính xây dựng hơn là hướng trẻ đến các niềm tin mang tính giới hạn hay gièm pha, chê trách. Ðây chính là cốt lõi của tái-định-khung. “ Rồi chuyện gì đã xảy ra khi bạn lấy mất búp bê của con?” “ Con khóc.” “ Vậy là con buồn khi bạn lấy mất búp bê của con. Mẹ/ cha hiểu chuyện này. Con nghĩ mình có thể làm gì khác nếu lần sau bạn lấy búp bê của con, để con không phải buồn nhiều như lúc này nè?” “ Con có thể nói bạn trả lại cho con. Hay con có thể méc cô giáo ạ.” “ Mẹ/ cha nghĩ nói bạn trả búp bê lại cho con là một giải pháp khá hay. Gary có thích chơi búp bê không con?” “ Ðôi khi bạn cũng thích.” “ Có gì khác mà con có thể làm, ngoài việc nói bạn trả lại búp bê không con?” “ Có lẽ tụi con cùng nhau chơi búp bê.” “ Nghe chừng là một cách hay đó. Mình biết Gary thật ra là một người dễ thương, vì thế lần sau con hãy hỏi xem bạn có muốn cùng chơi búp bê với con không nhé.” “ Dạ!” Chúng ta không chỉ tìm thấy mặt tốt ở con người mà còn có thể tìm thấy mặt tốt của mọi chuyện trong mọi tình huống. Càng thực hành, chúng ta sẽ càng dễ dàng lướt mắt qua một khung cảnh và tìm thấy các chi tiết ẩn mình giúp tái-định-khung một tình huống thành một thứ gì đó mang tính xây dựng hơn. Một khi trẻ nhìn ra một cốt truyện tốt hơn, hãy cố gắng lặp lại cốt truyện đó để giúp nó trụ vững trong tâm trí trẻ. Nhưng phương án giải quyết vấn đề nên đến từ chính các em, nhằm giúp xây dựng lòng tự-trân-trọng ở trẻ, vì các em được làm chủ cảm xúc của mình. Chúng ta không bảo trẻ phải cảm thấy ra sao cũng như phải làm gì. Nếu chúng ta tin tưởng rằng mọi người đều có bản chất tốt đẹp, bằng cách luôn tách bạch hành vi và phẩm chất của người đó, chúng ta dạy bọn trẻ rằng các em được tha thứ mỗi khi cư xử chưa đúng. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta bảo rằng Gary thật kì khôi và xấu tính. Các em nhỏ sẽ nhớ lấy điều này. Rồi khi đến lượt con cái chúng ta phạm lỗi ở những lần sau này, chúng sẽ biết cha mẹ đánh giá mình như thế nào. Nếu ta tin tưởng mọi người xung quanh và biết cách tha thứ, chúng ta dạy con cái rằng cha mẹ cũng sẽ tha lỗi khi các em cư xử không đúng mực. Nếu chúng ta duy trì niềm tin rằng gặp thất bại cũng là một điều rất tự nhiên ở loài người, và rằng chúng ta luôn có thể thấy những điều tích cực khác ngoài sự thật đó, con cái chúng ta cũng sẽ ân cần hơn với bản thân chúng khi vấp ngã. Một phương thức tái-định-khung khác là sử dụng sự hài hước. Nếu bạn thấy chính mình đang ở rìa một sân bóng đá nhìn con mình đang chơi không tốt, và em nói – “ Con chơi dở tệ” – cách đáp trả thông thường sẽ là, “ Ðâu, con có dở đâu! Con chơi tuyệt hay! Sân bóng quá trơn đó thôi! Lần sau con sẽ thắng! Con thắng vài trận và lâu lâu cũng phải thua mà!”. Cách tái-định-khung khôi hài kiểu Ðan Mạch sẽ kiểu kiểu như vầy: “ Con chơi dở tệ.” “ Thế con có bị gãy chân không?” “ Không, nhưng con là cầu thủ cực kỳ tệ.” “ Nhưng con đâu có làm gãy chân mình đâu, đúng không? Con chắc chứ?” (cúi xuống kiểm tra chân) “Ừ thì ít nhất con cũng không tự làm gãy chân mình!” “ Ha ha, con chơi bóng tệ quá. Con nên bỏ chơi cho rồi. Con ghét nó.” “ Con ghét nó? Ừ hôm nay con chơi dở tệ, nhưng nhớ tuần trước khi con đá vào hai gôn không?” “ Dạ thì có, nhưng mà…” “ Nhớ cái cảm giác khi mà con sút vào không?” “ Cảm giác khá là tuyệt.” “ Cha/ mẹ nhớ lúc đó con đã nhảy nhót vòng quanh sân cỏ, và còn hát hò um sùm nữa. Lúc đó con có ghét bóng đá không?” “ Dạ không.” “ Chính xác. Vậy thì cứ nhớ cái cảm giác con đã cảm nhận vào tuần trước và hãy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để giúp con chơi hay hơn lần tới.” “ Con đoán là con nên tập luyện nhiều hơn.” “ Phải đó, vậy mình đi ăn pizza đi, mừng con đã không tự làm gãy chân mình!” “ Có những ngày ủ dột; và những ngày tuyệt vui.” Hãy chú ý đến ví dụ này, vị phụ huynh trong ví dụ không hề lờ đi sự thật là hôm nay con họ chơi bóng dở tệ. Họ nhắc đến điều đó nhưng dùng óc khôi hài để cho thấy rằng tình huống đã có thể tệ hơn thế nào, cũng như hướng trẻ đến các cảm giác tích cực mà em đã cảm thấy về việc chơi bóng vào tuần trước. Ðây là cách sống của những người lạc quan thực tế. Bạn nhận thức thực tế, nhưng vẫn có khả năng loại trừ các ngôn từ tiêu cực hay tập trung vào những khoảnh khắc dễ chịu trong những lần khác. Nếu bạn chọn nhìn vào các khía cạnh tích cực trong hành vi của bất kỳ đứa trẻ nào, bạn đang cho em các công cụ để làm việc với sự độc đáo của bản thân. Tất cả mọi chuyện đều phụ thuộc vào cách mà bạn định khung. Và luyện tập sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn hảo! CÁC MẸO ÐỂ TÁI-ÐỊNH-KHUNG 1. Chú ý đến sự tiêu cực của bạn Hãy thực hành để ý tới những lúc bạn có một kiểu suy nghĩ tiêu cực nào đấy. Cố gắng chú ý tới nó và xem xem bạn có thường xuyên sử dụng cách nhìn tiêu cực này để nhìn một tình huống hay không. Tự đặt ra bài tập: Cố tìm ra các cách khác để nhìn sự việc có thể làm bạn khó chịu, sợ hãi hay lo lắng. Cố gắng lùi lại một bước trong những tình huống khó chịu, và ngẫm xem bạn có thể có cách hiểu khác và một cách nhìn khác, hoặc tập trung vào một khía cạnh tích cực hơn, hay không. 2. Thực hành tái-định-khung Hãy nghĩ xem suy nghĩ của bạn thực tế đến mức nào và cố gắng thay đổi cách diễn đạt. Ta cùng xem xét các câu sau: “ Tôi chả bao giờ có thời gian để tập thể dục. Tôi béo ú”, “ Tôi là một nhà văn tệ hại”, “ Mẹ vợ tôi rất phiền”. Rồi, giờ bạn thử biến nó thành cách nói khác xem. “ Tôi luôn cố xoay xở để tập thể dục được một lần một tuần, và tôi cố gắng ăn xà-lách vào bữa trưa, làm được thì tôi thấy khoan khoái lắm”, “ Một khi vô guồng rồi thì tôi viết cũng được kha khá”, “ Tôi thương mẹ vợ tôi, mặc dù tôi và bà ấy có nhiều điểm khác nhau. Bà ấy là người bà rất tốt của mấy đứa nhỏ.” Việc này thật sự không dễ đâu, nhưng chúng tôi biết rằng nó sẽ tạo nên khác biệt trên các hóa chất trong não chúng ta, và nó ảnh hưởng đến sức khỏe. Ban đầu thì những cố gắng này trông có vẻ hơi ngố, nhưng càng về sau, bạn càng tái-định-khung nhuần nhuyễn bao nhiêu, bạn sẽ càng cảm thấy dễ chịu bấy nhiêu. Mọi thứ chúng ta nhìn thấy và phát biểu tiêu cực về bản thân, về gia đình, về các nỗi lo âu và sợ hãi của mình đều sẽ truyền trực tiếp tới con cái của mình, cho nên hãy trao món quà “ tái-định-khung” cho mình và con em mình, và giúp chúng đương đầu với những thăng trầm của cuộc đời này tốt hơn. 3. Tránh dùng các cách biểu đạt làm giới hạn chính mình " Cố gắng loại bỏ các phát biểu cứng nhắc chỉ thuần trắng-hoặc-đen: Tôi ghét cái này, tôi thích cái kia, tôi luôn luôn, tôi không bao giờ, tôi nên, tôi không nên, tôi là người thế này, cô ta là người thế kia, vân vân. Cách biểu đạt cứng nhắc là cách nhìn giới hạn, chỉ từ góc nhìn của một người, và sẽ không có chỗ cho bạn ngộ biến tùng quyền. Hãy cố gắng dùng những cách nói ít nặng nề hơn và ít nóng giận hơn. Phán đoán ít lại, chấp nhận nhiều hơn, rồi bạn sẽ thấy bản thân mình bớt phải vật lộn với con cái và người bạn đời của mình hơn trước. 4. Hãy dùng ngôn ngữ ngoại hóa: tách biệt hành động khỏi con người Thay vì nói “ Con bé lười lắm” hay là “ Thằng bé rất là hung hăng”, hãy cố gắng nhìn những vấn đề này như hành động bộc phát bên ngoài hơn là bẩm sinh. “ Con bé đang bị cơn lười ghé thăm” và “ Thằng bé bất chợt nổi đóa trong lúc đó” rất khác với việc dán nhãn “ chúng là người thế nào”. 5. Viết lại cách mô tả về con em bạn sao cho đáng yêu hơn Hãy viết ra một danh sách các đặc điểm và hành vi tiêu cực nhất của đứa trẻ, viết ra thành câu hoàn chỉnh. “ Con bé không có học hành gì nhiều”, “ Tôi nghĩ là nó bị ADHD”, “ Con bé đó chướng lắm”. Sau đó hãy viết lại các câu này, xác định căn nguyên của các hành vi đó. Ví dụ, một người không thích học hành cùi cụi có thể lại thích đọc sách và cực kỳ quảng giao. Một đứa trẻ trông như mắc chứng ADHD (Chứng tăng động giảm chú ý) có thể rất năng động và là một tay trống xuất sắc. Một người cứng đầu có thể là một nhân viên kiên tâm, nhẫn nại, không chịu bỏ cuộc. Hãy tập trung vào mặt tích cực của hành vi con bạn để chúng cảm thấy những điểm đặc sắc của chúng được trân trọng, chứ không phải bị dán nhãn tiêu cực. Hãy viết lại các kết luận tiêu cực về căn tính của bạn và con cái, và tách biệt hành vi ra khỏi bản thân đứa trẻ. Ðiều này giúp cha mẹ lẫn con cái có thể trưởng thành và có những mô tả đáng yêu hơn về chính mình. 6. Dùng cách nói có tính nâng đỡ Hãy giúp con bạn bằng cách sử dụng cách nói có tính nâng đỡ hơn là các phán xét cứng nhắc. Ðặt câu hỏi để giúp con nhận diện các cảm xúc đằng sau hành động của mình. Giúp con nhận diện ý định của mình và của người khác để con có thể nắm được cách hướng bản thân thoát khỏi các tình huống khó khăn. 7. Hãy dùng óc hài hước Hãy kết nối với con và làm nhẹ nhàng các tình huống bằng óc hài hước, và cũng để giúp đưa ra một cách nhìn mới với sự việc. Nhưng phải cẩn trọng, tránh phủ nhận các cảm giác hay trải nghiệm của con mình. CHƯƠNG 5 E là về Empathy — Thấu-cảm “ Chỉ có thể dùng tâm hồn để cảm nhận điều đẹp đẽ nhất thế gian chứ không thể nhìn hay chạm. ” — HELEN KELLER Suốt nhiều năm, Jessica và chị gái vốn không ưa nhau mấy. Mỗi khi ở cùng nhau họ thường đảo mắt khó chịu và gờm nhau. Jessica nghĩ rằng chị mình ỷ lớn, cậy quyền cha mẹ trong khi chị thì cho rằng cô vô tâm và bị chiều hư. Cả hai thái độ đều khiến cho chị em phòng thủ và ít tin tưởng nhau, gây nên nhiều căng thẳng, tranh cãi, xa cách và hiếm có cơ hội hàn gắn tình cảm. Chỉ đến khi chứng kiến mối quan hệ giữa chồng và em trai, Jessica mới tự hỏi liệu đó phải chăng là cách thức khả thi hơn. Hai anh em Ðan Mạch này cũng có nhiều rắc rối với nhau chả kém gì chị em người Mỹ nhà Jessica, song cô nhận thấy chồng mình dường như luôn nhìn nhận sự thể một cách hiểu biết và khoan dung thay vì cáu tiết và khinh thị. Bất chấp khác biệt, hai anh em họ vẫn giữ tình cảm tốt đẹp về nhau. Thế nên một ngày nọ, Jessica quyết định dẹp đi mọi định kiến sẵn có từ trước và thật tâm lắng nghe chị gái bày tỏ. Cô cố gắng tìm hiểu xem chị mình đang nghĩ gì, cái gì khiến chị ấy giận đến vậy, và rồi khi cô chuyển từ vị thế đối đầu, xoi mói sang lắng nghe chị mình như thể một người bạn, một sự chuyển biến sâu sắc và lớn lao bắt đầu nhen nhóm. Ðột nhiên, Jessica nhìn được sự thể từ góc nhìn của chị mình. Và rồi hai chị em bắt đầu có thể cảm thông sâu sắc cho nhau. Lần đầu tiên trong đời họ trò chuyện với nhau như hai người bạn thân thiết. Vậy đó, trong vòng một năm, tình chị em được hàn gắn nhanh chóng và họ trở nên ngày một gắn bó thân thiết. Thay vì từng cho rằng số mình có cung huynh đệ xui xẻo, giờ Jessica tin cậy vào chị gái và biết ơn tình chị em tốt đẹp ấy. Ðây quả là sự chuyển biến ngoạn mục và tích cực nhờ thực hành thấu-cảm lẫn nhau. Song, thật ngạc nhiên làm sao khi không phải ai cũng quen thuộc với ý nghĩa của từ thấu-cảm. Thấu-cảm có phải là thông-cảm (sympathy) không? Hay lãnh-đạm (apathy)? Hay cái gì đó liên quan đến phép vi lượng đồng căn (homeophathy)? [10] Vậy “ thấu-cảm” nghĩa là gì? Ðiều đáng bận tâm là nếu đã ít người hiểu đúng thấu-cảm là gì như vậy, thì còn có bao nhiêu người hiểu đúng lẫn thực hành được hàng ngày? Thấu-cảm là khả năng nhận biết và hiểu đúng cảm nhận của người khác. Ðó là khả năng cảm nhận điều người khác cảm nhận, không chỉ là cảm cho họ, mà còn là cảm thấy như họ. Một cách đơn giản, như xỏ chân vào giày của người kia và bước đi. Nhưng thực tế cho thấy nói dễ hơn làm nhiều! Tại sao? Có điều gì liên quan đến nền văn hóa của mình không? Thực trạng đáng báo động từ một nghiên cứu chỉ ra khả năng thấu-cảm của thanh niên Mỹ đời 8x và 9x giảm chỉ còn một nửa, trong khi tỷ lệ các trường hợp rối loạn nhân cách ái kỷ lại tăng gấp đôi. Ái kỷ là một chứng rối loạn nhận thức tự mãn về cái tôi, có khuynh hướng tách biệt cái tôi khỏi người khác, hạn chế khả năng xây dựng mối quan hệ trọn vẹn và ý nghĩa với người khác. Những người có chứng ái kỷ thường chú ý bản thân nhiều quá mức đến nỗi bỏ lơ nhu cầu của người khác. Nguyên nhân của chứng rối loạn này được phân tích theo các trường phái lý thuyết khác nhau, song đến nay căn nguyên vẫn chưa được thực chứng thỏa đáng và có cơ sở khoa học. Chỉ số đánh giá nhân cách dạng ái kỷ (NPI) [11] được công bố vào năm 1970 và chứng minh cơ sở vững chắc qua nhiều nghiên cứu. Ví dụ kết quả cuộc nghiên cứu suốt 25 năm từ 1982 đến 2007 của Jean Twenge và nhóm nghiên cứu cho thấy mức độ tăng đáng kể và ổn định của chứng rối loạn này. Cụ thể, có đến 70% sinh viên biểu hiện chỉ số nhân cách ái kỷ vào 2007 so với mức trung bình ghi nhận được vào 1982. Vậy đâu là căn nguyên? Tinh thần Mỹ quốc: Kẻ thích nghi nhất sẽ sống sót Suốt bề dày lịch sử kiến quốc, Hoa Kỳ mạnh mẽ thể hiện niềm tin rằng cũng như thiên nhiên, bản chất con người là ích kỷ, hung hăng và luôn ganh đua lẫn nhau. Ý niệm này khởi thủy cùng với cuộc cách mạng công nghiệp. Cơ cấu nền kinh tế thị trường cùng với hệ thống tài chính, luật pháp và chính trị tương ứng được xây dựng và điều hành một phần theo ý niệm đó, dẫn đến tư duy thắng thua trở nên thống trị, người ta mặc định phải chiến đấu với nhau. “ Bài Phúc Âm của Lòng Tham” (The gospel of greed) − thông điệp đề cao danh lợi trong phim Wall Street (công chiếu năm 1987) là minh chứng cho sự thiếu tinh thần thấu-cảm. Trong nhiều thập kỷ, các nhà tư tưởng ủng hộ thuyết tiến hóa, chính trị gia và công chúng đề cao và cho rằng tính cạnh tranh, chọn lọc tự nhiên khắt khe chính là cách thức nhân loại phát triển; điều này tạo nên nền tảng của tinh thần chủ nghĩa cá nhân rõ rệt của người Mỹ. Ayn Rand, tác giả của Suối nguồn , nổi tiếng và được nhiều chính trị gia yêu thích, cũng bảo vệ ý niệm rằng tính ích kỷ, tư lợi là bản chất của con người. Bất luận bạn có tin hay không, sự thật là quan điểm này thấm nhuần vào nền văn hóa Mỹ đến nỗi người ta thậm chí không tài nào ý thức được điều đó. Nó len lỏi trong đời sống thường ngày. Tinh thần cạnh tranh và nỗ lực đứng đầu trở thành một phần trong những yếu tố định nghĩa nên người Mỹ. Thử nhớ lại hình ảnh những người mẹ bạn từng biết. Họ có chia sẻ thật tình và cởi mở với nhau trong chuyện nuôi dạy con cái? Bao nhiêu bà mẹ Mỹ đủ dũng cảm cho thấy điểm yếu của mình và thừa nhận nỗi hoang mang không chắc mình có dạy con đúng hay không? Ngày càng ít những người mẹ dám phơi bày tính dễ-bị-tổn-thương [12] , nhất là khi ngày càng nhiều tiêu chí được thêm vào danh mục để đạt chuẩn người mẹ tốt, những tiêu chuẩn để các bà mẹ hướng đến, và nói thẳng ra, chính là để tốt hơn các bà mẹ khác. Bất kể là trong cách bạn cho con ăn (dù là sữa mẹ, thực phẩm hữu cơ hay thực phẩm phát triển bền vững, v.v...) hay cách bạn bảo con tham gia hoạt động ngoại khóa (bất chấp chúng có thích hay không, hay chúng có làm được hay không), hay trong cách bạn giáo dục con, thì vẫn luôn ẩn tàng hơi hướng “ bề trên” trong những bối cảnh lẽ ra chỉ nên là trao đổi thường ngày. Dĩ nhiên, cái tính “ hơn thua” này không giới hạn chỉ ở việc làm cha mẹ, nó lẩn khuất trong mọi hình thức biểu đạt. Nó có thể vô cùng tinh vi, nhưng nếu bạn chịu để tâm một chút, bạn sẽ kinh ngạc nhận ra rất thường khi bạn phát hiện thấy nó chỉ ở ngay bên dưới lớp vỏ biểu đạt thông thường. Nhiều người e ngại mở lòng và bộc lộ tính dễ bị tổn thương bởi vì họ không muốn bị phán xét hay bị từ chối, hậu quả là các mối tương giao của họ dần dần trở nên nông cạn hời hợt. Nỗi sợ đặc tính dễ-bị-tổn-thương của chúng ta và sự khám phá ra phần não xã hội Brené Brown, một nhà nghiên cứu đầu ngành về đặc tính dễ-bị-tổn-thương, cho rằng căn nguyên thật sự khiến người ta sợ hãi tính dễ-tổn-thương đến từ nỗi sợ bị ngắt kết nối với người khác. Chúng ta khao khát mối quan hệ xã hội nhiều đến độ sợ thốt lên những lời có nguy cơ khiến người khác từ chối mình. Trong khi đó, bày tỏ tính dễ bị tổn thương và thể hiện lòng thấu-cảm với người khác tạo nên sự gắn kết chặt chẽ. Ðiều này lại đẩy ta qua cực đối lập, thay vì nỗ lực thấu-cảm và thông hiểu cho quyết định của người khác (chẳng hạn lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ hay bú bình, đi làm hay ở nhà, v.v...), ta lại làm bẽ mặt họ. “ Tại sao cô ta lại có thể bỏ mặc con mình với người lạ để đến sở làm được cơ chứ? Tôi không thể nào làm thế!”, “ Sao cô ta lại ở nhà làm nội trợ được nhỉ? Tôi không thể nào làm thế!”, “ Tại sao cô đó cho con bú lâu quá vậy? Thật kỳ quặc!”, “ Tại sao cổ không cho con bú? Ích kỷ quá!” Còn nhiều, nhiều nữa... Việc đánh giá mơ hồ, chủ quan và phiến diện về ai đó khiến cho bản thân ta tự cảm thấy mình tốt đẹp và mọi điều mình lựa chọn đúng đắn hơn hết thảy, ta yên tâm rằng mình là bậc cha mẹ đủ tốt. Ðiều này phát sinh từ thái độ coi trọng giá trị “ dẫn đầu”. Mỉa mai thay, chúng ta chỉ có thể hưởng thụ sự gắn kết xã hội lành mạnh khi ta tương trợ chứ không phải phán xét lẫn nhau. Vấn đề của chuyện hơn thua và làm người khác bẽ mặt nằm ở chỗ mỗi khi ta cảm thấy mình có nguy cơ bị tổn thương, ta trở nên bứt rứt và lo lắng. Và người ta sẽ làm gì khi bắt đầu cảm thấy khó chịu và lo âu? Phản ứng thường gặp nhất là “ đơ” ra. Ði ăn, xem TV, mua sắm, dùng thuốc hay nốc rượu là những giải pháp tức thì để tê liệt mọi cảm giác, để ta thấy tựa như mọi chuyện vẫn ổn trong những lúc khó chịu ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là “ sơ cứu” tạm thời, thế mà dường như ai ai cũng thủ sẵn ngay tay vài bộ sơ cứu “ mì ăn liền” kiểu này. Trong bài diễn thuyết ở TED, cô Brown phát biểu: “ Loài người chúng ta là cộng đồng mắc nợ, béo phì, nghiện ngập, và lạm dụng thuốc nhiều nhất trên trái đất”. Một câu hỏi đặt ra: Sẽ ra sao nếu con người cho phép mình dễ bị tổn thương hơn, thấu-cảm hơn thay vì làm bẽ mặt người khác? Sẽ ra sao nếu ta thôi cố gắng hoàn hảo, vốn chỉ là ảo tưởng? Sẽ ra sao nếu con người nỗ lực gắn kết với nhau hơn? Một nghiên cứu đột phá về khoa học thần kinh gần đây đã hé lộ một khái niệm đang được các nhà khoa học gọi là “ bộ não xã hội”. Ðây là vùng não sẽ sáng lên khi chúng ta tham gia vào các tương tác xã hội. Nhà khoa học thần kinh về nhận thức xã hội Matthew Lieberman viết rằng: “ Liên kết não bộ này xảy ra như một phản xạ, cho phép chúng ta nhận biết về tâm trí của người khác, suy nghĩ, cảm xúc và cả ý định của họ. Từ đó thúc đẩy khả năng thông hiểu, thấu-cảm, hợp tác và suy xét”. Lieberman tin rằng con người được lập trình không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn hướng đến phúc lợi của người khác. Bất ngờ từ “ song đề tù nhân ” Nhằm kiểm chứng giả thiết rằng con người quyết định dựa trên lợi ích cá nhân lẫn mối quan tâm đến tha nhân, Lieberman tiến hành một cuộc thí nghiệm thu thập ảnh chụp (fMRI) hiện trạng lưu lượng máu được đưa đến các phần não chức năng khi đối tượng khảo sát tham gia một tình huống gọi là “ song đề tù nhân”. Theo đó, có hai người và mười đô-la có thể chia chác. Mỗi người nhận được bao nhiêu tiền phụ thuộc vào người kia quyết định chia đều hay không. Nếu cả hai cùng chọn hợp tác, mỗi người được hưởng năm đô-la. Nếu một người muốn hợp tác, song người kia quay lưng và muốn phần hơn, bên muốn hợp tác công bằng sẽ mất hết và người còn lại hưởng trọn mười đô-la. Nếu cả hai bên có ý định muốn phần hơn, mỗi người được một đồng. Thử thách ở chỗ mỗi bên phải quyết định độc lập, không được biết đối phương nghĩ gì. Thực tế, người chơi an toàn nhất nếu chọn có lợi cho mình hơn, bởi anh ta có thể được một đô-la hoặc nếu may mắn, được trọn cả mười. Còn nếu chọn thỏa hiệp, người đó có thể mất trắng nếu đối phương muốn phần hơn. Kết quả thí nghiệm cuối cùng cho thấy điều ngược lại với dự đoán ban đầu của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ người chọn thỏa hiệp nhiều hơn chọn vị lợi cá nhân. Không những thế, kết quả ảnh chụp não cũng cho thấy mức độ kích thích vùng thể vân [13] trong hệ thống củng cố phản hồi của não [14] gia tăng khi cả hai người tham gia cùng chọn thỏa hiệp. Ðiều này có nghĩa là hệ thống củng cố phản hồi của não nhạy cảm hơn nếu có sự cộng hưởng thái độ hợp tác đến từ cả hai phía. Vậy cũng có nghĩa là con người hài lòng khi mang đến hạnh phúc cho người khác hơn cả làm bản thân hạnh phúc. Làm sao để giải thích ý niệm này? Người Ðan Mạch tin tưởng sâu sắc rằng mang đến hạnh phúc cho người khác là cốt lõi khiến bản thân họ cảm thấy hạnh phúc, và giờ thì khoa học đã chứng thực đấy! Sự thật về thấu-cảm Từ xa xưa, khả năng thấu-cảm được coi là một trong những năng lực khiến con người khác biệt với con vật. Nhiều người tin rằng động vật, kể cả động vật linh trưởng cũng không biết thấu-cảm. Tuy nhiên, nhà linh trưởng học nổi tiếng, Frans de Waal, mô tả trong quyển The Age of Empathy (tạm dịch Kỷ nguyên của thấu-cảm ), rằng khả năng thấu-cảm hiện diện nơi mọi loài động vật. Có nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng xác thực về hành vi thấu-cảm biểu hiện trên loài chuột, khỉ, vượn, cá heo, voi và các loài khác, nhưng tiếc là kết quả nghiên cứu chưa được công bố rộng rãi với công chúng. Ðiều này có lẽ vì nhiều chính sách quốc gia được xây dựng trên nền tảng ý niệm “ sống là tranh đấu” khiến cho chúng ta mang canh cánh bên mình tinh thần chiến đấu cho đời và giành vinh quang cho mình hơn là dấn thân vào một cuộc đời phong phú trải nghiệm đủ mọi cung bậc. Trong khi đó, theo quan điểm tiến bộ mới, thấu-cảm tạo một năng lượng mạnh mẽ giúp con người tồn tại trong cộng đồng. Nhân loại quả thực đã không thể sinh tồn đến bây giờ nếu không có thấu-cảm và tình đoàn kết. Trái lại với niềm tin từng là chân lý, hầu hết con người thật sự có quan tâm đến lợi ích của tha nhân. Xung năng này tiềm tàng ngấm ngầm cùng với sự vô tâm của nhân loại. Chúng ta từng xác tín rằng thấu-cảm chẳng phải khả năng bẩm sinh. Song, chân lý nào phải thế. Con người có sẵn hạt giống thấu-cảm trong lòng, chỉ cần học cách tưới tẩm và chăm bón để hành vi thấu-cảm nảy nở, lan tỏa. Hành vi thấu-cảm được điều khiển bởi hệ viền của não (limbic system). Bộ phận này điều khiển chức năng nhớ, cảm xúc và những phản xạ bản năng. Ðây là một hệ thống thần kinh phức tạp gồm nhiều tế bào gương soi (mirror neurons) và thùy não (insula). Ðiều ít người biết tới là con người bẩm sinh có thiên hướng gắn kết với người khác. Trong bán cầu não phải gồm nhiều bộ phận được giao nhiệm vụ liên quan đến thiên hướng này, tế bào thần kinh gương soi là một phần quan trọng cốt lõi. Mỗi cá nhân không là một cá thể độc lập mà là một mắt xích trong cái tổng thể. Giáo sư tâm lý học lâm sàng của UCLA (Mỹ), Daniel Siegel, tuyên bố rằng “ Thấu-cảm không phải là một năng lực xa xỉ của con người mà là một năng lực thiết yếu. Chúng ta sống sót không phải bởi nanh to vuốt sắc. Chúng ta tồn tại được là nhờ biết cách giao tiếp và cộng tác với người khác.” Thấu-cảm là chất xúc tác sự gắn kết đó. Năng lực thấu-cảm có sẵn trong mỗi đứa trẻ sơ sinh và nảy nở thông qua mối tương quan với người chăm sóc nuôi nấng ban đầu. Trẻ em thoạt đầu học cách hòa theo cảm xúc và tâm trạng của mẹ, rồi đến của những người khác. Nó bắt chước y theo như soi gương vậy. Vào những năm tháng đầu đời, giao tiếp mắt, nét mặt và giọng nói của người mẹ vô cùng quan trọng. Thông qua đó, con người non trẻ học cách tin tưởng, gắn kết và bắt đầu học cách thấu-cảm. Không những thế, trẻ đôi khi còn biết dỗ dành đứa trẻ khác nín khóc bằng núm vú giả hay bằng cái kèn tò te. Trẻ đáp ứng với tiếng khóc của đứa trẻ khác bằng cảm giác lo lắng tự phát hay thậm chí khóc theo, chẳng cần biết tại sao đứa kia khóc hay hiểu cảm xúc chất chứa trong tiếng nấc kia. Trẻ cứ từ từ học và trải nghiệm. Nghiên cứu chỉ ra rằng một đứa trẻ mười tám tháng tuổi gần như sẽ cố gắng giúp một người lớn đang vật lộn làm điều gì đó trong tầm mắt của nó. Nếu người đó đang tìm kiếm đồ đạc, đứa trẻ sẽ muốn lấy hay cầm vật đó đưa vào tay người lớn, hay nhặt lên món đồ vô ý làm rơi và đưa trả lại. Song, nếu người lớn ném một vật ra xa, đứa trẻ sẽ không chạy đi lượm về. Nó sẽ hiểu hành động đó là cố ý và ba hay mẹ không thích món đồ ấy nữa. Thậm chí trẻ làm điều này trước khi được dạy phải giúp đỡ người khác hay phải ân cần quan tâm, có lẽ trước cả khi hiểu rằng đó là nghĩa vụ − trẻ em vốn không ích kỷ như mọi người thường nghĩ. Trách nhiệm của bậc cha mẹ Cha mẹ giữ trách nhiệm quan trọng bởi họ chính là tấm gương đầu tiên và trước mắt về lòng thấu-cảm, là hình mẫu thực hành thấu-cảm với bản thân và với tha nhân, biểu hiện qua từng lời nói, hành vi. Con trẻ luôn nhìn vào cha mẹ và học theo đó. Bởi vậy, bầu không khí gia đình và trải nghiệm trong nhà là then chốt để phát triển khả năng thấu-cảm của con trẻ. Sống trong những gia đình mà trẻ phải tiếp xúc với bạo hành thể xác, tinh thần hay thậm chí là tình dục có thể khiến lòng thấu-cảm của trẻ bị dập tắt. Khả năng thấu-cảm với người khác bị hủy hoại đồng thời với những giới hạn an toàn trong đời. Một đứa trẻ từng gặp sang chấn hay rối loạn gắn bó cũng bị tổn thương khả năng thấu-cảm. Có một kiểu gia đình khác vì sợ con bị va vấp hay đương đầu với các cảm xúc mãnh liệt nên cố bảo vệ con bằng mọi cách, tránh né mâu thuẫn, thỏa mãn hết thảy yêu sách của con. Họ đôi khi làm ngơ mọi lý lẽ, lướt luôn những phản ứng cảm xúc khó chịu để bảo vệ con mình. Kiểu “ úm” con này khiến đứa trẻ khó phát triển khả năng nhận biết cảm xúc của người khác (bởi điều chúng thấy và cảm nhận không được cha mẹ xác thực), làm cho trẻ giảm sút luôn năng lực thấu-cảm. Hệ lụy của kiểu bảo vệ con quá mức này là đứa trẻ lớn lên có nguy cơ cao trở thành một người ái kỷ, lo âu hoặc trầm cảm. Các rối loạn này ngăn cản sự tự điều chỉnh bản thân bởi những lệch pha giữa cảm giác và hành vi. Nếu người lớn luôn áp đặt suy nghĩ lẫn cảm xúc lên con cái, đứa trẻ không được thừa nhận sẽ không thể nhận diện và biểu lộ chân thật hết mọi cảm xúc của bản thân. Khi đó, năng lực nhận biết chính mình vốn là cốt lõi để đưa ra những quyết định đúng đắn trong đời cũng bị hạn chế. Trẻ có thể bị ám ảnh bởi cảm giác trống rỗng lê thê, hụt hẫng thường trực. Làm sao mà một người biết được mình muốn gì khi họ chả biết họ cảm thấy gì cơ chứ? Do đó, vun đắp lòng thấu-cảm nơi con trẻ từ sớm giúp chúng đủ mạnh để kiến tạo và nuôi dưỡng những mối tương giao tốt đẹp sau này, vốn là nền tảng của đời sống lành mạnh và hạnh phúc. Ðiều gì giúp người Ðan Mạch giàu lòng thấu-cảm đến thế? Từ cấp mẫu giáo, trẻ em Ðan Mạch đã được học một chương trình phổ cập quốc gia gọi là “ Từng bước nhỏ” (Step by Step) . Trong giờ học này, các bé được xem các bức tranh thể hiện những cảm xúc khác nhau như buồn, sợ, giận, thất vọng, hạnh phúc, v.v... Chúng trò chuyện với nhau về những tấm hình đó, dùng các từ về cảm xúc ấy để tập nói ra điều chúng nghĩ, cảm nhận về bản thân lẫn các bạn khác. Trẻ học cách thấu-cảm, giải quyết vấn đề, tự kiểm soát và đọc biểu cảm từ nét mặt của bạn. Nguyên tắc cốt lõi của chương trình là cô giáo lẫn học trò đều không phán xét mà chỉ cần nhận biết và tôn trọng mọi cảm xúc được biểu lộ. Ngoài ra, một chương trình khác tên CAT-kit hiện đang ngày càng phổ biến, được áp dụng nhằm tăng nhận thức cảm xúc và thấu-cảm, tập trung đào sâu các trải nghiệm, suy nghĩ, cảm nhận và cảm giác của trẻ. Các công cụ dùng trong chương trình CAT-kit bao gồm thẻ có hình các khuôn mặt, que đếm để định cường độ cảm xúc, và các bức hình cơ thể dùng để định vị cảm xúc cùng với biểu hiện thể lý tương ứng. Một công cụ khác nữa có tên là Vòng tròn của tôi ( My Circle ), được thiết kế cho học sinh vẽ phác (theo kiểu định vị) bạn bè, người nhà, thầy cô và người lạ vào các phần khác nhau của vòng tròn, từ đó học biết cách hiểu và tương tác với những người khác. Quỹ Mary ( The Mary Foundation ) được thành lập và điều phối bởi Công chúa Mary của Hoàng gia Ðan Mạch, người sắp thừa kế ngôi vị Nữ hoàng, đã xây dựng và áp dụng thành công một chương trình chống bạo lực học đường trên hệ thống giáo dục quốc gia, tạo tác động mạnh mẽ đối với định hướng phát triển năng lực thấu-cảm trong trường học. Chương trình mang tên “ Học đường không bạo lực” ( Free of Bullying ) tạo sân chơi cho trẻ từ ba đến tám tuổi thảo luận về nạn bắt nạt và trêu chọc ở trường, thông qua đó, chúng học cách quan tâm đến người khác. Kết quả vô cùng khả quan khiến 98% giáo viên tham dự khẳng định sẵn sàng giới thiệu cho trường khác. Ngoài ra, còn một vài ví dụ ít nổi cộm hơn về giáo dục lòng thấu-cảm trong các trường học ở Ðan Mạch, chẳng hạn phương pháp trộn lẫn các học sinh giỏi và kém về học lực cũng như các kỹ năng khác nhau. Em học giỏi hơn được phân nhiệm vụ kèm cặp bạn học yếu hơn, bạn rụt rè được xếp ngồi gần bạn hoạt bát, năng nổ. Sự sắp xếp này cần thực hiện một cách tinh tế. Giáo viên cần dành thời gian tìm hiểu học trò của mình và sắp xếp chỗ ngồi phù hợp. Phương pháp này nhằm giúp học sinh nhận ra thế mạnh khác nhau của mỗi người và nỗ lực giúp bạn tiến bộ. Ví dụ, giải bài tập toán nhanh là một thử thách hãi hùng đối với một em chỉ mê chơi đá bóng nhưng lại là sở trường của một bạn say mê con số. Mô hình này giúp nuôi dưỡng kỹ năng hợp tác, tình đồng đội và tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Nghiên cứu cho thấy việc dạy người khác học có tác động gia tăng mạnh mẽ mức độ tiếp thu kiến thức của bản thân. Học sinh nào dành nhiều thời gian kèm bạn học đều hiểu bài và nhớ bài tốt hơn. Không những thế, các em này còn biểu hiện thái độ cố gắng hiểu sự việc từ góc nhìn của bạn mình để giúp bạn giải quyết khó khăn khi cần. Việc giải thích những chuyện phức tạp vốn là một nhiệm vụ thử thách đối với học sinh, song lại là một kỹ năng sống thiết yếu. Trong năm đầu tiên làm cô giáo, Iben đã nhận rõ khả năng hợp tác và thấu cảm mang đến mức độ thỏa mãn, hạnh phúc sâu sắc cho học trò của cô. Ðiều này lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chức năng não giao tiếp và kết quả chụp não đã mô tả trong thí nghiệm song đề tù nhân nêu trên. Ðối lập với định kiến xưa nay, não của con người tiết ra các hoạt chất kích thích trạng thái hài lòng nhiều hơn khi họ hợp tác chớ không phải chiến thắng đơn độc. Có lẽ, suy ra từ đó, chẳng ngạc nhiên khi thấu-cảm là một trong những đức tính quan trọng làm nên nhà lãnh đạo, doanh chủ, nhà quản lý hay thương gia thành công. Ðức tính này giúp giảm thiểu bắt nạt, tăng khả năng tha thứ, cải thiện chất lượng tương tác và thắt chặt những mối quan hệ xã hội. Thấu-cảm còn nâng cao chất lượng những mối quan hệ thân thiết vốn là nền tảng để tận hưởng cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Thiếu niên được rèn luyện lòng thấu-cảm tốt có cơ hội thành công cao hơn bởi các em định hướng cuộc đời với lý tưởng cao đẹp, vị tha nhân hơn. Ðúng vậy, cứ nghĩ thử xem, mọi thứ đều có lý cả. Những người thành công đâu làm việc đơn độc; mỗi người giúp đỡ người khác đều nhằm mục đích đạt được điều gì đó tốt đẹp trong đời. Chắc hẳn bằng cách tập trung vào việc dạy trẻ lòng thấu-cảm như người Ðan Mạch đã làm, chúng ta có thể giúp con cái sau này trở thành những người lớn hạnh phúc. Sức mạnh của ngôn từ Nhà triết học và thần học trứ danh người Ðan Mạch, Knud Ejler Løgstrup, người có ảnh hưởng sâu sắc với tư tưởng của người Ðan Mạch, tin rằng cha mẹ có trách nhiệm lớn lao trong nhiệm vụ nuôi dưỡng tâm trí con trẻ bằng cách học mà chơi. Các hoạt động chơi đùa này đồng thời nên gồm ý thức rèn luyện lòng thấu-cảm. Ông cho rằng mọi lời nói hay câu chuyện cha mẹ kể với con đều vô cùng quan trọng để dạy con cách đặt mình vào vị trí của người khác. Người Ðan Mạch có lối nói chuyện khá đặc biệt khi nói về đứa trẻ khác trước mặt con mình. Dường như họ chẳng cần phải chủ động suy nghĩ. Nó được tuôn ra tự nhiên như những cụm từ ngữ đệm khi họ nói chuyện với những người khác. Và điểm hay ho nằm ở khuynh hướng chỉ ra những điểm tốt của con-nhà-người-ta trong những lời lẽ tự động này. Những lời kiểu “ Cậu ấy thiệt dễ thương quá phải không nào!”, “ Bạn ấy tử tế quá chừng, phải không con?”, “ Con có thấy bạn đó thiệt chu đáo không?”, “ Cậu ấy tốt bụng ghê, con có thấy thế không?”... rất thường được nghe thấy từ cha mẹ Ðan Mạch. Ðiều nổi trội đáng lưu ý chính là cách nói và lối suy nghĩ đề cao điều tốt đẹp nơi người khác từ nhỏ đã tạo tiền đề cho niềm tin tự nhiên vào thiên tính tốt đẹp của con người. Ðó là nền tảng tự nhiên của lòng tín nhiệm. Rất hiếm khi một người Ðan Mạch nói xấu trẻ khác trước mặt con mình. Thay vào đó, họ cố gắng giải thích hành vi của đứa trẻ để hiểu tại sao nó cư xử khó chịu như thế. “ Chắc bạn ấy đang mệt vì không được chợp mắt đó.”, “ Cậu ấy đang đói chăng? Con cũng biết là mình sẽ gắt gỏng nếu đói bụng mà!”, cha mẹ Ðan Mạch hướng con mình nhìn nhận sự tác động của bối cảnh đến hành vi của trẻ khác thay vì kết luận rằng nó bần tiện, ích kỷ hay đáng ghê tởm. Kiểu nói này chính là cách sử dụng ngôn từ mang tính nâng đỡ đã được bàn luận trong chương 4. Tái-định-khung được thực hành ngay trong những mẩu chuyện thường nhật như thế. Bằng cách hình dung về những khó khăn, gian khổ mà một người đang vướng mắc, ta có thể dễ dàng hiểu lý do tại sao họ hành xử khác thường như thế. Nhờ đó, ta có thể mở rộng quan điểm của mình với lòng thấu-cảm thay vì vội vàng dán nhãn, phán xét ai đó. Làm vậy cũng mang đến lợi ích cho bản thân bởi tiết kiệm được thời gian nghĩ quẩn và năng lượng tiêu cực. Ðồng thời, Løgstrup không hề ngây ngô khi nói rằng lòng tín nhiệm luôn được đáp trả. Ông chỉ xác tín rằng lòng tin, cũng như những điều kỳ diệu khác của cuộc đời, như tính chân thật và cởi mở, tình yêu, lòng trắc ẩn, chính là cốt cách của một con người. “ Tự tin và tín nhiệm người khác chính là cách giải phóng bản thân”. Thật vậy, tín nhiệm mang lại tự do đích thực. Dạy về lòng thấu-cảm theo kiểu Ðan Mạch Ðiều tiên quyết khi dạy về lòng thấu-cảm là phải phân biệt khả năng thấu cảm và hệ quả kéo theo, tức là một người nên thể hiện lòng thấu-cảm như thế nào trong tương tác với người khác. Việc này đòi hỏi một quá trình học hỏi lâu dài thông qua tấm gương của cha mẹ và những người lớn gần gũi hàng ngày với đứa trẻ. Chẳng hạn như mẩu chuyện sau. Lisa đang chơi cát với cái xẻng thì Mark, đứa nhỏ hơn, muốn cái xẻng, nhưng Lisa không chịu. Thế là Mark khóc toáng lên. Lisa nên làm gì? Nhiều bậc cha mẹ có lẽ sẽ bảo Lisa nhường cho em cái xẻng bởi nó đang khóc, nếu vậy thì sao? Liệu rằng ta phải luôn luôn cho ai đó điều họ muốn, chỉ bởi vì họ muốn thế? Cách này một lần nữa hàm ý dạy đứa trẻ hành động vì tác động bên ngoài hơn là lý lẽ nội tại. Hay, Lisa chơi tiếp với cái xẻng đồng thời nhận biết Mark đang thất vọng. Thực tế, em cần một người lớn hướng dẫn để có thể cân bằng nhu cầu cá nhân và các giới hạn trước khi có thể tự quyết định một cách dứt khoát và có trách nhiệm. Trong khi thông thường với tình huống này, người lớn thường dễ động lòng với Mark và buộc Lisa nhường em, nghĩa là Lisa thay mặt người lớn thể hiện lòng trắc ẩn. Hành vi này vừa bất công vừa chả có tí nào thấu-cảm với Lisa. Mặc dù vậy, không có nghĩa là Lisa không cần học cách nhận diện và đương đầu với cảm xúc của người khác. Cốt lõi của tình huống này chỉ ra rằng cha mẹ cũng cần học cách bày tỏ lòng trắc ẩn và thấu cảm một cách đúng đắn, công bằng sao cho trẻ đều cảm thấy mình được thấu hiểu cảm xúc lẫn mong muốn, từ đó chính bản thân trẻ biết hành xử tương tự. Ngoài ra, tình huống này là cơ hội để dạy em Mark rằng không phải hễ khóc thì sẽ đạt được mục đích. Vậy, lý tưởng nhất thì cha mẹ Lisa nên cư xử thế nào? Thoạt tiên, có lẽ nên để bọn trẻ tự xử với nhau xem sao đã. Lisa hẳn sẽ bày tỏ thái độ, rồi dựa vào đó, ba hay mẹ của Lisa mới có thể hỏi xem liệu cô bé muốn chia sẻ hay không, hay thử đề nghị Lisa chơi xẻng trong vòng năm phút rồi đến phiên Mark, Lisa bày trò khác và chờ đến phiên mình. Thậm chí gợi ý chơi """