Cũng như dạy dỗ con cái, quyển sách này là một trải nghiệm khó khăn, gian truân, nhưng cũng vui sướng và đầy viên mãn. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất, thỏa mãn nhất trên tất cả chính là lời hồi đáp tuyệt vời từ độc giả: các phụ huynh, ông bà, giáo viên, những nhà giáo dục, những ngưòi chưa là phụ huynh, các nhà tâm lý, các câu lạc bộ sách và những lời truyền miệng nói chung. Dù cho mọi người có đồng ý với mọi khía cạnh của kiểu Đan Mạch hay không, đây chắc chắn là một miếng trầu để mào đầu nhiều câu chuyện. Những ý tưởng này chính là hạt giống cho một phong trào đời thường và giúp nó phát triển thành những gì nó là ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng những ý tưởng như những hạt mầm sẽ tiếp tục lan tỏa theo gió để rồi lòng tử tế, sự thấu cảm và nhiều niềm vui hơn sẽ bừng nở trên khắp mọi nẻo đường thế giới. Và chúng tôi mong rằng chúng sẽ mang niềm hạnh phúc lớn lao đến cho bạn cùng gia đình.
“Nếu “người lớn” của mọi quốc gia thực hành dù chỉ 50% những nguyên tắc được phác thảo trong quyển Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc vào cuộc sống của mình, ôi cái tiềm năng rằng nhân loại sẽ thay đổi […] Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc thực sự là Thánh Kinh của mọi người trưởng thành.” – The Class House Girls
“Quyển sách đồng hành cùng bạn, khuyến khích bạn tìm kiếm niềm vui qua cái cách bạn tự nhìn nhận chính mình và con cái mình, với hy vọng rằng mai đây con cái bạn cũng sẽ truyền lại bài học này khi trở thành người làm cha làm mẹ. Sau cùng, đây là một quan điểm vô cùng lạc quan mà vẫn hết sức thực tế.” – Jason G.
***
“Quyển sách như một viên ngọc chứa đựng trí thông minh và cảm xúc quý báu. Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc trao tặng độc giả một phương pháp giáo dục thay thế cho cách dạy con đầy căng thẳng thời nay, và điều này sẽ khiến các gia đình từ New Dehli đến New York hò reo sung sướng. Tạm quên chuyện truy cầu hạnh phúc, quyển sách này chạm đến cội rễ đích thực của hạnh phúc gia đình. Tôi đoán mình là người Ðan Mạch mất rồi.”
— Heather Shumaker , tác giả của It’s OK Not to Share and It’s OK to Go Up the Slide
“Bất kỳ ai trên địa cầu đều có thể nhận được chút gì đó từ sự thông tuệ quý giá ẩn chứa trong quyển sách này. Các khái niệm như tái-định-khung và hygge được chứng minh là hữu dụng cho các gia đình đến từ mọi nền văn hóa. Thật huyền diệu khi thấy Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc có rất nhiều điểm chung với quyển Positive Parenting ! Tôi nhiệt liệt tiến cử quyển sách này!”
— Rebecca Eanes , tác giả của Positive Parenting: An Essential Guide
“Với hiểu biết sâu rộng về tác động tích cực của sự thấu-cảm và sự gắn-kết trong việc dạy trẻ, Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc góp phần giúp cha mẹ toàn cầu tự kiểm tra các thiết lập mặc định của mình và xem xét con cái mình một cách toàn diện. Ðóng góp của họ về tầm quan trọng của tự do vui-chơi là một làn gió mới trong thời đại mà trẻ con phải chịu nhiều áp lực từ các thời khóa biểu kín mít. Vô cùng khuyến khích các bậc cha mẹ, ở bất kỳ nơi nào, đọc quyển sách này.”
— Katie Hurley , LCSW, tác giả của The Happy Kid Handbook
“Một phương pháp mới và mạnh, giúp nuôi dạy nên những đứa trẻ “có khả năng đàn hồi cũng như cảm thấy an tâm về mặt cảm xúc” – hay nói cách khác, chính là những gì mà chúng ta hướng đến.”
— Tạp chí Mother
“Là người đã nhiều năm nghiên cứu các lý luận về mô hình hạnh phúc kiểu Ðan Mạch, tôi nhận thấy quyển sách này rất mạch lạc, vô cùng hữu ích và là một chỉ dẫn thông minh giúp bạn cải thiện mức độ hạnh phúc của mình ở vai trò một phụ huynh, cũng như nuôi nấng những đứa trẻ hạnh phúc hơn theo kiểu Ðan Mạch. Với bất kỳ ai muốn trao cho mình và con cái cơ hội đến một cuộc đời viên mãn, tôi giới thiệu bạn đọc quyển sách này.”
— Malene Rydahl , diễn giả và Ðại sứ Thiện chí Copenhagen
“Nếu “người lớn” của mọi quốc gia thực hành dù chỉ 50% những nguyên tắc được phác thảo trong quyển Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc vào cuộc sống của mình, ôi cái tiềm năng rằng nhân loại sẽ thay đổi… Ðôi khi một quyển sách có sức mạnh tái định hình thế giới mà chúng ta đã quen thuộc, kéo theo các thay đổi đến thế hệ sau – thế hệ thậm chí có khả năng biến chiến tranh thành một khái niệm của một thời dĩ vãng. Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc thực sự là Thánh Kinh của mọi người trưởng thành.”
— The Class House Girls
“Ẩm thực Bắc Âu, Thiết kế Bắc Âu, Tiểu thuyết Trinh thám Bắc Âu – danh sách sản phẩm văn hóa xuất khẩu thành công, không có dấu hiệu chấm dứt từ thập kỉ trước, và giờ đây bạn có thể thêm vào đó: Giáo dưỡng kiểu Bắc Âu… Có vẻ như rằng các bà mẹ Ðan Mạch thực sự biết những điều tuyệt nhất.”
— The Post (Copenhagen)
“Công trình nghiên cứu và sự phản tư chân thật của Alexander về cái cách mà nền văn hóa Ðan Mạch của chồng cô đã ảnh hưởng và giúp cách nuôi dạy con cái của chính cô tiến bộ, là nguồn tư liệu quý giá cho bất kỳ bậc làm cha mẹ nào đang nỗ lực tầm soát các điểm yếu trong cung cách nuôi dạy trẻ của mình. Nghiên cứu của Sandahl và các trải nghiệm cá nhân lẫn trong công việc, với tư cách là một phụ huynh Ðan Mạch và nhà tâm lý trị liệu, củng cố ý tưởng rằng người Ðan Mạch thực sự xuất sắc trong việc quan sát và đưa ra các hiểu biết tuyệt vời ở lĩnh vực nuôi dạy nên những đứa trẻ cân bằng và có khả năng đàn hồi [để đứng dậy sau thất bại]. Cùng với nhau, hai tác giả đã chu đáo viết nên một quyển sách hướng dẫn làm cha mẹ khuyến khích phản tư và cung cấp lời khuyên hữu ích về cách tiếp cận các thử thách khó nhằn trong nuôi dạy con cái. Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc là một trong những quyển sách phải-đọc cho bất kỳ người làm cha mẹ nào, bất kể mọi nền văn hóa.”
— Carolyn Rathjen , MSW, LICSW
“Một quyển sách khiến người đọc phải tự soi chiếu bản thân. Không chỉ nói về chuyện làm sao để trở thành những người làm cha mẹ tốt hơn, quyển sách còn viết về vị trí của bạn trong thế giới, liên hệ giữa bạn và những người xung quanh ra sao, cũng như con người mà bạn muốn trở thành. Tôi thích tâm thế này của quyển sách vô cùng!”
— Karin W.
“Quyển sách đồng hành cùng bạn, khuyến khích bạn tìm kiếm niềm vui qua cái cách bạn tự nhìn nhận chính mình và con cái mình, với hy vọng rằng mai đây con cái bạn cũng sẽ truyền lại bài học này khi trở thành người làm cha làm mẹ. Sau cùng, đây là một quan điểm vô cùng lạc quan mà vẫn hết sức thực tế.”
— Jason G.
“Cái ý rằng hygge không tự dưng xuất hiện mà bạn phải thật lòng mong muốn có nó thật sự ấn tượng với tôi. Tôi rất thích quan điểm này!”
— Kate H.
“Các mẹo trong sách thật tuyệt! Tôi thích đọc những bài viết về những cuốn sách dành cho trẻ ở Ðan Mạch. Trẻ cần được nghe nhiều hơn về các chủ đề không-dễ-tí-nào này qua sách, bởi nó cho các bậc cha mẹ nhiều không gian thoải mái hơn để dạy các bài học quan trọng về cuộc sống. Chúng ta thường né tránh thảo luận các chủ đề khó, hay kém-dễ-chịu với con cái mình (hay với bạn đời) đơn giản vì chúng ta chẳng biết phải nói gì cả. Sẽ dễ dàng hơn biết bao nếu sách đã nói gần hết mọi chuyện!”
— Jessica S.
PARENT – LÀM CHA MẸ
Play — Vui-chơi Vì sao tự do vui-chơi tạo nên nhiều người lớn hạnh phúc, dễ thích nghi, và có khả năng đàn hồi tốt hơn.
Authencity — Sự chân-thật Vì sao sự trung-thực kiến tạo nên cảm thức về cái tôi vững chắc hơn. Lời khen nên được dùng ra sao để giúp hình thành tư duy kiểu phát triển thay vì tư duy kiểu cố định, khiến trẻ có khả năng đàn hồi tốt hơn?
Reframing — Tái-định-khung Vì sao tái-định-khung có thể thay đổi cuộc sống của bạn và trẻ theo hướng tốt hơn.
Empathy — Sự thấu-cảm Vì sao hiểu, kết hợp chặt chẽ và dạy thấu-cảm là cơ sở để tạo nên những em nhỏ và người lớn hạnh phúc hơn.
No Ultimatums — Không đưa tối-hậu-thư Vì sao nên tránh tranh giành quyền lực và thay vào đó, sử dụng một cách tiếp cận dân chủ hơn trong việc làm cha mẹ, nuôi dưỡng lòng tin-tưởng, sức bật cũng như những đứa trẻ hạnh phúc hơn.
Togetherness và Hygge — Sự quây-quần và Hygge (sự ấm-cúng) Vì sao mạng lưới xã hội bền chặt là một trong các yếu tố then chốt đối với niềm hạnh phúc nói chung của chúng ta. Làm cách nào mà tạo ra Hygge – Sự ấm-cúng có thể giúp chúng ta trao gửi món quà đầy quyền năng này đến con cái.
Quá trình nghiên cứu và viết nên quyển sách này quả thật là quá trình lao động của yêu thương. Tất cả đều bắt đầu từ câu hỏi: Ðiều gì khiến trẻ con Ðan Mạch – và cha mẹ Ðan Mạch – trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới?
Ðối với một người mẹ Mỹ – kết hôn với một người Ðan Mạch, và một nhà tâm lý trị liệu người Ðan Mạch, cả hai đều đang tự dựng xây tổ ấm, câu hỏi này vừa riêng tư một cách sâu sắc, vừa lý thú tuyệt vời về mặt học thuật. Quá trình tìm kiếm các câu trả lời dẫn chúng tôi đến một cuộc hành trình dấn thân vào các kết quả nghiên cứu, các thông tin về đất nước Ðan Mạch cũng như các cuộc phỏng vấn với nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi vừa hoàn thành bản thảo đầu tiên, chúng tôi đã làm khảo sát nhóm không chính thức với các bà mẹ, ông bố cũng như các chuyên gia khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Nhóm bao gồm những người theo Ðảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, các bà mẹ đeo đuổi lối sống tự nhiên [1] lẫn các ông bố nhà binh, các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ lẫn những người chủ trương nuôi dạy bằng đòn roi, những phụ huynh theo trường phái gắn kết [2] lẫn những bà mẹ Hổ [3] từ California đến Washington D.C và những nơi khác
nữa, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận mọi dạng phụ huynh từ mọi ngóc ngách khả dĩ của cuộc sống.
Nhờ vào các phản hồi đầy quý báu của họ, chúng tôi tự xuất bản phiên bản đầu tiên của quyển sách, với niềm tin rằng mình đã tạo nên một điều gì đó thật đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị cho hành trình tuyệt diệu mà quyển sách mang mình theo. Từ một phong trào đời thường đến một động thái toàn cầu, quyển sách mang chúng tôi đến gần hơn với các độc giả mới hơn từng ngày từng ngày.
Khi sách vừa mới lên kệ, và các đơn đặt hàng dần dần tìm đến, địa điểm của chúng đã khiến chúng tôi hết sức bối rối: New Zealand, Nam Phi và nhiều quốc gia Châu Âu, ngoài ra còn có Việt Nam, Indonesia, Úc và Mỹ v.v… Trong số những người đặt mua sách, có các đạo diễn Hollywood, các ngài đại sứ Ðan Mạch, và các giáo sư đại học. Chúng tôi biết rõ điều này vì đã tự tay đóng gói, viết địa chỉ và gửi các quyển sách! Mọi chuyện có vẻ thật là triển vọng, nhưng đồng thời cũng chậm chạp và chán chường, còn có khả năng thất bại của dự án đè nặng lên đôi vai chúng tôi.
Tuy vậy, dần dà chúng tôi bắt đầu nghe thấy tin tức từ các độc giả – những bậc làm cha mẹ, đã dành thời gian nghiền ngẫm, tiêu hóa các ý tưởng của chúng tôi và thử nghiệm chúng trong chính gia đình mình. Các phản hồi đến từ các phụ huynh này, còn hơn cả tích cực: Các phản hồi tràn đầy lòng biết ơn, thậm chí là sự nhẹ nhõm vì trên đời này có tồn tại một cách thực hành làm cha mẹ, và hơn thế nữa thực hành này còn ủng hộ các hồ nghi mà họ đã mang trong mình từ lâu. Cái cảm giác rằng hẳn phải có một phương thức dạy trẻ khác, ngoài cái đã bị đập cho dúm dó bởi các kỳ vọng và áp lực xã hội phải “làm đúng.”
Các ông bố bà mẹ đã viết thư cho chúng tôi, bày tỏ rằng họ yêu thích cái ý tưởng giáo dục trẻ em tập trung vào việc vui-chơi, vào khả năng thấu-cảm và các kỹ năng xã hội chứ không chỉ quan trọng việc học hành. Và sự thật rằng các thực hành này từ lâu đã là một phần của một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng, mang đến cái nhìn cực kỳ mới mẻ cho những độc giả chưa từng biết nhiều về Ðan Mạch.
Chúng tôi cũng phát hiện ra quyển sách đã được mang vào giảng đường đại học. Một giáo sư đã liên lạc để cho chúng tôi biết về một khóa học mà cô xây dựng dựa trên quyển sách Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc nhằm thu hút ý kiến từ các sinh viên của cô – những người được khai mở đầu óc nuôi dạy trẻ theo một hướng rất khác.
Chúng tôi đã liên tục lan tỏa các giá trị Kiểu Ðan Mạch đến khắp nơi, viết nhiều bài báo, thực hiện các cuộc phỏng vấn và rồi hiệu ứng domino bắt đầu xảy đến.
Một thương gia người Ấn đã mua quyển sách trên đường từ Ðan Mạch về nhà. Ông viết cho chúng tôi rằng ông muốn giới thiệu Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc đến khắp Ấn Ðộ: đến các lớp học, đến các văn phòng bác sĩ Nhi khoa và đến các chương trình đào tạo giáo viên cũng như đến công chúng nói chung. “Ðây không chỉ là một cuốn sách,” ông ấy viết cho chúng tôi, “ … đây là một phong trào. Và tôi xem nó như phong trào thay đổi một quốc gia.” Chúng tôi đã hết sức mãn nguyện!
Giờ đây quyển sách đã đến tay nhiều nhà xuất bản lớn, với phiên bản đã cập nhật này. Phần còn lại của câu chuyện là lịch sử đang hình thành.
Cũng như dạy dỗ con cái, quyển sách này là một trải nghiệm khó khăn, gian truân, nhưng cũng vui sướng và đầy viên mãn. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất, thỏa mãn nhất trên tất cả chính là lời hồi đáp tuyệt vời từ độc giả: các phụ huynh, ông bà, giáo viên, những nhà giáo dục, những người chưa là phụ huynh, các nhà tâm lý, các câu lạc bộ sách và những lời truyền miệng nói chung. Dù cho mọi người có đồng ý với mọi khía cạnh của Kiểu Ðan Mạch hay không, đây chắc chắn là một miếng trầu để mào đầu nhiều câu chuyện. Những ý tưởng này chính là hạt giống cho một phong trào đời thường và giúp nó phát triển thành những gì nó là ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng những ý tưởng như những hạt mầm sẽ tiếp tục lan tỏa theo gió để rồi lòng tử tế, sự thấu-cảm và nhiều niềm vui hơn sẽ bừng nở trên khắp mọi nẻo đường thế giới. Và chúng tôi hy vọng chúng sẽ mang niềm hạnh phúc lớn lao đến cho bạn cùng gia đình.
Jessica Joelle Alexander
Iben Dissing Sandahl
Copenhagen
Tháng Hai, 2016
[1] Granola moms: những người mẹ thực hành lối sống tự nhiên, sử dụng thực phẩm hữu cơ, nuôi con bằng sữa mẹ, quan tâm các vấn đề xã hội và môi trường, v.v… (Tất cả các chú giải trong sách đều là từ người dịch).
[2] Attachment parents: những phụ huynh theo trường phái tối đa hóa sự gắn bó với con trong giai đoạn sơ sinh, cả về tinh thần lẫn gần gũi thể chất.
[3] Tiger moms: thuật ngữ chỉ những người mẹ khắt khe và đòi hỏi, hay thúc ép con mình phải đạt được và duy trì thành tích học tập cao nhất cũng như kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt của con.
Mời các bạn đón đọc Nuôi Dạy Một Đứa Trẻ Hạnh Phúc của tác giả Jessica Joelle Alexander & Iben Dissing Sandahl.