"
Những Người Nhật Vị Tha - Isoda Michifumi full prc pdf epub azw3 [Văn Hóa]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Người Nhật Vị Tha - Isoda Michifumi full prc pdf epub azw3 [Văn Hóa]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
1. Lời giới thiệu
2. Kokudaya Jūzaburō (1719 – 1777) 3. Nakane Tōri (1694 – 1795) 4. Ōtagaki Rengetsu (1791 – 1875) 5. Lời kết
6. Người có cả lý luận và tình cảm
Lời giới thiệu
T
ác giả Isoda Michifumi (Ki Điền Đạo Sử) sinh năm 1970, là một nhà nghiên cứu sử học. Và đúng như cái tên được cha mẹ đặt cho, ngay từ thuở nhỏ, tác giả Michifumi đã đặc biệt yêu thích môn lịch sử. Những năm học cấp III ở trường công lập Okayama Daianji của tỉnh Okayama, Michifumi đã dùng “Tự điển đọc hiểu văn thư cổ cận thế” của gia đình để đọc các văn bản, sách cổ trong thư viện tỉnh.
Dòng họ Isoda vốn thuộc dòng dõi trọng thần của phiên Okayama, xứ Bichu, thời Mạc phủ Tokugawa nên trong nhà còn lưu giữ nhiều văn thư cổ. Ông tổ 5 đời trước của tác giả vốn là thầy dạy của phiên chủ Ikeda thời bấy giờ và cũng là người dạy Nho giáo cho Takayama Kisai – một nha sĩ thời Minh Trị, người sáng lập Đại học Nha khoa Tōkyō. Chữ “Michi (Đạo)” trong tên tác giả là “thông tự” của gia tộc Isoda, được truyền từ đời này sang đời khác.
Tuy ở Nhật cũng từng có quan niệm “húy danh” – tránh gọi tên bậc tôn trưởng trong họ tộc để tỏ lòng tôn kính nhưng không nghiêm khắc như các nước có nền văn hóa kị húy như Trung Quốc. Vì vậy, từ khoảng giữa thời Heian (794 – 1185), khi thói quen đặt tên gồm 2 chữ Hán trở nên phổ biến thì “húy danh” trở thành “thông tự (toori ji)” hay “hệ tự (kei-ji)” trong tiếng Nhật. Người Nhật lấy một chữ đặc thù làm toori-ji của họ tộc, truyền từ đời này sang đời khác để chứng tỏ tính chính thống của người kế tục hay có ý cho biết người đó là một thành viên của họ tộc.
Isoda Michifumi đã theo học khoa Sử trường Đại học Kyōto Furitsu do có nhà sử học Mizumoto Kunihiko giảng dạy tại đây cũng như Kyōto là vùng đất còn lưu trữ nhiều văn thư cổ và di tích lịch sử. Tuy nhiên, do trường không có bậc cao học nên Michifumi vừa theo học đại học vừa học luyện thi để năm sau thi vào trường Đại học Keio Gijuku (thường được gọi tắt là trường Keio), nơi có nhà nghiên cứu
Sử Kinh tế Hayami Akira làm việc. Tại trường Keio lừng danh, tác giả Isoda Michifumi theo đuổi con đường sử học cho đến khi lấy bằng tiến sĩ với đề tài “Cấu trúc xã hội của đoàn gia thần đại danh (daimyō) cận thế” dưới sự hướng dẫn của nữ sử gia Tashiro Kazui. Sau đó, từ năm 2004, Isoda đã làm việc tại nhiều trường đại học, cơ quan văn hóa khác nhau như Đại học Ibaraki, Đại học Nha khoa Tōkyō, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Shizuoka, tòa soạn báo Yomiuri, và nay đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản Quốc tế.
Các giải thưởng Isoda Michifumi giành được đều xuất phát từ chuyên môn sử học của ông như giải “Tài liệu Shinchō” năm 2003 với tác phẩm Sổ chi tiêu gia đình võ sĩ – Duy tân thời Mạc mạt của kế toán phiên Kaga. Năm 2010, Sổ chi tiêu gia đình võ sĩ được dựng thành phim. Cùng năm, Isoda Michifumi nhận giải thưởng “Truyền thông Văn hóa” của đài NHK vì “đã giải thích về lịch sử cho khán thính giả một cách dễ hiểu, góp phần cống hiến cho việc tuyên truyền văn hóa và xây dựng địa phương năng động”. Năm 2015, Isoda giành giải thưởng “Câu lạc bộ Người viết tùy bút” vốn có truyền thống lâu đời với mục đích khích lệ những tác giả trẻ.
Từ năm 2003 đến nay, Isoda Michifumi viết gần 20 đầu sách và nhiều bài báo chuyên về lịch sử Nhật Bản trong đó đã có 2 đầu sách được dựng thành phim. Ngoài Sổ chi tiêu gia đình võ sĩ đã đề cập ở trên, bộ phim thứ hai Thưa ngài, đó là tiền lãi! dựa trên tiểu thuyết lịch sử Những người Nhật vị tha mà độc giả đang cầm trên tay. Tuy nhiên, Thưa ngài, đó là tiền lãi! chỉ đề cập đến câu chuyện của các samurai ở làng quê nghèo xứ Sendai tìm mọi cách vực dậy nền kinh tế đang suy sụp của quê mình, tức chỉ sử dụng một phần ba nội dung Những người Nhật vị tha. Bên cạnh những Kokudaya Jūzaburō, Sugawaraya Tokuheiji, Chisaka Chūnai xuất hiện trong phim cũng là những nhân vật chính trong phần đầu của sách, còn có hai văn nhân Nakane Tōri và Ōtagaki Rengetsu góp phần làm đầy đặn quyển sách này. Hẳn quý vị độc giả đang đón chờ những samurai hiện lên trang sách với hình ảnh cầm kiếm oai phong, lẫm liệt, sẵn sàng vì đạo mà tử thủ? Và có phần thất vọng khi nào “tiền lãi”, nào “văn nhân” xuất hiện trong lời giới thiệu này?
Nhưng Isoda Michifumi – một sử gia trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết, một cây bút chuyên về lịch sử sẽ không làm bạn thất vọng. Có thể các nhân vật của Isoda Michifumi không xông pha trận mạc, không lừng danh trên văn đàn Nhật Bản như những huyền thoại người người đều biết. Nhưng những Kokudaya Jūzaburō, Sugawaraya Tokuheiji, Chisaka Chūnai, Nakane Tōri và Ōtagaki Rengetsu – những con người chân thật, sống động nhất từ trước đến nay trong lịch sử Nhật Bản thời Edo mà tôi và các bạn được biết đến qua Những người Nhật vị tha sẽ lại một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy: Người Nhật thật biết cách làm cả thế giới kinh ngạc.
Những người Nhật vị tha không thuộc dạng tiểu thuyết thuần túy, cũng không phải dã sử, tuy hơi khó đọc một chút nhưng đủ hấp dẫn để biết thêm tinh thầnsamurai của những người Nhật xa xưa. Tác giả là một nhà sử học nên mức độ chân thật của nội dung khá thuyết phục dù sử liệu ít ỏi nhưng chính vì độ ít ỏi đó mà chân dung những người Nhật trong sách, yêu người vô điều kiện đủ làm lay động người đọc. Tôi tin chắc những samurai tay không cầm kiếm mà cầm tiền chạy đôn chạy đáo cứu làng quê, một Nakane Tōri xứng đáng được gọi là đại thi sĩ nhưng tự tay đốt bỏ tác phẩm của mình, một Ōtagaki Rengetsu đáng bậc anh thư nhưng chẳng mong người ta biết đến trong Những người Nhật vị tha sẽ khiến bạn có những giây phút dừng lại, sống chậm để nhìn lại mình và tự hỏi: Ta đã sống vị kỷ biết dường nào?
Nguyễn Đỗ An Nhiên
Kokudaya Jūzaburō (1719 – 1777)
X
uân Michinoku thường đến muộn nhưng khi cỏ non đã nhú trên thảo nguyên, nụ hoa đã chớm đậu trên cành cây anh đào thì cánh hoa đào bung sắc, núi cười rạng rỡ. Dòng nước trong xanh chảy cuồn cuộn qua bờ ruộng như cắt ngang con đê, đem lại sự mát lành cho thôn làng. Thật không có ngày nào êm đềm, tươi xanh như thế này.
Vậy mà từ lúc nãy, Jūzaburō cứ thở dài. Phải nói đúng là vừa thở dài thườn thượt vừa thất thểu lê bước trên đường làng.
Làng Yoshioka là tên một trong những khu phố shukuba1 dọc tuyến đường Ōshū. Có khoảng hai trăm căn nhà, góc phố có một ụ đất làm mốc ichirizuka, trên đó có một cây liễu sam lớn mọc thẳng đứng như muốn khiêu khích ông trời.
1 Các khu phố có trạm dừng để truyền tin, vận chuyển thời Edo. (Các chú thích trong sách đều của người dịch)
Ụ đất phố Yoshioka là ụ thứ sáu rokurizuka tính từ thành Sendai. Tuy nói khu phố shukuba cách thành Sendai sáu ri2 như vậy nhưng hầu hết một nửa sinh kế của các hộ dựa vào nông nghiệp, vô cùng nghèo khó. Bên kia dãy nhà mái lá nghèo nàn đó là dãy núi hùng vĩ như tấm bình phong Nanatsumori (bảy cánh rừng).
2 Ri (lý): đơn vị tính khoảng cách thời xưa ở Nhật, khoảng 3,927km. Ichirizuka là ụ đất làm mốc như cột mốc cây số ngày nay. Ichi trong ichirizuka là 1, roku trong rokurizuka là 6.
Jūzaburō vốn thích ngắm cảnh từ nhỏ, thường ngắm nhìn bấy lâu nhưng càng bắt gặp vẻ êm đềm của mùa xuân hôm nay chàng càng
thấy nặng trĩu trong lòng. Ý muốn ngắm nhìn dãy núi tuyệt đẹp đó bị nghiền nát, ngược lại, cảm giác thất vọng không cách nào diễn tả khiến chàng như đang lê bước trên đường.
Jūzaburō cứ thế phó mặc bước chân cho nỗi buồn, chàng thình lình nhận ra mình đã ra khỏi khu phố nhỏ, đến tận Sekigami-sama (thần hộ đê).
Sekigami-sama thờ thần Sekigami nằm cạnh sông Yoshida, được cúng bái như một miếu thờ nhỏ. Phố Yoshioka đã xây đê ngay Sekigami-sama, dẫn nước tưới tiêu khắp ruộng đồng. Khi mùa xuân đến, cỏ đuôi ngựa mọc đầy con đê bên miếu thờ.
Jūzaburō sinh ra tại khu phố này. Thuở nhỏ, cậu thường hái cỏ đuôi ngựa. Nhưng cứ mỗi lần khoe “Là cỏ đuôi ngựa con hái ở Sekigami sama” thì y như rằng, người lớn mắt tối sầm, im lặng. Cậu bé thơ ngây hỏi cha thì được dặn:
“Phải biết ơn Sekigami-sama đấy. Sông Yoshida trông hiền hòa vậy chứ rất hung bạo. Hồi xưa, khi có đại hồng thủy làm đê chắn ở Sekigami-sama bị vỡ cho nên dân trong làng họp bàn với nhau tìm người tế thần. Cha không rõ người nào ở đâu đã bị làm vật hi sinh tế thần. Chỉ nghe kể bên làng Ohira dùng vũ lực bắt trói một nữ tu tình cờ đi ngang, mặc lời van xin rồi dân làng vừa khóc vừa chôn. Nơi cúng tế nữ tu đó là đền thờ Mikogozen ở Ohira. Con cũng từng thấy đúng không? Có thể làng Yoshioka chúng ta cũng đã từng làm việc tàn nhẫn như thế. Tóm lại, nhờ vậy, chúng ta thoát nạn lũ lụt và được cày cấy kiếm sống đời này qua đời khác.”
Câu chuyện thật sự chấn động. Jūzaburō muốn nghĩ đó là những lời bịa đặt. Cậu nhìn cha bằng đôi mắt khẩn cầu.
“Cha không bịa đâu. Có năm vỡ đê, xương người hiện ra mà. Bô lão trong làng nói đó là xương người tế thần, phải thờ cúng trong miếu.”
Miếu thờ Sekigami-sama hướng về phía Đông là để dẫn nước về ruộng, dõi theo cây lúa lớn lên. Ánh mắt cha khi nói về điều đó mờ
đi như thể bản thân sắp phải làm vật tế thần.
Cha mất đã được ba năm. Ông là Jinnai, đương chủ đời thứ sáu tiệm Asanoya, thương gia duy nhất của làng Yoshioka này. Tuy đời này sang đời khác đều làm rượu nhưng tính tình Jinnai có vẻ hợp với học vấn hơn là bán buôn. Sinh thời, ông thường vui thích bắt chước thầy đồ trường làng, tập hợp bọn trẻ quanh đấy để dạy chúng đọc sách viết chữ miễn phí.
Jūzaburō là con trai trưởng, chào đời khi ông Jinnai hai mươi tuổi. Nhưng Jūzaburō không nối nghiệp cha mà đi làm con nuôi nhà làm rượu cách nhà cha mẹ đẻ chỉ mấy căn, tiệm Kokudaya. Chỉ vì nhà Kokudaya không có người nối dõi nên khi được mời “Làm con nuôi không?” thì sự cứ thế mà thành.
“Đâu nhất thiết phải đưa con trưởng đi làm con nuôi.” – Cũng có người bàn ra nhưng không hiểu vì lý do mà chuyện thành như vậy. Bây giờ, nhà cha mẹ đẻ chàng do người em trai nhỏ hơn bốn tuổi kế nghiệp, làm chủ nhân đời thứ bảy, kế thừa cả tên tuổi cha mình là Asanoya Jinnai. Cũng có khi chàng nghĩ hay là do mình bị cha đánh giá thấp, bị bỏ rơi không chừng nhưng giờ đây, có nghĩ vậy cũng chẳng ích gì.
Trong những câu chuyện về cha mình, Jūzaburō thường nhớ những năm cuối đời, cha như trút hết tâm huyết vào “lợi nhuận lâu dài” mà cứ nhắc đi nhắc lại điều này. Ban đầu, chàng chẳng hiểu cha nói gì.
“Phải làm cho cả làng phồn vinh. Cha muốn làm việc gì đó đem lại lợi nhuận lâu dài cho ngôi làng này rồi mới chết.”
Cũng có khi cha nói vậy. Không phải lời nói đầu môi chót lưỡi. Ông nói như vậy bằng đôi mắt buồn thăm thẳm, từ tận đáy lòng. Thật ra, những năm cuối đời, cha có vẻ gì đó u uất, không vui. Rồi chẳng biết tự lúc nào lại được hòa thượng chùa Kuhonji đặt cho pháp danh Kyōun-an Daiyomukei Zenshi (Giáo Vận Am Đại Dự Vô Kính Thiện Sĩ). Vì ông từng hăng say chỉ dạy ở trường làng cho con người ta nên có thể hiểu chữ “Giáo Vận Am” nhưng “Vô Kính” thì không cách nào hiểu được.
Mãi đến gần đây, chàng mới mơ hồ hiểu được lòng cha. “Những năm gần đây, làng Yoshioka thật kiệt quệ. Tương lai sẽ ra sao đây?” – Mấy ngày trước, chàng chợt nghĩ đến điều đó. Nhà cửa rách nát hiện ra cả mặt tiền, đất trống cỏ hoang mọc đầy, làng Yoshioka chàng đã sống những ngày tháng dài, nay như một cái lược mất răng, cũ kỹ. Nói cách khác, làng đã trở nên rệu rã. Nếu cứ rệu rã thế này, sự khốn khổ như địa ngục sẽ âm thầm tìm đến, phá hủy ngôi làng này mất. Một người vốn lo xa như cha đã sớm nhận ra và vật lộn với điều đó. Tiệm Asanoya của cha là một phú hộ giàu nứt đố đổ vách trong làng, tiệm Kokudaya của chàng cũng ở vị trí tương tự. Gia đình bản thân sống giàu có. Nếu chỉ nghĩ đến điều đó thôi thì chẳng cần phải lo lắng gì. Nhưng, sống ngay cạnh làn sóng bi thảm người dân nghèo trong làng Yoshioka này cứ lần lượt ra đi vì chết đói thì thật đáng sợ và không đành lòng. Chàng không biết tại sao mình thấy sợ hãi đến vậy. Nhưng gì thì gì, cứ nghĩ đến tương lai sắp đến, lòng chàng đầy bất an, toàn thân sởn gai ốc.
“Liệu người quyền quý là để loại bỏ người nông dân sao?” – Jūzaburō cứ phải nghĩ đến điều đó. Việc chàng ưu tư từ lúc nãy là có liên quan đến điều đó.
Khi chính quyền không còn bảo vệ được đời sống của chúng ta nữa, con người phải sống thế nào đây? Bây giờ, điều Jūzaburō đang vừa đi vừa nghĩ đến chính là đây.
“Ít gì cũng là kura-iri-chi thì hay biết mấy.” – Chàng nghĩ vẩn vơ. kura-iri-chi là đất trực thuộc lãnh chúa.
Không may, Yoshioka không phải kura-iri-chi mà thuộc đất ban phát. Nghĩ lại đây là khởi đầu của sự bất hạnh.
Đất ban phát chỉ miếng đất lãnh chúa ban cho trọng thần. Yoshioka được lãnh chúa ban cho gia tộc trọng thần Tadaki với mức bổng lộc 1.500 koku1. Lãnh chúa không xấu nhưng mức 1.500 koku đó thật chẳng thấm béo vào đâu. Nó quá ít để chủ đất phát cho người dân. (Cũng dân trong vùng mà mức đãi ngộ khác biệt thế này thì thật bất hợp lý). Sự thật thì người ở Yoshioka, ai nấy đều ấm ức trong lòng.
1 Trong trường hợp này, đây là đơn vị tính lượng gạo một người trưởng thành tiêu thụ trong một năm và từ đó được tính thành lương bổng của bề trên ban phát cho thuộc hạ. Cũng là đơn vị để tính diện tích đất.
“Chẳng có daimyō1 nào cổ lỗ sĩ như lãnh chúa vùng này.” 1 daimyō (đại danh): lãnh chúa cai quản một phiên thời bấy giờ.
Jūzaburō bắt đầu nghĩ đến cả điều đó. Không cần nói cũng biết, lãnh chúa vùng này là Date2 phiên3 Sendai. Dòng họ Date rất lâu đời, có dòng họ xa với ngự gia nhân của ngài Kamakura. Dòng họ này đã cai trị những vùng hẻo lánh của Nhật Bản như chủ nhân nên để lại một hệ thống xưa cũ, lạc hậu đến mức khó tin.
2 Date Shigemura (1742 – 1796).
3 Lãnh địa do lãnh chúa đứng đầu.
Chẳng hạn, họ không dùng chế độ koku-daka4 mà dùng kan-daka5. Một đồng kan quy bằng miếng đất diện tích 8 tan-bu, và gọi miếng đất 100 koku ở phiên khác là miếng đất 10 kan. Nông dân cũng dùng kan để đo diện tích đất mình có.
4 koku-daka (thạch cao): chế độ dùng sản vật địa phương làm đơn vị koku để tính.
5 kan-daka (quán cao): chế độ dùng kan làm đơn vị tiền tệ, lâu đời hơn chế độ koku-daka.
Vốn dĩ trong dòng họ Date không cho đám gia nhân chính thường trú ở dưới thành Sendai. Họ cho gia nhân sống tản mát ở vùng lãnh thổ rộng 620.000 koku, cho dựng thành quán ở đó và thực hiện trình diện luân phiên trong lãnh thổ. Kiểu gia thần như thế này rất hiếm.
Trọng thần dòng họ Date thực hiện trình diện luân phiên giữa thành Sendai và thành quán như các daimyō lui tới trình diện giữa Edo và phiên xứ của mình. Có thể nói là một cảnh kỳ quái.
Sau khi chính quyền (Mạc phủ) lật đổ Toyotomi1 đã quy định “nhất quốc nhất thành” (một nước một lâu đài), cấm tiệt các daimyō xây dựng thành quách. Vậy mà dòng họ Date lại được miễn quy định
này. Jūzaburō nghe người ta nói phiên tổ Date Masamune (1567 – 1636) đã ra sức biện hộ rằng: “Đó không phải là lâu đài. Mà là sở phòng địch. Là “sở” thôi.” Tuy là ngụy biện nhưng Tokugawa2 cũng không quở trách gì nên tình trạng đó cứ nguyên như thế đến tận vùng Kyūshū và Mutsu3.
1 Toyotomi Hideyoshi (1537 – 1598): daimyō thời Sengoku (Chiến quốc), người đã thống nhất nước Nhật.
2 Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616): shōgun (tướng quân) đầu tiên mở đầu thời đại Mạc phủ Tokugawa, còn được gọi là thời Edo (1603 – 1868).
3 Tên gọi khác của xứ Michinoku, nay thuộc tỉnh Miyagi.
Kết quả là trong lãnh thổ của Date toàn đồn lũy, mỗi đồn lũy được phân cho chức lão (trọng thần) làm “sở” phòng địch. Và Yoshioka nơi có thành quán Yoshioka cũng là đất phân phát được ném cho trọng thần Tadaki.
“Đây chính là khởi đầu không đem lại lợi lộc gì cho Yoshioka.” – Jūzaburō nghĩ vậy.
Vốn dĩ, làng phải gánh chịu quá nặng. Trách nhiệm làm trạm trung chuyển, truyền tin tenma4 thật không thể xoay xở bằng tiền thuế của nông dân bình thường. Lấy lý do sử dụng đường cái vào việc công, phiên trưng thu người, ngựa. Việc này nặng nề đến mức bất hợp lý không chịu nổi. Nó thật sự khiến cả làng suy sụp đến mức dòng họ Date cũng phải suy nghĩ.
4 tenma (truyền mã): chế độ vận chuyển, truyền tin thời Edo. Chính quyền đặt các trạm trung chuyển ở các khu vực, đường lộ đã quy định.
Họ quyết định lập nên chế độ hỗ trợ gọi là “truyền mã ngự hợp lực”, phát tiền về các shukuba, ngăn chặn kiệt quệ.
“Nhưng cách này cũng có chỗ thiếu sót.” – Mỗi lần nghĩ đến việc này, nỗi ấm ức từ tận đáy lòng Jūzaburō cứ trào lên. Thật ra Yoshikoka chẳng được trả một xu nào từ chế độ này.
“Tại sao chỉ có mỗi Yoshioka là phải chịu cảnh này? Thật là một sự phân biệt đối xử quá đáng.” – Người dân khắp khu Yoshioka ta thán lâu nay nhưng chẳng ích gì.
“Khu Yoshioka là lãnh địa của Tadaki, dân ở đó là dân của Tadaki. Có phải dân của ngài Date đâu mà đòi lãnh trợ cấp từ lãnh chúa?” – Quan lại trong phiên một mực từ chối với lý do duy nhất như vậy.
Vì vậy Yoshioka trở thành một shukuba mà chỉ cần sống ở đó thôi cũng đã là một gánh nặng. Cứ mỗi lần nạn đói kéo đến là cư dân bỏ đi, số hộ dân giảm đi trông thấy. Số hộ dân càng giảm, gánh nặng tenma mỗi nhà càng tăng, rồi số hộ lại giảm vì điều đó.
“Ngôi làng này bị kẹt trong một khởi đầu tồi tệ.” – Từ khi nhận ra điều đó, Jūzaburō chẳng mảy may xúc động khi nhìn những bông hoa đào khoe sắc. Ngược lại, nắng xuân càng ấm áp, lòng chàng càng trống rỗng.
“Nếu cứ như vầy, Yoshioka sẽ diệt vong. Không có cách nào khác sao?” – Vừa đi bên dòng nước con đê, chàng vừa nghĩ nhưng thời gian cứ lạnh lùng trôi.
Đúng lúc ấy, tên một người đàn ông thoáng hiện lên trong đầu. Tokuheiji tiệm Sugawaraya, nổi tiếng là nhà thông thái duy nhất trong làng Yoshioka. “Nếu là Tokuheiji, biết đâu…” – Chàng nghĩ vậy. Người này là một trà sư.
Từ xưa, Yoshioka vốn là nơi trồng trà. Trà uống ở Sendai hầu hết là sản phẩm của vùng này. Tuy nhiên, khi đem sang các phiên, xứ khác lại bị xem thường, chê bôi: “Đồ trà Mutsu!”
“Các xứ phương Bắc không hợp với trà đâu. “Sông đen” Kurokawa xứ Mutsu mà trồng được danh trà sao?” – Tuy bị mỉa mai, Sugawaraya vẫn không hề bận tâm.
“Ta có thể trồng được trà không thua trà Uji của Kyōto.” – Nói rồi chàng ta theo đuổi việc trồng trà. Cuối cùng Sugawaraya thật sự trồng được loại trà nổi tiếng ngang loại trà Jokisen cao cấp của xứ Uji khiến dân Yoshioka mắt tròn mắt dẹt cả lên. Sugawaraya nói năng lại hợp tình hợp lý nên cũng rất được tín nhiệm trong các cuộc họp làng.
Cửa tiệm nằm bên kia đường, xéo xéo nhà Jūzaburō. Cũng vì vậy, hôm trước, khi đến mùa hoa đào, chàng ta lại mời “qua nhà tôi uống kisen nào” như muốn khoe trà mình trồng được.
Tokuheiji ba mươi lăm tuổi nên nói về tuổi tác thì Jūzaburō hơn hẳn một giáp, cả hai đều tuổi Tý. Nói về tài sản thì bên nhà Jūzaburō hơn nhiều nhưng Sugawaraya có vẻ già dặn, lại am hiểu nên khi tiếp xúc với Tokuheiji, lúc nào chàng cũng có cảm giác như được sư phụ truyền dạy, ngược lại với sự chênh lệch tuổi tác.
Jūzaburō chờ đến khi mặt trời lặn, quyết tâm sang nhà Sugawaraya. Bên đó đã có lời mời “qua nhà tôi uống trà” thì hẳn cũng không phải ngại ngần gì. Jūzaburō băng xéo con đường trước nhà, đứng trước cổng nhà Sugawaraya.
“Đó là đêm mùng 5 tháng Ba năm Meiwa1 3 (1766) âm lịch.” – Về sau được ghi chép lại như thế.
1 Minh Hòa: niên hiệu trong khoảng thời gian 1764 – 1772.
Trà kisen thủ công nhà Sugawaraya quả thật rất ngon. Uống cạn chén trà nhỏ rồi mà hương vị sau đó vẫn thật tuyệt. Mỗi lần uống cạn là ngay lập tức, Sugawaraya lại rót chén khác.
“Được rồi, chút ít thôi.”
“Không, được người ta uống trà mình làm ra là niềm vui của tôi mà.” “Vậy tôi không khách sáo.”
“Trà năm nay có năm loại. Vị khác nhau một chút.”
Jūzaburō lại uống cạn chén trà.
“Ồ, đúng là khác. Rất ngon. Yoshioka mà trồng được trà như vầy thì cũng là một niềm hãnh diện của phiên ta.”
Mặt Sugawaraya giãn ra.
“Tôi có một tâm niệm bí mật. Với anh thì tôi tiết lộ. Tôi đang định dâng trà này lên nhà kanpaku2 Kujō ở Kyōto.”
2 Quan bạch: tương đương quan nhiếp chính trong triều. “…”
Jūzaburō kinh ngạc. Con người này thật không tầm thường chút nào. Trà Mutsu bị xem thường cũng là vì nơi trồng là một vùng quê xa xôi kinh thành. Nếu vậy, gửi trà đến nhà quan tối cao chốn kinh thành để tạo uy danh là xong chuyện. Chắc chắn người này chỉ nghĩ ra phương pháp giải quyết vấn đề trong khoảnh khắc nhất thời. Thứ trí tuệ không nao núng trước thế lực của nhà kanpaku lừng danh thiên hạ mà dùng quyền uy đó bình phẩm về trà mình trồng. Phải nói là một cảm giác thích thú đến run người. Hay phải nói là đáng sợ nhỉ?
“Tôi nghĩ không đến mức không thể. Nhưng nếu chỉ có mong ước thôi thì biết bao giờ mới thành. Đời sống con người có hạn. Nếu cứ như vầy, Yoshioka sẽ bị bỏ mặc. Nếu không làm ra đặc sản gì thì không thể sinh sống ở đây. Gửi trà lên kinh để quảng bá ở xứ Mutsu này cũng có thể trồng được loại trà như thế này. Làm vậy cũng có lợi cho làng ta.”
Đúng vậy. Chỉ có mong ước thôi thì tương lai chẳng thay đổi gì cả. Toàn thân Jūzaburō như có một luồng điện chạy qua. Cảm giác đầu óc như chấn động. Chàng nghĩ đến suy nghĩ hạn hẹp, cứ mãi chần chừ của mình. Và chàng bắt đầu nói như vỡ đê.
“Thật ra, tôi đang nghĩ muốn làm gì đó, nên mới đến đây.” “Ồ!”
“Mấy năm gần đây, thiên hạ khốn cùng nhưng cái cách Yoshioka Sancho này suy sụp thật quá sức tồi tệ. Cứ cách năm là nhà trống tăng lên, muốn bán nhà cũng không có người mua. Mà có tiền cũng chẳng ai mua nhà ở Yoshioka. Tôi cứ nghĩ chuyện gì thế này. Anh nghĩ chuyện này là sao?”
“Thật vậy, tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng một khi đã nói vậy, hẳn anh Kokudaya đây đã có suy nghĩ của mình, nói cho tôi nghe được không?”
Tokuheiji cẩn thận dò hỏi. Có vẻ anh ta nghĩ chẳng may lỡ lời gì với bậc bề trên rồi bị hiểu lầm, mật báo lên thì phiền. Nếu vậy chỉ còn cách tự mình xông lên thôi. Chàng quyết định giãi bày.
“Vốn dĩ, làng này từ xưa, đất ruộng đã ít hơn so với số nông dân và ngựa. Có hai trăm hộ nhưng nông dân có ruộng rộng 1 kan (8 tan bu) chẳng có mấy người. Người chỉ có nhà mà không có ruộng lại nhiều. Đã vậy, ai cũng làm ăn buôn bán kiếm sống nhưng gần đây, tình hình khó khăn. Tháng họp chợ sáu lần mà lần nào cũng ế ẩm, chưa kể, mấy chuyện khác cũng u ám gì đâu!”
“Đúng vậy. Tôi cũng nghĩ anh Kokudaya đây nói đúng lắm. Nhưng không chỉ có vậy. Đất ruộng đã ít lại còn không được nhận trợ cấp tenma như các shukubakhác. Thế là gánh nặng tenma càng tăng lên. Đã vậy, lãnh chúa Sendai thu nhập không như ý, cho chặt cây
rừng gần đó đem bán, thế là cây gỗ cũng dần bị chặt hết. Lại nói vận chuyển những cây này nên trách nhiệm tenma càng không thể so sánh với ngày xưa, chẳng phải sao? Khốn khổ trong công việc tenma, người ta nghĩ có nhà ở Yoshioka là một thiệt thòi, chẳng còn người ở đây nữa, đó là những sự thật không thể chối cãi.”
Sugawaraya nói những điều đáng kinh ngạc. Jūzaburō nuốt nước bọt cái ực, nhìn quanh. Cửa lùa như thế, lỡ ai nghe thấy thì không hay chút nào. Chuyện đụng chạm đến bề trên mà. Sugawaraya nói rõ ràng lý do thật sự khiến shukuba khốn khổ. Đó là vì lãnh chúa.
“Vậy ta phải làm thế nào?”
“Về chuyện đó, trong lòng tôi có một ước nguyện lớn nhưng không tương xứng với thân phận của mình. Nếu làm được việc đó, nơi này sẽ được cứu. Nhưng nói gì thì nói, cần một thứ tiên quyết. Đó là tiền. Nhưng quả thật lực bất tòng tâm nên tôi giữ trong lòng bấy lâu.”
Jūzaburō đột nhiên chồm người lên. “Cần bao nhiêu để cứu nơi này?” “Một ngàn bốn, năm trăm ryō.” Sugawaraya buông gọn lỏn.
Jūzaburō thật không tài nào hiểu được một ngàn bốn, năm trăm ryō thì làm thế nào để cứu shukuba này? Nhưng người như Sugawaraya đã nói thì hẳn có đối sách bí mật nào đó chứ không sai. Jūzaburō thật muốn biết đó là gì.
“Chỉ cần có số tiền đó thì sẽ có cách à?”
“Đúng vậy, có cách. Nhưng trước mắt phải có tiền. Vì là ước nguyện to lớn để đem lại hạnh phúc cho mọi người nên không thể trộm cắp, cướp giật được chứ thật sự tôi rất muốn có tiền.”
“Anh nói là ước nguyện to lớn để đem lại hạnh phúc cho mọi người, tức là mọi người trong shukuba sẽ được cứu đúng không? Nếu chỉ cần có số tiền đó mà đem lại sự giàu có cho shukuba này thì dù phải hi sinh thân này, tôi cũng sẵn sàng.
Cách đó là gì? Nhiều năm nay tôi đã nghĩ bụng không biết có cách nào để giải quyết chuyện này không. Anh hãy cho tôi biết cách đó là gì đi!”
Những lời nói đó được thốt ra từ miệng Jūzaburō một cách tự nhiên. Bản thân chàng cũng không biết tại sao mình lại hăm hở đến vậy
nhưng tóm lại, chàng đã hỏi suy nghĩ của Sugawaraya như thể cầu cạnh. Chỉ cần một ngàn bốn, năm trăm ryō là có thể cứu Yoshioka này. Jūzaburō đã chồm người lên vì lời nói của Tokuheiji. Đột nhiên, chàng cảm thấy như hào quang Phật tổ đang tỏa ra trước mặt.
“Không, không có gì ghê gớm đâu…”
Nói rồi, Sugawaraya bắt đầu nói về bí sách tái sinh Yoshioka. Một đối sách đủ gây ấn tượng cho Jūzaburō. “Không gì khác. Đó là bẩm tấu tạm gửi số tiền đó lên bề trên một thời gian, hàng năm chúng ta nhận lợi tức.”
Suy nghĩ của Sugawaraya thật đáng kinh ngạc. Nếu cứ như vầy, Yoshioka sẽ bị bề trên nghiền chết bằng những trọng trách.
Còn bây giờ ngược lại, đổi thành Yoshioka sẽ cho bề trên mượn một số tiền và hàng năm nhận lãi từ bề trên.
Nghĩa là, từ chỗ bị lấy tiền chuyển thành bên lấy tiền. Tức là không thể cứ bị phiên bóc lột như lâu nay nên Yoshioka sẽ bắt đầu cho phiên Sendai rộng lớn 620.000 koku vay tiền với tư cách một làng shukuba.
Nhưng, liệu đề nghị như vậy có được bề trên chấp nhận? Vẻ mặt Jūzaburō hiện lên nỗi bất an. Tokuheiji sắc sảo nói ngay.
“Chẳng phải bề trên tiền nong cũng đang không như ý sao? Tức là ngài không có tiền. Chúng ta tranh thủ những lúc bề trên cần tiền thật sự như khi Mạc phủ ra lệnh giúp đỡ hay trước khi lên Edo trình diện luân phiên, lúc đó mạn phép tâu lên nguyện vọng đó, chắc chắn người sẽ chịu nhận.”
“Thì ra là vậy.”
Có lẽ đúng vậy. Phiên Sendai không có tiền.
“Vả lại, từ năm ngoái, bề trên đã bắt đầu giúp đỡ các shukuba khác với lý do hợp lực. Ngoài lợi tức, có lẽ còn gia tăng ân huệ mà thêm
tiền nữa thì phải. Lợi tức mười phần trăm một năm, đúng với thị trường. Nếu cho bề trên mượn khoảng 1.000 ryō, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được khoảng 100 ryō tiền lời một năm. Và đem số này đi phát cho những nhà làm nhiệm vụ tenma ở shukuba thì về lâu dài, công việc ở shukuba cũng không bị đình trệ. Nếu không quyết chí làm thì sẽ có người chẳng còn cách nào để làm nhiệm vụ của bề trên giao cho mà gia nghiệp sụp đổ mất. Nếu số hộ trong shukuba giảm đi nữa thì việc những người còn lại bị đẩy xuống địa ngục nhiệm vụ là chuyện hiển hiện trước mắt. Thật không đành lòng. Tôi nghĩ bằng cách nào đó, chúng ta phải tập hợp được số tiền hơn 1.000 ryō để cứu shukuba Yoshioka này ra khỏi địa ngục. Thật lòng mà nói, tâm nguyện này không phải nhất thời tôi mới nghĩ ra mà đã từ lâu rồi, nó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi nhưng nó là chuyện quá sức tôi. Như tôi nói đấy, sức tôi thật không thể gom được số tiền đó. Tôi tiếc lắm nhưng đành chịu sống như vầy bao năm nay. Nhưng tôi nghĩ thế này. Có câu “có chí thì nên” mà. Không có việc gì mà ta không làm được.
Chỉ là vì nghĩ không thể nên không làm được thôi. Anh đã hỏi như vậy nên tôi cũng nghĩ kỹ rồi. Tôi muốn đời mình phải cứu được Yoshioka bằng kế hoạch này, dù có phải đổi cả mạng sống, tôi cũng muốn thực hiện tâm nguyện này.”
Sức mạnh khẩu khí của Sugawaraya thật không tầm thường. Jūzaburō biết Sugawaraya từ khi còn nhỏ. Chàng chưa từng thấy chàng trai thông minh, lại hiền lành từ lúc mới biết đi này có ánh mắt đáng kinh ngạc và cách nói chuyện hào khí như lần này. Vì vậy, như có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, toàn thân Jūzaburō sởn cả gai ốc.
“Đúng vậy rồi, Sugawaraya! Tôi rất ngạc nhiên khi biết anh có tâm nguyện như vậy. Nếu đã nói vậy, tôi cũng sẽ nói cho anh nghe. Thật ra, tôi cũng thấy chỉ mỗi Yoshioka chúng ta không được trợ cấp thì thật vô lý. Tôi cũng đã nghĩ liệu không có cách nào sao, tỉ như dâng tiền, khẩn cầu người rủ lòng từ bi mà cho chúng ta trợ cấp. Nhưng bao năm nay không lo nổi tiền, nên đành im lặng, giấu nó trong lòng.”
Sugawaraya ngạc nhiên ra mặt. Dâng tiền lên bề trên cầu xin lòng từ bi và cho bề trên mượn tiền để lấy lời đúng là khác nhau, nhưng chàng thật không ngờ trong Yoshioka này cũng có người có suy nghĩ giống mình. Jūzaburō nói với Sugawaraya, vẻ quyết chí.
Những lời này được ghi chép kỹ càng trong Kokuonki (Quốc Ân kí) lưu truyền tại Yoshioka.
“Đã vậy, một khi anh và tôi cùng chung tâm nguyện rồi thì mình hãy động viên tinh thần lẫn nhau đi. Hãy cùng nhau biến trái tim thành sắt đá, tuyệt đối không từ bỏ tâm nguyện này mà cùng nhau đồng tâm hiệp lực. Chúng ta cùng thề trước thần linh, Phật tổ sẽ hoàn thành nó. Nếu chúng ta biết chờ đợi, sẽ có con đường, chắc chắn cuối cùng sẽ đạt thành. Chỉ một hạt giống nhỏ không chịu chết ngạt trong lòng đất cũng tạo ra cả ngàn cành hoa cơ mà. Trước tiên, hai người chúng ta phải vững tin sẽ làm được việc này.”
“Đúng vậy, anh Kokudaya. Trước tiên chúng ta phải có lòng tin.”
Hai người họ đã ngộ ra. Trái tim con người là hạt giống. Là hạt giống mở ra tương lai rộng lớn vô cùng. Như một hạt giống biến thành rừng cây anh đào nở hoa, chỉ cần có trái tim là chắc chắn sẽ tạo được kỳ tích kinh ngạc. Ngày nay, không những không bảo vệ được dân, quan lại đang trở thành những con người đe dọa dân chúng. Phải bằng cách nào đó mà ra tay thôi.
Tuy vậy, Jūzaburō vẫn cảm thấy lo lắng.
“Cho daimyō mượn tiền, liệu số tiền đó có quay lại thật không?” Chàng lo lắng về điểm này. Nhưng câu trả lời của Sugawaraya rất rõ ràng.
“Gì chứ? Không phải cho bề trên mượn trực tiếp. Mà là bề trên sẽ chuyển cho daimojiya (đại văn tự ốc) và tiền sẽ luân chuyển ở đó.”
Daimojiya là kuramoto (tàng nguyên) của phiên Sendai. Chuyện đó thì Jūzaburō biết.
kuramoto vừa là ngân hàng của daimyō, chính là cho mượn tiền nhưng cũng là nơi vận hành tiền bạc của daimyō. Nhà Date dùng daimojiya này để lưu thông tiền bạc. Cũng nghe nói “về mặt tài chính, daimojiya hiểu rõ hơn quan nhân”.
Như Sugawaraya nói, nếu để daimojiya lưu thông tiền thì chắc chắn sẽ có lợi tức mười phần trăm một năm.
Không tự mình vận hành số tiền 1.000 ryō mà gửi cho daimojiya lưu thông như là tiền vốn của phiên để sinh lời chắc chắn.
Đây chính là suy nghĩ kỳ diệu của Sugawaraya. Chàng nghĩ anh ta sao giỏi nghĩ ra kế sách đó.
“Vốn dĩ, nếu ở Yoshioka nghèo nàn này có 1.000 ryō đi nữa cũng chẳng có chỗ để lưu thông sinh lời.” Sugawaraya nói.
Chính xác là như thế.
Có 1.000 ryō làm vốn trong tay, kiếm được 100 ryō mỗi năm. Yoshioka này không có thương nhân nào tài tình đến thế. Nhưng Sendai thì khác. Ở đó có nhiều võ gia, nhà buôn, và cũng có nhiều người sốt ruột muốn mượn tiền.
“Nhu cầu vốn” – thời đại này chưa có từ chuyên ngành kinh tế này. Nếu có đi nữa thì “nhu cầu vốn” sẽ là từ ngữ của giai cấp đặc quyền như samurai, quý tộc, thương nhân. Giới samurai tiêu thụ bốn mươi phần trăm tổng sản lượng gạo. Nhu cầu vốn của giới samurai không nhỏ. Hay như các thương gia Sendai kinh doanh gạo phát lương, rượu, nước tương cũng có nhu cầu vốn lớn. Thời Edo, những người nắm giữ ngành vận tải, sản xuất rượu, người hoạt động tài chính với giới võ sĩ đều giàu có và có nhu cầu về vốn.
Ở đâu cũng vậy, kuramoto đều huy động vốn với lãi suất năm là mười phần trăm và cho võ gia vay với lãi suất gần hai mươi phần trăm mỗi năm. Họ lời gần mười phần trăm nên thấy như “gà đẻ trứng vàng” nhưng “không phải ai cũng có thể cho giới võ gia vay tiền” là chuyện bình thường vào thời đại này. Chưa kể, võ gia lại
không trả tiền vay mượn ngay. Hình thức vay mượn cũng khó khăn. Đất đai, nhà cửa của samurai đều do lãnh chúa ban phát, không được bán nên không thể thế chấp. Cũng không có trường hợp thương nhân nào tịch thu đất của phiên sĩ không trả được nợ rồi lên làm phiên sĩ cả. Để cho võ gia mượn tiền, cần có thuật nắm được phần gạo lương của võ gia. Ngày thường, phải kết nối với người làm ở kuramoto của phiên, lựa thời cơ, trước khi gạo lương được vận chuyển đến nhà của samurai thì thu lại phần đã cho vay. Chỉ có những người nắm được đường đi nước bước đó mới có thể cho võ gia vay tiền.
Sugawaraya định xây dựng một cơ chế để cho kuramoto lưu thông tiền và Yoshioka sẽ thu tiền từ giới võ gia Sendai. “Tức là người nông dân chúng ta sẽ lấy lại phần lương đã bị lấy đi từ giới samurai.”
Có thể nói trong đầu Sugawaraya là kế hoạch xây dựng cơ chế tiền trợ cấp từ bên trên chảy xuống làng Yoshioka quê mùa, nghèo nàn. Jūzaburō không nén nổi vui mừng trước mưu trí đáng sợ đó.
Tuy nhiên, Sugawaraya vẫn còn trẻ. Thình lình Jūzaburō cảm thấy bất an trước kế hoạch quá hoàn hảo đó. Mặc dù nghĩ rằng hơi dư thừa nhưng chàng vẫn cảnh báo: “Anh Sugawaraya này, tôi nhiều chuyện một chút. Chuyện này chỉ có tôi và anh biết thôi đấy nhé. Xin
lỗi chứ nếu anh nói với người khác thì sẽ bị cười vào mặt đấy.” “Đúng là vậy. Có bị nói vậy cũng chịu.”
Sugawaraya bật cười. Đêm đó, hai người cùng nhau cười nói vui vẻ và chào tạm biệt với tinh thần sảng khoái.
Sự thay đổi, trước tiên, xuất hiện thật nhỏ nhoi trong đầu ai đó. Thoạt đầu nó biến mất như những bọt tuyết mùa xuân, sau đó lớn lên đến mức gây ngạc nhiên, thay đổi toàn thể. Nếu điều đó là bóng dáng thường xuyên của lịch sử thì có thể gọi cuộc trò chuyện của hai người đêm ấy là sự thay đổi.
Có thể đó là một suy nghĩ vĩ đại.
“Nếu cứ như vầy, tiền công hàng năm cứ bị cắt xén bớt mà thôi. Chúng ta sẽ bị các samurai bóc lột đến tận xương tủy. Ngược lại mới đúng, thường dân chúng ta phải lấy tiền từ bề trên.”
Trong cái đêm đáng ghi nhớ, ngày 5 tháng Ba năm Meiwa 3 đó, Kokudaya Jūzaburō và Sugawaraya Tokuheiji đã nói với nhau như thế.
Họ âm thầm chiêu mộ những người cùng chí hướng, gom góp số tiền 1.000 ryō để cho lãnh chúa phiên Sendai 620.000 koku mượn, hàng năm thu lợi tức 100ryō để phát cho dân làng. Và như vậy, Yoshioka sẽ được cứu thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Tức là không gì khác ngoài việc “dân làng Yoshioka cho lãnh chúa mượn tiền và thu lại tiền từ lãnh chúa”.
Có thể nói, đương thời, đây là một tư tưởng nguy hiểm và nếu dân làng không quan tâm đến câu chuyện này thì xem như thất bại.
Vì vậy, Jūzaburō tiến hành kế hoạch này một cách thận trọng như đang đi trên lớp nước đá mỏng tang.
Vào thời Edo, bè đảng bị ghét như rắn độc. Nếu không được phép của bề trên mà ba người trở lên tụ họp lại nói chuyện chính trị thì sẽ bị xem là đồ đảng, tương đương hành vi mưu phản.
Nền hòa bình ba trăm năm của Tokugawa có được là do từ daimyō đến dân chúng đều dưới quyền cai trị của tướng quân và cả việc kết nối nhau lên kế hoạch làm gì cũng bị cấm triệt để. Thời Edo, từ “đảng” có âm hưởng gần như ác sự.
Ba trăm năm, những người dân đã được cai trị không được kết bè kết đảng, nay bước vào thời Meiji1, họ không thể nào lý giải nổi nền chính trị với đảng chính thống cũng là chuyện đương nhiên. Và điều đó đã khiến nền chính trị của đất nước này tơi tả đến tận sau này.
1 Minh Trị: niên hiệu trong khoảng thời gian 1868 – 1912. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra công cuộc Meiji Ishin (Minh Trị Duy tân).
Tóm lại, với người Edo, một đoàn thể kết nối chỉ là “ngôi làng” họ sinh ra, hay nếu không phải vậy thì là “buổi giảng đạo” cúng bái thần Phật mà thôi.
Lên kế hoạch liên quan đến chính trị, tập hợp mọi người này nọ sẽ là những hành vi tương đương mưu phản hay khởi nghĩa, điều đó nguy hiểm không sao đo lường được.
Jūzaburō biết điều đó. Nhưng chàng không thể điềm tĩnh được như Tokuheiji.
“Anh Jūzaburō, tôi biết anh rất nóng lòng, dù chỉ một khắc cũng muốn sớm đưa thỉnh nguyện cho mượn tiền lên bề trên để cứu Yoshioka nhưng phải chọn thời điểm thích hợp…”
Khi bị nhà thông thái Tokuheiji nhắc nhở như vậy, chàng đã bực tức thật sự. Nghĩ lại, từ khi được nghe Tokuheiji nói về kế hoạch này, đã gần nửa năm trôi qua. Bấy lâu, họ đã nhiều lần tổ chức họp bàn chỉ
hai người với nhau nhưng vì thấy không tiến triển gì nếu cứ như vậy mãi, chàng giục Tokuheiji.
“Anh Sugawaraya này, vậy tôi hỏi anh. Tóm lại khi nào thì cái thời điểm thích hợp đó đến?”
“Đó là khi bề trên thiếu tiền chứ gì nữa.”
“Nếu vậy, chẳng phải ngay bây giờ cũng được sao? Nếu là lãnh chúa Sendai thì lúc nào chẳng thiếu tiền.”
“Không, nếu vậy thì không đúng. daimyō thoạt nhìn tưởng thiếu tiền nhưng thật sự không khó khăn gì. Anh thử nghĩ xem. Không có daimyō nào bị sụp đổ vì tiền nợ cả. Thứ đáng sợ nhất đối với các daimyō là khi bị Mạc phủ ra lệnh làm nhiệm vụ bất thình lình, không kịp có kế hoạch điều động tiền và không hoàn thành nhiệm vụ.”
“Đúng là nếu không hoàn thành nhiệm vụ Mạc phủ giao phó thì sự nghiệp daimyō cũng tan tành. Và chịu ô nhục với toàn thiên hạ.”
“Đúng vậy. Nói có hơi trắng trợn chứ ở đó có kẽ hở để chúng ta chen vào. Bây giờ anh cứ quan sát. Sẽ đến lúc lãnh chúa Sendai nhận lệnh tướng quân mà rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho xem. Đó là lúc chúng ta hành động.”
Jūzaburō chỉ biết nghĩ bụng “thì ra là vậy”.
Những lúc bình thường, có nói gì với phiên cũng vô ích. Nhưng khi phiên bị Mạc phủ dồn ép quá sức, phiên chủ sẽ gặp khó khăn vì thiếu tiền thì nhân cơ hội đó mà tâu lên: “Mạn phép bề trên, đây là số tiền 1.000 ryō làng Yoshioka gom góp được. Chúng dân cho ngài mượn, chỉ xin lấy tiền lãi 100 ryō mỗi năm.” Lúc đó, chắc chắn phiên chủ chỉ còn cách chấp nhận.
“Chẳng phải có câu “người sắp chết đuối cả cọng rơm cũng chụp” sao? daimyō cũng vậy thôi.”
Tokuheiji nói vậy rồi cười.
Cơ hội đó đã đến sớm thật bất ngờ. Không, phải nói là quá sớm. Tháng Tám năm Meiwa 3 (1766). Khắp Yoshioka rộ lên một lời đồn.
Mạc phủ có lệnh cho lãnh chúa Sendai giúp đỡ công trình xây dựng sông ngòi vùng Kantō1. Và trách nhiệm của phiên Sendai được giao cho bách tính trong phiên. Đương nhiên, dân chúng lấy làm bất mãn. Nhưng với Jūzaburō, cơ hội tuyệt hảo chờ đợi bấy lâu đã đến. Chàng không thể đè nén sự phấn khích đang trỗi dậy, vội vã chạy đến nhà Sugawaraya. Chàng muốn báo tin tốt lành này càng sớm càng tốt.
1 Quan Đông: chỉ các địa phương phía Đông Nhật Bản, bao gồm cả Edo (Tōkyō ngày nay).
“Anh Sugawaraya, cuối cùng rồi nó cũng đến. Đã có lệnh cho lãnh chúa đi giúp xây dựng.”
Nhưng thật bất ngờ, mặt Sugawaraya bỗng u ám.
“Không, rắc rối rồi. Thật không ngờ cơ hội lại đến sớm quá. Ngay bây giờ làm sao hai người chúng ta xoay cho được số tiền lớn chứ.”
“Đúng là vậy, nhưng dù gì cũng là cơ hội nên…”
“Anh Jūzaburō, để phiên chấp nhận đề nghị này mà cứu Yoshioka thì số tiền nhỏ là không thể nào. Ít nhất phải có 1.000 ryō, nếu không chẳng thể làm gì hơn. Ngay bây giờ, liệu chúng ta có được số tiền đó không?”
“Nhưng, nếu chúng ta tập hợp mọi người…”
“Đúng, phải gia tăng số người cùng chí hướng. Nhưng những chuyện như thế này, phải thận trọng, không thì gặp rắc rối to đấy.”
Đúng là vậy. Bây giờ phiên đang ép buộc nhiệm vụ xuống cho người dân trong phiên. Phiên rất lo sợ bất mãn của người dân sẽ bộc phát nên rất cảnh giác với việc tụ tập, khởi nghĩa. Nếu bây giờ làm gì không khéo mà bị mật báo lên trên thì phải chịu cảnh lao tù. Và như vậy, sẽ mất cả chì lẫn chài.
“Bây giờ tôi không nghĩ ra được cách gì ngoài việc cầu khấn thần Phật.”
Một khi người như Sugawaraya đã nói vậy, Jūzaburō chẳng thể làm gì khác.
Từ hôm đó, Jūzaburō quyết định. Trước tiên, chàng quyết không đi tắm. Làng Yoshioka có nhà tắm công cộng, chàng đã từng rất thích ngâm ở đó cho toát mồ hôi vào những ngày nóng nực. Nhưng nay
chàng không làm vậy mà chuyển sang mizugori1. Sugawaraya cũng làm vậy nên chàng rất vui.
1 Tắm nước lạnh để thanh tẩy khi khẩn cầu thần Phật điều gì đó. Còn gọi là “hành thủy”.
Trong Kokuonki có viết thế này:
“Cuối cùng, họ không đi tắm ở nhà tắm công cộng quen thuộc. Sáng chiều, họ hành thủy tuyệt thực, cầu nguyện.”
Cứ như thế, họ cắt giảm tiền đi nhà tắm công cộng, lại tuyệt thực, bắt đầu để dành tiền.
“Họ đang cầu nguyện gì vậy nhỉ?” – Những người xung quanh bắt đầu thắc mắc. Nếu thanh tẩy mizugori thì hẳn có sự tình gì mới cầu nguyện – họ nghĩ vậy cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng hai người đàn ông ấy không thể thổ lộ đang định làm một việc vô cùng to tát với đối phương là bề trên. Họ chỉ biết im lặng, tiếp tục niệm Phật khấn thần. Sau này, việc đó tạo ra một tác dụng bất ngờ nhưng cho đến lúc này, họ chẳng nghĩ gì, chỉ chuyên tâm hành thủy, cầu khấn thần linh, chư Phật.
Nhưng đã xảy ra một chuyện phiền toái.
“Kokudaya Jūzaburō với Sugawaraya Tokuheiji không giỡn chơi được đâu. Ngày nào cũng tắm nước lạnh, chuyên tâm cầu khấn như thế thì đổ bệnh mất.” Tiếng đồn lan khắp shukuba, khiến mọi người trở nên nghi hoặc.
Sugawaraya quả thật nhạy bén. Chàng nói: “Nếu kế hoạch bại lộ thì thật không hay. Thay vì vậy, có lẽ nên bàn bạc với ngài Chisaka.” Và đó là một quyết định trọng đại.
Ngài Chisaka tức là nhà Chisaka, quan ōkimoiri (đại can tiên) quản lý quận Kurokawa ở Yoshioka.
Ở phiên khác, ōkimoiri được gọi là ōjōya (đại trang ốc), người có chức tước cao nhất làng được chọn ra từ bách tính. Nhà Chisaka đã nhiều đời phụ trách chức quan ōkimoiri này ở Yoshioka, nay do Chisaka Chūnai, một thanh niên mới ba mươi tuổi nắm giữ. Nhân tiện, nhắc lại là ở phiên Sendai, shōya (trang ốc) hay myōshu (danh chủ) đều được gọi là kimoiri (can tiên).
Trong số dân làng, ōkimoiri là người có vị trí gần với bề trên nhất. Có thể nói đó là thủ hạ của bề trên. Nay Sugawaraya nói “trình bày
tất cả về kế hoạch này” cho một người hoàn toàn xa cách như thế. “Thật không đây?” – Chàng đã nghĩ vậy, nhưng:
“Anh Kokudaya này, anh thử nghĩ kỹ xem, nếu không nói cho ōkimoiri nghe, liệu tâm nguyện to lớn này có thành hiện thực không?”
Đúng là vậy. Đúng như Sugawaraya nói, nếu ōkimoiri không chấp nhận, kế hoạch này không thể tiến được bước nào cả. Chàng hiểu điều đó.
Chính ōkimoiri mới là chỗ quan trọng trong hành chính, là nơi kết nối duy nhất với phiên. Khi không thông qua ōkimoiri, gọi là otsuso (việt tố). Tức qua mặtōkimoiri mà bẩm báo trực tiếp với lãnh chúa và quan lại trong phiên thì có thể là trọng tội, thậm chí là tội chết. Nếu không theo đúng trình tự, ước muốn sẽ không thành, vì vậy trước tiên phải qua được cửa ải ōkimoiri mới có thể tiến lên phía trước, đó là điều quá rõ ràng. Okimoiri quan trọng như vậy đấy.
Sự kỳ quặc trong chính quyền võ sĩ thời Tokugawa là chính trị dân sự hầu như phó thác cho người dân trong phiên. Với ý nghĩa đó, có thể nói thời Tokugawa là thời đại “tự trị” lạ lùng. Nhà daimyō (phiên) vốn thuộc quân đội, không phải là tổ chức dành cho chính trị dân sự. Tuy cũng có cách cai trị trực tiếp bằng cách gửi võ sĩ đến các vùng nông thôn làm shōya nhưng, nếu quan sát các phiên như Satsuma sẽ thấy phương pháp đó không được áp dụng. Nếu làm như thế, người ta dự đoán bách tính sẽ chống đối. Với chính quyền võ sĩ, chỉ cần nộp thuế cho họ là đủ. Đó là phong cách của đất nước này, trước hết là của thời Tokugawa. Hình thức thỏa hiệp được hình thành giữa hai bên chính quyền võ sĩ và nông dân là hai chế độ f (thôn thỉnh) và shōya (trang ốc). Đó là chế độ chọn người trong làng có thế lực, đảm nhiệm chức shōya, chịu trách nhiệm thu thuế và công việc hành chính theo đơn vị làng. Dưới chế độ này, trên shōya còn có ōjōya với khoảng mười mấy làng, nên ōkimoiri trở thành người có quyền lực lớn nhất trong thôn làng ở ōjōya và phiên Sendai.
Trên ōkimoiri có chức quan kōribugyō (quận bổng hành) và daikan (đại quan) do võ sĩ đảm nhiệm nhưng công việc thực tế thì ōkimoiri và kimoiri xử lý tất cả mọi việc.
“Hãy điều tra dân số trong vùng” – nếu có lệnh như vậy thì người làm sổ hộ tịch và đếm nhân khẩu chính là ōkimoiri và kimoiri. kōribugyō và daikan chẳng chút động đậy, chỉ việc ngồi trên cao chờ nghe báo cáo.
Tất cả hành chính dân sự của quận Kurokawa ở Yoshioka cũng do Chisaka Chūnai là ōkimoiri phụ trách. Do đó, rõ ràng là trường hợp nhóm Jūzaburō có muốn làm gì đó, nếu ngài Chisaka không đồng ý thì chẳng thể tiến hành.
Ở Yoshioka, người ta nói “không có ai tử tế bằng ngài Chisaka”. Vì sự tử tế đó mà khi có thiên tai, nhà Chisaka suýt chút phá sản. Người ta gọi “nhà Chisaka mua thuốc” có nghĩa nhà này thường mua thuốc phát cho người bệnh nghèo khó. Cha của Chisaka thời trẻ là một người nổi tiếng nốc rượu như hũ chìm. Bà mẹ tức giận mắng: “Người nghèo không có tiền mua rượu. Còn con thì chỉ biết uống rượu mà thôi.” Thế là, kỳ lạ thay, người con thay đổi hẳn, bỏ rượu mà lạ lùng nữa là bắt đầu mua thuốc phát cho dân nghèo. Nhà nào không có tiền làm đám tang, anh ta cũng chi trả cho, người nghèo không có tiền làm đám cưới, anh ta cũng cho không. Cuối cùng, khi làng khốn khổ vì hạn hán, anh ta trút hết gia sản để đào kênh, dẫn nước khiến gia cảnh rơi vào nghèo khó, suýt bị bãi chứcōkimoiri. Nhưng dân làng không quên ơn anh ta.
“Ngài Chisaka mà không làm ōkimoiri nữa thì chúng tôi sẽ vất vả lắm.” Họ đóng góp mỗi nhà chút ít tiền, thu xếp trả các khoản nợ của nhà Chisaka. Nay đã đến đời con, cháu nhưng đương nhiên, nhà Chisaka vẫn được dân làng kính trọng hết mực.
Chisaka Chūnai bây giờ cũng được biết là người nhân đức. Trong Yoshioka, ai cũng biết rõ chuyện dạo gần đây, sức khỏe người cha già có phần sút kém, không còn minh mẫn, hay đi lang thang thơ thẩn khiến cả nhà rất vất vả nhưng hai vợ chồng không phó mặc cho người làm mà tự tay chăm sóc.
“Ngài Chisaka bận việc công, không thể thường xuyên theo bên người cha già hay đi lang thang nên phải cho người hầu đi theo. Nhưng đến chiều, nếu cha chưa về đến là ngài lo lắng ra đến tận cửa để chờ. Nếu guốc dép cha bẩn, ngài tự tay lau cho sạch.”
Chuyện này, trong làng Yoshioka, không ai không biết. Cả Jūzaburō và Tokuheiji đều nghĩ nếu là ōkimoiri bình thường, họ sẽ không bàn bạc nhưng với Chisaka Chūnai thì họ mạnh dạn nghĩ “chúng ta nói chuyện thử xem sao”.
Lối ra vào nhà ōkimoiri quả thật khác biệt. Để tránh con mắt dòm ngó của mọi người, một tối, hai người họ tìm đến nhà Chisaka Chūnai và thổ lộ tất cả về kế hoạch cứu làng Yoshioka.
Trong bóng tối, Chūnai tuyệt đối giữ im lặng, lắng nghe. Trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn lồng, Tokuheiji trình bày chi tiết về kế hoạch, không nghỉ. Sau khi chàng nói xong, bầu không khí tĩnh lặng bao trùm cả ba người kéo dài một cách đáng sợ.
Cả Jūzaburō và Tokuheiji nín thở chờ lời nói sẽ được phát ra từ con người đầy quyền uy ngồi trước mặt. Nhưng Chūnai không nói lời nào dù đã được cho nghe một chuyện trọng đại.
Vào đúng khoảnh khắc họ vừa nghĩ “thôi xong!” thì Chūnai mấp máy cặp môi dày. Nhìn kỹ, nước mắt đang trào ra từ hai khóe mắt Chūnai.
“Dạo gần đây, có rất nhiều người tìm đến ta nhờ cậy. Nhưng hết thảy đều là những người đến vì lợi ích của riêng mình. Người hứa dâng lên số tiền lớn thì đại khái, thay vào đó là muốn được lên cấp bậc võ sĩ, thay đổi thân phận. Nghe hai người nói sẽ dâng số tiền lớn lên bề trên, thoạt đầu ta đã nghĩ cũng lại là những chuyện như vậy nhưng nghe kỹ mới thấy khác biệt một trời một vực. Hóa ra hôm nay hai người đến đây vì nghĩ đến những người không thể sinh sống ở Yoshioka này và mong muốn làm gì đó cho họ. Ước nguyện của hai người, Chisaka Chūnai này rất hiểu. Liệu có việc nào tốt đẹp hơn việc này không? Vì vậy, ta muốn nhờ hai người một việc. Kể từ
đêm nay, hãy thêm ta vào số người cùng chí hướng cho kế hoạch này, có được không?”
Chūnai nói, toàn thân run lên vì xúc động. Và như thế, số người cùng chí hướng trong kế hoạch cứu Yoshioka tăng thành ba người.
Việc ōkimoiri Chisaka Chūnai tham gia có ý nghĩa rất lớn. Đến gần con dốc thứ năm mươi của cuộc đời, Jūzaburō mới hiểu ōkimoiri gánh vác vai trò to lớn như thế nào.
“Phiên Sendai, mọi việc trong quận đều giao cho ōkimoiri” – việc này được cả các phiên lân cận biết đến rộng rãi.
Phiên Sendai quá rộng lớn. Có đến mười hai quận. Việc cai quản không thể nào sâu sát được. Như nhiều phiên thời Edo, từ đầu, phiên Sendai cũng không dùng phương pháp cai trị trực tiếp bằng bàn tay võ sĩ mà giao việc các địa phương cho ōkimoiri.
Đáng ngạc nhiên là cho đến thời kỳ cuối Mạc phủ, nhà Date phiên Sendai cũng chỉ có bốn quan kōribugyō. Thay vào đó, có khoảng ba mươi daikan, mỗi quận có một, hai daikan chịu trách nhiệm hành chính nhưng thực tế, vận hành mọi việc là ōkimoiri. Trước tiên, nếu không thuyết phục được vị trí quan trọng này thì kế hoạch không thể tiến hành là một sự thật rõ ràng. Và Jūzaburō, Tokuheiji đã thành công.
Nhưng điều này cũng chỉ như mới đi được một phần mười đoạn đường lên đỉnh núi, không hơn không kém.
Jūzaburō từng thử hỏi Sugawaraya:
“Anh nói chúng ta cho phiên mượn 1.000 ryō để lấy lãi, phục hưng Yoshioka này. Nhưng nếu định làm một việc quy mô như vậy, liệu có cần xin phép ai đó không? Lẽ nào có chuyện xin phép trực tiếp lãnh chúa?”
“Đúng vậy. Không cần sự đồng ý từ trước của lãnh chúa. Ở nhà Date, có sáu bugyō lo chính sự. Chỉ cần xin được phép của nhóm
bugyō này.”
“Phải cần xin phép những sáu vị bugyō, anh định làm thế nào?”
“Không, nói sáu người nhưng thật ra chỉ một người thôi. Nhà võ gia vốn không muốn dính dáng đến việc dân chính. Họ thích mấy việc liên quan đến võ bị, thiền viện, chùa chiền hơn. Cho nên những chuyện tính toán tiền bạc, hay công việc liên quan đến địa phương được xem là ti tiện, thấp kém nên chỉ có một bugyō gọi là zaiyō kata-torikiri (tài dụng phương thủ thiết) lo thôi.”
“Ồ, vậy vị bugyō gọi là zaiyō-kata-torikiri đó sẽ là người quyết định có chấp nhận nguyện vọng của chúng ta hay không?”
“Không, không phải vậy.” “…”
“Bugyō có địa vị quá cao, nghe đâu còn không tự mình đi chợ nữa cơ mà. Cho nên còn có một người phụ trách công việc thực sự gọi là shutsunyū zukasa (xuất nhập ti) sẽ quyết định.”
“shutsunyū zukasa oai lắm à?”
“Oai. Trên ōkimoiri Chisaka là ngài daikan, trên đó có kōribugyō, rồi trên nữa là shutsunyū zukasa và các ngài bugyō. Những tiện dân thấp kém như chúng ta không thể đến gần được. shutsunyū zukasa là ngài Kayaba Moku.”
“Vậy ai mới có thể đến gần shutsunyū zukasa được?”
“Ưm, cả ngài Chisaka cũng không mong được diện kiến. Người có thể gặp chỉ là daikan.”
Jūzaburō thấy sao mà xa xôi, diệu vợi. Bọn họ còn chưa có cách gom được 1.000 ryō. Giả sử có gom được 1.000 ryō đi nữa, nào thương lượng với quan trên cầm số tiền này để xây dựng chế độ đặc biệt cấp lãi cho Yoshioka này nọ, còn quá cả mơ. Cho dù là một
kế hoạch vì người trong thiên hạ, cho dù đã vứt bỏ lợi ích, tham vọng riêng tư bao nhiêu đi nữa, nhưng các quan lại bề trên trong
phiên vốn rất ghét những gì chưa có tiền lệ. Trước mặt làng Yoshika là dãy núi bảy cánh rừng đen thẫm. Và việc họ lôi kéo quan lại trong phiên tham gia kế hoạch khó như đào đường xuyên dãy núi đó vậy.
Cả Jūzaburō cũng chẳng dám nói cho con cái trong nhà về kế hoạch này. Người con trai tên Otoemon. Chàng có chút khoảng cách với con trai, chưa lần nào trút hết ruột gan nói chuyện với nhau. Otoemon không phải là con ruột của Jūzaburō. Otoemon là yashinai-katoku (dưỡng gia đốc) vốn đang thịnh hành trong giới thương gia lúc bấy giờ. Nói đơn giản là con nuôi để kế nghiệp kinh doanh nên mới đến với nhà Kokudaya mà thôi. Tính tình siêng năng, đầu óc thông minh nhưng chỉ trò chuyện về công việc với Jūzaburō, nghĩ lại, giữa họ chưa từng nói chuyện gì cho ra chuyện. Cũng không phải là bất hòa hay không hợp gì. Cho đến nay, mối quan hệ của hai người chỉ là cùng nhau chu toàn công việc, không nói những chuyện không cần thiết.
Kokudaya có họ là Takahira. Không phải là họ được phiên chính thức công nhận, mà chỉ xưng với nhau như “họ ẩn” nên không được điền vào giấy tờ việc công, chỉ ký tên “Takahira Otoemon” như samurai. Ở Yoshioka, nhà buôn bán chút đỉnh, ai cũng có “họ ẩn” như thế. Thời trẻ, Jūzaburō cũng vào nhà Kokudaya – Takahira – với tư cách yashinai-katoku. Nghĩ lại thì thân phận chẳng khác nào Otoemon.
Hàng ngày, Jūzaburō cùng Otoemon – người con không cùng chung dòng máu, đứng cạnh nhau trước bài vị của tổ tiên để thắp hương, cùng nhau chắp tay cầu nguyện cho sự an bình của nhà Kokudaya.
Nay, việc Jūzaburō định làm là một việc không tưởng, nếu nghĩ trên phương diện nhà Kokudaya. Đó là hành vi đừng nói là đem lại an bình cho gia tộc mà còn có thể nguy hại đến tính mạng. Nếu thành công, có thể Yoshioka sẽ phục hồi, nhưng Kokudaya sẽ phá sản nếu làm không tốt. Một Otoemon chăm chỉ làm việc thế này sẽ nghĩ gì khi biết chuyện này? Cứ nghĩ đến là Jūzaburō không sao an lòng. Nhưng nếu không xây nền móng dưới chân cho vững chắc, kế hoạch này không thể tiến triển.
Một ngày tháng Năm năm Meiwa 5 (1768), Jūzaburō thình lình gọi Otoemon.
“Otoemon! Bây giờ ta chuẩn bị đi gặp ngài Jūbei, con đi chung với ta.”
“Có chuyện gì không ạ?” “Đi rồi biết. Mau đến đây.”
Otoemon chỉ còn cách đi theo. Ngài Jūbei là Jūbei nhà Kokudaya, cùng là đồng tộc gầy dựng thương hiệu. Khi vào đến nhà Kokudaya Jūbei cùng người con trai Otoemon, Jūzaburō bắt đầu nói như tuôn trào bao điều chất chứa bấy lâu. Chàng vội vàng kể về kế hoạch cùng với Sugawaraya định gom góp 1.000 ryō để cho phiên mượn lấy lãi, việc được cả ōkimoiri đồng tâm, nhưng tiền chưa lo đủ, chàng đang cố gắng hết mình với tinh thần hi sinh cả gia nghiệp Kokudaya.
Jūbei im lặng lắng nghe. Otoemon cũng lặng thinh. Tuy là chuyện không tưởng nhưng cũng có thể là sự mạnh mẽ của con người có chính khí. Khuôn mặt Jūzaburō đang ra sức trình bày không gợn chút phân vân, lưỡng lự mà lại có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Hai người họ im lặng lắng nghe câu chuyện có thể khiến số phận của họ thay đổi, nhuộm trong tro xám.
Và khi Jūzaburō kết thúc toàn bộ câu chuyện, thêm vào đó, một sự việc không thể nào tin được đã xảy ra. Jūbei lên tiếng: “Anh Jūzaburō, anh thật đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ nguyện vọng đó thật không thể nào. Nhưng người ta có nói muốn là được mà phải không? Cứ làm thử đi. Tôi nghĩ thần Phật sẽ phù hộ cho những việc làm tốt đẹp. Các anh không đến nhà tắm công cộng nữa mà mizugori là vì chuyện này đúng không?
Quyết không bỏ cuộc, không nản chí mà chờ thời cơ. Hãy cho ta cùng tham gia với các anh có được không?”
Jūzaburō bật khóc nức nở, nắm tay Jūbei siết chặt. Sau đó, quay sang Otoemon nói với thái độ cực kỳ nghiêm trọng: “Ta đã gần năm mươi. Khó có thể đạt được chí nguyện này khi còn sống. Nếu ta
chết mà việc chưa thành, con hãy thay ta cùng đồng tâm hiệp lực với mọi người để hoàn thành đại nguyện này. Cho dù thân ta chết đi, dù phân hủy hay tan rã thì linh hồn ta sẽ luôn bên con, nhất định đạt thành tâm nguyện.”
“Lần đầu tiên con được nghe tâm sự của cha. Cha đã lao tâm khổ tứ như thế. Thật là một ý chí đáng ngưỡng mộ. Việc cha nói, không đợi sau khi cha mất đi mà bây giờ khi cha còn sống, con sẽ không chút lơ là.”
Nào ngờ Otoemon cũng nói như thế, bắt đầu dốc lòng cho kế hoạch này còn hơn cả Jūzaburō.
Mối quan hệ cha con xa cách lâu nay bây giờ được gắn kết chặt chẽ như cha con thật sự, mà không, còn hơn thế. Người trong nhà và hàng xóm lân cận không biết chuyện đó nên khi thấy sự thay đổi rõ rệt giữa hai người họ đều lấy làm thắc mắc: “Nhà Kokudaya có chuyện gì ấy nhỉ?”
Jūzaburō và Tokuheiji bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn thiện nền móng để hoàn thành “kế hoạch”.
Như đã nói, ở phiên Sendai, người ta gọi shōya là kimoiri. Dân số Nhật Bản thời Edo khoảng ba mươi triệu người, với sáu triệu hộ dân. Cả nước Nhật có khoảng 50.000 ngôi làng, bình thường có một shōya, hơn nữa, có trường hợp một làng nhiều lãnh chủ, hay ở những làng lớn thì có vài shōya. Nếu tính cả gia đình shōya thì trên dưới 500.000 shōya, tức trong số bách tính, cứ chừng 50 người là có 1 người là shōya.
Gia đình samurai khoảng một triệu rưỡi người, nhiều hơn hẳn shōya. Nhưng những võ sĩ này thời bình chẳng giúp ích được gì. Chiến đấu là nhiệm vụ chính củasamurai nên người phụ trách hành chính trong dân chúng ít ỏi, dân chúng cả nước Nhật do 500.000 shōya chăm lo. Với ý nghĩa đó, rõ ràng, các shōya là người cai quản đất nước này. shōya (kimoiri) có trọng trách như vậy đấy. Chưa kể, về điểm “tri thức” thì shōya là báu vật của đất nước này.
Cuối thời Mạc phủ, khi Nhật Bản như bừng tỉnh thì người “có học” rất ít. Người có học có nghĩa gần như là người có thể đọc viết Hán văn, viết ra suy nghĩ của mình thành câu cú, nhưng dân số có thể làm được chuyện này lại ít không ngờ.
Samurai chừng một triệu rưỡi người, shōya chừng 500.000 người, ngoài ra thêm vào chưa đến mười phần trăm số thần quan, tăng lữ là số dân biết đọc biết viết cao quý đi nữa thì tóm lại, 500.000 shōya ở các vùng quê, nông thôn chính là người tổ chức văn hóa. Đối với bách tính trong làng, shōya là quan lại hành chính, là thầy, là người có văn hóa, thậm chí là cơ quan truyền thông loan báo các thông tin trong xã hội. Nếu không có “những người tri thức” này cắm rễ ở các vùng đất thì sẽ không giữ được quốc gia.
500.000 shōya – nếu những con người này không có tri thức, chắc chắn đất nước này sẽ bi thảm biết dường nào.
Tóm lại, kimoiri là một trọng trách nặng nề. Việc chính sự là do ōkimoiri Chisaka nhưng gì thì gì phải lôi kéo được kimoiri trong làng về cùng phe thì kế hoạch của nhóm Jūzaburō mới có thể tiến lên trước được.
“Cũng sắp đến lúc phải trình bày với kimoiri Ikuemon. Chúng ta đã đến chỗ ngài kimoiri Chisaka trước, vậy không biết nói sao với ngài ấy đây?”
Khi Jūzaburō hỏi như vậy, Sugawaraya trả lời: “Gì chứ? Không cần lo lắng đâu. kimoiri đó là người đàn ông khẳng khái. Chỉ cần ngài ōkimoiri chấp nhận, thì sẽ theo thôi. Nếu cùng mọi người thì chuyện gì cũng làm theo. Tính người đó là vậy. Tuy nhiên, không được nhượng bộ để chịu lùi một việc nào đó. Thay vì dùng lý lẽ thì nên trao nhau chén rượu, nói chuyện tình cảm tốt hơn.”
“Đúng vậy. Nói đúng ra đó là người có tình cảm.”
“Tôi muốn mời ngài ấy uống rượu. Thết đãi chỗ nào thì được nhỉ?” “Có đấy. Ở Asanoya, nhà cha mẹ ruột tôi.”
Jūzaburō nhớ đến loại rượu dùng để thết đãi ở chỗ Asanoya Jinnai, nhà cha mẹ ruột của mình. kimoiri Ikuemon rất thích uống rượu. Chưa kể, là chỗ bà con của Jūzaburō. Họ của Ikuemon là Endō, một nhánh phân gia của nhà cha mẹ ruột Jūzaburō, Asanoya. Dòng họ Endō có bản gia là Asanoya cũng là một “danh môn” ở shukuba này. Quan trấn thủ Endō Izumi là tổ tiên của dòng họ này.
Có hẳn một ngôi mộ đá ở chùa cửu phẩm trong phố, khắc dòng chữ “Endō Izumi” rất uy nghiêm. Cũng vì vậy mà họ rất được kính trọng: “Thì ra tổ tiên nhà Asanoya là daimyō!”
Vốn dĩ, Ikuemon được lãnh chức kimoiri cũng là nhờ nguồn gốc phân gia của nhà Asanoya. Nếu từ sự tình như vậy thì Ikuemon hẳn sẽ rất biết ơn nhà Asanoya và có ý thức với việc cùng chung gia tộc với Jūzaburō. Phải dùng đến cách này thôi.
Họ tính toán sẽ mời kimoiri đến nhà Asanoya, mời rượu thết đãi rồi bày tỏ tâm tình.
Tài lực nhà cha mẹ ruột của Jūzaburō, Asanoya đặc biệt nổi bật trong vùng Yoshioka này. Không những có một căn nhà rộng lớn trên đại lộ mà còn cả dãy nhà xưởng sản xuất rượu trải dài. Asanoya cùng lúc sở hữu ba thương hiệu rượu nổi tiếng, không nhà sản xuất rượu nào trong vùng lân cận hơn được. Rượu thết đãi của họ nức tiếng xa xỉ thượng hạng.
“Mời anh đến làm chung rượu.” – Trao đổi với nhà cha mẹ ruột rồi, Jūzaburō ngỏ lời mời Ikuemon. Ikuemon vui mừng đến. Đã đến rồi thì chỉ có uống rượu. Đúng như tính toán của Sugawaraya, Ikuemon say bí tỉ. Nhưng gần đến tàn cuộc, họ vẫn chưa thể đề cập đến vấn đề chính với kimoiri này. Xung quanh đông đúc người, không thể nào nói chuyện trong bí mật.
Khi Jūzaburō không thể kiềm chế được nữa, hướng về Ikuemon với vẻ quyết định dứt khoát, thì Sugawaraya đưa mắt ra hiệu ngăn lại.
Họ cứ chần chừ như vậy đến khi buổi tiệc rượu bước vào hồi kết.
“Nếu cứ như vậy thì ngài kimoiri sẽ về mất.” – Jūzaburō sốt ruột ra mặt. Khi chàng còn đang bối rối không biết làm thế nào thì Sugawaraya nhích lại gần Ikuemon đang rất phấn khích.
“Ngài kimoiri, xem ra ngài uống chưa đủ phải không?”
“Ờ, đúng vậy. Chưa đủ gì cả. Sao, đến nhà ta uống không? Jūzaburō, cám ơn anh đã gọi tôi đến nhà hôm nay. Bây giờ chúng ta đến nhà tôi đi. Sugawaraya, thấy sao hả?”
“Vâng, vậy tôi không khách sáo.”
Đúng như ý định của mình nên Sugawaraya nhanh chóng trả lời và quay về hướng Jūzaburō với vẻ mặt “Đấy, anh thấy chưa?”.
Đến nhà kimoiri, cả hai uống đến ong cả đầu. Ngài kimoiri Ikuemon này, tính tình hào sảng, lại biết quan tâm đến người khác. Ngài có mụn con trai nối dõi tên Tōkichi, yêu thương nó hết mực. Mỗi lần rượu vào rồi thì Ikuemon bắt đầu khóc: “Ta thật lo lắng cho tương lai của thằng nhỏ.” Hôm đó, khi đã ngà ngà say, họ lại nói đến chuyện đó.
Cũng là chuyện đương nhiên. Tương lai của Yoshioka thật u ám. Có thể nói chẳng bao lâu rồi cũng như ngọn đèn leo lét trước gió, khó mà đóng nổi cống vật, thuế má tenmayaku hàng năm. Việc trưng thu cống vật là trách nhiệm của kimoiri, nếu cống nạp của Yoshioka chậm trễ thì kimoiri là Ikuemon và cả đứa con một Tōkichi sẽ bị ném vào nhà giam. Nhà giam thì chẳng khác gì địa ngục. Mùa đông vùng này khắc nghiệt, nhà giam không tường chắn, chỉ là những hàng rào gió lùa thì chỉ với một tấm áo mỏng, chắc chắn Tōkichi sẽ chết cóng.
Tuy đã cố gắng tránh nghĩ đến chuyện như thế, nhưng ngài biết rõ số phận đó đang âm thầm tiến đến. Dạo gần đây, Ikuemon thường tìm đến rượu cũng vì lý do đó.
“Không có cách nào sao?”
Khi kimoiri Ikuemon tay cầm chén rượu, mặt đỏ lựng thốt lên câu nói đó, Sugawaraya không bỏ lỡ cơ hội. Ngay lập tức, chàng tiết lộ kế hoạch của họ, giải thích chỉ cần có 1.000 ryō thì có con đường để được giải phóng khỏi áp lực nặng nề hoàn thành công việc.
Mặt Ikuemon lộ vẻ ngạc nhiên, cuối cùng ngài nói với đôi mắt lưng tròng: “Nếu cần tiền để làm việc như vậy, ta đây sẵn sáng bán tất cả gia sản, đồ đạc trong nhà cũng được. Dù có phải xách bị đi ăn mày tôi cũng cam lòng. Vợ chồng có phải bán mình đi làm thuê cũng không nề hà. Cứ nghĩ đến tương lai của Tōkichi, làm vậy chẳng phải yên tâm hơn sao?”
Rất thật lòng.
“Đúng vậy. Nếu nghĩ đến lúc cậu Tōkichi trưởng thành, trở thành kimoiri thì phải làm gì đó. Nếu cứ như thế này, con cái chúng ta rất đáng thương.”
Nghe Jūzaburō nói vậy, Ikuemon nói: “Nhưng, có điều…” “Chuyện gì?”
“Liệu nguyện vọng đó có thành sự thật không?”
Ngài nói như vậy cũng phải. Liệu việc họ định làm sắp tới đây có khả thi không? Jūzaburō nuốt nước bọt cái ực. Chàng chưa từng hỏi Sugawaraya, nhưng với Jūzaburō, thật lòng chàng cũng rất muốn biết sự thật đó. Sugawaraya lên tiếng: “Trước tiên, phải nói kế hoạch to lớn này không đơn giản. Ừm, cũng như khỉ hái mặt trăng vậy.”
Mặt đỏ gay như khỉ, Sugawaraya nói với giọng bông đùa, phá tan bầu không khí căng thẳng.
“Thật là!” – Câu chuyện giữa ba người trở nên thân mật hơn, họ cười phá ra.
“Khỉ hái mặt trăng ư? Không làm thử sao biết được.” – Ba người họ chỉ còn cách nghĩ như vậy, trái tim họ đã quyết. Và như thế, cuối cùng Jūzaburō và Sugawaraya cũng đã thành công trong việc lôi kéo được kimoiri Ikuemon cùng tham gia. Đó là vào tháng Năm, năm Meiwa 5 (1768).
Sau đó khoảng hai tháng trôi qua, câu chuyện có tiến triển. Đã qua mùa obon1, vào một ngày nóng nực cực điểm, một lệnh thư bay đến chỗ Jūzaburō. Lật ra phía sau thấy tên người gửi là: Miuraya Sōemon, phố Yanagi, Sendai. Không phải chuyện tầm thường. Miuraya là thương gia nổi tiếng vùng Sendai, đảm nhận việc công trong phiên. Nói cách khác, đó là thương gia giàu có nhất trong số các thương gia phiên Sendai, khác hẳn với thương gia shukuba quê mùa như Jūzaburō. Tay run run, Jūzaburō mở phong bì. Đúng là nét chữ do chính tay Miuraya viết.
1 Mùa lễ hội tưởng nhớ những người đã khuất trong gia đình, thường được tổ chức trong 3 ngày 13 ~ 15 tháng Tám. Có địa phương làm theo âm lịch.
“Mới đây, tôi được giao trọng trách đúc tiền, chūsen goyō (chú tiền ngự dụng). Theo đó, xưởng đúc cần rất nhiều người làm việc. Bề trên có lệnh tuyển chừng mười bốn, mười lăm người có nhân cách để phụng sự. Do đó, liệu ngài có thể cho người nối dõi của mình, cậu Otoemon, làm người cai quản ở xưởng đúc tiền được không? Tôi biết lời đề nghị này thật không có lý chút nào. Nhưng tôi không nghĩ ra được ai khác. Nếu là cậu Otoemon, tôi biết rõ con người cậu ấy nên không chút lo lắng. Vì vậy, rất mong ngài xem xét trước sự vô tâm này của tôi.”
Nội dung bức thư thật đáng kinh ngạc. Jūzaburō không biết phải làm thế nào. Phiên bắt đầu cho đúc tiền, và người quản lý công việc đó, Miuraya chỉ đích danh con trai Jūzaburō là Otoemon.
Chūsen – không cần phải giải thích nhiều, tức là đúc tiền xu. Sự kỳ lạ của thời đại Edo là công việc phát hành tiền tệ vốn là quyền của
chính phủ lại không do chính phủ thực hiện mà được ủy nhiệm cho giới thương nhân trong xã hội.
Tiền xu Kanei – được đúc bằng đồng hoặc sắt nhưng chính quyền trung ương là Mạc phủ Tokugawa không hề nhúng tay vào việc phát hành đồng tiền cơ bản này.
Trước hết là các shinpan1 (thân phiên), và đến cả tozama daimyō2 (ngoại dạng đại danh) cũng được cho phép đúc tiền.
1 Chỉ các phiên có người đứng đầu là con cháu trực hệ của dòng họ Tokugawa, một trong ba nhóm daimyō thời Edo. Nếu dòng họ Tokugawa không có con trai nối dõi shōgun (tướng quân) thì sẽ tuyển người từ các phiên này.
2 Một trong 3 nhóm daimyō thời Edo, chỉ các dòng họ theo phụng sự Tokugawa từ trước trận Sekigahara. Nhóm đầu tiên là shinpan (chú thích trên), nhóm còn lại là fudai daimyō (phổ đại đại danh) chỉ các dòng họ theo phụng sự Tokugawa sau trận Sekigahara.
Đương nhiên, phải tiến hành dưới sự cho phép của Mạc phủ nhưng đó chỉ là phép xã giao bên ngoài, chứ các daimyō được phép đúc tiền vốn khó khăn về tài chính, thường mong có tiền không gì bằng nên họ thường đúc tiền một cách vô độ. Chưa kể, công việc đúc tiền này không phải do phiên trực tiếp quản lý, mà được giao phó cho thương gia giàu có. Một đại sự quốc gia là đúc tiền mà được giao chuyền từ chính phủ xuống phiên, từ phiên xuống thương gia như thế. Việc thương nhân đúc tiền theo lệnh của phiên được gọi là chūsen goyō. Và Miuraya được giao cho việc này.
Cách làm thừa thãi, phó mặc việc phát hành tiền cho người khác của Mạc phủ Tokugawa dẫn đến thảm kịch thời kỳ cuối Mạc phủ. Các phiên như Satsuma phát hành tiền giả, khuếch trương ngân khố của phiên. Một đồng tiền xu Kanei chỉ bằng một mon (bằng 50
yên ngày nay) nhưng lại có đồng tiền tenpō. Đó là loại tiền đáng sợ khi lưu thông với giá trị một đồng tenpō bằng 100 mon (5.000 yên ngày nay). Bằng cách xây dựng đồng tiền tenpō này làm “tiền
riêng”, Mạc phủ các phiên đã làm giàu nhanh chóng. Để cho các phiên đúc tiền, Mạc phủ đã vô tình tự siết cổ mình.
Tóm lại, đó là một sự kiện trọng đại. Jūzaburō chạy ngay đến chỗ Sugawaraya. Phản ứng của Sugawaraya sau khi nghe chuyện thật bất ngờ. Chàng vui mừng nhảy cẫng.
“Anh Jūzaburō à, đây quả là một tin tốt lành đấy. Có thể nói là cơ hội ngàn năm có một. Như vậy thì những con khỉ như chúng ta cũng có thể hái được mặt trăng trên trời không chừng.”
“…”
“Cuối cùng thì bề trên đã cạn tiền, bắt đầu cho đúc tiền rồi. Không còn cách nào khác. Miuraya Sōemon là thương gia được bề trên giao trọng trách. Con trai của anh lọt mắt xanh Miuraya rồi. Làm cai quản ở xưởng đúc tiền là một chức vụ lớn. Nếu nhận nhiệm vụ này, đương nhiên, sự tin cậy của bề trên cũng khác hẳn.”
“Nghĩa là, nếu Otoemon nhà tôi mà được lãnh trọng trách đó thì có lợi cho việc khởi bẩm nguyện vọng phục hưng Yoshioka của chúng ta?”
“Đúng vậy. Chuyện sẽ hoàn toàn khác hẳn. Chưa kể, không chỉ có vậy. Lại có tiền nữa.”
“Lẽ nào?”
“Anh không hiểu sao? Tuy Miuraya giàu nhất vùng Sendai, nhưng anh nghĩ liệu họ có thể đúc tiền bằng chỉ tiền của họ mà được sao?”
“Chuyện đó thì khó rồi.”
“Để đúc tiền cần một số tiền khổng lồ. Nào xây nhà xưởng, nào thuê nhân công, mua đồng, xây lò, mua củi. Chắc chắn thời gian đầu sẽ tốn rất nhiều tiền. Trước tiên, nhà Miuraya sẽ hết tiền. Nhưng, sau đó thì khác đấy. Miuraya sẽ cho đúc thật nhiều tiền với tư cách quan
đúc tiền của phiên. Mà đúc tiền thì chắc chắn không sinh lời. Đây là chỗ chúng ta cần để mắt tới.”
“Anh nói chúng ta sẽ làm gì hả?”
“Miuraya lúc đó sẽ thiếu tiền nên tạm thời chúng ta sẽ cho họ mượn, sau đó, đề nghị họ trả dôi ra.”
“Chà, liệu có làm được không?”
“Được! Không có cách nào làm tăng số tiền một cách chắc chắn như cho mượn tiền để đúc tiền cả. Nếu chúng ta cho mượn tiền thì Miuraya sẽ mang ơn chúng ta. Sau khi đúc tiền thành công, Miuraya sẽ trở nên thong thả, thoải mái hơn. Lúc đó, chúng ta sẽ đề nghị mượn số tiền lớn để phục hưng Yoshioka là được.”
“Thì ra là vậy.”
“Chưa kể, nếu anh gửi Otoemon lên đó, chúng ta sẽ nắm được tình hình xưởng đúc tiền kịp thời. Có lẽ, Miuraya để mắt tới nhà anh không chỉ vì đánh giá cao con người của Otoemon mà còn muốn mượn tiền từ người có tiền tích lũy như anh. Có lẽ họ cũng có chút tính toán như vậy đấy. Biết đâu chừng cuối năm nay là Miuraya sẽ đề nghị anh cho mượn tiền. Từ bây giờ nên gom tiền đi là vừa.”
Đầu óc con người này thông minh đến mức nào vậy? Anh ta thông suốt mọi việc khiến Jūzaburō kinh ngạc đến sợ.
Chấp nhận đề nghị của Miuraya, Jūzaburō gửi Otoemon đến xưởng đúc tiền. Và đúng như dự báo của Sugawaraya.
Miuraya đã lên tiếng đề nghị “Cho tôi mượn tiền”. Đúng như Sugawaraya nói, khoảng cuối năm, Miuraya thiếu tiền để trả lương cho nhân công và mua củi đốt nên đề nghị mượn 550 ryō.
“Tiền lãi cao thế nào cũng chịu.” – Miuraya đã nói vậy.
Sugawaraya nhanh chóng hành động. Ngay lập tức, chàng sai người đến chỗ ōkimoiri Chisaka Chūnai và tập hợp nhóm những
người đồng chí Chūnai, Ikuemon, Jūbei, Junai đến để giải thích.
“Nếu chỉ chúng ta thì khó lòng gom đủ 1.000 ryō được ngay. Tạm thời bây giờ chúng ta cho Miuraya mượn 500 ryō, sau đó sẽ mượn lại từ Miuraya số tiền lớn.”
“Liệu thật sự có ổn không?” – Có người lên tiếng lo lắng trước công việc đúc tiền. Nhưng, Sugawaraya nói: “Đúng là sẽ mất thời gian cho đến lúc đúc tiền thành công. Nhưng, dù gì đi nữa, cũng có cái gọi là vận may từ trên trời rơi xuống. Nếu không nhận lấy vận may đó, ngược lại, vậy phải chịu phạt, chẳng phải vậy sao? Vậy thì bây giờ, ta nên quyết chí làm thì tốt hơn.”
“Chẳng phải đây là lúc để đạt thành chí nguyện to lớn của chúng ta sao?” Jūzaburō đưa ra kết luận. Chàng cùng Sugawaraya, “nhị khẩu nhất thiệt” (hai miệng một lưỡi) (Kokuonki) thuyết phục mọi người cùng đồng ý.
Một khi đã quyết định cho Miuraya mượn tiền thì trước mắt, phải gom tiền. Cả nhóm tức tốc bắt đầu kế hoạch. Tuy lòng tin đối với việc đúc tiền khá mơ hồ nhưng lòng tin dành cho Miuraya khá sâu sắc.
“Ai chứ nhà Miuraya đó thì cho mượn tiền chắc chắn sẽ được trả lại.” – Họ lấy làm yên tâm như thế. Bất kể sáng tối, bọn họ ra sức thống kê, xem xét gia sản. Họ tính từng món đồ, y phục, đến cả căn nhà để đưa vào thế chấp. Đặc biệt, Sugawaraya đã đem mọi thứ trong nhà đi cầm. Chàng đem cả gia nghiệp là sách sản xuất trà bí truyền đi cầm.
Jūzaburō đã nói “không cần phải làm như thế” nhưng chàng không nghe. Kinh ngạc là Sugawaraya còn đem cả thứ chàng quý trọng chỉ sau sinh mạng đến tiệm cầm đồ. Mùi hương trà do Sugawaraya sản xuất rất tuyệt vời. Danh tiếng vang đến tận kinh thành.
Haru no kaze
Kaori mo koko ni
Chiyo kakete
Hana no rokosu
Sueno Matsuyama.
Dịch ý:
Hương thơm làn gió xuân
Tỏa ngát đến tận nơi này
Trải qua ngàn năm
Sóng hoa trập trùng
Núi Sueno Matsuyama.1
Chàng đem đi cầm cả bài waka2 được công khanh Kujō ban cho.
1 Bài thơ nhắc đến năm loại hương trà: gió xuân (harukaze), hương thơm (kaori), ngàn năm (chiyo), sóng hoa (hana no rokosu) và Sueno Matsuyama (cũng là tên ngọn núi trong vùng).
2 Hòa ca: thể thơ truyền thống có 31 âm tiết của Nhật.
Biết được việc đó, Jūzaburō nói: “Chẳng phải đó là thứ anh quý chỉ sau sinh mạng mình thôi sao? Đem đi cầm vậy có được không?”
Sugawaraya bình thản đáp: “Gì chứ? Những lúc như thế này mới là lúc đem đi cầm những báu vật khiến người ta kinh ngạc đấy. Làm vậy thì mọi người sẽ hứng khởi hơn.”
Và cuối cùng, họ gom được 450 ryō. Số tiền vốn có thể gọi là dòng nước tái sinh Yoshioka đã được sinh ra như vậy.
Xuân mới năm Meiwa 6 (1769). Ngày 16 tháng Giêng là yabuiri – ngày gia nhân, tiểu đồng, tiểu tăng khắp mọi nơi ai nấy được nghỉ
phép về quê.
“Đến mùa yabuiri, cả nắp vạc dầu nơi địa ngục cũng để mở.” – Ở Yoshioka, nắp vạc các nhà đều để mở, hầu gái nấu cơm được cho về quê, nước sôi cũng không được nấu. Nhà tắm, tiệm cắt tóc cũng đóng cửa nghỉ.
Khi cả khu phố trở nên tĩnh lặng như thế thì Otoemon đang tham gia công việc đúc tiền ở Ishinomaki quay về Kokudaya. Chàng trai trẻ đem theo một tin tốt lành. “Công việc đúc tiền đang rất thuận lợi, phát triển hàng ngày. Ngài Miuraya Sōemon đang có lời.”
Jūzaburō chạy như bay đến chỗ Sugawaraya.
“Anh Sugawaraya này, Otoemon nhà tôi mới về đến. Nghe nói Miuraya đang gặp thuận lợi lắm.”
“Quả đúng là vậy nhỉ. Nhưng phải nói, Miuraya quả thật lợi hại.” “…”
“Ngài ấy nói “đúc tiền, cần người, cần tiền” rồi lấy đi con trai của anh, Otoemon. Dùng người rồi lại đánh tiếng “vì đúc tiền theo lệnh bề trên nên chắc chắn có lời” để định lấy tiền từ tay chúng ta.”
“Đúng là ngài Miuraya có nói “tiền lãi cao bao nhiêu cũng được” mà.”
“Thế nhưng, chẳng phải nội dung khác sao? Sau đó, nào là theo luật quản lý đúc tiền, không trả được. Hãy chờ thêm chút đi. Họ vừa nói một chuyện thật không hiểu được. Nếu có lời thật thì Miuraya đã trả tiền được rồi. Anh Kokudaya này, chúng ta đi Ishinomaki đàm phán đi.”
“Để lấy lại số tiền đã cho mượn à?”
“Chẳng phải vậy sao. Chuyện đó là đương nhiên. Lấy lại cả vốn lẫn lời 450 ryō đã cho mượn, và sau đó còn phải mượn tiền vốn từ Miuraya đó. Tổng cộng 1.000 ryō. Phải lấy từ Miuraya.”
“Anh đừng nói chuyện không tưởng như thế chứ. Liệu chúng ta có thể làm được việc đó sao?”
“Được hay gì đi nữa, đó chẳng phải là lời hứa giữa chúng ta và Miuraya sao?”
Đúng là vậy. “Nếu có lời từ việc đúc tiền, ta sẽ xuất vốn để phục hưng Yoshioka.” – Miuraya đã cam kết như vậy.
Nhưng dù gì đi nữa, Sugawaraya lúc nào cũng khiến người ta kinh ngạc. Con người này sắc sảo hay dũng cảm? Nhưng nếu theo kết quả lâu nay thì chàng ta luôn thắng. Cả sự việc lần này hẳn cũng nằm trong tính toán nước đi rồi. Chỉ còn cách theo chàng ta thôi.
“Anh có nước đi để giành phần thắng rồi à?” Trên đường đi Ishinomaki, Jūzaburō rụt rè hỏi thử. Sugawaraya nói: “Anh là người nhà của Miuraya mà đúng không?”
“…”
Sự thật đúng là vậy. Tuy bây giờ Miuraya là thương gia giàu có vùng Sendai nhưng cha ông ấy sinh ra ở Yoshioka, bà con họ hàng vẫn còn sống ở nhiều nơi trong Yoshioka. Jūzaburō cũng là một trong số đó nên việc Miuraya đề nghị con trai của Jūzaburō là Otoemon đến giúp việc đúc tiền cũng phần lớn xuất phát từ đó.
“Bề trên không kiếm lời được ở việc đúc tiền. Nhưng người nhận làm thì có lợi. Hệ thống đã như vậy rồi. Với Miuraya bây giờ, 1.000 ryō là số tiền có thể thanh toán được. Nhưng với một thương gia tầm cỡ như thế thì có chút xảo quyệt. Sự xảo quyệt đó là cố tình im lặng. Cho đến lúc bị hối thúc, món nào không trả cũng yên thì sẽ im lặng, không trả. Chỉ là vậy thôi.”
“Tuy nói vậy nhưng…”
“Anh thử nghĩ xem. Nếu Miuraya vì việc trên giao cho mà xảy ra tranh chấp với chúng ta thì sẽ ra sao? Miuraya đã đóng dấu trên giấy tờ làm chứng rồi. Nếu nuốt lời thì còn gì thể diện, đúng không?
Với những cửa hiệu lớn như vậy thì rất ngại dư luận. Vả lại, Miuraya xuất thân từ Yoshioka. Nếu bỏ mặc Yoshioka thì cũng không còn mặt mũi về viếng mộ tổ tiên.”
Ra là vậy, những lời Sugawaraya nói thật có lý. Nếu Miuraya không trả những gì đã nói sẽ trả thì đó là tội lỗi của Miuraya. Sugawaraya đã thương lượng một cách có tính toán với việc Miuraya sợ mất thể diện với dư luận quần chúng. “Những việc như thế này, chỉ có cách
đường đường chính chính trình bày lên bề trên ở một sân khấu có thể trổ tài. Vì vậy, ngài Jūzaburō, từ bây giờ phải chuẩn bị đạo cụ đấy. Giúp tôi một tay nào.”
Nói rồi, Sugawaraya cho tay vào nẹp áo. Chàng rút ra một mảnh giấy kỳ dị. Nhìn kỹ thì đó là Kumano Go-ōfu (Năng dã ngọ vương phù). Kumano Go-ōfu là giấy dùng để viết lời thề. Vì có in hoa văn quạ đen là sứ giả của đền thờ Thần đạo Kumano mà nó còn được gọi là Kumano Go-ōfu1. Kể từ thời trung cổ, ở đất nước này, khi thề trước thần linh thì viết lời thề ước đó vào giấy này. Người ta tin rằng nếu không giữ lời hứa đã được viết trong Kumano Go-ōfu thì sẽ có một con quạ chết ở đâu đó và trước sự tức giận của thần Kumano, người lập lời thề sẽ thổ huyết mà chết. Người đó sẽ rơi xuống địa ngục, liên tục bị đốt bởi ngọn lửa của nghiệp chướng.
1 “Karasu” có nghĩa là con quạ, thêm “o” và “san” là cách nói lịch sự, tôn kính.
Không biết Sugawaraya có được Kumano Go-ōfu từ đâu, nay đem ra đưa cho Jūzaburō.
Lên đến phủ đúc tiền, ngay lập tức họ đến gặp Miuraya Sōemon. Phủ đúc tiền có những gương mặt quan lại cai quản nổi tiếng mà trước hết phải kể đếnkaneshi mới từ Edo về, hoặc đại diện thương gia đầu tư. Trong phòng khách rộng lớn, trước hàng loạt các gương mặt đầu lĩnh, Sugawaraya bắt đầu bài diễn thuyết.
“Ngài Miuraya ngồi đây đã đồng ý cam kết với chúng tôi việc gia tăng tiền theo giấy cam kết này. Nhưng lại nói rằng phủ đúc tiền không thể trả tiền theo đúng giấy cam kết này.”
“…”
Mọi người nín lặng, nghĩ bụng người này bắt đầu tố cáo việc làm không đúng đắn của chủ tọa Miuraya. Khi sự im lặng bao trùm cả gian phòng rộng lớn, Sugawaraya nói.
“Lý ra, chúng tôi sẽ đề nghị được trả lại đủ. Nhưng lần này, chúng tôi xin phép để đó. Thật ra, nhóm năm, sáu người chúng tôi có một tâm nguyện. Đó là tạm dâng lên bề trên số tiền lớn (tiền vốn) để hàng năm lấy lãi từ đó, phát cho dân chúng trong Yoshioka. Chúng tôi muốn xây dựng một cơ cấu như vậy. Số tiền chúng tôi thu xếp đưa ngài Miuraya chính là số tiền quan trọng để làm việc đó. Bởi Yoshioka là một nơi nghèo nàn nên chúng tôi không xoay xở được số tiền lớn. Nên chúng tôi định đề nghị ngài Miuraya giúp sức, mượn tiền từ phủ đúc tiền. Chúng tôi định sẽ trả lại bằng số tiền lãi nhận được từ bề trên. Nhưng một khi đã như thế này rồi thì chúng tôi đành từ bỏ ý định mượn tiền từ phủ đúc tiền. Thay vào đó, rất mong ngài Miuraya trả lại số tiền 450 ryō đã mượn vào mùa đông này. Lãi suất thì không cần như đã hứa, đúng theo thông thường là được.”
“Chà, đâu cần phải nói vậy…” Miuraya nói với vẻ khó xử.
“Vậy, một lần nữa, xin nhờ ngài Miuraya. Mong ngài hãy cho chúng tôi mượn tiền. Chúng tôi không yêu cầu ngay. Khi nào việc đúc tiền tiến triển tốt, thì vui lòng cho chúng tôi mượn như đã hứa. Nếu công việc có vẻ không ổn thì đáng tiếc là chúng tôi đành từ bỏ ý định đó.”
Theo lý lẽ thì phần đúng thuộc về nhóm Sugawaraya. Sự sai trái của phủ đúc tiền nhóm Miuraya đã quá rõ ràng.
“Rất có lý lẽ.” – Quan lại ngồi tại đó ai nấy đều nghĩ vậy. Khi dựng nên phủ đúc tiền, họ rất thiếu tiền. Lúc đó, khu Yoshioka nghèo khó đã giúp họ bằng cách cho mượn số tiền ít ỏi quý giá. Nếu việc đúc tiền bắt đầu thuận lợi rồi thì lần này phải giữ lời hứa, trả lại cho khu phố nghèo khó này và giúp họ mới phải.
Đúng lúc đó. Sugawaraya chậm rãi rút từ ngực áo ra một tờ giấy. Chính là Kumano Go-ōfu.
“Hai người chúng tôi tuyệt nhiên không dùng số tiền sẽ mượn vào việc riêng. Chúng tôi không thể làm những việc này vì lợi ích cá nhân. Nếu cứ như hiện nay, Yoshioka của chúng tôi sẽ lâm vào khốn cùng. Chúng tôi một lòng muốn cứu lấy Yoshioka. Chúng tôi đã thề với thần linh ở ba đền thờ Thần đạo Kumano như thế này đây.”
Nói rồi chàng mở rộng Kumano Go-ōfu, cúi rạp người. Trên đó có tên Sugawaraya Tokuheiji và Kokudaya Jūzaburō, đậm đen, rõ ràng.
Dấu điểm chỉ bằng máu cũng nổi rõ, sống động.
Mọi ánh mắt của những người phủ đúc tiền nhất loạt đổ về Miuraya. Không còn cách nào khác, Miuraya nói: “Nếu, nếu vậy thì tôi đã hiểu rồi. Các vị trong phủ đây hẳn cũng không có ý kiến gì.”
Vậy là đã quyết định.
Miuraya trả lại 450 ryō mượn từ nhóm Jūzaburō, kèm tiền lãi. Không những vậy, còn đề nghị cho mượn một số tiền lớn để phục hưng Yoshioka, khoảng 562 ryō2 bu.
Mọi việc quá suôn sẻ nên Jūzaburō nói: “Anh Sugawaraya, anh thật xuất sắc. Đúng là chúng ta đã lấy được từ Miuraya hơn 1.000 ryō rồi.”
Nhưng Sugawaraya nói với vẻ không vui: “Không, chưa xong việc đâu. Phải lấy được giấy cam kết từ Miuraya chứ không phải hứa miệng.” Chàng bặm môi.
Thật ra Miuraya cũng có ý hướng riêng. Tháng Tư, khi Jūzaburō đến chỗ Miuraya ở phố Yanagi, Sendai, thái độ của Sōemon xem ra có vẻ mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn mọi khi. Jūzaburō nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ thỉnh nguyện lên bề trên việc của Yoshioka. Vì vậy,
chúng tôi cần tiền. Mong ngài Miuraya đây viết cho giấy cam kết sẽ cho chúng tôi mượn số tiền lớn như đã hứa hôm trước…”
“Đương nhiên rồi. Được thôi. Ta sẽ viết.”
Miuraya nhận lời viết giấy cam kết nhanh chóng một cách bất ngờ. “Thật cám ơn ngài.”
“Để tên ai thì được nhỉ?”
“Vui lòng viết tên ngài Sugawaraya Tokuheiji, ngài
Kokudaya Jūbei, và tôi Kokudaya Jūzaburō giúp.” “Ta hiểu rồi.”
“Thật ra, nếu thất bại trong việc mượn hơn 560 ryō từ ngài Miuraya đây, ba người chúng tôi sẽ phải bán hết gia sản, bán thân làm công để xoay xở số tiền này đấy ạ.”
Có vẻ trước lời nói của Jūzaburō, một người sống chỉ biết đuổi theo lợi nhuận như Miuraya thật sự kinh ngạc. Thình lình Miuraya trở nên nói nhiều hơn: “Yoshioka là nơi người cha quá cố của tôi chào đời. Nếu nói rõ thì bản gia nhà anh cũng như gia tộc nhà tôi. Tôi đã nghĩ không biết có thể làm được gì giúp ích không. Nay đối với tôi, việc các anh Jūzaburō đây nghĩ ra và làm thật cũng đáng góp sức lắm nên tôi rất hài lòng.”
Những lời nói rất thảo mai, không có lấy một chút tình cảm. Nhưng với bản chất thật thà, chỉ cần nghe ông ta nói thôi, Jūzaburō đã cảm thấy rất vui sướng trong lòng.
Như vậy, số tiền cũng đã được một nửa. Tiền như những nắm tuyết vo tròn. Một khi đã có được một số vốn gốc rồi thì như những nắm tuyết lăn, tiền gọi tiền đến, cứ thế mà nắm tuyết to lên.
“Nghe nói Miuraya ở Sendai đã đầu tư 560 ryō.”
Chỉ như vậy thôi mà kế hoạch cứu Yoshioka thoát cảnh khốn cùng bằng cách gửi số tiền 1.000 ryō lên bề trên để lấy tiền lãi dần dần
bước vào giai đoạn hiện thực hóa.
Jūzaburō bàn bạc với Sugawaraya một việc đã kìm nén bấy lâu.
“Cũng đã đến lúc tôi nói với nhà cha mẹ ruột Asanoya để nhờ giúp sức nhưng…”
“Vậy thì bây giờ là đúng thời điểm rồi. Nên nói ngay càng sớm càng tốt.”
Tuy Sugawaraya nói vậy nhưng với thân phận người con đã được đưa đi làm con nuôi từ tấm bé thì với Jūzaburō, cũng có chỗ thật khó mở lời. Asanoya là thương gia số một ở Yoshioka. Nếu được nhà cha mẹ ruột giúp điều đạt tiền thì kế hoạch sẽ tiến triển thuận lợi. Nhưng chàng có chỗ hơi băn khoăn. Hiếm hoi, có lần về nhà, chàng đã nói chuyện cứu Yoshioka với em trai là Asanoya Jinnai, con trai của Jinnai là Shuemon, và người mẹ già thì chẳng hiểu sao ai nấy đều im lặng, đánh trống lảng sang chuyện khác. Chàng không tài nào hiểu được. Sau đó, Jūzaburō hoàn toàn không thể đề cập gì đến việc sẽ gây ảnh hưởng đến gia nghiệp như kiểu “sẽ bỏ ra số tiền lớn vì Yoshioka”.
Ngày 13 tháng Tư là ngày giỗ cha ruột của Jūzaburō, Asanoya Jinnai.
Thật ra ngày 13 tháng Mười hai mới đúng nhưng thời gian này, việc kinh doanh bận rộn. Asanoya chọn tháng Tư, mùa xuân, thời tiết tươi đẹp để cả gia tộc cùng làm giỗ.
Hôm đó, Jūzaburō quyết định cùng Sugawaraya đến nhà để trình bày kế hoạch cứu Yoshioka, đề nghị giúp hỗ trợ về mặt tiền bạc.
Nhưng đến khi phải nói thì không tài nào nói cho suôn sẻ. Chàng cứ ngắc nga ngắc ngứ.
Mãi một lúc cố gắng, Jūzaburō mới lên tiếng được: “Hôm nay, tôi xin phép…”
Kokuonki có ghi lại Jūzaburō đã bắt đầu câu chuyện như thế. Jūzaburō dốc hết ruột gan ra để nói. Chàng giải thích quá trình lâu nay, chuyện này chuyện kia, rồi giở tấm giấy cam kết của Miuraya cho từng người trong nhà xem, nói rằng cuối cùng đã điều đạt tương đối một số vốn. Nhưng càng nói, người trong nhà càng im lặng. Cuối cùng, khi đã giải thích xong xuôi, Jūzaburō mới nói thế này: “Nay tôi cũng muốn được ngài Asanoya đây giúp một số tiền tương ứng…”
Khoảnh khắc đó, sự im lặng bao trùm toàn bộ nhà Asanoya. Một lúc lâu sau, một tiếng nói vang lên từ đâu đó: “Thật không ngờ lại có chuyện thế này. Anh Jūzaburō, thật giống cha như đúc.”
Đó là người em trai Jinnai. “…”
“Anh Jūzaburō. Thật ra nhà ta đã có chuyện giấu anh lâu nay.” “Chuyện gì?”
“Vì anh đã đi làm con nuôi nhà Kokudaya Takahira nên em đã không thổ lộ, xem như đây là đại sự nhà Asanoya. Nhưng nay không cần giữ đó làm bí mật nữa nên em sẽ nói. Thật ra đó là lời trăn trối lúc lâm chung của cha.”
“Trăn trối thế nào?”
“Chuyện là thế này. Lúc cuối đời, cha đã gọi mọi người đến bên chỗ nằm và nói: “Xem ra ta không còn thời gian nữa. Như ta đã nói từ lâu, ta rất mong con xem trọng việc kế tục gia nghiệp, một mặt hãy cố gắng giúp đỡ những người nghèo khó, cô đơn trong khả năng có thể. Ngoài ra, cha mong con thương yêu mẹ già. Cho đến lúc này, ta không còn gì luyến tiếc nhưng chỉ một điều, từ thời trung niên, ta có một ước vọng to lớn. Đó là giúp cho việc tenma của Yoshioka này. Làm cách nào đó để bề trên ra tay cứu giúp Yoshioka-juku này nhưng cơ hội và tuổi thọ thì có hạn, ta đã không thể làm gì được. Ta rất tiếc. Vì vậy ta nhờ con. Đây là số tiền của Asanoya mà ta góp nhặt được cho đến hôm nay, mong con đừng dùng vào việc gì khác. Đời cha làm không được thì đời con, đời con không được thì đời
cháu Shuemon, bao nhiêu đời cũng được, đừng vứt bỏ ý nguyện này. Hãy dùng số tiền này để vực dậy Yoshioka.” – Cha nói vậy và nắm chặt tay em, vẻ mặt đầy tiếc nuối, chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó, em đã cố gắng nói với cha. “Con xin tiếp nhận di ngôn cuối đời của cha. Con sẽ tiếp tục tiết kiệm tiền, chờ thời cơ. Nếu con làm không được thì con sẽ truyền đạt lại cho con trai con, Shuemon. Nhất định chúng con sẽ hoàn thành chí nguyện của cha.” Em nói vậy thì cha chỉ im lặng, gật đầu và hơi mỉm cười rồi ra đi.”
“Chuyện đó, tôi không hề nghe nói đến.”
Jūzaburō vừa khóc nức nở vừa nói.
Vì chàng không ngờ cha cũng nghĩ đến việc cứu Yoshioka như mình. Những lời nói tiếp đó của người em trai lại càng khiến Jūzaburō kinh ngạc.
“Khi nghe chuyện rồi, em bàn với mẹ và quyết định không nói với anh. Em nghĩ như vậy tốt hơn. Vì đằng nào rồi gia sản Asanoya này sẽ trở nên khó khăn. Em không muốn liên lụy đến cả anh. Cả em và mẹ đều đồng tình với cha. Gia đình ta đã quyết định trút hầu hết gia sản cho Yoshioka. Nhưng đúng là cha nào con nấy. Anh không biết gì về chuyện này vậy mà cũng đã lên kế hoạch cứu Yoshioka, sẵn sàng tiêu hết tiền của Kokudaya. Đã như vậy rồi, chỉ có tiến hành thôi. Nghĩ lại, còn hạnh phúc nào bằng?”
Những người có mặt ở đó, ai nấy đều khóc. Sugawaraya cũng khóc.
Người em trai, Jinnai, mắt đỏ hoe, tiếp tục nói: “Chà, hôm này cũng là ngày giỗ cha, em đã lỡ khóc. Gì thì gì, em xin theo ý mọi người ở đây. Em giúp bao nhiêu thì được?”
“Tạm thời, xin viết giấy cho mượn 500 kan (quan).”
“Chắc hẳn từ bên kia suối vàng, tâm nguyện duy nhất của cha đã lan tỏa. Em muốn báo cáo với mẹ và trước bài vị cha chuyện này, anh vui lòng chờ một chút.”
Người mẹ già xuất hiện ngay sau đó. Bà nói như trách mắng con trai: “Gì mà lấp lửng vậy, không cần. Mau viết giấy hẹn cho hai người họ đi!”
Ngay lập tức, Jinnai đem bút nghiên đến trước bài vị của người cha quá cố, viết giấy trao cho Jūzaburō và Sugawaraya.
Chưa hết, hôm sau, chuyện đáng ngạc nhiên hơn đã xảy ra. Để nói lời cảm ơn hôm trước, Sugawaraya ghé nhà Jinnai. Chàng cố giữ lòng như một con quỷ, nói những lời lạnh lùng.
“Hôm qua thật cám ơn anh. Hiện nay chúng tôi đã mượn được từ Miuraya 2.000 kiri (500 ryō), thêm phần 500 kanmon của anh. Nhưng vẫn chưa đủ để bẩm lên bề trên. Thật phiền anh nhưng có thể xuất thêm cho chúng tôi được không?”
Nếu là bình thường thì thật đáng giận. Nhưng Jinnai nói: “Nếu vậy, tôi đưa thêm 500 nữa nhé.”
Chỉ một thái độ, nếu cần lại đưa thêm. Nếu hơn thế nữa, Asanoya sẽ phá sản. Mà như vậy thì thật không hay chút nào. “Không, chỉ cần anh sửa lại trong giấy thành 1.000 kanmon là được rồi.”
Sugawaraya nói vậy và ra về.
Như thế, tuy chậm rãi nhưng việc gom tiền vốn đã được tiến hành. Nhưng, trong nhóm đồng chí, có người trong thâm tâm không muốn đưa tiền nên giữa chừng, vài người bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột:
“Nếu Miuraya Sōemon lại nói chuyện gì hèn hạ, không muốn đưa tiền thì sao? Nếu vậy thì kế hoạch này mất cả chì lẫn chài.”
“Lúc đó, tôi, Jūzaburō, Jūbei, ba người chúng tôi sẽ bán hết gia tài, bán thân làm công để gom tiền. Ba người chúng tôi vốn đã chuẩn bị tinh thần đó.” – Nói rồi Sugawaraya đặt mạnh giấy hợp tác và Kumano Go-ōfu xuống sàn. Trước thái độ đó, những kẻ bàn ra trở nên lúng túng, vội vàng nói:
“À, không. Anh nói đúng lắm. Chúng tôi cũng nghĩ như anh vậy thôi.”
Sugawaraya cũng nhân cơ hội, kết thúc sự việc:
“Vậy với kế hoạch này, mọi người cũng không bàn ra tán vào nữa. Vậy được chứ?”
Chàng nhắc nhở. Một khi đã bị nói như vậy, chỉ còn cách đồng ý. Mọi người gật đầu.
Jūzaburō há hốc mồm kinh ngạc. Sugawaraya đã trở ngược tình thế bất ngờ xuất hiện trong buổi gặp mặt, giải quyết gọn gàng nguy cơ nội bộ lủng củng, nhanh chóng xốc lại tinh thần mọi người một cách ngoạn mục.
Vấn đề khó khăn tiếp tới đây là thỉnh nguyện lãnh chúa, lập nên một cơ cấu cứu Yoshioka-juku. Và liệu có khả năng người dân trong phiên cho lãnh chúa mượn tiền để sau đó lấy lời, giảm thuế hay không? Jūzaburō hỏi thẳng Sugawaraya câu hỏi mà mình thắc mắc bấy lâu.
“Anh Sugawaraya này, tiền thì có vẻ gần đạt mục tiêu rồi. Nhưng chúng ta làm cách nào để bề trên chấp nhận kế hoạch của chúng ta? Chuyện này đâu phải nộp đơn thỉnh nguyện là sẽ được thông qua dễ dàng, đúng không?”
“Là chuyện đó.” “Tức là?”
“Anh Jūzaburō quen biết với ngài Ōtomo Gunji chứ?” “Ngài Ōtomo, gia trung nhà Tadaki à? Chỉ biết tên nhưng…”
“Vậy cũng được rồi. Trong Yoshioka này, đó là người biết rõ bề trên nhất.”
Ōtomo Gunji là gia nhân dòng họ Tadaki mà Tadaki là người cai quản vùng Yoshioka-juku này. Trước tiên, phải hỏi người này. Jūzaburō cùng Sugawaraya đến gặp Ōtomo.
Yoshioka không phải là một shukuba thông thường. Đó là một trong “bốn mươi tám quán Date” mà Date Masamune đặt ra. Dù gì cũng được dựng lên như một thị trấn dưới chân thành nên đường dốc nhiều, lại quanh co khúc khuỷu.
“Yoshioka bảy khúc tám dốc.” – Người ta thường nói vậy. Thậm chí còn gọi là “thị trấn cái khố”. Sự thật thì mỗi góc đường đều được xây vuông vức đề phòng bị kẻ thù đột nhập.
Vì vậy, có đi cũng mãi chẳng thấy tới đâu, cứ mỗi lần đường gấp khúc thì tên phố lại đổi, từ phố thượng, phố trung xuống phố hạ.
Hai người họ cứ đi theo con đường khúc khuỷu “cái khố” này từ phố thượng xuống phố trung, từ phố trung xuống phố hạ. Nhà của ngài Tadaki lãnh chủ ở một góc phố hạ, xung quanh được bao bọc bởi khu nhà ở của các samurai.
Nhà của Ōtomo Gunji ở khu đó.
Ōtomo không phải là gia nhân trực tiếp của phiên Sendai. Vì là gia nhân của nhà Tadaki vốn là gia thần của dòng họ Date nên thường được gọi matamono (bồi thần), nghèo hơn Jūzaburō nhiều.
Dù vậy, nhà ở của Ōtomo vẫn toát lên phong cách samurai với chiếc cổng nhỏ được dựng chu đáo. Khi nói chuyện thì tác phong ấy cũng được thể hiện. Chàng võ sĩ Ōtomo ngồi đối điện cách xa họ một chút và ở vị trí cao hơn. Jūzaburō và Sugawaraya nghiêm trang ngồi dưới.
Khi hai người tóm tắt kế hoạch, Ōtomo thở dài ái ngại. “Chà, hai người lại nghĩ chuyện khó rồi đây. Mà tìm đến tôi thì có nghĩa gì đâu chứ?”
“Chỉ là chúng tôi muốn mạn phép hỏi người liệu trình nguyện vọng này lên trên thì có được bề trên chấp thuận không? Vả lại, trình lên như thế nào thì dễ được chấp thuận hơn? Vì vậy chúng tôi mới mạn phép đến đây.”
Ōtomo đăm chiêu.
“Chuyện đó thì phải lên đến Sendai mới biết được.”
“Ngài Ōtomo, đây là nguyện vọng một đời của chúng tôi. Mong ngài khi lên cổng quan dọ hỏi giúp có được không ạ?”
“Để ta suy nghĩ.”
Ōtomo chau mày. Không còn cách nào khác, hai người họ thất thểu quay về.
Thế rồi, một thời gian sau, Ōtomo liên lạc với họ. “Ta đã tìm hiểu chuyện hôm trước rồi, hãy đến gặp ta.”
Hai người họ vui mừng nhảy cẫng, lại bước đi trên con đường dốc khúc khuỷu của shukuba đến nhà Ōtomo lần nữa.
Khác với lần trước, Ōtomo thay đổi hẳn, nói nhiều hơn. Người đàn ông này có tính làm công bẩm sinh, hễ được giao việc là không thể ngồi yên. Lần trước, sau khi Jūzaburō và Sugawaraya ra về, ông ta
đã nhanh chóng viết thư lên người quen ở phủ quan cũng như nghe ngóng, dò hỏi tình hình.
Đó cũng là lần đầu tiên Jūzaburō nghe chuyện chính sự của giới samurai. Ōtomo nói thế này: “Ở phủ quan, điều cốt lõi là từ trước đến nay đã có tiền lệ hay chưa?”
Phủ quan trên phiên vận hành với chủ nghĩa quan liêu.
Công việc hành chính chỉ mang tính tiếp nhận, một khi không có trình báo gì từ các thôn làng thì hầu như chẳng làm việc gì mới mẻ. Nếu những người bên dưới có đề nghị điều gì đó mới thì họ sẽ tìm hiểu, kiểm tra xem đã có tiền lệ, có việc gì tương tự hay không. Ở Sendai, có chức quan làm việc kiểm tra đó, gọi là “quan kiểm tra tài chính”. Gặp việc gì quan trọng thì quan kiểm tra xác nhận với ōkimoiri, so sánh tiền lệ để sao cho không bị bất bình đẳng.
Việc phủ quan chú trọng đến tiền lệ và giải quyết vấn đề dựa vào chỉ thị và phản hồi trong quá khứ thì không phải mới đây. Các quan lại khi xưa đặt ra luật lệ, đến thời Kamakura, Muromachi thì phát triển hơn và cho đến thời Edo thì hành chính phiên được tiến hành dựa trên hành chính đã có tiền lệ này. Các hồ sơ ghi chép hành chính được chất trong kho lưu trữ cùng với một số lượng đáng kinh ngạc các giấy ghi chú, đánh dấu và mục lục để có thể tham khảo tiền lệ. Có thể nói, cho đến thời kỳ phiên xứ thời cận thế, chế độ hành chính tập trung vào tiền lệ trong quá khứ hơn là sự tình hiện thực đã thật sự được sinh ra.
“Vì vậy, về nguyện vọng của các ngươi…” “Sao ạ?”
“Có nhiều ý kiến khác nhau, ta không rõ lắm. Đúng là có người trong quan phủ đã khen ngợi đây là “nguyện vọng có một không hai từ cổ chí kim” hay đại loại “từ trước đến nay, chưa từng có nguyện vọng nào mà dân chúng đồng lòng như vậy. Ta chưa từng nghe thấy bao giờ dù trong ghi chép của phiên. Nếu dâng đơn lên bề trên chắc ngài sẽ tiếp nhận thôi” nhưng mà…”
Thình lình nét mặt hai người tối sầm lại. “Nhưng mà sao ạ?”
“Ừ thì, cũng có người nói nguyện vọng đó “tuyệt vời quá nên ngược lại, không hay cho lắm”. Người đó nói “nguyện vọng này quá tuyệt vời. Phần tuyệt vời là dân chúng trong phiên, tức hành chính trong phiên không tốt, liệu không tạo ấn tượng như vậy cho bề trên chứ? Những nguyện vọng quá xuất sắc thường lại rất đáng lo”.”
“Lẽ nào!”
Hai người họ sững sờ. Nếu nói tồi tệ thì không có chuyện gì tồi tệ bằng. Bao nhiêu năm nay, phiên Sendai giao phó công việc cho Yoshioka-juku nhưng chẳng hề hỗ trợ. Nói cách khác, thấy chết chẳng thèm cứu. Sai trái là ở phiên. Dân Yoshioka đã chịu đựng điều đó, nay chỉ đồng lòng chuẩn bị số tiền lớn mà không chút vụ lợi để dâng lên phiên, tìm đường cứu lấy chính mình mà thôi. Vậy mà nay có kẻ làm quan lại cho rằng “dân chúng trong phiên tuyệt vời quá sẽ cho thấy sự yếu kém của bề trên, không hay cho lắm”.
“Bề trên và quan lại chỉ biết nghĩ cho bản thân.”
Jūzaburō đau đớn cảm nhận điều đó.
“Chưa kể, có nơi còn nói “nếu nhìn xa, nguyện vọng này chẳng có lợi ích gì với bề trên”. Còn nữa, có người nói “nguyện vọng thì có phần kỳ dị, nhưng nếu đề nghị lợi tức thật ít thì may ra được phép”.”
“…”
Làm sao có chuyện đó được chứ?
“Một khi đã mượn tiền thì phải trả tiền lãi như người ta – là chuyện đương nhiên. Nhưng xem ra phiên không có cả khái niệm trả lãi đúng giá thị trường dù nhận tiền. Những suy nghĩ nào là trả lãi thì không lợi lộc gì, hay trả lãi ít thì được, tất cả đều là những suy nghĩ tùy tiện không có nhân lẫn đức, không lý cũng chẳng tình.”
“Rốt cuộc là vẫn chưa biết thế nào nhỉ?” – Sugawaraya nói khi rời khỏi nhà Ōtomo, trên đường về.
“Vốn dĩ chúng ta đã biết trên phiên là cửa khó thông rồi. Chúng ta cứ cố gắng, đừng bỏ cuộc.”
Jūzaburō chỉ biết nói vậy.
Thế nhưng, không chỉ có tin xấu. Phần nào đã có cách gom góp tiền, Jūzaburō và mọi người tập trung ở Kichijōin để bàn bạc. Kichijōin là ngôi chùa nằm giữa Yoshioka-juku, cánh đàn ông trong làng thường tụ tập, hội họp ở đây.
Hôm ấy, một việc đáng mừng đã xảy ra. Chẳng là, khi một người trong số họ đứng lên nói:
“Có một điều đáng lo. Chúng ta tiến hành kế hoạch này sau khi đã chuẩn bị được 1.000 ryō vàng nhờ mượn được của Miuraya Sōemon. Giả sử chúng ta có lấy được lợi tức 100 ryō từ phiên đi nữa thì trước tiên phải trả 100 ryō đó cho Miuraya. Dân chúng Yoshioka thì nghĩ, nếu kế hoạch này được chấp nhận thì sẽ có tiền
ngay. Thế nhưng, họ không được nhận ngay mà lại thấy tiền đi đến nhà của thương gia Sendai, chắc chắn dân làng này sẽ ầm ĩ lên rằng “bất chính”, là “cướp cạn”.
Và chúng ta sẽ bị kéo lên phiên để xử tội. Khi đó, kế hoạch hoàn toàn sụp đổ.”
Chính xác là vậy. Jūzaburō và những người thực hiện kế hoạch này là những người có học ít nhiều trong đám đàn ông ở shukuba này. Nhưng người trongshukuba không phải ai cũng biết chữ.
“Ta không thể biết những người không biết chữ sẽ làm gì.”
– Đúng là có nỗi lo như thế. Thế nhưng, khi đề cập chuyện đó, thình lình từ phía bên kia có tiếng nói lớn vang lên.
“Các ông! Không phải lo chuyện đó.”
“Chúng tôi không nói vậy đâu. Hãy tin chúng tôi!”
Đó là tiếng của Dengorō phố trung và Heihachi ở phố hạ, họ là những người phụ việc ở gian bếp. Cả hai đồng thanh lên tiếng.
“Chúng tôi không góp tiền vào kế hoạch này được. Nhưng chúng tôi thấu hiểu sự vất vả của các ông. Không trả tiền cho ngài Miuraya thì không được nhận tiền cứu trợ. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm giải thích cho mọi người kỹ càng chuyện đó. Bây giờ chúng tôi sẽ đi từng nhà để nói cho họ biết chuyện.”
Họ nói sẽ đi lấy giấy cam kết của dân trong làng, giúp Jūzaburō và mọi người. Jūzaburō thấy mắt mình cay cay.
Thời Edo, đặc biệt thời kỳ cuối, chính là thời đại thường dân tỏa sáng. Thường dân thời Edo tử tế, hiền hậu, nét đẹp tính cách đó không nền văn minh nào trên trái đất từng trải qua.
Người bình thường cũng cư xử trên phương diện luân thường đạo lý mà cả thời đại yên bình từ trước đến nay cũng hiếm mà có được.
Heihachi là một trong số những thường dân như thế. Chàng không có lấy được mảnh đất ra hồn, chỉ có được căn nhà tồi tàn ở phố hạ Yoshioka-juku và làm công ở Kichijōin, sống một cách khiêm cung. Công việc của chàng ta đại loại bưng cơm khi có lễ cúng, hay quét dọn trước cổng chùa.
Thời Edo là xã hội mà “sở hữu đất đai” là điều kiện duy nhất quyết định quyền lên tiếng của một người. Người không có đất thì không được xem nhưikkenmae1, không được gọi đến các buổi hội họp trong làng. Vì vậy, những người như Heihachi không phải chịu trách nhiệm gì đối với công việc của làng cả. Thế nhưng, đến cả người đàn ông này cũng bắt đầu chạy quanh, không, nói đúng hơn là ra sức chạy để góp sức.
1 Người sở hữu đất, đóng thuế, có quyền hơn các hộ gia đình khác và có nghĩa vụ đối với tập thể.
“Nếu cứ như vầy, Yoshioka-juku này sẽ sụp đổ.” – Dường như lòng Heihachi đầy ắp suy nghĩ đó. Chàng nghĩ nếu không tập hợp tiền vốn, dâng lên bề trên, nếu không xây dựng quỹ tiền thì không thể cứu shukuba này.
Mỉa mai thay, người đàn ông này lại đi khắp những nhà giàu có chung quanh, ra sức thuyết phục để gom góp tiền. Jūzaburō và Sugawaraya đã đi quanh và thuyết phục được tám người chung tay. Heihachi bắt đầu tự mình ra sức với ý định tìm cho ra người thứ chín. Jūzaburō và Sugawaraya không biết việc đó. Về sau, khi hay chuyện, hai người mới té ngửa.
Nhờ làm việc ở chùa nên Heihachi quen biết rộng. Và hơn cả, chàng quen với việc kêu gọi quyên góp. Nếu để chàng ta cầm sổ quyên góp tiền thì không ai qua mặt được. Nghe đâu Heihachi đã tìm đến nhà Hayasakaya trước tiên. Chàng để mắt đến nhà Hayasakaya là vì dạo gần đây, nhà ấy khá giả lên hẳn. Nhà Hayasakaya sản xuất rượu, có tiệm ở phố hạ. Những thương gia được gọi là giàu có của Yoshioka-juku mọi người đều tập trung ở phố thượng, chỉ có xưởng rượu của Hayasakaya nằm riêng lẻ ở phố hạ. Cả chùa thờ tự của gia tộc cũng khác biệt. Những dòng họ lâu đời ở phố thượng đều lập mộ phần ở chùa Kuhonji, chỉ có nhà Hayasakaya là ở chùa Chūkō. Vì nhà Hayasakaya là thương nhân mới phát triển sau này, mối quan hệ với Asanoya, Sugawaraya, Jūzaburō vẫn còn xa cách, nên chưa tham gia góp tiền.
Đương chủ nhà Hayasakaya là Shinshirō, độ chừng bốn mươi tuổi, là người thông minh. Nhà Hayasakaya có tính cách năng động, và Shinshirō cũng rất tích cực trong buôn bán, nhờ vậy mà gầy dựng được mấy xưởng rượu.
“Tôi muốn đào suối nước nóng.” – Gần đây, Shinshirō còn nói vậy và đi quanh vùng núi lân cận, tìm nguồn nước nóng có thể làm nơi tắm suối nước nóng. Phải nói thêm, cuối thời Meiji, dòng họ này đã sản sinh anh tài Hayasaka Fumio, người sau đó vào học trường Đại học Đế quốc Tōkyō, đầu những năm Shōwa1, là người đầu tiên trên thế giới đã phát minh ra thiết bị mở dù nhảy một cách an toàn.
1 Chiêu Hòa: niên hiệu trong khoảng thời gian 1926 – 1989.
Nhưng nói gì thì nói, xem ra Heihachi đã quyết định sẽ thuyết phục nhà Hayasakaya này. Một phần nội dung câu chuyện Heihachi
thuyết phục nhà Hayasakaya về sau được ghi chép rõ ràng trong Kokuonki. Những lời nói của người đàn ông quét chùa này được lưu lại nguyên vẹn trong thời Edo có quá nhiều ghi chép này cũng là một việc hiếm hoi. Ngày nay, nó trở thành một tài liệu quý về lịch sử tư tưởng để chúng ta tìm hiểu suy nghĩ, tâm tư của người dân thời ấy.
Theo lời kể Jūzaburō nghe được sau đó thì Heihachi đã mở đầu bài diễn thuyết dài dằng dặc bằng câu: “Tôi nghĩ là ngài cũng đã biết…”
Heihachi đã kể cho Hayasakaya nghe về khó khăn của những người góp tiền. Heihachi nói: “Các ngài ở phố thượng thật vĩ đại!”
Những nhà giàu có ở phố thượng đều góp mặt trong kế hoạch này. Đến phu nhân Asanoya Jinnai cũng ủng hộ, thật khiến người ta rớt nước mắt vì cảm động. Chưa hết, đến cả nhà Kokudaya Zempachi,
không mấy giàu có ở phố thượng cũng thành người thứ tám tham gia kế hoạch với 200 kanmon. Cánh đàn ông phố thượng thật sự quên mình để cứu ba phố Yoshioka này. Thật là những tấm lòng chân thành, tử tế hiếm có tự cổ chí kim sao? Vậy mà ngược lại, nhà giàu phố hạ như Hayasakaya thật đáng buồn làm sao.
Yoshioka-juku được chia thành ba phố, thượng, trung, hạ. Những người đang xuất tiền tham gia kế hoạch đều là người phố thượng. Nếu cứ như vậy thì người phố hạ như Heihachi chẳng phải bỏ ra đồng nào mà vẫn ung dung chờ phát tiền lãi.
Và thú vị ở chỗ là người dân thời đại này không cho rằng điều đó là hay, là có lợi.
“Nếu là vậy thì thật chẳng tự hào gì khi làm người phố hạ. Những kẻ dù không góp tiền nhưng ở phố thượng sẽ hãnh diện với tư cách “phố thượng” đã cứu Yoshioka-juku. Người phố hạ sẽ trở nên nhỏ bé, phải khép nép tránh sang một bên mà không thể ngẩng cao đầu. Nếu vậy thì thật không hay chút nào.”
Đó là lý lẽ của Heihachi. Người Edo, đến cả thường dân cũng rất trọng hai chữ “thể diện”. Tính cách này được các nhà truyền giáo
châu Âu thời Sengoku phát hiện và thuật lại như một kho báu. Đó chính là điểm thú vị của đất nước này, của người dân thời đại này. Và Heihachi đã tự mình dốc sức thuyết phục nhà giàu phố hạ Hayasakaya để khỏi đánh mất thể diện của họ.
Heihachi bộc bạch nỗi lòng.
“Thật tình tôi rất muốn góp tiền nhưng với thân phận của tôi, thật không biết xoay xở thế nào. Nhưng ngài đây thì khác. Địa vị, thân phận lẫn tiền bạc đều khác hẳn chúng tôi. Mong ngài xem xét tham gia góp tiền cho kế hoạch.”
Người đàn ông nghèo khó đã thẳng thắn đề nghị như vậy. Khi Hayasakaya vẫn còn im lặng, chàng ta nói thêm: “Tên tuổi của ngài sẽ lưu danh hậu thế. Xin ngài suy nghĩ kỹ.”
Heihachi nhiệt tình như vậy khiến Hayasakaya cũng xiêu lòng, hỏi: “Góp bao nhiêu thì được?”
Câu trả lời của Heihachi lại vô cùng thú vị. Nghe kể rằng chàng ta đã khoanh tay, nói với thái độ như thể là chủ nhân của Hayasakaya: “Ừ nhỉ. Đại khái, với địa vị của ngài thì khoảng 500 – 600 kanmon. Nếu không được chừng đó, có lẽ họ không cho ngài tham gia đâu. Gì thì gì, họ đã viết cả giấy thế chấp tài sản, quần áo, vợ con cơ mà. Nhà Asanoya chẳng còn áo xống gì ngoài chiếc áo mặc trên người. Không chịu thiệt một chút thì không nói chuyện được. Nếu không góp được chừng đó thì thật không tương xứng với địa vị trong xã hội của ngài.”
Với Hayasakaya thì quả là một chuyện điên rồ. Góp 500 – 600 kanmon thì nhà Hayasakaya sẽ gặp nguy. Không đến nỗi sập tiệm nhưng quả thật khó lòng đồng ý với đề nghị này. Nhưng khi đã được nói “tương xứng với địa vị” thì không thể xem như chưa từng nghe.
Cũng cần giải thích thêm chút đỉnh về điều này. Xã hội Edo khác với tất cả xã hội từng tồn tại trong lịch sử Nhật Bản. Đó là sự duy trì ý thức về “tương xứng với địa vị”. Đó là xã hội phân biệt địa vị, và được những người sống trong xã hội đó xây dựng bằng những cam
kết rằng sẽ hành động tương xứng với địa vị đó. Thủy tổ Tokugawa Ieyasu vốn rất thích câu nói “tương miso có mùi của tương miso, samurai có mùi của samurai”. Nói cách khác, “hãy hành động tương xứng với địa vị”. Võ sĩ mổ bụng tự sát, hay quan phủ quên mình bảo vệ dân làng cũng là những hành động tuân theo nguyên lý “tương xứng với địa vị” này. Quan niệm này là nguyên lý hành động của những con người có quyền lực chi phối mạnh mẽ thời Edo. Hành động tương xứng với địa vị là chuyện đương nhiên, ngược lại, những kẻ không tuân thủ điều đó sẽ không được xã hội dung thứ, sẽ bị xem thường như một kẻ ti tiện, vô đạo đức.
Hayasakaya cũng phải cống hiến cho shukuba sao cho phù hợp với địa vị đó của mình. Và thường dân cũng cho rằng những người có địa vị cao đương nhiên sẽ làm như vậy. Nói khác di, làm người thượng lưu thời Edo thật khổ. Bị cả thường dân thấp kém chĩa mũi dùi một cách không nương tay rằng “hãy hành động tương xứng với địa vị”.
Vì vậy mà Heihachi cũng thẳng thắn đề nghị Hayasakaya góp tiền vì shukuba.
Có vẻ Hayasakaya rất khó trả lời, ấp úng: “Tôi rất hiểu tâm ý của anh nhưng… với thân phận của tôi thì… Anh có thể xem xét lại không?”
Nhưng Heihachi không nhượng bộ. Trên phương diện đạo đức thời này thì chính nghĩa rõ ràng thuộc về chàng ta. Heihachi bắt đầu thuyết giảng cho Hayasakaya như thể một đạo sĩ giảng đạo.
“Chà, chà, sao nghe không có chút thành ý gì cả. Ngài hãy nghĩ kỹ đi. Chuyện phú quý một gia tộc không hẳn vĩnh cửu. Ngày xưa, làng này đã từng có xưởng rượu Sōzaemon, Rokuzaemon, giàu sang cỡ nào vậy mà rồi sao? Bây giờ đến cả dấu tích căn nhà cũng không còn. Nhưng nếu cúng dường chuông chùa, tượng Phật thì khác. Nhà Takaya Gorōshichi, Fukudaya Matasaku phố trung đều đã chết nhưng tên họ còn lưu danh như những thí chủ đấy thôi. Cũng như con người ta rồi phải chết, phú quý cũng tan biến theo thời gian thôi.” “…”
“Quan trấn thủ Akechi (Mitsuhide) chẳng phải vậy sao?” Không biết nghe được từ đâu nhưng người đàn ông quét lá ở chùa này bắt đầu nói chuyện sử sách để diễn thuyết.
“Akechi đã giết chủ quân Oda Nobunaga và trở thành cái tên phản chủ. Nhưng sinh tiền ông đã miễn thuế đất cho dân Kyōto và cấp tiền cho chùa Myōshin xây nhà tắm. Nhờ vậy mà bây giờ, mỗi lần vào nhà tắm chùa Myōshin, các sư trong chùa vẫn đọc kinh, thắp hương cho Akechi. Nghe đâu đến nay bài vị Akechi vẫn được thờ cúng. Ngài cũng thử cân nhắc học hỏi, tích lũy công đức để hậu thế có thể tôn kính xem. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Tôi không đề nghị chuyện xấu xa. Ngài nên tham gia với tư cách một người góp tiền. Rồi danh tiếng ngài sẽ lưu truyền muôn đời. Không hề để lại tiếng xấu cho con cháu hay hậu thế gì cả.”
Heihachi nói vậy nhưng Hayasakaya vẫn một mực im lặng. Sau một lúc nhắm mắt như đang vận nội công, cuối cùng Hayasakaya khó nhọc lên tiếng: “Nếu là 200 – 300 kanmon thì tôi còn có thể chứ năm, sáu trăm quả thật không thể nào. 300 kanmon, không thể thêm xu nào, mong anh hiểu cho tôi.”
Và như vậy, rốt cuộc Hayasakaya cũng đồng ý góp tiền.
Tinh thần công – tư của người Nhật thời Edo được nâng đỡ bởi tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ cao độ với các thế hệ. “Làm vậy thì mặt mũi nào nhìn tổ tiên. Không làm cho đàng hoàng thì có lỗi với con cháu.” Có thể nói Heihachi đã đánh vào tâm lý đó để thuyết phục Hayasakaya.
Với Jūzaburō và những người còn lại, chuyện thật đáng mừng. Heihachi nói: “Nhưng có kẻ không góp tiền dù tôi đã nói hết lời.”
“Vậy anh đã đề nghị những ai?”
Jūzaburō lo lắng hỏi, Heihachi dông dài kể lại chuyện thất bại một cách tiếc rẻ.
Phố trung không một ai góp tiền. Heihachi thấy vậy không được nên đã nhờ Dengorō và Kōemon thuyết phục Watanabeya, Asamaya và Sakuraiya nhưng họ thất bại với cả ba mối này.
Nhà Watanabeya nổi tiếng keo kiệt vùng Yoshioka-juku này, khi nghe chuyện chỉ nói: “Nghe được đấy. Tôi cũng muốn tham gia nhưng với tiền thì…”
Sau đó, họ im lặng gườm nhau rồi chia tay trong hậm hực. Nhà Asamaya thì khác, không cần nói nhiều. Mấy năm gần đây, chuyện kinh doanh của nhà họ không được tốt cho lắm.
“Tôi thật lòng ghen tị khi thấy mọi người tham gia đề đạt lên bề trên. Nếu là mười, hai mươi kanmon thì tôi có thể xoay xở…”
Trước tình hình đó, họ mau chóng từ bỏ ý định thuyết phục. Họ cũng đến nhà Sakuraiya nhưng cũng không được đón nhận. Tuy đã ra sức thuyết phục “sẽ là nền tảng cho con cháu về sau” nhưng câu trả lời không lấy gì làm khởi sắc. Họ đã thử thương lượng với giá 100 kanmon được cho là tương xứng với nhà Sakuraiya nhưng Sakuraiya nhất mực chối từ.
“Anh hãy thấy mình may mắn khi được sinh vào thời đại này, nay chỉ cần nghĩ cho con cháu, nhắm mắt tham gia mà làm việc tốt thôi.”
Heihachi đã thử thuyết phục như vậy nhưng vô ích.
Đã bước vào nửa sau thời Edo. “Ý thức gia đình” đã ăn sâu vào nhận thức người dân ở làng shukuba nhỏ bé này. “Ý thức gia đình” là một loại tôn giáo cho rằng sự kết nối vĩnh cửu, sự phồn vinh con đàn cháu đống chính là giá trị tối cao. Tôn giáo này xưng là “Phật” nhưng là tôn giáo thờ tổ tiên chứ không phải Phật, đồng thời cũng là tôn giáo con cháu. Họ sợ nhất là tuyệt đường con cháu, mộ phần tổ tiên không người chăm sóc. Thông qua thời Edo, đến cả những thường dân Nhật Bản cũng tin vào tôn giáo quốc dân này. Cho đến thời Muromachi, đừng nói là phần mộ gia đình, cả chuyện khắc tên cá nhân trên bia mộ cũng hiếm hoi, vậy mà đến thời Edo, “ai sẽ chăm sóc mộ phần?” là cả một vấn đề, chuyện có “con cháu chăm
sóc mộ phần” trở thành mục đích bắt buộc. Vì vậy, nếu bị vặn hỏi “có lợi cho bản thân hiện nay, hay cho con cháu trong tương lai”, hầu hết đều chọn vế sau.
Ngược lại, người theo chủ nghĩa thời điểm hiện tại như nhà Sakuraiya “nếu đời nay sụp đổ thì con cháu cũng chẳng có gì” chính là dị giáo đối với tôn giáo quốc dân này. Về sau, ba nhà Watanabeya, Asamaya, Sakuraiya từ chối góp tiền đã bị người làng Yoshioka-juku chê cười đến mức đáng thương.
Tuy một phần cũng do Dengorō và Kōemon không giỏi thuyết phục để họ xuất tiền nhưng cả ba nhà bị người làng khinh miệt “nhà đó keo kiệt bẩm sinh, lại chẳng có tài cán gì” đến mức tăng lữ trong làng phải lên tiếng nhắc nhở “thôi, đừng nói xấu họ như vậy nữa”.
“Chuyện trở nên rắc rối rồi.” – Jūzaburō thở dài. Chàng chỉ kêu gọi đóng góp với tình cảm trong sáng nhưng nay người góp tiền thì được tôn kính quá mức, người không góp lại bị khinh khi ra mặt.
Người lo lắng về việc này nhất là ōkimoiri Chisaka Chūnai. Với tư cách người đứng đầu cai quản cả khu, ōkimoiri đã nghĩ: “Nếu chuẩn bị sẽ không xảy ra cớ sự.” Chisaka cho gọi tám người đã góp tiền tập hợp lại. Trước mặt tám người Jūzaburō, Sugawaraya, Jinnai… đứng xếp hàng, Chisaka nói: “Chúng ta phải hạn chế.”
Người dân Yoshioka-juku đã bắt đầu bàn tán về nhóm chín người bọn họ như “nghĩa sĩ Akō”1. Mặt khác, cũng có người bị nói xấu vì không góp tiền. Quanh quẩn trong thế giới nhỏ hẹp, người ta thường có lòng đố kỵ, ghen tị mạnh mẽ. Ở Yoshioka-juku chật hẹp này đang manh mún sự chia rẽ. Dù từng người họ góp tiền với tấm lòng chân thành muốn cứu shukuba này nhưng cũng có kẻ không được vui. Và họ phải cẩn thận.
1 Truyền thuyết 47 samurai ở Akō thời Genroku (1688 – 1704) lên kế hoạch trả thù cho chủ quân là Asano Takumi-no-Kami bị phán xét oan ức, phải tự mổ bụng tự sát. Sau khi trả thù, họ cũng mổ bụng tự sát để tỏ lòng trung và nghĩa khí của samurai. Sự kiện này còn được gọi là Akō Jiken.
Chisaka giải thích cặn kẽ từng việc phải lưu ý.
“Tóm lại, làm gì cũng phải nhẫn nại. Dù có làm ăn cũng phải tránh đi xa. Đi bác sĩ ngay khi phát bệnh để tránh bệnh trở nặng. Dù có bị ai hỏi han gì về việc phục hưng Yoshioka cũng không được hé răng nửa lời…”
Chàng nói một tràng hơn mười điều phải lưu ý. Những điều này thì cả Jūzaburō và Sugawaraya đều thừa biết. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là Chisaka bắt đầu nói về việc sau khi kế hoạch thành công. Thật bất ngờ làm sao.
“Và có một việc chúng ta phải truyền lại cho con cháu đời sau. Các anh có thề rằng nếu như nguyện vọng này đạt thành đi nữa, chúng ta cũng không được tự hào về việc chúng ta đã làm không?”
“Nghĩa là sao?”
“Có thể không ai trong chúng ta sẽ vênh mặt tự hào khi kế hoạch này thành công nhưng đời con cháu chúng ta thật không biết được.”
Đúng là vậy. Nếu kế hoạch thành công, Yoshioka-juku hồi sinh thì chín người họ sẽ được ca tụng. Và điều này sẽ trở thành mầm mống cho cái gọi là “đẳng cấp gia tộc”. Chắc chắn chín gia đình đã cứu shukuba này sẽ có một vị thế khác biệt trong ngôi làng nhỏ bé.
“Vì vậy, tôi muốn chúng ta thề với nhau. Cho đến đời con cháu về sau, chúng ta không được ngồi chiếu trên.”
“…”
Tức trong tương lai, dù có đến dự tiệc rượu nơi đâu, dù có ở cuộc họp nào của làng, họ không được ngồi vị trí cao hơn người khác. Thậm chí phải ngồi ở vị trí thấp nhất. Tuy có chút quá đáng nhưng không ai phản đối. Khi Chisaka giục tám người còn lại trả lời, từng người đều tuyên bố rõ ràng: “Không phản đối.” Vốn dĩ, ngay từ đầu họ không tính toán thiệt hơn. Tất cả đều xem đó là chuyện đương nhiên. Họ quyết định viết rõ nhắc nhở con cháu đời sau không được
kênh kiệu một khi kế hoạch thành công. Chisaka cho rằng nếu không có giấy trắng mực đen rõ ràng thì không yên lòng, nên họ quyết định làm vậy. Người làm quan trong làng cũng thường viết giấy hộ thân nên mọi người im lặng làm theo.
Họ quyết định viết một văn bản gồm “Các điều hạn chế” như không ngồi chiếu trên vân vân rồi mọi người cùng ký tên vào đầu và cuối văn bản. Jūzaburō cũng viết “Kokudaya Jūzaburō” và đóng dấu và còn đóng cả hoa ấn lên đó. Chỉ khi đóng hoa ấn này, chàng mới xưng “Kokudaya”. Điều này khiến lòng chàng dâng trào tinh thần của một võ sĩ. Những người khác cũng có hoa ấn, không ngần ngại viết tên, đóng dấu, đóng hoa ấn như những võ tướng thực thụ.
Chỉ Shinshirō nhà Hayasakaya không biết có phải do không có hoa ấn, hay do tự xưng mình là thương nhân nên cẩn thận lấy thương ấn từ chiếc túi vải ra để đóng lên đó.
Những tưởng chuyện giấy tờ, văn bản đã xong nhưng không phải.
“Một khi đã đệ trình đơn xin lên bề trên mà chỉ cần một ai đó nói “tôi không góp tiền được” thì kế hoạch này sẽ tan như bọt nước.”
Chisaka nói với vẻ lo lắng. Cả nhóm đồng loạt nhìn nhau.
Tuy họ là những người anh em đáng tin cậy của nhau nhưng đúng là chỉ cần một người rút lui, chuyện sẽ trở nên gay go.
“Vậy từng người chúng ta nên viết suy nghĩ của mình ra giấy.” Không rõ có phải là Sugawaraya không nhưng một người trong số họ đã nói vậy.
Tuy hơi thừa nhưng phải nói, vào thời này, nông dân bá tính từng người viết ra ý chí của họ một cách riêng lẻ khi tham gia một phong trào nào đó là việc hiếm hoi. Thông thường, có khởi nghĩa hay thỉnh nguyện điều gì, ý chí của một nhóm người sẽ được tập hợp vào một văn bản và mọi người ký tên vào đó. Vì vậy, có thể nói chín người làng Yoshioka này quả thật không tầm thường. Từng người họ đã
thể hiện rõ “ý chí của từng cá nhân” trong việc cứu Yoshioka, như những người sống ở thời hiện đại.
Ōkimoiri Chisaka Chūnai cầm bút trước tiên. Những dòng chữ với sự chuẩn bị tâm lý tràn ngập bi thương.
“Nếu chẳng may chuyện tiền bạc xảy ra việc gì không thuận lợi, đương nhiên tôi sẽ bán cả nhà cửa, gia sản, y phục, thậm chí dù có để cả vợ con làm thuê cũng cam lòng. Tôi và vợ con mình sẵn lòng làm vậy.”
Tiếp theo ōkimoiri Ikuemon viết:
“Tôi đây đã bàn bạc kỹ lưỡng với mẹ tôi, nhánh chính của dòng tộc Asanoya và mạn phép đến đây với tâm thế sẵn sàng. Cho dù có phải vác bị ăn xin cũng nhất định không hối tiếc.
Tôi cũng cùng quyết định với đứa con trai (nối dõi) Tōkichi của mình.”
Mọi người ai nấy đều viết theo cách của mình.
Jūzaburō quyết định viết rõ tâm trạng lúc ấy.
“Cho dù tôi có phải bán thân làm công cũng không hề gì.”
Với những người nông dân, không gì đáng sợ bằng việc rớt xuống tầng lớp mutaka no mizunomi. Tức thân phận bán thân làm công, không sở hữu ruộng đất, chỉ có nước uống qua ngày. Chỉ những ai có mảnh đất đứng tên và nộp thuế công đầy đủ với chính quyền mới được xem như một con người thực thụ. Một khi không còn ruộng đất, nhà cửa trong tay, chỉ biết uống nước qua ngày thì chỉ còn cách bán thân, làm gia nhân cho nhà người để vừa trả nợ vừa kiếm sống qua ngày. Và khi đã như vậy thì cả nhà sẽ phải ly tán. Con cái suốt đời bị người ta sai khiến, con trai không lấy được vợ, con gái không cưới được chồng. Với những người dân thường, việc này chẳng khác nào bị thế gian xử tội chết.
Khi một mạch viết ra điều đáng sợ nhất, khuôn mặt đứa con trai hiện lên trong đầu chàng. Chỉ vì trở thành con nuôi chàng mà biết đâu cuộc đời nó sẽ khốn khổ. Lẽ ra nó đã có được cuộc sống an nhàn trong một nhà làm rượu, chỉ vì chàng mà nó thể bị đẩy xuống tận cùng. Dù vậy, vẫn không thể rút lui.
“Con trai tôi, Otoemon cũng nói rằng: “Cho dù khốn khó chồng chất, vẫn cố gắng hết sức mình để hoàn thành đại sự”.”
Chàng lấy lại tinh thần và viết thêm câu đó.
Jūzaburō thắc mắc không biết Sugawaraya đang ngồi bên cạnh mình viết gì. Nhìn trộm theo ngòi bút của Sugawaraya thì chàng suýt bật cười khi thấy chàng ta, khác với mọi người, viết về vợ mình thật dài.
“Khi tôi hỏi vợ thì nàng ấy nói: “Em biết chàng có những suy nghĩ như thế. Phận làm vợ phải theo chồng là chuyện đương nhiên tự cổ chí kim, nên em chẳng việc gì phải đắn đo. Một khi đã làm dâu nhà chàng, chuyện sống chết của em đều do chàng định đoạt. Chàng hãy đệ trình bề trên những gì chàng cho là tốt nhất”.”
Sugawaraya viết như vậy. Vợ Sugawaraya độ hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi. Thời trẻ, chàng ta vùi đầu vào chuyện trồng trà nên lấy vợ hơi trễ. Hơn ba mươi lăm tuổi, chàng mới lấy người con gái trẻ hơn mình cả mười bốn, mười lăm tuổi làm vợ. Nàng tên Natsu, da trắng ngần, trong suốt. Trước đây chỉ biết nói ghét phụ nữ nhưng kể từ ngày lấy vợ, Sugawaraya thay đổi hoàn toàn, như phát cuồng vì vợ, một ngày cũng không thể rời xa. Một Sugawaraya nổi tiếng thông thái một vùng nhưng hoàn toàn “lép vế” trước người vợ trẻ.
Bình thường, những lúc thế này, Sugawaraya thể nào cũng lý luận nọ kia nhưng nay chỉ viết lại nguyên văn lời cô vợ, rốt cuộc thành ra kiểu người vợ nói “muốn làm gì tùy chàng” nên Jūzaburō lấy làm buồn cười.
Vậy là Jūzaburō và mọi người đều viết xong, tức quyết định đệ trình lên phiên.
Thình lình, có tiếng đập cửa thật mạnh. Mọi người giật bắn mình.
Lúc đó, Jūzaburō và Sugawaraya đang thầm thì với nhau về thư thỉnh nguyện để trình lên phiên. Lẽ nào chuyện sớm bại lộ, và lính quan trên đã tìm đến? Suy nghĩ bi quan đó hiện lên trong đầu họ như một tia chớp.
Nhưng không phải vậy. Khi kéo mở cánh cửa, nhóm Heihachi vốn đang chạy khắp nơi kêu gọi góp tiền, thò đầu vào. Những người đàn ông trong những bộ quần áo nhàu bẩn, phong phanh đứng trước cửa, giữa mùa đông lạnh lẽo với những cơn gió thổi bay cả những cành cây khô ở Michinoku. Tất cả họ đều hướng ánh mắt về nhóm Jūzaburō với vẻ mặt thần bí.
“Chúng tôi có một mong muốn.” – Heihachi nói.
Rằng họ muốn nhóm Jūzaburō đọc lá thư thỉnh nguyện lên bề trên để cứu Yoshioka-juku trước toàn thể dân làng vào ngày lễ osanya san.
Osanya-san chỉ đêm 23. Ngày này, dân chúng trong shukuba tập hợp ở chùa Kichijōin và Hachiōji Anraku-in đón trăng bán nguyệt thâu đêm đến lúc mặt trời lên để cầu nguyện. Họ muốn nhân dịp đó được biết nội dung của lá thư.
Thời này, chỉ cần tụ họp chính trị là có thể bị xem như “khởi nghĩa”. Nhưng việc cả làng tập họp cả đêm để đón trăng, cùng nhau uống rượu “trò chuyện” chờ trăng, chờ ngày mới thì mặc nhiên được công nhận. Hẳn đây là suy nghĩ của bọn họ.
Nhân tiện nhắc lại ở đây, đất nước này thời Edo có nền văn hóa chính trị đọc cho nghe. Những bảng cáo thị thường thấy trong các bộ phim truyền hình về thời xưa chỉ viết “Tuân thủ luật lệ”, “Cấm Ki tô giáo”, “Không được đánh bạc” vân vân nhưng những pháp lệnh được bề trên ban ra thông thường không được xuất hiện.
Thời Edo, tuy nói tỉ lệ người dân biết chữ cao nhưng quá nửa không biết đọc. Do đó, việc đọc cho dân nghe các pháp lệnh có ý nghĩa vô
cùng to lớn đặc biệt vào thời kỳ đầu Edo. Người đứng đầu dân làng như shōya sẽ tập hợp mọi người lại một nơi, đọc cho họ nghe pháp lệnh. Bằng cách đó, sự cai trị của lãnh chúa lan đến hang cùng ngõ hẻm. Thường dân Nhật Bản biết đến công báo, báo chí, tức biết
đến pháp luật qua mặt chữ cũng phải vào khoảng nửa sau thời Meiji trở đi.
Tóm lại, những gì liên quan đến chính trị, luật pháp thì sẽ được người đứng đầu đọc cho dân chúng nghe bằng miệng. Đó là truyền thống lâu đời của đất nước này.
Đêm 23, một bầu không khí lạ thường bao trùm toàn thể shukuba. Khác với những đêm 23 thông thường, hoàn toàn không có không khí hội hè. Dân trongshukuba lũ lượt kéo đến chùa trong đêm đen, không nói lời nào. Những cái bóng đen lầm lũi kéo đến để nghe đại
sự dần dần lấp đầy khuôn viên chùa.
Jūzaburō bất giác rùng mình. Từ bây giờ, một sự kiện trọng đại quyết định vận mệnh của cả shukuba sẽ diễn ra. Trong bầu không khí căng thẳng tột độ, nhóm chín người Jūzaburō từ từ đọc lớn nội dung thư thỉnh nguyện cho dân chúng trong shukuba nghe.
Từ chỗ có 219 hộ, Yoshioka-juku nay đã mất hết 16 hộ phá sản. Yoshioka-juku này là một shukuba nghèo nàn, người có ruộng đất trị giá một kanmon trở lên chỉ tám, chín người, không hơn không kém. Vì vậy, dân trong shukuba kiếm tiền qua sáu phiên chợ được mở mỗi tháng nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Từ đây sắp tới, nếu tiếp tục làm nhiệm vụ otenmayaku cho bề trên cần phải có cách cải thiện, nay mạn phép xin được giảm thuế sáu kanmon cho những nhàikkenmae, giảm 4 kanmon cho những nhà hankenmae1. Nhưng chúng ta không đơn thuần thỉnh nguyện như vậy mà cho đến lần sankin-kōtai2 vào năm tới đây, chúng ta sẽ dâng lên bề trên 4.500 kanmon, ba năm sau vào lần sankin-kōtai tiếp theo sẽ dâng tiếp 1.500 kanmon, tổng cộng 6.000 kanmon. Thay vào đó, xin được giảm thuế như vậy.
1 Tùy vào mức thuế mà được phân biệt thấp hơn với ikkenmae.
2 Tham cần giao đại: chế độ trình diện luân phiên thời Mạc phủ để đảm bảo lòng trung thành của các daimyō với shōgun.
Họ giải thích cặn kẽ, tường tận cho dân làng nghe. Nếu dân làng không đồng tâm nhất trí, kế hoạch này không thể thành công.
Cả làng lắng nghe trong im lặng, không cả một tiếng tằng hắng. Ai nấy đều hiểu sự việc trọng đại thế nào.
Giữa chừng, thình lình có tiếng kẻng vang lên dồn dập. Hình như làng bên có hỏa hoạn. Vậy mà dân chúng trong shukuba không ai cử động, chẳng ai đứng lên, cứ chăm chú lắng nghe.
Trên đường về, sau khi kết thúc buổi đọc thư, Sugawaraya quay sang Jūzaburō nói một câu: “Có đám cháy mà chẳng một ai đứng lên, tôi thật không thể nào quên những nét mặt chăm chú đó.”
Jūzaburō nghĩ bụng, với dân làng Yoshioka, nỗi sợ hãi cái nghèo đang xâm lấn còn lớn hơn cả nỗi sợ nhà cháy.
Với Yoshioka-juku, ngày trình thư thỉnh nguyện lên phiên hẳn là ngày quyết định vận mệnh của cả làng. Dân ba phố trong Yoshioka đồng lòng chắp tay cầu nguyện, đem đến chỗ nhóm Jūzaburō ba thùng rượu sake để tiễn họ lên đường. Thâm tâm Jūzaburō “muốn được đưa tiễn thật yên lặng” nhưng với trường hợp này thì không thể. Thanh niên trai tráng trong làng hừng hực khí thế như thể muốn xắn tay áo theo đưa họ đến tận Sendai. Nhưng nếu kéo nhau đông đúc như vậy không thể nào không khiến bề trên nghĩ rằng họ đang kéo bè nổi loạn. Sugawaraya ra sức thuyết phục “người đứng đầu goningumi1 đi tiễn là được rồi” nhưng không cách nào giải tán được họ. Những người đứng đầu goningumi đi theo sau họ, chắp tay cầu nguyện thần Phật. Tâm nguyện của cả dân làng như bám chặt họ từ lúc xuất phát.
1 Nhóm năm hộ gia đình liên kết với nhau, một cách tổ chức hành chính thời Edo.
Nơi tiếp nhận đơn thỉnh nguyện sẽ là daikansho2. Nhóm Jūzaburō nhằm hướng daikansho ở Kurokawa, nơi cai quản Yoshioka-juku. Do viết đơn thỉnh nguyện này mà cả chín người bọn họ, kể cả ōkimoiri Chisaka Chūnai cũng được xem là “nông dân”. Mà nông dân muốn đệ trình điều gì lên phiên đều phải được daikanký duyệt. Đại quan trực phiên thời gian đó là Yashima Dennosuke. Người này là một viên quan bình thường. Quan chức thông thường chẳng ưa gì những đơn thư ngoại lệ thế này. Bất kể nhóm Jūzaburō lặn lội đường xa mới đến được daikansho, ông ta chỉ thờ ơ đọc lướt lá thư và nói với vẻ lạnh nhạt: “Việc này các ngươi hãy bẩm báo ngài Hashimoto Gonemon đồng chức. Trước tiên, hãy trình lên ngài Hashimoto.”
2 Đại quan sở: nơi quan đại diện chính quyền Mạc phủ đóng ở địa phương.
Có nghĩa ông ta hoàn toàn không muốn nhận thư thỉnh nguyện này, nên chuyển sang người đồng chức với mình. Một sự chối bỏ trách nhiệm lộ liễu. Có thể thấy mặt Sugawaraya nhăn nhó khổ sở. Việc tiếp nhận lá thư thỉnh nguyện chưa từng có tiền lệ này và trình lên quan trên trong phiên quả thật là một việc phiền toái với giới quan lại vốn theo chủ nghĩa không quan tâm đến sự tình. Đến cả ōkimoiri cũng ký vào thư cũng không qua được ải này. Có vẻ Yashima nghĩ rằng “chỉ cần tống cho Hashimoto là xong việc”. Đây là khởi đầu cho cái vòng quan liêu luẩn quẩn.
Thời Edo, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp chưa từng thấy trong quá khứ. Một xã hội như cố tình xử lý một cách phức tạp các loại văn bản hành chính như thế này thật hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.
Điều này cũng có thể có liên quan với việc võ sĩ quá nhiều dù chiến tranh đã kết thúc. Vào cuối thời Sengoku, số lượng võ sĩ (gia trung daimyō) ở một đảo quốc nhỏ như Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Có thể nói thời Hideyoshi xuất binh Triều Tiên1 là đỉnh điểm, dân số chỉ khoảng mười mấy triệu người mà võ sĩ năm trăm ngàn người, tính luôn cả gia đình họ thì sinh ra một quân đoàn khổng lồ hơn một
triệu người. Hễ đã gia tăng số lượng võ sĩ một lần thì khó lòng giảm bớt. Đến thời Edo, dù đã hòa bình nhưng đất nước vẫn phải gánh số võ sĩ hùng hậu vô nghĩa này.
1 Toyotomi Hideyoshi đưa quân xâm lược Triều Tiên vào năm 1592.
Giới binh sĩ quá dư thừa. Vì vậy nhiều võ sĩ được giao cho chức vụ, công việc chỉ một người cũng có thể làm được giao cho hai người hoặc hơn thế phụ trách gọi là aiyaku (cùng làm việc). Họ còn cố tạo ra cái gọi là tsukiban (trực theo tháng). Họ tin rằng làm vậy thì không có kẻ nào nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Trong giới võ sĩ, nếu ai đó nổi lên nắm quyền lực thì sẽ bị căm ghét cùng cực. Không ai được phép nắm quyền ngoại trừ chủ quân. Vì vậy, họ luôn xử lý sự việc theo nhóm chứ cá nhân không tự mình giải quyết.
Do đó trong “chính phủ” tạo nên giới võ sĩ này, bản thân những người có chút quyền lực nhỏ bé, mờ nhạt này không biết ai sẽ là người quyết định chính. Họ cố tình tạo ra một tổ chức dường như không hiểu điều đó. Từ đó, khi muốn quyết định một công việc hành chính nào đó, họ lần theo một lộ trình phức tạp, giấy tờ văn bản được chuyển lòng vòng để một số lượng võ sĩ đóng dấu vào đó. Rốt cuộc, chẳng thể nào biết được ai là người quyết định sự việc, cái vòng luẩn quẩn cứ thế quay đều.
Tôi đã nói chuyện ngoài lề hơi nhiều rồi, quay lại chuyện của nhóm Jūzaburō thôi.
“Nộp cho Hashimoto Gonemon” là lệnh của daikan Yashima. Dẫu biết mọi việc không thể nào suôn sẻ nhưng nhóm Jūzaburō vẫn thất vọng tràn trề. Nói đúng hơn, đối với họ, chỉ thị lòng vòng này thật tàn nhẫn. Bởi daikan Hashimoto Gonemon ở daikansho Nakaniida rất xa họ.
Giữa Yoshioka-juku và Nakaniida là những dốc núi hiểm trở, quanh co, dạo gần đây do thời tiết xấu mà những con đường vốn đã không bằng phẳng nay còn tồi tệ hơn, có chỗ còn bị đứt đoạn.
“Quan lại thật biết cách làm khổ dân chúng.” – Ấm ức vậy nhưng họ chẳng còn cách nào khác.
Để thương lượng với phiên, người có chức trong làng phải ra tay thôi.
Ōkimoiri Chisaka Chūnai, kimoiri Ikuemon và Sugawaraya sẽ đi ngựa để băng qua đoạn đường đau khổ này. Jūzaburō cho rằng người thông thái như Sugawaraya đi thì được việc hơn mình. Nhưng đến sáng hôm lên đường, nhìn Sugawaraya xuất phát, chàng thấy lo trong bụng.
Con ngựa của Sugawaraya ốm yếu, như chực ngã lăn ra. Jūzaburō thầm nghĩ không biết liệu họ có đến nơi an toàn không. “Anh Sugawaraya, vậy ổn không?” – Chàng cất tiếng hỏi.
Từ trên lưng ngựa, Sugawaraya trả lời.
“Dù có chết tôi cũng không rời lá thư đâu.”
Nhìn lại mới thấy Sugawaraya đeo lá thư trên cổ. Nhưng lo lắng của Jūzaburō không sai chút nào. Giữa đường, con ngựa bị lún bùn, Sugawaraya rơi từ lưng ngựa, toàn thân đập mạnh xuống. Chisaka Chūnai lật đật ôm Sugawaraya đỡ lên.
“Gay go rồi. Chắc lá thư lấm bùn cả rồi!”
Nói rồi chàng giũ bùn dơ bên ngoài cái gói đựng thư quấn ở cổ Sugawaraya kiểm tra bên trong. Chẳng những lá thư hoàn toàn bình an vô sự mà cả Sugawaraya cũng đang giạng chân đứng thẳng, quần áo chẳng lấm lem gì mấy.
“Không hổ danh con dấu của Ngưu vương Kumano đã bảo vệ lá thư.”
Nói rồi ba người họ rửa tay ở vũng nước đọng ven đường, cùng tạ ơn thánh thần. Cứ như thế, ba người vừa đi vừa ngã không biết bao nhiêu lần, mỗi lần như vậy lại chắp tay khấn thần Phật đất trời rồi
băng qua cánh rừng Michinoku. Chỉ có thể nói tấm lòng chân thành, trong sáng của họ thật đáng khâm phục.
Thế rồi cuối cùng họ cũng đến được daikansho ở Nakaniida. “Đến đây mà không qua được ải này thì tất cả kết thúc.” – Ba người họ nghĩ bụng.
Đại quan Hashimoto Gonemon xuất hiện ngay lập tức, nhìn cả ba rồi đọc thư. Sugawaraya quỳ lạy mà trong lòng không ngừng cầu nguyện.
“Các ngươi ngẩng đầu lên đi!”
Nghe câu nói đó, ba người nhất loạt ngẩng đầu lên. Đại quan nói với vẻ ngạc nhiên: “Chà chà, đây là thư thỉnh nguyện ta chưa từng nhận được từ trước đến nay.”
Trong khoảnh khắc, ba người họ đều nghĩ: “Thôi xong!” Họ cảm giác như bị xô xuống đáy vực sâu và nghĩ daikan đang tức giận với lá thư thỉnh nguyện chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng, họ đã không tin vào tai mình khi nghe những lời nói tiếp theo của daikan Hashimoto: “Nhất định ta sẽ đem thư này lên bề trên, thỉnh nguyện người!”
“Hả?!” – Họ nghĩ. Tâm trạng không nói nên lời dâng trào tự đáy lòng. Chưa hết, daikan Hashimoto vẫn tiếp tục nói những lời ấm áp và cười thật vui vẻ. Nụ cười đích thực người ta chỉ cho người khác thấy khi thật sự sảng khoái tự đáy lòng.
Thậm chí vị daikan này còn nói trước sự kinh ngạc của họ: “Bây giờ chúng ta cùng cạn chén nào!” Không phải mơ. Tuy đạm bạc nhưng có rượu, có canh. Đại quan Hashimoto khen ngợi ý chí của ba người. Sau khi được tiếp đãi nồng hậu như vậy, họ trở về lữ quán mà lòng lâng lâng vui mừng khôn xiết. Họ lại thêm một phen bất ngờ khi chẳng bao lâu sau khi về đến nơi, lại có người của daikan phái đến: “Sáng mai sẽ chuẩn bị cơm nước.” Ba người ngạc nhiên đến tỉnh cả rượu, cảm thấy vô cùng bối rối. Họ chưa từng nghe có vị daikan nào đối xử với thường dân bách tính như thế này. Cả ba trở
nên sợ hãi. “Nhờ anh nhắc lại với quan trên chúng tôi chỉ là thường dân bách tính, thật không dám nhận lời.” – Họ cúi thấp đầu từ chối. Nhưng người của daikan nói: “Không, daikan đã lệnh như vậy. Ngài nói rất vui mừng trước việc làm vì dân chúng của ba người. Vì vậy, mong các anh đừng ngại đến dùng bữa.”
Thế là sáng hôm sau, ba người họ líu ríu dắt nhau đến daikansho dùng bữa sáng và được cho xem “mạt thư” đã được daikan ký rõ ràng.
Những việc này trở thành câu chuyện làm quà mà ba người Sugawaraya dành cho Jūzaburō khi trở về.
Đại quan Hashimoto đã viết cả “mạt thư”. Có thể nói đây là thư đính kèm của daikan, chỉ cần có nó, việc giấy tờ văn bản lên quan trên sẽ thông suốt. Thậm chí,daikan Hashimoto còn hứa: “Ta sẽ báo lại với đồng chức, ngài Yashima, không để xảy ra chuyện gì xấu.” Sự thật là sau đó, thái độ của daikan Yashima quay ngoắt như trở bàn tay.
Khi ba người bọn họ đến chỗ daikan Yashima lần nữa, ông ta nói: “Ta đã nghe chuyện từ ngài Hashimoto. Thật đáng mừng. Thư thỉnh nguyện đó thật không gì sánh được, hẳn bề trên cũng chưa từng nghe thấy bao giờ”, và nâng cao lá thư trên đầu với vẻ cung kính. “Quan lại tệ hại nhất là không muốn làm việc gì mới lạ. Chỉ biết theo đuôi người khác.” – Jūzaburō nhớ lại có lần Sugawaraya từng nói vậy và ngẫm những lời ấy thật đúng. Nhưng dù gì, kế hoạch đã được daikanđánh giá cao, có chút tiến triển, như gần đến đích. Yoshioka-juku sẽ được cứu. Jūzaburō vui mừng vì điều đó hơn cả.
Thế nhưng, quan lại thật không dễ chút nào.
Thông báo ấy đến vô cùng đột ngột. Hôm đó nhằm mùng 8 tháng Giêng, sau ngày ăn cháo nanakusa1 một ngày.
1 Cháo có bảy loại rau, ăn vào mùng 7 tháng Giêng cho nhẹ bụng sau những ngày Tết.
"""