"
Nhật Ký Của Một Cha Xứ Miền Quê - Georges Bernanos full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhật Ký Của Một Cha Xứ Miền Quê - Georges Bernanos full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển]
Ebooks
Nhóm Zalo
Cre
Nguồn ebook: tve-4u.org
Nguồn sách: Nguyễn Bảo
Scan: tinhthuvi
Soát lỗi: AllarebyGodsgrace, Anh Thao, annie_tuongminh, chippiy, Conan-tieudao, Dr. Physicus, huong huynh, imnubie, Kikiki, machine, mehplamnha, My Nga Nguyen thi, teacher.anh, tranminator, tran ngoc anh, vqsvietnam, yeuthichsach, welcom1985
Soát tổng: Caruri
I
Xứ đạo của tôi là một xứ đạo như mọi xứ khác. Mọi xứ đạo đều giống nhau. Các xứ đạo ngày nay, dĩ nhiên rồi. Hôm qua tôi đã nói điều ấy cùng Cha xứ Norenfontes: tại đó cái thiện và cái ác hẳn phải cân bằng với nhau, duy có trọng tâm ở dưới thấp, rất thấp. Hoặc nếu nói cách khác thiện ác cái nọ chồng lên cái kia mà không hòa trộn, như hai chất lỏng có tỷ trọng khác biệt. Cha xứ đã cười vào mũi tôi. Đó là một linh mục tốt, rất nhiều hảo ý, rất nhân từ, thậm chí tòa tổng giám mục coi cha là một đầu óc không tín giáo, hơi nguy hiểm. Các câu khôi hài của cha gây hoan hỉ trong các ngôi nhà linh mục, cha còn nhấn thêm bằng một cái nhìn mà cha những muốn là sắc sảo, song tôi thấy thực ra nó rất mòn mỏi, rất chán ngán, làm tôi muốn khóc.
Xứ đạo của tôi bị nung nấu bởi nỗi buồn chán, vấn đề là thế đấy. Như bao xứ đạo khác! Nỗi buồn chán tiêu hủy nó trước mắt chúng tôi mà chúng tôi chẳng làm gì được hết. Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ bị truyền nhiễm, chúng tôi sẽ phát hiện ở mình khối ung thư ấy. Người ta có thể sống rất lâu với cái đó.
Ý nghĩ này nảy ra trong tôi hôm qua trên đường cái. Trời mưa, một thứ mưa nhỏ mà người ta nuốt vào đầy phổi, nó xuống tận ruột bạn. Từ dốc Saint-Vaast, làng đột ngột hiện ra trước tôi, thật dúm dó, thật khốn khổ dưới bầu trời gớm guốc tháng Mười một. Nước, bốc hơi khắp chốn, bên trên làng, và làng có vẻ nằm phục xuống đó, trong cỏ ướt đầm đìa, như một con vật tội nghiệp kiệt sức. Một thôn làng, sao mà bé nhỏ! Và làng ấy là xứ đạo của tôi. Đó là xứ đạo của tôi, nhưng tôi chẳng làm được gì cho nó, tôi buồn bã nhìn nó chìm
vào bóng tối, mất hút… Vài khoảnh khắc nữa, rồi tôi sẽ không còn thấy nó. Chưa bao giờ tôi cảm nhận một cách ác nghiệt đến thế sự cô quạnh của nó và của tôi. Tôi nghĩ đến những gia súc mà tôi nghe tiếng khục khặc trong sương mù, mà em bé chăn dắt, đi học về, tay cắp cặp, lát nữa sẽ dẫn qua các đồng cỏ đẫm nước, về chuồng trại ấm nóng, thơm tho… Và nó, thôn làng, hình như cũng đang đợi – chẳng hy vọng nhiều – sau bao đêm trong bùn lầy, một người chủ để theo đến chốn nương náu nào đó không tưởng tượng được, không chắc đã có.
Ôi! tôi biết rõ đó là những ý nghĩ điên rồ, thậm chí tôi không thể coi là thực hoàn toàn, những mơ mộng… Các thôn làng chẳng đứng dậy trước tiếng nói của em học sinh nhỏ, như các gia súc. Có hề gì! Tối qua, tôi nghĩ rằng một vị thánh đã gọi nó.
Vậy tôi tự nhủ là thế gian bị nung nấu bởi nỗi buồn chán. Dĩ nhiên, phải suy ngẫm đôi chút mới nhận ra, điều ấy không nắm bắt được ngay tức khắc. Đó là một loại bụi. Bạn đi đi lại lại mà chẳng nhìn thấy nó, bạn hít thở nó, bạn ăn nó, uống nó, và nó mịn quá, tinh vi quá đến mức chẳng lạo xạo trong miệng nữa. Nhưng bạn chỉ dừng lại một giây thôi, là nó phủ đầy mặt, đầy tay bạn. Bạn phải không ngừng quẫy cựa để rũ đám mưa bụi ấy. Vậy là, thế gian quẫy cựa rất nhiều.
Có lẽ người ta sẽ bảo rằng từ lâu thế gian đã quen với nỗi buồn chán, và buồn chán là thân phận thực sự của con người. Có thể là hạt giống buồn chán đã gieo rắc khắp chốn và nảy mầm đây đó, trên mảnh đất nào thuận lợi. Nhưng tôi tự hỏi liệu con người đã bao giờ biết sự lây nhiễm buồn chán, cái bệnh hủi đó? Một nỗi tuyệt vọng
bất thành, một hình thái xấu xa của tuyệt vọng, có lẽ giống như sự lên men của một Cơ đốc giáo bị phân giải.
Dĩ nhiên, đó là những tư tưởng mà tôi giữ riêng cho mình. Tuy thế, tôi không hổ thẹn vì chúng. Thậm chí tôi nghĩ tôi sẽ làm mọi người hiểu tôi rất rõ, có lẽ quá rõ cho sự bình an của tôi – ý tôi muốn nói sự bình an của lương tâm tôi. Niềm lạc quan ở các bề trên đã chết hẳn. Những ai còn giáo huấn điều này chỉ dạy dỗ theo thói quen, mà không tin ở nó. Hơi bị phản bác, là các vị ban cho bạn những nụ cười am hiểu, xin dung tha. Các linh mục già chẳng nhầm đâu. Bất kể bề ngoài, và nếu như vẫn trung thành với một cách nói năng nhất định, vả chăng nó là bất biến, thì các chủ đề thuyết giảng chính thức không như cũ, các bậc đàn anh không còn thừa nhận chúng. Thí dụ, trước đây, theo truyền thống rất lâu đời, một bài diễn giảng của chủ giáo chẳng khi nào kết thúc mà không có sự ám chỉ thận trọng – đầy niềm tin chắc, dĩ nhiên, song thận trọng – về sự ngược đãi sắp tới và máu của những người tử vì đạo. Ngày nay những dự báo đó ít hơn nhiều. Chắc là vì sự thực hiện có vẻ kém chắc chắn.
Hỡi ôi! có một lời bắt đầu lan truyền trong các ngôi nhà mục sư, một trong những lời gớm guốc gọi là “của lính tráng”, tôi chẳng hiểu vì sao và như thế nào mà các bậc đàn anh của chúng tôi coi là ngồ ngộ, còn những thanh niên trạc tuổi tôi thì thấy rất xấu, rất buồn (Vả lại cũng lạ sao tiếng lóng nơi chiến hào diễn tả được các ý tưởng bẩn thỉu bằng hình ảnh sầu thảm, nhưng có đúng là tiếng lóng nơi chiến hào hay không?…) Vậy là người ta sẵn sàng nhắc lại rằng “Không nên tìm hiểu làm gì.” Chúa tôi! nhưng chúng tôi ở đây vì điều
đó mà! Tôi hiểu là có các bề trên. Song ai cho các bề trên biết đây? Chúng tôi. Bởi thế, khi người ta ca ngợi với chúng tôi sự phục tòng và thuần phác của các tu sĩ, lý lẽ ấy chẳng khiến tôi động tâm nhiều, dù tôi cố gắng cũng vô hiệu…
Tất cả chúng tôi đều có thể gọt khoai hay chăn lợn miễn là một giáo trưởng của các tu sĩ mới hạ lệnh. Nhưng một xứ đạo, đâu có dễ khoản đãi bằng những hành vi đức hạnh như một cộng đồng thuần nhất! Hơn nữa họ sẽ không bao giờ biết những điều ấy, vả lại họ cũng sẽ chẳng hiểu gì hết.
Vị Tổng tư tế tại Bailloeil, từ khi về hưu, thường xuyên giao du với các Đức Cha dòng Chartreux ở Verchocq. Những điều tôi đã thấy ở Verchocq, là đầu đề một trong những bài diễn giảng mà cha quản hạt hầu như buộc chúng tôi có bổn phận tham dự. Chúng tôi đã được nghe những điều rất hay, thậm chí làm say mê, trừ giọng điệu ra, bởi ông già khả ái vẫn giữ những tật nho nhỏ vô hại của vị cựu giáo sư văn học, và chăm chút cách nói y như chăm chút đôi bàn tay. Cứ như thể ông vừa trông đợi lại vừa sợ hãi sự hiện diện khó có thật của ông Anatole France giữa các thính giả khoác áo thày tu, và ông xin A. France dung thứ cho Chúa Trời nhân danh chủ nghĩa nhân văn, với những nụ cười tế nhị, những ánh mắt đồng lõa và cách uốn éo ngón tay út. Rốt cuộc, hình như cái lối làm dáng của tăng lữ này vào năm 1900 đang hợp mốt và chúng tôi đã cố niềm nở đón nhận các lời lẽ “thẳng tuồn tuột” chẳng làm tuột đi được cái gì hết. (Chắc hẳn bản chất tôi quá cộc cằn, quá thô lậu, nhưng tôi xin thú nhận rằng tu sĩ giỏi văn chương bao giờ cũng khiến tôi ghê sợ. Giao du với những người tài hoa, nói chung đó là đi ăn cơm khách
mà người ta không đi ăn cơm khách trước mũi những kẻ đang chết đói).
Tóm lại, Tổng tư tế đã kể cho chúng tôi nhiều giai thoại mà ông gọi theo thông lệ là các “nét hóm hỉnh”. Tôi tin rằng tôi đã hiểu. Tiếc thay tôi không cảm thấy xúc động như mình mong muốn. Các tu sĩ là những bậc thày khó sánh nổi về đời sống nội tâm, nhưng phần lớn những “nét hóm hỉnh” này giống như rượu nho đặc sản, phải dùng tại chỗ. Chúng không kham nổi sự chuyển dịch.
Còn có thể… tôi nên nói hay chăng? còn có thể là số ít ỏi những người đàn ông tụ tập, ngày đêm sống kề cận nhau, tạo ra mà họ không ngờ, bầu không khí thuận lợi… Cả tôi nữa, tôi cũng biết đôi chút về các tu viện. Tôi đã nhìn thấy ở đó những nhà tu hành úp mặt xuống đất, khiêm nhường tiếp thu, không động cựa, lời quở trách bất công của một bề trên chuyên tâm bẻ gãy niềm kiêu ngạo nơi họ. Nhưng trong những ngôi nhà không một tiếng vọng bên ngoài nào khuấy động, sự thinh lặng đạt tới một phẩm chất, một tính hoàn hảo phi thường thực sự, ở đó một rung động nhỏ tí cũng được nhận biết bởi những chiếc tai mẫn cảm tuyệt vời… Và có những sự thinh lặng nơi hội trường giá trị ngang tiếng vỗ tay khen ngợi.
(Trong khi một lời khiển trách của chủ giáo…)
Tôi đọc lại những trang đầu này của nhật ký mà lòng không vui. Dĩ nhiên, tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định viết nhật ký. Điều đó chẳng khiến tôi an tâm mấy. Với ai có thói quen cầu nguyện, nghĩ ngợi thường chỉ là một chứng cớ ngoại phạm, một cách thâm hiểm để mình thêm vững trong một ý định. Sự suy luận dễ để yên
trong bóng tối những gì ta muốn giấu ở đó. Con người của xã hội nghĩ ngợi nhằm tính toán cơ may, được thôi! Nhưng cơ may có nghĩa gì với chúng ta, những người đã nhất định thừa nhận sự hiện diện hãi hùng của thánh thần từng giây từng phút trong cuộc đời khốn khổ của ta? Trừ phi mất đức tin – và lúc đó thì anh ta còn gì nữa, bởi anh ta không thể mất đức tin mà không tự chối bỏ – về lợi ích riêng của mình, một tu sĩ không thể có cái nhìn rõ ràng, thật trực tiếp – có thể nói là thật ngây thơ, thật chất phác – ở những đứa con của thời đại. Tính toán cơ may của mình, để làm gì chứ? Người ta đâu có đánh bạc với Chúa.
Nhận thư trả lời của bà dì Philomène cùng hai tờ một trăm franc – vừa đủ cho khoản cần kíp nhất. Tiền trôi nhanh như cát giữa những ngón tay tôi, thật hãi hùng.
Phải thú nhận rằng tôi thật ngu dại! Thí dụ như ông Pamyre, chủ hiệu thực phẩm ở Heuchin, một người trung hậu (ông có hai con trai là tu sĩ) đã lập tức tiếp đón tôi rất thân tình, vả lại ông là nhà hàng quen của các đồng nghiệp của tôi. Lần nào ông cũng mời tôi dùng rượu quinquina và bánh ngọt ở nhà phía sau cửa hàng. Chúng tôi chuyện vãn một lúc lâu. Với ông thời buổi đang khó khăn, một trong hai cô con gái chưa lập nghiệp, còn hai cậu con trai khác theo học tại học hiệu Thiên chúa giáo, rất tốn kém. Tóm lại, một hôm kia cầm giấy đặt hàng của tôi, ông đã nói một cách dễ thương: “Tôi thêm ba chai quinquina, uống vào cha sẽ hồng hào lên.” Tôi đã ngốc nghếch tưởng ông ta tặng mình.
Một đứa trẻ nghèo, ở tuổi mười hai, chuyển từ gia đình khốn khó vào chủng viện, sẽ chẳng bao giờ biết giá trị của tiền bạc. Thậm chí
tôi cho rằng chúng tôi khó giữ được chính trực một cách nghiêm ngặt trong công việc làm ăn. Tốt hơn là đừng có mạo hiểm chơi, dù chỉ chơi một cách ngây thơ, với cái mà phần đông người thế tục không coi là phương tiện, mà là mục đích.
Đồng nghiệp của tôi ở Verchin, không phải người kín đáo lắm, tưởng rằng cần nói bóng gió, dưới hình thức bông đùa, trước mặt ông Pamyre, về chuyện hiểu lầm nho nhỏ này. Ông Pamyre phiền lòng một cách chân thành. Ông bảo “Cha xứ cứ đến chơi tha hồ, chúng tôi sẽ rất vui được cùng nhau chạm cốc. Chúng tôi có thiếu một chai rượu đâu, nhờ ơn Chúa! Nhưng công việc là công việc, tôi chẳng thể cho không hàng hóa của mình.” Rồi hình như bà Pamyre nói thêm: “Người buôn bán chúng tôi cũng có bổn phận nghề nghiệp của chúng tôi.”
Sáng nay tôi đã quyết định không kéo dài sự thể nghiệm quá mười hai tháng sắp tới. Đến ngày 25 tháng Mười một sau, tôi sẽ đốt những tờ này, tôi sẽ cố quên chúng đi. Điều tôi vừa quyết định sau lễ mi xa chỉ khiến tôi yên tâm được chốc lát.
Không phải là sự đắn đo thận trọng theo đúng nghĩa của từ này. Tôi cho rằng mình chẳng làm gì xấu khi ghi lại hàng ngày, với sự trung thực tuyệt đối, những điều thầm kín vô nghĩa, rất tầm thường hèn mọn, của một cuộc đời vả chăng cũng không có gì bí mật. Những điều tôi sắp lưu lại trên giấy sẽ chẳng giúp cho người bạn duy nhất mà có lúc tôi còn nói chuyện chân thành, biết được nhiều nhặn gì, còn thì tôi cảm thấy rất rõ tôi sẽ không bao giờ dám viết ra những điều mà hầu như sáng nào tôi cũng giãi bày không hổ thẹn
cùng Chúa. Không, cái đó chẳng giống sự đắn đo thận trọng, đúng hơn đó là một thứ sợ hãi không suy xét, tựa như bản năng khuyến cáo. Lần đầu tiên ngồi trước cuốn vở học sinh này, tôi đã cố tập trung chú ý, cố tĩnh tâm như để tự vấn lương tâm. Nhưng không phải tôi đã nhìn thấy lương tâm mình bằng cái nhìn nội tại bình thường rất điềm tĩnh, rất sắc sảo, bỏ qua tiểu tiết, đi ngay vào điều chủ yếu. Dường như cái nhìn này trượt trên bề mặt một lương tâm khác cho đến bấy giờ tôi vẫn chưa biết, một tấm gương mờ nơi bỗng nhiên tôi sợ thấy ló ra một gương mặt – gương mặt nào: mặt tôi có lẽ?… Một gương mặt tìm thấy lại, đã quên lãng.
Phải nói về mình với thái độ nghiêm khắc không nao núng. Thế mà ngay từ cố gắng đầu tiên để tự nắm bắt, vì đâu có niềm xót thương ấy, tình âu yếm ấy, vì đâu mọi sợi tơ lòng chùng xuống và cứ muốn khóc lên?
Hôm qua tôi đến thăm cha xứ Torcy. Đó là một tu sĩ tốt, rất đứng đắn, mà bình thường tôi thấy là hơi phàm tục, là con nhà nông dân giàu có, ông biết giá trị của tiền bạc và khiến tôi kính phục nhiều vì kinh nghiệm xã giao. Đồng nghiệp bàn rằng ông sẽ giữ chức tăng viện trưởng Heuchin… Thái độ của ông đối với tôi khiến tôi khá thất vọng, bởi ông không ưa những lời tâm sự và biết làm nản ý định tâm sự bằng tiếng cười to chất phác, thực ra tinh tế hơn vẻ bên ngoài rất nhiều. Chúa ơi, sao mà tôi ao ước có được sức khỏe của ông, có được lòng dũng cảm, sự cân bằng của ông! Nhưng tôi cho rằng ông có lòng độ lượng đối với điều mà ông sẵn sàng gọi là thói đa cảm ở tôi, bởi ông biết tôi không hợm hĩnh vì nó, ôi, không đâu! Thậm chí
từ khá lâu rồi tôi không còn định lẫn lộn niềm xót thương thật sự của các bậc thánh – niềm xót thương mạnh mẽ và dịu dàng – với nỗi sợ trẻ thơ nơi tôi trước sự đau khổ của người khác.
– Khí sắc không được tốt đâu, anh bạn nhỏ ạ!
Cần phải nói rằng tôi vẫn còn bàng hoàng thảng thốt vì bị ông lão Dumonchel la rầy vài giờ trước đây, ở kho đồ thánh. Có Chúa biết là tôi những muốn cho không, cùng với thời giờ và nỗi cực của mình, những thảm vải bông, những màn trướng nhậy cắn lỗ chỗ, và những cây nến mỡ bò mua rất đắt của người cung cấp hàng cho Đức Ngài, song hễ thắp lên là chúng sụt ngay xuống với tiếng xèo xèo như chảo rán. Có điều biểu giá là biểu giá: tôi làm gì được?
– Lẽ ra anh phải tống khứ ông lão khỏi cửa – cha xứ bảo tôi. Rồi thấy tôi phản đối:
– Tống khứ ông ta đi, đúng thế! Vả lại, ta biết lão Dumonchel nhà anh: lão có của… Bà vợ quá cố giàu gấp đôi lão – vừa đủ để lão chôn cất bà ta tử tế! Đám tu sĩ trẻ các anh…
Ông đỏ bừng mặt và nhìn tôi từ đầu xuống chân.
– Ta vẫn tự hỏi giờ đây cái gì chảy trong mạch máu những tu sĩ trẻ các anh! Vào thời của ta, người ta đào tạo các nhà hoạt động cho Giáo hội – đừng chau mày thế, anh làm ta muốn bợp tai anh – phải, các nhà hoạt động cho Giáo hội, anh muốn hiểu từ này thế nào tùy ý, các vị đứng đầu xứ đạo, các chỉ huy, các nhà cai quản. Những người ấy họ chỉ hất cằm lên mà trông coi được một miền. Ồ! ta biết anh sắp bảo gì ta: họ ăn tốt, uống cũng tốt, và chẳng chê những quân bài. Đồng ý! Khi người ta quan niệm công việc của mình một cách thích đáng, người ta làm nhanh làm tốt, người ta còn thời giờ
rảnh rỗi và như vậy càng hay cho tất cả mọi người. Ngày nay các chủng viện gửi đến cho chúng tôi những cậu lễ sinh, những chú bé chân đất cứ tưởng mình làm việc nhiều hơn ai hết bởi vì chẳng đạt được cái gì hết. Lẽ ra phải hạ lệnh thì họ lại thút tha thút thít. Họ đọc hàng đống sách mà chẳng hiểu được – chẳng hiểu, anh nghe rõ chứ! – ngụ ngôn về Chồng và Vợ. Này con, thế nào là một người vợ, một người đàn bà thực sự, như một người đàn ông có thể ao ước gặp được nếu anh ta khá ngu dại để không theo lời khuyên của thánh Paul? Đừng trả lời, anh sẽ nói những điều tầm bậy! Này, đó là một cô nàng chịu thương chịu khó lam làm, nhưng thể tất nhiều chuyện, và biết rằng tất cả sẽ phải bắt đầu lại mãi cho đến cùng. Giáo hội Thiêng liêng cứ tha hồ vất vả, giáo hội sẽ không biến đổi được thế gian tội nghiệp này thành hương án bày trong ngày Lễ Thánh thể. Ngày trước – ta muốn nói đến xứ đạo cũ của mình – ta có một người coi kho đồ thánh rất cừ, một nữ tu ở Bruges hoàn tục năm 1908, một tấm lòng trung hậu. Tám ngày đầu, nào cọ nào đánh bóng, ngôi nhà của Chúa cứ sáng loáng lên như phòng tiếp chuyện trong tu viện, ta chẳng còn nhận ra nó nữa, lời nói danh dự đấy! Phải nói là đang vụ gặt, chẳng ai lai vãng, và bà già quỷ quái ấy yêu cầu ta phải bỏ giày – ta là người rất kinh sợ dép đi trong nhà! Thậm chí ta cho rằng bà ấy đã bỏ tiền túi ra mua dép. Dĩ nhiên, sáng nào bà ta cũng tìm thấy một lớp bụi mới trên các ghế dài, một hai chiếc nấm vừa mọc trên tấm thảm chỗ hát kinh, và mạng nhện – a, con ạ! những mạng nhện đủ may một bộ đồ cưới cho cô dâu.
Ta tự nhủ: “Con cứ cọ đi, chủ nhật con sẽ biết.” Rồi chủ nhật đến. Ồ! một chủ nhật như những chủ nhật khác, chẳng phải lễ hội có
nhạc chuông; vẫn những người đi lễ bình thường thôi. Khốn khổ! Tóm lại, đến nửa đêm, bà ấy vẫn còn đánh xi còn kỳ cọ, dưới ánh nến. Và mấy tuần sau, lễ Các Thánh, một buổi truyền giảng náo nhiệt của hai Cha dòng Chúa cứu thế, hai tay lực lưỡng. Bà già tội nghiệp suốt mấy đêm bò lê với xô nước và khăn lau – nào té nào dội nước – đến mức rêu bắt đầu bám dọc các cột, cỏ mọc trong các khe gạch lát. Chẳng có cách nào bàn bạc phải trái với bà ấy được! Nếu ta mà nghe bà ấy, thì ta đến phải tống khứ tất cả mọi người khỏi cửa để Chúa trời được đặt chân lên chỗ khô ráo, anh có thấy không nào? Ta bảo bà ấy: “Bà làm tôi khuynh gia bại sản vì thuốc men mất” – vì bà ấy ho, tội nghiệp bà lão! Cuối cùng bà ấy phải nằm vì một cơn thấp khớp, tim bị suy sụp và, hấp! thế là bà xơ nhà ta đứng trước thánh Pierre. Theo một nghĩa, đó là người tử vì đạo, không thể nói trái lại. Sai lầm của bà ta không phải ở chỗ đấu tranh chống sự bẩn thỉu, chắc chắn như vậy, mà ở chỗ muốn tiêu diệt nó, cứ như việc đó có thể làm được. Một xứ đạo, nhất định là phải bẩn thỉu rồi. Một tiểu giáo khu, còn bẩn nữa. Hãy đợi ngày phán xử, sẽ thấy những gì các thiên thần phải lôi ra từ những tu viện thánh thiện nhất, hàng xẻng hàng xẻng – sao mà lắm phân rác! Vậy thì, anh bạn nhỏ, điều ấy chứng tỏ Giáo hội phải là một người nội trợ vững vàng, vững vàng và biết điều. Bà xơ ở chỗ ta không phải người dọn dẹp nhà thực thụ: người dọn dẹp thực thụ biết rằng một ngôi nhà không phải một hòm đựng thánh tích. Tất cả những điều đó, là ý tưởng của thi sĩ.
Tôi chờ ông ta nói đến chỗ ấy. Trong lúc ông nhồi lại tẩu thuốc, tôi vụng về tìm cách để ông hiểu rằng có lẽ thí dụ chọn không hợp lắm,
rằng bà nữ tu chết vì khó nhọc kia chẳng có gì chung với các “chú bé lễ sinh”, “đi chân đất”, “lẽ ra phải hạ lệnh thì lại thút tha thút thít”. Ông nói không chút dịu dàng:
– Anh hãy tỉnh ngộ đi. Cùng một ảo tưởng cả. Có điều đám chân đất không kiên trì bằng bà xơ nhà ta, thế thôi. Qua thử nghiệm đầu tiên viện cớ rằng kinh nghiệm thực thi chức phận mâu thuẫn với trí suy xét con con của họ, họ tung hê hết. Đó là những cái mõm ưa chén mứt. Một giáo khu cũng như một con người không tự nuôi sống bằng mứt được. Chúa không viết rằng chúng ta là mật của trần thế, con ạ, mà là muối. Vậy, thế gian tội nghiệp của chúng ta giống như ông già Job trên đống phân rác, mình đầy vết thương và ung nhọt. Chất muối trên lớp da bị tuột, xót lắm. Nhưng cũng ngăn cho khỏi thối rữa. Cùng với ý nghĩ tiêu diệt quỷ dữ, một sở nguyện khác của các anh là được yêu mến, hiểu theo nghĩa được yêu mến vì bản thân mình. Một linh mục thực thụ không bao giờ được yêu mến, hãy nhớ lấy điều đó. Và anh có muốn ta nói cho biết không? Giáo hội bất cần các anh được yêu mến, con ạ. Trước hết, hãy được kính trọng, được tuân phục. Giáo hội cần trật tự. Suốt cả ngày, hãy thiết lập trật tự. Hãy thiết lập trật tự và nghĩ rằng ngày mai sự lộn xộn lại thắng thế nữa bởi chính nó ở bên trong trật tự, hỡi ôi! nghĩ rằng đêm tung hê những gì anh làm hôm trước – đêm thuộc về quỷ.
– Đêm là chức trách của người tu hành mà? – tôi nói (tôi biết mình sẽ làm ông nổi giận).
– Phải, ông lạnh lùng đáp. Họ tấu nhạc.
Tôi cố tỏ ra bất bình.
– Những người tĩnh tâm thiền tọa của anh, ta chẳng phản đối gì họ, ai có việc của người ấy. Ngoài âm nhạc ra, đó cũng là những người bán hoa.
– Người bán hoa?
– Đúng thế. Khi chúng tôi đã dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, gọt khoai, trải khăn lên bàn rồi, thì người ta ấn hoa tươi vào bình, hợp lẽ thôi. Xin lưu ý là sự so sánh nho nhỏ này chỉ làm những kẻ ngu ngốc tức giận, bởi dĩ nhiên là có chút tiểu dị… Bông huệ thần bí không phải bông huệ mọc ngoài đồng, vả chăng, nếu con người thích miếng thăn bò hơn chùm nhạn lai hồng, thì bởi bản thân y là một đồ súc sinh, một cái bụng. Tóm lại, những người tĩnh tâm thiền tọa của anh được trang bị rất tốt để cung cấp cho chúng ta những bông hoa đẹp, hoa thật. Tiếc thay, có sự phá hoại trong các tăng viện cũng như ở nơi khác, và người ta gán cho chúng ta quá thường xuyên hoa giấy.
Ông liếc xéo, quan sát tôi mà không ra vẻ quan sát và, những lúc ấy, tôi ngỡ thấy trong sâu thẳm cái nhìn của ông rất nhiều thương mến và – biết nói thế nào nhỉ – một thứ băn khoăn, lo ngại. Tôi có những gian nan thử thách của tôi, ông có gian nan thử thách của ông. Nhưng với tôi, giữ yên lặng về những điều đó, thật khó khăn. Và nếu như tôi không nói, thì vì dũng cảm ít hơn, than ôi! là vì niềm bẽn lẽn mà người ta bảo tôi là các thày thuốc cũng có, ít ra theo cách của họ và tùy theo nhưng mối quan tâm riêng nơi họ. Trong khi ông thì lặng thinh về những gian nan thử thách của mình, dù có xảy ra điều gì chăng nữa, và dưới vẻ ngay thật gắt gỏng, còn khó thấu hiểu hơn những tu sĩ dòng Chartreux tôi từng gặp trong hành lang ở Z…, trắng nhợt như những cây nến sáp.
Đột nhiên, ông nắm tay tôi trong tay ông, một bàn tay sưng lên vì bệnh tiểu đường, nhưng xiết chặt ngay tức khắc không dò dẫm, cứng cỏi, oai vệ.
– Có lẽ anh sẽ bảo là ta chẳng hiểu gì về những người thần bí. Phải, anh sẽ bảo như thế, đừng giả bộ ngây ngốc! Thế thì, anh bạn ạ, vào thời ta, ở đại chủng viện có một ông thày dạy luật tôn giáo cứ tưởng mình là thi sĩ. Ông ấy làm ra cho anh những trò vè kỳ dị, với đủ các chân cần thiết, rồi vần, rồi chỗ ngắt hơi, và mọi thứ, con người tội nghiệp! tưởng như ông ấy sẽ chuyển cả bộ luật tôn giáo thành thơ. Ông ấy chỉ thiếu mỗi một thứ, anh muốn gọi là gì tùy ý, cảm hứng, thiên tài – ingenium* – làm sao ta biết được? Ta thì ta chẳng có thiên tài. Giả sử một ngày nào đó Thánh Linh ra hiệu cho ta, ta sẽ quẳng lại nào chổi nào giẻ lau – phải không nào! – rồi chu du một chuyến nơi các thiên sứ để học nhạc, chỉ phải cái lúc đầu hơi lạc điệu đôi chút. Những anh sẽ cho phép ta cười phì vào mũi những kẻ đồng thanh hát lên khi Chúa còn chưa giơ cây đũa chỉ huy!
Tiếng La tinh có nghĩa là tài trí.
Ông ngẫm nghĩ một lát và tôi cảm thấy mặt ông, dù quay về phía cửa sổ, đột nhiên như đang ở trong bóng tối. Cả đến các đường nét cũng cứng lại như thể ông chờ đợi nơi tôi – hoặc có lẽ nơi ông, nơi lương tâm ông – một lời phản bác, đính chính, một cái gì đó… Vả chăng ông tươi tỉnh lại hầu như tức khắc.
– Anh bạn nhỏ ạ, ta có những ý nghĩ của ta về cây đàn thụ cầm của chàng David. Đó là một chàng trai tài năng, hẳn rồi, nhưng toàn bộ âm nhạc của anh ta chẳng giữ được cho anh ta khỏi phạm tội. Ta
biết rõ là các nhà văn tội nghiệp giàu thiện tâm hì hụi viết Đời các Thánh để truyền bá ra nước ngoài thường tưởng tượng là một con người được yên ổn trong trạng thái xuất thần nhập định, anh ta ở đó ấm áp và an toàn như ở trong lòng của Abraham vậy. An toàn ư!… Ồ! dĩ nhiên là thỉnh thoảng chẳng có gì dễ hơn việc trèo lên trên ấy: Chúa mang anh lên. Vấn đề là ở lại đó và nếu có dịp, biết cách xuống. Anh sẽ thấy rằng các bậc thánh, thật sự thánh, thường rất bối rối khi trở về. Một khi bị bắt gặp trong những hoạt động giữ thăng bằng, đầu tiên là họ van nài mọi người giữ bí mật cho họ: “Xin đừng nói với ai về điều bạn đã thấy…” Họ hơi hổ thẹn, anh có hiểu không? Hổ thẹn vì là con được nuông chiều của Cha, vì đã uống vào cốc toàn phước trước hết thảy mọi người! Và vì sao chứ? Chẳng vì cái gì hết. Vì ưu đãi. Các kiểu ân sủng ấy!… Động tác đầu tiên của tâm hồn là trốn chạy chúng. Này, có thể hiểu theo rất nhiều cách, lời trong Sách Thánh: “Rơi vào tay Chúa thật hãi hùng!” Nói sao đây! Trong vòng tay Chúa, trên ngực Chúa, ngực của Jésus! Anh giữ phần bé nhỏ của anh trong buổi hòa tấu, anh chơi thanh la* hay chũm chọe, thí dụ thế, rồi bỗng người ta yêu cầu anh trèo lên bục, người ta đưa cho anh một cây vĩ cầm Stradivarius và bảo anh: “Nào, chàng trai, tôi nghe anh đây.” Brr!… Vào đây xem phòng cầu nguyện của ta, nhưng hãy lau chân trước đã, vì tấm thảm ấy mà.
Nguyên văn: triangle, nhạc cụ gồm ba thanh kim loại, hình tam giác, gõ tiếng vang to.
Tôi chẳng biết gì mấy về đồ đạc trong nhà, nhưng cảm thấy phòng của ông tuyệt đẹp: chiếc giường lớn bằng gỗ đào hoa tâm, chiếc tủ ba cánh cửa, chạm trổ rất nhiều, các ghế bành bọc vải
nhung lông và trên lò sưởi một tượng Jeanne d’Arc thật to bằng đồng đỏ. Nhưng không phải Cha xứ Torcy muốn cho tôi xem phòng của ông. Ông đã dẫn tôi vào một gian khác thật trần trụi, đồ đạc chỉ có một chiếc bàn và một ghế quỳ để cầu nguyện. Trên tường một tranh thạch bản màu khá xấu xí, giống những tranh ta thường thấy trong các phòng ở bệnh viện, vẽ Chúa Hài đồng má rất phính, da rất hồng, giữa con lừa và con bò. Ông bảo tôi:
– Anh thấy bức tranh này chứ. Đó là quà tặng của bà mẹ đỡ đầu ta. Ta có điều kiện mua cho mình cái gì đẹp hơn, nghệ thuật hơn, nhưng ta vẫn còn ưng bức này. Ta thấy nó xấu, thậm chí hơi ngốc nghếch nữa, điều đó làm ta an tâm. Anh bạn nhỏ ạ, quê ta là miền Flandres, xứ sở của những người ăn nhiều, uống khỏe – và giàu có… Các anh, những người ngăm ngăm đen tội nghiệp vùng Boulonnais, trong những túp lều vách đất, làm sao các anh hình dung được sự trù phú miền Flandres, miền đất đen! Đừng đòi hỏi ở chúng tôi quá nhiều lời lẽ hoa mỹ làm chao đảo các phu nhân sùng tín, nhưng chúng tôi có không ít nhà thần bí, con ạ! Và không phải những nhà thần bí lao phổi đâu, không. Cuộc sống chẳng làm chúng tôi sợ: một chất máu thô tốt lành thật đỏ, thật đậm đặc, nó đập ở hai bên thái dương ngay cả khi trong người đầy ứ rượu đỗ tùng, hoặc lúc đang giận đùng đùng, cơn giận xứ Flandres, có thể quật ngã một con bò – một chất máu thô, đỏ, với tí chút màu xanh Tây Ban Nha, vừa đủ để làm nó bốc cháy. Tóm lại, nào, anh có những điều phiền muộn của anh, ta có điều phiền muộn của ta – chắc chúng chẳng giống nhau. Có thể có lúc anh bị nằm trên cáng bệnh nhân, còn ta đã lao vào đó rồi, và nhiều lần nữa, anh cứ tin ở ta. Nếu ta bảo
anh… Nhưng để hôm khác ta sẽ bảo anh, lúc này anh có vẻ đuối quá, khéo ta nhìn thấy anh xỉu mất. Trở lại tranh Chúa Hài đồng, anh tưởng tượng xem cha xứ Poperingle, miền quê của ta, đồng tình với ngài phó giám mục, một người mạnh mẽ, nghĩ ra chuyện gửi ta vào Saint-Sulpice. Saint-Sulpice, theo ý các ngài, là Saint-Cyr của giới tăng lữ trẻ, là Saumive – hay Trường học chiến đấu. Thế rồi, ngài thân sinh ra ta (nói ngoài đề một chút, mới đầu tôi tưởng là nói đùa, nhung hình như cha xứ Torcy không bao giờ gọi ông bố của mình theo cách khác: một tục lệ thời trước chăng?), ngài thân sinh ra ta có của và có trách nhiệm làm rạng danh giáo phận. Có điều, ấy chết!… Khi ta nhìn thấy cái trại cũ kỹ lở lói như hủi, bốc mùi canh thịt, brr!… Và tất cả các chàng trai trung hậu gầy nhom, các gã tội nghiệp, gầy đến nỗi nhìn chính diện mà họ vẫn có vẻ như trông nghiêng… Rốt cuộc, cùng với ba hay bốn cậu bạn thân, không hơn, chúng ta quấy đảo các ông thầy, chúng ta làm om sòm đôi chút, những trò ngốc nghếch ấy mà. Học hành và ăn thì khá vào loại nhất, nhưng ngoài những điều đó ra… đúng là những quỷ con. Một tối, mọi người đi nằm cả rồi, bọn ta đã trèo lên mái nhà, rồi kêu meo meo… đến làm cả khu phố phải thức dậy. Ông thầy dạy các tu sĩ mới liền quỳ xuống chân giường làm dấu thánh giá, tội nghiệp, ông ấy tưởng hết thảy mèo trong quận đã hẹn hò nhau tại Ngôi Nhà Thiêng Liêng để kể cho nhau những chuyện gớm ghê – một trò đùa ngu dại, ta đồng ý như thế! Đến cuối quý học, các vị ấy trả ta về nhà, với những lời ghi! Không dốt, một chàng trai trung hậu, bản chất tốt, và thế này, và thế nọ. Tóm lại, ta chỉ hợp với việc chăn bò. Mà ta chỉ ước mơ được là linh mục. Là linh mục hoặc chết! Ta buồn khổ đến mức Chúa cho phép ta định tự hủy hoại mình – thật thế. Ngài thân
sinh ra ta là một người công minh. Ông đã dẫn ta đi xe ngựa đến gặp Đức Cha mang theo lá thư nhỏ của một bà cô, mẹ bề trên của các bà phước dòng Thánh mẫu phỏng vấn ở Namur. Đức Cha cũng là một người công minh. Ngài lập tức cho ta vào thư phòng của ngài. Ta đã phục xuống chân ngài, ta đã kể với ngài tà ý của ta, và tuần sau ngài gửi ta vào đại chủng viện của ngài, một trường không quá hiện đại, nhưng vững chắc. Có hề gì! Ta có thể nói rằng ta đã nhìn thấy cái chết sát gần, và một cái chết như thế nào chứ! Bởi vậy từ khoảnh khắc đó ta đã quyết định giữ gìn thận trọng, giả ngây giả ngốc. Ngoài công vụ ra, nói như các quân nhân, đừng thêm rắc rối. Chúa Hài đồng của ta còn quá non trẻ nên chẳng quan tâm nhiều đến âm nhạc hay văn chương. Thậm chí chắc người còn nhăn mặt không tán thành những kẻ chỉ liếc ngang liếc ngửa thay vì mang rơm rạ mới đến cho bò hoặc chải lông cho lừa của Người.
Ông nắm vai tôi đẩy ra ngoài phòng và bàn tay to lớn của ông vỗ một cái thân mật suýt làm tôi ngã quỵ. Rồi chúng tôi đã uống với nhau một ly rượu đỗ tùng. Và đột nhiên, ông nhìn thẳng vào mắt tôi, vẻ quả quyết và ra lệnh. Như thể đó là một con người khác, một người không phải biện minh cùng ai hết, một vị chúa tể. Ông nói:
– Thày tu là thày tu, ta không phải thày tu. Ta không phải cha bề trên của các thày tu. Ta có một bầy tín đồ, một bầy đàn thực sự, ta không thể nhảy múa trước con tàu* cùng bầy đàn của ta – đàn gia súc; như vậy ta sẽ giống như cái gì, hả con? Các gia súc, chẳng tốt lắm chẳng xấu lắm, bò, lừa, những con vật cày bừa và kéo xe. Và ta cũng có cả dê đực* nữa. Ta sẽ làm gì những con dê đực của mình đây? Không thể giết chúng hoặc bán chúng đi. Một tu sĩ vào hàng
giám mục chỉ việc ra lệnh để thầy tăng giữ cửa không cho vào. Trong trường hợp nhầm lẫn, ngài tống khứ dê đực dễ như trở bàn tay. Ta thì không làm thế được, chúng ta phải vừa lòng với mọi sự, ngay cả với dê đực. Dê đực hay chiên, vị chủ tế muốn chúng ta trả lại Người mỗi con vật trong trạng thái tốt lành. Anh đừng nghĩ đến chuyện ngăn trở dê đực bốc mùi dê đực, anh sẽ mất thì giờ, anh sẽ có nguy cơ sa vào tuyệt vọng. Các đồng nghiệp già coi ta là kẻ lạc quan chủ nghĩa, một Roger Bontemps, những người trẻ tuổi kiểu như anh coi ta là ông ba bị, họ thấy ta quá khắc nghiệt với những người phụ việc, quá quân sự, quá cứng rắn. Phía này cũng như phía kia đều trách ta không có kế hoạch cải cách, giống như mọi người khác, hoặc cứ cất nó trong túi. Người già càu nhàu: Truyền thống! Người trẻ ca hát: Tiến hóa! Ta thì ta cho rằng con người là con người, chẳng đáng giá hơn mấy so với thời của dân dị giáo. Vả lại vấn đề không phải là biết được con người đáng giá bao nhiêu, mà là biết được ai chỉ huy anh ta. A! Nếu người ta để cho các tăng lữ hành động! Hãy chú ý rằng ta không nghĩ về thời Trung cổ theo lối sáo mòn đâu: những người của thế kỷ XIII chẳng được tiếng là nhân đức, và nếu như các thày tu thời ấy ít ngu ngốc hơn bây giờ, thì họ lại uống rượu nhiều hơn, không thể nói khác đi được. Nhưng chúng ta đang lập nên một đế quốc, con ạ, bên cạnh đế quốc này thì đế quốc của các César chỉ như bùn đất – một nền hòa bình, nền hòa bình La Mã, hòa bình thực sự. Một dân tộc Cơ đốc giáo, đó là điều mà chúng ta có thể cùng nhau tạo dựng. Một dân tộc gồm những người Cơ đốc giáo không phải là một dân tộc của những người giả nhân giả nghĩa. Giáo hội có thần kinh vững, tội lỗi không khiến nó sợ, ngược lại. Nó nhìn thẳng vào tội lỗi, bình tĩnh, và thậm chí, noi
gương Chúa, nó nhận tội lỗi về mình, nó gánh chịu tội lỗi. Khi một người thợ tốt làm việc đúng mực sáu ngày trong tuần, thì tối thứ bảy hoàn toàn có thể bỏ qua cho người đó một chầu quá chén. Này, để ta định nghĩa cho anh một dân tộc Cơ đốc giáo bằng điều tương phản với nó. Điều tương phản với một dân tộc Cơ đốc giáo, là một dân tộc buồn bã, một dân tộc của những người già. Anh sẽ bảo ta rằng định nghĩa không mang tính chất thần học cho lắm. Đồng ý. Nhưng nó có thể khiến cho các vị ngáp ngủ trong lễ mi xa ngày chủ nhật phải suy nghĩ. Họ ngáp thật mà! Làm sao mà trong nửa giờ đồng hồ khốn khổ mỗi tuần, Giáo hội dạy được niềm vui cho họ! Thậm chí nếu họ có thuộc lòng giáo lý của Công đồng Trente, họ cũng chẳng vì thế mà tươi vui hơn.
Arche, theo thánh kinh, con tàu lớn do Nóe đóng trong thời hồng thủy để chở một số người trong gia tộc và nhiều cặp cầm thú. bouc: dê đực, theo nghĩa bóng là con người khả ố, ô trọc. Vì sao mà thời thơ ấu của chúng ta lại hiện ra với chúng ta êm đềm đến thế, rạng rỡ đến thế? Một thằng bé cũng có những nỗi buồn khổ như tất cả mọi người và nhìn chung, nó quá ít vũ khí để chống lại sự đau đớn, bệnh tật! Tuổi thơ và lúc thật già là hai bước gian nan thử thách lớn của con người. Nhưng chính từ cảm giác về sự bất lực của bản thân mà đứa trẻ rút ra một cách khiêm nhường nguyên lý của niềm vui nơi nó. Nó trông cậy vào mẹ nó, anh có hiểu không? Hiện tại, quá khứ, tương lai, cả cuộc đời nó, toàn bộ sự sống ở trong một ánh mắt, và ánh mắt ấy là một nụ cười. Này, con ạ, nếu người ta cứ để cho bọn mình hành động, chắc hẳn Giáo hội sẽ đem cho con người trạng thái an tâm tối cao ấy. Hãy nhớ rằng
chẳng phải vì thế mà con người sẽ không có phần buồn bực của họ. Cái đói, cái khát, cái nghèo, sự ghen tuông, chúng ta chẳng bao giờ đủ mạnh để nhét quỷ vào túi được, làm gì có chuyện ấy! Nhưng con người sẽ biết mình là con của Chúa, đó là phép mầu nhiệm! Con người sẽ sống sẽ chết đi với ý tưởng ấy trong đầu – và không phải một ý tưởng chỉ học được trong sách, không đâu. Bởi nhờ có chúng ta, ý tưởng ấy sẽ xui khiến các phong tục, tập quán, các sự vui chơi, giải trí, thậm chí cả những nhu cầu bình thường nhất. Chẳng phải vì thế mà người thợ không đào đất, nhà bác học không chuyên chú vào bảng logarithme thậm chí viên kỹ sư không chế tác những thứ đồ chơi cho người lớn. Có điều chúng ta sẽ tiêu diệt, sẽ nhổ bật khỏi trái tim của Adam cảm giác cô đơn. Với đàn lũ thánh thần của họ, những người đa thần giáo chẳng ngốc lắm đâu: dù sao họ cũng đã tạo được cho con người ảo tưởng về một sự hòa hợp thô sơ với cái vô hình. Nhưng ngày nay trò ấy chẳng ra cái đinh gì. Ở ngoài Giáo hội, một dân tộc sẽ mãi mãi là một dân tộc của những đứa con hoang, của những đứa trẻ người ta nhặt được. Dĩ nhiên, họ hãy còn hi vọng được Satan thừa nhận. Thôi đi! Họ còn phải đợi lâu, đợi Noël đen tối của họ! Họ cứ việc để giày trong lò sưởi! Quỷ đã chán đặt vào đấy hàng đống máy móc sáng chế nhanh mà lỗi thời cũng nhanh, bây giờ nó chỉ để một gói nhỏ xíu côcain, hêrôin, moocphin, một chất bột bẩn thỉu nào đó chẳng tốn kém của nó mấy. Những kẻ tội nghiệp! Họ sẽ sử dụng đến mức tội lỗi. Chẳng phải cứ muốn chơi đùa là được. Con búp bê bốn xu tầm thường nhất khiến một đứa trẻ vui thích suốt một mùa, trong khi người già sẽ ngáp trước một đồ chơi giá năm trăm quan. Tại sao? Vì ông ta đã đánh mất tinh thần trẻ thơ. Này, Giáo hội được Chúa giao trách nhiệm gìn giữ trong thế
gian tinh thần trẻ thơ ấy, niềm chất phác ấy, sự tươi mát ấy. Đa thần giáo không phải là thù địch của tự nhiên, nhưng chỉ có Cơ đốc giáo mới làm cho tự nhiên thành rộng lớn, phấn khích, khiến tự nhiên ngang tầm với con người, với mơ ước của con người. Ta muốn nắm lấy một trong những gã thông thái rởm coi ta là kẻ ngu dân, ta sẽ bảo gã: “Không phải lỗi ở tôi nếu như tôi mang y phục của phu đám ma. Xét cho cùng, Giáo hoàng mặc đồ trắng đấy thôi, còn các giáo chủ khác áo đỏ. Tôi có quyền ăn vận như Nữ hoàng Saba mà đi dạo, bởi tôi mang tới niềm vui. Tôi sẽ cho không anh niềm vui nếu như anh yêu cầu. Giáo hội quyết định niềm vui, quyết định toàn bộ phần vui dành cho thế gian buồn tẻ này. Những gì anh đã làm để chống lại Giáo hội, chính là anh đã làm để chống lại niềm vui. Phải chăng tôi đây, tôi ngăn trở anh tính toán các phân điểm biến vị hay phân giải các nguyên tử? Nhưng anh tạo ra chính sự sống làm gì chứ, nếu như anh đã đánh mất ý nghĩa của sự sống? Thế thì anh chỉ còn cách tự bắn vỡ sọ trước những bình cổ cong của anh. Cứ việc tạo ra sự sống bao nhiêu tùy anh! Hình ảnh về cái chết do anh đưa ra đầu độc dần dần tư tưởng của những kẻ khốn khổ, hình ảnh ấy làm u tối, làm phai nhạt những niềm vui cuối cùng của họ. Mọi sự còn ổn chừng nào kỹ nghệ của anh, tư bản của anh còn cho phép anh biến thế gian thành một hội chợ, với những máy móc xoay vần theo tốc độ chóng mặt, trong tiếng kèn đồng om sòm và pháo hoa nổ ran. Nhưng hãy đợi, hãy đợi khoảnh khắc thinh lặng đầu tiên. Lúc ấy, họ sẽ nghe thấy, lời nói – không phải lời mà họ đã khước từ, lời đó bình tĩnh bảo: “Ta là Con đường, là Chân lý, là Sự sống” – mà là lời cất lên từ vực thẳm: “Ta là cánh cửa mãi mãi đóng kín, là nẻo đường chẳng có lối ra, là sự dối trá và trầm luân.”
Ông thốt ra những tiếng cuối cùng này bằng một giọng ảm đạm đến mức chắc tôi phải tái mặt – hay nói cho đúng là vàng mặt, hỡi ôi! đó là cách xanh tái đi của tôi từ nhiều tháng nay – bởi ông đã rót cho tôi một ly rượu đỗ tùng nữa và chúng tôi nói sang chuyện khác. Tôi thấy sự vui vẻ của ông không giả tạo cũng chẳng vờ vĩnh, vì tôi cho rằng nó chính là bản chất của ông, tâm hồn ông vốn vui tươi. Lúc ra về, tôi cúi chào, ông dùng ngón tay cái phác một chữ thập nhỏ trên trán tôi, rồi luồn tờ một trăm quan vào túi tôi.
– Ta cuộc rằng anh chẳng có đồng nào, thời buổi ban đầu thường khó khăn, anh sẽ trả lại ta khi anh có thể. Thôi tếch đi, và đừng bao giờ nói gì về chúng ta với bọn ngu ngốc nhé.
“Mang rơm rạ mới cho bò, chải lông cho lừa”, sáng nay trong khi đang gọt khoai để nấu xúp, tôi nhớ lại những lời này. Viên phó xã trưởng đến ngay sau lưng tôi và tôi đã đứng phắt dậy, chẳng kịp rũ vỏ khoai đi; tôi cảm thấy mình lố bịch. Ông ta lại mang đến cho tôi một tin vui: xã đã chấp thuận đào giếng riêng cho tôi, như thế mỗi tuần tôi sẽ tiết kiệm được hai mươi xu, tiền cho chú bé lễ sinh vẫn ra giếng lấy nước về. Nhưng tôi muốn nói với ông ta đôi lời về quán rượu của ông, vì giờ đây ông ta định thứ năm và chủ nhật nào cũng tổ chức khiêu vũ – ông gọi buổi ngày thứ năm là “cuộc khiêu vũ của các gia đình” và thu hút đến đó cả những cô gái nhỏ làm ở xưởng mà đám con trai thường chơi nghịch cho uống rượu.
Tôi đã không dám. Ông ta có một kiểu nhìn tôi với một nụ cười tóm lại là thiện chí, nó khuyến khích tôi nói, như thể thế nào thì thế, điều tôi nói ra nhất định chẳng quan trọng gì hết. Vả chăng đến gặp ông ta tại nhà thì phải lẽ hơn. Tôi có cớ đi thăm hỏi, bởi vợ ông ta
ốm nặng, nhiều tuần nay không ra khỏi phòng. Bà ta không bị tiếng là kẻ xấu, thậm chí mọi người còn bảo trước kia bà đi lễ khá đều. … “Mang rơm rạ mới cho bò, chải lông cho lừa”, được. Nhưng những công việc đơn giản không phải là việc dễ nhất, ngược lại. Súc vật chỉ có ít nhu cầu bao giờ cũng giống nhau, trong khi các con người! Tôi biết rằng người ta hay nói đến sự đơn giản của dân quê. Tôi là con nhà nông dân, tôi cho rằng họ phức tạp kinh khủng thì đúng hơn. Ở Béthune, lần đầu tôi giữ chức trợ tế, đám thợ trẻ trong phạm vi chúng tôi cai quản một khi sự lạnh nhạt ngượng ngùng tiêu tan, làm tôi rối trí vì những điều họ tâm sự, họ không ngừng tìm cách tự xác định con người mình, ta cảm thấy họ tràn đầy thiện cảm với bản thân họ. Một nông dân hiếm khi tự yêu mình, và nếu họ tỏ ra thờ ơ một cách hết sức tàn nhẫn với ai yêu họ thì không phải là họ nghi ngờ cảm tình của người ấy đối với họ: họ coi khinh nó thì đúng hơn. Chắc hẳn họ ít tìm cách sửa mình. Nhưng người ta cũng không thấy họ có ảo tưởng về các khuyết điểm hay các tật xấu mà họ nhẫn nại chịu đựng suốt đời, bởi họ đã đánh giá trước là chúng không thể cải tạo được, và họ chỉ lo sao bắt những con vật vô dụng và tốn kém ấy phải nể sợ, lo sao nuôi được chúng với giá rẻ nhất. Và có khi, trong sự thinh lặng của những cuộc đời nông dân luôn kín đáo này, sự thèm muốn của lũ quái vật ngày càng tăng, con người đã già đi chỉ chịu đựng được mình một cách thật vất vả, và bất kỳ mối thiện cảm nào cũng khiến anh ta tức giận, bởi anh ta nghi nó có một kiểu đồng lõa với kẻ thù bên trong đang hủy hoại dần dần sức lực, công việc, của cải của anh ta. Nói gì đây với những kẻ khốn khổ ấy? Bởi thế ta mới gặp trên giường hấp hối một số người già trác táng mà
thói biển lận chỉ là một cách trả thù khốc liệt, một sự trừng phạt tự nguyện đã chịu hàng bao năm một cách hà khắc không nao núng. Và cho đến lúc sắp lâm chung, một lời buột ra từ nỗi lo âu hãy còn chứng tỏ sự thù ghét bản thân có lẽ chẳng thể được tha thứ.
Tôi cho rằng mọi người hiểu khá sai việc tôi quyết định, cách đây đã mười lăm ngày, là không cần một bà giúp việc. Điều khiến câu chuyện rắc rối lên nhiều, là chồng bà này, ông Pégriot, vừa vào làm tại lâu đài, giữ chân giám thủ những đất đai cấm săn bắn. Ngày hôm qua, ông ta đã tuyên thệ, ở Saint-Vaast. Vậy mà tôi cứ tưởng mình khôn khéo khi mua của ông ta một thùng nhỏ rượu vang! Thế là tôi đã tiêu mất hai trăm quan của bà dì Philomène, mà chẳng được lợi gì, bởi từ nay ông Pégriot chẳng còn làm cho hãng rượu Bordeaux, dù sao ông vẫn chuyển đến hãng giấy đặt hàng của tôi. Tôi nghĩ rằng người kế nhiệm ông ta sẽ hưởng hết lợi lộc từ khoản ân huệ con con của tôi. Sao mà ngốc thế!
Phải, sao mà ngốc thế! Tôi từng hi vọng cuốn nhật ký này sẽ giúp tôi cố định hóa tư duy của tôi, nó luôn lẩn trốn trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà tôi có thể suy nghĩ đôi chút. Trong ý tưởng tôi, nhật ký phải là một cuộc trò chuyện giữa Chúa và tôi, một sự tiếp nối của lời cầu nguyện, một cách tránh né những khó khăn của bài diễn giảng mà tôi còn quá thường cảm thấy không vượt nổi, có lẽ vì những cơn đau thắt dạ dày nơi tôi. Vậy mà giờ đây nhật ký lại cho tôi thấy ra vị trí hết sức to lớn, quá chừng quá độ, của hàng ngàn mối lo lặt vặt thường ngày trong cuộc sống tội nghiệp của tôi, mà đôi
khi tôi cứ ngỡ mình đã được giải thoát. Tôi rất hiểu là Chúa chia sẻ những nỗi khổ của chúng ta, dù chúng nhỏ nhoi vớ vẩn, và Người không xem khinh điều gì hết. Nhưng cố định hóa trên giấy làm gì những điều mà ngược lại lẽ ra tôi phải cố quên dần đi? Tệ hơn nữa tôi thấy trong việc tâm sự này một niềm êm dịu lớn đến mức đủ khiến tôi cảnh giác. Khi nguệch ngoạc dưới ánh đèn những trang sẽ không bao giờ có ai đọc, tôi cảm thấy một sự hiện diện vô hình chắc chắn không phải của Chúa – đúng hơn có lẽ của một người bạn giống hệt tôi, tuy khác biệt tôi, có một bản chất khác… Tối qua, sự hiện diện ấy đột nhiên thành rõ rệt quá chừng đến mức tôi bất chợt thấy mình nghiêng đầu về phía một người nghe tưởng tượng nào đó không rõ, và bỗng muốn khóc lên, khiến tôi phát xấu hổ.
Vả lại tốt hơn nên thể nghiệm đến cùng – tôi muốn nói là ít ra cũng vài tuần lễ. Thậm chí tôi sẽ cố gắng viết mà không chọn lọc những gì nghĩ trong óc (có lúc tôi còn do dự khi lựa chọn một hình dung từ, còn định tự sửa lại), rồi sẽ nhét những giấy tờ vô dụng của mình vào đáy ngăn kéo, sau đó ít lâu mới đọc lại khi đầu óc thảnh thơi.
II
Sáng nay, sau buổi lễ, tôi đã có một cuộc trò chuyện dài cùng cô Louise. Cho đến nay tôi chỉ gặp cô rất ít tại các buổi lễ trong tuần, bởi địa vị của cô là giáo viên tại lâu đài buộc cả hai chúng tôi phải rất giữ gìn. Bá tước phu nhân quý cô lắm. Hình như cô định vào tu viện dòng Sainte-Claire, nhưng lại hy sinh mình để trông nom bà mẹ già tàn tật vừa mới qua đời năm ngoái. Hai cậu bé yêu kính cô. Đáng buồn là tiểu thư Chantal, cô con gái lớn, không hề tỏ ra chút thiện cảm nào thậm chí hình như thích thú làm cô tủi nhục, coi cô như tôi tớ. Có thể đó là những trò trẻ con, nhưng hắn những trò ấy phải thử thách một cách tàn ác lòng nhẫn nại nơi cô, bởi qua bá tước phu nhân tôi biết cô thuộc một gia đình rất tốt và được hấp thụ một nền giáo dục ưu tú.
Tôi cho rằng tôi đã hiểu là lâu đài tán thành công việc tôi không cần người ở. Tuy nhiên họ thấy tôi nên thuê một lao công thì hơn, dù chỉ để theo nguyên tắc, mỗi tuần lễ đến làm một hoặc hai lần. Dĩ nhiên, đó là vấn đề nguyên tắc. Tôi ở một ngôi nhà linh mục đầy đủ tiện nghi, nhà đẹp nhất trong vùng, sau lâu đài, mà tôi lại tự giặt quần áo! Như vậy tôi sẽ có vẻ cố ý làm ra thế.
Có lẽ tôi cũng không có quyền khác biệt các đồng nghiệp chẳng khá giả hơn tôi, nhưng sử dụng giỏi những nguồn lợi ít ỏi của mình. Tôi thành thật tin rằng giàu hay nghèo đối với tôi chẳng can hệ gì, tôi chỉ muốn các bề trên quyết định hẳn điều ấy đi. Cái khung cảnh an lạc trưởng giả, nơi người ta áp đặt cho chúng tôi sống, rất ít thích hợp với nỗi bần cùng của chúng tôi… Sự nghèo khổ cực độ không
phải khó nhọc mới giữ được đường hoàng. Tại sao lại duy trì những bề ngoài ấy? Tại sao lại khiến chúng tôi túng bấn?
Tôi nghĩ mình sẽ được an ủi đôi chút khi dạy giáo lý sơ đẳng, khi chuẩn bị cho lễ ban thánh thể theo ý nguyện của Đức Giáo hoàng Pie X. Hôm nay nữa, khi nghe tiếng chúng lao xao ngoài nghĩa trang, nghe những đôi giày nhỏ đóng đinh dưới đế lóc cóc trên thềm, dường như tim tôi xót xa vì thương mến. Sinite parvulos*… Tôi mơ ước nói với chúng bằng cái ngôn ngữ trẻ thơ mà tôi tìm lại được rất nhanh, tất cả những gì tôi phải giữ riêng cho mình, tất cả những gì tôi không thể diễn đạt trên tòa giảng nơi người ta đã dặn đi dặn lại tôi phải thận trọng. Ồ! tôi sẽ chẳng cường điệu, dĩ nhiên rồi! Nhưng rốt cuộc tôi rất tự hào được nói với chúng những điều khác với các vấn đề về phân số, về quyền công dân, hoặc về thứ vạn vật học khả ố, quả thực chỉ là những bài học về sự vật và không có gì khác nữa. Con người đi học sự vật! Và tôi còn được giải thoát khỏi nỗi sợ gần như bệnh hoạn, mà tôi cho rằng linh mục trẻ nào cũng cảm thấy, khi một số từ, một số hình ảnh nào đó đến cửa miệng mình, có sự mai mỉa, có tính lập lờ, chúng phá hủy nhiệt tình bồng bột của chúng tôi, khiến chúng tôi bất đắc dĩ phải giới hạn ở những bài thuyết giáo khắc khổ với từ ngữ hết sức cũ mòn nhưng hết sức chắc chắn thành thử chẳng làm ai chướng tai và do quá mơ hồ, buồn tẻ, ít ra cũng có công làm mất hứng những lời bình luận nhạo báng. Nghe chúng tôi nói, người ta thường hay tưởng là chúng tôi truyền giảng Chúa của các nhà duy linh, Thượng đế gì đó chẳng biết, dù sao cũng không giống với Đức Chúa mà chúng tôi đã tập quen biết như một người bạn diệu kỳ sống động, đau nỗi đau của chúng tôi, cảm niềm vui của
chúng tôi, chia sẻ cách hấp hối của chúng tôi, sẽ đón nhận chúng tôi trong vòng tay của Người, trên ngực của Người.
Sinite parvulos uenire ad me tiếng La tinh có nghĩa: “Hãy để trẻ thơ đến bên ta.” (Lời Jésus Christ nói với các tông đồ khi họ định gạt ra xa Jésus những đứa trẻ mà mọi người đem đến bên ông.)
Tôi cảm thấy ngay sự kháng cự của đám con trai, và tôi đã ngừng lời. Xét cho cùng, không phải lỗi ở chúng, nếu những con vật giúp chúng sớm hiểu – không sao tránh được – giờ đây còn thêm những buổi chiếu phim hàng tuần nữa.
Khi miệng chúng nói lên được lần đầu tiên cái từ “tình yêu”, thì nó đã là một từ lố bịch, một từ nhơ nhớp mà chúng sẵn sàng vừa cười vừa ném đá truy đuổi, như chúng thường làm với cóc nhái. Nhưng các em gái khiến tôi có đôi chút hi vọng, nhất là Séraphita Dumonchel. Đó là cô học trò giỏi nhất của lớp giáo lý, vui tươi, sạch sẽ, mắt nhìn hơi táo bạo, tuy trong sáng. Dần dần tôi có thói quen biệt đãi em giữa đám bạn học không chuyên cần bằng, tôi hay hỏi em, tôi hơi có vẻ nói cho riêng em. Tuần vừa qua, khi đưa cho em phiếu điểm tốt hàng tuần – một tranh thánh đẹp – trong kho đồ thánh, tôi vô tình đặt hai bàn tay lên vai em và hỏi em: “Con có mong được nhận mình Chúa hay không? Con có cảm thấy thời gian dài không?” Em đã trả lời “Không, tại sao chứ? Điều ấy sẽ đến khi nào nó đến.” Tôi sững người, song không tức giận, bởi vẫn biết sự ranh mãnh của trẻ con. Tôi nói tiếp: “Nhưng con hiểu, phải không? Con nghe cha giảng rất chăm chú mà!” Thế là gương mặt bé nhỏ của em đanh lại và em nhìn tôi chằm chằm mà đáp: “Đó là vì cha có đôi mắt rất đẹp.”
Dĩ nhiên tôi vẫn bình thản, tôi và em cùng ra khỏi kho đồ thánh và tất cả những đứa bạn của em đang thì thà thì thào bỗng im bặt, rồi phá lên cười. Rõ ràng là chúng đã cùng nhau bày ra chuyện này.
Từ đó tôi cố không thay đổi thái độ, tôi không muốn mình có vẻ tham dự trò chơi của chúng. Nhưng cô bé tội nghiệp, chắc chắn được bạn bè khuyến khích, cứ theo đuổi tôi với những điệu bộ ngấm ngầm, chọc ghẹo, những vẻ của phụ nữ thực sự, và một kiểu vén váy lên để buộc lại chiếc dải dùng làm nịt tất. Chúa tôi, trẻ em là trẻ em, song sự thù nghịch của các cô bé này? Tôi đã làm gì chúng?
Các thày tu đau khổ cho các linh hồn. Chúng ta, chúng ta đau khổ vì các linh hồn. Ý nghĩ này đến trong tôi tối qua và đã thức suốt đêm bên tôi, như một thiên thần.
Kỷ niệm ngày tôi được bổ đến nhiệm sở Ambricourt! Đã ba tháng rồi! Sáng nay tôi đã cầu nguyện nhiều cho xứ đạo của mình – xứ đạo tội nghiệp của mình – xứ đạo đầu tiên và có thể là cuối cùng, bởi tôi mong được chết tại đó. Xứ đạo của mình! Một từ người ta không thể thốt lên mà không xúc động, nói thế nào đây! mà không có nhiệt tình yêu đương. Vậy mà nó mới chỉ gợi trong tôi một hình ảnh mơ hồ. Tôi biết rằng nó tồn tại thực sự, rằng tôi và nó là của nhau đời đời, bởi nó là một tế bào của Giáo hội bất diệt chứ không phải một sự hư cấu có tính chất hành chính. Nhưng tôi những muốn Chúa mở mắt mở tai cho tôi, cho phép tôi nhìn thấy gương mặt nó, nghe thấy tiếng nói của nó. Như vậy là đòi hỏi nhiều quá chăng? Gương mặt xứ đạo của tôi! Ánh mắt của nó! Chắc phải là một ánh mắt dịu hiền, buồn, nhẫn nại, và tôi tưởng tượng nó hơi giống ánh
mắt tôi khi tôi thôi vật lộn, khi tôi để mình bị cuốn đi bởi dòng sông lớn vô hình nó mang tất cả chúng ta, người sống người chết, lẫn lộn, về với sâu xa Vĩnh Hằng. Và ánh mắt ấy sẽ là ánh mắt của tinh thần Cơ đốc giáo, của mọi xứ đạo, hay thậm chí… có thể là của loài người tội nghiệp chăng? Ánh mắt mà Chúa đã nhìn thấy từ trên cao Thánh giá. Hãy tha tội cho chúng bởi chúng không biết điều chúng làm…
(Tôi đã có sáng kiến sử dụng đoạn trên đây, có sửa chữa đôi chút, trong lời rao giảng ngày chủ nhật. Ánh mắt của xứ đạo khiến mọi người cười mỉm và tôi đã ngừng một giây ngay giữa câu nói, với cảm giác, than ôi rất rõ ràng! là mình đang diễn kịch. Vậy mà có Chúa biết rằng tôi rất chân thành! Nhưng trong các hình ảnh đã làm tim ta quá xúc động bao giờ cũng có một cái gì đó mờ đục. Tôi tin chắc là tu viện trưởng Torcy phải chê trách tôi. Xong buổi lễ, ngài bá tước đã bảo tôi, bằng giọng nói kỳ cục hơi có âm mũi: “Cha đã nói hết sức bay bổng!” Tôi những muốn chui xuống đất.)
Cô Louise chuyển cho tôi lời mời đến ăn trưa tại lâu đài, vào thứ ba tuần tới. Cô Chantal có mặt khiến tôi hơi phiền, tuy thế tôi đã toan từ chối, song cô Louise kín đáo ra hiệu cho tôi nhận lời.
Người giúp việc sẽ trở lại làm vào thứ ba. Bá tước phu nhân có nhã ý trả cho bà ta mỗi tuần một ngày công. Tôi quá xấu hổ vì tình trạng áo quần của mình thành thử sáng nay đã ra tận Saint-Vaast để sắm ba chiếc sơ mi, rồi quần đùi, khăn tay, tóm lại, một trăm quan của cha xứ Torcy chỉ tạm đủ cho khoản chi lớn này. Hơn nữa, tôi phải cung cấp bữa trưa mà một người lao động cần được ăn uống
tử tế. May thay thùng rượu vang của tôi sẽ được việc. Hôm qua tôi đã đóng vào chai. Tôi cảm thấy rượu hơi đục, tuy thế rất thơm. Ngày tháng trôi qua, trôi qua… Sao mà chúng trống rỗng! Tôi hãy còn hoàn thành được công việc thường ngày, nhưng cứ lần lữa mãi chưa thực hiện chương trình nhỏ tự vạch ra cho mình. Thiếu phương pháp, hẳn thế. Và tôi mất bao nhiêu thì giờ đi lại! Chi nhánh gần nhất cũng xa ba cây số, còn chi nhánh kia năm cây. Xe đạp chỉ giúp được tôi chút ít, bởi tôi không thể đạp lên dốc, nhất là khi đói, mà không bị đau dạ dày kinh khủng. Cái xứ đạo bé tí trên bản đồ!… Cứ nghĩ rằng có lớp học hai mươi hay ba mươi em, tuổi và điều kiện tương tự, cùng theo một khuôn phép, cùng được rèn tập các môn giống nhau, mà chỉ trong học kỳ hai mới được thầy biết đến – mà hãy còn nữa!… Tôi cảm thấy như đời tôi, toàn bộ sức lực của đời tôi, sắp tan đi trong cát bụi.
Giờ đây ngày nào cô Louise cũng đi lễ. Nhưng cô xuất hiện rồi biến mất nhanh đến mức có khi tôi không nhận ra cô có mặt. Nếu không có cô, chắc nhà thờ vắng bóng người.
Hôm qua gặp Séraphita đi cùng ông Dumonchel. Mặt cô bé như biến hóa từng ngày: trước kia rất hay thay đổi, rất linh hoạt, giờ đây có một kiểu cố định, cứng cỏi vượt quá tuổi em rất nhiều. Trong lúc tôi nói với em, em quan sát tôi với vẻ chăm chú phiền toái đến mức tôi không ngăn nổi mình đỏ mặt. Có lẽ tôi phải báo cho bố mẹ em… Nhưng về cái gì chứ?
Trên mảnh giấy chắc hẳn cố ý để lại trong một cuốn sách học giáo lý, mà tôi thấy được sáng nay, một bàn tay vụng về đã vẽ một hình người đàn bà bé xíu với lời ghi: “Người cưng của Cha xứ”. Bởi
mỗi lần tôi lại phân phát sách một cách ngẫu nhiên, việc tìm tác giả của trò trêu chọc này là vô ích.
Tôi đã tự nhủ mãi rằng những loại phiền muộn như thế là chuyện thường tình, ở những trường học nền nếp nhất, điều ấy cũng chỉ làm tôi nguôi được một nửa. Một thầy giáo luôn có thể giãi bày với cấp trên, xin gặp. Trong khi ở đây thì…
“Đau khổ vì các linh hồn”, suốt đêm tôi nhắc lại với mình lời an ủi ấy. Nhưng thiên thần đã không trở lại.
Hôm qua bà Pégriot đến. Bà ta có vẻ rất ít hài lòng về giá cả do bá tước phu nhân quy định thành thử tôi thấy cần phải bỏ tiền túi ra để tăng thêm năm franc. Hình như tôi đóng rượu vào chai quá sớm, lại thiếu sự cẩn thận cần thiết, thành thử đã làm hỏng rượu. Tôi thấy lại chai rượu trong bếp gần như còn nguyên.
Rõ ràng người đàn bà này có tính nết chẳng dễ thương và cung cách khó chịu. Nhưng phải công bằng: tôi cho một cách vụng về, với thái độ lúng túng khiến mọi người chưng hửng. Bởi vậy hiếm khi tôi cảm thấy mình làm vui lòng người, hẳn là vì tôi quá mong muốn làm được thế. Người ta ngỡ tôi cực chẳng đã mới cho.
Thứ ba họp ở nhà cha xứ Hébuterne, nghe thuyết trình hàng tháng. Đề tài do tu viện trưởng Thomas, cử nhân lịch sử, luận giải: “Cuộc Cải cách Tôn giáo, nguồn gốc, nguyên nhân”. Quả thật, tình hình Giáo hội thế kỷ XVI khiến người ta rùng mình. Trong khi thuyết trình viên tiếp tục bài trình bày tất nhiên hơi đơn điệu, tôi quan sát mặt các người nghe và chẳng thấy gì ngoài một vẻ tò mò nhã nhặn, hệt như thể chúng tôi đang tụ họp để nghe đọc một chương nào đó
trong lịch sử các hoàng đế cổ Ai Cập. Ngày trước, sự thờ ơ lộ ra bên ngoài này chắc đã khiến tôi nổi xung. Giờ đây, tôi cho đó là dấu hiệu của một tín ngưỡng lớn, có lẽ cũng của một niềm kiêu hãnh lớn vô ý thức. Không một ai trong những người ấy có thể nghĩ rằng Giáo hội lâm nguy, bất kể vì lý do gì. Và tất nhiên lòng tin nơi tôi không kém, nhưng chắc hẳn thuộc loại khác. Sự an tâm của họ khiến tôi kinh hoàng.
(Tôi hơi ân hận đã viết cái từ kiêu hãnh, vậy mà tôi chẳng thể xóa nó đi, bởi không tìm ra từ nào thích hợp hơn cho một tình cảm thật con người, thật cụ thể đến thế. Dù thế nào, Giáo hội cũng không phải là một lý tưởng để thực hiện, Giáo hội tồn tại và họ ở trong đó).
Khi bài thuyết trình đã xong, tôi mạo muội đề cập một cách dụt dè chương trình tự vạch cho mình. Mà tôi còn bỏ đi một nửa số điều mục. Mọi người đã chẳng khó nhọc mấy để chứng minh cho tôi rằng việc thực thi, dù chỉ một phần chương trình đó, sẽ đòi hỏi những ngày dài bốn mươi tám giờ và một ảnh hưởng cá nhân mà còn lâu tôi mới có, chẳng bao giờ có cũng nên. May thay, mọi người thôi chú ý đến tôi và cha xứ Lumbres đã trình bày xuất sắc vấn đề quỹ nông thôn và hợp tác xã nông nghiệp, cha là chuyên gia về những vấn đề này.
Tôi trở về dưới mưa, khá buồn bã. Chút rượu vang tôi uống đã gây những cơn đau dạ dày kinh khủng. Chắc chắn tôi gầy đi rất nhiều từ mùa thu và khí sắc hẳn là ngày càng xấu bởi từ nay về sau người ta miễn cho tôi mọi nhận xét về sức khỏe của tôi. Nếu tôi không đủ sức lực! Dù cố gắng, tôi vẫn khó tin rằng Chúa sẽ dùng tôi thực sự – triệt để – sẽ sử dụng tôi như những người khác. Mỗi ngày
tôi lại thêm ngạc nhiên vì sự dốt nát của mình về những tiểu tiết sơ đẳng nhất của cuộc sống thực tiễn mà tất cả mọi người hình như chẳng học cũng biết, nhờ một thứ trực giác. Hiển nhiên, tôi không ngu ngốc hơn người này hay người kia, và với điều kiện là chỉ tự hạn ở những công thức nhớ được một cách dễ dàng, tôi có thể khiến mọi người lầm tưởng rằng tôi đã hiểu. Nhưng những từ ngữ có ý nghĩa đích xác với mỗi người thì với tôi chúng dường như chỉ hơi hơi khác biệt nhau, tới mức có khi tôi sử dụng chúng một cách ngẫu nhiên khinh suất, như người chơi bài kém cỏi liều đánh một quân. Trong cuộc thảo luận về các quỹ nông thôn, tôi có cảm tưởng mình là đứa trẻ lạc vào cuộc chuyện trò của người lớn.
Chắc hẳn các đồng nghiệp cũng chẳng thông thái hơn tôi là mấy, bất kể những truyền đơn khuyến giáo được phân phát tới tấp đến chúng tôi. Nhưng tôi kinh ngạc thấy họ thoải mái nhanh đến thế khi người ta đề cập những vấn đề trên. Hầu hết họ đều nghèo, và dũng cảm cam chịu cảnh nghèo, song hình như chuyện tiền bạc chẳng vì thế mà không có một kiểu mê hoặc đối với họ. Mặt họ lập tức mang vẻ trang trọng, vững vàng, khiến tôi nản chí, buộc tôi lặng im, hầu như kính nể.
Tôi rất sợ mình chẳng bao giờ thực tế, kinh nghiệm sẽ không đào luyện tôi. Với người quan sát phiến diện, tôi chẳng khác biệt mấy các đồng nghiệp, tôi cũng là dân quê như họ. Nhưng tôi xuất thân từ một dòng dõi rất nghèo khổ, những người thợ phụ, thợ làm khoán, nữ tá điền, chúng tôi thiếu ý thức sở hữu, chắc chắn chúng tôi đã đánh mất nó qua các thế kỷ. Về điểm này bố tôi giống ông tôi, bản thân ông tôi lại giống cụ tôi, chết đói vào mùa đông khủng khiếp năm
1854. Một đồng hai mươi xu làm nóng túi các cụ và các cụ sẽ chạy đi tìm bạn để chè chén. Các bạn đồng học của tôi ở tiểu chủng viện không nhầm: cho dù mẹ tôi mặc chiếc váy tốt nhất của bà, đội chiếc mũ đẹp nhất, bà vẫn có cái vẻ hèn mọn, lén lút, nụ cười tội nghiệp của những kẻ cùng khổ nuôi nấng con cho người khác. Nếu như tôi chỉ thiếu ý thức sở hữu! Nhưng tôi sợ mình không biết chỉ huy chẳng khác nào không biết sở hữu. Điều đó, thì nghiêm trọng hơn.
Không hề gì! Có khi những học trò xoàng, bất tài, lại đứng được vào hàng đầu. Ở đó họ chẳng bao giờ xuất sắc, dĩ nhiên. Tôi không có tham vọng cải tạo bản chất mình, tôi sẽ khắc phục những điều mình hiềm kỵ thế thôi. Nếu tôi có nghĩa vụ trước hết với các linh hồn, thì tôi không thể không biết gì về các mối quan tâm, xét cho cùng là chính đáng, chúng giữ vị trí to lớn trong cuộc đời những người thuộc xứ đạo của tôi. Thầy giáo dạy chúng tôi – tuy là dân Paris – vẫn giảng được về luân canh và phân bón. Tôi sẽ học thật chăm tất cả những vấn đề trên.
Tôi cũng cần lập được một hội thể thao, theo gương đa số đồng nghiệp. Thanh niên của chúng ta say mê bóng đá, quyền Anh hay đua xe máy vòng quanh nước Pháp. Chẳng lẽ tôi không cho họ niềm vui bàn luận những chuyện ấy cùng tôi, lấy cớ là những kiểu giải trí này – cũng chính đáng, dĩ nhiên! – không hợp sở thích của tôi? Tình trạng sức khỏe đã không cho phép tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự, và muốn tham gia trò chơi cùng họ sẽ là lố bịch. Nhưng tôi có thể nắm được tình hình, dù chỉ nhờ đọc trang thể thao của tờ Tiếng vọng Paris, mà bá tước cho tôi mượn khá đều.
Tối qua, viết xong những dòng này, tôi đã quỳ xuống chân giường và đã cầu xin Chúa ban phước cho điều tôi vừa quyết định. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một sự sụp đổ các mơ ước, các hy vọng, tham vọng của tuổi thơ nơi tôi, và tôi đi nằm, sốt run lập cập, đến rạng đông mới ngủ được.
Sáng nay, suốt buổi lễ, cô Louise đã úp mặt vào hai bàn tay. Khi đọc đoạn Kinh Phúc âm cuối cùng, tôi nhận ra rất rõ cô đã khóc. Thật gay go khi cô độc, còn gay go hơn nữa khi cùng chung nỗi cô độc với những kẻ thờ ơ hay bội bạc.
Từ ngày tôi có sáng kiến đáng buồn là giới thiệu với viên quản lý của bá tước một bạn học cũ ở tiểu chủng viện đi chào hàng cho một hãng phân hóa học lớn, ông giáo không chào tôi nữa. Hình như chính ông ta là đại diện cho một hãng lớn khác ở Béthune.
Thứ bảy tới tôi sẽ đến ăn trưa tại lâu đài. Bởi công dụng chủ yếu, hoặc có lẽ duy nhất của nhật ký này là để giữ thói quen hoàn toàn trung thực với bản thân, tôi phải thú nhận rằng tôi không phật ý về chuyện đó, hài lòng thì đúng hơn… Tôi không xấu hổ vì cảm giác này. Như người ta thường nói, giới chủ lâu đài không có tiếng tốt ở đại chủng viện, và chắc chắn là một linh mục trẻ phải giữ sự độc lập đối với những người trong xã hội thượng lưu. Nhưng về điểm này cũng như bao điểm khác, tôi vẫn là con của những người rất nghèo chưa bao giờ biết đến thứ ghen tức, thù oán, của người điền chủ nông thôn, vật lộn với mảnh đất xấu nó làm đời anh ta hao mòn, đối với kẻ ăn không ngồi rồi chỉ khai thác địa tô cũng từ mảnh đất ấy. Từ
lâu lắm rồi chúng tôi đây không còn dính líu với các lãnh chúa! Từ nhiều thế kỷ chúng tôi thuộc về chính người điền chủ nông thôn kia và chẳng có người chủ nào khó làm hài lòng hơn thế, khắc nghiệt hơn thế.
Nhận thư của linh mục Dufréty, một bức thư rất lạ lùng. Linh mục Dufréty cùng học với tôi ở tiểu chủng viện, sau đó học xong ở nơi nào tôi không rõ và, theo tin tức gần đây nhất, anh là đồng linh mục của một xứ đạo nhỏ thuộc giáo phận Amiens, vị phụ trách nơi này bị ốm nên đã xin được có người cộng tác hỗ trợ. Tôi vẫn giữ về anh một kỷ niệm rất sống động, gần như thương mến. Thời ấy người ta thường đưa anh ra như một mẫu mực cho chúng tôi về lòng kính tín, mặc dù riêng tôi thấy anh quá căng thẳng, quá nhạy cảm. Trong năm học thứ ba, tại nhà nguyện, chỗ của anh gần chỗ của tôi, và tôi thường nghe thấy anh thổn thức, mặt úp vào hai bàn tay bé nhỏ lúc nào cũng dây mực và rất xanh xao.
Thư anh đề gửi từ Lille (tôi nhớ mang máng quả là một ông chú của anh, cựu hiến binh, bán hàng thực phẩm tại đó). Tôi ngạc nhiên chẳng thấy anh đả động gì đến chức phận chắc là anh đã rời bỏ, vì bệnh tật, hẳn vậy. Người ta bảo anh có nguy cơ bị ho lao. Bố và mẹ anh đã chết vì bệnh ấy.
Từ dạo tôi không có người giúp việc nữa, bác bưu tá có thói quen luồn thư từ bên dưới cửa ra vào. Tình cờ tôi thấy chiếc phong bì dán kín, vào lúc lên giường ngủ. Với tôi đó là một khoảnh khắc rất khó chịu, tôi cố trì hoãn nó hết mức có thể. Những cơn đau dạ dày nói chung là kham được, nhưng lâu dần, không sao tưởng tượng nổi cái
gì đơn điệu hơn. Dần dà, trí tưởng tượng hoạt động, đầu óc vướng víu, và phải can đảm lắm mới không ngồi dậy. Vả lại tôi ít khi nhượng bộ sự cám dỗ, bởi trời rét.
Vậy là tôi đã bóc phong bì với linh cảm về một tin chẳng lành – thậm chí tồi tệ hơn – về một chuỗi những tin chẳng lành. Hiển nhiên, đó là tâm trạng không hay. Chẳng sao. Tôi không thích giọng điệu trong thư. Tôi thấy giọng điệu ấy vui vẻ một cách gượng gạo, hầu như thất lễ, trong trường hợp có lẽ bạn tôi không còn khả năng đảm trách công việc, ít ra là tạm thời. Anh bảo “Chỉ riêng bạn có thể hiểu được mình.” Tại sao? Tôi nhớ lại rằng anh xuất sắc hơn tôi nhiều và có coi thường tôi chút đỉnh. Vì thế mà tôi càng yêu mến anh hơn, tất nhiên.
Anh yêu cầu tôi khẩn cấp đến thăm anh, vậy là tôi sắp hiểu rõ mọi chuyện.
Cuộc viếng thăm lâu đài sắp tới khiến tôi bận tâm nhiều. Thành công của những dự định lớn mà tôi tha thiết có thể tùy thuộc vào sự tiếp xúc đầu tiên, tài sản và ảnh hưởng của bá tước chắc chắn giúp được tôi thực hiện dự định. Như xưa nay vẫn thế, sự thiếu kinh nghiệm, sự ngu dại của tôi và cả một thứ rủi ro lố bịch tha hồ làm rắc rối những chuyện đơn giản nhất. Vậy là tấm áo lót bông đẹp đẽ tôi vẫn dành cho các trường hợp đặc biệt giờ đây quá rộng. Hơn nữa, bà Pégriot, vả chăng do tôi bảo, đã tẩy các vết bẩn, nhưng quá vụng về thành thử dầu xăng loang thành những quầng xấu xí. Cứ như thể những đốm lấp loáng ngũ sắc trên mặt các món canh quá béo. Hơi không hay cho tôi khi đến lâu đài với chiếc áo vẫn thường mặc, đã
mạng vá nhiều lần, nhất là ở khuỷu tay. Tôi sợ có vẻ phô trương cái nghèo của mình. Người ta có thể tưởng đủ mọi điều! Tôi cũng muốn mình ăn được – ít ra vừa đủ để đừng khiến mọi người chú ý. Nhưng không sao lường trước nổi, dạ dày tôi nó trái tính trái nết lắm! Chỉ hơi có dấu hiệu cấp báo, là vẫn cơn đau ấy xuất hiện ở mé phải, và tôi có cảm giác như một thứ máy hãm, một sự co giật. Miệng tôi lập tức khô đi, tôi không nuốt nổi cái gì nữa. Đó là những sự khó ở, thế thôi. Tôi chịu đựng chúng cũng khá, tôi không yểu điệu, tôi giống mẹ tôi. “Mẹ cháu là người gan góc,” cậu Ernest tôi hay nhắc lại như vậy. Với người nghèo khổ, tôi cho rằng điều đó có nghĩa là một phụ nữ nội trợ không mệt mỏi, không bao giờ ốm, và chết đi chẳng tốn kém nhiều.
Chắc chắn bá tước giống một nông dân như tôi hơn là giống bất kỳ kỹ nghệ gia giàu có nào mà trước đây tôi có dịp gặp gỡ, trong thời gian làm trợ tế. Chỉ nói đôi lời, ông đã khiến tôi thoải mái. Họ có quyền lực gì thế nhỉ, những người thuộc giới thượng lưu dường như chẳng mấy phân biệt với người khác, ấy thế mà chẳng làm điều gì giống ai hết! Trong lúc một biểu hiện vị nể nhỏ nhặt cũng khiến tôi bối rối, người ta đã có thể xử sự tới mức kính trọng mà không lúc nào để tôi quên rằng sự tôn trọng ấy chỉ dành cho chức phận do tôi đảm đương. Bá tước phu nhân thật hoàn hảo. Bà mặc áo dài trong nhà, rất giản dị, và trên mái tóc hoa râm choàng một loại khăn gợi nhớ tấm khăn mẹ tôi thường đội ngày chủ nhật. Tôi không ngăn nổi mình nói với bà điều ấy, nhưng tôi giải thích lúng ta lúng túng thành thử tôi cứ tự hỏi liệu bà có hiểu hay không.
Chúng tôi đã cùng cười rất nhiều về áo của tôi. Tôi nghĩ rằng ở bất kỳ nơi khác, người ta cũng vờ như không để ý đến nó, và tôi sẽ rất khổ tâm. Những người quý phái này nói về tiền bạc và tất cả những gì dính dáng tới tiền bạc một cách thoải mái biết mấy, tế nhị biết mấy, thanh nhã biết mấy! Thậm chí hình như một cái nghèo chắc chắn, đích thực, khiến anh lập tức được họ tin cậy, tạo ra giữa họ và anh một thứ thân mật đồng lõa. Tôi cảm thấy rõ điều này khi ông bà Vergenne (ngày trước là chủ xưởng bột, rất giàu có, vừa mua lâu đài Rouvroy năm ngoái) đến chơi vào lúc dùng cà phê. Sau khi họ ra về, bá tước đã có một ánh mắt hơi mỉa mai mang nghĩa rất rõ: “Thượng lộ bình an nhé, rốt cuộc, ta lại được ngồi riêng với nhau!” Ấy thế mà, người ta đồn rất nhiều về cuộc hôn nhân của tiểu thư Chantal với cậu con nhà Vergenne… Chẳng sao! Tôi cho là trong tình cảm mà tôi phân tích rất dở, có một cái gì đó không chỉ là sự nhã nhặn, dù chân thành đi nữa. Thái độ chẳng lý giải được hết mọi điều.
Dĩ nhiên, tôi những mong bá tước tỏ ra nhiệt tình hơn nữa với những kế hoạch của tôi về hoạt động của thanh niên, hội thể thao. Nếu không đích thân hợp tác, thì sao lại từ chối tôi khu đất nhỏ Latrillère, và cái nhà kho cũ chẳng dùng vào việc gì, rất dễ làm thành phòng chơi, phòng nghe thuyết trình, chiếu phim, gì gì nữa? Tôi cảm thấy rõ mình chẳng biết xin cũng như chẳng biết cho, mọi người muốn tự dành thời gian suy nghĩ, còn tôi luôn chờ đợi một tiếng reo của con tim, một nhiệt tình bồng bột đáp ứng sự bồng bột nơi tôi.
Tôi đã rời lâu đài rất muộn, quá muộn. Tôi cũng chẳng biết cách cáo từ, cứ mỗi vòng kim đồng hồ tôi lại tỏ ý định rút lui, khiến mọi
người nhã nhặn phản đối, và tôi không dám bỏ qua lời phản đối ấy. Có thể kéo dài như thế hàng mấy giờ! Cuối cùng, tôi ra về, chẳng còn nhớ được lấy một lời về những gì mình đã nói, nhưng cảm thấy một thứ tin tưởng, hân hoan, cảm giác về một tin tốt lành, một tin rất hay mà tôi muốn đem ngay đến cho một người bạn. Trên đường về nhà, thiếu chút nữa, là tôi chạy.
Hầu như ngày nào tôi cũng tìm cách để về nhà theo đường Desvres. Trên đỉnh dốc, dù trời mưa hay gió, tôi vẫn ngồi lên một thân cây bạch dương không hiểu sao bị bỏ quên ở đấy từ bao mùa đông, bắt đầu mục rữa. Tầm gửi khiến thân cây như bọc trong chiếc bao mà tôi thấy khi thì xấu gớm guốc khi thì xinh đẹp, tùy theo tâm trạng nơi tôi hoặc tùy sắc thái thời tiết. Chính ở chỗ đó tôi đã nảy ra ý nghĩ viết nhật ký và tôi thấy hình như mình sẽ không có ý nghĩ này ở bất kỳ nơi nào khác. Ở cái miền toàn những rừng và những đồng cỏ có hàng rào chia cắt, có trồng các cây táo, tôi không tìm ra một đài quan sát nào khác, nơi mà thôn làng hiện ra trọn vẹn trước tôi như thu gọn trong lòng bàn tay. Tôi nhìn nó, và không bao giờ cảm thấy nó cũng đang nhìn mình. Song tôi cũng chẳng cho là nó không biết đến mình. Cứ như thể nó quay lưng lại tôi và liếc xéo quan sát tôi, mắt lim dim, theo cách của loài mèo.
Nó muốn gì tôi? Thậm chí nó có muốn điều gì ở tôi không? Từ vị trí này, bất kỳ người nào khác không phải tôi, một người giàu có chẳng hạn, đều có thể ước lượng giá trị của những ngôi nhà vách đất kia, tính toán diện tích chính xác của những thửa ruộng, những đồng cỏ kia, mơ rằng mình đã bỏ ra số tiền cần thiết, rằng làng kia thuộc về mình. Tôi thì không.
Dù tôi có làm gì chăng nữa, có cho nó đến giọt máu cuối cùng của mình (và quả thực đôi khi tôi tưởng tượng rằng nó đã đóng đinh tôi vào một cây thập ác ở trên này, rằng ít ra nó cũng đang nhìn tôi chết đi), tôi vẫn chẳng chiếm hữu được nó. Dù lúc này tôi có nhìn thấy nó, trắng đến thế, tươi mới đến thế (nhân dịp lễ Các Thánh, dân làng quét lại tường bằng vôi pha màu xanh lơ), tôi không thể quên rằng nó đã ở đấy từ nhiều thế kỷ, sự cổ xưa của nó làm tôi sợ. Rất lâu trước khi ngôi nhà thờ bé nhỏ được xây dựng, vào thế kỷ XV, tại nhà thờ ấy tôi cũng chỉ là một kẻ đi qua, thì ở nơi đây nó đã nhẫn nại chịu đựng nóng, lạnh, mưa, gió, nắng, khi thịnh vượng, khi khốn cùng, bám lấy mảnh đất mà nó hút lấy các chất nhựa, mà nó trả lại các người chết của nó. Kinh nghiệm sống của nó hẳn phải thầm kín, sâu xa biết mấy! Nó sẽ thắng được tôi như những người khác, chắc chắn là nhanh hơn những người khác.
Có một số ý nghĩ mà tôi chẳng dám giãi bày cùng ai, tuy rằng tôi thấy chúng không điên rồ, còn lâu mới điên. Thí dụ, tôi sẽ ra sao, nếu như tôi cam phận với vai trò mà nhiều người Thiên chúa giáo mong muốn giữ tôi trong đó, họ đặc biệt bận tâm bảo tồn xã hội, nghĩa là chung quy bảo tồn chính họ. Ồ! tôi không lên án các vị đó là giả dối, tôi cho rằng họ chân thành. Biết bao người tự nhận là thiết tha với trật tự, song họ chỉ bảo vệ những thói quen, thậm chí đôi khi chỉ bảo vệ một cách nói năng mà các từ ngữ đã bị sự thông dụng mài nhẵn, cắt xén kỹ đến mức chúng biện bạch cho hết thảy mọi điều và chẳng bao giờ đặt lại vấn đề về cái gì hết? Một trong những nỗi xấu số khó hiểu nhất của con người là phải ký thác những gì quý
báu nhất nơi mình vào một thứ không bền, dễ nhào nặn, hỡi ôi, như từ ngữ. Cần phải có rất nhiều can đảm để mỗi lần lại thẩm tra công cụ, làm cho nó vừa với ổ khóa riêng của mình. Chẳng thà lấy ngay công cụ đầu tiên rơi vào tay mình, gò gẫm đôi chút, và nếu lưỡi khóa xoay, thì người ta chẳng đòi hỏi gì hơn. Tôi thán phục những người cách mạng tốn nhiều công sức vất vả đến thế để dùng mìn phá tung các bức tường, trong khi chùm thìa khóa của những người giàu tín ngưỡng lẽ ra cung cấp cho họ cách đi vào yên ổn qua cửa, chẳng làm ai thức dậy hết.
Sáng nay nhận được một bức thư mới của anh bạn xưa, còn kỳ dị hơn bức thư đầu. Thư kết thúc như sau:
“Sức khỏe của mình không tốt, và đó là vấn đề duy nhất khiến mình thực sự lo ngại, bởi chết đi thật đáng tiếc cho mình, khi mình cập được bến sau bao giông bão. Inveni portum*. Tuy nhiên, mình không tránh căn bệnh, nó cho mình thì giờ rảnh rỗi mà mình cần, mà mình sẽ chẳng bao giờ được biết nếu không có nó. Mình vừa ở viện an dưỡng mười tám tháng. Điều đã cho phép mình đào bới một cách nghiêm túc vấn đề cuộc sống. Mình cho rằng cứ ngẫm nghĩ đôi chút, bạn sẽ đi đến những kết luận như mình. Aurea mediocritas*. Hai từ này chứng minh với bạn rằng kỳ vọng của mình vẫn khiêm tốn, rằng mình không phải là kẻ nổi loạn. Ngược lại mình vẫn giữ một kỷ niệm tốt đẹp về các thầy dạy chúng ta. Toàn bộ sự tai hại không phải do các học thuyết, mà do nền giáo dục các thầy đã tiếp nhận, và đã truyền lại cho chúng ta bởi chẳng biết cách suy nghĩ khác, cách cảm nhận khác. Nền giáo dục ấy đã biến chúng ta thành những kẻ cá nhân chủ nghĩa, những kẻ cô độc. Chung quy, chúng ta
chưa bao giờ ra khỏi tuổi thơ, chúng ta bày đặt không ngừng, chúng ta bày đặt ra nỗi khổ của mình, niềm vui của mình, chúng ta bày đặt ra Cuộc Đời, thay vì sống cuộc đời đó. Đến mức trước khi dám mạo hiểm bước một bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của chúng ta, chúng ta phải làm lại hết mọi sự từ đầu. Đó là một công việc gian khổ, chẳng phải không đòi hy sinh lòng tự ái, nhưng sự cô độc còn gian khổ hơn nữa, một ngày nào đó bạn sẽ hiểu ra.
Tiếng La tinh: Tôi đã tới bến.
Tiếng La tinh: Vinh quang tầm thường.
Đừng nói về mình với những người xung quanh bạn làm gì. Một cuộc đời cần cù, lành mạnh, rốt cuộc bình thường (từ bình thường được gạch dưới ba lần) phải không có gì bí mật với ai hết. Hỡi ôi, xã hội của chúng ta được tạo ra như vậy, ở đó hạnh phúc bao giờ cũng có vẻ khả nghi. Mình cho rằng một Cơ đốc giáo nào đó, rất xa tinh thần Phúc âm, có liên quan đến thành kiến này, thành kiến chung ở tất cả mọi người, tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Vì tôn trọng tự do của người khác, cho đến nay mình vẫn muốn giữ im lặng là hơn. Sau khi đã suy nghĩ nhiều, hôm nay mình quyết định phá vỡ sự im lặng ấy vì lợi ích của một người xứng đáng được tôn trọng nhất. Tuy tình trạng của mình đã khá lên nhiều từ vài tháng nay, hãy còn những mối lo ngại nghiêm trọng mà mình sẽ cho bạn biết. Hãy đến nhanh lên.”
Inveni portum… Người bưu tá đưa cho tôi bức thư sáng nay khi tôi ra khỏi nhà để đi giảng giáo lý sơ yếu. Tôi đọc thư trong nghĩa trang, cách chỗ Arsène vài bước, anh ta bắt đầu đào một cái huyệt,
cho bà Pinochet sẽ đem chôn ngày mai. Cả anh ta nữa cũng đào xới cuộc đời…
Câu “Hãy đến nhanh lên!” làm tim tôi thắt lại. Sau những lời lẽ tội nghiệp rất tỉa tót (tôi ngỡ nhìn thấy anh đang gãi gãi thái dương bằng đầu quản bút, như ngày trước), cái từ “trẻ thơ” mà anh không kìm giữ được nữa, nó buột ra khỏi anh… Tôi đã cố gắng trong chốc lát nghĩ rằng mình tự kích động, rằng anh được một người trong gia đình săn sóc, thế thôi. Tiếc thay, tôi biết anh chỉ có một bà chị hầu hạ trong quán rượu Montreuil. Hẳn chị không phải là “cái người xứng đáng được tôn trọng nhất”.
Chẳng sao, nhất định tôi sẽ đi.
Bá tước đến thăm tôi. Rất nhã nhặn, vừa nể vì vừa thân mật, như xưa nay. Ông xin phép hút thuốc, và đã để lại cho tôi hai con thỏ ông vừa bắn được trong rừng Sauveline. “Sáng mai bà Pégriot sẽ nấu cho cha. Bà ấy đã được báo trước như vậy.”
Tôi không dám nói với ông rằng lúc này dạ dày tôi chỉ chịu được bánh mì chay. Món thịt hầm rượu của ông sẽ làm tôi tốn mất nửa ngày công cho người phục vụ, bà này cũng chẳng ăn đâu, bởi cả nhà ông giám thủ đều chán ngấy thịt thỏ. Quả thật tôi có thể bảo chú bé lễ sinh đem chỗ còn lại đến cho bà già kéo chuông, nhưng phải đem ban đêm, để đừng ai chú ý. Mọi người bàn tán về sức khỏe kém của tôi quá nhiều rồi.
Bá tước không tán thành lắm các dự định của tôi. Ông đặc biệt khuyên tôi cảnh giác với đầu óc bất lương của dân chúng, theo ông,
họ bị nhồi nhét từ thời chiến tranh, và cần để nhẩn nha từ từ. “Cha đừng vội tìm họ quá, đừng tự bộc lộ ngay. Hãy để họ đến trước.” Ông là cháu họ của hầu tước De la Roche – Macé mà lãnh địa chỉ cách quê tôi có hai dặm. Ngày trước, ông ở đó một phần các kỳ nghỉ, và ông nhớ rất rõ người mẹ tội nghiệp của tôi, thời ấy phục dịch tại lâu đài, thường làm cho ông những lát bánh phết bơ thật to, giấu ngài hầu tước tính tình rất keo kiệt, nay đã quá cố. Tôi đã khá nông nổi hỏi han ông nhưng ông trả lời ngay một cách thật dễ thương, không hề vướng chút ngượng ngùng lúng túng. Mẹ thân yêu! Ngay khi còn trẻ đến thế, và nghèo đến thế, bà đã biết làm cho người ta quý trọng, có thiện cảm. Bá tước không nói: “Cụ thân sinh ra cha”, theo tôi, có vẻ hơi kiểu cách, mà nói: “Bà cụ nhà” và nhấn mạnh tiếng “nhà” với sự nghiêm trang, kính trọng khiến tôi rưng rưng nước mắt.
Nếu một ngày nào đó những dòng này tình cờ lọt vào những con mắt thờ ơ, nhất định người ta sẽ thấy tôi rất ngây ngô. Và hẳn là tôi ngây ngô – thật thế – bởi chắc chắn chẳng có gì thấp kém trong niềm hâm mộ của tôi đối với người đàn ông dung mạo hết sức giản dị, thậm chí đôi khi hết sức vui tươi này, thành thử ông ta có vẻ như cậu học sinh vĩnh cửu sống trong kỳ nghỉ vĩnh cửu. Tôi không coi ông là thông minh hơn người khác, và mọi người bảo rằng ông khá khắc nghiệt với tá điền. Ông cũng không phải một người mẫu mực trong xứ đạo, bởi các chủ nhật ông đều dự lễ tiểu mi xa, song tôi chưa bao giờ thấy ông ở bên Bàn Thờ. Tôi tự hỏi liệu ông có chịu lễ ban thánh thể vào dịp Phục sinh hay không? Vì sao ông lại chiếm được ngay vị trí – rất hay bỏ trống, than ôi! – của người bạn, người
đồng minh, đồng hành bên tôi? Có lẽ vì tôi cho là tôi thấy được ở ông vẻ tự nhiên mà tôi tìm kiếm vô hiệu ở nơi khác. Ý thức về địa vị cao, niềm ưa thích ra lệnh mang tính di truyền, ngay cả tuổi tác cũng không để lại được nơi ông dấu vết của sự trang trọng ảm đạm, của cái vẻ quả quyết đa nghi mà riêng đặc quyền tiền bạc đã đủ trao cho những nhà tư sản nhỏ nhất. Tôi cho rằng những người đó không ngừng bận tâm giữ khoảng cách (để dùng ngôn ngữ của chính họ) trong khi ông giữ địa vị của mình. Ồ! tôi biết rằng có rất nhiều sự làm dáng – tôi muốn tin là vô ý thức trong cái giọng gọn lỏn, gần như sẵng, ở đó không hề có chút hạ cố nào, mà cũng không hề hạ nhục ai, nó gợi nên nơi kẻ nghèo khổ nhất ý tưởng về một kỷ luật quân sự, được tự ý chấp thuận, hơn là ý tưởng về một sự lệ thuộc nào đó. Rất nhiều sự làm dáng, tôi sợ như vậy. Nhưng tôi vui thích được nghe giọng ấy. Và khi tôi bàn với ông về lợi ích của xứ đạo, của các linh hồn, của Giáo hội, mà ông nói “chúng ta” như thể ông và tôi chỉ có thể phục vụ cùng một chính nghĩa, tôi thấy điều đó tự nhiên, tôi không dám chữa lời ông.
Cha xứ Torcy chẳng ưa ông mấy. Cha cứ gọi ông là “bá tước bé nhỏ”, “bá tước bé nhỏ của anh”. Điều này làm tôi bực tức. Tôi đã hỏi cha: – Tại sao lại “bá tước bé nhỏ”?
– Bởi vì đó là một đồ trang trí, một đồ trang trí dễ thương, và hợp thời. Đặt trên tủ đựng bát đĩa nhà nông dân, nó gây ấn tượng. Tại hiệu đồ cổ, hoặc nơi bán đấu giá vào một ngày om xòm náo động, thậm chí anh chẳng nhận ra nó nữa kia.
Khi tôi thú thật rằng hãy còn hy vọng làm ông quan tâm đến chuyện tôi đỡ đầu đám thanh niên, cha nhún vai:
– Bá tước bé nhỏ của anh là một cái ống đựng tiền xinh đẹp bằng hàng sứ miền Saxe, nhưng không đập vỡ được đâu. Quả thật, tôi không cho rằng ông rất rộng rãi. Tuy ông không hề gây cảm giác là ông bị tiền tài nắm giữ, như rất nhiều người khác, nhưng ông trọng tiền tài, chắc chắn như vậy.
Tôi cũng muốn nói với ông đôi lời về tiểu thư Chantal, nỗi buồn của cô khiến tôi băn khoăn. Tôi thấy ông có rất nhiều điều không nói ra, rồi lại vui vẻ một cách đột ngột, dường như gượng gạo. Tên của cô Louise có vẻ làm ông hết sức bực bội. Mặt ông đỏ lên, rồi trở thành khắc khổ. Tôi ngừng bặt.
Một hôm cha Durieux, thày dạy tôi, nhận xét: “Con có thiên hướng về tình bạn. Hãy cẩn thận đừng để nó chuyển thành đam mê. Trong mọi đam mê, đó là đam mê duy nhất mà người ta không bao giờ chữa khỏi được.”
Chúng tôi bảo tồn, được. Nhưng chúng tôi bảo tồn để cứu vớt, đó là điều thế giới không chịu hiểu, bởi nó chỉ muốn tồn tại. Nay, nó không thể an phận tồn tại nữa.
Thế giới cũ, có lẽ còn tồn tại được. Tồn tại lâu dài. Nó được tạo ra để làm điều đó. Nó nặng kinh khủng, nó gắn với mặt đất bởi một trọng lượng cực lớn. Nó đã quyết định tán đồng sự bất công. Lẽ ra dùng mưu mẹo đối phó với bất công, nó lại chấp nhận trọn vẹn, nguyên khối sự bất công, nó đã làm cho sự bất công thành một thể chế như các thể chế khác. Nó đã lập ra chế độ nô lệ. Ôi! dù nó có thể đạt đến trình độ hoàn hảo như thế nào chăng nữa, nó vẫn chẳng vì thế mà không gánh chịu lời nguyền rủa giáng xuống Adam. Điều
đó, quỷ không lạ gì, quỷ còn biết rõ hơn ai hết. Nhưng trút gần như toàn bộ sự nguyền rủa ấy lên vai một loài gia súc – người, cũng cứ là một việc gay go, người ta vẫn có thể làm cho gánh nặng giảm đi nhiều. Tổng lượng lớn hết mức những dốt nát, phản kháng, tuyệt vọng dành cho một loại dân chúng bị hy sinh, một dân chúng không có tên, không lịch sử, không của cải, không đồng minh – ít ra là những đồng minh có thể thừa nhận được – không gia đình – ít ra là gia đình hợp pháp – không có tên và không có thần thánh. Các phương pháp cai trị đã giản lược vấn đề xã hội biết chừng nào!
Nhưng cái thể chế có vẻ không lay chuyển được ấy thực ra lại mong manh nhất. Để mãi mãi tiêu diệt nó, chỉ cần phế bỏ nó trong một thế kỷ. Có lẽ một ngày cũng đủ. Một khi các thứ bậc lại được hòa trộn, một khi dân chúng dùng để chuộc tội đã tán loạn, thì liệu sức mạnh nào có thể làm cho dân chúng lại khoác lấy ách?
Thể chế đã chết, và Thế giới Cũ đã sụp đổ cùng nó. Người ta tin, người ta giả vờ tin vào tính tất yếu của nó, người ta chấp nhận nó như một sự thực. Người ta sẽ không lập lại nó. Nhân loại không dám thử cái vận hội gớm guốc ấy nữa, như thế sẽ quá mạo hiểm. Luật pháp có thể dung túng sự bất công thậm chí ngấm ngầm giúp đỡ nó, song luật pháp không phê chuẩn nó nữa. Sự bất công sẽ chẳng bao giờ còn địa vị hợp pháp nữa, điều này kết thúc rồi. Nhưng nó vẫn rải rắc trên thế giới. Không dám sử dụng nó vì lợi ích của một số ít nữa, xã hội buộc phải tiếp tục công việc tiêu diệt một điều ác mang trong mình, bị đuổi ra khỏi luật pháp, điều ác này lại xuất hiện gần như tức thì trong tập tục để bắt đầu theo chiều ngược lại, không mệt mỏi, vẫn con đường vòng quanh hiểm độc ấy. Muốn
hay không muốn, từ nay trở đi xã hội phải cùng chia sẻ thân phận của con người, trải qua cùng một cuộc phiêu lưu siêu phàm. Trước kia nó thờ ơ với cái thiện hay cái ác, chẳng biết luật nào khác ngoài luật quyền lực của bản thân, nay Cơ đốc giáo đã cho nó một linh hồn để hủy hoại hoặc để cứu rỗi.
Tôi đã đưa cho cha xứ Torcy đọc những dòng trên, nhưng không dám nói là do tôi viết. Cha cực kỳ sắc sảo – còn tôi nói dối hết sức kém – thành thử tôi tự hỏi liệu cha có tin tôi hay không. Cha trả lại tôi tờ giấy và cười lên tiếng cười khẽ mà tôi biết rất rõ, nó chẳng báo điều gì tốt lành. Cuối cùng, cha bảo:
– Bạn anh viết không dở, thậm chí còn quá hay ho nữa. Nhìn chung, nếu như suy nghĩ đúng bao giờ cũng có lợi, cứ dừng lại ở đó thì tốt hơn. Người ta nhìn thấy sự vật như nó vốn thế, không âm nhạc, và người ta không mắc nguy cơ tự hát một bài ca cho riêng mình. Khi anh bắt gặp một sự thật, anh hãy nhìn nó cho kỹ sao cho nhận ra được nó, nhưng đừng chờ đợi nó liếc mắt đưa tình với anh. Các sự thật trong Phúc âm khi nào liếc mắt đưa tình. Về những sự thật khác mà người ta chẳng bao giờ nói đúng được chúng đã lê la ở đâu trước khi đến với anh, những cuộc trò chuyện riêng là nguy hiểm. Ta không muốn nêu một người già cả thô lậu như ta ra làm gương. Tuy nhiên, thảng hoặc ta nảy ra ý tưởng gì – một trong những ý tưởng có thể hữu ích cho các linh hồn, dĩ nhiên rồi, bởi vì những ý tưởng khác thì…! – ta cố đưa nó đến trước Chúa, ta chuyển ngay nó vào lời cầu nguyện của ta. Nó thay hình đổi dạng mới kỳ lạ làm sao. Có những lúc không nhận ra nó nữa…
Chẳng hề gì. Bạn anh có lý. Xã hội hiện đại có thể cứ chối bỏ chúa mình, cả nó nữa vẫn được cứu chuộc, giờ đây cai quản di sản chung không đủ với nó nữa, muốn hay không muốn nó cũng ra đi như tất cả chúng ta, kiếm tìm nước Chúa. Và nước ấy không thuộc thế gian này. Vậy nó sẽ không bao giờ dừng bước. Nó không sao ngừng chạy được. “Hãy tự cứu hoặc chết đi!” Chẳng thể nói ngược lại.
Điều bạn anh nói về chế độ nô lệ cũng rất đúng. Luật pháp xưa dung thứ chế độ nô lệ và các vị sứ đồ cũng dung thứ nó như Luật pháp. Các vị đã không bảo người nô lệ: “Hãy tự giải thoát khỏi chủ ngươi” trong khi các vị bảo kẻ dâm đãng chẳng hạn: “Hãy tự giải thoát khỏi nhục dục và ngay lập tức!” Đó là một sự khác biệt nhỏ. Và tại sao vậy? Ta giả định rằng các vị muốn cho thế gian có thì giờ thở trước khi ném nó vào một cuộc phiêu lưu phi phàm. Và anh hãy tin rằng một người mạnh mẽ như thánh Paul cũng không ảo tưởng đâu. Thủ tiêu chế độ nô lệ chẳng diệt trừ việc bóc lột con người. Xét cho kỹ, một nô lệ phải mua với giá đắt, điều ấy vẫn cứ khiến cho người chủ phải có sự coi trọng nhất định với anh ta. Trong khi đó, thời trẻ ta biết một gã bẩn thỉu chủ xưởng chế tạo pha lê, y để những đứa trẻ mười lăm tuổi thổi ống, và để thay thế chúng khi lồng ngực bé bỏng tội nghiệp của chúng vỡ ra, gã súc sinh ấy tha hồ lựa chọn. Thà làm nô lệ cho một thị dân La Mã trung hậu, nói cho công bình, họ chẳng đến nỗi quá hà tiện, ta còn thích gấp trăm lần. Không, thánh Paul không ảo tưởng! Người chỉ tự nhủ rằng Cơ đốc giáo đã buông ra thế gian một sự thật không gì ngăn lại được nữa bởi nó đã ở từ trước trong đáy các lương tâm và con người lập tức tự nhận ra
mình nơi sự thật ấy: Chúa đã cứu vớt mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta đáng giá máu của Chúa. Anh có thể diễn giải điều này tùy ý anh, bằng ngôn ngữ duy lý cũng được – thứ ngôn ngữ ngu dại nhất – điều ấy buộc anh kéo gần lại những từ ngữ hơi động đến là nổ tung. Xã hội tương lai cứ thử ngồi lên đó mà xem! Chúng sẽ châm lửa dưới trôn nó, thế thôi.
Song thế gian tội nghiệp vẫn cứ ít nhiều mơ về bản giao kèo xưa kia thỏa thuận với quỷ, bản giao kèo phải đảm bảo cho nó được bình an. Làm cho một phần tư hoặc một phần ba loài người hóa thành thân phận gia súc, nhưng là gia súc cao cấp, có lẽ như vậy không phải là trả giá quá đắt cho sự đăng quang của các siêu nhân, những kẻ thuần chủng, của vương quốc trần gian thực sự… Người ta nghĩ điều đó, người ta chẳng dám nói ra. Chúa của chúng ta khi nhận cảnh nghèo hèn đã nâng kẻ nghèo lên thật cao về phẩm giá, thành thử người ta không đưa được kẻ nghèo xuống khỏi bệ đài nữa. Chúa đã cho người nghèo một ông tổ – mà một ông tổ như thế nào chứ! Một tên họ – mà tên như thế nào chứ! Người ta còn yêu mến anh ta khi nổi loạn hơn khi nhẫn nhục, anh ta như đã thuộc về nước Chúa, nơi mà, những kẻ đứng đầu sẽ thành những kẻ đứng cuối, anh ta có vẻ một bóng ma trở về – một bóng ma trở về từ yến hội Hợp hôn, với tà áo trắng… Thế là, làm thế nào được, Nhà nước bắt đầu bằng cách gặp thất bại cũng cứ vui lòng. Nó lau chùi cho trẻ con, băng bó người què quặt, giặt áo, nấu xúp cho kẻ lang thang, đánh bóng ống nhổ cho người lẫn cẫn, nhưng nhìn đồng hồ mà tự nhủ liệu mọi người có để nó còn thì giờ lo toan công việc của chính nó hay không. Chắc hẳn nó còn hy vọng đôi chút để máy móc giữ
vai trò xưa kia dành cho nô lệ. Thôi đi! Máy móc không ngừng quay, người thất nghiệp không ngừng tăng, thành thử máy móc có vẻ chỉ chế tạo ra người thất nghiệp, anh có thấy điều đó không? Người nghèo có cuộc sống thật vất vả. Cuối cùng họ vẫn còn định ở nơi ấy, bên Nga… Anh hãy chú ý rằng ta không cho là người Nga tệ hơn những người khác – họ điên tuốt, hóa dại tuốt, những con người thời nay! – nhưng những tay người Nga này có gan. Các gã ấy là dân xứ Flandres của miền cực bắc. Họ nuốt được mọi thứ, một hoặc hai thế kỷ nữa, họ có thể nuốt cả sinh viên bách khoa mà không toi mạng.
Ý tưởng của họ, chung quy, không ngốc đâu. Dĩ nhiên, vấn đề vẫn là tiêu diệt người nghèo – người nghèo là nhân chứng của Jésus-Christ, người thừa kế của dân tộc Do thái, chứ sao! – nhưng thay vì hủy hoại người nghèo thành gia súc, hoặc chết đi, thì họ đã nghĩ ra việc biến anh ta thành người hưởng lợi tức niên kim nho nhỏ hoặc thậm chí – giả định là sự việc tốt dần lên – thành viên chức nhỏ. Chẳng có gì dễ bảo hơn thế, thuần hóa hơn thế.
Ở nơi khuất nẻo của tôi, có lúc tôi cũng nghĩ những người Nga. Bạn bè tôi tại đại chủng viện thường hay nói về họ một cách tầm bậy tầm bạ, tôi nghĩ thế. Đặc biệt nhằm lòe các thày giáo. Các đồng nghiệp dân chủ của tôi rất dễ thương, rất sốt sắng, nhưng tôi thấy họ – biết nói thế nào nhỉ? – hơi trưởng giả. Vả lại dân chúng chẳng yêu mến họ lắm, đó là một sự thực. Vì họ không hiểu dân chúng, hẳn thế? Tóm lại, tôi nhắc lại rằng có lúc tôi nghĩ đến những người Nga với một thứ hiếu kỳ, thương mến. Khi ta đã biết cảnh khốn
cùng, biết những niềm vui bí ẩn của nó, những niềm vui không thể truyền cho ai – thì các nhà văn Nga chẳng hạn, làm ta khóc được. Năm cha tôi mất, mẹ phải mổ một khối u, và đã ở bệnh viện Berguette bốn hoặc năm tháng. Một bà dì đã đón tôi về. Bà mở một quán rượu nhỏ gần ngay Lens, một túp nhà ván xấu xí kinh khủng, ở đó bà bán lẻ rượu đỗ tùng cho những người thợ mỏ quá nghèo không đến được nơi khác, vào một tiệm giải khát thực thụ. Trường cách đấy hai cây số, và tôi ngồi học bài trên sàn nhà, sau quầy hàng. Sàn, tức là một cái bục gỗ tồi tàn đã mục nát. Mùi đất bốc lên qua các khe hở, một thứ đất bao giờ cũng ẩm ướt, đất bùn. Những tối lĩnh lương, khách hàng của chúng tôi chẳng buồn ra ngoài tiểu tiện, họ đi giải ngay xuống đất và ngồi bên dưới quầy, tôi sợ đến mức ngủ thiếp ở đó. Chẳng sao: thày giáo tiểu học rất yêu mến tôi, thày cho tôi mượn sách. Tôi đã đọc hồi ức thời thơ ấu của Maxime Gorki tại đây.
Có những trung tâm cùng khổ ở Pháp, dĩ nhiên. Những hòn đảo nhỏ cùng khổ. Chẳng bao giờ đủ lớn để những người khốn cùng có thể thực sự sống giữa họ với nhau, sống cuộc đời cùng khổ thực sự. Bản thân cái giàu ở đây cũng quá nhiều sắc thái tinh vi, quá nhiều nhân tính, thế nào nhỉ? thành thử thế lực ghê gớm của đồng tiền, sức mạnh mù quáng của nó, sự tàn ác của nó không hề lồ lộ, tỏa ngời, chói lọi ở đâu hết. Tôi hình dung rằng dân tộc Nga đã từng là một dân tộc cùng khổ, một dân tộc của những người cùng khổ, rằng họ đã biết cơn say của nỗi cùng khổ, sự chiếm hữu của nó. Nếu như Giáo hội có thể đặt một dân tộc lên bàn thờ, và nếu như Giáo hội tuyển chọn dân tộc này, hẳn Giáo hội sẽ khiến dân tộc đó
thành vị thánh bảo hộ cho sự cùng khổ, thành người thỉnh cầu giùm đặc biệt cho kẻ khốn cùng. Hình như Gorki đã kiếm được rất nhiều tiền, và sống một cuộc sống sang trọng, ở đâu đó, ven Địa trung hải, ít ra tôi đã đọc điều này trên báo. Thậm chí nếu thật như thế – trước hết nếu thật như thế! – thì tôi hài lòng là ngày nào cũng cầu nguyện cho ông, từ bao năm nay. Ở tuổi mười hai, tôi không dám nói rằng tôi không biết Chúa, bởi giữa rất nhiều tiếng nói khác ầm ầm trong đầu óc tội nghiệp của tôi như dông bão, như nước lụt, tôi đã nhận ra được tiếng nói của Người. Thế mà trải nghiệm đầu tiên về sự bất hạnh vẫn thật tàn khốc! Phước thay cho ai từng tránh được cho một trái tim trẻ thơ khỏi phải tuyệt vọng! Đó là một điều mà người đời không hiểu lắm, hoặc quên đi, vì nó sẽ làm họ quá sợ. Giữa những người nghèo cũng như giữa những người giàu, một đứa bé khốn cùng luôn luôn đơn độc, cũng đơn độc chẳng khác một hoàng tử. Ít ra là ở quê tôi, tại miền ấy, nỗi cùng khổ không chia sẻ, mỗi kẻ khốn cùng đơn độc trong nỗi cùng khổ của mình, một nỗi cùng khổ chỉ của riêng anh ta như mặt anh ta, chân tay anh ta. Tôi không cho là tôi có một ý niệm rõ ràng về sự cô đơn ấy, hoặc tôi chẳng có ý niệm gì về nó cũng nên. Tôi chỉ tuân theo quy luật ấy của đời mình, mà không hiểu nó. Cuối cùng tôi đâm ra yêu mến nó. Chẳng có gì cứng rắn hơn lòng kiêu hãnh của kẻ khốn cùng và đây, bỗng nhiên cuốn sách ấy, đến từ nơi rất xa xôi, từ những miền đất hoang đường kia, cho tôi cả một dân tộc làm bầu bạn.
Tôi đã cho một người bạn mượn cuốn sách ấy, anh không trả lại tôi, dĩ nhiên. Tôi sẽ chẳng thích đọc lại nó, để làm gì chứ? Chỉ cần nghe thấy một lần – hoặc tưởng là nghe thấy – tiếng than của một
dân tộc, tiếng than không giống tiếng than của bất kỳ dân tộc nào khác – không – không giống ngay cả với dân tộc Do thái tẩm ướp trong niềm kiêu hãnh như một người chết được tẩm ướp trong hương liệu. Vả lại cũng chẳng phải tiếng than, đó là tiếng hát, là khúc tụng ca. Ồ! tôi biết đó không phải là một bản tụng ca của nhà thờ, không thể gọi đó là lời cầu nguyện. Trong ấy có hết thảy mọi điều, như người ta thường nói. Tiếng rên của người nông nô dưới đòn roi, tiếng kêu của người phụ nữ bị đánh đập, tiếng nấc của kẻ nghiện rượu và tiếng gào của thú vui man rợ, tiếng gầm thét của tâm can – bởi cùng khổ và dâm đãng, hỡi ôi! kiếm tìm nhau và gọi nhau trong nơi tối tăm, như hai con thú đói khát. Phải, lẽ ra điều đó phải làm tôi kinh hãi, thật vậy. Tuy nhiên tôi cho rằng một nỗi khốn cùng đến như thế, một nỗi khốn cùng đã quên cả tên mình, không tìm nữa, không suy luận nữa, gặp đâu đặt đấy bộ mặt thô dã của mình, một ngày nào đó ắt phải tỉnh dậy trên vai của Jésus-Christ.
Vậy là tôi lợi dụng thời cơ.
Tôi đã hỏi cha xứ Torcy: Thế nếu họ vẫn cứ thành công thì sao? Ông ngẫm nghĩ một lát:
– Hẳn anh thấy là ta sẽ chẳng đến khuyên nhủ những kẻ khốn khổ trả lại ngay cho quan chức thu thuế giấy chứng nhận trợ cấp của họ! Chuyện đó sẽ tồn tại chừng nào nó tồn tại… Nhưng rốt cuộc, anh muốn gì nào? Chúng ta ở đây để dạy sự thật, sự thật ấy không được làm chúng ta hổ thẹn.
Bàn tay ông đặt trên bàn hơi run run, ít thôi, ấy thế mà tôi đã hiểu rằng câu hỏi của tôi làm thức dậy trong ông hồi ức về những cuộc
đấu tranh kinh khủng suýt làm chìm đắm lòng can đảm của ông, lý trí của ông, niềm tin của ông cũng nên… Trước khi trả lời tôi, ông hích vai như người thấy đường bị chắn và sắp chen để lấy chỗ. Ồ! chắc tôi sẽ chẳng đáng mấy đồng cân đâu!
– Dạy dỗ, con ạ, chẳng hay ho gì đâu! Ta không nói đến những kẻ xoay xở được nhờ trò lừa phỉnh: trong đời con rồi con sẽ gặp khá nhiều kẻ như vậy, con sẽ tập hiểu biết họ. Những sự thật an ủi, họ bảo thế đấy. Sự thật ư, trước hết nó giải thoát, sau đó mới an ủi. Vả lại, người ta không có quyền gọi thế là an ủi. Sao không gọi là chia buồn chứ? Lời của Chúa! Đó là sắt nung đỏ. Còn anh, kẻ dạy dỗ lời ấy, anh lại sợ bỏng, muốn cầm kẹp mà gắp nó, anh sẽ không nắm chặt lấy nó trong tay anh sao? Hãy để cho ta cười. Một linh mục bước xuống từ giảng đàn Sự thật, miệng chúm cha chúm chím, hơi bốc lên một chút, nhưng thỏa mãn, ông ta đâu có thuyết giáo, ông ta thao thao, vậy thôi mà… Anh hãy chú ý rằng điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người, chúng ta là những kẻ tội nghiệp đang ngủ, chính quỷ, thỉnh thoảng, mới thức dậy, các sứ đồ cũng ngủ ở Gethsémani đấy thôi. Nhưng rốt cuộc, cần phải biết như vậy. Và anh cũng hiểu là kẻ này kẻ nọ đang hoa chân múa tay và đổ mồ hôi như người khiêng đồ đạc dọn nhà không phải lúc nào cũng tỉnh táo hơn kẻ khác, không đâu. Ta chỉ có ý nói rằng khi Chúa tình cờ rút từ nơi ta một lời hữu ích cho các linh hồn, ta cảm nhận thấy lời đó qua nỗi đau nó gây cho ta.”
Ông cười, nhưng tôi không nhận ra tiếng cười của ông nữa. Đó là một tiếng cười can đảm, hẳn vậy, nhưng tan nát. Tôi chẳng dám mạo muội xét đoán một con người ưu việt hơn tôi đến thế về mọi
mặt, và tôi sẽ chỉ nói về một phẩm chất xa lạ đối với mình, vả lại, cả dòng dõi xuất thân cả sự giáo dục của tôi đều không chuẩn bị cho tôi phẩm chất ấy. Cũng quả thật một số người cho rằng cha xứ Torcy khá thô thiển gần như thô lỗ hoặc – nói như bá tước phu nhân – tầm thường. Nhưng, rốt cuộc, tôi có thể viết ra đây điều gì tôi thích, mà không sợ gây tổn hại cho ai. Vậy thì, tôi cho rằng – ít ra là về phương diện con người – tính chất chủ đạo của nhân vật cao cả này, là lòng tự tôn tự trọng. Nếu cha xứ Torcy không phải một con người tự tôn thì cái từ này không có nghĩa, hoặc ít ra tôi không tìm được cho nó một nghĩa nào hết. Lúc này đây, chắc chắn, ông đang đau khổ trong niềm tự tôn của mình, trong niềm tự tôn của con người tự tôn tự trọng. Tôi cũng đau khổ như ông, tôi cũng muốn làm điều gì đó hữu ích, hiệu quả. Tôi ngốc nghếch bảo ông:
– Thế thì, cả tôi nữa, chắc tôi phải nhiều phen thao thao bởi vì… – Anh im đi, ông đáp, – tôi kinh ngạc vì sự dịu dàng đột nhiên trong giọng nói của ông – anh bảo một kẻ khốn khó chân không giày như anh làm được gì khác ngoài việc đọc thuộc bài kia chứ. Nhưng Chúa Trời cũng cứ ban phước cho bài đọc của anh, vì anh chẳng có bộ dạng tốt tươi sung mãn của một nhà diễn giảng trong các lễ tiểu mi-xa… Anh ạ, ông nói tiếp, bất kỳ gã ngu đần nào, bất kỳ kẻ nào tự nhiên ta gặp, cũng không thể chai đá vô tình trước sự dịu dàng, trước tình thương mến trong lời Chúa, như sách Phúc âm thuật lại cho ta. Đức Chúa đã muốn như vậy. Trước hết, điều đó thuận lẽ. Chỉ có những kẻ yếu đuối hay các nhà tư tưởng mới cho rằng mình phải đảo con ngươi, phô lòng trắng mắt trước khi mở miệng. Sau nữa tạo hoá cũng hành động như vậy: phải chăng với đứa trẻ thơ đang nằm
trong nôi và đang chiếm hữu thế giới bằng ánh mắt vừa hé mở hai ngày trước, cuộc đời chẳng hoàn toàn là thơm tho dịu dàng, là êm ái vuốt ve? Ấy vậy mà cuộc đời lại khắc nghiệt! Vả chăng anh hãy chú ý là nếu ta xét mọi vật theo mặt tốt, thì sự đón tiếp của cuộc sống không quá dối lừa tuy nó có vẻ như thế, bởi vì cái chết chỉ xin giữ lời đã hứa buổi đầu đời, nụ cười của cái chết, nó trang nghiêm hơn, song dịu dàng êm ái chẳng kém nụ cười kia. Tóm lại, lời Chúa tự làm mình bé mọn với những ai bé mọn. Nhưng khi những kẻ Quyền quý – những kẻ Cao ngạo – tưởng là khôn ranh khi tự lặp lại lời ấy như một truyện đồng dao, chỉ giữ lại những chi tiết cảm động, thi vị, thì điều đó làm ta sợ – dĩ nhiên là sợ cho họ. Anh nghe kẻ giả nhân giả nghĩa, tên dâm đãng, gã keo kiệt, tay nhà giàu bất lương – với cặp môi dày trề ra và đôi mắt sáng lóe – nỉ non câu Sinite parvulos mà chẳng có vẻ chú ý đến lời tiếp theo – một trong những lời có lẽ kinh khủng nhất mà tai con người từng nghe thấy: “Nếu các người không như một trong những đứa trẻ này, các người sẽ không bước vào nước Chúa.”
Ông đã nhắc lại câu thơ trong Thánh kinh riêng ông, và ông còn tiếp tục nói một lúc nữa, hai tay che lấy mặt.
– Điều lý tưởng, con ạ, là chỉ rao giảng Phúc âm cho trẻ thơ. Chúng ta tính toán quá nhiều, cái dở là ở đó. Vậy là, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc dạy dỗ tinh thần nghèo khó, nhưng điều này, con ạ, thật gay go! Thế là ta cố thu xếp cho ổn thỏa nhiều hay ít. Và ta bắt đầu trước hết bằng việc chỉ nói với người giàu. Những người giàu quỷ quái! Đó là những tay rất cừ, rất láu, và họ có thuật ngoại giao hạng nhất, nói như vậy mới công bình. Khi nhà ngoại
giao phải ký vào một bản hiệp ước mà anh ta không thích, thì anh ta tranh luận từng mục một. Thay một từ ở chỗ này, đổi một dấu phảy ở chỗ kia, cuối cùng tất cả đều xẹp xuống. Cha chả, lần này, vấn đề đáng để mất công: đây là một lời nguyền rủa, chứ phải chơi! Rốt cuộc, xem ra như có nguyền rủa và nguyền rủa. Trong thời cơ ấy, người ta lướt qua bên trên. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước thiên đàng…” Anh hãy ghi nhớ cho kỹ rằng ta là người đầu tiên nhận thấy lời này rất khắc nghiệt và ta không cự tuyệt những sự phân biệt, vả chăng làm vậy sẽ gây quá nhiều phiền muộn cho khách hàng của các giáo sĩ Dòng Tên. Vậy chúng ta hãy cứ thừa nhận rằng Chúa có ý nói đến kẻ giàu, thực sự giàu, những kẻ giàu mang tinh thần phú quý. Được! Nhưng khi các nhà ngoại giao gợi ý rằng lỗ kim là một trong các cửa thành Jérusalem – có điều hẹp hơn tí chút – thành thử muốn vào vương quốc, người giàu chỉ có nguy cơ bị xước bắp chân hay hỏng mất ống tay áo đẹp, thì anh ạ, điều ấy làm ta bực bội! Trên các túi tiền vàng, lẽ ra Đức Chúa tự tay viết rằng: “Nguy hiểm chết người” như Sở Cầu Đường ghi trên các trụ biến thế điện, thế mà người ta lại muốn…
Ông bắt đầu đi dọc ngang trong phòng, tay thọc vào túi áo bông. Tôi cũng định đứng dậy, nhưng ông đã hất đầu ra hiệu khiến tôi lại ngồi xuống. Tôi cảm thấy ông còn đang do dự, đang tìm cách xét đoán tôi, ước lượng tôi một lần cuối cùng trước khi nói ra điều ông chưa từng nói với ai – ít ra là bằng cũng những từ ngữ ấy – có lẽ thế. Rõ ràng ông hoài nghi tôi, và tuy thế sự hoài nghi này không hề có chút gì hạ nhục, tôi xin thề như vậy. Vả lại, ông không thể hạ nhục ai. Lúc này, cái nhìn của ông rất nhân hậu, rất hiền và – điều
này có vẻ tức cười, khi nói về một người thật là cường tráng, thật là lực lưỡng, từng trải đến như thế về cuộc đời, về con người – nó trong trẻo một cách kỳ lạ, khó tả.
– Cần phải suy nghĩ rất nhiều trước khi nói về sự nghèo khó với người giàu. Nếu không, chúng ta sẽ khiến cho mình thành không xứng đáng để dạy điều đó cho người nghèo, và làm thế nào dám trình diện trước tòa án của Jésus-Christ đây?
– Dạy điều đó cho người nghèo ư? tôi hỏi.
– Phải, cho người nghèo. Đức Chúa cử chúng ta đến với những người ấy trước tiên, và để báo cho họ điều gì chứ? sự nghèo khó. Chắc họ phải chờ đợi cái khác kia! Họ chờ kết thúc cảnh khốn khổ, thế rồi Chúa cầm lấy tay sự nghèo khó và bảo họ rằng: “Hãy công nhận Nữ hoàng của các ngươi, hãy thề tôn kính và trung thành với bà”, thật là một vố! Anh hãy nhớ rằng chung quy đấy là lịch sử của dân Do thái, với vương quốc trần gian của họ. Dân nghèo, giống như dân Do thái, là một dân tộc lang thang giữa các quốc gia, đi tìm những hy vọng thuộc về phần xác, một dân tộc thất vọng, thất vọng đến tận xương tủy.
– Ấy vậy mà…
– Phải, ấy vậy mà chức trách lại ở đó, chẳng có cách nào thoái thác… Ồ, chắc hẳn, một gã hèn nhát có thể tránh né được khó khăn. Dân nghèo là một công chúng dễ dãi, một công chúng hiền, khi ta biết cách xử sự với họ. Hãy nói với một bệnh nhân ung thư về sự khỏi bệnh, anh ta chỉ muốn tin anh mà thôi. Tóm lại, chẳng có gì dễ hơn là để cho họ hiểu rằng cái nghèo là một loại bệnh nhục nhã, không xứng đáng với các quốc gia văn minh, rằng chúng ta sẽ rũ đi
cho họ sự nhơ nhớp ấy trong nháy mắt. Nhưng liệu ai trong chúng ta dám nói như vậy về cái nghèo của Jésus-Christ?
Ông nhìn thẳng vào mắt tôi và cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi liệu ông có phân biệt chăng bản thân tôi với những đồ vật quen thuộc, những bạn tâm sự thường lệ và lặng lẽ của ông. Không! Ông không nhìn thấy tôi! Chỉ riêng ý định thuyết phục tôi thôi thì không thể khiến cho ánh nhìn của ông có một vẻ xót xa đến như thế. Chính là với bản thân ông, với một phần của bản thân ông hàng trăm lần bị trấn áp, hàng trăm lần bị đánh bại, luôn luôn phản kháng, mà tôi nhìn thấy ông đang vươn thẳng dậy hết tầm cao, hết sức mạnh như một con người chiến đấu cho sự sống còn của mình, vết thương sâu biết chừng nào! Ông như đang tự tay mình xé rách bản thân. Ông bảo tôi:
– Như anh thấy đó, ta những muốn rao giảng cho người nghèo sự nổi loạn. Hoặc giả ta sẽ chẳng rao giảng gì cho họ hết. Trước tiên ta sẽ lấy một trong những “chiến sĩ”, những tay buôn bán lời nói, những kẻ mưu toan các cuộc cách mạng, và ta sẽ chỉ cho họ xem thế nào là một gã trai miền Flandres. Người miền Flandres chúng tôi có sự nổi loạn trong máu, anh hãy nhớ lại lịch sử đi! Giới quý tộc và giới giàu có chưa bao giờ làm chúng tôi sợ. Giờ đây ta có thể bộc lộ điều này, nhờ Trời, béo tốt như ta, là con người cường tráng, song Chúa Trời đã không cho ta bị cám dỗ nhiều về xác thịt. Nhưng này, sự bất công và nỗi bất hạnh, lại làm ta nóng máu. Vả lại, ngày nay, chuyện ấy qua lâu rồi, anh không thể biết được đâu… Chẳng hạn như bản chỉ dụ nổi tiếng của Giáo hoàng Léon XIII, Rerum Novarum, giờ đây các anh lướt mắt đọc qua, như một huấn lệnh tuần chay
bình thường. Con ạ, vào thời đó, chúng ta tưởng như thấy đất rung chuyển dưới chân mình. Hứng khởi biết chừng nào! Hồi ấy, ta đang là cha xứ Norenfontes, giữa đất mỏ. Ý tưởng thật giản đơn rằng lao động không phải là một hàng hóa, phải phục tùng luật cung cầu, rằng người ta không thể đầu cơ tiền công, đầu cơ cuộc sống của con người, như đầu cơ lúa mì, đường hay cà phê, điều ấy làm đảo lộn các lương tâm, con có nghĩ thế không? Do đã giải thích điều này tại tòa giảng cho những con người chất phác, ta bị coi là một người xã hội chủ nghĩa và các nông dân có tư tưởng thuận chiều đã làm ta phải giáng đi Montreuil vì thất sủng. Thất sủng, thì ta cóc cần, anh hãy biết như vậy. Nhưng lúc ấy…
Ông ngừng lời và run lẩy bẩy. Ánh nhìn của ông còn rọi lên tôi và tôi hổ thẹn vì những buồn phiền nhỏ mọn của mình, tôi những muốn hôn tay ông. Khi tôi đã dám ngước mắt lên, thì ông đang quay lưng lại, nhìn qua cửa sổ. Và sau khi lại lặng im hồi lâu, ông nói tiếp bằng một giọng trầm hơn, nhưng vẫn lạc đi như cũ.
– Lòng xót thương, con ạ, là một con vật. Một con vật mà ta có thể đòi hỏi nhiều điều, nhưng không phải tất cả. Nó đầy sức mạnh, nó háo hức phàm ăn. Ta không hiểu vì sao mọi người cứ luôn hình dung nó hơi sướt mướt, hơi gàn dở. Một trong những đam mê mạnh mẽ nhất của con người, nó là thế đấy! Vào thời điểm này của đời ta, khi ta đang nói với con đây, ta nghĩ rằng nó sẽ ăn tươi nuốt sống ta. Niềm kiêu ngạo, lòng ganh ghét, sự giận dữ, ngay cả thói dâm đãng, bảy tội trọng đồng thanh, gào rú vì đau dớn. Con sẽ tưởng như một bầy chó sói bị dội dầu lửa và đang bốc cháy.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy hai bàn tay ông trên vai tôi.
– Rốt cuộc, cả ta nữa, ta cũng có những chuyện rầy rà của mình. Gay go nhất, là mình không được ai hiểu cả, mình tự cảm thấy lố bịch. Với thiên hạ, anh chỉ là một cha xứ bé mọn có tư tưởng dân chủ, một tay khoe khoang, một gã làm trò hề. Có thể là nói chung, các cha xứ dân chủ không có nhiều khí chất cho lắm, còn ta, nói về khí chất, ta cho rằng mình thừa thãi. Này, vào thời điểm ấy, ta đã hiểu Luther. Cả ông ấy nữa, ông ấy cũng có khí chất. Và trong cái hầm của các thày tu tại Erfurt, chắc chắn là nỗi đói khát lẽ công bình dày vò ông. Nhưng Chúa Trời không ưa người ta động chạm đến lẽ công bình của Người, và cơn giận của Người hơi mạnh quá đối với chúng ta, những kẻ tội nghiệp. Nó làm chúng ta say, nó khiến chúng ta thành tệ hơn bọn súc sinh. Thế là, sau khi làm cho các giáo chủ run sợ, ông già Luther cuối cùng lại vun vào cho các vương công Đức, cái bầy lũ mới đẹp chứ… Anh hãy nhìn bức chân dung họ vẽ ông trên giường chết… Chẳng ai nhận ra vị tu sĩ xưa trong con người bụng phệ, môi dày ấy. Sự giận dữ của ông, mặc dù đúng về nguyên tắc, đã đầu độc ông dần dần: nó đã chuyển thành béo bệnh, thế thôi mà.
– Cha có cầu nguyện cho Luther không? tôi hỏi.
– Ngày nào cũng cầu nguyện, ông đáp. Vả lại, ta cũng tên là Martin, như ông ấy.
Lúc đó, đã xảy ra một điều hết sức kỳ dị. Ông đẩy một chiếc ghế gần sát vào tôi, ông ngồi xuống nắm lấy tay tôi trong hai bàn tay ông mà không rời mắt khỏi tôi, đôi mắt tuyệt đẹp của ông đầy lệ, ấy vậy mà oai nghiêm hơn bao giờ hết, những con mắt khiến cho cái chết hóa thành rất dễ dàng, rất đơn giản. Ông bảo tôi:
– Ta đã coi anh là kẻ nghèo khổ chân không giày, nhưng ta quý trọng anh. Hãy hiểu từ này đúng với giá trị của nó, đó là một từ trọng đại. Theo ý ta, Chúa Trời đã gọi anh, không hồ nghi gì. Về mặt thể chất, thiên hạ khéo sẽ cho anh là tu sĩ còn trứng nước, có hề gì! Anh không có sức vóc, nhưng anh có tấm lòng, anh xứng đáng phục vụ trong bộ binh. Nhưng hãy nhớ lấy lời ta bảo: Chớ để mình bị triệt hồi. Nếu anh vào bệnh xá một lần, anh sẽ không ra khỏi đấy nữa… Người ta đã không cấu tạo nên anh để chiến đấu trường kỳ. Hãy tiến bước đến cùng và thu xếp để một ngày kia kết thúc bình thản trong đường hào mà không cởi bỏ hành trang.
Tôi biết rõ là tôi không xứng với lòng tin cậy của ông nhưng một khi nó đã được trao cho tôi, dường như tôi cũng thấy tôi sẽ không làm nó phải thất vọng. Đó là toàn bộ sức mạnh của những kẻ yếu, của trẻ thơ của tôi.
– Người ta hiểu cuộc đời nhanh hay chậm, nhưng cuối cùng bao giờ người ta cũng hiểu nó tùy theo năng lực của mình. Mỗi người chỉ có phần trải nghiệm riêng, hẳn thế rồi. Cái chai một phần năm lít không bao giờ chứa được nhiều bằng một lít, nhưng ở đó có trải nghiệm về sự bất công.
Tôi cảm thấy nét mặt tôi chắc phải đanh lại, ngoài ý muốn của tôi, bởi cái từ ấy làm tôi đau. Tôi đã mở miệng định trả lời. – Anh im đi! Anh không biết thế nào là bất công đâu, anh sẽ biết nó. Anh thuộc giống người mà sự bất công đánh hơi thấy từ xa, mà nó kiên nhẫn rình cho đến ngày… Anh không nên để mình bị ăn sống nuốt tươi. Nhất là đừng có tin rằng anh sẽ làm nó lùi lại, bằng cách nhìn thẳng vào mắt nó, như người chế ngự! Anh sẽ không
thoát được sức mê hoặc của nó, cơn choáng váng của nó. Chỉ nhìn nó vừa đủ thôi, và đừng bao giờ nhìn mà không cầu nguyện. Giọng ông bắt đầu hơi run run. Lúc này đây những hình ảnh nào, những hồi ức nào đang lướt qua trong mắt ông? Chúa biết điều đó. –Nào, rồi anh sẽ nhiều phen ganh tị với bà xơ bé mọn sáng sáng đến với những đứa bé đầy chấy rận của mình, với những người hành khất, những kẻ say rượu của mình và làm việc cật lực cho đến tối. Anh ạ, sự bất công, xơ bất cần! Cái bầy đàn què cụt của xơ, xơ tắm rửa cho nó, lau chùi cho nó, băng bó cho nó, và cuối cùng chôn cất nó. Đức Chúa chẳng phó phác lời của Người cho xơ. Lời của Chúa! Vị quan tòa trong ngày phán xử cuối cùng sẽ bảo “Hãy trả lại ta Lời của ta.” Cứ nghĩ đến những gì mà một số kẻ lúc đó lôi từ hành trang còm của họ ra, thì chẳng muốn cười đâu!
Ông lại đứng dậy và lại đối mặt. Tôi cũng đứng dậy.
– Lời ấy, chúng ta có giữ hay không? Và nếu chúng ta đã giữ nó vẹn nguyên, thì phải chăng ta đã che giấu nó? Chúng ta có ban phát nó cho người nghèo cũng như người giàu hay không? Dĩ nhiên, Đức Chúa nói với những kẻ nghèo của Người một cách mến thương, nhưng như vừa rồi ta bảo anh, Người báo cho họ sự nghèo khó, không cách nào thoát khỏi đây, bởi Nhà thờ trông nom gìn giữ cho người nghèo, chắc chắn như vậy. Đó là điều dễ nhất. Bất kỳ người nào có lòng trắc ẩn cũng cùng Nhà thờ thực hiện sự bảo hộ ấy. Trong lúc Nhà thờ chỉ có một mình – anh nghe rõ chứ – một mình, tuyệt đối một mình để gìn giữ danh dự cho sự nghèo khó. Ồ! kẻ thù của chúng ta được phần tốt đẹp. “Sẽ luôn luôn có người nghèo trong số các ngươi,” chẳng phải lời nói mỵ dân đâu! Nhưng đó là Lời
Chúa, và chúng ta đã đón nhận nó. Mặc kệ những người giàu giả vờ tin rằng nó biện minh cho sự ích kỷ của họ. Mặc kệ chúng ta vậy là làm con tin cho những người Quyền thế, mỗi khi đạo quân khốn khó quay lại tấn công những bức tường Thành! Đó là lời buồn hơn cả trong sách Phúc âm chất chứa nhiều nỗi buồn hơn cả. Và trước hết lời ấy nói với Judas. Judas! Thánh Luc thuật lại với chúng ta rằng Judas giữ sổ sách tính toán và việc kế toán của ông ta không thật minh bạch, được! Nhưng rốt cuộc, đó là nhà ngân hàng của Mười hai Tông đồ, và ai từng thấy việc kế toán của một nhà ngân hàng đúng thể thức nào? Có thể là Judas tăng khoản hoa hồng đôi chút, như tất cả mọi người. Cứ xét theo vụ kinh doanh cuối cùng, thì Judas chẳng làm được một nhân viên hối đoái xuất sắc đâu! Nhưng Chúa Trời đã chấp nhận xã hội tội nghiệp của chúng ta như nó vốn thế, ngược lại với bọn làm trò hề họ tạo ra một xã hội trên giấy tờ, rồi ra sức cải cách nó, vẫn trên giấy tờ, nhất định rồi! Tóm lại, Chúa Trời biết rất rõ quyền lực của đồng tiền, Người đã để một chỗ nho nhỏ gần bên Người cho chủ nghĩa tư bản, Người đã để cho nó có vận may của nó, thậm chí Người còn đặt số vốn đầu tiên; ta thấy điều ấy thật kỳ diệu, anh bảo sao nào! Tuyệt đến thế! Chúa không khinh cái gì hết. Chung quy, nếu công việc trôi chảy, chắc Judas sẽ trợ cấp cho các an dưỡng đường, các nhà thương, các thư viện hay các phòng thí nghiệm. Anh lưu ý là ông ta đã quan tâm đến vấn đề tình trạng bần cùng như bất kỳ nhà triệu phú nào. “Sẽ luôn luôn có người nghèo trong số các ngươi, Chúa Trời đáp, nhưng còn ta các ngươi sẽ không lừa được ta luôn luôn.” Điều ấy có ý nói rằng: “Đừng để cho giờ xá tội gióng lên vô ích. Tốt hơn là ngươi hãy trả ngay lập tức số tiền ngươi đã ăn cắp của ta, thay vì mưu toan kích thích đầu
óc các tông đồ của ta bằng những trò đầu cơ tưởng tượng của ngươi về kinh doanh hương phẩm và các kế hoạch của ngươi về hoạt động xã hội. Hơn nữa, ngươi tưởng như vậy là chiều chuộng được lòng mến kẻ cầu bơ cầu bất nơi ta mà ai ai đều biết rõ, song ngươi đã lầm hoàn toàn. Ta không yêu những người nghèo của ta như những bà già nước Anh yêu những con mèo lạc, hay những con bò mộng nơi đấu trường. Đó là cung cách người giàu. Ta yêu sự nghèo khó bằng một tình yêu sâu xa, phản tỉnh, sáng suốt – bình đẳng với nhau – như yêu một người vợ mắn con và chung thủy. Ta đã tự tay gắn vương miện cho nó. Không phải ai muốn là tôn vinh được nó, ai trước tiên không mặc tấm áo vải gai trắng thì không phụng sự được nó. Không phải ai muốn là chia sẻ được cùng nó miếng bánh đắng cay. Ta muốn nó khiêm nhường và tự tôn, chứ không hèn hạ. Nó chẳng từ chối cốc nước miễn là cốc nước ấy được tặng nhân danh ta, và nhân danh ta mà nó nhận. Nếu người nghèo thừa hưởng quyền của họ duy nhất từ sự túng thiếu, thì lòng ích kỷ nơi các ngươi sẽ nhanh chóng buộc họ chỉ có những gì thiết yếu tối thiểu, trả bằng sự hàm ơn và thân phận nô lệ vĩnh viễn. Cũng như vậy, ngày hôm nay ngươi nổi xung với người phụ nữ vừa rắc lên chân ta một loại cam tùng hương giá cực đắt như thể những người nghèo của ta không bao giờ được lợi dụng tài nghệ của nhà chế tạo hương phẩm. Ngươi đúng là thuộc nòi những kẻ cho xong một gã lang thang hai đồng xu, thì tức giận vì không thấy anh ta lao ngay đến hàng bánh để nhồi nhét thứ bánh mì ngày hôm trước, vả chăng chủ hiệu sẽ bán cho anh ta như giá bánh mới làm. Ở địa vị anh ta, họ sẽ đến cả tiệm rượu nữa, vì bụng kẻ khốn cùng cần ảo tưởng hơn cần bánh mì. Khốn khổ! vàng bạc mà tất cả các ngươi
coi trọng đến thế có là cái gì khác một ảo tưởng, một giấc chiêm bao, và đôi khi chỉ là sự hứa hẹn một giấc chiêm bao? Sự nghèo khó nặng cân trên những chiếc cân của Đấng Cha ta, còn toàn bộ châu báu hư ảo của các ngươi không làm thăng bằng được đĩa cân. Sẽ luôn luôn có người nghèo trong số các ngươi, bởi sẽ luôn luôn có người giàu, nghĩa là những con người tham lam và tàn nhẫn kiếm tìm quyền lực nhiều hơn sở hữu. Những con người này có trong số các kẻ nghèo cũng như trong số các kẻ giàu và gã khốn khổ say rượu nằm ngủ bên rãnh nước có lẽ cũng chiêm bao cùng những mộng mị như César thiếp giấc nồng dưới những riềm màn đỏ thắm. Giàu hay nghèo, các ngươi hãy soi mình trong sự nghèo khó như soi vào một tấm gương thì hơn bởi nó là hình ảnh của nỗi thất vọng căn bản nơi các ngươi, ở trần thế này nó giữ vị trí của Thiên đường đã mất, nó là sự trống rỗng trong tấm lòng các ngươi, trong đôi tay các ngươi. Ta đặt sự nghèo khó cao đến thế, kết hôn với nó, đăng quang cho nó chỉ vì ta biết thói ranh ma nơi các ngươi. Nếu ta cho phép các ngươi coi nó như thù địch, hoặc giả chỉ như kẻ xa lạ, nếu ta để cho các ngươi hy vọng một ngày nào đó đuổi nó khỏi thế gian, thì đồng thời ta đã kết án những kẻ yếu. Bởi với các ngươi những kẻ yếu mãi mãi là một gánh nặng không chịu nổi, một trọng lượng chết mà các nền văn minh kiêu ngạo của các ngươi truyền cho nhau một cách giận dữ và ghê tởm. Ta đã ghi dấu của ta trên trán họ, và các ngươi chỉ trườn bò mới xáp gần họ được, các ngươi ăn sống nuốt tươi con chiên lạc, các ngươi sẽ không bao giờ dám tấn công cả bầy. Cánh tay ta chỉ dịch ra xa một lát thôi, là chế độ nô lệ mà ta căm ghét sẽ tự nó phục sinh, nhân danh ta hoặc nhân danh
cái gì khác, bởi luật của các ngươi tính toán đúng thể thức, và kẻ yếu chẳng có gì để cho ngoài mạng sống của mình.” Bàn tay to béo của ông run run trên cánh tay tôi, và những giọt lệ mà tôi ngỡ thấy trong mắt ông dường như bị nuốt dần bởi cái nhìn vẫn cứ đăm đắm soi vào mắt tôi. Tôi không khóc được. Trời sẩm tối mà tôi không ngờ và tôi chỉ còn hơi nhìn rõ gương mặt ông giờ đây bất động, cũng cao quý, cũng trong trẻo, cũng thanh bình như gương mặt một người chết. Và đúng lúc ấy, tiếng chuông nguyện đầu tiên vang lên đến từ điểm cao ngất nào trên trời chẳng biết, như từ đỉnh của chiều hôm.
Hôm qua tôi gặp cha quản hạt Blangermont, ông đã – rất mực nhân từ như cha với con nhưng cũng rất là dài dòng – nói chuyện với tôi về sự cần thiết đối với một linh mục trẻ phải chú ý cẩn thận việc tính toán tiền nong của mình: “Nhất là không được nợ nần, ta không chấp nhận chuyện đó!” ông kết luận thế. Thú thật là tôi hơi ngạc nhiên, và tôi đã ngốc nghếch đứng dậy, để cáo từ. Chính ông mời tôi ngồi lại (chắc ông tưởng là tôi bực bội); cuối cùng tôi hiểu ra rằng bà Pamyre phàn nàn là vẫn còn đợi tôi trả tiền (các chai quinquina). Hơn nữa, hình như tôi nợ ông hàng thịt Geoffrin năm mươi ba quan và ông lái than Delacour một trăm mười tám quan. Ông Delacour là ủy viên hội đồng quản hạt. Vả chăng các ông này không đòi hỏi gì, và cha quản hạt phải thú thật với tôi rằng ngài được bà Pamyre cung cấp những tin trên. Bà ta không tha thứ cho tôi việc mua thực phẩm ở hàng ông Camus, chẳng phải người địa phương, lại có con gái nghe đồn vừa mới ly dị chồng. Bề trên của tôi
là người đầu tiên cười nhạo những chuyện ngồi lê đôi mách này, mà ông cho là lố bịch, nhưng ông đã tỏ ra hơi khó chịu khi tôi biểu lộ ý định không đặt chân đến hiệu ông Pamyre nữa. Ông nhắc nhở tôi về những điều tôi nói, trong một hội nghị tam cá nguyệt tại nhà cha xứ Verchocq, mà ông không dự. Hình như tôi đã sử dụng nhầm từ ngữ mà ông xét thấy gay gắt quá đáng đối với việc buôn bán và các nhà buôn. “Con hãy ghi nhớ kỹ trong đầu là những lời lẽ của một linh mục trẻ ít kinh nghiệm như con sẽ luôn luôn bị các bậc cao niên chấn chỉnh, bổn phận của họ là tự xây dựng một nhận định về các đồng nghiệp trẻ. Vào tuổi con, người ta không cho phép mình nói khôi hài. Trong một hội đoàn khép kín như hội đoàn chúng ta, sự kiểm tra lẫn nhau như thế là chính đáng, và không vui lòng chấp nhận điều ấy sẽ là tư tưởng sai lầm. Quả thật, ngày nay sự lương thiện trong buôn bán không còn như nó khi xưa nữa, về vấn đề này các nhà buôn ưu tú nhất cũng tỏ ra trễ nải một cách đáng trách. Nhưng cuộc Khủng hoảng ghê gớm có những điều ngặt nghèo của nó, chúng ta hãy thú nhận như vậy. Ta từng biết một thời mà giới tư sản khiêm nhường chăm chỉ, tằn tiện, hãy còn tạo lập nên sự giàu có và niềm vinh quang của xứ sở thân thương chúng ta, hầu như hoàn toàn chịu ảnh hưởng của báo chí dở. Giờ đây khi nó cảm thấy kết quả lao động của nó bị đe dọa bởi những yếu tố nhiễu loạn, nó hiểu ra rằng kỷ nguyên của những ảo tưởng hào hiệp đã qua rồi, rằng xã hội chẳng có chỗ dựa nào vững chắc hơn Nhà thờ. Quyền sở hữu há chẳng được ghi trong sách Phúc âm sao? Ô, dĩ nhiên, có những sư phân biệt cần thiết, và trong công việc cai quản các lương tâm, con cần kêu gọi mọi người chú ý đến những bổn phận tương ứng với quyền đó, tuy nhiên…
Những nỗi đau đớn vặt vãnh về thể chất đã khiến tôi thành nóng nảy một cách kinh khủng. Tôi không kìm được những lời muốn buột khỏi miệng và, tệ hơn nữa, tôi thốt chúng lên bằng một giọng run run mà âm điệu làm chính tôi phải ngạc nhiên.
“Ở phòng xưng tội chẳng mấy khi nghe thấy một kẻ sám hối tự lên án vì những lời lãi bất chính!”
Cha quản hạt nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi đương lấy cái nhìn ấy. Tôi nghĩ đến cha xứ Torcy. Dù sao thì sự công phẫn, ngay cả khi được coi như chính đáng, vẫn là một mối cảm kích quá khả nghi nên một linh mục chớ buông mình vào đó. Và tôi cũng cảm thấy rằng luôn luôn có một cái gì đó trong nỗi giận dữ của tôi khi người ta buộc tôi phải nói về người giàu – về người giàu thực sự, kẻ mang tư tưởng giàu sang – người giàu duy nhất, dù y chỉ có trong túi một đồng denier* – con người của tiền bạc, như họ vẫn gọi… Một con người của tiền bạc!
Đồng tiền cổ ở La Mã và Pháp xưa.
– Suy nghĩ của anh làm ta ngạc nhiên, cha quản hạt sẵng giọng nói. Ta ngỡ như nhận ra trong đó ít nhiều hiềm oán, ít nhiều chua cay… Con ạ, ông dịu giọng nói tiếp, ta e rằng những thành công ở nhà trường trước đây đã khiến trí phán đoán của con sai lạc đôi chút. Cuộc đời trong chủng viện không phải là cuộc đời. Hẳn là chẳng cần nhiều nhặn gì để làm cho con thành một trí thức, nghĩa là một người nổi loạn, một người khinh thị có hệ thống những ưu thế xã hội không dựa trên trí tuệ. Cầu Chúa tránh cho chúng ta những nhà cải cách!
– Thưa Cha quản hạt, tuy thế nhiều vị thánh đã từng là nhà cải cách.
– Cầu Chúa tránh cho chúng ta các vị thánh! Đừng phản đối, vả lại đó chỉ là một câu khôi hài thôi, trước hết hãy nghe ta nói đã. Anh biết rất rõ là Nhà thờ chỉ suy tôn trên ban thờ của nó, và thường là rất lâu sau khi họ đã qua đời, một số cực ít các bậc chính nghĩa phi thường, sự giáo huấn và tấm gương anh dũng của các bậc đó, sau khi đã được điều tra xem xét nghiêm khắc, là kho báu chung của các tín đồ, dù rằng họ không hề được phép khai thác ở đó mà không có giám sát, anh hãy lưu ý điều này. Bởi vậy, vẫn kính cẩn mà nói, thì những con người tuyệt vời này giống như thứ rượu vang quý, nhưng lâu mới thành rượu, tốn bao công sức vất vả của người trồng nho để chỉ khoái khẩu cho cháu chắt ông ta… Dĩ nhiên là ta đùa đấy thôi. Tuy vậy anh sẽ thấy rằng Chúa Trời dường như coi chừng không để sinh sôi trong chúng ta, những kẻ thế tục, trong đạo quân tu hành của người, mạo muội mà nói, những bậc thánh với phép mầu và kỳ tích, những nhà mạo hiểm siêu nhiên đôi khi làm rung chuyển các ngạch bậc tôn ti. Cha xứ Ars chẳng là một ngoại lệ sao? Tỷ lệ chẳng nhỏ nhoi không đáng kể hay sao, giữa số đông đáng kính các tăng lữ tích cực, không khuyết điểm, cống hiến sức lực cho các nhiệm vụ nặng nề của chức phận, với các bậc được phong thánh nọ? Tuy vậy ai dám bảo rằng việc thực thi những đức tính anh hùng là đặc quyền của các thày tu, đến cả những người thế tục bình thường nữa?
“Giờ đây anh có hiểu rằng theo một nghĩa nào đó, và ngoại trừ tính chất hơi bất kính, ngược đời của một câu khôi hài như vậy, ta
có thể bảo: cầu Chúa tránh cho chúng ta các bậc thánh? Rất thường khi các bậc ấy là một thử thách đối với Nhà thờ trước khi trở thành niềm vinh quang cho Nhà thờ. Và đấy là ta chưa nói đến những vị thánh thất bại, dở dang, nhan nhản xung quanh các thánh thực thụ, như thể một thứ tiền lẻ của các vị đó, và giống những đồng xu to, làm bộn bề vướng víu nhiều hơn là phục vụ! Đấng chăn chiên nào, đức giám mục nào lại mong chỉ huy những đạo quân như vậy? Các vị thánh có tinh thần phục tùng, được! Còn về sau thì sao? Dù họ làm gì đi nữa, thì lời lẽ của họ, thái độ của họ, ngay cả sự thinh lặng nơi họ cũng có nguy cơ thành một vụ gây kinh ngạc bất bình đối với những người kém cỏi, những kẻ yếu đuối, những kẻ hững hờ. Ồ! ta biết anh sắp đáp lại là Chúa tởm những kẻ hững hờ. Đúng ra là những kẻ hờ hững nào chứ? Chúng ta chẳng biết. Liệu chúng ta có chắc mình xác định được như Chúa loại người đó hay không? Không hề. Mặt khác Nhà thờ có nhu cầu – ta hãy nói trắng ra – Nhà thờ có nhu cầu tiền nong. Những nhu cầu này tồn tại, anh phải thừa nhận điều đó cùng ta – vậy đỏ mặt xấu hổ vì điều ấy là vô ích. Nhà thờ có một cơ thể và một linh hồn. Nhà thờ phải chu cấp cho những nhu cầu của cơ thể mình. Một con người biết điều không hổ thẹn khi ăn. Vậy ta hãy nhìn sự vật như chúng tồn tại. Vừa rồi chúng ta nói đến các nhà buôn. Nhà nước khai thác nguồn lợi rõ rệt nhất từ ai chứ? Có phải đúng là từ giới tiểu tư sản đó, tham lợi, tàn nhẫn với người nghèo cũng như với bản thân nó, điên cuồng trong sự tằn tiện? Xã hội hiện đại là công trình của nó.
“Dĩ nhiên, không ai yêu cầu anh quanh co thỏa hiệp về các nguyên tắc, và theo chỗ ta biết, giáo lý ở bất kỳ giáo khu nào đều
không thay đổi điều răn thứ tư. Nhưng chúng ta có thể thò mũi vào các sổ sách tính toán hay không? Ít nhiều ngoan ngoãn phục tùng khi vấn đề là những lầm lạc xác thịt chẳng hạn – sự khôn ngoan thế tục của họ thấy đó là một trò phóng đãng, lãng phí, chẳng vươn cao hơn nỗi sợ bị nguy hiểm hoặc tốn kém – đối với những người lao động này, cái mà họ gọi là công chuyện làm ăn dường như là một lĩnh vực riêng tại đó lao động phê chuẩn mọi điều, bởi họ sùng bái lao động. Ai lo phận nấy, đó là quy tắc của họ. Và phải nhiều thời gian lắm, có lẽ hàng bao thế kỷ điều này không phụ thuộc vào chúng ta, để soi sáng các lương tâm ấy, tiêu diệt thiên kiến coi việc buôn bán là một loại chiến tranh nó đòi được cùng những đặc quyền, những sự khoan thứ như với cuộc chiến tranh kia. Một người lính, ở chiến trường, không tự coi mình là kẻ sát nhân. Cũng như thế, một thương gia khai thác từ công việc của anh ta một lời lãi cao không cho mình là kẻ cắp, bởi anh ta biết mình không thể lấy mười xu trong túi người khác. Biết làm sao được, con thân yêu, con người là con người! Nếu một vài người trong số nhà buôn ấy mà theo răm rắp các mệnh lệnh của môn thần học về sự kiếm lời chính đáng, chắc chắn họ sẽ phá sản.
“Vậy có nên chăng tống xuống tầng lớp dưới những công dân cần mẫn đã rất vất vả để đi lên, đang là dẫn chứng tốt nhất của chúng ta đối với một xã hội duy vật, đang góp phần vào chi phí thờ phụng và cũng cung cấp cho chúng ta các tu sĩ nữa, từ khi mà sự tuyển mộ các giáo chức hầu như cạn kiệt ở chốn làng quê? Nền đại công nghiệp chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, nó đã bị các ngân hàng tiêu hóa rồi, giới quý tộc đang hấp hối, giai cấp vô sản tuột khỏi tay
chúng ta, thế mà anh lại đi đề nghị với các tầng lớp trung lưu hãy giải quyết tức thì, một cách ầm ỹ, một vấn đề lương tâm mà giải pháp đòi hỏi rất nhiều thời gian, rất nhiều chừng mực, rất nhiều tế nhị. Chế độ nô lệ chẳng phải là một sự xúc phạm lớn lao hơn đối với luật của Chúa hay sao? ấy vậy mà các sứ đồ… Vào tuổi con, người ta sẵn sàng xét đoán một cách tuyệt đối. Con hãy cảnh giác với tật này. Đừng sa vào trừu tượng, hãy nhìn các con người. Và này, đúng cái gia đình Pamyre kia, có thể là thí dụ, là sự minh họa cho luận đề mà ta vừa trình bày. Người ông chỉ là một thợ nề bình thường, một tay chống đối giáo hội nổi tiếng thậm chí còn theo chủ nghĩa xã hội. Đồng nghiệp đáng kính của chúng ta ở Bazancourt còn nhớ đã thấy ông ta tụt quần trên bậc cửa, khi có đám rước đi qua. Thoạt đầu ông ta mua một cửa hàng bán rượu vang và rượu mùi, tiếng tăm khá xấu. Hai năm sau, con trai ông ta, được giáo dục tại trường trung học của xã, vào làm cho một gia đình tử tế, gia đình Delannoy, có một người cháu là cha xứ, mạn Brogelonne. Cô con gái, tháo vát, đã mở cửa hiệu thực phẩm. Dĩ nhiên, ông lão lo toan công việc, mọi người thấy ông ta dọc ngang mọi nẻo đường suốt năm suốt tháng, trên chiếc xe bò có mui. Chính ông ta đã trả tiền ăn học cho các cháu ở trường trung học thuộc giáo khu Montreuil. Ông ta thấy vẻ vang khi nhìn cháu mình bầu bạn với các con nhà quý phái, vả lại từ lâu ông ta không còn theo chủ nghĩa xã hội, nhân viên sợ ông ta như lửa. Hai mươi hai tuổi, Louis Pamyre vừa cưới con gái ông công chứng Delivaulle, người được ủy thác lo toan công việc cho Đức Ông. Arsène đảm đương cửa hiệu, Charles học ngành y tại Lille, còn người em út, Adolphe, ở trường dòng Arras. Ồ! ai cũng biết rất rõ là những con người ấy lao động cật lực, song họ chẳng dễ
dãi trong công chuyện làm ăn, họ đã hớt màu mỡ của cả vùng. Nhưng sao nào! họ ăn cắp của chúng ta, song họ tôn trọng chúng ta. Điều này tạo ra giữa họ và chúng ta một kiểu đoàn kết xã hội, mà người ta có thể lấy làm tiếc hay không tiếc, nhưng nó tồn tại và tất cả những gì đang tồn tại đều phải sử dụng cho cái thiện.
Ông ngừng lời, mặt hơi đỏ. Tôi luôn theo dõi một cách khá chật vật một cuộc chuyện trò loại ấy, bởi sự chú ý nơi tôi chóng mệt mỏi khi một mối thiện cảm ngấm ngầm không cho phép tôi nhiệt thành đi trước ý nghĩ của người đối thoại và cứ để cho mình, như các thày dạy cũ của tôi hay nói, bị “kéo theo sau lẽo đẽo”… Sao mà đúng đến thế, câu nói dân gian “những lời lẽ cứ ở lại trong lòng”. Những lời kia tạo thành một khối trong ngực tôi, và tôi cảm thấy chỉ còn sự cầu nguyện mới đủ khả năng làm tan cái cục băng ấy đi.
– Có lẽ ta đã nói với anh hơi sỗ, cha quản hạt tiếp tục. Đó là vì muốn điều hay cho anh. Sau này khi anh đã sống nhiều, anh sẽ hiểu. Nhưng cần phải sống.
– Cần phải sống, điều ấy thật gớm guốc! tôi đáp không suy nghĩ. Cha không thấy sao?
Tôi chờ đợi một sự bùng lên, bởi tôi đã lại có giọng nói của những ngày không lành, cái giọng mà tôi biết rất rõ – giọng nói của bố con, mẹ hay bảo thế… Hôm trước tôi đã nghe thấy một gã lang thang đáp lại một cảnh binh hỏi giấy tờ của gã; “Giấy tờ à? Ông muốn tôi lấy ở đâu ra? Tôi là con của người lính vô danh!” Gã có đôi chút cái giọng nói kia.
Cha quản hạt chỉ nhìn tôi rất lâu, với vẻ chăm chú.
"""