" Miền Tây - Tô Hoài full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Miền Tây - Tô Hoài full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo MIỀN TÂY Tiểu thuyết Tác giả : TÔ HOÀI Rút trong: “TÔ HOÀI - Tác phẩm Văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh” Nhà xuất bản Văn học, 2007. Thực hiện ebook : hoi_ls (www.e-thuvien.com) TÔ HOÀI - MẤY NÉT TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM I II III IV V VI VII VIII IX X XI XII XIII XIV XV XVI XVII XVIII XIX XX XXI XXII XXIII XXIV TÔ HOÀI - MẤY NÉT TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27-9-1920 tại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên quán: thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Trước năm 1945, Tô Hoài tốt nghiệp bậc tiểu học rồi sau đó ông tự học. Ông tham gia cách mạng từ năm 1937 và hoạt động trong Hội ái hữu Công nhân, Hội Văn hóa Cứu quốc. Ông bắt đầu viết truyện ngắn và đăng trên Hà Nội tân văn vào khoảng những năm 1940. Trong cuộc đời hoạt động văn chương của mình, Tô Hoài có một khối lượng tác phẩm khá lớn (150 tác phẩm), trong đó quá nửa ông viết dành cho thiếu nhi. Tác phẩm truyện dài Dế mèn phiêu lưu ký, được xuất bản vào năm 1941, đã trở nên rất đỗi quen thuộc với lứa tuổi thiếu nhi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của ông trên văn đàn lại là tập tiểu thuyết Quê người, được xuất bản vào năm 1942. Từ năm 1945 đến năm 1957, Tô Hoài làm phóng viên báo Cứu quốc cơ quan của Tổng bộ Việt Minh; rồi giữ chức vụ Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. Trong thời gian này, ông cho xuất bản truyện ngắn Núi cứu quốc vào năm 1948; tiểu thuyết Truyện Tây Bắc được nhận Giải nhất Hội Nhà văn vào năm 1956; tiểu thuyết Mười năm vào năm 1957. Từ năm 1957 - 1958, ông trở thành Hội viên và giữ chức: Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1958 - 1980, ông giữ chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho xuất bản tiểu thuyết Xuống làng vào năm 1960; tập truyện ngắn Vỡ tỉnh vào năm 1961; tập truyện ngắn Tào lường vào năm 1962; tiểu thuyết Họ Giàng ở Phìn Sa vào năm 1963; hồi ký Tự truyện vào năm 1965; tiểu thuyết Miền Tây vào năm 1967 - tác phẩm này được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Á Phi vào năm 1970; kịch bản phim Vợ chồng A Phủ vào năm 1969; tiểu thuyết Quê nhà được nhận Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội vào năm 1970; tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ vào năm 1983. Từ năm 1986 đến 1996, Tô Hoài giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, quãng thời gian đó ông cho xuất bản hồi ký Cát bụi chân ai vào năm 1991; Tuyển tập Tô Hoài (3 tập) vào năm 1993; Tuyển tập truyện ngắn Tô Hoài (3 tập), Tuyển tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi (2 tập) vào năm 1994. Sau năm 1996, ông cho xuất bản hồi ký Chiều chiều vào năm 1997; hồi ký Chuyện cũ Hà Nội được nhận Giải Thăng Long của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào năm 1998. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. TÁC PHẨM CHÍNH KÝ . 1981 -Tự truyện............................... NXB Văn học . 1986 - Chuyện cũ Hà Nội ................. NXB Hà Nội . 1993 - Cát bụi chân ai ...................... NXB Hội Nhà văn TẬP TRUYỆN NGẮN . 1942 - Nhà nghèo............................. NXB Ngày mới . 1943 - O chuột.................................. NXB Tân Dân . 1949 - Núi Cứu quốc ........................ NXB Cứu quốc . 1955 - Truyện Tây Bắc..................... NXB Văn nghệ . 1955 - Tào Lường ............................. NXB Văn nghệ . 1962 - Vỡ tỉnh ................................... NXB Văn học . Người ven thành ............................... NXB Văn học TRUYỆN DÀI . 1941 - Quê người.............................. NXB Tân Dân . 1943 - Giăng thề.............................. NXB Tân Dân . 1943 - Xóm Giếng ............................ NXB Bách Việt . 1957 - Mười năm .............................. NXB Hội Nhà văn . Miền Tây ........................................ NXB Văn học . Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ................. NXB Thanh Niên . Đảo hoang...................................... NXB Kim Đồng KỊCH BẢN PHIM . Vợ chồng A Phủ ............................... NXB Văn học . Mường Giơn...................................... Tạp chí Văn nghệ Quân đội . Kim Đồng ......................................... NXB Kim Đồng . Ông Gióng........................................ NXB Văn hóa TRUYỆN CHO THIẾU NHI . 1941 - Dế mèn phiêu lưu ký ............. NXB Tân Dân . 1985 - Trê và Cóc............................. NXB Kim Đồng . 1985 - Ông trạng Chuối.......:.:.......... NXB Hà Nội TUYỂN TẬP . 1993 - Tuyển tập Tô Hoài (3 tập) ..... NXB Văn học . Tuyển tập truyện ngắn Tô Hoài (3 tập) . 1994 - Tuyển tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi (2 tập) Cố đạo F. M. Savina viết năm 1930: … Người Mèo nổi dậy liên tiếp ở Bắc Quang, Hà Giang, Bảo Hà, Phong Thổ và ở Lào (1918 - 1921). Tôi đã theo những cuộc hành binh trấn áp trong hai năm, với nhiệm vụ đặc biệt do phủ Toàn quyền Đông Dương trao cho. Công việc của tôi lúc ấy, nói một cách không chính thức, tôi đã hoàn thành như tôi mong muốn và như Nhà nước yêu cầu bởi vì tôi có hoàn cảnh thường đi lại được với bọn phiến loạn. … Một toán hơn hai mươi người Mèo, có sung, đương giữa trưa, từ trên núi kéo xuống thị xã Xiêng Khoảng. Hai người đàn bà đi đầu. Ai cũng tưởng đấy là một bọn phiến loạn ra hàng. Nhưng, hai người đàn bà cứ vừa đi vừa hát, còn đàn ông trong bọn thì không chịu bỏ súng. Sau phải tìm cách cho uống rượu say mới tước được võ khí của họ. Ấy là vì đương lan truyền tin đồn khắp các núi là có một người đứng đầu dân tộc Mèo, tức là một ông vua Mèo, từ phía bắc xuống Xiêng Khoảng, cho nên họ đi tìm rước về. Người đứng đầu dân tộc Mèo từ phía bắc xuống, ông vua Mèo ấy, chẳng phải ai khác là kẻ đương viết những dòng này. Tôi được tiếng đồn là một ông vua Mèo. Trong sự bí mật kỳ lạ ấy, điều bổ ích thứ nhất là nhờ thế, chúng tôi đã thu được một số súng của bọn phiến loạn. … Ở Vân Nam, nhiều người Mèo theo đạo Giatô nói thành thạo tiếng Lô Lô, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và cả tiếng Latin. Tôi rất muốn những việc ta đã làm ở Vân Nam, ta cũng sẽ làm ở xứ Bắc Kỳ. … … Bởi vì, nói tóm một câu, muốn ghép đạo lý của người Mèo vào với chúng ta, cần phải thay đổi và thêm bớt tín ngưỡng của họ, làm sao cho tín ngưỡng ấy cùng bắt nguồn một gốc tôn giáo[1]. Dân tộc Mèo ở đông đúc trên những dải núi cao trong lục địa châu Á. Từ Quý Châu và Vân Nam trên Trung Quốc đổ xuống phương Nam, đến khu tự trị Việt Bắc và khu tự trị Tây Bắc nước ta rồi qua nửa nước Lào, vắt sang phía bắc nước Miến Điện. Bọn đế quốc có nhiều âm mưu xảo quyệt, dai dẳng ở những vùng ấy. * * * Bây giờ, đã trên bốn mươi năm sau những cuộc khởi nghĩa 1918 - 1921 của dân tộc Mèo ở Việt Bắc, ở Tây Bắc nước ta và ở Lào. Vẫn chưa cạn âm mưu của đế quốc. 1958, ngày 3 tháng 6, một tin của hãng thông tấn AFP từ Lào điện đi thế giới: Viên Chăn 3-6-1958 - Có tin một cố đạo Giatô mất tích từ hôm 25-4. Đức cha Etienne Loosdreght. giám mục địa phận Viên Chăn đã đáp máy bay đi Luang Prabang để xem xét việc xảy ra. Cố đạo này tên là Matio Borzaga. Ông mất tích khi qua làng Kiou Katcham cách Luang Prabang hơn hai trăm kilômét rồi đi thăm một thị trấn biên giới Lào - Việt Nam phải mất ba ngày ngựa. Có một học sinh tiểu chủng viện người dân tộc Mèo đi theo ông. Các đấng bề trên sợ rằng ông ta đã bị bắt hoặc bị giết. 1965, một phóng sự của một phóng viên báo Mỹ viết về những hoạt động của lực lượng đặc biệt Mỹ ở Lào: Trong con mắt cơ quan tình báo CIA của Mỹ đương chỉ huy những hoạt động của các lực lượng đặc biệt Mỹ ở Lào, thì người Mèo có thể đương đầu được với Pathét Lào. …Giữa tháng 6 năm 1963, quan tư Arklin thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ, đã đi máy bay từ bắc Thái Lan đáp xuống một vùng núi người Mèo ở trên biên giới Thượng Lào, mang theo một điện đài mạnh và nhiều súng đạn. Đó là lần thứ ba quan tư Arklin đến khu căn cứ bí mật ấy, lần này đến để tổ chức lại và phát súng cho dân chúng, nên ông ta đã ở lại đấy lâu[2]. * * * Vẫn chưa hết. Một tờ báo Mỹ khác xác nhận đế quốc Mỹ hoàn toàn vi phạm các hiệp định Giơnevơ về Việt Nam và về Lào: …Sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc 1954, các đội “sao trắng” thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ bắt đầu tiếp tế và tổ chức quân du kích cho người Mèo chống cộng sản, như Pháp đã làm trước kia. (Thời báo Nữu Ước 8-1-1967) Âm mưu của đế quốc Mỹ thật đã trắng trợn, lại vô cùng xảo quyệt dai dẳng. Nhưng chủ nghĩa xã hội với tinh thần đoàn kết yêu nước của tất cả các dân tộc anh em, ta đã quật ngã chúng. T.H I Năm nào cũng vậy, đoàn ngựa buôn của ông khách Sìn về đến châu Yên, dừng lại, thay tay thồ, thì vừa xong gặt hái tháng mười. Các phiên chợ tết đã đến rồi. Ông khách Sìn chỉ bán ghé chợ châu Yên có một phiên, rồi lại đóng hàng vào ngựa mới, bắt đầu lên Phiềng Sa. Hàng của khách Sìn vốn quen ăn các chợ Mèo. Câu chuyện giữa khách Sìn và chủ ngựa Tòng hôm ấy. - Chào ông chủ Tòng, năm nay bao nhiêu ngựa ông đi Phiềng Sa được? Hàng nặng đấy, ông ạ. - Bẩm ông chủ, ngoài trăm con tôi cũng có thừa sức. - Tốt lắm... - Nhưng mà... - … - Con nhất, con nhì... tôi. - Sao? - Nó... ốm. - Không may cho ông. - Vâng, bẩm ông chủ, mấy chợ nay, tôi bỏ cả những chuyến thồ gần thật ngon ăn để đợi hàng ông chủ về… Ông khách Sìn liền khóa ngay cái giọng sắp muốn mè nheo của lão chủ ngựa: - Phải rồi, ông mà lên được Phiềng Sa với tôi, ông cứ nhấc cái thồ xuống là có tiền chảy đến, ông còn kiếm gấp trăm những chuyến ngon ăn khác kia! - Vâng, cũng nhờ lộc ông chủ. - Hàng tôi cần lên kịp chợ, không nấn ná được. Để bảo ngựa ông Đèo vậy. Lão chủ ngựa Tòng xám hẳn mặt. Ngựa lão Tòng vốn quen thồ hàng cho khách Sìn trên chặng Phiềng Sa đã hàng chục năm. Ngưạ tốt, khách hàng sòng phẳng, mà lão Tòng mỗi chuyến lên vùng Mèo cũng phát tài riêng được một bọn thuốc phiện mang lậu về. Không ngờ khách Sìn lại dửng dưng ném phắt ngay lão đi như thế. Lão Tòng cay quá, đứng ơ. Ông khách Sìn còn vỗ vai lão, cười nhăn nhở, nói: - Ông chủ bằng lòng nhé, sang năm giúp cho tôi, tôi chờ đấy. Nhưng lúc ấy lão Tòng chẳng còn nghe biết khách Sìn nói vuốt gì nữa. Lão điếng người, lại nghĩ đến hai con ngựa. Hai con ngựa nhất, ngựa nhì đầu đàn của lão. Chỉ có nửa buổi, lăn ra chết cả. “Hay là nhà thằng Đèo hại mình?” - Lão Tòng hốt hoảng, bối rối nghĩ. * * * Đoàn ngựa thồ hàng ông khách Sìn lên Phiềng Sa. Tết sắp đến, những đoàn ngựa thồ hàng của người buôn lại lũ lượt lên các vùng núi cao miền tây. Không ai biết ngựa buôn hàng ở mãi đâu về, phía nào tới, Vân Nam xuống hay bên nước Lào, nước Miến Điện sang, hay từ ngoài sông Đà vào. Nhưng cứ trông người đi đuổi ngựa cho các ông chủ hàng có thể đoán những chặng đường họ đã đi qua. Đủ cả: người Kinh, người Lào, người Thái, người Xạ Phang, người Hà Nhì, đôi khi cũng có người Xá, người Mèo tận Mường Cò Nòi bên Miến Điện. Hễ năm nào nhiều người Xạ Phang, người Hà Nhì theo ngựa thì bảo đoàn này trên Vân Nam xuống, có người Kinh thì chắc hàng ngoài cửa Vạn sông Đà vào, có người Lừ, người Khạ thì biết họ từ Lào sang. Có đến ngoài trăm cơn ngựa thồ hàng ông khách Sìn lên Phiềng Sa. Con ngựa nhất, con ngựa nhì thắng yên cương đỏ, lưng không đeo hàng, thung dung đi trước. Tiếng nhạc rung sang sảng. Trên bờm cắm ngù đỏ, hai bên mông rực rỡ chiếc hoa thị vải đỏ năm cánh. Những con ngựa mộc, thồ hàng đi sau, tai nghe nhạc, mắt chăm chăm nhìn vào cái hoa đỏ đính đuôi ngựa trước, mõm cất cao, bước không loạn vó, không đá nhau, không quơ vặt ven đường. Ngựa nào cũng ngoan nết bắt chước hai con đầu đàn. Lão chủ ngựa họ Đèo ngồi xếp chân trên cọc thồ giữa lưng con ngựa thứ ba. Lão náu mình trong chiếc áo bành tô đẫm nước mưa, xám ngắt. Nếu chốc chốc không thấy từ trong đống áo xù xụ có một đám khói thuốc lá cuốn xanh mờ nhả ra, cũng dễ tưởng đấy là một kiện hàng. Sau lưng lão, cứ chừng mười thồ, lại một người phu ngựa kèm. Những người phu co ro cầm cái roi, khi thì lập cập chạy theo ngựa, khi thì gật gưỡng ngủ ngồi trên thồ hàng. Đàn ngựa kéo dài qua những vùng vàng rượi cỏ tranh cứ xoay tròn lên lưng trời, đi cả ngày trông xuống vẫn thấy độc có một vết dốc vượt hôm trước. Không một tiếng người, chỉ nghe vó ngựa và tiếng roi quất dứ qua quãng kẹt núi dựng, tiếng gió gào quẩn trên đầu sóng cỏ tranh, chốc lại xô lên, lấp cả người, cả ngựa. Đôi khi mặt trời rầu rĩ nhô ra, làm cho các mỏm núi và đến cả các khe suối xa bỗng nhiên nhuộm nắng úa xuộm. Một tiếng hát, tiếng hò hay tiếng kể lể than vãn của người phu ngựa Xạ Phang đột ngột cất lên, lê thê lướt qua. Cái dốc núi càng rét, càng vắng, càng chơ vơ. * * * Bóng tối trĩu nặng từng quãng, nhanh và dữ tợn. Các mỏm núi đương vàng rực, bỗng xanh rợn. Gió chồm lên rồi chết đứng từng đợt ngay giữa các triền đồi tranh im lặng. Đoàn ngựa lên dốc. Tối dần. Một lúc, cả đoàn dừng lại. Những người phu nhảy xuống, chạy quanh ngựa, hấp tấp rút trên túi ngực ra một ống nứa đựng rượu ngâm củ gấu đặc sẫm. Họ lần lượt xách cương kéo mõm từng con ngựa lên, rồi dốc ngược cả ống rượu gấu vào họng ngựa. Những tiếng hí rít vang sâu vào các hõm núi. Con ngựa rùng mình, lắc lắc, nhảy vung hai chân trước. Rồi lại đứng yên. Ngựa đã quen được nhai củ gấu ngâm rượu thuốc, mỗi chuyến đi dài. Rượu gấu ngấm vào làm rung bốn vó, đổ thêm sức cho ngựa dấn nốt đoạn dốc cuối cùng dài nhất, dai dẳng nhất. Rồi đoàn ngựa lại chuyển động và bắt đầu ló lên một quãng trống lưng đèo, trông như đàn kiến nối nhau, nhấp nhô. Trên một khe núi kia, bà Giàng Súa đương nhìn xuống. Đàn ngựa thấp thoáng qua khúc đường còn loang lổ sót lại một chút nắng đến chỗ tối bóng núi, bà Giàng Súa không đếm hết từng con được. Bà chỉ thấy mờ mờ lố nhố. Bà Giàng Súa sợ hãi, nghĩ đến các con. Trong vách, lúc ấy chỉ có bé Mỵ ngồi bên đống lửa đương lụi. Bé Mỵ đợi anh Nhìa vác thêm củi về nhóm sưởi. Còn Khay thì ra nhà nương lấy ngô. Sao hai anh em nó đi lâu thế? Bà Giàng Súa lại lo. Cứ bao giờ có nỗi lo láng gì đến, mọi người mẹ đều tựa gà mái ấp, muốn được các con mình ở cạnh. Chúng nó đi đã lâu, mà đàn ngựa ai lên núi thì nhiều thế kia, dài thế kia… Ngựa lên núi, ngựa lính, ngựa quan, ngựa thồ người buôn, ngựa nào cũng chỉ buộc lo, buộc sợ vào mình. Ngựa nào cũng của quan, của người chức việc, của người ta. Nhà bà Giàng Súa chưa được nuôi ngựa bao giờ. Mà đời bà, con ngựa chỉ có mang tai họa đến mà thôi. Năm ấy, đương cày nương xuân, chồng bà Giàng Súa phải bỏ cày. Mùa nương nhà dân sao bằng mùa thuốc nhà quan, chồng bà Giàng Súa đành cắm cái cày giữa nương, bỏ đi tải thuốc phiện cho nhà thống lý. Con ngựa tải thuốc phiện lần ấy chẳng may tuột chân xuống vực đá. Có người về bảo: lúc ngựa ngã, chồng bà còn bíu được ghềnh đá, thằng người nhà quan thấy rơi mất thồ thuốc, nó mới luống cuống đẩy nốt chồng bà xuống. Có người về nói: tại chồng bà sợ quá, nhảy liều theo ngựa và thuốc phiện. Có người về thì thào: chồng bà phải ma chài nên đánh mất thuốc phiện nhà quan, quan bắt nó chết rồi. Người nào cũng rằng đích tai đã nghe quan nói thế. Đằng nào thì chồng bà Giàng Súa cũng không về nữa, dù cho mọi đồn đại khác lời nhau. Nhưng còn một điều ghê gớm hơn thế. Ấy là từ đấy, cả làng bảo: con mẹ Giàng Súa có ma. Người ốm rét mê hoảng, reo: “Giàng Súa, con ma Giàng Súa bắt tôi!". Hôm sau nữa, có người ra nương gặp bà Giàng Súa về rồi ốm, họ bảo đấy là tại đi đường gặp "con ma Giàng Súa". Bà Giàng Súa khiếp sợ quá. Có lúc tưởng mình có ma thật, bà Giàng Súa đã đi lấy sỏi lấy đá ngậm hàng tháng trong miệng. Khi còn bé nghe nói ai có ma muốn giải ma thì ngậm hòn đá ba mươi đêm, con ma sẽ hóa cục máu ra theo hòn đá. Hòn sỏi nằm trong miệng đủ ba mươi đêm, đến lúc bà Giàng Súa nhổ ra, cũng chẳng thấy cục máu ra! Người làng xôn xao lo lắng, giận dữ bàn tán: cho mẹ con nhà Giàng Súa ăn Tết này xong rồi đem giết đi. Nếu không, cũng có lúc ma làm chết hết làng. Đến cả bé Mỵ cũng nghe trẻ con dọa bé Mỵ thế. Suốt ngày, suốt mấy ngày, suốt tháng, bé Mỵ, các anh Thào Nhìa, Thào Khay, với mẹ, cứ ngồi xó nhà, tưởng người ta sắp xông vào bắt đem đi giết. Rồi, một hôm, ai như ngựa nhà thống lý đến trước cửa. Có nhẽ thế. Một tiếng quát chõ qua khe cửa: - Con ma Giàng Súa! Mày chết đi, con ma Giàng Súa à! Tiếng chân ngựa vừa rời, bốn mẹ con bà Giàng Súa lật đật chạy vào rừng. Đấy là quan bảo, hay người làng đến chửi rủa? Chạy vào rừng, cũng chẳng dám quay lại đeo đi một mảnh chảo gang vỡ nữa! Từ đấy, bốn mẹ con chúi vào rừng sâu. Tối quá, khổ quá. Nhưng thà ở rừng một mình, chứ nếu ra ngoài gặp người thì còn khổ hơn, hãi hơn. Thấy bóng ai làm nương phía nào, mẹ con lại lủi đi trú chân rừng khác - như con hươu, con chuột sợ người. Quanh năm chẳng gặp ai. Người ta cũng tránh ma chài. Mẹ con cứ vật vờ như người hủi, người ốm lâu bị làng đem bỏ vào rừng đợi chết. Nhưng không chết. Mẹ con bà Giàng Súa bám lấy rừng mà sống. Cũng phá được một khoảnh nương kín đáo trồng bắp và nuôi được nhiều đàn ong mật trong gốc cây. Không chết, bà Giàng Súa sống mịt mù như trên đời chỉ còn có bốn mẹ con. Mấy năm như thế, mấy năm đổi rừng ở mấy lần, bà Giàng Súa cũng không đếm được. Lúc ấy có tiếng lạt sạt đến sau lưng bà Giàng Súa. Một thân cây to tướng rơi huỵch xuống trước vách. Thào Nhìa chạy vào, vừa thở vừa trỏ tay đằng kia: - Bao nhiêu ngựa, mẹ ơi! Bé Mỵ cũng lật đật chạy ra khỏi đám lửa lom đom. Bé Mỵ rét quá, run rẩy, lập cập hàm răng hỏi anh: - Nhiều quá hả? Có ngưa à? Ngựa nào, ngựa quan à? Thào Khay, ngoài nương ngô, cũng vừa về. Cái địu nhẹ thếch khoác vai, buông thõng một dây nghiêng trên lưng. Trong địu lăn ra mấy bắp ngô khấp khểnh, hạt long, hạt chuột gặm, mỗi bắp rơi một nơi. Cũng chưa ai buồn nhặt, có gì mà nhặt! Khay đứng trố mắt, như hỏi Nhìa. Thào Nhìa còn mải cắt nghĩa cho bé Mỵ: - Không, ngựa thồ đấy. Mày chưa trông rõ à? Một toán lại có một người đuổi ngựa đấy thôi. Toàn ngựa tải hàng. Chẳng hiểu gì cả, bé Mỵ cũng reo to: - Phải rồi. Thào Khay nhìn ra phía dốc núi tối mịt rồi nói: - Ngựa tải hàng, mẹ ạ. Nhiều quá. Mẹ thấy không? Bà Giàng Súa đáp: - Mẹ nghe tiếng rồi. Những tiếng gì cứ vừa xôn xao vừa mơ hồ tới, như tiếng rít, tiếng vó ngựa, tiếng thở, tiếng nhạc khô lạnh ở cổ ngựa. Trẻ con lúc nào cũng thích xem ngựa. Cả ba anh em đều ra chăm chú nhìn xuống. Bấy giờ chẳng nhìn thấy gì nữa, nhưng vẫn sướng mê vì chúng đương tưởng ra một đàn ngựa hết sức đông đương nối đuôi đi lên, lẫn lộn với bóng sương, bóng núi, bóng tối. Bà Giàng Súa đứng dậy, gỡ cái địu nghiêng trên vai Thào Khay. Cái bắp ngô bị chuột cắn xơ xác rơi nốt xuống. Bà toan hỏi Khay: "Còn mấy bắp này thôi à?", nhưng thấy bọn trẻ con mải nghé nghiêng, bàn tán chuyện đàn ngựa, bà lại im. Nỗi lo hết ngô chen mềm vui có các con đông đủ trước mặt. Bà Giàng Súa thở dài rồi ngồi xuống. Lát sau, bà khe khẽ nói: - Ngựa tải hàng ông Sìn đấy. Tết đến rồi. Bây giờ thì cả các chỏm núi và vệt đường chân dốc đều đã bị xóa mờ từ lâu. Nhưng người đàn bà khốn khổ vẫn trông thấy trong vòm sương đặc những ngày xưa có gió thổi thật rét, những ngày Tết nhộn nhạo tiếng khèn, tiếng sán tiếng thanh la, tiếng người cúng hò hét, rin rít, có cả xóm đến xem cúng và ăn cỗ. Ngày Tết vui những nhà ai ngày trước. Trẻ con khi ấy cũng biết uống từng bát rượu. Bốn mẹ con cứ ngồi yên quanh bếp đã vạc hết lửa, trong lòng rừng. Trên lưng dốc tối đen dưới kia bỗng bật hồng một loạt đuốc dài, sáng lốm đốm như hàng chân con giời leo đương bám bóng đêm bò lên. Đã nghe rõ hẳn tiếng móng ngựa trượt đá, tiếng ngựa hí vào đêm vắng. Những âm vang lạ lùng đem đến bao nhiêu chờ đợi và lo lắng cho mọi người. Một cái Tết lại sắp qua ngoài kia, đến tận các làng xa. Lũ con bà Giàng Súa nương náu trong rừng không biết Tết, chỉ mang máng cái Tết từ lâu lắm, và bao giờ nghĩ đến cũng háo hức vô cùng. Đêm ấy, mẹ con nhà Giàng Súa đành ngồi chịu lạnh đến tận khuya. Không dám nổi lửa, sợ người ngựa đi ngoài rừng trông thấy. * * * Đoàn ngựa thồ hàng ông Sìn đã tới Phiềng Sa trong đêm. Hàng trăm đuốc dong từ dưới dốc lên cửa đồn. Thêm hàng trăm đuốc dõng làng của ông thống lý cho xuống đón. Ánh đuốc rực lửa. Khói và sương quyện nhau, ẩm nặng vai áo. Bờm ngựa, tóc người ướt trắng. Những bó đuốc củi thông ngào ngạt thơm, cháy xèo ra nước. Lửa đương đượm, lại càng lung linh sáng hơn. Đoàn ngựa bốc hơi, bốc khói mù mịt, cứ nguyên cả thồ hàng chất ngất trên lưng, rầm rập vào thẳng sân đồn Phiềng Sa. Hàng chục người phu ngựa và cả dõng làng đã quen việc tất bật chạy trước vào dọn kho dưới trại lính để nhấc hàng, đặt tạm cả thồ xuống. Bóng tối đầy ánh đuốc đỏ ngòm lại thêm sáng trắng đèn măng sông, trên đồn vừa cho lính xách xuống hai chiếc. Những con ngựa leo dốc suốt ngày, bùn bắn lên tận mắt, quấn xệt cả bờm, bây giờ đương đứng thở hộc ra. Thế mà dường như hơi rượu gấu vẫn còn thúc mấy con ngựa khỏe cứ dựng đứng chân đạp nhau, cắn nhau, đòi về chuồng, đòi ăn. Có những con đánh ghen loạn xạ rồi lăn đùng ra xát lưng xuống đất. Vì ngứa hay vì phẫn uất nỗi gì không biết. Đám phu ngựa cuống quýt ghì cương, chạy quanh, quát chửi, dỡ thồ thật nhanh, rối rít, ngột ngạt trong khói đuốc, hơi người, hơi ngựa. Loáng mắt, tất cả những thồ hàng được phủ bạt kỹ đã chất đống khắp mấy gian kho. Những người phu chỉ còn kịp dắt tống lũ ngựa ra tràn rồi quay về nằm lăn quanh đống hàng. Mấy người khác còn sức mò đi tìm củi, nhóm lửa sưởi cho bớt cóng rồi bắc nồi. Hơi lửa vừa bén, bọn người ngả lưng kềnh tạm lúc nãy cũng lồm cồm bò dậy, men đến tìm lửa. Người Thái, người Lào, người Xạ Phang xúm xít họp bọn với nhau cùng đợi nồi cơm. Họ không đánh chửi nhau như lúc chơi bạc. Xếp hàng của khách đã yên tề cả, lão chủ ngựa Đèo mới giắt cái roi da vào thắt lưng, tay cầm một bó hương to của người nhà vừa lấy trong thồ ra. Lão đi cúng vía cho ngựa, cho đàn ngựa vừa qua một chặng đường bình yên. Lão Đèo lại đầu tràn ngựa buộc con nhất, con nhì. Lúc nãy thồ cỏ riêng đã được đặt ở đấy. Bóng tối im phăng phắc làm cho lão Đèo rợn gáy. Không, không phải tại hai con ngựa còn đứng xa, mà vì lão Đèo đã đi đến tận nơi vẫn chẳng nghe mảy may động dạng quen của hai con ngựa mồi. Cái khịt mũi, cái giũ bờm, một tiếng phất đuôi cũng không. Lão Đèo quơ tay ra. Đến lúc chân đá đụng cái thồ cỏ mới biết thật là không có ngựa. Tai nạn ra sao đến đây rồi! Hai con ngựa vốn cực khôn, hai con ngựa hái ra tiền cho lão, không bao giờ chúng bỏ cỏ mà vơ vẩn đi đâu lúc sắp cúng vía thế này. Sợ hãi, kính cẩn, lão Đèo châm nguyên cả bó hương, cắm lên đầu cái cọc gỗ, rồi mới ra tìm ngựa. Đằng cổng trại, lửa sáng lập lòe từng vệt, có tiếng kêu. Rồi một lũ người cầm củi thông chạy đến. Trong ánh đuốc nhấp nhem, trong tiếng ngựa rít, tiếng vó ngựa dồn dữ như phi nước đại, mấy người lính hì hục vác đá đến chèn bờ rào cái bãi chăn ngựa. - Nhanh lên! Nó ra bây giờ thì chết cả. - Cái gì đấy? - Ngựa điên. Lão Đèo rủn người, cố nghếch nhìn vào cái bãi tối đen. Hai bóng ngựa hiện lên, chờn vờn, cao "như ngựa ma". Lão nhận ngay ra đấy là con ngựa nhất, con ngựa nhì của lão. Bóng hai con ngựa đương múa vung hẳn hai chân trước lên. Nó đạp gió phăng phăng, nó rống dài những cơn hí hết sức ghê rợn. Hai con ngựa gieo mình xuống. Hai con ngựa lại chồm dậy. Hai cái đầu vật vào nhau. Hai cái đầu lảo đảo quay ra, chát chát đập vào tường đá, như ném đá. Bỗng chốc, cái bóng ngựa điên lại hất tung chân, rú lên, húc đá, lại húc bờ đá, rồi lan ra chỗ có đám người. Lũ lính đương khiêng đá lấp cổng, bỏ chạy cả. Chỉ còn mình lão Đèo vẫn đứng ngơ ngác. Lão đã lõi đời cái nghề chủ ngựa thồ. Lão Đèo biết mình bị đứa phản. Hà, hà, chính tay lão vừa mới đánh bả làm thuốc bỏ chết tươi cả hai con nhất, con nhì của nhà chủ ngựa Tòng để tranh chuyến thồ hàng khách Sìn này. Bây giờ đứa phản phúc nào, chỉ mới lúc nãy thôi, đã bỏ con gián, con dế vào hai lỗ tai ngựa lão? Con gián bò trong óc! Ngựa ngứa óc, nhức óc, phát điên! Không tài nào cứu nổi nữa! Năm nào ngựa lên Phiềng Sa thường cũng phải có con chết thế. Có đứa phản, chủ ngựa nào cũng đề phòng mà không được! Nhưng lão không ngờ nó lại dám phản vào những con ngựa nhất của lão thế này! Lão Đèo không dám đứng nhìn hai con ngựa quý cứ húc vào đá cho đến chết rụi xuống. Hai con ngựa sắp chết rồi. Lão Đèo trở vào. Lão đã tỉnh bừng người, hết choáng váng. Đêm rét buốt, nhưng lão cởi phăng áo bành tô, vứt vào mặt người phu ngựa ngồi ngoài cửa kho. Lão Đèo sừng sộ hỏi bọn phu đương còn bắc bếp đun nước, giữa đám sưởi. Rét quá, không hiểu họ đã biết chuyện ngựa điên chưa. - Chúng mày có đứa nào là người họ Ma? Những khuôn mặt nhấp nhô trong bóng tối và lửa bếp, ngớ nhìn ra. Lão lại quát, bằng tiếng quan hỏa: - Đứa nào họ với thằng Tòng? Cả bọn vẫn trố mắt. Có người lại lẳng lặng cúi xuống đẩy bếp. Lão Đèo bước đến trước mặt một người phu gầy đét và cao, trên lưng bù xù khoác một cánh áo tơi lá móc diều, đương ngồi cạnh lửa mà vẫn run rẩy. Lão Đèo vung tay giựt, vất cái mũ nồi của người ấy xuống rồi nắm tóc, kéo đứng lên: - Tao hỏi thế, chứ tao biết mày là thằng họ Ma phản tao rồi. Lão gầm: - …Mày phải chết! Lão Đèo đẩy vập mặt người phu ngựa vào góc tường đá. Lão quay lại, đảo mắt sục sạo tìm mấy người nhà lúc ấy vẫn còn cứ ngồi ngây. Lão Đèo quát: - Đánh! Cả đám người đứng giựt lên, vác những thân cây thông xô vào, phang lia lịa. Người phu gầy ngã ật ra, không kêu một tiếng. Như một cành củi. - Đánh! Những thanh củi vẫn nện chí chát xuống. Ngoài kia vẫn còn vang vào từng cơn rú khủng khiếp đến long óc của hai con, ngựa điên. Lúc ấy, ông khách Sìn xách cây đèn bão, cùng với thống lý Mùa Sống Cổ đến nhòm vào đám người đứng xem đánh phu. Ông Sìn nói to: - Thôi thôi, ông Đèo! Hôm nay hãy cởi cái khó cái nhọc ra. Thống lý Mùa Sống Cổ nói: - Tội gì thì cũng trói để đấy, mai hãy giết nó, ông chủ à! Ông khách Sìn giơ cây đèn, cười lóe cả hai hàm răng vàng, bảo lão Đèo: - Tối nay ta lên chào quan đồn. Áo của ông đâu? Ông Đèo ra nhặt áo. Giận dữ ầm ầm thế, nhưng ông vẫn nhớ lúc nãy quẳng cái áo bành tô vào xó cửa. Người phu còn ngồi chỗ ấy, y nguyên cái áo trùm trên đầu, như lúc lão chủ ngựa ném. Ông Đèo mặc áo, quay vào, trỏ mặt bọn phu ngựa đương vực người bị đánh dậy, đặt trước đám lửa sưởi. - Mai ông đánh chết tất cả chúng mày. Chỉ biết vục đầu vào ăn! Tối nay ngựa thằng nào đuổi ban ngày thì thằng ấy buộc cổ vào đấy mà ngồi canh! Rồi ba người, ông chủ hàng, ông chủ ngựa và lão chúa đất thong dong lên đồn. Người nhà cắp một bọc đồ lễ những gì không biết, chỉ đoán được hai người nhà bưng hai cái ấm đồng thuốc phiện của quan thống lý đem theo. Tối nay, trên đồn có tiệc suốt đêm. Đi mấy bước, ánh đèn bão ông Sìn xách dưới tay chỉ còn lấp láy trong vòm sương. Đám phu ra đốt lửa nằm cắt canh nhau suốt đêm ngoài giữa sân, trước tràn ngựa. Họ sợ có người lại đến giết ngựa. Họ vẫn nghe đồn trên Phiềng Sa có những người cả đời không ăn muối, chuyên tâm thù khách buôn, năm nào cũng tìm hại ngựa của khách buôn. * * * Dù sao thì đến ngày chợ cũng là đến những ngày thong thả trong một năm ở Phiềng Sa. Người suốt dọc suối Nậm Ma tận dưới Ná Đắng xa mấy buổi đường cũng lặn lội lên. Có đoàn ngựa buôn ông khách Sìn về, Phiềng Sa thành chợ đông mấy ngày trên bãi đá ngang lưng núi. Từng đám các cô gái xuống chợ, lưng cõng địu, tay xe lanh, váy áo lam lũ bạc dã như đi nương. Chỉ khác một vẻ: bước đi tất tưởi, rộn ràng hơn. Đến mỏm núi bên kia chợ, mấy cô rẽ vào khe đá, đặt địu, lấy váy áo, khăn, thắt lưng mới ra thay. Những cô gái nhà nghèo thì vẫn đi thẳng, đến lúc gặp người trai lạ mới dừng lại. Nếp váy cũ rách tỏa ra, cô không dám bước. Con mắt xấu hổ, nhìn quanh dưới đất, không biết nhìn đâu, trốn đi đâu. Đành đứng lại cho người qua rồi mới lại đi. Đến cửa chợ, một tay với cất lanh lên địu, một tay ngượng ngùng khép cái ngực áo không có yếm. Cái địu trĩu trên dáng lưng cúi gò, cô len lén bước vào chợ. Sớm nhất chợ có bà hàng rượu. Bà hàng đến ngả chõng, đặt chồng bát, hạ chum rượu cõng trên lưng xuống, rồi tìm đá kê làm ghế cho khách ngồi. Khách đã hóng sẵn cả đấy. Mấy ông già đói muối về tìm mua muối. Người ta hỏi nhau: hôm nay quan đồn bán muối hay ông Sìn bán muối? Chẳng biết có còn bán nữa không? Có những ông già năm nào cũng đi chợ, nhưng cả đời không biết đến hột muối, mặt mũi cứ hốc hác trắng bệch. Tuy vậy, người đói muối cũng như người nhịn muối và người không ăn muối bao giờ, các cụ hãy ghé vào hàng, ngồi chống tay lên má, lặng lẽ, nghĩ ngẫm, hớp một vài cân rượu đã. Mỗi chốc, ngựa về buộc quanh gốc đào càng nhiều, đuôi ngựa hoa lên như múa. Ngựa ấy đi chợ, ngựa ấy đem về bán. Người hút thuốc phiện nằm ngổn ngang trong các lều giữa bãi, rì rầm chuyện bán súng, bán lậu bạc trắng sang Miến Điện. Những người buôn các thứ hàng hiếm này ở tận đâu đến, không ai biết. Họ không thèm để mắt tới món nước thịt thắng cố[3]hay bánh ngô nướng ngoài chợ. Họ cũng không ra ngồi chõng rượu ngô của bà người Mèo..Họ đêm ngày chè chén trong quán người Hoa. Và, chủ quán ra mời khách, phải xách theo cái hũ sành đựng rượu. Rồi đổ rượu xuống lòng bàn tay, đánh cái diêm châm. Lửa rượu xanh lét bùng lên, hắt ngọn lửa từ lòng bàn tay ra. Có rượu mạnh thế, khách mới chịu vào quán. Tiếng súng bắn thử, tiếng chửi, tiếng cười, tiếng kêu khóc của những người đằng kia chen vào mua muối, cùng tiếng khèn rờn rợn nhảy tập tòe suốt đêm. Càng về trưa càng đông, đông nhất đám trai gái. Tuổi trẻ chưa biết thế nào là khó nhọc. Có anh đi mấy ngày mới về tới. Khi đi cái sáo giắt túi ngực, khi về vẫn một cái sáo ấy giắt túi áo ngực. Chẳng mua bán gì mà vẫn đến chợ. Ai cũng thấy ở chợ có thứ cần, thứ lạ, thứ thích - chợ cuối năm mới có, mà hiếm tiền mua. Họ đi ngắm những chiếc lọ, chiếc hũ, cái chum sành, cái thìa, cái bát của người Hoa và người Lừ buôn bên kia biên giới sang. Lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi rìu của các bác thợ đúc người Mèo Xanh đem bán; bác thợ đúc bắt nẹt người mua, phải đem ba lưỡi hỏng với hai đồng bạc trắng đến mới đổi được một lưỡi cày mới. Nhiều người chịu không thể mua nổi, đành trở về cày mãi cái lưỡi cho đến khi mòn tròn lên tận bắp. Nhưng có tiền đút cho quan thống lý thì những cái to hơn, hiếm hơn lại đến tay được dễ dàng. Đấy là những đám buôn lậu đem bán súng, đổi súng lấy thuốc phiện. Người thử súng bắn đòm đòm lên trời từng phát, bắn thử cả đêm, bắn nhiều đến những con ngựa cũng dạn súng, nghe nổ mà vẫn đứng cúi mõm, điềm nhiên phất đuôi. Hàng ông Sìn, xúm xít, vòng trong vòng ngoài, người đông ních cả mấy gian của lính đồn vừa mang bạt ra dựng. Hàng ông Sìn bán toàn những thứ quen, ai cũng mê mà ít ai sắm được. Nào muối, dầu hỏa, lại diêm, hạt tiêu, các loại kim và chỉ mầu, các thứ vải đỏ, vải đen, láng xanh, khăn mặt tổ ong trắng cho đàn ông quấn đầu, và mũ dạ, ô đen, đèn pin bán cho các ông thống lý, thống quán - còn ông xéo phải là quan hang bé nhất trong làng cũng thèm có tiền để lấy mỗi thứ một cái, nhưng chưa bao giờ mua được. Ông Sìn mua hàng vào thì mua nhiều lắm. Ông Sìn đưa một trăm con ngựa lên. Nhiều con chỉ mang nạng thồ không, đợi hàng mua vào. Mặt hàng ông Sìn đậm mua nhất là thuốc phiện, vừa nhẹ vừa lắm tiền, rồi đến gạc hươu, gạc nai, xương hổ, mật gấu, xương thú mua được đem nấu thành cao ngay giữa chợ, rồi mật ong, da hổ da báo, sợi lanh, củ tam thất, sa nhân, hoàng liên già, có bao nhiêu cũng vét hết. Người không tiền đem các thứ của rừng kiếm được đến đổi ông Sìn cho được đồng nào mừng đồng ấy, bán như đổ của đi. Cả một bộ xương hổ, xương khỉ đem đổi được có một bát muối. Nhưng biết làm thế nào! Ông khách Sìn cứ nằm trong nhà quan thống lý, hút thuốc phiện cả ngày. Năm thoảng ba thì mới ra đứng hàng. Ông chỉ thích đứng bán, đứng đổi cho các cô con gái. Cô nào đẹp đến xem hàng, ông Sìn cho không một con chỉ đỏ. Nhưng ai nhận của ông cho rồi phải ra hàng uống chung với ông một bát rượu - ông Sìn bắt thế. Người ta sợ chết khiếp, chẳng ai dám uống rượu ông Sìn. Bởi vì uống thế thì khác nào mượn bát rượu mà thề lấy nhau. Mặc ông Sìn mời khéo và đưa cho tha hồ ngắm nghía những con chỉ đỏ mỡ, óng mượt, và thân hình ông ấy cũng béo trắng những mỡ, mồm ông ấy cười đầy răng vàng, ông thật là giàu nhưng chỉ có vài cô gái Nhắng, gái Thái, gái Lừ, là người hầu quan hay bọn vợ lính ở trại con gái dưới châu Yên lên, các ả này ra uống rượu để được ông Sìn thưởng cho chỉ đỏ. Chợ chỉ đông những người đi xem, người đói, người cả đời không biết mặt hạt muối và những người lũ lượt kéo đi tìm muối, tìm lưỡi cày. Chợ chỉ nhiều những người ấy. Muối ông Sìn bán riêng một chỗ đằng kia. Cả ngày cả đêm quanh hàng muối, người cứ nghìn nghịt leo lên nhau, chồng đống như đá đè. Tiếng chửi rủa kêu khóc lúc nào cũng vang một góc núi . Chẳng mấy hôm không có người chen mua muối bị chết bẹp. Những ông già về chợ, chẳng xem mà cũng chẳng muốn mua. Những ông già nằm giữa trời hút thuốc phiện, có người vợ lụ khụ che ô ngồi bên cạnh. Những người khác thừ mặt, mắt thờ ơ nhìn đi đâu. Họ quây quanh cái bàn bày rượu, uống đã tàn mấy chồng bát, cứ hớp cạn một bát lại cãi cọ nhầm bát chưa uống. Say rồi ngã ra đấy. La liệt người say nằm khắp nơi. Người vợ nhẫn nại lẳng lặng mở ô che cho chồng say vừa ngã thiếp xuống giữa đường mà còn quềnh quàng quơ tay lên như vẫn đang chen mua muối! Đến lúc nào tỉnh, người vợ chạy đi mua cho chồng bát thắng cố đem ăn với bột ngô. Có gói bột ngô, bấy giờ mới chịu lấy ở địu ra, cùng ăn. Chợ ấy có cái đông, có cái khổ, lại có cái buồn, đủ cả. Trai gái thì nhởn nhơ đằng kia. Các cô các cậu mới nhớn lên, còn chưa quen lo, không biết cạnh đấy có những người vợ nhịn nhục ngồi như đá mọc, che ô suốt buổi chầu chồng vì bực tức, uất ức mà say rượu, say thuốc phiện đến thế. Cô gái thắng bộ váy áo mồi, đứng thành dẫy, lưng tựa vách đá. Trước mặt, các cậu mặt rượu đỏ bứ, cầm khèn, thi nhau thổi bài khèn "xuân". Cậu thì nhảy vòng rộng điệu "đi chơi”, cậu đương lò cò điệu "cuốn chỉ" sang qua sang lại. Tiếng khèn vun vút nâng nhịp bài "múa hát" rộn ràng. Các cô vuốt dải khăn đào, mủm mỉm, nhìn theo người trai tài hoa đã khéo thổi khéo múa gắng vượt qua cả ba điệu khèn "xuân” mồ hôi vã đầy mặt rồi mà vẫn nhấp nhô đánh gót, tung cả hai chân lên, thật tài, ai cũng mê. Đằng góc chợ trước bỗng nhốn nháo. Tiếng kêu, tiếng quát chửi ầm ầm. Mấy chị người Dao nhút nhát bưng địu chạy. Như có cướp có cướp đến phá chợ. Nhưng không, đấy là toán lính dắt ngựa nhà quan thống lý đến lấy thuế. Mười con ngựa đi lấy thuế, lưng đeo những chiếc giỏ to kệt, xồng xộc vào thẳng giữa đám đông. Người chen ngột lên, lại quát, lại kêu, lại chửi, nhốn nháo chẳng biết tiếng người đi chợ chửi quan hay tiếng lính chửi người ta. Lính lấy thuế mà thu đủ các thứ, đầy đến ních mấy chục cái địu, trĩu hai bên lưng ngựa mới thôi. Ai bán bắp ngô nộp thuế ngô. Mười lạng thuốc phiện thu một lạng. Người Lừ đi bán ba cái túi cũng phải nộp thuế một. Tấm vải Thái tốt lành, lính đem lục tung ra, cắt lấy hai sải. Ông cụ người Hà Nhì đi chợ bán ghế mây phải nộp thuế sống hai chiếc ghế. Bà già người Dao tần ngần đưa ra cho chú lính nhận hai xâu men rượu. Rau thì lấy đủ hai thồ rau cải, mấy chục bó hẹ. Còn lính vào hàng lính ăn, lính uống, lính lấy gì, không kể như thuế. Ngựa quan đến đầu, lấy thuế hai bên hàng chợ đến đấy, đến đâu cũng lại dậy lên tiếng kêu, tiếng thét, tiếng đập đánh và người chửi, người chạy. Lính dắt ngựa thuế ra đến tận vách núi chỗ trai gái đứng chơi, tìm người bán hàng. Đám chơi không phải thuế. Nhưng các cô gái sợ lính, chạy tỏa đi. Mấy anh nhảy khèn đương hăng thế mà cũng ngơ ngác lủi mất. Tan đám. Bọn lính thu thuế ra khỏi, cái chợ vừa ngớt kêu khóc, ngớt chửi, lại thấy đằng trước mặt rầm rầm những người chạy dạt ra. The thé có tiếng kêu: - Chết rồi! Chết rồi! - Ma! Ma! Trông ra, chỉ thấy Thào Nhìa và bé Mỵ. Thằng bé Thào Nhìa nhợt nhạt. Vệt sẹo trên trán nó kéo dài tận mang tai trái, rét quá, thâm sịt lại. (Năm trước, Nhìa đương ngồi đầu nhà, có con gấu đi qua, tát một cái vào mặt. Vết đau khỏi, để lại chiếc sẹo dài, tím bầm ngang trán). Lúc ấy, Thào Nhìa và bé Mỵ, hai anh em đứng đầu chợ, một đứa che lưng một cái tết đệp đay móc đen, tóc sã bết kết xuống. Chẳng khác hai cơn gấu nhỏ vừa chui từ trong rừng kín ra núi tranh trống, đương còn choáng váng, ngơ ngác, tựa vào nhau để chống đỡ phòng những con thú khác xông tới cắn nhết. Cả chợ lại nháo nhác. Thào Nhìa và bé Mỵ, hai anh em đưa nhau đi chợ thật. Mỗi Tết, đến ngày chợ, mẹ vẫn cấm không cho các con xuống chợ. Mẹ sợ các con gặp người dữ, họ giết mất. Các làng đổ về chợ, lũ lượt qua dưới cửa rừng, hôm nào cũng đông. Đứng tận trong im vắng rừng sâu vẫn còn nghe vẳng vào tiếng khèn than thở, tiếng vòng bạc róc rách cổ tay các cô gái đi chợ - Thào Nhìa cứ đoán rồi bảo em thế. Thào Khay thì chẳng tò mò háo hức gì cả. Mới hơn mười tuổi Thào Khay không thiết chợ, Thào Khay chỉ chăm đào củ mài và bẫy chuột. Thào Nhìa lớn hơn, đã đến tuổi thổi sáo. Thào Nhìa tìm cây trúc khoét ống sáo ngồi thổi một mình trong rừng. Tai mình lại nghe tiếng sáo của mình, chỉ thấy buồn và sinh nghĩ thêm. Thào Nhìa thèm đi chợ, thèm thấy người. Bé Mỵ nghe anh kể có nhiều các cô gái làng đi chợ thì thích, bé Mỵ cũng mong được xuống chợ. Nhưng mẹ nói: - Con ơi, mày xuống chợ thì người ta giết mày. - Sao người ta giết, hả mẹ? Lời mẹ dọa cũng không khiến bé Mỵ sợ. Hôm ấy, Thào Nhìa và bé Mỵ ra nương - mẹ tưởng vậy. Thế là hai anh em chạy luôn xuống chợ Phiềng Sa. Anh em Thào Nhìa ở rừng từ năm còn nhỏ dại, chưa biết chợ, không biết thế nào là cái chợ. Bây giờ mới nhìn ra cái chợ thật khác cái rừng. Cái chợ đầy người, đầy khói thịt thơm, gì cũng thấy lạ, thấy sướng. Thào Nhìa muốn lân la đến chơi chỗ đám trai gái ríu rít khèn sáo kia. Nhưng không dám. Thào Nhìa chỉ đứng mãi đằng này, bên cạnh cái lều người nhà ông Sìn đương nhộn nhịp nấu cao hổ và đóng hàng - hàng mua đến đâu, đóng dần đến đấy. Thào Nhìa nhìn vào đám chơi trong chợ, mê quá, rút ống sáo ra lăm lăm cầm tay. Bé Mỵ thì đương mê mải hoa cả mắt vì những con chỉ đỏ óng nuột lắc lắc trên tay một ông răng vàng, béo tròn, béo trắng. Mũi bé Mỵ muốn ngạt vì mùi chảo nước suýt thắng cố. Vô số người chầu quanh chảo có người cầm muôi cắm cúi múc vào trong chảo. Mới trông người ta húp đã thấy ngon, nếu được ăn thì ngon đến đâu. Đứng xa tận đây, khuất quá. Dần dần, càng thích thì bạo hơn. Thào Nhìa không còn nhớ hai anh em là "con nhà Giàng Súa có ma" vừa ở rừng xuống. Thào Nhìa chỉ thấy mình đương đứng giữa mọi người, như mọi người. Thào Nhìa dắt em mon men ra chỗ trống. Bỗng có người dáng chừng nhận ra, kêu choáng. Thế là bốn bên đã đầy những tiếng kêu, tiếng quát: - Lũ ma nhà Giàng Súa kìa! - Ma! Ma! Ma! Cả cái chợ, lần nữa, lại nhốn nháo như có cướp đến. Đầu tiên, Thào Nhìa ngớ ra, không hiểu. Mình đi chợ, sao người kia sợ? Không phải. Anh em mình là trẻ con, ai sợ gì mình? Có phải không? Sau nghe tiếng hô hoán mỗi lúc một to, Thào Nhìa lại nhận thấy nhiều người đương sừng sộ chạy đến, hầm hầm muốn giết hai anh em - như mẹ đã bảo thế. Thào Nhìa liền lôi em đi. Mỵ cuống quýt giằng tay anh ra. Mỵ đương thích xem các thứ ở chợ. Mỵ không nghe tiếng quát, Mỵ không biết, Mỵ không sợ ai hết. Nhưng Nhìa thì thào rít vào tai em: “Mẹ bảo rồi! Người đến giết mình kìa!”. Mỵ nhớ ra. Thế là hai anh em bỏ chạy. - Bắt! Bắt nó! - Ma chài muốn làm chết cả cái chợ này đây! - Chết thôi! - Bắt nó! - Trời ơi! Những người già đương nốc rượu lại hò bắt rầm rĩ nhất. Các tay say thuốc phiện vẫn nằm bẹp đấy thì cứ nhắm mắt mà kêu. Các ông rượu đứng lên, một chân bước ra một chân lùi vào, lắc la lắc lư quanh quẩn vẫn một chỗ. Và chỉ lát sau, các bàn rượu tiếp tục bề bộn, từng chồng bát xếp ra với đủ mọi chuyện cưới xin, mua bán, vay nợ, mai ai bán muối, mua lưỡi cày ở đâu và những chuyện thân nhau hay thù nhau, muốn giết nhau. Người tư lự thì chống tay lên má, mặt rượu lẩn mẩn thần ra, im im. Lại như lúc trước. Đằng kia, đám đông chen mua muối càng chồng đống lên. Người nhà ông Sìn đứng bán muối đương kêu mệt, sắp nghỉ bán. Thế là cái giọng nó muốn vòi tiền đấy. Cố chen vào nếu không lại phải khổ đận nữa, phải vào quỳ lạy tận nhà ông thống lý, phải có thuốc phiện bỏ ra thì mới đổi được muối. Mặc người kêu dưới chân, người hét sau lưng, có người tắc thở, đương giẫy đành đạch tụt xuống, cũng không ai buồn ngoảnh ra. Tất cả cứ húc, cứ đạp thục mạng. Còn sót lại có một anh trai mải nhảy khèn quanh mấy cô gái đứng tựa vai nhau, mặt đỏ lừ. Các cô đương truyền tay húp nốt bát rượu. Truyền đến anh thổi khèn giỏi nhất còn lại thì anh ấy đã chạy lao vào đám xúm xít mua muối lúc nào rồi. Cũng không ai còn bụng dạ đuổi bắt hai đứa trẻ nhà ma Giàng Súa nữa! Thào Nhìa và bé Mỵ chạy trốn qua cái khe dưới mé đồi giữa chân đồn quan ba với nhà quan thống lý. Trên lô cốt lởm chởm đá tai tường, có lính đứng thò súng xuống. Những hòn đá to tướng như đương lăn theo. Trên đầu hai đứa trẻ, bóng đồn cao và bóng nhà thống lý sập xuống. Nhà thống lý thì oai nghiêm như cái núi. Lúc nào cũng lũ lượt có đến mấy chục người cõng nước dưới suối lên, chia nhau đi đổ bể nước bên đồn và đổ vào ao cá bên quan thống lý. Được quãng xa, Nhìa và Mỵ đứng lại. Hai anh em vẫn thèm chợ, muốn trở lại. Nhưng trông lên đồn thấy những cái tai tường và mũi súng, thì hoảng quá, lại chạy. Hai anh em đã chạy xa. Một lúc, lại đứng lại, lại thèm chợ. Và không hiểu tại san người ta đánh đuổi chẳng cho anh em mình đi chợ? * * * Buổi chiều ấy, gió lại nổi dữ. Mỏm núi tranh đương vàng bỗng sạm đen, ngả tối chóng quá. Mỗi cơn gió lùa vào rừng sâu đưa theo nhiều tiếng động mới lạ, bà Giàng Súa cứ nghe, lúc thì náo nức muốn vui, lúc lại càng ảo não. Một đời người không ai lại nghĩ mình có lúc phải chui rúc lấp mặt xuống chân rừng thế này. Cha ông người Mèo bao giờ cũng muốn ở chỗ nào suốt đời được ngẩng lên thấy trời. Cho nên, những tiếng xa xôi ngoài núi tranh đầy những làng xóm đã làm cho người tù trong rừng càng khát nghe. Bà Giàng Súa thèm nghe tiếng gà lợn kêu điếc tai, con bò rung chuông, con ngựa lọc cọc trên đá. Tiếng ai đương gọi vọng ra nương. Một con chim đỏ như lửa nỉ non hót. Trong sân đá xếp quanh tường. Chen giữa những cây mận, cây lê, có cây đào và một dây bầu lọ xanh xanh vừa nhú quả. Nhớ làm sao những ngọn nguồn cơn vui trong núi chiều, những buổi đi làm từ mờ sớm đến mờ tối ngoài nương, suốt ngày mọi người cuốn trong công việc. Bà Giàng Súa cứ ngồi nghe và nghĩ vu vơ thế. Ba đứa con đều như mẹ - cả bé Mỵ cũng đã biết rầu rĩ rồi. Bốn mẹ con châu đầu, lặng im đến tận lúc nào thằng Nhìa nhớn nhất cũng lăn ra ngủ. Cả túp lều co ro chìm vào lối đi ăn đêm của thú rừng. Có con hươu sợ hổ bắt, lúng túng chạy, đụng lưng cả vào vách. Tối ấy, trong gió đưa tới túp lều nhà bà Giàng Súa nghe có tiếng sáo và nhiều tiếng ngựa. Tiếng quát, tiếng người rít chửi rõ mồn một. Hẳn là ông khách Sìn đương thúc người nhà đóng hàng lên thồ để ngày kia xuôi được sớm. Bà Giàng Súa đoán sắp đến ngày tàn chợ, khách Sìn lại đi rồi. Thào Nhìa đã dặn em giấu đừng nới mẹ biết chuyện xuống chợ. Nhưng bé Mỵ vừa về đã kể hết với mẹ. Mẹ sợ quá, bảo Nhìa: - Rồi có lần mày chết không trông thấy mẹ đâu. Thào Nhìa cúi đầu. Nhìa không cãi lại mẹ. Nhưng Nhìa vẫn băn khoăn không hiểu sao người ta lại đuổi đánh mình. Và Nhìa càng thèm xuống chợ. Mẹ không nói gì nữa. Nhìa cũng không dám hỏi mẹ. Bà Giàng Súa lặng im. Lửa bếp đã vạc từ lâu. Không đứa con nào trông thấy mẹ ngồi thầm trong vách. Nước mắt đầm đìa mặt mẹ mà mẹ cũng chẳng biết. Từ lâu, bà Giàng Súa đã nghĩ rằng dù sao thì ngày hôm qua còn tốt tươi hơn ngày hôm nay và đời người thì ngày càng tàn, tàn dụi như cái củi nào rồi cũng cháy đi thành than. Bé Mỵ chưa ngủ được. Bé Mỵ hãy còn mê lên vì cái chợ. Nó bảo mẹ: - Mẹ ơi! Mẹ kể chuyện chợ ông Sìn nữa đi, chợ ông Sìn ngày trước có những gì? Xuống chợ, thấy hàng trăm thứ không hiểu, bé Mỵ còn muốn hỏi mẹ hàng trăm câu. Mẹ vẫn hay kể chuyện chợ ông khách Sìn ngày trước - đã thành tên người làng gọi "chợ ông Sìn". Mẹ kể cho con nghe những thứ mong ước thiết tha từ thời con gái mà bà cũng chưa bao giờ biết, chưa bao giờ có, những tấm vải xanh, vải đỏ mới, những con chỉ đỏ thêu cổ áo, cái kim sào tốt, hai thứ hạt tiêu đen, hạt tiêu trắng, hạt tiêu chữa bệnh đau bụng, người đẻ được ăn chục hạt tiêu thì nhiều sữa và khỏi đau bụng... Chuyện những cô con gái đi chợ không hay ăn thắng cố, chỉ thích bánh ngô nướng và bát cháo đặc của người Xạ Phang bán - bà Giàng Súa biết cả. Nhưng bà cũng chưa được ăn. Bé Mỵ nghe mẹ kể những chuyện giống nhau như thế đã bao nhiêu lần, từ khi cô bé đến tuổi biết nghe chuyện mẹ. Mà lần nào mẹ kể nghe cũng đều hay. Nhưng hôm nay mẹ không trả lời con hỏi, mẹ không kể chuyện chợ nữa, mẹ nói: - Không được đi chợ đâu. Con gái ngày trước đi chợ đã có đứa hư, quên họ người Mèo, đi theo ông khách Sìn. - Đi có về không, hả mẹ? - Nó không muốn làm người Mèo thì chẳng nhớ được đường về nữa. - Khổ nó. Mẹ bảo: - Đừng thương đứa quên đường. Chỉ thương người không về được thôi. - Ai không về được, hả mẹ? Mẹ im, không đáp. Mẹ động lòng. Lát sau, mẹ thở dài: - Ông thống lý thường bắt người đi tải hàng cho khách Sìn. Năm nào ông Sìn cũng lấy đi được nhiều của cải của người Mèo, ngựa thồ không hết, phải bắt người đi tải thêm. Năm nào lấy người đi... - Chắc đi xa lắm, mẹ nhỉ? - Ừ. - Rồi có về được không? Đêm xuống, rừng lạnh buốt. Tiếng chân ngựa dồn dập nổi lên xa xa. Những tiếng chân ngựa khủng khiếp đời bà Giàng Súa. Rồi một ánh đuốc đến vung tròn ngoài sườn đá. Tiếng hỏi rít vào: - Thằng Nhìa có đây không? Thào Nhìa nhỏm ngay dậy: - Có. - Vào ông thống lý có việc quan. - Việc gì thế? - Tải hàng ông Sìn. Mẹ kinh hoảng, kêu: - Con ơi! Thào Nhìa luống cuống áp mặt vào vách, hỏi ra: - Bao giờ? - Đi ngay bây giờ. - Không đi đâu! Tôi không đi đâu. - Muốn sống thì mau lên. Tao còn phải đi gọi đứa khác đây. Bà Giàng Súa gào to: - Trẻ con mà cũng đi tải hàng! Tiếng quát vào to hơn: - Mau lên! Chết cả bây giờ! Ông thống lý đã gọi mà không nghe thì chỉ có đợi chết thật. Bà Giàng Súa sợ quá, hỏi lạc, tiếng không ra khỏi vách: - Bây giờ đi à? Người dõng ở ngoài càng xẵng: - Tao hết đuốc bây giờ thì tao dỡ nhà mày ra làm đuốc đấy. Bốn mẹ con đều rú lên. Thào Nhìa lật đật chạy ra. Người dõng cưỡi ngựa, dong cây đuốc theo sau. Chỉ nghe tiếng khóc nức của Thào Nhìa vẳng lại, lẫn vào tiếng vó ngựa lạt sạt trên cỏ tranh. Sớm hôm san, ba mẹ con bà Giàng Súa ra đứng ngoài mỏm núi. Đoàn ngựa ông khách Sìn đã xuống tới đầu dốc. Khác lúc lên, còn nặng hơn cả lúc lên, chiếc nạng thồ bây giờ lún chặt dưới những kiện hàng cao ngất. Ông chủ ngựa họ Đèo, tay cầm roi, mặt xám như cơn mưa chiều. Không có ngựa nhất ngựa nhì dẫn đường, ông Đèo cưỡi ngay con đầu, tự mình dắt cả đàn ngựa. Đàn ngựa khuất xuống chân núi bên kia rồi, mà còn tiếp theo một đoàn dài những người đi thồ hàng thay ngựa. Lính đồn đeo súng áp tải sau. Năm nay ông Sìn về Phiềng Sa lấy được nhiều hàng, phải bắt thêm những hơn ba mươi người phu tải. Ba bốn ngày đường xuống, người đi bốn năm ngày rồi thế mà khi quay đầu lại vẫn nhìn thấy chỏm núi quê. Và người đứng trên núi nhìn theo, sớm nào cũng tưởng người còn đi quanh trong nẻo rừng trước mặt. Nhưng ngày này sang ngày khác chỉ thấy mây mù từ nách núi dưới ấy đùn lên. * * * Mấy hôm sau, bọn lính đồn trở lại, kể chuyện: Đoàn ngựa ông khách Sìn bị cướp đón đánh ngay giữa lưng dốc. Lão chủ ngựa họ Đèo phải cướp đâm thủng bụng, ngã ngựa, chết ngay. Chắc hẳn lại chuyện các chủ ngựa tranh ăn, thù nhau giết nhau. Mỗi buổi sáng, bà Giàng Súa đứng nhìn xuống núi. Nó đi nửa đêm, nó đi buổi sang. Khi đêm gió thổi, khi sáng mặt trời lên đầu núi, lại tưởng ra lúc nó đi. II Không đếm được, bà Giàng Súa không còn đếm xuể được rồi về sau còn những mấy năm phải chạy chỗ đổi rừng ở nữa! Chỉ nhớ một lần ngước mắt nhìn đằng xa thấy trong làng có người ra cày như vạc núi, xả núi cho những luống đất xám vờn khắp các triền bên kia, thấy hoa thuốc phiện sặc sỡ nương nhà ai, thì biết đã lại sang mùa mới. Nhiều năm đã qua. Con nguồn chảy ra suối, con suối chảy ra sông, năm này năm khác của con người thì không biết chảy đi đâu. Một lần kia, bà Giàng Súa vào rừng kiếm rau ăn, gặp một cụ già Mèo. Bà cụ này vẻ lạ người, lạ váy áo, chắc tận đâu đến. Người nghèo thường đi như vậy. Ngay cả những người nghèo sắp chết, mà còn gặp bao nhiêu lo lắng, vẫn phải lang thang đi tìm đất mới, núi mới. Cơ chừng từ xa đến, cụ già ấy không biết bà Giàng Súa ở rừng một mình, chưa được làng xóm cho nhạt ma, chưa được trò chuyện với mọi người. Cụ già ấy cùng bà Giàng Súa đứng lại, nói chuyện. - Bà ơi! Bà có biết dưới làng Xá mới bắt được một người Mèo trôi từ ngoài suối Nậm Ngù vào. Bà Giàng Súa sợ hãi, khép hai mảnh vạt áo đã rách mòn hở lên đến ngang ngực, cúi đầu, nới khẽ: - Tôi không biết đâu. Cụ già kể: - Sáng hôm ấy có người Xá trong làng ra suối Nậm Ngừ bắt cá, gặp một người đàn bà Mèo đương đứng soi mặt xuống nước. Người Xá hỏi: Làm gì thế? Người đàn bà Mèo không nói, chỉ cười, trỏ tay xuống dòng nước chảy. Người Xá lội ra xem thì thấy một con hổ to nằm chết trong lòng suối. Bây giờ người đàn bà mới nói: Chồng tôi ngã chết đuối ở suối này. Hai vợ chồng tôi là ma, không phải là người đâu. Người Xá khiêng xác con hổ và dắt người đàn bà ấy về, đem ngâm cả hai vào vũng nước cứt trâu dưới sàn nhà. Được vài hôm, con hổ sống lại, cầm cái nón đội lên đầu, hóa thành người đàn ông mặc áo vàng. Người đàn bà cũng ngồi dậy. Cùng nhau nhận vợ chồng, từ lúc ấy không phải là ma nữa. Hai vợ chồng người Mèo bèn quỳ lạy, ơn người Xá cứu sống. Người Xá mới hỏi: - Xưa kia thì quê ở đâu? Người chồng trả lời: - Tôi là người Mèo quê tận Phiềng Sa kia. Nghe xong câu chuyện, bà Giàng Súa rùng mình, mất một lúc mới nới được: - Con tôi.. Cụ già nhìn kỹ bà Giàng Súa, rồi hỏi lại: - Con bà đấy ư? - Tên nó là Thào Nhìa. - Bà ơi! Bà đã biết đường ra suối Nậm Ngù chảy qua dưới làng Xá chưa? Hỏi thế rồi cụ già đi. Con suối nhẹ nhàng lượn ngang ống chân, như con rắn luồn qua. Từ đấy, lần nào bà Giàng Súa vàn rừng kiếm cái ăn, cũng để ý tìm cụ già người Mèo lạ. Nhưng không bao giờ gặp lại. Có lúc bà Giàng Súa nghĩ cụ này cũng chỉ là ma thôi. Ma tận đâu đến, thế thì cái làng Xá ở suối Nậm Ngù chắc xa lắm. Bà Giàng Súa biết làm thế nào đi tới được! Có lúc càng nhớ, thì bà Giàng Súa lại ngỡ như hôm ấy chỉ là mình chiêm bao giữa đường và nói chuyện một mình. Người đi rừng buồn bã, mình vẫn nói với bóng mình thế, chứ chẳng phải gặp ai đâu. Người già cũng giống trẻ con, hay trò chuyện một mình. Thương nhớ quá thì tưởng ra thế thôi. Có phải thế không? ………………… Mười năm đã qua. Vào một năm nào đấy, bỗng dưng quan đồn đem hết lính đi đâu. Người nói sang Lào, người nói sang Vân Nam. Cả nhà thống lý Mùa Sống Cổ chạy theo. Mới được mấy ngày, chưa kịp bàn tán hết câu chuyện, lại thấy quan Tây, quan Mèo trở về, vẫn ở trên đồn dưới châu như trước. Ai cũng bảo: bờ rào chưa mở đã lại đóng kỹ hơn rồi[4]. Nhưng chẳng may từ đấy không năm nào còn thấy đoàn ngựa buôn của ông Sìn về. Động rừng động suối, người đói bỏ đi vãn cả núi. Dù thế nào mặc lòng, trước kia, hàng năm có ông Sìn đến... đoàn ngựa thồ hàng ông Sìn mà về thì như trông thấy còn có ngày đứa con trở lại. Bây giờ thì không còn gì trở lại để nhớ, không còn khi nào ngước nhìn ra chờ đợi. Mặt người bây giờ âm thầm như rừng sâu. Bà Giàng Súa không chờ, không nhớ, không biết gì nữa. Trong khi ấy, người qua ngoài rừng càng đồn đại: Trời đất các nơi đã đổi khác cả rồi. Có một năm, quân Chính phủ đến. Mùa đông năm 1947, nhiều tổ võ trang tuyên truyền Xung phong Quyết tiến của đội trưởng Long Mèo chỉ huy đã tiến sâu vào vùng tạm chiếm Tây Bắc, lên gây những mối cơ sở đầu tiên trên đất Lai Châu. Rồi đoàn cán sự tỉnh, các tổ võ trang tuyên truyền huyện đi tiếp theo. Đồng chí Hồng Dương vào Tuần Giáo, đồng chí Chung vào Điện Biên... Các tổ Xung phong Quyết tiến giao lại cơ sở quần chúng Lai Châu, rồi tiếp tục phát triển ra biên giới. Quan Ba phải gọi thêm quân lên giữ đồn. Nó càng giết người, làm ác hơn nữa. Nhưng cũng từ đấy, nhân dân đã có cách mạng, không chịu cúi đầu như trước. Cán bộ đã về, cùng nhau quyết đi lấy lại đất nước. Người tốt truyền tai nhau, nói: "Chính phủ đã đến, ta được cha mẹ về dìu dắt đi cùng rồi". Không theo quan Ba, bỏ thống lý, bỏ cả mua muối trên đồn, người Mèo đi với cán bộ. Có những nơi như Pá Nhung, như Điện Biên, như Long Hẹ, cả vùng làm thế. Giặc Pháp sục vào rừng, dồn ra. Nhưng không được. Người lại chạy vào rừng lập khu du kích. Ai nấy tin có ngày trời sáng khắp rừng, có ngày được thấy đất nước của ta. Mẹ con bà Giàng Súa vẫn thui thủi sống trong các hốc đá. Một hôm, có một người lạ tìm đến hốc đá. Bà Giàng Súa quì sụp xuống, Thào Khay không kịp trốn, rúc vào trong hang. - Người nhà quan… người nhà quan… Bà Giàng Súa lẩm bẩm. Cán bộ nhấc bà Giàng Súa lên: - Bà Giàng Súa ơi, tôi không phải thằng quan đâu. - Ai đấy? - Tôi là cán bộ. Cán bộ nói cho bà Giàng Súa nghe nhiều chuyện. Nghe ra thật bỡ ngỡ, đâu bây giờ cũng khác cả. Rồi đồng chí cán hộ bảo: - Bà Giàng Súa ơi, bà Giàng Súa đi theo tôi... Thào Khay bước đến, nắm tay anh cán bộ, kêu: "Tôi đi với!”. Ba mẹ con ra khỏi cái hốc đá. Ba mẹ con theo cán bộ. Tự nhiên, mạnh bạo, không sợ gì nữa. Đã bao năm, bây giờ mới lại có ngày được trông thấy nắng từ sáng đến chiều. Ba mẹ con về ở với nhân dân khu du kích bên kia núi. Khu du kích không giống ở làng ngày trước, chẳng ai thấy bà Giàng Súa có ma. Không ai còn thì thào con mẹ Giàng Súa có ma. Không ai đánh, không ai đòi đem giết bà Giàng Súa. Cách mạng đã đem bà Giàng Súa về và giới thiệu rằng bà Giàng Súa cũng như mọi người, biết yêu đất nước, ghét thằng Tây, vì thèm được có đất nước sung sướng nên cùng mọi người một lòng đánh thằng Tây. Những điều mới lạ, thật mới lạ. Bà Giàng Súa tin có điềm lành đến thì bỏ được cái khổ. Những điều tốt lành đã đến, làm cho lòng người khô cạn bỗng dưng hồi hộp chợt vui như đầu năm thấy con chim én về làm tổ trong mái nhà. Thào Khay đã lớn, gần trạc tuổi Thào Nhìa năm trước. Thào Khay đã biết gài cái sáo trên gấu áo. Thào Khay giỏi cày nương, cành nhanh, cày chắc tay hơn cả bố ngày trước. Thào Khay mải mê đi theo các anh cán bộ, học hát, học chữ. Thào Khay khoe với mẹ thế. Thào Khay còn khoe với mẹ nhiều chuyện. Khay nói thế nào thì mẹ cũng vui. Có hôm, bà Giàng Súa thấy Thào Khay về. Khẩu súng trường nhô cao hơn mang tai, khoác trĩu đằng lưng. Mẹ chưa hỏi, Thào Khay đã nói: - Con đi công tác. Rồi lại đi ngay. Lắm khi Thào Khay đi cả tháng không về. Cán bộ bảo: Bà Giàng Súa đừng lo, Thào Khay đi công tác. Người khu du kích rỉ tai bà Giàng Súa: "Thào Khay vào bộ đội, Thào Khay đã vào bộ đội đấy". Dù Thào Khay có đi đâu, đi xa bao lâu, bà Giàng Súa vẫn yên lòng, không quản ngại. Thằng Khay đã biết cùng bộ đội đi đánh giặc. Trong khu du kích, ai cũng làm nương và đánh giặc lúc đánh xa lúc đánh gần, những công việc ai cũng biết. Thế nào thì mẹ vẫn thấy mặt con, mẹ còn gặp con. Từ khi theo cán bộ về ở khu du kích, được làm người như mọi người, bà Giàng Súa nghĩ lại những ngày cực nhục ở rừng, nhiều đêm không chợp mắt. Bà Giàng Súa nhớ Thào Nhìa. Mẹ nhớ con. Rồi đến một năm ấy xảy ra những việc thật to hơn cả đời người. Bộ đội Chính phủ lần này về cùng với du kích, đánh tan hẳn cái đồn. Có mỗi một đêm mà trông lên đồn lên châu chỉ còn thấy một đám khói đen. Bốn bức tường cao đổ xuống thành một đống đất đỏ. Những tảng đá chân tường, người các làng ngày trước phải khiêng đến, cạp lên, kiên cố thế, cũng long lở cả ra rồi. Thống lý Mùa Sống Cổ chạy đâu mất. Có người bản quan Mèo đã trốn sang bên kia biên giới. Cả chín châu mười mường đều thấy bộ đội về. Đi đâu cũng nghe nói: "Đất nước thật đây rồi! Đất nước ta thật đây rồi!". Bà Giàng Súa về làng cũ, làm nhà ở thênh thang ngoài núi tranh, như mọi người. Nhà mới mọc khéo đông đúc tựa bát úp. Người từ dưới lên, mới tới ngang dốc đã nghe tiếng chuông loong coong ở cổ con dê nhà ai đứng trên đầu mỏm đá. Trong lòng bà Giàng Súa cũng nghe có tiếng nói: - Yên vui rồi! Đất nước ta thật đây rồi. Một đêm kia, bà Giàng Súa mơ thấy mình đương trở về mười mấy năm trước. Thào Nhìa, Thào Khay, Thào Mỵ, ba con hãy còn bé. Mẹ con hôm ấy đưa nhau đi đâu xa, giữa đường gặp một bà già người Xá. Bà Giàng Súa hỏi: - Bà ơi, có phải đường này ra suối Nậm Ngù không? - Phải. Rồi bà người Xá hỏi lại: - Bà ơi, có phải người Xá và người Mèo trời sinh ra cho làm anh em một nhà không? Bà Giàng Súa đáp: - Ngày xưa, có người Mèo hóa hổ chết đuối ở suối Nậm Ngù, trôi qua làng Xá. Người Xá ra vớt được, cứu cho sống trở lại làm người Mèo, rồi nhận làm anh em. Bà Giàng Súa nhìn thấy thằng Thào Nhìa cất tiếng cười to nhăn cả vết sẹo trán Giữa lúc ấy, ở khắp các nhà trong làng, những tiếng gà mèo gáy lắc lư, kéo dài, ấm như từ lòng đất vang lên. Bà Giàng Súa tỉnh chiêm bao. Nghĩ xa nghĩ gần, bà càng thương đứa con xa. III Cuối mùa xuân năm Một nghìn chín trăm năm mươi bảy - 1957. Các vùng núi phía tây và tây bắc nước ta được giải phóng đã hơn ba năm. Trên mảnh đất ứa máu của Tổ quốc bấy lâu bị giành giựt nhàu nát nghe đã im hẳn tiếng súng. Bình yên trở lại rồi. Những toán phỉ tràn đến đều bị bộ đội và dân quân bắt hết hoặc chúng đã phải chạy trốn trở về bên kia biên giới. Tuy nhiên, những chuyện giết người man rợ của chúng vẫn còn trong những lời thì thầm bếp lửa. Đôi khi, một xóm hẻo lánh nào đó tự dưng lại lơ láo vì một câu đe doạ tận đâu đâu đồn về. Nhưng cũng chỉ phảng phất thế, rồi nhạt dần, lại có khi phảng phất, rồi lại nhạt dần. Thật sự ngày tháng ước mong đã tới. Xinh xinh như lời hát của người Lô Lô. Muốn có cánh như chim Nhưng núi rừng cao quá Ngờ đâu còn ngày nay Được làm người. Ai đến xóm người Hà Nhì cũng khen người Hà Nhì giỏi làm vườn, làm ruộng bậc thang, khen cái xóm Hà Nhì đẹp, mà chê cái nhà người Hà Nhì ở tối quá. Thật đấy, người Hà Nhì làm nhà ở chỗ cao, chỗ sáng. Xa trông, nếp nhà xóm Hà Nhì mái tranh vươn lên, tròn gọn như cái tổ ong mật. Đường lên xóm xếp đá, bậc phẳng. Nước khe đá chảy loang loáng trong lòng chiếc máng vầu bắc dưới một làn liễu. Có cụ già Hà Nhì ngồi gốc liễu uốn dây mây đan ghế. Có những cô gái Hà Nhì lặng lẽ cúi rửa rau cải. Thế nhưng nhà người Hà Nhì ở chỉ khoét độc có một cái cửa nhỏ, lúc nàn trong nhà cũng tối như đêm dày. (Có gì đâu, người Hà Nhì chúng tôi cũng biết ghét ở nhà tối và biết yêu thích cái sáng sủa, thế mà suốt đời đành phải ở nhà tối. Để chống rét và chống cướp. Kẻ cướp nào cũng sợ vào nhà tối một cửa. Vào nhà người Hà Nhì thì dễ chết. Bây giờ giải phóng rồi, đã có áo ấm và không còn phải chống cướp. Người Hà Nhì chúng tôi sẽ làm nhà nhiều cửa, ngồi trong nhà cũng xem được cả cái xóm chứa chan nước chảy trên đá qua ngoài sân nắng - vậy thì, ở nhà tối tăm không phải phong tục và không còn là thói quen người Hà Nhì nữa rồi). Ai vào nhà người Dao cũng quý người Dao khéo tay đẽo gọt, đan lát. Thế mà cái nhà người Dao ở thì cả đời chỉ tạm bợ, cột thì chôn và kèo thì bằng đố ngoãm. Chỉ vì người Dao cũng chẳng thiết gì nhà, suốt đời phải đem cái bụng đói đi theo nương, chỉ vì vua quan đốt phá làm hại, chỉ vì có nhà tốt ở thì quân cướp đến rình khoắng của. (Bây giờ giải phóng rồi, không còn thằng Tây, không còn vua quan, người Dao ta sẽ giúp nhau làm nhà có đá kê chân cột, có cửa gỗ đóng, trước cửa lại đào ao nuôi cá, trồng cây chanh, làm cối xay cối giã, sầm uất cả xóm). Người Mèo cũng như người Hà Nhì, người Dao, chẳng ai muốn lúc dọn nhà đến ở núi khác chỉ đội đi theo được có một cái chảo vỡ. Bây giờ, giải phóng rồi, người Mèo học người Hà Nhì làm ruộng bậc thang, người Mèo và người Dao định cư một chỗ, ở toàn nhà vách có mái gỗ tốt. Đất nước của ta rồi, nhân dân được thảnh thơi như con chim, các dân tộc ta đã được làm người. Như lời hát xinh xinh của người Lô Lô: Ngờ đâu còn ngày nay Được làm người. Trên các vùng du kích xưa kia, những nơi khuất xa hầu như chưa bao giờ có ai lạ đặt chân tới, cũng đã lập được ủy ban hành chính, có người các xóm ra làm đại diện chính quyền. Dưới châu Yên, công việc thật bộn bề. Các ủy ban xã trên vùng cao thường phải đi mấy ngày đường về tận dưới ấy bàn công tác với ủy ban, với Châu ủy. Rồi đến cuối mùa xuân ấy, lần đầu tiên có hàng mậu dịch đem lên bán tận Phiềng Sa. Mấy hôm trước đã nghe nói thế. Cả vùng Phiềng Sa lại biết tin cán bộ Nghĩa cũng lên cùng chuyến với muối và dầu hỏa của mậu dịch. Muối và dầu hỏa của cửa hàng mậu dịch dưới châu Yên đem lên các núi bán phòng mùa mưa lũ, bị nghẽn đường, người vùng cao không xuống châu mua được. Thế là Phiềng Sa bỗng đông hẳn lên. Ai cũng nói: - Cán bộ Nghĩa! Giọng thân thiết như thường ngày người ta nói đến A Páo, A Lử nhà này nhà kia. Từ xóm Ná Đắng ở tận dưới cửa suối lên, ai nấy kéo đi gặp cán bộ Nghĩa. Bà Giàng Súa và Mỵ cùng theo tới ủy ban, vui như ngày Tết mọi người đi ăn cỗ lần lượt các nhà trong xóm. Bà Giàng Súa năm ấy hơn sáu mươi tuổi. Các cụ đến tuổi ấy còn làm việc nhà việc nương chẳng kém con dâu, con gái. Nhưng cảnh khổ đã làm bà Giàng Súa già đi nhiều. Một bên chân bà Giàng Súa đau thành tật, khập khiễng, chỉ bước được chậm chậm. Thào Mỵ bây giờ đương tuổi tròn con gái. Vẫn mặc váy áo từ khi ở khu du kích, đã cũ, bạc trắng như mọi chị em. Nhưng ai cũng phải tấm tắc khen Mỵ đẹp nhất làng. Mặt Mỵ trắng hồng, nét tròn mềm như quả lê non. Thào Mỵ hát hay và đàn môi giỏi. Chỉ khẽ lựa hơi mà người cách mấy khoảng nương cũng bắt được tiếng đàn môi thì thào của Mỵ. Mỵ chưa biết nghĩ lâu đến cái vui và cái buồn. Khi nào mẹ kể chuyện cũ, nhớ anh, Mỵ cũng tha thiết nhớ. Nhưng, dù sao, tuổi con gái đương lớn đương chơi, những chuyện khổ chưa nung nấu trong lòng được. Cái năm, anh Nhìa đem Mỵ đi chợ, Mỵ cũng còn mang máng. Mỵ lại nhớ lúc chạy rừng, Tây càn đến nơi. Có lần Mỵ theo anh Khay vác nỏ đi phục kích. Không gặp giặc lại cùng nhau đi bắn chuột rồi đốt lửa lên, nướng ăn. Mỵ nhớ ngày kháng chiến như chuyện hôm qua, hôm kia. Hai mẹ con đến trụ sở ủy ban. Một gian nhà trên khoảng đất trống đầu bãi đá. Chẳng trông thấy cán bộ Nghĩa, chỉ thấy ai cũng nghển cổ, có đông người đi ra đi vào. Tận đẩu tận đâu, người Xá đầu ngọn suối Nậm Ma cũng đến. Hôm nay đã bán muối rồi. Mùa mưa năm ngoái, năm kia, Phiềng Sa vướng lũ không xuống châu Yên mua được muối. Năm nay muối chính phủ lên bán tận nơi. Ai cũng muốn giữ chỗ mua nhiều mua trữ. Người đeo vỏ quả bầu lọ, người cõng cái ống bương dài. Bước vào thì mặt đỏ, bước ra đã thấy tay xách, lưng vác, miệng cười phớn phở. Hẳn ai trong ấy nói đùa câu gì, làm cho tiếng cười ồn ã lại ran từ trong giữa đám cân muối ra. Thào Mỵ bước vào, không thấy cán bộ Nghĩa. Nhưng Thào Mỵ cứ đứng nán trong ấy xem ông chủ tịch Tỏa bán muối. Lúc ra, mẹ sốt ruột, hỏi, Mỵ luống cuống: - Không thấy... không thấy... Những người xách ống muối đến, nói to: - Cán bộ Nghĩa sắp đến. Bà Giàng Súa nhìn vàn đám người rồi bảo con: - Ta đợi vậy. Hai mẹ con ngồi tận ngoài gốc cây vông. Người kéo đến vẫn đông. Đến xế trưa, người xa đã về vợi, nắng đã nhạt trắng trên đá. Bấy giờ trông vào trụ sở vãn người mới thấy mặt chủ tịch Vừ Sóa Tỏa; chủ tịch Tỏa đương bán muối. Lúc nãy, bà Giàng Súa không thể trông thấy ai ở trong là phải. Trụ sở ủy ban hôm nay thực sự thành cái kho muối. Cứ trắng tinh như bãi cát bờ suối, mà chủ tịch Tỏa thì đứng nhấp nhô, ngẩng lên cúi xuống, lúc vét muối cồn cột lúc lại lách cách nhấc cái cân. Cứ tăng tả, túi bụi. Mọi ngày cũng vậy, chẳng khi nào chủ tịch Tỏa ngồi trong trụ sở. Tới phiên chủ tịch Tỏa thường trực, người có việc đến đều thấy ông chủ tịch xã đương làm nương rau trước cửa - mùa nào thức ấy, rau cải, đậu Hà Lan, đậu răng ngựa, cả mạch và ngô. Nương rau, nương ngô của xã để biếu khách qua lại công tác cứ việc chén! Và từ ngày các xóm lập tổ đổi công thì chẳng buổi làm nào của tổ mà vắng chủ tịch Tỏa. Làm cho nhà ai, bao giờ cũng có chủ tịch Tỏa, chủ tịch Tỏa vác cây đeo địu, nhanh nhanh đi đầu. Ai cũng nói: "Chủ tịch Tỏa ấy thật người của ta". Khi đó, chủ tịch Tỏa đương hét vào tai ông già nghễnh ngãng điếc cứ ngồi chống gối ngay trước đống muối: - Lão Nhìa Páo này, lấy muối đi. Ông già Nhìa Páo nghênh mặt lên. Miệng cười trống hốc chẳng còn một chiếc răng: - Tao đi xem muối thôi, không mua. Hỏi thế nào, lão vẫn trả lời một câu như thế. Chủ tịch Tỏa lại phải quay đi quay lại quát tướng vào cả hai bên tai. “Lấy muối đi! Lấy muối đi!". Nhìa Páo nghiêm mặt, rồi ớ ra, chừng như đã nghe thủng hay đoán hẳn được câu nói của chủ tịch Tỏa. Nhưng rồi Nhìa Páo lại trả lời một câu chẳng ra sao: - Tao chưa biết ăn một hạt muối của thằng Tây đâu. - Muối này là muối của Chính phủ. Nhìa Páo gật: - Được! Cả hai con ngựa nhất ngựa nhì của thằng chủ ngựa Đèo vừa mới lên đến đây ông đã làm cho chết phát điên ngay một lúc rồi. Chủ tịch Tỏa không nói nữa, cứ điềm nhiên nhấc cái túi lừ vắt trên vai Nhìa Páo xuống, xúc đổ vào túi hai ống muối. Nhìa Páo cũng không nói thêm, từ từ cuốn túi lại gọn trong tay rồi đứng lên, bước ra, đi và cười một mình. Lúc ấy, chủ tịch Tỏa đã mặt đỏ phừng vì mệt, hai tay áo xắn cao. Từ đống bao tải muối ngẩng lên, ngảnh ra, thẩy mẹ con bà Giàng Súa, chủ tịch Tỏa gọi: - Bà Giàng Súa! Đem tiền vào đây lấy muối này! Chủ tịch Tỏa cố nói to, mà giọng đã khản khé. Mấy người còn đứng đấy đều quay cả ra chỗ mẹ con Mỵ và gọi hộ. Bà Giàng Súa vẫn lặng im, thờ ơ nhìn vào. Chủ tịch Tỏa lại hét to: - Bà Giàng Súa à! Ai già cũng điếc như Nhìa Páo cả à? Rồi giơ hai cái ống vầu đong muối lên: - Vào đây mà lấy muối. Bà Giàng Súa đáp: - Tôi còn đợi cán bộ Nghĩa, ông chủ tịch ạ. Người đứng quanh đấy, cười to: - Phải rồi, bà già còn ngồi đợi gả con gái cho cán bộ Nghĩa đấy. Có gặp tận mặt mà nói chuyện mới cẩn thận được. Mỵ lúng liếng quay đi, má bừng đỏ, mồ hôi ra xâm xấp đầy trán. Lúc ấy, vừa hay Nghĩa tới, người và ngựa lên dốc đường dài, đương bốc hơi. Nghĩa đã tới đây hôm trước, lại mới trở xuống châu Yên đôn đốc một chuyến muối và dầu hỏa nữa lên. Nghĩa vắt cương ngựa qua cành vông, bước đến. Hai anh cán bộ mậu dịch người Thái cũng vừa đưa hàng lên cùng, đương loay hoay mở nắp cái thùng dầu hỏa mới, rồi khiêng ra góc sân bên. Ngày mai bán dầu hỏa ngoài bãi đá và bán muối cho những làng ven bên kia núi. Trong tàu ngựa, mấy con ngựa cắm cúi liếm cái bao bì muối ướt thâm sịt. Ngoài kia, nắng bừng to. Thỉnh thoảng, từ trong bóng nắng xanh rờn trên cỏ, lại nhô ra một con ngựa. Một anh chàng nào về mua muối chậm, vừa ném vội cương ngựa vào gốc vông, không kịp buộc, đã nhảy xuống. Con ngựa đực đứng trong tàu vênh mõm cất vó, hí ầm ĩ. Bà Giàng Súa gọi: - Cán bộ Nghĩa! Cán bộ Nghĩa đến bắt tay bà Giàng Súa và bắt tay cô Mỵ: - Bà Giàng Súa! Cả cô Mỵ cũng về mua muối kìa! Bà Giàng Súa hỏi ngay: - Cán bộ đi xa lâu thế có gặp thằng Khay không? Bà lão tưởng ai đi đâu cũng đều gặp Thào Khay. Nghĩa nói: - Khay đi học rồi. - Đi học à? - Học xa đấy. - Học xa thì ban giờ được về? Nghĩa cười: - Bà Giàng Súa đừng lo. Khay học giỏi lắm, sắp về rồi. Bà Giàng Súa cũng cười. Cái cười nhợt nhạt kéo rúm nét mặt lại, nhưng con mắt trìu mến thì ánh lên, ngước nhìn Nghĩa. - Khay đi học với Chính phủ bao giờ về cũng được, tôi không lo đâu. Nói thế rồi bà Giàng Súa bỗng sa nước mắt. Nghĩa không hiểu sao, nhìn Mỵ. Nghĩa không thấy Mỵ buồn mà lại thấy Mỵ mỉm cười và quay đi. Lấy làm lạ, Nghĩa hỏi: - Mẹ Mỵ khóc gì vậy. Mỵ nói: - Mẹ muốn hỏi đường về suối Nậm Ngù, anh Nghĩa ạ. Bà Giàng Súa nức nở. Mỵ lại nói. - Anh Nghĩa có biết suối Nậm Ngù ở đâu thì bảo mẹ. Bà Giàng Súa nói: - Cán bộ Nghĩa đã đi khắp đất nước rồi, có biết suối Nậm Ngù ở đâu? Nghĩa nhớ ra câu chuyện vừa đáng cười vừa đáng thương về thằng Nhìa hóa hổ rồi được người Xá cứu cho sống lại - bà Giàng Súa đã kể nhiều lần, từ khi Nghĩa còn ở khu du kích. Có lẽ từ ngày đầu tiên, cán bộ Nghĩa đến tìm bà Giàng Súa trong hốc đá, bà Giàng Súa đã kể chuyện ấy. Nhớ thế, Nghĩa nhớ luôn câu trả lời đã quen, Nghĩa bèn thong thả lắc đầu: - Tôi chưa lần nào được đến Nậm Ngù. - Bao giờ cán bộ Nghĩa đến suối Nậm Ngù có người Xá thì bảo cho tôi biết với. - Suối Nậm Ngù chảy qua làng người Xá. - Ừ, suối Nậm Ngừ chảy qua làng người Xá, năm ấy... Ông chủ tịch Tỏa ở trong trụ sở đã đong sẵn rồi đem ra đưa cho bà Giàng Súa hai ống muối, đủ một cân. Chủ tịch Tỏa nói: - Muối đây. Lại toan rút cái túi trên vai bà, như rút túi của lão Nhìa Páo, nhưng bà Giàng Súa đã cầm cân muối gói chặt trong chiếc lá dong bắt chéo, đem đặt vào chiếc địu dựng cạnh chân. Rồi bà cúi đầu, nhắm mắt, ngồi yên. Không phải bà còn tưởng đến con suối Nậm Ngù xa xôi mà bà đương nghĩ về cân muối cầm trong tay. Cân muối, cân muối trắng bông. Bao nhiêu năm chưa được nhìn thấy có lúc có cả một cân muối nhiều như thế. Lúc xúc động là lặng im. Người ta nhắm mắt lại mà chiêm bao thì ngẫm ra nhiều điều. Cán bộ Nghĩa vừa nói: "Thằng Khay học giỏi lắm". Cái ngày cán bộ Nghĩa đến túp lều nhà bà ở hốc đá trong rừng, từ ngày ấy, bà Giàng Súa nhẹ như cất được quả núi trên lưng. Cán bộ đến, nhạt ma rồi thằng quan thằng lính chết rồi, Khay đi bộ đội rồi bây giờ đương học giỏi ở xa. Khay sẽ về, Khay sắp về. Những hạt muối trắng hơn bọt nước suối. Hàng đời người mới trông thấy cả gói một cân muối. Ngày trước, bà Giàng Súa hay nghĩ đời con người như mớ củi đốt lên đến tàn. Không, bây giờ bà Giàng Súa thấy đời người như bếp vừa lên lửa, mỗi lúc một sáng, mỗi ngày một sáng hơn. Rồi cũng có khi bà Giàng Súa hỏi thăm được đường đến suối Nậm Ngù. Đời người ta quả nhiên là mỗi ngày một sáng hơn rồi. Chủ tịch Tỏa nói: - Chốc nữa anh Nghĩa về ăn cơm với tôi nhé. - Bây giờ đồng chí đi đâu? - Đi vào rừng kiếm thịt ăn. Rồi chủ tịch Tỏa khoác súng, phóc lên lưng một cơn ngựa không có yên. Con ngựa cung cúc chạy. Còn một mình Nghĩa đứng đấy, Mỵ hỏi: - Đã lâu sao anh Nghĩa không lên Phiềng Sa? - Công tác bận lắm. - Có người nói giải phóng rồi, cán bộ về làm quan dưới ruộng, chẳng lên núi như lúc kháng chiến nữa. Đấy là người xấu nói. Em không tin, anh Nghĩa nhỉ? - Phải, người xấu nói thế thôi. Bây giờ tôi lên lập kho muối đấy. Tôi chuyển sang làm cán bộ kinh tế, cô Mỵ ạ. - Cán bộ muối à? - Thế đấy. Việc gì của Chính phủ cũng là việc cách mạng, cô Mỵ ạ. Tôi sẽ lập cửa hàng mậu dịch. - Ở đây à? - Ở đây. Mỵ cười: - Thế thì anh nghĩa là người dân tộc Mèo rồi. - Tôi vẫn là người Mèo, cô Mỵ chưa biết ư? - Biết rồi. Lại cười. Nghĩa cũng cười, nhớ lại một chuyện của mình năm trước. Năm ấy, đội võ trang tuyên truyền phát triển sang tới biên giới, các tổ cán bộ vào Tây Bắc củng cố cơ sở, tổ chức các đoàn thể kháng chiến. Nghĩa từ Phú Thọ theo đường châu sông Mã vào một lần với các đồng chí Bắc Dũng và đồng chí Trần Quốc Mạnh. Nghĩa lên phụ trách “trạm" giao thông đường dây qua Phiềng Sa. Nghĩa đến một mình, nhưng nhân dân thấy cán bộ đến giúp đánh Tây liền tin cậy ngay. Người Mèo vốn đã từng trải nhiều lần đánh giặc Pháp. Ngày xưa, ngót trăm năm trước, khi giặc Pháp đến chiếm nước ta, Phiềng Sa đã nổi lên. Suốt dọc biên giới dài sang Xiêng Khoảng, vào sâu Hà Giang, đâu đâu người Mèo cũng đánh Pháp. Nhưng rồi không có người đi đầu tài giỏi nên không lấy lại được đất nước. Ở Phiềng Sa, giặc Pháp giết mấy chục người. Còn bao nhiêu, đem đi bỏ tù dưới đường xuôi, không ai sống về được quê. Nghĩa lên đây đã nghe nói về tinh thần quật khởi và truyền thống dũng cảm ấy của Phiềng Sa. Thế rồi, nhiều lúc trò chuyện, Nghĩa thường kể cho mọi người nghe câu chuyện của mình tưởng tượng ra sau đây: Bố Nghĩa làm ruộng quê dưới xuôi. Ngày trước bố Nghĩa cũng làm cách mạng đánh Pháp, bị bắt đi tù. Ở tù, gặp một người Mèo, hai ông kết nghĩa anh em. Bố cho Nghĩa thăm hỏi, làm đầu con nuôi ông bạn người Mèo phải đi tù xa quê. Đến lúc ốm sắp chết, ông bố nuôi dặn lại Nghĩa: “Con ơi! Cha mẹ ngày trước sinh ra ta, cho ta được nhìn trời ở Phiềng Sa. Sau này, con nhớ mà tìm đường về, nhìn cho thấy trời Phiềng Sa". Vì vậy Nghĩa đã nhớ, đã biết quê Phiềng Sa từ thuở bé. Lớn lên, đi làm cách mạng, được Chính phủ phái vào Tây Bắc, lên công tác Phiềng Sa, Nghĩa mừng như được Chính phủ chỉ đường về quê, Nghĩa lên ngay. Chuyện có ông bố nuôi người Mèo là chuyện Nghĩa tưởng tượng ra. Nghĩa nghĩ: đặt ra câu chuyện ấy làm cho cán bộ với nhân dân càng đoàn kết thân thiết. Và thật thì Nghĩa đương làm theo lý tưởng tốt đẹp của câu chuyện ấy. Những cán bộ người các dân tộc anh em đến với nhân dân Tây Bắc đương làm theo lý tưởng ấy. Mỗi lần kể chuyện làm con nuôi người Mèo, Nghĩa đều cảm động, như thấy lại những ngày cũ thật như thế. Đã biết bao nhiêu cán bộ lặn lội vào Tây Bắc ngày kháng chiến. Những con đường vào Tây Bắc, con đường chỉ độc một vết chân người tìm ra, con đường quanh co tránh đồn, tránh địch đưa người cán bộ vào tới nhân dân. Nhưng trên những gian khổ, nhiều đồng chí đã nằm lại. Đoàn cán bộ xung phong vào Tây Bắc của Nghĩa có lần qua dốc Lùng Cúng, leo trên sườn đá sương mù, dưới rừng đọng nước như thạch. Có đồng chí rét quá, không chịu được, ngã xuống, chỉ đưa đẩy con mắt được mấy lần rồi thôi. Nghĩa vào tới Phiềng Sa, gặp lại tinh thần kháng chiến, như ở địa phương mình. Đâu cũng kháng chiến. Nghĩa tưởng mình là người Mèo, có câu chuyện con nuôi thật. Không đùa cợt, Nghĩa nói "tôi là người Mèo", chân thật và bình thường. Ngẫm nghĩ một lát rồi Mỵ trả lời Nghĩa: - Không phải, anh Nghĩa là người quê xuôi thôi. - Cán bộ công tác đâu thì lấy đấy làm quê mình, cô Mỵ ạ. - Còn người ở quê nào thì về lấy vợ quê ấy, không lấy vợ ở quê công tác. - Cô Mỵ có là chim bay đâu mà biết. - Em biết. Nghĩa không nói thêm. Nghĩa cẩn thận, giữ ý trước tình cảm sôi nổi tự nhiên của những cô gái vùng cao. Bà Giàng Súa đứng dậy, chào Nghĩa và dặn: "Hôm nào xong công tác, nhớ đến nhà chơi". Mỵ theo mẹ bước ra. Ánh chiều xanh dịu lướt thướt qua bãi cỏ trước cửa. Người đi tận đằng này cũng nhìn thấy bóng dài xuống đến chân nương. Nghĩa lơ đãng trông ra, tình cờ thấy trong nắng, bóng bà Giàng Súa đi chậm chậm. Tò mò, Nghĩa đợi nhìn bóng Mỵ theo sau. Nhưng lạ, sao không thấy. Rõ ràng, vừa đây ra, Mỵ bước đi sau mẹ. Nghĩa ra hẳn cửa, nhìn theo. Thì thấy Mỵ đeo địu trên lưng, vẫn tần ngần đứng bên cửa. Đôi mắt lư đừ. Nghĩa thoáng nhìn thấy thế, rồi cúi nhanh xuống không dám nhìn thêm. Cảm tưởng đôi mắt ấy vẫn nhìn anh. Nghĩa hỏi: - Cô Mỵ đứng đấy làm gì? Mỵ nói: - Em đứng đây đợi chào anh. Chào anh Nghĩa. Rồi Mỵ chạy theo mẹ, không quay đầu lại. Trong kháng chiến, thường qua nhà bà Giàng Súa, Nghĩa xem Mỵ như em. Ba năm không lên Phiềng Sa, hôm nay trở lại, cô bé năm trước đã có cặp mắt đương thì biêng biếc, làm xao động lòng người. Mỵ có lòng yêu Nghĩa. Người con gái e lệ, nhưng lại thật thà hồng bột tin yêu. Nếu bây giờ Nghĩa chỉ nói một câu yêu Mỵ, lát sau, cả vùng đều biết Nghĩa nói Nghĩa yêu Mỵ, cả vùng biết Nghĩa cho Mỵ chiếc khăn hay Nghĩa đã giữ cái gương của Mỵ rồi. Mơ màng thế, Nghĩa bồi hồi. Nỗi bồi hồi của người trai được yêu. Nhưng Nghĩa lại buồn ủ ê. Nghĩa chưa có vợ. Nghĩa chẳng có ai ở đâu chờ đợi, nhưng Nghĩa không muốn yêu người ở đây. Nghĩa không muốn. Thế là Nghĩa lại vẩn vơ nghĩ. Quê Nghĩa dưới Phú Thọ. IV Một hôm, người đi làm nương sớm nhìn thấy từ dưới núi đi lên một đốm trăng trắng. Rồi sau mỗi lúc trông một rõ ra đấy là một người cưỡi ngựa. Người ấy cưỡi ngựa trắng, đội mũ lưỡi trai có cái lưỡi cứng đen nhoáng, mặc quần áo dạ đen, kín cổ. Chân đi bốt lửng cao su. Lưng đeo cái túi da vuông. Người thanh niên cao lớn trắng trẻo, vành tai to. Hai má lông tơ, đi trong sương lạnh, má cứ hồng lên. Con ngựa lững thững giữa đám cỏ tranh vàng áy. Người trên nương không đoán được ai quen. Có lẽ bộ đội dưới châu lên. Bộ đội thật. Vì đồng chí ấy đội cái mũ lạ và có chiếc túi da đeo lưng. Đồng chí bộ đội lên đến đầu dốc thì xuống ngựa. Các khe núi đương tuôn sương mù dày đặc, trăm nghìn dòng suối bông chảy ra lưng trời, chảy ngang người, ngang ngựa. Con đường chỉ còn mờ mờ dưới chân. Nhưng những tảng đá to rải rác ven bờ thì đồng chí bộ đội vẫn trông thấy rõ và nhớ, gọi tên ra từng tảng được. Những tảng đá lực lượng ngồi đấy, đứng đấy. Đá đứng đá ngồi, đá cũng có việc, đá không chơi không đâu. Đồng chí bộ đội nghĩ thế. Tảng đá kia có cái tai bành ra che ô cho người làm nương và người đi chợ trú mưa. Tảng đá này có hang sau lưng. Ngày trước, mỗi khi du kích đi chiến đấu về lỡ sáng giữa đường, thì leo lên hang ngủ. Có tảng đá, mặt hũm sâu bằng giếng, chứa nước trời quanh năm. Chuyến nào đi giao thông vượt dốc đến đây, khát nước, trèo lên cúi mặt xuống hớp một hớp, ngọt hơn nước đọng ống vầu. Có những tảng đá rỗng. Cụ già về đến đấy thì mỏi rồi, liền đem cành củi cắm vào chân đá. Chân đá đầy que cắm của các cụ già mỏi gối. Cụ già cắm củi vào chân thần đá để xin thần đá phù hộ cho chân người càng đi càng khỏe ra. Mỗi hòn đá lặng lẽ bên đường mà mang trong mình biết bao nhiêu chuyện. Con đường này, người già đi rồi, cái khổ lên rồi cái khổ qua. Con đường này đã bao lớp người đi qua. Nó chẳng ở yên đâu. Bây giờ nó sắp đến kỳ thay đổi, con đường cho lớp người trẻ đi, cho hạnh phúc, cho ngựa phóng, cho ô tô lên. - Ta đã đi nhiều đường ô tô lên vùng núi cao khắp đất nước. Phiềng Sa rồi cũng thế. Những ngọn núi lượn vòng chân trời kia. Đất nước mình bao la không bao giờ hết. Vui quá đồng chí bộ đội ngước nhìn sườn nương đã cày vỡ. Trong sương sớm, đã thấy những người chăm làm lố nhố đi ra. Đồng chí bộ đội buông cương cho con ngựa đứng lại. Ngựa được dịp cúi mõm, lặng lẽ quơ cỏ. Đồng chí bộ đội nhảy xuống, tựa lưng vào sườn con ngựa ấm, rút sáo thổi. Cái sáo lưỡi đồng thả tiếng vờn theo bóng sương, đâu cũng nghe tiếng. Đường quê người Mèo Bao nhiêu dốc, bao nhi.êu núi Bao nhiêu bài hát khó nhọc Đường nào qua Tà Sùa[5]. Ai mà khéo thổi sáo đến thế? Các nương đổ cả ra đầu dốc. Lúc kháng chiến, người quê ta đi du kích, đi bộ đội cũng nhiều. Hay là lại có người trở về? Trong một khoảng nương cách núi nàn đó, không thấy nhau, nhưng nghe tiếng sáo trả lời. Đường quê người Mèo Một nghìn dốc, một nghìn núi Một nghìn bài hát khó nhọc... Lúc ấy, đầu dốc đã phủi khỏi làn sương, nhìn xuống thấy nhô lên con ngựa trắng. Ai cũng trông thấy một người cưỡi ngựa mặc áo dạ tím, đeo túi da, đi giày và đội mũ lưỡi trai bóng nhoáng, mặt trắng hồng, tai to. Đẹp quá, không phải người quê ta. Ồ, nhưng trên túi áo ngực người cưỡi ngựa lại lấp ló cái đuôi sáo buộc sợi chỉ đỏ. Thế thì ai đây? Người cưỡi ngựa trông lên, cất tiếng hỏi: - Còn nhớ tôi không? - Nhớ lắm. - Tôi là ai? - Đồng chí bộ đội. - Bộ đội nào, bộ đội anh Long hay bộ đội anh Mạnh? - Bộ đội Thào Khay đây. Tất cả các núi cùng kêu lên: - Thào Khay! Ngoài nương còn sót một cụ Nhìa Páo điếc, thấy người ta chạy hết ra đầu núi, cũng đã theo nốt ra rồi. Đàn bò vàng đeo chuông, đủng đỉnh dừng lại. Một con chó to, xù lông, hốt hoảng tưởng chuyện gì, đứng sủa vọng ra. Con ngựa đương gặm cỏ bỗng dưng cũng lơ đãng đánh rơi mấy nhánh cỏ, rồi cất mũi, hí dài vào vòm sương đương tan. Các cụ già nhớ ngày xưa các cụ có câu khấn người chết phù hộ "người sống ở lại trên đời sinh đẻ con cái cho đông dòng họ, lội suối không bao giờ ngã chết đuối, con gà con lợn con ngựa nuôi đều to béo, khỏe mạnh”. Lúc ấy, các cụ già nghĩ: "Những người hy sinh lúc kháng chiến đã phù hộ cho Thào Khay được trở về, béo tốt, mặc quần áo đẹp, trong người có súng, có chữ". Thào Khay đã trở về, đúng như ước mong của mọi người. Ở nhà bà Giàng Súa và con gái đương sắp cơm đi nương. Mỵ còn cời trong đống than ra mấy quả ớt nướng. Bà Giàng Súa lắng nghe tiếng chân ngựa rầm rập ngoài phên. Lại thoáng sợ rợn người. Cái giật mình suốt đời của bà Giàng Súa. Thào Khay bước vào, nói to: - Lạy mẹ! Bà Giàng Súa ngớ ra. Rồi bà Giàng Súa chạy lại: - Thằng Khay! Mẹ nắm cả hai bàn tay, dõi mắt vào mặt con. Bấy lâu lòng mẹ có ngần nào thương nhớ, dồn vào đấy, không buông mắt buông tay con ra được nữa. Người làng đã vào đông đầy, nhìn thấy thế, đều đứng im. Không ai cười, cũng không ai khóc. Cả vùng này xưa kia tối tăm, cả vùng này ngày nay giải phóng, có giải phóng mới sinh ra được một người bộ đội đẹp như thế cưỡi ngựa về, đứng một chỗ mà thơm khắp nhà. Mọi người lẳng lặng đi quanh, ngắm nghía hai mẹ con. Đến lúc Mỵ khe khẽ nói: - Mẹ bảo anh Khay ăn cơm! thì mẹ mới buông tay con trai, rối rít ra dọn cơm. Dọn thế nào mà mấy lần lấy chậu đựng ngô lại lấy lẫn bát canh cải bát muối ớt giã. Thào Khay ngồi ăn, thong thả, ăn một miếng lại cất tiếng mời mẹ, mời họ hàng - vẫn nhớ phong tục tốt đẹp quê mình: ai ăn - uống thì luôn luôn mời người xung quanh cùng ăn. Tay nó cầm thìa múc bột ngô đưa lên miệng vẫn khéo lắm. Thấy thế, mọi người đều mừng rỡ sung sướng lạ lùng, chạy về đem cơm ngô sang cùng ăn. Họ cười khoái như xưa nay chưa trông thấy ai ăn cơm ngô ngon lành thế. Bà Giàng Súa hỏi: - Con về với bộ đội nào? - Con ở trường về, mẹ ạ. Thào Khay nhấc chiếc bao da trên vai, mở nắp túi. Cái hộp tiêm ánh ra màu kền sáng. Cái ống nghe thòi hai chiếc vòi cao su như hai cái hoa dáy đỏ rơi xuống. Bà Giàng Súa không biết những gì đấy. Thào Khay cắt nghĩa: - Con học trường y tế, con biết chữa bệnh, mẹ ạ. Bà Giàng Súa tròn mắt nhìn: - Con làm thày cúng của Chính phủ a? Thào Khay cười: - Con là đồng chí y sĩ của Chính phủ. Mỵ cũng cười: - Em biết rồi. Đồng chí y tá dưới châu Yên cũng có những cái này! Thào Khay nói: - Đúng đấy. Rồi Thào Khay lại múc ngô, múc canh, cười đùa, kể chuyện cưỡi ngựa thổi sáo. Người làng càng thấy nó thật là thằng Thào Khay. Chủ tịch Tỏa, rồi Nghĩa tới. Trong nhà đông ngộn người. Cái điếu cày truyền khắp nhà, truyền đến tận người ngồi trong các xó. Vui quá, ai cũng vê mồi thuốc lá đưa mời nhau. Trẻ con leo thang lên sàn bếp, ngồi vắt vẻo thò đầu nhòm xuống. Chủ tịch Tỏa hỏi: - Về công tác hay về chơi đấy? - Về công tác. Nghĩa nói: - Khay về làm y tế, tôi về làm mậu dịch, đồng chí chủ tịch kiêm tổ trưởng đổi công, đồng chí chủ tịch sướng chưa? Chủ tịch Tỏa nói: - Tốt quá, tốt quá, có thêm người về, không vắng vẻ như năm ngoái nữa, bây giờ chúng ta đông đặc rồi. Thào Khay nói: - Giấy giới thiệu của tôi đây. Cả Đảng, cả chính quyền giới thiệu đấy. Có người hỏi lại: - Mày đã được về công tác đây a? - Được rồi. Chủ tịch Tỏa châm đóm hút thuốc. Cái đóm dúi vào lửa bếp đã cháy lại tắt mấy lần mà chủ tịch Tỏa vẫn chưa rít xong điếu thuốc, chủ tịch Tỏa vẫn lẩm bẩm chưa ngớt nói: “Tốt quá. Tốt...". Một người khác nói to: - Ông chủ tịch ơi, ông gả con gái ông cho thằng Khay thì nó được ở quê mãi thôi. Tiếng cười ầm cả nhà. V Trong cuộc họp xã hôm ấy, các trưởng thôn làng Mèo, làng Dao, cả những trưởng thôn ở các làng người Lừ và người Xá rải rác dưới thấp, ngoài cửa suối Nậm Ma, phải đi cật sức hai ngày mới tới, cũng về. Nghe đồng chí Nghĩa nói: “Năm nào mưa lũ cũng lấy mất đường, không xuống châu được. Năm nay chúng ta sẽ làm kho trữ muối. Có nghẽn mưa cũng chẳng lo". Các trưởng thôn đều trả lời: - Sướng chưa! Nghĩa lại nói: - Các đồng chí trưởng thôn làng nào thì về đem người làng ấy lên làm nhà kho. Mọi người đáp: - Thế thì xong rồi. Chỉ có trưởng thôn Pàng ngồi im, lúc lúc lại rít liền từng chập ba mồi thuốc rồi chống tay lên má, ủ ê nhìn ra. Vẫn không yên tâm, chốc chốc Pàng lại quay nhìn Nghĩa. Pàng có điều bối rối muốn nới. Người trưởng thôn ấy ở một xóm chưa được mười nóc nhà tận cái cửa suối xa nhất xã và cũng xa tận cuối cùng đất nước, ngày ngày có bao nhiêu khó khăn qua lại, ban nhiêu khó khăn chờ đợi. Nghĩa đang mải nói giữa cuộc họp. Sôi nổi, hào hứng, Nghĩa không để ý nỗi băn khoăn của Pàng. Đã lâu mới lại có cán bộ về công tác, nhất là thấy Nghĩa về, ai cũng tranh nhau kể chuyện và hỏi dồn. Nghĩa phải trả lời hàng trăm thứ. Từ những tin đồn về các vùng Thái đương lên hợp tác xã đến chuyện con trâu sa hố đá. Cả chủ tịch Tỏa cũng hỏi Nghĩa luôn. Lát sau, chừng không chịu được, Pàng bước đến trước mặt Nghĩa: - Nó nói rằng người Xá có công với cách mạng nhưng vì người Xá nghèo ở bờ suối, nên bây giờ Chính phủ bỏ quên người Xá rồi. - Ai nói? - Bọn bên Lào về nói. - Thế có đúng không? - Tôi vẫn bảo nó nói sai, đến hôm nay trông thấy anh Nghĩa thì tôi lại biết nó sai thật rồi. - Chuyến này chúng ta về đưa anh em lên làm kho. Bà con các làng được gặp nhau luôn thì sẽ thấy đoàn kết, thấy đông vui, càng tin tưởng, đồng chí ạ. Nhiều anh em lên nhé. - Bọn ở Lào về cứ nói mãi Chính phủ bỏ ta rồi. Chính phủ mà bỏ ta thì ta cũng phải bỏ Chính phủ, đi ở nơi khác thôi. Chửi nó, nó vẫn nói thế. Khó lắm. - Đồng chí làm trưởng thôn… - Bọn nó chửi tôi rằng mày không phải người ở Ná Đắng mày cút về Huổi Ca cho người Ná Đắng chúng tao muốn đi đâu thì đi. Nghĩa chưa hiểu và ngạc nhiên. Trưởng thôn Pàng lại khe khẽ hỏi: - Anh Nghĩa có còn nhớ Huổi Ca? Nghĩa vẫn chăm chú nhìn trưởng thôn làng Ná Đắng, như đang nhìn qua người ngồi đấy mà thấu ra một điều khác, một điều đau khổ mà vô cùng thiêng liêng đối với những cán bộ kháng chiến trên miền Tây. Pàng còn trẻ, nhưng vóc người võ vàng, khó rõ tuổi. Thoạt nom Pàng cũng đoán biết được dân tộc Xá còn nhiều khó khăn. Quần áo vải thô không nhuộm, đen xỉn như trát đất. Vành khăn thô lố khoanh trên đầu, cũng ảm đạm như màu áo, càng làm khuôn mặt Pàng gồ ghề, trắng nhợt. Người Xá xưa kia vốn có hèm sợ núi cho nên hay làm nhà ở tránh xuống bờ suối. Tay không có một tấc sắt, không bới nổi cục đất. Người ta kể cổ tích: ngày xưa con hươu đến giẫm qua cái nương mới đốt, lốt chân nó lỗ chỗ bước như thế để nó dạy ta biết cầm cái que chọc lỗ tra hạt. Con hươu thương người Xá. Cho nên, biết ơn con hươu, người Xá không bao giờ ăn thịt hươu. Người Xá hiền lành, quanh năm chỉ xúc tép, bẫy cá, nhặt rau, đan vó, quấn cót, lấy song mây ghép ghế, đóng mâm đem đổi ngô làng Mèo, đổi gạo làng Thái, suốt đời lội theo con suối nhìn tăm cá, không muốn nhìn ai gặp ai, càng nghĩ càng buồn số phận làm người. Trưởng thôn Pàng, hai con mắt nhạt nhạt, nhìn lại Nghĩa: - Anh Nghĩa ơi! Pàng tôi ngày trước là người ở Huổi Ca... Nghĩa nhắc lại, như nói theo: - Huổi Ca à... Huổi Ca à... Huổi Ca. Cái xóm Huổi Ca ngày trước có vài ba nóc nhà bên suối Nậm Cuổi. Suối Nậm Cuổi xanh rợp bóng rừng, con suối lắm cá, nguồn kiếm ăn của các làng Xá và làng Thái hai bên ven bờ. Năm ấy, những đội Xung phong Quyết tiến đương phát triển sang biên giới phía tây, đến Huổi Ca thì gặp mùa nước lớn. Muốn qua Nậm Cuổi phải khảm thuyền. Nhưng vùng này không có cơ sở, không đầu mối liên lạc, không người đưa. Các đồng chí võ trang, khi biết đây là một xóm nghèo, liền quả quyết vào hỏi đường. Lúc đầu, đón suối; người ra, vừa thấy hút bóng bộ đội đã chạy mất. Đêm lần vào một nhà, kể chuyện thằng Tây làm khổ dân ta thế nào, người cách mạng cùng nhân dân đánh Tây thế nào, cả nhà đều cúi mặt, giàn giụa nước mắt. Đêm sau, cả xóm lẳng lặng đến ngồi nghe đội võ trang kể chuyện đánh Tây. Thế là đội Quyết tiến qua được Huổi Ca. Xóm Huổi Ca đưa thuyền, lại nhất định nèo mỗi đồng chí phải cầm theo một giỏ cơm, một gói cá muối. Ít lâu sau, đội võ trang trở ra qua thì không thấy làng Huổi Ca đâu. Đế quốc đã đốt hết và giết cả làng Huổi Ca. Chỉ còn sống sót mấy em nhỏ lúc Tây vào làng thì đương đi mò cá. Nhớ chuyện Huổi Ca, Nghĩa cảm thấy thân thuộc với Pàng như anh em, dù Nghĩa không hề biết làng Huổi Ca. Cũng như mọi cán bộ Tây Bắc, ai đã từng lăn lộn vào Tây Bắc tạm bị giặc chiếm, khi nghe những chuyện nhân dân Tây Bắc đấu tranh gian khổ và dũng cảm ngày kháng chiến, dù chuyện xảy ra ở bản ở mường xa nào, bao giờ ta cũng đều cảm thấy thấm thía như có mình cùng lúc ấy, ở đấy. Nghĩa hỏi: - Rồi Pàng chạy được lên Ná Đắng à? - Lúc ấy anh em làng Thái ở dưới suối lên cứu Pàng về nuôi. Nhưng anh em tốt bấy giờ thì ở chỗ nào cũng nghèo. Mỗi mùa Pàng lại phải đi ở đổi tay đổi cửa một nhà. Pàng đi mãi, lặn lội lên đến suối này thì đã lớn, đã biết đi kiếm cái ăn một mình, thế là thành người Ná Đắng. Trước kia, Nghĩa chưa hề gặp Pàng. Nhưng, Nghĩa cũng lại như mọi cán bộ hậu địch miền Tây, Nghĩa biết nhiều chuyện và đi công tác ở các làng Thái, làng Dao, làng Mèo, làng Lừ, Nghĩa đã kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần những tấm gương giác ngộ và lòng trung thực của người Xá, của những làng dân tộc Xá suốt mười năm kháng chiến đã làm liên lạc, đưa đò cho cách mạng qua sông Đà, sông Mã, các suối Nậm Ma, Nậm U, Nậm Mu... Địch đánh thì chịu, nhất định không nói. Địch bắt ai thì người ấy chịu một mình, không nói thêm cho ai, không bao giờ vỡ mối. Chết cả xóm như Huổi Ca cũng không bỏ cách mạng. Nhiều đội du kích đã tổ chức trận đánh "rửa thù cho anh em Xá ở Huổi Ca". Ngày ấy, làm lễ truy điệu xóm Huổi Ca rồi đội Quyết Tiến đi, đem theo một em bé. Em bé gái sống sót, các đồng chí gặp nó ngồi khóc bên bờ suối. Các đồng chí đặt tên kỷ niệm là bé Huổi Ca. Đã hơn mười năm rồi. Nghe nói về sau bộ đội cho bé Huổi Ca đi học và cũng nghe bé Huổi Ca bây giờ đã là một nữ thanh niên đương học trường Đại học ở Hà Nội. Và bây giờ, từ ngọn suối ra đến cửa suối, trên Lai Châu hay dưới Sơn La, đâu có người Xá, đấy đều biết vô khối chuyện lạ lùng và vui sướng về "con bé Huổi Ca người Xá đương ăn học ở thủ đô Hà Nội". Trưởng thôn Pàng cũng khoe "hôm ấy Huổi Ca cùng đi mò cá với tôi, nó bằng tuổi tôi". Mỗi khi gặp cán bộ, Pàng thường xưng mình người Huổi Ca và khoe “con Huổi Ca học ở Hà Nội. Người Huổi Ca chết rồi mà nghe thế chắc cũng vui!”. Được nói với ai như vậy, Pàng sướng như gặp anh em, cái gì cũng muốn kể ngay. - Không, anh Nghĩa ạ, người Ná Đắng đều cùng một bụng với ta. Chỉ lúc nào có đứa ở Lào về xui giục thì nó lại nghĩ vẩn vơ mà thôi. Lâu quá, chẳng có cán bộ ta đến Ná Đắng. Lời phải đã lâu chẳng ai được nghe, chỉ nghe nói nhảm. Con dím ra phá nương cũng đổ tại Chính phủ, người ốm cũng tại Chính phủ, con tôi ốm nó bảo tại tôi làm trưởng thôn. - Ừ, đã lâu thật, không có cán bộ xuống Ná Đắng. - Chỉ một mình Pàng thì khó lắm. - Tôi sẽ xuống họp xóm với đồng chí. Có anh em tới thì nhân dân lại vui ngay thôi mà… Pàng cười nhệch cả mép. - Sướng quá. Hình như từ nãy Pàng chỉ băn khoăn điều ấy, thì nay đã được bằng lòng rồi. Con mắt Pàng tinh nhanh hẳn lên. Chủ tịch Tỏa tranh: - Để tôi xuống cho. - Ở nhà còn nhiều công tác. Bận sau ông xuống, ông chủ tịch ạ. Chủ tịch Tỏa sốt sắng nhưng bao giờ cũng dễ dãi, lại giơ tay cười: - Đúng rồi. Ta tiếp tục họp thôi. Đến chỗ nào rồi nhỉ? Nhưng câu chuyện với Pàng vẫn còn khiến Nghĩa phân vân. Ba năm về công tác dưới châu Yên, chính đến cả Nghĩa cũng dường như đôi khi mờ nhạt tình cảm đối với vùng cao, nơi mình đã làm công tác của cách mạng và chia sẻ cái sống cái chết với nhân dân trong cuộc kháng chiến. Cũng không muốn hiểu vì sao mà lạnh lùng thế. Có lẽ, dù thế nào thì công tác ở vùng thấp cũng thuận lợi và dễ chịu hơn. Những dễ chịu ấy đã chớm thành thói quen. Hôm vừa rồi lên Phiềng Sa, người ngựa vượt dốc, thở ngùn ngụt như bốc khói. Đã lâu mới ngồi ngựa, đêm nằm đau ê ẩm suốt đêm. Cũng ngại. Nhưng đến lúc nghĩ so với ngày trước trèo núi cả tháng, cả năm, cả đêm thì lại thấy tinh thần trách nhiệm thấm thía trong người và tưởng như bấy lâu mình vẫn ở vùng cao. Chuyện với Pàng làm cho Nghĩa nhớ lại những làng xóm hẻo lánh, thưa thớt, tít tắp trên núi. Trước kia, bao giờ cũng vậy, nhân dân gặp cán bộ thì tin yêu, nhận làm người họ, nhận làm anh em. Cán bộ đến thì nhớ đời, không đến thì tủi, giận, lo lắng, nghi ngờ. Những ý nghĩ ấy giục Nghĩa xuống với nhân dân Ná Đắng. Nghĩa tin mọi người đương mong chờ cán bộ, như lúc kháng chiến. Bấy giờ mùa xuân đã qua. Trời Phiềng Sa mù vữa ra rồi buông mưa xuống, cơn nọ rả rích gối cơn kia. Trông sang cửa núi bên kia, suốt ngày thấy bụi nước mịt mờ trùm qua đầu người đi. Nghĩa theo suối quanh xuống hết triền núi, thì đã xế chiều. Bốn phía đều tận cùng hoang vắng. Ngẩng mặt lên, chỉ còn gặp đồi tranh và một tầng không xám ngắt. Bất chợt, rẽ ngọn tranh ra thấy ở chân rừng thưa đằng trước có một túp nhà, như cái nấm mọc trơ trọi trên thân cây mục. Không đến kịp Ná Đắng, Nghĩa nghỉ lại đấy. Cái nhà sàn thấp ọp ẹp, dáng như nhà nương. Ông cụ chủ nhà cởi trần, khăn quấn quanh búi tóc cao, ngồi đầu sàn, cặm cụi tước đay đan lưới. Mỗi lần con dao miết nghiêng lên, lại kéo theo một sợi đay trắng bóng. Lần lần, từng sợi đay treo lên cọc như bức mành rủ. Nghĩa cất tiếng chào: - Cụ làm gì đấy? Ông cụ ngước cặp lông mày bạc trắng, trông như có sợi đay vừa vướng lên trán. Tay ông cụ vẫn giơ con dao tước đay. Nghĩa thấy thoắt một cái, lưỡi dao bập mạnh vào thân đay, như giận dữ, một cách lạ thường. Cây đay tẽ đôi ra. Nghĩa hơi giật mình, thoáng nghĩ có cái gì khang khác. Ông cụ lẳng lặng đứng dậy, vào nhà. Trong xó nhà, phía vách giường thờ, vẳng ra những tiếng sừng trâu gieo lóc cóc. À ông lão già này yếu bóng vía, còn nặng mê tín. Có người lạ đến thì lo, phải vào "hỏi ma" xem việc xấu hay tốt đến. Rồi lại thấy ông cụ ra ngồi tước đay. Chắc con ma bảo "tốt" nên ông lão không nói gì. Thỉnh thoảng, đến các làng, Nghĩa vẫn gặp những người già hiền lành và mê tín như thế. Biết vậy, Nghĩa yên trí hơn. Tối sập xuống từ nãy mà ông cụ người Xá vẫn ngồi làm. Nghĩa cũng yên lặng, Nghĩa đi cắt cỏ rồi ra lùa con ngựa vào đứng gầm sàn. Đến khi tối hẳn, ông cụ mới lom khom đứng dậy. Lúc nãy Nghĩa cũng ngợ hay là ông cụ mắc bệnh hủi. Làng thường có thói quen cũ hay bắt người hủi, người ho nhiều phải vào rừng ở một mình. Nhưng bây giờ trông lại dáng hai bắp chân ông cụ đứng choãng, vững như dé chân sắp quăng chài, thì biết không phải là người bệnh. Thôi rồi, có thể ông cụ bị làng ngờ ma chài. Cái độc ác của xã hội cũ đầy đọa bà Giàng Súa, Nghĩa đã biết và đã cứu được người ra. Tục lệ dã man trói buộc đầu óc và giết người. Ở những chỗ khuất nẻo này có thể vẫn còn những tệ hại ấy. "Ông lão bị người ta ngờ có ma nên gặp người không dám nói. Tội nghiệp!". Nghĩa tự cho mình đoán đúng. * * * Nghĩa không đoán đúng. Không như Nghĩa đoán, ông cụ này không phải người ở vùng Phiềng Sa từ lâu. Cũng không bị hủi hay có ma chài, ông cụ ấy bình thường như mọi người già cả. Người Xá nghèo, lại già mà nghèo thì đi đâu, lang bạt đâu cũng vậy thôi, chẳng mấy ai chú ý. Ông cụ đến đây từ bao giờ, không rõ. Chỉ biết đã mấy năm nay, mỗi lần nhà nào ở Ná Đắng có người ốm, lại ra gọi ông cụ về cúng. Những người già đều biết cúng. Và người ta ưa mời người lạ đến cúng hơn. Từ bao giờ, ông cụ tới đây, cũng không rõ. Cả ông cụ cũng chỉ mang máng nhớ mình từ khi lớn lên cho đến lúc biết bắt cá và đan ghế, đã ở qua ba con suối, rồi vào đến con suối Nậm ma đây thì gần hết đời người. Một đời người đi kiếm ăn phải thay ba bốn con suối, mà vẫn giữ nguyên cái khổ cực và một câu hát buồn. Ông cụ hát hay lắm, buồn lắm. Những khi lội suối bắt cá, ông cất tiếng than "đời đi ở" thì người nghe muốn tránh xa, muốn bỏ đi mà không bỏ đi được, muốn khóc, muốn bắt ông đừng hát rồi lại van ông cứ hát, cứ hát mãi nỗi khổ của chúng ta cho chúng ta nghe nữa đi. Cách mạng vào Tây Bắc. Các làng Xá dọc sông dọc suối đều đứng lên. Thằng đế quốc chẳng lạ gan người Xá. Nó giết cả làng như ở Huổi Ca, mà cụ già một mình này vẫn chở đò cho cách mạng. Tây đi càn, bắt được ông, đem về đồn. Tây đồn bảo thông ngôn quát: - Thằng ăn thịt hươu mất giống Xá kia? Quan bảo mày hát cho quan nghe. Cụ già cất tiếng than, tiếng đắng cay, tiếng giận dữ: Nhà ông bắt làm bằng gỗ đẽo Ông mổ chó con canh với hoa chuối cho ăn Gắp hai ba đũa không nên miếng thịt Chỉ toàn bã gừng vụn Ăn môn nhiều quá, ngứa cổ đau bụng Kiếp làm tớ ông pọng Mường Muối nặng nề thay Trốn đi Mường Hoa sợ xa cô Chạy đi Mường Quài lo xa chú Ước gì nước lũ ngập ngọn cây cớm Ngập ngọn cây dâu da Chết cả Xá lẫn Thái Chết cả ngựa dưới gầm đã thắng yên Chết cả ông quan ngồi hàng uống rượu[6]. Nghe thông ngôn nói lại, Tây đồn đập bàn, cười to: “Không phải thế! Không phải thế!". Nhưng nó không đánh ông già, cũng không bắt đi vác nước như mọi tù khác, mà sớm tối cho ăn xong rồi đi ngủ. Một hôm, lính đến bịt mắt ông già lại, dắt tay đem đi. Đi đâu, lâu lắm, mới được mở mắt ra. Thấy mình đương đứng giữa ánh sáng đèn, chân bước lên tòa nhà thềm cao, bên trong ngồi giữa một ông mặt bôi vôi trắng phốp đội mũ mặc áo thêu rồng, lại có hai ông áo tướng mặt nhọ đen, cầm gươm đứng hai bên. Ông vua nói tiếng Xá rằng: Trời thương người Xá nên sai tao về làm vua đứng đầu giống người. Người Xá và người Mèo trước kia đều có người đầu họ, có vua, có chữ, sau vì người Kinh độc ác mới làm cho người Xá, người Mèo mất cả vua, cả chữ. Bây giờ Trời cho quan Tây về với vua cùng nhau đánh chết hết bọn Kinh, bọn Thái, cho người Xá và người Mèo lại được vua, được chữ. Chữ đã về đến đỉnh núi kia. Chỉ còn giết nốt mấy cán bộ Kinh là xong. Từ nay nó có đến bảo chở đò thì ta giết nó đi. Về gặp anh em thì nói lại như vậy. Vua dặn thêm: ai theo vua thì làm thế. Ông già quỳ xuống, cúi rạp đầu. Bỗng nhìn thấy cái ống quần ông vua rách gấu lỏa tỏa và thấy ông vua cũng đi chân đất đen như thui, như chân mình. Hôm sau, ông già được thả. Trở về, ông già cứ mê mê mẩn mẩn chẳng biết lúc ấy mình tỉnh hay mê. Khi tưởng mê, khi ngỡ thật rõ có gặp vua. Lại nghĩ nếu không giết cán bộ, vua sẽ không cho theo. Nhưng rồi thấy cán bộ đến, cán bộ ở với ta, lúc no lúc đói cũng đều bàn những điều phải. Mấy lần muốn cầm dao giết mấy lần có ý định lúc khảm thuyền qua suối thì cầm sào đánh vào gáy. Nhưng hễ trông thấy cán bộ, hễ cầm đến con dao, cái gậy, lại nghẹn ngào, không giơ lên được. Về sau, nghĩ khổ quá, cán bộ đến thì ông già tránh mặt. Nhưng cũng không yên, cứ u uất một mình chẳng dám nói với ai, hỏi ai. Cả đêm ròng rã không chợp mắt. Nghĩ quá không biết làm thế nào, đành phải đi. ông cụ thình lình bỏ đi. Người suối ấy cũng không rõ tại sao và ông bỏ đi đâu. Ông cụ lần đến ở hẻo lánh bên suối gần Ná Đắng đã mấy năm. Giải phóng lâu rồi, mấy lần nghe nói đất nước cả châu Yên đã được giải phóng. Bỗng chốc, ông già lại tha thiết nhớ những anh cán bộ ngày trước, nhưng rồi, vẫn một mình, ông cụ lại âm thầm ngẩn ngơ mang máng như không biết, không nhớ. * * * Nghĩa để một phần cơm nếp vào chạn biếu ông cụ, rồi mới ăn gói cơm. Lát sau, Nghĩa ngồi hút thuốc lá lập lòe bên lửa, lòng bình thản. Cảnh bình thường, quen thuộc này thường thấy mỗi buổi tối đi công tác rẽ vào ngủ nhờ trong xóm. Chủ nhà quen hay lạ, ít nói, không nói, có khi người ta ngại, có khi chẳng vì cớ gì. Không nói nhưng ai nấy vốn tốt bụng cho nên mọi việc cư xử cứ êm đềm và tự nhiên. Nghĩa đã quen thế rồi. Nghĩa trầm ngâm hút thuốc, nghĩ lơ mơ gần xa. Phú Thọ. Những khi rỗi và vắng, thường thả mình rong ruổi về đất quê. Nghĩa lên công tác Tây Bắc từ lâu. Cha mẹ đã khuất núi, anh em thì mỗi người một phận rồi. Cho nên, tuy nhớ, nhớ miên man nhiều mà chẳng rõ nhớ ai. Đồi cọ, lá già xanh biếc, lá non nõn như lụa; đồi chẩu vào hè hoa trắng; mùa dứa mùi dứa thơm đến ngọt cả nắng; vui nhất là những vụ hái chè đầu xuân; nước giếng chân đồi Phú Thọ trong mát đã có tiếng; sông Thao "nước đục người đen"; nhớ sao nhớ thế, cứ đếm lại từng đứa bạn trai gái cùng lứa tuổi. Ông cụ cầm chiếc que đóm dài châm vào bếp. Ông cụ sắp đi đâu? Ánh lửa hẩng lên, soi rõ mặt người cán bộ và cụ già lặng lẽ. Đêm hôm thế này, ông cụ đi đâu? Đột nhiên, Nghĩa lại ngại một sự gì bất trắc. Hay là đi báo bọn xấu, bọn cướp đến giết người lấy súng rồi nổi phỉ? Không có lẽ. Nghĩa đã thuộc cả Phiềng Sa, từ lâu, vốn thuần những người tốt. Bọn tay sai thống lý Mùa Sống Cổ cũng trốn sang Lào đã mấy năm nay rồi. Thế thì ông cụ đi đâu bây giờ? Có bọn phản động bên kia biên giới thường lẻn về - trưởng thôn Pàng mới nói thế. Mà ở giữa rừng đêm nay chỉ độc một ta với lão. Nghĩa hỏi. Phải hỏi xem ông cụ định đi đâu. Ông cụ chợt ngẩng nhìn Nghĩa. Thế rồi ông cụ lại điềm nhiên dụi tắt bó đóm đã bùng lửa, ngồi vào hóc cột, lại đan lưới. Như lúc nãy, chỉ còn có đống lửa bếp leo lét với hai người. Nghĩa ngủ phấp phỏng. Cũng một phần vì cẩn thận, mà cũng tại nhiều bọ chó quá, suốt đêm bọ chó sục sạo khắp người. Dưới châu Yên bây giờ thật dễ chịu, thuốc ĐĐT phun mỗi năm hai lần, trắng cả làng xóm, không đâu còn sót một mống bọ chó, rệp, ruồi vàng. Ông cụ đan lưới bên ổ lá, không ngủ. Đêm đầu hè trên núi, khuya, hiu hiu lạnh như đêm tháng mười. Tiếng nõ điếu sòng sọc rít vừa dứt, con ngựa đứng dưới gầm sàn bỗng rùng mình, hắt hơi loạn một chập, rồi im. Cái vắng càng trùm lên, thăm thẳm hơn trước. Người không ngủ được, ngồi dậy, cời lửa, nghe con hươu rời rạc kêu theo bóng khuya, từng tiếng đi dần từ núi ngoài vào núi trong, nghe thế cũng đoán biết được đêm đã sang canh mấy. Ông cụ rít hơi thuốc nữa xong, cất tiếng hỏi: - Cán bộ này... Nghĩa thú vị, nghĩ thầm: "Đấy, ông lão bắt đầu quen với mình, cứ tự nhiên thế thôi mà". Nghĩa sốt sắng: - Cái gì, hả cụ? Ông cụ hỏi: - Tại sao người đi đường nghe hươu kêu lại gặp điềm xấu, ai thấy con chim bay qua phải bỏ cả cái nương đương phát. Trời ghét gì người Xá mà chỉ cho ta cái sợ, cái khổ thôi! - Không phải, thằng Tây làm ta khổ. Ông cụ lặng im một lúc, rồi nói tiếp, nói những gì ở đâu đâu: - Ai đi đường, tay cầm điếu thuốc, gặp con hổ thì đừng chạy, đưa điếu cho hổ hút bốn mồi thuốc ngon thì hổ nói. Hổ sẽ nói: bao giờ người Kinh theo vua Kinh, người Xá theo vua Xá, thì mới hết khổ, phải không? - Không phải đâu. Đứa nào nói thế, a cụ? Những câu ông cụ nói như nói một mình giữa đêm, cứ từng tiếng rời rạc, ú ớ, như gọi hồn, như khóc. Người nghe tưởng ra trong bóng tối có con hổ đến cầm cái điếu cày hút thuốc, có người chết đương ngồi dậy. Nghĩa nhìn xoáy mắt vào ông cụ. Mặt ông cụ lồi lõm như tảng đá, vẫn thản nhiên. Nghĩa hơi xẵng: - Đứa nào nói thế thì cho nó xuống tù dưới châu Yên. Nói nhảm! Ông cụ cúi mặt, ngó quanh, sợ sệt. Nghĩa dịu lời, hỏi lại: - Đứa phản động nào nói thế, cụ già ơi? Ông già cúi đầu, lại lặng im. Sau Nghĩa hỏi gợi ngọt nhạt thế nào ông già cũng không nói nữa. Nghĩa biết có nhiều cụ già Mèo, cụ già Xá hay cụ già Thái "đầu óc mê tín", lúc nào cũng như đương sống lẫn với người chết. Các cụ hay băn khoăn chuyện người chết sống lại, cho là có thật. Ông cụ này chắc cũng có tính lẩn thẩn ấy. Nhưng Nghĩa còn cảm thấy ông cụ hình như không phải chỉ lẩn thẩn hay bị ma ám. Ông cụ có những nghĩ ngợi khó hiểu. Nghĩa ngờ ngợ. Con từ quy khắc khoải gọi bạn suốt đêm trong rừng sâu bây giờ đã bay ra tới đầu nhà: trời sáng. Nắng sớm cuồn cuộn lồng lên từng tảng sương xanh thẫm, xanh nhợt rồi tan xanh lơ. Mép núi lóng lánh sáng. Những triền đá, những cánh đồi tranh xám mờ chiều qua đi ngủ bây giờ lại miên man rướn lên một làn sóng chàm biếc vượt xa quá tầm mắt. Trời quang quẻ nắng, những u uất và bí mật khó hiểu cũng rũ xuống đâu mất. Nghĩa xuống thang sàn, nói to, vui vẻ: - Cụ ơi! Hôm nào cụ cho tôi ăn cá với. Chào cụ! Nghĩa nhanh nhẹn đi. Ông cụ lẩm nhẩm chào lại hay khấn khứa gì không biết, rồi đứng dậy, rút nhanh con dao tước đay trên hóc cột, ra đầu tháng, nhìn theo Nghĩa đương lúng túng dắt con ngựa đau móng, con ngựa cứ nhót chân nhảy chụm, trượt trên gờ đá. Ông cụ lại vào nhà, lấy cặp sừng trâu ra gieo quẻ. Lát sau, ông cụ tần ngần ngồi xuống, lại tước đay như cũ. Một lúc lâu, ông cụ nhìn lên, thấy nắm cơm nếp cán bộ biếu, để trên gác bếp từ tối qua. Ông cụ buông thõng tay dao, thừ mặt, nghĩ, rồi thở dài. Nghĩa đi quá nửa buổi thì xuống đến Ná Đắng. Xóm Ná Đắng thấp thoáng bên những ngọn nước kè trắng từ trên núi buông xuống ngay đầu nhà. Cả xóm đi nương vắng. Đương vụ mà chưa kịp làm cỏ, ngô và cỏ tranh đua nhau lên, rậm lút đầu. Nương rẫy lúc giáp hạt, chưa trông thấy gì ăn được, chỉ tràn lan một màu xanh khó nhọc, rợn mắt. Những đám khói ủ lửa đầu bờ còn âm ỉ. Tiếng chó chạy sủa tang tang trong rừng ẩm ướt. Nhưng không thấy người. Chắc trong rừng có người đi tìm đào củ mài. Người vợ trưởng thôn Pàng vừa về tới nhà. Chị địu một giỏ khoai nước, chất cao hơn đầu. Sợi dây quai "giỏ" chằng lên trán, phải níu tay vít xuống cho dày căng khỏi vướng đầu đứa con ngồi địu sau lưng. Bé đương ốm. Bé úp ngoẹo mặt vào lưng mẹ, hai chân sạm đen, thòng xuống như hai cái dải khoai. Bé anh theo sau, cũng cõng cái giỏ khoai to. Về tới trước cửa, vừa ngồi thụp, cả bé anh và cái giỏ nặng đều lăn ình ra. Nghĩa hỏi: - Đồng chí Pàng đi đâu? Người đàn bà đáp khẽ: - Không biết. Nghĩa đợi một lúc thì Pàng về. Pàng cởi trần, mình nhợt nhạt như ngâm dưới suối lên. Một giỏ nặng củ mài và rau lợn buông trên lưng xuống. Buổi chiều, mỗi người đều đi kiếm bữa ăn về nhà. Cái lưới vẫn vướng lòng thòng trên nửa vai. Thấy Nghĩa, Pàng luống cuống quên gỡ. Pành nói như reo: - Anh Nghĩa vừa xuống à! Buổi tối ấy Nghĩa ăn cháo củ mài nấu nõn chuối ở nhà trưởng thôn Pàng. Cái đóm Pàng cầm soi vào mâm ăn cứ bị tắt luôn. Nhưng cũng chẳng cần đến chút lửa chập chờn. Có gì phải gắp đâu. Nghĩa hỏi: - Hôm nọ Pàng có lên mua dầu hỏa không? - Có. - Sao không thắp đèn? Pàng đứng dậy, lấy trong hóc cột ra cái ống nứa đựng dầu hỏa bọc lá chuối khô, như ống mật. Pàng đưa ống cho Nghĩa ngửi biết mùi dầu hỏa như để khoe Nghĩa biết Pàng có dầu hỏa, chứ Pàng cũng không thắp. Nghĩa nói: - Chưa có bóng à? Hỏi xong Nghĩa mới nhớ dưới châu Yên cũng hết bóng đèn. Và Nghĩa càng thấy Phiềng Sa cần có một cửa hàng tổng hợp bách hóa cố định rôm rả vài trăm mặt hàng. Nghĩa đoán Pàng không thắp đèn có thể còn vì một lẽ ở đây người ta quý dầu hỏa. Dầu hỏa hiếm, lâu lắm mới lại được thấy dầu hỏa. Nhưng Nghĩa không biết làng không thắp đèn vì có đứa xấu đương nói dầu hỏa của Chính phủ có ma chài, Pàng cũng ngại thắp. Con Pàng đương ốm. Nghĩa hỏi thêm: Bà con lên mua muối mua dầu hỏa đủ cả chứ? Pàng nói: - Đủ. Bé em nằm đằng góc sàn ỉ ê khóc. Vợ chồng Pàng xúm đến. Nghĩa xuống gầm sàn vác củi lên, cời bếp cho to lửa. Bé anh vừa buông bát cháo, đã ngủ khì ngay bên bếp ấm và sáng. Lúc bé em dịu khóc, Nghĩa lại hỏi Pàng: - Nhân dân đương bận lắm a? - Ai cũng đi ở nương làm cỏ, đồng chí ạ. - Ta họp xóm được không? - Phải gọi về mới họp được. - Thế thì mai họp, đồng chí Pàng à. Nghĩa bàn cách cho Pàng họp xóm. Những điều thiết tha thường nghĩ, Nghĩa đã sắp đặt thành kế hoạch từ lúc đi đường. Nghĩa nói theo công việc và lòng mình đương sôi nổi. Pàng ngồi nghe, nhưng trong bụng còn vướng bao nỗi lo khác. Chốc Pàng lại bước ra sàn bên, ôm đứa con vẫn lả trên cánh tay. Pàng lo quá. Nghĩa thì chăm chăm những việc mình đương nói. Ngay từ lúc mới đến Ná Đắng, Nghĩa đã thấy mọi khó khăn của mọi người và của Pàng đúng như Pàng nói hôm trước. Nghĩa nghĩ: "Xã hội chủ nghĩa thì việc gì cũng tốt, trước sau giải quyết cả thôi. Ngày mai, Thào Khay sẽ xuống chữa bệnh cho con Pàng. Năm nay, Ná Đắng vào tổ đổi công và cuối năm, cả Phiềng Sa có cửa hàng mậu dịch, rồi tổ đổi công lên hợp tác xã, lần lượt thế đấy" Nghĩa tin những việc tốt ấy, việc của cách mạng và hạnh phúc, nhất định ai cũng đều thích. Và thế là Nghĩa chẳng để ý đến nỗi niềm riêng của Pàng nữa. Không phải Pàng chỉ lo con ốm. Nghĩa bàn điều gì, Pàng đều hiểu, muốn làm theo. Và Pàng đã hiếu từ khi nhớn lên, biết nghĩ biết mình người Huổi Ca là người đi theo cách mạng rồi. Khi giải phóng ít lâu, chủ tịch Vừ Sóa Tỏa xuống bảo "ta đã có đất nước rồi", cả xóm còn phân vân. Nghe nói Tây vẫn giết người ở Mường Lay, lại còn nghe kể chuyện thằng Tây đồn chạy qua biên giới dọa lại: “Ít lâu nữa quan về, đứa nào theo Việt minh thì quan về chọc tiết cả họ". Pàng đã không ngần ngại, Pàng không sợ, Pàng đứng ra làm trưởng thôn cho cách mạng. Lâu nay, Pàng nghe có người thở dài nói với nhau: ở với Chính phủ mấy năm rồi mà chẳng thấy Chính phủ đâu. Lại hỏi nhau: - Chẳng may mà thằng Tây về nữa thì ai che chở cho ta? Những lo âu ấy Pàng không trả lời được. Người ta lại nói: - Đến chết hết mất! Pàng chửi đứa nói nhảm và những đứa hay buồn rầu. Thế rồi có người đến bảo Pàng: - Mày làm trưởng thôn cho nên con mày ốm. Pàng lại chửi đứa rủa Pàng. Nhưng bé em ỉa chảy đã nhiều ngày. Pàng còn lo nhiều nữa, nhiều nữa, nhiều lúc chính mình cũng bối rối. Bọn xấu ở đường Lào lén lút về thì thào, làm cho nhân dân cứ đương vui lại buồn. Muối và dầu hỏa đem về xóm hớn hở được vài hôm. Rồi lại cứ im im. Có tiếng đồn ma chài trong dầu hỏa. Lại như có ai còn dọa dẫm điều gì nữa. Quả thế thật. Có tiếng than thở: "Chẳng may nếu đế quốc Mỹ nó đến mà thấy dầu hỏa này, muối này thì có Chính phủ đâu để che chở cho ta?!”. Pàng quát to trước mặt những người hay ngơ ngác: "Chính phủ là tao, Chính phủ là mày!". Nói thế, nhưng cũng không biết cắt nghĩa sao cho rõ ra, và cũng lại muốn được hỏi ai, muốn hỏi: Bảo cho ta thế nào, ta làm thế nào bây giờ? Lo lắm. Cuộc họp đủ mặt người cửa suối Ná Đắng. Ai về họp, thoạt thấy Nghĩa, đều chạy xô đến - dù người xưa nay chưa gặp Nghĩa bao giờ, cũng cứ nắm chặt cả hai tay Nghĩa. Mấy hôm nay nghĩ vơ vẩn bây giờ mới lại thấy vui. - Đồng chí Nghĩa về công tác à? - Lại thấy cán bộ về rồi! - Cán bộ Nghĩa ở Ná Đắng với chúng tôi! - Có đứa nói bây giờ các anh về dưới ruộng làm quan châu quan tỉnh, chẳng còn ai lên vùng cao nữa. Nghĩa cười: - Đứa xấu mới nói thế. Thưa bà con... Nghĩa bắt đầu nói chuyện. Chuyện miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vùng cao vào đổi công, làm hợp tác, lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam thì đấu tranh thống nhất. Chúng ta theo Chính phủ. Chúng ta làm gì bây giờ? Trước mặt Nghĩa vẻn vẹn có gần hai chục người - tất cả các nhà ở xóm Ná Đắng. Họ ngồi im, chăm chú. Trong khi nói, Nghĩa thật xúc động nhớ bữa ăn cháo củ mài nấu nõn chuối buổi tối hôm qua ở nhà Pàng. Một tay Pàng cầm đóm giơ lên soi chỗ ngồi ăn, một tay Pàng lấy chiếc thìa gỗ múc cháo. Lúc kháng chiến, cán bộ bảo "ta hãy cùng nhau cố gắng để đi lấy lại đất nước”, mọi người đều nghe và làm việc, đánh giặc để lấy lại đất nước. Bây giờ được đất nước rồi, nhân dân chờ đợi và hỏi "Ta lại cùng nhau làm gì nữa? Ta cùng nhau làm gì nữa?”. Những điều cao xa và thiêng liêng mà trước kia chúng ta đã sôi nổi chiến đấu để thực hiện, ngày nay đã thành toàn những sự thật xem thấy được. Vì thế, bây giờ cách mạng yêu cầu Nghĩa phải trở nên người cán bộ cụ thể. Sống và chiến đấu trong nhân dân, Nghĩa hiểu sâu sắc như vậy, Nghĩa bằng lòng được cấp trên phân công về làm thương nghiệp và lại lên vùng cao. Sôi nổi, những công việc sắp tới! Nghĩa hiểu làm người cán bộ kinh tế của chủ nghĩa xã hội không phải là nhà buôn, đổi chác tính lãi, chỉ biết ních tiền chặt túi như bọn đế quốc và tư bản. Việc Nghĩa sẽ làm, trước nhất là cùng giúp nhau làm đổi công xóa những khó khăn nghìn đời lúc giáp hạt như bữa cháo củ mài nõn chuối ở nhà Pàng, rồi đem cày cuốc tốt lên đây, rồi làm hợp tác có ruộng định cư, nhân dân xây dựng đời sống và giúp đỡ cách mạng giải phóng miền Nam. Làm gì ư? Thưa bà con, Đảng bảo chúng ta làm thế đấy... Nghĩa say những quang cảnh Phiềng Sa sắp tới mà Nghĩa đã nói và vẽ ra với bà con xóm Ná Đắng. Hôm sau trở về, Pàng theo tiễn Nghĩa một quãng. - Cuộc họp kết quả, đồng chí Pàng nhỉ? Hôm này Pàng cố đưa cả anh em lên Phiềng Sa làm kho cho vui. - Tôi xem ai cũng thích, chỉ còn có một người không thích thôi. - Ai? - Nó ngồi im, không nói gì. - À… - Thằng ấy hay gặp bọn ở Lào về... Rồi Pàng sẽ nói cho nó biết phải trái. Pàng đương còn muốn hỏi Nghĩa nhiều, bao nhiêu nữa. Bây giờ anh Nghĩa ở đây, chốc nữa anh Nghĩa đã đi rồi. Nhiều người sẽ còn đến than thở và lo nhiều điều về đôi công, về hợp tác, về bọn xấu bên Lào. Nhưng Pàng lúng túng không biết hỏi anh Nghĩa những gì cho rõ hơn. Đến cửa suối, Pàng và Nghĩa đứng lại. Pàng mới hỏi: - Anh Nghĩa ơi! Chính phủ có ở gần ta không? Nghĩa hiểu câu hỏi của Pàng theo những ý phấn khởi mà Nghĩa đương nghĩ, và Nghĩa cười to, vỗ vai Pàng: - Ủy ban là Chính phủ, trưởng thôn là Chính phủ, là đồng chí Pàng. Ồ, lúc tức quá gay quá, Pàng vẫn sừng sộ bảo người ta: "Chính phủ là tao, Chính phủ là mày". Bây giờ anh Nghĩa cũng nói thế. Pàng thật thích, nhưng Pàng cũng còn băn khoăn. Nghĩa đương khoái về câu trả lời đầy ý nghĩa của mình. Nghĩa vẫn cười, rồi chợt nhớ, mới hỏi Pàng về cụ già hôm trước gặp ở túp nhà nương giữa rừng. Pàng nói: - Ông lão thày cúng. Nghĩa bảo: - Thảo nào! Toàn nói chuyện ma. Nghe nhắc đến thầy cúng và ma, nỗi lo con ốm của Pàng lại dội lên, chồng chất trong lòng. Nhưng Nghĩa đi rồi. Nghĩa ra tới giữa sườn núi, ngoảnh lại, còn thấy Pàng đứng. Nghĩa cảm về những đức tính trung thực lặng lẽ của người Xá. Dân tộc Xá, dân tộc Mèo xưa nay thật trung thực, nhưng những công việc định làm mới chỉ là những câu nói, thế mà Nghĩa tưởng mọi việc ở Ná Đắng đã được giải quyết Lúc ra đi Nghĩa chỉ thấy bồi hồi quyến luyến, như trong kháng chiến, những lần rời cơ sở quần chúng. Về Phiềng Sa, Nghĩa đến gặp Thào Khay: - Con nhà trưởng thôn Pàng ỉa chảy nặng lắm. Thào Khay nói: - Để Khay xuống xem. Trên các đầu núi, mây nước ám như khói, chập chờn đưa từng cơn mưa rào tới. Muối trữ cho Phiềng Sa ăn trong mùa mưa lũ đã dỡ ra kho dưới châu Yên, chỉ còn đợi ngựa đưa lên những chuyến đầu. Mọi việc gấp gấp, cố xong trước khi có những trận mưa to liên miên. Chủ tịch Tỏa hỏi Nghĩa: - Có gặp trưởng thôn Pàng dưới ấy không? Nghĩa kể chuyện Ná Đắng. Chủ tịch Tỏa nói: - Cái thằng hay chứa bọn xấu ở Lào về, tôi đã đuổi một lần mà nó lại về à? Lại phải xuống cho nó một trận mới được. Còn lão thày cúng thì hiền lành thôi. Năm nào lão cũng đi tìm diêm tiêu qua đây, tôi vẫn gặp. Nghĩa nói: - Tốt cả rồi, đồng chí chủ tịch chẳng cần phải xuống. Nhân dân sẽ đến làm kho, chúng mình gần gũi trò chuyện nữa, tinh thần lên thôi. Cả hai, không ai băn khoản gì nữa. Mấy hôm sau, người các làng kéo về làm kho và trạm xá Phiềng Sa nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng chưa thấy các xóm Mèo, xóm Xá phía Ná Đắng tới. Cả mấy xóm ở Ná Đắng đương sắp sửa đi. Nhiều nhà đã đóng ngựa. Bỗng dưng có một bọn ở đâu về qua, buông lời: - Mày chưa biết ư, vua ta đã về làm loạn đến Phiềng Sa rồi. Mày đi Phiềng Sa bây giờ để vợ mày lên khiêng cái xác thịt thối của mày về a? Thế là cơn hăng hái của mọi người xèo đi, như nòm lửa ra gặp mưa. Nhà nào cũng chẳng lại. Hơi một tí cũng lo sợ mà không hỏi ai được tin tức gì hơn, người ta đâm nghĩ quẩn, lại lủi đi ở nương hết. Pàng gọi, Pàng gọi. Cái xóm vùi dưới những làn mây nước, cứ ắng lặng như không. VI Đêm ấy sáng trăng. Những đêm đầu mùa hè, mây dày từng mớ, từng lớp vàng đẫm ánh trăng ủ trên những cánh rừng tít tắt chân mây, những thung lũng làng mạc xa lạ, những cánh đồng rải rác đâu trong hóc núi không ai biết. Tất cả im lìm dưới kia. Tưởng chỉ có Phiềng Sa này trên cao. Phiềng Sa gần trời. Tiếng sáo của người trai đi chơi khuya thấp thoáng ánh trăng. Giàn sao sáng rợn mắt cua chặp tối, dần dần mờ đi, khi trăng vằng vặc lên ngang đỉnh đầu. Tưởng có thể với tay tới mặt trăng, như trong truyện người già thường kể. Nửa đêm, có tiếng máy bay. Đám trai gái ngồi hát và thổi sáo trước cửa, trông ra thấy cái bóng máy bay đen như con quạ to bay dưới mặt trăng. Thỉnh thoảng, máy bay lạ vẫn qua phía biên giới. Mọi người thường nói đùa: "Đố mày dám thòng chân xuống đây!”. Mấy cụ già thức giấc, nghe máy bay gừ gừ ngoài vách gỗ thì nghĩ lo: "Thằng đế quốc còn về được trên đầu ta", rồi các cụ nổi cơn ho, trằn trọc mãi. Thào Khay sửa soạn đi Ná Đắng. Ở châu Yên, phòng y tế đã giao nhiệm vụ cho Thào Khay lên Phiềng Sa, trước nhất đi khắp vùng, tìm hiểu và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh. Đó cũng là cách giới thiệu trạm xá đương dựng - cái trạm xá đầu tiên của toàn khu tự trị. Vệ sinh phòng bệnh và chữa bệnh, những việc hoàn toàn mới. Nhân dân các dân tộc trên vùng cao tin yêu cách mạng, vì tin yêu mà làm, chứ lắm việc mới mẻ của cách mạng, bắt tay vào làm bây giờ mới biết thật là bỡ ngỡ. Vệ sinh phòng bệnh và chữa bệnh ở trạm xá là những công tác mới. Những vùng núi cao đã nghìn đời khiếp sợ, chìm đắm trong tay thày cúng và ma quỷ. Mỗi năm, vào lúc ngô vàng lá cũng là đến tuần tháng chín tháng mười buồn bã vì cứ đến cữ tháng ấy thì có người ốm chết nhiều. Bây giờ cách mạng phải làm cho khác thế. Lập trạm xá, Thào Khay sẽ đi thăm hỏi từng xóm, nói ý nghĩa trạm xá và công việc vệ sinh phòng bệnh, mở đầu trận đánh vào bệnh tật và mê tín. Cuộc sống bộ đội và trình độ văn hóa, khoa học đã rèn cho Thào Khay một nếp sống cẩn thận, có kế hoạch, biết nghiên cứu và kết luận. Thào Khay hăng hái làm thế. Thào Khay nhắc cái túi da treo trên cột xuống, kiểm lại hộp tiêm, cồn, ống nghe, mấy thứ cần thiết và thuốc cấp cứu xếp lại thành hàng chặt chẽ trong túi. Bà Giàng Súa hỏi: - Khay đi đâu? - Ná Đắng. Bà Giàng Súa kêu: - Con ơi! - Cái gì hả mẹ? Bà Giàng Súa nói: - Người Chính phủ lại xuống Ná Đắng theo vua à? - Con xuống Ná Đắng chữa bệnh. - Có người bảo con nai lông trắng đã ra Ná Đắng, vua người Xá vua người Mèo cũng từ bên Lào về Ná Đắng rồi. Thào Khay tròn mắt, ngạc nhiên, hỏi mẹ: - Ai nói thế? Ai nói cho bà Giàng Súa? Bà cũng chẳng thật nhớ có ai nói thế hay không. Chuyện người chết sống lại, chuyện vua ra, chuyện ma làm người ốm, chuyện nỗi khổ ngày xưa, những cái ấy người già hay kể. Lúc đi nương, đi rừng, những chuyện vẩn vơ này thường được các cụ đem rắc, từ đầu dốc xuống cuối dốc, để đi cho đỡ nhớ nỗi gối mỏi và đường dài. Tuổi bà Giàng Súa hợp nghe chuyện ma, chuyện người chết. Tuổi của thanh niên - từ khi cách mạng, đã giác ngộ, thì những cái lôi thôi ấy khó lọt tai. Bà Giàng Súa - một đời đã khổ vì ma, lúc nào cũng cứ nửa tin nửa lo. Và mỗi lần nghe người rỉ tai những chuyện vua ra, chuyện ma làm, thì lại như bị khêu vào vết đau, bà Giàng Súa lại ngơ ngác, và lặng im. Lúc ấy bà không trả lời được con. Bà thật chẳng nhớ ai đã nói vua bên Lào về Ná Đắng. Thào Khay bảo mẹ: - Anh Nghĩa vừa ở Ná Đắng về, có thấy gì đâu. Bà Giàng Súa nói: - Cán bộ không biết. Nó chỉ kể với nhau thôi. Nó bảo không cần dầu, muối của Chính phủ. Vua Xá vua Mèo cũng có nhiều dầu, nhiều muối, lại có ô tô, có tàu bay mười hai đầu. Nghe mẹ kể một thôi những chuyện ma quỷ kỳ quái thật lạ tai, Thào Khay bảo mẹ, giọng quả quyết: - Người ở dưới Ná Đắng hôm nọ đã lên mua dầu mua muối khắp mặt rồi. Mẹ không được sợ! Thào Khay đã tưởng lầm mẹ. Không phải sợ, mà vì thương con, bà Giàng Súa kể những chuyện như thế. Kể chuyện ấy với con, ngồi trước mặt con, nhìn vẻ mặt thản nhiên của con, bà Giàng Súa không thấy sợ gì đâu. Thường thì người già có tính hay cả lo. Bà Giàng Súa đã trải nhiều gian truân, nhưng gian truân đã không dìm chết được bà và bà Giàng Súa đã gặp được cách mạng. Từ lâu, bà Giàng Súa đã tin và ơn cách mạng hơn sợ vua quan, ma quỷ. Bà Giàng Súa nói: - Mẹ không sợ, mẹ không biết sợ đâu. Nhưng mà con đi thì mẹ lo. Có lần nghe nói bọn phản động theo đế quốc đi giết người ở Lào về qua Ná Đắng lên tận đây. Nhiều người đã gặp. Bà Giàng Súa lo là phải. Nhưng Thào Khay không để ý đến nỗi lo của mẹ, Thào Khay nói: - Chính phủ đã dạy cho con biết chữa bệnh thì không được để người chết, mẹ ạ. - Con nhà Pàng ốm à? - Không được để người chết, mẹ ạ. - Con đi chóng về nhé. Từ hôm Thào Khay về, mẹ con cũng chưa trò chuyện với nhau được mấy. Tối tối, người đến chơi đông lắm. Ngày ngày, các cô con gái suốt cả mấy làng, ai đi củi, đi nương tận đâu xa cũng cứ vờ đến lượn qua ngoài cửa, ngượng nghịu, nghiêng mắt nhìn trộm vào nhà người con trai đẹp. Bà Giàng Súa sung sướng có đứa con đẹp trai, được nhiều cô gái mê. Thào Khay nói thêm mấy câu nữa cho mẹ yên lòng, rồi mới khoác súng, cầm bộ yên ra đóng ngựa. Thào Khay đã xuống khỏi dốc. Tiếng sáo còn vẳng lại qua vai. Bài Qua miền Tây Bắc nghe thật lạ tai. Nhưng rồi tiếng réo rắt càng xa thì bà Giàng Súa không còn biết đấy là sáo của con trai mình hay sáo ai - người trai Mèo nào ra đường cũng thổi sáo. Bà Giàng Súa nhẩm theo sáo những lời hát. Suối chảy trên đá Mẹ anh ăn gì đẻ ra anh Đẹp như mặt đồng bạc trắng... Bà Giàng Súa động lòng, rớm nước mắt. Bà ước có ngày Thào Nhìa trở về như Thào Khay. Trở về, "thằng Nhìa cũng được như thằng Khay", đẹp như mặt đồng bạc trắng. Con gái khắp vùng muốn xem mặt, đi nương đi củi tận đâu xa cũng về lượn qua ngoài cửa. * * * Trên đầu nương líu ríu có tiếng ai nói. Nghe tiếng được tiếng chăng. Mỵ nhanh chân chạy ra. Cả xóm đi làm cỏ ngô. Cây dền già cao ngang lưng ngô đã đỏ lá. Những dây dưa chuột xơ xác nở một chiếc hoa trái mùa vàng khè. Quả dưa cuối vụ đã đỏ phấn như quả éc lợn. Ngô năm nay kém. Nương ngô tháng hai mới nhỉnh, phải gió to, đạt gãy chưa lại hơi, là còn nghẹn, lại bị phủ luôn mấy trận mưa. Thế là cỏ tranh cứ ngùn ngụt lên lút đầu ngô. Nhà nào cũng trông chừng phải cào cỏ, làm thêm đất, trồng gối vụ đậu tương, đậu nành. Nhưng ngô kém thì khoai riềng đã tốt um. Lại tấp nập sửa soạn trồng đậu. Người Mèo khéo làm, biết lo xa, chẳng bao giờ để nương rỗi, bị mất vụ đến đói người. Một lát, Mỵ vào nương bảo mẹ biết một chuyện lạ: làng dưới đêm qua bắt được một thằng biệt kích, bây giờ đương dẫn nó lên ủy ban xã. Bà Giàng Súa hỏi con gái: - Thằng biệt kích là thằng gì? Mỵ nói: - Thằng biệt kích là thằng nhảy dù. - Phải rồi, đêm qua đấy. Ăn cướp à? - Đế quốc Mỹ sai thằng biệt kích đi phá hoại. - Bây giờ vẫn còn thằng ăn cướp, thằng phá hoại ư? Thế thì ta phải giết nó thôi. Nương này truyền nương khác tin ấy, mọi người đùng đùng nổi cơn giận. Những con ngựa vội vã trở về làng, phóng dạt cả đàn bò xô xuống vực. Bọn trẻ con lại xuống vực đá đánh bò lên, thúc bò đuổi theo ngựa. Chuông cổ bò reo vang, lạc cả tiếng, loạn xạ trên các sườn nương. Trụ sở ủy ban xã là nơi bán muối hôm trước. Hai gian trong kê một chiếc bàn gỗ đẽo gồ ghề và hai ghế dài. Gian bên che kín một cái giát nứa cho ông thường trực và cán bộ về công tác mà phải ngủ đêm. Trên giữa vách treo quyển lịch. Miếng bìa bẻ uốn thành cái hộp đựng thư, công văn. Đằng kia, dán kín góc phên một tờ tranh in to của Sở văn hóa Khu mới gửi lên, vẽ cô gái chít khăn áo Mèo trắng lại mặc váy Mèo đỏ xòe rộng, gấu viền hoa. Ai xem cũng bảo cô này không giống con gái vùng ta. Người đứng từ trụ sở lô nhô ra đầy cả quanh dốc. Người đến sau, chưa biết trong kia thế nào, cứ nháo nhác chen vào. Bỗng một anh tái mét mặt chui ra. Gặp bà Giàng Súa, anh ta hét lên: - Bà Giàng Súa à, nó bảo nó họ Thào! - Ai? - Nó. Mỵ hỏi: - Thằng nhảy dù à? Anh ta vẫn hét: - Nó bảo nó họ Thào! Nó bảo nó là người họ Thào! Rồi anh ta chạy thẳng đi. Mỵ phải dìu mẹ ngồi ngay xuống giữa dốc. "Nó là..”. Nó đâu? Nó là ai? Nó có phải thằng Thào Nhìa chết hóa hổ đã được người Xá cứu cho sống lại ở suối Nậm Ngù? Nhưng sao nó lại biến thành ra thằng đế quốc nhảy dù. Không phải. Nó chết lần nữa rồi ư? Không biết nghĩ thế nào... Nhưng không phải. Bà Giàng Súa lần đến trước cửa ủy ban. Mọi người trông thấy bà thì kêu lên: "Bà Giàng Súa đây rồi!", và rẽ cả ra. Bà Giàng Súa nhìn trên ghế có chủ tịch Tỏa và cán bộ Nghĩa. Hai người ngồi nghiêm nghị khác mọi ngày, như quan xử kiện. Mỵ dìu mẹ vào. Nghĩa thoáng trông ra, không tươi cười như thường khi. Nghĩa chỉ lừ mắt, im lặng. Thấy vẻ lạnh lẽo nghiêm khắc, không biết tại sao, bà Giàng Súa đau quặn trong lòng, lại cảm như cái khổ ghê gớm ngày trước đương trở về. Một người ngồi xệp dưới đất. Thoạt trông nó chẳng khác bọn lính dù trước kia đã có lần lên đóng đồn Tây ở đây. Quần áo tay chân nó cũng loang lổ như con trăn đang lột. Đầu nó không mũ, tóc nó xoắn trôn ốc, xoáy từng đám quanh gáy. Cạnh nó, để mấy chiếc hòm con, một cái túi vải xám, một đống dù lùng nhùng trắng toát. Cái người ngồi phệt dưới đất ấy nghe xôn xao sau lưng thì quay mặt lại. Thấy bà Giàng Súa, nó gọi: - Mẹ tôi kia! Mẹ ơi! Ôi thật cái tiếng nói nghe ra tiếng người Mèo trắng ở Phiềng Sa! Bấy giờ bà Giàng Súa mới trông rõ trên trán nó hằn lên, vẫn còn một cái sẹo ngày xưa bị gấu tát. Thằng Nhìa đây rồi. Nhưng sao lạ quá. Không phải nó chỉ lạ vì bộ quần áo ma quỷ đế quốc kia. Con mắt người mẹ và đứa con nhìn nhau bây giờ thật khác, nhìn nhau mà không thấy nhau. Trong lúc kháng chiến và bây giờ nữa, ngày nào, lần nào thằng Khay đi lâu trở về, bà Giàng Súa nhìn con, trong lòng thấm thía yêu thương tình đứa trẻ mình sinh ra nó. Đằng này không, nó khác làm sao, khác đến nỗi trông thấy nó mà bà Giàng Súa dửng dưng, bà không bước lại, miệng bà không cất nổi một tiếng gọi. Đúng là cái khi thằng Nhìa hóa hổ chết ở Nậm Ngù thì hồn người khác đã nhập tranh vào xác nó rồi. Bà Giàng Súa cứ đứng nguyên giữa đám đông, bà nghĩ thế và khóc. Bà bỗng xót xa thằng Nhìa, thằng Nhìa ra đi mười mấy năm chưa về, bà xót xa cái thằng Nhìa khác kia. Cái đêm năm trước, đêm dõng nhà thống lý dong đuốc đến bắt nó đi tải hàng cho ông khách Sìn, thằng Nhìa ấy, thằng Nhìa, thằng Nhìa… Mỵ chỉ đứng lặng, Mỵ thì quên hẳn mặt anh Nhìa. Mỵ chỉ trông thấy thằng biệt kích nhảy dù bị dân quân bắt đem đến ngồi đây, mà không hề nhìn ra tình ruột thịt mình. Những chiếc hòm vuông mầu da con tắc kè xanh xám. Bộ quần áo dù sạm ngoét. Cái đầu tóc xoắn và khuôn mặt béo phì của một người thật lạ lờ chỉ gợi cho Mỵ một chuyện gì độc ác, như con hổ, con rắn, như thằng Tây, mà ta phải đứng lên như đánh Tây lúc kháng chiến. Có súng, có lựu đạn, có bẫy đá bố trí thì mới đối phó được với nó. Thằng biệt kích lại cất tiếng gọi: "Mẹ ơi!” giữa lúc bà Giàng Súa khóc. - Mẹ ơi! Mẹ còn nhớ cái ngày nhà ta ở rừng, con đi tải đồ cho ông khách Sìn. Con Mỵ kia, mày không nhận ra anh hay sao? Tao vẫn nhớ hôm tao đem mày trốn đi chơi chợ. Thằng Khay, thằng Thào Khay đâu, nó chết rồi à? Thằng biệt kích - trước nhất, bà Giàng Súa chỉ trông thấy cái hình thù gớm ghiếc thế kia của thằng biệt kích, nó cứ nói vanh vách những chuyện anh em máu mủ, bà Giàng Súa lại càng khóc to. Bà chợt nhớ cái hèm kiêng: gặp người mà khóc không hỏi trước thì độc. Nhưng bà cũng chẳng thể giữ nổi nước mắt. Chủ tịch Tỏa bảo: - Mày khai nốt; bắt đầu cái chuyến mày đi theo khách Sìn. Thào Nhìa kể: - Mẹ tôi, em tôi kia. Đúng rồi. Ngày ấy, ông khách Sìn mang tôi đi, xuống hết dốc này thì hàng ông Sìn bị cướp đánh. Đây là chủ ngựa Tòng với chủ ngựa Đèo thù nhau giả cướp để giết nhau thôi, chứ ông khách Sìn không can gì, ông khách Sìn còn biết trước cả việc chủ ngựa Tòng đón đường chẹn cổ chủ ngựa Đèo nữa. Rồi sau tôi đi với ông Sìn sang nước Lào, sang nước Miến Điện. Ở đâu thì quanh năm cũng vẫn có một việc đuổi ngựa lên buôn các núi có người Mèo ta ở bên Lào, bên Miến Điện. Cũng có năm ông khách Sìn tính chuyện muốn trở lại Phiềng Sa, nhưng nghe bên nước Nam có loạn thì khách Sìn không về nữa. Còn tôi, tôi đi xa quá, một mình không còn biết đâu đường về tôi đành theo ông khách Sìn. Một năm kia, ở nước Miến Điện, đoàn ngựa ông khách Sìn lên buôn trên núi bị cướp đánh, lần này cướp bắn chết ông khách Sìn. (Đúng như Nhìa kể, khách Sìn bị một bọn nửa buôn nửa cướp khác giết chết. Vẫn những chuyện tranh ăn cướp mồi và cướp của của các chủ ngựa và chủ hàng. Thào Nhìa phải sang tay đi đuổi ngựa cho chủ mới. Nhưng từ hồi thay chủ, Thào Nhìa lại có thêm việc, khi theo ngựa thồ, nhiều khi thì đi làm kẻ cướp. Chủ nó vừa đi buôn vừa ăn cướp, giết người. Mấy năm ấy, đi khắp rừng núi nước Miến Điện sang tận miền bắc nước Xiêm. Đến Xiêm, bọn cướp này bị một cánh cướp khác đánh tan. Nhưng Thào Nhìa vẫn sống. Nó lại thuộc về chủ mới. Bọn chủ mới đây chuyên nghề buôn người, bán nhân công cho các đồn điền và nơi khẩn hoang. Vì thế, Thào Nhìa thành phu đồn điền cao su. Ít lâu sau, Thào Nhìa theo ông chủ đồn điền người Ănglê xuống thị trấn Cò Rạt. Ở Cò Rạt bấy giờ, nước Hoa Kỳ đương xây sân bay to. Người các nơi kéo đến làm ăn đông kiếm tiền dễ lắm. Chủ đồn điền người Ănglê xuống Cò Rạt mở khách sạn. Thào Nhìa thành phu quay máy kem ở cửa hàng cao lâu của khách sạn. Thào Nhìa nói tiếp.) - Tôi nhớ nhà quá, đi đến đâu cũng chỉ tìm đường về. Ở Lào, thỉnh thoảng nghe có nơi tên là Phiềng Sa. Tìm đến thấy cũng là người Mèo ở, nhưng chưa lần nào đúng Phiềng Sa nhà mình. (Biết đâu Thào Nhìa nói thật hay giả ? Nhưng bà Giàng Súa nghĩ: - Khổ thân nó, đúng là nó đã bị cướp bắn chết cùng với ông Sìn, rồi xác nó trôi ra suối Nậm Ngù. Nhớ nhà thì tưởng đã về tới Phiềng Sa, chứ vẫn chỉ trôi quanh suối Nậm Ngù đây thôi). - Đến năm ngoái, tôi gặp ông thống lý Mùa Sống Cổ. (Bà Giàng Súa sửng sốt: - Ôi chao, bây giờ mà mày còn gọi quân ác bằng tên người trời! Nhiều tiếng nhao nhao: - Con dê thối! Con dê thối! Gọi thằng Sống Cổ là con dê thối mới đúng tên nó. Thào Nhìa nói cho ngắn chuyện lại, chứ từ thị trấn Cò Rạt mà đi, Thào Nhìa còn trải bao nhiêu những cái lạ, cái khổ khác nữa. Chuyện thật còn như sau: Một hôm, ông chủ người Ănglê gọi Thào Nhìa ra, bảo: - Tao cho mày thôi việc. Lại nói: - Tao cho mày đi theo ông này. Ông ấy mặc áo đen dài, cũng trắng da, xanh mắt, có nhiều râu như ông chủ người Ănglê và ông Tây đồn ngày trước. Ông ấy hỏi Thào Nhìa bằng tiếng Mèo rất sõi: - Quê mày ở Lai Châu? - Tôi ở Phiềng Sa. - Được. Tại sao ông này biết quê mình? Hay đây cũng là ông Tây đồn cho nên mới biết Lai Châu và nói được tiếng Mèo? Mình lại sắp bị buộc tội có ma chài ư? Thào Nhìa sợ quá. Chủ mới đem Thào Nhìa đến Uđon gần nước Lào. Từ đây Thào Nhìa thôi dắt ngựa, không quay máy kem, cũng không đi ăn cướp lần nào nữa. Thào Nhìa vào học trường Thần học. Dần dần, biết chủ mới là một người cố đạo. Thỉnh thoảng, Thào Nhìa được theo ông cố đạo mặc quần áo ka ki nhà binh Hoa Kỳ, qua sông chơi với vua Bun Ù ở Sambatxăc. Cố đạo và vua nằm hút thuốc phiện với nhau cả tháng. Và Thào Nhìa biết được thêm điều bí mật là ông cố đạo và ông vua buôn thuốc phiện nhiều gấp bao nhiêu lần ông khách Sìn. Thuốc phiện của vua Bun Ù giao, ông cố đạo đóng vào va li, chở máy bay đi. Có những lần Thào Nhìa đi với ông cố đạo lên Xiêng Khoảng. Thào Nhìa đã được trông thấy quan năm Vàng Páo người Mèo làm quan với nước Hoa Kỳ cũng về Xiêng Khoảng bán thuốc phiện cho ông cố đạo. Chính Thào Nhìa đã gặp lại thông lý Mùa Sống Cổ ở một vùng núi trên Xiêng Khoảng, tại nhà quan năm Vàng Páo. Chuyện còn thêm như thê đấy! Thào Nhìa vẫn đều giọng kể.) - Ông thống lý sang bên Lào được người Hoa Kỳ cho làm vua to. Ngày nào ông thống lý cũng ăn thịt, có đèn điện thắp, có ô tô đi, lại ở nhà mát nhiều tầng, cao lắm. (Những tiếng xì xào chen nhau từ ngoài cửa nói chõ vào: Ngày trước, thằng phong kiến, thằng Tây đồn ở đây cũng ăn thịt, hút thuốc phiện nhiều lắm, cũng ác nhiều lắm, mày biết đấy. - Tao phải nộp của cho nó ăn! - Có ai được ăn gì đâu! Nó ăn hết của người ta! Thào Nhìa lại nói.) - Ông thống lý bảo tôi mà theo ông thì chỉ có việc ngồi mà ăn uống cho sướng. Ông bảo tôi về rủ người sang Lào cùng đi sung sướng với ông. (Một bà già hỏi: - Cái lúc còn đời thằng phong kiến ở đây, mẹ con nhà mày thế nào? Sướng lắm a? Chủ tịch Tỏa quát: - Tao đã theo thằng Sống Cổ, tao phải bỏ nó, từ Lào về đây. Tao không lạ nó đâu, mày chưa biết à?) Thào Nhìa chợt nhìn lên chủ tịch Tỏa, định nói gì, rồi lại luống cuống, ấp úng: - Tôi… tôi… (Chủ tịch Tỏa quát chẹn: - Kể nốt vào tội mày đi. Thào Nhìa kể.) - Người Hoa Kỳ lái máy bay đem tôi về đây. (Nhưng câu chuyện cũng không ngắn như Thào Nhìa kể thế. Thào Nhìa cố ý nói gọn lại đấy thôi. Tối ấy, ở một sân bay của đế quốc Mỹ mới lát xong đường băng, gần Viên Chăn. Tám biệt kích bí mật ngồi đợi bay một chuyến nhiệm vụ đặc biệt. Trong cái nhà kho chứa hàng, cả tám biệt kích đều mặc quần áo dù vằn vèo. Có người đã đeo sẵn lên cổ những cái vòng bạc to, quàng trễ đến nửa vai. Ông cố đạo ở Uđon cũng có ở đấy. Ông nhắc từng người: - Các con muốn gì nữa không? Không ai nói. Rồi cố đạo lại ôm từng người, cử chỉ thân thiết mà lạnh, nom như ông ta đương áp lại, sờ nắn khám xét người sắp đi. Trong bóng trăng mờ mờ, họ lặng lẽ ra. Chiếc máy bay đakôta màu xám không số hiệu đậu kín đáo ngay đấy. Có ba người bước theo tiễn tám tên biệt kích: ông cố đạo, thống lý Mùa Sống Cổ và một người Mỹ. Thế là chiếc máy bay lạ qua Thượng Lào, vào biên giới Việt Nam, đêm sáng trăng ấy. Thào Nhìa cứ nhớ, đến tận lúc chui vào tàu bay, thống lý Mùa Sống Cổ còn nhắn thêm: - Bảo thằng Tỏa rằng tao vẫn nhớ nó! Cơ chừng Thào Nhìa lại vừa nhớ ra câu ấy. Nhưng sự thực là chủ tịch Tỏa đương ngồi oai vệ trước mặt đã làm nó lúng túng, ấp úng. Một du kích nói: - Mày ngồi tàu bay Mỹ về đây, thế thì mày cũng là giặc bằng thằng đế quốc Mỹ rồi. Bà Giàng Súa lại khóc. Thào Nhìa nói.) - Tôi đem theo có máy điện, khẩu súng, bộ quần áo Mèo, các quan Hoa Kỳ dạy tôi cách nhảy dù xuống rừng, dạy tôi thay áo dù mặc quần áo Mèo rồi ra làng, gặp ai thì bảo đi với ông thống lý, ai không đi thì dọa bắn chết. Lúc nào tôi muốn về Lào hay muốn nói gì với các quan Hoa Kỳ, tôi cứ mở đài, nói vào đấy, các quan ngồi bên kia tôi nói câu gì các quan cũng nghe được ngay. Ông thống lý ở bên ấy muốn nhắn tôi, tôi lắp cái này vào tai là tôi nghe tiếng, tôi còn gọi được cả tàu bay mười hai đầu đến đón đi. Nói rồi Thào Nhìa đứng dậy, rút hai ống nghe trong cái hòm điện đài, đặt lên tai, làm hiệu nghe ngóng như thật. Rồi buông ống xuống, lấy trong đống hòm ra một hộp nhỏ, Thào Nhìa bấm cái "tăngdito", tìm luồng điện. Tiếng hát eo éo trong cái hộp đột ngột nảy ra. Thào Nhìa cười, khoái, quên cả mình đương là tù, nói to, khoe: - Đấy! Đấy! Chủ tịch Tỏa nhảy phắt ra. Chủ tịch Tỏa cũng chưa thấy cái máy này bao giờ. Nhưng chủ tịch Tỏa chỉ biết đây toàn là các thứ lôi thôi vớ vẩn của đế quốc Mỹ, thế đủ cho ông chủ tịch thù nó lắm rồi, nóng máu lên rồi, không thể nào chịu được. Chủ tịch Tỏa hét: - Đập chết nó đi! Thào Nhìa vẫn nói tự nhiên, Thào Nhìa cũng quên không phân biệt được lúc nào mình nói thật, lúc nào nói những điều "các quan" bên Lào dặn nói. - Mùa Tỏa à, bên ấy ông thống lý bây giờ không làm cày bán nữa đâu. Chủ tịch Tỏa trừng mắt, tức quá: - Thằng hổ vồ này muốn chết rồi, họ Vừ nhà tao không thèm đội nhờ đầu họ Mùa nhà Sống Cổ, tao ném họ Mùa xuống suối từ lâu rồi. - Vâng, thưa ông Tỏa... - Mày về rủ tao lại theo đi đúc lưỡi cày cho thằng Sống Cổ à? Thào Nhìa nói: - Bây giờ ông làm quan rồi... Chủ tịch Tỏa nghiến răng, với tay lấy khẩu súng: - Không, tao bây giờ làm chủ tịch. Này, mày không bảo cái máy im đi thì tao cho nó một phát chết ngay. Thào Nhìa vội tắt đài. Chủ tịch Tỏa đặt ngang khẩu súng xuống mặt bàn, bảo: - Mày nói nốt tội mày đi. Thằng Sống Cổ sai mày về Phiềng Sa làm giặc, thế nào? Thào Nhìa trân trân dán mắt vào chủ tịch Tỏa. Không biết nó đương ngơ ngẩn vì sợ cái tay chủ tịch Tỏa vừa vơ khẩu súng hay nó còn mải nghĩ gì. Chủ tịch Tỏa ra lệnh: - Nói! Thào Nhìa sực tỉnh. Nó đã nhớ ra, nó đương phải bắt làm tù. Thào Nhìa vội quỳ buông gối xuống, cúi đầu, run run, mặt càng tái bệch, lắp bắp: - Lạy quan, tôi xin hàng, tôi xin hàng Chính phủ rồi. Từ ngày ra đi, tôi lạc đi xa mãi, bây giờ tôi mới được về. (Bà Giàng Súa xót xa: - Khổ thằng Nhìa! Thào Nhìa nói.) - Lúc các quan Hoa Kỳ sai tôi về Phiềng Sa gọi người đi theo ông thống lý, tôi sướng quá, tôi nghĩ rằng tao chẳng rủ, chẳng gọi, tao không bắn ai, không bao giờ tao trở lại với chúng mày nữa đâu. (Bà Giàng Súa thở dài - Thào Nhìa vẫn nói.) - Con dê gặp con hổ, thế mà con dê dám xông vào tát con hổ, thằng Hoa Kỳ mày còn dại hơn con dê thối. Mày cho máy bay đưa tao về với mẹ tao rồi đấy. (Mọi người cười ồ. Nước mắt chảy lóa cả hai tròng mắt bà Giàng Súa: - Lúc nào thằng Nhìa cũng nhớ mẹ, khổ thân nó!) - Máy bay Hoa Kỳ thả tôi xuống rừng đêm hôm qua, tôi chỉ ngồi đợi sáng, tôi không thay quần áo Mèo như các quan Hoa Kỳ bảo, tôi cứ thế này đi ra nương tìm người. Người làm nương thấy tôi thì chạy. Đến lúc có du kích vào hỏi, tôi mới kể chuyện thằng Hoa Kỳ muốn cho tôi về làm những việc như thế. Tôi đưa du kích đến chỗ lấy hòm điện máy, lấy súng. Mười mấy năm nay tôi mới lại được trở về... Tôi bảo du kích cho tôi về hàng... tôi ra hàng quan... Chính phủ... Mọi người lại cười ầm vì những tiếng nói ngớ ngẩn, và lạ tai. Không giận dữ, người ta cười vì nó to đầu thế, nó là người lớn mà lại nói sai cả. Đến người lẫn tính cũng không ai nói "quan Chính phủ” như vậy. Người xem bảo nhau: - Nó còn mê ngủ cho nên nó nói lẫn cả! Không hiểu thế, Thào Nhìa cứ phân trần và lại càng nói hỗn, lẫn lộn, lung tung hơn: - Tôi đã ra hàng các quan rồi. Thằng du kích này lúc vào rừng nó chưa trông thấy tôi, tôi đã gọi nó trước. Chúng mày làm chứng cho tao. Tao ra hàng các quan chứ chúng mày không phải bắt tao, có phải thế không? Chủ tịch Tỏa tính nóng như lửa, nhưng lúc ấy lại không mắng, tỏ vẻ thông cảm mà dịu dàng nói: - Nó đi làm đứa ở nợ với đế quốc lâu rồi cho nên nó láo quen, nó nhầm cả thằng quan đồn với thằng du kích, nhân dân ta đừng bắt tội nó. Nó đã biết nghĩ về hàng Chính phủ, ta đừng giết nó. Này thằng biệt kích, mày là thằng biệt kích chứ mày chưa được là thằng Thào Nhìa, bây giờ mày cũng như thằng tù binh năm trước bị bộ đội đánh đồn bắt được, rồi du kích sẽ giải mày xuống châu Yên xem mày có tội không. Thào Nhìa ngơ ngác: - Tôi không được ở nhà à? - Mày phải xuống cho ủy ban châu hỏi. - Tôi ra hàng các quan rồi mà? Bà Giàng Súa cũng vội hỏi to: - Nó lại đi đâu bây giờ? Có người nói: - Người bụng tốt thì đi đâu cũng không phải tù. Chính phủ hỏi xong rồi mày cũng được về thôi. - Còn đem uốn cho cái bụng mày thẳng lại đã. Rồi đùa: - Ai mượn nó bộ quần áo vằn này mặc để đi săn thì con hổ tưởng là họ hàng, cứ đến đứng trước mặt cho mà dắt về. - Cái đầu nó toàn ốc sên bám, khiếp thật thôi! Lát sau, một con ngựa thồ cồng kềnh những cái hòm điện đài, cái máy thu thanh, bộ quần áo Mèo mới, khẩu súng lục và nhiều thứ nữa, cả lưỡi câu có mồi đỏ giả, cả túi gạo với cái dù trắng phủ lên trên. Những người giải thằng biệt kích ra hàng đi chen qua giữa tiếng đùa cợt, tiếng cười. Cả đám vui bỗng ồn lên, không trang nghiêm hay im lặng căm thù như lúc nãy nữa. Bước chân Thào Nhìa đi lặng lẽ mà trong đầu thì xôn xao bóng mẹ già và đất quê. Nhưng cái miệng nó lại nói ra toàn lời thằng biệt kích đã được người ta dạy cho nói thế. Vừa đi vừa băn khoăn, phân vân, Thào Nhìa xuống châu Yên. Bà Giàng Súa, đến lúc này chỉ còn một tấm lòng mẹ thương con. Người mẹ thương đứa con xa đàn bấy lâu mà vẫn còn nhớ mình gốc là người Mèo, cho nên nó mới khôn thế, nó biết bỏ đường đế quốc mà nhớ ra """