Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu qua kiệt tác Dế mèn phiêu lưu ký và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, thì độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành những tượng đài bất tử như Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ…
Bộ sách tập hợp những tuyệt phẩm để đời của Tô Hoài để tưởng nhớ một năm ngày Cụ trở về với cát bụi gồm 9 tác phẩm, bao gồm 4 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn và 2 bút ký:
Được viết năm 1965, Miền Tây là tác phẩm tiếp nối cho đề tài về vùng đất Tây Bắc “để thương để nhớ” cho Tô Hoài trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Tô Hoài đã dành cho cuốn tiểu thuyết những nét vẽ chân thật và sinh động nhất, với hình ảnh những người con đất Phiềng Sa tình nghĩa đã sống qua hết những vất vả, đau thương, đấu tranh và dựng xây. Khai thác nhiều tư liệu lịch sử, chính trị, quân sự, tác phẩm đã tạo nên những bức tranh đối lập xưa và nay trong cuộc sống, số phận con người Phiềng Sa. Ở đó, hình ảnh con người chưa bao giờ được tác giả tạo nên bằng bút pháp lí tưởng hóa, mà họ luôn chân thật và gần gũi, mang đầy đủ mặt tốt và mặt xấu của một con người bình thường trong đời sống. Chính vì thế, họ đã sống rất lâu và vững bền trong trái tim rất nhiều độc giả Việt.
Quen biết nhiều, từng trải lắm, quả thật có thể nói Tô Hoài đã trở thành một cuốn từ điển sống của nghề văn. Qua các tác phẩm đã in của ông, mãi mãi người ta còn tìm thấy hình ảnh con người một thời, với tất cả những lo toan hàng ngày, sự phấn đấu của chúng ta cùng những khó khăn những hạn chế hoàn cảnh đã đặt ra mà không ai trong chúng ta vượt qua nổi. Thời gian sẽ sàng lọc để chọn ra những gì tinh hoa Tô Hoài đã viết, từ đó làm giàu thêm cho văn học Việt Nam.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn
Tô Hoài hay “khoe”, chẳng chịu bỏ phí những chuyến đi nên ông viết bút ký, ký sự về rất nhiều nước ông có dịp đặt chân đến. Về điều này có lẽ ông cũng là bậc thầy. Những tập ký, truyện ngắn lấy bối cảnh nước ngoài của ông rất khác với nhiều tập sách về nước ngoài của các tác giả thế hệ sau này. Đọc ông luôn có văn, có sáng tạo. Cũng như nhiều bạn đọc thuở ấy, trong đó có tôi, các tác phẩm này của Tô Hoài đã mở giúp chúng tôi một cửa sổ để nhìn ra một góc thế giới trong thời buổi sách quá hiếm, không có phương tiện thông tin.
Đỗ Quang Hạnh
Tiểu thuyết Tô Hoài là hình ảnh của dòng đời tự nhiên, chảy trôi miên viễn. Cuộc sống hiện ra dưới cái nhìn của Tô Hoài thật dung dị tự nhiên như nó vốn thế: có mọi thứ của sinh hoạt đời thường, vặt vãnh, cái tốt đẹp và cái tầm thường, có đời sống xã hội, vận động của lịch sử và đời sống thế sự, sinh hoạt phong tục.
Nhà phê bình Nguyễn Văn Long
Đời thường, bình dị và trầm buồn, đó là miền núi của Tô Hoài. Những đặc trưng phong cách này đã khơi gợi lịch sử nhiều đau thương của miền núi theo một cách riêng, gần gũi và nhân bản. Nét dịu dàng, sâu lắng, giàu chất thi họa của nó cũng là một đặc sắc thẩm mĩ, vừa mộc mạc cổ điển vừa có sức sống lâu bền.
Phạm Duy Nghĩa
Năm nào cũng vậy, đoàn ngựa buôn của ông khách Sìn về đến châu Yên, dừng lại, thay tay thồ, thì vừa xong gặt hái tháng mười. Các phiên chợ tết đã đến rồi.
Ông khách Sìn chỉ bán ghé chợ châu Yên có một phiên, rồi lại đóng hàng vào ngựa mới, bắt đầu lên Phiềng Sa. Hàng của khách Sìn vốn quen ăn các chợ Mèo.
Câu chuyện giữa khách Sìn và chủ ngựa Tòng hôm ấy.
– Chào ông chủ Tòng, năm nay bao nhiêu ngựa ông đi Phiềng Sa được? Hàng nặng đấy, ông ạ.
– Bẩm ông chủ, ngoài trăm con tôi cũng có thừa sức.
– Tốt lắm…
– Nhưng mà…
– …
– Con nhất, con nhì… tôi.
– Sao?
– Nó… ốm.
– Không may cho ông.
– Vâng, bẩm ông chủ, mấy chợ nay, tôi bỏ cả những chuyến thồ gần thật ngon ăn để đợi hàng ông chủ về…
Ông khách Sìn liền khóa ngay cái giọng sắp muốn mè nheo của lão chủ ngựa:
– Phải rồi, ông mà lên được Phiềng Sa với tôi, ông cứ nhấc cái thồ xuống là có tiền chảy đến, ông còn kiếm gấp trăm những chuyến ngon ăn khác kia!
– Vâng, cũng nhờ lộc ông chủ.
– Hàng tôi cần lên kịp chợ, không nấn ná được. Để bảo ngựa ông Đèo vậy.
Lão chủ ngựa Tòng xám hẳn mặt. Ngựa lão Tòng vốn quen thồ hàng cho khách Sìn trên chặng Phiềng Sa đã hàng chục năm. Ngưạ tốt, khách hàng sòng phẳng, mà lão Tòng mỗi chuyến lên vùng Mèo cũng phát tài riêng được một bọn thuốc phiện mang lậu về.
Không ngờ khách Sìn lại dửng dưng ném phắt ngay lão đi như thế.
Lão Tòng cay quá, đứng ơ. Ông khách Sìn còn vỗ vai lão, cười nhăn nhở, nói:
– Ông chủ bằng lòng nhé, sang năm giúp cho tôi, tôi chờ đấy.
Nhưng lúc ấy lão Tòng chẳng còn nghe biết khách Sìn nói vuốt gì nữa. Lão điếng người, lại nghĩ đến hai con ngựa.
Hai con ngựa nhất, ngựa nhì đầu đàn của lão.
Chỉ có nửa buổi, lăn ra chết cả.
“Hay là nhà thằng Đèo hại mình?” – Lão Tòng hốt hoảng, bối rối nghĩ.
*
* *
Đoàn ngựa thồ hàng ông khách Sìn lên Phiềng Sa.
Tết sắp đến, những đoàn ngựa thồ hàng của người buôn lại lũ lượt lên các vùng núi cao miền tây.
Không ai biết ngựa buôn hàng ở mãi đâu về, phía nào tới, Vân Nam xuống hay bên nước Lào, nước Miến Điện sang, hay từ ngoài sông Đà vào. Nhưng cứ trông người đi đuổi ngựa cho các ông chủ hàng có thể đoán những chặng đường họ đã đi qua. Đủ cả: người Kinh, người Lào, người Thái, người Xạ Phang, người Hà Nhì, đôi khi cũng có người Xá, người Mèo tận Mường Cò Nòi bên Miến Điện. Hễ năm nào nhiều người Xạ Phang, người Hà Nhì theo ngựa thì bảo đoàn này trên Vân Nam xuống, có người Kinh thì chắc hàng ngoài cửa Vạn sông Đà vào, có người Lừ, người Khạ thì biết họ từ Lào sang.
Có đến ngoài trăm cơn ngựa thồ hàng ông khách Sìn lên Phiềng Sa.
Con ngựa nhất, con ngựa nhì thắng yên cương đỏ, lưng không đeo hàng, thung dung đi trước. Tiếng nhạc rung sang sảng. Trên bờm cắm ngù đỏ, hai bên mông rực rỡ chiếc hoa thị vải đỏ năm cánh.
Những con ngựa mộc, thồ hàng đi sau, tai nghe nhạc, mắt chăm chăm nhìn vào cái hoa đỏ đính đuôi ngựa trước, mõm cất cao, bước không loạn vó, không đá nhau, không quơ vặt ven đường. Ngựa nào cũng ngoan nết bắt chước hai con đầu đàn.
Lão chủ ngựa họ Đèo ngồi xếp chân trên cọc thồ giữa lưng con ngựa thứ ba. Lão náu mình trong chiếc áo bành tô đẫm nước mưa, xám ngắt. Nếu chốc chốc không thấy từ trong đống áo xù xụ có một đám khói thuốc lá cuốn xanh mờ nhả ra, cũng dễ tưởng đấy là một kiện hàng.
Sau lưng lão, cứ chừng mười thồ, lại một người phu ngựa kèm.
Những người phu co ro cầm cái roi, khi thì lập cập chạy theo ngựa, khi thì gật gưỡng ngủ ngồi trên thồ hàng.
Đàn ngựa kéo dài qua những vùng vàng rượi cỏ tranh cứ xoay tròn lên lưng trời, đi cả ngày trông xuống vẫn thấy độc có một vết dốc vượt hôm trước. Không một tiếng người, chỉ nghe vó ngựa và tiếng roi quất dứ qua quãng kẹt núi dựng, tiếng gió gào quẩn trên đầu sóng cỏ tranh, chốc lại xô lên, lấp cả người, cả ngựa.
Đôi khi mặt trời rầu rĩ nhô ra, làm cho các mỏm núi và đến cả các khe suối xa bỗng nhiên nhuộm nắng úa xuộm.
Một tiếng hát, tiếng hò hay tiếng kể lể than vãn của người phu ngựa Xạ Phang đột ngột cất lên, lê thê lướt qua. Cái dốc núi càng rét, càng vắng, càng chơ vơ.
*
* *
Bóng tối trĩu nặng từng quãng, nhanh và dữ tợn. Các mỏm núi đương vàng rực, bỗng xanh rợn. Gió chồm lên rồi chết đứng từng đợt ngay giữa các triền đồi tranh im lặng.
Đoàn ngựa lên dốc. Tối dần.
Một lúc, cả đoàn dừng lại. Những người phu nhảy xuống, chạy quanh ngựa, hấp tấp rút trên túi ngực ra một ống nứa đựng rượu ngâm củ gấu đặc sẫm. Họ lần lượt xách cương kéo mõm từng con ngựa lên, rồi dốc ngược cả ống rượu gấu vào họng ngựa. Những tiếng hí rít vang sâu vào các hõm núi. Con ngựa rùng mình, lắc lắc, nhảy vung hai chân trước. Rồi lại đứng yên. Ngựa đã quen được nhai củ gấu ngâm rượu thuốc, mỗi chuyến đi dài. Rượu gấu ngấm vào làm rung bốn vó, đổ thêm sức cho ngựa dấn nốt đoạn dốc cuối cùng dài nhất, dai dẳng nhất.
Rồi đoàn ngựa lại chuyển động và bắt đầu ló lên một quãng trống lưng đèo, trông như đàn kiến nối nhau, nhấp nhô.
Trên một khe núi kia, bà Giàng Súa đương nhìn xuống.
Đàn ngựa thấp thoáng qua khúc đường còn loang lổ sót lại một chút nắng đến chỗ tối bóng núi, bà Giàng Súa không đếm hết từng con được. Bà chỉ thấy mờ mờ lố nhố.
Bà Giàng Súa sợ hãi, nghĩ đến các con.
Trong vách, lúc ấy chỉ có bé Mỵ ngồi bên đống lửa đương lụi. Bé Mỵ đợi anh Nhìa vác thêm củi về nhóm sưởi. Còn Khay thì ra nhà nương lấy ngô. Sao hai anh em nó đi lâu thế? Bà Giàng Súa lại lo. Cứ bao giờ có nỗi lo láng gì đến, mọi người mẹ đều tựa gà mái ấp, muốn được các con mình ở cạnh. Chúng nó đi đã lâu, mà đàn ngựa ai lên núi thì nhiều thế kia, dài thế kia…
Ngựa lên núi, ngựa lính, ngựa quan, ngựa thồ người buôn, ngựa nào cũng chỉ buộc lo, buộc sợ vào mình. Ngựa nào cũng của quan, của người chức việc, của người ta. Nhà bà Giàng Súa chưa được nuôi ngựa bao giờ. Mà đời bà, con ngựa chỉ có mang tai họa đến mà thôi.
Năm ấy, đương cày nương xuân, chồng bà Giàng Súa phải bỏ cày. Mùa nương nhà dân sao bằng mùa thuốc nhà quan, chồng bà Giàng Súa đành cắm cái cày giữa nương, bỏ đi tải thuốc phiện cho nhà thống lý.
Con ngựa tải thuốc phiện lần ấy chẳng may tuột chân xuống vực đá.
Có người về bảo: lúc ngựa ngã, chồng bà còn bíu được ghềnh đá, thằng người nhà quan thấy rơi mất thồ thuốc, nó mới luống cuống đẩy nốt chồng bà xuống.
Có người về nói: tại chồng bà sợ quá, nhảy liều theo ngựa và thuốc phiện.
Có người về thì thào: chồng bà phải ma chài nên đánh mất thuốc phiện nhà quan, quan bắt nó chết rồi.
Người nào cũng rằng đích tai đã nghe quan nói thế.
Đằng nào thì chồng bà Giàng Súa cũng không về nữa, dù cho mọi đồn đại khác lời nhau. Nhưng còn một điều ghê gớm hơn thế. Ấy là từ đấy, cả làng bảo: con mẹ Giàng Súa có ma.
Người ốm rét mê hoảng, reo: “Giàng Súa, con ma Giàng Súa bắt tôi!”. Hôm sau nữa, có người ra nương gặp bà Giàng Súa về rồi ốm, họ bảo đấy là tại đi đường gặp “con ma Giàng Súa”. Bà Giàng Súa khiếp sợ quá. Có lúc tưởng mình có ma thật, bà Giàng Súa đã đi lấy sỏi lấy đá ngậm hàng tháng trong miệng. Khi còn bé nghe nói ai có ma muốn giải ma thì ngậm hòn đá ba mươi đêm, con ma sẽ hóa cục máu ra theo hòn đá. Hòn sỏi nằm trong miệng đủ ba mươi đêm, đến lúc bà Giàng Súa nhổ ra, cũng chẳng thấy cục máu ra!
Người làng xôn xao lo lắng, giận dữ bàn tán: cho mẹ con nhà Giàng Súa ăn Tết này xong rồi đem giết đi. Nếu không, cũng có lúc ma làm chết hết làng.
Đến cả bé Mỵ cũng nghe trẻ con dọa bé Mỵ thế. Suốt ngày, suốt mấy ngày, suốt tháng, bé Mỵ, các anh Thào Nhìa, Thào Khay, với mẹ, cứ ngồi xó nhà, tưởng người ta sắp xông vào bắt đem đi giết.
Rồi, một hôm, ai như ngựa nhà thống lý đến trước cửa. Có nhẽ thế. Một tiếng quát chõ qua khe cửa:
– Con ma Giàng Súa! Mày chết đi, con ma Giàng Súa à!
Tiếng chân ngựa vừa rời, bốn mẹ con bà Giàng Súa lật đật chạy vào rừng. Đấy là quan bảo, hay người làng đến chửi rủa? Chạy vào rừng, cũng chẳng dám quay lại đeo đi một mảnh chảo gang vỡ nữa!
Từ đấy, bốn mẹ con chúi vào rừng sâu. Tối quá, khổ quá. Nhưng thà ở rừng một mình, chứ nếu ra ngoài gặp người thì còn khổ hơn, hãi hơn. Thấy bóng ai làm nương phía nào, mẹ con lại lủi đi trú chân rừng khác – như con hươu, con chuột sợ người. Quanh năm chẳng gặp ai. Người ta cũng tránh ma chài. Mẹ con cứ vật vờ như người hủi, người ốm lâu bị làng đem bỏ vào rừng đợi chết.
Nhưng không chết. Mẹ con bà Giàng Súa bám lấy rừng mà sống. Cũng phá được một khoảnh nương kín đáo trồng bắp và nuôi được nhiều đàn ong mật trong gốc cây. Không chết, bà Giàng Súa sống mịt mù như trên đời chỉ còn có bốn mẹ con.
Mấy năm như thế, mấy năm đổi rừng ở mấy lần, bà Giàng Súa cũng không đếm được.
Lúc ấy có tiếng lạt sạt đến sau lưng bà Giàng Súa. Một thân cây to tướng rơi huỵch xuống trước vách. Thào Nhìa chạy vào, vừa thở vừa trỏ tay đằng kia:
– Bao nhiêu ngựa, mẹ ơi!
Bé Mỵ cũng lật đật chạy ra khỏi đám lửa lom đom. Bé Mỵ rét quá, run rẩy, lập cập hàm răng hỏi anh:
– Nhiều quá hả? Có ngưa à? Ngựa nào, ngựa quan à?
Thào Khay, ngoài nương ngô, cũng vừa về.
Cái địu nhẹ thếch khoác vai, buông thõng một dây nghiêng trên lưng. Trong địu lăn ra mấy bắp ngô khấp khểnh, hạt long, hạt chuột gặm, mỗi bắp rơi một nơi. Cũng chưa ai buồn nhặt, có gì mà nhặt! Khay đứng trố mắt, như hỏi Nhìa. Thào Nhìa còn mải cắt nghĩa cho bé Mỵ:
– Không, ngựa thồ đấy. Mày chưa trông rõ à? Một toán lại có một người đuổi ngựa đấy thôi. Toàn ngựa tải hàng.
Chẳng hiểu gì cả, bé Mỵ cũng reo to:
– Phải rồi.
Thào Khay nhìn ra phía dốc núi tối mịt rồi nói:
– Ngựa tải hàng, mẹ ạ. Nhiều quá. Mẹ thấy không?
Bà Giàng Súa đáp:
– Mẹ nghe tiếng rồi.
Những tiếng gì cứ vừa xôn xao vừa mơ hồ tới, như tiếng rít, tiếng vó ngựa, tiếng thở, tiếng nhạc khô lạnh ở cổ ngựa.
Trẻ con lúc nào cũng thích xem ngựa. Cả ba anh em đều ra chăm chú nhìn xuống. Bấy giờ chẳng nhìn thấy gì nữa, nhưng vẫn sướng mê vì chúng đương tưởng ra một đàn ngựa hết sức đông đương nối đuôi đi lên, lẫn lộn với bóng sương, bóng núi, bóng tối.
Bà Giàng Súa đứng dậy, gỡ cái địu nghiêng trên vai Thào Khay. Cái bắp ngô bị chuột cắn xơ xác rơi nốt xuống. Bà toan hỏi Khay: “Còn mấy bắp này thôi à?”, nhưng thấy bọn trẻ con mải nghé nghiêng, bàn tán chuyện đàn ngựa, bà lại im. Nỗi lo hết ngô chen mềm vui có các con đông đủ trước mặt. Bà Giàng Súa thở dài rồi ngồi xuống.
Lát sau, bà khe khẽ nói:
– Ngựa tải hàng ông Sìn đấy. Tết đến rồi.
Bây giờ thì cả các chỏm núi và vệt đường chân dốc đều đã bị xóa mờ từ lâu. Nhưng người đàn bà khốn khổ vẫn trông thấy trong vòm sương đặc những ngày xưa có gió thổi thật rét, những ngày Tết nhộn nhạo tiếng khèn, tiếng sán tiếng thanh la, tiếng người cúng hò hét, rin rít, có cả xóm đến xem cúng và ăn cỗ.
Ngày Tết vui những nhà ai ngày trước. Trẻ con khi ấy cũng biết uống từng bát rượu.
Bốn mẹ con cứ ngồi yên quanh bếp đã vạc hết lửa, trong lòng rừng.
Trên lưng dốc tối đen dưới kia bỗng bật hồng một loạt đuốc dài, sáng lốm đốm như hàng chân con giời leo đương bám bóng đêm bò lên.
Đã nghe rõ hẳn tiếng móng ngựa trượt đá, tiếng ngựa hí vào đêm vắng. Những âm vang lạ lùng đem đến bao nhiêu chờ đợi và lo lắng cho mọi người.
Một cái Tết lại sắp qua ngoài kia, đến tận các làng xa. Lũ con bà Giàng Súa nương náu trong rừng không biết Tết, chỉ mang máng cái Tết từ lâu lắm, và bao giờ nghĩ đến cũng háo hức vô cùng.
Đêm ấy, mẹ con nhà Giàng Súa đành ngồi chịu lạnh đến tận khuya.
Không dám nổi lửa, sợ người ngựa đi ngoài rừng trông thấy.
Mời các bạn đón đọc Miền Tây của tác giả Tô Hoài.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn