" Ngài Cóc Đi Gặp Bác Sĩ Tâm Lý PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngài Cóc Đi Gặp Bác Sĩ Tâm Lý PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo LỜI MỞ ĐẦU Anh chàng Cóc, nhân vật nổi tiếng trong cuốn Gió qua rặng liễu của tác giả Kenneth Grahame, đang ở trong trạng thái chán nản và những người bạn tốt của anh ta là Chuột Nước, Chuột Chũi và bác Lửng đều “lo rằng nó sẽ làm điều gì đó dại dột”… Đầu tiên họ săn sóc anh chàng rồi động viên nó, tiếp đến họ nói rằng nó cần phải chỉnh đốn lại bản thân đi… Cuối cùng thì bác Lửng cũng chẳng thể nào mà đứng nhìn nó thêm được nữa, loài vật đáng khâm phục này vốn không có nhiều kiên nhẫn. Bác nghiêm nghị nói: “Chỉ còn lại duy nhất một phương án thôi, đó là cháu phải đi tham vấn tâm lý!” Lối kể chuyện hấp dẫn của Robert de Board về trải nghiệm đi tham vấn tâm lý của chàng Cóc sẽ thu hút trí tưởng tượng của lượng lớn độc giả đang quan tâm đến vấn đề về tham vấn tâm lý và quá trình tham vấn. Trong phần hậu truyện về cuộc sống ở bên bờ sông, Cóc và những người bạn của mình như đang sống lại thêm lần nữa. Ông Diệc, người tham vấn tâm lý, đã chọn ngôn ngữ và ý tưởng phân tích tương giao làm phương pháp tham vấn của mình. Nhờ những cuộc hội thoại trong mười chương hay mười phần của cuốn sách này, chàng Cóc đã hiểu được cách phân tích cảm xúc của bản thân và tự phát triển về mặt trí tuệ cảm xúc. Suốt quá trình ấy, chàng Cóc đã gặp lại “Đứa trẻ ngỗ nghịch” và “Người trưởng thành” đang ẩn sâu bên trong bản thân rồi đến cuối cuốn sách, như thường lệ, anh chàng lại hào hứng chuẩn bị cho một hành trình hoàn toàn mới. Khi dần hiểu hơn về chàng Cóc, độc giả cũng có thể thấu hiểu hơn chính bản thân mình, đồng thời được thôi thúc để bước lên trên con đường cải thiện và phát triển về mặt tâm lý. Robert de Board, tác giả của cuốn sách tham vấn tâm lý bán chạy nhất, đã nói: “Trải nghiệm của Cóc dựa trên chính quá trình làm công việc tham vấn tâm lý trong suốt hai mươi năm của tôi. Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý là sự góp nhặt từ nhiều buổi tham vấn mà tôi đã từng tổ chức và chứa đựng những chân lý được chắt lọc mà tôi đã rút ra từ trong thực tế.” Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý không chỉ là cuốn sách phù hợp với bất cứ ai quan tâm đến vấn đề tham vấn tâm lý như sinh viên, khách hàng hay thậm chí là những chuyên gia, mà còn thu hút cả người trưởng thành lẫn trẻ em ở mọi độ tuổi. Robert de Board là người tham vấn cho tổ chức có trụ sở tại thị trấn Henley-on-Thames và là Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Quản trị Henley. Ông cũng là tác giả của hai cuốn giáo trình bán chạy nhất: Kỹ năng tham vấn và Phân tâm học của các tổ chức. CHƯƠNG 1 “TÔI THẤY TÂM HỒN MÌNH BỊ TỔN THƯƠNG” Thời tiết đang dần khiến cho vạn vật bên bờ sông thay đổi. Có một điều gì đó chẳng lành mà từ trước đến nay chưa từng xuất hiện đang bao trùm lên bầu không khí nơi đây. Những đám mây đen u ám treo lơ lửng trên những cánh đồng như đang hăm dọa. Một vài con chim bay vô định giữa những hàng rào đang đua nhau hót, những tiếng hót mà dường như chúng cũng chẳng thể nào thuộc lời. Đến cả lũ vịt thường ngày hay tranh cãi rồi phân bua vì tự cho rằng mình bị hắt hủi và lăng mạ cũng nép vào sau đám lau sậy và phớt lờ mọi thứ trừ khi bị tấn công quá mức tàn bạo. Chỉ có dòng sông vẫn tiếp tục trôi, đen ngòm và ngoằn ngoèo, luôn thay đổi nhưng vẫn là chính nó; hình thành nên đường ranh giới giữa vài loài vật, tạo nên xa lộ cho một số loài khác cùng với một nguồn năng lượng và sức mạnh bị đè nén mà chỉ nguy hiểm nếu như bị phớt lờ. Trong tiết trời ngột ngạt này, Chuột Chũi quyết định đi ra ngoài. Thú thực thì cậu ta có chút bồn chồn, nếu không muốn nói là chán ngấy khi phải sống chung nhà cùng với Chuột Nước. Thế nhưng chỉ suy nghĩ về điều ấy thôi cũng đã đủ để khiến cậu ta cảm thấy có lỗi, bởi vì nếu không có Chuột Nước làm bạn, ai sẽ là người kéo cậu ra khỏi căn nhà buồn tẻ và giới thiệu cậu với những người bạn thú vị đây? Và hãy thử nghĩ đến tình bạn giữa họ và những chuyến phiêu lưu mà họ đã cùng nhau trải qua đi! Lênh đênh chèo thuyền trên sông, gặp bác Lửng, ăn chơi nhảy múa với Cóc và cùng trở thành những người hùng trong công cuộc giải cứu Lâu đài Cóc thoát khỏi những kẻ ở trong Rừng Hoang. Ấy thế mà, thế mà… Chuột Chũi thấy thật khó để diễn tả được chính xác cảm giác của mình, nhưng nó có liên quan đến bản thân cậu ta. Thực chất thì đúng là như vậy. Chuột Chũi cảm thấy rất hiếm khi được là chính mình, bởi vì cậu luôn phải nấp sau cái bóng của Chuột Nước. Khi họ chèo thuyền, Chuột Nước sẽ thường xuyên nhắc nhở rằng cậu đang làm sai rồi, như chuyện cậu chưa sải mái chèo đúng cách chẳng hạn. Khi họ thả neo, Chuột Nước sẽ kiểm tra lại dây buộc xem Chuột Chũi đã làm đúng cách và chắc chắn chưa, sau đó buộc thêm một vòng nữa cho đảm bảo. Nếu họ bị lạc, Chuột Nước sẽ luôn là người tìm được đường ra, cũng như khi anh ấy cứu Chuột Chũi trong cơn bão tuyết ở Rừng Hoang vậy. Hay cái lần mà khi phải đi bộ suốt một quãng đường dài, họ tình cờ quay trở về ngôi nhà cũ của Chuột Chũi và cũng chẳng khó đoán khi Chuột Chũi bị bao trùm bởi nỗi xúc động. Và lại là Chuột Nước siêu phàm đã tới cứu cánh, sai đám chuột đồng đi mua thức ăn nước uống rồi tổ chức một bữa tối linh đình. Vấn đề là có vẻ như Chuột Nước đa tài hơn cậu rất nhiều. Anh ta chèo thuyền giỏi hơn, thông thạo nhiều nút thắt hơn (thậm chí còn biết cách chằng dây hình vuông) và thực sự là anh ta chăm sóc Chuột Chũi rất tận tình. Nhưng mặc cho tình bạn và lòng tốt này, Chuột Chũi vẫn cảm thấy không hài lòng. Cậu ước gì Chuột Nước không quá đa tài như vậy và sẽ để cậu thử làm mọi thứ theo cách riêng của mình, kể cả có sai đi chăng nữa. Đương nhiên là điều này đã xảy ra trước đây, đó là lần đầu tiên cậu ngồi lên thuyền của Chuột Nước và nắm lấy mái chèo, thế rồi chẳng hề ngạc nhiên khi chiếc thuyền bị lật. Chuột Nước đã cứu cậu với sự hóm hỉnh của mình, vậy mà cậu vẫn nghĩ: “Nếu Chuột Nước kể lại câu chuyện này trong bữa tối, mình sẽ hét lên mất!” Những suy nghĩ ấy nảy lên trong đầu Chuột Chũi khi cậu mặc áo mưa và đội mũ đi mưa lên. Cậu nói với Chuột Nước: “Tớ nghĩ tớ sẽ ghé qua trò chuyện với Cóc một chút. Đã lâu rồi chúng ta chưa gặp cậu ấy và tớ cũng muốn đi dạo.” Chuột Nước, người đang vừa lẩm bẩm vài câu thơ vừa vắt óc nghĩ ra từ vần với từ “sủi bọt”, chẳng buồn ngẩng mặt lên, nhưng ngay khi Chuột Chũi đi đến cửa thì bỗng nói với theo thật to: “Đi cẩn thận nhé, Chuột Chũi. Hãy nhớ điều gì đã xảy ra vào lần cuối cậu ra ngoài một mình!” Tất nhiên là Chuột Nước đang nhắc lại cái lần mà Chuột Chũi bị lạc trong Rừng Hoang và rồi được cứu bởi Chuột Nước. Chuột Chũi vô cùng phẫn nộ và lẩm bẩm vài lời không hay với Chuột Nước. Cậu đáp lại khi đã ở bên ngoài: “Cảm ơn cậu, Chuột Nước. Tớ sẽ cẩn thận mà.” nhưng lại thì thầm: “Loài gặm nhấm mắt lác ngu ngốc”. Dù Chuột Nước chẳng thể nghe thấy và cậu cũng không thực sự có ý đó, nhưng làm vậy khiến Chuột Chũi cảm thấy dễ chịu hơn. Chuột Chũi đắm chìm trong những suy nghĩ ấy và sải bước đến Lâu đài Cóc, chẳng mấy khi mở lời đáp lại những câu chào hỏi lịch sự của bọn thỏ mà cậu gặp trên đường. Chuột Chũi biết mình nhận được sự tôn trọng của chúng kể từ ngày cậu chuyển đến bờ sông và sẽ chẳng ai đòi hỏi cậu phải trả thêm một khoản phí nào như họ đã từng. Có mà dám! Thế nhưng cậu cứ không thôi tưởng tượng ra có một giọng nói đang vang lên bên tai mình một cách đáng sợ: “Lạ thật đấy. Chẳng mấy khi thấy Chuột Chũi đi một mình mà nhỉ?” Chìm đắm trong tâm trạng tồi tệ ấy, Chuột Chũi nhận ra mình đã đến lối vào Lâu đài Cóc. Không thể phủ nhận rằng Lâu đài Cóc trông vô cùng ấn tượng. Gần đây, trong một cuốn tạp chí hào nhoáng, nó còn được đề là “nơi ở của một quý ông với vị trí lợi thế tại khu vực hẻo lánh bên bờ sông, sở hữu tầm nhìn bao quát ra khu Rừng Hoang và xa hơn thế nữa”. Tòa Lâu đài được bao quanh bởi những khu vườn rộng lớn và cổ kính, với những bãi cỏ mênh mông cùng các tòa nhà xung quanh. Chẳng trách mà chàng Cóc lại tự hào về nó đến thế. Nhưng ngay khi Chuột Chũi bước tới lối vào, cậu không khỏi ngạc nhiên khi thấy mọi thứ dường như đang dần xuống cấp. Những bụi cây không được cắt tỉa gọn gàng và bụi hoa hồng thì mọc đầy cỏ dại. Các bãi cỏ phủ đầy những lá và nơi đây trông thật nhếch nhác, như thể chẳng hề được chăm sóc. Ngay cả tòa Lâu đài không thôi cũng đã trông thật u ám và đầy cấm đoán. Bức tường trắng từng tỏa sáng dưới ánh nắng Mặt Trời giờ lại đang xỉn màu và bong tróc. Đám cây leo cùng hoa hồng leo từng đem lại màu sắc và sức sống cho bức tường giờ đây cũng đang chết dần chết mòn, lơ lửng những sợi dây đen. Những cánh cửa sổ mà trước kia luôn sạch sẽ và bóng loáng, giờ cũng chỉ phản chiếu lại sự tối tăm và thời tiết u ám, như tăng thêm những điềm chẳng lành cho bầu không khí vốn đã ủ dột này. Chuột Chũi không khỏi rùng mình. Chuột Chũi bấm chuông cửa và nghe được tiếng chuông vang vọng khắp bên trong Lâu đài. Không có lời hồi đáp, nên cậu bấm lần hai. Tiếng chuông lại reo lớn, thế nhưng vẫn chẳng có động tĩnh nào. “Chà, Chuột Chũi tự nhủ, “Chắc là Cóc đã ra ngoài phè phỡn rồi. Có lẽ giờ cậu ta đang chăm chú chơi bi-a cũng nên.” Đó là trò chơi mà Cóc cực kỳ điêu luyện. Rời đi một cách miễn cưỡng, Chuột Chũi đi vòng quanh ngôi nhà phía sau căn bếp ở vườn được bao quanh bởi những bức tường rồi đi tới cửa sau. Cậu ngó qua cửa sổ nhà bếp, tò mò nhìn xem có chút động tĩnh nào không. Căn phòng trống trơn, dù vẫn có vài dấu hiệu cho thấy bếp vừa được SỬ dụng. Cậu biết rõ căn phòng này, nó được bài trí với những chiếc ghế cũ kĩ nhưng vô cùng thoải mái, cậu và Cóc đã ngồi đó nhâm nhi tách cà phê nóng vào một ngày đông. Và rồi Chuột Chũi phát hiện có một chồng lớn quần áo cũ đang được đặt trên ghế. Đột nhiên đống quần áo ấy bắt đầu chuyển động Với bản tính nhút nhát của mình, cậu đang tính bỏ chạy về phía khu vườn thì bỗng đống quần áo kia rơi xuống, cuối cùng để lộ ra… Cóc! Chuột Chũi giật mạnh cánh cửa sau và ngạc nhiên khi thấy nó mở toang. Bên trong là một chàng Cóc buồn bã nhất mà cậu từng thấy. Đôi mắt luôn to tròn giờ đây buông sụp xuống đầy chán nản. Chiếc áo len cricket mà chàng Cóc hay mặc trong nhà giờ dính đầy những vết thức ăn. Cái quần ống túm luôn được là lượt phẳng phiu và dài đúng độ thường ngày giờ cũng biến thành hình dạng của hai bao tải khoai tây, đang treo lủng lẳng trên eo chàng Cóc. “Chào Chuột Chũi,” chàng Cóc mở lời. “Xin lỗi vì đống bừa bộn này, nhưng giờ tớ đang cảm thấy không ổn lắm.” Nói tới đây, cậu chàng bỗng dưng bật khóc. CHƯƠNG 2 TÌNH BẠN DÀI LÂU Cuối ngày hôm ấy, sau khi rời khỏi Lâu đài, tâm trí Chuột Chũi như rơi vào cảnh hỗn loạn. Làm thế nào mà chàng Cóc, một sinh vật vừa đầy thú vị vừa tràn trề hứng khởi như nó, lại có thể rơi vào trạng thái bị thương tới mức độ này? Chuột Chũi nhớ lại từng giây từng phút mà cậu đã trải qua cùng với Cóc trong suốt nhiều năm. Nó luôn ăn vận chỉnh tề đến mức nực cười, dù cho có làm gì đi chăng nữa. Chuột Chũi đặc biệt nhớ rõ sự ám ảnh về những chiếc mô tô cỡ lớn của Cóc và cách mà cậu chàng ăn diện: từ chiếc áo khoác ngoài cỡ lớn kẻ ô có măng-séc đến áo choàng dài may bằng vải lanh, phối với chiếc mũ lưỡi chai đội ngược và kính bảo hộ, cuối cùng tất cả được hoàn thiện bởi một đôi găng tay da lớn màu vàng. Lúc ấy, bác Lửng chê bai vẻ ngoài của chàng Cóc và nói rằng nó trông y hệt một thằng nhóc, và sẽ chẳng có một con vật đáng kính nào lại ăn mặc giống như nó cả. Thế nhưng bác ấy đã sai, bởi vì Chuột Chũi thấy chàng Cóc trông thật bảnh bao và luôn thầm so sánh chiếc áo khoác Xì-mốc-kinh đen u ám của mình, thứ cậu vẫn thường mặc, với bộ trang phục tươi mới đầy sức cuốn hút của chàng Cóc. Chuột Chũi nhận ra vẻ ngoài nhếch nhác của chàng Cóc cho thấy một sự thay đổi nghiêm trọng về mặt nội tâm trong tinh thần nó. Trước kia, tủ đồ của Cóc toát lên vẻ thông thái dù đôi khi có hơi quá lố, nó mô tả và đại diện cho sự hoạt bát cùng với niềm vui sống của loài sinh vật này. Sự phóng khoáng và vênh váo được khắc họa rõ nét qua những chiếc áo khoác lớn bằng vải tuýt, những chiếc quần ống túm dày dặn và điểm thêm cho toàn bộ trang phục là một chiếc nơ màu hồng của câu lạc bộ Leander. Vậy thì hình ảnh một chàng Cóc vừa luộm thuộm vừa nhếch nhác cùng với chiếc áo len dính đầy những vết thức ăn đang nói lên điều gì về tâm trạng của nó? Và nếu Chuột Chũi phải thành thật thì, chàng Cóc, người lúc nào cũng thơm phức nước hoa, bây giờ đã hơi bốc mùi. Hôm ấy, sau khi ăn xong bữa tối, Chuột Nước và Chuột Chũi ngồi trước đống lửa rực sáng, vừa hong cho ấm chân vừa nhấm nháp cốc rượu ngô nóng hổi. Và tất nhiên, Chuột Chũi kể cho Chuột Nước nghe về tất cả những chuyện đã xảy ra với chàng Cóc, rằng cậu đã bắt gặp nó trong tình cảnh như thế nào, và rồi sau đó những câu chuyện giữa hai người bạn chẳng nói đến điều gì khác ngoài Cóc. Chúng vô cùng khó hiểu và bắt đầu đặt ra những câu hỏi như “Chúng ta có thể giúp được gì?” và “Điều gì đã khiến Cóc trở nên như vậy?”. Dần dần, cuộc trò chuyện nhỏ đi cho đến khi cả hai đều ngồi nhìn chằm chằm vào ngọn lửa đang cháy, chìm đắm vào trong những suy nghĩ của riêng mình. Cuối cùng, Chuột Nước cầm một cuốn tuần san của địa phương lên và lật nó một cách vô định, rồi khi Chuột Chũi còn đang lim dim ngủ thì Chuột Nước bỗng dưng ngồi thẳng dậy. “Chuột Chũi, nghe này!” Chuột Nước nói với giọng ra lệnh. “Ôi, Chuột Nước ơi, lại là những mẩu quảng cáo nhỏ mà cậu luôn xem nữa đấy phải không?” Chuột Chũi trả lời với giọng điệu ngái ngủ. Chuột Nước rất thích tìm những món hời trên báo, dù chẳng mấy khi anh ta tìm được món nào ra hồn. “Trật tự nào, Chuột Nước tiếp tục với giọng điệu nghiêm nghị lạ thường. “Nghe này,” sau đó anh đọc to một đoạn quảng cáo từ tờ Tiếng kèn bên bờ dốc. “Một chuyên gia tham vấn tâm lý hiện đã có thể tiếp nhận khách mới. Động vật nào đang gặp những vấn đề cá nhân khiến bản thân cảm thấy phiền muộn hay chán nản có thể đặt lịch hẹn. Số điện thoại Bãi Diệc 576.” “Ờ,” Chuột Chũi đáp, chẳng mấy để tâm đến điều mà mình vừa nghe. “Thì sao chứ?” Chuột Nước kêu lên: “Cái con vật ngu ngốc đầy ngoan cố này!” - đây không phải là lần đầu tiên anh ta nói điều đó - “Cậu không nhận ra sao? Đây chính là thứ có thể giúp cho chàng Cóc tội nghiệp của chúng ta.” Giờ thì Chuột Chũi đã tỉnh ngủ hẳn. “Cậu vừa mới nói là Cóc đang gặp phải chuyện phiền muộn gì đấy à? Có thể chỉ là do nó bị đau bụng hay khó tiêu thôi. Cậu biết Cóc thích thức ăn đến thế nào mà, cả uống rượu nữa.” Phải thừa nhận rằng đôi khi chàng Cóc hay “làm mọi thứ một cách quá đà”, hoặc đó chỉ là cách Chuột Chũi nghĩ mà thôi, và nó luôn uống nhiều hơn mức có lợi cho sức khỏe của mình. Hiếm khi nào Chuột Nước và Chuột Chũi uống nhiều hơn một ly Sherry hay một cốc bia, đồng thời cả hai luôn có cái nhìn không mấy thiện cảm với những buổi chè chén thường xuyên của chàng Cóc. “Không phải,” Chuột Nước đáp. “Dù tớ không chắc mình hiểu rõ những điều này, bởi vì tớ cũng chỉ là một sinh vật đơn thuần mà thôi.” (Nghe tới đây Chuột Chũi bỗng họ bắn vào trong chiếc cốc và lắp bắp nói rằng mình vừa bị sặc.) “Thế nhưng,” Chuột Nước nói tiếp, “tớ rất lo cho Cóc. Tớ nghĩ tớ với cậu nên đến thăm nó vào ngày mai. Tớ sợ rằng nó sẽ làm điều gì đó ngu ngốc mất.” Và dù Chuột Nước không giải thích rõ về ý nghĩa của điều mà anh vừa nói, nhưng cả hai con vật đều nhìn nhau với ánh mắt tràn đầy sự lo sợ. “Hơn nữa, tớ nghĩ mình nên cho Cóc xem mẩu quảng cáo về tham vấn tâm lý này và bắt nó phải đi điều trị.” “Cậu nghĩ Cóc sẽ đồng ý chứ?” Chuột Chũi hỏi. “Dù sao thì nó cũng là một con vật vô cùng bướng bỉnh và cứng đầu với những suy nghĩ của riêng mình.” “Cậu nói phải,” Chuột Nước gật gù. “Nhưng nếu đúng là Cóc đang rơi vào trạng thái tâm lý giống như cậu vừa kể, nó sẽ ngoan ngoãn nghe theo lời chúng mình thôi!” Nói xong, cả hai con vật đều trở lại giường của mình, lòng đầy lo lắng về ngày mai và tự hỏi không biết chàng Cóc sẽ phản ứng như thế nào với sự giúp đỡ của họ. Thế nhưng chúng sẽ giúp Cóc, bất kể nó có muốn hay không. Và thế là sáng hôm sau, sau khi ăn xong bữa sáng, Chuột Chũi lại vội vã sải bước trên con đường dẫn đến Lâu đài Cóc thêm một lần nữa, nhưng lần này có thêm Chuột Nước đồng hành. Cả hai vừa đi vừa bàn luận về tình trạng ủ dột của Cóc, không biết điều gì có thể là nguyên nhân khiến Cóc trở nên như vậy và chúng có thể làm gì để giúp đỡ Cóc. Chuột Nước cầm theo tờ tuần san đăng thông báo về việc tham vấn tâm lý, dù Chuột Chũi đã ghi nhớ cả số điện thoại rồi. Đột nhiên, một giọng nói trầm ấm vang lên ở đâu đó phía bên trái chúng: “Chuột Nước, anh chàng nhỏ bé thân yêu của tôi, và cả Chuột Chũi nữa, các cậu đang làm gì ở đây vậy?” Suýt chút nữa Chuột Chũi đã giật bắn mình nhưng Chuột Nước kịp thời trấn an: “Là bác Lửng ấy mà.” Họ quay qua bên trái rồi nhìn vào trong khu rừng, nhận ra cái đầu sọc và bác Lửng đang từ từ xuất hiện. “Ồ, bác Lửng ạ, Chuột Nước lên tiếng. “Thật bất ngờ làm sao! Cháu nghĩ bác đang ở nhà ngủ. Anh ta dừng lại ở giữa câu nói: “Ý cháu là ở nhà làm việc ạ. “Đáng lý là vậy đấy, bác Lửng đáp. “Nhưng bác có chút việc cần làm ở đây. Thực ra thì nó liên quan đến đơn xin lập kế hoạch và bởi bác là thành viên của Hội đồng Quận (bác Lửng nhấn mạnh như thể nó được viết bằng chữ in hoa), bác nghĩ mình nên tự đến đó để xem xét vấn đề.” Sau đó bác Lửng hỏi han một cách ân cần: “Thế nhưng hai cháu đang làm gì ở đây? Trông cả hai đứa đều có vẻ rất nghiêm túc.” Ba con vật cùng ngồi xuống một khoảnh đất trống ở trong rừng. Với sự giúp đỡ của Chuột Nước, Chuột Chũi kể cho bác Lửng nghe về câu chuyện bi thương của Cóc, về tình trạng của nó khi Chuột Chũi bắt gặp và thậm chí là cả lý do tại sao trong chính giây phút này chúng lại đang trên đường tới để giúp đỡ con vật buồn bã ấy. Vẻ mặt của bác Lửng trông khá bực bội. Bác Lửng lên tiếng: “Bác không thấy ngạc nhiên chút nào cả, sau đó nói tiếp, “Bác cũng không có ý định chỉ trích bạn bè của ai, nhưng (Chuột Chũi đang mong chờ từ nhưng ấy) bác đã đoán trước được rằng điều này sẽ xảy ra từ rất lâu rồi. Tuy Cóc có nhiều phẩm chất tuyệt vời và bác nghĩ bác không cần phải nói rõ hơn, nhưng về cơ bản thì nó vẫn là một loài vật vô cùng yếu ớt và đầy bất ổn. Mất đi bạn bè, những người từng đưa ra vô số lời khuyên bổ ích và dặn dò kĩ càng điều nó cần làm là gì, Cóc đã buông thả bản thân để nhường chỗ cho mấy thứ suy nghĩ ngu ngốc không lành mạnh. Vậy nên bác sẽ cùng các cháu thực hiện nhiệm vụ đầy nhân từ này. Cóc cần được chỉ bảo bằng một thái độ cứng rắn, rằng nó nên tự chỉnh đốn lại bản thân đi!” Thái độ vừa tích cực vừa quyết tâm của bác Lửng đã thôi thúc Chuột Chũi và Chuột Nước, và thế là cả ba người cùng nắm tay nhau, với bác Lửng ở chính giữa, bước tới Lâu đài Cóc một cách đầy khí thế. Thật may cho chàng Cóc! Các vị cứu tinh của nó đang trên đường tới đây. CHƯƠNG 3 BÃI DIỆC Sẽ mất nhiều thời gian để thuật lại tất cả những gì đã xảy ra trong mấy ngày tiếp theo. Đầu tiên, chàng Cóc được săn sóc bởi những người bạn, rồi họ động viên nó. Tiếp đến, họ nhắc nhở nó một cách khá cứng rắn rằng hãy tự mình chỉnh đốn lại bản thân đi. Và cuối cùng, họ giải thích rõ về tương lai đầy buồn tẻ và ảm đạm mà nó sẽ phải đối mặt trừ khi cậu chàng “tự kiểm soát được bản thân mình”, theo như lời bác Lửng đã hùng hồn nói. Vậy mà chẳng điều gì trong số ấy mang lại hiệu quả hết. Chàng Cóc đã cố gắng để phản ứng lại tốt nhất có thể, thế nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chàng Cóc lúc xưa luôn tràn đầy sức sống và háo hức muốn vặn vẹo những lời lẽ khích lệ đầy nhã ý của bọn họ sẽ quay trở lại. Thay vào đấy là một chàng Cóc vừa buồn bã vừa chán chường, bạn bè càng khuyên bảo kĩ về những điều nó nên làm bao nhiêu thì nó lại càng buồn bã và chán chường bấy nhiêu. Cuối cùng thì bác Lửng cũng chẳng thể nào mà đứng nhìn nó thêm được nữa. Dù đã dành rất nhiều thời gian để khuyên nhủ Cóc nhưng loài vật đáng khâm phục này vốn không có nhiều kiên nhẫn. “Giờ thì cháu hãy nhìn bác đi, Cóc, không thể tiếp tục tình trạng này nữa. Mọi người đều đang cố gắng để giúp cháu, nhưng có vẻ như cháu không (hay ‘không thể, Chuột Chũi nhủ thầm) tự giúp được bản thân mình. Vậy thì chỉ còn lại duy nhất một phương án thôi, đó là cháu phải đi tham vấn tâm lý!” Sự im lặng đến mức đáng kinh ngạc bỗng bao trùm lên tất thảy, thậm chí đến cả chàng Cóc cũng phải ngồi thẳng dậy. Không một con vật nào thực sự hiểu rõ về bốn từ “tham-vấn-tâm-lý”, nhưng chúng đều biết đó là một hoạt động đầy bí ẩn mà chỉ có người từng trải qua những chuyện nghiêm trọng hay kinh ngạc nào đấy tiếp nhận. Chuột Nước, một người vô cùng truyền thống, lên tiếng: “Bác thực sự nghĩ rằng tình trạng của Cóc tệ đến thế kia ạ? Ý cháu là, bác không nghĩ rằng việc tham vấn tâm lý này có hơi chút chạy theo phong trào sao? Theo các bài báo thì dường như giờ đây ai cũng đi tham vấn tâm lý. Ở thời của cháu, những người gặp khó khăn chỉ cần vài viên Aspirin, chỉ vậy thôi cũng đủ để khiến cho họ cảm thấy khá hơn nhiều rồi.” Nói tới đây thì Chuột Nước nhớ lại, rằng ban đầu ý tưởng tham vấn tâm lý xuất phát từ chính anh, nên bắt đầu cảm thấy e sợ. “Thế nhưng chúng ta đã có địa chỉ của nhà tham vấn tâm lý địa phương rồi mà,” Chuột Chũi lên tiếng. “Tớ tưởng mình đã nhất trí rằng Cóc nên đến gặp ông ấy rồi chứ? Tớ đồng ý với bác Lửng.” “Đúng đấy, Chuột Chũi, ” bác Lửng trả lời. “Cháu không cần lo lắng, Chuột Nước ạ. Sức khỏe của Cóc sẽ rơi vào tình trạng vô cùng tồi tệ nếu ngay cả những lời khuyên mà bác đưa ra cũng bị nó bỏ ngoài tai. Bác biết đôi khi cháu có thể cố chấp, Cóc à, nhưng có vẻ như cháu cần một sự giúp đỡ mà đáng ngạc nhiên là không một người bạn nào có thể giúp đỡ được cho cháu cả. Tình cảnh tuyệt vọng đòi hỏi những giải pháp tuyệt vọng. Chúng ta cần thử tham vấn tâm lý.” Và cứ như vậy, sau nhiều cuộc điện thoại, nhiều lần xếp lịch, thôi thúc và nài nỉ, cuối cùng chàng Cóc cũng đặt chân đến ngôi nhà lớn có tên Bãi Diệc. Đó là một tòa nhà ba tầng vững chãi được xây bằng gạch với màu đỏ êm dịu pha lẫn với màu đất nung và được đan xen bởi những dải màu vàng. Mang bầu không khí của một ngôi nhà đã tồn tại lâu đời và cổ điển, căn nhà giống như nơi mà một hộ gia đình sinh sống suốt một thời gian dài. Sau khi bấm chuông, Cóc được dẫn đến một căn phòng xếp đầy những sách với vài chiếc ghế, một cái bàn lớn cùng mấy thứ đồ vụn vặt đặt trên mặt bàn, bao gồm cả chiếc đầu làm bằng sứ với những dòng chữ được viết lên khắp hộp sọ. Trên chiếc đầu ấy khắc: “Mô hình Phrenology*, được sản xuất bởi L. N. Fowler”. Ông Diệc bước vào với vẻ ngoài cao ráo và thông thái, ngồi xuống ghế đối diện chàng Cóc. Ông chúc nó một buổi sáng tốt lành rồi chỉ lặng lẽ ngồi và quan sát cậu chàng. Chàng Cóc đã quá quen với việc nghe những người xung quanh chỉ bảo mình, nên nó cũng chỉ ngồi và chờ đợi bài diễn thuyết bắt đầu. Thế nhưng chẳng có điều gì xảy ra cả. Trong sự tĩnh lặng, chàng Cóc có thể cảm nhận được máu đang dồn lên trên não và dường như điều này khiến bầu không khí trong phòng càng lúc càng trở nên căng thẳng hơn. Nó bắt đầu cảm thấy vô cùng khó chịu. Ông Diệc vẫn tiếp tục nhìn nó. Và rồi, chàng Cóc không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. “Ông không định nói cho tôi biết tôi cần phải làm gì sao?” Chàng Cóc than vãn. “Về điều gì cơ?” Ông Diệc hỏi lại. “Ừ thì, nói cho tôi nghe tôi cần phải làm gì để khiến bản thân tôi ổn hơn ấy.” “Vậy cậu đang cảm thấy không khỏe sao?” “Đúng thế. Nhưng chắc hẳn là họ đã nói mọi thứ về tôi với ông rồi chứ?” “Họ là ai cơ?” Ông Diệc lại hỏi. “Ôi, ông biết mà. Bác Lửng, Chuột Nước và mọi người ấy.” Sau những lời này, chàng Cóc chợt bật khóc và tuôn ra những nỗi tủi hờn mà chẳng một ai biết nó đã phải kìm nén từ rất lâu. Ông Diệc vẫn không cất lời và chỉ lặng lẽ đẩy hộp khăn giấy lại gần phía nó. Cuối cùng, tiếng nức nở của Cóc cũng bớt dần, nó hít một hơi thật sâu và cảm thấy ổn hơn đôi chút. Thế rồi ông Diệc lên tiếng. “Cậu có muốn nói cho tôi biết tại sao cậu lại ở đây không?” Cóc đáp: “Tôi ở đây là bởi vì họ bắt tôi phải tới đây. Họ nói rằng tôi cần tham vấn tâm lý và họ biết được tên của ông từ một tờ báo. Tôi cũng đã sẵn sàng để lắng nghe ông và thực hiện bất cứ điều gì mà ông cho là hiệu quả nhất. Tôi hiểu rằng điều đó sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho tôi.” Người tham vấn tâm lý chỉnh lại tư thế ngồi của mình. “Vậy thì ai mới là khách hàng của tôi, là cậu hay là họ?” Cóc vẫn còn đang ngơ ngác chưa hiểu. “Nghe này!” người tham vấn nói tiếp. “Những người bạn của cậu muốn tôi tham vấn tâm lý cho cậu để họ có thể trút bỏ nỗi lo lắng về cậu. Có vẻ như cậu chỉ muốn được giúp đỡ để làm hài lòng họ thôi. Thế nên tôi nghĩ các bạn của cậu mới chính là khách hàng của tôi. Tất cả điều này khiến Cóc cảm thấy bối rối và có thể dễ dàng nhận thấy được điều đó. “Có lẽ chúng ta nên làm rõ vấn đề,” người tham vấn tiếp tục. “Ai là người sẽ chi trả cho những buổi tham vấn của cậu?” “Mình đã đoán trước được điều này mà,” Cóc nghĩ thầm. Ông ta cũng giống như tất cả bọn họ thôi, chỉ quan tâm đến chuyện tiền nong. “Ông không cần phải lo lắng về điều đó, Cóc trả lời, cảm thấy như thể mình đã được trở về là con người của bản thân trước đây dù chỉ một chút. “Bác Lửng nói bác ấy sẽ lo mọi thứ liên quan đến chuyện tiền bạc. Ông sẽ được trả tiền thôi, không phải sợ.” “Cảm ơn!” người tham vấn đáp. “Nhưng tôi e là việc này sẽ chẳng đi đến đâu cả. Tôi nghĩ chúng ta nên kết thúc buổi gặp mặt ngày hôm nay và coi nó như một trải nghiệm thôi.” Đây là lần đầu tiên sau nhiều ngày, Cóc cảm thấy tức giận. “Nghe này,” nó nói với giọng mạnh mẽ hơn. “Ông không thể làm như vậy được. Ông tự nhận bản thân là một người tham vấn tâm lý và tôi đến đây để được tham vấn tâm lý. Tôi đã ngồi ở đây đợi ông nói cho tôi biết mình cần phải làm gì và giờ thì những gì mà ông có thể nói là tiền của tôi không đủ xứng đáng với ông. Tôi còn cần phải làm gì nữa để mọi thứ có thể bắt đầu đây?” “Đó là một câu hỏi rất hay và tôi sẽ trả lời cho câu hỏi này, người tham vấn đáp. “Tham vấn tâm lý là một quá trình tự nguyện, đối với cả người tham vấn lẫn khách hàng. Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ có thể bắt đầu hợp tác nếu như cậu muốn làm điều này vì chính lợi ích của bản thân cậu chứ không phải để làm vừa lòng bạn bè cậu. Nếu chúng ta đồng ý hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ cần một bản cam kết và sau đó, khi mọi thứ đã xong xuôi, tôi sẽ gửi hóa đơn cho cậu. Cậu thấy đấy, vấn đề ở đây không phải chuyện tiền nong, nó phải là trách nhiệm của chính bản thân cậu chứ không phải của bất cứ ai khác. Tâm trí của Cóc bỗng trở nên quay cuồng. Dù không hiểu được hết ý nghĩa của những lời mà người tham vấn vừa nói, nhưng nó hiểu rằng bằng một cách nào đó, nó đang được yêu cầu hãy chịu trách nhiệm cho chính việc tham vấn tâm lý của bản thân. Và thậm chí nó còn chẳng phải người tham vấn. Cùng lúc ấy, người tham vấn cũng sử dụng từ “hợp tác” và ngụ ý của điều này là chàng Cóc sẽ tích cực tham gia vào bất cứ điều gì có thể xảy ra. Để đi đến được bước này là cả một quãng đường dài so với thái độ chờ đợi ai đó tới chỉ bảo mình phải làm gì của nó vào lúc ban đầu. Những suy nghĩ ấy thật đáng lo ngại nhưng cũng thật thú vị. Có lẽ thực sự có một lối thoát cho sự khốn khổ của chàng Cóc mà nó có thể tự mình khám phá ra. Sau một khoảng thời gian dài tưởng chừng như vô tận, chàng Cóc cất lời: “Có vẻ như tôi đã biến mình thành một kẻ ngốc và đây cũng chẳng phải lần đầu tiên. Nhưng tôi nghĩ tôi đã bắt đầu thấy được những điều mà ông đang hướng tới, và tôi cũng rất muốn được cùng ông thực hiện điều này. Liệu chúng ta có thể bắt đầu lại không?” “Tôi thì nghĩ chúng ta đã bắt đầu rồi, người tham vấn đáp. Sau đó ông tiếp tục giải thích cụ thể rằng họ phải làm gì nếu như họ hợp tác cùng nhau trong quá trình tham vấn tâm lý. “Chúng ta sẽ phải gặp nhau mỗi tuần một lần, mỗi lần một tiếng và cứ tiếp tục như vậy chừng nào còn cần thiết. Tôi đề nghị chúng ta hãy thực hiện các buổi tham vấn vào lúc mười giờ sáng thứ Ba hằng tuần, bắt đầu từ tuần sau. Trong buổi cuối cùng, ta sẽ xem lại một lượt những gì mình đã làm, cậu đã học được gì và liệu có bất kỳ dự định nào trong tương lai mà có thể cậu muốn thực hiện không.” “Và phí tham vấn sẽ là bao nhiêu?” Cóc thẳng thắn hỏi. “Bốn mươi bảng một buổi,” ông Diệc đáp. “Tôi sẽ gửi hóa đơn chi phí cho cậu vào cuối mỗi buổi tham vấn.” Rồi sau khi dừng lại một hồi lâu, ông nói thêm: “Giờ thì cậu đã quyết định được mình muốn làm gì chưa?” Chàng Cóc thường không đưa ra những quyết định cần được cân nhắc. Hoặc là nó bất chấp và sống trong sự hối hận, như chuyện lái xe mô tô chẳng hạn và rồi việc đó đã trở thành thú vui của cậu chàng; hoặc nó làm theo những gì được chỉ bảo, thường là lời của bác Lửng, rồi sau đấy cảm thấy vô cùng thê thảm. Chàng Cóc thích tìm đến Chuột Nước thông thái rồi hỏi: “Chuột Nước ơi, cậu nghĩ tớ nên làm gì bây giờ?” và mọi trách nhiệm trên vai nó đều sẽ được tháo gỡ. Thế nhưng giờ ông Diệc lại nhìn chàng Cóc theo một cách khác, như thể ông ta dám chắc rằng nó sẽ đưa ra được một sự lựa chọn đúng đắn. Cuối cùng, chàng Cóc đáp: “Tôi muốn cùng ông tìm ra lý do tại sao tôi lại ủ rũ như vậy và tôi có thể làm những gì để khắc phục mọi thứ. Tôi có mang nhật ký tới đây. Giờ chúng ta hãy thực hiện theo lịch mà ông vừa nói, được chứ?” Khi người tham vấn tiễn Cóc ra đến cửa, nó quay người lại nhìn và hỏi: “Ông nghĩ liệu tôi có chút hy vọng nào để trở nên khá hơn không?” Ông Diệc sững lại rồi nhìn thẳng vào mắt cậu chàng: “Cậu Cóc, nếu tôi nghĩ chúng ta sẽ chẳng thể nào thay đổi và cải thiện được điều gì thì chắc chắn tôi sẽ không làm công việc này. Mọi thứ không nhất thiết cần phải trở nên tốt hơn, nhưng tôi hứa là cậu sẽ nhận được toàn bộ sự quan tâm và chú ý từ tôi, đồng thời tôi cũng hy vọng sự cam kết tương tự ở cậu. Nếu chúng ta cùng nhau hợp tác, ta có thể kỳ vọng về một kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, trong lần phân tích cuối cùng, tất cả đều phụ thuộc vào cậu.” Chàng Cóc sải bước trên đường trở về, nghiền ngẫm những gì ông Diệc vừa nói. CHƯƠNG 4 “CẬU LÀ ĐỒ TỒI TỆ!” Chàng Cóc thấy tuần tiếp theo trôi qua rất chậm. Nó bơ phờ và luôn thức giấc lúc lờ mờ sáng, ngập tràn những suy nghĩ buồn bã và ốm yếu. Thường thì cậu chàng sẽ cảm thấy khá hơn vào ban ngày nhưng khi màn đêm buông xuống, cậu lại bị cuốn vào những nỗi lo âu. Chàng Cóc buộc bản thân đi dạo mỗi ngày và mặc dù có vài tia nắng lạnh lẽo xuất hiện, dường như mọi thứ qua góc nhìn của nó vẫn chỉ tồn tại một màu đơn sắc duy nhất, giống như màu nâu đỏ trên một bức ảnh cũ kĩ. Ban đầu, những người bạn của Cóc thường mời nó đến nhà chơi và cố gắng cải thiện tâm trạng cậu chàng. Nó đã cùng Chuột Nước chơi rất nhiều ván bài cribbage (“Mười lăm con hai, mười lăm con bốn cùng một đôi sáu”), còn Chuột Chũi thì cố gắng làm cho nó vui bằng những tin tức mới nhất trên bờ sông (“Cậu sẽ không thể tin được chuyện gì đã xảy ra với Rái Cá tuần vừa rồi đâu!”). Bác Lửng chỉ ngồi quan sát mọi thứ diễn ra, mỗi khi tất cả rơi vào khoảng lặng, bác ấy sẽ lại kể một câu chuyện dài nhưng không hẳn thú vị về những chuyến phiêu lưu của mình với cha của chàng Cóc khi họ còn trẻ (“Và thế là bọn bác rời nhà, đi cả mấy dặm đường mà không một xu dính túi, lúc ấy bác lại cho rằng đó là một ý tưởng hay họ phết đấy chứ!”). Sau tất cả, chàng Cóc kiệt sức lết thân về giường nghỉ ngơi, rồi lại tiếp tục thức giấc vào lúc ba giờ sáng và trằn trọc cho đến khi bình minh. Cuối cùng thì ngày thứ Ba cũng tới. Chàng Cóc trải qua rất nhiều những cung bậc cảm xúc khi chậm rãi bước trên con đường dẫn đến Bãi Diệc. Nó cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng, ngày mà nó được gặp người tham vấn tâm lý cũng đã đến, mặc dù cảm xúc của nó đối với ông ấy vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn. Cóc lo lắng về những điều mà ông ấy sẽ nói và những điều nó sẽ phải thực hiện. Dù sao thì, chàng Cóc cũng đã đấu tranh khá quyết liệt để có thể cho phép bản thân tự thực hiện hành trình này một mình. Nhưng nếu có điều gì mà nó đã học được từ buổi gặp gỡ đầu tiên, thì ắt hẳn là nó biết đây là việc nó phải làm một mình. Chàng Cóc hiểu ra rằng đã đến lúc nó cần phải trở nên trưởng thành hơn. Đây là lần thứ hai Cóc ngồi trong căn phòng tham vấn và đối diện với người tham vấn. Lại là những khoảng lặng và một lần nữa, nó cảm nhận được áp lực cũng như nỗi lo âu đang càng lúc càng tăng lên như lần đầu tiên. Cuối cùng thì người tham vấn cũng lên tiếng: “Chà, Cóc này, hôm nay cậu cảm thấy thế nào?” “Khá ổn, cảm ơn ông.” chàng Cóc trả lời với những câu từ mà nó đã được dạy để trả lời người khác khi còn là một cậu Cóc nhỏ, giờ thì đó đã là câu trả lời nó tự động bật ra mà không cần phải suy nghĩ cho câu hỏi của ông Diệc. Câu trả lời ấy thực sự chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng người tham vấn không để tâm đến những lời nói này. “Để tôi hỏi lại. Hôm nay cậu cảm thấy thế nào?” Chàng Cóc cảm thấy khó chịu: “Chính xác thì cảm thấy theo ý ông có nghĩa là gì?” Chàng Cóc không hề cố tình giả vờ không hiểu. Giống như những người khác, nó chưa bao giờ nhìn nhận cảm xúc của chính mình một cách có ý thức để có thể mô tả được những cảm xúc ấy cho bản thân nghe, chứ đừng nói tới chuyện nói với người khác. Trên thực tế, nó đã vô tình hình thành nên những chiến lược và hành vi né tránh khả năng thu thập kiến thức về bản thân. Chàng Cóc trở thành một người “niềm nở” và câu cửa miệng của nó mỗi khi gặp các con vật khác là “Xin chào bạn thân yêu” một cách đầy nồng nhiệt, theo sau là mấy câu nói đại loại như “Cậu sẽ không thể đoán được tớ đã làm những chuyện gì đâu!” hay “Hãy lại đây và xem này!”. Dần dần, chẳng còn ai hỏi han chàng Cóc rằng nó ra sao nữa, chứ đừng nói tới việc đoái hoài đến những cảm nhận của nó. Vậy nên nó cảm thấy thật lạ lẫm và lo lắng khi được hỏi rằng “Bạn cảm thấy như thế nào?”, còn đặc biệt hơn khi câu hỏi xuất phát từ một người trông có vẻ thực sự quan tâm đến câu trả lời của nó. Nhưng bởi chàng Cóc chưa bao giờ giỏi trong việc phân tích bản thân, nên nó thực sự không biết phải mô tả về trạng thái nội tâm của mình ra sao. “Để tôi đặt câu hỏi theo một cách khác,” người tham vấn nói. “Giả sử như chúng ta có một loại nhiệt kế có thể đo lường được cảm xúc của cậu. Nó có mười mức độ. Mức độ thấp nhất là một, đồng nghĩa với việc cậu cảm thấy tồi tệ và thậm chí có thể muốn tự tử. Mức độ ở giữa là năm, có nghĩa là cậu cảm thấy không quá tệ. Mười là mức cao nhất và điều này đồng nghĩa với việc cậu đang vô cùng hưng phấn.” Nói đoạn, người tham vấn vẽ lên tấm bảng lật bên cạnh mình một chiếc “Nhiệt kế cảm xúc”. Tiếp đó, ông đưa cho chàng Cóc một chiếc bút màu và nói: “Hiện tại cậu đang ở mức độ nào vậy, Cóc?” Không hề chần chừ, chàng Cóc đánh dấu một điểm lên trên nhiệt kế, ngay chỗ giữa thang một và hai. “Cậu đã bao giờ có suy nghĩ muốn tự sát chưa?” Người tham vấn hỏi một cách thẳng thừng. Đây là một câu hỏi khá bất ngờ và chỉ nghe tới thôi cũng đủ khiến chàng Cóc cảm thấy sợ hãi, nhưng đồng thời câu hỏi này cũng đem lại cho nó cảm giác nhẹ nhõm. “Vâng, tôi có,” nó trả lời một cách lặng lẽ. “Khoảng ba tháng trước, mọi thứ tối tăm đến nỗi tôi chẳng thể tìm thấy nổi một lối ra và tôi đã nghĩ rằng mình sẽ làm điều gì đó dại dột. Nhưng đấy là trước khi Chuột Chũi tìm thấy tôi. Kể từ lúc đó, dù vẫn cảm thấy chán nản nhưng tôi không còn có những suy nghĩ kinh khủng ấy nữa. Và… - chàng Cóc tiếp tục một cách phấn chấn hơn - “tôi chắc chắn mình sẽ không làm những điều như thế lúc này.” “Vậy thì giờ cậu cảm thấy thế nào?” Một lần nữa, ông Diệc đưa ra câu hỏi tương tự. “Tôi cảm thấy,” Cóc đáp, “như thể mình chẳng còn chút giá trị nào. Tôi liên tục nghĩ rằng chính tôi đã khiến cho cuộc đời mình trở thành một mớ hỗn độn. Không giống như Chuột Nước, Chuột Chũi hay đặc biệt là bác Lửng, người luôn được kính trọng. Tôi gần như một trò đùa vậy. À vâng, họ nói đó là sự tốt bụng, đem lại niềm vui và cả sự vị tha trước mọi lỗi lầm. Lại là chàng Cóc tử tế, họ hay nói thế. Nhưng tôi đã làm gì với cuộc đời của mình cơ chứ? Tôi đã đạt được gì trong cuộc đời này?” Và rồi cảm xúc của chàng Cóc vỡ òa thành những tiếng nức nở. Người tham vấn đẩy hộp khăn giấy về phía nó. Sau một hồi, ông hỏi: “Cậu có luôn cảm thấy như vậy không?” “Vâng, tôi nghĩ thế, thỉnh thoảng, từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, có đôi lúc mọi thứ trở nên tốt hơn và tôi có thể thực sự toàn tâm toàn ý thực hiện một điều gì đó. Vậy nhưng tinh thần của tôi sẽ bắt đầu sụp đổ thêm một lần nữa và dường như tôi lại mất đi hứng thú. Đó cũng là lúc tôi rơi vào trạng thái mà tôi chỉ có thể mô tả là cảm xúc buồn bã quen thuộc của tôi, và đó cũng là cảm xúc của tôi hiện giờ. “Thế lần này thì sao? Cậu nghĩ điều gì khiến cho cậu cảm thấy chán nản như vậy?” Người tham vấn hỏi. “Đó là cả một câu chuyện dài,” chàng Cóc trả lời. “Tôi vẫn đang nghe mà,” người tham vấn đáp. Thế rồi chàng Cóc bắt đầu. “Tôi chắc rằng ông đã được nghe kể về câu chuyện vượt ngục của tôi và cả về những phụ nữ giặt giũ, những con xuồng, con ngựa và cả xe mô tô rồi. Đó không phải là những sự kiện trong đời khiến tôi đặc biệt tự hào, thế nhưng tôi cũng không hề chối bỏ chúng. Không những thế, mọi người bàn tán về chúng rất nhiều và thậm chí còn đăng báo, vậy nên tôi càng không muốn nói gì thêm. Trừ khi ông hỏi.” Chàng Cóc dừng lại và nhìn ông Diệc với ánh mắt thăm dò, sau khi thấy ông không hề có phản ứng gì, nó mới tiếp tục. “Đương nhiên những sự kiện ấy có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với tôi, dù vậy tôi nghĩ rằng tôi sẽ vượt qua chúng, bằng nhiều cách khác nhau mà tôi đã làm. Nhưng điều khiến tôi tổn thương nhất chính là cách tôi bị đối xử sau khi trở về.” “Cậu còn nhớ điều gì cụ thể không?” Ông Diệc hỏi. “Có chứ. Tôi cứ không ngừng nghĩ tới những sự kiện ấy, chúng cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi, cho tới khi tôi gần như có thể liệt kê ra được từng cái một.” “Vậy sự kiện đầu tiên trong số đó là gì?” Ông Diệc hỏi. “Chà,” chàng Cóc trả lời. “Ban đầu phải kể đến sau màn vượt ngục khôn ngoan của tôi, tôi đã bị rượt đuổi bởi một đám côn đồ đầy hối hả; nhưng bằng một sự xui xẻo nào đấy, tôi đã ngã xuống sông và suýt nữa thì chết đuối. May mắn thay, Chuột Nước đã kéo tôi ra khỏi dòng nước và tôi sẽ không bao giờ thôi mang ơn cậu ấy.” “Tôi không hiểu lắm,” ông Diệc nói. “Vậy tại sao điều này lại khiến cậu cảm thấy không vui?” “Chính bởi thái độ của Chuột Nước,” chàng Cóc đáp lại. “Thông thường, tôi sẽ nóng lòng muốn kể cho cậu ấy nghe về những chuyến phiêu lưu của mình và thậm chí tôi còn thuật lại chúng vô cùng chi tiết ngay cả khi quần áo của tôi còn chưa khô. Nhưng thay vì cảm thấy hào hứng, Chuột Nước Lại trách mắng tôi vì đã vênh váo và khăng khăng rằng tôi phải thay đồ để có thể trông giống như một quý ông, nếu tôi có thể. Ông hãy thử tưởng tượng xem! Tôi đã không gặp Chuột Nước suốt nhiều tháng trời và đó là cách cậu ta nói chuyện với tôi.” “Vậy thì điều đó khiến cậu cảm thấy thế nào?” Ông Diệc tiếp tục đặt câu hỏi. “Ban đầu tôi cảm thấy tức giận, nhưng dù sao thì tôi cũng đã bị sai bảo đủ ở trong tù rồi mà. Tôi vẫn vô cùng biết ơn Chuột Nước vì đã cứu tôi nên tôi đã làm theo lời cậu ấy. Chúng tôi ăn trưa (tôi cực kì đói bụng) và tôi nói với Chuột Nước về cuộc phiêu lưu của mình. Ông biết đấy, chúng thú vị hơn nhiều so với những câu chuyện buồn tẻ và đơn điệu của cậu ta.” “Và cậu ấy đã phản ứng ra sao?” Ông Diệc hỏi tiếp. “Ông sẽ không thể tin được đâu, nhưng điều mà Chuột Nước nói chính là Cậu không nhận ra rằng cậu đã biến bản thân mình thành một tên khốn tồi tệ rồi sao?. Những lời nói đó đã thực sự làm tôi tổn thương. Tôi cảm thấy như mình đang bị khiển trách ấy.” Và đôi mắt của Cóc lại rưng rưng ngấn lệ trước những kỷ niệm không mấy vui vẻ này. “Vậy sau đó cậu đã làm gì?” Ông Diệc hỏi. “Tôi đã làm điều mà mình luôn làm, tôi nghĩ thế. Tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi ai đó không hài lòng về tôi, vậy nên tôi cố gắng chiều lòng và xoa dịu cơn giận của họ. Tôi hứa hẹn làm đủ mọi thứ để khiến họ thích tôi như trước. Vậy nên tôi thừa nhận rằng bản thân đã là một tên khốn tồi tệ và hứa sẽ cải thiện hành vi của mình.” “Và nó có tác dụng không?” Ông Diệc hỏi tiếp. “Tác dụng theo ý ông là gì?” Chàng Cóc hỏi lại. “Liệu điều đó có khiến cho Chuột Nước ngưng bực bội với cậu không?” “Tôi không chắc nữa,” chàng Cóc trả lời. “Bởi vì sau đó cậu ấy thông báo cho tôi một tin khủng khiếp, là Lâu đài Cóc đã bị xâm chiếm bởi những kẻ ở trong Rừng Hoang. Lúc đó tôi mới thực sự nổi giận. Tôi rất ít khi nổi giận, nhưng khi ấy tôi không thể nào kìm hãm được. Không chút đắn đo, tôi nhanh chóng lao đi để chiếm lại ngôi nhà thân yêu của mình. Thế nhưng những kẻ ở trong Rừng Hoang đã nắm quyền kiểm soát và suýt chút nữa tôi bị ăn một viên đạn vào đầu. Sau đó, chúng nhấn chìm thuyền của tôi nên tôi phải quay về chỗ của Chuột Nước, với toàn thân ướt nhẹp và kiệt sức, cảm thấy tinh thần của mình gần như chạm đáy. Đấy là tôi chỉ mới về nhà được có nửa ngày thôi! Thật chẳng công bằng chút nào. Thực sự không công bằng!” Và rồi chàng Cóc lại bắt đầu nức nở khi nhắc lại những kỷ niệm đau buồn ấy. Ông Diệc im lặng lắng nghe tất cả và nhìn chàng Cóc một hồi lâu, nhưng ông không hề lên tiếng. Những tiếng nức nở của cậu chàng dần dần chuyển thành tiếng sụt sịt và trông nó vô cùng đau khổ, với vài giọt nước mũi đang lủng lẳng dưới mũi. Một lần nữa, ông Diệc đưa cho nó hộp khăn giấy, chàng Cóc ngoan ngoãn rút vài tờ ra để xì mũi và lau nước mắt như một đứa trẻ. Sau một hồi, ông Diệc hỏi: “Giờ thì Chuột Nước tiếp đón cậu thế nào?” Chàng Cóc phải e hèm lấy giọng mới có thể cất lời. “Chuột Nước tiếp đón tôi như thế nào sao? Có lẽ ông sẽ chẳng thể tin được đâu, nhưng cậu ta lại tức giận với tôi! Cậu ta gọi tôi là con vật phiền phức và nói rằng tôi chẳng biết cách để giữ lấy bất cứ một người bạn nào. Tôi phải công nhận rằng tôi có thể hiểu được tại sao cậu ta lại cảm thấy hơi khó chịu như vậy. Dù sao thì thuyền của cậu ta cũng đã chìm rồi, và đó đâu phải là lỗi của tôi. Dù sao đi chăng nữa, cậu ta cũng thừa biết rằng tôi sẽ mua cho cậu ta một chiếc thuyền mới, và tôi đã làm vậy mà!” Chàng Cóc nói với giọng than vãn. “Vậy cậu phản ứng ra sao trước điều đó?” Ông Diệc tiếp tục hỏi. “Cũng theo cách tương tự thôi, chắc thế, tôi lại cố làm cậu ta nguôi giận. Tôi nhớ là mình đã vô cùng khúm núm và hứa hẹn rằng dù tôi có cứng đầu và ngoan cố thật, tôi vẫn sẽ cố gắng để trở nên khiêm tốn và nghe lời hơn trong tương lai. Giờ thì khi phải nghĩ lại, tôi không khỏi rùng mình bởi xấu hổ và chẳng thể hiểu nổi tại sao tôi có thể thốt ra những lời đó. Nhưng tôi sẽ nói bất cứ điều gì để khiến người khác bớt tức giận và ngừng xua đuổi tôi, đặc biệt là với Chuột Nước, người mà tôi coi là bạn. “Cậu có cảm thấy tốt hơn sau khi làm điều đó không?” Ông Diệc lại hỏi. “Ừ thì có, trong vài phút ngắn ngủi,” chàng Cóc đáp lời. “Tôi nhớ rằng Chuột Chũi đã xuất hiện và cậu ấy là người duy nhất tỏ ra hứng thú với những cuộc phiêu lưu của tôi. Nhưng ngay khi tôi bắt đầu kể cho cậu ấy đến những đoạn vô cùng thú vị, người mà tôi cực kì sợ hãi xuất hiện.” “Người đó là ai?” Ông Diệc thắc mắc. “Bác Lửng.” chàng Cóc trả lời. “Tại sao?” Chàng Cóc đáp lại ngay tức khắc. “Chà, đầu tiên thì bác ấy to lớn và khỏe mạnh, trông có vẻ vô cùng đáng sợ. Và khi bác ấy nhìn tôi bằng ánh mắt đầy nghiêm nghị, nó làm tôi nhớ đến cha mình, người luôn luôn tìm mọi cách để chỉ trích tôi. Dù sao thì bác Lửng cũng sẽ quở trách tôi, từ những điều nhỏ nhặt nhất, đúng như những gì tôi tưởng tượng từ trước. Tôi vẫn nhớ chính xác lời mà bác ấy nói: Cóc, cháu đúng là con vật hư hỏng và phiền phức, cháu không tự biết xấu hổ về bản thân mình sao? Rồi cha cháu sẽ nói gì nếu biết về những chuyện này?. Tôi thực sự rất buồn trước những lời trách mắng ấy, tới mức bật khóc và chẳng thể nói thêm được gì nữa.” Đến đây thì chàng Cóc bỗng chợt dừng lại, cố gắng vượt qua những kí ức chẳng mấy vui vẻ kia, kìm nén những giọt nước mắt đang chực trào ra khỏi khoé mắt, một lúc sau cậu chàng mới có thể tiếp tục câu chuyện. “Thế rồi bác Lửng nói rằng những chuyện đã qua thì hãy để cho nó qua đi và chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch chiếm lại Lâu đài Cóc vào đêm hôm đó. Đương nhiên bác Lửng là người chỉ huy, mặc dù ngôi nhà mà chúng tôi chuẩn bị giải cứu là của tôi. Thế nhưng tôi chẳng hề bận tâm về điều đó, bởi mặc cho những lỗi lầm mà bác ấy gây ra, bác Lửng đúng là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Dù vậy, dường như bác ấy luôn tìm cách để làm cho tôi bẽ mặt.” “Bằng cách nào?” Ông Diệc lại hỏi. “Bác ấy nói với chúng tôi rằng có một lối đi bí mật dẫn đến tòa Lâu đài. Tôi chẳng biết gì về nó cả, nhưng bác Lửng thì lại nói rằng cha tôi đã kể cho bác ấy nghe điều này. Vấn đề ở đây là bác ấy ví cha tôi như một con vật danh giá, hơn bất cứ ai mà bác có thể kể tên, và bác ấy nhìn thẳng vào tôi khi nói những điều này. Điều đó khiến tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu.” Một lần nữa chàng Cóc ngừng kể, cố nén những âm thanh nghẹn ngào nơi cuống họng và sụt sịt; đó là dấu hiệu của một người đang cố gắng hết sức mình để đương đầu với những cảm xúc khổng lồ, những cảm xúc đang dần dần lấn át tâm trí họ và tưởng chừng như chẳng thể nào chống chịu nổi. Cuối cùng, Cóc cũng có thể kể tiếp. “Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bác ấy còn tiếp tục nói rằng cha tôi dặn bác ấy không được kể cho tôi vì - tôi còn nhớ chính xác đến từng từ bác ấy nói - Nó là một đứa trẻ ngoan, nhưng tính cách vẫn còn nhẹ dạ và nông nổi!. Lúc đó, ánh mắt mọi người đổ dồn về phía tôi, tôi phải cố tỏ ra như mình không quan tâm và liên tục nói những lời vô nghĩa để che đậy sự xấu hổ của mình, nhưng thực ra trong lòng mình, tôi cảm thấy bị sỉ nhục.” Chàng Cóc ngưng lại và nhớ về những cảm xúc buồn bã ấy. Sau một hồi, ông Diệc tiếp tục hỏi: “Còn gì nữa không?” “Có chứ.” Cóc nhanh chóng trả lời. “Nhưng tôi không muốn kể thêm nữa. Nó làm tôi cảm thấy khó chịu. Dù sao thì giờ ông cũng hiểu tại sao tôi lại cảm thấy khổ sở rồi đấy. Mọi người đã đối xử rất tệ bạc với tôi, và đó hoàn toàn không phải lỗi của tôi. Một khoảng lặng kéo dài, chẳng ai trong số hai người lên tiếng. Sau một lúc lâu, ông Diệc mở lời: “Có vẻ như đây chính là lúc mà chúng ta nên dừng lại và xem rằng liệu ta có rút ra được bài học nào từ những điều này không?” “Ông có phiền nếu tôi đứng lên và đi dạo một chút không?” Chàng Cóc hỏi. “Lưng tôi hơi mỏi.” Ông Diệc nhìn nó với ánh mắt nghiêm nghị. “Tôi không có quyền cho phép cậu tự đưa ra quyết định, Cóc ạ. Cậu muốn làm gì?” “Tôi muốn đi dạo một chút, giọng của chàng Cóc nghe có vẻ hào hứng hơn, sau đó lẩm bẩm nói thêm, “Và chắc chắn tôi sẽ làm thế!” “Giờ thì,” ông Diệc nói, “sau khi nghe câu chuyện của cậu, tôi có điều muốn hỏi.” “Điều gì vậy?” Chàng Cóc hỏi lại, một lần nữa yên vị tại ghế ngồi. “Cậu thấy mình rơi vào tình trạng nào khi trải qua những sự việc ấy?” “Tôi không hiểu lắm,” chàng Cóc đáp lời. “Tình trạng theo ý của ông là gì?” “Ý tôi là,” ông Diệc giải thích, “Cậu sẽ dùng từ nào để miêu tả về cảm xúc và hành động của mình trong những sự kiện mà cậu vừa kể trên?” “Ừ thì, tôi đã nói rồi mà. Tôi cảm thấy buồn bã và đau khổ, cả tội lỗi và bị chỉ trích nữa.” “Vậy để tôi hỏi lại cậu,” ông Diệc nói. “Cậu đã rơi vào trạng thái nào?” Chàng Cóc ngồi im và suy nghĩ miên man. Nó thường không tập trung suy nghĩ về một điều gì đó, nhưng giờ thì nó đang lục lại những sự kiện chẳng mấy vui vẻ kia trong tâm trí mình để xem bài học chung mà nó có thể rút ra trong từng sự việc cụ thể là gì. “Tôi nghĩ rằng,” chàng Cóc chậm rãi nói, “có thể nói rằng tôi cảm thấy những điều mà tôi từng trải qua khi còn bé. Có phải là tôi cảm thấy như một đứa trẻ không? Đó có phải là ý mà ông muốn nói tới không?” “Đúng hơn là ý mà cậu muốn nói tới, Cóc ạ. Liệu cậu có thấy nó đúng với mình không?” “Đúng vậy. Vâng, tất nhiên là đúng rồi.” Giọng của Cóc nghe càng lúc càng tích cực hơn. “Đó chính là cảm giác của tôi hồi còn bé và bị cha tôi quở trách rất nhiều.” “Vậy ta hãy gọi nó là Cái tôi trẻ em,” ông Diệc nói. Nhìn mặt chàng Cóc trông đầy khó hiểu. “Thực ra nó khá đơn giản,” ông Diệc đáp. “Chắc hẳn cậu còn nhớ từ hồi đi học rằng ‘ego’ trong tiếng La-tinh có nghĩa là ‘tôi’. Và khi chúng tôi hỏi Anh ta đang ở trong trạng thái nào? thì có nghĩa là chúng tôi muốn biết Anh ta đang tồn tại trong chế độ nào?. Vậy nên, khi tôi nói ai đó đang ở trong trạng thái Cái tôi trẻ em, thì ý của tôi là họ đang hành xử và cảm nhận như một đứa trẻ. Điều này không có nghĩa là họ trẻ con, mà nói đúng hơn là ngây thơ.” “Tôi nghĩ mình đã hiểu ý ông rồi,” chàng Cóc đáp. “Nhưng việc ở trong trạng thái Cái tôi trẻ em có phải là điều gì đó không tốt không?” “Nó không tốt và cũng chẳng xấu” ông Diệc trả lời. “Nó chỉ đơn thuần là mô tả một người đang thực sự như thế nào. Có lẽ câu hỏi mà cậu nên đặt ra là Việc ở trong trạng thái Cái tôi trẻ em đó có hiệu quả ra sao?” “Chà,” chàng Cóc tiếp lời. “Tôi không nghĩ câu hỏi của ông thực sự hữu ích, vì đương nhiên ông không thể quyết định được bản thân sẽ rơi vào trạng thái nào. Vậy nên dù nó có hiệu quả hay không thì đó cũng không phải là vấn đề. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kiểu người của mỗi cá nhân. Và rõ ràng đây là điều mà ông không thể kiểm soát được.” CHƯƠNG 5 HÀNH TINH NHỎ BÉ VÀ CÔ ĐỘC Chàng Cóc gặp lại người tham vấn vào tuần tiếp theo, yên vị trên chiếc ghế mà nó hay ngồi. Nó cảm thấy ngạc nhiên khi nhận ra bản thân đã dễ dàng thích nghi với những thói quen này nhanh đến mức nào, và giờ thì nó coi chiếc ghế kia là chiếc ghế “của mình”. Đôi khi nó tự hỏi rằng liệu có ai khác ngồi lên chiếc ghế này không, hay căn phòng này chỉ được sử dụng một tuần một lần cho mình nó thôi. Nhưng điều làm cậu chàng ấn tượng nhất trong những buổi tham vấn tâm lý chính là sự quan tâm và chú ý hoàn toàn mà ông Diệc dành cho cậu. Chàng Cóc nhận ra rằng trước đây nó chưa bao giờ nhận được điều này từ bất cứ ai trong cả cuộc đời mình, dù nghi vấn liệu nó đã bao giờ dành toàn bộ sự quan tâm của mình cho ai khác chưa vẫn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Ông Diệc chăm chú lắng nghe nó mọi lúc, như thể trong một tiếng đồng hồ đó ông ấy dành toàn bộ sự tập trung của mình vào chàng Cóc, để ý tới mọi tình huống của nó và mặc kệ tất cả những thứ khác. Bởi vậy, chàng Cóc nhận ra rằng mình không cần phải liên tục đặt những câu hỏi kiểu “Ông hiểu ý tôi nói không?” hay “Điều tôi nói đã dễ hiểu chưa?”, hoặc những câu mà nó thường nói để bào chữa cho sự lan man và thiếu chín chắn của mình. Nếu nó, chàng Cóc, tìm được từ ngữ để mô tả về điều mà nó đang nghĩ, ông Diệc sẽ lắng nghe và thấu hiểu. Nhưng nếu ông ấy không hiểu, ông ấy sẽ nói ra và rồi Cóc buộc phải nói rõ hơn, hoặc tìm các từ hay một cách diễn đạt khác để truyền tải ý mình định nói một cách chính xác hơn. Bằng cách nào đó, cách mà ông Diệc lắng nghe nó và khơi gợi bằng những câu hỏi đã khiến chàng Cóc ý thức được mọi loại suy nghĩ và cảm xúc của mình. Dần dần, nó bắt đầu khám phá và tìm hiểu các khía cạnh của bản thân mà trước đây nó không hề hay biết. Nói cách khác, chàng Cóc đã bắt đầu rút ra được những bài học cho mình. “Cóc à,” ông Diệc cất lời, “cậu cảm thấy thế nào?” Câu hỏi này giờ đây không còn khiến nó ngạc nhiên nữa và thực chất cậu chàng còn đang mong đợi được hỏi điều đó. “Tôi cảm thấy mình đã thay đổi,” nó trả lời. “Tuy tinh thần tôi vẫn xuống thấp, nhưng tôi nhận ra bản thân đã bắt đầu suy ngẫm về buổi tham vấn trước đây, khi ông nhắc đến Cái tôi trẻ em. Chúng ta sẽ nói thêm về nó trong buổi hôm nay chứ?” “Đương nhiên rồi,” ông Diệc trả lời. “Tôi muốn cùng cậu khám phá nó. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi phải thay đổi vai trò của mình.” “Ý ông là sao?” Cóc thắc mắc. “Có nghĩa là tôi sẽ cư xử khác đi. Nếu tôi dạy cậu về Cái tôi trẻ em, tôi cần đảm nhiệm vai trò của một giáo viên. Một điều khác biệt nữa chính là tôi sẽ giữ vai trò là một người kể, thay vì lắng nghe như trước đây. Nếu tôi thành công giải thích cho cậu hiểu về Cái tôi trẻ em, cậu sẽ có thể áp dụng những ý tưởng này để tự khám phá bản thân và trải nghiệm cho riêng mình. Nên nhớ, không gì thiết thực hơn một lý thuyết hay.” Trong khi chàng Cóc vẫn còn đang vắt óc suy nghĩ về ý nghĩa của những câu nói ấy, ông Diệc đã đứng dậy và đi tới chỗ tấm bảng lật. “Cái tôi trẻ em,” ông bắt đầu giải thích, “được tạo nên bởi những tàn dư cũ kĩ còn sót lại từ thời thơ ấu của chúng ta. Nó bao gồm mọi cảm xúc mà ta đã trải qua khi còn nhỏ. Cậu phải nhớ rằng, khi mới được sinh ra, chúng ta chỉ có những cảm xúc rất cơ bản. Trong những năm đầu đời, những cảm xúc ấy dần dần phát triển thành các thói quen cùng hành vi phức tạp và tinh tế hơn; nó trở thành trung tâm và hình thành nên một phần con người chúng ta, quyết định hành vi của chúng ta trong suốt quãng đời còn lại. Và kết quả là, trong những tình huống hay hoàn cảnh cụ thể, ta đều sẽ tự động phản ứng từ góc nhìn cơ bản ấy. Điều đó có nghĩa là lại một lần nữa, chúng ta hành xử và cảm nhận như một đứa trẻ mà trước kia chúng ta đã từng.” “Ông có thể giải thích kĩ hơn một chút không?” Chàng Cóc hỏi. “Chắc chắn rồi,” ông Diệc đáp lời. “Tôi đang chỉ ra rằng chúng ta được sinh ra với những cảm xúc cơ bản, cũng giống như các màu sắc cơ bản vậy, và đứa trẻ sơ sinh nào cũng sẽ có những cảm xúc ấy. Nhưng khi chúng ta phát triển theo từng cá thể riêng biệt, cảm xúc và phản ứng của chúng ta ngày càng được cá nhân hóa, cũng như các màu sắc cơ bản được pha trộn để tạo nên đủ mọi màu sắc và sắc thái khác nhau. Liệu điều này có dễ hiểu hơn không?” “Có,” chàng Cóc đáp. “Tôi hiểu rồi.” “Vậy thì,” ông Diệc nói tiếp, “cậu nghĩ những cảm xúc cơ bản là gì?” Chàng Cóc cau mày và gãi đầu, nhưng vẫn chưa thể đưa được ra câu trả lời. “Hãy hiểu theo cách này,” ông Diệc hướng dẫn. “Tôi biết là cậu chưa lập gia đình, nhưng cậu có cháu trai hay cháu gái chứ?” “Vâng, tất nhiên rồi,” chàng Cóc đáp lại. “Tôi lúc nào cũng nhớ sinh nhật của chúng và luôn tặng quà cho chúng vào mỗi dịp Giáng Sinh. Thành thực mà nói, tôi nghĩ chúng rất quý tôi.” “Tốt lắm,” ông Diệc nói. “Vậy thì cậu mô tả những cảm xúc cơ bản của chúng như thế nào?” “Chà, chúng thường hay chạy nhảy khắp nơi vô cùng vui vẻ. Tôi không hiểu chúng lấy đâu ra nguồn năng lượng đó nữa! Và khi tôi xuất hiện với chiếc túi chất đầy quà, chúng sẽ chạy xô đến chỗ tôi, trao cho tôi những cái ôm hôn thắm thiết nhất. Chúng luôn vô cùng phấn khích, thực sự là vậy. Nghe này, chàng Cóc tiếp tục nói. “Đó không chỉ bởi vì những món quà. Tôi cảm nhận được sự tiếp đón như thế ở bất cứ nơi nào tôi tới. Chúng vô cùng tình cảm.” “Chắc chắn là như vậy rồi,” ông Diệc đáp. “Hãy ghi lại điều này.” Và thế là ông ta bước đến chỗ bảng lật, viết tiêu đề Những cảm xúc cơ bản của trẻ em với dòng bên dưới là Vui vẻ và tình cảm lên trên đó. “Còn gì nữa không?” Ông Diệc hỏi tiếp. “Chắc chắn chúng cũng sẽ có lúc giận nhau,” chàng Cóc trả lời. “Tôi biết chúng đã có những trận cãi vã vô cùng khủng khiếp, đến mức tôi phải ngăn chúng không lao vào xâu xé nhau. Chúng có thể biến thành một lũ quỷ nhỏ.” “Vậy đây lại là một cảm xúc cơ bản khác” ông Diệc nói và viết Tức giận xuống dòng tiếp theo. “Ồ, đúng thế, tôi vô cùng đồng ý với điều này.” chàng Cóc gật gù. “Cậu có nghĩ ra điều gì khác nữa không?” Ông Diệc tiếp tục hỏi. “Tôi đang hơi bí một chút,” chàng Cóc trả lời sau một thoáng ngừng lại. “Hãy thử nghĩ theo một cách khác,” ông Diệc nói. “Đâu là những cảm xúc cơ bản mà dường như đã xuất hiện từ khi chúng ta sinh ra, những cảm xúc đến một cách tự nhiên mà không cần học hỏi?” “Tôi không chắc đây có phải là điều mà ông đang tìm kiếm không,” chàng Cóc đáp lại, “nhưng mấy đứa cháu của tôi có thể buồn bã hay ủ rũ một cách dễ dàng. Tôi nhớ vào lần cuối tôi đến thăm chúng, chúng đã khóc chỉ vì con cún con mà chúng nuôi vừa mới chết. Tôi đã cố gắng an ủi chúng, mấy đứa cháu tôi đều ngập trong nước mắt. Thế nhưng tôi cũng chẳng thể giúp được gì, kết quả là tôi khóc theo chúng. Ông biết đấy, tôi là một người rất dễ mềm lòng”. Nói đến đây, chàng Cóc xì mũi với đôi mắt rưng rưng ngập nước. “Đó cũng là một cảm xúc cơ bản khác,” ông Diệc nói và viết thêm Buồn bã vào danh sách. “Còn gì nữa không?” Chàng Cóc lắc đầu. “Tôi chẳng thể nghĩ được thêm gì nữa.” “Còn sợ hãi thì sao?” Ông Diệc hỏi. “Theo những gì mà tôi được biết, trẻ con thường hay hoảng sợ và rất dễ để dọa sợ một đứa trẻ con. Thật ngạc nhiên là một vài người trưởng thành lại rất thích thú khi làm điều đó, nhưng đây lại là một câu chuyện khác. Dù sao thì, cậu có đồng ý với tôi về nỗi sợ không?” “Chắc chắn rồi,” chàng Cóc trả lời. “Tôi vẫn nhớ lần tôi tỉnh giấc và hét toáng lên khi gặp cơn ác mộng đầu tiên hồi còn nhỏ. Chẳng ai dạy tôi phải làm vậy cả, tôi cứ thế hét lên thôi, như thể đó là bản năng vậy.” “Phải rồi,” ông Diệc đồng tình. “Vậy thì tôi nghĩ danh sách của chúng ta đã hoàn thành,” và ông thêm dòng chữ Sợ hãi vào bảng. Dưới đây là những gì được viết lên chiếc bảng lật: Những cảm xúc cơ bản của trẻ em Vui vẻ và tình cảm Tức giận Buồn bã Sợ hãi “Tất cả những cảm xúc này được tập hợp và hình thành nên thứ gọi là Đứa trẻ tự nhiên, điều này tạo nên một phần quan trọng của Cái tôi trẻ em,” người tham vấn nói. “Vậy thì,” chàng Cóc lên tiếng, “mỗi khi tôi thấy ai đó thể hiện sự trìu mến, giận dữ, buồn bã hay sợ hãi, tôi có thể nói rằng họ đang là Đứa trẻ tự nhiên của chính mình phải không?” “Chính xác là như vậy,” ông Diệc trả lời. “Dù sự tức giận phức tạp hơn nhiều và chúng ta sẽ tìm hiểu về cảm xúc cụ thể ấy sau. “Và tất cả mọi người đều có thể rơi vào trạng thái Trẻ em, bất kể họ đã bao nhiêu tuổi?” Chàng Cóc hỏi. “Chính xác,” ông Diệc đáp. “Những người rơi vào trạng thái Trẻ em đều có cảm nhận cũng như hành động y hệt như khi họ còn bé, bất kể tuổi thực của họ là bao nhiêu đi chăng nữa. Một khoảng lặng bao trùm khi chàng Cóc chìm vào dòng suy nghĩ. Cuối cùng cậu chàng cũng cất lời: “Tôi nghĩ tôi thường rơi vào trạng thái Cái tôi trẻ em, sau đó lại tiếp tục im lặng. “Thế nhưng,” ông Diệc nói, “đây mới chỉ là một nửa của toàn cảnh thôi.” “Ý ông là sao?” Chàng Cóc hỏi. “Nghĩa là vẫn còn điều mà ta chưa biết về trạng thái Cái tôi trẻ em này?” “Đúng vậy,” ông Diệc đáp. “Còn vô vàn thứ nữa. Như chúng ta đã nói, hành vi tự nhiên của một đứa trẻ là sự pha trộn của những cảm xúc cơ bản, sau đó ông chỉ vào danh sách được viết trên bảng. “Ví dụ, một đứa trẻ sẽ la hét đòi đồ ăn và sự chú ý, tu hết bình sữa sẽ thiu thiu ngủ khi cái bụng đã căng tròn và điều chúng muốn đã được đáp ứng. Tất cả các cảm xúc tự nhiên ấy đã bắt đầu hoạt động từ những ngày đầu tiên, khi đứa trẻ phát triển về mặt thể chất thì đời sống tinh thần của chúng cũng phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn. Thế nhưng vẫn có những yếu tố khác xen vào, và một yếu tố quan trọng trong số đó là bố mẹ của đứa trẻ. Họ tác động lên ý thức của chúng ngay từ ban đầu. Gần như hành động của mọi đứa trẻ đều tạo nên những phản ứng của cha hoặc mẹ chúng và điều này ảnh hưởng sâu sắc đến những đứa trẻ ấy. Thường thì người mẹ sẽ phản ứng trước tiếng khóc của con mình bằng những hành động quan tâm và ân cần, nhưng bố mẹ cũng có thể hành động theo cách thiếu tình thương. Người mẹ có thể mệt mỏi hay thậm chí không khỏe nên có phản ứng gay gắt; hoặc người bố có thể mang quan điểm hà khắc về cách nuôi dạy con và sẽ hoàn toàn phớt lờ tiếng khóc của đứa trẻ vì sợ rằng sẽ chiều hư nó.” “Điều này khiến ta nhận ra bọn trẻ dễ bị tổn thương đến nhường nào,” chàng Cóc trầm ngâm nói. “Trước đây, tôi chưa bao giờ nhận ra tầm ảnh hưởng của mọi người đối với con cái họ. Họ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát, có thể yêu thương hoặc chối bỏ, âu yếm hay đánh đập chúng. Được sinh ra trong gia đình với bố mẹ như thế nào cũng chẳng khác gì trò chơi xổ số. Chàng Cóc trầm ngâm, bắt đầu suy ngẫm về chính tuổi thơ của mình và cố gắng nhớ lại nó. Sau một hồi, ông Diệc lần nữa cất lời. “Cậu nói đúng, Cóc à. Hầu hết các bậc làm cha làm mẹ đều cố gắng hết sức và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Nhưng cha mẹ cũng chỉ là người thôi, họ không thể tránh khỏi việc truyền đạt lại niềm tin và hành vi của mình cho con cái cũng như cách họ truyền lại gen của họ. Vậy nên bọn trẻ chỉ còn cách học để đương đầu và bảo vệ bản thân khỏi những hậu quả mà nó đem lại.” “Thế nhưng chúng đương đầu với nó bằng cách nào?” Cóc thắc mắc, có vẻ như bây giờ nó đã trở nên năng nổ và lanh lợi hơn. “Trẻ sơ sinh và trẻ em đâu thể tư duy một cách lô-gích. Chúng không có khả năng ngồi lại và lên kế hoạch, tìm ra cách để đối phó với hành vi của cha mẹ mình.” Chàng Cóc nói một cách khá quyết liệt, như thể nó đang đương đầu, không phải với quan điểm phiến diện về tâm lý trẻ em mà với một điều gì đó đang ẩn sâu ở bên trong, như thể chính nó đã từng trải qua. “Tất nhiên là một đứa trẻ hay một em bé sơ sinh không thể suy nghĩ thấu đáo về những điều này một cách lý trí hay có ý thức,” ông Diệc nói. “Thế nhưng điều chúng có thể làm là học hỏi thông qua trải nghiệm. Cách học hỏi này không chỉ đòi hỏi bộ não mà còn cần cả cơ thể chúng ta phải làm việc. Những gì chúng ta học là chiến thuật sống. Chúng ta phát triển các hành vi cho phép chúng ta đối phó với cha mẹ và cả những người khác nữa. Nếu may mắn, ta sẽ chừa được đủ sức lực còn lại để tận hưởng cuộc sống này. Điều đó có nghĩa là mọi đứa trẻ đều phải học cách thích nghi và tìm ra những hành vi phù hợp nhằm đối phó với hoàn cảnh mà chúng đang trải qua. Những sự thích nghi ấy sẽ trở thành trung tâm, tất cả các hành vi khác của ta sẽ lớn lên và phát triển xung quanh trung tâm này. Đương nhiên, sau đó chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện khác xảy ra trong cuộc đời, thế nhưng những trải nghiệm đầu đời hình thành nên sự khởi đầu của chúng ta và chúng ta không thể chối bỏ hay lãng quên chúng.” “Ông có thể nói chậm lại một chút không?” Chàng Cóc nài nỉ. “Cứ mỗi khi tôi nghĩ mình nắm bắt được điều gì đó thì ông lại nói sang một điều khác.” “Xin lỗi,” ông Diệc mỉm cười. “Tôi biết mình nói về điều này hơi nhiều, nhưng tôi tin nó có tầm quan trọng vô cùng to lớn. Cóc à, trong suốt quá trình chúng ta hợp tác, thấu hiểu thời thơ ấu của cậu chính là chìa khóa để thấu hiểu về bản thân cậu. Như Freud* đã nói, Bản năng ở đâu, bản ngã ở đó. Nhưng tôi sẽ giải thích điều này kĩ hơn vào lần sau. Giờ thì, cụ thể là cậu đang không hiểu điều gì nào?” “Ông nói rằng chúng ta phải học cách đương đầu với cuộc sống từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, chúng ta phải thích nghi với hành vi tự nhiên của mình. Điều đó có nghĩa là gì?” “Quả là một câu hỏi tuyệt vời, nhà tham vấn tâm lý đáp. “Để tôi trả lời câu hỏi của cậu bằng một câu chuyện ngắn. Đây là một câu chuyện khoa học viễn tưởng, thế nên hãy cứ để trí tưởng tượng của cậu được tự do nhé. Hãy tưởng tượng một hành tinh nhỏ nơi chỉ có ba sinh vật sống trên đó, cậu và hai người khác. Hai người này đều cao gấp đôi cậu và cậu phải phụ thuộc vào họ trong mọi thứ, không chỉ là đồ ăn thức uống mà còn cả nhu cầu cảm xúc của mình nữa. Thường thì họ sẽ đối xử với cậu rất tốt và cậu đáp trả lại bằng cách yêu thương họ. Thế nhưng đôi khi họ sẽ nổi cáu với cậu, điều này khiến cậu thấy hoảng sợ và tủi thân. Và bởi vì họ to lớn và quá đỗi mạnh mẽ, cậu cảm thấy mình thật bất lực và chẳng thể làm được gì. Cậu nghĩ sao về điều đó?” “Tôi không thích câu chuyện này lắm,” chàng Cóc trả lời. “Nếu đấy là tôi, tôi sẽ dựng một con tàu vũ trụ và trốn thoát khỏi hai sinh vật kia nhanh nhất có thể.” “Đáng tiếc là cậu không thể trốn thoát. Vậy nên cậu chỉ có thể chịu đựng tình cảnh ấy và học cách tốt nhất để đương đầu với họ.” “Nói cách khác,” chàng Cóc nói tiếp, dường như đã hiểu được ý nghĩa của câu chuyện. “Tôi sẽ phải học cách điều chỉnh hành vi của mình và thích nghi với hoàn cảnh cụ thể này.” “Tốt lắm,” ông Diệc đáp. “Cậu đang dần hiểu được rồi đấy. Như cậu đã nhận ra, câu chuyện của tôi chính là ngụ ý về thời thơ ấu của chúng ta. Chúng ta bắt đầu cuộc sống của mình với hai, hay đôi khi là chỉ một người khác trong cuộc đời này. Họ to lớn hơn ta rất nhiều và ta phải hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Vì chẳng thể trốn thoát nên lựa chọn duy nhất của chúng ta là thích nghi với tất cả những điều mà họ muốn. Để tôi vẽ cho cậu một sơ đồ đơn giản minh họa về điều này.” Ông bước tới bảng lật, vẽ một vòng tròn rồi viết trên đó dòng chữ Trạng thái Cái tôi trẻ em. Thế rồi ông chia đôi hình tròn ấy thành hai nửa bằng một đường kẻ ngang. Nửa trên ông viết Đứa trẻ tự nhiên, còn ở nửa dưới ông viết Đứa trẻ thích nghi. Đây là hình ảnh của nó: “Giờ thì Cóc à,” ông Diệc tiếp tục. “Hai ta nên dừng lại ở đây thôi. Chúng ta đã có một buổi tham vấn vô cùng chi tiết và tôi chắc chắn rằng nó đã mang tới cho cậu nhiều điều phải suy ngẫm. Vậy để tôi giao cho cậu một vài bài tập về nhà cho buổi tham vấn tiếp theo nhé.” “Ôi không!” Cóc ca thán, trông nó đầy lo lắng. “Không phải bài tập về nhà chứ! Tôi luôn luôn ghét chuẩn bị bài ở nhà. Tôi không nghĩ mình có thể làm nó vào tuần này đâu. Thực ra thì, tôi vừa chợt nhớ ra mình còn có rất nhiều việc cần làm. Tôi phải đi lên thị trấn, và còn cả hàng tá những việc khác nữa.” nó nói một cách đầy chán nản. Thế rồi một khoảng lặng kéo dài. “Đây chỉ là một việc quan trọng cần làm thôi,” ông Diệc lên tiếng. “Cậu sẽ phân tích điều vừa nói với tôi như thế nào?” “Ừ thì,” Cóc đáp, “tôi chỉ đơn thuần nói với ông lý do tại sao tôi không thể làm bất cứ bài tập về nhà nào thôi.” Cậu chàng trông có vẻ bất an và né tránh ánh mắt của ông Diệc. “Được thôi, nhưng cậu nghĩ đối với tôi thì nó sẽ nghe thế nào?” Chàng Cóc chỉnh lại tư thế ngồi. “Tôi thực sự không biết. Tôi đã nói rõ với ông về lý do tại sao tôi không thể làm được điều đó rồi. “Đấy có thực sự là lý do không?” Ông Diệc hỏi lại. Căn phòng một lần nữa chìm vào yên lặng. Và rồi chàng Cóc lên tiếng: “Có thể ông nghĩ chúng nghe giống như tôi đang viện cớ?” “Thế cậu nghĩ sao?” Ông Diệc hỏi. “Tôi có thể hiểu tại sao ông lại nghĩ vậy,” Cóc đáp. “Nhưng cụm từ bài tập về nhà đem tới cho tôi cảm giác vô cùng tồi tệ. Tôi có thể nhớ chính xác cảm giác của mình khi ở lại trường vào lúc tối muộn để nhồi nhét những động từ tiếng La-tinh hay học thuộc thơ, và rồi cả nỗi sợ hãi khi bị phạt vào sáng hôm sau nếu như tôi đọc sai nữa.” “Vậy có nghĩa là cậu đang ở trạng thái nào khi vừa nãy tôi nói cậu cần làm bài tập về nhà?” Ông Diệc hỏi. “Trạng thái Trẻ em.” chàng Cóc nhanh chóng trả lời. “Những nỗi sợ và sự lo âu từ đâu đó bỗng trào lên rồi xâm chiếm lấy tôi. Ông Diệc, liệu tôi có vấn đề gì không? Khi tôi hành xử như vậy ấy?” “Không, đương nhiên là không rồi,” ông Diệc từ tốn. “Chúng ta đều có những câu từ hay những tình huống gợi lại cảm giác từ thời thơ ấu. Tôi nghĩ rằng từ phổ biến nhất mà mọi người đều thấy sợ hãi là nha sĩ.” “Ôi không, không phải nha sĩ chứ!” Chàng Cóc thốt lên, ôm chặt lấy quai hàm của mình và giả vờ như đang đau đớn lắm. “Vậy thì tôi sẽ tránh từ bài tập về nhà đáng sợ này và thay vào đó, tôi sẽ chỉ yêu cầu cậu làm một số việc trước buổi tham vấn tiếp theo của chúng ta thôi.” “Việc gì cơ chứ?” Chàng Cóc hỏi, vẫn còn có hơi chút phòng bị. “Cậu chỉ cần nhớ lại thời thơ ấu của mình, nghĩ tới những ngày tháng và những kỷ niệm đầu đời, rồi chúng ta sẽ xem rằng liệu những điều chúng ta đã làm có đem lại bất cứ hy vọng nào hay không. Tạm biệt cậu, Cóc à. Tôi mong chờ được gặp lại cậu vào tuần tiếp theo.” CHƯƠNG 6 KHÁM PHÁ TUỔI THƠ Những ngày tiếp theo, Cóc cảm thấy buổi tham vấn tâm lý đó thật lạ lùng và đáng lo ngại. Nó nhận ra rằng bản thân mình đang nhớ lại những sự việc trong thời thơ ấu mà tưởng chừng như đã bị lãng quên từ rất lâu. Những sự kiện được nhớ kĩ cứ mãi lặp đi lặp lại trong tâm trí nó, và ký ức về cha mẹ cũng như ông bà tưởng chừng như chỉ vừa mới xảy ra gần đây thôi. Nó bước lên gác xép và tìm thấy một cuốn album cũ chứa những bức ảnh gia đình giờ đã ngả sang màu nâu đỏ. Chúng gợi lên một nỗi buồn sâu thẳm bên trong nó, không phải bởi những người trong ảnh đã không còn nữa, mà là bởi dường như nó chẳng được xuất hiện trong những tấm ảnh này. Cóc vẫn nhớ rõ người cha nghiêm nghị và khắt khe của mình, người luôn bơm vào đầu nó suy nghĩ rằng nó không đạt được tiêu chuẩn mà ông ấy đề ra và thậm chí là sẽ chẳng bao giờ đạt nổi. Nó nhớ lại thế giới to lớn gồm những người vĩ đại và thành công mà đối với chàng Cóc, họ đã đạt được những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực khác nhau. Ông nội của nó đã thành lập một công ty sản xuất bia gia đình, sau đó là đến cha nó tiếp quản khi ông trở thành trụ cột gia đình. Chàng Cóc vẫn nhớ khi được dẫn đi xung quanh nhà máy bia lúc còn nhỏ, nó đã cảm thấy sợ hãi bởi những tiếng ồn, hơi nước và mùi của nơi đó. Nó biết rằng mọi người kỳ vọng nó sẽ làm việc ở nơi kinh khủng ấy trong tương lai, dù thậm chí ngay từ lúc đó nó đã biết mình sẽ không bao giờ làm được điều này. Nó nhớ lại mẹ nó, một người phụ nữ thầm lặng luôn làm theo lời chồng mình như cách mà bà nghe lời bố bà. Ông ấy từng là một giáo sĩ lỗi lạc rồi sau đó trở thành một phó giám mục. Kể từ khi ấy, ông luôn được gọi là “ngài Giám mục”, ngay cả bởi chính con gái của ông. Chàng Cóc vẫn nhớ như in dáng người cao ráo và bề thế cùng với hình chữ thập lớn ở trước ngực ông, cả giọng điệu vừa ngạc nhiên vừa thích thú mỗi khi ông nói “Ồ, bánh ngọt!” lúc được phục vụ trà bánh nữa. Cóc vẫn nhớ đôi khi mẹ của nó rất vui vẻ. Tuy vậy, nó cảm thấy bà luôn ý thức được sự đánh giá của chồng mình và sẽ liên tục cố gắng chú ý đến những dấu hiệu cho thấy ông không vừa lòng. Bởi vậy, bà thường không thể hiện nhiều tình cảm với chàng Cóc để tránh khiến chồng mình phật ý và làm vừa lòng quan điểm nghiêm khắc của ông. Nó nhớ rằng nó rất hiếm khi nhận được sự âu yếm từ mẹ. Khi buổi tham vấn tâm lý tiếp theo sắp đến, chàng Cóc cảm nhận được những cảm xúc lẫn lộn mà nó chưa từng trải qua trước đây. Cảm giác rõ rệt nhất vẫn là buồn bã và chán nản khi nhớ lại thời thơ ấu vừa bất hạnh vừa cô đơn, dường như chẳng có sự xuất hiện của tình yêu thương và niềm hạnh phúc. Nhưng kể cả vậy, nó vẫn có thể nhớ lại những người, hay nói đúng hơn là những “nhân vật phụ”, những người đã bước vào cuộc đời nó một cách ngắn ngủi, vô tình khắc họa nên những hành vi và khơi dậy những cảm xúc để cho nó thấy được rằng vẫn còn có “những điều khác”. Điều này chủ yếu xảy ra vào mỗi dịp Giáng Sinh, khi mọi người bày tỏ sự kính trọng hằng năm bằng cách mua quà và hy vọng sẽ nhận lại những chai rượu thẫm màu được đem lên từ các hầm ủ rượu. Nó vẫn còn nhớ người cô đứng tuổi với chiếc mũ rộng vành gắn đầy ghim mũ mà nó cảm tưởng như chúng có thể đi xuyên qua đầu bà vậy. Cả anh chàng kỳ lạ vui tính luôn thích bày ra những trò lố bịch nữa; có lần khi chỉ có anh chàng kỳ lạ ấy và chàng Cóc, anh ta đã nổ phát rắm của mình ngay trước sự kinh ngạc của nó. Tiếp đến là người chú lớn tuổi cùng chiếc đồng hồ vàng lúc nào cũng được vắt vẻo quanh chiếc bụng bự của ông, người luôn cho chàng Cóc đồng xu một bảng rồi bóp đùi cậu chàng theo một cách ghê rợn. Và ẩn sâu trong những kí ức đang ùa về nơi tâm trí chàng Cóc là một nỗi tức giận cứ lớn dần lên nhưng có phần bất lực. Bất lực, đó là bởi nó không chắc mình tức giận với ai hay tức giận vì điều gì. Kết quả là nó lại cảm thấy tội lỗi vì đã tức giận! Bởi trong thâm tâm, chàng Cóc hiểu rõ, dù nó sẽ chẳng kể những điều này với ông Diệc đâu, rằng nó vô cùng căm phẫn cha mẹ mình. Tuy thế, cơn tức giận này cho nó thấy những vấn đề mà nó đang gặp khó khăn khi phải giải quyết. Có lẽ cha mẹ chàng Cóc đã cố gắng hết lòng vì nó khi nó còn nhỏ để giờ đây, chàng Cóc có thể ở trong một ngôi nhà nguy nga mà nó được thừa hưởng lại từ họ. Họ cũng đảm bảo rằng chàng Cóc sẽ được chu cấp không chỉ dừng lại ở mức đủ. Điều khiến việc tức giận họ trở nên khó khăn hơn nữa là cả cha và mẹ chàng Cóc đều đã qua đời được một thời gian rồi! Vì thế nên nếu như chàng Cóc cảm thấy tức giận cha mẹ mình là một điều vô cùng khó khăn khi họ còn sống, thì giờ đây điều này tưởng chừng như không thể! Thế nhưng cảm giác căm phẫn vẫn đang còn đó. Bởi vậy, xuất hiện trước nhà ông Diệc và bấm chuông cửa là một chàng Cóc tràn đầy xúc động, nó ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của mình trong căn phòng tham vấn. “Chào buổi sáng, Cóc.” ông Diệc nói. “Tuần vừa qua của cậu thế nào?” “Tôi không chắc lắm,” chàng Cóc khẽ trả lời. “Tôi sợ rằng mình lại bắt đầu cảm thấy trầm cảm và điều này khiến tôi lo lắng, bởi tôi cứ nghĩ rằng mình đang trở nên ổn hơn rồi.” “Cậu nghĩ lý do nào khiến cậu cảm thấy như vậy?” Ông Diệc hỏi. “Tôi nghĩ là do bài tập về nhà mà ông đã yêu cầu tôi làm,” chàng Cóc đáp lời. “Việc nhớ lại thời thơ ấu của mình là một việc vô cùng đau khổ và điều ấy khiến tôi cảm thấy buồn.” Thế rồi lần đầu tiên trong một khoảng thời gian dài, chàng Cóc bắt đầu bật khóc. Ông Diệc đưa cho nó hộp khăn giấy và nó rút một tờ để lau nước mắt. Nó lấy thêm một tờ nữa rồi xì mũi thật mạnh. Sau khi cả hai ngừng lại một lúc, ông Diệc hỏi nó đã cảm thấy ổn hơn chưa. “Vâng!” chàng Cóc đáp. “Thật bất ngờ là rồi.” “Cậu thấy đấy,” ông Diệc nói tiếp, “có một lý do hiện hữu và rõ ràng cho nỗi buồn mà bây giờ cậu đang mang. Cậu nhớ lại những khoảng thời gian chẳng mấy vui vẻ và phản ứng tự nhiên của cậu là buồn bã và ủ dột, thế nên cậu bật khóc. Cậu có đồng tình với sự lý giải này không?” “Tôi nghĩ vậy” chàng Cóc sụt sịt. “Nhưng tôi không thích mình mít ướt như thế.” “Chắc chắn là vậy rồi,” ông Diệc trả lời. “Nhưng nếu cậu muốn thấu hiểu bản thân mình hơn, cậu cần phải đối mặt với những cảm xúc của cậu và hiểu rõ chúng. Còn nếu cậu cố gắng chối bỏ chúng dù là ngó lơ hay đè nén, thì hậu quả cũng giống như cơ thể cậu bị cắt cụt đi một phần nào đó vậy. Nếu một bộ phận thiết yếu trong cơ thể cậu bị cắt bỏ thì đến một mức độ nào đó, cậu sẽ trở thành người khuyết tật.” “Vậy điều đó có nghĩa là khóc lóc cũng không sao cả?” Chàng Cóc hỏi. “Tôi nhớ cha tôi luôn rất nghiêm khắc về điều đó. Mỗi khi tôi khóc, ông ấy sẽ nói, Thôi mít ướt ngay, không thì tao nổi cơn lôi đình lên với mày bây giờ, và đương nhiên tôi sẽ nín khóc.” “Cậu có sự lựa chọn mà,” ông Diệc nói một cách vô cùng nghiêm túc. “Liệu cậu sẽ tuân theo giọng nói của người cha đã khuất hay sẽ cho phép bản thân mình được nắm quyền kiểm soát?” “Cách nói này có thẳng thắn quá không?” Cóc tỏ vẻ khó chịu. “Suy cho cùng, tôi chỉ băn khoăn về việc có nên khóc hay không thôi mà. Có vẻ như việc nhắc đến giọng nói của người cha đã khuất là hơi quá bi đát, ông có nghĩ thế không?” “Có thể là vậy,” ông Diệc đáp. “Nhưng chúng ta đang giải quyết những sự kiện bi đát. Một câu hỏi dù rất đơn giản của cậu thôi cũng cho thấy những vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự học hỏi, thậm chí là cả cuộc đời sau này của cậu.” Giờ thì chàng Cóc bắt đầu cực kỳ chăm chú. Những giọt nước mắt còn đọng lại trên khoé mắt đã dần khô, lúc này nó đang hoàn toàn tập trung và chủ động lắng nghe. “Ông hãy nói tiếp đi, ông Diệc,” chàng Cóc lên tiếng. “Tôi đang lắng nghe đây.” “Tốt lắm,” ông Diệc trả lời. “Trong buổi tham vấn ngày hôm nay, một lần nữa tôi sẽ đảm nhận vai trò người giảng dạy để cung cấp cho cậu thêm nhiều cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân. Cậu còn nhớ cuộc thảo luận của chúng ta về trạng thái Cái tôi trẻ em được tạo nên từ Đứa trẻ tự nhiên và Đứa trẻ thích nghi tuần trước chứ?” “Chắc chắn rồi,” Cóc đáp. “Nó ảnh hưởng sâu sắc đến tôi và tôi hy vọng chúng ta có thể nói thêm về điều này trong ngày hôm nay. Hiện giờ tôi đã sẵn sàng.” “Tôi cũng tin là thế,” ông Diệc nói. “Vậy chúng ta cùng bắt đầu nhé. Cóc à, ai là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong tuổi thơ cậu?” “Dễ thôi,” chàng Cóc trả lời. “Tất nhiên là cha mẹ tôi rồi. Ngoài ra còn có cả ông bà nữa.” “Hãy tập trung vào cha mẹ cậu trước. Cha cậu là kiểu người như thế nào?” Chàng Cóc không do dự mà trả lời ngay:“Nghiêm khắc và ngay thẳng. Tôi vẫn nhớ ông ấy luôn trách mắng tôi không bởi điều này thì cũng bởi điều khác. Cha thường nhìn tôi với ánh mắt đầy phản đối và nói, Theophilus, cha phải nói với con bao nhiêu lần nữa đây? Con không được làm điều đó!. Ông ấy luôn trách móc và chỉ trích tôi. Dần dần tôi bắt đầu chấp nhận rằng ông ấy luôn đúng còn tôi thì luôn phạm phải sai sót. Và vì vậy, có vẻ như những lần ông ấy trách mắng tôi đều vô cùng hợp lý. “Ông ấy có bao giờ đánh cậu không?” Ông Diệc hỏi. “Ồ, không đâu.” Cóc ngay lập tức trả lời. “Ông ấy còn không cần phải làm như vậy. Chỉ một cái nhìn từ cha tôi thôi là đã đủ lắm rồi! Và ông ấy không còn thể hiện tình cảm gì với tôi nữa, dù trước đó ông ấy cũng chẳng phải là một người quá tình cảm. Hình phạt nghiêm khắc nhất mà cha dành cho tôi là giọng nói lạnh lẽo của ông - Về phòng đi và đừng bước ra cho đến khi mày biết hối lỗi!. Tôi nhớ có vài lần hiếm hoi ông ấy chơi với tôi, nhưng đều kết thúc chẳng mấy vui vẻ. Có lẽ bởi tôi quá khao khát nhận được yêu thương từ cha mình, đến mức tôi biến thành kẻ ngốc và làm những điều dại dột. Tôi còn nhớ một lần, ông ấy đã đẩy tôi ra khỏi lòng mình và nói với mẹ tôi - Tôi không thể chịu nổi khi nó cứ hành xử như thế - rồi bước ra khỏi phòng. Tôi chỉ biết bật khóc.” Ngừng lại một chút, khi đôi mắt của chàng Cóc tuôn ra những giọt nước mắt chẳng thể kìm nén, ông Diệc mới lên tiếng: “Còn mẹ cậu thì sao?” “Bà ấy lúc nào cũng phải chịu đựng sự khống chế của cha, nhưng tôi luôn cảm thấy gần gũi với bà hơn. Thỉnh thoảng bà có âu yếm tôi, nhưng không nhiều. Nếu tôi chạy đến tìm bà mỗi khi cha nổi giận, mẹ tôi sẽ nói, Đừng ngốc nghếch như vậy con yêu à, mẹ chắc chắn rằng cha con không có ý đó đâu. Vì tôi là con một, nên tôi nghĩ bà luôn coi tôi như một đứa trẻ. Mẹ đã khiến tôi vô cùng xấu hổ ở trường khi tới thăm tôi vào Ngày hội Thể thao và nhất quyết một mực gọi tôi là ‘Theo bé nhỏ yêu dấu‘ trước mặt đám bạn, không chỉ vậy mà bà còn cố gắng chải tóc cho tôi. “Mọi chuyện có khá hơn khi cậu lớn lên không?” Ông Diệc hỏi. “Ồ không, hoàn toàn không.” Cóc đáp. “Ví dụ như khi tôi lên đại học và mời bạn ở lại, cha sẽ luôn bới móc ra điều gì đó để chỉ trích trong khi mẹ lại làm những điều khiến tôi xấu hổ. Có một lần bà hỏi, ngay trước mặt đám bạn bè tôi, rằng hôm đó tôi có mặc đồ lót sạch không! Có thể bây giờ nhắc lại thì thật buồn cười nhưng tôi có thể khẳng định với ông vào lúc đó nó chẳng hay ho chút nào.” “Và” chàng Cóc nói tiếp, “để tôi kể một câu chuyện mà có thể ông sẽ thấy thú vị. Có một lần, không lâu trước khi mẹ tôi mất, tôi đã lấy hết dũng khí của mình và nói với bà: Mẹ, khi nào thì mẹ mới ngừng coi con như một đứa trẻ?. Ông biết bà ấy trả lời tôi như thế nào không?” “Tôi nghĩ tôi có thể đoán được,” ông Diệc nói, “nhưng cậu hãy nói đi.” “Bà ấy nói: Mẹ sẽ ngừng coi con là một đứa trẻ nếu con thôi hành xử như một thằng nhóc! Dường như chẳng có câu trả lời chính đáng nào cho câu hỏi của tôi, vậy nên tôi rời khỏi phòng.” “Chắc hẳn cậu đã rất tức giận vì điều này,” ông Diệc lên tiếng sau một hồi ngưng lại. “Ồ không,” chàng Cóc trả lời. “Tôi chẳng bao giờ tức giận cả. Tôi không phải kiểu người ấy,” Nói đoạn, nó cười trừ. “Vậy cậu đối mặt với những cảm xúc tức giận như thế nào?” Ông Diệc đặt câu hỏi. Chàng Cóc ngồi thẳng lại và ấp úng: “Ờ, ừm, chính xác thì tức giận theo ý ông là gì?” “Ôi, thôi nào Cóc,” ông Diệc nói với giọng thiếu kiên nhẫn. “Cậu biết tức giận là gì mà. Cậu đối mặt với nó ra sao? Lần cuối cậu tức giận là khi nào?” Cóc cảm thấy vô cùng mơ hồ. Thứ nhất, nó không hề nghĩ tới việc tức giận tại thời điểm đó và thứ hai, nó luôn cảm thấy khó khăn để thừa nhận rằng mình đang tức giận dù ở thời điểm nào đi chăng nữa. Nó luôn cảm thấy như thể nó sẽ bị phạt nếu như có ai đó nhận ra rằng nó đang cáu giận. Kết quả là nó kìm nén cảm giác tức giận của mình lại và dùng cảm giác tội lỗi để thay thế. Nhưng tại sao ông Diệc lại đột nhiên tập trung vào chủ đề cụ thể này cơ chứ? Chỉ cần nghĩ đến cơn giận thôi cũng đã đủ để khiến cho chàng Cóc cảm thấy vô cùng lo lắng và muốn đổi chủ đề rồi; nhưng dù thế, ông Diệc vẫn đang nhìn chằm chằm vào nó chờ đợi một câu trả lời. Chàng Cóc cảm thấy mình chẳng còn cách nào khác ngoài tiếp tục chủ đề này. “Thành thật mà nói, tôi không chắc lần cuối mình tức giận là khi nào. Nếu thực sự phải suy nghĩ thì gần như tôi chẳng bao giờ nổi giận. Có vẻ như tức giận sẽ chẳng giúp ích được gì và tôi cũng không nghĩ đấy là phong cách của tôi.” Nó nở một nụ cười để cho không khí bớt căng thẳng. “Chà,” ông Diệc lên tiếng. “Tôi nghĩ sẽ có ích nếu cậu thực sự suy nghĩ về nó. Suy cho cùng, cậu cũng đã đồng ý rằng đây là một trong những cảm xúc cơ bản mà tất cả chúng ta đều có khi vừa mới được sinh ra. Hãy nhìn nhận theo cách này, Cóc ạ. Cậu nghĩ điều gì sẽ xảy đến nếu cậu tức giận khi còn bé?” Chàng Cóc suy ngẫm về câu hỏi và nhớ tới cha mình, cao lớn, nghiêm khắc và luôn luôn cấm đoán. Đứng đằng sau ông, trong cái bóng hùng vĩ đó là hai người ông của Cóc, những người đàn ông có tính cách mạnh mẽ và thẳng thắn, ngay cả đến vẻ ngoài của họ cũng toát lên tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Cóc cảm thấy sức ảnh hưởng của họ đã chi phối cuộc đời mình, cũng giống như những bức chân dung của họ đang thống trị Thư phòng tại Lâu đài Cóc. Chàng Cóc cất lời: “Tôi nghĩ mình vẫn còn nhớ những ngày ban đầu ấy, nhưng điều tôi nhớ hơn cả là cơn giận của cha mẹ chứ không phải của chính mình. Tôi luôn bị chỉ bảo rằng tôi phải làm gì. Cha luôn tức giận với tôi khi tôi không nghe lời.” “Vậy là,” ông Diệc đáp, “khi một đứa trẻ có cha mẹ nghiêm khắc và khắt khe, nó phải học cách đối phó với họ, thích nghi và điều chỉnh hành vi của mình để đương đầu với hoàn cảnh đó một cách tốt nhất. Đứa trẻ này sẽ làm gì?” “Điều này có nghĩa chúng ta đã quay lại trạng thái Đứa trẻ thích nghi sao?” Chàng Cóc thắc mắc. “Chính xác,” ông Diệc trả lời. “Chắc hẳn cậu còn nhớ, ở Đứa trẻ tự nhiên, mỗi chúng ta đều có những cảm xúc cơ sở tương ứng với các màu sắc sơ cấp trên bảng màu của người họa sĩ. Nhưng dần dần, chúng ta học cách thích nghi và điều chỉnh các hành vi tự nhiên này cho từng hoàn cảnh cụ thể, pha nhạt những sắc màu để vừa tồn tại vừa giữ gìn bản chất của riêng mình. Điều này có nghĩa là trong rất nhiều yếu tố, ta cần học cách đối phó với cơn giận gồm cơn giận của cha mẹ và cơn giận của chính bản thân mình. Cóc, cậu cảm thấy sao về điều này?” “Khá là khó để có thể hình dung.” Cóc đáp lại một cách trầm ngâm. “Tôi đang suy ngẫm về quan điểm của ông, rằng cảm xúc cũng giống như màu sắc. Tôi đang cố gắng để hình dung về một bức tranh khắc họa cuộc vật lộn giữa đứa trẻ với những cảm xúc và tình cảm đang hình thành của mình, với cả chính cha mẹ nó nữa. Họ luôn có những cái nhìn kiên định giữa đúng và sai, đồng thời cũng vô cùng mạnh mẽ. Làm gì có đứa trẻ nào vượt qua được cuộc chiến này chứ?” “Cậu có nghĩ trưởng thành luôn giống như một trận chiến không?” Ông Diệc hỏi. “Chà, tôi nghĩ ít nhất là trong trường hợp của tôi,” Cóc trả lời. “Tôi nghĩ có một áp lực khổng lồ đã đè nặng lên tôi ngay từ khi tôi còn nhỏ, đồng thời tôi phải đối mặt với cha mẹ của mình và những người vô cùng khắt khe.” Nó ngưng lại một hồi và chỉ còn sự im lặng đang bao trùm lên tất thảy, đến khi tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ tủ đứng ở góc phòng phá vỡ cái khoảng lặng ấy. Sau một hồi, chàng Cóc mới nhỏ giọng lên tiếng: “Tôi vẫn không thể hiểu, làm thế nào mà tôi đương đầu được với những điều này?” “Để tìm ra đáp án,” ông Diệc trả lời, “hãy khai thác bộ não của cậu một cách hợp lý và để tôi hỏi cậu câu hỏi sau. Một người sẽ phản ứng như thế nào nếu anh ta bị ngược đãi, bị bắt nạt bởi ai đó khỏe hơn và không có cách nào để trốn thoát?” Chàng Cóc nghĩ một hồi lâu rồi đáp: “Nếu người đó thực sự bất lực như vậy, họ cần học cách thích ứng với kẻ đàn áp ấy, không thì tôi nghĩ cuộc đời họ sẽ chẳng thể nào mà chịu đựng nổi.” “Chính xác,” ông Diệc đồng tình. “Vậy không phải nó cũng tương tự như hồi chúng ta còn nhỏ sao, khi ta phải học cách tuân theo những yêu cầu và mong muốn khắt khe của cha mẹ mình?” Sau một lúc, chàng Cóc cũng gật đầu đồng ý với điều này. “Vậy thì,” ông Diệc tiếp tục, “cậu sẽ phải làm gì?” Chàng Cóc nghĩ một hồi lâu. Trong thâm tâm, nó cảm thấy buồn và tủi thân ghê gớm khi nhớ lại những quãng thời gian xa cách ấy. Thế nhưng, dù đó là những chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi, những kỷ niệm và cảm xúc ấy vẫn còn hiện hữu trong tâm thức nó như thể chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Mặt khác, một phần trong nó cảm thấy cảnh giác và bị thách thức, nó có thể nghĩ tới những vấn đề này theo một cách khách quan mà không chịu ảnh hưởng bởi chúng. “Tôi nghĩ rằng,” nó chậm rãi nói, “nếu ta buộc phải tuân theo một ai đó, điều này đồng nghĩa với việc tránh gây tranh cãi với họ, vậy nên ta cần làm theo những gì họ nói và đồng tình với họ.” “Tốt lắm,” ông Diệc tán thành. “Tôi sẽ viết những điều này lại vì tôi nghĩ cậu đang dần khám phá được điều gì đó quan trọng.” Ông đi tới bảng lật rồi viết tiêu đề Hành vi tuân thủ, bên dưới viết thêm Đồng tình. “Còn gì nữa không?” Ông hỏi tiếp. Chàng Cóc ngẫm nghĩ một lúc. “Tôi nghĩ bên cạnh việc làm theo ý nguyện của cha mẹ, tôi cũng muốn làm hài lòng họ nữa. Tôi không chắc liệu mình có thành công làm điều đó hay không, nhưng tôi vẫn nhớ rõ rằng tôi muốn họ hài lòng và tự hào về tôi”. Nói tới đây, Cóc tiếp tục ngừng lại rồi chìm sâu vào trong suy nghĩ của mình. “Có lẽ đó là lý do tại sao tôi bắt đầu trở nên khoe mẽ. Dường như những gì tôi làm chưa bao giờ khiến họ cảm thấy hài lòng hay bị ấn tượng, thế nên tôi lại càng thực hiện nhiều hành động ngông cuồng và ngu ngốc để cố gắng thu hút sự chú ý của họ. Có phải vậy không, ông Diệc?” Ông Diệc nhìn chàng Cóc chăm chú một hồi rồi nhận ra rằng, giọng nói và vẻ ngoài của chàng Cóc vào chính lúc ấy đã thực sự bổ sung cho lời nói của nó. Lý do là bởi nếu nhìn qua Cóc và nghe những điều Cóc nói, nó thực sự giống như một đứa trẻ đang vô cùng buồn bã. Nỗi buồn này tác động sâu sắc tới ông Diệc. Ông chỉ im lặng ngồi, chia sẻ những ký ức và trải nghiệm đau buồn cùng Cóc, như một người đang cố gắng thấu hiểu những cảm xúc mà ai đó đang phải trải qua nhiều nhất có thể. Điều này chính là đồng cảm. Chàng Cóc cảm nhận được sự ủng hộ và thấu hiểu vô hình này và chúng như củng cố tâm hồn cậu chàng từ tận sâu thẳm ở bên trong. Sau một hồi, ông Diệc mở lời: “Tôi nghĩ cậu nói đúng, Cóc à, rồi lại tiếp tục im lặng ngồi bên cạnh cậu chàng trước sự đơn độc đang ngập tràn. “Giờ thì,” sau một lúc quyết định đâu là thời điểm thích hợp để lên tiếng, ông Diệc cất lời, “chúng ta cùng tiếp tục nào. Trước đó cậu nói rằng cậu luôn muốn làm hài lòng cha mẹ mình, tôi có nên thêm điều này vào trong danh sách những hành vi tuân thủ của chúng ta không?” “Ồ, có chứ,” Cóc tán thành, nghe giọng nó đã hào hứng hơn. “Và có một điều khác nữa mà ông có thể ghi thêm, đó là Hối lỗi. Tôi biết mình vẫn luôn làm điều này và khi còn nhỏ cũng vậy. Gần như trước lúc làm bất cứ điều gì, tôi cũng sẽ xin lỗi để cha tôi nguôi giận. “Tại sao cậu không tự viết điều đó nhỉ?” Ông Diệc đề nghị. Vậy là lần đầu tiên, chàng Cóc cầm chiếc bút màu lên và bổ sung Hối lỗi vào danh sách trên bảng. Rồi nó nhìn qua ông Diệc và nói: “Ông biết không, tôi bắt đầu nhận ra rằng danh sách này không chỉ mô tả quá khứ của tôi mà còn nói lên cả tôi ở hiện tại nữa. Những điều mà tôi học hỏi để làm theo trong quá khứ rất giống với cách mà tôi đang hành xử bây giờ. Tôi chẳng biết mình có nên ngạc nhiên về điều này hay không?” “Tôi thì nghĩ rằng điều khiến cậu ngạc nhiên chính là nhận ra rất nhiều những hành vi của chúng ta khi trưởng thành đều được học từ thời thơ ấu của mình. Nhưng nếu thực sự nghĩ về nó, điều này thật ra khá rõ ràng. Những cảm xúc mãnh liệt nhất chúng ta có khi còn nhỏ chắc chắn sẽ trở thành cảm xúc mà ta thường xuyên trải qua khi trưởng thành. Có lẽ đây chính là ẩn ý của nhà thơ khi ông ấy viết Trẻ thơ là cha đẻ của con người. Và tôi cũng muốn thêm một điều nữa vào trong danh sách của chúng ta, nếu cậu đồng ý.” “Điều gì vậy?” Cóc thắc mắc. “Sự phụ thuộc,” ông Diệc đáp lời. Ngừng lại một chút, chàng Cóc nói: “Ông chắc chứ? Ý tôi là, không phải đứa trẻ nào cũng phụ thuộc vào cha mẹ chúng sao? Chẳng phải đó là hành vi tự nhiên khi ta nhỏ bé và bất lực à?” “Đúng vậy,” ông Diệc đáp. “Nhưng với hầu hết mọi người, bản chất của việc trưởng thành là giảm dần sự phụ thuộc rồi cuối cùng phá vỡ những ràng buộc của nó, trở thành một người độc lập và tự chủ. Chỉ có một số ít người thực sự làm được điều này, một số thực hiện được phần nào và số còn lại vẫn sống phụ thuộc trong suốt cả cuộc đời mình.” “Nhưng điều đó thì có liên quan gì đến hành vi tuân thủ của chúng ta chứ?” Cóc băn khoăn hỏi. “Ý của tôi là,” ông Diệc giải thích, “hành vi tuân thủ có thể khiến cho người ta coi sự phụ thuộc như một lối sống. Nói cách khác, họ chẳng bao giờ thực sự trưởng thành.” “Ý ông là giống tôi phải không?” Cóc hỏi và cười khúc khích. “Đúng, tôi nghĩ vậy đấy.” ông Diệc đáp, và đây là lần đầu tiên ông ấy bật cười. Tiếng cười của ông Diệc khá khô khan, nghe như thể đã lâu lắm rồi ông ấy không cười, nhưng đó là một tiếng cười chân thật và nó biến tiếng khúc khích khó chịu của chàng Cóc thành một tiếng cười thực sự. “Xin thứ lỗi,” chàng Cóc nói, lấy tay lau mắt. “Chúng ta đang nghiêm túc nhưng đột nhiên mọi thứ lại trở nên lố bịch, thế nên tôi không thể nhịn được cười.” “Không cần xin lỗi!” ông Diệc nói. “Dù sao thì đây cũng là lúc chúng ta nên kết thúc buổi tham vấn ngày hôm nay và thật tuyệt khi chúng ta kết thúc nó một cách vui vẻ!” Lần này ông Diệc tiễn chàng Cóc ra tới cửa, ngay khi nó chuẩn bị rời đi, ông quay qua nó và nói: “Cóc à, tôi tin rằng cậu đang tiến bộ rất nhiều. Tuy vẫn có nhiều việc ta cần làm nhưng cậu đã đặt chân vững chắc lên con đường học hỏi và sẽ không bao giờ quay đầu lại.” Sau đó ông vẫy tay chào một cách thân thiện rồi đưa tay đóng cửa lại. Cóc đi bộ về nhà dọc theo con đường bên bờ sông, và đây là lần đầu tiên nó cảm thấy hạnh phúc đến thế sau một thời gian dài. CHƯƠNG 7 KẺ ĐỘC TÀI TỐT BỤNG Trước khi đến buổi tham vấn tiếp theo, Cóc đã dành cả tuần trời để đối phó với cơn giận dữ của chính mình và nhìn chung thì nó nhận thấy mình đã liên kết cảm xúc này với cảm giác tội lỗi. Ngoài cha, người luôn tức giận với nó từ khi bắt đầu trưởng thành chính là bác Lửng. Bác Lửng, con vật mạnh mẽ và to lớn ấy, từ lâu đã cố ngăn cản nó khỏi việc tận hưởng những chiếc mô tô và luôn nói chuyện với nó bằng một giọng nghiêm khắc đến mức nó đã phải rơi những giọt nước mắt hối hận rồi hứa hẹn sẽ thay đổi. Và còn nhiều ví dụ tương tự khác nữa! Thế rồi chàng Cóc nhanh chóng nhận ra rằng bác Lửng sẽ chẳng thể nào trở thành một người tham vấn tâm lý - bởi vì bác ấy không bao giờ chịu lắng nghe ai cả. Cũng giống như bao người lúc tức giận, bác Lửng chỉ muốn ra lệnh cho người khác phải làm gì và chỉ trích mọi người bởi những sai lầm họ mắc phải thôi. Chàng Cóc vẫn còn nhớ một tình huống cụ thể với bác Lửng mà giờ đây nó đang hồi tưởng và suy ngẫm lại. Đó là vài năm trước khi nó phải trải qua khoảng thời gian tương đối khó khăn. Nó đã gặp một hoặc hai vụ đụng xe khủng khiếp, rồi đột nhiên bác Lửng bất ngờ xuất hiện cùng với Chuột Nước và Chuột Chũi, cố gắng làm nó thay đổi cuộc sống của mình. Nó vẫn nhớ bác Lửng đã dẫn nó vào phòng hút thuốc trong Lâu đài Cóc rồi giảng giải cho nó nghe về những bài học đạo đức khiến chàng Cóc phải hối hận tới mức rơi nước mắt. Nhưng khi mọi chuyện kết thúc và bác Lửng nghiêm khắc trở thành một người cha tốt bụng, sự cứng đầu của chàng Cóc liền quay trở về và cố để thể hiện bản thân. Khi đó, bác Lửng muốn Cóc thú nhận những điều tội lỗi mà nó đã làm với Chuột Nước và Chuột Chũi, tiếp đến là thành thật thừa nhận những lỗi lầm mà nó đã gây ra. À, đương nhiên là nó không làm như vậy rồi. Cóc nhớ như in tình huống lúc ấy và thậm chí là nhớ từng chữ mình nói ra. “Không!” Nó đã nói vậy. “Cháu không xin lỗi đâu. Hành động đó chẳng hề điên rồ một chút nào cả. Nó chỉ vô cùng huy hoàng thôi!” Chàng Cóc còn chẳng buồn suy nghĩ mà nói thêm khi thấy những lời mình nói dường như khiến bác Lửng chướng tai: “Ồ vâng, ở trong đầu, cháu sẽ nói mọi điều ở trong đầu!” Và nó đã thực sự làm như vậy. Bởi chàng Cóc nhận ra rằng những hành động ăn năn hối lỗi bên ngoài kia thực tế chỉ là một cách để phản kháng lại sự chỉ trích của bác Lửng. Sự ăn năn ấy không hề xuất phát từ trái tim và cũng chẳng đại diện cho những thay đổi thực sự. Rồi chàng Cóc nghĩ: “Sao mình lại thế nhỉ, luôn là người khác tức giận chứ chẳng bao giờ là mình. Tại sao lại như vậy?” Cuối cùng thì buổi tham vấn tâm lý cũng đã đến và chàng Cóc lại ngồi đối diện với người tham vấn trong căn phòng quen thuộc ở Bãi Diệc. “Buổi sáng tốt lành, cậu Cóc!” Ông Diệc cất lời. “Tinh thần của cậu hôm nay thế nào?” “Tôi cảm thấy vui vẻ hơn một chút rồi, tôi nghĩ vậy,” chàng Cóc đáp. “Tôi đã ngủ ngon hơn và bắt đầu hứng thú với một vài thứ, chẳng hạn như tôi đã bắt đầu nhận nhật báo và đọc chúng kĩ càng. Ngày trước tôi còn chẳng thèm động vào tờ báo nào.” “Tốt lắm,” ông Diệc đáp. “Vậy cậu đang ở đâu trên chiếc Nhiệt kế cảm xúc của chúng ta?” Ông lật giở từng trang giấy và mở đến trang chứa hình ảnh mà ông đã vẽ trong buổi tham vấn đầu tiên. Nó chỉ đơn thuần là một đường thẳng đứng với số một ở dưới cùng và số mười ở trên đỉnh. “Tôi nghĩ mình đang ở tầm năm hoặc sáu,” Cóc trả lời. “Cậu có nhớ mình đã ở đâu trong buổi tham vấn đầu tiên không?” Ông Diệc hỏi, sau đó chỉ vào điểm mà Cóc đã đánh dấu vào tuần đầu tiên nó đến đây. Giữa một và hai. Một sự im lặng bao trùm lên cả hai người, nhưng chàng Cóc cảm nhận được rằng đây là một sự im lặng thân thiện khi cả hai đang cùng nhìn nhau. Cuối cùng Cóc cũng lên tiếng: “Ông Diệc, liệu tôi có được phép quyết định điều mà ta sẽ làm trong buổi tham vấn ngày hôm nay không?” “Tất nhiên là có rồi. Và tôi sẽ rất mừng nếu cậu làm vậy,” ông Diệc trả lời. “Thế nhưng thực chất cậu vẫn luôn là người đưa ra quyết định mà. Trong mỗi buổi tham vấn, tôi luôn cố gắng giúp cậu đối mặt với các vấn đề cậu đang gặp phải để từ đó cung cấp cho cậu những cái nhìn sâu sắc và bài học hữu ích nhất. Nếu cậu đã có thể tự nhận định được chúng thì rõ ràng chúng ta đang tạo nên sự tiến bộ.” “Nếu vậy thì,” Cóc đề nghị, “tôi muốn phân tích về cơn giận của bản thân, hay chính xác hơn là tại sao tôi lại không có nó. Vào buổi tham vấn trước, chúng ta đã nhìn vào cách tôi thích nghi và điều chỉnh hành vi của mình để đối phó với cha mẹ đầy khắt khe, điều mà ông gọi là hành vi tuân thủ.” “Đúng, tôi vẫn nhớ,” ông Diệc nói. “Tôi vẫn giữ phần đó trong sổ.” Nói đoạn ông lật đến trang có tiêu đề Hành vi tuân thủ, ở dưới là những dòng chữ Đồng tình, Làm hài lòng, Hối lỗi và Phụ thuộc. “Tôi cho rằng đây là cách cậu bảo vệ bản thân khỏi cơn tức giận và sự nóng nảy của cha mẹ mình. Vậy câu hỏi cậu đặt ra là gì hả Cóc?” “Là một câu hỏi đơn giản nhưng tôi chẳng thể tìm ra được câu trả lời. Tại sao tôi lại không nổi giận? Chỉ có vậy thôi.” “Cậu chưa bao giờ nổi giận sao?” Ông Diệc hỏi. “Chưa bao giờ như bác Lửng cả. Mỗi khi bác Lửng tức giận, trông bác ấy rất nghiêm khắc và gay gắt, bác ấy sẽ lớn tiếng và rồi chỉ tay vào mặt ông một cách đầy giận dữ. Phải nói thật, bác ấy dọa tôi sợ chết khiếp!” “Còn cậu? Cậu không bao giờ như vậy sao?” Chàng Cóc suy nghĩ một hồi lâu. “Hình như có một lần. Đó là khi tôi cùng bạn bè chiến đấu với những kẻ ở Rừng Hoang vì họ đã chiếm đóng căn nhà của tôi. Tôi đã tức giận đến nỗi thốt lên lời khiêu chiến và xông thẳng tới con chồn thủ lĩnh. Tôi cho hắn một đòn đau đớn và đuổi hắn ra khỏi nhà mình, cùng với đồng bọn của hắn ta nữa. Nhưng đó chỉ là một trường hợp hiếm hoi thôi. Khi mọi chuyện kết thúc, tôi kiệt sức đến nỗi chẳng thể thức dậy cho đến tận giờ ăn trưa. Điều này hoàn toàn trái ngược với bản chất của tôi. Tôi không phải một kẻ hung hãn, nhưng thú thật, tôi tự hào với những gì mình đã làm vào tối hôm đó. Thực chất thì phải là vô cùng tự hào mới đúng.” “Cậu có quyền được cảm thấy như vậy,” ông Diệc ôn tồn. “Nhưng tôi vẫn chưa hiểu chính xác đâu là vấn đề khiến cậu bận tâm. Cậu có thể nhắc lại câu hỏi của mình một cách chi tiết hơn không?” “Được chứ,” chàng Cóc đáp ứng ngay. “Vài buổi trước, ông có nói và tôi cũng đồng ý với ông, rằng tức giận chính là một trong những cảm xúc cơ bản của chúng ta. Tôi nhớ rằng ông nói những cảm xúc này cũng giống như những màu sắc cơ bản trên bảng màu của họa sĩ. Thế nên câu hỏi của tôi là: Nếu tức giận là một yếu tố căn bản trong hành vi của tôi, vậy tại sao tôi lại không nổi giận?” “Một câu hỏi rất thú vị đấy, Cóc ạ,” ông Diệc trả lời. “Tuy nhiên, giống như các câu hỏi khác, câu trả lời sẽ cho cậu cái nhìn sâu sắc nhưng cũng có thể sẽ khá đau buồn về bản thân mình. Cậu có sẵn sàng để đón nhận nó không?” Chàng Cóc nhìn ông với ánh mắt kiên định. “Tôi đã đi tới bước này rồi, không thể dừng lại ở đây được,” nó đáp. “Vậy được rồi. Có lẽ cách tốt nhất để bắt đầu là sử dụng bộ não và lý lẽ của chúng ta, mặc dù câu hỏi chỉ xoay quanh về cảm xúc và tình cảm. Chúng ta hãy bắt đầu với tình huống này. Cậu đang bị giam cầm bởi những tên bạo chúa đầy nhân từ. Chúng hoàn toàn điều khiển cậu, nhưng đồng thời cũng quan tâm và chăm sóc cậu. Cậu sẽ cảm thấy như thế nào?” “Tôi nghĩ những cảm xúc của mình sẽ vô cùng lẫn lộn,” Cóc thành thực trả lời. “Chính xác! Và đó cũng chính là điều mà cậu đã phải trải qua khi còn nhỏ. Làm sao cậu có thể tức giận với những kẻ thống trị đầy tử tế - cha mẹ cậu - người hoàn toàn có ưu thế hơn cậu và cũng là người mà cậu đang phụ thuộc vào chứ? Họ thậm chí còn là những người cậu yêu thương nữa kìa.” Chàng Cóc lại ngồi trầm ngâm và chìm sâu vào trong suy nghĩ của mình. “Có vẻ như đây là một tình huống vô cùng tiến thoái lưỡng nan,” nó nói. “Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như cơn giận của tôi phải đương đầu với sự uy quyền bất khả chiến bại của cha mẹ mình?” “Theo như tôi nghĩ, chỉ có một câu trả lời có khả năng xảy ra thôi.” “Đó là gì vậy?” Cóc tò mò. “Cậu phải học cách tức giận một cách không hung hăng!” “Nhưng điều này là không thể!” Cóc nhanh chóng phân bua. “Đương nhiên tức giận đồng nghĩa với việc trở nên hung hăng rồi. Không phải điều này có nghĩa là tôi cần học cách hoàn toàn kìm nén cơn giận của mình lại sao?” “Tôi thì lại không hề nghĩ vậy,” ông Diệc giải thích. “Tức giận là một phần không thể thiếu trong hành vi của chúng ta và nó sẽ chẳng bao giờ bị dập tắt hoàn toàn. Hãy dùng một phép ẩn dụ khác nhé, lần này liên quan đến khoa học đi. Thử tưởng tượng một bình ga đang dần nóng lên, áp suất ngày càng tăng và bắt đầu có nguy cơ nổ. Phải làm gì để nhanh chóng hạ áp suất xuống?” “Điều đầu tiên cần làm,” Cóc trả lời, “đương nhiên là mở van càng lỏng càng tốt để xả thật mạnh ga vào trong không khí.” “Vậy thì,” ông Diệc tiếp tục, “đây cũng là cách con người dùng để đối phó với cơn giận của chính mình. Họ giải phóng nó như xả mạnh một luồng khí ga, theo hướng một mục tiêu đã chọn, rồi sau đấy lại tiếp tục các hành vi thông thường của mình. Điều họ quên mất, hay cố tình bỏ qua, chính là thiệt hại mà họ đã gây ra và tác động tiêu cực mà hành vi này đem lại cho các mối quan hệ.” “Thế nên tức giận chính là hung hăng, như tôi đã nói?” Cóc tò mò, lo lắng rằng mình sẽ không theo kịp. “Đúng vậy, chắc chắn là thế trong ví dụ tôi đang nói và đây cũng là điều mà tôi muốn mô tả, nhưng giờ hãy thử cân nhắc điều này. Một lần nữa tưởng tượng đến bình ga đang nóng lên và áp suất dần tích tụ bên trong. Liệu có còn cách nào khác để hạ áp suất xuống, cách nào đó nhẹ nhàng hơn không?” “Tôi nghĩ rằng nếu muốn cẩn thận, ta có thể từ từ mở van ga và đợi một lúc lâu để khí thoát hết ra ngoài. Đó có phải là điều mà ông đang muốn nói tới không?” “Đúng là như vậy. Cậu Cóc, cậu không thấy sao? Cậu đang tìm được ra câu trả lời rồi đó! Điều cậu và cả những người khác đều có thể rút ra chính là tức giận một cách không hung hăng. Cậu đã học được phương pháp để giải phóng cơn giận của mình một cách từ từ và nhẹ nhàng, gần như không thể bị phát hiện và cũng chẳng hề gây hấn với bất kỳ ai.” “Nhưng bằng cách nào cơ chứ?” Cóc than vãn. “Tôi không nhớ mình đã cư xử như vậy.” “Thế thì,” ông Diệc tiếp lời, “cậu đã bao giờ ăn vạ chưa?” “Gì cơ, đó cũng là tức giận sao?” Chàng Cóc ngạc nhiên hỏi lại. “Ý tôi là, ăn vạ chỉ tổ vô ích và chẳng đem lại lợi ích gì.” “Cậu Cóc thân yêu ơi, đó là điều tôi muốn nói đến đấy,” ông Diệc từ tốn đáp. “Ăn vạ chính là thể hiện sự tức giận một cách trẻ con, thường là cách những đứa trẻ phản ứng lại đối với các câu nói như Không được làm vậy! của người lớn. Điều này khiến đứa trẻ giận dữ, đồng thời cũng khiến nó cảm thấy bất lực vì không thể trở nên bạo lực hay hung hăng với những người gây ra sự tức giận này. Tất cả những gì đứa trẻ ấy có thể làm là nằm lăn ra sàn nhà, đá đấm và la hét. Nhưng khi người trưởng thành làm những hành động đó, đôi khi người ta gọi nó là làm quá. “Được rồi,” Cóc nhỏ giọng. “Tôi nghĩ tôi đã làm điều này vài lần trong đời. Nhưng…” - nó phân bua - “gần đây thì không.” Sau đó tiếp tục: “Ông có nói rằng những cơn tức giận không hung hăng này được kéo dài theo thời gian. Nhưng những lần ăn vạ đâu có kéo dài.” “Đúng thế. Mặc dù đôi khi những cơn ăn vạ có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Hãy nghĩ tới một hành động phản ứng có thể kéo dài nhiều giờ hay thậm chí là nhiều ngày.” “Phản ứng nào được chứ?” Chàng Cóc thắc mắc. “Hờn dỗi thì sao?” “Hờn dỗi ư?” Cóc hỏi lại. “Tôi chưa từng nghĩ hờn dỗi là một cách thể hiện sự giận dữ đấy.” “Còn tôi thì tin rằng như vậy,” ông Diệc giải thích. “Hờn dỗi là hành vi ủ rũ và buồn rầu, khi đó người hờn dỗi thường sẽ im lặng. Cóc à, tôi nghĩ trong tất cả những hành vi của Đứa trẻ thích nghi, hờn dỗi là ví dụ minh họa rõ ràng nhất cho cách một đứa trẻ tận dụng thời gian để làm nguôi cơn giận của mình. Đây thường là cách một đứa trẻ phản ứng trước những người nắm quyền khi điều nó muốn không được thỏa mãn. Đối với người trưởng thành, hành vi này thường xảy ra bởi lý do tương tự, có thể là khi ai đó thua trong một cuộc tranh giành quyền lực. Về cơ bản, hờn dỗi chính là phản ứng của kẻ thua cuộc khi kẻ mạnh hơn chiến thắng. Nó hoàn toàn trùng khớp với những điều mà chúng ta đang nói tới. Hờn dỗi làm nguôi ngoai cơn giận bằng cách từ từ giải phóng nó với cường độ thấp, và đương nhiên cũng làm giảm cả sự hung hăng.” Căn phòng lại được bao trùm bởi sự im lặng khi cả hai cùng suy ngẫm về điều mà ông Diệc vừa nói. Chàng Cóc bắt đầu nhận ra những hành vi bắt nguồn từ Đứa trẻ thích nghi của nó ngày càng nhiều. Ông Diệc đang cố gắng quan sát để biết chàng Cóc hiểu những vấn đề này đến đâu, và tự hỏi bản thân rằng liệu ông, người tham vấn tâm lý Diệc, có đang nói quá nhiều lý thuyết suông hay không. Cuối cùng thì chàng Cóc cũng lên tiếng: “Có cách nào khác để một đứa trẻ học được phương pháp làm thế nào để nổi giận không?” “Tôi tin rằng có hàng trăm cách,” ông đáp. “Nếu cậu để ý, cậu sẽ thấy mỗi chúng ta đều phải thích ứng với một hoàn cảnh cụ thể trong thời thơ ấu. Nó giống như một bức tranh mosaic lớn thể hiện rõ nét hành vi của chúng ta, được ghép lại bởi các tình cảm và cảm xúc liên quan. “Vậy tôi có thể hỏi ông cách mà chúng ta phân tích nó không?” Cóc hỏi. “Đương nhiên rồi,” ông Diệc đáp. “Để tôi vẽ một biểu đồ cho cậu thấy.” Và đây là những gì mà ông vẽ. Thế rồi ông ấy tiếp tục: “Đương nhiên điểm mấu chốt ở đây, và tôi có thể thấy cậu đang dần hiểu ra điều này rồi đấy Cóc ạ, chính là mọi chiến lược hành vi này thực chất đều là các cơ chế phòng bị được hình thành ngay từ thời thơ ấu của chúng ta. Đó là những cách chúng ta dùng để bảo vệ mình khỏi những mối nguy mà chúng ta nhận thấy, dù cho nó là thực hay tưởng tượng. Khi ta thấy một người trưởng thành hờn dỗi, ăn vạ hay ủ rũ, nói rằng họ cảm thấy buồn chán, có thể chúng ta sẽ tự hỏi liệu những hành vi này của bọn họ có phù hợp không hay họ đang bị ép phải thực hiện lại những hành vi từ thuở thơ ấu.” “Ừ thì… Làm như vậy có gì sai chứ?” Cóc nóng nảy phản bác, nó cảm thấy như mình đang bị ông Diệc nắm thóp. “Ai trong chúng ta chẳng có đôi lúc hành xử trẻ con, không phải vậy sao?” “Nó chẳng có gì sai nếu xét trong bất cứ khía cạnh đạo đức nào,” ông Diệc bình tĩnh trả lời. “Phân tích không đồng nghĩa với phán xét. Tuy nhiên những hành vi này đều đem lại hai hậu quả và cả hai đều mang tính tiêu cực. Đầu tiên là chúng mang tới sự chế giễu. Một người trưởng thành ăn vạ hay giận dỗi thật buồn cười và vô cùng bẽ mặt. Nhưng trên hết, những hành vi ấy thể hiện và cho thấy ai mới là kẻ thua cuộc. “Nó khiến tôi cảm thấy vô cùng tồi tệ!” Cóc thành thật. “Chúng ta đã dành cả buổi phân tích chỉ để nhận ra rằng tôi đã làm những điều ngu ngốc gần như suốt cả cuộc đời mình. Tôi phải làm gì đây hả ông Diệc? Khi nào thì tôi mới học được cách trưởng thành?” “Chúng ta sẽ nói vấn đề này vào buổi tham vấn tiếp theo, được chứ?” Ông Diệc đáp, sau đó tiễn Cóc ra cửa với một nụ cười. """