Tác giả Isoda Michifumi (Ki Điền Đạo Sử) sinh năm 1970, là một nhà nghiên cứu sử học. Và đúng như cái tên được cha mẹ đặt cho, ngay từ thuở nhỏ, tác giả Michifumi đã đặc biệt yêu thích môn lịch sử. Những năm học cấp III ở trường công lập Okayama Daianji của tỉnh Okayama, Michifumi đã dùng “Tự điển đọc hiểu văn thư cổ cận thế” của gia đình để đọc các văn bản, sách cổ trong thư viện tỉnh.
Dòng họ Isoda vốn thuộc dòng dõi trọng thần của phiên Okayama, xứ Bichu, thời Mạc phủ Tokugawa nên trong nhà còn lưu giữ nhiều văn thư cổ. Ông tổ 5 đời trước của tác giả vốn là thầy dạy của phiên chủ Ikeda thời bấy giờ và cũng là người dạy Nho giáo cho Takayama Kisai – một nha sĩ thời Minh Trị, người sáng lập Đại học Nha khoa Tōkyō. Chữ “Michi (Đạo)” trong tên tác giả là “thông tự” của gia tộc Isoda, được truyền từ đời này sang đời khác.
Tuy ở Nhật cũng từng có quan niệm “húy danh” – tránh gọi tên bậc tôn trưởng trong họ tộc để tỏ lòng tôn kính nhưng không nghiêm khắc như các nước có nền văn hóa kị húy như Trung Quốc. Vì vậy, từ khoảng giữa thời Heian (794 – 1185), khi thói quen đặt tên gồm 2 chữ Hán trở nên phổ biến thì “húy danh” trở thành “thông tự (toori-ji)” hay “hệ tự (kei-ji)” trong tiếng Nhật. Người Nhật lấy một chữ đặc thù làm toori-ji của họ tộc, truyền từ đời này sang đời khác để chứng tỏ tính chính thống của người kế tục hay có ý cho biết người đó là một thành viên của họ tộc.
Isoda Michifumi đã theo học khoa Sử trường Đại học Kyōto Furitsu do có nhà sử học Mizumoto Kunihiko giảng dạy tại đây cũng như Kyōto là vùng đất còn lưu trữ nhiều văn thư cổ và di tích lịch sử. Tuy nhiên, do trường không có bậc cao học nên Michifumi vừa theo học đại học vừa học luyện thi để năm sau thi vào trường Đại học Keio Gijuku (thường được gọi tắt là trường Keio), nơi có nhà nghiên cứu Sử Kinh tế Hayami Akira làm việc. Tại trường Keio lừng danh, tác giả Isoda Michifumi theo đuổi con đường sử học cho đến khi lấy bằng tiến sĩ với đề tài “Cấu trúc xã hội của đoàn gia thần đại danh (daimyō) cận thế” dưới sự hướng dẫn của nữ sử gia Tashiro Kazui. Sau đó, từ năm 2004, Isoda đã làm việc tại nhiều trường đại học, cơ quan văn hóa khác nhau như Đại học Ibaraki, Đại học Nha khoa Tōkyō, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Shizuoka, tòa soạn báo Yomiuri, và nay đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản Quốc tế.
Các giải thưởng Isoda Michifumi giành được đều xuất phát từ chuyên môn sử học của ông như giải “Tài liệu Shinchō” năm 2003 với tác phẩm Sổ chi tiêu gia đình võ sĩ – Duy tân thời Mạc mạt của kế toán phiên Kaga. Năm 2010, Sổ chi tiêu gia đình võ sĩ được dựng thành phim. Cùng năm, Isoda Michifumi nhận giải thưởng “Truyền thông Văn hóa” của đài NHK vì “đã giải thích về lịch sử cho khán thính giả một cách dễ hiểu, góp phần cống hiến cho việc tuyên truyền văn hóa và xây dựng địa phương năng động”. Năm 2015, Isoda giành giải thưởng “Câu lạc bộ Người viết tùy bút” vốn có truyền thống lâu đời với mục đích khích lệ những tác giả trẻ.
Từ năm 2003 đến nay, Isoda Michifumi viết gần 20 đầu sách và nhiều bài báo chuyên về lịch sử Nhật Bản trong đó đã có 2 đầu sách được dựng thành phim. Ngoài Sổ chi tiêu gia đình võ sĩ đã đề cập ở trên, bộ phim thứ hai Thưa ngài, đó là tiền lãi! dựa trên tiểu thuyết lịch sử Những người Nhật vị tha mà độc giả đang cầm trên tay. Tuy nhiên, Thưa ngài, đó là tiền lãi! chỉ đề cập đến câu chuyện của các samurai ở làng quê nghèo xứ Sendai tìm mọi cách vực dậy nền kinh tế đang suy sụp của quê mình, tức chỉ sử dụng một phần ba nội dung Những người Nhật vị tha. Bên cạnh những Kokudaya Jūzaburō, Sugawaraya Tokuheiji, Chisaka Chūnai xuất hiện trong phim cũng là những nhân vật chính trong phần đầu của sách, còn có hai văn nhân Nakane Tōri và Ōtagaki Rengetsu góp phần làm đầy đặn quyển sách này. Hẳn quý vị độc giả đang đón chờ những samurai hiện lên trang sách với hình ảnh cầm kiếm oai phong, lẫm liệt, sẵn sàng vì đạo mà tử thủ? Và có phần thất vọng khi nào “tiền lãi”, nào “văn nhân” xuất hiện trong lời giới thiệu này?
Nhưng Isoda Michifumi – một sử gia trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết, một cây bút chuyên về lịch sử sẽ không làm bạn thất vọng. Có thể các nhân vật của Isoda Michifumi không xông pha trận mạc, không lừng danh trên văn đàn Nhật Bản như những huyền thoại người người đều biết. Nhưng những Kokudaya Jūzaburō, Sugawaraya Tokuheiji, Chisaka Chūnai, Nakane Tōri và Ōtagaki Rengetsu – những con người chân thật, sống động nhất từ trước đến nay trong lịch sử Nhật Bản thời Edo mà tôi và các bạn được biết đến qua Những người Nhật vị tha sẽ lại một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy: Người Nhật thật biết cách làm cả thế giới kinh ngạc.
Những người Nhật vị tha không thuộc dạng tiểu thuyết thuần túy, cũng không phải dã sử, tuy hơi khó đọc một chút nhưng đủ hấp dẫn để biết thêm tinh thầnsamurai của những người Nhật xa xưa. Tác giả là một nhà sử học nên mức độ chân thật của nội dung khá thuyết phục dù sử liệu ít ỏi nhưng chính vì độ ít ỏi đó mà chân dung những người Nhật trong sách, yêu người vô điều kiện đủ làm lay động người đọc. Tôi tin chắc những samurai tay không cầm kiếm mà cầm tiền chạy đôn chạy đáo cứu làng quê, một Nakane Tōri xứng đáng được gọi là đại thi sĩ nhưng tự tay đốt bỏ tác phẩm của mình, một Ōtagaki Rengetsu đáng bậc anh thư nhưng chẳng mong người ta biết đến trong Những người Nhật vị tha sẽ khiến bạn có những giây phút dừng lại, sống chậm để nhìn lại mình và tự hỏi: Ta đã sống vị kỷ biết dường nào?
Nguyễn Đỗ An Nhiên
Mời các bạn đón đọc Những Người Nhật Vị Tha của tác giả Isoda Michifumi.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn