Nguyên tác: Journal d’un curé de campagne (1936)
Giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp 1936
Dịch giả: Lê Hồng Sâm, Phùng Đệ, Nguyễn Dương Khư
NXB: Hội nhà văn
Năm XB: 1999
Đây là một dạng tiểu thuyết cổ điển: đơn giản, đẹp, buồn và hứng khởi.
Một vị linh mục trẻ tuổi đầy lý tưởng tại một ngôi làng hẻo lánh ở nước Pháp vẫn ngày đêm viết nhật ký mô tả về sự chịu đựng không có gì là anh hùng cho lắm và những mâu thuẫn vặt trong giáo xứ của mình. Điều này trông có vẻ như nhạt nhẽo đối với một cuốn tiểu thuyết, thế nhưng với “Nhật ký một cha xứ vùng quê” của George Bernanos, thì nó vẫn còn là một trong những hình thức gợi hứng sống động nhất ở thế kỷ thứ 20 về một đời sống thánh thiện.
Lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1936, “Nhật ký một cha xứ vùng quê” của Bernanos mô tả về cảm nghiệm thất bại của một người có đầy đức tin. Trong nhật ký của mình, vị linh mục viết lại hết những cảm tưởng thấp kém và nỗi buồn mà ông không thể diễn tả được cho các giáo dân của mình. Và khi cận kề cái chết vì bệnh ung thư, tính thánh thiện của vị linh mục vẫn chưa mấy rõ ràng lắm đối với ông, thế nhưng nó lại trở thành một điều không thể nào chối cãi được đối với các độc giả.
Lần đọc này mới thấy Bernanos là một nhà văn lớn đến như thế nào, một văn chương rung động sâu thẳm, một buổi chiều cũng có thể kêu vo ve và ánh trăng vàng thì biết run rẩy. Lịch sử văn chương toàn chuyện quái đản: những nhà văn tiền phong và tiến bộ thường xuyên chạy thẳng vào sọt rác, trong khi các nhà văn phát xít, các pháo đài bảo thủ hạng nặng lại thường xuyên là những nhà văn lớn. Bernanos là một người Thiên chúa giáo (các tiểu thuyết của Bernanos chỉ xoay quanh các ông thầy tu và giáo dân địa phận), thù người Do Thái, lại là một người bảo hoàng, từng rất thân cận với lãnh tụ nhánh bảo hoảng Charles Maurras.
Không cần thực sự đọc thì nhiều người cũng biết đến Georges Bernanos: ngay thập niên 50 Nhật ký một cha xứ vùng quê đã được dựng thành phim.
Xứ đạo của tôi là một xứ đạo như mọi xứ khác. Mọi xứ đạo đều giống nhau. Các xứ đạo ngày nay, dĩ nhiên rồi. Hôm qua tôi đã nói điều ấy cùng Cha xứ Norenfontes: tại đó cái thiện và cái ác hẳn phải cân bằng với nhau, duy có trọng tâm ở dưới thấp, rất thấp. Hoặc nếu nói cách khác thiện ác cái nọ chồng lên cái kia mà không hòa trộn, như hai chất lỏng có tỷ trọng khác biệt. Cha xứ đã cười vào mũi tôi. Đó là một linh mục tốt, rất nhiều hảo ý, rất nhân từ, thậm chí tòa tổng giám mục coi cha là một đầu óc không tín giáo, hơi nguy hiểm. Các câu khôi hài của cha gây hoan hỉ trong các ngôi nhà linh mục, cha còn nhấn thêm bằng một cái nhìn mà cha những muốn là sắc sảo, song tôi thấy thực ra nó rất mòn mỏi, rất chán ngán, làm tôi muốn khóc.
Xứ đạo của tôi bị nung nấu bởi nỗi buồn chán, vấn đề là thế đấy. Như bao xứ đạo khác! Nỗi buồn chán tiêu hủy nó trước mắt chúng tôi mà chúng tôi chẳng làm gì được hết. Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ bị truyền nhiễm, chúng tôi sẽ phát hiện ở mình khối ung thư ấy. Người ta có thể sống rất lâu với cái đó.
Ý nghĩ này nảy ra trong tôi hôm qua trên đường cái. Trời mưa, một thứ mưa nhỏ mà người ta nuốt vào đầy phổi, nó xuống tận ruột bạn. Từ dốc Saint-Vaast, làng đột ngột hiện ra trước tôi, thật dúm dó, thật khốn khổ dưới bầu trời gớm guốc tháng Mười một. Nước, bốc hơi khắp chốn, bên trên làng, và làng có vẻ nằm phục xuống đó, trong cỏ ướt đầm đìa, như một con vật tội nghiệp kiệt sức. Một thôn làng, sao mà bé nhỏ! Và làng ấy là xứ đạo của tôi. Đó là xứ đạo của tôi, nhưng tôi chẳng làm được gì cho nó, tôi buồn bã nhìn nó chìm vào bóng tối, mất hút… Vài khoảnh khắc nữa, rồi tôi sẽ không còn thấy nó. Chưa bao giờ tôi cảm nhận một cách ác nghiệt đến thế sự cô quạnh của nó và của tôi. Tôi nghĩ đến những gia súc mà tôi nghe tiếng khục khặc trong sương mù, mà em bé chăn dắt, đi học về, tay cắp cặp, lát nữa sẽ dẫn qua các đồng cỏ đẫm nước, về chuồng trại ấm nóng, thơm tho… Và nó, thôn làng, hình như cũng đang đợi – chẳng hy vọng nhiều – sau bao đêm trong bùn lầy, một người chủ để theo đến chốn nương náu nào đó không tưởng tượng được, không chắc đã có.
Ôi! tôi biết rõ đó là những ý nghĩ điên rồ, thậm chí tôi không thể coi là thực hoàn toàn, những mơ mộng… Các thôn làng chẳng đứng dậy trước tiếng nói của em học sinh nhỏ, như các gia súc. Có hề gì! Tối qua, tôi nghĩ rằng một vị thánh đã gọi nó.
Vậy tôi tự nhủ là thế gian bị nung nấu bởi nỗi buồn chán. Dĩ nhiên, phải suy ngẫm đôi chút mới nhận ra, điều ấy không nắm bắt được ngay tức khắc. Đó là một loại bụi. Bạn đi đi lại lại mà chẳng nhìn thấy nó, bạn hít thở nó, bạn ăn nó, uống nó, và nó mịn quá, tinh vi quá đến mức chẳng lạo xạo trong miệng nữa. Nhưng bạn chỉ dừng lại một giây thôi, là nó phủ đầy mặt, đầy tay bạn. Bạn phải không ngừng quẫy cựa để rũ đám mưa bụi ấy. Vậy là, thế gian quẫy cựa rất nhiều.
Có lẽ người ta sẽ bảo rằng từ lâu thế gian đã quen với nỗi buồn chán, và buồn chán là thân phận thực sự của con người. Có thể là hạt giống buồn chán đã gieo rắc khắp chốn và nảy mầm đây đó, trên mảnh đất nào thuận lợi. Nhưng tôi tự hỏi liệu con người đã bao giờ biết sự lây nhiễm buồn chán, cái bệnh hủi đó? Một nỗi tuyệt vọng bất thành, một hình thái xấu xa của tuyệt vọng, có lẽ giống như sự lên men của một Cơ đốc giáo bị phân giải.
Dĩ nhiên, đó là những tư tưởng mà tôi giữ riêng cho mình. Tuy thế, tôi không hổ thẹn vì chúng. Thậm chí tôi nghĩ tôi sẽ làm mọi người hiểu tôi rất rõ, có lẽ quá rõ cho sự bình an của tôi – ý tôi muốn nói sự bình an của lương tâm tôi. Niềm lạc quan ở các bề trên đã chết hẳn. Những ai còn giáo huấn điều này chỉ dạy dỗ theo thói quen, mà không tin ở nó. Hơi bị phản bác, là các vị ban cho bạn những nụ cười am hiểu, xin dung tha. Các linh mục già chẳng nhầm đâu. Bất kể bề ngoài, và nếu như vẫn trung thành với một cách nói năng nhất định, vả chăng nó là bất biến, thì các chủ đề thuyết giảng chính thức không như cũ, các bậc đàn anh không còn thừa nhận chúng. Thí dụ, trước đây, theo truyền thống rất lâu đời, một bài diễn giảng của chủ giáo chẳng khi nào kết thúc mà không có sự ám chỉ thận trọng – đầy niềm tin chắc, dĩ nhiên, song thận trọng – về sự ngược đãi sắp tới và máu của những người tử vì đạo. Ngày nay những dự báo đó ít hơn nhiều. Chắc là vì sự thực hiện có vẻ kém chắc chắn.
Mời các bạn đón đọc Nhật Ký Của Một Cha Xứ Miền Quê của tác giả Georges Bernanos.