"
Người Bà Tài Giỏi Vùng Saga PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Bà Tài Giỏi Vùng Saga PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
THÔNG TIN EBOOK
Tên sách
Người Bà Tài Giỏi Vùng Saga
Tác giả
Yoshichi Shimada, Saburo Ishikawa
Dịch giả
Bảo Lam Anh
Thể loại
Tự Truyện
Phát hành
Kim Đồng
Nhà Xuất Bản
NXB Thanh Niên
Ebook
2021 kindlekobovn
—★—
MỞ ĐẦU
Một bữa tối nọ ở nhà tôi.
“Bà ơi, hai ba ngày nay nhà mình toàn ăn cơm trắng, chẳng có thức ăn gì nhỉ?”
Nghe tôi nói, bà cười ha hả đáp: “Mai đến Cơm cũng chẳng có mà ăn đâu.”
Hai bà cháu tôi lại nhìn nhau, cùng phá lên cười.
Đó là chuyện xảy ra cách đây 40 năm.
Giờ nhìn lại mới thấy, từ đó đến nay, xã hội đã thay đổi chóng mặt.
Hết kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập quốc dân, kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế tốc độ cao đến biểu tình sinh viên, cú sốc dầu lửa, bong bóng bất động sản, bạo lực học đường, đồng yên tăng - đô la Mỹ giảm, rồi bong bóng vỡ, giá cả tụt dốc không phanh, kỷ băng hà tuyển dụng1...
Mọi người đều nói rằng “Nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng, nhưng tôi không nghĩ thế.
Mọi thứ chỉ trở về giống như xưa. Thứ duy nhất đã thay đổi chính là con người.
Vì không có tiền.
Vì không được ăn uống trong khách sạn.
Vì không thể vi vu du lịch nước ngoài.
Vì không mua được những món đồ hiệu...
Cảm thấy bất hạnh vì những lý do như thế thì thật có vấn đề. Đương nhiên, tôi rất lấy làm tiếc cho những người vừa mất việc làm, nhưng kể cả như thế, cách chúng ta nhìn nhận sự việc thế nào mới là điều quan trọng.
Này nhé. Nếu bình thường, bạn tỉnh dậy lúc tám giờ, chen chúc trên những toa tàu đông chật người, len chặt như nêm để đến công ty, vùi đầu vào công việc, làm thêm giờ, miễn cưỡng góp mặt bên bàn nhậu rồi bắt chuyến tàu cuối về nhà... thì bạn hoàn toàn có thể coi đây là cơ hội mới giúp mình thoát khỏi cuộc sống đó, đúng không nào?
Chưa hết, vợ chồng, gia đình bạn sẽ cùng ngồi xuống bàn bạc với nhau nên làm gì tiếp theo, thế là chẳng phải cả nhà lại có cơ hội trò chuyện cùng nhau sao.
“Vì nghèo nên tôi mới khổ thế này.”
Tôi nghĩ mọi người bây giờ bị trói chặt trong suy nghĩ đó một cách thái quá.
Chừng nào người lớn còn nghĩ như thế thì chừng đó, trẻ em chưa thể lớn lên “khoẻ mạnh”.
Chúng sẽ không kính trọng bố mẹ vì không được dẫn đi Disney Land2 , không được mua cho những bộ quần áo đúng mốt. Chúng sẽ nghĩ thành tích bết bát cỡ này thì mơ gì vào trường tốt, tương lai sẽ toàn một màu xám xịt. Chúng sẽ lớn lên như thế - mệt mỏi, chán chường, hoàn toàn mất hy vọng vào tương lai. Hậu quả là tỷ lệ tội phạm vị thành niên ngày một tăng. Thật ra, kể cả khi không xu dính túi, chúng ta vẫn có thể chọn sống một cuộc đời vui vẻ.
Tại sao tôi dám nói vậy ư? Vì bà ngoại tôi là một người như thế. Hồi nhỏ, tôi được gửi về ở với bà.
Bà sinh năm Minh Trị (Meiji) thứ 33 (tức năm 1900). Có thể nói, bà thuộc lớp người cũ - lớp người đồng hành cùng thế kỉ 20.
Sau khi chồng hy sinh trong chiến tranh vào năm Chiêu Hòa (Showa) thứ 17 (tức năm 1942), suốt thời hậu chiến đầy gian khổ, bà đã một tay nuôi dạy bảy người con - năm gái hai trai bằng cách làm lao công ở trường Đại học Shiga và trường tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc.
Tôi được gửi về với bà năm Chiêu Hòa (Showa) thứ 33 (tức năm 1958). Khi ấy, bà đã năm mươi tám tuổi nhưng vẫn cần mẫn tiếp tục công việc đó.
Dù không hề dư dả, bà lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Như đã nói lúc đầu, sống cùng bà, tôi học được đâu mới là hạnh phúc thực sự của con người.
Chín năm trước, bà ra đi ở tuổi chín mươi mốt. Từ đó trở đi, tôi càng thấm thía hơn về những bài học bà để lại cho mình. Con người ngày nay nhầm lẫn hết cả rồi!
Tôi có cảm giác chúng ta đang tự tay phá bỏ những hạnh phúc cho tới bốn mươi năm trước còn hiện hữu để ngày càng ngày càng lún sâu vào con đường bất hạnh!
Mọi người, đừng lạc đường thêm nữa!
Hãy nghe câu chuyện về người bà tài giỏi vùng Saga của tôi! Hạnh phúc không phải là thứ được định đoạt bằng tiền. Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta.
CHƯƠNG 1 CÚ ĐẨY
Ngày 6 tháng 8 năm Chiêu Hòa (Showa) thứ 20 (tức năm 1945). Hiroshima hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Có thể, quả bom đó cũng là khởi nguồn cho toàn bộ câu chuyện này.
Bởi vì nếu nó không được ném xuống Hiroshima, ba tôi đã không chết trẻ.
Sau khi lấy nhau, ba mẹ tôi sống ở Hiroshima. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, cả hai đã sơ tán về nhà bà ngoại tôi ở Saga. Vì vậy, thật may mắn khi cả nhà không ai bị trúng bom.
Thế nhưng, tin tức về việc Hiroshima bị ném quả bom nguyên tử thế hệ mới đã lan tới Saga. Vì lo lắng nhà cửa, một tuần sau đó, ông quyết định một mình trở về Hiroshima để xem xét tình hình.
“Đâu hết cả rồi?” Chứng kiến thành phố bị san bằng, ba thẫn thờ thốt lên như vậy.
Hẳn là Hiroshima trước mắt ông chẳng còn gì nên ông mới đến mức như thế. Mọi thứ đã bị huỷ hoại, mọi người đã chết hết cả. Chuyến trở về đó cũng là nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba tôi. Bởi Hiroshima khi ấy còn dày đặc phóng xạ, và ba đã trở thành nạn nhân của nó.
Ông chỉ đi xem xét tình hình một chút thôi mà... Cũng vì vậy, khi tôi chào đời, ông đã luôn phải nằm trên giường bệnh. Ngày đó, ba mẹ tôi đều mới ngoài hai mươi.
Quá đau lòng.
NHƯNG!
Sau này, khi lớn lên, tôi cứ ngờ ngợ một chuyện. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, hồi mẹ đẻ con ba đã nằm viện chưa?”
“Rồi”
“Thế hồi con còn trong bụng mẹ, ba vẫn còn khoẻ chứ?” “Không. Hồi đó ba đã nằm viện rồi.”
“Ba có được về nhà lần nào không?”
“Không. Ba nằm viện suốt”
“Thế ạ. Mà ba nằm phòng riêng hả mẹ?”
“Ôi trời. Thời đó bệnh viện nào cũng kín chỗ, lấy đâu ra phòng riêng
Lạ thật. Nếu tôi gặng hỏi thêm, gương mặt mẹ sẽ đỏ bừng. Bà sẽ lúng búng gì đó rồi biến đi ngay. Vậy là rõ rồi. Tôi là đứa trẻ mồ côi không biết mặt cha.
Vì vậy, trong ký ức của tôi không có hình bóng của ông. Nhưng thực sự, tôi vẫn nhớ rằng khi còn nhỏ xíu, mình đã từng vẫy tay chào khi ai đó rời đi. Nếu ba nằm viện suốt và chưa từng về nhà, thì “ai đó” chắc chắn không phải là ông.
Hay là chồng dì nhỉ? Có một dạo tôi thường xuyên được mẹ gửi sang bên đó.
Dù sao thì, từ lúc chuẩn bị lên lớp một, ký ức của tôi mới thực sự rõ ràng. Ngày ấy, mẹ là tất cả thế giới của tôi.
Sau khi ba mất, mẹ mở một quán rượu ở Hiroshima, một mình nuôi dạy tôi và anh hai.
Quán rượu ban đầu được mở ở căn nhà cũ, nơi ba mẹ từng sống. Nhưng vì nằm ngay cạnh “nhà mái vòm bom nguyên tử3” nên sau trận bom, nó trông không khác gì một khu ổ chuột. Người ta mặc sức mở hàng bán rong, quán xá cũng đua nhau mọc lên.
Nhà đã thành quán rượu nên chúng tôi chuyển đến sống ở một căn hộ rộng sau chiếu4 gần đó. Ngày nào tôi và anh hai cũng phải
trong nhà. Nhưng vì còn quá nhỏ, nên tôi bám mẹ lắm. Đêm nào chờ mẹ về cũng dài vô tận. Buồn quá, tôi khóc ngắn ngặt, làm anh hai khổ sở vô cùng.
Tôi còn nhớ, hễ nghe tiếng tôi khóc, thế nào bà chủ nhà cũng đến, cho tôi ngồi vào lòng, xoa đầu tôi và nói: “Ngoan, nín đi nào? Thời đó, chủ nhà nào cũng nắm rõ gia cảnh từng người thuê nhà của mình. Họ không chỉ biết nhà đó có những ai mà còn tường tận cả việc mỗi tháng thu nhập bao nhiêu, có nợ nần gì không nữa. Hẳn là vì biết rõ hoàn cảnh nhà tôi nên bà mới đến dỗ tôi như thế.
Có điều, nếu tôi chỉ ngằn ngặt khóc nhè, quá lắm cũng chỉ làm phiền hàng xóm là cùng. Vấn đề là khi lên lớp một, vào buổi tối, tôi bắt đầu lẻn ra ngoài mò tới quán tìm mẹ.
Như đã nói, cả khu đó đều là khu ổ chuột. Vậy mà thằng nhóc bé tí là tôi cứ lang thang, tha thẩn khiến mẹ rất lo. Có lẽ đó cũng là lúc mọi người giữ bí mật với tôi mà tiến hành kế hoạch. Đương nhiên, tôi không hề hay biết.
*
Một ngày nọ, khi tôi học lớp hai. Dì Kisako - em gái mẹ từ Saga lên chơi.
Dì rất giống mẹ, hay đưa anh em tôi đi chơi để mẹ đi làm, còn cho tôi nằm gối lên đùi dì và ngoáy tai cho tôi nữa. Chẳng mấy chốc, tôi đã quấn lấy dì không chịu rời.
Có dì, những tối trông nhà không còn buồn nữa.
Có dì, bữa tối cũng thịnh soạn hơn hẳn.
Tôi thậm chí đã nghĩ, giá mà dì ở đây luôn thì hay biết mấy. Nên ít lâu sau, khi dì nói: “Akihiro, mai dì phải về Saga. Cháu cùng mẹ
tiễn dì ra ga nhé!” tôi đã gật đầu cái rụp.
Hôm sau, tôi cùng mẹ tiễn dì Kisako ra ga Hiroshima. Gọi là đi tiễn dì nhưng lâu lắm rồi tôi mới được cùng mẹ ra phố. Tôi được đóng bộ bảnh tỏn, mang đôi giày da láng coóng, nắm tay mẹ và dì tung tăng trên đường.
Xình xịch. Xình xịch. Xình xịch.
Chúng tôi đặt chân lên sân ga. Đoàn tàu phả khói nghi ngút vừa trờ tới.
“Chuyến tàu nhanh số hiệu “Tsubame đi Nagasaki đang tiến vào ga”
Đó là chuyến tàu dì sẽ lên. Dì đã lên, nhưng tàu vẫn chưa rời ga. “Tạm biệt chị Yuko?”
“Kisako, chào mẹ giúp chị nhé.” Giọng mẹ ngậm ngùi. Buồn vì phải chia tay dì, tôi cũng ngước mắt nhìn dì nói: “Dì Kisako, lần sau dì lại lên chơi nữa nhé”.
“Ừ.”
Dì hờ hững gật đầu, như thể được ra hiệu, hồi còi báo hiệu tàu rời ga vang lên.
Và, khoảnh khắc ngay trước khi cửa tàu đóng lại. Tôi nghe một tiếng “bịch”, và thấy cả người mình sóng soài, bổ nhào về trước. Đương nhiên, chẳng có tiếng còi tàu nào kêu “bịch”, và chẳng tiếng tàu nào có thể đẩy một người như thế.
Bị dì Kisako ôm chặt, tối ngoảnh đầu lại... Thì ra, người vừa đẩy tôi là mẹ.
“Mẹ à, mẹ làm gì thế?”
Lúc ấy, tôi đã ở trên tàu. Hệt như nhận được “ám hiệu” từ “đồng bọn”, cánh cửa tàu ì ạch khép lại. Đoàn tàu phả từng cột khói đen
ngòm, từ từ chuyển bánh.
Đương nhiên, tôi vẫn ở trên tàu. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy mẹ đang khóc.
“Hóa ra mẹ đẩy cháu”
Vừa nói tôi vừa quay đầu lại. Dì Kisako cũng đang nước mắt giàn dụa.
Tàu cao tốc hồi đó đương nhiên không nhanh bằng tàu điện cao tốc shinkansen bây giờ. Vì vậy, tôi vẫn thấy mẹ đang đứng khóc dưới sân ga. Hết nhìn mẹ rồi lại nhìn dì, ai nấy đều đang nức nở, tôi cười: “Không sao dì ơi. Đến ga tiếp là cháu xuống. Dì đừng lo”
Nhưng dì vẫn không ngừng khóc, nói với tôi trong nước mắt: “Akihiro, từ giờ cháu sẽ về Saga ở với bà.”
Trong tích tắc, tôi giật thót người. Dì đang nói gì thế? “Dì xin lỗi vì đã giấu cháu. Nhưng nếu nói ra từ đầu chắc gì cháu chịu? Mọi người đã bàn bạc kĩ rồi. Ở Hiroshima không tốt cho việc nuôi dạy cháu, nên mọi người đã quyết định sẽ gửi cháu xuống Saga ở với bà.”
Hiểu được tình cảnh của mình, giờ tới lượt tôi oà khóc. Tôi đã bị lừa.
Tưởng đâu hai mẹ con đi tiễn dì, hoá ra là mẹ tiễn tôi. Giờ tôi mới hiểu tại sao mình lại được đóng bộ và đi giày đẹp thế này. Việc này đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Đến giờ, dù là bộ phim giả tạo đến mấy đi nữa, hễ bắt gặp cảnh mẹ con chia tay là tôi không thể nào không rơi nước mắt.
Khi nghe chuyện về những tấm gương nghèo vượt khó, nhân vật chính thường hay nói: “Ngày đó, nhờ có anh A/chị B/cô C thúc đẩy mà tôi đã hạ quyết tâm” Mỗi lần nghe thế, tôi đều nghĩ.
Thứ khiến cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn chính là cú đẩy của mẹ.
CHƯƠNG 2 NGHÈO VẪN HOÀN NGHÈO
Lục cục, lục cục, lục cục, lục cục...
Mỗi lần đoàn tàu rung lên, tôi lại cách xa dì Kisako thêm một chút. Tôi vẫn khóc i ỉ. Còn dì có lẽ đang áy náy vì đã lừa tôi nên chỉ lặng im ngồi bên cạnh, không dỗ dành một câu nào.
Tôi buồn quá. Buồn hết sức. Vì phải xa mẹ. Có lẽ suốt phần đời còn lại sẽ không có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn này. Có điều, như người ta vẫn nói, đời người đâu chỉ có một khúc quanh. Và một khi biến cố xảy đến, nó sẽ đến dồn dập.
“Chỗ này... là sao?” Đặt chân xuống ga Saga, tôi bất giác hỏi. Vừa mới về chiều nhưng cảnh vật đã tối om. Hiroshima tuy xập xệ không khác gì khu ổ chuột nhưng vẫn là một thành phố. Nhờ các cửa hàng mở cửa đến khuya nên đường không hề tối, vì vậy, tôi mới dám đi từ nhà tới quán của mẹ. Nhưng ở đây, ngay cả một ngọn đèn lồng cũng chẳng thấy chứ đừng nói đến bóng người qua lại. Trước cửa ga chỉ có dăm ba quán ăn trông đến đìu hiu. Chưa cần biết ở đây sẽ “tốt cho việc nuôi dạy tôi” thế nào, chỉ cần nghĩ đến việc từ mai mình phải sống ở thị trấn heo hút này là đủ để tôi lo. Phải, nãy giờ tôi chỉ buồn thôi, còn giờ thêm cả vừa sợ vừa lo.
Ấy thế mà dì tôi cứ phăm phăm tiến vào bóng tối trên con đường để dọc ven sông. Dì cứ đi, đi mãi, đi mãi. Chắc phải mất bốn mươi phút, nhưng với một thằng nhóc như tôi, bốn mươi phút dường như dài vô tận.
Trời đang vào thu. Cánh đồng hai bên mọc đầy cỏ lau, khiến khung cảnh càng nhuốm màu buồn bã. Tôi thấy mình không khác nào một đứa trẻ bị bắt cóc rồi đem bán trong một câu truyện cổ tôi đọc từ xưa.
Có điều, hình như phải rơi vào tình thế ngặt nghèo, bản năng động vật trong con người mới trỗi dậy thì phải.
Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình lúc ấy. Vì quá lo lắng nên tôi chẳng buồn ngó ngàng gì xung quanh thì một ngôi nhà hiện lên, đập vào mắt.
Lập tức, não tôi gióng chuông cảnh báo. Đừng, miễn không phải là ngôi nhà này... Căn nhà tranh xập xệ vô địch hệt như được bưng ra từ một câu truyện cổ Nhật Bản tình cờ lại hợp với con sống và đồng cỏ lau một cách lạ lùng. Chưa kể, phân nửa mái rạ đã bị sút, được thay bằng ván ép.
“Akihiro, đây rồi” Cuối cùng, dì Kisako đã dừng chân trước căn nhà đó.
Lúc ấy, đầu óc tôi đột nhiên trống rỗng. Tưởng tượng về người bà sống trong căn nhà xập xệ này là đủ khiến tôi sởn gai ốc. Thật tình, ở được nhà này cũng phải cỡ bà kẹ5 chứ chẳng chơi. “Mẹ ơi, tụi con tới rồi”
Cánh cửa kêu kèn kẹt dưới tay dì bật mở. Từ bên trong, một bà lão cao lớn trong bộ đồ trắng trông khá tươm tất xuất hiện. “Akihiro, bà đấy”
Dì đứng giữa bà và tôi nói. Và còn cười tươi họa thêm một câu với thằng tôi còn đang đứng ngây người. “Cháu từng gặp bà một lần hồi còn bé tí rồi. Nhớ không?”
Hẳn dì đã thấy gượng lắm khi nói câu đó, nhưng khổ nỗi, hồi đó tôi còn bé tí, nhớ làm sao được.
“Vậy... dì về nhé. Còn lại nhờ mẹ ạ?” Chắc dì phải áy náy lắm nên mới không vào nhà mà bỏ về luôn, để lại hai bà cháu tôi - trong buổi gặp đầu tiên.
Tôi đã định ninh vì mình còn nhỏ nên chắc bà sẽ dịu dàng, ân cần hỏi han những câu đại loại như: “Chào cháu. Cháu đói chưa?” hay “Chắc cháu buồn lắm, nhưng hãy cùng bà cố gắng vượt qua nhé”
Nào ngờ, câu đầu tiên bà nói với tôi là: “Theo bà”
Rồi bà phăm phăm bước ra ngoài, tiến thẳng về phía căn nhà nhỏ. Trong căn nhà vỏn vẹn khoảng hai chiếu chỉ có nhõn một cái bếp lò to bự! Trong lúc tôi còn đứng nghệt ra, chưa hiểu mô tế gì thì bà đã tiếp:
“Từ mai Akihiro sẽ thổi cơm. Cháu nhìn kĩ nhé”
Nói đoạn, bà bắt đầu nhóm bếp. Giây phút đó, tuy nghe rõ từng lời bà nói nhưng tôi không hiểu thế nghĩa là sao, chỉ biết đứng im như phỗng nhìn bà nhóm lửa, nhồi rơm, củi vào bếp và điều chỉnh ngọn lửa lúc to lúc nhỏ.
Một lúc sau: “Đây, cháu làm thử đi.”
Bà vừa chia cho tôi chiếc ống tre thổi lửa dùng nãy giờ vừa nói. Dù chẳng hiểu gì, tôi vẫn nhận lấy, thổi phù phù.
Dần dần, bao câu hỏi cứ thế dấy lên trong đầu tôi:
“Sao mình phải làm mấy chuyện này? Sao mình phải thổi cơm?” Nhưng bà chỉ đứng bên cạnh ôn tồn: “Như vậy mạnh quá” Hay “Cởi rỗng quá lửa tắt mất.”
Tôi tiếp tục làm theo lời bà, mắm môi mắm lợi thổi lấy thổi để, rốt cuộc chỉ thổi lửa thôi cũng đã bở hơi tai. Đến khi thấm mệt, sức thổi yếu dần, ngọn lửa suýt tắt.
Thấy thế, tôi lại cuống quýt tiếp tục thổi phù phù. Khổ nỗi, thổi mạnh thì tàn than lại bay lên, khói mù mịt, nóng rát.
Đối diện với ngọn lửa cháy bừng bừng, tôi dần ý thức được rằng từ giờ, mình sẽ phải sống đây.
Thôi thì sự đã rồi, biết làm sao được.
Phần vì khói, phần vì buồn, nước mắt cứ vậy tuôn trào. Đó là hiện thực xộc thẳng trước mắt thằng nhóc tôi tám tuổi khi ấy. *
Sáng hôm sau, lúc tôi tỉnh dậy thì bà đã đi rồi.
Hằng ngày, bà phải đi làm từ bốn giờ sáng. Vì không đủ thời gian nấu cơm cho tôi nên ngay khi tôi vừa tới, bà đã phải dạy tôi cách nấu. Ngoài ra, hôm qua, bà còn giao cho tôi một trọng trách nữa.
Đó là nấu cơm xong phải mang cúng Phật trước tiên. Hôm qua, bà đã kính cẩn chắp tay trước bàn thờ Phật báo cáo: “Từ ngày mai, Akihiro sẽ xới cơm cúng ngài. Nam mô, A di đà Phật. Nam mô, A di đà Phật...”
Tôi thổi lửa, nấu cơm như đã được dạy hôm qua. Nhưng không hiểu sai ở đâu mà nồi cơm trên thì càng cấc như còn sống, đáy thì khê cháy đen thui.
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành xới bát cơm câng cấc đó đặt lên bàn thờ Phật, kính cẩn chắp tay niệm “Nam mô, A di đà Phật” như hôm qua bà đã dạy.
Rồi tôi ngồi ăn cơm một mình.
Chao ôi là nhớ bát cơm trắng nóng hổi mẹ thường nấu cho tôi. Bát cơm mới ăn sáng hôm qua mà giờ như đã trở thành ký ức xa xăm.
Ăn xong, không biết làm gì nên tôi chạy ra ngoài xem thử. Hôm qua khi tôi đến thì đã tối mịt. Khung cảnh buồn bã xung quanh nhà giờ đã sáng rõ nên đẹp hơn hẳn.
Trước cửa nhà bà là một con đường rộng cỡ bốn, năm mét; xa xa có một con sông. Sông rộng cỡ tám mét, nước trong vắt. Bên bờ đê, hàng có lau dập dìu trong gió thu. Bầu trời nơi đây xanh ngăn ngắt, cao vời vợi, hơn Hiroshima rất rất nhiều.
Chăm chú nhìn trời, tôi thấy một cánh chim ung dung chao lượn. “Mẹ ơi, nhìn kìa, nhìn kìa!” Tôi buột miệng.
Mẹ làm gì có ở đây. Tôi thừa biết vậy mà. Đứng ngồi không yên, tôi bồn chồn nhặt một hòn sỏi, lấy hết sức bình sinh ném xuống sông.
Thêm một hòn. Lại thêm một hòn nữa. Cứ thế ném mãi. *
Đứng trên bờ để nhìn con đường đông người qua lại bất ngờ vào buổi ban trưa, tôi thấy bóng bà thấp thoáng đằng xa. Công việc của bà là lau dọn phòng giáo viên ở trường Đại học Saga và trường tiểu học trung học trực thuộc. Tuy phải đi làm sớm nhưng khoảng mười một giờ trưa đã có thể về.
Có điều, dáng đi của bà lạ quá.
Từng tiếng “xệt, xệt” kì cục vang lên theo từng bước chân bà. Nhìn thật kĩ, tôi thấy sợi dây buộc quanh hồng bà kéo theo thứ gì đó lật xét dưới đất.
“Bà về rồi đây? Bà bước vào, tiếng lột xét cũng vào theo. Mặt thản nhiên như không. Tôi lót tót chạy theo, vừa lúc vào đến cửa thì thấy bà cởi sợi dây buộc quanh hồng.
“Bà ơi, cái gì thế?”
“Nam châm đấy”Bà vừa cho tôi xem đầu dây còn lại vừa đáp. Quả đúng ở đầu dây đang buộc một cục nam châm, bên trên dính mấy mẩu đinh và sắt vụn.
“Đi bộ không thì uổng nên bà kéo nam châm. Đấy cháu xem, kiếm được biết bao nhiêu?
“Kiếm được á?”
“Sắt vụn bán được giá lắm. Thấy mà không nhặt sẽ bị trời phạt” Vừa nói bà vừa gỡ định và mấy mẩu sắt vụn ra, vứt vào một chiếc xô.
Trong đó đã có kha khá “chiến lợi phẩm”. Hình như khi đi ra ngoài, bà luôn buộc sợi dây kéo nam châm ở ngang hông. Tôi chết lặng.
Bà trông vậy mà khoẻ thật.
Nhưng đó vẫn chưa phải điều kinh ngạc nhất. Sau khi bỏ hết sắt vụn vào xô, bà lại tất tả hướng về phía bờ sông.
Tôi cũng chạy theo. Không hiểu sao, bà vừa nhìn xuống sông vừa tủm tỉm.
“Akihiro, giúp bà một tay”
Quay lại nói với tôi xong, bà bắt đầu vớt từng cành cây, que củi từ dưới sông lên.
Có một cây gậy dài chắn ngang sông. Cành gãy, củi vụn mắc hết cả vào đó. Lúc nãy khi nhìn xuống tôi còn thắc mắc không biết cây gì. Thì ra đó là “cái bẫy” bà giăng ra để vớt cành cây hay mảnh gỗ trôi về phơi khô làm củi đốt.
“Vừa dọn sạch sông, vừa có củi đốt miễn phí. Nhất cử lưỡng tiện” Bà cười vui vẻ.
Giờ nghĩ lại mới thấy, thì ra từ hơn 45 năm trước, bà đã có ý thức bảo vệ môi trường như vậy.
Tuy nhiên, không chỉ mấy que củi “mắc bẫy” của bà. Từ chợ thượng nguồn, các loại rau củ không bán được như củ cải “mọc
chân” hay dưa chuột “vẹo vợ” đều bị vứt xuống sông, trôi cả về đây. Đương nhiên, chúng cũng bị chặn lại hết. Nhìn mấy loại rau củ kì quái, bà nói: “Củ cải mọc chân xắt ra kho lên cũng như nhau. Dưa chuột “vẹo vợ” thái nhỏ bóp muối cũng thế?
Chính xác. Chưa hết.
Còn cả những loại rau, củ bị hỏng đến phân nửa người ta cũng vứt hết xuống sông.
Nhưng với bà thì: “Cắt phần bị hỏng đi là được.”
Chính xác luôn. Vậy là, phần lớn thức ăn ở nhà bà đều vớt từ dưới sông lên.
Thêm nữa.
“Mùa hè còn có cả cà chua ướp lạnh trôi đến nữa cơ” Thi thoảng còn có cả các loại rau củ ngon lành là đằng khác. Thời đó, rau quả mới nhập về chợ đều lấm lem bùn đất nên các cửa hàng phải thuê người mang ra sông rửa mới đem bán được. Mấy chục con người vừa làm vừa chuyện trò rôm rả, thế nào cũng có người lỡ tay để vuột mất rau.
Chưa kể cải thảo thường khá nặng. Khi đem rửa rồi rảy nước, dù không cố tình vứt nhưng thế nào cũng có một ít bị văng rớt xuống sông.
Ngày lại qua ngày, rất nhiều thứ trôi tới, mắc vào cây gậy bà chắn ngang sông. Vì vậy, bà gọi con sông này là “siêu thị”. “Hàng được giao đến tận nhà. Lại còn miễn phí” Bà vừa nhìn xuống sông vừa cười vui vẻ.
Nhưng cũng có khi chẳng có gì mắc vào gậy. Lúc ấy bà sẽ tiếc rẻ: “Hôm nay siêu thị đóng cửa mất rồi”
Và theo lời bà, siêu thị này có một nhược điểm.
“Ví dụ, hôm nay cháu muốn ăn dưa chuột cũng chưa chắc đã được ăn. Đồ ăn không do cháu mà do siêu thị chọn cho ta” Thật không hiểu bà lạc quan đến mức nào.
Bình thường, nhà-người-ta sẽ xem sách nấu ăn rồi chọn món. Còn nhà tôi, bà chỉ việc nhìn xuống sông: “Xem hôm nay có gì nào” để lên thực đơn cho hôm đó.
Bà tường tận con sông này thật sự.
Lần nọ, có một thùng táo trôi tới. Trong thùng chất đầy trấu, bên trên là một quả táo thối.
“Bà ơi, đổ hết trấu đi lấy thùng làm củi nhé” Tôi nói, tay nhanh nhẹn với chiếc rìu. Bà liền đáp:
“Cháu thọc tay vào thùng trấu xem”
“Dạ?”
Tuy khá thắc mắc “làm vậy để làm gì”, nhưng tôi vẫn làm theo lời bà nói. Quả nhiên, bên dưới lớp trấu là một quả táo còn lành lặn. Tôi kinh ngạc, cứ ngỡ bà là một nhà tiên tri. Lại có lần một chiếc guốc gỗ mới tinh trôi tới. “Một chiếc thì làm gì được. Bổ ra làm củi...” Tôi chực vớ cái rìu thì bà lại nói: “Chờ hai, ba ngày xem. Thế nào chiếc còn lại cũng trổi tới.”
Đời nào mà may thế được, tôi trộm nghĩ nhưng vẫn chờ. Quả thực, hai, ba ngày sau, chiếc guốc còn lại trôi tới thật làm tôi thêm một phen kinh ngạc.
“Mới mất một chiếc người ta sẽ chưa bỏ cuộc ngay. Phải sau hai, ba ngày họ mới nản, vứt nốt chiếc còn lại. Thế là nhà mình đủ một đôi”
Trí tuệ của bà đưa tôi đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Càng nhìn cách bà sống, tôi càng thấm thía.
Quả thực, dự cảm không lấy gì làm tươi đẹp khi lần đầu trông thấy căn nhà đã trúng phóc. Nhà tôi ở Hiroshima đã nghèo, ở đây còn nghèo rớt mồng tơi...
Nhưng đây cũng là khởi đầu cho những ngày tháng vui vẻ không dễ gì có được.
CHƯƠNG 3 CẬU BẠN CHUYỂN TRƯỜNG“BÓNG LOÁNG”
Ngày đầu tiên chuyển đến trường mới ở Saga, tôi được bà đưa đi học.
Trùng hợp thay, nơi bà cháu tôi sinh sống là nội thành Saga. Lấy di tích thành Saga làm trung tâm, ba hướng bắc, tây và nam được bao quanh bởi một con hào, có đầy đủ cả khu thị chính của tỉnh, bảo tàng lẫn bảo tàng mỹ thuật.
Lúc mới tới, tôi hoảng hốt trước cảnh quê mùa ở đây là thế nhưng giờ mới biết, hoá ra vùng này đã là trung tâm sầm uất của Saga rồi.
“Con sông siêu thị” trước cửa nhà bà tôi cũng là một nhánh của sông Tafuse, từ con hào bao quanh thành Saga chảy tới. Nói thì nói thế, nhưng tòa thành Saga không còn nữa, những gì còn sót lại chỉ là cổng chính Shachi6 cùng bức thành đá bao quanh. Trường tiểu học Akamatsu - trường mới của tôi - nằm ở di tích tòa thành. Muốn vào trong phải đi qua cổng Sachi. Thời đó, lớp dưới dùng căn phòng vốn là phòng trà đạo của ngôi thành cổ làm lớp học.
Mặc bộ đồng phục tuy “thửa lại” từ em họ nhưng chiếc khuy áo vẫn vàng chói, tôi xỏ chân vào đôi giày da láng coóng dạo nào tới trường. Và, tôi không tin vào mắt mình nữa.
Hiroshima từng bị bom phá hủy nên tất cả đã được xây dựng lại khang trang. Trường cũ của tôi cũng không ngoại lệ. Sau chiến tranh, nó đã được xây lại hiện đại hơn hẳn.
Nhưng, ở Saga, nơi bà dắt tôi tới là bên trong một tòa nhà cũ rèm trông đến kì cục không biết nên gọi là gì. Bà và thầy giáo vừa
trò chuyện vừa thản nhiên bước đi tuong tòa nhà tối om om. Tôi lẽo đẽo theo sau, lòng tự hỏi có thật đây là trường học không thế. Lạch xạch, thầy mở cửa. Phòng học vốn là phòng trà nên nền trải chiếu tatami, còn tất cả học sinh đang ngồi quỳ gối. Tôi có cảm giác mình vừa du hành ngược về vài mấy chục năm trước.
Tôi ngỡ ngàng đã đành, đám bạn học thấy tôi đóng bộ đồng phục khuy vàng cũng ngỡ ngàng không kém, nhìn tôi dò xét. “Đây là bạn Tokunaga Akihiro tới từ Hiroshima. Các em hãy thân thiết với bạn nhé? Thầy giới thiệu tôi với mọi người.
Thời đó, người Saga dĩ nhiên coi Hiroshima là một thành phố lớn. Thêm nữa, bộ đồng phục khuy vàng cùng đôi giày da hoàn toàn lạc quẻ khiến mọi người nhìn tôi không khác gì nhìn một thằng nhóc vừa trên tỉnh về quê.
Mà chuyện đó thì chẳng hay ho chút nào.
Được thầy xếp chỗ, tôi vừa ngồi xuống thì đứa bên cạnh nói ngay:
“Mẹ cậu già nhỉ!”
Tôi chỉ biết cúi gằm.
“Không phải mẹ. Là bà chứ?”
Định trả lời như vậy nhưng chợt thấy có lỗi với bà (vừa đưa tôi đến nên bà vẫn còn trong lớp), tôi đành ngậm tăm.
Bà nhìn tôi cười buồn, lịch sự chào thầy rồi ra về.
Đám bạn trong lớp giữ kẽ với tôi chẳng được bao lâu. Chỉ một tháng sau, tôi đã hoàn toàn hòa nhập với ngôi trường mới. Những pha đuổi bắt tới tung tóe đất bùn đã khiến đôi giày rách bươm. Kết cục, tôi phải xỏ guốc mộc y chang đám bạn.
Không có mẹ buồn thì buồn thật. Tuy nhiên, cuộc sống ở quê dẫu nghèo khó nhưng cũng không thiếu niềm vui.
Đầu tiên, bọn tôi có thể thỏa thích vặt quả ăn mà khỏi cần đi mua kẹo.
Loại quả đầu tiên tôi ăn ở Saga là quả lát ruối, thứ quả nhỏ xíu, đen sì, trồng thì xấu nhưng có vị chua chua ngọt ngọt giống như mơ.
*
Ở bờ sông có một cây lát ruối rất to, cành chẻ làm đôi, lại thêm thân đầy u như mời gọi “trèo lên đi, trèo lên đi”. Không ngần ngại, cả đám chúng tôi trèo lên tìm quả. Khổ nỗi, quả lát ruối bé xíu, phải ăn cả trăm quả mới bỏ. Nên lần nào cũng vậy, cả bảy, tám đứa lũ lượt leo lên vít cành, hái được quả nào liền thảy vào miệng quả đó.
Chúng tôi thường chơi trò trèo cây vào giờ ăn xế, lần nào cũng vui banh nóc.
Sang thu lại có cơ man nào là nhót, là hồng, khiến cho thằng nhóc thành phố như tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về thiên nhiên trù phú nơi này.
Tất nhiên, những trò chơi đó hoàn toàn miễn phí. Hết trèo cây lại đuổi bắt ở bờ sông, chẳng mấy trời đã tối.
Chúng tôi còn tự làm đồ chơi nữa. Chẳng hạn như dựng một cái chòi nhỏ làm căn cứ bí mật trên cây hay kết bè bơi trên sông... Đương nhiên, tất cả đều được làm bằng cây gỗ, cành củi rơi đầy xung quanh nên chẳng tốn xu nào.
Tuy nhiên, tự bày trò chơi cũng vui nhưng thời điểm đó cũng là lúc phong trào kiếm đạo bắt đầu bùng nổ. Gần nhà có nhiều đứa
theo học, khiến tôi cùng vài thằng ngỗ nghịch len lén bám theo xem thử tụi nó luyện tập ra sao.
Ở đạo trường, những đứa bạn bình thường vẫn vầy bùn đuổi nhau với tôi giờ đang mặc võ phục, mặt mũi nghiêm ngủi, tay vung kiếm tre vun vút.
Cách quá, tôi tự nhủ. Nhất định mình cũng phải học kiếm đạo. Thế là tôi chạy về kể với bà. “Bà ơi, hôm nay cháu xem mấy bạn tập kiếm đạo”
“Ừ”
“Trông ngầu cực kì”
“Ngầu lắm hả?”
“Cháu cũng muốn học”
“Thì cháu học đi”
“Thật không bà?”
“Việc gì muốn thì cứ làm thôi.”
“Bà nói thật chứ? Vậy mai bà đưa cháu đi đăng ký nhé! Họ bảo khi đăng ký sẽ hướng dẫn mua áo giáp với mặt nạ các thứ!” “Sao? Tốn tiền à?”
“Vâng. Tốn chứ?
Tôi vừa dứt lời, bà đột ngột quay ngoắt 180 độ.
“Thế thì thôi”
“Tại sao ạ?”
“Thôi”
“Nhưng lúc nãy bà bảo...”
“Thôi”
Mặc cho tôi nói gì đi nữa, bà vẫn chỉ một câu “thôi.”
Thật thất vọng tràn trề.
Tuy đã bó tay, nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh chúng bạn người mặc áo giáp, tay vung kiếm tre quá sức ngầu. Trong lúc tôi đang thất vọng tràn trề, một cậu bạn khác lại rủ rê. “Tokunaga, đi tập judo với tớ không?”
Tan học, tôi lại chạy đi xem tập judo. Tuy không bị hớp hồn như lớp kiếm đạo, nhưng xem ra, tập judo chỉ cần một bộ võ phục là đủ. Tôi hộc tốc chạy về nì nèo bà. “Bà cho cháu học judo đi. Không tốn như kiếm đạo đâu.”
“Thế có miễn phí không?”
“Không miễn phí, nhưng mà...”
“Thế thì thôi.”
Bình thường, tôi sẽ không vòi thêm nữa. Nhưng trong lòng đã nhen nhóm khát khao được chơi thể thao rồi.
Tôi cố hết sức thể hiện điều đó với bà, bà liền lắng nghe rồi gật gù: “Bà hiểu rồi. Vậy có môn này rất ổn”
“Môn gì ạ?”
“Từ mai cháu tập chạy đi”
“Tập chạy?”
“Đúng. Chạy không cần dụng cụ gì, đường chạy lại miễn phí. Cháu tập chạy đi.”
Tuy thấy có gì đó sai sai nhưng vì còn nhỏ, tôi vẫn nghe lời bà bắt đầu tập chạy.
Nói thì nói thế, ở tiểu học bói đâu ra câu lạc bộ điền kinh. Vì vậy, ngày nào cũng chỉ có mình tôi chạy vòng vòng trong sân trường. Tan học, trong khi đám bạn chơi ném bóng, tôi lặng lẽ tập chạy cự ly 50 mét, cứ vậy lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lượt. Người khác nhìn vào chắc thấy tôi hâm lắm, nhưng bản thân tôi lúc ấy chỉ
muốn dốc sức tập thể thao một cách nghiêm túc mà thôi. Nghiêm túc đến nỗi từ ngày bắt đầu tập chạy, tôi luôn ra bờ sông tụ tập với đám bạn muộn hơn ba, bốn mươi phút so với trước đây.
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ tan học là tôi cắm đầu chạy miết.
“Hôm nay cháu cũng tập chạy. Chăm chỉ cực” Tôi hồ hởi khoe với bà.
Lập tức, bà đáp: “Đừng chạy nhiều quá” “Tại sao không được chạy nhiều quá ạ?”
“Vì sẽ đói”
“... Hừm”
Nghĩ bụng không biết bà muốn nói gì, tôi định lỉnh đi nhưng bà ngăn lại ngay.
“Khoan đã Akihiro. Bà chưa nói hết. Lúc chạy cháu có đi giày hả?”
“Vâng. Cháu có.”
“Thằng ngốc này. Chạy chân đất đi! Không mòn đế mất!!” Nhưng cả hai câu đó tôi đều bỏ ngoài tai. Ngày nào tôi cũng chạy miết. Và đương nhiên vẫn đi giày.
*
Đồ ăn vặt tự hái trên cây, đồ chơi phải tự làm, lại thêm môn thể thao duy nhất chỉ là chạy - nhà tôi nghèo đứt đuôi rồi! Tuy nhiên, vì còn nhỏ, tôi không lấy làm khổ sở trước những chuyện đó. Duy chỉ có một lần tôi thử nói với bà:
“Bà ơi, nhà mình giờ tuy nghèo, nhưng sau này giàu lên thì thích nhỉ?”
Bà đáp:
“Cháu nói gì thế? Nghèo cũng có hai loại. Nghèo ủ ê và nghèo vui vẻ.
Nhà mình là nghèo vui vẻ.
Vả lại, có phải gần đây mới nghèo đâu, lo gì. Cháu cứ tự tin lên. Nhà mình nghèo truyền kiếp từ đời cụ tổ rồi.
Quan trọng nhất là, làm người giàu khổ lắm. Suốt ngày bận rộn hết ăn ngon lại phải đi du lịch. Mặc quần áo đẹp cũng phải cẩn thận sợ ngã thì hỏng.
Về điểm đó, ngay từ đầu mặc quần áo cũ vì nghèo như mình có mắc mưa hay ngồi phệt cũng chẳng lo.
Ôi, làm người nghèo thích thật”
“Bà ngủ ngon nhé”
Tôi chỉ nói được mỗi câu đó mà thôi.
CHƯƠNG 4 ĐÓI CHO SẠCH RÁCH CHO THƠM
Nhìn cái cách bà tôi tự hào về sự “nghèo truyền kiếp từ đời cụ tổ” là đủ biết, bà đã được tôi luyện trong cuộc sống khốn khó đến mức nào.
Hồi tôi học mấy năm đầu tiểu học, do tàn tích chiến tranh còn nặng nề, lũ trẻ chúng tôi nhiều đứa chẳng có đủ ăn. Vì vậy, nhà trường thường khảo sát định kỳ về thực trạng dinh dưỡng của học sinh bằng những câu hỏi kiểu như “Sáng nay em ăn gì? Tối qua em ăn gì?”... Chúng tôi sẽ viết câu trả lời vào Vở rồi nộp lại.
“Bữa sáng em ăn tôm Ise và canh tương miso.”
“Bữa tối em ăn tôm Ise nướng”7
Tôi trả lời như thế mấy ngày liền. Cuối cùng, chuyện gì đến cũng đến, sau giờ tan học, thầy chủ nhiệm mang vẻ mặt khó đăm đăm tìm đến thăm ngôi nhà xập xệ của tôi.
*
Làm gì có chuyện con nhà nghèo rớt mồng tơi được ăn tôm Ise, lại còn ăn ngày hai bữa suốt mấy ngày liền.
“Đây là câu trả lời của Tokunaga. Có đúng thế không ạ?” Thầy đưa cuốn vở cho bà tôi xem.
Tôi giận lắm.
“Cháu không nói dối! Đúng không bà? Cả sáng lẫn tối, ngày nào nhà mình cũng ăn tôm Ise còn gì”
Thấy vậy, bà bật cười ha hả: “Xin lỗi thầy. Không phải tôm Ise mà là tôm hùm đất. Vì tôi nói với thằng bé đó là tôm Ise nên...” “Thế ạ?”
“Nhìn cũng hao hao mà”
“... Đúng là hao hao thật” Thầy cười to, thở phào.
Hóa ra, bà cho tôi ăn tôm hùm đất nhưng lại bảo đó là tôm Ise. Vì chưa được ăn bao giờ nên tôi tin sái cổ.
Xin nói thêm, bà cháu tôi “mua” được rất nhiều tôm đất từ “siêu thị độc quyền” (tức “siêu thị sống”) của nhà chúng tôi. Đó là lần duy nhất bà gạt tôi bằng một lời nói dối vô hại. Lần khác lại xảy ra chuyện thế này.
Một ngày hè, tôi đến nhà bạn chơi và phát hiện ra một món đồ cực kì hay ho.
Đó là một chiếc mặt nạ làm từ dưa hấu (giống như mặt nạ bí ngô mọi người hay bày vào dịp haloween thời nay ấy). Bố mẹ cậu ấy đều làm ruộng, trong nhà cơ man nào là dưa hấu.
“Hay thế. Hay thế” Thấy tôi luôn miệng tấm tắc, cậu bạn tặng ngay lại cho tôi.
Tôi mở cờ trong bụng, sung sướng ôm về cho bà xem ngay: “Bà ơi bà, hay không này?”
“Hừm. Hay nhỉ? Bà cũng nhìn với vẻ ngạc nhiên.
Tôi đặt chiếc mặt nạ dưa hấu ngay cạnh gối, định bụng mai sẽ mang đi học khoe với cả lớp.
Nhưng sáng dậy, chiếc mặt nạ đã bốc hơi.
Bà cũng đi làm rồi.
Đành đi học vậy, tôi bấm bụng. Chiều về, tôi tìm bà hỏi ngay: “Bà ơi, bà có thấy mặt nạ dưa hấu của cháu đâu không? Sáng dậy cháu chẳng thấy đâu cả.”
“À, cái đó à” Bà tủm tỉm, trỏ vào hũ: “Cháu thấy ngon không?” Trong hũ là vỏ dưa muối!
*
Qua mấy chuyện này chắc các bạn đã hiểu, nhà nghèo khổ nhất là kiếm miếng ăn.
Nhà xập xệ chí ít cũng tránh được mưa, quần áo cũng chẳng cần quá cầu kì. Vả lại, tôi có thể mặc đồ thừa của anh em họ. Chỉ có cơm là ngày nào cũng phải ăn. Vì vậy, riêng khoản chế món ăn thì phải công nhận bà tôi có cả bộ ý tưởng.
Đầu tiên, bà vốn thích uống trà. Trà pha xong sẽ có bã. Thế là bà đem bã trà phơi nắng, dùng chảo sao lên, trộn với muối thành món “muối trà rắc cơm”. Món “trà rắc cơm đặc chế hiệu bà ngoại” cực giàu catechin này bây giờ đem bán không khéo sẽ chạy như tôm tươi.
Rồi đến xương cá.
“Xương cá giàu canxi. Ăn được.”
Bà nói vậy rồi cho tôi ăn cá cả xương (không chỉ xương dăm mà cả mấy phần xương to đùng). Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có những miếng xương cứng không nhai nổi. Chẳng hạn, xương cá thu kho ăn còn thừa bà sẽ bỏ vào bát, rót nước sôi vào làm canh uống. Chưa hết. Uống canh xong bà sẽ phơi miếng xương cho thật khô rồi dùng cán dao giã nhỏ làm cám gà. Cả vỏ táo hay những phần rau củ dập bà cũng cho gà ăn hết.
“Đồ nhặt thì có, chứ đồ vứt thì không nhé!”
Chẳng hiểu sao lúc nào bà cũng nói câu ấy một cách tự hào. Nhắc đến “đồ nhặt” đương nhiên không thể không kể tới “siêu thị sống” của nhà tôi. “Siêu thị” năm nào cũng tổ chức “lễ hội ẩm thực thường niên”
Ấy là lễ Obon8.
Ở Kyushu, vào ngày cuối cùng của lễ Obon, người ta thường chất đầy hoa và đồ ăn lên những con thuyền nhỏ rồi đem thả trôi sông để đưa tiễn các vị thần và các linh hồn. Tục lệ đó gọi là shoryo nagashi9.
Đọc đến đây, hẳn các bạn đoán ra rồi nhỉ? Những con thuyền từ thượng lưu trôi về đều mắc cả lại nơi cây gây bà tôi giăng trên sông. Kết quả là, bà cháu tôi tha hồ vớt nào táo, nào chuối, đủ loại trái cây.
Tuy thèm ăn thật nhưng lần đầu, tôi đã lo sẽ bị trời phạt. “Bà ơi. Đây là đồ cúng Phật với thần linh mà?”
“Ừ”
“Làm thế này nhỡ phải tội...”
“Cháu nói gì thế: Không lẽ cứ để trái cây thối rồi trôi ra biển làm ô nhiễm biển sao? Thế thì tội nghiệp lũ cá lắm” Bà vừa nói, vừa đưa tay thoăn thoắt vớt hết thuyền này tới thuyền khác.
“Có điều...” Bà tiếp. “Đây là thuyền của các linh hồn đã khuất, nên vớt xong phải thả xuống sông” Nói rồi, bà nhẹ nhàng thả chúng trôi đi.
“Cảm ơn trời Phật!” Bà chắp tay lẩm bẩm. Bà tôi rất tin vào đức Phật.
Như phần trước đã kể, sáng nào nhà tôi cũng phải xơi cơm cúng Phật trước rồi mới ăn. Thêm nữa, dù nghèo đến đâu bà cũng không bao giờ tiếc tiền bố thí cho các nhà sư hành khất hay đóng góp công đức cho chùa.
Nếu thần Phật mà trừng phạt bà chỉ vì “lễ hội ẩm thực thường niên” này thì họ mới là không có tâm Phật.
CHƯƠNG 5 NGÀY HỘI THAO YÊU THÍCH VÀ ĐÁNG GHÉT NHẤT CỦA TÔI
Tôi tới Saga thấm thoắt đã một năm.
Việc tôi điên cuồng “chạy” theo lời bà khuyên (chỉ vì tập môn này không tốn đồng nào), không ngờ đã mang lại thành tích đáng kể. Giờ tôi chạy nhanh đến độ chính tôi còn phải ngạc nhiên. Sắp đến ngày hội thao rồi. Tự tin vào đôi chân mình, nên gì thì gì tôi chỉ mong sao mẹ có thể đến dự và chứng kiến mình thể hiện. “Mẹ ơi, giờ con chạy hơi bị nhanh đấy.
Buổi tập nào con cũng về nhất.
Nhất định hôm hội thao mẹ phải tới xem nhé.”
Tôi hí hoáy viết những dòng chữ ngoằn nghoèo cho mẹ. Nhưng thư hồi âm lại là “Mẹ không đến được”.
Dù thừa biết mẹ phải làm việc cật lực để gửi sinh hoạt phí hàng tháng cho tôi, lòng tôi vẫn buồn rười rượi. Từ chỗ háo hức, tôi trở nên chán ghét ngày hội thao, đến mức chỉ mong “Ước gì hôm đấy đổ mưa ào ào cho xong”.
Nhưng vào sáng ngày hội thao, tâm trạng ủ dột đó của tôi đã bị xua tan ngay bởi giọng nói kì quái của bà.
“Đẻ đi! Đẻ đi!”
Giọng nói kì quái đó từ ngoài vườn vọng lại. Chuyện gì thế nhỉ? Tôi tò mò ngó ra vườn. Thì ra, bà đang bắt gà đẻ trứng. Hồi đó, bà nuôi một con gà mái, nhưng không phải ngày nào nó cũng đẻ. Thời đó chưa có tủ lạnh, nên ngày nào nó đẻ, nhà tôi mới có trứng ăn.
Bình thường tối ăn bán trú ở trường, nhưng riêng ngày hội thao, tất cả học sinh đều phải mang cơm hộp. Có lẽ, bà mong ít nhất cũng phải làm cho tôi một hộp cơm với trứng cuộn.
Kể thêm một chút, ngày đó nhiều đứa trong lớp thường chế cơm bán trú “dở ẹc”, nhưng riêng với tôi lại là một bữa ăn linh đình, là cơ hội tuyệt vời để tôi bổ sung dinh dưỡng. Tôi thường xin tới năm, sáu cốc sữa bột tách béo mà những đứa khác chê “hôi”, hay sẵn sàng vứt hết sách vở ra ngoài để lèn đầy cặp những chiếc bánh mì chúng ỏng ẹo chế “cứng”.
Mang về nhà, tôi đem bánh lên bếp than nướng lại. Mùi bánh mì thơm phức tỏa khắp nhà.
“Cứ như người Pháp ấy” Bà cũng vừa nói vừa vui vẻ véo từng mẩu bánh nóng hôi hổi đưa lên miệng.
“Giá có thêm bơ thì thích nhỉ?
Tôi hỏi thử, nhưng đã bị bà gạt đi ngay: “Bà chả thấy người nước ngoài nào ăn kiểu đó hết”
Quay lại câu chuyện “đẻ đi” vào sáng ngày hội thao. “Đẻ đi! Đẻ đi!”
“Cục cục! Cục cục!”
“Cục gì mà cục. Có đẻ không thì bảo!”
“Cục cục! Cục cục!”
“Mày thừa biết hôm nay có hội thao còn gì! Đẻ đi! Đẻ đi!” “Cục cục! Cục cục!”
“Con gà đần độn! Đẻ đi! Đẻ đi!”
Dù rất cảm động trước tấm lòng của bà, nhưng... tôi cũng thấy tội con gà. Sau một hồi nhìn cảnh ấy chằm chằm, tôi lại phát hiện ra một điều kì lạ khác.
Mỗi lần bà nẵng giọng “Đẻ đi! Đẻ đi!” đều có tiếng người đáp lại: “Vâng! Vâng!”
“Đẻ đi! Đẻ đi!”
“Vâng! Vâng!”
“Đẻ đi! Đẻ đi!”
“Vâng! Vâng!”
Lắng tai nghe kĩ thì tiếng đáp lại vọng sang từ nhà hàng xóm. Bà hàng xóm nhà tôi tên là “Yoshida Ume10”.
*
Kết cục, nỗ lực của bà không thành công. Hộp cơm trưa đạm bạc của tôi vì thế chỉ có nhõn một quả mơ khô với chút gừng bào. Đã vậy, thời tiết lại đẹp phát hờn. Nhưng không vì thế mà tôi ghét ngày hội thao nữa.
Tuy còn tiếc rằng mẹ không thể đến dự, tôi vẫn hạ quyết tâm sẽ cố gắng hết sức mình.
“Lời tuyên thệ! Chúng em sẽ cố gắng thi đấu với tinh thần thượng võ như những vận động viên chân chính!”
Một anh đại diện khối sáu11 đọc lời tuyên thệ, khai mạc kì hội thao đầu tiên của tôi tại Saga.
Tôi tham gia thi chạy 50m dành cho khối lớp dưới. Đó là nội dung chính của nửa đầu hội thao, diễn ra vào cuối buổi sáng. Các nội dung thi ném bóng vào rổ và thể dục đồng diễn lần lượt diễn ra. Chẳng mấy chốc đã đến lượt thi chạy 50m.
Chúng tôi tiến vào sân trong tiếng nhạc hào hùng. Lúc ấy, tuy tràn trề tự tin, tôi cũng không khỏi căng thẳng.
“Tất cả vào vị trí, chuẩn bị...”
“Pằng!” Tiếng súng báo hiệu bắt đầu vang lên, tốp đầu tiên phóng vụt lên.
“Pằng!” “Pằng!”
“Pằng!”
Mỗi lần tiếng súng vang lên là một tốp khác lao lên.
Có những đứa đến giữa đường đang dẫn đầu đột nhiên vấp ngã rồi về bét, nức nở mãi không thôi.
Nhìn chúng, tôi không khỏi đau lòng. Cuối cùng cũng tới tốp của tôi.
“Tất cả vào vị trí, chuẩn bị... Pằng!”
Tôi lao vút đi.
Tôi mắm môi mắm lợi chạy xé gió trên sân - nơi hàng ngày mình vẫn tập chạy một mình.
Bầu trời xanh ngắt, quanh tôi vang lên tiếng reo hò, cổ vũ của rất nhiều phụ huynh. Tôi cứ thế chạy thục mạng. Khi định thần lại được thì thấy mình vượt qua dải băng chăng nơi vạch đích. “Mẹ ơi, con về nhất rồi.”
Tuy hôm nay mẹ không đến được nhưng nếu tôi viết thư kể lại, chắc chắn mẹ sẽ rất vui. Lúc đó tôi đã nghĩ, chỉ cần thế là đủ. Có điều, niềm vui ngắn chẳng tày gang.
“Giờ nghỉ trưa mong chờ đến rồi. Các em hãy cùng ba mẹ ăn một bữa trưa thật ngon lành nhé!” Loa trường phát đi thông báo của thầy hiệu phó. Đám học sinh đứa nào đứa đấy cùng cả nhà đến cổ vũ đều tản về phía sân trường để ăn cơm hộp.
“Con giỏi lắm”
“Có bị đau chỗ nào không?”
“Mẹ chuẩn bị món xúc xích con thích nhất đây”
Giữa những lời khen ngợi, hỏi han đậm tình mẫu tử vang vọng khắp sân trường, tôi bước một mình, trên ngực còn gắn ruy băng giải nhất.
So với việc không được ai cổ vũ lúc thi đấu, việc này còn khổ sở hơn nhiều.
“Tokunaga, cháu chạy nhanh thật đấy. Qua đây ăn cơm chung với nhà cô!” Một cô sống gần nhà mời.
“Không sao đâu ạ. Mẹ cháu đang chờ cháu đằng kia” Tôi nói dối “trắng trợn”, rồi phóng ngay vào lớp.
Hôm nay bà cũng không tới hội thao. Đúng ra là, không riêng gì ngày hội thao, cả ngày phụ huynh dự giờ bà cũng không tới được. Hẳn là bà còn để tâm lời ai đó xì xào “già thể vào ngày đầu tiên đưa tôi đi học. Chắc bà nghĩ nếu mình tới, tôi sẽ xấu hổ đây mà. Vào lớp, tôi về chỗ mình ngồi.
Ngoài sân vẫn ào ào như ong vỡ tổ.
Cố nén những giọt nước mắt đang chực trào ra, tôi mở hộp cơm trưa đạm bạc của mình. Đúng lúc ấy vang lên một tiếng xạch, và cửa phòng hé mở.
“Ồ, Tokunaga. Hóa ra em ở đây” Thầy chủ nhiệm.
“Có chuyện gì thế ạ?” Tôi cuống quýt đưa tay dụi mắt. “Em đổi hộp cơm cho thầy được không?” “Dạ?”
“Không hiểu sao bụng thầy đau âm ỉ nãy giờ. Cơm của em có mơ khô với gừng bào không?” “
Có ạ.”
“Tốt quá. Mấy món đó tốt cho người bụng yếu. Đổi cho thấy nhé”
“Vâng”
Thế là tôi và thay đổi hộp cơm cho nhau.
“Cảm ơn em” Thầy cầm hộp cơm của tôi rời khỏi phòng. “Đau bụng à? Khổ thân thầy”
Vừa tự nhủ, tôi vừa mở hộp cơm mới, bất giác hét ầm lên. Trong hộp ngoài trứng cuộn còn đầy nhóc xúc xích, tôm tẩm bột chiên - những món hảo hạng đó giờ tôi chưa từng thấy.
Tôi cắm cúi ăn.
Hộp cơm ngon đến độ tôi không khỏi thắc mắc trời ạ, trên đời lại có món ngon đến mức này sao. Nhờ cơn đau bụng của thầy, tinh thần tôi hôm đó đang như quả bóng xì hơi đã được bơm đầy. Vì vậy, tôi tiếp tục hoàn thành xuất sắc phần thi chạy tiếp sức diễn ra chiều hôm đó.
Một năm sau.
Lên lớp ba, tôi vẫn là “vận động viên chủ lực” của lớp trong ngày hội thao, nhưng mẹ tôi vẫn bận việc, không đến được. Giờ nghỉ trưa.
Tôi đang định ăn cơm thì lại nghe tiếng mở cửa, rồi thầy bước vào.
*
“Ồ, Tokunaga. Năm nay em cũng ăn một mình à?”
“Vâng”
“Thầy đau bụng quá. Cơm của em có mơ khô với gừng bào thì đổi cho thấy
“Được ạ.”
Đương nhiên, tôi lại sung sướng đổi hộp cơm cho thầy và tha hồ thưởng thức món ngon.
Thêm một năm nữa trôi qua.
Tôi đã lên lớp bốn. Năm nay, chủ nhiệm lớp tôi là một cô giáo. Tôi vẫn đạt thành tích xuất sắc ngày hội thao, nhưng mẹ tôi vẫn không thể đến dự.
Lại tới giờ nghỉ trưa. Cánh cửa lại hé mở.
“Tokunaga, hóa ra em ở đây. Cô bị đau bụng quá. Em đổi hộp cơm cho cô nhé?”
*
Ôi trời, sao cả cô giáo mới cũng đau bụng thế này.
Có khi giáo viên trường mình cứ tới ngày hội thao đều bị đau bụng hết cũng nên, tôi thật thà nghĩ bụng.
*
Thế là cho đến khi học hết tiểu học, tôi cũng luôn là anh hùng của lớp trong ngày hội thao, và mẹ tôi vẫn không thể đến dự dù chỉ một lần.
Và năm nào cũng như năm nào, thầy cô chủ nhiệm của tôi đều đau bụng đúng vào hôm đó.
Mãi đến năm lớp sáu, khi đem chuyện này kể với bà, tôi mới hiểu ra ý nghĩa thực sự của cơn đau bụng đó.
“Sao lạ thế bà nhỉ? Cứ đến ngày hội thao là các thầy cô lại đau bụng”
“Cháu không hiểu thật à? Thầy cô cố tình chứ sao?
“Cố tình? Nhưng rõ ràng thầy cô đều bảo bị đau bụng...” “Thế mới là người tử tế thực sự. Nếu thầy cô nói mình mang cơm hộp cho cháu, thì cả cháu lẫn bà đều giữ kẽ, không nhận đúng không? Nên thầy cô mới giả vờ đau bụng để đổi hộp cơm. Thì ra các thầy cô trong ban giám hiệu đều biết chuyện bà tôi bận việc, không thể tham dự hội thao nên đã bày ra cách này để tôi được ăn ngon ít nhất mỗi năm một lần.
Tử tế thực sự là khi ta không để người khác nhận ra việc mình làm.
Dường như đó cũng là điều mà bà tôi tin tưởng. Sau này, tôi còn được nghe bà nói câu đó vài lần nữa.
Đến tận bây giờ, câu chuyện về hộp cơm ngày hội thao vẫn là một trong những điều tử tế thực sự còn đọng lại nơi sâu thẳm trong trái tim tôi.
CHƯƠNG 6 HẠNH PHÚC BẤT NGỜ ĐẾN TỪ CHIẾC TÚI CHƯỜM
Chắc nhiều người sẽ nghĩ vì Saga nằm phía nam nên sẽ có tiết trời ấm áp. Nhưng không. Mùa đông ở Kyushu lạnh lắm. Đã vậy, nhà tôi lại là ngôi nhà kiểu Nhật đã cũ mèm nên cái lạnh thấu vào tận tâm can. Có lẽ cơ thể người cần nhiều mỡ để chống rét, thành thử mùa đông ta luôn thấy đói hơn bình thường, và khi đói bao giờ cũng thấy lạnh hơn bình thường.
Chuyện xảy ra năm tôi học lớp ba, vào cuối thu, khi tiết trời trở lạnh. Đi học về, vừa buông cặp xuống, tôi chạy đi tìm bà ngay: “Bà ơi, cháu đói!”
Nhưng hẳn là nhà tôi hôm đó làm gì có gì ăn. Bà thủng thẳng đáp:
“Tại cháu tưởng tượng đấy.”
“Có lẽ thế thật” Thằng nhóc tôi lúc ấy mới cỡ chín tuổi chỉ biết ngoan ngoãn gật gù. Không đi chơi được vì mặt trời đã lặn, ti vi cũng chẳng có mà xem.
Chẳng biết làm gì, tôi lẩm bẩm “Làm gì bây giờ nhỉ?” Bà đáp: “Đi ngủ đi”
Nhưng nhìn đồng hồ mới bốn rưỡi chiều. Đi ngủ luôn thì sớm quá. Có điều vì trời lạnh nên tôi đành chui vào chăn, rồi ngủ quên lúc nào không biết.
Đến khoảng mười một rưỡi đêm. Tôi bừng tỉnh vì cái bụng đói meo (dù có “tưởng tượng” thì đói vẫn là đói). Bà đang nằm ngủ bên cạnh. Tôi lay bà: “Bà ơi, cháu đói thật”
Lần này, bà đáp: “Là mơ thôi.”
Vì còn chui trong chăn, tôi nhất thời tưởng mình đang mơ thật. Nhưng cơn đói cùng cái lạnh vẫn khiến nước mắt trào ra.
Bà tôi luôn là người lạc quan. Không phải ngày nào cảnh này cũng diễn ra nhưng quả thực, mùa đông lạnh lẽo thường ít nhiều khiến tâm trạng con người chùng xuống.
*
Một ngày nọ. Tối hôm ấy lạnh hơn hẳn bình thường nhưng không hiểu sao trông bà vui lắm.
“Có chuyện gì thế ạ?” Tôi hỏi.
“Từ hôm nay nhà mình sẽ có túi chườm, tha hồ ấm” Bà tươi cười cầm ấm nước nóng đổ vào chiếc túi chườm hình ô van màu bạc đã cũ. Không biết bà nhặt ở đâu về hay mới lôi từ đầu ra. Tôi bán tín bán nghi:
“Mỗi cái này liệu có đủ ấm không bà?”
Thế nhưng, chỉ cần lấy chăn cuộn lại rồi đặt dưới chân là ấm ngay. Trong chăn ấm chẳng khác thiên đường, tôi đánh một giấc say sưa.
Từ đó trở đi, tôi trở thành “kẻ sùng đạo túi chườm”, tối nào cũng háo hức chờ bà đổ nước nóng vào cho. Chiếc túi chườm đã mang lại hạnh phúc cho căn nhà lạnh lẽo của chúng tôi.
Một tối nọ, nhà tôi có bà hàng xóm sang sang chơi.
Vẫn như mọi ngày, chưa tới tám giờ nhưng bà cháu tôi đã cuộn tròn trong chăn. Đương nhiên là cùng với chiếc túi chườm ấm áp dưới chân. Tuy nhiên, bà không hề khó chịu chút nào, niềm nở mời bà hàng xóm vào nhà.
“Nhà tôi được cho ít dưa muối nên mang sang cho chị” Bà hàng xóm đưa cho bà một bịch dưa.
“Chị vào uống nước rồi hẵng về” Bà tôi nhận lấy.
“Muộn thế này còn làm phiền chị, thật ngại quá” Nói thì nói vậy nhưng bà hàng xóm vẫn vào nhà.
Vấn đề là sau đó.
“Vừa may có cái này” Bà lôi chiếc túi chườm trong chăn ra, mở nắp rót nước nóng vào ấm trà!
Đương nhiên, bà hàng xóm không hề động tay tới chén trà! Bà tôi hể hả: “Chị uống đi, đừng ngại. Đúng là lúc nãy bà cháu tôi có gác chân lên, nhưng không ảnh hưởng gì tới nước trong túi đâu?
Dĩ nhiên lúc ấy tôi hoàn toàn đồng cảm với bà hàng xóm. Nhưng chỉ vài ngày sau, sự đồng cảm đó đã bay đi đâu mất. Buổi sáng ngày dã ngoại tôi mong ngóng đã tới.
“Nhà mình không có bình nước hả bà?”
Nghe tôi hỏi, bà không chần chừ trả lời ngay: “Cháu bỏ trà vào túi chườm mà mang đi”
“Túi chườm á?” Tôi nghĩ trong bụng, nhưng thà có còn hơn không. Thế là tôi nhờ bà bỏ trà vào rồi xách túi đi.
Nhưng nói gì thì nói, đó vẫn là một chiếc túi chườm. Thấy tôi lấy dây chằng túi sau lưng, không chỉ bạn bè mà người đi đường ai nấy đều dán mắt nhìn.
Cả ngày hôm đó, tôi xấu hổ vô cùng. Nhưng chuyện xảy ra trên đường về đã khiến mọi chuyện đảo lộn hoàn toàn.
Chạy nhảy, đùa nghịch chán chê lại đi bộ suốt quãng đường dài khiến bọn tôi khát khô cả cổ. Nước đựng trong những bình nhỏ đều cạn sạch, riêng túi chườm của tôi vẫn còn tới hai phần ba. “Tokunaga, cậu vẫn còn trà à?”
“Cho tớ với!”
Thế là cả lũ xúm lại quanh tôi. Cho tụi nó uống tôi càng đỡ phải vác nặng nên chẳng có lý do gì mà từ chối.
“Được được”, tôi hào phóng chia cho mọi người.
“Cảm ơn cậu”, có đứa còn cho tôi kẹo để cảm ơn.
Ngày thường con nhà người ta đi học về mà hỏi “Con về rồi. Có gì ăn không ạ?” thế nào cũng có bánh gạo hoặc manju, riêng nhà tôi thì câu trả lời là: “Hồng nhà bà Tanaka chín vừa ăn rồi đấy” mà thôi.
Không ngờ, nước trà đựng trong túi chườm hôm ấy lại giúp tôi đổi được kẹo ăn, chẳng khác nào “triệu phú cọng rơm”. Tất cả là nhờ ý tưởng vượt ra ngoài định nghĩa thông thường: “túi chườm là dụng cụ để sưởi ấm chân” của bà tôi.
CHƯƠNG 7 TIỀN TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG!?
Lên lớp bốn là lúc tôi bắt đầu “giác ngộ”. Đó là thời điểm tôi bắt đầu để ý tới chuyện tiền bạc - điều trước giờ tôi chẳng mảy may bận tâm một chút nào.
Trên đường đi học về chỉ có duy nhất một hàng kẹo. Bên trong quả cầu trong suốt bày đủ lại kẹo viên sặc sỡ đủ cỡ to nhỏ và cả kẹo trứng chim. Tôi nhớ 1 yên mua được một viên kẹo nhỏ hoặc hai viên kẹo trứng chim.
Chỉ những đứa nhà dư giả mới có thể la cà trong đó. “Tớ vào đây chút”
"Bai bai~!
Tôi vẫy tay, nhìn cậu bạn cùng lớp biến mất sau cánh cửa hàng kẹo, lòng không khỏi ghen tị. Quả lát ruối cũng ngon, nhưng thi thoảng tôi cũng muốn được nếm thử một viên kẹo, một que kem hay thạch tokoroten lắm chứ.
Có điều, tôi làm gì có tiền mà mua. Thế là tôi hỏi đứa vừa mua kẹo: “Vị thế nào?”
“...” Không trả lời được, chắc chắn nó sẽ cho tối ăn thử. Và đa phần những lúc như thế, chúng sẽ đòi lại ngay khi thấy tôi mút viên kẹo mãi không chịu bỏ.
“Trả đây!”
Tôi đành trả nó, nhưng một lúc sau lại hỏi: “Vị thế nào?” “Lúc nãy cậu ăn rồi còn gì”
“Tớ quên rồi”
“Cho cậu ngậm mười giây thôi đấy”
Rõ ràng tôi không quên, nhưng lũ trẻ nhà quê ngây ngô thế đấy. Tuy khó chịu ra mặt, chúng vẫn cho tôi ngậm lần nữa.
“Một~, hai~, ba~, bốn~... mười.”
Hết mười giây, tôi trả kẹo cho nó. Nhưng một lúc sau, chỉ cần tôi hỏi “Vị thế nào?”, nó sẽ lại nhà cho tôi.
Cứ thế, dần dần cuộc hội thoại đã trở thành màn ngậm kẹo luân phiên.
“Một~, hai~, ba~, bốn~... mười.”
Khi nó đếm đến mười, tôi sẽ nhả kẹo ra, đưa trả nó và bắt đầu đếm”
“Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười!” Tới lượt viên kẹo lại chui tọt sang miệng tôi. “Một, hai , ba, bốn ... mười”
“Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười!” “Một~, hai~, ba~, bốn~... mười.”
“Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười!” Nó thường đếm rất thong thả, tôi lại chỉ liến thoắng cho nhanh. Quả nhiên, nó đã nhận ra nên bắt đầu càu nhàu:
“Cậu đếm nhanh thế”
“Làm gì có. Đây nhé. “Một~, hai~, ba~, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười”
“Rõ ràng nhanh còn gì”
“Cậu tưởng tượng thôi, tưởng tượng thôi.” Lần nào cũng vậy. Có lúc, tôi nảy ra một ý. Tôi đã nghĩ ra cách mua kẹo bằng tiền của mình.
“Đi mua kẹo không?” Tôi rủ đám bạn cùng lớp.
“Đi thì đi, nhưng tụi mình làm gì có tiền” “Cứ để tớ lo!” “Cậu định làm thế nào?”
“Nhặt”
“Ai làm rơi cho mà nhặt?”
“Không phải nhặt tiền. Mà nhặt thứ đổi được tiền.”
Tôi tự tin nói, dặn đám bạn chủ nhật này sẽ gặp nhau ở đền. Đến chủ nhật, khoảng năm, sáu đứa lớp tôi có mặt. Rặt những đứa không có tiền tiêu vặt giống tôi.
“Tất cả nghe đây. Chúng ta sẽ đeo cái này vào rồi đi bộ” “Cái này... là cái gì?”
Trước ánh mắt ngờ vực của đám bạn tôi đưa cho mỗi đứa một cục nam châm và một sợi dây.
Đúng, tôi đã học lỏm cách của bà.
Quèn quẹt, quèn quẹt, quèn quẹt, quèn quẹt...
Cả đám bắt đầu kéo nam châm thử đi ngày. Có đi mới biết không ngờ dọc đường lại rơi nhiều định gỉ thế.
Quèn quẹt, quèn quẹt, quèn quẹt, quèn quẹt.
Kéo nam châm quèn quẹt một lúc thì phịch, phịch, cả đám nghe tiếng có thứ gì rơi xuống. Ngửa cổ nhìn, chúng tôi thấy mấy chú thợ đang sửa gì đó trên cột điện.
Thứ rơi xuống chính là dây đồng.
“Chú ơi, cho cháu cái này được không?”
“Ừ, lấy đi” Tôi hỏi thử thì mấy chú cho luôn. Buổi chiều. Chúng tôi đem bán toàn bộ chiến lợi phẩm thu hoạch được cho hàng ve chai. Kết quả, mỗi đứa kiếm được 10 yên.
Cầm tiền trong tay, đương nhiên tôi chạy ù tới hàng kẹo. Mua miếng thạch tokoroten thời đó chỉ tốn 5 yên, nên với 10 yên trong tay, chúng tôi đã có thể tha hồ “mua sắm”. Đặc biệt, những que kem, miếng thạch cả đám chia nhau sau một ngày lao động vất vả thật sự ngon nhất trần đời.
Và không cần nói cũng biết, chẳng bao lâu, phong trào “kéo nam châm” đã trở thành thói quen của đám con nhà nghèo tụi tôi. Tuy nhiên, có một thứ tôi muốn mua hơn cả kẹo.
Đó chính là hộp sáp màu.
Hồi ấy, đứa nào trong lớp cũng có một hộp sáp mười hai màu - ngoại trừ tôi. Vì vậy, cứ đến giờ mỹ thuật, tôi lại phải mượn sáp để vẽ tranh. Hết mượn Tanaka màu trắng để tô mấy cái, tôi lại quay sang mượn Yamazaki màu đỏ.
*
Do thời đó còn thiếu thốn, đứa nào cũng dùng đồ hết sức cẩn thận. Nên dù cho tôi mượn, không bao giờ chúng quên dặn “Không được tô nhiều đâu đấy” hoặc “Tô một tí thôi nha”
Thế là tôi chỉ dám mượn đứa này một chút, mượn đứa kia một tẹo. Thành thử tranh vẽ ra lúc nào cũng kiểu mi trái màu đỏ, mi phải màu đen.
Bức chân dung mẹ xấu tệ, đến mức tôi chẳng dám gửi về Hiroshima.
Một hôm, tôi cùng cậu em họ (con dì Kisako, hơn tôi bốn tuổi) đang ngồi trên bè xuôi theo con hào bao quanh thành Saga. Đột nhiên, bè bị mắc kẹt vào cái gì đó. Cực chẳng đã, hai thẳng phải nhảy xuống hào kéo bè ra.
Sượt!
Khó chịu quá. Hình như tôi vừa dẫm trúng cái gì trơn trơn thì phải.
“Có cái gì ấy. Tôi nói, vục tay xuống đáy nước, vớt thứ dưới chân lên.
“Gì đây? Rùa gì mà kì cục”
Tôi vừa dứt lời thì cậu em họ gào thét như điên.
“Ba ba đấy!”
“Ba ba?”
“Akihiro, con này mang ra hàng cá bán được bộn tiền!” Thế là hai thằng nhìn nhau tủm tỉm, cùng nhau ôm khư khư con ba ba về nhà, bỏ vào xô, hớn hở xách tới hàng cá.
May mắn làm sao, họ mua lại con ba ba với giá tám trăm bốn mươi yên. Chúng tôi chia nhau, mỗi thằng dắt túi những bốn trăm hai mươi yên.
Có tiền, tôi chạy như bay đến hàng văn phòng phẩm. “Bác ơi, có hộp sáp màu nào giá bốn trăm hai mươi yên không?” “Có loại hai tư màu, ba trăm tám mươi yên”
“Cho cháu loại đó!”
Về nhà, tôi nhẹ nhàng mở nắp. Bên trong đầy những thỏi sáp màu tôi chưa từng thấy bao giờ. Đặc biệt, còn có cả màu vàng, màu bạc mới hay chứ. Miệng tôi cười ngoác cả ra, mãi không ngậm được.
Hôm sau không có tiết mỹ thuật nhưng tôi vẫn mang hộp sáp màu dài thoòng lên lớp. Tiết đầu là tiết tiếng Nhật. Tôi mặc kệ, chễm chệ đặt hộp màu lên bàn.
“Cái gì thế, Tokunaga?”
Khi thầy hỏi, tôi không trả lời “Hộp sáp màu” mà nói “Hai tư màu ạ” rồi mở nắp hộp cho thấy xem.
“Ồ, tuyệt thật.” Thầy khen.
Đám bạn xung quanh không đứa nào có hộp hai tư màu nên cũng len lén nhìn trộm rồi buông tiếng thở dài. Suốt một dạo sau đó, bất kể nắng mưa gió bão, tiết toán hay tiết xã hội, ngày nào tôi cũng mang hộp màu theo tiết nào cũng đặt chễm chệ trên bàn.
Giờ mỹ thuật, ai mượn màu vàng, màu bạc tôi cũng cho mượn hết.
Vui thì vui thật đấy, nhưng bức chân dung mẹ tôi vẫn không khá lên tẹo nào.
Hóa ra, tôi vẽ xấu đâu phải vì không có hộp màu.
CHƯƠNG 8 MẸ VÀ NHỮNG CẦU THỦ BÓNG CHÀY NHÍ
Lên lớp năm, tôi và đám bạn cùng lớp lập một đội bóng chày. Thời đó, hầu hết thằng con trai nào cũng là fan bóng chày, nhưng tôi thích bóng chày còn vì một lý do khác nữa. Dịp nghỉ hè hàng năm tôi đều về Hiroshima thăm mẹ. Mỗi lần như thế, nhất định mẹ sẽ dắt tôi đến sân bóng chày của thành phố xem các cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu.
“Hồi nghỉ hè tớ được mẹ đưa đi xem đấu bóng chày “Thật à?”
“Xạo!”
Hồi đó, xem bóng chày còn là việc xa xỉ. Thằng nghèo rớt mồng tơi như tôi đời nào đi xem được. Vậy nên đứa nào cũng nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ.
Lúc đó, tôi sẽ đặt cuống vé “Ngày ... tháng Hiroshima vs Giants” lên bàn (tôi đã giữ lại cuống vé vì lường trước chuyện này). “Oa~ Là thật”
“Thích thế”
Nhìn thấy chiếc cuống vé, đứa nào đứa nấy đều hối lỗi cười hề hề như thể vừa trông thấy kim bài của Mito Komon12. Vì lẽ đó, môn bóng chày trở thành biểu tượng hạnh phúc của tôi. Thêm nữa, tự mình nói ra thì không hay ho gì nhưng thật sự tôi lại là đứa thần kinh vận động tốt, bằng chứng là tôi chạy rất nhanh. Thế là, chẳng mấy chốc tôi đã từ một fan bóng chày trở thành cầu thủ nhí.
Sau khi tan trường hay ngày chủ nhật, hễ không phải đi học là tôi chơi bóng chày.
Vậy là lần này, tôi đã được chơi một môn thể thao đúng nghĩa.
Muốn chơi bóng chày cần có gây và găng tay, nhưng không phải ai trên sân cũng cần. Kể cả khi thi đấu, có chín chiếc găng cho hai đội thì quá tốt, còn không chỉ cần năm chiếc là đủ.
Bởi chúng tôi chơi bằng bóng cao su nên ngoại trừ cầu thủ ném bóng, bắt bóng và chốt gôn một, những người còn lại dùng tay không cũng được.
Đương nhiên, vì không có gôn đàng hoàng nên bọn tôi thường nhổ bật một đám cỏ lên rồi tự quy định đó là “gôn”. Ấy thế mà đội tôi khá mạnh, thường xuyên thi đấu với các anh khối sáu và nhận lời thách đấu của các đội trường bên.
Một ngày nọ, rắc rối ập tới. Một thằng nhóc tên Ikezawa tìm tới xin vào đội.
“Tớ cũng muốn chơi bóng chày”
“Được.”
Ai muốn vào đội bọn tôi đều chấp nhận hết, cũng chưa từng gặp rắc rối vì việc đó bao giờ.
Nhưng ngay buổi tập đầu tiên, Ikezawa đã khiến cả đám rụng rời. Nội cây gậy và chiếc găng bóng loáng của cậu ta cũng đủ để bọn tôi xuýt xoa ghen tị rồi. Thế mà cậu ta còn nói:
“Tớ muốn bắt bóng”
Đoạn, Ikezawa tiếp tục lôi từ trong chiếc túi thể thao bóng loáng ra một chiếc găng tay chuyên dụng cho cầu thủ bắt bóng và chiếc mặt nạ bảo hộ mới cáu cạnh luôn.
Chưa hết.
“Đây, cái này cả đội dùng chung”
Cậu ta chuẩn bị cả “gôn” đàng hoàng.
Gia đình Ikezawa sở hữu một cửa hàng bánh kẹo lâu đời. Cậu ta lại là cháu đích tôn nên được chiều hết cỡ. Chắc hẳn khi thấy cậu con cưng nói muốn chơi bóng chày, bố mẹ Ikezawa đã không tiếc tiền đầu tư cho cậu toàn đồ xịn.
Chơi bóng chày vốn không cần dụng cụ, nhưng có thì cũng tốt, trông vừa sạch lại vừa chuyên nghiệp.
Từ ngày Ikezawa vào đội, số đội đăng ký xin đấu với đội tôi ngày càng tăng. Vấn đề là, muốn dùng đồ đó, bọn tôi phải cho Ikezawa thi đấu.
Mà trình độ của Ikezawa thì í ẹ đến khó tin.
Không cho cậu ta ra sân thì không được dùng đồ. Mà cho thì lần nào cũng thua.
Vậy nên, lần nào Ikezawa vắng mặt, cuộc tranh luận của cả đám cũng diễn ra theo kiểu thế này:
“Trận sau tính sao đây?”
“Cho Ikezawa ra sân thì thua đầu nước...”
“Thế định chơi không cần gôn à?”
“Không ổn không ổn. Đội kia cũng mong mỗi cái đó...” Ngoài ra, bọn tôi còn rất hâm mộ các cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp.
Có một lần, trận mở màn giữa đội Hiroshima Carp và Nishitetsu Lions diễn ra tại sân Saga.
Cả đội Hiroshima Carp đều trọ ở một lữ quán cũ gần nhà tôi. Nhiều người tò mò, muốn nhìn cầu thủ tận mắt nên tập trung quanh lữ quán rất đông. Nhưng đợi mãi chẳng thấy ai ra. Chán nản, một người, rồi hai người lần lượt bỏ về. Chẳng mấy chốc, khi trời đã tối om thì còn lại mỗi mình tôi.
Khỏi phải nói, phần vì tôi ngưỡng mộ họ, nhưng một phần khác đặc biệt hơn là vì họ đến từ Hiroshima - nơi mẹ tôi đang sống. Cuối cùng, sau khi ăn tối xong, từng tốp từng tốp cầu thủ bắt đầu túa ra ngoài. Tôi co giò phóng theo một trong số họ. “Chú ơi, chú ơi cho cháu hỏi...”
“Gì thế nhóc?”
“Mẹ cháu... mẹ cháu ở Hiroshima, tên là Tokunaga. Chú đã bao giờ gặp mẹ cháu chưa?”
Giờ nghĩ lại quả là một câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng trong đầu thằng nhóc tối ngày đó, nhắc đến Hiroshima là nhắc đến mẹ. Thậm chí tôi còn nghĩ, tất cả những người sống ở Hiroshima chắc chắn đều có liên hệ gì đó với mẹ mình.
Nhưng cầu thủ đó không hề chế nhạo tôi mà tủm tỉm đáp lại: “Ừm... Chắc là chưa. Thế cháu ở đây làm gì?”
“Mẹ cháu bận việc... nên gửi cháu về đây ở với bà”
“Ồ, thế hả. Chờ chú một chút” Nói rồi người đó quay lại lữ quán, lát sau cầm bọc gì đó trở ra.
“Tặng cháu. Sau này gặp mẹ nhắn là chú hỏi thăm nhé” Nói xong, chú ấy đưa bọc đó cho tôi, vẫy tay chào rồi đi khuất. Tôi mở bọc xem thử. Hóa ra là một bịch đậu phộng.
Tôi nhón một viên đậu phộng phủ đường thảy vào miệng, tận hưởng hương thơm cùng vị ngọt đang dần lan tỏa.
Chú ấy chưa gặp mẹ tôi bao giờ, thậm chí có gặp cũng chẳng biết là ai, vậy mà vẫn tươi cười nhờ tôi hỏi thăm mẹ. Lòng tốt của chú càng khiến tôi trở thành fan của Hiroshima Carp. Giờ nghĩ lại, tôi nghĩ ngày đó mình đã gặp cầu thủ Koba13.
CHƯƠNG 9 BÀ VÀ MẸ
Từ ngày chuyển tới Saga, mỗi năm tôi chỉ được gặp mẹ một lần vào dịp nghỉ hè. Cả ngày hội thao lẫn ngày phụ huynh dự giờ, mẹ đều bận việc, không đến dự được.
Một ngày nọ, khi kì nghỉ đông đã gần kề, tôi chợt nảy ra một ý. Trường tôi ngoài nghỉ hè còn có nghỉ đông và nghỉ xuân. Vậy thì, tại sao tôi không về thăm mẹ giống như đợt nghỉ hè? Vô cùng đắc ý về ý tưởng tuyệt vời của bản thân, tôi vội vàng kể ngay với bà.
“Bà ơi, nghỉ đông cháu cũng muốn về Hiroshima.”
“Không được.”
“Tại sao ạ?”
“Mùa đông tàu có chạy đâu.”
Ban nãy hào hứng bao nhiêu thì giờ tôi thất vọng bấy nhiêu. Nhưng tôi vẫn chưa hết hy vọng!
“Vậy cháu sẽ đợi tới nghỉ xuân”
“Cũng không được.”
“Lại sao nữa ạ?”
“Mùa xuân bác lái tàu bận việc rồi”
“Thế ạ?
Hóa ra việc tôi chỉ được về Hiroshima vào dịp nghỉ hè là có lý do. Đành bỏ cuộc vậy, tôi tự nhủ.
Nhưng mong muốn trở về Hiroshima vào mùa đông sắp tới mãi không thể nguôi ngoai. Thế là tôi rủ một cậu bạn cùng lớp chạy tới đường tàu, định bụng chỉ cần nhìn đường ray hướng về Hiroshima thôi cũng được.
“Cứ đi theo đường ray này sẽ tới Hiroshima.”
“Thật á? Cuối đường ray này là Hiroshima ư?"
Bạn tôi có vẻ tin, dõi mắt theo đường ray kéo dài tít tắp. Rập, rầm rập, rập, rầm rập...
Đúng lúc ấy, một đoàn tàu từ xa tiến lại.
“Á, tàu đến. Chạy mau!”
Thế này thì lại là chuyện khác. Hai thằng hớt hải chạy về nhà. “Bà ơi, tàu vẫn chạy! Chắc nghỉ đông năm nay khác rồi!” “Làm gì có chuyện”
“Cháu vừa thấy xong!”
“À! Tàu chở hàng đấy
“Ứ phải! Lúc cháu vẫy tay, họ còn vẫy lại mà” “Tay? Chắc là gia súc đấy”
Tuy phải chật vật lắm mới đánh lừa được tôi, nhưng lần nào bà cũng nhanh trí ứng biến trót lọt.
Rốt cuộc vẫn là mỗi năm tôi chỉ được gặp mẹ một lần. Hai mẹ con chủ yếu viết thư qua lại.
“Con cần cái này, mẹ gửi cho con nhé” Lần nào tôi gửi thư như thế cũng chỉ được đáp ứng một nửa. Nửa còn lại dĩ nhiên là không. Mỗi lần như thế, tôi lại thêm thấm thía nỗi vất vả cũng như tình thương mẹ dành cho mình.
Mẹ thường gửi mỗi lần hai lá thư: một cho bà, một cho tôi. Lần đó, mẹ cũng gửi hai lá thư. Hai bà cháu tôi đang ngồi ngoài phòng khách đọc thư thì:
“Có ai ở nhà không?”
“Vâng vâng, tôi đây. Ai đấy?”
Nghe tiếng người gọi, bà liền ra ngoài.
Lá thư còn mở đặt trên bàn. Không cố tình đọc trộm nhưng tôi vẫn bất giác liếc nhìn.
Đầu thư, mẹ viết: “Mẹ ơi, Akihiro có khỏe không?”
Vui quá, mẹ hỏi thăm mình trước tiên. Tôi sung sướng lướt mắt đọc tiếp. Tuy nhiên, những dòng tiếp theo toàn nói về sự khó khăn của mẹ:
“... Trước giờ mỗi tháng con gửi năm ngàn, nhưng tháng này chỉ gửi được hai ngàn thôi. Mẹ thông cảm cho con”
Lúc bà quay lại, tôi vẫn ngồi một chỗ, mặt vờ như không có chuyện gì nhưng tâm trí rối bời, không biết làm sao cho phải. Bình thường bà cháu tôi đã nghèo rớt mồng tơi, tháng này mẹ lại chỉ gửi có hai ngàn.
Không thể bình chân như vại được.
Nghĩ vậy, tôi quyết định phải ăn ít cơm thôi. Tối đó, mâm cơm vẫn đạm bạc như mọi khi, chỉ có mỗi dưa muối cùng rau củ hầm. Vốn ít thức ăn nên bình thường lúc nào tôi cũng ăn đầy một bụng cơm. Trong nháy mắt, bát cơm đã hết veo.
“Cho cháu xin bát nữa!”
Mọi ngày tôi sẽ nói vậy, nhưng hôm nay lại tự động buông bát đũa xuống bàn. Đang chờ sẵn để chuẩn bị xới thêm cơm cho tôi, bà lấy làm lạ lắm.
“Cháu sao thế?”
“Cháu không sao. Hôm nay cháu đủ rồi”
“Tại sao?”
“Cháu ốm à?”
“Không ạ? “Sao không ăn thêm bát nữa?”
“Cháu đủ rồi.”
Nhìn tôi gục đầu buồn bã, có lẽ bà đã nhận ra. “Cháu đọc thư rồi à?”
“Vâng...”
Khuôn mặt bà lúc ấy đến tận bây giờ vẫn in sâu trong ký ức tôi. Khuôn mặt hồ như tức giận, hồ như buồn bã... thật không biết tả thế nào.
Tôi lao ra khỏi nhà. Chạy tới bờ đê, bao nhiêu nước mắt lúc nãy cố ghìm lại xối xả tuôn ra.
Cảm giác vừa bực bội, vừa tiếc nuối khôn cùng.
Không muốn giáp mặt bà lúc này, tôi cứ thế lững thững đi dọc bờ đê, đợi trời tối mới len lén về phòng. Vừa bước vào, tôi đã thấy ngay một chiếc khay phủ khăn đặt cạnh nệm. Tôi mở khăn. Một nắm cơm to đặt ngay ngắn trên đĩa.
Bên cạnh còn có lời nhắn của bà: “Ít nhất cháu cũng phải ăn cơm đã”
Tôi nén nước mắt cắm cúi ăn cơm thì nghe tiếng của xạch mở. “Cháu về rồi à?”
“Dạ.
Bà không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ nhìn tôi ăn. Vốn là một người rắn rỏi, bà không dễ rơi nước mắt. Nhưng lúc ấy, tôi thấy khóe mắt bà cũng rưng rưng.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của bà - người bà thường ngày vẫn hào sảng tự hào rằng “nhà mình nghèo truyền kiếp”.
Bà xuất thân từ nhà Mochinaga. Mochinaga là gia đình vốn nhiều đời làm nhũ mẫu cho gia tộc Nabeshima - gia tộc đứng đầu phiên Nabeshima14 đồng thời là chủ nhân thành Saga.
Nói vậy để thấy, bà tôi vốn là người cốt cách cao quý. Không rõ cụ thể thế nào, nhưng lớn lên, bà lấy ông tôi - lúc đó là chủ một cửa hàng xe đạp.
Xe đạp thời đó là xa xỉ phẩm, nên ông chủ cửa hàng xe đạp cũng được coi là tầng lớp tinh hoa trong thị trấn. Hôn lễ môn đăng hộ đối giữa tiểu thư nhà Mochinaga với một người thuộc tầng lớp tinh hoa.
Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang.
Ông qua đời ở tuổi năm mươi, bỏ lại bà khi ấy mới bốn mươi hai tuổi. Từ đó, bà đi làm lao công, một tay nuôi dạy bảy người con. Khó khăn chồng chất khó khăn, rốt cuộc, bà chẳng còn giữ lại được gì ngoại trừ một món.
Đó là chiếc rương có gắn gia huy15 bà mang theo khi về làm dâu.
Nếu xem các vở kịch, bộ phim cổ trang hẳn bạn sẽ thấy cảnh khi tiểu thư, công chúa lên kiệu hoa, gia nhân sẽ khiêng theo một chiếc rương như vậy. Chiếc rương này bà được phiên Nabeshima ban cho từ xưa nên cổ lắm rồi, tuy không còn tay đòn nhưng vẫn là một chiếc rương to, đẹp và chắc chắn. Bên trong có một bộ kimono đẹp như dành cho công chúa. Bà coi nó như báu vật, thi thoảng vẫn lau dọn cho khỏi mối mọt.
Tuy nhiên, bà tôi cũng có một thói quen kì lạ. Đẹp thế nào thì đẹp cũng chỉ là một cái rương không thể coi là an toàn nhưng bà vẫn cất tiền hoặc những món đồ quý vào trong.
Đặc biệt là một thứ tôi không tài nào hiểu nổi: một chai bia đãi khách.
“Bác vào uống cốc bia rồi hẵng về”
Lần đầu tiên thấy bà mời khách kiểu đó rồi nhanh tay mở cái rương gắn gia huy đánh cạch, tôi đã á khẩu.
Tuy bản thân không uống bia nhưng hễ nhà có khách là bất kể ngày đêm, lúc nào bà cũng lấy bia ra đãi. Có lẽ đối với bà, bia cũng là một món đồ quý, mà đồ quý thì phải cất trong rương cũng nên. *
Đó là về phần bà. Tiếp theo, tôi sẽ kể về mẹ tôi.
Chuyện ba mẹ phải sinh ly tử biệt tôi đã kể ở chương đầu. Tuy nhiên, vì là con gái của bà, mẹ tôi cũng là một phụ nữ có cốt cách. Năm tôi lên lớp năm, mẹ bỏ quán rượu, vào làm ở một nhà hàng Trung Hoa có tiếng Hiroshima, sau đó còn lên tới chức quản lý. Một phần vì công việc mà mẹ luôn chăm chút cho ăn mặc nên thu hút không ít ánh mắt của khách hàng.
Mùa xuân năm tôi lớp năm hay lớp sáu gì đó, có lần, mẹ đến Saga chơi vài ngày.
Tuy nghỉ hè tôi được về Hiroshima nhưng mẹ còn phải đi làm nên tôi không thể ở cạnh mẹ cả ngày. Riêng lần này, mẹ đã nghỉ việc xuống Saga với tôi. Tôi được thể ở bên mẹ suốt, chỉ trừ lúc đi học.
Thú thực tôi còn muốn nghỉ học nữa kìa nhưng không được. Vậy là tôi đành nấn ná ở nhà đến sát giờ mới đi, và vừa tan học là ù té chạy về ngay.
Nhưng tôi không về một mình.
“Nhà tớ có mẹ. Ghê chưa?” Tôi huênh hoang, kéo một lô một lốc bạn về cùng.
Có thể bạn sẽ nghĩ nhà ai mà chẳng có mẹ, nhưng với tôi, đó là niềm vui tôi rất muốn khoe. Hơn hết, gặp mẹ tôi xong, đứa nào
cũng tấm tắc:
“Mẹ cậu đẹp thật”
Thế là tôi càng huênh hoang tợn.
“Con chào mẹ”
“Akihiro về đấy à?
“Mẹ ơi, có bạn con nè!”
“Chào các cháu. Cô có mang bánh manju từ Hiroshima xuống đấy. Mấy đứa ăn thử nhé?
Nhận hộp bánh manju lá phong từ tay người mẹ xinh đẹp đang tươi cười, tôi đắc ý chia lại cho đám bạn.
Cả lũ hết nhìn mẹ xinh đẹp tới từ thành phố Hiroshima lại nhìn chiếc bánh nhân đậu đỏ hình lá phong (hồi đó chưa nổi tiếng lắm) mà mắt tròn mắt dẹt.
Chẳng mấy chốc đã sắp tới ngày chia tay. Trước ngày mẹ về, chúng tôi rủ mấy người họ hàng cùng đi ngắm anh đào. Kết cục, người này rủ thêm người kia, còn kéo theo cả hàng xóm đi cùng, tổng cộng lên tới ba, bốn chục người. Trong buổi tiệc linh đình diễn ra dưới những tán anh đào nở rộ, vì không có dàn karaoke nên mẹ tôi bắt đầu cất giọng hát.
Không ngờ, những tràng pháo tay tán thưởng vang lên không ngớt.
Quá đỗi hào hứng, dì tôi còn về nhà mang cây shamisen tới. Vậy là bà ngồi gảy shamisen cho mẹ tôi hát, khiến các đoàn khách ngắm hoa khác cũng phải sán tới xem.
Không khí náo nhiệt khiến đoàn chúng tôi càng lúc càng nổi bật, có người còn đến gần tôi bắt chuyện: “Kia là mẹ cháu à?” “Dạ.”
“Thế hả. Giọng hay quá. Đây, cho cháu”
Thật kinh ngạc, người đó vừa dúi vào tay tôi một đồng năm mươi yên.
Có thể gọi đó là “tiền bo”.
Chắc vì không phải sân khấu nên họ ngại, không muốn ném tiền vào.
Biết tôi là con của mẹ, lần lượt những người khác cũng bo cho tôi người thì năm mươi, người thì một trăm yên.
“Thêm một bài nữa đi!” Có người còn mang rượu, bia tới yêu cầu.
Bà và mẹ càng thêm cao hứng, biểu diễn hết bài này tới bài khác.
“Mẹ cháu hát hay lắm”
Bà nhìn mẹ tôi trìu mến. Dù không uống giọt rượu nào nhưng đôi má vẫn ửng hồng.
Có một người mẹ vừa xinh đẹp vừa hát hay khiến tôi phổng mũi, vừa vui lại vừa được cả tiền. Bởi vậy, với tôi, đó là một ngày xuân không thể nào quên.
*
Đêm đó, đến tận lúc chui vào chắn tôi vẫn còn chưa hết hí hửng. Nằm cạnh mẹ, tôi nói:
“Mẹ hát hay ghế”
“Cảm ơn con. Hồi tiểu học, mẹ và dì Kisako từng sang tận Mãn Châu đấy”
“Mãn Châu... ở Trung Quốc ấy ạ?”
“Ừ”
“Mẹ sang đấy làm gì?”
“Để hát dân ca cho những người lính Mãn Châu nghe” Oa đi tận nước ngoài lưu diễn! Lại còn từ hồi tiểu học! Mẹ giỏi thế?
“Nếu không lấy ba chắc mẹ sẽ làm ca sĩ” Tuy vừa nói vừa cười, nhưng có lẽ mẹ không có ý đùa.
Sau này, khi tôi trở thành diễn viên hài và tham gia chương trình “Tranh tài ca hát dành cho gia đình ngôi sao”, mẹ tôi tự hào lắm. Cả ba lần tham gia, lần nào bà cũng giành giải “Giọng ca vàng”
Giờ nghĩ lại, tuy mẹ không trở thành ca sĩ nhưng việc tôi theo nghiệp diễn hài có lẽ một phần là nhờ “máu nghệ sĩ” của mẹ cũng nên.
Nói thêm là, cả mẹ lẫn bà tôi đều thuộc hàng mĩ nhân. Anh hai tôi cũng rất ra dáng đàn ông. Chắc cả nhà chỉ mình tôi giống ba. Ngặt nỗi, tôi có nhớ ông trông thế nào đâu.
CHƯƠNG 10 ĐÔI GIÀY ĐINH GIÁ MƯỜI NGÀN YÊN
Lên cấp hai16, tôi không chút đắn đo gia nhập ngay câu lạc bộ bóng chày. Hầu hết các thành viên sát cánh cùng tôi từ hồi tiểu học cũng vậy.
Hồi đó, câu lạc bộ đã có mười lăm cầu thủ khối chín, mười lăm cầu thủ khối tám. Tuy mới học lớp bảy' nhưng nhờ đôi chân nhanh nhẹn, tôi đã được đặc cách lên ngay đội hình chính thức. Có thể gặt hái được thành quả này không thể không kể đến việc bà khuyến khích tôi “tập chạy”.
Ở đây, cả khối lượng lẫn chất lượng luyện tập đều hơn đứt hồi tiểu học. Tôi coi như đã chính thức “lên chuyên”, không còn thích tập thì tập, thích nghỉ thì nghỉ như xưa nữa.
Dần dà, niềm đam mê bóng chày của tôi ngày một lớn. Rồi một bước ngoặt xảy ra.
Bà tôi trước đây luôn giả bộ không quan tâm tôi đang làm gì đột nhiên thỉnh thoảng xuất hiện xem tôi tập luyện. Duy chỉ có một điều không đổi: chắc bà vẫn ngại vì không phải là mẹ tôi nên không bao giờ thể hiện quá nhiều.
Kể cả lúc đến xem thi đấu giao hữu bà cũng đứng ở chỗ khuất lặng lẽ dõi theo.
“Bà cậu đến kìa”
“Ừ, tớ biết rồi”
Mỗi lần được đồng đội thì thầm như vậy, vì bà ngại nên tôi cũng giả bộ như không thấy gì.
Nhưng có một hôm, tôi vừa về nhà thì:
“Hôm nay cháu đập được một cú nhỉ? Bà hào hứng.
Đó là ngày tôi đánh một cú home run giúp đội nhà lật ngược tình thế.
Dù biết thừa bà đã tới xem, tôi vẫn giả bộ: “Ơ? Sao bà biết?” A ha ha, bà bẽn lẽn cười.
Sau vài lần như thế, dần dần bà đã vào chính giữa khán đài để cổ vũ tôi.
“Akihiro, đập đi~!
Bình thường bà vốn đoan trang, nghiêm nghị là thế nhưng riêng lúc đó ra sức hò hét cuồng nhiệt. Vốn quen với việc không được ai trong nhà cổ vũ, tôi vừa vui lại vừa thấy có chút ngượng ngùng. *
Tôi được vào đội hình chính thức quả là chuyện vui nhưng cũng tốn kém của bà không ít. Khác với đội bóng tự phát thời tiểu học, ở đây tôi phải mua đồng phục và dụng cụ thi đấu.
Đồng phục bà thường mang ra sông giặt giúp tôi hàng ngày, nhưng tôi ngày càng cao lớn, một bộ thì không cách nào xoay sở được.
“Mai đội cháu phải đi chạy sớm”
Có vài lần, tôi nói dối bà như vậy để lén đi làm thêm ở khu chợ trung tâm từ ba giờ sáng. Thằng học sinh cấp hai như tôi chỉ làm được những việc tay chân như cửu vạn hay dọn dẹp. Tới tám, chín giờ sáng xong việc là mệt lử.
Đương nhiên là tôi bùng học về nhà ngủ, tới ba giờ chiều lại đi tập cùng đội. Vì bà và tôi ngủ phòng riêng nên chắc bà không biết. Tuy nhiên, cũng có thể tuy thấy đồng phục và dụng cụ bóng chày của tôi ngày một nhiều nhưng bà vẫn nhắm mắt làm ngơ.
Nói gì thì nói, bọn trẻ chúng tôi hồi đó cũng không ít đứa phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình.
“Dạo này không thấy Ashihara đâu nhỉ?” “A. Nghe nói nó giờ làm ở xưởng sắt ở nhà”
Những cuộc đối đáp kiểu này diễn ra như cơm bữa. Chẳng ai nghĩ đi làm thêm là thành lêu lổng như bây giờ đâu.
*
Kết thúc giải mùa hè năm tôi lớp tám, vì các thành viên lớp chín đều rút khỏi đội nên tôi nghiễm nhiên trở thành đội trưởng. Ngày nhận tin này, tôi vừa ăn tối vừa khoe với bà:
“Sắp tới cháu lên chức đội trưởng rồi”
Nghe thế, bà tôi đứng phắt dậy. Đoạn, bà vào trong mở chiếc rương, rút ra một tờ mười ngàn yên.
“Akihiro, phải mua cho cháu một đôi giày định” Nói xong, bà tất tả đi ngay.
Đó giờ tôi chưa từng có một đôi giày đinh, chỉ toàn đi giày thể thao.
Nhưng đồng hồ lúc ấy đã chỉ bảy giờ.
“Bà ơi, giờ này người ta đóng cửa hết rồi còn đâu? Tôi vội lao theo bà.
“Không được. Đội trưởng phải có giày đinh” Khoảng bảy rưỡi, khi hai bà cháu tới cửa hàng đồ thể thao duy nhất trong thị trấn cũng là lúc họ rục rịch đóng cửa.
Ông chủ đang cất mấy đôi giày và dép cỏ bày ngoài cửa vào trong. Nhưng bà mặc kệ, hét thật to:
“Cho tôi đôi giày đinh đắt nhất ở đây!” “Hả?”
“Cho tôi đôi giày đinh đắt nhất ở đây!”
Không phải cho tôi đôi giày màu gì, cỡ nào mà là “đôi giày đắt nhất”. Sau một thoáng sững sờ, có vẻ cuối cùng ông chủ đã hiểu ý bà.
“À, vâng vâng” Sau đó, ông ta vào trong, lấy ra một đôi giày đinh cao cấp.
“Đây ạ. Hai ngàn hai trăm năm mươi yên”
Như sợ ông chủ nhầm lẫn gì, bà chìa tờ mười ngàn nắm chặt trong tay, miệng khẩn khoản:
“Đôi nào mười ngàn ấy! Mười ngàn ấy!”
Ông chủ chỉ còn nước trợn mắt, bối rối đáp: “Không đến mức ấy đâu.”
Chắc lâu lắm mới có dịp dùng những mười ngàn yên nên bà hưng phấn và căng thẳng quá.
Tôi bỗng nhiên có một đôi giày đinh, lồng ngực phập phồng suốt vì sung sướng.
Quá đỗi hạnh phúc, tôi hết ngắm nghía lại vuốt ve, thậm chí lúc đi ngủ còn đặt nó bên cạnh.
Lúc đến trường, sau khi phủi bụi rồi thay giày uwabaki đi trong phòng, tôi xách đôi giày định vào lớp.
Tiết đầu là tiết toán. Nhưng tôi mặc kệ, chễm chệ đặt nó lên bàn.
“Tokunaga, có chuyện gì thế?”
“Có gì đâu, đồ mới ấy mà.” Thấy bạn hỏi, tôi đắc ý đáp lại, còn giữ đôi giày bóng loáng lên cho nó xem.
“Tokunaga, gì thế em?”
“Giày đinh mới ạ. Xịn không thầy?”
Thấy thầy hỏi, tôi cũng ưỡn ngực tự hào.
Sang hai tiết vật lý và lịch sử tiếp theo, tôi cũng đặt đôi giày ở nguyên vị trí, chờ nghe thầy cô hỏi.
Cảnh đó diễn ra liên tục hai, ba ngày liền.
Bởi đó là đôi giày đinh đầu tiên tôi có trong đời nên khỏi phải nói, tôi hạnh phúc cỡ nào. Thằng nghèo rớt như tôi trước đây chỉ có hộp sáp màu và bây giờ chỉ có đôi giày đinh này để khoe cùng chúng bạn.
Thời nay, có thể bóng đá là môn được yêu thích nhất, nhưng thời của tôi thì bóng chày mới là số một. Trong tỉnh, đội bóng chày trường trung học cơ sở Jonan chúng tôi là một đội mạnh, nên đội trưởng như tôi, nói không ngoa, nghiễm nhiên trở thành thần tượng của biết bao người.
Nữ sinh cùng khối rồi khối dưới, khối trên, thậm chí cả trường khác tới tấp tặng quà, gửi thư bày tỏ lòng hâm mộ với tôi. “Cậu đọc nhé”, một cô thẹn thùng dúi cho tôi một lá thư. “Cậu nhớ dùng lúc tập nhé”, một cô khác lại tặng tôi chiếc khăn mặt có thêu tên. Thậm chí khi tôi mở hộc tủ giày, bao nhiêu thư từ rớt ào xuống hệt như cảnh chỉ thấy trong truyện tranh.
Không phải tôi không vui khi được đám con gái hâm mộ như vậy, nhưng vì bận tập, quanh tôi không có lấy một bóng hồng. Đối với tôi, tình bạn của hội con trai với nhau vẫn đáng quý hơn những lời đường mật của họ.
Không biết chúng bạn có biết nhà tôi nghèo không, nhưng thằng nào cũng rất tử tế, còn cho tôi bao nhiêu thứ. Trong số đó có Nanri. Cậu là con trưởng một gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp. Một ngày nọ, Nanri hỏi tôi:
“Tokunaga, cậu thích ăn bánh nếp không?”
"""