"
Mũi Hoài Vọng PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mũi Hoài Vọng PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
MŨI HOÀI VỌNG —★—
Tác giả: Akio Morisawa Người dịch: Vương Hải Yến Phát hành: Huy Hoàng Books Nhà xuất bản Thanh Niên 2021
ebook©vctvegroup
CHƯƠNG 1
MÙA XUÂN
Ân điển diệu kỳ - Amazing Grace
T
iếng rào rào rất to vang lên từ phía cửa sổ phòng ngủ. Những giọt mưa lớn bị gió mạnh hắt lên, đập vào kính cửa sổ. Tỉnh giấc vì tiếng động ấy, giữa hơi ấm của chiếc chăn lông vũ, tôi hé mắt nhìn ra.
Lách mình qua khe hở chỗ rèm cản sáng là màn đêm sâu thẳm của một ngày xuân trước khi trời sáng.
Tay phải tôi lần sờ tìm điện thoại ở cạnh gối để xem giờ, màn hình điện thoại hiển thị con số 03:34 sáng.
Dạo gần đây giấc ngủ của tôi rất nông, giữa đêm tỉnh giấc đến mấy lần. Không những thế, một khi đã tỉnh thì tôi sẽ thao thức mãi không ngủ lại được. Tôi mới bốn mươi tuổi, vậy mà nết ngủ như một ông già… Tuy nghĩ thế nhưng trong lòng tôi đau đớn hiểu rõ nguyên nhân của những giấc ngủ chập chờn này.
Tôi đặt điện thoại về vị trí cũ, lăn người nửa vòng, quay mặt về phía phát ra hơi thở bình yên và đầy thân thương. Cô con gái bốn tuổi Nozomi của tôi đang nằm ngủ bên cạnh, người cuộn tròn như con tôm. vẫn như mọi khi, con bé lại đạp tung chăn ra, chiếc chăn hầu như không che được phần nào trên người con bé. Chiếc áo ngủ với họa tiết những chú thỏ nhỏ màu đen trắng cũng bị cuộn lên, để hở cả mảng lưng của con bé.
Ôi chao, cứ để thế này sẽ bị cảm lạnh mất…
Tôi khẽ chỉnh áo ngủ và đắp lại chăn cho Nozomi, bản thân cũng chui vào trong chăn lần nữa. Tôi vừa lơ đãng ngắm nhìn trần phòng kiểu Nhật được nhuộm sắc vàng mờ mờ ảo ảo bởi ánh sáng của chiếc bóng đèn nhỏ, vừa nghĩ xem mình nên tận dụng khoảng thời
gian rảnh rỗi đột xuầt này như thế nào. Đọc tiểu thuyết? Hay chơi game trên điện thoại? Hay đọc mấy cuốn sách dạy nấu ăn vợ tôi để lại, để học nấu ăn từ nay về sau? Hay dậy luôn, thong thả chuẩn bị bữa sáng?
Gió lại thổi tới, cửa sổ lại vang lên tiếng rào rào.
Vậy mà bản tin dự báo thời tiết trên ti vi tối qua lại báo là từ sáng nay trời sẽ nắng lên sau ba ngày dài u ám…
•°•
Nghĩ lại mới thấy, bầu trời u ám trong ba ngày vừa qua quả thực đã khiến tâm trạng của tôi trở nên u uất. Thậm chí tôi còn có cảm giác rằng những giọt nước mưa lạnh ngắt tựa muôn vàn sợi chỉ bạc sắc lẹm kia đã rửa trôi những sắc màu dịu dàng khỏi mọi ngóc ngách của thế giới này. Khung cảnh xám nhạt ướt sũng tỏa ánh sáng mờ mờ cũng trở thành một quả tạ đè nặng lòng tôi, ngay cả những dịp hiếm hoi có thể trồi lên, nó cũng bị nhuộm kín bởi tông màu mực nhạt đơn sắc.
Phải chi trời hửng nắng và quang đãng… biết đâu tâm trạng u ám này của tôi cũng sẽ hửng nắng theo…
Tôi thở dài, nằm im, ngửa mặt nhìn trần nhà như vậy một lúc. Thịch, thịch, thịch…
Tôi cảm nhận được mạch đập của mình bên trong mạn sườn. Trái tim tôi dường như không quan tâm đến điều gì trên đời, nó cần mẫn duy trì những nhịp đập bình thản. Dù chẳng ai ra lệnh cho nó rằng “Hãy đập đi!” cả.
Tôi chỉ đang sống. Một cách tự động.
Có lẽ mãi sau này cũng vậy, trái tim này sẽ giúp tôi sống, bất kể ý muốn của tôi ra sao.
Những tháng ngày sau ư? Vậy tôi và Nozomi sẽ thế nào? Nghĩ tới tương lai mờ đục trước mắt, trần nhà quen thuộc bỗng có cảm giác cao hơn, tôi đột nhiên cảm thấy như thể mình đã bị cả
thế giới bỏ lại. Gần đây, đã nhiều lần tôi phải nếm trải cảm giác khó chịu này.
Phía cửa sổ lại vang lên tiếng rào rào. Thời tiết bên ngoài hẳn phải khủng khiếp như một cơn bão.
Thời tiết mưa gió trong khoảng thời gian những bông anh đào đã rụng tan tác này cũng gọi là “bão xuân” ư? Những cơn gió của nó quá mạnh để có thể gọi là “mưa trên lá non” chăng…? Mà thôi, chuyện ấy đâu quan trọng gì.
Tôi thở ra một hơi thật dài, quay người qua bên, một lần nữa ngắm nhìn gương mặt đang ngủ vô cùng thuần khiết của Nozomi. Con gái tôi đang ngủ, tiếng thở đều đặn, yên bình.
Mới gần đây chúng tôi còn trải ba bộ chăn đệm và nằm ngủ bên nhau như hình chữ Xuyên[1] trong căn phòng chung cư nhỏ bé này. Khi đó tôi cảm thấy căn phòng tám chiếu[2] này hơi chật chội, nhưng không ngờ sau khi giảm bớt một bộ chăn nệm, vẫn là căn phòng ấy nhưng đã trở nên trống trải, lạnh lẽo đến nhường này.
Tôi đã cất bộ chăn nệm mà Saeko - vợ tôi - dùng trước đây vào tận góc tủ. Lòng tôi chùng xuống khi nghĩ sau này không thể giúp Nozomi tận hưởng niềm hạnh phúc của việc nằm ngủ ở giữa bố và mẹ nữa.
Tôi khẽ vén phần tóc mái trên khuôn mặt cô con gái đang ngủ. Làn tóc mỏng mềm mại, đúng kiểu tóc của trẻ con. Mãi tới hôm nay tôi mới nhận ra vầng trán sau lớp tóc mái của con gái giống hệt vầng trán người vợ tên Saeko vừa mất.
Tôi vuốt ve mái tóc con gái theo nhịp điệu đều đều trong một lúc khá lâu.
Những giọt nước mắt ấm nóng lăn dài trên hai má tôi rồi rơi xuống, thấm vào tấm ga giường cũ kỹ, nhưng tôi để mặc. Tôi chỉ cố bậm chặt môi, trái tim tan nát cố nén lại tiếng khóc sắp lọt ra khỏi cuống họng.
Dòng nước mắt đầu tiên kể từ khi Saeko mất cứ tuôn trào ra mãi, tới mức chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên.
•°•
Cuối cùng, tôi quyết định chui ra khỏi chăn.
Có cố cũng không ngủ được, vả lại cổ họng tôi khát quá. Ở bồn rửa mặt, tôi uống cạn một cốc nước đầy, nghỉ một xíu rồi đánh răng, rửa mặt. Sau đó tôi vào góc bếp, cho cà phê đã rang kỹ vào máy xay rồi xay sơ qua. Tôi cho bột cà phê vừa xay vào chiếc máy pha cà phê dạng pha phin rồi nhấn công tắc máy. Tôi bật ti vi trong phòng khách, mở nhỏ tiếng.
Vào khung giờ trước khi trời sáng này, kênh nào cũng phát các chương trình bán hàng trên truyền hình giông giống nhau. Nhưng như vậy vẫn đỡ hơn việc phải gặm nhấm sự cô độc lặng lẽ, nên tôi không tắt ti vi đi, chỉ lặng lẽ đặt điều khiển lên bàn.
Trên bàn có một chiếc phong bì giản dị đề tên người nhận Osawa Katsuhiko. Là chiếc phong bì một nhân viên của nhà tang lễ đưa cho tôi trong buổi bàn bạc. Tờ giấy bên trong phong bì có ghi trình tự chi tiết đám tang của Saeko và sơ đồ những việc một chủ tang - là tôi - cần làm, đọc rất dễ hiểu. Mấy ngày vừa qua, không biết tôi đã xem đi xem lại sơ đồ này bao nhiêu lẩn. Bố mẹ tôi đều còn khỏe mạnh, tôi chưa làm chủ tang bao giờ, vì thế trong thời gian tổ chức tang lễ, sơ đồ này đã trở thành tấm biển chỉ đường đáng tin cậy cho tôi.
Sau khi Saeko trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện vì căn bệnh bạch cầu tủy bào cấp tính, mọi việc quanh tôi thật hối hả, thực lòng, tôi không có thời gian để thấm thía nỗi đau vì cái chết của vợ. Nói đúng hơn, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải tổ chức một lễ tang tử tế, không xảy ra sơ suất gì, vì Saeko và vì phía nhà cha mẹ của cô ấy nữa. Trên hết, tôi không biết sẽ phải chăm sóc cho tâm hồn Nozomi ra sao khi con bé mất mẹ ở độ tuổi nhỏ như vậy… Trong đầu tôi chỉ bận tâm những chuyện đó.
Khoảng thời gian từ khi chuẩn bị lễ tang tới khi mọi việc xong xuôi, Nozomi ở bên tôi không rời nửa bước. Thấy tôi luống cuống trong vai trò chủ tang mà tôi mới đảm trách lần đầu tiên trong đời, ông bà thỉnh thoảng sẽ nắm lấy tay Nozomi, vừa dỗ dành vừa dẫn
Nozomi đi đâu đó, nhưng chưa đầy một phút Nozomi đã đòi trở lại bên tôi. Con bé ngước đôi mắt đen láy ngấn nước lên nhìn tôi, tay nắm chặt vạt áo tang thoang thoảng mùi long não của tôi. Cứ mỗi lần bồng Nozomi lên, cọ vào má con bé, miệng tôi lặp đi lặp lại câu nói vô nghĩa “Không sao đâu, không sao đâu”. Cuối cùng, tôi có cảm giác câu nói đó là để trấn an bản thân hơn là để trấn an Nozomi.
Trong đêm thức canh và lễ tang, tôi không khóc, Nozomi khóc sụt sịt biết bao lần. Dòng nước mắt đáng thương của một bé gái mất mẹ khi mới bốn tuổi đã khơi gợi sự thương cảm của những người dự lễ, nhờ thế mà số người rơi nước mắt mỗi lúc một nhiều, khiến tôi có cảm giác đám tang trở nên ấm áp hơn.
Tối qua, sau khi đảm nhiệm vai trò chủ tang không một chút sơ suất, vừa thở phào nhẹ nhõm tôi vừa kiểm tra lại danh sách đáp lễ khách dự tang xem có thiếu ai không. Chỉ cần bỏ danh sách này vào thùng thư là công việc chủ tang của tôi hoàn tất bước đầu. Quà đáp lễ sẽ do cửa hàng quà tặng gửi cho khách tham dự lễ tang vào một ngày phù hợp. Công việc tiếp theo của chủ tang là lễ cầu siêu dịp bốn mươi chín ngày, nhưng từ giờ tới lúc đó sẽ không phải làm gì cả… Phải không ấy nhỉ? Nghĩ vậy, tôi liền lôi tờ sơ đồ bên trong chiếc phong bì đơn giản kia ra để kiểm tra lại cho chắc.
Ổn rồi. Chủ tang sẽ được nghỉ ngơi một thời gian. Tôi nhẹ nhõm thở phào, chợt ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng bay vào phòng khách.
Tôi rót cà phê vào cặp cốc đôi, rồi đặt một cốc đen không đường không sữa lên chiếc tủ nhỏ. Nhà tôi không có bàn thờ, tôi đã trải tấm vải màu vàng bên phục vụ tang lễ đưa tới lên trên nóc tủ và đặt di ảnh, hũ cốt cùng bài vị của Saeko ở đó.
Trước tấm di ảnh với nụ cười trong sáng của Saeko, làn hơi nước mang theo mùi thơm nồng đậm bốc lên. Tôi nghĩ Saeko thích mùi thơm đó hơn là mùi hương nhang khói.
Vợ chồng tôi thích cà phê hơn đồ uống có cồn. Chúng tôi luôn mua cà phê nguyên hạt loại đặc biệt, rồi tùy theo tính chất của loại cà phê đó mà xay ra với độ mịn tương ứng, sau đó sẽ thong thả thưởng thức hương vị của nó. Saeko thích cà phê đen, tôi thích cho thêm sữa và một chút đường.
“Bình thường đàn ông sẽ thích cà phê đen chứ nhỉ?” Saeko thường cầm cốc cà phê, vừa nói vừa cười với vẻ trêu chọc như thế.
Tôi nhấp một ngụm cà phê có vị đắng rõ rệt, đặc trưng của loại cà phê rang kỹ, thẫn thờ ngắm bức di ảnh. Trong tấm ảnh đen trắng, khóe miệng Saeko cong lên như thể vừa uống một ngụm cà phê ngon, mắt vợ tôi lim dim, nhìn cô ấy có vẻ gì đó rất hạnh phúc.
Cặp cốc đôi của hai vợ chồng do chính tay tôi - một nghệ nhân gốm sứ - nung thành. Tuy gọi là nghệ nhân nhưng tôi sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ việc đứng lớp trong các khóa học nghệ thuật gốm sứ, tôi chỉ là một nghệ nhân nửa vời. Nhưng nghĩ tới việc có thể nuôi sống gia đình chỉ với sở thích làm đồ gốm của mình, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn công việc này. Thực tế, hầu hết các nghệ nhân gốm sứ trên thế giới này đều phải sống dựa vào nghề tay trái của họ cả.
Saeko đã đặt tên cho cặp cốc đôi này.
Hồi cô ấy mang thai, tôi đã dẫn cô ấy tới Thế giới biển Kamogawa ở vùng Sotobo, tỉnh Chiba. Thấy cô ấy cực kỳ thích con cá voi sát thủ, ngày hôm sau tôi lén nung đôi cốc có vẽ hình cá voi sát thủ màu đen và trắng. Tôi tặng cho cô ấy vào ngày sinh nhật. Nhìn thầy cặp cốc, gương mặt cô ấy rạng rỡ “Ôi, chiếc cốc gấu trúc”, kể từ đó cô ấy gọi chiếc cốc là “Gấu trúc”. Tôi thành thật nói “Anh định vẽ con cá voi sát thủ đấy chứ”, nhưng Saeko cười bảo “Nhìn kiểu gì cũng thấy con này là gấu trúc mà”, sau đó cô ấy nhanh chóng đi xay cà phê bằng máy.
Từ đó, mỗi khi chúng tôi cùng uống cà phê, chúng tôi luôn dùng đôi cốc “Gấu trúc” này. Đường kính miệng cốc khá lớn, cốc cao mang tới cảm giác đầm tay. Quai cốc cũng được làm thật lớn để dễ cầm. Phần thân cốc tôi nặn khá dày để cà phê lâu nguội, và môi không bị bỏng. Có thể thiết kế của nó không được đẹp mắt, nhưng chắc chắn chiếc cốc là một món đồ không thừa không thiếu trong cuộc sống thường nhật, rất tiện lợi.
Tôi đưa chiếc cốc “Gấu trúc” lên miệng một lần nữa.
Cà phê có vị thật ngon. Nhưng sáng nay, tôi chợt muốn cho nhiều đường hơn mọi khi.
Saeko à, trên thiên đường em có được uống cà phê không? Ngắm nhìn bức di ảnh, tôi khẽ thì thầm trong lồng ngực như vậy.
•°•
Quá bốn giờ, trên màn hình ti vi hiện ra ba cô phát thanh viên trẻ đứng cạnh nhau, nở nụ cười rạng rỡ. Cuối cùng chương trình bán hàng qua truyền hình cũng kết thúc, chương trình thời sự đã bắt đầu.
Người dẫn chương trình chính đứng ở giữa, trong câu đầu tiên cô cười nói với vẻ vui sướng “Vậy là kỳ nghỉ Tuần lễ vàng[3] đã bắt đầu từ ngày hôm nay rồi.” Sau đó, cô bắt đầu đưa tin về việc từ tối qua người dần đã hối hả lên đường về quê và thông báo tình hình ách tắc giao thông trên đường cao tốc.
Kỳ nghỉ Tuần lễ vàng năm nay khá dài, hầu hết các doanh nghiệp đều cho nhân viên nghỉ chín ngày. Lớp nghệ thuật gốm sứ của tôi được nghỉ lễ, đương nhiên trường mẫu giáo của Nozomi cũng nghỉ dạy trong thời gian đó. Nếu Saeko - người rất thích các sự kiện - còn sống, có lẽ lịch trình hoạt động trong dịp nghỉ này của chúng tôi đã kín đặc. Những ý tưởng vừa không tốn nhiều tiền mà cả người lớn và trẻ con đều thích thú tham gia của Saeko nhiều như số sao trên trời vậy.
Năm ngoái gia đình tôi đã đến một công viên động thực vật mới mở, chúng tôi cho Nozomi cưỡi ngựa lùn, hay cùng nhau ngắm bầu trời đầy sao tại một đài thiên văn công cộng. Chúng tôi còn mở một gian hàng trong hội chợ tự do tổ chức tại công viên cạnh bờ biển gần nhà, bán các tác phẩm gốm sứ của tôi, lần đó chúng tôi đã kiếm được một ít tiền tiêu vặt. Rồi chúng tôi dùng số tiền mới kiếm được này để đi ăn ở cửa hàng sushi băng chuyền. Sau khi ăn no căng bụng các món khoái khẩu là sushi cá ngừ và trứng cá hồi, Nozomi còn ăn hết phần bánh flan và dưa lưới khiến tôi và Saeko vô cùng ngạc nhiên. Trên đường về buổi tối, ba chúng tôi nắm tay nhau
thong thả dạo bước trên con đường đi bộ. Giữa đường, giống như các gia đình đầm ấm trong những bộ phim truyền hình, hai vợ chồng tôi mỗi người nắm một bên tay con gái nhấc bổng lên, cho con chơi trò xích đu. Về tới khu đất trống mờ tối gần căn hộ chung cư của gia đình tôi, Nozomi tìm thấy ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, bèn cất tiếng hát “Em tìm thấy sao Hôm rồi.” Tôi nhớ mình đã bảo con: “Sao Hôm không phải ngôi sao sáng nhất, mà là ngôi sao phát sáng đầu tiên trên bầu trời hoàng hôn đó con ạ.”
Kỳ nghỉ năm nay không có Saeko, biết phải làm sao đây… Tôi đứng trong bếp, lơ đãng nghĩ. Rồi tôi lấy trứng và sữa từ tủ lạnh ra. Tôi định làm một trong những món ăn yêu thích của Nozomi, món bánh mì nướng kiểu Pháp dùng đường quế.
•°•
Sau khi bày bữa sáng được chế biến một cách thảm hại lên bàn, tôi nằm xuống nền phòng khách xem ti vi, chợt có tiếng chân trần nho nhỏ từ hành lang vọng tới. Nozomi đã dậy.
“Chào con, Nozomi.”
Tôi nhỏm dậy, mỉm cười với con.
“Con chào papa.”
Nozomi đứng ở cửa phòng khách, cất tiếng chào như còn ngái ngủ rồi dùng mu bàn tay dụi dụi mắt, chậm rãi nhìn quanh phòng. Con bé đang vô thức tìm kiếm Saeko trong phòng. Ngay khi ánh mắt thơ trẻ và thành thực ấy sắp dừng lại trước tấm di ảnh đặt trên chiếc tủ nhỏ, tôi liền vội vã cất tiếng.
“Nozomi ơi, lại đây với papa nào.”
Vừa nói, tôi vừa vươn hai tay về phía con gái. Chính tôi cũng biết nụ cười hiện lên trên gương mặt mình lúc này rất gượng gạo. Nhưng ánh mắt Nozomi đã dừng lại ở tấm di ảnh. Con bé đứng đó, hiện thực chậm rãi lan rộng ra trên gương mặt hãy còn ngái ngủ của con bé.
Tôi cất tiếng gọi con gái lần nữa:
“Lại đây với papa nào. Lại đây papa bế.”
Cuối cùng Nozomi cũng ngoảnh lại, con bé nhanh chân bước về phía tôi, vòng hai tay ôm quanh cổ tôi, lúc này tôi đang ngồi khoanh chân.
Tôi đón lấy cơ thể con gái, ôm chặt một cái rồi vừa nhẹ vỗ về tấm lưng nhỏ bé vừa hít ngửi mùi thơm từ tóc con.
“Papa làm món bánh mì đường quế cho con đấy. Chúng ta cùng phết thật nhiều xi rô cây phong để ăn nào.”
Nozomi khẽ vâng một tiếng, con bé cọ cọ mũi vào ngực tôi. Tôi im lặng, tiếp tục vỗ nhè nhẹ lên lưng con bé. Một lúc sau, Nozomi ngẩng mặt lên, con bé nở nụ cười khéo hơn tôi gấp mấy lần rồi nói thế này.
“Nếu con ăn thật nhiều cơm thì papa đọc cuốn sách tranh Mimicchi cho con nghe nhé?”
“Ừ. Được. Nếu con ăn đàng hoàng. Nào, trước tiên con đi rửa mặt rồi đánh răng đã nhé.”
Nozomi gật đẩu đáp “Vâng” rồi bước về phía bồn rửa mặt. Tôi lơ đãng nhìn theo bóng lưng ấy. Không lâu sau, giọng nói bất bình từ phía bồn rửa mặt vọng tới.
“Papa ơi, papa đến đây nào.”
Tôi sực tỉnh, bèn vội vã vừa đứng dậy vừa nói.
“À ừ nhỉ, papa quên mất. Xin lỗi con.”
Phải rồi. Nozomi vẫn chưa với được tay tới vòi nước của bồn rửa mặt. Tôi nhấc bổng cơ thể Nozomi lên, đưa con bé lại gần phía vòi nước.
“Đây, con vặn vòi đi.”
“Không được. Con còn chưa xắn tay áo.” Nozomi nói với vẻ mặt nhăn nhó.
“Ồ, thế à. Xin lỗi con.”
“Đầu tiên phải lấy khăn mặt ra. Sau đó xắn tay áo, vặn nước, khi có nước nóng thì papa bế con lên để con rửa mặt.”
Có lẽ đó là cách Saeko giúp Nozomi vệ sinh mỗi sáng. “Papa hiểu rồi. Ừm, khăn của con đây phải không?”
“Vâng, đúng rồi. Papa phải để sẵn khăn đó lên trên nắp máy giặt.”
Nozomi vừa giải thích vừa tự mình xắn ống tay áo ngủ, sau đó yêu cầu “Papa đừng để nưởc nóng quá nhé.”
“Papa đã rõ.”
Tôi đưa tay lên trán theo kiểu chào hỏi của nhà binh để đùa con bé.
“Trước đó papa phải bật ga lên đã. Nếu không sẽ không có nước nóng đâu.”
“Papa làm ngay!”
Nozomi nhìn tôi, hơi nhoẻn miệng cười.
Tôi bế con bé lên, cho con chạm vào dòng nước từ vòi rửa. “Thưa công chúa, nước nóng thế này đã vừa chưa ạ?” “Con muốn nguội hơn một chút.”
“Cỡ này nhé?”
“Dạ.” Nozomi lóng ngóng đưa tay ra hứng nước, rửa mặt ba lần. “Papa mau đưa con khăn mặt nào.”
Mắt vẫn nhắm nghiền, con bé đưa tay ra.
“Của con đây.”
Con bé lấy khăn lau lau mặt rồi ngẩng lên nhìn tôi.
“Mặt con sạch bóng chưa papa?”
Saeko thường trả lời thế nào trước câu hỏi này nhỉ. Chắc chắn cô ấy sẽ nói một câu gì đó rất hợp ý Nozomi và làm con bé cười. Tôi quyết định trả lời theo phong cách của mình.
“Ừ, mặt con sạch bóng tới mức papa muốn thơm con một cái đây này.”
Nói rồi tôi ngồi xuống, thơm một cái thật kêu lên trán con gái. “Chà. Mama thường không thơm mà chỉ áp má vào má con thôi.” Nozomi nói với vẻ như bị nhột.
“Thế à. Nhưng cách làm của papa là thơm cơ.”
“Tại sao ạ?”
“Vì Nozomi rất đáng yêu.”
Từ nay về sau, chắc chắn cách sinh hoạt của tôi và Nozomi sẽ hình thành từng chút một.
“Còn đánh răng thì sao? Papa có đánh răng cho con theo cách mama vẫn làm không?”
“Đương nhiên là được. Giờ con chỉ cho papa xem mama thường làm như thế nào, được không?”
“Dạ. Ừm, đầu tiên là…”
Tôi cũng muốn lưu giữ kỹ càng cách làm của Saeko. Để càng nhiều càng tốt, những ký ức về tình yêu thương vô bờ mà Saeko dành cho Nozomi trong bốn năm kể từ khi con bé chào đời sẽ còn lại mãi trong trái tim con bé sau này.
•°•
Cho con thay đồ, xì mũi, vừa chải tóc cho con vừa nghe con bé kêu “đau, đau con”, cuối cùng rồi tôi và Nozomi cũng có thể ngồi xuống đối diện nhau trên bàn ăn. Hai bố con vui vẻ đồng thanh nói “Mời papa/ con dùng bữa”, mọi chuyện tới bước này hãy còn rất tốt đẹp, nhưng rồi chiếc nĩa trên tay Nozomi lập tức khựng lại.
“Ủa, sao thế con?”
Vừa rót lượt cà phê thứ hai vào chiếc cốc “Gấu trúc” của mình, tôi vừa nghiêng đầu hỏi.
“Papa ơi, đây là món bánh mì nướng kiểu Pháp ạ?”
“Ừ. Papa đã rắc quế và phết rầt nhiều xi rô phong rồi đó.” “Sao con thấy…” Nozomi chau mày, con bé ngước nhìn tôi: “Màu của nó khang khác mọi khi…”
“Gì cơ?”
“Món mama làm không có màu nâu sậm thế này đâu.” “Ủa, thế à? Nhưng papa nghĩ vị của nó ngon đấy.”
Dù sao tôi cũng đã đặt miếng bánh mì cháy đen lên đĩa của mình và đặt miếng nướng thành công hơn lên đĩa Nozomi rồi. “Bánh của papa còn sậm màu hơn…”
“Không sao đâu. Cháy cạnh một chút sẽ khiến bánh thơm hơn và ngon hơn đấy.”
Tôi ngoạm lấy một miếng bánh mì nướng kiểu Pháp trên đĩa của mình để chứng minh cho Nozomi xem. Nhưng hương vị của nó khiến tôi khó mà mở lời nói “Thấy chưa, vị của nó ổn mà” với con được.
“Ồ… Lạ thật. Đúng như con nói, nó hơi đắng thật. Nhưng nếu cho nhiều si rô hơn, chắc chắn sẽ ăn được.”
“Thế ạ…”
Tới lượt Nozomi đưa một miếng bánh mì nướng cắt nhỏ lên miệng. Di ảnh của Saeko mỉm cười khi nhìn bóng lưng con gái dè dặt cắn miếng bánh. Giống như cô ấy đang nhắc nhở tôi “Anh phải chú ý vào chứ.”
“Thế nào con? Có ngon không?”
Tôỉ quan sát sắc mặt Nozomi.
“Dạ…”
“Hương vị tệ lắm à…”
“Rìa bánh hơi đắng một chút, nhưng phần giữa bánh có vẻ ngon ạ.”
Có vẻ, ngon, ư?
“Thế à… Papa thất bại rồi sao. Xin lỗi con nhé.”
“Không sao đâu papa. Thỉnh thoảng mẹ cũng thất bại mà. Vả lại phần giữa bánh vẫn ăn được.”
Tôi đang được cô con gái bốn tuổi an ủi cơ đấy.
“Thế à. Thế thì để papa lấy dao cắt phần rìa bánh bỏ đi nhé. Con ăn phần giữa bánh thôi nhé.”
“Dạ.”
Dù được chữa ngượng bởi nụ cười tươi hơi miễn cưỡng của con gái, tôi vẫn khẽ thở dài khi cắt bỏ phần rìa bánh cho con. Lúc đưa đĩa bánh ra trước mặt Nozomi, tôi nghe thấy từ đôi môi nhỏ xinh của con thoát ra tiếng nói dè dặt.
“Papa à… papa ăn một nửa phần bánh của con nhé?” “Gì cơ?”
“Vì bánh của papa cháy đen cả rồi.”
Ôi lẽ nào, từ trong khung ảnh, Saeko nhìn xuống bộ dạng ông bố thảm hại của tôi, miệng mỉm cười.
•°•
Dọn dẹp xong bữa sáng, chúng tôi nằm xuống sàn phòng khách. Tôi đọc cuốn “Mimicchi” cho con nghe như đã hứa.
Nhân vật chính của cuốn sách tranh - Mimicchi - là chú thỏ trong hoa văn đen trắng in trên bộ đồ ngủ của Nozomi. Trong truyện, mỗi khi có chuyện gì hồi hộp, Mimicchi sẽ vừa nói với mẹ “Mẹ nghe này, tiếng đập thình thịch hạnh phúc”, vừa lấy tay chỉ vào ngực mình. Thỏ mẹ bèn ghé đôi tai dài vào ngực Mimicchi, trả lời “Đúng thật. Tiêng đập thình thịch trong lồng ngực con truyền cả sang mẹ, khiến mẹ cũng trở nên hạnh phúc rồi này.” Mỗi lần Saeko đọc cuốn sách tranh này cho Nozomi nghe, con bé đều cho mẹ nghe nhịp đập của tim mình.
“Câu chuyện đến đây là hết.”
Đọc xong cuốn sách, tôi gập nó lại kêu “bộp” một tiếng. Vẻ mặt Nozomi đầy thỏa mãn, tôi cất tiếng hỏi con.
“Nozomi này, từ hôm nay trường mẫu giáo của con sẽ được nghỉ chín ngày, con có muốn làm gì trong đợt nghỉ này không?” Nozomi hơi nghiêng đầu, khoanh tay một lúc, rồi chợt con bé bảo “Khoan, con đi tiểu cái đã” rồi nhổm dậy chạy vào nhà vệ sinh. Lúc trở lại phòng khách, con bé đột nhiên hướng ra ngoài phía cửa sổ, kêu “A!” một tiếng.
Mắt chữ o miệng chữ A, gương mặt con bé như thể vừa tìm thấy kho báu.
“Papa ơi, nhìn kìa, đẹp quá!”
“Gì thế con?”
Tôi chậm chạp ngồi dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ theo hướng Nozomi chỉ.
Và rồi tôi lặng người.
“Ồ, đẹp thật đấy…”
Một chiếc cầu vồng. Mưa đã tạnh tự khi nào, một mái vòm hình cánh cung bảy màu đang vắt ngang qua bầu trời phía tây, nơi hứng trọn ánh mặt trời buổi sớm đầy tươi mới.
“Hình như đây là lần đầu tiên papa được thấy cầu vồng vào buổi sáng thế này.”
Vừa nói tôi vừa bế Nozomi ra mở cửa sổ để ngắm cầu vồng thật rõ nét, thay vì phải nhìn qua lớp kính.
Từ bên ngoài cửa sổ, làn không khí trong lành của buổi sáng sau cơn mưa ùa vào.
“Dễ chịu quá. Nozomi à, chúng ta cùng hít vào một hơi thật sâu đi.”
Vừa ngắm cầu vồng, hai chúng tôi vừa hít đầy lồng ngực thứ không khí đang tỏa sáng lấp lánh. Sau khi hít vào, Nozomi đột nhiên nhìn tôi nói.
“Papa ơi, cầu vồng được tạo thành từ cái gì ạ?”
“Ừm, nó được tạo thành từ lăng kính, nói dễ hiểu hơn là từ ánh sáng mặt trời con ạ.”
“Ánh sáng mặt trời ạ?”
“Ừ. Ánh sáng bảy màu ấy.”
“Ánh sáng trở thành chiếc cầu rồi nằm đó ạ?”
“Ừ, có thứ ánh sáng như vậy đấy. Thật kỳ diệu phải không con?” Ngẫm kỹ thì đúng là kỳ diệu thật. Ánh sáng mặt trời là thứ giúp con người nhìn thấy màu sắc của những vật thể mà nó chiếu sáng, nên nó hẳn phải trong suốt không màu. Nhưng khi thứ ánh sáng không màu không nhìn thấy được ấy vừa tách làm bảy, nó liền trở thành cầu vồng, như thể bản thân nó là một vật thể vậy. “Con muốn chạm thử vào chiếc cầu vồng đó quá.”
“Cầu vồng ư?”
“Vâng. Nếu đi tới phía trước tòa nhà màu nâu đằng kia, chắc là chạm được vào nó đó? Đi bằng ô tô của papa là được ngay mà?” “Ừ, có thể đi bằng ô tô. Nhưng khi tới nơi thì cầu vồng đã tan đi và dịch chuyển tới nơi khác rồi.”
“Tại sao ạ?”
“Ừm, vì cầu vồng vốn là thứ như vậy đấy.”
“Thế thì chúng ta đuổi theo tóm lấy nó. Xe của papa chạy nhanh mà.”
Đôi mắt đen láy của Nozomi lấp lánh những tia sáng của sự hiếu kỳ. Tôi có cảm giác lâu lắm rồi mới được thấy vẻ mặt này của con gái.
“Papa ơi.”
“Gì cơ?”
“Papa nghe này, tiếng thình thịch hạnh phúc.”
Nozomi lấy ngón tay chỉ chỉ vào ngực mình.
Tôi nheo mắt, áp tai vào lồng ngực nhỏ bé của con.
Thịch, thịch, thịch… Trái tim nhỏ bé đang ra sức đập với nhịp độ nhanh hơn hẳn so với người lớn.
Âm sắc từ sinh mệnh tràn đầy sức sống của Nozomi. Ngẫm lại, âm sắc đó cũng chính là bằng chứng cho việc Saeko từng sống trên cõi đời này.
Tôi ngửa mặt lên.
Và rồi một lần nữa, tôi hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành đó.
“Được. Hãy cùng papa bước vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm cầu vồng nào!”
•°•
Tôi đỗ xe bên lề đường rồi cùng Nozomi bước xuống con đường đi bộ hãy còn ướt. Đâu đó, tôi ngửi thấy một thứ mùi thân thương, mùi hơi đất, thứ mùi đặc trưng của không khí sau cơn mưa.
Hai chúng tôi ngẩng đẩu nhìn bầu trời xanh trong vắt. Sừng sững trước mắt chúng tôi chính là tòa nhà màu nâu nằm dưới chân chiếc cầu vồng đó.
Đương nhiên ở đó không có chiếc cầu vồng nào cả.
“Ôi, chiếc cầu vồng chạy trốn mất rồi.” Nozomi chau mày, nói. “Ừ. Có lẽ vì cầu vồng chạy trốn rất nhanh con ạ. Nhưng chúng ta sẽ đuổi theo nó mà. Chúng ta đi về hướng nào đây con?” Tôi khẽ đặt tay lên đầu Nozomi, hỏi.
Từ giờ tôi sẽ đi về hướng Nozomi muốn đi, tới cùng trời cuối đất. Nếu con bé bảo rẽ phải tôi sẽ rẽ phải, nếu con bé bảo rẽ trái tôi sẽ rẽ trái. Giữa đường nếu có công viên giải trí chúng tôi sẽ vào chơi, nếu có nhà hàng chúng tôi sẽ dùng bữa. Dù là biển, sông hay núi, chỉ cần là nơi thú vị một chút thôi thì dù ở đâu tôi cũng sẽ ghé vào. Tóm lại, tôi sẽ để trực giác của Nozomi quyết định nơi chúng tôi sẽ tới. Tôi đang định thực hiện một chuyến đi ngẫu hứng như thế.
“Papa nghĩ là hướng nào?”
“Ừm. Trên đường chúng ta đến đây đã không thấy cẩu vồng nữa rồi, nên papa nghĩ ít nhất thì cầu vồng cũng không có ở phía này.” “Thế ạ? Vậy thì chắc là đằng kia rồi.”
“Tốt lắm! Chúng ta đi thử xem!”
Hướng Nozomi chỉ là hướng nam. Tồi đánh chiếc xe Nissan Serena tám chỗ cũ kỹ mà mình mua rẻ lại được lên đường quốc lộ, chạy về phía nam.
Nozomi ngồi lọt thỏm giữa chiếc ghế trẻ em đặt bên ghế phụ lái, mải mê ngắm nhìn cảnh vật tươi mới liên tục trôi lướt qua trước mắt.
Hành lý dành cho chuyến đi được chất ở băng ghế sau vô cùng đơn giản. Những bộ đồ để thay đổi trong vài ngày, hai chiếc túi ngủ mua ở cửa hàng giảm giá từ năm ngoái mà chúng tôi chưa một lần dùng tới. Tôi định sẽ ngủ trên xe nếu không tìm thấy một nơi ngủ lại phù hợp. Chỉ cần ngả băng ghế sau của chiếc Serena ra, tạo thành một mặt phẳng là đủ chỗ cho hai bố con ngủ rồi.
“Papa ơi, papa bật đĩa gì đó lên nghe đi.”
“Ý kiến hay đấy.”
Tôi bật chiếc đĩa CD đang nhét sẵn trong máy nghe đĩa trên xe. Ngay lập tức, tiếng nhạc khoáng đạt từ loa phát ra.
Màn dạo đầu dễ chịu với tiếng nhạc từ hai chiếc guitar song tấu.
Đó là ca khúc “Khúc ca mùa xuân” của ban nhạc Spitz[4] mà sinh thời Saeko rất thích. Lắng nghe khúc dạo đầu gợi liên tưởng tới một tương lai yên bình, tôi cảm thấy nhịp đập trái tim mình dần trở nên hỗn loạn.
Ca khúc cuối cùng mà Saeko đã nghe trên chiếc xe này chắc chắn là từ chiếc CD này đây…
Tôi nuốt nước bọt, chăm chú lắng nghe lời bài hát.
Và rồi, tôi lập tức nghi ngờ đôi tai mình.
Thật đáng ngạc nhiên, chuỗi ca từ đó giống như một bài hát động viên tinh thần tôi lúc này vậy. Đặc biệt, ca từ của ca khúc thứ hai khiến trái tim tôi nhói đau. Không lẽ Saeko đã cố tình nhét chiếc đĩa CD này vào máy nghe đĩa trên xe, để dành cho tôi - người bị bỏ lại trên cõi đời này? Tôi thật muốn tin vào chuyện đáng ngờ đó, bởi giọng hát vừa vui tươi vừa ẩn chứa nỗi buồn của ca sĩ chính đã trở thành chiếc vòi sen tuôn ra những ngôn từ đậm đà sâu lắng, xối thẳng vào giữa tâm can tôi.
“Đây là bài hát mà mama rất thích.”
Nozomi nói, mắt vẫn chăm chú nhìn bầu trời cao trong xanh phía bên kia lớp kính trước xe. Con bé không dùng thể quá khứ, không nói “bài hát mama từng rất thích”, điều này thể hiện tâm tư của con bé, tôi thiếu chút thì nghẹn giọng.
“Ừ. Bài hát này thật khiến người nghe cảm thấy dễ chịu.” Tôi ra vẻ điềm nhiên, cất tiếng đáp lời con trong khi mắt vẫn hướng về phía trước.
“Vâng. Nozomi cũng thích bài hát này lắm.”
“Papa cũng thích.”
Dòng xe cộ trên đường quốc lộ khá mượt mà. Trong thời gian “Khúc ca mùa xuân” vang lên, tôi và Nozomi đều không nói gì. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Saeko trên xe. Chắc hẳn Nozomi cũng có cùng cảm giác với tôi, con bé muốn nhấm nháp cảm giác ấy nên mới không cất tiếng nói chuyện.
Trên con đường tôi đi, đèn giao thông cứ lần lượt chuyển sang màu xanh đúng lúc xe tôi chạy tới. Dần dần tôi có một cảm giác thật
kỳ lạ, rằng mình có thể lái xe đi mãi tới cùng trời cuối đất mà không phải đạp phanh lần nào.
Tay tôi nắm bánh lái, mắt liếc nhìn gương mặt nhìn nghiêng của Nozomi. Nozomi vẫn đang ngắm nhìn bầu trời phía xa xa. Khóe miệng con cong lên, vẻ mặt như sắp bước vào một tương lai tràn đầy hi vọng, tĩnh tại và nghiêm nghị. Biểu cảm ấy rất giống Saeko.
“Giá mà chúng ta có thể dùng chiếc xe này đi đón mẹ thì tốt biết bao.” Đột nhiên Nozomi quay sang nói với tôi.
“… Ừ.”
Lại một chiếc đèn đỏ chuyển sang xanh. Tôi cứ thế chạy xe đi, không phải đạp chân phanh lần nào.
“Mama lên trời rồi phải không ạ?”
“Lên trời?”
“Vâng. Bác Tochiki bảo thế ạ.”
Đó là người chị họ cùng tuổi, rất thân thiết với Saeko. “Lên trời ư? Ừ, đúng là như vậy. Thiên đường là đất nước của ánh sáng, nên papa cũng nghĩ chắc mẹ con đã lên trời rồi.” “Nếu đi máy bay, chúng ta có thể lên đó gặp mẹ không ạ?” Cuối cùng cũng gặp đèn đỏ rồi sao… Nghĩ vậy, tôi định đạp chần phanh, nhưng đúng khoảnh khắc đó, đèn hiệu lại chuyển sang xanh. Chiếc xe cứ tiến về phía trước, như thể được một sợi dây vô hình kéo đi.
“Dù có đi máy bay chúng ta cũng không thể tới đất nước ánh sáng được con ạ.”
“Thế ạ. Thế nếu chúng ta leo lên cầu vồng ánh sáng thì sao ạ?” “Leo lên cầu vồng ư…”
Tôi thầm thán phục những ý tưởng độc đáo của con, đúng lúc ấy xe tôi gặp đèn đỏ.
Nhìn sang ghế phụ lái, Nozomi đang nhìn tôi với ánh mắt tha thiết, kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của tôi.
“Ừ. Nếu leo lên cầu vồng, có lẽ chúng ta sẽ tới được đất nước ánh sáng ấy.”
“Tuyệt quá.”
Nozomi thở phào nhẹ nhõm nói, khóe miệng chợt nở một nụ cười giống hệt Saeko.
Khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi đã chạy xe giữa đồng ruộng bát ngát xanh tươi. Dãy núi lấp lánhvmàu xanh lá non. Bầu trời trải rộng phía trên dãy núi thuần một sắc xanh rực rỡ như ánh sáng đom đóm, nhiệt độ ngoài trời cũng tăng lên rõ rệt.
Trong lúc tôi vừa đợi đèn đỏ vừa cùng Nozomi ngắm máy cấy lúa chậm rãi di chuyển tới lui giữa cánh đồng, bụng tôi chợt kêu òng ọc. Hai bố con nhìn nhau, bật cười.
“Papa đói rồi à?”
“Ừ. Tới trưa rồi mà.”
“Đằng kia có cửa hàng tiện lợi kìa papa.”
“Ồ, đúng thật. Chúng ta rẽ vào đó nhé.”
“Dạ.”
Tôi đỗ chiếc Serena trong bãi đỗ xe rộng thênh thang của cửa hàng tiện lợi ở vùng thôn quê, rộng tới mức có thể chơi bóng chày được. Chúng tôi xuống xe, hai bố con dắt tay nhau đi về phía lối vào cửa hàng.
Vừa tới nơi, từ cánh cửa tự động của cửa hàng, ba vị khách bước ra. Họ là một đôi vợ chồng trẻ và một bé gái tầm tuổi Nozomi. Hai vợ chồng đi hai bên dắt tay cô bé, họ trò chuyện có vẻ rất hạnh phúc. Tay còn lại của người bố cầm chiếc kem đang ăn dở. Chắc hẳn là chiếc kem của cô bé, bởi quanh mép cô bé vẫn còn dính kem trắng xóa.
Ba người rảo bước về phía chúng tôi. Đúng lúc đó, hòa cùng tiếng hô “Hai, ba” của người mẹ, cơ thể bé gái được nhấc bổng lên, đung đưa giữa không trung. Hai vợ chồng họ vừa nhất loạt kéo tay con gái lên để chơi trò xích đu với cô bé. Tiếng cười vô tư của cô bé đâm thẳng vào tim tôi.
Không chịu nổi, tôi nhìn sang Nozomi. Nozomi vẫn lặng yên, ngắm nhìn cảnh ba người họ cười đùa với nhau. Nhưng ngay sau khi đi lướt qua gia đình đó, đôi môi con bé liền bậm chặt, mắt rắn rỏi hướng về phía trước. Nozomi nắm chặt tay tôi hơn, lực nắm từ những ngón tay nhỏ bé của con bé khiến trái tim tôi nhức nhối.
Một cơn gió mùa xuân khoan khoái từ cánh đồng đột nhiên thổi tới.
Cơn gió dịu dàng ấy mang theo mùi của đất và của nước. Mái tóc chấm vai của Nozomi khẽ đung đưa.
Tôi tạm buông bàn tay bé nhỏ của Nozomi ra.
Nozomi dừng bước, ngước nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. “Nozomi à, con nhìn trời xem. Kia kìa.”
Nói rồi tôi nhấc bổng Nozomi lên, đặt con bé ngồi trên vai mình. “Ôi, là vệt mây máy bay!”
Giữa bầu trời xanh là một đường kẻ trắng thẳng tắp kéo dài. Vệt mây máy bay ấy vẫn tiếp tục kéo dài ra xa trong lúc chúng tôi đang ngắm.
“Con muốn thử đi máy bay quá.”
“Ừ. Papa cũng muốn đi máy bay, lâu rồi papa không đi.” “Papa đi máy bay bao nhiêu lần rồi ạ?”
“Bao nhiêu lần rồi ấy nhỉ…?”
Lần đầu tôi đi là tới Guam, lần tiếp là Hàn Quốc. Sau đó có lẽ là chuyến đi tuần trăng mật sang Australia… Ngay khi tôi vừa đếm nhẩm trong đầu, đột nhiên có tiếng rột rất lớn ngay sau đầu tôi. Âm thanh ấy là tiếng bụng Nozomi réo.
“A ha ha. Tiếng bụng con kêu còn lớn hơn bụng papa nữa.” Nozomi cười, tôi cũng cười.
Hai tiếng cười ngắn ngủi nhưng trong vắt bị hút vào bầu trời mùa xuân rồi biến mất.
•°•
Trong cửa hàng tiện lợi, tôi mua cơm nắm, bánh mì, trà, bánh kẹo và hộp giấy ăn. Nozomi khăng khăng nói không muốn ăn kem - món ăn vặt xưa nay con bé rất thích. Cái tính hay phát huy sự mạnh mẽ ở những việc không đâu này thật giống Saeko, tôi chỉ còn biết cười đau khổ.
Người nhân viên đứng ở quầy thanh toán là một phụ nữ tầm năm mươi tuổi. Có lẽ chị rất thích trẻ con, nên từ lúc chúng tôi bước vào, chị đã trìu mến ngắm nhìn Nozomi như nhìn cháu ruột của mình. Đúng như dự đoán, lúc chúng tôi tới thanh toán, chị liền bắt chuyện với Nozomi.
“Cháu gái thích nhé, được đi cùng papa.”
“Dạ!”
“Cháu mua cơm hộp mang đi đâu vậy?”
“Cháu lên đường đi tìm cầu vồng ạ.”
Người phụ nữ ở quầy thanh toán kêu “Ôi, thích thế” rồi nhìn sang tôi. Tôi mỉm cười cho qua câu chuyện.
Ra khỏi cửa hàng, mắt tôi nheo lại bởi thứ ánh nắng chói chang bên ngoài. Cảm giác như sức nóng của mặt trời đã tăng thêm một bậc so với khi nãy.
Cạnh máy bán thuốc lá tự động ở phía trước cửa hàng có một băng ghế màu đỏ in logo hãng Coca-Cola, chúng tôi ngồi xuống đó, mở cơm nắm và bánh mì ra ăn.
Cơn gió thổi qua cánh đồng như cuộn theo một màn sáng trong suốt lấp lánh, cảm giác như cơn gió đã nhẹ nhàng làm tan chảy trái tim đông cứng ẩm ướt của tôi.
Trước mắt chúng tôi, hai chú bướm trắng nhỏ bay quấn quýt bên nhau, đôi cánh phấp phới bay qua chỗ chúng tôi rồi đi mất. Trong kẽ nứt nhựa đường dưới chân tôi, một cây bồ công anh nhỏ đã vươn lên và nở ra một bông hoa, thần cây đung đưa trong cơn gió dịu dàng.
Nozomi vừa đung đưa hai chân vừa ăn bánh mì kẹp thịt xông khói, nhưng rồi như sực nhớ ra, con bé liền hỏi tôi một câu hóc búa: “Papa ơi, sao cầu vồng lại có bảy màu ạ?”
Tôi bí câu trả lời quá, bèn trả lời dưới một góc độ khác. “Nghe nói ở một đất nước nào đó, cầu vồng chỉ có sáu màu thôi.” “Hả? Tại sao ạ? Cùng là cầu vồng nhưng lại có màu sắc khác hả papa?”
“Ừm, chắc tại tùy cách nhìn đấy.”
Có lẽ đó là chân lý. Bởi cùng nhìn chiếc cốc màu trắng đen nhưng có người thấy đó là cá voi sát thủ, có người lại nhìn ra gấu trúc mà… Có lẽ mọi sự trên đời này đều dễ dàng thay đổi ý nghĩa tồn tại của nó tùy theo cách nhìn, cách cảm nhận của người đời. Nếu vậy… không phải tương lai sắp tới của tôi và Nozomi cũng có thể trở thành bất kỳ trạng thái gì, tùy theo suy nghĩ và cảm nhận của chúng tôi sao?
“Trong tiết kể truyện bằng tranh vẽ, cô Natsumi ở lớp ‘cây phong’ nói cầu vồng có bảy màu papa ạ.”
Vẻ mặt Nozomi có vẻ không phục.
“Thế à? Thế khi nào tìm thấy cầu vồng, con thử tự đếm xem sao. Khi đó con sẽ biết nó có mấy màu.”
“Vâng ạ.”
Cuối cùng cũng hài lòng với câu trả lời của tôi, Nozomi nhét phần còn lại của miếng bánh mì kẹp thịt nguội vào miệng, vừa ăn ngồm ngoàm vừa ngước nhìn tôi.
Sau đó con bé cười với vẻ hơi ngượng ngùng.
“Bây giờ con thích ăn kem rồi papa ạ.”
•°•
Sau khi chúng tôi đi qua đèo và xuống hết con dốc ngoằn ngoèo, khung cảnh xung quanh đột nhiên mở rộng ra. Mặt biển mênh mang một màu lam đang trải rộng trước mắt chúng tôi. Nozomi reo lên thích thú, vẻ vui sướng hiện rõ trên mặt con.
Chúng tôi nhanh chóng đậu xe dọc bờ biển, chạy nhảy bằng đôi chân trần trên bãi cát không một bóng người. Sau khi chạy mệt, chúng tôi đi nhặt những vỏ sò vỏ ốc được sóng biển rửa sạch và mài thành màu trắng muốt. Lúc tìm thấy một con sao biển chết khô, đột nhiên một tia sáng xẹt qua trong đầu tôi. Sao tôi không lấy những vỏ sò và xác con sao biển này ốp vào đất sét, tạo hình cho nó để làm ra một tác phẩm tượng trưng cho bãi biển này, nơi tôi và Nozomi cùng chơi đùa, nhỉ?
•°•
Sau khoảng một tiếng, chúng tôi trở lại xe, tôi lái xe tới con đường dọc bờ biển mà Nozomi chỉ.
Chạy xe một lúc lâu, Nozomi vẫn chỉ chọn con đường đối diện với biển. Mòng biển, đại bàng, những con cá khô phơi bên đường, bà lão vác trên vai chiếc giỏ tre, bóng những chiếc thuyền câu, phao của lưới cố định, màu nước biển thay đổi rõ rệt tùy theo độ sâu của nước và địa hình của đáy biển, ngọn hải đăng trắng phấn xinh đẹp… Trên con đường dọc theo bờ biển, những khung cảnh kích thích trí tò mò của Nozomi nối tiếp nhau hiện ra.
Một lúc sau, khi ra tới một con dốc dài, tôi thấy những chiếc xe nối đuôi nhau phía trước đều đang bật đèn đỏ sau xe. Có vẻ ở đây đang bị ách tắc giao thông do tai nạn. Chiếc xe phía trước tôi là một chiếc xe tải lớn chất thùng chứa bên trên, nên tầm nhìn của chúng tôi cũng bị cản trở. Hàng xe dài ách tắc chậm chạp leo lên con dốc với tốc độ chậm hơn đi bộ, sau đó chui vào một đường hầm hẹp.
Tôi bật đèn bên hông xe, nhét chiếc CD của nhóm Spitz vào máy nghe đĩa rồi bật đĩa lên. Giai điệu vừa nhẹ nhàng khoáng đạt vừa có chút man mác của nhạc khúc “Khúc ca mùa xuân” vang lên. Trong bài hát có đoạn “Khi ra khỏi con đường hầm dài…”, nhưng vì vướng phải vụ tai nạn nên mãi chúng tôi không thể ra khỏi con đường hẩm dài này.
Sau hơn mười lăm phút, khi cuối cùng cũng tới gần cửa ra của hầm, tôi nhìn thấy tấm biển dựng đứng trên con đường đi bộ phía bên tay trái.
Cà phê ngon và âm nhạc hay ~ Tiệm cà phê Mũi Đá. Rẽ trái ở đây.
Rẽ trái, ở đây ư?
Nơi tấm biển được dựng có một khe hở giữa rào chắn giao thông và hàng rào chống gió, nên có vẻ rẽ trái được, nhưng nếu rẽ trái ở đó, phía sau hàng rào kia dường như cũng chỉ có một mảnh đất hoang rộng mọc đầy cỏ dại mà thôi. Tôi không nghĩ phía trước đó có
tiệm cà phê. Dù có đi nữa thì chắc nó cũng sập từ nhiều năm trước đây rồi.
Nhưng Nozomi - vốn đã đọc được chữ cái - đã phản ứng với tấm biển.
“Papa nhìn đằng kia kìa. Họ ghi có cà phê ngon kìa papa. Papa rất thích cà phê mà.”
“Ừ, papa thích.”
“Vậy chúng ta rẽ đi papa.”
“Ơ… ”
Dù có rẽ vào đó cũng sẽ không có quán xá gì đâu - tôi định nói thế nhưng cuối cùng ngừng lại. Bởi tôi đã quyết định trong chuyến đi này tôi sẽ đi theo ý muốn của Nozomi. Dù tiệm cà phê đó đã sập thì có lẽ chúng tôi cũng ra được biển. Khi đó chúng tôi có thể chơi trên bãi biển lần nữa.
Hàng xe tắc đường chậm chạp tiến về phía trước, khi tới được chỗ tấm biển đó, tôi liền bẻ lái sang trái.
Đúng như tôi đoán, phía sau hàng rào là một vùng đất hoang chưa được trải nhựa. Nhưng không ngờ trên mảnh đất có vệt bánh xe, tôi bèn lái xe chầm chậm như rắn bò phía bên trên vết bánh xe ấy. Phóng tầm mắt về phía trước, vùng đất toàn cỏ dại giữa chừng đã biến mất. Có lẽ nơi đó là một vách đá.
Chiếc Serena chầm chậm rẽ sang trái, men theo vết bánh xe. Một lúc sau, khi bắt đầu nhìn thấy biển ở phía dưới rất xa về bên tay phải, Nozomi reo lên.
Tiệm cà phê thực sự vẫn tồn tại ở nơi này.
Đó là một căn nhà bằng gỗ nhỏ như thể được xây dựng thủ công, sơn màu xanh nước biển, trước hàng hiên với hàng tay vịn tròn nhỏ là một khoảng đất trống thừa đủ để đậu xe. Tôi đậu xe ở đó, bố con tôi bước xuống nền đất.
Từ phía dưới vách đá xa xa, từng đợt gió lồng lộng mang theo mùi nước biển tràn tới. Mặt biển màu xanh cô ban phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lánh thật chói mắt.
Có vẻ nơi đây chính là điểm đầu của một mũi đá nhỏ.
Khi đưa mắt nhìn về dải đất liền nằm xa tít phía bên kia mặt biển, tôi bất giác “A” lên một tiếng.
“Nhìn kìa Nozomi, phía bên kia biển là núi Phú Sĩ đấy.” “Ủa, đó là núi Phú Sĩ hả papa?”
“Ừ. Ngọn núi cao nhất Nhật Bản đấy.”
Khi Nozomi nói “Ngọn núi ấy hình tam giác papa nhỉ”, tôi chợt nghe thấy tiếng bước chân giẫm trên sỏi lạo xạo đang tiến gần tới chỗ chúng tôi từ phía sau. Ngoảnh lại, tôi thấy một chú chó trắng có gương mặt đáng yêu như giống chó Shiba[5] đang ở ngay bên dưới chân mình. Chú chó vừa vẫy chiếc đuôi bồng bềnh cuộn tròn của mình vừa ngước nhìn chúng tôi đầy hớn hở.
“Ôi!” Nozomi bị ngạc nhiên bởi chú chó, con bé ôm lấy đùi tôi. “Không sao đâu con. Khi một con chó vẫy đuôi như thế này có nghĩa là nó đang mừng con ạ.”
Tôi hạ thấp người xuống, vuốt ve cằm chú chó, đúng lúc ấy tôi nhận ra một điều. Nhưng Nozomi đã nói ra điều đó trước tôi: “Ủa, chú chó này không có cẳng chân.”
Chú chó bị khuyết nửa dưới phần chân trước bên phải. “Đúng thật. Nó gặp tai nạn chăng.”
“Đáng thương quá…”
Nozomi tiến về phía chú chó dù trong lòng hãy còn sờ sợ, con bé khẽ vuốt ve phần lưng chú chó. Chú chó tỏ vẻ mừng rỡ, ngồi yên cho Nozomi vuốt.
Một lúc sau, nỗi sợ trong lòng Nozomi tan biến, khi được vuốt ve đến phần cằm, chú chó đột nhiên quay nửa người sang phải, tập tễnh bước đi. Giữa chừng nó quay lại nhìn chúng tôi, khẽ sủa Gâu gâu.
“Papa ơi, hình như con chó đang muốn chúng ta đi cùng nó đấy.” “Có vẻ thế thật.”
Chúng tôi thử đi về phía chú chó, chú chó tiến về phía trước một chút rồi ngoảnh đầu lại, một lần nữa cất tiếng sủa “Gâu gâu”. “Đúng là nó đang gọi chúng ta.”
Được chú chó trắng ba chân dẫn đường, chúng tôi tới cửa vào tiệm cà phê, kéo tay nắm cửa làm từ gỗ lũa.
•°•
Sau khi thấy chúng tôi đã vào bên trong tiệm, chú chó trắng liền đi về phía sau tiệm rồi biến mất như thể vừa thực hiện xong vai trò của mình.
“Chào mừng quý khách!”
Từ phía trong cửa hàng hơi mờ tối, tôi nghe thấy một giọng nữ điềm đạm vang lên. Ngoảnh đầu lại, tôi thấy một bà lão chừng trên sáu mươi đang đứng cạnh chiếc lò sưởi đốt củi cũ đang tắt lửa. Bà không cao nhưng mảnh dẻ, ở bà có vẻ gì đó thật thanh tao quý phái.
“A, chào bà…”
Tôi nói, mắt liếc nhanh quanh tiệm. Đúng như tôi nghĩ, trong tiệm không có vị khách nào khác. Tiệm nhỏ xíu, chỉ có hai bàn, nhưng có lẽ nhờ có khung cửa sổ kính lớn trên bức tường đối diện với biển nên trông tiệm không có vẻ tù túng. Nói đúng hơn, phong cảnh nhìn từ cửa sổ đó đẹp như một bức tranh. Mặt biển, bầu trời và thảm cỏ, xa xa có cả núi Phú Sĩ sáng lấp lánh. Bố cục cảnh sắc cũng rất đẹp. Đối với một kẻ có chút máu nghệ thuật trong người như tôi, tiệm cà phê này như thể được dựng lên để thưởng ngoạn bức tranh phong cảnh đó vậy.
“Bà ơi, chúng cháu có thể ngồi ở bàn này được không ạ?” Tôi chỉ chiếc bàn có thể nhìn rõ núi Phú Sĩ.
Bà lão mỉm cười gật đầu, tôi ngồi xuống chiếc ghế phía trước, cho Nozomi ngồi ở chiếc ghế bên trong.
“Anh có thích thể loại nhạc nào không?”
Bà lão giữ nguyên nụ cười trên môi và hỏi. Nét mặt có số nếp nhăn tương ứng với tuổi tác đó của bà tạo nên bầu không khí dễ gần, thân thiện. Nụ cười của bà là nụ cười khiến người ta muốn ngắm nhìn một lúc lâu.
“Dạ, cháu không đặc biệt thích loại nhạc nào cả…”
“Vậy tôi sẽ giữ nguyên bản nhạc jazz nhịp độ chậm này nhé.” “Vâng.”
Tôi nhìn theo bóng lưng bà lão vừa quay người bước đi, rồi nhìn quanh tiệm một lần nữa. Trên chiếc kệ gỗ kê sát bức tường phía trong tiệm xếp đầy đĩa CD và đĩa than. Bên trên khung cửa sổ nhìn ra núi Phú Sĩ và mặt biển có trang trí những chậu cây mọng nước[6] nở hoa trắng nhỏ và những chú mèo làm từ sắt uốn cong rồi hàn lại với nhau. Trên những chiếc bàn gỗ kiểu cổ sáng bóng màu mật ong có đặt một tờ giấy Nhật nhỏ hình vuông, trên giấy có menu của tiệm được viết tay bằng nét chữ nắn nót cẩn thận. Trần nhà, tường và sàn được ốp cùng một loại gỗ dán mặt trơn, nhìn kỹ sẽ thấy có những khe hở giữa các tấm ván lát này, chứng tỏ đây là tác phẩm của một người không chuyên. Trên khung cửa sổ được sơn màu xanh dương cũng xuất hiện những chỗ sơn không đều màu. Nhưng lạ là sự vụng về thô lậu của người thợ lại rất hợp với tiệm cà phê này. Khác với những tòa nhà chỉ toàn những đường thẳng và các góc vuông vức hợp lý được tạo nên bởi đám máy móc vô hồn, hơi ấm từ việc làm thủ công của con người, dù có chứa đựng sự vụng về, đã lấp đầy không gian bên trong tiệm, khiến không khí trong tiệm dễ chịu một cách lạ lùng.
“Anh gọi món gì?”
Bà lão ngoảnh sang cười hiền hậu với Nozomi và tay đặt hai cốc nước mát lên bàn.
“Cho cháu một tách Mũi Đá blend[7], một nước ép táo.” Tôi vừa dứt tiếng trả lời thì…
“A, cầu vồng!”
Nozomi mở to mắt, con bé không chỉ tay ra ngoài cửa sổ mà chỉ vào bức tường phía sau lưng tôi.
“Gì cơ?”
Tôi bị thôi thúc quay đầu về phía sau.
Và rồi, tôi bất giác há to miệng.
“Ồ…”
Tôi cũng không biết mình định nói “Bức tranh đẹp quá” hay “Đẹp thật” hay “Thật đáng kinh ngạc” nữa. Tóm lại, bố con tôi đã được ngắm một chiếc cầu vồng đẹp đến mức khiến người ta nín thở. “Papa ơi.”
Nozomi nở nụ cười tươi nhất trong ngày hôm nay.
“Ừ. Cuối cùng chúng ta cũng tìm thấy rồi.”
Nozomi tuột xuống khỏi ghế, chạy vòng ra phía sau bà lão để tới đứng cạnh tôi. Con bé gọi “Papa ơi” với gương mặt rạng rỡ như khi nãy, mắt ngước nhìn tôi, nói:
“Tiếng đập thình thịch của hạnh phúc này papa.”
Tôi ra dấu bằng mắt cho bà lão đang ngớ người trước cử chỉ của con bé, rằng “Xin lỗi bà một chút”, rồi tôi rời ghế, cúi xuống. Sau đó tôi áp tai vào ngực Nozomi.
Thịch thịch thịch…
Trái tim nhỏ bé như đang tấu lên những âm sắc nhẹ nhàng, giống như đang nhảy chân sáo vậy.
“Tiếng đập thình thịch trong lồng ngực Nozomi truyền cả sang papa, khiến papa cũng trở nên hạnh phúc rồi này.”
Tôi lấy hai tay ôm hai bên má Nozomi, nhắc lại câu thoại trong cuốn sách tranh.
Lời tôi nói vừa dứt, bà lão nãy giờ đang lắng nghe cuộc trò chuyện của tôi và Nozomi bèn đặt chiếc khay lên bàn, ngồi xổm xuống bên cạnh Nozomi.
“Nozomi ơi, cháu cho bà nghe tiếng thình thịch hạnh phúc với được không?”
Người cất tiếng ngơ ngác “Sao cơ ạ?” là tôi, còn Nozomi quay sang bà cười nói “Được ạ”, rồi con bé đứng với tư thế ưỡn người về phía bà.
“Cảm ơn cháu.”
Bà lão mỉm cười, vừa thì thầm bảo “Nào bà nghe xem nào”, vừa khẽ ôm lấy lưng Nozomi, tai áp vào ngực Nozomi.
“Ồ… Tiếng thình thịch này thật kỳ diệu. Bà cũng trở nên hạnh phúc rồi này.”
Bà lão ngẩng mặt lên, nở một nụ cười đầy nếp nhăn tới mức không nhìn thấy mắt bà đâu nữa, tay bà vuốt ve mái tóc Nozomi ba lần. Sau đó, giữ nguyên nụ cười trên miệng, bà quay sang tôi: “Đúng là một kho báu, anh nhỉ?”
“Dạ…”
Tôi xấu hổ, gật đầu đầy ngượng ngùng. Nozomi nhìn tôi và bà lão, miệng cười cười.
Sau đó tôi nhìn lại bức tranh cầu vồng ở bức tường phía sau lưng mình một lần nữa. Bầu trời chiều và mặt biển nhuộm trong màu vàng cam tuyệt đẹp, thứ màu như đang tỏa ra những hạt ánh sáng. Giữa khung cảnh đó, một chiếc cầu vồng trang nghiêm bắc ngang qua. Cầu vồng tỏa ánh sáng rực rỡ hơn cả bầu trời và mặt biển. Thế giới trong khung tranh đầy tính họa, tỏa ra thứ ánh sáng và màu sắc xa vời thực tế, nhưng nhìn hình dáng của bán đảo và vị trí của núi Phú Sĩ được vẽ phía bên kia biển, có thể thấy bức tranh này đang vẽ lại phong cảnh trải rộng phía bên ngoài cửa sổ của tiệm cà phê này.
“Một, hai, ba..Nozomi vừa nhìn lên bức tranh đó vừa gập các ngón tay xuống để đếm. “Sáu, bảy… tám. Ủa?”
“Ủa ủa?” Tôi nói, bất giác bật cười.
“Papa… Cầu vồng này có tám màu này.”
“Ra là thế.”
“Vì nó chỉ là tranh vẽ thôi chăng…”
Nozomi nghiêng đầu thắc mắc, bà lão liền cất tiếng: “Nghe nói bức tranh này họa sĩ đã vừa ngắm cầu vồng thực vừa vẽ đấy. Thế nên chắc chắn cầu vồng thật cũng có tám màu.” “Thế ạ. Vậy thì quả thực trên đời có chiếc cầu vồng tám màu bà nhỉ?”
Nozomi hết nhìn tôi lại nhìn sang bà lão.
“Có vẻ như vậy thật. Nozomi và papa đã được ngắm một chiếc cầu vồng đặc biệt rồi.”
“Bà cũng chưa đếm bao giờ, nên lúc này có cảm giác mình vừa được hời thêm một màu vậy.”
Cảm giác như ba chúng tôi đã có chung một bí mật nho nhỏ, trong một lúc, chúng tôi vừa ngắm bức tranh cầu vồng vừa quay qua nhau mỉm cười.
•°•
Tên của bà lão là Kashiwagi Etsuko. Lúc đặt cà phê lên bàn, bà đặt kèm một tấm danh thiếp của cửa hàng, trên danh thiếp đó có ghi tên bà.
Tách cà phê bà Etsuko pha có hương vị dịu dàng khó tả, vừa nhấp một ngụm, tôi liền bất giác thở dài. Chiếc tách đựng cà phê cũng rất đẹp. Nó có hình trái tim với các góc cạnh được bo tròn. Bên trong tách phủ một lớp men gốm màu kem, bên ngoài màu nâu cháy.
“Tách đẹp quá bà ạ.”
Tôi nghĩ sao thì buột miệng nói vậy, theo mắt nhìn của một nghệ sĩ gốm sứ, còn bà Etsuko chỉ cười với vẻ tinh nghịch, nói “Tôi biết mà.”
“Tôi vừa hình dung ra trái tim của Nozomi vừa chọn chiếc cốc này đấy. Tôi nghĩ nếu uống bằng cốc này, hương vị của cà phê cũng sẽ trở thành hương vị hạnh phúc.”
“Cảm ơn bà…”
Tôi hơi xấu hổ, bèn nhấp thêm một ngụm cà phê nữa. Nozomi dùng ống hút hút một hơi hết gần nửa cốc nước ép táo. “Tôi có thể hỏi anh một chuyện không?”
Bà Etsuko ngồi ghé lên chiếc ghế tròn đặt cạnh lò sưởi củi, hỏi. “Dạ? Vâng…”
Tôi đặt tách cà phê lên đĩa.
“Khi nãy, lúc nhìn lên bức tranh, anh đã nói ‘Cuối cùng chúng ta cũng tìm thấy’ phải không?”
“À, chuyện đó là…”
Nhưng tôi chưa kịp nói tiếp thì Nozomi đã nói thay: “Cháu và papa đang lên đường đi tìm cầu vồng ạ.”
“Đi tìm cầu vồng ư?”
“Dạ. Chiếc cầu vồng đã xuất hiện bên ngoài chung cư nhà cháu sáng nay, mà giờ nó đã đi đâu mất, nên cháu và papa đi tìm ạ.” Bà Etsuko nheo mắt trìu mến nhìn Nozomi.
“Thế à. Vậy là chiếc cầu vồng hai bố con tìm thấy trong chuyến đi chính là chiếc cầu vồng trong tranh này ư?”
Dạ.
Cuối cùng tôi cũng trả lời được một câu ngắn gọn.
“Hai người đã thực hiện một chuyến đi giống hệt tôi.” “Gì cơ ạ?”
“Tôi cũng đang trên đường đi tìm cầu vồng.”
Ý bà là sao nhỉ.
Tôi thắc mắc nhìn bà Etsuko, bà nở một cười nụ cười đầy ý vị, đoạn quay sang nói chuyện với Nozomi:
“Nozomi ơi, cháu muốn ăn kem vị chuối do bà tự làm không?” “Dạ có!”
“Thế để bà mời cháu. Để cảm ơn cháu đã chia sẻ hạnh phúc với bà.”
“Ơ, chuyện đó…”
“Không sao đâu anh. Dù sao món kem này mới chỉ là món thử nghiệm, tôi chưa đưa vào thực đơn đâu.”
“Xin lỗi bà nhé, ngại quá…”
Bà Etsuko lại nói “Không sao đâu” rồi đi vào trong bếp, ngay sau đó bà cho kem vào một chiếc đĩa màu nâu hình chiếc lá rồi mang ra đặt trước mặt Nozomi: “Của cháu đây.”
“Cháu cám ơn bà ạ.”
Nozomi lấy thìa ăn một miếng, ngẩng mặt khen ngon rồi khẽ nói, mắt nhìn bầu trời xanh bên ngoài cửa sổ: “Cháu muốn cho mẹ ăn thử kem này quá. Mẹ cháu thích ăn đồ ngọt lắm.”
Nhìn gương mặt nhìn nghiêng của con, tôi bất giác khẽ thở dài. Saeko à, con chúng ta đã trở thành một cô bé ngoan rồi…
Trong lòng tôi thầm thì như vậy, nhưng ngoài miệng lại nói một điều khác hẳn.
“Con ăn nhanh đi kẻo kem tan ra mất đấy.”
“Dạ.”
Nozomi quay lại với món kem. Sau đó, từ miếng kem thứ hai, con bé chăm chú ăn để tận hưởng món ăn ưa thích của mình. “Hôm nay vợ anh ở nhà sao?”
Bà Etsuko cười dịu dàng nhìn Nozomi, hỏi. Tôi khẽ đáp “Không ạ” và lắc đầu.
“Vợ cháu vừa mất mấy bữa trước.”
“Ơ…”
Lần đầu tiên từ khi bước vào tiệm tôi nhìn thấy vẻ mặt không cười của bà Etsuko. Vừa lơ đãng nghĩ trông bà dịu dàng ngay cả khi không cười, tôi vừa nhấp thêm một ngụm cà phê. Tôi thầm muốn cho Saeko uống tách cà phê ngon đến kỳ diệu này.
“Xin lỗi anh.”
Bà Etsuko thấp giọng xin lỗi, tôi vừa mỉm cười vừa nói “Không có gì ạ”. Có lẽ nụ cười của tôi rất gượng gạo. Một phần vì xấu hổ với sự vụng về của bản thân, một cách thừa thãi, tôi kể thêm dù không được bà hỏi.
“Vợ cháu mất vì bệnh ung thư ở người trẻ. Mới mấy hôm trước thôi… Từ khi phát hiện bệnh cho tới khi cô ấy mất, thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt ấy bà ạ.”
“Thế ư…”
“Vâng.”
Bà Etsuko khẽ thở dài, ánh mắt bà nhìn xa xăm như đang hồi tưởng lại thời xa xưa. Đoạn bà hướng ánh mắt ấy về phía tôi, nói: “Tôi cảm thấy việc bố con anh đi tìm cầu vồng rồi tới đây ngày hôm nay giống như định mệnh vậy.”
Định mệnh ư…?
“Dạ, chuyện đó nghĩa là…”
Tôi đang định hỏi thì bà Etsuko đứng dậy khỏi ghế. Bà bảo “Đợi tôi một chút” rồi đi vào bếp.
Liền sau đó…
Đột nhiên, tiếng nhạc Jazz chầm chậm được bật từ khi chúng tôi bước vào tiệm cho tới lúc đó chợt ngừng lại, bên trong tiệm bao bọc bởi một thế giới tĩnh lặng không có âm thanh.
Nozomi cũng nhận ra sự thay đổi bất thường ấy dù đang mải mê ăn, con bé ngẩng đầu lên.
Và rồi khoảnh khắc tiếp theo… một chuỗi âm thanh đẹp đẽ tựa tiếng đàn đại phong cầm vang lên từ chiếc loa hiệu BOSE. Tôi và Nozomi nhìn nhau.
Tiếng đàn ầy tràn ngập sự từ ái, trong vắt, nghiêm cẩn… Khi nghĩ tới đó, tay và sống lưng tôi nổi hết da gà.
Cả tôi và Nozomi đều bị cuốn vào khúc nhạc ấy.
Khi tới phần giai điệu chính của khúc nhạc, đột nhiên tôi cảm thấy mình đã nghe bản nhạc này ở đâu đó rồi. Và rồi, khi giọng hát nữ chính như tiếng chuông ngân vang lên, tên một bài hát xẹt qua đầu tôi.
“Ca khúc này tên là Amazing Grace.” Chúng tôi nghe thấy tiếng nói từ phía chiếc ghế tròn. Bà Etsuko đã trở lại ghế tự khi nào. “Ban nhạc nữ của Ireland tên Celtic Woman hát đấy.”
“Nói sao nhỉ, âm thanh thật đẹp…”
“Cảm giác như thể chúng ta được bao bọc bởi sự dịu dàng, phải không anh?”
“ Dạ…”
“Vũ khí của cửa hàng này là cà phê và âm nhạc. Tôi nghĩ với anh lúc này, ca khúc này là phù hợp nhất.”
Nụ cười lém lỉnh khi nãy đã quay trở lại trên gương mặt của bà Etsuko.
“Tại sao lại là ca khúc này ạ?”
“Anh có biết ‘amazing grace’ nghĩa là gì không?”
Từ xưa tôi đã kém tiếng Anh. Tôi thành thật lắc đẩu. “Nếu dịch sát nghĩa thì sẽ là ‘Ân điển diệu kỳ’ đó.”
“Ân điển diệu kỳ… ư?”
Tôi nhắc lại ý bà. Và rồi, tôi kinh ngạc khi đuổi theo ánh mắt của bà. Bà Etsuko đang nhìn Nozomi. Còn Nozomi đang nhìn bức tranh cầu vồng. Chiếc cầu ánh sáng có lẽ chạm tới cả thiên đường. Đúng là một kho báu…
Câu nói của bà Etsuko khi nãy chợt sống lại trong đầu tôi. “Trong cuộc đời mình, một con người sẽ đánh mất rất nhiều thứ quý giá, nhưng trái lại cũng sẽ nhận được rất nhiều ‘ân điển diệu kỳ’. Chỉ cần nhận ra điều đó, mọi chuyện còn lại rồi sẽ ổn cả.” Bởi thực tế, tôi chính là một trường hợp như vậy…
Bà Etsuko không nói câu đó, nhưng tôi cảm giác mình nghe thấy câu nói đó của bà.
Tôi nhìn Nozomi. Nozomi cũng nhìn tôi.
“Papa ơi, đẹp thật đấy.”
Bao bọc giữa tiếng nhạc thần thánh, Nozomi ngước nhìn bức tranh cầu vồng lần nữa. Tôi cũng ngắm bức tranh cùng con bé. Không biết có phải ảo giác không, nhưng lúc này tôi như thấy chiếc cầu vồng tỏa sáng hơn cả khi nãy.
Tôi thở dài, hơi thở chứa đầy cảm giác hạnh phúc, rồi uống cạn phần còn lại trong tách cà phê đã nguội. Lúc đặt chiếc tách hình trái tim lên bàn, đột nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ.
Tôi sẽ gửi tặng cửa hàng này một chiếc cốc cà phê đích thân mình nung ra. Tôi muốn khách của cửa hàng dùng chiếc cốc có hình dạng đánh dấu kỷ niệm ngày hôm nay của chúng tôi.
Lâu lắm rồi trong tôi mới trào lên cảm xúc sáng tác thế này. Tôi muốn được nặn gốm tới mức đầu ngón tay bắt đầu cảm thấy đau châm chích.
Một lúc sau bản “Amazing grace” kết thúc, sự tĩnh lặng một lần nữa trở về trong tiệm. Nhưng đó không còn là sự tĩnh lặng buồn rầu nữa. Hơi ấm từ âm nhạc vẫn đang hòa tan thật nồng đậm giữa không khí dưới dạng dư âm của khúc nhạc ấy.
Tôi hỏi Nozomi. “Chúng ta làm gì tiếp theo đây? Con có muốn tiếp tục phiêu du không?”
Nozomi ngẩng lên nhìn tôi, lắc đầu với vẻ mặt mãn nguyện.
“Dạ không, chúng ta về nhà thôi ạ.”
“Thế à. Vậy chúng ta sẽ vừa nghe Spitz vừa lái xe về nhà nhé.” “Dạ.”
Sau khi gật đầu, Nozomi ngước nhìn tôi:
“Papa ơi.”
“Ơi?”
“Sau khi về nhà, trước lúc ngủ, papa đọc cho con nghe cuốn sách tranh Mimicchi nhé?”
Tôi bật cười.
“Đương nhiên rồi.”
“Ngày mai nữa được không papa?”
“Ừ. Từ nay về sau, tối nào papa cũng đọc cho con nghe.” Nói rồi tôi chậm rãi đứng dậy khỏi ghế.
Rồi tôi bồng “ân điển diệu kỳ” mà Saeko để lại trên đời cho mình lên, lấy hết sức cọ má vào má con.
Nozomi cười như bị nhột.
“Cảm ơn bà đã cho chúng cháu thưởng thức những món uống thật ngon ạ.”
Lúc nói với bà Etsuko lời cảm ơn tận đáy lòng ấy, tôi chợt nhận ra mình đã ra khỏi “đường hầm dài tăm tối” rồi.
CHƯƠNG 2
MÙA HẠ
Những cô gái trên bãi biển
- Girls on the beach
V
ốn là một người yêu mùa hạ vô bờ bến, thế nên đây là lần đầu tiên tôi có ý nghĩ “thật tàn nhẫn” khi nhìn lên vầng mặt trời màu bơ đang sôi lục bục giữa bầu trời màu cô-ban xanh thẳm. Thực ra thì, hôm nay không hẳn là một ngày hè mà là “quãng thời gian nắng ráo giữa mùa mưa”, nhưng mặt trời vẫn giáng xuống mặt đất những tia nắng nhức nhối như giữa mùa hè.
Bên trong chiếc áo thun, mồ hôi từ ngực nhỏ xuống bụng tôi ròng ròng. Tôi đang ngả rạp thân mình về phía trước, đè trọng lượng cơ thể lên tay lái để dắt chiếc xe máy đi.
Tóc mái tôi dính bết vào nhau bởi những giọt mồ hôi to đùng trên trán.
Những giọt mồ hôi cũng rơi xuống từ cằm, tạo thành đám nước nhỏ trên chiếc bình xăng đỏ mà tôi rất ưng bụng.
Đột nhiên chiếc xe tải tiến tới phía sau lưng tôi bật còi xe đinh tai nhức óc - loại còi đã được “độ” lại trái phép - rồi đi vượt qua tôi. Bị bao vây bởi màn khí thải đen xì từ chiếc xe tải nọ, tôi suýt thì ho sặc sụa.
“Đồ chết tiệt!” Tôi lầm bầm chửi thề trút bực.
Chiếc xe máy tôi đang cố công đẩy là một chiếc GB250 Clubman. Dòng xe xi-lanh đơn cổ điển của Honda, năm ngoái tôi đã phải làm thêm miệt mài mới tậu được một chiếc đồ cũ. Bình xăng thuôn thuôn màu đỏ thuần của nó thật đẹp, mỗi lần ngắm tôi lại muốn vuốt ve. Xe chạy không quá hao xăng, cũng không cần kiểm tra bảo dưỡng nhiều nên rất hoàn hảo với một gã sinh viên nghèo như tôi.
Nhưng là khi nó chạy đàng hoàng …
Sáng nay, để giải tỏa những phiền muộn khi đi xin việc không được như ý, tôi đã một mình lên đường đi chơi - một việc đã lâu lắm rồi tôi không làm. Trên bán đảo trong những ngày nắng ráo giữa mùa mưa này, biển, núi và những cơn gió đều sáng lấp lánh đầy tươi mới. Xui rủi là do mải mê ngắm cảnh, tôi quên không đổ thêm xăng, cứ thế chạy xe đi mãi, cuối cùng khi tới trước con dốc dài trên đường quốc lộ dọc theo bờ biển, chiếc xe cạn xăng.
Vốn dĩ khi gần cạn xăng, chỉ cần vặn van xăng sang chế độ “dự trữ” thì xe vẫn sẽ chạy được với số nhiên liệu ít ỏi sót lại trong bình, nhưng hôm nay không hiểu sao tôi để van xăng ở chế độ “dự trữ” mà cứ thế chạy đi, kết cục đã hết sạch xăng không sót lại giọt nào.
Nhìn trước nhìn sau chẳng thấy nhà dân. Cũng không có cửa hàng nào. Nghĩa là tôi sẽ không thể nhờ ai giúp đỡ được. Bốn năm đi xe máy, đầy là lần đầu tiên tôi thảm hại như vậy. Vì lẽ đó, tôi lâm vào cảnh phải đổ mồ hôi ròng ròng để dắt chiếc xe máy cỡ trung nặng trịch, lần đầu tiên tôi dùng cơ thể mình để cảm nhận sức nặng của con xế yêu.
Ngoài ra, tôi còn nhận ra thêm một quy luật của cuộc đời. Đó là… HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Thấy tôi dắt xe máy thở hổn hển, ông trời vẫn ban thêm thử thách cho tôi. Thử thách đó chính là chuyện ấy. Nói một cách đơn giản để một con bò cũng có thể hiểu thì là tôi đang muốn đi nhà vệ sinh đến phát điên lên được. Nếu chỉ là tiểu tiện, tôi có thể tận dụng đặc quyền của nam giới để tìm bừa một chỗ nào đó quanh đây mà hành sự, nhưng đúng lúc này tôi lại muốn “đi nặng”, thật muốn ngửa mặt lên trời mà oán thán.
Đẩy một chiếc xe máy cỡ trung lên trên con dốc quả là một công việc nặng nhọc, nếu không gắng sức sẽ không thể tiến về phía trước. Nhưng nếu gắng sức quá thì e mông tôi sẽ không-giữ-được thứ-cần-giữ mất. Nghĩa là tôi đang bị ép phải đi trên một chiếc dây thừng giữa không trung. Một nửa số mồ hôi đang chảy ròng ròng như thác nước trên người tôi là mồ hôi lạnh.
Không thể nhầm lẫn được. Khoảnh khắc này, tôi là người đàn ông xui xẻo nhất trên bán đảo này. Mà không, không biết nên nói thời điểm của vận mệnh không tốt, hay bản thân vận mệnh đó không tốt nữa… Tóm lại, trong đầu vừa nghiêm túc nghĩ một chuyện thật vớ vẩn rằng giá mà có thể đóng thật chặt chiếc van mông lại như van của bình xăng xe thì tốt biết mấy, tôi vừa gắng hết sức - theo rất nhiều nghĩa - để leo lên con dốc, một người đàn ông đáng thương thế đấy.
•°•
Cuối cùng, khi đã lên tới đỉnh dốc, tôi lại chui vào một đường hầm vừa dài, vừa tối, vừa hẹp tới mức xe tôi và một chiếc xe tải lớn không thể nào đi tránh nhau được. Trong đường hầm đầy khí thải của xe cộ, khiến tôi muốn ngưng thở. Để an toàn, tôi bật hệ thống đánh lửa, bật đèn sau xe, cố gắng dắt xe đi thật nhanh trong bóng tối với hơi thở nông nhất có thể. Thế nhưng, khi đi tới khoảng giữa đường hầm, một loạt tiếng động lớn từ phía sau lưng tôi mỗi lúc một lại gần. Lại một chiếc xe tải lớn nữa.
“Papapapaaann!”
Chiếc xe tải chạy lướt qua tôi với khoảng cách suýt soát, chỉ còn vài cm nữa là đâm vào chiếc xe máy tôi đang dắt.
Gã lái xe chắc chắn đã cố tình làm thế đây mà.
“Đồ cứt đái!” Tôi tức giận quát lên, rồi lập tức hối hận. Bởi tôi nhận ra giây phút này, chính tôi mới là kẻ gần với cứt đái nhất, tôi thấy mình thật thảm hại.
Rồi cũng ra khỏi đường hầm đầy khói, tôi cảm thấy thật biết ơn bầu không khí bình thường. Tôi tạm dừng bước, lấy mu bàn tay lau mồ hôi trên trán, khẽ thở phù một tiếng. Đúng lúc đó, một tấm biển có vẻ được đóng thủ công đặt bên con đường đi bộ chợt lọt vào mắt tôi. Gọi là biển hiệu nhưng nó chỉ là một cây gậy gỗ trắng nhỏ, vuông vức cắm trên mặt đất.
Cà phê ngon và âm nhạc hay ~ Tiệm cà phê Mũi Đá. Rẽ trái ở đây
Một biển hiệu được cắm ở cửa đường hầm như thế này có lẽ không được nhiều người trông thấy, nếu có thấy họ cũng không thể đột ngột rẽ trái được…
“Chắc chắn không thể kịp được.”
Tôi thầm thì với ý rằng những khách đi đường khác sẽ không kịp bẻ lái, nhưng vì tôi cũng có vẻ không kịp tới nơi để xử lý bụng dạ mình, nên tôi vội vàng dắt xe theo chỉ dẫn trên tấm biển. Dẫu sao tôi cũng phải dùng nhờ nhà vệ sinh trong tiệm cà phê tên Mũi Đá gì gì đó. Cổ họng tôi đang khát khô, đi vệ sinh xong tôi sẽ uống ực một hơi cốc cà phê đá.
Theo lời chỉ dẫn từ tấm biển, tôi rẽ trái trên đường quốc lộ, trước mặt là con đường trải đá dăm. Gọi là “đường” nhưng thực ra chỉ có hai lằn bánh xe trên khu đất hoang đầy cỏ dại kéo dài như đường ray tàu hỏa mà thôi.
Một nơi như thế này thực sự sẽ có một tiệm cà phê ư? Tuy trong lòng hơi bất an nhưng tôi vẫn hì hục đẩy chiếc xe. Nếu phía trước không có cửa tiệm nào cả… Mà thôi, có lẽ như vậy cũng tiện. Tôi sẽ có thể dùng tới kế sách cuối cùng - ấy là “nhà vệ sinh lộ thiên”.
Đi được một đoạn, mảnh đất liền trước mắt đột nhiên biến mất, khung cảnh mở rộng ngút ngàn. Biển đang trải rộng phía dưới. Khi nãy tôi đã cắm cúi leo lên một con dốc rất dài, giờ thì hình như tôi đang đứng trên một vách đá.
Từ trên nhìn xuống, biển hoàn toàn tĩnh lặng, nhìn như một miếng thạch màu xanh thẫm. Trên không, vài con đại bàng đang chậm rãi lượn thành hình vòng tròn, không phát ra tiếng động. Nhìn sang phía bên kia mặt biển, con phố phía bên kia bờ biển hiện lên với cái bóng mờ nhạt.
Cơn gió biển mềm mại như miếng bông cotton đã quen thuộc với da thịt, trêu đùa phần gáy ướt đẫm mồ hôi của tôi.
Vừa dắt xe tôi vừa hít thở sâu bầu không khí mang theo mùi nước biển.
Tôi rẽ trái theo vết bánh xe trên đường, cuối cùng thì tới được đỉnh đầu của một mũi đá nhỏ. Phía trước nó là vách đá dựng đứng,
không đi tiếp được nữa. Tôi dừng xe máy ở một khoảng đất trông không có cỏ mọc, dựng chân chống xe xuống. Và rồi tôi khẽ thì thầm trong lồng ngực.
Đúng là có thật, một tiệm cà phê ở một nơi như thế này… Thật đáng kinh ngạc, ở đỉnh đầu của mũi đá thậm chí không có cả một con đường đi vào tử tế này lại mọc lên một ngôi nhà nhỏ có vẻ được xây thủ công, sơn xanh. Bên trên cửa sổ của ngôi nhà nhỏ có mắc một tấm ván dường như làm bằng gỗ lũa đã bạc màu vì mưa gió, trên đó có dòng chữ viết bằng mực để “Tiệm cà phê Mũi Đá”. Tôi nhanh chóng bước về phía cửa ra vào của tiệm.
Đúng lúc đó, tôi cảm nhận được một ánh mắt từ phía tay phải mình.
Ngoảnh đầu sang, ánh mắt tôi chạm phải ánh mắt một người đàn ông to lớn để râu lởm chởm. Phía bên phải ngay cạnh tiệm cà phê Mũi Đá là một tòa nhà đang xây dở, mới chỉ có móng và cột, người đàn ông to lớn đang đứng dựa vào cây cột đó. Chú ấy ngậm điếu thuốc đã hút gần hết ở một bên mép, khoanh chặt đôi cánh tay lực lưỡng, chăm chú nhìn tôi. Chiếc áo ba lỗ trắng chú mặc đã đổ đầy mồ hôi, lúc này đang dính vào thân trên, khắc họa cơ bắp gồ lên trên cơ thể. Trên hai vai chú ấy có xăm hình xăm với họa tiết gì đó. Đầu húi cua, cằm vuông vức. Gương mặt và cánh tay rám nắng, chú ấy trông thật giống những tuyển thủ đô vật chuyên nghiệp, nhưng với dung mạo này thì hẳn là vai phản diện rồi.
“A, chào… chào chú.” Thấy khó xử nên tôi quyết định cất tiếng chào trước. “Cháu muốn dùng nhờ nhà vệ sinh ạ.”
Người đàn ông vẫn ngậm điếu thuốc trên môi, chỉ “ừ” một tiếng, chiếc cằm vuông vức của chú ta hất chỉ phía sau tiệm cà phê Mũi Đá.
“À… Là đằng kia, phải không ạ? Cảm ơn chú.”
Tôi khẽ cúi đầu chào rồi bước về phía được chỉ, trong lúc vẫn cảm thấy ánh nhìn đáng sợ của ông chú phía sau lưng mình. Phía sau tiệm cà phê là một mảnh đất nghiêng thoai thoải mọc đầy thông. Trên khoảng đất bằng chật hẹp phía trước nó có một ngôi nhà nhỏ sơn cùng màu xanh da trời với tiệm, đó chính là nhà
vệ sinh. Nhà vệ sinh này nhìn thô mộc như thể được một người thợ nghiệp dư làm nên, nhưng bên trong sạch sẽ không ngờ, bó oải hương khô được treo lủng lẳng từ khung cửa sổ kính mờ của nhà vệ sinh tỏa ra mùi hương nhẹ nhàng.
Tôi vội vã tụt quần, ngồi lên bệ bồn cầu, hít thật sâu hương oải hương, rồi… Phù, tôi thở dài một hơi đầy cảm giác giải phóng. Tôi đã thoát nạn trong tích tắc.
Tạm thời, tôi đã được cứu khỏi một thế nguy nan.
Vừa chìm đắm trong dư ầm của cảm giác được giải phóng, tôi vừa chậm rãi ra khỏi nhà vệ sinh.
Đúng lúc đó…
“Ối!”
Tôi suýt thì nhảy dựng lên.
Bởi dưới chân tôi có một chú chó.
Đó là một chú chó lai màu trắng, mà có lẽ một trong những tổ tiên của chú là giống chó Shiba, cổ chú chó đeo một chiếc vòng màu đỏ. Cu cậu ngồi rất gọn gàng, gương mặt vui vẻ ngước lên nhìn tôi. Có vẻ cậu chàng đang ngồi đợi tôi bước ra từ nhà vệ sinh.
“Trời đất, đừng có dọa tao như vậy chứ. Chú mày là chó của tiệm cà phê này hả?”
Tôi nhỏ giọng bắt chuyện, chú chó quay mông về phía tôi, bắt đầu tập tễnh bước đi. Bước đi của chú thật kỳ cục, như thể bị bỏ sót mất một nhịp bước vậy. Nhìn kỹ, tôi nhận ra chú bị khuyết cẳng chân phải phía trước. Phần đó tương đương với cẳng chân phía dưới đầu gối của con người.
Đi được một đoạn, chú chó trắng quay đầu lại, kiểm tra động thái của tôi. Tôi bèn đi theo phía sau, thấy vậy chú có vẻ yên tâm bước tiếp. Giống như chú đang nói “Phía này, phía này” vậy. Kết cục, chú chó trắng đã dẫn tôi tới cửa tiệm cà phê Mũi Đá.
Đứng trước cánh cửa được sơn xanh đầy vẻ thủ công, tôi đưa tay nắm lấy nắm cửa trơn trơn được làm từ gỗ lũa tự nhiên rồi chậm rãi kéo cửa về phía mình. Chuông cửa vang lên tiếng “lộc cộc” ngọt
ngào. Ngay lập tức, mùi hương cà phê ấm áp cùng luồng hơi lạnh từ máy điều hòa tràn tới.
“Chào mừng quý khách.”
Tiếng một phụ nữ trưởng thành và hơi khàn khàn vang lên. Nhìn quanh, tôi thấy một bà lão ngồi trên chiếc ghế tròn đặt nơi lối vào nhà bếp. Mái tóc bạc ngắn được bà nhuộm thành màu nâu nhạt, bờ lưng mảnh dẻ của bà giương lên như một cây cung, tuổi bà chừng sáu mươi lăm. Đôi môi đỏ rực của bà thật ấn tượng. “Mời cháu ngồi chỗ nào cháu thích.”
Bà nở một nụ cười quý phái rồi lặng lẽ đứng lên khỏi ghế. Rồi bà nói với chú chó đang ngồi dưới chân tôi: “Cảm ơn mày nhé Kotarou.” Như thể hiểu rõ tiếng nói của con người, chú chó Kotarou quay tròn một vòng sang bên phải rồi tự mình đẩy cửa bước ra khỏi tiệm, rồi biến mất sau hàng hiên đầy nắng.
Tôi nhìn không gian bên trong tiệm một lần nữa. Gọi là tìm “chỗ mình thích”, nhưng trong tiệm chỉ có hai chiếc bàn nhỏ. Bộ bàn ghế cũ, chiếc xà ngang trên trần nhà, khung cửa sổ, chiếc kệ sâu bên trong đựng đầy đĩa CD và đĩa than, và cả ván lót sàn nữa, nhìn đâu cũng có vẻ như là đồ làm thủ công. Nhìn kỹ còn thấy khe hở ở phần chôn chân cột, ván lót sàn hơi lung lay, những vết đinh đóng trên tường cũng không được che đi. Nhìn thế nào cũng không giống một ngôi nhà được thợ chuyên nghiệp cẩn thận tạo nên. Nhưng không hiểu sao sự lỏng tay khi xây dựng này lại tạo nên phong vị riêng cho tiệm, khiến khách tới tiệm cảm thấy nơi đây thật gần gũi, thân thuộc.
Những món đồ trang trí và các loại đồ dùng cổ của nước ngoài bày biện tùy ý bên trong cửa hàng chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng mỗi món đều có cá tính riêng biệt, chúng khiến tôi có một cảm giác háo hức và yên bình khó tả, giống như khi bước vào cửa tiệm đồ cổ đầu tiên của khu phố nơi mình sống vậy.
Trên bức tường gỗ mộc mạc, chiếc đồng hồ quả lắc màu nâu gụ đang đung đưa con lắc bên trong, bên cạnh chiếc ghế tròn bà lão ngồi khi nãy có dựng một lò sưởi củi đốt màu đen đã điểm vài vết
mốc. Từ lò sưởi củi mọc lên một ống khói tráng thiếc, có lẽ tới mùa đông thì lò sưởi củi này sẽ được thực sự dùng tới.
Đương nhiên trong tiệm chỉ có mình tôi là khách.
Tôi ngồi xuống chiếc bàn trước mặt.
“Hôm nay trời nắng đẹp mà không thấy núi Phú Sĩ nhỉ?” Đặt tờ thực đơn được viết bằng bút lông trên giấy Nhật cùng một cốc nước đá bằng thủy tinh xanh xuống trước mặt tôi, bà lão lơ đãng nhìn khung cửa sổ gỗ, nói.
Nghe bà nói, tôi cũng hướng ánh mắt về phía cửa sổ… Và rồi tôi lặng người đi.
Phong cảnh bên ngoài đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ. Sắc xanh của biển và bầu trời, vùng cỏ mọc trước mắt, và bóng của khu phố phía bờ biển bên kia được đóng khung nhờ khung cửa sổ này, tạo thành một bố cục đẹp vô cùng.
“Ngày thường sẽ nhìn thấy núi Phú Sĩ hả bà?” Tôi hỏi. “Tùy điều kiện thời tiết, có những hôm nhìn thấy rõ lắm. Hôm nay trời nắng ráo, nhưng vì đang là mùa mưa nên chắc độ ẩm cao, không thấy được.”
Chà. Hóa ra là thế.
“Dù không nhìn thấy núi Phú Sĩ thì phong cảnh này cũng đủ đẹp rồi ạ.”
Tôi nói suy nghĩ thật trong lòng mình, bà lão cười nói “Cảm ơn cháu” như thể chính bà được khen vậy. Thời trẻ có lẽ bà đẹp lắm… Vừa nghĩ vậy, tôi vừa uống cạn cốc nước rồi gọi cà phê đá. “Cháu thích loại nhạc nào?”
“Gì cơ ạ?”
“Ở tiệm này, khi chỉ có một vị khách, bà sẽ thực hiện cả yêu cầu về nhạc nền của khách nữa.”
Thú thực, tôi không biết nhiều về âm nhạc. Tôi chỉ biết các ca khúc đang nổi để đi hát karaoke, thế nên tôi hơi luống cuống, vội đưa mắt nhìn về kệ đựng đầy CD dựng bên tường.
“Dạ…”
Nhưng trên đĩa chỉ có tên của các nghệ sĩ viết thành hàng ngang, tôi chẳng biết ai trong số đó.
“Cháu là sinh viên à?”
“Dạ…”
“Nếu được thì để bà chọn nhạc giúp cháu nhé?”
“A, dạ vâng, nhờ bà ạ.”
Bà lão lui vào gian bếp phía sâu bên trong tiệm, một lúc sau, từ chiếc loa hiệu BOSE gắn trên tường, một ca khúc của nhóm The Beach Boys phát ra với âm lượng dễ chịu. Tên ca khúc là “Surfin’ Safari”. Bài hát này thì tôi cũng biết. Nói đúng hơn, tôi biết bởi đây là ca khúc mà cô bạn gái cũ - hay chơi lướt ván và đã chủ động chia tay tôi năm ngoái - thường hay nghe.
Một lúc sau, tách cà phê đá được bưng ra. Tôi cho một ít sữa và si-rô gomme[8] vào tách cà phê rồi đưa ống hút lên miệng. Và rồi tôi thốt lên một tiếng, mắt nhìn về phía bà lão. Bởi tách cà phê ngon đến mức kinh ngạc.
Bà lão ngồi xuống chiếc ghế tròn với tư thế cổ vươn cao như những vũ công ba lê, mắt ngắm nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ. Hay là vì khát quá nên tôi mới thấy tách cà phê ngon đến thế? Nghĩ vậy, tôi hút lấy dòng nước hơi đăng đắng ấy một lần nữa, bình tĩnh nếm thử hương vị của nó.
Quả nhiên vẫn thơm ngon như cũ.
Vị “ngọt” của cà phê nồng đậm, không hề có vị đắng chát thiêu đốt lưỡi và cổ họng, ngụm cà phê trôi tuột xuống thực quản của tôi. Tôi nhìn bà lão một lần nữa, lần này ánh mắt chúng tôi giao nhau. Bà khẽ nghiêng đầu như muốn hỏi “Cháu có gì muốn nói à?” “Bà ơi, tách cà phê này ngon quá.”
Bà lão lim dim mắt. Khi bà cười, gương mặt bà trở nên thật thân thiện, dễ gần.
“Tới tuổi này bà vẫn chẳng có thứ gì để tự hào về mình, nhưng riêng việc pha cà phê ngon thì bà làm rất khá.”
Bà nói thực ra bà pha cà phê nóng còn ngon hơn, nên tôi liền gọi thêm món tủ của tiệm - món Mũi Đá hỗn hợp.
Và hương vị của nó cũng thơm ngon hơn hẳn bình thường. “Đúng thật. Ngon quá bà ạ.”
“Thật vui vì cháu thích. Cảm ơn cháu.”
Bản thân chiếc tách cũng thật đẹp. Trên nền màu chàm, những hoa văn trắng hình ngôi sao và hình tròn điểm xuyết đây đó, kiểu thiết kế khiến người ta nghĩ đến một bầu trời đêm rất đẹp. Phần quai khá lớn và dễ cầm, có hình vòng cung và mang màu cầu vồng.
“Chiếc tách này đẹp quá. Cầu vồng bắc ngang qua bầu trời đêm, thật giống cầu vồng đêm ở Hawaii.”
Nghe vậy, bà lão cười khúc khích.
“Bà cũng thích chiếc tách này lắm. Đây là tác phẩm do một vị khách khá lâu trước đây của tiệm tự nặn ra, nung rồi gửi tặng. Tên chiếc tách này là Bờ biển đấy.”
“Ơ, sao lại gọi là bờ biển ạ?”
“Những đốm trắng này không phải ngôi sao mà là vỏ sò và con sao biển. Phần màu chàm chính là biển đó.”
“Ồ, hóa ra là như vậy…”
Đúng là cũng có thể nhìn ra như vậy… Nhưng đối với tôi thì hình ảnh bầu trời sao phù hợp hơn.
Tôi chuyển chủ đề câu chuyện về cà phê như cũ.
“Bà làm thế nào để pha được cốc cà phê ngon như thế này ạ?” Tôi hỏi thẳng, bà lão cười vẻ tinh nghịch hỏi lại “Đây là bí mật doanh nghiệp đấy, cháu vẫn muốn biết ư?”
“Vâng. Cháu muốn biết ạ.”
“Vậy bà sẽ bảo cháu.” Bà lão lim dim mắt, đôi môi cử động. “Trong thời gian pha một tách cà phê, cháu phải chuyên tâm cẩu nguyện rằng ‘Hãy trở nên thật ngon, hãy trở nên thật ngon.’ Khi làm vậy, tách cà phê cháu pha sẽ ngon một cách đáng ngạc nhiên đấy.”
“Ha ha ha, thật ạ?”
Bị bà lão trêu, tôi bật cười vui vẻ.
“Cháu cười đó à, nhưng điều này là thật đấy. Nếu cháu nghĩ bà nói dối, cháu có muốn thử một tách cà phê được pha với lời cầu nguyện ‘Hãy trở nên thật dở, hãy trở nên thật dở’ không?”
“À thôi, cháu không muốn thử món đó đâu.” Tôi vừa cười vừa lắc đầu.
“Như vậy tốt hơn cho cháu đấy. Nếu uống, chắc chắn cháu sẽ bị đau bụng.”
Bà lão cũng cười.
Sau đó, tôi và bà lão - người đã sống lâu chắc gấp ba lần tôi - vui vẻ nói đủ thứ chuyện vô thưởng vô phạt trên đời.
Bà lão tên Kashiwagi Etsuko, tuổi của bà cũng là một “bí mật doanh nghiệp”.
Tôi xưng tên của mình. “Cháu là Imaizumi Ken ạ. Bạn bè thường gọi cháu là Imaken.”
“Ồ, cháu đẹp trai như vậy mà lại gọi là Imaken nhỉ[9].” Bà có vẻ thích những câu đùa vụng về và những lời nghe hơi thảo mai thế này.
Tôi ngạc nhiên khi biết bà Etsuko sống một mình, bà dùng hai căn phòng nhỏ phía bên trong bếp và căn gác xép bên trên hai căn phòng đó.
Bà sống một mình ở nơi mũi đá xa xôi bất tiện này không thấy cô đơn sao? Tuy việc này không liên quan đến tôi nhưng tôi vẫn thấy lo lắng. Dù vậy, tôi không có dũng khí nói ra miệng, đành nuốt ý nghĩ ấy xuống. Thay vào đó, tôi nói một câu không phải câu khen nịnh mà là một lời tán dương thật lòng:
“Nơi đây có thể nhìn xuống biển từ cửa sổ, thích thật bà nhỉ.” Bà Etsuko khẽ gật đầu.
“Đúng là rất thích. Biển luôn thay đổi biểu cảm của nó nên người ngắm chẳng bao giờ biết chán. Vả lại, bên dưới vách đá kia có vẻ là một điểm câu cá, khách quen của tiệm rất hay câu được cá to và mang tới tặng bà.”
“Trời, thích thế. Ở đây câu được cá gì hả bà?”
“Ví dụ như cá tráp, cá mù làn xương màu nâu. Tùy theo mùa và theo thủy triều, nói chung nhiều loại lắm.”
“Bà cũng đi câu ạ?”
“Bà không xuống được vách núi nên chỉ chuyên ăn thôi.”
Bà Etsuko nói rồi cười, đúng lúc đó, chiếc loa BOSE phát ra bài hát “Girls on the beach (Những cô gái trên bờ biển)”. Trong số các ca khúc của The Beach Boy, tôi thích ca khúc này nhất. “A, bài hát này…”
“Cháu biết bài này à?”
“Vâng. Cháu khá là thích nó. Khi nghe, cảm giác tâm trạng mình rất nhẹ nhõm, dễ chịu, khiến cháu thấy lạc quan hơn. Thực ra bài hát này là do bạn gái cũ giới thiệu cho cháu.”
Bà Etsuko vừa rót thêm nước lạnh vừa cười với vẻ lém lỉnh, rồi bà nói một câu đắng ngắt: “Từ xưa, mùa hè, tình yêu và ca khúc Girls on the beach đã luôn đi cùng nhau rồi.”
“Ồ… Là thế ạ?”
“Ừ. Vì nó rất phù hợp làm nhạc nền cho tình yêu mùa hè mà.” Nếu là bình thường, hẳn người ta sẽ thấy kỳ lạ khi một người nhiều tuổi như bà Etsuko nói những câu trẻ trung đến thế, nhưng không hiểu sao khi người nói là bà thì câu nói ấy liền chẳng mang tới cảm giác kỳ cục chút nào.
Phải rồi. Nếu nhắc tới cảm giác kỳ lạ thì…
“Bà ơi, khi nãy có một người đàn ông đứng ở công trường xây dựng bên cạnh tiệm nhà mình, chú ấy đã chỉ nhà vệ sinh cho cháu.” “À, người đó hả.” Gương mặt bà Etsuko rạng rỡ như thể có chuyện gì vui, bà kể: “Đó là cháu ruột của bà, tên là Kouji. Kouji xăm mình, nói năng lại thô lỗ, trông đáng sợ lắm phải không cháu?” Câu duy nhất người đàn ông tên Kouji đó nói với tôi là “ừ”, tôi nghĩ nếu trả lời “Vâng, rất đáng sợ” thì không đúng lắm, vì thế tôi chỉ cười cười mập mờ cho qua chuyện, đúng kiểu người Nhật thường làm.
“Trông thế thôi nhưng thằng bé là một người tốt bụng lắm.” Dù được gọi là “thằng bé” nhưng chú ấy cũng đã bốn mươi mốt tuổi, công việc chính là thợ sơn nhà. Bà Etsuko bảo chú Kouji đang tự xây một quán bar nhỏ có thể chơi nhạc sống bên cạnh tiệm cà phê Mũi Đá.
Kotarou - chú chó dẫn đường cho tôi - năm năm trước nằm bên vệ đường trong tình trạng bị xe cán mất một bên chân, bà Etsuko đã mang chú chó tới bệnh viện thú y để cứu sống nó, từ đó cậu chàng sống cùng bà luôn. Bà kể Kotarou là “chú chó hướng dẫn” chuyên đưa khách tới tận cửa tiệm, cậu chàng cũng rất được mọi người yêu quý với vai trò này. Người đã xây một căn nhà nhỏ cho chó ngoài hiên chính là chú Kouji, cậu chó Kotarou mỗi ngày đều được ngắm hoàng hôn trên mũi đá này từ căn nhà nhỏ đó.
Nhân tiện, mũi đá này không có tên. Vì thế bà Etsuko đặt tên tiệm đơn giản là “Tiệm cà phê Mũi Đá”.
“Khách quen của tiệm rất hứng thú với tiệm, họ thường tập trung lại để sang sửa tiệm. Thế nên hình dáng ban đầu của tiệm hầu như không còn nữa.”
“Ồ. Cửa tiệm của bà kỳ lạ thật đấy.”
“Mỗi năm hình dáng của nó lại khác, địa điểm cũng dịch chuyển một chút.”
“Cảm giác như cửa tiệm của bà đang ‘sống’ ấy bà nhỉ?” “Ừ. Nó có lẽ đang ‘sống’ nhờ tất cả mọi người quan tâm tới nó…” Bà Etsuko nhìn quanh tiệm với ánh mắt như đang nhìn một thứ mình vô cùng yêu thương.
“Bức tranh kia cũng là tác phẩm của một vị khách quen à bà?” Tôi chỉ hai bức tranh màu nước tuyệt đẹp treo trên tường. Bố cục tranh giống hệt nhau, cả hai chắc chắn đểu là cảnh hoảng hôn nhìn từ mũi đá này. Nhưng nét vẽ của hai bức hoàn toàn khác nhau. Bức tranh bên phải vẽ bầu trời màu mứt cam đậm, mặt biển tỏa sáng màu đỏ cam, bờ biển bên kia và núi Phú Sĩ được vẽ thành bóng đen. Nét vẽ rất mạnh mẽ, nam tính. Bức tranh sống động tới mức phong cảnh bên trong như sắp nhào ra khỏi khung tranh, khiến người ngắm cảm thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ trào dâng bên trong mình.
Trái lại, bức tranh bên trái tỏa sáng lấp lánh, nét vẽ vô cùng tinh tế. Trên bầu trời hoàng hôn phảng phất cảm giác trong suốt đầy khoan khoái, mặt biển cũng được nhuộm bởi hai màu xanh dương và cam tươi mới. Bờ biển bên kia có màu xanh lá nhạt, núi Phú Sĩ
tỏa ra ánh sáng màu hồng như tiên cảnh. Hơn cả, điểm khác biệt lớn nhất giữa nó và bức tranh bên phải chính là có một chiếc cầu vồng từ giữa biển vươn lên tới trời cao.
“Bức tranh bên phải là tác phẩm của một vị khách quen của tiệm. Người đó muốn trở thành họa sĩ. Thứ Hai hàng tuần, người đó luôn mang dụng cụ vẽ tới, vừa uống cà phê ngoài hiên vừa vẽ phong cảnh của mũi đá này. Giống như một người quan trắc tại một điểm cố định ấy, nhìn thú vị lắm.”
“Bức tranh thật mạnh mẽ.”
“Ừ. Dù người vẽ nên nó không phải kiểu người mạnh mẽ chút nào.”
Tôi hình dung ra một ông chú râu ria lởm chởm ngồi ngoài hiên miệt mài mài cọ lên giấy vẽ.
“Còn bức tranh cầu vồng bên trái là tác phẩm của ai ạ?” “Bức này ư..Nói tôi đó, ánh mắt bà Etsuko bỗng trở nên xa xăm. “Bức tranh này… ừm… có thể coi nó là bức tranh do chủ nhân của tiệm cà phê này vẽ nên.”
Bà Etsuko ngắm bức tranh, nói một câu đầy ý vị sâu xa. “Ơ, chủ nhân…? Chủ nhân của tiệm này không phải là bà sao ạ?” “Cháu thấy đấy, cửa tiệm này đang ‘sống’ mà.”
Bà Etsuko nói rồi nở nụ cười lém lỉnh giống khi nãy, đúng lúc đó, một chiếc ô tô hạng nhẹ màu vàng dừng lại bên ngoài cửa sổ tiệm. “Ồ, thấy xe mới nhớ hôm nay vừa đúng là thứ Hai. Người vẽ bức tranh bên phải đến rồi đấy cháu.”
Người bước xuống khỏi chiếc xe đó không phải một ông chú râu ria lởm chởm. Thật bất ngờ, đó là một cô gái trẻ và nhỏ nhắn. Cô ấy mặc chiếc áo thun màu xanh cốm, quần jeans dài tới đầu gối, chân đi giày thể thao trắng. Mái tóc đen được buộc đơn giản thành một túm phía sau. Cô gái đeo cặp kính có gọng màu đất sét. Lúc cúi xuống định lấy đồ đạc từ ghế sau xuống, Kotarou phi từ trong ra, nhảy choi choi lên lưng cô ấy. Cô gái ngạc nhiên ngoảnh lại phía Kotarou, đoạn cô ấy ngồi xuống, ôm và vuốt ve cổ chú chó.
Bầu trời xanh và mặt biển lấp lánh, màu xanh lá mơn mởn của cỏ cây, cô gái trẻ muốn trở thành họa sĩ và chú chó trắng… Khung cảnh nhìn từ khung cửa sổ ấy đẹp tựa một bức tranh, đến mức tưởng chừng tất cả đều không thực. Tôi lơ đãng ngắm nhìn cảnh ấy như đang xem thước phim không tiếng động trong giấc mơ của mình vậy.
“Ô kìa, yêu từ cái nhìn đầu tiên đấy à?”
Đột nhiên nghe thấy tiếng bà Etsuko bên cạnh, tôi giật mình, mông nảy lên khỏi ghế dễ phải đến năm xen-ti-mét.
•°•
Sau hôm đó, trời đổ mưa dai dẳng.
Quần đảo Nhật Bản nằm trọn trong vùng mưa, dùng đòn bẩy cũng không suy suyển được.
Tôi đã hoàn thành đợt thi đầu của ở trường - ngôi trường được gọi là trường đại học hạng hai, có khi hạng ba không chừng - và đang đón kỳ nghỉ hè cuối cùng của đời sinh viên. Kỳ nghỉ hè của trường đại học tuy dài, nhưng cuốn sổ tay gáy xoắn của tôi trong thời gian này đen kịt chữ. Bởi trong đó chứa đầy lịch phỏng vấn xin việc và lịch hội thảo.
Những thằng bạn nhận được thư mời làm việc từ công ty nguyện vọng của mình đã bắt đầu ăn nhậu bạt mạng với khí thế thổi bay cả mùa mưa dài dằng dặc này. Chúng kể lể đủ thứ, nào là chuyến du lịch đảo Saipan, nào là cả câu lạc bộ của chúng tụ tập lại sinh hoạt, rồi khoe bạn gái, khoe chiến tích tán tỉnh, hồn nhiên như tụi trẻ con. Rồi chúng ăn uống no say để ăn mừng tự do của mình.
Mặt khác, chúng dần mang vẻ mặt vênh váo như thể chúng là những người trưởng thành ưu tú, và bắt đầu cẩn thận giữ khoảng cách với tôi.
Thật không phải nếu tụi tao làm phiền trong quãng thời gian Imaken xin việc như vậy…
Và rồi, bóng dáng mọi người dần mờ nhạt khỏi phạm vi tay tôi có thể với tới. Bỗng nhiên bị cô lập về mặt tinh thần, không lâu sau tôi
bắt đầu tìm thấy niềm vui ngọt ngào méo mó trong sự tự ngược đãi bản thân, thế là tôi chìm nghỉm vào đó. Tôi làm bạn với thứ văn học kinh điển vừa cổ, vừa nặng nề và đẹp của Dazai[10], Camus[11] và Kaiko[12], tâm trạng tôi ngày càng u ám hơn. Có lẽ đây chính là cách con người ta rơi vào trầm cảm - từng có lúc tôi nghĩ như vậy.
Hôm nay tôi tới phỏng vấn ở một nhà xuất bản nhỏ có vẻ không có ước mơ cũng không có triển vọng gì trong tương lai nằm ở tầng một của một tòa chung cư hỗn hợp nhà ở - văn phòng.
Tổ phỏng vấn gồm một ông chú mặt trông gian gian với chỏm râu bên dưới mũi, mắt đeo cặp kính gọng đồi mồi, và một cô tuổi sồn sồn mặt không trang điểm, có ánh mắt mạnh mẽ. Nơi phỏng vấn không phải là phòng phỏng vấn, tôi được đưa vào một góc nhỏ được tách biệt với xung quanh bởi lớp vách ngăn, ứng viên ngồi đối diện với hai người phỏng vấn qua chiếc bàn họp nhỏ xíu - đại khái thì nó cũng không khác buổi phỏng vấn tuyển nhân viên làm thêm của một tiệm ăn gia đình là mấy.
Người mở miệng đầu tiên là cô sồn sồn có ánh mắt ghê gớm đó. “Tại sao cậu muốn đến công ty chúng tôi làm việc?” Tới rồi! Mở đầu liền hỏi động cơ ứng tuyển ngay. Đây là câu hỏi
mà tôi đã học rất kỹ trong cuốn cẩm nang phỏng vấn và trên mạng. “Dạ. Từ nhỏ cháu đã hay đọc tác phẩm dành cho nhi đồng Bộ truyện kính lúp mà quý công ty xuất bản trong nhiều năm nay; thêm nữa, cháu rất ấn tượng với tác phẩm nổi tiếng Viết là Đập nhưng đọc là Vô ích[13] nhằm phản đối việc xây dựng đập của Nhật Bản được công ty mình xuất bản bữa trước. Cháu vốn dĩ rất quan tâm tới trạng thái chính trị và các quan chức chính phủ của đất nước ta ngày nay…”
“Ôi, thôi đủ rồi, không cần nói nữa.” Ông chú nuôi chỏm râu dưới mũi đưa hai tay ra phía trước, cắt ngang câu nói tôi đã tốn công học thuộc.
“Gì cơ ạ?”
“Nghe những chuyện đó chẳng thú vị gì cả.”
“Dạ…”
“Tôi hỏi một cách đơn giản hơn nhé, cậu đã đi phỏng vấn ở công ty xuất bản lớn nào chưa?”
Ông chú có chỏm râu dưới mũi và cô sồn sồn cùng nhìn tôi chăm chăm.
“Dạ… Dạ vâng, thời buổi này kiếm việc khó khăn nên cháu có đi phỏng vấn một số công ty để lỡ không được vào công ty mình muốn thì còn có nơi làm tạm ạ…”
“Tóm lại là có đi phỏng vấn chứ gì.” Cô sồn sồn lộ vẻ mặt chán nản. “Ở các công ty xuất bản lớn, hàng nghìn người thi tuyển mới đỗ được một người. Vậy mà cậu coi mấy công ty đó là ‘nơi làm tạm’, thật không thể tin được!”
Bị bắt bẻ cách nói giảm nói tránh rồi. Sao những người phụ trách phỏng vấn ai nấy đều xấu tính thế nhỉ?
“Xin… xin lỗi cô. Cháu có đi phỏng vấn ở một vài công ty xuất bản khác ạ.”
“Biết ngay mà. Thế đã đậu bên nào chưa?” Ông chú có chòm râu dưới mũi hỏi với ánh mắt tinh quái.
“Dạ chưa… Cháu chưa đậu bên nào cả.”
“Hẳn là thế rồi. Chẳng có bên nào muốn tuyển những kẻ nói dối đâu.”
Kẻ nói dối?
Tôi là kẻ nói dổi ư?
“Thế sao cậu muốn vào làm ở nhà xuất bản? Công việc chỗ tôi rất vất vả, phải làm ngoài giờ nhiều, lương lại thấp. Như vậy cũng được ư?”
“Dạ. Cháu muốn công việc của mình có ý nghĩa, và cháu rất thích làm công việc biên tập sách, làm ra sách ạ.”
“Công ty tôi có cả phòng kinh doanh đấy. Nếu xét hai bên thì bên phòng đó đang thiếu người hơn. Cậu có muốn làm một công việc không phải biên tập sách không?”
Tôi không muốn. Việc tôi muốn làm là biên tập sách cơ. Nhưng… Tôi ghét việc đó, nhưng điều tôi ghét hơn cả là tìm mãi không được việc. Thế nên tôi gật đầu.
“Vâng. Vì cháu nghĩ việc bán sách chắc chắn cũng mang lại niềm vui và cảm giác thành tựu.”
“Trời, cậu lại nói dối rồi.” Ông chú với chòm râu dưới mũi đẩy gọng kính đồi mồi lên cao.
“Gì cơ ạ?”
“Không phải vừa lúc nãy cậu nói cậu thích công việc làm ra những cuốn sách sao?”
“Dạ… Nhưng, nhưng mà đó không phải là nói dối… Cháu hiểu một công ty xuất bản được dựng lên từ nhiều phòng ban khác nhau, và việc nỗ lực đưa sách lên kệ của các nhà sách cũng là một việc rất quan trọng…”
Không thèm nghe tôi nói hết câu nói lúng túng như gà mắc tóc của mình, cô sồn sồn đã dội xuống đầu tôi một câu nói như một tiếng thở dài:
“Nếu chỉ biết nghe những lời đẹp đẽ đó thì các công ty xuất bản nhỏ bé yếu ớt như công ty chúng tôi sập lâu rồi. Cậu không nghĩ tới lúc này vẫn chưa được công ty nào nhận nghĩa là bản thân cậu có chỗ không ổn hay sao? Sao cậu không thử bắt đầu lại bằng cách ngừng nói dối chính mình đi?”
“…”
“Phải đấy. Nếu làm như vậy, chắc chắn cậu sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Cậu không có vẻ là người xấu, cố gắng lên nhé!”
Ông chú với chòm râu dưới mũi nặng nề đứng dậy, vỗ vỗ vai tôi bảo “Buổi phỏng vấn kết thúc. Kết quả sẽ thông báo sau!”, nói rồi chú nhanh chóng rời khỏi đó.
“Dạ, vậy…”
“Hôm nay như vậy là xong. Cậu có thể về được rồi.” “D… dạ vâng. Cảm ơn cô ạ.”
Tôi cúi chào với góc độ đúng như sách cẩm nang hướng dẫn rồi ra khỏi công ty xuất bản đó.
Tôi bước vào chiếc thang máy cổ lỗ, ra khỏi tòa chung cư hỗn hợp xám ngắt cũ kỹ, bên ngoài trời đang mưa, một cơn mưa ấm áp.
Tôi bật chiếc ô gấp lên, đi bộ trên một con đường nhỏ ở Kanda[14], chiếc quần âu trong bộ vét đi xin việc dần thấm nước mưa, bám chặt vào đùi tôi.
Khi tôi định băng qua một con đường lớn trước ga, đúng lúc đèn giao thông chuyển sang màu đỏ. Từ chiếc ô của ông chú nhân viên văn phòng đứng bên cạnh, những giọt nước mưa lộp bộp lăn xuống, thấm ướt vai tôi.
“Ôi!” Một tiếng thở dài ủ rũ hơn cả bầu trời u uất lúc này thoát ra từ sâu thẳm bên trong tôi.
“Cậu không có vẻ là người xấu, cố gắng lên nhé.”
Câu nói mà ông chú với chòm râu dưới mũi bỏ lại trước lúc rời khỏi. Đó hẳn là thông báo trượt dưới hình thức của một lời khích lệ. Chỉ mình tôi là kẻ nói dối thôi sao?
Không phải lúc tìm việc làm, tất cả mọi người đêu tự nói dối bản thân ít nhiều ư?
Nhớ lại ánh mắt coi thường của bà cô đó, tôi bất giác chặc lưỡi, đột nhiên ông chú nhân viên văn phòng đứng chênh chếch phía trước quay lại nhìn tôi vẻ khó hiểu.
Và rồi, ngay trước khi đèn chuyển sang xanh, một chiếc taxi đi lướt qua chỗ tôi đứng, làm vũng nước sâu trước mặt tôi văng lên tung tóe, khiến quần chúng tôi ướt sũng.
Thôi, chuyện đó chẳng còn gì quan trọng nữa…
Tôi vừa nghĩ vậy thì ông chú nhân viên văn phòng đứng chếch trước mặt tôi vừa lườm chiếc taxi đi qua vừa chặc lưỡi rõ to. Nhìn cảnh ấy, tôi lại bất giác thở dài.
•°•
Lúc đi lững thững về được tới căn phòng chung cư giá rẻ nơi tôi sống một mình, cơn mưa đã nặng hạt hơn, bên ngoài trời đã về chiều.
Tôi tháo đôi tất ướt sũng nước mưa vứt vào máy giặt, sau đó cởi bộ vét đi xin việc ra, cứ để ướt mà treo lên mắc áo y nguyên như
vậy.
Tôi mặc áo thun cùng quần ngắn, mở máy tính trên chiếc bàn bừa bộn để kiểm tra hòm thư điện tử. Ngoài thư rác, có hai thư mới. Một bức là từ đàn anh của tôi, tôi có hỏi nhờ dành thời gian cho tôi tới kiến tập tại công ty anh ấy, nội dung thư là “Tuần này anh bận, tuần sau có gì anh gửi mail lại nhé.” Bức còn lại là từ phòng nhân sự của một công ty sản xuất lớn, nơi tôi tham dự phỏng vấn vòng hai vào tuần trước. Ngoài nơi này, tất cả những công ty lớn khác đều đã loại tôi từ vòng hồ sơ, nên riêng việc lọt được tới vòng hai đã là một kỳ tích rồi. Chắc đằng nào cũng bị loại thôi, nhưng tôi vẫn mở thư ra với chút ít hi vọng mong manh trong lòng.
Và rồi, hai giây sau, tôi thở dài. Nội dung thư chỉ có ba dòng. Nội dung cũng vô cùng lạnh nhạt, một bức thư mẫu được gửi cho nhiều người.
“Chúng tôi rất tiếc vì lần này chưa có duyên làm việc cùng bạn…” Duyên là cái gì chứ. Vả lại làm gì có lần sau mà nói lần này. Tôi đóng hộp thư lại, buồn bực kêu lên “Trời ơi là trời”, và chợt
cảm thấy tiếng mưa rơi to hơn khi nãy. Từ cánh cửa mở he hé, mùi hương của hoa dành dành len lỏi bay vào.
Mùa mưa cũng sắp kết thúc rồi.
Tôi lấy cuốn sổ gáy xoắn trong cặp ra, lướt mắt qua lịch trình dự kiến của mình. Trong cột của ngày hôm nay, ngoài lịch phỏng vấn, tôi còn ghi tên một công ty thương mại mà tôi chưa từng nghe qua bao giờ, cùng dòng chữ “Viết hồ sơ xin việc”. Bằng cử chỉ chậm rãi, tôi mở trang chủ của công ty thương mại đó ra, nhấp chuột vào dòng chữ “Thông tin tuyển dụng”. Rồi tôi mở trang Hồ sơ xin việc ra. “Hồ sơ xin việc” là một tờ đơn ứng tuyển trên trang web (tương tự như một bản Sơ yếu lý lịch vậy). Tôi phải điền họ tên, tên của trường đại học tôi tốt nghiệp (mà tôi không muốn viết ra chút nào), địa chỉ thư điện tử và địa chỉ nhà, lý do ứng tuyển, sở trường sở đoản, những việc tôi đã dành thời gian thực hiện từ hồi đi học, tự tiếp thị bản thân…
“.. .Trời, thôi, mình bỏ cuộc!”
Tôi nằm lăn ra sàn.
Tôi vớ lấy một cuốn tạp chí truyện tranh chất đống trên sàn, nhưng rồi sực nhớ ra mình đã bị nhà xuất bản cuốn tạp chí này loại trong cuộc phỏng vấn, tôi liền dứt khoát ném nó vào thùng rác. Tôi đẩy thứ cảm giác đen ngòm dồn nén bực bội ấy ra ngoài cùng những cái hít vào thở ra thật sâu không biết bao nhiêu lần.
Nhìn tấm giấy dán tường đã ngả vàng trên trần nhà, tôi chợt cảm thấy trần nhà cao hơn hẳn mọi khi. Trong góc phía bắc của trần nhà có một vết ố màu nâu, hình dáng của vết này giống như bản đồ của một nơi nào đó. Bản đồ khiến tôi liên tưởng đến “gió”.
Bất giác, tôi muốn leo lên xe máy phóng đi quá.
“Chết tiệt. Muốn đi nơi nào đó thật xa cho khuất mắt quá!” Hình ảnh chợt lóe lên trong đầu tôi khi lầm bầm nói vậy là hai bức tranh ở tiệm cà phê Mũi Đá. Bức tranh mạnh mẽ, và bức tranh tỏa sáng vẽ hình cầu vồng. Câu nói đầy ý vị sâu xa của bà Etsuko “Có thể coi nó là bức tranh do chủ nhân của tiệm cà phê này vẽ nên” sống dậy trong đầu tôi.
Ngày hôm đó…
Cô gái trẻ mơ ước trở thành họa sĩ bước vào trong tiệm cà phê Mũi Đá, bà Etsuko gọi cô ấy là Midori. Cô ấy là người vẽ bức tranh mang cảm giác mạnh mẽ. Lúc bắt gặp ánh mắt tôi, Midori vừa khẽ mỉm cười hơi cảnh giác vừa cúi đầu chào, rồi lập tức quay sang cùng bà Etsuko chuyện trò. Từ đầu câu chuyện giữa họ tôi đã nghe thấy những từ như “Nghỉ hè” và “Giảm giá cho học sinh sinh viên” nên tôi đoán cô gái là sinh viên đại học hoặc trung cấp gì đó.
Sau một lúc không tìm được cơ hội xen vào cuộc trò chuyện giữa hai người, tôi uống cạn tách cà phê rồi rụt rè đứng dậy khỏi ghế, bước tới trả tiền nước cho bà Etsuko.
“Ô, cháu về đấy à? Chỉ cần trả tiền tách cà phê đá thôi. Cà phê nóng là bà ép cháu uống mà.” Bà Etsuko nói.
Bận tâm với ánh mắt của Midori sau cặp kính, tôi vẫn đề nghị trả tiền tách cà phê nóng, tuy nhiên bà Etsuko đã gạt đi: “Sinh viên như cháu không nên khách khí như vậy.”
Ra khỏi tiệm cà phê, tôi nghe tiếng bà Etsuko với theo “Lần sau cháu lại đến nhé.” Tôi quay đầu lại, nở một nụ cười không rõ ý nghĩa
giống như Midori lúc nãy rồi gật đầu.
Tôi khép cửa, đi về chỗ đậu xe máy.
Ánh nắng mùa hè xối lên người tôi, tôi bất giác nheo mắt lại. Cơn gió biển sảng khoái thổi từ dưới vách đá tới khiến chiếc áo thun của tôi phồng lên, bay phần phật.
Tôi lấy chìa khóa xe máy từ túi quần jeans ra…
“A…”
Cuối cùng tôi cũng nhớ ra một việc vô cùng quan trọng. Xe tôi bị hết xăng…
Tôi đành bỏ qua cảm giác xấu hổ để mở cánh cửa tiệm cà phê Mũi Đá lần nữa.
Ánh mắt hai người phụ nữ đồng loạt hướng về phía tôi, vẻ mặt không hiểu có chuyện gì. Họ nghiêng đầu với góc độ giống hệt nhau, trông thật giống hai mẹ con.
“Cháu quên đồ gì à?” Bà Etsuko hỏi.
“Dạ không, thực ra… xe máy của cháu bị hết xăng ạ…” Trước lời thú nhận ngây ngô ấy, hai người quay sang nhìn nhau cười khúc khích. Thấy vậy tôi cũng ngượng ngùng cười theo. “Midori ơi, cháu có thể dẫn cậu Imaken đây tới chỗ chú Kouji giúp bà được không? Chú Kouji chắc sẽ có sẵn xăng dùng cho máy phát điện đấy.”
Nghe bà Etsuko nói, Midori hỏi lại “Imaken ư?”, mắt liếc sang tôi. Tôi cảm thấy việc biệt danh quen thuộc của tôi được phát ra từ miệng hai người họ giống như một món quà nhỏ bất ngờ vậy, nhưng vì xấu hổ nên tôi chỉ nói nhỏ “Xin lỗi, nhờ em giúp cho.”
Tôi đi theo sau lưng Midori, vừa tiến về phía cồng trường xây dựng bên cạnh vừa tận hưởng cơn gió xanh của mũi đá. Lúc trước tôi đi theo Kotarou, giờ đi theo Midori. Tiệm cà phê Mũi Đá có vẻ ngày càng có nhiều người hướng dẫn hơn.
Vừa còn lại hai người với tôi, Midori liền im bặt. Tôi muốn làm gì đó để giải quyết sự khó xử lạ lùng này, thế nên tôi tới đi bên cạnh Midori và bắt chuyện với cô ấy.
“Ừm, em là sinh viên đại học à?”
“Dạ.” Giọng đáp hơi dè dặt.
“Anh đoán là trường mỹ thuật?”
“Dạ vâng…” Midori đáp, ánh mắt cúp xuống.
Cô gái này thực sự là người đã vẽ bức tranh mạnh mẽ đó ư? Cảm thấy nghi hoặc, tôi đánh liều hỏi: “Bức tranh treo trong tiệm đẹp quá. Ngắm bức tranh đó khiến tinh thần anh phấn chấn lên rất nhiều. Em là người vẽ bức tranh đó đúng không?”
Sau khi khen ngợi bức tranh, tôi có cảm giác ánh mắt nâu đỏ phía sau cặp kính của Midori sáng lên một chút. Midori ngước nhìn tôi với ánh mắt ấy, vẻ mặt hơi ngại ngùng. Nhưng rồi cô lại nhanh chóng chuyển ánh mắt xuống đất.
“Em cũng khá ưng bức tranh ấy. Nhưng để kiếm tiền bằng tranh vẽ thì trình độ của em còn non kém lắm.”
“Kiếm tiền bằng tranh vẽ ư? Em sẽ coi việc vẽ tranh là công việc của mình à?”
“Vâng, tương lai là thế ạ. Thế nên em phải cố gắng nhiều nữa.” Một cây kim nhỏ chợt hình thành trong lồng ngực tôi, khiến trái tim tôi đau nhói.
“Em không đi xin việc sao?”
“Vẽ tranh là công việc tự do, vả lại em mới là sinh viên năm hai.” “Sinh viên năm hai à. Thế thì ít hơn anh hai tuổi.”
“Nhưng em đã thi trượt hai năm mới vào được đại học mỹ thuật, thế nên có lẽ chúng ta cùng tuổi đấy.”
“Ồ thế à, thế thì chúng ta cùng tuổi rồi.”
Midori mở miệng định nói gì đó, thì chợt có tiếng chim mòng biển đen vang lên trên trời cao, hai chúng tôi ngẩng lên nhìn. Giữa không trung không một gợn mây, một bóng đen nhỏ bay vòng quanh với tốc độ chậm rãi tới mức phi tự nhiên. Tôi bất giác quay sang nhìn Midori, Midori cũng nhìn tôi. Đó là khoảnh khắc chúng tôi thực sự nhìn vào mắt nhau lần đầu tiên. Khoảnh khắc ấy vỏn vẹn 0,5 giây. Thông tin tôi thu được chỉ có một.
Cô ấy không trang điểm, nhưng có lẽ điều đó càng làm cô ấy dễ thương hơn…
Vòng ra phía sau khu vực thi công, chúng tôi thấy chú Kouji đang dùng cưa gỗ để cưa các mảnh gỗ vuông vức cho bằng với nhau. Lúc chú đặt chiếc lưỡi cưa quay với vận tốc rất cao lên miếng gỗ, tiếng xè xè khá nông vang lên. Những mảnh vụn gỗ chất đống trên sàn tỏa ra mùi hương gỗ thơm thơm, thứ mùi có gì đó thật thân thương với tôi.
Midori đứng cạnh chú Kouji - lúc này đang đầy những giọt mồ hôi trên gương mặt, lớn tiếng giải thích sự thể.
“Thế nên nhờ chú để lại cho anh này một ít xăng ạ.” Chú Kouji dừng tay, ngẩng mặt lên. Chú nhìn tôi chằm chặp chẳng ngại ngần gì.
Trước áp lực từ ánh nhìn ấy, tôi bất giác nuốt nước bọt. Thấy vậy, một nụ cười thật dễ mến bất ngờ xuất hiện trên gương mặt chú Kouji, trái với dự liệu của tôi.
“Hết xăng à? Ngày xưa chú cũng hay bị như thế lắm.” Giọng nói của chú đầm ấm, dễ nghe. Gương mặt màu sô cô la rám nắng như ngư dân, đuôi mắt có những nếp nhăn rất sâu. Vẻ ngoài của chú đáng sợ, nhưng từ chú vẫn tỏa ra bầu không khí của một ông anh lớn đáng tin cậy.
Một lúc sau, chú Kouji đã rót đầy xăng vào chiếc chai hai lít rồi đưa cho tôi: “Của cháu đây.”
“Cháu cảm ơn chú ạ.”
“Ừ.”
Bằng cách đó, tôi đã thoát khỏi tình huống hiểm nghèo thứ hai. •°•
Từ hôm đó tới giờ tôi chưa quay trở lại tiệm cà phê Mũi Đá. Đã ba ngày thứ Hai trôi qua nếu tính cả ngày hôm nay, nhưng tất cả những thứ Hai đó đều có mưa. Tôi chẳng có phương tiện nào ngoài xe máy nên hoàn toàn bó tay khi trời mưa gió.
Cơn mưa tối tăm, và mũi đá ấy…
Vừa ngắm trần nhà, tôi vừa nghĩ về bà Etsuko.
Khi khách khứa về hết, chú Kouji cũng về, một mình đương đầu với mưa gió trên mũi đá không người ấy, không biết bà sẽ cảm thấy thế nào? Sao bà lại dựng tiệm cà phê ở đỉnh đầu một mũi đá không tên, thưa vắng và khó kinh doanh như vậy? Người “chủ tiệm” vẽ nên bức tranh cầu vồng ấy rốt cuộc là ai?
Thứ hiện lên trong đầu tôi là nụ cười của bà Etsuko, một bà lão quý phái và thân thiện, nhưng ngẫm kỹ thì con người bà thật nhiều bí ẩn.
Tôi phải tới đó lần nữa mới được.
Tôi nghĩ vậy. Tôi muốn biết về bà Etsuko. Tôi muốn cảm ơn chú Kouji. Tôi muốn lên xe phóng đi để giải tỏa sự căng thẳng trong thời gian đi tìm việc làm này. Ngoài ra… ừm, tôi cũng muốn gặp Kotarou nữa.
•°•
Vừa hết mùa mưa, tôi liền leo lên yên xe máy.
Bầu trời mùa hè buổi sáng sớm trong vắt, trên đám cây cối trong công viên gần nhà, những chú ve đã vội râm ran.
Tôi khoác ba lô lên vai, đội mũ bảo hiểm rồi nổ máy. Cùng với độ rung dễ chịu chỉ có ở loại động cơ xi lanh đơn, con ngựa sắt đỏ bừng tỉnh dậy. Bờ mông tôi hoan hỉ vì lâu rồi mới được cảm nhận nhịp điệu ấy.
Rẻn rẻn rẻn…
Tôi chậm rãi đạp số, lên tay ga.
Khung cảnh quen thuộc trước mắt bắt đầu chuyển động. Giây phút bầu không khí ngưng tụ buổi sáng biến thành cơn gió. Cảm giác này… quả nhiên thật tuyệt.
Từ đường quốc lộ, tôi rẽ vào đường cao tốc giáp biển, tăng tốc trước ánh sáng buổi sớm mùa hè gay gắt. Có lẽ vì còn sớm nên đường khá thưa vắng.
Đi qua một con phố nổi tiếng với những khu có thể nhặt sò nhặt hến, số lượng xe cộ và đèn giao thông càng giảm đi, không gian
cũng mở rộng hơn, chuyến đi của tôi cũng dần giống chuyến du lịch hơn.
Một lúc sau, chiếc xe bồn chạy phía trước rẽ phải, con đường thẳng tắp trải dài thật dễ chịu trước mắt tôi. Phía trước con đường tràn ngập những tia nắng trắng xóa của mặt trời.
Tôi chợt có thứ cảm giác kỳ lạ rằng lúc này tôi có thể đi tới bất cứ nơi đâu. Tôi vặn tay ga thật mạnh.
Động cơ rền lên, vận tốc xe tăng vọt.
Những ngôi nhà ở vùng quê, màu xanh tươi mơn mởn của đồng ruộng, cánh rừng hơi nhô cao, tiệm pachinko[15] quen thuộc, ngôi đền cũ, tấm biển của khách sạn tình yêu… Mọi thứ tiến lại gần rồi lại bay ra phía sau lưng tôi. Từ lúc nào, nhịp rung của xe và nhịp tim tôi đã hòa thành một. Tiếng gió phần phật lấp đầy bên trong mũ bảo hiểm của tôi, nhưng trái tim tôi hoàn toàn tĩnh lặng, bởi tôi đang tập trung nhìn một điểm rất xa.
Cảm giác thoải mái khi đầu không phải nghĩ gì, trong trái tim không mang lời nói dối nào, chỉ phóng xe đi trên con đường thẳng tắp… Tôi không còn muốn rẽ vào con đường nhỏ nào nữa.
Tôi không muốn lặp lại những ngày luôn phải tìm kiếm lối thoát nữa.
Khoảnh khắc đó, tôi có cảm giác cuối cùng mình đã tiếp xúc được với tiếng lòng của bản thân.
•°•
Tôi rẽ vào cửa hàng tiện lợi, ăn sáng với một chiếc bánh mì kẹp thịt. Tôi muốn uống cà phê ở tiệm cà phê Mũi Đá, vì thế tôi chỉ mua nước ép cam lạnh làm nước uống.
Khi bụng dạ dịu xuống, tôi tiếp tục chạy xe đi.
Mỗi lần mặt trời lên cao hơn, độ gay gắt của tia nắng cũng tăng lên gấp bội. Cảm giác như mảng lông tay lộ ra khỏi áo thun của tôi đều đã bị thiêu cháy. Và rồi, những con gió khoan khoái buổi sáng lại thổi tới, làm dịu đi cái nóng ấy.
Trên khoảng trời ở phía tôi đang đi tới, một đám mây vũ tích nổi lên sừng sững. Những ngọn núi được che phủ bởi màu xanh lục đậm đặc, như thể cây cối đang cô đọng toàn bộ sinh lực của mình lại; tiếng ve râm ran len lỏi cả vào trong mũ bảo hiểm của tôi.
Đột nhiên mùi của gió thay đổi, vài giây sau, biển mở rộng ra bát ngát phía bên trái tôi. Cảm giác như trái tim tôi cũng mở rộng ra theo vậy.
Tôi mở chốt mũ bảo hiểm, hít đầy lồng ngực cơn gió biển. Sắp tới nơi rồi…
Để không bỏ lỡ góc rẽ vào tiệm cà phê Mũi Đá, tôi vừa chạy xe vừa chú ý quan sát. Thứ đánh dấu góc rẽ đó nằm ngay trước đường hầm, và tấm biển trắng nhỏ thì tôi đoán là do chú Kouji làm ra.
Thế nhưng, dù đã hết sức chú ý, tôi vẫn xuống hết con dốc mà không tìm thấy, cuối cùng phải quành lại. Tôi nhớ rất rõ con đường dốc này. Đúng thế, sao có thể quên được, nó chính là con dốc nơi tôi phải dốc sức dắt xe máy trong lúc lòng hết sức mơ tưởng tới cái nhà vệ sinh mà.
Vậy nghĩa là… Sau khi leo lên đỉnh dốc, đi qua đường hầm thì rẽ trái luôn là tới.
Kết cục đúng là như vậy.
Tấm biển hiệu đó nằm ngay ngoài đường hầm, nhưng đối với người đi xe từ phía bắc tới, biển hiệu đó sẽ lọt thỏm trong đám cỏ dại, không nhìn thấy gì. Hèn gì tôi chú ý như vậy mà vẫn bỏ lỡ nó.
Từ đường quốc lộ tôi rẽ sang trái, chậm rãi lái xe máy theo vết bánh xe lồi lõm trải dài trên con đường đầy cỏ dại. So với bốn tuần trước, cỏ dại nơi đây đã cao hơn gần hai mươi xen-ti-mét. Một lúc sau, tôi nhìn thấy mặt biển xanh thẫm trải rộng phía dưới vách đá, tôi liền rẽ sang trái theo vết bánh xe, tiệm cà phê Mũi Đá sơn màu xanh dương liền hiện ra trước mắt.
Trước cửa tiệm có đặt một chiếc ghế dài làm thủ công bằng gỗ tại vị trí quang đãng nhất. Tôi dừng xe cạnh chiếc ghế. Tôi tắt máy, tháo mũ bảo hiểm ra, treo vào cái móc bên dưới yên xe. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, giờ là hơn chín giờ sáng một chút.
Tôi nhìn mặt biển rộng bát ngát, phóng tầm mắt nhìn sang bờ biển phía bên kia, rồi phồng ngực lên, hít vào thở ra thật sâu. Hôm nay núi Phú Sĩ hiện ra rất rõ nét.
Tiếng sóng rì rào bên dưới vách đá vọng lên.
Sau lưng tôi có tiếng bước chân trên sỏi. Ngoảnh đầu lại, đúng như tôi nghĩ, Kotarou đang thè lưỡi mừng tôi.
“Lâu lắm không gặp chú mày. Còn nhớ tao chứ hả?” Kotarou không nói gì, chỉ vẫy vẫy đuôi, rồi giống như lần trước, nó xoay nửa vòng tròn về bên phải, dẫn tôi tới cửa tiệm cà phê. Tôi mở cánh cửa có tay nắm làm từ gỗ lũa, nhìn vào bên trong. Âm thanh ngọt ngào từ chiếc chuông vang lên.
Giống như lần trước, mùi thơm ấm áp của cà phê phảng phất bay ra, nhưng không thấy bà Etsuko ngồi trên chiếc ghế tròn cạnh lò sưởi củi.
Cửa không khóa, chắc bà không đi vắng đâu… Vừa nghĩ vậy thì chú chó Kotarou ngồi dưới chân tôi bỗng sủa “Gâu” một tiếng. Sau đó, thật ngạc nhiên, tôi nghe thấy tiếng bà Etsuko từ trong bếp vọng ra “Đây đây, xin lỗi, bà ra đây.” Ngoài nhiệm vụ dẫn đường, Kotarou còn làm thay nhiệm vụ của một chiếc chuông gọi phục vụ nữa.
“Chú mày giỏi thật đấy.”
Tôi ngồi xổm xuống, nhìn vào mắt Kotarou, vuốt ve nọng cằm nó. Khi tôi đang trong tư thế ấy, có tiếng nói vang lên sau lưng: “Đúng là Imaken rồi. Bà đoán hôm nay cháu sẽ đến mà.” Bà Etsuko nở nụ cười lém lỉnh, đứng ở cửa bếp. Tôi cũng đứng lên, cúi đầu chào bà, hồi hộp hỏi: “Sao hôm nay bà biết cháu sẽ đến ạ?”
Bà Etsuko cười khúc khích, trả lời “Vì hôm nay là ngày cháu đã chờ đợi từ lâu.”
“Ý bà là ngày hết mùa mưa ấy ạ?”
Cứ ngỡ mình giả vờ ngây ngô khá thành công, nhưng tôi đã không thể địch lại với bà lão phù thủy bách phát bách trúng.
“Tính từ ngày hôm đó, thì hôm nay là ngày đầu tiên không mưa, đặc biệt còn là…”
“Là gì ạ?”
“Là thứ Hai đầu tiên không mưa!” Bà Etsuko nói rồi hết nhìn hai bức tranh lại nhìn tôi với vẻ đầy ám chỉ.
“Ơ, cháu, cháu đâu có… Không phải như vậy đâu ạ…” Trái tim tôi lỡ mất một nhịp, khiến câu tôi nói ra cũng trở nên lắp bắp. Chẳng đếm xỉa tới trạng thái đó của tôi, bà Etsuko tiếp tục nói. “Hôm nay Midori sẽ đến vào buổi trưa. Lúc nãy con bé có gọi điện nói sẽ mang nguyên liệu nấu bữa trưa tới.”
“Ồ, thế ạ.”
Tôi cố chấp tỏ ra không quan tâm rồi ngồi xuống chiếc bàn có thể quan sát rõ bên ngoài cửa sổ.
“Từ giờ tới bữa trưa còn kha khá thời gian, cháu có thể ở đây tới lúc đó không? Đây là cơ hội thưởng thức tài nấu ăn của Midori đấy.” “Dạ…” Đương nhiên tôi sẽ đợi… Nhưng dù sao tôi cũng có thể diện của mình, vì thế tôi nhìn đồng hồ đeo tay, làm bộ như đang khó nghĩ.
Bà Etsuko bắt đầu cười khúc khích. “Con người cháu dễ đoán thật.”
“…”
“Nhưng bà không thấy như thế là xấu đâu.”
“… Cảm ơn bà ạ.”
Khoảnh khắc nói rời miệng câu đó, tôi lập tức hối hận. Bởi nói thế nghĩa là tôi thừa nhận những điều bà Etsuko nói về mình. Sau khi thành công trong việc hỏi dắt mũi tôi, bà Etsuko bảo “Biết ngay mà”, rồi tiếp tục cười khúc khích.
Để thay đổi chủ đề câu chuyện, tôi gọi một tách cà phê đá. Nhạc nền tôi nhờ bà chọn, tiếng nhạc Bossa Nova tĩnh lặng, phù hợp với buổi sáng ở mũi đá trong một ngày nắng đẹp vang lên.
Một lúc sau, bà Etsuko mang kem chuối ra kèm với cà phê đá, bảo “Cháu ăn thử món ăn thử nghiệm cho thực đơn mới xem thế nào nhé.” Cà phê đương nhiên ngon, nhưng kem cũng rất ngon.
Cảm giác tan chảy của kem cùng cảm giác giòn tan của đá bào hoa quả hòa trộn với nhau thật tuyệt.
“Ôi, món này ngon quá bà ạ.”
Tôi tán dương thật lòng, không hề mang ý nịnh, bà Etsuko liền cười nói “Một người nói dối dở tệ như Imaken mà khen thì chắc là thật rồi. Vậy bà sẽ coi món đó như một lựa chọn cho thực đơn mới.”
Lúc đó, cửa tiệm bật mở, tiếng ve đột ngột tràn vào. Tôi ngoảnh lại, bắt gặp ánh mắt chú Kouji, chú đang mặc một bộ áo liền quần cộc tay màu trắng.
“Ồ, là anh chàng hết xăng bữa trước đây mà.” Nụ cười mỉm hấp dẫn của riêng chú đã hiện rõ trên mặt.
“Bữa trước may nhờ chú giúp đỡ ạ.” Tôi vội vàng lấy một set sáu lon bia trong ba lô ra. “Thực ra cháu định trả lại xăng cho chú, nhưng ở trạm xăng người ta từ chối bơm xăng trực tiếp vào chai nhựa… Nên cháu thay xăng bằng bia để cảm ơn chú ạ.”
Cùng với lời cảm ơn, tôi đưa cho chú Kouji set bia, chú cười khì. “Không cần làm vậy đâu. Chú mày là sinh viên mà. Giữ lại uống với bạn bè đi. À bác ơi, giờ thủy triều đang vừa tầm, cháu đi câu một lát đây.”
Bà Etsuko, người được chú Kouji gọi bằng “bác”, vừa mỉm cười vừa nghe cuộc đối thoại giữa tôi và chú Kouji. Nhưng rồi như thể vừa nghĩ ra điều gì, bà vỗ bộp hai tay vào nhau.
“Đúng lúc lắm Kouji. Cháu dẫn Imaken đi câu cùng được không? Cậu nhóc này đang không biết làm gì để giết thời gian.” Chú Kouji vui vẻ đáp “Vâng, không vấn đề gì” rồi nhìn tôi. “Chú mày tên Imaken hả?”
“Dạ. Cháu là Imaizumi Ken ạ.”
“Được. Vậy thì, Imaken, hãy dùng cá để trả tiền xăng nhé.” “A, vâng ạ…”
Sau đó, tôi nối gót theo sau bờ lưng rộng lớn của chú Kouji ra khỏi tiệm cà phê Mũi Đá. Tay phải tôi cầm chiếc xô đựng mồi câu. Tay trái tôi cầm bình nước đựng trà lúa mạch do bà Etsuko pha và bắt tôi mang đi. Trên tay chú Kouji đi phía trước tôi là cần câu và vợt
lưới bắt cá. Trên vai chú là thùng đá giữ lạnh. Nếu tính cả chú, tổng cộng tôi đã được ba người dẫn đường khi tới đây.
Lúc trèo xuống vách đá trước tiệm cà phê, chú Kouji ngoảnh lại nhìn tôi.
“Chú mày đừng có ngã đấy nhé. Rơi xuống đây là đi đời đấy.” “Dạ…”
Thế là, tay vẫn mang theo đồ, tôi cẩn thận trèo xuống dốc đá nguy hiểm có thể mất mạng nếu rơi xuống đó.
Sau khoảng ba phút, xuống tới chân vách đá, chúng tôi đi bộ tới đầu chỏm đá nhô ra hướng về phía vịnh. Nơi đó nghe nói thủy triều hay lên xuống, là địa điểm câu được nhiều cá. Tảng đá ngoài cùng có mặt trên bằng phẳng như để làm nơi ngồi câu cá, quả là một nơi tuyệt vời.
Một con cua mai đỏ vừa nhanh chóng bò ngang qua tảng đá dưới chân tôi.
Thứ mùi phong phú của chỏm đá. Tiếng sóng vỗ yên bình. Cơn gió biển màu xanh dương trong suốt. Mặt nước màu xanh đậm. Núi Phú Sĩ sừng sững. Bầu trời xanh với cụm mây vũ tích thẳng đứng.
Cảm giác bản thân đang độc chiếm một mùa hè hoàn hảo, tôi thật muốn hét lên thật to.
“Nào, chúng ta bắt đầu chứ?”
“Dạ.”
Chú Kouji hướng dẫn sơ qua cho tôi, tôi ném lưỡi câu xuống biển.
“Ồ, chú mày quăng cần câu khéo đấy. Trước đây từng đi câu rồi hả?”
“Hồi nhỏ cháu thường ra sông hoặc đầm lầy gần nhà để câu ạ.” “Thế à? Thế thì có thể trông cậy được rồi.”
Chú Kouji cũng ném lưỡi câu xuống nước. Hai chiếc phao nhỏ xíu nổi dập dềnh trên mặt nước, theo sóng triều dần trôi ra xa. Chú Kouji ném mồi câu quanh phao. Sau đó hai chúng tôi chỉ việc ngồi bệt xuống đá, chờ phao chìm là được.
“Chú mày là sinh viên đại học hả?”
“Dạ. Cháu là sinh viên năm bốn ạ.”
“Ngày trong tuần mà vẫn xách xe đi vi vu được, rảnh ghê nhỉ.” “Dạ… Thực ra cháu không rảnh đâu.”
“Gì cơ?”
“Cháu vẫn chưa tìm được việc làm.”
Chú Kouji hừ mũi “Thế à!” như thể sao cũng được, chú ngậm điếu thuốc, lấy bật lửa ra châm lửa.
“Thế có người yêu chưa?”
“Dạ, hiện tại vẫn chưa ạ…”
“Hiện tại vẫn chỉ là Imaken[16] thối hả?”
Chú Kouji nói một câu đùa vụng về hơn cả bà Etsuko rồi tự cười khùng khục một mình.
“Đi kiếm việc làm hả, thế tương lai chú mày muốn làm gì?” “Điều đó chính cháu cũng chưa biết ạ.”
Trước câu trả lời không rõ ràng của tôi, chú Kouji khẽ nhếch lông mày bên phải nhìn tôi.
“Chú mày nói dối rồi. Ai mà chẳng có một hai việc muốn làm chứ. Ngay cả trẻ con cũng có ước mơ tương lai nữa là.” Chính bởi vì đã trở thành người lớn nên mới không thể dễ dàng ước mơ như trước đấy. Tôi nghĩ thế nhưng kịp dừng lại, không nói ra miệng.
“Chú Kouji có ước mơ gì không?”
“Ờm, nhiều lắm chứ, nhưng hiện tại thì là câu được một con cá bánh lái hoặc cá tráp dài 41 xen-ti.”
Cơ thể chú to lớn với một trái tim cũng to lớn tương đương, vậy mà ước mơ của chú thật nhỏ bé, điều đó khiến tôi bật cười. “Nếu thế bây giờ cháu cũng ước như vậy. Nhưng tại sao chú chọn con số 41 xen-ti ạ?”
“Vì giờ chú bốn mốt tuổi. Mỗi năm ước mơ lớn thêm một chút, như vậy không phải rất vui sao?”
Cụm từ “Không phải rất vui sao” vang vọng mãi bên trong tôi. Nếu có thể sống với tiêu chuẩn đánh giá duy nhất là có vui hay
không thì tốt biết mấy.
“Chú Kouji cũng có những chuyện không vui chứ ạ?” Dụi xong điếu thuốc hút gần hết vào chiếc gạt tàn nhỏ mang theo, chú Kouji quay sang nhìn tôi. Rồi chú lại mỉm cười. “Sao thế ạ?”
“Phao của chú mày chìm rồi kìa.”
“Dạ? A!”
Tôi luống cuống dựng cần câu lên, cuộn dây lại. Chiếc cần câu trên tay tôi lập tức uốn cong như vầng tráng tròn.
“Ồ, con này có vẻ to đấy. Giật lên cẩn thận đấy nhá.” Chú Kouji cầm lấy chiếc vợt lưới, nhìn xuống lòng biển. Sự kháng cự hết sức bình sinh của con cá truyền rần rần đến cánh tay cầm cần câu của tôi. Não tôi hơi tê dại đi vì cảm giác rần rần ấy. “Đừng cuống, cứ làm cẩn thận vào.”
“Dạ..”
Tôi cố kiềm chế cảm giác luống cuống trong lòng, cẩn thận cuộn dây. Một lúc sau, một con cá với lớp vảy dưới bụng lấp lánh ánh bạc nằm lọt thỏm trong chiếc vợt lưới của chú Kouji.
“C… câu được rồi!”
“Ừ, một con cá tráp ngon lành đây. Nó phải dài hơn 30 xen-ti đấy. Chú cá này coi như thay cho tiền xăng nhé.”
Chú Kouji vừa cười vừa rạch con dao nhỏ vào mang cá để cắt tiết rồi vứt vào thùng giữ nhiệt. Sau đó hai chúng tôi lại ngồi cạnh nhau, quăng cần câu ra. Việc câu được chú cá thú vị vừa rồi khiến tâm trạng tôi phấn chấn hơn hẳn. Có lẽ vì thế mà tôi đã nói ra một câu chính tôi cũng không ngờ tới.
“Ôi, hay là cháu bỏ quách việc đi tìm việc làm phiền phức đi nhỉ. Việc ấy chẳng vui tẹo nào.”
Mắt chú Koụịi nheo lại, không rõ chú đang cười hay vì mặt biển chói mắt quá nên chú nheo mắt, chú lặng im nhìn chiếc phao. Hơi buồn vì chú không phản ứng gì trước câu nói trong lúc phấn khích của mình, tôi quyết định hỏi thử một câu bất ngờ:
“Cháu hỏi một chuyện hơi kỳ cục có được không ạ?”
“Ừ.”
“Nếu cháu không thích cuộc sống của một nhân viên làm công ăn lương thì chú có nghĩ cháu nên từ bỏ việc đi tìm việc làm không?” Chú Kouji vẫn nhìn chiếc phao, miệng khẽ thở dài. Rồi đột nhiên chú nói với giọng khá thô lỗ: “Chú mày thực là một thằng đáng ghét.”
“Gì cơ ạ…?”
“Đúng là một thằng đáng ghét.”
“…”
“Lại tới rồi kìa.”
“Gì cơ ạ?”
“Nhìn phao đi.”
“A!”
Chiếc phao trên cần câu của tôi đã biến mất giữa làn nước. Bằng cách đó, tôi đã câu được con cá thứ hai.
Lần này vẫn là cá tráp, nhưng tiếc là nó nhỏ hơn hẳn con bắt được lúc nãy.
“Thật ngại quá, chúng ta cùng đi câu mà chỉ mình cháu câu được…”
“Này này. Bị đối thủ xin lỗi càng khiến lòng kiêu hãnh của chú tổn thương hơn đấy.”
“Ồ, thế ạ? Xin lỗi chú ạ.”
“Trời đất, đã bảo đừng xin lỗi rồi mà.”
Chú Kouji bật cười. Tôi cũng cười thành tiếng.
Chúng tôi lần nữa ngồi xuống cạnh nhau, tay quăng cần ra xa. Mặt trời dần lên cao, khi mặt trời bắt đầu ló mặt phía trên vách đá phía sau, những tia nắng của nó cũng chậm rãi nướng cháy lưng và gáy hai người chúng tôi.
“Imaken này.”
“Dạ.”
“Chú chưa làm nhân viên làm công ăn lương bao giờ nên không biết việc trở thành nhân viên một công ty là nên hay không nên.”
“Dạ.”
“Nhưng chú biết một điều.”
“…”
“Khi cháu cảm thấy băn khoăn không biết phải làm sao, thì hãy chọn một con đường thật rock ‘n roll, chắc chắn sẽ rất thú vị.” “Rock ‘n roll ạ?”
“Tóm lại là,” chú Kouji gãi sồn sột chiếc cằm vuông vức của mình, nói tiếp: “Hãy luôn đi trên con đường khiến chú mày cảm thấy háo hức.”
Tôi thử tìm câu nào đó để đáp lại, nhưng không tìm thấy. “Tuy rằng ít nhiều sẽ có nguy cơ, nhưng con người mạnh mẽ hơn những gì họ vẫn nghĩ đấy. Chỉ cần chú mày gắng hết sức làm một việc gì đó, tới lúc cần chắc chắn sẽ có ai đó đưa tay ra giúp đỡ.” “Đơn giản… như vậy ư?”
“Ừm, đó chỉ là ý kiến chủ quan của chú thôi, nhưng chú thấy vậy đấy.”
Từ ngoài khơi, một chiếc thuyền đánh cá vọng tới tiếng động cơ “pạch pạch pạch pạch” nhẹ nhàng rồi đi lướt qua chúng tôi. Giữa khơi còn có bóng một chiếc tàu chở dầu lớn, nhìn như đứng yên không nhúc nhích.
“Dạ… Cháu sẽ suy nghĩ về điều chú nói ạ.”
“Ừ, người quyết định cuộc đời chú mày đâu phải là chú.” “Vâng.”
Sau đó, trong một lúc lâu chúng tôi không nói gì với nhau, chỉ lặng lẽ nhìn chiếc phao. Có lẽ vì có tiếng sóng vỗ, tiếng mòng biển và tiếng ve kêu, hoặc vì gương mặt nhìn nghiêng của chú Kouji đang lim dim mắt trông có vẻ mãn nguyện nên sự im lặng đó không khiến tôi cảm thấy nặng nề.
Vài phút sau, lúc chú Kouji rắc mồi câu cạnh phao cho tôi, tôi mở miệng hỏi.
“Chú ơi, cháu hỏi một điều hơi kỳ cục được không?” “Chú mày có hỏi gì ngoài những câu kỳ cục bao giờ đâu.” Chú Kouji cười như thể buồn cười lắm.
“Ồ, đúng là như thế… Sao cháu lại thế nhỉ?”
Tôi gãi đầu, ngượng nghịu cười, nhưng vẫn hỏi câu hỏi kỳ cục của mình.
“Sao bà Etsuko lại mở tiệm cà phê ở mũi đá này và sống một mình ở đây thế ạ?”
Chú Kouji không nói gì, chú nhấc dây câu lên, thay mồi câu mới rồi ném xuống biển. Chú thở phù một hơi dài từ cặp môi khép nhỏ lại.
“Bác ấy là một góa phụ.”
“Góa phụ ạ?”
“Chuyện xảy ra hơn ba mươi năm trước rồi. Chồng bác bị bệnh rồi mất.”
“…”
Tôi cũng có cảm giác như vậy, nhưng khi biết chuyện đó là thật, không hiểu sao lồng ngực tôi bỗng trở nên nặng nề. “Chồng bác là họa sĩ, tuy có tài năng nhưng không giỏi tiếp thị nên không đắt khách lắm. Thời đó bác Etsuko là một nghệ sĩ dương cầm khá nổi tiếng.”
“Bà thích âm nhạc là vì thế ư…”
“Mũi đá này là địa điểm yêu thích của chồng bác ấy.” “Vậy bức tranh cẩu vồng treo trong tiệm là…”
“Là tác phẩm của chổng bác ấy để lại. Hồi đó hai người sống ở Tokyo, nhưng rồi tình cờ chồng bác ấy được ngắm cảnh hoàng hôn ở mũi đá này, ông ấy rất xúc động nên đã vẽ lại để bác Etsuko được xem cùng, chính là bức tranh ấy đấy.”
Ra là vậy…
Tôi có cảm giác rất nhiều thắc mắc trong lòng mình đã được giải đáp.
Trong đầu tôi, giọng nói của bà Etsuko sống dậy.
“Bức tranh này… ừm… có thể coi nó là bức tranh do chủ nhân của tiệm cà phê này vẽ nên.”
“Cháu thấy đấy, cửa tiệm này đang ‘sống’ mà.”
Nhưng tôi vẫn còn nhiều câu hỏi nữa.
“Nhưng sao bà lại mở tiệm cà phê ở nơi xa xôi hẻo lánh thế này ạ? Dù chồng bà có thích nơi này đến đâu chăng nữa thì…” Chú Kouji chầm lửa vào điếu thuốc, hít một hơi rồi nhả ra làn khói như thể điếu thuốc rất ngon.
“Ừm, tính bác ấy như vậy đấy. Bác ấy muốn trước khi chết được một lần nhìn thấy chiếc cầu vồng đó, chiếc cầu vồng mà người chồng đã mất rất muốn bác ấy được thấy.”
“Ủa? Chẳng lẽ chỉ vì thế mà bà… ?”
Bà dựng tiệm sao cho từ cửa sổ có thể nhìn thấy cùng một khung cảnh với bức tranh ấy ư?
“Khó tin quá hả?”
Tôi hít một hơi, muốn nói điều gì đó, nhưng rồi lại thở ra mà không nói được câu nào.
“Chú thấy không ổn vì bác nhiều tuổi rồi mà lại sống một mình ở nơi hoang vắng này, nên chú đã dựng một cửa hàng ở bên cạnh để thường xuyên tới xem tình hình bác thế nào.”
“Hóa ra là vậy ạ…”
“Đừng làm vẻ mặt như thế. Cuộc đời bác Etsuko không đáng thương đến thế đâu.”
Tôi lặng thinh nhìn chú Kouji. Quả thực bà Etsuko không tạo nên cảm giác bi thương chút nào. Nhưng…
“Tuy sống như vậy nhưng mỗi ngày của bác đều rất vui. Bác bảo mỗi ngày trước hoàng hôn đều háo hức với ý nghĩa rất có thể chiếc cầu vồng giống trong tranh ngày hôm nay sẽ xuất hiện. Đặc biệt những khi trời vừa tạnh mưa, bác đều hồi hộp không tả nổi. Bác cũng rất thân thiết với khách quen của tiệm nữa.”
“Thế ạ.”
“Ừ. Vì bác đã chọn một con đường rất rock ‘n roll? ” Con đường rock ‘n roll ư…?
“Chỉ có điều…” Nói tới đó, đột nhiên tông giọng chú Kouji chìm xuống và hơi khàn đi.
Tôi im lặng nhìn khuôn mặt nhìn nghiêng của chú.
Chú Kouji lấy mu bàn tay lau những giọt mồ hôi nổi lên trên trán, chú chăm chú nhìn chiếc phao đang dập dềnh trong làn sóng, rồi chợt nói ra một câu ngoài dự liệu của tôi.
“Có lẽ bác ấy… cả đời này cũng sẽ không thấy được chiếc cầu vồng hoàng hôn giống như trong bức tranh ấy đâu.” “Ơ… Tại sao ạ?”
“Chú mày giữ được bí mật chứ Imaken?” Ánh mắt chú Kouji vẫn đang nhìn chiếc phao.
“Có… có lẽ ạ.”
“Có lẽ?”
“À, à không, nhất định cháu sẽ không nói ra đâu.”
“Thế thì chú kể cho chú mày nghe.”
“Dạ.”
Chú Kouji quay sang nhìn tôi. Ánh mắt chú có chút đáng sợ, giống như lần đầu tôi gặp chú. “Thực ra gần đây chú nhận ra một điều về bức tranh ấy…”
Nội dung chú Kouji nói với tôi sau đó rất đơn giản, hợp lý, và cũng rất thuyết phục. Đúng như chú Kouji nói, có lẽ cả đời này bà Etsuko sẽ không thể thấy được chiếc cầu vồng giống như trong bức tranh ấy.
Nếu không nhận ra “một sự thật” ẩn giấu trong bức tranh đó… thì có lẽ cả đời này bà sẽ không thể…
“Chú Kouji ơi…”
“Ơi?”
“Sao chú không nói điều đó với bà Etsuko ạ? Nếu biết bí mật ấy, sao chú không cho bà biết? Nếu làm vậy, rất có thể bà Etsuko sẽ được ngắm chiếc cầu vồng đó…”
Có lẽ giọng nói của tôi hơi gay gắt. Nhưng chú Kouji không có vẻ dao động chút nào. Trái lại, chú nói với vẻ đùa giỡn: “Chắc chú mày không được đào hoa lắm phải không Imaken?”
“Ơ?”
“Vì chú mày chẳng tinh tế tí nào.”
“Sa… sao chú lại nói thế ạ?”
“Thử tưởng tượng đi. Giả sử chú cho bác Etsuko biết sự thật này… Nếu làm vậy, chú mày nghĩ bác ấy sẽ sống mỗi ngày với tâm trạng thế nào? Không phải mỗi ngày của bác ấy sẽ biến thành một ngày dài không có ước mơ gì hay sao?”
“A…”
Cảm thấy xấu hổ vì sự cạn nghĩ của mình, tôi không biết nói gì. Đúng như chú ấy nói, nếu giờ chú tước đi ước mơ duy nhất của bà thì…
“Có lẽ chú mày thực sự không có ước mơ gì, nhưng đối với một số người, chỉ cần có ước mơ là đủ để cuộc đời người đó có ý nghĩa rồi.”
Tôi không thể phản biện. Về việc mình đã không tinh tế với bà Etsuko, và về việc thực ra tôi đã luôn lừa dối chính bản thần mình… “Chú Kouji này.”
“Hửm?”
“Cháu muốn hỏi một câu hơi nghiêm túc một chút…” “Chứ không phải một cầu hơi kỳ cục hả?”
“Lần này khác ạ.” Tôi hơi cười, nói tiếp. “Ngoài việc đi câu, chú có ước mơ nào khác nữa không?”
“Gì vậy, cuối cùng không phải vẫn là một câu hỏi kỳ cục sao.” Chú Kouji nói đùa rồi hạ cần câu xuống, khoanh cánh tay to khỏe của mình lại. Và rồi, vừa ngắm núi Phú Sĩ màu lam sẫm, chú vừa kể với vẻ hơi ngượng.
“Cũng chẳng phải ước mơ to lớn gì, nhưng việc chú dành thời gian rảnh để một mình vất vả dựng nên quán kia là có lý do cả đấy.” “Lý do ư?”
“Ừ. Khi nào quán hoàn tất, chú muốn tổ chức trình diễn nhạc sống cùng bạn bè ngày xưa ở đó.”
“Nhạc sống?”
“Chú Kouji cũng là một nhạc sĩ ạ?”
“Ngày xưa thôi. Vả lại chú kém nên không trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp được. Hồi xưa chú chơi trống đấy.”
“Chú thất bại giữa chừng ạ?”
“Vì chú không có tài năng.”
“Vậy việc chú làm thợ sơn… là một sự thỏa hiệp với cuộc sống ư?”
Nghe tới đây, chú Kouji bật cười.
“Chú mày đúng là một thằng nhóc khó ưa Imaken ạ.” “Ơ, cháu… cháu xin lỗi…”
Vừa nói, để chắc ăn tôi liền nhìn chiếc phao trên dây câu của mình, nhưng lần này nó vẫn chưa chìm.
“Chú mày chả có miếng tinh tế nào trong người cả.” Vừa dụi tàn thuốc vào chiếc gạt tàn bỏ túi mang theo người, chú Kouji vừa nhìn tôi. Đôi mắt chú mỉm cười, “Ừm, nhưng thực lòng mà nói thì, lúc từ bỏ con đường làm nhạc sĩ, chú đã buồn trong một thời gian dài. Cũng là chú tự làm tự chịu thôi.”
“Tự làm tự chịu ạ?”
Chú Kouji khẽ thở phù một hơi, ánh mắt nhìn xa xăm. Tôi muốn hỏi chú lý do của việc “Tự làm tự chịu” đó, nhưng nếu hỏi, chú ấy sẽ thực sự nghi ngờ tôi có chút tinh tế nào trong người hay không, vì thế tôi im lặng.
“Ừm, nhưng mà chú cũng không ghét công việc sơn nhà hiện tại. Cần mẫn sơn từng vệt, rồi cuối cùng ngắm nhìn tác phẩm đã hoàn tất. Cảm giác thỏa mãn đó không tệ chút nào. Thế nên công việc này rất hợp với chú.”
Một con người có vẻ tràn đầy tự tin ở mọi góc độ như chú Kouji mà quá khứ cũng từng nếm mùi vỡ mộng, phải trải qua sự thất bại… Có lẽ tôi hơi xấu tính, nhưng khi biết điều này, đột nhiên tôi cảm thấy chú ấy trở nên gần gũi hơn trước rất nhiều.
“Chú Kouji này, ước mơ ấy mà…”
“Gì cơ?”
“Chú có nghĩ sẽ cần rất nhiều dũng khí mới có thể theo đuổi được ước mơ không?”
Nụ cười của chú Kouji trở nên rõ ràng hơn. Ánh mắt chú giống như ánh mắt của người anh cả đầy vững chãi, chở che, chú cười mỉm.
Và rồi, chú nói chậm rãi như thể vừa nói vừa lựa chọn câu từ: “Theo kinh nghiệm của chú, thì việc lựa chọn một cuộc đời không theo đuổi ước mơ nào cũng rất cần dũng khí đấy.”
Trên bầu trời cao, đàn mòng biển cất tiếng kêu. Cơn gió biển ấm áp mùa hè thổi tới, hất lớp tóc mái của tôi bay lên. Não tôi như bị đóng đinh, tôi không tìm được lời gì để nói. Thế nên tôi im lặng, hít sâu vào lồng ngực cơn gió biển xanh.
Chú Kouji cầm lấy chiếc cần câu đặt trên tảng đá, nhấc dây câu dưới biển lên.
“Thôi, chú từ bỏ ước mơ về con cá bốn mươi mốt xen-ti, hôm nay câu tới đây thôi. Hôm nay chỉ mình chú không câu được con nào, thất bại thảm hại thật.” Chú Kouji nói, làm bộ lườm tôi. “A ha ha… xin lỗi chú.”
“Chú đã bảo…”
“Chú đã bảo đừng có xin lỗi nữa kẻo chú tổn thương thêm, phải không ạ?”
Tôi cướp lời chú, chú liền vỗ lưng tôi bồm bộp với cánh tay to lớn của mình. Tấm lưng tê rần của tôi như chuyển thẳng từ mùa hè yêu thích thành mùa thu. Một chiếc lá đỏ thẫm cỡ đại… Nhưng không hiểu sao cảm giác đó thật thống khoái, tôi vừa cười vừa hướng về phía biển kêu lên: “Ôi, ha ha, đau quá, nhưng mà thật tuyệt.”
•°•
Chúng tôi cầm đám đồ câu đã được xếp gọn lại, leo lên vách đá. Lúc về, tôi leo lên trước chú, nhưng lúc leo lên không sợ bằng lúc trèo xuống. Leo tới đỉnh vách đá, tôi thở phù một tiếng, mắt vừa ngước nhìn lên, trái tim tôi liền đập loạn nhịp.
Một cô gái đang ngồi trên băng ghế trước mắt tôi.
Cô ấy mặc chiếc áo thun vừa vặn màu cam, quần jeans đến đầu gối. Chiếc ô tô hạng nhẹ màu vàng cũng đậu bên cạnh. Trên đùi đặt một cuốn sổ vẽ phác họa đang mở.
Đột nhiên ánh mắt chúng tôi giao nhau. Tôi khẽ đưa tay lên chào. Midori đáp lại bằng một cái cúi đầu rất khẽ.
“Chào Midori. Hôm nay cháu vẽ gì thế?” Chú Kouji vừa nói vừa sải bước từ phía sau tôi về phía Midori. Tôi cũng theo chân chú. chú Kouji nhòm vào bên trong cuốn sổ phác họa, rồi “Ồ” lên một tiếng.
“Nhìn này Imaken.” Chú Kouji không khách khí nhấc cuốn sổ phác họa lên, giơ lên cho tôi xem.
“A…”
Tôi bất giác nhìn Midori.
“Em vẽ không được đẹp lắm…” Midori mỉm cười, vẻ mặt hơi xấu hổ.
Bức tranh vẽ nháp trong cuốn sổ phác họa là hình vẽ dáng lưng tôi và chú Kouji đang ngồi câu cá cạnh nhau. Midori đã ngồi trên băng ghế nhìn xuống chúng tôi trong suốt thời gian đó.
“Không đâu, em vẽ đẹp lắm. Cảm ơn em nhé.” Tôi bắt chước chú Kouji, thử khẳng định thật chắc nịch.
•°•
Quá mười hai giờ trưa một chút, trên chiếc bàn có thể nhìn ra ngoài cửa sổ của tiệm cà phê Mũi Đá, nhiều món ăn được bày ra. Món cá tráp tươi ngon do chú Kouji sơ chế giúp, món cà ri kiểu Thái do Midori nấu và món salad. Tiếp theo là món cà phê đá của bà Etsuko. Món tráng miệng sau bữa ăn chính là kem chuối, món vừa may mắn lọt vào thực đơn mới của cửa hàng.
Bốn người chúng tôi vừa ăn vừa cười nói vui vẻ.
Thu hoạch lớn nhất của tôi trong bữa ăn này, đó là Midori không còn dùng kính ngữ với tôi nhiều nữa[17].
Sau bữa ăn, chú Kouji chào mọi người để quay trở lại với “công trường xây dựng” bên cạnh. Midori đội chiếc mũ bằng vải khăn trắng ra ngồi ngoài hiên, bắt đầu vẽ phong cảnh. Bà Etsuko rửa bát đũa trong phòng bếp.
Tôi lại trở nên rảnh rỗi.
Tôi ngồi một mình trong căn phòng máy lạnh, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Một khung cảnh khoáng đạt, xanh tươi mùa hè. Trên hàng hiên phía trước đó, tôi nhìn thấy tấm lưng mảnh khảnh của Midori.
Tôi thở dài vì lý do gì đó mà chính tôi không rõ, đoạn chậm rãi nhìn quanh tiệm. Cửa hàng hơi mờ tối khi so với khung cảnh bên ngoài cửa sổ này, nơi toàn những thứ chắp vá với nhau này giống như đang lặng lẽ “hít thở” vậy.
Tôi nhìn hai bức tranh đó.
Midori, cô gái muốn trở thành họa sĩ, và người chồng họa sĩ đã mất của bà Etsuko. Tâm tư của họ khi vẽ bức tranh này… “Ô kìa.”
Tiếng nói rất gần phía sau tôi vang lên, tôi giật mình, mông tôi có lẽ vừa giật nảy lên khỏi ghế đến năm xen-ti.
“Ôi, bà làm cháu giật mình.”
Bà Etsuko cười khúc khích. “Cháu đang thả hồn đi đâu thế?” Trên tay bà là một chiếc khay bạc, trên khay đặt hai tách cà phê đá.
“Cháu mang cà phê cho Midori giúp bà được không? Một tách là của cháu đấy Imaken. Cháu ra uống với con bé đi.”
Tôi nhận lấy chiếc khay được bà Etsuko, hết nửa phần là ép buộc, dúi vào tay mình. Nhận lấy rồi nhưng tôi vẫn chần chừ, bà Etsuko liền nở nụ cười trêu chọc như mọi khi.
“Đời người ngắn hơn cháu tưởng nhiều đấy. Đừng lãng phí bất kỳ giây phút nào được ở bên nhau. Thôi, cháu đi đi.”
Tôi nhìn bức tranh cầu vồng, rồi nhìn bà Etsuko. Trong nụ cười của bà, vẻ trêu chọc đã biến mất, chỉ còn là một nụ cười dịu dàng. “Vâng, cháu đi đây ạ.” Tôi bưng hai tách cà phê sữa, bước ra hành lang.
Ra tới bên ngoài giống như lọt vào một thế giới khác. Đám ve làm rung chuyển bầu không khí với tiếng kêu thật lớn của chúng, nhiệt độ bên ngoài cũng có vẻ đang trên ba mươi độ. “Bà Etsuko bảo anh mang đồ giải khát cho em.”
"""